top of page
hmpg.jpg
WebPTGDTD_GocSanTruongNha.jpg
PTG_dayngang.JPG.w300h225.jpg

Trang Mục Góc Sân Trường Nhà là những thông tin, liên lạc, tin tức vui, buồn xảy ra cho những người PTGĐTĐ khắp nơi.

Trang Nhà rất mong nhận được sự cộng tác của nhiều người để Trang Mục nầy trở thành món ăn tinh thần, là nơi gặp gỡ Thầy Trò, đồng môn, bạn hữu. Bài cộng tác có thể là bài văn hay bài thơ kể chuyện vui buồn trong cuộc sống, là những kỷ niệm, những trang lưu bút cũ, những tấm ảnh cũ, là lời nhắn tin, v.v…cần trao gởi đến những người trường nhà.

Ừ THÔI !!!!.....       

(Gởi người vừa mới đi xa DƯƠNG VĂN GIA)


◙ 1.-Ừ thôi vĩnh biệt nhé GIA,
Tiếc thương cho lắm cũng là hoài công,
Bây giờ GIA đã phiêu bồng,
Còn PHƯƠNG ở lại cõi lòng nặng đau,
Ừ thôi xin vẫy tay chào,
Bạn vui lên để…đi vào thiên thu,
Cần Thơ sương khói mịt mù,
Nhớ tiếc bạn cũ lòng u ẩn buồn.


◙ 2.- Ừ thôi đã hết thật rồi,

Đọc lại chuyện cũ bồi hồi nhớ thương,
Tơ lòng muôn thuở còn vương
Thương bạn sống kiếp tha hương nửa đời,

Nhắc chi ngày ấy GIA ơi,
Giờ xa xôi lắm buồn chơi vơi buồn
Ngoài trời từng giọt mưa tuôn,
Như thương như tiếc người nương mây trời.


◙ 3.- Ừ thôi bạn đã đi rồi
Bỏ nhà bỏ bạn bỏ đời lưu vong
Bạn đi bạn có biết không?
Cái Răng quê cũ hằng mong bạn về
Nỗi buồn phủ kín sơn khê
Nhớ dòng sông cũ lòng tê tái sầu
Hồn bạn dù có về đâu?
Hãy luôn nhớ mãi nhịp cầu yêu thương.
(Với 2 đứa mình thì nhịp cầu quay quê Cái Răng sống mãi muôn đời)

NGUYỄN HOÀI TRÂN
(1-10-2024)

PHÂN ƯU

 

 

 

 

 

  Vô cùng thương tiếc bạn đồng song PTG (1955 – 1962)

                   

              DƯƠNG VĂN GIA (1940 – 2024)

     

              ◙ Cựu học sinh Phan Thanh Giản.
              ◙ Cựu GS Phan Thanh Giản.
              ◙ Cựu Hiệu Trưởng Trường Trung Học Cái Tắc
              ◙ Cựu SVSQ Trường Bộ Binh Thủ Đức Khóa 20.

đã từ trần ngày 22-9-2024 tại Santa Ana ( California) sau một thời gian điều trị bệnh nặng, hưởng thọ 85 tuổi.
         Trước sự mất mát đau thương nầy, chúng tôi xin thành kính chia buồn cùng chị LƯƠNG LIÊN HOA và các cháu. Chúng tôi cũng thành tâm cầu nguyện cho hương hồn bạn hiền Dương văn Gia sớm được thanh thản trên cõi niết bàn.

           R.I.P nhé GIA !!!!
      Nhóm bạn đồng song Trung Học Phan Thanh Giản (1955 – 1962) tại quê nhà Cần Thơ luôn nhớ bạn:

NGUYỄN VĂN NAM – ĐẶNG PHI LONG – HỒ CÔNG NGHIỆP – DƯƠNG ĐÌNH PHƯƠNG – NGUYỄN KỲ PHƯƠNG.
          ◙ ÂU NGỌC QUI (OHIO) – TRẦN KIM MINH (GEORGIA)

NKP_apple.JPG
TL_Cầu Cai-Rang-1.jpg

KỶ  NIỆM  ĐỜI  HỌC  SINH  TRƯỜNG

PHAN  THANH  GIẢN  CẦNTHƠ .

     (Để tưỏng nhớ hai bạn thân thương Đặng Nhất Lang và Nguyễn Thanh Tùng đã khuất bóng.)

NGUYỄN KỲ PHƯƠNG VÀ DƯƠNG VĂN GIA

 

Nguyễn Kỳ Phương và tôi đều sống tại Cái Răng, nói cho oai là ở tại Thị Trấn Cái Răng. Nhà Phương ở  đường huyết mạch của chợ, ngang Ty Bưu Điện. Còn nhà của Ba Má tôi ở gần mé sông, người địa phương thường gọi nơi chúng tôi ở Xóm Cầu Tàu; lý do dưới bến sông có một cầu tàu xi-măng cốt sắt, không  biết  người Pháp xây cất năm nào, khi tôi độ ba  hay  bốn  tuổi  tôi  đã  biết được  Cầu  Tàu  rồi; tôi  rất  hãnh  diện  xóm  tôi    đã  có một    bến  tàu  to  lớn,  kiên  cố, tàu  bè, xuồng  ghe  thương  hồ, ghe  chài loại  chở  đá , ,hàng hóa ,  gạo  đều  cặp bến  để  lên  hàng   tại chợ  Cái Răng .Các bà con nông dân làng lân cận hay  mang  hàng  hóa  từ  trong  vườn   ra  chợ  Cái Răng   buôn  bán. Vào những ngày giáp Tết các xuồng,tam bản chở hoa và trái cây cặp bến tàu đông đúc tạo cảnh tượng nhôn nhịp vui tươi đầy màu sắc mà bây giờ được gọi danh xưng mỹ miều:chợ nổi CÁI RĂNG.Chuyện quê chúng tôi với tên gọi quê mùa dân dả còn nhiều lắm,xin được hẹn lần sau kể tiếp.

      Hồi  ức nầy  xin   ghi  lại chuyện   của  chúng  tôi có  duyên  gặp gỡ, đi  học, đi chơi, đi đá  banh..    Phương  và  tôi    luôn có  mặt  cùng nhau.  Tôi  tưởng  cũng  cần  nói  thêm  Ba  Má của Phương  đã  nhận  Ba  Má  của  tôi là “Cha  Mẹ đỡ   đầu”.  Tuy  không   làm lễ  chánh  thức,  nhưng   Ba  Má  Phương  từ  nhỏ  đến  khi   lìa  đời  đều coi gia  đình  bên phía  tôi như cật ruột.  Tử đó, Phương  và  các  em cũng  gọi  tôi  là  Chú  Mười. Thật  ra, trong  lớp học và lúc  đi chơi giỡn, “tụi tôi”  vẫn  cứ mầy  tao  như  những  bọn  nhỏ khác. ( Sau  nầy  lớn  lên,  đã  đi  dạy  học, hay   đi  lính chúng tôi mới  đổi  cách  xưng  hô  lại cho  thích  ứng  với hoàn  cảnh  mới. )

    Phương  và  tôi ngẫu  nhiên   học   cùng  lớp tại  trường  Phan  Thanh  Giản,  lớp  Đệ Thất E, vào trường niên khóa 1955-1956. Từ đó, chúng tôi học chung nhau  cho đến hết năm Đệ Tứ C. Chúng  tôi thân nhau từ chuyện đánh lộn với các bạn  cùng trường hoặc đến chuyện đánh với các hoc sinh khác trường, tụi tôi lúc nào  cũng bênh nhau. Thật ra, Phương tuy  nhỏ tuổi hơn tôi nhưng cao lớn hơn tôi  rất nhiều,  cho nên tôi thường bị bên đối phương mời ra  đánh trước khi chọn  lối đánh bắt cặp (nghe có vẻ xi nê quá chứ thật ra là cãi lý rồi thách thức).

  Trở lại  chuyện học  hành ở Phan Thanh Giản, chúng tôi đi  đến trưòng buổi  sáng  bằng xe đạp (làm sao có được xe gắn máy). Có những ngày phải đạp xe 2 buổi: sáng học thể dục và các môn nhiệm ý, buổi chiều học các môn chánh. Trước  khi  lên đường đi học, chúng tôi thường tập hợp tại bàn bi-da của Thầy Mười.  Chúng tôi vừa chơi bi da hay đánh đáo để chờ lính gác cầu mở hàng rào kẽm gai  là vội vã phóng xe đạp đến trường cho kịp giờ kẻo bị trể giờ là bị Thầy Tổng Giám Thị Tài hay Thầy Châu véo tai nhéo mũi hay nhảy xổm để cảnh cáo. Được phép qua cầu, chúng  tôi “a- lê-hắp” phóng ngựa sắt băng băng, tíu tít giăng hàng ngang, cặp ba cặp  bốn. Còn các tiểu thư chậm rãi đạp xe, yểu điệu như bà hoàng, không quên liếc  mắt xem ai sẽ  là “anh hùng xe đạp” sáng nay. Dọc đường, chúng tôi chạy đua  theo  xe  lôi gắn máy, đứa nào “thỏ đế” thì đeo xe lôi đạp,  còn sợ chết đeo xe  ngựa..  Mấy bác tài chạy xe ngựa cũng không phải tay vừa, cũng la cũng hét, cũng  chửi cũng rủa tưng bừng để đối đầu với bọn tiểu quỉ tiểu yêu.  Cả bọn chúng tôi chẳng những không giận mà còn cười vang vang nữa. Còn mấy ông già lái xe  ngựa quất ngược roi ngựa về phía sau, nếu né không kịp cũng lãnh mấy lằn roi  như thường..

      Còn  bận về, tôi cùng Đặng Nhất Lang biểu diễn “chạy xe đạp bay” như cô    Bạch Yến mô -tô bay thời đó.  Lúc đó, bọn chúng tôi tha hồ “lấy le” mấy cô chân ngắn. (Mấy cô nàng lúc đó còn nhỏ mà, đôi chân ngắn ngủn, lấy đâu mà ra “chân  dài” như bây giờ). Nói vậy chớ, mấy nàng kiều nữ nhí nầy cũng biết liếc, cũng thì  thầm tâm sự với nhau về bọn chúng tôi. Nguyễn Kỳ Phương và Nguyễn Thanh  Tùng chạy gần bên tôi và Nhất Lang ủng hộ như Suarez với Neymar tung hứng,  rê dắt cho trung phong Messi làm bàn, đã nâng tinh thần “vì sự nghiệp biễu diễn”  quên đi nguy hiểm của Nhất Lang và tôi!

    Trong số những nữ sinh chạy xe đạp đến trường có nữ sinh Lương Liên Hoa, chạy Mobylette trắng, ít nói, không hiểu cô  đã chấm ai chưa? Sau nầy cô Hoa lại chấm tôi và chúng tôi đang hồn nhiên sống tại Hoa Kỳ để tôi có thì giờ nhớ lại chuyện ngày xưa.          

        

     Trong  số những bạn trẻ ở  Cái Răng cùng đạp xe đi học tôi thường đi chung  hằng  ngày với Đặng nhất Lang,  Nguyễn Kỳ Phương, Nguyễn Thanh Tùng . Nhất  Lang  với tôi lo  việc  biểu diễn  “xe đạp bay ”,  làm sao cho giống như Bạch Yến  phóng mô-tô bay vòng quanh lòng chảo, vừa lượn vừa bay, vừa ca bản Đêm Đông   thì hay tuyệt cú mèo.

     Nguyễn  Kỳ  Phương và Nguyễn  Thanh  Tùng  chạy  gần  bên   tôi  và  Nhất Lang để  ủng  hộ  như  Suarez với Neymar  tung    hứng,  rê  dắt  cho  trung  phong   Messi  làm  bàn , hay   đáo  để .  Tôi chạy xe  đạp  biểu  diễn  bằng cách đứng trên sườn xe ”máy đầm” hai tay giơ cao ưỡn ngực.  Lúc đó Nhất Lang ngồi ở “porte-gagage”, vội leo lên từ phía sau, ôm hai vai tôi, trong lúc đó tôi lại lòn ra phía sau, chỗ Nhất Lang đã đang ngồi, sẵn sàng leo lên vị trí cầm tay lái. Thế là chúng tôi cùng một lúc chuyển đổi nhau: Nhất Lang lại ngồi trên yên xe của tôi, từ từ đứng lên sườn xe như tôi đã làm trước đó ...giống như biểu diễn xiếc xe đạp phải không các bạn? Bây giờ thì Nhất Lang đã bàng bạc trên cao  trên xa…xa mãi.

    Tôi và  Nguyễn Kỳ Phương đều thích  đá   banh  có  điều   tôi  đá   không   hay ,  không  khéo  bằng   Phương.   Bù  lại   tôi   chạy   khá  nhanh ,  nên   mấy  anh thanh niên   đàn  anh  vẫn  để  cho  tôi  gia  nhập hội, chuyên môn  đá  vai  phòng  hờ.

     Phương theo đội bóng “Thanh Niên Cái Răng”, còn tôi đầu quân cho đội “Hội  Tuyển Lào”. Tội nghiệp cho hội Tuyển Lào chính danh trên xứ Lào. Họ  đá không  đến  nỗi tệ  chỉ  có  nhiều  lần   thua  đội  tuyển Việt Nam khá nặng,  bọn  con   nít ghẹo  “Hội Lào  khi thua chỉ còn lấy cần  xé đựng đem  về Lào  an  ủi.

     Phương   và  tôi   cũng   chung  nhau   chạy  đua  tiếp   sức   cho    đội  học  sinh  Việt  Nam  tại   quận  lỵ  Cái  Răng,  tranh  tài   cùng  mấy  học  sinh  trường  Hoa Kiều  tại  chợ ,  mỗi  năm  vào   dịp   Tết  đến  hay  những  lễ  hội  lớn  của   quốc   gia.

    Lúc  thi  đậu concours  vào  trường  Phan Thanh  Giản,  tôi  và  Phương  may   mắn  học  chung  lớp  Đệ Thất  E  và  tiếp  tục  hoc  chung  lên  lớp   Đệ  Tứ  C.   Đó  là  lớp  sẽ   quyết  định  quan  trọng  cho  đời  học sinh   của  cúng  tôi: thi  đậu  Trung  học  đệ  nhất  cấp   sẽ   được  tiếp  tục học  lớp   Đệ Tam.  Nếu  thi    rớt   được  động  viên ,  đi “ra  Trung   Sĩ” ;  mộng  ước  học  cao  hơn  sẽ  đổ   vỡ. Tôi  và   Kỳ  Phương  phải  chọn   lựa   vấn   đề  cấp  thiết:   chọn  ban ngành  theo   sở  trường   của  mình   hay  tùy thuộc  vào   hoàn  cảnh   kinh  tế  gia   đình  mình?   Vì  Kỳ  Phương  giỏi  Anh Văn  Pháp  Văn  và  Việt  Văn  nên  chọn   Ban  C.

 

  Điều  đó  cũng  đúng   vì   Ba  của  Phương  làm công   chức , có  thể  rán  cho  Phương  học  thêm  cho  hết  Trung  Học   Đệ   Nhị  Cấp  cũng  không  khó  mấy. Riêng  tôi,   tôi  cũng   như   Phương,   chỉ  thích  hợp  Ban C   mà  thôi . Tôi  không  hiểu  tại  sao  tôi  lại  chọn   Ban  B,  ban  Toán.  Lạ  thay, sau  nầy  tôi   vẫn   quyết  tâm  học  luôn  hết  lớp   Đệ  Nhất   B.Cũng cần nói thêm Cái Răng quê chúng tôi nhỏ lắm không đến nỗi”đi dăm phút đã về chốn cũ “ nhưng mọi người trong chợ đều biết nhau nên năm hai đứa đậu Trung Học Đệ Nhất Cấp cũng hãnh diện lắm.60 năm rồi nhắc lại vẫn thấy nghèn nghẹn …

     Thế  nhưng,  không   hiểu   tại  sao  Kỳ   Phương  lại  bỏ  hoài  bảo nhà  văn  hay  thi  sĩ cho  phù  hợp  với  năng  khiếu  mình  mà thi   vào   Sư  Phạm  và  tiếp  tục  hành nghề “gõ  đầu   trẻ” cho   đến  khi có  lệnh  động  viên,  ra  trường  được  bổ  làm  Sĩ  quan  Quân  Huấn tại trường Bộ Binh Thủ Đức.  Còn  tôi,  nhà  nghèo,   Ba   tôi  quá  già  không  thể  nuôi  tôi  học  cao  hơn  nữa,  tôi phải   phụ tiếp Ba tôi lo   việc sinh nhai  nên  tôi  đã  thi  và   đậu  vào  Sư  Phạm  Vĩnh  Long,  khóa   gíáo  viên  tiểu   học (  lúc   đó,  tôi    đã  đậu  Tú  Tài  2  rồi,  có  thể  thi  vào  lớp  “giáo  học  bổ  túc”  học   sư  phạm  2 năm, lương  cao  hơn.  Nhưng  tôi  không  thể  học  thêm  một  năm  nữa  vì  gia  đỉnh  tôi  cần  tiền  sinh  sống  cấp  bách). Thấy  tức   cười  chưa   quí  vị!   Con  đường   mà  chúng  tôi  phải  bước  tiếp  không  phải  là  con  đường  chúng  tôi  mong   đợi!

      Rồi   cả  hai  chúng  tôi  lại  nhập  ngũ.  Phương   được  làm  Sĩ  quan  Quân   Huấn,    còn  tôi ,  Sĩ  quan  Chiến Tranh Chánh  Trị  thuôc  Tiểu  Đoàn  40 CTCT.  Không  hẹn  mà  lại  cùng  nhau đi  lính ,  rồi  được   biệt  phái  về  dạy  học  trở  lại  cho   đến  khi   Cộng  Sản  miền  Bắc vào,  chúng  tôi  vì  là  sĩ quan chế  độ  cũ  nên  phải  đi  “học  tập   cải  tạo”.Học trường PTG,dạy tại trường PTG và khi đất nước sang trang cũng mang hành lý vào trường PTG.Nhớ quá 3 tháng hè năm 75 ở ngôi trường quá nhiều kỷ niệm.

    Phương  may  mắn (hay rủi ro) được  trở  về  sau  hơn 2 năm “học tập”,  còn  tôi  phải  lãnh   đủ gần  6  năm  trong   nhiều  trại  cải  tạo. 

    Bây giờ tôi đang ở tại Mỹ, làm cho hảng Mỹ trên 23 năm mới về hưu. Phương cũng vậy, bây giờ đang sống “an nhiên tự tại tại Cần Thơ với con cháu trong tình trạng tạm ổn của một kẻ đứng bên lề.

    Vài  năm nay, vợ chồng tôi về Việt Nam thăm nhà và quê hương, chúng tôi đều đi thăm nhiều bạn học PTG cũ, không quên ghé thăm Phương và nghiêng  mình đốt nhang tưởng niệm Ba Má Phương mà chúng tôi đã gọi là Anh Chị Ba. Mong tình bạn của Gia và Kỳ Phương mãi mãi tốt đẹp.

   Hồi ký nầy được nhớ và ghi lại sau hơn 60 năm miệt mài trong cuộc đời có quá nhiều giai đoạn khác nhau để gọi là nhớ “những ngày xưa thân ái”, mong các bạn quê hương Cái Răng xem nó như một kỷ niệm “vàng son” trong cuộc đời áo trắng dễ thương.

 

        PHƯƠNG – GIA

        Cuối năm 2015

_________________________

HỘI NGỘ THẦY TRÒ

A. HỘi NGỘ TẠI DALLAS, TEXAS

Từ Text message Bé Nguyễn, Dallas May 1, 2024

Hôm nay ngày 1 tháng 5 , sau khi biết Thầy Phạm Khắc Trí đã về lại Mỹ từ nhiều hôm trước, và được Diễm con Thầy cho biết được nơi Thầy đang ở, tôi lên thăm Thầy. Thầy rất vui và cảm động vì sức khỏe của Thầy cũng ổn định, Thầy gởi lời thăm đến các Thầy Cô và Anh Chị đồng môn PTGDTD và chúc tất cả luôn được nhiều sức khỏe và an lành cũng như an tâm Thầy vẫn bình an, rất thương nhớ mọi người. 
    Bé Nguyễn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

B. HỘI NGỘ TẠI SÀI GÒN

 

1/ Từ Email GS Lê Thị Yến

De : Thi Yen Le <yenhoangxuan35@gmail.com>

À : "lyen822@yahoo.com" <lyen822@yahoo.com>

Envoyé : mercredi 13 mars 2024 à 09:33:50 UTC+1

Objet : Đồng nghiệp và Học trò cũ đến thăm GS NGUYỄN DUY TẠI nơi Tư gia - 06/03/2024(Cô Yến và Bích Thủy & Thu Vân)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2/ Từ Email Duc Pham: 

On Fri, Jan 13, 2023 at 8:54 AM Duc Pham <ducpham1948@yahoo.com> wrote:

Kính thưa Quý Thầy,

Trước thềm năm mới Quý Mão 2023, em xin chia xẻ với Quý Thầy và các Quý huynh trưởng và đồng môn vài hình ảnh khi em ghé thăm nhà Thầy Nguyễn Duy Tại, ở đường Hòa Hưng, Quận 10. TP.HCM..

Em rất mừng khi thấy Thầy tuy cao tuổi, Thầy Tại vẫn vui vẻ, minh mẩn, linh hoạt thể hiện qua số lượng bài Thầy đưa lên mạng hàng ngày. Thầy đi đứng rất nhanh nhẹn, khác hẳn với những lần trước, khi gặp Thầy. Em hy vọng Quý Thầy khác chắc cũng khỏe mạnh như vậy.

Kính chúc Quý Thầy và Quý huynh trưởng, đồng môn được Anh khang, Thịnh vượng trong năm mới.

Kính,

Phạm Văn Đức

CHS PTG&ĐTĐ Cần Thơ

NK 1960-1967

Click link dưới đây xem thê​m ảnh:

Thăm Thầy Tại đón Tết Quý Mão 2023

LTY_thamGSTai.jpg
Be  Nguyen_Thay PKT.jpg
DucNguyen_thayTai.JPG
KQ_DuyenKyNgo.jpg

Theo kế hoạch từ trước, Thầy Phạm Khắc Trí chưa thể về Cần Thơ vào tháng Tám 2023 nhân lúc ái nữ Nguyên Diễm về VN thăm thầy. Thầy không hẹn cuộc gặp gỡ với đồng nghiệp và đám lão sinh trong giai đoạn nầy. Có lẽ tình hình sức khỏe thầy chưa đạt yêu cầu như ý muốn vì bước đi còn chậm chạp chưa được vững vàng.


Chúng tôi hụt hẩng không thỏa chí vì trong thực tế thiếu vắng bóng thầy là nhân vật chính mà tất cả đang ngưỡng mộ muốn gặp gỡ để vấn an.


Nguyễn Diễm từ Mỹ vẫn báo tin cho Đức Nguyễn và tôi hay sẽ về quê hương này 22 tháng 8. Tôi cứ tưởng Nguyễn Diễm sẽ về Sài Gòn thăm thầy trước rồi mới đến Cần Thơ gặp chúng tôi. Mặc dầu không có thầy cùng đi những Diễm vẫn quyết chí không thay đổi ý định thay mặt Bố gặp chúng tôi trước và ngày hôm sau sẽ về SG thăm Bố để có thời gian liên tục ở cạnh Bố cho phỉ tình phụ tử mấy tháng xa cách_ Bố về VN dưỡng bịnh.


Nguyên Diễm hẹn gặp chúng tôi tại Khách Sạn Sheraton trên đường Trần Văn Hoài Cần Thơ họp mặt và đải ăn sáng. Đức Nguyễn như Thổ công thông thạo địa điểm, chỉ có tôi quê mùa ngơ ngác. Anh chàng Đức phải hướng dẫn giải thích cặn kẻ hướng đi cho bà lão tôi được an tâm. Đức sợ tôi e dè đường đi nước bước, em tận tâm nhiệt tình hết mình, hẹn đến đón đưa tôi đi. Tôi nghe thật cảm động và thấy thương sư đệ quá. Tôi bèn từ chối sẽ đi bằng xe ôm quen, từ Cái Răng ra Khách Sạn.


Tôi cứ ngỡ ngoài Đức và tôi ra còn các em lão sinh cùng về họp mặt đông vui lắm, khiến tôi cũng hồ hởi vô cùng
 

Cuộc Gặp Gỡ tại Sheraton


Sáng 22/8/2023 tôi lên đường đến khu Wincom tìm ra khách sạn Sheraton. Đang đứng lớ ngớ dõi mắt tìm chưa thấy ai quen thì Đức Nguyễn xuất hiện kề bên…. Tôi mừng rơn… Anh chàng bảo tôi vô trước rồi đi gởi xe vô sau. Tôi đi vào trong còn nhìn ngang nhìn dọc để tìm chỗ ngồi cho dễ nhìn để nhận dạng mọi người. Tôi chọn chỗ, vừa ngồi xong ngẩng lên thấy một cô rất trẻ đi gần lại bàn tôi ngồi, tươi cười chào hỏi đúng tên tôi. Ạ, Nguyên Diểm… Chúng tôi mừng nhau không bỡ ngỡ.


Lát sau Đức vào tới, tôi giới thiệu Đức cùng Nguyên Diễm.


Nhìn chung quanh chẳng thấy ai ngoài ba chúng tôi. Thì ra Nguyên Diễm về Cần Thơ để gặp tôi và Đức đại diện cho các lão sinh học trò của Thầy. Các lão sinh khác chờ gặp Thầy trong một dịp rất gần năm nay. Còn tôi không phải học trò của Thầy; có thể nói tôi là người ngưỡng mộ tài thi văn và đức độ của thầy. Thầy sống rất tử tế, rất tình cảm gần gũi đối với mọi người... Sống hòa đồng không phân biệt vùng miền, mà Thầy còn quyến luyến thắm thiết với quê hương và tình người của miền Nam ở mọi nơi mọi lúc (Mây Tần). Dù thầy thành công trong nghề nghiệp giáo dục cũng không tự tôn, tự đại…Thầy có trái tim bác ái, mở rộng vòng tay giúp đỡ học trò mình trong hoàn cảnh khó khăn. Thầy là nhà giáo toán học nhưng giàu cảm xúc dâng trào có cả kho tàng văn thơ chứa chan tình cảm sâu sắc tuyệt vời…


Trước sau tôi chỉ gặp thầy vào năm 2012 và 2017. Dù chỉ 2 lần nhưng Thầy để lại trong tôi ấn tượng đẹp khó quên. Đặc biệt tôi cảm thấy thương thầy… như thương Bố tôi. Cũng dáng dấp như thế với sở thích cố hữu hay làm thơ cổ, thơ Đường nhưng Bố tôi không phải là nhà giáo mà là Đông Y sĩ…

Cho dù, tôi không phải là học trò của thầy. Nhưng với tài năng và đức độ đó tôi xin mượn ý của lão đệ Trần Bang Thạch để diễn cảm về người thầy mình kính mến: ”Dù tôi không được học với thầy…nhưng THẦY chính là người THẦY cả một đời”.


Nguyên Diễm chào đón chúng tôi rất niềm nở chân tình, nhắc nhở nhiều thầy nhiều bạn với tất cả tình cảm thân thương như GS/ HT NGUYỄN TRUNG QUÂN , lão đệ TRẦN BANG THẠCH... Em kể chuyện về Bố khi sang Mỹ phấn đấu vất vả để nuôi con... Thầy đúng là hình tuợng người cha tuyệt vời. Thật hiếm có một gia đình hoàn hảo hạnh phúc như vậy.


Nguyên Diễm là phụ nữ trẻ đẹp đơn giản tự nhiên không tô vẽ son phấn. Dù ở nước ngoài nhưng không mượn kỹ thuật thẩm mỹ để làm đẹp dung nhan cho vượt trội. Chùng tôi rất quí mến em vô cùng. Em có gia đình riêng để chăm lo nhưng em vẫn kề cận cùng gia đình để chăm sóc Bố Mẹ thật hiếu đạo. Thời buổi nầy, ít thấy người con hiếu thảo như thế, nhất là ở nước ngoài gọi là văn minh nhưng cuộc sống lúc nào cũng bận rộn.


Từ phương xa, Diễm mong được gặp gỡ chúng tôi tại quê nhà. Chỉ điều nầy thôi cũng đã là đáng quý rồi, vậy mà Diễm còn trao quà tặng từ nước ngoài về cho sư đệ Đức và tôi. Thật cảm động và thấy thương quá. Đúng là con gái yêu của thầy sống giống Bố. Tình cảm tràn đầy đối với mọi người. Em kể chuyện về Bố cho chúng tôi nghe trong quá trình ba mươi mấy năm em sống với gia đình cùng Bố Mẹ đến nay. Em rất khắn khít với Bố từ nhỏ…. Nghe kể thấy thương. Chuyện về tình Thầy Trò, Bố hay kể cho em nghe. Thơ và thư từ chúng tôi gởi Bố, em cũng được đọc. Vì vậy em biết đến Đức và tôi. Chúng tôi nghe cũng vui lây.


Hẹn Ngày Tái Ngộ


Nguyên Diễm nói lần nầy Thầy chưa về Cần Thơ được nhưng tháng 10 năm nay sinh nhật Thầy, em sẽ về Cần Thơ tổ chức để thầy trò họp mặt mừng SINH NHẬT  - mừng tuổi Thầy. Chúng tôi nghe vậy rất phấn khởi, hớn hở như mở cờ.


Cầu mong Thầy Cô an khang, trường thọ. Để chúng em được hạnh phúc hội ngộ.


Các bạn nào chưa dự lần nầy thì lần tới nhớ theo dõi tham gia đông vui mừng thầy kính yêu của mình. Hãy chờ đợi tin mới nhé.


Nguyên Diễm ơi! Nếu lúc đó chị chưa lên bàn thờ, còn an lành chị sẽ reo vui mừng thầy cô, mừng em.


Ôi sung sướng nào hơn: Hạnh phúc được gặp lại THẦY CÔ và NGUYÊN DIỄM.

 

Hẹn một ngày TÁI NGỘ!!!

Nguyễn Kim Quang, 24/8/23

KQ_Signature.JPG
THT_PTGDTD.jpg

TRẦN HOÀI THƯ: HOUSTON NGÀY HỘI NGỘ

 

Lời giới thiệu:

 

Sau khi được bác sĩ cho biết mình dứt bịnh ung thư, ngày 24 tháng 6 năm 2023, nhà văn Trần Hoài Thư từ New Jersey bắt đầu một chuyến đi xuống Houston (Texas) thăm anh Phạm văn Nhàn và các anh chị thân hửu dưới này và anh có mang theo tác phẩm mới Hương Tình Khổ Nạn để tặng bạn bè với lời giới thiệu:

 

“Cuốn sách này ra đời như là một chia sẻ nỗi vui buồn trùng trùng điệp điệp cũng như niềm hạnh phúc vô biên của một lão già 81 tuổi. Vẫn còn làm thơ viết văn, tự in, tự đóng, làm bìa cứng, hầu gởi tặng những người mà tác giả quý mến.

 

Trân trọng,

Trần Hoài Thư.”

(Tạp chí Thư Quán Bản Thảo xuất bản tháng 6-2023)

HT_THT_Sach.JPG

Sau khi về lại New Jersey, nhà văn Trần Hoài Thư viết bài “HOUSTON NGÀY HỘI NGỘ” đăng trên FB của anh ngày 30.6-2023, mà chúng tôi tình cờ đọc được và chép lại.

 

Sẵn dịp này, chúng tôi có ghi lại được vài hình ảnh kỷ niệm chuyến thăm của anh Trần Hoài Thư nên xin phép đính kèm cùng bài viết này và xin trân trọng giới thiệu cùng các anh chị và các bạn.

 

Trân trọng,

 

Houston, ngày 01 tháng 7 năm 2023

Hai Trầu 

  1. HOUSTON NGÀY HỘI NGỘ

Trần Hoài Thư

 

Thời gian tuổi tác dù đã làm thay đổi con người, cướp mất di nhựa đời, nhưng có một thứ không thay đổi. Nó bất biến. Nó không cần áo lớn, cà vạt chỉnh tề. Nó chẳng cần gìn giữ môi miệng. Nó cũng chẳng bắt ta nhìn người đối diện bằng một khoảng cách. Nó không trịnh trọng thái quá, nó thân tình, giản dị. Nó không cần trụ mốc thời gian để đo lường  hay đánh dấu.

 

Nó chính là tình văn chương.

 

Dòng suối văn chương chảy bất tận. Ngồi cạnh Đặng Toản nói về nghệ thuật làm mới thi ca trong hai thi phẩm mà chàng vừa xuất bản.

 

Vào nhà Hai Trầu ra sau vườn, để hiểu nắng mưa Houston bị nắng mưa Cửu Long che khuất, để nặng trĩu trái bầu trái bí, trái bưỡi trái chanh. Không thấy hoa hồng hoa huệ hoa lan mà chỉ thấy những nhụy mầm từ một phương ảo…

 

Và những chuyến xe đời hôm nay đổ ra những người hành hương. Không phải chùa Hương mà là trường cũ(*). Không phải lời kinh mà là tiếng chim hót líu lo, những đôi mắt sáng sau cặp kính lão nhìn về xa xưa xa thăm thẳm ngàn trùng…

 

Khi gặp lại, có người không nhớ mặt, có người không nhớ tên. Luật thời gian mà. Nhưng dù không nhớ, lòng vẫn xanh, tình vẫn nồng, niềm vui vẫn bềnh bồng, vì chúng ta vẫn còn sống để có mặt lúc này, hình như không thật…

 

Trần Hoài Thư

Ngày 30-6-2023

----------------

 

(*) “Trường cũ” ở đây tác giả ngụ ý nhắc tới hai trường Trung học Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm (Cần Thơ) mà đa phần các anh chị cựu học sinh hai trường này là bạn học của chị Yến (hiền thê của anh Trần Hoài Thư, những năm thập niên 1950-đầu 1960) [Cước chú thêm của Hai Trầu]

 

(Bài do HT chép lại ngày 01/7/2023 và bổ túc thêm hình phụ họa để kỷ niệm chuyến đi chơi rất vui của anh Trần Hoài Thư về Houston do HT chụp và chú thích)

Đặc biệt, với một tâm hồn nghệ sĩ như anh Trần Hoài Thư, nhưng khi anh“làm rể miền miền Nam” anh “ yêu miền Nam” nên anh Trần Hoài Thư đã viết:

 

“Vào nhà Hai Trầu ra sau vườn, để hiểu nắng mưa Houston bị nắng mưa Cửu Long che khuất, để nặng trĩu trái bầu trái bí, trái bưỡi trái chanh. Không thấy hoa hồng hoa huệ hoa lan mà chỉ thấy những nhụy mầm từ một phương ảo…”

 

Thật vậy, với cái nắng nóng ở Houston vào tháng 6-2023 như hiện nay, có hôm nhiệt độ lên đến 102, 103 độ F, nên trồng cây trái không cách gì tưới nước cho xuể; chỉ còn cách trốn nắng bằng cách trồng bí, trồng bầu, hủ qua, dưa gang  và các loại dây leo khác … rồi mình đem những loại cây nhát nắng như rau cải để dưới bóng mát giàn bí, giàn bầu cho cây trốn nắng. Và với cách trốn nắng này thì rất hiệu quả và đôi lúc mình ra vườn rồi ngồi dưới những giàn bí giàn bầu này cũng nghe dễ thở hơn là đứng giữa trời nắng gắt!

