Cần xem tiết mục nào xin click vào Trang bài / webpage trong MENU dưới đây:
TRANG CHÍNH / HOME . BÀI MỚI ĐĂNG . SINH HOẠT HOUSTON, TX . ĐH XXIII-MARYLAND 2019 . ĐH XXII-SAN JOSE 2018 . ĐH XXI-HOUSTON 2017 . SINH HOẠT CANADA . SINH HOẠT ÚC CHÂU . CÁC ĐẶC SAN ĐH . SINH HOẠT BẮC - NAM CALI - SINH HOẠT VÙNG NEW ENGLAND - SINH HOẠT VIỆT NAM - TIN SINH HOẠT CÁC NƠI . GÓC SÂN TRƯỜNG NHÀ . VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT . VÒNG TAY NGHĨA TÌNH . CHIA BUỒN - CHUNG VUI . TÌM NGƯỜI - NHẮN TIN
GÓC
ĐƯỜNG THI
__________________________
Đỗ Chiêu Đức
LƯU TRƯỜNG KHANH 劉長卿 (726-786) tự là Văn Phòng, người huyện Tuyên Thành (thuộc tỉnh An Huy ngày nay) giỏi về thơ ngũ ngôn và ngũ ngôn luật. Ông làm quan đến chức Giám Sát Ngự Sử, có giao tình rất hậu với Thi tiên Lý Bạch.
Mùa xuân năm Chí Đức thứ 3 (758), vì chính kiến bất đồng, từ chức Trưởng Châu Úy của Tô Châu, ông bị biếm đến Phan Châu tỉnh Quảng Đông lãnh chức Nam Ba Úy. Tết năm đó ông làm bài thơ dưới đây để bày tỏ nỗi lòng của mình.
新年作 TÂN NIÊN TÁC
鄉心新歲切, Hương tâm tân tuế thiết,
天畔獨潸然。 Thiên bạn độc san nhiên.
老至居人下, Lão chí cư nhân hạ,
春歸在客先。 Xuân quy tại khách tiên.
嶺猿同旦暮, Lãnh viên đồng đán mộ,
江柳共風煙。 Giang liễu cộng phong yên.
已似長沙傅, Dĩ tự Trường Sa Phó,
從今又幾年 ? Tòng kim hựu kỷ niên ?
劉長卿 Lưu Trường Khanh
* CHÚ THÍCH:
- Hương tâm 鄉心: là Lòng Quê, là Nỗi lòng tưởng nhớ đến quê hương.
- Tân Tuế 新歲: là Tuổi mới, là Năm mới, là Tết đến.
- Thiên Bạn 天畔: là Bên trời, ở đây chỉ bị biếm đến nơi xa xôi.
- San Nhiên 潸然: chỉ lệ rơi lả chả.
- Lãnh Viên 嶺猿 chỉ Vượn trên đỉnh núi.
- Đán Mộ 旦暮: ĐÁN là Ngày, là Buổi Sáng. MỘ là Buổi Chiều.
- Trường Sa Phó 長沙傅: chỉ GIẢ NGHỊ 賈誼, một nhà tư tưởng, nhà văn học và là một quan Đại Phu nổi tiếng đời Tây Hán, rất được Hán Văn Đế trọng vọng, nhưng bị dèm xiểm đố kỵ, nên có lúc bị đày đến làm Thái Phó của đất Trường Sa, vì thế mới gọi là Trường Sa Phó. Ở đây Lưu Trường Khanh tự ví mình như là Giả Nghị vì dèm xiểm nên bị đày.
* NGHĨA BÀI THƠ:
SÁNG TÁC TRONG NĂM MỚI
Nỗi lòng tưởng nhớ đến quê hương càng tha thiết hơn trong những ngày Tết đến. Một mình một bóng nơi chân trời xa xôi nầy mà âm thầm nhỏ lệ. Cái già đã sồng sộc đến nơi rồi mà thân phận vẫn cứ lè tè nhỏ nhoi ở dưới người khác; Cũng như nàng xuân luôn luôn đến trước với những người khách tha hương. Ở đây, sớm chiều chỉ cùng bầu bạn với các chú vượn trên các đĩnh núi xa xa, và ngắm cảnh mờ sương gió với các dãy liễu rũ ven sông. Ta tự thấy mình đã giống như là Đại phu Giả Nghị lúc bị đày ở Trường Sa; không biết là từ nay còn phải chịu đến mấy năm nữa đây?!
Quả là nỗi lòng của kẻ tha hương thật bi thiết trong những ngày năm hết Tết đến, khi nhìn lại thân phận của mình vẫn còn nhỏ nhoi không thực hiện được hoài bão và mùa xuân vẫn không chờ đợi ai mà vẫn cứ ập đến qua hai câu thơ thật phũ phàng thực tế :
老至居人下, Lão chí cư nhân hạ,
春歸在客先。 Xuân quy tại khách tiên.
... làm cho ta cũng nhớ đến thân phận của những kẻ lưu vong nơi xứ lạ quê người như chúng ta hiện nay. Chưa làm được gì cho quê hương thì cái già đã sồng sộc ập xuống trên đầu rồi. Câu "Xuân quy tại khách tiên" ngoài nghĩa "Người khách tha hương cảm nhận mùa xuân về trước hơn những người khác" ra, còn có nghĩa là: "Mùa xuân về đến quê hương trước hơn khi người ở nơi đất khách được về lại quê hương !" Quê hương còn chưa về được, nhưng mùa xuân thì vẫn cứ đến hằng năm không ai có thể cản được như lời thơ của thi sĩ Tiền Chiến Chế Lan Viên:
Tôi có chờ đâu có đợi đâu,
Mang chi xuân đến gợi thêm sầu!
* DIỄN NÔM:
TÂN NIÊN TÁC
Lòng quê Tết càng bi thiết,
Bên trời lả chả lệ rơi.
Già đến quan còn bên dưới,
Xuân về khách cảm trước người.
Sớm chiều cùng nghe tiếng vượn,
Sương khói bờ liễu buông lơi.
Đã như Trường Sa Giả Nghị,
Sức còn biết mấy lăm hơi?!
Lục bát:
Lòng quê Tết đến ngậm ngùi,
Bên trời lả chả bồi hồi riêng ta.
Dưới người khi tuổi đã già,
Xuân về trước lúc hồi gia khách sầu.
Sớm chiều tiếng vượn rầu rầu,
Bên bờ liễu rũ nhạt mầu khói sương.
Thân như Giả Nghị sầu vương,
Từ nay, rồi nữa, miên trường bao năm?!
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
Hẹn bài viết tới!
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
Đỗ Chiêu Đức
Người chinh phu đem thân ra chốn chiến trường sống chết chỉ cận kề trong gang tấc, không " túy ngọa sa trường " thì cũng " bạch đầu linh lạc " bâng khuâng thổi sáo chiều tàn biên khu, hay thảm hại hơn, lê lết tấm thân thương tật để tìm về quê hương ... Trong khi đó, ở nơi quê nhà người cô phụ luôn luôn mong mõi hằng đêm khoắc khoải mòn mõi đợi chàng về. Có biết đâu rằng lắm khi chàng đã da ngựa bọc thây hay đã xương phơi ngoài chiến địa ... Chiến tranh bao giờ cũng tàn khốc và tàn nhẫn như thế cả, mời tất cả cùng đọc bài thơ Lũng Tây Hành của Trần Đào dưới đây sẽ rõ ...
隴西行 Lũng Tây Hành
陳陶 Trần Đào
誓掃匈奴不顧身, Thệ tảo Hung Nô bất cố thân,
五千貂錦喪胡塵。 Ngũ thiên điêu cẩm táng Hồ trần.
可憐無定河邊骨, Khả lân Vô Định Hà biên cốt,
猶是深閨夢裏人。 Do thị thâm khuê mộng lý nhân.
1. Chú thích :
TRẦN ĐÀO 陳陶(812—888)Thi nhân đời Đường, tự là Tung Bá 嵩伯, tự hiệu là Tam Giáo Bố Y 三教布衣. Ông người đất Lĩnh Nam, lúc nhỏ từng du học đất Trường An, giỏi thi thư, nhưng thi mãi vẫn không đậu tiến sĩ, nên ẩn cư trong rừng núi, tu tiên, về sau không biết ra sao. Ông để lại mười thi quyển "Trần Tung Bá Thi Tập 陳嵩伯詩集. Trong Toàn Đường Thi《全唐詩》có trích đăng 2 quyển thơ của ông.
Lũng Tây : là vùng đất thuộc núi Lũng Sơn của tỉnh Cam Túc và Ninh Hạ hiện nay. Là vùng tranh chấp giữa Hung Nô và Hán.
Điêu Cẩm : Chỉ đoàn quân tinh nhuệ thiện chiến được trang bị quân trang quân dụng đầy đủ.
Vô Định Hà : Tên con sông thuộc một nhánh của sông Hoàng Hà, nằm ở phía bắc của tỉnh Thiểm Tây, là một chiến địa ngày xưa.
2. Nghĩa bài thơ :
Khúc hát Lũng Tây
Thề quét sạch giặc Hung Nô mà chẳng màng đến thân mình, nên năm ngàn quân thiện chiến phải chôn thây nơi đất Hồ. Khá thương thay, những nắm xương trắng bên bờ sông Vô Định vẫn còn là người trong mộng của các nàng chinh phụ ở chốn khuê phòng !
Chiến tranh là tàn nhẫn như thế đó. Ta hãy nghe những lời thơ trong Chinh Phụ Ngâm Khúc của Đoàn nữ sĩ sau đây :
Hẹn cùng ta: Lũng Tây nham ấy,
Sớm đã trông, nào thấy hơi tăm ?
và ...
Những mong cá nước sum vầy,
Nào ngờ đôi ngả nước mây cách vời.
Khi khuyên Từ Hải quy hàng triều đình, Thúy Kiều cũng đã nhắc đến sự tàn khốc của chiến tranh trong "Năm năm hùng cứ một phương hải tần" của Từ Hải đã giết chết biết bao nhiêu là tướng sĩ của cả hai bên :
Ngẫm từ gây việc binh đao,
Đống xương VÔ ĐỊNH đã cao bằng đầu.
3. Diễn Nôm :
LŨNG TÂY HÀNH
Thề quét Hung Nô chẳng nệ thân,
Năm ngàn bỏ xác đất Hồ trần.
Khá thương xương trắng bờ Vô Định,
Vẫn cũng là người chinh phụ mong !
Lục bát :
Hung Nô thề quét chẳng màng,
Bên bờ Vô Định năm ngàn bỏ thây.
Khá thương xương trắng phơi đầy,
Vẫn người trong mộng tháng ngày đợi mong !
Hẹn bài viết tới !
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
Biên khảo Đỗ Chiêu Đức
Cần xem tiết mục nào
xin click vào Trang bài /
webpage trong MENU
dưới đây:
SINH HOẠT HOUSTON
TÁC GIẢ:
Xắn tay bẻ khóa động đào,
Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên-Thai
(Truyện Kiều)
Theo U MINH LỤC của Lưu Nghĩa Khánh đời Tống(宋.劉義慶《幽明錄》)chép rằng :
Năm Vĩnh Bình thứ 5 đời Hán Minh Đế (Công nguyên năm 62 ), người đất Diễm ( thuộc tỉnh Chiết Giang hiện nay) là LƯU THẦN và NGUYỄN TRIỆU vào Thiên Mụ sơn để hái thuốc. Thiên Mụ Sơn gồm có Lưu Môn sơn, Tế Tiêm, Đại Tiêm, Phất Vân Tiêm, Ba Tiêu sơn và Liên Hoa Phong quần tụ mà thành, thế núi hiễm trở, phong đỉnh chập chùng, cao nguyên rộng lớn, hoa cỏ rậm rạp xanh tươi, rừng núi bạt ngàn, muôn màu muôn vẻ. Lưu Nguyễn mãi mê hái thuốc, lạc sâu mãi trong rừng hoa thơm cỏ lạ, tới chừng nhìn lại thì trời đã về chiều, bụng lại đói meo. May sao bên triền núi có mấy cây đào mọc theo khe suối, nhằm lúc đào đang chín rộ, bèn hái lấy mấy trái mà ăn đỡ đói, nào ngờ đó là đào tiên, ăn vào ngon ngọt và thơm tho cả mồm miệng, khí lực lại sung mãn, bèn lần theo khe suối mà đi lên, đến một nơi khe nước rộng, trời đất như mở ra một thế giới mới, với hoa thơm cỏ lạ ven bờ, với oanh yến líu lo kêu hót, hai chàng lấy ly ra để múc nước suối uống, thì thấy bên bờ khe đã đứng sẵn 2 nàng con gái tuyệt đẹp, cười mà rằng : " Hai chàng Lưu Nguyễn sao lại đến muộn thế ? " Bèn thân mật như người quen đã lâu năm, rước 2 chàng cùng về động phủ. Trong động như có trời đất riêng, phòng ốc khang trang tráng lệ, đã thiết bị sẵn 2 phòng hoa chúc, ngọc chuốc vàng treo, mười phần hoa lệ. Tiệc hoa cũng đã bày sẵn , tiên nữ tới lui tấp nập, cùng mời 2 chàng nhập tiệc với đầy đủ sơn hào hải vị. Xóm đông có các tiên nương cùng mang đến một mâm đào tiên, cười chúc cho hai nàng đã đón được hai chàng rể quí Lưu Nguyễn vừa du nhập Thiên Thai. Tiệc hoa vui vầy, rượu tiên thơm lừng, chưa nhấp đã say, hòa trong tiếng sanh ca hoan lạc, đưa hai chàng cùng vào động phòng với hai tiên nữ trong tiếng tiên nhạc du dương ngây ngất !...
Nhưng chỉ quá mươi ngày sau, Lưu Nguyễn cùng nhớ quê xin về, hai nàng cố cầm giữ lại, được hơn nửa năm, mặc dù bên mình luôn có người đẹp... như tiên, nhưng khi nghe tiếng Tử qui gọi xuân thắm thiết, hai chàng càng nghe lòng nhớ quê mãnh liệt hơn lên và nhất định xin về. Hai nàng đành phải buộc lòng đặt tiệc tiễn hành và chỉ lối để hai chàng về quê với biết bao là tình thương quyến luyến, bịn rịn chẳng nở rời xa!...
Về đến làng quê, thấy mọi cảnh vật đều đổi khác, tìm không thấy nhà cửa của mình ở đâu nữa. Hỏi thăm trong họ tộc, thì có một cụ già cho biết rằng: Ông Tổ bảy đời của họ đi vào núi hái thuốc rồi lạc mất đường không thấy trở về. Lưu Nguyễn ở trên Thiên Thai nửa năm, nhưng ở dưới núi đã qua đến 7 đời con cháu. Hỏi ra, thì bấy giờ đã vào năm Thái Nguyên Thứ 8 của đời nhà TẤN rồi ( Công Nguyên năm 388 ) hơn 300 năm sau rồi! Hai người đành qua trở lại Thiên Thai, nhưng đã không còn tìm được đường lên Tiên động nữa!
Trong những bài thơ vịnh về LƯU NGUYỄN NHẬP THIÊN THAI, phải kể đến 5 bài trong ĐẠI DU TIÊN THI của TÀO ĐƯỜNG đời Đường là tiêu biểu và nổi tiếng nhất.
Xin được giới thiệu 5 bài thơ đó cùng tác giả TÀO ĐƯỜNG sau đây...
* SƠ LƯỢC VỀ TÀO ĐƯỜNG :
TÀO ĐƯỜNG 曹唐 tự là Nghiêu Tân, người đất Quế Châu (thuộc Quế Lâm Quảng Châu hiện nay). Không rõ năm sanh và mất. Lúc đầu xuất gia làm Đạo Sĩ, sau ứng thi Tiến Sĩ giữa năm Đại Trung, nhưng không đỗ. Khoảng năm Hàm Phong ( 860-874 ) tùng sự ở Chư Phủ. Tào sống cùng thời với La Ẩn 羅隱, tài thơ ngang nhau, Tào thường truy cứu hâm mộ tình tự cao nhã của các bậc thần tiên, nên sáng tác các thiên "Đại du tiên thi 大游仙詩 ", "Tiểu du tiên thi 小游仙詩" gồm 50 thiên, tả lại những nỗi bi hoan ly hợp của chư tiên nhân để phổ biến và truyền lại đời sau. Tào Đường lại rất thường gặp La Ẩn để trao đổi Ý kiến về những bài thơ mà mình mới sáng tác.
Bài 1: LƯU NGUYỄN NHẬP THIÊN THAI
劉晨阮肇遊天台 LƯU THẦN NGUYỄN TRIỆU DU THIÊN THAI
樹入天台石路新, Thụ nhập Thiên Thai thạch lộ tân,
雲和草靜迥無塵。 Vân hoà thảo tĩnh quýnh vô trần.
煙霞不省生前事, Yên hà bất tỉnh sinh tiền sự,
水木空疑夢後身。 Thuỷ mộc không nghi mộng hậu thân.
往往雞鳴岩下月, Vãng vãng kê minh nham hạ nguyệt,
時時犬吠洞中春。 Thời thời khuyển phệ động trung xuân.
不知此地歸何處, Bất tri thử địa quy hà xứ ?
須就桃源問主人。 Tu tựu Đào Nguyên vấn chủ nhân.
曹唐 TÀO ĐƯỜNG
* Chú thích :
- Thiên Thai 天台 : là tên một ngọn núi ở tỉnh Chiết Giang mà theo truyền thuyết có tiên ở trên đó; cũng từ nầy nếu đọc là THIÊN ĐÀI thì có nghĩa là Cái Sân Thượng trên nóc bằng của các nhà lầu.
- Quýnh 迥 : Xa xôi, vắng vẻ.
- Vô Trần 無塵 : Không có bụi trần ai, chỉ cảnh thoát tục.
- Yên Hà 煙霞 : Khói sương và mây mù ngũ sắc; chỉ cảnh đẹp của thiên nhiên huyền ảo.
- Tiền Sự 前事 : Chuyện của những kiếp trước.
- Thủy Mộc 水木 : Nước và cây; chỉ khe suối và rừng cây .
