Cần xem tiết mục nào xin click vào Trang bài / webpage trong MENU dưới đây:
TRANG CHÍNH / HOME . BÀI MỚI ĐĂNG . SINH HOẠT HOUSTON, TX . ĐH XXIII-MARYLAND 2019 . ĐH XXII-SAN JOSE 2018 . ĐH XXI-HOUSTON 2017 . SINH HOẠT CANADA . SINH HOẠT ÚC CHÂU . CÁC ĐẶC SAN ĐH . SINH HOẠT BẮC - NAM CALI - SINH HOẠT VÙNG NEW ENGLAND - SINH HOẠT VIỆT NAM - TIN SINH HOẠT CÁC NƠI . GÓC SÂN TRƯỜNG NHÀ . VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT . VÒNG TAY NGHĨA TÌNH . CHIA BUỒN - CHUNG VUI . TÌM NGƯỜI - NHẮN TIN
Thơ, Truyện
lê trúc khanh
CHS-GS Phan Thanh Giản
___________
THƯƠNG LẮM, TRƯỜNG TÔI..
I/ THỜI TUỔI NGỌC
Ta về đây như một người khách trọ
Lớp sóng sau đùa mất bãi bờ xa
Muốn tìm lại dãy hành lang thân thuộc
Khung cửa nào gởi trọn trái tim ta ?
Những hình ảnh trong phần nầy là lưu giữ một quá khứ rực rỡ yêu thương của bao thế hệ học trò từ ngày Collège de Cantho có mặt trên vùng đất hiền hòa nằm ven bờ sông Hậu, cho đến khi đổi tên là Trung học Phan ThanhGiản từ năm 1945.
Rồi đến năm 1958 vì số học sinh ngày càng tăng, nên BộGiáo dục miền Nam quyết định chia đôi trường Phan Thanh Giản để thành lập thêm một trường mới tức là trường Nữ Trung học Đoàn Thị Điểm. Cũng từ thời
điểm đó, Trường Phan Thanh Giản- Đoàn thị Điểm “tuy một mà hai”.. Hai trường cách nhau một con đường nhỏ (trước mang tên PasTeur, nay là đường Võ thị Sáu) mà lại bị cấm đi vì ở gần khu quân sự. Biết bao nhiêu chàng “thi sĩ học trò” đã gửi lòng mình qua những sáng tác thơ văn đầy lãng mạn cho một bóng hồng nào đó thoáng hiện qua chiếc cầu thang bên kia ngôi trường “kín cổng cao tường”. Những mối tình thơ câm lặng đó rồi cũng như con sóng nhỏ trên mặt trường giang, sẽ phai dần đi để trở thành kỷ niệm khi chúng ta bước xuống cuộc
đời. Nhưng, mùa Xuân và Bến Ninh Kiều đã khơi một dòng chảy cho nước về nguồn, cho bao nhiêu câu chuyện tình học trò cứ tưởng mong manh như sương khói mà lại bền bĩ với thời gian.
Hạnh phúc nhất với tuổi học trò chúng tôi thời đó là những buổi sáng giápTết, cũng ôm cặp sách tới trường, nhưng không vào lớp, mà điểm hẹn là Bến Ninh Kiều! Mặt trời lên, mang theo chút nắng ấm, gió từ sông Hậu thổi vào lồng lộng, bạn cứ ngỡ đi trong chợ hoa mà như lạc tới Đào Nguyên! Chung quanh ta, hàng trăm tà áo dài trắng nữ sinh tung bay trong gió, những nụ cười, ánh mắt, những câu chuyện không dứt.. Mùa Xuân hình như tràn ngập trong mỗi trái tim người. Xin được giữ lại ở đây những hình ảnh một thời qua và trao gởi đến
mai sau trọn vẹn tấm lòng của “thời thơ bé tuổi mười lăm”…
Sinh Hoạt Nam, Bắc Cali
Sinh Hoạt New England
Góc sân Trường Nhà - Sinh hoạt
TÁC GIẢ:
Hồ Trung Thành
Lê Trúc Khanh
Nguyễn Trung Nam
HÌNH ẢNH CHIẾC CẦU THANG GỖ
Nơi đã từng in dấu chân bao thế hệ học trò. Mưa nắng, thời gian, dòng người lên xuống.. làm vẹt mòn
mặt gỗ, nhưng từng thớ gỗ vẫn vẹn nguyên. 100 năm- bao lớp bụi phủ mờ quá khứ mà sao lòng vẫn cứ bâng
khuâng?
Hình như ở cuối cầu thang nhỏ
Tôi đã âm thầm giấu tuổi thơ?
Đâu phải- ngoài sân, trong lớp học
Cả hàng khuynh diệp đứng trong mưa….
CHỨNG NHÂN MỘT THỜI KỲ LỊCH SỬ
Hai cây cau ở cổng trước ngày nào xanh tốt. Nó đi suốt cuộc hành trình tri thức của bao thế hệ học trò
trước 1975, rồi cũng héo tàn qua năm tháng. Đây là hình ảnh cây cau già lẻ loi còn sót lại để ngậm ngùi
chôn vùi kỷ niệm một thời “hết đụt mưa chiều, trú nắng trưa”…
Buồn và thương nhớ biết bao nhiêu
CON ĐƯỜNG QUEN THUỘC…
Bạn có nhận ra con đường nầy không? Trước năm 1975, đây là đường cấm vì nó nằm gần khu quân sự. Vô hình trung, nó cũng là con đường chia cách những cô cậu học trò hai trường Phan Thanh Giản và Đoàn thị Điểm.
Đó là con đường Pasteur quen thuộc của mỗi chúng ta. Cũng vì thế, những chàng thi sĩ học trò lắm mộng nhiều mơ chỉ biết tranh nhau đứng ở cuối dãy lầu 3, len lén nhìn sang những bóng hồng thấp thoáng bên kia.. Bạn tôi, một thi sĩ đã mất là Lăng Cảnh Huy viết những dòng thơ đầy “lãng mạn”:
Buồn mang mang- ừ- nỗi buồn mang mang
Tôi hỏi em bên mái trường Đoàn
Rằng có buồn như kẻ ở trường Phan
Mang tâm tình đứng ngóng cuối hành lang?...
Bức hình nầy chụp trong buổi sáng tháng 3 /2017 từ góc nhìn đường Phan Thanh Giản ( nay là đường Xô Viết Nghệ Tĩnh). Phía tay trái là trường Đoàn và tay phải là trường Phan. Và buồn thay, cả hai đều trở thành phế tích!
Ngày 13/2/2017, nhóm thợ bắt đầu phá dỡ trường để chuẩn bị thực hiện theo NQ ngày 22/7/2016 của HĐND Thành phố Cần Thơ. Đó là trùng tu kết hợp xây dựng mới . Cụ thể như sau:
-Trùng tu, cải tạo: Đối với dãy nhà ( giáp đường XVNT ) và khối nhà Hiệu bộ ( giáp đường Ngô Quyền và đường
Trương Định ) thực hiện trùng tu, cải tạo theo hiện trạng và kiến trúc cũ của người Pháp.
-Xây dựng mới: Đối với các khối còn lại ( trừ 2 khối trên) theo kiến trúc cũ của Pháp, đảm bảo hài hòa với không gian chung và hòa hợp với các hạng mục trùng tu, cải tạo.
( Trích NQ/ HĐND/TPCT ngày 22/7/2016)
Dẫu biết chuyện sinh tử, tồn vong là qui luật của muôn đời, nhưng sao lòng cứ bâng khuâng khi nhìn tường rơi, gạch vỡ? Phải chăng trong từng viên gạch, từng chiếc bàn học trò, hay một dãy hành lang cũ.. đều in đậm thời tuổi thơ hồn nhiên, trong trắng, là tiếng vọng từ kiếp nào lời dạy bảo của thầy cô, lời tâm sự của bạn
bè, hoặc một ánh mắt của ai gửi lại cố nhân để rồi muôn trùng cách biệt?
Những bức ảnh nầy được ghi lại bởi nhiều người, trong đó có tác giả là thầy cô giáo, có học sinh, có cả khách qua đường.. như một hoài niệm thiết tha vì chuyện trăm năm đã trở thành phế tích.
II/THEO BƯỚC THỜI GIAN
Sau một thời gian dài xây dựng, ngôi trường thân yêu đã được đưa vào sử dụng từ học kỳ 2 năm học 2018-2019.
Hơn 100 năm, trường chúng ta đã hoàn toàn thay áo mới. Nhưng vẫn còn ẩn hiện đâu đó, thấp thoáng hình bóng một thời qua. Có phải chăng đó là phần linh hồn của ngôi trường yêu dấu? Vẫn mong trên con sông đời vô tận đó, trường chúng ta mãi mãi một dòng trong...
KHÔNG GIỮ TRƯỜNG, NHƯNG PHẢI GIỮ HỒN XƯA..
Bài thơ nầy tôi viết đã khá lâu. Viết bằng sự đồng cảm của những thế hệ học trò thân yêu chia tay từ mấy chục năm rồi. Một sớm trở lại trường xưa, sao lòng vẫn vẹn nguyên như thời mười tám tuổi ? Có điều, cảnh quan khá nhiều thay đổi: mới hơn, đẹp hơn... nhưng hình như trong mỗi bước chân đi còn vường bụi thời gian, còn nghe phảng phất bên tai giọng nói tiếng cười của cái tuổi: “bán đứng linh hồn cho bên ngoài cửa sổ ”..
Xin được viết thay niềm tâm sự cho học trò tôi và trân trọng trao tặng các em, những người bạn trẻ ở ngôi trường yêu dấu.
LTK.
Ai nhặt dùm ta những chùm phượng đỏ
Tháng năm về vang vọng tiếng ve ngân
Chưa đến mùa thi, dạt dào biển gọi
Ôi mùa hè bỗng chốc hóa mùa xuân!
Rồi một sớm khi ta mười tám tuổi
Bước xuống đời sao lại thấy bâng khuâng
Giã biệt thầy cô- mái trường ân nghĩa
Nét hồn nhiên đã mất giữa vô chừng….
Và chúng ta như những dòng sông nhỏ.
Ba mươi năm biền biệt chảy trăm miền
Đất Mỹ, trời Âu- nặng lòng cố xứ
Đã ngược nguồn trong một sớm bình yên.
Ta về đây, vẫn Cần Thơ nắng đẹp
Như những lần nao nức buổi liên hoan
Đêm lửa trại hát hò bên ánh lửa
Má ai hồng nên ai nhớ mang mang….
Rồi “ai đó’’ và bao người bạn trẻ
Chỉ chung trường, chung lớp, chẳng chung đôi.
Xin quá khứ một lần quay trở lại
Để ngậm ngùi khi tuổi chớm năm mươi…
Khi về đây, cổng trường xưa đã khép
Đường Ngô Quyền mưa đẫm gót chân ta
Tháng mười một có em còn đứng đợi
Lời chia tay gởi trọn chốn quê nhà…
Ôi bạn đồng song, người còn kẻ mất
Bốn dãy bàn với những chỗ ngồi quen
Ba năm học dù ít nhiều thay đổi
Nhưng bạn bè thì không thể nào quên…
Trường mới dựng vẫn trên nền đất cũ
Thời học trò phong kín giữa lòng sân.
Thương lớp nhỏ, thương bạn bè thuở trước.
Một tình yêu hoài niệm đến hai lần!
Ta về đây như một người khách trọ
Lớp sóng sau đùa mất bãi bờ xa
Muốn tìm lại dãy hành lang thân thuộc
Khung cửa nào gởi trọn trái tim ta?
Đã mất rồi sao, hình hài buổi trước
Thế kỷ qua, thương biết mấy cho vừa.
Dù gạch đá trăm năm là cát bụi,
Không giữ trường, nhưng phải giữ hồn xưa!