 

Xin cảm ơn anh Trần Hoài Thư chỉ ra chỗ tránh nắng này của một người nhà quê già miệt Kinh Xáng Bốn Tổng, miệt Mặc Cần Dưng, và miệt Lấp Vò, có nhiều năm dan nắng dầm mưa trên những cánh đồng nắng gắt với vài hình ảnh tiêu biểu mới chụp:

 

B- HÌNH ẢNH KỶ NIỆM 

 

ĂN SÁNG (Ngày 25/6/2023)

HT_THT_thamVuon.JPG
HT_THT_Thamvuon2.JPG
HT_THT_Thamvuon4.JPG
HT_THT_thamvuon5.JPG
HT_THT_haicang1.JPG
HT_THT_Vinhhoa_1.JPG
HT_THT_Vinhhoa_1.JPG
HT_THT_Vinhhoa_3.JPG
HT_THT_Aly_1.JPG
HT_THT_ansang2562023.JPG

Bốn anh chị trong Ban chủ trương tạp chí Thư Quán Bản Thảo từ giả trước khi ra về. Từ trái: anh Trần Hoài Thư, anh Trần Bang Thạch, anh Phạm Văn Nhàn, chị Nguyên Nhung và anh Nguyễn Văn Đông (phu quân của chj Nguyên Nhung) đang ân cần bắt tay từ giã anh Trần Hoài Thư

                                  

 

                                          THAY LỜI KẾT

 

Xin chân thành cảm ơn anh Trần Hoài Thư có chuyến về thăm Houston, một chuyến đi với nhiều niềm vui qua bài viết “HOUSTON NGÀY HỘI NGỘ” của anh rất văn chương mà cũng rất tình cảm, ấm áp.

Chúng tôi không biết nói gì hơn là kính chúc anh Trần Hoài Thư luôn luôn mạnh khỏe, lạc quan và yêu đời như những ngày anh về Houston chơi và thăm anh em bằng hữu vừa rồi. 

 

Rất mong gặp lại anh Trần Hoài Thư thêm nhiều lần vui vẻ như vậy nữa.

 

Thân mến,

 

Hai Trầu 

(sưu lục, đánh máy, chụp hình và ghi chú.)

Houston, ngày 01 tháng 7 năm 2023.

                                               

        GÓC KỶ NIỆM:

                                                                 

 CẢNH CŨ - NGƯỜI XƯA                  

 

   1. GS PHẠM KHẮC TRÍ: Thơ

     2. MUÔN HUỲNH: Thơ

       3. ĐỨC NGUYỄN: Ảnh họp mặt

                   

1. GS PHẠM KHẮC TRÍ: Nhất Phiến Băng Tâm cảm tác.

Được biết 19/4/2015 là ngày họp mặt thường niên tại Cần Thơ của nhóm cựu học sinh Phan Thanh Giản 1968-75. Tôi đổi về dạy toán ở PTG cũng trong khoảng thời gian này.
Nhất Phiến Băng Tâm Cảm Tác được viết ra lấy ý từ bài Phù Dung Lâu Tống Tân Tiệm của Vương Xương Linh, đời Đường, chỉ mong được hiểu như là ít lời quê vụng nhưng chân tình của tôi nói với các em học trò cũ, mà tất cả nay đều đã thành đạt, thành ông, thành bà cả rồi. Thầy cầu chúc cho các em một ngày họp mặt tình nghĩa thật vui với các thầy cô, và các bạn. PKT 04/08/2015

 

Nhất Phiến Băng Tâm
PKT 04/08/2015


Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ
Chót thân nhà giáo vốn ngây thơ
Ba chìm, bảy nổi, một đời lỡ
Vẫn khóc, vẫn cười, với nắng mưa


Xa xứ bao năm trời cách biệt
Gió sương đất khách kể sao vừa
Trò yêu, bạn qúy, ai còn mất
Đầu bạc tuổi già, nhớ tuyết xưa


Em ạ, thầy em, giờ vẫn vậy
Vẫn khờ, vẫn dại, vẫn ngây thơ
Lòng như băng tuyết trong bình ngọc
Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ

 

PHỤ CHÚ

 

PHÙ DUNG LÂU TỐNG TÂN TIỆM 
Vương Xương Linh (698-756)


Hàn vũ liên giang dạ nhập Ngô
Bình minh tống khách Sở sơn cô
Lạc Dương thân hữu như tương vấn
Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ

 

Đêm Ngô, lũ lụt mưa chào đón,
Sáng Sở, núi buồn nắng tiễn đưa.
Trường cũ bạn xưa ai hỏi đến,
Lòng tôi băng tuyết vẫn như xưa.

(Cũng xót xa lắm phải nói nên lời "lòng tôi băng tuyết vẫn như xưa" - PKT 04/06/2023)

--

Tri Khac Pham
Phamid1934@gmail.com

2. MUÔN HUỲNH: Thơ: Nhớ Thầy - Tôi s​ẽ về 

Nhớ thầy

Đóng bộ com lê vàng bốn túi

Dáng khỏe người mặt mũi bảnh bao

Môi cười sóng mắt ánh sao

Tận tâm giảng dạy thanh thao ngọn ngành

Viên phấn trắng tung hoành ngang dọc

Vẽ đường tròn phân góc như in

Lũy thừa đẵng thức phân minh

Đạo hàm lượng giác phương trình bày ra

Phạm Khắc Trí tài hoa hiếm có

Khẳng định điều ắt có tường minh

Điều cần kết luận chứng minh

Đi tìm luận chứng giải trình là xong

Tôi học thầy tác phong thần thái

Thi tú tài vững trải như đồng

Ra trường dạy học thoáng thông

Chẳng cầm giáo án thuộc lòng diễn ra

Nay thầy đã tuổi già bóng xế

Vẫn làm thơ thời thế nghĩa nhân

Suốt đời trò cũ tri ân

Dẫu chưa gặp lại ân cần khúc nôi

Chúc sức khỏe cơ ngơi sung túc

Sống an nhiên hạnh phúc cao niên

Đời sau học tập cần chuyên

Văn thơ toán học lưu truyền phát huy

Muon Huynh

Cựu HS Phan Thanh Giản

Tôi đã học cua Toán luyện thi Tú tài ở thầy và đọc nhiều thơ của thầy!

Chủ nhựt 12/6/2022

Tôi sẽ về…

Tôi sẽ về … hâm nóng lại trang thơ

Thời hoa mộng quảy ba lô lên phố thị

Mê văn chương học đòi làm thi sĩ

Cua con gái trường Đoàn thuỳ mị đoan trang

Thuở đạp xe ôm cứ mỗi sớm tối rộn ràng

Để bình minh vào trường Phan Thanh Giản

Vững vàng hiên ngang đứng trên bục giảng

Đọc thuộc lòng ngâm diễn cảm đoạn thơ Kiều

Giỏi môn Văn kiêm giỏi Toán mới siêu

Giày rách tiền không nhưng tình yêu giàu có

Chiếc PC trắng xanh rồi Cúp 50 trắng đỏ

Đèo người yêu đi khắp ngõ ngoại thành

Mấy năm ròng chỉ gọi em với anh

Tình như đã nhưng cầm tay còn e ngại

Chưa nói tiếng yêu liếc nhìn bao cảm khái

Thầm hẹn hò nhau hỏi cưới lúc ra trường

Cây trứng cá chứng nhận lần đầu biết nụ hôn

Cây mận ổi che giùm vòng tay ôm mềm mại

Gió mưa xế hè xoa dịu cơn đam mê nồng cháy

Cố gìn giữ cho em duyên con gái trinh nguyên

Em xa anh vì bởi mẹ dỗ nhủ khuyên

Thằng nhà quê giáo sinh nghèo xơ xác

Dẫu nó bảnh trai thương con chân thật

Kiếp sống cơ hàn chật vật lắm con ơi

Chi bằng bây giờ con yên phận chỗ nơi

Cũng trang lứa cơ ngơi đất nhà đầy đủ

Mấy tháng trời hai đứa đều mất ngủ

Anh nhận ra rồi thất thủ chính là anh

Thôi ta đành gọi nhau hai tiếng cố nhân

Duyên không trọn nên đổi tình làm bạn

Mộng ngày xanh đôi ba lần lên giáo án

Câu giảng bình tình dang dở mới đẹp hay

Bên mái trường làng thơ thẩn ngắm cò bay

Bến Ninh Kiều vắng em đâu còn là điểm hẹn

Bao mùa Xuân qua rồi cuốn theo cánh én

Tôi sẽ về thăm trường Điểm cạnh trường Phan

Ở nơi đấy tôi còn nhiều lắm bạn vàng

Lưu bút ngày xanh dẫu phai màu mực tím

Thành phố Cần Thơ khung trời đầy kỉ niệm

Tôi sẽ về để cùng hâm nóng lại trang thơ

Dòng sông Hậu hiền hoà phù sa vẫn lửng lơ

Lấp lánh trăng sao mờ đèn đường phố sáng

Mấy chiếc xe đạp ôm thời hoa niên lãng mạn

Cậu học trò quê đeo lên tỉnh lị dệt ước mơ

Bến bắc Cần Thơ vỉa hè lộng gió mưa thưa

Hai chiếc áo mưa lướt qua từng con hẽm nhỏ

Đêm ôn bài thi giữa khuya với nỗi buồn gác trọ

Gói mì tôm chưa đủ ấm dạ phận hàn vi…

Vâng … tôi sẽ về … rồi cũng sẽ bay đi…

Gặp gỡ lại bạn tình dạo khúc lâm li trìu mến …

Gói ghém hành trang ôm ghì nhiều kỉ niệm

Để không quên nhau lưu luyến đến cuối đời…

Mưa vẫn kéo dài kèm giông tố tả tơi

Ly cà phê không ấm lòng thân viễn xứ

Nỗi nhớ nhung quay về miền quá khứ

Bao thước phim ngày cũ thoáng hiện về ...

Thứ tư, 5/4/2023

(Chiều mưa giông Houston nằm nhớ Cần Thơ…!)..

_________________

Kỷ niệm mấy tấm hình chụp trong Sân Trường PTG cũ đêm thầy trò họp mặt "Ngày xưa ôi chao dấu xưa / Thương nhau biết mấy cho vừa"

PKT 04/07/2023

3. ĐỨC NGUYỄN: Ảnh Họp Mặt 19 tháng 4 năm 2015

Thời gian mau quá mới đó đã 8 tám năm rồi... vẫn nhớ giây phút thầy trò lần đầu gặp lại nhau sau bao năm biền biệt. Thương kính và nhớ Thầy nhiều lắm.

Em Đức.

PKT_Duc_BigGrp.JPG
PhamthanhYen_shool_1.jpg
KQ_HoptatnienGiapDan.JPG
KQ_hopNhamDan.jpg

 

Hai năm 20, 21 dài đăng đẳng vì nạn dịch bịnh Covid lan tràn gây chết chóc khắp nơi trên thế giới, ai ở yên nơi đấy không dám tới lui đâu cả.  Năm Canh Tý, Tân Sửu đã đi qua ….cho đến cuối năm Nhâm Dần, lóe lên chút hy vọng Covid đã lụi tàn trả lại sự bình yên cho mọi người. Nhưng cùng lúc khơi dậy biến chủng Omicron của Covid lại nhóm lên gây cho mọi người nỗi lo âu khác. Nghe nói ở Trung Quốc, Singapore…. Và một chút ưu tư nghe loáng thoáng ở Sài gòn cũng đã phát hiện nhiều ca quái ác đó không có triệu chứng nhưng chết nhiều hơn Covid . 

          Khoảng 20 Tết tôi mail thăm thầy tôi là CGS LÊ ĐỨC CỮU để biết tình hình sức khỏe của thầy có tốt không  và Khách Sạn Hạnh Phúc có tổ chức buổi  họp mặt như những năm trước đây không? Và đã có mời các Thầy, Cô về Cần Thơ dự buổi họp hoành tráng đó chưa?

        Tôi được thầy phone cho biềt thầy không khỏe lắm vì thầy bị bịnh Suy Giản Tĩnh Mạch chân đi lại đau đớn nhưng tình nghĩa là qúi khiến thầy không từ chối đươc. THẦY SẼ TỚI Cần Thơ dự buổi họp mặt đó…  Tôi nghe vậy rất vui mừng  nghĩ như các bạn, chỉ chờ cơ hội KSHP tiếp đón thầy, chúng tôi nhân dịp dựa hơi mời thầy cô dự buổi họp mặt ngắn của XÓM NHÀ LÁ sáng hôm sau, chúng tôi mời thầy ăn sáng trước khi thầy trở về Sài Gòn. 

         Nhưng lần nầy chúng tôi bối rối vì đội ngũ bị xáo trộn. Các bạn một số vắng mặt vì tuổi già bịnh hoạn hành thân hại thể …như anh Vương Thủy Tùng đang nằm bịnh viện gần tháng nay vì tai biến mạch máu não, suy thận, sụy tim … Anh Duyên vào bịnh viện …vô nước biển, Chị Thu Ba bị té gãy xương đùi, Chị Hiệp té dập mặt phải vào bịnh viện cứu cấp để may những vết xẹo trên mặt. Chị Lệ Quỳnh bị Zona đau nhức dây thần kinh. Chị Tư Bé ra đi vĩnh vỉễn. Chị Kim Hoàng cũng từ biệt cõi trần, nên một vài chị mất liên lạc vì không ai biết số điện thoại để báo ngày họp mặt. Những chị trước đây do anh Phuớc Duyên thông tin ngày họp cũng vắng lần nầy vì không ai biết số điện thoại để cho hay.

            Anh Ngô Văn Thanh từ tháng 6/22 bị bịnh hoành hành vào bịnh viện Đa Khoa Trung Ương Cần Thơ . Rồi chuêển lên Chợ Rẫy. Các bịnh viện chẩn đoán anh bị ung thư thực quản đã vô hóa chất lần đầu. Sau cùng biết anh có quốc tịch Mỹ họ làm văn bản anh trở về Mỹ điều trị. Tại bịnh viện Mỹ với thiết bị tối tân xác định anh không bị ung thư. Nỗi sợ hải làm tinh thần sa sút  được trút bỏ hết . Anh Thanh thở phào nhẹ nhõm thoát khỏi ám ảnh đen tối

            Các anh chị Dương Văn Gia  và Lương Liên Hoa ở Mỹ không về VN vì anh bị  bịnh Alzheimer và chân không đi được phải ngồi xe lăn. Anh nhà thơ Trần Phù Thế cũng không về trong dịp nầy… Tất cả mọi trường hợp đã khiến buổi họp mặt đã giảm hơn phân nửa . Tôi bối rối buồn xuống tinh thần.

           Tình hình như thế tôi ngại ảnh hưởng đến thầy mất vui. Dù thầy cao tuổi nhưng vẫn còn giữ được phong độ, minh mẫn  hoạt bát, chân bước vững vàng hơn đám học trò già 8 bó lẽ không còn dáng vẽ gì nữa. Một đội ngũ rệu rạo cả rồi không bình thường chỉ còn vài que. Buồn ơi là buồn!!!. 

           Và thấy thương làm sao cái tình của 2 ông bà GIA  HOA - Người bạn BA ĐỒNG của tôi ( Đồng hương, đồng môn, đồng nghiệp) không về được để họp mặt cùng Thầy và Bè Bạn nhưng vẫn chu đáo giữ tấm lòng lo phần quà gởi về Thầy và chị Huỳnh Mai, luôn cả tiền chi buổi họp mặt lần nầy. Trân trọng cảm ơn 2 bạn BA ĐỒNG  thân thương.        

           Tôi và Huỳnh Mai đã kiên cường quyết định: nếu năm tới vì lý do gì, không có ai, chúng tôi 2 con ngựa già còn đi đứng được sẽ đi đón thầy họp mặt….trừ khi chúng tôi đã ra đi theo ông bà…. lên bàn thờ!!! 

          1/ Đến KS HẠNH PHÚC

 Chiều 23 Tết Ngô Văn Thanh và tôi đến KS Hạnh Phúc để chào mời thầy ngày 24 đến cửa hàng LEEKIMA đường sông Hậu do anh Ngô Văn Thanh chọn lựa. Đến 4g chiều chúng tôi mời thầy đi uống cà phê, sau đó chúng tôi đưa đến nhà, thăm anh Hồ Trung Thành ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Anh Thành bị tai biến mấy năm qua đi đứng không bình thường chẳng vững vàng phải chống gậy. Dù vậy nhưng mỗi lần thầy về chị Huynh Mai khiếm thị và anh Thành đều có mặt mừng thầy. 

Nghe bao nhiệu người bịnh hoạn thấy xuống tinh thần.

 Và Thầy kể, thầy bị Covid 4 tháng bịnh không có cơm ăn, thầy ăn cơm từ thiện 4 tháng trời. Nghe thôi thấy xót xa thương thầy vô cùng. Độc thân, không có người chăm sóc thầy đã phấn đấu vượt qua khổ nạn để tồn tại tới hôm nay đi thăm học trò thật cảm động. Giá học trò ở kề cận, thay nhau cơm nước chăm sóc thầy lúc hoạn nạn để thầy đở tủi thân.

 2/ Đến LEEKIMA 

          Năm nay với quân số ít ỏi chúng tôi vẫn họp mặt thầy trò tại đây sáng

ngày hôm sau hẹn nhau lúc 9g. Hihihi! Nhưng thấy thương quá người đến trước chờ chúng tôi là Thầy đó các bạn!

              

 Người bạn đồng hành đi cùng thầy là CGS Liễu Huê dạy Sinh Ngữ Đoàn Thị Điểm. Chúng tôi vui mừng được 2 vị Thầy hiện diện thấy ấm áp vô cùng

             

 Chúng tôi lo le chỉ có

   1/ CHS Ngô Văn Thanh

  2/ CHS Nguyễn Luơng Sinh

  3/ CHS Nguyễn Minh Triều

  4/ CHS Hồ Trung Hiễn

  5/ CHS  Hồ Trung Thành

  6/ CHS Huỳnh Văn Hòa

  7/ CHS Trần Huỳnh Mai

  8/ CHS Lâm Kiều Mỹ

  9/ CHS Nguyễn Kim Quang

        Thầy tôi mở đầu lời huấn thị về quá trình sự nghiệp giáo dục, Sự nghiệp gieo trồng. Không trồng cây, trồng hoa, mà gieo trồng hoa TRI THỨC, ĐẠO ĐỨC đó là SỰ NGHIỆP TRĂM NĂM TRỒNG NGƯỜI  cũng là ngành nghề sản sinh tình nghĩa vô cùng quí báu 

         Vai trò người thầy thật quan trọng, giáo dục xây dựng hình thành con người hữu ích cho xã hội, đất nước góp phần kiến tạo Non Sông Tổ Quốc….hưng thịnh

           Thầy cảm ơn tình nghĩa thầy trò hơn 60 năm càng đậm đà, không hề phai nhạt . Đám học trò dù già, nghèo nhưng còn biết giữ đức độ TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO

           Thầy chúc học trò thân yêu Năm Mới an vui hạnh phúc và gởi lời thăm và cầu chúc sức khỏe các em bịnh hoạn vắng mặt hôm nay sớm bình phục.

           Thầy gởi lì xì cho học trò. Mỗi người được bao li xì đỏ mừng năm mới. Mọi người vui như trẻ thơ.. Sau cùng còn 4 bao lì xì tôi sẽ trao cho các anh chị vắng mặt . Chị Thảo, chị Thu Ba, Chị Hiệp và Anh Tư

           Anh Huynh Văn Hòa chúc mừng sức khỏe thầy nhắc lại kỷ niệm xưa khi còn học lúc thầy dạy lớp anh. Hình ảnh người thầy hồi còn rất trẻ, đẹp trai , ăn mặc lịch sự cách đi đứng rất uy nghiêm, giữ phong độ một người Thầy đáng kính.

           Anh Hồ Trung Thành vui vẻ kể lúc học toán với thầy. Biết bao nhiêu điều để nhớ thầy để thương thầy

           Cho đến mấy mươi năm sau không còn học, những hình ảnh năm xưa không nhạt nhòa trong tâm trí của các trò thuở nào. Điều đáng nói chúng tôi mãi mãi rất yêu kính thầy.Thầy là người thầy sống rất tình cảm,  rất thân thiết với học trò của mình. Điều đó khiến học trò nào cũng cảm thấy thắm thía và gần gủi với thầy

           Tôi rất vui mừng thầy khỏe mạnh. Thầy, Cô, dù cách trở thầy cô vẫn tìm về Bến Xưa  thăm lại dòng sông cũ để gặp lại khách sang sông năm nào.  Ông lái đò và khách sang sông tóc trắng như mây .Tuổi già không chừa một ai. Thầy 89 tuổi , chúng tôi đều trên 80 cũng nối gót theo thầy. chỉ nghĩ đến đó thôi thấy trong lòng  nao nao muốn khóc. Tình nghĩa thầy trò còn được bao lâu nữa mỗi người sẽ đi về phương trời vô định… Xin gởi đến thầy cô bài thơ VỀ BẾN XƯA nói lên cái tình của chúng tôi tha thiết dành cho THẦY cho BẠN

Về Bến Xưa

            Kính gởi Thầy Tôi CGS/PTG LÊ ĐỨC CỮU

 

Khắp bốn phương, quay về dòng sông cũ

Cùng cội nguồn, mùa Đông lạnh có nhau

Những yêu thương kỷ niệm thật xôn xao

Về bến xưa mừng ân sư, bạn hữu

 

Ta gặp nhau giữa mùa Đông giá buốt

Nghe lòng mình thổn thức nỗi lòng đau

Găp  thầy xưa nghe thắm thía nghẹn ngào

Bạn vắng bóng nghe  nỗi buồn ngun ngút

 

Tuổi thanh xuân, thời học trò bay vút

Ta nhìn nhau tóc bạc trắng mái đầu

Mấy mươi năm chìm đắm chốn bể dâu

Giờ gặp lại tuổi già tàn hơi sức

 

Còn đâu nữa tuổi thơ thời bút mực

Cạnh bên nhau vui có bạn có thầy

Giờ gặp lại thầy trò vẫn còn đây 

Nào ai biết tương lai… còn gặp gỡ???

 

Dẫu hôm nay sức cùn đà cạn kiệt

Cố tìm nhau hội ngộ thật tưng bừng

Chào Năm Mới ta đón bạn mừng xuân

Để  sưởi ấm tình đồng môn nồng thắm

 

Mừng Năm Mới chúc ân sư trường thọ

Cùng bạn hiền mãi mãi được an lành

Vẫn lạc quan tung cánh lướt trời xanh

Còn khỏe mạnh mỗi năm về tái ngộ

Kimquang

 Thầy trò họp mặt chỉ 2 tiếng đồng hồ từ 8g40  sáng

 Gần 11g đến lúc thầy phải trở về Sài Gòn

 XE do KSHP đưa rước thầy chờ đợi đưa về Thành Phố. Học trò chưa thỏa mản để được nghe thầy, nghe bạn với những kỷ  niệm xưa thân thương. Mỗi năm được giây phút gặp gỡ ngắn ngũi nầy, chúng tôi cảm thấy bùi ngùi rời xa nhau thật buồn. Tôi luôn nhớ thầy nói:

Còn gặp nhau thì hãy cứ vui

Chuyện đời như nước cuốn hoa trôi

Lợi danh như bóng mây chìm nổi 

Chỉ còn tình thương để lại đời

 

Và các bạn ơi

 Thầy lên xe trò cứ theo bịn rịn

 Thắm thiết bao nhiêu nặng nghĩa tình

            ………………………………….

 Thầy đi tình thầy còn để lại

 Tình trò còn mãi miết theo sau

            …………………………………..

 Thầy nhớ trò, đường xa không ngại 

 Trò thương thầy, nghĩa nặng tình dài      

             

 Xe thầy chuyễn bánh chúng tôi nhìn theo với nỗi buồn thắm thía. Tạm biệt Thầy, Cô và các bạn hẹn gặp lai năm tới thật đông vui. Cầu mong Thầy, Cô và các Bạn thân yêu bình an trường thọ hưởng cái Tết với nhiều NIỀM VUI, HẠNH PHÚC

Cần Thơ 18/1/2023

KIM QUANG           

KQ_sitting.JPG
KQ_GSLDC.JPG
Duc_GSNGDTai.jpg

PHẠM VĂN ĐỨC (PTG 1960-1967)

 

      1 - Thăm Thầy Tại tháng 11/2022

 

On Sat, Nov 19, 2022 at 3:05 AM Duc Pham <ducpham1948@yahoo.com> wrote:

 

Kính thưa Thầy Tại, Thầy Hùng và Thầy Dinh,

Sáng nay, trên đường đi làm, em đã ghé thăm Thầy Tại tại nhà ở đường Hòa Hưng.

Thắm thoát đã 10 tháng kể từ khi em thăm Thầy lúc trước Tết đến nay. Hôm nay gặp lại Thầy, em rất mừng khi thấy Thầy thật vui vẻ, khỏe mạnh, thậm chí có vẻ như Thầy còn khỏe hơn em nữa.

Thầy kể đã từng bị đột quỵ mà không biết  (trước khi có dịch covid), may là chỉ bị rất nhẹ và nhờ có Cô giúp đỡ kịp thời. Hôm nay không có Cô ở nhà vì Cô được Trường cũ (nơi Cô dạy học) mời về dự lễ Ngày Nhà giáo VN.

Hai Thầy trò hàn huyên giây lát thì em xin phép kiếu từ Thầy để đi làm.

Đức Phạm

       2 - GIỜ HỌC VIỆT VĂN ĐẦU TIÊN CỦA TÔI

(Kính xin Quý Thầy, Cô và các thân hữu là người Bắc thông cảm và châm chước cho các cảm nghĩ chân thật của thằng học trò khù khờ miền Tây).

Tôi vào lớp Đệ Thất vào năm 1960. Cuộc di cư vĩ đại của hàng triệu người từ Bắc vào Nam đã diễn ra được 6 năm rồi. Nhưng số người Bắc xuất hiện ở Cần Thơ không nhiều. Họa hoằn lắm khi ra chợ Cần Thơ mới gặp các bà cụ chít khăn đen mỏ quạ, mặc áo nâu, quần đen. Các cụ đều có răng đen và ăn trầu, nói thứ tiếng "không nghe được" và "không thể hiểu nỗi"!! Hoàn toàn không thấy người trẻ và trẻ con người Bắc ở chợ Cần Thơ hồi ấy.

Đó là bối cảnh xã hội vào năm 1960 khi tôi bắt đầu học lên Trung học đệ nhất cấp ở trường Trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ. Tôi được vào lớp Đệ Thất A. Giờ học đầu tiên của lớp Đệ Thất của tôi là giờ Việt Văn với Gs. Phạm Thu Thủy, rất trẻ ước chừng 23 tuổi (có thể Cô mới tốt nghiệp và được bổ nhiệm về Cần Thơ). Dáng Cô nhỏ nhắn, xinh xắn. Cô mặc áo dài bông xanh đậm. Hồi học Tiểu học, học trò quanh năm chỉ học với một người Thầy duy nhất. Bây giờ, lần đầu tiên bọn học trò chúng tôi được học theo kiểu "người lớn": mỗi giờ học một môn với các Thầy, Cô khác nhau - nên tất cả đều háo hức với kiểu học mới lạ này! Lớp học khá ồn ào vì tất cả học trò đều "lạ nước, lạ cái", chưa ai quen ai. Cô giáo phải lớn tiếng kêu gào để giữ trật tự. Khổ nỗi, tiếng Cô thì nhỏ mà Cô nói gì, nghe chả hiểu gì hết: Cô là "Bắc kỳ di cư"!!

Khi ổn định trật tự được rồi thì Cô yêu cầu tất cả nghe Cô đọc bài văn cho nghe một lần. Sau đó thì Cô sẽ đọc chậm để cả lớp viết Chính tả. Bọn tôi "tạm đoán" ý Cô là như vậy và lặng yên nghe Cô đọc: 

 

"Hoàng hôn.

Chiều lên dần dần, chiều không xuống. Những bước đi của tôi cũng đồng thời với triều bóng dâng, khiến cho tôi dễ tưởng rằng bước của tôi có liên hệ với thời giờ. Tôi đi bên ánh sáng và tôi tới dần bên bóng tối, tựa hồ như bên đường phố Huế là ngày, bên đàn Nam Giao là đêm ....

Nơi này đã khởi sự nhà quê. Những con ễnh ương rải hồn tha ma bao trùm đường vắng. Một vài chum mẻ rải rác đằng kia.
Và đường vắng thì rải nhựa đen. Tôi thong thả đi, buổi chiều len lấn vào tâm tư, theo ngõ của hai mắt.

   Trích Phấn thông vàng - Xuân Diệu"

 

Cô Thủy đọc xong bài văn. Cô dứt tiếng rồi mà cả lớp còn im phăng phắc, vì giọng Cô đọc nghe hay quá, trầm bỗng như tiếng nhạc - làm cả lớp ngất ngây, say mê!! Bài văn cũng quá hay, nghe như là một bài thơ .(Sau này tôi mới biết Xuân Diệu là một nhà thơ nổi tiếng)... Phải mấy phút sau mới nghe tiếng nhao nhao trở lại. Cô đọc nghe hay thì hay thiệt, mà ... chẳng hiểu gì hết!! Khốn khổ nhất là bây giờ phải viết Chính tả liền lập tức!

Cô Thủy đọc đi đọc lại rất chậm từng câu, từng chữ mà bọn tôi cứ ào ào hỏi để Cô lập lại. Chắc Cô khổ sở vì phải lập đi lập lại từng câu theo yêu cầu của học trò. Nhưng khổ sở hơn Cô chính là bọn tôi khi cố gắng nghe Cô uốn giọng lên xuống để phân biệt chữ có dấu hỏi với chữ có dấu ngã: cu..ũ ũng, như... ững, ba..ảo, ho ..ỏi... Chưa hết: chữ tr và ch cũng đọc khác nhau, trời ạ!! Hỏi Cô nhiều lần cũng vô ích, nên đứa này nhào qua coi tập đứa kia để "cọp dê", càng không xong vì thằng kế bên nó cũng như mình, nghe Cô đọc cũng như vịt nghe sấm! 100% học trò trong lớp tôi (và chắc cả trường đều vậy) đều là dân miền Tây, chưa kể là dân "miệt vườn" nữa, cả đời chưa nghe tiếng Bắc kỳ bao giờ!! Hồi đó giờ, mình viết chữ có biết phân biệt hỏi ngã là gì đâu. Lần đầu tiên trong đời viết chính tả kiểu này sao khó quá! Hồi tôi học Tiểu học, các Thầy (chưa học với Cô lần nào) có bao giờ phân biệt dấu hỏi, ngã gì đâu? Bọn tôi đối phó dấu hỏi ngã bằng cách bỏ dấu nghiêng nghiêng! 

Sau cùng, Cô Thủy viết bài lên bảng để chúng tôi chấm bài bằng cách trao đổi tập với bạn ngồi kế bên để chấm điểm nhau. Dò bài Cô viết trên bảng để chấm chính tả cũng khá vất vả vì bọn học trò phải chồm qua thằng kế bên hỏi :"Mầy viết vầy là dấu hỏi hay dấu ngã? "... Sau cùng, kết quả là cả lớp đều từ 0 điểm đến 1, 2 điểm chính tả vì tất cả đều viết trật "tá lả", hết đếm nỗi là có bao nhiêu lỗi!

......

Ấn tượng của giờ học Việt văn đều tiên trong đời và nghe giọng Bắc kỳ lần đầu tiên sâu sắc đến nỗi tôi còn nhớ bài văn ấy cho đến bây giờ. Cũng từ đó tôi rất thích "văn xuôi". Đến năm tôi học lớp Đệ Nhất - trong khi các bạn có tâm hồn văn nghệ chép thơ tình (củaTTKH!!) hoặc viết Lưu bút ngày xanh - thì tôi mua một tập 200 trang có bìa đẹp để chép lại các bài văn xuôi. Bài "Hoàng hôn" được chép ở trang đầu tiên của quyển Tuyển tập văn xuôi này!..

Ngoài ấn tượng với bài Chính tả ấy tôi còn nhớ một sự cố đặc biệt, chỉ chứng kiến duy nhất một lần trong đời khi còn mài đũng quần ở nhà trường. Lần ấy Cô bị bụi rơi vào mắt trong lúc đang đứng trên bục giảng, chắc là bụi phấn. Cô tự dụi mắt mà không xong. Có thể Cô hiểu rằng không được dụi mắt nhiều khi bụi rơi vào mắt vì hạt bụi sẽ dính thêm vào mắt và gây hại, nên Cô gọi: - Em Thái Đắc Tháo! ... Cô Thủy nhờ trò Tháo thổi mạnh vào mắt Cô để giải quyết hạt bụi. Xong ngay!! Trò Tháo giỏi thiệt! Bạn bè hơi ganh tỵ với trò Tháo khi trò hân hạnh được Cô nhờ vả. Nhưng phải công nhận là trò Tháo, cao ráo, trắng trẻo, đẹp trai, dáng dấp thanh nhã, lịch sự, dễ tạo niềm tin, nên được Cô nhớ tên (khi điểm danh lớp học) và nhờ vả là phải rồi!

