top of page
hmpg.jpg
Titlej (1).jpg
Web_GiapThin.png

 CÁC TÁC GIẢ:

1. Đỗ Chiêu Đức: Thơ Chúc Tết - Câu đối Tết

2. Mailoc: Tháng Chạp

3. Songquang: Đêm Giao Thừa

4. Phan Thượng Hải: Thơ: Táo hiện đại - Biên Khảo: Ngày Tết

5. Mai Xuân Thanh: Đưa Ông Táo về trời

6. Mỹ Trinh: Xuân tình yêu

7. Lê Cần Thơ: Tết cổ truyền Việt Nam... 

8. Anh Tú: T​ết ơi

9. Liên Lương Hoa: Đưa Ông Táo về trời Gia Hoa về thăm quê nhà 2019

____________________   

 

1. ĐỖ CHIÊU ĐỨC:

  * Bài thơ Chúc Tết:

 

           XUÂN GIÁP THÌN 2024       

Giáp Thìn chính hiệu chú Rồng Xanh, 

Giáng thế mang theo lắm chuyện lành.

"Long Phụng Trình Tường" vui hỉ hạ,

"Long Phi Phụng Vũ" đón thanh bình.

Thầy Cô,  Bạn Học  đều an lạc,

Thân Hữu, Đồng Hương thảy rạng danh.

Cầu chúc Xuân nay toàn thế giới,

Hòa Bình Hạnh Phúc đón Rồng Xanh !

 Đỗ Chiêu Đức 

 01-28-2024

   * Câu đối:

    Câu đối Tống Cựu Nghinh Tân:

 

卯去留瑞氣,   Mão khứ lưu thuỵ khí,

辰來送吉祥。   Thìn lai tống cát tường.

     Có nghĩa :

- Năm Mão qua đi nhưng còn lưu cái vận khí may mắn ở lại; 

- Năm Thìn đến lại đưa điềm tốt lành đến theo. (TỐNG 送 là Đưa đến).

   Thật là :

   Mèo đi may mắn còn đây,

   Thìn rồng vận tốt đến đầy khắp nơi. 

2. MAILOC

   Nhớ Tháng Chạp ngày xưa nơi quê nhà

 

 THÁNG CHẠP

Tháng chạp mai đào cợt gió đông

Rao rao bấc lạnh mái tranh lồng.

Vang vang tu hú vườn ươm nắng

Lãng đãng mây trời én liệng không.

Tiếng guốc reo vui tà áo trắng

Gió Xuân âu yếm má em hồng.

Dặm ngàn lữ khách mơ trường cũ

Khắc khoải mộng về nỗi ước mong!

     Mailoc

    01-31-24

3. SONGQUANG:

ĐÊM GIAO THỪA

 

Giao thừa xướng họa ,xếp nằm co

Cúng kiến gia tiên kẻo lỡ đò

Cầu nguyện nhân gian luôn sung túc

Ước mong thế giới hết sầu lo

Đạn bom chấm dứt say sưa hát

Chinh chiến lặng yên ngủ ngáy khò

Năm mới tâm lành xin giữ vẹn

Cuộc đời thanh thản ắt tròn vo

songquang 

20240202

4. PHAN THƯỢNG HẢI:

* THƠ: TÁO HIỆN ĐẠI

Hăm ba tháng Chạp chẳng chầu Trời

Tấu sớ thành thơ gởi khắp nơi

Hữu đức hiền nhân vua dưới bếp

Thành tài trí thức chuyện trên đời

Trào lưu hiện đại tuy còn Táo

Đạo Giáo ngày nay đã hết thời (*)

Trình diễn duy tân vui hạ giới (*)

Khôi hài truyền thống tựa trò chơi.

(Phan Thượng Hải)

1/16/23 

* BIÊN KHẢO: NGÀY TẾT 

(Bs Phan Thượng Hải)

 

Theo nhà văn Sơn Nam

         Ngày đầu năm rất quan trọng vì chẳng lẽ con người cứ sống qua thời gian mà chẳng biết lấy gì để đo lường thời gian.  Thời xưa lấy năm âm lịch làm chuẩn dựa vào thời tiết mưa nắng hay xuân hạ thu đông để tính tuổi tác con người, để qui định thời điểm đóng thuế và đồng thời chọn thời điểm để gieo giống thu hoạch mùa màng nông nghiệp, tạo niềm hy vọng.  Trong bốn mùa chỉ có mùa Xuân là tươi đẹp nhất, khí trời mát mẻ nên Vua chúa Trung Hoa (từ thời Tam Hoàng) dùng ngày đầu mùa Xuân cho ngày Tết (ngày đầu năm mới). 

 

Ngày đầu tháng Giêng được dùng làm ngày Tết từ Hán Vũ Đế (từ năm 140 tr CN) của Trung Quốc.  Theo lịch xưa, tháng Giêng là tháng Dần.

(Từ thời Bắc Thuộc Trung Quốc, bắt đầu vào năm 111 tr CN, cũng là ngày Tết của người Việt).

 

Ngày Tất Niên là ngày cuối của năm cũ: 29 tháng Chạp hoặc 30 tháng Chạp (nếu là năm nhuần).  Nhà nhà đều có Lễ cúng rước Ông Bà tổ tiên về ăn Tết vào buổi chiều.  Thường là có cỗ linh đình toàn gia đình với nhiều món ăn và thức uống.  Đến đúng Giao Thừa thì cúng nhẹ và bắt đầu đốt Pháo ở nhà và ngoài đường (tiễn năm cũ và rước năm mới).  Từ đó Pháo đốt vui Chơi trong suốt những ngày Tân Niên.

Đêm của ngày Tất Niên cho đến sáng hôm sau gọi là "đêm Trừ Tịch".  Trừ là đổi, bỏ đi.  Tịch là đêm hay ban đêm.  Do đó Trừ Tịch có nghĩa là Đêm đổi bỏ từ năm cũ sang năm mới.  Nói cho gọn thì Trừ Tịch là Đêm cuối năm.

Đứng giữa đêm 29 (hay 30) và bắt đầu ngày Mùng 1 Tết gọi là Giao Thừa hay "đêm Giao Thừa".  Theo nghĩa đen thì Giao Thừa là "cũ giao lại, mới tiếp qua".  Đúng giữa đêm Trừ Tịch (12 AM), "lúc năm cũ qua, năm mới" đến gọi là Giao Thừa.  

 

Sau ngày Tất Niên là Tân Niên (Năm Mới).  

Ngày đầu của Năm Mới, ngày mùng 1 tháng Giêng Âm Lịch, có nhiều tên gọi: Ngày Tết, Ngày Mùng Một Tết, Ngày Nguyên Đán hay Tết Nguyên Đán.  

 

Hán ngữ của Ngày Tết

Nguyên Đán

         Nguyên = bắt đầu, đứng đầu, thứ nhất.

         Đán = nghĩa gốc là buổi sáng, bắt đầu cho ngày; nên cũng có nghĩa là ngày.

                  Hán tự "Đán" gồm chữ "Nhật" đứng trên chữ "Nhất" với hàm ý là mặt trời mọc lên khỏi mặt đất nên nghĩa gốc của chữ "Đán" là Buổi sáng, bắt đầu cho một ngày do đó Đán cũng có nghĩa là Ngày.  

 

Nguyên Đán

         = ngày đầu hay ngày thứ nhất. 

         = ngày đầu của một tháng = ngày mùng một của một tháng.

         = ngày đầu của một năm = ngày mùng một của tháng giêng.  Nghĩa này được dùng cho Tết Nguyên Đán (hay Lễ Tết Nguyên Đán). 

 

Nguyên Nhật

         Nguyên = bắt đầu, đứng đầu, thứ nhất.

         Nhật = ngày.  

         Nguyên Nhật = Nguyên Đán (thường dùng cho ngày đầu năm).

 

Chí Nhật

         Chí = cuối.

         Nhật = ngày.

         Chí Nhật 

                  = ngày cuối.

                  = ngày cuối của một tháng hay một năm.

 

Thường dùng Nguyên Nhật hay Nguyên Đán là ngày đầu năm (ngày mùng một tháng giêng) và Chí Nhật là ngày cuối năm (ngày 29 hay 30 tháng chạp).

 

Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn 

 

Bài viết này là trích đoạn từ bài "Món Ăn Ngày Tết" (Bs Phan Thượng Hải) đăng lần đầu trong phanthuonghai.com 

5. MAI XUÂN THANH

Đưa Ông Táo Về Trời…!

 

Táo Quân bổn mạng dưới Trần gian
Tháng Chạp Hăm Ba đội mũ vàng
Mọi chuyện đông vui ghi mấy sớ
Mỗi nhà rậm đám chép bao trang
Ngồi lưng cá chép bay Tiên cảnh
Cỡi gió rồng mây vượt núi ngàn
Thượng Đế Ngọc Hoàng chung tiến tửu
Táo Quân Vua Bếp chúc an khang…!


Mai Xuân Thanh
Bay Area, January 27, 2024  

6. MỸ TRINH

Xuân Tình Yêu

 

Mùa xuân về rải khắp trời

Yêu thương vui vẻ chữ rơi vào vần

Thơ em từ những bâng khuâng

Nở hoa xanh biếc phím ngân cung đàn

 

Đông dời bước nhỏ mùa sang

Đào mai tìm hạt nắng vàng trao xuân

Thương nhau không quản ngại ngần

Vốc tình lên đỉnh phù vân em chờ

 

Chờ gió đưa hương bài thơ

Chờ mây lan tỏa vô bờ tình em

Gửi xuân áo gấm lụa mềm

Gửi trái tim đã ngày mênh mông đầy

Gửi y nguyên mộng ban đầu

Giao hoan trời đất sum vầy tình yêu

Xuân rơi lên tóc mỹ miều

Lên môi lên mắt.. liêu xiêu... tình hồng!

Mỹ Trinh

7. LÊ CẦN THƠ:

TẾT CỔ TRUYỀN VIỆT NAM VỚI NHỮNG NGƯỜI CON XA XỨ

         Không phải ngẫu nhiên, mà là một tổng hợp tôi muốn ghi nhận ở đây - cái mốc thời gian vừa tròn 30 năm (1975 - 2005) kể từ cái ngày của tháng Tư oan nghiệt, kéo theo biết bao sự chia lìa đau xót của nhiều người Việt Nam, trong đó không biết chính xác là bao nhiêu người đã vĩnh viễn nằm xuống trong trại tù cải tạo, trong rừng sâu, dưới lòng biển cả... khi phải trả giá cho hai chữ "tự do" đúng nghĩa của nó. Bây giờ trên hai triệu người Việt Nam xa xứ, định cư rải rác trên hàng trăm quốc gia toàn thế giới đang sống với tâm trạng "lưu vong"; và cứ mỗi năm, vào dịp Tết cổ truyền, chạnh lòng khi hướng về

quê hương đã trở thành "cố xứ"; với biết bao tâm trạng khác nhau... Dĩ nhiên tâm trạng của những người xa xứ bởi biến cố đau thương của đất nước, chắc sẽ khác nhau với tâm trạng của những thế hệ sau nầy ra nước ngoài, hoặc du học, hoặc đi làm việc để tìm sự sống. Nhưng, xa đất nước với động cơ nào, "những người con xa xứ" sẽ dễ cảm thông nhau tại một giao điểm đáng nhớ, đó là "Tết Cổ Truyền Việt Nam".

 

         Ở Việt Nam có 9 ngày lễ Tết trong năm, nhưng Tết Nguyên Đán là Tết cổ truyền được tổ chức linh đình và long trọng nhất, diễn ra suốt ba ngày, từ ngày mùng Một đến mùng Ba tháng Giêng âm lịch. Vào chiều ngày 30 tháng Chạp, người ta làm cỗ để cúng và rước Tổ Tiên về. Nửa đêm 30 rạng mùng Một, tức là đêm Trừ Tịch, người ta làm lễ cúng Trời Đất để tiễn năm cũ và đón năm mới. Việc cúng vào thời điểm nầy được gọi là cúng Trừ Tịch hay cúng Giao Thừa. Thường thì sau khi cúng giao thừa, người ta đua nhau đi lễ chùa và lễ đền miếu, hái lộc đầu năm, có người lại xin xăm, bói quẻ đầu năm; chọn giờ và chọn hướng để xuất hành cho được tốt để đem lại may mắn cho gia đình.

 

         Vào đầu năm mới, các nhà văn nhà thơ thường "khai bút"; các vị quan xưa thì chọn ngày tốt trong đầu năm để "khai ấn". Sáng sớm mùng Một, các gia đình đều pha trà làm lễ cúng gia tiên và đốt pháo ăn mừng Tết, đi xông nhà xông đất. Các con cháu mừng tuổi cha mẹ ông bà và được cho tiền mừng tuổi. Sáng mùng Hai, gia đình đi lễ tổ tiên bên Ngoại. Mùng Ba, các gia đình đều làm hoá vàng (đồ bằng giấy giả làm vàng được đốt đi sau khi cúng lễ) để tiễn gia tiên; cũng ngày nầy, các môn sinh đi lễ nhà Thầy Cô giáo. Bởi vậy, ca dao Việt Nam có câu "Mùng một thì ở nhà cha, Mùng hai nhà vợ, mùng ba nhà thầy", hân hoan chúc cho nhau những điều tốt lành nhất cho năm mới, là khởi đầu cho niềm hy vọng mới. Tết cũng là ngày đoàn tụ, là dịp để bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên, với những bậc tiền hiền đã dày công dựng nước và giữ nước. Tết còn mang ý nghĩa đoàn kết, tha thứ, cởi mở, biết ơn và vui sống của mọi người dân Việt...