Lời người viết : Đây chỉ là một phần nhỏ trong tập ảnh “Thương lắm trường tôi”, sưu tập những hình ảnh ngôi trường thân yêu của chúng ta qua hơn 100 năm với vô vàn biến động. Bản thân tôi dự định in cả tập sách nầy, nhưng điều kiện tài chánh còn hạn chế, nên chỉ gởi đến các bạn đồng môn một số ảnh nằm trong
khoảng hơn 100 trang đã được sắp xếp từ nhiều năm trước. Mong các bạn cảm thông .
Cần Thơ, tháng 7 năm 2024
LÊ TRÚC KHANH
Lê Trúc Khanh
BƯỚM RỜI HIÊN LỚP, BƯỚM THÀNH THƠ...
Bến sông Tiền ( Hình trên Internet)
Tôi sinh ra ở một làng quê nằm ven bờ sông Cửa Đại. Chợ Tân Thạch lúc nào cũng ồn áo náo nhiệt, hầu như suốt ngày đêm, bởi đó cũng là nơi đặt bến “Bac’ nối hai tỉnh Mỹ Tho- Bến Tre từ xưa. Người dân tụ tập buôn bán, khách bộ hành không ngớt, xe đò chạy suốt.. Ở đây, còn có ngôi trường Tiều học mang tên “ Trường Tiểu học Tân Thạch”, đã giữ của tôi bao nhiêu kỷ niệm thời thơ ấu. Nhưng chỉ cách chợ trên dưới hai cây số, thì làng quê lại vắng vẻ, đìu hiu.. Con đường từ chợ đến cuối làng Tân Thạch chỉ được nới rộng ra, đổ đất, nên những ngày mưa hay trong mùa nước nổi thì việc đi lại hết sức khó khăn. Từ chợ đến nhà tôi phải qua ba cây cầu : Cầu Chợ, cầu Kinh và cầu Chùa. Những năm sau 1955, dân chúng đóng góp cùng với chánh quyền bắt cầu bê tông cốt sắt, thay thế cho những cây cầu tạm đơn sơ trong thời chiến tranh. Rạch Chùa khá rộng, nên người ta phải đổ từng miếng dale ghép lại. Rất nhiều lần, tôi cùng đám bạn học đi dọc theo lan can cầu và đếm đủ 82 miếng dale như thế. Sau nầy, khi chiến sự bùng nổ, những miếng dale nầy bị tháo giở quăng xuống lòng rạch, chỉ còn trơ lại khung cầu cho đến sau 1975 .
Năm 13 tuổi, má tôi cho sang Mỹ Tho ở với ba tôi tại đường Lý Thường Kiệt, nằm cạnh Hồ nước ngọt , để tôi tiếp tục đi học tại trường Nguyễn Đình Chiểu, một phần vì thấy con mình quá vất vả trong việc học, một phần có lẽ má sợ tôi dễ bị lôi cuốn vào những đêm văn nghệ , những buổi mít ting để rồi sẽ đi một chuyến không bao giờ trở lại. Kể từ đó, tôi cũng không lần nào trở về quê ngoại. Chiến tranh kết thúc, lại phải oằn mình trong cuộc mưu sinh. Mấy chục năm dài, nhớ về quê, nhớ biết bao nhiêu những địa danh Tân Thạch, Trúc Giang.. và kỷ niệm ấu thơ là những giấc mơ buồn.
Anh uống dừa tươi nhớ Bến Tre
Nhớ em về nắng có dù che
Nhớ bông lau nở dài kinh rạch
Và nhớ triền miên những hội hè….
Bến Tre là vùng đất cù lao, giáp biển nên mỗi năm con nước sông cửa Đại chia ra hai mùa rõ rệt : mùa nước mặn và mùa nước ngọt. Có lẽ vì thế , việc canh tác cây trồng hạn chế nên từ xưa người Bến Tre chủ yếu trồng dừa. Rừng rừng dừa rủ bóng, phủ kín làng quê, dừa trồng hai bên đường đi, trước sân, mà thậm chí có những cây dừa vượt lên từ một mái nhà nào đó ! Biết bao nhiêu nhà thơ , nhà văn, nhạc sĩ, đã có hàng trăm sáng tác ca ngợi xứ dừa, nhưng họ chưa hiểu được hết nỗi khổ của người dân! Khi cây trưởng thành bắt đầu kết trái, cũng là lúc chủ vườn thu nhập. Nhưng dừa trỗ trái theo lứa, và ước chừng mỗi tháng thu hoạch một lần. Tiếng bình dân gọi là “giựt dừa”. Có điều số tiền thu được không nhiều, không đủ trang trải chi phí gia đình. Đó là những chủ vườn có một vài mẫu trở lên, kể chi những người chỉ là đôi bờ vườn dừa hương hỏa ! Nói nôm na, họ tương tự như lớp công chức nghèo sống bằng tiền lương hàng tháng !. Càng khổ hơn, đất đã trồng dừa lại không thể trồng lại cây nào khác. ( Sau nầy, có nhiều chuyển biến, Bến Tre đã thay đổi lối canh tác cổ điển của mình. Người ta bỏ dừa, trồng cây ăn trái, các loại hoa màu. Đó là chuyện của thế kỷ XXI, nhất là từ khi cầu Rạch Miễu thay cho những chuyến Bac ngày xưa.)
Chính vì thế, ngay từ còn nhỏ, tôi đã chứng kiến cuộc sống gian khổ của gia đình. Má tôi với gánh hàng trên vai rong ruỗi sáng chiều, sau nầy khá hơn, có được một tiệm hàng xén nhỏ nằm cạnh hương lộ đất năm tháng bụi cát mù trời . Ngôi nhà nhỏ , lợp lá đơn sơ, tuy cạnh đường lộ, nhưng phía trái, phía phải, sau lưng ..bị vây bằng nhiều ngôi một cổ. Mộ không có bia, chỉ là những khối đá ong xếp chồng lên nhau thành hình chữ nhật, bên trong đổ đất. Lúc ban đầu chắc cũng khang trang lắm, nhưng qua thời gian, mưa nắng.. nên phần đất phía trên bị sụt lún khá nhiều. Đã vậy, dưới chân mộ, chuột, rắn... đào hang, rồi ngày qua ngày thành những hang sâu hun hút có lẽ ăn tận áo quan của người đã mất. Cũng chẳng thấy ai sửa sang, mà cứ để hoang phế từ năm nầy sang tháng khác.Vài năm một lần, thấy có vài người chắc từ Sài Gòn xuống, quét dọn , cúng kiến sơ sài lúc gần Tết rồi cũng vội vã ra về. Ở quen riết rồi nên không biết sợ. Đã vậy, từ nhỏ , anh em tôi bị “ảnh hưởng” nặng nề bởi truyện Tàu: từ Thuyết Đường đến Tiết Nhơn Quí chinh đông, Tiết Đinh San chinh tây... Chi tiết gợi nhớ nhất là trong truyện Bao Công kỳ án. Nhân vật Bao Chửng thời nhỏ, là một đứa bé mồ côi. Bà mẹ vì sinh khó nên mất trước khi con mình ra đời. Nhưng không ai ngờ, vì Bao Chửng là Văn khúc tinh quân tái thế, trời sai xuống giúp đời, nên trời đã giữ thân xác người mẹ- dù đã an táng rồi- vẫn vẹn nguyên cho đến ngày khai hoa nở nhụy. Thằng bé ra đời lớn dần lên khi người mẹ tan rã chỉ còn lại bộ xương bóng như ngà , mà nó cũng không hề nhận biết. Đứa bé từng bước trưởng thành theo thời gian , lòng mộ là nhà của nó và mỗi tối vẫn có mẹ nó bên cạnh như bình thường. Sự việc nầy chỉ được phát hiện khi người chủ quán hàng xén nhận ra lâu lâu có một đứa bé đến cửa tiệm mình mua bánh kẹo, cũng trả tiền hẳn hoi, nhưng đến chiều khi đếm lại tiền, lại có mấy tờ giấy tiền vàng bạc !. Ông ta nghi ngờ, một lần khi đứa bé đến tiệm, đã lén cột sợi chỉ vào vạt áo. Từ sợi chỉ đó, người chủ quán đi theo và nhìn thấy thằng bé chui vào ngôi mộ...
Chi tiết đó đã gợi sự tò mò của anh em tôi trong những ngày sống ở nơi đây. Nhiều buổi nắng gắt, đợi lúc má tôi nghỉ trưa hoặc đi Mỹ tho bổ hàng chưa về, anh em tôi lấy chiếc gương ra, mượn ánh nắng để soi vào lối sâu hun hút ở chân mộ, tìm xem có thằng bé nào đang ở trong đó hay không ! Đương nhiên chỉ thấy một khoảng tối và sâu thăm thẳm, chẳng có ai chui ra từ đáy mộ. Vậy mà, cứ năm ba bữa, anh em tôi lại rủ nhau rọi gương một lần, không biết sợ là gì. Câu chuyện tưởng tượng ngây ngô của thời thơ ấu cứ ngỡ như vừa mới hôm qua !...
Có một điều tôi chưa hiểu được là tại sao những năm tháng trước 1954 lại có những tai họa như từ trời rơi xuống . Đó là lâu lâu , có tin đồn : “Thổ dậy, bà con ơi !”.. Vậy là người trẻ, người già, trẻ con cuống cuồng gom vội một mớ áo quần, lương thực .. cùng nhau chạy trốn. Cậu tư tôi, một người nông dân đã lớn tuổi nhưng còn khỏe mạnh, cõng bà Ngoại tôi trên lưng, vì Ngoại bị mù, cùng gia đình tôi chạy theo đoàn người di tản. Rồi cuộc trốn chạy tự dừng lại khoảng sau một ngày, ai về nhà nấy và cũng chẳng ai biết tin tức “Thổ dậy” xuất phát từ đâu !
Hiệp định Genève 1954 đã làm thay đổi cuộc sống xã hội miền Nam , mà Bến Tre không là ngoại lệ. Làng quê đã có những năm tháng hết sức thanh bình , dù ngắn ngủi. Đây là thời kỳ vang dội nhất của những bài hát như : Gạo trắng trăng thanh, Lúa mùa duyên thắm, Khúc ca ngày mùa, Trăng rụng xuống cầu, Tình Bắc duyên Nam…
Dân chúng ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Chợ Lớn hoặc các tỉnh lân cận nườm nượp về Bến Tre. Có người về thăm thân nhân rồi đi, nhưng cũng có gia đình về chọn mua đất, dựng nhà định sống lâu dài. Trẻ con miền quê hình như “ dị ứng” với những người thành phố. Họ mặc quần áo lịch sự, đẹp đẽ quá trong khi ở đây thì trẻ con đầu trần chân đất, tóc cháy vàng khét nắng, áo quần lôi thôi, lếch thếch. Do vậy, dân thành phố về quê trở thành “ nạn nhân bất đắc dĩ” của những lời mai mĩa : áo thì “ áo chim cò” , ai lỡ mang kính đen thì là “ Thòi lòi lên bờ” ! .Có những cô gái, tóc bỏ đuôi gà, kẹp ba lá, có người mái tóc dài ngang lưng.. thì bọn trẻ con chạy theo cả đám như coi hát, vỗ tay reo hò “Ô, con sóc Việt Nam !” . Trò vui “vô duyên” đó làm náo động cả làng quê, từ lúc các “nạn nhân” xuất hiện cho đến khi họ về tới nhà mình thì đám đông tự phát kia mới chịu giải tán, ai về chỗ nấy! . Và những thằng bé quê như tôi lại có được thêm những trận cười vui.
