
Cần xem tiết mục nào xin click vào Trang bài / webpage trong MENU dưới đây:
TRANG CHÍNH / HOME . BÀI MỚI ĐĂNG . SINH HOẠT HOUSTON, TX . ĐH XXIII-MARYLAND 2019 . ĐH XXII-SAN JOSE 2018 . ĐH XXI-HOUSTON 2017 . SINH HOẠT CANADA . SINH HOẠT ÚC CHÂU . CÁC ĐẶC SAN ĐH . SINH HOẠT BẮC - NAM CALI - SINH HOẠT VÙNG NEW ENGLAND - SINH HOẠT VIỆT NAM - TIN SINH HOẠT CÁC NƠI . GÓC SÂN TRƯỜNG NHÀ . VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT . VÒNG TAY NGHĨA TÌNH . CHIA BUỒN - CHUNG VUI . TÌM NGƯỜI - NHẮN TIN

.jpg)
BIÊN KHẢO - THƠ - VĂN
BS Phan Thượng Hải
California__________
BBT: BS Phan Thượng Hải (CHS PTG 61-64) cùng với người em là LS Winston Phan Đào Nguyên là con của 1 công chức cao cấp của tòa án Cần Thơ, cũng là nhà thơ nổi tiếng của đất Cần Thơ thập niên 40, 50: Thi Sĩ LÃNG BA Phan Văn Bộ
____________________________________

BẮC MIỀN TÂY
Từ đầu thế kỷ 21, có những chiếc Cầu được xây dựng để qua sông thay thế cho những bến Bắc
và những chiếc Bắc (chiếc Phà) thời xưa.
Điều nầy tuy tiện lợi nhưng cũng tạo nên niềm nhung nhớ cho người xưa cũ.
Đây là danh sách những cây cầu thay thế cho bến Bắc:
1. Mỹ Thuận: cầu đầu tiên
2. Rạch Miễu
3. Hàm Luông
4. Cần Thơ
5. Cổ Chiên
6. Cao Lãnh
7. Vàm Cống
8. Mỹ Lợi: bắt qua sông Vàm Cỏ nối Cần Đước và Gò Công.
9. Năm Căn
BẮC MIỀN TÂY (Nguyên bản)
Nay còn đâu những Bắc Miền Tây
Để lại tình xưa những nhớ đầy
Mỹ Thuận rộn ràng thời trẻ dại
Cần Thơ êm ái tuổi thơ ngây
Thay nhiều bến cũ đà hoang phế
Với lắm cầu treo mới dựng xây
Vàm Cống băng qua, nhìn Rạch Miễu
Thương về quá khứ chạnh niềm tây.
(Phan Thượng Hải)
1/24/20
BẾN BẮC CẦN THƠ (Họa)
Xuôi về thủ phủ của miền Tây
Nhớ Bắc Cần Thơ kỷ niệm đầy
Kẻ hẹn trên boong, lòng phấn chấn
Người chờ dưới phố, mắt thơ ngây
Bến xưa theo thế đà nên đóng
Cầu mới xu thời đã được xây
Mười mấy năm trôi, chừ khác lạ
Giữa dòng hoài cảm một niềm tây.
(Phan Kim Thành)
12/12/21
NHỚ BẮC MỸ THUẬN (Họa)
Qua cầu Mỹ Thuận xuống miền Tây
Bến bắc ngày xưa, nỗi nhớ đầy
Xe cộ nối đuôi dài phát ngán
Hàng rong mời mọc riết thành ngây
Đầy rồi! phà chạy, ôi chao khoẻ
Mát quá! gió lùa, mắt hết xây... (*)
Thuở ấy đòi ba mua gói cốm
Giờ thì bóng cả đã về tây.
(Phan Huệ Lan)
12/7/21
(*) Chú thích: Xây = xây xẩm.
(Bắc và Bến bắc Cần Thơ thuở xưa)
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Tài liệu (trong phanthuonghai.com)
Thơ Phan Thượng Hải – Cảnh Vật Việt Nam (Bs Phan Thượng Hải)
Hệ Thống Thủy Đạo Đồng Bằng Sông Cửu Long (Bs Phan Thượng Hải)
_________________________
CON RẮN TRONG TRUYỆN TÀU
(Bs Phan Thượng Hải)
Có những chuyện Con Rắn trong Truyện Tàu có liên quan đến kiến thức văn hóa.
A. Truyện “Bạch Xà Thanh Xà”
a) Truyện Bạch Xà Thanh Xà
Truyện “Bạch Xà Thanh Xà” có trong danh sách Truyện Tàu của nhà xuất bản Tín Đức Thi Xã thời Việt Nam Cộng Hòa ở Nam Kỳ. Thật ra nguyên bản Hán ngữ là Bạch Xà Truyện, 1 trong 4 truyện Tứ Đại Dân Gian Truyền Thuyết của Trung Hoa.
Truyện kể 2 con Rắn (cái), Bạch Xà (rắn trắng) và Thanh Xà (rắn xanh) tu ngàn năm thành Người nhưng cũng phải nhờ uống tiên đan ăn trộm của một Hòa thượng là Pháp Hải. Bạch Xà làm người tên là Bạch Tố Trinh lấy chồng là một người thường, thư sinh Hứa Tiên, để trả ơn vì kiếp trước đã cứu mạng. Hòa thượng Pháp Hải muốn trả thù Bạch Xà đã ăn trộm tiên đan của mình nên dụ Hứa Tiên cho Bạch Tố Trinh uống hùng hoàng để hiện lại hình rắn. Hứa Tiên hoảng kinh nên chết. Bạch Xà phải lên thiên đình trộm thuốc linh chi của Tây Vương Mẫu để cứu sống Hứa Tiên.
Pháp Hải lại bắt nhốt Hứa Tiên tại chùa Kim Sơn. Bạch Xà và Thanh Xà chiến tranh với Pháp Hải dâng nước biển làm hại sinh linh. Sau khi cứu được Hứa Tiên, Bạch Xà bị Pháp Hải giam ở Lôi Phong tháp.
Sau đó con của Bạch Xà và Hứa Tiên thi đậu Trạng Nguyên và cứu mẹ ra khỏi tháp. Gia đình lại được đoàn tụ.
Truyện “Bạch Xà và Thanh Xà” ảnh hưởng Đạo Giáo của Trung Quốc với phép tắc biến hóa. Truyện cũng như nhiều Truyện Tàu của Nam Kỳ ảnh hưởng từ Đạo Giáo như Tây Du Ký, Phong Thần, Đông Du Bát Tiên…
b) Từ Đạo Gia đến Đạo Giáo
Đạo Giáo (Lão Giáo) là một tôn giáo của Trung Quốc khác với Đạo Gia là một trường phái triết học (xuất phát từ Đạo Đức Kinh của Lão Tử), mặc dù nó xuất phát từ Đạo Gia và Lão Tử.
* Lịch Sử Đạo Giáo (Lão Giáo) từ Đạo Gia
Đạo Gia (cùng với Nho Gia trong Lục Gia) là một học phái triết học trong cuối thời Xuân Thu và thời Chiến Quốc ở Trung Quốc xuất hiện từ triết gia là Lão Tử với sách Đạo Đức Kinh của ông. Đạo Gia trước tiên có tên là Đạo Đức Gia dựa trên Đạo Đức Kinh rồi được gọi tắt thành Đạo Gia. Theo Đạo Đức Kinh, Đạo là cái bởi đó mọi vật sinh ra. Khi sinh ra, riêng mỗi vật đều nhận từ cái phổ biến một phần từ Đạo gọi là Đức, do đó Đức có nghĩa là "tiềm thể" hay "đức tính" của riêng mỗi vật. Từ ngữ "Đạo Đức" từ Đạo Đức Kinh của Đạo Gia có nghĩa hoàn toàn khác với từ ngữ "Đạo Đức" (hay Luân Lý) của Nho Gia và Nho Giáo.
Lão Tử và những triết gia của Đạo Gia chủ trương xuất thế không liên quan đến chính trị, ngoại giao và quân sự như những triết gia khác của Nho Gia (và những Gia khác trong Lục Gia). Họ chính là những Ẩn sĩ lánh xã hội con người mà sống với thiên nhiên trong rừng núi vắng vẻ. Lần lần, theo truyền thuyết, những Ẩn sĩ này tu mà trường sanh không chết và thành Tiên như trường hợp của Quỷ Cốc Tiên sanh trong thời Chiến Quốc. Sau khi nhà Tần thống nhất Trung Quốc (221 tr CN) rồi đến nhà Hán cai trị Trung Quốc (từ thế kỷ thứ 3 tr CN), lịch sử có ghi rằng một khai quốc công thần của nhà Hán là Trương Lương có gặp một ông Tiên là Huỳnh Thạch Công khi còn trẻ rồi sau khi thành công ông từ quan tại triều đình mà đi tu Tiên với một ông Tiên là Xích Tòng Tử.
Nhà Hán (từ thế kỷ thứ 3 tr CN) dùng triết lý của Nho Gia, gọi là Nho Giáo, cho chế độ quân chủ. Các Nho Sĩ thi đậu và làm quan trong guồng máy hành chánh của vua nhà Hán. Trong khi đó trong dân gian có xuất hiện những Đạo Sĩ.
Đạo Sĩ dùng phương thuật, tế lễ, bùa chú, kinh kệ, thờ cúng, trị bệnh... như là những phép lạ thần thông và đưa ra những giáo lý về sinh mạng siêu hình như Tiên, Thần, Rồng (Long), Ma, Quỷ, Yêu... cũng như về thế giới siêu hình như Thiên Giới (có Thiên Đình), Địa Ngục... để dùng cho sự tôn thờ tín ngưỡng. Từ những Đạo Sĩ này có Đạo Giáo và Đạo Sĩ nổi tiếng được biết đầu tiên trong lịch sử vào cuối đời nhà Hán là Trương Đạo Lăng, cháu 8 đời của Trương Lương.
Đạo Giáo của các Đạo Sĩ lấy Tiên và Tu Tiên làm tôn chỉ căn bản, tôn Lão Tử là Tiên và là giáo chủ (gọi là Thái Thượng Lão Quân), và giáo pháp tu thành Tiên dựa trên Đạo Đức Kinh của Đạo Gia (từ triết gia Lão Tử sống vào thời Xuân Thu!). Do đó nó có tên là Đạo Giáo hay Lão Giáo.
Từ đó cho đến khi Trung Quốc tiếp xúc với khoa học của Tây Phương vào thế kỷ 19; Đạo Giáo (Lão Giáo) là tín ngưỡng tôn thờ thịnh hành nhất trong xã hội của người Trung Hoa dưới chính thể quân chủ, song song với một tôn giáo khác là Phật Giáo. Đạo Giáo cũng có tôn thờ một số Phật và Bồ Tát của Phật Giáo.
Thực tế, trong thời quân chủ từ đời nhà Hán (thế kỷ thứ 3 tr CN) cho đến đầu thế kỷ 20 trước thời Dân Quốc (hơn 2000 năm); triết lý nhân sinh quan hữu hình của người Trung Hoa dựa theo Nho Giáo và tín ngưỡng tôn thờ siêu hình của người Trung Hoa dựa theo Đạo Giáo (Lão Giáo). Tuy nhiên từ sự du nhập của khoa học Tây phương; Đạo Giáo trở thành "mê tín dị đoan"?
B. Câu chuyện “Tôn Thúc Ngao gặp Rắn”
Đoạn viết về “Tôn Thúc Ngao gặp Rắn” trong Truyện Tàu “Đông Châu Liệt Quốc” có nhiều ý nghĩa.
Đông Châu Liệt Quốc (bản dịch của Nguyễn Hoài Nam, nhà xuất bản Tín Đức Thư Xã) viết:
Một hôm Sở Trang Vương cùng Ngu Khâu bàn việc chính trị, đêm đã khuya mới trở về cung. Bà phu nhân là Phàn Cơ hỏi Sở Trang Vương:
- Ngày hôm nay trong triều có việc gì mà đại vương về chậm như vậy?
Sở Trang Vương nói:
- Ta cùng với Ngu Khâu bàn việc, thành ra khuya quá mà không biết.
Phàn Cơ nói:
- Ngu Khâu là người thế nào?
Sở Trang Vương nói:
- Ngu Khâu là người hiền ở nước Sở ta.
Phàn Cơ nói:
- Cứ như ý thiếp thì Ngu Khâu vị tất đã là người hiền?
Sở Trang Vương nói:
- Tại sao nàng biết Ngu Khâu không phải là người hiền?
Phàn Cơ nói:
- Ngu Khâu mỗi lần cùng với đại vương bàn việc chính trị thường đến đêm khuya mà đã lâu nay chưa thấy Ngu Khâu tiến cử người nào cả; thế định đem cái trí thức một mình mà khiến cho bao nhiêu người tài giỏi không được tiến dùng, sao gọi là người hiền.
Sở Trang Vương khen phải. Ngày hôm sau đem lời của Phàn Cơ thuật lại cho Ngu Khâu nghe. Ngu Khâu thưa:
- Vậy mà tôi chưa kịp nghĩ đến điều ấy, để nay tôi xin xét xem.
Ngu Khâu liền hỏi khắp các quan triều thần, xem có ai biết người hiền thì nói. Đấu Sinh nói với Ngu Khâu:
- Tôi có biết người con của Vĩ Giả tên gọi là Vĩ Ngao là người hiền. Vĩ Ngao vì tránh cái nạn Đấu Việt Tiêu mà đi ẩn ở Mộng Trạch, người thật có tài làm tướng quốc.
Ngu Khâu vào tâu với Sở Trang Vương. Sở Trang Vương nói:
- Vĩ Giả ngày xưa là người trí sĩ thì con Vĩ Giả tất cũng không phải tầm thường, nếu nhà ngươi không nói, có lẽ ta quên đi mất!
Sở Trang Vương sai Ngu Khâu cùng với Đấu Sinh đi đến Mộng Trạch để triệu Vĩ Ngao.
Nguyên Vĩ Ngao tên tự là Tôn Thúc, bởi vậy người ta vẫn gọi là Tôn Thúc Ngao. Tôn Thúc Ngao đem mẹ đi tránh nạn sang ở Mộng Trạch, làm ruộng kiếm ăn. Một hôm Tôn Thúc Ngao vác cày đi ra đồng, thấy ở dưới ruộng có con rắn hai đầu, giật mình kinh sợ mà nói:
- Ta nghe nói con rắn hai đầu là vật chẳng lành, ai trông thấy cũng tất phải chết. Vậy thì ta khó mà sống được!
Tôn Thúc Ngao lại nghĩ thầm trong lòng: Nếu ta để con rắn ấy sống thì sau này có ai trông thấy lại thêm nguy hiểm cho người ta, chi bằng một mình ta đành chịu mà thôi. Tôn Thúc Ngao nghĩ vậy mới giơ cái cày đánh chết con rắn, chôn ở bờ ruộng, rồi trở về nhà khóc với Bà mẹ. Mẹ hỏi cớ làm sao. Tôn Thúc Ngao thưa:
- Con nghe ai mà trông thấy con rắn hai đầu thì tất phải chết, nay con trông thấy, con lo rằng con không sống mà nuôi mẹ được.
Bà mẹ nói:
- Bây giờ con rắn ở đâu?
Tôn Thúc Ngao nói:
- Con sợ người khác lại trông thấy nó nữa nên đã giết chết mà chôn đi rồi.
Bà mẹ nói:
- Người ta hễ có một niềm thiện trong lòng thì trời tất phù hộ cho. Nay con trông thấy con rắn hai đầu, sợ di lụy đến người khác, giết mà chôn đi thế là còn hơn một niềm thiện nhiều lắm. Con tất không chết mà lại được phước nữa.
Mấy hôm sau bọn Ngu Khâu phụng mệnh Sở Trang Vương đến triệu Tôn Thúc Ngao. Bà mẹ mới cười mà nói:
- Đấy là vì việc con chôn rắn mà được phước đó!
Tôn Thúc Ngao đem mẹ theo bọn Ngu Khâu về kinh thành nước Sở. Sở Trang Vương cùng Tôn Thúc Ngao nói chuyện suốt một ngày, lấy làm bằng lòng lắm, mới nói với Tôn Thúc Ngao rằng:
- Các quan triều thần nước Sở ta ngày nay không ai có kiến thức bằng nhà ngươi cả.
Nói xong liền cho Tôn Thúc Ngao làm Lịnh Doãn.
Tôn Thúc Ngao chối từ mà nói:
- Tôi mới ở chỗ thảo dã tới đây, đại vương đã vội giao quyền chính cho, e rằng người không phục. Vậy tôi xin theo sau các quan đại phu.
Sở Trang Vương nói:
- Ta đã biết tài nhà ngươi thì nhà ngươi không nên từ chối.
Tôn Thúc Ngao hai ba lần từ chối không được mới nhận làm chức Lịnh Doãn. Tôn Thúc Ngao chỉnh đốn chính trị nước Sở, lập ra quân pháp, cho Ngu Khâu coi đạo Trung quân, Công tử Anh Tề coi đạo Tả quân, Công tử Trắc coi đạo Hữu quân, Khuất Đãng coi đạo Tả quảng, Dưỡng Do Cơ coi đạo Hữu quảng; hiệu lệnh rất nghiêm, nhân dân được yên ổn; lại đắp đê khơi sông để tiện việc làm ruộng. Dân nước Sở ai cũng ca tụng công đức. Triều thần thấy Sở Trang Vương tin dùng Tôn Thúc Ngao thì lúc đầu không phục nhưng đến lúc thấy Tôn Thúc Ngao sửa sang chính trị hẳn hoi rành mạch, mới tấm tắc khen rằng:
- Nước Sở có phước được người hiền chẳng kém gì Tử Văn thuở xưa làm Lịnh doãn khiến nước Sở được cường thịnh, nay có Tôn Thúc Ngao, khác nào như Tử Văn sống lại.
Chú thích:
Thời Xuân Thu và Chiến Quốc thường dùng từ ngữ “Người Hiền” (Hiền Nhân) ngụ ý là người có tài đức trong việc giúp vua trị nước. Chức quan Lịnh Doãn (Lệnh Doãn) của nước Sở như quan Tướng Quốc của các nước khác, quan đứng đầu trong triều đình (sau này là Tể tướng, Thừa tướng trong thời Quân chủ và Thủ tướng trong thời Cộng Hòa).
Ý kiến của Phàn Cơ rất hay về “Hiền Nhân”: phải biết và làm cho có hiệu quả (như Tôn Thúc Ngao) chứ không chỉ nói và bàn mà thôi (như Ngu Khâu).
Ý kiến của bà mẹ của Tôn Thúc Ngao rất hay về “Thiện Nhân”: có bản tánh Thiện mà làm điều Thiện. Đây là căn bản "Tánh Bản Thiện" của Mạnh Tử trong Nho Giáo và cũng là Bản Tâm hay Phật Tánh của Phật Giáo Đại Thừa.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Bài viết này là Trích đoạn trong bài “Con Rắn Trong Văn Hóa” (Bs Phan Thượng Hải) đăng trong phanthuonghai.com
_____________________________
CON RẮN TRONG NGÀNH Y VÀ NGÀNH DƯỢC
Bs Phan Thượng Hải biên soạn
Con Rắn được dùng trong biểu tượng của ngành Y và ngành Dược.
A. Biểu tượng của Ngành Y học
*
Cây Gậy của Asclepius và The Caduceus, cả hai đều là biểu tượng liên hệ đến Ngành Y học nhưng chúng có nguồn gốc và ý nghĩa khác nhau.
- Cây Gậy của Asclepius (Rod of Asclepius)
Biểu hiệu của vị Thần Y học của Hy Lạp, Asclepius, Cây Gậy của Asclepius thường là hình cây gậy biểu hiệu (staff) với một con rắn quấn quanh nó. Cây Gậy của Asclepius đã được dùng làm đại diện cho Y học (Medicine) từ năm 800 sau CN. Hầu hết các Y học gia dùng nó như là biểu tượng của Y học.
- Caduceus
Cây Gậy biểu hiệu của Hermes, vị Thần sứ giả của Hy Lạp, Caduceus thường có hình 2 con rắn quấn quanh cây gậy và hai cánh ở trên đầu. Caduceus đã được dùng (một cách sai lầm từ căn bản) làm biểu tượng cho Y học được hơn một thế kỷ, mặc dù liên quan với Hermes, và vị thần này cũng liên quan đến những tên trộm. Caduceus cũng liên hệ với thương mại.
(Caduceus cũng có nghĩa là cây Gậy)
Từ sau 1850, Cục Quân Y của Lục Quân Hoa Kỳ và Cục Quân Y Hải Quân Hoa Kỳ dùng Caduceus trong khi đó Cục Quân Y của Không Quân Hoa Kỳ dùng Cây Gậy của Asclepius.
Hiệp Hội Y Học Hoa Kỳ (AMA) đã dùng Cây Gậy của Asclepius hơn một thế kỷ, và logo đương thời của nó từ 2005. Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) cũng dùng Cây Gậy của Asclepius.
*
Asclepius là con của Thần Apollo và giữ vai trò của Apollo như là vị thần chữa lành bệnh trong các đền thờ Hy Lạp và La Mã (Greco-Roman pantheon).
Asclepius rất giỏi về Y học đến nỗi ông được Thần Artemis (em của Apollo) yêu cầu chữa cho Hippolytus, con của Theseus và Hippolyta, được sống lại. Asclepius thành công trong việc này và khi thần Hades (Diêm vương) biết tin này thì kêu nài với thần Zeus (chúa tể của tất cả các vị Thần) là Asclepius đã cướp lấy những linh hồn người chết đáng lẽ phải xuống địa ngục của Hades.
Thần Zeus dùng sét đánh chết Asclepius để chấm dứt việc này, mà giúp cho Hades. Apollo rất tức giận nên ông giết những Cyclops (thiên lôi) giữ việc sét đánh. Zeus tức giận nên trả đũa lại bằng cách bắt Apollo phải làm tôi tớ cho vua Admetus của Thessay trong một năm.
Sau khi Apollo trở về núi Olympus, Zeus hồi sinh những Cyclops và Asclepius, biến Asclepius thành một vị thần. Theo người La Mã, Apollo yêu cầu Asclepius được cho vào một trong những vì sao, và được Zeus chấp nhận, nên Asclepius trở thành Thần của chùm sao Ophiucus, mang hình con rắn (serpent-bearer).
Asclepius được kể trong thi phẩm nổi danh của Homer, Iliad, là một y sĩ tài ba và là cha của 2 y sĩ người Hy Lạp. Tuy nhiên “nhà chữa lành bệnh” (the healer) sau đó trở thành một anh hùng của thế giới cổ đại và sau đó trở thành một vị Thần.
Đạo tôn thờ (cult) Asclepius bắt đầu ở Thessaly nhưng trở thành phổ thông trong quần chúng của Hy Lạp cổ đại. Tương truyền ông có khuynh hướng chữa lành người bệnh trong khi họ đang ngủ, do đó người ta thường ngủ trong những đền thờ Asclepius. Người La Mã cũng tôn thờ vị Thần này như người Hy Lạp.
Nhiều đền thờ được xây khắp Hy Lạp dâng hiến cho Asclepius. Những người bị bệnh đến và ngủ đêm tại đền thờ Asclepius (Asclepion), và Asclepius hiện ra trong giấc chiêm bao của người bệnh (nam hoặc nữ) và cho biết cách chữa lành bệnh của họ. Rồi khi họ thức dậy sẽ nói với các y sĩ của đền thờ phương thuốc chữa của Asclepius để được các y sĩ áp dụng. Một điều đặc biệt là có những đàn rắn không có nọc độc, gọi là những con rắn của Asclepius (Asculapian snakes), bò trườn vòng quanh đền thờ để giúp cho sự lành bệnh.
*
Asclepius tự tạo nên một quyền lực chữa lành bệnh ngoài sức tưởng tượng cho nên cây gậy (rod) của ông trở thành nổi tiếng trong ngành y tế (health care).
Đây là câu chuyện tả lại huyền thoại chữa bệnh của Asclepius có liên quan đến cây gậy và con rắn.
Asclepius được mời chữa một người tên là Glaucus. Trong khi đang chữa bệnh, một con rắn trườn dọc lên theo cây gậy của ông, và Asclepius liền giết nó chết. Một con rắn khác lại trườn ngang qua với thuốc (herb) trong miệng của nó. Asclepius liền để thuốc này vào miệng con rắn chết và con rắn này sống lại. Từ câu chuyện này chứng minh rằng Asclepius đã học được cách làm sống lại từ cái chết. Dùng con rắn làm biểu tượng cho chữa lành bệnh thì có vẻ nghịch lý (paradoxical), vì trong thời gian đó bị rắn cắn là bảng án tử hình. Nhưng Asclepius khám phá mới có thể chữa lành cả vết thương bị rắn cắn, và sau đó được coi như Thần của Ngành Y học (god of medicine).
Con rắn trong thần thoại Hy Lạp là biểu tượng liên hệ với tái sinh (rebirth) và trẻ lại (rejuvenation).
{Asclepius = Asklepios (theo tiếng Hy Lạp)}
Có ba lý thuyết chính giải thích tại sao Cây Gậy của Asclepius có một con rắn quấn chung quanh nó.
Thứ nhất là con rắn biểu tượng rắn cắn, đó là một bệnh nặng nhất trong thời cổ đại (antiquity) và rất khó chữa lành. Tuy nhiên, Asclepius có quyền lực chữ lành mọi bệnh kể cả bệnh bị rắn cắn (snake bite).
Thứ hai được gọi là “lý thuyết con trùng” (worm theory), dựa trên cách dùng để lấy con ký sinh trùng (parasitic worms) ra khỏi thân của người bệnh được tìm thấy ở trong Ebers Papyrus, một sách tài liệu y học của người Ai Cập xưa vào khoảng giữa thiên kỷ thứ nhì trước Công nguyên.
Để trị bệnh nhiễm trùng bởi một loại ký sinh trùng, một y sĩ cắt một vết ở ngoài da của bệnh nhân, ngay trước con đường đi của con trùng. Đang khi con trùng bò ra khỏi vết cắt này, y sĩ dùng một que cây nhỏ (stick) để cho con trùng quấn vào đó mà kéo ra khỏi thân bệnh nhân. Hình con ký sinh trùng quấn vào que cây này giống như Cây Gậy của Asclepius, một con rắn quấn quanh một que gậy.
Thật ra đó là cách chữa một bệnh của con ký sinh trùng Guinea, có tên là “Dracunculiasis”.
Dracunculiasis:
Nguyên gốc tiếng La tinh: draco (dragon = con rồng) + -cule (diminutive = nhỏ) + -iasis (condition of = tình trạng của). Có nghĩa là “Tình trạng của Con Rồng nhỏ”.
Lý thuyết thứ ba dựa căn bản trên Kinh Thánh. Trong Cựu Ước, Chúa Trời đã gửi một con rắn đến trừng phạt những người Do Thái nào dám chống lại ngài và Moses. Khi những người này đã ăn năn, Chúa ra lệnh cho Moses dựng một cọc với một con rắn bằng đồng trên đó để cho tất cả những ai nhìn lên nó không bị chết vì bị rắn cắn.
B. Biểu Tượng của Ngành Dược Học
Biểu tượng của Ngành Dược Học có hình một Con Rắn quấn quanh một cái Chén.
Cái chén trong biểu tượng của ngành Dược là đại diện cho chén thuốc của nữ thần sức khỏe Hygieia. Nàng là một trong 5 người con của Asclepius và có nhiệm vụ gìn giữ đền thờ của cha mình. Tượng đài của Hygieia trong đền thờ có cầm một chiếc chén lớn và có một con rắn đang quấn quanh, hướng đầu xuống uống nước trong chén. Dĩ nhiên, con Rắn là có liên quan đến Asclepius (như trong Ngành Y Học).
Tương truyền, trong cái chén đó có chứa đựng những chất dịch được chiết xuất từ các loại cây cỏ.



Cùng với hình ảnh con rắn quấn xung quanh, biểu tượng này nhanh chóng được Pháp công nhận vào năm 1796 và được hiệp hội Dược học Paris in lên đồng xu đúc.
Khi Pháp xâm chiếm các thuộc địa, nền Y Dược phương Tây này cũng được phổ biến. Do đó, Việt Nam cũng thừa nhận biểu tượng ngành Dược này. Các tiệm thuốc sử dụng bảng hiệu có in hình con rắn và cái ly như muốn thể hiện rằng nơi này có thể mua thuốc chữa bệnh.
Như vậy thường có câu “Rắn quấn gậy ngành y, rắn quấn ly ngành dược”!
Những biểu tượng khác của Ngành Dược Học:
Hình Chữ Thập Xanh
Hình ảnh quả Địa Cầu
Cối và Chày
Con Rắn quấn quanh cây trượng
Hai Con Rắn quấn quanh cây trượng
Con Rắn quấn quanh cây cọ
Chữ A cách điệu màu đỏ.

Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
Bài viết là trích đoạn của bài “Con Rắn Trong Văn Hóa” (Bs Phan Thượng Hải) đăng lần đầu trong phanthuonghai.com
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
______________________________________
CHUYỆN THẦN THOẠI VỀ MẶT TRĂNG
Bs Phan Thượng Hải biên soạn
Những chuyện thần thoại về Trăng (Mặt Trăng) đều do Con người ở thế gian trên địa cầu đặt ra chứ không hề có thật. Người Việt chúng ta thường biết những câu chuyện thần thoại tưởng tượng dựa trên Đạo Giáo từ người Trung Hoa.
*
Trăng, Mặt Trăng {Tiếng Nôm} = Nguyệt {Hán ngữ}.
Con người ở thế gian (= Người Trung Hoa) nhìn lên Trăng (Mặt Trăng) thì thấy giống như hay có hình thể:
Cây Quế: có những vùng tranh tối tranh sáng gọi là Quế phách.
Con Thiềm thừ (= Con Cóc có 3 chân): có những hố thiên thạch trên bề mặt của Mặt Trăng giống như hoa văn (= chữ Tàu) trên thân con Thiềm thừ.
Con Thỏ: nhất là vào đêm Rằm.

Từ những nhận thức này và tiền sử Trung Quốc về Hậu Nghệ bắn Mặt Trời, người Trung Hoa sáng tạo ra những câu chuyện thần thoại về Mặt Trăng (Trăng).
*
Cung Quảng Hàn, Cung Quảng
Chuyện đầu tiên bắt đầu từ Hậu Nghệ tạo ra vợ của Hậu Nghệ là Hằng Nga.
Theo Tiền Sử của Trung Quốc, triều đại của nhà Hạ là triều đại đầu tiên. Vua Hạ Vũ lập ra triều đại nhà Hạ truyền ngôi cho con là vua Khải và Khải truyền cho Thái Khang đều cai trị người Hạ (sau này gọi là người Hoa Hạ). Thủ lãnh của người Di là Hậu Nghệ đuổi Thái Khang đi và lập em của Thái Khang là Trọng Khang làm vua. Sau khi Trọng Khang chết, Hậu Nghệ chiếm ngôi vua cai trị người Hạ và người Di. Hậu Nghệ là một người xạ thủ giỏi thường đi săn bắn không lo triều chính nên Hậu Nghệ bị người thân tín là Hàn Tróc giết đi và cướp ngôi. Sau này cháu nội của Trọng Khang là Thiếu Khang đánh bại Hàn Tróc và chiếm lại ngôi vua cho nhà Hạ. Triều đại nhà Hạ từ Thái Khang cho đến Thiếu Khang trải qua 100 năm hỗn chiến mới khôi phục lại được. Lịch sử gọi là Thời "Thiếu Khang trung hưng". Từ vua Thiếu Khang truyền qua nhiều đời vua cho đến vua Kiệt mới mất thiên hạ về triều đại nhà Thương. Triều đại Nhà Hạ ước lượng từ thế kỷ 21 tr CN cho đến thế kỷ 16 tr CN.
Như vậy Hậu Nghệ là nhà thiện xạ. Tương truyền rằng lúc đầu Thế gian (địa cầu) bị 10 Mặt Trời chiếu nên quá nóng bị thiêu đốt. Hậu Nghệ mới bắn rơi 9 Mặt Trời chỉ còn lại 1 Mặt Trời nên Thế gian mới tồn tại được nhờ khí hậu ôn hòa hơn nhiều.
Từ chuyện Hậu Nghệ có liên quan đến Mặt Trời, Con người mới tạo ra chuyện "Hằng Nga bôn nguyệt" (Bôn = trốn chồng. Bôn Nguyệt = trốn chồng tới ở Mặt Trăng) có liên quan đến Mặt Trăng.
Chuyện "Hằng Nga bôn nguyệt"
Hằng Nga là vợ của anh hùng xạ nhựt Hậu Nghệ, người đã bắn rơi 9 cái mặt trời là 9 con quạ lửa thiêu đốt trần gian (nên chỉ còn 1 cái mặt trời cho tới bây giờ). Do đó Hậu Nghệ được bà Tây Vương Mẫu tặng cho thuốc trường sanh bất tử. Hằng Nga lén trộm thuốc của chồng uống vào nên thân hình nhẹ nhõm bay lên trời và bay tuốt đến Mặt Trăng lạnh lẽo. Hằng Nga làm chủ (hay được Ngọc Hoàng Thượng Đế cho) cung Quảng Hàn và có con Thỏ ngọc (= Ngọc Thố) giả thuốc trường sinh.
Quảng = rộng lớn. Hàn = lạnh lẽo. Mặt Trăng rộng lớn và phải "lạnh" (= hàn) để đối lại với Mặt Trăng "nóng" (= nhiệt). Đó là lý do có tên "Quảng Hàn" được Con người đặt ra.
Như vậy vì có chuyện Chồng (là Hậu Nghệ) có liên quan đến Mặt Trời nên có chuyện Vợ (là Hằng Nga) có liên quan đến Mặt Trăng.
Câu chuyện "Hằng Nga bôn nguyệt" cũng có thêm Con Thỏ (Thố) vì Trăng nhìn giống như Con Thỏ và câu chuyện dùng "thuốc tiên trường sinh" để gắn Con Thỏ vào: Con Thỏ là Thỏ giả thuốc. "Hằng Nga ăn cắp thuốc thì Con Thỏ giả thuốc"?
Để câu chuyện có vẻ "quý phái", Hằng Nga là Tiên và ở "Cung" hay "Cung điện" và Thỏ phải là "Thỏ Ngọc" (= Ngọc Thố) hay "Thỏ Trắng" (Bạch Thố).
Từ đó:
Trăng (Mặt Trăng) còn được gọi là Cung Trăng (Nguyệt được gọi là Nguyệt Cung hay Nguyệt Điện).
Cung Quảng Hàn (= Cung Quảng) = cung Trăng = Nguyệt cung. Ngụ ý là Mặt Trăng.
Hằng Nga còn được thi văn gọi là Thường Nga hay Chị Hằng. Mặt Trăng cũng được gọi là Gương Nga, Bóng Nga như trong Truyện Kiều.
Thỏ hay Ngọc Thố (hay Bạch Thố) cũng đồng nghĩa với Mặt Trăng.
Thơ nước Việt có ghi:
HẰNG NGA NGUYỆT
Từ ngày gặp được thuốc đan sa
Chiếm Quảng Hàn cung làm cửa nhà
Lầu ngọc cao hòa thế giới
Mày ngài rạng khắp sơn hà.
Năm hồ những lấy làm song viết
Bốn bể đều thìn thấy nết na
Thượng đế tuy hay nghiêm cấm đoán
Có đêm lởm thởm đến phòng ta.
(Thi nhân đời Hồng Đức)
VẤN NGUYỆT
Trải mấy thu nay vẫn hãy còn
Cớ sao khi khuyết lại khi tròn?
Hỏi con Bạch Thố đà bao tuổi?
Hỏi chị Hằng Nga đã mấy con?
Đêm tối cớ sao soi gác tía?
Ngày xanh còn thẹn mấy vầng tròn
Năm canh lơ lửng chờ ai đó?
Hay có tình riêng mấy nước non?
(Hồ Xuân Hương)
*
Cung Quế
Vì có Trăng nhìn giống như cây Quế nên có chuyện Ngô Cương đốn Cây Quế do Con người đặt ra. Thật ra có 3 câu chuyện.
1. Có Ngô Cương ở Mặt Trăng bị Ngọc Hoàng phạt là có phận sự phải đốn cây Quế ở cung Quảng Hàn. Ngô Cương lười biếng, mỗi ngày chỉ đốn có một nửa. Qua đến ngày sau thì cây Quế lại mọc lại như cũ. Do đó Ngô Cương cứ đốn hoài mà cây Quế vẫn còn hoài và Ngô Cương phải cứ đốn hoài mỗi ngày.
2. Có chuyện khác cho rằng cây Quế rất cao và to, Ngô Cương không thể nào đốn hết trong một ngày và ngày hôm sau cây Quế lại mọc lại như cũ. Cây Quế này thường được tả là cây Quế màu đỏ và cao 500 trượng.
3. Một câu chuyện khác kể rõ hơn: Ngô Cương là người đất Tây Hà đời nhà Hán, học phép Tiên nhưng vì phạm lầm lỗi nên bị thiên đình phạt làm công việc chặt cây Quế ở cung Trăng; Ngô Cương chém được nhát nào thì nhát búa lại liền ngay lát đó chứ cây Quế không bị đứt.
Con người lại đặt thêm chuyện để gắn liền Ngô Cương với Hằng Nga:
Ngô Cương là thiên binh (= lính trời) gát ở Nam Thiên môn tình cờ gặp Hằng Nga vì thế trốn làm việc tới cung Quảng Hàn chơi một ngày. Ngọc Hoàng phạt phải làm lính ở cung Quảng Hàn luôn.
*
Cung Thiềm
Vì Trăng nhìn giống như con Thiềm thừ (= Cóc ba chân) nên có Con người gọi Nguyệt Cung (= Cung Trăng) là Thiềm Cung và giới thiệu từ ngữ này nhờ Ngô Cương. Đó là Chuyện hay Thành ngữ "Thiềm cung chiết quế". Theo đó, Ngô Cương ban cành Quế cho ai ở trần gian thì người đó thi đậu, danh đề bảng vàng hoặc đặc biệt hơn nữa là đậu Trạng nguyên!
Có thuyết khác cho rằng: Hằng Nga ban đầu vốn xinh đẹp nhưng sau khi bay lên Mặt Trăng thì bị Trời phạt nên biến thành con Thiềm thừ xấu xí.
Như vậy "Chuyện Ngô Cương" của người Trung Hoa có 2 phần: liên quan tới Hằng Nga và liên quan với con Thiềm thừ.
Chuyện Cung Quảng và Hằng Nga cũng có liên quan đến con Thiềm thừ.
Thơ nước Việt có ghi:
CÂY QUẾ TRONG TRĂNG
Ấy chẳng thiềm cung đan quế vay?
Thế gian ít kẻ biết mùi cay
Thu thanh bóng tỏ mười phần sáng
Hồ sạch hương đong mấy hộc đầy
Củi hát tư mùa Ngô dõi búa (*)
Thuốc đâm một chén thỏ vung chày
Từ khi mình nhẹ nên bay cánh
Chiếm được ngôi cao bốn bể hay.
(Thi nhân đời Hồng Đức)
(*) Chú thích: Ngô là Ngô Cương.
*
Cuội và Cây Đa
Sang Nước Việt, Ngô Cương được người Việt biến thành "Cuội, Chú Cuội hay Thằng Cuội" và Cây Quế thành ra Cây Đa. Hình như theo người Việt thì Cuội chỉ ngồi dưới gốc cây Đa chứ không phải đốn cây Đa.
Thơ nước Việt có ghi:
MUỐN LÀM THẰNG CUỘI
Đêm thu buồn lắm! Chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nửa rồi
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.
Có bầu, có bạn, can chi tủi
Cùng gió, cùng mây, thế mới vui
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười.
(Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu)
*
Cung Nghê
Trăng còn có tên là Nghê Cung hay Cung Nghê là do sự tích của Đường Minh Hoàng lên Cung Trăng. Có 2 tài liệu về sự tích này.
Theo truyền thuyết (sách Dị Văn Lục), nhân một đêm Trung Thu đang ngắm trăng vua Đường Minh Hoàng muốn lên cung Trăng chơi (Đường Minh Hoàng du nguyệt điện). Đạo sĩ La Công Viễn (có sách chép là Diệp Pháp Thiện) là người có phép Tiên mới biến một dãi lụa trắng thành một chiếc cầu đưa nhà vua lên cung Trăng. Tại Nguyệt điện, Đường Minh Hoàng thấy các tiên nữ múa hát cảm thấy say mê mà quên về nhưng nhà Đạo sĩ La Công Viễn nhắc nên vua mới trở về trần thế.
Nhờ ghi nhớ nên Đường Minh Hoàng chế ra khúc "Nghê thường vũ y" để tập cung nữ múa hát. Rồi cứ mỗi đêm Trung Thu sau đó Đường Minh Hoàng cùng với Dương Quí Phi uống rượu dưới trăng ngắm đoàn cung nữ xiêm y rực rỡ uyển chuyển múa hát khúc Ngê thường để tưởng như đang sống ở cung Trăng (Nguyệt điện).
Truyền thuyết này có tính cách thần thoại.
Sách Đường Thư chép:
Đường Minh Hoàng lên chơi nguyệt điện thấy các tiên nữ mặc áo cánh chim xiêm y ngũ sắc múa hát bài "Tây Thiên điệu khúc", đến khi trở về trần chỉ còn nhớ mang máng. Nhằm lúc có Tiết độ sứ đất Tây Lương là Trương Kính Thuật từ đó trở về triều đem 1 khúc hát Bà La Môn đến hiến cho Đường Minh Hoàng. Vua mới truyền đem san định lại và đổi tên là khúc "Nghê Thường Vũ Y".
Tài liệu này có phần đúng với thực tế hơn.
Nghê là "cầu vồng" (tiếng miền Nam là "cái móng") do ánh nắng xuyên qua hơi nước trong mây mà phản chiếu thành bảy màu. Sách Trung Hoa ngày xưa chỉ nhận định được có năm màu (ngũ sắc).
Thường là "xiêm" để che hạ thân của người.
Nghê Thường có nghĩa là xiêm có năm màu.
Vũ Y là áo dệt bằng lông chim; hay có thể hiểu là kiểu áo theo hình cánh chim.
Ta có thể tưởng tượng rằng Nghê Thường vũ y là những vũ nữ mặc áo hình cánh chim còn quần thì phất phới ngũ sắc.
Tây Lương là ở phía cực Tây Bắc của Trung Quốc lúc bấy giờ giáp giới với Tây Vực (vùng Tân Cương bây giờ). Tây Vực là con đường "Tơ lụa" (Silk road) mà người Trung Quốc sang Ấn Độ và các nước Trung Á. Bà La Môn là người Ấn Độ. Như vậy khúc hát Bà La Môn, tiền thân của khúc Nghê Thường Vũ Y, là của người Ấn Độ.
Thơ nước Việt có ghi:
VỊNH HẰNG NGA
Hỡi chị Hằng Nga náu Quảng Hàn
Bốn mùa trăng gió mấy giang san
Áo tiên tuy nhuộm màu Vương Mẫu
Hương tục còn nồng lửa Hậu Lang
Mắt phượng nhớ say mùi ngọc thố
Cung Nghê sao thẹn khúc cầm loan
Nẻo không duyên nợ người cùng thế
Xin chớ dầm mình nước hợp hoan.
(Hồ Xuân Hương)
*
Từ những Chuyện như trên có những từ ngữ dùng cho Trăng (Mặt Trăng) hay Nguyệt.
{Hán ngữ} - {Việt ngữ}
Nguyệt (Trăng, Mặt Trăng, Gương Trăng)
Nguyệt Cung (Cung Trăng)
Nguyệt Điện
Quảng Hàn Cung, Quảng Cung (Cung Quảng Hàn, Cung Quảng)
Quế Cung (Cung Quế)
Thiềm Cung (Cung Thiềm)
Nghê Cung (Cung Nghê)
Thố, Ngọc Thố, Bạch Thố (Thỏ, Thỏ Ngọc, Thỏ Trắng)
Hằng Nga, Thường Nga (Chị Hằng) Gương Nga, Bóng Nga
*
Chiếc Bích và Vành Cung
Thơ của Hồ Xuân Hương có 2 câu nhắc thêm sự tích liên quan tới Mặt Trăng:
Giữa in chiếc bích khuôn còn méo
Ngoài khép đôi cung cánh vẫn khòm.
Chiếc bích = chiếc ngọc bích hình tròn có lỗ ở giữa. Mặt Trăng "Tròn" (trong những Ngày Rằm) còn được gọi là Bích Nguyệt.
Đường cong của Mặt Trăng thường được ví như tráng sĩ giương cây cung. Do đó Nguyệt Cung hay Cung Trăng là từ "Cung Quảng Hàn" nhưng từ ngữ "Cung" có thể cũng có từ sự tích này.
Đây là nguyên văn bài thơ có 2 câu thơ như trên:
HỎI TRĂNG
Một trái trăng thu chín mõm mòm
Nảy vừng quế đỏ đỏ lòm lom!
Giữa in chiếc bích khuôn còn méo
Ngoài khép đôi cung cánh vẫn khòm
Ghét mặt kẻ trần đua xói móc
Ngứa gan thằng Cuội đứng lom khom
Hỡi người bẻ quế rằng ai đó
Đó có Hằng Nga ghé mắt dòm.
(Hồ Xuân Hương)
Như vậy, Con người ở thế gian nhìn lên Mặt Trăng (Trăng) thì còn thấy giống như hình thể:
1. Chiếc bích (= chiếc ngọc bích hình tròn có lỗ ở giữa) nhất là trong những Ngày Rằm. Mặt Trăng "Tròn" (trong những Ngày Rằm) còn được gọi là Bích Nguyệt.
2. Vành cung của cây cung đang được xạ thủ giương lên.

*
Tổng kết
Đây là bài thơ kết luận những danh tánh của Trăng (Mặt Trăng) từ những câu chuyện thần thoại của người Trung Hoa và người Việt.
TRĂNG
Mặt Trăng thần thoại thú văn chương
Chiếc bích Trăng rằm Ngọc thố trương
Cung Quế liên quan hình Quế phách
Cung Nghê liên hệ vũ Nghê thường
Cung Thiềm con cóc ngồi ba cẳng
Cung Quảng Hằng Nga ẩn một phương
Trăng khuyết vành cung phô Nguyệt ảnh
Cây Đa thằng Cuội gợi niềm thương.
(Phan Thượng Hải)
10/2/23
*
Theo tôn thờ của Đạo Giáo, trên Trăng còn có thêm một Tiên nữ khác là Tố Nga, ngoài Hẳng Nga và Trăng là một tinh tú của Thái Âm Tinh Quân.
Tây Du Ký của Đạo Giáo Trung Hoa viết:
Khi ấy Hộ Quốc Thiên vương nghe kêu, liền dẫn Tứ Ngươn soái (Bàng Ngươn soái, Lưu Ngươn soái, Tuân Ngươn soái, Tất Ngươn soái) đem binh cản lại. Con tinh đi tới không đặng, tức mình trở lại đánh liều mạng với Hành Giả. Tôn Hành Giả coi lại thấy đoản côn của con yêu, một đầu lớn một đầu nhỏ, coi như cái chày đâm thuốc. Con tinh nghiến răng trẹo trẹo mà nói rằng: "Ngươi không biết binh khí của ta, hãy nghe cho rõ, vốn nó bằng ngọc, ở tại thiềm cung, quết thuốc trường sanh; không biết mấy ngàn năm mà kể, có sợ chi thiết bảng của ngươi, đánh nhằm một chày thì hồn về chín suối".
Còn Tôn Hành Giả ráng sức bình sanh, đánh con yêu ấy trở tay không kịp, nó và đánh và thối lui cho tới trời tối. Xảy nghe trên mây có tiếng kêu lớn: "Đại Thánh khoan đánh đã". Tôn Hành Giả ngó ngoái lên, thấy Thái Âm Tinh Quân (là Nguyệt Quang Hoàng hậu, Bà Trăng) đi với Hằng Nga Tiên nữ, đã bay xuống trước mặt. Thái Âm Tinh Quân nói: "Con yêu đánh với ngươi đó, là con Ngọc Thố của ta, nó thuở nay ở tại cung Quảng Hàn đâm thuốc huyền sương là trường sanh dược. Bởi nó ăn cắp chìa khóa mở cửa cung mà trốn, đã một năm nay. Ta đánh tay biết bữa nay nó bị nạn mà chết, nên xuống đây cứu nó. Xin Đại Thánh vị mặt ta, tha nó làm ơn". Tôn hành Giả nói rằng: "Bởi bà không rõ, ngỡ nó là hiền, chớ nó xuống phàm bắt Công chúa nước Thiên Trúc mà hưởng phú quí, nay nó gieo cầu nhằm thầy tôi, quyết chấm làm phò mã, thiệt là hai ba án không thể thứ tay". Thái Âm Tinh Quân nói: "Đại Thánh không rõ chớ Công chúa không phải người phàm, nguyên trước là Tố Nga ở tại cung Quảng Hàn; cách 20 năm trước có đánh Ngọc Thố một vã. Sau lại sanh tâm muốn việc trần tục, mới lén xuống đầu thai làm Công chúa nước Thiên Trúc. Còn Ngọc Thố oán Tố Nga vã nó một cái, nên sau lén xuống báo cừu, mới bắt Tố Nga quăng ra ngoài đồng cho bỏ ghét, rồi hiện hình ở thế trong cung, tội ấy đáng giết. Song sanh sự chấm Đường tăng làm phò mã, tội ấy không dung. Tuy vậy mà chưa động chạm tới Đường tăng, xin Đại Thánh vị tình ta mà tha tội cho nó, ta sẽ đem nó về cung Quảng Hàn.
Thái Âm Tinh Quân liền chỉ con yêu mà nạt rằng: "Sao ngươi chưa hiện nguyên hình, còn đợi chừng nào nữa". Con yêu ấy liền nhào xuống, hiện nguyên hình là con thỏ ngọc, lông trắng như sương. Thái Âm Tinh Quân lấy dây cột cổ nó mà dắt.
Như vậy Cung Quảng Hàn của Trăng có Thái Âm Tinh Quân là chủ; có 2 Tiên nữ là Hằng Nga và Tố Nga; và có Ngọc Thố (con Thỏ ngọc) có lông màu trắng với phận sự giả thuốc trường sanh.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
Bài này đăng lần đầu tiên trong phanthuonghai.com mục Văn Hóa phần Tôn Giáo và Triết Học.
Tài liệu tham khảo:
1) Google Wikipedia
2) Google Thi Viện Net
3) Tây Du Ký
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
THƠ VÀ SỬ VIỆT - ANH HÙNG VIỄN DU
Bs Phan Thượng Hải biên soạn
Thơ và Sử Việt có ghi lại 2 vị anh hùng viễn du vì đất nước. Đó là ông Bùi Viện và ông Nguyễn Quang Diêu.
Bùi Viện
Vua Tự Đức và triều đình lại dùng ông Bùi Viện (1839-1878) đi sang Mỹ để xin cầu viện. Ông Bùi Viện là người Nam Định, đậu Cử Nhân năm 1868, nguyên là một người giỏi về hải quân. Ông vừa xây dựng xong cảng Hải Phòng và lập Tuần Dương Quân gồm có 200 chiến thuyền và 2000 (hải) quân.
Theo "Đất Việt Trời Nam" của Thái Văn Kiểm, ông Bùi Viện được vua Tự Đức cử ra ngoại quốc để tìm các cường quốc khác cầu cứu.
Năm 1873, ông Bùi Viện đi tàu tới Hương Cảng giao du với các yếu nhân Trung Quốc. Ông sáng suốt thấy là chỉ có nước Hoa Kỳ là có thể nhờ được và không hy vọng vào các nước Âu Châu (đều có chính sách thuộc địa).

Được sự chỉ dẫn và giúp đỡ của Lãnh sự Hoa Kỳ tại Hương Cảng (Hongkong), ông Bùi Viện đáp tàu đi Hoành Tân (Yokohama) rồi vượt Thái Bình Dương sang Cựu Kim Sơn (San Francisco). Từ Cựu Kim Sơn theo đường xe lửa, ông tới thủ đô Hoa Thịnh Đốn (Washington DC). Sau một thời gian chờ đợi, ông Bùi Viện gặp được Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Ulysse S. Grant. Tổng thống Grant từ chối không giúp được (về quân sự hay ngoại giao) vì ông Bùi Viện không có quốc thư chính thức của nước Việt Nam. Ông Bùi Viện đành theo đường cũ trở về nước Việt.
Khi trở về qua Hoành Tân, ông gặp người bạn cũ là quan Lãnh sự Hoa Kỳ tại Hương Cảng năm trước. Ông có làm thơ từ giả xướng họa với mẹ của ông nầy vì bà là một người gốc Tàu.
(Xướng)
Ly chước Hoành Tân cửu nguyệt thu Tháng chín Hoành Tân nhấp chén chơi
Nam vân hồi thủ chính du du Trời Nam ngoảnh lại dạ khôn nguôi
Ba đào mộng tỉnh sinh tân hứng Ba đào hứng mới tan hồn mộng
Thủy thổ hoài thâm ức cựu du Đất nước tình xưa tít dậm khơi
Ca vũ tăng đài kim hải quốc Lầu các coi chừng nay đổi mới
Phồn hoa nhân vật cổ bồng châu Bồng hồ riêng thú đã bao đời
Vi hoan tự tích hoàn vi biệt Vui vầy ngại nỗi khi chia rẽ
Tiên lữ hà niên cộng phiếm chu. Thuyền đó bây giờ lại thả bơi.
(Bùi Viện) (Phan Trần Chúc dịch)
(Họa)
Hoành kiều liễu sắc tiệm ly thu Sắc liễu cầu Hoành sắp hết thu (*)
Ác thủ phân trình vạn lý du Cầm tay chia ngả dậm xa sầu
Cựu ước Hoa thành ưng viễn phỏng Hoa thành ước cũ nên thăm hỏi (*)
Kỳ phùng tiên đảo cánh huề du. Tiên đảo tình nay hết bạn bầu
Nguyệt lương khách ý phi tam nhật. Ý khách vẩn vơ từ mấy độ
Hồ hải quân tâm hữu tứ châu. Lòng người man mác đã bao lâu
Liệu đắc minh triêu tương ức xứ Sáng mai nhớ chỗ xa nhau nhỉ
Trùng dương vân thủy các cô chu. Riêng lá thuyền con vượt bể sâu.
(Mẹ của quan Lãnh sự) (Phan Trần Chúc dịch)
(*) Chú thích:
Cầu Hoành là cầu ở Hoành Tân (Yokohama) của Nhật Bản.
Hoa thành là Hoa Thịnh Đốn (Washington DC), thủ đô của Hoa Kỳ.
Có thuyết cho rằng ông Bùi Viện đi lần thứ nhì (cuối năm 1875) với quốc thư chính thức của vua Tự Đức và triều đình nhưng bấy giờ Mỹ lại thân với Pháp nên lại bị từ chối nên ông phải trở về nước (1877).
Ông Bùi Viện cư tang mẹ và qua đời vào năm 1878. Vua Tự Đức có lời khen:
Trẫm ư tử, vị hữu thân ân nghĩa. Tử nãi vị quốc an, nãi bảo gia an. Thâm đồ viễn lự, quỷ thần đương diệc giám chi.
Dịch:
Trẫm với người chưa có ân nghĩa gì. Mà (người) đã coi việc nước như việc nhà. Thân không quản xa xôi lo lắng, quỷ thần ắt cũng chứng giám cho vậy.
Năm 1873 là năm ông Jules Verne xuất bản “80 ngày vòng quanh thế giới”. Ông Bùi Viện vừa đi vừa về thì cũng “vòng quanh thế giới” rồi, nhứt là băng qua Thái Bình Dương và đi xuyên qua nước Mỹ từ Tây sang Đông. Và có thể ông Bùi Viện đã có tới 2 chuyến đi (1873 và 1875).
Qua những biến cố lịch sử, vua Tự Đức tự thán trước tình thế của đất nước
ĐÊM ĐÔNG TRÊN SÔNG HƯƠNG
Dạo cảnh đêm đông gió rét vừa
Sông Hương làn sóng gợn lưa thưa
Thuyền êm gió thoảng sao vừa sáng
Ai thấu tâm can của vị vua
Xã tắc lòng ta đau khổ mãi
Ví chăng tìm được kẻ tài ba
Tay chèo lái giỏi con thuyền vững
Thanh thản qua sông ắt dễ mà.
(Vua Tự Đức / Ưng Bình Thúc Giạ Thị dịch)
Nguyễn Quang Diêu
Phong trào Đông Du của ông Phan Bội Châu rất được người Nam Kỳ hưởng ứng vì năm 1904, ông Phan Bội Châu có đến Nam Kỳ vận động trước khi xuất dương sang Nhật.
Ông Nguyễn Thần Hiến (1857-1914) là người Hà Tiên nhưng sống ở Cần Thơ. Ông đem hết tài sản trong nhà ra ủng hộ (20,000 đồng lúc đó vào khoảng mất trăm cây vàng bây giờ) lập “Quỹ Khuyến Du Học Hội". Bị Pháp tìm bắt, ông phải trốn sang Xiêm (1908) rồi đến năm 1910 sang Tàu gia nhập VN Quang Phục Hội làm Trưởng Chi bộ Nam Kỳ. Ông Nguyễn Thần Hiến bị bắt ở Hương Cảng (1913) giải về Hà Nội (1914) sắp phải đày đi French Guiana (Nam Mỹ) nhưng ông tuyệt thực và chết trong tù Hỏa Lò ở Hà Nội (1914).
Bạn tù là ông Nguyễn Quang Diêu có bài thơ tiếc:
NGUYỄN THẦN HIẾN
Bấy lâu bay bổng cánh chim hồng
Lạc lối giờ ra phải máy cung
Chín suối có thiêng hồn tổ quốc
Trăm năm còn tạc gánh tang bồng
Đổi dời nghĩ gớm câu dâu bể
Thổ lộ cùng ai chuyện núi sông
Thôi để làm gương cho sắp bé
Ngàn năm trong nước dấu anh hùng.
(Nguyễn Quang Diêu)
Ông Nguyễn Quang Diêu (1880-1936) là người Cao Lãnh. Năm 1913, ông cùng một số người Nam Kỳ sang Hương Cảng để gia nhập cách mạng theo ông Phan Bội Châu và ông Nguyễn Thần Hiến nhưng chẳng may bị Pháp bắt cùng lúc với ông Nguyễn Thần Hiến ở Hương Cảng và giải về Hà Nội.

Sau đó ông Nguyễn Quang Diêu bị đày đi French Guiana (1914). Bị giải lên tàu ở Hà Nội, ông và các bạn tù Việt Nam qua Ấn Độ Dương, kênh Suez và Địa Trung Hải tới Marseille. Sau 1 thời gian ngắn bị tạm giam ở Marseille, ông Nguyễn Quang Diêu và các bạn lại bị giải lên tàu xuyên qua Đại Tây Dương tới French Guiana (1914).
Năm 1917, ông Nguyễn Quang Diêu cùng 2 bạn là ông Đinh Hữu Thuật và ông Lý Liễu vượt ngục trốn sang Trinidad (Trung Mỹ). Papillon Henri Charrière phải mất 11 năm mới trốn khỏi French Guiana (1941) trong khi đó ông Nguyễn Quang Diêu chỉ cần 3 năm.
Sau 3 năm sống ở Trinidad, vào năm 1920, ông Nguyễn Quang Diêu lên Washington DC đi tàu của lái buôn Trung Quốc vượt biển tới Hương Cảng (Hongkong). Chuyến đi nầy qua kênh đào Panama và Thái Bình Dương.
Từ khi bị bắt ở Hương Cảng (1913) cho tới khi trở lại Hương Cảng (1920) ông Nguyễn Quang Diêu đã đi vòng quanh thế giới, và chắc chắn là người Việt đầu tiên hoàn thành công trình nầy. Jules Verne tả chuyện đi vòng quanh thế giới trong 80 ngày nhưng ông Nguyễn Quang Diêu đi mất 8 năm và đi ngược đường với câu chuyện của Jules Verne.
Từ Hương Cảng (1920), ông Nguyễn Quang Diêu tới Quảng Châu tìm ông Phan Bội Châu và Kỳ Ngoại hầu Cường Để nhưng chỉ gặp được ông Nguyễn Hải Thần. Do đó, ông tới sống ở Tứ Xuyên. Năm 1926, ông Nguyễn Quang Diêu trốn về Nam Kỳ, đổi tên là Trần Văn Vẹn, tiếp tục đi khắp nơi bí mật hoạt động chống Pháp cho đến khi mất vì bệnh ở Tân An (1936).
Cuộc đời hy sinh vì cách mạng của ông Nguyễn Quang Diêu là một thiên hùng ca. Ông lại là một thi sĩ đại tài đã để lại những bài thơ tuyệt tác.
Tinh thần ái quốc trước khi sang Trung Quốc:
TỰ THUẬT
Nghĩ mình mang lấy tiếng nam nhi
Cái nợ cung dâu gánh nặng trì
Tuổi tác đã vừa ba chục chẵn
Công danh chưa có ít nhiều chi!
Rừng cao yến đổ yên nhờ chỗ
Gió thuận hồng mong gặp gỡ khi
Xem khắp thế tình rồi nghĩ nghị
Muốn noi Thánh trước cỡi bè đi. (*)
(Nguyễn Quang Diêu) 1910
(*) Chú thích:
Tương truyền Tổ Thiền Tông là Bồ Đề Đạt Ma cỡi bè đi đường biển từ Ấn Độ tới Trung Quốc. (Chuyện nầy được truyền bá ở Nam Kỳ trong thời Pháp Thuộc).
Khi xuất dương đi Trung Quốc theo cách mạng không kịp giã từ vợ, ông viết bài thơ nhờ bạn chuyển cho vợ:
GIÃ VỢ ĐI LÀM CÁCH MẠNG
Sông cũng khi khô, đá cũng mòn
Cùng ai tạc một tấm lòng son
Trăm năm ngồi đứng trong trời đất
Một kiếp thề ghi với nước non
Hương hỏa trước mong duyên mãi mãi (*)
Tang bồng nay há nợ con con (*)
Ai ơi ! hãy nếm mùi ly biệt
Có nếm rồi ra mới biết ngon!
(Nguyễn Quang Diêu) 1913
(*) Chú thích
Hương hỏa: do câu "Tam sinh hương hỏa", dùng để chỉ việc nhơn duyên có con cháu nối dõi. Sách Quỳnh Ngọc Chú chép: có người con trai tên là Tỉnh Lang chiêm bao thấy đi chơi non Bồng, gặp một nhà sư tụng niệm, trước mặt có hương thắp khói bay (Hương hỏa) nên hỏi; nhà sư trả lời "khi cắm hương khấn nguyện, hương còn cháy mà đã sinh ra 3 kiếp người rồi (Tam sinh).
Tang bồng: (Cái cung bằng) cây dâu, (cái tên bằng) cỏ bồng. Nói đủ câu là "Tang bồng hồ thỉ". Tục lệ người Tàu xưa khi sanh con trai thì dùng cung bằng cây dâu và tên bằng cỏ bồng mà bắn ra 4 phương và trên trời dưới đất để cầu cho đứa bé lớn lên được thỏa chí khí dọc ngang khắp sông hồ.
Những bài thơ lúc bị tù đày:
TẾT TÂY TRONG ĐỀ LAO
Vừa khỏi Du dê đến Tết Tây (*)
Gớm ghê máy tạo lẹ làng xây
Nom ra thành phố cây cờ phất
Ngảnh lại non sông nước mắt đầy
Vui sướng thiếu gì ai nấy đó
Đắng cay chỉ có lũ mình đây!
Rau xanh vài dĩa cơm vài bát
Cũng gọi là vui cái tiệc nầy.
(Nguyễn Quang Diêu) 1914
(*) Chú thích:
Tết Tây đầu năm 1914 ở nhà ngục Hỏa lò, Hà Nội. Du dê = (tháng) Juillet, ý nói ngày lễ Độc lập của Pháp (14 Juillet)
BỊ GIAM Ở MARSEILLE CẢM TÁC
Chẳng biết rằng mình có tội chi
Tội chi nào có, có nao gì!
Phép thần công lý đành không hiệu
Luật nước văn minh gẫm cũng kỳ
Nếm mật nằm gai đành tạm lúc
Sổ lồng tháo cũi hẳn chờ khi
Làm sao cũng chẳng làm sao vậy
Thương nước gan ông nó đã lỳ.
(Nguyễn Quang Diêu) 1914
CẢM TÁC KHI ĐI ĐÀY ĐẾN CAI DANH (*)
Bấy chầy mong mỏi xứ Cai Danh
Phong cảnh xem qua bắt động tình
Bể rộng mênh mông dòng nước biếc
Nội bằng mờ mịt mạn rừng xanh
Dã man thảm hại cho người đó
Tân khổ nài bao cái lũ mình!
Tuyệt chủng rõ ràng gương dưới mắt
Trông người, ta lại ngẫm mà kinh.
(Nguyễn Quang Diêu) 1914
(*) Chú thích:
Guiana có 3 phần: thuộc Pháp, Anh và Hà Lan. Ông Nguyễn Quang Diêu bị đày ở Guiana thuộc Pháp. Thị trấn của Guyenne (French Guiana) là Cayenne, đọc âm tiếng Việt thành ra Cai Danh.
Tương truyền bài dưới đây (gồm 10 bài theo thể Liên Hườn) làm ở Quảng Châu sau khi từ Guiana trở về (1920) và ông Nguyễn Hải Thần có họa lại nhưng bài họa bị thất lạc không tìm được.
SẦU NON NƯỚC
Hỏi tôi buồn những sự gì đây
Mượn rượu làm khuây cũng chẳng khuây?
Mắt mãi chứa chan cơ hội trước
Lòng hằng chua xót nước non nầy
Hồn khôn vấn vít thân còn dở
Phách dại mơ màng kiếp sống say (1)
Bĩ thái then trời đâu dễ chắc (2)
Lẽ nào có rủi lại không may.
Không may sá quản chút thân này
Thượng Đế ngồi cao lẽ cũng hay!
Đường lắm chông gai chơn ngại bước
Trời chưa mưa gió cánh không bay
Tấm lòng hồ thỉ còn mong mãi (3)
Món nợ san hà muốn trả ngay
Vẫn tính vẫy vùng cho phỉ chí
Ngặt vì còn thiếu cả chân tay.
Chân tay thiếu cả liệu sao mà
Biết ngỏ cùng ai tâm sự ta?
Tủi phận vẩn vơ hùm lạc núi
Xót thân dật bạ chó không nhà (4)
Bệnh nghèo vắng thấy tay trừ quỉ
Cơn ngặt ầm nghe tiếng nhát ma!
Mùi có nếm rồi, rồi mới biết
Càng cay đắng lắm chí càng già.
Chí càng già dặn lúc truân chuyên
Có đẩy xô gì chẳng đổ nghiêng
Dầu tớ chạy nam dầu chạy bắc
Mặc ai rằng nghịch mặc rằng điên!
Rừng nhiều beo hạm tay không súng
Đường lắm tàu xe túi chẳng tiền
Mưa nắng chi chi đâu dám nại
Ấy là trách nhiệm giống Rồng Tiên.
Giống Rồng Tiên trước kém gì ai
Mày mặt giờ ra thẹn với đời
Toan cắp Thái Sơn sang bể cả
Rắp đem tinh vệ lấp miền khơi (5)
Vai hằng gánh nặng thù non nước
Lòng mãi vương mang nghĩa đất trời
Thành bại lẽ thường đâu sá quản
Gọi là trả chút nợ làm trai.
Làm trai nay gặp hội tân trào
Ngồi đấy khoanh tay nỡ bụng nào!
Ách thảm nặng quằn vai nghĩa liệt
Lửa thù đốt cháy ruột anh hào
Trông về non nước lòng thêm bận
Đoái lại mày râu tuổi đã cao
Thời đại thế mà dân tộc thế
Không cùng khóc ngất lại cười nhào. (6)
Cười nhào những đứa giả văn minh
Mượn lối thương dân tính lợi mình
Gạt chúng khua rầm mồm nhiệt huyết
Dối đời lơ láo mắt vô tình
Bộ tuồng công đức trông ra dáng
Cái lốt nô nhan lộ cả hình (7)
Huyết tánh con người ai lại chẳng
Dại gì không tưởng đến sanh linh.
Sanh linh rủi gặp lúc phong trần (8)
Nước chẳng ra gì lựa đến thân!
Ngoài cuộc điên ba trông vắng bặt (9)
Trong vòng nô lệ đứng chần ngần
Sóng tràn chán mắt làng phi cựu (10)
Sấm nổ ầm tai tiếng cách tân (11)
Ai cũng anh em Hồng Lạc cả
Ai ơi phải biết phận làm dân!
Phận làm dân tộc nước Nam ta
Hơn bốn nghìn năm nối nghiệp nhà
Mở rộng gian san cho cháu chắt
Hao bao huyết hãn của ông bà (12)
Máu thù nô lệ sôi lòng trẻ
Cuộc biến tang thương chán mắt già (13)
Tình cảnh thế nầy không thể chịu
Bút linh đành mượn đánh đàn ma.
Đàn ma hút cả máu dân gầy
Bảy tám mươi năm trải đến rày
Mưa gió Mỹ Âu mòi đã trổ
Anh em Hồng Lạc giấc còn say!
Biển trần chưa định thân chìm nổi (14)
Cuộc biến còn nhiều lúc rủi may
Nỗi nước nỗi nhà còn lắm nỗi
Hỏi tôi buồn những sự gì đây?
(Nguyễn Quang Diêu) 1920
Chú thích:
(1) Sống say: do câu "Túy sinh mộng tử" (Sống giữa cơn say, chết trong chiêm bao, trong mộng mị)
(2) Bĩ thái = suy và thịnh. Then trời: ý nói "cơ trời", có khi "máy trời"
(3) Hồ thỉ: từ câu "Tang bồng hồ thỉ", sự tích như "Tang bồng".
(4) Dật bạ = trôi nổi lông bông tạm bợ không chắc vào đâu. Tiếng thông dụng ở Nam kỳ vào thời đó. Đó là chữ đôi: Dật = thất lạc; Bạ đi đôi với Dật, không có nghĩa gì hết.
(5) Tân trào = Trào lưu mới
(5) Tinh vệ: tên một loại chim nhỏ ở ngoài biển. Tục truyền con gái vua Viêm Đế vì chết chìm nên căm tức hóa thành chim ngậm đá để lấp biển. Nghĩa bóng: người có một mối thù thâm sâu, quyết trả cho được.
(6) Cười nhào = cười dữ lắm đến lộn nhào người ra
(7) Nô nhan = mặt (người) đày tớ. Do câu "Nô nhan tỳ tất" (Mặt đày tớ, gối con hầu). Ngụ ý khinh khi.
(8) Sanh linh = con người
(9) Điên ba = sóng dữ. Có bản chép "phong ba" (sóng gió)
(10) Cách cựu = trái với "cựu"; không thủ cựu (=không giữ cái cũ)
(11) Cách tân = làm ra cho mới
(12) Huyết hãn = máu và mồ hôi
(13) Tang thương: do câu "Thương hải biến vi tang điền" (Bể xanh hóa thành ruộng dâu); ý nói cuộc thay đổi lớn. Từ ngữ "Bể dâu" cũng cùng một nghĩa.
(14) Biển trần = cõi trần thế rộng như biển cả
Năm 1926, ông Nguyễn Quang Diêu đến viếng mộ của ông Phạm Hồng Thái ở Hoàng Hoa Cương và có làm nhiều bài thơ, nay chí còn truyền lại 1 bài:
HOÀNG HOA CƯƠNG (*)
Mồ bảy mươi hai liệt sĩ đây
Hoàng Hoa Cương hẹn đã bao ngày
Liễn nêu dũng cảm đời roi dấu
Bia tạc anh hùng địch khiếp oai
Ngắm cảnh riêng mừng non nước đấy
Trông gương như đốt ruột gan nầy
Kèn khi khởi nghĩa dường nghe giục
Gánh nợ quê hương nặng lại đầy
(Nguyễn Quang Diêu) 1926
(*) Chú thích:
Hoàng Hoa Cương (ngọn đồi Hoàng Hoa) là nơi dành chôn 72 liệt sĩ Quốc Dân đảng Trung Hoa tử trận trong cuộc khởi nghĩa ở Quảng Châu ngày 29-3-1911 (trước cách mạng Tân Hợi tháng 10, 1911). Sau khi Liệt sĩ Phạm Hồng Thái chết ở sông Tây giang, Quảng Châu; Tổng đốc Hồ Hán Dân cho cải táng từ chân đồi Bạch Vân về Hoàng Hoa Cương (tháng 3, 1925).
Những bài thơ sau khi về nước cho đến khi qua đời (1926-1936). Ông Nguyễn Quang Diêu phải hoạt động bí mật, trốn tránh chính quyền thuộc địa:
KHÔNG NHÀ KHÔNG NƯỚC
Chẳng phải tiên cũng chẳng phải thần
Không nhà không nước khổng ra thân
Trời cao lồng lộng ê da óc
Đất rộng mênh mông sợ sẩy chân
Tím ruột bầm gan nhìn võ trụ
Châu mày sốt mắt ngó đay cân
Thôi liều nhắm mắt đưa chơn vậy
Một kiếp phù sinh dễ mấy lần.
(Nguyễn Quang Diêu)
THƯƠNG ... TRÁCH
Thương ai ai nỡ chẳng thương mình
Tưởng lúc gian truân chán thế tình
Nhớ đến thề lòng non với nước
Trông sao bền dạ sắt cùng đinh
Đợi cơn mây kịt trời dông dữ
Chờ hội trời nghiêng đất hết chinh
Than phận thuyền con mà bể cả
Trách vì chưa phỉ chí bình sinh.
(Nguyễn Quang Diêu)
KHÔNG NHÀ
Thiên hạ bao nhiêu bợm chẳng nhà
Hỏi coi ai có cảnh như ta ?
Phôi pha tình tứ thơ và rượu
Chầu chực hôm mai chó với gà
Thấy khách toan mời e khách lạ
Trông trời muốn hỏi ngại trời xa
Thôi ôm cầm đợi tri âm đã
Sẽ ngỏ cùng nhau chuyện ruột rà.
(Nguyễn Quang Diêu)
NƯƠNG MÌNH CỬA PHẬT
Trải nếm mùi trần chán đắng chua
Tương rau đạm bạc bữa cơm chùa
Răng lòng cửa Phật cơn sa sút
Nóng ruột đường đời nỗi được thua
Tủi kiếp trầm luân làn sóng dập
Tỉnh hồn đọa lạc tiếng chuông khua !
Co tay tính lại mười năm lẻ
Trải lắm mùi trần chán đắng chua ?
(Nguyễn Quang Diêu)
PHẬN BÈO
Liều lĩnh gì hơn cái phận bèo
Mặc dầu sóng gió nổi phêu phêu
Ngảnh tai phiêu bạc chầm theo nước
Gởi dấu đông tây cứ chực dèo (*)
Tầm khách tha hương đoàn tụ mãi
Báo phương ngư phủ thảm sầu đeo
Trông vời bể cả bườn men tớt
Liều lĩnh gì hơn cái phận bèo !
(Nguyễn Quang Diêu)
(*) Chú thích: Chực dèo = chờ mòi = chờ đợi và coi mòi. Từ ngữ miền Nam lúc bấy giờ.
Chí khí của ông Nguyễn Quang Diêu không thay đổi:
NGÀY TẾT THẤY CỜ CẢM TÁC
Dọc ngang cờ Pháp với cờ Tàu
Ủa lá cờ ta hẳn ở đâu?
Trông thế lực người sôi máu sắt
Nghĩ danh giá nước thẹn mày râu
Non sông vì nợ xưng Hồng Lạc
Mặt mũi nào còn ngó Mỹ Âu
Vinh nhục chung nhau ai cũng thế
Thương nhau ta phải liệu sao nhau?
(Nguyễn Quang Diêu)
So với ông Phan Bội Châu cũng vào lúc cuối đời:
CÂY CỜ
Ai ơi xin thử ngó cây cờ
Một lá kia kìa dáng phất phơ
Cao thấp quyền về tay kẻ múa
Trắng vàng màu lựa mặt người ưa
Trên cao mấy cửa chiêu bài hão
Xoay đủ tứ bề ngọn gió đưa
Rồi cũng về tay ai nấy phất
Xôn xao dưới bóng bọn vây hùa.
(Phan Bội Châu)
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
Bài viết này là trích đoạn trong 2 bài đăng trong phanthuonghai.com mục Lịch Sử và Thơ Văn phần Thời Pháp Thuộc
Thơ và Sử Việt - Thời Pháp Thuộc (Thế kỷ 19) (Bs Phan Thượng Hải)
Thơ và Sử Việt - Thời Pháp Thuộc (Thế kỷ 20) (Bs Phan Thượng Hải)
Xin gửi bài đọc nhân dịp Rằm Tháng Bảy.
Từ sự tích của Vu Lan đến Trung Nguyên; và ý nghĩa thay đổi từ Ấn Độ đến Trung Quốc cũng như thay đổi theo thời gian từ xưa đến nay!
Sống phải theo thời chứ không thì là "lạc hậu"?
Hải _________________
SỰ TÍCH TẾT TRUNG NGUYÊN VÀ LỄ VU LAN
(Bs Phan Thượng Hải biên soạn)
Tết Trung Nguyên đúng vào ngày Rằm tháng bảy. Sự tích bắt đầu từ kinh Vu Lan Bồn của Phật Giáo và ngày Tự Tứ của Phật Giáo Ấn Độ là ngày Rằm tháng bảy của Trung Quốc.
* Mục Kiền Liên (Moggallàna) và kinh Vu Lan Bồn
Kinh Vu Lan Bồn viết:
Một thời, Đức Phật trú tại khu vườn Kỳ Đà Cấp Cô Độc. Trưởng giả Đại Mục Kiền Liên chứng đắc sáu thứ Thần thông dùng đạo nhãn quán sát khắp thế giới, thấy người mẹ đã qua đời của mình bị đọa trong loài Ngạ quỷ, không được ăn uống nên thân hình chỉ còn da bọc xương. Tôn giả Mục Kiền Liên thấy vậy vô cùng xót thương buồn bã, liền lấy bát đựng đầy cơm và vận dụng thần thông đem hiến dâng cho mẹ. Bà mẹ vừa nhận được bát cơm , liền dùng tay trái che đậy, tay phải bốc ăn, cơm chưa vào miệng đã hóa thành than hồng nên không thể ăn được. Tôn giả Mục Kiền Liên lớn tiếng than khóc trở về bạch với đức Phật, thuật lại đầy đủ mọi sự việc như vậy.
Đức Phật bảo:
Thân mẫu của ông tội chướng sâu dày. Tuy lòng hiếu thảo của ông vang động trời đất nhưng cũng không ai có thể làm gì được. Nay ông phải nhờ oai lực của Tăng chúng ở mười phương thì mới có thể thoát được.
Này Mục Kiền Liên! Ngày rằm tháng bảy là ngày Tự tứ của mười phương Tăng chúng, nên vì cha mẹ 7 đời, cha mẹ hiện tại và những người đang ở trong vòng khổ nạn luân hồi mà sắm sửa đầy đủ cơm nước thức ăn và giường nằm đầy đủ để dâng chúng đại đức Tăng chúng khắp mười phương. Vì giới pháp thanh tịnh đầy đủ nên đạo đức của Tăng chúng sâu rộng mênh mông. Nếu có người dâng cúng Tăng chúng Tự tứ như vậy thì tất cả cha mẹ bà con quyến thuộc trong đời hiện tại đã quá vãng sẽ được siêu sinh trong 3 đường khổ liền được đầy đủ áo cơm. Nếu cha mẹ lục thân quyến thuộc còn sống thì được hưởng phước lạc sống lâu trăm tuổi, còn cha mẹ già quá khứ 7 đời thì được sinh lên cõi Trời Tự Tại hóa sinh trong cõi Trời, hoa lệ chói sáng, hưởng vô lượng phước lạc.
Bấy giờ Đức Phật bảo Tăng chúng mười phương hoặc ở nơi Tăng chúng hoặc ở chùa tháp phải chú nguyện như vậy rồi sau mới thọ thực (ăn).
Khi ấy Tôn giả Mục Kiền Liên cùng với chư vị Đại sĩ Bồ tát đều rất hoan hỷ, tiếng than khóc bi thương của ngài Mục Kiền Liên cũng tan biến. Thân mẫu của ngài cũng trong ngày ấy được thoát khổ trong loài Ngạ quỉ.
Khi ấy ngài Mục Kiền Liên lại bạch:
Bạch Thế tôn! Thân mẫu của con đã được siêu thoát, đó là nhờ năng lực công đức Tam Bảo, trong đó có uy lực của Tăng chúng. Nếu đời vị lai, tất cả đệ tử của Đức Phật muốn hiếu thuận phụng dưỡng cha mẹ thì kinh Vu Lan Bồn nầy có thể cứu độ cha mẹ hiện tại cho đến cha mẹ 7 đời chăng?
Đức Phật nói:
Nầy Mục Kiền Liên! Điều mà Như Lai muốn nói, Tôn giả đã hỏi.
Nếu có Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, quốc vương, vương tử, đại thần, tể tướng, tam công, bách quan cùng cả thảy dân chúng muốn thực hành đức từ hiếu, trước nên vì cha mẹ hiện tiền, kế đó cha mẹ 7 đời trong quá khứ là cứ đến Rằm tháng Bảy, ngày chư Phật hoan hỷ, ngày chư Tăng tự tứ, nên sắp đặt đủ các loại trái cây thức ăn nước uống vào bồn Vu Lan để dâng cúng chư Tăng ở mười phương. Ngày chư Tăng Tự tứ câu nguyện cha mẹ hiện còn sống lâu trăm tuổi, không bệnh tật. Cha mẹ trong 7 đời quá khứ thoát khỏi khổ đau trong loài Ngạ quỉ, được sinh trong cõi Trời, người phước lạc an vui.
Thiện nam tín nữ là đệ tử của Đức Như Lai phải nên thực hành chữ hiếu, trong mỗi niệm thường thương tưởng đến cha mẹ hiện tại, cho đến cha mẹ 7 đời trong quá khứ. Hằng năm đến ngày Rằm tháng Bảy, đem lòng từ hiếu thương tưởng song thân cha mẹ hiện tiền, cha mẹ 7 đời quá khứ, sắm sửa bồn Vu Lan, hiến cúng Phật đà, dâng cúng Tăng chúng để đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Nếu là đệ tử của Đức Phật thì phải tuân giữ điều ấy.
Lúc ấy, Tôn giả Mục Kiền Liên cùng với chúng đệ tử nghe Phật giảng dạy đều rất hoan hỷ tín thọ phụng hành.
Vu Lan Bồn Kinh (Ullambana sùtra) được Trúc Pháp Hộ dịch ra Hán ngữ và từ đó chuyển âm sang Việt ngữ. Vu Lan Bồn Kinh dịch đầy đủ ra Hán ngữ là "Phật Thuyết Vu Lan Bồn Kinh".
Trúc Pháp Hộ là tên Hán ngữ của nhà sư người Thiên Trúc (Ấn Độ) tên là Dharmaraksa (239-316).
"Vu Lan Bồn" là dịch âm từ Phạn ngữ "Ullambana". Ullambana có nghĩa đen là "Cứu đảo huyền". "Đảo huyền" là "treo ngược". "Cứu đảo huyền" (Ullambana) có nghĩa là cứu những ai bị treo ngược (bị khốn khổ). Trúc Pháp Hộ dùng nghĩa đen của "Vu Lan bồn" là "bồn Vu Lan" trong kinh là không đúng. (Bồn = basin).
Kinh Vu Lan Bồn như trên đã kể lại câu chuyện Moggallàna (Mục Kiền Liên) cứu giúp Mẹ mình đang khốn Khổ trong cõi Ngạ quỉ nhờ lời dạy của Phật Thích Ca. Tuy nhiên ý nghĩa của Kinh Vu Lan Bồn còn rộng hơn.
Theo kinh Vu Lan Bồn, dâng cúng ăn ở cho Tăng chúng trong ngày Tự tứ (ngày Rằm tháng 7, ngày 15 tháng 7) thì nhờ Đạo Đức (morality) "sâu rộng mênh mông" của Tăng chúng (monks and nuns) mà Cha Mẹ và thân quyến của mình được những phước:
Cha mẹ và thân quyến đã chết bị siêu sinh trong 3 đường Khổ (3 Khổ đạo) liền được đầy đủ áo cơm. (3 Khổ Đạo trong Lục Đạo Luân Hồi là: Địa ngục, Ngạ quỉ và Súc sinh).
Cha mẹ và thân quyến đang sống sẽ được hưởng phước lạc mạnh khoẻ sống lâu trăm tuổi.
Cha mẹ và thân quyến trong quá khứ 7 đời sẽ được tái sinh lên cõi Trời.
Tất cả cũng là thể hiện của lòng Hiếu của Phật tử.
Nhưng tại sao lại dâng cúng vào ngày Tự tứ (ngày Rằm tháng 7, 15 tháng 7)? Ngày Tự tứ là ngày gì? Ngày Tự tứ là ngày cuối của 3 tháng Vũ Kỳ An Cư của Tăng Già. Nó có lịch sử từ Luật Tạng của Phật Giáo Nguyên Thủy:
Vũ Kỳ An Cư (Residence during the rainy season Reyreat = Varsavasana): Vì mỗi năm cứ vào mùa mưa (Vũ Kỳ), nước lũ dâng lên tràn ngập cả đường lối làm sự đi lại giáo hóa, truyền đạo và khất thực không thuận tiện, hơn nữa lại là mùa côn trùng sinh ra đầy đường, đi lại sợ tổn hại tới sinh mạng các loài côn trùng nên Phật Thích Ca cùng các Đệ tử phải tụ họp tại một nơi nào thuận tiện để chuyên việc tu hành trong 3 tháng mưa nầy (từ ngày 16-4 cho tới 15-7)
Ngày Lễ Tự Tứ (Pavàranà): Trong 3 tháng tu trì của Vũ Kỳ An Cư, nếu đại chúng có ai phạm vào tội lỗi mà đại chúng ngờ vực thì được tự do cử tội trong ngày lễ Tự Tứ (ngày 15-7, ngày cuối cùng của Vũ Kỳ An Cư).
* Lễ Vu Lan và Tết Trung Nguyên
Nhân sự tích nầy nên có hội lễ Vu Lan trong nhân gian vào ngày Rằm (15) tháng 7 hằng năm.
Lễ Vu Lan bắt đầu ở Trung Quốc từ thời Lương Võ Đế (464-549), một vị vua rất sùng Phật Giáo. Ngày Rằm (15) tháng Bảy gọi là ngày (Tết) Trung Nguyên có mở hội Vu Lan (Vu Lan Bồn) ở khắp chùa chiền tu viện và trong toàn dân chúng kỷ niệm sự tích Mục Kiền Liên cứu Mẹ nói riêng và thể hiện lòng hiếu thảo của Chúng sanh nói chung. Dân chúng làm đúng như trong Kinh Vu Lan Bồn đã dạy: cúng dường thực phẩm cho Tăng chúng. Tuy nhiên còn có mở thêm hội Hoa đăng (cúng rước đèn hoa) và bá tánh còn cúng thêm (trên bàn thờ) cho "Cô Hồn" (tức là Quỉ đói = Ngạ quỉ).
Phong tục nầy được truyền sang các nước khác của Bắc Tông như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam...
Chuyện Mục Kiền Liên (Moggallàna) cứu mẹ được người Tàu viết thành nhiều tuồng hát và tiểu thuyết diễn tả Mục Kiền Liên xuống Địa ngục cứu mẹ, đơn giản tên Mục Kiền Liên thành Mục Liên và đặt tên cho mẹ của ngài là Thanh Đề. Đó là những chuyện mang tựa đề: Mục Liên Cứu Mẫu Biến Văn, Mục Liên Cứu Mẫu Bản Quyển, Mục Liên Tam Thế Bản Quyển... Theo truyện Tàu, tuy được cứu thoát nhưng bà Thanh Đề phải tái sinh làm một con chó đen ở thành Vương Xá (Rajagrha) và Mục Liên phải trổ thần thông một lần nữa cứu bà Thanh Đề tái sinh thành người. Dĩ nhiên cõi Địa ngục trong những truyện nầy khác cõi Ngạ quỉ trong kinh Vu Lan Bồn.
Theo Phật Giáo từ Nguyên Thủy, cõi Địa ngục và cõi Ngạ quỉ là 2 cõi khác nhau!
* Từ những sự tích trên, Phật tử ngày nay có cảm nghĩ về lễ Vu Lan và rằm Trung Nguyên:
VU LAN
Tự lòng hiếu thảo có người hiền
Sự tích Vu Lan dạy trước tiên
Thân mẹ xấu xa hồn giải thoát
Tâm con thương xót dạ bình yên
Chúng sanh quả nghiệp thêm đau khổ
Phật Giáo từ bi hết muộn phiền
Trăng sáng Trung Nguyên soi chánh đạo
Thiện lương bản tánh bước an nhiên.
(Phan Thượng Hải)
9/4/17
VU LAN NHỚ SONG THÂN
Tuổi già thấm hiểu nghĩa thần hôn (*)
Rất tiếc ngày nay chẳng bảo tồn
Báo trả công cha chưa trọn vẹn
Đáp ₫ền nghĩa mẹ chửa vuông tròn
Chở che con cái khi thơ dại
Dạy dỗ nên người lúc lớn khôn
Mỗi tiết Vu Lan về lại nhớ
Song thân khuất bóng, tánh hòa ôn.
(Chánh Minh Nguyễn Văn Minh)
6/11/21
(*) Chú thích: "Nghĩa thần hôn" = thần hôn là sớm chiều, ý nó́i nghĩa con cái sớm chiều săn sóc cha mẹ.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
Bài văn này là trích đoạn của bài "Sự Tích Những Ngày Lễ Tết Trong Niên Lịch" (Bs Phan Thượng Hải) đăng trong phanthuonghai.com
Hai bài thơ có trong bài "Thơ Phan Thượng Hải - Tôn Giáo" (Bs Phan Thượng Hải).
Thất Tịch - Đêm Mùng 7 Tháng 7
Theo sách Tục Tề Hài Ký, ở bờ phía Đông (tức là phía tả) sông Thiên Hà (còn gọi là Ngân Hà) có Chức Nữ, tức là sao Nữ là cháu gọi Ngọc Hoàng Thượng Đế bằng ông nội, đêm ngày dệt cửi chăm chỉ quá, không có lúc nào nhàn rỗi để rửa mặt quấn tóc điểm trang. Ngọc Hoàng Thượng Đế thấy vậy động lòng thương cảnh cô độc bèn gả Chức Nữ cho Ngưu Lang (tức là sao Ngưu) ở bờ sông phía Tây (tức là phía hữu) sông Thiên Hà, là một chàng chăn trâu ngoan ngoãn.
Từ khi lấy và về ở với chồng (là Ngưu Lang) đâm ra lười biếng bỏ cả việc canh cửi. Ngọc Hoàng nổi giận lại bắt Chức Nữ về ở bờ phía Đông trở lại và mỗi năm chỉ cho vợ chồng xum họp với nhau trong một đêm là đêm mồng 7 tháng 7 (Thất Tịch).
Đêm ấy có ô thước (chim thước đen, một giống quạ có đuôi dài) đậu nối cánh vào nhau thành một cái cầu bằng cánh chim, bắc qua sông Thiên Hà (Ngân Hà), để vợ chồng Ngưu Lang và Chức Nữ qua sông đi lại với nhau. Ngưu ta đọc trại là Ngâu. Đêm (hoặc ngày) mồng 7 tháng 7 thường có mưa rào, ta gọi là Mưa Ngâu, tức là mưa do vợ chồng Ngâu gặp nhau mừng tủi khóc mà nhỏ lệ thành mưa.
Trong Cung Oán Ngâm Khúc có câu:
Sinh ly đòi rất thì Ngâu
Một năm còn thấy mặt nhau một lần.
Do điển tích này, nói đến việc lấy vợ lấy chồng, ta thường nói "(nối) cầu ô thước", là cái cầu bằng chim thước để vợ chồng Ngâu qua sông Thiên Hà (Ngân Hà).
Thật ra sao Nữ và sao Ngưu là 2 vì sao trong Nhị Thập Bát Tú (28 vì sao).
Thiên Văn học của Trung Hoa và Âu Tây đều có nói đến nhóm 28 vì sao này. 28 vị sao nầy (mỗi vì sao ứng với một con vật) cũng giống với những vì sao của Thiên Văn học Âu Mỹ.
Nhị Thập Bát Tú gồm có:
1. Giác Mộc Giao: sao Giác (Spica). Giao=Cá Sấu
2. Càng Kim Long: sao Càng (Virgo). Long=con Rồng
3. Đê Thổ Lạc: sao Đê (Libra). Lạc=con Lạc Đà
4. Phòng Nhật Thố: sao Phòng (Libra). Thố=con Thỏ
5. Tâm Nguyệt Hồ: sao Hồ (Antares). Hồ=con Chồn Cáo
6. Vĩ Hỏa Hổ: sao Vĩ (Scorpius). Hổ=con Cọp
7. Cơ Thủy Báo: sao Cơ (Sagittarius). Báo=con Beo
8. Đẩu Mộc Giải: sao Đẩu (Sagittarius). Giải=con Cua
9. Ngưu Kim Ngưu: sao Ngưu (Capricormus). Ngưu=con Trâu
10. Nữ Thổ Bức: sao Nữ (Aquarius). Bức=con Dơi
11. Hư Nhật Thử: sao Hư (Aquarius). Thử=con Chuột
12. Nguy Nguyệt Yến: sao Nguy (Aquarius/Pegasus). Yến=con Én (Nhạn)
13. Thất Hỏa Trư: sao Thất (Pegasus). Trư=con Heo
14. Bích Thủy Dư: sao Bích (Algenib). Dư=con Cừu (Trừu)
15. Khuê Mộc Lang: sao Khuê (Andromeda). Lang=con Chó Sói xám
16. Lâu Kim Cẩu: sao Lâu (Aries). Cẩu=con Chó
17. Vị Thổ Trĩ: sao Vị (Aries). Trĩ=con Chim Trĩ
18. Mão Nhật Kê: sao Mão (Pleiades). Kê=con Gà
19. Tất Nguyệt Ô: sao Tất (Taurus). Ô=con Quạ
20. Chủy Hỏa Hầu: sao Chủy (Orion). Hầu=con Khỉ
21. Sâm Thủy Viên: sao Sâm (Orion). Viên=con Vượn
22. Tỉnh Mộc Hãn (Ngạn): sao Tỉnh (Gemini). Hãn (Ngạn) = con Bò
23. Quỷ Kim Dương: sao Quỷ (Cancer). Dương=con Dê
24. Liễu Thổ Chương: sao Liễu (Hydra). Chương=con Cheo (=Mouse-Deer)
25. Tinh Nhật Mã: sao Tinh (Alphard). Mã=con Ngựa
26. Trương Nguyệt Lộc: sao Trương (Crater). Lộc=con Hưu/Nai
27. Dực Hỏa Xà: sao Dực (Corvus). Xà=con Rắn
28. Chẩn Thủy Dẫn: sao Chẩn (Corvus). Dẫn=con Giun/Trùng
Sao Ngưu (= Ngưu Kim Ngưu) và sao Nữ (= Nữ Thổ Bức) thuộc Nhị Thập Bát Tú.
Bs Phan Thượng Hải biên soạn
Tài liệu tham khảo:
1) Điển Hay Tích Lạ (Nguyễn Tử Quang)
2) Tầm Nguyên Tự Điển (Lê Văn Hoè)
3) Wikipedia Google
Bài này là 1 trích đoạn từ bài "Sự Tích Những Ngày Lễ Tết trong Niên Lịch" (Bs Phan Thượng Hải) đăng trong phanthuonghai.com
"NHƯ THỊ" TRONG PHẬT GIÁO
Bs Phan Thượng Hải biên soạn
*
"Như Thị" có nghĩa là gì?
Như thị (Hán ngữ) = Như vậy, như thế (Việt ngữ).
Nguồn gốc của "Như Thị" từ trong Kinh của Phật Giáo.
Một Công án của Thiền Tông trích từ Thiền Luận của Suzuki (trang 117, quyển Trung):
Tuệ Trung hỏi: “Công việc của Thầy là gì?”
Sư trả lời: “Tôi giảng kinh Kim Cương”
Hỏi: “Thầy nói cho hay 2 chữ đầu tiên của Kinh là gì?”
Trả lời: “Như Thị”
Hỏi “Thế là nghĩa gì?”
Nhà Sư không đáp.
Như vậy, "Như Thị" là 2 chữ đầu tiên của Kinh (Kinh của Phật Giáo).
Do đó ngày nay thường dùng từ ngữ "Pháp Như Thị".
Nguồn gốc của "Như Thị" trong Kinh của Phật Giáo (Pháp Như Thị) từ Tôn giả A Nan Đà (Ànanda). Nguyên văn là "Như Thị Ngã Văn".
Ngã Văn = Tôi nghe. Ngã = Tôi. Văn = Nghe.
Như Thị Ngã Văn = Tôi nghe như vậy, Tôi nghe như thế, Tôi nghe như thế nầy.
*
Thật ra nguồn gốc đều từ Tôn giả Ànanda (A Nan Đà, A Nan).
Phật Thích Ca sáng lập Phật Giáo. Ngài giảng dạy truyền khẩu Giáo lý của Phật Giáo gọi là Pháp (Doctrine) hay Phật Pháp và mở Tăng Già. Tăng Già là cộng đồng của những người xuất gia gồm Tăng (và Ni).
Tăng Già = Sangha = Communities of Budhist monks and nuns.
"Phật, Pháp, Tăng" là Tam Bảo của Phật Giáo.
Pháp hay Phật Pháp bắt đầu có từ Tôn giả Ànanda (A Nan Đà, A Nan), một trong 10 đại đệ tử của Phật Thích Ca.
Trong thời gian của Phật Thích Ca tại thế (khoảng trên 40 năm), giáo lý Phật Giáo Nguyên Thủy chỉ đơn giản gồm có Pháp (Dharma) và Luật (Vinaya).
Pháp gồm những lời giảng dạy của Đức Phật hay các Đệ tử của ngài (xuất gia hay không xuất gia) hoặc đôi khi của những vị Thần của Ấn Độ Giáo như Đại Phạm Thiên (Brahmà) và Đế Thích (Indra) đã được Đức Phật nghe và chấp nhận.
Luật là những Điều luật (Rules) và Qui lệ (Regulations) hằng ngày của Tăng Già do Phật Thích Ca lập ra và giảng dạy.
Pháp và Luật sau nầy được viết thành Kinh Tạng (Sùtra-pitaka) và Luật Tạng (Vinaya-pitaka) của Tam Tạng (Tripitaka).
Ngay sau khi Phật Thích Ca nhập diệt ở Kusinara, Đệ tử cao quí nhất của ngài là Tôn giả MahaKàsyapa (Ma Ha Ca Diếp) triệu tập một Hội đồng (Council) gồm các Đệ tử chánh trong Tăng Già. Mục đích của Hội đồng là làm chắc chắn tất cả những giáo điều của Phật Thích Ca, giảng dạy trong khi tại thế được thống nhất và chính thức truyền bá cho những thế hệ về sau.
Trong suốt 3 tháng của mùa mưa (vũ kỳ), 500 Đệ tử đã thành đạo, gọi là La Hán, họp ở hang Thất Diệp (The cave of the seven leaves) thuộc ngoại ô Ràjagrha (Vương Xá), kinh đô của vương quốc Magadha (Ma Kiệt Đà), cách Kusinara nhiều ngày đi bộ (về hướng Đông Bắc). Đó là kỳ Kết Tập lần thứ nhất, còn gọi là Kết Tập Vương Xá hay Kết Tập (của) 500 La Hán.
Theo Hán ngữ, từ ngữ "Kết Tập" đồng nghĩa với "Hội Đồng" (Council). Tuy nhiên theo tiếng Phạn gọi là "Samgìti", còn có nghĩa là "cùng tụng (hát hay đọc) với nhau". (Tụng= Recitation, to Recite). Mặc dù đã có chữ viết (văn tự) dùng trong thương mại vào thời đó, truyền thống cổ điển của Ấn Độ chỉ truyền khẩu những gì liên quan tới Tôn giáo chứ không muốn ghi lại bằng chữ viết. Như vậy trong kỳ Kết Tập lần thứ nhất nầy, 500 La Hán tụng lại những gì họ biết và ghi nhớ về Pháp và Luật để chắc chắn là không có những khác biệt cũng như để chứng thật cái gì là từ Phật Thích Ca và cái gì là không phải (từ Phật Thích Ca).
Tôn giả MahaKàsyapa (Ma Ha Ca Diếp) chủ tọa của kỳ Kết Tập lần thứ nhất nầy. Hai đại Đệ tử khác của Phật Thích Ca là Tôn giả Ànanda (A Nan Đà) và Tôn giả Upàli (Ưu Bà Li) lần lượt khởi tụng Pháp (Dharma) và Luật (Vinaya).
Tôn giả Ànanda, một người em chú bác của Phật Thích Ca, từng là người hầu cận (thị giả) của Đức Phật trong hơn 25 năm cho tới khi Đức Phật nhập diệt. Tôn giả Ànanda đã còn nghe và ghi nhớ tất cả giáo huấn của Phật Thích Ca và những Đệ tử khác trước khi làm thị giả cho Đức Phật. Do đó Ànanda khởi tụng những giảng dạy trong kỳ Kết Tập. Tôn giả Ànanda nổi tiếng là Đệ tử "Đa Văn Đệ Nhất", đệ tử hiểu biết giáo điều nhiều nhất. Không có công lao của Ànanda, những giảng dạy của Phật Thích Ca khó có thể kết hợp lại được trong kỳ Kết Tập nầy. Pháp (Dharma) của Phật Thích Ca được bắt đầu truyền khẩu cho hậu thế từ Tôn giả Ànanda.
Tôn giả Upàli trước khi xuất gia là nô lệ của thị tộc Sàkya (Thích Ca). Ngài nhập Tăng Già và được Phật Thích Ca cho coi giữ Giới Luật trong Tăng Già. Upàli nổi tiếng là Đệ tử "Giới Luật Đệ Nhất". Upàli khởi tụng Giới Luật (precepts) và Qui Định (regulations) trong kỳ Kết Tập nầy. Luật (Vinaya) của Phật Thích Ca dùng cho Tăng Già bắt đầu truyền khẩu cho hậu thế từ Tôn giả Upàli.
Tiếp theo đó, Pháp (từ Ànanda) và Luật (từ Upàli) được 500 La Hán ghi nhớ và hợp tụng trong kỳ Kết Tập lần thứ nhất; và từ đó truyền khẩu cho những thế hệ sau bằng Tụng (Recitation).
Về sau Pháp (Dharma) và Luật (Vinaya) được viết thành Kinh Tạng (Dharma-pitaka) và Luật Tạng (Vinaya-pitaka) ngay trước khi hay cùng thời với khi bắt đầu có các Bộ Phái và Luận Tạng (Abhidharma-pitaka) của các Bộ Phái. Các Bộ Phái thành hình vào khoảng năm 350 tr CN, khoảng 100 năm sau kỳ Kết Tập lần thứ nhất. Kinh Tạng, Luật Tạng và Luận Tạng gọi chung là Tam Tạng (Tri-pitaka) của Phật Giáo Nguyên Thủy.
Như vậy, từ 500 La Hán và Tăng Già tiếp tục "tụng" theo đúng như vậy, truyền khẩu cho tới khoảng hơn 100 năm sau thì Pháp mới viết thành kinh điển giáo lý (scripture) gọi là Kinh Tạng. Mỗi phần của Kinh Tạng khởi đầu bằng câu "Như Thị Ngã Văn". "Như Thị" dịch nghĩa là "như thế nầy" hay "như vậy". "Ngã Văn" dịch nghĩa là "tôi được nghe". "Như Thị Ngã Văn" dịch nghĩa là "Tôi nghe như vậy, Tôi nghe như thế nầy". Tôi (Ngã) ở đây là "Ànanda" (A Nan Đà).
*
Như vậy, Pháp hay Phật Pháp gồm những Kinh và Luận.
Thiền Tông Công Án trích từ Thiền Luận của Suzuki (trang 82, quyển Hạ) về "Đọc Kinh":
Tăng hỏi: “Tại sao sư không chịu cho đọc kinh, coi như là những lời phụ thuộc ?”
Sư Huệ Hải đáp: “Như con vẹt học tiếng người mà lại không hiểu ý nghĩa. Kinh truyền ý Phật, nếu không lãnh hội ý Phật thì việc tụng đọc chỉ là học nói, do đó (ta) không chịu cho đọc kinh”
Hỏi: “Ngoài ngôn ngữ văn tự còn phương tiện nào để diễn ý nữa chăng ?”
Đáp: “Những lời ông vừa nói lại cũng là học nói mà thôi”
Hỏi: “Cũng là như nhau sao Sư lại thiên lệch chống đối ?”
Đáp: “Trong Kinh có nói rõ rằng: Những gì ta nói đều là nghĩa chứ không phải chỉ có văn; còn những gì mà chúng sinh nói chỉ là văn chứ không có nghĩa. Ai hỏi ý sẽ vượt lên những văn tự hời hợt, ai ngộ Lý sẽ vượt qua những văn tự. Giáo pháp siêu việt (trên) ngôn ngữ văn tự, tại sao lại tìm tòi trong những số câu ? Bởi vậy kẻ phát Bồ Đề thì được ý mà quên lời, ngộ Lý mà ảo giáo, như người được cá thì quên nơm”.
Công án này chỉ dẫn rõ ràng, rõ hơn là từ ngữ "Kinh Vô Tự"!
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
Tài liệu tham khảo:
1) Thiền Luận (Suzuki, bản dịch của Tuệ Sỹ)
2) Lịch sử và Kinh điển Phật Giáo (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
3) Thập Đại Đệ Tử của Phật Thích Ca (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
_____________________
THIỀN ĐỊNH
(Bs Phan Thượng Hải biên soạn)
Hành giả Tu Thiền định sẽ đạt được Thiền Định, hay đúng hơn là "Tâm Thiền Định".
Tâm Thiền Định (hay Thiền Định) là trạng thái của Tâm có 8 bậc gọi chung là Bát Định. Bốn bậc đầu còn gọi là Tứ Thiền (hay Tứ Thiền Na). Phật Giáo chỉ cần hành giả (practitioner) đạt đến bậc thứ 4, bậc cuối cùng của Tứ Thiền thì Tâm An (= Niết bàn hữu dư). (An, an tịnh = Tranquil, Calm).
Phật Thích Ca đã học Tu Thiền Định và đạt được Thiền Định từ Ấn Độ Giáo (Hinduism) và đem vào Phật Giáo. Trước khi Ngài nhập diệt, Ngài đã Tu Thiền Định và đạt được đến Cửu Định (bậc Thiền Định thứ 9), trên Bát Định.
Niết Bàn kinh thứ 16 của Trường Bộ Kinh (Digha-Nikàya) trong Kinh Tạng của Phật Giáo Nguyên Thủy kể lại sự tích nhập diệt của Phật Thích Ca. Đây là nguyên văn với Bản dịch của Thượng tọa Thích Minh Châu.
Rồi Đức Thế tôn cùng đại chúng tỳ kheo đi đến bờ bên kia sông Hirannavati tại Kusinàrà và dừng lại ở rừng Sàlà của dòng họ Mallà. Ànanda trải chỗ nằm. Đức Thế tôn nằm về phía hông bên phải đầu về hướng bắc giữa 2 cây Sàlà song thụ như dáng nằm của con sư tử, hai chân để trên nhau; chánh niệm và tỉnh giác. Sau khi giảng dạy, Đức Thế tôn nói: "Này các tỳ kheo, nay ta khuyên dạy các ngươi: Tất cả các Pháp Hữu Vi là vô thường biến hoại, hãy tinh tấn chớ có phóng dật". Đó là lời cuối cùng của Đức Phật.
(1) Rồi Đức Thế tôn nhập Định Sơ Thiền, xuất Định Sơ Thiền; nhập Định Nhị Thiền, xuất Định Nhị Thiền; ngài nhập Định Tam Thiền, xuất Định Tam Thiền; ngài nhập Định Tứ Thiền, xuất Định Tứ Thiền. Ngài nhập Định Không Vô Biên Xứ, xuất Định Không Vô Biên Xứ; ngài nhập Định Thức Vô Biên Xứ, xuất Định Thức Vô Biên Xứ; ngài nhập Định Vô Sở Hữu Xứ, xuất Định Vô Sở Hữu Xứ; ngài nhập Định Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, xuất Định Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Ngài nhập Diệt Tưởng Định.
Khi ấy Đại đức Ànanda nói với Đại đức Anuruddha (A Na Luật): "Thưa Tôn giả, Thế tôn đã nhập diệt". Đại đức Anuruddha nói: "Này Hiền giả Ànanda, Thế tôn chưa diệt độ, ngài mới nhập Diệt Tưởng Định".
(2) Rồi Đức Thế tôn xuất Diệt Tưởng Định; ngài nhập Định Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, xuất Định Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ; ngài nhập Định Vô Sở Hữu Xứ, xuất Định Vô Sở Hữu Xứ; ngài nhập Định Thức Vô Biên Xứ, xuất Định Thức Vô Biên Xứ; ngài nhập Định Không Vô Biên Xứ, xuất Định Không Vô Biên Xứ. Ngài nhập Định Tứ Thiền, xuất Định Tứ Thiền; ngài nhập Định Tam Thiền, xuất Định Tam Thiền; ngài nhập Định Nhị Thiền, xuất Định Nhị Thiền; ngài nhập Định Sơ Thiền, xuất Định Sơ Thiền.
(3) Ngài nhập Định Nhị Thiền, xuất Định Nhị Thiền; ngài nhập Định Tam Thiền, xuất Định Tam Thiền; ngài nhập Định Tứ Thiền, xuất Định Tứ Thiền. Ngài lập tức diệt độ.
Khi Đức Thế tôn diệt độ (chết), cùng với sự diệt độ, đại địa chấn động khủng khiếp, râu tóc dựng ngược (?), sấm trời vang động.
Đây là chi tiết về Thiền Định.
Dàn bài
a) Tứ Thiền (Tứ Thiền Na)
b) Bát Định
c) Thành quả của Tứ Thiền và Bát Định
a) Tứ Thiền (Tứ Thiền Na)
Tâm An có được từ Tâm Giác ngộ hoặc Tâm Thiền định:
Tâm Giác ngộ giáo lý (giác ngộ): sáng suốt trong nhận thức được giáo lý giác ngộ này (Kiến = Kiến đạo = Giải ngộ) và sáng suốt trong thi hành trong đời sống hằng ngày (Hành = Tu hành đạo = Chứng ngộ) qua tư tưởng, ngôn ngữ, hành động và sinh hoạt.
Tâm Thiền định đạt được từ Tu Thiền Định, không cần Giác ngộ.
(Một ngành thứ 3 của Phật Giáo là Trì giới của "Tâm và Thân" từ Phật Giáo Nguyên Thủy không có đem lại Tâm An).
Từ Phật Giáo Nguyên Thủy cho tới Thiền tông, với phương pháp Tu Thiền định, Tâm (Tâm thức) của hành giả lần lượt vượt qua 4 trạng thái gọi là Tứ Thiền hay Tứ Thiền Na.
Tứ Thiền = Tứ Thiền Na (4 Dhyàna) = Tứ Định của Sắc Giới
1. Định Sơ Thiền (1st Dhyàna): sung sướng (lạc = pleasure) và vui mừng (hỉ = delight), tâm thoát khỏi nhục dục (sensuous desire) và ác độc (evil).
2. Định Nhị Thiền (2nd Dhyàna): vẫn vui mừng và sung sướng, thoát khỏi suy luận (discursion) và tìm hiểu (investigation).
3. Định Tam Thiền (3rd Dhyàna): sung sướng nhưng bình tỉnh (equanimity), lìa khỏi vui mừng và than thở
4. Định Tứ Thiền (4th Dhyàna): an (tranquil), lìa khỏi sung sướng và đau khổ.
Dhyàna (Phạn ngữ, Anh ngữ) = Thiền, Thiền Na (Hán Việt ngữ) = Jhàna.
Tâm Thiền Định của Phật Giáo để có được Tâm an là Tâm (Tâm thức) đạt đến bậc Định Tứ Thiền. Thường được gọi là Chánh Định của Bát Chánh Đạo (Phật Giáo Nguyên Thủy) và Thiền Định Ba La Mật Đa của Lục Độ hay Thập Độ (Phật Giáo Đại Thừa).
Lời dạy của Phật Thích Ca về Chánh Định (= Tứ Thiền):
Và này các Tỳ kheo, thế nào là Chánh Định? Ở đây, này các Tỳ kheo
Tỳ kheo ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú "Định Sơ Thiền", một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ
Làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, chứng và trú "Định Nhị Thiền", một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh, nhất tâm
Vị ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thú mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú "Định Tam Thiền"
Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thụ trước, chứng và trú "Định Tứ Thiền", không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.
Này các Tỳ kheo, đây gọi là Chánh Định.
Tâm Thiền Định hay Tứ Thiền (Tứ Thiền Na) đạt được từ Tu Thiền Định.
Tại sao Tu Thiền Định đạt được Tứ Thiền (4 Dhyàna) thì không giải thích được nhưng có xảy ra. Điều này có từ Ấn Độ Giáo rồi Phật Thích Ca đem Tu Thiền Định vào Phật Giáo và thịnh hành trong Thiền Tông cho đến ngày nay.
Phật Giáo còn tin rằng Con người có Tâm Giác ngộ, gọi là La Hán (Phật Giáo Nguyên Thủy) hay là Phật (Phật Giáo Đại Thừa) thì sau khi hết sinh kiếp (chết = tử) sẽ không phải tái sinh luân hồi trong tam giới. Phật Giáo Đại Thừa còn cho rằng có những cõi riêng cho Phật ở gọi là Phật độ hay Tịnh độ, khác với Tam giới (3 thế giới) của chúng sanh là cõi Ta Bà. (Độ = thổ = land).
Như vậy, Giác Ngộ còn giúp cho không tái sinh còn Thiền Định cũng giúp cho Tâm An nhưng không giúp cho Con người tránh khỏi tái sinh luân hồi.
b) Bát Định
Ngoài Tứ Thiền (hay Tứ Thiền Na) như kể trên gọi là Tứ Định của Sắc Giới; Tu Thiền Định còn đạt thêm 4 bậc cao hơn gọi là Tứ Định của Vô Sắc Giới. Tứ Định của Sắc Giới (Tứ Thiền) và Tứ Định của Vô Sắc Giới gọi chung là Bát Định.
* Tứ Định của Vô Sắc Giới
Khi Tâm đạt tới Tâm An hay Tâm An tịnh (calm, tranquil) qua Tứ Thiền hay Tứ Định của Sắc Giới tức là sẵn sàng tiến tới Tứ Định của Vô Sắc Giới gồm có 4 bậc hay giai đoạn để Tâm "An" hơn nữa, tới Tâm An bình (peaceful). Tại điểm nầy thì không còn nghĩ (tư tưởng) tới vật chất, tới thân thể hay chung quanh mình nữa.
Thật ra tên của 4 bậc Tứ Định của Vô Sắc Giới có nguồn gốc thần thoại từ Ấn Độ Giáo: Tên của mỗi bậc đặt theo tên của một cõi trong Vô Sắc Giới (của Tam Giới = 3 world) và thiền gia đạt đến bậc mang tên của cõi nào thì sẽ tái sinh vào cõi đó của Vô Sắc Giới. Đó là quan niệm của Ấn Độ Giáo và 4 cõi (realm) của Vô Sắc Giới lần lượt là: Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ.
Theo Phật Giáo, Tứ Định của Vô Sắc Giới rất khó hiểu kể cả trên lý thuyết, chỉ có Phật Thích Ca mới đạt tới mà thôi, vì Phật Thích Ca đã tu theo Ấn Độ Giáo trước khi ngày sáng lập Phật Giáo và Phật Giáo Nguyên Thủy và ngài đem Thiền Định và Tu Thiền Định vào Phật Giáo. Tên của Bát Định có nguồn gốc từ Ấn Độ Giáo. Bỏ qua nguồn gốc thần thoại tái sinh của Vô Sắc Giới từ Ấn Độ Giáo, Phật Thích Ca và Phật Giáo định nghĩa Tứ Định của Vô Sắc Giới trên căn bản tâm thức.
Tứ Định của Vô Sắc Giới (4 formless Concentration = 4 formless Samàpatti)
Định Không Vô Biên Xứ (Samàpatti of the realm of the infiniti of space = Àkà-sànantyàyatana): Thiền gia vượt qua Tứ Thiền Định của Sắc Giới, và với sự đoạn diệt tất cả những đối tượng vật chất và tư tưởng không còn tùy thuộc ý thức (no conscious thought). Tức là: không có vật chất, không có khái niệm về vật chất và không có tư tưởng thiện ác.
Định Thức Vô Biên Xứ (Samàpatti of the realm of infinity of consciousness = vijnà-nànantyàyatana): Thiền gia chỉ tập trung riêng về cái không biên giới của ý thức. Tức là: không có tư tưởng về không gian bên ngoài mà chỉ tập trung về không biên giới của ý thức.
Định Vô Sở Hữu Xứ (Samàpatti of the realm of nothingness): Thiền gia chỉ tập trung riêng về hư không (nothingness). Tức là: không có tư tưởng về ý thức mà chỉ tập trung về hư không (nothingness) hay Không (Emptiness).
Định Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ (Samàpatti of neither perception nor nonperception = Naivasamjnànàsamjnàyatana): Thiền gia ở trạng thái Phi Tưởng (không có tư tưởng) và Phi Phi Tưởng (không có phi tưởng). Tức là: không có tư tưởng, trong trạng thái hoàn toàn yên bình, có nhận thức nhưng không có tư tưởng (thought).
Muốn hiểu rõ Tứ Định của Vô Sắc Giới, ta phải mượn giáo lý của phái Đại thừa là Duy Thức Tánh tông về Tâm.
Tánh tông phân biệt Tâm của con người gồm có Tâm thức và Bản Tâm. Theo Phật Thích Ca và Phật Giáo Nguyên Thủy, Tâm của sanh mạng hay con người chỉ là Tâm thức (Conscious mind); Khác với Đại Thừa Tánh Tông và Thiền Tông, Phật Giáo Nguyên Thủy không nói tới Bản Tâm (Nature mind).
Theo Tánh tông, Tâm thức là hoạt động của tâm đối với đối tượng là thế giới sự vật hiện tượng bên ngoài. Tâm thức gồm có:
Tâm thức hoạt động từ hiện tượng của sự vật: từ cảm giác (sensation), tri giác (perception) cho đến cuối cùng là nhận thức (cognition) để có ý thức (consciousness).
Tâm thức hoạt động về hiện tượng của sự vật là tư tưởng hay tư duy (thought) gồm có lý trí và tình cảm (affection, sentiment). Lý trí gồm có suy nghĩ (thinking) và suy luận (reason). Từ ý thức hiểu biết về sự vật tâm thức mới có tư tưởng về sự vật, đó là ý kiến (view, idea).
Từ đó, Tứ Định của Vô Sắc Giới được giải thích như sau:
Bậc thứ nhất (Định Không Vô Biên Xứ): Ý kiến của thiền gia vượt qua khỏi vật chất (Sắc) của không gian bằng cách tập trung vào sự vô biên của không gian (= vô biên xứ = infinity of space). Nhờ đó thiền gia không còn tư tưởng (để phân biệt) thiện ác.
Bậc thứ nhì (Định Thức Vô Biên Xứ): Tư tưởng của thiền gia vượt qua khỏi không gian bên ngoài bằng cách tập trung vào sự vô biên của ý thức (= thức vô biên xứ = infinity of consciousness).
Bậc thứ ba (Định Vô Sở Hữu Xứ): Tư tưởng của tâm thức của thiền gia chỉ tập trung vào hư không (nothingness or emptiness) vì không còn dựa trên ý thức.
Bậc thứ tư (Định Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ): Không còn tư tưởng mặc dầu vẫn còn ý thức. Tuy nhiên mặc dù có hay không có nhận thức hay ý thức thì cũng hoàn toàn không có tư tưởng hay ý kiến. Do đó gọi là "phi tưởng phi phi tưởng". Đó là bậc cao nhất.
Ý thức = Hoạt động của Tâm thức từ Sự vật.
Tư tưởng = Hoạt động của Tâm thức về Sự vật. Tư tưởng hay Tư duy gồm có Lý trí và Tình cảm.
*
Bát Định (= Tứ Thiền hay Tứ Định của Sắc Giới và Tứ Định của Vô Sắc Giới) đạt được từ Tu Thiền Định.
Tại sao Tu Thiền Định đạt được Bát Định thì không giải thích được nhưng có xảy ra. Điều này có từ Ấn Độ Giáo rồi Phật Thích Ca đem Tu Thiền Định vào Phật Giáo và thịnh hành trong Thiền Tông cho đến ngày nay.
Tu Thiền định = Meditation for concentration
Thiền định = Dhyàna (= Meditation) = Dhyàna
Thiền định Ba la mật đa = Perfection of meditation = Dhyàna paramita
Chánh Định = Right Concentration = Samyag-Samàdhi
Bát Định = 8 Samàpattis (= 8 Concentrations) = 8 Samàpatti
Tứ Thiền (= Tứ Thiền na) = 4 Dhyànas (= 4 Meditational states) = 4 Dhyàna
Tứ Định của Sắc Giới = 4 Formed Concentrations = 4 Rùpya-samàpatti
Tứ Định của Vô Sắc Giới = 4 Formless Concentrations = 4 Àrùpya-samàpatti
Cửu Định = 9th Samàpatti (9th Concentration) = Nirodha-samàpatti
Định Sơ Thiền = 1st Dhyàna = Pathamajjhàna
Định Nhị Thiền = 2nd Dhyàna = Dutiyajhàna
Định Tam Thiền = 3rd Dhyàna = Tatiyajhàna
Định Tứ Thiền = 4th Dhyàna = Cathujjhàna
Tịnh = an tịnh, an tĩnh, tịch tĩnh = tranquil, calm = Samatha
Dhyàna = Jhàna = Thiền, Thiền Na (Hán Việt ngữ).
c) Thành Quả của Tứ Thiền và Bát Định
*
Bát Định của Phật Thích Ca là tâm an tịnh hoặc an bình mà không phiền não (không Khổ). Tâm (hay Tâm thức) không Phiền não từ Thiền định:
Tâm hay Tâm thức (gồm có nhận thức và tư tưởng) đến bậc Định Tứ Thiền (bậc cao nhất của Tứ Thiền) thì Tâm An hay an tịnh (tranquil, calm) mà không phiền não nhưng vẫn còn đối tượng là thế giới sự vật bên ngoài.
Tâm hay Tâm thức đến bậc cuối cùng của Tứ Định của Vô Sắc Giới (hay Bát Định) thì còn nhận thức hay ý thức nhưng đoạn diệt tư tưởng đối với thế giới sự vật bên ngoài. Như vậy, Tâm an bình (peaceful) và hoàn toàn không phiền não (vì không còn tư tưởng nữa).
Tương truyền rằng trước khi nhập diệt, Phật Thích Ca Tu Thiền Định vượt quá Bát Định đến bậc Cửu Định.
Cửu định hay Diệt Tưởng Định của Phật Thích Ca khi nhập diệt (trên cả Bát Định) chính là trạng thái không còn nhận thức hay ý thức nữa. Tâm thức hoàn toàn không có ý thức và tư tưởng về sự vật nữa.
*
Tuy nhiên Thiền Định hay Tâm Thiền Định của Phật Giáo chỉ cần để có được Tâm an hay an tịnh (tranquil) là Tâm đạt đến bậc Định Tứ Thiền, bậc cuối của của Tứ Thiền (Tứ Định của Sắc Giới) là đủ rồi. Thường được gọi là Chánh Định của Bát Chánh Đạo (Phật Giáo Nguyên Thủy) và Thiền Định Ba La Mật Đa của Lục Độ hay Thập Độ (Phật Giáo Đại Thừa).
Thiền Định của Phật Giáo không cần đến Tứ Định của Vô Sắc Giới và Cửu Định. Trong lịch sử chỉ có Phật Thích Ca đạt được Bát Định và Cửu Định như câu chuyện trước khi ngài nhập diệt.
Sau này, Thiền Mặc Chiếu của chi phái Tào Động của Thiền Tông đạt được bậc cuối cùng của Bát Định (từ Tu Thiền Định bí truyền của phái Tào Động?) để Tâm của Con người đoạn diệt tư tưởng đối với Sự vật nên không còn chấp ngã và tự ngã cho nên Tâm Giác ngộ! Phái Tào Động dựa trên quan niệm của Duy Thức Phái cho rằng Tư tưởng (từ Mạt Na thức) là chấp ngã và tự ngã. Mục đích đạt đến Bát Định của Thiền Mặc Chiếu là Giác ngộ chứ không phải là Thiền Định.
Sở dĩ Phật Giáo nhất là Thiền Tông không muốn người Tu Thiền Định đạt đến bậc cuối cùng của Bát Định là nhiều lý do:
Tu Thiền Định để đạt đến Định Tứ Thiền là đã khó khăn lắm rồi.
Tâm An hay An tịnh (tranquil) là đủ, không cần phải hơn nữa đến mức An bình (peaceful) mà phải đoạn diệt tất cả Tư tưởng. Lục tổ Huệ Năng của Thiền Tông hoàn toàn chống lại Đoạn diệt Tư tưởng (trong Pháp Bảo Đàn Kinh trang 88-89).
Thiền Tông chú trọng đến Giác ngộ nhiều hơn là Thiền Định vì Giác Ngộ là chủ yếu của Thiền Tông chứ không phải là Thiền Định. Hơn nữa, Bát Định của Thiền Mặc Chiếu chỉ giúp cho Đoạn Hoặc chứ không tạo ra Từ Bi (phần chính yếu của Giác ngộ).
Đối với Phật Giáo, đạt tới Định Tứ Thiền, bậc cuối cùng của Tứ Thiền (Tứ Thiền Na) hay Tứ Định của Sắc Giới, là Thiền Định rồi, không cần đến Tứ Định của Vô Sắc Giới.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
Bài viết này là trích đoạn từ 2 bài đăng trong phanthuonghai.com
1) Hành Hương và Huyền Thoại Phật Thích Ca (Bs Phan Thượng Hải)
2) Căn Bản Phật Pháp - Giác Ngộ và Thiền Định của Thiền Tông (Bs Phan Thượng Hải)

CẦN THƠ KỶ NIỆM (Nguyên bản)
Bắc qua sông Hậu đến Cần Thơ
Kỷ niệm êm đềm thú tuổi thơ
Từ những học đường gìn lễ giáo
Tự bao phố xá đẹp tình thơ
Trường Phan Thanh Giản, buồn thương tiếc
Giang cảng Ninh Kiều, nhớ thẩn thơ
Đại lộ Hòa Bình, cầu Cái Khế ...
Chung cùng Tham Tướng kết hồn thơ.
(Phan Thượng Hải)
7/28/23
CẦN THƠ HOÀI NIỆM (Họa)
Nhớ mãi Cần Thơ lúc tuổi thơ
Dân tình thong thả, thả hồn thơ
Cà phê Bưu Điện ngồi thơ thẩn
Đại lộ Hòa Bình đạp thẩn thơ
Chợ Cổ người đông vui tấp nập (*)
Ninh Kiều nước lớn đẹp nên thơ
Xem hình ảnh cũ càng hoài niệm
Thuở ấy sao mà nó rất thơ!
(Phan Kim Thành)
7/29/23
(*) Chợ Cổ: Tên gọi chợ Cần Thơ đầu tiên (ở nam của bến Ninh Kiều), khi sau này có nhiều chợ mới mở ra ở chỗ khác trong thành phố (lúc thành phố Cần Thơ đã mở rộng ra).
XỨ CẦN THƠ
Một thời thơ ấu: xứ Cần thơ
Từ giã ra đi, lúc tuổi … khờ
Đến ở Sài thành lo học vấn
Dọn về Chợ Quán vẫn nằm mơ
Nhớ ngôi nhà cũ lòng lưu luyến
Nhớ buổi trường tan dạ ngẩn ngơ
Mấy chục năm qua, nhiều biến đổi
Thủy chung mãi đẹp, mãi nên thơ.
(Phan Huệ Lan)
7/29/23
3 tác giả Thơ Xướng họa trên nguyên quán Cần Thơ, con cháu của Thi Sĩ Lãng Ba Phan Văn Bộ
__________________________
ĐỊA DANH THÀNH PHỐ CẦN THƠ và TỈNH HẬU GIANG
Bs Phan Thượng Hải biên soạn
Thành phố Cần Thơ
Quận Bình Thủy, Quận Cái Răng, Quận Ninh Kiều, Quận Ô Môn và Quận Thốt Nốt.
Huyện Cờ Đỏ: Thị trấn Cờ Đỏ
Huyện Thới Lai: Thị trấn Thới Lai. (Lúc trước là phần đất của huyện Cờ Đỏ)
Huyện Phong Điền: Thị trấn Phong Điền
Huyện Vĩnh Thạnh: Thị trấn Vĩnh Thạnh và Thị trấn Thạnh An
Tỉnh Hậu Giang
Thành phố Vị Thanh
Huyện Châu Thành: Thị trấn Ngã Sáu và Thị trấn Mái Dầm
Huyện Châu Thành A: Thị trấn Một Ngàn
Huyện Long Mỹ: Thị xã Long Mỹ và Thị trấn Trà Lồng
Huyện Phụng Hiệp: Thị xã Ngã Bảy
Huyện Vị Thủy: lúc trước là phần đất của Huyện Long Mỹ. Thị trấn Nàng Mau.
Thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang là địa phận của tỉnh Phong Dinh và tỉnh Chương Thiện thời VNCH.
Ca Dao:
Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh
Vú sữa nào ngọt bằng vú sữa Cần Thơ
Xứ Cần Thơ nam thanh nữ tú
Xứ Rạch Giá vượn hú chim kêu
Xứ Thủ Đức năm canh thức đủ
Kẻ cơ thần trở lại Cần Thơ
(*) Thủ Đức nói lái là thức đủ. Cơ thần nói lái là Cần Thơ.
Đất Cần Thơ nam thanh nữ tú
Đất Rạch Giá vượn hú chim kêu
Quản chi nắng sớm mưa chiều
Lên doi xuống vịnh cũng chèo theo em
Đất Châu Thành anh ở (*)
Xứ Cần Thơ anh trở lộn về
Bấy lâu sông cạn biển kề
Phân chia mai trúc dầm dề giọt châu
(*) Ý nói ở Sài Gòn
Đèn nào cao bằng đèn chợ Mỹ
Lộ nào kỹ bằng lộ Cần Thơ
Em thương anh lững thững lờ thờ
Giả như Tôn Các ngồi chờ Bạch Viên
Tàu số một chạy lên Vàm Tấn (*)
Tàu số hai chạy xuống Cần Thơ
Tuổi ba mươi em cũng ở vậy mà chờ
Lỡ duyên chịu lỡ cũng chờ được anh.
(*) Vàm Tấn là vàm Đại Ngãi thuộc Sóc Trăng.
Cần Thơ:
là vùng đất Chân Lạp khi xưa có tên là Prek Rusey nghĩa là Sông Tre. Prek=sông, rạch và Rusey=cây tre. Tên nầy không có liên quan gì với tên Cần Thơ.
là dịch âm từ tên tiếng Miên là Srôk Kìn Tho có nghĩa là Xứ Cá Sặc Rằn. Cá nầy lúc trước có nhiều ở vùng nầy. Cần Thơ là đọc trại từ Kìn Tho.
Có thuyết cho rằng có tên Cần Thơ là vì ngày xưa ở đây có trồng và bán nhiều "rau cần và rau thơm" nên có người "lẩn thẩn" gọi là "xứ Cần Thơ".
Cần Thơ có tên cũ là Phong Dinh vào thời VNCH (tỉnh Phong Dinh).
Cần Thơ cũng được gọi là Tây Đô. Từ ngữ Tây Đô có được là từ Học giả Phạm Quỳnh. Trong ký sự "Một Tháng Nam Kỳ" viết trên Nam Phong tạp chí năm 1919, ông Phạm Quỳnh khen tặng Cần Thơ là "Thủ đô miền Tây".
Quận Ninh Kiều là trung tâm của Thành phố Cần Thơ có Bến Ninh Kiều. Tên Ninh Kiều đầu tiên đặt cho bến Ninh Kiều rồi từ đó mới đặt tên cho Quận Ninh Kiều.
Dự án thành lập Bến nầy được Tỉnh trưởng lúc bấy giờ thời VNCH là ông Đỗ Văn Chước đệ trình lên chính quyền Ngô Đình Diệm và xin đặt tên là Ninh Kiều để kỷ niệm trận đánh chiến thắng quân Minh của Lê Lợi ngày 13-9-1426 tại Ninh Kiều. Bến Ninh Kiều được Bộ trưởng Nội Vụ đương thời là Lâm Lễ Trinh cắt băng khánh thành ngày 4-8-1958. Ông Lâm Lễ Trinh là người Cái Răng, Cần Thơ. Lúc đó con đường dọc theo sông Cần Thơ mang tên là (đường) Lê Lợi. Do đó cái tên của bến phải có liên quan tới Lê Lợi. Tên Ninh Kiều vừa hợp với lịch sử của Lê Lợi vừa hợp cho bến sông (bến của sông Cần Thơ).
Quận Ninh Kiều còn có cầu Tham Tướng lấy theo tên của quan Tham Tướng của Nguyễn Vương Phúc Ánh là Mạc Tử Sanh, con trai của quan Trấn Thủ Hà Tiên là Mạc Thiên Tứ. Mạc Tử Sanh tử trận tại đây trong chiến tranh với Tây Sơn. Quận Ninh Kiều cũng có rạch, cầu và chợ Cái Khế. Từ bến bắc Cần Thơ qua cầu Vị Thanh rồi cầu Cái Khế là vào trung tâm Thành phố Cần Thơ.
Bắc (Phà) Cần Thơ: bờ bên tỉnh Vĩnh Long thuộc Thị trấn Cái Vồn (huyện Bình Minh) và bờ bên Tp Cần Thơ thuộc phường Cái Khế, quận Ninh Kiều. Khoảng cách giữa 2 bến tàu là 1840m. Bắc được thay thế bằng cầu Cần Thơ, khánh thành năm 2010.

Thơ:
TÂY ĐÔ (*)
Noi theo hoạn lộ, ngẫu nhiên vào
Vào cảnh Phong Dinh, thích biết bao! (*)
Bến Bắc trang hoàng nhiều thục nữ
Thành Tây lịch sự lắm thân hào
Mặt tiền vui vẻ đoàn xe chạy
Sông Hậu mênh mang lượng sóng xao
Tao ngộ rừng hàn, quen mặc khách
Rượu bầu thơ túi mặc tiêu dao.
(Lãng Ba Phan Văn Bộ)
(*) Tây Đô và tỉnh Phong Dinh là tên gọi của Cần Thơ vào thời VNCH.
BẾN NINH KIỀU
Chước hay sáng lập bến Ninh Kiều (*)
Kiều diễm bao nhiêu thú bấy nhiêu
Lộ rộng lầu cao xe ngựa lắm
Sông xinh bờ đẹp cỏ hoa nhiều
Du dương nhạc cổ, người thêm thích
Rực rỡ đèn màu, cảnh dễ yêu
Man mác nước trôi, thuyền đủng đỉnh
Trăng chờ gió đón mặc tiêu diêu.
(Lãng Ba Phan Văn Bộ)
(*) Bến Ninh Kiều ở Cần Thơ lúc mới thành lập dưới thời ô. Tỉnh trưởng tên là Chước. Chữ Chước ở đây có 2 nghĩa (danh từ riêng và danh từ chung).
Bài thơ nầy đọc trong tiệc khánh thành bến Ninh Kiều ở dinh Tỉnh trưởng Cần Thơ.
CẦN THƠ KỶ NIỆM
Cái gì kỷ niệm xứ Cần Thơ?
Cái bến Ninh Kiều đẹp mộng mơ
Cái Tắc xe đi đường tẽ lối
Cái Răng ghe nhóm chợ gần bờ
Cái Vồn qua bắc, tàu xuôi ngược
Cái Khế ngang sông, nước lặng lờ
Cái Sắn theo kinh, người giữ đạo
Cái tình luyến nhớ thuở còn thơ.
(Phan Thượng Hải)
1/21/19
Ca Dao:
Bánh canh cọng vắn cọng dài
Bánh tằm xe cọng dài cọng vắn
Xứ Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai về xứ bạc thong dong cuộc đời
Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó thời không muốn về
Cần Thơ gạo trắng nước trong
Đậm tình non nước gợi lòng khách du
Nước biếc non xanh
Người bạn lành khó kiếm
Đây em cũng hiếm
Chẳng (Chưa) lựa đặng chỗ nào
Mảng lo buôn bán ra vào Cần Thơ
Phong Dinh đẹp lắm ai ơi
Bậu về bên đó cho tôi cùng về
Quận Bình Thủy ở làng Long Tuyền. Hai địa danh nầy hay đi đôi với nhau.
Long Tuyền là rạch chảy vào sông Cần Thơ. Gọi là Long Tuyền vì ở đúng "long mạch" theo phong thủy. Hình cái đầu vàm Long Tuyền giống như miệng con rồng và rạch Long Tuyền giống như thân con rồng. Năm 1852, quan Khâm sai Huỳnh Mẫn Đạt đi tới đây thì gặp sóng gió lớn nên thuyền ẩn vào rạch nầy được thoát nạn. Từ đó Huỳnh Mẫn Đạt đặt tên là Bình Thủy (=nước yên lặng, không sóng gió). Vào đầu thế kỷ 20, thường được gọi là làng Long Tuyền còn chợ và đình Bình Thủy.
Quận Ô Môn có tên Ô Môn là vì nơi đây trước kia là một vũng có cây môn nước. Ô Môn là vũng hay bàu có cây môn nước. Ô là vũng hay bàu. Ngọn=dòng nước nhỏ ở đầu sông rạch. Nổng=Gò.
Quận Ô Môn có Kênh Ô Môn, dài 14 km được đào năm 1894-1895. Nó được gọi là kênh Bà Đầm vì trong khi đào kênh thì Đốc công Pháp có đem theo vợ con sống trên cái nhà bè coi công nhân làm việc. Vợ ông Tây thường được gọi là bà Đầm.
Kênh Ô Môn nối tiếp theo có Kênh Thị Đội chảy về hướng tỉnh Kiên Giang.

Huyện Phong Điền lấy tên theo huyện Phong Điền gần kinh đô Huế vì từ lúc đầu di dân người Phong Điền (Huế) vào ở đây lấy tên nầy để ghi nhớ gốc gác của mình.
Huyện Cờ Đỏ có tên như vậy là vì hồi thời Pháp thuộc ở đây là 1 đồn điền lớn nhứt có cắm cờ màu đỏ (để phân biệt với màu cờ của những đồn điền khác). Huyện có nhiều kênh: kênh Thị Đội, kênh Thốt Nốt, kênh Đứng...
Thốt Nốt là dịch âm từ tiếng Miên Thnot có nghĩa Cây Dừa đường (Borassus flabellifer). Nơi đây lúc trước có trồng nhiều cây loại nầy. Thốt Nốt là đọc trại từ Thnot.
Huyện Thốt Nốt có kênh Thốt Nốt thông với kênh Ô Môn bằng Kênh Đứng. Kênh Thốt Nốt hợp với Kênh Thị Đội ở tỉnh Kiên Giang.
Cái Sắn là vùng dọc theo 2 bên bờ kênh Rạch Sỏi và lộ 80 từ sông Hậu Giang qua huyện Vĩnh Thạnh (thuộc Cần Thơ) và Thị trấn Thạnh An tới huyện Tân Hiệp (thuộc tỉnh Kiên Giang) và Thị trấn Tân Hiệp. Kênh Rạch Sỏi ở khúc này gọi là kênh hay "sông" Cái Sắn. Nằm 2 bên bkênh Cái Sắn và quốc lộ 80 (như tủy sống và cột sống) trong khoảng 12km có nhiều kênh đào ngắn như những cái xương sườn dài 1, 2km.
Cái Sắn có những người di cư đạo Công Giáo từ Bắc vào định cư ở đây vào năm 1956. Như vậy Cái Sắn ở phía Bắc Thành phố Cần Thơ, nằm trong 3 tỉnh: Cần Thơ-Hậu Giang, Kiên Giang và An Giang. Cái Sắn không hề là một địa danh hành chánh nhưng trên giấy tờ là thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Thốt Nốt.
Ca Dao:
Anh đây lên thác xuống ghềnh
Đá mòn sông cạn quyết chung tình với em
Bình Thủy lưu linh đáo lại Long Tuyền
Cảm thương ông Cử bỏ thiềng An Giang. (*)
(*) Ông Cử là ông Ngô Văn Định và ông Phạm Hữu Danh mộ nghĩa binh chống Pháp đánh đồn Săng Đá (ở Cần Thơ) đều bị giặc giết. Thiềng là Thành (đọc trại âm)
Ô Môn lúa tốt đầy đồng
Vàm Nhon, Ba Mít, đượm nồng ý thơ
Anh về Tân Thới bơ vơ
Ba Se em ở bao giờ thăm anh. (*)
(*) Ba Se là thuộc Cờ đỏ
Chiều chiều ra đứng cửa sau
Ngó về Thị Đội ruột đau như dần
Kênh Xáng mới đào, tàu Tây mới chạy
Thương thì thương đại bớ điệu chung tình
Con nhạn bay cao khó bắn
Con cá dưới ao quỳnh khó câu.
Trường Long nước trong con gái đẹp
Rạch Ông Hào cảnh lịch người xinh. (*)
(*) Rạch Ông Hào và làng Trường Long ở quận Phong Điền. Rạch lấy theo tên 1 người dân cố cựu ở đây (là ông tên Hào).
Chợ Thốt Nốt lập đài khán võ
Chợ Cờ Đỏ tuy nhỏ mà đông
Thấy em buôn bán anh chẳng vừa lòng
Để anh làm mướn kiếm từng đồng nuôi em
Cái Răng là dịch âm từ tiếng Miên là Kran có nghĩa là "Cà Ràn". Cà Ràn là một loại bếp lò có 3 chấu. Nơi đây khi xưa có bán loại bếp nầy. Cái Răng là đọc trại từ Kran và "Cà Ràn".
Huyện Châu Thành A có Cái Tắc thường gọi là Ngã Ba Cái Tắc vì nó nằm ngay quốc lộ 1 có ngã ba tẽ ra lộ 61 đi Vị Thanh (và Long Mỹ).
Châu thành dùng như một danh từ chung để chỉ: phố phường, thành thị, nơi dân cư đông đúc khu vực chính của một xứ hay một tỉnh vùng đất bao quanh ở cạnh, ở cạnh thành phố, thị xã, đơn vị hành chánh cấp huyện.
Sau khi chiếm toàn bộ Nam Kỳ vào năm 1867, Pháp chia 6 tỉnh Nam Kỳ ra 24 Hạt Tham Biện (Arondissement). Viên quan cai trị là Tham Biện (Inspecteur, sau là Administrateur). Lỵ sở của Hạt gọi là "Châu Thành" có chức vụ như "Trung tâm hành chánh" của Hạt. Bắt đầu từ năm 1912, địa danh Châu Thành chánh thức được đặt tên cho nhiều đơn vị hành chánh cấp quận ở các tỉnh Nam Kỳ. Nam Kỳ có tất cả 11 huyện Châu Thành.
Thị xã Vị Thanh thành lập từ Khu trù mật Vị Thanh thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Thị xã Vị Thanh có kênh Xà No chảy qua. Kênh Xà No dài 34km nối từ Vàm Xáng của sông Cần Thơ (1 nhánh của sông Hậu Giang) tới rạch Cái Tư (1 nhánh sông Cái Lớn của tỉnh Kiên Giang).
Xà No:
là dịch âm từ tên của người Pháp chỉ huy đào kênh nầy tên là Saint Tanoir. Xà No là đọc trại từ Tanoir.
(theo Sơn Nam) là dịch âm từ tiếng Miên Srok Snor có nghĩa là "Xóm có cây điên điển". Xà No là đọc trại từ Snor. Kênh đào qua vùng có nhiều cây điên điển?
Ca Dao:
Có ai qua chợ Lê Bình (*)
Xin cho tôi gởi chút tình nước non
(*) Là chợ Cái Răng (ở phường Lê Bình)
Cái Răng Ba Láng Vàm Xáng Phong Điền
Anh có thương thì cho bạc cho tiền
Đừng cho lúa gạo xóm giềng cười chê.
Cái Răng Ba Láng Vàm Xáng Phong Điền (*)
Anh thương em thì đừng cho bạc cho tiền
Cho nhơn cho nghĩa kẻo xóm giềng cười chê
Cái Răng Ba Láng Vàm Xáng Xà No (*)
Anh thương em thì mua cho một chiếc đò
Để em lên xuống thăm dò ý anh
(*) Sông Ba Láng ở huyện Châu Thành A
Chợ Cái Răng xứ hào hoa
Phố lầu hai dãy xinh đà hóa xinh
Có trường hát cất rộng thênh
Để khi hứng cảnh thích tình hát ca.
Trai nào khôn bằng trai Long Mỹ
Gái nào mủ mỉ bằng gái Hà Tiên

Thị xã Ngã Bảy (huyện Phụng Hiệp) cách Thành phố Cần Thơ 30 km. Gọi là Ngã Bảy vì đây là ngã bảy tụ họp của 7 con kênh.
Người Pháp lần lượt đào những kênh nầy vào đầu thế kỷ 20:
Năm 1901, đào kênh Mương Lộ dài 20 km nối liền Sóc Trăng và Phụng Hiệp. Gọi là "mương lộ" vì đất đào mương đưa lên đắp đường chạy song song
Năm 1908, đào mở rộng rạch Xẻo Vông chạy thẳng về sông Ba Láng nối với Cần Thơ.
Năm 1908, đào kênh Cái Côn dài 16 km nối liền Phụng Hiệp với sông Hậu Giang. Kênh rộng cả trăm thước nên được gọi là sông Cái Côn.
Khi tới gần mang cá của cầu Phụng Hiệp, kênh Cái Côn xẻ một nhánh nhỏ về huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) gọi là kênh Mang Cá.
Năm 1914, đào kênh Quản Lộ-Phụng Hiệp từ Cà Mau qua Bạc Liêu tới Phụng Hiệp nối với kênh Cái Côn dài 140 km. Từ Cà Mau lên tới đây, theo kênh Cái Côn tới sông Hậu Giang rồi qua Trà Ôn đi về Sài Gòn. Thật ra kênh đào từ Phụng Hiệp qua tỉnh Bạc Liêu (qua 3 huyện Giá Rai, Phước Long và Hồng Dân) và nối với rạch Quản Lợi của tỉnh Cà Mau. Rạch mang tên theo ông Hương quản tên Lợi ở vùng nầy. Hương Quản là một chức quan trong làng. Ngày xưa sách Pháp không bỏ dấu hỏi nên có tên là Kênh Quan Lộ-Phụng Hiệp.
Năm 1914, đào kênh Lái Hiếu dài 25 km từ Phụng Hiệp vào Long Mỹ (thuộc tỉnh Hậu Giang) nối với sông Cái Lớn của tỉnh Kiên Giang, xuyên qua vùng đất hoang vu toàn là lau sậy. Kênh mang tên của một lái buôn tên là Hiếu.
Năm 1914, đào kênh Xẻo Môn sâu vào cánh đồng thuộc xã Hòa Mỹ (huyện Phụng Hiệp). Môn là cây môn nước có ở đây.

Thơ:
ĐI TÀU QUA NGÃ BẢY (PHỤNG HIỆP)
Đèn trơ lửa đóm nháng ngời ngời
Nhen nhúm đòi nơi chẳng thấy người
Leo lét trăng soi muôn nệm cỏ
Mịt mù sương tỏa mấy nhà trôi
Trông sao nghĩ nỗi hồi lưu lạc
Nghe nước riêng buồn lúc lộng khơi
Châu võ đêm nay may có gặp
Bốn dân nghèo khó đặng ăn chơi.
(Bá Du Lê Đình Diễm)
Ca Dao:
Sông Ngã Bảy chảy về bảy ngả
Thuyền tới đây về ngả nào đây
Buồn không theo kịp chim bay
Xa nhau biết hẹn ngày nào gặp nhau.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
Bài viết này là trích đoạn trong bài "Địa Danh Miền Hậu Giang"; (Bs Phan Thượng Hải) đăng
trong phanthuonghai.com mục Lịch Sử và Thơ Văn phần Địa Lý Nước Việt.

NHẠC PHẨM MÙA HÈ của TÂN NHẠC MIỀN NAM
(Bs Phan Thượng Hải)
A. Cảnh Tình Mùa Hè
Khúc Ca Mùa Hè - Điệu Fox Trot - 1950.
Về đây ta lắng nghe muôn cung đàn. Đường tơ tha thiết vương hương nồng nàn
(Canh Thân)
Hè Về - Điệu Moderato.
Trời hồng hồng sáng trong trong. Ngàn phượng nắng rung ngoài song
(Hùng Lân)
Nhạt Nắng - Điệu very Slow; Điệu Slow Surf - 1958.
Tôi thương miền quê nhớ hoàng hôn trên đất xưa. Nghe tiếng tiêu mơ màng chiều hè
(Lời: Y Vân - Nhạc: Xuân Lôi)
Nắng Hạ - Điệu Slow Rock.
Bên nhau nắng hạ rộn ràng. Cho nhau thoáng rượu nồng nàn
(Nguyễn Trung Cang)
B. Tình Yêu trong Mùa Hè
Tóc Em Chưa Úa Nắng Hè - Điệu Boston.
Rồi nắng hạ tàn phai. Cơn mê tình ái. Rã rời lạc lối
(Phạm Mạnh Cương)
Đưa Em Vào Hạ - Điệu Ballade - 1968.
Mùa hè năm nay anh sẽ đưa em rời phố chợ đôi ngày. Qua miền xa mà nghe rừng thiêng gọi lá
(Trầm Tử Thiêng)
Hạ Trắng - Điệu Lente Expressivo; Điệu Slow Rock.
Gọi nắng! Trên vai em gầy. Đường xa áo bay. Nắng qua mắt buồn. Lòng hoa bướm say
(Trịnh Công Sơn)
Hoa Vàng Mấy Độ - Điệu Boston.
Em đến bên đời hoa vàng một đóa. Một thoáng hương bay bên trời phố Hạ
(Trịnh Công Sơn)
C. Tình Học Trò trong Mùa Hè
Lưu Bút Ngày Xanh - Điệu Bolero - 1964.
Lòng xao xuyến mỗi khi hoa phượng rơi. Nhắc lại câu chuyện buồn
(Thanh Sơn)
Nỗi Buồn Hoa Phượng - Điệu Habanera - 1966.
Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn. Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương
(Thanh Sơn và Lê Dinh)
Thương Ca Mùa Hạ - Điệu Tango Habanera - 1967 - Đức Minh hát đầu tiên.
Hè về rồi đây tâm hồn xuyến xao. Nhắc đến biệt ly thương cảm nỗi sầu
(Thanh Sơn và Bảo Thu)
Mùa Hoa Giã Biệt - Điệu Bolero - 1966
Mùa phượng vỹ gieo chi từ sầu biệt ly. Nhìn hoa nắng rơi rơi nghe lòng chơi vơi
(Thy Linh Trương Hoàng Xuân)
_____________
THƠ VÀ SỬ VIỆT - TỰ LỰC VĂN ĐOÀN
Bs Phan Thượng Hải biên soạn
Được thành lập từ năm 1932 trong thời Pháp Thuộc, Tự Lực Văn Đoàn đã có công sáng tạo phong trào Thơ Mới. Thi nhân và văn nhân của Tự Lực Văn Đoàn cũng có liên quan đến lịch sử chính trị ở Miền Bắc và Miền Nam sau năm 1945.
Bố cục
Tự Lực Văn Đoàn (trang 1)
Tự Lực Văn Đoàn và Thơ Mới (trang 2)
Thi Nhân Miền Bắc từ Tự Lực Văn Đoàn (trang 15)
Văn Nhân Miền Nam từ Tự Lực Văn Đoàn (trang 30)
TỰ LỰC VĂN ĐOÀN
Tự Lực Văn Đoàn (1932-1942) được thành lập bởi ông Nhất Linh Nguyễn Tường Tam với 2 tờ báo Phong Hóa và Ngày Nay và xuất bản nhiều sách. Nó chính thức có 4 Văn sĩ là Khái Hưng với 3 anh em Nhất Linh, Hoàng Đạo và Thạch Lam và 3 Thi sĩ là Thế Lữ, Tú Mỡ và Xuân Diệu.

Những sách nổi tiếng của Tự Lực Văn Đoàn:
Tiểu thuyết của Nhất Linh: Đoạn Tuyệt (1934), Lạnh Lùng (1936) và Đôi Bạn (1937)
Tiểu thuyết của Khái Hưng: Hồn Bướm Mơ Tiên (1933), Nửa Chừng Xuân (1934) và Thừa Tự (1937)
Tiểu thuyết của Hoàng Đạo: Con Đường Sáng (1940)
Tập Truyện ngắn của Thạch Lam: Gió Đầu Mùa (1937)
Tập Thơ của Thế Lữ: Mấy Vần Thơ (1935)Tập Thơ của Tú Mỡ: Dòng Nước Ngược (1943)
Tập Thơ của Xuân Diệu: Thơ Thơ (1938)
Ngoài 7 người nồng cốt (Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Thế Lữ, Tú Mỡ và Xuân Diệu); Tự Lực Văn Đoàn có nhiều cộng tác viên khác:
Văn sĩ: Trần Tiêu (em Khái Hưng), Thanh Tịnh, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Phạm Cao Củng, Nguyễn Công Hoan, Vi Huyền Đắc, Nguyễn Tường Bách...
Thi sĩ: Huy Cận, Đinh Hùng, Tản Đà...
Họa sĩ: Nguyễn Cát Tường, Lê Minh Đức, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân...
Tuyên ngôn của Tự Lực Văn Đoàn
Tự lực văn đoàn họp những người đồng chí trong văn giới; người trong đoàn đối với nhau cốt có liên lạc về tinh thần, cùng nhau theo đuổi một tôn chỉ, hết sức giúp nhau để đạt được mục đích chung, hết sức che chở nhau trong những công cuộc có tính cách văn chương.
Người trong Văn đoàn có quyền để dưới tên mình chữ Tự Lực văn đoàn và bao nhiêu tác phẩm của mình đều được Văn đoàn nhận và đặt dấu hiệu.
Những sách của người ngoài, hoặc đã xuất bản, hoặc còn bản thảo, gửi đến Văn đoàn xét, nếu hai phần ba người trong Văn đoàn có mặt ở Hội đồng xét là có giá trị và hợp với tôn chỉ thì sẽ nhận đặt dấu hiệu của Đoàn và sẽ tùy sứ cổ động giúp. Tự Lực văn đoàn không phải là một hội buôn xuất bản sách.
Sau này nếu có thể được, Văn đoàn sẽ đặt giải thưởng gọi là giải thưởng Tự Lực văn đoàn để thưởng những tác phẩm có giá trị và hợp với tôn chỉ của Đoàn.
Tôn chỉ của Tự Lực Văn Đoàn
1. Tự sức mình làm ra những sách có giá trị về văn chương chứ không phiên dịch sách nước ngoài nếu những sách này chỉ có tính cách văn chương thôi: mục đích là để làm giàu thêm văn sản trong nước.
2. Soạn hay dịch những cuốn sách có tư tưởng xã hội. Chú ý làm cho người và xã hội ngày một hay hơn.
3. Theo chủ nghĩa bình dân, soạn những sách có tính cách bình dân và cổ động cho người khác yêu chủ nghĩa bình dân.
4. Dùng một lối văn giản dị, dễ hiểu, ít chữ nho, một lối văn thật có tính cách An Nam.
5. Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có chí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ.
6. Ca tụng những nết hay vẻ đẹp của nước mà có tính cách bình dân, khiến cho người khác đem lòng yêu nước một cách bình dân. Không có tính cách trưởng giả quý phái.
7. Trọng tự do cá nhân.
8. Làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa.
9. Đem phương pháp khoa học thái tây ứng dụng vào văn chương Việt Nam.
10. Theo một trong 9 điều này cũng được miễn là đừng trái ngược với những điều khác.
TỰ LỰC VĂN ĐOÀN VÀ THƠ MỚI
a) Đại Cương về Thơ Mới
Danh từ "Thơ Mới" bắt đầu xuất hiện cùng lúc với phong trào "Thi Nhân Tiền Chiến". Vào đầuthập niên 1930s cho đến lúc bắt đằu cuộc chiến tranh 1945-1954 (thời kỳ Tiền Chiến), có xuất hiện nhiều thi nhân làm những Bài Thơ Mới và sáng tạo để áp dụng thêm những Thể Thơ Mới.
Do đó đề tài Thơ Mới gồm có Bài Thơ Mới và Thể Thơ Mới. Thơ Mới luôn dùng chữ Quốc ngữ.
Một Bài Thơ trong lịch sử thi văn nước Việt có 3 loại:
Bài Thơ Cổ Điển
Bài Thơ Mới Có Vần
Bài Thơ Mới Không Có Vần
* Bài Thơ Cổ Điển (Luôn Có Vần)
Thi nhân nước Việt sau khi dành độc lập nhất từ thời nhà Lý (thế kỷ thứ 10) đã có làm Thơ Cổ Điển với những Bài Thơ Cổ Điển dùng chữ Hán và chữ Nôm theo những Thể Thơ Cổ Điển.
Đường Luật Bát Cú (Bát Cú = 8 câu)
Đường Luật Tứ Tuyệt (Tứ Tuyệt = 4 câu)
Cổ Phong Tràng Thiên: Liên Tục hay gồm nhiều đoạn Tứ Cú
Lục Bát Đoản Thiên hoặc Tràng Thiên
Song Thất Lục Bát Đoản Thiên hoặc Tràng Thiên
(Bài Thơ Đoản Thiên có từ 8 câu trở xuống. Bài Thơ Tràng Thiên có nhiều hơn 8 câu).
Một Bài Thơ Cổ Điển chỉ dùng một Thể Thơ Cổ Điển mà thôi. Một Bài Thơ Cổ Điển Tràng Thiên thì luôn luôn liên tục.
Từ thế kỷ thứ 19, thi nhân của Thơ Cổ Điển dùng chữ Quốc ngữ.
* Bài Thơ Mới Có Vần
Thi nhân nước Việt dùng chữ Quốc ngữ (nhất là từ đầu thập niên 1930s) bắt đầu sáng tạo thêm những Thể Thơ Mới và làm những Bài Thơ Mới.
Những Thể Thơ Mới được sắp loại tùy theo cách gieo Vần:
Thể Thơ Mới Vần Liên Tiếp
Thể Thơ Mới Vần Ôm
Thể Thơ Mới Vần Gián Cách
Thể Thơ Mới Vần Hỗn Tạp
Thể Thơ Mới không có gì là sáng tạo mà chỉ bắt chước những Thể Thơ của Âu châu.
Vần trong các Thể Thơ Mới có những đặc tính:
Có nhiều Vần Trắc cũng như Vần Bằng
Có nhiều Vần Lơi cũng như Vần Chánh
Có thể có Lạc Vận
Một Bài Thơ Mới Có Vần Tràng Thiên có thể:
gồm những câu liên tục
gồm những đoạn tứ cú (4 câu)
Một Bài Thơ Mới Có Vần có thể:
chỉ áp dụng một Thể Thơ Mới hay Cổ Điển cho toàn bài thơ.
áp dụng nhiều Thể Thơ Mới hoặc Cổ Điển cho bài thơ (mỗi Đoạn của Bài Thơ có Thể Thơ khác nhau).
Câu thơ của Bài Thơ Mới Có Vần dùng Thể Thơ Mới có theo Luật Bằng Trắc gọi là Luật Đổi Thanh. Các thi sĩ giỏi của Thơ Mới đều dùng Luật Đổi Thanh mặc dù luật nầy không bắt buộc cho thi nhân phải dùng như luật Bằng Trắc của những Thể Thơ Cổ Điển và Bài Thơ Cổ Điển.
b) Thơ Mới và Tự Lực Văn Đoàn
Tự Lực Văn Đoàn dẫn đầu phong trào Thơ Mới bắt đầu từ đầu thập niên 1930s. Các thi nhâncủa Tự Lực Văn Đoàn áp dụng tất cả mọi Thể thơ Mới (với Luật Đổi Thanh) và mọi Thể thơ Cổ điển kể cả Thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú.
Theo "thái tây", đề tài của tất cả thi nhân Tự Lực Văn Đoàn (dẫn đầu là Xuân Diệu và Huy Cận) là tình yêu và tình thương nhớ, với tính cách sầu buồn, lãng mạn nhưng cũng đầy lý tưởng.
Thế Lữ và nhất là Tú Mỡ còn có nhiều đề tài rộng rãi hơn về nhân sinh trong xã hội đương thời Pháp thuộc cũng như cảnh vật.
Tú Mỡ dùng thể Thơ Cổ điển để chọc ghẹo các thi nhân và văn nhân theo "thái tây" dùng chữ Quốc ngữ nhưng họ vẫn còn ảnh hưởng đạo Khổng và còn có tính cách trưởng giả. Đặc biệt là Tú Mỡ nhắm vảo Tản Đà và Nam Phong tạp chí...
Đây là Thơ về 2 ông Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh:
Nước Nam có hai người tài
Thứ nhất xừ Ĩnh thứ hai xừ Uỳnh
Một xừ béo núng rung rinh
Một xừ lều dều như hình cò hương
Không vốn liếng chẳng ruộng nương
Chỉ đem dư luận bán buôn làm giàu.
(Báo Phong Hóa) 22-7-32
Các thi nhân của Tự Lực Văn Đoàn trong thời Pháp Thuộc đã để lại nhiều bài thơ tuyệt tác và tạo ảnh hưởng sâu đậm đến những thi nhân Thơ Mới sau nầy trong sáng tác những đề tài tình yêu.
* Thơ Tình
YÊU
Yêu, là chết ở trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chẳng được yêu?
Cho rất nhiều, song chẳng nhận bao nhiêu
Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết.
Phút gần gũi cũng như giờ chia biệt
Tưởng trăng tàn, hoa tạ với hồn tiêu
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu!
- Yêu là chết ở trong lòng một ít
Họ lạc lối giữa u sầu mù mịt
Những người si theo dõi dấu chân yêu
Và cảnh đời là sa mạc cô liêu
Và tình ái là sợi dây vướn vít
Yêu, là chết ở trong lòng một ít.
(Xuân Diệu)
MỘT TÌNH YÊU
Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất,
Đem cho em kèm với một lá thư.
Em không lấy là tình anh đã mất
Tình đã cho không lấy lại bao giờ
Thực thì mỏng như suốt đời mộng ảo,
Tình thì buồn như tất cả chia li,
Xếp khuôn giấy để hoài trong túi áo,
Mãi trăm lần mới gấp lại đưa đi.
Em xé như lòng non cùng giấy mới
Mây dần trôi hôm ấy phủ sơn khê
Thôi thôi nhé! Hoa đã sầu dưới đất
Cười trên cành sao được nữa em ơi!
Anh chỉ còn một tình yêu thứ nhất
Đem cho em là đã mất đi rồi!
(Xuân Diệu)
CHIỀU
Hôm nay, trời nhẹ lên cao,
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn...
Lá hồng rơi lặng ngõ thuôn,
Sương trinh rơi kín từ nguồn yêu thương.
Phất phơ hồn của bông hường,
Trong hơi phiêu bạt còn vương máu hồng.
Nghe chừng gió nhớ qua sông,
E bên lau lách thuyền không vắng bờ.
- Không gian như có dây tơ,
Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu.
Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều,
Lòng không sao cả, hiu hiu khẽ buồn...
(Xuân Diệu)
TRÀNG GIANG
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy giòng
Lơ thơ cồn cỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống trời lên sầu chót vót
Sông dài trời rộng bến cô liêu
Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa
Lòng quê rờn rợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
(Huy Cận)
NGẬM NGÙI
Nắng chia nửa bãi; chiều rồi...
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu.
Sợi buồn con nhện giăng mau;
Em ơi! hãy ngủ... anh hầu quạt đây.
Lòng anh mở với quạt này;
Trăm con chim mộng về bay đầu giường.
Ngủ đi em, mộng bình thường!
Ru em sẵn tiếng thuỳ dương mấy bờ...
Cây dài bóng xế ngẩn ngơ...
- Hồn em đã chín mấy mùa thương đau?
Tay anh em hãy tựa đầu,
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi...
(Huy Cận)
CÂY ĐÀN MUÔN ĐIỆU
Tôi là người bộ hành phiêu lãng
Đường trần gian xuôi ngược để vui chơi:
Tìm cảm giác hay trong tiếng khóc, câu cười,
Trong lúc gian lao, trong giờ sung sướng,
Khi phấn đấu cũng như hồi mơ tưởng.
Tôi yêu đời cùng với cảnh lầm than,
Cảnh thương tâm, ghê gớm, hay dịu đàng.
Cảnh rực rỡ, ái ân hay dữ dội.
Anh dù bảo: tính tình tôi hay đổi,
Không chuyên tâm, không chủ nghĩa: nhưng cần chi?
Tôi chỉ là một khách tình si
Ham vẻ Đẹp có muôn hình, muôn thể.
Mượn lấy bút nàng Ly Tao, tôi vẽ,
Và mượn cây đàn ngàn phím, tôi ca
Vẻ đẹp u trầm, đắm đuối, hay ngây thơ,
Cũng như vẻ Đẹp cao siêu, hùng tráng
Của non nước, của thi văn, tư tưởng.
Dáng yêu kiều tha thướt khách giai nhân;
Ánh tưng bừng linh hoạt nắng trời xuân;
Vẻ sầu muộn âm thầm ngày mưa gió;
Cảnh vĩ đại, sóng nghiêng trời, thác ngàn đổ;
Nét mong manh, thấp thoáng cánh hoa bay;
Cảnh cơ hàn nơi nước đọng bùn lầy;
Thú sán lạn mơ hồ trong ảo mộng;
Chí hăng hái đua ganh đời náo động:
Tôi đều yêu, đều kiếm, đều say mê.
Tôi sẵn lòng đau vì tiếng ai bi,
Và tôi cảm khái bởi những lời hăng hái.
Tôi ngợi ca với tiếng lòng phấn khởi,
Tôi thở than cùng thiếu nữ bâng khuâng,
Tôi véo von theo tiếng sáo lưng chừng,
Tôi yên ủi với tiếng chuông huyền diệu,
Với Nàng Thơ, tôi có đàn muôn điệu;
Với Nàng Thơ, tôi có bút muôn màu;
Tôi muốn làm nhà nghệ sĩ nhiệm mầu;
Lấy Thanh Sắc trần gian làm tài liệu.
(Thế Lữ)
NHỚ RỪNG
Gậm một khối căm hờn trong củi sắt
Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua
Khing lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé riễu oai linh rừng thẵm,
Nay sa cơ, bị nhọc nhằn tù hãm,
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi
Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.
Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ
Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa.
Nhớ cõi sơn lâm, bóng cả, cây già,
Tiếng gió gào ngàn, giọng nguồn hét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội,
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc.
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc
Là khiến cho mọi vật đều im hơi,
Ta biết ta chúa tể của muôn loài,
Trong chốn thảo hoa, không tên, không tuổi
Nào những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,
Ta lặn ngắm giang sơn ta đổi mới
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng.
Ta đợi tắt mảnh mặt trời gay gắt,
Để chiếm lấy riêng ta vùng bí mật?
Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?
Nay ta ôm bầu uất hận ngàn thâu,
Ghét những cảnh không đời nào thay đổi,
Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối.
Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng;
Giải nước đen giả suối, chẳng thông dòng
Len dưới nách những mô gò thấp kém;
Dăm vừng lá hiền lành, không bí hiểm,
Cũng học đòi bắt chước vẽ hoang vu
Của chốn ngàn năm cao cả, âm u.
Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!
Là nơi giống hùm thiêng ta ngự trị,
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa,
Nơi chẳng mong còn thấy lại bao giờ
Có biết chăng trong những ngày ngao ngán,
Ta đang theo giấc mộng ngàn to lớn
Để hồn ta phảng phất được gần ngươi,
- Hỡi cảnh rừng kiêu hãnh của ta ơi!
(Thế Lữ)
MƯỜI THƯƠNG
Một thương tóc lệch đường ngôi,
Hai thương quần trắng, áo mùi, khăn san.
Ba thương hôm sớm điểm trang,
Bốn thương răng ngọc hai hàng trắng phau.
Năm thương lược Huế cài đầu,
Sáu thương ô lục ngả màu thanh thiên.
Bảy thương lắm bạc nhiều tiền,
Tám thương động tí nữ quyền giở ra.
Chín thương cô vẫn ở nhà,
Mười thương... thôi để mình ta thương mình...
(Tú Mỡ)
TƯƠNG TƯ
Vì ai nên nỗi nhớ cùng thương
Một mối tơ tình dạ vấn vương
Sáu khắc mơ màng hình bạn ngọc
Năm canh nhớ tưởng bóng người vàng
Ruột tằm chín khúc vò tơ rối
Giấc điệp năm canh diễn khắc trường
Muốn nhắn cùng ai, ai nhắn hộ
Mòn đuôi con mắt giải sông Tương.
(Tú Mỡ)
Le Sonnet d'Arvers, paru en 1833 dans le recueil poétique “Mes heures perdues” de Felix Arvers,
est l'un des sonnets les plus populaires du XIXe siècle.
LE SONNET
« Mon âme a son secret, ma vie a son mystère:
Un amour éternel en un moment conçu.
Le mal est sans espoir, aussi j'ai dû le taire,
Et celle qui l'a fait n'en a jamais rien su.
Hélas! j'aurai passé près d'elle inaperçu,
Toujours à ses côtés, et pourtant solitaire,
Et j'aurai jusqu'au bout fait mon temps sur la terre,
N'osant rien demander et n'ayant rien reçu.
Pour elle, quoique Dieu l'ait faite douce et tendre,
Elle ira son chemin, distraite, et sans entendre
Ce murmure d'amour élevé sur ses pas;
À l'austère devoir pieusement fidèle,
Elle dira, lisant ces vers tout remplis d'elle:
« Quelle est donc cette femme? » et ne comprendra pas. »
(Felix Arvers)
TÌNH TUYỆT VỌNG
Lòng ta chôn một khối tình,
Tình trong giây phút mà thành thiên thâu.
Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu,
Mà người gieo thảm như hầu không hay.
Hỡi ơi, người đó ta đây,
Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân?
Dẫu ta đi trọn đường trần,
Chuyện riêng dễ dám một lần hé môi?
Người dù ngọc nói hoa cười,
Nhìn ta như thể nhìn người không quen.
Đường đời lặng lẽ bước tiên,
Ngờ đâu chân đạp lên trên khối tình.
Một niềm tiết liệt đoan trinh,
Xem thơ nào biết có mình ở trong.
Lạnh lùng lòng sẽ hỏi lòng:
"Người đâu ta ở mấy dòng thơ đây?"
(Khái Hưng Trần Khánh Giư dịch)
* Thơ về Nhân sinh trong xã hội Pháp Thuộc
TRỤY LẠC
Rượu ân ái đắm ngây lòng chán nản
Rót tràn đi, rót nữa, tình nhân ơi!
Ta lắng nghe gió thoảng ở bên tai
Có phải chăng vẫn réo lời thống khổ?
Cứ rót nữa! Bao giờ mê quá độ
Vơ tóc em lau cặp mắt đờ say
Rồi trông ra màu khói thuốc mù bay
Ta chỉ thấy những màu tươi sặc sỡ.
Ồ những tấm thân nõn nà nghiêng ngửa!
Những tràng cười khoái lạc, giọng dòn tan!
Những điệu lẳng lơ, khiêu khích, nồng nàn!
Những khúc hát lả lơi hay uỷ mị!
Hỡi gái giang hồ! Bạn tình ô uế!
Biết chăng em, đó là thú mê tơi,
Để cho ta không thiết đến ngày mai.
Đời ta nữa. - Ngày mai là lúc tỉnh.
Cũng như em, tâm hồn ta đã lạnh
Tự lâu rồi, từ cái thuở xa xăm
Mà ánh sáng chim ca, mà bóng gió âm thầm.
Hay nét hoa tươi hay màu lá rụng
Cũng đủ khiến cho lòng ta rung động.
- Ta ngây thơ như cô gái đương xuân,
Nhưng đến nay, cô ấy trải phong trần
Đã dày dạn, thấy đời thô rõ quá!
Lòng đã tắt không còn tin tưởng nữa,
Thì quên đi, quên hết để say sưa,
Để mê ly trong thú ái ân vờ
Để trốn tránh những ngày giờ trống trải.
Em ơi, ta không dám để lòng ta nhớ lại
Vì đôi phen trong những lúc điên cuồng
Mảnh hồn thơ còn thoi thóp giữa đêm suông
Bắt ta tiếc quãng đời trong trắng mãi.
(Thế Lữ)
BÚT SẮT CƯỚI BÚT LÔNG
Anh sắt mà cưới chị Lông
Mối manh ai mách? Tơ hồng nào se?
Khi xưa mới cưới nhau về
Chồng yêu vồn vã, vợ e sượng sùng
Đông Tây buổi mới lạ lùng
Bởi chưng ngôn ngữ bất đồng chán nhau
Sì sồ anh nói làu làu
Ngẩn ngơ chị cứ lắc đầu rằng "không"...!
Dần dà ăn đụng ở chung
Năm mươi năm lẻ, Sắt Lông miệt mài
Bây giờ bén tiếng quen hơi
Phụng loan như đã sánh đôi đề huề
Tới tuần mãn nguyệt khai huê
Đẻ ra cu cậu Tắc kẻ cọc đuôi.
(Tú Mỡ)
BỐN CÁI MONG CỦA THẦY PHÁN
Làm nghề thầy ký với thầy thông
Sống ở trên đời có bốn mong:
Mong tháng chóng qua, tiền chóng lĩnh
Mong giờ mau hết, việc mau xong
Mề đay mong được dăm mười chiếc
Lương bổng mong tăng sáu bẩy đồng
Hãy tạm thời nay mong thế thế
Còn bao mong nữa xếp bên lòng.
(Tú Mỡ)
KHUYÊN AI KÉN VỢ
Lấy vợ khuyên ai kén vợ hiền
Kén người đức hạnh, bậc chân chuyên
Tốt duyên gặp được người như nguyện
Giá nọ nhà vàng đúc cũng nên
Lấy vợ khuyên ai kén vợ xoàng
Cần chi giàu có với quan sang
Quí hồ nội trợ tề gia giỏi
Cái cảnh gia đình mới vẻ vang
Lấy vợ khuyên ai cốt chữ tình
Xin dừng vụ lợi với ham danh
Mấy người tiểu kỷ vì danh lợi
Khó trọn cùng nhau nghĩa tử sinh
Lấy vợ không nên kén vợ giàu
E rằng ỷ của lại khinh nhau
Hổ thay ! Cái tiếng nhờ lưng vợ !
Tiếng ấy anh hùng há chịu đâu !
Lấy vợ không nên lấy ả đầu
Hoa tàn, nhị rữa, tiết còn đâu
Chỉ quen nghề nghiệp nhà son phấn
Chẳng trách phương ngôn đã có câu (*)
Lấy vợ không nên lấy vợ nhiều
Một bà thôi cũng đủ thương yêu
Ai về nhắn nhủ phường tham thịt
Cả lẻ làm chi, tổ ỷ eo…!
(Tú Mỡ)
(*) Chú thích: Phương ngôn rằng: “Lấy quan, quan cách, lấy khách, khách về Tàu, lấy nhà giàu,
nhà giàu hết của”.
* Thơ Xướng Họa giữa Tú Mỡ và Tản Đà
GỬI ĐÙA BÁC TÚ MỠ
(Xướng)
Tôi, bác, sao mà bác Tú ơi,
Cùng tên, ta lại ở đôi nơi!
Khói mây non Tản tôi gầy lắm
Bơ sữa thành Long bác béo hoài
Cốt có rượu thơ người sống nổi
Quản chi mưa gió cuộc đời trôi
Thơ này Hiếu gửi đăng “Phong hoá”
Hiếu có thanh nhàn thử hoạ chơi.
(Tản Đà)
(Họa)
Kể chi xa cách, bạn thơ ơi,
Lời gửi thăm nhau miễn tới nơi.
Đủ mỡ, tôi không phì nộn lắm,
Tăng sương! Bác chớ quở quang hoài!
Rượu chè, tiên vẫn say sưa khướt?
Thơ phú người thuê, viết lách trôi?
Nghe nói Hiếu gầy hay Hiếu ốm?
Hôm nào thư thả Hiếu lên chơi.
(Tú Mỡ)
(*) Chú thích: Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu và Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu có cùng tên Hiếu.
TẢN ĐÀ CỐC TỬ
(Xướng)
Nghe đồn bác Hiếu, Tản Đà
Mở hàng lý số tỉnh Hà nay mai
Chừng bác thấy lắm ngài “Lốc Cốc”
Chỉ chuyên môn nói róc ăn tiền
Tán hưu tán vượn huyên thiên
Nói thánh nói tướng như tiên như thần
Nghề bẽm mép kiếm ăn cũng dễ
Chẳng khổ như cái nghệ làm văn
Lao tâm trí, tổn tinh thần
Nhà thơ vắt óc tìm vần gọt câu
Lắm lúc bí gan rầu ruột thắt
Thức đêm thâu mỏi mắt phờ râu !
Nhọc nhằn ai biết công đâu
Để cho thiên hạ giải sầu mua vui
Nghề thơ chẳng đủ nuôi thi sĩ
Nên bạn tôi phải nghĩ đường xoay
Nhà Nho chữ tốt văn hay
Thời khoa lý số hẳn tay cũng tái
Vả xưa đã dùi mài Kinh Dịch
Báo An Nam chú thích tinh tường
Ngày nay đoán việc âm dương
Hẳn không bổ phượu như phường ba hoa
Nào hãy đến Tản Đà Cốc Tử
Quẻ Càn Khôn hỏi thử xem sao
Xem tài thầy thấp hay cao
Mười câu họa có câu nào sai chằng ?
Dù thầy có tán trăng tán cuội
Nghe nhà thơ lời nói văn hoa
Nhất khi rượu đã khề khà
Tán đâu ra đấy đậm đà có duyên
Thời khách mất đồng tiền đặt quẻ
Cũng vui tai và sẽ vừa lòng
Nhưng xin thầy chớ “nói ngông”.
(Tú Mỡ)
TẢN ĐÀ CỐC TỬ
(Họa)
Nghe ai bỉ báng Tản Đà
Báo chương lên tiếng tỉnh Hà mỉa mai
Ừ ! Tớ vẫn học tài Quỷ Cốc
Nhưng chẳng hay nói róc lấy tiền
Thiên hương chưa bén duyên thiên
Rượu thơ còn vẫn chén tiên câu thần
Cuộc trần thế kiếm ăn chẳng dễ
Rẻ rúng thay là nghệ làm văn !
Thâu đêm hao tổn tinh thần
Đèn xanh chiếc bóng xoay vần từng câu
Nào ai biết gan sầu ruột thắt
Thế mà sao mỏi mắt cùn râu
Nỗi niềm thực thế vì đâu ?
Quá thương cất chén gượng sầu, làm vui
Đấng tạo hóa còn nuôi thi sĩ
Các thánh sư phải nghĩ đường xoay
Dẫu rằng lý số không hay
Chu Công, Khổng Tử ứng tay nên tài
Từ thuở nhỏ dùi mài Kinh Dịch
Báo An Nam nghĩa thích đã tường
Việc đời hai chữ “Âm Dương”
Tiếc thay mất giá tại phường ba hoa
Trời mới bảo Tản Đà tiểu tử
Vạch Kiền Khôn xét thử tại sao ?
Trổ tài thần thánh tuyệt cao
Mà cho thiên hạ xem vào phải chăng
Mặc những kẻ tán trăng tán cuội
Sá chi ai lời nói ba hoa
Giang sơn đương lúc khề khà
Nghe thơ Tú Mở đậm đà có duyên
Riêng với bác miễn tiền đặt quẻ
Đoán thật hay bác sẽ ghê lòng
Tuổi già nay tớ không ngông!
(Tản Đà)
THI NHÂN MIỀN BẮC TỪ TỰ LỰC VĂN ĐOÀN
Trong 8 người chánh của Tự Lực Văn Đoàn, cuộc đời chính trị theo giòng lịch sử của những thi
sĩ hoàn toàn trái ngược với các văn sĩ.
Ông Nhất Linh Nguyễn Tường Tam bôn ba rồi phải tự tử chết, ông Hoàng Đạo NguyễnTường Long (1907-1948) và Thạch Lam Nguyễn Tường Lân (1910-1942) bị bệnh chết sớm cònông Khái Hưng Trần Khánh Giư bị thủ tiêu (1947). Ông Thạch Lam là cha vợ của Trung tướngNgô Quang Trưởng (của VNCH).
Trong khi các văn sĩ thì hoặc là “nghịch gió” hay “lặng gió”, các thi sĩ cũ của Tự LựcVăn Đoàn rất thành công “cuốn theo chiều gió”. Đó là trường hợp của Xuân Diệu, Huy Cận, Tú Mỡ và Thế Lữ.
a) Thế Lữ và Tú Mỡ

Thế Lữ (1907-1989) tên thật là Nguyễn Đình Lễ rồi đổi là Nguyễn Thứ Lễ. Còn có hiệu là Lê Ta tức là “Lê Ngã” (Ngã là tiếng Hán, Ta là tiếng Nôm) tức là “lê” ngã “lễ”! Ông sinh và chết ở Hà Nội. Ông có tham gia kháng chiến, chuyên về kịch. Sau 1945, ông Thế Lữ ở lại ngoài Bắc chỉ chuyên về Kịch Nghệ mà thôi chứ không làm một bài thơ nào nữa.
Ông Thế Lữ lấy vợ lúc 17 tuổi. Người vợ đầu (lớn hơn ông 2 tuổi) dắt 3 đứa con nhỏ di cư vào Nam. Ông ở lại với đức con cả và lấy vợ thứ nhì là một “Nghệ sĩ Nhân Dân”.