 

         Đời sống văn hoá của dân tộc Việt trải dài hàng mấy ngàn năm văn hiến, ông cha đã tích lũy biết bao kinh nghiệm để truyền dạy cháu con và những sự truyền dạy đó trở nên những "lề thói" mãi đến bây giờ vẫn còn. Trong thời đại văn minh hiện tại, qua trao đổi và giao tiếp với trào lưu tiến hoá của loài người, dân tộc Việt cũng đã loại bỏ dần đi những điều không cần thiết, giữ lại những phong tục cổ truyền rất đẹp, vì đó là biểu tượng của một nền văn hoá tuyệt vời của dân tộc: tục lệ thờ cúng gia tiên trong những dịp 

lễ tết, tục lệ kiêng cử lời ăn tiếng nói, chọn hướng xuất hành, hái lộc đầu năm, lì xì mừng tuổi v.v... Có lẽ nhờ vậy mà những tâm tình ghi nhận được vào dịp Tết Ất Dậu phản ảnh phần nào tâm lý, tình cảm và đạo đức của con dân Việt - những người con xa xứ đang hướng về quê cha đất tổ trong dịp Tết cổ truyền. 

         "Mùa Xuân đã đến rồi, vậy mà lòng người vẫn buồn vậy sao. Có mấy người hiểu được cảnh sống xa quê mỗi khi xuân về là thế nào không nếu như họ chưa một lần sống xa nhà. Trên đất Việt lúc này đào đang nở rộ chào đón một mùa xuân, chào đón một năm mới an lành. Trong khi đó tôi phải đón xuân tại một nơi xa quê hương tới nửa vòng trái đất (...). Mỗi khi tưởng tượng trong đầu hình ảnh cành đào nở là lòng tôi lại rạo rực nhớ về quê hương yêu dấu. Nơi gắn bó với tôi bao nhiêu kỷ niệm buồn vui, nơi đang sống và làm việc tất cả những người thân và bạn bè tôi. Ôi, hai tiếng "quê hương" sao mà thân thương là thế. Hỡi những người yêu dấu ơi, có ai hiểu lòng tôi không" (M. Đ. Thịnh -

Feb 09/2005"; 

         "Bỗng nhiên tối nay tôi không thể nào chợp mắt được bởi tuy xa quê nhà, nhưng vẫn dõi theo giờ giấc Việt Nam và biết bây giờ nơi ấy mọi người đang rạo rực chờ đón phút thiêng liêng của năm con gà cất vang gáy đón bình minh hạnh phúc. Có tha hương mới thấu hiểu tâm tình của những đứa con luôn nhớ về nơi quê hương xứ sở, cũng bánh chưng, cũng dưa hành đầy đủ, nhưng sao không tìm được hương vị thân quen ". (Ng. T. Huỳnh - Feb 09/2005";

         "Tôi đã cố gắng quên đi cái không khí Tết ở Việt Nam để khỏi phải nao lòng khi nghĩ về nó. Thế nhưng khi đọc những dòng cảm xúc của những người con xa quê hương, xa gia đình về giây phút thiêng liêng, thời khắc giao thời, tôi đã khóc rất nhiều. Tôi đã nhìn thấy tất cả những hình ảnh đón Tết của cả 27 năm qua. Tôi đã rất nhớ nhà, nhớ Mẹ, nhớ những người thân, nhớ cái se lạnh và mưa xuân. Tôi nhớ vào khoảng giao thừa thường có mưa xuân nhẹ nhàng. Tôi nhớ nồi bánh chưng bà nấu, nhớ cả nồi canh măng mẹ thường nấu cho tôi (...)". (DK. Van - Feb 09/2005)"; 

         "Lại thêm một năm nữa tôi không được hưởng cái tết cổ truyền của Việt Nam, vậy là năm thứ 13 rồi đó. Giờ khắc nầy tôi thật nhớ đến gia đình nhiều hơn bao giờ hết, nhớ đến cái xóm nhỏ thân yêu mà thuở ấu thơ vào những ngày gần Tết, ai cũng bận rộn hết. Người sửa chữa nhà, người lại sơn cửa. Ba mẹ tôi hay bảo anh em tôi phải quét vôi lại cái nhà, lau chùi bàn thờ. Bộ lư đồng luôn được lau bóng. Sân vườn phải tươm tất, chưng bày hoa đầy lối vào nhà (..). (Helên Do - Feb 07/2005 - Pháp quốc).

         Những thanh niên đi lao động nước ngoài, các du học sinh - thế hệ trẻ chỉ mới xa nhà xa quê một vài năm thì tâm tư, tình cảm có thể chia sẻ tương đối giống nhau, chẳng hạn "Ở nơi xứ người, nơi tôi sống (một thành phố của châu Âu) không khí Tết gần như không có. Nhớ gia đình, tôi chỉ biết nâng cốc chúc bố mẹ, vợ, con gái, em gái qua webcam. Như vậy cũng là tốt lắm rồi, cảm giác về không gian như gần lại, nỗi nhớ được san sẻ bớt"; (Sinh viên VN tại vương quốc Bỉ); "Ngày Tết ta ở bên Tây chỉ là ngày bình thường, lũ sinh viên chúng tôi vẫn phải đi học. Lúc này ở Việt Nam chắc mọi người đang ra đường vui lắm. Chợt nhớ ba năm về trước, cầm tay cô bạn gái đi đón xuân quanh bờ hồ giữa biển người, rồi ngắm pháo hoa, rồi hai đứa đi hái lộc mang về nhà... Thời gian trôi nhanh quá, thế là đã ba cái xuân ở Bordeaux" (Ng. Q. Toàn - sinh viên ở Bordeaux - Pháp)". Với những người con xa quê như chúng tôi, vào thời khắc thiêng liêng này, tất cả đều bồi hồi nhớ về quê hương, gia đình với bao tình cảm nhớ nhung. Càng buồn và cô đơn vì thành phố Barcelona nơi chúng tôi sinh sống và học tập không có không khí tết như những thành phố khác do cộng đồng người Việt ở đây rất ít"; (V. M. Cường - Tây Ban Nha"; Mỗi lần Tết sắp sang, mẹ lại hỏi con có về không. Con lại trả lời mẹ để con sắp xếp, rồi cuối cùng con lại không thể. Có lúc thì là kỳ thi, có lúc lại là công việc. Mẹ nói chỉ muốn biết con có về không để mẹ còn tính sẽ gói bao nhiêu bánh chưng và nấu bao nhiêu chè. Mẹ nói là mẹ gói thêm bánh chưng để con mang đi sau Tết nữa. Rồi mẹ nói nếu con bận không về được thì cũng không sao, mẹ lại đỡ thêm bao nhiêu là thứ. Mẹ biết không hai tiếng "không sao" của mẹ theo con suốt cả năm trời, bên tai con mọi nơi, khi con làm mọi việc. Để rồi mỗi khi mùa đông tới, trở về căn phòng thuê nhỏ xíu của mình bên này, con lại nhớ tới hai từ "không sao"; của mẹ. Nhiều đêm nhớ mẹ, nhớ nhà, con tự bảo mình, mẹ không sao đâu, mẹ nói mẹ không sao mà, mà nước mắt rơi lúc nào không biết nữa (...). (V. Nguyễn - London, xa quê 4 năm).

         Với những người Việt định cư vĩnh viễn tại một quốc gia, chẳng hạn ở Úc, ở Canada, ở Hoa Kỳ, ở những nơi tập trung đông đảo người Việt... bà con vẫn nhớ làng quê, thôn xóm, họ hàng mỗi độ xuân về tết đến, thế nhưng sinh hoạt thường ngày đã trở nên quen thuộc gần gũi hơn, nên tâm trạng dành cho ngày Tết cổ truyền đặc biệt hơn. 

         "Cộng đồng người Việt tổ chức hội chợ Tết, có múa lân, đốt pháo và những cửa hàng bán quà Tết, cũng như văn nghệ Việt Nam. Những khu chợ Việt Nam rất đông đúc. Ở đây có đủ hoa quả, kẹo, bánh chưng, bánh tét, báo Xuân". (L. U. Vy - Melbourne, Australia). Cách nửa vòng trái đất, nhưng người Việt ở Mỹ vẫn tổ chức Tết Nguyên Đán đậm nét dân tộc. Trước đó mấy ngày, các khu chợ người Việt tấp nập mua bán. Ở đây có đủ mặt hàng từ bánh, mứt kẹo, đến bánh chưng, cành đào, cây mai vàng. Các hội đồng hương người Việt tại Mỹ tổ chức đón Tết thật trang trọng vẫn theo tục cổ truyền, có múa lân, văn nghệ, phát tiền lì xì cho trẻ em. Dù lần đầu tiên hay đã nhiều năm xa quê, các gia đình cũng đều tổ chức đón Tết sum vầy tại gia. Anh T. Thắng (Lowell) cho biết: "Bà con dòng họ tề tựu tại nhà anh để cúng ông bà, lì xì cho con cháu và sau đó là tiệc tùng. Với những bà con ở xa không về chung vui cùng gia đình được thì mọi người gọi điện thoại để chúc Tết". Còn anh Ng. Ngọc (Los Angeles) nói "năm nào cũng giữ thói quen nấu bánh chưng để nhớ lại những kỷ niệm xưa kia ở quê nhà. Với anh, Tết không thể thiếu bánh chưng". Anh L. Quang sống ở San Jose viết "Không khí Tết tại đây lúc nào cũng nhộn nhịp, chắc là vì dân số người Việt Nam tại đây lúc nào cũng nhộn nhịp, chắc là vì kinh tế ở đây khá hơn. Bạn có thể thấy không khí Tết bắt đầu từ hôm 23 tháng Chạp, mọi người chuẩn bị để đưa ông Táo chầu trời. Các chợ nhộn nhịp từ 8 giờ sáng. Hoa năm nay nhiều hơn và đẹp hơn mọi năm, giá cả có phần rẻ hơn". Có lẽ hội nhập cuộc sống nơi có đông người Việt nên S.Q.H. Phạm viết "Riêng tôi, năm đầu tiên đón Tết xa quê hương cũng cảm thấy không cô đơn. Có một lý do rất đơn giản, là vì tôi đang sống trong cộng đồng người Việt đông nhất tại hải ngoại - khu Little Sài Gòn California. Trong không khí đón Tết nơi đây, thật lòng tôi muốn nói lời cảm ơn tất cả những người đã gìn giữ được cái Hồn Tết nơi xa xôi nầy. Quả thật, nơi đây không thiếu thứ gì ở Việt Nam có. Những đòn bánh tét, những cái bánh chưng gói trong lá chuối xanh, những lọ dưa món, hộp mứt, cành đào, cây mai trong chậu... mới đẹp làm sao! Vài người bạn của tôi ở những tiểu bang khác, thậm chí một chị bạn ở Los Angeles cũng thèm được xuống khu vực Phước Lộc Thọ để đi chợ hoa, để hưởng không khí Tết. Họ luôn nói với tôi may mắn khi sống ở đây. Không cần ngẫm lại tôi cũng thấy đúng. Bởi nhờ tất cả những hoạt động nhộn nhịp vào những ngày xuân nầy mà tôi thực sự không buồn và khóc nhiều khi nhớ và nghĩ về gia đình và về Tết ở Việt Nam".

         Vâng, đúng như bạn S.Q.H. Phạm vừa viết. Nhưng chúng ta cũng cần nhìn lại đôi nét về Tết đang diễn ra tại quê nhà, qua hình ảnh ghi nhận mới nhất, có thể bắt gặp những sinh hoạt cổ truyền của dân tộc còn được nhắc nhở với nỗi rộn ràng chào đón giao thừa "một chiều quây quần đầm ấm với gia đình bên bữa cơm tất niên rồi cùng người yêu xúng xính trong bộ quần áo mới xuống phố đón Xuân Ất Dậu, với lời chúc một năm an khang thịnh vượng". Những hình ảnh ngọt ngào, hạnh phúc của đêm giao thừa mãi đọng lại trong lòng những người dân đất Việt. Hãy ghi thật đậm sâu các hình ảnh sau đây: Tạ ơn tổ tiên đã phù hộ một năm làm ăn bình yên khi thắp nhang cúng vái trước bàn thờ gia tiên; sau đó cả gia đình quây quần bên nhau trong bữa cơm tất niên. Xuống phố đón giao thừa. Xem pháo hoa báo hiệu thời khắc đầu tiên của năm mới, giây phút đó chính là sự giao hoà của Trời Đất. Mọi người hân hoan chào đón năm Gà. Chúc Mừng Năm Mới... và không quên vào chùa thắp nhang lạy Phật, cầu Trời Phật phù hộ cho năm mới Ất Dậu tràn đầy hạnh phúc, hái lộc đầu năm...; cũng đừng quên "lì xì" mừng tuổi con trẻ. Bởi vì "Từ ngày xa Việt Nam, tôi mới biết rằng mình yêu Việt Nam nhiều đến thế. Tôi thấy nhớ tất cả, từ những gì xấu nhất cho đến đẹp nhất của Việt Nam" (Y. Hùng - Feb 09/2005). Và, khi quý bạn đọc đến những dòng nầy thì không khí Tết cổ truyền Việt Nam đã trôi qua mất rồi. Nhịp sống bình thường đã trở lại, và chỉ còn mong đợi cái tết năm sau, nếu chúng ta còn duyên may, còn có Phước Lộc Thọ trong cuộc đời dành cho những người con mãi mãi sống xa xứ được dịp trang trải tâm tư tình cảm của mình đối với quê hương đất nước mến yêu.