- Hậu Thân 後身 : Thân sau, là chuyện của kiếp sau.
* Dịch nghĩa:
LƯU THẦN NGUYỄN TRIỆU DU NGOẠN THIÊN THAI
Hàng cây dẫn nhập thiên thai với con đường đá mới, mây hòa quyện lấy cỏ trong thanh tĩnh không vướng chút bụi trần. Khói ráng mông lung như không rõ được truyện của kiếp trước, Suối nước và rừng cây cũng mờ ảo như còn ngờ ngợ thân ta như sau cơn mộng mị. Luôn luôn như nghe được tiếng gà gáy ở mõm đá dưới ánh trăng, và như lúc nào cũng có tiếng chó sủa trong động xuân. Không biết là nơi đây sẽ đưa đến nơi đâu, chỉ còn có nước là tìm chủ nhân của xứ Đào Nguyên nầy mà hỏi!?...
* Diễn nôm:
LƯU NGUYỄN NHẬP THIÊN THAI
Cây dẫn nhập Thiên Thai cao vút,
Cỏ mây vương chẳng chút bụi trần,
Yên hà không nhớ tiền thân,
Nước mây luống những bâng khuâng mộng hồn.
Tiếng gà gáy dập dồn trăng tỏa,
Văng vẳng xa chó sủa động xuân,
Đào nguyên ướm hỏi chủ nhân,
Rằng đây dẫn lối xa gần Thiên Thai?
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
Thiên Thai - Văn Cao - Tiếng Hát Thái Thanh
Bài 2 : LƯU NGUYỄN GẶP GỠ TIÊN TRONG ĐỘNG
劉阮洞中遇仙子 LƯU NGUYỄN ĐỘNG TRUNG NGỘ TIÊN TỬ
天和樹色靄蒼蒼, Thiên hòa thọ sắc ái thương thương,
霞重嵐深路渺茫。 Hà trọng lam thâm lộ diễu mang.
雲實滿山無鳥雀, Vân thực mãn sơn vô điểu tước,
水聲沿澗有笙簧。 Thủy thanh duyên giản hữu sanh hoàng.
碧沙洞裡乾坤别, Bích sa động lý càn khôn biệt,
紅樹枝前日月長。 Hồng thọ chi tiền nhật nguyệt trường.
愿得花間有人出, Nguyện đắc hoa gian hữu nhân xuất,
免令仙犬吠劉郎。 Miễn linh tiên khuyển phệ Lưu Lang.
曹唐 Tào Đường
* Chú thích :
- Ái Thương Thương 靄蒼蒼 : ÁI là Khói mây; THƯƠNG là màu xanh om; nên ÁI THƯƠNG THƯƠNG là Khói mây ngùn ngụt bốc lên màu xanh om vì cây cỏ xung quanh.
- Hà Trọng Lam Thâm 霞重嵐深 : HÀ là Ráng, là mây màu; LAM là Sơn lam Chướng khí của hơi núi bốc lên; nên HÀ TRỌNG LAM THÂM là Mây màu rất đậm và Sơn lam Chướng khí của núi rừng giăng bủa khắp nơi.
- Vân Thực 雲實 : là cây vuốt mèo, một loại cây dại cho hoa màu vàng rất đẹp.
- Duyên Giản 沿澗 : là Dọc theo bờ khe suối.
- Càn Khôn Biệt 乾坤别 : chỉ nơi như có trời đất riêng biệt.
- Nguyện Đắc 愿得 : Những mong, những mong rằng ...
- Miễn Linh 免令 : MIỄN là Khỏi phải, LINH là Làm cho; MIỄN LINH là Để khỏi phải cho...; Để khỏi phải làm cho... cái gì đó ...
* Nghĩa bài thơ :
LƯU NGUYỄN GẶP TIÊN NỮ TRONG ĐỘNG TIÊN
Bầu trời hòa quyện với cỏ cây tạo nên lớp khói mây nghi ngút xanh xanh, những ráng mây màu ngũ sắc thấp thoáng với sơn lam chướng khí làm đường núi như mờ mịt và xa xôi hơn. Những hoa cỏ dại nở đầy cả núi rừng nhưng lại vắng tiếng chim muông, những khe nước róc rách chảy quanh như có tiếng đàn tiếng nhạc. Trong động cát xanh biêng biếc như có trời đất riêng biệt; Trước những cành hoa lá đỏ thắm ngày tháng như dài thêm ra. Những mong trong khóm hoa bát ngát kia có bóng người xuất hiện, để cho những con chó trong động tiên khỏi phải sủa chàng Lưu.
Cảnh tiên với mây khói mông lung, với hoa thơm cỏ lạ, nhưng là cảnh đẹp trong vắng lặng não nùng không tiếng chim muông; chỉ có tiếng nước suối chảy theo các khe đá phát ra âm thanh như tiếng nhạc, nhưng lại đơn điệu dễ nhàm chán. Trời đất tuy riêng biệt, sống trong nhàn nhã nên cảm thấy ngày tháng như dài thêm ra. Cảnh tiên đẹp như một bức tranh đơn điệu không hồn. Nên mới ước ao có người trần lạc bước xuất hiện trong rừng hoa để cho con chó tiên có người để sủa, để tạo nên vẻ sinh động hoạt náo, thổi một luôn sinh khí vào trong cảnh tiên cho sống thực và nên thơ hơn.
* Diễn Nôm :
LƯU NGUYỄN GẶP GỠ TIÊN TRONG ĐỘNG
Sắc trời cây xanh xanh hòa quyện,
Khói mây vương ẩn hiện núi tiên.
Hoa thơm đầy núi vắng chim,
Suối khe róc rách nhạc tiên bồi hồi.
Trong động biếc đất trời riêng biệt,
Lá đỏ cành chẳng biết tháng năm.
Trong hoa ước thấy tri âm,
Chó tiên khỏi phải sủa nhầm chàng Lưu !
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
Cảnh tiên tuy đẹp nhưng lại dễ nhàm chán, chả trách chỉ mới mươi hôm mà hai chàng Lưu Nguyễn đã muốn trở lại cảnh thế tục nơi quê nhà... Nhưng vì có người đẹp như... tiên cầm cọng cho nên đến nửa năm sau mới tiễn biệt cho về ! Mời đọc tiếp bài 3...
Bài 3 : THIÊN THAI TỐNG BIỆT.
僊子送劉阮出洞 TIÊN TỬ TỐNG LƯU NGUYỄN XUẤT ĐỘNG
殷勤相送出天台, Ân cần tương tống xuất Thiên Thai,
僊境那能卻再來。 Tiên cảnh na năng khước tái lai.
雲液既歸須強飲, Vân dịch ký qui tu cưỡng ẩm,
玉書無事莫頻開。 Ngọc thơ vô sự mạc tần khai.
花留洞口應長在, Hoa lưu động khẩu ưng trường tại,
水到人間定不回。 Thủy đáo nhân gian định bất hồi.
惆悵溪頭從此別, Trù trướng khê đầu tòng thử biệt,
碧山明月照蒼苔。 Bích sơn minh nguyệt chiếu thương đài!
曹唐 TÀO ĐƯỜNG
* Chú thích :
- Tiên Tử 仙子 hay Tiên Nữ 仙女 đều là từ chỉ những nàng tiên; nếu là nam thì gọi là Tiên Nhân 仙人 hay Tiên Ông 仙翁.
- Tương Tống 相送 : là Đưa tiễn nhau.
- Na Năng 那能 : là Làm sao có thể...
- Vân Dịch 雲液 : Vân là Mây, Dịch là chất lỏng. VÂN DỊCH là một loại rượu tiên được ủ từ các loại trái cây thơm ngon và có màu sắc đẹp như mây trên trời; là rượu kocktail ngày nay của ta đó.
- Ngọc Thơ 玉書 : là Sách tu tiên theo Đạo Giáo.
- Trù Trướng 惆悵 : là Buồn bã bịn rịn; Do dự bồn chồn.
- Thương Đài 蒼苔 : là Rêu xanh.
Câu thứ 5 còn có dị bản là :
花當洞口應長在 Hoa đang động khẩu ưng trường tại,
Về mặt ý nghĩa thì cũng tương đương như nhau mà thôi : "Hoa LƯU lại trước của động vẫn còn mãi" và "Hoa ĐANG ở trước cửa động thì vẫn còn mãi nơi đó".
* Dịch nghĩa:
TIÊN NỮ ĐƯA LƯU NGUYỄN RỜI THIÊN THAI
Ân cần đưa tiễn nhau ra khỏi chốn Thiên Thai, Tiên cảnh biết làm sao còn có thể trở lại đây. Đã quyết định đi về nên phải miễn cưởng mà uống cạn chén rượu tiên đưa tiễn (Vân dịch: tên một loại rượu tiên ). Nếu không có chuyện gì thì không nên thường xuyên mở Ngọc thơ ra xem (Ngọc Thơ: Sách của Đạo gia tu Tiên). Hoa lưu lại trước cửa động sẽ còn mãi mãi nơi đây, nhưng nước đã chảy về với dân gian thì chắc chắn sẽ không còn quay trở lại được nữa. Bịn rịn mãi ở đầu khe suối nơi mà từ đây đành cách biệt, chỉ còn trơ lại vầng trăng bạc trên đỉnh núi biếc chiếu lên đám rêu xanh!
Bài thơ nầy làm cho ta nhớ đến bài thơ " Tống Biệt" của Tản Đà làm năm 1922 :
Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai,
Suối tiễn, oanh đưa, những ngậm ngùi!
Nửa năm tiên cảnh,
Một bước trần ai,
Ước cũ duyên thừa có thế thôi.
Đá mòn, rêu nhạt,
Nước chảy, huê trôi,
Cái hạc bay lên vút tận trời!
Trời đất từ đây xa cách mãi.
Cửa động,
Đầu non,
Đường lối cũ,
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi !...
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Võ Đức Thu phổ nhạc thành bài hát cùng tên Tống Biệt do các ca sĩ Mộc Lan trong ban nhạc Tiếng Tơ Đồng và nữ ca sĩ Thái Thanh trong Đoàn Hợp Ca THĂNG LONG trình diễn theo trang web. dưới đây :
* Diễn nôm :
THIÊN THAI ĐƯA TIỄN
Ân cần tiễn biệt rời tiên động,
Cảnh tiên thôi hi vọng trở về,
Chén đưa luống những não nề,
Ngọc thơ vô sự chẳng hề mở đâu !
Hoa trước động luôn sầu mong nhớ,
Nước xuôi dòng biết thuở nào về,
Chia tay lòng những tái tê,
Rêu xanh núi biếc trăng thề luyến lưu !
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
BÀI 4 : TIÊN TỬ ĐỘNG TRUNG HỮU HOÀI LƯU NGUYỄN.
仙子洞中有懷劉阮 TIÊN TỬ ĐỘNG TRUNG HỮU HOÀI LƯU NGUYỄN
不將清瑟理霓裳, Bất tương thanh sắt lý Nghê Thường,
塵夢那知鶴夢長! Trần mộng nả tri hạc mộng trường !
洞裡有天春寂寂, Động lý hữu thiên xuân tịch tịch,
人間無路月茫茫。 Nhân gian vô lộ nguyệt man man.
玉沙瑶草連溪碧, Ngọc sa dao thảo liên khê bích,
流水桃花满澗香。 Lưu thủy đào hoa mãn giản hương.
曉露風燈零落盡, Hiểu lộ phong đăng linh lạc tận,
此生無處訪劉郎。 Thử sinh vô xứ phỏng Lưu Lang !
曹唐 Tào Đường
* Chú thích :
- Thanh Sắt 清瑟 : là Tiếng đàn thanh thoát, trong sáng.
- Nghê Thường 霓裳 : NGHÊ là Cầu vồng, là Mây có nhiều màu sắc; THƯỜNG là Áo dài từ thân trên xuống thân dưới; nên NGHE THƯỜNG là quần áo có nhiều mầu sắc sặc sỡ. Theo như thơ trong Trường Hận Ca của Bạch Cư Dị tả điệu múa của các cung nữ trong cung do vua Đường Minh Hoàng khi nằm mơ du nguyệt điện về chế ra loại y phục và điệu múa NGHÊ THƯỜNG VŨ Y KHÚC 霓裳羽衣曲.
- Trần Mộng... Hạc Mộng 塵夢...鶴夢 : TRẦN MỘNG là giấc mộng trần thế của người trần thế; còn HẠC MỘNG là giấc mộng của Tiên Hạc , của những người tiên.
- Ngọc Sa Dao Thảo 玉沙瑶草 : Cát như ngọc, cỏ như đá qúy; ở đây chỉ "Cát đá và hoa cỏ đều xanh tươi đẹp đẽ như ngọc quỳnh ngọc dao.
- Hiểu Lộ Phong Đăng 曉露風燈 : HIỂU LỘ làSương buổi sáng; PHONG ĐĂNG là Đèn treo trước gió. Ở đây chỉ Cảnh vật đã nhạt nhòa như sương buổi sớm và tả tơi sắp tắt như ngọn đèn treo trước gió suốt đêm.
- Linh Lạc 零落 : là Te ta, tơi tả.
- Thử Sinh 此生 : là trong cuộc sống nầy, là Kiếp nầy.
* Nghĩa bài thơ :
TIÊN TỬ TRONG ĐỘNG NHỚ NHUNG LƯU NGUYỄN.
Cũng không thèm cất tiếng đàn trong trẻo và cũng không thèm ngó ngàng đến áo vũ nghê thường để ca múa nữa. Giấc mộng của người trần thế đâu có biết rằng giấc mộng của những người tiên còn vằng vặc hơn nhiều. Trong động tuy có trời đất riêng biệt nhưng mùa xuân thì lại vắng vẻ yên ắng vô cùng; Đường đến nhơn gian đã bặt tăm chỉ còn thấy có ánh trăng mờ ảo mông lung. Cát trắng cỏ xanh hoa thơm cỏ lạ mọc quanh đầy cả dòng khe nước biếc; Dòng nước cuốn trôi những cánh hoa đào làm cho con suối còn ngát hương thơm. Ngọn đèn tàn tả tơi trong gió sớm sương tan nhếch nhác. Kiếp nầy còn biết đi đâu để tìm cho gặp lại chàng Lưu đây !?...
Qủa là tâm sự nhớ nhung da diết thiết tha của những kẻ yêu nhau lại phải xa nhau; mặc dù là tiên nương nhưng cũng không sao tránh khỏi vấn vương quyến luyến nhớ nhung. Trước cảnh tiên... Hoa lá cỏ cây đều đẹp như...Tiên cảnh.Nhưng "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". Cho hay "sợi tơ tình vương vấn" không phân biệt người tiên kẻ tục, tất cả đều phải quy lụy và buồn vui chỉ vì một chữ TÌNH mà thôi !
* Diễn Nôm :
TIÊN TỬ ĐỘNG TRUNG HỮU HOÀI LƯU NGUYỄN
Nghê Thường bỏ xó đàn không gãy,
Mộng tục tiên có phải đều dài ?!
Động tiên xuân vắng ai hoài,
Nhân gian hết lối trăng soi mơ màng.
Cỏ xanh biếc suối vàng cát trắng,
Nước cuốn trôi hương thắm hoa đào,
Đèn tàn sương sớm lao xao,
Chàng Lưu ơi hỡi kiếp sau tương phùng !
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
BÀI 5 : TÁI ĐÁO THIÊN THAI
劉阮再到天台不復見仙子 LƯU NGUYỄN TÁI ĐÁO THIÊN THAI BẤT PHỤC KIẾN TIÊN TỬ
再到天台訪玉真, Tái đáo Thiên Thai phỏng Ngọc Chân,
青苔白石已成塵。 Thanh đài bạch thạch dĩ thành trần.
笙歌寂寞閑深洞, Sanh ca tịch mịch nhàn thâm động,
雲鶴蕭條絕舊鄰。 Vân hạc tiêu điều tuyệt cựu lân.
草樹總非前度色, Thảo thụ tổng phi tiền độ sắc,
煙霞不似往年春。 Yên hà bất tự vãng niên xuân.
桃花流水依然在, Đào hoa lưu thuỷ y nhiên tại,
不見當時勸酒人。 Bất kiến đương thời khuyến tửu nhân.
曹唐 Tào Đường
* Chú thích :
- Phỏng Ngọc Chân 訪玉真 : PHỎNG là Bái Phỏng 拜訪 là Thăm viếng; NGỌC CHÂN : là Công Chúa Ngọc Chân 玉真公主, tên là LÝ TRÌ DOANH 李持盈 ( 692-762 ), cháu nội của Võ Tắc Thiên đời Đường. Theo Đạo Giáo xuất gia làm đạo cô, lấy hiệu là HUYỀN HUYỀN 玄玄, đắc đạo thành tiên, nên thường dùng để chỉ chung cho các nàng tiên nữ.
- Sanh Ca Tịch Mịch 笙歌寂寞 : Tiếng sanh ca vắng vẻ yên ắng; chỉ cảnh hoang vu vắng vẻ của các động phủ ngày xưa.
- Vân Hạc Tiêu Điều 雲鶴蕭條 : Mây và chim hạc cũng lưa thưa xơ xác; chỉ cảnh mây và chim cũng xác xơ rời rạc không còn vui vẻ náo nhiệt như xưa.
- Đương Thời 當時 : là Ngay lúc đó.
* Dịch nghĩa:
TRỞ LẠI THIÊN THAI KHÔNG GẶP ĐƯỢC TIÊN NỮ
Trở lại Thiên Thai để tìm gặp lại các tiên nương . Chỉ thấy rêu xanh và đá trắng đều hóa thành tro bụi cả rồi. Trong động sâu đã vắng vẻ không còn tiếng sanh ca như ngày nào, hàng xóm cũng vắng tanh tiêu điều như mây hạc bay xa. Cỏ cây hoa lá không còn vẻ hương sắc của ngày xưa, yên hà mây khói cũng không còn nhuốm sắc tươi như mùa Xuân cũ. Hoa đào nước cuốn cũng vẫn còn đó như trước kia, chỉ có người chuốc rượu đưa tiễn năm xưa thì không còn tìm đâu thấy nữa!