Tú Mỡ (1900-1976) tên thật là Hồ Trọng Hiếu, sinh và chết ở Hà Nội. Tú Mỡ là bạn đời của Thế Lữ, vẫn tiếp tục viết thi văn sau 1954 ở ngoài Bắc. Con rể là nhà văn Doãn Quốc Sỹ di cư vào Nam. Dòng thơ của ông có thay đổi sau năm 1945. Trong kháng chiến 1945-54, Tú Mỡ làm thơ ủng hộ kháng chiến ở Miền Bắc và chống Pháp.
CÂU CHUYỆN "TƯỚNG ĐI ỈA"
Tết ta chơi tam cúc,
Lỡ khi tướng phải chui,
Ta thường nói đùa vui:
“A ha! Tướng đi... ỉa!”
Nhưng ai có rõ nghĩa
Câu ấy ở đâu ra?
Đây xin kể nôm na
Điển tích này cũng mới:
Tháng mười một năm ngoái,
Tướng Alếchxăngđờri (*)
Nướng tét ở biên thuỳ
Hai tiểu đoàn chủ lực.
Thực dân bèn cách chức,
Lôi anh khác lên thay.
Đờlatua tướng này (*)
Nghe đồn tay cũng đảm
Cầm quân vừa một tháng,
Quan tướng đã vô tình
Lại đem cúng “Việt minh”
Hai tiểu đoàn thiện chiến!
Thực dân đau chết điếng,
Chỉ những thua là thua!
Cách cổ Đờlatua, (*)
Cử Sài lang kế chức. (*)
Tướng bị chui hậm hực...
Hãng tin A.F.P.
Chữa khéo: “tướng phải về
Vì ngài mắc kiết lị”
Thực là câu chí lý!
Người Việt Nam chúng ta
Cũng bảo quả không ngoa:
“Tướng thua tướng đi... ỉa”
Ôi mớ đời mai mỉa!
Đánh chác bốn năm nay,
Bao tướng ta đổi thay,
Tình hình vẫn bi đát.
Nay ông tướng Đờlát (*)
Họ Đờ Tátxinhi (*)
Mới lên bài đã bi:
Đông Bắc và Vĩnh Phúc
Bảy tiểu đoàn ngã gục.
Canh bạc gặp hồi đen,
Cứ mất kết liền liền,
Rồi cũng đến kiết lị
Cắp đít về Tây... ị!
(Tú Mỡ)
17-01-1951
(*) Chú thích: Các Tướng của Pháp là Alexandrie, De Latour, Salan, De Lattre De Tassigny.
TAM KHÍ DE TASSIGNY
Nhớ xưa đời Tam Quốc
Chuyện tam khí Chu Du:
Đô đốc bên Đông Ngô
Bị Khổng Minh chọc tức,
Ba lần quá uất ức
Đến nỗi hộc máu tươi,
Lúc chết còn kêu trời:
"Sinh Du hà sinh Lượng!"
Uổng một đời danh tướng
Kể cũng đáng buồn thay
Chuyện kháng chiến ngày nay:
Ta đánh thực dân Pháp.
Tướng giặc tên De Lattre
Họ de Tassigny
Vừa chết, bệnh não gì?
Chẳng qua vì ức đó!
Trận Ninh Bình dạo nọ,
Có một mống con trai
Đã đóng lon quan hai
Bị quân ta khử mất,
Thế là một lần uất.
Rồi quan tướng trổ tài
Lập chiến lược "vòng đai"
Tưởng là ghê gớm lắm!
Té ra "vòng đai trắng"
Lại hoá "vòng đai hồng"
Quân ta đánh tứ tung,
Vòng đai đứt bùng bục
Thế là hai bận ức.
Sau đến trận Hoà Bình,
Quan tướng keo tinh binh
Chiếm đóng ngay thị xã.
Tưởng chiến công rực rỡ
Nào ngờ bị bao vây
Ròng rã ba tháng nay,
Sống dở và chết dở.
Quân vào cạm mất gở
Tướng lại chuồn về
Tây Càng nghĩ lại càng gay
Thế là ba bận ức.
Tức cha chả là tức!
Nghĩ nát ruột thối gan
Ốm rồi chết. Đời tàn!
Tiêu danh tiêu sự nghiệp.
Chẳng hay trước khi chết
Tướng có kêu sầu bi:
"Trời sinh Tassigny
Sao sinh Võ Nguyên Giáp!" (*)
(Tú Mỡ)
09-02-1052
(*) Chú thích: Tú Mỡ so sánh Tướng De Lattre De Tassigny, Tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp như Châu Du và Võ Nguyên Giáp như Khổng Minh trong thời Tam Quốc.
Sau Hiệp định Genève (1954), Tú Mỡ làm thơ chống Miền Nam và chính phủ Ngô Đình Diệm.
TỨ ĐẠI CỦA BÀ LỚN
Vừa rồi thống Diệm mới phong cho
Thím nó (tức là vợ chú Nhu)
Cái tước "Cộng hòa bà lớn nhất"
Để dương danh giá của... bà to...
Một là cái bọng của bà to,
Phề phệ y như cái bọng bò
Vắt khố dân cày bà ních bẫm
Bao năm bèo bổ tức cùng tô.
Hai là cái mặt của bà to
Phèn phẹt y như mặt hổ phù
Bác thống cho ra làm đại diện
Còn trơ hơn thớt, cộp hơn mo.
Ba là cái miệng của bà to
Xoạc tận mang tai tựa miệng sò
Quàng quạc kêu gào xui phụ nữ
Bán mình đăng lính với đi phu.
Bốn là "nhân vị" của bà to,
Việc "ngoại giao" mần giúp bác Ngô,
Rất được vừa lòng quan chủ Mỹ
Ngày đêm khăng khít bợ cơ đồ.
Bác nó làm to, thím cũng to
Bốc nhau thối hoắc thật nhiều trò
Đúng như cửa miệng người ta mỉa
"Một đứa làm quan cả họ nhờ!"
(Tú Mỡ)
03-05-1957
(*) Chú thích: Bà Lớn đây là bà Ngô Đình Nhu. b) Xuân Diệu và Huy Cận

* Xuân Diệu
Xuân Diệu (1916-1985) tên thật là Ngô Xuân Diệu, sinh ở Bình Định (Qui Nhơn) và chết ở Hà Nội. Xuân Diệu tham gia kháng chiến với em rể là Huy Cận.
Xuân Diệu chỉ cưới vợ trong sáu tháng nhưng sau đó sống độc thân cho đến khi mất do đó ông bị nghi là người đồng tính luyến ái. Tiếng đồn rằng Xuân Diệu và Huy Cận là bạn tình với nhaunhư Verlaine và Rimbaud (2 thi hào đồng tình luyến ái với nhau ở Pháp).
Xuân Diệu có làm bài thơ về Verlaine và Rimbaud vô tình bộc lộ tình cảm của mình.
TÌNH TRAI
Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine
Hai chàng thi sĩ choáng hơi men
Say thơ xa lạ, mê tình bạn
Khinh rẻ khuôn mòn, bỏ lối quên
Những bước song song xéo dặm trường
Đôi hồn tươi đậm ngát hoa hương
Họ đi, tay yếu trong tay mạnh
Nghe hát ân tình giữa gió sương
Kể chi chuyện trước với ngày sau
Quên gió môi son với áo màu
Thây kệ thiên đường và địa ngục
Không hề mặc cả, họ yêu nhau....
(Xuân Diệu)
Sau 1945, Xuân Diệu tiếp tục làm thơ nhưng không còn lãng mạn mà rất theo đúng chiều hướng chính trị của chế độ Miền Bắc.
Đây là 3 bài thơ ca tụng chủ tịch Hồ Chí Minh của ông từ 1945 đến khi chủ tịch qua đời.
ẢNH CỤ HỒ
Cụ Hồ, ấy là Việt Nam sinh đẻ,
Nên nghìn xưa còn lại vẻ nhà nho,
Trải thế gian qua biết mấy địa đồ,
Môi bất hủ vẫn nụ cười nước Việt;
Vẫn cái trán non cao, vẫn mắt ngời nước biếc,
Vẫn chòm râu hoà nhã của phương Đông.
Dân sinh ra, nên nói tựa dân đồng,
Lời chuyện vẫn lại nôm na tục ngữ.
Áo màu xám vẫn giữ tro vạn thuở
Của nương dâu, bãi đậu hoặc vườn ngô.
Sống rau dưa, giày mũ vải thô sơ,
Đời giản dị cũng đượm màu hiền triết.
Cụ Hồ đã hoá làm sông núi,
Mỗi nét lông mày mỗi nét non.
Dân chúng tưởng mong Hồ Chủ Tịch
Nghe êm trong dạ, ấm trong hồn.
Cụ Hồ quen thuộc thân yêu quá.
Dân chúng thiêng liêng vẽ tự lòng,
Vẽ ảnh cụ Hồ không giống Cụ,
Vì xem Chủ Tịch tựa non sông.
Tha hồ thêm thắt theo yêu mến,
Miễn được dung nhan để ngắm gần,
Lòng tựa Nguyệt Nga trong chuyện cũ,
Lấy trong bức ảnh gửi niềm thân.
Trẻ con sớm giậy thoảng tơ vương,
Bác ở trong lòng, biết mấy thương!
Bô lão đêm nằm mơ lứa tuổi,
Thấy vui như nhớ một vừng dương.
Gánh rau, gánh củi, gánh hoa hương
Vắt giọt mồ hôi, đặt xuống đường,
Phe phẩy nón cời, ngồi nhớ Cụ:
- Nghĩ nhiều, tóc có ngả màu sương?
Cái cưa, cái đục, cài cày sâu
Nhớ mắt tinh anh, nhẹ bớt sầu.
Chiếc bút, chiếc gươm như chiếc súng
Nghe câu khuyên bảo tựa vào nhau.
Mai mai hoà điệu những đêm đêm,
Như tiếng sông tuôn, tiếng gió thầm,
Lòng của dân gian yêu Chủ Tịch
Hoá thành khúc nhạc toả muôn năm.
(Xuân Diệu)
1945
THƠ DÂNG BÁC HỒ
Mỗi lần tranh đấu gay go,
Chúng con đã được Bác Hồ đến thăm.
Chúng con dưới vực sai lầm,
Đang vươn mình, được Bác cầm tay lên,
Lời Cha rất mực dịu hiền,
Như là thấm nhẹ, mà xuyên vào lòng,
Con ngồi trước Bác mênh mông,
Tội nhiều, chưa dám thẳng trông Cha già.
Bác cười, vẫn đỏ nước da,
Nhưng trên trán rộng tóc đà bạc hơn.
Bác lo nghìn việc giang sơn,
Lo từng tấm áo bát cơm đồng bào;
Nghĩ từ khẩu súng, con dao,
Lại thêm Bác phải nghĩ vào chúng con.
Riêng con lầm lạc tâm hồn,
Người tuy trong Đảng, hồn còn ở xa.
Mỗi người, một lỗi xót xa,
Bốn trăm người, lỗi bao la nặng nề.
Trên đầu tóc Bác sương ghi,
Chắc đôi sợi đã bạc vì chúng con.
- Nghĩ thêm hối hận bồn chồn,
Nhưng lời Bác dạy sắt son vững bền:
"Thoát bùn, nở đoá hoa sen,
Bùn tanh mà vẫn lọc nên hương trời".
Mắt Cha nghìn thuở sáng tươi
Dìu cho con vượt qua đời tối tăm.
Hôm nay 19 tháng 5,
Lòng con vui sướng như trăm tiếng cười.
Lỗi lầm đã nói được vơi,
Hồn như nở lại dưới trời Chí Minh.
Ngày sinh nhật Bác quang vinh,
Là ngày sinh nhật hồn xanh muôn người.
(Xuân Diệu)
19-5-1953
KHÓC BÁC
Bây giờ mới khóc, Bác ơi!
Giật mình, hăm bốn hôm rồi đó sao?
Nhớ thương nào có nguôi nào,
Tháng ngày càng khắc Bác vào tim con.
Vẳng nghe giọng nói Bác luôn,
Bác đang cười chuyện, Bác còn vẫy tay...
Bây giờ là mới khóc đây,
Bác ơi, không phải lệ đầy bên trên,
Mà sâu giọt lệ dưới nền,
Cuốn từ gan ruột đưa lên tâm hồn.
Mến yêu, thương Bác không cùng,
Thương câu Bác dặn, thương lòng Bác thương.
Bác trong sáng quá, là gương;
Bác kiên cường, chính kim cương trong đời.
Bác hiền như hạt gạo thôi,
Chí: no thiên hạ, tình: nuôi đồng bào;
Bác là bóng cả cây cao
Gió đâu, chim tự xứ nào cũng che.
Bác gánh cả cuộc đời
Mà đôi vai chẳng chật
Đầu Bác ngẩng vòm trời
Lòng Bác ôm mặt đất.
Bác giản đơn như sự thật
Khi nói thích đùa vui
Bác sống như sự sống
Trí tâm luôn sáng ngời.
Bác ơi! Cháu một đời người,
Nhớ yêu Bác mãi đất trời ngàn năm.
(Xuân Diệu)
27-9-1969
Đây là bài thơ hiếm hoi tỏ tình lãng mạn theo thể Đường Luật làm lúc về già:
THƠ BÁT CÚ
Em tới em đi ngọn gió lành
Gió hương thương mến đến phòng anh
Bỗng oà gặp mặt bao thương nhớ
Rồi lại chia tay giữa vạn tình
Em ở nửa giờ thương mỗi nét
Em đi hai tháng ngóng từng canh
Anh như cây cối chờ xuân biếc
Hôm sớm trong mong ngọn gió lành.
(Xuân Diệu)
Khi chết Xuân Diệu được Tố Hữu làm bài thơ Đường Luật để tiễn đưa:
GỬI THEO ANH XUÂN DIỆU
Ôi, sống làm sao nếu chẳng yêu
Hoa chưa nở sáng đã tàn chiều
Bơ vơ đi giữa thời khôn dại
Giây phút vui qua lại khổ nhiều
Một tiếng thơ rơi ngàn lệ thắm
Vắng Anh, người bớt ấm bao nhiêu!
Thời gian ơi, nhớ chàng Xuân Diệu
Dào dạt tình dâng nhập thủy triều.
(Tố Hữu)
1985
Và Huy Cận cũng có bài thơ:
DIỆU ƠI, DIỆU ĐÃ VỀ YÊN TỊNH
Diệu ơi, Diệu đã về yên tịnh
Cận hãy còn đây trăm xốn xang,
Cận mới về thăm quê Nghệ Tĩnh
Gặp tuần trăng sáng ngẩn ngơ trăng.
Cận ra Thanh Hoá nằm bên biển
Biển lại dồn xao không phút ngưng.
Diệu đã đi xa về tới bến
Cận đang biển động sóng lừng dâng.
"Hồi kí song đôi" đang viết dở
Hai chương tuổi nhỏ chép xong rồi
Đời ta, trang khép, còn trang mở
Cận viết đầy trang, tay mới xuôi.
Biển lớn băng qua, ấy biển đời
Biển vào vũ trụ, ánh sao mời
Diệu dò thế giới bên kia trước
Khỏi lạ đường khi Cận tới nơi.
(Huy Cận)
Sầm Sơn sáng 27-7-1986
* Huy Cận
Huy Cận (1919-2005) tên thật là Cù Huy Cận, sinh ở Hà Tĩnh và chết ở Hà Nội, thọ 86 tuổi.
Con đường chính trị của Huy Cận bắt đầu khi Nhật đầu hàng Đồng Minh (15-8-1945). Hồ Chí
Minh và Việt Minh về Hà Nội.
Hồ Chí Minh sai Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận vào Huế buộc vua Bảo Đại phải thoái vị. Ngày 25-8-45, vua Bảo Đại ban chiếu thoái vị, chấm dứt thời đại quân chủ của nước Việt Nam bằng câu nói nổi danh: “Thà làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ”. Ngày 30-8-45, trên lầu Ngọ Môn trước mặt dân chúng, ông trao ấn kiếm cho Trần Huy Liệu, đại diện của chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh và sau đó ông di hành ra Hà Nội (Thăng Long) nhận làm Cố Vấn cho Chính Phủ VNDCCH của Hồ Chí Minh.
Thật ra Hồ Chí Minh lập Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vào ngày 28-8 và ra mắt vào ngày 2-9-45. Hồ Chí Minh tuyên bố nước Việt Nam thống nhất (3 kỳ), thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Chính phủ gồm đa số là Việt Minh.
Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời VNDCCH (thành lập ngày 28-8-1945), đa số là Việt Minh
(VM):
Chủ Tịch và Bộ Trưởng Ngoại Giao: Hồ Chí Minh (VM)
Bộ Trưởng Nội Vụ: Võ Nguyên Giáp (kiêm Thứ Trưởng Quốc Phòng) (VM)
Bộ Trưởng Quốc Phòng: Chu Văn Tấn (VM)
Bộ Trưởng Tuyên Truyền: Trần Huy Liệu (VM)
Bộ Trưởng Tư Pháp: Vũ Trọng Khánh (VM)
Bộ Trưởng Y Tế: Bs Phạm Ngọc Thạch (VM)
Bộ Trưởng Lao Động: Lê Văn Hiến (VM)
Bộ Trưởng Tài Chính: Phạm Văn Đồng (VM)
Bộ Trưởng Thanh Niên: Dương Đức Hiền (Dân Chủ)
Bộ Trưởng Quốc Gia Giáo Dục: Vũ Đình Hoè (Dân Chủ)
Bộ Trưởng Kinh Tế: Nguyễn Mạnh Hà (không đảng phái)
Bộ Trưởng Giao Thông Công Chánh: Đào Trọng Kim (không đảng phái)
Bộ Trưởng Cứu Tế Xã Hội: Nguyễn Văn Tố (không đảng phái)
Ủy Viên Chính Phủ: Cù Huy Cận (VM)
Nguyễn Văn Xuân (không đảng phái?)
Sau đó Huy Cận từng làm Bộ Trưởng Bộ Canh Nông trong chính phủ của Hồ Chí Minh và là đảng viên Cộng Sản cao cấp trong kháng chiến (1946-54).
Sau 1954 Huy Cận tiếp tục làm thơ và chính trị, từng giữ những chức Thứ Trưởng Bộ Văn Hóa và Bộ Trưởng đặc trách Văn Hóa Thông Tin trong chính phủ Bắc Việt.
Ông có 2 vợ và vợ đầu là em gái của Xuân Diệu (sinh ra Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ).
Từ 1945, Huy Cận làm thơ tuyên truyền cho chế độ Miền Bắc, từ kháng chiến chống Pháp cho đến chiến tranh giữa Miền Nam và Miền Bắc.
CA DAO KHÁNG CHIẾN: TĂNG GIA SẢN XUẤT
Cụ Hồ nói có sai đâu,
Tăng gia sản xuất làm giàu nước ta.
Trồng khoai trồng đậu trồng cà,
Tăng gia sản xuất, nuôi gà, nuôi heo.
Ruộng cấy lúa, bãi trồng ngô,
Đất đồi trồng sắn cũng no với đời.
Yêu anh em nhắn gửi lời
Ta no ta đánh tiệt nòi thực dân.
Vườn em tuy nhỏ anh ơi!
Cũng dăm gốc mía, cũng mười luống rau.
Bao giờ ta lại gặp nhau
Mía thời ngọt giọng, canh rau mát lòng.
(Huy Cận)
Việt Bắc, 1947
TẶNG ĐẢNG
Bốn nghìn năm nước mắt mồ hôi
Máu đỏ trộn với phù sa dựng nước.
Chân bấu đất, cha ông dần lấn bước
Mô đời thêm như những bãi tân bồi...
Đảng thân yêu, Đảng tiếp tục nghìn đời
Sống dũng cảm của cha ông đau khổ.
Đảng thức gọi những sông Hồng thắm đỏ
Làm lại địa dư cuộc sống con người.
Chúng tôi đi, khổ với khổ thành đôi,
Thành ba bốn, thành muôn nghìn sức lực.
Dân mất nước, ta quyết giành lại nước;
Đời chẳng ra chị, ta dựng lại đời.
Chúng tôi tiến lên, sắc tựa dao mài,
Tựa cây mùa xuân nổi chuyền nhựa mới,
Tựa dãy Trường Sơn núi liền với núi
Khâu liền khâu xương sống của tương lai.
Như bình minh mở quạt nắng làm ngày
Chúng tôi toả tám phương trời theo Đảng.
Nửa đất nước, nửa cuộc đời chưa sáng,
Chúng tôi đây tay mãi nối liền tay.
(Huy Cận)
12-1959
HÔM NAY CON VÀO ĐỘI
Hôm nay con vào đội
Lòng cha vui phấp phới
Tặng con ảnh Lê-nin
Huy hiệu Hồ Chí Minh
Ông Lê Nin trọn đời
Lo giải phóng thế giới
Cho người sống với người
Không còn là chó sói
Thuở nước còn nô lệ
Bác Hồ theo Lê-nin
Bác trèo non vượt bể
Khăn gói một lòng tin
Bác họp mặt anh em
Cùng khổ trong nhân loại
Trăm dân tộc vùng lên
Phá ngục xiềng từ đấy.
Năm mươi năm dầu dãi
Đời Bác chẳng còn riêng
Đời Bác, đời dân tộc
Một gắn bó thiêng liêng
Con ơi, không gì quý
Hơn độc lập, tự do
Được sống và chiến đấu
Trong thời đại Bác Hồ
Con, cháu ngoan của Bác
Mang hình Bác trong tim
Cuộc đời con có hướng
Như địa bàn có kim
Hôm nay con vào đội
Ngực non khăn đỏ chói
Tặng con ảnh Lê-nin
Huy hiệu Hồ Chí Minh
(Huy Cận)
Tháng 3-1967
HAI EM BÉ MIỀN NAM BẺ GÃY MỘT TRẬN CÀNG CỦA ĐỊCH
Một toán quân địch
Đói lả đói la
Định lùng du kích
Ập vào làng ta.
Làng vắng cả rồi
Dì cô chú bác
Chẳng có một người
Xáp thây lũ giặc.
Cơn đói cào ruột
Thất thểu thất thơ
Đứa quần muốn tuột
Đứa ngáp, mắt mờ.
- Càn gì thì càn.
Ăn no cái đã!
Lệnh thằng sĩ quan.
Cả bầy “dạ, dạ”
- Ai trong nhà kia?
Mượn cái nồi bự!
Mau! Không, súng lia
Chết đừng than thở!
- Cánh cửa liếp mở
Dạ, thưa các ông!
Nhà nghèo, nồi nhỏ,
Các ông tạm dùng!
Hai em bé ta
Nghe la đói tợn
Giấu tiệt nồi ba
Giấu luôn chảo lợn
Chúng dành chịu vậy,
Còn cách nào hơn
Lẩy ba lấy bẩy
Vần cái nồi con...
Quan ăn một lèo
Lính đói chờ meo
Nấu sau, nấu trước
Tranh nhau eo sèo!
Trưa rồi chiều xế
Mới nửa toán ăn.
Nhão khê chí choé,
Nói gì hành quân!
Cả lũ ăn xong
Trời vừa chạng vạng
- Thôi thế là tong
Trận càn chớp nhoáng!
Thằng sĩ quan nói
Vội xung phong... chuồn!
Khiếp mìn du kích
Trên đường hoàng hôn
(Huy Cận)
13-3-1964
Năm 1973, Huy Cận viết hai bài thơ tưởng nhớ Hồ Chí Minh trong bài viết nguyên văn như sau:
I. Hai chị em
Bà Thanh ra thăm Bác Hồ tại Bắc Bộ Phủ.
Chí đến thăm em là Chủ Tịch
Cho em thân thiết một bu gà.
Chị em băm bốn năm xa cách
Chuyện nước, tình quê: "Chị đó a?"
II. Bàn việc nước
Bác Hồ dặn cụ Huỳnh Thúc Kháng đêm trước hôm Bác đi Paris hồi tháng 5-1946.
"Tôi đi, cụ chớ lo chi cả.
Quyền nước, lòng dân: cụ ở nhà"
Hai chén trà khuya sương nhẹ tỏa
Một câu "bất biến" dặn phòng xa.
(Huy Cận) 1973
Khi về già, Huy Cận ráng làm thơ cổ điển đa số là Tứ Tuyệt mà thôi và thơ rất thực tế và chính
huy, hết còn lãng mạn nhưng muốn dí dỏm như 2 bài thơ trên.
VĂN NHÂN MIỀN NAM TỪ TỰ LỰC VĂN ĐOÀN
Ảnh hưởng văn học và văn hóa của Tự Lực Văn Đoàn rất phổ thông ở Miền Nam, kéo dài đến hết thời Việt Nam Cộng Hòa (1954-1975). Các tác phẩm văn xuôi của Tự Lực Văn Đoàn có trong chương trình Việt Văn Trung học của Bộ Quốc Gia Giáo Dục VNCH.
Nhất Linh Nguyễn Tường Tam (1906-1963) là văn sĩ độc nhứt của Tự Lực Văn Đoàn còn sống sót sau hiệp định Genève và sống trong Nam.
* Trước Hiệp Định Genève (1954)

Ông Nhất Linh bắt đầu làm chính trị năm 1939 khi ông lập Đại Việt Dân Chính Đảng. Năm1942, ông đóng cửa Tự Lực Văn Đoàn và sang Quảng Châu (năm 1942) để hoạt động chống Pháp với Việt Cách và Việt Quốc.
Trước khi Nhật đầu hàng, ở Trung Quốc có 2 phe cách mạng: Việt Minh (theo chủ nghĩa CộngSản, thực tế là Cộng Sản Đệ Tam Quốc Tế) đối đầu với liên minh Việt Quốc và Việt Cách (theochủ nghĩa Quốc Dân của Tôn Dật Tiên và Tưởng Giới Thạch).
Việt Minh (gọi tắt của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội) được Hồ Chí Minh thành lập năm 1941 do đảng Cộng Sản Đông Dương lãnh đạo (Bí thư là Trường Chinh Đặng Xuân Khu).
Năm 1944, Việt Minh đã tổ chức quân đội ở Cao Bằng gọi là Việt Nam (Tuyên Truyền) Giải Phóng Quân, tiền thân của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam.
Tháng 5, 1945, Đại Việt Quốc Dân Đảng (của Trương Tử Anh), Đại Việt Dân Chính Đảng (của Nguyễn Tường Tam) liên minh dưới Việt Nam Quốc Dân Đảng gọi tắt là Việt Quốc (của Vũ Hồng Khanh). Việt Quốc lại liên minh với Việt Cách (Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội) của Nguyễn Hải Thần.
Khi Nhật đầu hàng Đồng Minh (15-8-1945), vua Bảo Đại thoái vị và chính phủ Trần Trọng Kim từ chức. Hồ Chí Minh về Hà Nội lập Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vào ngày 28-8 và ra mắt vào ngày 2-9-45. Hồ Chí Minh tuyên bố nước Việt Nam thống nhất (3 kỳ), thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Chính phủ gồm đa số là Việt Minh.
Sau đó khi quân Trung Hoa Dân Quốc (của Tưởng Giới Thạch) thừa lệnh của Đồng Minh, sang giải giới quân Nhật ở vùng bắc vỹ tuyến 16 vào ngày 23-8-45 (bắc của Đà Nẳng), Việt Cách và Việt Quốc theo về nước buộc Hồ Chí Minh phải tái lập chính phủ.
Chính Phủ Liên Hiệp Lâm Thời thành lập vào ngày 1-1-46 gồm Việt Minh, Việt Cách và Việt Quốc:
Chủ tịch là Hồ Chí Minh (Việt Minh/VM), Phó Chủ tịch là ông Nguyễn Hải Thần (Việt Cách/VC) và Bộ Trưởng Ngoại Giao là ông Nhất Linh Nguyễn Tường Tam (Việt Quốc/VQ).
Ông Huỳnh Thúc Kháng (không đảng phái) làm Bộ Trưởng Nội Vụ.
Ủy Ban Kháng Chiến (như là Bộ Tư Lệnh của quân đội) gồm 9 người (có Trần Huy Liệu) với Võ Nguyên Giáp (Việt Minh) làm Chủ tịch và ông Vũ Hồng Khanh (Việt Quốc) làm Phó.
Chính phủ tổ chức Tổng Tuyển cử Quốc Hội toàn quốc (thực sự chỉ ở miền Bắc vỹ tuyến 16) vào ngày 6-1-46. Sau đó chính phủ đổi thành Chính Phủ Liên Hiệp Kháng Chiến (ngày 2-3-46).
Chính Phủ Liên Hiệp Kháng Chiến VNDCCH (thành lập ngày 2-3-1946)
Chủ Tịch: Hồ Chí Minh (VM)
Phó Chủ Tịch: Nguyễn Hải Thần (VC)
Bộ Trưởng Nội Vụ: Huỳnh Thúc Kháng (không đảng phái)
Bộ Trưởng Ngoại Giao: Nguyễn Tường Tam (VQ)
Bộ Trưởng Quốc Phòng: Phan Anh (không đảng phái)
Bộ Trưởng Tư Pháp: Vũ Đình Hòe (Dân Chủ)
Bộ Trưởng Giáo Dục: Đặng Thái Mai (VM)
Bộ Trưởng Tài Chính: Lê Văn Hiến (VM)
Bộ Trưởng Giao Thông Công Chánh: Trần Đăng Khoa (Dân Chủ)
Bộ Trưởng Kinh Tế: Chu Bá Phượng (VQ)
Bộ Trưởng Xã Hội, Cứu Tế, Y Tế và Lao Động: Trương Đình Tri (VC)
Bộ Trưởng Canh Nông: Bồ Xuân Luật (VC) rồi Huỳnh Thiên Lộc (Dân Chủ)
Thứ Trưởng Nội Vụ: Hoàng Minh Giám (Xã Hội)
Thứ Trưởng Quốc Phòng: Tạ Quang Bửu (không đảng phái)
Tuy nhiên các đảng phái vẫn tìm cách hại lẫn nhau nhất là giữa Việt Minh với Việt Cách và Việt Quốc. Hai bên đều có quân đội riêng.
Sau khi chiếm miền Nam, Pháp muốn chiếm miền Bắc. Ngày 28-2-46, Trung Hoa Dân Quốc ký hiệp ước với Pháp sẽ rút ra khỏi và để cho Pháp giải giới Nhật ở bắc vỹ tuyến 16. Ngày 6-3-46 Pháp ký với chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Đại diện là Hồ Chí Minh và Vũ Hồng Khanh) một Hiệp Định Sơ Bộ: VN đồng ý cho 15.000 quân Pháp vào miền Bắc và sẽ rút đi từ từ trong vòng 5 năm đổi lại Pháp công nhận chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hoàn toàn độc lập.
Quân đội Trung Hoa rút về vào tháng 6-46 và quân Pháp vào Hà Nội và Hải Phòng. Việt Minh dùng Công An (dưới sự chỉ huy của Trần Quốc Hoàn) đuổi đảng viên Việt Cách và Việt Quốc chạy qua Trung Quốc. Trần Quốc Hoàn vào ĐDCS Đảng năm 1934, từng ở tù Sơn La với Lê Đức Thọ, Hoàng Minh Chính, Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng… Nhiều đảng viên của Việt Quốc và Việt Cách bị giết hay phải theo Việt Minh. Ông Nguyễn Hải Thần chạy về sống ở
Quảng Đông, có vợ Tàu và chết ở đây vào năm 1959. Ông Nguyễn Tường Tam và Vũ Hồng Khanh sau nầy chạy vào Nam còn ông Trương Tử Anh thì mất tích (chắc bị VM thủ tiêu). (Vềsau Việt Quốc và Việt Cách ủng hộ vua Bảo Đại ký hiệp ước Hạ Long).
Hồ Chí Minh lập Chính Phủ Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vào ngày 3-11-1946 gọi là Chính Phủ Hồ Chí Minh hay Việt Minh. Chính phủ nầy vẫn cho mình là cai trị nước Việt gồm 3 Kỳ nhưng thực sự lãnh thổ chỉ có miền Bắc (bắc vỹ tuyến 16).
Sau khi bị thua Việt Minh, ông Nhất Linh Nguyễn Tường Tam (1906-1963) vào năm 1947 gia nhập Mặt Trận Thống Nhất Quốc Gia Liên Hiệp ủng hộ Cựu Hoàng Bảo Đại thành lập Quốc Gia Việt Nam. Mặt Trận giải tán năm 1950. Ông Nhất Linh về ở Đà Lạt từ năm 1951.
* Sau Hiệp Định Genève (1954)
Năm 1958, ông Nhất Linh vào Sài Gòn cùng với cháu là Duy Lam xuất bản giai phẩm Văn HóaNgày Nay rất được hoan nghênh nhưng tự nhiên đình bản sau 11 số.
Năm 1960, ông Nhất Linh có dính líu trong cuộc đảo chánh hụt của Trung Tá Vương Văn Đông và Đại Tá Nguyễn Chánh Thi ngày 11-11-60 nên bị chánh quyền Ngô Đình Diệm giam lỏng tại gia. Cuộc đảo chánh thất bại vì Đại Tá Huỳnh Văn Cao đem Sư Đoàn 7 (ở Mỹ Tho) và Đại Tá Trần Thiện Khiêm đem Sư Đoàn 21 (ở Vĩnh Long Sa Đéc) về Sài Gòn cứu viện.
Trước ngày ra Tòa (8-7-63), đêm trước đó Nhất Linh uống thuốc ngủ tự tử.
Ngày 11-7-63, Tòa án Quân sự đặc biệt xử các nhân sĩ liên can tới vụ đảo chánh 11-11-60 gồm có Phan Khắc Sửu, Phan Quang Đán, Vũ Hồng Khanh, Phan Bá Cầm, Nguyễn Thành Phương, Nguyễn Tường Tam, Đinh Xuân Quảng, Bùi Lượng... có tuyên 20 án cấm cố. Ngoài ra có 14 trường hợp Tòa tha bổng vì vô tội trong đó có ông Nguyễn Tường Tam!
Không đầy 3 tháng sau chính phủ Ngô Đình Diệm bị lật đổ trong cuộc đảo chánh 1-11-63. Bản án nầy bị tòa Thượng thẩm Sài Gòn hủy bỏ vào ngày 19-2-64.
Trong di chúc ông Nhất Linh Nguyễn Tường Tam có để lại lời văn cuối cùng: “Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử tôi cả… (Tôi) tự hủy mình cũng như Thượng Tọa Thích Quảng Đức tự thiêu để cảnh cáo những người chà đạp mọi thứ tự do”

* Là người khai sáng và làm Trưởng Tự Lực Văn Đoàn, ông Nhất Linh có làm bài thơ độc nhất của ông nói tới Tự Lực Văn Đoàn:
TỰ LỰC VĂN ĐOÀN
Tự Lực, vườn văn mới trội lên
Bỗng dưng thời thế đảo huyên thiên
Thương dăm lá cũ vèo rơi xuống
Mừng mấy mầm tươi vụt nhú lên
Mạch cũ, nhựa non rồn rập chẩy
Vườn hoa xuân mới điểm tô thêm
Người qua, sách học, đời thay đổi
Tự Lực, danh chung, tiếng vẫn truyền
(Nhất Linh)
2 giờ sáng, mồng 1 tết năm Quý Tỵ 1953
KẾT LUẬN
Nhìn lại lịch sử của Tự Lực Văn Đoàn, hậu sinh có làm bài thơ tiếp nối:
TỰ LỰC VĂN ĐOÀN
Văn Đoàn kết hợp quyết vương lên
Tự Lực thành công tiếng dội rền
Văn hóa canh tân thêm tiến bộ
Văn thơ đổi mới dựng xây nền
Tài ba chuyển hướng, đời ly biệt
Chính trị theo chiều, vận rủi hên
Người thỏa công danh, người bạc mệnh
Hậu sinh ái mộ chẳng hề quên.
(Phan Thượng Hải)
7/16/19
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
Bài nầy đăng lần đầu trong phanthuonghai.com mục Thơ và Sử phần Cộng Hòa.
Tài liệu tham khảo:
1) Thơ và Sử Việt - Thời Pháp Thuộc Thế kỷ 20 (Bs Phan Thượng Hải - phanthuonghai.com)
2) Thơ và Sử Việt - Thời Độc Lập (Bs Phan Thượng Hải - phanthuonghai.com)
3) Thơ Mới (Bs Phan Thượng Hải - phanthuonghai.com)
4) Trang Thơ Thi Viện Net (Google) Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyề
THƠ VỀ CANADA VÀ USA
Ngày July 1 là Ngày Lễ Độc Lập của Canada.
Ngày July 4 là Ngày Lễ Độc Lập của Hoa Kỳ.
Đây là những bài thơ của những người Việt là công dân Mỹ và là du khách thăm Canada.
CANADA
CANADA
Đất lạnh tình nồng Canada
Cảm thông du khách đến từ xa
Đông Tây lãnh thổ cao dài rộng
Anh Pháp văn minh kết thái hòa
Lễ phép giữ lòng người tốt đẹp
Tự do thêm lối sống hào hoa
Riêng mình độc lập như tòng bách
Bình tỉnh trong lành một quốc gia.
(Phan Thượng Hải)
1/21/17

MÙA THU CANADA
Lá thu đổi sắc tựa đời ta
Khi hết màu xanh biết tuổi già
Lá đỏ hướng dương thời rạng rỡ
Lá vàng bay bướm thuở hào hoa
Thiên nhiên biến hóa nguồn thi vị
Nhân tạo u buồn tiếng hát ca
Đợi đến lá rơi trong giá lạnh
Bình tâm tận hưởng thú khang hòa.
(Phan Thượng Hải)
10/8/16

CANADA ROCKY MOUNTAIN
Phong cảnh kết thành vạn bức tranh
Trời cao đất rộng khí trong lành
Núi non trùng điệp mây lơ lửng
Thung lũng chìm sâu nước uốn quanh
Sơn đỉnh phủ che đầy tuyết trắng
Lâm viên san sát trải cây xanh
Suối tuôn hùng vỹ hồ yên tịnh
Ngoạn mục khai quan thú lữ hành.
(Phan Thượng Hải)
6/12/16

VỊNH ĐÁ BĂNG (Nguyên bản)
Con thuyền giảm tốc lững lờ trôi
Kìa! Vịnh Đá Băng đã đến rồi (*)
Dòng thác long lanh, tay chỉ trỏ
Mặt hồ nhẹ gợn, miệng tươi cười
Núi non trước mắt đan màu tuyết
Ống khói sau lưng nhả bóng hơi
Mượn buổi viễn du vùng giá lạnh
Tạm quên nắng hạ để vui đời
(Hp-Trương Ngọc Thạch)
7/11/17
(*) Chú thích: Vịnh Đá Băng = Glacier Bay. Alaska cruise có đi qua Glacier bay.
ALASKA CRUISE (Họa)
Mênh mông trời biển nhẹ nhàng trôi
Alaska cruise chóng hết rồi!
Giải trí tâm hồn người thích thú
Vừa lòng ẩm thực miệng vui cười
Hưởng tình thân ái trong hòa khí
Ngoạn cảnh bao la giữa thoáng hơi
Một chuyến hàn ôn đầy hạnh phúc
Bảy ngày ngắn ngủi sống yêu đời.
(Phan Thượng Hải)
7/12/17
HOA KỲ
LỄ THANKSGIVING
Ra đi bỏ lại những phồn vinh
Tìm đất tự do sống thái bình
Nông nghiệp mở mang khi kiếm sống
Kinh doanh phát triển lúc mưu sinh
Quốc gia giàu mạnh nhờ dân chủ
Quốc tế hùng cường trải chiến chinh
Hiệp chủng kết tình nên lịch sử
Cùng vui mừng lễ Thanksgiving.
Mỗi năm đến lễ Thanksgiving
Cảm tạ Ơn Trên giúp đỡ mình (*)
Tỵ nạn miền Nam qua khốn khó
Công dân nước Mỹ sống thanh bình
Vẹn tình thông cảm toàn thân thuộc
Trọn đạo kiên trì nhất nghệ tinh
Hy vọng từ tâm nhìn thế sự
Thủ thường an phận đủ phồn vinh.
(Phan Thượng Hải)
11/22/18
Chú thích: Lễ Thanksgiving = Lễ Tạ Ơn.
WASHINGTON D.C.
Thủ đô biểu tượng nước non nhà
Thể hiện hùng hồn một quốc gia
Lãnh tụ vinh danh toàn đất Mỹ
Quân nhân táng mạng dưới Cờ Hoa
Tự do xây đắp nền Dân Chủ
Hiệp chủng tuân theo thể Cộng Hòa
Kỳ cảnh viếng thăm ôn lịch sử (*)
Khơi lòng ái quốc đẹp lòng ta.
(Phan Thượng Hải)
4/23/15
(*) Chú thích: Kỳ cảnh = Sightseeings.

ĐI THĂM MT RUSHMORE (*)
(Nguyên bản)
Bốn vị anh hùng giúp quốc gia
Biểu dương lịch sử nước non nhà
Washington mở đường dân chủ
Jefferson khai lối cộng hòa
Từ A. Lincoln thành hiệp chủng
Đến Roosevelt đạt vinh hoa
Rushmore tạc tượng truyền nhân thế
Kỷ niệm thành hình nước Mỹ ta.
(Tự họa)
Qua tám tiểu bang của quốc gia (*)
Tốt thay địa lý đất quê nhà
Thiên nhiên rộng lớn miền wild west
Nhân tạo tiện nghi nước thái hòa
Xót dạ nghĩ về nguồn gốc Việt
Túc tâm thích ở xứ cờ hoa
Tương lai ngắn ngủi còn may mắn?
Mỹ quốc nương mình thỏa chí ta.
(Phan Thượng Hải)
7/4/16
(*) Chú thích:
Từ California qua 8 tiểu bang: California, 4 Corners States (Arizona,

ROUTE 101
Bắc nam theo dọc Thái Bình Dương
Thắng cảnh thiên nhiên đẹp chuyến đường
Biển rộng trời xa tràn sóng nước
Non cao rừng rậm dạn phong sương
Phiêu lưu khám phá miền duyên hải
Ngoạn mục khai thông chốn viễn phương
Say ngắm Napa xem Redwood
Nhàn du thích thú biết quê hương.
(Phan Thượng Hải)
7/30/17

LAS VEGAS
Giữa vùng sa mạc Nevada
Kiến trúc nguy nga chốn thái hòa
Tấp nập sòng bài, nơi thử vận
Trang hoàng khách sạn, chỗ xa hoa
Quán hàng ngon miệng người ăn uống
Nghệ thuật lừng danh tiếng hát ca
Du khách đến chơi đều thích thú
Mong tìm Cực Lạc cõi Ta Bà?
(Phan Thượng Hải)
4/23/17
LITTLE SÀI GÒN (Nguyên bản)
Quận Cam có Little Sài Gòn
Trung tín người Nam mãi sắt son
Chính trị Cộng Hòa gìn độc lập
Tinh hoa văn hóa giữ vuông tròn
Tha hương, tâm chẳng quên nguồn gốc
Tỵ nạn, tình luôn nhớ nước non
Đất Mỹ tự do đời sống Việt
Không còn đất mẹ, nghĩa danh còn.
(Phan Thượng Hải)
2/26/17
LITTLE SAIGON (Họa)
Giữa xứ Cờ Hoa có Saigon
Giống nòi Hồng Lạc vẹn lòng son
Ngàn năm quốc túy luôn vun quén
Muôn thuở gia phong mãi giữ tròn
Truyền thống ghi tâm: nguồn với cội
Cộng đồng tạc dạ: nước cùng non
Bao nhiêu thế hệ lìa quê mẹ
Đất Việt trong tim mãi vẫn còn
(Hồ Mỹ Đức)
5/11/2017
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
____________________
GIÁC NGỘ THEO PHẬT GIÁO ĐẠI THỪA THIỀN TÔNG
Bs Phan Thượng Hải biên soạn
Theo Phật Giáo, con người Giác ngộ là có Tâm Giác ngộ và Tâm Giác ngộ thì Tâm An (tranquil, calm) không phiền não (= không khổ, giải thoát khổ), đó là Niết bàn Hữu dư hay Niết bàn Diệu Tâm, cứu cánh của Phật Giáo.
Tâm Giác ngộ là sáng suốt trong nhận thức và thi hành Giáo lý Giác ngộ của Phật Giáo. Sự sáng suốt nầy, theo Phật Giáo Đại Thừa, là sự sáng suốt toàn hảo, thường được hiểu theo từ ngữ Phật Giáo là Bát Nhã Ba La Mật Đa (Prajna paramita = perfection of wisdom = sự toàn hảo của trí tuệ). Thông thường được gọi tắt một cách không đúng là "bát nhã" hay "trí tuệ, trí huệ" (wisdom). Trong Tứ Diệu Đế của Phật Giáo; (nội dung của) giáo lý Giác ngộ gồm có Khổ Đế, Tập Đế và Diệt Đế.
Con người có Tâm Giác ngộ là Phật. Phật là gọi tắt của Phật Đà, dịch âm từ tiếng Phạn Buddha, đồng nghĩa với Giác giả (= Người giác ngộ).
Giác ngộ = Enlightenment, Awakening.
Phật Thích Ca và Phật Giáo Nguyên Thủy dựa trên Vô Thường của Sự vật, sáng tạo ra giáo lý Thập Nhị Nhân Duyên là giáo lý Giác ngộ, cuối cùng dẫn đến Đoạn Hoặc (= đoạn diệt Mê hoặc). Ngược lại, Phật Giáo Đại Thừa Thiền Tông và Kim Cang Thừa dựa trên Vô Ngã của Sự vật (= Pháp Vô Ngã) và Vô Ngã của Tâm Con người (= Nhân Vô Ngã) để sáng tạo ra Giáo lý Giác ngộ của Phật Giáo Đại Thừa, cuối cùng dẫn đến Đoạn Hoặc và Từ Bi (Compassion = karuna). Hoặc = Mê hoặc (Defilements = Klesa) = gồm có Tham (Tham dục), Sân và Mạn.
Theo Phật Giáo Đại Thừa (kinh Hoa Nghiêm), Bồ Tát (Boddhisattva) là bậc Giác ngộ (Đại Tuệ = Great Wisdom = Maha-prajna), ra công hóa độ tha nhân (người khác) đạt Giác ngộ như mình. Đó là công đức Đại Từ Bi (Great Compassion = Maha-karuna) của bậc Bồ Tát.
Theo quá trình lịch sử của Phật Giáo, Đại Thừa lần lượt có những Tông Phái.
Ở Ấn Độ:
Trung Quán Phái: nghiên cứu về Sự vật.
Du Già Hành Phái và Duy Thức Phái: nghiên cứu về Tâm của Con người.
Ở Trung Quốc:
Từ Trung Quán Phái có Không Tông, Tam Luận Tông, Thiên Thai Tông và Hoa Nghiêm Tông.
Từ Duy Thức Phái có Pháp Tướng Tông, Nhiếp Luận Tông và Tánh Tông.
Thiền Tông tổng hợp và dung hòa Không Tông, Nhiếp Luận Tông và Tánh Tông.
Thiên Thai Tông, Hoa Nghiêm Tông và Pháp Tướng Tông rất phức tạp và có tính cách quá "hàn lâm" (academic) nên rất khó hiểu cho hành giả thông thường.
Cuối cùng, Thiền Tông kết hợp Trung Quán Phái (Không Tông) và Duy Thức Phái (Nhiếp Luận Tông và Tánh Tông) mà tạo thành giáo lý về Khổ Nghiệp và Đoạn Khổ Nghiệp phổ thông của Phật Giáo Đại Thừa cho đến ngày nay.
Kinh Luận chánh của Giáo lý Giác ngộ (của Phật Giáo Đại Thừa)
- Không Tông từ Trung Quán Phái
Bát Nhã Tâm Kinh
- Nhiếp Luận Tông từ Duy Thức Du Già Hành Phái
Giải Thâm Mật Kinh
Du Già Sư Địa Luận của Di Lặc và Thành Duy Thức Luận của Sư Hộ Pháp
- Tánh Tông từ Duy Thức Phái
Pháp Hoa Kinh
Như Lai Tạng Kinh
Đại Niết Bàn Kinh
Thắng Man Kinh
- Thiền Tông
Lăng Già Kinh
Pháp Bảo Đàn Kinh
A. Giáo lý Giác ngộ theo Triết lý thông thường
Giáo lý Giác ngộ của Thiền Tông tổng hợp và dung hòa của Trung Quán Phái (Không Tông) và Duy Thức Du Già Phái (Nhiếp Luận Tông và Tánh Tông).
Dàn bài
Không Tông
Nhiếp Luận Tông
Tánh Tông
Thiền Tông
a) Không Tông (từ Trung Quán Phái)
*
Theo Không Tông từ Trung Quán Phái:
Sự vật là có nhưng vô ngã (without nature), được diễn tả trong kinh Bát Nhã là "không có tự tánh" (= Tánh Không), cho nên vô thường (impermanent). Vì Sự vật vô ngã và vô thường cho nên Sự vật thì tương đối (relative), không tuyệt đối (not absolute).
Tâm không giác ngộ (= vô minh, si = ignorance) thì bám chặt và ràng buộc vào Sự vật tương đối do đó sinh ra Khổ, tức là Tâm phiền não. Đó là Tâm mê hoặc vào Sự vật. Mê hoặc (= Hoặc) gồm có Tham dục, Sân và Mạn.
Tâm Giác ngộ thì không bám chặt và ràng buộc và không chướng ngại (= tự do) với Sự vật thì Tâm An, mà không phiền não. Đó là Tâm đoạn diệt mê hoặc vào Sự vật (= Đoạn Hoặc) vì không bám chặt vào Sự vật. Đoạn Hoặc là đoạn diệt Tham dục, Sân và Mạn.
Ngã = nature. Vô Ngã = without nature = không có tự tánh = Tánh Không (Sùnyatà).
Không bám chặt và ràng buộc = vô sở đắc, vô sở trụ = non-attached.
Không chướng ngại (= Tự do) = vô ngại = without hindrance.
*
Không Tông chuyên nghiên cứu về Sự vật.
Từ Phật Thích Ca, từ ngữ "Hiện tượng" ngụ ý là "Sự vật" vì Sự vật bên ngoài Tâm của Con người là đối tượng trình hiện trước Tâm của Con người qua giác quan.
Từ ngữ "Pháp" (Dharma) còn có nghĩa là Hiện tượng ngoài cái nghĩa thông thường là giáo lý (doctrine). Vạn Pháp = Chư Pháp (All Dharmas) = tất cả mọi Hiện tượng (của Sự vật).
Từ ngữ "Ngũ Uẩn" và "18 Giới" đồng nghĩa với Sự vật và Hiện tượng của Sự vật.
Sự vật thì vô ngã (hay tánh Không) nên phải vô thường. Như vậy mọi sự vật hay hiện tượng thì tương đối (relative), gồm vô ngã và vô thường:
. vô ngã (without nature) = không hoàn toàn, không thuần túy, không chuyên chế và không độc lập, và phải tương quan với những sự vật hiện hữu hay hiện tượng khác.
. vô thường (impermanent) = không thường hằng (not permanent) = không tự sinh khởi; không cố định, phải thay đổi và biến hóa; không vĩnh cữu và phải hoại diệt.
Ngụ ý của Phật Giáo: Sự vật "vô ngã" nên "vô thường", do đó Sự vật "tương đối" (relative), không tuyệt đối (absolute). Phật Giáo (ngay cả từ Phật Thích Ca) không cho là cần thiết phải giảng nghĩa từ ngữ "vô ngã" của Sự vật, nhất là "ngã" là gì. Kinh Bát Nhã chỉ diễn tả "vô ngã" của Sự vật là "sùnya" hay "sùnyatà" (không hay tánh không) và Trung Quán Phái dùng để nhấn mạnh ý nghĩa "tương đối" của Sự vật, thực dụng cho Phật Pháp.
b) Nhiếp Luận Tông (từ Duy Thức Du Già Phái)
*
Theo Nhiếp Luận Tông từ Duy Thức Du Già Hành Phái:
Tâm là Tâm thức (có 8 Thức). Tâm của Không Tông và Trung Quán Phái đồng nghĩa với Tâm thức của Duy Thức Phái và Nhiếp Luận Tông.
Tâm thức của Con người thì chấp ngã và tự ngã đối với Sự vật khi Tâm thức hoạt động đối với Sự vật. Sự vật bên ngoài của Tâm là không có (= ảo) và không có thực (= giả) vì do Tâm thức của Con người tạo ra. (Thức = Consciousness).
Tâm thức không giác ngộ (= vô minh) thì chấp ngã và tự ngã đối với Sự vật không có và không có thực do đó sinh ra Khổ, tức là Tâm phiền não. Đó là Tâm mê hoặc vào Sự vật vì chấp ngã và tự ngã đối với Sự vật mà bám chặt và ràng buộc (= sở đắc = sở trụ) vào Sự vật.
Tâm Giác ngộ, hay Tâm thức Giác ngộ, là không chấp ngã và không tự ngã đối với Sự vật thì Tâm An, mà không phiền não. Đó là Tâm thức đoạn diệt mê hoặc vào Sự vật (= Đoạn Hoặc) vì không chấp ngã và không tự ngã đối với Sự vật mà không bám chặt và ràng buộc (= vô sở đắc = vô sở trụ) vào Sự vật. (Nhiếp Luận Tông và Duy Thức Phái giải thích sâu xa hơn Không Tông và Trung Quán Phái).
Ngã = ta, "cái ta" = self, ego.
Vô ngã = nonself = phi ngã = no ego or without ego.
Chấp ngã = cầm giữ hay bắt lấy cho mình = attachment to self. Người chấp ngã là muốn sở hữu sự vật là của mình.
Tự ngã = từ mình hay bởi vì mình mà ra = idea of self. Người tự ngã là muốn làm chủ, muốn điều khiển mọi sự vật theo tình ý của mình.
*
Duy Thức Phái (truyền sang Trung Quốc là Nhiếp Luận Tông) nghiên cứu về Tâm của Con người.
Tâm của Con người gọi là Tâm thức gồm có 8 Thức:
5 Thức đầu gọi là 5 Giác thức có cảm giác và tri giác từ Hiện tượng của Sự vật qua 5 giác quan.
Thức thứ 6 gọi là Ý Thức có nhận thức từ cảm giác và tri giác mà thành ý thức.
Thức thứ 7 gọi là Tự Ý Thức hay Mạt Na Thức (Mano-vijnàna) có tư tưởng (tình cảm và lý trí) về Hiện tượng của Sự vật.
Thức thứ 8 gọi là A Lại Da Thức chứa những Chủng tử tạo ra Sự vật và tạo ra Khổ Nghiệp. Do đó Sự vật bên ngoài Tâm (Tâm thức) của Con người là không có (= ảo) và không thực (= giả) nên chỉ là Hiện tượng.
Khi Tâm thức Giác ngộ (không chấp ngã và không tự ngã) thì A Lại Da Thức "trong sạch, không ô uế" và trở thành hay gọi là Chân như (Suchness, Thusness), không có Khổ Nghiệp. Khi đó những chủng tử thì trong sạch.
A Lại Da Thức = Àlaya-vijnàna
= Store-consciousness = Tàng Thức, Tạng Thức.
c) Tánh Tông (từ Duy Thức Phái)
*
Theo Tánh Tông từ Duy Thức Phái:
Tâm (Mind) của Con người gồm có Tâm thức (Conscious Mind) và Bản tâm (Nature Mind). Tánh Tông có thêm khái niệm "Bản tâm (còn gọi là Phật tánh)" trong Tâm của Con người, do đó được gọi là Tánh Tông.
Tâm thức là hoạt động của Tâm đối với Sự vật bên ngoài của Tâm và Tâm thức cũng có 8 Thức.
Bản tâm thì "không nhị nguyên" đối với Sự vật nên dung hòa và từ "dung hòa" mà không chấp ngã và không tự ngã đối với Sự vật bên ngoài (của Tâm của Con người). Nhị nguyên (Duality) là phân biệt giữa "ngã" (ta) và "không phải là "ngã" (không phải là ta). Đó là Bản tâm Từ Bi (từ "dung hòa" nên có từ bi). Do đó Bản tâm thì vô ngã (= không chấp ngã, không tự ngã và không nhị nguyên).
Tâm Giác ngộ hoặc vô minh tùy theo Tâm thức Giác ngộ hoặc vô minh. Bản tâm (hay Phật tánh) luôn luôn Giác ngộ và Bản tâm (hay Phật tánh) có từ bẩm sinh trong mỗi Con người.
Tâm thức không giác ngộ (= vô minh) là không tuân theo hay không đồng nhất với Bản tâm (hay Phật tánh) nên Tâm thức "nhị nguyên" tức là chấp ngã và tự ngã đối với Sự vật không có và không có thực mà bám chặt và ràng buộc vào Sự vật do đó sinh ra Khổ, tức là Tâm phiền não. Đó là Tâm thức mê hoặc vào Sự vật vì không đồng nhất với Bản tâm.
Tâm thức Giác ngộ là tuân theo hay đồng nhất với Bản tâm (hay Phật tánh) nên Tâm thức không Nhị nguyên (giống như Bản tâm) tức là dung hòa mà không chấp ngã và tự ngã đối với Sự vật thì Tâm An, mà không phiền não. Đó là Tâm thức Từ bi đối với Sự vật do đó Đoạn Hoặc đối với Sự vật. Từ bi là dung hòa với Sự vật và Đoạn hoặc là không chấp ngã và tự ngã đối với Sự vật mà bám chặt vào Sự vật.
Dung hòa = in harmony, harmonious = vô ngại. Nghĩa của "vô ngại" (in harmony) của Tánh Tông khác với nghĩa của "vô ngại" (no hindrance) của Không Tông. Dung hòa với Sự vật là Từ Bi với Sự vật.
*
Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 viết về giáo lý Đại Cứu Cánh (và Bản Thể Đại Thủ Ấn) của Kim Cang Thừa, không khác Tánh Tông của Đại Thừa:
Tất cả mọi Hiện tượng thanh tịnh hay ô nhiễm đều trình hiện bởi Tâm Thức như là biểu hiện bằng tính chất tự nhiên thanh tịnh (của Bản Tâm) vì Bản Tâm là thanh tịnh bản nhiên từ khởi thủy..
Ngay cả khi vẫn là chúng sanh và dù đã tạo vô số ý Nghiệp tốt hoặc xấu như tham, sân, si; Bản Tâm chính nó vẫn siêu việt (= ở trên) mọi ô nhiễm từ các phiền não nầy. Nước có thể rất bẩn nhưng thể tính của nó vẫn là trong sạch (= thanh tịnh) và bản tánh của nước không bị ô nhiễm bởi bùn dơ.
Tương tự, bất luận Hiện tượng phát sinh như là trò thiên diễn (= biểu tượng) của Tâm nầy, và bất luận lực dụng của nó (= hiện tượng phát sinh) đến mức nào thì tự Bản Tâm (căn nguyên của mọi tướng trạng của các kỹ xảo như vậy) từ vô thủy vẫn không bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm và vẫn không bị ảnh hưởng bởi cái thiện.
Giác ngộ là khi ta "đồng nhất" được với Bản Tâm và nhận thức rõ ràng tất cả mọi Hiện tượng luân hồi sinh tử và Niết bàn (Vạn Pháp) đều lưu xuất từ Bản Tâm nầy. Bản Tâm từ bi viên mãn và vi diệu vốn có sẵn (trong mỗi và mọi chúng sanh) nên Kinh có câu "Giác ngộ từ vô thủy".
Từ không bị ảnh hưởng bởi khái niệm quy ước, Tâm (Tâm Thức) đồng nhất với bản thể của mình (= Bản Tâm) và khẳng định chính xác rằng ý nghĩa của nó (= Bản Tâm) tương tục và thường hằng trong sự quân bình của Định Tuệ thì dù có sống trong thế tục chúng ta đã là Phật.
Giáo lý của Kim Cang Thừa không khác Tánh Tông và Thiền Tông.
*
Tánh Tông dựa trên kinh Pháp Hoa mà có quan niệm về Phật tánh (hay Bản tâm), điều mà các Tông Phái của Phật Giáo Đại Thừa trước đó không nghĩ đến.
Trong Kinh Pháp Hoa của Phật Giáo Đại Thừa (viết vào khoảng năm 100-200 tr CN):
(Phẩm 10): Mọi người có thể được giải thoát. Tất cả chúng sanh có thể thành Phật, không những Tăng Ni mà còn cả Cư sĩ (Lay people), Thanh Văn, Bồ Tát và Sinh vật không phải là người (non human creature).
(Phẩm 12): Phật Tánh thì phổ quát trong tất cả mọi người kể cả Devadatta cũng có căn cơ (potential) thành Phật.
Chú thích:
Devadatta là người đệ tử xấu, âm mưu ám sát Phật Thích Ca. Theo Phật Giáo Nguyên Thủy thì Devadatta phải xuống Địa ngục không thể giác ngộ được. Kinh Pháp Hoa của Phật Giáo Đại Thừa thì nói ngược lại.
Bản tâm hay Phật tánh Giác ngộ có từ bẩm sinh nên mỗi Con người sinh ra đã Giác ngộ đó là điều khác với giáo lý Giác ngộ của Phật Thích Ca và Phật Giáo Nguyên Thủy.
Theo Thập Nhị Nhân Duyên của Phật Thích Ca, mỗi Con người sinh ra thì Vô minh (không Giác ngộ). Vô minh là khởi đầu của Thập Nhị Nhân Duyên.
Theo Bát Nhã Tâm kinh, Trung Quán Phái của Phật Giáo Đại Thừa phủ nhận giá trị tuyệt đối của (giáo lý) Thập Nhị Nhân Duyên của Phật Thích Ca và Phật Giáo Nguyên Thủy.
Theo Tánh Tông của Đại Thừa Duy Thức Phái (cũng như Thiền Tông và Kim Cang Thừa sau này), Con người sinh ra với Giác ngộ vì đã có Bản tâm từ bi bẩm sinh (= Bản tâm Giác ngộ).
Bát Nhã Tâm kinh coi Thập Nhị Nhân Duyên bắt đầu từ Vô minh cho tới Lão Tử cũng là Sự vật thông thường "không có Tự tánh" tức là Tương đối và không có giá trị tuyệt đối.
Bát Nhã Tâm kinh viết:
Trong Không (Sùnya), không có Minh, không có Vô Minh; không có Minh diệt, không có Vô Minh diệt; cho tới không có Tuổi Già (Lão) và Sự Chết (Tử), không có sự tận diệt của Tuổi Già và Sự Chết.
Thật ra, Phật Giáo Nguyên thủy đã nói tới bản tâm trong Kinh Tạng và gọi nó là minh tâm hay Phật tánh.
Tăng Nhất Bộ Kinh (Anguttara Nikaya) của Kinh Tạng viết:
Minh tâm bẩm sinh (innately luminous mind=prabhasvara citta) bị che dấu bởi phiền não mê hoặc (defilements = agantukaklesa).
Đại Chúng bộ (Mahasàngika) gọi là tâm thức bản thể (substratum consciousness = Mulavijana) là căn bản của tâm thức (nature of consciousness).
Niết Bàn Kinh (Nirvana Sutra) của Kinh Tạng viết:
Chúng sanh có sở hữu một bản tánh thánh thiện (sacred nature) làm căn bản để chúng sanh thành Phật. Đó là Phật tánh, thực tánh (true nature) phổ quát (universal) và ô uế (sullied) bởi trạng thái tâm lý hay nghiệp mà cá thể có thể vướng vào.
Tuy nhiên, Phật Giáo Nguyên thủy đã không đem bản tâm (hay Phật tánh) từ bi vào giáo lý trong Tập Đế (Thập nhị Nhân Duyên) và Diệt Đế của mình.
*
Bản tâm và Phật tánh còn có nhiều danh hiệu khác của Phật Giáo Đại Thừa: Chân như, Như thực, Như Lai tạng, Như Lai, Phật thân, Pháp thân, Thực tánh, Tự tánh, Bản lai diện mục ... (Như lai = Phật).
Bản Tâm = Nature Mind
Phật Tánh = Buddha Nature = Buddhatà = Buddha-svabhàva
Chân Như = Thusness, Suchness = Tathatà. Như Thực = Suchness of Truth
Như Lai tạng = Embryo of Tathàgata = Tathàgata-garbha. Như Lai = Tathàgata
Phật Thân = Buddha body = Buddha-kayà. Pháp Thân = Dharma body = Dharma-kayà
Thực Tánh = True Nature. Tự Tánh = Intrinsic Nature = Svabhava
Theo Phạn ngữ, Chân như cũng gần giống Như lai.
Chân Như = Tathatà
Như Lai = Tathàgata
Như Lai tạng (The Tathàgata embryo = Tathàgata-garbha):
Tathàgata = Thus gone = Như Lai.
Garbha = Womb, Embryo = Tạng. Garbha có nghĩa bóng là trung tâm (center) hay bản thể (essence).
Tathàgata Garbha = Containing a Tathàgata = Như Lai Tạng chứa (một) Như Lai.
Trúc Lâm đại sĩ Trần Nhân Tông dùng từ ngữ "gia trung hửu bảo" với ngụ ý là Phật tánh hay Bản tâm.
Trong câu tục ngữ Việt "Bụt nhà không thiêng, cầu Thích Ca ngoài đường" (từ "Tự Điển Lược Giải" của Lê Văn Hoè), "Bụt nhà" ngụ ý là Phật tánh.
"Thiện căn" trong câu "Thiện căn ở tại lòng ta" (Truyện Kiều) của Nguyễn Du cũng chính là Bản tâm từ bi bẩm sinh trong mỗi người.
Nho Giáo của Mạnh Tử gọi là "Tánh Bản Thiện" và Tân Nho Giáo của Vương Dương Minh gọi là "Lương tri hay Trí Lương tri".
Đó cũng là Thiện Tâm của Kitô Giáo (Christianity = Thiên Chúa Giáo). "Bản tâm Từ bi" của Phật Giáo không khác "Thiện tâm Bác ái" của Kitô Giáo.
d) Thiền Tông
*
Theo Thiền Tông về Sự vật:
Giống như Không Tông (từ Trung Quán Phái), Sự vật là có nhưng vô ngã (without nature), được diễn tả trong kinh Bát Nhã là "không có tự tánh" (= Tánh Không), cho nên vô thường (impermanent). Vì Sự vật vô ngã và vô thường cho nên Sự vật thì tương đối (relative), không tuyệt đối (not absolute).
Thiền Tông nhấn mạnh rằng Sự vật ở bên ngoài Tâm của một Con người bao gồm sinh mạng khác, con người khác và cả Thân của Con người đó.
Theo Thiền Tông về Tâm của Con người:
Tâm (Mind) của Con người gồm có Tâm thức (Conscious Mind) và Bản tâm (Nature Mind).
Tâm thức là hoạt động của Tâm đối với Sự vật bên ngoài của Tâm và có chức năng của 7 Thức đầu, thay vì có 8 Thức như Nhiếp Luận Tông và Tánh Tông.
Khác với Tánh Tông, Thiền Tông không công nhận sự hiện hữu của A Lại Da Thức; và coi Chân như (Suchness, Thusness) là đồng nghĩa với Bản tâm (Nature mind) hay Phật tánh (Buddha nature). Do đó Thiền Tông không chấp nhận rằng Sự vật là không có (= ảo) và không có thực (= giả) như Tánh Tông và Nhiếp Luận Tông (từ Duy Thức Phái).
Giống như Tánh Tông, Bản tâm thì "không nhị nguyên" đối với Sự vật nên dung hòa và từ "dung hòa" mà không chấp ngã và không tự ngã đối với Sự vật bên ngoài (của Tâm của Con người). Nhị nguyên (Duality) là phân biệt giữa "ngã" (ta) và "không phải là "ngã" (không phải là ta). Đó là Bản tâm Từ Bi (từ "dung hòa" nên có từ bi). Do đó Bản tâm thì vô ngã (= không chấp ngã, không tự ngã và không nhị nguyên). Tuy nhiên Thiền Tông khẳng định là Phật tánh (hay Bản tâm) không có ở thú vật mà chỉ có ở Con người.
Tâm của Con người Giác ngộ hay vô minh là tùy theo Tâm thức Giác ngộ hay vô minh. Bản tâm thì luôn luôn Giác ngộ và Bản tâm có từ bẩm sinh trong mỗi Con người.
Thiền Tông nhấn mạnh rằng Tâm thức là hoạt động của Tâm đối với Sự vật do đó Tâm thức thì "động" (moving) chứ không bắt buộc phải "tịnh" (not moving) cho dù Tâm thức Giác ngộ hay vô minh. Tâm thức không bám chặt và ràng buộc (không sở trụ) vào Sự vật nhưng Tâm thức vẫn hoạt động.
Theo Thiền Tông, Phật tánh (= Bản tâm) chỉ có ở Con người (chứ không có ở Thú vật).
Công án của Thiền Tông viết:
Thiền sư Triệu Châu, một người Trung Hoa, được môn đệ hỏi rằng "Con chó có Phật Tánh hay không?".
Thiền sư Triệu Châu trả lời (nguyên văn Hán ngữ) là : "Vô" (Hán ngữ).
Hán ngữ "Vô" trong trường hợp này dùng để "phủ định", có thể dịch sang tiếng Nôm là "Không" (= No, None) nhưng Hán ngữ không có từ ngữ "Không" để phủ định trong trường hợp này mà phải dùng từ ngữ "Vô".
Hán ngữ "Vô" này chắc chắn không có thể là "Không" (Sunya) của kinh Bát Nhã và Không Tông như dự đoán của nhiều học giả trong quá khứ.
*
Theo Thiền Tông về Giác ngộ:
Tâm thức không giác ngộ (= vô minh) thì chấp ngã và tự ngã đối với Sự vật không có và không có thực do đó sinh ra Khổ, tức là Tâm phiền não. Đó là Tâm mê hoặc vào Sự vật vì chấp ngã và tự ngã đối với Sự vật mà bám chặt và ràng buộc (= sở đắc = sở trụ) vào Sự vật. Dĩ nhiên Tâm thức không giác ngộ là Tâm thức không tuân theo hay không đồng nhất với Bản tâm tức là Tâm thức thì "nhị nguyên".
Tâm thức Giác ngộ (Tâm Giác ngộ) để được Tâm An mà không phiền não thì phải qua lần lượt 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Trước hết, Tâm thức Giác ngộ, là không chấp ngã và không tự ngã đối với Sự vật. Đó là Tâm thức đoạn diệt mê hoặc vào Sự vật (= Đoạn Hoặc) vì không chấp ngã và không tự ngã đối với Sự vật mà không bám chặt và ràng buộc (= vô sở đắc = vô sở trụ) vào Sự vật.
Giai đoạn 2: Sau đó, Tâm thức Giác ngộ là tuân theo hay đồng nhất với Bản tâm nên Tâm thức "không Nhị nguyên" (giống như Bản tâm) tức là dung hòa mà không chấp ngã và không tự ngã đối với Sự vật. Đó là Tâm thức Từ bi đối với Sự vật do đó Đoạn Hoặc đối với Sự vật. Từ bi là dung hòa với Sự vật và Đoạn hoặc là không chấp ngã và tự ngã đối với Sự vật.
Theo Thiền Tông, Tâm thức Giác ngộ có 2 giai đoạn liên tiếp nhau:
Trước hết là Tâm thức của Con người phải Đoạn Hoặc đối với Sự vật bên ngoài. {giống như Không Tông và Nhiếp Luận Tông}
Từ đó Tâm thức mới đồng nhất được với Bản tâm Từ Bi mà Từ bi và không Mê hoặc. {giống như Tánh Tông}
Pháp Bảo Đàn kinh viết:
Huệ Năng hiểu ý nên canh ba vào thất (phòng của Tổ). Ngũ tổ dùng cà sa che lại không cho người thấy, rồi thuyết kinh (Bát Nhã) Kim Cang. Khi đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” thì Huệ Năng ngay đó đại ngộ (đốn ngộ), vạn pháp chẳng lìa tự tánh.
Huệ Năng liền bạch: “Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh, vốn chẳng sanh diệt, vốn tự đầy đủ, vốn chẳng lay động và tự tánh hay sanh vạn pháp”. Tổ biết Huệ Năng đã ngộ nên nói với Huệ Năng rằng: “Chẳng nhận được bản tâm (thì) học pháp vô ích, nếu nhận được bản tâm thấy được bản tánh tức gọi là Trượng Phu, là Thiên Nhơn Sư, là Phật”.
"Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm" có nghĩa là "Nên không bám chắc ở một chỗ mà sinh ra kỳ tâm".
"Ưng vô sở trụ" là Tâm của Con người không sở trụ vào Sự vật (= Giai đoạn 1 của Đoạn Khổ Nghiệp)
"Nhi sinh kỳ tâm" là Tâm của Con người đồng nhất với Bản tâm kỳ diệu (= Giai đoạn 2 của Đoạn Khổ Nghiệp).
(Tự tánh = Phật tánh = Bản tâm)
Như vậy, Tâm Giác ngộ là Tâm Đoạn Hoặc và Từ Bi đối với Sự vật
Không Tông và Nhiếp Luận Tông chủ trương Đoạn Hoặc. Tánh Tông chủ trương Từ Bi (thì tự động sẽ Đoạn Hoặc). Thiền Tông chủ trương Đoạn Hoặc rồi mới Từ Bi. Thập Nhị Nhân Duyên của Phật Thích Ca và Phật Giáo Nguyên Thủy cũng dẫn tới chủ trương Đoạn Hoặc.
Phật Giáo Nguyên Thủy và Phật Giáo Đại Thừa Trung Quán (theo kinh Bát Nhã) đều nghĩ rằng sau khi Tâm của Con người Đoạn Hoặc thì Tâm của Con người sẽ tự động sinh ra Từ Bi do đó không cần phải nêu ra. Tuy nhiên Đại Thừa Thiền Tông cho rằng sở dĩ Tâm của Con người sinh ra Từ Bi sau khi Đoạn Hoặc là vì Tâm của Con người có sẵn Bản tâm (hay Phật tánh) Từ Bi ngay từ bẩm sinh.
Đoạn diệt 3 tư hoặc thuộc về tình cảm là tham dục, sân và mạn giúp cho tu sĩ phát hiện ra tâm từ bi. Kinh Tạng của Phật Giáo Nguyên thủy có nói đến từ bi (xuất hiện) sau khi đoạn hoặc qua lời của tôn giả Xá Lợi Phất (Sàriputta), một trong 10 đại đệ tử của Phật Thích Ca:
Một hôm sa di Ràhula (con của Phật Thích Ca) đi khất thực với tôn giả Sàriputta ở Rajagaha (Vương Xá). Một tên côn đồ (hooligan) liệng cát vào bình bát của Sàriputta và đánh đập Ràhula. Sàriputta bảo Ràhula rằng: "Dù gặp bất cứ cách đối xử nào, chúng ta là tỳ kheo đừng bao giờ giận (sân), phải có lòng từ bi đối với chúng sanh. Người tu hành tìm giác ngộ không tự kiêu, không tham dục và phải có sức mạnh chống lại cái tâm nóng giận (sân)". Ràhula vâng lời, chỉ cười rồi bỏ đi cùng với Sàriputta.
B. Đoạn Hoặc và Từ Bi = Giác Ngộ
Từ Giáo lý Giác ngộ, Giác Ngộ là Tâm của Con người Giác ngộ thực tế chỉ là Tâm thức Đoạn Hoặc và Từ Bi.
Dàn bài
Chi tiết về Đoạn Hoặc và Từ Bi
Trọng điểm về Đoạn Hoặc và Từ Bi
Từ Bi và Đại Từ Bi
a) Chi tiết về Đoạn Hoặc và Từ Bi
In Essentials of Buddhism, professor Kogen Mizuno writes:
In the state of nonself, there can be no self-centered greed, unreasonable fear of others, hate, flattery, boasting, insult, anger, jealousy, or envy.
A person who has realized the nature of nonself can not bring harm to others, since actions is taken only after correctly considering both its immediate and its wider-ranging effects. This is expressed as loving kindness and pity for all beings. There is no conflict between self and others.
As the result, the state of nonself as been defined as the state of mind of an enlightened person.
(Dịch)
Trong trạng thái vô ngã, không thể có tham lam ích kỷ, sợ hãi vô lý đối với người khác, thù ghét, nịnh bợ, khoe khoang tự phụ, lăng nhục, phẫn nộ giận dữ, ghen ghét hay ganh tỵ.
Một con người thức ngộ tự tánh của vô ngã không thể làm hại những người khác, vì hành động chỉ được thực hiện sau khi nghĩ tới cả hai hậu quả tức thời và rộng rãi. Đó được biểu lộ như lòng tử tế và thương xót cho tất cả chúng sanh. Không có xung đột giữa mình và những người khác.
Như vậy, trạng thái vô ngã được định nghĩa như là trạng thái của tâm giác ngộ.
* Đoạn Hoặc (= Đoạn diệt Mê hoặc)
Đoạn Hoặc đối với tất cả mọi sự vật bên ngoài tâm của ta (all beings and all things) kể cả những sinh mạng hay sinh vật khác (all sentient beings), nhân mạng hay con người khác (human beings) và thân ta (trong sinh lão bệnh tử).
Đoạn Hoặc (Đoạn diệt mê Hoặc) là đoạn diệt 3 Mê hoặc (Hoặc) gồm có Tham dục, Sân, Mạn:
Đoạn diệt Sân:
không phẫn nộ giận dữ (anger)
không thù ghét (hate)
không lăng nhục (insult) những người khác
không tổn hại (causing injury) những người khác
không độc ác (cruelty)
Đoạn diệt Mạn:
không khoe khoang tự phụ (boasting)
không ghen ghét (jealousy) hay ganh tỵ (envy)
không nịnh bợ (flattery)
không sợ hãi vô lý (unreasonable fear) đối với những người khác
Đoạn diệt Tham Dục:
không tham lam ích kỷ (self-centered greed)
1. Tham Dục
Đoạn diệt Tham dục = không tham lam ích kỷ (self-centered greed):
= không "tham dục" (tham muốn) riêng cho mình
= có "dục" (muốn hay ham muốn) nhưng không "tham" cái "dục" (muốn hay ham muốn) cho riêng mình
= không "dục" (muốn hay ham muốn) cho riêng mình; một cách vô độ hay quá khao khát mãnh liệt không cưỡng lại được hay trói buộc ham muốn (= dục) lâu dài vào một đối tượng.
Tham dục = Tham muốn = Craving or Strong Desire = Tham Ái, Ái.
Tham, Tham lam = Greed
Tham dục = Tham, Tham lam
Dục = Muốn, Ham muốn = Desire
2. Sân
- Theo Phật Giáo từ Phật Giáo Nguyên thủy:
Sân hay Giận (Anger) theo nghĩa đen là không vừa lòng (displeasure) và ghét (revulsion) một đối tượng (mà mình) không thích (dislike).
Từ Sân (hay Giận) còn phải Đoạn diệt những điều nặng hơn:
Phẫn hay Giận dữ (Wrath) , thường có võ lực (violence). Phẫn gần đồng nghĩa với Tức giận (Indignation) hay Nỗi giận (Temper).
Hận tức là Oán giận, Căm hờn (Enmity), thường do thù nghịch.
Hại (Causing injury) làm tổn hại (sinh vật khác).
"Độc" (Cruelty) là độc ác, hung dữ, tàn bạo, dã man.
- Theo Thiền tông:
Đoạn diệt Sân =
không phẫn nộ giận dữ (anger)
không thù ghét (hate)
không lăng nhục (insult) những người khác
không tổn hại (causing injury) những người khác
không độc ác (cruelty)
3. Mạn
- Theo Phật Giáo từ Phật Giáo Nguyên thủy:
Mạn = Kiêu ngạo (Pride = Màna)
Mạn khác với Kiêu (Arrogance = Mada).
Mạn là tự kỷ coi mình hơn sanh mạng khác hay coi sanh mạng khác dưới hơn mình. Mạn cần có sanh mạng khác để so sánh. Mạn = Kiêu Ngạo (kiêu căng và ngạo mạn).
Kiêu là tự kỷ coi mình là tối cao hơn hết (superior), không cần so sánh với chúng sanh. Kiêu = Kiêu Hãnh.
Dĩ nhiên là nếu đoạn diệt Mạn thì cũng phải đoạn diệt Kiêu.
- Theo Thiền tông:
Đoạn diệt Mạn =
không khoe khoang tự phụ (boasting)
không ghen ghét (jealousy) hay ganh tỵ (envy)
không nịnh bợ (flattery)
không sợ hãi vô lý (unreasonable fear) đối với những người khác
Thiền tông có Đoạn hoặc (đoạn diệt tham dục, sân và mạn) giống như Phật Giáo Nguyên thủy nhưng dùng Từ bi để thay thế Trì giới của Phật Giáo Nguyên thủy.
Đoạn diệt tham dục là điều rất tế nhị trong đoạn diệt mê hoặc nên cần có từ bi làm căn bản.
* Từ Bi
Từ bi đối với sự vật bên ngoài nhất là sinh vật khác, người khác (và kể cả thân ta trong sinh lão bệnh tử).
Từ bi là:
hiền lành (= Từ) với sự vật, tức là nhẫn nhịn (forebearance) và không có xung đột (no conflict), do đó không làm hại người, sinh vật khác và thân mình.
thương (= Bi) với sự vật, bằng thể hiện lòng tử tế (loving kindness) và lòng thương xót (pity), do đó giúp đỡ người, sinh vật khác và thân mình.
b) Trọng điểm về Đoạn Hoặc và Từ Bi
*
Từ giáo lý Giác ngộ, Tâm thức Giác ngộ là Tâm thức Đoạn Hoặc và Từ Bi
Đoạn Hoặc = Đoạn diệt Mê hoặc. Có 3 Mê hoặc (Hoặc) là Tham dục (Tham muốn), Sân và Mạn.
Theo đúng từ ngữ, Đoạn diệt Tham dục (Tham muốn) chứ không Đoạn diệt Dục (= diệt dục).
Đoạn diệt Tham dục = không tham lam ích kỷ (self-centered greed):
= không "tham dục" (tham muốn) riêng cho mình
= có "dục" (muốn hay ham muốn) nhưng không "tham" cái "dục" (muốn hay ham muốn) cho riêng mình
= không "dục" (muốn hay ham muốn) cho riêng mình; một cách vô độ hay quá khao khát mãnh liệt không cưỡng lại được hay trói buộc ham muốn (= dục) lâu dài vào một đối tượng.
Đó là điều hợp lý vì nếu mọi người đều "không muốn" gì hết thì làm sao nhân loại có văn minh tiến bộ được.
Dục = Muốn, ham = Desire
Tham dục = Tham muốn = Craving, Strong desire.
Tham = Greed = Tham dục.
THAM MUỐN
Sống đời có muốn chớ đừng tham
Tham muốn nghĩa là có ý tham
Muốn hợp theo tài nên lập chí
Muốn thành quá độ cứ còn tham
Muốn tâm sân mạn, tâm không chánh
Muốn dạ từ bi, dạ chẳng tham
Muốn được tồn sinh khi tuyệt vọng
Nguyện cầu, tận lực, há là tham?
(Phan Thượng Hải)
4/18/22
*
Theo Thiền Tông, Tâm thức là hoạt động của Tâm:
Tâm thức hoạt động từ hiện tượng của sự vật từ cảm giác (sensation), tri giác (perception) cho đến cuối cùng là nhận thức (cognition) để có ý thức (consciousness).
Tâm thức hoạt động về hiện tượng của sự vật là tư tưởng hay tư duy (thought) gồm có lý trí và tình cảm (affection, sentiment). Lý trí gồm có suy nghĩ (thinking) và suy luận (reason). Từ ý thức hiểu biết về sự vật tâm thức mới có tư tưởng về sự vật, đó là ý kiến (view, idea).
Pháp Bảo Đàn kinh viết về tâm thức (hoạt động của tâm) và sự vật:
Một ngày kia (Lục tổ Huệ Năng) ra chùa Pháp Tánh (ở Quảng Châu) gặp Pháp sư Ấn Tông. Có hai vị tăng tranh luận về nghĩa “gió và phướn (một loại cờ)”; kẻ nói gió động người nói phướn động, tranh cãi không ngừng. Huệ Năng chen vào nói: “Chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động, mà tâm các ông động”. Cả chúng (= mọi người) đều ngạc nhiên.
Do đó:
Tâm thức là hoạt động của Tâm đối với Sự vật do đó Tâm thức thì "động" (moving) chứ không bắt buộc phải "tịnh" hay "tĩnh" (not moving) cho dù Tâm thức Giác ngộ hay vô minh. Tâm thức không bám chặt và ràng buộc (không sở trụ) vào Sự vật nhưng Tâm thức của Con người vẫn luôn ở trạng thái hoạt động (= trạng thái "động") đối với Sự vật bên ngoài. Từ ngữ "Tịnh" trong Tâm "An tịnh" có nghĩa là "trong sạch" (pure).
Không có đoạn diệt tất cả Tư tưởng (gồm Tình cảm và Lý trí). Thiền Tông không đồng ý với đoạn diệt tư tưởng như Duy Thức Phái; vì Duy Thức Phái cho rằng Tư tưởng (Mạt Na thức) là nguồn gốc của chấp ngã và tự ngã nên phải đoạn diệt.
Đoạn Hoặc và Từ Bi chỉ thuộc về Tình cảm trong Tâm thức của Con người mà thôi. Tâm thức của Con người tự do trong các hoạt động khác của Tâm thức như cảm giác (sensation), tri giác (perception), nhận thức (cognition), lý trí và kể cả những hoạt động khác của tình cảm. Con người vẫn có Tình cảm chứ không Vô tình (và Diệt dục).
Pháp Bảo Đàn kinh viết (trang 88-89) về "Không đoạn diệt Tư tưởng":
Có vị Tăng đem bài Kệ của Ngọa Luân Thiền sư lập lại với Sư (Huệ Năng):
Ngọa Luân hữu kỹ lưỡng Ngọa Luân có kỹ lưỡng
Năng đoạn bá tư tưởng Dứt được trăm tư tưởng
Đối cảnh Tâm bất khởi Đối cảnh Tâm chẳng khởi
Bồ Đề nhựt nhựt trưởng Bồ Đề ngày ngày (tăng) trưởng (*)
(Ngọa Luân) (Dịch)
Sư (Huệ Năng) nghe xong nói: “Bài Kệ nầy chưa rõ Tâm địa, nếu theo đó mà tu hành thì lại thêm trói buộc”.
Do đó Sư khai thị một bài Kệ:
Huệ Năng một kỹ lưỡng Huệ Năng không kỹ lưỡng
Bất đoạn bá tư tưởng Chẳng dứt trăm tư tưởng
Đối cảnh Tâm sổ khởi Đối cảnh Tâm cứ khởi
Bồ Đề tác ma trưởng. Bồ Đề làm sao (tăng) trưởng. (*)
(Huệ Năng) (Dịch)
Chú thích: Bồ đề đồng nghĩa với giác ngộ. Tư tưởng gồm có lý trí và tình cảm.
Một công án trong Thiền Luận (quyển Trung, trang 118) viết về "Vô tình":
Một giảng sư kinh Hoa Nghiêm đến tìm Huệ Hải và hỏi: “Bẩm, Thầy tin rằng hết thảy các loài Vô Tình đều là Phật?”
Đáp: “Không, tôi không tin vậy. Nếu các loài vô tình đều là Phật, các loài đang sống khác nào đã chết. Khỉ chết, chó chết còn hơn loài người đang sống. Chúng ta đọc Kinh thấy nói Phật thân không khác Pháp thân (Dharmakàya) vốn do Giới (Sila), Định (Dhyàna) và Tuệ (Prajna) mà sinh; do các phước đức mà sinh. Nếu các loài vô tình đều là Phật, thưa Đại Đức, ngay lúc nầy tốt hơn hãy chết đi mà thành Phật”.
Theo Bát Chánh Đáo hay Lục Độ của Đạo Đế, Tâm Giác ngộ không đoạn diệt Tư tưởng
Giác Ngộ trong Bát Chánh Đạo (hay Lục Độ):
- Sáng suốt trong nhận thức giáo lý Giác Ngộ: Chánh Kiến (Right View) và Chánh Niệm (Right Mindfullness)
= Chánh Tuệ
= Tuệ Ba La Mật Đa = Bát Nhã Ba La Mật Đa của Lục Độ.
- Sáng suốt trong thi hành giáo lý Giác ngộ trong đời sống (trong sinh kiếp)
Qua tư tưởng hay tư duy*: Chánh Tư Duy (Right Thought) và Nhẫn Ba La Mật Đa của Lục Độ.
Qua ngôn ngữ: Chánh Ngữ (Right Speech)
Qua hành động: Chánh Nghiệp (Right Action)
Qua sinh hoạt: Chánh Mệnh (Right Livelihood) và Bố Thí Ba La Mật Đa của Lục Độ.
- Luôn luôn giữ sáng suốt trong nhận thức và thi hành Giáo lý Giác ngộ: ChánhTinh Tiến (Right Effort) = Tinh Tiến Ba La Mật Đa của Lục Độ.
Chánh Tư Duy + Chánh Ngữ + Chánh Nghiệp + Chánh Mệnh = Giới Ba La Mật Đa của Lục Độ.
*
Tâm thức (Tâm) của Con người "nhân duyên" đối với Sự vật bên ngoài của Tâm mà có Khổ Nghiệp cho nên Khổ (quả Khổ). Tâm của Con người và Sự vật đều là Nhân và 2 Nhân "duyên" với nhau nên gọi là "nhân duyên".
Theo giáo lý Giác ngộ:
Khổ Nghiệp từ nhân duyên (Nhân Duyên Khổ Nghiệp) = Hoặc (Mê hoặc) gồm Tham dục, Sân và Mạn. Vô minh = có Khổ Nghiệp. {Tập Đế}
Đoạn diệt Khổ Nghiệp từ nhân duyên giữa Tâm thức của Con người và Sự vật bên ngoài của Tâm là Đoạn Hoặc và Từ Bi. Từ Bi thì không có Khổ Nghiệp. Giác ngộ = không có Khổ Nghiệp từ đoạn diệt. {Diệt Đế}
Sự vật bên ngoài Tâm của một Con người gồm cả Thân của con người đó. Như vậy Tâm của một Con người cũng Đoạn Hoặc và Từ Bi đối với Thân của mình.
Do đó, Tâm thức Giác ngộ không có Khổ Nghiệp là Đoạn Hoặc và Từ Bi:
Đoạn Hoặc và nhất là Từ Bi chỉ đặt căn bản trên Khổ Nghiệp chứ không đặt căn bản trên Ác Nghiệp và Thiện Nghiệp và những loại Nghiệp khác. Phật Pháp chỉ dùng Ác Nghiệp làm căn bản cho Trì Giới và không áp dụng Thiện Nghiệp.
Đoạn Hoặc và Từ Bi theo "nhân duyên": Tâm thức chỉ Đoạn Hoặc và Từ Bi với Sự vật có "nhân duyên" tức là có liên quan. Tâm thức của một Con người chỉ Đoạn Hoặc và Từ Bi đối với Sự vật (bao gồm sanh mạng) có liên quan với mình mà thôi. Một Con người không bắt buộc phải tình nguyện "cứu nhân độ thế" cho nhiều người không có liên quan đến mình hay cho tất cả mọi người.
Thiền Luận quyển Hạ, trang 547 viết về Từ Bi chỉ dựa trên Bản tâm hay Phật tánh (Tự tánh) không Khổ Nghiệp chứ không vì Thiện Nghiệp và Từ Bi không cần phải là "cứu nhân độ thế" cho quảng đại quần chúng.
Lương Vũ Đế hỏi Đạt Ma (Tổ Bồ Đề Đạt Ma):
“Từ khi Trẫm lên ngôi đến nay, đã xây dựng biết bao nhiêu chùa chiền, sao chép biết bao kinh điển và độ vô số tăng ni. Ngài nghĩ công đức của Trẫm như thế nào?”.
Đạt Ma đáp (cộc lốc):
“Tâu Bệ hạ, chẳng công đức gì hết”
Vũ Đế ngạc nhiên hỏi:
“Tại sao thế?”
Đạt Ma mới nói như vầy:
“Đó chỉ là những việc làm hạ đẳng, chỉ khiến cho người ta thác sinh vào các cõi trời, rồi cũng sẽ trở lại trần gian nầy nữa. Chúng vẫn còn mang những dấu vết của thế tục, như bóng theo hình. Dù chúng có vẻ thực, thì cũng chỉ là những pháp phi hữu. Đối với công đức chân thật (thì) đầy đủ trí tuệ thanh tịnh (= trong sạch), viên mãn vi diệu, và bản tính chân thật của nó vượt ngoài sở tri (= cái hiểu biết) của người. Do vậy đừng tìm cầu nó trong các công trình thế gian”.
*
Giác Ngộ là Tâm của Con người Giác ngộ thực tế chỉ là Tâm thức Đoạn Hoặc và Từ Bi.
Tâm Giác ngộ (Tâm thức Giác ngộ) =
Tâm thức nhận nhức đúng (chánh kiến), luôn để ý đúng (chánh niệm) và tuân giữ đúng (chánh tinh tiến) Đoạn Hoặc và Từ Bi {Kiến = Giải ngộ}
và thi hảnh đúng Đoạn Hoặc và Từ Bi, đúng trong tư tưởng (chánh tư duy), đúng trong ngôn ngữ (chánh ngữ), đúng trong hành động (chánh nghiệp) và đúng trong sinh hoạt (chánh mệnh) trong kiếp sống hằng ngày. (Hành = Chứng ngộ}
Như vậy, một Con người Giác ngộ sống bình thường trong đời sống thế tục hằng ngày theo chí hướng tự do của mình với Tâm thức Đoạn Hoặc và Từ Bi mà không cần phải gia nhập Tăng già thành Tăng Ni. Như vậy nhân loài mới sinh sản trong văn minh tiến bộ được nhờ các hoạt động khác của Tâm thức của Con người theo Tình cảm Đoạn Hoặc và Từ Bi.
Tóm lại, Con người Giác ngộ là Hành Kiến Đoạn Hoặc và Từ Bi trong đời sống thế tục hằng ngày của mình.
Thiền sư Yến Khê Quảng Văn (1189-1263) có bài kệ (trích từ Thiền Luận của Suzuki):
Đảm tử toàn kiên hà phụ
Mục tiền qui lộ vô sa
Tâm tri ưng vô sở trụ
Tri sài lạc tại thùy gia
(Dịch)
Đôi vai chất đầy gánh nặng
Đường về trước mắt không hay
Dù biết “ưng vô sở trụ”
Biết rằng củi bán nhà ai
Một Công án từ Thiền Luận của Suzuki viết:
Tổ sư Lặc Đàm Hoài Trừng hỏi sư Linh Thao hiểu sao về (Tổ) Đạt Ma (từ) Tây lại, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật. Linh Thao bày tỏ rằng không hiểu.
Lặc Đàm nói: “Trước khi xuất gia ông làm gì?”
Đáp: “Chăn trâu”
Lặc Đàm lại nói: “Chăn như thế nào?”
Đáp: “Sáng sớm cưỡi đi, chiều tối cưỡi về”
Lặc Đàm nói: “Ông thiệt ngu si quá đổi”
Sư Linh Thao đại ngộ và đọc bài Kệ:
Phóng khước ngưu tằng tiện xuất gia Vứt bỏ giây chăn rồi xuất gia
Thế trừ tu phát trước cà sa Cạo râu cạo tóc khoác cà sa
Hữu nhân vấn ngã Tây lai ý Có ai hỏi ý từ Tây đến
Tru trượng hoành khiêu la lí la Vác gậy quơ ngang la lí la
(Sư Linh Thao) (Tuệ Sỹ dịch)
Giữa Hành và Kiến, Kiến là phần quan trọng: Giác ngộ là phải Hành (Chứng ngộ) theo Kiến (Giải ngộ).
Câu chuyện trong Pháp Bảo Đàn kinh cho thấy sư Thần Tú với bài kệ chỉ nói về Hành nhưng không nói về Kiến nên không được Ngũ tổ Hoằng Nhẫn truyền y bát. Sau đó sư Huệ Năng có bài kệ về Kiến mặc dù chưa hoàn chỉnh nên Tổ Hoằng Nhẫn dạy thêm cho hoàn chỉnh về Kiến và truyền y bát thành ra Lục tổ.
Đây là hai bài kệ của sư Thần Tú và Huệ Năng (trích từ Pháp Bảo Đàn kinh):
Thân thị bồ đề thụ (Thân như cây bồ đề)
Tâm như minh kính đài (Tâm như đài gương sáng)
Thời thời cần phất thức (Luôn luôn cần lau phủi)
Mạc (Vật) sử (xử) nhạ trần ai. (Đừng để nhuốm bụi trần)
(Thần Tú)
Bồ đề bản phi thụ (Bồ đề vốn không là cây)
Minh kính diệc phi đài (Gương sáng cũng không đài gương)
Bản lai vô nhất vật (Xưa nay không một vật)
Hà xứ nhạ trần ai. (Làm sao nhuốm bụi trần).
(Huệ Năng)
Pháp Bảo Đàn Kinh viết tiếp:
Hôm sau Ngũ tổ (đã đọc bài Kệ của Huệ Năng) đến chỗ giã gạo, thấy Huệ Năng lưng đeo đá giã gạo, nói rằng: “Người cầu đạo cần phải như thế” và hỏi: “Gạo trắng chưa?”. Huệ Năng đáp: “Trắng đã lâu, còn thiếu sàng thôi”. Tổ lấy gậy gõ trên cối 3 cái rồi bỏ đi.
Huệ Năng hiểu ý nên canh ba vào thất (phòng của Tổ). Ngũ tổ dùng cà sa che lại không cho người thấy, rồi thuyết kinh (Bát Nhã) Kim Cang. Khi đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” thì Huệ Năng ngay đó đại ngộ (đốn ngộ), vạn pháp chẳng lìa tự tánh.
Huệ Năng liền bạch: “Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh, vốn chẳng sanh diệt, vốn tự đầy đủ, vốn chẳng lay động và tự tánh hay sanh vạn pháp”. Tổ biết Huệ Năng đã ngộ nên nói với Huệ Năng rằng: “Chẳng nhận được bản tâm (thì) học pháp vô ích, nếu nhận được bản tâm thấy được bản tánh tức gọi là Trượng Phu, là Thiên Nhơn Sư, là Phật”.
"Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm" có nghĩa là "Nên không bám chắc ở một chỗ mà sinh ra kỳ tâm".
"Ưng vô sở trụ" là Tâm của Con người không sở trụ vào Sự vật (= Giai đoạn 1 của Đoạn Khổ Nghiệp)
"Nhi sinh kỳ tâm" là Tâm của Con người đồng nhất với Bản tâm kỳ diệu (= Giai đoạn 2 của Đoạn Khổ Nghiệp).
(Tự tánh = Phật tánh = Bản tâm)
c) Từ Bi và Đại Từ Bi
Người có tâm thức giác ngộ chính là Phật.
Phật thực hiện Đại từ bi, hóa độ con người cũng giác ngộ thành Phật như mình thì có danh hiệu là Bồ tát. Như vật ý nghĩa của "đại từ bi" (great compassion) của Bồ tát khác với ý nghĩa của "từ bi" (compassion) của tâm thức giác ngộ. Đại từ bi của bậc Bồ tát là hóa độ Con người khác cũng giác ngộ như mình (= giác tha, tha là tha nhân, người khác).
Phật là đọc tắt của Phật Đà. Phật Đà là dịch âm từ Buddha của Phạn ngữ. Anh ngữ vẫn dùng từ ngữ Buddha. Buddha có nghĩa là "người giác ngộ" (= giác giả = awakened one).
Bồ Tát là đọc tắt của Bồ Đề Tát Đỏa (Đóa). Bồ Đề Tát Đỏa là dịch âm từ Bodhisattva của Phạn ngữ. Anh ngữ vẫn dùng từ ngữ Bodhisattva. Bodhisattva có nghĩa là "giác hữu tình" (= giác ngộ người hay sanh mạng hữu tình).
Khác với Phật Giáo Nguyên Thủy, Phật Giáo Đại Thừa có quan niệm Bồ Tát (Bodhisattva) nên còn được gọi là Bồ Tát Thừa theo kinh Hoa Nghiêm và kinh Pháp Hoa.
Bồ Tát là bậc đã Giác ngộ (thành Phật) nhưng vì có Tâm Đại Từ Bi (còn gọi là Bồ Đề Tâm) nên lại ra tài Hóa độ Con người cũng Giác ngộ như mình. Bồ Tát có thể là những sứ giả của Phật ở Tịnh Độ như A Di Đà Phật ở Tịnh Độ (có tên là Tây Phương Cực Lạc) có sứ giả là Quan Thế m Bồ Tát theo Tịnh Độ Tông. Bồ Tát có thể ở Tịnh Độ hay Ta Bà (có khi "hóa thân" thành Con người).
Từ quan niệm Hóa độ của Bồ Tát (và Phật) có thêm quan niệm Cứu độ của Bồ tát (và Phật), cũng từ Tâm Đại Từ Bi. Cứu độ là dùng quyền lực siêu phàm của mình để cứu Con người thoát khỏi tai nạn hay bệnh tật trong kiếp đang sống. Theo tôn thờ tín ngưỡng của Phật Giáo thì Bồ Tát và Phật có quyền lực này.
Riêng theo Tịnh Độ Tông, Cứu độ khác của A Di Đà Phật và các Bồ Tát của ngài là cứu độ Con người thường không phải tái sinh sau khi chết mà được về ở cõi Tịnh Độ của ngài tên là Tây Phương Cực Lạc (và sống với Phật ở đây mà không cần phải Giác ngộ thành Phật). Muốn được như vậy, Con người chỉ thành tâm niệm tên của ngài là A Di Đà Phật (= niệm Nam mô A Di Đà Phật). Đó cũng là Đại Từ Bi của Phật A Di Đà và các Bồ tát của ngài.
Bồ Tát hóa độ hay cứu độ là thực hiện Đại Từ Bi (Great Compassion). Đại Từ Bi của Bồ Tát (và Phật) có nghĩa khác với Từ Bi (compassion) của Con người (trong quan niệm Từ Bi và Đoạn Hoặc).
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
Bài viết nầy gồm những trích đoạn trong bài "Căn Bản Phật Pháp - Giác Ngộ và Thiền Định của Thiền Tông" (Bs Phan Thượng Hải) đăng trong phanthuonghai.com mục Văn Hóa phần Phật Giáo.
Phần Phật Giáo trong phanthuonghai.com gồm có những bài của cùng một tác giả (Bs Phan Thượng Hải):
Bài đọc: Lịch Sử và Kinh Điển Phật Giáo
Bài đọc: Hành Hương và Huyền Thoại Phật Thích Ca
Bài đọc: Căn Bản Phật Pháp - Giác Ngộ và Thiền Định của Thiền Tông
Bài đọc: Giáo Lý Giác Ngộ của Phật Giáo
Bài đọc: Tứ Diệu Đế và Đạo Đế của Phật Giáo
Bài đọc: Trì Giới của Phật Giáo
Bài đọc: Thiền Định và Tu Thiền Định của Phật Giáo
Bài đọc: Thế Giới và Vũ Trụ của Phật Giáo
Bài đọc: Tôn Thờ Phật và Bồ Tát của Phật Giáo
Bài đọc: Phật Giáo Tây Tạng và Kim Cang Thừa
Bài đọc: Di Tích Phật Giáo Borobudur
Bài đọc: Thập Bát La Hán
Bài đọc: Thập Đại Đệ Tử của Phật Thích Ca
Bài đọc: Ăn Chay trong Phật Giáo
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền

NHỮNG BÀI THƠ NHÂN NGÀY LỄ CHA (FATHER'S DAY)
Bs Phan Thượng Hải
* Danh hiệu "Cha"
CHA
Tiếng Nôm người Việt gọi là Cha
Gọi Cậu, căn nguyên tự Bắc Hà
Từ đám thằng cu lòng mến Bố
Từ đàn con trẻ dạ thương Ba
Là Thầy, me nó nên nhường tớ
Là Tía, má mầy phải nhịn ta
Hán tự chính danh là chữ Phụ
Không là linh mục, cũng là Cha!
(Phan Thượng Hải)
6/19/21
* Tâm tình của Con đối với Cha
CHA (Nguyên bản)
Nhớ mãi người cha mái tóc xanh
Có cha che chở sống an lành
Chơi đùa thân mật từ thơ ấu
Dạy dỗ nghiêm minh đến trưởng thành
Bỏ nước ra đi, lòng chẳng đặng
Lìa quê mất hết, dạ không đành
Trải qua năm tháng sầu xa xứ
Cha đã nằm yên dưới mộ xanh.
(Chánh Minh Nguyễn Văn Minh)
6/19/16
CHA (Họa)
Sớm phải lìa cha lúc tuổi xanh
Nổi trôi cuộc sống khó yên lành
Công cha dạy dỗ từ thơ dại
Nghĩa mẹ chăm lo đến trưởng thành
Bỏ xứ xa cha, tâm chẳng nỡ
Rời quê cách mẹ, óc không đành
Tự do tìm đến, ngày đêm gắng
Gặp mẹ, mộ cha cỏ đã xanh.
(Hp-Trương Ngọc Thạch)
6/20/16
CHA (Họa)
Cha hiền mất sớm, lúc đầu xanh
Hưởng phước nên Con được tốt lành
Hiểu ý người xưa tu đức độ
Thấy gương người trước gắng công thành
Nhớ thương tự nhỏ tuy còn giữ
Ly biệt từ lâu cũng phải đành
Đoán biết giờ đây người quá cố
Lãng ba thơ thẩn khắp trời xanh. (*)
(Phan Thượng Hải)
6/21/16
(*) Chú thích: Bút hiệu của cha là Lãng Ba. Lãng ba = sóng lãng mạn
Người Cha là lính chiến VNCH sau 75 đi học tập và qua đời sớm vì tai nạn, chưa được đi HO.
NHỚ BA TÔI
Sống ở đời ai cũng có cha
Cha tôi số khổ, cứ bôn ba
Chiến tranh đời lính, nhiều thương tích
Cuộc sống lao tù, phải trải qua
Ngày cố đạp xe, vì lũ nhóc (*)
Đêm rèn ngoại ngữ, mộng cờ hoa (*)
Họa không tính trước, người không biết
Bọn trẻ còn mơ, bố vắng nhà. (*)
(Phan Kim Thành)
6/22/16
(*) Chú thích:
Chạy xe đạp ôm, nuôi con
Ban đêm ông ấy tự học tiếng Anh, và dạy con cái. Tính chuyện đi Mỹ đổi đời.
Chưa bao tôi nghĩ là ba tôi đã ra đi mãi mãi.
* Tâm tình Cha Con trong Ngày Từ Phụ (Father Day)
MỪNG NGÀY TỪ PHỤ (Nguyên bản)
Nhân ngày từ phụ đến hôm nay
Ước mọi người cha mấy chữ nầy:
Hạnh phúc tràn đầy không phải mộng
Sướng vui thỏa thích chẳng cần say
Các con quấn quýt mừng cha khoẻ
Bằng hữu xum vầy chúc bạn may
Trách nhiệm đôi vai xong một gánh
Mong cầu thọ lộc có từng giây.
(Hp-Trương Ngọc Thạch)
6/19/16
NGÀY TỪ PHỤ (Họa)
Gìn lòng từ phụ đến ngày nay
Tự phụ làm cha chỉ thế nầy!
Trọng nghĩa bao năm còn nghĩa nặng
Thân tình lắm lúc có tình say
Lễ nghi tô thắm câu thành bại
Lễ giáo mệt nhoài kiếp rủi may
Thêm đạo phu thê thêm chữ hiếu
Nhân duyên chằng chịt quá nhiều giây?
(Phan Thượng Hải)
6/20/16
* Cha Mẹ phải có Nghĩa với Con và Con phải có Hiếu với Cha Mẹ.
HIẾU NGHĨA
“Gia trung hữu bảo” phải băn khoăn (*)
Hiếu Nghĩa chu toàn đạo khó khăn
Con cháu cận kề, đành phó mặc?
Mẹ cha già yếu, chẳng mần răng?
Sinh thành, dưỡng dục, tri nhân quả
Trách nhiệm, ân tình, tạo nghiệp căn
Duyên nợ trần ai sao tránh khỏi?
Bao giờ như Phật quá sông Hằng?
(Phan Thượng Hải)
6/25/12
(*) Chú thích: Từ bài thơ
CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền
(Trần Nhân Tông)
Ở ĐỜI VUI ĐẠO
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói cứ ăn đi mệt ngủ liền
Có báu trong nhà thôi khỏi kiếm
Vô tâm đối cảnh hỏi chi thiền.
(Dịch)
* Cha Mẹ và Con lúc Tuổi Già
CHA MẸ GIÀ
Cha mẹ thương con trọn một đời
Biết tròn tình nghĩa biết đầy vơi
Dại khôn, thành bại, tùy duyên nghiệp
Dưỡng dục, cưu mang, hiểu mệnh trời
Tuổi trẻ trưởng thành nên độc lập
Thân già tiện túc phải buông lơi
Tề gia từng trải bao cam khổ
Đến lúc đề huề sống thảnh thơi.
(Phan Thượng Hải)
10/8/14
CON GIÀ
Con già chăm sóc bố mẹ già
Gia phong tệ nạn tự Nho Gia
Tình thương mãi vấn vương con cái
Ơn nghĩa phải đền đáp mẹ cha
Vì hiếu thảo nhiều đành hiếu thuận
Sinh phiền nhiễu lắm chịu phiền hà
Lương tâm tội nghiệp tâm sầu khổ
Vững một niềm tin sẽ thoát qua?
(Phan Thượng Hải)
12/31/19
(*) Chú thích: Tình cảnh Con Già (gần 70 tuổi) phải săn sóc Mẹ Già (hơn 90 tuổi) bị Dementia.
* Lòng Cha Mẹ trong những dịp đặc biệt
CON ĐÃ VỀ (Nguyên bản)
Dịch bớt, con nay đã trở về (*)
Ơn Trời vẫn khỏe, thật mừng ghê
Chăm người ốm bệnh, luôn gần gũi
Sống chỗ nguy cơ, mãi cận kề
Đón bão trước qua nhiều hệ lụy
Rồi ngày sau tới giảm nhiêu khê
Phiền ưu nín lặng…vui bùng vỡ
Cảm ngộ nhân sinh thấm mọi bề!
(Lý Đức Quỳnh)
10/16/21
(*) Chú thích: Dịch Covid-19
CHỜ CON VỀ (Họa)
Cho dẫu con đi có hẹn về
Mẹ cha thương nhớ thấy buồn ghê
Biết là hiện tại đành xa cách
Mong có tương lai được ở kề
Lẩn thẩn thân già qua tật bệnh
Gian nan người trẻ tận sơn khê
Tình nhà nợ nước tròn nhân nghĩa
Thăm hỏi chờ trông thỏa một bề.
(Phan Thượng Hải)
10/18/21
NHẮN NHỦ CON TRONG NGÀY HÔN LỄ
Thành hôn rồi sẽ đến tề gia
Nhắn nhủ đôi lời, ý mẹ cha:
Đôi lứa trọn tình gìn đức độ
Vợ chồng đồng nghiệp xứng tài ba
Giàu nghèo chia sẻ luôn an lạc
Suy thịnh cùng chung mãi thuận hòa
Dưỡng dục, nêu gương; đà toại nguyện
Tương lai xin nhậm chức ông bà. (*)
(Phan Thượng Hải)
12/30/18
(*) Chú thích: Bài thơ làm để mến tặng ÔBBS NVC và BĐ.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI sưu tầm và biên soạn
Bài này là một trích đoạn trong bài "Thơ Phan Thượng Hải - Gia Đình và Học Đường" đăng trong phanthuonghai.com
LÝ BẠCH VÀ THƠ ĐƯỜNG LUẬT THẤT NGÔN BÁT CÚ
Bs Phan Thượng Hải biên soạn
Lý Bạch là thi sĩ hàng đầu trong văn học sử Trung Hoa. Tuy nhiên ông không có tài làm thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú. Điều này thể hiện rõ từ giai thoại về ông ở Hoàng Hạc Lâu. Sự nghiệp làm thơ của ông chỉ có 5 bài thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú (trong tất cả khoảng 330 bài thơ). Lý Bạch có làm rất nhiều bài thơ Đường Luật khác, Ngũ Ngôn và Tứ Cú (Tứ Tuyệt) nhưng gặp khó khăn khi làm thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú vì ông không có tài "Đối". Luật Đối theo thể Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú khó hơn các thể Đường Luật khác.
* Lý Bạch tại Hoàng Hạc Lâu
Tương truyền Lý Bạch khi thăm Hoàng Hạc Lâu sau khi đọc bài thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú của Thôi Hiệu (chết năm 754) thì không làm được thơ mà chỉ đọc lên hai câu thơ:
Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu.
(Lý Bạch)
Dịch nghĩa:
Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc = Trước mắt có cảnh (mà) đạo lý không thích hợp hay Trước mắt có cảnh (mà) nói không được (nên lời).
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu = Thôi Hiệu (đã) đề thơ ở trên đầu (của ta).
Đọc 2 câu thơ nầy ta khó lòng biết được ý của Lý Bạch là khen hay chê bài thơ của Thôi Hiệu, chỉ biết là ông không muốn làm thơ bởi vì:
vì "trước mắt có cảnh mà không nên lời vì đạo lý không thích hợp".
vì bài thơ của Thôi Hiệu đã "tại ngay trên đầu (của ông)"
* Lý Bạch và Thi nhân Nước Việt (tại Hoàng Hạc Lâu)
Tuy nhiên hành vi của Lý Bạch không qua mắt được các thi nhân nước Việt.
Thi nhân nước Việt đến tại chỗ hay nhìn Hoàng Hạc Lâu từ xa đều có sáng tác thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú dễ dàng và có người mượn lời thơ để "cười" Lý Bạch bất tài.
Ngô Thì Vị (sứ thần của nhà Tây Sơn) đề thơ tại chỗ và nhắc tới Lý Bạch, chỉ trích "bút lực" của Lý Bạch.
ĐỀ HOÀNG HẠC LÂU
Hán thủy thành biên vân thụ thụ
Tiên nhân bất kiến, chỉ không lâu
Hà thời tiên tế lai hoàng hạc
Đề ý giang trung phó bạch âu
Lý bá vị ưng thâu bút lực
Thôi quân bất hợp tác tương sầu
Việt Nam sứ giả Ngô Thời Vị
Đấu đảm đề thi ký thử du.
(Ngô Thì Vị)
1774-1821
Chú thích:
Lý bá là Lý Bạch, nhắc tới 2 câu thơ của Lý Bạch
Thôi quân là Thôi Hiệu, nhắc tới bài thơ của Thôi Hiệu
ĐỀ THƠ TẠI HOÀNG HẠC LÂU (Dịch)
Sông Hán bên thành rợp lá mây,
Người tiên không thấy, thấy lầu đây.
Hạc vàng đi mãi bao giờ lại?
Âu trắng dành riêng dãi nước đầy.
Lý bá cớ chi chùn bút vội?
Thôi quân sao lại nhớ quê ngay?
Sứ thần nước Việt: Ngô Thời Vị,
Chẳng sợ làm thơ viếng cảnh này.
(Nhất Uyên dịch)
Trịnh Hoài Đức (sứ thần của nhà Nguyễn) chỉ đối cảnh thành thi khi nhìn Hoàng Hạc Lâu từ xa nhưng cũng không quên Lý Bạch. Ông cho rằng Lý Bạch đầu hàng chịu thua không làm nổi 1 bài thơ khi đến Hoàng Hạc Lâu như những thi nhân thông thường khác.
ĐỀ HOÀNG HẠC LÂU
Vũ Xương chí bãi giá công xa
Hoàng Hạc giang lâu túng mục sơ
Miến Thủy yên hoa khai bộ trướng
Ngạc Châu văn vật tảo đình trừ
Bồ trương phố viễn phàm quy khách
Mai lạc hồ bình địch xuy ngư
Cuồng tứ dục canh Thôi Hiệu cú
Thanh Liên tiên lữ há hàng thư. (*)
(Trịnh Hoài Đức)
1765-1825
(*) Chú thích: Thanh Liên là (tên hiệu của) Lý Bạch; nhắc lại chuyện Lý Bạch chịu thua không làm được thơ.
ĐỀ LẦU HOÀNG HẠC (Dịch)
Đưa xong quà tặng cưỡi xe chơi
Lầu Hạc bên sông thỏa mắt coi
Miến thủy khói hoa khai trướng mở
Ngạc Châu văn vật quét sân bày
Cây giương bến lạnh thuyền quay lái
Mai rụng hồ trong tiếng sáo chài
Thôi Hiệu thơ xưa cuồng muốn tiếp
Thanh Liên trước đã chịu hàng ai.
(Trương Việt Linh dịch)
Nguyễn Du (sứ thần của nhà Nguyễn) còn xử sự cao cường hơn Lý Bạch mặc dù không đề cập đến Lý Bạch trong thơ của mình như Ngô Thì Vị và Trịnh Hoài Đức. Nguyễn Du bình một bài thơ hay nhất đã có từ trước rồi tự sáng tác ra một bài thơ có thêm ý tứ mới hơn của Thôi Hiệu.
Năm 1813, Nguyễn Du đi sứ sang Tàu cũng có ghé Hoàng Hạc Lâu. Sau khi đọc những bài thơ đã có của những sứ thần nước Việt đến trước ông, Nguyễn Du chỉ khen bài thơ của Lê Quang Định (1803).
Nguyễn Du bình bài thơ này:
Thôi Hiệu thi thành, hậu nhân đáo thử cánh đạo bất đắc.
崔灝詩成,後人到此竟道不得.
Thử cú tòng Trần Trung cấu xuất tân tứ, khả dĩ vịnh Hoàng Hạc hĩ.
此句從陳中構出新思,可以詠黃鶴矣
Dịch nghĩa:
Thôi Hiệu thi thành, hậu nhân đáo thử cánh đạo bất đắc = Thôi Hiệu làm thơ xong, người sau tới không viết được nữa. (Ý chỉ Lý Bạch).
Thử cú tòng Trần Trung cấu xuất tân tứ, khả dĩ vịnh Hoàng Hạc hĩ = Những câu (thơ) này theo Trần Trung, tạo ra tứ mới lạ, xứng đáng thơ vịnh lầu Hoàng Hạc vậy. (*)
(*) Chú thích:
Trần Trung tức Trần Phu 陳孚, tự Cương Trung 剛中, có bài Ngạc chử vãn diểu 鄂渚晚眺 viết khi lên lầu Hoàng Hạc.
Thử cú = (những) câu (thơ) nầy là bài thơ của Lê Quang Định.
Đây là bài thơ mà Lê Quang Định làm khi ông đi sứ sang Tàu để xin đổi quốc hiệu là Việt Nam (1803).
ĐĂNG HOÀNG HẠC LÂU
Hoàng Hạc lâu đầu tượng ngoại khoan
Hán Dương thành quách nhiễu tình lan
Lữ tiên túy hậu trùng lai diểu (*)
Thôi Hiệu thi thành tái họa nan
Trần mộng vị tinh thanh thảo bạn
Hương tâm mỗi ký bạch vân đoan
Hàn phi tích cổ viêm tưu viễn (*)
Nhân cảnh tao phùng hữu thử quan.
(Lê Quang Định)
1759-1813
(*) Chú thích:
Lữ tiên là tiên ông Lữ Đồng Tân, 1 trong Bát Tiên của Đạo Giáo.
Viêm tưu = xứ nóng, ám chỉ xứ ở miền nhiệt đới như Việt Nam.
LÀM KHI LÊN LẦU HOÀNG HẠC (Dịch)
Trước lầu cảnh tượng rộng thay
Hán Dương thành quách nước mây bốn bề
Say xong tiên Lữ không về
Hoạ thơ Thôi Hiệu phẩm đề, khó sao!
Mộng chưa tỉnh, cỏ xanh màu
Gửi theo mây trắng nỗi sầu quê hương
Chốn cổ tích xa viêm bang
Người may gặp dịp xem quang cảnh này.
(Hoài Anh dịch)
Cũng như tất cả những bài thơ làm sau bài thơ của Thôi Hiệu, bài thơ của Lê Quang Định không có khuyết điểm về hình thức như bài thơ của Thôi Hiệu. Nội dung của bài thơ cũng bao gồm ý tứ giống như của Thôi Hiệu nhưng nó có 2 điều mới:
Nhắc đến tiên ông Lữ Đồng Tân trong huyền thoại Hoàng Hạc Lâu.
Nhấn mạnh là thơ của một người viễn xứ đến từ miền nhiệt đới.
Khác với Lý Bạch, sau khi khen bài thơ của Lê Quang Định, Nguyễn Du cũng có làm bài thơ vịnh Hoàng Hạc Lâu.
ĐĂNG HOÀNG HẠC LÂU
Hà xứ thần tiên kinh kỷ thì
Do lưu tiên tích thử giang mi
Kim lai cổ vãng Lư Sinh mộng
Hạc khứ lâu không Thôi Hiệu thi
Hạm ngoại yên ba chung diểu diểu
Nhãn trung thảo thụ thượng y y
Trung tình vô hạn bằng thùy tố
Minh nguyệt thanh phong dã bất tri.
(Nguyễn Du)
1766-1820
Chú thích:
Lư Sinh đời Đường đến 1 quán trọ, nằm đợi chủ quán nấu nồi kê (hoàng-lương), ngủ quên, nằm mộng thấy lấy vợ, đẻ con, sinh cháu, giầu sang, vinh hoa, phút tỉnh dậy thấy mất cả (Hoàng Lương Mộng / Giấc Mộng Kê Vàng của Lư Sinh). (theo TĐ Đào Duy Anh).
Lư Sinh có tượng thờ trong Hoàng Hạc lâu.
LÊN HOÀNG HẠC LÂU (Dịch)
Xa khuất thần tiên trải bấy lâu
Bến sông dấu cũ vẫn bên lầu
Xưa đi nay lại Lư còn mộng
Hạc vắng lầu hoang Hiệu mấy câu
Ngoài gác nước mây vời vợi thẳm
Trong tầm cây cỏ vẫn xanh mầu
Ý tình chan chứa cùng ai ngỏ?
Trăng gió vô tình có biết đâu?!
(Hoàng Hoa Nguyễn Hoài Trung dịch)
LÊN HOÀNG HẠC LÂU (Dịch)
Thần tiên đã đến tự bao giờ?
Còn lại dấu tiên trên bến mơ.
Giấc mộng Lư Sinh kim cổ vọng,
Vần thơ Thôi Hiệu hạc lầu trơ.
Ngoài hiên khói sóng bay mờ mịt,
Trước mắt cỏ cây vẫn thuở xưa.
Nỗi niềm có biết cùng ai tỏ.
Trăng thanh gió mát cũng thờ ơ!
(Nhất Uyên dịch)
Nhận xét:
Nguyễn Du cũng làm đúng theo ý tứ của Thôi Hiệu nhưng ông cũng nhấn mạnh tới Tiên trong huyền thoại Hoàng Hạc Lâu như Lê Quang Định. Nguyễn Du còn mượn Lư Sinh với Hoàng Lương Mộng để nói thêm ý niệm thời gian trong nội dung. (Lư Sinh cũng được thờ trong Hoàng Hạc Lâu). Đó là những "tân tứ" trong bài thơ của Nguyễn Du.
Nguyễn Du, cũng như Lê Quang Định, tả những chi tiết của một không gian tại Hoàng Hạc Lâu không khác Thôi Hiệu nhưng ông còn cố tình dùng chữ đôi "diểu diểu" và "y y" trong bài thơ để sánh với bài thơ của Thôi Hiệu đã có 2 chữ đôi là "lịch lịch" và "thê thê".
Nguyễn Du đã tự chứng tỏ thi tài của mình, trội hơn các thi nhân trước đã làm thơ vịnh khi đến Hoàng Hạc Lâu, nhất là thi nhân nước Việt. Ông cũng chứng tỏ phong cách của mình trội hơn của Lý Bạch tại Hoàng Hạc Lâu.
* Lý Bạch và thơ Đường Luật
Sau khi đọc giai thoại của Lý Bạch tại Hoàng Hạc Lâu, hậu sinh tìm hiểu và tìm ra yếu điểm trong tài làm thơ của Lý Bạch.
Theo trang thơ của Google, 330 bài thơ để lại của Lý Bạch gồm có:
5 bài bát cú thất ngôn theo thể Đường Luật
50 bài bát cú ngũ ngôn theo thể Đường Luật; trong đó đa số theo biến thể là câu đầu không vần.
còn lại đại đa số là thơ Cổ Phong và thơ Đường Luật tứ cú (ngũ ngôn hay thất ngôn).
Như vậy Lý Bạch rất hiếm khi làm thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú (chỉ có làm 5 bài trong số 330 bài thơ của ông). Do đó ông từ chối làm thơ khi đến Hoàng Hạc Lâu đọc bài thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú của Thôi Hiệu. Ba bài Thanh Bình Điệu của ông tả Dương Quý Phi là 3 bài tứ cú (có theo Đường Luật). Cái khó và cũng là cái đặc sắc của thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú mà mọi thi nhân đều biết là Đối với câu dài 7 chữ (thất ngôn). Do đó có thể yếu điểm trong tài làm thơ của Lý Bạch là "Đối trong thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú".
Đọc lại 50 bài thơ ngũ ngôn bát cú của ông mặc dù theo Đường Luật nhưng có một số bài đối không chỉnh mặc dù là với câu chỉ có 5 chữ (ngũ ngôn) và có nhiều bài không có vần ở câu đầu. Những bài thơ này gần giống như thơ Cổ Phong.
Trong văn học sử Trung Quốc, thi nhân Trung Hoa bắt đầu làm thơ "tự do" không theo luật lệ nào hết miễn là có vần ở cuối câu. Đó là thể thơ Cổ Phong. Đến thời của Đường Trung Tông và Võ Tắc Thiên, thể thơ theo Luật mới chính thức phổ biến từ triều đình của nhà Đường nên mới gọi là thể thơ Đường Luật. Có 4 loại:
Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú
Đường Luật Ngũ Ngôn Bát Cú
Đường Luật Thất Ngôn Tứ Tuyệt (Tứ Cú)
Đường Luật Ngũ Ngôn (Tứ Cú)
(Thơ Đường Luật khác Đường Thi. Đường Thi là thơ làm trong thời nhà Đường, có thể là Cổ Phong hay Đường Luật).
Thể thơ Đường Luật Bát Cú phải theo Luật Đối. Thể thơ Đường Luật Tứ Tuyệt (Tứ Cú) không có luật Đối. Phép Đối của câu 7 chữ (thất ngôn) thì khó và phức tạp hơn của câu 5 chữ (ngũ ngôn). Do đó vì phép Đối của thể thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú rất khó và phức tạp nên Lý Bạch không làm nỗi. Trong sự nghiệp thi văn của ông chỉ có 5 bài thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú mà thôi.
* Lý Bạch từ Hoàng Hạc Lâu
Trong số 5 bài thơ này, Lý Bạch ráng làm 2 bài để chữa thẹn hành vi của mình ở Hoàng Hạc Lâu.
Lý Bạch làm bài thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú tả Anh Vũ châu, đã có nói đến trong bài thơ của Thôi Hiệu: "Phương thảo thê thê Anh Vũ châu".
ANH VŨ CHÂU
Anh Vũ lai quá Ngô giang thủy
Giang thượng châu truyền Anh Vũ danh
Anh vũ tây phi Lũng sơn khứ
Phương châu chi thụ hà thanh thanh
Yên khai lan diệp hương phong khởi
Ngạn giáp đào hoa cẩm lãng sinh
Thiên khách thử thời đồ cực mục
Trường châu cô nguyệt hướng thùy minh.
(Lý Bạch)
Chú thích:
Anh vũ: là con chim két.
Anh Vũ Châu: tên bãi sông ở Hán Dương, Hồ Bắc. Bên kia bờ sông Trường Giang là Hoàng Hạc lâu.
Ngô giang: khoảng sông Trường Giang ở đất Ngô. Hán Dương thuộc đất Ngô.
Lũng Sơn: tên núi ở huyện Lũng Sơn, Thiểm Tây
Bài thơ nầy lại có một chữ thất luật: chữ "sơn" ở câu 3.
BÃI ANH VŨ (Dịch)
Ngày xưa anh vũ đến sông Ngô
Nên bãi mang tên tự bấy giờ
Anh vũ sang tây qua núi Lũng
Xanh xanh cây bãi ngát hương đưa
Gió lan thơm tỏa tan làn khói
Sóng gấm đào dâng sát cạnh bờ
Hờ hững kẻ đày buồn ngắm cảnh
Soi trên bãi nguyệt thấy bơ vơ.
(Trần Trọng San dịch)
Lý Bạch làm một bài thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú khác để tả Phụng Hoàng đài ở Kim Lăng. Mọi người đều biết Lý Bạch làm bài thơ này để sánh mình như Thôi Hiệu làm bài thơ "Hoàng Hạc Lâu".
ĐĂNG KIM LĂNG PHỤNG HOÀNG ĐÀI
Phụng Hoàng đài thượng phụng hoàng du
Phụng khứ đài không giang tự lưu
Ngô cung hoa thảo mai u kính
Tấn đại y quan thành cổ khâu
Tam Sơn bán lạc thanh thiên ngoại
Nhị thủy trung phân Bạch Lộ châu
Tổng vị phù vân năng tế nhật
Trường An bất kiến sử nhân sầu.
(Lý Bạch)
Chú thích:
Đời Tống Văn Đế của Nam Triều (thứ 16) có con chim ngũ sắc đậu trên núi mấy ngày. Khi chim xoè cánh và cất tiếng kêu thì trăm loài chim khác múa theo. Người ta gọi nó là chim Phụng Hoàng và Tống Văn Đế đặt tên núi nầy là núi Phụng Hoàng và cất một cái đài ở đó là Phụng Hoàng đài.
Ngô cung do vua nước Ngô vào thời Tam Quốc là Tôn Quyền cất.
Tam Sơn là tên núi ở Kim Lăng.
Nhị Thủy là 2 con sông Tần Thủy và Hoài Thủy cùng một phát nguyên tự Tây Sơn, một con sông chảy vào thành và một con sông chảy quanh thành Kim Lăng.
Kim Lăng là Nam Kinh ngày nay.
Bạch Lộ là một bãi của sông Trường Giang cũng ở Kim Lăng.
LÊN PHỤNG HOÀNG ĐÀI Ở KIM LĂNG
Đài Phượng Hoàng cao, phượng đến chơi,
Phượng đi, đài vắng, dải sông trôi!
Cung Ngô hoa cỏ che đường lối,
Đời Tấn cân đai hoá núi đồi.
Ba ngọn thanh sơn, trời khuất nửa,
Một vùng Bạch Lộ nước chia đôi.
Chỉ vì mây nổi che vầng nhật,
Chẳng thấy Trường An não dạ người.
(Khương Hữu Dụng dịch)
Bài thơ này có ý tứ nhập đề và kết luận không khác gì bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu, nhất là câu cuối: "Trường An bất kiến sử nhân sầu". (Trường An là kinh đô của nhà Đường lúc bấy giờ, nơi Lý Bạch đã làm quan).
Lý Bạch không thoát ra khỏi cái "ước lệ" từ bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu.
Lý Bạch đến Hoàng Hạc Lâu không làm được thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú để vịnh Hoàng Hạc Lâu và sau đó làm bài thơ vịnh Phụng Hoàng Đài để chửa thẹn nhưng ý tứ lại không khác bài thơ vịnh Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu.
Thi nhân Việt Nam hiện đại đến thăm Hoàng Hạc Lâu có họa thơ bài thơ của Hoàng Hạc Lâu (cũng dùng Hán ngữ) với ý tứ khác.
HOÀNG HẠC LÂU (Nguyên bản)
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
(Thôi Hiệu)
HOÀNG HẠC LÂU (Họa)
Thần tiên xuất thế thừa hoàng hạc (*)
Nhân loại lộc trần kiến mỹ lâu
Thắng cảnh nhãn tiền thi nhã hứng
Kỳ quan thiên hạ khách nhàn du
Thanh danh tự cổ truyền Tam Quốc (*)
Huyền thoại chí kim bá Ngũ Châu
Ngoạn mục cảm tình an lạc thú
Văn chương đắc đạo bất tri sầu.
(Phan Thượng Hải)
3/31/21
(*) Chú thích:
Thừa = cỡi, cưỡi. Kiến = dựng lên - trông thấy.
Hoàng Hạc Lâu có từ thời Tam Quốc.
Bài thơ này bằng Hán ngữ như bài thơ của Thôi Hiệu nhưng nhấn mạnh đến lịch sử thay vì là địa lý và có tâm tình khác.
Bài thơ ngụ ý khác với "sử nhân sầu" của Thôi Hiệu và "nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc" của Lý Bạch, nhất là 2 câu cuối và câu thứ ba.
* Lý Bạch và Đạo Cao Đài
Khi còn sống, Lý Bạch là thi nhân, thi sĩ, thi bá và thi hào. Sau khi mất, Lý Bạch thành thi tiên theo Đạo Giáo (Lão Giáo) của người Trung Hoa và cuối cùng ông là thi thánh theo Đạo Cao Đài của người Việt ở Nam Kỳ.
Thi thánh Lý Bạch giáng cơ Đạo Cao Đài vào tiền bán thế kỷ một bài thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú theo biến thể Vĩ Tam Thanh (bằng Hán ngữ), một biến thể rất khó làm của thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú.
Vĩ Tam Thanh (Vĩ = vỹ = đuôi, Tam = ba, Thanh = tiếng) = Lối thơ mà 3 tiếng cuối cùng của câu nào cũng phát âm giống nhau. Như vậy, ba từ cuối trong mỗi câu có cùng cách phát âm (giống hệt nhau về âm vần nhưng khác thanh dấu).
LÝ BẠCH THIÊN TIÊN GIÁNG BÚT THI
Lãn quan thế thái cạnh tranh hành
Sơn thủy nhàn du tỉnh tính tình
Lĩnh thụ sương hàm hoa quá quả
Cầm tuyền thủy khích thạch thành thanh
Mê đồ ta bỉ tiên tiền tiến
Phúc địa y thùy cánh cạnh tranh
Nhân thế dục cầu tri trí trị
Hồi đầu tảo táo thính kình khanh.
(Lý Bạch)
Bản dịch của một Hiền tài của Đạo Cao Đài cũng theo thể Vĩ Tam Thanh.
(Dịch Thơ)
Buồn xem cõi thế cảnh tranh giành
Non nước chơi qua tránh lạnh tanh
Cây núi sương pha hoa quá quả
Suối đàn nước, đá đánh thành thanh
Đường mê lắm kẻ đây đầy đấy
Cõi phúc nào ai tránh sánh danh
Cuộc thế muốn cho bình thịnh vĩnh
Quay đầu nghe sách thánh nhanh nhanh.
(Bùi Đắc Hùm)
30-8-2013
Nhờ Đạo Cao Đài, thi nhân Lý Bạch sau khi qua đời làm được một bài Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú (cũng bằng Hán ngữ) theo biến thể Vĩ Tam Thanh.
Tuy nhiên Lý Bạch không hề có một bài thơ Họa. Họa thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú là một nghệ thuật của thể thơ này. Sự nghiệp thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú của Lý Bạch lúc còn sống chỉ có 5 bài thơ và không có một bài thơ Họa nào hết.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
Bài viết này đăng trong phanthuonghai.com mục Thơ Văn phần Đọc Thơ (Cổ Văn).
Tài liệu tham khảo
1) Giai Thoại Thi Văn Hoàng Hạc Lâu (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
2) Đạo Cao Đài và Đạo Hòa Hảo (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
3) Trang Thơ Lý Bạch - Google
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
HOÀNG HẠC LÂU HIỆN ĐẠI


Du khách viếng thăm Hoàng Hạc Lâu vào thế kỷ 21 có bài thơ:
THĂM HOÀNG HẠC LÂU HIỆN ĐẠI
Hoàng hạc nghe danh, có gặp đâu
Thế mà tái dựng lắm ngôi lầu
Thi nhân thử vận đề hoa tự
Du khách khai quan thượng mỹ lâu
Anh Vũ nơi nao, toàn phố xá
Hán Dương chốn đó, cách cây cầu
Khó lòng giả bộ theo Thôi Hiệu
Tức cảnh thành thơ, dạ chẳng sầu.
(Phan Thượng Hải)
5/3/2007
Bài thơ nầy hiện đại hóa cảnh tình du lịch thăm viếng Hoàng Hạc Lâu.
Nhìn lại lịch sử của Hoàng Hạc Lâu, tác giả nhận thấy không có ai họa bài thơ Hán ngữ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu nên mạn phép kính họa bằng một bài thơ Hán ngữ để kết luận:
HOÀNG HẠC LÂU (Nguyên bản)
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tái không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
(Thôi Hiệu)
HOÀNG HẠC LÂU (Họa)
Thần tiên xuất thế kỵ hoàng hạc
Nhân loại lụy trần tạo mỹ lâu
Thắng cảnh nhãn tiền thi nhã hứng
Kỳ quan thiên hạ khách nhàn du
Thanh danh tự cổ truyền Tam Quốc (*)
Huyền thoại chí kim bá Ngũ Châu
Ngoạn mục cảm tình an lạc thú
Văn chương đắc đạo bất tri sầu.
(Phan Thượng Hải)
3/31/21
(*) Hoàng Hạc Lâu được bắt đầu xây vào thời Tam Quốc.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Bài này là đoạn cuối của bài "Giai Thoại Thi Văn Hoàng Hạc Lâu" (Bs Phan Thượng Hải) đăng trong phanthuonghai.com
BÀI THƠ "THIẾT THIỆT" TRONG VIỆT SỬ
Bs Phan Thượng Hải biên soạn
Trước 1975 bài thơ này được dạy là của ông Trần Văn Kỷ, quan Trung Thơ lệnh của Bắc bình Vương Nguyễn Huệ (vua Quang Trung) can việc xích mích giữa 2 anh em ông Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ. Sau 1975, thì sách mới lại viết của Nguyễn Hàm Ninh trong chuyện vua Tự Đức và anh là Hồng Bảo với bài thơ có đổi khác một chút. Theo tác giả bài nầy được viết để nói lên những điều mà sử gia ngày nay không nói và nhớ đến Thầy Phạm Minh Đức của trường Phan Thanh Giản, một giáo sư Sử Địa đáng kính mến. (LTS)
Trong Việt sử có một bài thơ lịch sử được ít người biết và để ý đến. Không những là một bài thơ ứng khẩu với nội dung sâu sắc trong hình thức đơn giản mà bài thơ nầy còn làm nên lịch sử. Đó là bài thơ "Thiết Thiệt" (Cắn Lưỡi). Theo thiển ý, bài thơ nầy cũng đặc sắc như bài thơ "bảy bước" của Tào Thực và bài thơ tả Dương Quí Phi của Lý Bạch.
Bài thơ "Thiết Thiệt" (Cắn Lưỡi)
*
Theo Chính sử của nhà Nguyễn, một hôm vua Tự Đức kể với quần thần tại điện Văn Minh là đêm qua ông nằm mơ thấy “răng mình cắn lưỡi của mình”. Quan Hàn Lâm viện Trước Tác là Nguyễn Hàm Ninh (1808-1867) liền dâng bài thơ:
THIẾT THIỆT
Sinh ngã chi sơ, nhĩ vị sinh
Nhĩ sinh chi hậu, ngã vi huynh
Bất tư cộng hưởng trân cam vị
Hà nhẫn tương vong cốt nhục tình
(Nguyễn Hàm Ninh)
CẮN LƯỠI
Lúc ta sinh ra ngươi chưa sinh
Ngươi sinh ra sau ta làm anh
Không biết cùng hưởng trân cam vị
Sao nỡ tương vong cốt nhục tình
(Phỏng dịch)
Biết ý ông nầy muốn can mình đã ngược đãi anh mình là Hồng Bảo, vua Tự Đức cho người phạt đánh roi ông Nguyễn Hàm Ninh, mỗi chữ đánh một roi! Dù có bài thơ can gián nầy, Hoàng tử Hồng Bảo vẫn bị giam và chết trong ngục vào năm sau (1854).
*
Ngoại sử của nhà Tây Sơn lại kể một câu chuyện khác xảy ra trước đó:
Có một lúc (năm 1788), Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ bất bình đem quân từ Phú Xuân (Huế) về đánh anh mình là Thái Đức Hoàng Đế Nguyễn Nhạc và vây ông nầy ở thành Qui Nhơn. Ông Nguyễn Nhạc phải đứng trên thành mà khóc rằng “nỡ nào nồi da nấu thịt” (Bì oa chử nhục, đệ tâm hà nhẫn) làm ông Nguyễn Huệ cảm động và rút quân. Tuy nhiên sự thật là không phải vậy. Trong khi vây thành Qui Nhơn, ông Nguyễn Huệ đang ăn trong doanh trại thì “răng mình cắn lưỡi mình”. Ông lấy làm lạ, không biết là điềm gì nên hỏi quan Trung Thư Lệnh là Trần Văn Kỷ thì ông Trần Văn Kỷ liền đọc bài thơ:
THIẾT THIỆT
Ngã ký sinh tiền nhĩ vị sinh
Nhĩ ưng vi đệ ngã vi huynh
Lý ưng cộng hưởng trân cam vị
Hà nhẫn tương vong cốt nhục tình
(Trần Văn Kỷ)
CẮN LƯỠI
Ta sinh ra trước ngươi chưa sinh
Ngươi chịu làm em ta làm anh
Lý ưng cộng hưởng trân cam vị
Sao nỡ tương vong cốt nhục tình.
(Phỏng dịch)
Ông Nguyễn Huệ hiểu ý, liền giải vây và rút quân. Ông Nguyễn Nhạc phải nhường đất Quảng Nam cho ông Nguyễn Huệ chỉ còn giữ Quảng Ngãi, Qui Nhơn và Phú Yên mà thôi.
Ngày nay nhiều Sử gia cho là ông Nguyễn Hàm Ninh đã mượn một ít từ ông Trần Văn Kỷ?
Từ bài thơ "Thiết Thiệt", hậu sinh để ý tới 2 nhân vật trong Việt sử. Đó là Hoàng tử Hồng Bảo (của nhà Nguyễn) và ông Trần Văn Kỷ (của nhà Tây Sơn).
Trần Văn Kỷ
Hùng tài của vua Quang Trung Nguyễn Huệ là nhờ một nhân tài luôn luôn bên cạnh làm tham mưu cho nhà Vua. Đó là quan Trung Thư Lệnh tên là Trần Văn Kỷ (?-1801).
Ông Trần Văn Kỷ người làng Vân Trình, Phú Xuân (nay thuộc Phong Điền, Thừa Thiên), đậu Giải Nguyên của nhà Hậu Lê vào năm 1777 ở Phú Xuân (Chúa Trịnh chiếm Phú Xuân của chúa Nguyễn năm 1774 và đây là khoa thi Hương của nhà Hậu Lê tổ chức đầu tiên ở Nam Hà). Ông ra Bắc Hà thi Hội nên quen biết nhiều sĩ phu Bắc Hà. Khi ông Nguyễn Huệ chiếm Phú Xuân thì trọng dụng ông Trần Văn Kỷ luôn luôn cho hầu cận bên mình. Ông Trần Văn Kỷ tiến cử ông Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích…kể cả La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp cho ông Nguyễn Huệ. Ông còn giảng hòa anh em Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ của nhà Tây Sơn (bằng bài thơ Thiết Thiệt?).
Ông Trần Văn Kỷ và tướng Trần Quang Diệu được vua Quang Trung phong làm Phụ Chính phó thác con mình là Cảnh Thịnh khi vua mất. Nhưng Thái sư Bùi Đắc Tuyên (cậu vua Cảnh Thịnh) chuyên quyền giáng ông Trần Văn Kỷ làm Lính coi trạm ngựa ở Mỹ Xuyên, Thừa Thiên. Ông phò Vũ Văn Dũng đảo chánh Bùi Đắc Tuyên (1795) được phục chức Phụ Chính nhưng quyền lực trong tay Vũ Văn Dũng và Trần Quang Diệu.
Sau khi Phú Xuân thất thủ (1801) và vua Cảnh Thịnh chạy ra Bắc Hà, ông Trần Văn Kỷ giả dạng thường dân ẩn ở quê hương mình là làng Vân Trình. Vua Gia Long bắt ông chết theo cách “tam ban triều điển” tức là uống thuốc độc hay thắt cổ hay dùng gươm tự tử nhưng ông cãi lệnh nhẩy xuống sông (Hương) tự tử. Vua Gia Long tức giận xử “tru di tam tộc” làm 53 người khác (trong gia tộc) phải bị xử tử hay bỏ trốn hoặc cải họ.
Hoàng tử Hồng Bảo
*
Trước khi mất, vua Thiệu Trị trăn trối với các Đại thần là Trương Đăng Quế, Võ Văn Giải, Nguyễn Tri Phương và Lâm Duy Tiếp lập Hoàng tử thứ hai là Hồng Nhậm làm vua thay vì là Trưởng Hoàng tử Hồng Bảo.
Đây là di chúc của vua Thiệu Trị (theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên):
Trong các con ta, Hồng Bảo tuy lớn nhưng vì thứ xuất ngu độn ít học chỉ ham chơi không thể nối nghiệp lớn được. Hoàng tử thứ hai là Hồng Nhậm thông mẫn ham học rất giống ta, đáng ngôi vua. Hôm qua ta đã phê vào di chiếu để trong long đồng. Các ngươi phải tôn kính, đừng trái mạng ta.
Sau đó Hoàng tử Hồng Bảo (1825-1854) mưu tranh ngôi:
Năm 1848, Ông dụ các người theo đạo Gia tô (Công Giáo) nhưng không được các giáo sĩ người ngoại quốc ủng hộ.
Năm 1851, Ông tính trốn sang Tân Gia Ba để xin cầu viện nhưng bị bắt lại, rồi cũng được vua Tự Đức tha.
Năm 1853, Ông lại lập đảng cho sang Xiêm la xin giúp. Khi những người nầy trở về có tuyển mộ và đem theo một nhà sư. Vì không được đối đãi chu đáo trong khi đi đường, nhà sư nầy tố cáo với quan. Hồng Bảo bị bắt tù ở Huế, bị kết án xử lăng trì (bị giết bằng cách cắt chân tay và thẻo từng miếng thịt cho đến chết). Nhưng vua Tự Đức ân xá, đổi thành tù chung thân và giam trong một nhà ngục riêng.
Hoàng tử Hồng Bảo chết vì treo cổ một thời gian sau ở trong ngục (1854). Chính sử viết là tự tử. Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim chỉ ghi: Hồng Bảo bị bắt, ban cho tam ban triều điển thì ông chọn uống thuốc độc mà chết. Tam Ban Triều Điển là tội nhân được chọn 3 cách chết: gươm, dây thắt cổ hay thuốc độc.
*
Câu chuyện Trưởng Hoàng tử Hồng Bảo và vua Tự Đức có liên quan tới ông Trương Đăng Quế, đại thần thân tín nhất của vua Thiệu Trị: ông Trương Đăng Quế âm mưu lập vua Tự Đức và giết Hoàng tử Hồng Bảo.
Đây là những giả thuyết:
Vợ của ông Trương Đăng Quế và Hoàng hậu Từ Dũ của vua Thiệu Trị sanh con trai cùng ngày. Ông Trương Đăng Quế mới đem con vào cung tráo với con thật sự của vua Thiệu Trị. Đứa trẻ nầy là Hoàng tử Hồng Nhậm (vua Tự Đức trong tương lai). Do đó Trương Đăng Quế âm mưu giả chiếu lập Hoàng tử Hồng Nhậm.
Và như vậy có thể ông Trương Đăng Quế cho người thắt cổ Hồng Bảo trong ngục. Tất cả đều là những giả thuyết hoang đường khó tin được. Có thuyết lại còn cho rằng Hoàng hậu Từ Dũ tư thông với ông Trương Đăng Quế mà sinh ra Hoàng tử Hồng Nhậm!
*
Con của Hồng Bảo không được giữ họ Ưng như Đế Hệ Thi mà phải đổi thành họ Đinh (họ mẹ). Năm 1866, Đoàn (Hữu) Trưng, rể của Tùng Thiện Vương (em vua Thiệu Trị) phò con trưởng của Hồng Bảo là Đinh Đạo đánh vào Tử Cấm Thành ở kinh đô Huế nhưng thất bại. Sử gia Phạm Văn Sơn gọi là "Giặc Chày Vôi". Cả gia đình Hồng Bảo gồm 3 người con trai, người vợ (mẹ của Đinh Đạo) và 2 đứa con của Đinh Đạo (1 trai và 1 gái) bị tội xử giảo (treo cổ). Sử chép: "Đứa con trai của Đinh Đạo mới 3 tuổi bị thắt cổ đến 2 lần vẫn chưa chết, khi bỏ vào quan tài đóng lại mà còn khóc oe oe".
*
Theo vua cha Thiệu Trị thì Hoàng tử Hồng Bảo là người "ngu độn ít học" nên không truyền ngôi. Tuy nhiên một sự kiện đã chứng minh ngược lại.
Sách "Thi ca trào phúng đất Thần Kinh" có ghi lại câu chuyện giữa vua Tự Đức (Hồng Nhậm) và An Phong Công (Hồng Bảo).
Vua Tự Đức có ra đề thi là "Vô Đề" với những sự bắt buộc như sau:
Tám chữ đầu của tám câu phải là: "Phong, hoa, tuyết, nguyệt, cầm, kỳ, thi, họa".
Trong mỗi câu thơ lại phải có một chữ số theo thứ tự: "Nhất, nhị, tam, tứ, ngũ, lục, thất, bát".
Với sự hạn chế nầy, triều thần thần và hoàng gia đều không ai làm được bài thơ chỉ trừ có Hồng Bảo.
VÔ ĐỀ
Phong đạm vân khinh nhất diệp châu
Hoa cù ẩn ước nhị tầng lâu
Tuyết ngưng địa thượng tam đông lãnh
Nguyệt đáo thiên trung tứ bích sầu
Cầm vận ngũ huyền ca nhã hứng
Kỳ vi lục cuộc thức doanh thâu
Thi thành thất bộ chung hoài cổ (*)
Họa nhập Tiêu Tương bát cảnh đồ. (*)
(An Phong Công Hồng Bảo)
Người dịch bài thơ cũng đặc sắc:
VÔ ĐỀ
Gió nhẹ mây êm một lá thuyền
Lầu hai lấp ló khóm hoa hiên
Ba đông tuyết phủ dồn hơi lạnh
Bốn vách trăng soi gợi nỗi phiền
Đàn gảy năm dây ca hát thú
Cờ vây sáu cuộc đổi thay phiên
Thơ xong bảy bước xui hoài cổ (*)
Bút họa Tiêu Tương tám cảnh tiên. (*)
(Quỳ Ưu Nguyễn Đôn Dư dịch)
(*) Chú thích
Câu 7 nhắc lại Tào Thực 7 bước thành bài thơ.
Câu 8 nói tới 8 bức họa tuyệt đẹp của Tống Địch.
Tám bức họa của Tống Địch vẽ là:
1. Bình sa lạc nhạn (bãi cát nhạn sa)
2. Viễn phố phàm quy (bến xa buồn về)
3. Sơn thị tình lam (trời quang mây tạnh nơi núi và chợ)
4. Giang thiên mộ vân (trời mước mây chiều)
5. Động Đình thu nguyệt (trăng thu ở hồ Động Đình)
6. Tiêu Tương dạ vũ (mưa đêm ở sông Tiêu Tương)
7. Yên tự vãn chung (khói chùa và tiếng chuông chiều)
8. Ngư thôn tịch chiếu (xóm chày bóng ngã)
Vua Tự Đức ra đề tài nhưng chính nhà vua cũng không làm được, cũng như các thi sĩ trong Bạch Vân thi xã và thi hào Cao Bá Quát! Người làm bài thơ nầy chứng tỏ chữ nghĩa và kiến thức sâu rộng.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
Bài này đăng lần đầu trong phanthuonghai.com mục Thơ Văn phần Đọc Thơ (Lịch Sử).
Tài Liệu Tham Khảo:
Thơ và Sử Việt - Nhà Nguyễn (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
Văn Đàn Bảo Giám (Trần Trung Viên)
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền

MẸ GIÀ
Tự cường đến tuổi chín mươi ba
Tội nghiệp mẹ tôi mắc bệnh già
Thân thể yếu đau thôi tập võ
Tâm thần quên lẫn khó kêu ca
Tròn tình mẫu tử dày công khó
Trọn đạo nhân duyên ẩn chốn xa
Sinh ký tử quy hồi tổ quốc
Con già hồi tưởng nhớ thương bà.
(Phan Thượng Hải)
5/9/21
Mother's Day
_____________________________
KHÁM PHÁ MỚI VỀ CHINH PHỤ NGÂM
Bs Phan Thượng Hải biên soạn
Hậu thế ngày nay có những khám phá mới về thi phẩm Chinh Phụ Ngâm liên quan đến dịch giả cũng như ảnh hưởng của Đường thi trên tác giả.
A. Dịch giả của Chinh Phụ Ngâm
Chinh Phụ Ngâm từ xưa đến giờ luôn được biết có tác giả bản Hán ngữ là ông Đặng Trần Côn và dịch giả chuyển sang Việt ngữ (diễn Nôm) là bà Đoàn Thị Điểm.
Vào đầu thế kỷ 20, đã có một bài thơ của ông Phan Huy Ích chứng minh là ông có dịch Chinh Phụ Ngâm.
TÂN DIỄN "CHINH PHỤ NGÂM KHÚC" THÀNH NGẪU THUẬT
Nhân Mục tiên sinh “Chinh phụ ngâm”
Cao tình dật điệu bá từ lâm (Từ điệu cao kỳ đã truyền bá ở chốn từ lâm)
Cận lai khoái trá tương truyền tụng (Ai cũng truyền tụng lấy làm khoái trá lắm)
Đa hữu thôi xao vi diễn âm (Đã có nhiều người đã diễn Nôm)
Vận luật hạt cùng văn mạch tuý (Theo luật vận thì không được tinh túy trong mạch văn)
Thiên chương tu hướng nhạc thanh tầm (Phải theo thiên chương hiệp với nhạc thanh)
Nhàn trung phiên dịch thành tân khúc (Nay nhân buổi nhàn đã dịch ra thành khúc mới)
Tự tín suy minh tác giả tâm. (Tự tin là suy minh được tâm tư của tác giả).
(Phan Huy Ích)
(*) Chú thích: Nhân Mục tiên sinh lả Đặng Trần Côn, người làng Nhân Mục.
Theo ông Đông Châu, trên Nam Phong tạp chí số 106, một con cháu họ Phan là ông Phan Huy Chiêm dựa theo ghi chép trong gia phả họ Phan gửi thư cho ông rằng bài thơ này được Phan Huy Ích làm khi hoàn thành diễn Nôm tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn.
Bài này được một số học giả dùng làm căn cứ chứng minh bản dịch vốn được cho là của Đoàn Thị Điểm là do Phan Huy Ích diễn Nôm.
Tuy nhiên, thực tế bài này chỉ thể hiện Phan Huy Ích có diễn Nôm Chinh phụ ngâm khúc, nhưng chưa chứng minh được bản dịch đó là bản được lưu truyền rộng rãi, nhất là có câu:
Đa hữu thôi xao vi diễn âm
Do đó các học giả vẫn giữ ý kiến cho rằng bà Đoàn Thị Điểm là dịch giả bản dịch phổ thông được dùng từ trước tới nay trong giáo dục văn chương.
Hiện nay theo Wikipedia,
Chinh Phụ Ngâm có tất cả 7 bản dịch và phỏng dịch bằng các thể thơ Lục bát (3 bản) hoặc Song thất Lục bát (4 bản) và có tất cả 6 dịch giả: Đoàn Thị Điểm, Phan Huy Ích, Nguyễn Khản, Bạch Liên am Nguyễn (?) và 2 tác giả khuyết danh.
Bản dịch thành công nhất và phổ thông từ xưa đến giờ theo thể Song thất Lục Bát. Dịch giả của bản này được các học giả cho là bà Đoàn Thị Điểm (1705-1748) ngay từ đầu nhưng gần đây có xu hướng nghiêng về ông Phan Huy Ích (1751-1822).
B. Ảnh hưởng từ Đường thi của bản Hán ngữ
Ông Đặng Trần Côn chịu ảnh hưởng rất nặng từ Đường thi. Bản Chinh Phụ Ngâm Khúc bằng Hán ngữ của ông có nhiều Đoạn rất giống như nhiều bài Đường thi của thi nhân Trung Quốc nhất là Lý Bạch tuy rằng trong thời của ông Đặng Trần Côn thì có thể coi đó là một vinh dự (honor) hay là một phong trào "ước lệ" (conventional) của thi nhân. Thi nhân cổ điển đều dùng điển cố hay mượn 1, 2 câu thơ của tiền nhân nhưng không có quá đáng như ông Đặng Trần Côn viết Chinh Phụ Ngâm.
Đây là một số Đoạn như vậy được tìm thấy.
Với xu hướng như trên, có thể có nhiều Đoạn khác cũng có cùng đặc tính như vậy nhưng những bài Đường thi tương quan chưa được tìm ra.
1) Ảnh hưởng từ bài Đường thi "Tái Hạ Khúc 6" của Lý Bạch
Bản dịch ra Việt ngữ của Chinh Phụ Ngâm của Đoàn Thị Điểm (câu 5-12)
Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt
Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây
Chín tầng gươm báu trao tay
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh.
Nước thanh bình ba trăm năm cũ
Áo nhung trao quan vũ từ đây
Sứ trời sớm giục đường mây
Phép công là trọng niềm tây sá nào.
Nguyên bản Hán ngữ của Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn:
Cổ bề thanh động Trường Thành nguyệt
Phong hỏa ảnh chiếu Cam Tuyền vân
Cửu trùng án kiếm khởi đương tịch
Bán dạ phi hịch truyền tướng quân
Thanh bình tam bách niên thiên hạ
Tòng thử nhung y thuộc vũ thần
Sứ tinh thiên môn thôi hiểu phát
Hành nhân trọng pháp khinh ly biệt.
Nguyên bản Hán ngữ của bài thơ "Tái Hạ Khúc 6" của Lý Bạch:
TÁI HẠ KHÚC 6
Phong hỏa động sa mạc
Liên chiếu Cam Tuyền vân (*)
Hán hoàng án kiếm khởi
Hoàn triệu Lý Tướng quân (*)
Binh khí thiên thượng hợp
Cổ thanh lũng để văn
Hoành hành phụ dũng khí
Nhất chiến tĩnh yêu phân.
(Lý Bạch)
Bản dịch ra Việt ngữ của bài thơ "Tái Hạ Khúc":
KHÚC HÁT DƯỚI ẢI 6
Lửa báo nguy động rung sa mạc
Núi Cam Tuyền sáng át cả mây
Hán hoàng chống kiếm nơi tay
Truyền vời tướng Lý địng ngày xuất chinh
Khí thế quân trào dâng cao ngất
Trống khua vang tới khắp lũng ngoài
Xông pha ngang dọc hùng oai
Chỉ trong một trận hết loài quái yêu.
(Nguyên Minh dịch)
(*) Chú thích:
Cam Tuyền: núi có cung vua, thường đốt lửa để báo giặc tới.
Lý tướng quân: là Lý Quảng, một đại tướng của nhà Hán.
2) Ảnh hưởng từ 2 bài Đường thi của Lý Bạch là "Kết Miệt Tử" và "Tái Hạ Khúc 3":
Bản dịch ra Việt ngữ của Chinh Phụ Ngâm của Đoàn Thị Điểm (câu 17-24):
Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt
Xếp bút nghiêng theo việc đao cung
Thành liền mong tiến bệ rồng
Thước gươm đã quyết chẳng dung giặc trời
Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao
Giã nhà đeo bức chiến bào
Thét roi cầu Vị ào ào gió thu.
Nguyên bản Hán ngữ của Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn:
Lương nhân nhị thập Ngô Môn hào
Đầu bút nghiên hề sự cung đao
Dục bả liên thành hiến minh thánh
Nguyện tương xích kiếm trảm thiên kiêu
Trượng phu thiên lý chí mã cách
Thái sơn nhất trích khinh hồng mao.
Tiện từ khuê khổn tòng chinh chiến
Thu phong minh tiên xuất Vị kiều.
Nguyên bản Hán ngữ của bài thơ "Kết Miệt Tử" của Lý Bạch:
KẾT MIỆT TỬ (*)
Yên nam tráng sĩ Ngô Môn hào (*)
Trung trúc trí duyên ngư ẩn đao (*)
Cảm quân ân trọng hứa quân mệnh
Thái sơn nhất trịch khinh hồng mao.
(Lý Bạch)
Bản dịch ra Việt ngữ của bài thơ "Kết Miệt Tử":
GẢ ĐAN BÍ TẤT
Ngô Môn có bậc anh hào
Lòng đàn bụng cá dấu dao tung hoành
Đền ơn vua, quyết dâng mình
Một gieo núi Thái, nhẹ tênh lông hồng.
(Trần Trọng San dịch)
(*) Chú thích:
Yên Nam tráng sĩ: là Cao Tiệm Ly, người ở miền nam nước Yên
Ngô Môn hào kiệt: là Chuyên Chư, người nước Ngô
Kết miệt tử: gả đan bí tất (vớ), chỉ người quyết báo ơn. Do câu trong sách Hán thư: "Vương sinh sai Trương Thích Chi đan bí tất rồi tha cho đi".
Trúc: tên một loại nhạc khí ngày xưa. Cao Tiệm Ly dấu dao trong đàn trúc để ám sát Tần Thủy Hoàng.
Duyên đao: dao không sắc bén
Ngư ẩn đao: Chuyên Chư dấu dao trong bụng cá để hành thích Vương Liêu của nước Ngô.
Nguyên bản Hán ngữ của bài thơ "Tái Hạ Khúc 3" của Lý Bạch:
TÁI HẠ KHÚC 3
Tuấn mã như phong kiều
Minh tiên xuất Vị kiều (*)
Loan cung từ Hán nguyệt
Sáp vũ phá thiên kiêu
Trận giải tinh mang tận
Doanh không hải vụ tiêu
Công thành họa Lân các (*)
Độc hữu Hoắc Phiêu Diêu. (*)
(Lý Bạch)
Bản dịch ra Việt ngữ của bài thơ "Tái Hạ Khúc 3":
KHÚC HÁT DƯỚI ẢI 3
Ngựa hay như gió phi nhanh
Roi kêu cầu Vị từ thành phóng ra
Giương cung, trăng Hán lìa xa
Lắp tên, phá nát chẳng tha giặc trời
Trận tan, tắt hết sao rồi
Trại không, mù biển đã trôi đi dần
Công thành, hình vẽ gác Lân
Hoắc Phiêu Diêu, chỉ ghi phần tướng quân.
(Anh Nguyên dịch)
(*) Chú thích:
Vị kiều: tên cái cầu, nơi nhà Đường chống giữ rợ Đột Khuyết.
Hoắc Phiêu Diêu: tên tướng nhà Hán lập nhiều chiến công được tạc tượng ghi công ở Kỳ Lân các.
Lân các: là Kỳ Lân Các.
3) Ảnh hưởng từ bài Đường thi "Tái Hạ Khúc 1" của Lý Bạch.
Bản dịch ra Việt ngữ của Chinh Phụ Ngâm của Đoàn Thị Điểm (câu 33-40):
Lòng thiếp tợ bóng trăng theo dõi
Dạ chàng xa ngoài cõi Thiên san
Múa gươm rượu tiễn chưa tàn
Chỉ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo
Săn Lâu Lan rằng theo Giới Tử
Tới Man Khê bàn sự Phục Ba
Áo chàng đỏ tựa ráng pha
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in.
Nguyên bản Hán ngữ của Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn:
Thiếp tâm tùy quân tự minh nguyệt
Quân tâm vạn lý Thiên sơn tiền
Trịch ly bôi hề vũ Long tuyền
Hoàn chinh sáo hề chỉ hổ huyệt
Vân tùng Giới Tử liệp Lâu Lan
Tiểu hướng Man Khê đàm Mã Viện
Quân phi trang phục hồng như hà
Quân kỵ kiêu mã bạch như tuyết.
Nguyên bản Hán ngữ của bài thơ "Tái Hạ Khúc 1" của Lý Bạch.
TÁI HẠ KHÚC 1
Ngũ nguyệt Thiên sơn tuyết (*)
Vô hoa chỉ hữu hàn
Địch trung văn "chiết liễu"
Xuân sắc vị tằng khan
Hiểu chiến tùy kim cổ
Tiêu miên bão ngọc an
Nguyện tương yêu hạ kiếm
Trực vị trảm Lâu Lan. (*)
(Lý Bạch)
Bản dịch ra Việt ngữ của bài thơ "Tái Hạ Khúc 1":
KHÚC HÁT DƯỚI ẢI 1
Tháng năm tuyết Thiên san
Không hoa, chỉ lạnh tràn
Nghe sáo vang "chiết liễu"
Chưa từng ngắm xuân sang
Sáng đi theo trống trận
Đêm gối yên sa tràng
Nguyện đem kiếm bên lưng
Chém ngay chúa Lâu Lan.
(Trần Trọng San dịch)
KHÚC HÁT DƯỚI ẢI 1
Tháng năm núi Thiên san còn tuyết
Không thấy hoa, chỉ tuyệt lạnh lùng
Sáo đưa "chiết liễu" mông lung
Nét xuân muôn thuở chẳng từng qua đây
Sáng giao chiến động mây chiêng trống
Tối gối đầu yên ngọc ngủ an
Nguyện dùng bảo kiếm lưng ngang
Chém ngay đầu giặc Lâu Lan rửa hờn.
(Nguyễn Phước Hậu dịch)
(*) Chú thích:
Thiên Sơn: tên núi ở Tân Cương
Chiết liễu: tên khúc nhạc biệt ly; Chiết liễu = bẻ cành liểu.
Lâu Lan: đời Hán Chiêu Đế, Tướng Phó Giới Tử chém vua nước Lâu Lan. Nước Lâu Lan ở Tây Vực (Tân Cương bây giờ).
4) Ảnh hưởng từ bài Đường thi "Quan San Nguyệt" của Lý Bạch.
Bản dịch ra Việt ngữ của Chinh Phụ Ngâm của Đoàn Thị Điểm (câu 33-34 và câu 73-76)
Lòng thiếp tợ bóng trăng theo dõi
Dạ chàng xa ngoài cõi Thiên san
.........
Nay Hán xuống Bạch thành đóng lại
Mai Hồ về Thanh Hải dòm qua
Hình khe thế núi gần xa
Đứt thôi lại nối, thấp đà lại cao
Nguyên bản Hán ngữ của Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn:
Thiếp tâm tùy quân tự minh nguyệt
Quân tâm vạn lý Thiên sơn tiền
...........
Kim trêu Hán hạ Bạch Đăng thành
Minh nhật Hồ khuy Thanh Hải khúc
Thanh Hải khúc, thanh sơn cao phục đê
Thanh sơn tiền thanh khê đoạn phục tục
Nguyên bản Hán ngữ của bài thơ "Quan San Nguyệt" của Lý Bạch:
QUAN SAN NGUYỆT
Minh nguyệt xuất Thiên san (*)
Thương mang vân hải gian
Trường phong kỷ vạn lý
Xuy độ Ngọc Môn quan
Hán hạ Bạch Đăng đạo (*)
Hồ khuy Thanh Hải loan (*)
Do lai chinh chiến địa
Kỷ kiến hữu nhân hoàn
Thú khách vọng biên sắc
Tư quy đa khổ nhan
Cao lâu đang thử dạ
Thán tức vị ưng nhàn.
(Lý Bạch)
Bản dịch ra Việt ngữ của bài thơ "Quan San Nguyệt":
TRĂNG NƠI QUAN ẢI, NÚI NON
Trăng sáng ló Thiên san
Giữa biển mây mênh mang
Gió lan xa vạn dặm
Thổi đến Ngọc Môn quan
Bạch Đăng quân Hán xuống
Thanh Hải giặc Hồ tràn
Xưa nay nơi chiến địa
Không thấy ai về làng
Lính thú trêng biên sắc
Nhớ quê khổ muôn vàn
Trên lầu cao đêm tối
Chắc không ngơi thở than.
(Trần Trọng San dịch)
(*) Chú thích:
Thiên Sơn: tên núi ở Tân Cương
Bạch Đăng: tên thành nơi Hán Cao Tổ bị rợ Hung Nô bao vây
Thanh Hải: tên đất ở phía Tây tỉnh Cam Túc.
5) Ảnh hưởng từ 2 bài Đường thi "Hoài Thủy Biệt Hữu" của Trịnh Cốc và "Xuân Tứ" của Lý Bạch.
Bản dịch ra Việt ngữ của Chinh Phụ Ngâm của Đoàn Thị Điểm (Câu 57-64 và câu 273-280)
Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một mầu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai.
..........................................
..........................................
Trông bến Nam bãi che mặt nước
Cỏ biếc um, dâu ướt màu xanh
Nhà thôn mấy xóm chông chênh
Một đàn cò đậu trước ghềnh chiều hôm.
Trông đường bắc đôi chòm quán khách
Rườm rà cây xanh ngắt núi non
Lúa thành thoi thóp bên cồn
Nghe thôi ngọc địch véo von bên lầu.
Bản Hán ngữ của Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn
Lang cố thiếp hề Hàm Dương
Thiếp cố hề Tiêu Tương
Tiêu Tương yên cách Hàm Dương thụ
Hàm Dương thụ cách Tiêu Tương giang
Tương cố bất tương kiến
Thanh thanh mạch thượng tang
Mạch thượng tang, mạch thượng tang
Thiếp ý quân tâm thùy đoản trường?
.................................
..................................
Vọng quân hà sở kiến, giang biên mãn bạch tần
Yên thảo phi thanh lũ, Tần tang nhiễm lục vân
Nam lai tỉnh ấp bán phong trần
Lạc nhật bình sa nhạn nhấy quần.
Vọng quân hà sở kiến, dịch lộ đoản trường đình
Vân gian Ngô thụ bích, thiên tế Thục sơn thanh
Bắc lai hòa thử bán hoang thành
Vi vũ giang lâu địch nhất thanh.
Nguyên bản Hán ngữ của bài thơ "Hoài Thủy Biệt Hửu" của Trịnh Cốc:
HOÀI THỦY BIỆT HỮU
Dương Tử giang dương liễu xuân
Dương hoa sầu sát độ giang nhân
Sổ thanh phong địch ly đình vãn
Quân hướng Tiêu Tương ngã hướng Tần.
(Trịnh Cốc)
Bản dịch ra Việt ngữ của bài thơ "Hoài Thủy Biệt Hữu":
TỪ BIỆT BẠN BÊN SÔNG HOÀI THỦY
Đầu bến sông Dương xanh liễu dương
Hoa dương buồn giết khách sang ngang
Sáo vang mấy tiếng đình chiều tối
Bạn đến Tiêu Tương tôi tới Tần.
(Trần Trọng San dịch)
Hoài thủy: tên sông ở tỉnh An Huy và tỉnh Giang Tô
Dương tử giang: người Tây phương thường gọi sông Trường Giang là Dương tử giang.
Tiêu Tương: tên sông ở huyện Linh Lăng, tỉnh Hồ Nam.
Tần: tên nước ở tỉnh Thiểm Tây ngày nay, kinh đô là Hàm Dương.
Nguyên bản Hán ngữ của bài thơ "Xuân Tứ" của Lý Bạch:
XUÂN TỨ
Yên thảo như bích ty
Tần tang du lục chi
Đương quân hoài qui nhật
Thị thiếp đoạn trường thì
Xuân phong bất tương thức
Hà sự nhập la vi.
(Lý Bạch)
Bản dịch ra Việt ngữ của bài thơ "Xuân Tứ":
XUÂN TỨ
Cỏ Yên dường sợi tơ xanh
Dâu Tần cũng nảy những cành le te
Đương khi chàng muốn về quê
Chính là khi thiếp đang tê tấm lòng
Gió xuân đâu có quen cùng
Cớ chi lại cứ vào trong màn là.
(Trần Trọng Kim dịch)
6) Ảnh hưởng từ bài Đường thi "Cửu Biệt Ly" của Lý Bạch:
Bản dịch ra Việt ngữ của Chinh Phụ Ngâm của Đoàn Thị Điểm (câu 141-148):
Tin thường lại người không thấy lại
Hoa dương tàn đã trải rêu xanh
Rêu xanh mấy lớp chung quanh
Dạo sân một bước trăm tình ngẩn ngơ
Thư thường tới người chưa thấy tới
Bức rèm thưa lần dãi bóng dương
Bóng dương mấy buổi xuyên ngang
Lời sao mười hẹn chín thường đơn sai.
Nguyên bản Hán ngữ Chinh Phụ Ngâm của của Đặng Trần Côn:
Tích niên ký tín khuyển quân hồi
Kim niên ký tín khuyển quân lai
Tín lai nhân vị lai
Dương hoa linh lạc ửy thương đài
Thương đài thương đài hựu thương đài
Nhất bộ nhàn đình bách cảm thôi
Tích niên ký thư đính thiếp kỳ
Kim niên hồi thư đính thiếp qui
Sa song tịch mịch chuyển tà huy
Tà huy tà huy hựu tà huy
Thập ước giai kỳ cửu độ vi.
Nguyên bản Hán ngữ của bài thơ "Cửu Biệt Ly" của Lý Bạch:
CỬU BIỆT LY
Biệt lai kỷ xuân vị hoàn gia
Ngọc song ngũ kiến anh đào hoa
Hướng hữu cẩm tự thư (*)
Khai cam sử nhân ta
Thử trường đoạn, bỉ tâm tuyệt
Vân hoàn lục mấn bãi sơ kết
Sầu như hồi phiêu loạn bạch tuyết
Khứ niên ký thư báo Dương Đài (*)
Kim niên ký thư trùng tương thôi
Đông phong hề Đông phong
Vị ngã xuy hành vân sứ tây lai
Đãi lai cảnh bất lai
Lạc hoa tịch tịch ủy thanh đài.
(Lý Bạch)
Bản dịch ra Việt ngữ của bài thơ "Cửu Biệt Ly":
LÂU NGÀY XA CÁCH
Chàng đi mấy xuân chưa về nhà
Cửa ngọc năm lần đào nở hoa
Huống còn tờ thư gấm
Mở phong mà xót xa
Đến nỗi lòng nầy đau tựa cắt
Tóc xanh biếng chải làn mây thắt
Buồn như gió lộng tóc tơi bời
Năm ngoái gửi thư đến Dương Đài
Năm nay gửi thư lại giục ai
Gió Đông hề! gió Đông
Vì ta thổi mây tới miền Tây
Chờ đợi mãi sao mà chẳng tới?
Hoa rơi lặng lẽ lớp rêu đầy.
(Trần Trọng San dịch)
(*) Chú thích:
Cẩm tự: đời Tần, Đậu Thao đi trấn thủ Tương Dương, đem theo người thiếp yêu. Vợ là Tô thị làm hơn 200 bài thơ dệt lên bức gấm gửi cho chồng. Đậu Thao xem chữ gấm (cẩm tự), cảm động liền cho xe đón về Tương Dương. "Đề chữ gấm phong thôi lại mở" (Chinh Phụ Ngâm).
Dương Đài: tên núi ở huyện Vu Sơn, tỉnh Tứ Xuyên. "Tìm chàng thủa Dương Đài chốn cũ" (Chinh Phụ Ngâm).
Bài thơ "Cửu Biệt Ly" của Lý Bạch còn ảnh hưởng tới Đặng Trần Côn trong những câu thơ Hán ngữ khác:
(Đoàn Thị Điểm dịch)
Cẩm tự đề thi phong cánh triển Đề chữ gấm phong thôi lại mở
Kim tiền vấn bốc tín hoàn nghi Gieo bói tiền tin dở còn ngờ
(Đoàn Thị Điểm dịch)
Tầm quân hề Dương Đài lộ Tìm chàng thuở Dương Đài lối cũ
Hội quân hề Tương Giang tân Gặp chàng nơi Tương Phố bến xưa
7) Ảnh hưởng từ bài Đường thi "Trường Tương Tư" của Lý Bạch.
Bản dịch ra Việt ngữ của Chinh Phụ Ngâm của Đoàn Thị Điểm (câu 203-212):
Sắc trời đằng đẵng bấy niên
Mối sầu dằng dặc tựa miền bể xa
Hương gượng đốt hồn đà mê mãi
Gương gượng soi lệ lại chứa chan
Sắt cầm gượng gẩy ngón đàn
Dây uyên kinh đứt phím loan ngại chùng (trùng)
Lòng gửi gió Đông có tiện
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên
Non Yên đâu chẳng tới miền
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời.
Nguyên bản Hán ngữ của Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn:
Sầu như hải
Khắc như niên
Cưỡng viện cầm, chỉ hạ kinh đình loan phượng trụ
Cưỡng cổ sắt, khúc trung sầu yết uyên ương huyền
Thử ý xuân phong nhược khẳng truyền
Thiên kim tá lực ký Yên Nhiên
Yên Nhiên vị dị truyền
Ức quân thiều thiều hề lộ như thiên.
Nguyên bản Hán ngữ của bài thơ "Trường Tương Tư" của Lý Bạch:
TRƯỜNG TƯƠNG TƯ
Nhật sắc dục tận hoa hàm yên
Nguyệt minh như tố sầu bất miên
Triệu sắt sơ đình phụng hoàng trụ
Thục cầm dục tấu uyên ương huyền
Thử khúc hữu ý vô nhân truyền
Nguyện tùy xuân phong kỷ Yên Nhiên
Ức quân điều điều cách thanh thiên
Tích thời hoành hoa mục
Kim tác lưu lệ tuyền
Bất tín thiếp trường đoạn
Quy lai khán thủ minh kính tiền.
(Lý Bạch)
Bản dịch ra Việt ngữ của bài thơ "Trường Tương Tư":
NHỚ NHAU HOÀI
Hoa lồng khói biếc lặn tà dương
Trăng trong như lụa lòng buồn thương
Đàn Triệu vừa ngơi trụ Phượng hoàng
Đàn Thục toan gẩy dây uyên ương
Khúc nầy có ý không ai truyền
Mong gởi gió xuân đến Yên Nhiên
Xa cách trời xanh, nhớ khó quên
Ngày xưa mắt gợn sóng
Nay thành suối lệ phiền
Đoạn trường ai chẳng tin lòng thiếp
Hãy về mà ngắm bóng gương in.
(Trần Trọng San dịch)
NHỚ NHAU HOÀI
Bóng tà dương hoa lồng khói biếc
Trăng như tơ sầu giấc không yên
Đàn Triệu vừa dứt tiếng huyền
Thục cầm lại gởi khúc uyên ương liền
Ý nhạc hay, thất truyền xin gởi
Nhờ gió xuân đưa tới Yên Nhiên
Cao xanh ngăn cách khó quên
Làm em càng nhớ chàng nơi phương trời
Mắt ngày xưa lả lơi gợn sóng
Nay suối tuôn lệ nóng nhớ chàng
Vì ai đòi đoạn tâm can
Về đây đối bóng xin chàng hãy tin.
(Cao Nguyên dịch)
Triệu sắt: vì người nước Triệu giỏi đàn sắt nên thường gọi đàn nầy là "Triệu sắt". Sắt là loại đàn có 25 dây.
Thục cầm: Tư Mã Tương Như người nước Thục giỏi gẩy đàn cầm, nên đàn nầy thường được gọi là Thục cầm. Cầm là loại đàn có 7 dây.
Yên Nhiên: tên núi ở Mông Cổ ngày nay. Đời Đông Hán, Tướng Đậu Hiến đánh thắng Thiền Vu (vua Hung Nô), lên núi nầy khắc chữ trên đá ghi chiến công của mình.
Chiến công của Đậu Hiến ở Yên Nhiên cũng ảnh hưởng đến những câu thơ Hán ngữ của Đặng Trần Côn:
(Đoàn Thị Điểm dịch)
Tiệp sắc tinh kỳ từ tái nguyệt Bóng cờ xí giã ngoài quan ải
Khải ca tướng sĩ bối biên phong Tiếng khải ca trở lại thần kinh
Lặc công hề Yên Nhiên thạch Non Yên tạc đá đề danh
Triều thiên vào trước cung đình dâng công.
8) Ảnh hưởng từ bài Đường thi "Khuê Oán" của Vương Xương Linh.
Bản dịch ra Việt ngữ của Chinh Phụ Ngâm của Đoàn Thị Điểm (Câu 45-48 và câu 296-300)
Quân trước đã gần ngoài Doanh Liễu
Kỵ sau còn khuất nẻo Tràng Dương
Quân đưa chàng ruổi lên đường
Liễu dương biết thiếp đoạn trường nầy chăng.
...................
..................
Lòng nầy hóa đá cũng nên
E không ngại ngọc mà lên trông lầu
Lúc ngoảnh lại ngắm màu dương liễu
Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong
Chẳng hay muôn dặm ruổi giong
Lòng chàng có cũng như lòng thiếp chăng?
Nguyên bản Hán ngữ của Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn
Tiền quân bắc Tế Liễu
Hậu kỵ tây Tràng Dương
Kỵ quân tương ủng quân lâm tái
Dương liễu na tri thiếp đoạn trường
.................
..................
Hữu tâm thành hóa thạch
Vô lệ khả đăng lâu
Hồi thủ trường đê dương liễu sắc
Hối giao phu tế mịch phong hầu
Bất thức ly gia thiên lý ngoại
Quân tâm hữu tự thiếp tâm phầu
Nguyên bản Hán ngữ của bài thơ "Khuê Oán" của Vương Xương Linh:
KHUÊ OÁN
Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu
Xuân nhựt ngưng trang thướng thúy lâu
Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc
Hối giao phu tế mịch phong hầu.
(Vương Xương Linh)
Bản dịch ra Việt ngữ của bài thơ "Khuê Oán":
KHUÊ OÁN
Phòng khuê nàng chửa biết buồn
Ngày xuân điểm phấn tô son lên lầu
Chợt trông dương liễu xanh mầu
Xui chồng tìm cái phong hầu mà chi?
(Trần Trọng San dịch)
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
Tài liệu tham khảo
1) Thơ và Sử Việt - Phan Huy Ích (Bs Phan Thượng Hải) phanthuonghai.com
2) Đoàn Thị Điểm và Chinh Phụ Ngâm (Bs Phan Thượng hải) phanthuonghai.com
3) Điển Cố Từ Thơ (Bs Phan Thượng Hải) phanthuonghai.com
4) Google Wikipedia
CHỒNG RỬA CHÉN
Rửa chén lành nghề việc của tôi
Mỗi ngày hai bữa cứ làm thôi
Rửa cho sạch bách luôn dao thớt
Rửa đến sạch trơn cả chảo nồi
Liệt lão thất phu nên hữu trách (*)
Tề gia nội trợ hết bồi hồi
Xướng tùy thoải mái đời đơn giản
Vợ nấu mình ăn đủ sướng rồi.
(Phan Thượng Hải)
11/5/19
(*) Có câu "Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách".
TB.
Hỏi một đàn anh bậc Thầy: "tại sao (Anh) không để Chị rửa?". Trả lời: "(Tại) Bả, con mắt không thấy rõ nên rửa dơ, (do đó) "moi" rửa (phứt) cho rồi".

