top of page
website_VHNT.avif
KL_tittle.JPG
TL_Websitelogo.JPG

CÓ NHỮNG THÁNG NGÀY NHƯ THẾ ...

Anh Hai của tôi, sau chuyến vượt biên thất bại, bị giam ở nhà tù Bình Đại Bến Tre chín tháng, khi trở lại trường Phan Thanh Giản, Cần Thơ mới biết đã bị cắt hộ khẩu, mất việc làm, bèn quay về Sài Gòn sống tạm với gia đình, chờ cơ hội vượt biên tiếp theo.

Một hôm, anh bị cơn sốt rét tái phát hành hạ, (hậu quả của những ngày trong trại giam), cần phải đến bệnh viện chữa trị, nhưng hộ khẩu không có, anh bèn mượn cái Sổ Sức Khỏe của thằng cháu (con bà chị họ ở kế bên nhà), để đi khám bệnh.

Hồi đó, mỗi người trong sổ hộ khẩu đều có một Sổ Sức Khỏe, bên ngoài bìa ghi vài thông tin tổng quát, gồm họ tên, tuổi bao nhiêu, và địa chỉ thường trú. Thằng cháu mới 9 tuổi, anh lấy cây viết cùng màu mực với số 9 rồi viết thêm số 2 đàng trước rất phù hợp với độ tuổi của anh (anh thực sự 28 tuổi), nhưng cái tên của thằng cháu khá “đặc biệt”  làm anh hơi ngại ngần. Ba của nó tên Hoàng, là Đại Úy Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa. Lúc bà chị họ của tôi sanh thằng nhỏ thì ảnh đang “lắc lư con tàu đi” tác chiến ở vùng sông nước Hậu Giang và nhắn vợ đặt tên con là Lê Hoàng Biển Cả, coi như kỷ niệm tình yêu sự nghiệp đời Lính của anh.

Anh Hai mượn Sổ Sức Khỏe của cháu, vì anh không còn chọn lựa nào khác. Ba người anh còn lại của tôi, một anh đã vượt biên đang ở Mỹ, hai anh khác học xong Đại Học ra trường đi làm ngoài tỉnh nên hộ khẩu ở chỗ làm. Anh Hoàng, chồng bà chị họ mới “học tập cải tạo” về nhà, còn trong thời hạn bị địa phương quản chế nên có cho vàng anh Hai cũng không dám mượn sổ, không muốn gây thêm liên lụy cho anh rể. Ba tôi, cũng mới nằm bệnh viện cả tháng chữa bệnh bao tử nên cái Sổ Sức Khỏe đầy chữ viết bệnh án của bác sĩ, anh không thể mượn sổ của ba vì dễ bị phát hiện. Chỉ còn đứa cháu 9 tuổi, cái sổ còn trống trơn. Bà chị họ sốt sắng đưa anh cuốn sổ của thằng Biển Cả, bảo anh cứ liều... “mạng cùi” đến bệnh viện, cùng lắm thì anh bị trở vào tù, chớ ai lại bắt thằng bé 9 tuổi?

Thế rồi cũng êm xuôi trót lọt, anh được điều trị cắt cơn sốt rét tại bệnh viện, thời gian dự trù khoảng hai tuần. Tôi đang học lớp10, đường đi đến trường có ngang qua bệnh viện, nên có một buổi chiều sau khi tan học, tôi ghé thăm anh. Gặp tôi, anh vui vẻ tươi tỉnh, biểu tôi gửi xe rồi cùng anh đi dạo ra ngoài vì cả tuần qua anh còn mệt nên chỉ loanh quanh trong bệnh viện.

Hai anh em tản bộ về hướng chợ Xóm Mới, mải mê nói chuyện, đến cổng nhà thờ Hoàng Mai thì tôi nghe tiếng gọi:

-          Anh Biển Cả! Anh Biển Cả!

Sau vài giây khựng lại, tôi liền nhớ ra, quay qua anh Hai:

-          Anh Hai ơi, có người gọi anh... Biển Cả kìa!

Anh ngưng nói chuyện, cố tìm trong ráng chiều chạng vạng người nào đã gọi anh, thì một cô gái đi nhanh về hướng chúng tôi. Anh nhận ra, cười tươi và giới thiệu:

-          Em ơi, đây là cô Hoài, người y tá chăm sóc anh ở bệnh viện. Còn đây là Loan, em gái của tôi học ở trường Nguyễn Trung Trực gần đây nên ghé thăm tôi.

Chị Hoài hỏi thăm tôi vài câu, rồi nói:

-          Anh Biển Cả và Loan chờ đây nhe, em chạy vào trong nhà một chút.

Chị chạy vào trong hẻm nhà thờ, lát sau mang ra một túi đồ dúi vào tay tôi và nói với anh:

-          Bữa nay nhà em có đám giỗ, em tính sáng mai mang đến bệnh viện chút trái cây để anh dưỡng sức, nhưng bây giờ gặp thì đưa luôn, có thêm miếng xôi vò, chả lụa và mấy cái bánh ngọt, hai anh em cùng ăn cho vui nha.

Tôi chần chừ, chị Hoài nói tiếp:

-          Lộc đám giỗ thôi mà, vả lại, chị muốn cám ơn anh Biển Cả dạy kèm English cho chị.