* Diễn Nôm :
Trở Lại Thiên Tha
Quay trở lại Thiên Thai chốn cũ,
Đá rêu xanh đã phủ bụi trần,
Sanh ca vắng vẻ động xuân,
Tiêu điều mây hạc xóm gần làng xa.
Cỏ cây cũng nhạt nhòa hương sắc,
Yên hà như cũng nhắc xuân thừa,
Hoa đào nước cuốn như xưa,
Đâu người chuốc rượu tiễn đưa dạo nào !?
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
Thế ngoại Đào Nguyên rất đẹp, Thiên Thai cũng rất đẹp, Đời sống ở Thiên Thai cũng rất đẹp, Thiên Thai Tiên nữ thì khỏi phải nói, đẹp tuyệt trần ! Nhưng tất cả đều chỉ là ảo tưởng , là khát vọng của người đời sống trong xã hội đầy rẫy nhiễu nhương hắc ám, bất công , bạo lực, chiến tranh, chết chóc... Vẽ nên cuộc sống của Thiên Thai và Đào Nguyên đó chỉ là khát vọng của người đời mơ ước đến một cuộc sống tốt đẹp, một tình yêu hạnh phúc, một xã hội yên bình, một đất trời lý tưởng. Nhưng, lại nhưng, khi đã có được cuộc sống ao ước trong tay rồi thì con người cũng dễ đâm ra nhàm chán, như hai chàng Lưu Nguyễn luôn có người đẹp như...tiên bên cạnh mà vẫn cứ nằng nặc đòi về; Rồi khi về xong thì lại không tìm được đường để trở lại ! Thế mới biết, con người ta hay "Đứng Thiên Thai nầy trông... Đào Nguyên nọ" mà không bao giờ chịu "Chấp nhận hiện tại là Hạnh Phúc cả !"
Hẹn bài viết tới !
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
GIAI THOẠI THI VĂN HOÀNG HẠC LÂU
Bs Phan Thượng Hải biên soạn
Bố cục:
Hoàng Hạc Lâu và Thôi Hiệu
Lý Bạch và Thôi Hiệu
Nguyễn Du
Phan Huy Ích
Hoàng Hạc Lâu Hiện Đại
HOÀNG HẠC LÂU VÀ THÔI HIỆU
Hoàng Hạc Lâu
*Lịch sử
Hoàng Hạc Lâu là ngôi lầu được xây dựng ở trên ghềnh đá "Hoàng Hạc" của núi Xà Sơn thuộc huyện Vũ Xương tỉnh Hồ Bắc.
Có 3 truyền thuyết cho rằng có người thấy:
Tiên ông Vương Tử An (Wang Zi An) cởi hoàng hạc từ ghềnh đá nầy của núi Xà Sơn mà bay lên trời.
Tiên ông Phí Văn Vi (Fei Wen Yi) cởi hạc hạ cánh xuống nghỉ ở ghềnh đá nầy.
Tiên ông Lữ Đồng Tân (Lu Dong Bin) trong Bát Tiên từ trời giáng hạ xuống Xà Sơn.
Do đó ngôi lầu nầy có tên là Hoàng Hạc Lâu.
Theo như lịch sử thời Tam Quốc, sau khi thắng Quan Vũ (Quan Công) và chiếm đất Kinh Châu của nước Thục (gồm 2 tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam bây giờ) vào năm 219; triều đình nước Ngô dưới thời Tôn Quyền cho xây 1 tòa thành (Citadel) ở Vũ Xương để phòng thủ đường sông Trường Giang thì Hoàng Hạc Lâu đầu tiên được xây cất cùng một lúc ở đây (năm 223).
Hoàng Hạc Lâu ngày xưa là nơi gặp mặt tao đàn của các văn nhân mặc khách đương thời. Trong thời Đường (618-907), các thi nhân đến Hoàng Hạc Lâu để vừa thưởng ngoạn phong cảnh non nước mây ngàn hữu tình, vừa uống rượu làm thơ.
Đến nay đã gần 1800 năm Hoàng Hạc Lâu đã có 12 lần bị thiêu hủy (vì chiến tranh), 12 lần xây cất lại. Năm 1957 khi cây cầu đầu tiên vượt sông Trường Giang được xây cất, vị trí cũ của Hoàng Hạc Lâu bị trưng dụng và các kiến trúc Hoàng Hạc Lâu được dời cách vị trí cũ 1 km.
Tháng 10 năm 1981, Hoàng Hạc Lâu được tái thiết và tháng 6 năm 1985 được khánh thành. Đó là một công trình được xây lại bằng vật liệu hiện đại và có một cầu thang máy. Hoàng Hạc Lâu hiện đại nằm trong Hoàng Hạc Công Viên là nơi thu hút du khách trong và ngoài nước Trung Quốc.
* Địa lý
Hoàng Hạc Lâu nằm ở Vũ Xương ngay chỗ sông Hán Thủy chảy vào sông Trường Giang làm thành như hình chữ "nhân" (của Hán tự). Hai con sông nầy chia Thành phố Vũ Hán (Wuhan) ra làm 3 vùng:
Vũ Xương (Wuchang) ở hữu ngạn sông Trường Giang
Hán Khẩu (Hankou) và Hán Dương (Hanyang) ở tả ngạn sông Trường Giang (2 bên bờ sông Hán Thủy).
Mặt tiền của Hoàng Hạc Lâu (ở Vũ Xương) nhìn qua Hán Dương bên kia bờ sông Trường Giang. Bãi Anh Vũ ở bờ sông Trường Giang, thuộc Hán Dương (Hanyang).
Bài Thơ của Thôi Hiệu
Hoàng Hạc Lâu nổi tiếng với một bài thơ của Thôi Hiệu (710-754), làm vào thế kỷ thứ 8. Có sách cũ viết là "Thôi Hạo". Bài thơ nầy gắn liền với Hoàng Hạc Lâu từ đó cho đến bây giờ, nó được coi là bài thơ tiêu biểu độc nhất tả Hoàng Hạc Lâu. Sau đó trong 1300 năm, có rất nhiều bài thơ khác vịnh Hoàng Hạc Lâu nhưng ít được quần chúng để ý tới.
HOÀNG HẠC LÂU
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tái không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
(Thôi Hiệu)
Thật ra bài thơ được hàng chục người dịch ra Việt ngữ. Bản dịch thường được biết đến là bản dịch của Tản Đà:
(Dịch)
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
Hạc vàng đi mất từ xưa
Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai
(Tản Đà dịch)
LÝ BẠCH VÀ THÔI HIỆU
Lý Bạch
Lý Bạch (701-762) bị tội phải đi đày xuống ở miền nam Trung Quốc (năm 758). Trên đường đi, tới Vu Sơn, Tứ Xuyên thì được triều đình tha tội (năm 759). Ông ghé qua ở vùng Hán Dương của Hoàng Hạc Lâu (năm 759-760). Tương truyền Lý Bạch khi thăm Hoàng Hạc Lâu đọc bài thơ của Thôi Hiệu (chết năm 754) thì có đọc lên hai câu thơ:
Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu.
(Lý Bạch)
Dịch nghĩa:
Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc = Trước mắt có cảnh (mà) đạo lý không thích hợp hay Trước mắt có cảnh (mà) nói không được (nên lời).
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu = Thôi Hiệu (đã) đề thơ ở trên đầu (của ta).
Đọc 2 câu thơ nầy ta khó lòng biết được ý của Lý Bạch là khen hay chê bài thơ của Thôi Hiệu, chỉ biết là ông không muốn làm thơ bởi vì:
vì "trước mắt có cảnh mà không nên lời vì đạo lý không thích hợp".
vì bài thơ của Thôi Hiệu đã "tại ngay trên đầu (của ông)"
Thật ra Lý Bạch có tới chơi nhiều lần ở Hoàng Hạc Lâu qua bài thơ ông làm:
ĐỀ BẮC TẠ BI
Nhất vi thiên khách khứ Trường Sa
Tây vọng Trường An bất kiến gia
Hoàng Hạc Lâu trung xuy ngọc địch
Giang thành ngũ nguyệt lạc mai hoa.
(Lý Bạch)
Chú thích:
Bắc Tạ bi: bia đá Bắc Tạ ở Hoàng Hạc lâu
Trường Sa: thủ phủ của tỉnh Hồ Nam
Trường An: kinh đô nhà Đường (lúc bấy giờ), nay thuộc tỉnh Thiểm Tây
ĐỀ BIA BẮC TẠ (Dịch)
Đi đày mình đến đất Trường Sa
Trông lại Trường An chẳng thấy nhà
Tháng năm thổi sáo lầu Hoàng Hạc
Thành sông vang khúc Lạc Mai Hoa.
(Trần Trọng San dịch)
Bài Thơ của Thôi Hiệu
Hậu thế bàn rằng vì bài thơ của Thôi Hiệu toàn hảo nên Lý Bạch chịu thua, nghĩ rằng mình làm thơ không hay hơn được cho nên nói lên 2 câu nầy.
Tuy nhiên, nếu ta đọc kỹ lời của Lý Bạch và bài thơ của Thôi Hiệu thì ta có thể nghĩ rằng Lý Bạch chê bài thơ của Thôi Hiệu vì nó không toàn hảo, nó có khuyết điểm về nội dung và hình thức.
HOÀNG HẠC LÂU
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tái không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
(Thôi Hiệu)
* Nội Dung bài thơ
(Dịch nghĩa)
HOÀNG HẠC LÂU (= LẦU HOÀNG HẠC)
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
= Người xưa đã cỡi hoàng hạc (=hạc vàng) đi (rồi)
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
= Đất ấy không chở (đi) Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
= Hoàng hạc (=hạc vàng) một đi không trở lại lần nữa
Bạch vân thiên tái không du du
= Ngàn mây trắng lửng lơ đầy bầu trời
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
= Sông quang tạnh (thấy) rất rõ ràng cây (của vùng đất) Hán Dương
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
= Cỏ thơm buồn bã tịch mịch bãi (đất bồi) Anh Vũ
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
= Trời tối quê nhà là nơi đâu?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
= Khói sóng trên sông khiến người (thấy) buồn (=sầu).
(Dịch Thơ)
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
Hạc vàng đi mất từ xưa
Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai
(Tản Đà)
Nội Dung của bài thơ có 3 Đoạn:
Đoạn 1 kể chuyện người xưa cởi hạc đi không trở lại chỉ còn ngôi lầu Hoàng Hạc:
Người xưa đã cỡi hoàng hạc (=hạc vàng) đi (rồi)
Đất ấy không chở (đi) Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc (=hạc vàng) một đi không trở lại lần nữa
Đoạn 2 tả cảnh chung quanh trên dưới lầu Hoàng Hạc:
Ngàn mây trắng lửng lơ đầy bầu trời
Sông quang tạnh (thấy) rất rõ ràng cây (của vùng đất) Hán Dương
Cỏ thơm buồn bã tịch mịch bãi (đất bồi) Anh Vũ
Đoạn 3 tức cảnh sinh tình, nhìn sông (Trường Giang) vào buổi chiều mà buồn nhớ quê nhà:
Trời tối quê nhà là nơi đâu?
Khói sóng trên sông khiến người (thấy) buồn (=sầu).
Bài thơ không tả "Hoàng Hạc lâu" ra sao, dĩ nhiên là không nói lầu đẹp (hay không đẹp).
Bố cục không theo đúng thể thức "Đề, Thực Luận, Kết" của Thơ Đường cổ điển.
* Hình Thức của bài thơ
Trên lý thuyết bài thơ được sắp theo thể thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú.
Nếu như vậy thì bài thơ thất luật, dựa theo cách làm thơ Đường Luật trong những quyển sách của Dương Quảng Hàm, Diên Hương và Quách Tấn.
- Thất Luật 1:
Trước hết là "trật âm luật"
Những chữ in đậm là những chữ trật âm luật:
HOÀNG HẠC LÂU
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tái không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
(Thôi Hiệu)
- Thất Luật 2:
Câu 3 và câu 4 phải "đối" nhau nhưng chúng đối không chỉnh trong bài thơ:
HOÀNG HẠC LÂU
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tái không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
(Thôi Hiệu)
- Thất Luật 3:
Nói về vần thì nếu Câu 1 không có vần, nó phải đối với Câu 2. Câu 1 của bài thơ không có vần mà lại đối không chỉnh với câu 2:
HOÀNG HẠC LÂU
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tái không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
(Thôi Hiệu)
- Thất Luật 4:
Cuối cùng, bài thơ có điệp ngữ một cách không thứ tự hay không cân đối.
Chữ "hoàng hạc" có thể được dùng lại ở câu 1 và 2 nhưng không được dùng ở câu 3 vì như vậy thì không khéo.
Chữ "khứ" ở câu 1 dùng lại một cách vụng về ở câu 3.
HOÀNG HẠC LÂU
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tái không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
(Thôi Hiệu)
Bài thơ nầy thất luật rất nhiều nhưng mọi người đều cho là tuyệt tác nên Thi sĩ Quách Tấn trong sách "Thi Pháp Thơ Đường" của mình đành dùng từ ngữ "phá luật" cho bài nầy chứ không dám dùng từ ngữ "thất luật"!
* Hình Thức khác của bài thơ
Theo Trần Trọng San thì có một bản khác của bài thơ chỉ khác 2 chữ ở câu 1: Chữ "bạch vân" thay thế chữ "hoàng hạc" ở câu 1:
HOÀNG HẠC LÂU
Tích nhân dĩ thừa bạch vân khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tái không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
(Thôi Hiệu)
Nếu theo hình thức của bản nầy, Bài thơ không thất luật 3 và 4.
- Câu 1 và 2 đối chỉnh
- Điệp ngữ "bạch vân" và "hoàng hạc" đều là điệp ngữ khéo léo vì có thứ tự và cân đối.
Câu 1 lại không trật âm luật.
Tiếc thay bản nầy không được ai kể đến cho tới bây giờ! Nếu dùng nó và sửa chữ "khứ" (thành chữ khác có âm Bằng) và sửa chữ kép "du du" (thành 2 chữ đơn khác nhau) thì bài thơ có hình thức toàn hảo.
HOÀNG HẠC LÂU
Tích nhân dĩ thừa bạch vân khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tái không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
(Thôi Hiệu)
Trong tất cả các bài thơ Hán tự của nước Tàu hay nước Việt với nội dung khác biệt, không có bài thơ nào thất luật như bài thơ của Thôi Hiệu. Nhưng lạ thay, bài thơ của Thôi Hiệu lại được hậu thế tôn sùng như là tiêu biểu và tuyệt tác của thơ vịnh Hoàng Hạc Lâu?
NGUYỄN DU
Sứ thần nước Việt
Sứ thần nước Việt vào thế kỷ 18 và thế kỷ 19 thường viếng Hoàng Hạc Lâu khi đi sứ sang Trung Quốc và để lại nhiều bài thơ bằng Hán tự.
Đây là danh sách các Sứ thần có thơ vịnh Hoàng Hạc Lâu.
- Thời nhà Hậu Lê:
Năm 1715: Lê Anh Tuấn (Chánh sứ). Ông là cha nuôi bà Đoàn Thị Điểm
Năm 1761: Lê Quý Đôn (Phó sứ), Chánh sứ là Trần Huy Bật
- Thời nhà Tây Sơn:
Năm 1790: Phan Huy Ích (Chánh sứ) và Đoàn Nguyễn Tuấn (Phó sứ). Phan Huy Ích làm 3 bài thơ, Đoàn Nguyễn Tuấn làm 4 bài thơ (nhưng nay chỉ còn lưu lại 1 bài).
Năm 1790 và 1792: Ngô Thì Nhậm (Chánh sứ)
- Thời nhà Nguyễn:
Năm 1802: Trịnh Hoài Đức (Chánh sứ)
Năm 1803: Lê Quang Định (Chánh sứ)
Năm 1807: Ngô Thì Vị (Phó sứ), sau nầy làm Chánh Sứ (năm 1821). Ông là em Ngô Thì Nhậm.
Năm 1813: Nguyễn Du (Chánh sứ)
Năm 1834: Phan Thanh Giản (Chánh sứ)
Riêng Phan Huy Ích có viết bài văn xuôi tả lầu Hoàng Hạc với những câu:
"Truyền thuyết Phí Văn Phi đắc đạo thành Tiên, thường cởi hạc vàng chơi ở đó".
"Nay tầng thứ nhất thờ Phí Văn Phi. Tầng thứ nhì thờ Lã Đồng Tân cạnh là tượng thờ Lư Sinh".
"Cách bờ là bến lớn sông Hán người đông đúc hàng hóa chất đầy".
"Núi Quì sơn, gác Tình Xuyên và bãi Anh Vũ thật là những cảnh đẹp trong trời đất".
Nguyễn Du
Năm 1813, Nguyễn Du đi sứ sang Tàu cũng có ghé Hoàng Hạc Lâu. Sau khi đọc những bài thơ đã có của những sứ thần nước Việt đến trước ông, Nguyễn Du chỉ khen bài thơ của Lê Quang Định (1803).
Nguyễn Du bình bài thơ này:
Thôi Hiệu thi thành, hậu nhân đáo thử cánh đạo bất đắc.
崔灝詩成,後人到此竟道不得.
Thử cú tòng Trần Trung cấu xuất tân tứ, khả dĩ vịnh Hoàng Hạc hĩ.
此句從陳中構出新思,可以詠黃鶴矣
Dịch nghĩa:
Thôi Hiệu thi thành, hậu nhân đáo thử cánh đạo bất đắc = Thôi Hiệu làm thơ xong, người sau tới không viết được nữa. (Ý chỉ Lý Bạch).
Thử cú tòng Trần Trung cấu xuất tân tứ, khả dĩ vịnh Hoàng Hạc hĩ = Những câu (thơ) này theo Trần Trung, tạo ra tứ mới lạ, xứng đáng thơ vịnh lầu Hoàng Hạc vậy. (*)
(*) Chú thích:
Trần Trung tức Trần Phu 陳孚, tự Cương Trung 剛中, có bài Ngạc chử vãn diểu 鄂渚晚眺 viết khi lên lầu Hoàng Hạc.
Thử cú = (những) câu (thơ) nầy là bài thơ của Lê Quang Định.