* Lễ Phục Sinh
ĐÓN PHỤC SINH
Hướng thiện tâm tình đón Phục Sinh
Từ trong nhẫn nhục có quang vinh
Đức tin hướng vọng về thiên giới
Lời nguyện cầu xin tự thánh kinh
Rửa tội nhân loài là ý Chúa
Dùng cây thập tự hiến thân mình
Giê-su hằng sống gìn Tân Ước
Phán xét từng người lúc tử sinh.
(Phan Thượng Hải)
3/27/18
MỪNG LỄ PHỤC SINH
Thế giới đón mừng lễ Phục Sinh
Làm Người từng trải nghĩa hy sinh
Thiện tâm đưa lối về thiên quốc (*)
Khiêm ái dẫn đường hướng tái sinh
Cầu nguyện chân thành qua khốn khổ
Đức tin bền vững giúp tồn sinh
Giê-su tín ngưỡng truyền hy vọng
Ơn phước nhân loài có phục sinh.
(Phan Thượng Hải)
4/10/20
Good Friday 2020
(*) Chú thích: Thiên quốc = Nước trời = Kingdom of heaven.
* Lễ Phục Sinh và Hoa Đào
XUÂN ĐÀO PHỤC SINH
Đào thắm duyên xuân lễ Phục Sinh (*)
Tự nhiên thiên tạo ý hòa minh
Tin mừng cứu thế niềm hy vọng
Hoa nở giao mùa cảnh đẹp xinh
Thời tiết an lành tâm tỉnh thức
Nhân loài từ thiện tiếng cầu kinh
Xuân đào tái hiện phô thanh sắc
Cảm giác lòng người phước phục sinh.
(Phan Thượng Hải)
4/2/21
(*) Chú thích: Có loại hoa đào (như anh đào) nở vào đầu tháng tư ngay trước lễ Phục Sinh.
* Lễ Phục Sinh và Lễ Giáng Sinh
KỶ NIỆM GIÁNG SINH
Kỷ niệm Giáng Sinh đón Phục Sinh
Từ trong đêm tối vọng thiên đình
Chúc mừng nồng ấm, nhân loài tốt
Lễ lộc tưng bừng, thế giới xinh
Giản dị bình dân, gìn bác ái
Xa hoa nghi thức, giữ chân tình
Đợi nghe gà gáy luôn canh thức
Như thánh Phê-rô, Chúa bất bình. (*)
(Phan Thượng Hải)
12/13/14
(*) Chú thích: Chuyện thánh Phê-rô ba lần chối Chúa trước khi gà gáy (Phúc Âm)
__________________
CĂN BẢN GIÁC NGỘ VÀ THIỀN ĐỊNH CỦA THIỀN TÔNG
Bs Phan Thượng Hải biên soạn
Từ nhiều thế kỷ cho đến ngày nay, Giác ngộ theo Giáo lý và Thiền định từ Tu Thiền định thường theo giáo huấn của Phật Giáo Đại Thừa Thiền Tông. Bài viết này trình bày phần căn bản về Giác ngộ và Thiền định của Thiền Tông.
Dàn bài
Đại cương (trang 1)
Tâm Giác Ngộ
Giáo lý Giác ngộ (trang 2)
Đoạn Hoặc và Từ Bi (trang 6)
Tâm Thiền Định
Thiền Định (trang 9)
Tu Thiền Định và Tu Thiền Quán (trang 9)
I. ĐẠI CƯƠNG
Cứu cánh chính của Phật Giáo là giải thoát Khổ (suffering), đó là giải thoát Tâm không phiền não (buồn rầu) trong một sinh kiếp mà có được Tâm An (tranquil mind).
Tâm An (= Niết bàn hữu dư) trong một sinh kiếp có được từ Tâm Giác ngộ hoặc Tâm Thiền định:
Tâm Giác ngộ giáo lý (giác ngộ) = sáng suốt trong nhận thức được giáo lý giác ngộ này (Kiến = Kiến đạo = Giải ngộ) và sáng suốt trong thi hành giáo lý giác ngộ này trong đời sống hằng ngày (Hành = Tu hành đạo = Chứng ngộ) qua tư tưởng, lời nói, việc làm và sinh hoạt.
Tâm Thiền định đạt được từ Tu Thiền Định, không cần Giác ngộ.
Phật Giáo còn tin rằng Con người có Tâm Giác ngộ, gọi là La Hán (Phật Giáo Nguyên Thủy) hay là Phật (Phật Giáo Đại Thừa) thì sau khi hết sinh kiếp (chết = tử) sẽ không phải tái sinh luân hồi trong tam giới (= Niết bàn vô dư). Phật Giáo Đại Thừa còn cho rằng có những cõi riêng cho Phật ở gọi là Phật độ hay Tịnh độ, khác với Tam giới (3 thế giới) của chúng sanh là cõi Ta Bà. (Độ = thổ = land).
Như vậy, Giác Ngộ còn giúp cho không tái sinh còn Thiền Định cũng giúp cho Tâm An nhưng không giúp cho Con người tránh khỏi tái sinh luân hồi.
Ngoài Giác ngộ và Thiền định, còn có một ngành thứ 3 của Phật Giáo là Trì giới của "Tâm và Thân" từ Phật Giáo Nguyên Thủy. Trì Giới không có đem lại Tâm An (tranquil mind) cũng như không giúp cho tránh khỏi tái sinh luân hồi. Từ ảnh hưởng của Ấn Độ Giáo, Phật Giáo tin rằng Con người Trì giới, không phạm tất cả 10 Ác Nghiệp, là để khi tái sinh theo lục đạo thì không phải tái sinh theo khổ đạo vào những cõi "khổ" như cõi địa ngục, cõi của ngạ quỷ hay cõi của thú vật. Sanh mạng ở trong những cõi này thì hoàn toàn chịu khổ và không bao giờ tu hành để thoát khỏi tái sinh luân hồi được. Trì Giới giúp Con người tái sinh trong cõi Trời (Thiên) hay cõi Con người.
Khi không phải tái sinh nhờ Tâm Giác ngộ không có Khổ Nghiệp thì Con người cần gì phải tránh Ác Nghiệp bằng cách Trì Giới để tránh tái sinh theo khổ đạo vào cõi địa ngục, cõi của ngạ quỷ và cõi của thú vật. Do đó Con người có Tâm Giác ngộ thì khỏi phải Trì Giới và hơn nữa, Từ Bi của Giác Ngộ đã được dùng để thay thế Trì Giới.
II. TÂM GIÁC NGỘ
A. Giáo lý Giác Ngộ
a) Đại cương
*
Phật Pháp là Pháp trong Tam Bảo (Phật Pháp Tăng) bắt đầu bằng Đạo Đế.
Đạo Đế của Tứ Diệu Đế gồm có 3 ngành từ Phật Giáo Nguyên Thủy:
Giác ngộ (dựa trên triết lý và Khổ Nghiệp).
Thiền Định và Tu Thiền Định (không dựa trên triết lý hay Nghiệp).
Trì Giới (không dựa trên triết lý nhưng dựa trên Ác Nghiệp).
Trong tất cả Nghiệp, Phật Pháp chỉ dựa trên Khổ Nghiệp cho giáo lý Giác ngộ và dựa trên Ác Nghiệp cho Trì Giới.
Giác Ngộ là Tâm Giác ngộ theo giáo lý (giác ngộ): sáng suốt trong nhận thức được giáo lý giác ngộ này (Kiến = Kiến đạo = Giải ngộ) và sáng suốt trong thi hành giáo lý giác ngộ này trong đời sống hằng ngày (Hành = Tu hành đạo = Chứng ngộ) qua tư tưởng, lời nói, việc làm và sinh hoạt.
Sự sáng suốt trong nhận thức giáo lý giác ngộ này gọi là sự sáng suốt toàn hảo (= trí tuệ toàn hảo) theo ngôn từ của Phật Giáo và Phạn ngữ gọi là Prajna-paramita mà dịch âm là Bát Nhã Ba La Mật Đa.
Bát nhã = Prajna = trí tuệ, trí huệ = wisdom.
Ba La Mật Đa = Paramita = sự toàn hảo = perfection
*
Giáo lý Giác ngộ của Phật Giáo Đại Thừa chính là Khổ Đế, Tập Đế và Diệt Đế của Tứ Diệu Đế.
Giáo lý giác ngộ của Phật Giáo lần lượt trải qua từ nhiều giai đoạn trong lịch sử Phật Giáo:
Giáo lý của Phật Giáo Nguyên Thủy từ triết lý Thập Nhị Nhân Duyên của Phật Thích Ca.
Giáo lý của Phật Giáo Đại Thừa:
Từ Trung Quán Phái của Ấn Độ và Không Tông của Trung Quốc dựa trên triết lý Không (Sunyà) của kinh Bát Nhã.
Từ Duy Thức Du Già Hành Phái của Ấn Độ và Nhiếp Luận Tông.
Từ chi phái cuối cùng của Duy Thức Phái truyền sang Trung Quốc là Tánh Tông.
Cuối cùng là từ Thiền Tông, tổng hợp và dung hòa 3 triết lý của Không Tông, Nhiếp Luận Tông và Tánh Tông của Phật Giáo Đại Thừa.
Giáo lý Giác ngộ của các giáo tông khác rất phức tạp và khó hiểu và khó áp dụng trong thực tế:
Tam Luận Tông, Thiên Thai Tông và Hoa Nghiêm Tông từ Trung Quán Phái.
Pháp Tướng Tông của Duy Thức Du Già Hành Phái.
Tất cả các giáo lý Giác ngộ đều đi đến kết luận cuối cùng là Đoạn Hoặc hay Từ Bi hay cả hai Đoạn Hoặc và Từ Bi.
Giáo lý Giác ngộ của Phật Giáo Nguyên Thủy là Thập Nhị Nhân Duyên chỉ dẫn đến Đoạn Hoặc mà thôi.
Giáo lý Giác ngộ của Phật Giáo Đại Thừa Thiền Tông dẫn đến Đoạn Hoặc và Từ Bi.
Các giáo tông chánh khác nữa chỉ chú trọng đến tôn thờ và tín ngưỡng như Tịnh Độ Tông thuộc Đại Thừa Hiển Giáo và Mật Tông và Chơn Ngôn Tông thuộc Đại Thừa Mật Giáo.
Kim Cang Thừa của Phật Giáo Tây Tạng có giáo lý giống Thiền Tông nhưng có tôn thờ tín ngưỡng giống Mật Giáo.
*
Giáo lý Giác ngộ (giáo lý để Giác ngộ):
Khổ là Tâm phiền não. Không Khổ là Tâm An (tranquil). {Khổ Đế của Tứ Diệu Đế}
Năng lực tạo ra Khổ là Khổ Nghiệp. (Nghiệp = Karma). Đó là Mê hoặc (Hoặc) gồm có Tham dục, Sân và Mạn.{Tập Đế của Tứ Diệu Đố}
Đoạn diệt Khổ Nghiệp là Đoạn Hoặc. Không có Khổ Nghiệp là Từ Bi. {Diệt Đế của Tứ Diệu Đế}
Do đó,
Tâm không giác ngộ (= vô minh, si) là Mê hoặc.
Tâm Giác ngộ của Thiền Tông là Đoạn Hoặc (đoạn diệt Mê hoặc) và Từ Bi.
Đoạn Hoặc = Đoạn diệt Mê hoặc. Có 3 Hoặc là Tham dục, Sân và Mạn.
Mê hoặc = Hoặc = Defilement(s) = klesa, agantukaklesa, klesha. Nghĩa đen của Defilement (Klesa, klesha) là ô uế, dơ bẩn, không trong sạch.
Trong tất cả các Nghiệp; Phật Giáo chỉ dùng Khổ Nghiệp cho Giác ngộ và dùng (10) Ác Nghiệp cho Trì Giới.
Ngày nay, Giác ngộ là phần chính của triết lý Phật Giáo. Tu Thiền Định và Thiền Định không còn là sự bắt buộc và Trì Giới đã được thay thế bởi Từ Bi của Giác ngộ.
b) Chi tiết
Giáo lý Giác ngộ của Thiền Tông tổng hợp và dung hòa của Trung Quán Phái (Không Tông) và Duy Thức Du Già Phái (Nhiếp Luận Tông và Tánh Tông).
*
Theo Không Tông từ Trung Quán Phái:
Sự vật là có nhưng vô ngã (without nature), được diễn tả trong kinh Bát Nhã là "không có tự tánh" (= Tánh Không), cho nên vô thường (impermanent). Vì Sự vật vô ngã và vô thường cho nên Sự vật thì tương đối (relative), không tuyệt đối (not absolute).
Tâm không giác ngộ (= vô minh, si = ignorance) thì bám chặt và ràng buộc vào Sự vật tương đối do đó sinh ra Khổ, tức là Tâm phiền não. Đó là Tâm mê hoặc vào Sự vật. Mê hoặc (= Hoặc) gồm có Tham dục, Sân và Mạn.
Tâm Giác ngộ thì không bám chặt và ràng buộc và không chướng ngại (= tự do) với Sự vật thì Tâm An, mà không phiền não. Đó là Tâm đoạn diệt mê hoặc vào Sự vật (= Đoạn Hoặc) vì không bám chặt vào Sự vật. Đoạn Hoặc là đoạn diệt Tham dục, Sân và Mạn.
Ngã = nature. Vô Ngã = without nature = không có tự tánh = Tánh Không (Sunyata).
Không bám chặt và ràng buộc = vô sở đắc, vô sở trụ = non-attached.
Không chướng ngại = vô ngại = without hindrance.
*
Theo Nhiếp Luận Tông từ Duy Thức Du Già Hành Phái:
Tâm là Tâm thức (có 8 Thức).
Tâm thức của Con người thì chấp ngã và tự ngã đối với Sự vật khi Tâm thức hoạt động đối với Sự vật. Sự vật bên ngoài của Tâm là không có và không có thực vì do Tâm thức của Con người tạo ra. (Thức = Consciousness).
Tâm thức không giác ngộ (= vô minh) thì chấp ngã và tự ngã đối với Sự vật không có và không có thực do đó sinh ra Khổ, tức là Tâm phiền não. Đó là Tâm mê hoặc vào Sự vật.
Tâm Giác ngộ, Tâm thức Giác ngộ, là không chấp ngã và không tự ngã đối với Sự vật thì Tâm An, mà không phiền não. Đó là Tâm thức đoạn diệt mê hoặc vào Sự vật (= Đoạn Hoặc) vì không chấp ngã và không tự ngã đối với Sự vật mà không bám chặt và ràng buộc vào Sự vật. (Nhiếp Luận Tông và Duy Thức Phái giải thích sâu xa hơn Không Tông và Trung Quán Phái)
Ngã = ta, "cái ta" = self, ego.
Vô ngã = nonself = phi ngã = no ego or without ego.
Chấp ngã = cầm giữ hay bắt lấy cho mình = attachment to self. Người chấp ngã là muốn sở hữu sự vật là của mình.
Tự ngã = từ mình hay bởi vì mình mà ra = idea of self. Người tự ngã là muốn làm chủ, muốn điều khiển mọi sự vật theo tình ý của mình.
*
Theo Tánh Tông từ Duy Thức Phái:
Tâm (Mind) gồm có Tâm thức (Conscious Mind) và Bản tâm (Nature Mind).
Tâm thức là hoạt động của Tâm đối với Sự vật bên ngoài của Tâm.
Bản tâm thì "không nhị nguyên" đối với Sự vật nên dung hòa và từ "dung hòa" mà không chấp ngã và không tự ngã đối với Sự vật bên ngoài (của Tâm của Con người). Nhị nguyên (Duality) là phân biệt giữa "ngã" (ta) và "không phải là "ngã" (không phải là ta). Đó là Bản tâm Từ Bi (từ "dung hòa"). Do đó Bản tâm thì vô ngã (= không chấp ngã, không tự ngã và không nhị nguyên).
Tâm Giác ngộ hay vô minh thực tế là Tâm thức Giác ngộ hay vô minh. Bản tâm luôn luôn Giác ngộ và Bản tâm có từ bẩm sinh trong mỗi Con người.
Tâm thức không giác ngộ (= vô minh) là không tuân theo hay không đồng nhất với Bản tâm nên Tâm thức "nhị nguyên" tức là chấp ngã và tự ngã đối với Sự vật không có và không có thực do đó sinh ra Khổ, tức là Tâm phiền não. Đó là Tâm thức mê hoặc vào Sự vật vì không đồng nhất với Bản tâm.
Tâm thức Giác ngộ là tuân theo hay đồng nhất với Bản tâm nên Tâm thức không Nhị nguyên (giống như Bản tâm) tức là dung hòa mà không chấp ngã và tự ngã đối với Sự vật thì Tâm An, mà không phiền não. Đó là Tâm thức Từ bi đối với Sự vật do đó Đoạn Hoặc đối với Sự vật. Từ bi là dung hòa với Sự vật và Đoạn hoặc là không chấp ngã và tự ngã đối với Sự vật.
Dung hòa = in harmony, harmonious = vô ngại. Nghĩa của vô ngại của Tánh Tông khác với nghĩa của vô ngại của Không Tông. Dung hòa với Sự vật là Từ Bi với Sự vật.
Bản tâm còn có nhiều danh hiệu khác: Phật tánh, Chân như, Như Lai tạng, Phật thân, Pháp thân, Thực tánh, Tự tánh, Bản lai diện mục ... (Như lai = Phật).
Trúc Lâm đại sĩ Trần Nhân Tông dùng từ ngữ "gia trung hửu bảo" với ngụ ý là Phật tánh hay Bản tâm..
Trong câu tục ngữ Việt "Bụt nhà không thiêng, cầu Thích Ca ngoài đường", "Bụt nhà" ngụ ý là Phật tánh.
Phật Tánh (Buddha Nature = Buddhatà = Buddha-svabhàva)
*
Theo Thiền Tông
Sự vật là có và tương đối giống như Không Tông (và Trung Quán).
Tâm gồm có Tâm thức (hoạt động của Tâm đối với Sự vật bên ngoài Tâm) và Bản tâm như Duy Thức Tánh Tông. Tâm không có tạo ra Sự vật như Duy Thức do đó Sự vật không là ảo và không là giả.
Tâm thức Giác ngộ có 2 giai đoạn:
Trước hết là Tâm thức của Con người phải Đoạn Hoặc đối với Sự vật bên ngoài.
Từ đó Tâm thức mới đồng nhất được với Bản tâm Từ bi mà Từ bi và không Mê hoặc.
Không Tông và Nhiếp Luận Tông chủ trương Đoạn Hoặc. Tánh Tông chủ trương Từ bi (thì tự động sẽ Đoạn Hoặc). Thiền Tông chủ trương Đoạn Hoặc rồi mới Tử bi.
Theo Thiền Tông, Tâm thức là hoạt động của tâm:
Tâm thức hoạt động từ hiện tượng của sự vật từ cảm giác (sensation), tri giác (perception) cho đến cuối cùng là nhận thức (cognition) để có ý thức (consciousness).
Tâm thức hoạt động về hiện tượng của sự vật là tư tưởng hay tư duy (thought) gồm có lý trí và tình cảm (affection, sentiment). Lý trí gồm có suy nghĩ (thinking) và suy luận (reason). Từ ý thức hiểu biết về sự vật tâm thức mới có tư tưởng về sự vật, đó là ý kiến (view, idea).
Thiền Tông nhấn mạnh rằng:
Sự vật bên ngoài của Tâm của một Con người bao gồm sinh mạng khác, con người khác và kể cả Thân của Con người đó. Tâm của mình cũng phải "đoạn hoặc và từ bi" đối với Thân của mình.
Đoạn Hoặc và Từ Bi chỉ thuộc về Tình cảm trong Tâm thức của Con người mà thôi. Tâm thức của Con người tự do trong các hoạt động khác của Tâm thức như cảm giác (sensation), tri giác (perception), nhận thức (cognition), lý trí và kể cả những hoạt động khác của tình cảm.
Tâm thức của Con người không "sở trụ" hay "sở đắc" (không bám giữ chặt và ràng buộc) vào Sự vật nhưng Tâm thức của Con người Giác ngộ vẫn "động" chứ không có "tịnh" (not moving). Con người vẫn có tình cảm chứ không hoàn toàn vô tình.
Đoạn diệt Tham dục (= Tham) nhưng không có đoạn diệt Dục (= Muốn). Tâm của Con người "muốn" nhưng không có "tham" trong cái "muốn" của mình.
Từ Bi chỉ đặt căn bản trên Khổ Nghiệp (trong tất cả các Nghiệp) chứ không có đặt căn bản trên Thiện Nghiệp.
Từ Bi chỉ áp dụng trong cuộc sống liên quan (= nhân duyên) hằng ngày của mỗi Con người. Con người không bắt buộc phải tình nguyện "cứu nhân độ thế" cho nhiều người không có liên quan đến mình hay cho tất cả mọi người.
Thiền Tông phân biệt Sự vật vô ngã (= Pháp Vô Ngã) của Không Tông và Bản tâm vô ngã (= Nhân Vô Ngã) của Tâm con người của Tánh Tông là Pháp Vô Ngã và Nhân Vô Ngã (theo kinh Lăng Già). (Pháp = hiện tượng của sự vật. Nhân = Con người)
B. Đoạn Hoặc và Từ Bi
Thiền Tông dạy rõ ràng và thực tế về Đoạn Hoặc và Từ Bi.
In Essentials of Buddhism, professor Kogen Mizuno writes:
In the state of nonself, there can be no self-centered greed, unreasonable fear of others, hate, flattery, boasting, insult, anger, jealousy, or envy.
A person who has realized the nature of nonself can not bring harm to others, since actions is taken only after correctly considering both its immediate and its wider-ranging effects. This is expressed as loving kindness and pity for all beings. There is no conflict between self and others.
As the result, the state of nonself as been defined as the state of mind of an enlightened person.
(Dịch)
Trong trạng thái vô ngã, không thể có tham lam ích kỷ, sợ hãi vô lý đối với người khác, thù ghét, nịnh bợ, khoe khoang tự phụ, lăng nhục, phẫn nộ giận dữ, ghen ghét hay ganh tỵ.
Một con người thức ngộ tự tánh của vô ngã không thể làm hại những người khác, vì hành động chỉ được thực hiện sau khi nghĩ tới cả hai hậu quả tức thời và rộng rãi. Đó được biểu lộ như lòng tử tế và thương xót cho tất cả chúng sanh. Không có xung đột giữa mình và những người khác.
Như vậy, trạng thái vô ngã được định nghĩa như là trạng thái của tâm giác ngộ.
a) Đoạn Hoặc
Đoạn hoặc đối với tất cả mọi sự vật bên ngoài tâm của ta (all beings and all things) kể cả những sinh mạng hay sinh vật khác (all sentient beings), nhân mạng hay con người khác (human beings) và thân ta (trong sinh lão bệnh tử).
Đoạn Hoặc (Đoạn diệt mê Hoặc) là:
Đoạn diệt Sân:
không phẫn nộ giận dữ (anger)
không thù ghét (hate)
không lăng nhục (insult) những người khác
không tổn hại (causing injury) những người khác
không độc ác (cruelty)
Đoạn diệt Mạn:
không khoe khoang tự phụ (boasting)
không ghen ghét (jealousy) hay ganh tỵ (envy)
không nịnh bợ (flatterery)
không sợ hãi vô lý (unreasonable fear) đối với những người khác
Đoạn diệt Tham Dục:
không tham lam ích kỷ (self-centered greed)
* Tham Dục
Đoạn diệt Tham dục = không tham lam ích kỷ (self-centered greed):
= không "tham dục" (tham muốn) riêng cho mình
= có "dục" (muốn hay ham muốn) nhưng không "tham" cái "dục" (muốn hay ham muốn) cho riêng mình
= không "dục" (muốn hay ham muốn) cho riêng mình; một cách vô độ hay quá khao khát mãnh liệt không cưỡng lại được hay trói buộc ham muốn (= dục) lâu dài vào một đối tượng.
Tham dục = Tham muốn = Craving or Strong Desire = Tham Ái, Ái.
Tham, Tham lam = Greed
Tham dục = Tham, Tham lam
Dục = Muốn, Ham muốn = Desire
* Sân
- Theo Phật Giáo từ Phật Giáo Nguyên thủy:
Sân hay Giận (Anger) theo nghĩa đen là không vừa lòng (displeasure) và ghét (revulsion) một đối tượng (mà mình) không thích (dislike).
Từ Sân (hay Giận) còn phải Đoạn diệt những điều nặng hơn:
Phẫn hay Giận dữ (Wrath) , thường có võ lực (violence). Phẫn gần đồng nghĩa với Tức giận (Indignation) hay Nỗi giận (Temper).
Hận tức là Oán giận, Căm hờn (Enmity), thường do thù nghịch.
Hại (Causing injury) làm tổn hại (sinh vật khác).
"Độc" (Cruelty) là độc ác, hung dữ, tàn bạo, dã man.
- Theo Thiền tông:
Đoạn diệt Sân =
không phẫn nộ giận dữ (anger)
không thù ghét (hate)
không lăng nhục (insult) những người khác
không tổn hại (causing injury) những người khác
không độc ác (cruelty)
* Mạn
- Theo Phật Giáo từ Phật Giáo Nguyên thủy:
Mạn = Kiêu ngạo (Pride = Màna)
Mạn khác với Kiêu (Arrogance = Mada).
Mạn là tự kỷ coi mình hơn sanh mạng khác hay coi sanh mạng khác dưới hơn mình. Mạn cần có sanh mạng khác để so sánh. Mạn = Kiêu Ngạo (kiêu căng và ngạo mạn).
Kiêu là tự kỷ coi mình là tối cao hơn hết (superior), không cần so sánh với chúng sanh. Kiêu = Kiêu Hãnh.
Dĩ nhiên là nếu đoạn diệt Mạn thì cũng phải đoạn diệt Kiêu.
- Theo Thiền tông:
Đoạn diệt Mạn =
không khoe khoang tự phụ (boasting)
không ghen ghét (jealousy) hay ganh tỵ (envy)
không nịnh bợ (flattery)
không sợ hãi vô lý (unreasonable fear) đối với những người khác
Thiền tông có Đoạn hoặc (đoạn diệt tham dục, sân và mạn) giống như Phật Giáo Nguyên thủy nhưng dùng Từ bi để thay thế Trì giới của Phật Giáo Nguyên thủy.
Đoạn diệt tham dục là điều rất tế nhị trong đoạn diệt mê hoặc nên cần có từ bi làm căn bản.
b) Từ Bi
Từ bi đối với sinh vật khác, người khác (và kể cả thân ta trong sinh lão bệnh tử).
Từ bi là:
hiền lành (= Từ) với người và sinh vật khác, tức là nhẫn nhịn (forebearance) và không có xung đột (no conflict), do đó không làm hại người, sinh vật khác và thân mình.
thương (= Bi) người khác và sinh vật khác, bằng thể hiện lòng tử tế (loving kindness) và lòng thương xót (pity), do đó giúp đỡ người, sinh vật khác và thân mình.
Người có tâm thức giác ngộ chính là Phật. Phật thực hiện Đại từ bi, hóa độ con người cũng giác ngộ thành Phật như mình thì có danh hiệu là Bồ tát. Như vật ý nghĩa của "đại từ bi" (great compassion) của Bồ tát khác với ý nghĩa của "từ bi" (compassion) của tâm thức giác ngộ. Đại từ bi của bậc Bồ tát là hóa độ chúng sanh cũng giác ngộ như mình.
Phật là đọc tắt của Phật Đà. Phật Đà là dịch âm từ Buddha của Phạn ngữ. Anh ngữ vẫn dùng từ ngữ Buddha. Buddha có nghĩa là "người giác ngộ" (= giác giả = awakened one).
II. TÂM THIỀN ĐỊNH
A. Thiền Định
Tâm An có được từ Tâm Giác ngộ hoặc Tâm Thiền định:
Tâm Giác ngộ giáo lý (giác ngộ): sáng suốt trong nhận thức được giáo lý giác ngộ này (Kiến = Kiến đạo = Giải ngộ) và sáng suốt trong thi hành trong đời sống hằng ngày (Hành = Tu hành đạo = Chứng ngộ) qua tư tưởng, lời nói, việc làm và sinh hoạt.
Tâm Thiền định đạt được từ Tu Thiền Định, không cần Giác ngộ.
Một ngành thứ 3 của Phật Giáo là Trì giới của "Tâm và Thân" từ Phật Giáo Nguyên Thủy không có đem lại Tâm An.
Từ Phật Giáo Nguyên Thủy cho tới Thiền tông, với phương pháp Tu Thiền định, Tâm (Tâm thức) của hành giả lần lượt vượt qua 4 trạng thái gọi là Tứ Thiền hay Tứ Thiền Na.
Tứ Thiền = Tứ Thiền Na (4 Dhyàna) = Tứ Định của Vô Sắc Giới
1. Định Sơ Thiền (1st Jhàna): sung sướng (lạc = pleasure) và vui mừng (hỉ = delight), tâm thoát khỏi nhục dục (sensuous desire) và ác độc (evil).
2. Định Nhị Thiền (2nd Jhàna): vẫn vui mừng và sung sướng, thoát khỏi suy luận (discursion) và tìm hiểu (investigation).
3. Định Tam Thiền (3rd Jhàna): sung sướng nhưng bình tỉnh (equanimity), lìa khỏi vui mừng và than thở
4. Định Tứ Thiền (4th Jhàna): an (tranquil), lìa khỏi sung sướng và đau khổ.
Tâm Thiền Định của Phật Giáo để có được Tâm an là Tâm (Tâm thức) đạt đến bậc Định Tứ Thiền. Thường được gọi là Chánh Định của Bát Chánh Đạo (Phật Giáo Nguyên Thủy) và Thiền Định Ba La Mật Đa của Lục Độ hay Thập Độ (Phật Giáo Đại Thừa).
Tại sao Tu Thiền Định đạt được Tứ Thiền (4 Dhyàna) thì không giải thích được nhưng có xảy ra. Điều này có từ Ấn Độ Giáo rồi Phật Thích Ca đem Tu Thiền Định vào Phật Giáo và rất thịnh hành trong Thiền Tông cho đến ngày nay.
Phật Giáo còn tin rằng Con người có Tâm Giác ngộ, gọi là La Hán (Phật Giáo Nguyên Thủy) hay là Phật (Phật Giáo Đại Thừa) thì sau khi hết sinh kiếp (chết = tử) sẽ không phải tái sinh luân hồi trong tam giới. Phật Giáo Đại Thừa còn cho rằng có những cõi riêng cho Phật ở gọi là Phật độ hay Tịnh độ, khác với Tam giới (3 thế giới) của chúng sanh là cõi Ta Bà. (Độ = thổ = land).
Như vậy, Giác Ngộ còn giúp cho không tái sinh còn Thiền Định cũng giúp cho Tâm An nhưng không giúp cho Con người tránh khỏi tái sinh luân hồi.
B. Tu Thiền Định và Tu Thiền Quán
*
Phật Giáo Nguyên thủy có phương cách tự tu để đạt được cứu cánh là Tu Thiền (hay Tham Thiền). Tu Thiền phải thực hiện trong không gian yên lặng theo một tư thế đặc biệt của thân mình (thường là tọa thiền). Phương pháp Tu Thiền, nhất là Tu Thiền định đã có từ trước, trong Ấn Độ Giáo.
Tham Thiền thường được hiểu là Tu Thiền đúng theo phương pháp của Phật Giáo.
Phật Giáo từ Phật Giáo Nguyên Thủy có 2 phương cách Tu Thiền chính là Tu Thiền quán và Tu Thiền định.
Tu Thiền quán (Insight meditation) là phương cách tự mình thực hành tập trung và suy nghĩ trong yên lặng về chủ đề hay đối tượng là giáo lý đạt giác ngộ ghi trong kinh luận của Phật Giáo, cụ thể là những trợ đạo phẩm của Phật Giáo Nguyên thủy hay những công án của Thiền tông để cho tâm của thiền gia sáng suốt giáo lý mà đạt được tâm giác ngộ. Khi tâm giác ngộ thì an không phiền não tức là giải thoát Khổ. (Quán = sáng suốt, thông minh).
Tu Thiền định (Meditation for concentration) thường là phương cách tự mình thực hành tập trung vào chủ đề hay đối tượng (như hơi thở) để cho tâm an tĩnh. Tu Thiền định không cần dùng chủ đề và đối tượng là giáo lý đạt giác ngộ và dĩ nhiên không cần đạt giác ngộ nhưng tâm cũng sẽ được an. Khi tâm an (tranquil, calm) thì không phiền não, tức là thoát Khổ. (Định = tập trung)
Tu Thiền = Tham Thiền = Meditational Practices = Meditation
Tu Thiền Định = Meditational Practices (or Meditation) for Concentration.
Định = Tập trung = Concentration = Samàdhi.
Trạng thái an tịnh = Tịnh = Tranquil, Calm = Samatha
Tu Thiền Quán = Meditational Practices for Insight or Insight Meditation
Quán = Sáng suốt (Thông minh) = Insight = Vipasyanà.
Meditation = Suy nghĩ tập trung trong yên lặng = Tĩnh Lự (Tĩnh = yên lặng; Lự = suy nghĩ)
Contemplation = Suy nghĩ tập trung trong yên lặng = Trầm tư mặc tưởng.

*
Tu Thiền Định và Tu Thiền Quán là 2 phương cách Tự Tu khác nhau: Tu Thiền Định để đạt Tâm Thiền Định và Tu Thiền Quán để đạt Tâm Giác Ngộ.
Tu Thiền Quán là phương pháp tự tu học để Tâm Giác ngộ sáng suốt trong nhận thức và thi hành giáo lý Giác ngộ của Phật Giáo. Tuy nhiên với phương pháp và phương tiện giáo khoa hiện đại, Tu Thiền Quán trở thành lỗi thời và không hữu hiệu bằng.
Theo kinh nghiệm của Phật Giáo, Tu Thiền Định đạt được 4 bậc Tứ Thiền (Tứ Thiền na) của Tâm của Con người và bậc thứ tư của Tứ Thiền na là Định Tứ Thiền chính là Tâm Thiền định của Phật Giáo.
Thành quả Tâm Thiền Định của Tu Thiền Định thì không giải thích được bằng lý trí vì không phải là triết lý như giáo lý Giác ngộ nhưng có xảy ra. Ngoài ra, Tu Thiền Định còn có nhiều thành quả khác ngoài Tứ Thiền (4 Dhyana).
Nhận xét thêm về Tu Thiền Định:
Tu Thiền Định không phải là dễ vì phải tùy theo căn cơ của người tu: có người tu mãi mà không đạt tới Định Tứ Thiền. Có người chỉ đạt tới Định Sơ Thiền hoặc Định Nhị Thiền cảm thấy sung sướng và vui mừng thì cho là quá hay và không tiến hơn nữa cho tới cứu cánh là Định Tứ Thiền.
Tu Thiền Định chiếm nhiều thì giờ và phải tu hằng ngày mới giữ được Tâm trong 4 Thiền na.
Nhiều người chỉ Tu Thiền Định mà không hề biết Tứ Thiền Na cũng như không hiểu biết Tâm Thiền Định là gì; tức là Tu Thiền Định mà không biết mình đạt được cái gì.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
Bài viết này đăng lần đầu trong phanthuonghai.com mục Văn Hóa phần Phật Giáo.
Bài viết này là phần sơ đẳng và căn bản về Giáo lý Phật Giáo đã được trình bày đầy đủ trong 4 bài dưới đây (cũng trong phanthuonghai.com mục Văn Hóa phần Phật Giáo)
1. Giáo Lý Giác Ngộ của Phật Giáo (Bs Phan Thượng Hải)
2. Tứ Diệu Đế và Đạo Đế của Phật Giáo (Bs Phan Thượng Hải)
3. Thiền Định và Tu Thiền Định của Phật Giáo (Bs Phan Thượng Hải)
4. Trì Giới của Phật Giáo (Bs Phan Thượng Hải)
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
DANH HIỆU "QUAN THẾ ÂM"
(Bs Phan Thượng Hải)
*
Tôn thờ chư Phật và chư Bồ Tát của Phật Giáo vì tín ngưỡng và sùng bái của Phật tử nhưng cũng bắt nguồn từ Giáo lý Phật Giáo.
Phật Giáo là một tôn giáo nên gồm có Tôn thờ và Giáo lý.
Tôn thờ chính là sự thờ phượng Phật, Bồ Tát và vị tương đương khác.
Giáo lý là Triết lý được giáo huấn dạy dỗ.
Giáo lý giúp Chúng sanh, hay đơn giản hơn giúp Con Người (Nhân mạng), tự tu hành thành bậc Giác ngộ hay thành Bồ Tát và Phật để diệt hết Khổ của Sinh Tử, đạt Niết Bàn và thoát khỏi Luân Hồi Sinh Tử. Sự Tự Tu hành để đạt giác ngộ nầy rất khó khăn.
Giáo lý Phật Giáo giúp diệt hết Khổ của Sinh Tử nhưng không giúp tránh và thoát Bệnh Khổ và Nạn Khổ.
Con Người cần sự giúp đỡ từ nguồn gốc khác:
Hóa Độ của Phật hay Bồ Tát gián tiếp giúp cho Tu hành theo Giáo lý được thành công đạt được Giác ngộ.
Cứu Độ của Phật hay Bồ Tát trực tiếp cứu khỏi Nạn Khổ và Bệnh Khổ trong Kiếp nầy và cứu khỏi Tái sinh những Kiếp sau trong Luân hồi mà không phải Giác ngộ hay thành Phật hay Bồ Tát.
Từ Cứu độ và Hóa độ sinh ra Tôn thờ Phật và Bồ Tát để trợ giúp cho Tín ngưỡng và sùng bái với Cầu nguyện và Hy vọng được giúp đỡ. Ngoài ra đôi khi Tôn thờ cũng xuất phát từ lòng kính mến và thán phục.
*
Avalokitesvara (Avalokiteshvara) là vị Bồ Tát được tôn thờ nhiều nhất của Phật Giáo Đại Thừa ở Ấn Độ và các vùng phụ cận trước khi được truyền vào Trung Quốc.
Ba kinh chánh của Đại Thừa lúc sơ khởi là kinh Pháp Hoa, kinh Hoa Nghiêm và kinh Bát Nhã đều nói đến ngài.
Ava = khắp mọi nơi
Lokita = nhìn, thấy được (khắp nơi)
Isvara = vị chúa tể, bậc có quyền hành động tự do, thế tôn
Loka = thế gian.
Danh hiệu của ngài có khi là Lokesvara.
Lokesvara được dịch nghĩa là Thế Tự Tại Vương.
*
Danh tự Avalokitesvara được dùng ở Trung Quốc và đầu tiên được dịch nghĩa là Quan Tự Tại (hay Quán Tự Tại) trong kinh Bát Nhã:
“Quan” (= Quán) là khảo xét khắp trong thế giới (thế gian)
“Tự Tại” là bao giờ cũng tự kỷ thường tại để trừ khổ não cho chúng sanh.
Từ kinh Bát Nhã, Quan Tự Tại (Quán Tự Tại) là Bồ Tát Hóa độ. Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa viết:
Khi Bồ tát Quán Tự Tại (Avalokitesvara) thực hành Bát Nhã Ba La Mật Đa sâu xa, soi thấy rằng có ngũ uẩn và thấy Ngũ uẩn không có Tự tánh (Sùnyatà) trong chúng.
Sau đó Cưu Ma La Thập dùng từ ngữ Quan Thế Âm (hay Quán Thế Âm) để dịch tên Phạn ngữ là Avalokitesvara. Danh hiệu Quan Thế Âm (Quán Thế Âm) thể hiện Bồ Tát Cứu độ của ngài từ câu kinh Pháp Hoa (mượn lời của Phật) mô tả Quan Thế Âm:
“Khổ não chúng sinh, nhất tâm xưng danh, Bồ Tát tức thì quan kỳ âm thanh, giai đắc giải thoát. Dĩ thị danh Quan Thế Âm.”
Câu kinh trên có nghĩa là vị Bồ Tát nầy khi nghe âm thanh của chúng sanh xưng danh hiệu mình thì "tầm thanh" để cứu khổ. Nếu có vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng sanh bị các khổ não nghe đến danh hiệu Quan Thế Âm Bồ Tát một lòng xưng danh ngài thì ngay khi đó Quan Thế Âm Bồ Tát tức thì quan sát âm thanh ấy và khiến cho họ đều được giải thoát.
(Phật Lục của Trần Trọng Kim).
Do đó theo đoạn kinh trên của kinh Pháp Hoa,
Quan viết theo Hoa văn hay Hán tự là 觀
= sự nhận biết, sự nhận thấy.
Thế viết theo Hoa văn hay Hán tự là 世
= đời, cõi đời, đời người.
Âm viết theo Hoa văn hay Hán tự là 音
= tiếng.
Hoa văn hay Hán tự 觀 thường đọc theo Hán Việt ngữ là Quan nhưng còn đọc là Quán (TĐ Hán Việt của Trần Trọng San và Trần Trọng Tuyên, trang 496). Như vậy Quan Thế Âm còn đọc là Quán Thế Âm với cùng một nghĩa.
觀世音 = Quan Thế Âm = Quán Thế Âm.
Quan Thế Âm không những là Bồ Tát Cứu độ nhưng cũng là Bồ Tát Hóa độ. Đây là lời của ngài trong Lăng Nghiêm Kinh:
“Về vô số kiếp đời xưa có Đức Phật ra đời danh hiệu là Quan Thế Âm Như Lai. Ta đến trước Đức Phật nầy mà phát Bồ Đề Tâm. Đức Phật dạy ta theo 3 phép Văn, Tư, Tu nghĩa là theo lời giảng dạy, suy nghĩ về đạo lý và tu hành mà vào Tam Ma Đề (Samadhi). Đức Phật khen ta chóng chứng được viên thông Pháp môn và tức thì ở ngay đại hội thụ ký cho ta danh hiệu Quan Thế Âm”.
Lần lần danh hiệu Quan Thế Âm (Quán Thế Âm) hoàn toàn thay thế danh hiệu Quan Tự Tại (Quán Tự Tại). Rồi Quan Thế Âm được gọi tắt là Quan Âm, một danh hiệu trở thành phổ thông không những ở Trung Quốc mà còn ở các nước lân cận như Nhật Bản, Đại Hàn và Việt Nam. Tương truyền vì kỵ chữ Thế trong tên Lý Thế Dân của vua Đường Thái Tông nên người Trung Quốc đơn giản danh hiệu Quan Thế Âm thành ra Quan Âm.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Bài này phần lớn là một Đoạn trong bài "Tôn Thờ Phật và Bồ Tát của Phật Giáo" (Bs Phan Thượng Hải) trong phanthuonghai.com
Ý NGHĨA THỰC HÀNH CỦA KINH BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM KINH
Bs Phan Thượng Hải biên soạn
*
Thiền tông áp dụng quan niệm về sự vật của Không tông trong Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm kinh.
Sự vật bên ngoài tâm gồm luôn cả con người khác, sinh vật khác và thân của ta.
- Sự vật hiện hữu vì chúng tích tụ trong giác quan và tâm của ta. Đó là Ngũ uẩn (5 "cái" tích tụ = 5 aggregations).
Tất cả mọi sự vật hữu thể (thế giới vật chất) gọi là Sắc, tích tụ trong giác quan của ta gọi là Sắc uẩn.
Tất cả mọi sự vật tâm thần (thế giới vô thể) gọi là Danh, tích tụ trong tâm của ta gồm có Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn và Thức uẩn. Thọ, Tưởng, Hành, Thức chính là hoạt động của tâm ta.
Thọ (Thụ) = cảm giác (sensation).
Tưởng = tri giác (perception).
Hành = tất cả những hoạt động khác của tâm ngoài Thọ, Tưởng và Thức (other mental constituents).
Thức = nhận thức (cognition).
- Sự vật là hiện tượng vì chúng là 6 đối tượng của 6 giác quan của ta và tâm thức của ta. Đó là 18 Giới (theo từ ngữ Phật Giáo).
Ngay từ Phật Thích Ca của Phật Giáo Nguyên Thủy cho đến Thiền tông, sự vật hiện hữu đồng nghĩa với hiện tượng. Tất cả mọi sự vật hiện hữu hay hiện tượng được thể hiện bằng từ ngữ "Ngũ uẩn" hay "18 giới". Sự vật, gọi tắt của sự vật hiện hữu, là hiện tượng của tâm ta bao gồm luôn thân ta trong sinh lão bệnh tử.
Sự vật = being and/or thing.
Tất cả mọi sự vật = all beings and things.
Sự vật hiện hữu = element of existence.
Tất cả mọi sự vật hiện hữu = all elements of existence = Vạn hữu.
Hiện tượng = phenomenon = dharma = Pháp. {Từ ngữ "Pháp" ở đây không có nghĩa là giáo lý (doctrine)}.
Tất cả mọi hiện tượng = all phenomena = all dharmas = Vạn pháp.
(Như vậy, vạn pháp đồng nghĩa với vạn hữu, theo Phật Giáo)
Phật Giáo từ Phật Giáo Nguyên Thủy có chia Vạn Pháp ra làm 2:
Hữu Vi Pháp = mọi hiện tượng của sự vật tùy thuộc Nhân Duyên Nghiệp Quả.
Vô Vi Pháp = hiện tượng của sự vật thoát khỏi Nhân Duyên Nghiệp Quả.
Hữu Vi Pháp = Conditioned Dharmas = Samskrta-dharma
Vô Vi Pháp = Unconditioned Dharmas = Asamskrta-dharma
*
Tất cả mọi sự vật hiện hữu (vạn hữu) hay tất cả mọi hiện tượng (vạn pháp) đều không có "ngã" (nature), đồng nghĩa với "vô ngã" của Phật Giáo bắt đầu từ Phật Giáo Nguyên Thủy.
Không tông muốn cho rõ hơn nên gọi là "không có tự tánh" (without nature), đồng nghĩa với "tánh Không" (sùnyatà).
Đó là lý thuyết Không (sùnya) của Không Tông. Không (sùnya) của Không Tông chẳng có nghĩa là "hư không" (nothingness) hay "không có" (non-existence).
Without nature = vô ngã (của sự vật hay hiện tượng) = tánh Không = không có tự tánh
Nature = ngã = tự tánh
Sự vật hiện hữu (sự vật) hay hiện tượng thì vô ngã (hay tánh Không) nên phải vô thường. Như vậy mọi sự vật hay hiện tượng thì tương đối (relative), gồm vô ngã và vô thường:
. vô ngã = không hoàn toàn, không thuần túy, không chuyên chế và không độc lập, và phải tương quan với những sự vật hiện hữu hay hiện tượng khác.
. vô thường (impermanent) = không thường hằng (not permanent) = không tự sinh khởi; không cố định, phải thay đổi và biến hóa; không vĩnh cữu và phải hoại diệt.
Bát Nhã Tâm kinh viết về lý thuyết Không như sau:
Khi Bồ tát Quán Tự Tại (Avalokitesvara) thực hành Bát Nhã Ba La Mật Đa sâu xa, soi thấy rằng có ngũ uẩn và thấy Ngũ uẩn không có Tự tánh (Sùnyatà) trong chúng.
Này Xá Lợi Phất (Sariputra): sắc ở đây là Không, Không là sắc; sắc không khác Không, Không không khác sắc; sắc tức thị là Không, Không tức thị là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức (đều) cũng vậy.
Này Xá Lợi Phất: Hết thảy các Pháp ở đây (= Vạn Pháp) được biểu thị là Không (Sùnya). Chúng không sinh, không diệt, không cấu nhiễm, không không cấu nhiễm; không tăng, không giảm
Vì vậy này Xá Lợi Phất; trong Không (Sùnya),
không có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức; không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp;
không nhãn giới cho tới không có ý thức giới;
cho tới không có tuổi già (= lão) và sự chết (= tử), không có sự tận diệt của tuổi già và sự chết;....
Chú thích:
Ngũ uẩn = Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức.
18 Giới = Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp tương đương với Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý; từ Nhãn giới tới Ý thức giới.
Tóm lại, theo Không tông, mọi sự vật hiện hữu (kể cả thân ta trong sinh lão bệnh tử):
đều là hiện tượng (= đối tượng của giác quan và tâm ta),
và tương đối (= relative) vì chúng là vô ngã hay tánh không (without nature) và vô thường (impermanent). Tương đối là ngược lại với tuyệt đối (tuyệt đối = absolute).
Giáo lý như trên của Không tông trong kinh Bát Nhã gọi là thuyết Không (Sùnya) và sau nầy Thiền tông trong kinh Lăng Già gọi là Pháp vô ngã.
*
Cứu cánh của Phật Giáo là hết khổ. Cứu cánh của Phật Giáo Đại Thừa là tâm con người hết phiền não.
- Nguyên nhân của khổ (của phiền não) là tất cả mọi sự vật đều là hiện tượng đối với tâm ta và đều là tương đối (relative) vì chúng đều vô ngã hay không có tự tánh (without nature) và vô thường (impermanent). Tâm của ta dính chặt và ràng buộc (sở đắc = attached) hay bám chặt (sở trụ) vào sự vật tức là bị chướng ngại (= hindrance) bởi sự vật tương đối (vô ngã và vô thường) và chỉ là hiện tượng; thì tâm ta sẽ phiền não (khổ).
Tất cả mọi sự vật hiện hữu là đối tượng của tâm ta bao gồm luôn cả mọi sinh vật khác, mọi người khác và kể cả thân ta.
- Do đó tâm giác ngộ an định không phiền não là không bám chặt và ràng buộc (vô sở đắc = non-attached = vô sở trụ) vào sự vật tức là tự do, không chướng ngại (vô ngại = non hindrance) vào sự vật.
(Không tông không có phân biệt tâm thành ra tâm thức và bản tâm và không biết đến bản tâm. "Tâm" của Không tông là đồng nghĩa với "tâm thức" của Tánh tông)
Bát Nhã Tâm kinh của Không tông viết về tâm giác ngộ (Bát Nhã Ba La Mật Đa) như sau:
Trong Không (Sùnya), không có Trí, không có Đắc (= vô sở đắc) và không có Chứng bởi vì không có Đắc. Trong Tâm của Bồ Tát an trụ trên Bát Nhã Ba La Mật Đa không có những Chướng ngại (= vô ngại); và bởi vì không có những Chướng ngại trong Tâm đó nên không có sợ hãi, và vượt ngoài những tà kiến điên đảo, đạt tới Niết bàn.
Hết thảy chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai do y (dựa) trên Bát Nhã Ba La Mật Đa mà chứng đắc Giác ngộ viên mãn tối thượng.
Với vô sở đắc và vô sở ngại, Phật Giáo Đại thừa diệt được Khổ thuộc về Hành Khổ (= Tâm phiền não vì nhân duyên).
Tâm không bám chặt và ràng buộc vào Sự vật là Đoạn diệt 3 Mê hoặc trong tình cảm. Ba Mê hoặc hay Hoặc (= Klesa, Klesha = Defilements) là Tham (Greed, Craving), Sân (Anger) và Mạn (Pride).
Người có tâm giác ngộ chính là Phật. Phật thực hiện Đại từ bi, hóa độ con người cũng giác ngộ thành Phật như mình thì có danh hiệu là Bồ tát (Bodhisattva). Bồ tát hóa độ trong Bát Nhã Tâm kinh nầy là Bodhisattva Avalokitesvara, được dịch là Quan Tự Tại Bồ tát hay Quan Thế Âm Bồ tát.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
_________________________
BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM KINH
(Bs Phan Thượng Hải)
Bộ kinh Bát Nhã là bộ Kinh đầu tiên và căn bản của Giáo Lý Giác Ngộ của Phật Giáo Đại Thừa. Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh là trọng tâm của bộ Kinh Bát Nhã.
Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh có 2 Bản, viết khác nhau ở câu đầu.
Chánh Bản bắt đầu là bản Hán ngữ rồi được được dịch sang Việt ngữ và thường được đọc trong các chùa chiền hiện nay.
Dị Bản là bản đã được dịch sang Việt ngữ có từ Nhật Bản vì nó đăng trong sách Thiền Luận của Suzuki và Sư Tuệ Sỹ dịch. Bản của Thiền sư Nhất Hạnh cũng giống Bản B này.
Ngày nay nhiều bản dịch sang Việt ngữ từ Chánh Bản Hán ngữ đều có sai lầm về từ ngữ Không (Sùnya) trong câu "Ngũ uẩn giai Không" và đều dịch toàn bài có nhiều chỗ không sát nghĩa mà dịch giả chỉ dịch theo ý của mình. Do đó tác giả phải dịch lại cho sát nghĩa và dùng Dị Bản Việt ngữ để giải thích cho rõ ý nghĩa của từ ngữ Không (Sùnya).
a) Chính Bản và Dị Bản
* Chính Bản Hán ngữ (chép từ Thư viện Hoa sen)
Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời, chiếu kiến Ngũ Uẩn giai Không, độ nhất thiết Khổ ách.
Xá Lợi Tử!
Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc. Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc; Thọ Tưởng Hành Thức diệc phục như thị.
Xá Lợi Tử!
Thị Chư Pháp Không Tướng bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm.
Thị cố Không trung;
vô Sắc, vô Thọ Tưởng Hành Thức; vô nhãn nhĩ tị thiệt thân ý, vô sắc thanh hương vị xúc pháp, vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới;
vô Vô Minh diệc vô Vô Minh tận, nãi chí vô Lão Tử diệc vô Lão Tử tận; vô khổ tập diệt đạo; vô trí diệc vô đắc.
Dĩ vô Sở Đắc cố Bồ Đề Tát thùy y Bát Nhã Ba La Mật Đa; tâm vô quái Ngại, vô quái Ngại cố, vô hữu khủng bố viễn ly điên đảo mộng tưởng; cứu cánh Niết Bàn.
Tam thế Chư Phật y Bát Nhã Ba La Mật Đa cố đắc A Nậu Đa La Tam Niệu Bồ Đề.
Cố tri Bát Nhã Ba La Mật Đa thị Đại thần chú thị Đại minh chú, thị Vô Thượng chú, thị Vô đẳng đẳng chú; năng trừ nhất thiết Khổ, chân thực bất hư.
Cố thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa chú, tức thuyết chú viết: Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, Bồ Đề tát bà ha.
* Dịch từng Câu của Chính Bản Hán ngữ sang Việt ngữ
1. Câu 1 (Hán ngữ):
Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời, chiếu kiến Ngũ Uẩn giai Không, độ nhất thiết Khổ ách.
Thời = khi.
Hành thâm = thực hành thâm sâu, thi hành thâm sâu.
Chiếu kiến = soi sáng thấy.
Giai = đều (cả), khắp (cả).
Độ = cứu giúp, cứu độ.
Nhất thiết = Tất cả hết thảy.
Ách = tai nạn, khốn cùng.
Câu 1 (dịch sang Việt ngữ):
Khi Quan Tự Tại Bồ Tát thực hành thâm sâu Bát Nhã Ba La Mật Đa, soi sáng thấy Ngũ Uẩn đều Không, cứu độ hết thảy tất cả Khổ ách.
2. Câu 2 (Hán ngữ):
Xá Lợi Tử!
Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc. Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc; Thọ Tưởng Hành Thức diệc phục như thị.
Xá Lợi Tử là 1 trong 10 Đại Đệ tử của Phật Thích Ca, tên là Xá Lợi Phất (Xá Lị Phất).
Dị = khác. Bất = chẳng, không. Bất dị = chẳng khác, không khác.
Thị = là. Tức thị = ấy là.
Diệc = cũng. Phục = lại. Diệc phục = lại cũng.
Như = giống, giống như.
Diệc phục như thị = lại cũng là giống như thế.
Câu 2 (dịch sang Việt ngữ):
Này Xá Lợi Tử,
Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc. Sắc ấy là Không, Không ấy là Sắc; Thọ Tưởng Hành Thức lại cũng là giống như thế.
3. Câu 3 (Hán ngữ):
Xá Lợi Tử!
Thị Chư Pháp Không Tướng bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm.
Tướng (Hán ngữ) theo nghĩa thông thường có nghĩa là trạng mạo (appearance). Tuy nhiên trong Phật Giáo Trung Hoa, Tướng (Hán ngữ) có nghĩa là đặc tánh (= character). Thí dụ: Pháp Tướng Tông của sư Huyền Trang và sư Khuy Cơ được dịch là Dharma-Character Sect.
Không Tướng nên dịch là đặc tánh Không.
Thị = là. Bất = chẳng, không.
Cấu = cáu, ghét do bụi bậm quyện thành; ngụ ý "dơ bẩn".
Tịnh = trong sạch.
Nãi chí = cho tới.
Câu 3 (dịch sang Việt ngữ):
Này Xá Lợi Tử,
Với đặc tánh là Không, Chư Pháp chẳng sinh chẳng diệt, chẳng cáu ghét vì bụi bậm chẳng trong sạch, chẳng tăng chẳng giảm.
4. Câu 4 (Hán ngữ):
Thị cố Không trung; vô Sắc, vô Thọ Tưởng Hành Thức; vô nhãn nhĩ tị thiệt thân ý, vô sắc thanh hương vị xúc pháp, vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới;
Cố = vì vậy cho nên. Thị cố = vì vậy cho nên là.
Trung = trong. Không trung = trong Không.
Vô = không, chẳng có. Nãi chí = cho tới.
Câu 4 (dịch sang Việt ngữ):
Vì vậy cho nên là trong Không, chẳng có Sắc, chẳng có Thọ Tưởng Hành Thức; chẳng có nhãn nhĩ tị thiệt thân ý, chẳng có sắc thanh hương vị xúc pháp, chẳng có nhãn giới cho tới chẳng ý thức giới;
5. Câu 5 (Hán ngữ):
(Thị cố Không trung); vô Vô Minh diệc vô Vô Minh tận, nãi chí vô Lão Tử diệc vô Lão Tử tận; vô khổ tập diệt đạo; vô trí diệc vô đắc.
Vô = không, chẳng có.
Diệc = cũng.
Tận = hết.
Trí = đặt dựng lên.
Đắc = được có.
Câu 5 (dịch sang Việt ngữ):
(Vì vậy cho nên là trong Không); chẳng có Vô Minh cũng chẳng hết Vô Minh cho tới chẳng có Lão Tử cũng như chẳng hết Lão Tử; chẳng có Khổ Tập Diệt Đạo; chẳng đặt dựng lên cũng chẳng được có.
6. Câu 6 (Hán ngữ):
Dĩ vô Sở Đắc cố Bồ Đề Tát thùy y Bát Nhã Ba La Mật Đa; tâm vô quái Ngại, vô quái Ngại cố, vô hữu khủng bố viễn ly điên đảo mộng tưởng; cứu cánh Niết Bàn.
Dĩ = nhân vì.
Cố = vì vậy cho nên.
Y = theo, dựa theo. Thùy y = buông dựa theo.
Quái = một cách lạ lùng.
Vô hữu = không có, chẳng có.
Khủng = Khủng bố = sợ hãi.
Viễn = xa. Ly = lìa ra. Viễn ly = xa lìa.
Cứu cánh = kết quả cuối cùng.
Câu 6 (dịch sang Việt ngữ):
Nhân vì Vô Sở Đắc cho nên Bồ Tát buông dựa theo Bát Nhã Ba La Mật Đa nên tâm Vô Ngại một cách lạ lùng; vì Vô Ngại như vậy cho nên chẳng có sợ hãi, xa lìa mộng tưởng điên đảo; mà đạt cứu cánh Niết Bàn.
7. Câu 7 (Hán ngữ):
Tam thế Chư Phật y Bát Nhã Ba La Mật Đa cố đắc A Nậu Đa La Tam Niệu Bồ Đề.
Thế = đời. Tam thế = ba đời.
Y = theo, dựa theo.
Đắc = được có.
Câu 7 (dịch sang Việt ngữ):
Tam thế Chư Phật dựa theo Bát Nhã Ba La Mật Đa vì vậy cho nên có được A Nậu Đa La Tam Niệu Bồ Đề.
8. Câu 8 (Hán ngữ):
Cố tri Bát Nhã Ba La Mật Đa thị Đại thần chú thị Đại minh chú, thị Vô Thượng chú, thị Vô đẳng đẳng chú; năng trừ nhất thiết Khổ, chân thực bất hư.
Cố = vì vậy cho nên. Tri = biết.
Cố tri Bát Nhã Ba La Mật Đa = vì biết Bát Nhã Ba La Mật Đa cho nên.
Thị = là.
Năng = có thể làm được. Năng trừ = có thể trừ được.
Nhất thiết = tất cả hết thảy.
Bất hư = chẳng giả (giả dối). Hư = giả.
Câu 8 (dịch sang Việt ngữ):
Vì vậy cho nên biết rằng Bát Nhã Ba La Mật Đa là Đại thần chú, là Đại minh chú, là Vô thượng chú, là Vô đẳng đẳng chú; có thể chân thật chẳng giả dối trừ được hết thảy tất cả mọi Khổ ách
9. Câu 9 (Hán ngữ):
Cố thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa chú, tức thuyết chú viết: Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, Bồ Đề tát bà ha.
Tức = tự đó.
Thuyết = nói rõ ra.
Viết = nói
Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha (là câu Hán ngữ dịch âm của câu Phạn ngữ) = (dịch nghĩa) Qua rồi qua rồi, qua bên kia rồi, tất cả qua bên kia rồi, giác ngộ rồi đó.
Câu 9 (dịch sang Việt ngữ):
Vì vậy cho nên để nói rõ ra, tự đó Bát Nhã Ba La Mật Đa chú nói rõ ràng: "Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha" (Qua rồi qua rồi, qua bên kia rồi, tất cả qua bên kia rồi, giác ngộ rồi đó).
* Chính Bản Việt ngữ và Chính Bản Hán ngữ
Chính Bản Việt Ngữ:
Khi Quan Tự Tại Bồ Tát thực hành thâm sâu Bát Nhã Ba La Mật Đa, soi sáng thấy Ngũ Uẩn đều Không, cứu độ hết thảy tất cả Khổ ách.
Này Xá Lợi Tử,
Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc. Sắc ấy là Không, Không ấy là Sắc; Thọ Tưởng Hành Thức lại cũng là giống như thế.
Này Xá Lợi Tử,
Với đặc tánh là Không, Chư Pháp chẳng sinh chẳng diệt, chẳng cáu ghét vì bụi bậm chẳng trong sạch, chẳng tăng chẳng giảm.
Vì vậy cho nên là trong Không,
chẳng có Sắc, chẳng có Thọ Tưởng Hành Thức; chẳng có nhãn nhĩ tị thiệt thân ý, chẳng có sắc thanh hương vị xúc pháp, chẳng có nhãn giới cho tới chẳng ý thức giới;
chẳng có Vô Minh cũng chẳng hết Vô Minh cho tới chẳng có Lão Tử cũng như chẳng hết Lão Tử; chẳng có Khổ Tập Diệt Đạo; chẳng đặt dựng lên cũng chẳng được có.
Nhân vì Vô Sở Đắc cho nên Bồ Tát buông dựa theo Bát Nhã Ba La Mật Đa nên tâm Vô Ngại một cách lạ lùng; vì Vô Ngại như vậy cho nên chẳng có sợ hãi, xa lìa mộng tưởng điên đảo; mà đạt cứu cánh Niết Bàn.
Tam thế Chư Phật dựa theo Bát Nhã Ba La Mật Đa vì vậy cho nên có được A Nậu Đa La Tam Niệu Bồ Đề.
Vì vậy cho nên biết rằng Bát Nhã Ba La Mật Đa là Đại thần chú, là Đại minh chú, là Vô thượng chú, là Vô đẳng đẳng chú; có thể chân thật chẳng giả dối trừ được hết thảy tất cả mọi Khổ ách
Vì vậy cho nên để nói rõ ra, tự đó Bát Nhã Ba La Mật Đa chú nói rõ ràng: "Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha" (Qua rồi qua rồi, qua bên kia rồi, tất cả qua bên kia rồi, giác ngộ rồi đó).
Chính Bản Hán ngữ:
Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời, chiếu kiến Ngũ Uẩn giai Không, độ nhất thiết Khổ ách.
Xá Lợi Tử!
Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc. Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc; Thọ Tưởng Hành Thức diệc phục như thị.
Xá Lợi Tử!
Thị Chư Pháp Không Tướng bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm.
Thị cố Không trung;
vô Sắc, vô Thọ Tưởng Hành Thức; vô nhãn nhĩ tị thiệt thân ý, vô sắc thanh hương vị xúc pháp, vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới;
vô Vô Minh diệc vô Vô Minh tận, nãi chí vô Lão Tử diệc vô Lão Tử tận; vô khổ tập diệt đạo; vô trí diệc vô đắc.
Dĩ vô Sở Đắc cố Bồ Đề Tát thùy y Bát Nhã Ba La Mật Đa; tâm vô quái Ngại, vô quái Ngại cố, vô hữu khủng bố viễn ly điên đảo mộng tưởng; cứu cánh Niết Bàn.
Tam thế Chư Phật y Bát Nhã Ba La Mật Đa cố đắc A Nậu Đa La Tam Niệu Bồ Đề.
Cố tri Bát Nhã Ba La Mật Đa thị Đại thần chú thị Đại minh chú, thị Vô Thượng chú, thị Vô đẳng đẳng chú; năng trừ nhất thiết Khổ, chân thực bất hư.
Cố thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa chú, tức thuyết chú viết: Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, Bồ Đề tát bà ha.
* Dị Bản Việt ngữ của Tuệ Sỹ và Chính Bản Việt ngữ
Dị Bản Việt ngữ của Tuệ Sỹ = Bản B
Khi Bồ Tát Quán Tự Tại thực hành Bát Nhã Ba La Mật Đa sâu xa, soi thấy rằng có Ngũ Uẩn và thấy Ngũ Uẩn không có Tự Tánh trong chúng.
Này Xá Lợi Phất:
Sắc ở đây là Không, Không là Sắc; Sắc không khác Không, Không không khác Sắc; Sắc tức thị là Không, Không tức thị là Sắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức (đều) cũng vậy.
Này Xá Lợi Phất:
Hết thảy các Pháp ở đây được biểu thị là Không (Sùnya). Chúng không Sinh, không Diệt, không Cấu Nhiễm, không không Cấu Nhiễm; không tăng, không giảm
Vì vậy này Xá Lợi Phất, trong Không,
không có Sắc, không có Thọ, Tưởng, Hành, Thức; không có Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý; không có Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp; không Nhãn giới cho tới không có Ý Thức Giới;
không có Minh, không có Vô Minh; không có Minh diệt, không có Vô Minh diệt; cho tới không có Tuổi Già (Lão) và Sự Chết (Tử), không có sự tận diệt của Tuổi Già và Sự Chết; không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo; không có Trí, không có Đắc và không có Chứng bởi vì không có Đắc.
Trong Tâm của Bồ Tát an trụ trên Bát Nhã Ba La Mật Đa không có những Chướng ngại; và bởi vì không có những Chướng ngại trong Tâm đó nên không có Sợ hãi, và vượt ngoài những tà kiến điên đảo, đạt tới Niết Bàn.
Hết thảy chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai do y (= dựa) trên Bát Nhã Ba La Mật Đa mà chứng đắc Giác Ngộ viên mãn tối thượng.
Vì vậy nên biết Bát Nhã Ba La Mật Đa là Đại Thần chú (Mantram), là Chú của Đại minh huệ (tuệ), là Thần chú cao tuyệt, Thần chú vô giá, có thể trừ diệt hết mọi Khổ đau; đó là Chân lý vì không sai lầm.
Đây là Thần chú được công bố trong Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa: gate, gate, pàragate, pàrasamgate, bodhi, svàha! (nầy bodhi, đi qua, đi qua, qua bờ bên kia, qua đến bờ bên kia, svàha!).
Chính Bản Việt Ngữ = Bản A
Khi Quan Tự Tại Bồ Tát thực hành thâm sâu Bát Nhã Ba La Mật Đa, soi sáng thấy Ngũ Uẩn đều Không, cứu độ hết thảy tất cả Khổ ách.
Này Xá Lợi Tử,
Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc. Sắc ấy là Không, Không ấy là Sắc; Thọ Tưởng Hành Thức lại cũng là giống như thế.
Này Xá Lợi Tử,
Với đặc tánh là Không, Chư Pháp chẳng sinh chẳng diệt, chẳng cáu ghét vì bụi bậm chẳng trong sạch, chẳng tăng chẳng giảm.
Vì vậy cho nên là trong Không,
chẳng có Sắc, chẳng có Thọ Tưởng Hành Thức; chẳng có nhãn nhĩ tị thiệt thân ý, chẳng có sắc thanh hương vị xúc pháp, chẳng có nhãn giới cho tới chẳng ý thức giới;
chẳng có Vô Minh cũng chẳng hết Vô Minh cho tới chẳng có Lão Tử cũng như chẳng hết Lão Tử; chẳng có Khổ Tập Diệt Đạo; chẳng đặt dựng lên cũng chẳng được có.
Nhân vì Vô Sở Đắc cho nên Bồ Tát buông dựa theo Bát Nhã Ba La Mật Đa nên tâm Vô Ngại một cách lạ lùng; vì Vô Ngại như vậy cho nên chẳng có sợ hãi, xa lìa mộng tưởng điên đảo; mà đạt cứu cánh Niết Bàn.
Tam thế Chư Phật dựa theo Bát Nhã Ba La Mật Đa vì vậy cho nên có được A Nậu Đa La Tam Niệu Bồ Đề.
Vì vậy cho nên biết rằng Bát Nhã Ba La Mật Đa là Đại thần chú, là Đại minh chú, là Vô thượng chú, là Vô đẳng đẳng chú; có thể chân thật chẳng giả dối trừ được hết thảy tất cả mọi Khổ ách
Vì vậy cho nên để nói rõ ra, tự đó Bát Nhã Ba La Mật Đa chú nói rõ ràng: "Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha" (Qua rồi qua rồi, qua bên kia rồi, tất cả qua bên kia rồi, giác ngộ rồi đó).
* Bổ túc Chính Bản Việt Ngữ từ Dị Bản Việt ngữ của Tuệ Sỹ
Tuy từ ngữ có khác chút đỉnh, nội dung ý nghĩa của Chính Bản Việt ngữ và Dị Bản Việt ngữ không khác nhau trừ Câu 1.
Câu 1 của Chính Bản Việt ngữ cần được hiểu rõ ràng nhất là từ ngữ Không. Câu 1 của Dị Bản Việt ngữ tuy có khác nhưng nó giúp giải thích từ ngữ Không một cách rõ ràng.
Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm kinh (Chánh Bản) viết:
Khi Quan Tự Tại Bồ Tát thực hành thâm sâu Bát Nhã Ba La Mật Đa, soi sáng thấy Ngũ Uẩn đều Không, cứu độ hết thảy tất cả Khổ ách.
Ngũ Uẩn đều Không (Ngũ Uẩn giai Không) = Sự vật đều Không.
Không (là danh từ) có tất cả 3 nghĩa khác nhau.
Không = trống rỗng, trống không; tuy là có và nhân duyên với nhau nhưng "không có ngã" (= vô ngã).
Không = khhông có = Ảo. Ảo là vì do Tâm của Con người tạo ra.
Không = không thực = Giả. Giả là vì do Tâm của Con người tạo ra hay là vì thay đổi theo thời gian (theo Thiên Thai Tông).
Không = sự trống rỗng hay trống không (Sùnya) = Emptiness, Void.
Không = sự không có = Non-existence = Ảo.
Không = sự không thực hay hư không = Ingeuinity = Giả.
Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm kinh (Dị Bản) viết:
Khi Bồ Tát Quán Tự Tại (Avalokitesvara) thực hành Bát Nhã Ba La Mật Đa sâu xa, soi thấy rằng có Ngũ Uẩn và thấy Ngũ Uẩn không có Tự Tánh trong chúng.
Danh từ Không của kinh Bát Nhã và Trung Quán Phái (và Không Tông) có nghĩa là "trống rỗng, trống không" (Emptiness, Void) vì nó được giải thích từ bản B của Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm kinh.
Như vậy, Trung Quán Phái và Không Tông (theo kinh Bát Nhã), Sự vật đều Không tức là Sự vật đều "có" nhưng "không có Tự tánh".
Không (danh từ) = Sùnya = sự trống rỗng, sự trống không = emptiness, void.
Không có Tự tánh (= Tánh Không) = without nature.
Tự Tánh của Sự vật ngụ ý là "Ngã" của Sự vật.
Như vậy, Sự vật "không có Tự Tánh" có nghĩa là Sự vật thì vô ngã.
Phật Giáo Đại Thừa Trung Quán Phái (và Không Tông) thật ra chỉ lập lại và khai diễn giáo lý Tam Pháp Ấn của Phật Giáo Nguyên Thủy: "Hiện tượng thì vô ngã và vô thường (nên) Khổ". Tuy nhiên nó được trình bày theo một cách khác mà thôi.
Kinh A Hàm (phẩm 18 của Tăng Nhất A Hàm) của Phật Giáo Nguyên thủy viết:
Cái gì là hiện tượng là vô thường
Cái gì là hiện tượng là Khổ
Cái gì là hiện tượng là vô ngã
Niết bàn là an tịnh vĩnh cửu.
Pháp Ấn = The Seals of the Law = Dharma-mudra / Dhamma-uddàna
Tam Pháp Ấn là 3 Đặc Tánh của mọi Hiện Tượng (Vạn Pháp) của mọi Sự vật (Vạn Hữu):
1. Vô Thường (Impermanance = Anitya / Anicca)
2. Vô Ngã (Devoid of Self, without nature = Anàtman / Anattà)
3. Khổ (Suffering = Duhkhà / Duhkhà)
Ngã hay Tự Ngã = Self, Nature = Àtman. Vô Ngã = Nonself, without nature = Anàtman
Vô ngã (của Sự vật) = Without nature = không có Tự tánh = Tánh Không (Sùnyatà).
Sự vật thì vô ngã (hay tánh Không) nên phải vô thường. Như vậy mọi sự vật hay hiện tượng thì tương đối (relative), gồm vô ngã và vô thường:
. vô ngã (without nature) = không hoàn toàn, không thuần túy, không chuyên chế và không độc lập, và phải tương quan với những sự vật hiện hữu hay hiện tượng khác.
. vô thường (impermanent) = không thường hằng (not permanent) = không tự sinh khởi; không cố định, phải thay đổi và biến hóa; không vĩnh cữu và phải hoại diệt.
Do đó, từ kinh Bát Nhã có Nhân Khổ Nghiệp (từ Sự vật).
Nhân Khổ Nghiệp (từ Sự vật)
= Sự vật thì "có" nhưng vô ngã (without nature) nên Sự vật tương đối (relative).
Vô ngã = Without nature = không có Tự tánh = Tánh Không.
* Bản Việt ngữ sau khi tổng hợp Chính Bản và Dị Bản
Tác giả đề nghị thêm 1 phần của Dị Bản ở câu đầu vào Chính Bản cho rõ nghĩa.
soi thấy rằng có Ngũ Uẩn và thấy Ngũ Uẩn không có Tự Tánh trong chúng;
Đây là Bản Tổng Hợp:
Khi Quan Tự Tại Bồ Tát thực hành thâm sâu Bát Nhã Ba La Mật Đa, soi sáng thấy Ngũ Uẩn đều Không, soi thấy rằng có Ngũ Uẩn và thấy Ngũ Uẩn không có Tự Tánh trong chúng; cứu độ hết thảy tất cả Khổ ách.
Này Xá Lợi Tử,
Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc. Sắc ấy là Không, Không ấy là Sắc; Thọ Tưởng Hành Thức lại cũng là giống như thế.
Này Xá Lợi Tử,
Với đặc tánh là Không, Chư Pháp chẳng sinh chẳng diệt, chẳng cáu ghét vì bụi bậm chẳng trong sạch, chẳng tăng chẳng giảm.
Vì vậy cho nên là trong Không,
chẳng có Sắc, chẳng có Thọ Tưởng Hành Thức; chẳng có nhãn nhĩ tị thiệt thân ý, chẳng có sắc thanh hương vị xúc pháp, chẳng có nhãn giới cho tới chẳng ý thức giới;
chẳng có Vô Minh cũng chẳng hết Vô Minh cho tới chẳng có Lão Tử cũng như chẳng hết Lão Tử; chẳng có Khổ Tập Diệt Đạo; chẳng đặt dựng lên cũng chẳng được có.
Nhân vì Vô Sở Đắc cho nên Bồ Tát buông dựa theo Bát Nhã Ba La Mật Đa nên tâm Vô Ngại một cách lạ lùng; vì Vô Ngại như vậy cho nên chẳng có sợ hãi, xa lìa mộng tưởng điên đảo; mà đạt cứu cánh Niết Bàn.
Tam thế Chư Phật dựa theo Bát Nhã Ba La Mật Đa vì vậy cho nên có được A Nậu Đa La Tam Niệu Bồ Đề.
Vì vậy cho nên biết rằng Bát Nhã Ba La Mật Đa là Đại thần chú, là Đại minh chú, là Vô thượng chú, là Vô đẳng đẳng chú; có thể chân thật chẳng giả dối trừ được hết thảy tất cả mọi Khổ ách
Vì vậy cho nên để nói rõ ra, tự đó Bát Nhã Ba La Mật Đa chú nói rõ ràng: "Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha" (Qua rồi qua rồi, qua bên kia rồi, tất cả qua bên kia rồi, giác ngộ rồi đó).
b) Chú Giải Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh
* Có 4 Giáo điều:
- Giáo điều 1:
Tất cả mọi Sự vật (Ngũ Uẩn = Vạn Hữu) đều "có" nhưng đều "không có Tự Tánh" (= without nature).
- Giáo điều 2:
Vì "không có Tự Tánh" nên mọi Sự vật chỉ là mọi Hiện tượng (= Vạn Pháp). Do đó Sự vật và Hiện tượng thì Tương đối, tức là không Tự Chủ (không tự vệ và không tự biến đổi) và không Tự Sở Hữu (không tự sinh và không tự diệt).
- Giáo điều 3:
Giáo lý Thập Nhị Nhân Duyên và Tứ Diệu Đế của Phật Giáo Nguyên Thủy cũng là Hiện tượng "tương đối" vì cũng không có Tự tánh.
- Giáo điều 4:
Tâm Giác ngộ là tâm "vô sở đắc" và "vô ngại" vào Sự vật (là hiện tượng đối với Tâm). Tâm Giác ngộ (= Bát Nhã Ba La Mật Đa) đạt tới Niết bàn (hết Khổ) và thành Phật.
Vô Sở Đắc = không dính chặt và không ràng buộc (= Non-attached = Vô Sở Trụ).
Vô Ngại = không chướng ngại (= Non- hindrance), tức là tự do.
*
Giáo điều 1:
Tất cả mọi Sự vật (Ngũ Uẩn = Vạn Hữu) đều "có" nhưng đều "không có Tự Tánh" (= without nature).
Giáo điều 1 thể hiện qua Câu 1 và Câu 2:
Câu 1:
Khi Quan Tự Tại Bồ Tát thực hành thâm sâu Bát Nhã Ba La Mật Đa, soi sáng thấy Ngũ Uẩn đều Không, cứu độ hết thảy tất cả Khổ ách. {theo bản A từ Hán ngữ}
Khi Bồ Tát Quán Tự Tại (Avalokitesvara) thực hành Bát Nhã Ba La Mật Đa sâu xa, soi thấy rằng có Ngũ Uẩn và thấy Ngũ Uẩn không có Tự Tánh trong chúng. {theo bản B của Nhật Bản}
Câu 2:
Này Xá Lợi Tử, Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc. Sắc ấy là Không, Không ấy là Sắc; Thọ Tưởng Hành Thức lại cũng là giống như thế.
*
Giáo điều 2:
Vì "không có Tự Tánh" nên mọi Sự vật chỉ là mọi Hiện tượng (= Vạn Pháp). Do đó Sự vật và Hiện tượng thì Tương đối, tức là không Tự Chủ (không tự vệ và không tự biến đổi) và không Tự Sở Hữu (không tự sinh và không tự diệt).
Giáo điều 2 thể hiện qua Câu 3 và 4a.
Câu 3:
Này Xá Lợi Tử, Với đặc tánh là Không, Chư Pháp chẳng sinh chẳng diệt, chẳng cáu ghét vì bụi bậm chẳng trong sạch, chẳng tăng chẳng giảm.
Câu 4a:
Vì vậy cho nên là trong Không, chẳng có Sắc, chẳng có Thọ Tưởng Hành Thức; chẳng có nhãn nhĩ tị thiệt thân ý, chẳng có sắc thanh hương vị xúc pháp, chẳng có nhãn giới cho tới chẳng ý thức giới;
*
Giáo điều 3:
Giáo lý Thập Nhị Nhân Duyên và Tứ Diệu Đế của Phật Giáo Nguyên Thủy cũng là Hiện tượng "tương đối" vì cũng không có Tự tánh.
Giáo điều 3 thể hiện qua Câu 4b.
Câu 4b:
(Vì vậy cho nên là trong Không), chẳng có Vô Minh cũng chẳng hết Vô Minh cho tới chẳng có Lão Tử cũng như chẳng hết Lão Tử; chẳng có Khổ Tập Diệt Đạo; chẳng đặt dựng lên cũng chẳng được có.
*
Giáo điều 4:
Tâm Giác ngộ là tâm "vô sở đắc" và "vô ngại" vào Sự vật (là hiện tượng đối với Tâm). Tâm Giác ngộ (= Bát Nhã Ba La Mật Đa) đạt tới Niết bàn (hết Khổ) và thành Phật.
Vô Sở Đắc = không dính chặt và không ràng buộc (= Non-attached = Vô Sở Trụ).
Vô Ngại = không chướng ngại (= Non- hindrance), tức là tự do.
Giáo điều 4 thể hiện qua Câu 5 và 6
Câu 5:
Nhân vì Vô Sở Đắc cho nên Bồ Tát buông dựa theo Bát Nhã Ba La Mật Đa nên tâm Vô Ngại một cách lạ lùng; vì Vô Ngại như vậy cho nên chẳng có sợ hãi, xa lìa mộng tưởng điên đảo; mà đạt cứu cánh Niết Bàn.
Câu 6:
Tam thế Chư Phật dựa theo Bát Nhã Ba La Mật Đa vì vậy cho nên có được A Nậu Đa La Tam Niệu Bồ Đề.
Vì vậy cho nên biết rằng Bát Nhã Ba La Mật Đa là Đại thần chú, là Đại minh chú, là Vô thượng chú, là Vô đẳng đẳng chú; có thể chân thật chẳng giả dối trừ được hết thảy tất cả mọi Khổ ách
Vì vậy cho nên để nói rõ ra, tự đó Bát Nhã Ba La Mật Đa chú nói rõ ràng: "Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha" (Qua rồi qua rồi, qua bên kia rồi, tất cả qua bên kia rồi, giác ngộ rồi đó).
*
Giáo điều 1, 2 và 4 của Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh chính là giáo lý về Khổ Nghiệp và Đoạn Khổ Nghiệp của Trung Quán Phái và Không Tông.
Giáo điều 3 của Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh phủ nhận giá trị của giáo lý của Phật Giáo Nguyên Thủy (Tứ Diệu Đế và Thập Nhị Nhân Duyên của Phật Thích Ca).
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Bài viết này là một Đoạn ngắn trong "Giáo Lý Giác Ngộ của Phật Giáo" (Bs Phan Thượng Hải).
_______________________
ĐỐI TRONG THƠ CHỮ QUỐC NGỮ
Bs Phan Thượng Hải biên soạn
Thơ Đường Luật Bát Cú (Thất Ngôn hay Ngũ Ngôn) có Đối: câu 3 Đối với câu 4 và câu 5 Đối
với câu 6. Phép Đối và cách Đối trong thơ chữ Quốc ngữ được học giả Dương Quảng Hàm và 2
thi sĩ Diên Hương và Quách Tấn nghiên cứu và trình bày rõ ràng.
* Đối trong thơ Đường luật
Đối là đặt hai câu đi sóng đôi cho Ý và Chữ trong hai câu ấy cân xứng với nhau.
Đối Ý là tìm hai ý nghĩa cân nhau mà đặt thành hai câu sóng nhau.
Đối Chữ thì vừa phải Đối Thanh vừa phải Đối Loại.
Đối Thanh tức là Bằng đối với Trắc và Trắc đối với Bằng.
Đối Loại là phải đặt một hay hai chữ cùng tự loại để đối nhau (như cùng Danh từ, Động
từ, Tỉnh từ, Giới từ…).
Thí dụ:
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông rợ mấy nhà
Đối Thanh:
Lom (B) khom (B) dưới (T) núi (T) tiều (B) vài (B) chú (T)
Lác (T) đác (T) bên (B) sông (B) rợ (T) mấy (T) nhà (B)
Đối Loại Từ:
"Lom khom" (tỉnh từ) đối với "Lác đác" (tỉnh từ).
"Dưới" (liên từ) đối với "Bên" (liên từ).
"Núi" (danh từ) đối với "Sông" (danh từ).
"Tiều" (danh từ) đối với "Rợ" (danh từ).
"Vài" (danh từ) đối với "Mấy" (danh từ).
"Chú" (danh từ) đối với "Nhà" (danh từ).
Trong bài Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú hay Ngũ Ngôn Bát Cú: Câu 3 đối với câu 4, Câu 5 đối
với câu 6.
Thực tế chỉ cần Đối Chữ là bắt buộc. Vì luật bất luận nên chữ thứ 1 và 3 của hai câu không bắt
buộc Đối Thanh với nhau.
* Phép Đối Chữ
Đối Chữ thì vừa phải Đối Thanh vừa phải Đối Loại.
Đối Thanh tức là Bằng đối với Trắc và Trắc đối với Bằng.
Đối Loại là phải đặt một hay hai chữ cùng tự loại để đối nhau (như cùng Danh từ, Động
từ, Tỉnh từ, Giới từ…).
Phép Đối có một vài kỹ thuật bất thành văn. Câu thơ Việt ngữ dùng chữ Quốc ngữ, nhất là
trong thơ Đường luật, có nhiều kỹ thuật tân tiến hơn là câu thơ Hán ngữ. Những kỹ thuật
nầy khi áp dụng cho một câu thì câu đối cũng phải dùng kỹ thuật giống như vậy và đúng theo vị
trí như vậy trong câu.
(1)
Câu thơ có điệp ngữ (điệp thanh) trong câu thì câu đối cũng phải có điệp ngữ theo đúng thứ tự
như vậy (trong câu). Thí dụ:
Đêm ngụ ngoại thành đêm não ruột
Sớm về trang nội sớm yên thân
Đôi hàng nước mắt đôi làn sóng
Nửa đám ma chồng nửa tiệc quan
Đàn nguyệt, nguyệt khêu điều dưới liễu
Nhìn hoa, hoa xót chuyện trong dâu
Tánh tuệ tu tâm, tâm giác ngộ
Tăng già tu đạo, đạo tỳ kheo
Xui người không quỉ gieo câu quỉ
Khiến kẻ thông thần trải tứ thần
Án sách vẫn còn án sách cũ
Nước non bạn với nước non nhà
Còn bạc còn tiền còn đệ tử
Hết cơm hết gạo hết ông tôi
Mâm xôi ruồi đậu mâm xôi đậu
Đĩa thịt kiến bò đĩa thịt bò
Khôn mà hiểm độc là khôn dại
Dại vốn hiền lành ấy dại khôn
(2)
Câu thơ có vần trong câu thì câu đối cũng phải có vần trong câu theo đúng thứ tự như vậy trong
câu. Thí dụ:
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông rợ mấy nhà
"Khom" vần với "lom" thì "đác" vần với "lác".
Đêm lạnh thiu, hiu hiu bấc thổi
Ngày nồng nực, phực phực nồm bay
"Hiu" vần với "thiu" thì "phực" vần với "nực".
(3)
Câu thơ có chữ đôi gồm 2 chữ gìống nhau thì câu đối cũng phải có chữ đôi gồm 2 chữ giống
nhau đúng theo thứ tự trong câu. (Liên châu đối)
Thí dụ:
Đêm lạnh thiu, hiu hiu bấc thổi
Ngày nồng nực, phực phực nồm bay
"Hiu hiu" và "phực phực" là chữ đôi gồm 2 chữ giống nhau.
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Thân túc ngư ông hoàn phiếm phiếm
Thanh thu yến tử cố phi phi
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Làu làu bóng rạng gương Hoàng Nguyễn
Vọi vọi nền cao tiết Vũ Trương
Người người thấp thỏm như hờn quỷ
Nước nước phập phòng tựa ám ma
(4)
Câu thơ có chữ nói lái thì câu đối cũng phải có chữ nói lái đúng theo thứ tự trong câu.
Thí dụ:
Nhắc bạn riêng thương tình nhạn bắc
Trông đời thêm ngán cảnh trời đông
"Nhắc bạn" nói lái là "nhạn bắc" và "trông đời" nói lái là "trời đông".
Có bài dùng hai chữ sau nói lái hai chữ đầu cho cả bài thơ:
NHẮN CÁC BẠN THƠ
Thương chồng giữ đạo, đáng chồng thương
Thường thấy từ xưa, chuyện thấy thường
Chẳng biết sao cười, ai biết chẳng?
Dường bao đáng ghét, trẻ bao dường!
Nắng chan rõ mặt tình chan nắng
Gương rạng soi lòng tiết rạng gương
Nghĩa nặng trăm năm còn nặng nghĩa
Hương diên ngàn dặm thắm Diên Hương.
(Diên Hương) 1-5-1950
(5)
Câu thơ có 2 chữ đối trong câu thì câu đối cũng có 2 chữ đối trong câu đúng theo thứ tự trong
câu. (Cú trung đối = Tiểu đối)
Thí dụ:
Viễn sơn tú thảo ngoại
Lưu thủy lạc hoa trung
"Viễn sơn" đối với "tú thảo". "Lưu thủy" đối với "lạc hoa".
Cô vân độc điểu xuyên quang mộ
Vạn tỉnh thiên sơn hải khí thâm
"Cô vân" đối với "độc điểu". "Vạn tỉnh" đối với "thiên sơn".
(6)
Câu trên có Số thì câu dưới cũng như vậy, và đúng theo ngôi thứ trong câu.
Thí dụ:
Ba ngàn thế giới thâu vào cánh
Chín chục thiều quang liệng giữa trời
Vạn lý Hán thiên hoa hữu lệ
Bách niên Hồ địa mã vô thinh
Tuy nhiên có khi con số đại diện cho số nhiều, có thể Đối với từ ngữ dùng cho số ít mà không
cần phải là con số. Thí dụ:
Cô vân độc điểu xuyên quang mộ
Vạn tỉnh thiên sơn hải khí thâm
"Cô" đối với "Vạn" (= 10000) và "độc" đối với "thiên" (= 100)
(7)
Câu có danh từ riêng thì câu đối cũng phải có danh từ riêng với cùng thứ tự trong câu.
Thí dụ:
Bến Nam Chức Nữ trông mòn mắt
Phía Bắc Ngưu Lang nhớ bạc đầu
Đàn nguyệt ngâm thơ khen giọng Đỗ
Thưởng hoa nâng chén tựa giường Trần
Vạn lý Hán thiên hoa hữu lệ
Bách niên Hồ địa mã vô thinh
Tuy nhiên, luật nầy không cần phải tuyệt đối tôn trọng: câu đối có thể dùng danh từ chung nếu ý
nghĩa có đối nhau.
Thí dụ:
Thương vợ chồng Ngưu duyên chểnh mảng
Thương cha mẹ nhện phận long đong
(Chúa Trịnh Sâm)
"Ngưu" có nghĩa là "Ngưu lang" nhưng cũng có nghĩa chung là "con trâu". Do đó câu đối dùng
"Nhện" là "con nhện" cũng được.
Hoặc là ngược lại, dùng danh từ riêng để đối danh từ chung.
Thí dụ:
Tổng Đốc vì thương người bạc mạng
Tiền Đường chưa chắc mồ. hồng nhan
(8)
Câu có những chữ có 2 nghĩa riêng và chung thì câu đối cũng phải có những chữ có 2 nghĩa
riêng và chung theo đúng thứ tự trong câu.
Thí dụ:
Bài không đeo nữa xin dâng lại
Đàn nỏ ai nghe khéo dấu hình
Liệu thế không xong binh chẳng đặng
Liêm đành giữ tiếng lễ đừng rinh
Những từ riêng để chỉ Bộ và Tên của các quan Thượng thơ nhưng cũng là từ chung (với nghĩa
khác):
Bộ Lại - ông Nguyễn Hữu Bài
Bộ Hình - ông Tôn Thất Đàn
Bộ Binh - ông Phạm Liệu
Bộ Lễ - ông Võ Liêm
Câu có từ ngữ chung có 2 nghĩa thì câu đối cũng phải có từ ngữ chung có 2 nghĩa theo đúng thứ
tự trong câu. (Tá đối)
Thí dụ:
Một thớt cùm lim ngồi thế đế
Hai vòng xiềng sắt bước thời vương
"Đế" và "vương" có 1 nghĩa khi là danh từ và cũng có 1 nghĩa khác khi là động từ.
Rượu thấm hơi bầu khôn chẳng dại
Cờ lăm nước bí dưới quên trên
Non nước lỡ làng màu lịch sự
Gió trăng chờn chợ mối nhân duyên
Chẳng long lay đến lòng son sắt
Chớ hổ ngươi vì miếng bạc đen
(Phan Bội Châu)
"Làng", "chợ", "long" và "hổ" có nghĩa đen khi là danh từ nhưng có nghĩa khác trong "lỡ làng",
"chờn chợ", "long lay" và "hổ ngươi".
Tuy nhiên từ ngữ chung có 2 nghĩa cũng đối được với từ ngữ chung có 1 nghĩa.
Thí dụ:
Thà tiêu xí quách Cu theo Cụ
Biết sướng cuộc đời Cụ chỉ Cu
Cu tưởng lão làng lên giọng Cụ
Cụ ham già dịch tại thằng Cu
"Cu" có 2 nghĩa (là trẻ nhỏ và là dương vật) nhưng "Cụ" chỉ có 1 nghĩa.
(9)
Ở những vị trí không cần phải Đối Thanh, câu đối có thể dùng lại cùng một chữ. Đó là những
vị trí thứ nhứt và thứ ba trong câu 7 chữ (thất ngôn) hay 5 chữ (ngũ ngôn).
Thí dụ:
Thương con cuốc nọ kêu mùa hạ
Thương cái bèo kia dạt bể đông
Thương vợ chồng Ngưu duyên chểnh mảng
Thương cha mẹ nhện phận long đong
(Chúa Trịnh Sâm)
Chính nghĩa chủ quan sinh thiển cận
Chính danh thiên vị tạo sân si
Vì nghĩa vững lòng cam thọ tử
Vì dân lập chí dẫu hy sanh
Hiện tại thi nhân tình ý rộn
Tương lai thi sĩ nghĩa danh xưng
Tổ chức tương giao vui họp mặt
Tỏ tình tương trợ thích đi đầu
Bảo trì tương ái qua giông bão
Bình đẳng tương thân lúc bể dâu
Tánh tuệ tu tâm, tâm giác ngộ
Tăng già tu đạo, đạo tỳ kheo
Tình yêu phu phụ bao ngang trái
Tình nghĩa phu thê lắm tiếc thương
(10)
Chữ cũng được dùng lại trong 2 câu đối nhau:
Khứ tuế Kinh Nam mai tợ tuyết
Kim niên Kế Bắc tuyết như mai
Thăm chỗ đản sanh nơi tịch diệt
Viếng nơi thành đạo chỗ hoằng dương
Có ngã, có ta, tâm uất hận,
Không ta, không ngã, dạ từ bi.
* Cách Đối Ý
Đối Ý là tìm hai ý nghĩa cân nhau mà đặt thành hai câu sóng nhau.
Đối Ý nghĩa (nội dung) có 3 nguyên tắc:
- Bổ túc
Câu trên một mình không đủ nghĩa, phải có câu dưới giải thêm mới đầy đủ:
Tổng Đốc vì thương người bạc mạng
Tiền Đường chưa chắc mộ hồng nhan
- Tương quan
Mỗi câu đều đủ nghĩa, câu dưới có một mối liên lạc với câu trên mà không bổ túc cho nhau:
Đôi hàng nước mắt đôi làn sóng
Nửa đám ma chồng nửa tiệc quan
- Tương phản
Mỗi câu cũng đủ nghĩa mà tư tưởng của câu dưới đối trái hẳn với tư tưởng câu trên, không liên
lạc nhau mà cũng không bổ túc cho nhau
Cầu Thước thẹn cùng nàng Chức Nữ
Cung Thiềm vui với ả Hằng Nga
Như vậy, Đối trong bài thơ giúp cho bài thơ cân xứng nhưng không chỉ có nghĩa là "tương
phản".
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
Bài viết nầy đăng lần đầu trong phanthuonghai.com trong mục Thơ Văn phần Làm Thơ Cổ
điển.
Tài liệu tham khảo:
1) Phép Làm Thơ (Diên An)
2) Thi Pháp Thơ Đường (Quách Tấn)
3) Việt Nam Văn Học Sử Yếu (Dương Quảng Hàm)
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
THÁNH ĐIẠ CÔNG GIÁO
Những bài thơ làm khi viếng Lourdes, Fatima và La Vang

Thánh Địa
Lourdes giúp cho người bệnh tật:
LỘ ĐỨC (Lourdes)
Lộ Đức vinh danh Maria
Giúp người Công Giáo đến từ xa
Tình thương bác ái, Ngài nâng đỡ
Phép lạ phi thường, Mẹ hiện ra
Lần chuổi, đọc kinh, xin nước thánh
Rước đèn, dâng lễ, thỏa lòng ta
Hành hương cầu nguyện đầy ơn phước
Sống trọn niềm tin mến Đức Bà.
(Phan Thượng Hải)
10/10/11
Fatima giúp cho Hòa Bình và Bác Ái của Nhân Loại:
FATIMA
Phép lạ nhiệm mầu Maria
Vững tin nhân loại sống an hòa
Từ nơi Đức Mẹ tin lành đến
Nhờ miệng nhi đồng tiếng vọng xa
Mừng được phúc âm ơn cứu rỗi
Hành hương thánh địa Fatima
Nắm tay quỳ gối cùng tâm nguyện
Mến Chúa yêu người mãi thiết tha.
(Phan Thượng Hải)
10/11/11
La Vang
THÁNH ĐỊA LA VANG HIỆN ĐẠI (*)
Chiều Đông vắng lặng ghé La Vang
Phong cảnh dạo xem thấy ngỡ ngàng
Phế tích thánh đường còn hiện hữu
Tượng hình Đức Mẹ đã tân trang
Cội nguồn danh tánh đà thay đổi
Địa điểm hành hương quá mở mang
Cảm thấy mất đi truyền thống cũ
Tâm tư thắc mắc dạ bàng hoàng.
(Phan Thượng Hải)
2/3/20
(*) Chú thích:
Tương truyền vào thời cấm đạo của vua Cảnh Thịnh, giáo dân phải trốn vào một vùng hẻo lánh (ngày nay thuộc huyện Hài Lăng, Quảng Trị) thì có Đức Mẹ Maria hiện ra giúp đỡ như một phép lạ (năm 1798). Đó là câu chuyện phép lạ La Vang.
Thánh địa La Vang có một Vương cung Thánh đường (Basilica) vào năm 1961. Trong chiến tranh vào năm 1972, ngôi thánh đường bị phá hủy chỉ còn một cái lầu chuông mà thôi.
Tên "La Vang" theo giả thuyết từ xưa cho rằng vì là một nơi hẻo lánh nên để liên lạc với nhau thì phải "la" lớn; mà la lớn thì phải "vang" tiếng. Do đó có nơi nầy có tên là La Vang. Hiện đại có một giả thuyết khác cho rằng chỗ nầy có tên theo nhiều cây Lá Vằng mọc ở đây. Khi người Pháp đến thì viết theo chữ Pháp không bỏ dấu nên Lá Vằng thành La Vang.
Ngày nay du khách đến thăm sẽ thấy một ngôi Thánh đường mới cất và tượng Đức Mẹ mặc trang phục như một phụ nữ người Việt thuở xưa. Du khách cũng thấy có 1 khu vườn nhỏ trồng cây Lá Vằng để làm chứng. Cây Lá Vàng là loại cây có hạt đen ăn được và có dùng làm vị thuốc.
Bs Phan Thượng Hải
CHUYỆN TẾT VÀ THƠ TẾT
Bs Phan Thượng Hải biên soạn
Dù đã tha hương 40 năm, ký ức ngày Tết khi còn thơ ấu vẫn trở lại mỗi khi đón mừng năm mới.
Những chuyện về Tết cũng như những bài thơ cũ tự nhiên sống lại.
TẾT NĂM XƯA
Nhớ Tết năm xưa thú tuổi thơ
Khi đưa ông Táo ngóng trông chờ
Xem lân nhẩy múa thăm thành thị
Nghe pháo giao thừa tỉnh giấc mơ
Mừng tuổi lì xì trong quyến thuộc
Thắp hương ăn cỗ trước bàn thờ
Đi chùa, xông đất, lời cung chúc
Cờ bạc vui trò chuyện vẩn vơ...
(Phan Thượng Hải)
Nay đã 70 tuổi, tác giả cố gắng viết bài nầy như là một tài liệu lưu niệm để tâm tình viễn xứ hoài hương không bao giờ phai nhạt
TẾT
Theo nhà văn Sơn Nam, Tết là nói trại từ Tiết mà ra. Một năm gồm 4 mùa 8 tiết, ngày đầu năm âm lịch thuộc về Tiết Nguyên Đán (ngày đầu tiên của năm mới). Ngày đầu năm rất quan trọng vì chẳng lẽ con người cứ sống qua thời gian mà chẳng biết lấy gì để đo lường thời gian. Thời xưa lấy năm âm lịch làm chuẩn dựa vào thời tiết mưa nắng hay xuân hạ thu đông để tính tuổi tác con người, để qui định thời điểm đóng thuế và đồng thời chọn thời điểm để gieo giống thu hoạch mùa màng nông nghiệp, tạo niềm hy vọng. Trong bốn mùa chỉ có mùa Xuân là tươi đẹp nhất, khí trời mát mẻ nên Vua chúa (từ thời Tam Hoàng) dùng ngày đầu mùa Xuân cho ngày Tết (ngày đầu năm mới).
Sinh hoạt Tết chia ra làm 3 giai đoạn. Giai đoạn trước Tết vào khoảng 2 Tuần trước Tết cho đến chiều ngày Tất Niên. Ngày Tất Niên là ngày cuối của năm cũ, là ngày 29 tháng Chạp hay 30 tháng Chạp (nếu là năm nhuần). Kế đến là 3 ngày đầu năm (Tân Niên) gồm có Mùng 1, 2 và 3.
Tết chấm dứt từ ngày Mùng 4 hay 5.
Giai đoạn trước Tết là giai đoạn sửa soạn và chưng diện. Nhà cửa dọn dẹp sạch sẻ và đàng hoàng; trang hoàng đặc biệt với Tranh, Câu Đối, Hoa, Cây Nêu và nhất là trang hoàng Bàn thờ tổ tiên (ông bà). Ngày đầu năm kiêng cử không quét nhà vì chẳng khác nào đưa của cải ra ngoài đường. Dân chúng mua sắm quần áo mới và đẹp và chuẩn bị Đồ ăn Thức uống cho những ngàyTết. Đường phố cũng trang hoàng đẹp đẽ. Báo chí thì có Báo Xuân.
Chợ thành ra Chợ Tết bành trướng rất nhộn nhịp và có thêm Chợ Hoa.
CHỢ TẾT
Lấn chen, xe cộ lẫn người ta
Khó lẫn giàu sang, trẻ lẫn già
Bùi, ngọt, thơm, ngon, kìa bánh trái
Xanh, vàng, trắng, đỏ, nọ bông hoa
Đó bao giày nón bao xiêm áo
Đây những cá tôm những rượu trà
Ngày nhóm rần rần đêm cũng nhóm
Sắm mua đủ thứ, rước Xuân mà.
(Lãng Ba Phan Văn Bộ)
ÔNG TÁO
Ngày 23 tháng Chạp có Lễ cúng đưa Ông Táo về Trời để tấu trình chuyện dân gian với Ngọc Hoàng Thượng Đế. Lễ cúng với Thịt, Cá, Bánh kẹo và Rượu nếp.
Ông Táo (Táo Quân) lãnh phận sự về Trời, báo cáo tình trạng sinh sống của gia đình. Tục truyền Ông Táo cỡi cá chép về Trời. Tuy nhiên từ thời VNCH, Ông Táo về Trời nhờ những thứ vàng mã gọi là "cờ bay ngựa chạy", phương tiện nhanh chóng nhất vào thời xưa. Dân gian lại còn sắm áo mão cho Ông Táo về Trời (qua vàng mã). Dân gian bày chuyện tiếu lâm bảo Ông Táo về Trời thiếu cái quần. Thời xưa quần không quan trọng cho lắm vì cái áo rộng và quá dài che phủ tận đầu gối. Thi đậu Trạng Nguyên chỉ được Vua ban áo mão chớ không có quần.
Cho tới ngày nay, sự tích "Ông Táo về Trời" dựa trên sự tích "Ông Táo".
Sự Tích Ông Táo (theo Đạo Lão) như sau:
Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không có con, nên sinh ra buồn phiền hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao vì giận nên đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi và sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Về sau Trọng Cao hối lỗi đi tìm vợ. Trong lúc đi tìm tiền bạc xài hết nên phải đi ăn xin. Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi thì hai người nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.
Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó giải thích nên Thị Nhi bảo Trọng Lang ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết cháy. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trđng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.
Linh hồn của ba vị được đưa lên Thượng Đế. Thượng Đế thấy ba người có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo Quân, gọi chung là Định Phúc Táo Quân nhưng mỗi người giữ một việc:
Phạm Lang làm Thổ Công, coi việc bếp. Danh hiệu: Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân
Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa. Danh hiệu: Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa. Danh hiệu: Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần.
Đến cuối năm vào ngày 23 tháng Chạp thì Táo Quân lại lên trời chầu Ngọc Hoàng Thượng Đế để tâu những công việc hằng năm của mọi gia đình mà Thần đã có bổn phận trông nom suốt năm qua.
Thi sĩ Lê Uyên Sanh có bài thơ vào đầu Thế kỷ 20:
ĐƯA ÔNG TÁO VỀ TRỜI
Hoa quả trà thô tạm ít chung
Kỉnh đưa ngài lại chốn thiên cung
Nạn dân mắt thấy hòng ra sức
Ách nước lòng thương phải gắng công
Đói rách dân đen thường có đủ
Ấm no con đỏ phải chia đồng
Cao xa đâu thấu càng khôn đặng
Thế sự đau lòng phải cậy ông.
(Lê Uyên Sanh)
HOA TẾT
Chợ Tết bán Hoa rất rộn rịp. Thiên hạ mua chậu hoa về để chưng trong sân nhà và cành hoa để chưng trong nhà hay trên bàn thờ tổ tiên.
Đua chen Thu Cúc Xuân Đào
Lựu phun lửa Hạ, Mai chào gió Đông
(Bích Câu Kỳ Ngộ)
Tết ở cuối mùa Đông và đầu mùa Xuân nên hai hoa chánh trong ngày Tết là Hoa Mai và Hoa Đào (Peach Blossoms). Hoa Mai có 2 loại. Ở Miền Nam và Miền Trung có Apricot Blossoms (Mickey Mouse Blossoms) và ở Miền Bắc có Plum Blossoms.
Những Hoa khác (Other Flowers): Cúc (Chrysanthenum), Vạn Thọ (Marigold), Mồng Gà(Cockscomb), Pensée (Pansies), Thủy Tiên (Paperwhite), Bonsai, Hường (Rose), Huệ (Tuberose), Thược Dược (Dahlia)...
NGƯỜI ĐẸP HOA XINH
Xuân kề, thục nữ dạo hàng hoa
Lưỡng sắc đua phô vẻ mặn mà
Má phấn yêu kiều bên thược dược
Môi son diễm lệ giữa mồng gà
Tay ngà nựng cánh hường mơn mởn
Mắt ngọc trông cành huệ thướt tha
Quang cảnh huy hoàng như ngự uyển
Vào ngày Thượng Đế hội Tiên Nga?
(Lãng Ba Phan Văn Bộ)
MÂM NGŨ QUẢ
Ngoài những cành hoa, bàn thờ còn có chưng trái cây (quả). Theo truyền thống có chưng mâm Ngũ Quả. Năm thứ quả trên lý thuyết được chọn theo quan niệm ngũ hành của người xưa, cũng có thể chọn sao cho trình bày trông đẹp mắt hoặc lựa chọn dựa trên sự thịnh vượng và may mắn cho gia quyến.
Mâm Ngũ Quả của người miền Bắc gồm: chuối, bưởi, đào, hồng, quýt hay là chuối, ớt,bưởi, quất, lê. Có thể thay thế bằng cam, táo, mãng cầu. Nói chung, người miền Bắc không có phong tục khắt khe về mâm ngũ quả và hầu như tất cả các loại quả đều có thể bày được, miễn là nhiều màu sắc.
Mâm Ngũ Quả người miền Nam gồm dừa, đu đủ, mãng cầu Xiêm, xoài, sung, với ngụ ý "cầu sung vừa đủ xài". Người miền Nam thường kiêng kỵ chưng trái có tên mang ý nghĩa xấu (kể cả khi đọc trại) như chuối (chúi nhủi), cam (cam chịu), lê (lê lết), sầu riêng (sầu riêng tư), táo hay bom (bom đạn), lựu (lựu đạn)... và không chọn trái có vị đắng, cay.
THỰC PHẨM NGÀY TẾT
Có những món ăn hoàn toàn đặc biệt cho ngày Tết:
Bánh: Bánh Chưng*, Bánh Giầy, Bánh Tét*...
Mứt: Mứt Gừng, Mứt Bí, Mứt Dừa, Mứt Hạt sen...
Kẹo: Kẹo Dừa*, Kẹo Đậu phọng, Kẹo Thèo lèo, Kẹo Mè Xửng*...
Hạt: Hạt Dưa*...
Trái: Mâm Ngũ Quả; Dưa hấu đỏ ruột.
Thức Uống: đủ thứ Rượu và Trà; Nước Ngọt...
Món Ăn:
(Bắc) Gà luộc, Bóng bì, Canh măng, Chân giò có nấm hương, Miến nấu lòng gà, Xôi gấc, Thịt đông, Giò lụa, Nộm, Dưa hành*
(Trung) Thịt heo quay, Cá rô chiên, Canh khổ qua, Xôi, Tré (như Giò thủ nhưng có vị củ riềng, thịt chua và lỗ tai heo).
(Nam) Thịt kho nước dừa*, Nem, Bì, Dưa giá, Tôm khô, Củ kiệu*
Nói về món ăn ngày Tết, người Bắc di cư vào Nam (1954) có 2 câu đối trong Giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay của Nhất Linh.
Câu Đối ở miền Bắc:
Nêu cao, pháo nổ, bánh chưng xanh
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Câu Đối sau khi di cư vào Sài Gòn (miền Nam):
Cột (điện) cao, xe nổ, tiêu tiền xanh
Củ kiệu, tôm khô, dưa hấu đỏ
BÁNH DẦY BÁNH CHƯNG
Ngày xưa, đời Vua Hùng Vương thứ 6, sau khi đánh dẹp xong giặc Ân, vua có ý định truyềnngôi cho con. Nhân dịp đầu Xuân, vua mới họp các hoàng tử lại, bảo rằng: "Con nào tìm đượcthức ăn ngon lành, để bày cỗ cho có ý nghĩa nhất, thì ta sẽ truyền ngôi vua cho".
Các hoàng tử đua nhau tìm kiếm của ngon vật lạ dâng lên cho vua cha, với hy vọng mình lấy được ngai vàng.
Trong khi đó, người con trai thứ 18 của Hùng Vương, là Lang Liêu (ngày nay còn gọi là TiếtLiêu) có tính tình hiền hậu, lối sống đạo đức, hiếu thảo với cha mẹ. Vì mẹ mất sớm, thiếu ngườichỉ vẽ, nên ông lo lắng không biết làm thế nào. Một hôm, Lang Liêu nằm mộng thấy có vị Thầnđến bảo: "Này con, vật trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống conngười. Con hãy nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình Trời và Đất.
Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình Cha Mẹ sinh thành". Lang Liêutỉnh dậy, vô cùng mừng rỡ. Ông làm theo lời Thần dặn, chọn gạo nếp thật tốt làm bánh vuông để tượng hình Đất, bỏ vào chõ chưng chín gọi là Bánh Chưng. Và ông giã xôi làm bánh tròn, để tượng hình Trời, gọi là Bánh Dầỵ Còn lá xanh bọc ở ngoài và nhân ở trong ruột bánh là tượnghình cha mẹ yêu thương đùm bọc con cái.
Đến ngày hẹn, các hoàng tử khác đều đem thức ăn đến bày trên mâm cỗ, đủ cả sơn hào hải vị, nhiều món ngon lành. Hoàng tử Lang Liêu thì chỉ có Bánh Dầy và Bánh Chưng. Vua HùngVương lấy làm lạ hỏi, thì Tiết Liêu đem chuyện Thần báo mộng kể, giải thích ý nghĩa của Bánh Dầy Bánh Chưng. Vua cha nếm thử, thấy bánh ngon, khen có ý nghĩa, bèn truyền ngôi Vua lại cho Lang Liêu con trai thứ 18.
Kể từ đó, mỗi khi đến Tết Nguyên Đán, thì dân chúng làm bánh Chưng và bánh Dầy để dâng cúng Tổ Tiên và Trời Đất. Nó trở thành truyền thống của người dân Việt.
CẢNH TẾT
Ai dám chê ta tết nhất nghèo
Nghèo mà lịch sự đố ai theo
Bánh chưng chất chặt chừng ba chiếc
Rượu thuốc ngâm đầy độ nửa siêu
Trừ tịch kêu vang ba tiếng pháo
Nguyên tiêu cao ngất một gang nêu
Ai xuân ta cũng chơi xuân với
Chung đỉnh ơn vua ngày tháng nhiều
(Nguyễn Công Trứ)
CÂY NÊU
Cu kêu ba tiếng cu kêu
Cho mau đến Tết dựng Nêu ăn chè.
(Ca dao)
Sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, Tập Hạ chép rằng: "Bữa Trừ tịch (tức ngày cuối năm) mọi nhà ở trước cửa lớn đều dựng một cây tre, trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu cau vôi, ở bên giỏ có treo giấy vàng bạc, gọi là "Lên Nêu"... có ý nghĩa là để làm tiêu biểu cho năm mới mà tảo trừ những xấu xa trong năm cũ".
Cây Nêu là 1 cây tre cao khoảng 5, 6 m. Ở ngọn thường treo nhiều thứ (tùy theo địa phương) như vàng mã, bùa trừ tà, cành xương rồng, bầu rượu bện bằng rơm, hình cá chép bằng giấy (cho ông Táo cỡi về Trời), giải cờ bằng vải điều màu đỏ, những chiếc khánh nhỏ (va chạm nhau kêu leng keng) ... Vào buổi tối, đèn lồng được treo trên cây Nêu để tổ tiên thấy đường về nhà ăn Tết với con cháu. Từ Giao Thừa có đốt pháo treo trên cây Nêu để xua đuổi ma quỉ.
Thực ra Cây Nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng chạp, là ngày Táo Quân về trời chính vì từ ngày này cho tới đêm Giao thừa vắng mặt Táo công, ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu, nên phải trồng cây nêu để trừ tà. Ngày 7 tháng Giêng triệt hạ, gọi là "hạ nêu" phàm những khoản vay mượn thiếu thốn trong tiết ấy không được đòi hỏi, đợi ngày hạ nêu rồi mới được đòi hỏi.
Khi đứng giữa sân ngày Tết nhìn Cây Nêu, một Thi sĩ có làm bài thơ đăng trong Nam Phong tạp chí:
VUI TẾT TỨC CẢNH
Ta đã vui xuân gác nỗi buồn
Mong cho được gặp Tết luôn luôn
Kìa đàn chó giáy hương thơm ngát
Mà chiếc sân vôi pháo nổ dồn
Ví chẳng cành Nêu giồng trước ngõ
Còn đâu cá khánh chói nhà thôn
Ai đi nhắn lũ văn minh giả
Cố quốc còn đây gọi chút hồn.
(Mân Châu)
CÂU ĐỐI TẾT
Câu Đối Tết đã có từ lâu đời, đến ngày nay vẫn còn thịnh hành. Trước là viết bằng chữ Nho bây giờ là bằng chữ Quốc Ngữ.
Vế đối viết trên vải hay trên giấy, dán lên tường để chưng trong nhà. Tú Xương có bài thơ theo thể Hát nói được nhiều người biết.
DÁN CÂU ĐỐI TẾT
Nhập thế cục bất khả vô văn tự
Chẳng hay ho cũng nghĩ một vài bài
Huống chi mình đã đỗ Tú tài
Ngày Tết đến cũng phải một hai Câu Đối
Đối rằng;
Cực nhân gian chi phẩm giá phong nguyệt tình hoài
Tối thế thượng chi phong lưu giang hồ khí cốt
Viết vào giấy dán ngay lên cột
Hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay
"Rằng hay thì thực là hay
Chẳng hay sao lại đỗ ngay Tú tài
Xưa nay em vẫn chịu ngài".
(Tú Tài Trần Tế Xương)
TẤT NIÊN
Ngày Tất Niên là ngày cuối của năm cũ: 29 tháng Chạp hoặc 30 tháng Chạp (nếu là năm nhuần).
Nhà nhà đều có Lễ cúng rước Ông Bà tổ tiên về ăn Tết vào buổi chiều. Thường là có cỗ linh đình toàn gia đình với nhiều món ăn và thức uống. Đến đúng Giao Thừa thì cúng nhẹ và bắt đầu đốt Pháo ở nhà và ngoài đường (tiễn năm cũ và rước năm mới). Từ đó Pháo đốt vui Chơi trong suốt những ngày Tân Niên.
Đêm của ngày Tất Niên cho đến sáng hôm sau gọi là "đêm Trừ Tịch". Trừ là đổi, bỏ đi. Tịch là đêm hay ban đêm. Do đó Trừ Tịch có nghĩa là Đêm đổi bỏ từ năm cũ sang năm mới. Nói cho gọn thì Trừ Tịch là Đêm cuối năm.
Đứng giữa đêm 29 (hay 30) và bắt đầu ngày Mùng 1 Tết gọi là Giao Thừa hay "đêm Giao Thừa".
Theo nghĩa đen thì Giao Thừa là "cũ giao lại, mới tiếp qua". Đúng giữa đêm Trừ Tịch (12 AM), "lúc năm cũ qua, năm mới" đến gọi là Giao Thừa.
GIAO THỪA
Xuân lại đông qua thấm thoát vừa
Nửa đêm nghi ngóp dậy Giao thừa
Đổi trao một phút nhanh ra chớp
Tiếp tục hai năm giáp cắn cưa
Ngoài xóm đì đoành tràng pháo nổ
Trong nhà nghi ngút khói nhan đưa
Cùng nhau hí hửng mừng năm mới
Thử hỏi nhau rằng đã mới chưa?
(Cử Nhơn Đỗ Giang)
NGUYÊN ĐÁN
TẾT NGUYÊN ĐÁN
Giao thừa pháo rộ báo xuân sang
Không khí vui tươi cảnh nhộn nhàng
Cờ xí rỡ ràng treo khắp xứ
Áo xiêm loè loẹt dạo đầy đàng
Bông hoa liễn đối chưng nhà cửa
Trà rượu bánh dưa đãi họ hàng
Lễ bái ông bà hương bát ngát
Địa cười lân múa chúc an khang.
(Lãng Ba Phan Văn Bộ)
Sau ngày Tất Niên là Tân Niên (Năm Mới).
Ngày đầu của Năm Mới, ngày mùng 1 tháng Giêng Âm Lịch, có nhiều tên gọi: Ngày Tết, Ngày Mùng Một Tết, Ngày Nguyên Đán hay Tết Nguyên Đán.
Ngày đầu tháng Giêng Âm Lịch được dùng làm ngày Tết từ Hán Vũ Đế (140 tr CN). Theo lịch xưa, tháng Giêng là tháng Dần.
Nguyên là bắt đầu; Đán là buổi sớm. Nguyên Đán thường có nghĩa là Nguyên Nhật, ngày đầu (của Năm). Ngày cuối Năm gọi là Chí Nhật và ngày đầu Năm là Nguyên Nhật.
Ba ngày đầu Năm (mùng 1, 2 và 3) là 3 ngày Tết với Lễ Tết và Ăn Chơi Tết.
CHÚC TẾT
Chúc Tết là việc đầu tiên và căn bản của Lễ Tết. Khi gặp nhau, mọi người đều chúc Tết lẫn nhau. Những câu Chúc Tết thông thường: "Sống lâu trăm tuổi", "An khang thịnh vượng", "Vạn sự như ý", "Sức khoẻ dồi dào", "Tiền vô như nước".
"Mừng Tuổi" tức là Chúc Tết người lớn hơn mình về tuổi tác hay chức vị hoặc vai lớn hơn trong quyến thuộc (ông bà, cha mẹ, họ hàng). Sau đó Người được Mừng Tuổi chúc lại và "Lì Xì" cho mình. Thông thường là Trẻ em mừng tuổi người trưởng thành và được Lì xì.
CHÚC TẾT
Xuân về Tết đến chúc nhiều nhiều
May được bao nhiêu đỡ bấy nhiêu
Phước Lộc Thọ trường, đời cực lạc
An khang thịnh vượng, sống tiêu diêu
Tuổi già bệnh tật không sanh chuyện
Đất nước toàn dân tốt đủ điều
Tri túc lễ nghi tròn lễ nghĩa
Tỏ lòng quí trọng mến thương nhiều.
(Phan Thượng Hải)
Lì Xì là một tên gọi của tục lệ mừng tuổi trẻ em trong dịp Tết Nguyên đán ở các nước Á Đông và Việt Nam, đó là lệ đặt tiền vào chiếc phong bì nhỏ có trang trí màu vàng son rực rỡ để mừng tuổi trẻ em. Trong phương ngữ miền Nam của tiếng Việt, tiền ấy được gọi là tiền Lì-Xì.
Theo Hạo-Nhiên Nghiêm Toản, Lì Xì là từ chữ Tàu 利市 viết theo Pinyin là Lì Shì và đọc theo tiếng Quan Thoại là Lì Sì còn đọc theo theo tiếng Hán là Lợi Thị.
Lợi là Ích lợi hay Tiện lợi hoặc là Tiền lời. Thị là Chợ. Lợi Thị có nghĩa đen là Chợ có ích lợi, tiện lợi và có lời.
Tuy nhiên Nghiêm Toản lại cắt nghĩa Lì Xì (Lì Shì) có ba nghĩa "bóng" như sau (không giống nghĩa đen của nó):
- Số lời có được do mua bán mà ra.
- Tốt lành có lợi: Khi người phụ nữ lấy chồng về đến cửa, mọi người đi theo cũng như người nhà đều xin Lợi-thị (hoặc đồ vật, hoặc là tiền)
- Vận tốt, vận may: Sách "Bắc-mộng-tỏa-ngôn" rằng: "Khi Hạ-hầu Tư chưa gặp thời, còn luân lạc linh đinh, người ta gọi Tư là viên Tú-tài chẳng Lợi-Thị"
Do đó trong cả ba trường hợp, "Lợi-thị" hay "Lì-Xì", đều có nghĩa là được lợi, được tiền, được may mắn. Tác giả Hạo-nhiên khẳng định rằng tiền Lì-Xì, mừng tuổi, chính là thứ tiền đem lại cái hên, điều lành, điều tốt, cho trẻ em dịp đầu xuân.
Cũng có giả thuyết rằng chữ Lì-Xì đọc theo âm Quảng Đông được chấp nhận rộng rãi: Ở Trung Quốc có Phong Tục tặng phong bao bằng giấy đỏ trong đựng tiền (=Hồng Bao 紅包). Phong Tục nầy tiếng Quảng gọi là Lì Xì viết làm 3 cách với 3 nghĩa:
(1) 利事 (đọc theo tiếng Hán là Lợi Sự): Lợi là ích lợi, tiện lợi hay có lời. Sự là sự việc.
Lợi Thị có nghĩa là: sự việc ích lợi, tiện lợi và có lời.
(2) 利是 (đọc theo tiếng Hán là Lợi Thị): Lợi là ích lợi, tiện lợi hay có lời. Thị 是 có nghĩa là ấy là, như thế, phải (đúng). Lợi Thị có nghĩa là: đúng là hay ấy là ích lợi, tiện lợi và có lời (như thế). (Phải=đúng; phản nghĩa với Trái=sai).
(3) 利市 (đọc theo tiếng Hán là Lợi Thị): Lợi là ích lợi, tiện lợi hay có lời. Thị 市 là Chợ. Giống như nghĩa đen trong chữ "Lì Shì" của Ông Nghiêm Toản, Lợi Thị là Chợ ích lợi, tiện lợi và có lời.
Nghĩa thứ (1) và (2) thấy đúng với Lì Xì trong ngày Tết hơn cái Nghĩa thứ (3).
Tuy nhiên, ở Trung Quốc, Phong tục Lì Xì không chỉ có trong Tết Nguyên Đán mà còn trong nhiều dịp khác, cũng không chỉ dành cho trẻ em! (Muốn đút lót ai thì có Lì Xì!).
VIẾNG TẾT
Trong 3 ngày Tết mọi người thăm viếng lẫn nhau để Chúc Tết hay ăn chơi với nhau. Khi đithăm viếng thì có phong tục Xuất hành và Xông nhà hay xông đất.
Xuất hành là lần đầu tiên ra khỏi nhà trong ngày Tết để đi đâu thì phải chọn một hướng tương hợp tương sinh với mình với con giáp của năm để xuất hành cầu tài đón lộc. Ngoài việc chọn đúng hướng còn phải chọn đúng giờ để gặp sự may mắn và tránh việc rủi trong năm mới.
Người ta nhờ người hợp tuổi, hợp mệnh đến xông nhà, cầu mong sang năm lấy được vía tốt của người xông nhà hay còn gọi là Xông Đất. Người đến Xông nhà hay Xông đất là người đầu tiên đến Nhà hay Đất đó trong 3 ngày Tết. Có khi sau khi đi chùa hay thăm người khác, chủ nhà chọn giờ tốt hay hướng tốt trở về tự xông nhà hay xông đất của mình.
Tục lệ nầy được nhà văn Thạch Lam tả trong 2 câu đối:
Tối Ba Mươi, đuổi chú Nghèo đi, chú bất Nghĩa chú tìm đường chú cút
Sáng Mùng Một, mời ông Giàu lại, ông có Nhân ông mở cửa ông vào
(Thạch Lam)
LỄ CHÙA
Ngày nay cũng có đi Lễ Nhà Thờ nhưng Lễ Chùa đã có từ lâu. Có người cả năm không đi lễ, nhưng đến Tết nhất thiết phải qua chùa thắp nén hương, dâng tiền giọt dầu hoặc tiền công đức cho chùa. Vào ngày đầu năm, tại chốn linh thiêng, người ta tin rằng điều cầu khấn của mình có nhiều khả năng thành hiện thực.
Do đó Chùa và Nhà Thờ tấp nập trong ngày Tết.
NHÀ SƯ KHAI BÚT
Gió Xuân phe phẩy áo cà sa
Bát ngát hương nhan bệ Thích Ca
Lộc Phật tay nâng vài phẩm oản
Vẻ xuân mắt liếc một cành hoa
Chuông dồi mõ dục vui sư vãi
Pháo đốt nêu trừ cấm quỷ ma
Tín nữ có ngoan làm lễ Tết
Nhà chùa làm phúc khắp tư gia.
(Nguyễn Văn Chúc) Nam Phong tạp chí
Không ai biết chắc chắn phong tục Xin Xăm này có từ bao giờ và tại sao nhưng trong những ngày đầu năm âm lịch thì rất nhiều người thích đi lễ ở các lăng tẩm, đền chùa để cúng bái và xin xăm nhất là vào buổi sáng mồng một, phong tục này thường được tiến hành chung với tục lệ chọn hướng xuất hành và hái lộc.
Xin Xăm là một hình thức tin vào các thẻ xăm có ghi lời sấm báo trước điềm lành hay dữ trong năm và thường cần có thầy bàn xăm. Ở miễn Bắc có tục "bốc quẻ thẻ" giống như tục "xin xăm" ở phía Nam. Người xin thẻ dâng một lễ mọn rồi chọn lấy một quẻ thẻ bằng tre viết chữ Hán. Trên quẻ thẻ thường ghi một câu văn ngắn gọn rút từ điển tích Trung Hoa cổ. Căn cứ câu văn ấy, người xin thẻ có thể luận ra "tiền định" cuộc đời mình trong năm đó. Nếu không thông thạo Hán Văn, có thể thuê thầy đồ luận giải giúp. Ngày nay, người ta thường bỏ thẻ tre và thay vào đó bằng những tờ bướm in chữ quốc ngữ với lời giải được soạn sẵn.
Nếu xuất hành ra chùa hay đền, sau khi lễ bái, người Việt còn có tục bẻ lấy một cành lộc để mang về nhà lấy may, lấy phước. Đó là tục Hái Lộc (còn gọi là Thỉnh Lộc).
Lộc là chồi cây non vừa nhú ra, tượng trưng cho sức sống dồi dào trong những ngày sắp tới, nhưng cũng đồng âm với lộc theo nghĩa tài lộc bỗng dưng đưa đến. Cành lộc là một cành đa nhỏ hay cành đề, cành si... là những loại cây quanh năm tươi tốt và nảy lộc. Tục hái lộc ở các nơi đền chùa ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân năm mới. Cành lộc thường đem về cắm ở bàn thờ.
Ngày nay đền chùa không có đủ lộc non cho hàng trăm nghìn người đến hái, nên đặt mua lộc (thường là chồi cây phát tài) đặt sẵn trên bàn ở sân hay cổng đền chùa. Khách đến thỉnh về và cứ tùy hỉ cúng chút ít tiền.
ĂN TẾT VÀ CHƠI TẾT
Ăn Tết là ăn uống vui vẻ và thịnh soạn tại gia hay tại cao lâu tửu quán trong 3 ngày Tân Niên.
Thường là nhiều người tụ họp ân uống.
(Câu Đối)
Bốn nghìn lần: Xuân Hạ Thu Đông, vạn vật lanh quanh vòng lẩn quẩn
Ba ngày Tết: Xôi Chè Rượu Thịt, tứ dân hì hục chén no nê
Chơi Tết gồm có: Cờ Bạc, Múa Lân, Đốt Pháo, Đá Gà, Văn Nghệ (Hát Cải Lương, Hát Bội, Hát Bóng...).
Trong khi Múa Lân có Ông Địa, đốt Pháo và múa Võ. Theo thông lệ, Lân tới múa trước cửa nhà hay cửa tiệm để trừ tà và đem phúc đức cho năm mới.
MÚA LÂN
Phất cờ, ông Địa trước, lân sau
Chiêng trống múa men bụi lấp đầu
Khi trợn khi phùng khi mọp sát
Lúc vùng lúc vẫy lúc lên cao
Ma tà trừ hộ, trừ chưa hử?
Hạnh phúc chúc cho, chúc được nào?
Nhờ pháo trợ oai nghe lốp bốp
Thích xem, đàn trẻ lấn chen nhau.
(Lãng Ba Phan Văn Bộ)
Pháo Tết bắt đầu đốt từ ngay Giao Thừa. Đặc biệt, nước Việt Nam chỉ có đốt Pháo trong ngàyTết. Trong Văn học sử có 2 bài thơ tiêu biểu về Pháo:
CÂY PHÁO
Xác không vốn những cậy tay người
Khôn khéo làm sao buộc chẳng rời
Kêu lắm lại càng tan tác lắm
Thế nào cũng một tiếng mà thôi.
(Nguyễn Hữu Chỉnh)
CÂY PHÁO
Giấy xanh giấy trắng ở tay người
Bao nả công trình tạch cái thôi
Cao lắm lại càng xơ xác lắm
Cũng mang một tiếng ở trên đời.
(Nguyễn Khuyến)
Pháo Tết thường bị cấm vào thời chiến. Sau chiến tranh kháng Pháp và có hiệp định Genève (1954) thì Tết đầu năm 1955 được cho đốt pháo. Thi hứng từ Pháo Tết làm thành thơ:
PHÁO XUÂN ẤT MÙI (1955)
Trót chín xuân rồi vắng tiếng ai
Nay về lốp bốp nổ rền tai
Mùi xưa khét khét còn hăng hái
Sắc cũ hồng hồng vẫn đắm say
Làng mạc ít tiền thì chấm chút
Thị thành lắm bạc mới dằng dai
Lối chơi dẫu kém phần tao nhã
Triệu chứng dân mừng khỏi nạn tai.
(Lãng Ba Phan Văn Bộ)
Gia đình có nề nếp quanh năm cấm đoán con cháu không được cờ bạc rượu chè nhưng trong dịp Tết thì tam cúc, tứ sắc, cờ tướng, cờ gánh, cờ nhảy, chắn, tổ tôm, lắc bầu cua,... ai thích trò nào chơi trò ấy. Đến lễ khai hạ (hạ nêu) thì xé bộ tam cúc, cất bộ tổ tôm...hoặc đốt các bộ bài trong lễ Tết.
Giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay thời VNCH có câu kết về Ăn Chơi ngày Tết:
"Ăn Chơi Tết thì có Ăn Tiêu và Ăn Thua rồi Ăn Năn. Tuy nhiên có Kiêng: Ăn Chịu và Ăn Nằm".
VỀ QUÊ ĂN TẾT
Người Việt theo phong tục phải "về quê ăn Tết", dù đi làm xa cũng phải cố gắng về quê. Thân phụ của tôi làm việc ở Cần Thơ nhưng ngày Tết thường ráng đem vợ con về quê là Cao Lãnh.
Thường là ngày mùng 2 hay mùng 3, ông bao một chiếc xe chở cả gia đình về Cao Lãnh, sáng đi chiều về hay ngủ qua 1 đêm.
Đây là bài thơ cảm tác:
XUÂN NHỰT HỒI HƯƠNG
Xa cách mặc dù dám lảng xao
Tết về hội họp chỗ chôn nhau
Viếng mồ cha mẹ, tình thông cảm...
Gõ cửa bà con, nghĩa đổi trao...
Chơn giẵm quê xưa, vui biết mấy
Mặt mừng người cũ, thích làm sao!
Trong bầu không khí đầy thân mật
Chim Việt cành Nam đỡ khát khao. (*)
(Lãng Ba Phan Văn Bộ)
(*) Hồ mã tê Bắc phong.
Việt điểu sào Nam chi.
Nếu không về quê ăn Tết được thì buồn. Những bài thơ cũ của Ba tôi vào thời Đệ Nhất Cộng Hòa cũng mang tâm trạng giống như chúng ta tha hương lúc bây giờ.
TÂN XUÂN CẢM CỰU
Nhớ Tết năm nào ở xứ ta
Nhớ mừng cha mẹ, cúng ông bà
Nhớ lân giỡn pháo vui làng mạc
Nhớ liễn thăm nêu đẹp cửa nhà
Nhớ bỡn cô đò mang áo xuyến
Nhớ chào lão quán bịt khăn là
Nhớ bao bạn hữu bao chè chén
Nhớ mãi thời xuân tiếc tuổi già.
(Lãng Ba Phan Văn Bộ)
XUÂN NHỰT LỮ HOÀI
Sinh hoạt tha hương dẫu sự thường
Tết nầy xem tựa vắng mùi hương
Đò xưa cách mặt chưa quên lối
Bến mới lê chân vẫn lạ đường
Hơi rượu cúng cha nồng nỗi nhớ
Giọng thơ chúc mẹ nực niềm thương
Xuân về, lãnh đạm cùng xuân sắc
Đưa mắt xa trông, vạn dặm trường.
(Lãng Ba Phan Văn Bộ)
XUÂN DẠ LỮ HOÀI
Mấy độ xuân về vọng cố hương
Tưởng tơ, tơ tưởng, ngẩn ngơ dường
Đình thần miễu thánh hằng mơ mộng
Vong mẹ hồn cha mãi vấn vương
Chợ búa, mùi hương gây nỗi nhớ
Đồng quê, tiếng pháo gợi niềm thương
Người xưa cảnh cũ chừ đâu tá?
Đất khách năm canh luống đoạn trường.
(Lãng Ba Phan Văn Bộ)
Người Việt tha hương ở Mỹ cũng có tỏ nỗi lòng qua những vần thơ:
CHIỀU BA MƯƠI TẾT
Chiều ba mươi Tết cúng ông bà
Lặng lẽ ngôi nhà quạnh quẽ xa
Dưa giá thịt kho và bánh mứt
Nhang đèn bức ảnh với bình hoa
Tha hương xa vắng bao phong tục
Viễn xứ xa vời một quốc gia
Ngày Tết năm xưa thành kỷ niệm
Tân xuân cảm cựu tuổi thêm già.
(Phan Thượng Hải)
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
Bài viết này đăng lần đầu trong phanthuonghai.com mục Văn Hóa phần Học Thức và Đời
Sốn
MÙA XUÂN TRONG TÂN NHẠC MIỀN NAM
Bs Phan Thượng Hải biên soạn
A. Cảnh Tình Mùa Xuân
(1)
- Nhạc phẩm Xuân đầu tiên luôn được nhắc đến là Bến Xuân, nhạc và lời của Văn Cao. Phạm Duy dùng nhạc của bản nhạc này mà đặt lời thành ra nhạc phẩm Bến Xuân thứ nhì. Văn Cao lại đặt lời mới cho nhạc phẩm Bến Xuân thứ ba và đổi tựa đề mới là Đàn Chim Việt.
Bến Xuân 1 - Điệu Slow.
Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước. Em đến tôi một lần. Bao lũ chim rừng hợp đàn trên khắp bến xuân
(Văn Cao)
Bến Xuân 2 - Điệu Slow.
Nhà tôi nay vẫn còn ngơ ngác. Em vắng tôi một chiều
(Nhạc: Văn Cao - Lời: Phạm Duy)
Bến Xuân 3 / Đàn Chim Việt - Điệu Slow.
Về đây khi gió mùa thơm ngát. Ôi lũ chim giang hồ. Bao cánh đang cùng dật dờ trên khắp cố đô
(Văn Cao)
- Nhạc Tiền chiến còn có những nhạc phẩm âm hưởng của Bến Xuân và của Văn Cao.
Bến Xuân Xanh - Điệu Valse - 1949.
Ngày xuân êm ấm. Nắng xuân tưng bừng, hoa tô màu thắm, bướm bay quyến luyến
(Dương Thiệu Tước)
Tiếng Sáo Thiên Thai - Điệu Tango Habanera; Điệu Rumba.
Xuân tươi. Êm êm ánh xuân nồng. Nâng niu sáo bên rừng
(Thơ: Thế Lữ - Nhạc: Văn Cao)
Đây là những nhạc phẩm tiền chiến có tiếng rất được thính giả của Tân Nhạc Miền Nam mến chuộng.
(2)
- Tân Nhạc Miền Nam đón chào Mùa Xuân đến hay trở về qua những nhạc phẩm phổ thông mô tả cảnh tình của Mùa Xuân.
Xuân Đã Về - Điệu Ballade.
Xuân đã về, xuân đã về. Kìa bao ánh xuân vàng tràn lan mênh mông
(Minh Kỳ)
Đón Xuân - Điệu Fox Moderato; Điệu Pop.
Xuân đã đến rồi reo rắc ngàn hồn hoa xuống đời. Vui trong bình minh
(Phạm Đình Chương)
Mừng Nắng Xuân Về - Điệu Chachacha.
Nắng xuân về trên muôn hoa. Nắng xuân về tươi thắm mọi nhà
(Thơ: Thanh Sơn - Nhạc: Huỳnh Anh)
Gió Mùa Xuân Tới - Điệu Chachacha.
Gió mùa xuân tới, cánh hồng tươi thắm trong nắng vàng. Muôn bướm tung bay mang sắc tươi phô cùng trời sáng
(Hoàng Trọng)
Những Ngày Xưa Thân Ái - Điệu Bolero.
Những ngày xưa thân ái Anh gửi lại cho ai. Gió mùa xuân êm đưa. Mang hàng cau lưa thưa
(Phạm Thế Mỹ)
- Hoa Xuân được nhấn mạnh trong Cảnh Tình của Mùa Xuân.
Hoa Xuân - Điệu Slow Rock - 1953.
Xuân vừa về trên bãi cỏ non. Gió xuân đưa lá vàng xuôi nguồn
(Phạm Duy)
Trong các loại Hoa, Hoa Đào là Hoa của Mùa Xuân như câu "Đua chen Thu Cúc Xuân Đào" của Bích Câu Kỳ Ngộ.
Ai Lên Xứ Hoa Đào - Điệu Bolero.
Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi. Nghe hơi giá len vào hồn người chiều xuân mây êm trôi.
(Hoàng Nguyên)
Bài Thơ Hoa Đào - Điệu Bolero.
Ngày nào dừng chân phiêu lãng. Khách tới đây khi hoa đào vươn lối đi.
(Hoàng Nguyên)
Mùa Hoa Anh Đào - Điệu Rumba.
Mùa xuân sang có hoa anh đào. Màu hoa tôi trót yêu từ lâu
(Thanh Sơn)
(3)
Nhạc cho Mùa Xuân luôn được các nhạc sĩ nhấn mạnh trong tựa đề của nhạc phẩm của mình. Những nhạc phẩm này thường có những Điệu lạ.
- Từ năm 1937, nhạc sĩ Lê Yên đã có điệu Paso Doble cho nhạc phẩm Xuân Hành Khúc.
Xuân Nghệ Sĩ Hành Khúc - Điệu Paso Doble - 1937.
Xuân tươi xuân vui xuân đẹp trong ý thơ đẹp trong tiếng ca
(Lê Yên)
- Ba nhạc phẩm dưới đây có dùng những điệu nhạc lạ trong nền Tân Nhạc Miền Nam.
Nhạc Khúc Mừng Xuân - Điệu Samba.
Đàn chim tung bay trong cánh dưới ánh nắng hồng mừng xuân mới. Ngàn hoa tươi khoe chim hót ríu rít trên cành chào xuân tới
(Phạm Mạnh Cương)
Điệp Khúc Mùa Xuân - Điệu Rap.
Nắng lung linh hoa vàng. Chờ tia nắng về trong ánh mùa sang
(Quốc Dũng)
Xuân Ca - Điệu Pop.
Xuân trong tôi đã khơi trong một đêm vui. Một đêm một đêm gối chăn phòng the đón cha mẹ về
(Phạm Duy)
- Có 2 nhạc phẩm với cùng một tựa đề Khúc Nhạc Ngày Xuân nhưng có 2 lịch sử khác nhau. Khúc Nhạc Ngày Xuân của Nhật Bằng luôn được ưa chuộng và phổ thông cho đến ngày nay. Tuy nhiên nhạc phẩm Khúc Nhạc Ngày Xuân của Văn Xứng đã chìm trong quên lãng và cho đến ngày nay thì không còn ai biết tác giả Văn Xứng là ai.
Khúc Nhạc Ngày Xuân - Điệu Valse.
Ngày trôi theo tháng giá mùa đông. Vàng phai theo lá úa ngoài song. Kìa chim oanh đã tới đầu sân
(Văn Xứng)
Khúc Nhạc Ngày Xuân - Điệu Slow-Fox - 1955.
Ngàn hoa thắm tươi hé môi mừng chào đón xuân. Bày chim tung cánh bay trên muôn cành cùng hát vang
(Nhật Bằng)
- Có nhạc phẩm chú trọng về Âm Nhạc nhiều hơn là Mùa Xuân trong nội dung.
Tiếng Dương Cầm - Điệu Andante Espressivo; Điệu Slow Ballade.
Nhớ hôm nào mùa xuân mới sang. Muôn bầy chim ca hót vang
(Văn Phụng)
(4)
Cảm giác vui mừng hòa với Mùa Xuân cũng được nhấn mạnh trong nhiều nhạc phẩm khác.
Tâm Sự Ngày Xuân - Điệu Bolero - 1966.
Trong thế gian đang vui mừng đón xuân. Chắc nàng xuân năm nay đẹp bội phần
(Hoài An)
Hạnh Phúc Đầu Xuân - Điệu Rumba Bolero.
Thấm thoát là đây một mùa xuân mới với ngàn cánh mai vàng. Nụ cười trên môi
(Lê Dinh và Minh Kỳ)
Nụ Cười Sơn Cước - Điệu Valse.
Tôi nhớ mãi một chiều xuân chia phôi. Mây mờ buông xuống núi đồi
(Tô Hải / Hoàng Phú)
Vó Câu Muôn Dặm (+ lời: Văn Khôi) - Điệu Fox Trot (Country).
Một đoàn trai đi khi xuân tới. Hẹn rằng gieo tình thương khắp nơi
(Văn Phụng)
(5)
Từ Mùa Xuân có thanh xuân và sự trẻ đẹp qua những nhạc phẩm:
Khúc Hát Thanh Xuân (nhạc ngoại quốc: When we were young, Johan Strauss) - Điệu Tempo di Valse - 1946 Hà Nội.
Ngày ấy khi xuân ra đời. Một trời bình minh có lũ chim vui
(Phạm Duy)
Xuân Và Tuổi Trẻ - Điệu Valse Moderato; Điệu Valse.
Ngày thắm tươi bên đời xuân mới. Lòng đắm say bao nguồn vui sống
(Lời Việt: Thế Lữ - Lời Trung Hoa: Diệp Truyền Hoa - Nhạc: La Hối)
Gái Xuân - Điệu Habanera; Điệu Rumba.
Em như cô gái hãy còn xuân. Trong trắng thân chưa lắm bụi trần
(Thơ: Nguyễn Bính - Nhạc: Từ Vũ)
B. Tình Yêu trong Mùa Xuân
(1)
Tình yêu trong Mùa Xuân là một Tựa đề không thể thiếu và rất được ưa chuộng.
Tình Khúc Mùa Xuân - Điệu "dìu dặt"; Điệu Slow Rock.
Tình yêu đó cho em. Tháng năm trên từng phím xuân lay. Đôi môi xinh giòng tóc mây bay
(Ngô Thụy Miên và Huy Linh)
Nhớ Một Chiều Xuân - Điệu Slow Tango - 1962 - Lệ Thanh hát đầu tiên.
Chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người. Chạnh lòng tôi khơi bao niềm nhớ
(Nguyễn Văn Đông)
Đón Xuân Nầy Nhớ Xuân Xưa - Điệu Habanera - 1967.
Đón xuân nầy tôi nhớ xuân xưa. Một chiều xuân em đã hẹn hò
(Châu Kỳ và Anh Châu)
Nhớ Nhau Hoài - Điệu Ballade - 1957.
Em ở nơi nào, có còn mùa xuân không Em? Rừng ngàn lá gió, từng đêm nhắc nhở thì thầm
(Anh Việt Thu và Thiên Hà)
Người Về Bỗng Nhớ
Mùa xuân yêu em đồi núi thênh thang. Hồ nước long lanh ngàn cánh vàng
(Trịnh Công Sơn)
Mộng Chiều Xuân - Điệu Tango - 1970.
Gió chiều thầm vương bao nhớ nhung. Người yêu thoáng qua trong giấc mộng
(Ngọc Bích)
Mộng Ban Đầu - Điệu Tango.
Quê Em miền thùy dương. Lúa ngọt ngào hoa mới. Gió mang mùa xuân tới
(Lời: Hồ Đình Phương - Nhạc: Hoàng Trọng)
Cô Láng Giềng - Điệu Rumba.
Hôm nay trời xuân bao tươi thắm. Dừng bước phiêu lưu về thăm nhà
(Hoàng Quý)
Cô Lái Đò
Xuân đã mang mong nhớ trở về. Lòng cô lái ở bến sông kia
(Thơ: Nguyễn Bính - Nhạc: Nguyễn Đình Phúc)
(2)
Nhạc sĩ đi ngay vào "thực tế" của Tình Yêu qua các tựa đề của những nhạc phẩm.
Anh Cho Em Mùa Xuân - Điệu Tango Habanera - 1972.
Anh cho Em mùa xuân. Nụ hoa vàng mới nở, chiều đông nào nhung nhớ
(Nhạc: Nguyễn Hiền - Thơ: Kim Tuấn)
Nếu Xuân Này Vắng Anh - Điệu Habanera; Boléro Raval - 1967 - Trúc Ly hát đầu tiên.
Xuân đã về anh có hay? Hoa bướm vui mùa sum vầy. Nơi phương trời anh có nhớ. Một người luôn nhắc tên anh
(Bảo Thu)
Mùa Xuân Gửi Em - Điệu Bolero - 1965.
Nghe gió xuân hay rằng xuân đã về. Gói tâm tình vào trong bao ý thơ
(Lê Dinh và Minh Kỳ)
Em Có Bao Giờ Còn Nhớ Mùa Xuân - Điệu Slow Rock.
Em có bao giờ còn nhớ mùa xuân. Nhớ tháng năm xưa của tuổi đợi chờ
(Ngô Thụy Miên)
Mùa Xuân Đầu Tiên - Điệu Bolero - 1966.
Bao nhiêu thương nhớ gom thật đầy, Anh trở về thăm Em. Bao lần ngồi thâu đêm nghe mùa xuân vừa đến
(Tuấn Khanh)
C. Mùa Xuân trong Thời Chiến
- Trong thời Kháng chiến chống Pháp đã có đề tài này trong âm nhạc.
Chàng Đi Theo Nước - Điệu Tempo di Valse - 1954.
Chiều xuân ấy chàng bước chân đi. Theo hồn nước duyên tình nhớ chi
(Hiếu Nghĩa)
- Từ bắt đầu thập niên 1960, Miền Nam lại lâm vào tình trạng chiến tranh. Mùa Xuân trong chiến tranh bắt đầu ảnh hưởng mạnh mẽ đến đề tài của nhạc sĩ.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là người đầu tiên sáng tác cho đề tài này vào đầu thập niên 1960.
Phiên Gác Đêm Xuân - Điệu Tango Habanera.
Đón Giao Thừa một phiên gác đêm. Chào xuân đến súng xa vang rền
(Nguyễn Văn Đông)
- Tiếp theo là nhạc sĩ Trần Thiện Thanh với 3 nhạc phẩm vào những thập niên 1960 và 1970.
Đồn Vắng Chiều Xuân - Điệu Biguine Rock; Điệu Chachacha - 1964.
Đầu xuân năm đó anh ra đi. Mùa xuân nầy đến anh chưa về
(Trần Thiện Thanh)
Phút Giao Mùa - Điệu Bolero - 1968.
Lại một mùa xuân nữa đến trong khói lửa chiến tranh. Mùa xuân vẫn xanh như cuộc tình em với anh
(Anh Chương Thanh Trân = Trần Thiện Thanh)
Đám Cưới Đầu Xuân - Điệu Bolero; Điệu Chachacha - 1972.
Ngày xửa ngày xưa đôi ta chung nón đôi ta chung đường. Lên sáu lên năm đôi ta cùng sách đôi ta cùng trường
- Hai nhạc sĩ Trần Trịnh và Nhật Ngân, ký chung bút hiệu là Trịnh Lâm Ngân, cũng có 3 nhạc phẩm trong cùng thời gian với Trần Thiện Thanh.
Mùa Xuân Của Mẹ - Điệu Ballade - 1969.
Mẹ ơi hoa cúc hoa mai nở rồi. Giờ đây đời con đang còn lênh đênh
(Trịnh Lâm Ngân)
Xuân Này Con Không Về - Điệu Tango Habanera - 1969.
Con biết bây giờ mẹ chờ tin con. Khi thấy mai đào nở vàng trên nương
(Trịnh Lâm Ngân)
Thư Xuân Trên Rừng Cao - Điệu Ballade - 1971.
Mời anh mời chị mùa xuân lên đây thăm tôi. Nơi xa xôi khuất nẻo thưa người
(Trịnh Lâm Ngân)
- Chiến tranh được nhấn mạnh trong nhạc phẩm.
Lời Đầu Năm Cho Con - Điệu Habanera - 1970 - Phương Đại hát đầu tiên.
Lời đầu năm ba viết cho con. Chuyện quê hương khói lửa rã mòn
(Nguyên Thảo)
Đầu Xuân Lính Chúc - Điệu Beguine Rock - 1967 - Trung Chỉnh hát đầu tiên.
Ngày đầu xuân chúc non nước thanh bình. Ngày mồng hai chúc cho lứa đôi mình
(Hoài Linh và Tấn An)
D. Lễ Xuân
Lễ Xuân trong dịp Tết cũng là nguồn cảm hứng cho các nhạc sĩ của Miền Nam.
Câu Chuyện Đầu Năm - Điệu Tango Habanera.
Trên đường đi lễ xuân đầu năm. Qua một năm ruột rối tơ tằm
(Hoài An)
Cánh Thiệp Đầu Xuân - Điệu Bolero.
Hoa lá nở thắm đẹp làn môi hồng. Xuân đến rồi đây nào ai biết không
(Lê Dinh và Minh Kỳ)
Ly Rượu Mừng - Điệu Valse.
Ngày xuân nâng chén. Ta chúc nơi nơi. Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
(Phạm Đình Chương)
Đầu Xuân Lính Chúc - Điệu Beguine Rock - 1967 - Trung Chỉnh hát đầu tiên.
Ngày đầu xuân chúc non nước thanh bình. Ngày mồng hai chúc cho lứa đôi mình
(Hoài Linh và Tấn An)
E. Một nhạc phẩm của Đoàn Chuẩn?
Đây là nhạc phẩm về Mùa Xuân gây nhiều tranh cãi lúc gần đây vì có 2 Lời cho nhạc phẩm:
- Lời thường được hát ở hải ngoại như là "nhạc tiền chiến của Đoàn Chuẩn" nhưng thật ra thì không phải của Đoàn Chuẩn.
- Lời thường được hát ở trong nước và chính thực là của Đoàn Chuẩn, sáng tác vào năm 1956, sau khi Hiệp định Genève 1954 chia hai đất nước.
Gửi Người Em Gái Miền Nam (Gửi Người Em Gái) - Điệu Slow
Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng. Rừng đào phong kín khép mong manh đóa hoa lòng
(Đoàn Chuẩn)
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
Tài liệu tham khảo:
Tân Nhạc Miền Nam (Bs Phan Thượng Hải) trong phanthuonghai.com
_______________________________

TRẦN BÁ LỘC VÀ DỊ NHƠN
Bs Phan Thượng Hải biên soạn
Kháng chiến Nam Kỳ bị thất bại vì có những "Việt Gian" tay sai giúp Pháp như Lãnh binh Huỳnh Công Tấn, Tổng đốc Đỗ Hữu Phương (Tổng Đốc Phương) và nhứt là Trần Bá Lộc (1845-1887).
Trần Bá Lộc truy đuổi ông Thiên Hộ Dương phải chạy khỏi Đồng Tháp Mười và rồi ông bị hải tặc giết chết (1866); bắt sống ông Nguyễn Trung Trực ở Phú Quốc (1868); và bắt sống ông Thủ Khoa Quân ở Chợ Gạo, Mỹ Tho (1875).
Về sau Trần Bá Lộc còn ra Trung Kỳ bắt ông Lê Thành Phương ở Phú Yên rồi hợp sức với Nguyễn Thân bắt ông Mai Xuân Thưởng và ông Bùi Điền ở Quảng Nam.
Tất cả những vị anh hùng kháng Pháp nầy đều bị Pháp hành hình.
Trần Bá Lộc sinh ở Cù Lao Giêng, An Giang. Cha là Tú Tài Trần Bá Phước theo đạo Thiên Chúa nên bị bắt an trí ở Bình Thuận.
Emanuel Trần Bá Lộc cũng theo đạo, tình nguyện làm Cai “Lính Mã Tà” cho Pháp rồi được phong làm Tri Huyện Kiến Phong (nay là Cái Bè, Mỹ Tho). Nhờ đó Trần Bá Lộc dùng quyền lực mua đất trở thành điền chủ giàu nhứt ở tỉnh Mỹ Tho.
Sau khi phong trào kháng Pháp được dẹp yên, Trần Bá Lộc về ở Cái Bè mang danh “Hàm Tổng Đốc”, bạn của Toàn Quyền Paul Doumer, có lập một dinh thự rất lớn rồi khi bệnh chết thì ra lệnh “chôn đứng”. Mồ của Trần Bá Lộc nay ở đất thánh sau nhà thờ Cái Bè. Trần Bá Lộc có cho đào 1 con kinh dài 47 km rộng 10 m.
Trần Bá Phước sinh ra Trần Bá Lộc; Trần Bá Lộc sinh ra Trần Bá Thọ. Trần Bá Thọ cũng làm nhiều điều “bất hảo” nên họ Trần mất hết tước vị và tài sản. Về sau dân chúng ghét nên đốt dinh của Trần Bá Lộc. Một thi sĩ ở Nam Kỳ là Dị Nhơn có bài thơ:
ĐỐT DINH TRẦN BÁ LỘC
Dám đem xương máu của đồng bào
Mà cất cái dinh thiệt lớn lao
Khói tỏa cung A rằng chuyện cũ (*)
Lửa thiêu dinh Bá khác đâu nào? (*)
“Phỉ da” quân đối “sơn hà cổ”
“Báo oán” dân đồng “nhựt nguyệt cao”
Nước sạch Cái Bè trong léo lẻo
Làm gương cho sách để về sau.
(Dị Nhơn)
(*) Chú thích:
Cung A Phòng của Tần Thủy Hoàng bị Sở Bá Vương Hạng Võ đốt.
Dinh Bá là dinh Trần Bá Lộc
Nếu ở ngoài Bắc có Hồ Xuân Hương với thơ chữ Hán Nôm thì ở trong Nam 100 năm sau có Dị Nhơn với thơ chữ Quốc Ngữ cùng một điệu “Thanh và Tục”. Hai người đều có tông tích bí mật. Tuy nhiên hình như Dị Nhơn cũng là đàn bà.
VỊNH QUAN HOẠN
Chú min ơi hỡi chú min ơi
Tăn hẳn sự nầy thế thế thôi
Cán cân tạo hóa rơi đâu mất?
Nâng túi càn khôn trả nợ đời.
(Hồ Xuân Hương)
DƯƠNG VẬT
Bác mẹ sinh ra vốn chẳng hèn
Ban đêm không mắt sáng hơn đèn
Đầu đội nón da loe chóp đỏ
Lưng đeo bị đạn rủ thao đen.
(Hồ Xuân Hương)
DƯƠNG VẬT
Ngóc đầu từng bước chốn cung son
Căm giận chuyện đời tiếng gọi “con”
Vương bá cậy tài nên vóc vạc
Quan dân nhờ sức đặng vuông tròn
Xông đồn lắm lúc đầu nào mẻ
Đột lũy ghe phen giáo chẳng mòn
Ở khách má đào ai cũng thế
Vẹn gìn chớ để thẹn sông non.
(Dị Nhơn)
ÂM VẬT
Tượng mắng người đồn gẫm quá thô
Đố ai cho khỏi đút đầu vô
Trong vòng khép lại nhiều vương tướng
Ngoài ngõ chung ra hiếm cống đồ
Ai dẫu có tình dành dựa thế
Người mà không lễ dễ gần mô
Giúp đời có thủa tuôn mây (mưa) móc
Cây cỏ nhờ hơi nắng chửa khô.
(Dị Nhơn)
CỤC CỨT
Đương khi chộn nhộn ló đầu ra
Thiên địa ai ai cũng gớm va
Ỷ thế dọc ngang nằm dích đốc
Rồi đây gặp lúc chó liền tha.
(Dị Nhơn)
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
Bài này là 1 đoạn trích từ bài "Thơ và Sử Việt - Thời Kỳ Pháp Thuộc (Thế Kỷ 19)" (Bs Phan Thượng Hải) trong phanthuonghai.com mục Lịch Sử Và Thơ Văn phần Thời Pháp Thuộc.

THƠ XUÂN TẾT
XUÂN Ý
Năm nay tớ được bảy mươi ba
Từng sống đã lâu tự thấy già
Khi biết yếu đau xin ý Chúa
Lúc nhìn thay đổi tận tình ta
Văn chương đẹp dạ hồn thơ dệt
Kỷ niệm động lòng dĩ vãng qua
Nghĩ lại đời mình hên sống sót
Chào Xuân đón Tết quẩn quanh nhà.
Sơn hà nhàn dật thú yên hà
Tự tại hoa viên thưởng thức hoa
Độc ẩm tửu bôi hoan tửu nhạc
Tương tư thi bút hứng thi ca
Tha hương sầu niệm hoài hương lý
Cố quốc u tình ái quốc gia
Xuân đáo tân niên, niên lão ngộ
Hòa đồng thân hữu chúc an hòa.
(Phan Thượng Hải)
12/22/22
* Đoạn 8 câu đầu dùng hầu hết là Tiếng Nôm. Đoạn 8 câu sau dùng toàn Hán ngữ, mỗi câu đều có điệp ngữ.

Vũ Hoàng Chương và Miền Nam (1963-1975)
Bs Phan Thượng Hải biên soạn
Ông Vũ Hoàng Chương (1916-1976), người Hưng Yên, là một thi sĩ tiền chiến nổi danh. Ông di cư vào Nam sau hiệp định Genève 1954. Thơ của ông Vũ Hoàng Chương đã làm nhân chứng cho lịch sử của Miền Nam cho đến khi ông qua đời, sau ngày 30-4-1975.
Thi Sĩ của Người Bắc Di Cư
Là người di cư từ Miền Bắc, thi sĩ Vũ Hoàng Chương nhớ người bạn thơ còn ở lại Miền Bắc là Ngân Giang nữ sĩ:
NỔI TRÔI
Đặt bút cùng ngâm khúc bể dâu
Nổi trôi từ đấy xót cho nhau
Một phen nhật nguyệt tranh ngôi sáng (*)
Hai ngả lòng thu dựng tháp sầu (*)
Tình cũng hoài thôi say chẳng nỡ
Xuân sang đó nhỉ mộng về đâu
Rằng hư rằng thực lời tâm huyết
Non vẫn cao hề nước vẫn sâu.
(Vũ Hoàng Chương)
Chú thích: Theo chiết tự của chữ Hán: chữ “nhật” và chữ “nguyệt” ghép lại là chữ “minh” (=sáng) còn chữ “tâm” (=lòng) và chữ “thu” ghép lại là chữ “sầu”.
Vì thương bạn là ông Phan Khôi trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm ở ngoài Bắc, ông có làm bài thơ tặng dưới đây bằng tiếng Hán Việt rồi tự mình dịch ra tiếng Việt:
LOẠN TRUNG HỮU BIỆT TRONG THỜI LOẠN XA BẠN
Đối diện tằng xưng thiên cãi văn Từng khen tuyệt tác ấy văn trời
Kim chiêu biệt hỹ, bút ưng phần! Tạm biệt từ đây bẻ bút thôi
Đông tây mộng quải tam canh nguyệt Giấc mộng đông tây vầng nguyệt lửng
Nam bắc tình khiên vạn lý vân Tơ tình nam bắc đám mây trôi
Trọc tửu vô đăng sầu bất ngữ Tỉnh say một cuộc đành không bạn
Hoàng sam thanh nhãn ý hà vân Hào hiệp ngàn xưa dễ mấy người
Thu phong sạ khởi tiêu hồn cực Chợt nổi gió thu lòng héo hắt
Hổ khiếu viên đề hoảng hốt văn. Đâu đây hổ thét vượn than dài.
(Vũ Hoàng Chương) (Vũ Hoàng Chương tự dịch)
Tâm hồn di cư của ông vẫn còn nhớ ngoài Bắc:
NHỚ BẮC
Phách dựng hồn lên đỉnh nhịp ba
Đàn chìm sâu tận đáy xương da
Chĩu mười năm mộng khoang thuyền khói
Nghiêng trái tim đèn nửa mặt hoa
Bến cát đìu hiu nghe gió lọt
Mành thưa nghẹn lệ vỡ hơi ca
Một cung bùn ngập tràn phương bắc
Lửa quỷ ai thiêu rụng ngón ngà.
(Vũ Hoàng Chương)1962
Ông Vũ Hoàng Chương là Thi sĩ phong phú nhứt trong lịch sử thi văn nước Việt. Tuy dùng chữ Quốc Ngữ nhưng ông làm thơ cả tiếng Hán lẫn tiếng Việt (Hán Nôm). Ông Vũ Hoàng Chương làm tất cả những thể thơ (mới và cũ) kể cả thể thơ Hát Nói và kể cả những phương cách của Thơ Đường (như Họa Vận, Liên Hoàn…).
NHỊP BẮC PHẢN
Lưu Lang có phải tiền thân?
Mặc cho bãi bể mấy lần nương dâu
Tầng rêu khe đá bụi ngầu
Vung tay gỡ thử mối sầuThiên Thai
Trùng du Nam Phố-Trùng Dương tiết
Cuộc truy hoan mài miệt trắng bao đêm
Những vì ai khoảnh khắc trái tim mềm
Đã nửa kiếp lăng tằng-ai đấy nhỉ?
Thị dã-bất tài minh chủ khí?
Phi hồ-đa bệnh cố nhân sơ!
Đắm hồn say trong tiếng túc tơ
Nhịp Bắc Phản đêm mưa càng thánh thót
Quanh ngọn lửa vẫn oanh chào yến hót
Mấy tang thương còn thú yêu hoa
Nhìn nhau-ta lại là ta.
(Vũ Hoàng Chương)
Đây mới chính thực là bài thơ thể Hát Nói cuối cùng của nước Việt?
Thi Sĩ của Phật Giáo
Ông Vũ Hoàng Chương là một người theo Phật Giáo.
HOA SEN
Kiều trang phơi phới gót thanh tao
Đưa đón thời duyên mặc lý đào
Nhụy một khuôn vàng gương náu bụi
Cánh ba tầng ngọc tháp vương cao
Lòng kia vẫn thẳng dù vương vít
Hương ấy càng xa lại ngạt ngào
Biết mặt gió xuân từ mấy độ
Mà hoa quân tử ý chưa trao.
(Vũ Hoàng Chương)
Tâm tình ông Vũ Hoàng Chương cũng giao động trong năm 1963 trước cuộc đấu tranh của Phật Giáo chống lại chính phủ Ngô Đình Diệm. Đứng về phe với Phật Giáo, trong tập thơ “Lửa Từ Bi”, ngoài bài thơ mới “Lửa Từ Bi” hiến dâng cho Thượng Tọa Thích Quảng Đức, ông có làm những bài thơ Đường Luật Thất Ngôn Tứ Tuyệt dưới đây vào những tuần lễ của tháng 10-1963:
TRỜI CAO PHẬT HIỆN
Trời lưu ly hiện Phật Kim Cương
Mây bạc thân vàng nét tỏ gương
Quạ lửa càng sôi cơn thịnh nộ
Càng in bóng ngọc xuống mười phương.
(Vũ Hoàng Chương) 10-10-63
DIỀU CHÁY LƯNG TRỜI
Vận nước dầu sôi trải nấu nung
Nhiệt tâm càng đỏ nén hương chung
Lá bên Ngô dẫu còn no gió
Gặp lửa Tử Bi cũng cháy bùng.
(Vũ Hoàng Chương) 17-10-63
LINH SƠN PHẬT KHÓC
Phật ngự tòa sen…khối xót thương
Vỡ ra thành lệ ngấn còn hương
Lung linh giọt ngọc từng giây phút
Tẩy sạch ngai vàng bóng Quỷ Vương.
(Vũ Hoàng Chương) 20-10-63
LỬA GỌI ĐỒNG THƯA
Ngọc lửa Từ Bi gọi cảm thông
Bảy lần sôi máu khắp non sông (*)
Đàn con Đức Mẹ quỳ, rơi lệ
Chuông thánh đường vang dội tiếng đồng.
(Vũ Hoàng Chương) 27-10-63
(*) Chú thích: Bài cuối cùng (Lửa Gọi Đồng Thưa) làm cùng ngày, ngay sau cuộc tự thiêu cuối cùng (lần thứ 7) của tăng ni Phật Giáo xảy ra ở trước nhà thờ Đức Bà: đó là ngày 27-10-63, ngày sư Thiện Mỹ tự thiêu trước nhà thờ Đức Bà (ở Sài Gòn).
Đây là lịch sử của 7 tăng ni đã tự thiêu:
Ngày 11-6-1963, Thượng Tọa Thích Quảng Đức (1897-1963), trụ trì chùa Quán Âm ở Phú Nhuận, tự thiêu ở ngã tư Lê Văn Duyệt và Phan Đình Phùng lúc 10 giờ sáng trong tư thế kiết già.
Ngày 3-8-1963, Sư Thanh Tuệ (18 tuổi) tự thiêu ở chùa Phước Duyên của huyện Hương Trà, Thừa Thiên.
Ngày 4-8-1963, Sư Nguyên Hương (23 tuổi) tự thiêu tại đài chiến sĩ ở Bình Thuận (Phan Thiết).
Ngày 15-8-1963, Ni Cô Diệu Quang (27 tuổi) tự thiêu ở huyện Ninh Hòa, Khánh Hoà (Nha Trang).
Ngày 16-8-1963, Sư Tiêu Diêu (71 tuổi) tự thiêu trước chùa Từ Đàm ở Thừa Thiên (Huế) Ngày 5-10-1963,
Sư Quảng Hương (37 tuổi), thuộc tỉnh hội Phật Giáo Ban Mê Thuột, tự thiêu ở chợ Bến Thành, Sài Gòn.
Ngày 27-10-1963, Sư Thiện Mỹ (23 tuổi) của chùa Vạn Thọ tự thiêu ở trước nhà thờ Đức Bà, Sài Gòn.
Chính phủ Ngô Đình Diệm sụp đổ sau cuộc đảo chánh 5 ngày sau đó (1-11-1963). Tổng Thống Ngô Đình Diệm và em là Cố Vấn Ngô Đình Nhu bị giết chết (2-11-1963).
Ngày 31-12-1963, các tổ chức Phật Giáo VNCH họp tại chùa Xá Lợi thành lập 1 Giáo hội độc nhất của Việt Nam Cộng Hỏa gồm cả Đại Thừa và Tiểu Thừa gọi là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất với Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết làm Tăng Thống, Thượng Tọa Thích Tâm Châu làm Viện Trưởng Viện Hóa Đạo và Thượng Tọa Thích Trí Quang làm Tổng Thư Ký Viện Tăng Thống.
Đây là tên của các tổ chức kể trên:
Ủy Ban Liên Phái Phật Giáo: TT Thích Tâm Châu (1921-2015), người Ninh Bình (di cư vào Nam năm 1954).
Thiền Tịnh Đạo Tràng: TT Thích Minh Trực
Giáo hội Tăng Già Bắc Việt: TT Thích Tâm Giác
Giáo hội Tăng Già Bắc Việt tại miền Nam: TT Thích Thanh Thái
Giáo hội Tăng Già Trung Phần: TT Thích Huyền Quang (1920-2008), người Bình Định
Giáo hội Tăng Già Nam Việt: TT Thích Thiện Hoa
Giáo hội Nguyên Thủy Việt Nam: TT Thích Pháp Tri
Giáo hội Theravada: Lục Cả Lâm Em
Hội Phật Học Nam Việt: Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền
Hội Phật Giáo Nguyên Thủy: Cư Sĩ Nguyễn Văn Hiếu
Hội Phật Giáo Trung Phần: TT Thích Trí Quang (1923-2019), người Quảng Bình
Hội Phật Giáo Việt Nam: Cư Sĩ Vũ Bảo Vinh
Đại diện Phật Tử Theravada: Cư Sĩ Sơn Thái Nguyên.
Lúc đó Sài Gòn có 2 ngôi chùa nổi danh là chùa Xá Lợi (của Cư sĩ Mai Thọ Truyền) và chùa Ấn Quang (của TT Thích Thiện Hòa và TT Thích Thiện Hoa). Sau đó Giáo hội PGVNTN chia thành 2 khối cho đến 1975: Khối “Việt Nam Quốc Tự/Vĩnh Nghiem” của TT Thích Tâm Châu (gồm 8 đoàn thể) và Khối “Ấn Quang” của TT Thích Trí Quang (gồm 3 đoàn thể). Chùa Việt Nam Quốc Tự (của TT Thích Tâm Châu và TT Thích Thiện Minh) cũng như chùa Vĩnh Nghiêm (của TT Thích Tâm Giác và TT Thích Thanh Kiểm) xây sau 1963.
Năm 1966, Phật Giáo ở miền Trung ủng hộ Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi chống lại Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu và Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ (và Trung tướng Nguyễn Hữu Có). Ông Vũ Hoàng Chương cũng theo dõi và ủng hộ Phật Giáo ở Huế với 3 bài thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú liên hoàn thủ vỹ ngâm rất đặc biệt:
CHUÔNG CHÙA DIỆU ĐẾ
Huế đô sợi tóc buộc ngàn cân
Thành nội vang rền súng ngoại nhân
Sườn núi mở tung gan Phật tử
Lòng sông nghẹn uất máu lương dân
Nhưng chùa Diệu Đế còn cao vút
Thì bóng Ma Vương đã xóa dần
Mình chẳng giết mình ai giết nỗi
Ngàn thu văng vẳng tiếng chuông ngân.
Ngàn thu văng vẳng tiếng chuông ngân
Vàng gợi dư linh thuở Lý Trần
Ai đó cũng thương nòi xót giống
Mà sao nỡ lấy giả làm chân
Sóng sông ngửa mặt từng rung cảm
Vách núi nghiêng tai cũng thấm nhuần
Mình chẳng cứu mình ai cứu nỗi
Chuông khua mười góc bể trầm luân.
Chuông khua mười góc bể trầm luân
Đinh Lý hai triều cũng Phú Xuân
Rằng tự giết mình hay tự cứu
Tuy là nghiệp đấy cũng là thân
Gió lên đỉnh Ngự mây về gốc
Bụi lắng sông Hương nguyệt tới tuần
Bia đá mai đây lòng nặng chĩu
Huế đô sợi tóc buộc ngàn cân.
(Vũ Hoàng Chương) 26-6-66
Thi Sĩ của Lịch Sử *
Trong thời VNCH, thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã làm nhiều thơ vịnh lịch sử.
KỶ DẬU HỒI THANH
Kê minh nhật thướng cựu sơn xuyên Đất xưa gà gáy mặt trời lên
Hồi ức Quang Trung vũ hịch truyền Giục nhớ Quang Trung hịch sấm truyền
Sơn vỹ sơn đầu hoa giải ngữ Hoa nở cánh chào ngang dọc núi
Hòa âm xuân thảo nhiễu bình nguyên. Hòa âm cỏ ngát xuống bình nguyên
(Vũ Hoàng Chương) (Vũ Hoàng Chương tự dịch)
VỊNH HAI BÀ TRƯNG
Đồng trụ tan tành lớp phế hưng
Miếu Đồng Nhân vẫn khói hương lừng (*)
Thương chồng thương chị cùng đau đáu
Lo nước lo đời há dửng dưng
Liệt nữ cả hai còn sử chép
Lĩnh Nam riêng một có Vương xưng
Ngàn sau nhuệ khí con nòi Lạc
Mũi kiếm đầu voi đủ tượng trưng.
(Vũ Hoàng Chương)
(*) Chú thích: Đền Đồng Nhân thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội thờ Hai Bà Trưng.
CHIẾN CÔNG ĐỜI TRẦN
Trang sử Đông A nhược thắng cường (*)
Đến nay càng đẹp ý treo gương
Hội Diên Hồng đó nền dân chủ
Sóng Bạch Đằng kia hịch đại vương
Giáo trỏ “Thôn Ngưu” trời đã nín (*)
Tay chàm “Sát Thát” giặc nào đương (*)
Khí thiêng Vạn Kiếp bừng mây khói
Lòng chợt hoa quỳ khắp bốn phương.
(Vũ Hoàng Chương)
(*) Chú thích: Đông A là (họ nhà) Trần. Theo Hán Tự, chữ Trần gồm có chữ Đông và một phần của chữ A. (Theo Việt Sử Toàn Thư / Phạm Văn Sơn)
Mượn ý chữ “thôn ngưu” trong bài thơ của Phạm Ngũ Lão. Thôn Ngưu = át, lấy, nuốt sao Ngưu trên trời.
Sát Thát = giết người Thát Đát (Tartar, giống người Mông Cổ). Quân Việt kháng Nguyên có thích trong cánh tay chữ “Sát Thát”.
* Sau Đệ Nhất Cộng Hoà của chính phủ Ngô Đình Diệm, nền Đệ Nhị Cộng Hòa thành hình cho đến năm 1975.
Vào Tết năm Mậu Thân (1968), Miền Bắc tổng tấn công vào thị thành miền Nam và chiến tranh trở thành khốc liệt. Đây là tâm tình thương cảm tiêu cực của thi sĩ đối với cuộc chiến Mậu Thân ở Huế:
HUẾ CẢM
Giường thấp giường cao ruồi nhặng bâu
Xuân sang đối diện Quỷ không đầu
Mơ rồng ấp trứng sông Hương tủi
Lắng vượn gào con đỉnh Ngự sầu
Lăng miếu gần kề lưng chó sói
Thịt xương phó mặc vuốt diều hâu
Miền Nam câu hỏi trăm năm trước
Ai trả lời cho Huế…bởi đâu.
Bởi đâu non nước ấy tan tành
Lửa đỏ mây đen thắt chặt vành
Nặng dẫu bằng non thân cũng gục
Rửa cho hết nước máu còn tanh
Kim Long quẫy đứt hơi sương gió
Bạnh Hổ gầm vang nhịp sắt đanh
Từng tiếng ngân dài chùa tháp Mụ
Hồi thanh rền rĩ súng liên thanh.
Súng liên hồi nổ…kịch ai dàn
Đã một trăm năm chẳng hạ màn
Lần lượt vai trò rơi ấn kiếm
Dằng dai sân khấu ngập bùn than
Sông theo Phật hẹn giòng vơi lệ
Núi chống Trời tin đã vững gan
Gió lọt bỗng dưng trên mặt giấy
La đà bóng trúc…Huế bình an.
Huế bình an chứ đẹp bao nhiêu
Chẳng thấy không gian đủ bốn chiều
Cành trúc gió đưa về gốc Lạc
Câu hò máy đẩy tới trời Nghiêu
Mong người một nước soi gương cũ
Nguyện đấng ngàn tay độ nhiễu điều
Phủ lấy cho càng cao giá ngọc
Thơ ai từng dệt tấm thương yêu.
Dệt tấm thương yêu nhớ ngược giòng
Chín thương mười nhớ đấy Châu Phong
Cố đô Sử chép nhiều tên gọi
Trực bắc Thơ dành một hướng mong
Nối lại thuở nay liền thuở trước
Nghe ra thành Phượng có thành Long
Cả Hoa Lư với Mê Linh nữa
Xác bướm đè muôn tảng đá ong.
Đá ong xây giữa mộng đêm vàng
Sầu Cố Đô lên vút tượng Nàng
Thành quách trải bao nơi lập quốc
Miếu đường thêm một chuyến cư tang
Ngọ Môn vỡ tiếng rên gò đống
Bảo Đỉnh sôi cơn giận xóm làng
Nửa giấc lạnh tanh rời vạc thuốc
Cửa Sài nghe đạn réo vang vang.
Đạn réo vang vang…lửa bốn bề
Như thiêu giường bệnh cháy cơn mê
Sốt dâng mạch loạn càng u uất
Máu chảy ruồi bâu chợt não nề
Cũng đất Hương Bình đen cánh quạ
Hẳn mây Nùng Nhị trắng phương quê
Xác thân mòn mỏi cùng dâu bể
Còn chút hơi thơ gửi vọng về.
Gửi vọng về ngôi Sầu Cố Đô
Tan tành ngọc đá kể chi mô
Chiều Vân Lâu xuống hoài u bến
Gương Tĩnh Tâm soi vẹn nhớ hồ
Đối bóng vẫn mơ màng bóng hiện
Biết ai mà nhắn nhủ ai vô
Ôi bài Huế Cảm xuân dâng ý
Nghe có hơi thu họa dưới mồ.
(Vũ Hoàng Chương)
Sài Đô Xuân Mậu Thân
Đây là 8 bài thơ Đường Luật Liên Hoàn Liên Vận với 14 chữ tựa đề của Thi sĩ Vũ Hoàng Chương:
Hoa hạ chi thành đăng hạ bút
Loạn trung Huế Cảm bệnh trung nhân
Thật ra tổn thất nhân mạng ở Huế rất nặng nề và thảm khốc. Theo báo cáo tổng kết của Douglas Pike lúc bấy giờ là nhân viên Cục Tâm lý chiến của cơ quan thông tin Hoa Kỳ, năm 1970:
Câu chuyện về Huế chưa chấm dứt. Nếu ước đoán của giới chức Huế được coi như gần đúng, khoảng 2.000 người vẫn còn mất tích. Tổng kết về người chết và mất tích như sau:
- Tổng số dân sự tử vong: 7.600 - chết lẫn mất tích
- Chiến trường: - 1.900 bị thương vì chiến cuộc; 944 thường dân chết vì chiến cuộc
- Nạn nhân trong những ngôi mộ tập thể:
1.173- số tử thi tìm trong đợt đầu sau cuộc chiến, 1968
809- số tử thi tìm trong đợt nhì, kể cả tìm thấy ở đụn cát, tháng 3-7 năm 1969
428- số tử thi tìm trong đợt thứ ba, trong khe Đá Mài (khu Nam Hoa) - tháng 9 năm 1969.
300 - số tử thi tìm trong đợt thứ tư, khu Phu Thu, tháng 11 năm 1969
100 - số tử thi tìm thấy các nơi trong năm 1969
1.946 - mất tích (tính đến năm 1970)
Cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân của quân đội Miền Bắc nhằm vào các tỉnh thành của Miền Nam đã giết chết khoảng 14.300 thường dân Miền Nam (kể cả phụ nữ và trẻ con) và có hơn 24.000 người bị thương. 630.300 người dân Miền Nam mất nhà cửa phải sống tỵ nạn ở chỗ khác. Chính quyền Miền Bắc đã vi phạm thỏa hiệp hưu chiến cho 3 ngày Tết trong cuộc tấn công nầy.
Người Miền Nam đã sống trong lúc đó có suy nghĩ khác hơn thi sĩ Vũ Hoàng Chương:
MẬU TUẤT NHỚ MẬU THÂN
Mậu Tuất đây rồi, nhớ Mậu Thân (*)
Miền Nam từ đấy nhuốm phong trần
Chiến trường khốc liệt, nhiều bom đạn
Tổ quốc điêu tàn, chẳng pháo lân
Ngày Tết thảm thương thân tử sĩ
Ngày Xuân thảm khổ kiếp thường dân
Âm mưu thôn tính từ phương Bắc
Bởi bọn tà gian đoạn nghĩa nhân.
(Phan Thượng Hải) 2/5/18
(*) Chú thích: Tết Mậu Thân 1968. Tết Mậu Tuất 2018.
* Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Miền Nam bị Miền Bắc chiếm. Đầu Xuân năm 1976, thi sĩ Vũ Hoàng Chương cũng đã có làm bài thơ Xuân nói về thời thế xã hội nhân sinh hỗn loạn lúc giao thời ở Miền Nam lúc bấy giờ và tỏ tình ý của mình.
VỊNH TRANH GÀ LỢN (Nguyên bản)
Sáng chưa sáng hẳn, tối không đành
Gà lợn, om sòm rối bức tranh
Rằng vách có tai, thơ có họa
Biết lòng ai đỏ, mắt ai xanh
Mắt gà huynh đệ bao lần quáng
Lòng lợn âm dương một tấc thành
Cục tác nữa chi, ngừng ủn ỉn
Nghe rồng ngâm váng khúc tân thanh.
(Vũ Hoàng Chương) Tết Bính Thìn 1976
VỊNH TRANH GÀ LỢN (Họa)
Vẽ cọp không xong chuyện phải đành
Vịnh tranh gà lợn, ngán đua tranh
Thảm hình thời thế, màu đen đỏ
Thảm họa trần ai, mắt trắng xanh (*)
“Gà chết” chôn theo đời đạo đức
“Lợn lòng” thay đổi dạ trung thành
Giữ riêng bút thép tròn chung thủy
Bảo thủ hoàng chương hữu ngọc thanh. (*)
(Phan Thượng Hải) 2014
(*) Chú thích: Từ câu thơ “Mắt xanh trắng đổi lầm bao khách tục” (Tản Đà)
Hoàng chương là tên của thi sĩ nhưng cũng có nghĩa là "văn chương hay đẹp".
Khoảng một năm sau ngày 30-4-1975; vào đầu tháng 4, 1976, nhà văn Thanh Nghị có tổ chức một "Đêm Họp Mặt Văn Nghệ" để bình bài thơ "Khóc Stalin" của Tố Hữu. Các thi nhân Miền Bắc có đến dự và có phát biểu cảm tưởng ca tụng bài thơ như Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ Đình Liên, Hoài Thanh... Ông Vũ Hoàng Chương của Miền Nam cũng được Thanh Nghị mời đến dự và mời phát biểu.
Đây là một đoạn trong toàn phần phát biểu của Vũ Hoàng Chương về bài thơ và kỹ thuật làm thơ của Tố Hữu (theo người viết báo có bút hiệu là Sông Lô):
Thi nhân từ cảm xúc mỗi lúc tác động vào tâm cảnh của mình, để hồn trí phản ứng theo thất tình con người mà vận dụng thi tứ phổ diễn nên lời một tình tự nào đó, rồi đãi lọc thành thơ. Sự vận dụng càng xuất thần, việc phổ diễn càng khẩu chiếm, thơ càng có giá trị cao.
Cảm xúc trước cái chết của một thần tượng được ‘đóng khung’ tự bao giờ trong tâm cảnh mình, Tố-Hữu đã xuất thần vận dụng nỗi u hoài, phổ diễn nên những lời thơ thật khẩu chiếm, rồi dùng những từ thật tầm thường, ít thi tính, đãi lọc nỗi u hoài của mình thành một tiếng nấc rất tự nhiên, đạt đến một mức độ điêu luyện cao.
Lời thẩm định của Thanh-Nghị thật xác đáng, tôi chịu. Nhưng thơ không phải chỉ có thế. Xuất thần khẩu chiếm thuộc phạm vi kỹ thuật, dù đã có thi hứng phần nào, và nếu chỉ có thế thì thơ chỉ có khéo mà thôi, chưa gọi là đạt; tức chưa phải là hay. Thơ hay cần phải khéo như thế vừa phải đạt thật sự. Thi hứng nằm trong sự thực của tình tự phổ diễn nên lời. Tình tự mà không thực, lời thơ thành gượng ép. Vấn đề của thơ, nói cho đến nơi, là ở đây, có nghiã là thơ phải thực.
Tố-Hữu đặt tiếng khóc của chính mình vào miệng một bà mẹ Việtnam, muốn bà dùng mối u hoài của một nhà thơ để dạy con trẻ Việtnam yêu cụ Stalin thay cho mình. Cũng chẳng sao vì đó cũng là một kỹ thuật của thi ca; nhưng trước hết phải biết bà mẹ Việtnam có cùng tâm cảnh với mình không, có chung một mối cảm xúc hay không? Tôi biết chắc là không. Bởi trong đoạn trên của hai câu lục bát này trong bài ‘Đời đời nhớ Ông’ Tố-Hữu đã đặt vào lời bà mẹ hai câu:
Yêu biết mấy nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin.
Chắc chắn là không có một bà mẹ Việtnam nào, kể cả Bà Tố-Hữu, mà thốt được những lời như vậy một cách chân thành. Cái không thực của hai câu này dẫn tới cái không thực hai câu sau ta đang mổ xẻ.
Một tình tự không chân thực, dù đươc luồn vào những lời thơ xuất thần, khẩu chiếm đến đâu cũng không phải là thơ đẹp, thơ hay, mà chỉ là thơ khéo làm; đó chỉ là thơ thợ chứ không phải là thơ tiên. Loại thơ khéo này người thợ thơ nào lành nghề cũng quen làm, chẳng phải công phu lắm. Nhất là nếu có đòi hỏi một tuyên truyền nào đó. Tố-Hữu nếu khóc lấy, có lẽ là khóc thực, khóc một mình. Nhưng bà mẹ Việtnam trong bài đã khóc tiếng khóc tuyên truyền, không mấy truyền cảm.
Thi sĩ Vũ Hoàng Chương cũng thố lộ kỹ thuật làm thơ của mình trong buổi họp nầy. Ông nói:
Thơ vốn là mộng, là tưởng tượng, là tách rời thực tế, nhưng mộng trên những tình tự thực. (Tôi) Không chấp nhận loại thơ tình tự hoang. Có khoa học giả tưởng, không có thơ giả tưởng. Nói thơ là nói đến thế giới huyễn tưởng, huyễn tưởng trên sự thực để thăng hoa sự thực, chứ không bất chấp, không chối bỏ sự thực. Nhà thơ không được láo; nhà thơ phải thực nhưng thoát sáo sự thực thành mộng để đưa hồn tính người yêu thơ vươn lên sự thực muôn đời đạt đến chân lý cuộc sống. Thiên chức thi ca là ở chỗ đấy. Tôi xin nhắc, sự thực muôn đời là cơ sở duy nhất của thi ca; vì có sự thực cho riêng một người, có sự thực cho riêng một thời, nhưng vẫn có sự thực cho muôn đời, sự thực bao quát không gian, thời gian, chân lý cuộc sống.
Sau khi di cư vào Miền Nam (1954), Vũ Hoàng Chương thường làm thơ theo thể thơ cổ điển nhất là thơ Đường Luật. Ông vẫn dùng kỹ thuật làm thơ như ông đã nói: "đem mộng vào thực".
Khoảng 1 tuần lễ sau đó vào ngày 13 tháng 4 năm 1976, ông Vũ Hoàng Chương bị bắt vào khám Chí Hòa. Đến đầu tháng 9, 1976, vì bệnh nặng nên ông được thả về nhà và qua đời 5 ngày sau đó (6-9-76).
Thi sĩ có làm bài thơ lúc ở trong tù:
TRONG KHÁM CHÍ HÒA (Nguyên bản)
Thấm thoát vào đây tháng đã tròn
Lông hồng gieo xuống nhẹ như non
Một manh chiếu nát thân tơi tả
Nửa bát cơm hôi xác đã mòn
Ngày đến bữa ăn thường nhớ vợ
Đêm về giấc ngủ lại thương con
Dẫu bao nước chảy qua cầu nữa
Hồ dễ gì phai được tấc son.
(Vũ Hoàng Chương) 1976
HOÀNG CHƯƠNG (Họa)
Hoàng chương công nghiệp đủ vuông tròn (*)
Thời thế đồng cam phận nước non
Phật đạo tu tâm, tâm vẫn vững
Văn thơ múa bút, bút không mòn
Lao lung tàn xác thân quân tử
Lao thất thâm tình nghĩa vợ con
Quốc biến sơn hà đa hữu trách (*)
Thi hào tự tại tấm lòng son.
(Phan Thượng Hải) 2020
(*) Chú thích: Hoàng chương là tên của thi sĩ nhưng cũng có nghĩa là "văn chương hay đẹp". Từ câu: "Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách"
* Những người Miền Nam ở lại sau ngày 30-4-1975 cũng bày tỏ cảm tưởng của mình về chế độ mới trong nhiều năm sau đó:
CỰC TẢ (Nguyên Bản)
Cửa đóng màn che đã mấy thu
Đời tàn ngõ hẹp sống như tù
Quẩn quanh họp lại thiền Đông Độ
Vào ra luyện mãi phép Tây Du
Rầu rĩ Giáng Tiên ngồi gãi háng
Nẫu nà Từ Thức đứng xoa khu
Ăn chỉ tương cà, chê thịt cá
Sống chẳng tu hành cũng quá tu.
(Hoàng Hải Thủy) 1982
QUÂN TÁN (Họa)
Quân tán còn chi xuất với thu
Thong dong thì cũng xác thân tù
Hữu tật cam đành câu bất dụng
Vô tài nên chịu tiếng nan du
Những tưởng khoan hồng anh hạ bộ
Nào ngờ mắc bẫy chú Xuân Khu (*)
Chung cuộc vài năm cầm cán cuốc
Tu đọi, tu huyền ấy cũng tu.
(Dương Hùng Cường) 1982
(*) Chú thích: Trường Chinh Đặng Xuân Khu.
NGƯỜI Ở LẠI 30-4-75 (Họa)
Ngu dại một ngày để tiếp thu
Dưới quyền nhà nước, giống nhà tù
Hận đời cải tạo hành lao động
Buồn cảnh ly tan mộng viễn du
Lạc hậu tuyên truyền toàn lãnh thổ
Nghèo hèn áp đặt tận biên khu
Ta bà thế giới còn sinh sống
Địa ngục đây rồi khỏi phải tu.
(Phan Thượng Hải) 2014
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
Bài viết nầy đăng lần đầu tiên trong phanthuonghai.com trong mục Thơ và Sử phần Thời Cộng Hòa. Tài Liệu
Tham Khảo:
Thơ và Sử Việt - Thời kỳ Độc Lập (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
Thơ và Sử Việt - Lãng Ba và Miền Nam (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
Thơ Phan Thượng Hải - Tổ Quốc (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
Trang Thơ Thi Viện Net
Google Wikipedia
Bs PHAN THƯỢNG HẢI BIÊN soạn và giữ bản quyền
THI VỊ CỦA HÒN VỌNG PHU
Bs Phan Thượng Hải biên soạn



HÒN VỌNG PHU Ở NÚI KỲ LỪA
Có hai Hòn Vọng Phu chính trong lịch sử:
Hòn Vọng Phu ở núi Kỳ Lừa gần thị trấn Đồng Đăng tỉnh Lạng Sơn
Hòn Vọng Phu ở núi Bà thuộc huyện Phù Cát tỉnh Bình Định (Qui Nhơn).
Hai Hòn Vọng Phu nầy là chứng tích của 2 chuyện tình khác nhau đã tạo nên thi hứng cho nhiều thi nhân từ thi nhân Hồng Đức, thi hào Nguyễn Du, nhà cách mạng Phan Châu Trinh cho tới Hồ Dzếnh. Thi vị Hòn Vọng Phu cũng thể hiện bằng thơ chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc Ngữ.
"Đồng Đăng có núi Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh"
Hai câu ca dao nầy nói đến núi đá vôi Kỳ Lừa nằm bên sông Kỳ Cùng. Tương truyền vì mong mỏi chồng (Tô Văn) đi đánh trận lâu về, nàng Tô Thị bồng con lên núi Kỳ Lừa bên bờ sông Kỳ Cùng ngóng trông lâu ngày hóa thành đá. Hòn đá nầy có hình như người mẹ bồng con gọi là Vọng Phu Thạch (Đá Vọng Phu). Núi Kỳ Lừa nầy còn gọi là núi Tô Thị. Hòn Vọng Phu hay Hòn Tô Thị ở Đồng Đăng, Lạng Sơn. Nó đã bị vỡ nát vào năm 1991. Sau nầy 1 tượng xi măng được đưa lên thay thế.
Từ Hà Nội đến Nam Quan là 167 km. Chợ Đồng Đăng ở cây số 162, đồn Tam Lung ở cây số 158, chợ Kỳ Lừa ở cây số 152 và tỉnh lỵ Lạng Sơn ở cây số 150.