 

Anh Hai gật đầu nên tôi cầm lấy bịch thức ăn. Trên đường trở về bệnh viện, anh kể, cái tên Biển Cả làm anh ... nổi tiếng trong bệnh viện. Hễ khi gọi tên bệnh nhân lấy thuốc, cứ đến lượt “Lê Hoàng Biển Cả” là các cô y tá bụm miệng cười, nhìn anh vừa tinh nghịch vừa thân ái. Chị Hoài là người chữa trị và theo dõi bệnh tình của anh, cũng có hỏi anh về cái tên lạ mà hay này, anh trả lời qua loa cho xong chuyện, dù có đôi lần lỡ miệng, xuýt bị lộ thân phận. Khi biết anh là giáo viên dạy Tiếng Anh, chị Hoài nhờ anh giúp mỗi ngày các bài vở chị học từ một Trung Tâm Ngoại Ngữ vì gia đình có chị ruột bên Mỹ đang làm giấy tờ bảo lãnh diện ODP.

Tôi trêu anh:

-          Nhìn vào cặp mắt chị Hoài khi nói chuyện, em dám chắc là anh đã lọt vào “mắt xanh” của chị ấy rồi đấy, anh tính sao ?

-          Anh biết chớ, nhưng anh chẳng còn tâm trí nào cho chuyện tình cảm yêu đương. Hiện giờ anh chỉ còn một con đường, là phải vượt biên bằng mọi giá, thế thôi.

 

Sau đó, anh được xuất viện, vừa trở về nhà vài ngày thì may mắn có chuyến vượt biên do bạn thân giới thiệu nên anh lên đường ra khơi. Một chiều tôi đi học về, bà chị họ chạy qua:

-          Hồi nãy có cô Hoài y tá đến tìm anh... Biển Cả.

Tôi đã từng kể cho cả nhà nghe chuyện gặp chị Hoài lúc đi dạo với anh Hai, nên chị chép miệng:

-          Tội cô ấy quá, nhưng nhà mình còn đang nóng ruột chờ tin nên chị đâu dám nói sự thật, đành nói dối “anh Biển Cả” đi Cần Thơ.

 

Ba tuần sau, cả nhà sung sướng khi nhận điện tín của anh Hai từ đảo Bidong, Malaysia. Trong nỗi vui mừng này, tôi nghĩ đến chị Hoài, đắn đo có nên báo cho chị biết tin anh Hai. Nhưng tôi lại thôi, nào có ích gì, chỉ làm cho chị buồn thêm.

Rồi trời xui đất khiến buổi sáng chúa nhật tôi đi chợ Xóm Mới, đang đi vào tiệm bánh gai đầu chợ thì gặp chị Hoài cũng đang mua bánh gai. Hai chị em mừng rỡ ríu rít, chị kéo tôi vào quán nước để nói chuyện nhiều hơn. Tôi báo tin vui mà không dám... hớn hở:

-          Chị ơi, anh Hai của em đã đến đảo Bidong rồi đó.

Chị thoáng thất vọng, buồn buồn, nhưng kịp mỉm cười:

-          Ôi, chị mừng cho anh Hai, chung vui cùng gia đình em.

Nói chuyện qua lại một lúc, trước khi chia tay, chị Hoài ngập ngừng:

-          Em nè, chị hỏi điều này nếu em không thấy phiền, em cho chị địa chỉ anh Hai bên đảo được không? Thú thiệt với em, gia đình chị chờ đi ODP lâu quá, nên chị và đứa em trai đang tìm mối vượt biên. Chủ tàu nói chuyến đi dự tính đã đầy người, nhưng nếu phút chót có ai rút lui thì sẽ kêu chị. Nếu chị may mắn tới đảo Bidong sẽ tìm anh Hai của em, còn nếu chị tới đảo khác nước khác, chị cũng sẽ viết thư liên lạc với ảnh, được không em?

-          Trời ơi, có gì mà phiền chớ. Ngày mai đi học em sẽ ghé qua bệnh viện đưa chị địa chỉ. Mà chị ơi, vậy thì em phải khai thiệt với chị một chuyện ...

-          Chuyện gì, em cứ nói.

-          Dạ, anh Hai của em hổng phải tên Biển Cả.

-          Chị biết mà! Nãy giờ em có thấy chị gọi ảnh là “Biển Cả” không?

-          Ủa, ủa, là sao??

-          Hôm nọ chị đến nhà tìm ảnh, dù đã có địa chỉ lấy từ sổ sức khỏe, nhưng khi đến đầu hẻm thấy một bác ngồi bán khoai mì đang ... rảnh rang, chị bèn hỏi nhà anh Biển Cả, bác ấy cười lớn, anh gì mà anh, căn nhà cổng màu xanh đó, thằng Biển Cả đang chơi bắn bi với mấy thằng nhóc trong xóm kìa, cô là cô giáo của nó hả!

-          Ha...ha...Vậy là chị biết từ ngày đó?

-          Thực ra, chị biết từ những ngày ảnh còn ở bệnh viện.

-          Ủa, ủa, là sao nữa?

-          Chị là người tiếp nhận ảnh lúc đến khám bệnh, thấy cái tên hay, các cô y tá xúm vào hỏi han, ảnh ngượng ngùng bối rối, đúng kiểu chưa quen nói dối. Sau đó chị nhìn kỹ sổ sức khỏe, thì thấy chỗ ghi tuổi, cái số 29 không đều nhau, nét mực cũng hơi khác. Rồi khi chị hỏi ảnh thẻ “chứng minh nhân dân” để làm thủ tục nhập viện, ảnh nói bị mất. Cũng may chị là Y tá trưởng nên bỏ qua thủ tục này.

-          Ôi, chị vừa thông minh lại vừa tốt bụng. Sao chị dám giúp ảnh, lỡ ảnh là... tội phạm nguy hiểm thì sao?