 

LÊ CẦN THƠ

(Bài đã in trong mục SỔ TAY VĂN HỌC, tạp chí VĂN HOÁ VIỆT NAM số 28 - mùa Xuân 2005 trang 9, 10, 11, 12. Không có trong bộ TOÀN TẬP Lê Hoàng Viện. Bây giờ, đã chánh thức vào năm Giáp Thìn 2024. Bài viết nầy trước đây 19 năm rồi! )

8. ANH TÚ:

TẾT ƠI !

***

Đông này mưa gió nhiều hơn tuyết

Tóc bạc màu theo ngày tháng trôi

Mòn mỏi hồn ơ hờ thế sự

Hết chờ xuân mơ mộng xa xôi!

***

Giờ đây bè bạn ta ngơ ngác

Kỷ niệm xưa chuyện nhớ chuyện quên

Mới nói cười khuyên gìn sức khoẻ

Lặng im rời đến cõi mông mênh!

***

Quê nhà đang rộ vàng mai nở

Xa xứ mùa cây lá trụi trơ

Ta đã bình an hơn muốn có

Tâm tình xin gởi mấy vần thơ !

***

Anh Tú

9. LƯƠNG LIÊN HOA:

YOUTUBE: ĐƯA ÔNG TÁO VỀ TRỜI GIA HOA THĂM QUÊ CẦN THƠ 2019

       https://www.facebook.com/100010179826868/videos/1142224897221858

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

dcd_caudoi.JPG
LLH_Tetvenha.JPG

                                        THƠ VĂN 

                            ĐÓN MỪNG NĂM MỚI QUÝ MÃO 2023 

 

 

ĐỖ CHIÊU ĐỨC       

 TẾT là do chữ TIẾT 節 đọc trại ra mà thành. Theo "Chữ Nho... Dễ Học" TIẾT thuộc dạng chữ Hài thanh theo diễn tiến của chữ viết như sau :

 

                       

                        

 

 

 

 

Ta thấy :

          Chữ TIẾT 節 phần dưới là chữ TỨC 即 chỉ Âm, phần trên là bộ TRÚC 竹 chỉ Ý, nên TIẾT có nghĩa gốc là các Mắt (đốt, lóng) của cây Tre; Nghĩa rộng là các đốt, các lóng, các mắt của thực vật; nghĩa rộng hơn nữa là "Các phần nhỏ của sự vật hay sự việc" nào đó. Như "Mỗi năm chia làm 12 tháng, mỗi tháng có 2 TIẾT, vị chi một năm có 24 TIẾT như sau :

 

       - Tháng Giêng có 2 TIẾT      : Lập xuân 立春,       Vũ thủy 雨水.

       - Tháng Hai có 2 TIẾT          : Kinh trập 驚蟄,       Xuân phân 春分.

       - Tháng Ba có 2 TIẾT           : Thanh minh 清明,   Cốc Vũ 穀雨.

       - Tháng Tư có 2 TIẾT           : Lập hạ 立夏,           Tiểu mãn 小滿.

       - Tháng Năm có 2 TIẾT        : Mang chủng 芒種,   Hạ chí 夏至.

       - Tháng Sáu có 2 TIẾT         : Tiểu thử 小暑,         Đại thử 大暑.

       - Tháng Bảy có 2 TIẾT         : Lập thu 立秋,          Xử thử 處暑.

       - Tháng Tám có 2 TIẾT        : Bạch lộ 白露,           Thu phân 秋分.

       - Tháng Chín có 2 TIẾT        : Hàn lộ 寒露,            Sương giáng 霜降.

       - Tháng Mười có 2 TIẾT       : Lập đông 立冬,         Tiểu tuyết 小雪.

       - Tháng Mười Một có 2 TIẾT : Đại tuyết 大雪,         Đông chí 冬至.

       - Tháng Mười Hai có 2 TIẾT  : Tiểu hàn 小寒,          Đại hàn 大寒.

 

       24 TIẾT nêu trên được gọi là KHÍ TIẾT 氣節, có nghĩa là Khí hậu và thời tiết căn cứ theo mùa màng của Âm lịch để trồng trọt canh tác, trong đó có TIẾT THANH MINH 清明節 vừa là Khí hậu thời tiết lại vừa là một trong những ngày LỄ TIẾT 禮節 trong năm. LỄ TIẾT là những cột móc, là những ngày LỄ theo truyền thống và phong tục tập quán của từng địa phương hay dân tộc, được gọi trại thành những ngày LỄ TẾT trong năm. Ngoài TẾT "THANH MINH trong Tiết tháng Ba" ra, ta còn có TẾT ĐOAN NGỌ 端午節 (Mùng 5 tháng 5), TẾT TRUNG THU 中秋節 (ngày Rằm tháng Tám), TẾT TRÙNG CỬU (hay TRÙNG DƯƠNG) 重陽節 (Mùng 9 tháng 9), TẾT NGUYÊN TIÊU 元宵節 (ngày Rằm tháng Giêng) và quan trọng nhất là TẾT NGUYÊN ĐÁN 元旦節 ngày Mồng một tháng Giêng. Tóm lại, TIẾT  khi được gọi là :

          - KHÍ TIẾT 氣節 thì có nghĩa là Khí hậu và thời tiết của mùa màng trong một năm. 

             (Trong chữ Nho của ta KHÍ TIẾT còn có nghĩa là "Nghĩa khí và Tiết Tháo" của kẻ sĩ).

    Còn khi được gọi là :

          - LỄ TIẾT 禮節 thì có nghĩa là những ngày LỄ TẾT ở trong năm .

 

        Trở lại với từ  TẾT NGUYÊN ĐÁN .

 

        * NGUYÊN 元 là Bắt đầu, là Đứng đầu, là Thứ nhất... Nên ngày xưa người đứng đầu các Tiến Sĩ được gọi là TRẠNG NGUYÊN 狀元. Ngoài ra còn có các từ mà ta thường gặp như :

 

           - NGUYÊN SOÁI 元帥 Người đứng đầu của Tam quân ngày xưa .

           - NGUYÊN THỦ 元首 Người đứng đầu một nước, như Tổng thống, Thủ Tướng...

           - NGUYÊN KHÍ 元氣 Cái khí chất tinh lực vốn có của con người và của trời đất.

           - NGUYÊN NIÊN 元年 là Cái năm đầu tiên của một triều đại hay chế độ nào đó.

           - NGUYÊN ĐÁN 元旦 là Ngày đầu tiên trong tháng hoặc trong năm. ĐÁN 旦 được ghép bởi chữ NHẬT 日 đứng trên chữ NHẤT 一, với hàm ý là Mặt trời đã mọc lên khỏi mặt đất, nên nghĩa gốc của chữ ĐÁN là BUỔI SÁNG, bắt đầu cho một ngày, nên cũng có nghĩa là NGÀY. ĐÁN 旦 cũng là Ngày đầu của một tháng Âm lịch tức ngày Mồng Một, đối với ngày Rằm (15) trong tháng gọi là ngày VỌNG 望. Nên ...

           TẾT NGUYÊN ĐÁN 元旦節 là ngày Lễ Tết lớn nhất trong năm, vì nó vừa bắt đầu cho một Ngày Mới, một Tháng mới và cả một Năm Mới nữa ! Vì vậy mà ta thấy trong ngày Tết đầu năm,  ông bà xưa hay viết câu chữ mà cũng là câu đối sau đây dán ở trước cổng chính :

 

                             一元復始,     Nhất nguyên phục thủy,

                             萬象更新。     Vạn tượng canh tân .

Có nghĩa :

           - Một vòng nguyên khí của đất trời lại PHỤC THỦY là vận hành bắt đầu trở lại, và...

           - Muôn ngàn hiện tượng trong trời đất lại bắt đầu CANH TÂN là đổi mới trở lại.

 

             

 

       

 

 

 

Trời đất cây cỏ núi sông đổi mới sau những tháng đông hàn lạnh lẽo, thì con người cũng nên có cuộc sống mới, nếp sống mới, suy nghĩ mới, làm ăn mới... cho phù hợp và thích ứng với những ngày tháng mới; một sự đổi mới thuận lợi của đầu năm thì đã là dấu hiệu của thành công một nửa rồi ! Vì nó sẽ mở ra một vận hội mới như câu...

 

                       TAM DƯƠNG KHAI THÁI      三陽開泰

 

       Theo sách Chu Dịch 周易. Sau tiết Đông Chí 冬至 thì khí âm hàn bắt đầu tiêu thoái, và khí dương thì bắt đầu sanh trưởng, ta thường nghe các Thầy Bói gọi là Âm Tiêu Dương Trưởng 陰消陽長, đêm sẽ ngắn dần, ngày sẽ dài thêm ra, cho nên Tháng Mười Một là tháng Tý, thuộc quẻ Phục 復 là Nhất Dương Sanh, Tháng Mười Hai là Tháng Sửu, thuộc quẻ Lâm 臨 là Nhị Dương Sanh, và Tháng Giêng là Tháng Dần, thuộc quẻ Thái 泰 là Tam Dương Sanh. Vì thế nên Tết Nguyên Đán là ngày đầu của tháng Giêng mới dùng câu TAM DƯƠNG KHAI THÁI 三陽開泰 mà chúc mừng cho năm mới mở ra vận hội mới, lấy Ý chữ Thái là Lớn, là Thông, như trong tiếng Việt ta thường nói "Hết vận Bỉ rồi thời lại Thái", hoặc "Bỉ cực thì Thái lai" và "Hết cơn Bỉ Cực, đến hồi Thái lai". Có nghĩa: Hết lúc Bế tắt, nghèo khó thì đến lúc Hanh thông, khá giả !

                            

          Vì 2 chữ Dương 陽 là Âm Dương và 羊 Dương là Con Dê đồng âm với nhau, nên ta thường gặp những bức tranh vẽ hình 3 con dê thay thế cho khí dương của trời đất mà chúc nhau bằng câu Tam Dương Khai Thái như ta thường  trông thấy!    

 

              

            

        Đối với TAM DƯƠNG KHAI THÁI là một câu nói lên mơ ước trong ngày Tết, đó là :

 

                           NGŨ PHÚC LÂM MÔN      五福臨門

Có nghĩa :

           - Năm điều Phước sẽ LÂM MÔN là đến trước cửa nhà. Vậy 5 điều phước đó là gì ?

 

     Theo truyền thống xã hội ngày xưa : Năm cái PHƯỚC đó là: Thọ, Phú, Khang ninh, Du hảo đức và Khảo chung mệnh. 五福是:寿,富,康寜,攸好德,考终命。Có nghĩa : Sống lâu, giàu có, mạnh khỏe, có Đức tốt và chết an lành là Thiện chung đó. Nói cho gọn là : Thọ 壽, Phú 富, Khang 康, Đức 德 và Thiện 善. Đó là 5 cái phước mà mọi người thời xưa đều mong mỏi. Còn bây giờ thì sao ? Xã hội ngày một thay đổi và tiến hóa, nên mơ ước mong mỏi của con người cũng có khác. Theo sưu tầm tìm thấy trên mạng thì NGŨ PHÚC của hiện nay là : Hòa hài 和諧,Hưng vượng 興旺,Phú qúy 富貴,Bình an 平安,Kiện khang 健康。Có nghĩa : Gia đình hòa thuận, Làm ăn phát đạt, Trở nên giàu sang, Gia đình bình an và Mọi người đều khỏe mạnh. Rất thực tế và rất phù hợp với cuộc sống của xã hội trước mắt.

 

           
      

        Trong ngày xuân ngày Tết, khi TAM DƯƠNG đã KHAI THÁI rồi, thì mọi người lại mong được NGŨ PHÚC LÂM MÔN. Đó là lẽ thường tình của con người, nên người ta lại tìm những hoa cỏ có  đặc trưng cho những  mong ước đó. Vì thế , ta lại thường thấy 2 câu : 

 

                           梅開五福,Mai khai ngũ phúc,

                           竹報三多。    Phúc báo tam đa.

Có nghĩa :

            - Hoa Mai nở ra 5 cánh tượng trưng cho NGŨ PHÚC là 5 thứ phước; còn...

            - Lá Tre mọc từng phần 3 lá một, tượng trưng cho TAM ĐA là 3 thứ nhiều. Nên...   

       

      TRÚC BÁO TAM ĐA 竹報三多 là chỉ : Một chi nhỏ của nhánh trúc thường có 3 lá, như điềm báo mang đến 3 cái nhiều (Tam Đa) mà người ta thường mong mỏi. Đó là : Đa Phúc, Đa Thọ, Đa Nam Tử  三多是:多福,多寿,多男子。Nhiều phước, nhiều thọ, nhiều con trai. Ngày xưa PHƯỚC THỌ là trên hết, nhiều con trai lại càng qúy hơn với cái xã hội nông nghiệp. Có nhiều con trai sẽ có nhiều sức lao động, mặc sức mà khai hoang lập ấp, canh tác để làm giàu; nên trong Tăng Quảng Hiền Văn có câu :

 

                  有兒貧不久,   Hữu nhi bần bất cửu,

                  無子富不長。   Vô tử phú bất trường. 