Không khí rộn ràng là những ngày cận tết. Dọc đường quê, người dân tự phát dựng lên ở bãi đất trống những giàn cao bằng tre tạm bợ để làm nơi phơi bánh tráng. Các lò bánh cũng đã nổi lửa từ đầu tháng Chạp. Vậy là anh em tôi lại có cơ hội đứng kế Dì Năm hoặc má tôi để chờ được ăn những chiếc bánh tráng ngọt, bánh tráng dừa bị lỗi. Cũng có khi, má tôi gom lại mớ bìa bánh tráng nem đã được cắt gọn trước khi đóng bánh thành cây, để lên mặt khuôn trên trả ( một loại nồi đất thật to dùng đựng nước nấu sôi để tráng bánh) hấp lại cho nóng, bìa bánh mềm ra, sau đó trộn thêm chút mỡ hành phi cho anh em tôi ăn với nước mắm đã được chế biến thơm phức mùi tỏi, ớt. Những buổi ăn sáng tuyệt vời đậm hương vị quê nhà đó, cho đến hôm nay vẫn còn rưng rưng nỗi nhớ.
Lại nhớ lan man đến Dì Năm, chị ruột của má tôi. Dì có người chồng làm thợ mộc. Thời đó, Dượng Năm là thợ giỏi số một ở làng Tân Thạch. Hầu như những ngôi nhà bằng gỗ xây cất ở làng tôi lúc đó đều có bàn tay của Dượng. Dượng Năm chẳng những khéo tay mà còn vô cùng kiên nhẫn. Tôi từng thấy Dượng mất cả tháng trời, một mình xẻ mấy cây dừa thành ván để đóng vách cho chủ nhà, chạm trỗ thủ công các bộ khung cửa, tủ thờ, chân bàn chân ghế, divan..theo yêu cầu của khách. Thời gian học Tiểu học, có môn Thủ công đề tài là thực hiện một đồ vật, một con vật tự chọn. Phần lớn chất liệu học sinh sử dụng là đất sét để nặn thành con trâu, con gà, con vịt... Riêng lúc nào món đồ của tôi cũng bằng gỗ cực kỳ khéo léo và đạt điểm cao nhất bởi tác giả là ...Dượng Năm.!. Có khi là một con dao phay, một chiếc máng heo ăn, có lúc là một chiếc xe đạp hoặc chiếc tủ thờ đặt trong phòng khách.Thầy cô dạy các lớp khác xúm lại trầm trồ khen ngợi rồi sau đó, món đồ không tặng cho thầy cô dạy lớp thì cũng tặng cho thầy Hiệu Trưởng.!
Dượng Năm lại theo đạo Cao Đài ăn chay suốt năm. Lúc nhỏ, mỗi lần tới nhà Dì Dượng , tôi rất ngại lên nhà trên, bởi trên trang thờ được Dượng chạm trỗ thật là tinh xảo, luôn có ngọn đèn trứng vịt cháy leo lét dưới hình thờ “ Thiên nhãn”. Lớn lên một chút, không còn sợ nữa, tôi lại được Dượng Năm gọi ở lại ăn cơm cùng Dượng.Thậm chí , có lần Dượng hỏi: “ Con muốn theo đạo của Dượng không ?”. Thức ăn đơn giản, thường là nấm mối khô kho với nước tương, hoặc tàu hủ chiên giòn, mà sao ngon đến lạ lùng!. Sau nầy, khi đã rời quê, tôi mới cảm nhận rõ hơn những tình cảm Dượng dành cho mình. Dì Dượng có một người con út bằng tuổi tôi. Nhưng bất hạnh là khi ra đời anh đã bị thiểu năng. Anh rất hiền , không phá phách ai, suốt ngày chỉ nằm đưa võng kẽo kẹt , hát những câu vô nghĩa. Anh mất sau Dượng Năm 10 năm khi mới vừa 40 tuổi. Có lẽ từ trong sâu thẳm tâm hồn người thợ mộc tài hoa ấy, dự định ký thác cả ước nguyện về tôn giáo lẫn tài năng mình cho đứa con út nhưng đành bất lực, ông muốn tìm một truyền nhân cùng trong dòng tộc mà tôi là đứa cháu gần gũi , cùng lứa với con mình. Tiếc là tôi đã chọn con đường đi khác. Từ khi rời bỏ quê nhà, sống ở Mỹ Tho rồi sau nầy là Cần Thơ, lâu lâu tôi lại nhớ chiếc võng tết bằng dây chuối giăng qua hai cây cột hàng ba. Nơi đó, tôi đã nhiều lần ngồi đưa trong buổi chiều chập choạng, nhìn ra phía trước sân đang dần tắt nắng, rồi đôi khi ngủ quên một giấc, để giựt mình thức dậy thì trăng đã lên sáng một góc trời xa. Đó là ngôi nhà của Dì- Dượng Năm tại Ấp Tân Phong ngoại- Làng Tân Thạch- Huyện Trúc Giang.
Dượng Năm qua đời năm 1980 và đươc an táng ở quê nhà. Đây cũng là nơi yên nghỉ của Dì Năm , của chị Ba, anh Tư , anh Bảy .. cùng bao nhiêu bà con thân tộc.
Nhắc đến sự tài hoa của Dượng Năm, tôi lại nhớ ngay đến một người khác, cũng bà con bên ngoại ở quê nhà. Anh bị câm bẩm sinh , vóc người nhỏ bé, nhưng khi lớn lập gia đình có một con trai rồi sau đó hai vợ chồng chia tay. Cứ mỗi sáng Chủ Nhật, anh ăn mặc chỉnh tề , có khi thắt cà vạt (ở cái thời ăn mặc như thế rất hiếm) chạy chiếc xe đạp Alcon đến giáo đường trên chợ. Anh là người có đôi bàn tay cực khéo. Có thể nói, tất cả lồng đèn ngôi sao trang trí nhà thờ trong dịp lễ Giáng sinh đều do một tay anh thực hiện. Mỗi năm, khoảng tháng 10 dương lịch, đã thấy anh chuốt tre làm khung, đi lựa mua giấy bóng màu , giấy bạc.. để chuẩn bị. Một mình anh làm hết mọi công việc : từ việc kết hình ngôi sao, uốn vòng tròn, cắt dán...Có những chiếc lồng đèn lớn lại viền quanh là các chiếc lồng đèn nhỏ được sắp xếp vô cùng tinh xảo. Đâu phải chỉ mười, mà có đến hàng chục lồng đèn ngôi sao kích cỡ khác nhau. Khi nhìn thấy trước nhà anh giăng dây, treo những chiếc đèn hoàn thành, đêm thắp đèn cầy sáng rực, là mọi người đều hiểu mùa Noel sắp đến. Nói không quá lời, anh là một trong những người đã góp phần đem lại niềm vui cho làng quê tĩnh lặng khi người dân nặng oằn vai vì cơm áo, thì chính cái rực rỡ của mùa lễ hội như mang lại cho họ những giây phút bình yên, thanh thản để có niềm tin hướng tới ngày mai.
Rồi chiến tranh bùng nổ, lễ hội cũng dần thưa vắng . Người “nghệ sĩ dân gian” chắc cũng cảm thấy cô đơn khi những tác phẩm sáng tạo của anh không còn phô diễn rực rỡ như ngày nào. Tôi xa hẳn Bến Tre từ những năm làng quê đầy biến động. Anh mất âm thầm và thân xác cũng gởi trên đất cát quê nhà. Mỗi lần tới lễ Giáng sinh, lòng tôi vẫn nao nao nhớ những mùa Noel thanh bình năm cũ. Nhớ anh ngồi trên chiếc xe đạp chạy ngang nhà, đưa tay chỉ về phía chợ, nói một câu gì đó bằng mấy tiếng: “Be...be..be..” – âm điệu của người câm- rồi vội vã vẫy tay chào .
Lễ Giáng Sinh ngày nay được tổ chức với những trang trí hiện đại do sự phát triển vô cùng lớn lao của khoa học kỹ thuật. Đi qua bao mùa Giáng sinh như thế, sao vẫn nhớ Giáng Sinh quê nghèo từ 60 năm trước. Nhớ những chiếc lồng đèn ngôi sao, nhớ người tín đồ công giáo thân quen tài hoa mà bất hạnh. Ôi miền quê hương thơ ấu có biết bao nhiêu điều để nhớ để thương....
Bà Ngoại tôi quê gốc Giồng Luông. Lớn lên bà lập gia đình về quê chồng ở làng Tân Thạch và sống tại đây cho đến lúc qua đời. Thời loạn lạc chắc cũng không mấy ai quan tâm về dòng họ , về quê quán.. Khoảng sau năm 1955 đã yên ổn, nghĩ tới dòng họ bà con nên cuối năm là nhớ ngày tảo mộ. Thời gian nầy anh Hai tôi đã nghỉ việc bệnh viện nhà binh Pháp tại Mỹ Tho, về sống cùng gia đình tôi. Khoảng gần 23 tháng Chạp, anh cùng một số mấy người cậu, người anh bà con chuẩn bị đầy đủ : dao làm cỏ, vôi bột quét mộ, gà vịt quay, trái cây, bánh mì , nước uống.. rồi mỗi người một chiếc xe đạp chạy đến Giồng Luông. Tôi thường ao ước một chuyến đi như thế. Nhưng vì còn nhỏ nên không ai cho tháp tùng với lý do “ đường xa, nắng nôi, cực nhọc”. Anh Hai hứa với tôi : “ Vài năm nữa, em lớn, anh Hai sẽ chở đi theo cho biết mồ mã ông bà dòng họ”. Nhưng lời hứa đó đã không còn thời gian thực hiện, bởi chỉ mấy năm sau là bắt đầu cuộc chiến tranh kéo dài gần một phần tư thế kỷ.
Mùa hè 2019 tôi đưa gia đình nhỏ của mình về thăm quê Bến Tre sau hơn nữa thế kỷ dài xa cách. Lần đó , tôi đã nhờ tài xế dẫn đường tới chợ Giồng Luông. Ngôi nhà lồng chợ chắc xây dựng lại từ sau 1975, nhưng trên tấm bandroll căng ngang đã xác định nơi đây thuộc Xã Đại Điền. Địa danh không đổi, tồn tại qua hàng thế kỷ, từ lúc tiền nhân đến đây biến rừng rậm hoang vu thành một vùng đất giồng cây trái xanh tươi. Nhưng con đường nào dẫn tới nơi yên nghỉ ngàn thu của ông bà
tôi mà trước đây anh Hai cùng bà con đã nhiều lần đi tảo mộ ? Những người thân thuộc, dòng họ của Ngoại tôi (nghĩa là vẫn có chút tình huyết thống với chúng tôi) bây giờ còn ai và ở đâu ? Tôi giống như Từ Thức về trần, đứng ngẩn ngơ giữa vùng đất trời xa lạ. Quá khứ trôi dạt đến phương nào , phải chăng ở vầng mây trắng kia đang bay trên khung trời xã Đại Điền, là bà Ngoại tôi nhìn xuống đứa cháu của mình muốn tìm lại cội nguồn khi cả đời lưu lạc ?
Ký ức quê nhà bị phủ dày một lớp bụi thời gian. Trong đầu của đứa bé nhà quê , hình ảnh một thời qua dường như chập chờn sau làn sương mỏng. Nhưng những con người đó vẫn khắc đậm trong lòng tôi bao ấn tượng, mà chỉ cần nhắc lại lại hiện ra rõ ràng chi tiết như mới hôm qua. Trước hết là cô giáo đã dạy cho tôi những nét chữ đầu tiên. Cô không phải là một giáo viên chánh ngạch, mà chỉ dạy tại nhà.Trong mắt tôi là một người phụ nữ trung niên, có giọng nói hiền lành. Cô thường mặc bộ quần áo bà ba trắng thẳng nếp và luôn mang đôi kính trắng. Má tôi gọi là cô giáo Mỗi. Lớp học là gian phòng khách nhỏ nhà cô với chừng năm sáu bạn cùng trạc tuổi như tôi. Má tôi cho đến học với cô mỗi buổi sáng khoảng từ tám đến mười giờ. Tôi chỉ việc ôm chiếc cặp bằng đệm trong đó có đầy đủ thước , viết chì , tập và quyển vần “Con chó con gà”. Học phí thời đó không rõ thỏa thuận giữa má tôi và cô như thế nào và cô cũng chưa bao giờ nhắc đến. Nhưng vài hôm một lần, khi tan học, cô gọi tôi ở lại sau cùng, trao cho một rỗ bông bí vàng tươi đem về cho má để luộc hoặc nấu canh. Thằng học trò nhà quê tung tăng chân sáo, tay bưng rỗ bông bí, kẹp theo chiếc cặp đệm vừa đi vừa hát nghêu ngao suốt dọc quảng đường quê. Mùa khai trường năm đó, tôi vào lớp Năm (Lớp 1 hiện nay) và cũng từ đó không một lần nào gặp lại Cô cho đến ngày cô vĩnh viễn rời bỏ cuộc đời trong những năm binh lửa tràn lan .