-          Nghe chị nói nè, trước tiên, chị hành động theo lương tâm “lương y như từ mẫu”, làm sao chị có thể đuổi bệnh nhân ra về khi họ đang run vì cơn sốt? Lý do tiếp theo, dáng vẻ bên ngoài của anh ấy với cặp mắt kiếng, phong thái mô phạm, giọng nói từ tốn điềm đạm, cũng đủ gây tin tưởng cho người đối diện. Hơn nữa, khi tiếp xúc, thì càng thấy anh ấy là người đứng đắn, đạo đức, nhất là sự hiểu biết của ảnh, không chỉ trong môn English mà trong các vấn đề khác. Chị đã cảm mến ảnh từ những ngày đó.

-          Chị nói thì em mới dám... khoe luôn, ảnh là cuốn tự điển bách khoa của gia đình và cả xóm em luôn á! Em xin thay mặt anh Hai, cám ơn chị đã bao che và chữa bệnh cho anh ấy.

-          Chị cũng cám ơn ảnh, thời gian hai tuần lễ chị đã mở mang thêm một số kiến thức là nhờ ảnh.

 

Tôi về nhà, viết liền lá thư cho anh Hai, kể lại toàn bộ cuộc nói chuyện với chị Hoài, và dặn ảnh chuẩn bị tinh thần, biết đâu con tàu của chị ấy sẽ cập bến Malaysia. Anh viết lại, biểu tôi yên tâm, vì ảnh đang làm thiện nguyện, dạy English ở đảo, nên quen thân với Ban Điều Hành trại, hễ có chuyến đưa người mới vào đảo là anh được xem danh sách từ chiều hôm trước, rồi đến ngày, anh vẫn hòa vào đám đông kéo nhau ra cầu Jetty đón đoàn người tỵ nạn mới, để tìm người quen, bạn bè, hàng xóm.

Vậy mà bốn tháng sau, khi anh có tên đi định cư Mỹ, buổi tối trước khi rời đảo Bidong để qua trại Sungai Besi, anh viết thư về nhà, có viết riêng cho tôi một đoạn:

-          Em ơi, sao chị Hoài vẫn chưa đến Bidong, mà cũng chưa viết thư cho anh từ trại khác, liệu có chuyện gì xảy ra với chị ấy chăng? Em hãy đến bệnh viện tìm xem chị ấy còn ở đó không nhé.

Tôi chạy liền đến bệnh viện, vào thẳng phòng trực y tá, với tư cách người nhà bệnh nhân, xin gặp chị Hoài để nói lời cảm tạ. Một chị y tá cho biết:

-          Chị Hoài nghỉ làm rồi em ơi.

-          Từ khi nào hở chị?

-          Cỡ bốn, năm tháng.

Trời ơi, đúng là lúc chị nói với tôi dự tính vượt biên. Tôi hồi hộp:

-          Vậy chị cho em địa chỉ nhà chị Hoài để em ghé thăm.

-          Khỏi ghé em ơi, chị Hoài vượt biên đến Thailand rồi.

Tôi run run:

-          Thiệt không chị? Chị ấy đến Thái hay Bidong, Mã Lai?

-          Đến Thái! Chị ấy có gửi thư và hình cho tụi chị, nếu em muốn xem thì ngày mai quay lại chị cho xem.

 

Tôi thở phào, trở về nhà, nhưng cả đêm thao thức với những nghĩ suy, tại sao chị ấy không viết thư cho anh Hai như đã nói với tôi? Tôi bèn đưa ra hai giả thuyết, thứ nhất, có thể trên đường vượt biển chị đã đánh mất hành lý và địa chỉ của anh Hai (giả thuyết này có nhiều khả năng xảy ra, vì hai người anh của tôi đi vượt biên đều gặp tình trạng này, kẻ thì làm rơi trên biển, người thì đánh mất lúc di chuyển từ ghe nhỏ qua tàu lớn). Giả thuyết thứ hai, có thể nào chị đã gặp gỡ một tình yêu chung chuyến tàu hoặc chung trại tỵ nạn, nên không còn ý muốn liên lạc với anh Hai?

Rồi tôi cũng đi vào giấc ngủ với niềm vui, là chị Hoài đã thoát được nơi chốn này, đến được bến bờ tự do như mong ước. Còn chuyện sau đó, dù là giả thuyết một, giả thuyết hai, hay giả thuyết ba, bốn, năm, sáu ...gì chăng nữa, với tôi, cũng đều là một kết thúc vừa ý.

Anh Hai, sẽ nhớ những ngày được cô y tá dễ thương cứu giúp trong hoàn cảnh “hoạn nạn khốn khó”. Chị Hoài, sẽ không quên cảm xúc xao động nhẹ nhàng khi chữa trị cho một bệnh nhân có cái tên giả “đặc biệt”.

Anh Hai, chị Hoài, và tôi, người chứng kiến và kể lại câu chuyện này, cùng có một kỷ niệm đẹp mỗi khi nhớ về quãng thời gian sống dưới chế độ “Xã Hội Chủ Nghĩa- Xuống Hố Cả Nút”, khi mà “cây cột đèn có chân cũng muốn ra đi”!

Edmonton, Tháng 3/2025

KIM LOAN

________________

KL_Recamp.jpg

CHIỀU TRONG TRẠI TỴ NẠN

 

Chiều trong trại tỵ nạn, tôi thấy em

Đôi mắt của một người không quen

Thăm thẳm như hoàng hôn vừa xuống

Ký ức nào em đang muốn quên?

 

Đêm hãi hùng thuyền gặp sóng lớn

Hải tặc vây quanh chẳng xót thương

Em bé nhỏ, em cố vùng vẫy

Tiếng kêu lạc loài vào đại dương?

 

Chiều trong trại tỵ nạn, tôi thấy chị

Lặng lẽ bên rào nhìn xa xăm

Chắc hẳn đêm qua trong mộng mị

Có bóng quê nhà chị ghé thăm?