Đây là bài thơ mà Lê Quang Định làm khi ông đi sứ sang Tàu để xin đổi quốc hiệu là Việt Nam (1803).
ĐĂNG HOÀNG HẠC LÂU
Hoàng Hạc lâu đầu tượng ngoại khoan
Hán Dương thành quách nhiễu tình lan
Lữ tiên túy hậu trùng lai diểu (*)
Thôi Hiệu thi thành tái họa nan
Trần mộng vị tinh thanh thảo bạn
Hương tâm mỗi ký bạch vân đoan
Hàn phi tích cổ viêm tưu viễn (*)
Nhân cảnh tao phùng hữu thử quan.
(Lê Quang Định)
(*) Chú thích:
Lữ tiên là tiên ông Lữ Đồng Tân, 1 trong Bát Tiên của Đạo Giáo.
Viêm tưu = xứ nóng, ám chỉ xứ ở miền nhiệt đới như Việt Nam.
LÀM KHI LÊN LẦU HOÀNG HẠC (Dịch)
Trước lầu cảnh tượng rộng thay
Hán Dương thành quách nước mây bốn bề
Say xong tiên Lữ không về
Hoạ thơ Thôi Hiệu phẩm đề, khó sao!
Mộng chưa tỉnh, cỏ xanh màu
Gửi theo mây trắng nỗi sầu quê hương
Chốn cổ tích xa viêm bang
Người may gặp dịp xem quang cảnh này.
(Hoài Anh dịch)
Cũng như tất cả những bài thơ làm sau bài thơ của Thôi Hiệu, bài thơ của Lê Quang Định không có khuyết điểm về hình thức như bài thơ của Thôi Hiệu. Nội dung của bài thơ cũng bao gồm ý tứ giống như của Thôi Hiệu nhưng nó có 2 điều mới:
Nhắc đến tiên ông Lữ Đồng Tân trong huyền thoại Hoàng Hạc Lâu.
Nhấn mạnh là thơ của một người viễn xứ đến từ miền nhiệt đới.
Khác với Lý Bạch, sau khi khen bài thơ của Lê Quang Định, Nguyễn Du cũng có làm bài thơ vịnh Hoàng Hạc Lâu.
ĐĂNG HOÀNG HẠC LÂU
Hà xứ thần tiên kinh kỷ thì
Do lưu tiên tích thử giang mi
Kim lai cổ vãng Lư Sinh mộng
Hạc khứ lâu không Thôi Hiệu thi
Hạm ngoại yên ba chung diểu diểu
Nhãn trung thảo thụ thượng y y
Trung tình vô hạn bằng thùy tố
Minh nguyệt thanh phong dã bất tri.
(Nguyễn Du) 1766-1820
Chú thích:
Lư Sinh đời Đường đến 1 quán trọ, nằm đợi chủ quán nấu nồi kê (hoàng-lương), ngủ quên, nằm mộng thấy lấy vợ, đẻ con, sinh cháu, giầu sang, vinh hoa, phút tỉnh dậy thấy mất cả (Hoàng Lương Mộng / Giấc Mộng Kê Vàng của Lư Sinh). (theo TĐ Đào Duy Anh).
Lư Sinh có tượng thờ trong Hoàng Hạc lâu.
LÊN HOÀNG HẠC LÂU (Dịch)
Xa khuất thần tiên trải bấy lâu
Bến sông dấu cũ vẫn bên lầu
Xưa đi nay lại Lư còn mộng
Hạc vắng lầu hoang Hiệu mấy câu
Ngoài gác nước mây vời vợi thẳm
Trong tầm cây cỏ vẫn xanh mầu
Ý tình chan chứa cùng ai ngỏ?
Trăng gió vô tình có biết đâu?!
(Hoàng Hoa Nguyễn Hoài Trung dịch)
LÊN HOÀNG HẠC LÂU (Dịch)
Thần tiên đã đến tự bao giờ?
Còn lại dấu tiên trên bến mơ.
Giấc mộng Lư Sinh kim cổ vọng,
Vần thơ Thôi Hiệu hạc lầu trơ.
Ngoài hiên khói sóng bay mờ mịt,
Trước mắt cỏ cây vẫn thuở xưa.
Nỗi niềm có biết cùng ai tỏ.
Trăng thanh gió mát cũng thờ ơ!
(Nhất Uyên dịch)
Nguyễn Du cũng làm đúng theo ý tứ của Thôi Hiệu nhưng ông cũng nhấn mạnh tới Tiên trong huyền thoại Hoàng Hạc Lâu như Lê Quang Định. Nguyễn Du còn mượn Lư Sinh với Hoàng Lương Mộng để nói thêm ý niệm thời gian trong nội dung. (Lư Sinh cũng được thờ trong Hoàng Hạc Lâu). Đó là những "tân tứ" trong bài thơ của Nguyễn Du.
Nguyễn Du, cũng như Lê Quang Định, tả những chi tiết của một không gian tại Hoàng Hạc Lâu không khác Thôi Hiệu nhưng ông còn cố tình dùng chữ đôi "diểu diểu" và "y y" trong bài thơ để sánh với bài thơ của Thôi Hiệu đã có 2 chữ đôi là "lịch lịch" và "thê thê".
Nguyễn Du đã tự chứng tỏ thi tài của mình, trội hơn các thi nhân trước đã làm thơ vịnh khi đến Hoàng Hạc Lâu, nhất là thi nhân nước Việt. Ông cũng chứng tỏ phong cách của mình trội hơn của Lý Bạch tại Hoàng Hạc Lâu.
Vũ Hoàng Chương
Bài thơ chữ Hán Nôm của Nguyễn Du cũng ảnh hưởng đến một thi sĩ làm thơ chữ Quốc ngữ hơn 100 năm sau là Vũ Hoàng Chương.
Mặc dù không hề đến Hoàng Hạc Lâu, nhưng Vũ Hoàng Chương cũng có làm thơ vịnh Hoàng Hạc Lâu theo ý tứ của Thôi Hiệu và Nguyễn Du:
HOÀNG HẠC LÂU
Đã bao giờ có hạc vàng đâu
Mà có người tiên để có lầu!
Tưởng hạc vàng đi mây trắng ở
Lầm Thôi Hiệu trước, Nguyễn Du sau
Hạc chưa thoát khỏi mê hồn kịch
Tiên vẫn nằm trong vạn cổ sầu
Trăng gió hão huyền như khói sóng
Nồi kê đã chín nghĩ mà đau.
(Vũ Hoàng Chương)
Bài thơ đầy tình tứ của Vũ Hoàng Chương được nhiều người ưa chuộng mặc dù Đối không được chỉnh lắm.
Vũ Hoàng Chương cũng dịch bài thơ của Thôi Hiệu.
HOÀNG HẠC LÂU (Dịch)
Xưa hạc vàng bay vút bóng người
Đây lầu Hoàng Hạc chút thơm rơi
Vàng tung cánh hạc đi đi mất
Trắng một màu mây vạn vạn đời
Cây bến Hán Dương còn nắng chiếu
Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi
Gần xa chiều xuống đâu quê quán
Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi
(Vũ Hoàng Chương dịch)
Tuy nhiên bài dịch của ông dù cũng mang nhiều tình tứ nhưng không được sát nghĩa như một vài bài dịch khác:
HOÀNG HẠC LÂU
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tái không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
(Thôi Hiệu)
HOÀNG HẠC LÂU (Dịch)
Người xưa cưỡi hạc bay đi mất,
Riêng lầu Hoàng Hạc vẫn còn đây.
Hạc đã một đi không trở lại,
Man mác muôn đời mây trắng bay.
Hán Dương sông tạnh, cây in thắm,
Anh Vũ bờ thơm, cỏ biếc dày.
Chiều tối, quê nhà đâu chẳng thấy
Trên sông khói sóng gợi buồn ai.
(Trần Trọng San dịch)
HOÀNG HẠC LÂU (Dịch)
Người theo cánh hạc vút về đâu
Còn lại quanh đây quạnh mái lầu
Một chuyến hạc vàng biền biệt dạng
Ngàn năm mây trắng quẩn quanh đầu
Hán Dương sông lặng cây nghiêng bóng
Anh Vũ bờ thơm cỏ biếc mầu
Nắng ngã chiều rồi quê chẳng thấy
Trên dòng, khói sóng chợt dâng sầu.
(Thiên Tâm Đặng Phương Trạch dịch)
2/9/2004
PHAN HUY ÍCH
Thi nhân làm thơ khi viếng Hoàng Hạc Lâu thường không có mang tâm trạng nào khác. Riêng có sứ thần Phan Huy Ích của nhà Nguyễn Tây Sơn đến Hoàng Hạc Lâu với sứ mạng chính trị nặng nề và quan trọng.
Với quân nghiệp lẫy lừng, vua Quan Trung Nguyễn Huệ đánh đuổi Tôn Sĩ Nghị và quân Thanh xâm lược (đầu năm 1788). Vua Càn Long nhà Thanh nghị hòa và mời vua Quang Trung thăm Yên Kinh (Bắc Kinh bây giờ). Theo chính sử, vua Quang Trung chọn cháu kêu bằng cậu rất giống mình tên là Phạm Công Trị trá làm quốc vương rồi sai ông Ngô Văn Sở và ông Phan Huy Ích đưa sang Trung Quốc. Trong lễ triều cống có đem theo 2 con voi đực (!?). Tại hành cung ở Nhiệt Hà, vua Càn Long và vua Quang Trung (giả) làm lễ ôm gối như là tình cha con, hội với các thân vương và trao đổi 2 bài thơ Xướng Họa.
Sứ mạng ngoại giao trong chuyến đi nầy của Phan Huy Ích rất khó khăn. Vua Quang Trung phải sang gặp vua Càn Long nhưng rất nguy hiểm cho vua Quang Trung ở đất địch. Do đó theo kế của Binh Bộ Thượng thư là Ngô Thì Nhậm (?), triều đình dùng một người giả là vua Quang Trung sang Trung Quốc. Việc bí mật nầy chỉ có những triều thần thân tín biết mà thôi và người dẫn đầu sứ bộ vào đất địch và thi hành sứ mạng nầy chính là Chánh sứ, Ngự sử Phan Huy Ích, người em rể của Ngô Thì Nhậm.
Ngô Thì Nhậm đưa tiễn ở Nam Quan và làm bài thơ đề tặng 3 sứ thần: Ngự sử Phan Huy Ích, Công bộ Thượng thư Vũ Huy Tấn và Hiệp trấn Ngô Vi Quý. Trong bài thơ có câu:
Trinh cố thần tâm lợi khắc gian
(Giữ vững chính đạo trong tâm của kẻ bề tôi, vì cái lợi hơn cái gian)
QUÁ QUAN LƯU TẶNG PHAN NGỰ SỬ, VŨ CÔNG BỘ, NGÔ HIỆP TRẤN
(Qua cửa ải lưu thơ tặng Phan Ngự sử, Vũ Công bộ và Ngô Hiệp trấn)
Tinh kỳ lạp lạp xuất Dương Quan (*) Quạt cờ phơi phới khỏi Dương Quan
Tương thủ vân trình bát lý san Ngước mắt đường mây, tám dặm ngàn
Trung thổ đề phong tòng lĩnh kiệu Biên ải trung nguyên theo dãy núi
Tiên hoàng uy đức tại khu hoàn (*) Tiên hoàng uy đức khắp nơi vang
Đãng bình vương đạo tuân vô trắc Phẳng lì vương đạo không ngăn trở
Trinh cố thần tâm lợi khắc gian Bền bỉ bề tôi vượt khổ gian
Bất dụng lâm kỳ châm biệt tửu Chẳng chuốc sầu đau ly rượu biệt
Chư quân tằng thử cận diêu hoàn. Nơi đây xe sứ sẽ về ngang.
(Phan Huy Ích) (Lương Trọng Nhàn dịch)
(*) Chú thích:
Dương Quan = cửa ải phía Tây của Trung Quốc. Khi xưa Vương Duy tiễn bạn là Nguyễn Nhị sang sứ An Tây có câu thơ: "Tây xuất Dương Quan vô cố nhân" (Ra khỏi Dương Quan đi về phía Tây sẽ không còn bạn cũ nữa). Câu nầy thường dùng để tiễn người đi sứ ở cửa ải.
Tiên hoàng: ám chỉ vua Quang Trung.
Ngôn từ "gian" có 2 nghĩa diễn tả ngụ ý của chuyến đi sứ nầy:
= dối trá, phạm tội, riêng
= khó khăn, lo lắng
Khi đi được nửa đường lên Yên kinh đến quán dịch ở Võ Xương (nay thuộc Vũ Hán, Hồ Bắc), nhìn về Hoàng Hạc lâu, Phan Huy Ích có làm bài thơ gởi cho Ngô Thì Nhậm đang nôn nóng ở Bắc Hà với 2 câu:
Hồi ức chi hương đồng chí khí
Phân giao tảo bút diệc cư hành
VÕ XƯƠNG DỊCH THỨ PHỤ QUỐC THƯ KÝ NGÔ BINH BỘ (Nguyên bản)
(Trạm Võ Xương kèm quốc thư gởi Ngô Binh Bộ)
Vạn lý trì khu thủy bán trình Muôn dặm ruổi dong được nửa đường
Phân phân hoa phát đới sầu sinh Bạc phơ mái tóc nhuốm sầu thương
Tình Xuyên các ngoại cô phàm ảnh Tình Xuyên ngoại cảnh buồn đơn chiếc
Hoàng Hạc lầu tiền đoản địch thanh Hoàng Hạc trong lầu sáo đã ngưng
Hồi ức chi hương đồng chí khí Nhớ lại rượu thơm, đồng chí khí
Phân giao tảo bút diệc cư hành Phân chia bút viết, thãy lo lường
Giang thành nhất phiến đoàn viên nguyệt Sông nầy chung một vầng trăng sáng
Tưởng diệc Đông kiều nguyệt dạ minh. Soi tới cầu Đông sáng lạ thường.
(Phan Huy Ích) (Phan Thượng Hải dịch)
Chú thích:
Đông Kiều (Cầu Đông) bắt ngang sông Tô Lịch ở phía đông Thăng Long.
Sau khi đi đến Yên kinh rồi qua Nhiệt Hà yết kiến vua Càn Long, sứ bộ trên đường trở về Nam lại ghé thăm Hoàng Hạc lâu. Phan Huy Ích vội vã làm bài thơ gởi về cho Ngô Thì Nhậm. Trong bài thơ có 2 câu tả sự việc đã xong như cất đi gánh nặng:
Thoan sự thư hồi bưu kỵ mẫn
Chu tư lộ viễn khách chu hành
TẠC LAI HOÀNG HẠC LÂU (Tự họa)
(Trở lại Hoàng Hạc lâu ngày hôm qua)
Phương thảo tình xuyên cựu khứ trình Sông tạnh cỏ thơm lại tới đây
Qui biền hỉ tự vũ hàn sinh Trong xe mưa lạnh thấy vui đầy
Thu quang tỉnh chiếu lâu tam điệp Rạng lầu ba gác, mùa thu đó
Hương tứ mang tùy nhạn nhất thanh Mang nỗi nhớ quê, tiếng nhạn nầy
Thoan sự thư hồi bưu kỵ mẫn Xong việc gởi về thư chóng tới
Chu tư lộ viễn khách chu hành Hết lo xa cách khách về ngay
Nam quan bả ác tưong kỳ cứu Nam quan chắc chắn như thời hạn
Thời phán sơn đài nguyệt sắc minh. Trăng sáng đầu non định chẳng sai.
(Phan Huy Ích) (Phan Thượng Hải dịch)
Bây giờ, Phan Huy Ích mới có thời giờ viếng Hoàng Hạc lâu và có làm bài thơ:
DU HOÀNG HẠC LÂU ĐI CHƠI HOÀNG HẠC LÂU
Khê ki duy lãm phỏng tiên du Ghềnh đá buộc neo thăm cảnh tiên
Bách xích phi manh nhiếp thượng đầu. Mái cao trăm thước đỉnh lầu trên
Hoàng Hạc bạch vân nga tuyệt diệu Hạc vàng mây trắng lời ngâm tuyệt
Bích ba hồng thụ điếu thanh thu Sóng biếc cây bồng thu gió lên
Thị thành hoa lệ đồ phi tiếu Thành thị vẽ tranh lầu chẳng giống
Yên thủy thương man khách diệc sầu Khói sông man mác khách sầu thêm
Chân cảnh mãn tiền ngâm vị cánh Cảnh đầy trước mặt ngâm chưa đã
Tá đề liêu kí thử đăng lâu. Mượn thơ ghi lại thú lầu tiên.
(Phan Huy Ích) (Nhất Uyên dịch)
Phan Huy Ích là thi nhân có 3 bài thơ tại Hoàng Hạc Lâu:
2 bài xướng và tự họa.
2 bài tả Hoàng Hạc Lâu: nhìn từ bên ngoài và đến tận nơi thăm viếng.
HOÀNG HẠC LÂU VÀ DU KHÁCH HIỆN ĐẠI
Tháng 10 năm 1981, Hoàng Hạc Lâu được tái thiết và tháng 6 năm 1985 khánh thành. Đó là một công trình được xây lại bằng vật liệu hiện đại và có một cầu thang máy. Hoàng Hạc Lâu hiện đại nằm trong Hoàng Hạc Công Viên là nơi thu hút du khách trong và ngoài nước Trung Quốc. Vũ Hán thành một thành phố lớn, mệnh danh là Chicago của Trung Quốc.
Du khách viếng thăm Hoàng Hạc Lâu vào thế kỷ 21 có bài thơ:
THĂM HOÀNG HẠC LÂU HIỆN ĐẠI
Hoàng hạc nghe danh, có gặp đâu
Thế mà tái dựng lắm ngôi lầu
Thi nhân thử vận đề hoa tự
Du khách khai quan thượng mỹ lâu
Anh Vũ nơi nao, toàn phố xá
Hán Dương chốn đó, cách cây cầu
Khó lòng giả bộ theo Thôi Hiệu
Tức cảnh thành thơ, dạ chẳng sầu.
(Phan Thượng Hải)
5/3/2007
Bài thơ nầy hiện đại hóa cảnh tình du lịch thăm viếng Hoàng Hạc Lâu.