Tôi chỉ được học với Cô Thủy một năm duy nhất khi tôi học lớp Đệ Thất. Rồi những năm sau, hình như Cô không còn dạy học ở Trường Trung học Phan Thanh Giản nữa vì tôi không bao giờ gặp lại. Tôi rất ước mong có thông tin về Cô Phạm Thu Thủy, người Bắc, dạy Việt văn cho lớp Đệ Thất ở Trường Trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ vào năm 1960.

 

DucPham_OldPTGSchool.JPG

Đối với riêng tôi, nghề Nông - là nghề cao quý nhất vì nuôi sống con người - và kế đó, nghề Giáo đặc biệt được tôi tôn trọng vì người thầy dạy dỗ cả xả hội, giúp cho con người biết điều hay lẽ phải. Người thầy truyền đạt kiến thức để con người ngày càng văn minh tiến bộ....

Nhớ tới kỷ niệm Cô Thủy bị bụi phấn rơi vào mắt, tôi chợt nghĩ tới bản nhạc "Bụi phấn", thật ý nghĩa, thể hiện tình thương  yêu và lòng biết ơn của học trò đối với  thầy, cô. 

Xin kính tặng Cô Thủy cùng Quý Thầy, Quý Cô và các bạn nhạc phẩm Bụi phấn:

https://www.youtube.com/watch?v=KhbxeiJZ2Ng

 

Phạm Văn Đức

CHS PTG NK 1960 - 1967

LTK_NCHradi.jpg

 1. Thêm một người bạn vừa vĩnh viễn ra đi!

 

 La Thanh Khải

 

Vài tuần qua, các bạn đồng môn PTG đã báo tin cho nhau về sự vĩnh viễn ra đi của Nguyễn Công Hạnh, một người bạn rất dễ thương trong nhóm cựu học sinh PTG niên khóa 1968-75, đã khiến cho nhiều bạn phải ngậm ngùi, thương tiếc cho phần số của anh ta.

Nguyễn Công Hạnh, mà các bạn hay gọi là “Hạnh Ngô Quyền”, vì nhà của Hạnh là tiệm Thuốc Tây Ngô Quyền ở kế nhà sách Văn Nhiều (một nhà sách lớn nhứt miền Tây) và Hạnh là cháu nội đích tôn của ông Văn Nhiều. 

 

Lúc nhỏ, tôi không quen biết gì với Hạnh vì chúng tôi học khác lớp và nhà cửa hai đứa cũng ở xa nhau. Thỉnh thoảng tôi cũng thấy Hạnh và các bạn đi học thêm lớp toán của Bác Tư (Thầy Lương Hồng Tư) ở Tham Tướng và buổi tối học lớp Anh Văn của Hội Việt Mỹ.

 

Mãi cho đến năm 1974 tôi mới có dịp học chung lớp với bạn Hạnh ở lớp 12B2 trường Phan Thanh Giản. Lớp B2 có 5 nữ sinh và 10 nam sinh từ các trường khác mới thi vào. Còn lại 30 nam sinh chúng tôi đều học chung ở PTG từ năm 1968.

Tất cả đã nhanh chóng trở nên thân thiết với nhau từ những ngày đầu niên học. Tôi có may mắn là ngồi bàn đầu bên góc trái, kế bên Nguyễn Công Hạnh và cùng bàn với Trần Quang Khải và Nguyễn Hoàng Giáp, suốt năm lớp 12 nên rất thân nhau. 

 

Tánh tình của Hạnh rất hiền hòa, dễ mến, nói năng nhỏ nhẹ nên dễ dàng gây thiện cảm với mọi người. Tuy không phải là một học sinh học giỏi nhứt lớp, nhưng Hạnh cũng thuộc vào “Top Ten” của lớp và sẳn sàng giúp các bạn giải những bài toán khó hay tập làm những đề thi Lý Hóa hóc búa mà các bạn sưu tầm được và truyền tay nhau ghi chép. 

 

Suốt những năm học Trung học, Nguyễn Công Hạnh và các bạn cùng trường đã có những buổi sinh hoạt Hướng Đạo cuối tuần hoặc đi học thêm nên hầu như ai cũng siêng năng bận rộn ngoài giờ học ở trường. 

 

Sau khi ăn Tết năm Ất Mão (11-2-1975), chúng tôi bắt đầu chuyên cần, chăm chú với những buổi học hàng ngày ở trường Phan Thanh Giản. Trong khi đó, tình hình chiến sự càng ngày càng leo thang và những tin tức bất lợi đang loan truyền khắp nơi với những cuộc di tản và rút quân từ miền Trung càng lúc càng nhiều. Tuy thời cuộc sôi động như vậy, nhưng quý Thầy Cô cũng bình tỉnh giảng dạy theo đúng chương trình lớp 12 cho đến ngày “đổi đời” 30 tháng Tư năm 1975.

 

Cuối tháng 5 năm 1975, trường Phan Thanh Giản bị chánh quyền Quân Quản tiếp thu để làm nơi giam giữ sỹ quan cấp Úy VNCH trong 3 tháng trước khi chuyển đi trại “Cải tạo” ở Chi Lăng, Châu Đốc. Các lớp học của chúng tôi phải dời qua trường Đoàn Thị Điểm học thêm vài tháng trước khi dự thi  Tú Tài (Tốt nghiệp phổ thông). Trong lớp tôi có vài bạn bỏ học về quê, không dự kỳ thi này vì không có hy vọng học tiếp lên Đại Học.

 

Thời gian đó, các bạn trong lớp 12B2 của chúng tôi lại có dịp sinh hoạt với nhau nhiều hơn ở những buổi chiều tối hội họp, tập văn nghệ ở trường,  tham gia những buổi trình diễn Văn Nghệ hoặc dạy tình nguyện “Bổ Túc Văn Hóa” chống nạn mù chữ.

 

Sau khi thi đậu Tú Tài “cách mạng” (20 tháng 9 năm 1975) và những ngày tháng chờ đợi kỳ thi vào Đại Học Cần Thơ  năm 1976, chiều tối khi thành phố đã lên đèn, tôi hay chạy xe đạp ra đường Ngô Quyền, ghé ngang trước cửa nhà của Nguyễn Công Hạnh, kế bên tiệm thuốc tây Phong Dinh và Trung Việt. Ở đó tôi thường gặp các bạn cùng lớp như Bùi Thanh Dũng, Trương Tiếu Hy, Huỳnh Trung Sơn, Đặng Hữu Liêm… mà bàn tán, tâm sự với nhau đủ chuyện và nghe ngóng mọi tin đồn về bạn bè Thầy Cô ai còn ai mất. Đa số là chuyện vượt biên và bàn nhau tìm cách vượt thoát khỏi đất nước này. 

 

Đến năm 1978 tôi được tin cả gia đình của bạn Hạnh “Ngô Quyền” đã vượt biên thành công. Chuyến đi này cũng có gia đình của cựu Hiệu Trưởng PTG là giáo sư Trương Quang Minh đi chung và sau đó gia đình GS Minh qua Úc, còn gia đình Hạnh thì đi Mỹ định cư.  Năm 1980 tôi ra đi từ sông Hậu Giang và sau đó qua Úc định cư.

 

Kể từ khi rời Việt Nam, tôi không còn liên lạc được với bạn Hạnh và nhiều bạn khác trong lớp 12B2. Mãi cho đến năm 2011, khi tham gia sinh hoạt với Hội ái hữu cựu học sinh Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm hải ngoại, tôi mới tìm ra được tung tích của bạn Nguyễn Công Hạnh và sau đó là Trương Tiếu Hy và vài bạn khác ở Mỹ như Phan Công Lợi, Nguyễn Trung Quân và Ngô Thiện Trung… Cũng nhờ bạn Trung mà nhóm PTG 68-75 chúng tôi đã liên lạc được với cô Phạm Thị Trinh Cát, Đoàn Thị Tâm và thầy Đoàn Văn Cường.

 

Nhờ anh Nguyễn Công Danh (Trần Bang Thạch), Đại diện PTG-ĐTĐ USA ở Houston là chú của Hạnh giúp đỡ nên tôi đã điện thoại nói chuyện với Hạnh nhiều lần và kể cho nhau những vui buồn, những bạn bè Thầy Cô, trường xưa phố cũ đã mịt mờ trong tâm trí. Hạnh cho biết khi còn ở Texas, bạn đã gặp được Tiếu Hy, Lưu Hiếu Nhân, Hoàng Nam, Cảnh Bằng và rất nhiều đồng hương Cần Thơ nhưng giờ thì gia đình Hạnh đang sinh sống và làm việc ở Virginia.

 

Trước đó vài năm, Hạnh và gia đình đã trở về Cần Thơ thăm viếng và có dịp gặp lại các bạn cũ như Nguyễn Sĩ Ân, Nguyễn Văn Đức cùng nhiều bạn khác. Sau đó, Hạnh cũng chính là người đầu tiên đã gởi cho tôi cái đường LINK chụp hình “Buổi họp mặt truyền thống của nhóm PTG 68-85” năm 2011 ở khuôn viên trường cũ do bạn Nguyễn Văn Tuyết (Tý) chuyển tải rất nhiều hình ảnh lên Picassa miễn phí. Nhờ vậy tôi mới có dịp nhìn lại được từng khuôn mặt bạn bè và Thầy Cô đang ở quê nhà sau 30 năm xa cách.

 

Đó là khoảng thời gian nhóm 68-75 của chúng tôi hoạt động liên tục và mạnh mẽ nhứt, đa số là qua email, điện thoại và diễn đàn Forum  http://www.ptg6875.info chớ chưa có trang Facebook của nhóm.

 

Nhìn lại trong khoảng hơn 2 năm tham gia diễn đàn, bạn Nguyễn Công Hạnh đã gởi nhiều bài phê bình, nhận xét, góp ý (tổng cộng 82 đoạn văn). Xin trích lại đây quan điểm của bạn Hạnh về ngày Lễ Vu Lan (30-8-2015)

 

Các anh chị mến,

Theo Hạnh học và hiểu là trong đạo Phật Nguyên Thuỷ không có ngày lễ này mà nó có là do người Trung Hoa đặt ra theo phong tục tập quán của dân tộc họ và từ đó truyền xuống nước Việt mình. Vào thời đức Phật có một câu chuyện báo hiệu của Ngài Mục Kiền Liên (Moggalana), là một trong hai đại đệ tử của đức Phật (ngài Sariputta - Xá Lợi Phất và ngài Moggalana) đã dùng thần thông để xuống cõi dưới xem Mẹ mình bị trả nghiệp như thế nào và sau đó Ngài và các vị đại đệ tử của đức Phật cùng tăng đoàn đọc kinh và ngồi thiền để hồi hướng công đức đến cho bà Mẹ sớm được giải thoát, đầu thai trở lại kiếp người...

 

Và theo H nếu báo hiếu cho Mẹ Cha là một phước đức hay bổn phận thì chúng ta phải nên làm hàng ngày hàng giờ chứ đâu phải đợi đến ngày nầy một năm mới làm một lần. Chúng ta đôi khi cũng nên bắt đầu suy nghĩ lại xem những việc mình làm những gì mình tin có hợp với đạo đức, hợp với luật nhân quả không hay là vì bị mê tín dị đoan mà làm hay tin theo. Cũng như chúng ta vào Chùa cúng dường đức Phật mâm trái cây hay một ít tiền rồi mong cầu sẽ được trúng số hay thi đậu, thành tài, thành công... mà chính bản thân mình không có một sự cố gắng gì hết. Xin có vài dòng chia sẻ.

Hạnh 12B2

 

ĐỊNH MẠNG ĐÃ AN BÀY?

 

Tuy không gặp lại bạn Hạnh lần nào kể từ ngày Hạnh và gia đình vượt biên năm 1978, nhưng những năm gần đây tôi vẫn thường xuyên liên lạc với Hạnh qua email, điện thoại và mong một ngày nào đó chúng tôi lại tái ngộ với nhau “tay bắt mặt mừng”.

 

Năm 2016 là một năm đánh dấu “Buổi họp mặt Mini ở Mỹ” lần đầu tiên và thành công nhứt của nhóm bạn PTG 68-75 tại thành phố Houston (tiểu bang Texas) vì đã quy tụ khá nhiều bè bạn khắp nơi. Đó là lần 2 bạn Đức và Sĩ Ân từ Việt Nam qua Mỹ du lịch. Kỳ đó đã có 2 bạn trong lớp 12B2 của tôi là Nguyễn Công Hạnh và Phan Công Lợi cùng về tham gia. Đáng tiếc là tôi vẫn chưa có dịp làm một chuyến Mỹ du để gặp các bạn và Thầy Cô cũ để cùng nhau hàn huyên tâm sự.

 

Quãng thời gian từ năm 2015 đến 2019 là những năm tươi đẹp nhứt của Hạnh khi bạn tham gia nhiều hoạt động từ thiện, tu Thiền, gặp gỡ bạn bè trong những dịp họp mặt với nhiều bạn cũ thời sinh viên. Có thể thấy thần sắc của Hạnh rất tươi vui, rạng rỡ, yêu đời.

 

Năm 2019 bạn Hạnh là người giới thiệu chương trình (MC) cho Đại Hội CHS Phan Thanh Giản-Đoàn Thị Điểm Thế Giới ở tiểu bang Maryland.

 

Ngày tháng lặng lẽ trôi qua, thế giới lại một phen xôn xao với biến động mới là đại dịch Covic-19 nên mọi sinh hoạt của các hội đoàn, ái hữu cựu học sinh gần như ngưng trệ.

 

Bỗng nhiên, cách đây đúng một năm, vào ngày 1 tháng 8 năm 2021, tôi nhận được email và điện thoại của một người bạn đang là Bác sĩ ở California báo một tin khá bất ngờ: “Bạn Nguyễn Công Hạnh mới phát hiện ra đang bị một chứng bịnh ung thư rất hiếm khi xảy ra là ung thư ở phần ruột dư (cancer of the appendix) trong lúc tình cờ khám phá khi bạn ấy đi làm Catscan (computerised tomography scan) thử nghiệm để coi có bị sạn thận hay không?”

 

Hạnh cho biết bạn cũng khá lo âu và tinh thần hơi dao động. Tuy nhiên, Hạnh nhứt định không theo phương pháp trị bịnh của Tây Y như Hóa Trị (chemotherapy) mà em gái của Hạnh là Hồng Phượng đã từ trần sau một thời gian điều trị chứng ung thư phổi (lung cancer) hồi năm 2006 khi Phượng vừa tròn 43 tuổi. Hạnh kiên quyết không chịu bó tay mà theo phương pháp tân dưỡng sinh và tự mình trị bịnh bằng thuốc nam và dược thảo thiên nhiên (như rong biển Nhựt Bổn) … cùng với sức mạnh tâm linh độ trì qua cơn khổ nạn này.

 

Hạnh cho phép người bạn bác sĩ chuyển đi hung tin này cho các bạn thân thiết của trường Phan Thanh Giản Cần Thơ và nhóm bạn Hướng Đạo ngày xưa.

 

Từ đó trở đi vài người bạn khắp nơi đã lập ra một nhóm nhỏ gọi là “Nhóm Chủ Nhật 9 giờ sáng” trên Messenger của facebook để thường xuyên họp mặt. Hàng tuần các bạn đã gặp Hạnh “online” trên mạng … chia sẻ những vui buồn, kể chuyện tiếu lâm, chọc ghẹo nhau, chuyện thời sự … và theo dõi quá trình điều trị của Hạnh. Lúc nào bạn Hạnh cũng chuyện trò vui vẻ (được vài chục lần) với tâm trạng rất lạc quan và niềm tin cùng ý chí vững chắc để tiếp tục vượt qua nghịch cảnh.

 

Được biết trên mười năm nay, tuy cùng làm công chức cho chánh phủ liên bang Hoa Kỳ,Hạnh và bà xã là Ngọc Dung đã tu thiền nhiều năm theo Phật Giáo Nguyên Thủy (Therevada), và cũng giúp thành lập 2 hay 3 tu viện, đang là Thành viên tronng ban Quản Trị của Bhavana Society - một thiền viện lớn ở West Virginia.

 

Sau hơn 4 tháng tự mình điều trị căn bịnh hiểm nghèo, Hạnh cảm thấy tinh thần rất lạc quan, và sức khoẻ có phần tiến triển tốt đẹp hơn. Trong dịp cuối năm 2021 Hạnh từ Virginia trở về Houston, Texas thăm gia đình và đã có một buổi hội ngộ thật vui vẻ, ấm áp với các bạn cũ.

 

Trong lúc  Hạnh đang tự mình điều trị căn bịnh nan y của bạn một thì một biến cố bất ngờ xảy ra trong gia đình khiến cho Hạnh bị suy sụp tinh thần rất nhiều. Đó là người em trai của Hạnh tên là Tony Hiếu đã từ trần ngày 19 tháng 1 năm 2022 tại Houston, Texas cũng vì chứng bịnh ung thư ruột và cũng đang điều trị theo phương pháp dưỡng sinh tự nhiên y như Hạnh. Từ nhỏ cho đến khi bị bịnh nặng ở giai đoạn cuối (di căn qua gan), Tony Hiếu đã sống rất khoẻ, ít khi bị đau ốm và ít khi đi khám bịnh.

 

Thời gian chậm chạp trôi qua, lúc sau này Hạnh ít khi liên lạc với bạn bè. Email cuối cùng mà Hạnh gởi cho tôi là ngày 20 tháng Ba, 2022. Hạnh viết ngắn gọn:

 

“Trong tuần này chúng ta mất ba người mẹ của bạn bè mình đó Khải.

-Mẹ Quân

-Mẹ An

-Mẹ Xê

Mong các bác sớm về cõi Phật.

Hạnh”

 

Hạnh đã nhắc đến tin buồn của ba người bạn Nguyễn Trung Quân, Cần Minh An và Đỗ Văn Xê.

 

Bốn tháng sau thì Hạnh đã trút hơi thở cuối cùng, vĩnh viễn ra đi tại nhà riêng bên cạnh những người thân.

 

Cựu giáo sư PTG  Phạm Thị Trinh Cát đã viết những dòng tâm sự  cho nhóm PTG 68-75 ngày 18-7-2022 như sau (xin trích):

 

Thật bàng hoàng khi nghe tin em Nguyễn Công Hạnh (hay Steve Nguyễn) đã ra đi về miền miên viễn.

Dưới mắt tôi, em Hạnh đúng là một mẫu người hiếm có như Sĩ Ân mô tả: một Hướng đạo sinh chân chính, một người chủ gia đình tuyệt vời, một người tốt bụng, nhiệt tình, yêu thương con người.

Ngoài ra em còn hành Thiền hàng ngày đã nhiều năm nay và có một hiểu biết sâu sắc về triết lý đạo Phật. Với pháp danh Minh Tuệ, em đã cùng với Minh Tánh trong nhóm Sinh Thức ở Virginia, có những hoạt động và những bài giảng, bài viết rất hay về Phật Pháp mà có một thời chúng tôi rất ái mộ.

Tôi biết được điều này khi nói chuyện với Hạnh trong Mini Họp Mặt 5 ngày với các em PTG68-75 do LH Nam và bạn bè tổ chức ở Houston bắt đầu ngày 15/6/2016.

Em Hạnh có vẻ ngoài điềm đạm, ít nói của một người tu hành. Em là người đã đón chúng tôi tại phi trường Hobby, Houston và đưa đến nơi họp mặt và sau đó giúp chúng tôi di chuyển trong thành phố cho đến khi vợ chồng em Phan Công Lợi đến sau vài ngày, và vì cùng ở chung khách sạn nên Lợi đã giúp chúng tôi di chuyển sau đó.

Giờ thì Lợi và Hạnh đều đã ra đi làm chúng tôi không khỏi bùi ngùi thương tiếc cho hai con người đức hạnh, tốt bụng và tài giỏi nhưng vắn số!

Xin chân thành chia buồn cùng gia đình em Hạnh và xin cầu chúc cho hương hồn em sớm được về cõi Phật A Di Đà. Em vẫn sống mãi trong lòng bạn bè và những người yêu quý em trong đó có tôi!  (hết trích)

 

Hoàn toàn đồng ý với những nhận xét nêu trên của cô Trinh Cát! Xin nguyện cầu cho hương linh của bạn Minh Tuệ sớm được vãng sanh Tịnh Độ ở cõi Di Đà.

 

La Thanh Khải

CHS PTG nk 1968-75

(Melbourne, Australia)

 30-8-2022

 

LINK tham khảo toàn bài và nhiều hình ảnh minh họa: 

http://ptg6875.info/showthread.php?t=1865&p=4561#post4561

2. HOÀI NIỆM VỀ NGƯỜI BẠN NGUYỄN CÔNG HẠNH

(Tác giả: Dr. Nguyễn Trung Quân CHS PTG nk 1968-1974)


 

Tôi và Hạnh sanh cùng năm con gà (Đinh Dậu 1957), Hạnh trẻ hơn tôi 7 tháng. Hai đứa lớn lên trong cùng một thành phố Cần Thơ; cùng đi Hướng Đạo - đạo Hàm Long nhưng khác đội; cùng học chung trường Phan Thanh Giản từ 1968 nhưng khác lớp (Hạnh theo Pháp văn, tôi theo Anh văn). Tóm lại là lúc đầu đời chúng tôi không biết gì về nhau, không biết sự có mặt của người bạn trong tương lai sau. 

 

Nhờ diễn đàn PTG6875 chúng tôi nhận ra nhau, nhất là sau khi Khải kể lại là Hạnh và Nguyễn Hoàng Giáp học chung lớp từ 1968 đến 1975, mà Giáp và tôi thì là 2 bạn chí thân trước khi tôi đổi trường lên học Pétrus Ký năm lớp 12. Tôi gọi điện thoại bắt đầu liên lạc với Hạnh đầu tháng 1 năm 2016. Sau đó thì qua lại bằng emails thêm 2 tháng, nói về chuyện tu thiền và Phật học. Sức kéo của đời sống hằng ngày một lần nữa đẩy chúng tôi xa ra, và không còn thấy cần liên lạc thêm.

Hạnh và tôi nhờ duyên lành cho 2 đứa làm bạn chí thân trong 13 tháng cuối đời của Hạnh. Cuối tháng 7 năm 2021, tôi tự nhiên và vô cớ cảm thấy buồn không chịu nổi, cần một người bạn để an ủi. Tên Hạnh hiện ra trong ý mặc dầu chúng tôi đã mất liên lạc gần 5 năm. May mắn là Hạnh trả lời số phone ngay lúc ấy, và thốt lên “Quân, bác sĩ Quân , you gave me a goose bump”. Hạnh cho biết thêm là Hạnh đang khủng hoảng tinh thần tột độ vì bác sĩ mới chứng nhận chắc chắn là Hạnh bị ung thư ruột đoạn cuối, khó sống ngoài 6 tháng. 

 

Từ đó, chúng tôi gọi điện thoại hàng tuần, trao đổi hàn huyên cả giờ về đời sống, sức khỏe và tu tập. Hạnh muốn được sống một cách an tâm để được hưởng tối đa tình thương gia quyến, thầy trò và bè bạn trước khi lìa đời, thay vì cứ lo lắng hoàn toàn vấn đề y tế cho cái thân đang tan rã, nên đã từ chối mọi cách chữa trị của bác sĩ, vì họ nhấn mạnh là không có cách nào bảo đảm là có hiệu lực trị bệnh, chỉ hy vọng một phép lạ (miracle) thôi. Quyết định ấy thật vô cùng can đảm nhưng không phải vì tuyệt vọng, mà đó là do sự cân nhắc có trí tuệ. Hạnh cùng vợ về hưu sớm, bỏ công sức tìm cách ăn mới - lành và bổ dưỡng, tìm cách thể dục và du ngoạn vùng khí hậu tốt, tinh tấn trong việc tu tập, tạo cơ hội đoàn tụ gia đình và hội họp bạn bè. Hạnh cho tôi được chứng kiến thêm thế nào là một cái chết đẹp mà người đời ai cũng thầm ước mong nhưng ít người được hưởng.

Cái chết đẹp là kết quả của một cách sống cận tử ý nghĩa nhất của ta. Trên mặt lý trí và suy nghĩ thông thường, ai cũng chấp nhận là làm người thì phải chết. Trong thực tế, đa số đều tìm đủ cớ để tránh sự thật hiển nhiên. Tài tử điện ảnh Woody Allen đùa rằng: “I just don’t want to be there when it (death) happens!”. Tưởng rằng không nghĩ đến hoặc không phải đương đầu với một biến cố hiển nhiên trong đời thì không sao, ta cứ lo sống như không bao giờ sẽ chết, vì nghĩ đến nó làm đời ta thêm ưu tư đen tối. Tư tưởng ấy suy cho kỹ thì sẽ thấy rõ sự sai lầm to lớn: cách sống và cách chết không thể tách rời như ý đời vọng tưởng. 

 

Tôi nhận thấy trước mắt rất gần với nhiều chi tiết do Hạnh chia sẻ - cách Hạnh lìa đời thật đẹp vì Hạnh giữ được cuộc sống tự nhiên an lành cho đến cùng. Kinh nghiệm nhà nghề đã cho tôi thấy nhiều trường hợp khác những cảnh chết thật là thê lương tội nghiệp cho cả bệnh nhân và người thân của họ, chỉ vì họ không có nơi nương tựa trên tinh thần nên không biết chọn đường sống an lành nhất cho mình và cho người thân bên cạnh mình khi biết sự chết gần kề để có một cái chết đẹp. Nhiều người nói hay mong rằng chết đẹp nhất là ra đi trong lúc ngủ mê, trong khi thực tế thì chẳng có ai chết vì giấc ngủ. Người ta chỉ có thể chết vì bệnh, tai nạn, thiên tai, hoặc bị giết. Luật trên nước Mỹ không cho phép bác sĩ ký giấy khai tử là một người nào chết tự nhiên vì tuổi già, mặc dầu đại thọ trên 100 tuổi. Với thái độ “còn nước còn tát”, “bệnh thì phải chữa “, thân họ bị khổ đau do nhiều căn giải phẫu hoặc phản ứng của những liều thuốc mạnh, tâm vẫn điên đảo vì vẫn biết là không có cách nào thoát bệnh và thoát chết. Không ai cho rằng chết đẹp khi thân bị thuốc gây mê và phổi đang gắn vào bộ máy hô hấp nhân tạo, nhưng đó là kết quả không tránh được khi bệnh nhân hoặc thân nhân muốn làm mọi cách để trì hoãn sự chết.

Thống kê của USA năm 2020 cho biết trong số trên 3 triệu người chết năm đó, chỉ có 20% là biết trước mình sẽ chết vì căn bệnh đang có. Thế thì, chuẩn bị cho cái chết đẹp đồng nghĩa với cách sống đẹp cho quãng đời còn lại. Hạnh chắc là không biết cái thống kê này, nhưng nhờ có đời sống tinh thần thanh tịnh trong Đạo Pháp đã lâu, nên dầu bị hoảng hốt lúc biết rằng căn bệnh ung thư mình không thể nào chữa lành, Hạnh chỉ cần sự hỗ trợ của gia đình, sư thầy, đạo hữu và bạn thân là tìm ra ngay con đường sống an lành cho đến phút cuối cùng. 

 

Tuy vậy, lực sinh tồn của cơ thể con người mạnh không thể tưởng tượng được, mà chỉ thấy nó khi nguy cơ thật sự hiện hình trong thân. Hạnh cũng bị sức mạnh của lực này hành hạ thử thách nhiều lần trong 3 tháng cuối. Từ đầu đã từ chối cách chữa bệnh bằng chemotherapy mong được sống chết theo thiên nhiên với thực dưỡng rau trái làm thuốc, để cho “nghiệp” dìu dắt cuộc đời. Thế nhưng nhiều lần muốn đổi ý dầu biết nó chỉ đem đến nhiều giải phẫu, ra vào nhà thương, kiệt sức, ói mửa và ảo tưởng chứ không chắc có hiệu quả trị liệu. Ý khi điên đảo, thân chắc chắn bất an - sống thế là khổ. 

 

Nhờ lòng tin của Hạnh vào Tam Bảo (Phật, Pháp và Tăng ), nhờ sự hỗ trợ chung quanh, Hạnh giữ được cuộc sống rất đẹp, không chemotherapy, vẫn chơi pickleball, du lịch, đi ăn cưới và tiệc với người thân, hướng dẫn khóa thiền cho đến 3 tháng trước khi bị triệu chứng cancer metastasis hành hạ. Trước khi bướu ung thư xâm nhập đến lá gan, Hạnh định qua California chơi tháng 7 để gặp người bạn Cần Thơ này, và cũng được du ngoạn biển Thái Bình Dương. Tiếc thay, dự định ấy không thành. Thân bị hành, nhưng tâm Hạnh rất vững cho đến cùng. Những lời cuối đời của Hạnh gửi cho tôi:

“Hi Bạn hiền,
I want to say from the bottom of my heart. You are the only doctor in my life that tries to ‘care’ for me than try to ‘cure’ for me and I will never forget that. With metta”


Lần phone cuối cùng giữa 2 người bạn 2 ngày trước khi Hạnh mất, Hạnh nhớ lời khuyên của tôi 3 tháng trước và nhờ tôi chỉ cách đem tập đoàn hospice đến nhà phụ vợ Hạnh trong việc săn sóc trong giai đoạn cuối. Sự tiếc nuối không được gặp một lần trong đời tại Mỹ đã tỏ, tình bạn bè và đạo hữu sâu đậm đã nhắc lại, và lời vĩnh biệt đã thốt lên.

Theo lời vợ Hạnh kể lại, trước giờ lìa trần, Hạnh được thầy mình là Ngài Thiền Sư Bhante Gunaratana gọi điện thoại và hướng dẫn tâm Hạnh trút bỏ mọi lưu luyến với đời để đi về cõi Không.

Một bài thơ / tụng để tưởng niệm một người bạn hiền, cũng là người thầy cho tôi thêm một bài học vô cùng quý báu về sự thật về đời người, theo lời Phật dạy.

Thế Tôn lời dạy tỏ tường
Năm điều quán tưởng phải thường xét ra:
1) Ta đây phải có sự già
Thế nào tránh thoát lúc qua canh tàn.
2) Ta đây bệnh tật phải mang
Thế nào tránh thoát đặng an mạnh lành
3) Ta đây sự chết sẵn dành
Thế nào tránh thoát tử sanh đến kỳ.
4) Ta đây phải chịu phân ly
Nhân vật quí mến ta đi biệt mà
5) Ta đi với nghiệp của ta
Dầu cho tốt xấu tạo ra tự mình.
Theo ta như bóng theo hình
Ta thọ quả báo phân minh kết thành.


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật


Minh Từ Nguyễn trung Quân
California , tháng 9, 2022

 

LINK tham khảo: http://ptg6875.info/showthread.php?t=1867&p=4562#post4562

Kèm 2 tấm hình Hạnh gửi

Vài hình ảnh kỷ niệm:

LTK_lop11.JPG
LTK_NTNam_Boyscouts.JPG
LTK_ClassReunion.JPG
LTK_lastMeeting.JPG
LTK_lastMeeting2.JPG
LTK_NamBangHanhThoAn.JPG
LTK_HanhAltar.JPG
TL_thanhkinhPhanuu_new.JPG
LTK_church.JPG
LTK_licPlate.JPG
LTK_Hanh.JPG

ĐÓN TẾT 2022, GHÉ THĂM

THẦY NGUYỄN DUY TẠI

                                              . Phạm Văn Đức (Sài Gòn)

PhamVDuc_ThamThayTai.jpg

Kính thưa Quý Thầy, Quý Cô và quý đồng môn xa gần,

Sáng nay đẹp trời, tôi ghé thăm Gs. Nguyễn Duy Tại chớp nhoáng để gởi Thiệp chúc Tết. Nhưng vì tôi là "đối tượng nguy cơ cao" (đang làm việc tại bệnh viện có thể lây nhiễm) nên tôi không dám vô nhà, dù Thầy nhiều lần tha thiết mời vào. Trước khi đi thăm Thầy, tôi đã tự test covid âm tính, để bảo đảm sức khỏe cho Thầy. Hình như Thầy cũng đang sửa soạn nhà cửa đón Tết... 

Thầy trò chúng tôi trong suốt năm 2021, không dám gặp nhau do bao nhiêu đợt dịch và đợt cách ly liên tiếp trong 2 năm qua. Hồi tưởng lại, Thầy trò cũng mừng là "chúng ta đã cùng vượt qua trận vừa rồi thật kinh khủng! Thầy trò gặp lại nhau rất mừng". Thầy Tại chỉ tay cho biết con đường Hòa Hưng trước nhà Thầy bị phong tỏa hoàn toàn (và cả TP.HCM đều như vậy). Lúc này đây, TP.HCM được công bố là "vùng xanh" (nguy cơ dịch bệnh thấp). Thật vui mừng ở thời điểm đón Tết Nguyên đán! Nhưng Thầy trò chúng tôi đều nghĩ rằng ở tuổi chúng ta, việc tự hạn chế tụ tập đông người sẽ giúp khống chế dịch bệnh. Nhưng đối với người trẻ, còn năng động, thích tụ tập vui vẻ thì việc đó rất khó tránh. Nên không biết tình hình sau Tết sẽ thế nào. 

Không có thời gian hàn huyên nhiều vì muốn giảm nguy cơ tiếp xúc lâu, nhưng Thầy Tại và tôi cũng chia sẻ ngắn gọn nỗi niềm nhớ quê, nơi chôn nhau cắt rốn nhân dịp Xuân về. Chúng tôi ngày nay đã là "dân Sài Gòn" nhưng không phải là dân Sài Gòn chính hiệu. Thầy Tại vẫn là người gốc Bắc xa xôi. Còn tôi vẫn là người gốc gác miền Tây. Nói chính xác kiểu Toán học thì Thầy trò chúng tôi luôn là người tha hương trên chính quê hương mình!