 

Người ấy có vẫn đợi chị không

Tình yêu đâu cách trở mấy sông

Nhưng đất nước u mê tăm tối

Tương lai còn mù mịt, mênh mông

 

Chiều trong trại tỵ nạn, tôi thấy anh

Điếu thuốc trên tay, khói toả bay

Ngày mai lên đường đi thanh lọc

Kỷ niệm vô vàn gửi lại đây

 

Chiến hữu gặp nhau nơi xứ lạ

Khắc khoải lời thề nợ máu xương

Giữ vững niềm tin và lý tưởng

Màu cờ vàng rợp bóng quê hương

 

Chiều trong trại tỵ nạn, tôi thấy tôi

Dõi theo mây tím cuối chân trời

Mộng mơ với chút hồn thi sỹ

Bỗng thấy thương hơn những mảnh đời

 

Rồi cũng sẽ là dĩ vãng thôi

Kỷ niệm Trại Tỵ Nạn xa xôi

Nên trái tim đa sầu đa cảm

Nức nở mong chờ bóng chiều rơi

 

KIM LOAN

 

 

TÌNH YÊU KHÔNG HẸN TRƯỚC

 

Lúc tôi đậu thanh lọc, được chuyển từ trại “cấm” sang trại tự do, tinh thần vui vẻ, tôi không có ý định tiếp tục công việc ở post office mà muốn thử công việc mới, làm thiện nguyện 3 jobs không hề mệt mỏi . Sáng sớm dạy lớp English Vỡ Lòng cho người lớn tuổi tại trường ESL, sau đó chạy “show” qua trường Việt Ngữ dạy Tiếng Việt cho các em nhỏ, và thời gian còn lại trong ngày làm việc là dành cho Văn Phòng Cao Ủy Định Cư .

Nơi nào tôi cũng có người quen, vì ở trại Transit (tự do) này mọi người đều chung hoàn cảnh may mắn, đậu thanh lọc, chờ ngày tìm được phái đoàn nào đó phỏng vấn rồi đi định cư, tương lai phơi phới, nên chúng tôi mau chóng gần gũi mến thương nhau .

Ở trường ESL có một nhóm Thầy, Cô khá hợp “gu”, mặc dù tôi nhỏ tuổi nhất, ngoài giờ dạy, chúng tôi còn gặp nhau ngoài quán cafe, hủ tíu, đến nhà nhau ăn cơm mỗi khi có sinh nhật, giỗ quảy .

Trong nhóm này, tôi thân nhất với Chị, một phần vì Chị ở chung lô nhà, hai “nhà” đối diện nhau, gặp nhau cả ngày, đến trường cũng gặp nhau, phần khác là Chị cũng từng là giáo viên Tiểu Học như tôi khi còn ở Việt Nam, nên hai chị em ríu rít mỗi ngày, rủ nhau đi chợ, đi ăn, tối tối rảnh cùng vài Thầy Cô khác kéo nhau lên trường ESL tán dóc với Thầy Hiệu Trưởng “đóng đô” ngày đêm trên đó . (Thầy được phân công ở ngay căn phòng nơi cổng sau của trường).

 

Chị qua trại cùng với hai đứa con, một trai một gái, mười tuổi và tám tuổi. Chồng chị bị mất tích trên biển trong một chuyến vượt biên từ vài năm trước. Chị kể, chuyến tàu mang chồng chị và mấy chục người khác, ra khơi mấy tháng liền không có tin tức, tất cả các gia đình có người thân trong chuyến tàu dáo dác hỏi thăm nhau, rồi niềm hy vọng dần dần tàn lụi, đớn đau tuyệt vọng . Gần ba năm sau, chị quyết định mang hai đứa con lên đường ra khơi, mặc dù gia đình Chị ngăn cản vì lo sợ hiểm nguy, Chị bảo:

-          Chả lẽ số phận đã để ảnh mất tích trên biển, rồi không tha ba mẹ con chị luôn sao?

 

Vết thương nào rồi cũng nguôi ngoai, Chị tin rằng hoàn cảnh Chồng chị mất tích đã giúp ba mẹ con đến bờ tự do và may mắn đậu thanh lọc, Chị mong hương hồn Chồng tiếp tục phù hộ cho Chị và các con trên con đường tương lai khi định cư ở nước thứ ba .

 

Bữa đó tôi đến nhà Chị, thấy ba mẹ con đang ăn cơm với hai người tôi không quen biết, Chị giới thiệu:

-          Loan ơi, đây là Phúc, người đi chung chuyến tàu chị. Đây là Tân, em chồng của chị, cũng đi chung chuyến tàu, Phúc và Tân mới đậu thanh lọc, vừa nhập trại Transit mình hôm qua đó.

 

Tôi sà vào ăn cơm chung với cả nhà. Anh Phúc nhỏ hơn Chị 4 tuổi, còn Tân nhỏ hơn tôi hai tuổi . Bữa ăn hội ngộ rộn ràng, và Chị vui vẻ nhận lời nấu cơm tháng cho anh Phúc và Tân, vì đàn ông một mình vụng về cơm nước, mà Chị thì đằng nào cũng lo cơm nước cho ba mẹ con . Tôi nghe kể anh Phúc từng là giáo viên Tiếng Anh bên Việt Nam bèn đề nghị Chị rủ Anh Phúc vào dạy trường ESL, còn Tân thì có bạn sẽ giúp đưa vào làm  ngoài bệnh viện khu Lào-Hmong. (Ở trại tỵ nạn Thailand, những người đi làm thiện nguyện, ngoài chuyện mỗi tháng có chút lương bổng tượng trưng từ Cao Ủy, còn được ưu tiên miễn làm lao động định kỳ trong trại, và nhất là có chút ...uy với người xung quanh, nên chúng tôi, kẻ trước người sau, thường giới thiệu bạn bè quen biết cùng đi làm thiện nguyện)

 

 Thế là từ đó, hàng ngày, ngoài buổi sáng đi dạy chung, Anh qua nhà chị ăn hai bữa cơm, rồi dạy các con chị học bài hoặc chơi với chúng.