Đến năm lớp ba, tôi lại may mắn học với cô Ngọc Lệ, là một giáo viên trẻ mới tốt nghiệp Sư Phạm đổi về trường Tân Thạch. Cô rất thương và hết lòng lo lắng cho học sinh mình.Thời đó, ở các trường học , mỗi lớp dạy, thầy cô đều thực hiện một quyển tập gọi là “Tập Luân chuyển” . Đây cũng chỉ là một quyển tập hàng tư bình thường, nhưng dày hơn ( khoảng 200 trang), được thầy cô bao bìa, dán nhãn , ghi lớp dạy… cẩn thận. Quyển tập nầy chuyền tay để học sinh ghi chép vào đó tất cả bài giảng trong ngày. Như vậy có nghĩa là học sinh nào giữ tập Luân chuyển thì vất vả hơn : vừa viết trong quyển nầy, vừa phải viết lại lần nữa vào tập mình. Quyển tập đó, đến cuối buổi học, lớp trưởng sẽ đem nộp lên văn phòng để buổi học sau thì chính thầy cô dạy lớp sẽ giao cho một học sinh khác, tiếp tục như thế cho đến hết năm. Nếu hết, thì thay quyển mới. Điều kiện tiên quyết là học sinh được thầy cô giao tập Luân chuyển là chữ viết phải rõ ràng, ít sai chính tả, khá đẹp và cũng là học sinh khá giỏi. Bởi vì môn học nào có kiểm tra : từ bài Ám Đọc, Khoa học thường thức, cho tới Toán, Chánh tả, Làm văn.. thầy cô đều chấm thẳng trong quyển tập nầy. Cũng chính vì vậy, nên thầy cô cũng chỉ giao tập cho một số bạn mà không phải là giao cho cả lớp.Tôi ngồi bàn nhứt và cũng được cô giao giữ tập nhiều lần. Có lẽ cô dành nhiều cảm tình cho một đứa học trò nghèo nhưng chăm học và ngoan ngoản. Một lần , cô đi bộ xuống tận nhà tôi ( cách trường trên cây số ), xin phép má tôi cho cô dẫn tôi về nhà cô ở thành phố Bến Tre. Má đồng ý. Gói cho tôi một bộ quần áo , chuẩn bị tập vở cho ngày sau, rồi tôi theo cô lên xe Lam về thị xã. Lần đầu tiên được đi xa, lòng nôn nao khó tả. Ngôi trên xe Lam bên cạnh cô mà mắt chỉ hướng theo những hàng cây, đồng ruộng bên đường. Cô nhỏ nhẹ dặn dò, nắm tay tôi khi xuống bến xe dắt qua con đường dập dìu xe cộ. Nhà cô tôi nằm trên một con đường yên tĩnh, có một hàng me xanh mướt. Ngôi nhà như một biệt thự, lần đầu tôi được bước chân vô. Cô kể mình là con một và ba má cũng đã lớn tuổi, ba là công chức sắp về hưu. Chiều hôm đó, tôi ăn bữa cơm ngon nhất đời, dù những món ăn chỉ bình thường, nhưng được ngồi trên bàn nghiêm túc,thức ăn bày ra chén, dĩa, mỗi người còn có thêm bên cạnh một ly trà đá, so với việc anh em tôi cứ tới giờ ăn là mỗi đứa bới tô cơm rồi tìm một góc nhà tự xử !
(Hình trên Internet )
Tối hôm đó, cô dắt tôi đi chợ, ăn kem, ra hồ Chung thủy, tới Ngã ba tháp... với ánh đèn rực rỡ đông vui. Biết tôi thích đọc sách, cô dắt tôi vào một nhà sách với hàng trăm loại, bảo tôi cứ lựa chọn, thích quyển nào cô sẽ mua cho. Phân vân mãi, cuối cùng tôi chọn quyển “Dưới mái học đường” của tác giả Cao văn Thái. Đây là một quyển tự truyện được phóng tác theo quyển “Tâm hồn cao thượng” do Hà Mai Anh dịch từ bản gốc của tác giả người Pháp Amon de Amici. Cô đưa tay vuốt đầu tôi : “Quyển nầy hay lắm, nói về tình thầy trò, cô cũng thích nữa!. Em rán đọc cho hết, đừng bỏ sót trang nào”.
Quyển sách mua tại nhà sách Bến Tre một đêm nào những năm 50 thế kỷ trước, cùng với lời nhắn nhủ ân cần của cô đã theo suốt cuộc hành trình đi tìm tri thức cho bản thân tôi.
Buổi sáng, trước khi trở lại trường, cô gọi tôi thức sớm, vệ sinh xong rồi ăn sáng. Buổi điểm tâm cũng thật là đặc biệt: Chỉ là cơm nguội hấp lại cho nóng, ăn với tôm kho lạt .. mà sao ngon đến vô cùng.! Hương vị đó, tôi đã mang theo trọn cuộc đời mình từ năm tháng xa xôi cho đến tận ngày nay. Vài năm sau, cô tôi chuyển về thành phố Bến Tre và tôi không còn gặp lại. Từ sau 1975,
(Hồ Chung Thủy-Bến Tre-Hình trên Internet)
tôi cũng đã nhiều lần dò hỏi thông qua bạn bè, đồng nghiệp, nhưng không ai có một chút tin tức về cô. Những nhà giáo như cô giáo vỡ lòng hay cô dạy lớp ba của tôi, chắc chắn là không có một huy chương, một danh hiệu nào trong bầu trời tri thức. Nhưng tấm lòng của quí cô để lại cho đời , cho đứa học trò nhỏ quê mùa năm nào thì mãi rực sáng như ngôi sao Bắc Đẩu giữa màn đêm.
Ngôi trường Tiểu học Tân Thạch thân thương của tôi cũng đã không còn dấu vết. Vị trí đó, hiện nay là trụ sở Ủy Ban. Mấy năm sau nầy trong một lần hiếm hoi trở về quê cũ, tôi đã lặng lẽ đứng cạnh một góc tường rào để hoài niệm về quá khứ. Tôi vẫn còn nghe văng vẳng tiếng reo vui của bạn bè trong giờ ra chơi, nhớ những dãy phòng học hình chữ U mái tole, những chiếc được má tôi cho mấy cắc, bàn đầy vết mực, nhớ những hôm được má
(Trường THCS Tân Thạch- Hình trên Internet)
tôi cho mấy cắc, đủ để mua một cây cà rem ống, hoặc sang hơn, là nửa ổ bánh mì chan nước. Ôi, cái hương vị tuyệt vời đó cũng đã cùng theo những người bán dọc hàng rào trường ngày xưa , như như con sông lặng thầm chảy về biển cả. Và còn nữa, những bậc thầy cô khả kính đã khai tâm cho đứa học trò nghèo : cô Ngọc Lệ, thầy Trần Quang Vinh, thầy Nguyễn kim Vang..và bao nhiêu thầy cô khác ở mái trường quê thời chiến tranh gian khổ.. lặng lẽ ra đi , không để lại gì cho đời dù chỉ là một dòng chữ ghi tên trên bảng tưởng niệm của trường xưa.
Từ những năm 1960, Bến Tre đã trở thành điểm nóng. Đường quê loang lỗ vì hố bom, vì những hầm chông, công sự. Hầu như không một chiếc cầu nào còn nguyên vẹn. Ba cây cầu quê tôi đều bị đánh sập nhịp giữa hoặc gỡ hết các tấm bê tông. Mỗi lần đi học, tôi sợ phải vác chiếc xe đạp qua cầu Chùa. Trên khung cầu còn lại, người dân ghép bằng thân những cây cau , chủ yếu là di chuyển bộ hoặc xe đạp mà thôi. Đó là chưa kể những hôm trời mưa hoặc mùa nước nổi, đoạn đường từ nhà tôi đến cầu Chợ là đường đất, lại càng khổ sở trăm bề.
Cứ mỗi ngày, má tôi gọi thức dậy sớm, chuẩn bị lên chợ qua bắc Rạch Miễu để kịp giờ vào học tại trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu . Nhớ rất rõ, hôm đó là sáng thứ hai, có giờ chào cờ đầu tuần, nên nhà trường thông báo học sinh phải có mặt sớm hơn thường lệ. Tôi đi khá sớm và nhẹ nhõm một phần khi đưa được chiếc xe qua cầu Chùa. Trời vẫn còn mờ tối. Những căn nhà ven đường đóng cửa , leo lét ánh đèn. Nhưng hôm đó là ngày nước lớn, và bây giờ thì đã rút gần hết nhưng cái nó để lại thật là ghê gớm : Một khoảng đường đất từ cầu Chùa đến cầu Chợ trên cây số lầy lội bùn đất, còn in rõ dấu chân của những người gánh hàng đi chợ sớm. Tôi đang loay hoay chưa biết cách nào có thể vác nổi chiếc xe đạp qua “ đoạn đường đau khổ” nầy cho kịp giờ vào lớp, thì “ cứu tinh ” xuất hiện. Một người phụ nữ nông dân đứng tuổi, đội nón lá, mang chiếc khăn rằn màu trắng xám trên vai, một tay xách chiếc giỏ đệm, đến bên tôi và nói : “ Con đưa mợ Tám tiếp cho !” . Trong ánh sáng lờ mờ của buổi hừng đông , tôi nhận ra ngay đó là mợ Tám Khỏe, một người hàng xóm với gia đình tôi. Theo lời má tôi kể lại, chồng mợ Tám hy sinh trong thời chống Pháp, mợ ở vậy nuôi mấy người con và bây giờ tham gia hoạt động bên Hội Phụ nữ...hay gì ..gì đó. Mỗi ngày, giống như mọi người dân trong làng, xách giỏ đi chợ đến trưa mới về nhà. (Lối xóm xầm xì là mợ Tám đi làm liên lạc ! ). Mợ Tám nhẹ nhàng nhắc chiếc xe đạp của tôi, đi nhanh về phía chợ. Trong khi đó, tôi vừa ôm cặp, vừa cầm đôi giày Bata trắng mới lột ra, chạy theo mợ muốn hụt hơi. Khi qua phía bên kia cầu Chợ, đường trải đá không còn bùn đất nữa, mợ dựng xe bên lề, dắt tôi xuống mé rạch để tôi rửa chân sạch sẽ, mang giày cẩn thận trước khi lên xe chạy tới bến Bắc cho đừng trễ chuyến. Dù vội vàng cỡ nào, tôi cũng không quên nói câu cảm ơn mợ, người hàng xóm tốt bụng của mình. Mợ chỉ mỉm cười và nói nhẹ nhàng : “Ờ, biết ơn mợ Tám thì phải rán học nghe con. Học giỏi đặng sau nầy lớn lên giúp bà con lối xóm”. Câu nói hoàn toàn không mang dấu vết của một giáo điều nào, cũng không phải lời phán ra từ lãnh đạo, mà nó chơn chất , thực thà của một người nông dân chân chính. Có lẽ mợ Tám là hình ảnh tiêu biểu của người dân Tân Thạch hay của một nơi nào khác trên đất Bến Tre. Họ sống nghèo khổ nhưng nghĩa nặng tình sâu, dấn thân vào cái chết không vì chút hư danh mà chính vì lòng yêu xứ sở.