Ước mong đại dịch khống chế được, thì thế nào Thầy Dinh cũng về VN và Thầy Tại, Thầy Dinh và dăm ba đứa CHS PTG/ĐTĐ xưa cùng sẽ hội ngộ như mấy năm trước.

Rất mừng thấy Thầy Tại vẫn nhanh nhẹn khỏe mạnh, thậm chí Thầy còn nhanh nhẹn hơn tôi nữa. Thật đáng mừng! Số bài và tài liệu Thầy chọn lọc và chuyển lên Diễn đàn mỗi ngày là thước đo sức khỏe của Thầy.

Xin kính chúc Thầy Tại và Cô luôn dồi dào sức khỏe trong năm mới với đầy đủ các chữ Phúc - Lộc - Thọ - Khang. Kính chúc Thầy Cô luôn vui vẻ, hạnh phúc trong xóm nhỏ Hòa Hưng rất đông vui, tấp nập này.

Tạp ghi ngắn này xin kính gởi đến tất cả Quý vị để có chút tin sốt dẽo từ quê nhà Việt Nam.

Kính,

Phạm Văn Đức 

CHS. PTG/ĐTĐ

NK. 1960 - 1967

PhamVanDuc_GSPTT vaCay am thoa.jpg

Học trò Phạm Văn Đức

tưởng nhớ THẦY PHAN THANH THƯ

CÂY ÂM THOA NOTE LA

Kính thưa Quý Thầy, Quý Cô và Quý đồng môn,

Dù biết luật Vô thường không chừa một ai, nhưng được tin Gs Phan Thanh Thư vừa tạ thế, chúng ta không khỏi đau buồn. Tôi là một đứa học trò bình thường, không có gì đặc biệt nên chắc Thầy không nhớ đến tôi. Nhưng ngược lại, Thầy là một vị Thầy đặc biệt có ảnh hưởng sâu đậm đến tôi nên tôi mãi nhớ đến Thầy. Vì vậy tôi có ghi lại nhửng kỷ niệm về Thầy trong hồi ức sau đây xin chia sẻ cùng Quý Thầy, Quý Cô cùng các Anh, Chị đồng môn.

Kính,

Phạm Văn Đức

______________

CÂY ÂM THOA NOTE LA

Tôi thiễn nghĩ không phải ai cũng là văn nghệ sĩ, nhưng ai ai cũng có thể và nên có một chút lãng mạn để cuộc đời mình có thêm hương vị trong cuộc sống.

Gs Phan Thanh Thư là người Thầy có ảnh hưởng nhiều nhất về tính lãng mạn trong tôi khi tôi còn là học sinh ở Trường Trung học Phan Thanh Giản (Cần Thơ). Ảnh hưởng ấy còn sâu đậm đến cả bây giờ.

Nhà tôi ở đường Pétrus Ký, là con đường nhỏ, bên hông Tòa án Cần Thơ. Tôi luôn nhớ đến hình ảnh Thầy Thư ngày ngày đi ngang nhà tôi, trên lề phía bên kia đường, dáng Thầy dong dõng cao, ăn mặc đơn giản nhưng trang nhã. Thầy đi thong thả sát hàng tường rào của Tòa án, theo hướng ra bến Ninh Kiều. Lúc nào Thầy cũng vừa đi vừa hát nho nhỏ và luôn tay hất mái tóc nghệ sĩ lên. Cử chỉ đặc biệt ấy chắc chỉ có ở Thầy và rất hiếm thấy ở người khác!

Học sinh Trung học Đệ nhất cấp được học hai môn văn nghệ là Nhạc và Họa. Trong các Giáo sư dạy hai môn nghệ thuật này thì Gs Phan Thanh Thư có dáng dấp nghệ sĩ nhất. Nghệ sĩ chân chính thời ấy dù là người VN hay ngoại quốc đa số đều rất nghiêm chỉnh trong cuộc sống. Thầy Phan Thanh Thư vừa có phong cách nghệ sĩ nhưng cũng có tư cách của nhà mô phạm, rất chuẩn mực. Tất cả các Thầy, Cô đều có tác phong nghiêm chỉnh nên học sinh đều e dè khi đối diện. (Nhưng ở sau lưng hoặc khi không có ai trông coi thì lũ học trò mới làm trò quỷ!!). Thực ra ngoại trừ các Thầy Cô lớn tuổi (trong đó có ba tôi) thì các Thầy Cô ở Trường Phan Thanh Giản (Cần Thơ) dạo ấy đa số đều còn rất trẻ, có thể là bạn học cùng thời nên cũng có tính trẻ trung khi sinh hoạt chung với nhau. Có thể nhận thấy điều này trong các ảnh chụp 60 năm về trước tại sân Trường Phan Thanh Giản mà Gs Nguyễn Như Hùng vừa mới cung cấp cho tôi. (Xin xem ở Phụ bản vào cuối bài này).

Đây là hồi ức về Gs Phan Thanh Thư nên tôi xin chỉ tập trung viết về Thầy Thư thôi. Hầu như học sinh nào khi được học Nhạc với Thầy Phan Thanh Thư đều thắc mắc là giữa Thầy Thư và cụ Phan Thanh Giản có mối liên hệ dòng tộc gì không. Nhưng học trò nào, dù là quỷ sứ đi nữa, cũng không dám nêu câu hỏi đó với Thầy mình. Mãi 60 năm sau mới có câu trả lời… Cũng nhờ Thầy Nguyễn Duy Tại (dạy Toán lúc tôi học lớp Đệ Tam) cấp thông tin trước cho tôi cách đây 2 năm và huynh trưởng Trần Bang Thạch xác nhận lại qua phu nhân của Thầy Thư, mà chúng ta biết chắc chắn là Thầy Phan Thanh Thư là hậu duệ của Cụ Phan Thanh Giản (cháu đời thứ 5).

Giờ học Nhạc và Họa là hai giờ mà học sinh rất thích vì được ‘’xả’’, và vì các Giáo sư luôn rất dễ tính, thoải mái. Nhưng nếu so sánh giữa 2 môn học thì học Hội họa thoải mái hơn, càng học càng thích, nhất là đối với các trò có “hoa tay’’. Trái lại học Nhạc, càng đi sâu, càng có vấn đề đối với đa số học sinh Trung học vì không phải đứa nào cũng có khiếu âm nhạc. Chưa kể học trò miền Tây nhiều đứa là dân “miệt vườn”, chỉ biết ca vọng cổ thì tân nhạc là thứ xung khắc với cổ nhạc, không thể hòa hợp được. Học Nhạc với Thầy Thư trong những giờ học đầu, tạm coi là vui vẻ vì Thầy dạy hát những bản nhạc phù hợp cho lứa tuổi thiếu niên, vui vẻ, hùng mạnh. Nhưng học Nhạc đâu chỉ có ca hát thôi. Thầy còn dạy Nhạc lý, khởi đầu là học note. Lúc đầu học sinh chỉ cần biết có Do, Re, Mi, Fa, Sol, La, Si, Do. Có vẻ như dễ học nếu chỉ đọc suông như vậy. Nhưng học nhạc lý đâu có thể dừng lại tại đây. Viết từng note lên tập có in sẵn các dòng nhạc cho đúng đã là khó. Rồi còn phải đọc note nhạc, càng khó hơn. Nhưng học trò giải quyết việc này rất dễ dàng bằng cách ghi “phụ đề Việt ngữ” ngay dưới note nhạc. Khó nhất là phải xướng âm, phải phát âm sao cho đúng với note nhạc. Thầy Thư cũng hiểu là việc học nhạc lý ở tuổi chúng tôi chỉ là để học trò có chút khái niệm cơ bản nhạc lý thôi nên Thầy dễ dàng chấp nhận các kiểu luồn lách của học trò. Trong phần lớn các giờ học trong năm, Thầy thường dạy hát nguyên bản nhạc, dễ hơn học nhạc lý nhiều, lớp học hứng thú và vui vẻ hơn. Tôi sẽ nói ở phần sau …

Tôi vốn rất thích môn Vật lý, nên điều bất ngờ là Thầy Phan Thanh Thư có dạy ‘’thực hành Nhạc’’, (hình như Thầy có nói tới từ thực hành lúc đầu giờ) qua một bài học rất đặc biệt, đầy tính khoa học của Vật lý. Giờ học này tạo ấn tượng mạnh trong tôi, khiến tôi nhớ mãi tới bây giờ. Hôm ấy Thầy Thư lấy trong cặp của Thầy ra cái hộp đựng thứ dụng cụ bằng kim loại sáng loáng, hình dạng giống như chữ Y. Thầy giới thiệu đây là cây âm thoa, tiếng Pháp gọi là diapason. Đây là cây âm thoa của note La. Thầy nói âm thoa note La có tần số rung động là 440 lần/giây. Note La do âm thoa phát ra là chuẩn nhất, dùng để điều chỉnh các nhạc cụ. 

 


 

 

 

 

 

 

Tiết mục kế tiếp còn hay hơn nữa. Thầy giảng tiếp về hợp âm, là sự phối hợp của nhiều note nhạc cùng một lúc, sẽ cho âm thanh nghe hay hơn đơn âm. Thầy lấy thí dụ về một hợp âm thường được sử dụng gồm có 3 note nhạc Do, Mi, Sol. Thầy lấy 3 cây âm thoa để tạo hợp âm cho chúng tôi nghe cụ thể hơn. Nhưng Thầy nói, rất tiếc Thầy không có cây âm thoa note Sol, nên buộc lòng xài đỡ cây âm thoa note La lúc nãy, để thay thế. Thầy nhờ 2 bạn lên bàn để cùng thầy tạo hợp âm. Ba người, mỗi người cầm một âm thoa trong tay. Theo hiệu lệnh của Thầy, ba người cùng gõ âm thoa trên mặt bàn rồi ngay lập tức đặt lên mặt bàn. Hợp âm phát ra từ 3 âm thoa nghe thật êm ái… Tâm hồn tôi cũng nghe rung động theo hợp âm với một cảm giác bay bỗng, lâng lâng thật tuyệt vời! Tuy có 1 âm thoa không đúng chuẩn như Thầy nói – vậy mà hợp âm đã tạo ra là một thứ âm thanh nghe rất hay, không bút nào tả nỗi! Có thể nói trong đời tôi, từ lúc đó cho đến hơn sáu mươi năm sau, tôi chưa bao giờ nghe được một thứ âm thanh diệu kỳ khiến hồn tôi ngây ngất rung động đến như vậy!! Đây là kỷ niệm, dấu ấn đặc biệt về Thầy Phan Thanh Thư làm tôi mãi nhớ về Thầy. Không rõ trong các bạn đồng môn của tôi, có ai còn nhớ đến buổi thực hành trong giờ học Nhạc này không.

Hình như trong chương trình học Trung học Đệ nhất cấp - nếu tôi nhớ không lầm - chỉ có năm Đệ Thất là có môn Nhạc. Trái lại hình như môn Họa lại có trong chương trình lớp Đệ Thất và Đệ Lục. Có lẽ theo tôi đoán, học nhạc lý là việc cực khó, chỉ dành cho người đi chuyên sâu về Nhạc trong Nhạc viện, nên không thể cho học nhiều trong chương trình học phổ thông. Nên tôi chỉ được học với Thầy Phan Thanh Thư trong năm Đệ Thất mà thôi. Nhưng phong cách của Thầy đã ảnh hưởng lâu dài đến tôi một cách tiềm tàng cho đến suốt đời. Về sau và ngay cả cho đến lứa tuổi U.70 bây giờ, khi tôi đi ngoài đường một mình - nhất là khi chạy xe gắn máy - tôi thường lẫm nhẫm hát các bản nhạc tủ của tôi một cách tự nhiên, vô thức. Cũng có khi vừa hát vừa hồi tưởng đến hình ảnh của Thầy Phan Thanh Thư lẩm nhẩm hát khi đi ngang nhà tôi 60 năm về trước!

Các bản nhạc “giáo khoa”dành cho học sinh là: Khỏe vì nước và Lục quân VN rất thích hợp cho học sinh tuổi nhỏ, nhưng học rồi ca mãi mau chán. Nên học sinh bèn chế lời nhạc cho vui: Đường trường xa, con chó nó tha con mèo …

Có lẽ Thầy Thư cũng thấy học trò mau nhàm chán nhạc giáo khoa nên Thầy đã dạy những bài nhạc tình cảm hơn. Đặc biệt tôi rất thích 2 bản nhạc Thầy đã dạy mà tôi có đưa đường dẫn dưới cùng:

u Bản nhạc đầu tiên, đã tạo cho tôi nhiều cảm xúc là bản nhạc Người đi muôn dặm (của Phạm Đình Chương).

Bản nhạc có nhịp điệu hùng mạnh, nhưng không giống các bản nhạc giáo khoa khác dùng cho tuổi thiếu niên. Lúc lớp tôi hát bài này chung với cả lớp thì âm thanh hợp ca quá to, tuy thấy bản nhạc hay nhưng tôi không nghe rõ cảm giác hay như khi nghe các bạn lớp khác hát bài ấy với tiếng vọng xa xa vào buổi trưa hè gay gắt:

Bụi đườngnhư vương vấn khi chúng mình nhịp chân …

Đường còn dài xa tắp, người đi muôn dặm, đem chí trai tang bồng vào gió sương…

Lời nhạc theo tiếng nhạc trầm bỗng làm cho tôi không khỏi bâng khuâng khi hình dung con đường đời tương lai của mình còn xa tắp, chưa biết sẽ thế nào. Rồi đây bọn học sinh chúng tôi sẽ lớn lên, ra đi khắp mọi nơi. Chưa biết cuộc đời là gì, sẽ ra sao …

Ngày nay, nghe lại bản nhạc với lời nhạc ấy, tôi lại thấy khắc khoải, u buồn khi vọng ngược về quá khứ, lúc còn hồn nhiên, chỉ biết ăn và học… Các bạn bè cùng lớp ấy, các bạn ngồi kế bên tôi, bây giờ kẻ còn người mất. Thầy Phan Thanh Thư ngày ấy cũng vừa lìa bỏ cõi tạm để đi về cõi vĩnh hằng!...

Phải kỳ công và rất lâu tôi mới tìm lại được bài này vì tôi không nhớ tên bản nhạc, chỉ còn nhớ điệu nhạc và vài chữ trong lời nhạc chớ không nhớ cả câu. Rất tiếc, cả bản nhạc đã tìm lại - được thu từ đĩa than 78 vòng thời xưa - nên không còn nghe rõ, do có nhiều tạp âm. Nên rất mong Quý Thầy, Cô và các Anh, Chị đồng môn thông cảm. Dù sao cũng có cái quý là bản ghi âm ấy đã minh họa được cụ thể nhạc và lời của bản nhạc này. Nên tôi cũng rất biết ơn người sưu tầm vô danh trên mạng)

u Bản nhạc thứ hai là: Bến Xuân của Văn Cao

   Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước, Em đến tôi một lần….     

   Bao lũ chim rừng họp đàn trên khắp bến Xuân                  

…… ……………………

   Dìu nhau theo dốc núi nơi ven đồi, Còn thấy chim ghen lời âu yếm,

   Đến đây chân bước cùng ngập ngừng, Mắt em như dáng thuyền soi nước,

   Tà áo em rung theo gió nhẹ thẹn thùng ngoài bến Xuân….

Đối với thằng bé mới 11, 12 tuổi như tôi, bản nhạc có âm điệu du dương và lời nhạc nghe như thơ, nhẹ nhàng khiến tôi có cảm nghĩ tình yêu là cái gì đó nhẹ nhàng nhưng quyến rũ, thơ mộng lắm, cảm giác lâng lâng tuyệt vời như khi được nghe hợp âm do Thầy Thư tạo ra … Trong phần nhạc minh họa này, tôi chọn giọng ca nam - để tôi có thể nghe lại trong trí tưởng tượng - giọng ca của chính Thầy Phan Thanh Thư ngày ấy.

Tôi đã viết lời tựa cho bài “Cây Âm thoa note La” từ cả năm nay rồi bỏ đó, chưa viết tiếp nội dung, trong lúc đó, tôi cố gắng tìm lại bài nhạc Người đi muôn dặm… Bây giờ khi cố gắng viết trong thời gian ngắn để hoàn thành hồi ức này, trong lòng tôi rất ray rức vì thời gian qua đã không tìm cách liên lạc để nối lại nhịp cầu sớm hơn với Thầy Phan Thanh Thư. Lý do chủ yếu là vì thời gian của tôi quá eo hẹp và còn nhiều lo toan và đối phó trong cuộc sống thời bình và thời đại dịch. Thôi đành chấp nhận khi ai ai trong đời cũng có nhiều cơ hội đã bỏ lỡ và vĩnh viễn không còn cơ hội đó nữa. Tôi chỉ mong và tin là khi chưa hết 49 ngày thì Thầy vẫn còn ở trên cao quanh đây và có thể cảm nhận được tâm tình đối với Thầy của mọi người còn ở lại, trong đó có tôi.

Hôm nay tôi rất xúc động khi nghe tin người Thầy mà tôi rất ngưỡng mộ, đã dứt bỏ mọi phiền lụy của thế gian để an giấc ngàn Thu. Từ quê hương nhận được tin nhưng không thể đến nơi xa xôi để viếng và lạy tạ ơn Thầy, tôi chỉ có thể chia sẻ lại cho các Thầy Cô và các Anh, Chị đồng môn những kỹ niệm, những dấu ấn của Thầy Phan Thanh Thư và những bản nhạc Thầy truyền dạy cho chúng tôi ngày xưa … Tất cả là nén hương lòng của bao thế hệ học trò tiễn Thầy về miền Cực Lạc.

Phạm Văn Đức

CHS. PTG/ĐTĐ

NK 1960 - 1967

Các ảnh kỷ niệm của Thầy Nguyễn Như Hùng:

PhamVanDuc_cây âm thoa.JPG
ducpham_GSgrp2.jpg
DucPham_GSgrp1.jpg
NNH_GSHungThuQuan.jpg

Thầy Ng.Như Hùng, Thầy Phan Thanh Thư, Thầy Ng.Trung Quân, 2019

NNH_GSThư.jpg

......Và rồi một ngày thật buồn.....

Thầy đã ra đi về Miền Vĩnh Cửu

PhamVanDuc_Nguoidimuondam.JPG
PhamVanDuc_Bến Xuân.JPG

PHẠM VĂN ĐỨC                                 

 

GIÓ MÁT TRĂNG THANH

 

Hôm trước sau chầu nhậu tiễn ông Táo, bạn Phan Quang Nghĩa đã chộp được và gởi cho chúng ta coi hình độc do tay "đại gia chân dép" miền Tây đi xe Mẹc-xơ-đì biểu diễn.

 

 

 

 

 

 

Nhận được hình, tôi không nhận ra là ai. Hóa ra các bạn nói đó là "giặc lái" La Quốc Thanh, quen quá trời từ thuở còn mài đủng quần ở lớp Đệ Thất trường PTG. Hắn lái chiếc F5 quen rồi nên nhậu xong, đi xế hộp về, dọc đường cứ nhớ "Một chuyến bay đêm" bèn biểu tài xế "Xê qua một bên cho tao lái một chút!". Say xỉn quá nên hắn tưởng đang đứng giữa đồng, có gió mát trăng thanh, có bầy vịt cạp cạp, chớ có ai khác đâu, nên cứ tự sướng một mình ... Hồi chiến tranh, có khi phải bay ra biển xả xăng bớt rồi mới đáp xuống cho an toàn. Quen làm chuyện đó nên sau mấy chục năm hạ cánh an toàn, bây giờ nhậu xong hắn cứ ra ruộng xả, xả, xả ... 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Giữa đồng gió mát trăng thanh, một mình xả tự do, sướng ơi là sướng! ... (Thầm cám ơn thằng Nghĩa cho tao uống cái gì bữa nay mà thông thương quá cỡ thợ mộc - chớ ngày thường cứ đếm giọt. Nếu có thằng Đức - con của Thầy Liêu - tham dự, chắc nó chỉ phá mồi, chớ không biết nhậu như tụi mình đâu!)

Chắc Quý vị thắc mắc tại sao La Quốc Thanh xả xăng giữa đồng mà sau lưng lại có đeo con két??!!

Xin thưa, tôi xin quay lại thời tôi học lớp Đệ Thất, ba tôi (Gs. Phạm Kim Liêu) có mở lớp dạy Pháp văn ngay tại nhà. Môn Toán do Gs. Nguyễn Thành Phú. Môn Lý Hóa do Gs. Trần Văn Dinh phụ trách. La Quốc Thanh theo học Pháp văn với ba tôi. Hồi ấy anh chàng ốm nhom, nhỏ xíu con, thuộc loại "siêu quậy" trong lớp, lóc chóc, đứng ngồi không yên, miệng luôn luôn tía lia, không lành da non. Vì vậy ba tôi đặt cho hỗn danh là "La Quốc Két" - không biết anh chàng bây giờ còn nhớ hỗn danh này không.

Khi tôi vô quân đội năm 1969 thì nghe nói La Quốc Thanh đi Không quân cùng Lương Thành, Dương Huỳnh Kỳ, Lê Văn Út. Trong suốt thời gian chiến tranh, bạn cũ không có dịp gặp nhau bao giờ. Cách đây 5, 6 năm tôi có gặp lại La Quốc Thanh tại Cần Thơ trong tiệc cưới của con bạn Hồng Lài Hon. Lần ấy, tôi cũng không nhận ra được La Quốc Thanh vì anh chàng phương phi,"bề thế" lắm - nhưng còn gọn hơn anh chàng giặc lái đang đứng xả súng giữa đồng trên đây. Năm kia và năm ngoái tôi có gặp lại Lê Văn Út, nhận ra ngay vì vẫn bảnh trai, rắn chắc như xưa. Còn Lương Thành và Dương Huỳnh Kỳ thì không thể gặp được nữa rồi....

Cuối năm xin nhắc lại chuyện cũ thời xuân xanh, còn ngây thơ, chỉ biết ăn và học ...

 

Kính,

Phạm Văn Đức

______________

DucPham_laQThanh.jpg
DucPham_Giomatrangthanh.jpg

Kính mời đọc online Hồi Ký từ đồng hương Cần Thơ, 1 dịch giả, 1 cựu học sinh Phan Thanh Giản (1949-1956):

Xin click vào link dưới đây:

Nguyễn Bich Như: Hồi Ký: Cuộc Đời Tôi, Thoáng Mây Qua

 

Sách xuất bản năm 2020 tại Việt Nam. Giá bán 99.000đ. Sách dầy 244 trang, gồm 9 Chương. Mỗi chương có 4, 5 hay 6 tiết mục; cộng 45 tiết mục và tiết mục phụ Những người tôi đã gặp. Sách có nhiều hình ảnh gia đình, thân nhân, bạn bè…

Sách cũng có trên online để quí đọc giả khắp nơi nếu muốn thì cứ vào link trên để đọc

NguyenLuongSinh_Cover_front.jpg
NguyenLuongSinh_Cover_back.jpg
TL_Butmuc.png

                                         

______________________________________________________________________________________________________

DucPham_tienthayVVV.JPG

                                     Hình ảnh

TANG LỄ THẦY VÕ VĂN VẠN                

                     

                                                                                                                      Phạm Văn Đức , Sài Gòn 26/4/2021

Kính thưa Quý Thầy, Quý Cô và các bạn đồng môn Trường TH ĐTĐ-PTG Cần Thơ, 

Ngày 24/04/2021 vừa qua, chúng tôi đại diện cho các cựu học sinh TH. ĐTĐ - PTG Cần Thơ đã đến chùa Pháp Hội để tiễn đưa Thầy Võ Văn Vạn.

Chúng tôi xin gởi đính kèm theo đây một số hình ảnh của lễ tang. Chân thành cám ơn bạn Đoàn Văn Bé về ảnh chụp chùa Pháp Hội và Cáo phó, bạn Nguyễn Thanh Bình về 2 clips lúc động quan. 

Vì tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên sau nghi thức động quan, mọi người đều ra về. Vì vậy rất tiếc không có hình ảnh ở Đài hỏa táng.

Kính mời Quý vị xem. Xin cám ơn.

(Xin hướng dẫn: Nếu smartphone hoặc computer của Quý vị chưa có cài đặt Google Photos thì xin download về bằng cách tìm trong Google rồi cài đặt, khá dễ. Sau đó việc xem hình trong Album rất dễ dàng. Chọn xem từng ảnh, có thể zoom lớn - xong thu nhỏ trở lại trước khi qua ảnh kế tiếp. Album có một số ảnh chụp toàn cảnh, cần zoom lớn sẽ thấy rõ chi tiết).

Kính chúc Quý Thầy Cô và Quý đồng môn luôn nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui và luôn bình an, hạnh phúc.

Kính,

Phạm Văn Đức

CHS PTG

NK 1960 - 1967

(Trong link sau đây, có một dòng chữ bằng tiếng Hoa, không hiểu tại sao xuất hiện ngoài ý muốn, xin vui lòng thông cảm. Rất cám ơn)

Xin click vào link dưới đây:

Tang lễ Thầy Võ Văn Vạn

Ngày 23/04/2021, linh cửu Thầy Võ Văn Vạn được quàn tại chùa Pháp Hội, Q.10, TP.HCM để bà con và thân hữu đến viếng. Ngày 24/04/2021, lúc 06 giờ sáng là lễ động quan, đưa Thầy Võ Văn Vạn đến Đài hóa thân Bình Hưng Hòa. Sau khi rời chùa Pháp Hội, linh cửu Thầy được đưa ngang Trường TH Lê Hồng Phong (Trường Pétrus Ký cũ) và dừng lại đó một lúc cho các cựu học sinh của Thầy chụp ảnh rồi xe tang mới đi tiếp. Đại diện Cựu học sinh TH PTG - ĐTĐ Cần Thơ đến tiễn Thầy gồm có 2 bạn đang sống tại TP.HCM và 3 bạn từ Cần Thơ vừa lên TP.HCM, kịp ngay trước giờ động quan. Nên đa số các cựu học sinh đến tiễn Thầy là cựu học sinh Trường Pétrus Ký (thế hệ trước 1975) và Lê Hồng Phong (thế hệ sau 1975, nhưng nay cũng đã trên 50 - 60 tuổi).

           Phan Quang Nghĩa____________________________

HỌC TRÒ PTGĐTĐ TIỄN ĐƯA THẦY TRẦM VÂN VÕ VĂN VẠN

VỀ CÕI VĨNH HẰNG

Trích từ email của CHS PHAN QUANG NGHĨA gởi từ Cần Thơ ngày 26 tháng 4 năm 2021

 

...phải nói thật là những kỷ niệm đẹp trong cuộc đời của mỗi người là thời kỳ còn cắp sách đến trường, và đẹp nhất là 7 năm học tại trường Phan Thanh Giản (cũng như Đoàn thị Điểm) mà rất nhiều thầy cô đã dạy dỗ chúng mình nên người, tôi cùng khá nhiều bạn học còn ở lại VN từ sau 75 đến giờ cũng như khá nhiều thầy cô còn sống ở VN thỉnh thoảng có gặp cũng như thăm viếng lẫn nhau, trên Sài Gòn thì có Đoàn văn Bé, dưới Cần Thơ thì có tôi và riêng thầy Võ văn Vạn học trò cũ đứa nào cũng rất mến thầy ấy nên khi hay tin thầy mất phải cố gắng lên viếng thầy lần cuối.

Dưới đây là hình 4 cựu học sinh đứng bên linh cửu thầy Vạn sáng sớm ngày 24/04/2021, gồm các anh chị: Từ trái: chị Trần Thị Diệp (niên khoá 63-70), La Quốc Thanh (niên khoá 61- 68), Phan Quang Nghĩa (niên khóa 61-68) và Nguyễn Thanh Bình (60 - 67)

Hình thứ hai là hình kỷ niệm với Quý Thầy và vợ chồng Bùi Hữu Trạng- Ngọc Anh. Tháng 10/2017 vợ chồng Bùi Hữu Trạng về VN chơi, tôi cùng Bình và Thanh cùng vài người bạn đưa vợ chồng Trạng đi từ Nam ra Bắc chơi khoảng 20 ngày, và lên SG nhờ Bé mời vài Thầy, Cô dùng 1 buổi cơm thân mật. 

phanquangnghia_GSvahshopmat.jpg
PhanQuangNghia_4nguoi.jpg

Ngồi từ trái qua gồm thầy Trịnh Trí Tấn, thầy Võ Văn Vạn, vợ chồng thầy Nguyễn Duy Tại, đứng kế là thầy Lê Đức Cửu (ốm, tóc bạc và mang kiếng) và thầy Võ Văn Minh. Hàng sau đứng ngoài vợ chồng Trạng có vợ chồng Trần Hữu Phước & các bạn khác không nhớ hết tên

PHAN QUANG NGHĨA

Cần Thơ

______________________________

TIN BUỒN : GS.Toán VÕ VĂN VẠN MỆNH CHUNG.

                                                                                      Thanh Ho

CẦN THƠ, THỨ SÁU, 23/4/2021 ( tức 12/3/ NĂM TÂN SỬU )

             KÍNH THƯA QUÝ THẦY CÔ, QUÝ ĐỒNG MÔN CỰU HỌC SINH PTG.ĐTĐ.CT,

             HỌC TRÒ GIÀ PTG.HTT VỪA HAY TIN ĐAU BUỒN: GS.VÕ VĂN VẠN , TỨC NHÀ THƠ TRẦM VÂN, GIẢNG DẠY MÔN TOÁN HỌC, TẠI TRƯỜNG TRUNG HỌC PHAN THANH GIẢN CẦN THƠ (1917 - 2017) , VÀO THẾ KỶ TRƯỚC, SINH NGÀY 01/12/1940 ( NĂM CANH THÌN ), TẠI TỈNH THANH HÓA, MỚI TẠ THẾ, LÚC 16 GIỜ 15 PHÚT, NGÀY THỨ NĂM, 22/4/2021 ( TỨC NGÀY 11/3 NĂM TÂN SỬU ), TẠI TƯ GIA, SỐ 357/4, ĐƯỜNG NGUYỄN THIỆN THUẬT, P.1. Q.3, SAIGON,

 

                                      HƯỞNG THƯỢNG THỌ 82 TUỔI

 

              LINH CỬU ĐƯỢC HỎA TÁNG, LÚC 6 GIỜ SÁNG, NGÀY THỨ BẢY, 24/4/2021 (TỨC NGÀY 13/3 NĂM TÂN SỬU ), TẠI NGHĨA TRANG BÌNH HƯNG HÒA, SAIGON.

 

              VỚI TƯ CÁCH CỰU HỌC SINH TRƯỜNG TRUNG HỌC PHAN THANH GIẢN CẦN THƠ VÀ ĐẶC BIỆT LÀ HỌC SINH HỌC TOÁN TRỰC TIẾP VỚI GS.VÕ VĂN VẠN, HỌC TRÒ GIÀ PTG.HỒ TRUNG THÀNH TRÂN TRỌNG THÀNH KÍNH PHÂN ƯU, CÙNG TANG QUYẾN ; CHÂN THÀNH NGUYỆN CẦU HƯƠNG HỒN CỐ GS.VÕ VĂN VẠN, tức NHÀ THƠ TRẦM VÂN, SỚM SIÊU THĂNG CÕI NIẾT BÀN.

             TRÂN TRỌNG KÍNH CHÀO.

             HỌC TRÒ GIÀ PTG.HỒ TRUNG THÀNH.

Vài hình ảnh kỷ niệm:

HTT_GSVVV.jpg
HTT_TV mengoiHTTvaGSLTY.png
Mindy_phanuu.JPG

Toàn thể Đồng Môn PTG-ĐTĐ tại Perth Western Australia Vô cùng thương tiếc khi hay tin:


- Cựu giáo sư, Tổng Giám Thị Trung Học PHAN THANH GIẢN Cần Thơ
         

 GS: LÊ KHÁNH DUỆ
   
Pháp Danh: Quảng Thông
       Bút hiệu: Hương Sơn

          Sinh năm : 1927
- vừa từ trần tại Plano, tiểu bang Texas, Hoa kỳ
Ngày 27 tháng 2 năm 2021


        Hưởng đại thọ 95 tuổi

 

Thay mặt toàn thể Đồng Môn PTG-ĐTĐ tại Perth Western Australia
     - Thành kính chia buồn cùng tang quyến và cầu nguyện cho hương hồn Thầy thanh thoát trong cõi diệu lạc của thế giới mới!!! Thành kính viếng !!!!!


                  TM HỘI CHS PTG- ĐTĐ Perth Western Australia
                             Đặng -Hoàng - Tân

ZOOM MEETING

Thầy trò PTGĐTĐ họp mặt trên mạng

Đúng 8 giờ tối (giờ Texas) Thứ bảy 16/1/2021 đã có buổi họp mặt trực tuyến (zoom meeting) giữa thầy trò PTGĐTĐ lần đầu được tổ chức. Mục đích trước hết là vấn an Thầy Phạm Khắc Trí sau khi Thầy trở về nhà sau hơn 10 ngày điều trị tại bịnh viện. Thứ đến là nhân dịp nầy các học trò được gặp và thăm quý thầy cô khác và các đồng môn khắp nơi. Buổi họp mặt do sự sắp xếp của con gái Thầy Phạm Khắc Trí là cháu Phạm Nguyên Diễm. Thầy Cô Phạm Khắc Trí cùng gia đình Nguyên Diễm cư ngụ tại thành phố Plano, tiểu bang Texas.