 

Tình yêu, có ai ngờ! Lửa gần rơm hay hai trái tim đã tìm thấy rung một nhịp đập? Anh chị bắt đầu yêu nhau, nhưng chỉ trong âm thầm vì còn biết bao cản trở xung quanh: Trước tiên là hàng rào tuổi tác (tình yêu chị em hả, có ai chấp nhận và hiểu cho!), rồi là rào cản của thị phi cuộc đời, làm sao thoát khỏi những cái miệng “rảnh rang”của những ông bà Tám cùng lô nhà, rằng “trai tân cặp với gái già”? Làm sao công khai nơi trường ESL khi họ vẫn gọi nhau là chị/em? Làm sao ăn nói với hai đứa nhỏ khi lâu nay chúng vẫn gọi anh là “chú” rất thân thương, yêu mến? (Từ “chú” chuyển thành “cha” khó à!). Ngoài ra, rào cản “nặng ký” khác là thằng Tân, em chồng đang ăn cơm tháng ở nhà chị. (Trên giấy tờ căn cước tỵ nạn của chị còn ghi rành rành tên chồng với ghi chú “Lost at Sea”).

 

Mà hai người dấu kỹ lắm, các Thầy Cô trường ESL không ai nghi ngờ, thằng Tân cũng rất vô tư chẳng tò mò thắc mắc, các “bà Tám” trong lô cũng chẳng chút mảy may đặt dấu hỏi gì, vì hàng ngày cả Anh và thằng Tân đều đến nhà Chị ăn cơm hai bữa, Anh nán lại chỉ bảo bài vở cho hai đứa nhỏ, và cũng có mặt tôi thường xuyên đến chơi nữa mà!

Tuy nhiên, Chị không thoát khỏi “cặp mắt sắc bén” của tôi, dầu đôi lần tôi ỡm ờ dọ ý Chị vẫn chối phăng. Cho đến một buổi chiều kia tôi đến cửa nhà Chị thì Anh vừa bước ra, tôi tiến vào nhà thì Chị còn đứng đó, trên tay là một nhánh hoa hồng đỏ, còn lấp lánh mấy giọt nước .

Lần này Chị bèn trút hết bầu tâm sự cho tôi nghe, thú nhận cõi lòng vì Anh vừa được phái đoàn Mỹ phỏng vấn và nhận cho định cư, trong khi Chị và hai con đang bị Mỹ “pending” treo hồ sơ .

Chỉ cành hoa hồng, chị nói:

-          Ảnh tặng chị đó, ảnh nói hôm nay là Valentines, ngày Tình Yêu.

-          Ủa, ngày gì lạ à nghen, chắc ảnh mê chị rồi ảnh bịa ra, chớ nào giờ em có nghe gì về ngày này đâu nà!

-          Thì chị cũng như em, có biết gì đâu. Nhưng ảnh nói bà Sue người Úc bên Hội Thánh Tin Lành nói cho ảnh biết đó .

-          Vậy là có Ngày Tình Yêu thiệt hả chị?

 

Thấy Chị buồn, tôi khuyên Chị cứ chờ phái đoàn Mỹ tái phỏng vấn, và hãy để thời gian minh chứng tình yêu . Tôi cũng cảm thông khi hai người không dám công khai tình yêu . Tôi bảo, khi qua Mỹ rồi thì Chị và Anh nếu còn tình yêu thì lúc đó hai con sẽ hiểu và chấp nhận, còn với trại tỵ nạn thì trăm nghìn miệng lưỡi thế gian, vả lại, Anh cũng sắp lên đường định cư, thôi thì ráng giữ gìn cho nhau, hẹn ngày tái ngộ không xa .

 

Do vậy, họ tiếp tục yêu thầm lặng, chỉ trao nhau tình yêu qua ánh mắt, qua những cử chỉ lặng lẽ, và những cái nắm tay vội vã những lúc hiếm hoi ở bên nhau ngắn ngủi.  Một vài giờ riêng tư bên nhau cũng không thể , vì lúc nào cũng có con cái, thằng em chồng, hàng xóm xung quanh tấp nập, nên bỗng dưng mối tình trở nên “lén lút”, còn khổ hơn “cách núi ngăn sông”.

 

Cứ thế, cho đến ngày Anh có tên trong danh sách lên đường đi Mỹ. Nửa đêm hôm đó, khi cả trại còn say giấc, Anh liều mạng mò qua nhà Chị, rồi chui vào mùng (Chị ngủ 1 mùng, hai đứa nhỏ 1 mùng. Cũng may Anh không chui lộn mùng trong trời tối đen vì anh có mang theo cái đèn pin). Chị giật mình khi nhận ra Anh nhưng không nói một câu nào vì sợ hai con thức giấc. Họ hôn nhau dồn dập trong bóng đêm, vỡ oà bao nỗi niềm của những ngày câm nín. Khi Anh sắp chạm vào giới hạn “rực rỡ chơi vơi”, thì Chị bừng tỉnh, chỉnh lại áo quần, rồi lao ra bên ngoài. Anh sững sờ, rồi chạy theo Chị.