Cũng từ sau buổi sáng hôm đó, má tôi dứt khoát cho tôi sang Mỹ Tho để tiện việc học hành. Rồi năm tháng đi qua, hết học, thi cử, tốt nghiệp ra trường đi dạy, tôi chưa một lần trở lại làng quê. Có một dạo, nghe tin mợ Tám mất trong một trận đánh giữa hai bên. Thời chiến tranh, sinh mệnh con người vô nghĩa. Rồi tất cả chìm lắng trong cát bụi, thời gian.. Cũng chẳng ai nhớ ở người phụ nữ nông dân ấy lại có một ước mơ thấm đẫm chất nhân văn: mong muốn góp phần công sức nhỏ bé của mình , hy vọng sớm kết thúc chiến tranh để làng quê trở lại yên bình, hạnh phúc.
Lời nói ngày nào của mợ Tám, cùng với hình ảnh những người thân thuộc, của Ngoại tôi, của má tôi, của những thầy cô đã cho tôi quá nhiều ân sũng.. đã thôi thúc tôi phải góp sức mình bằng một chút gì đó cho miền quê hương thơ ấu. Chính vì vậy, khi tập tễnh sáng tác, những bài thơ đầu tiên của tôi là viết về quê ngoại, về Bến Tre- Kiến Hòa, về những năm tháng chiến tranh, về bao nhiêu kỷ niệm:
Bên hiên đồng ấu của ngày xưa
Cỏ rối trời xanh nhẹ bước hờ
Tung dấu chân không ngày nghỉ học
Bướm rời hiên lớp bướm thành thơ...
Mãi mãi, trong tim tôi, Bến Tre là một khúc tình ca không đoạn kết.
Cần Thơ, tháng 12/2021.
LÊ TRÚC KHANH
Heading 1
LÊ TRÚC KHANH
_____________________________________________________
(Kỷ niệm 20 năm – năm mất của Hà Huy Thanh 2001- 2021)
HÀ HUY THANH
BÁN HÀNG THAY CHUYỆN BÁN VĂN CHƯƠNG...
1
Những năm 60 của thế kỷ XX, cuộc chiến ở miền Nam bắt đầu lan rộng. Nhiều vùng quê bom cày đạn xới, cái chết diễn ra thường trực. Có nhiều ngôi trường tôi đi qua khói còn nghi ngút để rồi băn khoăn tự hỏi: bao nhiêu tuổi thơ đã bị tước đoạt sự bình yên vùi thân trong lửa đạn? Nhưng Cần Thơ vẫn bình yên, phố chợ đông người, bến Ninh Kiều luôn ồn ào dập dìu du khách. Hình như chiến tranh bỏ quên vùng đất cây lành trái ngọt nầy. Cách thành phố mười sáu cây số, là thị trấn Cái Tắc yên ả, thanh bình, trục đường chính nối với tỉnh Chương Thiện qua ngang chợ vẫn rộn ràng người mua kẻ bán, quán xá hai bên không lúc nào vắng khách. Con đường Cần Thơ - Cái Tắc ngày đó chưa tốt như bây giờ, chuyến xe lam dằn xóc, nhưng khi ghé bến, ta cảm giác như bao nhiêu mệt mỏi đều tan biến khi trước mắt ta là một vùng quê mà ta cứ ngỡ là đã gặp từ trong kiếp trước! Cái Tắc trong suy nghĩ của bản thân tôi như vậy, từ lần gặp gỡ đầu tiên.
Tôi đến Cái Tắc cùng với Thanh Điệp, Thanh Trân qua lời mời của Hà Huy Thanh. Nhà Thanh là một quán cà phê hầu như suốt ngày đều đông khách. Hai bác ba má Thanh là người Hoa chánh gốc, theo con sóng lưu dân trôi giạt đến Cần Thơ. Cuộc sống “gạo chợ nước sông” đã tạo nên mối đồng cảm giữa những người lưu lạc để rồi đi đến cuộc hôn nhân bền bĩ cả một đời. Gia đình Hà Huy Thanh lúc đó không phải loại giàu, chỉ thuộc dạng khá, nhưng Thanh đã được hai bác trang bị cho một chiếc HonDa dame để làm phương tiện di chuyển, trong khi chúng tôi hầu như rất khó tìm một chiếc xe đạp để đi!. Vì vậy, chiếc Hon Da màu xám đó, một thời gian là phương tiện thuận lợi cho chúng tôi khi về Cái Tắc (dù phải chất cả 4 đứa trên xe). Đúng là cái thời “liều mạng” của tuổi học trò, đường xa, nguy hiểm, vậy mà không đứa nào biết sợ, lại coi đó là một thành tích vẻ vang! Hai bác lại vô cùng hào phóng, thương các bạn của con mình như con ruột, ăn uống thoải mái, lại được cho ở một ngôi nhà phía sau chợ , rộng rãi nằm yên bình sau hàng rào bông bụp. Tôi đã có những ngày hè hạnh phúc như thế trong năm 1964.
Những lần sau, tôi thường về một mình trong các kỳ nghỉ Tết. Thời chiến, người dân Miền Nam chờ đợi mùa Xuân , bởi đi theo nó là những ngày “hưu chiến”. Hai từ này, hình như đã bị xóa mất trong nhận thức của người dân từ sau 1975. Những người trẻ tuổi hôm nay chắc cũng vô cùng lạ lẫm khi nghe nhắc đến từ “hưu chiến”. Trong thời binh lửa, khi cái chết đe dọa thường trực, khi niềm ước mơ ngày đất nước thanh bình vẫn là giấc mơ xa vời, thì những khoảnh khắc im tiếng súng, tắt bóng hỏa châu là một thứ hạnh phúc không dễ gì có được. Lúc đó, cả hai phía trên chiến trường miền Nam cùng thống nhất ngưng bắn từ trưa 30 đến hết ngày mùng 3 Tết, để dân chúng được yên ổn vui tết, để bà con có thể về quê thăm viếng lẫn nhau. Nhưng trên thực tế, chiều 30 vẫn còn tiếng súng hòa trong tiếng pháo và mới sáng mùng hai thì chiến trường đã bắt đầu sôi động.
Những ngày vui ngắn ngủi đó, tôi và Hà Huy Thanh thường rủ nhau đi vòng chợ Cái Tắc, qua trường Tân Phú Thạnh tới chợ Bang Thạch, có khi xuống Tầm Vu thăm anh Mai Huỳnh Văn, ghé chợ Rạch Gòi uống cà phê, rồi lại trở về nhà cùng các em trai, gái của Thanh trong những bữa cơm ấm cúng hương vị gia đình. Mới đó, mà đã hơn nửa thế kỷ trôi qua. Các em hầu hết qua tuổi sáu mươi và có em đã rời bỏ cuộc chơi từ vài mươi năm trước. Trong những ngày vui đó, anh em tôi vẫn bị ám ảnh bởi một ngày mai: chỉ cần một lần thi rớt là có thể phải tham gia vào chuyến đi không có ngày trở lại!.
Cái Tắc- anh buồn con phố nhỏ
Dòng sông trước mặt vẫn mồ côi
Ở đó - và còn xa chút nữa
Ngày vui nào trọn kiếp con người ?
Anh làm lữ khách ăn cơm trọ
Quên nhớ - như vừa quên chiến tranh
Tết với người ta – bè bạn cũ
Mùa xuân đâu phải chỉ riêng mình ?
2
Rồi những mùa xuân, mùa hè như thế lần lượt đi qua, chúng tôi lớn dần lên, cuộc sống bị vây bủa trùng trùng bởi chiến tranh, gia đình, cơm áo. “Bạn bè tan tác , đời muôn nẻo - Anh lạc bầy bay đến dại khờ”. Hà Huy Thanh kém phần may mắn trên đường khoa cử. Rớt kỳ thi Tú Tài một, sau nhiều lần “thoát nạn” nhờ ba má Thanh có chút quen biết, đến khoảng năm 1970 bị gọi nhập ngũ và đưa vào một đơn vị tác chiến ở Vị Thanh. Anh học trò yếu đuối, hiền lành ấy không chịu nổi cuộc sống gian khổ lại bị cái chết đe dọa thường xuyên, nên bỏ ngũ và sau đó bị bắt giam vào quân lao trên đường Kiến Quốc (nay là đường Nguyễn văn Cừ). Lúc nầy tôi đã tốt nghiệp ĐHSP và về dạy tại trường TH Phong Phú (Ô Môn). Làm lính thời chiến đã khổ thì là một “đào binh” trong trại giam lại khổ gấp trăm lần. Tình cờ, một buổi sáng khi đi làm lao dịch, Thanh chợt nhìn thấy Đại Úy Sung đứng ở VP. Lúc nầy anh Sung là người phụ trách trại giam. Biết tôi và anh Sung có mối liên hệ gia đình, Thanh viết thư kêu cứu và cho tiền xe ôm cấp tốc mang đến địa chỉ nhà tôi. Lúc đó, tôi đi dạy và đến trưa mới về nhà. Cầm thư bạn trên tay, lá thư viết bằng giấy họ trò nhàu nát, nét chữ run run, lòng tôi bồi hồi xúc động. Thanh nhắn tôi, bằng mọi giá, phải giúp Thanh ra khỏi nơi giam giữ vì đã quá sức chịu đựng. “Nếu mầy không giúp được, có lẽ tao phải tìm sự giải thoát bằng cái chết”. Tôi vội vàng chạy tới nhà anh Sung đưa thư cho anh đọc và khẩn thiết nhờ anh giúp đỡ. Đại Úy Sung đọc thư xong, vỗ vai tôi: “Giáo sư yên tâm đi, tôi sẽ giải quyết ngay buổi chiều nay”. Và anh đã giữ lời. Chiều hôm đó, Thanh được gọi lên để nhận một công việc khác ở văn phòng. Công việc nhẹ nhàng, không bị mất tự do và Thanh có thể thoải mái ra ngoài tìm tôi đi uống cà phê. Mấy tháng sau, nhờ có người giúp đỡ, Hà Huy Thanh chuyển qua làm lính trong trung đội bảo vệ Đài Phát thanh Cần Thơ cho đến tháng 4 năm 1975. Sự nhiệt tình của anh Sung đã cứu bạn tôi khỏi cái chết tự chọn (tôi hiểu Hà Huy Thanh rất dễ xúc động và nhiều lần nói về cái chết như thế) là một ơn nghĩa mà tôi không bao giờ quên.
Từ khi về làm lính Đài Phát Thanh Cần Thơ, Hà Huy Thanh là người trợ thủ đắc lực của Chương trình thi văn Về Nguồn. Cứ mỗi trưa Chủ Nhật, Thanh có mặt rất sớm để đón các bạn vào thu âm, nhiều lần cùng Mặc Uyên Thi, Thuần Phong... thay tôi giới thiệu chương trình (nhất là khi tôi vào quân trường Quang Trung). Hơn thế nữa, Hà Huy Thanh còn là một trong những Mạnh thường Quân lớn (thời đó chưa có từ đại gia!) trả tiền nước cho các diễn viên ở cái quán quen thuộc nằm trên đường liên tỉnh.
Những ngày đó, anh em Về Nguồn đã làm rất nhiều việc: Chương trình thi văn phát thanh hằng tuần, Nguyệt san Khơi Dòng, Quán Cà phê Về Nguồn... cũng như tiếp tục xuất bản tác phẩm của cộng sự viên và bằng hữu Về Nguồn.
Chúng tôi lao vào công việc bằng cả sự say mê, cộng thêm nhiệt tình thời tuổi trẻ và cũng để bù đắp vào những mất mát do các bạn đã phải ra đi: Huyền Vân Thanh, Nguyễn Hoài Vọng, Vương Doãn Chi, Phù Sa Lộc, Thanh Điệp, Sao Ngân Hà, Phạm Trường Giang, Lê Viễn Xứ….