Có lẽ lần đầu làm quen với zoom nên có khá nhiều người không vào được; hay có vào nhưng hoặc không biết sử dụng nút audio hay video nên không lộ mặt trên màn ảnh, hay lộ mặt mà không phát âm dù nghe & thấy mọi người. Dù vậy buổi họp mặt cũng có mặt gần 50 thầy cô và CHS từ VN, Úc, Malta, Canada và các tiểu bang Hoa Kỳ. Buổi họp kéo dài gần 1 tiếng 50 phút trong không khí vui tươi, thân tình. Thầy Phạm Khắc Trí ngỏ lời thăm hỏi và cám ơn các đồng nghiệp, các học trò thời gian qua đã thăm hỏi và chúc lành. Cháu Nguyên Diễm đã tóm tắt chứng bịnh khá hiếm (chỉ có 4 trường hợp trong 20 năm qua) và việc tìm được 1 bịnh viện biết cách chữa trị cũng là điều may mắn dù cách xa nhà. Thầy Lưu Khôn (91 tuổi), Thầy Cô Nguyễn Văn Bằng, Thầy Phan Thanh Thư, Thầy Mailoc Nguyễn Hữu Lộc, Thầy Nguyễn Trung Quân, Thầy Nguyễn Như Hùng, Thầy Trần Văn Dinh, Thầy Nguyễn Quang Thăng...đều tuổi cao (trừ thầy Thăng) nhưng sức khỏe còn rất tốt, tiếng nói vẫn bình thường như nhiều năm trước. Các CHS thì thay nhau hỏi thăm quý thầy cô và hỏi thăm nhau. Có lẽ mọi người thấy nhớ nhau trong cơn đại dịch và Đại Hội bị đình 1 năm nên ai cũng háo hức hỏi han. Dịp nầy anh chị Thái Ngọc Ẩn - Nguyễn Thị Gấm cũng thông báo và kính mời mọi người sắp xếp về tham dự ĐH lần XXIV tại Boston, Massachesetts sẽ được tổ chức vào tháng 9/2021.

Sau buổi Zoom đầu tiên, Thầy Lưu Khôn và 1 số anh chị đề nghị dùng cách quá ư là tiện lợi nầy, vừa nhanh gọn vừa không tốn tiền, để bà con nhà PTGĐTĐ khắp nơi gặp gỡ thường hơn.

Cám ơn Thầy Phạm Khắc Trí đã không nề đau yếu mà có mặt, Quý Thầy Cô và Quý anh chị chịu khó tham gia. Đặc biệt là cháu Nguyên Diễm đã tổ chức buổi Zoom meeting nầy. Chắc sau nầy nhờ cháu nhiều nữa. Trong tương lai gần, khi sức khỏe Thầy Lê Khánh Duệ (96 tuổi, đang bịnh) khá hơn hy vọng được gặp Thầy Cô trên zoom.

Sau đây là những hình ảnh (screen shots) do 2 cháu Hoàng Thúy (Houston) và Hoàng Trân (San Jose) chụp từ màn ảnh. Ảnh không được rõ và còn thiếu nhiều người.

zoom_thayPKTDiem.JPG
zoom_thayLK.JPG
zoom_thaycoBang.JPG
zoom_thayThu.JPG
zoom_thayHung.JPG
zoom_thayDinh.JPG
zoom_Thang.JPG
zoom_thayLoc.JPG
zoom_Tran.JPG
zoom_Hoang.JPG

Thầy Nguyễn Quang Thăng  Thầy Nguyễn Hữu Lộc              Hoàng Trân                          Châu Minh Hoàng

zoom_Trang.JPG
zoom_DCD.JPG
zoom_Hai.JPG
zoom_BuiKhanh.JPG
Zoom_Nhien.JPG
zoom_Squang.JPG
zoom_An.JPG
zoom_giaHoa.JPG
zoom_NgThuy.JPG
zoom_phepChin.JPG
zoom_Loc.JPG
zoom_danhvienNgt_2.JPG
zoom_tuTho.JPG
zoom_ThuyHue.JPG
zoom_tan.JPG
zoom_gam.JPG
zoom_NVTao.JPG
zoom_NTHue.JPG
zoom_unknowncouple.JPG
zoom_hanh_2.JPG
zoom_kQuang.JPG
zoom_HoangTran_allPics.png

Hàng 1: Hải, Trân, Đức, Phép, Diễm & Thầy Phạm Khắc Trí   Hàng 2: Thầy Dinh, Thầy Cô Bằng, Gấm, Trạng, Huệ Nguyễn

Hàng 3: Danh-Nguyệt-Viện, Thầy Khôn, Gia-Hoa, Khanh     Hàng 4: Huệ-Thúy, Nhiên, Thầy Thư, Thầy Hùng

Hàng 5: Thơ, ?-?, Kim Quang, Ngọc Thúy, Ẩn                     Hàng 6: Gấm, Trạng, Huệ, Danh-Viện, Thầy Khôn

Hàng 7: Gia-Hoa, Khanh, Huệ Phan-Hoàng Thúy                Hàng 8: Nhiên, thầy Thư, thầy Hùng, Thơ, ?-?

Hàng 9: K.Quang, Ng.Thúy, Ẩn, Hạnh, ?

           Diễm - Thầy Phạm Khắc Trí                            Thầy Lưu Khôn                          Thầy Cô Nguyễn Văn Bằng

zoom_thayQuan_2.JPG

Thầy Phan Thanh Thư,           Thầy Nguyễn Như Hùng,        Thầy Trần Văn Dinh,         Thầy Nguyễn Trung Quân

  Bùi Hữu Trạng                                Đỗ Chiêu Đức                        Hồ Phước Hải                   Bùi Lệ Khanh

Trần Quốc Nhiên            Tr.Văn Quang (Songquang)              Thái Ngọc Ẩn           Thầy Dương Văn Gia-Lương Liên Hoa

Phan Ngọc Thúy                    NgV.Phép-Trương T. Chính          Lâm Hữu Lộc           Danh-Ánh Nguyệt - Lê Hoàng Viện

Từ Thọ                    Hoàng Thúy- Phan T. Huệ                 Hoàng Tân                Ng.T. Gấm             NgV.Tạo

zoom_VLT_4_ok.JPG

Võ Lê Thơ               Ng.T. Huệ             (xin lỗi ảnh mờ khó nhận)   Ng.Công Hạnh          Ng.Kim Quang

Đồng Môn hỏi thăm nhau giữa mùa đại dịch

DƯƠNG HỒNG THỦY (Cần Thơ): 

Kính Gởi: - Quý Thầy Cô cựu gs PTG/ĐTĐ CT

              -  Quý vị niên trưởng, đồng môn và gia đình hải ngoại…

Trên khắp Hoa Kỳ, số người chết hàng ngày liên quan đến Covid-19 đã vượt qua 2.000 lần đầu tiên kể từ tháng Năm.

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, cả nước Mỹ  hiện có hơn 12 triệu ca nhiễm được xác nhận, với hơn 255.000 tử vong.

Đây là số người chết cao nhất trên thế giới.

Khoảng 187.000 ca nhiễm mới đã được ghi nhận trên toàn quốc theo số liệu mới nhất - được công bố thứ Sáu cho ngày hôm trước - đây là mức người bị nhiễm trong một ngày cao nhất của Mỹ từ trước đến giờ.

Một số tiểu bang đã áp đặt các quy định và hạn chế mới về đeo khẩu trang để tìm cách ngăn chặn sự gia tăng, và ở Texas, Lực lượng Vệ binh Quốc gia đang được triển khai đến thành phố El Paso để hỗ trợ hoạt động của các nhà xác ở đó…

Chúng tôi, hiện ở VN dù có bị ảnh hưởng nhưng vẫn còn khá hơn quý vị nhiều.

Chúng tôi, luôn cầu nguyện ơn trên độ trì cho quý vị ở hai bang Cali và Texas nói riêng và toàn cõi Hợp chủng quốc Hoa Kỳ nói chung - nơi có quý vị sinh sống và làm việc – luôn dồi dào sức khỏe và sinh hoạt vui vẻ bình thường…

Nay kính,

VTT – Cần Thơ.

(10/12/2020)

TRẦN BANG THẠCH (Houston, TX):

Kính huynh trưởng,

Cám ơn huynh trưởng. Trả lời ngay để huynh trưởng bớt lo: Có lẽ nhờ ơn ông PTG hay ông thần Tân An mà cho tới nay đại gia đình PTGĐTĐ và CT hải ngoại chưa nghe ai ra đi vì covid. Mong được hoài như vậy.

Huynh trưởng cũng nên giữ gìn sức khỏe nghe. 

Thân chúc bình an

TBT

ĐỖ CHIÊU ĐỨC (Houston, TX):

CẢM TẠ HỎI THĂM

 

Cám ơn niên trưởng thư thăm hỏi,

Cô-vít tuy hung cũng chẳng màng.

Tếch-xát đồng môn đều khỏe mạnh,

Ca-Li thân hữu thảy an khang.

Nhìn quanh chưa thấy ai than thở,

Điểm lại chẳng nghe tiếng thở than.

Đeo đẳng suốt năm... "đồ mắc dịch"!

Cầu mong tất cả thảy bình an!

 

                                 Đỗ Chiêu Đức

                                 12-09-2020

DƯƠNG HỒNG THỦY:

Cám ơn Ông Đồ

 

Tin tức giật gân nên hỏi thăm

Hóa ra cả thảy đều an khang

Cali,  Tếch-xát nhiều thân hữu

Cuộc sống bình yên quý tợ vàng.

Đây cũng an tâm mà vững bụng

Đó còn cố gắng để yên thân

Cầu trời thuốc chủng luôn mang lại

Hạnh phúc bạn xa lối xóm gần.

Dương hồng thủy

11/12/2020

LỜI CÁM ƠN của CGS/PTG LÊ THỊ YẾN

gởi đến các bạn đồng nghiệp và học trò - những người đã lo lắng cho thời gian nhiều tháng Cô không thể rời VN về Pháp do Corona virus

 

 

"TÔI XIN CÁM ƠN NHIỀU BẠN ĐỒNG NGHIỆP THÂN VÀ HỌC TRÒ THƯƠNG, ĐÃ GỞI TIN ÂU LO THĂM HỎI SỨC KHỎE TÔI TRONG THỜI GIAN TÔI CÒN Ở VN DO DỊCH COROVINA, DÙ ĐÃ 2 LẦN LÊN THÀNH PHỐ ĐỔI VÉ MÁY BAY, VẪN KHÔNG VỀ PHÁP ĐƯỢC. 

"RẤT TIẾC MÁY LAPTOP TÔI ĐEM ĐI, KHÔNG XỮ DỤNG ĐƯỢC, TÔI ĐỂ LẠI THÀNH PHỐ, CÒN TÔI Ở VĨNH LONG, DO ĐÓ KHÔNG NHẬN ĐƯỢC TIN TỨC.

"SAU CÙNG TÔI PHẢI ĐỔI HẢNG MÁY BAY, MUA VÉ VÀ HIỆN GIỜ ĐANG Ở PHÁP, SAU GẦN 10 THÁNG XA NHÀ.

            HÔM NAY TÔI CÓ THÌ GIỜ CHÚT ÍT,  MỞ LAPTOP XEM, VÀ RẤT CẢM ĐỘNG TRƯỚC SỰ ÂU LO CỦA NHỮNG NGƯỜI THÂN TÌNH, MỘT THỜI CÙNG CHUNG SỐNG DƯỚI MÁI TRƯỜNG PHAN THANH GIẢN - CẦN THƠ.

        MỘT LẤN NỮA, TÔI XIN CHÂN THÀNH CẢM ƠN TẤT CẢ NHỮNG TẤM LÒNG ƯU ÁI VÀ XIN GỞI LỜI KÍNH MẾN CHÚC SỨC KHỎE, BÌNH AN VÀ MAY MẮN ĐẾN CÁC BẠN ĐỒNG NGHIỆP VÀ CÁC EM HỌC TRÒ CŨ THÂN THƯƠNG. 

CÔ LTY.

______________________

HÌNH KỶ NIỆM

VỀ CHỊ CỐ ĐỒNG MÔN PTG.HUỲNH THỊ ANH

( 1947 - 17/8/2020 )

 

CẦN THƠ, THỨ TƯ, 19/8/2020

            KÍNH THƯA QUÝ THẦY CÔ, QUÝ ĐỒNG MÔN CỰU HỌC SINH PTG,ĐTĐ CẦN THƠ QUÝ MẾN, 

           HÔM NAY LÀ NGÀY THỨ TƯ, 19/8/2020 ( tức MÙNG 01/7, NĂM CANH TÝ ) ĐÚNG NGÀY DI QUAN VÀ HỎA TÁNG CỦA CỐ ĐỒNG MÔN THÂN THƯƠNG PTG.HUỲNH THỊ ANH, PHÁP DANH DIỆU LẠC, TRƯỞNG NỮ CỦA THẦY CÔ CỐ GS.SỬ ĐỊA PHÔ VĨNH ĐOÀN VĂN TRƯƠNG ( 1914 - 1993 ), TẠI NGHĨA TRANG SƠN TRANG TIÊN CẢNH. 

ĐỂ TƯỞNG NHỚ SÂU SẮC VÀ TIẾC THƯƠNG VÔ VÀN, HỌC TRÒ GIÀ PTG.HTT XIN TRÂN TRỌNG KÍNH GỞI ĐẾN QUÝ THÂY CÔ VÀ QUÝ ĐỒNG MÔN CƯU HỌC SINH PTG.ĐTĐ.CT, VÀI HÌNH ẢNH QUÝ BÁU CỦA CHỊ KIM ANH, LÚC CÒN TẠI THẾ, VỚI QUÝ VỊ CỰU GS.LÃO THÀNH PTG.ĐTĐ.CT NĂM XƯA, MÀ NGÀY NAY CÓ NHỮNG VỊ ÂN SƯ ĐÃ RA NGƯỜI THIÊN CỔ, VỚI CHÚ THÍCH NGẮN GỌN, NHƯ SAU :

 

HÌNH 1 : ( TẠI NHÀ GS.ĐOÀN VĂN TRƯƠNG, Ở BẾN TRE, TRƯỚC BÀN THỜ GIA TIÊN, TỪ TRÁI SANG ) : GS.HT.NGUYỄN TRUNG QUÂN, TRÒ PTG.QUÁCH THỊ TRANG, TRÒ PTG.KIM ANH ( ĐANG CUNG THỈNH HÌNH THÂN SINH ), GS.LÊ VĂN QUỚI VÀ HỌC TRÒ GIÀ PTG.HTT.

HÌNH 2 : TRÒ PTG.KIM ANH, TRÒ PTG.HTT ĐỨNG TRƯỚC NGÔI NHÀ CỔ XƯA CỦA GS.SỬ ĐỊA PHÔ VĨNH ĐOÀN VĂN TRƯƠNG.

HÌNH 3 : HÌNH CHÂN DUNG CỦA THẦY PHÔ VĨNH ĐOÀN VĂN TRƯƠNG, ĐỂ THỜ CÚNG, NƠI BÀN THỜ GIA TIÊN.

HÌNH 4 : ( NƠI RẠP HÁT HUỲNH LẠC, TRÒ PTG.QUỲNH LAN LÃNH THƯỞNG ƯU HẠNG, LỚP ĐỆ TỨ Y ( NIÊN KHÓA 1961 - 1962 ) : GS.PHÔ VĨNH ĐOÀN VĂN TRƯƠNG ( 1914 - 1993 ), HAI CON TRAI VÀ TRÒ PTG.ĐINH THỊ QUỲNH LAN ( 1947 - 1997 ).

HÌNH 5 : ( NƠI NHÀ HÀNG, Ở SAIGON, NGÀY 24/5/2008, TỪ TRÁI SANG ) : TRÒ PTG.KIM ANH ( tức NHUNG ), GS.HT.NGUYỄN TRUNG QUÂN, GS.LÊ ĐỨC CỬU ( SINH NGÀY 05/02/1937, ĐANG CƯ NGỤ, Ở SAIGON ), GS.VŨ ĐÌNH TRIỀU ( 1932 - 25/12/2011 ), GS.PHAN VĂN KHA ( 11/11/1933 - 23/11/2016 ), GS.LÊ MINH THUẬN ( MẤT NGÀY 02/9/2016, TẠI TƯ GIA CỦA CON GÁI, Ở PHÁP QUỐC, HƯỞNG THƯỢNG THỌ 83 TUỔI ), TRÒ PTG.QUÁCH THỊ TRANG VÀ HỌC TRÒ GIÀ PTG.HTTT ( ĐỨNG ).

 

TRÂN TRỌNG KÍNH CHÀO QUÝ THẦY CÔ, QUÝ ĐỒNG MÔN PTG.ĐTĐ.CẦN THƠ.

HỌC TRÒ GIÀ PTG.HTT.

HTT_A.GS.PHÔ VĨNH ĐOÀN VĂN TRƯƠNG ( 28-7
HTT_A.GS.PHÔ VĨNH ĐOÀN VĂN TRƯƠNG, BẾN T

HÌNH 3 : HÌNH CHÂN DUNG CỦA THẦY PHÔ VĨNH ĐOÀN VĂN TRƯƠNG, ĐỂ THỜ CÚNG, NƠI BÀN THỜ GIA TIÊN.

HÌNH 1 : ( TẠI NHÀ GS.ĐOÀN VĂN TRƯƠNG, Ở BẾN TRE, TRƯỚC BÀN THỜ GIA TIÊN, TỪ TRÁI SANG ) : GS.HT.NGUYỄN TRUNG QUÂN, TRÒ PTG.QUÁCH THỊ TRANG, TRÒ PTG.KIM ANH ( ĐANG CUNG THỈNH HÌNH THÂN SINH ), GS.LÊ VĂN QUỚI VÀ HỌC TRÒ GIÀ PTG.HTT.

HTT_A.PTG.HTT, chị KIM ANH, chị NHUNG, t

HÌNH 2 : TRÒ PTG.KIM ANH, TRÒ PTG.HTT ĐỨNG TRƯỚC NGÔI NHÀ CỔ XƯA CỦA GS.SỬ ĐỊA PHÔ VĨNH ĐOÀN VĂN TRƯƠNG.

HTT_A.GS.PHÔ VĨNH ĐOÀN VĂN TƯƠNG(1914-19

HÌNH 4 : ( NƠI RẠP HÁT HUỲNH LẠC, TRÒ PTG.QUỲNH LAN LÃNH THƯỞNG ƯU HẠNG, LỚP ĐỆ TỨ Y ( NIÊN KHÓA 1961 - 1962 ) : GS.PHÔ VĨNH ĐOÀN VĂN TRƯƠNG ( 1914 - 1993 ), HAI CON TRAI VÀ TRÒ PTG.ĐINH THỊ QUỲNH LAN ( 1947 - 1997 ).

HTT_A.GS.HT.NGUYỄN TRUNG QUÂN (5).jpg
HÌNH 5 : ( NƠI NHÀ HÀNG, Ở SAIGON, NGÀY 24/5/2008, TỪ TRÁI SANG ) : TRÒ PTG.KIM ANH ( tức NHUNG ), GS.HT.NGUYỄN TRUNG QUÂN, GS.LÊ ĐỨC CỬU ( SINH NGÀY 05/02/1937, ĐANG CƯ NGỤ, Ở SAIGON ), GS.VŨ ĐÌNH TRIỀU ( 1932 - 25/12/2011 ), GS.PHAN VĂN KHA ( 11/11/1933 - 23/11/2016 ), GS.LÊ MINH THUẬN ( MẤT NGÀY 02/9/2016, TẠI TƯ GIA CỦA CON GÁI, Ở PHÁP QUỐC, HƯỞNG THƯỢNG THỌ 83 TUỔI ), TRÒ PTG.QUÁCH THỊ TRANG VÀ HỌC TRÒ GIÀ PTG.HTTT ( ĐỨNG ).

ĐI THĂM THẦY PHÓ LỄ HÙNG

VỚI NHỮNG NGƯỜI BẠN MỚI TINH

QUỲNH NHƯ·THỨ SÁU, 24 THÁNG 7, 2020·

QN_GSPhoLeHung.JPG

Để tui kể bạn nghe nhe.

Câu chuyện bắt đầu như vầy: Đúng một tuần trước, khi vô FB thầy Phó Lễ Hùng, tình cờ thấy hình một nhóm "cụ học sinh" Đoàn Thị Điểm đi thăm Thầy. Nhóm thật vui, người nào cũng tươi tắn. Thầy thành gươm lạc giữa rừng hoa. Thầy cũng tươi rói, thấy Thầy cười suốt, tóc dài bay theo quạt (nguyên văn của bạn Hồng Nhung, vì thời gian cách ly Thầy chưa hớt tóc).

Tui tò mò kéo xuống đọc còm. Đây thường là phần thú vị nhứt.

Bắt đầu là bạn Trương Thị Nga: "Mấy con bạn mập này có vẻ chèn ép Thầy tui!".

Hồng Nhung: “Hổng có à nha, đồ cổ dễ vỡ, động mạnh còn không dám, làm sao dám chèn ép? Mấy tháng trước có nghe Lệ Hoa với Quỳnh Như em thầy Duệ ghé thăm Thầy".

Thế là tui vô còm làm quen, rồi kết bạn với mấy bản, đùng cái tuần này Hồng Nhung đi SG tái khám định kỳ, bèn hê lên rủ tui, Ngọc Mai (cùng ở quận 7 gần nhà Thầy) và Thu Hồng (bạn cũ học chung lớp C với tui, cũng ở gần Thầy). Ngó bộ thiên thời địa lợi nhơn hòa (ông xã không đang bịnh, tui cũng tàm tạm bèn lập tức ké theo liền. Thế là hôm qua thứ Năm 24/07/2020 bốn cô nương Hồng Nhung, Ngọc Mai, Thu Hồng, Quỳnh Như lên đường!

QN_ThayPLHThuLieuThuHongLeHoaQNchieumong
QN_ThayPLH_4students.jpg

Hình 1: 4 học trò thăm Thầy Phó Lễ Hùng 24/7/2020: từ trái: Quỳnh Như, Ngọc Mai, Thu Hồng, Hồng Nhung

Hình 2: 4 học trò thăm Thầy Phó lễ Hùng, mùng 4 tết: Thu Liễu, Thu Hồng, Lệ Hoa & Quỳnh Như

Một buổi đi thăm Thầy cũ thật vui và cảm động! Nếu nhóm Lệ Hoa Thu Liễu có hai đứa làm hoạt náo viên xuyên suốt thì nhóm mới toanh này có Hồng Nhung khuấy đục nước, Phi Thoàn, Thanh Việt, Xuân Phát đi chơi!

Rất mừng là Thầy tương đối khỏe. Và Thầy rất vui, Thầy cười suốt. Trước khi đi, tui nhắn Thầy: "Thầy ơi Thầy hớt tóc chưa em đem kéo theo hớt tóc cho Thầy, mấy chục năm nay em toàn hớt tóc cho cha con nó, bảo đảm đẹp không sợ giống cá rô rỉa!". Nhưng Thầy nói Thầy hớt tóc rồi - thế là Thầy lại đẹp trai!

Theo đúng chương trình là ghé Thầy khoảng 10g, 11g mời Thầy ăn trưa cùng cả nhóm. Trước đó tui và Hồng Nhung đã nhắn nhe nhau qua phây:

QN: "Nói trước tui mời cơm Thầy và mấy bồ".

HN: "Hông, tui mời, tui đãi mừng bạn mới".

QN: "Hôi, tui ở SG tui là chủ tui mời khách. Bồ lần sau đi".

HN: "Thôi gặp nhau oẳn tù tì, đứa nào thắng được mời!".

Tui ừa mà nghi nghi con nhỏ này coi chừng nó ăn gian cố tình ra chậm, đưa cây búa ra đập kéo tui!

Rốt cuộc bị con nhỏ Thu Hồng hớt tay trên: thương quá từ sớm nó đã âm thầm lụi cụi đi chợ nấu nướng đổ mồ hôi hột, tới khi nói chuyện gần trưa sắp mời Thầy đi dùng cơm nó mới đủng đỉnh nói có nấu nồi bánh canh tôm nước dừa, mời Thầy và mấy bạn tới nhà ăn! Sao có thể phụ lòng bạn mình! (Con nhỏ này huy hỉm thiệt, nó làm tui và Hồng Nhung mất dịp oẳn tù tì!).

Nhà Thu Hồng thật đẹp và hiện đại, đúng là gia đình xây dựng có khác, sáng sủa và thoáng đãng nhờ courant d'air thổi mát rượi từ sân trước ra sân sau. Món bánh canh tuyệt vời lâu lắm mới được ăn, được nêm nếm đúng khẩu vị người Cần Thơ. Chả cá thác lác trong trong và tôm tươi hồng hồng hòa quyện với nước cốt dừa sánh đặc béo béo ngọt ngọt và sợi bánh canh thanh tao mềm mại (nó có lòng để ý nấu món mềm cho Thầy dễ ăn, còn chu đáo cắt chả cá mỏng nhỏ riêng chén Thầy !). Ly nước đậu biếc long lanh, dĩa bánh da lợn ngọt béo, sầu riêng chín cây ngọt lự, và hai dĩa ú ụ trái cherry đỏ thẫm chua ngọt chấm muối ớt thiệt hấp dẫn (khai thiệt xấu hổ mới được ăn cherry lần đầu!). No bể bụng.

Thầy vui nên tụi nó rủ đi café tăng hai Thầy gật liền. Đó là một quán cà phê sân vườn nho nhỏ dễ thương có cây đào tiên trái trĩu trịt thật lạ mắt. Mấy Thầy trò thôi thì nói đủ chuyện trên đời, từ các Thầy Cô giờ ra sao, chuyện dạy học xưa, chuyện học trò quỷ quái chọc phá thầy, rồi học trò nào dám... thương thầy, nhắc chuyện anh Duệ tôi nghiêm khắc ra sao, cả chuyện đứa ác độc trét mắt mèo vào ghế thầy Tước...

Thầy Hùng hỏi: "Em thích Hoàng Oanh hát bài 'Những ngày thơ mộng' không Như?" - "Trời Thầy ơi em replay bài này nghe cả buổi luôn không chán đó Thầy, nghe lần nào cũng muốn khóc. Mà độc nhứt chỉ có Hoàng Oanh mới trị được bài này hen Thầy!".
Trời thương Thầy trò chúng tôi buổi trưa trời mát rượi, ngồi dưới tán cây nhãn trái sai vàng ươm từng chùm to lắc lĩu, câu chuyện cứ vậy kéo dài không muốn dứt... Một em cún vàng chạy lăng xăng thân thiện và một em miu mướp vừa kêu meo ơi là chạy lại cho vuốt, cưng gì đâu!

Trời mưa rớt hột, đứa nào nói thôi đưa Thầy về nhà cho Thầy nghỉ ngơi. Mấy Thầy trò chia tay bịn rịn... Ngọc Mai chưa cho tui về, kéo lại nhà tám một tăng nữa. Nhà Ngọc Mai cũng thật đẹp, sân trước sân sau thật lý tưởng. Mặt tiền là trung tâm sinh ngữ của con gái Ngọc Mai một giáo viên dạy tiếng Anh trẻ măng xinh xắn. Nếu ở gần chắc tui sẽ tới xin học quá Ngọc Mai ơi. Tui thích học gì đâu. Biển học mênh mông, never too old to learn phải không bồ!

Được ăn, được nói, được gói mang về: Ngọc Mai chia cho hũ dưa mắm quê và Hồng Nhung cho mười cục vàng là mười cái bánh lá dừa thần thánh ăn ngon tới ve vẫy lỗ tai luôn.

4g chiều mới về tới nhà, chân thấp chân cao lắc lư con tàu. Mắc cỡ quá bạn ơi, chỉ ngồi không, nói chuyện gẫu và có xe đưa đón tận nhà mà về cạo gió bầm đen, mắt đỏ ngầu hỏa nhãn kim tinh, và hai chân tưởng như có một trăm con quỷ nhỏ nó xúm lại nó cắn!

Cảm ơn Thầy Phó Lễ Hùng đã tương đối khỏe và vui thiệt vui cho tụi em được thăm Thầy khá lâu, vừa về nhà còn gởi liền cho em clip “Chân lý và Năng lượng - Nhận ra tâm nguồn, và clip Nhạc Thiền êm dịu nghe dễ ngủ.

Cảm ơn hai bạn mới Hồng Nhung, Ngọc Mai cứ nói hôm nay gặp Quỳnh Như vui quá. Ừa tui gặp hai bồ tui cũng cảm động lắm vì cái tình mới tinh mà như bắt rễ đã lâu.

Cảm ơn Thu Hồng đã chịu cực đi chợ nấu nướng từ sớm đãi Thầy trò một bữa “quành cháng”. Cảm ơn anh Hùng ông xã Thu Hồng chụp cho tụi em những tấm hình đẹp và quý giá.

Tui trở về cái hộp quẹt của tui, không để ý sự tăm tối ngột ngạt của nó, mà tự nhiên thấy trong lòng vô cùng ấm áp, lâu lâu lại cười tủm tỉm một mình nhớ câu nói “ế bền vững” của nhỏ Hồng Nhung và nụ cười có duyên của nó. Ờ, còn nhớ mấy ly nụ vối thơm phứt lá dứa của Ngọc Mai nữa, ngon thiệt là ngon!

Long thể bất an nên tối qua ngủ sớm (11g - vậy là sớm đối với tui). Ít đi đâu chơi cũng không đủ sức khỏe để hội họp đồng môn, nên hễ có dịp tháo cũi sổ lồng là nhiều hình ảnh và nhiều câu chuyện thú vị cứ đan xen xuất hiện trước mắt như những thước phim dài không chịu dứt. 1g khuya phải bò ra uống viên thuốc ngủ, chớ điệu này chắc nằm chong mắt tới sáng.

Thầy ơi, mong Thầy khỏe để tụi em còn có nhiều dịp đi thăm Thầy lâu lâu nghe Thầy.
Tối nay tui với mấy bồ sẽ có nhiều mộng đẹp, nhen mấy bồ HN, NM, TH!


SG, 24/07/2020
Trần Cẩm Quỳnh-Như

VĨNH BIỆT GS NGUYỄN TRƯỜNG HẢI

GSBguyenTruongHai.jpg

GS Trầm Vân Võ Văn Vạn, GS Phạm Khắc Trí, GS Nguyễn Như Hùng, Học Trò Già HTT, GS Nguyễn Trung Quân, Học trò Nguyễn Công Danh

GS TRẦM VÂN VÕ VĂN VẠN:

TV_Thương Tiếc Gs. Nguyễn Trường Hải.jpg

GS PHẠM KHẮC TRÍ:

Hải không chỉ là một người bạn đồng nghiệp mà còn như là một người em đối với tôi. Lần chót gặp nhau cách đây mấy năm anh Quân từ Cali về tổ chức họp mặt ở Cần Thơ, Hải đã từ Hà Nội bay về.  Không dè lại là lần chót anh em gặp nhau.  Chân thành chia buồn cùng tang quyến và các anh chị trong đại gia đình Phan Thanh Giản. Thương nhau lắm. PKT 06/13/2020

PKT_GSQuanhaiKhangPKTQuoiNghiep_20171119

Ảnh kỷ niệm (GS Phạm Khắc Trí):

Hội ngộ tại Cần Thơ trung tuần tháng 11/2017: Từ trái: GS Nguyễn Trung Quân, Phu nhân GS Nguyễn Văn Nghiêm, GS Phạm Khắc Trí, GS Nguyễn Trường Hải, GS Đinh Trọng Kháng, GS Lê Văn Quới, GS Lê Phước Nghiệp

GS NGUYỄN NHƯ HÙNG: 

Tìm lại hình xưa để tưởng nhớ Gs Nguyễn Trường Hải:

Hình 1 : Gs NTHải và cô Phạm Thị Hồng.( đã ra đi gần hết, chỉ còn 2 ngoe)

Hình 2 : GS NTHải và đồng nghiệp tại đại hội PTGDTD Houston (đã ra đi quá nửa, 4/7)

NNH_ThayTriHaicoHong_IMG_0833e.jpg
NNH_GStaiDHHouston2007_DHHuostona.jpg

Ảnh 1: Chụp tại Santa Clara (CA) nhà CVA/ĐHSP GS Nguyễn Vũ Hải nhân Hải & Hồng về San Jose dự ĐH III PTGĐTĐ năm 1999. Từ trái: GS Mai Đức Trí (mất), GS Nguyễn Như Hùng, GS Phạm Thư (mất), GS Ng Vũ Hải, GS Nguyễn Trường Hải (mất) & Cô Phạm Thị Hồng (mất). 4 người đã ra đi!

Ảnh 2: Tại ĐH 2007 Houston: Từ trái: GS Hà Ngọc Quang (mất), GS Nguyễn Trung Quân (Santa Ana, CA), GS Nguyễn Trường Hải (mất Jun.9, 2020), GS Nguyễn Như Hùng (Santa Clara, CA), GS Nguyễn Đình Sữu (mất), GS Phan Thanh Thư (Silverspring, MD), GS Trần Đức Thắng (mất)

HỌC TRÒ GIÀ HTT:

VỚI TƯ CÁCH CỰU HỌC SINH PHAN THANH GIẢN CẦN THƠ, HỌC TRÒ GIÀ PTG.HỒ TRUNG THÀNH TRÂN TRỌNG THÀNH KÍNH PHÂN ƯU CÙNG TANG QUYẾN ; CHÂN THÀNH CẦU NGUYỆN HƯƠNG HỒN THẦY NGUYỄN TRƯỜNG HẢI SỚM SIÊU THĂNG CÕI VĨNH HẰNG VÔ ƯU.

           HỌC TRÒ GIÀ PTG.HỒ TRUNG THÀNH, Ở QUÊ NHÀ CẦN THƠ.

 

           TB : PTG.HTT XIN GỞI MỘT HÌNH CŨ, VỚI CHÚ THÍCH, NHƯ SAU :

           HÌNH CŨ ( Ở NHÀ HÀNG NINH KIỀU, Ở TP.CẦN THƠ, TỪ TRÁI SANG ) : HỌC TRÒ GIÀ PTG.HTT, THẦY CÔ GS.TS.NGUYỄN TRƯỜNG HẢI, TRÒ PTG.DS.NGUYỄN THỚI ĐÔNG ( 1945 - 2016 ). NHƯ VẬY, HÌNH NẦY CÓ 4 NGƯỜI, MÀ HIỆN NAY ĐÃ MẤT 3, NÊN HỌC TRÒ GIÀ CŨNG HƠI " LẠNH CẲNG ", " ỚN DA GÀ " VÌ SẮP GẦN MIỀN ĐẤT HỨA RỒI !