Nhìn lại lịch sử của Hoàng Hạc Lâu, tác giả nhận thấy không có ai họa bài thơ Hán ngữ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu nên mạn phép kính họa bằng một bài thơ Hán ngữ để kết luận:
HOÀNG HẠC LÂU (Nguyên bản)
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tái không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
(Thôi Hiệu)
HOÀNG HẠC LÂU (Họa)
Thần tiên xuất thế kỵ hoàng hạc
Nhân loại lụy trần tạo mỹ lâu
Thắng cảnh nhãn tiền thi nhã hứng
Kỳ quan thiên hạ khách nhàn du
Thanh danh tự cổ truyền Tam Quốc
Huyền thoại chí kim bá Ngũ Châu
Ngoạn mục cảm tình an lạc thú
Văn chương đắc đạo bất tri sầu.
(Phan Thượng Hải)
3/31/21
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Bài nầy đăng lần đầu tiên trong phanthuonghai.com mục Thơ Văn phần Đọc Thơ
Tài Liệu tham khảo:
1) Thơ Mộng Hoàng Hạc Lâu (Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
2) Thơ và Việt Sử (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
3) Đường Thi (Trần Trọng Kim)
4) Đường Thi (Trần Trọng San)
5) Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị (Trần Trọng San)
6) Thi Pháp Thơ Đường (Quách Tấn)
7) Làm Thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú (Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
______________________________________
Phú Đắc Cổ Nguyên Thảo Tống Biệt
Góc Đường Thi:
Phú Đắc Thể
PHÚ ĐẮC 賦得 là một từ trong văn học cổ; PHÚ là THI PHÚ 詩賦, ĐẮC là ĐẮC THỦ 得手, nên PHÚ ĐẮC có nghĩa rộng là : Làm được một bài thơ hay bài phú nào đó. Nhưng theo tập quán ngôn ngữ thì từ PHÚ ĐẮC trong văn học cổ Trung Hoa dùng để chỉ "Bài thơ nào dùng những câu thơ có sẵn làm đầu đề" thì phải thêm vào hai chữ PHÚ ĐẮC trước bài thơ đó. Ví dụ :
* Đời Hán có "Cổ Thi Thập Cửu Thủ 古詩十九首" trong đó bài thứ 6 mở đầu bằng hai câu "Thiệp giang thái phù dung, Lan trạch đa phương thảo 涉江採芙蓉,蘭澤多芳草"; đến đời Nam Bắc Triều, Nam Triều Lương Nguyên Đế có làm bài thơ lấy tựa đề là "PHÚ ĐẮC Lan Trạch Đa Phương Thảo 賦得蘭澤多芳草".
* Tào Thực đời Tam Quốc có làm hai bài thơ lục ngôn tựa là "THIẾP BẠC MỆNH 妾薄命", nên vào đời Đường, ông nội của Thi Thánh Đỗ Phủ là Đỗ Thẩm Ngôn cũng làm bài thơ cùng tên đề tựa là "PHÚ ĐẮC Thiếp Bạc Mênh 賦得妾薄命".
Trong thời đại khoa cử, có THÍ THIẾP THI 試帖詩 là cái thiệp trên đó có làm bài thơ để ứng thí của thí sinh trình cho các quan chủ khảo xem xét đánh giá trước. Những bài thơ đó phần nhiều dùng những tựa bài thơ hay những câu thơ đã nổi tiếng làm đầu đề, nên thường đều có hai chữ PHÚ ĐẮC đứng trước tựa của các bài thơ đó. Lâu dần thành thói quen, các thí sinh hay quan chủ khảo khi hội thi phân đề đều nhắm vào hai chữ PHÚ ĐẮC để đánh giá bài thơ một cách nghiêm chỉnh hơn. Sau nầy, đối với luật thi, quan trường lại định hẵn thành một thể thơ trong khoa cử, gọi là PHÚ ĐẮC THỂ 賦得體 với các niêm luật và bố cục đối xứng chặc chẽ khắc khe hơn thơ bình thường. Nên thơ làm theo thể Phú Đắc ít có bài hay. Nói thế chớ sau nầy các thi nhân khi làm thơ tự tình hay tả cảnh cũng hay thêm vào hai chữ PHÚ ĐẮC cho bài thơ có vẻ trịnh trọng hơn.
Sau đây là những bài thơ làm theo thể Phú Đắc nổi tiếng trong thi ca Trung Hoa. Trước tiên theo thứ tự thời gian, ta đọc bài "Phú Đắc Lan Trạch đa Phương Thảo 賦得蘭澤多芳草" của Lương Nguyên Đế ở Nam Triều nhé !
賦得蘭澤多芳草 PHÚ ĐẮC LAN TRẠCH ĐA PHƯƠNG THẢO
春蘭本無絕, Xuân lan bởn vô tuyệt,
春澤最葳蕤。 Xuân trạch tối uy nhuy.
燕姬得夢罷, Yên cơ đắc mộng bãi,
尚書奏事歸。 Thượng thơ tấu sự quy.
臨池影入浪, Lâm trì ảnh nhập lãng,
從風香拂衣。 Tòng phong hương phất y.
當門已芬馥, Đương môn dĩ phân phức,
入室更芳菲。 Nhập thất cánh phương phi.
蘭生不擇逕, Lan sanh bất trạch kính,
十步豈難稀。 Thập bộ khởi nan hi.
梁元帝蕭繹 Lương Nguyên Đế Tiêu Dịch
LƯƠNG NGUYÊN ĐẾ TIÊU DỊCH 梁元帝蕭繹(508―554)tự là Thế Thành, tự hiệu là Kim Lâu Tử, người đất Lan Lăng, là Lương Nguyên Đế của Triều Lương thời Nam Bắc Triều, ở ngôi từ 552-554. Ông vua nầy giỏi cả làm thơ, thư pháp và hội họa. Người đời xưng tụng ông là "Thi Thư Họa Tam Tuyệt 詩書畫三絕".
* Nghĩa bài thơ :
Cái vẻ đẹp của hoa lan vào mùa xuân vốn không bao giờ dứt, nhất là ở trong đầm trồng hoa lan nầy, cứ mùa xuân là lại xanh om tươi tốt như người đẹp của nước Yên vừa tỉnh sau giấc mộng đẹp, và như quan thượng thư vừa bãi triều về với tâm trạng vui tươi. Dáng đẹp của hoa lan trên ao soi bóng xuống mặt nước gợn sóng lăn tăn, còn mùi hương thì theo gió thoang thoảng luồn vào xiêm y. Trồng trước cửa đã thơm lừng rồi thoảng vào nhà lại càng ngào ngạt hơn thêm. Hoa lan lại mọc khắp các lối chẳng lựa chọn nơi nào, cứ trong mười bước là đã thấy dáng hoa rồi, nào có khan hiếm chi đâu.
* Diễn Nôm :
PHÚ ĐẮC LAN TRẠCH ĐA PHƯƠNG THẢO
Hoa lan đẹp mãi trong xuân,
Đầm xuân hoa nở mười phần đẹp xinh.
Như Yên Cơ tỉnh mộng lành,
Thượng thơ hết việc công thành hồi gia.
Bóng soi sóng gợn mặn mà,
Đưa hương theo gió vào tà áo thơm.
Cửa nhà lan tỏa hương thơm,
Ngạt ngào phòng ốc chờn vờn khắp nơi.
Hoa lan vốn chẳng chọn nơi,
Trong vòng mười bước thảnh thơi ngắm nhìn !
Đỗ chiêu Đức diễn nôm.
Tiếp theo đây là bài thơ "PHÚ ĐẮC Thiếp Bạc Mệnh 賦得妾薄命" của Đỗ Thẩm Ngôn ở buổi Sơ Đường. Đỗ Thẩm Ngôn 杜審言(645-708) tự là Tất Giản, người đất Tương Dương, là tổ phụ (ông nội) của Thi thánh Đỗ Phủ. Đậu Tiến sĩ năm Hàm Hanh đời Đường Cao Tông, đến đời Đường Trung Tông vì qua lại với anh em Trương Dịch nên bị đày đến Phong Châu Việt Trì của Việt Nam. Ông từng giữ các chức quan nhỏ như Thành Úy, Lạc Dương Huyện Thừa, Tu Văn Quán Trực Học Sĩ. Ông hay giao du với Lý Kiều, Thôi Dung và Tô Vị Đạo, được người đời xưng tụng là "Văn Chương Tứ Hữu 文章四友", là những người có công trong việc ổn định và lập nền tảng cho Cận Thể Thi 近體詩, tức là Luật Thi sau nầy đó vậy. Sau đây là bài thơ "Phú Đắc Thiếp Bạc Mệnh 賦得妾薄命 của ông :
賦得妾薄命 PHÚ ĐẮC THIẾP BẠC MỆNH
草綠長門掩, Thảo lục trường môn yểm,
苔青永巷幽。 Đài thanh vĩnh hạng u.
寵移新愛奪, Sủng di tân ái đoạt,
淚落故情留。 Lệ lạc cố tình lưu.
啼鳥驚殘夢, Đề điểu kinh tàn mộng,
飛花攪獨愁。 Phi hoa giảo độc sầu.
自憐春色罷, Tự lân xuân sắc bãi,
團扇復迎秋。 Đoàn phiến phục nghinh thu!
杜審言 Đỗ Thẩm Ngôn
* Nghĩa bài thơ :
Bài Thơ THIẾP BẠC MỆNH
Cỏ xanh đã mọc dài khi cửa vườn vẫn luôn đóng kín, lối mòn cũng luôn phủ đầy rêu xanh một cách thanh u vắng lặng. Người yêu dấu mới đã đoạt đi cái ân sủng cũ, nước mắt rơi vì tình xưa như còn rơi rớt lại. Tiếng chim hót làm giật mình khi mộng cũng đã vừa tàn, thấy hoa rơi càng gợi thêm nỗi sầu cô độc. Tự cảm thương mình khi xuân sắc đã tàn phai, chiếc quạt lụa tròn đâu còn tác dụng để nghinh đón khi mùa thu đà đến !
Đọc 2 câu thơ cuối nầy, làm cho ta nhớ lại cũng 2 câu thơ cuối trong bài thơ cung oán có tựa là "Trường Tín Cung 長信宮" của Lưu Phương Bình 劉方平, một thi nhân đời Thịnh Đường :
秋風能再熱, Thu phong năng tái nhiệt,
團扇不辭勞。 Đoàn phiến bất từ lao !
Khá thương thay những nàng cung nữ bị thất sủng, cứ suốt ngày mong ngóng mòn mõi đợi bóng xe vua. Hết xuân sang hạ lại vào thu, trời thu đã mát mẻ với những trận gió thu hiu hắt, chiếc quạt trên tay đã mất tác dụng để quạt mát cho đấng quân vương, nhưng lòng vẫn luôn ước ao một cách vô vọng :
Gió thu nếu lại nóng rang,
Sẵn sàng đoàn phiến gian nan nào từ !
* Diễn nôm :
PHÚ ĐẮC THIẾP BẠC MỆNH
Cỏ xanh kín cổng mọc dài,
Rêu xanh phủ kín vãng lai lối mòn.
Yêu mới nới cũ lẽ thường,
Lệ rơi tình cũ muôn đường xót xa.
Giật mình tỉnh mộng chim ca,
Hoa rơi gợi nỗi niềm xa xót sầu.
Tự thương xuân sắc về đâu,
Quạt tròn bỏ xó đón thu lại về !
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
Công Thừa Ức 公乘億, thi nhân đời Đường không rõ năm sanh năm mất. Ông tự là Thọ Tiên 壽仙 (có tài liệu cho là Thọ Sơn 壽山), người đất Ngụy Châu (tỉnh Hà Bắc hiện nay). Xuất thân bần hàn, gần ba mươi tuổi nhưng thi mãi vẫn không đậu. Năm Hàm Thông thứ 12 đời vua Đường Ý Tông (871) mới đậu tiến sĩ. Năm Càn Phù thứ 4 đời Đường Hi Tông, ông nhậm chức Huyện Úy huyện Vạn Niên, được quan Doãn Kinh Triệu là Thôi Dục cử làm quan Chủ Khảo, sau lại được Tiết Độ Sứ Nguỵ Bác thu dụng, gia phong hàm Giám Sát Ngự Sử.
Sau đây là một trong những bài thơ làm theo "Thể Phú Đắc" của ông :
賦得臨江遲來客 PHÚ ĐẮC LÂM GIANG TRÌ LAI KHÁCH
江上晚沉沉, Giang thượng vãn trầm trầm,
煙波一望深。 Yên ba nhất vọng thâm.
向來殊未至, Hướng lai thù vị chí,
何處擬相尋。 Hà xứ nghỉ tương tầm ?
柳結重重眼, Liễu kết trùng trùng nhởn,
萍翻寸寸心。 Bình phiên thốn thốn tâm.
暮山期共眺, Mộ sơn kỳ cộng thiếu,
寒渚待同臨。 Hàn chử đãi đồng lâm.
北去魚無信, Bắc khứ ngư vô tín,
南飛雁絕音。 Nam phi nhạn tuyệt âm.
思君不可見, Tư quân bất khả kiến,
使我獨愁吟。 Sử ngã độc sầu ngâm !
公乘億 Công Thừa Ức
* Nghĩa bài thơ :
Bài Thơ RA BẾN SÔNG ĐÓN BẠN CHẬM ĐẾN
Đêm xuống chầm chậm và lặng lẽ trên sông, khói sóng mịt mờ nên tầm nhìn như thăm thẳm. Cái hướng đến chưa thấy thuyền bè gì đến cả, thì còn biết tìm kiếm ở đâu đây ? Những hàng liễu lớp lớp ở ven sông như che đi tầm mắt và những bèo nước nhấp nhô trên sóng như chập chờn ở trong lòng, cả núi chiều như cũng cùng trông ngóng về phía xa xa và bờ bến lạnh lùng như cũng đang chờ đợi khách về. Ngược về bắc thì cá cũng bặt vô âm tín, xuôi nam thì nhạn cũng mù mịt âm hao. Nhớ đến người nhưng không thể nào gặp được, làm cho ta càng thêm trầm ngâm với nỗi sầu cô lẽ.
*Diễn Nôm :
PHÚ ĐẮC LÂM GIANG TRÌ LAI KHÁCH
Đêm buông chầm chậm trên sông,
Mịt mờ khói sóng vời trông khôn cùng.
Hướng về chẳng chút hành tung,
Biết nơi nào gởi chút lòng nhớ mong.
Hàng hàng liễu khuất khó trông,
Chập chờn bèo nước nghe lòng bâng khuâng.
Núi chiều chừng cũng ngó mong,
Bến chiều thêm lạnh chờ trông mõi mòn.
Bắc cá âm tín chẳng còn,
Nhạn nam tin cũng chập chờn chân mây.
Nhớ người nỗi nhớ đong đầy,
Lòng ta luống những ngậm ngùi trầm ngâm !
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
Năm Công nguyên 788 (Năm Trinh Nguyên thứ 3 đời Đường Đức Tôn). Bạch Cư Dị 白居易 lúc đó mới 16 tuổi, đang lai kinh ứng thí. Phàm các thí sinh trước khi dự thi đều phải làm bài tập theo khuôn phép của trường thi đưa ra, như trước đề mục thi phải thêm hai chữ "Phú Đắc", thơ Luật phải tuân thủ nội dung Khởi Thừa Chuyển Hợp (ta nói là Mạo Thực Luận Kết) một cách nghiêm chỉnh. Bạch Cư Dị đã làm một bài tập thật hay, thật nổi tiếng để đời cho đến ngày nay, đó là bài Ngũ ngôn Luât thi có tựa là "THẢO 草" (Cỏ). Nhưng theo quy định trường thi nên tựa của bài thơ ... dài thòn như thế nầy : "PHÚ ĐẮC CỔ NGUYÊN THẢO TỐNG BIỆT 赋得古原草送别 ". Có nghĩa : Bài thơ Tống Biệt Trên Đồng Cỏ Xưa :
草 THẢO
離離原上草, Li li nguyên thượng thảo,
一歲一枯榮。 Nhất tuế nhất khô vinh.
野火燒不盡, Dã hỏa thiêu bất tận,
春風吹又生。 Xuân phong xuy hựu sanh.
遠芳侵古道, Viễn phương xâm cổ đạo,
晴翠接荒城。 Tình thúy tiếp hoang thành.
又送王孫去, Hựu tống vương tôn khứ,
萋萋滿別情。 Thê thê mãn biệt tình.
白居易 Bạch Cư Dị
* Nghĩa bài thơ :
Cỏ trên cánh đồng mượt mà xanh tốt, ai có biết rằng mỗi năm là mỗi độ cỏ héo uá tàn lụi rồi lại xanh tươi trở lại. Mặc cho lửa dại có thiêu đốt thì cũng không diệt nỗi sức sống của cỏ, vì khi gió xuân bắt đầu phe phẩy thổi là cỏ lại vươn lên xanh tốt trở lại ngay.
Hương cỏ thoảng nhẹ lan xa đến tận những con đường xưa lối cũ, trong nắng xuân ấm áp, cỏ mọc xanh tươi phủ cả lên các thành trì hoang phế. Trong cảnh trí nầy, ta lại phải đưa bạn (Vương Tôn : chỉ các bạn bè của tác giả) lên đường, đồng cỏ vươn dài mượt mà như lưu luyến trước cảnh biệt ly !
Diễn nôm :
CỎ
Mượt xanh đồng cỏ biếc,
Mỗi độ úa rồi xanh,
Lửa dại thiêu không chết,
Gió xuân thổi lại xanh.
Thoảng hương tràn lối cũ
Sắc biếc phủ thành xanh.
Lại tiễn vương tôn nữa,
Luyến lưu xanh ngát xanh !