Sự tích Hòn Vọng Phu ở núi Kỳ Lừa bắt đầu với bài thơ của ông Nguyễn Du vào năm 1803 (đầu thế kỷ 19), được rất nhiều người dịch:
VỌNG PHU THẠCH ĐÁ VỌNG PHU
Thạch da ? Nhân da ? Bỉ hà nhân ? Là đá là người, ai đó vậy?
Độc lập sơn đầu thiên bách xuân Chon von đầu núi mấy nghìn xuân
Vạn kiếp diểu vô vân vũ mộng Thần nữ mây mưa không bén mộng
Nhất trinh lưu đắc cổ kim thân Chữ trinh một kiếp phải treo thân
Lệ ngân bất tuyệt tam thu vũ Mưa trời nước mắt quanh năm tháng
Đài triện trường minh nhất đoản văn Rêu biếc còn đây một áng văn
Tứ vọng liên sơn diểu vô tế Bao la trời đất cương thường ấy
Độc giao nhi nữ tiện di luân. Lại trút trên đầu kẻ yếm khăn.
(Nguyễn Du) (Lưu Trọng Lư dịch)
VỌNG PHU THẠCH ĐÁ VỌNG PHU
Thạch da ? Nhân da ? Bỉ hà nhân ? Đá hay người ? Chẳng biết là ai ?
Độc lập sơn đầu thiên bách xuân Đỉnh núi ngàn xuân đứng miệt mài
Vạn kiếp diểu vô vân vũ mộng Bỏ mộng mây mưa từ vạn kiếp
Nhất trinh lưu đắc cổ kim thân Giữ thân trinh tiết đến muôn đời
Lệ ngân bất tuyệt tam thu vũ Ba thu mưa lệ hoài không dứt
Đài triện trường minh nhất đoản văn Một áng văn rêu mãi tuyệt vời
Tứ vọng liên sơn diểu vô tế Núi biếc mênh mông trùng điệp điệp
Độc giao nhi nữ tiện di luân. Luân thường phận gái gánh trên vai.
(Nguyễn Du) (Hải Đà dịch)
Bài "Vọng Phu Thạch" nầy tìm thấy trong tập thơ "Làm Quan Ở Bắc Hà" của ông Nguyễn Du (1802-1804). Trong thời gian nầy, ông Nguyễn Du bắt đầu ra làm quan với nhà Nguyễn sau khi vua Gia Long thống nhất đất nước (1802) với chức Tri Huyện rồi Tri Phủ ở trấn Sơn Nam. Ông không có đi sứ trong khoảng thời gian nầy nhưng có được cử lên Nam Quan tiếp đón sứ nhà Thanh sang phong sắc cho vua Gia Long (1803). Sau đó sứ thần nầy đến Thăng Long phong sắc cho vua Gia Long và chính thức công nhận tên nước ta là Việt Nam. Bài thơ "Vọng Phu Thạch" chỉ có thể được làm trong dịp nầy. Từ năm 1805, ông Nguyễn Du vào làm quan ở miền Trung và triều đình Huế.
Ông Nhàn Vân Đình và ông Trần Thiếp có làm 8 bài thơ xướng họa vào đầu thế kỷ 20 bằng chữ Quốc Ngữ mô tả Lạng Sơn Bát Cảnh: Tam Thanh động, Song Tiên động, Mạc Gia thành, Tô Thị sơn, Kỳ Lừa thị, Kỳ Cùng giang, Na Sầm phố và Tuần Mại quan. Ngày nay chỉ còn 8 bài họa của ông Trần Thiếp.
TÔ THỊ SƠN
Sắc đá trơ trơ giữa cõi trần
Mong chồng viễn thú dạ phân vân
Chàng vừa tuổi trẻ nhanh tài võ
Thiếp luống canh chầy đợi cửa xuân
Văn gấm gởi đi đường trái lối
Non xanh đành để tuyết pha thân
Hằng Nga ấy bạn tri âm đó
Hợp mặt canh khuya kể mấy lần.
(Trần Thiếp)
Hậu thế chỉ có thêm một bài thơ gồm những đoạn thơ Tứ Tuyệt của Thi sĩ Tiền Chiến Hồ Dzếnh (khoảng thập niên 1940-50):
NÚI VỌNG PHU
Nghe nói ngày xưa biển ở đây
Biển đi để lại núi non nầy
Mưa nguồn chóp bể chia hai ngả
Hòn vọng phu thương vọng hải đài
Thuở nhỏ tôi thường hay hỏi mẹ
Vì sao đỉnh núi mọc hình người
- Đợi chồng lâu quá nên thành đá
Hòn Vọng Phu kia đứng với đời
Tôi lớn dần lên đá vẫn chờ
Khi xa heo hút giữa sương mờ
Khi gần sừng sững chiều biên giới
Như bức phù điêu nét chửa khô
Không chỉ quê tôi núi đợi chồng
Còn nhiều nơi khác cảnh chờ mong
Bắc Nam đâu cũng niềm son sắt
Tạc giữa trời cao dáng thủy chung
Ôi nhớ rêu phong hồn cẩm thạch
Mối tình vời vợi giữa không gian
Bốn ngàn năm ấy bao sương gió
Mà vẫn đinh ninh thiếp đợi chàng.
(Hồ Dzếnh)

HÒN VỌNG PHU Ở NÚI BÀ (PHÙ CÁT)
Mỏm núi nào có chỗ cao chỗ thấp giống hình người mẹ và đứa con, qua trí tưởng tượng của người Việt, đều có thể trở thành Hòn Vọng Phu.
Nước Việt ta lại cũng có một câu chuyện Hòn Vọng Phu cho đá Vọng Phu ở Núi Bà thuộc huyện Phù Cát tỉnh Qui Nhơn (Bình Định) với nhiều chi tiết hơn.
Chuyện kể 2 vợ chồng lấy nhau, một hôm người chồng phát hiện ra vợ mình chính là em gái ruột đã xa nhau từ nhỏ từ một vết sẹo trên đầu. Vết sẹo ấy do ngày trước người anh vì vô tình làm người em chảy máu đầu sợ cha mẹ phạt nên bỏ trốn. Sau nầy họ lại gặp nhau và lấy nhau nên vợ chồng (vì không biết) và có một đứa con. Người chồng (người anh) day dứt lương tâm lấy cớ đi biển đánh cá rồi không trở về. Người vợ (người em) mòn mỏi đợi chờ từng ngày. Bà nhớ chồng nên ôm con ra hòn đá trước biển (Đông Hải) ngóng trông. Hai mẹ con chết hóa thành đá.
Hòn Vọng Phu nầy ở núi Bà nhìn ra biển Đông khác với Hòn Vọng Phu ở núi Kỳ Lừa (nhìn ra sông Kỳ Cùng).
Từ thời Pháp Thuộc, Hòn Vọng Phu nầy là đề tài của rất nhiều thi sĩ ở Nam Kỳ. Khởi đầu, ông Tôn Thọ Tường trong Bạch Mai thi xã có 2 bài thơ:
VỌNG PHU THẠCH
Đá tạc hình ai đã bấy đông
Con thơ tay ẩm luống trông chồng
Mưa ngâu dầm lụy trông ngàn bắc
Gió nữ rơi sầu giợn khắp đông
Rạng đất rạng trời thêm rạng tiết
Cùng non cùng nước chẳng cùng lòng
Khá khuyên má phấn trăm thu dưới
Lấy đó làm gương sửa tánh hung.
(Tôn Thọ Tường)
VỌNG PHU THẠCH (Nguyên bản)
Hình đá ai đem tạc biển đông
In hình nhi nữ dạng ngồi trông
Da dồi phấn tuyết phơi màu trắng
Tóc gội dầu mưa giũ bụi hồng
Ngày ngắm gương ô soi đáy nước (*)
Đêm cài lượt thỏ chải trên không (*)
Đến nay tuổi đã bao nhiêu thử
Trạc trạc bền gan chẳng lấy chồng.
(Tôn Thọ Tường)
(*) Ô: ám chỉ Mặt Trời. Thỏ: ám chỉ Mặt Trăng
Bài thơ thứ nhì của ông Tôn Thọ Tường có 2 bài họa của vợ chồng thi sĩ Thường Tiên và Song Thanh.
VỌNG PHU THẠCH (Họa)
Nhìn con chạnh tủi lệ sầu đông
Hóa đá trơ hình dạng ngóng trông
Đêm hứng sương chan đầu điểm bạc
Ngày phơi nắng ráng má tô hồng
Gió lay những tưởng thuyền ai ghé
Trăng dọi nào dè bến nước không
Sương tuyết chi sờn gan sắt đá
Khư khư một dạ chẳng hai chồng.
(Nữ sĩ Song Thanh)
VỌNG PHU THẠCH (Họa)
Nghe nói Vọng Phu núi phía đông
Chơn đi chưa tới mắt chưa trông
Bạc đen bịa lắm tình quân tử
Tiết nghĩa buồn cho phận má hồng
Ôm trẻ dầm sương ai có biết
Trông chồng thành đá kẻ rằng không
Trơ trơ một khối từ sơ tạo
Thêu dệt ra chi chuyện ngóng chồng.
(Thường Tiên)
Chỉ có nữ sĩ Song Thanh là thông cảm và thương tiếc, khác với tâm ý của ông Tôn Thọ Tường và ông Thường Tiên?
Từ ông Tôn Thọ Tường có những bài thơ Quốc Ngữ khác ở Nam Kỳ vào đầu thế kỷ 20 như của Tri Phủ Lê Văn Châu (tự Uyên Sanh), Tri Huyện Chợ Lớn Phan Văn Bảy tự Nguyện... Tất cả đều thương tiếc người chinh phụ như bà Song Thanh.
VỌNG PHU THẠCH
Muôn kiếp tình si một khối đông
Trơ trơ người đá đứng trông chồng
Tóc thề khắn khắn mây phong chặc
Lòng đợi làu làu tuyết rửa trong
Đoạn thảm dễ mòn non chất ngất
Giọt sầu khôn cạn biển mênh mông
Đã cam cái phận giày mưa gió
Dám phụ trăm năm một chữ đồng.
(Vô Danh Thị)
VỌNG PHU THẠCH
Vó cu từ thuở tách truông voi
Tin tức sao chàng có vắng mòi
Mày nguyệt hổ se mày nguyệt rậm
Tóc mây biếng gỡ tóc mây còi
Xốn xang nỗi thiếp con quên nựng
Bẳng hẳng vì chàng trẻ nặng roi
Cũng muốn học đòi người dệt gấm
Ngày qua tháng lại biến đưa thoi.
Thương xót cho người giữa đảnh non
Trơ trơ hình đá mấy thu tròn
Trông chồng tuyết bủa lòng đâu cạn
Bồng trẻ sương sa dạ dễ mòn
Mây tỏa dây sầu un khắp cảnh
Mưa tuôn giọt thảm chảy đầy hòn
Đa đoan trách bấy cho con tạo
Nỡ để xuân tàn tuổi phấn son.
(Lê Uyên Sanh)
VỌNG PHU THẠCH
Tình chi nên đá chịu non tây
Vỏ vỏ trông ai thắm triệu mày
Con dại vóc truồng chàng áo ráng
Mẹ khoe tuyết cứng vận xiêm may
Rửa tay biếng lóng hơi ve trổi
Ngóng mắt xa nhìn trận nhạn bay
Thầm thỉ duyên xưa khôn mở miệng
Nước non còn đó nước non hay.
Trinh phụ ngày xưa rất có lòng
Ôm con dựa đá ngảnh trông chồng
Ngày trương đôi mắt nơi trời bắc
Đêm xót một mình chốn bể đông
Tưởng lúc chia phui sầu lại thảm
Nhớ cơn ly biệt não thêm nồng
Tam tùng sách trước còn roi dấu
Trực tiết ngàn thu tiếng ngợi không.
Hình dung thành đá bấy thu nay
Ẩm trẻ trông chồng dạ chẳng khuây
Gió ấy tiếng than sương ấy lụy
Mây in tóc rối cỏ in mày
Lòng bền như sắt đầy trời biết
Tiết cứng nên thần khắp đất hay
Hôm sớm luống chờ quên đói lạnh
Kiên trinh dường ấy ít ai tày.
(Bảy Nguyện)
Người Trung Kỳ cũng có thơ bắt đầu từ ông Phan Châu Trinh là người Quảng Nam vào đầu thế kỷ 20:
VỌNG PHU THẠCH
Sự tám mươi đời có biết không?
Người chăng? hay đá? vợ chăng? chồng?
Đi đâu đến nỗi quên tin tức?
Đứng đó bao giờ luống đợi trông?
Tu vậy hay sao đầu trụi lủi?
Khóc chi lắm hử? mặt phồng bông
Trời cao bể rộng người còn mất?
Biết nặng hòn non, nhẹ cái lông?
(Phan Châu Trinh) 1905
Thi sĩ Tiền Chiến Quách Tấn của tỉnh Bình Định (Qui Nhơn) suy nghĩ khác ông Phan Châu Trinh.
ĐÁ VỌNG PHU
Chồng đi biệt tích tự bao giờ
Một gốc trời riêng một dạ chờ
Lụy nhớ mưa ngàn tuôn nượp nượp
Tóc thề mây núi bạc phơ phơ
Non chồng nghĩa nặng cao vòi vọi
Nghĩa vướng tình sâu chảy lững lờ
Dâu bể đã bao đời kiếp trải
Lòng son một tấm mãi trơ trơ.
(Quách Tấn)
Ông Quách Tấn còn khám phá ra bài thơ của ông Thái Thuận về Hòn Vọng Phu nầy từ thế kỷ 15. Ông Thái Thuận (1441-?) bút hiệu là Lã Đường đậu Tiến Sĩ năm 1475 đời vua Lê Thánh Tông. Ông có trong Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú của vua Lê Thánh Tông.
VỌNG PHU SƠN NÚI VỌNG PHU
Hóa thạch sơn đầu ký tịch huân Hóa đá non cao chất tháng ngày
Thương tâm vô lộ cánh phùng quân Gặp chàng biết có nẻo nào đây?
Thiên nhai mục đoạn thiên thiên nguyệt Chân trời mắt mỏi năm năm nguyệt
Giang thượng hồn tiêu mộ mộ vân Mặt sóng hồn tan lớp lớp mây
Thanh lệ nhất ban hoa lộ tích Sương đọng lòng hoa rơi giọt thảm
Ly tình vạn chủng thảo yên phân Khói vương sắc cỏ rối niềm tây
Tương Phi nhược thức tương tư khổ Tương Phi vì biết tương tư khổ
Bất tích ai huyền ký dữ văn. Dây gởi sầu dây gởi gắm dây.
(Thái Thuận) (Quách Tấn dịch)
Năm 1470, vua Lê Thánh Tôn thân chinh đánh Chiêm Thành. Vua đem quân theo đường thủy bộ vào Thuận Hóa, ở đây luyện tập quân một thời gian rồi mới theo đường thủy bộ vào đánh kinh đô Đồ Bàn của Chiêm Thành (gần Tp Qui Nhơn ngày nay).
Trong chiến dịch nầy, vua Lê Thánh Tôn cùng các tướng Đinh Liệt, Lê Niệm và 26 vạn quân Đại Việt hạ kinh đô Đồ Bàn của nước Chiêm Thành, “cắt 4 vạn thủ cấp”, bắt vua Bà La Trà Toàn, gọi tắt là Trà Toàn (1460-1471), và hơn 3 vạn (30,000) tù nhân. Tướng Bồ Trì Trì rút về nam đèo Cù Mông (giữa Qui Nhơn và Phú Yên) và lên làm vua. Nước Đại Việt thêm đất Qui Nhơn bành trướng tới đèo Cù Mông.
Đất Qui Nhơn thuộc về Đại Việt từ năm 1471; từ bài thơ của ông Thái Thuận (làm quan của vua Lê Thánh Tông), Hòn Vọng Phu ở Phù Cát, Qui Nhơn và sự tích của nó đã có trước năm 1471 (lúc còn thuộc Chiêm Thành)
Nơi hải ngoại vào thế kỷ thứ 21 cũng có Nữ sĩ Hồ Mỹ Đức nhớ đến Hòn Vọng Phu:
VỊNH HÒN VỌNG PHU
Mỏi mắt vời xa chẳng thấy đâu
Nỗi niềm quạnh quẽ bấy nhiêu lâu
Một chờ, hai đợi, ba mong nhớ
Năm ngóng, mười trông, vạn tủi sầu
Trời đất mênh mông tin vẫn biệt
Núi mây thăm thẳm biển thêm sâu
Trung trinh tiết liệt đem ngưng kết
Thành khối băng tâm tại thạch đầu
(Hồ Mỹ Đức)
Philadelphia, 7/9/17
NHỮNG HÒN VỌNG PHU KHÁC
Ngoài ra còn có những Hòn Vọng Phu khác ở Việt Nam:
Hòn Vọng Phu trên đỉnh núi M'drak, Đắc Lắc
Hòn Vọng Phu trên núi Nhồi, Thanh Hóa
Hòn Vọng Phu bên bờ khe Giai, Nghệ An
Bên Tàu cũng có những Hòn Vọng Phu như bài thơ dưới đây của Lưu Vũ Tích đời nhà Đường về Vọng Phu Sơn ở huyện Đương Đồ tỉnh An Huy với câu chuyện người vợ chờ đợi chồng mà hóa thành đá nhưng không có chi tiết tình nghĩa đậm đà như chuyện của nước Việt chúng ta.
VỌNG PHU SƠN NÚI VỌNG PHU
Chung nhật vọng phu phu bất quy Đợi chồng đâu thấy suốt ngày không
Hóa vi vô thạch khổ tương ti (tư) Hóa đá cô liêu cảm tấc lòng
Vọng lai dĩ thị kỷ thiên tải Vẫn mãi ngàn năm ngong ngóng đợi
Chỉ tự đương thời sơ vọng thì. Ban đầu thuở ấy vẫn chờ mong.
(Lưu Vũ Tích) (? Dịch)
KẾT LUẬN
Cũng được nói tới trong cổ nhạc và tân nhạc Việt Nam nhất là 3 bài "Hòn Vọng Phu" của Lê Thương, Hòn Vọng Phu đã trở thành địa danh nổi tiếng trong văn hóa nước ta:
HÒN VỌNG PHU
Thiên tạo nên hòn đá Vọng Phu
Tượng hình tình nghĩa tận thiên thu
Thơ về Phù Cát, nhiều thi sĩ
Người biết Kỳ Lừa, có Nguyễn Du
Luân lý trái oan đành cách biệt
Thê nhi thương nhớ khó đền bù
Địa danh đặc tính nền văn hóa
Nhân tạo thành danh tiếng Vọng Phu.
(Phan Thượng Hải)
5/10/17
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
Tài Liệu Tham Khảo:
1) Thơ Và Sử Việt - phanthuonghai.com (Bs Phan Thượng Hải)
2) Văn Uyển (Lãng Ba Phan Văn Bộ)
3) Thi Pháp Thơ Đường (Quách Tấn)
4) Tập Làm Thơ (Diên Hương)
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
THƠ VÀ SỬ VIỆT - CHI LĂNG
Bs Phan Thượng Hải biên soạn
Người Việt ngày nay thường biết ải Chi Lăng nhờ trận Chi Lăng (năm 1427). Thật ra Sử Việt và Thơ Văn cổ điển đã có viết rất nhiều chi tiết về ải Chi Lăng và trận Chi Lăng.
SỬ VIỆT
* Trận Chi Lăng (1427)
Trận Chi Lăng là trận cuối cùng và quan trọng nhất đã giúp cho Bình Định Vương Lê Lợi hoàn toàn đánh đuổi được quân Trung Quốc của nhà Minh ra khỏi đất nước sau 10 năm chiến đấu.
Bình Định Vương Lê Lợi (1385-1433) khởi nghĩa tự làng Lam Sơn (thuộc huyện Thường Xuân, Thanh Hóa ngày nay), phải 10 năm mới đánh đuổi quân Minh thâu lại nền độc lập cho nước Đại Việt (1418-1427). Ông Nguyễn Trãi có viết “Bình Ngô đại cáo” tả lại lịch sử của 10 năm nầy.
BÌNH NGÔ
Dành lại giang sơn Đại Việt ta
Với bao xương máu lắm tài ba
Lê Lai vị chúa tròn trung nghĩa
Lê Lợi thành công cứu nước nhà
Tụy Động thừa cơ khai chiến thắng
Chi Lăng tổng kích khải hoàn ca
Mười năm đại nghiệp đầy gian khổ
Trang sử Bình Ngô đã trải qua. (*)
(Phan Thượng Hải)
4/5/15
(*) Chú thích: "Ngô" là từ ngữ của người Việt gọi người Trung Hoa, có từ Bắc Hà. Nguồn gốc của nó chưa được biết rõ ràng.
Trận Chi Lăng thật sự diễn ra từ Nam Quan cho đến Xương Giang (gần thành phố Bắc Giang ngày nay) và kéo dài trong gần một tháng.
Cuối năm 1427, Nhà Minh sai Liễu Thăng, Lương Minh, Lý Khánh, Thôi Tụ và Hoàng Phúc đem 10 vạn quân từ Quảng Tây và Mộc Thạnh đem 5 vạn quân từ Vân Nam sang cứu.
Sau 3 tháng bao vây (tháng 6 đến tháng 9,1427), các ông Trần Nguyên Hãn, Lê Sát và Nguyễn Lý dùng kế đào đường hầm thông vào trong thành làm nội ứng nên chiếm được thành Xương Giang, một căn cứ quân sự quan trọng (và cuối cùng) của quân Minh giữa biên giới Lạng Sơn và Đông Quan (cách TP Bắc Giang ngày nay 2 km và cách bờ sông Thương 3 km).
Mười ngày sau (8-10-1427), quân Liễu Thăng vượt biên giới. Bình Định Vương Lê Lợi sai:
Các ông Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả và Nguyễn Chích chận quân Mộc Thạnh ở ải Lê Hoa (gần biên giới ở Cao Bằng)
Ông Trần Lựu giữ ải Khã Ly (Nam Quan)
Các ông Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Lê Văn Linh, Đinh Liệt, Lê Thụ, Nguyễn Lổng, Phạm Văn Liêu và Trịnh Khắc Phục và 1 vạn quân, 100 con ngựa và 5 con voi giữ Chi Lăng
Các ông Nguyễn Lý và Lê Văn An và 3 vạn quân đóng ở Cần Trạm để tiếp viện
Ông Trần Nguyên Hãn giữ thành thành Xương Giang.

Chiến trận "Chi Lăng" xảy ra trong gần 1 tháng trời:
Ông Trần Lựu giả thua dụ Liễu Thăng từ Khã Ly, qua Khâu Ôn (tỉnh lỵ Lạng Sơn ngày nay) và Ải Lưu cho đến Chi Lăng. Ngày 10-10 (20-9 âm lịch), phục binh của bọn ông Lê Sát và Lưu Nhân Chú giết Liễu Thăng ở gò núi Mã Yên (cao 40 m) của thung lũng Chi Lăng và đánh bại quân Minh ở Chi Lăng giết 1 vạn quân Minh. Quân Minh tiếp tục tiến về hướng nam.
Ngày 15-10, quân Lam Sơn của bọn ông Lê Sát và Lưu Nhân Chú cùng với quân tiếp viện của các ông Nguyễn Lý và Lê Văn An phục binh ở Cần Trạm (nay là thị trấn Kép, Lạng Sơn) giết Lương Minh. Quân Minh lại đi về phía nam.
Quân Lam Sơn (của bọn ông Lê Sát và bọn ông Nguyễn Lý) lại phục binh ở Phố Cát (nay là Xương Lân, huyện Lạng Giang, Bắc Giang) giết thêm 1 vạn quân Minh, Lý Khánh tự tử. Thôi Tụ dẫn quân Minh lại chạy về phía nam thì bị thành Xương Giang của ông Trần Nguyên Hãn chận đường nên phải đóng quân ở đồng trống cách đó 3 km (nay là xã Tân Dĩnh, h. Lạng Giang, Bắc Giang). Chỗ nầy thì phía nam có thành Xương Giang, phía tây và tây nam có sông Thương, phía đông nam có sông Lục Nam và phía bắc có quân Lam Sơn ở Phố Cát (của bọn ông Lê Sát và bọn ông Nguyễn Lý). Thôi Tụ muốn trá hàng để có thì giờ vượt qua bến Bình Than của sông Lục Nam để chạy qua Chí Linh (nay là Chí Linh, Hải Dương).
Tuy nhiên Bình Định Vương Lê Lợi sai các ông Phạm Vấn, Lê Khôi, Nguyễn Xí, Trương Lôi và 3000 quân thiết đội (quân tinh nhuệ là cận vệ của ông Lê Lợi) với 4 con voi cùng quân Lam Sơn ở Phố Cát mở cuộc tấn công cuối cùng giết 3 vạn quân Minh, bắt sống Thôi Tụ và Hoàng Phúc (ngày 3-11).
Mộc Thạnh ở ải Lê Hoa nghe tin thua trận của cánh quân Liễu Thăng hết hồn rút chạy. Các ông Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả và Nguyễn Chích rượt theo giết 1 vạn quân Minh.
Thế là Vương Thông ở Đông Quan phải đầu hàng. Sau “Hội thề ở Đông Quan”, ông Lê Lợi tha cho hàng tướng (như Vương Thông và Hoàng Phúc) và hàng quân về Tàu.
Ông Lê Lợi bình định quân Minh thu về lãnh thổ Đại Việt. Vua Trần Cao bỏ trốn thì bị bắt và có thể là tự tử bằng thuốc độc hay bị ông Lê Lợi giết chết (theo Khâm Định Việt Sử Cương Mục). Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi là vua Lê Thái Tổ (1428).
* Ải Chi Lăng và Trận Chi Lăng
Ải Chi Lăng (thuộc Ôn Châu, Lạng Sơn) và sông Bạch Đằng là 2 cửa ngỏ ra vào Đại Việt của quân Tàu xâm lược. (Ải = chỗ hiểm trở). Riêng ải Chi Lăng còn là nơi chiến thắng của vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) nhà Tiền Lê (981). Sau trận Bạch Đằng nhà Trần cũng có chiến thắng ở vùng núi Kỳ Cấp gần Chi Lăng (1288) là chiến dịch cuối cùng trong lần kháng Nguyên thứ ba.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết về chiến công của Lê Đại Hành:
Năm 981, quân nhà Tống chia làm 3 đạo vào Đại Cồ Việt: Hầu Nhân Bảo đến Lạng Sơn, Trần Khâm Tộ vào cửa sông Hồng rồi theo sông Hồng đến bến Tây Kết (nay thuộc Khoái Châu, Hưng Yên) và Lưu Trừng dùng cửa Nam Triệu vào sông Bạch Đằng.
Vua Lê Đại Hành đóng cọc ngăn sông cầm chân quân Tống của Lưu Trừng ở sông Bạch Đằng. Kế đó vua theo sông Thương đến Chi Lăng (nam Lạng Sơn) dùng kế trá hàng bắt được Hầu Nhân Bảo đem chém đầu. Trần Khâm Tộ nghe tin sợ hãi rút quân, vua Lê Đại Hành đem toàn quân tiến đánh, quân Tống của Trần Khâm Tộ thua to chết quá phân nửa, thây chết đầy
đồng.

Ải Chi Lăng còn có biệt danh là Quỷ Môn.
ẢI CHI LĂNG
Địa đầu phương bắc, ải Chi Lăng
Lịch sử lừng danh sánh Bạch Đằng
Nổi tiếng Quỷ Môn đầy hiểm yếu
Đuổi quân Trung Quốc hết hung hăng
Lê Hoàn phá Tống trừ Nhân Bảo (*)
Lê Lợi bình Ngô sát Liễu Thăng
Chiến tích muôn đời lưu hậu thế
Anh hùng nước Việt chống xâm lăng.
(Phan Thượng Hải)
12/31/14
(*) Chú thích: Hầu Nhân Bảo.
THƠ VĂN CỔ ĐIỂN
* Ải Chi Lăng và Trận Chi Lăng
Đây là những lời thơ tả ải Chi Lăng của ông Phạm Sư Mạnh thời nhà Trần và ông Nguyễn Du thời nhà Nguyễn.
CHI LĂNG ĐỘNG ĐỘNG CHI LĂNG
Thiên lý tuần biên ẩn cổ bề Nổi trống tuần biên bước dặm ngàn,
Phiên thành man trại nhất ê kê Xem tày trùng nhỏ khóm Phiên, Man.
Giản nan giản bắc hồng kỳ chuyển Quạt cờ đồng đội che đầu núi,
Quân hậu quân tiền thanh hủy đề Gầm thét ba quân kéo một đoàn.
Lâu Lại cốc thâm ư tỉnh để Lâu Lại hang sâu dò khó tới,
Chi Lăng quan hiểm dữ thiên tề Chi Lăng cửa hiểm vượt khôn toan.
Lâu phong bạt mã cao hồi thủ Ngựa dong trước gió nghiêng đầu ngắm,
Cấm khuyết thiều nghiêu vân khí tê. Cung khuyết mây đài lúc rợp tan.
(Phạm Sư Mạnh) (Đinh Văn Chấp dịch)
QUỶ MÔN ĐẠO TRUNG ĐƯỜNG QUA ẢI QUỶ MÔN
Quỷ Môn thạch kính xuất vân côn Quỷ Môn đường đá tỏa mây tuôn
Chính khách nan quy dục đoạn hồn Lữ khách về Nam sợ mất hồn
Thụ thụ đông phong xuy tống mã Gió thổi cây cây chùn ngựa tiễn
Sơn sơn lạc nguyệt dạ đề viên Trăng tàn núi núi vượn kêu dồn
Trung tuần lão thái phùng nhân lãn Trung niên già thói lười nghênh khách
Nhất lộ hàn uy trượng tửu ôn Thấm lạnh trên đường rượu uống luôn
Sơn ổ hà gia tham đại thụy Xóm núi nhà ai tham ngủ quá
Nhật cao do tự yểm sài môn Then cài cửa đóng nắng cao vương.
(Nguyễn Du) (Nguyễn Thạch Giang dịch)
Ông Phạm Sư Mạnh không hề nhắc đến chiến thắng của Lê Đại Hành xảy ra trước và chiến thắng ở vùng núi Kỳ Cấp gần như cùng thời với ông.
Ông Nguyễn Du đã ra làm quan với nhà Nguyễn cũng không nhắc đến chiến thắng của Bình Định vương Lê Lợi!
Ngô Thì Nhậm của nhà Tây Sơn cũng có bài thơ tả ải Chi Lăng và nhắc đến lịch sử. Lời thơ chỉ nhắc đến Liễu Thăng và Mã Viện của Trung Quốc!
LẠNG SƠN ĐẠO TRUNG DỌC ĐƯỜNG LẠNG SƠN
Nhị Lạng giang sơn cảnh giới liên (*) Núi sông xứ Lạng kế liền nhau
Bàng thông Kinh Quảng tiếp Cao Tuyên (*) Tiếp với Kinh Tuyên nối Quảng Cao
Khê lưu bôn sử tranh quy hải Suối nước băng băng dồn biển cả
Lĩnh đạo thùy thê trực thướng thiên Núi non sừng sững vút trời cao
Thần kiếm thượng lưu Minh tướng thạch (*) Hòn đá tướng Minh còn vết chém
Quỷ môn không tỏa Hán từ yên (*) Khói đền tướng Hán khóa chặt vào
Tự tòng nam bắc thông quan hậu Sau khi Nam Bắc thông quan ải
Chỉ điểm tinh biền đáo tự Yên. (*) Sứ giả Yên Kinh đến đón chào.
(Ngô Thì Nhậm) (Lâm Giang dịch)
(*) Chú thích:
Nhị Lạng = Lạng Sơn và Lạng Giang (Bắc Giang)
Kinh Quảng = Kinh Châu (Hồ Bắc và Hồ Nam ngày nay) và Quảng Châu (Quảng Đông và Quảng Tây ngày nay).
Cao Tuyên = Cao Bằng và Tuyên Quang
Minh tướng thạch: Tại đèo Mã Yên nơi quân Minh bị phục binh và Liễu Thăng bị giết, tương truyền linh hồn Liễu Thăng thành 1 hòn đá hình người không đầu, trên mình có hằn những vết gươm.
Từ = miếu thờ. Từ yên = khói của miếu thờ. Hán từ: chỉ miếu thờ tướng Hán là Mã Viện. Mã Viện có đi qua đây trong chiến dịch đánh Hai Bà Trưng.
Quỷ môn: thuộc Chi Lăng, Lạng Sơn.
Chỉ điểm tinh biền đáo tự Yên = Có người đưa xe sứ thần từ Yên kinh tới (Yên kinh là kính đô của nhà Minh và nhà Thanh, ngày nay là Tp Bắc Kinh). Đó là thông lệ tiếp sứ thần của Trung Quốc!

(Hòn đá không đầu của Liễu Thăng - Minh tướng thạch)
* Trận Chi Lăng (1427)
Ông Nguyễn Trãi, người cùng thời, có tả lại chiến thắng Chi Lăng trong Bình Ngô Đại Cáo.
Bình Ngô Đại Cáo viết (bản dịch ra Việt ngữ của Ngô Tất Tố):
Thằng nhãi con Tuyên Đức động binh không ngừng
Đồ nhút nhát Thạnh, Thăng đem dầu chữa cháy
Đinh mùi tháng chín, Liễu Thăng đem binh từ Khâu Ôn kéo lại
Năm ấy tháng mười, Mộc Thạnh chia đường từ Vân Nam tiến sang.
Ta trước đã điều binh thủ hiểm, chặt mũi tiên phong
Sau lại sai tướng chẹn đường, tuyệt nguồn lương thực
Ngày mười tháng tám, trận Chi Lăng, Liễu Thăng thất thế
Ngày hai mươi, trận Mã Yên, Liễu Thăng cụt đầu
Ngày hăm lăm, bá tước Lương Minh đại bại tử vong
Ngày hăm tám, thượng thư Lý Khánh cùng kế tự vẫn.
Thuận đà ta đưa lưỡi dao tung phá
Bí nước giặc quay mũi giáo đánh nhau
Lại thêm quân bốn mặt vây thành
Hẹn đến giữa tháng mười diệt giặc
Sĩ tốt kén người hùng hổ
Bề tôi chọn kẻ vuốt nanh
Gươm mài đá, đá núi cũng mòn
Voi uống nước, nước sông phải cạn.
Đánh một trận, sạch không kình ngạc
Đánh hai trận tan tác chim muông.
Cơn gió to trút sạch lá khô,
Tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ.
Đô đốc Thôi Tụ lê gối dâng tờ tạ tội,
Thượng thư Hoàng Phúc trói tay để tự xin hàng.
Lạng Giang, Lạng Sơn, thây chất đầy đường
Xương Giang, Bình Than, máu trôi đỏ nước
Ghê gớm thay! Sắc phong vân phải đổi,
Thảm đạm thay! Ánh nhật nguyệt phải mờ
Bị ta chặn ở Lê Hoa, quân Vân Nam nghi ngờ khiếp vía mà vỡ mật!
Nghe Thăng thua ở Cần Trạm, quân Mộc Thạnh xéo lên nhau chạy để thoát thân.
Suối Lãnh Câu, máu chảy trôi chày, nước sông nghẹn ngào tiếng khóc
Thành Đan Xá, thây chất thành núi, cỏ nội đầm đìa máu đen.
Cứu binh hai đạo tan tành, quay gót chẳng kịp,
Quân giặc các thành khốn đốn, cởi giáp ra hàng
Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng
Thần vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh
Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc,
Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến nước mà vẫn tim đập chân run.
Họ đã tham sống sợ chết mà hoà hiếu thực lòng
Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức.
Chẳng những mưu kế kì diệu
Cũng là chưa thấy xưa nay
Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới
Càn khôn bĩ rồi lại thái
Nhật nguyệt hối rồi lại minh
Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu
Muôn thuở nền thái bình vững chắc
Âu cũng nhờ trời đất tổ tông linh thiêng đã lặng thầm phù trợ;
Thật ra lịch sử sau nầy mới biết được là Lê Thái Tổ và nhà Lê (cũng như nhà Mạc) phải triều cống cho nhà Minh và nhà Thanh của Trung Quốc mỗi 3 năm một lần. Trong lễ triều cống luôn có 2 tượng người bằng vàng (đại thân kim nhân) để đền bù cho việc giết 2 tướng của nhà Minh là Liễu Thăng và Lương Minh trong trận Chi Lăng.
Bí mật nầy được biết nhân việc đi sứ Trung Quốc của 2 ông Ngô Văn Sở và Phan Huy Ích (1788) và qua bài thơ của vua Càn Long.
Đây là chi tiết của cuộc đi sứ nầy cùng với 2 bài thơ Xướng Họa của vua 2 nước:
Với quân nghiệp lẫy lừng, vua Quan Trung Nguyễn Huệ đánh đuổi Tôn Sĩ Nghị và quân Thanh xâm lược (đầu năm 1788). Vua Càn Long nhà Thanh nghị hòa và mời vua Quang Trung thăm Yên Kinh (Bắc Kinh bây giờ). Theo chính sử, vua Quang Trung chọn cháu kêu bằng cậu rất giống mình tên là Phạm Công Trị trá làm quốc vương rồi sai ông Ngô Văn Sở và ông Phan Huy Ích đưa sang Trung Quốc. Trong lễ triều cống có đem theo 2 con voi đực (!?). Tại hành cung ở Nhiệt Hà, vua Càn Long và vua Quang Trung (giả) làm lễ ôm gối như là tình cha con, hội với các thân vương và trao đổi 2 bài thơ Xướng Họa.
(Xướng)
Doanh phiên nhập cận trị thời tuần
Sơ kiến hồn như cựu thức thân
Y cổ vị văn y tượng quốc (1)
Thắng triều vãng sự bỉ kim nhân (2)
Cửu kinh nhu viễn chi trùng dịch
Gia hội ư kim miễn thế nhân
Vũ yểm văn tu thiên thuận đạo
Đại Thanh tộ vĩnh vạn thiên xuân.
(Vua Càn Long)
(*) Chú thích: Theo Việt Nam Sử Lược, những câu thơ này nhắc lại lịch sử:
(1)
Triều đình nhà Tống sai Quách Quì và Triệu Tiết đem quân sang chiếm nước Đại Việt nhưng bị ông Lý Thường Kiệt chận ở sông Như Nguyệt. Một thời gian sau hai bên giảng hòa. Khi rút về đến gần biên giới, quân Tống chiếm giữ châu Quảng Nguyên (nay thuộc Cao Bằng) vì (người) nơi đây có nhiều vàng. Vua Lý Nhân Tông đem voi sang triều cống để đòi lại (giống như vua Quang Trung?). Cuối cùng nhà Tống phải trả lại châu Quảng Nguyên. Người Tàu có 2 câu thơ chê nhà Tống:
“Nhân tham Giao Chỉ tượng (Vì tham voi Giao Chỉ)
Khước thất Quảng Nguyên kim” (Chạy và mất vàng Quảng Nguyên)
(2)
Sau khi đuổi quân Minh, vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) xin cầu phong với nước Tàu. Nhà Minh bắt ông phải lập một hậu duệ của nhà Trần là Trần Cao lên làm vua. Lê Thái Tổ bèn ám sát Trần Cao và nói là nhà Trần không còn ai nữa nên nhà Minh mới thuận cho. Nhưng từ thời vua Lê Thái Tổ, nước Đại Việt có lệ 3 năm phải triều cống nhà Minh 1 lần. Lần nào cũng phải đúc 2 người bằng vàng gọi là “đại thân kim nhân” để thế cho 2 tướng nhà Minh là Liễu Thăng và Lương Minh bị giết trong trận Chi Lăng.
(Họa)
Thượng tái cung chiêm ngọc lộ tuần
Khuynh quỳ nhất niệm hiệu tôn thân
Ba trừng quế hải tuân hầu độ
Nhật noãn minh giai kiến thánh nhân
Vạn lý thê hành quy hữu cực (*)
Cửu trùng vũ lộ mộc đồng nhân
Căn hành cảnh ngưỡng vô cương thọ (*)
Phổ suất tư đào Đế thế xuân.
(Vua Quang Trung)
(*) Chú thích:
Cực = Ngôi vua
Căn hành = Gốc ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) là căn bản của trời đất.
Phỏng dịch:
(Xướng) (Xướng)
Doanh phiên nhập cận trị thời tuần Sắp đi tuần thú, gặp phiên thần
Sơ kiến hồn như cựu thức thân Mới thấy, tưởng chừng đã rất thân
Y cổ vị văn y tượng quốc Chuyện cũ từng nghe nơi tượng quốc
Thắng triều vãng sự bỉ kim nhân Triều xưa có ghét việc kim nhân
Cửu kinh nhu viễn chi trùng dịch Tránh xa chiến dịch, theo kinh sách
Gia hội ư kim miễn thế nhân Nay hội hoàng gia, đỡ thế dân
Vũ yểm văn tu thiên thuận đạo Võ yểm, văn tu, trời dẫn đạo
Đại Thanh tộ vĩnh vạn thiên xuân. Đại Thanh phước lộc mãi muôn xuân.
(Vua Càn Long) (Phan Thượng Hải dịch)
(Họa) (Họa)
Thượng tái cung chiêm ngọc lộ tuần Đưa chúa tuần du tỏ ý thần
Khuynh quỳ nhất niệm hiệu tôn thân Một lòng bội phục kính người thân
Ba trừng quế hải tuân hầu độ Sóng xô, tuân độ từ Nam Hải
Nhật noãn minh giai kiến thánh nhân Nắng rọi, dưới thềm đến thánh nhân
Vạn lý thê hành quy hữu cực Muôn dặm chung quy về Bệ Hạ
Cửu trùng vũ lộ mộc đồng nhân Chín tầng mưa móc khắp toàn dân
Căn hành cảnh ngưỡng vô cương thọ Ngưỡng trông sống mãi như trời đất
Phổ suất tư đào đế thế xuân. Hoàng đế trị vì thế giới xuân.
(Vua Quang Trung) (Phan Thượng Hải dịch)
Ải Chi Lăng ngày nay

Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
Tài liệu tham khảo:
1) Thơ và Sử Việt - Thời Lập Quốc (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
2) Thơ và Sử Việt - Nhà Lê (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
3) Thơ và Sử Việt - Nguyễn Trãi (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
4) Thơ và Sử Việt - Nhà Nguyễn (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
5) Hình ảnh từ Google.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
T
THƠ VÀ SỬ VIỆT - HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA VÀ CHIÊM THÀNH
Bs Phan Thượng Hải biên soạn
Câu chuyện của Huyền Trân Công chúa và Trần Khắc Chung trong Thơ và Sử đã tạo nên sự chú ý của hậu thế về lịch sử giữa Đại Việt và Chiêm Thành.
HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA
*
Đời Trần Thái Tông, Vua đánh Chiêm Thành (1252) bắt vương phi của vua Chiêm Thành (Jaya Paramesvaravarman II) là Bồ Gia La. Sau đó 2 nước đều bị quân Mông Cổ tấn công nên không giao tiếp với nhau.
Năm 1306, theo lời hứa với vua Chiêm Thành trong khi du hành ở đây 5 năm trước, Thượng Hoàng Nhân Tông gả con gái là Huyền Trân công chúa (1287-1340) cho vua Chiêm Thành là Chế Mân (Jaya Sinvaharman III) để đổi lấy 2 châu Ô và Rý (còn đọc là Lý) của Chiêm Thành (nay là vùng nam Quảng Trị và Thừa Thiên). Lúc đó vua Chế Mân đã có một bà Hoàng hậu chánh là người Java (Nam Dương). Quần thần đồng ý kể cả ông Trần Khắc Chung.
* "Chiêu Quân Giá Hồ"
Một số ít văn thần trong triều mượn chuyện vua Hán đem Chiêu Quân (tên là Vương Tường) gả cho vua Hung Nô mà làm thơ quốc âm bằng chữ Hán Nôm để can gián việc nầy. Toàn bộ có 48 bài thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú, tựa là “Chiêu Quân giá Hồ”, một số còn truyền tụng đến nay. Đây là những bài thơ Hán Nôm thể Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú xưa nhất của lịch sử thi văn Việt Nam còn tồn tại, nếu bài thơ “Bán Than” không phải là của ông Trần Khánh Dư. Những văn thần nầy có thể là những ông Đoàn Nhữ Hài, Trương Hán Siêu, Trần Thì Kiến, Nguyễn Sĩ Cố… đều nổi danh trong văn học sử.
Bài 1 có thể là bài thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú đầu tiên bằng chữ Hán Nôm:
VUA HÁN NGUYÊN ĐẾ TỨC VỊ (Bài 1)
Viêm Lưu trời mở vận trùng quang
Ngôi báu xưa rày vỗ bốn phang (phương)
Rút vỏ gươm A thiêng thế nước (*)
Thêm chân non Thái vững âu vàng (*)
Trong triều giũ áo nền nhân thấm
Ngoài cõi nghiêng tai tiếng đức vàng
Hạng hải thê sơn đều ngóng phục
Lăng loàn hiềm một chút Hồ Khang (Khương). (*)
(Trần triều văn thần)
(*) Chú thích:
Gươm Thái A, một kiếm quý thời Xuân Thu
(Cái) âu (bằng) vàng (=Kim âu). Nghĩa bóng là (Thiên hạ) vững như cái âu bằng vàng.
Hồ Khương: người Hồ và người Khương ở phương Bắc. Chiêu Quân sẽ xuất giá về đó.
Bài 12 và bài 20 tỏ ý muốn can vua đừng gả Công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành:
CHÚA THUYỀN VU XIN HÒA THÂN (Bài 12)
Hán Hồ từ thuở định thông gia
Chỉ núi thề non nghĩa giảng hòa
Tần Tấn duyên xưa thu lại tốt (*)
Bắc Nam ước cũ xếp can qua
Họ Trần đặt rối mưu con trẻ (*)
Ả Lữ trao thơ chối tủi già (*)
Thiên Tử không nghe thông ước cũ (?)
Một trời âu hẵn một thu xa.
(Trần Triều văn thần)
(*) Chú thích:
Lại=quan (lại). Tốt=(binh) lính. Thời Xuân Thu nước Tần và nước Tấn kết thông gia (Tần Mục Công lấy Mục Cơ, con Tấn Hiến Công) mà lợi cho 2 nước.
Trần Bình đời Hán Cao Tổ mưu dối Ý Chi (vợ của Thuyền Vu là vua của nước Hồ).
Lữ Hậu, vợ Hán Cao Tổ, bị chúa Thuyền Vu đưa thơ làm nhục (bằng cách đòi lấy bà góa phụ nầy).
VUA MUỐN GIỮ VƯƠNG TƯỜNG (Bài 20)
Chi để hương trời lộn cỏ rêu
Vậy ban chiếu chỉ phán hòa triều
Thư Hồ giấy mỏng lời xuôi ngược
Trướng ngọc non dầy nghĩa dấu yêu
Vã trước Bạch Đăng thù chửa trả (*)
Mà nay hồng phấn của đâu liều
Chẳng bằng sắc nước làm yên nước
Kén tướng binh nhung mở cõi Nghiêu. (*)
(Trần triều văn thần)
(*) Chú thích:
Hán Cao Tổ bị người Hung Nô (=rợ Hồ) vây ở Bạch Đăng.
Cõi Nghiêu: nước của vua Nghiêu, thời thạnh trị trong lịch sử Trung Quốc.
*
Huyền Trân công chúa sang Chiêm Thành là Hoàng Hậu Paramecvari, sinh một hoàng tử.
11 tháng sau vua Chế Mân chết (1307). Vua Trần Anh Tông sai Trần Khắc Chung rước Huyền Trân công chúa đi đường biển trở về. Hai người đi gần 1 năm trời mới về tới Thăng Long. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Trần Khắc Chung tư thông với công chúa Huyền Trân trong cuộc hành trình nầy.
Sau đó theo lệnh của Thượng Hoàng Nhân Tông, công chúa Huyền Trân đi tu ở chùa Trâu Sơn (Bắc Ninh) cho đến khi qua đời 23 năm sau (1340).
Sử gia hậu thế cũng có lời bàn:
CÔNG CHÚA HUYỀN TRÂN (Nguyên bản)
Đổi chác xưa nay khéo nực cười
Vốn đà chẳng mất lại thêm lời
Hai châu Ô Lý vuông nghìn dặm
Một gái thuyền quyên đáng mấy mươi
Lòng đỏ khen ai lo việc nước
Môi son phải giống mãi trên đời
Châu đi rồi lại châu về đó
Ngơ ngẫn nhìn nhau một lũ Hời!
(Hoàng Cao Khải)
CÔNG CHÚA HUYỀN TRÂN (Họa)
Nhà Trần tôi chúa đáng chê cười
Lợi dụng Huyền Trân để có lời
Hôn ước vua Chiêm thêm một vợ
Tư thông gái góa mới hai mươi (*)
Hồng nhan mệnh bạc vì non nước
Hiếu nữ tình chung trọn nghiệp đời
Ô Lý đổi trao về Đại Việt
Thương nàng công chúa, tội dân Hời! (*)
(Phan Thượng Hải)
(*) Chú thích:
Lúc đó (năm 1307) Huyền Trân Công chúa được 20 tuổi. Ông Trần Khắc Chung chắc chắn là hơn 40 tuổi và có vợ con rồi vì lúc năm 1285 ông có đi sứ đối khẩu với Ô Mã Nhi thì phải hơn 20 tuổi rồi.
Người dân Hời = người dân Chiêm Thành. (Xưa gọi là người Chàm, bây giờ là người Chăm).
* Trần Khắc Chung
Ông Trần Khắc Chung (?-1330) tên thật là Đỗ Khắc Chung, nhờ có công đi sứ chống lại Tướng Ô Mã Nhi của giặc Nguyên nên được vua Trần cho đổi thành họ Trần. Ông Trần Khắc Chung làm quan đầu trong triều đình đời vua Anh Tông và Minh Tông.
Hoàng tộc nhà Trần biết chuyện (tư thông) giữa ông và công chúa Huyền Trân đều ghét ông Trần Khắc Chung. Hưng Nhượng Vương (con Hưng Đạo Vương) có mắng ông Trần Khắc Chung tại triều đình.
Sau đó có người vu cáo Huệ Vũ Vương Trần Quốc Chẩn (em vua Trần Anh Tông), Trần Khắc Chung xúi vua Trần Minh Tông bỏ đói ông nầy cho đến chết (mặc dù Trần Quốc Chẩn là chú của Minh Tông và là cha của Hoàng hậu) và còn để cho hàng trăm người nhà ông nầy chết oan theo. Về sau việc vỡ lỡ nhưng ông Trần Khắc Chung không bị tội. Khi ông Trần Khắc Chung chết, con của ông Trần Quốc Chẩn cho người đào xác lên mà “bằm nhỏ”. (Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư).
ĐẠI VIỆT VÀ CHIÊM THÀNH
* Đại Việt và Chiêm Thành sau khi Huyền Trân Công Chúa về Đại Việt
Năm 1311, vua Chiêm Thành là Chế Chí (Jaya Sinhavarman IV), con Chế Mân, muốn lấy lại 2 châu Ô Lý. Vua Trần Anh Tông đem ông Phạm Ngũ Lão cùng Huệ Võ Vương Trần Quốc Chân (Chẩn) và Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư phân làm 3 đạo quân đánh Chiêm Thành (1312) bắt Chế Chí về Đại Việt và phong em là Chế Đà A Bà còn gọi là Chế Năng (1312-1318) làm vua Chiêm Thành. Chế Chí chết ở Đại Việt.
Sau cuộc viễn chinh, vua Trần Anh Tông có làm bài thơ:
CHINH CHIÊM THÀNH HOÀN CHU BẠC PHÚC THÀNH CẢNG
(Đánh Chiêm Thành về đậu thuyền ở cửa biển Phúc Thành)
Cẩm lãm quy lai hệ lão dung Thuyền gấm đường về buộc gốc đa
Hiểu sương hoa trọng thấp vân bồng Sương mai nặng hạt ướt mui là
Sơn gia vũ cước thanh tùng nguyệt Đầu thông xóm núi trăng vừa ló
Ngư quốc triều đầu hồng liệu phong Răm đỏ làng chài gió đã qua
Vạn đội tinh kỳ quang hải tạng Muôn đội cờ bay vùng biển rạng
Ngũ canh tiêu cổ lạc thiên cung Năm canh kèn trống điện trời sa
Thuyền song nhất chẩm giang hồ noãn Bên song chợt ấm lòng sông biển
Bất phục du chàng nhập mộng trung. Màn trướng thôi vương giấc mộng hoa.
(Trần Anh Tông) (Phạm Tú Châu dịch)
Vua Chế Năng cũng muốn chiếm lại Ô Lý nên Trần Minh Tông cùng Huệ Võ Vương Trần Quốc Chẩn và ông Phạm Ngũ Lão sang đánh (1318), Chế Năng thua trận chạy trốn sang Java (Nam Dương).
Nhà Trần lập một người Chàm từng sống ở Đại Việt là Chế Ba A Niêm hay Chế Anan làm vua (1318-1342). Nước Chiêm Thành trở thành một “chư hầu” (vassal) của Đại Việt. Khi Chế Anan chết, người em rể là Trà Hoa Bồ Đề được người Chàm ủng hộ đuổi con của Chế Anan là Chế Mô về Đại Việt. Nước Chiêm Thành lại độc lập khỏi Đại Việt. Sau nầy (1353) vua Trần Dụ Tông cho quân đưa Chế Mô về nước Chiêm Thành (làm vua) nhưng bị vua Trà Hoa Bồ Đề (1342-1360) đánh bại.
Vua Trà Hoa Bồ Đề chết, người em lên nối ngôi là vua Chế Bồng Nga (1360-1390).
Vua Chế Bồng Nga (Po Binasuor) là vị vua thứ 39 của lịch sử Chiêm Thành và là vị vua hùng mạnh nhứt. Chữ “Chế” không phải là “họ” (family name). Nó là âm tiếng Hán từ chữ “Cei” của Chiêm Thành có nghĩa là “Uncle" thường dùng để gọi những vị Tướng Quân (Generals).
* Chế Bồng Nga
- Thời Trần Nghệ Tông
Vì mẹ của Dương Nhật Lễ sang cầu cứu Chiêm Thành, vua Chế Bồng Nga đem quân tấn công, theo cửa Đại An vào sông Đáy cướp phá Thăng Long làm vua Trần Nghệ Tông phải bỏ chạy khỏi kinh đô (1371).
- Thời Trần Duệ Tông
Sau 2 năm làm vua, vua Trần Nghệ Tông (52 tuổi) giữ thông lệ cũ lên làm Thái Thượng Hoàng truyền ngôi cho em là Cung Tuyên Vương Kính tức là Trần Duệ Tông (năm 1373). Tháng giêng năm 1377, vua Trần Duệ Tông (1337-1377) đi đánh Chiêm Thành để báo thù. Vua bị Chế Bồng Nga phục binh bắn chết ngay trong thành Đồ Bàn. Lê Quý Ly giữ hậu quân ở cửa Thị Nại bỏ chạy không tiếp viện.
- Thời Trần Phế Đế
Thượng Hoàng Nghệ Tông lập con thứ của Duệ Tông là Hoàng tử Trần Hiện (1361-1388), cháu kêu mình bằng bác, đang 16 tuổi, có mẹ là Gia Từ hoàng hậu (em của Lê Quý Ly). Đó là vua Trần Phế Đế.
Vua Chế Bồng Nga của Chiêm Thành lại tấn công và cướp phá Thăng Long vào tháng 11 năm 1377 (theo cửa Thần Phù vào sông Chính Đại ở Yên Mô, Ninh Bình) và vào năm 1378 (theo sông Đại Hoàng tức là sông Châu Giang ngày nay nên chắc phải vào cửa Đại An của sông Đáy rồi theo sông Châu Giang qua sông Hồng?).
Lê Quý Ly và quân nhà Trần chận đứng được quân Chiêm vào năm 1380 (ở Thanh Hóa) và Nguyễn Đa Phương thắng quân Chiêm vào năm 1382 (ở cửa Thần Phù).
Năm 1383, Chế Bồng Nga cùng tướng là La Khải, theo sơn lộ (? từ Thanh Hóa) đến Quốc Oai (nay là Quốc Oai, Hà Tây) vào cướp phá Thăng Long lần thứ 4, Nghệ Tông lại chạy qua bên kia sông Hồng lánh nạn.
Quân Mông Cổ chỉ chiếm Thăng Long có 2 lần nhưng quân Chiêm Thành đánh hạ Thăng Long 4 lần (1371, 1377, 1378 và 1383), cướp phá và rút về.
- Thời Trần Thuận Tông
Thượng Hoàng Nghệ Tông phế Trần Phế Đế và ép thắt cổ chết rồi lập con nhỏ của mình là Ngung (1377-1399) làm vua là Trần Thuận Tông (năm 1388).
Đầu năm 1389, Chế Bồng Nga lại tấn công Đại Việt đánh bại Lê Quý Ly ở Thanh Hóa nhưng nhờ ông Nguyễn Đa Phương thủ bờ bắc sông Ngu Giang làm kế nghi binh cấm nhiều cờ xí ở dinh trại nên quân Chiêm không dám tấn công và rút về. Lê Quý Ly ghen tị giết ông Nguyễn Đa Phương. Ở địa phận Thanh Hóa có hạ lưu sông Mã. Khi xưa khi sông Mã chảy gần tới biển là khúc sông Tào Xuyên (gọi là Ngu Giang) ra cửa Lạch Trường nhưng sông và cửa nầy bị hẹp thời nhà Nguyễn nên sông Mã mở rộng theo 1 nhánh nhỏ chảy ra cửa Lạch Hới gần núi Hàm Rồng ngày nay. Do đó những lần vào Thanh Hóa chắc Chế Bồng Nga dùng cửa Lạch Trường của sông Mã.
Tháng 11 năm 1389, vua Chế Bồng Nga lại vào sông Hồng (cửa Ba Lạt?) đến Hoàng Giang (? khúc sông Hồng ở Nam Xương, Hà Nam), đóng quân và cướp phá ở vùng Thái Bình và Hưng Yên. Lê Quý Ly cứ bị đánh thua nên Thượng Hoàng Nghệ Tông dùng ông Trần Khát Chân (dòng dõi ông Trần Bình Trọng) cầm quân chống giặc. Đầu năm 1390, ông Trần Khát Chân đóng quân ở sông Hải Triều (khúc sông Luộc ở giữa Tiên Lữ, Hưng Yên và Hưng Nhân, Thái Bình). Nhờ một hàng tướng Chiêm Thành (tên là Ba Lậu Kê) cho biết dấu hiệu riêng của thuyền Chế Bồng Nga (có sơn màu xanh), ông Trần Khát Chân nhân lúc Chế Bồng Nga đi thị sát mặt trận ở sông Hải Triều cho quân tập trung hỏa khí bắn vào chiếc thuyền nầy và may mắn giết chết Chế Bồng Nga. Tướng La Khải và quân Chiêm phải rút về nước, con cháu Chế Bồng Nga đầu hàng và về ở Đại Việt. Tướng La Khải lên làm vua và từ đó nước Chiêm Thành suy yếu không còn cạnh tranh nổi với Đại Việt.
Hậu thế có bài thơ:
CHẾ BỒNG NGA
Sơn hà nguy biến tự Chiêm Thành
Bởi Chế Bồng Nga khởi chiến tranh
Đại Việt ra vào không quản ngại
Thăng Long cướp phá mặc tung hoành
Vua Trần thất thế, điều nhân quả?
Sông Luộc đưa đường, chuyện tử sanh
Hỏa khí Khát Chân tàn thảm họa
Nên khi nước loạn biết hùng anh.
(Phan Thượng Hải)
4/18/15
- Thời vua Hồ Quý Ly
Năm 1402, nhà Hồ sai tướng Đỗ Mãn sang đánh Chiêm Thành. Vua Chiêm Thành là Ba Đích Lại sai cậu là Bồ Điền sang dâng đất Chiêm Động hay Ba Động (tỉnh Quảng Nam ngày nay) để xin bãi binh. Vua Hồ Quý Ly bắt Chiêm Thành phải nhường thêm đất Cổ Lũy hay Cổ Lụy (tỉnh Quảng Ngãi ngày nay) mới chịu rút quân về. Người Chiêm bỏ 2 vùng đất nầy di cư về Chiêm Thành. Vua Hồ Quý Ly cho những người dân Đại Ngu có tiền của mà không có đất vào ở và bắt đầu sở hữa đất đai ở đây.
* Lịch sửi Việt chiếm Chiêm Thành
Chuyện công chúa Huyền Trân đổi lấy 2 châu của Chiêm Thành là một trong những quá trình nước Đại Việt chiếm nước Chiêm Thành (trong hơn 600 năm).
Đây là quá trình lịch sử:
Lúc đầu Hoành Sơn (Đèo Ngang) là biên giới giữa nước Đại Cồ Việt (rồi Đại Việt) và nước Chiêm Thành.
Năm 1069, vua Lý Thánh Tông đánh Chiêm Thành bắt vua Chế Củ về Thăng Long. Vua Chế Củ dâng 3 châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính (gồm Quảng Bình và phần bắc Quảng Trị) để chuộc mình.
Năm 1306, Thượng hoàng Trần Nhân Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân đổi lấy 2 châu Ô và Lý (phần nam Quảng Trị và Thừa Thiên). Biên giới là đèo Cả (Hải Vân).
Năm 1402, Chiêm Thành cầu hòa, dâng cho vua Hồ Quý Ly đất Ba Động (Quảng Nam) và đất Cổ Lũy (Quảng Ngãi).
Năm 1470, vua Lê Thánh Tông chiếm kinh đô Đồ Bàn và vùng chung quanh (nay là Qui Nhơn). Biên giới là đèo Cù Mông.
Năm 1611, chúa Nguyễn Hoàng chiếm Phú Yên (Tuy Hòa)
Năm 1653, chúa Nguyễn Phúc Tần chiếm Nha Trang (Khánh Hòa)
Năm 1693, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh chiếm Phan Rang và Phan Rí (Phan Thiết). Nước Chiêm Thành bị tiêu diệt.
* Vùng Tây Nguyên
Năm 1470, vua Lê Thánh Tôn cùng các tướng Đinh Liệt, Lê Niệm (cháu nội Lê Lai) và 26 vạn quân Đại Việt hạ kinh đô Đồ Bàn của nước Chiêm Thành, “cắt 4 vạn thủ cấp”, bắt vua Bà La Trà Toàn, gọi tắt là Trà Toàn (1460-1471), và hơn 3 vạn (30,000) tù nhân. Tướng Bồ Trì Trì rút về nam đèo Cù Mông (giữa Qui Nhơn và Phú Yên) và lên làm vua. Nước Đại Việt thêm đất Qui Nhơn bành trướng tới đèo Cù Mông.
Vua Lê Thánh Tông chia nước Chiêm Thành còn lại ra làm 3 nước:
Bồ Trì (hay Bồ Trì Trì) là vua nước Chiêm Thành gồm Nha Trang, Phan Rang và Phan Thiết.
Hoa Anh Vương cai trị nước Nam Hoa ở Phú Yên
Nam Bàn Vương cai trị nước Nam Bàn gồm vùng đất phía tây núi Thạch Bì (núi Đại Lĩnh có đèo Hải Vân) tức là vùng Tây Nguyên (Cao Nguyên Trung Phần) ngày nay.
Vùng Tây Nguyên nầy gồm vùng Pleiku, Komtum, Ban Mê Thuột và Lâm Đồng (Đà Lạt-Bảo Lộc).
Vùng nầy chính thức nhập vô bản đồ nước ta vào thời vua Minh Mạng, chỉ có người Thượng sinh sống và hình như không có cơ quan hành chánh trong thời chúa Nguyễn (dù đã chiếm Phú Yên và Chiêm Thành), nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn.
Năm 1891, Bác sĩ Yersin thám hiểm công viên Lâm Đồng và báo cáo nên người Pháp mới để ý đến vùng nầy. Từ năm 1896 đến 1899, chính phủ Pháp áp lực triều đình nhà Nguyễn để họ tự cai trị vùng Tây Nguyên (như thuộc địa) và cho người Pháp lên mở đồn điền. Người Pháp lập tỉnh Komtum (1907), tỉnh Pleiku (1917), thị xã Đà Lạt là nơi nghĩ mát (1917), tỉnh Lâm Đồng (1920) và tỉnh Darlac ở Ban Mê Thuột (1923).
Năm 1946, sau khi trở lại Đông Dương, Cao ủy D’Argenlieu thành lập “Xứ Thượng Nam Đông Dương” (Pays montagnards du Sud Indochinois) do người Thượng tự trị (như Nam Kỳ Quốc).
Năm 1950, Xứ Thượng Đông Dương sát nhập vào Quốc Gia Việt Nam của Quốc trưởng Bảo Đại (gọi là Hoàng Triều Cương Thổ) cho đến năm 1955 thì thuộc nước Việt Nam Cộng Hòa của chính phủ Ngô Đình Diệm.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
Bài viết này đăng lần đầu trong phanthuonghai.com mục Thơ và Sử Việt phần Nhà Trần.
Tài liệu tham khảo
1) Thơ và Sử Việt - Nhà Trần (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
2) Thơ và Sử Việt - Nhà Lê (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
HƠ VÀ SỬ VIỆT - HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA VÀ CHIÊM THÀNH
Bs Phan Thượng Hải biên soạn

HOA NGHIÊM TÔNG
Bs Phan Thượng Hải biên soạn
Hoa Nghiêm Tông chủ yếu dựa trên giáo lý của Hoa Nghiêm Kinh. Sư Pháp Tạng (643-712) tổ chức hoàn thành giáo lý của Hoa Nghiêm Tông.
* Toàn Thể và Pháp Giới
Kinh Hoa Nghiêm (vào thế kỷ thứ 1 tr CN) mô tả Phật Quả của Toàn Thể (Universal Buddhahood) chứ không của Cá Thể (Individual Buddhahood) như những Tông Phái trước:
Tất cả chúng sanh đều bị thấm vào bởi trí tuệ của Phật (Buddhajnàna). Đó như là bào thai (=Tạng) của Phật (=Như Lai Tạng). Đó là sự kết hợp của (Phật) tuyệt đối và (Chúng Sanh) tương đối.
"Tất cả trong Một, Một trong Tất cả" (All in One, One in All). Tất cả hòa tan vào trong một Toàn Thể (a single whole). Không có sự phân chia trong Toàn Thể của Sự Thực. Toàn thể vũ trụ (cosmos) như là Sự Thực toàn thể của Phật (universal reality of Buddha). Sự kết hợp trong Toàn thể cho phép sự hiện hữu thực sự của mọi Cá thể của thế giới hiện tượng là duy nhứt không có bản tánh thừa hưởng và tùy thuộc vào cái gì hết .
Hoa Nghiêm Tông là Duy Thức Phái áp dụng cho Toàn Thể thay vì cho Cá Thể.
Giáo lý Duy Thức áp dụng cho Cá Thể với một Thực Thể tuyệt đối trong Tâm của Cá Thể là Chân Như với những đồng nghĩa là: Như Lai Tạng, Pháp Thân và Phật Tánh. Vạn Pháp và Vạn Hữu (bên ngoài Cá Thể) sinh khởi và nhận thức từ Tâm Thức của Cá Thể.
Tuy nhiên Cá Thể là một trong Vạn Hữu và Vạn Pháp. Vạn Hữu là Toàn thể tất cả Cá Thể. Do đó Giáo lý Hoa Nghiêm Tông áp dụng cho Toàn Thể và dùng Pháp Thân (hay Như Lai Tạng) là một Thực Thể tuyệt đối chung khắp mọi Cá Thể trong Toàn Thể.
Hoa Nghiêm dùng từ ngữ "Giới" cho "Toàn Thể":
Thế Giới là Toàn Thể Sanh mạng (= Chúng sanh), nhất là Nhân mạng, không kiến ngộ Pháp Thân. Pháp Giới là Toàn Thể Sanh mạng (= Chúng sanh), nhất là Nhân mạng, kiến ngộ Pháp Thân (Chân Như): "Thế Giới Pháp Thân" nầy gọi tắt là Pháp Giới.
Theo Duy Thức Phái thì Bậc Giác Ngộ là Cá Thể kiến ngộ Chân Như hay Phật Tánh hay Pháp Thân hay Như Lai Tạng. Như vậy Pháp Giới là Toàn Thể đều Giác Ngộ: Chúng Sanh trên Thế Giới nầy đều Giác Ngộ. Pháp Giới là Thế Giới Giác Ngộ của Phật Giáo có Pháp Thân chung khắp, mỗi và mọi Sanh mạng giác ngộ của Thế giới.
Hoa Nghiêm Tông cũng là "duy Thức" do đó Pháp Giới của Hoa Nghiêm là thế giới của Tâm Thức (Tinh thần) chứ không phải của "Thân Thể" (Vật chất).
Kinh Hoa Nghiêm ví Pháp Giới như là lâu đài của Đại Nhật Như Lai. Đại Nhật Như Lai là Pháp
Thân Phật.
Cá Thể = Individual, Individuality
Toàn Thể = Totality
Thế Giới = Realm, World, Universe
Pháp Giới = Realm of The Law = Dharma-dhàtu
Pháp Thân = The Law Body = Dharma-kàya
* Tứ Pháp Giới và Pháp Giới
Theo Hoa Nghiêm Tông, lịch sử Phật Giáo có 4 loại Pháp Giới (Fourfold Universe) của Vạn Hữu:
1. Sự Pháp Giới (The world of the Facts or Reality): Thế giới của mọi Hiện Tượng (Sự) thông thường. (Pháp Giới của Tiểu Thừa)
2. Lý Pháp Giới (The world of the Principle): Thế giới chung của một Nguyên Lý (Lý) là một Thực Thể hay Tự Tánh tuyệt đối. (Pháp Giới của Tam Luận Tông và Pháp Tướng Tông)
3. Lý Sự Vô Ngại Pháp Giới (The world of Principle and Facts or Reality united): Hiện Tượng và Thực Thể tương quan không chướng ngại. (Pháp Giới của Thiên Thai Tông)
4. Sự Sự Vô Ngại Pháp Giới (The world of all realities or practical Facts interwoven or identified in perfect harmony): Mọi Hiện Tượng dung hòa đầy đủ (viên dung) không chướng ngại (= Viên dung Vô ngại). "The fact and fact world perfectly harmonized". (Pháp Giới của Hoa Nghiêm Tông)
"Sự" đồng nghĩa với "Hiện Tượng"
Sự = Fact = Sự Vật thật sự (có) xảy ra
Hiện Tượng = Phenomenon = Sự Vật là đối tượng tri giác và cảm giác được.
Hiện Tượng, Trình Hiện, Hiển Hiện = Manifestation = Sự Vật hiện ra, xảy ra
"Sự" dùng cho Toàn Thể (Hoa Nghiêm Tông) còn "Hiện Tượng" dùng cho Cá Thể (các Tông Phái khác của Đại Thừa).
Lý (Principle) = Nguyên Lý = Chân Lý (Truth) căn bản hay đúng theo Lý thuyết (theory).
Hoa Nghiêm Tông chú trọng tới Sự Vật và Nguyên Lý hay Chân lý (của Sự Vật).
Pháp Thân ở trong mỗi và mọi Cá thể Giác ngộ của Toàn thể (thế giới) Giác ngộ (= Pháp Giới)
Pháp Thân hay Chân Như (Suchness - Thusness) ở phương diện Tĩnh (static aspect) thì là Tánh Không (Void, Emptiness = Sunyảta), là Thực thể (Noumenon) và có Lý Pháp Giới (realm of Principle).
Pháp Thân hay Chân Như ở phương diện Động (dynamic aspect) thì chỉ là Trình hiện (Manifestation), là Hiện tượng (Phenomenon) và có Sự Pháp Giới (realm of Facts).
Sự Pháp Giới thì "Động", là Pháp Giới Duyên Khởi nhưng theo Thập Huyền Duyên Khởi.
Pháp Giới Duyên Khởi là Sự Sự Đồng duyên khởi (simultaneously arise)
Thập Huyền Duyên Khởi là Sự Sự Vô Ngại duyên khởi (arise in harmony).
Pháp Thân = Chân Như = Cá thể Giác ngộ; có Lục (6) Tướng (= Đặc tính = Characters or specific Natures)
Pháp Giới Duyên Khởi = Universal Causation of the Law
Thập Huyền Duyên Khởi = Causation by 10 profound Theories
Chân Như = Suchness, Thusness
* Thập Huyền Duyên Khởi
(The causation by ten profound theories)
Thập Huyền Duyên Khởi là 10 Lý thuyết diễn tả chi tiết Sự Sự Vô Ngại Pháp Giới (The fact and fact world perfectly harmonized). "Sự Sự" là tương quan giữa mọi Sự Vật. "Vô ngại" là dung hòa với nhau.
1. Đồng thời cụ túc tương ứng môn
= The theory of Co-relation (Tương Ứng)
(Môn=the Theory=Lý thuyết)
Mọi Sự Vật đồng hiện hữu và và đồng sinh khởi đồng thời (co-existence and simultaneous rise). Vì đồng Hiện hữu nên mọi Sự Vật đều bình đẳng với nhau. Đồng sinh khởi tức là đều sinh khởi như nhau không có cái nầy sinh ra cái kia, đó là "Trùng trùng vô tận Duyên Khởi" hay "Pháp Giới Duyên Khởi". Nó thay thế Nghiệp Cảm Duyên Khởi và Tạng Thức Duyên Khởi.
Pháp Giới Duyên Khởi = Trùng Trùng Vô Tận Duyên Khởi = Universal Causation of the Realm of the Law.
2. Chư pháp tương tức tự tại môn
= The theory of perfect freedom of mutual relationship (Tương Tức)
(Chư Pháp=Vạn Pháp)
Mọi Sự Vật tự do hoàn toàn tương tức hòa hợp lẫn nhau không chướng ngại. Một tức là Hết thảy, Hết thảy tức là Một.
3. Nhất đa tương dung bất đồng môn
= The theory of mutual penetration (Tương Dung) of dissimilar things.
Mọi Sự Vật, số nhiều (đa) hay số một (nhất), tương dung với nhau mặc dù không giống nhau (bất đồng). (Nhất=một. Đa=nhiều).
4. Chư tàng thuần tạp cụ túc môn
= The theory of mutual identification (Tương Thức) of all distinct elements
Mọi Sự Vật dù khác nhau nhưng vì tương quan nên đều nhận biết được: một cũng như hết thảy. (Thuần=một, Tạp=nhiều)
Chư tàng=chư hành=all elements.
Chư Pháp=Vạn Pháp=all Dharmas=tất cả Hiện Tượng=all Phenomena
Chư Hành=Vạn Hữu=mọi Sự Vật=all Elements, all Elements of existence, all Existences
5. Bí mật ẩn hiển câu thành môn
= The theory of mutual complementary supply (Tương Trợ) to make a whole.
(Ẩn ở bề trong là bí mật, Hiển ra bề ngoài là hiển hiện).
Mọi Sự Vật, ẩn hiện trong ngoài, đều tương trợ lẫn nhau để làm thành Toàn Thể.
6. Vi tế tương dung an lập môn
= The theory of construction by mutual penetration (Tương Dung) of minute and abstruse matters.
Mọi Sự Vật, nhỏ hay lớn, tương dung để kiến tạo.
7. Nhân Đà La vi tế cảnh giới môn
= The theory of mutual permeation (Tương Thông) and mutual reflection (Tương Phản) as in the region surrounded by the Indra net.
(Indra=Nhân Đà La=Đế Thích Thiên. Indra là 1 vị "Thiên" hay Deva của Ấn Độ Giáo và Phật Giáo)
Mọi Sự Vật tương thông và tương phản (chiếu) như những bảo châu của Tấm màn của Đế Thích Thiên (Nhân Đà La).
(Trong cung điện của Đế Thích Thiên mắc tấm màn bằng bảo châu có nhiều mắt lưới. Ánh sáng của những bảo châu soi rọi lẫn nhau, trùng trùng điệp cùng dung thông với nhau mà không chướng ngại nhau).
8. Duy tâm hồi chuyển thiện thành môn
= The theory of elucidating the truth by factual illustrations.
Thực Thể thể hiện rõ ràng thành hình ảnh của mọi Sự Vật (Vạn Hữu). Thực Thể chính là duy Tâm (chỉ có từ Tâm), ý chỉ Pháp Thân hay Như Lai Tạng của Duy Thức.
9. Thập thế cách pháp dị thành môn
= The theory of "variously completing ten times periods creating one entity".
Giải thích về Thập Thế (10 đời): Trong 3 đời quá khứ, hiện tại và vị lai, đều lại bao hàm có 3 đời nên thành 9 đời. 9 đời nầy lại cùng dung thông với nhau, tương tức và tương nhập lẫn nhau trở thành toàn thể của một đời. Đó là "thập thế dung thông với nhau".
Tóm lại: Giải thích Vạn Pháp tương tức theo thời gian.
(Chư pháp tương tức tự tại môn (2): Giải thích Vạn Pháp tương tức trong không gian.
Thập thế cách pháp dị thành môn (9): Giải thích Vạn Pháp tương tức theo thời gian)
10. Thác sự hiển pháp sinh giải môn
= The theory of elucidated principle (of "All-and-one" and "One-and-all") without needing the explanation.
Nguyên lý (Lý) nhất đa tương tức thì hoàn toàn hiển hiện rõ ràng ở nơi mọi Sự Vật (Sự), không cần phải nương vào thí dụ cũng liễu giải được.
Tóm tắt:
"Sự Sự vô ngại Pháp Giới" là tất cả mọi Sự Vật (Vạn Hữu) tương tức không chướng ngại của Pháp Giới:
Mọi Sự Vật đồng hiện hữu và đồng sinh khởi (1)
Do đó mọi Sự Vật có Hiện Tượng hiện ra (=Sự) Tương Tức trong không gian (2) và Tương Tức theo thời gian (9):
Tương Dung (3) (6)
Tương Thức (4)
Tương Trợ (5)
Tương Thông (7)
Tương Phản (7).
Như vậy mọi Sự Vật có một Nguyên lý (=Lý) là "Nhất Đa tương tức" (One-and-All and All-and-One) (10).
Bởi vì mọi Sự Vật có chung 1 Thực Thể tuyệt đối là Pháp Thân hay Như Lai Tạng (8) ở khắp trong từng và mọi Sự Vật.
"Sự Sự Vô Ngại" ví như 1 tràng hoa (=hoa nghiêm), là tên của kinh Hoa Nghiêm.
Lý=Principle. Sự=Facts
Vô ngại=không có chướng ngại=in harmony, harmonized=Dung hòa, Viên dung
Tương Tức=mutual relation
Tương Dung=mutual penetration
Tương Thức=mutual identification
Tương Trợ=mutual complementary supply
Tương Thông=mutual permeation
Tương Phản=mutual refeflection
Mọi Sự Vật=Vạn Hữu=all things and all events=all beings=all elements of existence
Chúng Sanh=All sentient beings
Pháp Giới=Dharmadhàtu
Pháp Thân=Dharmakàya
* Lục Tướng
Lục Tướng = Sixfold Specific Nature or Characters (of all Dharmas)
Tướng = Đặc tính = Specific Character
6 Đặc tính của mỗi Sự Vật (each or every Element) là 6 mối tương liên giữa cái:
Toàn thể và Riêng biệt (Đơn lẽ);
Giống nhau và Khác biệt;
Hòa nhập và Riêng tư.
Có thể nói là những đặc tính (=tướng) của Cá Thể trong Toàn Thể.
1. Thể (Essence): tương quan giữa Tổng Tướng và Biệt Tướng (Toàn thể và Đơn lẽ)
Tổng Tướng (Universality): một Tướng Trạng: gồm có các Bộ Phận (organs).
Biệt Tướng (Speciality as to character itself): các Bộ Phận của một Tướng Trạng: gồm lại thành một Tướng trạng.
Tướng Trạng=Organism: ám chỉ một Cá thể
Bộ Phận=Organ
2. Tướng (Existence): tương liên giữa các Biệt Tướng trong Tổng Tướng theo không gian (Giống nhau và Khác nhau)
Đồng Tướng (Similarity): các Bộ Phận tương liên với nhau một cách hòa đồng với nhau trong một Tướng trạng
Dị Tướng (Diversity): các Bộ Phận tương liên với nhau một cách khác nhau trong một Tướng trạng
3. Dụng (Usage): tương quan giữa các Biệt Tướng trong Tổng Tướng theo thời gian (Hòa nhập và Riêng tư)
Thành Tướng (Integration): qua tương liên trong một Tướng Trạng, có các Bộ Phận hòa nhập được nên hình thành
Hoại Tướng (Differentiation): trong tương liên trong một Tướng Trạng, có các Bộ Phận riêng tư (không hòa nhập) nên hủy hoại
*
Hoa Nghiêm Tông cũng như Thiên Thai Tông hoàn toàn thuần túy của Trung Quốc (không xuất phát từ Ấn Độ). Giáo lý diễn tả một Thế Giới Phật Giáo quá lý tưởng là Pháp Giới với mọi Chúng Sanh đều thành Phật Quả, động Pháp Thân với Tâm Thức Vô Ngại (dung hòa = in harmony).
Vì quá lý tưởng nên khó thực hành được cho Hành giả cá thể (Individual Practicioner).
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
Bài này là một Đoạn trích từ bài "Triết Lý Phật Giáo - Từ Phật Thích Ca đến Thiền Tông" đăng trong phanthuonghai.com

Sàriputta và Moggallàna (Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên)
Bs Phan Thượng Hải biên soạn
Sự tích Vu Lan có nguồn gốc từ Moggallàna (Mục Kiền Liên). Ngài và Sàriputta là 2 đệ tử đứng hàng đầu trong 10 đại đệ tử của Phật Thích Ca. Tuy nhiên 2 ngài nhập diệt trước Phật Thích Ca.
* Sàriputta và Moggallàna
Sàriputta dịch âm là Xá Lợi Phất Đa La và dịch nghĩa là Thu Lộ Tử.
Xá Lợi Phất Đa La gọi tắt là Xá Lợi Phất (hay Xá Lị Phất).
Sàri (hay Xá Lợi) là tên của người Mẹ; Putta có nghĩa là Tử. Sàri còn dịch nghĩa là Thu Lộ (một loài chim). Thu Lộ là "Chim trăm lưỡi" (Bách thiệt điểu) nên tên Sàriputta còn dịch nghĩa là Thu Lộ Tử hay Bách Thiệt Điểu Tử.
Moggallàna dịch âm là Mục Kiền Liên hay Mục Kiện Liên.
Sàriputta sinh ở làng Nalaka cạnh bên làng Kolita là nơi sinh của Moggallàna. Hai làng nầy ở gần Rajagaha, kinh đô của nước Magadha, và hai người là bạn thân từ thời niên thiếu. Sàri putta và Moggallàna cùng đi tu làm đệ tử của Sanjaya, một tu sĩ theo chủ thuyết hoài nghi. Sau khi gặp và đàm luận với 1 đệ tử của Phật Thích Ca là Assaji (A Thuyết Thị = A Xá Bà Kỳ = Mã Thắng), Sàriputta cùng Moggallàna dẫn 250 đệ tử của Sanjaya gia nhập Tăng Già của Phật Thích Ca ở Tịnh xá Veluvana (Trúc Lâm = Bamboo Grove) gần Rajagaha. Lúc đó 2 ngài vào khoảng 27. 28 tuổi. Đây là bài kệ giúp Sàriputta và Moggallàna tỉnh thức và đến xin làm đệ tử của Phật Thích Ca:
Nhất thiết chư pháp bản (Sinh ra hết thảy mọi pháp nọ)
Nhân duyên sinh vô chủ (Đều do nhân duyên không có chủ)
Nhược năng giải thử giả (Hễ mà hiểu được nghĩa ấy)
Tắc đắc chân thực đạo (Thì đạo chân thực mới hiểu rõ)
Sàriputta có "Trí Tuệ Đệ Nhất" và Moggallàna có "Thần Thông Đệ Nhất" trong các đệ tử. Hai Ngài là đệ tử chính của Phật Thích Ca giúp truyền bá thuyết Duyên Khởi, Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo. Sàriputta giảng dạy rất hay giúp cho các Tỳ kheo hiểu được Phật Pháp còn Moggallàna giúp các Tỳ kheo tu hành đúng theo Phật Pháp và chống lại những tà thuyết. Phật Thích Ca thường dùng 2 ngài làm gương cho các đệ tử khác trong Tăng Già.
* Nhập Diệt của Sàriputta và Moggallàna
Đạo của Phật Thích Ca được truyền bá rộng rãi nên sinh ra những người ganh tỵ chống đối. Moggallàna là đối tượng chánh nên ngài bị những người nầy giết chết khi đi khất thực. Một thời gian ngắn sau đó, Sàriputta cũng nhập diệt.
Tương truyền rằng, vào một ngày kia, Phật Thích Ca (hơn 80 tuổi) nói với các đệ tử rằng chỉ 3 tháng nữa là Ngài nhập diệt. Lúc đó Moggallàna vừa bị giết chết. Sàriputta không muốn thấy cảnh Đức Phật qua đời nên xin để mình chết trước, thế là Sàriputta tự mình nhập diệt.
Hai ngài theo Phật Thích Ca trong khoảng 40 năm và nhập diệt trước Phật Thích Ca.
Sách "Tỉ Lại Gia Tạp Sự" viết:
Có người hỏi đức Thế tôn:
Một bậc thánh như Mục Kiền Liên (Moggallàna) mà bị bọn ngoại đạo đánh chết, thế là Nghiệp gì?
Đức Thế tôn đáp:
Kiếp xưa Mục Kiều Liên là con một họ Bà La Môn vì quá yêu vợ mà bất hiếu với cha mẹ mình. Người mẹ giận quá có rủa: "Sao những đứa hung ác không đánh chết mầy đi?". Nay tuy chứng cõi thánh là bậc thần thông đệ nhất mà vẫn phải chịu cái Nghiệp bị đánh chết.
* Mục Kiền Liên (Moggallàna) và Lễ Vu Lan
- Kinh Vu Lan Bồn viết:
Một thời, Đức Phật trú tại khu vườn Kỳ Đà Cấp Cô Độc. Trưởng giả Đại Mục Kiền Liên chứng đắc sáu thứ Thần thông dùng đạo nhãn quán sát khắp thế giới, thấy người mẹ đã qua đời của mình bị đọa trong loài Ngạ quỷ, không được ăn uống nên thân hình chỉ còn da bọc xương. Tôn giả Mục Kiền Liên thấy vậy vô cùng xót thương buồn bã, liền lấy bát đựng đầy cơm và vận dụng thần thông đem hiến dâng cho mẹ. Bà mẹ vừa nhận được bát cơm , liền dùng tay trái che đậy, tay phải bốc ăn, cơm chưa vào miệng đã hóa thành than hồng nên không thể ăn được. Tôn giả Mục Kiền Liên lớn tiếng than khóc trở về bạch với đức Phật, thuật lại đầy đủ mọi sự việc như vậy.
Đức Phật bảo:
Thân mẫu của ông tội chướng sâu dày. Tuy lòng hiếu thảo của ông vang động trời đất nhưng cũng không ai có thể làm gì được. Nay ông phải nhờ oai lực của Tăng chúng ở mười phương thì mới có thể thoát được.
Này Mục Kiền Liên! Ngày rằm tháng bảy là ngày Tự tứ của mười phương Tăng chúng, nên vì cha mẹ 7 đời, cha mẹ hiện tại và những người đang ở trong vòng khổ nạn luân hồi mà sắm sửa đầy đủ cơm nước thức ăn và giường nằm đầy đủ để dâng chúng đại đức Tăng chúng khắp mười phương. Vì giới pháp thanh tịnh đầy đủ nên đạo đức của Tăng chúng sâu rộng mênh mông. Nếu có người dâng cúng Tăng chúng Tự tứ như vậy thì tất cả cha mẹ bà con quyến thuộc trong đời hiện tại đã quá vãng sẽ được siêu sinh trong 3 đường khổ liền được đầy đủ áo cơm. Nếu cha mẹ lục thân quyến thuộc còn sống thì được hưởng phước lạc sống lâu trăm tuổi, còn cha mẹ già quá khứ 7 đời thì được sinh lên cõi Trời Tự Tại hóa sinh trong cõi Trời, hoa lệ chói sáng, hưởng vô lượng phước lạc.
Bấy giờ Đức Phật bảo Tăng chúng mười phương hoặc ở nơi Tăng chúng hoặc ở chùa tháp phải chú nguyện như vậy rồi sau mới thọ thực (ăn).
Khi ấy Tôn giả Mục Kiền Liên cùng với chư vị Đại sĩ Bồ tát đều rất hoan hỷ, tiếng than khóc bi thương của ngài Mục Kiền Liên cũng tan biến. Thân mẫu của ngài cũng trong ngày ấy được thoát khổ trong loài Ngạ quỉ.
Khi ấy ngài Mục Kiền Liên lại bạch:
Bạch Thế tôn! Thân mẫu của con đã được siêu thoát, đó là nhờ năng lực công đức Tam Bảo, trong đó có uy lực của Tăng chúng. Nếu đời vị lai, tất cả đệ tử của Đức Phật muốn hiếu thuận phụng dưỡng cha mẹ thì kinh Vu Lan Bồn nầy có thể cứu độ cha mẹ hiện tại cho đến cha mẹ 7 đời chăng?
Đức Phật nói:
Nầy Mục Kiền Liên! Điều mà Như Lai muốn nói, Tôn giả đã hỏi.
Nếu có Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, quốc vương, vương tử, đại thần, tể tướng, tam công, bách quan cùng cả thảy dân chúng muốn thực hành đức từ hiếu, trước nên vì cha mẹ hiện tiền, kế đó cha mẹ 7 đời trong quá khứ là cứ đến Rằm tháng Bảy, ngày chư Phật hoan hỷ, ngày chư Tăng tự tứ, nên sắp đặt đủ các loại trái cây thức ăn nước uống vào bồn Vu Lan để dâng cúng chư Tăng ở mười phương. Ngày chư Tăng Tự tứ câu nguyện cha mẹ hiện còn sống lâu trăm tuổi, không bệnh tật. Cha mẹ trong 7 đời quá khứ thoát khỏi khổ đau trong loài Ngạ quỉ, được sinh trong cõi Trời, người phước lạc an vui.
Thiện nam tín nữ là đệ tử của Đức Như Lai phải nên thực hành chữ hiếu, trong mỗi niệm thường thương tưởng đến cha mẹ hiện tại, cho đến cha mẹ 7 đời trong quá khứ. Hằng năm đến ngày Rằm tháng Bảy, đem lòng từ hiếu thương tưởng song thân cha mẹ hiện tiền, cha mẹ 7 đời quá khứ, sắm sửa bồn Vu Lan, hiến cúng Phật đà, dâng cúng Tăng chúng để đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Nếu là đệ tử của Đức Phật thì phải tuân giữ điều ấy.
Lúc ấy, Tôn giả Mục Kiền Liên cùng với chúng đệ tử nghe Phật giảng dạy đều rất hoan hỷ tín thọ phụng hành.
- Vu Lan Bồn Kinh (Ullambana sùtra) được Trúc Pháp Hộ dịch ra Hán ngữ và từ đó chuyển âm sang Việt ngữ. Vu Lan Bồn Kinh dịch đầy đủ ra Hán ngữ là "Phật Thuyết Vu Lan Bồn Kinh".
Trúc Pháp Hộ là tên Hán ngữ của nhà sư người Thiên Trúc (Ấn Độ) tên là Dharmaraksa (239-316).
"Vu Lan Bồn" là dịch âm từ Phạn ngữ "Ullambana". Ullambana có nghĩa đen là "Cứu đảo huyền". "Đảo huyền" là "treo ngược". "Cứu đảo huyền" (Ullambana) có nghĩa là cứu những ai bị treo ngược (bị khốn khổ). Trúc Pháp Hộ dùng nghĩa đen của "Vu Lan bồn" là "bồn Vu Lan" trong kinh là không đúng. (Bồn = basin).
Kinh Vu Lan Bồn như trên đã kể lại câu chuyện Moggallàna (Mục Kiền Liên) cứu giúp Mẹ mình đang khốn Khổ trong cõi Ngạ quỉ nhờ lời dạy của Phật Thích Ca. Tuy nhiên ý nghĩa của Kinh Vu Lan Bồn còn rộng hơn.
Theo kinh Vu Lan Bồn, dâng cúng ăn ở cho Tăng chúng trong ngày Tự tứ (ngày Rằm tháng 7, ngày 15 tháng 7) thì nhờ Đạo Đức (morality) "sâu rộng mênh mông" của Tăng chúng (monks and nuns) mà Cha Mẹ và thân quyến của mình được những phước:
Cha mẹ và thân quyến đã chết bị siêu sinh trong 3 đường Khổ (3 Khổ đạo) liền được đầy đủ áo cơm. (3 Khổ Đạo trong Lục Đạo Luân Hồi là: Địa ngục, Ngạ quỉ và Súc sinh).
Cha mẹ và thân quyến đang sống sẽ được hưởng phước lạc mạnh khoẻ sống lâu trăm tuổi.
Cha mẹ và thân quyến trong quá khứ 7 đời sẽ được tái sinh lên cõi Trời.
Tất cả cũng là thể hiện của lòng Hiếu của Phật tử.
Nhưng tại sao lại dâng cúng vào ngày Tự tứ (ngày Rằm tháng 7, 15 tháng 7)? Ngày Tự tứ là ngày gì? Ngày Tự tứ là ngày cuối của 3 tháng Vũ Kỳ An Cư của Tăng Già. Nó có lịch sử từ Luật Tạng của Phật Giáo Nguyên Thủy:
Vũ Kỳ An Cư (Residence during the rainy season Retreat = Varsavasana): Vì mỗi năm cứ vào mùa mưa (Vũ Kỳ), nước lũ dâng lên tràn ngập cả đường lối làm sự đi lại giáo hóa, truyền đạo và khất thực không thuận tiện, hơn nữa lại là mùa côn trùng sinh ra đầy đường, đi lại sợ tổn hại tới sinh mạng các loài côn trùng nên Phật Thích Ca cùng các Đệ tử phải tụ họp tại một nơi nào thuận tiện để chuyên việc tu hành trong 3 tháng mưa nầy (từ ngày 16-4 cho tới 15-7)
Lễ Tự Tứ (Pavàranà): Trong 3 tháng tu trì của Vũ Kỳ An Cư, nếu đại chúng có ai phạm vào tội lỗi mà đại chúng ngờ vực thì được tự do cử tội trong ngày lễ Tự Tứ (ngày 15-7, ngày cuối cùng của Vũ Kỳ An Cư).
- Nhân sự tích nầy nên có hội lễ Vu Lan trong nhân gian vào ngày Rằm (15) tháng 7 hằng năm.
Lễ Vu Lan bắt đầu ở Trung Quốc từ thời Lương Võ Đế (464-549), một vị vua rất sùng Phật Giáo. Ngày Rằm (15) tháng Bảy gọi là ngày (Tết) Trung Nguyên có mở hội Vu Lan (Vu Lan Bồn) ở khắp chùa chiền tu viện và trong toàn dân chúng kỷ niệm sự tích Mục Kiền Liên cứu Mẹ nói riêng và thể hiện lòng hiếu thảo của Chúng sanh nói chung. Dân chúng làm đúng như trong Kinh Vu Lan Bồn đã dạy: cúng dường thực phẩm cho Tăng chúng. Tuy nhiên còn có mở thêm hội Hoa đăng (cúng rước đèn hoa) và bá tánh còn cúng thêm (trên bàn thờ) cho "Cô Hồn" (tức là Quỉ đói = Ngạ quỉ).
Phong tục nầy được truyền sang các nước khác của Bắc Tông như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam...
Chuyện Mục Kiền Liên (Moggallàna) cứu mẹ được người Tàu viết thành nhiều tuồng hát và tiểu thuyết diễn tả Mục Kiền Liên xuống Địa ngục cứu mẹ, đơn giản tên Mục Kiền Liên thành Mục Liên và đặt tên cho mẹ của ngài là Thanh Đề. Đó là những chuyện mang tựa đề: Mục Liên Cứu Mẫu Biến Văn, Mục Liên Cứu Mẫu Bản Quyển, Mục Liên Tam Thế Bản Quyển... Theo truyện Tàu, tuy được cứu thoát nhưng bà Thanh Đề phải tái sinh làm một con chó đen ở thành Vương Xá (Rajagrha) và Mục Liên phải trổ thần thông một lần nữa cứu bà Thanh Đề tái sinh thành người. Dĩ nhiên cõi Địa ngục trong những truyện nầy khác cõi Ngạ quỉ trong kinh Vu Lan Bồn.
* Sàriputta trong Đại Thừa Trung Quán Tông
Tên Sàriputta (Xá Lợi Tử) được nói tới trong kinh Bát Nhã là kinh chánh của Trung Quán Tông của Phật Giáo Đại Thừa.
Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh:
Quan Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời, chiếu kiến Ngũ Uẩn giai Không, độ nhất thiết khổ ách. Xá Lợi Tử, Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc, Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc. Thụ Tưởng Hành Thức diệc phục như thị. (Cưu Ma La Thập / Bản Hán ngữ)
Dịch: Quan Tự Tại Bồ Tát khi thi hành phép Bát Nhã Ba La Mật Đa (Trí Tuệ Độ) thấy rõ Ngũ Uẩn đều Không đem tế độ hết thảy những Khổ ách. Hỡi Xá Lợi Tử, Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc, Sắc tức là Không, Không tức là Sắc. Thụ Tưởng Hành Thức cũng thế cả. (Trần Trọng Kim / Bản Việt ngữ)
(*) Quan Tự Tại Bồ Tát là Quan Thế Âm Bồ Tát. Xá Lợi Tử là Xá Lợi Phất (Sàriputta).
Ngũ Uẩn = Sắc, Thụ, Tưởng, Hành, Thức.
* Sàriputta trong Đại Thừa Tịnh Độ Tông
Tên của Sàriputta xuất hiện trong 1 trong 3 kinh chánh của Tịnh Độ Tông.
Phật Thuyết A Di Đà Kinh:
Bấy giờ Phật bảo Trưởng lão Xá Lợi Phất (Sàriputta): Từ đây qua phương Tây cách mười vạn ức cõi Phật có một thế giới tên là Cực Lạc, nước ấy có Phật hiệu là A Di Đà hiện đang thuyết pháp ở đó. Chúng sanh của nước ấy không có các Khổ não, chỉ hưởng những điều vui, cho nên gọi là Cực Lạc.
*
Sàriputta có 3 người em trai đều là đệ tử của Phật Thích Ca, theo thứ tự là: Cunda (Thuần Đà), Upasena (hay Vagantaputta) và Revata (Ly Bà Đa).
Revata nổi tiếng "Thiền Định Đệ Nhất".
Upasena nổi tiếng là "Hoan Hỉ Đệ Nhất", luôn vui vẻ.
Cunda nầy còn gọi là CulaCunda (Tiểu Thuần Đà) để phân biệt với Cunda là 1 trong 4 Đại Thanh Văn. Ngoài ra trong lịch sử Phật Giáo Nguyên Thủy cũng có 1 người khác tên là Cunda. Đó là người Thợ sắt (thợ rèn) đã dâng cho Phật Thích Ca "mộc nhĩ" (tai nấm). Đức Phật bị bệnh và qua đời sau khi ăn món "mộc nhĩ" nầy.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Bài này là một đoạn trích trong bài "Thập Đại Đệ Tử của Phật Thích Ca" đăng lần đầu trong website phanthuonghai.com
TỪ BÀI THƠ ĐIẾU PHAN THANH GIẢN CỦA NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU
Bs Phan Thượng Hải biên soạn
(1)
Ngay sau khi ông Phan Thanh Giản qua đời, ông Nguyễn Đình Chiểu có bài thơ điếu:
ĐIẾU PHAN THANH GIẢN (Nguyên bản)
Lịch sĩ tam triều độc khiết thân
Vi quân nan bảo nhất phương dân
Long Hồ ninh phụ thư sinh lão
Phụng các không quy học sĩ thần
Bỉnh tiết tằng lao sinh Phú Bật
Tận trung hà hận tử Trương Tuần
Hữu thiên Lục tỉnh tồn vong sự
An đắc thung dung tựu nghĩa thần.
(Nguyễn Đình Chiểu)
(*) Chú thích: Khiết = trong sạch. Quân = vua, chúa. Ninh phụ = thà phụ? (Từ câu: "Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục"). Bỉnh = cầm. Tiết = cờ Tiết của sứ thần hồi xưa. Tằng = từng trải qua. Hà hận = làm sao hận?
Bài thơ Hán ngữ của ông Nguyễn Đình Chiểu có trùng vận (điệp vận) "Thần". Thơ Hán ngữ viết bằng Hán tự thì không "thất luật" vì chữ "Thần" trong bài thơ tuy đồng âm nhưng có nghĩa khác và viết khác nhau (Hán tự).
Tự điển Trần Trọng San phân biệt 2 chữ Thần này:
Chữ "Thần" ở câu 4 có nghĩa là chủ tể của vạn vật; người có tài siêu việt. Chữ "Thần" này viết theo bộ Kỳ.
Chữ "Thần" ở câu 8 có nghĩa là bề tôi (đối với vua chúa) như triều thần. Chữ "Thần" này viết theo bộ Thần.
Làm thơ Hán ngữ viết bằng chữ Quốc ngữ thì "thất luật" trừ trường hợp điệp vận (trùng vận) của câu đầu và câu cuối.
Do đó xin làm bài thơ Hán ngữ viết bằng chữ Quốc ngữ "tiếp vận" chứ không "họa vận".
Thiển nghĩ trong Việt ngữ (Quốc ngữ hay Quốc âm) có Hán ngữ. Nếu ta dùng Hán ngữ thông dụng trong Việt ngữ thì không cần phải dịch.
ĐIẾU PHAN THANH GIẢN (Tiếp vận)
Tam triều phụng sự tận trung thần
Xử sự Nam Kỳ tận ái dân
Pháp Quốc công lao như Phú Bật
Vĩnh Long thành bại dị Trương Tuần
Chính danh Nho sĩ chân tình nghĩa
Chính đạo Nho gia bản thiện nhân
Minh kính Lương Khê lưu hậu thế (*)
Lương dân Lục tỉnh cộng tri ân.
(Phan Thượng Hải)
7/30/22
(*) Chú thích:
Lương Khê là tên hiệu của ông Phan Thanh Giản. Lương Khê được ghi trên Minh tinh và Mộ của ông Phan Thanh Giản sau khi ông mất.
Minh tinh là mảnh lụa hay mảnh vải hay mảnh giấy đề danh hiệu và chức tước của người chết trong khi đám ma. Minh tinh của đám ma ông Phan Thanh Giản đề chín chữ theo ý của ông là “Hải nhai thư sinh Phan Lương Khê chi cửu” (= Quan tài của học trò ở góc bể họ Phan hiệu Lương Khê).
Bia mộ của ông Phan Thanh Giản ghi: "Lương Khê Phan lão nông chi mộ".
Minh kính = gương sáng.
(2)
Khi đọc 2 câu thơ của ông Nguyễn Đình Chiểu:
Bỉnh tiết tằng lao sinh Phú Bật
Tận trung hà hận tử Trương Tuần
Tác giả có điểm không đồng ý nên mới viết 2 câu dưới đây trong bài thơ của mình:
Pháp Quốc công lao như Phú Bật
Vĩnh Long thành bại dị Trương Tuần
Công lao đi sứ của ông Phan Thanh Giản (và ông Phạm Phú Thứ) sang Pháp Quốc thì cũng như Phú Bật.
Đây là lịch sử của Phú Bật đi sứ sang nước Liêu (theo Winston Phan Đào Nguyên):
Phú Bật là một văn thần dưới triều Tống Nhân Tông của Bắc Tống. Theo sách sử "Tục Tư Trị Thông Giám", năm 1402, nước Liêu ở phương Bắc đem quân đe dọa nhà Tống và Trung Quốc ở biên cương để yêu sách đòi thêm số tiền lụa mà nhà Tống phải cống nạp hàng năm cho nước Liêu. Triều đình nhà Tống mấy lần phải cử Phú Bật đi sang nước Liêu thương thuyết vì không ai khác dám đi. Sau cùng nhà Tống giữ được đất nhưng phải tăng số tiền cống nạp hàng năm lên thành 20 vạn lạng bạc và 20 vạn tấm lụa. Phú Bật không chịu gọi đó là "nạp" nhưng cuối cùng triều đình nhà Tống vẫn phải chấp nhận chữ nầy. Do đó hòa nghị năm 1042 được gọi là Trọng Hi Tăng Tệ. (Trọng Hi là niên hiệu của Tống Chân Tông. Tăng tệ = tăng tiền).
Thành bại trong việc giữ thành Vĩnh Long của ông Phan Thanh Giản thì có khác Trương Tuần (dị = khác).
- Đây là lịch sử thảm khốc của Trương Tuần về việc giữ thành Tuy Dương (theo Winston Phan Đào Nguyên):
Trương Tuần nguyên là một viên quan nhỏ đời nhà Đường của Trung Quốc. Khi An Lộc Sơn nổi loạn, ông Trương Tuần mộ quân chống cự tại thành Ung Khâu. Trương Tuần bị vây hãm ở thành Ung Khâu nên phải bỏ thành Ung Khâu và đến giữ thành Tuy Dương để tiếp tục chống giặc An Lộc Sơn. Thành Tuy Dương cũng bị vây. Khi trong thành này hết lương, Trương Tuần giết người thiếp để lấy thịt cho binh sĩ ăn, rồi sau đó cho binh sĩ giết mà ăn thịt cả người già và trẻ con trong thành. Sau cùng khi thành Tuy Dương thua và bị chiếm, quân giặc (của An Lộc Sơn) trước khi giết ông đã dùng dao cạy miệng ông Trương Tuần ra để xem có phải ông chỉ còn mấy cái răng hay không, vì mỗi lần đánh trận ông giận dữ (hận) nghiến răng tới mức gãy cả răng.
- Đây là lịch sử nhân từ của ông Phan Thanh Giản về việc giữ thành Vĩnh Long:
Từ Mỹ Tho, tướng Pháp là De La Grandière muốn đánh chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ. Triều đình cử ông Phan Thanh Giản làm Kinh Lược để điều đình và chống giữ. Tình hình của 3 tỉnh Miền Tây rất yếu và chắc chắn sẽ thua quân Pháp về quân sự. Ông Phan Thanh Giản đã xin từ chức nhưng vua Tự Đức không cho. Năm 1867, De La Grandière đem binh thuyền từ Mỹ Tho theo sông Tiền Giang tới đóng ở trước thành Vĩnh Long. Trong 3 tỉnh Miền Tây Nam Kỳ thì tỉnh Vĩnh Long là tỉnh lớn nhất và tỉnh thành Vĩnh Long là nơi của quan Kinh Lược của tất cả 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ. Ông Phan Thanh Giản chỉ tự mình cùng với quan Án Sát Vĩnh Long là Võ Doãn Thanh xuống soái hạm của De La Grandière để điều đình. Ông không hề hứa miệng hay viết văn kiện giao thành cho Pháp nhưng chỉ trách De La Grandière là vi phạm hòa ước 1862. Việc điều đình không thành, khi ông Phan Thanh Giản (cùng Võ Doãn Thanh) đi bộ về để vào thành thì quân Pháp theo vào thành. Quan nhà Nguyễn trong thành (kể cả Tổng đốc và Lãnh binh) không biết làm sao thì quân Pháp đã vào thành và chiếm thành. Sự kiện này đã được tất cả nhân chứng kể cả Án sát Võ Doãn Thanh khai với triều đình khi bị xử tội sau này (khi ông Phan Thanh Giản đã chết). Không một viên quan nào khai là Phan Thanh Giản giao thành cho Pháp mặc dù nếu làm như vậy thì họ sẽ nhẹ tội hơn vì đỗ tất cả tội cho một người đã chết là ông Phan Thanh Giản.
Mặc dù cũng là trung thần nhưng ông Phan Thanh Giản không có xử sự đối với người dân Nam Kỳ như Trương Tuần!
Từ lịch sử mất thành Vĩnh Long, đây là lịch sử mất toàn bộ 3 tỉnh Miền Tây Nam Kỳ:
Sau khi lấy Vĩnh Long, quân Pháp đem thuyền ngược Tiền Giang đến trước tỉnh thành của tỉnh An Giang. Họ bắt buộc Tuần vũ An Giang phải xuống gặp quan Pháp để nhận thơ "đầu hàng" của Kinh Lược Phan Thanh Giản. Khi quan Tuần vũ xuống nhận thơ thì bị bắt làm con tin và quân Pháp dùng con tin mà vào thành Châu Đốc. Thế là tỉnh An Giang mất.
Trước đó trên đường đi Châu Đốc, quân Pháp bắt được Tuần vũ tỉnh Hà Tiên đang dùng thuyền đi kinh lý trên sông Tiền Giang. Ông này lại trở thành con tin. Sau khi chiếm thành Châu Đốc (của tỉnh An Giang), quân Pháp dùng thuyền theo kinh Vĩnh Tế đến thành Hà Tiên (của tỉnh Hà Tiên) và dùng con tin là Tuần Vũ Hà Tiên để vào chiếm thành. Tỉnh Hà Tiên cũng mất không một tiếng súng nổ!
Sau khi chiếm 3 tỉnh Tây Nam Kỳ (Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên), De La Grandière khôn khéo tuyên truyền qua công văn và sách vở là ông Phan Thanh Giản đã đầu hàng và dâng thành cho Pháp. Bức thư gửi cho các quan "ra lệnh đầu hàng" của Phan Thanh Giản chỉ được dùng để bắt quan Tuần vũ An Giang mà chiếm thành Châu Đốc và không hề được dùng để chiếm thành Hà Tiên. Bức thơ này chỉ là một trong những ngụy tạo của người Pháp mà thôi. Bức thơ này không được nói đến trong phiên tòa của triều đình Huế xử các quan Nam Kỳ sau khi ông Phan Thanh Giản qua đời. Không một viên quan nào khai là Phan Thanh Giản giao thành cho Pháp mặc dù nếu làm như vậy thì họ sẽ nhẹ tội hơn vì đỗ tất cả tội cho một người đã chết là ông Phan Thanh Giản.
Sau đó các sử gia người Việt (như Trần Trọng Kim, Linh mục Nguyễn Phương...) dựa trên tài liệu của người Pháp nên đều viết là Phan Thanh Giản đầu hàng và dâng thành cho Pháp trong Việt Sử. De La Grandière rất khôn khéo, chiếm 3 tỉnh Miền Tây Nam Kỳ mà không tổn thất quân lực của người Pháp và sau đó tuyên truyền để người dân Nam Kỳ không chống lại họ.
Người dân Nam Kỳ Lục Tỉnh dù tưởng là ông Phan Thanh Giản đầu hàng Pháp như tuyên truyền của người Pháp nhưng họ vẫn cám ơn ông Phan Thanh Giản. Nhờ ông không hiếu chiến mà người dân Nam Kỳ được an bình không phải tử thương và mất mát của cải vì chiến tranh, một cuộc chiến không thể nào thắng được trong lúc đó và chỉ được tiếng là "bảo vệ đất nước của nhà vua"! Thực sự sống với chế độ của người Pháp hay dưới chế độ của vua nhà Nguyễn thì cũng không khác gì lắm đối với "nông, công, thương". Còn đối với thiểu số quần chúng là những "nho sĩ" thiển cận thì chỉ "trung quân" hơn là "ái quốc"?
Chúng ta nên nhớ là lòng người dân Nam Kỳ không còn "trung" với nhà Nguyễn nữa khi vua nhà Nguyễn là Minh Mạng đã "phản bội" công lao giúp Gia Long thống nhất đất nước của người Nam Kỳ bằng cách kết tội ông Lê Văn Duyệt và đàn áp người dân Nam Kỳ trong "loạn Lê Văn Khôi" chỉ vài chục năm trước khi thực dân Pháp đến Nam Kỳ.
Năm 1967, nhân dịp kỷ niệm 100 năm, Linh mục Trương Bá Cần của Việt Nam Cộng Hòa đã viết bài minh oan cho ông Phan Thanh Giản: ông Phan Thanh Giản không có dâng thành và đầu hàng Pháp. Nội dung của bài viết của Linh mục Trương Bá Cần được phản ảnh trong bài:
"Phan Thanh Giản không có đầu hàng Pháp" (Bs Phan Thượng Hải) trong phanthuonghai.com
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
PHẬT THÍCH CA ĐẢN SINH
Bs Phan Thượng Hải biên soạn
* Tiểu sử Phật Thích Ca ở Lumbini
Thích Ca Mâu Ni Phật tên là Siddharta Gautama (Tất Đạt Ta Cồ Đàm) sinh ở Lumbibi (Lâm Tỳ Ni) của xứ Kapilavastu (Ca Tì La Vệ) của Ấn Độ, thuộc nước Nepal ngày nay khoảng hơn 2500 năm trước.
Cha cùa ngài là Vua Suddhodana (Tịnh Phạm), làm đầu của dòng Sàkya (Thích Ca) và cai trị xứ Kapilavastu ở miền Đông Bắc Ấn Độ vào thời đó.
Mẹ của ngài là Hoàng Hậu Maha Devi (Ma Da) chết 7 ngày sau khi sinh Siddharta. Siddharta được em gái của Hoàng Hậu là bà Maha Prajpati (Ma ha ba xà ba đề) dưỡng nuôi.
Lumbini là nơi Thái tử Siddharta sinh ra và sống trong hoàng cung cho tới khi xuất gia. Người hành hương tới đây thường viếng chùa Maha Devi kỷ niệm nơi sinh của Phật Thích Ca.
Năm 16 tuổi, Thái Tử Siddharta kết hôn với Yasodhara (Da Du Đà La), một Công Chúa của dòng Koliya ở kế bên. Hai người có một con trai là Rahula (La Hầu La).
* Chính Trị và Xã Hội trong Thời Phật Thích Ca
Phật Thích Ca sinh ở thủ đô Kapilavastu (Ca Tỳ La Vệ) trong lãnh thổ của thị tộc Sàkya (Thích Ca) thuộc đông bắc bán đảo Ấn Độ. Vùng Đông Bắc bán đảo Ấn Độ nầy lúc bấy giờ gồm có 2 nước lớn và lãnh thổ của những Thị tộc, ở miền Nam và miền Bắc sông Gange (Hằng Hà).
- Ở miền Bắc sông Gange có nước Kosala (Kiêu Tất La) với thủ đô là Sràvasti (Xá Vệ).
Phía đông và đông nam của nước Kosala từ bắc xuống nam có lãnh thổ độc lập của 3 Thị tộc chính:
Thị tộc Sàkya (Thích Ca) có thủ đô là Kapilavasu (Ca Tỳ La Vệ)
Thị tộc Malla (Mạt La) có thủ đô là Kunisara
Thị tộc Liccavi (Ly Xa Tỳ) có thủ đô là Vesali (Phệ Xá)
Phía nam của nước Kosala có lãnh thổ độc lập của Thị tộc Kasi (Kathi) có thủ đô là Varanasi. Varanasi và Vesali ở bờ bắc của sông Gange.
- Ở miền Nam sông Gange có nước Magadha (MaKiệt Đà) với thủ đô là Rajagrha (Vương Xá). Rajagrha và Vesali đối diệnnhau ở 2 bên bờ nam và bắc của sông Gange.
Phía đông của nước Magadha có lãnh thổ độc lập của Thị tộc Anga (Ương Già) có thủ đô là Champa (Chiêm Ba).
Phía tây của nước Magadha có lãnh thổ độc lập của Thị tộc Vatsa (Bà Ta). Lãnh thổ Vatsa và Kasi đối diện nhau ở 2 bên bờ nam và bắc của sông Gange.
Xa hơn nữa về phía Tây của Vatsa là nước Vamsa (ở miền Nam sông Gange) và ở phía Nam của nước Vamsa là nước Avanti (A Bàn Đề).
Bốn Giai cấp xã hội của Ấn Độ lúc bấy giờ:
Giai cấp người Bà La Môn (Brahmans): Giai cấp Tu sĩ tu hành và giữ lễ nghi tôn giáo (Ấn Độ giáo).
Giai cấp người Sát Đế Lợi (Ksatriyas): Giai cấp Vua Quan nắm quyền cai trị
Giai cấp người Tỳ Xá (Vaisyas): Giai cấp bìng dân gồm Nông, Công, Thương.
Giai cấp người Thủ Đà La (Sudras): Giai cấp Tiện dân (người hạ tiện) đời đời làm nô lệ (không thể chuyển sang những giai cấp khác).
Một người từ Giai cấp Sát Đế Lợi hay Tỳ Xá có thể đi tu và thuộc Giai cấp Bà La Môn. Phật Thích Ca sinh ra là Thái tử Siddharta nên ngài thuộc giai cấp Sát Đế Lợi. Khi ngài đi tu thì thuộc giai cấp Bà La Môn.
* Năm sinh của Phật Thích Ca
Phật Thích Ca qua đời lúc ngài 83 tuổi nhưng năm sinh của ngài không nhất định. Hiện nay trong Wikipedia có 2 giả thuyết về ngày sinh của Phật Thích Ca:
(1) sinh năm 563 tr CN (và qua đời năm 480 tr CN).
(2) sinh năm 483 tr CN (và qua đời năm 400 tr CN).
Theo lịch sử kỷ niệm ngày Phật Đản của Việt Nam, năm sanh của Phật Thích Ca là năm 624 tr CN và dùng ngày của Phật Giáo Đại Thừa là mồng 8 tháng 4 âm lịch. Phật Giáo Nguyên Thủy dùng ngày rằm (15) tháng 4, đúng với ngày đản sanh của Phật Thích Ca. Như vậy năm 2022 là năm 2646 (624+2022) theo Phật Lịch.
* "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn"
Theo Kinh Tạng (Sutrapikita) khi mang thai, Mẹ của Phật Thích Ca nằm mơ thấy có một vị Bồ tát với dạng con voi trắng chui vào bụng của mình. Ngay sau khi sinh ra từ hông phải của Mẹ, Phật Thích Ca bước đi 7 bước, một tay chỉ lên trời và một tay chỉ xuống dưới đất mà nói rằng: "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn (Trên trời dưới trời, chỉ có mình ta)"; và dưới mỗi bước chân hiện ra một đóa hoa sen.
Thật ra theo Trường Bộ kinh (Pìghanikàya) của Phật Giáo Nguyên Thủy, nguyên văn câu nói nầy của Phật Thích Ca (theo Hán ngữ) là: "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn nhất thiết thế gian sinh lão bệnh tử". (Trên trời dưới đất chỉ có mình ta là cần thiết cho thế gian sinh lão bệnh tử).
Riêng Thượng tọa Thích Thiện Hoa dịch thẳng từ Phạn ngữ là: "Trên trời dưới đất kiếp nầy là kiếp cuối cùng, Như Lai đoạn diệt gốc rễ sinh tử". Đây là câu hợp lý nhất với cuộc đời và giáo lý của Phật Thích Ca? Phật Thích Ca sinh ra ở kiếp của Thái tử Tất Đạt Ta và xuất gia đi tu thành Phật. Khi thành Phật thì không Khổ trong kiếp sinh lão bệnh tử và khi nhập diệt thì đạt Niết Bàn tức là không phải tái sinh theo luân hồi lục đạo nữa.
*
Cứ mỗi năm, Phật tử kỷ niệm ngày Phật Đản vào ngày 18 tháng 4 âm lịch.
PHẬT ĐẢN SINH
Nguyên thủy khởi từ Phật đản sinh (*)
Thích Ca thành đạo, tránh phồn vinh
Tăng già ẩn trú phùng an tịnh
Giáo pháp quy y đạt thái bình
Giới luật bảo trì, tâm chánh định
Si mê đoạn diệt, trí thông minh
Chúng sanh hành đạo, đời không khổ
Giải thoát luân hồi khỏi tái sinh.
(Phan Thượng Hải)
(*) Chú thích: Phật Thích Ca sáng lập Phật Giáo Nguyên Thủy (Tiểu Thừa).
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Tài liệu tham khảo
1) Hành Hương và Huyền Thoại Phật Thích Ca (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
2) Thơ Phan Thượng Hải - Tôn Giáo (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
______________________________________


THƠ THÁNG TƯ ĐEN
NGƯỜI DI TẢN 30-4
Miền Nam đamất phải sinh ly
Bỏ lại quê hương họa hiểm nguy
Chiến hữu lao tù thân khốn khổ
Đồng bào nô lệ dạ sầu bi
Lương tâm nuôi dưỡng người di tản
Chí hướng trường tồn lúc thịnh suy
Trọn kiếp không quên thề chống Cộng
Hằng năm tưởng niệm chuyến ra đi.
(Phan Thượng Hải)
4/23/17
NGƯỜI Ở LẠI 30-4-75
Ngu dại một ngày để tiếp thu
Dưới quyền nhà nước, giống nhà tù (*)
Hận đời cải tạo hành lao động
Buồn cảnh ly tan mộng viễn du
Lạc hậu tuyên truyền toàn lãnh thổ
Nghèo hèn áp đặt tận biên khu
Ta bà thế giới còn sinh sống
Địa ngục đây rồi khỏi phải tu.
(Phan Thượng Hải)
4/25/14
(*) Chú thích: Chính quyền gọi là "Nhà nước" (sau 30-4-1975).
BỆNH VIỆN BÌNH DÂN 30-4-75
Giặc đến, người đi, súng nổ vang
Bình Dân nội trú lúc nguy nàn
Cứu thương giải phẫu không ngừng nghỉ
Thiển ý vô tư chẳng rộn ràng
Giúp đỡ đồng bào khi biến loạn
Quên tìm tỵ nạn được bình an
Bùi ngùi nhớ lại ngày xưa ấy
Thời thế trần ai khó luận bàn? (*)
(Phan Thượng Hải)
4/26/12
(*) Chú thích:
Ai Công Hầu, ai Khanh Tướng, trong trần ai ai dễ biết ai. (Đặng Trần Thường)
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế thì vẫn thế. (Ngô Thì Nhậm)
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế thì phải thế. (Phan Huy Ích)
Hoa Xuân: Đào, Anh Đào và Mai
Bs Phan Thượng Hải biên soạn
Hoa Mai, Hoa Đào và Hoa Anh Đào
Hoa của mùa Xuân ở vùng ôn đới và hàn đới thường có 3 thứ hoa thường được nhắc đến: Hoa Mai, Hoa Đào và Hoa Anh Đào.
Cả ba loại Hoa Mai, Đào và Anh Đào thuộc ba họ là Rosales, Rosaceae và Prunus nhưng nhiều khi khó phân biệt.
Ý nghĩa của 3 loại hoa.
Hoa Đào tượng trưng cho sự trường thọ (longevity).
Hoa Mai là hoa của sự tốt lành (auspice).
Hoa Anh Đào là hoa của mùa Xuân với tất cả truyền thống tốt đẹp của mùa Xuân.
Đặc tính của 3 thứ hoa:
Hoa Mai (Plum Blossom) được chia ra theo 2 màu: trắng (white) và đỏ thắm (crimson). Tuy nhiên hoa Mai có thể có những màu khác nhau giữa 2 màu nầy. Thí dụ, có vài nụ nở thành hoa màu hường còn có nụ nở thành hoa màu trắng. Có vài nụ có nhụy màu lạt và chỉ có cánh hoa màu đỏ. Hoa Mai có mùi hương dịu dàng (sweet gentle) giống như mùi của bông lài (jasmine).
Hoa Đào (Peach Blossom) có thể là có màu trắng (white) gọi là Bạch Đào), màu hường (pink) gọi là Hồng Đào và màu đỏ (red) gọi là Bích Đào. Hoa có nhiều màu khác nhau có thể mọc trên cùng một cây. Mùi hương dịu nhẹ (sweet and mild), chúng ta có thể ngửi từ cả hoa và lá.
Hoa Anh Đào (Cherry Blossom) có thể có những màu trắng (white), hường nhạt (light pink) hoặc hường đậm (dark pink); tùy theo loại cây hay từ cây riêng biệt. Hoa Anh Đào thường có mùi hương nhẹ (mild) tuy nhiên cũng có loại khó có mùi hay có mùi rất mạnh.
Sự khác biệt giữa hình thể của 3 loại hoa.
Cả 3 thứ hoa thường đều có ít nhất là 5 cánh hoa (petal).
Hoa Mai: Cánh hoa hình tròn. Một chỗ trên cành chỉ có một hoa và gần như không có cuống (petiole).
Hoa Đào: Cánh hoa có mũi nhọn. Một chỗ trên cành có 2 hoa và có cuống ngắn.
Hoa Anh Đào" Cánh hoa có một chỗ lõm ở đầu. Một chỗ trên cành có nhiều hoa và có cuống dài.
Thời gian của hoa nở có khác nhau nhưng có thời gian trùng nhau (trong tháng 3 và tháng 4 dương lịch của mỗi năm):
Hoa Mai thường nở vào cuối tháng 1 cho đến đầu tháng 4.
Hoa Đào thường nở vào đầu tháng 3 đến cuối tháng 4.
Hoa Anh Đào thường nở từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 4.
Trong các nước ở vùng ôn đới và hàn đới, mùa hoa Anh Đào của Nhật Bản rất nổi tiếng cho toàn thế giới. Du khách thường đến Nhật Bản trong mùa hoa nầy.
Tác giả có bài thơ mô tả:
MÙA HOA ANH ĐÀO NHẬT BẢN
Xuân về nở rộ khắp gần xa
Nhật Bản đón mừng Sakura (*)
Rạng rỡ trên cành, mầm nghệ thuật
Xinh tươi theo gió, hứng thi ca
Điểm trang ngự uyển thiền sơn tự
Tô thắm phố phường bách tính gia
Thưởng ngoạn Anh Đào, cùng thú vị
Đẹp tình đẹp cảnh đẹp mùa hoa.
(Phan Thượng Hải)
9/13/13
(*) Chú thích: Sakura (tiếng Nhật Bản) = hoa Anh Đào.
Người Mỹ cũng thường thăm viếng thủ đô Washington DC để thưởng ngoạn hoa Anh Đào vào mùa Xuân trong thời kỳ của mùa hoa Anh Đào ở Nhật Bản.
Hoa Đào có chỗ có khi nở ngay trước mùa lễ Phục Sinh của Kitô Giáo (Christianity).
XUÂN ĐÀO PHỤC SINH
Đào thắm duyên xuân lễ Phục Sinh (*)
Tự nhiên thiên tạo ý hòa minh
Tin mừng cứu thế niềm hy vọng
Hoa nở giao mùa cảnh đẹp xinh
Thời tiết an lành tâm tỉnh thức
Nhân loài từ thiện tiếng cầu kinh
Xuân đào tái hiện phô thanh sắc
Cảm giác lòng người phước phục sinh.
(Phan Thượng Hải)
4/2/21
(*) Chú thích: Có loại hoa đào (như anh đào) nở vào đầu tháng tư ngay trước lễ Phục Sinh.
Hoa Đào ở Việt Nam
Hoa Đào (Peach Blossom; Beach Flower) có thể là có màu trắng (white), màu hường (pink), và màu đỏ (red). Hoa có nhiều màu khác nhau có thể mọc trên cùng một cây. Mùi hương dịu nhẹ (sweet and mild), chúng ta có thể ngửi từ cả hoa và lá.
Hoa Đào ở Việt Nam, thường ở Bắc Việt thuộc vùng ôn đới, cũng có 3 loại hoa chính tùy theo màu:
Có màu đỏ (red) hay đỏ lạt (light red) hoặc màu hường đậm (dark rose). Tiếng Việt gọi là Bích Đào.
Có màu hường (pink) hay hường nhạt (light pink) gần như màu trắng. Tiếng Việt gọi là Đào Phai.
Có màu hoàn toàn trắng (white). Tiếng Việt gọi là Bạch Đào.
Ở Việt Nam còn có:
Loại Đào Thất Thốn còn được gọi là đào tiến Vua là loại đào có cây cao hơn mặt đất chỉ chừng khoảng hơn 1m, phải trồng đến năm thứ 3 mới đơm hoa. Cây ra hoa kép và mỗi tầng hoa đều có 7 cánh, mỗi bông to có đường kính lên tới 4 – 5 cm. Đặc biệt, những bông hoa kép có thể có tới 30 - 50 cánh/bông.
Loại Hoa Đào Rừng thì mọc ở rừng nhưng có màu hường nhạt (như Đào Phai) hoặc màu trắng (như Bạch Đào).
Tại sao gọi là "Bích Đào" cho hoa Đào có màu đỏ hoặc màu hường đậm vì "bích" có nghĩa là màu xanh lam (blue) pha với màu xanh lục (green)?
Bích = (Màu) biếc hay xanh biếc; Thứ đá có màu xanh biếc.
Bích Câu = Cái ngòi (có) nước màu xanh biếc.
Bích Ngọc = Một thứ ngọc có màu xanh biếc (= Jade Vert, tiếng Pháp).
Biếc = Xanh Biếc = Có màu xanh lam hòa lẫn màu xanh lục - Xanh đậm nhưng tươi ánh lên.
Tuy nhiên "Bích Đào" dùng cho hoa Đào có nghĩa khác.
Bích = Hòn ngọc, có hình tròn và ở giữa có lỗ.
Bích Đào = (Hoa) Đào đẹp và quí như hòn ngọc.
Cũng có danh hiệu "Hồng Đào" cho hoa Đào.
Theo Từ điển Hán ngữ,
Hồng = (Màu) đỏ lợt (lạt).
Theo Từ điển Việt ngữ,
Hồng = (Màu) đỏ (Red).
= Hường = (Màu) hường hay đỏ lạt (Rosé).
Thường dùng Hồng Đào khác với Bích Đào (màu đỏ) với "Hồng" chỉ có nghĩa là "Hường", như vậy Hồng Đào đồng nghĩa với Đào Phai?
Văn Học Sử Việt thường nhắc tới bài thơ "Hoa Đào" của Thôi Hộ vào đời nhà Đường.
Theo Tình Sử và Lệ Tình Tập, Thôi Hộ là một người đẹp trai, tánh quả hợp, không hay chơi với ai. Một ngày thanh minh đi chơi một mình đến phía nam kinh thành thấy một nhà có vườn đào nhiều hoa, mới gõ cửa xin nước uống. Một người con gái rất đẹp và rất nghiêm trang ra hỏi tên họ rồi đem nước mời uống. Đến tiết thanh minh năm sau, Thôi Hộ lại đến nhà ấy, thấy cửa đóng, đề bài thơ nầy ở cánh cửa bên tả. Cách mấy hôm lại đến chợt nghe tiếng khóc và có ông lão ra hỏi: anh có phải là Thôi Hộ không? Con gái tôi đọc bài thơ của anh rồi nhịn ăn mới chết. Thôi Hộ vào khấn, thì người con gái ấy sống lại, bèn lấy làm vợ. Sau Thôi Hộ đổ Tiến sĩ vào đời Trinh Nguyên nhà Đường, làm qua đến chức Lĩnh Nam Tiết Độ Sứ.
ĐỀ TÍCH SỞ KIẾN XỨ
Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
(Thôi Hộ)
ĐỀ CHỖ ĐÃ TRÔNG THẤY NĂM TRƯỚC
Hôm nay, năm ngoái, cửa cài
Hoa đào ánh với mặt người đỏ tươi
Mặt người chẳng biết đâu rồi
Hoa đào còn đó vẫn cười gió đông.
(Trần Trọng Kim dịch)
ĐỀ CHỖ ĐÃ TRÔNG THẤY NĂM TRƯỚC
Hôm nay năm ngoái cổng nầy
Hoa đào soi ánh đỏ hay mặt người
Mặt người nay ở đâu rồi
Hoa đào nay vẫn còn cười gió đông.
(Trần Trọng San dịch)
Bài thơ nổi tiếng nầy làm điển cố cho nhiều câu thơ:
Ức tích dữ quân tương biệt trung
Tuyết mai do vị thức đông phong
Vấn quân hà nhật qui
Quân chỉ đào hoa hồng
Đào hoa dĩ trục đông phong khứ
Lão mai giang thượng hựu phù dung.
(Chinh Phụ Ngâm Khúc / Đặng Trần Côn)
Thuở đăng đồ mai chưa dạn gió
Hỏi ngày về chỉ độ đào bông
Nay đào đã quyến gió đông
Phù dung lại đã bên sông bơ xờ
(Chinh Phụ Ngâm Khúc / Đoàn Thị Điểm)
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông
(Đoạn Trường Tân Thanh)
Trên chín bệ cỏ hay chăng nhẻ
Khách quần thoa mà để lạnh lùng
Thù nhau chi hỡi đông phong
Góc vườn dãi nắng cầm bông hoa đào.
(Cung Oán Ngâm Khúc)
Xuân sang xuân đã già nào
Chờ sau mai nở thì đào chẳng lâu
(Bích Câu Kỳ Ngộ)
Hỏi cho giáp mặt hoa đào
Vườn xuân chẳng lẽ ngăn rào mãi ru.
(Bích Câu Kỳ Ngộ)
Còn trời còn nước còn non
Mây xanh nước biếc vẫn còn như xưa
Hoa đào còn đó trơ trơ
Mà người năm ngoái mà giờ là đâu?
Vù vù gió thổi rèm lau
Càng như chất mới tơ sầu vào thêm.
(Bích Câu Kỳ Ngộ)
Ngày nay, theo Trang Thơ Thi Viện Net, bài thơ nầy được đổi tựa là "Đề Đô Thành Nam Trang" và đổi lời: từ "đông phong" thành "xuân phong"với chú thích.
ĐỀ ĐÔ THÀNH NAM TRANG
Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu xuân phong. (*)
(Thôi Hộ)
(*) Chú thích : Có bản viết là "đông phong" cũng không sai vì ở Trung Quốc gió xuân (xuân phong) đến từ hướng đông!
Ý kiến về "Xuân phong" thay vì "Đông phong" cũng có lý, nhưng giải thích như của Trang Thơ Thi Viện Net thì hơi gượng ép, vì thật ra hoa Đào không có nở vào mùa Đông mà chỉ nở vào mùa Xuân ở Trung Quốc, một nước thuộc vùng ôn đới và hàn đới. Do đó câu cuối của bài thơ phải viết cho đúng theo thời tiết thiên nhiên là:
Đào hoa y cựu tiếu xuân phong.
Như vậy các câu thơ trong Chinh Phụ Ngâm, Đoạn Trường Tân Thanh và Cung Oán Ngâm Khúc dùng "đông phong" với "hoa đào" làm điển tích đều sai hết; và chỉ có Bích Câu Kỳ Ngộ dùng "mùa xuân" với "hoa đào" là đúng mà thôi?
Văn học sử nước Việt cũng có chuyện ông Từ Thức gặp Tiên là Giáng Hương ở động Từ Thức, còn gọi là động Bích Đào vào đời nhà Trần niên hiệu Quang Thái (1388-1398). Động này ở xả Trị Nội, huyện Nga Sơn (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa); ở bên hữu núi Thần Phù.
Tương truyền Từ Thức có bài thơ tả cảnh chốn nầy như sau, có đề cập đến sự hiện diện của hoa Đào:
Thiên chương bích thụ quải triêu đôn
Hoa thảo nghinh nhàn nhập động môn
Bạng giản dĩ vô tăng thái dược
Lâm lưu thặng hữu khách tầm nguyên (ngôn)
Lữ du tư vị tam cầm lộng
Điếu đỉnh sinh nhai nhất tửu tôn
Nghĩ hướng Vũ Lăng ngư phủ vấn
Tiền lai viễn cận thực đào thôn.
(Nguyễn Tử Quang dịch thơ)
Đầu cành thấp thoáng bóng kim ô
Hoa động vui mừng đón khách vô
Cạnh suối nào là người hái thuốc
Quanh nguồn chỉ có gã bơi đò
Xênh xang ghế mát đàn ba khúc
Đủng đỉnh thuyền câu rượu một vò
Ước hỏi Vũ Lăng chàng đánh cá
Làng đào đâu có cách chừng mô.
Tương truyền Từ Thức kết duyên với Giáng Hương và sống được một năm ở cõi Tiên thì nhớ trần thế xin về. Khi về chốn trần gian thì mới biết thời gian đã qua 60 năm. Ông trở về chốn cũ nhưng không tìm được Tiên nữa nên vào ở ẩn ở núi Hoàng sơn thuộc huyện Nông Cống (cũng thuộc tỉnh Thanh Hóa ngày nay) và chết ở đây.
Lê Quý Đôn của nhà Hậu Lê có bài thơ vịnh sự tích nầy như sau, và có nhắc tên Bích Đào Động:
Hải thượng quần tiên sự diếu mang
Bích đào động khẩu thái hoang lương
Kiền khôn nhất cát cùng Từ Thức
Vân thủy song nga lão Giáng Hương
Thạch cổ hữu thanh xao hiểu nhật
Sa diêm vô vị niết thu xương
Thế nhân khổ tác Thiên thai mộng
Thùy thức Thiên thai diệc hí trường.
(Nguyễn Tử Quang dịch thơ)
Câu chuyện thần tiên rất khó lường
Bích Đào động nọ đã hoang lương
Áo bông gió bụi: thân Từ Thức
Mày liễu xuân tàn: sắc Giáng Hương
Trống đá ngày qua nghe tiếng động
Nhủ diêm sương nhuộm mất mùi thường
Thiên thai mộng tưởng cho thêm khổ
Ai biết thiên thai cũng hí trường.
Có những bài thơ hiện đại tả hoa Đào trong dịp Tết, đầu Xuân, cùng với hoa Mai vì hoa Anh Đào không có ở nước Việt.
ĐÀO THẮM (Nguyên bản)
Cây nhà vườn trước lá đang xanh
Đua nở bông tươi phủ khắp cành
Vài bướm nghe hương lơ lửng đến
Dăm ong thấy sắc dập dìu quanh
Người qua tấm tắc khen hoa đẹp
Kẻ lại trầm trồ nói dấu lành
Ngắt cánh xinh xinh trưng chậu Tết
Đón Xuân đào thắm cánh mong manh.
(Hp-Trương Ngọc Thạch)
1/22/16
ĐÀO THẮM MAI XINH (Họa)
Xuân về hoa nở đẹp trời xanh
Đào thắm mai xinh giữa lá cành
Thắng cảnh Bích Câu duyên gặp gỡ (*)
Trọn tình Thôi Hộ hết đi quanh (*)
Mai xinh thơ mộng đời may mắn
Đào thắm lòng vui sự tốt lành
Tươi trẻ hồn người tràn nhựa sống
Chứa chan kỳ vọng kiếp mong manh.
(Phan Thượng Hải)
1/23/16
(*) Chú thích:
Từ câu thơ: "Đua chen thu cúc xuân đào. Lựu phun lửa hạ mai chào gió đông" (Bích Câu kỳ ngộ: Tú Uyên gặp Giáng Kiều).
Sự tích và bài thơ của Thôi Hộ.
Hoa Mai ở Việt Nam
Hoa Mai (Plum) ở miền ôn đới hay hàn đới kể trên được gọi là Mai Hằng (Mơ, Mơ Ta) ở Việt Nam (Japanese Plum, Chinese Plum, Apricot), thường chỉ thấy ở Bắc Việt. Bắc Việt gần miền ôn đới nhưng Nam Việt thuộc miền nhiệt đới nên có hoa Mai Vàng (Yellow Mai).
Các Loại Mai ở Việt Nam:
1. Mai Vàng (Mai Vàng Việt Nam) = Ochna integerrima. Mai Vàng VN là loại Mai Mỹ (Ochna) chỉ có ở Việt Nam, nhất là Miền Nam trong dịp Tết Nguyên Đán.
Mai Núi = 1 loại Mai Vàng mọc tự nhiên ở rừng núi = thuộc loại Ochna integerrima. Nó khác với loại Mai Vàng VN trồng ở phố thị hay thôn quê.
2. Những Mai Mỹ khác = Ochna serrulata, Ochna atropurpurea...
Mai Tứ Quý = thuộc loại Ochna serrulata.
Nhị Độ Mai = 1 loại tiêu biểu của Mai Tứ Quý.
3. Mai Hằng = Mơ, Mơ Ta = Prunus mume
Nhất Chi Mai = thuộc loại Prunus mume.
Mai Vàng (Việt Nam), không phải là Mai Núi.
- Thường thấy ở Miền Nam trong dịp Tết Nguyên Đán. Được trồng ở phố thị hay thôn quê.
Miền Nam
Miền Bắc: hiện đại trồng ở vùng Uông Bí - Đông Triều - Quảng Ninh.
Miền Trung: trồng ở Huế và Bình Định.
- Hoa màu vàng và có 5 cánh hoa.
Mai Vàng = Hoàng Mai, Huỳnh Mai, Lão Mai.
= Yellow Mai (Anh ngữ).
Mai Núi
Thường thấy mọc tự nhiên ở vùng rừng núi: từ Tây Nguyên, ở Quảng Bình và Quảng Trị, cho tới Biên Hòa và Tây Ninh.
Hoa màu vàng và có 5-9 cánh hoa, có khi tới 12-18 cánh.
Ngày nay Mai Núi cũng được trồng ở phố thị và thôn quê.
Mai Núi = Mountain Mai
Những Mai Mỹ khác trên Thế giới.
Hoa màu vàng có đài màu đỏ.
Mai Mỹ = Smell-leaved Plane, Mickey Mouse Plane, Carnival Ochna, Bird's Eye Bush
Mai Tứ Quý và Nhị Độ Mai.
- Hoa có 5 cánh hoa.
- Nhị Độ Mai có nghĩa là Mai nở hai lần (trước vàng sau đỏ).
Mai Tứ Quý bắt đầu có hoa màu vàng 5 cánh. Các cánh rơi rụng rồi 5 đài hoa đổi thành màu đỏ úp lại ôm lấy nhụy, trông giống như nụ hoa vừa nhú. Nhụy bên trong kết hạt rồi hạt to dần đẩy 5 đài hoa (đỏ) bung ra trông giống như hoa mai đỏ vừa nở. Hạt ở giữa các cánh hoa, có màu xanh khi còn non rồi đổi sang màu đen khi già.
Thường trồng ở Miền Bắc từ xưa đến giờ và có Trái (Quả).
Hoa nở vào cuối Đông và đầu Xuân (cuối tháng 1 và đầu tháng 2).
Hoa thường có màu trắng, hiếm khi thấy màu hồng nhạt hay đỏ thẩm.
Hoa có 5 cánh hoa (thường là màu trắng). Nhụy chỉ có màu vàng.
Mai Hằng, Mơ, Mơ Ta (khác Mơ Tây = Apricot = Prunus armeniaca).
= Bạch Mai, Hàn Mai.
= Mai, Mai Tử (Hán ngữ của Trung Hoa).
= Chinese Plum, Japanese Plum, Japanese Apricot (Anh ngữ).
= Apricotier du Japon, Apricotier (Pháp ngữ).
Mai Hằng hay Mơ Ta (Abricottier) màu trắng hồng biểu hiện Tình yêu không được đáp lại.Tác giả là người sống viễn xứ, nhân khi ngắm Mai Vàng sau vườn cũng có bài thơ:
NGẮM MAI VÀNG (Nguyên bản)
Hậu viên thơ thẩn ngắm mai vàng
Kỳ vọng đồng tình xuân mới sang
Nhụy nở tự nhiên chào gió lạnh
Cánh chia xinh xắn đón trời quang
Huy hoàng sắc đẹp bên hoàng cúc
Thanh bạch duyên may cạnh bạch lan
Thoáng nhớ hương xưa nơi đất mẹ (*)
Hồn thơ lai láng tứ mênh mang...
(Phan Thượng Hải)
3/3/21
(*) Cổ thi thường mượn hoa Mai để nhớ quê nhà cho những người viễn xứ, như bài thơ dưới đây của Lê Cảnh Tuân đời nhà Trần:
NGUYÊN NHẬT (*) NGÀY ĐẦU NĂM
Lữ quán khách nhưng tại Hỡi ơi xuân cũ lại về
Khứ niên xuân phục lai Còn ta đất khách lê thê năm dài
Quy kỳ hà nhật thị Ngày về thăm thẳm hỏi ai?
Lão tận cố hương mai. E rằng đã cỗi cành mai quê nhà.
(Lê Cảnh Tuân) (Nguyễn Tấn Hưng dịch)
(*) Chú thích: Nguyên nhật = ngày đầu năm
Bài thơ của tác giả được những người trong nước họa:
MAI XUÂN (Họa)
Bát ngát Nam Phương ngập ánh vàng
Trời vui lồng lộng nắng Xuân sang
Mai hương nhẹ thoảng thơm quê lạnh
Cúc sắc đậm màu tươi xứ quang
Mong khách năm châu vui Ngọc Điểm
Ước người tứ xứ thưởng Hoàng Lan
Nguyện cầu thế giới thanh bình điệu
Nhơn loại nhẫn hòa nhẹ gánh mang.
(Võ Văn Thành)
03/04/2021
CÂY MAI NHÀ (Họa)
Trước nhà rực rỡ chậu mai vàng
Hớn hở đón mừng năm mới sang
Cành, nhánh sum sê như biểu diễn
Nụ, hoa tươi thắm tựa đăng quang
Nghiêng mình đáp lễ chào em cúc
Ngẩng mặt trao hương gửi chị lan
Xuân đến rồi đi lòng bịn rịn
Ơn trời mọi thứ được cưu mang.
(Phan Kim Thành)
3/6/21
Tình quê hương không những từ bông Mai Vàng mà từ bông Lúa Vàng:
HOÀNG HOA
Tâm tư êm ái tự hoàng hoa
Dưỡng tánh an cư thú đậm đà
Nhớ đến cố hương màu lúa chín (*)
Thương về quá khứ sắc mai già (*)
Cổ thi rạng tứ hòa phong cảnh
Mỹ tửu si tình mến tố nga
Xuân ý dâng tràn niềm hạnh phúc
Tượng hình chia sẻ khắp gần xa.
(Phan Thượng Hải)
3/19/21
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
Bài viết nầy đăng lần đầu trong phanthuonghai.com mục Văn Hóa phần Học Thuật.
Tài Liệu Tham Khảo:
- Cùng một tác giả Bs Phan Thượng Hải - Phan Thượng Hải - phanthuonghai.com
Các Loại Hoa Biểu Hiện Tình Yêu (Bs Phan Thượng Hải)
Điển Cố Từ Thơ (Phan Thượng Hải)
Thơ Phan Thượng Hải - Sinh Vật và Cảnh Vật (Bs Phan Thượng Hải)
- Khác tác giả
Điển Hay Tích Lạ (Nguyễn Tử Quang)
Related articles and pictures - Google Wikipedia
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền










ĐẠT LAI LẠT MA THỨ 14
Bs Phan Thượng Hải biên soạn
Pháp danh của ngài là Tenzin Gyatso, rút ngắn từ "Jetsun Jamphel Ngawang Lobsang Yeshe Tenzin Gyatso". Tục danh của ngài là Lhamo Dondrub (hay Thondup).
Ngài sinh (năm 1935) trong 1 gia đình nông dân và chăn nuôi ngựa có 7 người con ở 1 làng nhỏ trước thuộc vùng Amdo của Tây Tạng nhưng lúc đó lại thuộc tỉnh Thanh Hải của Trung Hoa Dân Quốc. Gia đình của ngài nói tiếng thổ ngữ Tây ninh Trung Hoa trước khi dời về Lhasa (năm 1939). Người anh cả, Thupten Jigme Norbu, đã được nhận là tái sinh của Lạt Ma Taktser Rinpoche.
Nhiếp Chánh Reting Rinpoche tìm ra Lhamo Thondup là tái sinh của Đạt Lai Lạt Ma thứ 13. Cậu bé Lhamo Thondup nhận ra đúng hết từng di vật khác nhau của Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 mà la lên rằng: "Cái đó của tôi! Cái đó của tôi!". Để Lhamo Thondup được rời nơi ở mà về Lhasa, Tây Tạng phải đút tiền cho Tướng quân ở Thanh Hải (Qing Hai) là Mã Bộ Phương (Ma Bu Fang).
Tenzin Gyatso được chánh thức thành Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 trị vì Tây Tạng vào năm 1950 (khi 15 tuổi). Năm 1959 (khi 23 tuổi) Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đậu Tiến sĩ của Phật Giáo Tây Tạng (Doctorate in Bhuddist Philosophy).
Dưới thời Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch, Tướng quân Mã Bộ Phương (Ma Bu Fang) của Thanh Hải (theo đạo Hồi) thường phá phách Tây Tạng.
Khi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc thành lập năm 1949, quân đội Trung Quốc chiếm Tây Tạng vào tháng 10, 1950 chỉ 1 tháng trước ngày tức vị của Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 (tháng 11, 1950). Năm 1954, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 và Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 sang Bắc Kinh gặp Chủ tịch Mao Trạch Đông. Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 được phong làm Phó Chủ tịch Ủy ban thường vụ của Quốc Hội Nhân Dân.
Năm 1956, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 sang gặp Thủ tướng Nehru của Ấn Độ và ngài ngỏ ý xin tỵ nạn nhưng bị từ chối. Cùng năm đó có cuộc nổi dậy của người Tây Tạng ở vùng Kham chống lại chánh quyền Trung Quốc.
Với sự giúp đỡ của CIA, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 cùng tùy tùng trốn khỏi Tây Tạng, sang Ấn Độ vào ngày 30-3-1959 và tới Tezpur của vùng Assam vào ngày 18-4-1959.
Ngay sau đó, tại Dharamsala (của Ấn Độ), Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 với 80,000 người Tây Tạng định cư ở đây lập Chánh phủ Tây Tạng Lưu Vong và duy trì nền tôn giáo, văn hóa và nghệ thuật Tây Tạng tại đây.
Về chính trị, trước tiên, Đạt Lai Lạt Ma vận động với Liên Hiệp Quốc đấu tranh cho Nhân quyền trên lãnh thổ Tây Tạng.
Sau khi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc được Nixon cho vào Hội đồng bảo an của Liên Hiệp Quốc, Đạt Lai Lạt Ma phải điều đình trực tiếp với Trung Quốc. Qua nhiều lần điều đình ngoại giao với Trung Quốc về vấn đề Tây Tạng tự trị (liên hợp với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc) và về vấn đề Đạt Lai Lạt Ma về lại Tây Tạng, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 cuối cùng phải chấm dứt (điều đình) vì ngài không còn "tin" chánh quyền Trung Quốc nữa.
Về tôn giáo, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 viết sách và đi thuyết giảng Phật Giáo và Phật Giáo Tây Tạng khắp toàn thế giới. Ngài cũng giao dịch với các nhà lãnh đạo tôn giáo khác trên thế giới. Ngài cổ động cho tôn giáo dựa trên nền tảng khoa học chứ không dựa trên mê tín dị đoan.
Ngài luôn giữ liên hệ tốt đẹp với Ấn Độ. Ngài nói: "Tôi coi Ấn Độ là thầy và Tây Tạng là học trò vì những đại học giả như Long Thụ (Nagarjuna) từ Nalanda (của Ấn Độ) sang Tây Tạng giảng dạy Phật Giáo vào thế kỷ thứ 8".
Từ tôn giáo, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 thành nổi tiếng trên khắp thế giới. Ngài được giải Nobel Hòa Bình (năm 1989).
Dưới đây là một số quan điểm về một số vấn đề đặc biệt của Đạt Lai Lạt Ma thứ 14:
- Về chủ nghĩa Cộng Sản của Karl Marx, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 viết:
Trong tất cả những thuyết lý kinh tế hiện đại, hệ thống kinh tế của Marxism được xây dựng trên nguyên tắc đạo đức trong khi đó chủ nghĩa tư bản (capitalism) chỉ nghĩ tới thắng lợi và có lợi. Marxism nghĩ tới sự phân chia tài sản trên căn bản bình đẳng và sự xử dụng công bình của phương tiện sản xuất. Nó cũng nghĩ tới số mệnh của giai cấp công nhân - là đa số - cũng như số mệnh của những ai yếu thế và đang cần, và Marxism lo cho nạn nhân của sự lợi dụng trẻ em bị áp bức. Do những lý do đó, hệ thống (Marxism) cảm động lòng tôi và nó có vẻ tốt và thuận tiện.
Ngài cho rằng khi ngài đến Bắc Kinh (1956), "đối với tôi, Marxism rất hấp dẫn, tôi còn tỏ ý muốn thành một đảng viên Cộng Sản", dẫn chứng từ ý niệm thích nhất của ngài là tự túc (self-sufficiency) và sự phân chia bình đẳng của tài sản.
Tuy nhiên Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 không tin là Trung Quốc áp dụng thật sự đúng đắn chính sách của K. Marx. Nói về chủ nghĩa tư bản, ngài cho rằng "mực sống của hàng triệu dân tốt hơn" nhưng đó "chỉ là làm sao cho có lợi", trong khi đó Marxism có "luân lý đạo đức" (moral ethics). Nhìn lại lịch sử, Liên Xô "chỉ nghĩ tới lợi ích của quốc gia hơn là lợi ích của Công nhân Quốc tế (Workers' International).
- Về Tình dục
Ngài quan niệm rằng giao hợp bằng miệng, bằng tay hay bằng hậu môn (cho cả Đồng tính luyến ái hay Dị tính luyến ái) là không được chấp nhận cho Phật Tử hay đối với Phật Giáo.
Ngài nói:
"Sự cấm đoán tình dục cho người Phật tử áp dụng cho hành vi Đồng tính luyến ái và sự giao hợp Dị tính ở những chỗ khác hơn là âm đạo (vagina), kể cả sự thủ dâm hay những hành vi giao hợp bằng tay... Trên quan điểm của Phật giáo, sự giao hợp tình dục của lesbian và gay thông thường được coi như là tình dục không có hạnh kiểm (sexual misconduct)".
"Nếu có người đến hỏi tôi rằng Đồng tính luyến ái là Okay hay không. Tôi sẽ hỏi: Ý kiến của người bạn tình (companion) của bạn ra sao? Nếu cả 2 người đều đồng ý thì tôi nghĩ rằng tôi sẽ nói: Nếu 2 người Nam hay 2 người Nữ tự mình đồng ý có sự thỏa mãn chung với nhau mà không có làm hại những người khác, thì đó là Okay".
"Một cuộc giao hợp tình dục được xem là đúng đắn khi đôi (tình nhân) dùng những cơ quan dành riêng cho sự giao hợp và không dùng những gì khác... Đồng tính luyến ái, cho dù giữa 2 người Nam hay giữa 2 người Nữ, tự nó là không đúng đắn, Cái không đúng đắn là việc xử dụng những cơ quan được định nghĩa là không chính đáng (inappropriate) cho sự giao hợp tình dục".
Đạt Lai Lạt Ma nhắc nhở rằng mọi tôn giáo đều có cùng ý kiến về sự gian dâm (adultery).
- Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 biểu lộ sự lo lắng về vấn đề môi sinh (Environnement) và vận động cho việc bảo vệ các thú vật hoang dại.
- Về việc Osama Bin Laden bị giết chết, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 nói:
"Tha thứ không có nghĩa là quên những gì đã xảy ra... Nếu chuyện gì quá hệ trọng (serious) và cần có sự phản công, bạn phải phản công lại".
- Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 nhắc nhở rằng Phá Thai là một hành vi của sát sanh (thuộc giới cấm của Phật Giáo). Nhưng ngài cũng đồng ý trong những trường hợp đặc biệt "nếu trẻ chưa sinh sẽ chậm lớn (retarded) hay sự sinh sản sẽ gây nên vấn đề hệ trọng cho cha mẹ", với ý của ngài là tùy theo từng trường hợp cá biệt. Điều nầy có khác văn hóa của Tây Tạng: Phá Thai là tuyệt đối không được chấp nhận và phái nữ không có quyền quyết định.Ở Tây Tạng, thịt là thực phẩm chính, hầu hết tăng sĩ đều "ăn tất cả mọi thứ" (omnivorous) cả thực vật lẫn động vật, kể cả Đạt Lai Lạt Ma. Trong quá khứ, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 có thử ăn chay nhưng ngài bị "vàng da" (jaundice). Do đó bác sĩ khuyên ngài phải ngưng. Khi ngài viếng thăm Tòa Bạch Ốc (White House) và được dọn món ăn chay thì ngài từ chối và trả lời rằng: "Tôi là một tăng sĩ (monk) Tây Tạng chứ không phải là một người ăn chay (vegetarian)".
Năm 2008, sau khi có nổi loạn của dân Tây Tạng ở trong nước chống lại chánh quyền Trung Cộng, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 muốn sửa đổi phương hướng tìm Đạt Lai Lạt Ma kế vị trong tương lai (như có thể tái sinh ngoài lãnh thổ Tây Tạng) vì ngài sợ có sự âm mưu nhúng tay vào của chính quyền Trung Quốc.
Ngày 24-3-2011, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 xin từ chức là Lãnh tụ chính trị của chính quyền Tây Tạng lưu vong và xin Quốc Hội lưu vong sửa hiến pháp: Đạt Lai Lạt Ma không còn là người lãnh đạo của quốc gia nữa mà được thay thế bằng một Lãnh tụ do dân bầu lên.
Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 giới thiệu giáo lý giác ngộ của Thiền tông cho Phật tử còn vương vấn với cái Nghiệp của Phật Thích Ca và Phật Giáo Nguyên thủy:
Tất cả mọi Hiện tượng thanh tịnh hay ô nhiễm đều trình hiện bởi Tâm Thức như là biểu hiện bằng tính chất tự nhiên thanh tịnh (của Bản Tâm) vì Bản Tâm là thanh tịnh bản nhiên từ khởi thủy..
Ngay cả khi vẫn là chúng sanh và dù đã tạo vô số ý Nghiệp tốt hoặc xấu như tham, sân, si; Bản Tâm chính nó vẫn siêu việt (= ở trên) mọi ô nhiễm từ các phiền não nầy. Nước có thể rất bẩn nhưng thể tính của nó vẫn là trong sạch (= thanh tịnh) và bản tánh của nước không bị ô nhiễm bởi bùn dơ.
Tương tự, bất luận Hiện tượng phát sinh như là trò thiên diễn (= biểu tượng) của Tâm nầy, và bất luận lực dụng của nó (= hiện tượng phát sinh) đến mức nào thì tự Bản Tâm (căn nguyên của mọi tướng trạng của các kỹ xảo như vậy) từ vô thủy vẫn không bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm và vẫn không bị ảnh hưởng bởi cái thiện.
Giác ngộ là khi ta "đồng nhất" được với Bản Tâm và nhận thức rõ ràng tất cả mọi Hiện tượng luân hồi sinh tử và Niết bàn (Vạn Pháp) đều lưu xuất từ Bản Tâm nầy. Bản Tâm từ bi viên mãn và vi diệu vốn có sẵn (trong mỗi và mọi chúng sanh) nên Kinh có câu "Giác ngộ từ vô thủy".
Từ không bị ảnh hưởng bởi khái niệm quy ước, Tâm (Tâm Thức) đồng nhất với bản thể của mình (= Bản Tâm) và khẳng định chính xác rằng ý nghĩa của nó (= Bản Tâm) tương tục và thường hằng trong sự quân bình của Định Tuệ thì dù có sống trong thế tục chúng ta đã là Phật.
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 giúp chúng ta hiểu rõ giáo lý nhân sinh của Kim Cang Thừa, giống như Thiền Tông của Phật Giáo Đại Thừa: Sống từ bi theo Bản Tâm từ bi bẩm sinh của tâm ta thì ta vượt thoát ra khỏi Nghiệp (Karma) (căn bản của Nhân Quả Nghiệp Duyên) và tâm của ta không có Tham (greed), Sân (anger) và Mạn (pride). Thiền Tông còn gọi Bản Tâm là Phật Tánh (hay nhiều từ ngữ khác như "Bản Lai Diện Mục"). Đó là cốt lõi của giáo lý Phật Giáo Đại Thừa và Kim Cang Thừa. Mọi người đều có sẵn Bản Tâm (hay Phật Tánh) từ bẩm sinh nên đều có thể thành Phật trong kiếp sống này.
Nếu ta giác ngộ được cái cốt lõi của giáo lý nầy thì ta có "trí tuệ bát nhã" tức là không còn Si hay Vô Minh (ignorance) và Nghi (doubt).
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Tài liệu đọc thêm:
1. Phật Giáo Tây Tạng Kim Cang Thừa (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
2. Giáo Lý Giác Ngộ của Phật Giáo Đại Thừa Thiền Tông (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
3. Giáo Lý Giải Thoát của Phật Giáo Nguyên Thủy (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
_____________________
LỊCH SỬ CỦA ĐẠT LAI LẠT MA VÀ BAN THIỀN LẠT MA
Bs Phan Thượng Hải biên soạn
a) Đại Cương
*
Je Tsongkhaba (Tông Khách Ba) lập phái Gelug ở Tu viện Ganden (từ năm 1409).
Trong 2 đệ tử của Je Tsongkhaba (1357-419) có 2 Lạt Ma là Khedrup Je và Gendrum Drup (Gendrum Drub). Cả 2 Lạt Ma nầy thuộc 2 dòng hóa thân Tulku (Chu cô) khác nhau.
Sau khi Je Tsongkhaba qua đời, Lạt Ma Gendrum Drup thay Je Tsongkhaba làm Trụ trì Tu viện Ganden và trở thành vị Lạt Ma được kính trọng và nổi tiếng của Tây Tạng. Ngài không có liên quan tới chính trị. Sau đó ngài rời Tu viện Gandan về làm Trụ trì Tu viện Drepung và lập Tu viện Tashilhumpo ở Shigatse (năm 1447). Lạt Ma Khedrup Je thay làm Trụ trì tu viện Ganden và dĩ nhiên trở thành Gaden Tripa (Giáo chủ) của phái Gelug.
*
Dòng Tulku (Chu cô) của Lạt Ma Gendrum Drup nối tiếp với những Lạt Ma: Gendun Gyatso Palzanpo và Sonam Gyatso.
Lạt Ma Gendun Gyatso Palzampo lãnh đạo cả 3 tu viện Drepung, Sera và Ganden. Phái Gelug rất có uy tín Phật Giáo Tây Tạng lúc bấy giờ.
Lạt Ma Sonam Gyatso là Ganden Tripa (Giáo chủ) của phái Gelug và trong thời của ngài, phái Gelug thay thế phái Kagyu, trở thành lãnh đạo của giáo hội Phật Giáo Tây Tạng.
Sau khi gặp Khả Hãn Altan của Mông Cổ, Lạt Ma Sonam Gyatso có danh hiệu Đạt Lai Lạt Ma và từ đó danh hiệu nầy được dùng cho những Lạt Ma thuộc dòng Tulku nầy từ Lạt Ma Gendrum Drup. Và từ đó dòng Tulku (Chu Cô) nầy được coi là hiện thân của Quan Tự Tại bồ tát (Avalokiteshvara). Quan Tự Tại bồ tát là Quan Thế Âm bồ tát của Đại Thừa. Sau khi có danh hiệu Đạt Lai Lạt Ma, (Lạt Ma) Sonam Gyatso tự xưng là Đạt Lai Lạt Ma thứ 3 và tấn phong ngược lại cho Lạt Ma Gendun Gyatso Palzamo là Đạt Lai Lạt Ma thứ 2 và Lạt Ma Gendrum Drup là Đạt Lai Lạt Ma thứ 1. Từ Đạt Lai Lạt Ma thứ 5, Đạt Lai Lạt Ma là nhà lãnh đạo chính trị và tinh thần (tôn giáo) của toàn lãnh thổ Tây Tạng.
*
Dòng Tulku (Chu cô) của Lạt Ma Khedrup Je nối tiếp với những Lạt Ma: Sonam Choklang, Ensapa Lobsang Dondrup và Lobsang Chokyi Gyaltsen.
Tương truyền rằng trước khi chính thức thành Ban Thiền Lạt Ma, dòng Tulku nầy đầu tiên là Hiện thân của Văn Thù bồ tát (Manjusrì) bắt đầu từ Tu Bồ Đề (Subhuti), một trong 10 Đại đệ tử của Phật Thích Ca, truyền qua 4 tăng sĩ Ấn Độ và 3 tăng sĩ Tây Tạng trước khi tới Lạt Ma Khedrup Je. Lạt Ma Ensapa Lobsang Dondrup bỏ ra 20 năm tu thiền định ở một hang đá ở núi Hy Mã Lạp Sơn. Ngài có trí nhớ tuyệt vời, thuộc lòng cả kinh Bát Nhã Bát Thiên tụng.
Lạt Ma Lobsang Chokyi Gyaltsen là thầy của Đạt Lai Lạt Ma thứ 4 và thứ 5. Vì lý do đó, khi nắm quyền lãnh đạo Tây Tạng, Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 phong cho Lạt Ma Lobsang Chokyi danh hiệu Ban Thiền Lạt Ma.
Như thế Lạt Ma Lobsang Chokyi Gyaltsen trở thành Ban Thiền Lạt Ma thứ 4. Dòng Tulku (Chu cô) của ngài từ đó được mang danh hiệu Ban Thiền Lạt Ma và ngược lại:
Lạt Ma Ensapa Lobsang Dondrup là Ban Thiền Lạt Ma Lạt Ma thứ 3,
Lạt Ma Sonam Choklang là Ban Thiền Lạt Ma thứ 2,
và Lạt Ma Khedrup Je (Khedrup Gelek Pelzang) là Ban Thiền Lạt Ma thứ 1
Tước hiệu Ban Thiền Lạt Ma trước đó có được ban cho những Lạt Ma tài giỏi vì "ban thiền" (panchen) theo tiếng Tây Tạng có nghĩa là "đại học giả" nhưng từ nay "Ban Thiền" chỉ dùng riêng cho những Lạt Ma thuộc dòng Tulku (Chu cô) nầy mà thôi.
Ban Thiền Lạt Ma chính thức được công nhận là Hiện thân của A Di Đà Phật, giữ chức Trụ trì và đặt cơ sở ở Tu viện Tashilhumpo.
Từ đó Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma có liên hệ mật thiết với nhau và Đạt Lai Lạt Ma giúp trong việc tìm hóa thân cho dòng Tulku (Chu cô) của Ban Thiền Lạt Ma cũng như Ban Thiền Lạt Ma cố vấn cho việc tu học của Đạt Lai Lạt Ma khi còn nhỏ trước khi tức vị.
*
Lịch sử tương quan giữa Ban Thiền và Đạt Lai Lạt Ma
Ban Thiền Lạt Ma thứ 1 (1385-1438)
Đạt Lai Lạt Ma thứ 1 (1391-1474)
Ban Thiền Lạt Ma thứ 2 (1438-1505)
Đạt Lai Lạt Ma thứ 2 (1475-1542)
Ban Thiền Lạt Ma thứ 3 (1505-1568)
Đạt Lai Lạt Ma thứ 3 (1543-1588)
Ban Thiền Lạt Ma thứ 4 (1570-1662)
Đạt Lai Lạt Ma thứ 4 (1589-1617)
Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 (1617- 1682)
Ban Thiền Lạt Ma thứ 5 (1663-1737)
Đạt Lai Lạt Ma thứ 6 (1683-1706)
Đạt Lai Lạt Ma thứ 7 (1708-1757)
Ban Thiền Lạt Ma thứ 6 (1738-1780)
Đạt Lai Lạt Ma thứ 8 (1758-1804)
Ban Thiền Lạt Ma thứ 7 (1782-1853)
Đạt Lai Lạt Ma thứ 9 (1805-1815)
Đạt Lai Lạt Ma thứ 10 (1816-1837)
Đạt Lai Lạt Ma thứ 11 (1838-1856)
Ban Thiền Lạt Ma thứ 8 (1855-1882)
Đạt Lai Lạt Ma thứ 12 (1857-1875)
Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 (1876-1933)
Ban Thiền Lạt Ma thứ 9 (1883-1937)
Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 (sinh năm 1835)
Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 (1938-1989)
b) Dòng Đạt Lai Lạt Ma (Dalai Lama)
*
(Giai Đoạn Độc Lập của Tây Tạng)
1. Đạt Lai Lạt Ma thứ 1 (1391-1474)
Tục danh của ngài là Pema Dorje có nghĩa là Liên Hoa Kim Cương (Vajra Lotus) nhưng pháp danh là Gendun Drub hay Kundun Drup. Ngài là môn đệ của Je Tsongkhapa (Tông Khách Ba) và hình như Je Tsongkhapa là cậu của ngài.
Đạt Lai Lạt Ma (Dalai Lama) của Tây Tạng được tin là hiện thân của Quan Tự Tại Bồ Tát (Avalokiteshvara, tiếng Tây Tạng gọi là Chenresig). Theo truyền thống, Palden Lhamo, Hộ thần (Dharmapala) của hồ thánh Lhamo La-tso tự nguyện là bà sẽ bảo hộ dòng hóa thân của Đạt Lai Lạt Ma.
Đạt Lai Lạt Ma thứ 1 chết trong khi tham Thiền vào năm 1474, thọ 84 tuổi.
2. Đạt Lai Lạt Ma thứ 2 (1475-1542)
Tục danh của ngài là Yonten Phuntsok và pháp danh là Gendun Gyatso Palzangpo hay Gendun Gyatso. Huyền thoại nói rằng sau khi biết nói, ngài nói tên mình là Pema Dorje, tục danh của Đạt Lai Lạt Ma thứ 1 và tên của cha mình là Lobsang Drakpa, pháp danh của Je Tsongkhapa (Tông Khách Ba).
Khoảng 4 hay 7 tuổi, ngài được nhận là tái sinh của Gendrun Drup (Đạt Lai Lạt Ma thứ 1).
Ngài được quy y (received his novice vows) từ Lạt Ma Lungrig Gyatso vào năm 1486, lúc 10 tuổi.
Đạt Lai Lạt Ma thứ 2 chết trong khi tham Thiền vào năm 1542, thọ 67 tuổi.
3. Đạt Lai Lạt Ma thứ 3 (1543-1588)
Pháp danh của ngài là Sonam Gyatso. Ngài là vị Lạt Ma của Tây Tạng đầu tiên chính thức được có danh hiệu Đạt Lai lúc sinh thời. Hai vị tiền thân của dòng Tulku (Chu Cô) của ngài được gọi là Đạt Lai Lạt Ma sau khi đã qua đời.
Năm 1571, Khả Hãn Altan (Altan Khan) của nước Mông Cổ sùng bái Phật Giáo Tây Tạng nên mời Lạt Ma danh tiếng nhất của Tây Tạng lúc bấy giờ là Lạt Ma Sonam Gyatso của phái Gelug sang viếng thăm Mông Cổ.
Sau 1 lần từ chối, Lạt Ma Sonam Gyatso sang hội kiến với Khả Hãn Altan theo lời mời lần thứ nhì (vào năm 1578). Khả Hãn Altan dùng danh từ Đạt Lai Lạt Ma để tôn danh ngài. Sonam Gyatso chính thức mang danh hiệu Đạt Lai Lạt Ma và là vị thứ 3 còn 2 vị tiền thân Gendun Drup và Gendun Gyatso có danh hiệu Đạt Lai Lạt Ma thứ 1 và thứ 2.
Sở dĩ có danh hiệu Đạt Lai vì sự lẫn lộn giữa tiếng Tây Tạng và tiếng Mông Cổ. Tiếng Gyatso của Tây Tạng có nghĩa là "biển cả hay đại dương"; Khả Hãn Altan dịch ra tiếng Mông Cổ là Dalai và lầm tưởng "tên họ" Gyatso của Đại Lạt Ma đi chung với "chức" Lama nên gọi là Dalai Lama (Đạt Lai Lạt Ma).
Khả Hãn Altan chết năm 1582, 4 năm sau khi gặp Đạt Lai Lạt Ma thứ 3. Đạt Lai Lạt Ma sang Mông Cổ 2 lần nữa sau khi Khả Hãn Altan qua đời. Lần cuối cùng trên đường trở về Tây Tạng ngài bệnh và chết ở trên đất Mông Cổ. Cháu cố của Khả Hãn Altan, Yonten Gyatso, được chọn là hóa thân của ngài và thành Đạt Lai Lạt Ma thứ 4.
4. Đạt Lai Lạt Ma thứ 4 (1589-1617)
Pháp danh của ngài là Yonten Gyatso. Ngài sinh ở Mông Cổ và Cha của ngài là Tù trưởng của bộ lạc Chokur, cháu nội của Khả Hãn Altan.
Các nhà tiên tri của Tây Tạng đều tiên đoán Đạt Lai Lạt Ma tương lai (sau Đạt Lai Lạt Ma thứ 3) sẽ là người Mông Cổ. Sau khi được chọn, Yonten Gyatso rời Mông Cổ lúc ngài 10 tuổi (năm 1598) và phải tới 4 năm sau mới tới Tây Tạng vì trên đường đi ngài phải ghé qua nhiều tu viện. Ngài là môn đệ của Ban Thiền Lạt Ma thứ 5. Tới năm 1604, ngài mới chính thức là Tăng sĩ.
Quí tộc Tây Tạng không đồng ý nên muốn lật đổ Đạt Lai Lạt Ma thứ 4 với sự trợ giúp của phái Kagyu. Năm 1605, một Vương tử Tây Tạng chiếm Lhasa và đuổi kỵ binh Mông Cổ. Năm 1610, quân Tây Tạng tấn công Đạt Lai Lạt Ma ở tu viện Drepung, ngài phải di tản lánh nạn.
Đạt Lai Lạt Ma thứ 4 chết vào năm 1617 trong khi đang lánh nạn, thọ 28 tuổi. Có người cho là ngài bị đầu độc.
5. Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 (1617-1682)
Pháp danh của ngài là Ngawang Lobsang Gyatso. Ngài sinh trong dòng quí tộc Tây Tạng. Cha của ngài là Dudul Rabten âm mưu chống lại vương tử của nhà Tsang trong khi ngài được bí mật công nhận là hóa thân của Đạt Lai Lạt Ma thứ 4 từ người hầu cận chánh (Nhiếp Chánh) của Đạt Lai Lạt Ma thứ 4 là Sonam Choephel. Dudul Rabten bị bắt và chết trong khi bị giam giữ.
Nhiếp Chánh Sonam Choepel (còn gọi là Sonam Rapten) cầu cứu với Khả Hãn Gushi của Mông Cổ. Năm 1640, Khả Hãn Gushi chiếm đất Kham hàng phục phái Sakyas (có uy thế ở đây). Năm 1642, Khả Hãn Gushi đánh bại Vương tử của nhà Tsang, thống nhất Tây Tạng và hàng phục phái Karmapas. Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 (của phái Gelug) được Khả Hãn Gushi ủng hộ thành Lãnh tụ của toàn lãnh thổ Tây Tạng. Ngài hòa giải với tất cả giáo phái khác.
Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 lấy Lhasa là kinh đô, phong Nhiếp chánh (Regent) của mình là Sonam Rapten làm Tể tướng (gọi là Desi theo tiếng Tây Tạng) và phong chức cho chánh quyền địa phương. Desi cai trị toàn Tây Tạng dưới quyền của Đạt Lai Lạt Ma nhưng quân đội trong tay Khả Hãn Gushi, xưng là vua của Tây Tạng.
Năm 1652, Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 đi Trung Quốc theo lời mời của Hoàng đế Thuận Trị của nhà Thanh. Ngài đến Trung Quốc vào năm 1653 và được tiếp đón trọng thể 2 lần trong vòng 2 tháng ở Bắc Kinh. Đạt Lai Lạt Ma chính thức được phong Quốc sư của những hoàng đế Mãn Thanh bắt đầu từ đó. Tuy nhiên sau nầy Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 lại ủng hộ loạn Tam Phiên (1673).
Khả Hãn Gushri chết vào năm 1655, các con tranh quyền đánh lẫn nhau. Từ đó Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 hoàn toàn nắm quyền ở Tây Tạng.
Lạt Ma Lobsang Chokyi Gyaltsen (1570-1662) là thầy và là đồng minh của Đạt Lai Lạt Ma thứ 5. Tước hiệu Ban Thiền Lạt Ma trước đó thường được dùng cho những Lạt Ma tài giỏi nhưng Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 chỉ dành riêng cho dòng Tulku (Chu cô) của Lạt Ma Lobsang Chokyi Gyaltsen và phong ngài là Ban Thiền Lạt Ma thứ 4. Ngược lại 3 vị Lạt Ma trước của dòng Tulku (Chu cô) của Ban Thiền Lạt Ma thứ 4 nầy được có danh hiệu Ban Thiền Lạt Ma 1, 2 và 3 mặc dù những vị nầy đã qua đời. Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 còn chính thức công bố dòng Tulku (Chu cô) của Ban Thiền Lạt Ma là hiện thân của Amitabha Buddha (A Di Đà Phật), tiếng Tây Tạng là "O-pa-me".
Khi Ban Thiền Lạt Ma thứ 4 (Lobsang Chokyi Gyaltsen) nầy qua đời, Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 liền đích thân tìm tái sinh cho dòng Ban Thiền Lạt Ma.
Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 bắt đầu xây lâu đài Potala vào năm 1645 vì nó có vị trí tốt, nằm giữa 2 tu viện Drepung và Sera và thủ đô Lhasa. Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 vào ở Bạch lâu (Potrang carpo) của lâu đài Potala vào năm 1649. Công trình xây dựng hoàn thành vào năm 1694, 12 năm sau khi Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 qua đời. Hồng lâu (Potrang marpo) của lâu đài được thêm vào (1690-1694).
Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 có thi hành nhiều cải tổ trong Phật Giáo Tây Tạng. Ngài công nhận Bon (Bon Giáo) là giáo phái thứ 5.
Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 qua đời năm 1682, thọ 65 tuổi. Tuy nhiên cái chết của ngài bị giữ bí mật bởi Desi (Tể tướng) Sangye Gyatso cho đến năm 1696 (gần 15 năm sau). Theo tin đồn từ đó tới ngày nay thì Sangye Gyatso nầy là con của Đạt Lai Lạt Ma thứ 5, được ngài phong làm Tể tướng (Desi) từ năm 1679. Bí mật được giữ để cho sự ổn định của Tây Tạng và việc xây cất lâu đài Potala, trong khi có thừa kế. Sangye Gyatso còn là Nhiếp chánh cho tới khi Đạt Lai Lạt Ma thứ 6 chính thức thay thế.
6. Đạt Lai Lạt Ma thứ 6 (1683-1706)
Pháp danh của ngài là Tsangyang Gyatso. Ngài sinh ở Mon Tawang (ngày nay thuộc Ấn Độ) thuộc dòng dõi người Monpa (dân tộc thiểu số ở Tây Tạng). Lúc 5 tuổi (năm 1688), ngài đã được tìm ra và nhận là tái sinh của Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 nhưng Nhiếp chánh (Regent) và Tể tướng (Desi) Sangye Gyatso nuôi giữ bí mật cho đến năm 1697 thì Sangye Gyatso mới gởi sứ thần tới Trung Quốc công bố là Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 đã qua đời và đã tìm được hóa thân. Đạt Lai Lạt Ma thứ 6 tức vị vào năm 1697 (bởi Ban Thiền Lạt Ma thứ 6).
Đạt Lai Lạt Ma chọn lối sống như người thế tục: uống rượu, có bạn nam và phụ nữ kế bên mình và viết những tình ca (love songs). Ngài còn đôi khi bỏ cung điện Potola ra sống như người thế tục trên đường phố, giao du với phụ nữ.
Năm 1701, Khả Hãn Lhasang của Mông Cổ cho người giết Nhiếp chánh của Đạt Lai Lạt Ma là Tể tướng Sangye Gyatso. Đạt Lai Lạt Ma thứ 6 bất bình, đến gặp Ban Thiền Lạt Ma thứ 6 và từ bỏ đời Tăng sĩ (hoàn tục). Tuy nhiên ngài vẫn giữ chức phận Đạt Lai Lạt Ma.
Năm 1706, Khả Hãn Lhazang của Mông Cổ truất phế Đạt Lai Lạt Ma thứ 6 Tsangyang Gyatso và lập một Lạt Ma 25 tuổi tên là Ngawang Yeshey Gyatso (làm Đạt Lai Lạt Ma), cho rằng Ngawang Yeshey Gyatso nầy mới chính là tái sinh của Đạt Lai Lạt Ma thứ 5.
Khả Hãn Lhasang bắt giải Đạt Lai Lạt Ma thứ 6 về Trung Quốc. Có thuyết cho rằng ngài bị giết trên đường bị bắt giải về Trung Quốc hay có thuyết cho rằng ngài trốn thoát rồi chết vì lý do bí mật. Đạt Lai Lạt Ma thứ 6 qua đời ở gần hồ Kokonor vào năm 1706, thọ 24 tuổi. Không có lăng mộ của ngài ở lâu đài Potala như những Đạt Lai Lạt Ma chính thức khác.
*
(Giai Đoạn Đô Hộ của Nhà Thanh ở Tây Tạng)
7. Đạt Lai Lạt Ma thứ 7 (1708-1757)
Pháp danh của ngài là Kelzang Gyatso. Ngài sinh ở Lithang, ngày nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan) của Trung Quốc.
Mặc dù Ngawang Yeshey Gyatso đang làm Đạt Lai Lạt Ma do Khả Hãn Lhazang lập lên, nhưng hàng giáo phẩm cao cấp của Tây Tạng vẫn tuân theo Nechung Oracle tìm ra Kelsang Gyatso là tái sinh của Đạt Lai Lạt Ma thứ 6 (Tsangyang Gyatso). Ngài được bí mật đem về nuôi dạy ở tu viện ở Lithang và sau đó được Hoàng đế Khang Hi của Trung Quốc công nhận.
Từ trẻ tuổi, ngài là người đức độ và có tài làm thơ.
Người Dzungars (của Mông Cổ) theo yêu cầu của người Tây Tạng xâm chiếm Tây Tạng, giết Khả Hãn Lha-bzang và truất phế Đạt Lai Lạt Ma Ngawang Yeshey Gyatso. Quân Mông Cổ cướp phá nước Tây Tạng và hành quyết nhiều giáo sĩ thuộc phái Nyingma và Bon. Hoàng đế Khang Hi gởi quân tiếp viện thì bị The Dzungars đánh bại.
Năm 1720, Khang Hi gởi quân (cùng với quân địa phương Tây Tạng) đuổi quân Dzungars ra khỏi Tây Tạng. Kelzang Gyatso chính thức là Đạt Lai Lạt Ma thứ 7. Tây Tạng từ đó thành đất đô hộ của nhà Thanh (của Trung Quốc)
Được Trung Quốc ủng hộ, Polhaney cai trị Tây Tạng và kềm chế Đạt Lai Lạt Ma thứ 6. Sau khi Polhaney chết, con ông bị quân Ambans (của nhà Thanh) giết chết năm 1750. Quân Trung Quốc lại vào và ổn định nước Tây Tạng.
Hội Đồng Bộ Trưởng (Kashag) bắt đầu được lập ra, gồm 4 người, cai trị Tây Tạng và Đạt Lai Lạt Ma, trên danh hiệu, là chủ tịch của Hội Đồng Kashag. Chức Desi (Tể tướng) cũng bị bãi bỏ. Đạt Lai Lạt Ma từ đó lại là nhà lãnh đạo chính trị và tinh thần (tôn giáo) của Tây Tạng.
Đạt Lai Lạt Ma thứ 7 qua đời lúc ngài được 49 tuổi.
8. Đạt Lai Lạt Ma thứ 8 (1758-1804)
Pháp danh của ngài là Jamphel Gyatso. Từ Đạt Lai Lạt Ma thứ 8 nầy, Nhiếp Chánh (Regent) chính thức cầm quyền tôn giáo thay thế khi Đạt Lai Lạt Ma còn niên thiếu với danh hiệu là Demo Tulku.
Năm 1790-1791 có người Gurkhas từ Nepal quấy nhiễu miền nam Tây Tạng nhưng bị đẩy lui.
Đạt Lai Lạt Ma thứ 8 xây cất Công viên Norbulingka và Cung Điện Mùa Hè ở ngoại ô Lhasa vào năm 1783.
Ngài qua đời lúc 47 tuổi.
9. Đạt Lai Lạt Ma thứ 9 (1805-1815)
Pháp danh của ngài là Lungtok Gyatso. Ngài được tìm ra năm 1807 và qua đời năm 1815 (thọ 10 tuổi)
10. Đạt Lai Lạt Ma thứ 10 (1816-1837)
Pháp danh của ngài là Tsultrim Gyatso. Ngài luôn bệnh hoạn và qua đời năm 1837, thọ 22 tuổi.
11. Đạt Lai Lạt Ma thứ 11 (1838-1856)
Pháp danh của ngài là Khedrup Gyatso, sinh cùng làng với Đạt Lai Lạt Ma thứ 7. Ngài nắm quyền trị nước theo yêu cầu của chính quyền Tây Tạng nhưng đột ngột qua đời 10 tháng sau, chỉ thọ 19 tuổi.
Trong khi Đạt Lai Lạt Ma thứ 11 còn sinh tiền, nhà Mãn Thanh suy yếu do chiến tranh Nha Phiến và loạn Thái Bình Thiên Quốc nên Tây Tạng càng bị cô lập trước ảnh hưởng của Tây Phương.
12. Đạt Lai Lạt Ma thứ 12 (1857-1875)
Pháp danh của ngài là Trinley Gyatso. Ngài tức vị năm 1873 nhưng cũng qua đời sớm 2 năm sau (1875) vì bệnh, thọ 18 tuổi.
Trong khi Đạt Lai Lạt Ma thứ 12 còn sống, Tây Tạng cấm người Âu Châu được vào nước Tây Tạng vì quân Anh đánh nhau với người Sikkim và Bhutan. Hai nước láng giềng nầy chịu ảnh hưởng (tôn giáo) của Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng.
*
(Giai Đoạn Lịch Sử Hiện Đại của Tây Tạng)
13. Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 (1876-1933)
Pháp danh của ngài là Thubten Gyatso, đó là tên rút ngắn của "Ngawang Lobsang Thupten Gyatso Jigdral Chokley Namgyal", được Ban Thiền Lạt Ma lúc bấy giờ ban cho.
Năm 1895, Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 bắt đầu nắm quyền lãnh đạo chính trị và tôn giáo Tây Tạng.
Năm 1904, quân đội viễn chinh Anh (dưới quyền của Sir Francis Younghusband) đánh Tây Tạng. Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 chạy trốn sang ở Urga (thuộc Mông Cổ), cách Lhasa 2400 km (1500 miles) về hướng Đông Bắc. Triều đình Mãn Thanh liền lật đổ Đạt Lai Lạt Ma thứ 13, nắm chủ quyền toàn Tây Tạng (và Nepal và Bhutan). Trung Quốc trả tiền và ký hiệp ước với người Anh để Anh không xâm chiếm và can thiệp vào quốc sự của Tây Tạng.
Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 là một chính trị gia tài giỏi. Từ Mông Cổ ngài sang ở Ngũ Đài Sơn của Trung Quốc và ngài bắt đầu tiếp xúc với các chính khách Âu Mỹ. Năm 1908, Đạt Lai Lạt Ma gặp Hoàng đế Quang Tự và Thái hậu Từ Hi ở Bắc Kinh, nhưng không chịu nhượng bộ.
Tháng 12 năm 1908, Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 từ Bắc Kinh tự động trở về Tây Tạng và cải tổ chính phủ. Nhà Thanh lại đánh Tây Tạng, Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 lại phải chạy sang Ấn Độ.
Tại Ấn Độ, Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 tiếp tục vận động ngoại giao, gặp Phó vương Ấn Độ là Lord Minto.
Sau cách mạng Tân Hợi (1911), nhà Mãn Thanh bị lật đổ và quân Thanh rút khỏi Tây Tạng (cuối năm 1912). Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 từ Darjeeling (Ấn Độ) trở về Lhasa, tự mình nắm quyền lãnh đạo Tây Tạng, trên cả Kashag. Ngài cải tổ và canh tân nước Tây Tạng theo Tây Phương.
Năm 1928, Tưởng Giới Thạch thống nhất Trung Quốc, lập Trung Hoa Dân Quốc và đóng đô ở Nam Kinh. Tây Tạng tấn công toan chiếm đất của 2 tỉnh Thanh Hải và Tây Khương nhưng bị đánh bại và quân Trung Hoa tiến sang chiếm đất của Tây Tạng. Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 phải cầu cứu người Anh. Dưới áp lực của Anh, chính phủ Nam Kinh ra lệnh đình chiến vào năm 1933.
Tháng 12, 1933, Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 qua đời. Ngài tiên đoán tai họa sẽ đến cho đất nước và dân tộc Tây Tạng.
14. Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 (sinh năm 1935)
Pháp danh của ngài là Tenzin Gyatso, rút ngắn từ "Jetsun Jamphel Ngawang Lobsang Yeshe Tenzin Gyatso". Tục danh của ngài là Lhamo Dondrub (hay Thondup).
Ngài sinh trong 1 gia đình nông dân và chăn nuôi ngựa có 7 người con ở 1 làng nhỏ trước thuộc vùng Amdo của Tây Tạng nhưng lúc đó lại thuộc tỉnh Thanh Hải của Trung Hoa Dân Quốc. Gia đình của ngài nói tiếng thổ ngữ Tây ninh Trung Hoa trước khi dời về Lhasa (năm 1939). Người anh cả, Thupten Jigme Norbu, đã được nhận là tái sinh của Lạt Ma Taktser Rinpoche.
Nhiếp Chánh Reting Rinpoche tìm ra Lhamo Thondup là tái sinh của Đạt Lai Lạt Ma thứ 13. Cậu bé Lhamo Thondup nhận ra đúng hết từng di vật khác nhau của Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 mà la lên rằng: "Cái đó của tôi! Cái đó của tôi!". Để Lhamo Thondup được rời nơi ở mà về Lhasa, Tây Tạng phải đút tiền cho Tướng quân ở Thanh Hải (Qing Hai) là Mã Bộ Phương (Ma Bu Fang).
Tenzin Gyatso được chánh thức thành Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 trị vì Tây Tạng vào năm 1950 (khi 15 tuổi). Năm 1959 (khi 23 tuổi) Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đậu Tiến sĩ của Phật Giáo Tây Tạng (Doctorate in Bhuddist Philosophy).
Dưới thời Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch, Tướng quân Mã Bộ Phương (Ma Bu Fang) của Thanh Hải (theo đạo Hồi) thường phá phách Tây Tạng.
Khi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc thành lập năm 1949, quân đội Trung Quốc chiếm Tây Tạng vào tháng 10, 1950 chỉ 1 tháng trước ngày tức vị của Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 (tháng 11, 1950). Năm 1954, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 và Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 sang Bắc Kinh gặp Chủ tịch Mao Trạch Đông. Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 được phong làm Phó Chủ tịch Ủy ban thường vụ của Quốc Hội Nhân Dân.
Năm 1956, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 sang gặp Thủ tướng Nehru của Ấn Độ và ngài ngỏ ý xin tỵ nạn nhưng bị từ chối. Cùng năm đó có cuộc nổi dậy của người Tây Tạng ở vùng Kham chống lại chánh quyền Trung Quốc.
Với sự giúp đỡ của CIA, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 cùng tùy tùng trốn khỏi Tây Tạng, sang Ấn Độ vào ngày 30-3-1959 và tới Tezpur của vùng Assam vào ngày 18-4-1959.
Ngay sau đó, tại Dharamsala (của Ấn Độ), Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 với 80,000 người Tây Tạng định cư ở đây lập Chánh phủ Tây Tạng Lưu Vong và duy trì nền tôn giáo, văn hóa và nghệ thuật Tây Tạng tại đây.
Về chính trị, trước tiên, Đạt Lai Lạt Ma vận động với Liên Hiệp Quốc đấu tranh cho Nhân quyền trên lãnh thổ Tây Tạng.
Sau khi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc được Nixon cho vào Hội đồng bảo an của Liên Hiệp Quốc, Đạt Lai Lạt Ma phải điều đình trực tiếp với Trung Quốc. Qua nhiều lần điều đình ngoại giao với Trung Quốc về vấn đề Tây Tạng tự trị (liên hợp với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc) và về vấn đề Đạt Lai Lạt Ma về lại Tây Tạng, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 cuối cùng phải chấm dứt (điều đình) vì ngài không còn "tin" chánh quyền Trung Quốc nữa.
Về tôn giáo, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 viết sách và đi thuyết giảng Phật Giáo và Phật Giáo Tây Tạng khắp toàn thế giới. Ngài cũng giao dịch với các nhà lãnh đạo tôn giáo khác trên thế giới. Ngài cổ động cho tôn giáo dựa trên nền tảng khoa học chứ không dựa trên mê tín dị đoan.
Ngài luôn giữ liên hệ tốt đẹp với Ấn Độ. Ngài nói: "Tôi coi Ấn Độ là thầy và Tây Tạng là học trò vì những đại học giả như Long Thụ (Nagarjuna) từ Nalanda (của Ấn Độ) sang Tây Tạng giảng dạy Phật Giáo vào thế kỷ thứ 8".
Từ tôn giáo, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 thành nổi tiếng trên khắp thế giới. Ngài được giải Nobel Hòa Bình (năm 1989).
c) Dòng Ban Thiền Lạt Ma (Panchen Lama)
Ban Thiền Lạt Ma thứ 1, Khedrup Je hay Khedrup Gelek Pelzang (1385-1438)
Ban Thiền Lạt Ma thứ 2, Sonam Choklang (1438-1505)
Ban Thiền Lạt Ma thứ 3, Ensapa Lobsang Dondrup (1505-1568)
Ban Thiền Lạt Ma thứ 4, Lobsang Chokyi Gyatsen (1570-1662)
Ban Thiền Lạt Ma thứ 5, Lobsang Yeshe (1663-1737)
Ban Thiền Lạt Ma thứ 6, Lobsang Palden Yeshe (1738-1780)
Ban Thiền Lạt Ma thứ 7, Palden Tenpai Nyima (1782-1853)
Ban Thiền Lạt Ma thứ 8, Tenpai Wangchuk (1855-1882)
Ban Thiền Lạt Ma thứ 9, Thubten Choekyi Nyima (1883-1937)
*
Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 (1938-1989)
Pháp danh của ngài là Choekyi Gyatsen. Tục danh của ngài là Gonpo Tseten.
Sau khi Ban Thiền Lạt Ma thứ 9 qua đời (vào năm 1937), văn phòng của Ban Thiền Lạt Ma chọn Gonpo Tseten (Choekyi Gyatsen) nhưng chính phủ Lhasa (của Đạt Lai Lạt Ma thứ 13) lại chọn một người khác. Chính quyền Tưởng Giới Thạch của Trung Hoa Dân Quốc ủng hộ Choekyi Gyatsen và cho người sang Tây Tạng làm lễ tấn phong cho GonpoTseten chính thức thành Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 Choekyi Gyatsen ở tu viện Kumbum (năm 1949).
Chính phủ Lhasa của Đạt Lai Lạt Ma vẫn không công nhận Ban Thiền Lạt Ma thứ 10. Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 âm mưu viện quân của Tướng quân Mã Bộ Phương (Ma Bu Fang) của Thanh Hải (Trung Hoa Dân Quốc) tấn công Tây Tạng và chính phủ của Đạt Lai Lạt Ma.
Nhưng ngay sau đó Mao Trạch Đông chiếm Trung Quốc (cuối năm 1949), Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 lại ủng hộ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc của Mao Trạch Đông. Ngài sang Bắc Kinh ký hiệp ước hòa bình với Trung Quốc và điện tín bắt Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 công nhận. Nhưng Trung Quốc chiếm Tây Tạng vào năm sau (1950).
Năm 1952, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 chính thức công nhận Choekyi Gyatsen là Ban Thiền Lạt Ma thứ 10. Tháng 9, 1956, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 và Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 sang gặp Mao Trạch Đông ở Bắc Kinh và Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 được bầu Uỷ viên thường trực của Quốc Hội Trung Quốc.
Năm 1959, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 trốn sang Ấn Độ, Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 vẫn ở lại Tây Tạng.
Năm 1962, Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 gởi thỉnh nguyện thư cho Trung Quốc chỉ trích tình trạng tệ hại ở Tây Tạng. Năm 1964, Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 bị bắt đem cầm tù ở Bắc Kinh chỉ được thả tự do vào năm 1977 (13 năm sau, sau thời kỳ Cách Mạng Vân Hóa), rồi được phong làm Phó Chủ tịch Quốc Hội Trung Quốc (1979).
Từ năm 1979, Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 hoàn tục, cưới vợ là người Hán Trung Hoa và có 1 con gái. Đầu năm 1989, Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 từ Bắc Kinh trở về Tây Tạng và chết ở Shigatse lúc 51 tuổi vào ngày 28-1-1989, chỉ 5 ngày sau khi ngài có tuyên bố: "Từ khi giải phóng, chắc chắn có mở mang nhưng cái giá phải trả cho sự mở mang nầy nặng hơn là sự thành đạt...".
Sau nầy, vào năm 2011, theo tin từ 1 người chống lại chính phủ Trung Quốc (ông Yuan Hong Bin) thì đó là kế hoạch của Hu Jin Tao (Hồ Cẩm Đào) thủ tiêu Ban Thiền Lạt Ma thứ 10. Hồ Cẩm Đào sau đó là Chủ tịch Nước của Trung Quốc.
*
Sau khi Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 chết (tháng 1,1989), người đứng đầu ủy ban tìm kiếm Ban Thiền Lạt Ma mới là Lạt Ma Chadrel Rinpoche từ Tây Tạng liên lạc trực tiếp với Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 ở Ấn Độ và tìm ra được Gelhun Choekyi Nyima (sinh ngày 25-4-1989 ở Lhari của Tây Tạng). Ngày 14-5-1995, Gelhum Choekyi Nyima được chính thức công nhận là Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 bởi Đạt Lai Lạt Ma thứ 14. Ba ngày sau (17-5-1995), Gelhum Choekyi Nyima mất tích luôn cho tới bây giờ. Sau nầy Công luận quốc tế luôn muốn tìm tung tích của Ban Thiền Lạt Ma Gelhum Choekyi Nyima nầy nhưng luôn thất bại. Câu trả lời của chính quyền Trung Quốc là: "đang sống một cuộc đời bình thường ở Trung Quốc".
Chánh quyền Trung Quốc liền cầm tù Lạt Ma Chandrel Rinpoche vì tội phản quốc và rút thăm từ Kim Hủ (bình đựng tro bằng vàng = golden urn) ra được (tên) Gyaincain Norbu là Ban Thiền Lạt Ma thứ 11. Chính quyền Trung Quốc cho rằng phương pháp bóc thăm từ Kim Hủ nầy theo đúng truyền thống từ vua Khang Hi (năm 1792) và đã dùng trong việc lựa chọn Đạt Lai Lạt Ma thứ 10, 11 và 12. Tuy nhiên thật sự thì việc rút thăm nầy trong quá khứ chỉ là hình thức để công nhận một Đạt Lai Lạt Ma đã được giáo hội Phật Giáo Tây Tạng tìm ra và công nhận. Đây là hình thức để chiều theo và làm vui lòng triều đình nhà Thanh vào lúc đó.
Gyaincain Norbu sinh ngày 13-2-1989 cũng ở Lhari, Tây Tạng. Cha mẹ là đảng viên Cộng sản, Gyaincain Norbu sống thời niên thiếu ở Bắc Kinh như người Tàu. Sau khi được chọn là Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 bởi chính quyền Trung Quốc, Gyaincain Norbu được đem về Tây Tạng và huấn luyện như một tăng sĩ Tây Tạng. Gyaincain Norbu nói thạo tiếng Tàu và tiếng Tây Tạng và hoạt động trong vai trò Ban Thiền Lạt Ma cho tới bây giờ (dĩ nhiên đúng theo đường lối của chính quyền Trung Quốc). Ông không được Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, người Tây Tạng và quốc tế chấp nhận là Ban Thiền Lạt Ma thứ 11.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
HÓA THÂN TRONG PHẬT GIÁO TÂY TẠNG
Bs Phan Thượng Hải
* Tulku (Chu Cô)
Trong Phật Giáo Tây Tạng, Tulku (Chu Cô) là một Lạt Ma cao cấp đặc biệt tự mình có thể chọn lựa phương cách tái sinh (rebirth) của mình. Thêm nữa, trước khi chết, Tulku (Chu Cô) còn có thể cho (người khác) biết nơi mình tái sinh.
Thông thường, một Lạt Ma có thể sẽ đầu thai (reincarnate) thành người cùng phái tính tuy nhiên Lạt Ma cũng như chúng sanh không có lựa chọn được phương cách tái sinh cho mình.
Đương thời có khoảng trên 2000 Tulkus (Chu Cô) được biết. Tuy nhiên ở Tây Tạng có thể có vài ngàn Tulkus (Chu Cô) trước khi bị Trung Quốc xâm lấn. Thông thường Tulku (Chu Cô) là đàn ông nhưng cũng có thiểu số là phụ nữ.
Tulku đồng nghĩa với từ ngữ Hóa Thân (Nirmanakaya) trong Tam Thân Phật (Trikaya = the 3 bodies of Buddha). Theo thuyết nầy, Hóa Thân hay Ứng Thân là Phật trong "thân (và) tâm" (body mind) hay nói khác đi Phật có mang sắc thân như chúng sanh. Cá nhân Phật Thích Ca là thí dụ của Hóa Thân Phật (Nirmanakaya).
Trong phần định nghĩa của Phật Giáo Tây Tạng, Tulku (Chu Cô) được dùng để ám chỉ chung là sự hiện hữu hổn hợp của các vị Thầy (masters) Phật Giáo đã giác ngộ.
Gần đây, có từ ngữ Trung Hoa gọi Tulku (Chu cô) là Hoạt Phật hay Phật Sống (Huófó = living Buddha) và gọi đứa trẻ hóa thân của một Tulku là Linh Đồng (língtóng = soul boy). Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 cho rằng những từ ngữ nầy là "không có nghĩa lý gì hết" (non-sense).
* Dòng Tulku (Dòng Chu Cô)
Mỗi Tulku có dòng tái sinh (rebirth) riêng của mình gọi là Dòng Tulku hay Dòng Chu Cô (Tulku lineage).
Thí dụ, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 được coi là một tái sinh của mỗi 13 Đạt Lai Lạt Ma trước đó và tất cả đều được coi là hiện thân hay hóa thân (emanation) của Bồ tát Avalokiteshvara (hay Chenrezig, tiếng Tây Tạng), vị "Bồ tát của từ bi", tay cầm bông sen trắng. (Avalokiteshvara dịch nghĩa của Phật Giáo Ấn Độ và Tây Tạng là Quan Tự Tại thuộc nam giới và khi truyền sang Trung Quốc và các nước Đông Á thì thành ra Quan Thế Âm hay Quan Âm thuộc nữ giới).
(Hậu quả)
Truyền thống Tulku (Chu Cô), hóa thân của một Lama (Lạt Ma), phát triển trong những thế kỷ thứ 12, 13 và 14. Những giáo phái của Phật Giáo Tây Tạng bắt đầu chấp nhận sự việc là những tượng hình kiểu mẫu (examplary figures) có thể còn mãi trong nhân thế như là vị Thầy của giáo hội (institutional teachers), hiện ra trong đời nầy qua đời sắp tới do lòng từ bi. Ở điểm nầy ý niệm về Hóa Thân Phật thành ra liên kết với ý niệm của sự hiển hiện đều đặn (regular manifestation = yangsi) của Tu sĩ.
Tulku được thừa kế tài sản (estates) của người mà mình hóa thân. Luật thừa kế nầy tạo ra và giữ sự giàu có cho một số dòng hóa thân Tulkus. Tulku (Chu Cô) có được giàu có đầu tiên nầy là của Karmapa, giáo chủ của chi phái Karma Kagyu. Đó là Tulku thứ nhì của dòng Karmapa (là) Karma Paksi (1204-1183). Dòng Karmapa ngày nay có hóa thân thứ 17.
Đại đa số những Tulkus (Chu Cô) là người Tây Tạng nhưng cũng có Tulkus là những người thuộc dân tộc có tiếp xúc với người Tây Tạng như người Mông Cổ. Ngày nay văn hóa (diaspora) Tulkus được tìm thấy trên toàn cầu. Có người Âu Mỹ là Tulku (Chu Cô) như Tenzin Osel (sinh năm 1985), cha mẹ là người Spain, được nhận là tái sinh của một Lạt Ma Tây Tạng rất có quyền lực tên là Thubten Yeshe.
Năm 1988, theo đề nghị của Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, một hội nghị được triệu tập với khoảng 350 tulkus tham dự từ 5 giáo phái của Tây Tạng (Nyingma, Sakya, Kagyu, Gelug và Bon). Nội qui được luận bàn về tương lai của truyền thống tinh thần nầy ở bán lục địa Ấn Độ, Tây Tạng và ngoại quốc cũng như sự liên quan với khoa học và các tôn giáo khác.
(Tìm người hóa thân nối Dòng)
Một Tulku trước khi chết có thể viết những ngụ ý hay đưa những dấu hiệu để giúp chỉ định người người nối dòng hay sự tái sinh trong dòng Tulku: về nơi chốn, về cha mẹ, về đặc điểm của nhà ở... Nếu không có chi tiết (đủ) thì những tăng sĩ có nhiệm vụ tìm kiếm được hướng dẫn bởi một chiêm tinh gia chuyên về Lama và Tulku (gọi là Tsispa). Những lời tiên tri cũ cũng được dùng. Sự tìm kiếm được dùng những thử nghiệm như đứa bé có thể nhận được người quen hay sở hữu trong kiếp trước hoặc trả lời được những câu hỏi về đời sống kiếp trước (là của Tulku đã qua đời).
Mức độ quan trọng của sự tìm kiếm tùy theo danh vị của Tulku (Chu Cô): từ một Lạt Ma thường cho tới rất quan trọng như Đạt Lai Lạt Ma hay Ban Thiền Lạt Ma.
Thường người nối nghiệp Tulku là đàn ông. Tuy nhiên có thể là đàn bà từ một Tulku đàn ông, Đạt Lai Lạt Ma nói: "nếu một phụ nữ tự thể hiện hữu dụng hơn, Lạt Ma hay hơn hết là nên tái sinh trong hình thức đó". Ngài cũng nói rằng ngài "có thể tái sinh như là một sâu bọ (insect) hay một thú vật (animal)".
(Những Dòng Tulku hiện nay)
Nhà chuyên gia về Tây Tạng Francois Pommaret ước lượng hiện nay có khoảng 500 dòng Tulku được tìm thấy khắp: Tây Tạng, Bhutan, Bắc Ấn Độ, Nepal, Mông Cổ, và những tỉnh ở tây nam Trung Quốc. Đại đa số những Tulkus là đàn ông, nhưng cũng có thiểu số là đàn bà. Dòng Tulku phụ nữ cao quí nhất là của Dorje Phagmo ở tu viện Samding.
Dĩ nhiên dòng Tulku (Chu cô) nổi tiếng và có quyền lực chính trị nhất là Đạt Lai Lạt Ma đã có tất cả 14 hóa thân bắt đầu từ Lạt Ma Genudun Drub (Đạt Lai Lạt Ma thứ 1).
Đạt Lai Lạt Ma nắm quyền chính trị và tôn giáo của Tây Tạng từ Đạt Lai Lạt Ma thứ 5. Từ đó chính quyền ở thủ đô Lhasa dùng quyền lực trong việc tìm kiếm hay chấp nhận Tulku (Chu Cô) của một số dòng Tulku quan trọng và có khi cắt đứt một dòng Tulku nào đó. Dòng Tulku Shamarpa của phái Karmapa bị chính quyền Tây Tạng cấm hóa thân dưới lệnh của Đạt Lai Lạt Ma thứ 8 vào năm 1792. Lạt ma Shamarpa là thị giả của Lạt ma Karmapa (Giáo chủ phái Karmapa). Sau khi Đạt Lai Lạt Ma mất quyền lực ở Tây Tạng (năm 1959) thì mới biết là phái Karmapa vẫn bí mật công nhận hóa thân của dòng Shamarpa và dòng nầy vẫn tiếp tục bí mật tìm và có hóa thân cho tới bây giờ (từ sau năm 1792).
Những dòng Tulku cũng có liên hệ với nhau như Ban Thiền Lạt Ma công nhận Đạt Lai Lạt Ma mới hay ngược lại. Nếu không có liên hệ với dòng Tulku khác, một Tulku hóa thân trong một dòng luôn được chấp nhận bởi một vị Lama Rinpoche. Tulku Jetsunma Ahkon Lhamo, phụ nữ Âu đầu tiên được công nhận bởi Lạt ma Penor Rinpoche vào thập niên 1980s.
Những vị giáo chủ 4 giáo phái chính ngày nay đều là những Tulkus của dòng của mình
Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 Tenzin Gyatso (Đăng Châu Gia Mục Thố) của phái Gelug (Cách Lỗ).
Lạt Ma Rigpe Dorje (Lăng Tuấn Lôi Tỉ Đa Kiệt) là giáo chủ phái Kagyu (Ca Nhĩ Cư).
Lạt Ma Dujom (Đôn Châu) là giáo chủ phái Nyingma (Ninh Mã).
Lạt Ma Sakyapa Sakya Trizin (Tát Ca Ba Tát Ca Xứ Châu) là giáo chủ phái Sakya (Tát Ca).
(Nghi vấn và Chỉ trích)
Theo sử gia Tây Tạng, Samten Gyatsen Karmay, Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 (Lobsang Gyatso) viết trong tiểu sử (của mình):
Quan Tsawa Kachu của Tu viện Ganden đưa ra hình tượng và tràng hạt (thuộc về Đạt Lai Lạt Ma thứ 4 và những vị Lạt Ma khác), nhưng tôi không thể phân biệt được chúng. Khi ông rời căn phòng, tôi nghe ông nói với mọi người ở ngoài phòng là tôi đã qua được (đậu) cuộc thử nghiệm. Về sau, ông thường khiển trách tôi và nói: "Ngươi phải cố gắng (tu học) thật nhiều vì ngươi không thể nhận ra được những vật đó".
Trong phim tài liệu "Tulku", Lạt Ma Dzongsa Jamyang Khyentse Rinpoche, lý luận chống lại hệ thống Tulku của giáo hội Tây Tạng, đã tuyên bố:
Và ngày hôm nay, bản thân tôi tin rằng giáo hội Tây Tạng đã quá bảo thủ văn hóa nầy. Văn hóa nầy đang chết dần, nó sẽ không thi hành được nữa. Nếu người Tây Tạng không cẩn thận, hệ thống Tulku sẽ tàn hại Phật Giáo. Cuối cùng thì Phật Giáo quan trọng hơn hệ thống Tulku, có ai thèm để ý tới những Tulku... và những gì xảy ra cho họ.
Tài tử Mỹ Steven Seagal, khi đã trưởng thành, được nhận là hóa thân của một Terton, Chungdrag Dorje, ở đông Tây Tạng vào thế kỷ thứ 17 bởi Lạt ma Penor Rinpoche (của phái Nyingma). Steven Seagal vẫn chưa đi tu và chưa được tu luyện để thành Tulku.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
________________________
NGÔN NGỮ VÀ VĂN TỰ CỦA NGƯỜI VIỆT
Bs Phan Thượng Hải
a) Định Nghĩa Ngôn Ngữ và Văn Tự
Nói và Chữ (Tiếng Nôm) = Ngôn Ngữ và Văn Tự (Hán Ngữ).
Nói thành Tiếng = Ngữ Âm = Tiếng Nói.
Nói = Lời Nói và Tiếng Nói = Ngôn Ngữ
Ngôn = Lời nói.
Ngữ = Nói - Lời nói.
Lời nói là Ngôn và cũng là Ngữ. Tuy nhiên có dùng khác nhau: Tự mình nói gọi là Ngôn và đáp lại kẻ khác gọi là Ngữ. Ngữ là "nói với người (khác)".
Nói thì có phát ra Tiếng (Tiếng Nói) và có ý nghĩa (Lời Nói).
Âm = Tiếng. Ngữ Âm = Tiếng Nói.
Chữ = Văn Tự = Chữ Viết.
Chữ của người Trung Hoa nhất là chữ Hán (chữ Nho, Hán Tự) xuất phát từ hình vẽ, bất cứ chữ nào truy nguyên ra thì cũng đều gắn với một hay nhiều hình vẽ nhất định mặc dù nó đã thoát ly khỏi các hình dạng ban đầu khá xa.
Chữ Hán (Hán Tự) chia ra làm 2 loại chính theo cách viết:
Văn: gồm những chữ đơn do các nét liên kết tạo thành không có cấu trúc nội bộ xuất xứ từ một hình vẽ xưa.
Tự: gồm những chữ ghép do phối hợp nhiều bộ phận, mỗi bộ phận khi xưa là một hình vẽ, tức là loại chữ có cấu trúc nội bộ. Thí dụ: chữ Thu gồm có chữ Hòa và chữ Hỏa.
Như vậy theo nghĩa đen:
Văn = Chữ; và Tự = Chữ.
Văn Tự = Chữ, Chữ Viết.
Văn Chương = văn tự hay đẹp viết thành bài. Văn Chương gồm có 2 Thể: Văn xuôi và Văn vần (= Thơ)
Từ = Lời văn. Ngôn Từ = Lời nói (dùng trong) văn chương = Từ Ngữ.
Có sự phân biệt: Nước thì là (nước) Trung Quốc và Người thì là Người Trung Hoa.
Sách xưa dùng từ ngữ "Hoa Văn" đồng nghĩa với "Chữ viết của người Trung Hoa". Nghĩa của "Hoa Văn" rộng hơn "Hán Tự", nhưng không được thông dụng.
b) Ngôn Ngữ và Văn Tự của người Trung Hoa (nước Trung Quốc)
Ngôn Ngữ của người Trung Hoa có những Ngữ Âm khác nhau. Nó thay đổi theo thời gian của lịch sử và có khác nhau theo không gian.
- Theo thời gian, Ngữ Âm (Tiếng Nói) chính thức của người Trung Hoa từ khi thống nhất:
Vào đời nhà Hán có Hán Âm.
Vào đời nhà Tùy, Đường và Tống có Đường Âm.
Vào đời nhà Minh, nhà Thanh và hiện đại có Quan Thoại Âm (Tiếng Quan Thoại).
Ngày nay, chúng ta biết Quan Thoại Âm ra sao nhưng không hề nghe và biết Hán Âm và Đường Âm ra sao vì đã không được dùng từ nhiều thế kỷ trước, và chúng ta không có máy thu thanh để ghi âm lại Đường Âm và Hán Âm!
- Theo không gian, ngoài Ngữ Âm chính thức của người Trung Hoa dùng phổ thông cho toàn quốc (như Tiếng Quan Thoại) còn có những Ngữ Âm địa phương dùng cho tới ngày nay (mặc dù không biết từ lúc nào) thí dụ như:
Tiếng Quảng: ngữ âm của người Trung Hoa ở vùng Lưỡng Quảng
Tiếng Tiều: ngữ âm của người Trung Hoa ở vùng Tiều Châu
Tiếng Phước Kiến: ngữ âm của người Trung Hoa ở vùng tỉnh Phước Kiến...
- Thí dụ:
Khi Anh Ngữ (Tiếng Anh) ngày nay nói là "one, two, three" thì với cùng một nghĩa, Tiếng Quan Thoại nói là "í, ợ, xáng" còn Tiếng Quảng nói là "dách, dì, xám". (Và Tiếng Nôm của Việt Nam nói là "một, hai, ba").
Văn Tự (Chữ, Chữ Viết) của người Trung Hoa được dùng từ đời nhà Hán cho tới hiện nay (qua những triều đại Hán, Đường, Tống, Minh, Thanh) nên thường gọi là Hán Tự (Hán Văn Tự). Hán Tự thống nhất trong cả nước Trung Quốc.
Hiện nay có thêm Giản Thể Tự (Chữ Giản Thể), một hình thức (viết) đơn giản của Hán Tự từ năm 1949 (sau khi đảng Cộng Sản Trung Quốc nắm chính quyền). Có sách xưa gọi Hán Tự là Hoa Văn, Chữ của người Trung Hoa.
c) Ngôn Ngữ và Văn Tự của người Việt
* Hán Ngữ và Hán Tự
Tổ tiên của người Việt chúng ta là người Lạc Việt ở Miền Bắc nước Việt ngày nay từ phía bắc của đèo Hải Vân . Người Lạc Việt bắt đầu tiếp xúc với người Trung Hoavào đời nhà Hán khi bị đô hộ trong thời Bắc Thuộc. Người Trung Hoa đem Ngôn Ngữ và Văn Tự của Trung Hoa sang nước ta từ đó (thế kỷ thứ 2 tr CN). Người Việt dùng Ngôn Ngữ và Văn Tự của người Trung Hoa từ đó.
Ngôn Ngữ của người Trung Hoa được người Việt dùng là Ngôn Ngữ trong thời nhà Hán thường được gọi là Hán Ngữ, với Ngữ Âm là Hán Âm.
Văn Tự của người Trung Hoa được người Việt dùng (để viết Hán Ngữ) là Hán Tự (còn được người Việt gọi là Chữ Hán hay Chữ Nho).
Trong hơn 1000 năm thuộc Trung Quốc (Bắc Thuộc Thời Đại), người Việt trải qua nhiều triều đại quân chủ của Trung Quốc lúc đầu từ nhà Hán (thế kỷ thứ 2 trước CN) cho đến khi dành độc lập (thế kỷ thứ 10) thì khi đó nhà Đường vừa chấm dứt và sắp đổi sang nhà Tống. Ngữ Âm của Ngôn Ngữ của người Trung Hoa cũng thay đổi từ Hán Âm (trong thời nhà Hán) cho đến Đường Âm (trong thời nhà Đường và nhà Tống). Do đó khi dành được độc lập vào năm 931, người Việt đang dùng Đường Âm. Từ đó cho đến ngày nay Hán Ngữ vẫn được người Việt dùng nhưng với một Ngữ Âm là Đường Âm. Đó là giả thuyết từ các học giả Việt Nam hiện đại. Trong khi đó từ thời nhà Minh cho đến ngày nay, người Trung Hoa ở Trung Quốc vẫn dùng Hán Ngữ nhưng đã đổi Ngữ Âm từ Đường Âm sang Quan Thoại Âm (Tiếng Quan Thoại).
Như vậy tuy dùng cùng Ngôn Ngữ của Trung Hoa từ thời nhà Hán (Hán Ngữ) nhưng ngày nay (sau hơn 1000 năm độc lập) Ngữ Âm của người Trung Hoa và người Việt về Hán Ngữ thì khác nhau. Ngôn Ngữ Trung Hoa nầy vẫn được người Việt chúng ta gọi là Hán Ngữ.
Tuy là giả thuyết như trên cho rằng Ngữ Âm của Hán Ngữ mà người Việt dùng chính là Đường Âm của Ngôn Ngữ Trung Hoa nhưng cũng có giả thuyết khác (tuy ít được chấp nhận) cho rằng Ngữ Âm của người Việt nầy chỉ là Tiếng địa phương như Tiếng Quảng, Tiếng Tiều...
Vì người Việt dùng Hán Ngữ như là Ngôn Ngữ của mình nên có học giả đặt tên là Hán Việt Ngữ. Do đó có Hán Việt từ điển và Hán Việt tự điển.
Trong khi đó, dưới hơn 1000 năm thuộc Trung Quốc và gần 1000 năm độc lập sau đó, người Việt vẫn dùng Hán Tự để viết Hán Ngữ (với Ngữ Âm là Đường Âm). Đến hậu bán thế kỷ 19, người Việt mới bắt đầu thay thế Hán Tự (Chữ Hán, Chữ Nho) bằng Chữ Quốc Ngữ để viết Hán Ngữ.
* Tiếng Nôm và Chữ Nôm
Ngôn Ngữ bắt đầu cùng với sự bắt đầu của một dân tộc. Tổ tiên của người Việt chúng ta cũng cósáng tạo Ngôn Ngữ riêng của mình, ta có thể gọi là "Tiếng Nôm" hay Tiếng Nam hay "Tiếng Việt Ròng". Theo các học giả, "Nôm" là đọc trại từ "Nam" vì nước Việt ở phương Nam. Thật ra Tiếng Nôm không thể là "Tiếng Việt Ròng" vì Tiếng Nôm tuy có khác nhưng cũng có những tiếng hơi giống Hán Ngữ. Nhiều Tiếng Nôm từa tựa Hán Ngữ, có lẽ được tổ tiên ta sáng tạo từ Hán Ngữ (hay ngược lại?).
Thí dụ: Tiếng Nôm là "mạnh" cũng đồng nghĩa với Hán Ngữ là "mãnh", phát âm gần giống nhau.
Như vậy, Tiếng Nôm là Ngôn Ngữ, mà người Việt nói, không phải là Hán Ngữ.
Nếu Ngôn Ngữ của người Trung Hoa có nhiều Ngữ Âm theo thời gian và không gian, Tiếng Nôm của người Việt chỉ có một Ngữ Âm. Mặc dù có giọng Bắc, Trung, Nam hơi khác nhau nhưng người Việt ở đâu cũng hiểu Ngữ Âm của đồng bào của mình. Dĩ nhiên Ngôn Ngữ nào cũng có vài Phương Ngữ đặc biệt ở từng địa phương.
Không biết từ lúc nào người Việt mới bắt đầu tạo ra Chữ (Văn Tự) để viết Tiếng Nôm của mình. Loại Chữ viết nầy gọi là Chữ Nôm. Các học giả cho rằng “Nôm” là trại từ “Nam”.
Phương cách viết tượng hình của Chữ Nôm thì cùng một nguyên tắc như Chữ Hán (Chữ Nho, Hán Tự).
Theo học giả Nguyễn Văn Tố thì 2 chữ Bố Cái viết cho Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng (chết năm 791) trong thời Bắc Thuộc là 2 chữ Nôm xưa nhứt được tìm thấy. Bố là Cha, Cái là Mẹ; nếu là Hán Ngữ và Hán Tự thì là “Phụ Mẫu”. Theo các học giả hiện đại, Chữ Nôm bắt đầu thành hình từ thế kỷ thứ 8 hay thứ 9 trong thời Bắc Thuộc nhà Đường vì cơ sở kỹ thuật ghi âm tiếng Nôm của người Việt trong Chữ Nôm theo Đường Âm.
Chữ Nôm được triều đình nước ta công nhận từ đời nhà Trần (vua Trần Nhân Tông) với câu chuyện “Văn đuổi cá sấu” của ông Hàn Thuyên (Nguyễn Thuyên).
* Việt Ngữ và Việt Tự
Như vậy Ngôn Ngữ và Văn Tựcủa người Việt chúng ta phong phú hơn người Trung Hoa nhiều vì ngoài HánNgữ và Hán Tự (Tiếng Hán và Chữ Hán) như của họ, chúng ta còn có thêm Tiếng Nômvà Chữ Nôm.
Nếu ta gọi chung Ngôn Ngữ của người Việt chúng ta là Việt Ngữ và Văn Tự của người Việt là Việt Tự thì:
Việt Ngữ (Tiếng Việt) gồm có Hán Ngữ (Tiếng Hán) và Tiếng Nôm.
Việt Tự (Chữ Việt) gồm có Hán Tự (Chữ Hán hay Chữ Nho) và Chữ Nôm.
Có học giả dùng từ ngữ "Chữ Nôm"cho Chữ Việt nói chung bao gồm Chữ Hán (Hán Tự, Chữ Nho) và Chữ Nôm. Điều nầy không đúng trên thực tế.
Từ thời vua Lê Thánh Tôn có dùng từ ngữ "Quốc Âm" đồng nghĩa với "Việt Ngữ". Điều nầy cũng không sai nhưng không hoàn toàn đúng.
Do đó tác giả vẫn dùng Việt Ngữ và Việt Tự cho chính xác.
Từ ngữ "Nôm" có khi được dùng như đồng nghĩa với "Việt" (trong Việt Ngữ hay Việt Tự) thí dụ như "Thơ Nôm đời Hồng Đức" hay "Hồ Xuân Hương là bà Chúa thơ Nôm".
* Quốc Ngữ và Chữ Quốc Ngữ
Từ thời Pháp Thuộc có dùng từ ngữ "Quốc Ngữ" (Tiếng của quốc gia) thay thế cho "Việt Ngữ" (Tiếng Việt) và có Chữ Quốc Ngữ được áp dụng thay thế cho Hán Tự và Chữ Nôm.
Đến thời Pháp Thuộc (vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20), nước Việt ta dần dần thay thế chữ Hán (Hán Tự) và chữ Nôm bằng Chữ Quốc Ngữ để viết Quốc Ngữ (Việt Ngữ). Chữ Quốc Ngữ là tượng thanh, “Âm sao thì viết vậy”. Chữ Quốc Ngữ dùng cách ghép 24 mẫu tự La Tinh và 5 dấu với nhau, đó là kỹ thuật Bính Âm (pin yin). Vì là tượng thanh nên một chữ Quốc Ngữ có thể có nhiều nghĩavì âm giống nhau, tuy nhiên Chữ Quốc Ngữ đơn giản và dễ học hơn Chữ Nho (Hán Tự) và Chữ Nôm.
Như vậy ngày nay Ngôn Ngữ và Văn Tự của người Việt chúng ta là:
Tiếng Việt (Việt Ngữ hay Quốc Ngữ hay Quốc Âm) gồm có Hán Ngữ (Tiếng Hán) và Tiếng Nôm.
Chữ Việt (Việt Tự) là Chữ Quốc Ngữ. Chữ Hán và chữ Nôm không còn dùng nữa nhưng vẫn còn trong sử sách cũ.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
_______________________________________
NĂM DẦN ĐỌC CHUYỆN CỌP
Bs Phan Thượng Hải biên soạn
Năm Dần là năm của Con Cọp (Con Hổ). Con Cọp hiện diện trong thi văn lịch sử chính trị,thành ngữ điển tích và tục ngữ cũng như trong kinh sách tôn giáo. Ngày nay, Con Cọp là giốnsắp tuyệt chủng nhưng ít người để ý đến.
Dàn bài
Thơ và Việt Sử (trang 1)
Tôn Giáo (trang 5)
Thành Ngữ Điển Tích Trung Hoa (trang 9)
Tục Ngữ và Từ Ngữ Việt (trang 13)
Thi Văn (trang 16)
Khoa Học (trang 20)
THƠ VÀ VIỆT SỬ
* Phạm Ngũ Lão và Bài thơ Thuật Hoài
Theo Nam Hải Dị Nhân Truyện của ông Phan Kế Bính (trích từ Vũ Trung Tùy Bút của ônPhạm Đình Hổ), trong một chuyến du hành, Hưng Đạo Vương và quân tùy tùng gặp phải ông Phạm Ngũ Lão đang ngồi vệ đường vót tre đan sọt. Lính gọi mãi thấy ông không tránh đường nên dùng ngọn giáo đâm vào đùi. Ông Phạm Ngũ Lão cứ ngồi không động tịnh. Hưng Đạo Vương cho người vời đến hỏi thì mới biết ông là một nhân tài nên trọng dụng, dùng làm môn khách và tiến cử đến triều đình.
Ông Phạm Ngũ Lão lúc thiếu thời có làm bài thơ để tỏ chí khí:
THUẬT HOÀI
Hoành sáo giang sơn cáp kỷ thu
Tam quân tỳ hổ khí thôn ngưu (*)
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu. (*)
(Phạm Ngũ Lão)
(*) Chú thích:
Tỳ=giúp. Khí=bỏ đi, dẹp đi. Thôn=nuốt. Ngưu=trâu. “Ba quân giúp hổ nuốt đi trâu”.
Tu=cần. Thính=nghe. Thuyết=thuyết=nói rõ ra. Vũ hầu là Vũ Khanh Hầu Gia (Chư)
Cát Lượng (Khổng Minh).
Có 3 bản dịch nhưng đều không thể diễn tả hoàn toàn như bản chánh:
THUẬT HOÀI
Ngọn giáo non sông trải mấy thâu
Ba quân hùng hổ khí thôn ngưu
Công danh nếu để còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe truyện Vũ hầu.
(Phan Kế Bính dịch)
TỎ LÒNG
Múa giáo non sông trải mấy thu
Ba quân hùng khí át sao Ngưu
Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.
(Bùi Văn Nguyên dịch / trong Wikipedia)
THUẬT HOÀI
Múa giáo non sông trải mấy thu
Ba quân như cọp nuốt “đi” trâu
Công danh trai tráng còn vương nợ
Nhân thế cần nghe thuyết Vũ hầu.
(Phan Thượng Hải dịch)
Quân nghiệp của ông Phạm Ngũ Lão kéo dài hơn 30 năm. Ông Phạm Ngũ Lão là cánh tay mặt của ông Trần Hưng Đạo, tham dự tất cả những trận đánh trong cuộc kháng Nguyên lần thứ 2 và thứ 3 (trừ trận Hàm Tử và trận Bạch Đằng Giang). Sau nầy ông còn 3 lần đánh Ai Lao (1294, 1297, 1301) và 2 lần đánh Chiêm Thành (1312, 1318).
Ông Phạm Ngũ Lão là bạn thân của Hưng Hiển Vương Trần Quốc Uất (con út của ông Trần Hưng Đạo).
Chính ông Phạm Ngũ Lão là vị tướng cuối cùng đuổi quân Nguyên về Tàu luôn không trở lại (trong lần Kháng Nguyên thứ 3).
Việt Nam Sử Lược viết:
Sau khi nghe tin bị thua ở trận Bạch Đằng, Thoát Hoan từ Vạn Kiếp theo đường bộ chạyvề ải Nội Bàng bị Phạm Ngũ Lão và phó tướng là Nguyễn Chế Nghĩa phục binh đổ ra đánh.
Phạm Ngũ Lão chém chết Trương Quân. Thoát Hoan chạy thoát ra khỏi cửa ải, quân chết hết 5, 6 phần. Quân nhà Trần đuổi theo từ ải Nữ Nhi tới núi Kỳ Cấp và phục binh bắn chết A Bát Xích và Trương Ngọc. Trìng Bằng Phi hết sức giữ gìn Thoát Hoan theo đường tắt chạy thoát được về châu Tư Minh (Quảng Tây).
* Thơ Xướng Họa của Tôn Thọ Tường, Phan Văn Trị và Bùi Hữu Nghĩa
Sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ, ông Tôn Thọ Tường ra làm việc với Pháp. Các ông Phan Văn Trị và Bùi Hữu Nghĩa chống Pháp và chống lại ông Tôn Thọ Tường qua những bài xướng họa:
GIANG SƠN BA TỈNH (Xướng)
Giang nam ba tỉnh hãy còn đây
Trời đất xui chi đến nỗi này?
Chớp nhoáng thẳng bon dây thép kéo
Mây tuôn đẹn kịt khói tàu bay
Xăng văng thầm tính, thương đôi chỗ
Khấp khởi riêng lo, biết những ngày
Miệng cọp hàm rồng chưa dễ chọc
Khuyên đàn con trẻ chớ thày lay!
(Tôn Thọ Tường)
GIANG SƠN BA TỈNH (Họa)
Hơn thua chưa quyết đó cùng đây
Chẳng đã, nên ta phải thế này
Bến Nghé quản bao cơn lửa cháy
Cồn Rồng dầu mặc muội tro bay
Nuôi muông giết thỏ còn chờ thuở
Bủa lưới săn nai cũng có ngày
Đừng mượn hơi hùm rung nhát khỉ
Lòng ta sắt đá há lung lay!
(Phan Văn Trị)
THỜI CUỘC (Họa)
Anh hùng sáu tỉnh thiếu chi đây,
Đâu để giang sơn đến thế này.
Ngọn lửa Tam Tần phừng đất cháy,
Chòm mây Ngũ quý lấp trời bay.
Hùm nương non rậm toan chờ thuở,
Cáo loạn vườn hoang thác có ngày.
Một góc cảm thương dân nước lửa,
Đền Nam trụ cả dễ lung lay!
(Bùi Hữu Nghĩa)
(*) Chú thích: Thời Tam Tần và thời Ngũ Quý là những thời kỳ loạn lạc ở Trung Quốc. Thời Tam Tần: sau khi nhà Tần mất, lãnh thổ bị chia ra làm 3 nước gọi là Tam Tần.
Thời Ngũ Quý hay Ngũ Đại: sau khi nhà Đường mất cho đến khi nhà Tống thành lập, Trung Quốc trải qua 5 triều đại ở trung ương (Ngũ Đại) và ở địa phương có 16 nước (Thập lục quốc).
Từ những bài thơ họa của 2 ông Phan Văn Trị và Bùi Hữu Nghĩa, phong trào Cần Vương Kháng Pháp bắt đầu ở Nam Kỳ.
Ông Bùi Hữu Nghĩa còn làm bài thơ gửi bạn mình là ông Tôn Thọ Tường.
THÀ GẶP CỌP CÒN HƠN GẶP BẠN
Kết lũ năm ba bạn cặp kè
Duyên đâu giải cấu khéo thè be
Đã bưng bít mặt cùng trời đất
Sao hổ hang lòng với ngựa xe
Trẻ lẩn thẩn dạo qua dặm liễu
Già lơ thơ ở dưới cây hoè
Không chào cũng ngỡ, chào càng ngỡ
Hùm ở non cao há chẳng thè.
(Bùi Hữu Nghĩa)
(*) Chú thích: Giải cấu = gặp gỡ. Chẳng thè = e dè, chẳng nỡ làm thái quá.
* Hoàng Hoa Thám và thơ của Phan Bội Châu
Ông Hoàng Hoa Thám (1836-1913) nguyên tên là Trương Văn Thám còn gọi là Đề Thám. Ôngtheo Cai Kinh (Hoàng Đình Kinh) chống Pháp (1882-1888) từ trước phong trào Cần Vương. Kế đến ông theo Đề Nắm (Lương Văn Nắm) chống Pháp ở vùng Yên Thế. Khi Đề Nắm chết, ông Đề Thám trở thành lãnh tụ kháng chiến ở Yên Thế (1892-1913). Ông có hàng Pháp 2 lần rồi lại đánh Pháp. Cuối cùng ông thế cô phải trốn tránh trong rừng núi Yên Thế không theo lời dụ hàngcủa Lê Hoan (1909).
Cái chết của ông Đề Thám còn là một bí mật. Có thuyết cho rằng Pháp cho người trá hàng rồi ám sát ông.
(Ông Hoàng Hoa Thám)
Ông Phan Bội Châu khi làm cách mạng bên Tàu có viết về cuộc đời của ông với tựa đề là Chân Tướng Quân. Hai ông nầy có gặp nhau ở Yên Thế trước khi ông Phan Bội Châu phát động phong trào Đông Du.
Đây là bài thơ của ông Phan Bội Châu khóc ông Hoàng Hoa Thám (Chân Tướng Quân):
KHỐC CHÂN TƯỚNG QUÂN KHÓC CHÂN TƯỚNG QUÂN
Dị chủng sài lang mãn địa tinh Sói lang giống khác tanh lợn đất
Độc thương chích thủ dữ cừu tranh Đấu với quân thù cánh tay đơn
Trấp niên thương kiếm sơn hà khí Gươm mấy chục năm hồn sông núi
Bách chiến phong vân phụ tử binh Gió bao trăm trận lính cha con
Quốc thế dĩ trần quân thượng phấn Nước dù chìm đắm lòng không nhụt
Tướng đầu vị đoạn giặc do kinh Đầu vẫn chưa rơi giặc hoảng hồn
Anh hùng bản sắc chung năng hiện Đến chết mới hay người tuấn kiệt
Vạn lý thời văn hổ khiếu thanh. Thẳm xa tiếng hổ vọng sông non.
(Phan Bội Châu) (Kiều Văn dịch)
Từ bài thơ của ông Phan Bội Châu, ông Hoàng Hoa Thám có biệt danh là Hùm Thiêng YênThế.
Phong trào Cần Vương ở Bắc Trung Kỳ từ 1885 đến 1913 kéo dài 29 năm. Phong trào Kháng Pháp Cần Vương toàn quốc từ ông Trương Công Định (1859) cho đến ông Hoàng Hoa Thám (1913) kéo dài tất cả 55 năm.
Vì thương bạn là ông Phan Khôi trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm ở ngoài Bắc, ông Vũ Hoàng Chương có làm bài thơ tặng dưới đây bằng tiếng Hán Việt rồi tự mình dịch ra tiếng Việt. Hai câu cuối cũng có âm hưởng như bài thơ của ông Phan Bội Châu.
LOẠN TRUNG HỮU BIỆT TRONG THỜI LOẠN XA BẠN
Đối diện tằng xưng thiên cãi văn Từng khen tuyệt tác ấy văn trời
Kim chiêu biệt hỹ, bút ưng phần! Tạm biệt từ đây bẻ bút thôi
Đông tây mộng quải tam canh nguyệt Giấc mộng đông tây vầng nguyệt lửng
Nam bắc tình khiên vạn lý vân Tơ tình nam bắc đám mây trôi
Trọc tửu vô đăng sầu bất ngữ Tỉnh say một cuộc đành không bạn
Hoàng sam thanh nhãn ý hà vân? Hào hiệp ngàn xưa dễ mấy người
Thu phong sạ khởi tiêu hồn cực Chợt nổi gió thu lòng héo hắt
Hổ khiếu viên đề hoảng hốt văn. Đâu đây hổ thét vượn than dài.
(Vũ Hoàng Chương) (Vũ Hoàng Chương tự dịch)
TÔN GIÁO
* Chuyện Hoàng tử Sattva trong Bản Sinh Kinh của Phật Giáo
Hoàng tử Sattva là một trong những hóa thân trong 1 trong những kiếp trước của Phật Thích Ca.
Con của vua Maharatha, hoàng tử Sattva thành một ẩn tu (ascetic) và có vài đệ tử. Một hôm đang đi trên sườn núi với những đệ tử, Sattva thấy ở dưới đáy thung lũng có một con cọp mẹ đói sắp muốn ăn thịt con mới sinh của mình. Sattva biểu các đệ tử đi tìm thức ăn cho con cọp. Khi các đệ tử đi xa rồi, Sattva gieo mình nhẩy xuống thung lũng cho chết. Con cọp liền ăn thịt xác của Sattva. Khi các đệ tử trở lại liền ca ngợi nghĩa cử rộng lượng (generosity), từ bỏ (renunciation), đạo đức (morality), quả cảm (resolution), và bình tỉnh (equanimity) của Sattva. Liền đó có mưa hoa sen từ trên trời rơi xuống và Hoàng tử Sattva sống lại.
Theo Sư Huyền Trang trong Đại Đường Tây Vực Ký, có 4 stupas ở miền bắc Ắn Độ dựng nênghi nhớ câu chuyện nầy.
* Chuyện Trang tử và câu Họa hổ họa bì nan họa cốt của Đạo Giáo
Trang Tử tên Chu tự Tử Hưu biệt hiệu là Tất Viên vì làm Thơ lại ở Tất Viên. Người Mông ấp thuộc nước Tống. Học trò của Lý Nhĩ tên tự là Bá Dương, bạc đầu từ lúc nhỏ nên được gọi là Lão Tử.
Trang Tử nằm mộng thấy mình hóa ra con bướm (hồ điệp). Lão Tử giải thích rằng: Thuở Trời Đất mới sinh có 1 con bướm trắng cánh lớn là vật đầu tiên được hưởng ánh sáng của mặt Trời và mặt Trăng và hương nhụy của hoa thơm, có thể được trường sinh bất tử. Một hôm bướm ấy bay lượn ở Dao Trì của Tây Vương Mẫu và hút hết nhụy hoa bàn đào của Tây Vương Mẫu nên bị phạt mà phải thác sinh. Bướm ấy là nguyên hình của nhà ngươi (Trang Tử) đó.
Trang Tử cùng người vợ thứ ba là Điền thị sống ở núi Nam Hoa.
Một hôm Trang Tử thấy 1 góa phụ quạt mồ cho khô vì người chồng trước khi chết cho phép bà được tái giá nếu mồ khô hẳn.
Trang Tử chán ngán và có làm bài thơ:
Bất thị oan gia bất tụ đầu
Oan gia tương tựu kỷ thời hưu
Tảo tri tử hậu vô tình nghĩa
Tựu bả sinh tiền ân ái câu
(Dịch)
Chẳng nợ nần nhau chẳng sánh đôi
Nợ nần dan díu biết bao thôi?
Ví hay mình thác người đem bạc
Lúc sống, tơ duyên đã rứt rồi.
Điền thị nghe Trang Tử kể chuyện thì giận người góa phụ (bạc nghĩa).
Trang Tử làm thêm:
Sinh tiền cá cá thuyết ân ái
Tử hậu nhân nhân dục phiến phần
Họa hổ họa bì nan họa cốt
Tri nhân tri diện bất tri tâm.
(Dịch)
Khi còn, những kể niềm yêu dấu
Lúc thác, thương chăm việc quạt mồ
Vẽ hổ vẽ da xương khó thấy
Biết người biết mặt dạ khôn dò.
Điền thị thề nguyền không tái giá sau khi chồng chết.
Vài tháng sau Trang Tử đau nặng và Điền thị thề nguyền ở vậy suốt đời.
Trang Tử chết thì Điền thị lại mê và tái giá với một chàng trẻ tuổi (tới xin theo học với Trang Tử). Chàng trẻ tuổi nầy đau nặng và theo lời khuyên thì bệnh chỉ chữa hết nếu có phương thuốclà óc của người sống hay chết không quá 50 ngày uống hòa với rượu. Điền thị liền dở hòm của Trang Tử để lấy óc. Khi đó Trang Tử sống lại và chàng trẻ tuổi biến mất vì (chàng) nầy chỉ là phép của Trang Tử để thử vợ mà thôi. Trang Tử làm bài thơ:
Tòng tiền liễu khước oan gia trái
Nhĩ ái chi thời ngã bất ái
Nhược kim dữ nhĩ tố phu thê
Phạ nhĩ phủ thế thiên linh cái.
(Dịch)
Giũ sạch từ nay duyên với nợ
Yêu ta, ta cũng không yêu nữa
Ví cùng sum họp lại như xưa
E nỗi đập săng lòng giáo giở?
Lại thêm:
Phu thê bách nhật hữu hà ân
Kiến liễu tân nhân vong cựu nhân
Phủ đắc cái quan tào phủ thế
Như tha đẳng đắc phiến can phần.
(Dịch)
Ái ân, thôi cũng chuyện trăm ngày
Có mới vội vàng nới cũ ngay
Vừa đậy quan tài đà bổ nắp
Bên mồ lọ phải quạt luôn tay.
Điền thị hổ thẹn mà thắt cổ chết. Trang Tử mai táng chu đáo. Rồi gõ chậu sành mà hát:
Thê tử ngã tất mai
Ngã tử thê tất giá
Điền thị tha nhân canh
Mã thị tha nhân khóa
Ngã nhược chân tử thì
Nhất trường đại tiếu thoại.
(Dịch)
Vợ chết mình phải chôn
Mình chết vợ cải giá
Ruộng mình người cày liền
Ngựa mình người chiếm cả
Mình ví thực chết rồi
Nực cười lắm truyện lạ.
Hát xong đập tan cái chậu sành rồi biệt tích. Người nói theo Lão Tử mà thành tiên. Đó là chuyện Trang tử gổ bồn ca.
Tục ngữ Việt cũng có câu: Họa hổ họa bì nan họa cốt.
* Sao Vĩ Hỏa Hổ trong Nhị Thập Bát Tú của Đạo Giáo
Theo Đạo Giáo có 24 vị sao chánh lấy tên theo con vật. Sao Vĩ Hỏa Hổ lấy tên theo con Cọp (Hổ). Thiên văn học Tây Phương cũng có tên của những hành tinh giống như vậy. Sao Vĩ Hỏa Hổ là hành tinh Scorpius.
Giác Mộc Giao: sao Giác (Spica). Giao=Cá Sấu
Càng Kim Long: sao Càng (Virgo). Long=con Rồng
Đê Thổ Lạc: sao Đê (Libra). Lạc=con Lạc Đà
Phòng Nhật Thố: sao Phòng (Libra). Thố=con Thỏ
Tâm Nguyệt Hồ: sao Hồ (Antares). Hồ=con Chồn Cáo
Vĩ Hỏa Hổ: sao Vĩ (Scorpius). Hổ=con Cọp
Cơ Thủy Báo: sao Cơ (Sagittarius). Báo=con Beo
Đẩu Mộc Giải: sao Đẩu (Sagittarius). Giải=con Cua
Ngưu Kim Ngưu: sao Ngưu (Capricormus). Ngưu=con Trâu
Nữ Thổ Bức: sao Nữ (Aquarius). Bức=con Dơi
Hư Nhật Thử: sao Hư (Aquarius). Thử=con Chuột
Nguy Nguyệt Yến: sao Nguy (Aquarius/Pegasus). Yến=con Én (Nhạn)
Thất Hỏa Trư: sao Thất (Pegasus). Trư=con Heo
Bích Thủy Dư: sao Bích (Algenib). Dư=con Cừu (Trừu)
Khuê Mộc Lang: sao Khuê (Andromeda). Lang=con Chó Sói xám
Lâu Kim Cẩu: sao Lâu (Aries). Cẩu=con Chó
Vị Thổ Trĩ: sao Vị (Aries). Trĩ=con Chim Trĩ
Mão Nhật Kê: sao Mão (Pleiades). Kê=con Gà
Tất Nguyệt Ô: sao Tất (Taurus). Ô=con Quạ
Chủy Hỏa Hầu: sao Chủy (Orion). Hầu=con Khỉ
Sâm Thủy Viên: sao Sâm (Orion). Viên=con Vượn
Tỉnh Mộc Hãn (Ngạn): sao Tỉnh (Gemini). Hãn=con Bò
Quỷ Kim Dương: sao Quỷ (Cancer). Dương=con Dê
Liễu Thổ Chương: sao Liễu (Hydra). Chương=con Cheo (=Mouse-Deer)
Tinh Nhật Mã: sao Tinh (Alphard). Mã=con Ngựa
Trương Nguyệt Lộc: sao Trương (Crater). Lộc=con Hưu/Nai
Dực Hỏa Xà: sao Dực (Corvus). Xà=con Rắn
Chẩn Thủy Dẫn: sao Chẩn (Corvus). Dẫn=con Giun/Trùng
* Câu "Bạo Hổ Bằng Hà" trong Luận Ngữ của Nho Giáo
Luận Ngữ là 1 trong Tứ Thư của Nho Giáo. Đây là câu nói nổi tiếng của Khổng tử trong Luận Ngữ.
Luận Ngữ 7.10:
Tử vị Nhan Uyên viết: Dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng, duy ngã dữ hữu thị phù!
Tử Lộ viết: Tử hành tam quân, tắc thùy dư?
Tử viết: Bạo hổ bằng hà, tử nhi vô hối giả, ngô bất dữ dã. Tất dã lâm sự nhi cụ, hiếu mưu nhi thành giả dã.
(Dịch)
Khổng Tử nói với Nhan Uyên: Nếu có ai dùng mình thì mình đem đạo ra thi hành, bằng không dùng mình thì mình ở ẩn với đạo; chỉ có ta với anh là làm được như vậy thôi.
Tử Lộ hỏi: Nếu Thầy thống lĩnh ba quân, thì Thầy chọn ai giúp?
Khổng Tử đáp: "Bắt cọp mà dùng tay không, qua sông mà không dùng thuyền, chết mà không biết tiếc thân, ta không cho kẻ ấy theo giúp ta. Ta chọn kẻ nào vào việc mà biết lo sợ dè dặt, thích lập mưu tính kế để thành công.
Câu nói bạo hổ bằng hà ám chỉ người vũ dũng nhưng vô mưu. Tử Lộ sau nầy chết ở nước Vệ vì cái dũng khí của ông vì không theo lời khuyên của Khổng tử.
THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH TRUNG HOA
* Tam nhân thành hổ = Ba người nói, thành có hổ thật.
Nguyên văn: Phù thị chi vô hổ minh hĩ, nhiên nhi tam nhân ngôn nhi thành hổ = Rõ ràng là ở chợ không có cọp, thế nhưng có 3 người quả quyết thì sẽ thành có cọp. Xuất xứ từ trong phần Ngụy Sách Nhị của Chiến Quốc Sách.
Điển tích:
Trong thời Chiến Quốc, vua nước Ngụy cho con trai của mình sang nước Triệu để làm con tin và cho một đại thần thân tín tên là Sủng Hốt theo phò con mình. Sủng Hốt lo sợ là khi ông và công tử con vua Ngụy sang nước Triệu thì tại nước Ngụy có người gièm pha nói xấu mình. Sủng Hốt mới nói với vua nước Ngụy rằng:
Tâu đại vương, nếu có người báo với đại vương rằng có con cọp đi vào chợ của Đại Lương (kinh đô của nước Ngụy) thì đại vương có tin không?
Vua nước Ngụy đáp ngay không cần suy nghĩ:
Ta không tin được, con cọp làm sao vào chợ ở Đại Lương được.
Sủng Hốt lại hỏi:
Nhưng có người thứ hai cũng bảo với đại vương như vậy, đại vương có tin không?
Vua nước Ngụy suy nghĩ một chút rồi đáp:
Hai người đều nói như nhau, ta có phần nửa tin nửa ngờ.
Sủng Hốt lại hỏi:
Ngay lúc ấy lại có người thứ ba đến nói với đại vương là có con cọp ở tại chợ Đại Lương, đại vương có tin chăng?
Vua nước Ngụy đáp ngay:
Ba người đều nói như thế, chắc ta phải tin thôi.
Sủng Hốt liền nói:
Rõ ràng là ở chợ không có cọp, thế nhưng có 3 người quả quyết như vậy với đại vương thì đại vương tin là có thật. Nay thần theo hầu công tử sang nước Triệu, cách xa nước Ngụy thì nhất định sẽ có nhiều hơn 3 người nói xấu sau lưng về thần và công tử; mong đại vương hãy xét kỹ.
Sau khi công tử của nước Ngụy và Sủng Hốt sang nước Triệu làm con tin thì có rất nhiều ngườinói xấu gièm pha về họ và vua nước Ngụy dần dần cũng tin theo. Khi hết thời hạn làm con tinvà trở về nước Ngụy, cả hai đều không được trọng dụng nữa.
* Hồ giả hổ uy = Cáo giả oai cọp
Xuất xứ từ Chiến Quốc Sách
Điển tích:
Sở Hoàn Vương ngạc nhiên khi thấy người phương Bắc (của Trung Quốc) đều sợ tướng Chiêu Hề Tuất. Một quan đại thần của Sở Hoàn Vương là Giang Ất kể chuyện: Tại một khu rừng kia có một con cọp bắt được con cáo. Con cáo tức thì làm bộ dọa con cọp rằng nó là sứ giả do Trờisai xuống để thống trị muôn loài thú, nếu cọp xâm phạm đến nó thì sẽ bị Trời trừng phạt; nếucọp không tin thì hãy đi theo nó để xem muôn loài thú sợ hãi nó thế nào. Con cọp bằng lòng đi theo con cáo. Quả nhiên suốt đường đi, muôn loài thú thấy bóng dáng con cáo thì sợ bỏ chạy hết. Con cọp đâu biết là con cáo mượn oai của cọp nên muôn loài thú mới sợ chứ đâu có sợ con cáo. Nay binh quyền của nhà vua trao cả cho Chiều Hề Tuất, người phương Bắc sợ hãi là sợ binh lực của nhà vua chứ đâu có sợ Chiêu Hề Tuất.
Người Việt thường có câu thành ngữ: Cáo mượn oai hùm.
* Bất nhập hổ huyệt, nan đắt hồ tử = Không vào hang cọp, không bắt được cọp con.
Xuất xứ trong Ban Siêu truyện của Hậu Hán Thư
Điển Tích:
Danh tướng Ban Siêu đã đi đánh người Hung Nô ở phương Bắc của Trung Quốc thời nhà Hán và đã chiến thắng trở về. Ban Siêu lại được sai đi sử các nước ở vùng Tây Vực (phương Tây của Trung Quốc). Khi đến nước Thiện Thiện ở đây, phái đoàn sứ giả gồm Ban Siêu (chánh sứ), Quách Tuấn (phó sứ) và 36 người tướng sĩ tùy tùng được vua nước Thiện Thiện tiếp đón niềm nỡ. Nhưng đột nhiên ngay sau đó sự đón tiếp thành ra lạnh nhạt. Ban Siêu cho người thám thính thì biết là nước Hung Nô cũng sai sứ giả sang nước Thiện Thiện và vua nước nầy bắt đầu muốn theo Hung Nô và lạnh nhạt với Trung Quốc (và có thể bắt đoàn sứ giả Trung Quốc giao cho Hung Nô). Ban Siêu họp 36 người tướng sĩ bàn định tấn công doanh trại của sứ đoàn Hung Nô
nhưng không cho Quách Tuấn biết (vì Quách Tuấn là văn quan có thể sợ sệt mà tiếc lộ cơ mưu).
Ban Siêu nói trong buổi hợp rằng:
Không vào hang cọp, không bắt được cọp con; không mạo hiểm không thế nào thành công. Kế hoạch trước mắt là tiêu diệt đoàn sứ giả Hung Nô như vậy cắt đứt ý định đầu hàng Hung Nô của vua Thiện Thiện và nhà vua sẽ thần phục nhà Hán của Trung Quốc. Tướng sĩ đồng ý với ông. Ngay đêm đó Ban Siêu và 36 tướng sĩ tấn công doanh trại Hung Nô và giết chết sứ đoàn Hung Nô. Nhờ đó sứ mạng của Ban Siêu thành công, vua nước Thiện Thiện xin thần phục Trung Quốc vànhà Hán.
Tục ngữ Việt có câu: Bất nhập hổ huyệt, yên đắc hổ tử.
* Họa hổ loại khuyển = Vẽ cọp giống chó.
Nguyên văn: Hiệu Quý Lương bất đắc, hãm vi thiên hạ khinh bạc tử, sở vị họa hổ bất thành phảnloại cẩu giả dã = Bắt chước Quý Lương không xong lại trở thành sự khinh bạc trong thiên hạ, đógọi là vẽ cọp không thành mà ngược lại chỉ giống chó vậy.
Xuất xứ trong Mã Viện truyện của Hậu Hán Thư.
Điển tích
Mã Viện thời Đông Hán ở Trung Quốc có 2 người cháu là Mã Nghiêm và Mã Đôn tánh hay giao thiệp. Mã Viện muốn 2 người cháu nên giao thiệp và học với Long Bá Cao vì ông nầy là ngườitốt, cẩn trọng và khiêm nhường. Ông không muốn Mã Nghiêm và Mã Đôn giao thiệp và học với Đỗ Quý Lương. Đỗ Quý Lương là người hào hiệp nghĩa khí nhưng nếu (2 người cháu) bắtchước không khéo thì dễ trở thành loại người ngông cuồng dại dột đễ bị thiên hạ khinh bạc. Mã Viện mới viết thơ cho 2 người cháu và trong bức thơ có câu nầy: "Bắt chước Quý Lương khôngxong lại trở thành sự khinh bạc trong thiên hạ, đó gọi là vẽ cọp không thành mà ngược lại chỉgiống chó vậy"
Từ điển tích nầy có câu: Họa hổ thành khuyển = Vẽ cọp thành ra chó.
Tục ngữ Việt cũng có câu: Vẽ hùm thêm cánh. hay Vẽ hùm thêm cánh, vẽ rắn thêm chân.
* Túng hổ quy sơn = Thả cọp về núi
Nguyên văn: (Trình Dục viết:) Tích Lưu Bị vi Dự Châu mục thời, mỗ đẳng thỉnh sát chi, Thừa tướng bất thính, kim nhật hựu dữ chi binh, thử phóng long nhập hải, túng hổ quy sơn dã = (Trình Dục nói:) Xưa khi Lưu Bị làm Dự Châu mục tôi đã xin giết (hắn) đi, Thừa tướng không chịu nghe, nay lại cấp binh mã cho (hắn), chẳng khác nào thả rồng vào biển thả hổ về núi đó vậy.
Xuất xứ từ Tam Quốc Chí truyện.
Điển tích:
Lưu Bị trấn ở Từ Châu bị thua Lữ Bố đành phải tạm thời theo Tào Tháo về ở kinh đô Hứa Xương (thuộc Dự Châu). Khi hay tin Viên Thuật sẽ hội binh với anh là Viên Thiệu thì Lưu Bị xin Tào Tháo đem binh ra chận đánh Viên Thuật. Tào Tháo nghe lời cho Lưu Bị đem 5000 quân cùng với 2 tướng thân tín của mình là Châu Linh và Lộ Chiêu đi đánh Viên Thuật. Quan Công và Trương Phi hỏi Lưu Bị: Lần nầy anh xuất chinh tại sao lại gấp như vậy. Lưu Bị trả lời: Tanhư chim trong lồng như cá trong chậu, lần đi nầy như cá được vào biển rộng như chim được baylên trời cao.
Lưu Bị rời Hứa Xương rồi, mưu sĩ của Tào Tháo là Trình Dục và Quách Gia mới trở về nghechuyện liền đến nói với Tào Tháo.
Trình Dục hỏi:
Sao Thừa tướng lại cho Lưu Bị có quân đội và đi ra khỏi Hứa Xương.
Tào Tháo đáp:
Để y đi đánh Viên Thuật.
Trình Dục nói:Xưa khi Lưu Bị làm Dự Châu mục tôi đã xin giết (hắn) đi, Thừa tướng không chịu nghe,nay lại cấp binh mã cho (hắn), chẳng khác nào thả rồng vào biển thả hổ về núi đó vậy. Sau nầy không thể khống chế y được nữa.
Quách Gia cũng đồng ý.
Từ chuyến đi nầy, Lưu Bị như chim bay lên trời như cá vào biển hoàn toàn độc lập và trở thành đối thủ của Tào Tháo.
Tục ngữ Việt cũng có câu: Thả hổ về rừng.
* Kỵ hổ nan hạ = Cỡi cọp khó xuống
Nguyên văn: Kim chi sự thế nghĩa vô toàn chủng, thí như kỵ hổ, an khả trung hạ tai = Tình thế sự việc hiện nay có nghĩa là không xoay chuyển, như cỡi lưng cọp, làm sao xuống giữa chừng được.
Xuất xứ trong phần "Tấn Võ Đế Hàm Hòa Tam Niên" của sách Tư Trị Thông Giám (Tư Mã Quang).
Điển tích
Đào Khản đem quân tiếp viện Du Lượng và Ôn Kiều phò vua Tấn Thành Đế của nhà Đông Tấn chống lại loạn quân của Tô Tuấn và Tổ Ước. Quân Tấn hết lương, Đào Khản muốn bỏ đi. Ôn Kiều mới can và nói với Đào Khản rằng: Thiên tử bị vây khốn, quốc gia nguy cấp. Tình thế ngày nay có nghĩa là không xoay chuyển được, như cỡi lưng cọp, làm sao xuống giữa chừng đươc. Chúng ta cùng dấy binh cần vương mà ông đòi bỏ đi tất sẽ làm lay chuyển lòng quân và làm hỏng việc lớn cứu nước. Nay ta sẽ cho tất cả nghĩa quân dưới quyền chỉ huy của ông. Đào Khản nghe theo nên ở lại chỉ huy quân đội đánh bại loạn quân của Tô Tuấn và Tổ Ước và
khôi phục Tấn Thành Đế và nhà Tấn.
Tục ngữ Việt có câu: Cầm gươm đằng lưỡi, cưỡi hổ đằng đầu.
* Nhất cử tất hữu song hổ = Một lần đâm chắc chắn được 2 con cọp
(Chuyện Biện Trang đâm cọp)
Nguyên văn: Biện Trang tử dục thích hổ, quán kiên tử chỉ chi, viết: "Lưỡng hổ phương thả thực ngưu, thực cam tất tranh, tranh tắc tất đấu, đấu tất đại giả thương, tiểu giả tử; tòng thương nhi thích chi, nhất cử tất hữu song hổ chi danh" = Biện Trang tử muốn giết cọp, tên ở quán trọ can rằng: "Hai con cọp ấy đang tranh ăn thịt con trâu, ăn no rồi chúng sẽ tranh giành ắt sẽ đánh nhau,đánh nhau ắt con lớn thì bị thương, con nhỏ thì chết; lúc ấy ông sẽ đâm (chết) con bị thương chắc chắn sẽ nổi danh vì một lần giết cả 2 con cọp"
Xuất xứ từ trong phần Trương Nghi Liệt Truyện của sách Sử Ký (của Tư Mã Thiên).
Điển tích:
Trần Chẩn theo phò vua Tần (Tần Huệ Vương). Tần Huệ Vương đem việc 2 nước Hàn và Ngụy đánh nhau và hỏi Trần Chẩn phải làm thế nào.
Trần Chẩn kể chuyện Biện Trang đâm cọp để làm thí dụ cho mưu kế của mình:
Biện Trang tử nghỉ ở lữ điếm ở bìa rừng thấy 2 con cọp đang giằng xé ăn thịt một con trâu.
Biện Trang tử muốn giết cọp, tên ở quán trọ can rằng: "Hai con cọp ấy đang tranh ăn thịt con trâu, ăn no rồi chúng sẽ tranh giành ắt sẽ đánh nhau, đánh nhau ắt con lớn thì bị thương, con nhỏ thì chết; lúc ấy ông sẽ đâm (chết) con bị thương chắc chắn sẽ nổi danh vì một lần giết cả 2 con cọp".
Biện Trang tử nghe lời, tạm thời chờ đợi. Quả nhiên, hai con cọp sau khi ăn xong lại quay sang đánh nhau. Con nhỏ hơn bị cắn chết còn con lớn cũng bị thương nặng. Lúc ấy Biện Trang tử mới xông đến đâm chết con cọp bị thương nầy. Ông được nổi tiếng là một lần mà giết được 2 con cọp.
Sau khi kể câu chuyện Biện Trang đâm cọp nầy, Trần Chẩn mới nói với vua nước Tần:
Nay nước Hàn và Ngụy đang đánh nhau cũng như 2 con cọp kia vậy, sẽ có một chết một bị thương. Nếu đại vương đợi đến lúc đó thì sẽ diệt được cả hai nước.
Và quả nhiên chuyện có thực xảy ra cho nước Hàn và nước Ngụy và 2 nước bị nước Tần chiếm.
Từ điển tích nầy cũng có câu: Lưỡng bại câu thương = Cả hai thất bại đều bị tổn thương.
* Dưỡng hổ di họa = Nuôi cọp (là) để lại họa.
Nguyên văn: Dưỡng hổ tự di họa = Nuôi cọp (là) tự để lại họa cho mình.
Xuất xứ từ trong phần Hạng Võ bản kỷ của Sử Ký (của Tư Mã Thiên)
Điển tích
Lưu Bang và Hạng Võ nghị hòa lấy Hồng Câu làm ranh giới: Hạng Võ rút quân về phương đông và Lưu Bang rút quân về phương tây, không đánh nhau nữa.
Ngay sau đó Trương Lương và Trần Bình khuyên Lưu Bang nên tiếp tục đánh Hạng Võ, vì nếu nuôi cọp là tự để lại hậu họa về sau.
Lưu Bang nghe lời, lại đánh Hạng Võ. Hạng Võ thua chạy và tự tử ở bến Ô giang. Lưu Bang lập nên nhà Hán.
Người Việt có câu thành ngữ: Nuôi cọp trong nhà.
TỤC NGỮ và TỪ NGỮ VIỆT
* Tục Ngữ về Con Cọp
(Cọp = Hổ = Hùm = Kễnh = Khái = Ông Cả, Ông Ba mươi)
Con Cọp
*
Ăn như hùm đổ đó.
(Hùm là con hổ, con cọp; khi đói thường hay ra chỗ dòng nước chảy, đổ Đó trộm của người đơm Đó mà ăn một cách hấp tấp. Đó = đồ đan bằng tre nứa, dùng để bắt cá. Ý nói: ăn mau và ăn khoẻ)
Bắt cọp thời dễ, tha cọp thời khó.
Bất nhập hổ huyệt, yên đắc hổ tử.
(= Không vào hang cọp thì không yên được hổ con)
Cầm gươm đằng lưỡi, cưỡi hổ đằng đầu.
Cọp (Hổ) chết để da, người ta chết để tiếng. - Cọp (Hổ) chết vì da, người ta chết vì tiếng.
Hổ cậy rừng, rừng cậy hổ. - Cây đa cậy thần, thần cậy cây đa.
Đưa thịt vào miệng hùm. (= Đút chuối vào miệng voi)
Họa hổ họa bì, nan họa cốt.
(= Vẽ hổ, vẽ da, không thể vẽ được xương cọp. Từ câu Hán ngữ: Họa hổ họa bì nan họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm)
Hổ phụ, sinh hổ tử.
Hùm dữ, chẳng nỡ ăn thịt con. - Hổ, chẳng ăn thịt con.
Hùm giết người hùm ngủ; người giết người thức đủ năm canh.
Hùm tha, ma bắt.
Miệng hùm, gan sứa.
(Gan sứa ám chỉ nhút nhát run sợ trong lòng)
Quân vô tướng, như hổ vô đầu.
Thả hổ, về rừng.
Tránh hùm, mắc hổ. - Tránh ông cả, ngã phải ông ba mươi.
(Ông Cả và ông Ba mươi được dùng để ám chỉ Cọp với sự kinh hãi)
Vuốt râu hùm, xỉa răng cọp.
*
Tuổi Dần, siêng mần không có ăn.
Con Cọp và những con Giáp khác
*
Hùm mất hưu, như mèo mất thịt.
Mèo tha miếng thịt xôn xao; kễnh tha con lợn thì nào thấy chi.
(Kễnh = hổ, cọp, theo cách gọi có tính cách kinh sợ)
Nam thực như hổ, nữ thực như miu.
(Miu = con mèo)
*
Hang hùm, miệng rắn. - Hang hùm, nọc rắn.
Miệng hùm, nọc rắn.
Vẽ hùm thêm cánh. - Vẽ hùm thêm cánh, vẽ rắn thêm chân.
Con Cọp và những con vật khác
Đuổi hùm cửa trước, rước voi cửa sau.
Cáo bầy, không bằng một cọp. - Quần hồ, bất như độc hổ. - Mảnh hổ, nan địch quần hồ.
Cú góp, cọp ăn. - Cú góp, cọp mừng.
(Ý nói: người yếu làm ra tích góp từng ly từng tí rồi bị người mạnh cướp bóc và hưởng lợi)
TỪ NGỮ VỀ CỌP
Hổ = Cọp
Hổ lửa = Rắn độc có khoang, màu đỏ như lửa.
Hổ mang = Rắn độc có đầu hình tam giác và hàm bạnh ra, và có tập tính đe dọa kẻ thùbằng cách ngẩng đầu lên.
Hổ chúa = Rắn hổ mang chúa.
Hổ trâu = Rắn hổ mang rất lớn và da đen trũi.
Hổ lang = những loải thú dữ nói chung
Hổ huyệt = Hang cọp
Hổ hang = Xấu hổ
Làm người sao chẳng hổ hang
Thua em kém chị xóm làng cười chê. (Ca dao)
Hổ lốn = Lẫn lộn, lộn xộn nhiều thứ với nhau.
(Không có trong từ điển)
Bắt Cọp.
Coi cọp, xem cọp
Cọp = Hổ = Hùm = Kễnh = Khái = Ông Cả, Ông Ba mươi.
THI VĂN
* Chuyện "Thần Phạm Nhĩ Hóa Ra Cọp" của Sơn Nam
Câu chuyện nầy được viết trong sách "Chuyện Xưa Tích Cũ" của Sơn Nam và Tô Nguyệt Đình có nguyên văn như sau:
Ngày xưa trên thiên cung có một vị thần tên Phạm Nhĩ. Theo chữ nho, "phạm nhĩ" có nghĩa là "lỗ tai rách".
Phạm Nhĩ toan soán ngôi của Ngọc Hoàng. Ông ta qui tụ binh mã, đánh đâu thắng đó, hễ bắt được địch thủ là ăn gan uống máu lập tức. Thấy Phạm Nhĩ đại náo thiên cung, Phật Bà Quan Âm bèn hạ lịnh cho ông Chuẩn Đề đem binh tới trừng trị. Nhưng ông Chuển Đề đại bại. Phật Di Đà bèn hóa phép thần thông đuổi được Phạm Nhĩ, bắt đày ông ta xuống trần gian, hóa kiếp ra con Cọp.
Để đề phòng ông Phạm Nhĩ trở lại thiên cung báo thù, Trời Phật cắt đôi cánh của ông không cho ông ta bay được.
Vì là thú vật, Phạm Nhĩ rất hung hăng. Nhưng nhờ cốt thần hồi kiếp trước nên trong giấc ngủ Phạm Nhĩ có thể nghe biết những ai nói xấu ông ta mặc dù cách xa ngàn dặm. E rằng Phạm Nhĩ thù vặt Phật Trời khiến Phạm Nhĩ gặt lỗ tai khi thức giấc, như vậy mà không nhớ gì cả.
Để an ủi Phạm Nhĩ, Phật Trời cho ông ta làm chúa Sơn Lâm.
Nhiều người nói rằng cọp không ăn thịt người nào họ Phạm (vì trùng một họ với cọp).
Ở nhiều làng mới khai phá, cọp thường được dân chúng phong chức Hương Cả. Hằng năm khi cử hương chức làng, cọp trở lại miễu để lãnh tờ cử mới.
Ở ngoài Bắc, (cọp) được gọi là Ông Ba Mươi. Sự tích là hễ ai săn được một con cọp thì làng xã thưởng cho ba mươi quan tiền. Đồng thời cũng đánh anh thợ săn nọ ba mươi hèo để vong hồn của cọp được thỏa mãn.
(Câu chuyện nầy chứng minh tên của con cọp còn là ông cả hay ông ba mươi và tại sao Cọp là Chúa tể sơn lâm).
* Chuyện "Con Cọp và Cậu Học Trò" của Sơn Nam.
Câu chuyện nầy được viết trong sách "Chuyện Xưa Tích Cũ" của Sơn Nam và Tô Nguyệt Đình với nguyên văn như sau:
Cậu học trò đi dạo chơi trên núi bỗng gặp một con cọp đang mắc bẫy. Cọp ta vùng vẫy la hét kêu cứu rằng: 'Tôi rủi lâm nạn, cậu làm ơn gỡ bẫy giùm. Tôi đền ơn xứng đáng, hằng ngày vác heo rừng, vác nai lại để câu làm tiệc. Trong rừng nầy có nhiều hột ngọc quí giá mà bấy lâu nay tôi chôn giấu dưới đất. Hễ được tự do thì tôi đào lên dâng cho cậu '.
Cậu học trò nọ vui mừng, phần thì muốn ra tay nghĩa hiệp phần thì muốn được của cảiquí báu nên tháo bẫy ra giùm.
Cọp được tự do, đi khoan thai trước mặt cậu trò rồi nghiêm nét mặt: Tao đói bụng quá,phải ăn thịt mầy mới được.
Cậu học trò cãi lại nhưng cọp không nghe. Xảy đâu một ông tiên hiện ra, tay cầm phấttrần chỉ ngay con cọp mà nói: Không được hổn láo, chuyện đâu còn có đó.
Biết đó là tiên giáng trần, cọp quì xuống mà nói: Thưa ngài, cậu học trò nầy phá tôi.
Ông tiên nói: Bây giờ cọp cứ yên lòng trở vào bẫy như cũ. Cậu học trò nầy phá bẫy nhưthế nào, để ta xét trị tội nó.
Dứt lời, cọp đi trở vào bẫy. Ông tiên gài bẫy lại rồi nói với cọp: Chuyện đâu còn có đóthì ta để đó. Mi ráng ở đây mà chịu chế
Rồi ông nói với cậu học trò:Cậu có lòng nhân đạo. Từ rày sắp tới phải cẩn thận. Cóòng nhân mà cũng phải có trí mới được, đừng nhẹ dạ nghe lời kẻ ác tâm.
(Câu chuyện nầy về sau được hậu thế sửa lại đôi chút để chứng tỏ trí khôn của con người)
* Bài thơ Nhớ Rừng của Thế Lữ
*
Bài thơ Nhớ Rừng được trích một đoạn đăng trong Quốc Văn lớp 3 thời VNCH cho bài học
thuộc lòng. Đoạn nầy ngày nay được nhiều người lớn tuổi còn nhớ:
NHỚ RỪNG
.......
Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ
Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa.
Nhớ cõi sơn lâm, bóng cả, cây già,
Tiếng gió gào ngàn, giọng nguồn hét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội,
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc.
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc
Là khiến cho mọi vật đều im hơi,
Ta biết ta chúa tể của muôn loài,
Trong chốn thảo hoa, không tên, không tuổi.
........
*
Đây là nguyên văn toàn bài thơ:
NHỚ RỪNG
Gậm một khối căm hờn trong củi sắt
Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé riễu oai linh rừng thẵm,
Nay sa cơ, bị nhọc nhằn tù hãm,
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi
Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.
Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ
Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa.
Nhớ cõi sơn lâm, bóng cả, cây già,
Tiếng gió gào ngàn, giọng nguồn hét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội,
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc.
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc
Là khiến cho mọi vật đều im hơi,
Ta biết ta chúa tể của muôn loài,
Trong chốn thảo hoa, không tên, không tuổi
Nào những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,
Ta lặn ngắm giang sơn ta đổi mới
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng.
Ta đợi tắt mảnh mặt trời gay gắt,
Để chiếm lấy riêng ta vùng bí mật?
Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?
Nay ta ôm bầu uất hận ngàn thâu,
Ghét những cảnh không đời nào thay đổi,
Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối.
Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng;
Giải nước đen giả suối, chẳng thông dòng
Len dưới nách những mô gò thấp kém;
Dăm vừng lá hiền lành, không bí hiểm,
Cũng học đòi bắt chước vẽ hoang vu
Của chốn ngàn năm cao cả, âm u.
Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!
Là nơi giống hùm thiêng ta ngự trị,
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa,
Nơi chẳng mong còn thấy lại bao giờ
Có biết chăng trong những ngày ngao ngán,
Ta đang theo giấc mộng ngàn to lớn
Để hồn ta phảng phất được gần ngươi,
- Hỡi cảnh rừng kiêu hãnh của ta ơi!
(Thế Lữ) 1907-89
*
Bài thơ Nhớ Rừng là tuyệt tác. Có thể nói là một trong mươi bài Thơ Mới hay nhất.
Cái hay là ở cả Hình Thức và Nội Dung.
Về Hình Thức:
Dùng từ ngữ Hán Nôm phong phú Dùng chữ với nghĩa chính xác Dùng đúng chữ cho âm thanh của câu thơ tuyệt vời: tác giả áp dụng triệt để Luật Đổi Thanh của Thơ Mới mà còn chọn lựa từng chữ để có âm thanh rất hay khi đọc lên từng câu thơ.
Bài thơ có dàn bài đàng hoàng
Về Nội Dung thì Tứ thơ quá hay, diễn tả rõ ràng, rộng rãi và sâu đậm Cảnh vật và Tình Ý.
*
Bài thơ chi ra 4 phần như sau về Nội Dung:
NHỚ RỪNG
- Phần 1: Tình cảm hiện tại
Gậm một khối căm hờn trong củi sắt
Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé riễu oai linh rừng thẵm,
Nay sa cơ, bị nhọc nhằn tù hãm,
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi
Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.
Tình cảm hiện tại: Ta (Hổ) giận hờn và khinh bỉ những thú loại chung quanh
- Phần 2: Cảnh vật quá khứ
Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ
Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa.
Nhớ cõi sơn lâm, bóng cả, cây già,
Tiếng gió gào ngàn, giọng nguồn hét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội,
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc.
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc
Là khiến cho mọi vật đều im hơi,
Ta biết ta chúa tể của muôn loài,
Trong chốn thảo hoa, không tên, không tuổi
Nào những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,
Ta lặn ngắm giang sơn ta đổi mới
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng.
Ta đợi tắt mảnh mặt trời gay gắt,
Để chiếm lấy riêng ta vùng bí mật?
Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?
Ý về Cảnh vật quá khứ: Thiên nhiên: thật, đẹp và dễ thương + Ta (Hổ) tự do và hùng mạnh.
- Phần 3: Cảnh vật hiện tại
Nay ta ôm bầu uất hận ngàn thâu,
Ghét những cảnh không đời nào thay đổi,
Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối.
Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng;
Giải nước đen giả suối, chẳng thông dòng
Len dưới nách những mô gò thấp kém;
Dăm vừng lá hiền lành, không bí hiểm,
Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu
Của chốn ngàn năm cao cả, âm u.
Ý về Cảnh vật hiện tại: Nhân tạo: giả, xấu và đáng ghét
- Phần 4: Tình cảm về quá khứ
Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!
Là nơi giống hùm thiêng ta ngự trị,
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa,
Nơi chẳng mong còn thấy lại bao giờ
Có biết chăng trong những ngày ngao ngán,
Ta đang theo giấc mộng ngàn to lớn
Để hồn ta phảng phất được gần ngươi,
- Hỡi cảnh rừng kiêu hãnh của ta ơi!
Tình cảm về quá khứ: Ta (Hổ) tuyệt vọng và mơ mộng
*
Thế Lữ làm bài thơ năm 1934 vào thời Pháp Thuộc, ví tình cảm và ý chí của mình như của con cọp sở thú về quá khứ và hiện tại.
Cảnh vật quá khứ (là Thiên nhiên) và hiện tại (là Nhân tạo) chính là đối tượng Tình Ý của Thế Lữ (=Ta). Trong thời gian bài thơ nầy ra đời, tôi nghĩ độc giả không thể nhận thức được Chính Trị đấu tranh trong bài thơ thí dụ như cảnh vật tự do hùng cường của nước VN trong quá khứ vì phần tả cảnh vật hiện tại không cho thấy rõ ràng cái "nô lệ và đàn áp". Hơn nữa đọc tới phần thứ tư thì chỉ là mơ mộng và tuyệt vọng về quá khứ. Người Pháp lúc đó cũng nghĩ như vậy nên không bỏ tù Thế Lữ.
Gần đây có tác giả ở ngoài nước mượn Con Cọp nầy để nói tới Tình Ý đấu tranh của riêng mình (chứ không phải của Thế Lữ) về Chính Trị hiện tại (thời VNCS) và quá khứ (thời VNCH). Điều nầy không hoàn toàn đúng nếu so sánh Hổ trong sở thú nhớ rừng và Người ở ngoài nước nhớ nước .
Đây là Thế Lữ dưới thời VNCS:
Ông Thế Lữ (1907-1989), sinh và chết ở Hà Nội, tên thật là Nguyễn Đình Lễ rồi đổi là Nguyễn Thứ Lễ. Còn có hiệu là Lê Ta tức là “Lê Ngã” (Ngã là tiếng Hán, Ta là tiếng Nôm) tứclà “lê” ngã “lễ”!
Sau khi tham gia và chỉ chuyên về kịch nghệ trong kháng chiến (1945-54), ông ở lại ngoài Bắc tiếp tục chuyên về Kịch Nghệ mà thôi chứ không làm một bài thơ nào nữa. Ông Thế Lữ lấy vợ lúc 17 tuổi. Người vợ đầu (lớn hơn ông 2 tuổi) dắt 3 đứa con nhỏ di cư vào Nam. Ông ở lại với đứa con cả và lấy vợ thứ nhì là một “Nghệ sĩ Nhân Dân”.
KHOA HỌC
Các loại Hổ chỉ có ở Á Châu. Hiện đại chỉ còn ước lượng 3890 con hổ và đa số qui tụ ở bán đảo Ấn Độ.
1. Hổ ở bán đảo Ấn Độ
Hổ Bengal (Panthera tigris tigris)
Ở Ấn Độ: 2,226 con
Ở Bangladesh: 106 con
Ở Nepal: 198 con
Ở Bhutan: 103 con
2. Hổ ở Trung Quốc
Hổ Siberia, hổ Amur, hổ Mãn Châu (Panthera tigris altaica): tuyệt chủng?
Hổ Hoa Nam (Panthera tigris amoyensia)
Ở Trung Quốc: >7 con
3. Hổ ở Đông Dương
Hổ Đông Dương, hổ Corbet (Panthera tigris corbetti)
Ở Campuchea: 0 con
Ở Lào: 2 con
Ở Việt Nam: <5 con
4. Hổ ở Đông Nam Á
Hổ Mã Lai (Panthera tigris jacksoni)
Ở Mã Lai: 250 con
Ở Thái Lan: 189 con
Ở Myanmar: ?
5. Hổ ở Indonesia
Hổ Bali (Panthera tigris balica): tuyệt chủng
Hổ Java (Panthera tigris sondaica): tuyệt chủng
Hổ Sumatra (Panthera tigris sumatrae)
Ở Indonesia: 371 con
6. Hổ ở Trung Đông
Hổ Ba Tư hay hổ Caspi (Panthera tigris virgata): tuyệt chủng?
Về màu da, hổ được chia ra làm 4 loại:
Bạch Hổ: da màu trắng
Hoàng Hổ: da màu vàng
Hắc Hổ: da màu đen
Thanh Hổ: da màu xám (Hùm xám)
Bs Phan Thượng Hải biên soạn và giữ bản quyền
Bài viết nầy đăng lần đầu trong phanthuonghai.com mục Văn Hóa phần Học Thuật.
Tài liệu tham khảo:
- Cùng một tác giả (Bs Phan Thượng Hải) trong phanthuonghai.com
1) Thơ và Việt Sử - Nhà Trần
2) Thơ và Việt Sử - Thời Pháp Thuộc (Thế kỷ 19)
3) Hành Hương và Huyền Thoại Phật Thích Ca
4) Luận Ngữ và Triết học của Khổng Tử
5) Tục Ngữ Sưu Tập và Lược Giải
6) Thơ và Việt Sử - Tự Lực Văn Đoàn
- Khác tác giả
7) Từ Điển Thành Ngữ Điển Tích Trung Quốc (Nguyễn Tôn Nhan)
8) Thông Dụng Thành Ngữ Cố Sự (Vương An)
9) Trang Thơ Thi Viện Net (Google)
10) Chuyện Xưa Tích Cũ (Sơn Nam và Tô Nguyệt Đình)
Bs Phan Thượng Hải biên soạn và giữ bản quyền

KHAI BÚT ĐẦU NĂM
Trương Ngọc Thạch, Phan Thượng Hải (2), Phan Kim Thành, Chánh Minh
______________________
KHAI BÚT ĐẦU NĂM 2022 (Nguyên bản)
Vừa đi hai đám cưới hôm nay
O-mí-cờ -roong mặc kệ mày.
Thánh lễ tiến hành theo hoạch định
Tiệc tùng hủy bỏ tránh lan lây.
Về nhà cởi áo thay đồ gấp
Mở máy thả thơ gửi bạn ngay.
Năm Mới "22" mong tốt đẹp
Thân bằng, quyến thuộc dễ sum vầy.
(Trương Ngọc Thạch)
1/1/22
KHAI BÚT ĐẦU NĂM 2022 (Họa)
Đầu năm khai bút đoán năm nay
Nghĩ tới tương lai tái mặt mày
Tổng thống quốc gia càng lú lẫn
Tung hoành dịch bệnh vẫn hay lây
Putin tham vọng, người lo tránh
Trung Cộng tham tàn, chúng sợ ngay
Rối loạn thị trường và xã hội
Nhân tình chia rẽ khó vui vầy.
(Phan Thượng Hải)
1/2/22
KHAI BÚT ĐẦU NĂM (Họa 2)
Đầu năm khai bút chúc năm nay
Chúc mọi người vui nở mặt mày
Chúc hết đau buồn, buồn sớm dứt
Chúc ngưng tật bệnh, bệnh thôi lây
Chúc tài lộc đủ lòng từ ái
Chúc phước đức lành dạ thẳng ngay
Chúc sống lâu dài ngoài tục lụy
Chúc cầu xin được đúng như vầy.
(Phan Thượng Hải)
1/3/22
Bài họa từ VIỆT NAM:
KHAI BÚT (Họa)
Mỹ Trung thượng đỉnh mấy tuần nay
Dấu hiệu trên cơ rõ mặt mày
Ông Bảy khẽ cười đâu đã hết
Ông Bình ngầm bảo sẽ còn lây
Thế cờ vây hãm, nhìn ra vậy
Thương chiến gia tăng, thấy biết ngay
Dự đoán ba năm gà vỡ trận
Láng giềng khổ lụy, vẫn vui vầy.
(Phan Kim Thành)
1/3/21
ĐẦU NĂM KHAI BÚT (Họa)
Đầu năm khai bút viết đêm nay,
Dù có ai khen chẳng nở mày.
Đại dịch Cô Vi đang quậy phá,
Cờ-Rông biền thể đã tràn lây.
Trả lời thư điện* nên làm gấp,
Đọc được thơ hay bèn họa ngay.
Chúc bạn bè an vui, khỏe mạnh,
Gia đình sum họp thật vui vầy.
Chánh Minh
01/02/2022

NGUYỄN AN NINH
VÀ
ĐỆ TỨ QUỐC TẾ

NGUYỄN AN NINH VÀ ĐỆ TỨ QUỐC TẾ
Bs Phan Thượng Hải biên soạn
Bắt đầu từ ông Nguyễn An Ninh, phong trào cách mạng ở Nam Kỳ có các ông Phan Văn Hùm và Tạ Thu Thâu đã dùng báo chí để chống lại Thực Dân Pháp.
Nguyễn An Ninh
*
Từ năm 1930, sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái, Việt Nam Quốc Dân Đảng (theo ông Vũ Hồng Khanh) phải dời sang Tàu. Trong nước chỉ còn 2 Đảng Lập Hiến và Thanh Niên (của Vương Quang Nhường) ở Nam Kỳ đều là thân Pháp. Tuy nhiên bắt đầu từ hoạt động của ông Nguyễn An Ninh, Nam Kỳ đã có những người dùng sách báo và diễn thuyết chống Pháp công khai về chính trị (thay vì dùng quân sự).
*
Ông Nguyễn An Ninh (1900-1943) là con của ông Nguyễn An Khương sanh ở Cần Giuộc, Long An. Ông Nguyễn An Khương, một dịch giả truyện Tàu nổi danh, có lập khách sạn Chiêu Nam Lầu (1908) ở Chợ Cũ, Sài Gòn là nơi kinh tài và trú ngụ của những người thuộc phong trào Duy Tân chống Pháp của ông Phan Châu Trinh.
Năm 1918, ông Nguyễn An Ninh sang Pháp, học Đại Học có 1 năm (thay vì 4 năm) là đậu Cử Nhân Luật (?). Năm 1920, ông gia nhập nhóm các ông Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành hoạt động về báo chí chống chế độ thuộc địa đế quốc của Pháp.
Ông Nguyễn An Ninh về nước năm 1922, diễn thuyết chống Pháp nhưng bị cấm nên trở lại Pháp vào năm 1923.
Cùng năm đó (1923), ông trở về Sài Gòn nhờ tiền của ông Nguyễn An Khương mở tờ báo bằng tiếng Pháp tên là La cloche fêlée (Chuông Rè / The broken bell) để chống Pháp mà không bị kiểm duyệt (vì là báo bằng chữ Pháp) nhưng vẫn bị mật thám Pháp làm khó dễ và đe dọa nhân viên và độc giả nên năm sau (1924) tờ báo phải đóng cửa.
Ông Nguyễn An Ninh lại sang Pháp dẫn ông Phan Châu Trinh về Sài Gòn (1925). Ông nhờ ông Phan Văn Trường (đã về nước) làm chủ và mở lại tờ La cloche fêlée vì ông Phan Văn Trường (1876-1933) là công dân Pháp. Tuy nhiên sau đó ông Nguyễn An Ninh vẫn bị bỏ tù 10 tháng (1926).
Từ năm 1928 đến 1931, ông Nguyễn An Ninh có sang Pháp một lần rồi lại về nước, bị tù và được thả ra. Trong thời gian nầy ông có một chí sĩ mới là ông Phan Văn Hùm.
Từ năm 1933, hoàn toàn ở lại Nam Kỳ, ông Nguyễn An Ninh cộng tác với báo La Lutte (Tranh Đấu) của nhóm Đệ Tứ Quốc Tế là các ông Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm và Trần Văn Thạch cũng như với báo Trung Lập của ông Nguyễn Văn Tạo thuộc Đệ Tam Quốc Tế.
Ông Nguyễn An Ninh là linh hồn đấu tranh chống Pháp bằng báo chí nên ông bị tù vài lần nữa từ năm 1936.
Năm 1939 ông bị tù lần thứ năm ở Côn Đảo và rồi chết ở đây vì kiệt sức vào năm 1943. Khi đem xác đi chôn người ta tìm thấy trong túi áo của ông một miếng giấy ghi 2 bài thơ dưới đây:
SỐNG
Sống mà vô dụng sống làm chi
Sống chẳng lương tâm sống ích gì?
Sống trái đạo người, người thêm tủi
Sống quên ơn nước, nước càng khi
Sống tai như điếc, lòng đâm thẹn
Sống mắt dường đui, dạ thấy kỳ
Sống sao nên phải, cho nên sống
Sống để muôn đời sử tạc ghi.
(Nguyễn An Ninh)
CHẾT
Chết sao danh tiếng vẫn còn hoài
Chết đáng là người đủ mắt tai
Chết được dựng hình, tên chẳng mục
Chết đưa vào sử, chữ không phai
Chết đó, rõ ràng danh sống mãi
Chết đây, chỉ chết cái hình hài
Chết vì Tổ Quốc người khen ngợi
Chết cho hậu thế đẹp tương lai.
(Nguyễn An Ninh)
Một nhà ái quốc chân chính coi cái “Sống” và cái “Chết” như nhau. Ông Nguyễn An Ninh, sau ông Phan Châu Trinh, là những người vì dân vì nước cuối cùng đã thoát ra khỏi “Quân Chủ” (như ông Phan Bội Châu) chọn “Dân Chủ” nhưng chưa bị ảnh hưởng của một chủ thuyết nào (Quốc Dân của Tôn Dật Tiên, Đệ Tam hay Đệ Tứ Cộng Sản và sau nầy… Quốc Gia).
VỊNH NGUYỄN AN NINH
Chống Thực nung sôi giọt máu hồng (*)
Bốn mươi bốn tuổi trải gan trung
Nhân dân còn mắc vòng nô lệ
Khoa giáp màng chi miếng đỉnh chung (*)
Một thác Côn Sơn, bia vạn cổ
Bao lần "Chuông Bể", dội non sông (*)
Dân quyền đánh thức hồn dân tộc
Trước có Lư Thoa sau có ông. (*)
(Bút Trà)
(*) Chú thích:
Thực là Thực Dân Pháp.
Đỉnh=vạc, Chung=chuông. Ở nhà giàu sang thì bày vạc và đánh chuông khi bữa ăn để mời khách.
Chuông Bể: tên tờ báo của Nguyễn An Ninh là La Cloche Fêlée
Lư Thoa = J. J. Rousseau, cha đẻ thuyết Dân quyền, viết quyển Contrat Social.
Phan Văn Hùm và Tạ Thu Thâu
*
Các nhà cách mạng của người Việt bắt đầu ở Pháp từ thập niên 1910s-1920s với các ông Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và Nguyễn Thế Truyền rồi đến ông Nguyễn An Ninh và Nguyễn Tất Thành.
Năm 1923, Nguyễn Tất Thành sang học ở Liên Xô và sau đó sang Tàu với tên là Lý Thụy rồi Nguyễn Ái Quốc rồi cuối cùng về Việt Nam năm 1945 với tên Hồ Chí Minh.
Năm 1928, ông Nguyễn Thế Truyền (1889-1968) giao lại cho ông Tạ Thu Thâu rồi về nước sống với người vợ Pháp ở Nam Định. Ông bị Pháp đày đi Madagascar (Mã Đảo) trong thời Đệ Nhị thế chiến (1940-1946) rồi được tha về và di cư vào Nam (1954). Ông có ra tranh cử Phó Tổng Thống năm 1961 cùng liên danh với ông Hồ Nhật Tân.
Ông Tạ Thu Thâu (1906-1945) sang Pháp vào năm 1927 theo ông Nguyễn Thế Truyền và trở thành Cộng Sản Đệ Tứ Quốc Tế ở Pháp (1929) cùng với các ông Phan Văn Hùm (1902-1946), Huỳnh Văn Phương (?-1945), Trần Văn Thạch (1905-1945). Lúc đó cũng có nhóm Đệ Tam Quốc Tế ở Pháp gồm có Nguyễn Văn Tạo (1908-1970) và Trần Văn Giàu (1911-2010). Các ông đều chống chính phủ Pháp trong việc xử tử ông Nguyễn Thái Học và các đồng chí năm 1930 nên lần lượt bị trục xuất hay trốn về nước.
*
Sau khi về Sài Gòn, nhóm Đệ Tứ Quốc Tế (Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm và Trần Văn Thạch) mở tuần báo Tranh Đấu (La Lutte) vào năm 1933 và Nguyễn Văn Tạo (Đệ Tam Quốc Tế) mở tờ báo Trung Lập.
Có một người khác trong báo Tranh Đấu lại thuộc Cộng Sàn Đệ Tam Quốc Tế là Dương Bạch Mai (1904-1964). Dương Bạch Mai sang Pháp cuối thập niên 1920, được đi học tập ở Liên Xô (như Nguyễn Tất Thành) từ 1929 đến 1932 thì về nước.
Riêng Trần Văn Giàu (Đệ Tam Quốc Tế) chỉ âm thầm dạy học sau khi về nước ở Sài Gòn rồi được bí mật đưa sang học ở Liên Xô (1931-1933). Pháp biết được nên bỏ tù Trần Văn Giàu 2 lần từ năm 1935. Lần thứ nhì Trần Văn Giàu cùng với Tô Ký vượt ngục.
Ông Huỳnh Văn Phương (Đệ Tứ Quốc Tế) về nước sống ở Bắc Kỳ, hoạt động cùng nhóm với Võ Nguyên Giáp và Trần Huy Liệu. Năm 1945, ông bị Việt Minh thủ tiêu.
Năm 1936, các ông Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm và Nguyễn Văn Tạo đắc cử vào Hội Đồng Thành Phố Sài Gòn.
*
Tuy nhiên Pháp vẫn không để yên: các ông Tạ Thu Thâu và Phan Văn Hùm, cũng như ông Nguyễn An Ninh, bị tù nhiều lần. Từ năm 1932 đến 1940 ông Tạ Thu Thâu bị kết án 6 lần và ở tù 5 lần tổng cộng 13 năm với 10 năm biệt xứ.
Ông Phan Văn Hùm cũng bị tù nhiều lần. Khi ngồi tù Khám Lớn ông có xướng họa với một nhà nữ cách mạng cùng chí hướng tên là cô Nguyễn Trung Nguyệt:
(Xướng)
Trăng tròn đâu sợ đám mây mù
Một bức trinh thơ giả ý ngu
Chịu tiếng lẳng lơ nhiều khuất phục
Biết mình trong sạch chẳng tâm tu
Anh hùng há luận cơn thành bại
Chí sĩ đành cam kiếp tội tù
Chỉ tiếc anh thơ công lỡ dở
Thiếu người ra chấp búa Trình Chu. (*)
(Phan Văn Hùm)
(*) Chú thích: Trình Hạo và Chu Hi (2 nhà Tân Nho Giáo thời Bắc Tống).
(Họa)
Lao lung dài chật khói mây mù
Thất bại đành cam lựa trí ngu
Cơm lức sơ sài tâm ráng luyện
Áo xanh tơ tải chí công tu
Sông non ngót đã trăm năm tội
Nước lửa đành cam mấy kiếp tù
Ánh thái dương còn còn ước vọng
Tre tàn măng mọc dễ gì tru.
(Bảo Lương Nguyễn Trung Nguyệt)
Ông Phan Văn Hùm học ở đại học Sorbonne tốt nghiệp Cử Nhân và Cao Học về Triết Học, có viết quyển “Triết Lý Phật Giáo” và theo Cộng Sản Đệ Tứ Quốc Tế. Bài thơ trên thấy ông cũng thiên về Nho Giáo. Đúng là một nhà học giả trí thức.
*
Tới Đệ Nhị Thế Chiến (1939-1945), Pháp bắt giam hầu hết những người chống đối.
Ông Nguyễn An Ninh chết ở Côn Đảo năm 1943. Ông Phan Văn Hùm đi tù Côn Đảo (1939-1942) rồi quản thúc ở Tân Uyên. Ông Tạ Thu Thâu cũng bị tù ở Côn Đảo (1940-1944), khi được thả thì ra hoạt động ở Bắc Trung Kỳ.
Ông Nguyễn Văn Tạo và Dương Bạch Mai đi tù Côn Đảo (1939-1943) rồi về bị quản thúc ở Tân Uyên. Trong khi đó Trần Văn Giàu bí mật tái lập Xứ Ủy Nam Kỳ của Đông Dương Cộng Sản Đảng vào năm 1943 (thay thế Võ Văn Tần và Phan Đăng Lưu).
Ông Nguyễn Thế Truyền mặc dù sống như thường dân vẫn bị đày đi đảo Madagascar cũng như Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc của Đạo Cao Đài (1941-46).
Sau khi Nhật đảo chánh Pháp (9-3-1945), Trần Văn Giàu được Nhật giao cho cầm đầu Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất ở Nam Kỳ với Dương Bạch Mai và Nguyễn Văn Tạo. Các ông Phan Văn Hùm và Trần Văn Thạch sau nầy cũng ở trong Mặt Trận.
Ông Tạ Thu Thâu bị Việt Minh thủ tiêu ở Quảng Ngãi ngay sau khi Nhật cướp chánh quyền (9-3-45).
Sau khi Pháp trở lại Đông Dương, Nhóm Đệ Tam Quốc Tế công khai trở thành Việt Minh và Đông Dương Cộng Sản Đảng dùng lực lượng vũ trang thủ tiêu Nhóm Đệ Tứ Quốc Tế gồm có các ông Trần Văn Thạch, Phan Văn Hùm và hàng trăm người khác ở Nam Kỳ (1945-1946).
Phong trào chống Pháp chân chính ở Nam Kỳ từ ông Nguyễn An Ninh rồi ông Tạ Thu Thâu cho đến ông Trần Văn Thạch và ông Phan Văn Hùm chỉ để lại những tấm gương hy sinh vì nước đáng kính và đáng mến?
*
Theo dòng lịch sử có 4 Liên Minh Cộng Sản quốc tế.
Đệ Nhất Quốc Tế (IWA=International Workingmen’s Association) thành lập ở London (năm 1864) và giải tán ở Philadelphia (năm 1876) với mục đích đoàn kết các nhóm xã hội chủ nghĩa khuynh tả, cộng sản, vô chính phủ và tổ chức công đoàn (union) trên thế giới.
Đệ Nhị Quốc Tế thành lập ở Paris (năm 1889) là Liên minh quốc tế kết hợp các đảng xã hội chủ nghĩa và một số tổ chức công đoàn trên thế giới. Nó không hoạt động trong Đệ Nhất Thế Chiến và phục hưng 2 lần (1923 và 1951).
Đệ Tam Quốc Tế do Lenin thành lập ở Moskva (Mạc Tư Khoa) vào tháng 3 năm 1919 và giải tán vào năm 1943, rồi tái sinh năm 1947 (từ Stalin) và giải tán năm 1956 (sau khi Stalin chết). Đệ Tam Quốc Tế còn gọi là Quốc Tế Cộng Sản (Comintern) là tổ chức của người Cộng Sản. Cương lĩnh là Lật đỗ chế độ tư bản chủ nghĩa, Xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa và Thiết lập chuyên chính vô sản. Từ năm 1919 đến 1943, nó họp 7 lần về những phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc và đấu tranh chống “phát xít”.
Đệ Tứ Quốc Tế còn gọi là Cộng Sản Đệ Tứ là liên minh của những người theo chủ nghĩa Trotsky chính thức thành lập vào năm 1938 tại Paris. Đệ Tứ Quốc Tế theo khuynh hướng “cách mạng thường trực” do Trotsky khởi xướng sau khi Lenin chết vào năm 1924 để chống lại đường lối “cách mạng vô sản trong một quốc gia” của Stalin. Do đó những người Trotkyist như các ông Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm… đã có trước khi Đệ Tứ Quốc Tế chính thức thành hình (1938).
Đệ Tam và Đệ Tứ Quốc Tế thành hình từ 3 người Cộng Sản thành công trong cách mạng Nga: Lenin, Trotsky và Stalin. Trong thời Lenin, Trotsky cũng thuộc Đệ Tam Quốc Tế.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
Bài viết nầy là một đoạn trong bài "Thơ và Việt Sử - Thời Pháp Thuộc Thế kỷ 20" (Bs Phan Thượng Hải) đăng lần đầu tiên trong phanthuonghai.com trong mục "Thơ và Sử" phần Thời Pháp Thuộc Thế kỷ 20.
NHỮNG BÀI THƠ "SỐNG CHẾT" TRONG LỊCH SỬ
Bs Phan Thượng Hải biên soạn
Hậu thế thường truyền tụng một bài thơ ái quốc của ông Phan Bội Châu:
SỐNG
Sống tủi làm chi đứng chật trời
Sống nhìn thế giới hổ chăng ai
Sống làm nô lệ cho người khiến
Sống chịu ngu si để chúng cười
Sống tưởng công danh không tưởng nước
Sống lo phú quí chẳng lo đời
Sống mà như thế đừng nên sống
Sống tủi làm chi đứng chật trời.
(Phan Bội Châu)
Tuy nhiên Tiền nhân ái quốc thường phải "Sống và Chết" trong cuộc đời đấu tranh cho chính nghĩa độc lập và tự do như các ông Đặng Văn Bá, Mai Xuân Thưởng và Nguyễn An Ninh.
Đặng Văn Bá
Gần đây lại có xuất hiện 2 bài thơ Sống Chết của bạn của ông Phan Bội Châu là ông Đặng Văn Bá (còn gọi là Đặng Văn Bách).
Ông Đặng Văn Bá (1873-1931) đậu Cử Nhân năm 1900 (cùng khóa với ông Phan Bội Châu). Ông gia nhập phong trào Duy Tân với Phan Bội Châu và Ngô Đức Kế (1905) rồi bị đày Côn Đảo (1908-1916 hay 1921). Được thả về ông sống ở Sài Gòn rồi ở Huế với ông Phan Bội Châu và sau cùng về sống ở quê nhà (Hà Tĩnh) đến khi qua đời.
Năm 1926 cái chết của ông Phan Châu Trinh gợi cảm hứng cho ông làm 2 bài thơ Sống Chết:
CHẾT
Chết mà vì nước, chết vì dân
Chết ấy làm trai hết nợ nần
Chết bởi Đông Chu thời thất quốc
Chết vì Tây Hán lúc tam phân
Chết như Hưng Đạo hồn thành thánh
Chết tựa Trưng Vương phách hóa thần
Chết cụ Tây Hồ hồn chẳng chết
Chết mà vì nước, chết vì dân.
(Đặng Văn Bá)
SỐNG
Sống dại mà chi sống chật đời
Sống xem Âu Mỹ hổ chăng ai ?
Sống làm nô lệ cho người khiến
Sống chịu ngu si để bạn cười
Sống tưởng công danh không tưởng nước
Sống lo phú quí chẳng lo đời
Sống mà như thế đừng nên sống
Sống dại sinh chi đứng chật đời.
(Đặng Văn Bá)
Bài thơ “Sống” của ông Phan Bội Châu cũng hơi giống như bài thơ "Sống" của ông Đặng Văn Bá?
SỐNG SỐNG
Sống tủi làm chi đứng chật trời Sống dại mà chi sống chật đời
Sống nhìn thế giới hổ chăng ai Sống xem Âu Mỹ hổ chăng ai ?
Sống làm nô lệ cho người khiến Sống làm nô lệ cho người khiến
Sống chịu ngu si để chúng cười Sống chịu ngu si để bạn cười
Sống tưởng công danh không tưởng nước Sống tưởng công danh không tưởng nước
Sống lo phú quí chẳng lo đời Sống lo phú quí chẳng lo đời
Sống mà như thế đừng nên sống Sống mà như thế đừng nên sống
Sống tủi làm chi đứng chật trời. Sống dại sinh chi đứng chật đời.
(Phan Bội Châu) (Đặng Văn Bá)
Mai Xuân Thưởng
Hai bài thơ "Sống Chết" của Đặng Văn Bá có lẽ chịu ảnh hưởng từ ông Mai Xuân Thưởng của phong trào Cần Vương.
Ông Mai Xuân Thưởng đi thi Cử Nhân ở trường Bình Định thì kinh thành Huế thất thủ (1885). Nhiều sĩ tử bỏ thi nhưng ông vẫn tiếp tục thi và cùng 5 người khác được chấm đậu Cử Nhân. Quan Chủ Khảo (khuyết danh) làm bài thơ khuyên những người thi đậu:
VÔ ĐỀ
Sơn hà phong cảnh dị tiền niên Non sông rày đã khác xưa
Hoành giám du khan thử địa huyền Gương nêu tài tuấn còn nêu chốn nầy
Hận mãn xương môn trần ám ngoại Hận tràn cung khuyết bụi bay
Lệ linh văn viện bút đình biên Tay cam dừng bút lệ đầy viện văn
Lịch truyền giáo dục ân như hải Bao triều tắm gội biển ân
Bát giải thinh danh thẩm thự tiên Phẩm tiên tám giải thêm phần thanh cao
Nhất dự y quan nan tự ủy Cân đai trót đã dự vào
Cương thường khán tử cố anh hiền Cương thường noi dấu anh hào soi chung.
(Chủ khảo) (? Dịch)
Tương truyền rằng đêm trước đó quan Chủ Khảo nằm mộng thấy 1 bà lão cho 1 cành mai trắng trổ bông nhụy vàng (tượng trưng là một quý nhân). Sáng hôm sau ông đọc lại những bài thi thì thấy bài của ông Mai Xuân Thưởng là có chí khí nhứt và tên (Mai Xuân Thưởng) cũng hợp nên nghĩ rằng giấc mộng đó nói về ông nầy. Quan Chủ Khảo nói riêng cho ông Mai Xuân Thưởng biết (về giấc mộng) do đó ông quyết tâm chống Pháp cứu nước.
Ông theo Tổng đốc Bình Định là ông Đào Doãn Định khởi nghĩa Cần Vương ở Bình Định. Sau khi TĐ Đào Doãn Định bị bệnh mất (1885), ông Mai Xuân Thưởng trở thành lãnh tụ của Cần Vương ở Bình Định.
Ông có làm bài thơ dưới đây trong khi đánh nhau với Pháp:
CHẾT NÀO CÓ SỢ
Chết nào có sợ chết như chơi
Chết bởi vì dân chết bởi thời
Chết hiếu chi nài xương thịt nát
Chết trung bao quản cổ đầu rơi
Chết nhân tiếng để vang nghìn thủa
Chết nghĩa danh thơm vọng mấy đời
Thà chịu chết vinh hơn sống nhục
Chết nào có sợ chết như chơi.
(Mai Xuân Thưởng)
Và bài thơ dưới đây trước khi bị hành quyết cùng với ông Bùi Điền:
NỢ TRAI
Không tính làm chi chuyện mất còn
Nợ trai lo trả ấy là khôn
Gió đưa hồn nghĩa gươm ba thước
Đá tạc lòng trung quý mấy hòn
Tái ngắt mặt gian xương tợ giá
Đỏ loè bia sách máu là son
Rồi đây thoi ngọc đưa xuân tới
Một nhánh mai già nảy rậm non.
(Mai Xuân Thưởng)
Nguyễn An Ninh
Hai bài thơ "Sống Chết" của Đặng Văn Bá từ Phan Châu Trinh cũng ảnh hưởng tới hai bài thơ "Sống Chết" sau nầy của 1 người bạn đồng chí hướng với Phan Châu Trinh là Nguyễn An Ninh, làm ngay trước khi qua đời.
Ông Nguyễn An Ninh (1900-1943) là con của ông Nguyễn An Khương sanh ở Cần Giuộc, Long An. Ông Nguyễn An Khương, một dịch giả truyện Tàu nổi danh, có lập khách sạn Chiêu Nam Lầu (1908) ở Chợ Cũ, Sài Gòn là nơi kinh tài và trú ngụ của những người thuộc phong trào Duy Tân chống Pháp của ông Phan Châu Trinh.
Năm 1918 ông Nguyễn An Ninh sang Pháp, học Đại Học có 1 năm (thay vì 4 năm) là đậu Cử Nhân Luật. Năm 1920, ông gia nhập nhóm các ông Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành hoạt động về báo chí chống chế độ thuộc địa đế quốc của Pháp.
Ông Nguyễn An Ninh về nước năm 1922, diễn thuyết chống Pháp nhưng bị cấm nên trở lại Pháp năm 1923. Cùng năm đó ông trở về Sài Gòn nhờ tiền của ông Nguyễn An Khương mở tờ báo bằng tiếng Pháp tên là La cloche fêlée (Chuông Rè/The broken bell) để chống Pháp mà không bị kiểm duyệt nhưng vẫn bị mật thám Pháp làm khó dễ và đe dọa nhân viên và độc giả nên năm sau (1924) tờ báo phải đóng cửa. Ông Nguyễn An Ninh lại sang Pháp dẫn ông Phan Châu Trinh về Sài Gòn. Ông nhờ ông Phan Văn Trường (đã về nước) làm chủ và mở lại tờ La cloche fêlée vì ông Phan Văn Trường (1876-1933) là công dân Pháp. Tuy nhiên sau đó ông Nguyễn An Ninh vẫn bị bỏ tù 10 tháng. Từ năm 1928 đến 1931, ông Nguyễn An Ninh có sang Pháp một lần rồi lại về nước, bị tù và được thả ra. Trong thời gian nầy ông có một chí sĩ mới là ông Phan Văn Hùm.
Từ năm 1933, hoàn toàn ở lại Nam Kỳ, ông Nguyễn An Ninh cộng tác với báo La Lutte (Tranh Đấu) của nhóm Đệ Tứ Quốc Tế là các ông Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm và Trần Văn Thạch cũng như với báo Trung Lập của ông Nguyễn Văn Tạo thuộc Đệ Tam Quốc Tế. Ông Nguyễn An Ninh là linh hồn đấu tranh chống Pháp bằng báo chí nên ông bị tù vài lần nữa từ năm 1936. Năm 1939 ông bị tù lần thứ năm ở Côn Đảo và rồi chết ở đây vì kiệt sức năm 1943. Khi đem xác đi chôn người ta tìm thấy trong túi áo của ông một miếng giấy ghi 2 bài thơ dưới đây:
SỐNG
Sống mà vô dụng sống làm chi
Sống chẳng lương tâm sống ích gì?
Sống trái đạo người, người thêm tủi
Sống quên ơn nước, nước càng khi
Sống tai như điếc, lòng đâm thẹn
Sống mắt dường đui, dạ thấy kỳ
Sống sao nên phải, cho nên sống
Sống để muôn đời sử tạc ghi.
(Nguyễn An Ninh)
CHẾT
Chết sao danh tiếng vẫn còn hoài
Chết đáng là người đủ mắt tai
Chết được dựng hình, tên chẳng mục
Chết đưa vào sử, chữ không phai
Chết đó, rõ ràng danh sống mãi
Chết đây, chỉ chết cái hình hài
Chết vì Tổ Quốc người khen ngợi
Chết cho hậu thế đẹp tương lai.
(Nguyễn An Ninh)
Hậu thế ngày nay không cảm thông được Nghĩa Tử của người xưa nên thường chỉ biết bài thơ "Sống" của ông Phan Bội Châu. Tiền nhân ngày xưa cũng có người chỉ có bài thơ "Chết" như của các ông Trần Cao Vân, Thủ Khoa Huân và Phan Thanh Giản.
Trần Cao Vân
Năm 1916, vua Duy Tân (1900-1945) mưu đảo chánh Pháp ở Huế và vùng phụ cận với hai ông Trần Cao Vân (1868-1916) và Thái Phiên (1882-1916) của Việt Nam Quang Phục Hội nhưng việc bị lộ và thất bại. Ông Thái Phiên và Trần Cao Vân bị xử chém và Vua Duy Tân bị đày ra đảo Réunion với cha là vua Thành Thái. Trước khi ra pháp trường, ông Trần Cao Vân có bài thơ:
CHẾT CHÉM
Đứa nào muốn chết chết như chơi
Chết vị non sông chết vị trời
Chết thảo bao nài xương thịt nát
Chết ngay há ngại cổ đầu rơi
Chết trung tiếng để ngoài muôn dặm
Chết nghĩa danh lưu đến vạn đời
Chết được như vầy là hả lắm
Ta không sợ chết hỡi ai ơi.
(Trần Cao Vân)
Thủ Khoa Huân
Ông Nguyễn Hữu Huân (1816-1875), người ở Chợ Gạo, Định Tường đi thi Cử Nhân đậu Thủ Khoa (còn gọi là Giải Nguyên) năm 1852. Tuy là văn quan, ông đã khởi nghĩa Cần Vương chống Pháp ở Định Tường (1861-1875). Dù bị bắt lưu đày rồi được tha nhiều lần cũng như được Tổng Đốc Đỗ Hữu Phương giúp đỡ và dụ hàng nhưng ông Thủ Khoa Huân không bao giờ đầu hàng.
KHI BỊ LƯU ĐÀY
Muôn việc cho hay ở số trời
Cái thân chìm nổi biết là nơi
Mấy hồi tên đạn ra tay thử
Ngàn dặm non sông dạo bước chơi
Chén rượu Tân đình nào luận tiệc
Câu thơ Cố quốc chẳng ra lời
Cang thường bởi biết mang tên nặng
Hễ đứng làm trai chác nợ đời.
(Thủ Khoa Huân)
KHI ĐƯỢC THA VỀ
Tòng cúc tuy mừng hãy đặng còn
Râu mày thêm thẹn với sông non
Miếu đường cách trở bề tôi chúa
Gia thất riêng mang nỗi vợ con
Áo Hán nhiều phần thay vẻ lạ
Rượu Hồ một mặt đắm mùi ngon
Giang Đông mang tiếng đa tài tuấn (*)
Cuốn đất kìa ai dám hỏi đon.
(Thủ Khoa Huân)
(*) Chú thích:
Hạng Võ khi thua Lưu Bang thì được người Đình trưởng khuyên qua sông Trường giang sang Giang Đông sẽ có nhiều người theo giúp để đánh lại.
Lần cuối cùng (1875) sau khi bị bắt ngồi tù trước khi bị đem ra pháp trường hành quyết, ông Thủ Khoa Huân có làm bài thơ dưới đây:
MANG GÔNG
Hai bên thiên hạ thấy hay không
Một gánh cang thường há phải gông
Oằn oại đôi vai quân tử trúc (*)
Long lay một cổ trượng phu tòng (*)
Thác về đất Bắc danh còn rạng
Sống ở thành Nam tiếng bỏ không
Thắng bại dinh hư trời khiến chịu (*)
Phản thần, “đụ hỏa” đứa cười ông
(Thủ Khoa Huân)
(*) Chú thích:
Từ câu "Trúc xưng quân tử, Tòng hiệu trượng phu". Dinh hư=đầy vơi.
Phan Thanh Giản
Tháng 6, 1867, Thiếu tướng De La Grandière hội 1000 quân Pháp ở Mỹ Tho định tấn công Vĩnh Long. Ngày 20-6-1867, De La Grandière đánh Vĩnh Long. Quân đội nhà Nguyễn dưới quyền của quan Kinh lược Phan Thanh Giản thua mua quân Pháp nên Pháp chiếm 3 tỉnh Tây Nam Kỳ trong 4 ngày (từ 20 tới 24-6-1867). Từ đó đất Nam Kỳ Lục Tỉnh thành ra đất thuộc địa của Pháp; thuế má, luật lệ, điều gì cũng do soái phủ ở Sài Gòn quyết định cả.
Ông Phan Thanh Giản gởi trả áo mão cho triều đình. Sau nửa tháng không thấy triều đình trả lời, ông phiền muộn lo lắng, nhịn đói và uống thuốc phiện với giấm thanh hằng ngày để tự tử. Cuối cùng ông chết ngày 4-8-1867, thọ 72 tuổi. Trong thời gian gần nửa tháng nầy, ông Phan Thanh Giản có làm bài thơ:
TUYỆT CỐC (*)
Trời thời đất lợi lại người hòa
Há dễ ngồi coi phải nói ra
Lăm trả ơn vua đền nợ nước
Đành cam gánh nặng ruổi đường xa
Lên ghềnh xuống thác thương con trẻ
Vượt biển trèo non cám phận già
Những tưởng một lời an bốn cõi
Nào hay ba tỉnh lại chầu ba. (*)
(Phan Thanh Giản)
(*) Chú thích:
Tuyệt cốc = Nhịn (ăn) cơm
Đã không lấy lại được 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường mà còn mất thêm 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
Bài nầy đăng lần đầu trong phanthuonghai.com phần "Thơ Văn - Đọc Thơ".
Tài Liệu Tham Khảo
1) Phan Bội Châu (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
2) Phong Trào Cần Vương (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
3) Nguyễn An Ninh (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
4) Thành Thái và Duy Tân (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
5) Trương Công Định và Thủ Khoa Huân (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
6) Phan Thanh Giản và Nguyễn Tri Phương (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
TU TÂM VÀ Ở HIỀN THEO PHẬT GIÁO ĐẠI THỪA THIỀN TÔNG
Bs Phan Thượng Hải biên soạn
Sau khi biết "Không" (Sunya) là gì và biết "Bản Tâm" hay "Phật Tánh" (Buddha Nature) là gì, chúng ta có thể "tu tâm" và "ở hiền" theo giáo lý giác ngộ của Phật Giáo Đại Thừa Thiền Tông mà không phải dựa vào hình thức và nhiều văn tự như Tứ Diệu Đế, Nhân Duyên Nghiệp Quả, Thập Nhị Nhân Duyên, Bát Chánh Đạo, Lục Độ, Thập Độ, Trí Tuệ Bát Nhã... hay gần đây nhất như Tọa Thiền và Chánh Niệm (theo Thiền sư Nhất Hạnh).
"Tu tâm và ở hiền" chỉ cần dựa trên Tam Pháp Ấn (Vô Thường, Vô Ngã và Khổ), căn bản của Phật Giáo và giáo lý hóa độ chính của Phật Thích Ca trong Diệt Đế là "đoạn diệt mê hoặc" (Đoạn Hoặc).
1) Tâm thức giác ngộ (của Thiền tông)
Tâm thức giác ngộ an tịnh không phiền não là:
(Theo Không Tông) Tâm thức không bám chặc và ràng buộc (vô sở đắc = non-attached = vô sở trụ) vào sự vật tức là tự do, không chướng ngại (vô ngại = non hindrance) vào sự vật.
(Theo Tánh tông) Tâm thức đồng nhất hay tuân theo bản tâm vô sở đắc (vô sở trụ) và vô ngại (tự do và dung hòa từ bi) đối với sự vật, và bản tâm có sẵn từ bẩm sinh trong mọi người.
Theo Tánh Tông (và Thiền Tông), Tâm (Mind) của mỗi người gồm có Tâm Thức (Conscious Mind) là hoạt động của Tâm đối với đối tượng là sự vật bên ngoài của Tâm, và Bản Tâm (Nature Mind). Bản Tâm còn được gọi là Phật Tánh (theo thuật ngữ Phật Giáo).
Theo Thiền tông (tổng hợp và dung hòa Không tông và Tánh tông), tâm thức vô minh hay giác ngộ là tùy theo nó tương quan với sự vật hiện hữu bên ngoài (như theo Không tông) và tương quan với bản tâm (như theo Tánh tông).
Tâm thức giác ngộ an tịnh (tranquil) không phiền não là:
Tâm thức không vô minh bằng cách không bám chặc và không ràng buộc (vô sở đắc = non-attached = vô sở trụ) vào sự vật tức là tự do, không chướng ngại (vô ngại = non hindrance) vào sự vật (theo Không tông).
Tâm thức đồng nhất hay tuân theo bản tâm đã và luôn giác ngộ vô sở đắc (vô sở trụ) và vô ngại của mình, có sẳn từ bẩm sinh trong mọi người (theo Tánh tông).
Tâm thức trước hết phải không bám chặc vào sự vật (tương đối và chỉ là hiện tượng) thì sau đó tâm thức mới đồng nhất với bản tâm (luôn giác ngộ từ bẩm sinh) và như thế tâm thức giác ngộ (theo Thiền tông, tổng hợp và dung hòa Không tông và Tánh tông).
Yếu chỉ của Thiền tông được thiền sư Triệu Châu tóm tắt trong bài kệ 4 câu, 2 câu cuối chính là nội dung giáo lý giác ngộ của Thiền Tông:
Giáo ngoại biệt truyền
Bất luận văn tự
Trực chỉ nhân tâm
Kiến tánh thành Phật
Pháp Bảo Đàn kinh của Thiền tông viết về tâm thức giác ngộ của Lục tổ Huệ Năng:
Một ngày kia, Ngũ tổ (Hoằng Nhẫn) triệu tập môn đồ bảo rằng: “Sinh tử là việc lớn, các ngươi suốt ngày chỉ cầu phước điền, chẳng cầu lìa khỏi biển khổ sinh tử, tự tánh nếu mê, phước làm sao có thể cứu được? Các ngươi mỗi người hãy tự xem trí tuệ (huệ), dùng bản tâm Bát Nhã của tự tánh, mỗi người làm một bài Kệ trình cho ta xem, nếu ngộ được đại ý, thì ta sẽ truyền y bát cho làm Lục tổ (Tổ thứ sáu), hãy mau lên chẳng được chậm trễ, hễ lọt vào suy lường thì chẳng dùng được. Người kiến tánh vừa nghe phải liền thấy, nếu được như vậy thì khi ra trận giữa đao kiếm cũng phải thấy được”.
........
Huệ Năng là người làm, chuyên về giã gạo từ 8 tháng nay, xin người đọc cho mình bài Kệ (của Thần Tú) vì ông không biết đọc. Sau đó ông đọc bài Kệ của mình và nhờ người viết kế bên (bài của Thần Tú).
Bồ đề bản phi thụ (Bồ đề vốn không là cây)
Minh kính diệc phi đài (Gương sáng cũng không đài gương)
Bản lai vô nhất vật (Xưa nay không một vật)
Hà xứ nhạ trần ai. (Làm sao nhuốm bụi trần).
(Huệ Năng)
Hôm sau Ngũ tổ (đã đọc bài Kệ của Huệ Năng) đến chỗ giã gạo, thấy Huệ Năng lưng đeo đá giã gạo, nói rằng: “Người cầu đạo cần phải như thế” và hỏi: “Gạo trắng chưa?”. Huệ Năng đáp: “Trắng đã lâu, còn thiếu sàng thôi”. Tổ lấy gậy gõ trên cối 3 cái rồi bỏ đi.
Huệ Năng hiểu ý nên canh ba vào thất (phòng của Tổ). Ngũ tổ dùng cà sa che lại không cho người thấy, rồi thuyết kinh (Bát Nhã) Kim Cang. Khi đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” thì Huệ Năng ngay đó đại ngộ (đốn ngộ), vạn pháp chẳng lìa tự tánh.
Huệ Năng liền bạch: “Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh, vốn chẳng sanh diệt, vốn tự đầy đủ, vốn chẳng lay động và tự tánh hay sanh vạn pháp”. Tổ biết Huệ Năng đã ngộ nên nói với Huệ Năng rằng: “Chẳng nhận được bản tâm (thì) học pháp vô ích, nếu nhận được bản tâm thấy được bản tánh tức gọi là Trượng Phu, là Thiên Nhơn Sư, là Phật”.
Tổ truyền pháp đốn giáo và y bát và nói rằng: “Ngươi là Lục tổ khéo tự hộ niệm, độ khắp hữu tình, phổ biến lưu truyền cho đời sau đừng để đoạn dứt”.
"Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm" có nghĩa là "Không nên bám chắc ở một chỗ mà sinh ra kỳ tâm". Tự Tánh đồng nghĩa với Bản Tâm hay Phật Tánh.
2) Đoạn hoặc và từ bi đối với sự vật (Thiền tông)
*
Tâm thức giác ngộ là tâm an tịnh (tranquil) không phiền não là nhờ:
không tự ngã và không chấp ngã từ vô sở đắc (hay vô sở trụ) và vô ngại tự do
và không phân biệt giữa "ngã" và "không phải là ngã" từ vô ngại dung hòa.
Điều nầy làm được vì tâm thức:
không "trụ" (dính chặc ràng buộc) vào mọi sự vật bên ngoài tâm của mình, kể cả thân của mình
để rồi tuân theo và đồng nhất với bản tâm đã bẩm sinh giác ngộ của mình
Như thế, tâm thức giác ngộ (vô ngã) là:
Tâm thức không tự ngã và không chấp ngã thì tâm thức đoạn diệt tình cảm: tham dục, sân và mạn. Do đó tâm thức không tự ngã và không chấp ngã có thể gọi là tâm thức đoạn hoặc (đoạn diệt mê hoặc).
Tâm thức dung hòa, không phân biệt giữa "ngã" và "không phải là ngã", chính là tâm thức có tình cảm từ bi.
Khi tâm thức đoạn hoặc với sự vật, thì tâm thức từ bi theo bản tâm.
Như vậy, tâm thức giác ngộ để được an tịnh không phiền não là tâm thức đoạn hoặc và từ bi.
In Essentials of Buddhism, professor Kogen Mizuno writes:
In the state of nonself, there can be no self-centered greed, unreasonable fear of others, hate, flattery, boasting, insult, anger, jealousy, or envy.
A person who has realized the nature of nonself can not bring harm to others, since actions are taken only after correctly considering both its immediate and its wider-ranging effects. This is expressed as loving kindness and pity for all beings. There is no conflict between self and others.
As the result, the state of nonself has been defined as the state of mind of an enlightened person.
(Dịch)
Trong trạng thái vô ngã, không thể có tham lam ích kỷ, sợ hãi vô lý đối với người khác, thù ghét, nịnh bợ, khoe khoang tự phụ, lăng nhục, phẫn nộ giận dữ, ghen ghét hay ganh tỵ.
Một con người thức ngộ tự tánh của vô ngã không thể làm hại những người khác, vì hành động chỉ được thực hiện sau khi nghĩ tới cả hai hậu quả tức thời và rộng rãi. Đó được biểu lộ như lòng tử tế và thương xót cho tất cả chúng sanh. Không có xung đột giữa mình và những người khác.
Như vậy, trạng thái vô ngã được định nghĩa như là trạng thái của tâm giác ngộ.
*
Đoạn hoặc đối với tất cả mọi sự vật bên ngoài tâm của ta (all beings and all things) kể cả những sinh mạng hay sinh vật khác (all sentient beings), nhân mạng hay con người khác (human beings) và thân ta (trong sinh lão bệnh tử).
Đoạn Hoặc (Đoạn diệt mê Hoặc) là:
Đoạn diệt Sân:
không phẫn nộ giận dữ (anger)
không thù ghét (hate)
không lăng nhục (insult) những người khác
không tổn hại (causing injury) những người khác
không độc ác (cruelty)
Đoạn diệt Mạn:
không khoe khoang tự phụ (boasting)
không ghen ghét (jealousy) hay ganh tỵ (envy)
không nịnh bợ (flatterery)
không sợ hãi vô lý (unreasonable fear) đối với những người khác
Đoạn diệt Tham Dục:
không tham lam ích kỷ (self-centered greed)
(Tham Dục)
Đoạn diệt Tham dục = không tham lamích kỷ (self-centered greed):
= không "tham dục" (tham muốn) riêng cho mình
= có "dục" (muốn hay ham muốn) nhưng không "tham" cái "dục" (muốn hay ham muốn) cho riêng mình
= không "dục" (muốn hay ham muốn) cho riêng mình; một cách vô độ hay quá khao khát mãnh liệt không cưỡng lại được hay trói buộc ham muốn (= dục) lâu dài vào một đối tượng.
Tham dục = Tham muốn = Craving or Strong Desire = Tham Ái, Ái.
Tham, Tham lam = Greed
Tham dục = Tham, Tham lam
Dục = Muốn, Ham muốn = Desire
(Sân)
- Theo Phật Giáo từ Phật Giáo Nguyên thủy:
Sân hay Giận (Anger) theo nghĩa đen là không vừa lòng (displeasure) và ghét (revulsion) một đối tượng (mà mình) không thích (dislike).
Từ Sân (hay Giận) còn phải Đoạn diệt những điều nặng hơn:
Phẫn hay Giận dữ (Wrath) , thường có võ lực (violence). Phẫn gần đồng nghĩa với Tức giận (Indignation) hay Nổi giận (Temper).
Hận tức là Oán giận, Căm hờn (Enmity), thường do thù nghịch.
Hại (Causing injury) làm tổn hại (sinh vật khác).
"Độc" (Cruelty) là độc ác, hung dữ, tàn bạo, dã man.
- Theo Thiền tông:
Đoạn diệt Sân =
không phẫn nộ giận dữ (anger)
không thù ghét (hate)
không lăng nhục (insult)những người khác
không tổn hại (causing injury) những người khác
không độc ác (cruelty)
(Mạn)
- Theo Phật Giáo từ Phật Giáo Nguyên thủy:
Mạn = Kiêu ngạo (Pride = Màna)
Mạn khác với Kiêu (Arrogance = Mada).
Mạn là tự kỷ coi mình hơn sanh mạng khác hay coi sanh mạng khác dưới hơn mình. Mạn cần có sanh mạng khác để so sánh. Mạn = Kiêu Ngạo (kiêu căng và ngạo mạn).
Kiêu là tự kỷ coi mình là tối cao hơn hết (superior), không cần so sánh với chúng sanh. Kiêu = Kiêu Hãnh.
Dĩ nhiên là nếu đoạn diệt Mạn thì cũng phải đoạn diệt Kiêu.
- Theo Thiền tông:
Đoạn diệt Mạn =
không khoe khoang tự phụ (boasting)
không ghen ghét (jealousy) hay ganh tỵ (envy)
không nịnh bợ (flatterery)
không sợ hãi vô lý (unreasonable fear) đối với những người khác
Thiền tông có đoạn hoặc (đoạn diệt tham dục, sân và mạn) giống như Phật Giáo Nguyên thủy nhưng dùng từ bi để thay thế trì giới của Phật Giáo Nguyên thủy.
Đoạn diệt tham dục là điều rất tế nhị trong đoạn diệt mê hoặc nên cần có từ bi làm căn bản.
*
Từ bi đối với sinh vật khác, người khác (và kể cả thân ta trong sinh lão bệnh tử).
Từ bi là:
hiền lành (= Từ) với người và sinh vật khác, tức là nhẫn nhịn (forebearance) và không có xung đột (no conflict), do đó không làm hại người, sinh vật khác và thân mình.
thương (= Bi) người khác và sinh vật khác, bằng thể hiện lòng tử tế (loving kindness) và lòng thương xót (pity), do đó giúp đỡ người, sinh vật khác và thân mình.
Người có tâm thức giác ngộ chính là Phật. Phật thực hiện Đại từ bi, hóa độ con người cũng giác ngộ thành Phật như mình thì có danh hiệu là Bồ tát. Như vật ý nghĩa của "đại từ bi" (great compassion) của Bồ tát khác với ý nghĩa của "từ bi" (compassion) của tâm thức giác ngộ. Đại từ bi của bậc Bồ tát là hóa độ chúng sanh cũng giác ngộ như mình.
Thiền tông nhấn mạnh từ bi là từ Phật tánh (bản tâm) chứ không chỉ thể hiện bằng công đức.
Công án đàm thoại giữa Tổ Bồ Đề Đạt Ma và Lương Vũ Đế viết về bản tâm từ bi và công đức của Phật tử (Thiền Luận quyển Hạ, trang 547):
Lương Vũ Đế hỏi Đạt Ma (Tổ Bồ Đề Đạt Ma):
“Từ khi Trẫm lên ngôi đến nay, đã xây dựng biết bao nhiêu chùa chiền, sao chép biết bao kinh điển và độ vô số tăng ni. Ngài nghĩ công đức của Trẫm như thế nào?”.
Đạt Ma đáp (cộc lốc):
“Tâu Bệ hạ, chẳng công đức gì hết”
Vũ Đế ngạc nhiên hỏi:
“Tại sao thế?”
Đạt Ma mới nói như vầy:
“Đó chỉ là những việc làm hạ đẳng, chỉ khiến cho người ta thác sinh vào các cõi trời, rồi cũng sẽ trở lại trần gian nầy nữa. Chúng vẫn còn mang những dấu vết của thế tục, như bóng theo hình. Dù chúng có vẻ thực, thì cũng chỉ là những pháp phi hữu. Đối với công đức chân thật (thì) đầy đủ trí tuệ thanh tịnh (= trong sạch), viên mãn vi diệu, và bản tính chân thật của nó vượt ngoài sở tri (= cái hiểu biết) của người. Do vậy đừng tìm cầu nó trong các công trình thế gian”.
Tác giả cũng xin có bài thơ tóm tắt giáo lý giác ngộ của Thiền tông:
BỤT NHÀ
Bụt nhà, ai dám bảo không thiêng?
Giác ngộ nhân tâm mạc vấn Thiền
Phật tánh bẩm sinh phô trí tuệ (*)
Tư duy đoạn hoặc thoát nhân duyên
Khi ngưng sân mạn thôi tham dục
Thì có từ bi hết muộn phiền
Hành kiến thành tâm noi chánh đạo
Thích Ca hoan hỉ, Bụt nhà thiêng.
(Phan Thượng Hải)
8/29/21
(*) Chú thích: Trí tuệ = hoàn toàn sáng suốt.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
Bài nầy là một đoạn trong bài "Giáo Lý Giác Ngộ của Phật Giáo Đại Thừa Thiền Tông" (Bs Phan Thượng Hải) trong phanthuonghai.com mục Văn Hóa phần Giáo Lý.
MÙA ĐÔNG TRÊN ĐẤT MỸ
Sau lễ Tạ Ơn Thu đã qua
Mùa Đông lại đến khắp gần xa
Đông tàn, nghệ sĩ vương sầu cảm
Đông dạ, tình nhân biết tuổi già
Đông tuyết sơn hà tô sắc cảnh
Đông hàn thời tiết đãi mai hoa
Giáng Sinh chào đón mừng Năm Mới
Nguyên Đán hồi Xuân ý thái hòa.
(Phan Thượng Hải)
11/26/21
(*) Chú thích: Lễ Tạ Ơn = Thanksgiving. Giáng Sinh = Christmas. Năm Mới = New Year.
CHUYỆN KHOA CỬ THỜI XƯA
Bs Phan Thượng Hải
* Thi cử đời nhà Lý
Thời nhà Đinh và nhà Tiền Lê, triều đình và hoàng gia không có tổ chức thi cử.
Năm 1075, Lý Nhân Tông (1072-1128) cho mở khoa thi Nho học đầu tiên ở nước ta gọi là khoa Tam Trường. Người đỗ đầu khoa thi nầy là ông Lê Văn Thịnh.
Sau đó triều đình còn cho mở 5 khoa thi nữa vào những năm 1086, 1152, 1165, 1185, 1195.
Năm 1165 thì gọi là khoa thi Thái Học Sinh vào thời vua Lý Anh Tông (1138-1175).
Năm 1195 là khoa thi Tam Giáo để tuyển những người tinh thông Nho, Lão, Phật vào thời Lý Cao Tông (1176-1240). Người đỗ gọi là Tam Giáo xuất thân.
Thể lệ và đề tài thi cử không rõ ràng trong thời nhà Lý.
* Thi Cử đời nhà Trần
Đời vua Trần Thuận Tông đặc biệt bắt đầu có thêm thi Hương (1396) cùng với thi Hội và thi Đình.
Việc thi cử của nước Đại Việt có từ thời vua Lý Nhân Tông nhưng rất đơn giản trong thời nhà Lý. Đến đời nhà Trần thì phức tạp hơn.
Từ năm 1232 (đời vua Trần Thái Tông) mới có thi Thái Học Sinh ở kinh đô. Người đậu Thái Học Sinh theo thứ bậc có Tam Giáp gồm Đệ Nhất, Đệ Nhị và Đệ Tam Giáp.
Từ năm 1237, chỉ lấy tối đa là 3 người đậu Đệ Nhất Giáp gọi là Tam Khôi: Trạng Nguyên (Trùm Đầu), Bảng Nhãn (Mắt Bảng) và Thám Hoa (Thăm Hoa).
Từ năm 1246, định lệ cứ 7 năm thi Thái Học Sinh một lần.
Từ năm 1304, người đậu đầu Đệ Nhị Giáp gọi là Hoàng Giáp.
Từ năm 1374 (đời Trần Duệ Tông), người đậu Thái Học Sinh gọi là Tiến Sĩ rồi thêm một kỳ thi Đình (thi trong sân vua) để định thứ bậc Tam Khôi và Hoàng Giáp.
Từ năm 1396, đời Trần Thuận Tông mới mở thi Hương ở các địa phương, ai đậu thì gọi là Cử Nhân và được vào kinh đô thi Thái Học Sinh (đổi là thi Hội) và (nếu) đậu thì là Tiến Sĩ và vào thi Đình để lấy Tam Khôi và Hoàng Giáp. Cứ năm trước thi Hương rồi năm sau thi Hội và thi Đình, và cứ 7 năm một lần. (Về sau vua Hồ Hán Thương đổi lại 3 năm một lần vào năm 1404 nhưng nước nhà bị Nhà Minh đô hộ năm 1407).
* Trạng Nguyên Nguyễn Hiền
- Trong chuyện "Câu Đối Chí Khí" của mình, ông Petrus Trương Vĩnh Ký kể chuyện Trạng Nguyên Nguyễn Hiền mà ông không biết.
Đây là nguyên văn câu chuyện "Câu Đối Chí Khí" của ông Petrus Ký:
Ông huyện kia đi dọc đường, gặp một thằng con nít đi học về. Thấy bộ mặt đứa sáng láng bảnh lảnh, mới kêu mà ra câu hỏi rằng:
Tự là chữ, cất dằn đầu, chữ tử là con, con nhà ai đó?
Đứa học trò chí khí đối lại liền:
Vu là chưng, cất ngang lưng, chữ đinh là đứa, đứa hỏi ta chi?
Ông huyện nghe biết đứa có chí lớn, bèn nói sau nó sẽ làm nên mà chớ. Mà thiệt như làm vậy chẳng sai.
- Ngày nay chuyện hai câu đối trên có trong Lịch sử về Trạng Nguyên Nguyễn Hiền:
Năm Bính Ngọ (1246), Nguyễn Hiền đỗ đầu Thái Học Sinh, năm sau đỗ Trạng Nguyên lúc mới 13 tuổi. Khi ra mắt nhà vua, vua thấy Nguyễn Hiền còn bé loắt choắt, ăn nói không đúng phép nên cho về nhà học lễ, ba năm sau sẽ bổ dụng. Trạng Nguyên về được ít lâu thì có sứ nhà Nguyên sang đưa ra một bài thơ để thử nhân tài nước Đại Việt. Cả triều đình đều chịu thua không ai hiểu ý của bài thơ. Có quan tâu vua thử cho mời Trạng Hiền đến hỏi. Vua đành sai sứ đến tận làng tìm Trạng Nguyên Nguyễn Hiền. Tới làng thì sứ gặp một thằng bé đang đùa nghịch ở đầu làng liền hỏi thăm nhà Trạng Nguyên thì thằng bé cứ làm thinh. Sứ thấy đứa bé ngộ nghĩnh nên đọc thử câu đối:
Tự (字) là chữ, cất giằng đầu, chữ tử (子) là con, con ai con ấy?
Đứa bé đối lại ngay:
Vu (于) là chưng, chặt ngang lưng, chữ đinh (丁) là đứa, đứa nào đứa này?
Đối xong đứa bé bỏ chạy. Sứ biết là quan Trạng nên theo tới nhà thì thấy quan Trạng đứng trong bếp, sứ lại đọc một câu nữa để trêu chọc:
Ngô văn quân tử viễn bào trù, hà tu mị táo
(Ta nghe người quân tử thường lánh xa nơi bếp núc, sao lại đi nịnh ông Táo?)
Quan Trạng liền đối:
Ngã bản hữu quan cư đỉnh nại, khả tạm điều canh
(Ta vốn là chức quan vào hàng Tể tướng, nhưng hãy tạm nếm canh!)
(Điều canh: nếm canh, có nghĩa bóng là làm Tể tướng do câu của vua Cao Tông nhà Thương nói với Phó Duyệt lúc cử Phó Duyệt làm Tể tướng).
Sứ khâm phục mời quan Trạng về Kinh đô nhưng quan Trạng từ chối nói rằng:
Trước nhà vua bảo ta không biết lễ (phép), nay chính nhà vua cũng không biết lễ.
Sứ về tâu lại, nhà vua phải mang xe ngựa, nghi trướng đến đón long trọng thì quan Trạng mới chịu đi.
Đến Kinh đô, Trạng Nguyên Nguyễn Hiền giảng giải bài thơ của sứ nhà Nguyên rõ ràng. Nguyễn Hiền làm quan đến Công Bộ Thượng thư nhưng ông chết sớm (thọ 21 tuổi).
* Nguyễn Trãi và Bảng Nhãn Nguyễn Phi Khanh
Ông Nguyễn Trãi (1380-1442) là con của Bảng Nhãn Nguyễn Phi Khanh, cháu ngoại của Tư Đồ Trần Nguyên Đán (đời vua Trần Nghệ Tông). Ông có đậu Thái Học Sinh (Tiến sĩ) thời nhà Hồ (1400). Hai cha con ông Nguyễn Phi Khanh (trước tên là Nguyễn Ứng Long) và ông Nguyễn Trãi đều làm quan với nhà Hồ. Khi quân Minh chiếm nước ta (1407), ông Nguyễn Phi Khanh bị bắt về Tàu, nhưng không ai biết số phận và cuộc đời của ông Nguyễn Trãi ra sao cho đến năm 1420 khi ông Nguyễn Trãi cùng người bà con cô cậu là ông Trần Nguyên Hãn (cháu nội của ông Trần Nguyên Đán, cháu 5 đời của ông Trần Quang Khải) bắt đầu theo phò ông Lê Lợi ở Lỗi Giang (thuộc Thanh Hóa).
Việt Nam Sử Lược của ông Trần Trọng Kim chỉ viết rằng:
Khi ông Nguyễn Phi Khanh bị quân Minh bắt giải về Kim Lăng (Nam Kinh), ông Nguyễn Trãi theo đưa cha đến ải Nam Quan. Ông Nguyễn Phi Khanh bảo rằng: “Con phải trở về mà lo trả thù cho cha và rửa thẹn cho nước, chứ đi theo khóc lóc mà làm gì?”. Từ đó ông Nguyễn Trãi trở về, ngày đêm lo việc phục thù cho đến năm 1420 thì gặp ông Lê Lợi.
Thật ra không ai biết ông Nguyễn Trãi ở đâu, đi đâu và làm gì trong khoảng 1407-1420. Đọc thơ của ông thì thấy ông Nguyễn Trãi đi khắp nơi kể cả bên Tàu. Riêng ông Trần Nguyên Hãn thì không hề ra làm quan với nhà Trần hay nhà Hồ chỉ lang thang đi bán dầu.
Lai lịch của ông Nguyễn Trãi cũng mơ hồ như câu chuyện có ghi trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết cho năm 1385:
Thượng Hoàng Trần Nghệ Tông luôn trọng dụng Lê Quý Ly (sau nầy là vua Hồ Quý Ly). Quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán sợ hậu họa nên kết thông gia, cho con trai lấy con gái ghẻ của Lê Quý Ly. Ông có 2 người con gái. Người con gái lớn là Trần thị Thái được ông mướn một thư sinh là Nguyễn Ứng Long dạy học. Ông Nguyễn Ứng Long làm thơ hay nên cô Thái thương và có thai. Ông Nguyễn Ứng Long sợ quá bỏ trốn. Sau khi cô Thái đẻ xong, ông Trần Nguyên Đán gọi Ứng Long đến và nhắc chuyện Tư Mã Tương Như lấy góa phụ là Trác Văn Quân, nhờ bên vợ (giàu có và có quyền lực) nên học hành thi đậu và làm quan. Ông Trần Ứng Long được vợ, chăm chỉ học hành và đậu Bảng Nhãn (đời nhà Trần). Thượng Hoàng Trần Nghệ Tông biết chuyện không cho làm quan.
Sau nầy ông Nguyễn Ứng Long làm quan với vua Hồ Quý Ly và đổi tên là Nguyễn Phi Khanh. Ông Nguyễn Trãi (sinh năm 1380) là con trưởng của ông Nguyễn Ứng Long như vậy có thể ông là đứa bé được sinh ra trong câu chuyện kể trên?
* Thi Cử đời nhà Hậu Lê
Nhà Hậu Lê trị vì lâu nhất và cũng sản xuất nhiều nhà khoa bảng nổi danh.
Năm 1434, vua Lê Thái Tông tái lập thi cử tuy cũng có ba kỳ thi giống như nhà Trần và nhà Hồ bắt đầu năm 1438 nhưng mãi đến 1442 mới có thi Hội và thi Đình.
Năm 1448 đời Lê Nhân Tông bắt đầu có thay đổi cho thi Đình: Tiến Sĩ Đệ Nhất Giáp (Tam Khôi gồm có Trạng Nguyên, Bảng Nhãn và Thám Hoa) gọi là Cập Đệ, Đệ Nhị Giáp gọi là Chánh Bảng và Đệ Tam Giáp gọi là Phụ Bảng.
Năm 1484 đời Lê Thánh Tông, Tiến Sĩ Chánh Bảng đổi là Tiến Sĩ và Tiến Sĩ Phụ Bảng đổi là Đồng Tiến Sĩ.
Đến năm 1463 đời Lý Thánh Tông mới nhất định 3 năm có một kỳ thi (dĩ nhiên là năm trước thi Hương năm sau thi Hội và thi Đình).
Năm 1463 người thi Hương đậu 4 trường gọi là Hương Cống (Cử Nhân khi trước) và đậu 3 trường gọi là Sinh Đồ. Chỉ có đậu Hương Cống (Cử Nhân) mới được tiếp tục dự kỳ thi Hội.
Sau nầy nhà Mạc vẫn tiếp tục như vậy còn nhà Lê Trung Hưng thì đến năm 1554 mới tổ chức thi cử (cũng giống nhà Lê Sơ).
* Trạng Nguyên Nguyễn Trực
Người đậu Trạng Nguyên đầu tiên của nhà Hậu Lê là ông Nguyễn Trực (1417-1474) vào năm 1442 trong kỳ thi có chủ khảo là ông Nguyễn Trãi (qua đời cùng năm 1442). Ông Ngô Sĩ Liên, tác giả của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, đậu Tiến Sĩ Phụ Bảng trong khóa nầy.
Ông Nguyễn Trực, người làng Nghĩa Bang (nay thuộc Thanh Oai, Hà Nội), làm quan dưới 3 triều vua Thái Tông, Nhân Tông và Thánh Tông. Theo ông Nguyễn Văn Tố trong báo Tri Tân số 28: Ông Nguyễn Trực, khi đi sứ bên Tàu, cũng dự thi và đậu Tiến Sĩ Cập Đệ nên đời bấy giờ gọi ông là “Lưỡng quốc Trạng Nguyên”.
Khi ông qua đời, vua Lê Thánh Tông có bài thơ tả đặc tính của ông Nguyễn Trực nói riêng và hầu hết các Trạng Nguyên (và khoa bảng) nói chung:
ĐIẾU NGHĨA BANG TRẠNG NGUYÊN NGUYỄN TRỰC
Đời dõi Nho tông phát ấp Bang (*)
Trong đạo đức, có từ chương
Nối dòng thi lễ nhà truyền báu
Tranh giải khôi nguyên bảng chói vàng
Nam Bắc hai triều danh dậy
Phong lưu một cửa họ sang
Từ đường ở đấy niềm tây lạnh
Dấu cũ càng thơm dạ có hương.
(Vua Lê Thánh Tông)
Đây là bài thơ theo thể Hàn Luật.
* Trạng Nguyên Lương Thế Vinh
Hậu thế thích nhất là ông Trạng Lường Lương Thế Vinh, còn gọi là Trạng Bình Dân. Ông và ông Quách Đình Bảo nổi tiếng là người học giỏi ở vùng Sơn Nam (Thái Bình và Nam Định bây giờ). Ông Quách Đình Bảo là người rất gắng công và chăm chỉ học hành còn ông Lương Thế Vinh thì thông minh, không cố gắng học nhiều nhưng đi thi thì đậu đầu (Trạng Nguyên) còn ông Quách Đình Bảo lại đậu thứ ba (Thám Hoa). Vua Lê Thánh Tông rất bằng lòng về khóa thi của hai ông (năm 1463):
Trạng Nguyên Lương Thế Vinh
Bảng Nhản Nguyễn Đức Trinh
Thám Hoa Quách Đình Bảo
Thiên hạ cộng tri danh.
(Lê Thánh Tông)
Tuy nhiên vua Lê Thánh Tông là người biết dụng nhân tài. Vua là một nhà lãnh đạo rất giỏi tự quyết đoán và dùng quân sự để củng cố và thi hành đường lối chính trị của mình với ba ông tướng tài trung thành là các ông Nguyễn Xí, Đinh Liệt và Lê Niệm. Ông Quách Đình Bảo làm quan cũng như ông chăm học nên đường hoạn lộ rất dài, làm đến chức Hình Bộ Thượng Thư. Vua Lê Thánh Tôn chỉ dùng ông Lương Thế Vinh trông coi viện Hàn Lâm lo về văn hóa và giao thiệp ngoại giao mà thôi. Ông Lương Thế Vinh là người phóng khoáng cáo quan về nghỉ sớm, vui sống bình dân ở quê quán là làng Cao Lương (còn gọi là Cao Hương, nay thuộc Vụ Bản, Nam Định).
Ngoài tài về văn chương ông Lương Thế Vinh còn giỏi về âm nhạc, Phật học và nhất là toán học với 2 quyển: Đại Thành toán pháp và Khải Minh toán học.
Hậu thế có truyền tụng câu chuyện dưới đây:
Sứ Tàu là Chu Hi đố ông Lương Thế Vinh làm sao biết cân nặng (trọng lượng) của một con voi vì không có cái cân nào đủ lớn để làm được việc đó. Ông Lương Thế Vinh đưa voi lên một chiếc thuyền rồi đánh dấu mép nước bên mạn thuyền sau đó dắt voi lên bờ. Tiếp theo ông bỏ đá cục vào thuyền cho đến lúc thuyền chìm xuống tới đúng dấu cũ. Thế là ông cho cân các cục đá là ra kết quả cân nặng của con voi. Khi Chu Hi khen ngợi sáng kiến của ông Lương Thế Vinh thì ông trả lời rằng tôi học cách trên từ một người Tàu tên là Tào Xung, con của Tào Tháo!
Câu chuyện trên cho thấy là ngoài Toán học ông Lương Thế Vinh còn giỏi về Vật Lý. Tuy nhiên sứ Tàu nầy không phải là Chu Hi. Chu Hi (1130-1200) làm quan nhà Tống, một nhà Tân Nho Học nổi danh cùng với anh em Trình Hạo và Trình Xuyên. Sứ Tàu gặp ông Lương Thế Vinh (1441-1496) phải là từ nhà Minh!
Vua Lê Thánh Tông có thơ khen ông Lương Thế Vinh:
ĐIẾU CAO LƯƠNG LƯƠNG TRẠNG NGUYÊN
Chiếu thơ Thượng Đế xuống xem (đêm) qua
Gióng khách (khánh) tiên đài kíp tới nhà
Cẩm tú mấy hàng về động ngọc
Thánh hiền ba chén thấp hồn hoa
Khí thiên đã lại thu sơn nhạc
Danh lạ còn truyền để quốc gia
Khuất ngón tay than tài cái thế
Lấy ai làm Trạng nước non ta!
(Vua Lê Thánh Tông)
* Thi Cử đời nhà Nguyễn
Thi cử đời nhà Nguyễn cũng giống như nhà Hậu Lê nhưng không có lấy Trạng Nguyên (đậu đầu kỳ thi Đình gọi là Đình Nguyên, Tiến Sĩ đậu đầu trường thi Hội gọi là Hội Nguyên và Cử Nhân đậu đầu trường thi Hương gọi là Giải Nguyên hay Thủ Khoa). Thi Hương thời nhà Nguyễn bắt đầu đời Gia Long 1807. Thi Hội và thi Đình bắt đầu năm 1822 đời vua Minh Mạng. Lúc đầu cứ 6 năm thi một lần nhưng từ năm 1825 thì cứ 3 năm một lần.
Năm 1828, triều đình đổi lại Hương Cống là Cử Nhân và Sinh Đồ là Tú Tài (cho kỳ thi Hương). Năm 1829, ở kỳ thi Hội ngoài Tiến Sĩ và Đồng Tiến Sĩ triều đình còn lấy thêm một bậc thấp hơn gọi là Phó Bảng. Có một ông Phó Bảng rất nổi danh là ông Phan Châu Trinh.
* Tiến Sĩ Phan Thanh Giản
Thời nhà Nguyễn, kỳ thi Hội đầu tiên vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822) không có người Nam Kỳ nào đậu Tiến sĩ.
Sang kỳ thứ 2 vào năm 1826, trong hơn 200 thí sinh (đã đậu Cử nhân), 9 người đậu Tiến sĩ đều là người Bắc Hà. Vua Minh Mạng khuyên ban giám khảo nên chấm đậu thêm 1, 2 người từ Thừa Thiên trở vào Nam (Nam Hà). Kết quả là được thêm 1 người nữa: đó là thí sinh Phan Thanh Giản thuộc tỉnh Vĩnh Thanh lúc bấy giờ (sau nầy là 2 tỉnh Vĩnh Long và An Giang) thuộc Nam Kỳ. Đỗ đầu kỳ thi Hội nầy là Hội Nguyên Đặng Văn Khải quê ở Bắc Ninh.
Vào thi Đình (chính vua Minh Mạng làm Chủ khảo), hai người đậu Hoàng Giáp (Đệ Nhị Giáp Tiến Sĩ) là ông Hoàng Tế Mỹ và ông Nguyễn Huy Hựu. Ông Hoàng Tế Mỹ đỗ đầu tức là Đình Nguyên Hoàng Giáp (trên ông Hoàng Giáp Nguyễn Huy Hựu). Không ai đậu Bảng Nhãn hay Thám Hoa và dĩ nhiên nhà Nguyễn không lấy Trạng Nguyên. Tám người còn lại đậu Đệ Tam Giáp Tiến Sĩ, ông Phan Thanh Giản lại đậu hạng nhất trong 8 người nầy và Hội Nguyên Đặng Văn Khải đứng hạng thứ 5.
* Thời Pháp Thuộc
Vào đầu thế kỷ 20, chữ Hán, chữ Nôm, Nho học và thi cử của nhà Nguyễn trở thành lỗi thời. Nạn nhân và chứng nhân là ông Tú Trần Tế Xương:
CHỮ NHO
Nào có nghĩa (ra) gì cái chữ Nho
Ông Nghè ông Cống cũng nằm co (*)
Chi bằng đi học làm thầy Phán
Tối rượu sâm banh sáng sữa bò.
(Trần Tế Xương)
(*) Chú thích: Ông Nghè là đậu Tiến Sĩ, ông Cống là đậu Cử Nhân còn ông Đồ hay ông Tú là đậu Sinh Đồ hay Tú Tài.
THAN NHO HỌC
Cái học nhà Nho đã hỏng rồi
Mười người đi học chín người thôi
Cô hàng bán sách lim dim ngủ
Thầy khóa tư lương nhấp nhổm ngồi
Sĩ khí rụt rè gà phải cáo
Văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi
Tôi đâu dám mỉa làng tôi nhỉ
Trình có quan (ông) tiên thứ chỉ tôi. (*)
(Trần Tế Xương)
(*) Chú thích: Tiên Chỉ và Thứ Chỉ = chức sắc của những khoa bảng ở địa phương.
ĐỔI THI
Nghe nói khoa nầy sắp đổi thi
Các thầy đồ cổ đỗ mau đi
Dẫu không bia đá còn bia miệng
Vứt bút lông đi, giắt bút chì.
(Trần Tế Xương)
Năm 1869, chính quyền thuộc địa Pháp chính thức dùng chữ Quốc Ngữ (thay thế chữ Nho) trong các công văn ở Nam Kỳ. Năm 1879, chữ Quốc Ngữ là chữ độc nhất dùng trong tất cả văn kiện và trong chương trình giáo dục. Dĩ nhiên từ khi thành thuộc địa của Pháp thì không còn thi Hương ở Nam Kỳ. Chữ Quốc Ngữ dùng trong giáo dục ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ (?) từ năm 1910.
Năm 1915 có khoa thi Hương cuối cùng ở Bắc Kỳ. Đến đời vua Khải Định (1916-1925), khóa thi Hương cuối cùng chỉ ở 2 chỗ (Nghệ An và Bình Định) vào năm 1918. Khóa thi Hội cuối cùng vào năm 1919. Ngày 21-12-1917, Nha Tổng Giám Đốc Học Chánh Đông Dương ban bố học quy mới gồm 3 bậc Tiểu Học, Trung Học và Đại Học áp dụng cho toàn cõi Đông Dương cho đến khi chánh phủ Trần Trọng Kim nắm chính quyền năm 1945.
Giới sĩ phu hết còn ông Nghè, ông Cống và ông Đồ, nhưng cậu Ấm như ông Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu cũng là nạn nhân.
THƯ KHÓC TẾT CỦA HAI ÔNG ĐỒ
(Xướng) (Tự Họa)
Ngoảnh đi ngoảnh lại lại đến Tết Giời ơi! Ới Tết ơi là Tết!
Ông đến độ nầy là hết chết Bác hãy còn hơn, tôi mới chết
Giời cao đất thấp vợ chưa về Gạo tẻ đong chịu nếp thời không
Tháng tận năm cùng gạo cũng hết Áo vợ rách tan chồng cũng hết
Cỗ bàn duy có ba ông công Con theo tận nách mếu môi sò
Su kẽm cũng không một vảy hến Nợ réo ầm tai câm miệng hến
Mà ra lúc quẫn văn càng hay Giời còn để sống đến trăm năm
Lại được một bài thơ khóc Tết. Lại mấy mươi bài thơ khóc Tết.
(Tản Đà) (Tản Đà)
* Trường Hậu Bổ
Bắt đầu thế kỷ 20, chính quyền thuộc địa Pháp cũng “duy tân” cho Bắc Trung Kỳ.
Về chính trị, Pháp mở trường đào tạo người Việt làm việc cho Pháp trong những chức vụ cao cấp.
Đầu tiên là Trường Thông Ngôn (mở năm 1862 ở Nam Kỳ) dùng ông Trương Vĩnh Ký làm Hiệu Trưởng. Ở Nam Kỳ, Trường Tham Biện Hậu Bổ Sài Gòn (Collège Des Administrateurs Stagiaires) mở năm 1873 thay thế Trường Thông Ngôn và đóng cửa vào năm 1887. Từ đó người Nam Kỳ phải sang Pháp học Trường Thuộc Địa ở Paris (École Coloniale à Paris). Chỗ Trường Hậu Bổ Sài Gòn ngày nay là Trường Võ Trường Toản và Bộ Giáo Dục (thời VNCH).
Ở Bắc Kỳ thì có trường Hậu Bổ Hà Nội (École Des Aspirants mandarins) (1903-1912) rồi đổi thành Trường Sĩ Hoạn (École Des Mandarins) (1912-1917). Ở Trung Kỳ có Trường Hậu Bổ Huế (École D’Administration) (1911-1917). Sau đó chỉ còn Trường Pháp Chế Đông Dương (École de Droit et d’Administration) ở Hà Nội từ năm 1917 cho người Bắc và Trung Kỳ nhưng người dân chỉ quen gọi là “Trường Hậu Bổ”.
Khi không còn thi cử chữ Nho của triều đình nhà Nguyễn nữa, ông Tản Đà cũng thử thời vận với trường Hậu Bổ.
HỎNG THI VÀO TRƯỜNG HẬU BỔ
Mỗi năm Hậu Bổ một lần thi
Năm ngoái năm xưa tớ cũng đi
Cử, Tú, Ấm sinh, vài chục kẻ
Tây, Ta, Quốc ngữ, bốn năm kỳ
Đĩa nghiên lọ mực bìa bao sách
Thước kẻ đanh ghim ngọn bút chì
Lại đến O-ran là bước khó (*)
Mình ơi, ta bảo “có thi thì…
(Tản Đà)
(*) Chú thích: O-ran (Oral) là thi vấn đáp. không phải thi viết.
Ông Ngô Đình Diệm xuất thân từ trường Hậu Bổ.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Tài liệu tham khảo từ phanthuonghai.com (cùng một tác giả):
1. Thơ và Việt Sử - Nhà Trần
2. Thơ và Việt Sử - Nhà Lê
3. Thơ và Việt Sử - Nhà Nguyễn
4. Thơ và Việt Sử - Thời Pháp Thuộc thế kỷ 19
5. Thơ và Việt Sử - Thời Pháp Thuộc thế kỷ 20
6. Truyện Cười Cổ Điển từ Petrus Ký.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
TỪ NGỮ "KHÔNG" CỦA PHẬT GIÁO ĐẠI THỪA
Bs Phan Thượng Hải biên soạn
*
Khi nói đến Phật Giáo, Phật tử có hiểu biết thường nói đến câu: "Sắc tức thị không, không tức thị sắc" với sự hiểu biết: từ ngữ "không" trong câu nầy có nghĩa thông thường là "hư không" (nothingness) hay "không có" (non - existence). Đó là điều sai lầm từ căn bản.
Câu nầy từ Bát Nhã Tâm Kinh mà bá tánh đọc trong lễ chùa Đại Thừa. Từ ngữ "không" trong câu "sắc tức thị không, không tức thị sắc" có nghĩa khác theo Phật Pháp. Nếu ta hiểu được từ ngữ "không" nầy thì sẽ hiểu được giáo lý giác ngộ của Không Tông, giáo lý giác ngộ căn bản sơ khởi của Đại Thừa.
*
Thiền tông (tổng hợp và dung hòa Không Tông và Tánh Tông) áp dụng quan niệm về sự vật của Không tông trong Bát Nhã Tâm kinh.
Sự vật bên ngoài tâm của ta gồm luôn cả con người khác, sinh vật khác và thân của ta.
- Sự vật hiện hữu vì chúng tích tụ trong giác quan và tâm của ta. Đó là Ngũ uẩn (5 "cái" tích tụ = 5 aggregations).
Tất cả mọi sự vật hữu thể (thế giới vật chất) gọi là Sắc, tích tụ trong giác quan của ta gọi là Sắc uẩn.
Tất cả mọi sự vật tâm thần (thế giới vô thể) gọi là Danh, tích tụ trong tâm của ta gồm có Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn và Thức uẩn. Thọ, Tưởng, Hành, Thức chính là hoạt động của tâm ta.
Thọ(Thụ) = cảm giác (sensation).
Tưởng = tri giác (perception).
Hành = tất cả những hoạt động khác của tâm ngoài Thọ, Tưởng và Thức (other mental constituents).
Thức= nhận thức (cognition).
- Sự vật là hiện tượngvì chúng là 6 đối tượng của 6 giác quan của ta và tâm thức (có 6 phần) của ta. Đó là 18 Giới (theo từ ngữ Phật Giáo).
Ngay từ Phật Thích Ca của Phật Giáo Nguyên Thủy cho đến Thiền tông, sự vật hiện hữu đồng nghĩa với hiện tượng. Tất cả mọi sự vật hiện hữu hay hiện tượng được thể hiện bằng từ ngữ "Ngũ uẩn" hay "18 giới". Sự vật, gọi tắt của sự vật hiện hữu, là hiện tượng của tâm ta bao gồm luôn thân ta trong sinh lão bệnh tử.
Sự vật = being and/or thing.
Tất cả mọi sự vật = all beings and things.
Sự vật hiện hữu = element of existence.
Tất cả mọi sự vật hiện hữu = all elements of existence = Vạn hữu.
Hiện tượng = phenomenon = dharma = Pháp.
Tất cả mọi hiện tượng = all phenomena = all dharmas = Vạn pháp.
(Như vậy, vạn pháp đồng nghĩa với vạn hữu, theo Phật Giáo. "Pháp" ở đây không có nghĩa là "doctrine")
Phật Giáo từ Phật Giáo Nguyên Thủy có chia Vạn Pháp ra làm 2:
Hữu Vi Pháp = mọi hiện tượng của sự vật tùy thuộc Nhân Duyên Nghiệp Quả.
Vô Vi Pháp = hiện tượng của sự vật thoát khỏi Nhân Duyên Nghiệp Quả.
Hữu Vi Pháp = Conditioned Dharmas = Samskrta-dharma
Vô Vi Pháp = Unconditioned Dharmas = Asamskrta-dharma
Tất cả mọi sự vật hiện hữu (vạn hữu) hay tất cả mọi hiện tượng (vạn pháp) đều không có "ngã" (nature), đồng nghĩa với "vô ngã" của Phật Giáo bắt đầu từ Phật Giáo Nguyên Thủy.
Không tông muốn cho rõ hơn nên gọi là "không có tự tánh" (without nature), đồng nghĩa với "tánh Không" (sùnyatà).
Đó là lý thuyết Không (sùnya) của Không Tông. Không (sùnya) của Không Tông chẳng có nghĩa là "hư không" (nothingness) hay "không có" (non-existence).
Without nature = vô ngã (của sự vật hay hiện tượng) = tánh Không = không có tự tánh
Nature = ngã = tự tánh
Sự vật hiện hữu (sự vật) hay hiện tượng thì vô ngã (hay tánh Không) nên phải vô thường. Như vậy mọi sự vật hay hiện tượng thì tương đối (relative), gồm vô ngã và vô thường:
. vô ngã = không hoàn toàn, không thuần túy, không chuyên chế và không độc lập, và phải tương quan với những sự vật hiện hữu hay hiện tượng khác.
. vô thường (impermanent) = không thường hằng (not permanent) = không tự sinh khởi; không cố định, phải thay đổi và biến hóa; không vĩnh cữu và phải hoại diệt.
Bát Nhã Tâm kinh viết về lý thuyết Không như sau:
Khi Bồ tát Quán Tự Tại (Avalokitesvara) thực hành Bát Nhã Ba La Mật Đa sâu xa, soi thấy rằng có ngũ uẩn và thấy Ngũ uẩn không có Tự tánh (Sùnyatà) trong chúng.
Này Xá Lợi Phất (Sariputra): sắc ở đây là Không, Không là sắc; sắc không khác Không, Không không khác sắc; sắc tức thị là Không, Không tức thị là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức (đều) cũng vậy.
Này Xá Lợi Phất: Hết thảy các Pháp ở đây (= Vạn Pháp) được biểu thị là Không (Sùnya). Chúng không sinh, không diệt, không cấu nhiễm, không không cấu nhiễm; không tăng, không giảm
Vì vậy này Xá Lợi Phất; trong Không (Sùnya),
không có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức; không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp;
không nhãn giới cho tới không có ý thức giới;
cho tới không có tuổi già (= lão) và sự chết (= tử), không có sự tận diệt của tuổi già và sự chết;....
Chú thích:
Ngũ uẩn = Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức.
18 Giới = Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp tương đương với Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý; từ Nhãn giới tới Ý thức giới.
Tóm lại, theo Không tông, mọi sự vật hiện hữu (kể cả thân ta trong sinh lão bệnh tử):
đều là hiện tượng (= đối tượng của giác quan và tâm ta),
và tương đối (relative) vì chúng là vô ngã hay tánh không (without nature) và vô thường (impermanent).
Giáo lý như trên của Không tông trong kinh Bát Nhã gọi là thuyết Không (Sùnya) và sau nầy Thiền tông trong kinh Lăng Già gọi là Pháp vô ngã.
Cứu cánh của Phật Giáo là hết khổ. Cứu cánh của Phật Giáo Đại Thừa là tâm con người hết phiền não.
- Nguyên nhân của khổ (của phiền não) là tất cả mọi sự vật đều là hiện tượng đối với tâm ta và đều là tương đối (relative) vì chúng đều vô ngã hay không có tự tánh (without nature) và vô thường (impermanent). Tâm của ta dính chặc và ràng buộc (sở đắc = attached) hay bám chặc (sở trụ) vào sự vật tức là bị chướng ngại (= hindrance) bởi sự vật tương đối (vô ngã và vô thường) và chỉ là hiện tượng; thì tâm ta sẽ phiền não (khổ).
Tất cả mọi sự vật hiện hữu là đối tượng của tâm ta bao gồm luôn cả mọi sinh vật khác, mọi người khác và kể cả thân ta.
- Do đó tâm giác ngộ an định không phiền não là không bám chặc và ràng buộc (vô sở đắc = non-attached = vô sở trụ) vào sự vật tức là tự do, không chướng ngại (vô ngại = non hindrance) vào sự vật.
(Không tông không có phân biệt tâm thành ra tâm thức và bản tâm và không biết đến bản tâm. "Tâm" của Không tông là đồng nghĩa với "tâm thức" của Tánh tông)
Bát Nhã Tâm kinh của Không tông viết về tâm giác ngộ (Bát Nhã Ba La Mật Đa) như sau:
Trong Không (Sùnya), không có Trí, không có Đắc (= vô sở đắc) và không có Chứng bởi vì không có Đắc. Trong Tâm của Bồ Tát an trụ trên Bát Nhã Ba La Mật Đa không có những Chướng ngại (= vô ngại); và bởi vì không có những Chướng ngại trong Tâm đó nên không có sợ hãi, và vượt ngoài những tà kiến điên đảo, đạt tới Niết bàn.
Hết thảy chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai do y (dựa) trên Bát Nhã Ba La Mật Đa mà chứng đắc Giác ngộ viên mãn tối thượng.
Với vô sở đắc và vô sở ngại, Phật Giáo Đại thừa diệt được Khổ thuộc về Hành Khổ và Hoại Khổ.
Người có tâm giác ngộ chính là Phật. Phật thực hiện Đại từ bi, hóa độ con người cũng giác ngộ thành Phật như mình thì có danh hiệu là Bồ tát (Bodhisattva). Bồ tát hóa độ trong Bát Nhã Tâm kinh nầy là Bodhisattva Avalokitesvara, được dịch là Quan Tự Tại Bồ tát hay Quan Thế Âm Bồ tát.
*
Như vậy, thay vì cứ tự cho rằng mình biết "không" là "không có" (non-existence) hay "hư không" (nothingness); Phật tử cần hiểu "Không" (Sùnya) của Bát Nhã Tâm Kinh: mọi sự vật bên ngoài tâm của ta đều "không có tự tánh" (without nature).
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Bài viết nầy là 1 đoạn nhỏ trong bài "Giáo Lý Giác Ngộ của Phật Giáo Đại Thừa Thiền Tông" (Bs Phan Thượng Hải) trong phanthuonghai.com mục Văn Hóa phần Giáo Lý.
Bài tiếp theo sẽ nói về "Tu Tâm của Phật Giáo".
_______________________________