Chị vẫn chạy đi trong đêm, qua các lô nhà, băng qua những con đường gập ghềnh trong trại, đôi chân trần của Chị bị đau vì rướm máu. Anh vẫn đuổi theo sau, như hai bóng ma, không dám gọi tên nhau. Khi đến gần cổng trại, thấy có bóng lính Thái và ban bảo vệ đi tuần tra, Chị đành rẽ vào khu bể nước gần đó, vừa lúc Anh đuổi kịp. Anh ôm Chị, liên tục xin lỗi, và lau những giọt nước mắt nức nở, nghẹn ngào trên khuôn mặt người yêu, rồi hai người bước trở về khu nhà khi trời đang hừng sáng để tiễn anh lên đường đi định cư.

 

Những chi tiết trên, là Chị kể lại cho tôi nghe trong một chiều mưa sau khi anh rời trại được mấy hôm, lòng còn đầy nỗi niềm nhớ thương vời vợi.

 

Một thời gian sau đó, tôi đi định cư Canada, có viết về trại cho Chị vài lá thư rồi bị mất liên lạc, nghe nói ba mẹ con Chị cũng lên đường đi Mỹ .

 

Mỗi mùa Valentines tôi lại nhớ Chị, nhớ cành hoa hồng Anh tặng Chị năm xưa. Trong một lần gặp gỡ vài người tỵ nạn cũ ở California nhiều năm trước, có người cho tôi biết Chị từng sống ở Quận Cam, chỉ với hai đứa con, không có Anh, rồi ba mẹ con dọn đi tiểu bang khác. Vậy là mối tình nồng cháy, không hẹn trước nơi trại tỵ nạn ấy cũng theo “lời nguyền” mà dân tỵ nạn hay nói với nhau “chặt cua là khuất bóng”, chỉ còn là kỷ niệm mang theo trong đời!?

 

Tôi chợt nhớ câu hát của nhạc sĩ Trúc Phương tôi thường đùa, hát cho chị nghe mỗi khi chị nôn nao đợi chờ thư của Anh từ Mỹ Quốc:  “Đường vào tình yêu, có trăm lần vui, có vạn lần sầu …”, rồi chị mắc cở, mắng tôi: “Hát gì tầm phào không hà, nghe xui thấy mồ!”

Chẳng lẽ tôi có “cái miệng ...ăn mắm ăn muối” thiệt sao!?

 

Edmonton, Valentines 2025

KIM LOAN

 

 

 

" Father, forgive them, for they do not know what they are doing"

                                                -Luke 23:34-

_______________________

               MC KIM LOAN

50 NĂM, XUÂN TRÊN ĐẤT MỚI

 

Hồi hè vừa rồi, chồng tôi thông báo:

      -Năm 2025 anh sẽ đi Pharmacy Conference từ cuối tháng Một cho đến hết tuần đầu tháng Hai .

      -Vậy có phải ở San Jose, hay New Orleans, hay San Francisco như những lần trước để em đi theo ?

      -Kỳ này là ở Toronto, Canada của chúng ta.

Tôi chợt nhớ ra:

      -Khoan, để em xem lịch có trùng ngày Tết không nhe.

      -Khỏi em ơi, anh đã xem rồi, đúng ngày mồng 2 Tết Ất Tỵ luôn đó . Nếu em vẫn muốn qua Mỹ ăn Tết với gia đình thì em cứ đi.

      -Thôi, tụi mình đã ăn Tết bên đó nhiều lần rồi, từ California đến Texas. Vậy nên em ở nhà, sẽ nhận lời làm MC Hội Chợ Tết Cộng Đồng Người Việt Edmonton.

      -Ủa, sao em biết họ sẽ mời em làm MC, em đã hết chức vụ trong Ban Quản Trị Hội Người Việt lâu rồi mà?

      -Thì hồi tháng rồi, anh Hội Trưởng có nhắn em, nếu năm nay em không qua Mỹ ăn Tết thì giúp làm MC Hội Chợ Tết 2025 vì đây là dịp đặc biệt, là cột mốc kỷ niệm 50 năm tha hương, 50 mùa Xuân trên đất mới, 50 năm Quốc Hận!

      -Ui chao, vậy là họ rà trúng “đài” của em rồi.

      -Bởi mới nói, đó là …ý Chúa, chớ đâu phải tự dưng năm nay anh phải đi Conference tại Canada trúng mùa Tết để em khỏi có lý do bay qua Mỹ, và ở lại Canada làm MC ?

     -Coi như Tết này dù không qua Mỹ sum họp đại gia đình nhưng anh và em vẫn vui vẻ bận rộn công việc riêng của mỗi người .

     -Dù sao, gia đình chúng ta cũng mới gặp nhau trong đám cưới của con gái mình rồi, cuối năm 2025 lại gặp nhau tại Texas trong đám cưới đứa cháu nữa, hẹn cái Tết khác thôi. Xuân đến Xuân đi rồi Xuân lại đến mà, lo chi.

 

Vợ chồng tôi đã có những cái Tết sum vầy bên Mỹ rất đông vui, nhiều kỷ niệm . Ở Nam California, mà người Việt mình gọi tóm tắt là khu Little SaiGon, Phố Bolsa, khi Tết đến Xuân sang đã thu hút hàng ngàn du khách đồng hương từ các tiểu bang khác trong nước Mỹ ( và cả những đồng hương từ Canada, Châu Âu) tìm về vùng đất ấm áp để sống lại không khí Tết quê hương . Nơi đây, đúng là nơi “đất lành chim đậu”, với số lượng người Việt đông đảo nhất Bắc Mỹ, khí hậu lý tưởng, đã cho chúng ta cảm giác thân thương của mùa Xuân rạo rực . 