Toàn bài thơ đều toát lên sức sống mãnh liệt của CỎ, "Cỏ non xanh rợn chân trời !" Mặc cho thu tàn đông rụi, hễ gió xuân hây hẩy là cỏ lại xanh tươi, sức sống bao trùm cả mặt đất, phủ xanh cả đường xưa lối cũ, tràn ngập cả thành trì hoang phế và màu xanh của cỏ cũng đã làm cho lòng người càng nao nao lưu luyến hơn trước cảnh biệt ly ! Qủa là một bài thơ tuyệt tác về ... CỎ ! Tương truyền ... (theo U Nhàn Cổ Xúy của Trương Cố đời Đường) :
Khi Bạch Cư Dị từ Giang Nam vào kinh ứng thí, đã từng đem thi phẩm và bài tập của mình cho danh sĩ lúc bấy giờ là Cố Huống xem (Cố Huống đậu Tiến sĩ năm 757, đang giữ chức Phán Quan của Tể Tướng Hàn Quang). Thấy tên là CƯ DỊ 居易 (có nghĩa là Ở Dễ : Dễ dàng cư trú) bèn nói chơi rằng : "Trường An bách vật qúy, CƯ đại bất DỊ 长安百物贵,居大不易 !". Có nghĩa : Đất Trường An nầy trăm vật đều mắc mỏ, Ở thật không DỄ chút nào !" Ý vừa nói chơi, vừa ngầm có ý bảo rằng : Muốn bon chen để lập thân ở đất Trường An nầy thật không phải dễ đâu !. Nhưng khi đọc đến 2 câu :
野火燒不盡, Dã hỏa thiêu bất tận,
春風吹又生。 Xuân phong xuy hựu sanh.
thì ông lại bất giác buộc miệng khen rằng : Hữu cú như thử, cư thiên hạ hà nan 有句如此,居天下何难!Có nghĩa : "Viết được câu như thế nầy, Ở trong thiên hạ đâu có nơi nào mà làm khó được đâu !". Và ... ông đã cổ vũ khen ngơi thơ của Bạch Cư Dị khắp nơi. Qủa nhiên, sau này Bạch Cư Dị đậu Tiến sĩ khi mới 28 tuổi... và trở thành một thi sĩ lớn của đời Đường với 2 tác phẩm thất ngôn trường thiên : Trường Hận Ca và Tì Bà Hành bất hũ.
* Diễn Nôm Lục bát :
Mượt mà đồng cỏ xanh rì,
Mỗi năm mỗi độ đông đi xuân về.
Lửa hoang đốt cũng chẳng hề,
Gió xuân hây hẩy xanh rê một màu.
Ngập tràn đường cũ lao xao,
Phủ đầy thành quách ngày nào hoang sơ.
Đưa người đồng cỏ ngẩn ngơ,
Xanh xanh lưu luyến trước giờ chia tay !
Xin được kết thúc bài viết về PHÚ ĐẮC THỂ trong thơ Đường ở đây.
Hẹn bài viết tới !
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
___________________________
Thù Trương Thiếu Phủ
Phạm Khắc Trí, Đỗ Chiêu Đức, Mai Xuân Thanh
Thù Trương Thiếu Phủ
Vương Duy (699 - 759)
Vãn niên duy hiếu tĩnh
Vạn sự bất quan tâm
Tự cố vô trường sách
Không tri phản cựu lâm
Tùng phong xuy giải đới
Sơn nguyệt chiếu đàn cầm
Quân vấn cùng thông lý
Ngư ca nhập phố thâm
Hồi Đáp Trương Thiếu Phủ
PKT - Mây Tần
Cuối đời chỉ mong thân tâm được yên thôi
Mọi chuyện không còn muốn vướng bận gì đến nữa
Tự biết không có phương sách gì giúp ích được cho thiên hạ
Nên tốt hơn cả là hãy quay về chốn cũ rừng xưa
Ngày ngày vui cùng gió thông đùa tung giải áo
Đêm đêm dưới vầng trăng sáng lửng lơ đầu núi thả hồn nghe tiếng đàn tôi
Riêng về lẽ Cùng Thông vấn hỏi
Tiếng ca ngư phủ vẫn âm vang khắp xóm chài vọng về từ ngoài biển khơi
(Lạm Bàn : Vâng, dòng sống, vô thủy vô chung từ bao đời, liên tục mưa nắng, đêm ngày, hết cùng phải đến thông thôi. Let's go with the flow. Cheer up, please! PKT 07/23/2020)
Lẽ Cùng Thông Hồi Đáp
PKT - Mây Tần
Tuổi già sống với đạo,
Gác bỏ chuyện ngoài đời.
Thế sự lo không được,
Rừng xưa nương bóng vui.
Gió thông đùa giải áo,
Trăng núi tiếng đàn tôi.
Người hỏi cùng thông lý,
Ca chài vang biển khơi.
A Reply to Deputy Magistrate Zhang
Peter Harris - Three Hundred Tang Poems
In the evening of life, I care only for peace and quiet
I can't bother with all the affairs of the world
As I look at myself, I have no grand strategies
I'm simply concerned to go back to my old forest home
Where the wind in the pines loosens the belt of my gown
And the mountain moon shines down on the zither I play
You ask what the principle is for achieving the way
A fisherman's song going into the deep river bank
Tri Khac Pham
Phamid1934@gmail.com
Đính Kèm : Franz Schubert Serenade
Đỗ Chiêu Đức tham gia với các phần sau đây:
1. Bản chữ Hán cổ của bài thơ THÙ TRƯƠNG THIẾU PHỦ:
酬張少府 THÙ TRƯƠNG THIẾU PHỦ
晚年唯好靜, Vãn niên duy hiếu tĩnh,
萬事不關心。 Vạn sự bất quan tâm.
自顧無長策, Tự cố vô trường sách,
空知返舊林。 Không tri phản cựu lâm.
松風吹解帶, Tùng phong xuy giải đới,
山月照彈琴。 Sơn nguyệt chiếu đàn cầm.
君問窮通理, Quân vấn cùng thông lý,
漁歌入浦深。 Ngư ca nhập phố thâm.
王維 Vương Duy
2.Xuất Xứ của bài thơ :
Năm Khai Nguyên thứ 29 đời Đường Huyền Tông (741), Vương Duy làm bài thơ nầy để trả lời cho Trương Thiếu Phủ. Từ chữ "THÙ 酬" : là Chén rượu của chủ mời khách. Ở đây có nghĩa là Hồi Đáp (Thù Đáp 酬答). Ta biết được trước đó Trương Thiếu Phủ tức Thừa Tướng Trương Cửu Linh 張九齡, cũng là một nhà thơ đời Đường, đã có gởi cho Vương Duy một bài thơ rồi. Khi Trương còn làm Thừa Tướng, Vương Duy là một thành viên đắc lực ủng hộ cho chủ trương chính sách của Trương; sau Trương Cửu Linh bị lý Lâm Phủ dèm pha bài xích, bị cách chức Thừa Tướng về quy ẩn, kết thúc khoảng thời gian chính trị tốt đẹp của đời Đường Huyền Tông. Vương Duy cùng các quan viên khác cũng từ quan quy ẩn theo. Đây là bài thơ trao đỗi giữa Vương Duy và Trương Cửu Linh bày tỏ sự chán nản và thất vọng trước triều chính và thời cuộc lúc bấy giờ.
3. Chú Thích :
- Hiếu 好 : là Thích; cũng chữ nầy nếu đọc là HẢO thì có nghĩa là Tốt.Nên HIẾU TĨNH 好靜 là Thích Yên Tịnh.
- Tự Cố 自顧 : là Tự nhìn lại mình; Tự đánh giá mình.
- Phản 返 : có bộ Xước 辶(辵) là Đi lòng vòng; nên PHẢN 返 có nghĩa là Đi ngược trở về.
- Giải Đới 解帶 : là Dây buộc áo được mở ra (ngày xưa không có gài nút áo).
- Cùng Thông 窮通 : CÙNG là Hết đường (để làm quan); THÔNG là đường được mở ra (để làm quan). nên CÙNG THÔNG LÝ 窮通理 là Cái lẽ cùng thông, gặp thời và hết thời ở đời.
- Ngư Ca 漁歌 : là Tiếng ca hát của người câu cá, đánh bắt cá ở ven sông. Ở đây mượn để chỉ người ở ẩn.
4. Nghĩa bài thơ :
Đáp Lời của Trương Thiếu Phủ
Những năm càng về già càng thấy thích với cảnh yên tịnh hơn, nên muôn việc đều không muốn quan tâm đến nữa. Tự nhìn lại mình thì thấy mình cũng chẳng có kế sách hay ho gì khác, thì thôi, chỉ còn biết trở về với mái rừng xưa, để cởi bỏ áo ra mà hứng cái mát mẻ của gió thông, và gãy một khúc đàn vào những đêm trăng núi chênh chếch chiếu. Nếu bạn muốn hỏi ta về lẽ cùng thông ở đời ư, thì bạn ơi, hãy nghe tiếng hát của những người câu cá ở bến sông sâu kia kìa !
Đọc bài thơ nầy lại làm cho ta nhớ đến bài hát nói "Thoát Vòng Danh Lợi" của cụ Nguyễn Công Trứ với :
Chen chúc lợi danh đà chán ngắt,
Cúc tùng phong nguyệt mới vui sao...
5. Diễn Nôm :
ĐÁP TRƯƠNG THIẾU PHỦ
Năm tàn thích yên tịnh,
Muôn việc chẳng quan tâm.
Tự biết không ưu sách,
Thì thôi về cựu lâm.
Gió thông reo mát áo,
Trăng núi chiếu đàn cầm.
Bạn hỏi cùng thông lý,
Tiếng hát chài bên sông.
Lục bát :
Càng già càng muốn yên thân,
Thì thôi muôn việc quan tâm làm gì.
Tự mình chẳng kế sách chi,
Trở về rừng cũ thiết gì lợi danh.
Gió thông phe phẩy áo xanh,
Núi trăng bát ngát đàn tranh đêm trường.
Cùng thông bạn hỏi lẽ thường,
Ngư ca trên bến chẳng vương bụi trần !
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
MAI XUÂN THANH:
Đáp Lời Của Trương Thiếu Phủ
(Qua diễn Nôm của thầy Phạm Khắc Trí)
Tịnh dưỡng thân già khu vắng lặng
Không thèm ý kiến, chẳng quan tâm
Vô năng kế sách góp phần
Lui về qui ẩn sơn lâm phĩ nguyền
Cởi áo, thông reo triền suối mát
Trăng thanh gảy khúc nhạc đờn cầm
Thấu tình đạt lý tri âm
Chài ghe hát xương hà rầm lưới câu
Mai Xuân Thanh
Ngày 23/07/2020
Góc Đường Thi :
CHÙM THƠ GIAO THỪA
Đón Giao Thừa CANH TÝ (2020), kính mời tất cả Thầy Cô, Đồng Môn và Thân hữu... cùng đọc và dịch 5 bài thơ TRỪ DẠ 除夜 (Đêm Giao Thừa) để cùng đồng cảm với cổ nhân và cũng để cùng thấm thía hơn với nỗi lòng của những kẻ phải đón Tết tha hương như chúng ta hiện nay khi tuổi đã xế chiều !...
1. 除夜 TRỪ DẠ
事關休戚已成空, Sự quan hưu thích dĩ thành không,
萬里相思一夜中。 Vạn lý tương tư nhất dạ trung.
愁到曉雞聲絕後, Sầu đáo hiểu kê thanh tuyệt hậu,
又將憔悴見春風。 Hựu tương tiều tụy kiến xuân phong.
來鵠 Lai Hộc
Thi sĩ Lai Hộc đời Đường
* Chú thích :
- Hưu Thích 休戚 : là chuyện vui buồn, thành bại, được mất ở đời.
- Hiểu Kê 曉雞 : là Gà gáy sáng.
- Tiều Tụy 憔悴 : là Võ vàng sầu muộn, không có tinh thần.
* Nghĩa Bài Thơ :
Những chuyện vui buồn thành bại trong đời đã là con số không rồi. Bây giờ thân đang ở ngoài ngàn dặm để nhớ về nhau trong một đêm nay thôi. Nỗi ưu sầu cứ ray rức cho đến khi tiếng gà gáy sáng dứt hẵn mới thôi. Ta lại đón gió xuân với cái thân hình tiều tụy và với cái bộ mặt võ vàng này !
* Diễn Nôm :
GIAO THỪA
Vui buồn được mất cũng thành không,
Ngàn dặm đêm nay nhớ ngập lòng.
Sầu đến tiếng gà thôi gáy sáng.
Võ vàng lần nữa đón xuân phong !
Lục bát :
Buồn vui thành bại qua rồi,
Giao thừa ngàn dặm nhớ hoài quê xa.
Lòng sầu theo với tiếng gà,
Đón xuân tiều tụy năm qua lại sầu !
Đỗ Chiêu Đức
2. 除夜 TRỪ DẠ
九冬三十夜, Cưủ đông tam thập dạ,
寒與暖分開。 Hàn dữ noãn phân khai.
坐到四更後, Tọa đáo tứ canh hậu,
身添一歲來。 Thân thiêm nhất tuế lai.
魚燈延臘火, Ngư đăng diên lạp hỏa,
獸炭化春灰。 Thú thán hóa xuân hôi.
青帝今應老, Thanh Đế kim ưng lão,
迎新見幾回。 Nghinh tân kiến kỷ hồi !
尚顏 Thượng Nhan
Thượng Nhan Thanh Đế
* Chú Thích :
- Cửu Đông 九冬 : Chỉ 90 ngày của mùa Đông.
- Ngư Đăng 魚燈 : Cái Chưn đèn hình con cá.
- Lạp Hỏa 臘火 : Lửa do đèn sáp (đèn cầy, nến) cháy sáng.
- Thú Thán 獸炭 : Những cây than củi có hình như con thú.
- Xuân Hôi 春灰 : Tro của mùa xuân.
- Thanh Đế 青帝 : là Ông vua Xanh, là một trong Ngũ Phương Thiên Đế 五方天帝, năm ông vua ở trên trời. Theo truyền thuyết Trung Hoa xưa : Thanh Đế là ông vua cai quản hướng đông, là biểu tượng của con rồng xanh, là thần của mùa xuân và của muôn hoa, nên còn gọi là Chúa Xuân. Như trong bài thơ "Mai Rụng" của J. Leiba thời Tiền Chiến :
... Yêu chàng, em cố chuốt hình dong
Tô cặp môi son, điểm má hồng,
Em thấy xuân nay hoa nở đẹp,
Cảm tình THANH ĐẾ, tạ đông phong.
* Nghĩa Bài Thơ :
Trong đêm Ba Mươi cuối cùng của chín mươi ngày mùa đông nầy, cái lạnh và cái ấm được phân chia ra rõ rệt. Ta ngồi đợi cho đến sau canh tư (sang canh năm) thì thân ta lại được thêm một tuổi nữa rồi ! Cái giá đèn hình con cá còn lắp loáng áng sáng tàn của đèn nến và những củi than hình thù quái dị như những con thú (đốt để sưởi ấm) cũng đã tàn tạ thành những đống tro xuân cả rồi. Chúa Xuân năm nay chắc cũng đã gìa cả như ta rồi, không biết còn có thể đón xuân thêm mấy lượt nữa đây !
Câu cuối còn có nghĩa : Không biết còn gặp được Chúa Xuân mấy lần nữa đây (Vì chúa xuân cũng đã gìa rồi, biết lần sau còn gặp được "ông ta" không ?).
* Diễn Nôm :
ĐÓN GIAO THỪA
Cuối đông đêm ba mươi,
Ấm lạnh phân hai nơi.
Ngồi đến canh tư điểm,
Ta thêm một tuổi rồi.
Đèn nến tàn sắp lụn,
Than thành tro xuân thôi.
Chúa Xuân chừ gìa cỗi,
Còn gặp mấy lăm hơi !?
Lục bát :
Đông qua chín chục giao thừa,
Phân chia ấm lạnh hai mùa đông xuân.
Canh tư qua, trời rạng đông.
Ta thêm một tuổi bâng khuâng canh tàn.
Chân đèn sáp chảy lan man,
Củi than cháy lụn tro tàn ai gom.
Chúa Xuân chắc đã gìa còm,
Thêm vài năm nữa có còn gặp nhau !?
Đỗ Chiêu Đức
3.歲除夜 TUẾ TRỪ DẠ
官曆行將盡, Quan lịch hành tương tận,
村醪強自傾。 Thôn dao cưởng tự khuynh.
厭寒思暖律, Yếm hàn tư noãn luật,
畏老惜殘更。 Úy lão tích tàn canh.
歲月已如此, Tuế nguyệt dĩ như thử,
寇戎猶未平。 Khấu nhung do vị bình.
兒童不諳事, Nhi đồng bất am sự,
歌吹待天明。 Ca xúy đãi thiên minh.
羅隱 La Ẩn
La Ẩn : Thi nhân đời Đường
* Chú Thích :
- Tuế Trừ Dạ 歲除夜 : là Đêm Giao Thừa, Đêm Trừ Tịch.
- Quan Lịch 官曆 : Lịch của nhà quan. Theo sách "Hậu Hán Thư. Luật Lịch chí trung 后漢書·律曆志中" : Lịch do Quan Phủ phát hành theo Khâm Thiên Giám của triều đình. Sau dùng rộng ra để chỉ Thời Gian.
- Thôn Dao 村醪 : Rượu đục, rượu của nhà quê chưa được cất lọc.
- Khấu Nhung 寇戎 : Giặc cướp và rợ Nhung.
- Am Sự 諳事 : Am tường sự việc, là hiểu chuyện.
- Ca Xúy 歌吹 : Đàn hát vui chơi.
* Nghĩa Bài Thơ :
Ngày tháng theo lịch đã gần tàn, cất chén rượu đục của nhà quê gắng gượng mà uống cạn. Chán ngán với cái lạnh nên mong cái ấm sẽ đến, cũng như sợ cái gìa sồng sộc đến mà tiếc từng thời gian của canh tàn. Ngày tháng thì cứ qua đi như thế mà giặc cướp thì chưa dẹp yên được. Lũ trẻ con không thông hiểu thế sự, nên cứ đàn ca xướng hát mà đợi trời sáng (để ăn Tết).
Người lớn thì buồn cho giặc giã chiến tranh thời cuộc, còn bọn trẻ thì cứ vô tư vui chơi đợi Tết mà thôi. Cũng như "người lớn" ở Mỹ hiện nay thì cứ ưu tư cho thời cuộc, cho đất nước quê hương; chứ bọn trẻ lớn lên ở Mỹ có biết chi đâu mà ưu thời mẫn thế ?!