Có nghĩa :

           - Có con thì nghèo không lâu, vì con lớn lên sẽ giúp làm ra thêm tài sản. Còn...

           - Không có con thì giàu không bền, vì không có ai giúp làm ra thêm của cải vật chất cả.

 

            

 

       

 

 

 

 

 

Cuối cùng là câu chúc mà ta cũng rất thường thấy trong ngày TẾT, đó là câu :

 

                   花開富貴,  Hoa khai phú qúy,

                   竹報平安。  Trúc báo bình an.

Có nghĩa :

        - Mùa xuân hoa nở đẹp rực rỡ, tượng trưng cho sự Phú Qúy, và...

        - Cây trúc luôn luôn xanh tươi trong mùa đông giá rét, tượng trưng cho sự bình an khoẻ mạnh.

      Hoa Mẫu đơn, hoa Thược dược, hoa Tường vi đều tượng trưng cho sự Phú Qúy, còn tre trúc là một trong Tuế Hàn Tam Hữu 歲寒三友 là TÙNG TRÚC MAI 松竹梅 tượng trưng cho sự mạnh khoẻ bình an, vì vẫn luôn xanh tươi trong mùa đông tháng giá.

 

           

 

     

 

 

 

Xin được triển khai đôi câu nói nầy thành đôi liễn chúc Tết như sau :

 

                花開富貴今年貴,   Hoa khai phú qúy kim niên qúy,

                竹報平安此歲安。   Trúc báo bình an thử tuế an !

Có nghĩa :

          - Hoa nở tượng trưng cho sự phú qúy, năm nay sẽ được phú qúy;

          - Tre trúc báo hiệu cho sự bình an, năm nay sẽ được bình an !

 

      Cầu mong cho tất cả mọi người đều được BÌNH AN, PHÚ QÚY trong năm QÚY MÃO nầy ! Mong lắm thay !

 

      Hẹn bài viết tới !

 

        杜紹德

     Đỗ Chiêu Đức

 

               

dcd_NhungtungulythungayXuan.jpg
dcd_nhatnguyen.png
website_Nhâm dần card.jpg

THƠ VĂN 

ĐÓN MỪNG NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022

THƠ XUÂN CỦA

VƯƠNG BỘT, BẠCH CƯ DỊ, LÝ BẠCH, CAO THÍCH, LIỄU TÔNG NGUYÊN 

 

Đỗ Chiêu Đức 


 1. KÝ XUÂN - Vương Bột 

  

羈春                        KÝ XUÂN                                                  

 

客心千里倦,           Khách tâm thiên lý quyện,

春事一朝歸.           Xuân sự nhất triêu quy.

還傷北園里,           Hoàn thương bắc viên lý,

重見落花飛.           Trùng kiến lạc hoa phi.

        

      王勃                               Vương Bột

 

* Chú thích:
     
Tác giả Vương Bột, quê quán miền bắc (Sơn Tây), con nhà gia thế, tuổi trẻ tài cao, được Bái Vương Lý Hiền vời vào phủ cho giữ việc tu soạn và rất tin dùng. Vì một bài thơ trách đùa con gà chọi của Anh Vương, vua Cao Tông nổi giận, sai trục xuất ông khỏi phủ. Ông đi chu du nhiều nơi ở phương nam, cuối cùng chết đuối trên đường đi Giao Chỉ thăm cha, lúc mới 26 tuổi…       
Bài thơ trên đây làm lúc ông bị trục xuất khỏi Bái Vương Phủ đang chu du nơi đất Thục. Vốn dĩ muốn mượn cảnh trí thiên nhiên hùng vĩ của núi sông đất Thục để tiêu sầu, nhưng lòng quê nhớ về đất bắc vẫn canh cánh khôn nguôi. 
- Ký Xuân 羈春:KÝ là Ở lại, giữ lại. Nên KÝ XUÂN có nghĩa là "Xuân đến mà vẫn phải ở lại nơi đất khách".   
- Quyện 倦:là  Mỏi mệt, buồn chán.   
- Xuân Sự 春事: là Chuyện mùa xuân. Ý chỉ Cảnh sắc chung quanh khi xuân về.
 
* Nghĩa bài thơ:
                                        
XUÂN Ở NƠI XA
          
Trên bước đường ngàn dặm, lòng người khách tha hương đã mõi mê chán ngán rồi. Trước mắt lại thấy cảnh trí của mùa xuân ập về nên lòng lại càng muốn về ngay quê nhà. Cảnh quê xưa ở phương bắc còn để lại nhiều thương cảm ở trong lòng, không biết đến bao giờ mới thấy lại được cảnh hoa rụng bay lả     tả ở quê nhà đây.           
Hoa rụng khi hoa đã tàn, xuân đã hết, cũng như tuổi trẻ rồi sẽ già đi, rồi sẽ giả từ cuộc sống nầy như hoa rơi rụng vậy, nhưng sẽ nhìn hoa rơi rụng ở đâu ? Ý của Vương Bột là muốn được nhìn hoa rơi rụng ở quê nhà, thâm ý của thi nhân là muốn được già được chết ơ quê hương hơn là bỏ thây nơi xứ lạ.

 

* Diễn Nôm:
 
XUÂN TRÊN ĐẤT KHÁCH                               

Ngàn dặm lòng quê mòn mõi,                               

Xuân về một sớm nhớ thay,                              

Đất bắc quê xưa trông ngóng,                              

Ngàn trùng chỉ thấy hoa bay !.

      

Lục bát:
Mỏi mòn ngàn dặm lòng quê,                               

Xuân về một sớm tái tê nhớ nhà.                               

Thương về đất bắc quê xa,                              

Ngàn trùng chỉ thấy la đà hoa bay! !                                                                                                                                  

              Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

 

 

2. KHÁCH TRUNG THỦ TUẾ - Bạch Cư Dị:
   

   客中守歲        KHÁCH TRUNG THỦ TUẾ

 

  守歲樽無酒,     Thủ tuế tôn vô tửu,

  思鄉淚滿巾。     Tư hương lệ mãn cân.

  始知爲客苦,     Thủy tri vi khách khổ,

  不及在家貧。     Bất cập tại gia bần.

  畏老偏驚節,     Úy lão thiên kinh tiết,

  防愁預惡春。     Phòng sầu dự ố xuân.

  故園今夜裏,     Cố viên kim dạ lý,

  應念未歸人。     Ưng niện vị quy nhân.

       

      白居易                       Bạch Cư Dị

 

* Chú thích:
 
- Khách Trung 客中 : là Trong đất khách, có nghĩa là Đang ở nơi đất khách. 
- Thủ Tuế 守歲 : là Giữ tuổi, ý chỉ : Giữ lấy tuổi cũ để đón tuổi mới, có nghĩa là Thức để đón Giao Thừa trong đêm ba mươi Tết âm lịch.  
- Thủy Tri 始知 : Mới biết được rằng ... 
- Bất Cập 不及 : Không bằng được .... 
- Úy 畏 : là Sợ, mà Kinh 驚 : cũng là Sợ, ta có từ kép Kinh Úy 驚畏 là Sợ Hãi.   
- Ố 惡 : là Ghét. ta có từ KHẢ Ố 可惡 : là Đáng ghét.  
- Cố Viên 故園 : là Vườn Xưa, từ dùng để chỉ Quê Nhà, Quê Xưa. 
- Ưng Niệm 應念 : Có nghĩa : Chắc là đang nhắc đến ...


* Nghĩa bài thơ:
                               
ĐÓN GIAO THỪA NƠI ĐẤT KHÁCH
      
Đón giao thừa mà trong chai đã hết rượu rồi. Nước mắt nhớ quê hương ướt đẫm cả khăn. Mới biết rằng làm người khách xa quê hương là rất khổ, không bằng nghèo khó mà được ở quê nhà. Vì sợ gìa nên cũng sợ luôn các lễ Tết, dự phòng sầu muộn nên cũng ghét luôn cả mùa xuân. Ở nơi quê nhà trong đêm nay, chắc mọi người cũng đang nhắc đến cái người đi chưa về là mình đây !
   
Lễ Tết đến mà lại phải tha phương cầu thực. Đón giao thừa nơi đất khách mà chai thì hết rượu, túi lại không tiền, Mới biết rằng thà nghèo khổ mà Tết được ở nhà còn hơn đi tìm chữ công danh mà lang thang chân trời góc bễ. Trong khi tuổi già cứ sồng sộc ập xuống đầu nên càng sợ xuân về Tết đến hơn nữa, như lời thơ của nhà thơ Xuân Diệu thời Tiền Chiến:
                               

Tôi có chờ đâu có đợi đâu,                            

Mang chi xuân đến gợi thêm sầu !

     
Buồn cho thân phận tha phương đón Tết của mình, Bạch Cư Dị cũng buồn luôn cho những thân nhân đang đón giao thừa ở quê nhà : Chắc mọi người cũng đang khoắc khoải trông ngóng lo lắng cho mình, là kẻ còn lưu lạc phương trời, không biết sẽ đón Tết ra sao ?!

 

* Diễn Nôm:
                       

ĐẤT KHÁCH GIAO THỪA

              

Giao thừa chai hết rượu,               

Nhớ quê lệ ướt khăn.               

Mới hay tha hương khổ,               

Không bằng nghèo yên thân.               

Ngại già lại e Tết,               

Sợ buồn cũng ghét xuân.               

Quê nhà đêm nay chắc,                

Nhớ người đi bâng khuâng.

  
Lục bát:
              

Giao thừa chai rượu lại không,               

Nhớ quê lệ ướt đầm khăn đêm này.               

Mới hay lưu lạc khổ thay,               

Không bằng nghèo khó ngày ngày yên thân.               

Sợ già sợ cả nàng xuân,               

Sợ ngày tháng lụn năm cùng ngổn ngang.               

Đêm nay chắc cả thôn làng,              

Ngóng trông những kẻ lang thang chưa về !

                                                             

                           Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

 
 

3. XUÂN DẠ LẠC THÀNH VĂN ĐỊCH - Lý Bạch:
            

春夜洛城聞笛        XUÂN DẠ LẠC THÀNH VĂN ĐỊCH

                                                        

誰家玉笛暗飛聲,   Thùy gia ngọc địch ám phi thanh,          

散入春風滿洛城.   Tán nhập xuân phong mãn Lạc thành.          

此夜曲中聞折柳,   Thử dạ khúc trung văn Chiết Liễu,          

何人不起故園情 ?  Hà nhân bất khởi cố viên tình ?!

                         

          李白                                          Lý Bạch

 

* Chú thích:
   
- CHIẾT LIỄU 折柳 hay CHIẾT DƯƠNG LIỄU 折楊柳 là Bẻ Cành Dương Liễu, tên của một khúc Sáo đời Hán, nội dung chỉ cảnh biệt ly, khi đưa tiễn nhau ở "Bề ngoài mười dặm tràng đình", người đưa tiễn hay bẻ một nhành liễu tặng cho bạn mình làm roi ngựa. Đến đời Đường, điệu sáo nầy được thêm thắc và đổi tên thành CHIẾT DƯƠNG LIỄU CHI 折楊柳枝 với lời thơ như sau:『上馬不捉鞭,反拗楊柳枝。下馬吹橫笛,愁殺行客兒。』Thượng mã bất tróc tiên, Phản áo dương liễu chi. Hạ mã xuy hoành địch, Sầu sát hành khách nhi !

 
Có nghĩa:

Lên ngựa chẳng cầm roi, Lại bẻ cành dương liễu. Xuống ngựa thổi sáo ngang, Buồn chết người ly biệt !. Nên... CHIẾT LIỄU là chỉ cảnh chia tay, chỉ nỗi sầu ly biệt của kẻ ở người đi. LÝ BẠCH là kẻ tha hương tìm danh lợi, nhưng lại chưa thi thố được hoài bão của mình, nên trong đêm nghe lời "Bẻ Liễu" lại chạnh nhớ đến quê hương!
 

* Diễn Nôm:
       

ĐÊM XUÂN NGHE SÁO THÀNH LẠC DƯƠNG.

            

Nhà ai tiếng sáo vẳng đêm thanh,            

Tan nhập gió xuân khắp Lạc thành.           

Réo rắt trong đêm lời bẻ liễu,           

Ai người chẳng động cố hương tình ?

  
Lục bát:
           

Nhà ai sáo ngọc vẳng sang,            

Gió Xuân đưa đẩy ngập tràn Lạc Dương.            

Véo von Bẻ Liễu đêm trường,           

Ai người chẳng thấy vấn vương quê nhà ?!

                                                       

                         Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

 

 4. TRỪ DẠ TÁC - Cao Thích:
 
除夜作                        TRỪ DẠ TÁC

 

旅館寒燈獨不眠,    Lữ quán hàn đăng độc bất miên,

客心何事轉悽然 ?      Khách tâm hà sự chuyển thê nhiên?

故鄉今夜思千里,     Cố hương kim dạ tư thiên lý,

霜鬢明朝又一年 !      Sương mấn minh triêu hựu nhất niên!

         

           高適                                                 Cao Thích

 
* Nghĩa bài thơ:
                   
Cảm Tác Trong Đêm Trừ Tịch
Một mình đơn độc ngồi bên ngọn đèn lạnh lẽo trong lữ quán.   
Vì chuyện chi mà lòng khách lại trở nên thê lương sầu thảm?  
Thì ra đêm nay khách đang nhớ đến quê hương xa ngoài ngàn dặm.  
Sáng mai trên mái tóc sương pha nầy lại chồng thêm một tuổi đời xa quê hương nữa !
       