HTT_PTG.HTT, THẦY CÔ GS.NGUYỄN TRƯỜNG HẢ

Ảnh dưới:

VÀO NGÀY 04/11/2007, THẦY CÔ GS.TS.NGUYỄN TRƯỜNG HẢI CÓ VỀ THÀNH PHỐ CẦN THƠ, NƠI CÓ NGÔI TRƯỜNG TRUNG HỌC PHAN THANH GIẢN CẦN THƠ CỔ TÍCH, THÂN THƯƠNG. NHÂN DỊP NẦY, THẦY CÔ TỔ CHỨC BUỔI HỌP MẶT THÂN MẬT CỦA THẦY TRÒ CỰU HỌC SINH PTG.CT., TẠI NHÀ HÀNG NINH KIỀU, TP.CẦN THƠ.

            HỌC TRÒ GIÀ PTG.HTT CÓ LƯU VÀI HÌNH ẢNH KỶ NIỆM THÂN THƯƠNG CỦA THẦY CÔ GS.TS.NGUYỄN TRƯỜNG HẢI, TRONG DỊP CHUNG VUI NÀY, VÀO NGÀY 04/11/2007.

           TRÂN TRỌNG KÍNH CHÀO.

           HỌC TRÒ GIÀ PTG.HTT.

HTT_ac.THẦY CÔ GS.NGUYỄN TRƯƠNG HẢI VÀ P
HTT_thayCoHai_DSC07919.jpg
HTT_ac.THẦY CÔ GS.NGUYỄN TRƯỜNG HẢI+CÔ C
HTT_GS.NGUYỄN TRƯỜNG HẢI, GS.LÊ ĐỨC CỬU,

Thầy Hải, Cô Cam Thảo, HTT, ?                    Thầy Hải, Thầy Lê Đức Cửu & HTT

GS NGUYỄN TRUNG QUÂN:

Anh Trí, Anh Hùng, Em Danh thân mến,


      Tôi rất xúc động nhận được email của Anh Trí, những hình ảnh kỷ niệm của Anh Hùng và tin tức về những ngày tháng gần đây của Anh Hải do thân hữu CVA 59 của Anh Hải gởi Danh. Như vậy Hải đậu Tú tài 2 cùng năm với tôi, Hải CVA - tôi P. KÝ. Anh Hải về PTG năm 1964, lúc đó tôi là giám học. Thân nhau hơn từ lúc Hải cưới cô Hồng em của GS Phạm Hoàng Hộ, chị Hồng là bạn cùng lớp với tôi, lúc kết hôn với anh Hải chị đang làm việc tại trường PTG.


        Những năm đầu lưu lạc xứ người gia đình Hải định cư tại New Jersey. Anh kế cô Hồng là Bs Phạm Văn Hoàng có phòng khám bệnh tại Orange County California, gần chỗ tôi định cư sau khi vượt biên đến Mỹ giữa năm 1979, nên lần nào về thăm Nam Cali Hải Hồng và tôi thường gặp nhau. Năm1998 Toronto tổ chức ĐH II PTG-ĐTĐ, tôi ghé Delaware rủ bạn là Nguyễn Cao Đãm và qua New Jersey rủ Hải-Hồng cùng đi dự Đại Hội. Hải lái xe chở Hồng và tôi xuyên bang New York qua Toronto-Canada. Sau khi chị Hồng mất, một lần tôi có việc đi New Jersey, gọi Hải rước và xin ở đậu thì Hải đã bán nhà lớn và mua một nhà mới 2 phòng ngủ. Biết tôi ăn chay, Hải bảo đã có chuẩn bị rồi, tôi ngạc nhiên thì Hải bảo cô Thảo làm dùm. Trong khi ở nhà Hải, anh có đưa tôi đi thăm Mai Đức Trí ở New York. Anh Mai Đức Trí mất vài năm sau đó. Khi Hải và Thảo chuyển về Nam Cali có nhà cách Little Saigon khoản 30 dặm thì cả hai thường ghé thăm vợ chồng tôi, nhất là trước những lần họ về VN để Hải dạy giúp cho các Đại học mỗi năm một hai kỳ, mỗi kỳ 3 tháng. Khoản trước tháng 9-2015 (?) hai người có đến thăm chúng tôi, cho hay sẽ về VN để Hải dạy như thường lệ, nhưng sau đó gần cả năm không thấy liên lạc lại mặc dù tôi có điện thoại nhiều lần. Sau cùng tôi phải nhờ chị Phan Thoại Cúc giúp vì con gái của cô Thảo làm việc với chị Cúc. Tôi hoàn toàn kinh ngạc khi biết được là cô Thảo mất đột ngột năm ngày sau khi đến thăm tôi, không có đi VN lần đó! Gặp nhau tôi trách Hải, anh bảo việc xảy ra bất ngờ và buồn quá, vả lại Hải và Thảo có ý định lúc mất phải giản dị, không làm phiền ai. Tôi nghĩ đó là ý định sẵn của Hải nên từ cuối năm 2018 cho đến gần cuối năm 2019 tôi có điện thoại và có khi gửi thiệp mời tham dự họp mặt mà không thấy Hải trả lời. Nay nghe bạn đồng khoá của anh Hải email cho em Danh mới biết sự tình. Tôi chỉ tiếc nếu mình tích cực tìm hiểu hơn trước lúc bị cấm túc vì Cô Vi thì ít nhất cũng có thể thăm bạn trước khi Anh ra đi. Từ lúc di chuyển về Cali Anh Hải và Cô Thảo vẫn thường tham dự vào các sinh hoạt của PTG-ĐTĐ, họ mất đi là một thiệt thòi cho Hội (một cựu Giáo sư, một cựu học sinh PTG mà).

 

        Tôi buồn nhiều vì mất hai người bạn thân trong vòng 20 ngày: Cao Thanh Tùng vào hạ tuần tháng 5 và Nguyễn Trường Hải vào thượng tuần tháng 6-2020. Xin tiếc thương và cầu nguyện cho Bạn với tấm lòng thành.

 

        Chân tình chia sẽ cùng Anh Chị Em Cựu PTG khắp nơi!

        ntq  

HỌC TRÒ NGUYỄN CÔNG DANH:

Tôi học toán với Thầy Nguyễn Trường Hải (Lớp Đệ Nhất A2 nk 64-65). Đó là năm đầu tiên thầy về PTG. Lúc đó nghe nói Thầy cũng đang dạy ở Trường Kỹ Thuật Phú Thọ. Đối với học trò trường tỉnh lúc bấy giờ thì Sinh viên Phú Thọ là nhứt rồi, mà thầy Hải còn là GS Phú Thọ đẹp trai, học giỏi...thì đáng ngưỡng mộ biết chừng nào! Còn nhớ Thầy tự lái xe nhà xuống CT dạy 2 ngày rồi lái về SG. Dáng Thầy hơi cao, ốm, nước da ngâm, ít nói, nhưng rất thân tình với học trò, luôn cười mĩm. Cuối năm đó tôi không gặp lại Thầy cho mãi tới lúc tôi đang học năm cuối ở ĐHSP: Trưa hôm đó, như thường lệ, tôi qua khung viên ĐHKH (kế ĐHSP), ghé quán cơm bình dân ăn trưa thì gặp Thầy! Khỏi nói hôm đó thầy trò chúng tôi thật là vui. Từ đó, sau cuộc bể dâu 1975, thầy trò gặp lại lần đầu tại ĐH II Toronto 1998 và tiếp theo tại các ĐH 1999 (San Jose), 2005 (Atlanta), 2007 (Houston), 2012 (Boston). Tại HĐ 2007, Đêm Tiền Hội Thầy Hải và cô Cam Thảo còn đãi mỗi GS tham dự chén yến nóng hỗi do chính cô Cam Thảo nấu tại chỗ. Yến thầy cô vừa mua về từ nguyên gốc Nha Trang. Thầy Hải còn là nhà Mạnh Thường Quân của các ĐH. Gương hiếu học của Thầy (đậu cao học khoa học sau 5 năm rời trường CVA 1959, Ph.D in computer Science sau khi đến USA 1975) cùng sự thành đạt về học vấn của cả 4 con của Thầy & Cô Hồng (2 có học vị Tiến Sĩ, 2 là bác sĩ y khoa) cũng là tấm gương hiếu học và là 1 hãnh diện cho dân Cần Thơ.

Theo tin từ các đồng môn CVA59 thì hơn 1 năm trước thầy Hải bị ung thư ruột và phải vào hospice ở Costa Mesa, CA. Tại đây Thầy đã âm thầm ra đi ngày 9 tháng 6 năm 2020 tại Nam Cali. Những ngày cuối tại hospice, theo tin từ các bạn thì Thầy Hải rất tỉnh táo, Thầy không muốn làm những bạn bè thân quen phải quan tâm nhiều nên muốn thân nhân hoàn tất tang lễ 1 ngày sau khi mất.

Giờ đây vắn tắt ghi lại mấy dòng về Người Thầy thân yêu, đáng kính, đáng hãnh diện thật sự là không nói hết được tâm trạng đau buồn của 1 môn sinh biết chắc từ nay đã xa Thầy vĩnh viễn trên thế giới nầy!

 

Thầy an nghỉ trên vùng trời an bình vĩnh cửu, Thầy nhé! Xin vĩnh biệt Thầy.

GSNGuyenTruongHai_DH2007.jpg

Thầy Nguyễn Trường Hải tại ĐH XII, Houston May 2007

Từ trái: Nguyệt, Nữ, Viện, Danh, Thầy Hải, Phép

TL_FloatingLotus.gif

   HỌC TRÒ XIN TIỄN ĐƯA HƯƠNG LINH THẦY VỀ CÕI PHÚC  

                        CUỘC HỌP MẶT ĐẶC BIỆT

CỦA 4 CỰU HỌC SINH PTG.CẦN THƠ

 

CẦN THƠ, THỨ HAI, 23/3/2020

           KÍNH THƯA QUÝ THẦY CÔ, QUÝ ĐỒNG MÔN, CỰU HỌC SINH PTG.ĐTĐ. CẦN THƠ,

           SÁNG NAY, THỨ HAI, 23/3/2020, LÚC 8 GIỜ, TẠI QUÁN CÀ PHÊ CÂY SUNG, THEO LỜI MỜI CỦA PTG.HTT, CÓ CUỘC MẶT KHOÁNG ĐẠI ĐẶC BIỆT CỦA 4 CỰU HỌC SINH PHAN THANH GIẢN CẦN THƠ, GỒM 4 TAY LIỆT LÃO, TẠM GỌI CHO CÓ KHÍ THẾ, LÀ BỐN TỨ QUÝ, BỐN QUÁI KIỆT CỦA THỜI LÀM BÁO GIAI PHẨM XUÂN CỦA TRƯỜNG HỌC TRUNG HỌC PTG.ĐTĐ CẦN THƠ : PTG.MẠCH KỲ CHÂU ( TỨC CHÂU GIÀ ), PTG.VÕ VĂN SÁU ( TỨC QUYÊN CA ), PTG.VƯƠNG CAO BIỀN ( TỨC NGƯỜI KINH KHA ) VÀ PTG.HỒ TRUNG THÀNH ( TỨC HỌC TRÒ GIÀ ). THẬT SỰ, PTG.HTT CÓ MỜI ANH BẠN GIÀ NGỌC BÍCH NỮA, CHO ĐỦ BỘ NGŨ QUỈ PHÁ CHÙA QUỐC DOANH, NHƯNG VÌ KHÔNG GIAN CÁCH TRỞ VÀ CŨNG VÌ BỊ CÁCH LY, DO DỊCH CÚM CORONAVIRUS, NÊN BẠN HIỀN TÀI HOA KHÔN THỂ CỬ BỘ, CẤT BƯỚC MÀ ĐÀNH LÒNG, BÓP BỤNG, HẸN ƯỚC MỘT DỊP KHÁC !

             TRONG DỊP HỘI NGỘ HIẾM CÓ NHƯ NẮNG HẠN GẶP MƯA... DẦM, BỐN LIỆT LÃO MẶC SỨC TRỔ TÀI TRÚT BẦU TÂM SỰ VỐN BỊ Ứ ĐỌNG TRONG BẤY LÂU NAY VỀ CÁC VẤN ĐỀ, CÁC THỨ, CÁC CÁI, ... TA ... LA, TA ... LA ... ĐỦ CẢ CHUYỆN BAO ĐỒNG THẾ GIÁI 5 CHÂU, 4 BIỂN, ĐẠI SỰ...  KỂ CẢ ĐẾN CHUYỆN NHỎ XÍU, TÍ HON NHƯ CON CORONA CHINA, ... MÀ " 4 TAY HẢO HÁN LIỆT LÃO ", VẪN CHƯA HẾT CHUYỆN... LÒNG THÒNG, NÓI DÀI VÒNG ... ĐÀNH PHẢI BẮT BUỘC, GẠT NƯỚC MẮT ĐẦM ĐÌA, CHIA TAY, CHIA CHƯN, TRONG CẢM ĐỘNG... ĐẬY, ĐỂ DÌA NHÀ UỐNG ĐỢT MỘT TRONG BA CỬ THUỐC, TRONG NGÀY, THEO TOA BÁC SĨ !

            TIẾP THEO ĐÂY, HỌC TRÒ GIÀ TRÂN TRỌNG KÍNH MỜI QUÝ THẦY CÔ, QUÝ ĐỒNG MÔN VÀ QUÝ BẠN THÂN TÌNH VUI LÒNG XEM VÀI HÌNH ẢNH CỦA 4 CỰU HỌC SINH PTG.CẦN THƠ, TỨC 4 TỨ QUÁI, CÙNG XUẤT HIỆN, MỘT LÚC, TẠI QUÁN CÀ PHÊ CÂY SUNG, VÀO SÁNG THỨ HAI, 23/3/2020, MÀ HỒI XƯA, ĐÃ MỘT THỜI ĐAM MÊ, CÙNG LÀM BÁO GIAI PHẨM XUÂN PHAN THANH GIẢN & ĐOÀN THỊ ĐIỂM CẦN THƠ, ĐỂ LÀM CHỨNG LIỆU, VỚI CHÚ THÍCH NGẮN GỌN, NHƯ SAU : 

 

            TRÂN TRỌNG KÍNH CHÀO.

            HỌC TRÒ GIÀ PTG.HTT. 

HTT_QUYÊN CA, CHÂU GIÀ, HỌC TRÒ GIÀ, NGƯ

Từ trái: Quyên Ca, Châu Già, Học Trò Già, Người Kinh Kha (GS/PTG Vương Cao Biền)

HTT_SÁU, CHÂU, TẠI CÀ PHÊ CÂY SUNG, THỨ

Quyên Ca Võ Văn Sáu & Châu Già Mạch Kỳ Châu

HỌP MẶT CỰU ĐỒNG MÔN PTG.ĐTĐ CẦN THƠ

NGÀY CHỦ NHỰT, 12-01-2020

 TẠI NHÀ HÀNG LÚA NẾP

CẦN THƠ, THỨ HAI, 13/01/2020

             KÍNH THƯA QUÝ THẦY CÔ, QUÝ ĐỒNG MÔN, CỰU HỌC SINH PTG,ĐTĐ.CẦN THƠ, 

            HÔM QUA, NGÀY CHỦ NHỰT, 12/01/2020, LÀ NGÀY HỌP MẶT CHUNG VUI ĐẶC BIỆT CỦA 25 CỰU HỌC SINH PHAN THANH GIẢN & ĐOÀN THỊ ĐIỂM CẦN THƠ, TẠI NHÀ HÀNG LÚA NẾP, NƠI THÀNH PHỐ CẦN THƠ, KHAI MẠC LÚC 10 GIỜ, KẾT THÚC LÚC GẦN 13 GIỜ CÙNG NGÀY, DO HAI BẠN GIÀ ĐỒNG MÔN PTG.VÕ TRUNG LIỆT VÀ PTG.NGUYỄN THƠ CƯU ĐỨNG RA TỔ CHỨC, VỚI SỰ TÀI TRỢ CỦA BẠN HIỀN ĐỒNG MÔN PTG.CẨN, HIỆN ĐỊNH CƯ, Ở TẬN MỸ QUỐC XA XÔI.

            HỌC TRÒ GIÀ PTG.HTT XIN NHẮC LẠI, NĂM NGOÁI, CŨNG ĐÚNG VÀO NGÀY CHỦ NHỰT, 12-01-2019, ĐÚNG NƠI CHỐN NẦY, CŨNG CÓ CUỘC " HỌP MẶT KHOÁNG ĐẠI " CỦA CỰU HỌC SINH ĐỒNG MÔN PTG.ĐTĐ.CẦN THƠ, ĐỂ CHUNG NIỀM VUI LIÊN HOAN TẤT NIÊN, VỚI SỰ HIỆN DIỆN CỦA TRÊN 20 THÀNH VIÊN NAM, NỮ THAM DỰ, MÀ ĐA SỐ TUỔI ĐỜI ĐỀU TRÊN " 7 BÓ " !

            TIẾP THEO ĐÂY, HỌC TRÒ GIÀ PTG, HÁT TÊ TÊ XIN LIỆT KÊ DANH SÁCH 25 TRÒ CỰU HỌC SINH PTG.ĐTĐ CẦN THƠ HIỆN DIỆN TRONG NGÀY HỌP MẶT " ĐẠI HỘI " CHUNG VUI TẤT NIÊN, CHỦ NHỰT 12/01/2020, NƠI NHÀ HÀNG LÚA NẾP, NHƯ SAU :

 

DANH SÁCH 25 TRÒ CỰU HỌC SINH PTG.ĐTĐ.CẦN THƠ HỌP MẶT NGÀY CHỦ NHỰT, 12-01-2020, TẠI NHÀ HÀNG LÚA NẾP, TP.CẦN THƠ.

 

1 ) TRÒ DIỆP KIM LANG, SINH 1944, ĐT : 0385.535.163

2 ) CHỊ HOÀNG THỊ NGỌC DIỆP ( PHU NHÂN CỦA TRÒ NGUYỄN VĂN TẠO ( 1945 - 2010 ). ĐT : 0913.974.137

3 ) TRÒ HUỲNH THỊ MỸ NHUNG ( tức KIM ANH, ái nữ của CỐ GS,PHÔ VĨNH ĐOÀN VĂN TRƯƠNG ( 1914 - 1993 ). ĐT : 0939.086.623

4 ) TRÒ NGUYỄN THỊ KIM XOA, SINH 1944. ĐT : 02923.832.324

5 ) TRÒ LÊ KIM LỆ, SINH 1946. ĐT : 02923.817.063

6 ) TRÒ ĐẶNG KIM CHI, SINH 1943. ĐT : 0986.329.297

7 ) TRÒ TRƯƠNG THUẦN PHONG, SINH 1943. ĐT : 763.929

8 ) TRÒ LÊ VĂN HAI, SINH 1944. ĐT : 0947.978.139

9 ) TRÒ ĐỖ PHÁT TÀI, SINH 1946. ĐT : 0939.181.454

10 ) TRÒ ĐẶNG KHẢI TƯỜNG, SINH 1943. ĐT : 0907.262.784

11 ) TRÒ VÕ VĂN BÁ, SINH 1942. ĐT : 0939.087.782

12 ) TRÒ TIÊU THANH TÒNG ( TÙNG ), SINH 1945. ĐT : 0903.454.584

13 ) TRÒ NGUYỄN THÀNH KHIẾT, SINH 1945. ĐT : 0949.333.747

14 ) TRÒ BÙI CHẤN CHỈNH, SINH 1942. ĐT : 0944.232.389

15 ) TRÒ CHÂU HỮU PHƯỚC, SINH 1945. ĐT : 0915.617.240

16 ) TRÒ NGUYỄN NGỌC SUNG, SINH 1943

17 ) TRÒ LÊ ĐÌNH PHƯƠNG, SINH 1945. ĐT : 0918.494.783

18 ) TRÒ LƯU TRÍ LỄ, SINH 1944

19 ) TRÒ PHAN VŨ ĐIỆN ( ĐỊNH CƯ USA ), SINH 1942. ĐT : 408.668.4928

20 ) TRÒ TRỊNH VĂN HỘI ( tự HỢI, ĐỊNH CƯ USA ), SINH 1945. ĐT : 0939.981.790

21 ) TRÒ NGUYỄN THƠ CƯU ( tức TRƯỜNG ), SINH 1943. ĐT : 0939.045.266

22 ) TRÒ VÕ TRUNG LIỆT, SINH 1944. ĐT : 84907.838.823

23 ) TRÒ HỒ TRUNG HIỂN, SINH 1954. ĐT : 84909.101.230

24 ) TRÒ BA THỚI, SINH 1943

25 ) TRÒ HỒ TRUNG THÀNH, SINH 1944. ĐT : 0918.256.803

 

             CUỘC HỌP MẶT NĂM NAY CÓ THÊM VÀI TRÒ MỚI, NHỨT LÀ CÁC TRÒ NỮ ( NĂM NGOÁI, CHỈ CÓ 1 TRÒ NỮ LÀ TRÒ PTG.DIỆP KIM LANG, SINH NĂM 1944 ) ; ĐỒNG THỜI, CŨNG VẮNG MẶT VÀI TRÒ CŨ, DÙ CÓ RỦ ĐẦY ĐỦ, KHỐNG BIẾT TẠI SAO ( ! ), CÓ LẺ BỊ " Ể MÌNH " ĐÚNG NGÀY HỌP MẶT ! CÓ ĐIỀU ĐÁNG KHEN NGỢI BAN TỔ CHỨC RẤT CHU ĐÁO, TẾ NHỊ : LÚC NÀO, HỌC TRÒ TRÒ PTG.HÁT TÊ TÊ DỰ HỌP MẶT, ĐỀU ĐƯỢC XẾP NGỒI KẾ CÁC TRÒ NỮ XINH ĐẸP, NHỨT LÀ TRÒ NỮ PTG.DIỆP KIM LANG, ĐỂ CHĂM LO GẮP ĐỒ ĂN, RÓT THỨC UÔNG, TỪ CHÚT, KỂ CẢ ... ĐÚT CHO ĂN TỪNG MUỖNG, RẤT KHÉO LÉO, TINH TẾ, MÀ LUÔN LỘ VẺ TƯƠI CƯỜI, HỚN HỞ, HÀI LÒNG ! LÀM CHO HỌC TRÒ GIÀ NGHĨ THẦM TRONG BỤNG ... CÓ BỊNH NHƯ VẦY KỂ RA CŨNG SƯỚNG THẬT ! CHỚ CHI ĐƯỢC ...  BỊNH NHƯ VẦY HOÀI HÉN, ĐỂ ĐƯỢC CHĂM LO CHU ĐÁO, ĐỠ THẤY CÔ ĐƠN, CHIẾC BÓNG ! HỌC TRÒ GIÀ LẠI ĐEM LÒNG NHỚ HOÀI KỶ NIỆM CŨ, VÀO NĂM 2013, LÚC HỌP MẶT CHUNG VUI VỚI ĐỒNG MÔN PTG.ĐTĐ.CT, TẠI SAN JOSE, USA, CŨNG ĐƯỢC CHỊ PTG.VÕ LÊ THƠ, TỎ LÒNG MẾN KHÁCH PHƯƠNG XA, ƯU ÁI, THÂN TÌNH ĐỒNG MÔN, GẮP ĐỒ ĂN CHO HỌC TRÒ GIÀ, MẶC DÙ PTG.HTT, LÚC ĐÓ, CHƯA LÂM BỊNH GÌ CẢ ( VỢ HIỀN YÊU QUÝ NGUYỄN THỊ ANH LAN ĐÃ MẤT TỪ LÂU ( 15/7/1949 - 30/6/2011 ).

             KÍNH THƯA QUÝ THẦY CÔ, QUÝ ĐỒNG MÔN,

             CUỘC HỌP MẶT CHUNG VUI CỦA CỰU HỌC SINH PTG.ĐTĐ, CẦN THƠ, LÚC NÀO CŨNG VUI NHỘN, TƯNG BỪNG, NHƯNG SÂU LẮNG, ĐÔI KHI LẠI ĐIỂM XUYẾT VÀI NÉT U BUỒN KHI BIẾT ĐƯỢC TIN MUỘN MÀNG VÀI BẠN GIÀ VỪA " RỜI BỎ CUỘC CHƠI ", ÂM THẦM TỪ GIÃ THẦY BẠN CỐ TRI, RA ĐI MÃI MÃI, KHÔNG HẸN NGÀY TÁI NGỘ ( ! ) ; VÀ KHI CHIA TAY, LÚC NÀO CŨNG VẬY, CÁC BẠN GIÀ LẠI XIẾT ĐỖI BAO NIỀM XÚC ĐỘNG BỒI HỒI CHÂN THÀNH, LẮM TRÀN NGẬP BAO NỖI NHỚ THƯƠNG CHẤT NGẤT, LẮNG ĐỌNG, VỚI TÂM TƯ THẦM KÍN TRONG CON TIM GIÀ NUA CỦA MỖI ĐỒNG MÔN PTG.ĐTĐ.CT, MÀ KHÔNG DÁM NÓI RA HAY KHÔNG NỠ THỐ LỘ : " RỒI ĐÂY, MAI NẦY, LẦN HỌP MẶT SAU : AI CÒN ? AI MẤT ? TRONG LẶNG THẦM, GIỮA CUỘC ĐỜI ?! " . ÔI KIẾP NHÂN SINH VÔ THƯỜNG ! LIÊN TỤC BAO CUỘC "HỌP TAN ", " TAN HỌP " TIẾP DIỄN TRÙNG TRÙNG, ĐIỆP ĐIỆP, VÔ LƯỢNG, VÔ LƯỜNG, KHÔNG NGỪNG, KHÔNG CHỪNG, TRONG KIẾP PHÙ SINH, NHƯỢC ĐẠI MỘNG !

                TRÂN TRỌNG KÍNH CHÀO QUÝ THẦY CÔ, QUÝ ĐỒNG MÔN. 

            HỌC TRÒ GIÀ PTG.HTT.

 

             TB : HỌC TRÒ GIÀ TRÂN TRỌNG KÍNH MỜI QUÝ THẦY CÔ, QUÝ ĐỒNG MÔN VÀ QUÝ BẠN THÂN TÌNH VUI LÒNG THƯỞNG THỨC NHẠC PHẨM ĐẶC BIỆT VÀ XEM VÀI HÌNH ẢNH HỌP MẶT CỦA CỰU HỌC SINH PTG.ĐTĐ.CT, VÀO NGÀY CHỦ NHỰT, 12-01-2020, TẠI NHÀ HÀNG LÚA NẾP, NƠI TP.CẦN THƠ, ĐỂ LÀM CHỨNG LIỆU VÀ ĐỒNG THỜI, ĐỂ THẤY TÌNH SƯ ĐỆ, TÌNH ĐỒNG MÔN CỦA CỰU HỌC SINH PTG.ĐTĐ.CT VẪN BỀN VỮNG, GẮN BÓ KEO SƠN NHƯ THUỞ NÀO.

HTT_QUANG CẢNH HỌP MẶT CỰU HỌC SINH Jan
TRÒ HỘI, TÒNG, SUNG, CHỈNH, HTT_hop Jan1

Các trò: Hội, Tòng, Sung, Chính, Phong, Khiết, Phương, Phước, Chi, Kim Anh, Kim Xoa, Thành, Kim Lang, Ngọc Diệp, Kim Lệ, Liệt

HTT_Hop Jan12_2020_CHỊ NGỌC DIỆP, TRÒ KH

    Trò Ngọc Diệp, Khiết, Thành, Kim Lệ, Kim Lang, Kim Xoa

HTT_Hop Jan 12_2020_TRÒ LIỆT, TRÒ CƯU.jp

          Trò Võ Trung Liệt & trò Nguyễn Thơ Cưu

DTDB_50thAn_party.jpg

THƯ CẢM ƠN

của anh chị DƯ VĂN BIẾT & DƯ THỊ DIỄM BUỒN

-

Chúng tôi Dư Văn Biết & Dư Thị Diễm Buồn

Chân thành cảm ơn quý thầy cô, đồng môn... gần xa

Đã gởi quà, gởi hoa, gởi thiệp... chúc mừng

“Kỷ niện 50 năm ngày cưới” của chúng tôi.

Một lần nữa chân thành cảm ơn và kính chúc tất cả

mùa “Giáng Sinh & Năm Mới” an hòa hạnh phúc

Dư Thị Diễm Buồn-Dư Văn Biết cùng gia đình

Kính mời xem hình ảnh buổi Kỷ Niệm 50 năm ngày cưới qua 2 links dưới đây:

50th Anniversary DƯ VĂN BIẾT & DIỄM BUỒN_P1

50 th Anniversary DƯ VĂN BIẾT & DIỄM BUỒN_P2

DTDB_happyAnniversary.jpg

CHÚC MỪNG

50th Wedding Anniversary to:

DƯ VĂN BIẾT

DƯ THỊ DIỄM BUỒN

Đồng môn Dư Thị Diễm Buồn nhờ Trang Nhà chuyển THƯ MỜI: "Mời tất cả Quý Thầy Cô và Đồng Môn PTGĐTĐ khắp nơi về dự tiệc".

DTDB_50thAn_2.jpg

Kính mời anh chị đến dùng bữa cơm

thân mật với gia đình chúng tôi:

 

Vào 11 giờ trưa, ngày chủ nhật 15 tháng 12 năm 2019.

Tại nhà hàng:

 

AA Tasty Restaurant

6601 Florin Rd

Sacramento, CA 95828

Tel: (916) 379 0309

 

Sự có mặt của quý vị là niềm hãnh diện cho gia đình chúng tôi.

 

“Chúng tôi không nhận quà”

 

Xin cho biết số người tham dự(?)

 

Xin lỗi vì quý vị ở xa,

Chúng tôi mời bằng điện thư.

 

Nếu quý vị không đến được,

coi đây là thiệp báo tin vui của gia đình chúng tôi.

 

Chân thành cảm ơn,

Kính chúc toàn gia mùa Giáng Sinh và Năm Mới

an vui hạnh phúc

 

Dư Thị Diễm Buồn & Dư văn Biết

                       CHÚC MỪNG! CHÚC MỪNG

_____________________________

CHÚC MỪNG SINH NHẬT 

Đồng Môn NGUYỄN KIM QUANG:

Thêm Tuổi Trời - Thêm Niềm Vui - Thêm Sức Khỏe

YOUTUBE: GIA HOA thăm Thầy bạn xưa PTG &ĐTĐ CẦN THƠ

TL_Youtubesign.jpg
TV_ChucMungSNKimQuang.jpg

Một Chuyến Đi

KQ_Signature_2.jpg

                 Con người tôi có hai đặc tính : vui tính hay giỡn hớt và trầm tư, sợ sệt

-Hồi nhỏ hay giỡn, khoái chơi với con trai đá cầu, bắn cu li số dách. Lúc nào bắn cu li cũng thắng ăn cả hộp đạn, bán lại đám thua cũng được tiền kha khá.

       -Nhưng lúc nhỏ sống với ngoại và má không dám giỡn sợ bị la con gái không nên nết. Nên ở nhà rón rén, đi nhè nhẹ, không dám cười to sợ bị chửi nên không dám làm gì.

               Khi đi học sợ thầy, vào lớp êm re. Vậy mà lúc ở ngoài lớp bắt chước giỡn theo mấy đứa bạn chọc ghẹo một bạn trai lớp khác bằng biệt danh. Mà thật ra anh ấy tay có tật cong cong nên chúng tôi gọi

            -Cán giá

               Anh ta chửi thề và vào  méc thầy. Thầy kêu lên hỏi đứa nào chọc. Cả đám chối hết, chỉ có tui là anh hùng dại đứng lên nhận tội. Thế là thầy cho quì gối một buổi. Trong lòng tôi khi dễ đám bạn hèn nhát, mặt tui kênh kênh… chứng tỏ mình xứng đáng làm người ngay thẳng không trốn chạy khi mình làm sai.

                Khi lớn lên ra đời sợ người có quyền, sợ người hung dữ, người khùng điên. Lúc đi dạy thì sợ học trò, không dám cười sợ bọn nó dễ ngươi. Lúc nào cũng làm ra vẻ nghiêm trang cho học trò ngán. Thật vậy, tội nghiệp học trò rất ngán tui, không dám giỡn trong lớp. Tôi cảm thấy mình mất đi cái tuổi trẻ hồn nhiên.

                 Bây giờ già rồi lên mạng trường tui dạy phải làm bộ là người lớn cho đúng chỗ của mình. Khi sang mạng trường PTG thì muốn phơi bày cái tính trẻ trung con nít của mình. Đúng là con nít sống lâu năm đấy.

                 Cho nên mỗi khi viết bài tường trình tôi hay pha trò, hay nói tếu cho vui. Chứ không cần tỏ vẻ nghiêm túc để bám giữ vai trò mình trong xã hội. Tôi muốn là con người thật không mượn danh khoát áo gì cả.

                 Gặp lại thầy, gặp lại bạn tôi rất vui, sống lại thời trẻ, bọc lộ tất cả nỗi niềm dành cho thầy cho bạn một cách chân tình. Bây giờ không còn mấy thầy và đâu còn bao nhiêu bạn. Tất cả ai cũng già tóc bạc trắng thầy U90 trò U80. Lo sợ không biết còn gặp được bao nhiêu lần rồi xa nhau vĩnh viễn. Nên thèm khát và nuối tiếc những giây phút hội ngộ.

                 Tôi lên mạng trường từ năm 2010 tôi gặp lại thầy dạy toán của tôi là GS Võ Văn Vạn ( nhà thơ Trầm Vân) và thầy dạy Pháp văn là GS Hiệu Trưởng PTG Võ Văn Trí. Mặc dù đã già tôi vẫn còn ham muốn, tôi theo thầy Trầm Vân học làm thơ và theo thầy Võ Văn Trí học làm tranh thơ và làm PPS. Thầy Trí nói với tôi: “Hãy làm cái gì mình thích, sẽ có người thích cái mình làm”. Thế cho nên bạn thấy tranh thơ và thơ Con Cóc, Con Ếch của tôi thỉnh thoảng xuất hiện trên mạng trường để các bạn “đồng thập cẩm” ( đồng môn, đồng song, đồng hương , đồng xóm) biết tôi vẫn còn sống, còn nấn ná cõi nầy chưa đi…

                 Từ năm 2017 chúng tôi mớI gặp lại thầy LÊ ĐỨC CỬU về Cần Thơ.  Lúc xưa thầy dạy Văn ở lớp đệ lục, hoc trò với tuổi ngây thơ, ngơ ngác. Tôi cứ tưởng chắc hết đời không gặp lại thầy. Tôi tìm kiếm các thầy dạy VĂN không thấy ai xuất hiện trên mạng trường cả: Thầy Trần Thanh Giản, Thầy Phùng Quang Lộc, Cô Thanh Phong, Cô Thu Hồng, cô Thu Tuyết. Sau nầy do thông tin của trường tôi biết 2 thầy đã qua đời.