Mỗi lần qua ăn Tết, chúng tôi đến trước vài tuần, vì thích niềm vui chộn rộn chuẩn bị sắm Tết, rồi đến ngày Tết là quay về Canada . Từ chợ đêm Phước Lộc Thọ, chợ Hoa Tết, Hội Chợ Tết, các chương trình Văn Nghệ, các khu thương mại chợ búa, khu văn phòng người Việt, đâu đâu cũng thấy “mùi của Tết”, “ hương vị Tết” , nhất là ở các Chùa, Nhà Thờ đêm giao thừa, nghe tiếng pháo nổ mà lòng  xôn xao .

Vì là “đất lành chim đậu” nên tôi có rất nhiều bạn bè người quen ở vùng Nam California . Ngoài gia đình ông anh và họ hàng ruột thịt, là những bạn cũ từng ở chung trại tỵ nạn, là những bạn bè, đồng nghiệp xưa khi còn ở Việt Nam, là những người hàng xóm cũ thân thương . Hầu như mỗi lần tôi qua đó, đều không thể gặp gỡ được hết mọi người, mà phải chia bớt ra theo nhóm, hẹn Xuân sau .

 

Riêng ở Arlington, Texas, tôi có nhiều anh chị em và gia đình chú ruột cùng các em họ ở đây, nên chúng tôi ăn Tết Texas nhiều hơn Tết Cali . 

Tôi vẫn nhớ cái Tết đầu tiên năm 1994 khi tôi mới định cư Canada liền bay qua Texas đón Tết với đại gia đình . Lúc ấy Arlington còn thưa thớt người Việt, còn hiện nay thì người Việt “sinh sôi nảy nở” cũng như từ các nơi khác về đây lập nghiệp, mỗi lần Tết rất đông đúc rộn ràng, với các Hội Xuân liên tiếp nhau tại các khu chợ lớn nhứt là HongKong, Asia Times Square và Bến Thành Plaza . Có năm, chúng tôi bay qua sớm, từ Arlington lái xe đến Houston, thưởng thức Kim Sơn Việt Nam buffet, ngắm phố Bellaire chuẩn bị Tết, các quán xá, tiệm giò chả bánh chưng nườm nượp người xếp hàng. Có thế mới thấy, người Việt chúng ta, dù xa quê hương, đang ở bất cứ nơi nào, cũng vẫn mang dòng máu Tiên Rồng, máu chảy về tim, mỗi mùa Xuân không thể quên văn hóa, cội nguồn dân tộc từ ngàn đời.

 

Năm nay, tôi sẽ làm MC Hội Chợ Tết Edmonton đúng dịp 50 năm tha hương của người Việt, bao nỗi buồn niềm vui biết nói sao hết cho vừa .

Canada thường có tuyết rơi và thời tiết lạnh căm khi Tết đến, vậy mà người ta vẫn đến chật kín hội trường hàng năm. Cô bạn bên San Jose có lần hỏi tôi:

     -Trời, nghe nói trời lạnh từ âm mười cho đến âm vài chục độ C, nếu tuyết rơi nữa, thì làm sao mà mọi người vẫn diện áo dài đến Hội Chợ Tết ?

    -Ở đâu quen đó bạn ơi! Có người vẫn mặc đồ mùa đông rồi đến Hội Chợ sẽ vào phòng vệ sinh thay áo dài, thay giày thay guốc, vẫn đẹp lộng lẫy.

Riêng tôi thuộc nhóm người…làm biếng, nên nhanh gọn hơn nhiều, tôi mặc sẵn áo dài từ nhà, nhưng hai ống quần dài sẽ được cột lại bằng dây thun, rồi mang đôi giày boots mùa đông, áo khoác dày mùa đông . Khi đến nơi, tôi chỉ việc tháo dây thun khỏi hai ống quần dài, thay đôi giày cao gót, thế là vẫn …thướt tha tà áo dài mùa Xuân .

Dù lạnh nhiều hay lạnh ít, mỗi mùa Hội Xuân đều có đông đủ người Việt và cả người ngoại quốc đến vui Xuân . 

Sau phần Chào Cờ, đốt pháo, múa Lân, phần Văn Nghệ luôn được chờ đón với những bài nhạc Xuân vời vợi nhớ thương: Anh Cho Em Mùa Xuân, Đón Xuân Này Nhớ Xuân Xưa, Xuân Ngày Con Không Về, Câu Chuyện Đầu Năm, Mùa Xuân Lá Khô, Tôi Chưa Có Mùa Xuân...

Các tiết mục múa của các em sinh viên học sinh với các bài hát dân ca ai cũng thuộc lòng như Qua Cầu Gió Bay, Trống Cơm, Lý Ngựa Ô luôn nhận được những tràng pháo tay không dứt của khán giả, dù trong nhóm múa có nhiều em nói Tiếng Việt chưa rành, chưa hiểu hết ý nghĩa bài hát, và những điệu múa còn vụng về, thô cứng, nhưng rất đáng yêu. 

Đặc biệt là các em bé, từ tuổi chập chững mới biết đi, cho đến các trẻ con tuổi mẫu giáo, tiểu học trong những bộ áo dài truyền thống để dự thi “trình diễn áo dài dân tộc”. Rồi các em chạy nhảy, tham gia các gian hàng trò chơi, hồn nhiên vô tư trong ánh mắt tự hào hạnh phúc của cha mẹ ông bà, khi ngắm nhìn thế hệ con, cháu đang nối tiếp truyền thống văn hóa quê hương. 

 

Tôi nói với chồng:

      -Tính ra thời gian tụi mình sống trên quê hương thứ hai đã dài hơn nhiều so với thời gian đã từng sinh sống tại Việt Nam, nên những mùa Xuân nơi đây cũng đã trở nên quen thuộc . Hễ Tết đến là trời phải …lạnh, là phải ... có tuyết nhe, hổng có là em hổng chịu đâu á!