Quả là tâm sự xót xa của kẻ tha hương lữ thứ! Cao Thích không về được quê hương để đón xuân vì quan sơn cách trở, và vì công chưa thành danh chưa toại, mà xót xa cho thân mình còn lưu lạc tha phương trong đêm Trừ tịch! Không như ...
      
Chúng ta ngày nay, không phải vì núi sông cách trở, cũng không phải chờ đợi công danh. Chúng ta có đầy đủ phương tiện, điều kiện tiện nghi để về thăm quê hương bất cứ lúc nào, bất cứ khi nào chúng ta muốn... Nhưng, về đến quê hương rồi cũng không tìm đâu ra được những làng xóm ngày xưa, những phố phường năm cũ, kỷ niệm của những ngày xưa thân ái... đã biền biệt... chân trời!        
Thôi thì, thà ở đây, để làm kẻ tha hương, xa quê, nhớ quê để nuối tiếc về những tháng ngày dĩ vãng... vang bóng một thời!!!

 

* Diễn nôm:
                      
ĐÊM GIAO THỪA

Quán lạnh đèn tàn chẳng ngủ yên,               

Lòng ai da diết những ưu phiền.                 

Quê hương ngàn dặm đêm nay nhớ,                

Đầu bạc sáng ngày lại một niên !

  
Lục bát:

Thức cùng quán lạnh đèn tàn,                 

Lòng người lữ thứ dạ càng tái tê.                

Ngàn trùng canh cánh tình quê,                

Sáng ra đầu bạc năm về lại năm.

 
Câu 3:

      故鄉今夜思千里,Cố hương kim dạ tư thiên lý,

 
Còn được hiểu là: Đêm nay, cố hương nhớ về người ở xa ngàn dặm. Chắc trong cảnh đoàn tụ vui vầy để cùng đón Tết mà thiếu mất một người còn chưa kịp về. Cao Thích không nói là mình ở ngoài ngàn dặm nhớ về cố hương, mà nói Cố hương nhớ về mình còn đang ở xa ngoài ngàn dặm.
 
Phỏng dịch:
                    
THƠ LÀM ĐÊM GIAO THỪA

                 

Quán trọ, đèn khuya, ngủ chẳng yên,                 

Lòng luôn canh cánh vạn niềm riềng.                  

Quê nhà, nhớ qúa, xa ngàn dặm,                

Mai Tết, năm qua, tóc bạc thêm !                                                  

 
Cảm tác:
                 
Giao thừa giao cả niềm riêng,               

Lòng quê cánh cánh tận miền xa xăm.                 

Mai ngày năm lại qua năm,              

Bao giờ mới khỏi về thăm quê nhà ?!

                                                  

                  Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm


 5. LINH LĂNG TẢO XUÂN - Liễu Tông Nguyên:
 

LINH LĂNG TẢO XUÂN   零 陵 早 春

Vấn xuân tòng thử khứ,          問 春 從 此 去,             

Kỷ nhật đáo Tần Nguyên.       幾 日 到 秦 原.               

Bằng ký hoàn hương mộng,    凭 寄 還 鄕 夢,              

Ân cần nhập cố viên.              殷 勤 入 故 園.

                         

             Liễu Tông Nguyên                             柳宗元 

 

* Chú thích:
 
- Linh Lăng 零陵 : là một địa danh ở miền Nam, còn Tần Nguyên 秦原 thì ở miền Bắc.. Ở miền Nam ấm áp nên mùa xuân đến sớm hơn, còn miền Bắc lạnh lẽo nên nàng xuân sẽ đến muộn hơn.   
- Tòng Thử 從此: là Từ nơi đây, từ chỗ nầy.  
- Bằng Ký 凭寄: là Dựa vào ai đó mà gởi gắm. Ở đây chỉ Dựa vào nàng xuân. 
- Hoàn Hương Mộng 還鄕夢: là Giấc mơ được về với quê hương.
                    
* Nghĩa bài thơ:
                             
MÙA XUÂN ĐẾN SỚM Ở XỨ LINH LĂNG
    
Hỏi Xuân rằng, từ đây đi, thì mấy ngày Xuân mới đến được xứ Tần Nguyên. Cho ta gởi theo cái "mộng hoàn hương", ân cần về tận quê nhà. (Chứ đang ở nơi xa xôi nầy, ta sẽ không sao về lại nhà trong mùa xuân nầy được!).

                    

* Diễn Nôm:
                             
XUÂN SỚM Ở XỨ LINH LĂNG

Hỏi Xuân từ đây giã biệt                                

Bao giờ mới đến Tần Nguyên                                

Ta gởi mộng hồn tha thiết                                

Ân cần về tận cố viên !

 
Lục Bát:
                                

Từ đây giã biệt, hỏi Xuân                                

Bao giờ mới đến xứ Tần Nguyên ta                              

Gởi lòng theo mộng thiết tha                               

Ân cần về tận quê nhà xa xăm!

            
Thấy xuân đến, chạnh lòng nhớ quê mà gởi cái "mộng hoàn hương", ân cần nhờ nàng xuân mang về tận quê nhà, đây quả là một lối gởi đặc biệt và tuyệt vời biết bao !
          
Mặc dù, chúng ta đang ở đất Bắc (Bắc Mỹ), và mặc dù Mỹ đi sau hơn Việt Nam đến mười hai tiếng đồng hồ, nhưng sao ta vẫn thấy nao nao mỗi độ xuân về, cứ lo cho quê hương chưa có mùa xuân, nhưng có biết đâu rằng chính chúng ta đây mới là những kẻ đang khao khát mùa xuân, và chỉ hoài niệm, rồi nuối tiếc mà đi tìm những mùa xuân trong quá khứ.....
          
Đầu Xuân, gởi chút mộng lòng tha thiết về với quê hương...                                                         

Từ đây giã biệt, hỏi Xuân                                            

Bao giờ mới đến xứ "CẦN THƠ" ta                                            

Gởi lòng theo mộng thiết tha                                             

Ân cần về tận quê nhà xa xăm !

            

Cầu mong cho mọi người đều có được một mùa Xuân, một cái Tết VUI VẺ, AN KHANG, THỊNH VƯỢNG !
                                                                                                       

  杜紹德                                       

  Đỗ Chiêu Đức

                     NIỀM VUI NĂM CỌP

Đỗ Chiêu Đức, Quên Đi, Thái Huy, Mai Xuân Thanh, Phương Hà, Mailoc

XƯỚNG:

 

          NIỀM VUI NĂM CỌP   

Nhâm Dần năm cọp ứng con trai,

"Chúa tể rừng xanh" há sợ ai.

"Khiếu chấn sơn lâm" người nể mặt,

"Vua trong muôn thú" chúng gườm tài.

"Hổ đầu xà vĩ" hùm gan sứa,

"Hồ giả hổ uy" cáo mượn oai.

"Mãnh hổ xuất sơn" ngăn dịch bệnh,

 Dẹp tan Cô-vít đón hai hai!

                  

Đỗ Chiêu Đức

12-30-2021

HỌA: 

Năm Dần Nói Về Cọp

 

Giữa chốn rừng thiêng chẳng đứng hai  

Cầm đầu muôn thú đấng anh tài  

Lỡ lên lưng cọp sao người xuống    

Dám vuốt râu hùm biết có ai

Hổ xuống đồng bằng còn xếp vuốt  

Miệng hùm gan sứa chớ ra oai  

Đôi câu thành ngữ mừng năm mới

Cọp chết còn da vốn chí trai.   

Quên Đi

SINH NĂM CỌP

Họa: Niềm Vui Năm Cọp

 

Năm Cọp mong sinh một kháu trai

Rằng đây quý tử cũnh như ai

Không lo bẽ mặt không hao vốn

Lại được ngon cơm được hoạch tài

Ra phố bộn lần đà nép vế

Về quê nay dịp sẽ giương oai

Bà con lối xóm tha hồ chúc

Phúc nhé vui nhe có cậu hai.

Thái Huy 12/19/21

Kính Họa : Tuổi Dần, Mong Có Con Trai

(Qua thơ "NIỀM VUI NĂM CỌP" - ĐỖ CHIÊU ĐỨC)

Tuổi Cọp, năm nay, chắc bé trai

Nhâm Dần quý tử há thua ai

Nam nhi tướng số nên đa phú

Nữ tử dung nghi phải hoạnh tài

Hoài bảo ông cha, con nối dõi

Bình sinh phụ mẫu trẻ giương oai

Minh Xuân lối xom mừng gia tộc

Hạnh phúc hôm nay với cậu Hai...

Mai Xuân Thanh

December 30, 2021

Nữ Kém Chi Nam?

 

Giang sơn nào phải của riêng trai

Phụ nữ lẫy lừng có kém ai 

Triệu Ẩu, Trưng Vương phô nghĩa khí

Xuân Hương, Thị Điểm lộ thi tài

Đức nhu, tính đảm tròn trong một

Chuyện nước, việc nhà vẹn cả hai

Nội tướng gia đình từ vạn kiếp

Tuổi Dần phái nữ rõ là oai!

Phương Hà

( 31/12/2021 )

 

MỪNG NĂM  CỌP

 

Năm Dần hai chục với hăm hai

Chúa tể Cọp về mãnh sức trai

Những trận thư hùng đầy dũng khí

Bao phen chiến thắng rõ anh tài.

Hổ hùm nhe miệng kinh hoàng địch 

Covid co giò khiếp đảm oai

Thế giới reo hò mừng đón Tết

Ơn Trời đổ xuống khắp trần ai!

Mailoc

12-30-21

 

__________________

LÊDUNG

 

TẠM BIỆT...BUỒN

                * tản mạn cuối năm

Tôi nhớ năm học Đệ thất..còn ngây ngô..

..chưa gọi được tên cảm xúc của mình..Không biết phân biệt đẹp xấu, giàu nghèo, buồn nhớ....Đừng hỏi đến khổ đau, tiếc nuối..khó trả lời ..

Có bạn mặc chiếc áo dài đi học lần thứ ba mà chưa thay áo khác..vài bạn xì xào chỉ trỏ..Tôi thì..kệ nó đi..

Có bạn chỉ cần vén tay áo đứa ngồi bên, nói chắc nịch : đeo vòng giả..Tôi thì..ngạc nhiên vì phục, nhưng cũng nghĩ..đẹp mà, giả thật thì có liên quan gì ai..

Chỉ để ý sao hôm nay cô giáo buồn, áo tím buồn, ít nói..

Buồn là sao? Là nín thinh..không nói cười với ai ..chỉ nói với mình..? Thiệt khó hiểu quá.

Cứ như lũ nhỏ..đói là đòi ăn, muốn ngủ là ngủ..giản dị vô cùng, thắc mắc..sao buồn chi.

Khi học thơ Xuân Diệu..

Hôm nay trời nhẹ lên cao

Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn..

Lạ quá..nhà thơ buồn mà không biết vì sao.. chắc giả bộ cho vui. Đó là nỗi buồn nghệ thuật ..

Nhà văn Thanh Tịnh đã viết:

“Hằng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc...”

Lá rụng, mây bàng bạc..ở miền Bắc, tôi chưa thấy..nhưng chắc là đang buồn vì nhớ....

Đến khi Francoise Sagan viết “Buồn ơi..Chào mi” thì buồn trở thành người bạn thân thiết không đáng sợ nữa.

Nhưng..để cảm nhận được nỗi buồn, rung theo từng cung bậc buồn thì tôi không thể...

Giống như nghe má nói: đêm qua không ngủ được..

Tôi ngạc nhiên hết sức, ngủ là nhắm mắt...có khi chưa kịp ngủ thì trời đã sáng rồi...

Chừng lớn lên, những màu sắc cuộc đời đôi khi đã làm ta bâng khuâng..không biết nên buồn hay nên vui...

Những mất mát không tìm lại được..những cuộc hẹn hò trống vắng..những ngộ nhận về tình đời...

 

...Buồn..Buồn ...

Chỉ là trải nghiệm, là viên đá lót đường, là hành trang trĩu nặng cho ta cố sức gánh gồng rồi tới nơi phải dừng ..

Có buồn..mới thấy giá trị của niềm vui...

Có cô đơn...mới thấy ý nghĩa ngày đoàn tụ...

Buồn là một tri giác cao cấp trời ban tặng cho ta...

Biết buồn để không trở thành lạnh lùng, vô tri với mọi thứ chung quanh mình...

Cảm ơn nỗi buồn...có khi không ở ta...mà ở cùng tha nhân.

Buồn cho nỗi buồn nhân thế...thấm thía...ôm ấp ...

Buồn là sự sẻ chia của kiếp người...

Tạm biệt Buồn nhé...

Năm 21 làm điên đảo tỷ tỷ người trên trái đất...Có chân mà không đi được...Thấy người thân mà không nhìn rõ mặt được ... Cái gì cũng ngăn cách che che đậy đậy...Nỗi lo sợ luôn chập chờn từng cơn...không dám đọc báo, nghe tin...

Lạy trời...biến mất đi ...quá đủ rồi Covid ơi..