                 Bây giờ thỉnh thoảng gặp lại thầy xưa Lê Đức Cửu. Người thầy cho chúng tôi nhiều kỷ niệm ở tuổi học trò. Dù chúng tôi học yếu kém vẫn nhớ thầy giảng bài làm cho bọn chích chòe mê mệt. Thầy hưóng dẫn chúng tôi biết cảm xúc, biết thưởng thức, biết rung động một đoạn văn hay, một bài thơ đẹp từ lúc đó. Chúng tôi vừa học VĂN vừa học TOÁN với thầy chỉ năm đệ lục. Dường như năm sau thầy đã chuyển đi nơi khác. Theo thông tin của Ls Hồ Trung Thành: Năm 1958 thầy trở về học Trường Đại Học Sư Phạm và tốt nghiệp Thủ Khoa. Thầy được bổ nhiệm ở các trường trung học thuộc tỉnh khác….

                  Cho đến bây giờ hơn 60 năm chúng tôi vẫn còn tha thiết nhớ về thầy. Và thầy trò tái ngộ từ 2 năm qua. Thầy vẫn nhớ những đứa học trò già và nghèo như chúng tôi. Tình thầy vẫn ấm áp như ngày xưa. Mỗi năm thầy già thêm nhưng không quản đường xa vẫn về thăm, chúng tôi  xúc động thương thầy vô cùng mà chẳng biết nói lời gì cho hay cho đẹp để thầy hiểu được tấm lòng chân thành của trò.

                 Chính vì nghĩ như vậy nên chúng tôi thấy phải thu xếp một chuyến đi thăm thầy. Bởi chúng tôi cũng đã già, sức khỏe cũng rệu rạo không biết ngày nào ra đi sẽ không có một lần thăm thầy. Thầy vẫn sống một mình cô đơn, tuổi già lẻ loi hôm sớm. Cơm hàng cháo quán tẻ nhạt…thương thầy lắm các bạn ạ.

                  Chị Huỳnh Mai khiếm thị hơn hai mươi năm là Đại Úy ở tiểu khu Bình Dương thời xưa. Chị là bạn học cùng lớp với tôi. Chị Bùi Thị Kim Hoàng cũng là học trò của thầy nhưng chị khác lớp vì chị học Pháp Văn còn tôi và Huỳnh Mai học lớp Anh Văn. Nhưng đến năm Đệ Nhất tôi học chung với chị. Chị rất nhiệt tình đề xuất chuyện đi thăm thầy. Tôi rất ngại mấy bà già bịnh hoạn đi đường có chuyện gì bất tiện mất vui. Tôi chỉ muốn đi một mình dễ quyết định. Nhưng cuối cùng chúng tôi quyết định đi chung. Chỉ có chị Lâm Kiều Mỹ rất tha thiết muốn đi thăm thầy nhưng không thể vì có bà chị bịnh hoạn ở nhà không thể tự lực nên chị Lâm Kiều Mỹ không đi được, chị nhờ chúng tôi gởi quà thăm hỏi thầy. Thấy chị có lòng nghĩ đến thầy, chúng tôi rất cảm động.

         1/ Ngựa phi đường xa

          Chúng tôi 3 con ngựa già U80, 3 đứa tuổi con ngựa, dù hết xí quách chúng tôi cũng hăng hái đi. Chúng tôi quá giang chiếc xe rước người từ phi trường Tân Sơn Nhất để lên Sài Gòn gặp thầy. Nên rất chật vật lệ thuộc về thời gian.

                   Huỳnh Mai đến nhà tôi ngủ để 2g khuya chúng tôi lên xe cho tiện. Đến ngày đi, chị Huỳnh Mai bỗng đau nhức cánh tay, đụng tới đau điếng. Tôi đề nghị chị ở lại nhà không nên đi, bịnh sẽ nặng hơn, chị phản đối, quyết chí đi thăm thầy.

Ngựa què ba đứa, nhớ thăm thầy

Đứa thì đau nhức đứa tê chân

Bịnh hoạn, tinh thần còn phấn chấn

Thầy trò hội ngộ, nghĩa tình thân

                       30/8 lúc 2g khuya xe rước chúng tôi đi ra đường Lý Tự Trọng ( Cần Thơ) tức là đường Tự Đức ngày xưa để đón chị BT Kim Hoàng. Khuya như vậy, tôi tới đập cửa rầm rầm lôi bả ra, ôm đồ phóng lên xe. Xe trực chỉ hướng về cầu Cần Thơ đi thẳng. Các bạn có biết hôm đó là ngày mưa bão dầm dề. Muốn đi cứ đi bất cần mưa bão cả bọn xông xáo như tới giờ phải lên đường hành quân.

                   Trên xe tôi với Kim Hoàng nói chuyện nọ chuyện kia, nhớ hồi còn học với thầy có bao kỷ niệm đem ra nhắc nhở. Chỉ Huỳnh Mai êm re không giống như mọi ngày miệng nói không lành da non. Ê, sao làm thinh vậy cha nội?  Bả đang rên vì đau cánh tay. Tội nghiệp bả chẳng nghe lời tôi ở nhà cho khỏe. Về nhà có em cháu lo lắng cho cái thân già bịnh tật. Đi chi cho khổ. Nghe bả rên thấy đau lòng nhưng biết làm sao. Lâu lâu bả ráng nói vài câu có lẽ cho tôi an lòng đừng cằn nhằn cái tội ham vui của bả.

                   Ngồi trên xe cảm giác lạnh vì mưa không ngớt. Chúng tôi phải khép bớt máy lạnh trên xe cho chị Huỳnh Mai thấy dễ chịu. Xe tới Sài Gòn lúc 6g sáng, nhưng không đưa chúng tôi vào khu du lịch VĂN THÁNH chỗ nhà thầy bởi tài xế sợ tới giờ cao điểm ù tắc giao thông sẽ không vào kịp phi trường để rước người với chuyến bay  hạ cánh 6g30. Chúng tôi có thể gặp thầy trò chuyện độ 2 tiếng đồng hồ, họ sẽ rước người xong trở lại đón chúng tôi. Chúng tôi ăn ké chuyến xe nên không thể thong dong tự tại.

                   Xe bỏ chúng tôi đi tắc xi vô khu VĂN THÁNH. Tài xế tắc xi cũng dễ thương cùng là người Cần Thơ dễ có thiện cảm. Tài xế tưởng chúng tôi đi thăm ông thầy ở chùa nào hay tìm thầy bà coi tướng số. Khi  biết chúng tôi đi thăm thầy học cũ hắn thấy vui lây.  Đến khu du lịch hắn không bỏ mặc ba bà già, mà ân cần chờ đến khi thầy trò gặp nhau hắn mới lái xe đi. Chúng tôi theo thầy vào nhà. Nhà không lớn nhưng có 3 tầng. Mỗi tầng là một phòng. Chúng tôi không thấy ai cả. Nghe chừng thầy sống với người chị, người anh. Như thế ngôi nhà có 3 người già, nghe yên ắng và buồn tẻ! Tôi thở dài nghĩ về tôi trơ trọi chẳng còn ai.. Tôi đã dặn học trò quanh tôi: lúc nào thấy tôi một mình 9g không thấy mở cửa là tôi đã chết. Hãy tìm cách mở cửa ra.

                    Thầy đưa chúng tôi vào phòng khách, cho chúng tôi xem quyển được thầy đề tựa

           2/ NGHĨA TÌNH và NHÂN CÁCH bên trong tập hợp

                  A/ Phần trước gồm 2 bài viết của thầy

                     1/Bài phát biểu của thầy trong Đại Hội thứ 16 ở Boston 2012

                     2/Phan Thanh Giản: Một nhân cách lớn và Bi kịch cuộc đời

                  B/ Phần sau tập họp bài của các môn đồ viết trong ngày họp mặt TẤT NIÊN                         24 TẾT năm MẬU TUẤT (29/1/2019)

                   -3 bài tường trình của chs PTG/Ls Hồ Trung Thành trong ngày Tất Niên   (23 Tết Mậu Thân: 29/1/2019)

                   -Bài thơ MỪNG GẶP LẠI THẦY XƯA của ChsPTG Dương Hồng Thủy

                   -Bài thơ GẶP LẠI THẦY của chs/PTG/GS Đinh Thị Hiệp

                   -Bài tường trình ngày họp mặt Tất Niên của chs/PTG Nguyễn Kim Quang

  *THẦY LÊ DỨC CỬU VỀ CẦN THƠ( 10/9/18):  bài tường trình của

ChsPTG/Ls/ Hồ Trung Thành

               *TÂM SỰ TUỔI GIÀ ( Bài sưu Tầm của Thầy Linh và Thầy Cửu)

  Tất cả được trao tặng cho các  tác giả viết bài.

                Và làm sao phải thực hiện: 3 Quên , 4 Có, 5 Không và 6 Vị Bác Sĩ

           tốt nhất trong đời

         1/ 3 Quên

          Một quên mình tuổi đã già

          Sống vui, sống khỏe, lo xa làm gì

          Hai là bệnh tật quên đi

          Cuộc đời nó thế, việc gì nhọc tâm

          Ba quên thù hận cho xong

          Ăn no ngủ kỷ để lòng thảnh thơi

         2/ 4 Có

     Một nên có môt gia đình

     Vì không homeless - người khinh là thường

          Hai cần phải có nhà riêng

          Đói no cũng chẳng làm phiền dâu con

          Ba là trương mục ngân hàng

          Ít nhiều tiết kiệm, an thân tuổi già

          Bốn cần có bạn gần xa

          Tri âm tri kỷ để mà hàn huyên

     3/ 5 Không

           Một không vô cớ bán nhà

           Dọn vào chung chạ la cà với con

           Hai không nhận cháu để trông

           Nhớ thì thăm hỏi bà ông cháu mừng

           Ba không cố gắng ở chung

           Tiếng chì tiếng bấc, khó lòng tránh lâu

           Bốn không từ chối yêu cầu

           Ít nhiều quà cáp con dâu cho mình

           Năm không can thiệp nhiệt tình

           Đời tư hay việc riêng phần của con

          4/ 6 Vị Bác Sĩ Tốt nhất trong đời

           -Ánh sáng mặt trời

           -Nghỉ ngơi

           -Thể dục

           -Ăn uống điều độ

           -Tự Tin

           -Ban bè

                    Cuối cùng luôn xác định Tư Tưởng

                   Sinh lão bịnh tử là qui luật ở đời, không chống lại được. Khi thần chết gọi thì thanh thản mà đi, cốt sao sống đàng hoàng để không hổ thẹn với lương tâm, và cuối cùng đặt cho mình một dấu chấm hết thật tròn.

                  Thầy nhắc nhở ta nhiều điều hay để suy ngẫm để rút kinh nghiệm sống.

                  Kế hoạch của thầy sau đó đưa chúng tôi đi ăn sáng, thưởng thức món phở đặc biệt nổi tiếng của Sài Gòn. Nhưng quá tiếc, đúng ngay ngày mùng 1 chúng tôi ăn chay. Chúng tôi làm bể kế hoạch của thầy mà cũng uổng thiệt mất cơ hội ăn uống. Thế là chuyển hướng, thầy đưa chúng tôi qua khu du lịch nhâm nhi ca cao và cà phê sữa, 3 thầy trò “sực” bánh mì không. Thầy phải ăn chay lạt với chúng tôi cho đồng điệu, thầy không ăn mì hay phở mặn sợ chúng tôi thèm tội nghiệp.

KQ_KimHoangHMaiThayLDCkimQuang.jpg

   Bùi Thị Kim Hoàng, Trần Huỳnh Mai, Thầy, Kim Quang tại khu du lịch Văn Thánh       

                

                Chúng tôi  đi thăm thầy khi thầy vừa xuất viện được một tuần. Thầy nằm viện 3 tuần để giải phẩu túi mật. Thầy chưa hồi phục, chúng tôi tới thăm khiến thầy không được nghỉ ngơi cho lại sức. Tôi thắc mắc thầy nằm viện rồi ai chăm sóc, ai lo cho thầy? Thầy nói có đệ tử chí cốt lo cho thầy. Nghe thấy thương thầy làm sao và thật là buồn cái cảnh một thân một mình như vậy.

                 Kim Hoàng tò mò thẩm vấn thầy. Tại sao hồi trẻ thầy không có gia đình? Thời đó thầy có thừa điều kiện mà sao thầy khăng khăng giữ chủ nghĩa độc thân. Tới phút nầy thầy còn cảm thấy nhớ tới ai không? Thầy nói có lẽ do duyên phận an bày.  “Tu là cội phúc, tình là giây oan”.Thầy lấy hình hồi còn trẻ cho chúng tôi xem. Hồi thầy đi lính rất đẹp trai độc đáo. Kim Hoàng nói lúc đó chắc chắn có nhiều người đẹp lả lướt lượn quanh thầy. Vậy sao thầy có thể vô tình làm ngơ, để bây giờ tuổi già thầy phải chịu cảnh quạnh quẻ, lẻ loi như vậy?!. Không biết thầy có cảm thấy đó là một sự chọn lựa sai lầm không? Nhưng tôi thì…thắm thía nghĩ thầy nói đúng “Tình là dây oan”. Lu bu, lộn xộn mắc mệt. Tôi nhớ rất thích chí với câu nói: “Tình yêu làm cho người ta mù mắt và hôn nhân làm cho người ta sáng mắt”. Thực chất không có đường nào mỹ mãn cả phải không thầy?

Lúc xưa chẳng nghĩ chuyện ngày mai

Lỡ chuyến đò ngang thầy nhớ ai?

Xúm xít vây quanh thầy ái ngại

Bối rối, chọn ai, thấy tiếc hoài!?

 

Mấy mươi năm trước biết bao tình

Sao thầy lủi thủi sống lặng thinh

Cô đơn trơ trọi hoàng hôn xuống

Một góc trời riêng chỉ một mình

 

                  Ngày tháng già nua còn tiếp nối kéo dài thầy sẽ ra sao? Người đệ tử nặng tình nặng nghĩa đó, có hoàn cảnh thuận lợi ở bên cạnh tiếp tục lo lắng chia sẽ cùng thầy chăng? Chúng tôi rất băn khoăn điều nầy. Nhưng do tính cách lạc quan nên thầy tôi giữ được thân an tâm lạc với hiện tại.

                  Thầy trò chúng tôi vừa ăn, thầy vừa truyền đạt với học trò quan điểm Tâm Sự Của Tuổi Già. Giúp cho chúng ta ý niệm về cuộc sống như thế nào thanh thản và thoải mái.Tuổi già nhưng tâm không già… Sống vui, sống khỏe.

KQ_HMaiThayLDCKimHoang.jpg

                                Trần Huỳnh Mai, Thầy, Bùi Thị Kim Hoàng

                   Nhưng trong lúc nầy Huỳnh Mai ngã đầu vào ghế tựa vì quá mệt, do cánh tay bị nhức nhối toát mồ hôi. Thầy trò đều lo âu. Thầy định đưa chị ấy đến Bác Sĩ. Nhưng Kim Hoàng có ý nghĩ là cơ thể chị ấy thiếu nước vì từ sáng tới giờ Huỳnh Mai không uống nước. Mọi khi sáng chị ấy uống một lít rưỡi. Nên tôi bưng ly nước kê lên miệng Huỳnh Mai uống độ nửa ly. Chị ấy nằm im không chịu đi BS. Chị ấy nhắc thầy nói chuyện tiếp. Có lẽ chị ấy ngại làm mất niềm vui của thầy trò vì không còn nghe tiếng nói tiếng cười của thầy và chúng tôi nữa. Tôi cũng toát mồ hôi lạnh, thấy lo sợ việc gì sẽ xảy ra…..

                  Lúc bây giờ điện thoại từ xe rước người ở phi trường trở về gọi hỏi địa điểm đến đón… Tuy nhiên một lúc thật lâu không thấy xe đến. Tôi gọi lại mấy lần đều nói bị kẹt xe. Tôi lấy làm lạ 8, 9 giờ đâu còn là giờ cao điểm, sao lại kẹt xe. Bây giờ tâm trạng tôi rối lên, mong xe tới đưa chị Huỳnh Mai về càng sớm càng tốt…

                  Chờ xe từ 8g đến 9g rưỡi mới tới… Sau đó xe chúng tôi trở lại nhà thầy. Tôi theo thầy vào trong để nhận quà thầy gởi về cho Dương Hồng Thủy và Huỳnh Phúc Duyên, HTT, Đinh thị Hiệp…Và lời dặn dò…trước khi thầy trò chia tay. Phải nói cuộc gặp gỡ nầy chúng tôi chưa thỏa mãn vì những lý do ngoài ý muốn. Chưa nói hết những điều cho thỏa lòng mong muốn giữa thầy trò. Có lẽ vì thế chúng tôi khát khao một chuyến đi nữa. Một cuộc hội ngộ xôm tụ đông hơn, vui hơn, lâu dài hơn, thoải mái hơn, để đền bù cho lần nầy thật đáng tiếc, niềm vui chưa trọn vẹn. Phải rồi, bọn mình kéo đi thiệt đông, để thầy đãi mình ăn một chầu phở đặc biệt. Hahaha! cho thầy khẳm ghe luôn!

                 Xe chuyển bánh, thầy còn đứng đưa tay vẫy. Huỳnh Mai còn ráng nói: Thấy thương thầy quá hén! Chúng tôi đứa nào cũng rất thương thầy vô cùng.          

                Trên đường về chúng tôi trong yên lặng với những suy nghĩ của riêng mình. Một chút vui một chút buồn bâng khuâng vương vấn…

                Thầy một mình bịnh lúc bị giải phẩu túi mật không ai lo. Tôi nghĩ chắc thầy cảm thấy tủi thân già biết bao. Tôi rất thông cảm với thầy vì tôi cũng một mình, thấy cuộc đời thật đáng sợ. Chẳng biết họa hay phước trước mặt mình. Sao mình có mặt trên cõi đời để làm gì cho khổ. Lúc bây giờ mới thấm thía đời là bể khổ. Mọi người có con được nhờ khi đau ốm… còn thầy, còn tôi chẳng biết trôi nổi ra sao? Nhưng nói cho cùng mà nghe Huỳnh Mai có đứa con trai có vợ có con, Huỳnh Mai cũng chẳng được nhờ chút nào. Sống chung trong một nhà mặc mẹ, mẹ lo. Mù lòa cũng tự mò mẫm nấu cơm ăn một mình. Cũng may tất cả em cháu đều thương yêu chia xẽ sự sống cho chị…chút niềm an ủi ấm áp tuổi già ở nơi đó.

                Con đường về, thấy dài ra vô tận, còn xe chạy sao chậm chạp như rùa bò. Chưa có chuyến đi nào làm tôi mệt mõi nặng nề đến vậy. Tôi trông tới Cần Thơ để đưa Huỳnh Mai đến phòng mạch của cháu chị ấy để yên lòng hết căng thẳng lo sợ. Tôi chỉ sợ những bất trắc xảy ra không lường được trên đường về. Có lẽ vì lo sợ cho Huỳnh Mai khiến tôi quên đau dây thần kinh cánh tay hơn mấy tuần nay. Thật sự 3 bà già đều què quặt đâu có tốt lành gì đâu. Mỗi người đau một kiểu. Huỳnh Mai đau cánh tay đột ngột chưa biết căn nguyên. Kim Hoàng thì đau tê chân do di chứng bịnh Zona. Còn tôi đau thần kinh cánh do đốt sống cổ gây ra, nhưng đau dây dưa riết rồi cũng quen. Kệ, liều mạng qua ngày chứ biết than cùng ai, mà than cũng đâu có hết.

               Tới Cần Thơ đưa Kim Hoàng về nhà xong, xe đưa Huỳnh Mai tới phòng mạch BS Khoa, cháu kêu Huỳnh Mai bằng cô ruột. Tôi trực tiếp giao chị ấy cho người nhà. Tôi cầu mong cho chị ấy tai qua nạn khỏi.

 3/ Niềm vui rạo rực

               Tôi nhớ mấy ngày trước khi đi, Huỳnh Mai phone cho thầy nói “Thầy ơi! Mấy chục năm em mồ côi cha mẹ và mồ côi chồng. Bây giờ không còn ai hết, em chỉ còn thầy để nhỏng nhẻo…mà thôi”. Chị ấy định gặp thầy để nhỏng nhẻo nhưng rất tiếc, chị ấy bịnh nên hết pin tắt đài, im re hết nhúc nhích, cụt kịt. Chứ ngày thường bản chất của chị ấy vui vẻ, tía lia, hay chọc cười. Hôm nay làm thinh, cảm thấy ức lòng lắm. Nếu không chị ấy nhỏng nhẻo thầy chịu hết nỗi luôn.

               Huỳnh Mai đang bịnh nhưng tôi biết chắc chắn trong lòng chị ấy cũng như chúng tôi rất khoái chí vì đã thực hiện được một chuyến đi thăm thầy, dù bộp chôp, rối rít, lăng xăng. Chúng tôi cứ sợ mình “ra đi thình lình” không còn cơ hội được thăm thầy.

               Cả bọn  mỉm cười một mình đắc chí với niềm vui nhỏ nhoi khiêm tốn. Thầy ơi! Niềm vui đang rạo rực như hoa xuân đang nở rộ trong lòng. Cảm ơn thầy đã dành cho chúng em những tình cảm thầy trò thật đẹp. Chúng em cũng miên man nghĩ về thầy với những kỷ niệm 60 năm, dài dằng dặc nhớ mãi không quên…

Cái Răng 2 /9/19

kimquang

______________________________

Thương Tiếc Gs Đỗ Xuân Hồng

( Cgs. Phan Thanh Giản Cần Thơ )

Tin buồn nhận nỗi buồn khơi

Giáo sư Hồng đã xa rời trần gian

Thân bằng quyến thuộc bàng hoàng

Thầy trò khắp chốn trường Phan đau buồn

 

Bóng anh còn thoảng trong trường

Những lời giảng ấm còn vương tháng ngày

Bao mùa thương mến qua tay

Anh đi, vĩnh biệt từ đây, não lòng

 

Nén hương thắp ngọn khói cong

Cầu hồn anh tới Vĩnh Hằng an vui

Nghĩa tình gửi lại trần đời

Học trò bè bạn ngậm ngùi tiếc thương

  Thành kính phân ưu

 Trầm Vân

______________________________

Được tin buồn GS ĐỖ XUÂN HỒNG vừa mãn phần ngày 13/08/2019 tại VN, tôi xin thành tâm  chia buồn cùng tang quyến, và kính nguyện hương linh GS được an giấc nghìn thu. 

 

Cô Lê Thị Yến

________________________________

 

CẦN THƠ, THỨ TƯ, 14/8/2019 

         KÍNH THƯA QUÝ THẦY CÔ, QUÝ ĐỒNG MÔN, CỰU HỌC SINH PTG.ĐTĐ CẦN THƠ,

        HỌC TRÒ GIÀ PTG.HTT VỪA HAY TIN ĐAU BUỒN : 

                      GS.ĐỖ XUÂN HỒNG 

SINH NGÀY 25/01/1938, VỪA THẤT LỘC, VÀO LÚC 12 GIỜ TRƯA, NGÀY THỨ BA, 13/8/2019 ( NHẰM NGÀY 13/7 NĂM KỶ HỢI ), TẠI TƯ GIA, SỐ 309, CHUNG CƯ NGUYỄN VĂN LƯỢNG 2, ĐƯỜNG THỐNG NHỨT, Q.GÒ VẤP, SAIGON, 

       HƯỞNG THƯỢNG THỌ 82 TUỔI

LỄ DI QUAN VÀ HỎA TÁNG SẼ CỬ HÀNH TRỌNG THỂ, TẠI NGHĨA TRANG BÌNH HƯNG HÒA, VÀO NGÀY THƯ SÁU, 16/8/2019.

 

       VỚI TƯ CÁCH CỰU HỌC SINH PHAN THANH GIẢN CẦN THƠ, ĐỒNG NGHIỆP NGÂN HÀNG VNTT VỚI CÔ ĐỖ XUÂN HỒNG ( NHÂN VIÊN SỞ ĐIỆN TOÁN ( ÔNG PHẤN ), TẠI TRỤ SỞ TRUNG ƯƠNG VNTT ), BẠN ĐỒNG SONG VỚI GS.ĐỖ MỸ THUẬT VÀ PTG.ĐỖ MỸ THIỆN TẠI TRƯỜNG LES COURS SAINT PAUL CẦN THƠ, PTG.HỒ TRUNG THÀNH TRÂN TRỌNG THÀNH KÍNH PHÂN ƯU CÙNG CÔ ĐỖ XUÂN HỒNG VÀ TANG QUYẾN ; THÀNH TÂM CẦU NGUYỆN HƯƠNG HỒN GS.ĐỖ XUÂN HỒNG SỚM SIÊU THOÁT CÕI NIẾT BÀN.

            TRÂN TRỌNG KÍNH CHÀO QUÝ THẦY CÔ, QUÝ ĐỒNG MÔN.

            HỌC TRÒ GIÀ PTG.HTT.

 

            TB : ĐỂ TƯỞNG NIỆM VÀ THƯƠNG TIẾC GS.ĐỖ XUÂN HỒNG, HỌC TRÒ GIÀ, TRƯỚC MẮT, TRÂN TRỌNG KÍNH GỞI ĐẾN QUÝ THẦY CÔ, QUÝ ĐỒNG MÔN, VÀI HÌNH ẢNH ĐẶC BIỆT THẦY CÔ GS.ĐỖ XUÂN HỒNG THAM DỰ ĐẠI HỘI TRUYỀN THỐNG PTG.ĐTĐ CẦN THƠ  HÀNG NĂM, TẠI TRƯỜNG XƯA.

          HÌNH 466 VÀ 468 : QUÝ THẦY CÔ Ở NHÀ CỦA VỢ CHỒNG HỌC TRÒ GIÀ PTG.HTT

HTT_GSDoXuanHong_self.JPG
HTT_Teachers_4_DSC00466.JPG
HTT_Teachers_5_DSC00468.JPG

HÌNH 472 VÀ 474 : QUÝ THẦY CÔ ĐANG DÙNG CHAI RƯỢU LỚN ĐẦY TÌNH NGHĨA HIỆU ERNEST & JULIO GALLO CỦA GS.TGT.LÊ KHÁNH DUỆ TẶNG PTG.HTT, TỪ MỸ QUỐC, VÀO NĂM 2006:

HTT_3teachers_DSC00472.JPG
HTT_Teachers_8_DSC00474.JPG

HÌNH 495 : QUÝ THẦY CÔ ĐI THUYỀN QUA CỒN ẦU:

HTT_Teachers_8_DSC00495.JPG

Ảnh Kỷ niệm với quý thầy cô:

HTT_Teachers_3_DSC08050.JPG
HTT_Teachers_2_DSC08046.JPG
HTT_teachers_DSC08045.JPG

Học Trò Già PTG HTT kính báo

HỌP MẶT KỶ NIỆM 30 NĂM NGÀY RA TRƯỜNG

HoPhuocHai_Ngayratruong_boysandgirls_IMG

Thượng tuần tháng 7/2019 có 1 sinh hoạt đồng môn thoáng nghe thì thấy vừa quen vừa lạ đã xảy ra suốt tuần bắt đầu thừ 4 tháng 7/2019 tại Seattle. Địa điểm chánh cho ngày Tiền Hội và Đêm Đại Hội là tư gia của cháu Hồ Thanh Tuyền, con gái của CHS PTG Hồ Phước Hải & Lê Thị Cẩm Nhung.

HoPhuocHai_Ngayratruong_TuyenandHoMinhCh
HoPhuocHai_6girlswithHaiNhung_IMG_1759.J

Ảnh trái: Gia chủ Hồ Thanh Tuyền & con gái PTG Ngô Minh Châu       

Ảnh phải: 3 con gái (trái) của PTG Hải- Nhung (giữa) & 3 con gái (phải) của cố PTG Đoàn Văn Đạt (Lớp luyện thi Minh Nhựt-Văn Đạt)                                   

 

Nghe quen quen vì cuộc hội ngộ Seattle nầy có hình thức, nội dung gần giống với 23 lần Đại Hội PTGĐTĐ  tại hải ngoại suốt 23 năm nay. Thành phần chánh tham dự cũng rất quen vì hơn 30 cựu học sinh đều là con cháu của các CHS/PTGĐTĐ. Có được con số tham dự  trên 80 không phải dễ vì hầu hết đều về từ xa: Sydney Autralia, Calgary Canada, Vancouver Bc Canada, Las Vegas Nevada, New York, New Jersey, Savana Georgia, Minnesota, Boston Massachusetts, Dallas Texas,Nam Bắc California.

Ngày Tiền Hội cũng là gặp gỡ, hỏi han, tay bắt mặt mừng, nói cười hết ga, mầy tao loạn xạ…như Tiền Hội của các ba mẹ, các cô chú tại các ĐH Thế Giới PTGĐTĐ từ 1997

Điều lạ là Đêm Đại Hội khá độc đáo. Ngoài chương trình văn nghệ, chuyện trò đến 12 giờ đêm còn có tiết mục dựng lại khung cảnh thầy cô phát bằng tốt nghiệp 30 năm trước. Từng trò hớn hở nhận Bằng Tốt Nghiệp từ thầy cô giáo. 1989-2019 đúng là những trò nầy đã tốt nghiệp 30 năm nay từ ngôi trường dù mang tên gì đi nữa thì Trường ấy vẫn mang tên Cụ Phan trong lòng mọi người Cần Thơ.

HoPhuocHai_ngayratruong_girls_IMG_0969.J

Các nữ sinh của 30 năm trước

HoPhuocHai_ngayratruong_boys_IMG_0970.JP

Các nam sinh của 30 năm trước

Những ngày tiếp theo là cùng nhau du ngoạn nhiều nơi tại Seattle và Vancouver Canada. Phút cuối chia tay, ai cũng mong năm tới gặp lại.

Vì vận nước, Trường đã đổi tên, các em phải xa xứ nhưng những con cháu của Cần Thơ, của Cụ Phan và của CHS/PTGĐTĐ vẫn mang nặng tình nghĩa thầy trò, đồng môn. Cuộc hội ngộ đầy tình nghĩa nào cũng đáng trân trọng.

Tin & Ảnh: PTG Hồ Phước Hải

Seattle, WA

NỮ SINH LỚP THẤT Y 59-60

 

HỌP MẶT 2 THÁNG 4 NĂM 2017

Tại Cần Thơ 

________________________________________

 

Sáng ngày 02/04/2017, nhóm bạn Lớp Y bên nầy đã họp mặt ở nhà hàng Tây Đô (Cần Thơ), có tất cả 18 người tham dự. (Trích Email của Phạm Thị Thu Vân ngày 4 Tháng 4, 2017).

Được biết Nhóm Bạn Thất Y 59-60 đã bắt đầu "họp đàn" từ hơn 3 năm nay tại quê nhà Cần Thơ. Sau hơn nửa thế kỷ kể từ ngày xa trường Mẹ, qua những oan khiên của lịch sử, những giông bão của đời và bóng dáng thời gian làm bạc màu mái tóc, các nữ sinh Thất Y 59-60 ngày nào đã tìm lại nhau như tìm và gặp lại những kỷ niệm của một thời áo trắng sân trường, vô tư tóc kẹp, thầy bạn thân yêu. Bạn cũ gặp nhau nói cười không dứt, vui như ngày hội. Mà dẫu có im lặng nhìn nhau thì cũng là niềm hạnh phúc, là nỗi vui bật dậy sau những năm tháng ngủ vùi trong ngăn kéo kỷ niệm.

Năm xưa đàn chim non đã rời tổ bay đi mọi hướng. Giờ thì chim cũ đã tìm về, hỏi sao không vui cho được!

Lần họp mặt nầy, ngoài những gương mặt của những lần trước, người ta còn thấy sự có mặt lần đầu của người nữ xướng ngôn viên Đài Truyền Hình Cần Thơ trước 1975: XNV Kim Nguyệt, với nét cười ai thấy cũng nghĩ "nàng" đang cười mỉm chi và đang thỏ thẻ với riêng mình, với giọng đọc tự nhiên như nói, đặc sệt nam kỳ. Người thứ hai là chị Bích Thủy, người thủ khoa của 3 lớp nữ X, Y, Z trong kỳ thi tuyển vào lớp Đệ Thất niên khóa 59-60 (đậu khoảng10%). Qua 1 email mới nhất của Thất Y Bùi Thị Kim Hoàng gởi từ nước Lào xa xôi nói rằng chị Bích Thủy là thần tượng của chị thời ấy mà từ nhiều năm nay chị hỏi han, tìm kiếm mà chưa gặp. Nay thì "gặp" rồi dù là trong ảnh. Ảnh và thực chắc không xa miễn ta vẫn nghĩ tới nhau và vẫn còn lang thang trong cõi đời nầy, dù kẻ chân trời, người góc biển.

Qua cuộc họp mặt nầy và qua những bức ảnh thật đẹp, đẹp người và đẹp trong ý nghĩa, có người nghĩ rằng phải chăng đây là buổi gặp gỡ tại quê nhà để những Nữ Thất Y 59-60 cùng nhau nói lời chào mừng ĐH XXI, chào mừng và chúc sức khỏe Quý Ân Sư và Quý Đồng Môn thân mến sắp tụ hội về thành phố Houston nắng ấm tình nồng trong Ngày ĐH Tháng 5 sắp tới?

PTThuVan_hopmatApril2_grp_IMG_2291.jpg.w
PTThuVan_HopmatApril2_grp3_IMG_2305.jpg.