3
Những năm đầu sau 1975, Hà Huy Thanh vẫn còn nặng nợ văn chương. Có một thời gian là Tổng thư ký Hội Văn nghệ (nay là Hội nhà văn) Thành phố Cần Thơ. Trong giai đoạn nầy, chúng tôi còn ấn hành được hai tuyển tập nhỏ tưởng nhớ Nhà sưu khảo văn học Nguyễn Bá Thế và nhà thơ Mai Huỳnh Văn. Sau đó không lâu, do hoàn cảnh gia đình, Thanh về ở hẳn quê nhà Tân Phú Thạnh. Bấy giờ, thì nhà thơ hiền lành ấy vẫn mỗi ngày dong ruổi trên chiếc xe Mobilet cũ màu xanh, xuôi ngược Cái Tắc - Cần Thơ, lấy hàng về bán tại chợ cho người ăn chay. Nhà Thanh mới cất lại, nằm sâu trong một con đường cặp bờ sông Cái Tắc, cách chợ đến vài cây số. Đây cũng là nơi chúng tôi có buổi chia tay đầy lưu luyến với anh chị Huyền vân Thanh- Kiều Diễm Phượng trước khi gia đình anh sang Mỹ định cư theo diện H.O. Nơi bán hàng của Thanh là một cái sạp nhỏ nằm trên lối vào nhà lồng chợ, thường chỉ bán từ sáng đến khoảng mười giờ hơn thì đã thưa người. Tôi nói đùa với bạn mình: “Bây giờ thì mầy bán hàng thay chuyện bán văn chương!”.
Những hôm không có giờ dạy, tôi thường chạy xe từ Cần Thơ vào đây để gặp bạn mình, có lúc anh Mai Huỳnh Văn cũng từ Tầm Vu ra, anh Nguyễn Ngọc Bích từ Phong Điền tới, ghé vào góp chuyện. Bên ly cà phê “lưng chừng” thời bao cấp, chúng tôi bùi ngùi nhắc về bè bạn, nhắc những người đã và sắp ra đi theo dòng di tản, nhắc chuyện buồn vui, mưa nắng Về Nguồn - những năm tháng thần tiên của một thời binh lửa.
Mùng 3 tết năm Tân Tỵ (26/01/2001), tôi và Hà Huy Thanh ngồi suốt buổi chiều ở bộ bàn ghế đá phía sau nhà. Nơi đây là một khoảng vườn trống khá rộng, cây cối um tùm. Chúng tôi có buổi gặp mặt đón Tết dù chỉ có hai người, nhưng thật vui khi cùng nhau nhắc về kỷ niệm. Nhắc lại thời học trò xanh mộng ước, có tôi, có Thanh, có đông đủ bè bạn nhóm Về Nguồn… và có cả cô bé láng giềng hồn nhiên, trinh trắng:
Phiên chợ chiều quê ru tiếng thở
Vành môi nghiêng nón lá gòn bay
Phơi áo - em cười xanh mái tóc,
Mười lăm, anh đợi tháng mong ngày…
Nhưng tất cả đã vùi chôn vào quá khứ “ký ức ngày xanh cưốn bụi mù”. Hai bác ba má Thanh đã quá vãng từ lâu. Dì Mười, Dượng Mười cũng trở thành thiên cổ. Các em trai, em gái của Thanh là những cánh lục bình trôi dạt cuối trời xa. Bạn bè chúng tôi người còn kẻ mất, tựa như những cánh hoa sao đầu thu trong thành phố cũ. Những cánh hoa ấy chỉ đẹp trong giây phút phù du khi nó xoay tròn theo gió, rồi mãi mãi chôn vùi bên lề đường, hè phố, để hóa thân làm một hạt bụi lặng câm trong cái vô tình, khắc nghiệt của thời gian. Tôi và Thanh có chung mơ ước là lúc nào đó, tập họp được hết những người bạn cũ, không chỉ trong nhóm mà có cả những bằng hữu của Về Nguồn. Nhưng có ngờ đâu, buổi họp mặt không thành, và nơi chúng tôi ngồi chiều hôm đó, lại là nơi Hà Huy Thanh nằm lại vĩnh viễn từ ngày Mùng 1 tháng 8 năm Tân Tỵ (17/ 09/2001).
Thanh đã tự chọn cho mình một cách ra đi, giấu kín trong lòng nỗi buồn thân phận như chính Thanh đã viết những dòng trong tập thơ “Trong nỗi buồn thầm” :
Xót xa tình vẫy tay chào
Em heo hút mốt tình đầu tiễn đưa
Thì thôi mộng trả về mơ
Tôi xin vuốt mặt tôi giờ phút xa…
4
Sáng Chủ nhật 16/9/2001, Hà Huy Thanh từ Cái Tắc ra Cần Thơ, ghé lại nhà cũ ở đường Đề Thám. Từ đây Thanh gọi điện thoại bàn cho tôi. Thời điểm nầy, tôi đã đi uống cà phê sáng với các đồng nghiệp trường THPT Châu văn Liêm. Con gái tôi hỏi: “Chú cần gặp ba con không?” Thanh trả lời: “Thôi khỏi, chú chỉ hỏi thăm ba con thôi”. Khi về nhà nghe con kể lại, tôi nghĩ là một cuộc thăm hỏi bình thường vì mới gặp nhau tuần trước, hơn nữa, lúc bấy giờ hầu như chưa có ai dùng di động nên cũng không cách nào liên lạc, trừ khi ta ở nhà gọi hoặc nhờ một trạm điện thoại bên đường... Thanh về Cái Tắc trong buổi sáng đó. Và tôi cũng không bao giờ ngờ được, sáng sớm hôm sau, gia đình báo tin là Hà Huy Thanh đã ra đi. Như vậy, người bạn thân thiết nhất của tôi (đã có sự chuẩn bị trước) muốn gặp bạn mình để nói lời giã biệt, thế mà chỉ chậm một bước thôi là mãi mãi chia lìa.
Trong một bài viết về chợ hoa Ninh Kiều dịp Tết, người tôi nhắc tới đầu tiên là Hà Huy Thanh, người bạn đồng song đã sớm chia tay cùng bao nhiêu người thân thuộc:
“Xuân nầy, tôi lại có dịp đi chợ hoa Ninh Kiều, nhưng bên cạnh là đứa cháu ngoại vừa ở tuổi biết cảm nhận cái đẹp của hoa và cũng có hàng trăm câu hỏi về hoa mà đôi lúc ông ngoại phải chào thua vì không có lời giải đáp! Lại nhớ lan man về những người bạn học, trong đó có nhiều người đã vĩnh viễn ra đi. Một đêm nào trong mùa xuân chiến tranh, tôi và Hà Huy Thanh đã đi chợ Tết Ninh Kiều với cả tấm lòng phơi phới tuổi hai mươi :
Ra chợ đêm chờ xem pháo bông
Bến bờ bên ấy vẫn mênh mông.
Hai thằng bạn rủ đi trên pháo
Để thấy tình yêu vẫn đẹp hồng..
Rồi người bạn thân ấy cũng đã nói lời vĩnh biệt. Ngày bạn mất, lòng tôi đau nhói vì Hà Huy Thanh ra đi là đã mang theo một phần đời thanh niên của tôi ở đất Cần Thơ . Điều đó, hôm nay tôi cũng không thể tâm sự với cháu mình mà chỉ giấu kín trong lòng. Rồi lại nhớ cô bé học trò mỗi ngày với tà áo trắng bay trên đường Phan Thanh Giản để cho ai kia cứ theo bước giai nhân, khoảng đường gần mà mắt thì xa dịu vợi!:
Đại lộ và mười lăm cột đèn
Bây giờ nghe khoảng cách dài thêm
Dấu chân hai đứa nhòa sương bụi
Anh ngẩn ngơ- thời gian lãng quên…
Cố nhân nay cũng đã là bà nội, ngoại, tóc bạc màu theo năm tháng và có lẽ những câu thơ vụng về chắc cũng không còn nhớ nổi dù hồi nào tôi đã nắn nót từng dòng trên giấy poluer xanh để kín đáo gửi cho nàng. Mà thôi, nhắc làm gì cái thời hoa bướm đó. Tôi chợt ngước nhìn lên khung trời tháng chạp. Quê hương tôi đang bước vào xuân với không gian bát ngát màu xanh, cao vời vợi như những niềm mơ ước không cùng. Lẫn trong cái nền xanh bình yên đó, có một vầng mây trắng phiêu bạt cuối trời xa, trôi rất chậm như có chút gì lưu luyến nên bất chợt trong khoảnh khắc dừng lại phía vàm sông. Có phải đó là Hà Huy Thanh, là Lăng Cảnh Huy, là Mai Huỳnh Văn, là Huỳnh Túy Liêm… hay bao nhiêu người khác nữa, những người cùng tôi góp mặt trong chợ Tết Ninh Kiều mà giờ đây đã là “bạch vân thiên tải “?”
Năm năm sau ngày anh Mai Huỳnh Văn vĩnh biệt , lại đến lượt Hà Huy Thanh. Đã tròn hai mươi năm. Thêm một thế hệ trưởng thành và thêm nhiều người nữa ra đi. Điều đáng tiếc là lớp con cháu chúng tôi không ai nối nghiệp văn chương. Trong xu thế thời đại, khi xã hội chuyển mình phi mã theo đà tiến bộ của khoa học kỹ thuật, thì chuyện sáng tác thơ văn với lớp trẻ hôm nay hình như trở thành xa xỉ!
Nhắc lại chuyện ngày qua mà lòng chợt bồi hồi. Có lẽ cũng như bao người bạn khác, Hà Huy Thanh chỉ xem trần gian là cỏi tạm. Nó giống như hồi lần đầu về quê bạn, tôi đã viết cho Thanh:
Cái Tắc- với tao là quán trọ
Còn mầy, đâu phải chốn dung thân.
Cần Thơ, tháng 12/ 2020.
LÊ TRÚC KHANH
HÀ HUY THANH (1949- 2001)
-Tên thật Lý Thành Tuấn, sinh 1949 tại Tân Phú Thạnh, Cần Thơ.
-Cựu học sinh trường TH Phan Thanh Giản (Cần Thơ)
Sáng tác đăng trên thi tuyển Về Nguồn, các tạp chí, tuần san ở miền Nam trước 1975.
- Quản nhiệm tạp chí Khơi Dòng (1972).
-Biên tập viên chương trình thi văn Về Nguồn trên Đài PT Cần Thơ.
-Thành viên trong các hoạt động khác của Về Nguồn như: Cơ sở xuất bản, quán Về
Nguồn…
-Có thời gian là Tổng thư ký Hội văn nghệ Cần Thơ (sau 1975)
-Tác phẩm đã xuất bản: Trong nỗi buồn thầm (1970)
- Viết cho những người còn ở lại (chung với Lê Trúc Khanh và Lệ Thy.)
- Giấc lửa: Tuyển tập thơ 8 tác giả (1968)
- Gởi lại mùa đông (thơ, in chung với Lê Trúc Khanh ).
- Mất tại quê nhà Tân Phú Thạnh năm 2001 và cũng an táng tại đây.
___________________
CÁC BẠN HẢI NGOẠI
Xin thắp 1 nén hương lòng tưởng niệm bạn văn HÀ HUY THANH
MAI HUỲNH VĂN:
CÁNH CHIM “SƠN CA LẶNG LẼ BAY RỒI”.
Tựa đề bài viết là một câu trong bài thơ lục bát có tên “Một nửa cuộc đời” của Mai Huỳnh Văn viết khoảng thập niên 70 thế kỷ 20 :
Sơn ca lặng lẽ bay rồi
Mùa xuân rét mướt tôi mời tôi đi..