Chàng cười lớn, và phụ họa:

     -Đồng ý! Đồng ý! Nay mai khi quê hương không còn Cộng Sản, chúng mình về quê ăn Tết, biết đâu lúc đó em lại…không quen, vì giữa nắng vàng Sài Gòn chiều Xuân em sẽ nhớ …tuyết trắng Canada.

 

Nói thì nói vậy, chớ tôi tin rằng, người Việt Nam chúng ta ở hải ngoại, từ nơi nắng ấm California, cho đến Texas, New York, Washington, qua Canada, Châu Âu, Châu Úc …dù hàng năm vẫn đón Xuân, vẫn ăn Tết, không thiếu món gì, nhưng từ tận đáy lòng, vẫn cảm thấy …thiếu một cái gì đó, có phải ? 

Có một đêm giao thừa ở Texas, sau khi ăn uống với đại gia đình cũng gần khuya, mấy chị em tôi đi dạo quanh khu phố để tìm cảm hứng phút giao mùa năm xưa. Những con đường vắng tênh, những ngôi nhà đóng cửa im lìm, tắt đèn tối thui, có thấy “Tết nhứt” gì đâu! Bà chị chép miệng:

      -Thì Tết là của cộng đồng Việt Nam và Tàu thôi mà. Dân Mễ dân Mỹ còn đang say sưa giấc nồng để ngày mai còn đi làm sớm. Có ai quan tâm đêm nay là “giao thừa”!!

 

Thế đấy! Đó là cái “thiếu”, bởi chúng ta đâu chỉ “ăn Tết” bằng bánh chưng bánh tét, bằng mứt dừa mứt sen, bằng hoa mai hoa đào, mà chúng ta cũng cần “ăn” cái hồn Tết, cái hồn quê thắm đượm trong không gian đất trời, nhà cửa, phố xá, con người xung quanh... mà chỉ có nơi quê Cha đất Mẹ mới có được.

 

Dù chỉ được hưởng 9 cái Tết thời Việt Nam Cộng Hòa, nhưng trong ký ức của tôi vẫn còn in dấu hình ảnh mùa Xuân bình an hạnh phúc trong thời chiến .

Là những ngày Tết nắng rực vàng, tôi hớn hở mặc bộ quần áo mới toanh, sáng mồng Một dậy sớm, đứng khép nép nơi bàn Ba tôi đang uống trà ăn mứt với khách, đợi tiền lì xì, rồi sung sướng chạy xuống bếp tìm món thịt đông và chè kho của má, có khi còn giành nhau với các anh chị em trong nhà cái đùi gà còn nóng hổi, miếng xôi còn lại trong chõ xôi khi chờ khói nhang tàn trên bàn thờ ông bà tổ tiên. Chiều tối, êm đềm gia đình quây quần, nơi phòng khách chiếc tivi đang vang lên bài ca Xuân bất hủ của Phạm Đình Chương đầy hy vọng tin yêu:

 

“ Chúc người binh sĩ lên đàng, chiến đấu công thành, sáng cuộc đời lành, mừng người vì nước quên thân mình ...”

 

Giờ đây, ba má tôi đã không còn nữa, các anh chị em trong gia đình mỗi người một mái gia đình riêng, mùa Xuân tuổi thơ đã là dĩ vãng .

 

Chiều nay, đứng nơi cửa sổ sau nhà, ngắm nhìn bầu trời trắng xóa tuyết rơi, tôi ngẩn ngơ tìm đôi cánh én báo tin Xuân, và thả hồn lãng đãng, theo trái tim mộng mơ về những mùa Xuân đầm ấm trên quê hương, một thuở xa lắm :

 

 

MÙA XUÂN TUỔI THƠ

 

Tôi đã có một thời tuổi nhỏ

Đếm từng ngày khao khát đợi mùa Xuân

Tờ lịch trên tường dường như chậm quá

Sao chẳng rơi như chiếc lá ngoài sân?

 

Tôi thích ngắm mỗi lần trời nổi gió

Cây soan trước nhà lá rụng lan man

Để ao ước thời gian đi nhanh nữa

(Chưa biết buồn theo chiếc lá thời gian!)

 

Là mỗi độ Xuân về tôi vẫn biết

Lá sẽ khô theo cơn gió cuối năm

Chợ sẽ vui những sắc màu ngày Tết

Người rộn ràng mua sắm, phố thêm đông

 

Rồi mẹ sẽ may cho tôi áo mới

Nồi bánh chưng như cổ tích ngày xưa

Tôi hớn hở nhận đồng tiền mừng tuổi

Thảnh thơi ăn kẹo mứt, cắn hạt dưa

 

Tôi đã ước mình đừng bao giờ lớn

Để suốt đời tôi được đếm thời gian

Được tung tăng chạy vui đùa trong xóm

Với bạn bè khi thấy gió Xuân sang

 

Để tôi mãi có ông bà, cha mẹ

Anh chị em sum vầy, chẳng rời xa

Bên mâm cỗ, mùi khói nhang ngào ngạt

Đêm giao thừa nao nức chờ pháo hoa

 

Bao năm qua, bây giờ tôi đã lớn

Giấc mộng trẻ thơ như quả bóng bay

Những cái Tết không đợi chờ vẫn đến

(Tôi vô tình khi mộng khỏi tầm tay!)

 

Nhưng xóm nhỏ của tôi vẫn còn đó

Tôi đã đi phiêu bạt mấy phương trời

Lá vẫn rơi, lại có bao đứa trẻ

Ước ao và chờ đợi Tết như tôi??

 

Edmonton, Xuân Ất Tỵ 2025

KIM LOAN

bottom of page