Hình trên, từ trái qua phải:

La Bảy, Lê Thị Hương, Thái Thị A, Mai Thị Đào, Huỳnh Kiên, Nguyên Thị Cẩm Nhung, Trương Thị Ngọc Rạng, Bành Thị Kim Nguyệt, Ngô Thị Hải, Lê Thị Cưng, Phạm Thị Thu Vân, Lê Thị Thắm, Thái Thị Bút, Lê Thị Bích Thủy.

PTTHuVan_hopmatApril2_5women_IMG_2307.jp

Hình trên, từ trái qua phải:

Trương Thị Ngọc Rạng, Bành Thị Kim Nguyệt, Ngô Thị Hải, Phạm Thị Thu Vân, Lê Thị Bích Thủy

Ngoài ra còn có sự góp mặt của gia đình Hải.

Xin thay mặt các bạn cám ơn các bạn cũ lớp Y hải ngoại đã hỗ trợ để có những cuộc họp mặt vui vẻ.

 

Kính chúc các Anh Chị nhiều sức khỏe

PHẠM THỊ THU VÂN

Sài Gòn 

 HƯƠNG VỊ NGÀY XƯA  

 

Người Đồng Bằng

Sưu tầm

__________________________

 

       HƯƠNG VỊ NGÀY XƯA là một chuyên mục mới, nhằm sưu tầm giới thiệu một số bài thơ trích trong nguyệt san TRIỀU SỐNG XANH của trường Phan Thanh Giản và một số khuôn mặt THƠ của nhóm Văn Nghệ VỀ NGUỒN, hoạt động nổi bật nhất trong trường qua các THI TUYỂN đã phát hành và qua các chương trình THƠ trên đài phát thanh Cần Thơ, mà thời đó các bạn đều là học sinh của trường Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm như Huyền Vân Thanh, Lê Trúc Khanh, Hà Huy Thanh, Nguyễn Hoài Vọng, Lăng Cảnh Huy, Siêu, Trân Khanh, Kiều Diễm Phượng, Kiều Mộng Hà, Lệ Thy, Thanh Trân, Nguyễn Hồng, Trúc Thanh Phương Thảo, Phạm Quyên Linh, Trang Yến Linh, Hồng Phượng, Phạm Trường Giang, Hứa Vĩnh Phúc, Đỗ Thanh Hoàng, Đặng Minh Phương, Châu Kim Phụng, Thanh Điệp, Tuấn Nghi, Hoài Trần My, Tường Lê, Dạ Lý, Hàn Nguyên, Sa Thoại Uyên,..., lan rộng ra ngoài như Thu Trúc (Sài Gòn), Mây Hồng (Sài Gòn),  Hoài Xuân Mai (Phú Nhuận), Vũ Thy Lãng Tưởng - Hoàng Dung - Thanh Phương (Sa Đéc), Sao Ngân Hà (An Giang - Bộ Binh), và phát triển trong các quân binh chủng như Linh Hùng (Hải Quân), Phương Giang (Truyền Tin), Nguyễn Hữu Phương (Quân Cụ), v.v... Nhà sưu khảo văn học Nguyễn Bá Thế (Nhất Tâm, Nam Xuân Thọ) nhận làm cố vấn cho thi văn đoàn; hai giáo sư đang dạy trong trường cũng nhận làm cố vấn [(GS Lê Văn Quới (Lê Hà Uyên), GS Lai Thanh Tòng (Thông Xanh)]. Tính đến giữa năm 1967, đã có 52 khuôn mặt hiện diện, thi văn đoàn VỀ NGUỒN đang cứu xét hơn 80 đơn xin gia nhập nhóm.

         Thời đó, một số nhà văn nhà thơ nhà báo Sài Gòn đã viết như sau: "... Thi văn đoàn VỀ NGUỒN đã khai sáng việc ấn hành loại thi tuyển đặc biệt ở Miền Tây"(SĨ TRUNG - nhật báo Tia Sáng); "... VỀ NGUỒN là một thi văn đoàn lớn nhất Hậu Giang" (KIÊN GIANG - ban thi văn Mây Tần); "... thi văn đoàn VỀ NGUỒN, một thi văn đoàn có phong thái và thanh khí đặc biệt... VỀ NGUỒN đừng bỏ nguồn nhé" (Cô MINH VĂN - nhật báo Sáng); "... Những khuôn mặt VỀ NGUỒN đã không phản bội chủ đề mà họ đã dựng lên. Từ hình thức cấu tạo thơ đến nội dung đều thể hiện được con đường đã khai phóng của họ: VỀ NGUỒN. Giữa lúc mà tình trạng Văn Nghệ TRẻ xô bồ như hiện nay có nhóm giữ được lập trường duy nhất và vững chắc như vậy là một việc làm đáng được lưu ý..." (TRÚC QUÂN -  Tinh Hoa Nữ Sinh, số 4).

         Nhóm VỀ NGUỒN chánh thức hoạt động từ mùa hè năm 1964 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 mới kết thúc, mọi thành viên trong nhóm đã tản mạn khắp nơi, có người đã vĩnh viễn nằm xuống trong cuộc chiến đầy đau thương và nước mắt; một số được ra nước ngoài  tìm tự do, một số còn lại ở quê nhà sống với nhiều ngành nghề khác nhau.

 

                                                  NGƯỜI ĐỒNG BẰNG

                                                    sưu tầm & giới thiệu

 

 

 

TIẾNG HÁT QUÊ HƯƠNG

 LÝ THỊ KIM XƯƠNG

 

Nhiều lần tôi hỏi tại sao anh hát mà tôi khóc

Tôi yêu giọng ca của anh sao?

Tôi không biết

Nhiều lần tôi hỏi sao anh hát mà tôi khóc

Sao anh ru mà tôi không ngủ

Tôi trăn trở bởi tôi đến mỏi lưng

Tôi khóc.

Mắt thì nhỏ nhưng nước mắt chảy nhiều

Tôi nhận cho môi những cảm giác cay cay

Và tôi thì xót xa

Anh hát nữa đi! Anh hát nữa đi!

Tôi còn khóc được

Anh hát nữa đi cho thần xác tôi rưng rỉ

                                       đến thành cẩm thạch

Và đá cẩm thạch hoá mầu đen

Anh hát nữa đi.

Tiếng hát anh mang điệu nhạc rừng rú,

Mang hơi thở đồng bằng tanh mùi máu đỏ

Nghe anh hát tôi nhớ quê hương

Tôi thương tổ quốc

Có lẽ tại anh là lính...

Nghe anh hát tôi nghĩ nhiều đến người trai 20

                                   mang cuộc sống loang lở

Nghe anh hát tôi xót thương tôi

18 năm sinh ra mang căn phần ốc biển

18 năm sinh ra mang mặc cảm tật nguyền

Tôi chưa làm gì được cho nhân loại

Anh hát nữa đi

Thân thể tôi bây giờ lạnh buốt

Sắp sửa biến thành đá đó anh.

Anh hát nữa đi

Tiếng hát anh thơm mùi thuốc súng,

                           thoảng mùi mồ hôi

                                    và nồng mùi sình ướt

Có lẽ tại anh là lính phải không anh?

Anh hát nữa đi

Sao tiếng hát anh buồn đến khổ sở

Sao tiếng hát anh như đốt cháy tim tôi

Sao linh hồn tôi bỗng dưng nóng bỏng

Nghe anh hát tôi muốn được họp mặt

                 với những người anh em còn sống

Để nói với họ về giọng ca người lính Việt Nam

Hát nữa đi anh

Quê hương mình đó.

(Trích TRIỀU SỐNG XANH, nguyệt san học tập văn nghệ trung học Phan Thanh Giản - số 1 tháng ba năm 1966 - tr 48 & 49)

Ghi thêm: Tác giả đã về miền Vĩnh Cửu từ thời còn trẻ. Bài thơ nầy viết lúc tuổi 18.

 

LỜI TỎ BÀY CỦA NHÂN CHỨNG

PHƯƠNG MAI YÊN

 

Tôi là người cảnh binh gác bến phà

                                               Sài Gòn - Lục Tỉnh

Sối tối trưa chiều chạm mặt bạn bè

Những mùa xuân trôi qua lạnh lùng tẻ ngắt

Với ngôn từ khách sáo chua ngoa

Tôi đứng giữa nhìn hai miền mút mắt

Chuyến đi nào vội vã có mang em?

 

Những người ngược xuôi thường xuyên

                                           mang nhiều hối hận

Hành lý trên vai, dăm món quà con trên tay

Dõi mắt về miền quê hương ngổn ngang trong dạ

Tội lỗi lưu đày kiếp sống ngựa xe

Rát cổ bỏng hơi mà đường còn dài

Chuyến đi nào vội vã có mang em?

 

Thôi tạ từ tất cả, những khuôn mặt chán chường,

                                                    kiêu sa, bội bạc

Ước vọng thì nhiều vòng tay thì hẹp

Bươn bả đi hoài nhưng chẳng tới đâu

Khoảng trống hai miền

                            Sài Gòn - Lục Tỉnh bằng nhau

Ngày xưa em yêu em hứa rất nhiều

Chuyến đi nào vội vã có mang em?

 

Bây giờ còn lại mình anh như thân củi mục

Ôn lại cuộc đời hai mươi mấy năm

                                               lận đận, chua cay

Tôi là người cảnh binh gác bến phà

                                nối liền Sài Gòn - Lục Tỉnh

Sớm tối trưa chiều chạm mặt bạn bè

Làm nhân chứng mà không có lương tâm:

Chuyến đi nào vội vã có mang em?

 

(Trích TSX số 1, tr 44-45)

Ghi thêm: Tác giả bây giờ có bút hiệu khác là HÀN VĂN (Lâm Văn Yến) đang định cư ở  Union City, California.

 

NÉT ĐẸP BÂY GIỜ

(cho Trúc Việt)

DY TRANG

 

1. Nét đẹp bây giờ,

mắt không là trăng sao

mà như trái hoả châu trong đêm tối

răng không đều và trắng như hạt bắp

mà phải như kẽm gai đẹp lạnh lùng

tiếng nói không như chim hót buổi sáng

mà là tiếng đại bác khai hoả

như mìn châm ngòi.

 

2. Nét đẹp bây giờ,

không là cánh rừng đầy kỳ hoa dị thảo

mà đầy hầm hố, chông gai, địa đạo,

                                                  giao thông hào

mà là vùng đất lở lói do trái phá in hình

không là buổi sáng chói rạng ánh mặt trời

mà là bóng tối đầy nước mắt mồ hôi

là yêu thương giữa những người lính khác mầu da

là sự gắn liền họ cùng nhìn về một đối tượng

là những chiến tích oai hùng có được.

 

3. Nét đẹp bây giờ,

không là nụ cười bụ bẩm của em bé trong nôi

mà là tiếng khóc khi không còn một giọt sữa

                                          trong người mẹ

là tiếng chó sủa trong đêm tối kinh hoàng

không là phố phường chiều thứ bảy

mà là sự đổ nát sau vụ nổ phá hoại

mà là đồng quê điêu tàn hiện tại.

 

4. Nét đẹp bây giờ,

là tất cả sinh hoạt của cuộc chiến hôm nay.

(Nhóm Mầu Tuổi Ngọc)

(Trích TSX số 1 - tr 13)

Ghi thêm: Tác giả tên thật Nguyễn Thanh Liêm, hiện là thương phế binh VNCH định cư tại Houston, TX. Trưởng nhóm Mầu Tuổi Ngọc là đồng môn Lê Tịnh Giác (bút hiệu Lưu Ngọc) định cư ở Virginia - USA).

 

CƯỚI EM MÙA MƯA

PHƯỢNG HỒNG

 

Bây giờ mùa mưa bắt đầu rồi đó em.

tiếng mưa rơi tiếng mưa rơi

âm vang nức nở kêu thương

nước mắt trời hay nước mắt loài người!

mưa sáng mưa trưa mưa chiều mưa tối

mưa hôm qua mưa hôm nay mưa ngày mai

mưa tháng năm dài.

 

Bây giờ mùa mưa bắt đầu rồi đó em.

em có nghe

tiếng nước rơi từ tim anh

tiếng nức nở trong lòng

và tiếng khóc đâu đây

con chó buồn nằm bên kẹt vách

ngoe nguẩy đuôi

mưa rơi! mưa rơi!

con gà ủ rủ nghe mưa

khóc than chi chít.

 

Bây giờ mùa mưa bắt đầu rồi đó em

con đường qua nhà em lầy lội

đầy chông gai cạm bẫy

người ta dừng bước ngại ngùng!

anh không sợ đó em

anh sẽ vượt qua - anh sẽ chiến thắng tình địch

anh sẽ mang về cho em trọn vẹn tình yêu.

 

Bây giờ là mùa mưa

sắp đến ngày cưới rồi đó em

em sẽ khoác lên mình áo cưới đỏ

màu máu màu lửa đó em

anh sẽ cưới em

đám cưới khởi hành vào buổi tối

không có người xem

chỉ có người bắn nhau giết nhau

tiếng súng tiếng bom là pháo

đàng gái khóc than vì mất em

máu - thây - thịt - xương lăn lóc

anh đưa em đi xa

đi thật xa

từ Nam Quan đến Cà Mau

xây lâu đài hạnh phúc

anh - em - một - nhà.

(cơn mưa đầu mùa - hai sáu sáu)

(Trích TSX số 1 - tr 29)   

Ghi thêm: Tác giả tên thật Nguyễn Văn Xi, hiện nay là thương phế binh VNCH, được biết anh đang sinh sống tại Long Khánh - Việt Nam.

 

GIẤC NGỦ MÙA XUÂN

 LÊ TRÚC KHANH

 Như tuổi thơ còn trên áo em

Mùa Xuân sương khói lạnh đường chim

Bình minh đáy mắt đầy như biển

Anh bỗng nghe Cần Thơ nắng lên.

 

Xin ngủ ngoan hiền - loài cỏ dại

Ai làm chim biển hót đầu cây?

Giấc miên du có về quê mẹ

Cho gửi hồn qua bến mộng nầy.

 

Ngồi xuống đi em - ngồi bên anh

Dòng sông vương tiếng thở trường canh

Nghe anh kể chuyện ngày xưa ấy:

Chuyện nước non mình không chiến tranh.

 

Anh kể em nghe thời trẻ dại

(hôm nay và quá khứ lưu đày)

Tựa màu xanh  - đỏ: màu bông bóng

Bong bóng lên trời - bong bóng bay...

 

Chờ tết Ngoại trồng bông vạn thọ

Cháu con về tảo mộ người thân

Đèn nhang ươm sáng trời tinh tú

Thương nhớ nào rơi kín mộ phần?

 

Nêu mới vươn trời ru gió bấc

Mười lăm tháng Chạp đã vào Xuân

Bỏ manh áo vá từ năm ngoái

Khua guốc đường mơ pháo lại gần.

 

Rồi tháng năm dài anh ngó theo

Nửa vùng ngây dại cũng buồn hiu

Mấy Xuân là mấy lần thêm tuổi

Xa lắm - nầy em - phố chợ nghèo.

 

Sao mắt em buồn hơn tháng Chạp?
Vòng tay thân ái lạnh quê hương

Buồn em nào hoá thành cơm áo

Khi máu xương còn pha máu xương??

 

những ngày áp tết

(Trích thi tuyển VỀ NGUỒN số 5 chủ đề Xuân Quê Huơng)

Ghi thêm: Tác giả tên thật Lê Phước Nghiệp, sinh ngày 28-5-1950 tại Tân Thạch - Bến  Tre, giữ chức vụ Thư Ký văn phòng thường trực của Văn Đoàn Về Nguồn. Tốt nghiệp Đại Học Cần Thơ, ra trường dạy Văn trường Phan Thanh Giản...

 

VỀ SÔNG ĂN CÁ

HUYỀN VÂN THANH

 

* kính dâng BA MÁ và quê hương

* để tặng LÊ TRÚC KHANH

* trọn vẹn cho em KIỀU DIỄM PHƯỢNG

 

Dòng nước theo về ngang xóm nội

Phù sa từng lớp ngập lòng sông

Phần ba sản nghiệp: ghe đăng cá

Ngày tháng cùng đi họp chợ đồng.

 

Ba đem hơi thở nuôi con trẻ

Lặn ngụp bên dòng rạch nước sâu

Từng bát cơm mua bằng khổ cực

Vì con - ba chất nặng ưu sầu.

 

Con nhớ những năm lo chạy giặc

Nhà nghèo - ba má nhịn phần ăn

Củ co bông súng miền kinh ruộng

Thay gạo đồng quê... sống nhục nhằn.

 

Từ đó nhà mình xuôi chợ tỉnh

Trốn bom, tránh đạn chín mười năm

Chiến tranh dày xéo quê hương cũ

Giờ nhớ thương thêm - tiếc nuối thầm.

 

Ba già, không tiếp nghề đăng cá

Làm thợ qua ngày đổi bát cơm

Vẫn hạt ngọc bàng - cơm đất Việt

Nhưng hương vị ngọt chẳng còn thơm!

 

Ngày xưa gạo giã xông mùi cám

(Mộc mạc mà thương mến đậm đà...)

Ăn với cá đồng ba kiếm được

Đơn sơ... vẫn đẹp, phải không ba?

 

Tết nầy ba có về quê cũ

Thăm mả mồ xưa, viếng xóm làng?

Hưu chiến đôi ngày... ôi ngắn ngủi

Làm sao níu lại được thời gian?

 

Ví dầu về rẫy ăn còng sữa

Ăn cá về sông... thương tuổi thơ!

Ba hỡi, điêu tàn vương xóm nội

Tìm đâu đường nét đẹp bây giờ!?

 

10-12-1967

(Trích thi tuyển VỀ NGUỒN số 5 - chủ đề Xuân Quê Hương)

Ghi thêm: Tác giả trong Ban Thường Trực Văn Đoàn VỀ NGUỒN, bị Tổng động viên, vào học trường Thủ Đức khoá 5/68, ra trường phục vụ các đơn vị tác chiến thuộc địa phận tỉnh Phong Dinh. Tháng 10/1971 biệt phái về ngành NDTV tỉnh trực thuộc bộ Nội Vụ. Sau 30 tháng 4 năm 1975 đi tù cải tạo tập trung 6 năm. Định cư tại Houston TX Hoa Kỳ từ năm 1993 theo diện HO.

 

EM MUỐN VỀ THĂM

THÔN XÓM ANH

KIỀU DIỄM PHƯỢNG

 

* trọn vẹn cho Anh

 

Em muốn về thăm thôn xóm anh

Nguyện cầu đất nước chóng yên lành

Trường Long bom đạn không còn nữa

Chấm dứt hận thù - lửa chiến tranh

 

Cho mắt anh thôi vướng nỗi buồn

Cho tình mình đẹp tuổi yêu thương

Gần nhau hết kể hờn binh biến

Hạnh phúc ngời lên ánh thái dương.

 

Nhưng biết bao giờ được hở anh!

Ước mơ em thấy quá mong manh

Đêm về giấc ngủ còn nghe súng

Đại bác liên thanh bắn giật mình.

 

Nửa sáng mơ màng hôn tóc rối

Niềm đau sâu kín lịm quê hương

Người yêu chạy trốn từng bom đạn

Giấc ngủ anh nằm lạnh dưới mương.

 

"Nhà cửa bây giờ tan nát hết

Làm sao có thể dẫn em về
Bên kia hàng giậu từng xiêu đổ

Ngõ hẹp vào thôn nhuộm tái tê!!"

 

Anh kể chuyện buồn - rưng nước mắt

Em nghe mằn mặn vướng trên môi

Quê hương lửa loạn -  buồn hoang vắng

Tuổi trẻ hôm nay tắt nụ cười.

 

Em muốn về thăm thôn xóm anh

Một ngày nào đó được yên lành

Trường Long tươi đẹp thơm mùi lúa

Bát ngát tình quê vương tuổi xanh...

(Trích thi tuyển VỀ NGUỒN số 2 - chủ đề Khuôn Mặt Quê Hương)

Ghi thêm: Tác giả liên tục giữ vai trò THỦ QUỸ của thi văn đoàn VỀ NGUỒN từ khi thành lập đến năm 1968. Định cư tại Hoa Kỳ với phu quân theo diện HO.

 

VỀ NGUỒN

LĂNG CẢNH HUY

 

Về nghe đá thốt nên lời

Máu xương đỏ dựng một trời buồn tênh

Phận người ngày tháng chênh vênh

Giòng con nước lụt buồn thêm nỗi buồn

Thương người đâu phải thương suông

Chán chê tim lạnh phố phường từ khi

Tàn thiu rồi giấc xuân thì

Quê hương bom đạn mòn ghi từng giờ.

(Trích thi tuyển VỀ NGỒN số 1 - chủ đề Tình Yêu Quê Hương)

 

THỰC TẠI QUÊ HƯƠNG

ĐỖ THANH HOÀNG

 

Nửa đêm thức giấc kinh hoàng

Tiếng bom đạn nổ reo vang trên đầu

Hoả châu bừng mắt đêm sâu

Gió thương đau lộng tung sầu giữa khuya.

 

Quê hương nước mắt đầm đìa

Tự tình sông núi về khuya tỏ bày

Bao năm chinh chiến đắng cay

Tình yêu đất nước tháng ngày cao thêm.

(Trích thi tuyển VỀ NGUỒN số 3 - chủ đề Nói Với Quê Hương)

 

TIẾNG HÁT VÀO ĐỜI

NGUYỄN HOÀI VỌNG

 

* viết theo một tâm sự

 

E ấp nghiêng nghiêng vành nón lá

Tuổi học trò áo trắng đẹp trinh nguyên

Từng khép nép nắng mai hồng lên má

Suối tóc mùa thu buông chảy dịu hiền.

 

Bên bè bạn em vui cùng sách vở

Với cô thầy em gắng sức học ngoan

Em vẫn tưởng đời êm đềm muôn thuở

Dưới mái trường yêu trải mộng huy hoàng.

 

Bàn chân nhỏ dẫm bừa lên gai góc

Em vào đời ngơ ngác mắt nai tơ

Thời sách vở ôi thiên đường tuổi ngọc

Nuối tiếc làm sao màu áo học trò.

 

Cô gái nhỏ giờ ôm sầu kỷ niệm

Chớm ưu tư thương nhớ những bạn hiền

Phượng đã tàn sân trường Đoàn Thị Điểm

Em cúi đầu nghe xao xuyến vô biên.

(trong tập Hoa Nắng)

(Trích thi tuyển VỀ NGUỒN số 4 - chủ đề Tình Thu Quê Hương)

 

CẢNH HUỐNG SANG THU

VŨ THY LÃNG TƯỞNG

* mến tặng Tuyết

 

Khai thu súng nổ trên đầu

Trăm hơi thở nặng đọng sau tiếng cười

Niềm đau hung hãn chưa nguôi

Ta từ phận nhớ buông xuôi về rừng

Trông ra rồi cũng dửng dưng

Mặc bom đạn vọng trên lưng thật giòn

Bạn thân thiết mấy kẻ còn

Thằng say chiến tuyến thằng yên mả mồ

Riêng tôi ôm nước mắt khô

Lạc trong giọng nói, ngoài khờ bước chân.

(Trích thi tuyển VỀ NGUỒN số 4 - chủ đề Tình Thu Quâ Hương)

 

XA LẠ

HÀ HUY THANH

 

1.

Đến nhìn lại mặt mày

Vẫn đục ngầu lửa đỏ

Đến nhìn lại tháng ngày

Vẫn một bè lũ nó.

 

2.

Mùa xuân về bên đây

Mùa xuân về bên nầy

Tìm đâu nguồn hạnh phúc

Tìm đâu vùng tương lai.

 

3.

 Anh ôm hoài lửa máu

Ve vuốt hoài nỗi buồn

Tuổi đời xưa ẩn náu

Cuộc chiến và quê hương.

 

4.

Trôi trên dòng trí nhớ

Xác pháo nổ tan giòn

Đêm giao thừa bỡ ngỡ

Ôi mùa xuân đâu còn.

 

5.

Tuổi nầy dành cho em

Tuổi kia dành cho mình

Lớn thêm mà đau khổ

Nhận diện loài chiến tranh.

(Trích thi tuyển VỀ NGUỒN số 5 - chủ đề Xuân Quê Hương)

 

TỰ TÌNH XUÂN

PHẠM QUYÊN LINH

 

Ai có mua mùa hoa nở không ?

Về đây tôi bán rượu xuân nồng

Bán đôi cánh én lưng trời mộng

Ai có mua mùa hoa nở không?

 

Tôi bán lời ca, tiếng hát xuân

Bán trời hương sắc, bán linh hồn

Bán loài hoa dại mùa xuân nở

Ai có mua mùa hoa nở không?

 

Tôi bán tiếng lòng khắp thế gian

Bằng thơ sầu mộng dệt âm thầm

Lặng im nghe tiếng xuân mừng tuổi

Ai có mua mùa hoa nở không?

 

Tôi bán cho đời đó, kiếp xuân

Còn ai bán lại máu tươi hồng

Để tôi nhỏ xuống lòng quê mẹ

Cầu nguyện hoa đời trổ đất xuân.

 

Đã mấy năm rồi non nước tôi

Nghiêng nghiêng lửa máu đổ bên trời

Tháng năm réo gọi hồn bi sử

Với mảnh khăn tang mãi sụt sùi.

 

Và quê hương đó vẫn thương đau

Vẫn đắm lòng xuân với nghẹn ngào

Hồn bi ca cũng sầu luân điệu

Nên cả trời xuân lệ vẫn trào.

 

Hàng nắng lên dựng trời suy tư

Mây xa lớp lớp chở hoang vu

Có ai mua hết mùa hoa nở

Và bán cho tôi chút lệ sầu...

(Trích thi tuyển VỀ NGUỒN số 5 - chủ đề Xuân Quê Hương)

 

LẠC LẠC CUỒNG CA

LÊ HÀ UYÊN

 

* để ru người yêu vào mùa-xuân-mai-xanh

* để tặng những ai chưa quên hồn chim lạc

 

Tuổi bốn ngàn năm hề ta tỉnh ta say?

Cành Nam khô héo lạnh đôi mày

Từ ta không trở về Dương Tử

Trời bỗng mang mang hề gió nổi cát bay!

 

Đã mỏi mòn hề trời lưu lạc

Ta thoát hình - cánh rũ gió Giao Châu

Ngàn năm Bắc thuộc ta không nhớ

Trưng - Triệu - Ngô - Trần - bao nhiêu bể dâu!

 

Ta nhập hồn Trần Quốc Tuấn

Gối sóng Bạch Đằng - giăng mây cao

Loài Mông-hôi-hám chồn chân ngựa

Xương máu tham tàn hề chôn dòng sâu.

 

Rồi ta cúi mặt thở dài

Nhìn cha con Quý Ly về phương Bắc

Hào khí Giao Châu vùi đất giặc

Mồ Yên Kinh - bao sách vở tro bay.

 

Ta uất ức nhưng loài chim không nước mắt

Giận Thiêm Bình - thương dân Việt đọa đày!

 

Màu trắng thân ta là màu-tóc-Diên Hồng

Lời ta thành ước vọng toàn dân

"Bình Ngô"khúc hát rền sông núi

Lê Lợi-mười-năm hề - hùng khí dậy Lam Sơn...

 

Rồi sững sờ ta nhìn sông Gianh ô nhục

Giống Lạc Hồng hề bày trò giết nhau!

Năm mươi năm đó hờn Nam Bắc

Trịnh - Nguyễn còn nghe tiếng nghẹn ngào!

 

Và ta không thể làm ngơ được

Tung cánh ba nghìn dặm hề trời Hồng nhoà mây

Ta vì dân Nam hề giúp Quang Trung

                                                   thành đại nghiệp

Tây Sơn áo vải dựng cơ đồ

Mãn Thanh - lũ chuột trôi dòng Nhị

Năm mươi năm nhục nhằn hề giờ

                                                 lá xanh cành khô...

 

Ta muốn về Lưỡng Quảng

Tô lại bức dư đồ

Nhưng trời không tựa lòng dân Việt

Anh hùng mệnh đoản hề - tan một giấc hồ!

Từ ta cao tiếng hát

Đoạn Trường Tân Thanh hề - Hồng Lam

                                                           nhập điệu

Xuân-ca-dao hề - Nguyễn Du đăng quang

Ta say nghiêng ngửa bên bầu rượu

Gõ nhịp ca hề - "Văn Hiến chi bang".

 

Điệu hát ngân dài - trường ca Nam Tiến

Chiêm Quốc ngậm hờn hề Chân Lạp ngẩn  ngơ!

Cánh ta vẫy rộng trời Nam Bắc

Giấc mộng về Nam máu dựng cờ.

 

Rồi loài bạch quỷ say cuồng mộng

Ta tám mươi năm cũng ngậm ngùi

Đất Việt vang ca bài-ca-bất-khuất

Lớp lớp thây ngã hề không lui.

 

Nguyễn Thái Học hề -  mây tang mờ Yên Bái

Lương Ngọc Quyến hề - máu nhuộm cờ

                                                         Thái Nguyên

Sa Diện một tiếng bom hề - Hoàng Hoa Cương sử

Nguyễn Trung Trực hề - kiếm bạc

                                                   khấp Kiên Giang.

 

Thực dân mộng vỡ hề - loài sài lang rước nhục!

Giọng hát xưa hề ta cũng vùi đại dương!

Ta say - say đến bao giờ nữa

Cho quên hờn Bến Hải - Hiền Lương?

 

Ta thương dân Nam hề trọn kiếp lầm than

Ta thương Cà Mau - ta thương Nam Quan!

"Bạng duật tương trì hề ngư ông đắc lợi"

Ta giận ta hề - nghiệp dĩ mang mang!

 

Ta làm sao được - người không thương nhau!

Ta làm sao được - xương máu dâng sầu!

Cành Nam rồi cũng đành lưu lạc

Thất thểu đêm gào - mà trời cao - trời cao!

 

Ta buồn không nhớ say hay tỉnh

Từ những mùa-xuân-không-ca-dao.

 

(Trích thi tuyển VỀ NGUỒN số 5 - chủ đề Xuân Quê Hương)

Ghi thêm: Tác giả là GS Lê Văn Quới, dạy Quốc Văn - Giám học trường Phan Thanh Giản, cố vấn cho nhóm Về Nguồn từ khi thành lập. Nay đã nghỉ hưu.

 

 

         Trong thi tuyển VỀ NGUỒN số 5 dầy 20 trang có giới thiệu nơi trang 16 tập thơ với những dòng chữ như sau:

 

 Đón đọc DI CHÚC 

Tập thơ cho những người còn ở lại

những dòng chân thành vắt từ óc, từ tim, từ nước mắt

- của một người cha nói với những đứa con trong hoài bão

- của một người thầy nói với đám học sinh thân yêu

- của một người yêu nói với người yêu

- của một người anh nói với các em

- và của một người thơ nói với những người thơ.

Một ngày quê hương còn lửa khói - một ngày không thể không đọc tập DI CHÚC của LÊ HÀ UYÊN và

THÔNG XANH - tập thơ nói lên những niềm đau

không nói hết của quê hương.

do Thi Văn Đoàn VỀ NGUỒN ấn hành.

 

                            Nhưng tiếng súng tấn công Tết Mậu Thân 1968 vào khắp các tỉnh thành VNCH của CS đã phần nào ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhóm Về Nguồn. Vì sau Tết Mậu Thân, đồng loạt lệnh gọi Tổng động viên đã có nhiều thành viên của nhóm phải khăn gói lên đường để vào quân đội bảo vệ tổ quốc, số còn lại tiếp tục học và sau đó vào các ngành nghề để sinh sống. In thi tập cho các tác giả tạm ngưng, nên DI CHÚC cùng chung số phận. Hoạt động văn nghệ của nhóm Về Nguồn chuyển sang phát Tiếng Thơ VỀ NGUỒN trên đài phát thanh Cần Thơ mãi cho đến năm 30 tháng 4-1975 mới ngưng tiếng nói. Trực tiếp chăm lo chương trình tiếng thơ là nhà thơ - nhà giáo LÊ TRÚC KHANH, Thư ký thường trực của thi văn đoàn, với sự tiếp sức của tất cả anh chị em trong nhóm dù tản mác khắp bốn phương trời.

         Qua gợi ý của bạn Lý Tòng Tôn, tôi xin sưu tầm và ghi lại một chặng đường thơ của các bạn, trong Nguyệt san TRIỂU SỐNG XANH (chỉ còn được số 1, còn hai số 2 và 3 không còn lưu giữ); các bạn trong nhóm văn nghệ VÊ NGUỒN mà tuyệt đại đa số là học sinh Phan Thanh Giản & Đoàn Thị Điểm, còn có nhà sưu khảo văn học tên tuổi Nguyễn Bá Thế và hai vị Giáo sư làm cố vấn nên hướng đi của nhóm khá rõ nét qua các thi tuyển đã ấn hành (từ số 1 đến số 5). Riêng số đặc biệt tăng thêm độ dầy (6 và 7 in chung) dự trù phát hành hạ tuần tháng 2/1968 "mang chủ đề độc đáo để bắt đầu cho loạt thi tuyển năm thứ hai của thi văn đoàn" thì phải bỏ dở dang. Đó là điều đáng tiếc cho nhóm VỀ NGUỒN bởi cuộc chiến tàn khốc gây nên trên quê hương đất nước. Bây giờ nhớ lại chỉ còn như chút HƯƠNG VỊ NGÀY XƯA mà thôi. Nhưng đặc san 14 PTG & ĐTĐ Cần Thơ năm 2009 tại Nam California không đăng (và bạn Lý Tòng Tôn không nói rõ lý do vì sao không đăng, dù bạn gợi ý). Nhận thấy đây là tài liệu cần lưu giữ nên xin gởi cộng tác trên trang nhà ptgdtdusa.com, với mục đích gởi đến quý Thầy Cô và quý đồng môn nhớ lại một thời gian có sinh hoạt thơ văn của trường chúng ta.

 

                                 NGƯỜI ĐỒNG BẰNG

                                            sưu tầm & giới thiệu

LHV_Trieusongxanh2.jpg
LHV_ThiTuyenVeNguon.jpg.w300h136.jpg
bottom of page