Lêdung 30/12/21

                        THƠ VĂN 

                    ĐÓN MỪNG NĂM MỚI

                                           Nhiều tác giả:

Trầm Vân, Kim Loan, Nguyễn Thị Thanh Dương, Đỗ Chiêu Đức, Phương Hà, Cao Mỵ Nhân, Mai Xuân Thanh, Mailộc, Phương Hoa, Quỳnh Như, Ngô Thị Trường Xuân, Anh Tú, Dương Hồng Thủy, Nguyễn Vĩnh Long, Trương Ngọc Thạch, Phan Thượng Hải, Nguyễn Văn Minh, Trần Bang Thạch, Võ Thị Bạch Nữ, Nguyên Nhung, Cao Vị Khanh, đoàn xuân thu, Phan Thượng Hải, Lê Dung, Mailộc

____________________________________________

TRẦM VÂN. Thơ:

(Click: ---> Xem tiếp)

KIM LOAN. Thơ:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

KIM LOAN. Truyện:

TIỄN VONG 2020

 

Tôi đã đón chào năm 2020 với niềm vui và hy vọng, bởi đó là con số đều và đẹp. Ngày đầu năm 1/1 tôi đã có mặt tại Arlington, Texas “xuất hành” về Houston, rồi trực chỉ New Orleans với tâm trạng bồng bềnh vì những dự định cho một năm mới đang đến.

Xong chuyến vacation, gia đình chúng tôi trở về nhà đang mùa băng giá nhưng cõi lòng ấm áp, chuẩn bị ăn Tết Canh Tý. Lúc ấy bắt đầu nghe tin về loại virus gì đó từ Vũ Hán bên Trung Quốc, gây chết người và lây lan mau lẹ. Tôi cười mỉm chi, ung dung tự tại: “Ối! Chuyện bên kia bờ đại dương, cách nửa quả địa cầu, hơi đâu mà lo!”. Tôi còn nhắn tin nhắc nhở bạn bè bên Việt Nam, chúc họ “bình an và bảo trọng”.

(Click ---> xem tiếp)

 

NGUYỄN THỊ THANH DƯƠNG . Thơ:

TỐNG TIỄN 2020.

( Cảm tác từ truyện “Tiễn Vong 2020” của Kim Loan.)

 

      Cuối năm của hai mươi hai mươi ( 2020)

      Đốt vàng mã tống tiễn về trời

      Mười hai tháng cũ đi, đi nhé

      Mang những rủi may những khóc cười.

 

      Bất trắc đến đây cả bốn mùa

      Cuộc đời không đẹp như bài thơ

      Thế gian này là bao hệ lụy

      Có yêu thương và có hận thù.

 

      Thế giới hình như đã phát cuồng

      Bao nhiêu biến cố bất bình thường

      Đại dịch Corona Vũ Hán

      Điêu đứng loài người với tai ương.

 

      Khủng bố bạo lực ở khắp nơi

      Biển đông dậy sóng vẫn chưa nguôi

      Chiến tranh thương mại Tàu và Mỹ

      Kinh tế toàn cầu ảnh hưởng theo.

 

Nguyễn Thị Thanh Dương . Truyện:

Người xông nhà

Tết này ai đến xông nhà? chị Bông đã suy nghĩ cân nhắc mãi mới tìm được người xông nhà thật vừa ý, một đứa cháu gọi bằng cô, Jimmy là sinh viên, học giỏi ngoan hiền và nhất là gương mặt lúc nào cũng tươi tắn nụ cười.

Chị Bông không tin dị đoan, chả bao giờ quan trọng ai đến xông nhà ngày đầu năm nhưng suốt một năm qua chị gặp khá nhiều xui xẻo nên tết năm nay chị Bông quyết tìm người xông nhà thử xem vận may rủi thế nào.

(Click ---> xem tiếp)

XƯỚNG HỌA MỪNG XUÂN TÂN SỬU

                                             MỪNG XUÂN TÂN SỬU 2021

                                             Tân Sửu chào xuân năm mới sang,

                                             Kim Ngưu đích thị chú trâu vàng !

                                             Chúc cho thế giới qua Cô-Vít,

                                             Mong ước nhân sinh tốt mọi đàng.

                                             Thân hữu trong ngoài đều phát đạt,

                                             Đồng môn nội ngoại thảy bình an.

                                             Hòa bình khắp chốn vui như...Tết !

                                             Bỏ hết ngoài tai chuyện cũ càng.

 

                                                    Đỗ Chiêu Đức

                                                              Xuân 2021

CHÚC MỪNG XUÂN TÂN SỬU

(Kính họa bài Mừng Xuân Tân Sửu 2021 của

thi huynh Đỗ Chiêu Đức)

 

Vườn rộn hoa đào Xuân đã sang

Chúc nhau thơ, đối, thiệp mai vàng

Tân Niên tài đến xài vung vít

Trừ Tịch lộc vô trải ngút đàng 

Tiển Tý nơi nơi đều hỷ lạc

Chào Ngưu chốn chốn đặng khương an

Giao Thừa lân pháo xôn xao ngõ 

Tết Sửu càng vui Năm Sửu càng...

 

Phương Hoa - JAN 13th 2021

 

XƯỚNG HỌA TÂN NIÊN:

         XƯỚNG: Mừng Xuân TÂN SỬU

 

       Đứng thứ hai trong thập nhị chi,

       Tân : Kim, Ngưu : Sửu ước mơ gì ?*

       Yên bình thế giới thôi tranh chấp,

       Ổn định nhân sinh phải trí tri.*

       Ăn Tết không quên phòng dịch bệnh,

       Mừng xuân cảnh giác tránh Cô - vi.

       Trâu vàng cũng phải cày hai buổi,

       Tiểu phú do cần nhớ khắc ghi !*

 

        Đỗ Chiêu Đức

        Đầu xuân 2021

*

  - Theo âm dương ngũ hành thì : CANH TÂN hướng Tây, thuộc KIM .

  - Trí tri 致知 : là Hiểu biết một cách thấu đáo.

  - Tiễu Phú Do Cần 小富由勤 : Ông bà ta có câu : Đại phú do thiên, Tiểu phú do cần 大富由天,小富由勤. Có nghĩa : Làm giàu lớn là do trời cho, còn làm giàu nhỏ là do cần kiệm siêng năng .

Mừng Xuân Đón Tết Tân Sửu

Mười hai con giáp, thứ nhì "chi"...!

Tân Sửu nguyên niên mộng ước gì ?

Chuột chạ̣y cùng sào đâu chẳng biết...!

Trâu ăn cuối bãi há vô tri...?

Mừng xuân, mặt nạ ngừa lây "Dịch"

Đón Tết, khẩu trang tránh nhiễm " Vi " (1)

"Lục Súc Tranh Công" ai sức mạnh?

Nhà Nông, Phú, Địa, Tá còn ghi... (2)

 

Mai Xuân Thanh

Ngày 28/12/2020

 

(1) Siêu vi trùng Cô Vy, Coronavirus Vũ Hán hoặc COVID-19

(2) Phú Nông, Địa Chủ, Tá Điền, Đó là những người quý mến Con Trâu nhứt hạng vì Con Trâu Khỏe mạnh nhứt và cũng cực khổ gắn bó nhứt với Nhà Nông trong 12 Con Giáp 

TRƯƠNG NGỌC THẠCH - PHAN THƯỢNG HẢI - NGUYỄN VĂN MINH. Thơ:

            CHÚC TẾT NĂM CON TRÂU (Nguyên bản)

               Năm Trâu kính chúc khoẻ như Trâu

               Sừng sỏ hùng tâm chẳng khổ sầu

               Lợi lộc dồi dào tài kéo nặng

               Duyên tình hạnh phúc sức cày sâu

               Đường đời vững gót nhờ đầy bụng

               Chuyện thế ngoài tai khỏi nhức đầu (*)

               Sừng sững an thân không bệnh tật

               Vô vi theo Đạo, sống còn lâu. (*)

               (Phan Thượng Hải)

               1/22/21

(*) Chú thích: 

            Từ câu "Đàn gảy tai trâu" (Tục ngữ). 

            Từ chuyện Lão tử cưỡi trâu viết Đạo Đức kinh chủ thuyết Vô vi của Đạo Gia.

                                 CHÚC TẾT NĂM CON TRÂU 2021 (Họa)

                                 Chúc Tết Năm Trâu khỏe tợ trâu

                                 Người người hạnh phúc bớt u sầu

                                 Bạc tìền rổn rảng, không cày nặng

                                 Sự nghiệp thành công, chẳng cuốc sâu

                                 Cha mẹ bình an luôn phút cuối

                                 Vợ chồng nồng ấm giống lần đầu

                                 Mong sao COVID sớm tiêu diệt

                                 Hỷ xả, từ bi sống được lâu…

 

                                  (Chánh Minh Nguyễn Văn Minh)

                                  1/25/21

Sáng nay, mồng một Tết Tây, vừa ngủ thức dậy thì đọc được bài thơ chúc Tết Tây của đàn anh BS Trương Ngọc Thạch.  Do đó có lật đật làm bài kính họa và xin kính gởi như là bài thơ chúc Tết của anh Thạch và của tui.

"Better New Year".

Thân kính

Hải

 

ĐẦU NĂM GÕ PHÍM (Nguyên bản)

Vắn tắt vài hàng gửi bạn đây

Chúc cho sức khỏe thật tràn đầy,

An bình mọi phút, lòng thanh thản,

Hạnh phúc từng giây, dạ ngất ngây.

Covid ngưng hành, tan dịch bệnh,

Bán bầu nghỉ kiện, cạn cơn say.

Gặp nhau, ai nấy cùng vui vẻ,

Ước vọng đơn sơ, mong lắm thay!

 

(Trương Ngọc Thạch)
Mồng Một Tết Tây 2021

 

 

 

TRẦN CẨM QUỲNH NHƯ:

CHẬU MAI CON NHÀ NGHÈO

Thưa mấy anh Trần Bang Thạch, Cao Vị Khanh và Lương Thư Trung quý mến,

Cái phong trào nói chuyện đồng áng anh Trần Bang Thạch phát động quả là hấp dẫn. Nhưng em chẳng dại gì mà múa cây rìu giấy qua mắt mấy ông thợ cả đã lên tới chức nghệ nhân! Thôi để em kể mấy anh nghe chuyện chậu mai năm xưa của cặp vợ chồng giáo viên nghèo.

Vầy, mười mấy năm trước tụi em trên răng dưới dép, nói theo kiểu mấy ông bà già xưa là "nghèo có pa-tăng". Em với ảnh dạy đệ nhị cấp, đáng lẽ không đến nỗi nào vì môn sinh ngữ có thể dạy thêm kiếm tiền, nhưng lúc đó Má chồng em nằm một chỗ hơn năm năm trời, nào tiền bác sĩ tới nhà, y tá mỗi ngày thay băng chỗ loét, rồi tã giấy, sữa Ensure truyền ống, và thằng con còn học hai đại học một lượt, em lại ịch đụi bịnh tật suốt! Thuở đó tụi em phải cày cật lực để sinh tồn, nhưng nói ngay cũng nhờ bạn bè thương giúp đỡ nhiều.

(Click ---> xem tiếp)

NGÔ THỊ TRƯỜNG XUÂN:

      TẾT RỒI! ANH CÓ VỀ KHÔNG?

 

      Tết rồi! Anh có về không? 
      Ba mươi đang đợi, đang trông một người. 
      Cây mai nhà đã hé cười, 
      Chờ anh ăn tết, ngời ngời dáng xuân.

      Sao anh chưa thể một lần! 
      Về thăm nhà cũ, mộ phần ông cha. 
      Kể từ muôn dặm đường xa, 
      Anh không về lại, bạt ngàn bóng chim...

      Anh ơi, có thể nào tìm, 
      Ở đâu hơn ở quê mình, hả anh?
      Về đi anh, dưới mái nhà, 
      Có giàn hoa giấy, có giàn hoa ngâu.

ANH TÚ. Thơ:

CHÚC  MỪNG NĂM MỚI 2021

TL_happyNY2021_Gif.jpg
TL_TanSuu2021.jpg
TV_Chuc mung nam moi an khang (1) (1).jp

TRỞ VỀ NHÀ NGÀY 30 TẾT

Tôi khởi hành từ thành phố mùa đông
Bầu trời thấp, quê người giăng tuyết trắng
Bay về Việt Nam ngày ba mươi Tết
Căn nhà xưa ấm áp đợi tôi về

Tôi biết mẹ cũng thấp thỏm đợi chờ
Đứa con xa đã lâu chưa gặp mặt
Tôi bận rộn giữa vòng đời quay quắt
Kỷ niệm có khi là một giấc mơ

Mẹ đã chuẩn bị nấu bánh chưng chưa
Đợi tôi về đêm Ba Mươi nhóm lửa?
Góc bếp năm nào ngày tôi còn bé
Mắt long lanh như bếp lửa bập bùng

Đêm ba mươi Tết huyền diệu vô cùng
Nồi bánh sôi như lòng tôi rạo rực
Chợt tiếng pháo giao thừa về là lúc
Tôi thấy mình vừa mới lớn khôn hơn


 

Mẹ đã mua chưa những chậu hoa thơm?