Lời thơ như một dự báo buồn, vì cánh chim đó đã bay vào cõi vô cùng, giã từ gia đình, bè bạn trong một ngày chớm đông cách đây tròn 25 năm. Nếu còn sống, thì nay anh đã qua tuổi 80. Anh quê ở Tầm Vu, nay là xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp , tỉnh Hậu Giang. Anh cũng là học sinh trường Trung học Phan Thanh Giản – Cần Thơ. Từ những năm còn ngồi trên ghế nhà trường, Văn đã bắt đầu sáng tác thơ, có mặt đều đặn trên các giai phẩm xuân của trường phát hành vào dịp Tết.
Trong tờ giai phẩm Xuân trường Phan Thanh Giản năm Mậu Thân 1968, chúng tôi có mở thêm chuyên mục “ Vùng xanh đã mất”. Đây là chuyên mục giới thiệu sáng tác của những học sinh cũ đã rời trường, là chút kỷ niệm về thầy cô, bè bạn. Lần đó, chuyên mục nầy giới thiệu hai tác giả là Mai Huỳnh Văn với bài thơ “Nhìn về thân phận” và Dy Trang ( Nguyễn Thanh Liêm) với đoản văn “ Khi xa Cần Thơ mến yêu”.
Thơ Mai Huỳnh Văn chơn chất, thực thà mà cũng đầy sâu lắng, nhanh chóng được bạn bè thuộc lòng, nhắc hoài trong những lần gặp mặt :
“Tôi bây giờ như chiếc xe tang
Chở đám ma tôi chở đám ma nàng...
Chở đám bạn bè, chở người thân thuộc
Về nghĩa trang nào nằm ngủ cho yên ?”
Thậm chí , có nhiều chàng “cải biên” thành thơ “trào phúng” :
“Tôi bây giờ như chiếc xe...lôi..”
Nhưng có mấy ai hiểu đằng sau những dòng thơ ấy là ẩn chứa cả một nỗi đau xót lặng thầm của kiếp người trôi nổi lênh đênh giữa cái đói nghèo triền miên vây bủa ?
Có thể nói không quá lời, các thành viên Ban Văn nghệ báo chí trường Phan Thanh Giản năm đó không ai là không thuộc hai câu thơ trên, dù nhiều bạn chưa hề gặp mặt, chưa hề biết tên tác giả Mai Huỳnh Văn!
Viết tới đây , lòng tôi băn khoăn, ray rứt. Bởi vì sau mùa xuân 1968, cuộc chiến bắt đầu lan rộng, bạn bè lần lượt lên đường và rất nhiều người không trở lại. Trong đêm họp mặt liên hoan của Ban báo Chí , chúng tôi đã cùng thực hiện một tập san in ronéo lấy tên là “Góp lửa”. Có phải chăng là linh cảm về một sự chia lìa, nên các bạn đã thức suốt đêm từ 23 đến rạng 24 tháng 1 năm 1968, để hát hò,tâm sự, làm báo và cả một tập thơ? Trong tờ tập san, các thành viên tự ghi tên, địa chỉ và ký tên mình. Tôi vẫn còn giữ tờ báo và danh sách đó. Có tất cả 45 người. Phần cuối danh sách, chúng tôi còn ghi rất rõ ràng: “Tờ báo được hình thành sau một đêm thức trắng.Tờ báo của Ban Báo chí kỷ niệm đêm họp mặt sau cùng. Tờ báo ghi vội những ý nghĩ thoáng qua trong phút chốc..Góp Lửa phát hành trong phạm vi nội bộ với 60 số. Ban kỹ thuật : Thương Phượng-Vũ Hà- Lê trúc Khanh- Lê viễn Xứ- Hồ văn Khê.” Có điều,giờ nầy khi điểm lại, thì nhiều bạn ra đi vĩnh viễn, nhiều bạn ở góc biển chân trời...Năm chục năm rồi. Khoảng thời gian đủ dài để cho một người qua tuổi 60 dần quên quá khứ. Hy vọng nếu đọc được những dòng nầy, rất mong những “cố nhân” của “đêm dài vô tận” năm ấy lên tiếng để biết đâu chúng ta có dịp đoàn viên?
Sau mùa xuân Mậu Thân 1968, những chàng trai mười tám của trường mới có dịp gặp gỡ và quen biết anh Mai Huỳnh Văn nhiều hơn. Lý do là sau khi rời trường, anh đã vào quân đội, nhưng còn chút may mắn là tuy khoác áo lính nhưng công việc chính là một nhân viên văn phòng ở Quận Cái Răng.Vậy là bao nhiêu Bản sao lược giải cá nhân, chứng chỉ học trình , chứng chỉ tạm thay bằng Tú tài 1 , Tú tài 2 ...được các “chính chủ ” lần lượt mang vào văn phòng Quận xin thị thực để nộp hồ sơ hoản dịch hoặc tìm một việc làm. Anh Văn là người tiếp nhận trình ký cấp trên. Chẳng những không tốn lệ phí sao y bổn chánh ( hồi đó trích lục , sao y giấy tờ phài trả phí ), mà còn được một buổi cà phê bên hông nhà lồng chợ Cái Răng ! Nhớ biết bao nhiêu những ngày mưa rã rích, những buổi chiều đất trời chừng như vàng úa vì âm thanh chiến tranh vẳng lại qua tiếng đại bác xé không gian..anh em chúng tôi ngồi bên nhau mà cứ bồi hồi nhắc chuyện thơ văn, rồi chuyện áo cơm, gia đình oằn vai.. trong mùa ly loạn.
Quen biết lâu, anh tâm sự: “Tên trong khai sanh tôi là Mai Hồng Văn, nghe buồn quá, tôi không thích chữ “Hồng”, nên tôi lấy bút hiệu là Mai Huỳnh Văn”. Nhưng Hồng Văn hay Huỳnh Văn, thì anh vẫn luôn hiện diện trong tôi và bao nhiêu người bạn văn nghệ thời đó, là một người anh đáng quí. Bao giờ cũng vậy, dù đang làm văn phòng ở thời chiến tranh ly loạn hay phải dầm mưa dãi nắng , ngược xuôi mấy mươi cây số từ Tầm Vu đến Cần Thơ vì cơm áo, nhưng luôn đối với bạn là cả sự chân thành, bình dị chẳng hề thay đổi.
Sau năm 1975, anh về sống ở quê nhà. Lúc bấy giờ- bạn tôi- Hà Huy Thanh , cũng về Cái Tắc, giống như anh “Bán hàng thay chuyện bán văn chương”. Tôi có viết cho Hà Huy Thanh trong lời ai điếu khi Thanh âm thầm giã từ cuộc sống mang theo nỗi khổ riêng mình :
Cái Tắc- với tao là quán trọ.
Còn mầy- đâu phải chốn dung thân?
Rất hiếm hoi những lần như thế, anh Mai Huỳnh Văn từ Tầm Vu ra chợ Cái Tắc, hội ngộ với người bạn thuở thiếu thời là anh Nguyễn Ngọc Bích. Cũng có khi anh, Hà Huy Thanh và tôi ngồi ở một góc quán nhỏ trong chợ Cái Tắc, bàn chuyện trên trời dưới đất để quên đi những muộn phiền trong cuộc sống. Tôi cũng không ngờ được là một thời gian sau, hai người bạn thân thiết ấy lại lặng lẽ ra đi.
Một kỷ niệm không thể nào quên với Mai Huỳnh Văn nữa, là trong những năm gian khó, khi đứa con gái đầu lòng ra đời anh đã đặt tên cháu là Mai thị Hiền Xuân và viết tặng con một bài thơ có tựa “Thơ cho đứa con gái nhỏ mới sanh” đầy xúc động.
…..
Con ra đời như một giấc mơ
Hiền Xuân con yêu quí
Con lớn khôn bằng sự yên lành
Không bao giờ ai gọi con đi lính
Con là con gái giữa thời buổi chiến tranh
Là đặc ân của Thượng đế
Dành cho con đó.
…….
Buổi sáng ba ngồi quán cà phê
Với bạn bè lính tráng của ba
Mà nghe lòng bâng khuâng rất lạ
Ba hút một điếu thuốc
Để hình dung đôi mắt con
Đôi mắt đen hạt nhãn
Ba vắng đôi ngày là nhớ băn khoăn…..
……..
Bài thơ nầy làm theo thể tự do, đăng trên Nguyệt san Khơi Dòng số 2, phát hành vào mùa xuân Tân Hợi 1971. Nhưng không may mắn, cháu Hiền Xuân đã bỏ lại cha mình, bỏ lại người thân vì bạo bệnh. Giấc mơ hồng về đứa con gái thân yêu tan vỡ. Anh vốn ít nói lại càng ít nói hơn, đôi mắt buồn thăm thẳm và cũng ít sáng tác hơn. Phải chăng trong muôn nỗi dằn vặt, đắng cay , lòng anh vẫn ao ước một một mùa Xuân trong sáng, vẹn tròn mà không bao giờ có được ? Năm mươi tám năm đặt chân vào cõi tạm, anh mãi mãi ra đi từ một buổi sáng mùa đông như anh đã viết “Mùa xuân rét mướt tôi mời tôi đi”. Bây giờ thì có lẽ con-chim-trốn-tuyết ấy đã thực sự bay đến chốn trường sinh để tìm thấy mùa -Xuân-vĩnh – cửu.
Phần mộ nhà thơ MAI HUỲNH VĂN ở xã Thạnh Hòa, Huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. ( ảnh chụp của Phan Hữu Tiếp )
Tháng 3/1996, nhân kỷ niệm 100 ngày mất của anh, Hà Huy Thanh, tôi và một số bạn bè đã góp nhặt lại sáng tác của anh để in thành một tập thơ mỏng có tên “Thân phận tôi” gởi tặng thân hữu để gọi là chút kỷ niệm về một nhà thơ tài hoa mà gặp nhiều lận đận. Anh sáng tác không nhiều, chỉ khoảng trên dưới 50 bài và trong tập thơ nhỏ nầy chỉ có 23 bài mà thôi. Ở những trang cuối tập thơ, tôi đã ghi lại cảm xúc của mình với bài viết “Những bài thơ-Một đời người” bên cạnh 4 câu thơ điếu Mai Huỳnh Văn đầy xúc động của anh Nguyễn Ngọc Bích.
Chuyến xe thiên cổ anh về trước
Một đóa nhân sinh đã úa tàn
Chí trai mộng lớn trong trời đất
Gói lại không đầy cỗ áo quan.
Trước sau, anh vẫn là một người sáng tác tự do, không ở trong một bút nhóm nào. Thế nhưng, với bạn bè tôi, anh đã dành cho những ân tình sâu đậm. Những năm trước 1975, anh thường có mặt trong các sinh hoạt của quán cà phê Về Nguồn ( một tụ điểm sinh hoạt văn nghệ của chúng tôi nằm trên đường Tạ Thu Thâu, nay là đường Mậu Thân ), viết bài cho nguyệt san Khơi Dòng. Ở Đài phát thanh Cần Thơ, thì anh cũng thường tới vào chiều Chủ nhật mỗi tuần để hỗ trợ cho Chương trình thi văn Về Nguồn vì “ái mộ” giọng ngâm thơ của “đồng hương” Huỳnh Túy Liêm; đôi lúc lại đóng vai một “Mạnh thường quân” bất đắc dĩ, giúp tôi trả tiền giải khát cho các nghệ sĩ nghiệp dư nơi cái quán nghèo dọc đường liên tỉnh. Sau 1975, lâu lâu anh lại mang cho tôi, Hà Huy Thanh, Lê Tiến Minh, Nguyễn Hoài Vọng.. vài lít rượu nếp chánh gốc Tầm Vu. Hình ảnh người đàn ông gầy gò, chiếc áo trắng hơi sờn vai đã ngã màu, gò lưng trên chiếc xe đạp cũ, hai bên ghi đông treo hai cái bình nhựa đựng rượu- đối với tôi- vừa thân thuộc, vừa yêu quí, mà cũng đầy ám ảnh về một hướng trời xa mịt mờ trong ngày tháng cũ. Sự hào sảng, nặng tình đậm nghĩa của người bạn nghèo trong cơn biến động lịch sử đáng quí gấp vạn lần so với những người: “Quên tình, quên nghĩa , quên thề hẹn. Học thói phàm nhân giữa chợ chiều”…..