3 đoạn trích trong bài "Công Giáo trong Việt Sử" (Bs Phan Thượng Hải) trong phanthuonghai.com
Đây là link của toàn bài, có nói về Paulus Của và nhất là Petrus Ký (2 tín đồ Công Giáo) có công trong việc phát huy chữ Quốc Ngữ.
http://phanthuonghai.com/Documents/tho va su/tong luan/cong giao trong tho va viet su.pdf
CÔNG GIÁO VÀ SỰ THÀNH HÌNH CỦA CHỮ QUỐC NGỮ
(Bs Phan Thượng Hải)
Đạo Thiên Chúa truyền vào Đại Việt
Công Giáo (thuộc Giáo hội Roma) du nhập vào Đại Việt bắt đầu từ năm 1533. Lúc đầu thường được gọi là Đạo Thiên Chúa, Đạo Gia Tô hay Đạo Cơ Đốc. Gia Tô là dịch âm từ Jesus và Cơ Đốc là dịch âm từ Christ. Người sáng lập Đạo là Gia Tô Cơ Đốc (Jesus Christ).
Nguồn Gốc:
Đạo Thiên Chúa (Công Giáo) bắt đầu truyền vào nước ta vào năm 1533. Theo Khâm Định Việt Sử: “Đạo Gia Tô, theo bút ký của tư nhân, tháng 3 năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533) đời Lê Trang Tông có người Tây Dương tên "I Nê Khu"lén truyền đạo Gia Tô ở làng Ninh Cường và Quần Anh, huyện Nam Chân và ở làng Trà Lũ, huyện Giao Thủy”. Ngày nay 3 làng nầy thuộc 3 huyện Trực Ninh, Hải Hậu và Xuân Trường của tỉnh Nam Định. Tên "I Nê Khu"có lẽ là âm từ tiếng Bồ Đào Nha Inacio hay từ tiếng Tây Ban Nha Ignacio do đó Giáo sĩ “I Nê Khu” nầy chỉ có thể là người Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha. (Thực ra vào năm 1533, nước Đại Việt dưới quyền cai trị của nhà Mạc vào thời Thái tổ Mạc Đăng Dung và vua Lê Trang Tông còn ở Ai Lao).
Ở Đàng Trong, có 2 linh mục Luis de Fonseca (Bồ Đào Nha) và Grégoire de la Motte (Pháp) từ Malacca đến truyền giáo ở Quảng Nam dưới thời Chúa Nguyễn Hoàng trong 6 năm (1580-1586).
Diễn Tiến:
Năm 1534, Giáo hoàng Phaolô III thiết lập giáo phận Goa từ mũi Hảo Vọng qua Ấn Độ Dương cho đến Nhật Bản. Năm 1557, một phần của giáo phận Goa thành giáo phận Malacca gồm Indonésie, Mã Lai, Cam Bốt, Chàm, Xiêm, Đại Việt, Trung Hoa và Nhật Bản. Năm 1576, một phần của giáo phận Malacca thành giáo phận Macao gồm Trung Hoa, Nhật Bản và Đại Việt. Đa số các giáo sĩ là những Thừa Sai dòng Tên (Jésuites/Societa Iesu) và dòng Đa Minh (Dominico/Dòng Anh Em Thuyết Giáo).
Năm 1614, đạo Thiên Chúa bị cấm ở Nhật Bản, các Thừa Sai bị đuổi nên về Macau và bắt đầu chuyển sang Đại Việt. Có 2 sự kiện lịch sửxảy ra: Cha Buzomi và Cha Carvalho đổ bộ vào cửa Hàn (ở Đà Nẵng) của Đàng Trong (1615) và Cha Alexandre de Rhodes đổ bộ lên cửa Bạng (ở Thanh Hóa, tên cũ là cửa Thần Phù) của Đàng Ngoài (1627). Các tu sĩ sáng tạo ra chữ Quốc Ngữ dựa trên mẫu tự La Tinh để truyền giáo tuy nhiên cũng có người thông thạo chữ Hán Nôm.
Năm 1645, Cha Alexandre de Rhodes về Roma cổ động nên Hội Thánh ủy quyền cho Hội Thừa Sai Paris (Missions Étrangère de Paris) tổ chức truyền giáo ở Đại Việt. Từ đó Truyền Giáo Thiên Chúa bước từ thời kỳ khai sinh (1533-1659) sang thời kỳ hưng thịnh (1659-1802).
Năm 1659, 2 giáo phận được thành lập ở Đại Việt tách ra khỏi giáo phận Macao: Giáo phận Đàng Trong, Chiêm ThànhvàChân Lạp (Giám mục Pierre Lambert de la Motte làm Đại diện Tông Tòa) và Giáo phận Đàng Ngoài (Giám mục Francois Ballu làm Đại diện Tông Tòa) dưới quyền của Hội Thừa Sai Paris. Giám mục de la Motte lập dòng nữ tu ở Đại Việt là Dòng Mến Thánh Giá (Amantes de la Croix/Congregation of the Holy Cross Lovers) vào năm 1669.
Mặc dù có sự cấm đạo của Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn và nhà Tây Sơn nhưng đạo Thiên Chúa phát triển mạnh và mở thêm giáo phận. Đại Diện Tông Tòa Đàng Trong vào cuối thế kỷ 18 là Giám mục Pigneau de Béhaine (1771-1799) còn gọi là Bá Đa Lộc giúp Nguyễn Vương Phúc Ánh và rất thân với Hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh.
Sau khi Giám mục Bá Đa Lộc (và Hoàng Tử Cảnh) qua đời, đạo Thiên Chúa ở Việt Nam chuyển sang thời kỳ thử thách (1802-1883) với sự cấm đạo nghiêm khắc của các vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức của nhà Nguyễn. Sau đó là thời kỳ phát triển cho đến 30-4-1975.
Thành hình của chữ Quốc Ngữ
Chữ Quốc Ngữ thành hình là nhờ các giáo sĩ ngoại quốc truyền đạo Gia Tô (đạo Thiên Chúa) ở Việt Nam từ thế kỷ 16.
Theo ông Nguyễn Tường Bách, người bắt đầu sáng tạo chữ Quốc Ngữ là Giáo sĩ dòng Tên Francisco De Pina (1585-1625), người Bồ Đào Nha.
Giáo sĩ De Pina bắt đầu đến Macao truyền giáo (1613) rồi tới Đàng Trong (1617). Thấy chữ Hán Nôm khó học nên khó dịch văn bản của Đạo Gia Tô (Kitô Giáo), Francisco De Pina dựa theo phát âm (của người Việt) mà dùng mẫu tự La tinh diễn tả thành chữ viết (như chữ Bồ Đào Nha của ông): chữ Quốc Ngữ của nước ta thành hình (từ năm 1622).
Giáo sĩ De Pina còn viết văn phạm thô sơ cho loại chữ viết mới nầy và từ năm 1624 dạy các giáo sĩ khác trong đó có Antonio De Fontes (1569-?) sinh tại Lisboa (Bồ Đào Nha) và Alexandre De Rhodes (1591-1660) sinh tại Avignon (Pháp).
Tháng 12, 1625,Giáo sĩ De Pina lên 1 chiếc tàu Bồ Đào Nha ở Đà Nẵng để mang hàng hóa vào bờ nhưng chẳng may tàu chìm, Francisco De Pina chết chìm (lúc 40 tuổi). Hai Giáo sĩ tiếp tục công nghiệp của ông là Gaspar De Amaral (1549-1646) và Antonio Barbosa (1594-1647).
Sau đó có 3 người có công tạo ra chữ Quốc Ngữ được nhắc nhở đến nhiều nhứt:
1) Thừa Sai Cha Alexandre De Rhodes (1591-1660) là nhà truyền giáo (missionary) dòng Tên người Pháp. Tên của ông âm ra Hánngữlà A Lịch Sơn Đắc Lộ. Năm 1625, ông đến Hội An rồi năm 1627 ra Bắc Hà. Ông truyền giáo trong 20 năm ở Đàng Trong và Đàng Ngoài và bị trục xuất tất cả 6 lần. Ông bắt đầu học nói tiếng Việt từ một em bé 12 tuổi ở Hội An. Chữ Quốc ngữ đã có được từ các giáo sĩ truyền đạo Thiên Chúa(Công Giáo), Cha Đắc Lộ gom lại và viết thành Từ Điển An Nam Bồ (Đào Nha) La Tinh (Dictionarium Anamiticum Lusitanum et Latinum) vào năm 1651. Cha Alexandre De Rhodes(Đắc Lộ) chết tại Ispahan, Ba Tư (Iran).
2) Thừa Sai Đức Cha Bá Đa Lộc, cũng là người Pháp, tên là Pierre Joseph Georges Pigneau De Béhaine (1741-1799). Bá Đa Lộc là âm từ chữ Pierre. Ông còn được gọi là Cha Cả (?) hay Giám Mục Adran (?) hay Bi Nhu quận công (từ chữ Pigneau). Là Đại Diện Tông Tòa của Đàng Trong(Nam Hà), ông giúp Nguyễn Vương Phúc Ánh chống nhà Tây Sơn. Giám Mục Bá Đa Lộc viết Từ Điển An Nam La Tinh (Dictionarium Anamitico Latinum) vào năm 1773 gồm 4 thứ chữ: La Tinh, Quốc Ngữ, Hán (Nho) và Nôm.
3) Thừa Sai Cố Jean Louis Taberd (1744-1840) là người Pháp, thuộc dòng La Salle (La San) truyền giáo ở Nam Kỳ (1820-1830). Tiếng Việt gọi Taberd là “Từ”. Trường Lasan Taberd thành lập ở Sài Gòn (1873-1975) theo tên của ông. Cố Taberd dựa vào Đắc Lộ và Bá Đa Lộc viết và xuất bản Nam Việt Dương Hiệp Tự Vị (chữ Quốc Ngữ và La Tinh) ở Calcutta vào năm 1838. Ngoài ra ông cũng xuất bản Tự Điển của ông Bá Đa Lộc.
Thừa Sai Cố Taberd có một người Việt giúp làm quyển Nam Việt Dương Hiệp Tự Vị là Thầy Philipphê Phan Văn Minh (1815-1853), người Cái Mơn (thuộc tỉnh Vĩnh Long). Thầy Phan Văn Minh về sau về nước làm Linh Mục và tử đạo. Theo ông Dương Quảng Hàm, nhờ Cha Phan Văn Minh nầy giúp Cố Taberd nên chữ Quốc Ngữ viết giống như ngày hôm nay.
Cũng như vua Minh Mạng, vua Tự Đức cấm đạo Thiên Chúa (Gia Tô) rất nghiêm nhặt. Một nạn nhân nổi danh hậu thế là Linh mục Philipphê Phan Văn Minh (1815-1853), sinh ở Cái Mơn, Vĩnh Long.
Thầy Phan Văn Minh theo Cố Taberd qua chủng viện Pénang (Mã Lai) rồi có sang Calcutta giúp Cố Taberd viết cuốn Tự Điển Việt La Tinh. Theo ông Dương Quảng Hàm, nhờ Thầy Phan Văn Minh sửa đổi nên chữ Quốc Ngữ mới viết như chúng ta viết bây giờ.
Năm 1840, Thầy Phan Văn Minh về nước truyền đạo ở Nam Kỳ và được thụ phong Linh Mục. Năm 1848, sau khi lên ngôi vua Tự Đức bắt đầu cấm đạo Thiên Chúa (Công Giáo) gắt gao và từ năm 1851, có ra lệnh chém đầu thả trôi sông những “Tây Dương đạo trưởng”. Cha Phan Văn Minh chịu chung số phận và tử đạo vào năm 1853.
Ngày 19-6-1988, Cha Phan Văn Minh cùng với 116 người Việt Nam khác được Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ đệ nhị phong Thánh. Tất cả là 117 Thánh Tử Đạo của Việt Nam.
Ngày nay có nhà thờ Công giáo của giáo dân người Mỹ gốc Việt mang tên Cha (Philip Phan Văn Minh) ở Orlando, Florida.
Cha Phan Văn Minh làm thơ bằng chữ Quốc Ngữ và có lẽ là những bài thơ đầu tiên (bằng chữ Quốc Ngữ).
NƯỚC TRỜI
Đời trước Thiên cơ bất khả lậu
Đời nay Con Chúa đã ra đời
Nho gia không còn chi ẩn dấu
Thiên cơ là chính thật nước Trời.
(Linh mục Phan Văn Minh)
Cha Phan Văn Minh sáng lập Hội Thơ E Vang (E Vang = Évangile = Phúc Âm = Tin Mừng)
KHAI HỘI THƠ VỊNH E VANG
Gia cang đất nước có thân danh
Tô điểm E Vang tận gốc nhành
Cơ cấu nhân sinh theo đạo thánh
Đốc hành thế sự với tân thanh
Con đường bác ái khi chung sống
Đức độ công bằng lúc đấu tranh
Chúa đã hoằng khai nguồn cứu rỗi
Trời cao không bỏ kẻ ngay lành.
(Linh mục Phan Văn Minh)
Cha Phan Văn Minhcó bài thơ về “Gia Tô Cơ Đốc” (Gia Tô=Jesus. Cơ Đốc=Christ=Ki Tô) được tất cả 48 bài họa riêng 3 bài cuối làm sau khi Cha qua đời.
GIA TÔ CƠ ĐỐC
(Xướng)
Gia Tô Cơ Đốc đấng con Trời
Đặc cách lâm phàm cứu khắp nơi
Chẳng lấy lợi danh mà tạo nghiệp
Không dùng vương bá để xây đời
Vâng lời thiên mệnh đành thân diệt
Gánh tội nhân gian chịu máu rơi
Dĩ nhược thắng cường mệnh chứng tỏ
Kiếp sau hiện hữu sống muôn thời.
(Cha Phan Văn Minh)
Trong 48 bài họa có 2 bài họa của ông Đồ Ốc ở Giồng Giăng, Ba Tri với 2 bài tự họa trả lời của Cha Phan Văn Minh là rất đặc biệt và thú vị:
(Họa 1) (Tự họa 1)
Thế gian vạn sự nói do Trời Cai trị thế gian luật của Trời
Nhưng tại làm sao khổ khắp nơi Có yên có khổ cũng tùy nơi
Cứu khổ đã nêu bên đạo Chúa Tranh danh: oán hận do người thế
Giải nguy chưa thấy phía người đời Giành lợi: chiến tranh tại thói đời
Triều đình Nam Quốc xô không ngã Thuốc bổ vào người sinh thuận nghịch
Đạo trưởng Tây Phương bám chẳng rơi Đạo nguy nhập thế có xuôi rơi
Đã đẩy giáo nhơn vào thế khổ Xưa nay đạo khổ do tham vọng
Vậy ai phải chịu bất tri thời. Lịch sử chứng minh kẻ thức thời.
(Đồ Ốc) (Cha Phan Văn Minh)
(Họa 2) (Tự Họa 2)
Đạo khổ xưa nay vốn tại Trời Sống ở thế gian chẳng khỏi Trời
Thất mùa ôn dịch khắp nơi nơi Khác nào loài cá khắp nơi nơi
Thủy tai chôn lấp bao nhiêu mạng Sông sâu khoẻ xác tha hồ lặn
Địa chấn nát tan mấy cuộc đời Sông cạn phơi thây há trách đời
Khổ đó con người làm chẳng được Cá có oán sông lên hoặc xuống
Nạn nầy tạo hóa trút đầy rơi Mình không biết nước lớn hay rơi
Thiên tai đại nạn Trời làm cả Dĩ nhiên phải chịu vì không biết
Nhân loại chỉ gây giặc nhứt thời. Thượng bất oán Thiên lẽ thức thời.
(Đồ Ốc) (Cha Phan Văn Minh)
Hậu thế cũng có bài họa:
GIÊ SU KI TÔ(Họa)
Vinh danh đẹp ý Chúa trên trời
Đem đến Tin Mừng khắp mọi nơi
Nếu giữ thiện tâm gìn bác ái
Được đầy ơn phước sống yên đời
Niềm tin nhân loại luôn kỳ vọng
Cứu thế Giê Su chẳng bỏ rơi
Sẽ đến Thiên Đàng nơi vĩnh cửu
Hết còn đau khổ lúc sinh thời.
(Phan Thượng Hải)
4/22/16
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
_______________________________
CHUỐI & CA DAO
= Banana
= Musa acuminata and Musa balbisiana
Các loại Chuối:
Nhóm Chuối Già (Chuối Tiêu)
Chuối Già Hương
Chuối Già Lùn
Chuối Già Cúi
Chuối Tiêu Hồng
Chuối Lùn
Chuối Táo Quạ
Chuối La Ba (từ tiếng Pháp La Banane): đặc sản của Đà Lạt
Chuối Sáp: không ăn chín được
Nhóm Chuối Sứ (Chuối Tây)
Chuối Cau, Chuối Cau Lửa
Chuối Ngự
Chuối Xiêm
Nhóm các loại Chuối khác:
Chuối Hột hay Chuối Chát
Chuối Bom hay Chuối Bơm
Ca dao:
Bao giờ cho chuối có cành
Cho sung có nụ cho hành có hoa
Bao giờ trạch đẻ ngọn đa
Sáo đẻ dưới nước thời ta lấy mình
Bao giờ cây cải làm đình
Gỗ lim làm gối thời mình lấy ta.
Này em ơi, bánh nhiều lắm sao gọi là bánh ít
Chuối non èo sao gọi là chuối già
Đối như anh vậy chắc là xứng đôi.
Đầu giồng có trồng cây chuối
Cuối giồng có trồng cây da
Ngã ba có cây đại hồng
Gái chưa chồng trong lòng hớn hở.
Đầu giồng có trồng cây chuối
Cuối giồng có trồng cây da
Ngã ba có cây đại hồng
Gái chưa chồng trong lòng hớn hở
Trai chưa vợ ruột tợ trái chanh
Ngó lên mây trắng trời xanh
Thương ai cũng vậy thương anh cho rồi.
Đầu làng có bụi chuối khô
Ngó về xóm cũi có hai cô chưa chồng
Gió lay đập gẫy nhành vông
Ai về đường ấy, nhắn đây là chồng hai cô!
Gió đưa bụi chuối sau hè
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ.
Gió đưa bụi chuối sau hè
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ
Con thơ tay ẵm tay bồng
Tay dắt mẹ chồng đầu đội thúng bông.
Gió đưa bụi chuối sau hè
Bụi môn trước cửa ai dè em hư.
Gió đưa bụi chuối te tàu
Chàng nam thiếp bắc làm giàu ai ăn.
Ngó lên cây chuối trổ hoa
Nghỉ thương mẹ già vất vả quanh năm.
Trách ai trồng chuối dưới bàu
Trái ăn lá rọc cho tàu xác xơ.
Trông ra bụi chuối ở cuối bụi tre
Bậu nghe lời ai dụ đánh anh què một chân.
Sá gì một nải chuối xanh
Năm bảy người dành cho mủ dính tay.
Câu đố:
Cong cong như cái lưỡi cày
Cả trăm con sáu đậu ngày đậu đêm.
Bằng trang cườm tay, để ngay bàn Phật
Phan Thượng Hải biên soạn
Bản Vọng Cổ
(Bs Phan Thượng Hải biên soạn)
Bản Vọng Cổ, trước hết có tên là Dạ Cổ, do ông Cao Văn Lầu tục gọi là Sáu Lầu ở Bạc Liêu sáng chế hồi năm 1920 lúc ông 30 tuổi (3 năm sau khi Cải Lương ra đời vào năm 1917).
Ông cưới vợ được 10 năm nhưng không có con nên cha mẹ ông buộc phải cưới vợ khác vì sợ tuyệt tự. Ông buồn rầu quá không muốn làm ăn gì nữa. Ban ngày ra ngoài đồng, ông nghiền ngẫm những lời vợ ông nói trước khi chia tay, ông vẫn biết đờn cổ nhạc nên trong tâm trạng người chồng đau khổ trước cảnh gia đình tan rã, ông cảm hứng tạo ra bản nhạc 20 câu gọi là “Dạ Cổ Hoài Lang” (Đêm khuya nghe tiếng trống nhớ chồng) có ý để kỷ niệm tâm tình của vợ ông đối với ông. Về sau bản nhạc ấy đổi tên là “Vọng Cổ Hoài Lang” (= Trông mối tình xưa mà nhớ đến chồng) cho rộng nghĩa hơn.
Tuy nhiên, sau khi ông Sáu Lầu sáng tác bản Vọng Cổ đầu tiên nầy thì Vợ của Ông thụ thai và sau đó Ông Bà ăn ở với nhau có tất cả 6 người con (và hình như ông Sáu Lầu không có vợ nào khác).
Đây là lời bản "Dạ Cổ Hoài Lang" nguyên thủy của ông Sáu Lầu sáng tác hồi năm 1920 (có 20 câu):
DẠ CỔ HOÀI LANG (Nhịp Đôi)
1. Từ là từ phu tướng
2. Bửu kiếm sắc phong lên đàng
3.Vào ra luống trông tin chàng,
4. Đêm năm canh mơ màng,
5. Em luống trông tin nhàn,
6. Ôi, gan vàng quặn đau.
7. Đường dầu xa ong bướm,
8. Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang.
9. Còn đêm luống trông tin bạn,
10. Ngày mỏi mòn như đá vọng phu,
11. Vọng phu vọng, luống trông tin chàng,
12. Lòng xin chớ phụ phàng.
13. Chàng hỡi, chàng có hay,
14. Đêm thiếp nằm luống những sầu tây.
15. Biết bao thuở đó đây xum vầy,
16. Duyên sắt cầm đừng lợt phai.
17. Thiếp cũng nguyện cho chàng,
18. Nguyện cho chàng hai chữ bình an.
19. Mau trở lại gia đàng,
20. Cho én nhạn hiệp đôi.
Bản Vọng Cổ nguyên thủy nầy ca giọng Bắc (đã biến thể), nhịp đôi và có 20 câu (mỗi câu có khoảng 6,7 chữ) được thông dụng từ 1920 cho đến 1926.
Sau đó bản Vọng Cổ tăng nhịp, xuống 12 câu rồi 6 câu và thêm chữ (cho mỗi câu) cho đến khoảng đầu thập niên 1950s thì đã thành bản Vọng Cổ hiện tại (rất được ưa chuộng) ca giọng Nam (có pha hơi Oán), nhịp 32 hay 64 và có 6 câu (mỗi câu có số chữ lên đến 60,70 chữ).
Năm 1920: ông Sáu Lầu sáng chế bản Vọng Cổ nhịp đôi 20 câu.
Năm 1927: soạn giả kiêm nghệ sĩ Năm Châu (Nguyễn Thành Châu) đổi thành nhịp tư 12 câu.
Năm 1936: nghệ sĩ Năm Nghĩa (Lư Hòa Nghĩa) đổi thành nhịp tám 6 câu. Câu có nhiều chữ hơn nên ca chậm và ngân nga nhiều ở mấy chữ cuối câu.
Năm 1946: nghệ sĩ Út Trà Ôn (Nguyễn Thành Út) đổi thành nhịp 16,6 câu với lối ca nhịp nhàng hơn.
Năm 1955: soạn giả Viễn Châu (tức nhạc sĩ Bảy Bá) đổi thành nhịp 32 6 câu với số chữ trong câu tăng nhiều hơn.
Ông Bảy Bá là một thi sĩ kiêm nhạc sĩ nên những bài ca của ông soạn rất dễ ca và ý tứ dồi dào câu văn điêu luyện gọn gàng hấp dẫn. Bài ca của ông xuất bản rất nhiều và giới mộ điệu thường tặng cho ông danh hiệu “Vua soạn Vọng Cổ”.
Năm 1965: soạn giả Viễn Châu lại đổi thêm ra nhịp 64 6 câu bắt đầu áp dụng cho những bài Vọng Cổ hài hước của ông (thường do Hề Văn Hường ca). Tuy ca sĩ ca nhịp 64 nhưng đờn nhịp 128 vì mấy cái láy của bài ca người đờn ni bằng chơn trái nên nhịp chẻ bằng hai số nhịp của bài ca. Còn nhịp chánh ni bằng chơn mặt.
Ngoài việc đổi thành nhịp 16, nghệ sĩ Út Trà Ôn còn lồng vào câu Vọng Cổ những điệu Hò hay điệu nói thơ Vân Tiên…Do đó ông được tặng danh hiệu “Đệ nhứt danh ca miền Nam”. Đến năm 1964, soạn giả Cổ Nhạc cho lồng vào câu Vọng Cổ những điệu Tân Nhạc. Năm 1965 có những bản Vọng Cổ mới gọi là “Tân Cổ Giao Duyên”.
Thường trong tuồng Cải Lương, khi một người ca dứt 1 câu Vọng Cổ, nhằm nhịp Song Lang chót rồi thì đờn nhồi 12 nhịp hoặc 8 nhịp mới bắt qua câu kế. Trong khoảng đờn nhồi nầy vai tuồng không ca. Vậy để tránh cho khỏi “nguôi” tuồng, soạn giả thường cho vai đối thoại nói lối thêm 1 câu ngắn gọi là “Nói lối giặm” đặng trám vào khoảng trống nầy, rồi người ca mới bắt qua câu Vọng Cổ kế.
Để giúp nghệ sĩ “vô” Vọng Cổ (trước câu 1 hay câu 4 hoặc 5), soạn giả thường áp dụng nhiều phương pháp khác nhau để “gối đầu” bản Vọng Cổ:
Dùng những bản ngắn cổ điển: Sơn Đông Hướng Mã, Cao Phi, Giang Tô, Thủ Phong Nguyệt, Hướng Mã Hồi Thành, Lý Con sáo, Lưu Thủy Hành Vân…
Dùng câu lối văn xuôi.
Dùng câu lối văn vần (dùng đủ thể thơ mới hay cũ).
Dùng bản Tân nhạc mới chế có đệm nhạc hay ngâm Tao Đàn.
Dùng bản Tân Nhạc có sẵn (Tân Cổ Giao Duyên). Phương pháp nầy chỉ có cho dĩa hát chớ không thể dùng trong tuồng Cải Lương.
Nốt nhạc dùng trong câu vọng cổ khác nhau giữa giọng Kép và giọng Đào và cũng tương đương với nốt tân nhạc:
Giây Kép: Hò Xự Xang Xê Cóng
La Si Ré Mi Fa
Giây Đào: Hò Xự Xang Xê Cóng
Mi Fa La Si Do
Khi còn 20 câu, mỗi câu phải chấm dứt với 1 nốt nhứt định nhưng khi thêm chữ và xuống số câu (bây giờ là 6 câu) thì hình như không bắt buộc nữa.
Bản Vọng Cổ bắt đầu là điệu tâm tình buồn nhưng nó còn dùng trong những trường hợp khác cho đến cả hài hước như “Vọng Cổ hài hước” của Hề Văn Hường. Cách ca Vọng Cổ cũng cải tiến vào thời VNCH ngoài cách thông thường và theo kiểu Út Trà Ôn còn có theo kiểu Minh Cảnh (Minh Phụng và Minh Vương) hay kiểu Thanh Sang…
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
___________________________
ĐẠO GIA VÀ ĐẠO GIÁO
Vô Vi là trọng điểm của Triết học của Lão tử. Xin trích một đoạn trong bài "Triết Lý của Lão tử và Trang tử" (Bs Phan Thượng Hải) trong phanthuonghai.com mục Văn Hóa phần Giáo Lý. Cũng có thể đọc nguyên bài từ link dưới đây:
http://phanthuonghai.com/Documents/van hoa/2 giao ly/triet ly cua lao tu va trang tu.pdf
Lão tử và Trang tử là hai triết gia chánh của Đạo Gia Trung Quốc vào cuối thời Xuân Thu và thời Chiến Quốc.
Triết lý của Lão tử có ghi trong Đạo Đức kinh mà theo truyền thuyết là tác phẩm của ông. Do đó Đạo Đức kinh còn được các học giả cũ gọi là sách Lão tử.
Triết lý của Trang tử có ghi trong Nam Hoa kinh. Tương truyền Trang tử là tác giả của Nam Hoa kinh nên nó còn có tên là sách Trang tử.
* Đạo Gia
Đạo Gia là một phái triết học có từ thời Xuân Thu (771 tr CN - 476 tr CN) và thời Chiến Quốc (tiếp theo thời Xuân Thu cho tới khi Tần Thủy Hoàng đế thống nhất Trung Quốc vào năm 221 tr CN) với 3 triết gia tiêu biểu là Dương Chu, Lão tử và Trang tử.
Lịch sử và danh hiệu của Đạo Gia được ghi lần đầu tiên trong bài văn "Luận Lục Gia Yếu Chỉ" của Tư Mã Đàm (cha của Tư Mã Thiên), đăng trong Sử Ký của Tư Mã Thiên. Trong đó, Tư Mã Đàm xếp các triết gia của thời Xuân Thu và Chiến Quốc thành 6 học phái lớn, gọi là Lục Gia (Gia = Phái). Theo Tư Mã Đàm, 1 trong Lục Gia là Đạo Đức Gia gồm có những môn đồ của học phái nầy đặt vào trung tâm học thuyết siêu hình và xã hội của họ ý niệm hư vô tức là "Đạo" và sự ngưng kết của Đạo trong mỗi cá nhân được coi là "Đức tính" tự nhiên của con người. Phần "Đức" nầy nên hiểu là năng lực liên quan tới mọi vật cá biệt. Phái nầy được Tư Mã Đàm gọi là Đạo Đức Gia, về sau chỉ gọi là Đạo Gia.
Đạo Gia và Nho Gia là 2 học phái lớn nhất trong Lục Gia vào thời Xuân Thu và Chiến Quốc ở Trung Quốc.
Những triết gia trong Nho Gia vốn do ở các học giả. Từ ngữ "Nho" có nghĩa là người học giả có đủ trí thức.
Những triết gia trong Đạo Gia vốn do ở các ẩn sĩ lánh xã hội.
* Lão tử và Trang tử
Hai triết gia chánh của Đạo Gia là Lão tử và Trang tử và hai triết gia chánh của Nho Gia là Khổng tử và Mạnh tử (Tử = thầy).
Lão tử là triết gia đầu tiên đưa ra khái niệm Đạo và Đức của Đạo Gia (Đạo Đức Gia) trong Đạo Đức kinh. Do đó có thể nói Lão tử là người sáng lập Đạo Gia cũng như Khổng tử là người sáng lập Nho Gia.
Nho Gia cũng có khái niệm "Đạo Đức" nhưng khái niệm triết học "Đạo Đức" của Nho Gia hoàn toàn khác hẳn khái niệm triết học "Đạo Đức" của Đạo Gia.
Lịch sử không biết rõ nhiều về Lão tử. "Lão tử" có nghĩa là "ông Thầy già". Đây là những dữ kiện được biết nhưng không chắc chắn về Lão tử:
Ông sinh vào năm 571 tr CN và qua đời năm 471 tr CN.
Ông họ Lý và tên là Nhĩ, tên tự là Bá Dương.
Ông có tên thụy là Đam (có nghĩa là "bí ẩn"). Do đó có giả thuyết cho rằng ông là một quan Thái sử của một nước chư hầu tên là Đam và hậu thế gọi ông là Lão Đam.
Theo truyền thuyết, vì chán nản chính sự lúc bấy giờ nên Lão tử cỡi một con trâu đi về hướng Tây của Trung Quốc và "biến mất vào sa mạc". Khi đi ngang qua cửa ải Hàm Cốc, một người lính gác cửa thuyết phục ông viết để lại những hiểu biết của mình trước khi đi vào sa mạc. Lão tử xiêu lòng nên mới viết để lại Đạo Đức kinh, lưu truyền tới ngày nay.
Trang tử tên thật là Trang Chu (369 tr CN - 286 tr CN). Theo Sử ký của Tư Mã Thiên, ông tên là Trang Chu, người đất Mông, làm quan Lại ở Tất Viên (?), sau đó sống ẩn dật cho đến cuối đời. Đất Mông thuộc nước Tống, một nước chư hầu nhỏ trong thời Chiến Quốc.
Hậu thế truyền tụng nhiều truyền thuyết thú vị về Trang tử (cũng như tác phẩm của ông là Nam Hoa kinh) như là:
Trang Chu mộng hồ điệp.
Trang tử cổ bồn ca.
..................................
* Đạo Gia và Đạo Giáo
Tần Thủy Hoàng đế thống nhất Trung Quốc, gồm thâu 6 nước (thế kỷ thứ 3 tr CN), thời Chiến Quốc chấm dứt (năm 221 tr CN). Nhà Hán (206 tr CN - 220) tiếp theo nhà Tần trị vì Trung Quốc trong hơn 4 thế kỷ. Đến thời nhà Hán có một tôn giáo xuất hiện là Đạo Giáo:
Vì nó có liên quan tới Đạo Gia của thời Xuân Thu và thời Chiến Quốc nên được có tên là Đạo Giáo.
Vì nó có tôn thờ Lão tử nên còn có tên là Lão giáo.
Hai ngành của Đạo Giáo:
Ngành đầu tiên thường được gọi là Tiên Đạo. Những người đi tu theo Tiên Đạo là những Chơn nhơn ẩn tu trong thiên nhiên rừng núi luyện đơn (luyện thuốc) mà thành Tiên, sống trường sinh bất tử và có phép lạ. Ngành nầy được nói đến trong lịch sử là câu chuyện về Trương Lương, trọng thần của Hán Cao tổ (vị vua sáng lập nhà Hán), đi tu theo ông tiên là Hoàng Thạch Công. Ngành nầy thường được biết với truyền thuyết Bát Tiên, đứng đầu là Lý Thiết Quày và Hớn Chung Ly (Chung Ly Quyền) thời nhà Hán. Bát Tiên gồm có Lý Thiết Quày, Hớn Chung Ly, Lữ Đồng Tân, Trương Quả Lão, Lam Thể Hòa, Hà Tiên cô, Hàn Tương Tử và Tào Quốc cựu. Đường lối sống ẩn tu theo thiên nhiên rất hợp với triết lý Đạo Gia và những triết gia của Đạo Gia như Lão tử hay Trang tử cũng là những ẩn sĩ. Dĩ nhiên ngành Đạo Giáo nầy không phổ thông trong xã hội và dễ trở thành thần thoại.
Ngành thứ nhì là những người đi tu gọi là Đạo sĩ, thờ Lão tử, một triết gia của Đạo Gia (tôn là Thái Thượng Lão Quân) dùng phương thuật, tế lễ, bùa chú, kinh kệ, thờ cúng, trị bệnh... Ngành thứ nhì có lẽ đã thành hình từ lâu nhưng chính thức xuất hiện trong lịch sử từ Trương Đạo Lăng (cháu 8 đời của Trương Lương) vào cuối thời nhà Hán. Giáo pháp của ngành nầy đi ngược với triết lý của Đạo Gia. Ngành thứ nhì nầy của Đạo Giáo rất phổ biến trong xã hội nhân gian Trung Quốc và lưu truyền sang các nước láng giềng như Việt Nam. Nó rất gần với và dễ trở thành mê tín. Những Đạo sĩ có khi là những Phù thủy.
Như vậy Đạo Gia và Đạo Giáo khác nhau. Đạo Giáo là một tôn giáo có từ thời nhà Hán còn Đạo Gia là một học phái triết học trong thời Xuân Thu và Chiến Quốc.
* (Lịch sử)
Đạo Gia và Nho Gia là 2 học phái triết lý lớn nhất trong Lục Gia vào thời Xuân Thu và Chiến Quốc ở Trung Quốc. Từ thời Hán Vũ đế vào đầu nhà Hán (thế kỷ thứ 2 tr CN) cho tới nhà Thanh (đầu thế kỷ 20), triết lý của Nho Gia (Nho Học, Nho Đạo, Nho Giáo) chiếm địa vị độc tôn trong chính trị và văn hóa của xã hội Trung Quốc nên Đạo Gia suy tàn từ đó, chỉ còn Đạo Giáo tồn tại.
* Triết lý Đạo Gia theo Trang tử từ Lão tử
Theo Lão tử, Đạo là cái bởi đó mọi vật sinh ra. Khi sinh ra, riêng mỗi vật đều nhận từ cái phổ biến một phần từ Đạo gọi là Đức. Đức có nghĩa là "tiềm thế" hay "đức tính". Đức của mỗi vật là cái mà tự nhiên đã phó cho riêng mỗi vật.
Tóm lại, Đạo là cái bởi đó mọi vật sinh ra và Đức là cái bởi đó mọi vật trở thành vật.
Đạo Đức kinh viết:
Mọi vật đều tôn Đạo và quý Đức.
Trang tử cũng có những tư tưởng về Đạo và Đức giống như Lão tử.
Nam Hoa kinh viết:
Thoạt đầu tiên thì có vô. Vô có vô danh. Một do đó mà sinh, có một mà chưa có hình. Vật được đó mà sinh gọi là Đức.
Theo Trang tử, Đức là cái bản tính và khả năng của mỗi vật.
Lão tử áp dụng Đạo Thường và Đức vào đường lối xử thế (Vô Vi). Trang tử áp dụng Đạo và Đức vào đường lối đạt hạnh phúc.
* Đường lối theo Đức đạt Hạnh phúc tương đối (Relative Happiness)
Đức là cái làm cho ta trở thành ta; là bản tính và khả năng của ta. Sống sung sướng khi cái Đức ấy, khi những khả năng tự nhiên của ta được xử dụng trọn vẹn và tự do, nghĩa là khi bản tính ta được phát triển trọn vẹn và tự do. Đó là đường lối để đạt hạnh phúc tương đối của Trang tử.
Liên quan tới ý tưởng phát triển tự do nầy, Trang tử đưa ra sự tương phản giữa tự nhiên và nhân vi. Ông gọi tự nhiên là theo trời và nhân vi là theo người. Theo trời là nguồn gốc mọi điều hạnh phúc và tốt lành; theo người là nguồn gốc mọi đau khổ và tai họa.
Mọi vật đầu khác nhau về khả năng tự nhiên cũng như bản tính cũng không giống nhau. Tuy nhiên điều giống nhau là mỗi vật đều được hạnh phúc ngang nhau khi khả năng được sử dụng hay bản tính được phát triển trọn vẹn và tự do.
Thiên Tiêu Dao Du của Nam Hoa kinh kể chuyện con chim đại bàng và con chim tu hú. Khả năng của 2 con chim đều hoàn toàn khác nhau. Con chim đại bàng thì có thể bay xa hàng vạn dặm còn con chim tu hú chỉ có thể bay từ cây nầy sang cây khác. Cả hai đều sung sướng ngang nhau vì có thể làm những việc mỗi con có thể làm và mỗi con đều yêu thích.
Không có sự nhất trí tuyệt đối trong bản tính của mọi vật, mà cũng chẳng cần gì có sự nhất trí như vậy.
Nam Hoa kinh viết:
Bởi thế chân vịt tuy ngắn nhưng nối thêm thì vịt lo. Chân hạc tuy dài nhưng chặt đi thì hạc buồn. Cho nên tính dài không phải để chặc đi, tính ngắn không phải để nối thêm.
Theo Trang tử, sống và hoạt động theo Đức tức là bản tính được phát triển tự do và trọn vẹn với những khả năng tự nhiên được sử dụng tự do và trọn vẹn. Tuy nhiên như vậy chỉ ta chỉ đạt được Hạnh phúc có giới hạn tức là tương đối. Sự giới hạn hay ngăn trở là do sự vật bên ngoài (ngoại vật) hay nói rõ hơn là do diễn tiến tự nhiên của những sự vật bên ngoài. Do đó sự vật chính nó có thể làm ta đau khổ; hay tình cảm của ta đối với nó là nguyên nhân chính làm ta đau khổ thật sự và nhiều hơn.
* Đường lối theo Đạo đạt Hạnh phúc tuyệt đối (Absolute Happiness)
.............
Thánh nhân có quan điểm hiểu biết siêu việt sáng suốt và không có hoặc quên đi quan điểm hiểu biết thiển cận phân biệt. Thánh nhân vượt qua sự phân biệt mà hợp nhất với vạn vật. khi đó thánh nhân sống sung sướng trong vạn vật.
Nam Hoa kinh viết:
Trời đất là vạn vật hợp nhất. Đạt tới cái Nhất thì làm một với trời đất, tay chân ta không hơn gì bùn đất; sống chết, đầu cuối, không khác gì sự nối tiếp của ngày đêm, đều không thể làm bận lòng. Như vậy, hẳn không bận tâm vì được thua, may rủi.
Đạo gia gọi "đạt tới cái Nhất" nghĩa là hợp nhất với vạn vật.
Ở đây Trang tử cũng đã đạt tới giải đáp cuối cùng của vấn đề bản lai của Đạo Gia nguyên thủy như thế nào. Vấn đề ấy là giữ mạng sống và tránh đau khổ hiểm nguy. Nhưng đối với Thánh nhân, chính nó không còn là vấn đề nữa vì thánh nhân không phân biệt nữa. Thánh nhân không còn phân biệt, xem sống cũng như chết, thua cũng như được.
Nam Hoa kinh viết:
Phải mà không phải, vậy mà không vậy. Phải nếu quả thật là phải, thì phải khác với không phải, chẳng có chi là phải bàn. Vậy nếu quả thật là vậy, thì vậy khác với không vậy, cũng chẳng có chi phải bàn. Hãy quên sự phân biệt phải trái. Hãy vui trong cõi vô cùng và dừng tại đấy.
Cõi vô cùng là cảnh giới của người đạt Đạo, kinh nghiệm đời sống trong cõi vô cùng. Người nầy quên tất cả những phân biệt về mọi vật, ngay những kinh nghiệm trong chính đời sống của chính người ấy.
Như vậy, Thánh nhân vượt qua sự phân biệt mà hợp nhất với vạn vật thì thánh nhân sống sung sướng trong vạn vật, có Hạnh phúc tuyệt đối.
Nên Nam Hoa kinh đã có viết:
Nếu dựa vào cái chính của trời đất, cỡi trên sự biến hóa của lục khí, để rong chơi trong cõi vô cùng.
Người nầy hoàn toàn tự tại nên có Hạnh phúc tuyệt đối.
Thánh nhân làm một với Đại Nhất nghĩa là làm một với vạn vật. Bởi vì vạn vật luôn luôn tồn tại nên Thánh nhân cũng không ngừng tồn tại.
Nam Hoa kinh viết:
Giấu thuyền dưới vũng, dấu lưới trong hồ, có thể gọi là chắc vậy. Nhưng nửa đêm, một người sức lực đến mang đi, người mê muội sẽ không biết tới. Giấu vật lớn nhỏ đều có chỗ thích nghi, vẫn còn có thể mất. Nhưng nếu giấu thiên hạ trong thiên hạ thì không thể mất, đó là tình lớn của mọi vật. Cho nên Thánh nhân dạo chơi trong cõi vật thì không thể mất mà cùng còn.
Do đó Thánh nhân cũng không bao giờ ngừng tồn tại hay nói đúng hơn Hạnh phúc tuyệt đối của thánh nhân tồn tại chắc chắn.
Tóm tắt:
Từ sự hiểu biết bản chất tự nhiên của sự vật, tâm thức của thánh nhân không có quan điểm thiển cận mà có quan điểm siêu việt sáng suốt (vượt qua sự thiển cận).
Quan điểm thiển cận là phân biệt mọi sự vật vì không nhìn thấy sự tương đối của sự vật.
Quan điểm sáng suốt siêu việt là đứng ngoài sự phân biệt mọi sự vật, nhìn thấy sự tương đồng và tương ứng mặc dù tương phản của mọi sự vật và cuối cùng không phân biệt mình với mọi sự vật (ngã và vô ngã). Quan điểm siêu việt còn được Đạo Gia gọi là Quan điểm của Đạo. Từ đó thánh nhân sống hợp Nhất với vạn vật và như thế sống sung sướng tồn tại trong mọi sự vật, đạt được Hạnh phúc tuyệt đối.
......................
* Triết lý của Đạo Gia theo Trang tử và Thiền Tông
Triết lý của Trang tử không khác với triết lý của Thiền Tông.
- Trang tử của Đạo Gia dạy:
Đức là bản tánh bẩm sinh khác nhau của mỗi người. Sống theo Đức tức là phát triển khả năng bẩm sinh của mình một cách trọn vẹn và tự do thì ta đạt Hạnh phúc tương đối.
Mọi sự vật đều tương đối, nếu tâm ta không phân biệt sự vật thì ta hợp nhất với mọi sự vật và sống sung sướng trong mọi sự vật. Khi đó ta đạt Hạnh phúc tuyệt đối.
- Thiền Tôngcủa Phật Giáo Đại Thừa dạy:
Phật Tánh (Bản tâm) từ bi là bản tánh bẩm sinh giống nhau của mỗi người
Mọi sự vật đều tương đối (vì đều vô ngã), nếu tâm ta không dính chặc (trụ) vào sự vật thì Phật Tánh trong ta sẽ lộ ra Từ bi, sống dung hòa với mọi sự vật. Khi đó tâm ta an tịnh và thoát khỏi Phiền não.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
Tài liệu tham khảo:
1) Đại Cương Triết Học Sử Trung Quốc (Phùng Hữu Lan - Nguyễn Văn Dương dịch)
2) Giáo Lý Giác Ngộ của Phật Giáo Đại Thừa Thiền Tông (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com

Phan Thượng Hải: THƠ THU _______
THU HỨNG
Cảnh vật mùa thu mở lối đường
Khơi nguồn nghệ thuật thú văn chương
Lạnh lùng thời tiết qua mưa nắng
Ảm đạm thiên nhiên đổi sắc hương
Cảm động tâm tư, lòng tiếc nhớ
Cảm hòa tình tứ, dạ sầu thương
Thi nhân say tỉnh hồn thơ mộng
Thu hứng nên vần thỏa vấn vương.
(Phan Thượng Hải)
9/20/21
BÁNH TRUNG THU
Mời nhau thưởng thức bánh Trung Thu
Hình thể tròn vuông vẫn đặc thù (*)
Đối ẩm chuyện trò vui lão cụ
Được ăn ca hát sướng thằng cu
Ấm lòng vọng nguyệt, trăng ngời sáng
Vững dạ rước đèn, nến tỏ lu
Thú vị ngọt ngào trong dịp lễ
Ngàn năm truyền thống đẹp mùa thu.
(Phan Thượng Hải)
9/20/21
_______________________________
BÀN VỀ THƠ MỚI
(Trích 2 Đoạn trong bài tựa đề "THƠ MỚI" mới đăng trong website phanthuonghai.com qua link: http://phanthuonghai.com/Documents/tho van/lam tho/tho moi.pdf)
(1)
Danh từ "Thơ Mới" bắt đầu xuất hiện cùng lúc với phong trào "Thi Nhân Tiền Chiến". Vào đầu thập niên 1930s cho đến lúc bắt đằu cuộc chiến tranh 1945-1954 (thời kỳ Tiền Chiến), có xuất hiện nhiều thi nhân làm những Bài Thơ Mới và sáng tạo để áp dụng thêm những Thể Thơ Mới. Do đó đề tài Thơ Mới gồm có Bài Thơ Mới và Thể Thơ Mới. Thơ Mới luôn dùng chữ Quốc ngữ.
Một Bài Thơ trong lịch sử thi văn nước Việt có 3 loại:
Bài Thơ Cổ Điển
Bài Thơ Mới Có Vần
Bài Thơ Mới Không Có Vần
* Bài Thơ Cổ Điển (Luôn Có Vần)
Thi nhân nước Việt sau khi dành độc lập nhất từ thời nhà Lý (thế kỷ thứ 10) đã có làm Thơ Cổ Điểnvới những Bài Thơ Cổ Điển dùng chữ Hán và chữ Nôm theo những Thể Thơ Cổ Điển.
Đường Luật Bát Cú (Bát Cú = 8 câu)
Đường Luật Tứ Tuyệt (Tứ Tuyệt = 4 câu)
Cổ Phong Tràng Thiên
Lục Bát Đoản Thiên hoặc Tràng Thiên
Song Thất Lục Bát Đoản Thiên hoặc Tràng Thiên
(Bài Thơ Đoản Thiên có từ 8 câu trở xuống. Bài Thơ Tràng Thiên có nhiều hơn 8 câu).
Một Bài Thơ Cổ Điển chỉ dùng một Thể Thơ Cổ Điển mà thôi. Một Bài Thơ Cổ Điển Tràng Thiên thì luôn luôn liên tục.
Từ thế kỷ thứ 19, thi nhân của Thơ Cổ Điển dùng chữ Quốc ngữ.
* Bài Thơ Mới Có Vần
Thi nhân nước Việt dùng chữ Quốc ngữ (nhất là từ đầu thập niên 1930s) bắt đầu sáng tạo thêm những Thể Thơ Mới và làm những Bài Thơ Mới.
Những Thể Thơ Mới được sắp loại tùy theo cách gieo Vần:
Thể Thơ Mới Vần Liên Tiếp
Thể Thơ Mới Vần Ôm
Thể Thơ Mới Vần Gián Cách
Thể Thơ Mới Vần Hỗn Tạp
Vần trong các Thể Thơ Mới có những đặc tính:
Có nhiều Vần Trắc cũng như Vần Bằng
Có nhiều Vần Lơi cũng như Vần Chánh
Có thể có Lạc Vận
Một Bài Thơ Mới Có Vần Tràng Thiên có thể:
gồm những câu liên tục
gồm những đoạn tứ cú (4 câu)
Một Bài Thơ Mới Có Vần có thể:
chỉ áp dụng một Thể Thơ Mới hay Thể Thơ Cổ Điển cho toàn bài thơ.
áp dụng nhiều Thể Thơ Mới hoặc Thể Thơ Cổ Điển cho bài thơ (mỗi Đoạn của Bài Thơ có Thể Thơ khác nhau).
Câu thơ của Bài Thơ Mới Có Vần có theo Luật Bằng Trắc gọi là Luật Đổi Thanh. Các thi sĩ giỏi của Thơ Mới đều dùng Luật Đổi Thanh mặc dù luật nầy không bắt buộc cho thi nhân phải dùng như luật Bằng Trắc của những Thể Thơ Cổ Điển và Bài Thơ Cổ Điển.
* Bài Thơ Mới Không Vần
Thi nhân nước Việt từ thời kháng Pháp (1945-1954) có làm những Bài Thơ Mới Không Vần và không theo một Thể Thơ nào hết và thường là Tràng Thiên liên tục. Toàn bài thơ gồm những câu văn xuôi sắp thành hình thức xuống hàng như một bài thơ. Thí dụ: bài thơ Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm. Trong những trường hợp ngoại lệ nầy thì Bài Thơ Không Vần không theo một luật lệ nào hết!
Theo Việt Nam Văn Học Sử Yếu của Dương Quảng Hàm, bài thơ phải có vần thì mới đúng nghĩa của nó. "Thơ là văn vần", nếu không có vần thì là văn xuôi. Tuy nhiên ngày nay thi nhân vẫn làm Bài Thơ Không Vần, và dĩ nhiên không theo Luật Đổi Thanh.
(2)
Bài Thơ Mới dùng Thể Thơ Đường Luật
Nếu Bài Thơ Mới dùng chỉ dùng Thể Đường Luật Tứ Tuyệt (4 câu) hay Đường Luật Bát Cú (8 câu) thì Bài Thơ Mới sẽ có thêm nhiều Đoạn để có nhiều hơn 8 câu.
Vì âm thanh của Thể Thơ Đường Luật rất hay và muốn tránh Đối trong Đường Luật Bát Cú nên thi sĩ thường làm Bài Thơ Mới Tràng Thiên với nhiều Đoạn 4 câu theo Thể Đường Luật Tứ Tuyệt.
Đây là những bài thơ nổi tiếng gồm nhiều Đoạn theo Thể Đường Luật Thất Ngôn Tứ Tuyệt
TRÚT LINH HỒN
Máu đã khô rồi thơ cũng khô
Tình ta chết yểu tự bao giờ
Từ nay trong gió, trong mây gió
Lời thảm thương rền khắp nẻo mơ
Ta còn trìu mến biết bao người
Vẻ đẹp xa hoa của một trời
Đầy lệ đầy thương đầy tuyệt vọng
Ôi! Giờ hấp hối sắp chia phôi!
Ta trút linh hồn giữa lúc đây
Gió sầu vô hạn nuối trong cây
- Còn em sao chẳng hay gì cả?
Xin để tang anh đến vạn ngày.
(Hàn Mặc Tử)
TRÀNG GIANG
Gợn sóng tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy giòng
Lơ thơ cồn cỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống trời lên sầu chót vót
Sông dài trời rộng bến cô liêu
Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa
Lòng quê rờn rợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
(Huy Cận)
MỘT CHÚT TÌNH
Chửa biết tên nàng, biết tuổi nàng
Mà sầu trong dạ đã mang mang
Tình yêu như bóng trăng hiu quạnh
Lạnh lẽo đêm trường dãi gió sương
Ta chỉ xin em một chút tình
Cho lòng thắm lại với ngày xanh
Sao em quên cả khi chào đón
Tình ái chiều xuân đứng trước mành
Rộn rã cười vang một góc lầu
Ngây thơ em đã biết gì đâu !
Đêm khuya trăng đọng trong cây lá
Vò võ ta xe mấy đoạn sầu
Lác đác ngày xuân rụng trước thềm
Lạnh lùng ta dõi bước chân em
Âm thầm ấm mối xa xa vọng
Đường thế đâu tìm bóng áo xiêm
Đợi đến luân hồi sẽ gặp nhau
Cùng em nhắc lại chuyện xưa sau
Chờ anh dưới gốc sim già nhé !
Em hái đưa anh đóa mộng đầu.
(Lưu Trọng Lư)
TỰ TÌNH DƯỚI HOA
Chưa gặp em, tôi vẫn nghĩ rằng
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng
Mắt xanh là bóng dừa hoang dại
Thăm thẳm nhìn tôi, không nói năng
Bài thơ hạnh ngộ đã trao tay
Ôi mộng nào hơn giấc mộng này?
Mùi phấn em thơm mùi hạ cũ
Nửa như hoài vọng, nửa như say
Em đến như mây, chẳng đợi kỳ
Hương ngàn gió núi đọng hàng mi
Tâm tư khép mở đôi tà áo
Hò hẹn lâu rồi…Em nói đi
Em muốn đôi ta mộng chốn nào?
Ước nguyền đã có gác trăng sao
Truyện tâm tình: dưới hoa thiên lý
Còn lối bâng khuâng: ngõ trúc đào
Em chẳng tìm đâu có sẵn thơ
Nắng trong hoa, với gió bên hồ
Dành riêng em đấy. Khi tình tự
Ta sẽ đi về những cảnh xưa
Rồi buổi u sầu, em với tôi
Nhìn nhau cũng đủ lãng quên đời
Vai kề một mái thơ phong nguyệt
Hạnh phúc xa xa miệng mỉm cười.
(Đinh Hùng)
HAI SẮC HOA TI GÔN
Một mủa thu trước mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc
Tôi chờ người đến với yêu đương
Người ấy thường hay vuốt tóc tôi
Thở dài trong lúc thấy tôi vui
Bảo rằng: “Hoa, dáng như tim vỡ,
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi!”
Thuở đó, nào tôi đã hiểu gì
Cành hoa tan tác của sinh ly
Cho nên cười đáp: “Màu hoa trắng,
Là chút lòng trong chẳng biến suy”
Đâu biết lần đi một lỡ làng
Dưới trần gian khổ chết yêu đương
Người xa xăm quá! Tôi buồn lắm
Trong một ngày vui pháo nhuộm đường…
Từ đấy thu rồi thu lại thu
Lòng tôi còn giá đến bao giờ?
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ…
Người ấy, cho nên vẫn hững hờ
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẻo của chồng tôi
Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn dấu trong tim một bóng người
Tôi nhớ lời người trước bảo tôi
Một mùa thu trước rất xa xôi
Đến nay tôi hiểu thì tôi đã
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi
Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ
Chiều thu hoa đỏ rụng. Chiều thu
Gió về lạnh lẽo chân mây vắng
Người ấy ngang sông đứng ngóng đò
Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng
Trời ơi! Người ấy có buồn không?
Có thầm nghĩ tới loài hoa…vỡ
Tựa trái tim phai, tựa má hồng?
(TTKH) 1945
KHUYÊN AI KÉN VỢ
Lấy vợ khuyên ai kén vợ hiền
Kén người đức hạnh, bậc chân chuyên
Tốt duyên gặp được người như nguyện
Giá nọ nhà vàng đúc cũng nên
Lấy vợ khuyên ai kén vợ xoàng
Cần chi giàu có với quan sang
Quí hồ nội trợ tề gia giỏi
Cái cảnh gia đình mới vẻ vang
Lấy vợ khuyên ai cốt chữ tình
Xin dừng vụ lợi với ham danh
Mấy người tiểu kỷ vì danh lợi
Khó trọn cùng nhau nghĩa tử sinh
Lấy vợ không nên kén vợ giàu
E rằng ỷ của lại khinh nhau
Hổ thay ! Cái tiếng nhờ lưng vợ !
Tiếng ấy anh hùng há chịu đâu !
Lấy vợ không nên lấy ả đầu
Hoa tàn, nhị rữa, tiết còn đâu
Chỉ quen nghề nghiệp nhà son phấn
Chẳng trách phương ngôn đã có câu (*)
Lấy vợ không nên lấy vợ nhiều
Một bà thôi cũng đủ thương yêu
Ai về nhắn nhủ phường tham thịt
Cả lẻ làm chi, tổ ỷ eo…!
(Tú Mỡ)
(*) Chú thích: Phương ngôn rằng: “Lấy quan, quan cách, lấy khách, khách về Tàu, lấy nhà giàu, nhà giàu hết của”.
CÒN GẶP NHAU
Còn gặp nhau thì hãy cứ vui
Chuyện đời như nước chảy hoa trôi
Lợi danh như bóng mây chìm nổi
Chỉ có tình thương để lại đời
Còn gặp nhau thì hãy cứ thương
Tình người muôn thuở vẫn còn vương
Chắt chiu một chút tình thương ấy
Gửi khắp muôn phương vạn nẻo đường
Còn gặp nhau thì hãy cứ chơi
Bao nhiêu thú vị ở trên đời
Vui chơi trong ý tình cao nhã
Cuộc sống càng thêm nét tuyệt vời
Còn gặp nhau thì hãy cứ cười
Cho tình thêm thắm ý thêm tươi
Cho hương thêm ngát đời thêm vị
Cho đẹp lòng tất (?) cả mọi người
Còn gặp nhau thì hãy cứ chào
Giữa miền đất rộng với trời cao
Vui câu nhân nghĩa tròn sau trước
Lấy chữ nhân tình gửi tặng nhau
Còn gặp nhau thì hãy cứ say
Say tình say nghĩa bấy lâu nay
Say thơ say nhạc say bè bạn
Quên cả không gian lẫn tháng ngày
Còn gặp nhau thỉ hãy cứ đi
Đi tìm chân lý lẽ huyền vi
An nhiên tự tại lòng thanh thản
Đời sống tâm linh thật diệu kí !
(Tôn Nử Hỷ Khương)
BS PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
GIÀ HAY QUÊN
Tuổi già bớt nhớ lại hay quên
Ráng nhớ điều hay, ráng bớt quên
Cổ tích cố nhân nhiều lúc nhớ
Kịp thời đúng chỗ lắm lần quên
Biết nên hỉ xả tâm hằng nhớ
Biết phải từ bi tánh khó quên
Nhớ chuyện tốt lành quên chuyện xấu
Đến khi hết nhớ, hết còn quên!
(Phan Thượng Hải)
9/13/20
Nhân có Buổi Hội Thảo và Triển Lãm về Phan Thanh Giản tại Houston ngày 15/8/2021, xin mời vào website phanthuonghai.com để đọc:
Giai đoạn lịch sử trong thời gian Pháp chiếm Nam Kỳ
và có liên quan tới ông Phan Thanh Giản:
VỀ 2 ÔNG TRẦN HUY LIỆU và TRẦN VĂN GIÀU
Bài của Ls Phan Đào Nguyên minh bạch cho ông Phan Thanh Giản có liên quan chính tới sử gia Trần Huy Liệu. Trần Huy Liệu và Trần Văn Giàu là số 1 và số 2. Tui xin gởi vài đoạn đã viết về việc làm của 2 người trong lịch sử chính trị trước khi họ phải thành sử gia (trong những bài "Thơ và Việt Sử" đăng trong phanthuonghai.com).
Xin mời đọc chơi cho vui.
Thân mến
Hải
TRẦN HUY LIỆU VÀ TRẦN VĂN GIÀU
Trần Huy Liệu và Trần Văn Giàu là 2 sử gia cầm đầu ở Miền Bắc và sau nầy CHXHCNVN (sau 1975)..
Hai người đã hoạt động chính trị trước đó nhưng chuyển sang thành Sử Gia của chính phủ, cầm đầu Viện Sử Học của nhà nước cho đến khi qua đời.
Đây là sơ lược những hoạt động chính trị của 2 người trước khi thành sử gia lãnh đạo của nhà nước.
TRẦN HUY LIỆU
(Trích từ Bài: Thơ và Việt Sử - Thời kỳ Độc Lập. Đoạn "Nguyễn Hải Thần và Hồ Chí Minh")
Dưới tên Hồ Chí Minh và Việt Minh, Hồ Chí Minh đã lập Chính phủ và Quân đội chuẩn bị vì Nhật sắp thua Đệ Nhị thế chiến.
Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân của Võ Nguyên Giáp (1944) hợp với Cứu Quốc Quân của Chu Văn Tấn (1940) thành Việt Nam Giải Phóng Quân (15-5-45) với 3 Chỉ huy là Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn và Trần Đăng Ninh.
Trần Đăng Ninh (1910-1955) làm Hậu Cần trong Kháng chiến.
Chu Văn Tấn (1909-1984) vào Đông Dương Cộng Sản Đảng (1935) hoạt động ở vùng Lạng Sơn với Hoàng Văn Thụ. Lập Đội Du Kích Bắc Sơn rồi đổi thành Cứu Quốc Quân (1941), từng hộ vệ đại hội lập Việt Minh.
Hội ở Tân Trào gồm Việt Minh / Đảng Cộng Sản Đông Dương (CS) và Đảng Dân Chủ (DC) lập Ủy Ban Dân Tộc Giải Phóng có 5 ủy viên thường trực: Hồ Chí Minh (CS), Trần Huy Liệu (CS), Nguyễn Lương Bằng (CS), Phạm Văn Đồng (CS) và Dương Đức Hiền (DC) với Hồ Chí Minh làm Chủ Tịch và Trần Huy Liệu làm Phó Chủ Tịch.
Trần Huy Liệu (1901-1969) vào VN Quốc Dân Đảng (năm 1928) thì bị bắt tù Côn Đảo (1928-1935). Khi thả về, Trần Huy Liệu gia nhập Đông Dương Cộng Sản Đảng vào năm 1936 rồi lại bị tù Sơn La (1939-1945).
Nguyễn Lương Bằng (1904-1979) sang Tàu vào VN Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội (1925) rồi CS Đảng (1930?). Nguyễn Lương Bằng bị bắt ở Hương Cảng (1931), giải về VN. Sau đó: vượt ngục (1932), bị bắt tù ở Sơn La (1935) rồi vượt ngục (1943).
(Trích từ Bài: Thơ và Việt Sử: Thời Pháp Thuộc Thế kỷ 20. Đoạn "Trần Trọng Kim")
Tháng 8-1945, ngay sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, chính phủ Trần Trọng Kim từ chức. Chính phủ Việt Minh của Hồ Chí Minh từ Hà Nội sai Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng và Thi sĩ Cù Huy Cận vào Huế buộc vua Bảo Đại phải thoái vị. Ngày 25-8-45, vua Bảo Đại ban chiếu thoái vị, chấm dứt thời đại quân chủ của nước Việt Nam bằng câu nói nổi danh: “Thà làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ”. Ngày 30-8-45, trên lầu Ngọ Môn trước mặt dân chúng, ông trao ấn kiếm cho Trần Huy Liệu, đại diện của chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh và sau đó ông di hành ra Hà Nội (Thăng Long) nhận làm Cố Vấn cho Chính Phủ VNDCCH của Hồ Chí Minh với một câu nói khác: “Trong lúc dân chúng làm cách mạng mà mình bỏ (thì) tri ôốc dôộc lắm”. (xấu hổ lắm).
TRẦN VĂN GIÀU
(Trích từ Bài: Thơ và Việt Sử - Thời Pháp Thuộc Thế kỷ 20. Đoạn "Nguyễn An Ninh")
Các nhà cách mạng của người Việt bắt đầu ở Pháp từ thập niên 1910s-1920s với các ông Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và Nguyễn Thế Truyền rồi đến ông Nguyễn An Ninh và Nguyễn Tất Thành.
Năm 1923, Nguyễn Tất Thành sang học ở Liên Xô và sau đó sang Tàu với tên là Lý Thụy rồi Nguyễn Ái Quốc rồi cuối cùng về Việt Nam năm 1945 với tên Hồ Chí Minh.
Năm 1928, ông Nguyễn Thế Truyền (1889-1968) giao lại cho ông Tạ Thu Thâu rồi về nước sống với người vợ Pháp ở Nam Định. Ông bị Pháp đày đi Madagascar (Mã Đảo) trong thời Đệ Nhị thế chiến (1940-1946) rồi được tha về và di cư vào Nam (1954). Ông có ra tranh cử Phó Tổng Thống năm 1961 cùng liên danh với ông Hồ Nhật Tân.
Ông Tạ Thu Thâu (1906-1945) sang Pháp vào năm 1927 theo ông Nguyễn Thế Truyền và trở thành Cộng Sản Đệ Tứ Quốc Tế ở Pháp (1929) cùng với các ông Phan Văn Hùm (1902-1946), Huỳnh Văn Phương (?-1945), Trần Văn Thạch (1905-1945). Lúc đó cũng có nhóm Đệ Tam Quốc Tế ở Pháp gồm có Nguyễn Văn Tạo (1908-1970) và Trần Văn Giàu (1911-2010). Các ông đều chống chính phủ Pháp trong việc xử tử ông Nguyễn Thái Học và các đồng chí năm 1930 nên lần lượt bị trục xuất hay trốn về nước.
Sau khi về Sài Gòn, nhóm Đệ Tứ Quốc Tế (Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm và Trần Văn Thạch) mở tuần báo Tranh Đấu (La Lutte) vào năm 1933 và Nguyễn Văn Tạo (Đệ Tam Quốc Tế) mở tờ báo Trung Lập.
Có một người kháctrong báo Tranh Đấu lại thuộc Cộng Sàn Đệ Tam Quốc Tế là Dương Bạch Mai (1904-1964). Dương Bạch Mai sang Pháp cuối thập niên 1920, được đi học tập ở Liên Xô (như Nguyễn Tất Thành) từ 1929 đến 1932 thì về nước.
Riêng Trần Văn Giàu (Đệ Tam Quốc Tế) chỉ âm thầm dạy học sau khi về nước ở Sài Gòn rồi được bí mật đưa sang học ở Liên Xô (1931-1933). Pháp biết được nên bỏ tù Trần Văn Giàu 2 lần từ năm 1935. Lần thứ nhì Trần Văn Giàu cùng với Tô Ký vượt ngục.
Ông Huỳnh Văn Phương (Đệ Tứ Quốc Tế) về nước sống ở Bắc Kỳ, hoạt động cùng nhóm với Võ Nguyên Giáp và Trần Huy Liệu. Năm 1945, ông bị Việt Minh thủ tiêu.
......................
Tới Đệ Nhị Thế Chiến (1939-1945), Pháp bắt giam hầu hết những người chống đối.
Ông Nguyễn An Ninh chết ở Côn Đảo năm 1943. Ông Phan Văn Hùm đi tù Côn Đảo (1939-1942) rồi quản thúc ở Tân Uyên. Ông Tạ Thu Thâu cũng bị tù ở Côn Đảo (1940-1944), khi được thả thì ra hoạt động ở Bắc Trung Kỳ.
Ông Nguyễn Văn Tạo và Dương Bạch Mai đi tù Côn Đảo (1939-1943) rồi về bị quản thúc ở Tân Uyên. Trong khi đó Trần Văn Giàu bí mật tái lập Xứ Ủy Nam Kỳ của Đông Dương Cộng Sản Đảng vào năm 1943 (thay thế Võ Văn Tần và Phan Đăng Lưu).
Ông Nguyễn Thế Truyền mặc dù sống như thường dân vẫn bị đày đi đảo Madagascar cũng như Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc của Đạo Cao Đài (1941-46).
......................
Sau khi Nhật đảo chánh Pháp (9-3-1945), Trần Văn Giàu được Nhật giao cho cầm đầu Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất ở Nam Kỳ với Dương Bạch Mai và Nguyễn Văn Tạo. Các ông Phan Văn Hùm và Trần Văn Thạch sau nầy cũng ở trong Mặt Trận.
Ông Tạ Thu Thâu bị Việt Minh thủ tiêu ở Quảng Ngãi ngay sau khi Nhật cướp chánh quyền (9-3-45).
(Trích từ Bài: Thơ và Việt Sử - Thời kỳ Độc Lập. Đoạn "Lãng Ba Phan Văn Bộ")
.................
Tháng 3 năm 1945, sau khi đảo chánh Pháp, Nhật cho vua Bảo Đại lập chính phủ Trần Trọng Kim. Trong Nam Kỳ, vua Bảo Đại được đặt một quan Khâm Sai, là ông Nguyễn Văn Sâm, cũng như Khâm Sai Phan Kế Toại ở Bắc Kỳ.
Tuy nhiên thực quyền được Nhật giao cho Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất gồm tất cả các đảng phái và giáo phái ở Nam Kỳ, cai trị Sài Gòn và địa phương. Ngày 23-3-45, Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất rút lui nhường quyền lãnh đạo cho Ủy Ban Hành Chánh Lâm Thời Nam Bộ của Việt Minh (Cộng Sản Đệ Tam Quốc Tế) với Trần Văn Giàu(thuộc CS Đệ Tam Quốc Tế) làm Chủ Tịch.
Tháng 8 năm 1945, Nhật đầu hàng Đồng Minh, quân Anh vào giải giới quân Nhật phía Nam vỹ tuyến 16 (từ Tourane tức là Đà Nẵng tới mũi Cà Mau) gồm Nam Trung Kỳ và Nam Kỳ. Quân Pháp theo chân quân Anh vào Sài Gòn.
Trong khi đó Ủy Ban Hành Chánh Lâm Thời Nam Bộ đã bị chống đối của Cao Đài, Hòa Hảo và Đệ Tứ Quốc Tế (Trotskyist) nên phải nhượng bộ và cải tổ, Phạm Văn Bạch (cũng thuộc Đệ Tam Quốc Tế) thay Trần Văn Giàu làm Chủ Tịch. Sài Gòn hoàn toàn rối loạn giữa người Pháp, người Việt và các đảng phái.
Sau một thời gian thương thuyết, quân Pháp tấn công quân Việt Nam và chiếm Tòa Thị Chính Sài Gòn là trụ sở của Ủy Ban Hành Chánh Lâm Thời Nam Bộ ngày 23-9-45. (Ngày 23-9 nầy sau nầy được gọi là ngày Nam Bộ Kháng Chiến). Quân Việt Nam thua, phải rút ra ngoại ô và phong tỏa Sài Gòn. Ngày 3-10-45, tướng Leclerc đem 10.000 quân đổ bộ vào Sài Gòn. Ngày 9-10, Anh và Pháp ký hiệp ước ở Luân Đôn xác định Anh hoàn toàn ủng hộ Pháp trong việc cai trị toàn Đông Dương dưới vỹ tuyến 16.
...............
Ngày 16-10-45, quân Việt Minh rút về vùng kháng chiến. Khi rút đi, Việt Minh giết 20 người nồng cốt của phe Đệ Tứ Quốc Tế (Trotskyist), trong đó có ông Phan Văn Hùm. Quân đội của Cao Đài, của Hòa Hảo (gọi là Dân Xã) và của Bình Xuyên (của Tướng Bảy Viễn) không tham gia, chỉ rút về địa phận của mình.
Trong Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp còn có Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng của các ông Nguyễn Văn Sâm (cựu Khâm sai), Phan Khắc Sửu, Trần Văn Ân và Hồ Văn Ngà. Nó là hậu thân của Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội (của Kỳ Ngoại Hầu Cường Để) ở Nam Kỳ. Năm 1946, ông Nguyễn Văn Sâm và Hồ Văn Ngà bị VM thủ tiêu.
Trong khoảng 1945-1946, VM dưới quyền của Trần Văn Giàu và Dương Bạch Mai thủ tiêu khoảng 2.500 người đối lập (theo lời của Trần Văn Giàu về sau nầy), trong đó có ông Bùi Quang Chiêu (1872-1945) bị giết ngày 29-9-1945. Hai người bạn của ông trong đảng Lập Hiến (1923-1937) là ông Nguyễn Phan Long (1889-1960) và ông Trương Văn Bền (1883-1956) sang Pháp năm 1948 may mắn sống sót. Con gái của ông Bùi Quang Chiêu là bà Henriette Bùi Quang Chiêu đậu Bác sĩ Y Khoa ở Pháp vào năm 1929, là Bác sĩ Y Khoa đầu tiên của Việt Nam.
Sau nầy, Đức Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ (1919-1947) của đạo Hòa Hảo cũng mất tích ngày 16-4-1947 trong chuyến đi hội với VM ở Tân Phú.
Quân Pháp lần lượt chiếm lại lãnh thổ: phía Nam Sài Gòn chiếm đến mũi Cà Mau (25-10-45 tới 5-2-46) và phía Bắc Sài Gòn tới Kom Tum và Đà Nẵng (23-10-45 tới tháng 7-46). Về chính trị, Pháp cho lập Nam Kỳ Quốc trong Liên Bang Đông Dương với chính phủ của Thủ Tướng Bs Nguyễn Văn Thinh ra mắt ngày 26-3-46, làm bù nhìn cho Pháp, cai trị dưới vỹ tuyến 16.
...............
Kháng chiến thuộc Việt Minh không được người trong Nam ủng hộ, mặc dù kháng chiến rất dữ dội ở miền Bắc. Kháng chiến Việt Minh trong Nam (thường gọi là Nam Bộ) thật ra gồm Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. (Chữ Bộ được người kháng chiến dùng thế cho chữ Kỳ?).
Các nhân vật của Nam Bộ Kháng Chiến lúc đầu từ Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ bị chuyển về Bắc như Trần Văn Giàu, Phạm Văn Bạch, Dương Bạch Mai, Bs Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Tạo… (trừ Hà Huy Giáp). Đổi lại chính phủ Hồ Chí Minh đưa vào Nam Tôn Đức Thắng (1946) rồi Lê Duẩn, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ và các tướng Nguyễn Bình, Nguyễn Sơn... (Nguyễn Bình tử trận năm 1951 còn Nguyễn Sơn trở về với Trung Cộng năm 1950). Khi tập kết năm 1954 thì có tên của các tướng Tô Ký, Đồng Văn Cống, Trần Văn Trà….
BS PHAN THƯỢNG HẢI
_______________________________
LỜI THƠ NGUYỄN BỈNH KHIÊM
(Bs Phan Thượng Hải)
Ông Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có những lời nói và câu thơ làm nên và tiên đoán lịch sử. Ngoài ra ông cũng là một thi sĩ tiền phong về thơ Hán Nôm với nhiều sáng tạo.
TIỂU SỬ
Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) là người học rộng và giỏi tướng số. Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm nguyên tên là Nguyễn Văn Đạt người làng Trung Am huyện Vĩnh Lại trấn Hải Dương lúc bấy giờ (nay là xã Lý Học huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Vào cuối nhà Hậu Lê, Mạc Đăng Dung chuyên quyền và cướp ngôi nhà Lê (1527); ông ở ẩn, không chịu đi thi làm quan.
Về sau khi nước nhà tạm thời yên ổn dưới triều nhà Mạc; ông Nguyễn Bỉnh Khiêm, năm 43 tuổi, ra thi Hương đậu Giải Nguyên, thi Hội thì đậu Hội Nguyên rồi vào thi Đình đậu Trạng Nguyên (1534-1535). Ông Ngưyễn Bỉnh Khiêm làm quan đến Lại Bộ Thị Lang và Đông Các Đại Học Sĩ thì từ quan năm 1542 (53 tuổi) và về trí sĩ tu hành ở Bạch Vân am nơi quê quán ở làng Trung Am.
Các vua nhà Mạc vẫn có hỏi ý kiến ông và còn phong cho ông là Lại Bộ Thượng Thư Trình Tuyền Hầu rồi Thái Phó Trình Quốc Công nên tục gọi ông là Trạng Trình. Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm làm quan “tại gia” cho đến năm ông 73 tuổi mới hoàn toàn về hưu.
Ông Trạng Trình cũng cố vấn cho chúa Trịnh Kiểm và chúa Nguyển Hoàng chứ không là tôi thần của riêng triều đình nào hết. Những lời cố vấn của ông Trạng Trình đều có hiệu quả tốt cho đất nước: Bắc Hà hòa bình và thịnh vượng dưới thời Vua Lê Chúa Trịnh (khoảng 250 năm); nhà Mạc tồn tại thêm 3 đời ở Cao Bằng sau khi mất Thăng Long và nhất là Chúa Nguyễn vào được Nam Hà và diệt Chiêm Thành và chiếm Thủy Chân Lạp, mở rộng lãnh thổ nước Việt ta thành gấp đôi.
Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm mất năm 94 tuổi, có 3 vợ và 12 con (7 trai và 5 gái). Con trai đều đỗ đạt làm quan. Học trò của ông là ông Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan và ông Lương Hữu Khánh (con của thầy ông là ông Lương Đắc Bằng) đều làm đến Thượng Thư trong triều đình Hậu Lê trung hưng. Học trò tôn ông là Tuyết Giang phu tử. Thế kỷ 20, Cao Đài Giáo ở Tây Ninh phong ông là Thanh Sơn Đạo Sĩ hay Thanh Sơn Chân Nhân.
Nho Giáo chỉ có về nhân sinh quan truyền sang Đại Việt với 2 nhà Nho tiêu biểu là ông Chu Văn An và ông Nguyễn Trãi. Nhưng đến thời Tống Nho, anh em Trình Hạo và Trình Di và Chu Hi đưa ra học thuyết Lý Khí (gọi là Lý Học), Nho Giáo có thêm Hình Nhi Thượng và biến thành Tân Nho Giáo. Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà Nho nước ta tiêu biểu cho sự hiểu biết về Lý Học Tân Nho Giáo. “An Nam lý học hữu Trình Tuyền” là câu người Tàu khen ông Nguyễn Bỉnh Khiêm tinh thông Lý Học. Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm có tước Trình Tuyền Hầu trước khi được nhà Mạc thăng lên là Trình Quốc Công.
THƠ TIÊN ĐOÁN LỊCH SỬ
Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) sống vào thế kỷ 16 với tên nước là Đại Việt. Mãi đến năm 1802 (đầu thế kỷ 19), nước ta mới đổi tên là Việt Nam. Tuy nhiên trong 2 bài thơ gửi cho 2 ông Trạng Nguyên khác, Trạng Nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dùng chữ “Việt Nam” rồi:
Thơ gửi Trạng Nguyên Nguyễn Thuyến
Trạng Nguyên Nguyễn Thuyến (1495-1557) hiệu là Cảo Xuyên người làng Canh Hoạch huyện Thanh Oai trấn Sơn Nam đỗ Trạng Nguyên năm 1532 (3 năm và 1 khóa trước ông Nguyễn Bỉnh Khiêm) làm quan đến Lại Bộ Thượng Thư tước Thê Quận Công.
TÂY HỘ KÝ THANH OAI TRẠNG NGUYÊN NGUYỄN CẢO XUYÊN (*)
Tạc dữ ngã tằng ấp tiếu đàm Bữa trước cùng ông mãi tiếu đàm
Bất tài tư xuyễn ngã ưng tàm Kém tài tự thẹn dám đâu ham
Khôi tam niên ngã quân đa hạnh Trạng Nguyên trước tớ ông may nhỉ
Trù nhất thâu quân ngã vị cam Trù tính thua ông tớ chửa cam
Hồ học tích niên tằng cộng giảng Biển học năm nao cùng giảng thuyết
Hán duy kim nhật hữu tường thanh Việc quân ngày tới lại chung làm
Tiền trình viễn đại quân tu ký Đường xa lối rộng ông nên nhớ
Thùy thị thanh danh trọng Việt Nam. Tiếng để sao cho đẹp Việt Nam.
(Nguyễn Bỉnh Khiêm) (? Dịch)
(*) Hộ giá đến miền Tây gửi Thanh Oai Trạng Nguyên Nguyễn Cảo Xuyên.
Thơ gửi Trạng Nguyên Giáp Hải
Trạng Nguyên Giáp Hải (1504-1586) hiệu là Tiết Trai người làng Công Luận huyện Văn Giang (nay thuộc Hải Hưng) sau đến ở làng Dĩnh Kế huyện Thượng Nhân (nay thuộc Hà Bắc) thi đỗ Trạng Nguyên năm 1538 (3 năm và 1 khóa sau ông Nguyễn Bỉnh Khiêm) làm quan đến Lại Bộ Thượng Thư tước Sách Quận Công.
QUY LÃO KÝ LẠI BỘ THƯỢNG THƯ TÔ KHÊ BÁ (*)
Kiểm điểm hành niên thất thập tam Tuổi đã bảy ba ở cõi phàm
Huyền xa sai vãn dã ưng tàm Từ quan muộn, mắc tiếng tham lam
Trì khu tự hứa ta vô lực Ruổi rong vẫn biết đà thua kém
Danh lợi hà cầu khởi thị tham? Danh lợi chăng cầu há bảo tham
Miễn lực vọng công phù đế thất Gắng sức ông chăm phò đế nghiệp
Thâu nhàn tiếu ngã lão Vân Am Hưởng nhàn tớ ở mãi Vân Am
Thọ tinh cộng chiếu quang mang tại Thọ tinh vằng vặc trên nền thẳm
Tiền hậu quang huy chiếu Việt Nam. Sau trước rạng soi đất Việt Nam.
(Nguyễn Bỉnh Khiêm) (? Dịch)
(*) Về hưu gửi Lại Bộ Thượng Thư Tô Khê Bá (Trạng Nguyên Giáp Hải).
Theo ông Phan Kế Bính trong Nam Hải Dị Nhân truyện thì ông Nguyễn Bỉnh Khiêm có bài thơ Sấm như sau như là một “tiên tri” về “Lê Mạc phân tranh”
LỜI SẤM
Non sông nào phải buổi bình thời
Thù đánh nhau chi khéo nực cười
Cá vực chim rừng ai khiến đuổi
Núi xương sông huyết thảm đầy vơi
Ngựa phi chắc có hồi quay cổ
Thú dữ nên phòng lúc cắn người
Ngán ngẫm việc đời chi nói nữa
Bên đầm say hát nhởn nhơ chơi.
(Phan Kế Bính phỏng dịch)
Câu “Ngựa phi chắc có hồi quay cổ” tiên đoán nhà Lê sẽ khôi phục được nước. Câu “Thú dữ nên phòng lúc cắn người” tiên đoán gia đình Chúa Trịnh sẽ giữ quyền nhà Lê. Những điều tiên đoán trong bài Sấm nầy đều đúng.
Tuy nhiên nguyên văn của bài thơ nầy làm bằng chữ Hán tựa đề là Cảm Hứng trong Bạch Vân Am thi tập như sau (chứ không có trong Sấm Trạng):
CẢM HỨNG
Thái hòa vũ trụ bất Ngu Chu (*)
Hổ chiến giao tranh tiếu lưỡng thù
Xuyên huyết sơn hài tùy xứ hữu
Uyên ngư tùng trước vị thùy ngu
Trùng hưng dĩ bốc độ giang mã
Hậu hoạn ưng phòng nhập thất khu
Thế sự đáo đầu hưu thuyết trước
Túy ngâm trạch bạn nhậm nhàn du.
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
(*) Thời Ngu Thuấn và Chu Văn Vương là những thời thịnh trị theo Nho Gia.
Nguyên văn của 2 câu “Ngựa phi chắc có hồi quay cổ/Thú dữ nên phòng lúc cắn người” là “Trùng hưng dĩ bốc độ giang mã/Hậu hoạn ưng phòng nhập thất khu”.
Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm làm bài thơ nầy lúc ông đã từ quan tại triều đình nhà Mạc (sau 1542). Nhà Lê Trung Hưng chiếm Thanh Hóa năm 1543 và chiến tranh Lê Mạc thật sự từ 1545 cho đến khi chấm dứt vào năm 1593 sau khi nhà Lê và chúa Trịnh Tùng chiếm Thăng Long và giết vua Mạc Mậu Hợp (1592) rồi giết Mạc Toàn (con Mạc Mậu Hợp) và Mạc Kính Chỉ (1593).
Dưới đây là lịch sử "Lê Mạc phân tranh":
Ông Nguyễn Kim lập vua Lê Trang Tông ở Ai Lao năm 1533 chính thức sáng lập nhà Hậu Lê Trung Hưng. Vua Lê Trang Tông là Hoàng tử Lê Duy Ninh con của Lê Chiêu Tông.
Tục truyền rằng Vua Lê Trang Tông có biệt danh là Chúa Chổm vì lúc hàn vi ông rất nghèo nên thiếu nợ rất nhiều. Khi ông làm vua, dân chúng kéo tới cung vua ở Thăng Long để đòi nợ. Điều nầy chỉ là truyền thuyết và không đúng sự thật vì nhà Hậu Lê khôi phục Thăng Long sau khi vua Lê Trang Tông đã qua đời ở Thanh Hóa.
Sau nầy sử gia cũng nghi ngờ là vua Lê Trang Tông không phải là con của vua Lê Chiêu Tông vì Trang Tông sinh năm 1514 và Chiêu Tông sinh năm 1506. Nhà Mạc thì tố cáo là ông Nguyễn Kim lập con riêng của mình lên làm vua là Lê Trang Tông.
Năm 1543, Nguyễn Kim về chiếm Thanh Hóa (và Nghệ An). Tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đầu hàng rồi 2 năm sau (1545) đầu độc chết ông Nguyễn Kim và trốn về với nhà Mạc. Rể ông Nguyễn Kim là ông Trịnh Kiểm lên thay làm Thái Sư.
Năm 1546 Mạc Hiến Tông Phúc Hải chết, người con thế ngôi là Mạc Tuyên Tông Phúc Nguyên có chú là Tuyên Vương Mạc Kính Điển làm Phụ Chính. Tướng Phạm Tử Nghi lập con Thái Tổ là Mạc Chính Trung và làm phản nhưng bị Mạc Kính Điển đánh dẹp và giết chết.
Từ 1545 tới 1580, nhà Mạc (dưới quyền Mạc Kính Điển) và nhà Lê (dưới quyền Trịnh Kiểm rồi Trịnh Tùng) giằng co không thắng bại. Năm 1562, Mạc Tuyên Tông chết, con là Mạc Mậu Hợp mới 2 tuổi lên làm vua. Năm 1570, Trịnh Cối thua người em khác mẹ là Trịnh Tùng (cháu ngoại ông Nguyễn Kim) chạy về hàng nhà Mạc.
Năm 1580, Mạc Kính Điển chết (em là Mạc Đôn Nhượng thay), nhà Mạc suy yếu. Năm 1591 Trịnh Tùng tiến sát Thăng Long bắt được Tướng Nguyễn Quyện của nhà Mạc nhưng rút quân. Năm 1592, Trịnh Tùng chiếm Thăng Long. Mạc Mậu Hợp thua ở Hải Dương bị bắt và bị giết. Con Mạc Mậu Hợp là Mạc Toàn cũng bị bắt và bị giết (1593).
Mạc Kính Chỉ (con Mạc Kính Điển) tự lập làm vua (1593) nhưng 3 tháng sau bị thua 2 tướng Hoành Đình Ái và Nguyễn Hữu Liêu của Trịnh Tùng ở Hải Dương và bị giết.
LỜI NÓI LÀM NÊN LỊCH SỬ
Từ những câu thơ trong đời ông tiên đoán đúng lịch sử, ông Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng có những câu nói bất hủ làm nên lịch sử:
(1)
"Cao Bằng tuy thiểu khả diên sổ thế"
Sau khi mất Thăng Long, theo lời khuyên trên đây của ông Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà Mạc rút về vùng Cao Bằng và tồn tại 85 năm sau (1593-1677) với 3 đời vua.
Mạc Kính Cung (1593-1594): em Mạc Kính Chỉ, con thứ 7 của Mạc Kính Điển
Mạc Kính Khoan (1594-1628): cháu kêu Kính Cung bằng chú
Mạc Kính Vũ (1628-1677): con Kính Khoan. Năm 1677, tướng Đinh Văn Tả của chúa Trịnh chiếm Cao Bằng. Mạc Kính Vũ trốn sang Tàu.
Nhà Mạc tuy ở Cao Bằng được nhà Minh ở miền Nam ủng hộ nhưng không bao giờ mượn quân Tàu sang tiếp viện.
Nguyên văn của lời khuyên: “Cao Bằng tuy tiểu, khả diên sổ thế” (Cao Bằng tuy nhỏ nhưng có thể kéo dài nhiều thế hệ).
Câu nói nầy của ông Nguyễn Bỉnh Khiêm làm nên lịch sử.
(2)
"Giữ Chùa thờ Phật thì được ăn oản"
Nhà Lê Trung Hưng bắt đầu khi ông Nguyễn Kim lập con của Lê Chiêu Tông là Lê Trang Tông (1533). Vua Lê Trung Tông (con Trang Tông) chết (1556), không có con.
Tục truyền rằng Thái Sư Trịnh Kiểm đã lưỡng lự muốn xưng làm Vua nhưng còn chưa dám định hẳn bề nào, các quan cũng không ai biết làm thế nào cho phải. Sau Trịnh Kiểm cho người đi lẽn ra Hải Dương hỏi ông Nguyễn Bỉnh Khiêm tức là Trạng Trình xem nên làm thế nào. Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm không nói gì cả chỉ ngảnh lại bảo đầy tớ: “Năm nay mất mùa thóc giống không tốt, chúng mày nên tìm giống cũ mà gieo mạ”. Nói rồi lại sai đầy tớ ra chùa bảo Tiểu quét dọn chùa và đốt hương để ông ra chơi chùa rồi bảo Tiểu rằng: “Giữ chùa thờ Phật thì (được) ăn oản”. Sứ giả về kể chuyện lại cho Trịnh Kiểm nghe. Trịnh Kiểm hiểu ý mới cho người đi tìm con cháu họ Lê.
(Trần Trọng Kim/VNSL).
Nhờ đó vua Lê và chúa Trịnh cùng cai trị Bắc Hà yên tịnh khoảng 250 năm.
Trong lịch sử, Chúa Trịnh có giết 3 vua Lê (Anh Tông, Kính Tông và Phế Đế Duy Phường) và 1 Thái tử (của vua Hiển Tông) nhưng không bao giờ tiêu diệt nhà Lê.
Nhà Lê Trung Hưng bắt đầu khi ông Nguyễn Kim lập con của Lê Chiêu Tông là Lê Trang Tông (1533). Vua Lê Trung Tông (con Trang Tông) chết (1556), không có con. Theo lời khuyên của Trạng Trình, Thái sư Trịnh Kiểm không tự lập làm vua mà lập ông Lê Duy Bang là cháu 5 đời của Lam Quốc Công Lê Trừ (anh thứ hai của Thái Tổ Lê Lợi) làm vua là vua Lê Anh Tông. Theo gia phả, vua Lê Anh Tông là vai ông của vua Lê Trung Tông (ông lên làm vua thế cháu).
Năm 1573, Lê Anh Tông đã muốn tự lập khỏi Chúa Trịnh Tùng (con Trịnh Kiểm) khi ông nầy tranh quyền với anh là Trịnh Cối nhưng không xong nên cùng 4 người con lớn, chạy trốn vào Nghệ An. Sau khi Trịnh Cối thua và hàng nhà Mạc thì vua Anh Tông bị bắt rồi bị Trịnh Tùng giết chết. Con thứ năm của Anh Tông là Duy Đàm vì còn nhỏ tuổi (7 tuổi) không chạy theo vua cha được, ở lại kinh đô (Thanh Hóa) nên được Chúa Trịnh Tùng lập làm vua là Lê Thế Tông. Trong thời vua Lê Thế Tông (vị vua thứ tư của nhà Lê Trung Hưng 1573-1599), nhà Lê và chúa Trịnh Tùng chiếm lại Thăng Long (1592).
Vua Lê Kính Tông Duy Thái (con Thế Tông) mưu với Trịnh Xuân (con thứ của Trịnh Tùng) lật đỗ Chúa Trịnh Tùng nhưng việc không thành nên Trịnh Tùng buộc vua Lê Kính Tông phải thắt cổ chết và lập Thái tử Lê Duy Kỳ làm vua là Lê Thần Tông vào năm 1619 (lúc 13 tuổi).
Vua Lê Thần Tông (1607-1662) làm vua lần thứ nhứt (1619-1643) và lần thứ nhì (1649-1662). Vua tên là Lê Duy Kỳ là con trưởng của vua Lê Kính Tông và Hoàng hậu Trịnh thị Ngọc Trinh (con gái của Chúa Trịnh Tùng). Do đó vua Lê Thần Tông là cháu nội của Vua Lê Thế Tông và cháu ngoại của Chúa Trịnh Tùng.
Năm 1630, Chúa Trịnh Tráng (con Trịnh Tùng) ép Lê Thần Tông (24 tuổi) phải lấy con gái mình là Trịnh thị Ngọc Trúc làm Hoàng hậu. Lúc đó bà Trịnh thị Ngọc Trúc nầy (36 tuổi) đã có 4 con và chồng là Lê Trụ đang bị giam trong ngục. Hoàng hậu Trịnh thị Ngọc Trúc không có sinh hoàng tử và sau đó đi tu ở chùa Bút Tháp (ở Bắc Ninh). Năm 1643, Lê Thần Tông nhường ngôi cho con là Lê Duy Hựu (là vua Lê Chân Tông) lên làm Thái Thượng Hoàng. Năm 1649, Lê Chân Tông (1630-1649) chết không có con nên Chúa Trịnh Tráng đưa Thái Thượng Hoàng Lê Thần Tông lên ngôi làm vua lần thứ nhì. Năm 1662, vua Lê Thần Tông chết vì ung thư.
Vua Lê Thần Tông theo Chúa Trịnh đánh chúa Nguyễn tất cả 3 lần.
Vua Lê Thần Tông có những kỷ lục của một vị vua Việt Nam: làm vua 2 lần, có 4 người con làm vua (bằng với vua Trần Minh Tông) và là vua đầu tiên lấy vợ người Tây phương (người Hòa Lan, con gái của một thuyền trưởng).
Bốn vị vua là con của Lê Thần Tông là:
Lê Chân Tông (1630-1649) lên ngôi năm 1643.
Lê Huyền Tông (1654-1671) lên ngôi năm 1662
Lê Gia Tông (1661-1675) lên ngôi năm 1671
Lê Hy Tông (1663-1716) lên ngôi năm 1676 rồi năm 1705 nhường ngôi cho con trưởng là Lê Dụ Tông và làm Thái Thượng Hoàng cho đến khi mất. Vua Lê Hy Tông sanh ra 5 tháng sau khi cha mình là Lê Thần Tông qua đời. Đời ông làm vua là thời thạnh trị của nhà Hậu Lê Trung Hưng vì Bắc Hà không còn chiến tranh. Chiến tranh Trịnh Nguyễn (1627-1672) xảy ra trong thời Thần Tông, Chân Tông, Huyền Tông và Gia Tông (trong thời chúa Trịnh Tráng và Trịnh Tạc).
Lê Dụ Tông (1679-1731) làm vua từ năm 1705. Năm 1727, Chúa Trịnh Cương phế con trưởng của Lê Dụ Tông là Lê Duy Trường và lập con thứ là Duy Phường (mẹ là dòng họ Trịnh). Biết là Lê Dụ Tông bất bình, Trịnh Cương ép vua nhường ngôi cho Duy Phường và lên làm Thái Thượng Hoàng (1729). Dụ Tông mất năm 1731 thì đến năm sau (1732), Chúa Trịnh Giang phế Lê Đế Duy Phường thành Hôn Đức Công và lập Duy Trường làm vua là Lê Thuần Tông. Năm 1735, Lê Thuần Tông qua đời, Chúa Trịnh Giang lập em là Duy Thận là vua Lê Ý Tông và 2 tháng sau thắt cổ Hôn Đức Công Duy Phường.
Năm 1740, mẹ của Chúa Trịnh Giang truất phế Trịnh Giang (1711-1762), tôn là Thái Thượng Vương, giam lỏng trong cung (cho đến khi mất vào năm 1762) và lập em (Trịnh Giang) là Chúa Trịnh Doanh. Chúa Trịnh Doanh liền bắt vua Lê Ý Tông làm Thái Thượng Hoàng (1740), nhường ngôi cho con trưởng Duy Diêu là Lê Hiển Tông (1717-1786).
Vua Lê Hiển Tông giữ niên hiệu Cảnh Hưng trong 47 năm làm vua cho đến khi mất (1786). Lê Duy Mật là con Lê Dụ Tông nổi lên chống lại Chúa Trịnh ở Thanh Hóa, phải 40 năm mới dẹp được (1740-1770). Chúa Trịnh Sâm (con Trịnh Doanh) giết con trưởng của Hiển Tông là Duy Vỹ, giam con là Duy Khiêm với 2 người em của Duy Khiêm và lập Duy Cận (em Duy Vỹ) làm Thái Tử. Năm 1783, Kiêu Binh truất phế Duy Cận thành Sùng Nhượng Công và lập Duy Khiêm làm Hoàng Thái Tôn. Lê Duy Khiêm (sau đổi tên là Duy Kỳ) lên ngôi sau khi Lê Hiển Tông qua đời là vua Lê Chiêu Thống. Vua Lê Thần Tông và vua Lê Chiêu Thống có trùng tên là Duy Kỳ.
(3)
"Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân"
Cuối đời nhà Mạc, ông Nguyễn Kim (1468-1545) phò vua Lê Trang Tông ở Thanh Hóa mong chiếm lại đất nước từ nhà Mạc. Ông Nguyễn Kim bị hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất thuốc độc chết, binh quyền thuộc về rể là ông Trịnh Kiểm (1503-1570). Thái Sư Trịnh Kiểm kiếm cớ định tội giết con của ông Nguyễn Kim là Lãng Quận Công Nguyễn Uông. Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng (em Nguyễn Uông) hỏi ý kiến ông Trạng Trình (phải làm sao?) thì câu trả lời bất hủ là:
“Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (Hoành Sơn một dãy, muôn đời dung thân).
Ông Nguyễn Hoàng liền nhờ chị là Ngọc Bảo xin với chồng là ông Trịnh Kiểm vào trấn thủ đất Thuận Hóa, nam của Hoành Sơn thì được chấp thuận.
Năm 1558, ông Nguyễn Hoàng (1525-1613) dẫn mấy ngàn dân quân vượt Đèo Ngang của Hoành Sơn vào Thuận Hóa (gồm tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên bây giờ). Năm 1569, ông kiêm nhiệm Trấn Thủ Quảng Nam (gồm tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Qui Nhơn) và sau đó năm 1611 vượt đèo Cù Mông (giữa Bình Định và Phú Yên) chiếm Phú Yên đến biên giới Tuy Hòa (Phú Yên) và Khánh Hòa (Nha Trang) bây giờ. Đèo Cù Mông là đèo hiểm trở nhất nước Việt dài 7 km, cao 245 m và dốc 9%. Nước Chiêm Thành chỉ còn Khánh Hòa (Nha Trang), Phan Rang và Phan Thiết.
Năm 1653, chúa Nguyễn Phúc Tần chiếm Nha Trang (Khánh Hòa)
Năm 1693, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh chiếm Phan Rang và Phan Rí (Phan Thiết). Nước Chiêm Thành bị tiêu diệt.
Dưới thời chúa Nguyễn, nước Đại Việt chiếm trọn vùng Thủy Chân Lạp của nước Chân Lạp lập thành Nam Kỳ. Việc thành hình của đất Nam Kỳ chính thức từ ông Nguyễn Hữu Cảnh lập Dinh Trấn Biên và Dinh Phiên Trấn năm 1698 cho đến năm 1759 dưới thời ông Nguyễn Cư Trinh hoàn tất và ổn định Dinh Long Hồ.
Nam Kỳ Lục Tỉnh hình thành năm 1759 với 3 Dinh: Trấn Biên (tỉnh Biên Hòa), Phiên Trấn (tỉnh Gia Định) và Long Hồ.
Ông Nguyễn Cư Trinh (1716-1767) trấn Dinh Long Hồ đóng ở đất Tầm Phào (tỉnh lỵ Vĩnh Long bây giờ) từ năm 1753 đến năm 1765. Dinh Long Hồ gồm 4 tỉnh Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.
Câu “Vạn đại dung thân” không phải chỉ ám chỉ con cháu của ông Nguyễn Hoàng mà thật sự là dùng cho con cháu của dân Việt. Nhờ ông Nguyễn Hoàng vượt Hoành Sơn mà lãnh thổ nước Việt trải dài đến mũi Cà Mau với vùng đồng bằng trù phú ở Nam Kỳ đã giúp cho toàn dân được “vạn đại dung thân”?
Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm thật là một thiên tài, một câu nói làm nên lịch sử.
CHÚA NGUYỄN HOÀNG
Nghe lời quan Trạng quá Đèo Ngang
Mạo hiểm Tiên phong, Chúa Nguyễn Hoàng
Trọng dụng nhân tài an Thuận Quảng
Nương nhờ địa lợi thủ Linh Giang
Đàng Trong nước Việt dân hùng mạnh
Nghiệp cả trời Nam đất mở mang
Vạn đại thành công truyền hậu duệ
Dung thân khai quốc tự Hoành San.
(Phan Thượng Hải)
1/18/15
SẤM TRẠNG TIÊN ĐOÁN LỊCH SỬ
Sấm Trạng Trình hay Sấm Ký Nguyễn Bỉnh Khiêm là những lời được cho là có tính cách tiên tri về các sự kiện lịch sử của dân Việt trong khoảng 500 năm (1509-2019).
Bản chánh gọi là Sấm Ký bản A có 262 câu (thơ) gồm 14 câu “cảm đề” và 248 câu “sấm ký”. Ngoài ra còn có 20 bản khác gồm 7 bản chữ Hán Nôm và 20 tựa sách chữ Quốc Ngữ về Sấm Trạng Trình từ năm 1948.
Trong Trang Thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm có những bản Sấm Trạng:
Bản Hán Nôm: Nguyễn Văn Bân, Nguyễn Văn Sâm
Bản Quốc Ngữ: Hoàng Xuân, Hương Sơn, Mai Lĩnh, Nguyễn Quân, Sở Cuồng.
Sấm Ký bản A có 8 câu dưới đây (câu 43-50) là tiên đoán đúng lịch sử của cuối thế kỷ 18 (của nhà Nguyễn Tây Sơn).
Chim bằng cất cánh về đâu
Chết tại trên đầu hai chữ quận công
Bao giờ trúc mọc qua sông
Mặt trời sẽ lại đỏ hồng non tây
Đoài cung một sớm đổi thay
Chấn cung sao cũng sa ngay chẳng còn
Đầu cha lộn xuống chân con
Mười bốn năm tròn hết số thì thôi.
(1)
Chim bằng cất cánh về đâu
Chết tại trên đầu hai chữ quận công
Hai câu nầy nói về Bằng Quận Công Nguyễn Hữu Chỉnh vào thời Tây Sơn diệt chúa Nguyễn và chúa Trịnh.
Ông Nguyễn Hữu Chỉnh (? -1787) là danh sĩ Bắc Hà thời vua Lê Hiển Tông, văn võ song toàn (16 tuổi đậu Hương Cống và 18 tuổi đậu Võ Cử Nhân). Tục thế gọi ông là Cống
Chỉnh. Ông bỏ vào Đàng Trong theo phò Tây Sơn (1782).
Nhà Nguyễn Tây Sơn nổi lên ở ấp Tây Sơn (thuộc huyện Phù Ly, nay là làng An Khê, huyện Phù Cát, Qui Nhơn) vào năm 1771 với 3 anh em là Nguyễn Nhạc (?-1793), Nguyễn Huệ (1753-1792) và Nguyễn Lữ (1754-1787). Ba anh em nầy là con của ông Hồ Phi Phúc, đổi thành họ Nguyễn để thu phục nhân tâm.
Hai năm sau, ông Nguyễn Nhạc chiếm Qui Nhơn (1773). Nhân cơ hội đó Chúa Trịnh Sâm sai Hoàng Ngũ Phúc chiếm kinh đô Phú Xuân của Chúa Nguyễn (1774).
Chúa Nguyễn Định Vương Nguyễn Phúc Thuần chạy vào Gia Định (Nam Kỳ) rồi lập cháu mình (con cố Thái tử Nguyễn Phúc Hiệu) là ông Nguyễn Phúc Dương làm Đông Cung (người sẽ nối ngôi).
Chúa Nguyễn Định Vương Nguyễn Phúc Thuần nhờ quân Nguyễn ở Nam Kỳ dưới quyền của Trấn Thủ dinh Long Hồ Tống Phúc (Phước) Hiệp (?-1776) để chống lại Tây Sơn. Ông Nguyễn Nhạc tự xưng là Tây Sơn Vương ở Qui Nhơn (1776), cầu hòa với Chúa Trịnh rồi sai 2 em là Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ vào Nam diệt chúa Nguyễn (1777). Định Vương Nguyễn Phúc Thuần (gọi là Thái Thượng Vương), Đông Cung Tân Định Vương Nguyễn Phúc Dương (gọi là Tân Định Vương) và hoàng tộc của chúa Nguyễn đều bị ông Nguyễn Huệ giết hết. Năm 1778, ông Nguyễn Nhạc không thần phục Chúa Trịnh, tự xưng là Thái Đức Đế.
Con ông Nguyễn Phúc Luân là ông Nguyễn Phúc Ánh (cháu kêu Định Vương bằng chú) tự xưng Vương (1780), dùng những người thường dân là ông Đỗ Thành Nhơn (?-1781) rồi ông Châu Văn Tiếp (1738-1784) để khôi phục Nam Kỳ. Ông Đỗ Thành Nhơn lộng quyền bị Nguyễn Vương giết (1781) còn ông Châu Văn Tiếp bị thương nặng trong trận đánh với Tây Sơn ở sông Măng Thít (nay thuộc Vĩnh Long) rồi qua đời (1784).
Chiến tranh ở Nam Kỳ giữa Tây Sơn và Nguyễn Vương Phúc Ánh chấm dứt khi ông Nguyễn Huệ của Tây Sơn thắng trận Rạch Gằm Xoài Mút (nam Cái Bè, Mỹ Tho) vào năm 1784. Quân Xiêm tiếp viện Nguyễn Vương Phúc Ánh từ Vĩnh Long theo sông Tiền Giang tiến về tấn công quân Tây Sơn Nguyễn Huệ đóng ở Mỹ Tho. Ông Nguyễn Huệ phục binh ở 2 bên bờ và trong những cồn ở giữa sông Tiền Giang giữa 2 cửa sông phụ lưu Rạch Gằm và Xoài Mút, tiêu diệt 2 vạn quân Xiêm La. Hai tướng Xiêm là Chiêu Tăng và Chiêu Sương (đều là cháu của vua Xiêm) cùng vài ngàn quân sống sót lội bộ theo đường Tây Ninh qua Chân Lạp để đi về xứ. Nguyễn Vương từ Trấn Giang (Cần Thơ bây giờ) cùng Thái giám Lê Văn Duyệt và 10 người tùy tùng phải trốn qua Xiêm La (Thái Lan).
Năm 1786, theo kế ly gián của ông Nguyễn Hữu Chỉnh, ông Nguyễn Huệ và ông Vũ Văn Nhậm chiếm Phú Xuân và sau đó chiếm đất Thuận Hóa. Thế là Nam Hà (Đàng Trong) hoàn toàn thuộc nhà Tây Sơn.
Năm 1786, ông Nguyễn Nhạc tự xưng là Trung Ương hoàng đế (vẫn niên hiệu Thái Đức) đóng đô ở Quy Nhơn phong cho ông Nguyễn Lữ là Đông Định Vương ở Nam Kỳ đóng ở Gia Định và ông Nguyễn Huệ là Bắc Bình Vương trấn từ đèo Hải Vân tới sông Gianh (đóng ở Phú Xuân). Ông Nguyễn Huệ là một tướng giỏi vô địch trong Việt Sử “chiến thắng không hề chiến bại”, còn có tên là Nguyễn Văn Huệ hay Nguyễn Quang Bình.
Sau đó ông Nguyễn Huệ sai ông Nguyễn Hữu Chỉnh đi trước theo đường biển vào cửa Đại An của sông Đáy theo sông Nam Định đến sông Hồng rồi chiếm kho lương ở Vị Hoàng (vùng đất có khúc sông nhỏ cùng tên chảy từ sông Hồng vào Nam Định). Biết quân Trịnh chưa kịp phòng thủ, ông Nguyễn Huệ theo đường bộ qua Nghệ Tĩnh và Thanh Hóa đến hội ở Vị Hoàng. Từ Vị Hoàng quân Tây Sơn đánh bại bộ binh của Bùi Thế Dận ở Đông An (gần Hưng Yên?) và đánh bại thủy quân của Đinh Tích Nhưỡng ở góc sông Luộc và sông Hồng. Quân Tây Sơn lại thắng quân của chúa Trịnh Khải và Hoàng Phùng Cơ ở hồ Vạn Xuân (Thanh Trì, Hà Nội). Chúa Trịnh Khải chạy về Sơn Tây nhưng bị tên Nguyễn Trang bắt giải về nộp cho Tây Sơn. Chúa Trịnh Khải dùng gươm cắt cổ tự tận. Bắc Bình Vương cho tống táng chúa Trịnh Khải và vào Thăng Long chầu vua Lê Hiển Tông.
Sau khi cưới Ngọc Hân công chúa (con Lê Hiển Tôn) rồi Hiển Tôn mất và cháu nội là Duy Kỳ lên ngôi là Lê Chiêu Thống, ông Nguyễn Huệ và Vũ Văn Nhậm về Phú Xuân (Huế) và để Nguyễn Hữu Chỉnh giữ Nghệ An.
Trịnh Bồng (con Chúa Trịnh Giang, anh chú bác với chúa Trịnh Sâm) tự lập làm Chúa. Ông Nguyễn Hữu Chỉnh theo về phò Lê Chiêu Thống, đánh bại chúa Trịnh Bồng, được phong Đại Tư Đồ Bằng Quận Công và nắm quyền ở Bắc Hà chống lại Tây Sơn. Chúa Trịnh Bồng bỏ đi tu rồi mất tích.
Từ Bắc Hà ông Nguyễn Hữu Chỉnh có 2 câu gửi vào Đàng Trong:
Đường trời mở rộng thênh thang
Ta đây cũng một trào đàng kém ai
Từ Đàng Trong, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ trả lời:
Ai ra Đông Hải nhắn lời cùng
Lông cánh bao nhiêu dám vẫy vùng
Hồng Lĩnh bên kia bể bên nọ
Bay thì mắc núi đậu thì cung.
Chỉ một thời gian ngắn ông Nguyễn Huệ sai ông Vũ Văn Nhậm cùng 2 tâm phúc của mình là ông Ngô Văn Sở và ông Phan Văn Lân ra Bắc Hà. Tháng 11 năm Đinh Tỵ (1787), ông Vũ Văn Nhậm phá quân ông Nguyễn Hữu Chỉnh ở làng Thanh Quyết (nay thuộc Gia Viễn, Ninh Bình) rồi ở Châu Cầu (nay thuộc Kim Bảng, Hà Nam). Vua Lê Chiêu Thống chạy ra Kinh Bắc (Bắc Ninh) cầu cứu nhà Thanh. Ông Nguyễn Hữu Chỉnh chạy về Yên Thế đóng quân ở Mục Sơn (?) thì bị tướng Tây Sơn là Nguyễn Văn Hòa lên đánh và bắt sống. Ông Nguyễn Hữu Chỉnh bị xé xác ở Thăng Long theo lệnh của ông Vũ Văn Nhậm và thịt để cho chó ăn.
(2)
Bao giờ trúc mọc qua sông
Mặt trời sẽ lại đỏ hồng non Tây
Hai câu nầy nói về chiến tranh giữa nhà Mãn Thanh Trung Quốc và vua Quang Trung của Tây Sơn. Quân Thanh chiếm Thăng Long (có cất một cầu tre bắt qua sông Hồng Hà) và quân Tây Sơn chiến thắng huy hoàng như ánh mặt trời.
Cuối năm 1787, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ rút quân về Phú Xuân để Đại Tư Mã Ngô Văn Sở, Nội Hầu Phan Văn Lân và ông Ngô Thì Nhậm trấn giữ Bắc Hà. Vua Càn Long của nhà Thanh bên Tàu sai Tổng Đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị làm chánh tướng cùng Hứa Thế Hanh, Sầm Nghi Đống và Trương Triều Long đem 20-29 vạn quân sang đánh nước Đại Việt. Vua Lê Chiêu Thống cùng quân “Cần Vương” của mình ủng hộ quân Thanh. Quân nhà Thanh chiếm đóng Thăng Long đặt những đồn lũy chung quanh. Quân Tây Sơn của ông Ngô Văn Sở và ông Phan Văn Lân rút về thủ ở đèo Tam Điệp (còn gọi là đèo Ba Dội) tại Thanh Hóa. Tôn Sĩ Nghị cho cất một cầu tre bắt qua sông Hồng Hà (ứng với câu: bao giờ trúc mọc qua sông)
Ông Nguyễn Huệ lên ngôi là vua Quang Trung Hoàng Đế (đầu năm 1788), Thái Đức Đế Nguyễn Nhạc đã gần mất Nam Kỳ về tay Nguyễn Vương Phúc Ánh, tự xuống làm Tây Sơn Vương ở Quy Nhơn, nhường đất Quảng Nam cho ông Nguyễn Huệ.
Vua Quang Trung đem mấy vạn quân ra bắc hội với 6 vạn quân của 2 ông Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân ở Tam Điệp (tổng cộng là 10 vạn quân). Theo lời khuyên của một ẩn sĩ ở Nghệ An là La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, vua Quang Trung quyết định đánh nhanh (và đánh mạnh), liền chia ra 5 cánh quân tiến ra bắc.
Đêm 30 Tết Kỷ Dậu xuất phát từ núi Tam Điệp, vua Quang Trung cùng với ông Ngô Văn Sở và ông Phan Văn Lân dẫn cánh quân thứ nhứt (cánh quân chủ lực) tiến thẳng về hướng bắc theo đường Hà Nam chiếm 2 đồn của quân Cần Vương Lê Chiêu Thống: đồn Nguyệt Quyết (nay ở Thanh Liêm, Hà Nam) và đồn Nhật Tảo (nay ở Duy Tiên, Hà Nam). Mùng 3 Tết vua Quang Trung vây đồn Hà Hồi, 20 km nam Thăng Long (nay ở Thường Tín, Hà Nội), quân Thanh không kịp phòng bị phải đầu hàng. Mùng 4 Tết, quân của vua Quang Trung đến đóng trước đồn Ngọc Hồi, 15 km nam Thăng Long (nay ở Thanh Trì, Hà Nội) là nơi có lực lượng chính của quân Thanh do Đề Đốc Hứa Thế Hanh và Tổng Binh Trương Triều Long cầm đầu.
Trong khi đó (mùng 4 Tết) Đô Đốc Long (còn gọi là Đô Đốc Mưu), tên là Nguyễn Tăng Long, dẫn một cánh quân Tây Sơn thứ nhì từ Tam Điệp bọc theo đường Hà Tây qua Chương Đức (nay là Chương Mỹ, Hà Tây), qua cầu Nhân Mục của sông Tô Lịch chiếm đồn Khương Thượng, Sầm Nghi Đống bị vây ở 1 gò đất không thoát được phải tự tử. Đêm mùng 4 Tết, Đô Đốc Long chiếm đồn Nam Đồng. Tôn Sĩ Nghị ở cung Tây Long (đông Thăng Long) hoãng sợ bỏ chạy, vua Lê Chiêu Thống cũng chạy theo, quân Thanh dành nhau qua cầu sông Nhị Hà trốn về Tàu. Đồn Khương Thượng (còn gọi là Đống Đa) và đồn Nam Đồng ở tây nam Thăng Long (nay thuộc Đống Đa, Hà Nội). Sử cũ thường gọi những trận đánh nầy của Đô Đốc Nguyễn Tăng Long là trận Đống Đa. (Vua Quang Trung không có đánh trận Đống Đa).
Sáng mùng 5 Tết vua Quang Trung tấn công và chiếm đồn Ngọc Hồi, Hứa Thế Hanh tử trận. Quân Thanh chạy về hướng Thăng Long thì bị cánh quân thứ ba là 1 cánh quân bên trái của cánh quân vua Quang Trung (cũng theo đường Hà Nam), do Đô Đốc Bảo (tên là Đặng Xuân Bảo) cầm đầu chận đánh ở Đầm Mực (tây bắc Ngọc Hồi), Trương Triều Long bị giết chết. Vua Quang Trung vào Thăng Long ngày mùng 5 Tết (30-1-1788) được Đô Đốc Long đón tiếp.
Quân Tôn Sĩ Nghị trên đường chạy về Tàu bị Đô Đốc Tuyết (tên là Nguyễn Văn Tuyết) chận đánh ở Hải Dương phải chạy lên hướng bắc thì bị Đô Đốc Lộc (tên là Nguyễn Văn Lộc) phục kích một trận ở Lạng Giang.
(3)
Đoài cung một sớm đổi thay
Chấn cung sau cũng sa ngay chẳng còn
Đầu cha lộn xuống chân con
Mười bốn năm tròn hết số (kiếp) thì thôi.
Hai câu trên nói về số phận của vua “em” Quang Trung Nguyễn Huệ (cung Đoài, làm em) sẽ chết trước vua “anh” Thái Đức Nguyễn Nhạc (cung Chấn, làm anh).
Theo hai câu dưới, từ vua “cha” Quang Trung lên ngôi (1778) cho đến vua “con” Cảnh Thịnh mất ngôi và bị giết (1802) thì vừa đúng 14 năm. Theo Hán tự, trong chữ Quang có chữ Tiểu ở trên đầu và trong chữ Cảnh có chữ Tiểu ở dưới chân.
Bốn năm sau khi thắng quân Thanh (1792) vua Quang Trung bành trướng quân đội (cứ 3 người đàn ông thì tuyển 1 người làm lính). Chính sử cho rằng nhà vua muốn đánh nước Tàu (hay chiếm Lưỡng Quảng). Vua Quang Trung chuẩn bị sai sứ giả là ông Vũ Văn Dũng sang Tàu cầu hôn và đòi đất Lưỡng Quảng (của Triệu Đà ngày xưa) để thử triều đình nhà Thanh. Nhưng sứ thần là ông Vũ Văn Dũng chưa khởi hành thì chẳng may vua Quang Trung bất ngờ bị bệnh và qua đời. Vua thọ 40 tuổi.
Nguyễn Vương Phúc Ánh (1762-1820) là con của ông Nguyễn Phúc Luân, là cháu kêu chúa Định Vương bằng chú và là cháu nội của Chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát. Ông là hoàng tộc của chúa Nguyễn độc nhất còn sống sót nhà Tây Sơn.
Năm 1787, khi Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ bận rộn ở Bắc Hà, Nguyễn Vương Phúc Ánh trở lại chiếm toàn bộ Nam Kỳ (1789), Nguyễn Lữ thua chạy về Qui Nhơn, đi tu rồi mất một thời gian ngắn sau đó.
Theo đường bộ, Nguyễn Vương chiếm đến Phú Yên. Ông Nguyễn Huỳnh Đức thắng một trận lớn ở đèo Cù Mông. Đèo Cù Mông là đèo hiểm trở nhất nước Việt dài 7 km, cao 245 m và dốc 9%. Nhờ đó đường bộ đuợc khai thông cho quân Nguyễn Vương tiến lên hướng bắc tấn công Qui Nhơn (kinh đô của Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc).
Sau 3 lần tấn công, Nguyễn Vương chiếm được Qui Nhơn và đổi tên là Bình Định (1799). Sau khi giải vây Qui Nhơn lần thứ nhất, quân Tây Sơn của vua Cảnh Thịnh từ Phú Xuân vào Quy Nhơn tịch thu tài sản và kho tàng của Hoàng Đế Nguyễn Nhạc nên ông tức giận thổ huyết mà chết. Con là Nguyễn Bảo chỉ được ăn lộc 1 huyện, tước là Hiến Công (Sử gọi là Tiểu Triều). Tiểu Triều Nguyễn Bảo muốn hàng Nguyễn Vương nhưng bị em chú bác là vua Cảnh Thịnh hay được, bắt dìm xuống sông cho chết (1798).
Trong nội loạn ở Phú Xuân (1795), Tổng trấn Bắc Thành Ngô Văn Sở và cha con Thái sư Bùi Đắc Tuyên và Bùi Đắc Trụ bị Vũ Văn Dũng giết (bằng cách dìm dưới sông Hương). Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng cầm quyền, vào đánh Bình Định (Qui Nhơn). Trần Quang Diệu vây thành Qui Nhơn còn thủy quân của Vũ Văn Dũng giữ cửa Thị Nại. Theo kinh nghiệm của đèo Cù Mông, Nguyễn Vương tránh đường bộ và đèo Hải Vân nên dùng đường thủy và “thủy quân lục chiến”.
Nguyễn Vương cho rao truyền câu đồng dao ở các vùng của Tây Sơn:
“Lạy Trời cho chóng gió Nồm (*)
Cho thuyền Chúa Nguyễn giong buồm thẳng ra”
(*) Gió từ Nam thổi ra Bắc.
Năm 1801, theo đường biển, Nguyễn Vương đem các ông Lê Văn Duyệt và Võ Di Nguy đánh cửa Thị Nại. Võ Di Nguy tử trận nhưng nhờ ông Lê Văn Duyệt tiếp tục tấn công, Nguyễn Vương chiếm được Thị Nại, Vũ Văn Dũng thua về với Trần Quang Diệu tiếp tục vây thành Quy Nhơn. Ông Võ Tánh (và ông Ngô Tòng Châu) liều chết giữ thành Qui Nhơn cầm chưn quân chủ lực của Tây Sơn và gửi mật thư khuyên Nguyễn Vương Phúc Ánh đánh chiếm Phú Xuân. Nguyễn Vương cho ông Nguyễn Văn Thành đóng ở Thị Nại chận đường thủy của quân Tây Sơn ở Qui Nhơn rồi Vương theo đường biển đi về phương bắc vào chiếm Quảng Nam (1801). Ông để ông Nguyễn Huỳnh Đức đóng ở Quảng Nam chận đường bộ tiếp viện Phú Xuân của Trần Quang Diệu từ Qui Nhơn. Trong khi Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng hạ thành Qui Nhơn, Nguyễn Vương Phúc Ánh đem ông Nguyễn Văn Trương và Lê Văn Duyệt cũng theo đường biển vào cửa Thuận An theo sông Hương vào chiếm Phú Xuân (Huế), vua Cảnh Thịnh chạy ra Bắc Hà.
Đầu năm 1802, Vua Cảnh Thịnh sai em là Nguyễn Quang Thùy và bà Bùi Thị Xuân (vợ ông Trần Quang Diệu) đánh lũy Trấn Ninh và cửa Nhật Lệ (thuộc Đồng Hới, Quảng Bình). Nguyễn Vương Phúc Ánh cùng ông Đặng Trần Thường và Phạm Văn Nhân giữ lũy Trấn Ninh và cho ông Nguyễn Văn Trương đánh bại thủy quân Tây Sơn ở cửa Nhật Lệ. Bộ binh Tây Sơn ở trước lũy Trấn Ninh bỏ chạy.
Từ đó quân Tây Sơn tan vỡ, lục quân của ông Lê Văn Duyệt và ông Lê Chất cùng với thủy quân của ông Nguyễn Văn Trương tiến chiếm Bắc Hà dễ dàng, bắt toàn thể hoàng gia nhà Tây Sơn. Ông Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng đã phải từ Quy Nhơn theo đường Ai Lao rút về Bắc Hà nên cũng bị bắt. Vua Cảnh Thịnh và tất cả hoàng gia và tướng của Tây Sơn đều bị vua Gia Long giết chết (1802).
THI PHẨM
Hậu thế luôn nhắc đến 1 bài thơ tiêu biểu của ông Nguyễn Bỉnh Khiêm về “triết lý Nhàn” của ông:
NHÂN TÌNH THẾ THÁI BÀI 38 (CẢNH NHÀN)
Một mai một cuốc một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thế nào
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp
Nhìn xem phú quí tựa chiêm bao.
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Thật ra ông Nguyễn Bỉnh Khiêm có để lại 3 tác phẩm về Thơ:
Quyển Bạch Vân Am Thi Tập gồm một số ít thơ Đường Luật cổ điển dùng chữ Hán.
Quyển Bạch Vân Gia Huấn dùng chữ Hán Nôm theo thể Song Thất Lục Bát.
Nhưng quan trọng nhất là quyển Bạch Vân Quốc Ngữ Thi Tập gồm những bài thơ Đường Luật TNBC cổ điển hoặc theo Hàn Luật dùng chữ Hán Nôm.
THƠ HÀN LUẬT
Tục truyền rằng ông Hàn Thuyên (1229-?) có cải cách thơ Đường bằng những luật mới như dùng câu 6 chữ (1) hay ngắt nhịp 3,4 (thay vì 4,3) hoặc dùng thủ vỹ ngâm (2). Thủ vỹ ngâm là câu đầu và câu cuối của bài thơ giống nhau.
Hậu thế gọi là Hàn Luật. Các ông Nguyễn Sĩ Cố, Chu Văn An và Lê Quý Ly có làm thơ Hán Nôm như ông Hàn Thuyên nhưng đều thất lạc vì Bắc thuộc thời nhà Minh. Thơ Hán Nôm mới thấy lại vào đời nhà Hậu Lê bắt đầu từ ông Nguyễn Trãi.
Đây là một những bài thơ Hán Nôm của ông Nguyễn Trãi dùng Hàn Luật (mà sau nầy cũng thấy trong thơ Hồng Đức và thơ của ông Nguyễn Bỉnh Khiêm).
HOA SEN
Lầm nhơ chẳng bén, tốt hòa thanh
Quân tử không kham được thửa danh
Gió đưa hương, đêm nguyệt lạnh (1)
Riêng làm của, có ai tranh. (1)
(Nguyễn Trãi)
THỦ VỸ NGÂM
Góc thành Nam, lều một gian (1) (2)
No nước uống, thiếu cơm ăn (1)
Ao bởi hẹp hòi khôn thả cá
Nhà quen thú thứa ngại nuôi vằn (*)
Con đòi trốn dường ai quyến (1)
Bà ngựa gầy thiếu kẻ chăn (**) (1)
Chẳng phải triều quan chẳng phải ẩn
Góc thành Nam, lều một gian. (1) (2)
(Nguyễn Trãi)
(*) Thú thứa=xú xứa=xuề xòa=xuềnh xoàng. Vằn=chó vằn, con chó
(**) Bà ngựa=con ngựa, như gọi là ông voi thay vì con voi.
Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng dùng thơ Đường Luật theo thể Hàn Luật dĩ nhiên dùng chữ Hán Nôm (mà lúc đó ông đã gọi là Quốc Ngữ): có câu 6 chữ (1) và Thủ Vỹ Ngâm (2) như những bài dưới đây.
NHÂN TÌNH THẾ THÁI BÀI 2 (AN PHẬN THÌ HƠN)
Giàu ba bữa khó hai niêu (1)
An phận thì hơn hết mọi điều
Khát uống trà mai hơi ngút ngút
Sốt kề hiên nguyệt gió hiu hiu
Giang sơn tám bức là tranh vẽ
Hoa cỏ tư mùa ấy gấm thêu
Thong thả đêm khuya nằm sớm thức
Muôn vàn đã đội đức trời Nghiêu.
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
VÔ ĐỀ
Rất nhân sinh bảy tám mươi (1) (2)
Làm chi lảo đảo nhọc lòng người
Bạch Vân am vắng chim kêu muộn
Kim Tuyết dòng thanh cá mát tươi
Ưu ái một niềm hằng nhớ chúa
Công danh hai chữ đã nhường người
Giàu lẫn khó yên đòi phận (1)
Rất nhân sinh bảy tám mươi (1) (2)
Thanh nhàn hưởng được tính từ nhiên
Non nước cùng ta đã có duyên
Dắng dỏi bên tai cầm suối (1)
Dập dìu trước mặt tán sen (1)
Xuân về, hoa nở mùi hương nức
Khách đến, chim mừng dáng mặt quen
Chốn ấy thanh nhàn được thú (1)
Lọ là Bồng Đảo mới tiên. (1)
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Tuy nhiên thơ Hàn Luật của ông Nguyễn Bỉnh Khiêm còn cải cách xa hơn nữa. Như bài “Vô Đề” ở trên, ông dùng 2 bài thơ Bát Cú cho 1 đề tài. Kế đến ông Nguyễn Bỉnh Khiêm còn có dùng câu 5 chữ (3) và còn làm 1 bài thơ Lục Cú tức là chỉ có 6 câu thay vì 8 hay 4 câu (4)
THÚ DƯỠNG THÂN
Phú quý bởi thời vần (3)
Tu luyện lâu bền thú dưỡng thân
Hứng ý miệng ngâm câu quốc ngữ
Giải phiền tay chuốc chén quỳnh xuân
Đường hoa chào khách mặt nhìn mặt (5)
Ngõ hạnh đưa người chân ngại chân (5)
Dẫu có ai than thì sẽ nhủ:
Thái bình thiên tử thái bình dân. (5)
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
THÚ TIÊU DAO (4)
Xóm tự nhiên lều một căn (1)
Quét không thây thẩy bụi hồng trần
Nhìn hàng cam quít con đòi cũ
Mấy gã ngư tiều lừa bạn thân
Thấy nguyệt tròn thì kể tháng (1)
Nhìn hoa nở mới hay xuân. (1)
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
THƠ ĐƯỜNG LUẬT
Trong bài thơ Đường Luật TNBC chính thống hay Hàn Luật, ông Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng có những kỹ thuật tân tiến như dùng chữ lập lại trong câu 7 chữ (5):
THÚ DƯỠNG THÂN
Phú quý bởi thời vần
Tu luyện lâu bền thú dưỡng thân
Hứng ý miệng ngâm câu quốc ngữ
Giải phiền tay chuốc chén quỳnh xuân
Đường hoa chào khách mặt nhìn mặt (5)
Ngõ hạnh đưa người chân ngại chân (5)
Dẫu có ai than thì sẽ nhủ:
Thái bình thiên tử thái bình dân. (5)
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
THÚ NHÀN
Lẩn thẩn ngày qua lại tháng qua
Một năm xuân tới một phen già
Ái ưu vằng vặc trăng in nước
Danh lợi lâng lâng gió thổi hoa
Án sách vẫn còn án sách cũ (5)
Nước non bạn với nước non nhà (5)
Cuộc cờ đua chí dù cao thấp
Ta muốn thanh nhàn thú vị ta.
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
NHÂN TÌNH THẾ THÁI BÀI 20 (THẾ GIAN BIẾN ĐỔI)
Thế gian biến đổi vũng nên đồi
Mặc lạt chua cay lẫn ngọt bùi
Còn bạc còn tiền còn đệ tử (5)
Hết cơm hết gạo hết ông tôi (5)
Xưa nay vẫn trọng người chân thực
Ai nấy nào ưa kẻ đãi bôi
Ở thế mới hay người thế bạc
Giàu thì tìm đến khó tìm lui.
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm còn dùng thể Độc Vận và Song Ngữ:
DẠI KHÔN
Làm người có dại mới nên khôn
Chớ dại ngây si chớ quá khôn
Khôn được ích mình đừng rẻ dại
Dại thì giữ phận chớ tranh khôn
Khôn mà hiểm độc là khôn dại
Dại vốn hiền lành ấy dại khôn
Chớ cậy rằng khôn khinh kẻ dại
Gặp thời, dại cũng hóa thành khôn.
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Đời sau có thi sĩ “nối nghiệp”:
DẠI KHÔN (Họa)
Ong óng đua nhau nói dại khôn
Biết ai là dại biết ai khôn
Khôn mê tửu sắc là khôn dại
Dại chốn thiền môn ấy dại khôn
Khôn ấy không tiền, khôn ấy dại
Dại mà phiền nhiễu, dại mà khôn
Đố ai rõ đặng trong khôn dại
Mới gọi là người biết dại khôn.
(Cai Tổng Lê Quang Chiểu)
DẠI KHÔN (Họa)
Thiên hạ đua nhau nói dại khôn
Biết ai là dại biết ai khôn
Khôn nghề cờ bạc là khôn dại
Dại chốn văn chương ấy dại khôn
Mấy kẻ nên khôn đều có dại
Làm người có dại mới nên khôn
Chữ khôn ai cũng khôn là thế
Mới biết trần gian kẻ dại khôn.
(Tú Tài Trần Tế Xương)
DẠI KHÔN (Họa)
Vũ trụ càn khôn có dại khôn
Nhân sinh định kiến dại hay khôn
Lương tâm thiện tánh, tình không dại
Nhân nghĩa lợi danh, trí biết khôn
Lắm lúc tày khôn thành quá dại
Đôi khi giả dại thế mà khôn
Người khôn từng trải điều khôn dại
Kẻ dại luận bàn chuyện dại khôn.
(Phan Thượng Hải)
11/13/2019
KẾT LUẬN
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được biết như một nhà tiên tri nhưng ít người biết ông là một người đức độ khiêm nhường, một học giả thông thái, có tài làm thơ rất hay góp phần cho nền văn học nước ta và là một chính trị gia lỗi lạc: với những câu nói đơn giản ông đã làm nên lịch sử hòa bình lâu dài và mở rộng địa lý của nước Việt.
Nho Giáo muốn bình trị Thiên Hạ nhưng trong lịch sử Nho Gia từ Khổng Tử cho đến Vương Dương Minh ở Trung Quốc cũng như các ông Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Nguyễn Công Trứ… ở Việt Nam không có một ai thành công làm an dân lợi nước rộng lớn và lâu dài trong sự khiêm nhường như ông Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Sấm Trạng Trình của ông cũng tiên đoán đúng lịch sử của nhà Nguyễn Tây Sơn.
TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
Công nghiệp Trạng Trình giúp quốc gia
An dân lợi nước bậc tài ba
Khéo khuyên cộng hưởng dòng Lê Trịnh
Hữu ích về cho xứ Bắc Hà
Họ Nguyễn tuân theo lời viễn thị
Phương Nam mở rộng đất bao la
Bỉnh Khiêm tri túc bình thiên hạ
Người Việt nhờ ơn được thái hòa.
Mai danh ẩn tích tánh khiêm hòa
Sấm ký tiên tri biết chuyện xa
Cửa Khổng nhân sinh đà hiểu thấu
Sân Trình vũ trụ đã thông qua
Thi từ cải cách nền văn học
Chính kiến thành công việc nước nhà
Thông thái minh tâm không vị lợi
Đức tài đệ nhất rạng Nho Gia.
(Phan Thượng Hải)
10/22/16
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Bài nầy đăng lần đầu trong phanthuonghai.com phần Văn Thơ mục Đọc Thơ.
Tài Liệu Tham Khảo:
Phần "Thơ và Sử" trong phanthuonghai.com
Nguyễn Bỉnh Khiêm (Phan Thượng Hải)
Nguyễn Hoàng (Phan Thượng Hải)
Nguyễn Hữu Chỉnh (Phan Thượng Hải)
Quang Trung (Phan Thượng Hải)
Gia Long (Phan Thượng Hải)
Trang Thơ Nguyễn Bỉnh Khiên Thi Viện Net
TỪ BÀI THƠ "CẢNH NHÀN" CỦA NGUYỄN BỈNH KHIÊM
Bs Phan Thượng Hải biên soạn
Bài thơ "Cảnh Nhàn" là bài thơ vô đề thứ 78 trong Bạch Vân Am Quốc Ngữ Thi Tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tựa đề là do hậu thế đặt ra.
Hậu thế từ đầu thế kỷ rất ưa chuộng bài thơ nầy. Nó rất phổ thông nên còn được người ngoại quốc để ý tới. Khi nói tới thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm, độc giả hiện đại đều nói tới bài thơ nầy trước nhất.
CẢNH NHÀN
Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Rượu đến gốc cây ta hãy nhắp
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
(*) Chú thích:
2 câu cuối dẫn điển cố là chuyện Thuần Vu Phồn say rượu mà ngủ dưới gốc cây hoè, nằm mộng thấy đến nước Hoè An được công danh phú quý vinh hiển; nhưng khi tỉnh thức dậy thì biết chỉ là giấc mộng và nhìn lại dưới gốc cây hoè chỉ thấy có một tổ kiến mà thôi.
Câu 7 có những bản viết là : "bóng" thay vì "gốc"; "sẽ" thay vì "hãy" và "uống" thay vì "nhắp"(= nhấp).
Hai câu cuối của bài thơ ngược lại với nội dung "cấm rượu" (giới tửu) của một bài thơ khác của Nguyễn Bỉnh Khiêm, cũng cùng trong Bạch Vân Am Quốc Ngữ Thi Tập.
GIỚI TỬU
Hễ thấy ma men lánh chớ chơi
Đừng theo thói tục vốn quen hơi
Hẳn hoi giữ được âu chăng một
Ăn nói hoăng ra ắt tỏ mười
Chẳng những đắng cay, mình cưỡng uống
Lại điều trẻ nít thế thêm cười
Tỉnh ra gẫm lại hay chi nữa
Xin bớt mà thôi, chẳng rũ rời.
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm viết về "Dại Khôn" trong 2 câu Thực của bài thơ "Cảnh Già" với tính cách châm biếm nhưng ngụ ý ngược lại (sarcastic):
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao
Vì đặc tính châm biếm, 2 câu nầy thường được hậu sinh nhắc tới nhiều nhất. Thật ra Nguyễn Bỉnh Khiêm rất chú ý một cách trịnh trọng và thận trọng về vấn đề "Dại Khôn" đến nỗi ông có làm bài thơ vô đề thứ 102 trong Bạch Vân Am Quốc Ngữ Thi Tập về đề tài "Dại Khôn" nầy và hậu thế đặt tựa đề cho bài thơ nầy là "Dại Khôn":
DẠI KHÔN (Nguyên bản)
Làm người có dại mới nên khôn
Chớ dại ngây si chớ quá khôn
Khôn được ích mình đừng rẻ dại
Dại thì giữ phận chớ tranh khôn
Khôn mà hiểm độc là khôn dại
Dại vốn hiền lành ấy dại khôn
Chớ cậy rằng khôn khinh kẻ dại
Gặp thời, dại cũng hóa thành khôn.
(Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Đây là bài thơ được hậu sinh hiện đại đọc rất nhiều trong Trang Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, chỉ đứng sau bài thơ "Cảnh Nhàn" mà thôi. Nó là bài thơ đầu tiên làm theo thể "song ngữ" (?): dùng 2 tiếng đi đôi với nhau (dại và khôn) với 1 tiếng làm độc vận của bài thơ (khôn). Đó cũng là một trong những cải cách Thơ Đường Luật Quốc ngữ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sự việc nầy cho thấy Thơ Đường Luật Quốc ngữ của nước ta có nhiều canh tân làm cho hay hơn Thơ Đường Luật Hán ngữ hay của Trung Quốc.
Đời sau có những bài họa bàn về chuyện "Dại Khôn", dĩ nhiên cũng áp dụng cải cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
DẠI KHÔN (Họa)
Thiên hạ đua nhau nói dại khôn
Biết ai là dại biết ai khôn
Khôn nghề cờ bạc là khôn dại
Dại chốn văn chương ấy dại khôn
Mấy kẻ nên khôn đều có dại
Làm người có dại mới nên khôn
Chữ khôn ai cũng khôn là thế
Mới biết trần gian kẻ dại khôn.
(Tú tài Trần Tế Xương)
Đầu thế kỷ 20 ở Bắc Kỳ
DẠI KHÔN (Họa)
Ong óng đua nhau nói dại khôn
Biết ai là dại biết ai khôn
Khôn mê tửu sắc là khôn dại
Dại chốn thiền môn ấy dại khôn
Khôn ấy không tiền, khôn ấy dại
Dại mà phiền nhiễu, dại mà khôn
Đố ai rõ đặng trong khôn dại
Mới gọi là người biết dại khôn.
(Cai tổng Lê Quang Chiểu)
Đầu thế kỷ 20 ở Nam Kỳ
DẠI KHÔN (Họa)
Vũ trụ càn khôn có dại khôn
Nhân sinh định kiến dại hay khôn
Lương tâm thiện tánh, tình không dại
Nhân nghĩa lợi danh, trí biết khôn
Lắm lúc tày khôn thành quá dại
Đôi khi giả dại thế mà khôn
Người khôn từng trải điều khôn dại
Kẻ dại luận bàn chuyện dại khôn.
(Phan Thượng Hải)
Đầu thế kỷ 21
11/13/19
Quan điểm "Nhàn" của bài thơ là phản ảnh đúng với triết lý "truy cầu an lạc" của Tống Nho và Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm chính là Nho sĩ thuộc phái Tống Nho. Ông không phải theo Đạo Gia như Lão tử hay Trang tử. Dĩ nhiên ông không phải là 1 chơn nhơn (danh hiệu dùng cho Tiên của Đạo Giáo hay Lão Giáo).
Nho Gia được thành lập từ cuối thời Xuân Thu do Khổng tử và sau đó trở thành Nho Giáo. Khi đến đời Bắc Tống, anh em Trình Hạo và Trình Di và Chu Hi dùng Kinh Dịch và các lý thuyết về vũ trụ của Âm Dương Gia làm căn bản mà lập ra Nho Giáo mới, thường gọi nôm na là Tân Nho Giáo (còn gọi là Đạo Học Gia). Đó là ngành Lý Học vì dựa trên "Lý và Khí". Nó phân biệt với ngành Tâm Học của Vương Dương Minh vào thời nhà Minh.
Nho Giáo truyền qua Đại Việt với các Nho sĩ tiêu biểu như Chu Văn An (nhà Trần) và Nguyễn Trãi (nhà Lê). Lương Đắc Bằng và Nguyễn Bỉnh Khiêm (nhà Mạc) là những Nho sĩ Tống Nho đầu tiên. Câu "An Nam Lý Học hữu Trình Tuyền" chứng minh điều nầy. Nguyễn Bỉnh Khiêm được gọi là Trạng Trình vì ông đậu Trạng Nguyên và khi làm quan với nhà Mạc có tước hiệu là Trình Tuyền hầu rồi được thăng là Trình Quốc công.
"Truy cầu an lạc" cũng là một mục đích được Trình Hạo của Tống Nho thừa nhận. Thánh Nhân không những vui Đạo mà vui những gì vốn là của mình. Tống Nho trích từ trong Luận Ngữ câu nói của Khổng Tử: "Ăn cơm thô, uống nước lã, co cánh tay mà gối (đầu), ở trong cảnh ấy ta cũng lấy làm vui. Bất nghĩa mà giàu sang thì ta coi như mây nổi".
Trình Hạo cũng tóm tắt trong bài thơ về quan điểm "Nhàn" của mình và của Lý Học Tống Nho:
NGẪU THÀNH
Nhàn lai vô sự bất thung dung
Thụy giác đông song nhật dĩ hồng
Vạn vật tĩnh quan giai tự đắc
Tứ thời giai hứng dữ nhân đồng
Đạo thông thiên địa hữu hình ngoại
Tứ thập phong vân biến thái trung
Phú quí bất dâm bần tiện lạc
Nam nhi đáo thử thị hào hùng.
(Trình Hạo)
NGẪU NHIÊN THÀNH THƠ (Dịch)
Năm qua mọi việc thảy thong dong
Tỉnh giấc vừng ô mọc đã hồng
Muôn vật lặng xem đều tự đắc
Bốn mùa vui thú với nhân đồng
Ngoài hình vóc, đạo thông trời đất
Trong chuyển di, lòng thấu núi sông
Phú quý chẳng dâm, bần tiện sướng
Nam nhi dường ấy mới hào hùng.
(Nguyễn Văn Dương dịch)
Câu thơ "Phú quí bất dâm bần tiện lạc" (Phú quí chẳng dâm, bần tiện sướng) đã lưu truyền hậu thế cho đến hiện đại nhưng đại đa số những người "quote" nó không biết nguồn gốc của nó từ đâu ra!
Bài thơ "Cảnh Nhàn" của Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ áp dụng cho một người ở nông thôn vào thế kỷ thứ 16 ở nước Việt. Một người già hiện đại trong thế kỷ 21 dù cho ở đâu cũng phải có "Cảnh Nhàn" được diễn tả khác hơn.
CẢNH NHÀN (Nguyên bản)
Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Rượu đến gốccây ta hãy nhắp
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
TRI NHÀN TRI TÚC (Họa)
Duyên may an lạc tả vài câu
Sống lúc cao niên phải thế nào
Giải trí văn hoa thêm khoái tỉ
Dưỡng thân liệt lão hết xanh xao
Tri nhàn, giản dị tình già dặn
Tri túc, hòa đồng mộng ước ao
Khôn dại sự đời không thắc mắc
Tỉnh say vẫn để ý hầu bao.
(Phan Thượng Hải)
7/20/21
(*) Chú thích:
Khoái tỉ = thích thú, lấy làm thỏa mãn
Xanh xao = (Da) có màu xanh tái; nhợt nhạt; có vẻ ốm yếu.
Già dặn = Phát triển đến mức đầy đủ - Quá mức qui định - Có trình độ cao nhờ từng trải trong công việc hoặc cuộc sống.
Ước ao = ao ước = mong đạt được điều gì một cách thiết tha.
Thắc mắc = còn chưa thông hiểu điều gì, cần được giải đáp.
Ngắn ngủi = (Thời gian) quá ngắn hay quá ít, so với mong muốn yêu cầu.
Hầu bao = Số tiền của một người hay một một tập thể - Túi vải đựng tiền của người thời trước, thường dùng đeo ở thắt lưng.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Tài Liệu Tham Khảo:
Lời Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm (Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
Lịch Sử Tân Nho Giáo (Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
Trang Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm - Google
Đại Từ Điển Tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên)
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền.
Bàn về Họa Vận
Bs Phan Thượng Hải
(1)
Đây là nguyên văn trong quyển "Thi Pháp Thơ Đường" của Thi sĩ tiền chiến Quách Tấn, là 1 trong 2 quyển sách được nhiều Thi nhân làm Thơ Đường "cổ điển" tôn trọng. Quyển thứ nhì là "Phép Làm Thơ" của Diên Hương. Hai ông đều là Thi sĩ Thơ Đường (bằng chữ Quốc Ngữ) lỗi lạc của Nam Hà vào thời Pháp Thuộc và thời Đệ Nhất Cộng Hòa.
(Trang 354-355)
Họa vận phải theo 3 qui luật, ngoài những phép tắc đã nói trên, là:
1. Bài họa phải cùng một thể luật như bài xướng, nghĩa là hễ bài xướng thể thất ngôn luật bằng thì bài họa cũng vậy.
2. Những vần của bài họa phải cùng một nghĩa với những vần với bài xướng. Ví dụ:
Vần bài xướng là đường là con đường thì bài họa cũng phải dùng vần đường với nghĩa con đường chớ không được dùng chữ đường là đường mía hay đường là nhà...
Vần bài xướng là vần châu là hạt châu thì không được dùng trong bài họa chữ châu là châu quận hay châu là thuyền...
3. Những chữ đứng trước vận ngữ bài họa, tức là chữ thứ 6 trong câu bỏ vần, đều không được trùng với chữ đứng trước vận ngữ, tức chữ thứ 6 trong câu bỏ vần, bài xướng. (Như không được dùng "mến thương" để họa "mến thương" mà phải họa bằng "nhớ thương" hay "tiếc thương"...)
Ba qui luật nầy được triệt để tuân thủ trong thơ chữ Hán. Nhưng trong thơ Quốc Âm (chữ Nôm hay chữ Quốc Ngữ), nhất là từ khi chữ Hán cáo chung, thì không còn được áp dụng một cách chặt chẽ nữa. Qui luật thứ 3 còn được phần đông tuân theo.
......
Phạm luật mà hay còn hơn đúng luật mà dở (QT thường gọi là Phá Luật chớ không gọi là Thất Luật). Nhưng vừa không phạm luật (mà) vừa hay thì mới thật là diệu thủ.
Thơ xướng họa là một lối thơ thù tạc, một lối thơ tiêu khiển.
(Quách Tấn)
Ông Quách Tấn viết quyển "Thi Pháp Thơ Đường" với ngụ ý khiêm nhường chỉ nói lên sự hiểu biết và ý kiến riêng của mình. Quyển sách nầy có 25 bài mà ông viết dưới hình thức một bức thư: bức thư thứ nhất, thứ nhì... tới bức thư thứ 25. Ngụ ý của ông là nó không phải là "Bible" hay ít nhất nó cũng không phải là "Text Book" mà chỉ là "Guide Lines" cho người làm thơ Đường Luật mà thôi.
Tui nghĩ hậu thế (như Google) chỉ dựa vào 2 quyển sách nầy về cách làm Thơ Đường Luật mà thôi, nhất là quyển của Quách Tấn rất đầy đủ.
(2)
Như trên, ông Quách Tấn viết: "Qui luật thứ 3 còn được phần đông tuân theo".
Vâng, tui vẫn tuân theo qui luật nầy nhưng rất hiếm khi phải cố tình phá luật để nói ý mình muốn nói (trong Nội Dung).
Tui cũng có 2 nguyên tắc về Hình thức:
1. Tui nghĩ Luật của Thơ Đường Luật giúp cho có sự cân đối và khéo léo.
2. Tui nghĩ Luật của Thơ Đường Luật là căn bản để cho Âm thanh của câu thơ và bài thơ khi đọc lên thì thấy hay, như một bản nhạc vậy. Nó khác với câu văn xuôi. Đây chỉ là căn bản mà thôi vì Thi nhân phải dụng công sức riêng thêm nữa.
Nếu ta phá một vài luật thiển cận và không quan trọng mà không đi sai 2 nguyên tắc trên và đạt được nội dung ý nghĩa mình muốn thì không có gì đáng phàn nàn? Có khi lại còn làm cân đối hơn? Như trường hợp "tử vận" thì sao?
Hơn nữa nếu là tui Tự Họa chớ không Họa của một Thi sĩ khác thì không cần phải theo Luật của ông Quách Tấn, vì ông Quách Tấn chỉ viết cho xướng họa giữa 2 thi nhân.
Thêm nữa, ông Quách Tấn như phần trên đã viết: "Ba qui luật nầy (1, 2 và 3) được triệt để tuân thủ trong thơ chữ Hán". Tức là thơ họa dùng chữ Hán của tiền nhân ta không bao giờ phạm qui luật thứ 3.
Ông Quách Tấn đã không nhớ hay không biết bài thơ của ông Nguyễn Trãi họa bài thơ của Lê Thái Tông còn lưu giữ trong lịch sử thi ca (đều có đăng trong Thi Viện Net, Trang Thơ Nguyễn Trãi).
Xin trích đoạn nầy đã có trong 3 bài viết của tui đã đăng trong website của tui phanthuonghai.com: "Nguyễn Trãi", "Thơ Lịch Sử" và "Lịch Sử Họa Thơ".
Tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442), vua Lê Thái Tông (được 20 tuổi) đi duyệt binh ở huyện Chí Linh (thuộc tỉnh Hải Dương bây giờ). Bấy giờ ông Nguyễn Trãi đang về trí sĩ ở trại Côn Sơn gần đó. Vua Lê Thái Tông ghé thăm ông Nguyễn Trãi và hai người có làm thơ xướng họa:
NGỰ CHẾ TAO NGỘ THI (Xướng)
(Thơ tao ngộ của Vua)
Duyệt bãi lâu thuyền hải thượng hồi Thuyền trận duyệt xong buổi thoái hồi
Côn trang đắc đắc lục phi lai Côn sơn xe ngựa ruổi qua chơi
Chỉ kim Lục Dã nhàn vân thự Thăm nền Lục Dã nhìn mây rỗi
Thượng ức Lam Sơn phụ phượng tài Nhớ thuở Lam Sơn trổ phượng tài
Hồ lý hữu thiên vong giáp tý Trong động riêng trời, quên tuổi giáp
Sơn trung vô địa khởi lâu đài Bên non hiếm đất dựng lâu đài
Bằng thùy vĩ ngã đan thanh thủ Đan thanh nét vẽ nhờ ai đó
Họa xuất hồ sơn điểm liễu mai. Tô điểm núi hồ cảnh liễu mai.
(Lê Thái Tông) (Vân Trình dịch)
NGỰ CHẾ TAO NGỘ THI PHỤNG HỌA (Họa)
(Vâng mệnh họa thơ tao ngộ của Vua)
Phảng phất quân thiên mộng kỷ hồi Mộng tưởng ngôi cao biết mấy hồi
Sơn trung kinh hỷ thúy hoa lai Cả mừng xe ngọc kíp lên chơi
Di châm thân cảm tiên triều cựu Khắc lời thánh đế răn tôi cũ
Định sách đa tâm tá trị tài Góp sức triều cương thẹn bất tài
Tự hạnh nhàn thân khâu hác chí (*) May được nhàn thân bên suối động
Cảm ngôn vô địa khởi lâu đài Dám đâu riêng đất dựng lâu đài (**)
Hồ sơn tao ngộ thần du lạc Nước non hội ngộ chào long giá
Vũ lộ xuân đầm nhuận liễu mai. Mưa móc đầm đìa nhuận liễu mai. (**)
(Nguyễn Trãi) (Vân Trình dịch)
(*) Khâu hác chí=cái chí để ở nơi gò hang.
(**) Ông Nguyễn Trãi cũng dùng 2 chữ “lâu đài” và “liễu mai” để họa.
Theo ông Trần Trọng Kim (Việt Nam Sử Lược) thì khi vua đi qua thăm, thấy nàng Nguyễn Thị Lộ (thì mê) bèn bắt theo hầu. Bà Nguyễn Thị Lộ gặp ông Nguyễn Trãi lúc 16 tuổi (khoảng 1428-1429) thì đến năm 1442 cũng đã 32, 33 tuổi rồi còn vua Lê Thái Tông vừa 20 ! Đi đến huyện Gia Định (thuộc tỉnh Bắc Ninh bây giờ), 1-2 ngày sau đó thì đột nhiên vua Lê Thái Tông mất ở Lệ Chi Viên, chỉ có bà Nguyễn Thị Lộ bên cạnh. Con thứ ba của Thái Tông là Thái tử Bang Cơ (1441-1459) nối ngôi là Lê Nhân Tông mới 2 tuổi nên bà mẹ ruột là Thái Hậu Nguyễn Thị Anh nhiếp chính (cho đến năm 1452). Triều đình đổ tội cho bà Nguyễn Thị Lộ giết vua, bắt ông Nguyễn Trãi làm tội và tru di cả 3 họ (tam tộc). Sử gọi là vụ án Lệ Chi Viên (Vườn Vải).
BS Phan Thượng Hải
______________________
Bàn về Thơ "thanh mà tục"
(Bs Phan Thượng Hải biên soạn)
*
Thơ Việt ngữ dùng chữ Hán Nôm để nói lẫn lộn "thanh và tục" có 2 kỹ thuật chính:
Tả một sự vật "thanh" (hay "không tục") nhưng làm cho độc giả nghĩ tới hay thấy như một sự vật "tục" khác. Thí dụ như tả Cái Quạt nhưng làm cho độc giả thấy cũng giống như Âm Hộ. Thí dụ như tả Đá Gà nhưng làm cho độc giả nghĩ tới Giao Hợp (nam nữ).
Dùng từ ngữ có thể nói lái được. Thí dụ: "Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo?" (trong bài Chơi Chùa Quán Sứ). Đáo nơi neo = đến nơi nào (có nghĩa không tục); nhưng "Đáo nơi neo" nói lái là "Đéo nơi nao" (có nghĩa tục).
*
Bài Cái Quạt của Hồ Xuân Hương trong văn bản chỉ có 4 câu (theo bản Quốc Văn tùng ký)
Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa,
Duyên này tác hợp tự ngàn xưa.
Chành ra ba góc da còn thiếu,
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa.
Các bản chữ quốc ngữ sau này có thêm 4 câu nữa:
Mát mặt anh hùng khi tắt gió,
Che đầu quân tử lúc sa mưa.
Nâng niu ướm hỏi người trong trướng,
Phì phạch trong lòng đã sướng chưa.
Đây là bài thơ dùng kỹ thuật 1: tả một sự vật "thanh" (Cái Quạt) nhưng làm cho độc giả nghĩ tới một sự vật "tục" khác (Âm hộ).
Tuy nhiên 2 câu Thực (câu 3 và 4) tả Cái quạt không đúng: Cái quạt làm gì có "da" và nhất là làm gì có "thịt". Âm hộ thì có da và có thịt, như vậy bà Hồ Xuân Hương không có tả Cái Quạt mà tả Âm Hộ một cách rõ ràng. Và như vậy không còn nghệ thuật "thanh mà tục" nữa!
Có thể 4 câu sau (bản chữ Quốc ngữ) là thơ của hậu thế thêm vô?
*
Hồ Xuân Hương làm thơ dùng chữ Hán Nôm thường chỉ có 2 kỹ thuật nầy nhưng không làm được kỹ thuật thứ ba.
Thơ Việt ngữ dùng chữ Quốc ngữ dùng được cả 3 kỹ thuật.
Kỹ thuật thứ ba là dùng 1 chữ Quốc ngữ có 2 nghĩa (vì chữ Quốc ngữ là tượng thanh). Thí dụ: chữ "Cu" có 2 nghĩa.
Thi nhân thơ Quốc ngữ có dùng kỹ thuật mới nầy mà bà Hồ Xuân Hương không làm được vì thời của bà (cuối thế kỷ 18) chưa có chữ Quốc ngữ trong quần chúng.
Đây là những bài thơ "thanh và tục" theo kỹ thuật thứ ba.
Cu = thằng cu - con cu (penis)
CU CỤ (Độc vận - Nguyên Bản)
Thế sự đảo huyền chuyện Cụ Cu
Lộn sòng “thằng Cụ” với “ông Cu”
Cu “Quân Tử Kiếm” là Cu Cụ (*)
Cụ “Lão Ngoan Đồng” ấy Cụ Cu (*)
Ra chốn đình trung ưng gọi Cụ
Giữa vòng hương phấn muốn là Cu
Giai nhân có hỏi Cu hay Cụ
“Lục thập niên tiền…” Cụ vốn Cu.
(Vô Danh Thị)
(*) Chú thích:
Quân Tử Kiếm Nhạc Bất Quần tự thiến để luyện võ công (Tiếu Ngạo Giang Hồ/Kim Dung).
Lão Ngoan Đồng Châu Bá Thông lớn tuổi nhưng tánh vẫn như con nít (Anh Hùng Xạ Điêu/Kim Dung).
CU CỤ (Độc vận - Họa)
Tuy khác danh xưng: Cụ hoặc Cu
Tính tình vui vẻ, Cụ như Cu
Thà tiêu xí quách Cu theo Cụ
Biết sướng cuộc đời Cụ chỉ Cu
Cu tưởng lão làng lên giọng Cụ
Cụ ham già dịch tại thằng Cu
Cu không thế phát thành Sư Cụ
Như Cụ hồn nhiên cứ “Cúc Cu”.(*)
(Phan Thượng Hải)
4/18/12
(*) Chú thích: Cúc cu có 2 nghĩa: Nắm cu (cúc = nắm) và tiếng con chim kêu "cúc cu".
CU CỤ (Độc vận - Họa)
Bàn loạn cho vui chữ Cụ Cu
Vợ thương vợ gọi: “bố anh Cu”
Thằng Cu nặng lớn thành ra Cụ
Ông Cụ nhẹ già chuyển hóa Cu
Người Việt phân chia Cu với Cụ
Dân Tây lẫn lộn Cụ và Cu
Tơ vò rắc rối Cu hay Cụ
Cu Cụ giống nhau chỗ có Cu.
(Hp-Trương Ngọc Thạch)
10/20/13
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
"TRUYỆN KIỀU CÒN, TIẾNG TA CÒN, TIẾNG TA CÒN, NƯỚC TA CÒN"
Bs Phan Thượng Hải biên soạn
(Bài nầy là 1 đoạn có để trong nhiều bài chính như bài "Nguyễn Du và Truyện Kiều trong lịch sử thi văn" hay bài "Thơ và Việt Sử - Nhà Nguyễn" (đều có trong phanthuonghai.com).
Năm 1924, học giả Phạm Quỳnh đưa ra câu nổi danh "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn nước ta còn" nầy trong bài diễn thuyết của ông ở hội Khai Trí Tiến Đức (8-9-1924) nhân kỷ niệm ngày giỗ của Tiên Điền Nguyễn Du.
Đây là trích những đoạn chính trong bài nầy:
….
Văn chương người ta thiên kinh vạn quyển, dầu có thiếu mất một quyển cũng chẳng hại gì. Văn chương mình chỉ có độc một quyển, vừa là kinh, vừa là truyện, vừa là Thánh Thư Phúc Âm của cả một dân tộc, ví lại khuyết nốt thì dân tộc ấy đến thế nào ?
….
Mãi đến thế kỷ mới rồi mới có một đấng quốc sĩ vì nòi giống, vì đồng bào, vì tổ tiên, vì hậu thế, rỏ máu làm mực, “tá tả” một thiên văn khế tuyệt bút, khiến cho giống An Nam được công nhiên, nghiễm nhiên rõ ràng, đích đáng làm chủ nhân ông một cõi sơn hà gấm vóc. Đấng quốc sĩ ấy là ai ? Là cụ Tiên Điền ta vậy. Thiên văn khế ấy là gì ? Là quyển Truyện Kiều ta vậy.
…..
(Phần Kết luận)
Áng tinh trung thấp thoáng dưới bóng đèn, chập chùng trên ngọn khói, xin chứng nhận cho lời thề của đồng nhân đây. Thề rằng: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn nước ta còn, nước ta còn, còn non còn nước còn dài, chúng tôi là kẻ hậu sinh xin rầu lòng giốc chí cố gia công trau chuốt lấy tiếng quốc âm nhà, cho quốc hoa ngày càng rực rỡ, quốc hồn ngày càng tinh tao, quốc bộ ngày một tấn tới, quốc vận ngày một vẻ vang, ngõ hầu khôi phục cái chí hoài bão của tiên sinh, ngậm cười chín suối càng thơm lây”.
Bài nầy được đăng lại trên Nam Phong tạp chí số 86 (1924).
Thiển nghĩ tiếng Việt của ta đã tồn tại từ khi có người Lạc Việt cho tới khi có Truyện Kiều thì cũng khoảng 4000 năm. Nhạc sĩ Phạm Duy có viết: "Tiếng nước tôi, 4000 năm ròng rã buồn trôi, khóc cười theo vận nước nổi trôi". Như vậy có người nói "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn nước ta còn" thì có hơi quá đáng ? Hơn nữa còn so sánh Truyện Kiều như là Thánh thư Phúc âm của một dân tộc !
*
Ngay sau đó có nhiều học giả không đồng ý với câu trên và bài diễn thuyết của Phạm Quỳnh mà còn lên án Truyện Kiều.
Một tháng sau đó, trên báo Hữu Thanh, ông Ngô Đức Kế có viết bài “Luận về chánh học và tà thuyết” chống lại chủ trương đề cao Truyện Kiều của ông Phạm Quỳnh, cho bài “diễn thuyết” ở hội Khai Trí Tiến Đức là “tà thuyết”. Theo ông Ngô Đức Kế, Truyện Kiều đã làm cho các thanh niên VN “say đắm trong trời tình biển ái mà mềm nhũng cái lòng sắt đá, bỏ mất cái chí nguyện cao xa”. Tuy nhiên ông Phạm Quỳnh không trả lời.
Sau khi ông Ngô Đức Kế qua đời 5 năm sau (1929), ông Phan Khôi mới viết ở báo Phụ Nữ Tân Văn đã kích ông Phạm Quỳnh là “học phiệt” đã không trả lời (ông Ngô Đức Kế). Ông Phạm Quỳnh mới trả lời cho rằng sự chống đối của ông Ngô Đức Kế chỉ là vì lý do cá nhân và cạnh tranh trong báo giới. Điều nầy làm ông Huỳnh Thúc Kháng viết trong báo Tiếng Dân chỉ trích ông Phạm Quỳnh và gọi Truyện Kiều là “dâm thư”!
Huỳnh Thúc Kháng còn làm bài thơ chỉ trích thêm là Nguyễn Du sùng bái Tàu, nhắc lại nguồn gốc Truyện Kiều và những bài thơ khác của Nguyễn Du bằng Hán ngữ ca tụng nhân vật bên Tàu như Mã Viện.
VỊNH KIỀU
Á cũ qua rồi mới chửa Âu
Học Kiều xúm xít bọn mày râu
Đã mang thân thế nương nhà thổ
Còn trách cha ông vụng kiếp tu !
Một khúc đoạn trường khêu lửa dục
Mấy dây bạc mạng chác hơi sầu
Biết chăng hỡi cụ Tiên Điền nhỉ
Muôn ác tà dâm ấy sự đầu !
Muôn ác tà dâm ấy sự đầu
Tình đâu đâu mà hiếu đâu đâu
Theo trai gác xó lời cha mẹ
Làm đĩ đành thân tiếng ngựa trâu
Nghiêng nước trận cười gương mấy kiếp
Đắm người bể sắc tội nghìn thu
Tiên Điền cụ nghĩ mua vui vậy
Biết nỗi người sau dại thế ru...
Biết nỗi người sau dại thế ru
Phong trần đưa giọng chuyện phong lưu
Vẩn vơ người ấy phường trăng gió
Đau đớn lòng ai cuộc bể dâu
Nòi giống khôn thiêng thân một nước
Anh hùng nhiều ít tiếng năm châu
Tiên Điền cụ có hay chưa nhì
Sách dạy ngày nay đĩ đứng đầu.
Sách dạy ngày nay đĩ đứng đầu
Xúm nhau sùng bái gái bên Tàu
Cột đồng Mã Viện xô chưa đổ
Sóng ác Kiều nương đắm lại sâu
Ố điểm ngàn năm ô lịch sử
Báo chương phân nửa chuyện thanh lâu
Ai ơi, gọi cụ Tiên Điền dậy
Đừng để non sông chịu tiếng vu.
Đừng để non sông chịu tiếng vu
Phật nhà không lạy, lạy người Tàu
Trưng Vương đền cũ mùi hương lạnh
Triệu Ẩu bia còn nét chữ lu
Thiện chẳng thấy bày, bày những ác
Ơn kia không biết, biết chi cừu
Tiên Điền cụ biết thời nay nhỉ
Á cũ qua rồi mới chửa Âu !
(Huỳnh Thúc Kháng)
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
_______________________
THƠ NGÀY FATHER'S DAY
CHA
Tiếng Nôm nước Việt gọi là Cha
Gọi Cậu, nghĩa đồng, viết khác xa (*)
Từ đám thằng cu lòng mến Bố
Từ đàn con trẻ dạ thương Ba
Là Thầy, me nó nên nhường tớ
Là Tía. má mầy phải nhịn ta
Hán tự chính danh là chữ Phụ
Không là linh mục, cũng là Cha!
(Phan Thượng Hải)
6/19/21
(*) Ba tôi và chú bác tôi là người Cao Lãnh, đều gọi ông nội bà nội của tui là Cậu Mợ.
Tìm lại trong quá khứ có những bài thơ cũ nhân ngày Father's Day (Ngày Từ Phụ) của anh Chánh Minh, đàn anh Trương Ngọc Thạch, thằng cháu con anh Hai của tui và tui.
CHA (Nguyên bản)
Nhớ mãi người cha mái tóc xanh
Có cha che chở sống an lành
Chơi đùa thân mật từ thơ ấu
Dạy dỗ nghiêm minh đến trưởng thành
Bỏ nước ra đi, lòng chẳng đặng
Lìa quê mất hết, dạ không đành
Trải qua năm tháng sầu xa xứ
Cha đã nằm yên dưới mộ xanh.
(Chánh Minh Nguyễn Văn Minh)
6/19/16
CHA (Họa)
Sớm phải lìa cha lúc tuổi xanh
Nổi trôi cuộc sống khó yên lành
Công cha dạy dỗ từ thơ dại
Nghĩa mẹ chăm lo đến trưởng thành
Bỏ xứ xa cha, tâm chẳng nỡ
Rời quê cách mẹ, óc không đành
Tự do tìm đến, ngày đêm gắng
Gặp mẹ, mộ cha cỏ đã xanh.
(Hp-Trương Ngọc Thạch)
6/20/16
CHA (Họa)
Cha hiền mất sớm, lúc đầu xanh
Hưởng phước nên Con được tốt lành
Hiểu ý người xưa tu đức độ
Thấy gương người trước gắng công thành
Nhớ thương tự nhỏ tuy còn giữ
Ly biệt từ lâu cũng phải đành
Đoán biết giờ đây người quá cố
Lãng ba thơ thẩn khắp trời xanh. (*)
(Phan Thượng Hải)
6/21/16
(*) Chú thích: Bút hiệu của cha là Lãng Ba. Lãng ba = sóng lãng mạn
NHỚ BA TÔI
Sống ở đời ai cũng có cha
Cha tôi số khổ, cứ bôn ba
Chiến tranh đời lính, nhiều thương tích
Cuộc sống lao tù, phải trải qua
Ngày cố đạp xe, vì lũ nhóc (*)
Đêm rèn ngoại ngữ, mộng cờ hoa (*)
Họa không tính trước, người không biết
Bọn trẻ còn mơ, bố vắng nhà. (*)
(Phan Kim Thành)
6/22/16
(*) Chú thích:
Chạy xe đạp ôm, nuôi con
Ban đêm ông ấy tự học tiếng Anh, và dạy con cái. Tính chuyện đi Mỹ đổi đời.
Chưa bao giờ tôi nghĩ là ba tôi đã ra đi mãi mãi.
MỪNG NGÀY TỪ PHỤ (Nguyên bản)
Nhân ngày từ phụ đến hôm nay
Ước mọi người cha mấy chữ nầy:
Hạnh phúc tràn đầy không phải mộng
Sướng vui thỏa thích chẳng cần say
Các con quấn quýt mừng cha khoẻ
Bằng hữu xum vầy chúc bạn may
Trách nhiệm đôi vai xong một gánh
Mong cầu thọ lộc có từng giây.
(Hp-Trương Ngọc Thạch)
6/19/16
NGÀY TỪ PHỤ (Họa)
Gìn lòng từ phụ đến ngày nay
Tự phụ làm cha chỉ thế nầy!
Trọng nghĩa bao năm còn nghĩa nặng
Thân tình lắm lúc có tình say
Lễ nghi tô thắm câu thành bại
Lễ giáo mệt nhoài kiếp rủi may
Thêm đạo phu thê thêm chữ hiếu
Nhân duyên chằng chịt quá nhiều giây?
(Phan Thượng Hải)
6/20/16

Phan Thượng Hải: Link HÀNH HƯƠNG ẤN ĐỘ:

MÊ TÍN TRONG XÃ HỘI VIỆT NAM
Bs Phan Thượng Hải
Tín ngưỡng của người Việt trong Phật Giáo và Đạo Giáo (Lão Giáo) đã có từ hơn ngàn năm. Từ
Đạo Giáo, người Việt có mê tín dưới những hình thức như Ngồi Đồng, Gọi Hồn, Thanh Đồng,
Thầy Pháp (Phù Thủy) và Xin Thẻ (hay Xin Xăm).
Hồn của Người chết - Tiên
Một Người (đang sống) gồm có Hồn và Xác.
Hồn = yếu tố tinh thần vô hình được coi là đối lập với Xác (thì hữu hình).
Hồn là từ ngữ gọi chung của Hồn Phách hay Hồn Vía. Hồn hay Hồn Phách (Hồn Vía) là vô
hình.
Hồn Phách (= Hồn Vía) = 2 mặt âm dương không tách rời nhau của tinh thần con người ta nói
chung.
Hồn tác động ở phương diện tâm thần, có tính động và thuộc Dương.
Phách (= Vía) ở phương diện thể chất, có tính tĩnh và thuộc Âm.
Hồn thuộc cõi Âm nên còn gọi là Âm Hồn. Người thuộc cõi Dương, như Dương gian, Dương
trần...
Theo Lão Giáo, khi Người chết thì Hồn lìa khỏi Xác: Xác người chết sẽ hũy hoại còn Hồn người
chết có thể xuống Địa ngục hay còn trên cõi trần gian hoặc được Ngọc Hoàng Thượng Đế phong
làm Thần, còn gọi là Thần linh. Thần (hay Thần linh) có quyền lực siêu nhiên để giúp cho người
sống.
Thánh là Thần hay Thần linh có tiếng trong nhân gian được người sống thờ ở đền chùa. Thí dụ
như Thánh Trần (Trần Hưng Đạo).
Tiên là Người tu theo Đạo Lão (Lão Giáo) và thành đạo tức là thành Tiên. Tiên sống trường thọ
mãi mãi có Hồn và Xác vì không chết. Tiên có phép mầu nhiệm.
Sau khi người (đã) chết chỉ còn Hồn là vô hình. Tuy nhiên lại có Ma. Ma là gì? Theo định
nghĩa của Đại Từ điển Việt Nam, Ma là hiện hình của người chết. Như vậy Ma phải được thấy
từ người khác còn sống?
Thiển nghĩ sau khi Người chết thì Xác bị hũy diệt, Hồn có thể:
thành Thần hay Thần Linh làm việc tốt cho nhân loại. Thánh là Thần được người sống
tôn thờ riêng biệt. Thần linh hay Thánh là Hồn của người tốt khi còn sống và khi chết tiếp tục
làm việc tốt. Thí dụ như Trần Hưng Đạo, Quan Công...
thành Ma hay Tà Ma, phá hại nhân loại. Ma là Hồn của người xấu khi còn sống và khi
chết tiếp tục làm việc xấu. Thí dụ như Phạm Nhan.
thành Hồn người chết thông thường, không tốt và không xấu.
Đồng và Bóng - Cô Hồn
Theo Đại Từ Điển Việt Nam:
Đồng = Người được Thần linh hay Hồn người chết nhập vào (Xác) - và có khả năng nói
ra được những điều bí ẩn. Người nầy được gọi là Người ngồi Đồng hay Người lên Đồng.
Bóng = Hồn người chết hiện về nhập vào (Xác) Người (nào đó). Người nầy được gọi là
Người ngồi hầu Bóng hay Bóng cô (hay Bà bóng).
Đồng Bóng = Người được Thần linh hay Hồn người chết nhập vào trong lễ cầu xin.
Đồng Cốt = Người làm Nghề Đồng Bóng = Cốt, Bà Cốt (vì Đồng Cốt thường là đàn bà).
Tuy nhiên, Đồng được Bóng nhập vào Xác thì lúc đó Xác có khi gọi là Cốt.
Theo Toan Ánh thì có sự phân biệt: Đồng có nhiều loại và có nhiều từ ngữ khác nhau:
Người được Thánh (Thần linh) nhập vào gọi là Đồng Cốt (ông Đồng bà Bóng). Sự kiện
đó gọi là Ngồi Đồng hay Lên Đồng, hay đội Bóng Thánh. Đồng cốt thường là người có Căn Thờ
và Căn Đồng. Có khi Đồng Cốt còn được Tiên nhập vào và sự kiện nầy gọi là Phụ Tiên.
Người được Hồn người chết nhập vào gọi là Cô Hồn (xác Cô hay xác Cậu). Sự kiện nầy
gọi là Gọi Hồn. Tùy theo người chết là đồng nam hay đồng nữ thì Cô Hồn được gọi phân biệt là
Xác cậu hay Xác cô. Có khi Cô Hồn được Hồn người sống khác nhập vào.
Người được Tà Ma nhập vào gọi là Đồng. Sự kiện nầy còn gọi là ốp Đồng.
Cũng theo Toan Ánh,
Bóng = Thần linh hay Thánh hoặc Tiên hoặc Tà Ma nhập vào Người trần (và người trần
gọi là Đồng).
Bài viết nầy căn cứ theo giải thích của Toan Ánh.
Căn Thờ và Căn Đồng
Người có Căn Đồng hoặc Căn Đồng = Người có căn cơ để dễ được Thần linh hay Hồn người
chết nhập vào (Xác).
Người có Căn Thờ là Người có số phải thờ 1 hay nhiều vị Thánh Thần của Đạo Lão thì mới được
bình yên và tránh khỏi tai họa được. Có những vị Thần được thờ nầy trước đây không phải là
của Đạo Giáo nhưng các lưu phái tại Việt Nam đã tôn thờ các vị nầy và coi các vị là Thần linh
của Đạo Giáo: Hưng Đạo vương, Tản Viên, Liễu Hạnh Công chúa...
Người có Căn Thờ chỉ phải thờ đức Hưng Đạo vương được gọi là Thanh Đồng.
Người có Căn Thờ dễ trở thành Người có Căn Đồng và được Thần Thánh mình thờ nhập vào.
Đồng được Thánh nhập thường bắt đầu là Người có Căn Thờ (thờ Thánh Thần) và có Căn Đồng.
Họ có Điện thờ Thánh Thần riêng mà mình có số phải thờ ở nhà, hoặc thờ theo Đồng Cốt khác
hoặc tại một cửa miếu thờ chư vị.
Tùy theo Thánh Thần mà Họ có tên:
Đồng Đức Mẹ khi thờ các Công chúa như Liễu Hạnh Công chúa, Thượng Ngàn Công
chúa...
Đồng Đức Ông khi thờ các Hoàng tử. Các Hoàng tử hoặc là con vua hay những vị linh
thiêng được tôn lên.
Đồng Cậu khi thờ các cậu.
Đồng Cô khi thờ các cô. Các cậu các cô là những người chết trẻ gặp giờ linh được tôn
thờ.
Những Người có Căn Thờ (và Căn Đồng) mà không có Điện thờ riêng tại nhà được Toan Ánh tả
như sau:
Thường Đồng cốt phần lớn là đàn bà. Những bà những cô hay đau yếu hoặc đôi khi mặt
đỏ rần rần, nằm mơ thấy bay trên không, thấy lội dưới nước, đi xem bói, đi lễ bái được thầy bói
hoặc các ông đồng bà cốt bảo là số thờ, thánh bắt đồng.
Người có số thờ nầy đem vàng hương tới một cửa Điện xin làm con công đệ tử và phải
đội bát phù hương, nghĩa là những bình hương nhỏ để ở bàn thờ chư vị tại điện; những ngày tuần
tiết người có số thờ đến lễ rồi đội những bình hương đó lên đầu. Bình hương đặt trên một chiếc
mâm nhỏ có thắp hương. Có người phải đội một bát phù hương, có người căn đồng nặng phải
đội 2, 3 bát hoặc nhiều hơn.
Có người chỉ phải đội bát phù hương. Có người bị (chư Thánh Thần) bắt đồng thì phải
đội bóng Thánh (tức là phải làm). Nếu vì lý do còn trẻ tuổi có thể làm lễ xin khất đồng được.
Sau nầy có những người ở trong Miền Nam cũng hành đạo như người có Căn Thờ và Căn Đồng
nhưng thường được gọi là Mẫu.
Ngồi Đồng (= Lên Đồng)
Đồng còn được gọi là Đồng Cốt hay ông Đồng bà Bóng.
(Đồng - Đồng cốt)
Lễ Ngồi Đồng (hay Lên Đồng) thường xảy ra tại Điện của Thánh vào những ngày rằm, mùng
một, tuần tiết, hoặc khi có người nào đau yếu đến Điện kêu cứu.
Người có Căn Đồng là chủ điện hay hoặc người có Căn Đồng khác vào ngồi đồng. Người ngồi
đồng hay lên đồng (= Đồng) đều có khăn trầu áo ngự, tức là loại khăn áo ngũ sắc dành riêng cho
ngồi đồng.
Tại điện có sẵn cung văn, tức là đàn ca hầu bóng từ những đàn bà (gọi là chầu văn). Người có
căn đồng vào ngồi đồng mặc áo xanh đỏ đội khăn các mùi múa may nhảy nhót ở trong điện. Lúc
đó là lúc Thánh nhập vào Đồng (còn gọi là Thánh ốp vào Đồng). Tức là Đồng hành động như
Thánh rồi.
Con công đệ tử chung quanh kêu xin để "Thánh" chữa bệnh cho người đau. "Thánh" bèn ban
truyền bằng giọng nũng nịu, ỏn ẻn, có khi giọng hờn dỗi để được nịnh bợ tâng bốc. "Thánh"
phán sao, gia chủ của người bệnh phải tuân theo. Có khi "Thánh" cho uống tàn hương nước thải;
có khi cho nước quết trầu để mang về xoa cho người bệnh; có khi cho bùa đeo.
"Thánh" cũng ban lộc cho bọn cung văn, những người hầu dâng tức là những người phụ tá để
đưa quần áo cho đồng hoặc những người đứng chung quanh lễ bái. Lộc có thể là tiền hoặc là
bánh kẹođã được mua trước cúng tại điện, có thể là trầu cau hay thuốc lá. Tiền thường dùng là
giấy bạc kết thành con bướm dùng để ban lộc.
Thi sĩ Trần Tế Xương có 2 bài thơ:
LÊN ĐỒNG
Khen ai khéo vẽ sự lên đồng
Một lúc lên ngay sáu bảy ông
Sát quỉ, ông dùng thanh kiếm gỗ
Ra oai, bà giắt cái khăn hồng
Cô giương tay ấn tan tành núi
Cậu chỉ ngọn cờ cạn rốc sông
Đồng giỏi sao Đồng không giúp nước?
Hay là Đồng sợ súng thần công?
(Tú Xương)
SƯ ÔNG VÀ MẤY Ả LÊN ĐỒNG
Chẳng khốn gì hơn cái nợ chồng
Thà rằng bạn quách với sư xong!
Một thằng trọc tuếch ngồi khua mõ
Hai ả tròn xoe đứng múa bông
Thấp thoáng bên đèn lên bóng cậu
Thướt tha dưới án nguýt sư ông
Chị em thủ thỉ đêm thanh vắng
Chẳng sướng gì hơn lúc thượng đồng!
(Tú Xương)
Tục ngữ có câu:
Miệng bà đồng, như lồng chim khứu.
(Đồng là đồng cốt. Chim khứu = Khứu = chim cỡ như chim sáo, lông đen đuôi dài, hay hót)
Gọi Hồn (= Cầu Hồn)
Đồng ở đây không phải là người có Căn Thờ, chỉ là Người thường, gọi là Người trần.
Người trần nầy (thường là đàn bà) để cho Hồn (hay Âm hồn) của người chết nhập vào, được gọi
là Cô Hồn, thường không gọi là Đồng Cốt. Tùy theo Hồn của đồng nam hay đồng nữ chết mà
phân chia ra Xác cậu và Xác cô.
(Ngày nay, từ ngữ "Cô Hồn" được dùng cho một nghĩa khác. Theo Việt Nam Đại Từ Điển, Cô
Hồn là hồn người chết bơ vơ không được ai thờ cúng).
(Cô Hồn)
Theo Toan Ánh và Phan Kế Bính, Cô Hồn như là một nghề kiếm ăn. Những nhà có người chết,
thương xót nhớ tưởng muốn tìm cách gọi hồn (hay cầu hồn) người thân để hỏi han về cuộc sống
ở cõi âm hay để hỏi han những bí mật mà người chết biết khi còn sống, thì thường hay mời Cô
Hồn tới để gọi hồn về nhập. Muốn gọi hồn người chết về phải cần đặt quẻ, và quẻ phải do người
có vía lành đặt.
Như vậy Cô Hồn phải gọi Hồn người chết ở cõi âm về rồi mới nhập vô mình được; khác với
Đồng Cốt là Đồng Cốt có sẵn Thánh ở tại điện thờ.
Người lành vía được kén đặt quẻ, đưa một cơi trầu và mấy đồng tiên; xưa là 100 đồng tiền kẽm.
Món tiền này chính là món tiền thù lao cho Cô Hồn, ngày nay có thể là năm ba chục hay hơn nữa
tùy theo Cô hồn. Cô hồn thắp hương đặt lên cơi trầu đoạn bưng cơi trầu trong có đặt tiền quẻ,
nâng ngang trán khấn hứa ông Chiêu bà Dì để hai vị linh thần nầy xuống âm phủ tìm hồn người
đã chết về.
Một lát sau âm hồn người chết về nhập vô Cô Hồn kể lể khóc lóc nói lại lúc lâm chung, tả oán
cảnh tình ly biệt. Lúc đó cha mẹ vợ con anh em xúm vào hỏi han Hồn. Hồn người chết qua
miệng của Cô Hồn sẽ tùy theo những câu hỏi mà trả lời, và tùy người hỏi mà nhận đúng cha mẹ
vợ con anh em hay người khác trong gia đình. Âm hồn cũng lại nói đúng được nguyên do tại sao
chết, chết về bệnh gì, chết ngày tháng nào, lúc an táng người nhà đã chọn theo thi hài những gì.
Âm hồn lại cho người nhà biết hiện ở âm phủ đang làm gì và tình trạng ra sao. Âm hồn muốn
xin gì, người nhà sẽ cúng cho.
Những câu Cô Hồn nói đúng đều được người nhà thưởng tiền và nếu có những câu sai thì Cô
Hồn, thay lời âm hồn, sẽ nói (vì) quá đau đớn thương xót người sống nên âm hồn đã nhầm lẫn.
Âm hồn nhập vào Cô Hồn một lát, sau khi được người nhà hỏi thăm đủ chuyện, thì thăng.
Toan Ánh viết:
Thật ra Cô Hồn là người sành tâm lý, khi nói một câu mà thấy người nhà tỏ vẻ không
đồng ý là Cô Hồn sửa chữa ngay.
Thí dụ khi được hỏi giờ chết của âm hồn, Cô Hồn nói:
Hồn rằng hồn chết ban ngày
Câu nói không được người nhà tán thưởng, Cô Hồn liền sửa:
Thương cha nhớ mẹ hồn rày thác đêm!
Các Cô Hồn có khi là người có mục tật (nhãn quan kém), không nhìn thấy gì nhưng rất
thính tai, và dường như có để lục giác quan để biết khi nói lầm.
Âm hồn có những điều kỵ:
Khi gọi hồn mà hiện diện của người có vía dữ thì âm hồn không nhập. Khi Hồn đang nói
chuyện với người mà có 1 người vía dữ bước vào thì lập tức Hồn thăng.
Hồn không lên nếu trong nhà có người lấy nồi đất úp vào đầu ông Táo hoặc có ai tinh
nghịch bỏ muối vào bếp. Tục cho rằng vì làm như vậy ông Chiêu bà Dì không hỏi han ông Táo
được để đi tìm âm hồn về, như vậy làm sao hồn nhập được.
(Hồn người sống nhập vào Cô Hồn)
Có nhiều người muốn thử thách Cô Hồn, thay vì gọi Hồn người chết, người ta gọi Hồn người
sống, những người vắng mặt và có khi cả những người có mặt. Ấy thế mà hồn vẫn cứ nhập và
vẫn cứ trả lời được những câu hỏi của mọi người, nhiều khi rất phù hợp với những việc đã xảy
ra, hoặc tình trạng trong nhà. Người ta bảo rằng đó là ông Chiêu bà Dì đã hỏi ông Táo nên biết
rõ mọi việc trong nhà.
Phụ Tiên
Phụ Tiên cũng giống như Gọi Hồn chỉ khác ở đây là mời Bóng một vị Tiên nhập vào cốt Người
trần, thay vì mời gọi Hồn người chết (âm hồn). Tiên không phán truyền như âm hồn mà chỉ thảo
thơ.
Muốn Phụ Tiên phải tìm những nơi chùa chiền thanh vắng. Người nào có việc cầu khẩn phải
tắm rửa sạch sẽ, ăn chay một ngày rồi mua vàng hương trầu rượu bày lên một hương án đốt đèn,
đốt hương lễ bái, khấn rồi mới Phụ Tiên.
Trước chỗ án thờ có một mâm gạo. Một người ngồi Đồng lấy khăn che kín mặt, tay cầm một cái
bút bằng cành đào. Người ta thường kén cành đào mọc về hướng Đông và bẻ cành đào vào buổi
sáng. Ngọn cành đào chấm xuống mâm gạo. Một người cầm hương thư vào mặt và hai tay
người ngồi Đồng. Vài ba người khác đọc những văn sai để cầu Tiên lên hoặc ngâm những cổ
thi. Khi người ngồi Đồng bắt đầu đảo là Tiên sắp lên. Lúc đó người ngồi Hầu đồng phải khấn
khứa, tấu lạy, kêu van. Thế là một lát sau bóng Tiên nhập vào người ngồi Đồng, có nghĩa là
người ngồi Đồng có ngôn ngữ và hành động của Tiên.
Người ngồi Đồng, đã được Tiên nhập nên tạm gọi là "Tiên", liền gõ bút (tức là cành đào) vào
mâm gạo rồi bắt đầu viết trên mâm gạo. Người hầu bút phải trông theo những chữ viết trên mâm
gạo mà chép ra một tờ giấy. Thường thường khi "Tiên" viết xong một bài thơ lại truyền cho
những người hầu đồng ngâm lại cho "Tiên" nghe. "Tiên" chỉ truyền phán bằng thơ viết trên
mâm gạo, rồi người hầu đồng chép lại trên giấy.
Thơ "Tiên" làm rất nhanh, như kiểu ứng khẩu hay ứng bút, không nghĩ ngợi gì. Thường "Tiên"
làm thơ nhưng cũng có khi làm ca phú hay tứ khúc.
Lúc "Tiên" mới lên, bài thơ đầu tiên bao giờ cũng là bài thơ để tự xưng danh hiệu của mình như
Lê Sơn Thánh mẫu, Quỷ Cốc Tiên ông, Vương Ngao Lão tổ... Cũng có khi vị Tiên lên lại là Thi
bá của thời trước như Lý Bạch.
Sau khi xưng danh hiệu rồi, "Tiên" mới lần lượt làm tặng mỗi người Hầu đồng một bài thơ, trong
bài thơ ẩn rõ sự hay dở của đương sự mà chỉ đương sự biết nếu đương sự hiểu thấu bài thơ.
Có khi "Tiên" truyền lấy rượu uống. Người Hầu đồng phải rót hỏa thang. "Tiên" cầm bút chấm
vào rượu đã là "Tiên" uống rồi.
Có khi "Tiên" hứng đánh cờ truyền lấy bàn cờ; người Hầu đồng phải hầu cờ. Mỗi khi muốn đi
một nước cờ, "Tiên" chỉ cầm cành đào chỉ vào quân cờ và vạch nước đi. Một người Hầu đồng
khác phải nhắc quân cờ đi theo ý "Tiên".
Có khi "Tiên" đòi xướng họa thơ với người Hầu đồng.
Ai muốn xin điều gì, chữa bệnh cầu danh thì viết thơ phong kín mà kêu cầu, "Tiên" sẽ chỉ bảo.
Ngày xưa, mỗi khoa thi học trò thường rủ nhau 5, 7 người phụ Tiên lên để hỏi về khoa cử.
"Tiên" có khi lên rất lâu, nhưng có thăng sau khi chỉ giáng vài bài thơ.
Phụ Tiên cũng như Gọi Hồn và Ngồi Đồng; thực hư hư thực chỉ duy người trong cuộc mới hiểu
rõ.
Thanh Đồng
Thanh Đồng là người có căn số phải thờ Thánh Trần (Trần Hưng Đạo) rồi cũng có Căn Đồng tức
là được Thánh nhập vào
Ở đền thờ Thánh Trần, như đền Kiếp Bạc hay đền Bảo Lộc, trong dịp những ngày lễ hội; những
Thanh Đồng đến hoặc thay mặt Thánh Trần (1) hoặc được Thánh nhập vào (2) để trị bệnh nhân
bằng cách trừ tà ma nhập vào họ (làm họ bị bệnh).
(1)
Thanh Đồng đại diện Thánh Trần làm cho Người bệnh lên Đồng có tà ma (Phạm Nhan hay thủ
hạ của nó) nhập vào để Thanh đồng trừ tà mà trị bệnh:
Những người nầy trong những ngày lễ hội tại đền Kiếp Bạc hoặc đền Bảo Lộc đều tới lễ
và lên đồng bắt tà. Tà đây là chỉ Phạm Nhan và bộ hạ của hắn. Phạm Nhan nguyên là tướng của
Mông Cổ bị Hưng Đạo vương giết.
Đàn bà sinh sản đau yếu hữu sinh vô dưỡng cho là mình bị Phạm Nhan ám; hoặc chồng
trước hay vợ trước ghen tuông; hoặc bị tà ma trêu cợt, đem vàng bạc tới cửa điện lễ bái và kêu
Thanh đồng khấn xin trừ tà. (Phạm Nhan và bộ hạ cũng là tà ma, nhưng chúng sợ Thánh Trần
Hưng Đạo và Thánh cũng có quyền lực trừ tất cả các tà ma khác).
Người có bệnh ngồi Đồng bịt khăn đỏ vào mặt. Thanh đồng cầm hương thư trên mặt và
tay người này, rồi niệm chú khấn nguyện. Trong lúc đó cung văn đánh trống gõ phách ca những
bài văn sai để ốp Đồng. Bị thôi miên, người ngồi Đồng (người bệnh) lảo đảo, đó là lúc (hồn) tà
ma nhập vào.
Thanh đồng liền ra oai quát hỏi người bệnh như tra tấn tù nhân. Người bệnh đã lên đồng
(có hồn tà ma nhập vào) liền cầm vồ đập vào đầu mình, hoặc cầm bàn vả vào mặt mình. Đó là tà
ma bị sự trừng phạt. Rồi tà ma cung chiêu nhận tội, làm tờ cam kết không quấy nhiễu người
bệnh nữa, trên tờ cam kết có in dấu tay của con tà. Người ta bảo dấu tay trên tờ cam kết tuy
người bệnh in vào, nhưng không phải là dấu của người bệnh, đó là dấu tay của con tà, so sánh
với tay người bệnh khi hết bệnh thì không giống nhau. Tờ cam kết có dấu ấn của Thanh đồng
được trao cho người bệnh mang về dán ở đầu giường. Nếu bị đau yếu trở lại thì lại mang vàng
hương tới điện (Đền Thánh Trần) kêu, Thánh sẽ lại trị tội con tà.
(Thanh Đồng)
(2)
Thanh Đồng được Thánh nhập vào để trấn Tà ma không cho hành người bệnh:
Cũng có khi bóng hay hồn tà ma không nhập (ốp) vào người bệnh, mà trái lại Thánh
(Thánh Trần) lại nhập vào Thanh Đồng để ra oai với con tà cho sợ mà không dám quấy phá
người bệnh. Thanh đồng tự thắt cổ bằng lụa, nung đỏ lưỡi cày rồi xỏ chân vào, nấu dầu sôi uống
rồi lại phun ra, nhai nắm hương đang cháy, lấy lình xiên mép, lấy dao rạch lưỡi... Lúc rạch lưỡi,
máu chảy được phun vào một tờ giấy để làm bùa gọi là dấu mặn. Bùa này người bệnh đốt uống
với tàn hương nước thải để trị tà, hoặc dùng để đeo, hay dán ở buồng ngủ để trấn áp tà ma.
Thầy Pháp (= Phù Thủy)
Theo Phan Kế Bính, Phù Thủy thường đêm khuya đến những nơi tha ma mộ địa đốt hương khấn
khứa luyện phù phép để làm cho các âm hồn phải theo hiệu lệnh của mình.
Phù thủy có phép kỳ lạ sai khiến nỗi những âm hồn làm những việc của người trần nhưng phần
nhiều làm về đêm. Những âm hồn chịu sai khiến của Phù thủy gọi là âm binh.
Thí dụ:
Sai âm binh tát nước.
Sai âm binh ném đá gạch vào nhà người khác.
Những thầy phù thủy mỗi khi sai khiến âm binh xong phải có lễ khao binh, nếu không âm binh
sẽ làm phản lại đánh trả thầy; và mỗi lần sai âm binh thầy phù thủy cần phải canh chừng đừng để
trời sáng, phải thâu âm binh về trước khi mặt trời mọc. Bị lộ thiên nghĩa là bị người trần trông
thấy vào ban ngày, âm binh cũng đánh trả thầy.
Những nhà có người chết vào giờ xấu hay sợ có trùng, tức là có tà ma đến làm hại phải nhờ thầy
Phù thủy cho bùa dán trong quan tài hay yểm chung quanh huyệt cũng như ở trong nhà để trấn
áp tà ma.
Người đau ốm cho là tà ma làm, người nhà mời thầy Phù thủy đến để diệt ma. Để diệt ma, ngoài
việc dùng bùa, Phù thủy còn dùng Phụ trượng hay Phụ bạch xà.
Phụ trượng nghĩa là niệm chú yểm phép vào cây trượng, cho người cầm đi khua khắp nhà để
đuổi ma.
Phụ Thần bạch xà thì dùng một con rắn bằng rơm rồi phù phép vào con rắn để rắn bò quanh nhà
mà diệt tà ma. Con rắn thường bò được là nhờ trong ruột có bộ phận cử động bằng máy, nhưng
người quá tin cho là Phù thủy cao tay có phép lạ.
Thầy Phù thủy còn có khi Phụ đồng chổi, đọc thần chú để cây chổi tự cử động được nhưng sự
thật cây chổi cử động cũng chẳng khác chi con rắn bằng rơm bò quanh nhà. Cây chổi quét sạch
tà ma.
Phù thủy lại có phép làm bùa yêu hay bùa mê. Bùa yêu làm cho hai người ghét nhau phải
thương nhau. Bùa mê làm cho người tỉnh trở nên mê mẩn có khi hóa điên dại, phải có bùa giải
mới hết.
Những người có thân nhân quá vãng thương nhớ thường nhờ Phù thủy Phụ cành phan để mời
Gọi Hồn người chết về nói chuyện.
Phụ cành phan có nghĩa là có một Người trần còn sống cầm một cành tre, ngồi trước đàn, rồi
thầy Phù thủy niệm chú phụ động để Hồn người chết nhập vào người trần nầy và có thể nói
chuyện được với thân nhân và người khác. Trong khi Phụ cành phan, cảnh trống chiêng gõ vang
rền lẫn với tiếng đọc phép của thầy Phù thủy, thêm mùi hương ngạt ngào khiến người ngồi Đồng
(cầm cành tre) nầy bị thôi miên có thể mê mẩn đi được.
Có người cho rằng những thầy Phù thủy cao tay có thể bắt ấn phù phép niệm chú để cho Người
sống xuống được âm phủ tìm giáp mặt người thân đã chết để trò chuyện.
Tục ngữ có những câu về Thầy Pháp:
Ông thầy khoe ông thầy tốt, bà cốt cậy bà cốt hay.
Thầy đổ cho bóng, bóng đổ cho thầy.
Cao tay ấn. mới nhấn được nó.
Giữ như ông thầy giữ ấn. (= Giữ như giữ mả tổ).
Thầy Pháp khác Thầy Cúng
Thầy Pháp = Phù Thủy = Người có phép thuật như kể trên.
Thầy Cúng = Người chuyên nghề cúng bái ma quỉ thần thánh.
Đây là câu tục ngữ về Thầy Cúng:
Trơ trơ, như thủ lợn nhìn thầy.
(Thủ lợn = đầu lợn, dùng làm đồ cúng lễ)
Xin Thẻ (Xin Xăm)
*
Tại các đền miếu (và cả tại các chùa!) nữa thường có một hay nhiều ống Thẻ để thờ. Mỗi ống có
nhiều, thường có khoảng trăm Thẻ.
Thẻ là mảnh tre mỏng, trên có mang một số, số này ăn với Quẻ Thẻ. Thẻ còn được gọi là Xăm
và Quẻ thẻ là Quẻ xăm.
*
Một Quẻ hay Quẻ thẻ là một bài thơ giáng bút trong lúc phụ đồng vị Thần linh (hay Thánh) thờ
tại ngôi đền hoặc miếu có thẻ. Bài thơ giáng bút được ghi chép lại và ghi số, số của bài thơ nầy
được ghi vào Thẻ tre của ống thẻ.
Thơ giáng bút ở đây khác với thơ giáng bút trong lúc Phụ tiên ở chỗ nó được chép lại và dùng để
ứng vào những người xin thẻ về sau; còn bài thơ trong lúc Phụ tiên thì chỉ hợp với người hầu
đồng lúc đang lên.
Mỗi bài thơ giáng bút đều được khắc in với số đã ghi để phát cho người xin thẻ.
Trong Quẻ thẻ ngoài bài thơ còn có mấy chữ đề là Triệu gì. Triệu tức là cái điềm ứng với Quẻ
thẻ.
Thí dụ: Triệu "Tướng quân đắc thắng", triệu "Vạn vật phùng xuân", hoặc triệu "Du thuyền ngộ
vũ".
Có triệu xấu, có triệu tốt. Triệu chỉ những nét đại cương về Quẻ thẻ.
Triệu "Tướng quân đắc thắng" là triệu tốt, và ứng vào người xin được thẻ nầy như một vị
tướng quân thắng trận.
Trái lại triệu "Du thuyền ngộ vũ", tức là đi chơi thuyền gặp mưa, là triệu xấu.
Mỗi quẻ có triệu riêng, không quẻ nào giống quẻ nào.
Thường thường trong ống Thẻ 100 Quẻ có độ:
10 triệu "thật tốt" mang hai chữ "đại cát" hoặc "thượng thượng".
20 triệu "tốt vừa" mang chữ "cát" hoặc chữ "thượng".
10 triệu thật xấu mang hai chữ "hạ hạ".
20 triệu "xấu vừa" mang chữ "hạ".
40 triệu mang chữ "trung bình", tức là triệu "không xấu không tốt".
Như trên đã nói, mỗi Quẻ thẻ có một bài thơ. Bài thơ này tổng đoán việc cát hung, tùy theo
Triệu ghi ở đầu quẻ thẻ.
Dưới bài thơ lại phân ra từng Mục với lời giải: bản mệnh, mưu vọng, cầu tài, hành nhân, thất vật,
lục giáp, quan trạng, bệnh tật...
Lời giải của mỗi Mục hoặc là văn xuôi, hoặc có khi lại là một bài thơ riêng.
Cuối cùng ở Quẻ thẻ là Lời chú giải chung theo ý nghĩa của bài thơ tổng đoán trên.
*
Muốn xin Thẻ trước hết phải quì khấn trước bàn thờ, khấn rõ tên tuổi, sinh quán, trú quán, và
muốn xin quẻ Thẻ về việc gì. Khấn xong thì lễ "bốn rưỡi"; ngày nay người ta vái 5 vái dài, 3 vái
ngắn. Lễ hoặc vái xong, người xin thẻ xốc ống thẻ cho có 1 chiếc thẻ vọt ra thì thôi. Trong
trường hợp có nhiều chiếc thẻ cùng vọt ra một lúc, người xin thẻ phải khấn lễ lại và lại xốc ống
thẻ cho đến được 1 chiếc thẻ vọt ra ngoài ống thẻ.
(Thẻ) (Xin Thẻ = Xin Xâm)
Tại Miền Nam, sau khi được Quẻ thẻ rồi, người xin được thẻ còn xin thêm một Đài Âm Dương
bằng hai đồng tiền hoặc bằng hai con keo hình mặt trăng lưỡi liềm. Hai con keo đều có 1 mặt
phẳng và 1 mặt vồng lên khum khum, coi như 1 một mặt sấp 1 mặt ngửa.
Nếu Đài Âm Dương ứng theo lời xin nhất âm nhất dương, tức là quẻ thẻ của đương sự đã được
Thần linh chiếu theo việc cát hung vận về đương sự mà ứng như vậy.
*
Khi có được một chiếc Thẻ "văng" ra ngoài, khỏi hộp thẻ và khi Đài Âm Dương đã ứng cho Quẻ
đó, người xin thẻ đọc số thứ tự ghi trên chiếc thẻ, rồi ra xin một Quẻ thẻ từ người thủ từ hoặc
ban quản trị nơi thờ tự. Quẻ thẻ có in sẵn theo số đã đọc trên chiếc Thẻ. Có nơi người lấy thẻ
phải trả tiền giấy in, có nơi thẻ được phát không cho khách tới lễ bái xin thẻ.
Về đài âm dương, có người xin trước và khi có được nhất âm nhất dương mới xin quẻ sau.
Trong trường hợp keo âm dương đầu tiên không được, người ta thường khấn khứa xin lại, và như
thế cho tới lần thứ ba, nếu vẫn không được nhất âm nhất dương thì người ta sẽ thôi. Hôm đó
Thần linh không ứng cho đương sự.
Xin được Quẻ thẻ rồi, đương sự phải nhờ người đoán, vì nhiều khi bài thơ tổng đoán cũng như
các lời chú giải, nghĩa không được rõ ràng, chỉ những người đoán quẻ thẻ mới hiểu. Tại trước
cửa các nơi thừa tự thường có những ông thầy ngồi xem số đoán thẻ. Mỗi Quẻ thẻ đoán xong,
khách đi lễ thường trả cho người đoán một món tiền thù lao nhỏ.
*
Theo lời các cụ thì trước đây, mỗi Quẻ thẻ bao giờ cũng là một bài thơ giáng bút Hán tự. Số
người đọc được chữ Hán giờ đây không có nhiều nên tại các nơi thờ tự, ban quản trị hay những
người có trách nhiệm đã thuê người diễn nôm và diễn nghĩa những Quẻ thẻ, cho in sang chữ
quốc ngữ, và có khi còn kèm cả chữ Hán.
Tại những nơi thờ tự mới lập gần đây, người ta không xin được Thần linh giáng bút thì người
ta thuê hoặc nhờ soạn sẵn một số Quẻ thẻ, có hay có dở, có trung bình với lời chú giải; rồi làm lễ
cầu Thần linh xin cho mỗi quẻ một số bằng cách rút thăm. Có bao nhiêu quẻ thì người ta viết
từng ấy số, mỗi số trên thanh tre hoặc một mảnh giấy, đoạn người ta khấn vái để rút ra một số
cho mỗi thẻ.
*
Đầu năm, các thiện nam tín nữ đi lễ thường xin quẻ thẻ để xem vận mệnh hay dở quanh năm của
mình. Các thí sinh đi thi, các người buôn bán làm ăn, các người có thân nhân đau ốm cũng
thường xin Thẻ để tìm hiểu kết quả trước.
Ngày nay ở Sài Gòn, về dịp đầu năm cũng như trong những ngày tuần tiết, người ta kéo nhau đi
lễ và xin thẻ rất đông tại các đền như tại lăng Tả quân Lê Văn Duyệt, đền Hưng Đạo Vương, đền
Sòng sơn thờ Liễu Hạnh Công chúa (ở đường Trương Minh Giảng), đền Hai Bà Trưng (ở Gia
Định).
*
Lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt là nơi dân chúng hay đến xin Thẻ nhưng chính Tả Quân Lê Văn
Duyệt còn bị kết tội vì một Quẻ Thẻ.
Năm 1835, sau khi dẹp xong loạn Lê Văn Khôi (con nuôi của ông Lê Văn Duyệt), vua Minh
Mạng cho Nội Các định tội ông Lê Văn Duyệt (đã qua đời trước đó). Nội các đứng đầu là ông
Hà Tôn Quyền và ông Nguyễn Tri Phương tìm thấy 9 tội phản nghịch của ông Lê Văn Duyệt,
trong đó có 2 tội như sau:
Một là: “Mộ” tiếm gọi là “Lăng” (điều nầy cũng đúng vì tới bây giờ chúng ta vẫn gọi là
Lăng Ông Bà Chiểu?). Lăng chỉ dùng để gọi cho mồ mã của Vua mà thôi!
Hai là: Lúc sinh tiền tự xưng là xin được quẻ thẻ có 4 câu thơ:
Tá Hán tranh tiên chư Hán tướng
Phù Chu ninh hậu thập Chu thần
Tha niên tái ngộ Trần Kiều sự (*)
Nhất đán hoàng bào bất thử thân
(Trần Trọng Kim dịch)
Giúp Hán há thua cùng tướng Hán
Phò Chu nào kém bọn tôi Chu
Trần Kiều nếu gặp cơn binh biến
Mảnh áo hoàng bào dễ ép nhau?
(*) Chú thích:
Trần Kiều là nơi xảy ra cuộc binh biến. Sau khi vua nhà Hậu Chu là Sài Vinh chết, con
là Cung Đế lên ngôi còn nhỏ tuổi. Quân Khiết Đan của nước Liêu ở phương Bắc sắp tấn công.
Quân đội khoát áo hoàng bào vào người Tướng quân Triệu Khuông Dẫn và tôn ông nầy lên làm
vua, truất phế Chu Cung Đế, lập nên nhà Tống. Quẻ ám chỉ ông Lê Văn Duyệt là Triệu Khuông
Dẫn và vua Minh Mạng là vua Cung Đế của nhà Hậu Chu.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Bài nầy đăng lần đầu trong phanthuonghai.com phần Văn Hóa mục Giáo Lý
Tài liệu tham khảo:
1) Tín Ngưỡng Việt Nam (Toan Ánh)
2) Việt Nam Phong Tục (Phan Kế Bính)
3) Nghi Thức và Lễ Bái của Người Việt Nam (Sơn Nam)
4) Thơ và Việt Sử - Nhà Nguyễn (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
5) Đại Từ Điển Tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên)
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền

ĐÁ GÀ TRONG THƠ CHỮ QUỐC NGỮ
Bs Phan Thượng Hải biên soạn
Phong trào Đá Gà ở Nam Kỳ rất được ưa chuộng và người "tạo" ra là Tổng trấn Gia Định Thành Tả Quân Lê Văn Duyệt. Tương truyền là ngài Tả Quân rất mê đá gà cũng như mê hát bội!
Đá Gà trở thành một đặc điểm văn hóa Nam Kỳ từ đầu thế kỷ 19 cho đến thời Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam. Nhiều trường gà có ở khắp 6 tỉnh Nam Kỳ.
Triết lý của Đá Gà được thể hiện qua bài thơ của thi sĩ Dị Nhơn ở Nam Kỳ:
ĐÁ GÀ
Bấy lâu thóc nước chịu ơn nhà
Một trận đua gan biết sức gà
Trước cuộc chém đâm chi nháy mắt
Giữa đường sanh tử chẳng dung gia
Đương Dương nào kém người thao sáu (*)
Địch khái đâu nhường kẻ lược ba (*)
Tài đức quyết đem đền nợ chủ
Ngàn năm để rạng tiết danh ta.
(Dị Nhơn)
(*) Chú thích: Trận Đương Dương thời Tam Quốc. Thao sáu lược ba = Lục thao Tam lược là sách binh thư của Khương Tử Nha (Thái công Vọng, Lã Vọng) có Lục thao (6 kế mưu) và Tam lược (3 kế hoạch) dùng cho quân sự.
Ông Đỗ Văn Y và ông Trương Duy Toản là 2 nhà cách mạng trong Nam theo Cường Để. Bị bắt ở bên Pháp, ở tù trong ngục La Santé (như Phan Châu Trinh) rồi bị giải về an trí ở Nam Kỳ.
Cũng như những nam nhi khác ở Nam Kỳ, ông Đỗ Văn Y làm bài thơ dùng con Gà trống "đá" để tỏ chí khí nam nhi của mình.
GÀ TRỐNG
Đêm khuya thức giấc tối đen mò
Cất tiếng kêu người gáy ó o!
Rơi máu trường nhưng lòng chẳng gớm
Xàu mình chiến hậu tiếng không ô
Giống nòi quyết giữ thân tròn vẹn
Cựa sắc nào phai phận quả cô
Một độ ăn thua trời đất biết
Ân đền nghĩa trả cái công phu.
(Đỗ Văn Y)
Chú thích:
Trường: là trường gả (nơi tổ chức thi đá gà)
Xàu = héo úa; buồn rầu
Chi tiết về Đá Gà được thi sĩ tiền phong Lê Quang Chiểu của Nam Kỳ mô tả như sau:
ĐÁ GÀ
Cũng là đồng loại khéo kình gan
Đá chọi làm chi chẳng ngỡ ngàng
Ô cậy thế cao, đâm là vít
Tía toan lòn thấp chém như tan
Vỉa vai cũng nghĩ vài thao nước
Mé sỏ chẳng vì ít tấc nhang
Trong thép hãy còn khua lỗ miệng
Ngoài vòng bạc xỉa giữa bàng quan.
(Lê Quang Chiểu)
Chú thích:
Gà Ô = gà có lông đen. Gà Tía = gà có lông màu đỏ sậm
Vỉa vai = cắn vào vai đối phương mà đá (1 thế đá của con gà)
Mé sỏ = cắn vào mép hay cắn vào mồng gà đối phương mà đá (1 thế đá khác của con gà)
Theo Hán ngữ: Bàng = bên cạnh. Quan = (ông) quan
Theo tiếng Nôm: Bàng quan = làm ngơ, đứng ngoài cuộc.
Hai câu cuối là tác giả chơi chữ từ câu: "Miệng nhà quan có gang có thép, đồ nhà khó vừa nhọ vừa thâm".
Ông Lê Quang Chiểu (1852-1925) sanh ở Cái Răng, Cần Thơ (nay là quận Châu Thành, Cần Thơ) là học trò của ông Phan Văn Trị. Ông cũng sống ở Phong Điền như ông Phan Văn Trị và có một thời gian ngắn ông làm Cai Tổng Phong Điền nên còn được gọi là Cai Tổng Chiểu (hay Tổng Chiểu). Ông thường bị lộn với ông Nguyễn Đình Chiểu.
Là con nhà giàu ông không chịu làm quan lâu, chỉ ở nhà làm thơ. Ông là người đầu tiên xuất bản tập thơ viết bằng chữ Quốc Ngữ ở Sài Gòn vào đầu thế kỷ 20. Tập thơ “Quốc Âm thi hợp vịnh” nầy của ông Lê Quang Chiểu là tập thơ viết bằng chữ Quốc Ngữ đầu tiên của Việt Nam. Tập thơ nầy tổng hợp thơ Đường Luật của các Thi sĩ Nam kỳ (Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Tôn Thọ Tường, Thủ Khoa Nghĩa... luôn cả thơ của ông).
Cháu của ông Lê Quang Chiểu là Bác sĩ nhãn khoa Lê Văn Hoạch ở Cần Thơ có 2 lần làm Thủ tướng chính phủ Nam Kỳ Quốc vào thập niên 1940s.
Trong các trường gà ở Nam Kỳ, gà Cao Lãnh nổi tiếng là đá hay nhất như 2 câu Ca dao thường được nhắc tới:
Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh
Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân
Còn có 4 câu Ca dao khác nói về gà Cao Lãnh:
Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh
Gái nào bảnh bằng gái Cần Thơ
Làm chi nay đợi mai chờ
Linh đinh Phong Mỹ dật dờ Hòa An (*)
(*) Chú thích: Hai xã nầy ngày nay thuộc Tp Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp
Người ta nói gà Cao Lãnh là gà lai nên có 2 đặc tính: vừa mạnh và vừa dai! (cho nên đá hay?).
Thi sĩ Lãng Ba Phan Văn Bộ (1908-1966) là người sinh trưởng ở Cao Lãnh, ông cũng có những bài thơ vảo thập niên 1940s và 1950s, thời thịnh hành của "Đá Gà".
Qua thơ của Lãng Ba, chúng ta có những cái nhìn khác về Đá Gà.
ĐÁ GÀ
Điều, ô, bông, chuối, xám, xanh, vàng
Hội lại quanh trường túc gáy vang
Cáp chạn, đắn đo xương, vảy, cựa
Cá tiền, liệu lượng bắt, quăng, dằn
Tới lui xạ đá, lông văng túa
Xoay trở cắn đâm, máy chảy tràn
Thắng bại, chẳng vong âu cũng phế
Tương tàn đồng loại, nghĩ nào đang?
(Lãng Ba Phan Văn Bộ)
22-8-1948
Chú thích:
Các màu lông của con gà: Điều = màu đỏ. Bông = lông có nhiều màu. Chuối = màu như màu lá chuối (xanh lục). Một con gà mà lông có nhiều màu gọi là gà bông.
Bắt, Quăng, Dằn: những cách thức đánh cá đá gà (ở trường gà)
Xạ = bắn, đá lẹ và thẳng như (súng) bắn. Từ ngữ dùng để tả (gà) đá.
GÀ RÓT
Cũng điều cũng xám cũng ô nè
Quanh quẩn sau hè gáy lấy le
Lúa sẵn no nê mồng đỏ lói
Nghệ vô đầy đủ cẳng vàng khè
Nắng che mưa chở năng bồng bế
Gió giữ sương gìn mãi vuốt ve
Những tưởng ra trường đền nợ chủ
Mới vừa giao nạp chạy te te…
(Lãng Ba Phan Văn Bộ)
30-1-1953
GÀ MÁI ĐÁ GÀ TRỐNG
Á Ngộ! Mái tơ đá trống cồ
Nóng xem, ai chẳng lấn chen vô?
Xạ mau, nhảy lẹ, bao trò diễn
Đâm nặng, cắn đau, lắm điệu phô
Kẻ tưởng thua tài lo khuyến khích
Người tin lấn sức cứ trầm trồ
Té ra chỉ “cụi” trong giây lát
Túc gáy cùng nhau lại cặp bồ.
(Lãng Ba Phan Văn Bộ)
16-10-1948
Năm 1972, tôi được anh Tư, con bác Sáu của tôi, dẫn đi coi Đá Gà ở 1 trường gà tại Châu Đốc. Thật là một kỷ niệm khó quên, nó làm tôi hiểu và mến phục những Thi sĩ (Lê Quang Chiểu và Lãng Ba) đã làm những bài thơ hay và đúng thực tế về Gà và Đá Gà. Những ông nài gà thì giỏi lắm: cầm máu, may vá ... đều rất khéo léo như Giải Phẫu gia thứ thiệt.
Khi đọc lại lịch sử, Đá Gà đã có từ lâu ở Miền Bắc, ít nhất là từ đời nhà Trần. Trong Hịch Tướng Sĩ (năm 1284), Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn có viết:
Nay các ngươi trông thấy chủ nhục mà không biết lo, trông thấy quốc sỉ mà không biết thẹn, thân làm tướng phải hầu giặc mà không biết tức, tai nghe nhạc để hiến ngụy sứ mà không biết căm; hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển, hoặc vui thú về làm ruộng, hoặc quyến luyến về vợ con, hoặc nghĩ về lợi riêng mà quên việc nước, hoặc ham về săn bắn mà quên việc binh, hoặc thích rượu ngon, hoặc mê tiếng hát.
Nếu có giặc đến, thì cựa gà trống làm sao đâm thủng được áo giáp, mẹo cờ bạc làm sao dùng nỗi được quân mưu, dẫu rằng ruộng lắm vườn nhiều thân ấy nghìn vàng không chuộc; vả lại vợ bìu con díu...
Tại Miền Trung đã có một thi nhân ở Huế dùng chuyện Đá Gà để làm thơ như thơ của Hồ Xuân Hương:
ĐÁ GÀ
Vui xuân nhằm tiết mồng ba
Ông bà cao hứng bắt gà đá chơi
Gà ông ngỏng cổ gáy hơi
Gà bà thủ bộ đợi thời gà ông
Gà ông chém trúng cạnh mồng
Gà bà nổi giận gặm cần gà ông
Đá nhau một chặp ướt lông
Gà bà trúng cựa, gà ông gục cần!
(Vô Danh Thị)
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Bài nầy đăng lần đầu trong phanthuonghai.com mục Thơ Văn phần Đọc Thơ.
Tài liệu tham khảo:
1) Thơ Lãng Ba (Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
2) Thơ và Việt Sử - Thời kỳ Pháp Thuộc (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
3) Nam Kỳ Lục Tỉnh (Hứa Hoành)
4) Việt Nam Sử Lược (Trần Trọng Kim)
5) Tinh Thần Trào Phúng Trong Thi Ca Xứ Huế (Hoàng Trọng Thược)
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
_________________________________________
LỊCH SỬ VIỆT NAM - THỜI THƯỢNG CỔ
Bs Phan Thượng Hải biên soạn
Thời Thượng Cổ của lịch sử Việt Nam là thời gian từ khi bắt đầu có lịch sử cho tới khi bắt đầu của Bắc Thuộc Thời đại. Nó có liên quan tới nguồn gốc và tổ tiên của người Việt Nam chúng ta trong thời Tiền Sử.
Lịch sử trong thời Thượng Cổ nầy vẫn còn có nhiều nghi vấn và tranh cãi cho tới ngày nay.
Bài viết nầy chỉ trình bày tóm lược những điều đã đọc được từ các sử gia xưa và nay qua những nguồn sử liệu cũ và mới để cho người thông thường có một kiến thức tổng quát và thứ tự về lịch sử nước nhà trong thời Thượng Cổ.
Theo nguồn sử liệu cũ, lịch sử cũ của thời Thượng Cổ bắt đầu với lịch sử của Hùng Vương và nước Văn Lang với nguồn gốc từ Kinh Dương Vương và nước Xích Quỷ. Sau đó An Dương Vương Thục Phán chiếm nước Văn Lang và lập nước Âu Lạc.
Chọn lọc tài liệu từ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (có lẽ từ Lĩnh Nam Chích Quái) và một phần của Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Việt Nam Sử Lược tóm lược Lịch sử cũ của thời Thượng Cổ gồm:
Nước Xích Quỷ
Nước Văn Lang
Nước Âu Lạc
Theo thời khoa học hiện đại, lịch sử cũ nầy gần như là thần thoại lại không hợp lý về thời gian và không gian nên đã không được hoàn toàn chấp nhận.
Lịch sử cũ chỉ chú trọng tới quốc gia. Một quốc gia phải gồm có dân tộc, lãnh thổ và chính quyền. Lịch sử với nguồn sử liệu mới chú trọng tới Dân tộc và Lãnh thổ vì có dân tộc sống trên lãnh thổ trong thời Thượng Cổ mà không cần có chính quyền:
Nhóm người Bách Việt (thay vì là nước Xích Quỳ): sống ở vùng Đông Nam và Nam núi Ngũ Lĩnh (gọi chung là đất Lĩnh Nam).
Người Lạc Việt (thay vì là nước Văn Lang): sống ở miền Bắc Việt Nam ngày nay.
Nước Âu Lạc có dân tộc đa số là người Lạc Việt và thiểu số là người Âu Việt.
Lịch sử mới của thời Thượng Cổ nói tới về người Lạc Việt, nhóm người Bách Việt và nước Âu Lạc. Từ đó cũng nói sơ lược về thời Tiền Sử của người Lạc Việt, tổ tiên của người Việt chúng ta hiện nay.
LỊCH SỬ CŨ
Lịch sử cũ của thời Thượng Cổ được chọn lọc và trình bày tóm lược và khá đầy đủ từ Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim về nước Xích Quỷ, nước Văn Lang và nước Âu Lạc.
Nước Xích Quỷ
Cứ theo tục truyền rằng vua Đế Minh (cháu 3 đời vua Thần Nông) đi tuần thú phương nam đến núi Ngũ Lĩnh (nay thuộc Hồ Nam, Trung Quốc bây giờ) lấy một nàng Tiên đẻ ra con thứ là Lộc Tục. Sau đó Đế Minh truyền ngôi cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc và phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam.
Lộc Tục xưng là Kinh Dương Vương và đặt tên nước của mình là Xích Quỷ. Bờ cõi nước Xích Quỷ bấy giờ gồm có:
Phía Bắc giáp Động Đình Hồ (bắc Hồ Nam bây giờ), tức là nam của sông Trường Giang (sông Dương Tử).
Phía Nam giáp nước Hồ Tôn (nước Chiêm Thành sau này).
Phía Tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên bây giờ).
Phía Đông giáp bể Nam Hải.
Kinh Dương Vương Lộc Tục làm vua nước Xích Quỷ vào khoảng năm Nhâm tuất (2879 tr CN). Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân là Long Nữ đẻ ra Sùng Lãm. Sùng Lãm nối ngôi làm vua nước Xích Quỷ xưng là Lạc Long Quân.
(Nước Xích Quỷ)
Lạc Long Quân (Sùng Lãm) lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ đẻ ra 100 con trai. Có sách chép là Âu Cơ đẻ ra 100 trứng rồi nở ra 100 con trai.
Lạc Long Quân nói với Âu Cơ rằng:
“Ta là dòng dõi Long quân còn Nàng là dòng dõi Thần Tiên ăn ở với nhau lâu không được, nay có được 100 đứa con trai thì nhà ngươi đem 50 đứa lên núi còn ta đem 50 đứa xuống bể Nam Hải".
Gốc tích nầy có lẽ là từ Lạc Long Quân về sau nước Xích Quỷ chia ra những đất nước gọi là Bách Việt. Bởi vậy ngày nay đất Hồ Quảng (Hồ Nam, Quảng Đông và Quảng Tây) còn xưng là đất Bách Việt. Đấy cũng là một điều nói phỏng chứ không có lấy gì làm đích xác được.
Nước Văn Lang
Lạc Long Quân phong cho người con trưởng làm vua nước Văn Lang xưng là Hùng Vương họ là Hồng Bàng (nhà Hồng Bàng). Hùng Vương đóng đô ở Phong Châu (thuộc huyện Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Yên); đặt tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc Tướng, con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mỵ Nương, các quan nhỏ gọi là Bố Chính. Quyền chính trị thì cứ cha truyền con nối gọi là Phụ đạo. Lãnh thổ có 15 Bộ gồm Bắc Kỳ và bắc Trung Kỳ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị) ngày nay.
15 Bộ gồm có:
Văn Lang (h. Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Yên ngày nay)
Châu Diên và Phúc Lộc (vùng Sơn Tây ngày nay)
Tân Hưng (vùng Tuyên Quang và Hưng Hóa ngày nay)
Vũ Định (vùng Thái Nguyên và Cao Bằng ngày nay)
Vũ Ninh (vùng Bắc Ninh ngày nay)
Lục Hải (vùng Lạng Sơn ngày nay)
Ninh Hải (vùng Quảng Yên ngày nay)
Dương Tuyền (vùng Hải Dương ngày nay)
Giao Chỉ (vùng Hà Nội, Nam Định và Ninh Bình ngày nay)
Cửu Chân (vùng Thanh Hóa ngày nay)
Hoài Hoan (vùng Nghệ An ngày nay)
Cửu Đức (vùng Hà Tĩnh ngày nay)
Bình Văn (vùng Hà Tĩnh ngày nay?)
Việt Thường (vùng Quảng Bình và Quảng Trị ngày nay)
(Nước Văn Lang = Miền Bắc Việt Nam ngày nay)
Sử Tàu có chép rằng năm Tân mão (1109 tr CN) đời vua Chu Thành Vương của nhà Tây Chu có nước Việt Thường ở phía Nam xứ Giao Chỉ sai sứ đem chim Bạch trĩ sang cống. Nhà Chu phải tìm người thông ngôn mới hiểu được ngôn ngữ và ông Chu Công Đán (chú của Thành Vương) lại chế ra xe chỉ nam để dẫn đường cho sứ Việt Thường về nước. Vậy đất Giao Chỉ và đất Việt Thường có phải là đất của Hùng Vương lúc bấy giờ không?
Họ Hồng Bàng làm vua được 18 đời, đến năm Quí mão (258 tr CN) thì bị nhà Thục lấy mất nước. Xét từ đời Kinh Dương Vương (2879 tr CN) đến hết đời Hùng Vương thứ 18 (258 tr CN) có 20 đời vua trong vòng 2622 năm. Cứ tính hơn bù kém mỗi ông vua trị vì được non 150 năm! Dẫu là người Thượng cổ nữa, thì cũng khó lòng sống lâu được như vậy. Xem thế thì đủ biết truyện đời Hồng Bàng không chắc là truyện xác thực.
Ngày nay, sử gia theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư còn chép thêm rằng:
Kinh Dương Vương sinh năm 2919 tr CN, chết năm 2792 tr CN và lên ngôi vào năm 2879 tr CN.
Các vua Hùng Vương bắt đầu từ Kinh Dương Vương là Hùng Vương thứ nhất (từ năm 1879 tr CN) rồi đến Lạc Long Quân là Hùng Vương thứ nhì, có Miếu hiệu là Hùng Hiền Vương.
15 Hùng Vương tiếp theo (Hùng Vương thứ 3 tới Hùng Vương thứ 17) đều có Miếu hiệu nhưng không có niên biểu. Từ Kinh Dương Vương (Hùng Vương thứ nhất) tới Hùng Duệ Vương (Hùng Vương thứ 18) có tất cả 18 đời vua Hùng Vương kéo dài trên 2622 năm. Riêng Kinh Dương Vương thọ 127 tuổi.
Hùng Vương cuối cùng (thứ 18) từ chối không gả con gái cho Thục Vương. Năm 258 tr CN, cháu của Thục Vương là Thục Phán nối ngôi, đem quân đánh Hùng Vương. Hùng Vương chỉ uống rượu say sưa không phòng bị nên bị thua và nhảy xuống giếng tự tử. An Dương Vương thôn tính nước Văn Lang và chính thức lập nước Âu Lạc (257 tr CN).
Nước Âu Lạc
Năm 258 tr CN, An Dương Vương Thục Phán của nước Thục đánh bại vua Hùng Vương thứ 18, rồi chính thức lập nước Âu Lạc (257 tr CN) đóng đô ở Phong Khê (nay thuộc tỉnh Phúc Yên). Nhờ thần Kim Quy, vua xây thành Cổ Loa hình xoáy như trôn óc (gọi là Loa Thành). Thần Kim Quy còn cho ông một móng chân làm thành một cái nỏ thần, bắn một phát giết hàng vạn người.
Triệu Đà, quan Úy của quận Nam Hải (Quảng Đông bây giờ) muốn chiếm nước Âu Lạc nhưng vì có nỏ thần nên đánh không thắng nỗi. Ông lập kế cho con là Trọng Thủy sang Âu Lạc lấy con của An Dương Vương là Mỵ Châu (và chịu ở rể). Trọng Thủy hỏi dò vợ mình là Mỵ Châu tại sao không ai thắng nỗi nước Âu Lạc. Vì tin chồng, Mỵ Châu kể chuyện cái nỏ thần và lén lấy cho chồng xem. Trọng Thủy lén tráo đem cái nỏ giả thay vào. Sau đó Trọng Thủy xin về nước thăm cha. Khi sắp đi, Trọng Thủy hỏi Mỵ Châu rằng: “Tôi về, mà lỡ có giặc giã đánh thì làm sao tôi tìm được nàng”. Mỵ Châu nói rằng: “Thiếp có cái áo lông ngỗng, hễ khi thiếp có chạy về đâu thì sẽ lấy lông ngỗng rắc dọc đường”.
Trọng Thủy đem nỏ thần về và kể sự thật cho cha là Triệu Đà, ông nầy liền đánh Âu Lạc (năm 208 tr CN). Vì nỏ thần giả nên không hiệu nghiệm nữa, do đó vua An Dương Vương thua trận phải đem Mỵ Châu lên ngựa mà chạy đến núi Mộ Dạ (nay là huyện Đông Thành, Nghệ An). Vua khấn thần Kim Quy thì thần hiện lên và bảo rằng: “Giặc ở sau lưng nhà vua đấy”. An Dương Vương tức giận mới chém chết Mỵ Châu rồi nhảy xuống giếng tự tử. Trọng Thủy theo dấu lông ngỗng của vợ rắc đuổi đến núi Mộ Dạ. Thấy xác vợ, Trọng Thủy thương xót đem xác Mỵ Châu về chôn ở thành Cổ Loa rồi nhảy xuống giếng tự tử.
Nay ở làng Cổ Loa trước đền thờ An Dương Vương có cái giếng tục truyền rằng Trọng Thủy chết ở giếng ấy. Tục cũng truyền rằng máu của Mỵ Châu chảy xuống bể, những con trai ăn phải hóa ra ngọc trân châu. Hễ ai lấy được ngọc ấy đem về rửa ở giếng Trọng Thủy ở đền Cổ Loa thì ngọc ấy trong và đẹp ra.
LỊCH SỬ MỚI VỀ NGƯỜI LẠC VIỆT
Nguồn Sử Liệu
Lịch sử của người Việt và nước Việt chúng ta bắt đầu bằng lịch sử của những người sống ở Miền Bắc Việt Nam ngày nay. Đó là tổ tiên của chúng ta.
Thời Thượng Cổ của lịch sử Việt Nam là thời kỳ bắt đầu khi có Lịch sử cho tới khi bắt đầu Thời Bắc Thuộc (năm 208 tr CN). Trước đó là Thời Tiền Sử.
Sau năm 214 tr CN, người Tàu chiếm đất của những người Bách Việt ở Lĩnh Nam thì mới tiếp xúc với nước Âu Lạc. Từ đó sử gia Tàu mới biết có nước Văn Lang, một nước có lãnh thổ là Miền Bắc Việt Nam ngày nay, đã có trước đó từ nhiều thế kỷ trước và chỉ mới đổi thành nước Âu Lạc từ năm 257 tr CN.
Năm 208 tr CN, nước Âu Lạc bị Triệu Đà (một quan Úy của nhà Tần và nhà Hán) thôn tính và lập nước Nam Việt với lãnh thổ có thêm Lưỡng Quảng ngày nay (Quảng Đông và Quảng Tây) đóng đô ở Phiên Ngu hay Phiên Ngung (thuộc Tp Quảng Châu ngày nay).
Năm 111 tr CN, nhà Hán của Trung Quốc thôn tính nước Nam Việt.
Miền Bắc Việt Nam ngày nay thuộc Tàu từ năm 208 tr CN cho tới khi ông Ngô Quyền dành độc lập vào năm 938 (gọi là Bắc Thuộc Thời đại). Nước ta thuộc Tàu tất cả hơn 1100 năm và sau đó độc lập gần 1100 năm cho tới ngày nay (năm 2019).
Nguồn Sử Liệu của Thời Thượng Cổ.
Sau năm 214 tr CN (Thế kỷ thứ 3 tr CN), Sử gia Trung Quốc từ thời Bắc Thuộc bắt đầu viết Sử về Miền Bắc Việt Nam ngày nay trong thời Thượng Cổ dùng Hán tự (từ Hán ngữ). Do đó tất cả nhân danh (tên người) và địa danh có trong Sử liệu đầu tiên đều có nguồn gốc từ Sử gia Trung Quốc nên đều bằng Hán ngữ. Những nhân danh hay địa danh có trước thời Bắc Thuộc có lẽ được sử gia Tàu dịch âm từ ngôn ngữ địa phương của người bản xứ (Tiếng Việt Cổ) hay tự đặt ra.
Từ năm 938 (Thế kỷ thứ 10), Dân tộc bản xứ ở Miền Bắc Việt Nam ngày nay dành độc lập và lập thành quốc gia, đó là nước Việt của chúng ta cho tới ngày nay. Sử gia nước Việt mới bắt đầu viết lịch sử của nước Việt từ thế kỷ thứ 14 nhưng Chính sử chỉ còn tồn tại từ thế kỷ thứ 15 (đó là Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên). Chính sử viết vào thế kỷ thứ 14 đã bị mất (đó là Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu), chỉ còn lại Ngoại sử mang tính chất thần thoại là sách Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp. Những sử gia Việt nầy cũng dùng Hán tự và Hán ngữ. Một số nhân danh và địa danh có thể khác hay được thêm trong Lĩnh Nam Chích Quái và Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Tuy đã bị thất lạc nhưng Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu không có viết về thời Thượng Cổ mà chỉ bắt đầu từ Triệu Vũ Vương (Triệu Đà), thời điểm bắt đầu của Bắc Thuộc Thời đại.
Gần đây, có một quyển chính sử của sử gia người Việt viết vào thế kỷ thứ 14 thất lạc bên Tàu vừa tìm ra được. Đó là Đại Việt Sử Lược (Việt Sử Lược), viết bằng Hán tự.
Từ thế kỷ thứ 20, các nhà Khảo cổ bắt đầu khai quật những vùng văn hóa ở Miền Bắc Việt Nam ngày nay như Văn hóa Đông Sơn. Từ đó có thêm những nguồn sử liệu mới ngoài sách vở.
Sử liệu ngày nay được phổ thông nhờ những công trình dịch thuật toàn bộ những sử liệu Hán và Hán Nôm như Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục cũng như sự quảng bá trên Internet.
Như vậy lịch sử thời Thượng Cổ của người Việt và nước Việt chúng ta đã được dựa trên 2 nguồn sử liệu về thời Thượng Cổ:
Nguồn Sử Liệu cũ (tới cuối thế kỷ 20) thường dùng Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim. Nó lấy nguồn từ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và một phần của Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có lẽ dựa trên Lĩnh Nam Chích Quái. Nguồn sử liệu cũ có tính chất thần thoại và không hợp lý.
Nguồn Sử Liệu mới (từ cuối thế kỷ 20) dùng sử liệu của Tàu (viết trong thời Bắc Thuộc) đa số tìm được trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục mới được dịch ra toàn phần và phổ biến, của Đại Việt Sử Lược mới được tìm ra, của các học giả trong Wikipedia và từ công trình khai quật của các nhà Khảo cổ từ thế kỷ 20. Nguồn sử liệu mới hợp lý nên có giá trị.
(Miền Bắc Việt Nam ngày nay)
Chi tiết lịch sử từ Nguồn sử liệu mới
Việt Sử Lược (đời nhà Trần, thế kỷ thứ 13) viết:
Đến đời Trang Vương nhà Chu (696-682 tr CN), ở bộ Gia Ninh có người lạ dùng ảo thuật thu phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang, phong tục thuần hậu chất phác, chính sự dùng lối "kết nút". Nước Văn Lang gồm 15 bộ lạc.
Trích từ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục
An Nam Chí Nguyên của Cao Hùng Trưng chép: Giao Chỉ khi chưa đặt quận huyện, bấy giờ có ruộng Lạc (Lạc điền), theo nước triều lên xuống mà làm ruộng; khai khẩn ruộng ấy là Lạc dân, thống trị dân ấy là Lạc Vương, người giúp việc là Lạc Tướng; đều dùng ấn đồng thao xanh. Nước gọi là Văn Lang. Phong tục thuần hậu mộc mạc, chưa có chữ nghĩa, còn dùng lối thắt nút dây làm dấu ghi nhớ, truyền được 18 đời.
Theo Dư Địa Chí của Cổ Hi Phùng, Giao Chỉ về đời Chu gọi là Lạc Việt, về đời Tần gọi là Tây Âu, thế thì đất Âu Lạc lại ở về phía tây Phiên Ngu (kinh đô của nước Nam Việt của Triệu Đà). Theo Giao Quảng Ký của Hoàng Sâm, Giao Chỉ có ruộng Lạc Điền, khai khẩn theo nước triều lên xuống. Người "ăn" hoa lợi ruộng ấy là Lạc Hầu. Các huyện (khu vực địa phương) tự gọi là Lạc Tướng. Sau nầy con Thục Vương đem quân đánh Lạc Hầu, tự xưng là An Dương Vương, đóng đô ở Phong Khê.
Trích từ Wikipedia
Giao Châu Ngoại Vực Ký (thế kỷ thứ 4) và Thủy Kinh Chú (thế kỷ thứ 6) chép: Thời xưa khi Giao Chỉ chưa có quận huyện, thì đất đai có Lạc điền, ruộng (cày cấy) theo con nước thủy triều. Dân khai khẩn ruộng ấy mà ăn nên gọi là Lạc dân. Có Lạc Vương, Lạc Hầu làm chủ các quận huyện. Ở huyện phần đông có Lạc Tướng. Lạc Tướng có ấn bằng đồng (đeo) giải (vải màu) xanh. Về sau con vua Thục đem 3 vạn lính đánh Lạc Vương Lạc Hầu, thu phục các Lạc Tướng. Con vua Thục nhân đó xưng là An Dương Vương.
Sử Ký Tư Mã Thiên, chương Nam Việt Úy Đà liệt truyện, có nói chuyện Triệu Đà thôn tính vùng đất phía Nam trong đó có nước Âu Lạc, quốc gia do An Dương Vương thống nhất và được cho là sự hợp nhất của 2 nhóm Lạc Việt và Âu Việt.
Sử gia ngày nay đã đồng ý (Wikipedia):
Lạc Việt là tên gọi của một trong các dân tộc Việt trong nhóm Bách Việt. Người Lạc Việt có lẽ bắt nguồn từ vùng Động Đình Hồ (nay thuộc tỉnh Hồ Nam), đã từng sinh sống ở vùng đất mà nay là Tây Nam Quảng Đông, Đông Nam Quảng Tây và Miền Bắc Việt Nam ngày nay. Miền Bắc Việt Nam ngày nay nơi người Lạc Việt sinh sống gồm có Bắc Kỳ và bắc Trung Kỳ (Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh) với biên giới phía nam là Hoành Sơn và Đèo Ngang. Lãnh thổ có thể có thêm Quảng Bình và Quảng Trị (cho đến Thừa Thiên) nhưng không có gì chắc chắn.
Âu Việt hay Tây Âu là 1 tập hợp các bộ lạc miền núi sinh sống tại khu vực mà ngày nay gồm có Đông Bắc Việt Nam, Tây Quảng Đông và Nam Quảng Tây. Theo truyền thuyết là nước Nam Cương ở tỉnh Cao Bằng. Âu Việt hay Tây Âu cũng là tên gọi của một trong các dân tộc Việt trong nhóm Bách Việt.
Đến đời Hùng Vương thứ 18, Thục Phán ở phía Đông Bắc của nước Văn Lang hợp nhất nước Văn Lang của người Lạc Việt với vùng đất của người Âu Việt hay Tây Âu (Đông Nam tỉnh Quảng Tây ngày nay) vào năm 258 tr CN và lập nước Âu Lạc.
Theo "Dong Sơn Culture - Wikipedia", người Lạc Việt của nước Văn Lang (và nước Âu Lạc) có một nền văn hóa đặc biệt. Đó là Văn hóa Đông Sơn, tìm được đầu tiên từ khai quật ở làng Đông Sơn (thuộc Tp Thanh Hóa ngày nay).
Thời gian của Văn hóa Đông Sơn là từ khoảng năm 1000 tr CN cho tới khoảng năm 1 tr CN.
Địa điểm của Văn hóa Đông Sơn là miền Bắc Việt Nam ngày nay trọng tâm ở lưu vực sông Hồng Hà gồm các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.
Lịch sử Thời Thượng Cổ từ Nguồn sử liệu mới
Quốc gia gồm có Lãnh thổ (Territory), Dân tộc (People) và Chính quyền (Government).
Muốn tìm nguồn gốc lịch sử người Việt và nước Việt của chúng ta thì phải bắt đầu bằng Lãnh thổ. Miền Bắc Việt Nam ngày nay là lãnh thổ đầu tiên. Các Sử gia ngày nay đều đồng ý nó gồm có Bắc Kỳ và bắc Trung Kỳ (Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh) với biên giới phía nam là Hoành Sơn và Đèo Ngang. Lãnh thổ có thể có thêm Quảng Bình và Quảng Trị (cho đến Thừa Thiên) nhưng không có gì chắc chắn.
Theo Văn Hóa Đông Sơn, từ khoảng 1000 năm tr CN (thế kỷ thứ 11 tr CN) đã có người sinh sống trước đó và gây dựng một nền văn hóa ở đây. Đó là dân tộc Lạc Việt, đã được sử gia hiện đại công nhận là một trong các dân tộc Việt trong nhóm Bách Việt. Dần dần người dân Lạc Việt có nhiều bộ tộc hay bộ lạc. Người Lạc Việt cũng được biết có sinh sống ở những vùng thuộc Tây Nam Quảng Đông và Đông Nam Quảng Tây của Trung Quốc ngày nay.
Theo Đại Việt Sử Lược, cùng thời với vua Chu Trang Vương trong thời Xuân Thu bên Tàu vào thế kỷ thứ 7 tr CN, bắt đầu có chính quyền quân chủ của người Lạc Việt dưới sự lãnh đạo của vua Hùng Vương đóng đô ở Phong Châu (thuộc huyện Bạch Hạc, tỉnh Phú Thọ ngày nay). Đó là nơi có Đền Hùng Vương. Có tất cả 18 đời Hùng Vương từ khoảng 696-682 tr CN. (đời Chu Trang Vương) cho tới 258 tr CN (trong hơn 400 năm). Sử Tàu gọi Hùng Vương là Lạc Vương và danh hiệu Hùng Vương là từ sử liệu của người Việt (từ Việt Sử Lược vào thế kỷ 14).
Hùng Vương có quan lại phụ tá ở trung ương là những (quan) Lạc Hầu. Địa phương có những Bộ cai quản bởi quan Lạc Tướng. Dưới Lạc Tướng là các quan Bố Chính cai quản từng khu vực nhỏ (làng xã).
Nước có tên là Văn Lang và chia ra 15 Bộ. Nước Văn Lang là Miền Bắc Việt Nam ngày nay.
Địa điểm và tên của 15 Bộ được sử gia ngày nay ấn định:
Văn Lang: kinh đô Phong Châu (h. Bạch Hạc, tỉnh Phú Thọ ngày nay)
Châu Diên (vùng Sơn Tây ngày nay)
Phúc Lộc (vùng Sơn Tây ngày nay)
Tân Hưng (vùng Tuyên Quang và Hưng Hóa ngày nay)
Vũ Định (vùng Thái Nguyên và Cao Bằng ngày nay)
Vũ Ninh (vùng Bắc Ninh ngày nay)
Lục Hải (vùng Lạng Sơn ngày nay)
Ninh Hải (vùng Quảng Yên ngày nay)
Dương Tuyền (vùng Hải Dương ngày nay)
Giao Chỉ (vùng Hà Nội, Nam Định và Ninh Bình ngày nay)
Cửu Chân (vùng Thanh Hóa ngày nay)
Hoài Hoan (vùng Nghệ An ngày nay)
Cửu Đức, Bình Văn và Việt Thường (vùng Hà Tĩnh, và bắc Hoành Sơn ngày nay)
Dân Lạc Việt sống bằng nông nghiệp với những ruộng lúa cạnh sông, cày cấy theo thủy triều lên xuống. Phong tục thuần hậu nhưng không có Chữ viết. Ngôn ngữ của dân Lạc Việt trước thời Bắc Thuộc chưa được hiểu biết tường tận. Sử gia thường gọi là "Tiếng Việt cổ".
(Nước Văn Lang thành lập từ thế kỷ thứ 7 vào thời Xuân Thu và nhà Đông Chu ở Trung Quốc)
Nguồn sử liệu mới:
Không có nói tới nguồn gốc Hồng Bàng thị (của Hùng Vương) từ Kinh Dương Vương, nước Xích Quỷ, Lạc Long Quân và Âu Cơ.
Có nói khác với nguồn sử liệu cũ về cơ cấu chính quyền và lãnh thổ của nước Văn Lang.
Có nói tới tên Lạc hay Lạc Việt của dân tộc nước Văn Lang. Chi tiết nầy không có nói tới trong nguồn sử liệu cũ.
Có nói tới danh hiệu Hùng Vương và Văn Lang như nguồn sử liệu cũ.
Năm 258 tr CN, Thục Phán nối nghiệp làm vua, thủ lãnh của các bộ tộc người Âu Việt hay Tây Âu ở Đông Nam Quảng Tây ngày nay, rồi đánh bại Hùng Vương thứ 18 và chiếm chính quyền trung ương của nước Văn Lang. Thục Phán xưng là An Dương Vương và đổi tên nước là Âu Lạc (257 tr CN). Nước Âu Lạc gồm có lãnh thổ nước Văn Lang cũ và thêm phần đất của người Âu Việt (Đông Nam Quảng Tây ngày nay).
Năm 208 tr CN, quan Úy quận Nam Hải của nhà Tần là Triệu Đà đánh bại An Dương Vương Thục Phán và thôn tính nước Âu Lạc. Triệu Đà xưng là Triệu Vũ Vương và lập nước Nam Việt. Nước Nam Việt gồm có 2 tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây và Miền Bắc Việt Nam ngày nay. Triệu Đà chia nước Văn Lang cũ (Miền Bắc Việt Nam ngày nay) thành 2 quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Quận Giao Chỉ là Bắc Kỳ ngày nay và quận Cửu Chân là bắc Trung Kỳ ngày nay (Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh). Về sau (trong thời nhà Triệu) một phần đất phía nam của quận Cửu Chân tách ra thành quận Nhật Nam.
Năm 111 tr CN, nhà Hán của Trung Quốc chiếm và tiêu diệt nước Nam Việt. Miền Bắc Việt Nam ngày nay là 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam trở thành quận của Trung Quốc.
(Nước Văn Lang và đất Âu Việt)
Địa danh và Nhân danh
Những Sử liệu đầu tiên về người Lạc Việt và nước Văn Lang viết bởi sử gia Trung Quốc từ thời nhà Hán nên bằng Hán tự. Người Lạc Việt và nước Văn Lang không có Chữ viết (văn tự) mặc dù có ngôn ngữ mà các sử gia ngày nay gọi là Tiếng Việt Cổ. Hiện nay đã có những khám phá ra Chữ Việt Cổ (trong thời Thượng Cổ) nhưng còn quá hạn chế và chưa chính thức được hoàn toàn hiểu biết và công nhận.
Như vậy tất cả nhân danh (tên người) và địa danh có trong Sử liệu đầu tiên đều có nguồn gốc từ Sử gia Trung Quốc nên đều bằng Hán ngữ. Những nhân danh hay địa danh có trước thời Bắc Thuộc có lẽ được sử gia Tàu dịch âm từ ngôn ngữ địa phương (Tiếng Việt Cổ?) hay tự đặt ra.
Dưới đây là giả thuyết về một số danh hiệu bằng Hán tự và Hán ngữ:
Văn Lang 文 郎
"Văn Lang" dịch âm ra Hán ngữ từ tiếng Việt Cổ "Blang" hay "Klang" mà nhiều dân tộc ở miền núi Trung Kỳ ngày nay còn dùng cho tên của 1 loại Chim họ tôn kính như vật tổ. Một loại Chim có thể là "Tổ Vật" của người Lạc Việt nên dùng để đặt cho tên quốc gia? (Chữ Văn Lang 文 郎 viết theo Hán tự dịch nghĩa Hán ngữ là chàng trai văn vẻ và có học thức).
Lạc Việt 雒 越
"Lạc" dịch âm ra Hán ngữ từ tiếng Việt Cổ "Lak" hay "Nak" có nghĩa là "Nước" (Water). Quốc gia Văn Lang có nhiều "Ruộng nước". Theo Hán ngữ "Ruộng" là "Điền". Do đó người Tàu tạo ra Hán ngữ "Lạc điền" cho "Ruộng nước" ở đây. Từ đó người Tàu gọi người dân ở đây là "người Lạc" (Lạc nhân), từ Lạc điền. (Chữ Lạc 雒 viết theo Hán tự dịch nghĩa Hán ngữ là con ngực da trắng có lông gáy màu đen).
Người Tàu gọi tổng quát những dân tộc ở phía Nam và Đông Nam dãy núi Ngũ Lĩnh là người Việt 越, có lẽ lấy từ tên của nước Việt vào thời Xuân Thu hay sự tích có người Việt Thường đến gặp vua Thành Vương của nhà Tây Chu vào năm 1109 tr CN. (Sau đó vì có nhiều giống người Việt khác nhau nên gọi tổng hợp là Bách Việt). Do đó người Tàu gọi thêm người Lạc là người Lạc Việt 雒 越.
Hùng Vương 雄 王
Chữ Lạc 雒 và chữ Hùng 雄 viết theo Hán tự gần giống nhau nên Sử gia người Việt sau nầy đổi chữ "Lạc Vương" (vua của người Lạc Việt) của Sử gia Trung Quốc thành chữ "Hùng Vương" cho có ý nghĩa "mạnh" hơn hay viết lộn? (Chữ Hùng 雄 dịch nghĩa theo Hán ngữ là "mạnh / strong").
Tiền Sử của người Lạc Việt
Trước Thời Cổ Đại hay Thượng Cổ của Lịch sử là thời Tiền Sử (thời trước khi có lịch sử).
Thời Tiền Sử có 3 Thời đại nối tiếp nhau: Đồ Đá (Stone Age), Đồ Đồng (Bronze Age) và Đồ Sắt (Iron Age). Tùy theo từng nơi khác nhau trên Địa cầu, Lịch sử bắt đầu ở Thời đại khác nhau tùy thuộc vào sự thành lập hay du nhập của Chữ viết ở từng địa phương (thường là vào Thời Đồ Đồng).
Trong Thời đại Đồ Đồng (Bronze Age) vào khoảng trước 5.000 năm tr CN có các giống người Tiền sử ở Đông và Đông Nam Á Châu và Úc Châu ngày nay:
Australoids
Neolithic Austroasiatic
Austronesian
Kra-Dai
Hmong Mien
Theo các sử gia hiện đại (Wikipedia):
Người "Bản xứ" ở Miền Bắc Việt Nam ngày nay (trung tâm là đồng bằng sông Hồng và sông Mã) là hậu duệ của người Hmong-Mien (Miêu-Dao) ở những cộng đồng nông nghiệp thuộc lưu vực sông Trường Giang (s. Dương Tử). Họ di cư đến đây vào khoảng 2000 năm tr CN và có di tích là Văn hóa Phùng Nguyên. Văn hóa Phùng Nguyên (khoảng 1500-2000 năm tr CN) tìm được từ khai quật đầu tiên ở làng Phùng Nguyên (18 km đông Thành phố Việt Trì) vào năm 1958.
Vào khoảng 1000-1200 tr CN thì bắt đầu có Văn hóa Đông Sơn của người "Bản xứ" ở đây với loại Trống Đồng đặc biệt.
Từ thế kỷ thứ 7 tr CN, người "Bản xứ" lập thành quốc gia với chính quyền quân chủ ở Miền Bắc Việt Nam ngày nay.
Từ thế kỷ thứ 3 tr CN, người Tàu đến Miền Bắc Việt Nam ngày nay đem Chữ Hán (Hán tự) và dùng Hán ngữ viết Lịch sử của người "Bản xứ", gọi tên quốc gia là nước Văn Lang, người dân là người Lạc Việt và vua là Lạc Vương. Theo người Tàu thì khi đó người "Bản xứ" chưa có Chữ viết, nhưng có 1 số sử gia ngày nay không đồng ý. Tuy nhiên Ngôn ngữ và Chữ viết của người "Bản xứ" gọi là "Tiếng Việt Cổ" và "Chữ Việt Cổ" thì chưa được sử gia hiện đại khám phá đầy đủ, hiểu biết rõ ràng và phổ biến minh bạch.
(Những người Tiền Sử ở Đông Nam Á Châu và Úc Châu)
Như vậy Tổ tiên của người Lạc Việt từ người Hmong-Mien (Miêu Dao) ở lưu vực sông Trường Giang di cư tới Miền Bắc Việt Nam ngày nay trong thời Tiền Sử.
Tổ tiên của người Tàu (Hoa Hạ) là những người sống ở lưu vực sông Hoàng Hà trong thời Tiền Sử:
Tam Hoàng
Ngũ Đế
Nhà Hạ (khoảng 2070 tr CN - 1600 tr CN)
Lịch sử Trung Quốc chỉ chính thức bắt đầu với nhà Thương (từ 1600 tr CN) dựa trên Giáp Cốt Văn tự trên các mu rùa. Giáp Cốt văn tự là chữ viết đầu tiên của Trung Quốc. Khi có Chữ viết tự tạo hay du nhập từ nơi khác thì một địa phương bắt đầu có lịch sử (của nó): chữ viết ghi lại lịch sử. Nhà Thương theo thời gian là nối tiếp của nhà Hạ với cùng một lãnh thổ nhưng điều lạ là Giáp Cốt Văn của nhà Thương không có viết gì về thời Tam Hoàng, Ngũ Đế và nhà Hạ. Thời Tiền Sử nầy chỉ được viết từ những thời đại khác hàng mấy ngàn năm sau đó nên không thể có thật mà chỉ là hoang đường tưởng tượng?
(Lãnh thổ của nhà Hạ, và lúc bắt đầu của nhà Thương vào năm 1600 tr CN)
Tam Hoàng là 3 vị "bán thần" giúp người dân sinh sống; gồm có Phục Hy, Toại Nhân (hay Nữ Oa) và Thần Nông. Tương truyền gọi là Thần Nông vì là vị Thần sáng tạo ra nghề nông và biết dùng cây cỏ để chữa bệnh.
Ngũ Đế là 5 vị quân chủ (monarch) không cùng huyết thống truyền ngôi cho nhau theo thứ tự là: Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Cốc, Đế Nghiêu và Đế Thuấn.
Đế Thuấn truyền ngôi cho Hạ Vũ. Hạ Vũ truyền ngôi cho con cháu cùng huyết thống lập ra nhà Hạ.
Thời Tiền Sử của Trung Quốc chấm dứt vào năm 1600 tr CN (bắt đầu thế kỷ thứ 16) với bắt đầu của nhà Thương. Gọi là Thời Tiền Sử vì không có Chữ viết. Trong thời Tiền Sử nầy người Tàu biết dùng lửa, cất nhà, trồng ngũ cốc, làm quần áo, chài lưới, có lễ nghi...
Do đó vào thời điểm khoảng 5.000 tr CN, tổ tiên của người Tàu và của người Việt đã sống ở 2 nơi khác nhau.
Tổ tiên của người Tàu sống và định cư ở lưu vực sông Hoàng Hà.
Tổ tiên của người Việt sống ở lưu vực sông Trường Giang (s. Dương Tử) rồi một nhóm di cư đến định cư ở lưu vực sông Hồng và sông Mã (Miền Bắc Việt Nam ngày nay) vào khoảng năm 2000 tr CN.
LỊCH SỬ MỚI VỀ NHÓM NGƯỜI BÁCH VIỆT
Lịch sử nước Âu Lạc (và nước Văn Lang) của người Lạc Việt và Âu Việt cũng nằm trong lịch sử Trung Quốc và Bách Việt ở Lĩnh Nam. Huyền sử nước Xích Quỷ của người Việt tuy làm cho hậu sinh liên kết nó với nguồn gốc của nhóm người Bách Việt nhưng chính nó chỉ là hoang đường và không có thật mặc dù có sự tương tự giữa lãnh thổ của nước Xích Quỷ và của nhóm người Bách Việt.
Trung Quốc và Bách Việt
Người Tàu từ đời nhà Hạ (2070-1600 tr CN) cho tới thời Chiến Quốc (473-221 tr CN) gọi mình là người Hoa Hạ để phân biệt với nhiều giống người thiểu số khác (mà người Hoa Hạ gọi là Rợ / Barbarians) sống trong cùng một lãnh thổ.
Theo thuyết Thiên Mệnh của nhà Tây Chu (từ 2 người con của Chu Văn Vương là Chu Công Đán và Thiệu Công Thích), lãnh thổ Trung Quốc lúc đó gọi là Thiên Hạ (Dưới Trời) có một lãnh tụ tối cao và độc nhất là Thiên Tử (Con Trời), có Thiên Mệnh (Mệnh Trời) cai trị tất cả mọi người. Thiên tử lần lượt là vua nhà Hạ, nhả Thương và nhà Chu (Tây Chu rồi Đông Chu trong thời Xuân Thu và Chiến Quốc). Lúc đầu từ thời nhà Tây Chu, Thiên Hạ gồm có Trung Quốc là nước của Thiên tử Nhà Chu, các Phương quốc là các nước của các Chư Hầu và đất nước của những người Thiểu số (gọi là Rợ).
Khi nhà Tần thống nhất Thiên hạ (221 tr CN), chấm dứt thời Chiến Quốc, và Tần Thủy Hoàng Đế làm Thiên tử xưng là Hoàng đế thì Thiên Hạ là Trung Quốc vì không còn Chư hầu và Phương Quốc nữa. Lúc đó người Hoa Hạ cũng gần như đồng hóa những người Thiểu số (như những người Địch, Nhung, Di, Man, Ba, Thục...) và đã thôn tính đất nước của họ. Sau đó Nhà Hán thay thế nhà Tần. Từ đó người Hoa Hạ là người Hán (Hán nhân, Hán tộc). Danh từ Trung Quốc và Hán tộc tồn tại cho tới ngày nay.
Lãnh thổ Trung Quốc trong thời gian bắt đầu của nhà Tần ở lưu vực sông Vị, sông Phần Thủy, sông Hoàng Hà và sông Trường Giang (s. Dương Tử); thuộc phía Bắc và Tây Bắc dãy núi Ngũ Lĩnh.
Từ thế kỷ thứ 9 tr CN vào thời Xuân Thu, người Hoa Hạ đã biết có 2 bộ lạc của người Việt lập thành 2 nước chư hầu Ngô và Việt, được ghi trong chính sử của người Hoa Hạ là Tả Truyện và kinh Xuân Thu.
Nước Ngô của người Câu Ngô (ở miền Nam tỉnh Giang Tô ngày nay).
Nước Việt 越 của người Ư Việt (ở miền Bắc tỉnh Triết Giang ngày nay).
Tương truyền họ có văn hóa gần như người Hoa Hạ nhờ Thái Bá (con của Chu Văn Vương của nhà Tây Chu) tự lưu đày ở đây. Người Câu Ngô và Ư Việt thường được gọi chung là người Đông Âu Việt hay Đông Âu.
Năm 473 tr CN, Việt Vương Câu Tiễn thôn tính nước Ngô, đây là năm đánh dấu chấm dứt thời Xuân Thu và bắt đầu thời Chiến Quốc. Năm 333 tr CN, nước Việt bị nước Sở (của người Hoa Hạ và dân tộc thiểu số khác) thôn tính. Hoàng tộc dời về vùng đất của tỉnh Phước Kiến ngày nay lập nước Mân Việt và cai trị người bản xứ. Người bản xứ là người Mân Việt.
Đến thời Chiến Quốc, người Hoa Hạ mới chú ý đến những giống người ở Nam và Đông Nam của dãy núi Ngũ Lĩnh. Họ gọi tổng quát là Người Việt 越 (Việt Nhân), có lẽ lấy từ tên nước Việt của thời Xuân Thu ở Đông Nam dãy núi Ngũ Lĩnh hay từ người Việt Thường 越 裳 ở phương Nam đã đến gặp vua Chu Thành Vương (1109 tr CN).
Sách Lã Thị Xuân Thu của nước Tần vào cuối thời Chiến Quốc, viết xong vào năm 239 tr CN, nói tới "Bách Việt" 百 越.
Theo Sử Ký của Tư Mã Thiên của thời Tây Hán, trong phần "Ngô Khởi truyện", Bách Việt là từ ngữ dùng chung cho nhiều giống người không phải là người Hoa Hạ, sống ở miền Nam và Đông Nam của Trung Quốc. Vì là nhiều giống người Việt nên gọi tổng hợp là Bách Việt (bách = 100), nhưng không có nghĩa là phải đúng 100 giống người Việt, có thể là 5, 10 hay 20 hoặc không biết hết.
(Dãy núi Ngũ Lĩnh gồm có: Đại Dũ, Thủy An, Lâm Hạ, Quế Dương, Yết Dương)
Sau cuộc viễn chinh "Bách Việt" trong đời Tần Thủy Hoàng, người Hán biết rõ hơn về người Bách Việt.
Theo Hán Thư của Ban Cố và em gái là Ban Cơ (viết xong vào năm 111): “Trong vòng 7, 8 ngàn dặm giữa Giao Chỉ và Cối Kê ở đâu cũng có Bách Việt, mỗi nhóm có các thị tộc của mình”. Giao Chỉ là miền Bắc Việt Nam bây giờ và Cối Kê ở bắc tỉnh Chiết (Triết) Giang của Trung Quốc bây giờ. Do đó đất nước của những giống người Bách Việt có thể là ở miền Nam và Đông Nam của dãy núi Ngũ Lĩnh, bắt đầu có tên là Lĩnh Nam trong thời nhà Tần.
Nếu so sánh với địa lý ngày nay,
Vùng đất của người Hoa Hạ và người Hán là các tỉnh Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Đông; Sơn Tây, Thiểm Tây, Cam Túc, Tứ Xuyên; Giang Tô, An Huy và Hồ Bắc.
Vùng đất của người Việt hay Bách Việt là các tỉnh Hồ Nam, Triết Giang (Chiết Giang), Giang Tây; Quí Châu, Vân Nam; Phúc Kiến, Quảng Đông và Quảng Tây và Miền Bắc Việt Nam ngày nay (gồm có Bắc Kỳ và bắc Trung Kỳ).
Sau khi gồm thâu các nước của thời Chiến Quốc và thống nhất Trung Quốc (vùng đất của người Hoa Hạ và của người Hán sau nầy), Tần Thủy Hoàng chinh phạt (những) người Bách Việt. Theo sách Hoài Nam Tử, vào năm 214 tr CN, Tần Thủy Hoàng sai Đồ Thư đem khoảng nửa triệu quân theo dòng sông Tương xuống phương Nam và phải đánh 2 lần mới thắng được những người Bách Việt ở Hồ Nam, Giang Tây, Quảng Đông và Quảng Tây ngày nay và lập thành 3 Quận thuộc nước Tần (Nam Hải, Quế Lâm và Tượng Quận). Tần Thủy Hoàng di dân Trung Quốc về đây dùng chương trình đồng hóa người Việt bản xứ. Những người Bách Việt sống ở đây là thuộc giống người Hồ Việt, Đông Việt, Dương Việt, Nam Việt và Tây Âu Việt.
Năm 208 tr CN, Quan Úy của quận Nam Hải (của nhà Tần) là Triệu Đà đánh bại và thôn tính vương quốc Âu Lạc (của người Tây Âu Việt và Lạc Việt). Triệu Đà đóng đô ở Phiên Ngung hay Phiên Ngô (thuộc Tp Quảng Châu ngày nay) và lập nên nước Nam Việt, độc lập với chính quyền Trung Quốc (nhà Tần và nhà Hán). Triệu Đà để người Bách Việt được sống chung với người di cư từ Trung Quốc, không kỳ thị và đồng hóa. Nước Nam Việt của nhà Triệu gồm Quảng Đông, Quảng Tây và Miền Bắc Việt Nam ngày nay. Nước Âu Lạc gồm một phần phía nam của tỉnh Quảng Tây và Miền Bắc Việt Nam ngày nay.
Sau nhà Tần, nhà Hán chiếm hoàn toàn những Đất Nước của những người Bách Việt:
chiếm nước Nam Việt của Triệu Đà gồm Quảng Đông, Quảng Tây và Miền Bắc Việt Nam ngày nay.
chiếm nước Dạ Lang của người Việt là Quý Châu ngày nay.
chiếm đất của người Điền Việt là Vân Nam ngày nay.
chiếm nước Mân Việt của người Mân Việt và Ư Việt là Phước Kiến và nam Triết Giang ngày nay









(Các tỉnh Trung Quốc ngày nay)

(Nhà Hán chinh phạt Lĩnh Nam)
Bách Việt và Lĩnh Nam
Sự hiện hữu của nhóm những người Bách Việt ở Nam và Đông Nam của dãy núi Ngũ Lĩnh (Lĩnh Nam) đã có từ nhiều thế kỷ trước CN tuy nhiên bắt đầu từ thời điểm nào thì không ai biết. Từ thời Xuân Thu của nhà Đông Chu sự hiện hữu mới có trong lịch sử Trung Quốc (sách Tả Truyện và kinh Xuân Thu).
Nhóm Bách Việt ở phương Bắc:
Người Câu Ngô sống ở nam tỉnh Giang Tô ngày nay lập nên nước Ngô vào thời Xuân Thu. Nước Ngô bị nước Việt thôn tính năm 473 tr CN. Người Câu Ngô có văn hóa Hoa Hạ nhờ theo truyền thuyết Thái Bá con của Chu Văn Vương của nước Tây Chu tự lưu đày ở đây và giáo hóa người Câu Ngô.
Người Ư Việt sống ở tỉnh Triết Giang ngày nay lập nước Việt vào thời Xuân Thu và thôn tính nước Ngô của người Câu Ngô. Sau đó nước Việt bị nước Sở thôn tính vào thời Chiến Quốc. Người Câu Ngô và Ư Việt thường được gọi chung là Ngô Việt.
Người Mân Việt sống ở tỉnh Phước Kiến. Hoàng gia nước Việt sau khi mất nước chạy về đây cùng người Mân Việt lập nước Mân Việt (334-110 tr CN) cho đến khi bị nhà Hán thôn tính.
Người Hồ Việt sống ở tỉnh Hồ Nam ngày nay. Đất bị Tần Thủy Hoàng chiếm (214 tr CN).
Người Đông Việt (và Dương Việt) sống ở tỉnh Giang Tây ngày nay. Đất bị Tần Thủy Hoàng chiếm (214 tr CN).
Người Dạ Lang thuộc Bách Việt sống ở tỉnh Quý Châu và lập nước Dạ Lang từ thế kỷ thứ 3 tr CN và bị nhà Hán thôn tính vào năm 27 tr CN.
Người Điền Việt sống ở tỉnh Vân Nam và lập Điền Quốc, rồi cũng bị nhà Hán thôn tính.
Nhóm Bách Việt ở phương Nam:
Người Nam Việt sống ở Quảng Đông và Quảng Tây ngày nay. Đất bị Tần Thủy Hoàng chiếm (214 tr CN).
Người Tây Âu Việt (hay Tây Âu hay Âu Việt) sống ở tây nam Quảng Tây ngày nay theo lưu vực sông Tây Giang và Quế giang. Một phần đất bị Tần Thủy Hoàng chiếm cùng lúc với người Hồ Việt, Đông Việt và Nam Việt (214 tr CN). Phần đất kia trước đó đã theo thủ lãnh là Thục Phán sát nhập vào nước Văn Lang của người Lạc Việt khi Thục Phán chiếm nước Văn Lang (257 tr CN) thành ra nước Âu Lạc.
Người Lạc Việt 雒 越 đại đa số sống ở Miền Bắc Việt Nam ngày nay và hình như thiểu số sống ở nam Quảng Đông và Quảng Tây. "Lạc" theo Hán ngữ có nghĩa là "con ngựa da trắng với lông bờm màu đen". Người Lạc Việt ở miền Bắc Việt Nam ngày nay có nước Văn Lang ở đây thành lập từ thế kỷ thứ 7 tr CN và có 18 đời vua là Hùng Vương. (Theo truyền thuyết, Hùng Vương là dòng dõi từ Kinh Dương Vương là người lập ra nước Xích Quỷ. Cũng theo truyền thuyết nước Xích Quỷ là quốc gia của toàn thể người Bách Việt từ lúc đầu).

(Người Bách Việt ở Lĩnh Nam)
Nước Văn Lang bị Thục Phán, một thủ lãnh của người Tây Âu Việt chiếm và lập thành nước Âu Lạc (257 tr CN). Dưới quyền cai trị của An Dương Vương Thục Phán, lãnh thổ nước Âu Lạc là lãnh thổ của nước Văn Lang cũ nhưng có thể có thêm một phần của nam tỉnh Quảng Tây (phần đất người Âu Việt dưới quyền của Thục Phán cư ngụ). An Dương Vương xây Loa Thành ở kinh đô Cổ Loa vẫn còn di tích tới nay ở xã Cổ Loa, Hà Nội. Như vậy dân của nước Âu Lạc đại đa số là người Lạc Việt, thiểu số là người Âu Việt. Nước Âu Lạc tồn tại 50 năm (từ 257 tr CN) với 1 đời vua là An Dương Vương Thục Phán.
Triệu Đà, quan Úy quận Nam Hải của nhà Tần, đánh bại An Dương Vương, thôn tính nước Âu Lạc, lập thành nước Nam Việt (208 tr CN). Lãnh thổ gồm Quảng Đông, Quảng Tây và Miền Bắc Việt Nam ngày nay. Dân tộc của nước Nam Việt của Triệu Đà gồm người Hoa Hạ (người Hán) đã di cư vào Quảng Đông và Quảng Tây trong thời Tần Thủy Hoàng đế; người Nam Việt và người Tây Âu Việt bản xứ ở Quảng Đông và Quảng Tây; người Tây Âu Việt và người Lạc Việt bản xứ của nước Âu Lạc.
Năm 111 tr CN, Nhà Hán thôn tính nước Nam Việt của nhà Triệu, nhập lãnh thổ vào Trung Quốc và lập thành Giao Chỉ bộ gồm 9 quận, đặt quan Thái thú và Thứ sử cai trị.
Như vậy nước Âu Lạc của người Lạc Việt và người Tây Âu Việt thành thuộc địa của Trung Quốc cho tới thế kỷ thứ 10 khi ông Ngô Quyền dành độc lập và đóng đô ở Cổ Loa, kinh đô cũ của nước Âu Lạc. Sau đó ông Đinh Bộ Lĩnh lập nước Đại Cồ Việt với lãnh thổ là miền Bắc Việt Nam ngày nay. Sau nầy nước Đại Cồ Việt đổi tên thành Đại Việt và bành trướng thành nước Việt Nam ngày nay gồm thêm Miền Nam Việt Nam.
Miền Bắc Việt Nam ngày nay gồm có Bắc Kỳ và các tỉnh ở bắc Trung Kỳ (tới Hoành Sơn và Đèo Ngang). Nó là 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam trong thời Bắc Thuộc nước Tàu (quận Giao Chỉ là Bắc Kỳ).
LỊCH SỬ MỚI VỀ NƯỚC ÂU LẠC
Câu chuyện Mỵ Châu Trọng Thủy cũng như Thần Kim Quy chỉ là chuyện thần thoại khó có thể có thật.
Ngày nay lịch sử nước Âu Lạc được tóm tắt như sau:
Năm 258 tr CN, Thục Phán, 1 thủ lãnh của người Âu Việt (hay Tây Âu) đánh bại Hùng Vương của nước Văn Lang, nắm chính quyền trung ương và đóng đô ở Phong Khê (nay ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, tỉnh Hà Nội). Lãnh thổ có thêm phần đất của Thục Phán và người Âu Việt dưới quyền (nay ở đông nam tỉnh Quảng Tây). Năm 257 tr CN, Thục Phán xưng là An Dương Vương và xây Loa Thành (thành Cổ Loa). Nước đổi tên là Âu Lạc. Chính quyền địa phương của những Lạc Tướng cai trị 15 Bộ ở địa phương vẫn không thay đổi (cho tới cả trong thời Bắc Thuộc). Dân tộc gồm người Lạc Việt của nước Văn Lang cũ (Miền Bắc Việt Nam ngày nay) và người Âu Lạc dưới quyền cai trị của Thục Phán (ở đông nam Quảng Tây ngày nay).
Năm 208 tr CN, Triệu Đà, quan Úy quận Nam Hải của nhà Tần và nhà Hán, đánh bại Thục An Dương Vương và thôn tính nước Âu Lạc. Triệu Đà lập nước Nam Việt độc lập với nhà Hán xưng là Nam Việt Vũ Vương. Lãnh thổ của nước Nam Việt gồm có 2 tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây ngày nay và Miền Bắc Việt Nam ngày nay (nước Văn Lang cũ). Miền Bắc Việt Nam ngày nay gồm Bắc Kỳ và bắc Trung Kỳ (Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh cho tới Hoành Sơn và Đèo Ngang).
Ngày nay có giả thuyết là Triệu Đà chiếm nước Âu Lạc vào năm 179 tr CN chứ không phải vào năm 208 tr CN. Thời điểm nầy rất quan trọng vì nó là thời điểm bắt đầu Thời Bắc Thuộc (chấm dứt khi Ngô Quyền dành độc lập vào năm 938).
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (thế kỷ 15) và Đại Việt Sử Lược (thế kỷ 14), nước Âu Lạc kết thúc vào năm 208 tr CN sau khi An Dương Vương bị Triệu Đà đánh bại và sát nhập thành nước Nam Việt.
Theo Sử Ký của Tư Mã Thiên (thế kỷ 1 tr CN) viết rằng Tây Âu Lạc (tức là nước Âu Lạc ở phía Tây) bị Triệu Đà đánh bại ngay sau khi Thái hậu nhà Hán là Lữ Hậu chết vào năm 180 tr CN, vì thế một số sách ngày nay viết là nước Âu Lạc sụp đổ vào năm 179 tr CN.
Điều nầy chưa chắc Sử Ký (là) hoàn toàn đúng vì nước Âu Lạc chỉ có 1 vua là Thục An Dương Vương. Từ năm 257 tr CN (khi nước Âu Lạc thành lập) cho tới năm 179 tr CN là 79 năm! Thời gian từ năm 257 tr CN tới năm 208 tr CN là 50 năm thì có lý hơn vì Thục An Dương Vương khó có thể làm vua đến hơn 79 năm (và sống đến khoảng 100 tuổi hay hơn nữa).

(Nước Âu Lạc)
Năm 214 tr CN, người Tàu chiếm đất tới Lưỡng Quảng ngày nay thì tiếp xúc nước Âu Lạc và sau đó thôn tính nước nầy. Danh hiệu Âu Lạc cũng từ Hán ngữ và Hán tự của người Tàu cũng như danh hiệu của những người trong nhóm Bách Việt (như Lạc Việt, Âu Việt, Nam Việt...). Rất tiếc chúng ta không biết được danh hiệu của nước Âu Lạc cũng như địa danh và nhân danh của nước nầy bằng ngôn ngữ bản xứ. Tuy nhiên sử gia vẫn tin là có nước Âu Lạc trong thời điểm và địa điểm nầy và đó là điều hợp lý. Người Tàu (Hán) đã dùng danh hiệu Lạc Việt và Âu Việt cho người dân thì tên nước là Âu Lạc là điều dĩ nhiên?
KẾT LUẬN
Nguồn sử liệu mới đã góp phần viết lại lịch sử thời Thượng Cổ của người Việt chúng ta. Tuy nhiên những chuyện thần thoại viết trong Lĩnh Nam Chích Quái vẫn còn được người Việt chúng ta tôn trọng và truyền tụng. Đó là những chuyện được kể đi kể lại nhiều lần đôi khi không còn giống với nguyên văn trong Lĩnh Nam Chích Quái và được Thi nhân dùng làm đề tài sáng tác cho tới ngày hôm nay.
Đây là những chuyện chánh trong thời Thượng Cổ:
Truyện Hồng Bàng (Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ)
Truyện Trầu Cau
Truyện Đầm Nhất Dạ (Chử Đồng Tử và Tiên Dong)
Truyện Phù Đổng Thiên Vương
Truyện Bánh Dày Bánh Chưng
Truyện Dưa Hấu
Truyện Lý Ông Trọng
Truyện Kim Quy (và Mỵ Châu Trọng Thủy)
Truyện Núi Tản Viên (Sơn Tinh Thủy Tinh)
Những chuyện nầy là căn bản của nguồn sử liệu cũ cho thời Thượng Cổ nhưng cho tới cuối thế kỷ thứ 20 thì một số đã mất dần giá trị khoa học lịch sử.
Truyện "Hồng Bàng", chính thức có trong chính sử là Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên, đã được dùng như là nguồn gốc của người Việt chúng ta.
Có Sử gia ngày nay (như Liam Kelly) nghĩ rằng nó chỉ là sự tưởng tượng thêm của Ngô Sĩ Liên lấy nguồn gốc từ "Lưu Nghị truyện" viết vào thời nhà Tống ở bên Tàu (960-1279). Truyện nầy kể lại thư sinh Lưu Nghị vào đời Đường Cao Tông (649-683) trên đường tới huyện Kinh Dương thì gặp một thiếu phụ con gái của Long quân của Động Đình hồ. Thiếu phụ nầy có chồng trước là Long vương của sông Kinh đã ngược đãi bà. Kết cuộc là Lưu Nghị kết duyên với thiếu phụ nầy. Câu chuyện nầy giống câu chuyện của Kinh Dương Vương kết duyên với con gái của Động Đình quân trong Hồng Bàng kỷ của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.
Tuy nhiên người Việt ngày nay kể cả tác giả bài viết nầy vẫn tự hãnh diện và tự hào là "giòng giống Lạc Hồng" và "con cháu Hùng Vương" từ truyện "Hồng Bàng".
CON CHÁU HÙNG VƯƠNG
Cội nguồn người Việt tự tiên long
Con cháu Hùng Vương mạnh tựa rồng
Miền Bắc thành công gìn tổ quốc
Phương Nam tiến bộ mở non sông
Tâm tư hậu duệ nên bền chí
Gương sáng tiền nhân giúp vững lòng
Lịch sử hùng anh tồn tại mãi
Vinh danh nước Việt rạng trời Đông.
(Phan Thượng Hải)
4/19/21
Nhưng truyện nầy lại gián tiếp ám chỉ rằng người Việt chúng ta và người Tàu (người Hán) có cùng 1 nguồn gốc vào khoảng năm 3000 tr CN.
Theo những sử gia hiện đại, người Việt chúng ta và người Tàu (người Hán) có thể đã có nguồn gốc khác nhau từ khoảng năm 5000 tr CN trong thời Tiền Sử. Ước mong trong tương lai có sử gia hay nhà nhân chủng học tài ba làm sáng tỏ vấn đề nầy.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Bài viết nầy đăng lần đầu tiên trong phanthuonghai.com trong mục Văn Hóa phần Học Thuật.
Tài Liệu Tham Khảo:
1) Thơ và Việt Sử - Thời Thượng Cổ (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
2) Việt Nam Sử Lược (Trần Trọng Kim)
3) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (Ngô Sĩ Liên)
4) Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (Quốc Sử Quán Triều Nguyễn)
5) Lĩnh Nam Chích Quái (Trần Thế Pháp)
6) Kinh Dương Vương as a medieval invented tradition - leminhkhai's seasian blog
7) Những Đề tài liên quan trong Wikipedia
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
________________________
TRƯƠNG VĨNH KÝ VÀ TRƯƠNG MINH KÝ
Bs Phan Thượng Hải biên soạn
Ba ông Petrus Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký và Paulus Huỳnh Tịnh Của đã có công dùng chữ Quốc Ngữ để truyền bá và phát huy văn hóa Đông Tây cho người Việt bắt đầu từ Nam Kỳ trong thời Pháp thuộc vào hậu bán thế kỷ thứ 19.
Thành hình của Chữ Quốc ngữ
*
Sau khi chiếm toàn bộ Nam Kỳ (1867), Pháp muốn thay đổi văn hóa nước Việt Nam, tách ra khỏi Trung Hoa và gần gũi với Âu Tây hơn do đó chữ Quốc Ngữ được dùng thay thế chữ Hán và chữ Nôm. Ông Petrus Trương Vĩnh Ký là người khởi công làm việc nầy. Nhờ công lớn của ông Petrus Trương Vĩnh Ký, ông Paulus Huỳnh Tịnh Của và ông Trương Minh Ký mà người Việt chúng ta mới có chữ Quốc Ngữ ngày hôm nay; dễ dàng, phong phú, hữu dụng, hợp thời và tách ra được chữ Hán và chữ Nôm phức tạp và khó khăn.
*
Chữ Quốc Ngữ thành hình là nhờ các giáo sĩ ngoại quốc truyền đạo Gia Tô (đạo Thiên Chúa) ở Việt Nam từ thế kỷ 16.
Theo ông Nguyễn Tường Bách, người bắt đầu sáng tạo chữ Quốc Ngữ là Giáo sĩ dòng Tên Francisco De Pina (1585-1625), người Bồ Đào Nha.
Giáo sĩ De Pina bắt đầu đến Macao truyền giáo (1613) rồi tới Đàng Trong (1617). Thấy chữ Hán Nôm khó học nên khó dịch văn bản của Đạo Gia Tô (Ki Tô Giáo), Francisco De Pina dựa theo phát âm (của người Việt) mà dùng mẫu tự La tinh diễn tả thành chữ viết (như chữ Bồ Đào Nha của ông): chữ Quốc Ngữ của nước ta thành hình (từ năm 1622).
Giáo sĩ De Pina còn viết văn phạm thô sơ cho loại chữ viết mới nầy và từ năm 1624 dạy các giáo sĩ khác trong đó có Antonio De Fontes (1569-?) sinh tại Lisboa (Bồ Đào Nha) và Alexandre De Rhodes (1591-1660) sinh tại Avignon (Pháp).
Tháng 12, 1625, Giáo sĩ De Pina lên 1 chiếc tàu Bồ Đào Nha ở Đà Nẳng để mang hàng hóa vào bờ nhưng chẳng may tàu chìm, Francisco De Pina chết chìm (lúc 40 tuổi). Hai Giáo sĩ tiếp tục công nghiệp của ông là Gaspar De Amaral (1549-1646) và Antonio Barbosa (1594-1647).
Sau đó có 3 người có công tạo ra chữ Quốc Ngữ được nhắc nhở đến nhiều nhứt:
1) Thừa Sai Cha Alexandre De Rhodes (1591-1660) là nhà truyền giáo (missionary) dòng Tên người Pháp. Tên của ông âm ra Hán ngữ là A Lịch Sơn Đắc Lộ. Năm 1625, ông đến Hội An rồi năm 1627 ra Bắc Hà. Ông truyền giáo trong 20 năm ở Đàng Trong và Đàng Ngoài và bị trục xuất tất cả 6 lần. Ông bắt đầu học nói tiếng Việt từ một em bé 12 tuổi ở Hội An. Chữ Quốc ngữ đã có được từ các giáo sĩ truyền đạo Thiên Chúa (Công Giáo), Cha Đắc Lộ gom lại và viết thành Từ Điển An Nam Bồ (Đào Nha) La Tinh (Dictionarium Anamiticum Lusitanum et Latinum) vào năm 1651. Cha Alexandre De Rhodes (Đắc Lộ) chết tại Ispahan, Ba Tư (Iran).
2) Thừa Sai Đức Cha Bá Đa Lộc, cũng là người Pháp, tên là Pierre Joseph Georges Pigneau De Béhaine (1741-1799). Bá Đa Lộc là âm từ chữ Pierre. Ông còn được gọi là Cha Cả (?) hay Giám Mục Adran (?) hay Bi Nhu quận công (từ chữ Pigneau). Là Đại Diện Tông Tòa của Đàng Trong (Nam Hà), ông giúp Nguyễn Vương Phúc Ánh chống nhà Tây Sơn. Giám Mục Bá Đa Lộc viết Từ Điển An Nam La Tinh (Dictionarium Anamitico Latinum) vào năm 1773 gồm 4 thứ chữ: La Tinh, Quốc Ngữ, Hán (Nho) và Nôm.
3) Thừa Sai Cố Jean Louis Taberd (1744-1840) là người Pháp, thuộc dòng La Salle (La San) truyền giáo ở Nam Kỳ (1820-1830). Tiếng Việt gọi Taberd là “Từ”. Trường Lasan Taberd thành lập ở Sài Gòn (1873-1975) theo tên của ông. Cố Taberd dựa vào Đắc Lộ và Bá Đa Lộc viết và xuất bản Nam Việt Dương Hiệp Tự Vị (chữ Quốc Ngữ và La Tinh) ở Calcutta vào năm 1838. Ngoài ra ông cũng xuất bản Tự Điển của ông Bá Đa Lộc.
Thừa Sai Cố Taberd có một người Việt giúp làm quyển Nam Việt Dương Hiệp Tự Vị là Thầy Philipphê Phan Văn Minh (1815-1853), người Cái Mơn (thuộc tỉnh Vĩnh Long). Thầy Phan Văn Minh về sau về nước làm Linh Mục và tử đạo. Theo ông Dương Quảng Hàm, nhờ Cha Phan Văn Minh nầy giúp Cố Taberd nên chữ Quốc Ngữ viết giống như ngày hôm nay.

Truyền bá và Phát huy chữ Quốc ngữ
*
Ông Petrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898), cũng người Cái Mơn như Cha Phan Văn Minh. Ông mở tờ báo đầu tiên của nước ta là Gia Định Báo từ năm 1865 và in sách để truyền bá văn hóa Đông Tây dùng chữ Quốc Ngữ trong sáng tác và dịch thuật từ chữ Pháp cũng như phiên âm từ chữ Hán Nôm ra chữ Quốc Ngữ. Gia Định Báo không những là tờ báo đầu tiên mà còn là tờ báo đầu tiên bằng chữ Quốc Ngữ. Hai phụ tá của ông Trương Vĩnh Ký là ông Paulus Huỳnh Tịnh Của (Chủ bút của Gia Định Báo) và ông Trương Minh Ký (không có liên hệ huyết thống với ông Trương Vĩnh Ký).
Ông Trương Vĩnh Ký và ông Trương Minh Ký (người Gò Vấp, Gia Định) xuất thân dạy học ở Trường Thông Ngôn (Collège des Interprètes) do người Pháp thành lập từ năm 1862. Ông Huỳnh Tịnh Của (người Bà Rịa) xuất thân là Thông dịch viên ở Soái Phủ Sài Gòn.
Hai ông Petrus Ký và Paulus Của là người theo đạo Công Giáo (Petrus và Paulus là tên thánh: Phêrô và Phaolồ), cùng xuất thân từ trường đạo ở đảo Penang (nay thuộc Mã Lai) tuy nhiên riêng ông Trương Minh Ký lại theo Nho Giáo. Ông Trương Minh Ký nguyên tên là Trương Minh Ngôn, nhưng vì kính mến thầy của mình là ông Trương Vĩnh Ký nên ông đổi tên mình bằng cách thêm chữ Kỷ (己) vào sau chữ Ngôn (言) thành chữ Ký (記). Riêng ông Trương Vĩnh Ký có tên lúc mới sinh là Trương Chánh Ký, từ thời Pháp thuộc ông thường được gọi là Pétrus Ký.
*
Năm 1869, chính quyền thuộc địa Pháp chính thức dùng chữ Quốc Ngữ (thay thế chữ Nho) trong các công văn ở Nam Kỳ. Năm 1879, chữ Quốc Ngữ là chữ độc nhất dùng trong tất cả văn kiện và trong chương trình giáo dục. Dĩ nhiên từ khi thành thuộc địa của Pháp thì không còn thi Hương ở Nam Kỳ. Chữ Quốc Ngữ dùng trong giáo dục ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ (?) từ năm 1910. Năm 1915 có khoa thi Hương cuối cùng ở Bắc Kỳ và năm 1919 có khoa thi Hội cuối cùng ở Huế.

*
Tự Vị
Ông Paulus Huỳnh Tịnh Của (1834-1907) là người viết “Đại Nam Quấc Âm Tự Vị”, quyển “tự điển” (Dictionary) đầu tiên của Việt Nam xuất bản lần đầu tiên ở Sài Gòn (năm 1895).
Đây là những dẫn giải về cuốn sách nầy của tác giả (ông Paulus Huỳnh Tịnh Của):
Tự Điển, Tự Vị khác nhau có một sự rộng hẹp. Tự Điển phải có chú giải; mỗi chữ, mỗi tiếng đều phải dẫn điển dẫn tích, nguyên là chữ sách nào, lời ai nói, cả thảy đều phải có kinh truyện làm thầy. Chỉ như Tự Vị cũng là sách hội biên các thứ chữ cùng các tiếng nói, song trong ấy thích chữ một, mà không cần dẫn điển tích gì.
Đại Nam Quốc Âm Tự Vị tham dụng chữ Nho (Hán) có giải nghĩa có dẫn chứng, mượn 24 chữ cái phương Tây làm chữ bộ.
Ông Paulus Của còn dịch “Phép Toán” (Arithmétique) và “Phép Đo” (Géométrie) từ sách Pháp vào năm 1867.
*
Sáng tác và Dịch thuật bằng chữ Quốc ngữ
Ông Petrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898) là người đầu tiên:
Có tác phẩm Văn xuôi bằng chữ Quốc Ngữ: “Chuyện đời xưa lựa nhón lấy những chuyện hay và có ích”. (1866). Sau nầy rút ngắn lại là “Chuyện đời xưa”.
Có tác phẩm chữ Hán Nôm chuyển thành chữ Quốc Ngữ: “Kim Vân Kiều truyện” (1875) và “Đại Nam quốc sử diễn ca” (1875).
Có tác phẩm (văn xuôi) chữ Hán viết ra chữ Quốc Ngữ: “Tứ Thư” (1889), “Minh Tâm Bửu Giám” (1891-93) ...
Có từ điển Pháp Việt / Petit dictionnaire francais-anamite (1867).
Ông Trương Minh Ký (1855-1900) là người đầu tiên:
Có tác phẩm văn xuôi chữ Pháp dịch ra chữ Quốc Ngữ: Les Aventures de Télémaque của Fenelon (1887), được dịch ra thơ.
Có tác phẩm văn vần chữ Pháp dịch ra chữ Quốc ngữ: Les Fables de Lafontaine (1884), được dịch ra thơ.
Có tác phẩm Thơ sáng tác hay dịch thuật đầu tiên bằng chữ Quốc Ngữ
Có thể nói ông Petrus Trương Vĩnh Ký là Văn sĩ chữ Quốc Ngữ đầu tiên và đầu tiên về Truyện vui. Câu văn của ông thể hiện trung thực ngôn ngữ bình dân của một người Nam Kỳ vào thuở đó.
Chuyện khôi hài của ông Petrus Ký rất sâu rộng:
Thường là câu chuyện làm độc giả cười đối tượng trong chuyện nhưng ông còn cho thấy các đối tượng trong chuyện cười lẫn nhau.
Cười không những là vui mà cười, nhưng còn cười vì những tình cảm khác.
Đề tài gồm cả quốc gia (dân tộc, lãnh thổ và chánh quyền) và xã hội (kinh tế, tôn giáo, văn hóa, khoa học...).
Trong câu chuyện, ngoài văn xuôi, ông còn dùng thơ và câu đối.
Ông Petrus Ký còn tạo ra hay đưa ra những nhân vật như Cống Quỳnh, Tú Suất...
Những tác giả về chuyện khôi hài (hay tiếu lâm) sau nầy đều không có được cái tài sâu rộng như ông Petrus Ký.
*
Thơ chữ Quốc ngữ
Có thể nói là ông Trương Minh Ký là Thi sĩ đầu tiên làm thơ bằng chữ Quốc Ngữ.
Điều đặc biệt của ông Trương Minh Ký là dù nguyên bản là văn xuôi, ông cũng thích dịch ra văn vần dùng thể thơ Lục Bát hay Song Thất Lục Bát.
Bản dịch “Những viễn du của Télémaque” từ văn xuôi chữ Pháp ra văn vần chữ Quốc Ngữ:
Từ khi Ulysse đi rồi
Nàng tiên Calypso nguôi đặng nào
…….
Minerve giả dạng dấu tên
Làm như tuồng mặt ông hiền Mentor
Theo Télémaque giúp phò
Bản dịch “Chuyện Phansa diễn ra Quốc Ngữ”:
LA CIGALE ET LA FOURMI CON VE VÀ CON KIẾN
La cigale ayant chanté Con ve mùa hạ ngân nga
Tout l’été Sang đông không có đồ mà dưỡng thân
Se trouva fort dépourvue
Quand la bise fut venue
Pas un seul petit morceau
De mousse ou de vermisseau
Elle alla crier famine Than van với kiến ở gần
Chez la fourmi sa voisine “Xin giùm ít hột đỡ thân cơ hàn
La priant de lui prêter Đến mùa bổn lợi lại hoàn
Quelque grain pour subsister Lòng đâu có dám tính đàng sai ngoa”
Jusqu’à la saison nouvelle
Je vous paiera, lui dit-elle
Avant l’aout, foi d’animal
Intérét et principal
La fourmi n’est pas préteuse Cho vay đặt nợ gần xa
C’est là son moindre défaut Kiến không nghề đấy hỏi ra tức thì
Que faisez-vous au temps chaud? “Mùa khô khi ấy làm gì
Dit-elle à cette emprunteuse Ve rằng: “Ca xướng luôn khi đêm ngày”
Nuit et jour à tout venant Kiến rằng: “Nghề hát vui thay!
Je chantais, ne vous déplaise Nào ra múa thử tài hay bây giờ!”
Vous chantiez? j’en suis fort aise
Eh bien dansez maintenant.
Đây khuyên tích cốc phòng cơ
Ở đời liệu trước chớ chờ ăn năn
Người giàu có kẻ khó khăn
Lấy dư cho thiếu lòng hằng nghĩa nhơn
Mang ơn thì phải biết ơn
Làm ơn ai đợi đền ơn bao giờ.
(Lafontaine) (Trương Minh Ký) 1884
Fables de Lafontaine Truyện ngụ ngôn Phansa
Ông Trương Minh Ký ngoài dịch thuật từ nguyên bản còn hay đưa hay thêm ý kiến của mình như bài thơ trên đây. Chúng ta có thể so sánh với lối dịch sát nghĩa của ông Nguyễn Văn Vĩnh 34 năm sau:
LA CIGALE ET LA FOURMI CON VE VÀ CON KIẾN
La cigale ayant chanté Ve sầu kêu ve ve
Tout l’été Suốt mùa hè
Se trouva fort dépourvue Đến kỳ gió bấc thổi
Quand la bise fut venue Nguồn cơn thật bối rối
Pas un seul petit morceau Một miếng cũng chẳng còn
De mousse ou de vermisseau Ruồi bọ không một con
Elle alla crier famine Vác miệng chịu khúm núm
Chez la fourmi sa voisine Sang chị kiến hàng xóm
La priant de lui prêter Xin cùng chị cho vay
Quelque grain pour subsister Dăm ba hạt qua ngày
Jusqu’à la saison nouvelle -Từ nay sang tháng hạ
Je vous paiera, lui dit-elle Em lại xin đem trả
Avant l’aout, foi d’animal Trước thu thề Đất Trời
Intérét et principal Xin đủ cả vốn lời
La fourmi n’est pas préteuse Tính kiến ghét vay cậy
C’est là son moindre défaut Thôi ấy chẳng hề chi
Que faisez-vous au temps chaud? -Nắng ráo chú làm gì?
Dit-elle à cette emprunteuse Kiến hỏi ve như vậy
Nuit et jour à tout venant Ve rằng: -Luôn đêm ngày
Je chantais, ne vous déplaise Tôi hát thiệt gì bác
Vous chantiez? j’en suis fort aise Kiến rằng: -Xưa chú hát
Eh bien dansez maintenant. Nay múa thử coi đây.
(Lafontaine) (Nguyễn Văn Vĩnh dịch) 1928
Là một nhà thơ tài ba, Ông Trương Minh Ký viết “Như Tây nhựt trình”, một thiên du ký sự từ Sài Gòn đi Paris qua Bắc Phi và Âu Châu, bằng thể thơ Song Thất Lục Bát tất cả 2000 câu (dài gần bằng truyện thơ Lục Vân Tiên) được khởi đăng trên Gia Định Báo từ 10-4-1888 trong hơn một năm mới dứt:
(Câu 1-8)
Từ Gia Định xuống tàu Tarn ấy
Tới Alger nên thấy thành ni
Rồi qua cho đến Paris
Thấy sao kể vậy từ đi mới về
Tiếng quê kệch dầu chê cũng chịu
Lời thật thà miễn hiểu thời thôi
Trải xem những chuyện qua rồi
Thì hay họa phúc do nơi lòng người.
(Câu 775-778)
Các cha linh mục bên Tây
Cạo râu sạch bách như thầy chùa ta
Tại Alger các cha già trẻ
Đều để râu như thể bên ta.
Ông Trương Minh Ký cũng sáng tác riêng mình thơ Đường Luật bằng chữ Quốc Ngữ và đăng thơ hay họa thơ Quốc Ngữ của nhiều thi sĩ Nam Kỳ lúc bấy giờ.
CON TÂY (*)
Dữ tợn loài tây thú bốn chưn
Da như giáp sắt mũi như sừng
Ăn gai uống đục không ưa bóng
Ỷ mạnh lung lăng cứ miệt rừng.
(Trương Minh Ký)
(*) Chú thích: Con Tây = Con Tê Giác
CON DÊ
Phận hèn chui nhủi tháng ngày qua
Vắn vỏi đêm hôm tiếng thiết tha
Bay nhảy với đời coi thử sức
Vui chơi cũng biết đá như gà.
(Trương Minh Ký)
Từ đó thơ chữ Quốc Ngữ bắt đầu ở Nam Kỳ với nội dung chuộng Nho Giáo nhưng lại có thêm tình cảm lãng mạn.
CUỘC ĐỜI (Xướng)
Quyền vương bá, tước công hầu
Cậy tiếng trao lời dắt đến đâu
Ngôn ngữ so kề đời Khổng Mạnh
Trí mưu ví kịp thuở Đường Châu
Phải thời trận vó đưa nên lẹ
Gặp vận cơ trời hóa rất mau
Nam Bắc Đông Tây người trải cuộc
Mở lòng rộng rãi thả cho sau.
(Đỗ Đăng Vị)
CUỘC ĐỜI (Họa)
Phải hồi gặp lúc có quân hầu
Trời muốn thì nên chẳng khó đâu
Trung hiếu rạch ròi ra cửa Khổng
Nghĩa nhơn ao ước dõi nhà Châu
Rừng nho xông lướt sao cho kịp
Biển thánh vẫy vùng mới được mau
Số trẻ phận già trời đã định
So gương lớp trước rõ đời sau.
(Thế Tải Trương Minh Ký)
NGŨ CANH VÃN
Chạnh lòng khoăn khoái tưởng lo xa
Mới đó sao canh đã đến ba
Sương bủa hòa trời sao rải rác
Tuyết giăng khắp núi nguyệt dần dà
Bâng khuâng sầu thúc không cầm lụy
Thổn thức buồn tuôn biếng nói ra
Những mảng so đo tìm lẽ hỏi
Hỏi ai hơn hỏi tấm lòng ta.
(Vô Danh thị)
Đăng trong tờ báo “Thông Loại Khóa Trình” vào năm 1889.
Công nghiệp
*
Ngay từ đầu ông Petrus Ký đã từ chối không chịu trở thành công dân Pháp theo lời mời của chính quyền Pháp. Năm 1886, được Khâm sứ Paul Bert trọng dụng, ông giữ vai trò trọng yếu ở triều đình Huế của vua Đồng Khánh. Nhưng không được 1 năm, sau khi Paul Bert đột ngột qua đời (tháng 11 năm 1886), ông Trương Vĩnh Ký từ quan trở về Sài Gòn. Trong khoảng hơn 10 năm cuối của cuộc đời (1887-1889), ông Trương Vĩnh Ký về sống cuộc đời của một thường dân không dư dả ở Chợ Quán, Sài Gòn. Sau khi chết, thọ 62 tuổi, mộ của ông ở gần nhà thờ Chợ Quán, góc đường Trần Hưng Đạo và Trần Bình Trọng.
Ông Trương Vĩnh Ký qua đời năm 1898 và ông Trương Minh Ký 2 năm sau đó (1900) lúc 45 tuổi. Ông Huỳnh Tịnh Của mất vào năm 1908.
Dưới đây là những lời thơ đương thời chủ quan và khách quan về ông Trương Vĩnh Ký và ông Trương Minh Ký:
TUYỆT BÚT LÚC LÂM CHUNG
Quanh quanh quẩn quẩn lối đường quai
Xô đẩy người vô giữa cõi đời
Học thức gởi tên con sách nát
Công danh rút cục cái quan tài
Dạo hòn lũ kiến men chân bước
Bò xối con sùng chắt lưỡi hoài
Cuốn sổ bình sinh công với tội
Tìm nơi thẩm phán để thưa khai.
(Sĩ Tải Trương Vĩnh Ký) 1898
ĐIẾU TRƯƠNG VĨNH KÝ
Lánh tục ngài đà trở gót tiên
Ôi thôi thương tiếc bấy ông hiền
Cõi trần tuy cách danh còn tạc
Chốn thọ dầu lui tiếng để truyền
Trước bước đâu còn người dạy bảo
Đường đi nào thấy kẻ răn khuyên
Biển dâu trách nỗi ai gây cuộc
Lánh tục ngài đà trở gót tiên.
(Lê Uyên Sanh)
ĐIẾU TRƯƠNG MINH KÝ
Cởi hạc đi đâu hỡi bớ Thầy
Nỡ lìa môn đệ ở đời đây
Non sông ngọc nát lòng hằng nhớ
Sông lệ vàng rơi dạ chẳng khuây
Huê liễu hạt về sương cánh gió
Đảnh hồ rồng vượt mấy từng mây
Vật còn để dấu trong trời đất
Người trí dầu xa tiếng chẳng bay.
Nguồn đào lạc nẻo đến đâu đây
Cửa Khổng sao không nể phép nầy
Thước ngọc rắp trong da trắng tuyết
Nhà vàng còn ngại tóc xanh mây
Ngỡ là thuyền bá không nơi đỗ
Mới đến trường trung kiếm bạn vầy
Thanh khí đây đà trang phải mặt
Phải chăng xin lựa lấy đôi thầy.
(Lê Uyên Sanh)
Thi sĩ Lê Uyên Sanh, tên thật là Lê Văn Châu, là một trong những thi sĩ chữ Quốc Ngữ hàng đầu của Nam Kỳ vào cuối thế kỷ thứ 19.
*
Tiếp nhận ảnh hưởng của văn hóa Tây Phương, ba ông Petrus Trương Vĩnh Ký, Paulus Huỳnh Tịnh Của và Trương Minh Ký có cùng một quan niệm là xã hội Việt Nam có khả năng và cần vận dụng các kiến thức khoa học và kinh nghiệm của học thuật Tây Phương về các vấn đề khoa học, kỹ nghệ, kinh tế và chính trị nhưng vẫn giữ gìn, đào sâu và phát triển văn hóa Đông Phương cổ truyền để duy trì bản chất và bảo tồn độc lập. Nhờ chữ Quốc Ngữ, quan niệm nầy được ba ông thực hiện ở Nam Kỳ.
Người Pháp chỉ muốn dùng chữ Quốc Ngữ như là một chuyển tiếp để áp đặt chữ Pháp trên dân thuộc địa, nhưng nhờ những vị tiền phong nầy chữ Quốc Ngữ tồn tại cho đến khi dân Việt Nam dành độc lập. Hai ông Trương Vĩnh Ký và Trương Minh Ký (cùng với ông Huỳnh Tịnh Của) đã để lại một xã hội “Nam Kỳ Lục Tỉnh” tự mình sống độc lập, an bình và cải tiến từ đầu thế kỷ 20 dựa trên Nho Giáo và chữ Quốc Ngữ mặc dù là thuộc địa của Pháp

Tình ý và chí hướng làm lợi ích cho dân Việt của ông Petrus Trương Vĩnh Ký được thể hiện qua Câu của ông viết trong bức thơ bằng chữ La Tinh gởi cho bạn mình, Bác sĩ Alexis Chavanne (vào tháng 10 năm 1887), được ông Winston Phan Đào Nguyên dịch ra:
"Điều duy nhứt mà tôi theo đuổi là làm sao thành có ích, tuy phải nói thêm rằng: (ích lợi đó) không phải cho tôi. Đó là số phận và niềm an ủi của tôi"
(Unum et unicum quaero, esse sulicet posse utilem, quamvis dicendum sit: Sic vos non vobis. Haec est mea sors et consolatio).
Trước đó, Hậu thế đã hiểu lầm ông qua Đoạn dịch sai lầm "Ở với họ mà không theo họ" hay "Theo họ mà không lệ thuộc họ", dịch từ Đoạn "Sic vos non vobis" trích từ Câu trên. "Họ" lại được dẫn giải là "Thực Dân Pháp"!
Bản dịch đúng của ông Winston Phan Đào Nguyên về Đoạn "Sic vos non vobis" theo ý nghĩa trong nguyên Câu là: "(ích lợi đó) không phải cho tôi". Nếu chúng ta đọc kỹ toàn bộ Câu trên qua lời dịch trung thực và đúng đắn của ông Winston Phan Đào Nguyên, chúng ta sẽ hiểu rõ tình ý và chí hướng không vì tư lợi riêng mình của ông Petrus Trương Vĩnh Ký, nhất là tư lợi chính trị.
Ông Petrus Trương Vĩnh Ký không tự mình mà còn biết dùng 2 người đồng sự cùng tình ý và chí hướng là ông Paulus Huỳnh Tịnh Của và ông Trương Minh Ký. Riêng ông Trương Minh Ký là một người hoàn toàn theo Nho giáo. Cái công nghiệp ích lợi cho dân cho nước của 3 ông khởi đầu từ bậc Thầy là ông Petrus Trương Vĩnh Ký.
Hậu thế có bài thơ:
VỊNH PETRUS TRƯƠNG VĨNH KÝ
Ích quốc lợi dân biết thích nghi
Danh nhân tài đức tự Nam Kỳ
Cái hay văn tự đem truyền bá
Cái đẹp văn chương biết phát huy
Hiền thục dân tình qua biến loạn
Nâng cao dân trí thoát gian nguy
Thức thời sáng suốt, công to lớn
Hậu thế ghi ơn tận nghĩ suy.
(Phan Thượng Hải)
9/3/19
VỊNH TRƯƠNG MINH KÝ
Khiêm nhường tận tụy với non sông
Hậu thế ít người biết đến ông
Truyền bá văn minh, tâm sáng suốt
Triển khai văn hóa, bậc tiền phong
Nhân tài quốc ngữ tăng dân trí
Thi tứ quốc âm tỏ nỗi lòng
Giúp ích Nam Kỳ khi quốc nạn
Ngoài vòng danh nghĩa, nghĩa thành công.
(Phan Thượng Hải)
3/20/21
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Bài viết nầy đăng lần đầu tiên trong phanthuonghai.com (trong mục "Thơ và Sử" phần "Thời Pháp Thuộc, thế kỷ 19).
Tài Liệu Tham Khảo:
1) Thơ và Việt Sử - Thời Pháp Thuộc, thế kỷ 19 (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
2) Minh Oan Cho Petrus Trương Vĩnh Ký (Winston Phan Đào Nguyên) - phanthuonghai.com
3) Petrus Trương Vĩnh Ký dưới cái nhìn của một người gốc Miền Nam vào năm 2019 (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
4) Văn Uyển (Lãng Ba Phan Văn Bộ)
5) Văn Học Quốc Ngữ Ở Nam Kỳ 1865-1930 (Bằng Giang)
6) Trang Thơ Thi Viện Net
7) Google Wikipedia
8) Chuyện Cười Cổ Điển từ Petrus Ký (Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền

“ Tháng Giêng cho anh một nụ hoa đào ...” (thơ Nguyên Sa)
THƠ HOA ĐÀO
Phan Thượng Hải
(1)
Những năm trước, anh TNT có làm bài thơ tả hoa Đào trong nhà và tui có họa lại (kèm thêm hoa Mai) trong dịp đầu Xuân.
ĐÀO THẮM (Nguyên bản)
Cây nhà vườn trước lá đang xanh
Đua nở bông tươi phủ khắp cành
Vài bướm nghe hương lơ lửng đến
Dăm ong thấy sắc dập dìu quanh
Người qua tấm tắc khen hoa đẹp
Kẻ lại trầm trồ nói dấu lành
Ngắt cánh xinh xinh trưng chậu Tết
Đón Xuân đào thắm cánh mong manh.
(Hp-Trương Ngọc Thạch)
ĐÀO THẮM MAI XINH (Họa)
Xuân về hoa nở đẹp trời xanh
Đào thắm mai xinh giữa lá cành (*)
Thắng cảnh Bích Câu duyên gặp gỡ (*)
Trọn tình Thôi Hộ hết đi quanh
Mai xinh thơ mộng đời may mắn
Đào thắm lòng vui sự tốt lành
Tươi trẻ hồn người tràn nhựa sống
Chứa chan kỳ vọng kiếp mong manh.
(Phan Thượng Hải)
(*) Đua chen thu cúc xuân đào
Lựu phun lửa hạ mai chào gió đông
(Bích Câu kỳ ngộ: Tú Uyên gặp Giáng Kiều)
(2)
Khi nói đến hoa Đào thì các học giả đều nhắc đến bài thơ của thi sĩ Thôi Hộ đời nhà Đường. Bài thơ nầy và bài "Hoàng Hạc Lâu" là 2 bài thơ được biết đến nhiều nhất của Đường thi trong văn học nước Việt.
(Trích một đoạn từ bài "Điển Cố Từ Thơ" của tui)
Theo Tình Sử và Lệ Tình Tập, Thôi Hộ là một người đẹp trai, tánh quả hợp, không hay chơi với ai. Một ngày thanh minh đi chơi một mình đến phía nam kinh thành thấy một nhà có vườn đào nhiều hoa, mới gõ cửa xin nước uống. Một người con gái rất đẹp và rất nghiêm trang ra hỏi tên họ rồi đem nước mời uống. Đến tiết thanh minh năm sau, Thôi Hộ lại đến nhà ấy, thấy cửa đóng, đề bài thơ nầy ở cánh cửa bên tả. Cách mấy hôm lại đến chợt nghe tiếng khóc và có ông lão ra hỏi: anh có phải là Thôi Hộ không? Con gái tôi đọc bài thơ của anh rồi nhịn ăn mới chết. Thôi Hộ vào khấn, thì người con gái ấy sống lại, bèn lấy làm vợ. Sau Thôi Hộ đỗ Tiến sĩ vào đời Trinh Nguyên (nhà Đường) làm quan đến chức Lĩnh Nam Tiết Độ Sứ.
ĐỀ TÍCH SỞ KIẾN XỨ
Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
(Thôi Hộ)
ĐỀ CHỖ ĐÃ TRÔNG THẤY NĂM TRƯỚC
Hôm nay, năm ngoái, cửa cài
Hoa đào ánh với mặt người đỏ tươi
Mặt người chẳng biết đâu rồi
Hoa đào còn đó vẫn cười gió đông.
(Trần Trọng Kim dịch)
ĐỀ CHỖ ĐÃ TRÔNG THẤY NĂM TRƯỚC
Hôm nay năm ngoái cổng nầy
Hoa đào soi ánh đỏ hay mặt người
Mặt người nay ở đâu rồi
Hoa đào nay vẫn còn cười gió đông.
(Trần Trọng San dịch)
Ngày nay, bài thơ nầy được đổi tựa là "Đề Đô Thành Nam Trang" và đổi lời: từ "đông phong" thành "xuân phong" với tự chú thích!
ĐỀ ĐÔ THÀNH NAM TRANG
Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu xuân phong. (*)
(Thôi Hộ)
(*) Chú thích : Có bản viết là "đông phong" cũng không sai vì ở Trung Quốc, gió xuân (xuân phong) đến từ hướng đông!
Bài thơ nổi tiếng nầy làm điển cố cho nhiều câu thơ cổ điển (và đều chỉ nhắc đến "đông phong" mà thôi):
Ức tích dữ quân tương biệt trung
Tuyết mai do vị thức đông phong
Vấn quân hà nhật qui
Quân chỉ đào hoa hồng
Đào hoa dĩ trục đông phong khứ
Lão mai giang thượng hựu phù dung.
(Chinh Phụ Ngâm Khúc / Đặng Trần Côn)
Thuở đăng đồ mai chưa dạn gió
Hỏi ngày về chỉ độ đào bông
Nay đào đã quyến gió đông
Phù dung lại đã bên sông bơ xờ
(Chinh Phụ Ngâm Khúc / Đoàn Thị Điểm)
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông
(Đoạn Trường Tân Thanh)
Trên chín bệ cỏ hay chăng nhẻ
Khách quần thoa mà để lạnh lùng
Thù nhau chi hỡi đông phong
Góc vườn dãi nắng cầm bông hoa đào.
(Cung Oán Ngâm Khúc)
Xuân sang xuân đã già nào
Chờ sau mai nở thì đào chẳng lâu
(Bích Câu Kỳ Ngộ)
Còn trời còn nước còn non
Mây xanh nước biếc vẫn còn như xưa
Hoa đào còn đó trơ trơ
Mà người năm ngoái mà giờ là đâu?
Vù vù gió thổi rèm lau
Càng như chất mới tơ sầu vào thêm.
(Bích Câu Kỳ Ngộ)
Hỏi cho giáp mặt hoa đào
Vườn xuân chẳng lẽ ngăn rào mãi ru.
(Bích Câu Kỳ Ngộ)
(3)
Riêng tui nghĩ chúng ta đã đến tuổi "liệt lão" rồi, đa số còn vợ còn chồng thì cái tình nghĩa sau nhiều năm còn đậm đà hơn là bài thơ tình của Thôi Hộ, chỉ thể hiện phần đầu của tình yêu thôi?
Do đó năm trước tui có làm bài thơ tặng anh chị M. và cũng nghĩ đến mình.
Xin gởi tặng những ai cùng cảnh ngộ.
VỢ CHỒNG GIÀ
Đến lúc tuổi già tựa tiết Đông
Cùng nhau sưởi ấm thắm tình nồng
Ít còn vướng bận đời con cháu
Chỉ có tự do chuyện vợ chồng
Người nói người im đều toại ý
Tiếng cười tiếng dạ thảy vui lòng
Uyên ương liền cánh nơi gia nội
Say ngắm hoa đào cợt gió Đông.
(Phan Thượng Hải)
3/12/20
PHAN THƯỢNG HẢI
TƯƠNG TƯ TRONG THƠ VÀ ĐIỂN CỐ
Bs Phan Thượng Hải biên soạn
Tương Tư (相 思) có nghĩa là "nhớ nhau". Trường Tương Tư là "nhớ nhau hoài".
Thơ cổ điển và hiện đại của nước Việt có dùng điển cố từ những bài thơ của Trung Quốc khi mô tả sự tương tư của tình nhân.
TƯƠNG TƯ và TƯƠNG GIANG (SÔNG TƯƠNG)
*
Lương Ý Nương sống vào thời Hậu Chu (951-959) của Ngũ Đại Tàn Đường. Lương Ý Nương thương nhớ người tình là chàng Lý Sinh nên làm bài thơ "Trường Tương Tư". Nữ sĩ làm bài thơ nầy để bày tỏ tâm tình khi gia đình không cho phép lấy chàng Lý Sinh. Bài thơ nầy có 1 đoạn rất nổi tiếng, mọi người đều biết từ Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ:
TRƯỜNG TƯƠNG TƯ
Quân tại Tương giang đầu
Thiếp tại Tương giang vỹ
Tương tư bất tương kiến
Đồng ẩm Tương giang thủy.
(Lương Ý Nương)
TRƯỜNG TƯƠNG TƯ
Chàng ở đầu sông Tương
Thiếp ở cuối sông Tương
Nhớ nhau không thấy mặt
Cùng uống nước sông Tương.
(Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ dịch)
Sông Tương (Tương giang) xuất phát từ rặng núi Duyên Hải ở tỉnh Quảng Tây chảy qua Hồ Nam đến Động Đình Hồ.
Thật ra nguyên văn từ Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ có chỗ sai lầm vì tác giả bài thơ là một người đàn bà chứ không phải là đàn ông! Do đó nguyên văn như sau:
TRƯỜNG TƯƠNG TƯ
我 在 湘 江 頭,
Ngã tại Tương giang đầu
君 在 湘 江 尾。
Quân tại Tương giang vỹ
相 思 不 相 見,
Tương tư bất tương kiến
同 飲 湘 江 水。
Đồng ẩm Tương giang thủy
(Lương Ý Nương)
TRƯỜNG TƯƠNG TƯ
Ta ở đầu sông Tương
Chàng ở cuối sông Tương
Nhớ nhau không thấy mặt
Cùng uống nước sông Tương.
(Phan Thượng Hải dịch)
Đây là toàn bài thơ Trường Tương Tư của Lương Ý Nương:
TRƯỜNG TƯƠNG TƯ
Lạc hoa lạc diệp lạc phân phân Hoa hoa lá lá rụng tơi bời
Tận nhật tư quân kiến bất quân Lòng nhớ người sao chẳng thấy người
Trường dục đoạn hề trường dục đoạn Ruột muốn đứt thêm thêm đứt ruột
Lệ châu ngân thượng cánh thiên ngân Châu rơi thành ngấn lại châu rơi
Ngã hữu nhất thốn tâm Ta có một tấc lòng
Vô nhân cộng ngã thuyết Không có ai mà hỏi
Nguyện phong xuy tán vân Muốn nhờ gió đuổi mây
Tố nữ thiên biên nguyệt Để được cùng trăng nói
Huề cầm thượng cao lâu Ôm đàn lên lầu cao
Lâu cao nguyệt hoa mãn Lầu cao trăng giải khắp
Tương tư vị tất chung Tương tư khúc chẳng thành
Lệ trích cầm huyền đoạn Lệ nhỏ dây đàn đứt
Nhân đạo tương giang thâm Người bảo sông Tương sâu
Vị để tương tư bạn Tương tư sâu gấp bội
Giang thâm chung hữu để Sông sâu còn có đáy
Tương tư vô biên ngạn Tương tư chẳng bến bờ
Ngã tại Tương Giang đầu Ta ở đầu sông Tương
Quân tại Tương Giang vỹ Chàng ở cuối sông Tương
Tương tư bất tương kiến Tương tư không gặp mặt
Đồng ẩm Tương Giang thủy Cùng uống nước sông Tương
Mộng hồn phi bất đáo Hồn mộng bay không đến
Sở khiếm duy nhất tử Còn một chết mà thôi
Nhập ngã tương tư môn Bước vào cửa tương tư
Tri ngã tương tư khổ Mới (Mình) biết tương tư khổ
Trường tương tư hề trường tương tư Tương tư hoài dài tương tư
Trường tương tư hề vô tận cực Tương tư dài dài không xiết
Tảo tri như thử quải nhân tâm Sớm biết nỗi đau lòng
Hồi bất đương sơ mạc tương thức. Xưa đừng cùng quen biết
(Lương Ý Nương) (Vũ Ngọc Khánh dịch)
*
Trước Lương Ý Nương, các thi sĩ đời Đường đã dùng sông Tương để tả sự thương nhớ của Nga Hoàng và Nữ Anh đối với chồng mình là vua Thuấn tại đây. Tình cảm nhớ thương còn gồm nhiều điển cố khác như bài thơ của Lý Thương Ẩn (813-858) vào đời nhà Đường:
LỆ
Vĩnh Hạng trường niên oán ỷ la (*)
Ly tình chung nhật tứ phong ba
Tương giang trúc thượng hân vô hạn (*)
Hiện thủ bi tiền sái kỷ đa (*)
Nhân khứ Tử Đài thu nhập tái (*)
Binh tàn Sở trướng dạ văn ca (*)
Triêu lai Bá thủy kiều biên liễu (*)
Vị để thanh bào tống ngọc kha. (*)
(Lý Thương Ẩn)
LỆ (NƯỚC MẮT)
Vĩnh Hạng lâu năm oán lượt là
Ly tình suốt buổi nhớ phong ba
Sông Tương trúc ngấn dòng thương cảm
Núi Hiện bia đầy hạt xót xa
Người bỏ cung vua, thu vượt ải
Quân tàn trướng Sở, tối nghe ca
Sớm kia cành liễu bên cầu Bá
Đưa tiễn sao bằng được ngọc kha.
(Trần Trọng San dịch)
(*) Chú thích:
Vĩnh Hạng: một khu trong cung cấm tại Trường An
Tương Giang: tên sông ở tỉnh Hồ Nam. Tương truyền đây là nơi 2 bà Nga Hoàng và Nữ Anh tự trầm sau khi nghe chồng là vua Thuấn chết tại Thương Ngô. Miền nầy có loại tre có vệt giống như ngấn nước mắt, gọi là Tương phi trúc (tre của các bà Phi sông Tương).
Hiện: tên núi ở huyện Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc. Trên núi nầy có tấm bia kỷ niệm Dương Hộ đời Tấn, gọi là Truy lệ bi (Bia rơi lệ).
Tử Đài: tên cung đời Hán. Đời Hán, Vương Chiêu Quân phải rời cung nầy sang đất Hồ kết duyên với Thuyền Vu (vua của rợ Hồ, vua Hung Nô).
Sở trướng: quân Sở bị vây tại Cai Hạ, ban đêm nghe tiếng sáo của Trương Lương, chạnh lòng nhớ nhà, bỏ trại trốn đi. Trong trướng.Hạng Võ cùng Ngu Cơ làm bài ca than thân thế trong trướng. Trướng là cái màn, chỉ chỗ ngủ của Tướng quân trong trại lính.
Bá Thủy: tên sông chảy qua Trường An vào sông Vị. Người đời Đường thường bẻ cành liễu bên cầu nầy để tặng người đi xa.
Ngọc kha: viên đá trắng gắn ở dây buộc đầu ngựa.
*
Bài thơ nổi tiếng của Lương Ý Nương và Lý Thương Ẩn là điển cố của những câu thơ cổ điển:
Tầm quân hề Dương Đài lộ
Hội quân hề Tương Giang tân
(Chinh Phụ Ngâm Khúc / Đặng Trần Côn)
Tìm chàng thuở Dương Đài lối cũ
Gặp chàng nơi Tương Phố bến xưa
(Chinh Phụ Ngâm Khúc / Đoàn Thị Điểm)
Ỏi tai những tiếng đoạn trường
Lửa tình dễ nguội sóng Tương khôn hàn.
(Bích Câu Kỳ Ngộ)
Rành rành xuyến ngọc thoa vàng
Quần Nghê tha thướt sóng Tương rượm rà
(Bích Câu Kỳ Ngộ)
Chiều thu như gợi tấm thương
Lòng người trông xuống sông Tương mơ tình
(Bích Câu Kỳ Ngộ)
Sông Tương một giải nông sờ
Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia
(Đoạn Trường Tân Thanh)
Nhạc sĩ Thông Đạt cũng có bài thơ và phổ tân nhạc với tựa đề "Ai về sông Tương".
AI VỀ SÔNG TƯƠNG
Ai có về bên bến sông Tương
Nhắn người duyên dáng tôi thương
Bao ngày ôm mối tơ vương
Tháng với ngày mơ nhuốm đau thương
Tâm hồn mơ bóng em luôn
Mong vài lời em ngập hương.
Thu nay về vương áng thê lương
Vắng người duyên dáng tôi thương
Mối tình tôi vẫn cô đơn
Xa muôn trùng lưu luyến nhớ em
Mơ hoài hình bóng không quên
Hương tình mộng say dịu êm
Bao ngày qua, thu lại về mang sầu tới
Nàng xây tình mới, hồn tôi tơi bời
Nhìn hoa cười đón mừng vui duyên nàng
Tình thơ ngây từ đây nát tan.
Hoa ơi, thôi ngưng cười đùa lả lơi
Cùng tôi buồn đắm đừng vui chi tình
Đầy bao ngày thắm dày xéo tâm hồn
Nầy lệ sầu hoen ý thu.
Ai có về bên bến sông Tương
Nhắn người duyên dáng tôi thương
Sao đành lỡ đứt tơ vương
Ôi duyên hờ từ nay bơ vơ
Dây tình tôi nắn cung tơ
Rút lòng sầu trách người mơ.
(Thông Đạt)
*
Nguyễn Du (1766-1820) trong Đoạn Trường Tân Thanh (Truyện Kiều) đã dùng sông Tương để tả sự tương tư của tình nhân.
Sông Tương một giải nông sờ
Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia
Tuy nhiên sau nầy Nguyễn Du đi sứ sang Trung Quốc có ghé Tương Giang (Sông Tương) và có làm bài thơ vịnh. Bài thơ nầy không có nói đến "tương tư của tình nhân"!
TƯƠNG GIANG DẠ BẠC
Nhất khứ lục thập lý
Du du giang thủy trường
Phù vân liên Ngũ Lĩnh (*)
Minh nghuyệt hội Tam Tương (*)
Biệt phố phân tân sắc
Dao không thất cố hương
Hạc lai nhân bất kiến (*)
Vãn thụ nhất thương thương. (*)
(Nguyễn Du)
ĐÊM ĐẬU THUYỀN TRÊN SÔNG TƯƠNG
Một đi sáu mươi dặm
Dòng cuộn nước mênh mang
Mây giăng liền Ngũ Lãnh
Trăng ngập tràn Tam Tương
Bến tiễn chia xuân sắc
Trời xa lấp cố hương
Hạc về người chẳng thấy
Cây biếc lạnh ngàn sương.
(Quách Tấn dịch)
(*) Chú thích:
Ngũ Lĩnh = 5 dãy núi cao ở tỉnh Hồ Nam và Quảng Tây.
Tam Tương: Tương Giang phát nguyên từ tỉnh Quảng Tây chảy theo hướng đông bắc vào tỉnh Hồ Nam. Hợp với Ly Thủy thành s. Ly Tương. Kế đến hợp với Tiêu Thủy thành s. Tiêu Tương. Rồi chảy lên phía Bắc ở huyện Hành Dương hợp với Chương Thủy thành s. Chương Tương. (Do đó gọi là Tam Tương). Sau cùng chảy đến tỉnh Trường Sa vào Động Đình hồ.
Hạc lai: nhắc sự tích Phí Văn Huy cỡi hạc vàng lên tiên giới tự lầu Hoàng Hạc ở Vũ Xương thuộc tỉnh Hồ Bắc, gần vùng Tương Giang.
Thương thương = lạnh lẽo.
TƯƠNG TƯ
*
"Trường tương tư" không phải chỉ dựa vào sông Tương Giang. Nó chỉ cần nghĩa đen là "Nhớ nhau hoài" như bài thơ Trường Tương Tư của Lý Bạch (701-762).
TRƯỜNG TƯƠNG TƯ
Nhật sắc dục tận hoa hàm yên
Nguyệt minh như tố sầu bất miên
Triệu sắt sơ đình phụng hoàng trụ (*)
Thục cầm dục tấu uyên ương huyền (*)
Thử khúc hữu ý vô nhân truyền
Nguyện tùy xuân phong kỷ Yên Nhiên (*)
Ức quân điều điều cách thanh thiên
Tích thời hoành hoa mục
Kim tác lưu lệ tuyền
Bất tín thiếp trường đoạn
Quy lai khán thủ minh kính tiền.
(Lý Bạch)
NHỚ NHAU HOÀI
Hoa lồng khói biếc lặn tà dương
Trăng trong như lụa lòng buồn thương
Đàn Triệu vừa ngơi trụ Phượng hoàng
Đàn Thục toan gẩy dây uyên ương
Khúc nầy có ý không ai truyền
Mong gởi gió xuân đến Yên Nhiên
Xa cách trời xanh, nhớ khó quên
Ngày xưa mắt gợn sóng
Nay thành suối lệ phiền
Đoạn trường ai chẳng tin lòng thiếp
Hãy về mà ngắm bóng gương in.
(Trần Trọng San dịch)
NHỚ NHAU HOÀI
Bóng tà dương hoa lồng khói biếc
Trăng như tơ sầu giấc không yên
Đàn Triệu vừa dứt tiếng huyền
Thục cầm lại gởi khúc uyên ương liền
Ý nhạc hay, thất truyền xin gởi
Nhờ gió xuân đưa tới Yên Nhiên
Cao xanh ngăn cách khó quên
Làm em càng nhớ chàng nơi phương trời
Mắt ngày xưa lả lơi gợn sóng
Nay suối tuôn lệ nóng nhớ chàng
Vì ai đòi đoạn tâm can
Về đây đối bóng xin chàng hãy tin.
(Cao Nguyên dịch)
(*) Chú thích:
Triệu sắt: vì người nước Triệu giỏi đàn sắt nên thường gọi đàn nầy là "Triệu sắt". Sắt là loại đàn có 25 dây.
Thục cầm: Tư Mã Tương Như người nước Thục giỏi gẩy đàn cầm, nên đàn nầy thường được gọi là Thục cầm. Cầm là loại đàn có 7 dây.
Yên Nhiên: tên núi ở Mông Cổ ngày nay. Đời Đông Hán, Tướng Đậu Hiến đánh thắng Thiền Vu (vua Hung Nô), lên núi nầy khắc chữ trên đá ghi chiến công của mình.
*
Từ tình tứ bài thơ nầy, văn học Việt Nam có những câu thơ về "tương tư": có đàn có nước mắt và có núi Yên Nhiên xa xôi.
Cưỡng viện cầm, chỉ hạ kinh đình loan phượng trụ
Cưỡng cổ sắt, khúc trung sầu yết uyên ương huyền
Thử ý xuân phong nhược khẳng truyền
Thiên kim tá lực ký Yên Nhiên
Yên Nhiên vị dị truyền
Ức quân thiều thiều hề lộ như thiên.
(Chinh Phụ Ngâm Khúc / Đặng Trần Côn)
Sắt cầm gượng gẩy ngón đàn
Dây uyên kinh đứt phím loan ngại chùng (trùng)
Lòng này gửi gió Đông có tiện
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên
Non Yên đâu chẳng tới miền
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời.
(Chinh Phụ Ngâm Khúc / Đoàn Thị Điểm)
Tiệp sắc tinh kỳ từ tái nguyệt
Khải ca tướng sĩ bối biên phong
Lặc công hề Yên Nhiên thạch
(Chinh Phụ Ngâm Khúc / Đặng Trần Côn)
Bóng cờ xí giã ngoài quan ải
Tiếng khải ca trở lại thần kinh
Non Yên tạc đá đề danh
Triều thiên vào trước cung đình dâng công
(Chinh Phụ Ngâm Khúc / Đoàn Thị Điểm)
Song mà tình chẳng riêng ai
Bệnh tương tư có trải mùi mới hay
(Bích Câu Kỳ Ngộ)
(TƯƠNG TƯ)
Bướm kia vương lấy sầu hoa
Đoạn tương tư ấy nghĩ mà buồn tênh
Có khi gảy khúc đàn tranh
Nước non ngao ngán ra tình hoài nhân
Cầu Hoàng tay lựa nên vần
Tương Như lòng ấy Văn Quân lòng nào
Có khi mượn chén rượu đào
Tiệc mồi chưa cạn ngọc dao đã đầy
Hơi men chưa nhấp đã say
Như xông mùi nhớ như gây giọng tình
Có khi ngồi suốt năm canh
Mõ quyên điểm nguyệt chuông kềnh nện sương
Ỏi tai những tiếng đoạn trường
Lửa tình dễ nguội sóng Tương khôn hàn
Có đêm ngắm bóng trăng tàn
Tiếng quyên hót sớm trận nhàn bay khuya
Ngổn ngang cảnh nọ tình kia
Nỗi riêng riêng biết dãi dề với ai
Vui xuân chung cả một trời
Sầu xuân riêng nặng một người tương tư
Lòng yêu tay tả nên thơ
Mảnh tình phong với mảnh tờ đưa theo
Ả Hằng ví nặng lòng yêu
Rẽ mây mở lối tinh thiều cho nao
Hỏi cho giáp mặt hoa đào
Vườn xuân chẳng lẽ ngăn rào mãi ru.
(Bích Câu Kỳ Ngộ)
Thơ chữ Quốc ngữ cũng có bài thơ của Nguyễn Bính:
TƯƠNG TƯ
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người
Gió mưa là bệnh của Trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng
Hai thôn chung lại một làng
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên nầy?
Ngày qua ngày lại qua ngày
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng
Bảo rằng cách trở đò giang
Không sang là chẳng đường sang đã đành
Nhưng đây cách một đầu đình
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi…
Tương tư thức mấy đêm rồi
Biết cho ai, hỏi ai người biết cho!
Bao giờ bến mới gặp đò?
Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau?
Nhà em có một giàn trầu
Nhà anh có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào?
(Nguyễn Bính)
Kết Luận
Thi sĩ Lãng Ba Phan Văn Bộ đã đi sâu rộng vào đề tài Tương Tư qua những bài thơ.
THẤT TÌNH KHÚC
Quanh quẩn Tương Giang hát lẫn đờn
Ví không thệ ước gẫm còn hơn
Nhớ nhung sớm tối sầu riêng chịu
Mơ mộng ngày đêm khổ dễ sờn
Đô hội phồn hoa hằng rảo mắt
Sơn cùng thủy tận cũng lê chơn
Hoa râm mái tóc tìm chưa gặp
Chẳng trách vô duyên chỉ ngậm hờn.
(Lãng Ba)
TƯƠNG TƯ
Đau khổ vì ai, ai có dè?
Nhạc lòng bưng bít dễ ai nghe
Đêm mơ tưởng sắc thường mê mộng
Ngày ước giao duyên những rụt rè
Mong đợi, nhạn hồng không nhắn nhủ
Nhớ thương, bình tước khó lăm le
Khối tình ấp ủ càng thêm nặng
Khao khát mưa Ngâu, mãi nắng hè.
(Lãng Ba)
ĐỢI CHỜ
Vắng bóng thân yêu mấy độ rày
Ra vào khoắc khoải, ngóng tin ai
Nhớ thương, thương nhớ, tơ sầu dệt
Mơ tưởng, tưởng mơ, tóc biếng cài
Nỗi nọ..., lo lường qua tháng trọn
Niềm kia..., thổn thức suốt canh dài
Sự lòng gửi đến nhờ cô nhạn
Có thấu cho chăng mối cảm hoài?
(Lãng Ba)
ẢO ẢNH
Trăng sáng, hoa xinh, rảo bóng hồng
Sen vàng lẻo đẻo ngẩn ngơ trông
Tóc mây, da tuyết, xem hoa mắt
Vóc liễu, xương mai, thấy đẹp lòng
Trách bấy hương trời giam cổng kín
Thương thay sắc nước chịu phòng không
Tiên nga ai đấy, ai xin nhắn
Chớ để người trần mãi nhớ mong...
(Lãng Ba)
MỘNG TƯỞNG
Thắt thẻo ngày đêm nhớ bạn lòng
Thả hồn về gặp giữa chiều đông
Thoạt chào, thoạt nói, môi tươi thắm
Vừa thẹn, vừa vui, má ửng hồng
Cùng vạch lúa vàng qua thửa ruộng
Rồi nương sóng bạc thả dòng sông
Phật đài đến viếng song song lạy
Khấn vái cho nên cặp vợ chồng.
(Lãng Ba)
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Bài nầy đăng lần đầu trong phanthuonghai.com trong mục Thơ Văn phần Đọc Thơ.
Tài liệu tham khảo:
1) Điển Cố Từ Thơ (Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
2) Những bài thơ tình của Thi sĩ Lãng Ba (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
3) Thơ Lục Bát (Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
_________________________________

THƠ VÀ VIỆT SỬ - TRẦN VĂN HƯƠNG
Bs Phan Thượng Hải biên soạn
Đi tắm trần truồng mổng thiếu khăn (*)
Ăn, Ngủ, Ỉa xong; đầy đủ cả
Muốn chi chi nữa biết mần răng!
(Trần Văn Hương) 17-11-60
(*) Chú thích:
Ngồi rù = Ngồi co ro ủ rũ như gà bị bệnh (dịch). Mổng = Mổng đít.
Ra lịnh đòi ra chịu chụp hình
Đua nhau sắm sửa được làm xinh
Anh xoa mái tóc cho ra dáng
Cụ vuốt chòm râu để gợi tình
Sờ trán chùi da da mốc thếch
Đưa tay giũ áo áo hôi rình
Ví dầu ảnh ấy, ngày sau thấy
Chúng bảo nhau rằng “cái lũ ranh”.
(Trần Văn Hương) 22-11-60
DỊ TƯỚNG BẤT TÀI
Cũng dự phong lưu lúc ở ngoài
Vào đây, nhìn mãi chẳng ra ai
Mặt mày ủ rũ râu dòm miệng
Đầu cổ chôm bôm tóc liếm tay
Răng cỏ vắng chùi (chà) hôi thủm thủm
Áo quần không giặt ngửi khai khai
Chưa bao lâu, đã thay hình dạng
Dị tướng than ôi lại bất tài
(Trần Văn Hương) 1-12-60
- Từ Thể xác ảnh hưởng đến Tinh thần sau một thời gian ở tù:
Phong độ nhà lao có dễ đâu
Tập thành nề nếp lắm công phu
Nằm cao ngủ kỹ sao rằng phạm
Ở bẩn ăn dơ mới gọi tù
Nghiêng ngửa nằm khềnh xem đáng mặt…
Trần truồng đứng tắm để trơ …khu
Nhắn ai muốn học vào đây học
Phong độ nhà lao có dễ đâu.
(Trần Văn Hương) 11-12-60
Vì chưng bẻm mép mới vào đây
Câm họng đâu ra đến nỗi nầy
Dân chúng sướng; đồ: dân chúng khổ!
Nước nhà nên; bảo: nước nhà nguy!
Dở hay mặc kệ thằng cha nó!
Còn mất can chi lão nội mầy?
Nếm thử mùi tù cho đáng kiếp
Từ rày chừa bỏ tật thày lay.
(Trần Văn Hương) 21-11-60
Sự thế man man tỉnh chửa rồi
Vào đây thoát đã đủ trăng thôi
Cảnh nầy tuy đẹp bề ăn ở
Nỗi ấy không khuây lúc đứng ngồi
Vận nước những lo dâu biển đổi
Tức mình luống thẹn tháng ngày trôi
Nhắn ai ngoài ấy ta xin hỏi
Triều đã lui chưa, cát đã bồi?
(Trần Văn Hương) 12-12-60
*
Bài thơ "Nỗi Lòng"
Cuối năm 1961, khi được người bạn là Long Giang Đỗ Phong Thuần cho đọc 1 bài thơ (tựa là Nỗi Lòng), bảo là của Chí sĩ Ngô Đình Diệm làm khi bôn ba làm cách mạng ở hải ngoại, ông Trần Văn Hương có làm 2 bài họa:
NỖI LÒNG (Nguyên bản)
Gươm đàn nửa gánh quẩy sang sông
Hỏi bến: thuyền không, lái cũng không!
Xe muối nặng nề thân vó Ký (*)
Đường mây rộng rãi tiếc chim Hồng (*)
Vá trời lấp biển người đâu tá?
Bán lợi mua danh chợ vẫn đông!
Lần lữa nắng mưa theo cuộc thế
Cắm sào đợi khách, thuở nào trong?
(Chí sĩ Ngô Đình Diệm) 1953
(*) Chú thích: Ngựa Ký là ngựa giỏi, chạy xa. Chim Hồng Hộc là chim bay cao.
(Họa 1)
Hèn vụng toan khai núi lấp sông!
Chiêm bao sự nghiệp: có rồi không!
Tan tành lưới gió hoài tơ nhện
Diệu vợi đường mây rã cánh hồng
Mùi thế ngọt ngon ai đã chán?
Chợ đời giành giựt khách còn đông
Nhắn lời xin hỏi người cao kiến
Nào thuở Hoàng Hà thấy nước trong?
(Trần Văn Hương) 26-12-61
(Họa 2)
Tủi nhục như vầy rửa nước sông?
Cơ đồ gây dựng phút thành không!
Lòng nầy hổ gởi vầng trăng bạc
Danh ấy đành buông ngọn lửa hồng
Chí sĩ cam thân vùi tuyết Bắc (*)
Anh hùng thẹn mặt ngó người Đông (*)
Xét mình chẳng tiện theo gương trước
Sống đục còn hơn chịu thác trong!
(Trần Văn hương) 26-12-61
(*) Chú thích:
Nhắc chuyện Tô Vũ cam chịu ở vùng “tuyết phương Bắc” và Hạng Vũ thẹn không muốn qua sông gặp lại “người Giang Đông” (mặc dù ông Đình Trưởng có cấm sào đợi).
Ông Long Giang Đỗ Phong Thuần cũng có 1 bài thơ để nói ý kiến chống đối của mình (với ông Ngô Đình Diệm) thì ông Trần Văn Hương cũng phụ họa 1 bài nữa:
PHÚNG THẾ (Xướng)
Đường đời chen lấn chợ trời đông
Chác lợi mua danh mới phập phòng
Tránh kẻ ham giàu bôi sử sách
Phụ người công khó giúp non sông
Con buôn gặp mối đeo như đỉa
Thằng mổng no cơm hót tựa nhồng
Ái quốc ưu dân là quảng cáo
Ngân hàng ngoại quốc dẫy đầy công.
(Long Giang Đỗ Phong Thuần)
CHUYỆN TRỚ TRÊU (Họa)
Trớ trêu mật ít lại ruồi đông
Thầm nghĩ cười ai mũi sớm phồng
Môi mỏng khoe lo dân với nước
Mặt dầy quên thẹn với non sông
Thấy lâu xốn mắt, lòng lang sói
Nghe lắm rườm tai, giọng cưởng nhồng
Tấp tểnh đua đòi trang “chí sĩ”
Muôn đời để mãi tiếng thằng “công” (*)
(Trần Văn Hương)
(*) Chú thích:
“Công”: từ tiếng Pháp là “Un Con” để nói người ngu dốt vô liêm sĩ. (Ông Trần Văn Hương tự chú thích).
Sau đó dù biết là bài thơ không phải của Chí sĩ Ngô Đình Diệm (mà là của ông Nghè Nguyễn Sỹ Giác), nhưng ông Trần Văn Hương không đổi ý (chống đối). Đến năm 1964, nhìn lại cuộc đảo chánh 1-11-63, ông thú thật là ông giựt mình vì những câu thơ “khẩu chiếm” (khẩu khí) của mình về vận mệnh của ông Ngô Đình Diệm.
*
Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, thi văn của giới trí thức VN hòa hợp Bắc Nam và Đông Tây lên cao đến tuyệt đỉnh. Người di cư miền Bắc cũng hòa hợp với người trong Nam như 2 bài thơ của ông Nguyễn Vỹ và ông Trần Văn Hương vịnh Mùa Thu:
Thu ơi, ai nhuộm lá thu vàng
Lá ngập tơi bời đến ải quan
Cây cỏ ngậm ngùi sầu thế hệ
Nước non vương vấn hận thời gian
Vườn thơ vắng bướm hương tàn tạ
Cánh nhạn tung mây gió phũ phàng
Ôi mảnh hồn trăng từ vạn kỷ
Gieo chi đất bụi một màu tang.
(Nguyễn Vỹ)
Tàn lục lưa thưa điểm lá vàng
Heo mây heo hắt giục thu sang
Sương lồng trướng khói: mờ gương thỏ
Gió vén rèm mây: chẳng bóng nhàn
Khí mát xông thềm, hơi dế lạnh
Mưa dầm trĩu nhánh, giọng thiền khan
Bắc Nam kinh vỹ trời tuy khác
Thu đến sầu thu cũng ngập tràn.
(Trần Văn Hương)
Ông Nguyễn Vỹ là một thi nhân tiền chiến ở miền Bắc nổi danh với Thơ Mới. Sau hiệp định Genève, ông làm báo ở Miền Nam nổi danh với Bán Nguyệt San Phổ Thông. Ông thường hay Xướng thơ Đường Luật trong những dịp đặc biệt và mời mọi người trong nước (VNCH) họa lại, chỉ cần trùng vần của câu đầu mà thôi.
Bài thơ trên của ông Nguyễn Vỹ là 1 bài thơ Xướng về mùa Thu (1961?) và có 113 bài họa được ông chọn đăng trong tập thơ bán kèm theo Phổ Thông tựa đề là “Nam thu hòa khúc”. Ông Trần Văn Hương ban đầu không có họa nhưng khi thấy có nhiều người hưởng ứng nên mới làm bài họa trên nhấn mạnh đến thời tiết Miền Nam trong mùa thu.
*
Điều lạ là vấn đề “Ý Thức Hệ” giữa Tư Bản (Miền Nam VNCH) và Cộng Sản (Miền Bắc VNDCCH) không ảnh hưởng đến ông Trần Văn Hương như đa số chính trị gia trong thời kỳ nầy:
ĂN CƠM RỒI NÓI CHƯỚNG
Cơm rồi nói chướng chọc ai chơi
Có giận thì cam chớ nặng lời
Thịt béo cá ngon ăn phát ách
Trà thơm bánh ngọt nít mê tơi
Sướng thân quên kẻ quen đau khổ
No bụng xem đời rất sáng tươi
“Duy Vật? Duy Tâm?”- sai bét hết!
“Duy Bao Tử” mới đáng mười mươi.
(Trần Văn Hương)
Nguồn gốc từ miền Bắc, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam thành lập với Võ Chí Công, Huỳnh Tấn Phát và Phùng Văn Cung ngày 20-12-60 ở xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay là Tân Biên), Tây Ninh ở vùng gần biên giới Việt Miên. Quân Đội Giải Phóng Miền Nam lập ngày 15-2-61 và bắt đầu có chiến tranh ở Miền Nam.
NHÌN XUÂN NHÂM DẦN SANG CẢM TÁC
Trâu đi danh dữ hãy còn bêu
Cọp bước chân sang cũng lắm đều (điều)
Tiếng súng “tảo thanh” thay tiếng pháo (*)
Cây cờ “giải phóng” thế cây nêu (*)
Con đường thân ái đang tay lắp
Ngòi lửa oan cừu ráng sức khêu
Vói hỏi Ông Xanh thông cảm chẳng?
Thằng dân vắn cổ biết sao kêu.
(Trần Văn Hương)
5-2-62
(*) Chú thích:
Tết năm Nhâm Dần (1962), Quân đội GPMN ra lệnh cho các vùng quê không ăn Tết còn chính phủ VNCH thì ra lệnh cấm đốt pháo.
Ngày 16-2-62, đại hội lần thứ nhứt của Mặt Trận GPMN bầu Ls Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ Tịch với 3 người cũ làm Phó Chủ Tịch là Bs Phùng Văn Cung, Ks Huỳnh Tấn Phát và Võ Chí Công.
Thời kỳ Quân Quản (1963-67)
Ngày 1-11-63: Đảo chánh các Tướng Tá trong quân đội do Trung tướng Dương Văn Minh, Trung tướng Trần Văn Đôn, Thiếu tướng Trần Thiện Khiêm (Tham mưu trưởng Liên quân) và Thiếu tướng Tôn Thất Đính (Tư lệnh Quân đoàn 3) cầm đầu. Quân chủ lực là của Sư đoàn 5 của Đại tá Nguyễn Văn Thiệu (ở Biên Hòa) và Sư đoàn 7 của Đại tá Nguyễn Hữu Có (ở Mỹ Tho).
Ngày 2-11-63: Tổng thống Ngô Đình Diệm và Cố vấn Ngô Đình Nhu bị giết.
Ngày 3-11-63: Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng thành lập để tạm thời lãnh đạo quốc gia. Đệ Nhất Cộng Hòa chấm dứt và Thời kỳ Quân Quản bắt đầu.
Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng:
Chủ tịch: Trung tướng Dương Văn Minh
Đệ nhất Phó Chủ tịch: Trung tướng Trần Văn Đôn
Đệ nhị Phó Chủ tịch: Trung tướng Tôn Thất Đính
Ủy viên Ngoại Giao kiêm Tổng Thư ký: Trung tướng Lê Văn Kim
Ủy viên Kinh Tế: Trung tướng Trần Văn Minh
Ủy viên An Ninh: Trung tướng Phạm Xuân Chiểu
Ủy viên Quân Vụ: Trung tướng Trần Thiện Khiêm
Ủy viên Chính Trị: Thiếu tướng Đỗ Mậu
Ủy viên: Trung tướng Mai Hữu Xuân
Trung tướng Lê Văn Nghiêm
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiệu
Thiếu Tướng Nguyễn Hữu Có
Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng chỉ định Cựu Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ lập Chính phủ.
Ngày 4-11-63: Chính phủ Lâm thời Nguyễn Ngọc Thơ thành lập.
Chính phủ Nguyễn Ngọc Thơ:
Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Kinh Tế: Nguyễn Ngọc Thơ
Tổng trưởng Quốc Phòng: Trung tướng Trần Văn Đôn
Tổng trưởng An Ninh: Trung tướng Tôn Thất Đính
Tổng trưởng Ngoại Giao: Phạm Đăng Lâm
Tổng tưởng Tư Pháp: Nguyễn Văn Mầu
Tổng trưởng Giáo Dục: Giáo sư Phạm Hoàng Hộ
Tổng trưởng Cải Tiến Nông Thôn: Trần Lê Quang
Tổng trưởng Thông Tin: Thiếu tướng Trần Tử Oai
Tổng trưởng Công Chánh: Trần Ngọc Oánh
Tổng trưởng Y Tế: Vương Quang Trường
Tổng trưởng Lao Động: Nguyễn Lê Giang
Tổng trưởng Thanh Niên: Nguyễn Hữu Phi
Tổng trưởng Tài Chánh: Lưu Văn Tính
Tổng trưởng Kinh Tế: Âu Trường Thanh
Bộ trưởng tại Phủ Thủ tướng: Nguyễn Thành Cung
(Thủ tướng Nguyễn Ngọc Thơ và các Tướng tá)
(1) Nguyễn Ngọc Lễ (2) Trần Thiện Khiêm (3) Dương Văn Minh (4) Thủ tướng Nguyễn Ngọc Thơ (5) Trần Văn Đôn (6) Tôn Thất Đính
(7) Nguyễn Văn Thiện (8) Nguyễn Văn Vỹ (9) Nguyễn Cao Kỳ (10) Trần Ngọc Huyến (11) Nguyễn Hữu Có (12) Nguyễn Văn Thiệu (13) ? (14) Lê Nguyên Khang (15) Nguyễn Giác Ngộ (16) Dương Hiếu Nghĩa (17) Huỳnh Văn Cao.
Ngày 30-1-64: Trung tướng Nguyễn Khánh làm cuộc "Chỉnh lý", bắt và quản thúc 4 Tướng Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính, Mai Hữu Xuân và Lê Văn Kim ở Đà Lạt. Các Tướng Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Văn Thiệu và Đỗ Mậu theo cùng phe với Tướng Nguyễn Khánh.
Ngày 31-1-64: Trung tướng Nguyễn Khánh làm Chủ tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng. kiêm Tổng Tư lệnh Quân Đội.
Ngày 1-2-64: Chính phủ Nguyễn Ngọc Thơ từ chức và được Trung tướng Nguyễn Khánh chấp nhận (3-2-64)
Ngày 7-2-64: Hiến ước lâm thời số 2 giao quyền hành Quốc trưởng cho Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng chỉ định. Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng cử Tướng Dương Văn Minh làm Quốc trưởng và Tướng Nguyễn Khánh lập chính phủ.
Ngày 8-2-64: Chính phủ Nguyễn Khánh thành lập.
Chính phủ Nguyễn Khánh:
Thủ tướng: Trung tướng Nguyễn Khánh
Phó Thủ tướng đặc trách Bình định: Nguyễn Tôn Hoàn
Phó Thủ tướng đặc trách Kinh Tế Tài Chánh: Nguyễn Xuân Oánh
Phó Thủ tướng đặc trách Văn Hóa Xã Hội: Thiếu tướng Đỗ Mậu
Quốc Vụ Khanh: Bác sĩ Lê Văn Hoạch
Tổng trưởng Ngoại Giao: Bác sĩ Phan Huy Quát
Tổng trưởng Nội Vụ: Hà Thúc Ký
Tổng trưởng Công Chánh: Trần Ngọc Oánh
Tổng trưởng Quốc Gia Giáo Dục: Bùi Tường Huân
Tổng trưởng Quốc Phòng: Trung tướng Trần Thiện Khiêm
Tổng trưởng Cải Tiến Nông Thôn: Nguyễn Công Hầu
Tổng trưởng Y Tế: Vương Quang Trường
Tổng trưởng Lao Động: Đàm Sỹ Hiến
Tổng trưởng Thông Tin: Phạm Thái
Tổng trưởng Tài Chánh: Nguyễn Xuân Oánh
Tổng trưởng Kinh Tế: Âu Trường Thanh
Tổng trưởng Tư Pháp: Nguyễn Văn Mầu
Tổng trưởng Xã Hội: Trần Quang Thuận
Bộ trưởng tại Phủ Thủ Tướng: Nghiêm Xuân Hồng
Ngày 21-3-64: Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng biểu quyết tự giải tán, nhường chỗ cho Ủy Ban Lãnh Đạo Lâm Thời của Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng (thay thế Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng):
Chủ tịch: Trung tướng Nguyễn Khánh
Đệ nhất Phó Chủ tịch: Trung tướng Trần Thiện Khiêm
Đệ nhị Phó Chủ tịch: Thiếu tướng Đỗ Mậu
Đệ tam Phó Chủ tịch: Trung tướng Phạm Xuân Chiểu
Cố vấn Tối cao: Trung tướng Dương Văn Minh
Từ đầu tháng 8-64, bắt đầu có chống đối của Báo chí, Sinh viên, Phật Giáo (do Thượng tọa Thích Tâm Châu cầm đầu) và Công Giáo (do Linh Mục Hoàng Quỳnh cầm đầu). Rối loạn trong Chính phủ Nguyễn Khánh và Hội Đồng Quân Đội.
(Các Tướng Trần Thiện Khiêm, Dương Văn Minh và Nguyễn Khánh)
Ngày 8-9-64: Thượng Hội Đồng Quốc Gia thành lập theo Hiến chương Vũng Tàu, để chuyển dần sang Chính phủ dân sự.
Thượng Hội Đồng Quốc Gia gồm có 16 thành viên. Ông Phan Khắc Sửu làm Chủ tịch. Phó Chủ tịch là Nguyễn Xuân Chữ và Tổng Thư ký là Trần Văn Văn. Bác sĩ Hồ Văn Nhựt được cử lập chính phủ nhưng không làm được nên xin rút lui. Đô trưởng Sài Gòn là ông Trần Văn Hương được bổ nhiệm làm Thủ tướng và lập chính phủ.
Ngày 13-9-64: Trung tướng Dương Văn Đức và Thiếu tướng Lâm Văn Phát đem quân về đóng ở Sài Gòn Gia Định nhưng không được toàn thể quân đội (dưới quyền của Đại tướng Trần Thiện Khiêm) ủng hộ nên phải rút quân về. Sau đó Trung tướng Dương Văn Đức, Thiếu tướng Lâm Văn Phát và nhiều sĩ quan cùng phe bị cách chức.
Ngày 27-9-64: Ông Phan Khắc Sửu làm Quốc trưởng và Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ thay thế làm Quyền Chủ tịch Thượng Hội Đồng Quốc Gia.
Ngày 24-10-64: Đại tướng Trần Thiện Khiêm làm Đại sứ tại Hoa Kỳ.
(Quốc trưởng Phan Khắc Sửu và chính phủ Trần Văn Hương)
Ngày 4-11-64: Chính phủ Trần Văn Hương thành lập.
Chính phủ Trần Văn Hương:
Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quân Lực: Trần Văn Hương
Đệ nhất Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Nội Vụ: Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên
Đệ nhị Phó Thủ tướng kiêm Thống đốc Ngân Hàng Quốc Gia: Nguyễn Xuân Oánh
Tổng trưởng Ngoại Giao: Phạm Đăng Lâm
Tổng trưởng Tư Pháp: Lữ Văn Vi
Tổng trưởng Thông Tin: Lê Văn Tuấn
Tổng trưởng Kinh Tế: Nguyễn Duy Xuân
Tổng trưởng Tài Chính: Lưu Văn Tính
Tổng trưởng Cải Tiến Nông Thôn: Ngô Ngọc Đối
Tổng trưởng Công Chánh: Lê Sĩ Ngạc
Tổng trưởng Văn Hóa Giáo Dục: Phan Tấn Chức
Tổng trưởng Y Tế: Trần Quang Diệu
Tổng trưởng Xã Hội: Đàm Sĩ Hiến
Tổng trưởng Lao Động: Nguyễn Hữu Hùng
Tổng trưởng Phủ Thủ Tướng: Phạm Văn Toàn
Chính phủ Trần Văn Hương bị Phật giáo và Sinh viên chống đối kịch liệt. Ngoài ra còn có xung đột giữa Phật Giáo và Công Giáo.
Ngày 18-12-64, Tổng Tư lệnh Quân Đội là Đại tướng Nguyễn Khánh lập một Hội Đồng Quân Lực để giúp đỡ Tổng Tư lệnh.
Ngày 20-12- 64: Nhân danh Hội Đồng Quân Lực, Tướng Nguyễn Khánh giải tán Thượng Hội Đồng Quốc Gia.
Thủ tướng Trần Văn Hương phải thu nạp thêm các Tướng lãnh vào chính phủ:
Đệ nhị Phó Thủ tướng: Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu
Tổng trưởng Quân Lực: Trung tướng Trần Văn Minh
Tổng trưởng Tâm Lý Chiến: Trung tướng Linh Quang Viên
Tổng trưởng Thanh Niên Thể Thao: Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ.
Ông Nguyễn Xuân Oánh xuống thành Đệ tam Phó Thủ tướng.
Phật Giáo vẫn chống đối biểu tình tuyệt thực: Cầm đầu là các Thượng tọa Thích Tâm Châu, Thích Trí Quang, Thích Hộ Giác và Thích Thiện Minh.
Ngày 24-1-65: Hội Đồng Quân Lực bãi nhiệm Thủ tướng Trần Văn Hương và đem giam ông ở Vũng Tàu. Ông Nguyễn Xuân Oánh ủy nhiệm lập chính phủ mới nhưng không thành.
Ngày 27-1-65: Đại tướng Nguyễn Khánh làm cuộc chỉnh lý lật đổ chính quyền dân sự và truất phế Quốc trưởng Phan Khắc Sửu.
Ngày 20-2-65: Đảo chánh thất bại của Tướng Lâm Văn Phát và Đại tá Phạm Ngọc Thảo.
Phe các Tướng trong nội bộ của Hội Đồng Quân Lực dàn xếp ép Tướng Nguyễn Khánh phải lưu vong và ủy quyền cho Bác sĩ Phan Huy Quát lập chính phủ dân sự. Quyền hành của 2 Tướng Nguyễn Khánh và Trần Thiện Khiêm hoàn toàn chấm dứt. Hai Tướng bắt đầu lãnh đạo Hội Đồng Quân Lực là Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu và Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ.
Cuối tháng 2-65: Chính phủ Phan Huy Quát thành lập:
Thủ tướng: Bác sĩ Phan Huy Quát
Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc Phòng: Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu
Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Ngoại Giao: Bác sĩ Trần Văn Đỗ
Phó Thủ tướng phụ trách Kế hoạch: Luật sư Trần Văn Tuyên
Bộ trưởng Thông Tin: Trung tướng Linh Quang Viên
Bộ trưởng Giáo Dục: Nguyễn Tiến Hỷ
Bộ trưởng tại Phủ Thủ tướng: Bùi Diếm
Chính phủ Phan Huy Quát lại bị Công Giáo chống đối. Sự bất đồng chánh kiến giữa Quốc trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ tướng Phan Huy Quát đưa đến sự kiện cuối cùng là Chính phủ dân sự bị "quân đội" giải tán (kể cả chức vụ Quốc trưởng) vào ngày 11-6-65.
Ngày 12-6-65: Hội Đồng Quân Lực lập ra Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, tổ chức sau cùng của Thời kỳ Quân Quản:
Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia có trọng trách chỉ huy Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chính thức từ ngày 19-6-65 là ngày Ủy Ban trình diện quốc dân nên gọi ngày đó là ngày Quân Lực. Ngày Quốc Khánh vẫn là ngày 1-11.
Ủy Ban lập ra Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương tức là Nội các Chính phủ
Hội Đồng Quân Lực tự giải tán (14-6-65)
Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia có 11 chức vụ (và 9 Thành viên):
Chủ tịch, tương đương với Quốc trưởng: Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu
Tổng Thư ký: Trung tướng Phạm Xuân Chiểu
Ủy viên phụ trách điều khiển Hành pháp (Chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương), tương đương với Thủ tướng: Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ
Tổng trưởng Quốc Phòng: Trung tướng Nguyễn Hữu Có
Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội: Trung tướng Nguyễn Hữu Có
Tư lệnh Quân đoàn I: Thiếu tướng Nguyễn Chánh Thi
Tư lệnh Quân đoàn II: Thiếu tướng Nguyễn Văn Mạnh
Tư lệnh Quân đoàn III: Thiếu tướng Cao Văn Viên
Tư lệnh Quân đoàn IV: Thiếu tướng Đặng Văn Quang
Tư lệnh Hải Quân: Đề đốc Trần Văn Chơn
Tư lệnh Không Quân: Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ
Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (từ tháng 6-65 đến tháng 11-67) thay thế Chánh phủ Phan Huy Quát và sẽ nhường lại cho chính phủ dân sự của nền Đệ nhị Cộng Hòa
Chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương là Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, ở cương vị Thủ tướng.
Các thành viên trong Ủy Ban:
1. Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên: Phó Chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương
2. Bác sĩ Trần Văn Đỗ: Tổng Ủy viên Ngoại Giao
3. Thẩm phán Trần Minh Tiết: Tổng Ủy viên Tư Pháp
4. Luật sư Nguyễn Hữu Thống
5. Dược sĩ La Thành Nghệ
6. Giáo sư Trần Văn Kiện
7. Bác sĩ Trần Lữ Y
8. Nguyễn Xuân Phong: Ủy viên Lao Động
9. Bùi Diễm: Ủy viên Ngoại Giao
10. Âu Trường Thanh: Tổng Ủy viên Kinh Tế Tài Chánh
11. Trương Văn Thuấn: Tổng Ủy viên Giao Thông
12. Nguyễn Văn Trường: Tổng Ủy viên Giáo Dục
13. Bác sĩ Trần Ngọc Ninh: Tổng Ủy viên Văn Hóa Xã Hội kiêm Ủy viên Giáo Dục
14, Trung tướng Đặng Văn Quang: Tổng Ủy viên Kế Hoạch
15. Thiếu tướng Nguyễn Bảo Trị: Tổng Ủy viên Thông Tin Chiêu Hồi kiêm Tổng Cục trưởng Chiến tranh Chính trị
16. Thiếu tướng Nguyễn Đức Thắng: Tổng Ủy viên Xây Dựng
17. Võ Long Triều: Tổng Ủy viên Thanh Niên Thể Thao.
Thời Đệ Nhị Cộng Hòa (1967-75)
Liên danh Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ thắng cử trong cuộc đầu phiếu năm 1967, chính thức thành lập Đệ Nhị Cộng Hòa với Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu làm Tổng Thống và Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Phó Tổng thống. Tổng thống chỉ định Thủ tướng và Thủ tướmg thành lập Chính phủ (Nội các). Được chỉ định, Luật sư Nguyễn Văn Lộc làm Thủ tướng và lập Nội các (9-11-67). Liên danh Trần Văn Hương và Mai Thọ Truyền đứng hạng nhì trong cuộc tuyển cử.
Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia và Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương giải tán tháng 11-67.
Chính phủ Nguyễn Văn Lộc (1967-1968)
Thủ tướng: Luật sư Nguyễn Văn Lộc
Tổng trưởng Ngoại Giao: Bác sĩ Trần Văn Đỗ
Tổng trưởng Nội Vụ: Trung tướng Linh Quang Viên
Tổng trưởng Xây Dựng Nông Thôn: Trung tướng Nguyễn Đức Thắng
Tổng trưởng Tài Chánh: Lưu Văn Tính
Tổng trưởng Kinh Tế: Trương Thái Tôn
Tổng trưởng Văn Hóa Giáo Dục: Giáo sư Tăng Kim Đông
Tổng trưởng Canh Nông và Điền Địa: Tôn Thất Trình
Tổng trưởng Chiêu Hồi: Nguyễn Xuân Phong
Tổng trưởng Giao Thông và Vận Tải: Lương Thế Siêu
Tổng trưởng Công Chánh: Bửu Đôn
Tổng trưởng Y Tế: Bác sĩ Trần Lữ Y
Tổng trưởng Xã Hội và Tỵ Nạn: Bác sĩ Nguyễn Phúc Quế
Tổng trưởng Cựu Chiến Binh: Bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng
Tổng trưởng Lao Động: Giáo sư Phó Bá Long
Tổng trưởng Phát Triển Sắc Tộc: Paul Nur
Tổng trưởng Tư Pháp: Huỳnh Đức Bửu
Sau sự kiện Tết Mậu Thân, Thủ tướng Nguyễn Văn Lộc bị chỉ trích và ép từ chức. Ông Trần Văn Hương thay thế làm Thủ tướng với Nội các mới (28-5-68) cho đến ngày 1-9-69 thì có Nội các mới của Thủ tướng Trần Thiện Khiêm.
Ông Nguyễn Văn Lộc (1922-1992) sinh ở quận Châu Thành, Vĩnh Long. Ông đậu Cử nhân Luật tại đại học Montpellier (1954) và tốt nghiệp Cao học Hình Luật tại đại học Paris (1964). Ông là Luật sư Tòa Thượng thẩm Sài Gòn từ năm 1955. Tháng 11-67, ông Nguyễn Văn Lộc được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chỉ định làm Thủ tướng lập nội các chính phủ đầu tiên của nền Đệ nhị Cộng Hòa. Sau vụ binh biến Mậu Thân, ông bị ép từ chức. Sau đó ông không làm chính trị mà chỉ dạy học. Năm 1969-70, ông là giáo sư ở đại học Hòa Hảo (An Giang). Năm 1971-72, ông làm Viện trưởng viện đại học Cao Đài Tây Ninh.
Chính phủ Trần Thiện Khiêm (1969-1975)
Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Nội Vụ: Đại tướng Trần Thiện Khiêm
Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Giáo Dục: Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên
Tổng trưởng Ngoại Giao: Dược sĩ Trần Văn Lắm
Tổng trưởng Quốc Phòng: Trung tướng Nguyễn Văn Vỹ
Tổng trưởng Thông Tin: Luật sư Ngô Khắc Tỉnh
Tổng trưởng Xây Dựng Nông Thôn: Thiếu tướng Trần Thanh Phong
Tổng trưởng Tài Chánh: Nguyễn Bích Huệ
Tổng trưởng Kinh Tế: Phạm Kim Ngọc (69-71) và Nguyễn Đức Cường (71-75)
Tổng trưởng Văn Hóa Giáo Dục: Giáo sư Tăng Kim Đông
Tổng trưởng Cải Cách Canh Nông và Ngư Nghiệp: Cao Văn Thân
Tổng trưởng Chiêu Hồi: Bác sĩ Hồ Văn Châm
Tổng trưởng Giao Thông: Trần Văn Viễn
Tổng trưởng Công Chánh: Dương Kích Nhưỡng
Tổng trưởng Y Tế: Bác sĩ Trần Minh Tùng
Tổng trưởng Xã Hội: Bác sĩ Trần Ngươn Phiêu
Tổng trưởng Lao Động: Đàm Sĩ Hiến
Tổng trưởng Phát Triển Sắc Tộc: Paul Nur
Tổng trưởng Tư Pháp: Luật sư Lê Văn Thu
(Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ và chính phủ Trần Thiện Khiêm)
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tái đắc cử trong cuộc bầu cử ngày 3-10-1971 trong liên danh với ông Trần Văn Hương. Từ đó ông Trần Văn Hương là Phó Tổng Thống thay thế Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ.
Đệ Nhị Cộng Hòa (1967-1975) có những sự kiện lịch sử quan trọng:
Hiến pháp và Tuyển cử (1967)
Chiến tranh Cục bộ (1967-68)
Chiến tranh Mậu Thân (1968)
Việt Nam hóa chiến tranh (1968-73)
Cải Cách Điền Địa lần thứ 2 (1969-73)
Tuyển cử (1971)
Hiệp định Paris (1972-1974)
Chiến tranh mùa Xuân (1974-75)
(Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Phó Tổng thống Trần Văn Hương)
Người Lãnh Đạo Quốc Gia
*
Sau khi chính phủ Ngô Đình Diệm bị lật đổ trong cuộc đảo chánh 1-11-63, ông Trần Văn Hương làm Đô Trưởng Sài Gòn lần thứ hai (1964), nổi danh với “đi làm bằng xe đạp”. Sau đó ông tham gia chính quyền của Đệ Nhị Cộng Hòa giữ chức Thủ Tướng lần thứ nhứt (1964-1965) của Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ Tướng lần thứ nhì (1968-1969) của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ. Ông đắc cử và làm Phó Tổng Thống với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu (1971-1975). Ngày 21-4-75, ông trở thành Tổng Thống khi ông Nguyễn Văn Thiệu rời Việt Nam và ngày 28-4-75, ông Trần Văn Hương nhường chức Tổng Thống cho học trò cũ của mình là Cựu Đại Tướng Dương Văn Minh. Miền Nam mất ngày 30-4-75.
*
Ông Trần Văn Hương sống ở Sài Gòn cho đến khi qua đời (1982) với em gái, em rể và người con lớn là Trần Văn Dõi. Con thứ của ông Trần Văn Hương là ông Trần Văn Đính (thường là Phụ Tá cho ông) di tản năm 1975 và định cư ở California. Trần Văn Dõi, lấy họ mẹ với tên mới là Lưu Vĩnh Châu, là 1 cán bộ thường, trước theo kháng chiến Việt Minh ở ngoài Bắc có đánh trận Điện Biên Phủ, cấp bực Đại Úy trong quân đội (Miền Bắc). Ông Trần Văn Hương cũng có người em là ông Lâm Văn Giỏi là một Giáo sư của trường Trung học Phan Thanh Giản (ở Cần Thơ).
Thi sĩ Trần Văn Hương
Vốn là giáo sư việt văn, ông Trần Văn Hương là một thi sĩ kỳ tài. Ngoài đề tài lịch sử chính trị, ông còn làm thơ về những vấn đề văn hóa.
Đây là đề tài tôn giáo trong thơ Trần Văn Hương.
VÔ ĐỀ
Ta thấy người tu ta cũng tu
Cũng chuông cũng mõ cũng công phu
Tháng ngày rau thịt, chay hòa mặn
Hôm sớm kinh văn, sáng lẫn mù
Chưa hẳn nhà thuyền (thiền) hơn khách tục
Chớ khoe mình trí để người ngu
Vả tu đâu phải chuyên hành xác
Di Lạc ngồi kia vẫn mập ù?
(Trần Văn Hương)
(Câu Đối)
Đạo cứ hỏi nơi Tâm, đừng trai giới kệ kinh làm rộn Phật.
Phúc lựa cầu với Phật, hãy khiêm từ nhiêu nhẫn để nên Tâm.
(Trần Văn Hương)
Đặc biệt là ông Trần Văn Hương rất thích họa thơ. Ông thường tìm họa những bài thơ khó.
- Họa thơ Phan Khôi:
VIẾNG MỘ ÔNG LÊ CHẤT (Nguyên bản)
Bình Tây Trấn Bắc sử nghìn thu
Ấy cỏ mờ rêu đất một u
Ấy dũng ấy trung là thế thế!
Mà ân mà nghĩa ở mô mô?
Chim gào hờn xót xuân ầm ỹ
Hùm thét oai lưa gió vụt vù
Cái chuyện anh hùng ai nhắc nữa
Hồ Tây văng vẳng tiếng chuông bu!
(Phan Khôi) 1921
Dù là một bài thơ “tử vận” nhưng có người người họa được:
ĐIẾU ÔNG LÊ CHẤT (Họa)
Thân danh bách chiến được bao thu
Vùi nắm xương tàn chốn tịch u
Đất Bắc vỗ dân công nhớ đó
Non Tây phá giặc sử ghi mô? (*)
Tấm gương trung liệt gương bôi lợt
Ngọc đuốc ân oai gió thổi vù
Làm vật hy sinh phơi mặt tợ
Để cho ruồi kiến mặc tình bu.
(Trần Văn Hương) 1962
(*) Chú thích: Non Tây = Tây Sơn
Ông Lê Chất (1769-1826) nguyên là tướng của nhà Tây Sơn. Khi vua Cảnh Thịnh giết hại công thần kể cả nhạc phụ của ông là Lê Trung, ông Lê Chất bỏ theo ông Võ Tánh ở Bình Định, về với Nguyễn Vương Phúc Ánh (1799). Ông là phó tướng của ông Lê Văn Duyệt đem lục quân chiếm Bắc Hà và sau nầy làm đến Tổng Trấn Bắc Thành. Khi chết, ông có mộ chôn ở Hà Nội.
- Họa thơ vua Thành Thái
Hơn 30 năm bị lưu đày, khi trở về qua Cap St Jacques, Cựu hoàng Thành Thái cũng có làm bài thơ theo thể liên hoàn và được ông Trần Văn Hương họa lại.
TỰ THÁN (Nguyên bản)
Sống thừa nào biết có hôm nay
Nhìn thấy non sông đất nước nầy!
Sừng ngựa chưa quên câu chuyện cũ
Ruột tằm đoài đoạn mối sầu tây
Thành Xuân nghìn dặm mây mù mịt (*)
Bể Cấp bốn bề sóng bổ vây
Tiếng súng đêm trường nghe nhặt khúc
Dầu cho sắt đá cũng châu mày.
Châu mày lụy ứa suốt canh thâu
Đất tổ hồn thiêng đâu ở đâu?
Dưới một bầu trời chung Bách Việt
Trên hai cõi đất vạch Hồng Câu (*)
Giá than trách kẻ lòng đen bạc
Trùn dế thương ai kiếp dãi dầu
Mãi đứng núi nầy trông núi nọ
Hỏi bao giờ bể hóa thành dâu? (*)
(Thành Thái)
(*) Chú thích:
Thành Xuân = Phú Xuân (Huế) kinh đô của nhà Nguyễn.
Hồng Câu là nơi Lưu Bang và Hạng Vũ họp để chia mỗi người ½ nước Tàu; chứng tỏ bài thơ nầy làm sau 1947 khi nước ta có 2 nước VNDCCH trên vỹ tuyến 16 của VM và Quốc Gia VN dưới vỹ tuyến 16 của Bảo Đại.
Từ câu "Thương hải biến vi tang điền" (Biển hóa thành ruộng dâu).
TỰ THÁN (Họa)
Ba chục năm chờ mới có nay
Cái mừng nào đổi cái mừng này
Tinh long chực thuở về đài bắc
Hồ mã quên ngày hí gió tây (*)
Nên để con côi hùm sắp cật?
Hay mong biển rộng ngạc giương vây?
Phải chăng vận nước nhờ tay cũ
Mà giống dân ta nở mặt mày
Mày mặt nào cam chịu phục thâu
Tình nhà nỗi nước trọng khinh đâu?
Ấp gò may được trời gieo vận
Đỡ vạc mong chờ khách thả câu
Xót kẻ phơi sương cùng nát thịt
Thương dân cạn mỡ với khô dầu
Xem bầu nhiệt huyết còn chưa nguội
Biển thẳm còn ngày hóa ruộng dâu. (*)
(Trần Văn Hương)
Chú thích:
Từ câu "Hồ mã tê Bắc phong, Việt điểu sào Nam chi" (Ngựa Hồ hí gió Bắc. Chim Việt đậu cành Nam). Ám chỉ nhớ quê nhà.
Từ câu "Thương hải biến vi tang điền" (Biển hóa thành ruộng dâu).
Tiếc thay ông Trần Văn Hương không có thì giờ làm thơ sau năm 1963 vì bận rộn ở chính trường. Hậu thế có những bài thơ tưởng nhớ ông.
VỊNH TRẦN VĂN HƯƠNG (Nguyên bản)
Trần thế lâu nay vắng bóng Ông
Một lòng tận tụy với non sông
Không xu thời cuộc không màng lợi
Chẳng cậy quyền hành chẳng hám công
Quốc vận long đong nào đổi dạ
Tâm can ngay thẳng khó thay lòng
Đồng cam hoạn nạn cùng dân chúng
Hậu bối muôn đời mãi nhớ Ông.
(Hồ Mỹ Đức)
1/28/17
VỊNH TRẦN VĂN HƯƠNG (Họa)
Sống tròn đạo đức trọn đời Ông
Cam chịu số phần với núi sông
Vị nghĩa chí tình không vị lợi
Thành nhân chi mỹ chẳng thành công
Vận suy, chính trực đầy thi hứng
Nước mất, tận trung trải tấm lòng
Gương sáng ngàn năm lưu hậu thế
Bi hùng lịch sử một đời Ông.
(Phan Thượng Hải)
1/29/17
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Bài viết nầy đăng lần đầu tiên trong phanthuonghai.com (trong mục "Thơ và Sử" phần "Thời Độc Lập").
Tài liệu tham khảo:
1) Thơ và Việt Sử - Thời kỳ Độc Lập (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
2) Lao Trung Lãnh Vận (Trần Văn Hương)
3) Hai Mươi Năm Qua: 1945-1964 Việc Từng Ngày (Đoàn Thêm)
4) Google Wikipedia
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
Ông Trần Văn Hương (1902-1982), sinh ở Vĩnh Long, học trường Collège Mỹ Tho, đậu Thành Chung (Diplôme) rồi tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội, về làm Giáo sư Việt Văn của trường Collège Mỹ Tho (Nguyễn Đình Chiểu).
Cuộc đời và thơ của ông Trần Văn Hương trải qua lịch sử chính trị trong Thời kỳ Kháng chiến chống Pháp, Đệ Nhất Cộng Hòa, Thời kỳ Quân Quản và Đệ Nhị Cộng Hòa.
Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Tự Trị
Tháng 3 năm 1945, sau khi đảo chánh Pháp, Nhật cho vua Bảo Đại lập chính phủ Trần Trọng Kim. Trong Nam Kỳ, vua Bảo Đại được đặt một quan Khâm Sai, là ông Nguyễn Văn Sâm, cũng như Khâm Sai Phan Kế Toại ở Bắc Kỳ.
Tuy nhiên thực quyền được Nhật giao cho Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất gồm tất cả các đảng phái và giáo phái ở Nam Kỳ, cai trị Sài Gòn và địa phương. Ngày 23-3-45, Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất rút lui nhường quyền lãnh đạo cho Ủy Ban Hành Chánh Lâm Thời Nam Bộ của Việt Minh (Cộng Sản Đệ Tam Quốc Tế) với Trần Văn Giàu (thuộc CS Đệ Tam Quốc Tế) làm Chủ Tịch.
Tháng 8 năm 1945, Nhật đầu hàng Đồng Minh, quân Anh vào giải giới quân Nhật phía Nam vỹ tuyến 16 (từ Tourane tức là Đà Nẳng tới mũi Cà Mau) gồm Nam Trung Kỳ và Nam Kỳ. Quân Pháp theo chân quân Anh vào Sài Gòn.
Trong khi đó Ủy Ban Hành Chánh Lâm Thời Nam Bộ đã bị chống đối của Cao Đài, Hòa Hảo và Đệ Tứ Quốc Tế (Trotskyist) nên phải nhượng bộ và cải tổ, Phạm Văn Bạch (cũng thuộc Đệ Tam Quốc Tế) thay Trần Văn Giàu làm Chủ Tịch. Sài Gòn hoàn toàn rối loạn giữa người Pháp, người Việt và các đảng phái.
Sau một thời gian thương thuyết, quân Pháp tấn công quân Việt Nam và chiếm Tòa Thị Chính Sài Gòn là trụ sở của Ủy Ban Hành Chánh Lâm Thời Nam Bộ ngày 23-9-45. (Ngày 23-9 nầy sau nấy được gọi là ngày Nam Bộ Kháng Chiến). Quân Việt Nam thua, phải rút ra ngoại ô và phong tỏa Sài Gòn. Ngày 3-10-45, tướng Leclerc đem 10.000 quân đổ bộ vào Sài Gòn. Ngày 9-10, Anh và Pháp ký hiệp ước ở Luân Đôn xác định Anh hoàn toàn ủng hộ Pháp trong việc cai trị toàn Đông Dương dưới vỹ tuyến 16.
Ngày 16-10-45, quân Việt Minh rút về vùng kháng chiến.
Sau khi rút đi, Việt Minh giết 20 người nồng cốt của phe Đệ Tứ Quốc Tế (Trotskist), trong đó có ông Phan Văn Hùm. Quân đội của Cao Đài, của Hòa Hảo (gọi là Dân Xã) và của Bình Xuyên (của Tướng Bảy Viễn) không tham gia, chỉ rút về địa phận của mình.
Trong Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp còn có Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng của các ông Nguyễn Văn Sâm (cựu Khâm sai), Phan Khắc Sửu, Trần Văn Ân và Hồ Văn Ngà. Nó là hậu thân của Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội (của Kỳ Ngoại Hầu Cường Để) ở Nam Kỳ.
Trong khoảng 1945-1947, VM dưới quyền của Trần Văn Giàu và Dương Bạch Mai thủ tiêu khoảng 2.500 người đối lập (theo lời của Trần Văn Giàu về sau nầy), trong đó có ông Bùi Quang Chiêu (1872-1945) bị giết ngày 29-9-1945, ông Hồ Văn Ngà và ông Nguyễn Văn Sâm.
Đức Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ (1919-1947) của đạo Hòa Hảo cũng mất tích ngày 16-4-1947 trong chuyến đi hội với VM ở Tân Phú.
Ông Trần Văn Hương đi theo kháng chiến Nam Bộ ở Tây Ninh chưa được 1 năm thì bỏ về thành (1946) và mở tiệm thuốc. Ông có làm bài thơ tưởng niệm ông Nguyễn Văn Sâm.
NGUYỄN VĂN SÂM
Chống Thực Dân, chống độc tài!
Một thề đã quyết dám đơn sai
Khen chê trôi kệ rằng hay dở
Phải quấy cần chi luận vắn dài
Đau đớn thương dân đang vận tối
Vẻ vang mong nước có ngày mai
Ví dầu muốn biết công hay tội
Đọc sử sau nầy lựa hỏi ai?
Ấy mới gan, ấy mới tài!
Con đường định vạch mặc chông gai
Thân nầy đành đã không trăm tuổi
Hội ấy thôi thì đóng một vai
Vui với giàu sang vui cũng thẹn
Thác vì nòi giống thác bao nài
Nghìn sau sử sách ghi câu chuyện
Công của ai? mà tội của ai?
(Trần Văn Hương)
Quân Pháp lần lượt chiếm lại lãnh thổ: phía Nam Sài Gòn chiếm đến mũi Cà Mau (25-10-45 tới 5-2-46) và phía Bắc Sài Gòn tới Kom Tum và Đà Nẳng (23-10-45 tới tháng 7-46).
Về chính trị, Pháp cho lập Nam Kỳ Quốc trong Liên Bang Đông Dương với chính phủ của Thủ Tướng Bs Nguyễn Văn Thinh ra mắt ngày 26-3-46, làm bù nhìn cho Pháp, cai trị dưới vỹ tuyến 16.
Thời Đệ Nhất Cộng Hòa
*
Lao Trung Lãnh Vận
Năm 1955, ông Trần Văn Hương ra làm Đô Trưởng Sài Gòn của chính phủ Ngô Đình Diệm cũng chưa được 1 năm thì từ chức. Ông cùng với 17 người khác trong nhóm xưng là Tự Do Cấp Tiến bị Tổng Thống Ngô Đình Diệm bỏ tù sau vụ đảo chánh 11-11-60. Nhóm nầy từng họp ở khách sạn Caravelle tuyên bố đối lập với chính phủ Ngô Đình Diệm (1960) rồi ủng hộ (?) cuộc đảo chánh 11-11-60 (nên còn có tên là nhóm Caravelle).
Trong tù từ ngày 12-11-60 cho đến ngày 7-4-61 thì được thả, ông Trần Văn Hương có để lại những bài thơ trong tác phẩm “Lao Trung Lãnh Vận”:
(Ông Trần Văn Hương và tác phẩm Lao Trung Lãnh Vận)
- Tinh thần khi mới vào tù:
Ai bảo trong lao khổ
Trong lao sướng thấy mồ!
Bên nầy thì cụ Tổng
Phía nớ lại quan Đô
Đòi vợ, ngầy: ông Cử
Làm thơ, giễu: bác Đồ
Các anh còn ở ngoải
Đợi quái gì chưa vô?
(Trần Văn Hương) 17-11-60
Chú thích:
Theo ý của bài thơ, nhóm Caravelle (18 nguời) của ông Trần Văn Hương có đủ các ông cựu Tổng trưởng, cựu Đô trưởng, Cử nhân và Tú tài (Đồ).
Thực ra bài thơ chỉ đúng phân nửa:
Cựu Tổng trưởng: Bs Nguyễn Tăng Nguyên, Ls Lê Ngọc Chấn
Cựu Đô trưởng: ô. Trần Văn Hương
Không có ông Cử hay ông Đồ nào hết chỉ có Tiến sĩ Hán học là ông Trần Lê Chất.
Trong nhóm 18 người có 2 kỹ sư (Phan Khắc Sửu và Lương Trọng Tường). 6 bác sĩ (Nguyễn Lưu Viên, Trần Văn Đỗ, Nguyễn Tăng Nguyên...), 3 luật sư (Trần Văn Tuyên, Lê Ngọc Chấn, Lê Quang Luật) và 1 linh mục (Hồ Văn Vui).
- Thể xác trong tù:
Suốt ngày ăn ngủ, ngủ rồi ăn
Chưa thấy chuyện gì chuyện khó khăn
Nằm khểnh sờ môi: râu tủa tủa
Ngồi rù gãi háng: dái tăn tăn (*)
Làm sang phe phẩy tay còn quạt