* Diễn Nôm :
ĐÊM TRỪ TỊCH
Lịch quan xem đà gần hết,
Rượu quê chuốc chén riêng ta.
Sợ lạnh nên mong xuân ấm,
E già lại tiếc canh qua.
Năm tháng nhanh như thoi cưởi,
Giặc nhung chưa hết can qua.
Trẻ con không thông nhân sự,
Suốt đêm đợi Tết hát ca !
Lục bát :
Lịch quan chừng đã hết rồi,
Rượu quê chuốc chén bồi hồi riêng ta.
Lạnh tràn mong ấm mau qua,
Sợ gìa nên tiếc canh tà dần trôi.
Tháng ngày hun hút qua rồi,
Rợ Nhung còn đó ngút trời lửa binh.
Trẻ con chẳng biết sự tình,
Vui chơi ca hát đợi bình minh sang !
Đỗ Chiêu Đức
4. 除夜 TRỪ DẠ
寒燈耿耿漏遲遲, Hàn đăng cảnh cảnh lậu trì trì,
送故迎新了不欺。 Tống cố nghinh tân liễu bất khi.
往事並隨殘曆日, Vãng sự tịnh tùy tàn lịch nhật,
春風寧識舊容儀。 Xuân phong ninh thức cựu dung nghi.
預慚歲酒難先飲, Dự tàm tuế tửu nan tiên ẩm,
更對鄉儺羨小兒。 Cánh đối hương na hâm tiểu nhi.
吟罷明朝贈知己, Ngâm bãi minh triêu tặng tri kỷ,
便須題作去年詩. Tiện tu đề tác khứ niên thi.
徐鉉 Từ Huyền
Từ Huyền qua Họa hình và Điện ảnh
* Chú Thích :
- Cảnh Cảnh 耿耿 : Vẻ Sáng sủa lấp lánh.
- Lậu 漏 : là Rỉ ra; Ở đây chỉ đồng đồ xưa rỉ nước ra.
- Tịnh Tùy 並隨 : là Đi theo song song, là Liền theo sau đó.
- Ninh Thức 寧識 : Vốn dĩ đã biết.
- Tuế Tửu 歲酒 : Rượu dùng để cúng tế cuối năm.
- Hương Na 鄉儺 : Những hương thân mặc đồ tế lễ theo tục lệ xưa.
* Nghĩa Bài Thơ :
Ánh đèn lạnh lẽo sáng lấp lánh trong tiếng đồng hồ chầm chậm nhỏ giọt, Tống cựu nghinh tân trong năm hết nên chẳng dám xem thường. Chuyện cũ đã qua đi song song với tờ lịch cũng gần tàn, còn gió xuân thì chắc chắn đã biết cái bộ mặt nầy của ta rồi. Rượu dùng để tế lễ cuối năm nên ngại ngùng không dám uống trước, càng hâm mộ đám trẻ con hơn khi chúng thấy những hương thân mặc đồ tế lễ theo kiểu xưa. Ngâm xong bài thơ cuối năm để sáng mai đem tặng người tri kỷ, thì đã phải đề rằng đây là bài thơ của năm ngoái rồi !
* Diễn Nôm :
ĐÊM GIAO THỪA
Đồng hồ nhỏ giọt lạnh đêm đông,
Tống cựu nghinh tân chạnh tấc lòng.
Chuyện cũ đành theo tờ lịch giám,
Gió xuân đã tỏ nét nghi dong.
Rượu dành tế lễ nên kiêng uống,
Đồ tế hương thân bởi trẻ mong.
Ngâm nốt bài thơ mai tặng bạn,
Đã thành thơ cũ mới làm xong !
Lục bát :
Đèn lạnh buốt, tiếng đồng hồ,
Nghinh tân tống cựu ngẩn ngơ tấc lòng.
Chuyện qua theo lịch lụi dần,
Dung nghi vốn dĩ bạn cùng gió xuân.
Kiêng khem rượu lễ chớ dùng,
Nhi đồng hâm mộ hương thân tế thần.
Ngâm xong mai tặng tri âm.
Đã là thơ cũ của năm qua rồi !
Đỗ Chiêu Đức
5. 除夜 TRỪ DẠ
病眼少眠非守歲, Bệnh nhỡn thiểu miên phi thủ tuế,
老心多感又臨春。 Lão tâm đa cảm hựu lâm xuân.
火銷燈盡天明後, Hỏa tiêu đăng tận thiên minh hậu,
便是平頭六十人 ! Tiện thị bình đầu lục thập nhân !
白居易 Bạch Cư Dị
* Chú Thích :
- Bệnh Nhỡn 病眼 :là Con mắt bệnh; ở đây chỉ con mắt của người gìa bệnh tật.
- Thủ Tuế 守歲 : là Giữ tuổi, là Đợi để đón giao thừa.
- Hỏa Tiêu Đăng Tận 火銷燈盡 : là Lửa tắt đèn tàn.
- Bình Đầu 平頭 : là bằng đầu, là Ngang bằng, ta nói là Cán mức.
* Dịch Nghĩa :
Con mắt của người già bệnh tật ít ngủ, nên không ngủ được chớ không phải là thức để đợi giao thừa. Lòng của những người già đã đa cảm rồi lại gặp phải buổi đón xuân sang (nên càng thấy lòng cảm xúc hơn). Lửa đã tắt đèn đã tàn (đêm đã hết) sau khi trời sáng thì ta đã là ông cụ già cán mức sáu mươi tuổi rồi !
Nên biết là vào đời Đường (618—907), theo lịch sử thống kê, tuổi thọ trung bình của con người chỉ có 45 tuổi mà thôi. Nên 60 tuổi đã là thọ lắm rồi, và vì thế mà Thi Thánh Đỗ Phủ đã hạ hai câu thơ nổi tiếng để đời trong bài "Khúc Giang" là :
Tửu trái tầm thường hành xứ hữu, 酒債尋常行處有,
Nhân sinh thất thập cổ lai hi. 人生七十古來稀。
Có nghĩa :
Nợ rượu tầm thường khắp nơi đều có cả, còn...
Đời người sống đến bảy mươi tuổi thì xưa nay rất hiếm.
Đó là vào đới Đường, còn hiện nay, bước ra đường bất cứ lúc nào ta cũng có thể gặp được người già trên 70 tuổi cả ! Bạch Cư Dị thọ được sáu mươi tuổi đã ra vẻ già yếu mất ngủ vì bệnh tật, nên rất dễ cảm xúc lúc xuân về tết đến, thi nhân đã rất cảm khái trong đêm giao thừa lúc đêm tàn năm hết, vì đến sáng ngày mai mình đã là kẻ thọ được sáu mươi tuổi rồi ! Trong hoàn cảnh hiện tại, sau năm 1975 đến nay, chúng ta những người đang sống lưu vong trên đất Mỹ đều đã gần "tám bó" cả rồi, sự cảm khái của kẻ đón xuân nơi đất khách chắc chắn còn hơn Bạch Cư Dị bội phần.
* Diễn Nôm :
GIAO THỪA
Mắt già khó chợp đón giao thừa,
Đa cảm lòng già xuân lại qua.
Lửa tắt đèn tàn trời rựng sáng,
Đã là người sáu chục niên hoa.
Lục bát :
Không ngủ chẳng tại giao thừa,
Lòng già đa cảm khi vừa đón xuân.
Đèn tàn lửa tắt bâng khuâng.
Sáng ra sáu chục xuân hồng đã qua !
Đỗ Chiêu Đức
_________________________________________________
CHÙM THƠ XUÂN
1. KÝ XUÂN Vương Bột :
羈春 KÝ XUÂN
客心千里倦, Khách tâm thiên lý quyện,
春事一朝歸. Xuân sự nhất triêu quy.
還傷北園里, Hoàn thương bắc viên lý,
重見落花飛. Trùng kiến lạc hoa phi.
王勃 Vương Bột
* CHÚ THÍCH :
Tác giả Vương Bột, quê quán miền bắc (Sơn Tây), con nhà gia thế, tuổi trẻ tài cao, được Bái Vương Lý Hiền vời vào phủ cho giữ việc tu soạn và rất tin dùng. Vì một bài thơ trách đùa con gà chọi của Anh Vương, vua Cao Tông nổi giận, sai trục xuất ông khỏi phủ. Ông đi chu du nhiều nơi ở phương nam, cuối cùng chết đuối trên đường đi Giao Chỉ thăm cha, lúc mới 26 tuổi…
Bài thơ trên đây làm lúc ông bị trục xuất khỏi Bái Vương Phủ đang chu du nơi đất Thục. Vốn dĩ muốn mượn cảnh trí thiên nhiên hùng vĩ của núi sông đất Thục để tiêu sầu, nhưng lòng quê nhớ về đất bắc vẫn canh cánh khôn nguôi.
- Ký Xuân 羈春:KÝ là Ở lại, giữ lại. Nên KÝ XUÂN có nghĩa là "Xuân đến mà vẫn phải ở lại nơi đất khách".
- Quyện 倦:là Mõi mệt, buồn chán.
- Xuân Sự 春事: là Chuyên mùa xuân. Ý chỉ Cảnh sắc chung quanh khi xuân về.
* NGHĨA BÀI THƠ :
XUÂN Ở NƠI XA
Trên bước đường ngàn dặm, lòng người khách tha hương đã mõi mê chán ngán rồi. Trước mắt lại thấy cảnh trí của mùa xuân ập về nên lòng lại càng muốn về ngay quê nhà. Cảnh quê xưa ở phương bắc còn để lại nhiều thương cảm ở trong lòng, không biết đến bao giờ mới thấy lại được cảnh hoa rụng bay lả tả ở quê nhà đây.
Hoa rụng khi hoa đã tàn, xuân đã hết, cũng như tuổi trẻ rồi sẽ già đi, rồi sẽ giả từ cuộc sống nầy như hoa rơi rụng vậy, nhưng sẽ nhìn hoa rơi rụng ở đâu ? Ý của Vương Bột là muốn được nhìn hoa rơi rụng ở quê nhà, thâm ý của thi nhân là muốn được già được chết ơ quê hương hơn là bỏ thây nơi xứ lạ.
* DIỄN NÔM :
XUÂN TRÊN ĐẤT KHÁCH
Ngàn dặm lòng quê mòn mõi,
Xuân về một sớm nhớ thay,
Đất bắc quê xưa trông ngóng,
Ngàn trùng chỉ thấy hoa bay !.
Lục bát :
Mõi mòn ngàn dặm lòng quê,
Xuân về một sớm tái tê nhớ nhà.
Thương về đất bắc quê xa,
Ngàn trùng chỉ thấy la đà hoa bay !
Đỗ Chiêu Đức
2. KHÁCH TRUNG THỦ TUẾ Bạch Cư Dị :
客中守歲 KHÁCH TRUNG THỦ TUẾ
守歲樽無酒, Thủ tuế tôn vô tửu,
思鄉淚滿巾。 Tư hương lệ mãn cân.
始知爲客苦, Thủy tri vi khách khổ,
不及在家貧。 Bất cập tại gia bần.
畏老偏驚節, Úy lão thiên kinh tiết,
防愁預惡春。 Phòng sầu dự ố xuân.
故園今夜裏, Cố viên kim dạ lý,
應念未歸人。 Ưng niện vị quy nhân.
白居易 Bạch Cư Dị
* CHÚ THÍCH :
- Khách Trung 客中 : là Trong đất khách, có nghĩa là Đang ở nơi đất khách.
- Thủ Tuế 守歲 : là Giữ tuổi, ý chỉ : Giữ lấy tuổi cũ để đón tuổi mới, có nghĩa là Thức để đón Giao Thừa trong đêm ba mươi Tết âm lịch.
- Thủy Tri 始知 : Mới biết được rằng ...
- Bất Cập 不及 : Không bằng được ...
- Úy 畏 : là Sợ, mà Kinh 驚 : cũng là Sợ, ta có từ kép Kinh Úy 驚畏 là Sợ Hãi.
- Ố 惡 : là Ghét. ta có từ KHẢ Ố 可惡 : là Đáng ghét.
- Cố Viên 故園 : là Vườn Xưa, từ dùng để chỉ Quê Nhà, Quê Xưa.
- Ưng Niệm 應念 : Có nghĩa : Chắc là đang nhắc đến ...
* NGHĨA BÀI THƠ :
ĐÓN GIAO THỪA NƠI ĐẤT KHÁCH
Đón giao thừa mà trong chai đã hết rượu rồi. Nước mắt nhớ quê hương ướt đẫm cả khăn. Mới biết rằng làm người khách xa quê hương là rất khổ, không bằng nghèo khó mà được ở quê nhà. Vì sợ gìa nên cũng sợ luôn các lễ Tết, dự phòng sầu muộn nên cũng ghét luôn cả mùa xuân. Ở nơi quê nhà trong đêm nay, chắc mọi người cũng đang nhắc đến cái người đi chưa về là mình đây !
Lễ Tết đến mà lại phải tha phương cầu thực. Đón giao thừa nơi đất khách mà chai thì hết rượu, túi lại không tiền, Mới biết rằng thà nghèo khổ mà Tết được ở nhà còn hơn đi tìm chữ công danh mà lang thang chân trời góc bễ. Trong khi tuổi già cứ sồng sộc ập xuống đầu nên càng sợ xuân về Tết đến hơn nữa, như lời thơ của nhà thơ Xuân Diệu thời Tiền Chiến :
Tôi có chờ đâu có đợi đâu,
Mang chi xuân đến gợi thêm sầu !
Buồn cho thân phận tha phương đón Tết của mình, Bạch Cư Dị cũng buồn luôn cho những thân nhân đang đón giao thừa ở quê nhà : Chắc mọi người cũng đang khoắc khoải trông ngóng lo lắng cho mình, là kẻ còn lưu lạc phương trời, không biết sẽ đón Tết ra sao ?!
* DIỄN NÔM :
ĐẤT KHÁCH GIAO THỪA
Giao thừa chai hết rượu,
Nhớ quê lệ ướt khăn.
Mới hay tha hương khổ,
Không bằng nghèo yên thân.
Ngại gìa lại e Tết,
Sợ buồn cũng ghét xuân.
Quê nhà đêm nay chắc,
Nhớ người đi bâng khuâng.
Lục bát :
Giao thừa chai rượu lại không,
Nhớ quê lệ ướt đầm khăn đêm này.
Mới hay lưu lạc khổ thay,
Không bằng nghèo khó ngày ngày yên thân.
Sợ gìa sợ cả nàng xuân,
Sợ ngày tháng lụn năm cùng ngổn ngang.
Đêm nay chắc cả thôn làng,
Ngóng trông những kẻ lang thang chưa về !
Đỗ Chiêu Đức
3. XUÂN DẠ LẠC THÀNH VĂN ĐỊCH Lý Bạch :
春夜洛城聞笛 Xuân dạ Lạc thành văn địch
誰家玉笛暗飛聲, Thùy gia ngọc địch ám phi thanh,
散入春風滿洛城. Tán nhập xuân phong mãn Lạc thành.
此夜曲中聞折柳, Thử dạ khúc trung văn Chiết Liễu,
何人不起故園情 ? Hà nhân bất khởi cố viên tình ?!
李白 Lý Bạch
* CHÚ THÍCH :
- CHIẾT LIỄU 折柳 hay CHIẾT DƯƠNG LIỄU 折楊柳 là Bẻ Cành Dương Liễu, tên của một khúc Sáo đời Hán, nội dung chỉ cảnh biệt ly, khi đưa tiễn nhau ở " Bề ngoài mười dặm tràng đình ", người đưa tiễn hay bẻ một nhành liễu tặng cho bạn mình làm roi ngựa. Đến đời Đường, điệu sáo nầy được thêm thắc và đổi tên thành CHIẾT DƯƠNG LIỄU CHI 折楊柳枝 với lời thơ như sau : 『上馬不捉鞭,反拗楊柳枝。下馬吹橫笛,愁殺行客兒。』Thượng mã bất tróc tiên, Phản áo dương liễu chi. Hạ mã xuy hoành địch, Sầu sát hành khách nhi ! Có nghĩa : Lên ngựa chẳng cầm roi, Lại bẻ cành dương liễu. Xuống ngựa thổi sáo ngang, Buồn chết người ly biệt !. Nên...
CHIẾT LIỄU là chỉ cảnh chia tay, chỉ nỗi sầu ly biệt của kẻ ở người đi. LÝ BẠCH là kẻ tha hương tìm danh lợi, nhưng lại chưa thi thố được hoài bão của mình, nên trong đêm nghe lời " Bẻ Liễu " lại chạnh nhớ đến quê hương !
* DIỄN NÔM :
ĐÊM XUÂN NGHE SÁO THÀNH LẠC DƯƠNG.
Nhà ai tiếng sáo vẳng đêm thanh,
Tan nhập gió xuân khắp Lạc thành.
Réo rắc trong đêm lời bẻ liễu,
Ai người chẳng động cố hương tình ?
Lục bát :
Nhà ai sáo ngọc vẳng sang,
Gió Xuân đưa đẩy ngập tràn Lạc Dương.
Véo von Bẻ Liễu đêm trường,
Ai người chẳng thấy vấn vương quê nhà ?!
Đỗ Chiêu Đức
4. TRỪ DẠ TÁC Cao Thích :
除夜作 TRỪ DẠ TÁC
旅館寒燈獨不眠, Lữ quán hàn đăng độc bất miên,
客心何事轉悽然 ? Khách tâm hà sự chuyển thê nhiên?
故鄉今夜思千里, Cố hương kim dạ tư thiên lý,
霜鬢明朝又一年 ! Sương mấn minh triêu hựu nhất niên!
高適 Cao Thích
* Nghĩa bài thơ :
Cảm Tác Trong Đêm Trừ Tịch
Một mình đơn độc ngồi bên ngọn đèn lạnh lẽo trong lữ quán.
Vì chuyện chi mà lòng khách lại trở nên thê lương sầu thảm?
Thì ra đêm nay khách đang nhớ đến quê hương xa ngoài ngàn dặm.