Mới đó , mà đã một phần tư thế kỷ trôi qua. Lần lượt theo chân anh là Nguyễn Hữu Phương, Phương Giang, Phạm Hữu Quang, Hà Huy Thanh, Lăng Cảnh Huy, Nguyễn Hoài Vọng, Vương Doãn Chi, Huỳnh Túy Liêm, Phạm Trường Giang, La thị Sinh, Minh Phước, Trần Hòa Nhã, Trúc Thanh Tâm, Trần Trung Hiếu, Tất Hữu Chí… và bao nhiêu người bạn văn nghệ khác nữa trên khắp miền đất nước?
Rất may mắn, từ đầu năm nay, tôi liên lạc được với nhiều người bạn cũ, trong đó có Phan Hữu Tiếp. Tiếp đã từng góp mặt với những sáng tác của mình cho Chương trình thi văn Về Nguồn từ trước năm 1975. Anh cũng là đồng hương và cũng là bà con thân tộc với anh Mai Huỳnh Văn. Qua Phan Hữu Tiếp, tôi biết thêm nhiều hơn về cuộc sống nghèo khó, vất vả nhưng thanh cao, trong sạch và tấm lòng “trọng nghĩa khinh tài” của một nhà thơ lỡ vận: những điều mà khi còn sống, Mai Huỳnh Văn chưa hề lên tiếng với bạn bè. Nhân cách ấy, càng làm cho cánh chim sơn ca dù lặng lẽ bay vào cõi vĩnh hằng, nhưng vẫn còn để lại cho đời âm vang tiếng hót đầy bi tráng.
25 năm- nhớ về anh- xin được ghi lại ở đây bài thơ viết năm 1995 như những lời ai điếu.
KHÓC MAI HUỲNH VĂN.
Một mảnh hồn thơm giã biệt đời
Giữa mùa đông muộn thoáng mưa rơi
Còn chăng với cuộc phù sinh ấy
Chia chút niềm vui, chút nụ cười?
Năm tám năm trời gãy cánh chim
Vòng xe cơm áo bỗng chao nghiêng
"Thanh sơn tự tiếu đầu tương hạc"
Nên những dòng thơ ứa máu tim...
Cái Răng- lâu lắm, dù không ghé
Tôi vẫn lòng riêng nhớ một thời
Dinh quận đìu hiu mùa bão loạn
Giọt cà phê lắng khói chơi vơi.
Chiến tranh làm cỗi thời trai trẻ
Con gái: "Hiền Xuân" , gởi trọn lòng
Hai chục năm rồi, mơ ước đó,
Xuân hiền- sao vẫn sống long đong?
Thực bất ngờ, như buổi sớm mai
Muốn đem thơ cũ tặng cho người.
Hồng Văn - nên máu hòa trong chữ
Anh đã nghìn năm " bỏ cuộc chơi" !
Thì thôi- mãi mãi là chia biệt
Ray rứt tình sông dạt bến bờ
" nhân diện bất tri hà xứ khứ"
Chỉ còn bát ngát những trang thơ....
Cần Thơ, đầu năm 2020.
LÊ TRÚC KHANH
CUỐI NĂM, VỀ CHỢ MỚI
Gởi Nguyễn Hùng Dũng
Phà An Hòa, An Giang
Tôi về như máu dạt về tim
Một chút tình kia vạn nỗi niềm
Bát ngát trời thơ vào tháng Chạp
Phải mùa hoa sứ nở trong đêm?
Mấy chục năm xa lòng vẫn nhớ
Một thời áo trắng- một thời tươi
Áo cơm oằn nặng mùa chinh chiến
Sao vẫn hồn nhiên những nụ cười ?
Chúng ta là những dòng sông nhỏ
Chảy bốn phương trời mới gặp nhau
Bởi vậy, khi tôi về cố xứ
Qua phà Rạch Miễu, nhớ Vàm Nao!
Bạn ở quê nghèo thời chiến loạn
Tôi thì lưu lạc bỏ quê hương
Mỹ Luông -Tân Thạch xa lăng lắc
Mà rất gần theo mấy dặm đường.
Trường xưa nằm cạnh đường liên tỉnh.
Rau ngỗ xanh đầy dọc lối đi
Một khúc lươn thôi là quá đủ
Lai rai rượu thuốc nhấp vài ly!
Học trò ngang tuổi thầy cô giáo
Tôi thích làm thơ, bạn thích đàn
Một đám thư sinh thời mới lớn
Bây giờ đầu bạc nhớ mang mang...
Theo bạn về quê ngày nghỉ dạy
Qua phà, qua mấy quảng đường xa
Giáo đường xưa vẳng hồi chuông muộn,
Ngọn khói hoàng hôn ấm mái nhà...
Mộng ước một thời trơ gió cát
Qua rồi ba lượt tuổi hai mươi.
Dũng ơi- Đoản khúc rời xuân ấy
Trang Đuốc Hồng kia phủ bụi rồi!
Cần Thơ, những ngày cuối năm.
LÊ TRÚC KHANH
___________________________________________________
HÃY THẮP LÊN NGỌN LỬA TÌNH YÊU !
Thương gởi tất cả các học trò tôi, thế hệ học sinh 1985-1988 với lòng trân trọng.
LTK
Chiều ấy- hình như đang bão rớt
Mà sao rất ấm những tình thân
Các em về giữa mùa giông tố
Nhưng lại bình yên gấp vạn lần!
Vạt nắng ban mai vừa trở lại
Khung trời xanh lắm bóng mây xa
Tiếng ai rộn rã cầu đi bộ
Sao giữa hoàng hôn mắt lệ nhòa?
Ba chục năm dài bao biến động
Những dòng trong đó chảy trăm miền
Bến lạ trời xa mù ký ức
Phù sa ân nghĩa vẫn y nguyên...
Hơn hai mươi lớp thời đi học
Ai biết ngày mai sẽ đến đâu
Nên rất hồn nhiên thời trẻ dại
Tháng ngày, kỷ niệm cũng thêm sâu...
Có bạn ra trường đi dạy học
Bạn làm công chức, bạn lao đao
Trăm nghề nên cũng trăm lần khổ
Đôi lúc gần nhau chỉ kịp chào.
Có bạn trầm luân nơi đất khách
Lòng quê đau đáu nỗi hồi hương
Có bạn nghỉ yên lòng đất mẹ
Và bao nhiêu bạn giữa trùng dương?
Chiều nay, xin bỏ bao phiền muộn
Giai cấp, hèn, sang... gởi lại đời
Hãy khoác lên ta màu áo tím
Vạn lòng như một để cùng vui.
Ta vui với bạn bè năm cũ.
Bên cạnh thầy cô tự buổi đầu
A một (A 1), A mười (A 10), Nga (N) hoặc Pháp (P).
Cần Thơ- Hưng Phú cũng như nhau!
Hãy nhắc cùng nhau thời tuổi ngọc
Sân trường rưng nắng đẹp như tranh
Tuổi sắp năm mươi đầu sắp bạc
Ngậm ngùi trong đáy mắt long lanh...
Bài hát vang lên lời quá khứ:
Hành khúc trường ta vẫn tự hào
Tiếng hát học trò mười tám tuổi
Đêm nầy sao vẫn cứ bay cao ?
Ngọn lửa thầy cô gởi các em
Cùng nhau ta thắp sáng trong đêm
Lung linh cả một trời thương nhớ
Ôi những tình yêu ứa máu tim!
Thầy muốn ngồi yên trong bóng tối
Quanh mình ngọn nến bập bùng soi
Học trò tôi đó - thầy cô đó
Xin giữ dùm nhau suốt cuộc đời...
Ngày mai chia biệt về muôn ngã
Bạn sẽ rời quê - tôi ở đây
Mong ước bao nhiêu lần tái ngộ
Đêm nào - ai biết - giống đêm nay?
Thôi giã từ nhau - nhé - các em
Một bình minh lại nối đêm đen
Vì muôn tia sáng lần tương hội
Sẽ tiếp đường bay vạn cánh chim!
Cần Thơ, 17/07/2018.
LÊ TRÚC KHANH.
KHÔNG GIỮ TRƯỜNG, NHƯNG PHẢI GIỮ HỒN XƯA..
2 viên ngói của Trường PTG do GS LPN đem qua Houston, tháng 5/2017
Viết thay học trò tôi, thế hệ 85-88 nhân mùa kỷ niệm.
-Gởi Mỹ Phượng và A 10 thân yêu.
Ai nhặt dùm ta những chùm phượng đỏ
Tháng năm về vang vọng tiếng ve ngân
Chưa đến mùa thi, dạt dào biển gọi
Ôi mùa hè bỗng chốc hóa mùa xuân!
Rồi một sớm khi ta mười tám tuổi
Bước xuống đời sao lại thấy bâng khuâng
Giã biệt thầy cô - mái trường ân nghĩa
Nét hồn nhiên đã mất giữa vô chừng....
Và chúng ta như những dòng sông nhỏ.
Ba mươi năm biền biệt chảy trăm miền
Đất Mỹ, trời Âu - nặng lòng cố xứ
Cùng ngược nguồn trong một sớm bình yên.
Ta về đây, vẫn Cần Thơ nắng đẹp
Như những lần nao nức buổi liên hoan
Đêm cắm trại hát hò bên ánh lửa
Má ai hồng nên ai nhớ mang mang....
Rồi ‘'ai đó'' và bao người bạn trẻ
Chỉ chung trường, chung lớp, chẳng chung đôi.
Xin quá khứ một lần quay trở lại
Để ngậm ngùi khi tuổi chớm năm mươi...
Khi về đây, cổng trường xưa đã khép
Đường Ngô Quyền mưa đẫm gót chân ta
Trời tháng bảy có em còn đứng đợi
Lời chia tay gởi lại chốn quê nhà...
Ôi bạn đồng song, người còn kẻ mất
Bốn dãy bàn - mấy chục chỗ ngồi quen
Ba năm học dù ít nhiều thay đổi
Nhưng bạn bè thì không thể nào quên...
Trường mới cất vẫn trên nền đất cũ
Thời học trò phong kín giữa lòng sân.
Thương lớp nhỏ, thương bạn bè thuở trước.
Một tình yêu hoài niệm đến hai lần!
Ta về đây như một người khách lạ
Lớp sóng sau đùa mất bãi bờ xa
Muốn tìm lại dãy hành lang thân thuộc
Khung cửa nào gởi trọn trái tim ta ?
Đã mất rồi sao, hình hài buổi trước
Thế kỷ qua, thương biết mấy cho vừa.
Dù gạch đá trăm năm là cát bụi,
Không giữ trường, nhưng phải giữ hồn xưa !
LÊ TRÚC KHANH.
GỞI NGƯỜI TRĂM NĂM CŨ
Tôi về buổi ấy trời hoen nắng
Một dãy Tiền Giang sóng gợn buồn
Từng chuyến xe qua cầu Rạch Miễu
Bồi hồi kỷ niệm nhớ quê hương....
Người vẫn nằm đây- vẫn ở đây
Nhói lòng nghe súng vọng phương tây
" Bến Nghé của tiền tan bọt nước
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây"
Hào khí miền Nam vùi đáy mộ
Thành xưa đã bặt tiếng quyên sầu
Một giấc Long Hồ vang chiến sử
Xin làm mây trắng miệt Ngao Châu...
Thắp vội tuần hương rời Bảo Thạnh
Ba Tri tăm tắp một dòng trôi
Nhớ người, nhớ cả ngôi trường cũ
Giấc mộng trăm năm lỡ hẹn rồi....
LÊ TRÚC KHANH