Cành mai vàng trong căn phòng khách nhỏ

Tôi vẫn thấy mình đứng bên cửa sổ

Nhìn ra ngoài mơ mộng một trời Xuân

 

Chuyến bay miệt mài đi giữa màn đêm

Vượt đại dương mang theo hồn lữ thứ

Tạm biệt tuyết rơi, gió lạnh viễn xứ

Đứa con thân yêu đang trở về nhà

 

Nỗi vui mừng, vội vàng phố tôi qua

Hàng cây cũ nhìn tôi như chào đón

Những khuôn mặt quen bạn bè, lối xóm

Tất cả là ba mươi Tết trong tôi

 

Đêm nay tôi sẽ thức, sẽ rong chơi

Về quá khứ tìm mùa Xuân đã mất

Xin chào quê hương ngày Ba Mươi Tết

Đêm nay giao thừa tôi trẻ lại như xưa

 

Kim Loan

Bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra

Chưa hài lòng kẻ thắng người thua

Dư âm vẫn còn lên cơn sốt

Nước Mỹ như đang bị bỏ bùa.

 

Thảy gạo muối cuối tháng mười hai

Xua đi những bất hạnh không may

Năm châu bốn bể tan ám khí

Trời quang mây tạnh sẽ về đây.

 

Đêm giao thừa hai mươi hai mươi

Pháo bông rực sáng đợi tin vui

Nhân loại bình yên hơn năm trước

Năm mới hai mươi hai mốt ơi…( 2021)

 

 Nguyễn Thị Thanh Dương

 ( Dec. 16,2020)

Kiếp trâu lành

Ách nặng trên vai, có xá chi

Trâu ngoan ngày tháng chẳng mong gì

Đồng xanh bát ngát chờ thân hữu

Trời biếc bao la đợi cố tri

Trọn kiếp âm thầm trong vũ trụ

Suốt đời lặng lẽ giữa vô vi

Té ra vật cũng sầu thiên mệnh 

Tân Sửu lầm than lại tiếp ghi...

     

Utah  28 - 12 - 2020.

Cao Mỵ Nhân

Bây giờ biết anh ở đâu, 
Để em nhắn nhũ vài câu tâm tình. 
Nếu mà được gió đưa tin, 
Thì anh mau bước, nhớ tìm về quê.

Xôn xao, tết đã gần kề 
Thiếu anh, thiếu cả bốn bề yêu thương. 
Nếu mà anh còn vấn vương, 
Thì anh ơi, hãy một phương tìm về!

 

Ngô Thị Trường Xuân 

27/01/2019  

HỌA: TRÂU- Bạn Của Nhà Nông

 

Động vật như nhau, cũng tứ chi

Chuột, Trâu chẳng giống mảy may gì

Đứa thì lơ láo, đời căm ghét

Kẻ lại chuyên cần, công được ghi

Chăm chỉ, thật thà...hiền tính nết

Khoan hòa, nhẫn nại...đẹp hành vi

Gắn liền đồng ruộng, trâu thân thiết

Cùng với con người: bạn cố tri.

 

Phương Hà

( 29/12/2020 )

CHÚC TẾT NĂM CON TRÂU 2021 (Họa)

Tết, chúc bà con mạnh giống trâu

Cả năm vui vẻ, ít lo sầu

Lợi danh buông bớt không vương vấn

Tiền bạc tiêu dần chẳng bận sâu

Nhóm trẻ đón mừng xuân mới mẻ

Phe già ôn nhớ chuyện ban đầu

Mối lo COVID mau tan biến

Ai nấy an lòng, sống khỏe lâu.

(Trương Ngọc Thạch)
1/24/21

CẦU NGUYỆN NĂM MỚI 2021 (Họa)

Hai ngàn hăm mốt đến rồi đây

Thảm họa năm qua vẫn nhớ đầy

Tàn hại nhân sinh trong bệnh hoạn

Khốn cùng già lão tới thơ ngây

Nguyện cầu trời phật thay cầu chúc

Thức tỉnh con người biết tỉnh say

Mong được an lành là hạnh phúc (*)

Tai qua nạn khỏi, đẹp xinh thay!

 

(Phan Thượng Hải)

Mồng Một Tết Tây 2021

(*) "Tâm an và thân lành". 

MỪNG TÂN SỬU

 

Én về Tân Sửu ngập ngừng sang

Vạn vật mừng vui đón nắng vàng.

Chuột dữ cút mau về địa ngục

Trâu hiền hãy đến đón thiên đàng.

Dịch còn lẩn quẩn đừng hời hợt

Chết vẫn xôn xao nhớ kỹ càng.

Oan uổng triệu người bởi ngạo mạn

Nguyện cầu muôn một giữ tâm an.

         Mailoc

       01-12-2021

AnhTu_chuc2021.png

DƯƠNG HỒNG THỦY. Thơ

                                          Năm Nay Nhà  Mình

 

Tết năm nay nhà mình thật buồn hiu

Sáng tối qua mau - trưa chiều trống trải

Em nằm bơ vơ chìm trong mệt mỏi

Tôi bơ phờ nghe hoang hoải tâm hồn.

 

Xuất viện về tôi thương mình nhiều hơn

Hai ngày nữa thôi -  là mùng một  Tết

Thương các con xoay quanh  lo cho mẹ

Sáng tối miệt mài tuổi trẻ hằn đau.

 

Tôi đêm đêm cầu khẩn máu dâng trào

Mong em hết bệnh ngọt ngào kiếp sống

Dậy đi em là người luôn sống động

Chúng ta cùng hoài vọng Tết ngày mai !

 

Ta ghé chùa Ông xin xăm cầu may

Năm hết Tết đến tràn đầy vui vẻ

Ta  dẩn cháu con về thăm mộ mẹ

Ước nguyện gia đình mạnh khỏe quanh năm !!

 

Dương hồng Thủy

09/02/2021 (28/12 âl)

                                                          Đầu Năm:

                                      Nói Với Các Con Của Bố!

 

            Hôm nay cha cần nói với các con

            Bởi từ rất lâu thấy mình có lỗi

            Cha tự xem như một người trọng tội

            Cần nói ra khi tuổi đã về chiều.

 

            Các con biết cha thương con rất nhiều

            Thay mẹ lo cho con từng giấc ngủ

            Thế mà cha thấy còn chưa kịp đủ

            Vì còn thiếu… bàn tay và ánh mắt dịu dàng.

 

            Mẹ con ra đi có đứa còn trẻ măng

            Cha lo suốt ngày miếng cơm manh áo

            Nhà mình không đói nhưng rồi một dạo

            Cơm bo bo, khoai bí độn hàng ngày.

 

NGUYỄN VĨNH LONG. Thơ:

Cha muốn nói với các con từ lâu

Nhưng rồi  mãi lãng quên …vì cha sợ

Các con cười cha lắm điều lầm lỡ

Nhưng không nói càng xấu hổ hơn nhiều

 

Bây giờ cha muốn bày tỏ một điều

Các con đã lớn khôn là niềm an ủi

Nếu không nói cha phải luôn buồn tủi

Nói được rồi như đã thấy niềm vui …

 

Dương hồng Thủy

(3 giờ sáng 01/01/2021)

Tôi đêm đêm cầu khẩn máu dâng trào

Mong em hết bệnh ngọt ngào kiếp sống

Dậy đi em là người luôn sống động

Chúng ta cùng hoài vọng Tết ngày mai !

 

Ta ghé chùa Ông xin xăm cầu may

Năm hết Tết đến tràn đầy vui vẻ

Ta  dẩn cháu con về thăm mộ mẹ

Ước nguyện gia đình mạnh khỏe quanh năm !!

 

Dương hồng Thủy

09/02/2021 (28/12 âl)

NVL_lyruou.JPG

                                      Ly Rượu Đầu Năm

 

          Mời em ly rượu đầu năm

          Có gì mà phải bận lòng xót ra

          Ừ thì Tết của người ta

          Lâu rồi cứ tưởng như là Tết chung

 

          Uống đi em chút mặn nồng

          Để quên chuyện cũ năm cùng đáy ly

          Chút hương xưa chút xuân thì

          Hơi men sẽ thắm môi ghì dấu môi

 

          Thôi thì em uống cùng tôi

          Mà nghe hơi thở tìm nơi chốn về

          Còn đây tuổi đếm buồn ghê

          Làm sao nhớ hết câu thề ngày xưa?

 

TRẦN BANG THẠCH. Truyện:

XUÂN SỚM

- Chút quà văn chương gởi anh VTT, chị KQ & nhóm thiện nguyện Cái Răng nhân dịp Xuân về

Bà Phước bóp nhẹ mấy ngón tay xương xẩu của chồng rồi cùng con trai bước ra khỏi phòng. Người nữ y tá cũng bước ra theo, sau khi chúc ông Phước ngủ ngon. Ông Phước còn lại một mình trong phòng. Hai chiếc giường kia đã bỏ trống từ hồi trưa. Một người được xuất viện, người kia trở bịnh nặng, phải đưa về khu cấp cứu; không biết có còn trở lại đây nữa không, hay được đưa thẳng xuống nhà xác, như ông Mễ nằm giường ấy cách đây hai tuần. Ba tuần trước, ông Phước từ phòng cấp cứu được chuyển vào phòng này. Coi như bịnh trạng của ông đã qua thời kỳ nguy hiểm. Bây giờ là thời gian điều trị. Ống chân trái của ông Phước bị gãy, các lóng xương bể đã được sắp xếp lại và nẹp bằng một thanh bạch kim. Bác sĩ nói tuần tới chân ông sẽ được bó bột. Nhưng việc xuất viện thì chưa biết, vì có dấu hiệu xuất huyết đường ruột nên vài thử nghiệm phải tiến hành song song với việc chữa trị vết thương chân.

(Click --> xem tiếp)

VÕ THỊ BẠCH NỮ. Truyện 1:

 

Chạy Vỉ

                                                                    Ảnh: Góc Bếp Người Miền Tây (Internet)

 

Cây mai Tứ Quí của tôi báo hiệu Tết đã gần kề. Ở phương trời Tây này, không có vẻ gì là không khí Tết cả. Ở xứ người nhiều năm, vì bận bịu tôi không nhớ ngày mùng một Tết là ngày nào nữa. Nhờ cây mai vàng là dấu chỉ của Tết đến; nhắc tôi nhớ những kỷ niệm về mùa Tết lúc tôi còn nhỏ.

 

Vào năm 1967 ba tôi đem tôi về Cần Thơ. Lúc đó tôi ở Sài Gòn đang học đệ thất ở một trường mà nhiều người ước mơ được vào, niên khóa 1966-1967. Nhập học chưa được bao lâu thì phải về Cần Thơ. Lúc ấy tôi mười hai tuổi rất buồn vì xa bạn bè và tưởng rằng mình không còn được học nữa. Cuối cùng tôi thi đậu vào trường Đoàn Thị Điểm năm 1968, trễ mất một năm học chỉ vì ba tôi muốn tôi về Cần Thơ sống với bà tôi. Nhờ vậy mà tôi có những ký ức phong phú về miền Tây quê tôi.

Bắt đầu tháng chạp, tôi còn nhớ trong gia đình tôi đã rộn rịp chuẩn bị đón Tết. Cô dượng Hai tôi nuôi heo, gà, vịt  từ đầu năm để chuẩn bị cho Tết. Cô dượng tôi là người nông dân nên rau, củ, quả có sẵn trong vườn nhà. Cô cung cấp cho cả đại gia đình; từ sà lách, khổ qua, mướp, hành, kiệu, hẹ… 

Cô Hai tôi giỏi về bánh, mứt và nấu ăn. Khoảng tuần đầu tiên của tháng chạp, gia đình tôi xôn xao sắp đặt để đón Tết. Cô tôi bận rộn chuẩn bị các loại mứt và dưa.

(Click:---> Xem tiếp)

VÕ THỊ BẠCH NỮ. Truyện 2:

 

Hệ Lụy Năm Cũ ! Ước Vọng Năm Mới !

Mời em ly nữa cho vừa

Lỡ trăm năm cạn còn chưa biết rằng

Thương nhau đâu chỉ dấu răng

Da non chưa đắp đã nghìn trùng xa...

 

Ở đây cũng một quê nhà

Mà sao nghe lạ tiếng khà rưng rưng

Cạn đi em chút rượu mừng

Cho môi thắm lại nụ hồng năm xưa..!

 

Mừng Năm Mới 2021

Durham, North Carolina

Nguyễn Vĩnh Long

BachNu_banhtrang.JPG
BachNu_Banhuot.JPG
BachNu_Vibanhtrang.JPG
BachNu_winter2pics.JPG

Còn đêm nay thôi là ngày của năm mới bắt đầu.  Mỗi cái cuối cùng là mở đầu cho một cái gì mới. Quyển lịch mới 2021 được mở ra. Cái năm Covid-19 của 2020 đang qua, cũng là ngày cuối cùng của năm lo buồn nhiều hơn là vui hưởng. Những gì xảy ra trong năm qua sẽ hy vọng bị chôn vùi trong năm đó, để cho năm mới tươi như một tờ giấy trắng và được vẽ trên ấy những bức vẻ màu tươi sáng hơn nhiều so với năm vừa qua. 

 

Đêm giao thừa năm nay thật khác lắm so với những năm khác, một đêm giao thừa không tiếng pháo, không tụ họp, không gặp gỡ và không có champagne tiễn đưa năm cũ cùng lúc chào mừng năm mới.

Hằng năm đêm giao thừa với bao nhiêu háo hức, mong chờ để mừng vui chia sẻ chào đón một năm mới đầy hứa hẹn. Chơi hết mình ngày đầu năm với pháo n, rượu nồng.

(click ---> xem tiếp)

NGUYÊN NHUNG. Thơ:

 

 

 

 

 

Tâm Sự Con Trâu Già ...