Sáng mai trên mái tóc sương pha nầy lại chồng thêm một tuổi đời xa quê hương nữa !
Qủa là tâm sự xót xa của kẻ tha hương lữ thứ! Cao Thích không về được quê hương để đón xuân vì quan sơn cách trở, và vì công chưa thành danh chưa toại, mà xót xa cho thân mình còn lưu lạc tha phương trong đêm Trừ tịch! Không như ...
Chúng ta ngày nay, không phải vì núi sông cách trở, cũng không phải chờ đợi công danh. Chúng ta có đầy đủ phương tiện, điều kiện tiện nghi để về thăm quê hương bất cứ lúc nào, bất cứ khi nào chúng ta muốn... Nhưng, về đến quê hương rồi cũng không tìm đâu ra được những làng xóm ngày xưa, những phố phường năm cũ, kỷ niệm của những ngày xưa thân ái... đã biền biệt... chân trời!
Thôi thì, thà ở đây, để làm kẻ tha hương, xa quê, nhớ quê để nuối tiếc về những tháng ngày dĩ vãng... vang bóng một thời!!!
* Diễn nôm :
ĐÊM GIAO THỪA
Quán lạnh đèn tàn chẳng ngủ yên,
Lòng ai da diết những ưu phiền.
Quê hương ngàn dặm đêm nay nhớ,
Đầu bạc sáng ngày lại một niên !
Lục bát :
Thức cùng quán lạnh đèn tàn,
Lòng người lữ thứ dạ càng tái tê.
Ngàn trùng canh cánh tình quê,
Sáng ra đầu bạc năm về lại năm.
Câu 3 :
故鄉今夜思千里,Cố hương kim dạ tư thiên lý,
Còn được hiểu là : Đêm nay, cố hương nhớ về người ở xa ngàn dặm. Chắc trong cảnh đoàn tụ vui vầy để cùng đón Tết mà thiếu mất một người còn chưa kịp về. Cao Thích không nói là mình ở ngoài ngàn dặm nhớ về cố hương , mà nói Cố hương nhớ về mình còn đang ở xa ngoài ngàn dặm.
PHỎNG DỊCH :
THƠ LÀM ĐÊM GIAO THỪA
Quán trọ, đèn khuya, ngủ chẳng yên,
Lòng luôn canh cánh vạn niềm riềng.
Quê nhà, nhớ qúa, xa ngàn dặm,
Mai Tết, năm qua, tóc bạc thêm !
CẢM TÁC :
Giao thừa giao cả niềm riêng,
Lòng quê cánh cánh tận miền xa xăm.
Mai ngày năm lại qua năm,
Bao giờ mới khỏi về thăm quê nhà ?!
Đỗ Chiêu Đức
5. LINH LĂNG TẢO XUÂN Liễu Tông Nguyên :
LINH LĂNG TẢO XUÂN 零 陵 早 春
Vấn xuân tòng thử khứ, 問 春 從 此 去,
Kỷ nhật đáo Tần Nguyên. 幾 日 到 秦 原.
Bằng ký hoàn hương mộng, 凭 寄 還 鄕 夢,
Ân cần nhập cố viên. 殷 勤 入 故 園.
Liễu Tông Nguyên 柳宗元
* CHÚ THÍCH :
- Linh Lăng 零陵 : là một địa danh ở miền Nam, còn Tần Nguyên 秦原 thì ở miền Bắc. Ở miền Nam ấm áp nên mùa xuân đến sớm hơn, còn miền Bắc lạnh lẽo nên nàng xuân sẽ đến muộn hơn.
- Tòng Thử 從此: là Từ nơi đây, từ chỗ nầy.
- Bằng Ký 凭寄: là Dựa vào ai đó mà gởi gắm. Ở đây chỉ Dựa vào nàng xuân.
- Hoàn Hương Mộng 還鄕夢: là Giấc mơ được về với quê hương.
* NGHĨA BÀI THƠ :
MÙA XUÂN ĐẾN SỚM Ở XỨ LINH LĂNG
Hỏi Xuân rằng, từ đây đi, thì mấy ngày Xuân mới đến được xứ Tần Nguyên. Cho ta gởi theo cái " mộng hoàn hương ", ân cần về tận quê nhà.( Chứ đang ở nơi xa xôi nầy, ta sẽ không sao về lại nhà trong mùa xuân nầy được ! ).
* DIỄN NÔM :
XUÂN SỚM Ở XỨ LINH LĂNG
Hỏi Xuân từ đây giả biệt
Bao giờ mới đến Tần Nguyên
Ta gởi mộng hồn tha thiết
Ân cần về tận cố viên !
Thơ Lục Bát :
Từ đây giả biệt, hỏi Xuân
Bao giờ mới đến xứ Tần Nguyên ta
Gởi lòng theo mộng thiết tha
Ân cần về tận quê nhà xa xăm !
Thấy xuân đến, chạnh lòng nhớ quê mà gởi cái " mộng hoàn hương ", ân cần nhờ nàng xuân mang về tận quê nhà, đây quả là một lối gởi đặc biệt và tuyệt vời biết bao !
Mặc dù, chúng ta đang ở đất Bắc (Bắc Mỹ), và mặc dù Mỹ đi sau hơn Việt Nam đến mười hai tiếng đồng hồ, nhưng sao ta vẫn thấy nao nao mỗi độ xuân về, cứ lo cho quê hương chưa có mùa xuân, nhưng có biết đâu rằng chính chúng ta đây mới là những kẻ đang khao khát mùa xuân, và chỉ hoài niệm, rồi nuối tiếc mà đi tìm những mùa xuân trong quá khứ.....
Đầu Xuân, gởi chút mộng lòng tha thiết về với quê hương......
Từ đây giả biệt, hỏi Xuân
Bao giờ mới đến xứ "CẦN THƠ" ta
Gởi lòng theo mộng thiết tha
Ân cần về tận quê nhà xa xăm !
Đỗ Chiêu Đức
Xuân Canh Tý 2020
TẢO THU SƠN CƯ
Ôn Đình Quân
Bản dịch: Mailộc, Đỗ Chiêu Đức, Phương Hà
Bản dịch MAILOC
Tảo thu sơn cư
(Ôn Đình Quân )
Sơn cận giác hàn tảo,
Thảo đường sương khí tình.
Thụ điêu song hữu nhật,
Trì mãn thuỷ vô thanh.
Quả lạc kiến viên quá,
Diệp can văn lộc hành.
Tố cầm cơ lự tĩnh,
Không bạn dạ tuyền thanh.
-- Dịch nghĩa: --
Tiết thu sớm ở trong núi
Ở gần núi biết trời lạnh sớm
Nhà thảo đường sương bay lúc trời tạnh
Cây héo lá, ngoài cửa sổ có ánh mặt trời
Ao đầy nước lặng lẻ
Quả cây rụng thấy vượn đến
Lá khô nghe rõ chân hươu đi
Gảy đàn, lòng lo nghĩ đều yên
Chỉ bạn với nước suối về đêm.
--Bản dịch của Mai Lộc--
Thu Sớm Trong Núi
(1)
Trong rừng núi , đã nghe lạnh sớm ,
Mái tranh nghèo , thu chớm , mờ sương .
Ngoài song lá úa nắng vương ,
Ao đầy vắng lạnh , khói dường như mây.
Hoa trái rụng trên cây vượn hú
Đạp lá vàng một lũ hươu nai .
Gảy đàn thanh thoát lòng ai ,
Bạn cùng suối nước đêm nay riêng mình .
(2)
Trong núi lạnh heo may ,
Mái nghèo sương khói bay .
Song ngoài nắng lá úa ,
Ao vắng nước tràn đầy .
Qủa rụng , vượn đâu đến ,
Lá vàng vẳng hươu nai .
Gảy đàn lòng tĩnh lặng ,
Suối nước bạn đêm nay .
Đỗ Chiêu Đức tham gia với các phần sau đây :
1. Nguyên bàn chữ Nho của bài thơ :
早秋山居 TẢO THU SƠM CƯ
山近覺寒早, Sơn cận giác hàn tảo,
草堂霜氣晴。 Thảo đường sương khí tình.
樹凋窗有日, Thụ điêu song hữu nhật,
池滿水無聲。 Trì mãn thuỷ vô thanh.
果落見猿過, Qủa lạc kiến viên quá,
葉幹聞鹿行。 Diệp can văn lộc hành.
素琴機慮靜, Tố cầm cơ lự tịnh,
空伴夜泉清。 Không bạn dạ tuyền thanh.
溫庭筠 Ôn Đình Quân
2. Chú Thích :
- THẢO ĐƯỜNG 草堂 : ĐƯỜNG là Hall trong tiếng Anh, là cái phòng rộng lớn. Nhưng THẢO ĐƯỜNG ở đây là căn nhà cỏ, nhà tranh của những văn nhân thi sĩ ngày xưa khi ở ẩn. Gọi là Thảo Đường cho có vẻ cao nhã thanh thoát mà thôi.
- TÌNH 晴 : là Tạnh, là Nắng ráo. Sương Khí Tình là chỉ Hơi sương đã tan.
- THỤ ĐIÊU 樹凋 : là Cây héo. Ở đây chỉ Lá cây vàng rụng nên cành lá thưa thớt. LINH là Điêu Linh là lưa thưa héo úa.
- TỐ CẦM 素琴 : là Cây đàn chay. Có nghĩa Cây đàn không có trang trí thêm hoa văn gì cho đẹp cả.
3. Nghĩa bài thơ :
THU SỚM TRONG VÙNG NÚI
Vì ở gần với núi non nên có cảm giác là cái lạnh của mùa thu đến sớm hơn. Trong gian nhà cỏ đã tạnh hơi sương, ta nhìn qua song cửa thấy ánh nắng đã le lói qua các cành cây lưa thưa lá úa, và một ao nước thu đầy lạnh lẽo trong veo trong yên tĩnh. Trái cây cũng vàng rụng nên thấp thoáng bóng của các con vượn thoáng qua. Bên tai lại nghe tiếng xạc xào của các con nai đạp trên lá vàng khô. Ta gãy chiếc đàn mộc mạc mà lòng lâng lâng yên tịnh, đến khi đêm xuống thì chỉ còn nghe có tiếng suối trong thanh thoát hòa lẫn với tiếng đàn mà thôi.
Câu thứ tư trong bài "池滿水無聲 Trì mãn thuỷ vô thanh" làm cho ta nhớ đến Tam nguyên Yên Đỗ với ...
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo !
và... câu thứ sáu "葉幹聞鹿行 Diệp can văn lộc hành" trong bài, lại làm cho ta liên tưởng đến thi sĩ Lưu Trọng Lư với ...
Con nai vàng ngơ ngác...
Đạp trên lá vàng khô !
Quả là một bài thơ đẹp cho cảnh mùa thu đến sớm với những người ẩn cư tại các vùng núi non xa xôi hẻo lánh : Yên tịnh, thanh thoát và cao nhã !
4. Diễn Nôm :
SỚM THU TRONG NÚI
Hắt hiu núi gần lạnh sớm,
Nhà tranh vừa tạnh sương mù.
Cây rụng lưa thưa song nắng.
Nước đầy trong trẻo ao thu.
Bóng vượn chập chờn trái rụng,
Tiếng nai xào xạc lá khô.
Thanh thoát tiếng đàn mộc mạc,
lẫn trong tiếng suối như thơ.
Lục bát :
Hắt hiu xóm núi lạnh tràn,
Hơi thu nhà cỏ một gian sương mờ.
Nắng xuyên song cửa lơ thơ,
Cây cành thưa lá ao hồ nước dâng.
Vượn buồn trái rụng bâng khuâng,
Xạc xào nai đạp lá rừng vàng khô.
Đàn tranh mộc mạc lửng lơ,
Hoà cùng tiếng suối như mơ đêm trường.
Đỗ Chiêu Đức
Phương Hà xin góp bài phỏng dịch:
THU SỚM TRONG NÚI
Cái lạnh mùa thu đến sớm hơn
Nhà tranh tĩnh lặng vắng hơi sương
Lưa thưa lá úa trên cành nắng
Lạnh lẽo hồ trong tựa mặt gương
Thấp thoáng vượn tìm hoa quả rụng
Xạc xào nai đạp lá vàng vương
Gẩy cây đàn mộc ngân cùng suối
Thanh thản lòng ta nhẹ lạ thường.
Phương Hà
______________________________________
KHÁCH CHÍ
Đỗ Phủ
Mùa xuân năm Thượng Nguyên thứ hai đời Đường (761), Đỗ Phủ đã năm mươi tuổi. Lúc bấy giờ ông đang định cư nơi đất Thục với một ngôi thảo đường (nhà cỏ) ở đầu các khe suối vùng ngoại ô của Thành Đô. Sau những năm lưu ly loạn lạc, đây là thời gian ông được sống an nhàn nơi thảo dã. Bài KHÁCH CHÍ được làm trong khoảng thời gian nầy.
客至 KHÁCH CHÍ
舍南舍北皆春水, Xá nam xá bắc giai xuân thủy,
但見羣鷗日日來。 Đản kiến quần âu nhựt nhựt lai.
花徑不曾緣客掃, Hoa kính bất tằng duyên khách tảo,
蓬門今始爲君開。 Bồng môn kim thủy vị quân khai.
盤飧市遠無兼味, Bàn tôn thị viễn vô kiêm vị,
樽酒家貧只舊醅。 Tôn tửu gia bần chỉ cựu phôi.
肯與鄰翁相對飲, Khẳng dữ lân ông tương đối ẩm,
隔籬呼取盡餘杯。 Cách ly hô thủ tận dư bôi.
杜甫 ĐỖ PHỦ
* CHÚ THÍCH :
- XÁ 舍 : là Nhà trọ, Quán trọ. Chỉ nhà cất sơ sài, thường dùng để chỉ nhà của mình ở, như TỆ XÁ 敝舍 (gọi nhà của người ta là QÚY PHỦ 貴府).
- ÂU 鷗 : là chim Hải âu.
- DUYÊN 緣 : là Duyên cớ, nên có nghĩa là VÌ...
- BÀN TÔN 盤飧 : BÀN là Mâm, TÔN là Bửa ăn thường; nên BÀN TÔN là bửa ăn xoàng, bửa ăn đạm bạc.
- CỰU PHÔI 舊醅 : CỰU là cũ, PHÔI là Ủ (rượu cho lên men); CỰU PHÔI ở đây chỉ rượu có sẵn ở trong nhà (để dành không dám uống) chỉ đem ra đãi khách.
- KHẲNG DỮ 肯與 : là KHẲNG là Chịu, DỮ là Cùng; KHẲNG DỮ có nghĩa : Nếu như chịu cùng ...
- LÂN ÔNG 鄰翁 : là Ông già hàng xóm.
- CÁCH LY 隔籬 : CÁCH ở đây có nghĩa là Sát bên, LY là Hàng rào; Nên CÁCH LY là Sát bên rào.
* NGHĨA BÀI THƠ :
KHÁCH ĐẾN
Phía nam phía bắc của nhà tôi ở đều là những dòng sông xuân xanh biếc, chỉ có những bầy chim hải âu ngày ngày bay lượn đến. Lối mòn phủ đầy hoa rụng chưa từng được quét vì khách (Hôm nay anh đến thăm nên mới được quét đây); và cánh cửa bằng cỏ bồng nầy hôm nay mới được mở ra vì bạn đến. Trên mâm chỉ có những thức ăn đạm bạc không có thêm được món ngon nào vì chợ ở rất xa; còn rượu thì chỉ là những thứ cũ kỹ ủ để dành, nhà nghèo nên không có mua rượu mới. Nếu bạn đồng ý cùng uống vài ly với ông hàng xóm, tôi sẽ cách rào gọi một tiếng ông ta sẽ cùng uống với chúng ta những cốc rượu thừa nầy.
Cảnh nước sông xuân vắng lặng yên tĩnh thanh nhàn xung quanh ngôi nhà cỏ, chỉ có các con chim âu bay đến hằng ngày. Hôm nay con đường rụng đầy hoa được quét sạch, cánh cửa bằng cỏ lâu nay vẫn khép im ỉm, lại được mở ra vì : Có bạn đến chơi nhà ! Niềm vui của người ẩn cư được bạn bè nhớ đến ghé thăm, nhưng vì cảnh ẩn dật thanh bần không có cao lương mỹ vị để tiếp đãi bạn biền, cả rưọu cũng phải uống rượu cũ ủ lâu ngày sắp hóa chua vì chợ ở xa không đi mua rượu ngon được. Câu nầy lại làm cho ta nhớ đến Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến trong bài "Bạn Đến Chơi Nhà" :
Chả bấy lâu nay bác tới nhà,
Trẻ thời đi vắng chợ thời xa !...
Bài thơ lại được kết với một niềm vui chan chứa, vô tư nhưng rất tự nhiên bộc lộ niềm vui với ý niệm chia xẻ cùng ông hàng xóm : Nếu bạn chịu, tôi sẽ hê ông hàng xóm đến cùng nhậu chung cho vui !
肯與鄰翁相對飲, Khẳng dữ lân ông tương đối ẩm,
隔籬呼取盡餘杯。 Cách ly hô thủ tận dư bôi.
DIỄN NÔM :
BẠN ĐẾN CHƠI NHÀ
Mặt nam mặt bắc nước sông dài,
Chỉ thấy chim âu lượn mỗi ngày.
Nẻo vắng đầy hoa không khách quét,
Cửa bồng luôn khép mở vì ai ...
Chợ xa đạm bạc bày vài món,
Rượu cũ nhà nghèo ủ mấy chai.
Nếu chịu cùng ông hàng xóm nhậu,
Cách rào một tiếng đến lai rai !...
Lục bát :
Nước xuân nam bắc chảy dài,
Chim âu bay lượn ngày ngày ven sông.
Lối mòn hoa rụng đầy sân,
Cửa bồng luôn khép, mở mừng bạn ta.
Lèo tèo món nhậu chợ xa,
Nhà nghèo rượu cũ ủ đà bao năm.
Thích cùng ông lão đông lân.
Cách rào một tiếng đến cùng nâng ly !
Đỗ Chiêu Đức