Ta đã già không kéo nổi cái cày

Trên cánh đồng suốt một đời đã trải

Hạnh phúc nhất khi giữa trưa nóng nảy

Nằm nghỉ ngơi nhơi cỏ dưới gốc cây

Miệng thì nhai, đôi tai thì phe phẩy

Nghe gió đồng thổi mát ở trong tai

Ta ngỡ trời xanh cũng biết thở dài

Khi cám cảnh đời trâu sao vất vả

Chẳng sao đâu ... khi số phận an bài

Chỉ tại trời sinh vào thời lận đận

Bì bõm ruộng sâu cho mọi nhà no ấm

Nuôi sống con người đời sẽ an vui...

Thấm thoát thời gian lại thấy ngậm ngùi

Con trâu già giờ đây nằm nhơi cỏ

Ôn cố tri tân cuộc đời như bày tỏ

Dòng nước đục trong đã lội qua rồi...

..............

Để không ngờ một ngày ta nhìn thấy

Trên con đường bùn đất ở làng quê

Sợi dây thừng quấn cổ chú trâu gầy

Đang vất vả kéo chiếc xe khỏi bãi lầy khốn khổ

Có lẽ nào xe thời gian đi ngược

Để trở về thời khốn khổ năm xưa ...

Thật ngỡ ngàng như đang sống trong mơ

Trâu vẫn là trâu ... chuyện từ muôn thuở

Bài thơ mì ăn liền vì thấy con trâu nhà quê đang kéo chiếc xe ì ạch ra khỏi bãi cát lún.

NN

___________________

Mẹ tôi hoa tím giữa mùa Xuân

 

CAO VỊ KHANH. Văn:

1                

Mỗi năm hoa đào nở...

 

... câu thơ gỏ từng chữ vào lòng như ngón tay gỏ vào từng phím nhớ của một bản hoài cảm đã được dạo đi dạo lại nhiều lần, hằng năm một, và sẽ còn được dạo lại thêm những lần nào nữa? Câu thơ như nhản hiệu một sản phẩm đãđược-cầu-chứng-tại-tòa, không thể đánh tráo, không thể lầm lẫn, không thể gian lận vào đâu được.

 

Mỗi năm hoa đào nở...

 

...ờ ở đâu mà bỗng bay về những tấm giấy hồng điều lấp láy lớp kim nhủ mới tinh trên sợi giây giăng ngang hai đầu một tường vôi lở ... ờ có cơn gió sớm làm gây gây lạnh trên chút da để hở thổi lại từ hướng nào ... dường như từ hướng bờ sông cái theo con đường lớn có hai hàng me già mới thay lá non xèo ... ờ chiếc áo dài đen cũ rích tới sờn bâu có in hình mấy chữ thọ, chiếc khăn đóng chít hình chữ nhân ngay giữa trán, mấy ngón tay thuông xương xẩu, chòm râu bạc lốm đốm và đôi mắt, đôi mắt đục lờ có một vẻ gì vừa kiêu hảnh vừa nhẩn nhịn ... Ngoài trời mưa bụi bay ...

(Click:---> Xem tiếp)

_______________

2                          

NguyenNhung_Mẹ tôi hoa tím.png
NN_traugia.JPG
CVK_cuoinamdocNB.JPG

Nguyễn Bính đã có lần từ Bắc vào Nam. Con đường xe lửa xuyên Việt thời đó kể đã là thiên lý. Bỏ xứ đi xa đằng đẳng như vậy thì làm hành là phải lắm. Hành Phương Nam.

 

Đôi ta lưu lạc phương nam này.

Trải mấy mùa qua én nhạn bay

Xuân đến...(*)


Tâm cảnh đã không yên thì xuân đến hay xuân đi cũng chỉ là cái cớ. Lòng đã ở ngoài đó thì trời nước trong này chỉ là một dãy bơ vơ. Đầu năm hay cuối năm có khác gì nhau khi thời gian chỉ là thứ dấu

mốc cắm chia những đoạn đời hồi ức.

Ta đã làm gì đời ta. Ý nối ý quấn quít, chữ níu chữ không rời làm thơ tuôn ra như bầy ngựa sút cương, xổ bờm mà chạy. Hành. Đọc lên thấy bồi hồi xốn dạ...

Xuân đến khắp trời hoa rượu nở.

Riêng ta với ngươi buồn vậy thay

Lòng đắng sá gì muôn hớp rượu

Mà không uống cạn mà không say (*)

(Click: ---> Xem tiếp)

 

ĐOÀN XUÂN THU. Tạp ghi:

               Hồn cố thổ!

Tết nào cũng vậy, tệ nạn cờ bạc nó rộ lên như nấm mối gặp mưa. Sòng bầu cua, sòng tài xỉu ngoài xóm. Đang ăn, nhà cái chưa kịp chung tiền, ai đó hô ‘lính tới’ cả bọn chạy thục mạng. Sau mới biết tụi nó chơi đểu, ăn vùa thua giựt. Thiệt là tức trào máu họng.

Còn bài xấu, cái đầu sù sụ con mắt trỏm lơ, mình đi phất phơ như con chó đói. Do đó lỡ binh xập xám, ba phé ba nơi hoài, đầu hôm xao xác bạc tốt như tiên, đến khuya không tiền bạc như chim cú.

Theo tui thì Tết đừng đánh bài là hay hơn hết. Lỡ mình ăn mình vui; thì người thua cũng bà con lối xóm không hè, họ buồn… Mà Tết nhứt mà làm thiên hạ buồn thì lương tâm mình cũng kẹt… ‘phé’.

Cờ bạc là chuyện không nên chơi; thôi mình nói đến chuyện ăn Tết cho nó no, nó vui hơn.

(Click: ---> Xem tiếp)

ĐỖ CHIÊU ĐỨC. Văn:

                                          Ngày Xuân đọc Thơ Tiền Chiến

                                                       Tôi muốn tắt nắng đi,

                                                       Cho màu đừng nhạt mất,

                                                       Tôi muốn buộc gió lại,

                                                       Cho hương đừng bay đi !

                                                                                     Xuân Diệu

 

        NGÀY XUÂN ĐỌC THƠ TIỀN CHIẾN là chỉ nói cho "xôm tụ", cho vui thôi, chẳng lẽ đọc Thơ Đường mãi, thay đổi không khí, ta đọc thơ Thời Tiền Chiến nhé. Nhưng nói là đọc thơ Thời Tiền Chiến cho oai thôi, chớ chỉ điểm qua vài bài có vẻ Xuân và hoa Đào hoa Mai của Nguyễn Bính và Jean Leiba mà thôi !

 

       Nào, bạn đã thấy Xuân về như thế nào chưa ? Nếu chưa, hãy nghe Nguyễn Bính nói đây :

 

                              Đã thấy xuân về với gió đông,

                              Với trên màu má gái chưa chồng.

                              Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm,

                              Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong !

(Click: ---> Xem tiếp)

ĐỖ CHIÊU ĐỨC. Phiếm luận:

          Tuổi Sửu là con trâu kềnh kàng,

       

        Tuổi Sửu là con trâu kềnh kàng,

               Cày chưa đúng buổi lại mang cày về.

          

            Đó là hai câu trong bài vè nói về con trâu trong 12 con giáp của dân đồng bằng Nam Bộ quê tôi : Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền... Con trâu là cầm tinh của tuổi Sửu, ngôi thứ hai trong Thập Nhị Địa Chi. Trâu chữ Nho gọi là NGƯU 牛, mà Ngưu cũng là một trong 214 bộ của CHỮ NHO... DỄ HỌC, có diễn tiến chữ viết như sau:

(Click: ---> Xem tiếp)

ĐỖ CHIÊU ĐỨC. Phiếm luận:

Góc Việt Cổ Thi: Chùm Thơ Xuân 2021

1. Bài thơ NGUYÊN NHẬT của Lê Cảnh Tuân :

 元日             NGUYÊN NHẬT

 旅館客仍在,   Lữ quán khách nhưng tại, 

 去年春復來。   Khứ niên xuân phục lai. 

 歸期何日是?   Quy kỳ hà nhật thị ? 

 老盡故園梅。   Lão tận cố viên mai !

            黎景詢                 Lê Cảnh Tuân

(Click: ---> Xem tiếp)

PHAN THƯỢNG HẢI. Biên khảo:

Bài 1. Chuyện Ông Táo trong thi văn Việt Nam:

Xã hội nước Việt đã có tôn thờ Ông Táo (hay Vua Bếp) là vị Thần của nhà bếp từ lâu tuy không biết từ khi nào.  Chuyện về Ông Táo về Trời vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm với lễ cúng là một truyền thống của ngày Tết cho tới ngày nay.


Ông Táo

 

Theo Đạo Giáo, có một vị Thần làm chủ trong Bếp gọi là Ông Táo hay Vua Bếp. 

Ông Táo (tiếng Nôm) = Táo Công (Hán ngữ)

Vua Bếp (tiếng Nôm) = Táo Quân (Hán ngữ)

Bếp (tiếng Nôm) = Táo (Hán ngữ).  Ông (tiếng Nôm) = Công (Hán ngữ).  Vua (tiếng Nôm = Quân (Hán ngữ).

(Click:--->Xem tiếp

 

Bài 2: MÓN ĂN NGÀY TẾT

                                              

Trong ba ngày Tết, mọi người đều "Ăn Tết" với nhiều món ăn tiêu biểu và đặc biệt cho ngày Tết.  Những món ăn ngày Tết cũng là những đề tài văn thơ và câu đối trong văn học Việt Nam.

 

Bốn nghìn lần: Xuân Hạ Thu Đông, vạn vật lanh quanh vòng lẩn quần

Ba ngày Tết: xôi chè rượu thịt, tứ dân hì hục chén no nê

 

ĂN TẾT

Hoa quả giò nem với bánh chưng

Bàn thờ chật nứt tổ tiên mừng

Khói hương nghi ngút người đương lễ

Mâm cổ linh đình chủ đã bưng

Chỉ cuộc rượu chè mà bộn rộn

Riêng lời chúc tụng chỉ tưng bừng

Vui chơi cho bỏ khi nào nhỉ?

Chạy vạy đã còng cả sống lưng. (*)

(Vân Hạc Lê Văn Hoè)

(*) Chạy vạy=Xoay xở nhiều cách, vất vả để lo liệu (việc gì).

(Click: ---> Xem tiếp)

LÊ DUNG. Truyện Tết:

1.            TẾT

Còn hơn tháng nữa mới Tết ta...mà đã ngóng Tết rồi. Không biết mong chờ háo hức cái gì, được ăn Tết đúng kiểu xưa chăng?

Để được ăn:

Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ

Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh.

Quên rồi..chỉ còn bánh chưng

Để được mặc đồ mới.

Còn cả thùng đồ chưa mặc tới. Người trẻ không đợi Tết để mặc đồ mới, có khi mới mỗi tháng, mới mỗi tuần.

Người già hay sinh tật, cứ thích mặc đồ cũ mang màu sắc dĩ vãng. Cứ mặc hoài, không muốn rời xa.

 

Vậy Tết mong chờ gì nhất?

(Click: ---> Xem tiếp)

 

2.     HOA TẾT

Tết, nhà ai cũng có hoa.

Cả năm u sầu vì thiếu vắng hoa và tiếng cười. Nhưng đến Tết nhất định phải có hoa.

Tết chạy mua vội cặp cúc, thược dược, hướng dương cho nhà cửa tươi màu như hoa..

Hoa trồng đủ loại..Phong lan được chiều chuộng hết mức vì vẻ đẹp kiêu sa..Lúc lan chưa có nhiều, nhu cầu chơi lan rầm rộ. Người trồng làm cao. Người mê ngồi đồng cả buổi, để được tội nghiệp mà có vài đơn vị Cattleya, vài cụm Oncidium..hí hửng đem về, suốt đêm giấc ngủ chập chờn vì mừng có lan.

Thú chơi hoa là thế..thời gian, công sức, đam mê.

Ngày Tết, nhà nào cũng có hoa tri kỷ.

Nếu ở miền Bắc là tri kỷ hoa đào, thì miền Nam là mai.

Là mai, không thể khác được.

(Click: ---> Xem tiếp)

MAILỘC. Góc Việt Thi:

Thơ Xuân

 

Cùng Bạn

Xuân về ,tôi xin chép lại gửi đến bạn một số bài phỏng dịch thơ Xuân của thi nhân Vietnam ngày trước , xin mời đọc để tìm một chút giải khuây.

Trước thềm năm mới tôi kính chúc tất cả : SỨC KHOẺ- AN VUI-VẠN SỰ LÀNH

Thân kính 

Mai Lộc


Mộ xuân tức sự

Nguyên tác: Nguyễn Trãi

暮春即事 
阮廌 

閑中盡日閉書齋, 
門外全無俗客來。 
杜宇聲中春向老, 
一庭疏雨楝花開。 


Mộ xuân tức sự 
Nguyễn Trãi 


Nhàn trung tận nhật bế thư trai, 
Môn ngoại toàn vô tục khách lai. 
Đỗ vũ thanh trung xuân hướng lão, 
Nhất đình sơn vũ luyện hoa khai. 

 

Bản Dịch Của MaiLộc:

 

Suốt ngày nhàn hạ khép thư phòng

Vắng lặng cửa ngoài khách tục không .

Khắc khoải quyên sầu xuân sắp hết

Đầy sân xoan nở giữa mưa phùn.

(Click:---> Xem tiếp)

bottom of page