CON TRÂU TRONG THI VĂN VÀ LỊCH SỬ NƯỚC VIỆT
Bs Phan Thượng Hải biên soạn
Năm Sửu là năm con Trâu. Con Trâu đã có trong thi văn và lịch sử nước Việt: tục ngữ, thi phẩm Hán Nôm "Lục Súc Tranh Công", thi văn Quốc ngữ Nam kỳ như "Chuyện Giải Buồn" và "Lục Vân Tiên", và trong lịch sử nguồn gốc Bến Nghé của thành phố Sài Gòn.
Trên thế giới có 2 nhóm Trâu: Trâu Phi Châu (Cape buffalo hay Trâu "rừng") và Trâu Châu Á, (Water buffalo = Trâu "nước").
(Trâu Phi châu, hình ở trên và Trâu Á châu, hình ở dưới)
Tùy theo hình thể, có nhiều từ ngữ về con Trâu:
Trâu cổ = Trâu mộng. Trâu mộng là trâu to béo, thường là đã bị thiến. Ngoài ra cũng có "Bò mộng" cũng giống vậy.
Trâu ngố là giống trâu lớn con.
Trâu gié là giống Trâu nhỏ con.
Trâu chảng là Trâu có sừng cong dài và rộng, thường là loài trâu dữ.
Trâu cui là Trâu có sừng ngắn và lớn, rất khoẻ mạnh.
Trâu cò là Trâu có lông màu trắng.
Tuy nhiên con Trâu nước hay Trâu chẹt thì không phải là con Trâu:
Trâu Nước = Hà mã (Hippocampus)
Trâu Chẹt = Chim bói cá.
Con Trâu con thường được gọi là con Nghé.
Người dân Việt từ nhiều thế kỷ đã sống bằng nông nghiệp. Con Trâu giữ vai trò chính yếu trong việc cày cấy lúa cho tới cuối thế kỷ thứ 20 nên rất gần gũi với người dân nhất là ở nông thôn.
TỤC NGỮ
1) Từ người chủ của con Trâu có những câu Tục ngữ mang nhiều ý nghĩa.
Ăn thuốc bán trâu, ăn trầu bán ruộng. - Nhịn thuốc mua trâu, nhịn trầu mua ruộng.
(Ý nói: tai hại của nghiện thuốc và nghiện rượu)
Con trâu, là đầu cơ nghiệp.
(Ý nói về làm nghề nông)
Chín đụn, mười chu.
(Đụn = đụn thóc. Chu = trâu, theo tiếng Thanh Ngệ)
Đi buôn không tiền, canh điền không trâu.
Cứt đái đổ mãi chuồng trâu; của cải vào mãi nhà giàu. (= Nước chảy chỗ trũng).
Lắm rận thì giầu, lắm trâu thì nghèo.
(Ý nói: người nghèo, có lắm rận, lại giàu lòng thương và tử tế; người giàu, có lắm trâu, lại nghèo lòng thương và tử tế)
Mua trâu, bán chả.
(Ý nói: buôn bán làm ăn tính toán sai, nên thua lỗ)
Trâu trao chạc, bạc trao tay. (= Tiền trao, cháo múc).
(Chạc = dây, lạt)
Nhiều vốn nhiều lãi, nhiều nái nhiều đẻ.
(Nái = súc vật cái, nuôi để cho đẻ như heo nái, trâu nái...)
Trâu đẻ tháng sáu, vợ đẻ tháng mười. - Trâu đẻ tháng năm, vợ đẻ tháng sáu.
(Ý nói: rất bận rộn)
Ruộng sâu trâu nái; không bằng con gái đầu lòng.
(Ruộng sâu trâu nái là cảnh giàu có sung túc ở nông thôn. Con gái đầu lòng thường đảm đang gánh đỡ công việc giúp cha mẹ)
Lộn con toán, bán con trâu. - Nhầm con toán, bán con trâu. - Trật một con toán, bán một con trâu.
Trúng sòng đầu, bán trâu mà chịu.
(Sòng là sòng bạc. Theo kinh nghiệm đánh bạc: trúng sòng đầu thường bị thua về sau)
Làm trai lấy vợ bé, nhà giàu tậu nghé hoa.
(Nghé = trâu con, Nghé hoa là nghé đẹp. Ý nói về những quan niệm ngày xưa, nhưng cũng có ý so sánh)
2) Từ người nông dân làm ruộng và mục đồng chăn trâu lại có những câu Tục ngữ khác:
Làm ruộng có trâu, làm dâu có chồng.
Làm ruộng không trâu, làm giầu không vợ.
Làm ruộng không trâu, nhà giầu không thóc.
Trâu hay, chẳng nại cày bừa.
Chín gang trâu cười, mười gang trâu khóc.
(Khoảng cách thích hợp từ ách cày, ngang vai con trâu hay con bò, cho đến cái cày để cho dễ kéo là 9 gang tay; nếu hơn nữa, như 10 gang, thì trâu bò kéo nặng hơn)
Trâu vỡ tai, cày gẫy mũi.
(Ý nói: đất khô cứng, rất khó cày; hay là chuyện quá khó và vất vả)
Trâu ra, mạ vào.
(Mạ = cây lúa non trước khi cấy. Ý nói: vừa cày xong là cấy ngay)
Được bạn bỏ bè; được con trâu chậm chê me không cày.
(Me ở đây là con bò con theo tiếng miền Trung; như con bê theo tiếng miền Bắc)
Một con tằm cũng phải hái dâu; một con trâu cũng phải đứng đồng.
Đưa trâu, qua rào.
(Ý nói: thực hiện chuyện khó khăn, như trâu quá nặng khó qua rào được)
Thà giữ trâu đực, còn hơn ngồi chực bữa cơm. (= Người đi không bực, bằng người ngồi chực bữa cơm).
Chăn trâu không mõ khó tìm; nuôi con không địu khó cõng.
(Địu = đồ dùng bằng vải có dây đeo, để mang trẻ sau lưng)
Thứ nhất vợ dại trong nhà, thứ nhì trâu chậm thứ ba rựa cùn.
(Ý nói về 3 thứ làm bực mình khó chịu)
3) Cuộc sống tự nhiên của con Trâu cũng là đề tài sâu sắc tạo ra nhiều câu Tục ngữ:
Trâu đồng nào, ăn cỏ đồng ấy. - Trâu ta, ăn cỏ đồng ta. (= Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù địc ao nhà vẫn hơn).
Trâu mạnh trâu được, cỏ mạnh cỏ được.
(Ý nói: trong cuộc cạnh tranh sinh tồn, kẻ nào mạnh kẻ ấy thắng)
Trâu béo, kéo trâu gầy.
Trâu kén cỏ trâu gầy; trò kén thầy trò dốt.
Trâu chậm uống nước dơ, trâu ngơ ăn cỏ héo. - Trâu chậm, uống nước đục.
Trâu lấm, vẩy càn.
(Ý nói: người có khuyết điểm, có tội lỗi đỗ vấy cho người khác)
Trâu buộc, ghét trâu ăn.
(Ý nói: sự ganh tị kèn cựa)
Trâu chẳng tìm cọc, cọc lại tìm trâu. - Cọc đi tìm trâu.
(Ý nói: làm việc ngược đời, trái với lẽ thường tình)
Có ăn có chọi, mới gọi là trâu.
Hùng hục, như trâu húc mả.
Sẩy đàn, tan nghé. - Sẻ đàn, tan nghé. - Sểnh đàn, tan nghé.
(Sẻ = chia bớt san ra một phần, như san sẻ)
4) Nhiều câu Tục ngữ dùng để mô tả hình thể con Trâu với nhiều ngụ ý:
Trâu ác, thì vạc sừng. (= Ác giả, ác báo).
Gái mười bảy, bẻ gãy sừng trâu. - Mười bảy, bẻ gãy sừng trâu.
Chị em dâu, nấu đầu trâu thủng nồi.
Đàn gảy, tai trâu.
(Trong Lục Vân Tiên có câu thơ: Uổng thay đàn gảy tai trâu, Nước xao đầu vịt nghĩ lâu nực cười)
Đánh rắm, đổ cho trâu. (!)
Cứt trâu, để lâu hóa bùn. - Để lâu, cứt trâu hóa bùn. - Lâu, cứt trâu hóa bùn.
5) Cái chết của con Trâu cũng là đề tài cho nhiều câu Tục ngữ:
Trâu chết để da, người ta chết để tiếng. (= Cọp chết để da, người ta chết để tiếng).
Chết trâu, lại thêm mẻ rìu.
(Rìu để chặt trâu chết mà làm thịt, lại bị mẻ! Ý nói: hết chuyện xui nầy đến chuyện xui khác)
Trâu lành không ai mặc cả; trâu ngã lắm kẻ cầm dao. - Trâu lành không ai mừng cả, trâu ngã lắm kẻ cầm dao.
(Cầm dao để làm thịt con trâu)
Đi đến đâu, chết trâu đến đấy.
(Ý nói: người dở, đi tới đâu là hỏng việc tới đó hoặc gây ồn ào huyên náo ở đó)
Thui trâu nửa mùa, hết rơm. (- Thui chó nửa mùa, hết rơm).
(Ý nói: làm chuyện nửa chừng)
Trâu chết, chả khỏi rơm.
(Chả = chẳng. Trâu sống ăn rơm, chết thì bị thui bằng rơm)
Trâu già, chẳng nại dao phay.
Thịt trâu không tỏi, ăn gỏi không rau mơ. - Ăn thịt trâu không tỏi, ăn gỏi không lá mơ.
(Thịt trâu phải nấu với tỏi mới ngon, theo kinh nghiệm nấu nướng)
Trâu thịt thì gầy, trâu cày thì béo.
6) Ngoài con Trâu, con Bò có khi được dùng trong công việc đồng án. Có nhiều câu Tục ngữ đề cập tới cả 2 con Trâu và Bò:
Trâu ăn lúa, bò ăn mạ.
(Mạ = cây lúa non trước khi cấy. Ý nói: hai bên đều ghê gớm, chẳng bên nào vừa)
Trâu bò được ngày phá đỗ, con cháu được ngày giỗ ông.
(Ý nói: những cơ hội được tha hồ ăn uống)
Không có trâu, bắt bò đi đầm.
Trâu rét gió, bò rét mưa.
(Tả đặc tính của Trâu Bò: Trâu có thể dầm dưới nước nhưng chuồng phải kín gió; Bò thì không quen chịu nước nên phải tránh mưa ướt)
Trâu có đàn, bò có lũ.
Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết.
Bụng trâu làm sao, bụng bò làm vậy.
Máu trâu, cũng như máu bò.
Thân trâu trâu lo, thân bò bò giữ. - Việc trâu trâu lo, việc bò bò liệu.
Trâu gầy, cũng tày bò khoẻ. - Yếu trâu, hơn khoẻ bò.
Trâu ho, bằng bò rống.
Trâu mõm đen, bò lưỡi trắng. - Trâu nghiên hàm, bò bạch thiệt.
(Ý tả những loại trâu bò dở, không ra gì)
Trâu chết, bò cũng lột da. - Trâu chết, bò cũng bị lột da.
Trâu chết mặc trâu, bò chết mặc bò, củ tỏi giắt lưng. (= Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi)
(Ý nói: thái độ ích kỷ thờ ơ vô trách nhiệm không nghĩ tới ai khác)
Khấn trâu, trả lễ bò.
Trâu dắt ra, bò dắt vào.
(Ý nói: sự giàu có, sẵn trâu bò)
Trâu toi, bò ngã.
(Toi = chết, gia súc chết vì bệnh dịch. Ý nói: kẻ nầy nguy thì kẻ kia cũng khốn đốn. Nhưng cũng có Ý mô tả những thứ kém phẩm chất không có giá trị)
Trâu tỏi, bò gừng.
(Ý nói: thịt trâu và bò nấu khác nhau)
7) Những câu Tục ngữ nói về con Trâu và những con Giáp khác (và con Voi):
Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. - Chu tầm chu, mã tầm mã.
(Chu là trâu, tiếng Thanh Hóa nói trại ra)
Hỏi trâu, biết ngựa.
Bé ăn trộm gà, cả ăn trộm trâu, lâu lâu làm giặc.
Cắt cổ gà, không cần dao mổ trâu. (= Cắt cổ gà, không cần dao phay)
Đuôi trâu, không bằng đầu gà. - Đầu gà. còn hơn đuôi trâu.
(Ý nói: tuy ở chức vị thấp, nơi không được danh giá nhưng được tự do có quyền tự quyết vẫn hơn chức vụ cao, nơi làm có danh tiếng nhưng ít bổng lộc mà lại phụ thuộc vào nhiều người khác)
Lạc đường nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu.
Trâu làm bạn với trâu, chó làm bạn với chó.
Trâu teo, heo nở.
(Ý nói: thịt trâu và thịt heo khác nhau khi nấu, thịt trâu nấu thì ngót đi, thịt heo nấu dôi vì nở và không bị ngót nước)
Bắt nái lành, đánh nái to.
(Nái = súc vật cái, nuôi để cho đẻ; như lợn nái hay trâu nái)
Nhiều vốn nhiều lãi, nhiều nái nhiều đẻ.
Trâu đạp cũng chết, voi đạp cũng chết.
THI PHẨM LỤC SÚC TRANH CÔNG
1) Nội Dung
Thi phẩm Lục Súc Tranh Công được viết bằng tác giả vô danh có lẽ vào cuối thời nhà Hậu Lê hay đầu thời nhà Nguyễn (cùng thời với Truyện Kiều). Tác giả dùng văn tự Hán Nôm và từ ngữ Miền Trung.
Thi phẩm Lục Súc Tranh Công là một cách mạng văn học, khác với tất cả các bài thơ và tập thơ khác về nội dung trong văn học sử. Tác giả tả công nghiệp cực khổ của lục súc (trâu, chó, ngựa, gà, dê và heo) gíúp cho con người và bị con người ngược đãi ngay cả đến khi chết. Ý tứ còn dồi dào hơn những thơ ngụ ngôn của La Fontaine.
Đây là những đoạn tả riêng về con Trâu.
a) Công cày ruộng hằng ngày của con Trâu
Trâu mỏi nhọc, trâu liền năn-nỉ:
"Một mình trâu ghe nỗi gian-nan,
Lóng canh gà vừa mới gáy tan, (*)
Chủ đã gọi thằng chăn vội vã.
Dạy rằng: đuổi trâu ra thảo dã, (*)
Cho nó ăn ba miếng đỡ lòng.
Chưa bao lâu thoắt đã rạng-đông;
Vừa đến buổi cày-bừa bua việc. (*)
Trước cổ đã mang hai cái niệt (*)
Sau đuôi thêm kéo một cái cày;
Miệng đã dàm, mũi lại dòng dây,
Trên lưng ruồi bâu, dưới chân đỉa cắn.
Trâu mệt đà thở dài, thở vắn,
Người còn hầm hét, mắng ngược mắng xuôi.
Liệu vừa đứng bóng mới thôi,
Đói hòa mệt, bước khôn dời bước. (*)
Ai thong-thả, trâu nào ben đặng? (*)
(*) Chú thích:
Lóng = nghe; Thảo-dã = cánh đồng cỏ; Bua việc = công việc; Niệt = cái dây; Hòa = và;
Ben = bì, ví.
b) Công nghiệp của con Trâu trong nông vụ
Trâu nhọc-nhằn, ai dễ thế cho? (*)
Cày ruộng sâu, ruộng cạn cho no, (*)
Lại vườn đậu, vườn mè khiến chở
Làm không kịp thở,
Ăn không kịp nhai.
Tắm mưa, trải gió chi nài !
Đạp tuyết, giày sương bao sá !
Có trâu, sẵn tằm-tơ, lúa-má,
Không trâu, không hoa-quả, đậu mè, (*)
Lúa gặt cất lên đà có trâu xe,
Lúa chất trữ, lại để dành trâu đạp.
Từ tháng giêng cho đến tháng chạp,
Kể xuân, hè, nhẫn đến thu, đông,
(*) Chú thích:
Thế = thay, làm hộ; No = đủ; Mè = vừng.
c) Công nghiệp khác của Trâu
Việc cày-bừa, nông-vụ vừa xong,
Lại xe gỗ, dầm công liên khói, (*)
Bất luận xe rào, xe củi.
Nhẫn đến loài phân bổi, tranh che (*)
Hễ bao nhiêu nhất-thiết của chi,
Thì đã phú mặc trâu chuyên-chở. (*)
Bao quản núi non hiểm-trở?
Chi nài khe suối dầm-dề?
(*) Chú thích:
Dầm công = làm việc không nghỉ; Liên khói = luôn luôn; Nhẫn đến = cho đến, đến cả.
Bổi = cỏ rác;
Phú = phó.
d) Con Trâu bị ngược đãi khi còn sống
Cong lưng chịu việc nặng-nề,
Cay-đắng những lời dức-lác !
Ăn thì những rơm khô, cỏ rác,
Ở quản chi ràn lấm, tráp nè. (*)
Trâu dựng nên nông nọ, nỗi kia;
Trâu làm đặng căn trên, bồ dưới.
Nghĩ-suy lại công trâu cho phải,
Lẽ cho trâu thao lụa mặc dày. (*)
Không chi thì quần vải, dải gai,
Không chi thì khố lưỡi cày cũng khá (*)
Ăn cho phải những cơm với cá,
Không nữa thì rau cháo cũng nên
(*) Chú thích:
Ràn lấm = chuồng bẩn lấm;
Tráp = tàu bỏ rơm cho trâu bò ăn; Nè = cỏ rác vụn.
Căn = chỗ ngăn ra để chứa thóc lúa; Thao-lụa = tơ lụa.
Khố lưỡi-cày = thứ khố vải, một đầu vuông, một đầu chéo.
e) Con Trâu bị ngược đãi khi chết
Đến mai sau già-cả sức hèn,
Cũng bảo dưỡng bổ công lao lý. (*)
Khi mạng một chẳng đơm, chẳng tế; (*)
Lẽ "sinh cử, tử táng", mới ưng. (*)
Thủa sống đà không dạ yêu-đương,
Khi thác lại đoạn tình siêu độ. (*)
Bảo nhau sắm con dao, cái rổ,
Khiến nhau vơ mớ củi, nắm nè.
Rằng : Trâu này cốt Phật xưa kia, (*)
Phát đình liệu cho hồn thăng thiên-giái. (*)
Còn hình-tích giống chi để lại,
Người người đều bàn-bạc với nhau:
Kẻ thì rằng : Tôi lãnh cái đầu,
Người lại nói : Phần tôi cái nọng.
Kẻ giành lòng bóng ép gối mà kê, (*)
Còn sừng đem về ép thoi làm lược.
Kẻ thì chuốc hoa tai, làm bầu liều. (*)
Làm tù-và mà thổi cũng kêu,
Tiện con cờ mà đánh cũng tốt.
Kẻ thì làm cái mõ, cáo hộp,
Người lại tỉa cán quạt, cán dao.
Còn giò chia nhau,
Làm nham, làm thấu. (*)
Trâu gẫm lại là loài cầm-thú,
Phận sau chịu vậy, dám nài !
(*) Chú thích:
Bảo-dưỡng = nuôi nấng; Lao-lý = khó nhọc;
Đơm = cúng.
Sinh cử, tử táng = sống cho ở, chết đem chôn; Mới ưng = mới phải đạo.
Siêu-độ = độ cho kiếp sau được sung-sướng hơn,
Cốt Phật xưa kia = nước Thiên-trúc có loài trâu sừng nhỏ, sắc đen, mình rất cao, thịt cắt rồi lại mọc, ai uống máu nó thì sống lâu, người ta gọi là phật-ngưu. (Đường Thư).
Đình-liệu = cây đuốc to.
Lòng bóng ép gối mà kê = lấy lòng và bong bóng trâu phơi khô ép làm gối.
Bầu liều = cái bầu dùng để ao, đong.
Làm nham, làm thấu: nham, thấu = hai món đồ ăn.
f) Con Trâu kêu nài
Trâu thác đã công-nghiệp phủi rồi, (*)
Trâu sống lại kiện nài với chủ:
Không nhớ thủa bôi chuông đường hạ (*)
Ơn Tề vương vô tội kiến tha (*)
Tưởng chưng khi sức mọn tuổi già,
Cám Điền tử dạy con chớ bán. (*)
Lời cổ nhân còn dặn,
Sao ông chủ vội quên?
Chẳng nhớ câu: "Dĩ đức hành nhân". (*)
Lại lấy chữ "Báo ân dĩ oán!" (*)
Nói chi nữa cho dài chuyện-vãn ?
(*) Chú thích:
Phủi = phẩy đi, xóa đi.
Bôi chuông = theo lễ cổ, khi nào đúc xong một quả chuông thì giết trâu, lấy máu bôi vào chuông, lễ này gọi là Hấn-chung (bôi chuông).
Đường hạ = dưới thềm, dưới nhà.
Ơn Tề-vương vô tội kiến tha = Tề Tuyên-vương trông thấy người ta dắt trâu đi làm thịt để lấy máu bôi chuông, thương trâu vô tội, bèn truyền lệnh tha cho (Mạnh-tử).
Điền-tử = Điền tử Phương người đời Chiến-quốc, rất thương những trâu ngựa già,
dạy con chớ bán: Điền tử Phương thường dặn con cháu và người nhà đừng đem bán trâu và ngựa già.
Dĩ đức hành nhân = lấy điều phúc-đức để thi-hành lòng nhân.
Báo ân dĩ oán = lấy sự oán báo lại cái ân.
2) Hình Thức
a) Thơ Cổ Phong và thơ Luật
Thi phẩm Lục Súc Tranh Công làm theo thể thơ Cổ Phong.
Thi phẩm thường là tràng thiên (trên 8-12 câu) vì nó gồm có hàng trăm hay hàng ngàn câu thơ.
Từ thời nhà Hán, bắt đầu có thơ Cổ Phong bằng Hán ngữ. Bài thơ theo thể thơ Cổ Phong (của Trung Quốc):
Không có hạn định số câu và số chữ (trong một câu).
Không có luật bằng trắc, thi nhân viết làm sao mà có âm tiết đọc lên nghe hay là được.
Có vần ở cuối câu nhưng không bó buộc theo một vận và không bó buộc theo thứ tự: có thể vần theo 2 câu liên tiếp hoặc vần cách câu hoặc hỗn tạp không cần theo thứ tự.
Chúng ta thấy một số thơ của Tào Thực (nhà Hán) và Lý Bạch (nhà Đường) làm theo thể Cổ Phong.
Khi đến đời Đường Trung Tông mới có thể thơ Luật với bài thơ ngắn gồm 4 hay 8 câu, theo niêm luật bằng trắc và luật đối. Vì phát sinh từ thời nhà Đường nên thường được gọi là thể thơ Đường Luật.
Thơ Đường Luật du nhập vào nước Việt sau khi dành độc lập từ Trung Quốc và rất phổ thông từ thời nhà Lý.
Cũng từ thời nhà Lý, nước Việt có thể thơ Lục Bát và Song Thất Lục Bát làm được bài thơ tràng thiên nên được dùng trong những thi phẩm gồm có hàng trăm câu hay hàng ngàn câu. Thể thơ Hát Nói của nước Việt cũng dùng cho bài thơ tràng thiên nhưng không tiện dùng cho thi phẩm.
Những thi phẩm dùng tiếng Hán Nôm của nước Việt thường dùng thể thơ Lục Bát (như Truyện Kiều) và thể thơ Song Thất Lục Bát (như Chinh Phụ Ngâm).
Thi phẩm Lục Súc Tranh Công dùng tiếng Hán Nôm làm theo thể thơ Cổ Phong là một trường hợp hiếm.
b) Thơ Mới và thơ Cổ Phong - Luật Đổi Thanh
Vào thập niên 1930s, phong trào Thơ Mới phát sinh ở Việt Nam trong thời Pháp Thuộc chịu ảnh hưởng của thơ Âu Mỹ. Thơ Mới cũng giống như thơ Cổ Phong về hình thức.
Thơ Mới không có bắt buộc Luật Bằng Trắc nhưng các thi sĩ tài danh đều bí mật áp dụng một luật bằng trắc gọi là Luật Đổi Thanh.
Luật Đổi Thanh:
Hễ một câu thơ chia làm 2, 3 hay 4 đoạn thì những chữ cuối của mỗi đoạn phải lần lượt Bằng rồi Trắc (hay ít nhứt là Bằng ngắn) hay ngược lại.
Thí Dụ:
.....B/....T/....B/....T/
.....T/.....B/....T/....B/
(Có thể thay thế T bằng B ngắn mà thôi)
Bằng (B) là không dấu hay có dấu huyền: Bằng ngắn (B ngắn) là không dấu (Phù Bình Thanh), còn Bằng dài (B dài) là có dấu huyền (Trầm Bình Thanh).
Trắc (T) là có 1 trong những dấu sau đây: sắc, hỏi, ngã và nặng
Luật Đổi Thanh nầy được nói đến trong quyển "Thi Nhân Việt Nam" của Hoài Thanh và Hoài Chân (trang 53).
Do đó Luật Đổi Thanh là Luật Bằng Trắc theo Tiết Tấu của mỗi câu thơ.
Tiết tấu nghĩa đen là nhịp nhàng. Tiết tấu là do cách ngắt một câu thơ thành từng đoạn dài ngắn khác nhau.
Trong thơ mới, tiết tấu của mỗi câu rất tự do không bó buộc như thơ cũ (Lục Bát, ST Lục Bát, Đường Luật hay Cổ Phong).
Thí dụ (bài thơ Hổ Nhớ Rừng của Thế Lữ):
Ta sống mãi (T) / trong tình thương (B) / nỗi nhớ (T) /
Thuở tung hoành (B) / hống hách (T)/ những ngày xưa. (B) /
Nhớ cõi sơn lâm, (B) / bóng cả, (T) / cây già, (B) /
Tiếng gió gào ngàn, (B) / giọng nguồn hét núi, (T) /
Với khi thét khúc (T) / trường ca (B) / dữ dội, (T) /
Ta bước chân lên, (B) / dõng dạc, (T) / đường hoàng (B) /
Thi phẩm (Tập thơ) Lục Súc Tranh Công theo thể thơ Cổ Phong nhưng cũng áp dụng Luật Đổi Thanh do đó âm tiết rất hay:
Trâu mỏi nhọc (T) / trâu liền (B) / năn-nỉ (T) /
"Một mình trâu (B) / ghe nỗi (T) / gian-nan (B) /
Lóng canh gà (B) / vừa mới (T) / gáy tan (B) /
Chủ đã gọi (T) / thằng chăn (B) / vội vã (T) /
Dạy rằng (B dài) / đuổi trâu (B ngắn) / ra thảo dã (T) /
Cho nó ăn (B) / ba miếng (T) / đỡ lòng (B) /
Chưa bao lâu (B) / thoắt đã (T) / rạng-đông (B) /
Thi phẩm Lục Súc Tranh Công dùng vần liên tiếp như bà Hổ Nhớ Rừng.
Bài Hổ Nhớ Rừng chỉ có mấy chục câu còn tập thơ Lục Súc Tranh Công có hàng trăm câu.
THI VĂN QUỐC NGỮ
1) Chuyện Giải Buồn
Tác phẩm Chuyện Giải Buồn của Paulus Huỳnh Tịnh Của có nói tới con Trâu trong câu chuyện về Hứa Do và Sào Phủ.
Chuyện Giải Buồn viết:
Hứa Do được tiếng là người hiền, vua Nghiêu vời vào để truyền ngôi.
Hứa Do từ chối, cười mà về rồi ra suối rửa tai.
Khi đó, Sào Phủ mới dắt trâu tới suối uống nước, thấy Hứa Do rửa tai, bèn hỏi tại sao.
Hứa Do trả lời:
"Ông Nghiêu đòi tôi, biểu tôi thì làm vua."
Sào Phủ bèn dắt trâu bỏ lên trên dòng nước cho uống.
Hứa Do hỏi tại sao, Sào Phủ đáp:
"Anh rửa tai anh xuống đó tôi sợ trâu tôi uống nhằm."
Sào Phủ lại nói:
"Anh đi đâu cho người ta biết vua mà muốn nhường ngôi vua cho anh, ấy là tại bụng anh vẫn còn danh lợi."
Thời Xuân Thu có 2 học phái triết học chính là Nho Gia (của Khổng tử và Mạnh tử) và Đạo Gia (của Lão tử và Trang tử).
Nho Gia chủ trương không vì danh lợi mà vì danh nghĩa để sống trong xã hội. Đạo Gia chủ trương không vì danh lợi và danh nghĩa và muốn sống ngoài xã hội.
Con Trâu được dính liền với triết học không bị dụ dỗ vì danh (danh lợi và danh nghĩa) của Đạo Gia. Do đó mới có câu chuyện như trên.
Theo truyền thuyết, vì chán nản chính sự lúc bấy giờ nên Lão tử cỡi một con trâu đi về hướng Tây của Trung Quốc và "biến mất vào sa mạc". Khi đi ngang qua cửa ải Hàm Cốc, một người lính gác cửa thuyết phục ông viết để lại những hiểu biết của mình trước khi đi vào sa mạc. Lão tử xiêu lòng nên mới viết để lại Đạo Đức kinh (sách Lão tử), lưu truyền tới ngày nay.
2) Truyện Lục Vân Tiên
Truyện Lục Vân Tiên của Đồ Chiểu có câu thơ về Hứa Do và Sào Phủ:
Quán rằng Nghiêu Thuấn thuở xưa
Khó ngăn Sào Phủ, khôn ngừa Hứa Do.
Truyện Lục Vân Tiên cũng có câu thơ:
Uổng thay đàn gảy tai trâu,
Nước xao đầu vịt nghĩ lâu nực cười.
Câu thơ từ câu tục ngữ của nước Việt: "Đàn gảy tai trâu".
Thật ra nguồn gốc từ thành ngữ của Trung Quốc: "Đối ngưu đàn cầm". Nó lấy từ câu chuyện về Công Dương Minh trong sách Lý Hoặc Luận của Mâu Dung:
Công Minh Nghi vi ngưu đàn Thanh Giác chi tháo, phục thực như cố. Phi ngưu bất văn bất hợp kỳ nhĩ hĩ.
Dịch:
Công Minh Nghi đàn khúc Thanh Giác cho trâu nghe, trâu vẫn chăm chú ăn cỏ như cũ. Đó không phải vì trâu không nghe biết, mà vì (khúc nhạc) không thích hợp với tai trâu mà thôi.
Cuối đời Đông Hán có một học giả tên là Mâu Dung nghiên cứu Phật học nhưng mỗi khi giải thích giáo lý triết học của Phật Giáo cho các học giả Nho Gia thì ông không dùng kinh luận của Phật mà dùng kinh thư của Nho Gia để chứng minh triết học Phật Giáo. Có người hỏi tại sao thì ông đưa ra câu chuyện "Đối ngưu đàn cầm" để cắt nghĩa:
Ngày xưa có một nhạc sĩ tài danh tên là Công Minh Nghi. Một hôm ông ngồi trước một con trâu mà dạo đàn với một khúc nhạc tuyệt tác do ông soạn ra. Con Trâu chẳng thèm nhìn ông mà cứ cắm đầu ăn cỏ. Công Minh Nghi quan sát kỹ con Trâu thì ra không phải con Trâu không nghe biết tiếng đàn mà vì trâu không thích hợp với khúc nhạc dùng cho con người nên giống như nó không nghe biết. Ông hiểu rõ nguyên nhân bèn đổi khúc nhạc khác giống như tiếng ruồi muỗi vo ve. Con Trâu lập tức ngưng ăn cỏ, hai tai dựng đứng như lắng nghe và đuôi nó vẫy lên. Các học giả mới hiểu ngụ ý của Công Dương Minh.
Thành ngữ được dùng để chê người nói mà không chịu nhận xét đối tượng đang nghe mình.
Thành ngữ cũng được cắt nghĩa sâu xa: Giảng giải đạo lý cho người ngu dốt chỉ uổng phí mà thôi
ĐÀN GẢY TAI TRÂU
Nực cười đàn cứ gảy tai trâu
Mong được tiếng khen chả thấy đâu
Đàn ráng chơi hoài càng lạc nhịp
Trâu lành nghe riết hết phờ râu
Dẫu cho nghịch nhĩ quen phồng mũi (*)
Thêm có danh ngôn chỉ lắc đầu
Dòng dõi lão ngưu theo Lão Tử (*)
Vô vi Đạo Đức ngộ từ lâu.
(Phan Thượng Hải)
9/12/16
(*) Chú thích:
Nở mũi bự như lỗ mũi Trâu.
Lão Tử cỡi Trâu viết Đạo Đức Kinh chủ thuyết Vô Vi sáng lập Lão Giáo (tu tiên).
NGUỒN GỐC SÀI GÒN CHỢ LỚN
Nguồn gốc Sài Gòn và Chợ Lớn bắt đầu từ năm 1632. Từ đó có những địa danh Sài Gòn, Sài Côn, Bến Nghé, Ngưu Chử, Đề Ngạn, Chợ Lớn và Tây Cống cho đến khi Thực Dân Pháp chính thức lập ra Thành phố Sài Gòn và Thành phố Chợ Lớn (Ville de Saigon et Ville de Cholon) vào năm 1865. Đây là những diễn tiến thành hình Sài Gòn và Chợ Lớn từ năm 1632 cho tới năm 1865.
1) Sài Gòn và Bến Nghé
Năm 1632, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (con của Chúa Nguyễn Hoàng) cử sứ thần sang gặp vua Chân Lạp xin đặt 2 trạm thu thuế ở Prei Nokor và Kras Krabei. Prei Nokor và Kras Krabei là địa danh tiếng Miên (Chân Lạp). Từ đó có người Việt vào sinh sống ở 2 nơi nầy. Từ 2 địa danh tiếng Miên nầy có 2 địa danh tiếng Việt là Sài Gòn và Bến Nghé.
Prei Nokor (mượn từ tiếng Phạn là Brai Nagara) có nghĩa là "Thị trấn trong Rừng".
Prei = Brai = Rừng và Nokor = Nagara= Thị trấn, thành phố.
Lần lần Prei Nokor đọc trại thành tiếng Việt (tiếng Nôm) là Sài Gòn.
Trước khi có chữ Quốc Ngữ, vì không có chữ Nôm viết cho tiếng Nôm "Gòn" nên văn kiện nước Việt lúc bấy giờ viết thế bằng chữ Hán là "Côn". Do đó Sài Gòn viết là Sài Côn nhưng địa danh Sài Gòn được người Việt đến định cư dùng trong tiếng Việt (tiếng Nôm hay tiếng Nam). Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn viết: "Năm 1674, Thống suất Nguyễn Dương Lâm đánh Cao Miên phá lũy Sài Côn". Chữ "Sài Côn" xuất hiện vào năm 1674, tiếng "Sài Gòn" có lẽ có trước đó. Các giáo sĩ Tây Phương đã viết (theo mẫu tự La Tinh) chữ "Saigon" từ thế kỷ 18.
Có giả thuyết khác cho rằng địa danh Sài Gòn không phải là dịch âm từ tiếng Miên "Prei Nokor" mà do người Việt đặt cho theo đúng địa lý của nơi nầy là có nhiều cây (bông) gòn. Sài=củi và Gòn=cây bông gòn (Hán ngữ là Côn). Thuyết nầy không có lý lắm vì 150 năm về trước, Petrus Ký cũng không thấy di tích của cây gòn ở vùng nầy.
Có giả thuyết của Thái Văn Kiểm thì vùng nầy có 2 tên Cao Miên: Prei Nokor (có nghĩa là Rừng của Vua) hoặc Prei Kor (có nghĩa là Rừng cây Gòn). Tên Sài Gòn (có nghĩa là Củi Gòn) là dịch nghĩa một cách nôm na của Prei Kor. Tuy nhiên tên "Prei Kor" chỉ có từ Thái Văn Kiểm và vùng nầy không để lại di tích cây gòn.
Sài Gòn (Prei Nokor) ở Quận 5 bây giờ.
Kras Krabei có nghĩa là "Bến có con trâu". Do đó nó được dịch nghĩa ra là Bến Nghé (Nghé=Trâu, trâu con). Có sách còn viết là Kompong Krabey hay Kâmpóng Krâbei với cùng một nghĩa. Theo Hán ngữ thì Bến Nghé (tiếng Nôm) là Ngưu Chử.
Bến Nghé theo Trịnh Hoài Đức là bến uống nước của trâu con. Nhưng theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì nơi nầy có nhiều cá sấu (tiếng Miên gọi là Krapoe), chúng thường kêu "nghé" nên gọi là Bến Nghé. Trịnh Hoài Đức dịch Bến Nghé là Ngưu Tân.
Bến Nghé (Kras Krabei) ở Quận 1 bây giờ, phần giáp với rạch Bến Nghé (ở phía Nam).
Địa danh Bến Nghé có cùng thời với địa danh Sài Gòn khi có người Việt tới định cư ở 2 nơi nầy vào thế kỷ 17. Dĩ nhiên Bến Nghé là tiếng Nôm nên văn kiện viết thành chữ Hán là Ngưu Chử hay Ngưu Tân.
Trịnh Hoài Đức có làm bài thơ "Ngưu Tân Ngư Địch" trong 30 chục bài tả "Gia Định Tam Thập Cảnh".
NGƯU TÂN NGƯ ĐỊCH TIẾNG SÁO CHÀI Ở BẾN NGHÉ
Lậu trích tiền lâu ngọc lộ đoàn Giọt ngọc đồng hồ rỏ trước lầu
Du dương ngư địch nhiễu vân đoan Sáo chài dìu dặt luyến mây cao
Phong xuy dương liễu Tam Giang tĩnh (*) Gió đùa dương liễu, sông êm lặng
Nguyệt bính mai hoa ngũ dạ hàn Trăng chiếu hoa mai, đêm lạnh sao
Điệu cấp hoạn tình tăng khảng khái Điệu gấp tình ta thêm khảng khái
Thanh thê lữ mộng kỷ bàn hoàn Tiếng buồn mộng khách khiến nao nao
Tên ba đam đãng long ngâm yết Nhạt màu khói sóng, rồng ngâm dứt
Trường chiếm thu tiêu hạ điếu can. Chiếm cả đêm thu, cần thả câu.
(Trịnh Hoài Đức) (Hoài Anh dịch)
(*) Chú thích: Tam giang = chỗ ngã Ba sông ở Nhà Bè. Sông Phước Long (Đồng Nai) từ Bắc chảy xuống. Sông Tân Bình (Bến Nghé) từ Nam chảy ra. Hai sông hợp lại thành sông Phước Bình chảy ra cửa Cần Giờ.
Năm 1698, Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh đến Cù lao Phố lập Dinh Trấn Biên (sau nầy là tỉnh Biên Hòa) và Dinh Phiên Trấn (sau nầy là tỉnh Gia Định) thì Bến Nghé là thủ phủ của Dinh Phiên Trấn. Năm 1790, Nguyễn Vương Phúc Ánh xây thành Gia Định ở Bắc Bến Nghé gọi là Thành Qui. Sau loạn Lê Văn Khôi (1832), vua Minh Mạng san bằng Thành Qui và xây Thành Phụng nhỏ hơn cũng ở đây. Sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ thì phá Thành Phụng chỉ còn 1 cái đồn nhỏ là chỗ Nhà thương Đồn Đất (của Pháp) sau nầy.
(Sài Gòn và Bến Nghé, có thành Qui - Bản đồ của Trần Văn Học vào năm 1815)
2) Đề Ngạn, Chợ Lớn và Tây Cống
Năm 1778, người Hoa từ Biên Hòa (Trấn Biên) tránh quân Tây Sơn di cư về Sài Gòn (Prei Nokor). Nơi đây trước đó đã có làng Minh Hương của người Hoa. Người Tiều (Triều Châu) âm tiếng "Sài Gòn" theo tiếng Tiều thành "Tai Ngon hay Tin Gan", còn người Quảng lại âm theo tiếng Quảng là "Thầy Ngồn hay Thì Ngòn" và viết chữ Hán đọc thành Hán ngữ là "Đề Ngạn". Đề Ngạn có nghĩa theo tiếng Việt là Bờ Đê. Người Hoa không có đắp đê nào ở đây!
Do đó địa danh tiếng Việt "Sài Gòn" là từ tiếng Miên còn những tiếng Tàu kể trên có sau tiếng Việt "Sài Gòn". Từ ngữ "Đề Ngạn" có sau từ ngữ "Sài Gòn" do đó không phải là nguồn gốc của địa danh Sài Gòn.
Người Hoa xây chợ ở Sài Gòn (Prei Nokor) thành 2 Chợ. Để phân biệt nên có tên Chợ Lớn (hơn) và Chợ Nhỏ (hơn).
Chợ Lớn nầy bây giờ ở khu vực Bưu điện Chợ Lớn kéo dài tới Đại Thế Giới. Theo Thái Văn Kiểm, Chợ Lớn nầy lập song song với Chợ Nhỏ, còn tồn tại tới thời VNCH với tên là Chợ Thiếc ở phía trường đua Phú Thọ.
Về sau Chợ Lớn (Cũ) nầy được dời tới Chợ Lớn Mới gọi là Chợ Bình Tây do nhà đại phú Quách Đàm xây tặng. Tượng họ Quách còn ở giữa đình chợ Bình Tây. Do đó về sau có phân biệt Chợ Lớn Cũ (ở Quận 5) và Chợ Lớn Mới (ở Quận 6).
Có người không đồng ý với Thái Văn Kiểm, cho rằng Chợ Nhỏ không phải là Chợ Thiếc mà là Chợ Tân Kiểng (lập năm 1748) vì ở làng Tân Kiểng. Sau đó làng Tân Kiểng hợp với 2 làng Nhơn Ngãi và Bình Yên thành khu vực Chợ Quán thì chợ nầy chính là Chợ Quán (nay là ở phường 22, Quận 5).
Người Hoa ở Chợ Lớn hay dùng tiếng Tàu là "Xây Coón hay Xi Coón" để gọi người Việt ở Chợ Bến Thành (thuộc Bến Nghé) mà Hán ngữ là Tây Cống. Tây Cống không là nguồn gốc của địa danh Sài Gòn. Có giả thuyết hơi mơ hồ cho rằng Tây Cống nghĩa là nơi mà người Chân Lạp miền Tây đem phẩm vật cống hiến cho chính phủ ta.
3) Thành phố Sài Gòn và Thành phố Chợ Lớn
Năm 1861, sau khi chiếm Nam Kỳ, Phó Đô Đốc Charner thành lập và định giới Ville De Saigon gồm cả 2 khu Sài Gòn (Prei Nokor) và Bến Nghé (Kras Krabei).
(Thành phố Sài Gòn và thành phố Chợ Lớn lúc ban đầu, năm 1865)
Năm 1865, Quyền Thống Đốc Nam Kỳ là Đô Đốc Pierre Rose qui định Ville De Saigon là khu Bến Nghé (Kras Krabei) và chính thức lập Ville De Cholon là khu Sài Gòn (Prei Nokor). Người Việt bắt đầu có chữ Quốc Ngữ nên viết đúng tiếng Việt của Saigon là Sài Gòn và của Cholon là Chợ Lớn.
Như vậy từ đó tới ngày nay địa danh Sài Gòn dùng cho khu Bến Nghé cũ (Kras Krabei) và địa danh Chợ Lớn dùng cho khu Sài Gòn cũ (Prei Nokor) tại vì lỗi lầm của Thực Dân Pháp!
Khi chánh thức được thành lập (1865):
Thành phố Chợ Lớn (Ville de Cholon) ở giữa: đ. Hồng Bàng, đ. Tổng Đốc Phương, phía dưới đ. Đồng Khánh, đ. Nguyễn Tri Phương và phía trên bến Hàm Tử. Nó là từ khu Sài Gòn cũ (Prei Nokor).
Thành phố Sài Gòn (Ville de Saigon) ở giữa: đ. Hồng Thập Tự, đ. Nguyễn Thái Học, rạch Bến Nghé (bến Chương Dương), sông Sài Gòn (bến Bạch Đằng) và rạch Thị Nghè. Nó là từ khu Bến Nghé cũ (Kras Krabei).
Lần lần 2 thành phố dính liền nhau và lan rộng thành ra Sài Gòn ngày nay.
Thi sĩ Lê Quang Chiểu tả Sài Gòn vào đầu thế kỷ 20.
ĐI CHƠI SÀI GÒN
Lên chơi Bến Nghé bấy nhiêu ngày
Xe ngựa chen đời, bụi cát bay
Phong cảnh đã dời thành quách cũ
Lâu đài lại đổi sắc trang rày
Sớm vô Chợ Lớn dầu thong thả
Chiều lại nhà hàng mặc tỉnh say
Mới biết Nam Kỳ là chỗ hội
Quan quân rậm rựt tối như ngày.
(Lê Quang Chiểu)
Ngày nay tác giả họa bài Thăng Long Hoài Cổ của Bà Huyện Thanh Quan để hoài cảm Sài Gòn vào đầu thế kỷ 21.
SÀI GÒN HOÀI CẢM
Địa danh sống mãi ở tình trường
Bốn chục năm qua trải gió sương
Đã hết êm đềm thời lộng nguyệt
Lại thêm hỗn độn dưới tà dương
Sài Gòn hoa lệ tràn nhung nhớ
Hòn Ngọc Viễn Đông vợi tiếc thương
Cách mặt đau lòng không đổi dạ
Hương xưa hoài cảm tự can trường.
(Phan Thượng Hải)
Năm 2015
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Bài viết nầy đăng lần đầu tiên trong phanthuonghai.com mục Văn Hóa phần Học Thuật.
Tài liệu tham khảo:
- Tục Ngữ
1) Tục Ngữ Sưu Tập và Lược Giải (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
2) Đại Từ Điển Tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên).
3) Tục Ngữ Lược Giải quyển I, II, và III (Lê Văn Hoè).
4) Việt Nam Ca Dao Tục Ngữ Góp Nhặt tập I và II (Phan Thị Túy Sen và Nguyễn Thị Ngọc Liên).
5) Tục Ngữ Ca Dao Việt Nam (Mã Giang Lân).
6) Tây Hồ và Santé Thi Tập (Tây Hồ Phan Châu Trinh)
7) Trâu (Google Wikipedia)
- Lục Súc Tranh Công
8) Lục Súc Tranh Công (Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ)
9) Luật Đổi Thanh Trong Thơ Mới (Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
- Thi Văn Quốc Ngữ
10) Từ Điển Thành Ngữ Trung Quốc (Nguyễn Tôn Nhan)
11) Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu)
12) Chuyện Giải Buồn (Paulus Huỳnh Tịnh Của)
13) Triết Lý Lão Tử Và Trang Tử (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
- Nguồn Gốc Sài Gòn Chợ Lớn
14) Nguồn Gốc Sài Gòn Chợ Lớn (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
15) Địa Danh Sài Gòn Gia Định (Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
16) Đất Việt Trời Nam (Thái Văn Kiểm)
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền



BĂNG TUYẾT Ở TEXAS
Trời bày băng tuyết giá trần ai
Thương bạn đầu năm phải họa tai
Tuyết tạo cơ hàn bao thống khổ
Băng hư sự sản lắm hao tài
Người nơi Texas lâm nguy khốn
Kẻ ở Cali động cảm hoài
Khuyên bạn giờ đây nên bảo trọng
Tương lai gầy dựng chớ bi ai.
(Phan Thượng Hải)
2/19/21
CHUYỆN ÔNG TÁO TRONG THI VĂN VIỆT NAM
(Bs Phan Thượng Hải biên soạn)

ÔNG TÁO CŨ
Lúc mới ai ai cũng kiến dè
Cũ rồi lại bỏ góc gò tre
Giơ lưng nắng nứt bày da trấu
Nhóc mỏ mưa chan rã xíu bè
Lớn nhỏ ngửa nghiêng heo ủi vũng
Vụn vằn lục cục chuột đào khe
Tánh linh hư hát còn roi dấu
Trẻ đái không kiêng quở kiếm chè.
(Vô Danh Thị)
*
Trong thời Pháp Thuộc, ông Phan Văn Trị đã dùng Ông Táo (= Hỏa lò) để ám chỉ người ra làm quan với Thực dân Pháp (như là những người bợ đít chão nồi).
ÔNG TÁO
Vốn là cục đất phải là chi
Ông Táo danh xưng tự thuở ni
Lỏng khỏng cõng nồi da mốc thích
Lum khum đội chảo mặt đen sì
Cháy da với chủ đà ghe thuở
Phỏng trán cùng dân đã mấy khi
Sau trước họ hàng chưa rõ đặng
Ba đầu chụm lại giống đi gì?
(Phan Văn Trị)
Để tả đường hoạn lộ của ông Phạm Quỳnh, ông chủ báo Tiếng Dân ở Huế là Huỳnh Thúc Khág có bài thơ với cùng ngụ ý như ông Phan Văn Trị:
ÔNG TÁO
Cục đất ngày xưa có thế nào
Ngày nay ông Táo chức quyền cao
Khéo mang mặt lọ vênh vang thế
Chẳng hổ lưng còng khúm núm sao
Ba bữa giữ ngày cho địa chủ
Quanh năm kiếm chuyện mách thiên tào
Một mai đất lại hoàn ra đất
Cái đẫy xôi chè đáng giá bao.
(Huỳnh Thúc Kháng)
Ảnh hưởng của Trung Quốc
* Táo Quân (Táo Vương)
Đạo Giáo xuất hiện ở Trung Quốc vào thời nhà Hán chắc chắn là vào thời Đông Hán (bắt đầu từ thế kỷ thứ 1 sau CN). Theo Đạo Giáo, con người chết có thể thành Thần (do Ngọc Hoàng Thượng Đế phong cho). Câu chuyện của Ông Táo (hay Táo Quân) hoàn toàn từ Đạo Giáo.
Tại Trung Quốc cũng có 3 câu chuyện truyền khẩu về sự tích của Ông Táo gần giống như câu chuyện của Toan Ánh (và thường dùng từ ngữ "Táo Vương" cho Táo Quân với cùng một nghĩa là Vua Bếp):
Từ Sơn Đông: chuyện của 2 vợ chồng Trương Lang và Quách Đình Hương.
Từ Phước Kiến: chuyện của Trương Định Phúc và vợ.
Từ lưu vực sông Trường Giang: chuyện 2 vợ chồng Lý Hồi Tâm và Vương Huệ Mẫn.
Học giả Trịnh Huyền vào thời Đông Hán viết rằng Táo Quân là từ Tô Cát Lợi và vợ là Vương Bác Giáp.
Tuy nhiên trong tất cả những câu chuyện về Táo Quân của Trung Quốc chỉ nói tới 2 nhân vật (2 vợ chồng ngay từ lúc đầu) nhưng không có 3 nhân vật như chuyện của nước Việt.
Từ Trịnh Huyền, chúng ta biết được rằng chuyện về sự tích Táo Quân của Trung Quốc có thể bắt đầu từ nhà Đông Hán (bắt đầu từ thế kỷ thứ 1). Truyền thống Táo Quân có thể truyền sang nước ta trong thời Bắc Thuộc (thế kỷ thứ 2 tr CN cho tới thế kỷ thứ 10)
* Táo Thần
Trước Táo Quân đã có Táo Thần là Thần Bếp được con người tôn thờ từ thời nhà Chu (thế kỷ thứ 11 tr CN đến thế kỷ thứ 3 tr CN). Tuy nhiên trong thời "Bách gia chư tử" nầy chỉ có thờ cúng thần linh nhưng không có quan niệm siêu hình phức tạp như tôn giáo (Đạo Giáo hay Phật Giáo) với sự liên hệ giữa con người và thần linh.
Theo nghi thức của triều đình nhà Chu, lễ cúng Lạp tế vào cuối năm là phải cúng Tiên tổ Ngũ tự mà Táo Thần là 1 trong Ngũ tự. Ngũ tự là cúng tế 5 vị Thần là: Môn (cổng, cửa), Hộ (cửa 1 cánh), Trung lựu (phòng giữa), Táo (bếp) và Hành (đường đi). Lễ cúng 5 vị Thần chỉ dành riêng cho triều đình chứ không được có trong dân gian.
Từ Hậu Hán Thư (viết về đời nhà Tây Hán, bắt đầu vào thế kỷ thứ 3 tr CN), Táo Thần được thờ trong nhân gian trong câu chuyện về Âm Tử Phương.
Hậu Hán Thư viết:
Ban đầu, họ Âm truyền từ nhiều đời tế tự Quản Trọng (người của thời nhà Đông Chu), gọi là Tướng quân. Đến thời Hán Tuyên Đế, Âm Tử Phương của họ Âm là người nhân từ. Vào ngày Lạp (mồng 8 tháng Chạp) đang khi nấu bếp lúc sáng sớm thì Táo Thần hiện hình ra. Âm Tử Phương tế tự bằng thịt dê vàng. Từ đó ông trở nên giàu có thành đại phú gia, ruộng có hơn 700 mẫu, có nhiều xe ngựa và nô bộc. Đến 3 đời sau vẫn còn thịnh vượng do đó đều cúng tế Táo Thần vào ngày Lạp, dùng dê vàng.
Từ Đạo Giáo vào đời nhà Đông Hán (bắt đầu từ thế kỷ thứ 1), Táo Thần thành Táo Quân (Táo Vương) với những sự tích Táo Quân từ con người.
* Táo Quân về chầu Trời
Các sách Phong thổ chí ghi chép phong tục thờ cúng Táo Quân vào đời Đường và Tống gần giống ngày nay.
Vào đời nhà Đường, có lễ cúng đưa tiễn Táo Quân về chầu Trời vào đêm cuối năm. Có cúng "Táo mã" để Táo quân cưỡi về Trời.
Đến đời nhà Tống, ngày cúng tiễn Táo Quân về chầu Trời là ngày 24 tháng Chạp. Đó là ngày giao niên giữa năm mới và năm cũ.
Từ nhà Đường và nhà Tống, qua nhà Minh, nhà Thanh và thời Dân Quốc cho tới ngày nay, Trung Quốc cũng có thờ Táo Quân (Táo Vương) và cũng có về Trời vào lúc cuối năm.
Tuy nhiên, người Tàu không dùng từ ngữ Táo Quân (hay Táo Vương) đồng nghĩa với Hỏa lò như người Việt.
* Tống Táo thi
Học giả Đỗ Chiêu Đức có tìm và dịch những bài thơ Hán ngữ tiễn Ông Táo về Trời, với 2 bài là chắc chắn của người Trung Quốc (La Ẩn và Lã Mông Chính).
TỐNG TÁO THI THƠ TIỄN ÔNG TÁO
Bạch nha đường bỉnh tiễn hành tung Mạch nha kẹo bánh tiễn chân ông
Bái chúc dương si thả tác lung Lên đó giả ngây giả điếc giùm
Chỉ hữu nhất ban ưng khai khẩu Chỉ có một điều nên mở miệng
Phiền quân báo ngã nhất niên cùng. Rằng ta nghèo suốt một năm ròng!
(Vô Danh thị) (Đỗ Chiêu Đức dịch)
TỐNG TÁO THI THƠ TIỄN ÔNG TÁO
Nhất trản thanh trà nhất lũ yên Một chén trà thơm làn khói nhẹ
Táo quân hoàng đế thượng tranh thiên. Chầu Trời Vua Bếp đến cửa thiên
Ngọc Hoàng nhược vấn nhân gian sự. Ngọc Hoàng nếu hỏi nhơn gian sự
Vị đạo văn chương bất trị tiền. Hãy đáp văn chương chẳng đáng tiền.
(La Ẩn) (Đỗ Chiêu Đức dịch)
833-909
Bài thơ của La Ẩn đời Đường được Lã Mông Chính đời Tống mượn 2 câu cuối:
TỐNG TÁO THI THƠ TIỄN ÔNG TÁO
Nhất trụ thanh hương nhất lũ yên Một nén nhang thanh làn khói nhẹ
Táo quân kim nhật thướng triều thiên Chầu Trời tiễn Táo đến cửa thiên
Ngọc Hoàng nhược vấn nhân gian sự. Ngọc Hoàng nếu hỏi nhơn gian sự
Vị đạo văn chương bất trị tiền. Hãy đáp văn chương chẳng đáng tiền.
(Lữ Mông Chính) (Đỗ Chiêu Đức dịch)
946-1011
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Bài viết nầy đăng lần đầu trong phanthuonghai.com mục Văn Hóa phần Học Thuật.
Tài Liệu Tham Khảo:
1) Thơ Quốc Ngữ Nam Kỳ Lục Tỉnh (Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
2) Tục Ngữ Sưu Tầm và Lược Giải (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
3) Tín Ngưỡng Việt Nam (Toan Ánh)
4) Nghi Thức và Lễ Bái của Việt Nam (Sơn Nam)
5) Tống Táo Thi (Đỗ Chiêu Đức)
6) Ông Táo (Wikipedia)
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
_______________________
MÓN ĂN NGÀY TẾT
(Bs Phan Thượng Hải)








Bánh tét Thịt kho trứng Tôm khô củ kiệu Canh khổ qua
Canh măng Mứt dừa Chả giò Gỏi gà xé phay
Ảnh từ internet
Trong ba ngày Tết, mọi người đều "Ăn Tết" với nhiều món ăn tiêu biểu và đặc biệt cho ngày Tết. Những món ăn ngày Tết cũng là những đề tài văn thơ và câu đối trong văn học Việt Nam.
Bốn nghìn lần: Xuân Hạ Thu Đông, vạn vật lanh quanh vòng lẩn quần
Ba ngày Tết: xôi chè rượu thịt, tứ dân hì hục chén no nê
ĂN TẾT
Hoa quả giò nem với bánh chưng
Bàn thờ chật nứt tổ tiên mừng
Khói hương nghi ngút người đương lễ
Mâm cổ linh đình chủ đã bưng
Chỉ cuộc rượu chè mà bộn rộn
Riêng lời chúc tụng chỉ tưng bừng
Vui chơi cho bỏ khi nào nhỉ?
Chạy vạy đã còng cả sống lưng. (*)
(Vân Hạc Lê Văn Hoè)
(*) Chạy vạy=Xoay xở nhiều cách, vất vả để lo liệu (việc gì).
ĐẠI CƯƠNG
Món ăn ngày Tết có khác nhau tùy theo địa phương.
Món ăn tiêu biểu ở miền Bắc là Bánh Chưng, Thịt (Mỡ) Đông, Dưa Hành và Giò Lụa. Ngoài ra cũng có những món đặc biệt như: Giò Thủ, Gà luộc, Canh Măng, Bóng Bì, Chân Giò nấu nấm hương, Miến Lòng Gà, Nộm và Xôi gấc.
Món ăn tiêu biểu ở miền Nam là Bánh Tét, Thịt kho Nước Dừa, Dưa Giá, Củ Kiệu và Tôm khô. Ngoài ra cũng có những món khác, thông thường, nhưng cũng được thết đãi trong ngày Tết như Chả Giò, Gỏi cuốn, Nem (Nem chua), Lạp Xưởng và Bì.
Món ăn đặc biệt riêng cho người miền Trung là Canh Khổ Qua và Tré. Ngoài ra cũng có những món khác như Thịt Heo quay, Cá Rô chiên và Xôi.
Dưa Hấu là món trái cây tiêu biểu trong ngày Tết của miền Nam. Từ Dưa Hấu sinh ra món Hạt Dưa cũng phổ thông trong 3 ngày Tết.
Bánh Chưng (từ người Bắc) và Bánh Tét (từ người Nam) là 2 loại Bánh tiêu biểu của những ngày Tết.
Những loại Mứt thông thường trong ngày Tết là Mứt Hạt Sen, Mứt Bí, Mứt Dừa và Mứt Gừng.
Báo Văn Hóa Ngày Nay của Văn sĩ Nhất Linh thời Đệ Nhất Cộng Hòa có những câu đối về món ăn ngày Tết thay đổi từ Bắc vô Nam.
Câu đối của người Bắc:
Nêu cao pháo nổ bánh chưng xanh
Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Câu đối của người Bắc sau khi di cư vào Nam năm 1954:
Cột (đèn) cao xe nổ tiêu tiền xanh
Củ kiệu tôm khô dưa hấu đỏ
TẾT ĐẾN
Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo
Tiền bạc trong kho chửa lỉnh tiêu
Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy
Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu
Bánh chưng sắp gói, e nồm chảy
Giò lụa toan làm, sợ nắng thiu
Thôi thế thì thôi dành Tết khác
Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo.
(Trần Tế Xương)
GIÒ LỤA
Giò Lụa (tiếng Bắc) và Chả Lụa (tiếng Nam): món ăn làm bằng thịt heo, gói lá chuối.
Giò Lụa là món ăn đặc biệt riêng của người Việt. Nguyễn Tuân trong "Tùy Bút" có viết:
Hình như Giò Lụa là một tiết mục độc đáo chỉ ta mới có, chỉ người Việt Nam ta mới nghĩ
ra và làm ra mà thôi (tôi thành thật rất mong một bạn bác học nào dẫn chứng và chỉ cho tôi thấy
thêm là ngoài cõi Việt Nam, Giò còn thấy ở vùng nào xứ nào nữa kia). Tại sao lại có cái anh
Việt Nam nghĩ ra món Giò.
Giò Lụa thường ăn chung với: Bánh giầy, Bánh cuốn, Bánh Giò, Xôi hay Cơm...
Từ Giò Lụa hay Chả Lụa có những món ăn khác:
(chưng hấp): Chả Bì (Tré), Chả Bò (làm bằng thịt bò), Chả Huế (có tiêu hột)
(chiên): Chả Chiên, Chả Quế (có thêm quế=cinamon)
Giò Thủ, khác Giò Lụa, lấy từ thịt nấu đông của phần đầu của con lợn. Có từ nhiều quốc gia,
Giò Thủ theo tiếng Anh là Head Cheese hay Brawn.
BÁNH CHƯNG
Nguồn gốc của Bánh Chưng được ghi trong Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Phát viết vào
thời nhà Trần, được Vũ Quỳnh hiệu đính vào thời nhà Hậu Lê và Lê Hữu Mục dịch ra chữ Quốc
ngữ.
Dưới đây là nguyên văn trích trong Lĩnh Nam Chích Quái:
TRUYỆN BÁNH CHƯNG
Sau khi Hùng Vương đã phá giặc Ân rồi, trong nước thái bình mới lo việc truyền ngôi cho con,
hội 22 vị Công tử lại mà bảo rằng:
Ta muốn truyền ngôi cho đứa nào làm vừa lòng ta là đến kỳ cuối năm biết đem trân am
mỹ vị đến dâng cúng Tiên vương để tròn đạo hiếu thì ta sẽ truyền ngôi cho.
Các công tử lo đi tìm các trân kỳ, hoặc săn bắn, hoặc chài lưới, hoặc mua ở chợ, vụ được nhiều
của ngon vật lạ không biết bao nhiêu mà kể. Duy có Công tử thứ chín tên là Lang Liệu, bà mẹ
hàn vi đã lâm bệnh mà quá cố, tả hữu lại ít người nên khó bề toan tính, ngày đêm thao thức ăn
ngủ không yên.
Hốt nhiên mộng thấy thần nhân bảo rằng:
Trong trời đất không có gì quí bằng gạo, vì gạo là của để nuôi dân, người ta ăn mãi
không chán, không có vật gì đứng trước được; nếu lấy gạo nếp, hoặc gói làm hình tròn để tượng
trời, hoặc gói làm hình vuông để tượng đất, ở trong làm nhân cho thật ngon, bắt chước hình
trạng trời đất bao hàm vạn vật, ngụ ý cái ơn trời đất phát dục vạn vật, như thế thì lòng cha sẽ
vui, tôn vị chắc được.
Lang Liệu mới lựa hột nếp nào trắng tinh, hoàn toàn không sức mẻ thì đem vút đi, để cho ráo rồi
lấy lá chuối gói thành hình vuông, bỏ nhân ngon vào giữa, đem nấu đi cho chín, gọi là bánh
chưng. Lại lấy nếp nấu xôi đem quết cho thực nhuyễn, nắn làm hình tròn để tượng hình trời, gọi
là bánh dày.
Đúng kỳ Vương hội các con lại trưng bày phẩm vật; các con đem dâng không thiếu thứ gì, duy
chỉ có Lang Liệu đem bánh tròn, bánh vuông đến dâng. Hùng Vương lấy làm lạ hỏi Lang Liệu.
Lang Liệu trình bày như lời thần nhân đã bảo. Vương thân hành nếm thử thì thấy vị ngon vừa
miệng ăn không chán, phẩm vật của các công tử khác không sao hơn được. Vương khen ngợi
giây lát, rồi cho Lang Liệu được giải nhất.
Năm hết, Vương dùng bánh ấy dâng tiên miếu và cung phụng cha mẹ, thiên hạ bắt chước truyền
đến bây giờ, lấy tên của Lang Liệu để gọi là Tiết Liệu.
Hùng Vương truyền ngôi cho Lang Liệu; 21 anh em đều giữ các phiên trấn, lập thành bộ đảng,
cứ thủ núi sông để làm hiểm cố.
Về sau họ hằng tranh nhau làm trưởng, mỗi người dựng mộc sách để che kín bởi vậy gọi là sách,
là trại, là trang, là phường khởi thủy từ đấy.
CẢNH TẾT
Ai dám chê ta Tết nhất nghèo
Nghèo mà lịch sự đố ai theo
Bánh chưng chất chặt chừng ba chiếc
Rượu thuốc ngâm đầy độ nửa siêu
Trừ tịch kêu vang ba tiếng pháo
Nguyên tiêu cao ngất một gang nêu
Ai xuân ta cũng chơi xuân với
Chung đỉnh ơn vua ngày tháng nhiều.
(Nguyễn Công Trứ)
Từ Bánh Chưng có những câu đố trong dân gian:
Nhà xanh lại đánh đổ xanh
Giữa đỗ giồng hành, thả lợn vào trong
Cây xanh mà giồng đỗ xanh
Giồng đậu giồng hành lại thả lợn vô
Một thửa đất vuông bốn phía xây thành
Xung quanh giồng chuối, giữa tỉa đậu trồng hành
Ngoài thành trồng giang
BÁNH TÉT
Hình như Bánh Tét ra đời ở Nam Hà là chịu ảnh hưởng của người Chiêm Thành, hình tượng hóa
Linga của người Chàm.
Tương truyền vào Tết năm Kỷ Dậu 1789, trước khi tấn công quân xâm lược Tàu, vua Quang
Trung cho quân sĩ ăn Tết trước. Có 1 người lính được vợ gởi cho 1 món bánh làm từ gạo nếp
với nhân đậu xanh, giống như bánh tét ngày nay. Anh lính nầy đem bánh mời vua Quang Trung.
Vua ăn thấy ngon và được biết từ vợ của anh đã thường gởi cho trong khi trong quân đội. Vua
cảm động từ đó ra lệnh cho dân chúng gói loại bánh nầy để ăn trong dịp Tết và đặt tên là Bánh
Tết. Lâu ngày tên bánh thành Bánh Tét.
Theo ông Lê Tân trong bài "Bánh Tét Trà Vinh" thì bánh tét tuy được làm và ăn quanh năm
nhưng thường nhất trong dịp những lễ hội, đặc biệt là ngày Tết. Do đó bánh được gọi là Bánh
Tết và dần dần đọc trại là Bánh Tét. Tên "tét" xuất xứ từ cách cắt bánh nầy gọi là "tét": tay phải
cầm đầu dây khoanh tròn đòn bánh đã lột vỏ, "tét" từng khoanh một đơm lên dĩa.
Bánh Tét ở miền Nam và miền Trung giống Bánh Chưng ở miền Bắc về nguyên liệu và cách nấu
chỉ khác về hình dạng và dùng lá chuối để gói bánh thay vì lá dong (như Bánh Chưng). Bánh
Tét cũng được dùng để ăn Tết như bánh chưng tuy nó được làm và bán quanh năm.
Từ Bánh tét có câu đố:
Vườn xanh lại đóng khố xanh
Xung quanh trồng hành giữa thả lợn vô
THỊT KHO NƯỚC DỪA
Thịt kho đặc biệt có trứng và nước dừa. Có tên là Thịt Kho Tàu nhưng không thấy trong món ăn
của người Tàu. Khi bàn về các địa danh Nam Kỳ có từ ngữ "tàu" như Cái Tàu Thượng hay Cái
Tàu Hạ, thì ông Bình Nguyên Lộc mới cắt nghĩa là từ ngữ "tàu" ở đây có nghĩa là "lạt" (không
"mặn") chứ không có nghĩa là "chiếc tàu" hay "người Tàu". Thịt kho nước dừa nầy thì không
mặn như những thịt kho thường ăn hàng ngày.
THỊT KHO NGÀY TẾT
Nước mắm nước dừa nấu thịt kho
Trong ba ngày Tết chẳng hề lo
Trứng gà hấp dẫn, màu hơi đậm
Nạc mỡ ngon lành, miếng khá to
Ăn với dưa chua càng thấy thích
Và thêm cơm trắng thế là no
Vui chơi thong thả quanh thành phố
Tối đến về nhà có thịt kho.
(Phan Thượng Hải)
DƯA HẤU
Cũng như Bánh Chưng, nguồn gốc của Dưa Hấu được ghi trong Lĩnh Nam Chích Quái của Trần
Thế Phát viết vào thời nhà Trần, được Vũ Quỳnh hiệu đính vào thời nhà Hậu Lê và Lê Hữu Mục
dịch ra chữ Quốc ngữ.
Dưới đây là nguyên văn trích trong Lĩnh Nam Chích Quái:
TRUYỆN DƯA HẤU
Ngày xưa, đời Hùng Vương có một người tên là Mai An Tiêm, người ngoại quốc, mới được 7
tuổi, do thuyền buôn chở đến. Vương mua về làm đầy tớ, kịp lúc lớn lên thì diện mạo đoan
chính, nhớ biết nhiều việc.
Vương đặt tên là Yển, tên chữ An Tiêm và cho một người thiếp. sinh được một trai. Vương yêu
dùng để sai bảo, dần dần Yển thành phú quí, ai cũng úy phục, và chen nhau đến dâng lễ vật
không thức gì là không có; Yển sinh ra kiêu mạn, thường tự bảo rằng:
Của cải nầy là vật của tiền nhân ta, ta không từng trông nhờ vào ơn chúa.
Hùng Vương nghe được, cả giận nói rằng:
Làm thần tử mà nó không biết ơn chúa, sinh ra kiêu mạn, nói rằng của cải đều là vật tiền
thân của nó. Bây giờ ta đem bỏ nó ra ngoài biển, ra cái chỗ không người ấy coi thử nó có còn
cái vật tiền thân của nó nữa hay không?
Bèn đày Mai Yển ra ngoài bãi cát cửa biển Nga Sơn, tứ phía không có chân người đi đến, chỉ để
cho lương thực đủ dùng trong bốn năm tháng mà thôi, ăn hết là chết đói. Chị vợ khóc ầm lên,
bảo rằng ta chắc chết ở đây không lý gì sống được.
Tiêm nói:
Trời đã sinh thì trời phải dưỡng, có lo gì?
Ở chưa bao lâu, đương lúc tháng tư, bỗng thấy một con bạch hạc từ phương tây bay lại, đậu lên
một mỏm núi cao, kêu lên ba bốn tiếng thì sáu bảy hạt dưa rơi trên mặt cát, đâm chồi nẩy lộc, lan
trên cát, xanh tốt rườm rà, rồi kết thành trái dưa, nhiều không kể xiết.
An Tiêm mừng rỡ nói:
Đây đâu phải là quái vật, đó là trời cho để nuôi ta đó.
Bổ dưa ra ăn thì mùi vị thơm ngon ngọt ngào, ăn vào thì tinh thần khỏe khoắn; rồi cứ mỗi năm
trỉa thêm, ăn không hết thì đem đổi lấy lúa gạo nuôi vợ con. Nhưng không biết dưa ấy tên là gì,
mới nhân chim tha từ phương tây đến nên đặt tên là Tây Qua.
Những khách chài lưới, buôn bán, ưa mùi vị của nó đều đem phẩm vật của mình để đổi lấy dưa.
Nhân dân xa gần, trên rừng dưới bến tranh nhau mua hạt bắt chước trồng tỉa khắp bốn phương;
dân gian suy tôn An Tiêm làm "Tây qua phụ mẫu".
Lâu ngày, Vương nhớ đến An Tiêm, sai người đến chỗ An Tiêm ở hỏi thăm có còn sống hay
không.
Người ấy về tâu lại với Vương. Vương than thở hồi lâu mới nói rằng:
Nó bảo là vật tiền thân của nó, thực là không nói dối vậy.
Vương bèn triệu An Tiêm về, trả quan chức lại và cho tỳ thiếp, đặt tên chỗ An Tiêm ở là "An
Tiêm Sa Châu"; thôn ấy gọi là Mai An, đến nay còn lấy tây qua tôn phụng tổ khảo mà tế tự, là
khởi đầu từ An Tiêm vậy.
Ông Nguyễn Trọng Thuật (1883-1940) dựa vào chuyện nầy viết thành tiểu thuyết "Quả Dưa Đỏ"
xuất bản tại Hà Nội năm 1925. Được giải thưởng văn chương của hội Khai Trí Tiến Đức (năm
1925).
Trong lịch sử, Mai An Tiêm là con nuôi của vua Hùng Vương thứ 17. Ông bị vua đày ra một
đảo hoang vu nay là vùng của huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Tại đây, Mai An Tiêm gây được
giống Dưa Hấu và sau nầy được tôn là ông tổ nghề trồng Dưa Hấu. Ngày nay ở tại xã Nga Phú,
huyện Nga Sơn có dãy núi mang tên Mai An Tiêm. Dưới chân núi có đền thờ Mai An Tiêm.
Hàng năm có lễ hội 12-15 tháng Ba.
TRÁI DƯA HẤU
Khởi đầu sự tích thuở Hùng Vương
Với chuyện An Tiêm khá dị thường
Hạt giống từ chim, nhờ mệnh tốt
Cây hoa kết quả, được Trời thương
Vỏ xanh biểu tượng niềm hy vọng
Ruột đỏ bao hàm nghĩa thiện lương
Tiêu chuẩn món ăn khi Tết đến
Mang theo phước lộc thọ an khương.
(Phan Thượng Hải)
Từ quả Dưa Hấu có những câu đố trong dân gian:
Ngoài xanh trong đỏ hồng hồng
Quan vua cũng chuộng mẹ chồng cũng yêu
Mùa hè lắm kẻ nâng niu
Mùa đông lắm kẻ dập dìu duyên ta
Ngoài xanh trong đỏ như vang
Khen ai khéo đặt cho nàng tên đôi
Dưa Hấu có tên khoa học là Citrullus lanatus là một loài thực vật trong họ bầu bí (Citrullus). Nó
có nguồn gốc từ miền Nam của Phi Châu.
Trái Dưa Hấu có vỏ cứng, thường màu xanh lục và trong ruột có màu đỏ thường chứa nhiều
nước (Watermelon in English).
Từ ngữ "Hấu" trong "Dưa Hấu" không có nghĩa gì hết. Trong các loại hoa, quả, chim. thú... thì
có những từ ngữ dùng để gọi nó chỉ để dành riêng cho nó, có thể có nghĩa hoặc không có nghĩa.
"Hấu" được dành riêng cho "Dưa Hấu" tuy riêng nó không có nghĩa gì hết.
Đứng riêng một mình, từ ngữ "Hấu" không có trong từ điển Tiếng Nôm. "Hấu" trong từ điển
Hán Ngữ đồng nghĩa với "Hậu" (có nghĩa là: sau đó, kế đó).
Cách lựa Dưa Hấu ngon:
1. Có 2 loại: Dưa Hấu đực và Dưa Hấu cái
Dưa Hấu đực: thon và cao hơn; vòng tròn dưới đáy rất nhỏ (như hình 1 đồng xu nhỏ). Nó
có nhiều nước hơn.
Dưa Hấu cái: tròn và lùn hơn; vòng tròn dưới đáy to hơn. Nó ngọt hơn.
2. Lựa cỡ trung bình đồng cỡ với đám Dưa, không nhỏ hay lớn hơn quá mức
Nếu nặng hơn (và hơi nhỏ) thì là Dưa già, ngon và nhiều nước
Nếu nhẹ (và to) thì có thể Dưa bị xốp.
3. Vỏ Dưa
Nhìn vỏ dưa: nếu vỏ càng nhẳn thì Dưa càng chín. Nếu có "vân" thì "vân" phải rõ ràng.
Ấn vào vỏ dưa: nếu cứng thì tốt; nếu mềm thì không nên mua.
Vỗ vào quả Dưa: nếu phát ra tiếng kêu đanh thì là Dưa già và chín; nếu phát ra tiếng nhẹ,
"lộp bộp", thì là Dưa non hay bị chín nẫu bên trong.
4. Vỏ Dưa có vết Ong châm cho thấy Ong đã tiếp xúc với bộ phận thu phấn của hoa (trước khi
thành quả) rất nhiều. Sự thụ phấn càng nhiều thì Dưa càng ngọt.
5. Cuống Dưa
nếu màu xanh: là Dưa chưa chín, hái quá sớm
nếu héo: là Dưa đã chín rồi.
5. Tìm vết rám ở phần đáy của trái Dưa (phần đối diện với Cuống dưa): Dưa ngon nếu có vết
rám màu vàng (ngon) và màu vàng cam (rất ngon)
CANH KHỔ QUA
Canh Khổ Qua là món ăn truyền thống ngày Tết của người miền Trung. Theo Hán ngữ là Khổ
Qua còn tiếng Nôm là Mướp Đắng. Trái Khổ Qua là thuộc loại Bầu Bí với tên khoa học là
Momordica charantia.
Ca dao về Khổ Qua rất nhiều:
Khổ qua xanh, khổ qua trắng
Khổ qua mắc nắng khổ qua đèo
Anh có thương em thì mần giấy giao kèo
Dù sanh dù tử dù nghèo em cũng theo
Khổ qua xanh, khổ qua trắng
Khổ qua mắc nắng khổ qua đèo
Anh có thương em thì mần giấy giao kèo
Thò tay điểm chỉ "con mèo" của anh
Đói lòng ăn trái khổ qua
Nuốt vô sợ đắng nhả ra bạn cười
Dê xồm ăn lá khổ qua
Ăn nhầm lá đậu chết cha dê xồm
Chừng nào cây kia không lá
Chừng nào cá nọ có xương
Chừng nào ớt ngọt như đường
Khổ qua kia hết đắng, đạo cang thường mới hết thương
Khổ qua mắc nắng khổ qua đèo
Cái mặt như chim mèo hò hát với ai
Đắng khổ qua, chua là chanh giấy
Dầu ngọt cho mấy cũng tiếng cam sành
Giặc Lang Sa đánh tới châu thành
Dù ai ngăn qua đón lại, dạ cũng không đành bỏ em
TRÉ
Theo truyền thuyết thì lúc đầu Tré là món ăn đặc sản ở Qui Nhơn, xuất hiện vào thời khởi nghĩa
của nhà Tây Sơn. Lúc đó, nguyên liệu dùng làm món ăn nầy được người địa phương nhồi vào
một cái "ché" bằng đồ gốm rồi chôn dưới đất để lên men, dùng ăn trong dịp Tết. Có lẽ do đó tên
gọi của món ăn nầy được đọc trại từ "ché" thành "tré". Lúc vua Quang Trung lên ngôi, đóng đô
ở Phú Xuân (Huế), quan lại Tây Sơn đem món ăn dân dã nầy về kinh đô. Từ đó món Tré trở
thành món ăn cung đình quí phái và cách thức chế biến cầu kỳ tinh tế hơn trong hương vị và hình
thức không còn trong ché mà thay bằng từng lọn nhỏ gói bằng lá như ngày nay. Từ đó Tré thành
món ăn của miền Trung. Ngày nay, Tré dùng thịt heo, riềng, tỏi, nước mắm và các loại gia vị
gói vào lá ổi bao bọc bởi lá chuối bên ngoài.
Tré còn gọi là Nem Bì.
MỨT TRONG NGÀY TẾT
Tất cả 42 loại Mứt từ thực vật.
Tiêu biểu: Hạt Sen, Dừa, Bí, Gừng. Có 7 loại mứt Dừa khác nhau.
Thông thường: Chùm Ruột, Tắc, Củ Sen
Hiếm: Thơm, Kiwi, Cà Rốt, Chanh, Vỏ Chanh, Rau Câu, Khế, Xoài, Củ Cải trắng, Khoai
Lang, Khoai Tây, Khoai Môn, Táo Xanh, Chuối Xanh, Dâu Tằm, Cóc, Mứt thập cẩm
BÁNH TRONG NGÀY TẾT
Tiêu biểu: Bánh Chưng và Bánh Tét
Thông thường:
Bánh In: Đặc sản từ Huế. Bánh dâng cho Vua ăn với uống trà trong dịp Tết, với ý nghĩa
chúc vua được trường thọ.
Bánh Đậu Xanh: Đặc sản từ Hải Dương. Bánh dùng đãi khách hay như quà biếu trong
dịp Tết.
Bánh Phu Thê là đặc sản của Huế: Phu là chồng, Thê là vợ; bánh tượng trưng cho hình
ảnh vợ chồng. Bánh dùng trong dịp cưới hỏi hay ngày Tết. Cũng có bánh Su Sê hay Xu Xê là
đặc sản của Bắc Ninh (?) có cùng một ý nghĩa và công dụng. Su Sê chắc là tiếng đọc trại của
Phu Thê?
Bánh Ít Lá Gai: Đặc sản của Qui Nhơn, hình như cái tháp Chàm Tương truyền từ con gái
út của Hùng Vương (dựa theo ý nghĩa của Bánh Chưng và Bánh Dày).
Hiếm:
Bánh Đúc: làm bằng bột gạo (Bắc và Trung) và làm bằng bột năng (Nam)
Bánh Tổ: Đặc sản ở Hội An, người Tàu đem vào (thế kỷ 16-17)
Bánh Tai Heo
Bánh Bột Lọc: từ miền Trung
Bánh Tẻ: làm bằng bột gạo tẻ; còn gọi là Bánh Lá.
Bánh Gio (chấm mật): còn có tên là Bánh Tro, Bánh Ú Tro hay Bánh Nắng
Bánh Bò
Bánh Gai: Đặc sản của Làng Mía, nay là xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Bánh Biscuit (Bánh Quy Bơ)
Bánh Lăn: ở miền Trung
Bánh Nổ: đặc sản từ Quảng Ngãi
Bánh Thuẫn
Bánh Măng: ở Huế
(Kết Luận)
Trong hơn 40 năm xa xứ, năm nào 2 vợ chồng chúng tôi cũng cúng ông bà chiều 29 hay 30 (Tết)
và cúng chè lúc Giao Thừa. Món ăn chính luôn là món Thịt Kho Nước Dừa do vợ tôi nấu.
Đây là bài thơ tôi làm sau khi cúng 30 Tết năm rồi (Mậu Tuất):
CHIỀU BA MƯƠI TẾT
Chiều ba mươi Tết cúng ông bà
Lặng lẽ ngôi nhà quạnh quẽ xa
Dưa giá thịt kho và bánh mứt
Nhang đèn bức ảnh với bình hoa
Tha hương xa vắng nhiều phong tục
Viễn xứ xa vời một quốc gia
Ngày Tết năm xưa bao kỷ niệm
Tân xuân cảm cựu tuổi thêm già.
(Phan Thượng Hải)
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
Bài viết nầy đăng trong phanthuonghai.com mục Văn Hóa phần Học Thuật.
GIÁO LÝ GIÁC NGỘ CỦA ĐẠI THỪA THIỀN TÔNG
Bs Phan Thượng Hải
Phật Giáo dùng giáo lý triết học và tín ngưỡng tôn thờ để đạt được cứu cánh là thoát khổ hay thực tế hơn là thoát khỏi phiền não.
Tôn thờ tín ngưỡng giúp Phật tử thoát khổ nhờ sự cứu độ của chư Phật và Bồ tát.
Giáo lý triết học dạy cho Phật tử tự giác ngộ và khi giác ngộ là thoát khổ.
Phật Giáo có 2 giáo lý giác ngộ: 1 của Phật Giáo Nguyên thủy và 1 của Phật Giáo Đại thừa. Giáo lý Phật Giáo Đại thừa hiện đại là của Thiền tông (dung hòa và tổng hợp Không tông và Tánh tông).
Bài viết nầy trình bày tóm tắt rõ ràng một cách khoa học giáo lý giác ngộ của Đại thừa Thiền tông để giúp cho Phật tử tự tu học mà tự giác ngộ. Phật tử không phải khổ nhọc trong Tăng già hay tu Thiền cũng như không phải tìm tòi học hỏi khó khăn từ quá nhiều kinh, luận và công án (mới hoặc cũ) hay theo thụ giáo từ các bậc cao tăng, thiền sư và lạt ma để rồi cuối cùng vẫn "cưỡi lừa tìm lừa" và tiếp tục trầm trồ ngưỡng mộ những bậc thành đạo nổi danh trong quá khứ và hiện đại.
Tục ngữ nước Việt ta có câu than rằng:
Bụt nhà không thiêng, cầu Thích Ca ngoài đường.
Bụt nhà chính là Phật tánh có sẵn trong mỗi người, giúp mỗi người có thể thành Phật.
I. ĐẠI CƯƠNG
1) Lịch sử của Phật Giáo
Lịch sử Phật Giáo bắt đầu ở Ấn Độ từ Phật Thích Ca, người sáng lập ra Phật Giáo Nguyên thủy với nhiều kinh và luận trong Tam tạng (Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng) vào thế kỷ thứ 5 tr CN.
Đến thế kỷ thứ nhất tr CN, Phật Giáo Đại thừa thành lập ở Ấn Độ với giáo lý khác dựa trên nhiều kinh và luận mới từ các tu sĩ Đại thừa, bắt đầu với kinh Pháp Hoa, kinh Hoa Nghiêm và kinh Bát Nhã. Phật Giáo Đại thừa đặt tên cho Phật Giáo Nguyên thủy là Phật Giáo Tiểu thừa để phân biệt. Từ 1950s, cộng đồng Phật Giáo thế giới cấm dùng danh hiệu "Tiểu thừa".
Phật Giáo Đại thừa Ấn Độ có 2 phái là Trung Quán và Duy Thức (còn gọi là Du Già).
Phật Giáo Đại thừa Trung Quốc được truyền sang từ Ấn Độ vào thế kỷ thứ nhất (sau CN). Theo giáo lý triết học, Đại thừa Trung Quốc được chia ra làm 2 nhóm giáo tông chánh:
Không tông từ Trung Quán phái.
Tánh tông từ Duy Thức Du Già phái.
Dung hòa và tổng hợp Không tông và Tánh tông, giáo lý triết học của Thiền tông tồn tại và đại diện cho Đại thừa cho đến ngày hay.
Thiền tông bắt đầu ở Trung Quốc từ Nhất tổ Bồ Đề Đạt Ma và có những vị thầy quan trọng là Lục tổ Huệ Năng và thiền sư Triệu Châu Tòng Thẩm. Giáo lý giác ngộ có trong Pháp Bảo Đàn kinh (của Huệ Năng) và các công án.
Phật Giáo Tây Tạng Kim Cang thừa, một thừa thứ ba của Phật Giáo, có giáo lý triết học không khác Thiền tông.
2) Vũ trụ quan của Phật Giáo từ Phật Giáo Nguyên thủy
Phật Giáo có vũ trụ quan riêng của nó, có lẽ từ Ấn Độ Giáo và khác với các giáo khác (như Nho Giáo) hay tôn giáo khác (như Kitô Giáo).
Theo Phật Giáo Nguyên thủy,vũ trụ chúng ta đang sống gồm có tất cả mọi sự vật (all beings and all things). Phật Giáo gọi là "sự vật hiện hữu" (all existences).
Trong những sự vật hiện hữu của vũ trụ chúng ta đang sống có những sinh mạng (sentient beings) có kiếp sống gồm sinh, lão, bệnh, tử và tái sinh trong những kiếp khác tiếp theo lục đạo mà luân hồi mãi mãi.
Sinh mạng = Sentient being
Chúng sinh (Chúng sanh) = Tất cả mọi sinh mạng = All sentient beings
Có loại 6 loại sinh mạng:
Con người hay Nhân mạng (Human being)
Súc sinh = Thú vật = Động vật (Animal)
Chúng sinh ở Địa ngục có thể gọi là Quỉ ở Địa ngục (Địa ngục = Hell; Quỉ = Ghost)
Ngạ quỉ (Hungry ghost)
A tu la (dịch âm từ tiếng Phạn là Atula)
Thiên (dịch từ tiếng Phạn là Deva, Gods theo Anh ngữ)
Mỗi sinh mạng thuộc 1 loại trong kiếp A thì khi chết (= tử) sẽ tái sinh vào một kiếp B tiếp theo và thành 1 trong 6 loại (sinh mạng) trong kiếp B tiếp theo nầy tùy theo Nghiệp của mình trong kiếp sống A. Thuật ngữ Phật Giáo gọi là tái sinh trong lục đạo (6 con đường) và sự lập lại liên tiếp từ kiếp nầy qua kiếp khác gọi là luân hồi.
Thí dụ: Con người có thể tái sinh thành con người, hay thú vật, hay ngạ quỉ...
Giáo lý của Phật Giáo Nguyên thủy dựa căn bản trên "nhân duyên nghiệp quả" áp dụng cho 6 loại sinh mạng trong mọi kiếp trong luân hồi.
Giáo lý của Phật Giáo Đại thừa Thiền tông không dựa căn bản trên "nhân duyên nghiệp quả" và chỉ áp dụng cho 1 loại sinh mạng là con người (nhân mạng) trong kiếp đang sống mà thôi.
3) Giáo lý Phật Giáo
a) Phật Giáo Nguyên thủy
* (Nội dung triết học và tôn giáo)
Cứu cánh của Phật Thích Ca và Phật Giáo Nguyên thủy là giác ngộ, diệt hết khổ (phiền não) cho sinh mạng (a sentient being) trong kiếp sống nầy mà sinh mạng đạt niết bàn và do đạt niết bàn nên thoát khỏi phải khổ vì không phải tiếp tục tái sinh nhiều kiếp khác mãi mãi trong lục đạo luân hồi.
Giáo lý giác ngộ của Phật Giáo Nguyên thủy căn cứ trên "nhân duyên nghiệp quả" của một sinh mạng đối với sự vật và sinh mạng khác trong nhiều kiếp luân hồi mà đưa ra đoạn hoặc (đoạn diệt mê hoặc) đối với tất cả mọi sự vật hiện hữu (hiện tượng) và trì giới đối với mọi người khác và sinh mạng khác. Thực tế của giáo lý là đoạn hoặc và trì giới.
Giáo lý của Phật Thích Ca gồm triết học và tôn giáo (vì có thêm giới luật, áp dụng cho mọi sinh mạng và liên quan tới nhiều kiếp trong tái sinh luân hồi).
* (Hình thức tôn giáo)
Giác ngộ của Phật Giáo Nguyên Thủy là Bát Chánh đạo, là (đạt) Niết bàn.
Danh hiệu của người giác ngộ đạt niết bàn là La hán. Danh hiệu Phật chỉ dùng giới hạn cho Phật Thích Ca, vị Phật có thật trong lịch sử và vài chục vị Phật theo truyền thuyết. Phật là bậc giác ngộ và đã truyền giáo hóa độ chúng sanh được giác ngộ thành La hán qua nhiều kiếp trước. Theo Bản sinh kinh của Phật Giáo Nguyên thủy, Phật Thích Ca đã là bậc Bồ tát hóa độ chúng sinh trong nhiều kiếp trước cho đến kiếp cuối cùng nầy là thành Phật Thích Ca.
b) Phật Giáo Đại thừa Thiền tông
* (Nội dung triết học)
Cứu cánh của Thiền tông (đại diện cho Phật Giáo Đại Thừa) là con người (a human being) được có tâm giác ngộ an tịnh (tranquil) mà không phiền não trong kiếp sống nầy mà thôi, đó là niết bàn diệu tâm.
Giáo lý giác ngộ của Thiền tông (dung hòa và tổng hợp Không tông và Tánh tông của Phật Giáo Đại thừa) căn cứ trên hiện tượng và sự tương đối của sự vật và bản tâm của tâm con người mà đưa ra tâm thức đoạn hoặc đối với tất cả mọi sự vật (kể cả sinh mạng và thân mình) và tâm thức từ bi đối với mọi sinh mạng khác (kể cả người khác và thân mình).
Thiền tông không phủ nhận nhưng không thừa nhận giá trị tuyệt đối của "nhân duyên nghiệp quả" và lục đạo luân hồi cũng như không áp dụng chúng vào giáo lý của mình. Giáo lý của Thiền Tông chỉ áp dụng cho con người (nhân mạng) và không có tham vọng áp dụng cho tất cả 5 loại sinh mạng khác (nhất là thú vật).
Giáo lý Thiền tông là triết học cho con người trong kiếp sống nầy. Triết học gồm có nhân sinh quan dựa trên vũ trụ luận về sự vật và nhân bản luận về bản tâm (hay Phật tánh).
* (Hình thức tôn giáo)
Giác ngộ của Phật Giáo Đại Thừa là Lục độ là tâm Niết bàn nhưng được Thiền tông đơn giản là Hành Kiến.
Danh hiệu của người giác ngộ là Phật. Nếu Phật ra công hóa độ những người khác cũng giác ngộ như mình thì gọi là Bồ tát. Mọi người đều có căn cơ để thành Phật.
Trong Kinh Pháp Hoa (viết vào khoảng năm 100-200 tr CN):
(Phẩm 10): Mọi người có thể được giải thoát. Tất cả chúng sanh có thể thành Phật, không những tăng ni mà còn cả cư sĩ (lay people), thanh văn, Bồ tát và sinh vật không phải là người (non human creature).
II. NỘI DUNG CỦA GIÁC NGỘ
1) Phật Giáo Đại Thừa Thiền Tông
a) Sự vật (của Không tông)
Thiền tông áp dụng quan niệm về sự vật của Không tông trong Bát Nhã Tâm kinh.
*
Sự vật bên ngoài Tâm của ta gồm cả luôn người khác, sinh vật khác và Thân của ta.
- Sự vật hiện hữu vì chúng tích tụ trong giác quan và tâm của ta. Đó là Ngũ uẩn (5 cái tích tụ = 5 aggregations).
Tất cả mọi sự vật hữu thể (thế giới vật chất) gọi là Sắc, tích tụ trong giác quan của ta gọi là Sắc uẩn.
Tất cả mọi sự vật tâm thần (thế giới vô thể) gọi là Danh, tích tụ trong tâm của ta gồm có Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn và Thức uẩn. Thọ, Tưởng, Hành, Thức chính là hoạt động của tâm ta.
Thọ = cảm giác (sensation).
Tưởng = tri giác (percepttion).
Hành = tất cả những hoạt động khác của tâm ngoài Thọ, Tưởng và Thức (other mental constituents)
Thức = nhận thức (cognition)
- Sự vật là hiện tượng vì chúng là 6 đối tượng của 6 giác quan của ta và 6 tâm thức của ta. Đó là 18 Giới (theo từ ngữ Phật Giáo)
Ngay từ Phật Thích Ca của Phật Giáo Nguyên Thủy, sự vật hiện hữu đồng nghĩa với hiện tượng. Tất cả mọi sự vật hiện hữu hay hiện tượng được thể hiện bằng từ ngữ "ngũ uẩn" hay "18 giới".
Sự vật là hiện tượng của tâm ta bao gồm luôn thân ta trong sinh lão bệnh tử.
Sự vật = being and/or thing.
Tất cả mọi sự vật = all beings and things.
Sự vật hiện hữu = element of existence.
Tất cả mọi sự vật hiện hữu = all elements of existence = Vạn hữu.
Hiện tượng = phenomenon = dharma = Pháp.
Tất cả mọi hiện tượng = all phenomena = all dharmas = Vạn pháp.
*
Tất cả mọi sự vật hiện hữu hay tất cả mọi hiện tượng đều không có "ngã" (nature), đồng nghĩa với "vô ngã" của Phật Giáo bắt đầu từ Phật Giáo Nguyên Thủy.
Không tông muốn cho rõ hơn nên gọi là "không có tự tánh" (without nature), đồng nghĩa với "tánh không" (sùnyatà). Đó là lý thuyết Không (sùnya) của Không Tông.
Vô ngã (của sự vật hay hiện tượng) = tánh không = không có tự tánh = without nature
Ngã = tự tánh = nature.
Sự vật hiện hữu hay hiện tượng thì vô ngã (hay tánh không) nên phải vô thường. Như vậy sự vật hay hiện tượng tương đối (relative), gồm vô ngã và vô thường:
. vô ngã = không hoàn toàn, không thuần túy, không chuyên chế và không độc lập, và phải tương quan với những sự vật hiện hữu hay hiện tượng khác.
. vô thường (impermanant) = không thường hằng (not permanant) =
không tự sinh khởi
không cố định, phải thay đổi và biến hóa
không vĩnh cữu và phải hoại diệt
Bát Nhã Tâm kinh viết:
Khi Bồ tát Quán Tự Tại (Avalokitesvara) thực hành Bát Nhã Ba La Mật Đa sâu xa, soi thấy rằng có ngũ uẩn và thấy Ngũ uẩn không có Tự tánh (Sùnyatà) trong chúng.
Này Xá Lợi Phất (Sariputra): sắc ở đây là Không, Không là sắc; sắc không khác Không, Không không khác sắc; sắc tức thị là Không, Không tức thị là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức (đều) cũng vậy.
Này Xá Lợi Phất: Hết thảy các Pháp ở đây (= Vạn Pháp) được biểu thị là Không (Sùnya). Chúng không sinh, không diệt, không cấu nhiễm, không không cấu nhiễm; không tăng, không giảm
Vì vậy này Xá Lợi Phất; trong Không (Sùnya),
không có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức; không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp;
không nhãn giới cho tới không có ý thức giới;
cho tới không có tuổi già (= lão) và sự chết (= tử), không có sự tận diệt của tuổi già và sự chết;
Chú thích:
Ngũ uẩn = Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức.
18 Giới = Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp tương đương với Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý; từ Nhãn giới tới Ý thức giới.
Tóm lại, theo Không tông, mọi sự vật hiện hữu (kể cả thân ta trong sinh lão bệnh tử và luân hồi)
đều là hiện tượng (= đối tượng của giác quan và tâm ta),
và tương đối (relative) vì chúng là vô ngã hay tánh không (without nature) và vô thường (impermanant).
Giáo lý như trên của Không tông trong kinh Bát Nhã gọi là thuyết Không (Sùnya) và sau nầy Thiền tông trong kinh Lăng Già gọi là Pháp vô ngã.
*
Cứu cánh của Phật Giáo là hết khổ, hết phiền não.
- Nguyên nhân của khổ (của phiền não) là tất cả mọi sự vật đều là hiện tượng đối với tâm ta và đều là tương đối (relative) vì chúng đều vô ngã hay không có tự tánh (without nature) và vô thường (impermanant). Tâm của ta dính chặc và ràng buộc (sở đắc = attached) hay bám chặc (sở trụ) vào sự vật tức là bị chướng ngại (= hindrance) bởi sự vật tương đối và chỉ là hiện tượng thì tâm ta sẽ phiền não (khổ).
Tất cả mọi sự vật hiện hữu là đối tượng của tâm ta bao gồm luôn cả mọi sinh vật khác, mọi người khác và kể cả thân ta.
- Tâm giác ngộ an định không phiền não là không bám chặc và ràng buộc (vô sở đắc = non-attached = vô sở trụ) vào sự vật tức là tự do, không chướng ngại (vô ngại = non hindrance) vào sự vật.
(Không tông không có phân biệt tâm thành ra tâm thức và bản tâm và không biết đến bản tâm. "Tâm" của Không tông là đồng nghĩa với "tâm thức" của Tánh tông)
Kinh Bát Nhã của Không tông viết:
Trong Không (Sùnya), không có Trí, không có Đắc và không có Chứng bởi vì không có Đắc. Trong Tâm của Bồ Tát an trụ trên Bát Nhã Ba La Mật Đa không có những Chướng ngại; và bởi vì không có những Chướng ngại trong Tâm đó nên không có sợ hãi, và vượt ngoài những tà kiến điên đảo, đạt tới Niết bàn.
Hết thảy chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai do y (dựa) trên Bát Nhã Ba La Mật Đa mà chứng đắc Giác ngộ viên mãn tối thượng.
Người có tâm giác ngộ chính là Phật. Phật thực hiện Đại từ bi, hóa độ con người cũng giác ngộ thành Phật như mình thì có danh hiệu là Bồ tát (Bodhisattva). Bồ tát hóa độ trong Bát Nhã Tâm kinh nầy là Bodhisattva Avalokiteshvara, được dịch là Quan Tự Tại Bồ tát hay Quan Thế Âm Bồ tát.
b) Từ sự vật đến bản tâm
Thật ra tâm (hay tâm thức) vô minh hay giác ngộ là không những tùy theo nó tương quan với sự vật hiện hữu bên ngoài và mà còn tùy theo nó tương quan với bản tâm.
Tâm thức giác ngộ an định không phiền não là:
Tâm thức không bám chặc và ràng buộc (vô sở đắc = non-attached = vô sở trụ) vào sự vật tức là tự do, không chướng ngại (vô ngại = non hindrance) vào sự vật (theo Không tông).
Tâm thức đồng thời cũng đồng nhất hay tuân theo bản tâm vô sở đắc (vô sở trụ) và vô ngại (tự do và dung hòa từ bi) của mình, có sẵn từ bẩm sinh trong mọi người (theo Tánh tông).
Vô = không.
Vô sở đắc = không bám chặc và ràng buộc vào sự vật = vô sở trụ = non-attached.
Vô ngại có 2 nghĩa
= không chướng ngại; tự do = non hindrance.
= dung hòa = in harmony.
Từ bi = compassion.
c) Bản tâm (của Tánh tông)
Theo Tánh tông, Thiền tông cho rằng tâm của ta gồm có tâm thức và bản tâm; và tâm thức giác ngộ là tâm thức tuân theo hay đồng nhất với bản tâm (hay Phật tánh), bản tâm đã và luôn giác ngộ tự bẩm sinh.
*
Tâm thức là hoạt động của tâm đối với hiện tượng của sự vật bên ngoài.
Theo Tánh tông, mọi sự vật bên ngoài tâm của ta chỉ là hiện tượng trình diễn (trình hiện và thiên diễn) trước tâm của ta qua giác quan mà thôi.
Pháp Bảo Đàn Kinh:
Một ngày kia (Lục tổ Huệ Năng) ra chùa Pháp Tánh (ở Quảng Châu) gặp Pháp sư Ấn Tông. Có hai vị tăng tranh luận về nghĩa “gió và phướn (một loại cờ)”; kẻ nói gió động người nói phướn động, tranh cãi không ngừng. Huệ Năng chen vào nói: “Chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động, mà Tâm các ông động”. Cả chúng (mọi người) đều ngạc nhiên.
*
Bản tâm của ta cũng như của mọi người thì vô ngã có nghĩa lả:
không chấp ngã và không tự ngã tức là vô sở đắc
không phân biệt giữa "ngã" và "không phải là ngã" tức là vô ngại.
vô ngại là tự do hay không chướng ngại đối với sự vật, nhất là chấp ngã và tự ngã.
vô ngại là dung hòa do đó từ bi đối với người khác, sinh vật khác kể cả thân ta.
Đó là bản tâm của ta, giác ngộ và bẩm sinh có sẵn trong ta. Theo Đại Thừa, mỗi người đều có sẵn bản tâm giác ngộ từ bẩm sinh nên đều có thể thành Phật do đó bản tâm thường được gọi là Phật tánh và mỗi người đều có căn cơ thành Phật.
Ngã = ta, "cái ta" = self, ego. Vô ngã = nonself = phi ngã = no ego or without ego.
Chấp ngã = cầm giữ hay bắt lấy cho mình = attachment to self. Người chấp ngã là muốn sở hữu sự vật là của mình.
Tự ngã = từ mình hay bởi vì mình mà ra = idea of self. Người tự ngã là muốn làm chủ, muốn điều khiển mọi sự vật theo tình ý của mình.
Ý thức "Nhị nguyên" (Duality) là phân biệt giữa "ngã" và "không phải là ngã" (theo thuật ngữ phát xuất từ Duy thức và được Tánh tông áp dụng).
Tâm thức giác ngộ an tịnh không phiền não là nó đồng nhất với hay tuân theo bản tâm vô sở đắc (hay vô sở trụ) và vô ngại (tự do và dung hòa từ bi) của mình, có sẵn từ bẩm sinh trong mọi người.
Người có tâm thức giác ngộ chính là Phật. Phật thực hiện Đại từ bi, hóa độ con người cũng giác ngộ thành Phật như mình thì có danh hiệu là Bồ tát.
Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 viết trong giáo lý Đại Cứu Cánh (và Bản Thể Đại Thủ Ấn):
1.
Tất cả mọi Hiện tượng thanh tịnh hay ô nhiễm đều trình hiện bởi Tâm thức như là biểu hiện bằng tính chất tự nhiên thanh tịnh (của Bản Tâm) vì Bản Tâm là thanh tịnh bản nhiên từ khởi thủy..
Ngay cả khi vẫn là chúng sanh và dù đã tạo vô số ý Nghiệp tốt hoặc xấu như tham, sân , si; Bản Tâm chính nó vẫn siêu việt (= ở trên) mọi ô nhiễm từ các phiền não nầy. Nước có thể rất bẩn nhưng thể tính của nó vẫn là trong sạch (= thanh tịnh) và bản tánh của nước không bị ô nhiễm bởi bùn dơ.
Tương tự, bất luận hiện tượng phát sinh như là trò thiên diễn (= biểu tượng) của Tâm nầy, và bất luận lực dụng của nó (= hiện tượng phát sinh) đến mức nào thì tự Bản Tâm (căn nguyên của mọi tướng trạng của các kỹ xảo như vậy) từ vô thủy vẫn không bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm và vẫn không bị ảnh hưởng bởi cái thiện.
2.
Giác ngộ là khi ta "đồng nhất" được với Bản Tâm và nhận thức rõ ràng tất cả mọi Hiện tượng luân hồi sinh tử và Niết bàn (Vạn Pháp) đều lưu xuất từ Bản Tâm nầy. Bản Tâm từ bi viên mãn và vi diệu vốn có sẵn (trong mỗi và mọi chúng sanh) nên Kinh có câu "Giác ngộ từ vô thủy".
Từ không bị ảnh hưởng bởi Khái niệm quy ước, Tâm (Tâm Thức) đồng nhất với bản thể của mình (Bản Tâm) và khẳng định chính xác rằng ý nghĩa của nó (Bản Tâm) tương tục và thường hằng trong sự quân bình của Định Tuệ thì dù có sống trong thế tục chúng ta đã là Phật.
Tâm thức phiền não không an tịnh vì vô minh (= không giác ngộ) là quên bản tâm của mình (bẩm sinh và giác ngộ) mà bám chặc (sở trụ hay sở đắc) vào sự vật bên ngoài vì chúng chỉ là trình diễn trước tâm thức của ta mà thôi.
Đại Niết Bàn kinh của Đại Thừa viết về Phật tánh và bản tâm:
Phật Tánh luôn hiện diện trong mọi thời gian và trong tất cả chúng sanh. Có nghĩa là chúng sanh không có phẩm tánh của Phật trong hiện tại nhưng sẽ có trong tương lai.
Như Lai Tạng không gì khác hơn là Chân Như hay Phật Tánh và là cái bản Tâm trong sạch và vô lậu (originally untainted pure Mind) nằm ở dưới và có ở trong cái Tâm tham ái và giận dữ (Mind of greed and anger) của chúng sanh. Đó biểu thị (bespeaks) một Phật Thân (Buddha body) đang có trong trạng thái bị ràng buộc (bondage).
Bản tâm và Phật tánh còn có nhiều danh hiệu khác: Chân như, Như Lai tạng, Phật thân, Pháp thân, Thực tánh... (Như lai = Phật).
d) Vô ngã - Phật tánh
* (Vô Ngã)
Vô ngã của sự vật và vô ngã của bản tâm có 2 nghĩa khác nhau.
"Ngã" của sự vật có nghĩa là tự tánh (nature). Vô ngã = without nature. Không tông gọi là tánh không (sùnyatà) trong giáo lý Không (sùnya).
"Ngã" của bản tâm có nghĩa là ta, cái ta (self, ego). Vô ngã = nonself, no ego.
Thiền tông theo kinh Lăng Già có phân biệt:
Pháp vô ngã là vô ngã (without nature) của sự vật.
Nhân vô ngã là vô ngã (nonself) của bản tân hay Phật tánh trong tâm của con người (nhân tâm).
Pháp (= Dharma) trong Phật Giáo cũng có 2 nghĩa:
= hiện tượng (phenomenon) thường hay dùng trong từ ngữ Vạn Pháp (= all phenomena).
= giáo lý (doctrine) thường hay dùng trong những từ ngữ "Phật, Pháp, Tăng" (tam bảo) hay Phật Pháp (Buddhist doctrine).
* (Phật tánh)
Phật tánh (= bản tâm) không phải là tánh không của sự vật và chỉ có ở con người mà thôi.
Đây là câu trả lời của Thiền sư Triệu Châu trong Triệu Châu công án:
Một vị Tăng hỏi Thiền sư Triệu Châu Tòng Thẩm (778-897):
“Con chó có Phật Tánh không?”
Trả lời: “Không” (nguyên văn tiếng Hán là: Vô 無)
Từ ngữ "Vô" 無 theo Hán tự hay Hoa văn có 2 nghĩa:
Theo thuật ngữ Phật Giáo thì được các học giả cắt nghĩa "vô" là "không có tự tánh" (= tánh không) như giáo lý của Không Tông. Tuy nhiên "tánh không" (sùnyatà) chỉ áp dụng cho sự vật chứ không thể áp dụng cho tâm của con chó.
Theo nghĩa đen, "vô" có nghĩa là "không có"; ta có thể hiểu rằng Triệu Châu trả lời thẳng là "con chó không có Phật tánh".
Thực tế, Thiền sư chỉ biết con người chớ làm sao biết con thú vật như con chó (một loại sinh mạng khác). Con người có Phật tánh bẩm sinh tiềm tàng nên có căn cơ thành Phật chứ chưa thấy con chó hay con thú vật thành Phật, dù cũng là sanh mạng. Do đó Triệu Châu trả lời theo nghĩa đen rằng theo kinh nghiệm con chó "không có Phật tánh".
e) Tâm thức giác ngộ (của Thiền tông)
Tóm lại, tâm thức vô minh hay giác ngộ là tùy theo nó tương quan với sự vật hiện hữu bên ngoài và tương quan với bản tâm (theo Thiền tông).
Tâm thức giác ngộ an tịnh (tranquil) không phiền não là:
Tâm thức không vô minh bằng cách không bám chặc và không ràng buộc (vô sở đắc = non-attached = vô sở trụ) vào sự vật tức là tự do, không chướng ngại (vô ngại = non hindrance) vào sự vật (theo Không tông).
Tâm thức đồng thời cũng đồng nhất hay tuân theo bản tâm đã và luôn giác ngộ vô sở đắc (vô sở trụ) và vô ngại của mình, có sẳn từ bẩm sinh trong mọi người (theo Tánh tông).
Yếu chỉ của Thiền Tông được thiền sư Triệu Châu tóm tắt trong bài kệ 4 câu, 2 câu cuối chính là nội dung giáo lý giác ngộ của Thiền Tông:
Giáo ngoại biệt truyền
Bất luận văn tự
Trực chỉ nhân tâm
Kiến tánh thành Phật
Pháp Bảo Đàn kinh của Thiền Tông viết:
Một ngày kia, Ngũ tổ (Hoằng Nhẫn) triệu tập môn đồ bảo rằng: “Sinh tử là việc lớn, các ngươi suốt ngày chỉ cầu phước điền, chẳng cầu lìa khỏi biển khổ sinh tử, tự tánh nếu mê, phước làm sao có thể cứu được? Các ngươi mỗi người hãy tự xem trí tuệ (huệ), dùng bản tâm Bát Nhã của tự tánh, mỗi người làm một bài Kệ trình cho ta xem, nếu ngộ được đại ý, thì ta sẽ truyền y bát cho làm Lục tổ (Tổ thứ sáu), hãy mau lên chẳng được chậm trễ, hễ lọt vào suy lường thì chẳng dùng được. Người kiến tánh vừa nghe phải liền thấy, nếu được như vậy thì khi ra trận giữa đao kiếm cũng phải thấy được”.
........
Huệ Năng là người làm, chuyên về giã gạo từ 8 tháng nay, xin người đọc cho mình bài Kệ (của Thần Tú) vì ông không biết đọc. Sau đó ông đọc bài Kệ của mình và nhờ người viết kế bên (bài của Thần Tú).
Bồ đề bản phi thụ (Bồ đề vốn không là cây)
Minh kính diệc phi đài (Gương sáng cũng không đài gương)
Bản lai vô nhất vật (Xưa nay không một vật)
Hà xứ nhạ trần ai. (Làm sao nhuốm bụi trần).
(Huệ Năng)
Hôm sau Ngũ tổ (đã đọc bài Kệ của Huệ Năng) đến chỗ giã gạo, thấy Huệ Năng lưng đeo đá giã gạo, nói rằng: “Người cầu đạo cần phải như thế” và hỏi: “Gạo trắng chưa?”. Huệ Năng đáp: “Trắng đã lâu, còn thiếu sàng thôi”. Tổ lấy gậy gõ trên cối 3 cái rồi bỏ đi.
Huệ Năng hiểu ý nên canh ba vào thất (phòng của Tổ). Ngũ tổ dùng cà sa che lại không cho người thấy, rồi thuyết kinh (Bát Nhã) Kim Cang. Khi đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” thì Huệ Năng ngay đó đại ngộ (đốn ngộ), vạn pháp chẳng lìa tự tánh.
Huệ Năng liền bạch: “Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh, vốn chẳng sanh diệt, vốn tự đầy đủ, vốn chẳng lay động và tự tánh hay sanh vạn pháp”. Tổ biết Huệ Năng đã ngộ nên nói với Huệ Năng rằng: “Chẳng nhận được bản tâm (thì) học pháp vô ích, nếu nhận được bản tâm thấy được bản tánh tức gọi là Trượng Phu, là Thiên Nhơn Sư, là Phật”.
Tổ truyền pháp đốn giáo và y bát và nói rằng: “Ngươi là Lục tổ khéo tự hộ niệm, độ khắp hữu tình, phổ biến lưu truyền cho đời sau đừng để đoạn dứt”.
"Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm" có nghĩa là "Nên không bám chắc ở một chỗ mà sinh ra kỳ tâm".
f) Đoạn hoặc và từ bi
Tâm thức giác ngộ là tâm an tịnh (tranquil) không phiền não là nhờ:
không tự ngã và không chấp ngã từ vô sở đắc (hay vô sở trụ) và vô ngại tự do
và không phân biệt giữa "ngã" và "không phải là ngã" từ vô ngại dung hòa.
Điều nầy làm được vì tâm thức:
theo và đồng nhất với bản tâm đã giác ngộ của mình
và không "trụ" (dính chặc ràng buộc) vào mọi sự vật bên ngoài tâm của mình, kể cả thân của mình
Như thế, tâm thức giác ngộ là:
Tâm thức không tự ngã và không chấp ngã cũng giống như tâm đoạn diệt mê hoặc (đoạn hoặc) của Phật Giáo Nguyên thủy gồm có đoạn diệt tình cảm: tham dục, sân và mạn. Do đó tâm thức không tự ngã và không chấp ngã có thể gọi là tâm thức đoạn hoặc.
Tâm thức dung hòa, không phân biệt giữa "ngã" và "không phải là ngã", chính là tâm thức từ bi.
Như vậy, tâm thức giác ngộ để được an tịnh không phiền não là tâm thức đoạn hoặc và từ bi.
- Đoạn hoặc đối với tất cả mọi sự vật bên ngoài tâm của ta (all beings and all things) kể cả những sinh mạng hay sinh vật khác (all sentient beings), nhân mạng hay con người khác (human beings) và thân ta.
Đoạn hoặc là:
Đoạn diệt Tham Dục:
không có ích kỷ tham lam (self-centered greed)
Đoạn diệt Sân:
không phẫn nộ giận dữ (anger)
không thù ghét (hate)
không lăng nhục (insult) những người khác
Đoạn diệt Mạn:
không khoe khoang tự phụ (boasting)
không ghen ghét (jealousy) hay ganh tỵ (envy)
không nịnh bợ (flatterery)
không sợ hãi vô lý (unreasonable fear) đối với những người khác
- Từ bi đối với sinh vật khác, người khác (và kể cả thân ta).
Từ bi là:
không hại người và sinh vật khác (= Từ), tức là nhẫn nhịn (forebearance) và không có xung đột (no conflict).
thương người khác và sinh vật khác (= Bi) bằng thể hiện lòng tử tế (loving kindness) và lòng thương xót (pity).
In Essentials of Buddhism, professor Kogen Mizuno writes:
In the state of nonself, there can be no self-centered greed, unreasonable fear of others, hate, flattery, boasting, insult, anger, jealousy, or envy. A person who has realized the nature of nonself can not bring harm to others, since actions is taken only after correctly considering both its immediate and its wider-ranging effects. This is expressed as loving kindness and pity for all beings. There is no conflict between self and others. As the result, the state of nonself as been defined as the state of mind of an enlightened person.
Người có tâm thức giác ngộ chính là Phật. Phật thực hiện Đại từ bi, hóa độ con người cũng giác ngộ thành Phật như mình thì có danh hiệu là Bồ tát. Như vật ý nghĩa của "đại từ bi" (great compassion) của Bồ tát khác với ý nghĩa của "từ bi" (compassion) của tâm thức giác ngộ.
Thiền tông có đoạn hoặc (tham dục, sân, mạn) giống như Phật Giáo Nguyên thủy nhưng dùng từ bi để thay thế trì giới của Phật Giáo Nguyên thủy.
g) Tình cảm và lý trí
*
Tâm thức gồm có lý trí và tình cảm. Tâm thức giác ngộ chỉ giới hạn trong một số tình cảm (đoạn hoặc: tham dục, sân, mạn) nhưng không có nghĩa là hoàn toàn vô tình hay diệt tất cả tình cảm.
Một Công Án trong Thiền Luận (quyển Trung, trang 118) viết:
Một giảng sư kinh Hoa Nghiêm đến tìm Huệ Hải và hỏi: “Bẩm, Thầy tin rằng hết thảy các loài Vô Tình đều là Phật?”
Đáp: “Không, tôi không tin vậy. Nếu các loài vô tình đều là Phật, các loài đang sống khác nào đã chết. Khỉ chết, chó chết còn hơn loài người đang sống. Chúng ta đọc Kinh thấy nói Phật thân không khác Pháp thân (Dharmakàya) vốn do Giới (Sila), Định (Dhyàna) và Tuệ (Prajna) mà sinh; do các phước đức mà sinh. Nếu các loài vô tình đều là Phật, thưa Đại Đức, ngay lúc nầy tốt hơn hãy chết đi mà thành Phật”.
*
Tâm thức là hoạt động của tâm (tâm thức)
từ hiện tượng của sự vật gồm có cảm giác, tri giác và nhận thức;
và về hiện tượng của sự vật là tư tưởng (thought) gồm có lý trí và tình cảm.
Tâm thức giác ngộ luôn hoạt động. Tâm "tịnh" (pure) là trong sạch, không vướng mê hoặc vào sự vật không có nghĩa là "tịnh" (not moving) là không hoạt động.
Pháp Bảo Đàn kinh viết (trang 88-89):
Có vị Tăng đem bài Kệ của Ngọa Luân Thiền sư lập lại với Sư (Huệ Năng):
Ngọa Luân hữu kỹ lưỡng Ngọa Luân có kỹ lưỡng
Năng đoạn bá tư tưởng Dứt được trăm tư tưởng
Đối cảnh Tâm bất khởi Đối cảnh Tâm chẳng khởi
Bồ Đề nhựt nhựt trưởng Bồ Đề ngày ngày (tăng) trưởng (*)
(Ngọa Luân) (Dịch)
(*) Bồ Đề=giác ngộ
Sư (Huệ Năng) nghe xong nói: “Bài Kệ nầy chưa rõ Tâm địa, nếu theo đó mà tu hành thì lại thêm trói buộc”. Do đó Sư khai thị một bài Kệ:
Huệ Năng một kỹ lưỡng Huệ Năng không kỹ lưỡng
Bất đoạn bá tư tưởng Chẳng dứt trăm tư tưởng
Đối cảnh Tâm sổ khởi Đối cảnh Tâm cứ khởi
Bồ Đề tác ma trưởng. Bồ Đề làm sao (tăng) trưởng.
(Huệ Năng) (Dịch)
* Tâm thức an tịnh và đời sống
Cứu cánh của Thiền tông là tâm thức an tịnh (tranquil), không phiền não (= tình cảm không buồn khổ). Nó là kết quả của tâm thức giác ngộ tuân theo hay đồng nhất với bản tâm (hay Phật tánh) giác ngộ và không vô minh mà sở trụ (attached) vào sự vật bên ngoài.
Thiền Luận của Suzuki viết:
Khi Nhị tổ Huệ Khả đến tìm học với Nhất tổ Bồ Đề Đạt Ma.
Huệ Khả nói: "Tâm của tôi chưa được an".
Bồ Đề Đạt Ma nói: "Đem Tâm ra đây ta an cho".
Sau một lúc lưỡng lự, cuối cùng Huệ Khả thú nhận: "Tôi đã tìm nó trong nhiều năm rồi mà chưa bắt được nó (mịch tâm liễu bất khả đắc)".
Bồ Đề Đạt Ma xác nhận: "Này, Tâm của ngươi đã được an rồi đó".
Muốn được tình cảm không buồn khổ thì lý trí của ta phải sáng suốt đến giác ngộ mà đoạn diệt một số tình cảm (tham dục, sân, mạn) đối với sự vật và sinh vật (kể cả thân mình), cũng như thực hành tình cảm từ bi đối với sinh vật (kể cả thân mình) trong lý trí; và từ đó tâm thức (lý trí và tình cảm) hướng dẫn sinh hoạt hằng ngày của mình gồm cả hành động và ngôn ngữ.
Tâm thức ta gồm có lý trí và tình cảm luôn hoạt động liên quan tới sự vật và sinh vật (kể cả thân mình) nhưng hoạt động trong sự sáng suốt hoàn hảo của lý trí giác ngộ (theo giáo lý Phật Giáo). Lý trí và tình cảm khác của ta tự do hoạt động trong những phạm vi và phương diện khác ngoài giáo lý Phật Giáo.
Thiền sư Yến Khê Quảng Văn (1189-1263):
Đảm tử toàn kiên hà phụ
Mục tiền qui lộ vô sa
Tâm tri ưng vô sở trụ
Tri sài lạc tại thùy gia
(Dịch)
Đôi vai chất đầy gánh nặng
Đường về trước mắt không hay
Dù biết “ưng vô sở trụ”
Biết rằng củi bán nhà ai
2) Thiền Tông và Kim Cang Thừa
Nội dung giáo lý giác ngộ của Phật Giáo Tây Tạng Kim Cang Thừa trong giáo lý Đại Cứu cánh không khác nội dung giáo lý giác ngộ của Thiền tông
Đây là lời giảng của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 về giáo lý Đại Cứu cánh:
- Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 tóm tắt giáo pháp Đại Cứu cánh (và Bản Thể Đại Thủ Ấn):
nhìn (= Kiến) các hiện tượng sinh tử luân hồi và niết bàn như trò thiên diễn và tự phóng chiếu của Tâm (Tâm Thức)
và nhìn trong sự duy trì tỉnh giác của Bản Thể Tâm (Bản Tâm).
- Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 viết chi tiết thực tế về Đại Cứu Cánh (và Bản Thể Đại Thủ Ấn):
1.
Tất cả mọi Hiện tượng thanh tịnh hay ô nhiễm đều trình hiện bởi Tâm Thức như là biểu hiện bằng tính chất tự nhiên thanh tịnh (của Bản Tâm) vì Bản Tâm là thanh tịnh bản nhiên từ khởi thủy..
Ngay cả khi vẫn là chúng sanh và dù đã tạo vô số ý nghiệp tốt hoặc xấu như tham, sân , si; Bản Tâm chính nó vẫn siêu việt (= ở trên) mọi ô nhiễm từ các phiền não nầy. Nước có thể rất bẩn nhưng thể tính của nó vẫn là trong sạch (= thanh tịnh) và bản tánh của nước không bị ô nhiễm bởi bùn dơ.
Tương tự, bất luận hiện tượng phát sinh như là trò thiên diễn (= biểu tượng) của Tâm nầy, và bất luận lực dụng của nó (= hiện tượng phát sinh) đến mức nào thì tự Bản Tâm (căn nguyên của mọi tướng trạng của các kỹ xảo như vậy) từ vô thủy vẫn không bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm và vẫn không bị ảnh hưởng bởi cái thiện.
2.
Giác ngộ là khi ta "đồng nhất" được với Bản Tâm và nhận thức rõ ràng tất cả mọi Hiện tượng luân hồi sinh tử và Niết bàn (Vạn Pháp) đều lưu xuất từ Bản Tâm nầy. Bản Tâm từ bi viên mãn và vi diệu vốn có sẵn (trong mỗi và mọi chúng sanh) nên Kinh có câu "Giác ngộ từ vô thủy".
Từ không bị ảnh hưởng bởi khái niệm quy ước, Tâm (Tâm Thức) đồng nhất với bản thể của mình (= Bản Tâm) và khẳng định chính xác rằng ý nghĩa của nó (= Bản Tâm) tương tục và thường hằng trong sự quân bình của Định Tuệ thì dù có sống trong thế tục chúng ta đã là Phật.
3) Thiền Tông và Phật Giáo Nguyên Thủy
a) Tứ Diệu Đế
* (Từ Khổ đế đến Đạo đế)
- Cứu cánh của Phật Thích Ca và Phật Giáo Nguyên thủy là giác ngộ, diệt hết khổ cho sinh mạng, trong kiếp sống nầy mà sinh mạng đạt niết bàn và thoát khỏi phải khổ thêm nữa vì không phải tiếp tục tái sinh nhiều kiếp khác mãi mãi trong luân hồi.
Giác ngộ của Phật Giáo Nguyên Thủy là Bát Chánh đạo, là (đạt) Niết bàn.
Danh hiệu của bậc giác ngộ đạt niết bàn là La hán. Danh hiệu Phật chỉ dùng giới hạn cho Phật Thích Ca, vị Phật có thật trong lịch sử và vài chục vị Phật theo truyền thuyết.
- Cứu cánh của Thiền tông (đại diện cho Phật Giáo Đại Thừa) là con người (a human being) được có tâm giác ngộ an tịnh (tranquil) mà không phiền não trong kiếp sống nầy mà thôi, đó là niết bàn diệu tâm.
Giáo lý của Thiền Tông chỉ áp dụng cho con người (nhân mạng) trong kiếp sống nầy và không có tham vọng áp dụng cho tất cả 5 loại sinh mạng khác (nhất là thú vật) trong nhiều kiếp của lục đạo luân hồi.
Giác ngộ của Phật Giáo Đại Thừa là Lục độ là diệu tâm Niết bàn nhưng được Thiền tông đơn giản là Hành Kiến.
Danh hiệu của người giác ngộ là Phật. Nếu Phật ra công hóa độ những người khác cũng giác ngộ như mình thì gọi là Bồ tát.
*
Phái đầu tiên của Đại Thừa là Trung Quán phái (Không tông của Trung Quốc), theo Bát Nhã Tâm kinh, đã phủ nhận giá trị tuyệt đối của Tứ Diệu Đế của Phật Giáo Nguyên Thủy, xem Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) như là sự vật không có tự tánh và tương đối.
Bát Nhã Tâm kinh viết:
Trong Không (Sùnya),
không có Minh, không có Vô Minh; không có Minh diệt, không có Vô Minh diệt;
cho tới không có Tuổi Già (Lão) và Sự Chết (Tử), không có sự tận diệt của Tuổi Già và Sự Chết;
không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo;
Thiền sư theo kinh Bát Nhã coi thân mình trong "sinh lão bệnh tử" của một kiếp như là sự tương đối và tâm thức của mình không dính chặc ràng buộc vào chúng (không tham sống và không sợ chết như trong đoạn hoặc). Do đó thiền sư cũng không nhìn xa vào tái sinh trong luân hồi lục đạo.
Thái độ của thiền sư Trúc Lâm đại sĩ (Trần Nhân tông) được viết trong Đại Việt Sử ký toàn thư cho thấy điều nầy:
Năm 1308, chị của Thượng Hoàng Nhân Tông (1258-1308) là công chúa Thiên Thụy (dâu của Hưng Đạo Vương) ốm nặng, Thượng Hoàng xuống núi Yên Tử tới thăm và bảo: “Nếu chị đã đến ngày đến giờ thì cứ đi, thấy âm phủ có hỏi thì trả lời rằng: Xin đợi một chút, em tôi là Trúc Lâm đại sĩ sẽ tới ngay”. Nói xong Thượng Hoàng Nhân Tông trở về núi, dặn dò người hầu là Pháp Loa các việc về sau, rồi bỗng nhiên ngồi mà hóa (thọ 51 tuổi). Thiên Thụy cũng mất cùng hôm đó.
b) Bản Tâm - Nhân Duyên Nghiệp Quả
* (Tập đế và Diệt đế)
- Giáo lý giác ngộ của Phật Giáo Nguyên thủy căn cứ trên "nhân duyên nghiệp quả" của một sinh mạng đối với sự vật và sinh mạng khác trong nhiều kiếp luân hồi mà đưa ra đoạn hoặc (đoạn diệt mê hoặc) đối với tất cả mọi sự vật hiện hữu (hiện tượng) và trì giới đối với mọi người khác và sinh mạng khác. Thực tế của giáo lý là đoạn hoặc và trì giới.
- Giáo lý giác ngộ của Thiền tông (dung hòa và tổng hợp Không tông và Tánh tông của Phật Giáo Đại thừa) căn cứ trên hiện tượng và sự tương đối của sự vật và bản tâm giác ngộ của tâm con người mà đưa ra tâm thức đoạn hoặc đối với tất cả mọi sự vật (kể cả sinh mạng và thân mình) và tâm từ bi đối với mọi sinh mạng khác (kề cả người khác và thân mình). Thực tế của giáo lý là đoạn hoặc và từ bi.
*
Từ "nhân duyên nghiệp quả" giữa các sự vật cũng như giữa các sinh mạng,
Phật Thích Ca của Phật Giáo Nguyên thủy đưa ra lý thuyết Thập nhị (12) nhân duyên và nhấn mạnh tới nghiệp của con người hay sinh mạng. Chính nghiệp làm cho con người hay sinh mạng phải khổ và phải tái sinh, và do đó vướng vào luân hồi để phải chịu khổ trong những kiếp trong luân hồi. Muốn diệt nghiệp trong 12 nhân duyên, ta phải đoạn hoặc.
Phật Thích Ca theo truyền thống cũ cho rằng ác nghiệp của một sinh mạng quyết định cho sinh mạng đó phải tái sinh theo những đạo xấu trong lục đạo như thành thú vật hay quỉ thay vì thành người hay thiên (deva). Để tránh 10 ác nghiệp, ta phải giữ 10 giới.
Đối với sự vật,
Phật Giáo Nguyên thủy dính chặc vào sự vật bằng "nhân duyên nghiệp quả" và không biết tới bản tâm giác ngộ có sẵn trong con người.
Thiền tông không dính chặc vào sự vật tương đối và đồng nhất với bản tâm (hay Phật tánh) giác ngộ có sẵn trong con người.
Thiền tông dựa trên bản tâm (hay Phật tánh)
để phủ nhận "nhân duyên nghiệp quả",
đưa ra từ bi (từ bản tâm) để thay thế trì giới (từ nghiệp).
Phái thứ nhì của Đại thừa Ấn Độ là Duy Thức đã coi "nhân duyên nghiệp quả" chỉ là hiện tượng từ tâm thức của ta và Tánh tông còn cho rằng bản tâm (hay Phật tánh) luôn trong sạch không vướng vào hiện tượng bên ngoài tức là không vướng vào "nhân duyên nghiệp quả".
Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 viết:
Tất cả mọi Hiện tượng thanh tịnh hay ô nhiễm đều trình hiện bởi Tâm Thức như là biểu hiện bằng tính chất tự nhiên thanh tịnh (của Bản Tâm) vì Bản Tâm là thanh tịnh bản nhiên từ khởi thủy..
Ngay cả khi vẫn là chúng sanh và dù đã tạo vô số ý nghiệp tốt hoặc xấu như tham, sân , si; Bản Tâm chính nó vẫn siêu việt (= ở trên) mọi ô nhiễm từ các phiền não nầy. Nước có thể rất bẩn nhưng thể tính của nó vẫn là trong sạch (= thanh tịnh) và bản tánh của nước không bị ô nhiễm bởi bùn dơ.
Tương tự, bất luận hiện tượng phát sinh như là trò thiên diễn (= biểu tượng) của Tâm nầy, và bất luận lực dụng của nó (= hiện tượng phát sinh) đến mức nào thì tự Bản Tâm (căn nguyên của mọi tướng trạng của các kỹ xảo như vậy) từ vô thủy vẫn không bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm và vẫn không bị ảnh hưởng bởi cái thiện.
*
Nội dung của đoạn hoặc về tình cảm của Phật Giáo Nguyên thủy và Đại thừa giống nhau (gồm có tham dục, sân, mạn) nhưng Đại thừa không hề đặt căn bản giáo lý đoạn hoặc của mình trên "nhân duyên nghiệp quả" như Phật Giáo Nguyên thủy.
c) Từ bi - Trì giới
* (Trì giới của Phật Giáo Nguyên Thủy)
Theo Phật Giáo Nguyên Thủy, trì giới là giữ những luật lệ không phạm khi đối xử với người khác và sinh vật khác. Nếu phạm giới thì là tạo ra ác nghiệp (có 10 giới chánh tương quan với 10 ác nghiệp). Nếu phạm 1 trong 10 ác nghiệp thì sẽ bị tái sinh thành những loại sinh mạng như thú vật, quỉ địa ngục và quỉ đói (ngạ quỉ) và không tái sinh thành người hay thiên (deva). Chỉ có con người hay thiên (deva) mới có thể giác ngộ mà thoát khổ được.
10 giới cấm để không tạo 10 ác nghiệp:
1. Không nói dối (Not to lie)
2. Không dùng vọng ngữ tức là ngôn ngữ xấu (Not to use bad language): không nói với lưỡi 2 chiều.
3. Không nói xấu người khác (Not to slander others): không ác khẩu.
4. Không nói thêu dệt một cách phóng dật (Not to speak frivolously)
5. Không sát sinh (Not to kill)
6. Không trộm cướp (Not to steal)
7. Không tà dâm (Not to commit adultery)
8. Không tham muốn (Not to covet)
9. Không giận dữ (Not to give way to anger)
10. Không giữ tà ý (Not to hold false volition). Tà Ý là ý định vi phạm ngũ (5) trọng giới (giới 1-5)..
Giáo lý của Thiền tông không có trì giới nhất là cho các cư sĩ tại gia.
Thiền tông có đưa ra giải pháp dễ dàng là sám hối để cho những ai còn vương vấn với ác nghiệp.
Pháp Bảo Đàn Kinh viết:
Tổ Huệ Năng nói: "Thế nào là Sám? Thế nào là Hối? Sám là sám trừ tội trước, từ trước tất cả các tội Ác nghiệp ngu mê, kiêu căng, dối trá, ganh tỵ thảy đều sám hết, chẳng bao giờ khởi nữa gọi là Sám. Hối là hối cải lỗi sau, tất cả Ác nghiệp ngu mê, kiêu căng, dối trá, ganh tỵ ... nay đã Giác ngộ đều cho đoạn dứt, chẳng bao giờ tạo nữa gọi là Hối".
* (Từ bi của Thiền tông)
Cũng thể hiện bằng Chánh ngữ, Chánh nghiệp và Chánh mệnh, từ bi của Đại thừa Thiền tông thay thế trì giới của Phật Giáo Nguyên thủy nhưng còn có thêm Nhẫn ba la mật đa và Bố thí ba la mật đa trong đời sống đối với người và sinh vật khác.
Tâm từ bi của Đại Thừa Thiền tông:
không hại người và vật khác (= Từ), tức là nhẫn nhịn (forebearance) và không xung đột (no conflict),
thương người và vật khác (= Bi) bằng thể hiện lòng tử tế (loving kindness) và lòng thương xót (pity).
Công án đàm thoại giữa Tổ Bồ Đề Đạt Ma và Lương Vũ Đế viết về bản tâm từ bi và công đức của Phật tử (Thiền Luận quyển Hạ, trang 547):
Lương Vũ Đế hỏi Đạt Ma (Tổ Bồ Đề Đạt Ma):
“Từ khi Trẫm lên ngôi đến nay, đã xây dựng biết bao nhiêu chùa chiền, sao chép biết bao kinh điển và độ vô số tăng ni. Ngài nghĩ công đức của Trẫm như thế nào?”.
Đạt Ma đáp (cộc lốc):
“Tâu Bệ hạ, chẳng công đức gì hết”
Vũ Đế ngạc nhiên hỏi:
“Tại sao thế?”
Đạt Ma mới nói như vầy:
“Đó chỉ là những việc làm hạ đẳng, chỉ khiến cho người ta thác sinh vào các cõi trời, rồi cũng sẽ trở lại trần gian nầy nữa. Chúng vẫn còn mang những dấu vết của thế tục, như bóng theo hình. Dù chúng có vẻ thực, thì cũng chỉ là những pháp phi hữu. Đối với công đức chân thật (thì) đầy đủ trí tuệ thanh tịnh (= trong sạch), viên mãn vi diệu, và bản tính chân thật của nó vượt ngoài sở tri (= cái hiểu biết) của người. Do vậy đừng tìm cầu nó trong các công trình thế gian”.
Trì giới của Phật Giáo Nguyên Thủy gồm Giới Ba La Mật Đa
Từ bi của Phật Giáo Đại Thừa gồm Nhẫn Ba La Mật Đa, Bố thí Ba La Mật Đa và Giới Ba La Mật Đa.
4) Thiền tông từ Phật Giáo Nguyên thủy
Phật Giáo Nguyên thủy từ Phật Thích Ca đã có Tứ Pháp ấn (4 seals of the law).
Kinh A Hàm (phẩm 18 của Tăng Nhất A Hàm) của Phật Giáo Nguyên thủy đã viết về Tứ Pháp ấn:
Cái gì là hiện Tượng là vô thường
Cái gì là hiện tượng là Khổ
Cái gì là hiện tượng là vô ngã
Niết bàn là an tịnh vĩnh cửu.
Lợi dụng trực tiếp từ bài kệ của Phật Giáo Nguyên thủy bắt đầu từ vô ngã, Phật Giáo Đại thừa từ Không tông qua Tánh tông cho đến Thiền tông đã xây dựng nội dung giáo lý của mình trên đó: Vì sự vật (là hiện tượng) vô thường nên phải khổ, do đó nếu ta cứ căn cứ trên sự vật vô ngã (without nature) thì ta sẽ được niết bàn an tịnh trong tâm của ta.
Phật Giáo Đại thừa Không tông suy từ sự vật là hiện tượng và vì nó vô ngã (cho nên vô thường) nên là tương đối và cứu cánh niết bàn chỉ là tâm an tịnh (tranquil) mà thôi.
Hơn nữa, Đại thừa Tánh tông còn nghiên cứu Tâm của con người và tìm ra bản tâm, hay Phật tánh, vô ngã (nonself) có sẵn từ bẩm sinh giúp con người thành Phật
Phật Thích Ca chỉ bắt đầu từ vô thường (impermanant) của hiện tượng sự vật mà suy ra "nhân duyên nghiệp quả" rồi chú trọng tới nghiệp trong luân hồi lục đạo mà đặt ra giáo lý đạt niết bàn của mình. Theo thiển ý, giáo lý nầy phức tạp và khó áp dụng trong thực tế. Nếu không có thượng đế thì ai quyết định cái nghiệp của chúng sinh?
Phật Thích Ca cũng cho rằng sự vật là hiện tượng nhưng từ chối không bàn đến cái "ngã" (nature) của sự vật.
Trong thời của Phật Thích Ca, các trường phái triết học khác ở Ấn Độ chấp nhận một hình thức có thể chất không thay đổi gọi là "Àtman" (nature, self = ngã) còn được gọi theo từ ngữ của vũ trụ và tôn giáo là "Brahman". Phật Thích Ca cũng như Phật Giáo Nguyên Thủy không để ý tới Àtman hay Brahman vì chúng không có liên quan tới thế giới hiện tượng do đó không giúp cho việc tu hành để thoát khỏi Khổ và luân hồi sinh tử.
Theo tiểu tụng về Màlunkyaputta (Lesser course to Màlunkyaputta = Cùla-Màlunkya sutta) trong Trung Bộ (Majjhima-nikàya) của Kinh Tạng:
Màlunkyaputta, một triết gia trẻ tuổi, đã thông thạo giáo lý Bà La Môn (Brahmanic doctrine) trước khi thành đệ tử của Phật Thích Ca. Ông bị ám ảnh bởi vấn đề về Bản thể học nên Ông xin Phật Thích Ca trả lời 4 câu hỏi của ông một cách thỏa đáng trước khi ông theo con đường tu hành của Phật Giáo. Bốn câu hỏi là: Thế giới (nầy) là vĩnh cửu hay không? Thế giới là có giới hạn hay không? Thể xác và Tâm thần là một hay khác biệt? Như Lai, bậc vượt trên khỏi sinh tử, còn hiện hữu sau khi chết hay không?
Phật Thích Ca dùng câu chuyện của mũi tên có tẩm thuốc độc để trả lời: Nếu một người bị trúng tên có tẩm thuốc độc, người đó có đòi hỏi được biết tên của người cung thủ, thuộc giai cấp hay dòng họ nào, cung và tên thuộc loại nào trước khi chấp nhận và đồng ý được chữa vết thương của mình? Người đó sẽ chết trước khi mũi tên được rút ra và thuốc độc được diệt trừ. Cũng giống như thế cho trường hợp của một người từ chối tu hành thoát khỏi phiền não (defilements) và đạt giải thoát trước khi những câu hỏi về bản thể học nầy (ontological questions) được trả lời minh bạch sẽ chết, và người đó sẽ lại tiếp tục khổ trong luân hồi, bởi vì những câu hỏi như vậy tiếp tục không được trả lời.
Màlunkyaputta nhận thức sự sai lầm của mình và bắt đầu tu hành theo Phật Thích Ca.
Hơn nữa thuyết 12 nhân duyên của Phật Thích Ca về "nhân duyên nghiệp quả" cho rằng con người hay sinh mạng sinh ra đã là vô minh, không biết đến bản tâm giác ngộ (như Đại thừa Tánh tông và Thiền tông)
b) Bản tâm từ bi
Kinh tạng của Phật Giáo Nguyên thủy thật ra có vô tình nói tới bản tâm và từ bi nhưng Phật Giáo Nguyên thủy đã không đem vào giáo lý trong tập đế và diệt đế.
* (Bản tâm)
Phật Giáo Nguyên thủy đã nói tới bản tâm trong Kinh Tạng và gọi nó là minh tâm hay Phật tánh.
- Tăng Nhất Bộ Kinh (Anguttara Nikaya) của Kinh Tạng viết:
Minh tâm bẩm sinh (innately luminous mind=prabhasvara citta) bị che dấu bởi phiền não mê hoặc (defilements = agantukaklesa).
Đại Chúng bộ (Mahasàngika) gọi là tâm thức bản thể (substratum consciousness = Mulavijana) là căn bản của tâm thức (nature of consciousness).
- Niết Bàn Kinh (Nirvana Sutra) của Kinh Tạng viết:
Chúng sanh có sở hữu một bản tánh thánh thiện (sacred nature) làm căn bản để chúng sanh thành Phật. Đó là Phật tánh, thực tánh (true nature) phổ quát (universal) và ô uế (sullied) bởi trạng thái tâm lý hay nghiệp mà cá thể có thể vướng vào.
* (Từ bi)
Đoạn diệt 3 tư hoặc thuộc về tình cảm là tham dục, sân và mạn giúp cho tu sĩ phát hiện ra tâm từ bi. Kinh Tạng của Phật Giáo Nguyên thủy có nói đến điều đó qua lời của tôn giả Xá Lợi Phất (Sàriputta), một trong 10 đại đệ tử của Phật Thích Ca:
Một hôm sa di Ràhula đi khất thực với tôn giả Sàriputta ở Rajagaha (Vương Xá). Một tên côn đồ (hooligan) liệng cát vào bình bát của Sàriputta và đánh đập Ràhula. Sàriputta bảo Ràhula rằng: "Dù gặp bất cứ cách đối xử nào, chúng ta là tỳ kheo đừng bao giở giận (sân), phải có lòng từ bi đối với chúng sanh. Người tu hành tìm giác ngộ không tự kiêu, không tham dục và phải có sức mạnh chống lại cái tâm nóng giận (sân)". Ràhula vâng lời, chỉ cười rồi bỏ đi cùng với Sàriputta.
Tuy nhiên, Phật Giáo Nguyên thủy đã không đem bản tâm (hay Phật tánh từ bi vào giáo lý trong tập đế và diệt đế.
III. HÌNH THỨC CỦA GIÁC NGỘ
a) Lục Độ và Bát Chánh Đạo
*
Trên hình thức, giác ngộ của Phật Giáo Đại thừa là Lục độ (6 Ba La Mật Đa) và giác ngộ của
Phật Giáo Nguyên Thủy là Bát Chánh đạo.
Bát Chánh đạo là 8 con đường đi đúng, đúng theo giáo lý của Phật Giáo.
Lục độ là 6 sự toàn hảo, toàn hảo giáo lý của Phật Giáo = 6 pàramità (6 Ba La Mật Đa).
So sánh Lục độ (PG Đại Thừa) và Bát Chánh đạo (PG Nguyên Thủy) của bậc giác ngộ:
(Lục Độ) (Bát Chánh Đạo)
- Kiến =
Tuệ Ba La Mật Đa ................. Chánh Kiến, Chánh Niệm, Chánh Tư Duy
Định Ba La Mật Đa ................ Chánh Định
Tinh Tiến Ba La Mật Đa ........ Chánh Tinh Tiến
- Hành =
Nhẫn Ba La Mật Đa
Bố Thí Ba La Mật Đa
Giới Ba La Mật Đa .................. Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mệnh
*
Chú thích về Ba La Mật Đa và Bát Nhã Ba La Mật Đa (= Tuệ Ba La Mật Đa)
- Pàramità:
(dịch âm) = Ba La Mật Đa
(dịch nghĩa) = Perfection = sự toàn hảo = Độ (như Lục Độ)
(dịch nghĩa đen) = Đáo Bỉ Ngạn (quan bờ bên kia) = Độ Vô Cực (?)
= (Sự Cứu Cánh)
- Prajnà:
(dịch âm) = Bát Nhã
(dịch nghĩa) = Tuệ (Huệ) hay Trí Tuệ (Wisdom).
Sư Huyền Trang dịch Prajnà là Tuệ hay Huệ (=Wisdom), phân biệt với Jnàna là Trí
(=Knowledge) vì có Tuệ Ba La Mật Đa và Trí Ba La Mật Đa trong Thập Độ của kinh Hoa
Nghiêm. Tác giả bài viết nầy giữ theo đúng với dịch nghĩa "Tuệ" của Sư Huyền Trang.
Các sách hiện đại nhất là trong nước bắt đầu dùng "Huệ" thay thế cho "Tuệ" để dịch Phạn ngữ
"Prajnà" hay Anh ngữ "Wisdom". Tác giả bài viết nầy vẫn dùng từ ngữ "Tuệ".
- Prajnàpàramità:
(dịch âm) = Bát Nhã Ba La Mật Đa.
(dịch nghĩa) = Perfection of Wisdom or Transcendental Wisdom = Trí tuệ toàn hảo hay
siêu việt = Trí Tuệ Độ (theo Trần Trọng Kim)
(thông dụng, thường dịch là) = Tuệ Ba La Mật Đa = Bát Nhã Ba La Mật Đa = Tuệ toàn
hảo
(thường dịch không đúng là) = Trí Tuệ Bát Nhã = Trí Huệ Bát Nhã = Bát Nhã.
(dịch dễ hiểu nhất là) = Tâm sáng suốt toàn hảo hay thực tế hơn là toàn hảo trong sự nhìn
thấy hiểu biết rõ, đức tin và tư tưởng theo giáo lý Phật Giáo (= Chánh Kiến, Chánh Niệm và
Chánh Tư Duy của PG Nguyên thủy).
Tuệ Ba La Mật Đa (Bát Nhã Ba La Mật Đa) là căn bản và chủ yếu của cả Lục Độ (6 Ba La Mật
Đa). Bậc giác ngộ của Đại Thừa còn gọi là bậc Đại Tuệ (Great Wisdom).
b) Hành Kiến
Thiền tông đơn giản Lục độ và Bát Chánh đạo thành ra Hành Kiến. Hành Kiến là 2 cột trụ
(pillars) của Thiền Tông.
Tâm thức giác ngộ gồm có giải ngộ và chứng ngộ. Từ chưa giác ngộ (vô minh) vừa đạt tới giác
ngộ thì gọi là giải ngộ. Sau đó giữ giải ngộ gọi là chứng ngộ. Khi sáng suốt đạt tới giải ngộ thì
như một ánh sáng đột nhiên xuất hiện nên Thiền tông thường gọi là đốn ngộ. Chứng ngộ thì phải
giữ suốt đời mình nên thường được gọi là tiệm tu.
Giải ngộ gồm có Hành và Kiến.
- Kiến là:
hoàn toàn nhìn thấy rõ tức là hiểu biết rõ giáo lý (= Chánh Kiến hay Tuệ Ba La Mật Đa)
hoàn toàn chỉ tin vào sự hiểu biết rõ của mình (= Chánh Niệm hay Tuệ Ba La Mật Đa)
hoàn toàn có tư tưởng giống như sự hiểu biết rõ của mình (= Chánh Tư Duy hay Tuệ Ba
La Mật Đa)
hoàn toàn giữ cố định sự hiểu biết rõ và tư tưởng của mình (= Chánh Định hay Định Ba
La Mật Đa)
hoàn toàn không giao động hay từ bỏ sự hiểu biết rõ và tư tưởng của mình (= Chánh Tinh
Tiến hay Tinh Tiến Ba La Mật Đa)
- Hành là:
hoàn toàn sống theo sự hiểu biết và tư tưởng của mình trong đời sống gồm có:
ngôn ngữ (= Chánh Ngữ hay Giới Ba La Mật Đa)
hành vi (= Chánh Nghiệp hay Giới Ba La Mật Đa)
sinh hoạt (= Chánh Mệnh hay Giới Ba La Mật Đa; Nhẫn Ba La Mật Đa và Bố thí
Ba La Mật Đa)
Thiền Tông cho rằng Kiến là chủ yếu và quan trọng hơn là Hành. Phần quan trọng nhất của Kiến
là Tuệ Ba La Mật Đa (Bát Nhã Ba La Mật Đa) của Lục độ.
Chánh Tinh Tiến (= Tinh Tiến Ba La Mật Đa) giữ cho tâm thức giác ngộ không giao động hay từ
bỏ Hành Kiến của mình bằng nguyên tắc Tứ Chính Cần.
Tứ Chính Cần là:
Điều Ác đã sinh cần phải siêng năng đoạn diệt
Điều Ác chưa sinh cần phải siêng năng đừng cho sinh ra
Điều Thiện đã làm cần phải siêng năng làm thêm
Điều Thiện chưa có cần phải siêng năng tạo ra
Điều Thiện (good) là theo Hành Kiến của Thiền Tông , điều Ác (evil) là không theo Hành Kiến
của Thiền Tông.
c) Niết Bàn (Nirvana)
Cứu cánh của Phật Thích Ca và Phật Giáo Nguyên thủy là giác ngộ, diệt hết khổ cho sinh mạng
(a sentient being), trong kiếp sống nầy mà sinh mạng đạt niết bàn và thoát khỏi phải khổ vì
không phải tiếp tục tái sinh nhiều kiếp khác mãi mãi trong luân hồi.
Phật Giáo Nguyên thủy không định nghĩa được rõ ràng, ta chỉ hiểu Niết bàn đồng nghĩa với trạng
thái (state) giác ngộ không khổ và khi đạt niết bàn thì sau khi chết con người không phải bị tái
sinh luân hồi.
Cứu cánh của Thiền tông (đại diện cho Phật Giáo Đại Thừa) là con người (a human being) được
có tâm giác ngộ an tịnh (tranquil) mà không phiền não trong kiếp sống nầy mà thôi, đó là niết
bàn diệu tâm. Niết bàn chỉ là tâm giác ngộ an tịnh trong kiếp sống nầy của mỗi con người.
Phật Lục của Trần Trọng Kim viết:
Trong một pháp hội trên núi Linh Thứu (Grdhrakùta), Đức Phật Thích Ca thăng tòa im
lặng giơ cành hoa Kim Đàn Mộc (do Đại Phạm thiên dâng lên) thị chúng (= nhìn mọi người).
Lúc ấy nhân thiên đại chúng dưới tòa chẳng ai hiểu duy có ngài Maha Ca Diếp (Mahàkàsyapa)
động nét mặt mỉm cười. Lúc ấy Đức Thế Tôn (= Phật Thích Ca) nói: “Ta có chính pháp nhãn
tạng, Niết bàn diệu tâm, thực tướng vô tướng, nay trao truyền cho ông”. (Ngô hữu chính pháp
nhãn tạng niết bàn diệu tâm thực tướng vô tướng phó chúc ư nhữ).
d) Phật và Bồ tát - La Hán
*
Giác ngộ của Phật Giáo Nguyên Thủy là Bát Chánh đạo, là (đạt) Niết bàn.
Danh hiệu của người giác ngộ đạt niết bàn là La hán. Danh hiệu Phật chỉ dùng giới hạn cho Phật
Thích Ca, vị Phật có thật trong lịch sử và những vị Phật theo truyền thuyết. Phật Giáo Nguyên
thủy có Bản Sinh kinh thuật lại những kiếp trước của Phật Thích Ca và coi những kiếp nầy là
kiếp Bồ tát trước khi thành Phật của Phật Thích Ca.
Giác ngộ của Phật Giáo Đại Thừa là Lục độ là tâm Niết bàn nhưng được Thiền tông đơn giản là
Hành Kiến.
Danh hiệu của người giác ngộ là Phật (Buddha). Nếu Phật ra công hóa độ những người khác
cũng giác ngộ như mình thì gọi là Bồ tát (Bodhisattva).
Pháp Bảo Đàn kinh viết:
Tổ biết Huệ Năng đã ngộ nên nói với Huệ Năng rằng: “Chẳng nhận được bản tâm (thì)
học pháp vô ích, nếu nhận được bản tâm thấy được bản tánh tức gọi là Trượng Phu, là Thiên
Nhơn Sư, là Phật”.
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 viết:
Từ không bị ảnh hưởng bởi khái niệm quy ước, Tâm (Tâm Thức) đồng nhất với bản thể
của mình (Bản Tâm) và khẳng định chính xác rằng ý nghĩa của nó (Bản Tâm) tương tục và
thường hằng trong sự quân bình của Định Tuệ thì dù có sống trong thế tục chúng ta đã là Phật.
*
Bồ tát là những bậc Đại Tuệ giác ngộ có Bồ đề tâm mà thi hành Đại Từ bi dùng phương tiện
thiện xảo (upaya = skillful means) để hóa độ chúng sinh trong cõi ta bà đạt giác ngộ như mình.
Theo kinh Hoa Nghiêm của Đại thừa lúc sơ khởi, bậc Đại Tuệ giác ngộ phải là Bồ tát hoàn hảo
hóa độ rồi mới thành Phật tuy nhiên ngay sau đó từ kinh Bát Nhã trở đi thì đơn giản hơn: bậc
giác ngộ là Phật và nếu Phật hóa độ con người khác giác ngộ thành Phật như mình thì gọi là Bồ
tát. Đại thừa và Kim Cang thừa đều đồng ý với kinh Bát Nhã.
*
Phật Giáo Đại thừa cho rằng chúng sanh, nhất là mỗi con người, đều có thể thành Phật vì có sẵn
Phật tánh (bản tâm) từ bẩm sinh.
Pháp Hoa kinh viết:
(Phẩm 10): Mọi người có thể được giải thoát. Tất cả chúng sanh có thể thành Phật,
không những tăng ni mà còn cả cư sĩ (Lay people), thanh văn, Bồ tát và sinh vật không phải là
người (non human creature).
(Phẩm 12): Phật tánh thì phổ quát trong tất cả mọi người kể cả Devadatta cũng có căn
cơ (potential) thành Phật. Devadatta là người âm mưu ám sát Phật Thích Ca.
Tuy nhiên Thiền tông coi thường danh hiệu Phật, cho nó chỉ là một sự vật. Theo Thiền tông, tự
mình biết mình giác ngộ là đủ, cần gì phải có danh hiệu. Điều nầy cũng được áp dụng cho toàn
thể Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng) của Phật Giáo.
Thiền Luận (quyển Hạ, trang 148 và 77) viết:
Hỏi: “Phật là ai?”
Đáp (của các thiền sư):
(của Động Sơn Thủ Sơ): “Ba cân gai”
(của Vân Môn Văn Yển): ‘Que cứt khô” (Càn thỉ quyết)
(của Phần Châu Vô Nghiệp): “Đừng nghĩ bậy”
(của Thủ Sơn Tĩnh Niệm): “Con dâu cưỡi lừa, bà nhạc dắt”
(của Bạch Triệu Nghĩa): "Non xanh nước biếc”
(của Quy Tôn Đạo Thuyên): “Tuyết tan xuân tự nhiên đến”
(của Bảo Phúc Thù): “Khó vẽ lắm”
(của Đạo Ngô Năng): “Chửi cũng không giận”
(của Ngũ Tổ sơn Pháp Diễn): “Một người ngực trần chân không”
(của Trí Môn Quang Tộ): “Sau khi cởi giày ra, ông ấy chạy chân không”.
(của La Hán Tuyên Pháp): “Ông là một nhà lang thang.
Thiền Luận (quyển Hạ, trang 606) viết:
Hỏi: “Gia phong của hòa thượng ra sao?” (Nghĩa là những nét đặc sắc trong tông môn
và giáo pháp của Sư là gì?)
Đáp: “Một cái bàn, một cái ghế, một bếp lửa và những cánh cửa sổ”
Hỏi: “Bổn phận người xuất gia là gì?”
Đáp: “Buổi sáng nói lời chào mừng, buổi tối nói lời trân trọng”
Hỏi: “Đại ý Phật pháp là gì?”
Đáp: “Thích Ca là ngưu đầu ngục tốt, Tổ sư là mã diện a tỳ"
Thiền Luận (quyển Hạ, trang 605) viết:
Nghiêm Dương tôn giả ở Tân Hưng, có thầy Tăng hỏi: “Phật là gì?”
Trả lời: “Cục đất”
Hỏi: “Pháp là gì?”
Trả lời: “Đất lăn”
Hỏi: “Tăng là gì?”
Trả lời: “Ăn cháo ăn cơm”
IV. TU THIỀN VÀ GIÁC NGỘ
1) Cứu cánh và Tu Thiền
a) Nội dung của tu Thiền
* (Thiền định và Thiền quán)
Cứu cánh của Phật Giáo Đại thừa nói chung và Thiền tông nói riêng là tâm an tịnh mà không
phiền não bởi vì tâm sáng suốt giáo lý mà đạt tới giác ngộ.
Theo truyền thống, Phật Giáo có phương cách tu để đạt được cứu cánh là tu Thiền (hay tham
Thiền). Tu Thiền phải thực hiện trong không gian yên lặng theo một tư thế đặc biệt của thân
mình (thường là tọa thiền).
Tu Thiền quán (Insight meditation) để tâm sáng suốt giáo lý mà đạt được giác ngộ, khi
đó tâm sẽ an tịnh mà không phiền não. Tu Thiền quán là phương cách tập trung và suy nghĩ về
giáo lý đạt giác ngộ ghi trong kinh luận của Phật Giáo, thường là những trợ đạo phẩm của Phật
Giáo Nguyên thủy hay công án của Thiền tông.
Tu Thiền định (Meditation for concentration) để đạt được tâm an tịnh. Tu Thiền định
thường là phương cách tập trung vào hơi thở. Tu Thiền định không có liên quan tới giáo lý đạt
giác ngộ và dĩ nhiên không cần đạt giác ngộ nhưng tâm cũng sẽ được an tịnh.
Tóm lại tu Thiền quán để tâm giác ngộ giáo lý mà an tịnh (tranquil) không phiền não còn tu
Thiền định để tâm trực tiếp được an tịnh (tranquil) không phiền não mà không cần phải giác ngộ
giáo lý.
* (Thiền Mặc chiếu)
Ngoài tu Thiền định và tu Thiền quán như kể trên, Thiền tông (phái Tào Động) có tu tọa Thiền
Mặc chiếu để đoạn diệt tư tưởng của hành giả (= người tu hành) vì cho rằng chấp ngã và tự ngã
của con người là do tư tưởng (thought). Hành giả vẫn còn tri giác và nhận thức.
Thật ra đó là tu Thiền định đạt tới 4 bậc cao hơn 4 bậc Tứ Thiền (của tu Thiền định) với bậc thứ
tám cuối cùng (= bát định) là đoạn diệt tư tưởng. Theo Niết Bàn kinh của Phật Giáo Nguyên
Thủy, Phật Thích Ca đã áp dụng và đạt tới bậc nầy ngay trước khi ngài nhập diệt. Kỹ thuật tu
Thiền Mặc chiếu được các Thiền sư của phái Tào Động giữ bí mật nên ít người biết.
b) Hình thức của tu Thiền
* (Thiền quán)
Quán = sáng suốt, trong cái nhìn (= kiến = view) = Insight.
Quán gần như đồng nghĩa với Tuệ (Huệ).
Tuệ = sáng suốt, trong cái nhìn (= kiến), nhờ kinh nghiệm hiểu biết (= knowledge) = Wisdom.
Sự toàn hảo của tuệ = perfection of wisdom = Tuệ Ba La Mật Đa = Bát Nhã Ba La Mật Đa.
Thiền quán giúp cho đạt tới Bát Nhã Ba La Mật Đa (Tuệ Ba La Mật Đa) của Phật Giáo Đại thừa,
gồm có Chánh Kiến, Chánh Niệm và Chánh Tư duy của Phật Giáo Nguyên thủy.
* (Thiền định)
Từ Phật Giáo Nguyên thủy cho tới Thiền tông, với phương pháp tu Thiền định, Tâm lần lượt
vượt qua 4 trạng thái gọi là Tứ Thiền hay Tứ Thiền Na.
Tứ Thiền = Tứ Thiền Na (4 Dhyàna):
1. Định Sơ Thiền (1st Jhàna): sung sướng (lạc = pleasure) và vui mừng (hỉ = delight), tâm
thoát khỏi nhục dục (sensuous desire) và ác độc (evil).
2. Định Nhị Thiền (2nd Jhàna): vẫn vui mừng và sung sướng, thoát khỏi suy luận
(discursion) và tìm hiểu (investigation).
3. Định Tam Thiền (3rd Jhàna): sung sướng nhưng bình tỉnh (equanimity), lìa khỏi vui
mừng và than thở
4. Định Tứ Thiền (4th Jhàna): an tịnh (tranquil), lìa khỏi sung sướng và đau khổ
Tứ Thiền còn gọi là Tứ Định của Sắc Giới. Sau khi trải qua Tứ Thiền, Tâm đạt tới an tịnh
(tranquil, calm = samatha).
Tâm đạt tới an tịnh = Chánh Định (của PG Nguyên thủy) = Định Ba La Mật Đa hay Thiền Định
Ba La Mật Đa (của PG Đại thừa).
2) Thiền tông và tu Thiền
a) Phương pháp tu của Thiền tông
*
Các thiền sư đã thấy sự bất lợi của kinh luận.
Một công án trong Thiền Luận q. hạ (trang 82) viết:
Tăng hỏi: “Tại sao sư không chịu cho đọc kinh, coi như là những lời phụ thuộc?”
Sư Huệ Hải đáp: “Như con vẹt học tiếng người mà lại không hiểu ý nghĩa. Kinh truyền ý Phật, nếu không lãnh hội ý Phật thì việc tụng đọc chỉ là học nói, do đó (ta) không chịu cho đọc kinh”
Hỏi: “Ngoài ngôn ngữ văn tự còn phương tiện nào để diễn ý nữa chăng ?”
Đáp: “Những lời ông vừa nói lại cũng là học nói mà thôi”
Hỏi: “Cũng là như nhau sao Sư lại thiên lệch chống đối?”
Đáp: “Trong Kinh có nói rõ rằng: Những gì ta nói đều là nghĩa chứ không phải chỉ có văn; còn những gì mà chúng sinh nói chỉ là văn chứ không có nghĩa. Ai hỏi ý sẽ vượt lên những văn tự hời hợt, ai ngộ Lý sẽ vượt qua những văn tự. Giáo pháp siêu việt (trên) ngôn ngữ văn tự, tại sao lại tìm tòi trong những số câu? Bởi vậy kẻ phát Bồ Đề thì được ý mà quên lời, ngộ Lý mà ảo giáo, như người được cá thì quên nơm”.
Do đó phương pháp tu hành của Thiền tông gồm có: biệt truyền trực tiếp, tu Thiền quán và tu Thiền định
Từ sơ khởi, Thiền tông bắt đầu với biệt truyền trực tiếp và dĩ nhiên với tu Thiền định (truyền thống của Phật Giáo từ Phật Thích Ca). Dần dần khi có nhiều môn đồ, thiền sư dùng tu Thiền quán để thoại đầu công án , thay thế một phần cho phương pháp biệt truyền trực tiếp.
* (Biệt truyền trực tiếp và Công án)
Biệt truyền trực tiếp theo đúng như 2 câu đầu trong bài kệ của Thiền sư Triệu Châu:
Giáo ngoại biệt truyền
Bất lập văn tự
Trực chỉ nhân tâm
Kiến Tánh thành Phật
Theo truyền thống lúc đầu của Thiền tông, biệt truyền trực tiếp là thiền sư truyền đạo cho đệ tử riêng biệt và không bằng văn tự như dùng kinh luận. Qua đàm thoại (có khi dùng lời thơ) và hành động thường là ngắn ngủi trực tiếp giữa thầy (thiền sư) và đệ tử, có khi với những trả lời hay thái độ kỳ dị, đệ tử được dạy dỗ để sáng suốt mà giác ngộ. Đó là truyền Tâm ấn: tâm truyền tâm giữa thầy và đệ tử.
Thiền Luận quyển Hạ (trang 502) tả một trường hợp "biệt truyền trực tiếp":
Triệu Châu, trên bước đường hành cước, tham kiến Đại Từ Hoàn Trung, hỏi:
“Thể của Bát Nhã là gì?”
Đại Từ đáp:
“Thể của Bát Nhã là gì?”
Tức thì Triệu Châu cười lớn và bỏ đi.
Một thời gian sau, Đại Từ thấy Triệu Châu đang quét sân. Đại Từ hỏi:
“Thể của Bát Nhã là gì?”
Triệu Châu liệng cây chổi, cười lớn và bỏ đi. Đại Từ liền trở về phương trượng.
Những câu chuyện ích lợi cho sự giác ngộ từ những trường hợp đàm thoại và hành động nầy của biệt truyền trực tiếp nếu được lưu truyền và lưu giữ về sau bằng truyền khẩu hay văn tự thì gọi là những Công án (Koàn). Công Án còn là những đoạn kinh ngắn về đàm thoại hay hành động giữa Phật và đệ tử hoặc những giảng dạy ngắn của những thiền sư trong quá khứ được ghi và truyền lại như Thập Ngưu đồ. Công án thường cho thấy kết cuộc bằng sự đốn ngộ của đệ tử! Về sau, đàm thoại trực tiếp về Công án với thầy cũng giúp đệ tử giác ngộ.
* (Tu Thiền quán - Thoại đầu Công án)
Dần dần khi có nhiều môn đồ, thiền sư mới dùng thêm tu Thiền Quán giống như truyền thống Phật giáo từ Phật Giáo Nguyên thủy với chủ đề thường là Công án để tập trung suy nghĩ.
Thiền sinh tập trung suy nghĩ tìm ra thoại đầu của Công án. Thoại đầu là chổ trọng yếu hay tâm điểm trong nội dung của Công án có khi chỉ là 1 chữ hay 1 câu. Nghĩa đen của Thoại đầu là "chữ đầu" (word head) hay "đầu của bài nói chuyện" (head of speech). Từ tìm ra thoại đầu, đệ tử có thể sáng suốt mà giác ngộ.
b) Tu Thiền và Thiền tông
*
Thiền tông dùng tu Thiền nhưng không dựa hoàn toàn vào tu Thiền.
Công Án trích từ Đại Cương Triết Học Sử Trung Quốc viết:
Mã Tổ sống trong am vắng ở Hành sơn (tỉnh Hồ Nam), tọa thiền một mình. Ngày kia Thiền sư Hoài Nhượng đem gạch ra mài trước am của Mã Tổ. Mã Tổ thấy vậy, hỏi mài làm gì. Hoài Nhượng đáp rằng mài làm kính. Mã Tổ nói: "Mài gạch làm sao thành kính được?". Hoài Nhượng nói: "Mài gạch đã không thành kính, tọa thiền há thành Phật được chăng?". Do lời đó, Mã Tổ đắc ngộ.
*
Thiền tông nhấn mạnh tới tu để đạt giác ngộ trong sinh hoạt của đời sống hằng ngày chứ không phải chỉ tọa thiền.
Thiền Tông Công Án viết:
Tổ sư Lặc Đàm Hoài Trừng hỏi sư Linh Thao hiểu sao về (Tổ) Đạt Ma (từ) Tây lại, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật. Linh Thao bày tỏ rằng không hiểu.
Lặc Đàm nói: “Trước khi xuất gia ông làm gì?”
Đáp: “Chăn trâu”
Lặc Đàm lại nói: “Chăn như thế nào?”
Đáp: “Sáng sớm cưỡi đi, chiều tối cưỡi về”
Lặc Đàm nói: “Ông thiệt ngu si quá đổi”
Sư Linh Thao đại ngộ và đọc bài Kệ:
Phóng khước ngưu tằng tiện xuất gia Vứt bỏ giây chăn rồi xuất gia
Thế trừ tu phát trước cà sa Cạo râu cạo tóc khoác cà sa
Hữu nhân vấn ngã Tây lai ý Có ai hỏi ý từ Tây đến
Tru trượng hoành khiêu la lí la Vác gậy quơ ngang la lí la
(Sư Linh Thao) (Tuệ Sỹ dịch)
3) Quan điểm về tu Thiền
a) Tu Thiền định
Thiền định giúp tâm an tịnh không cần giác ngộ giáo lý thì cũng như chữa bệnh mà chỉ chữa triệu chứng chứ không chữa căn bệnh. Tuy nhiên theo thiển ý, Thiền định cũng giúp cho chứng ngộ giữ tâm an tịnh khi ta đã giải ngộ?
Thiền định cũng tùy thuộc vào tánh tình (personality) của từng người. Nhiều người quá nhạy cảm thì rất khó khăn đạt tới Định Tứ Thiền. Có nhiều người rất bằng lòng dừng lại ở những bậc dưới của Tứ Thiền vì đã sung sướng và vui mừng rồi!
Kỹ thuật tu Thiền định lại tùy theo người dạy giỏi hay dở và thường là truyền khẩu.
Do đó người tu Thiền định thì nhiều nhưng đạt được cứu cánh là tâm an tịnh (tranquil) thì không được bao nhiêu và phải tọa thiền hằng ngày không thể xao lãng được.
b) Tu Thiền quán
Thiền quán giúp cho tâm sáng suốt giáo lý để đạt giác ngộ nhưng không có gì chắc chắn vì nó chỉ là tự học dựa trên những tài liệu như trợ đạo phẩm (của Phật Giáo Nguyên thủy) và công án hay bài kệ (của Thiền tông). Những tài liệu nầy dạy bằng gợi ý chứ không có giải thích rõ ràng. Tu theo Thiền quán là một công trình khó khăn và lâu dài mới đạt được giải ngộ và chỉ có những người thông minh mới sáng suốt đến giác ngộ.
Có những thiền sư tự mình cho là đã giác ngộ nhưng không có một bằng chứng gì là họ giác ngộ. Những bài kệ của họ để lại thì quá vắn tắt và mơ hồ nên gần như vô nghĩa và vô dụng.
Đây là một bằng chứng trích nguyên văn từ Pháp Bảo Đàn kinh:
Một ngày kia, Ngũ tổ (Hoằng Nhẫn) triệu tập môn đồ bảo rằng: “Sinh Tử là việc lớn, các ngươi suốt ngày chỉ cầu phước điền, chẳng cầu lìa khỏi biển khổ sinh tử, tự tánh nếu mê, phước làm sao có thể cứu được? Các ngươi mỗi người hãy tự xem trí tuệ (huệ), dùng bản tâm Bát Nhã của tự tánh, mỗi người làm một bài Kệ trình cho ta xem, nếu ngộ được đại ý, thì ta sẽ truyền y bát cho làm Lục Tổ (Tổ thứ sáu), hãy mau lên chẳng được chậm trễ, hễ lọt vào suy lường thì chẳng dùng được. Người kiến tánh vừa nghe phải liền thấy, nếu được như vậy thì khi ra trận giữa đao kiếm cũng phải thấy được”.
(Đệ tử giỏi nhứt là) Thần Tú làm (bài) Kệ xong, trải qua 4 ngày, 13 lần muốn vào trình mà vẫn chưa dám (vào trình). Thế rồi đợi đến nửa đêm lúc mọi người ngủ thì cầm đèn viết lên vách hành lang phía Nam bài Kệ của mình:
Thân thị bồ đề thụ (Thân như cây bồ đề)
Tâm như minh kính đài (Tâm như đài gương sáng)
Thời thời cần phất thức (Luôn luôn cần lau phủi)
Mạc (Vật) sử (xử) nhạ trần ai. (Đừng để nhuốm bụi trần)
(Thần Tú)
Đêm sau, Ngũ tổ (đã đọc bài Kệ của Thần Tú) kêu Thần Tú vào phòng mà nói: “Ông làm bài Kệ nầy chưa thấy Thực Tánh, chỉ đến ngoài cửa, chưa vào trong, kiến giải như thế (thì) tìm Vô Thượng Bồ Đề chẳng thể được. Vô Thượng Bồ Đề phải khi vừa nói liền nhận tự bản tâm, thấy tự bản tánh, chẳng sanh chẳng diệt, với bất cứ giờ nào, niệm niệm tự thấy, chẳng kẹt vào vạn pháp, nhứt chơn nhứt thiết chơn, vạn cảnh tự như như, cái tâm như như tức là chơn thật. Nếu thấy như thế tức Vô Thượng Bồ Đề của tự tánh”.
c) Tu Thiền
Ngày nay nếu giáo lý giác ngộ được các bậc sư hiểu rõ và giảng dạy đàng hoàng theo đúng phương pháp và tài liệu khoa học thì chúng ta cần gì phải tu Thiền, một phương pháp tự học quá lỗi thời. Rất tiếc ngày nay chúng ta chỉ thấy những bậc đại sư dạy đời hơn là dạy đạo hoặc dạy theo những mẫu chuyện như là công án để gợi những ý nghĩa nhỏ mà thôi, như dạy anh mù rờ voi.
V. KẾT LUẬN
1) Giáo lý giác Ngộ của Thiền tông
*
Muốn được tình cảm an tịnh không buồn khổ thì lý trí của ta phải sáng suốt đến giác ngộ là đoạn diệt một số tình cảm tự ngã và chấp ngã (tham dục, sân, mạn) đối với sự vật và sinh vật (kể cả thân mình); cũng như thực hành tình cảm từ bi đối với sinh vật (kể cả thân mình) trong lý trí và từ đó dùng lý trí và tình cảm trong sinh hoạt hằng ngày của mình.
Tâm thức ta gồm có lý trí và tình cảm luôn hoạt động liên quan tới sự vật và sinh vật (kể cả thân mình) nhưng hoạt động trong sự sáng suốt hoàn hảo của lý trí giác ngộ theo nhân sinh quan kể trên. Sự sáng suốt giác ngộ về hiện tượng và sự tương đối của sự vật từ vũ trụ luận cũng như về Phật tánh (hay bản tâm) của ta từ nhân bản luận giúp cho sự sáng suốt giác ngộ của nhân sinh quan.
Lý trí và tình cảm khác của ta tự do hoạt động trong những phạm vi và phương diện khác ngoài giáo lý Phật Giáo.
Đoạn diệt những tình cảm chấp ngã và tự ngã đối với thân mình (trong sinh lão bệnh tử), người và sinh vật khác, và tất cả mọi sự vật hiện hữu gọi là Đoạn hoặc (đoạn diệt mê hoặc).
Đoạn hoặc gồm có:
Đoạn diệt Tham Dục:
không có ích kỷ tham lam (self-centered greed)
Đoạn diệt Sân:
khôngphẫn nộ giận dữ (anger)
khôngthù ghét (hate)
khônglăng nhục (insult)những người khác
Đoạn diệt Mạn:
khôngkhoe khoang tự phụ (boasting)
khôngghen ghét (jealousy) hay ganh tỵ (envy)
khôngnịnh bợ (flatterery)
khôngsợ hãi vô lý (unreasonable fear) đối với những người khác
Thực hiện tình cảm từ bi đối với sinh vật khác, người khác (và kể cả thân ta).
Từ bi là:
không hại người và sinh vật khác (= Từ), tức là nhẫn nhịn (forebearance) và không có xung đột (conflict).
thương người khác và sinh vật khác (= Bi) bằng thể hiện lòng tử tế (loving kindness) và lòng thương xót (pity).
Tâm thức sáng suốt của con người thì dễ đoạn hoặc và từ bi vì luôn có bản tâm của nó đã như vậy. Điều nầy chỉ có thể đúng với con người nhưng không chắc chắn đúng với những sinh mạng khác như thú vật.
Cứu cánh của Thiền tông là tâm an tịnh, không phiền não nhờ sự giác ngộ không có nghĩa là tâm hạnh phúc với sung sướng và vui vẻ. Tuy nhiên có người thấy tâm an tịnh không buồn khổ là đủ hạnh phúc rồi thì cũng không thiệt thòi gì?
Hơn nữa nếu một người thấy tự mình đã có tâm thức an tịnh (tranquil) theo một phương pháp hay triết lý khác thì không cần phải biết và giác ngộ giáo lý Thiền tông làm gì. "Đã không thấy khổ không phiền não thì cần gì phải tu?".
Những hình thức tôn giáo của Phật Giáo về giác ngộ như Bát Chánh Đạo, Lục Đạo, Hành Kiến, Phật và Bồ tát không còn là quan trọng đối với một người đã giác ngộ giáo lý Thiền tông.
*
Nho Giáo có tánh bản thiện (của Mạnh tử) và Tân Nho Giáo có tâm lương tri hay lương tâm (của Vương Dương Minh) cũng giống như bản tâm (hay Phật tánh) của Thiền tông và Kim Cang thừa.
Triết lý của Trang tử của Đạo Gia không khác với giáo lý triết học của Thiền Tông.
- Trang tử của Đạo Gia dạy:
Đức là bản tánh bẩm sinh khác nhau của mỗi người. Sống theo Đức tức là phát triển khả năng bẩm sinh của mình một cách trọn vẹn và tự do thì ta đạt Hạnh phúc tương đối.
Mọi sự vật đều tương đối, nếu tâm ta không phân biệt sự vật thì ta hợp nhất với mọi sự vật và sống sung sướng trong mọi sự vật. Khi đó ta đạt Hạnh phúc tuyệt đối.
- Thiền Tông của Phật Giáo Đại Thừa dạy:
Phật Tánh từ bi là bản tánh bẩm sinh giống nhau của mỗi người
Mọi sự vật đều tương đối (vì đều vô ngã), nếu tâm ta không dính chặc (trụ) vào sự vật thì Phật Tánh trong ta sẽ lộ ra Từ bi, sống dung hòa với mọi sự vật. Khi đó tâm ta an tịnh và thoát khỏi Phiền não.
2) Giáo lý giác ngộ và Tín ngưỡng cứu độ
*
Giáo lý giác ngộ của Phật Giáo Nguyên thủy từ Phật Thích Ca:
dựa trên lý thuyết "nhân duyên nghiệp quả" của sự vật và sinh mạng mà đưa ra đoạn nghiệp (gồm có đoạn hoặc và trì giới),
hóa độ 6 loại sinh mạng thành bậc La hán "nhập Niết bàn", thoát khổ (không phiền não) trong kiếp nầy và thoát khỏi tái sinh trong luân hồi lục đạo.
Phật Giáo Đại thừa không đồng ý với giáo lý của Phật Giáo Nguyên thủy nên khởi xướng giáo lý mới của mình từ Không tông, đến Tánh tông và cuối cùng tới Thiền tông.
Giáo lý giác ngộ của Phật Giáo Đại thừa Thiền tông (tổng hợp Không tông và Tánh tông):
dựa trên lý thuyết sự vật tương đối và chỉ là hiện tượng, và bản tâm giác ngộ của con người mà đưa ra đoạn hoặc và từ bi,
hóa độ 1 loại sinh mạng là con người thành Phật có Niết bàn diệu tâm, tức là tâm an tịnh không phiền não (thoát khổ) trong kiếp sống nầy (tức là không nhìn xa đến kiếp sau trong luân hồi lục đạo).
*
Có thiền sư rất tin tưởng vào giáo lý giác ngộ của mình, chối bỏ tín ngưỡng tôn thờ của Phật Giáo.
Thiền Luận quyển Trung, trang 80, viết:
Kim Sơn Đạt Quán hỏi: “Thầy có niệm Phật không?”
Trả lời: “Không hề”
Hỏi: “Tại sao không?”
Trả lời: “Vì e dơ miệng mình”
Giáo lý giác ngộ của Đại thừa Thiền tông có thể giúp ích cho tâm con người không khổ trong kiếp sống nầy nhưng không hoàn toàn và hơn nữa khi con người nghĩ tới những gì xảy ra cho mình sau khi chết thì cứu độ từ tín ngưỡng tôn thờ rất cần thiết. Nó đem lại hy vọng trong đức tin và tình thương.
Phật Giáo là một tôn giáo gồm có tín ngưỡng tôn thờ để được cứu độ và giáo lý triết học để tự giác ngộ. Nếu nói đến tôn thờ, ta phải nói đến Tín ngưỡng Đại thừa và Tịnh Độ tông.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Bài viết nầy đăng lần đầu tiên trong phanthuonghai.com mục Văn Hóa phần Giáo Lý.
Tài liệu tham khảo
1) Triết lý Phật Giáo: từ Phật Thích Ca đến Thiền Tông (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
2) Phật Giáo Nguyên Thủy - Tam Bảo (Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
3) Essentials of Buddhism (Kogen Mizuno)
4) Thiền Luận quyển trung và quyển hạ (Suzuki - Tuệ Sỹ dịch)
5) Thiền Đạo Tu Tập (Trương Trừng Cơ)
6) Những bài giảng của Đạt Lai Lạt Ma cho các đại học ở Mỹ (Thư viện Hoa Sen)
7) Lịch sử kinh điển Phật Giáo (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
8) Tục Ngữ Lược Giải (Lê Văn Hoè)
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
Bài 3
LỊCH SỬ CÔNG GIÁO THỜI CẬN ĐẠI
Bs Phan Thượng Hải
Từ Jesus (Giê-su / Gia tô) có một tôn giáo là Christianity.
Là người Do Thái, Jesus được các Tông đồ, cũng là người Do Thái, gọi là "Đấng cứu thế" (savior) mà tiếng Do thái là Messiah. Messiah dịch ra tiếng Hy Lạp là Christo và tiếng La Tinh là Christus, chuyển thành tiếng Anh là Christ.
Christianity là từ Christ (Christo và Christus), có nghĩa là: Tôn giáo của Christ, Đấng cứu rỗi thế gian. Dịch âm thành tiếng Việt của Christo là Kitô và của Christus là Cơ Đốc.
Do đó Christianity được dịch ra tiếng Việt là Kitô giáo hay Cơ Đốc giáo. Theo hiện đại, tác giả dùng từ ngữ "Kitô giáo".
Đến năm 1054, khi Kitô giáo chia ra 2 Giáo hội (Churches) thì 2 Giáo hội chọn 2 tên khác nhau:
Công giáo (Catholicism) và Giáo hội Công giáo (Catholic Church)
Chính Thống giáo (Orthodoxy) và Giáo hội Chính Thống giáo (Orthodox Church).
Lịch sử Công giáo (Catholicism) bắt đầu khi nó còn là Kitô giáo (chung với Chính Thống giáo).
Từ ngữ Đạo Thiên Chúa có được dùng để dịch ra từ Catholicism hay Christianity nhưng đều không chính xác.
Vào thế kỷ thứ 16, sau phong trào Cải Cách (Reformation), có những Giáo phái Kháng Cách (Protestant) tách ra từ Giáo hội Công giáo. Những giáo phái Kháng Cách nầy đã được gọi chung là Đạo Tin Lành vì các giáo phái nầy căn cứ chính trên Phúc Âm (Gospels), dịch Nôm là "Tin Lành" (Good News). Theo hiện đại, tác giả dùng từ ngữ "Kháng Cách".
Thời Cận Đại (Modern Time) bắt đầu từ thời Phục Hưng (Renaissance) và Khám Phá (Ages of Discovery) vào khoảng gần cuối thế kỷ thứ 15 cho tới trước Đệ nhất Thế chiến (1914).
Bố cục:
Giáo hoàng và Tòa thánh trong thời Phục Hưng (trang 1)
Phong trào Cải Cách và Chống Cải Cách (trang 4)
Truyền Giáo trong thời Cận Đại (trang 22)
Giáo Hội Trước Thời Kỳ Cách Mạng Âu Châu (trang 23)
Giáo Hội Trong Thời Kỳ Cách Mạng Âu Châu (trang 26)
Giáo Hội Sau Thời Kỳ Cách Mạng Âu Châu (trang 28)
GIÁO HOÀNG VÀ TÒA THÁNH TRONG THỜI PHỤC HƯNG
*
Thời kỳ Đại Ly Giáo của Công giáo vào cuối thời Trung Cổ chấm dứt với Giáo hoàng Martin V. Sau khi được bầu, Giáo hoàng Martin V phải mất 3 năm mới về tới Rome (1420). Từ đó Tòa thánh ở Rome cho tới thế kỷ 20. Mật nghị Giáo hoàng (Papal conclave) lại chính thức được áp dụng để bầu Giáo hoàng. Giáo hoàng và Tòa Thánh ở Rome độc lập với tất cả những Quân chủ thế tục.
Trong thời Phục Hưng, Rome ở trong bán đảo Ý, nơi mà con người vô liêm sĩ bắt đầu lập những triều đình trong sự hào nhoáng huy hoàng. Những thập niên sau, Tòa Thánh sửa đổi theo đúng thực tế của thời Phục Hưng. Bắt đầu thế kỷ 15, những Giáo hoàng vô liêm sĩ làm Rome trở thành triều đình huy hoàng nhất. Nhiều cháu trai (nephews) của các Giáo hoàng được phong làm Hồng y, thường là thuộc gia đình quân chủ theo Công giáo hay gia đình giàu mạnh ở Ý. Từ chế độ nầy có danh từ "Gia đình trị" (Nepotism) trong Anh ngữ từ năm 1669.
Các Giáo hoàng và Hồng y giàu có bảo trợ nhiều công trình nghệ thuật và kiến trúc thời Phục Hưng. Họ làm giàu bằng chiếm đất, kinh tài và bán đặc quyền (sale of indulgence).
Thời Phục Hưng đánh dấu những công trình nghệ thuật và kiến trúc ở Rome, ở trụ sở của Giáo hoàng (Tòa Thánh La Mã) vả trong Lãnh địa của Giáo hoàng (Papal States).
Giáo hoàng còn là lãnh tụ thế tục (secular ruler) như Giáo hoàng Julius II thường có những chiến dịch quân sự giữ gìn và bành trướng lãnh địa thế tục (temporal domain). Giáo hoàng cũng cạnh tranh với các lãnh chúa Ý (Italian lords) ăn xài xa hoa trong những xa xỉ cá nhân cũng như những công trình công cộng như sửa sang và xây nhà thờ, cầu và hệ thống thủy lộ (aqueduct) còn được xử dụng cho tới ngày nay.

*
Những Giáo hoàng nổi tiếng trong thời Phục Hưng
Giáo hoàng đầu tiên sửa đổi theo thời Phục Hưng là Nicholas V, một Giáo hoàng có học thức lập Thư viện Vatican, xử dụng hàng trăm học giả và người biên lại (copyist) làm nên tổng hợp to lớn với nhiều tác phẩm và văn kiện (manuscripts).
Tiếp xúc với văn hóa Hy lạp mở đường cho nhiều con đường học hỏi nhất là về triết lý, thi văn, cổ điển, biện luận (rhetoric) và khoa học chính trị tạo nên tinh thần nhân bản (humanism), tất cả của thời Phục Hưng nầy đều ảnh hưởng lớn tới Giáo hoàng và Tòa thánh cũng như Giáo hội.
Khuôn mặt của Giáo hoàng đúng với thời Phục Hưng thật sự bắt đầu với Giáo hoàng Sixtus IV (đăng quang năm 1471). Giáo hoàng bảo hộ nghệ thuật thể hiện qua nhà nguyện và chỗ hát kinh (choir) Sistine, cả 2 mang tên ông. Nhưng nó đi đôi với hạnh kiểm trong sự vụ (affairs) của Vatican.
Giáo hoàng Sixtus IV, một Thầy dòng Franciscan từ một gia đình nghèo ở Genoa, đem "Gia đình trị" (nepotism) trong hành vi của Giáo hoàng tới tuyệt đỉnh. Trong khi làm giàu cho các cháu trai (nephews), trong số đó có 7 người làm Hồng y, Giáo hoàng còn dùng họ như là người của mình trong quyền lực chính trị của các tiểu quốc đối đầu ở Ý. Một người cháu còn lập mưu giết được một người trong dòng họ Medici ngay trong thánh lễ ở Florence. Một người cháu khác là học trò của Giáo hoàng Sixtus IV nhưng còn giỏi hơn ông về chính trị và bảo hộ nghệ thuật khi cũng được bầu là Giáo hoàng (Giáo hoàng Julius II).
Giữa 2 Giáo hoàng Sixtus và Julius là một Giáo hoàng có tiếng xấu nhất của thời Phục Hưng, Giáo hoàng Alexander VI. Ông thao túng chính trị ở Ý không phải nhờ các cháu mà qua con của mình, Cesare Borgia.
Giáo hoàng Julius II tự mình ra trận khi đánh giặc nhưng bảo trợ (commissioned) công việc của Michelangelo và Raphael. Những bức bích họa (frescoes) của điện Vatican và nhà nguyện Sistine được tạo ra trong những lạm dụng, gây nên phong trào Cải Cách sau nầy.
Năm đầu (1503) khi làm Giáo hoàng, Giáo hoàng Julius II bắt đầu chương trình xây lại Thánhn đường St Peter. Năm 1509, Giáo hoàng mời Michelangelo vẽ trần của nhà nguyện Sistine và thuyết phục Raphael trang trí 3 phòng trong điện Vatican. Sự huy hoàng lộng lẫy của Công Giáo La Mã xây dựng trong khoảng thời gian 6 năm.
Giáo hoàng Julius phục hồi Lãnh địa Giáo hoàng (Papal states) mà ngay trước đó bị suy giảm bởi hành động của Cesare Borgia và sự xâm lấn từ Venice. Để thỏa mãn tham vọng của mình, Giáo hoàng Julius II mang giáp xung trận trước quân đội (của Giáo hoàng).
Những chương trình thế tục của Giáo hoàng Julius II được vẽ ra cho lợi ích của Rome trong tình trạng rối loạn ở Ý. Khi Giáo hoàng Julius II chết (1513), chương trình đạt được mục tiêu, Lãnh địa Giáo hoàng chiếm lại đất đã mất từ Venice cũng như người Pháp bị đánh đuổi ra khỏi bắc Ý. Nhưng việc Giáo hoàng Julius xây St Peter Thánh đường đưa đến phong trào Cải Cách ở Đức từ Luther.
Danh sách các Giáo hoàng trong Thời Phục Hưng
Nicholas V (1447-1455)
Callixtus II (1455-1458)
Pius II (1458-1464)
Paul II (1464-1471)
Sixtus IV (1471-1484)
Innocent VIII (1484-1492)
Alexander VI (1492-1503)
Pius III (1503)
Julius II (1503-1515)
Leo X (1515-1521)
*
Thánh đường St Peter (1506-1590)
Thánh đường St Peter được xây trên chỗ của Thánh đường Constantine cũ.
Lễ "đặt viên đá đầu tiên" của Thánh đường St Petrer được bắt đầu từ Giáo hoàng Julius II và kiến trúc sư Bramante (tháng 4, 1506). Đại Giáo đường được hoàn thành vào năm 1590 theo đúng đồ án của 2 người. Nhiều kiến trúc sư khác như Raphael và Michelangelo đã tiếp nối theo Bramante.
Trong khi đó nguồn tài chánh cho công trình to lớn nầy có được bằng những phương cách "không được liêm sĩ" (unscrupulous) mà các Giáo hoàng của thời Phục Hưng sẵn lòng áp dụng. Sự việc nầy đưa đến phong trào Cải Cách (Reformation) trong thế kỷ thứ 16, xảy ra ngay từ Đế quốc Đức (Đế quốc Thánh La Mã).
PHONG TRÀO CẢI CÁCH VÀ CHỐNG CẢI CÁCH
Phong Trào Cải Cách (Reformation)
Phong trào Cải cách (Reformation) bắt đầu chỉ là toan tính cải cách trong Giáo hội Công Giáo (Catholic Church) nhưng thúc đầy một sự nổi loạn tôn giáo và chánh trị dẫn tới thành lập những Giáo hội Kháng cách (Protestant Churches) và sự chia rẽ vĩnh viễn của Thế giới Kitô giáo (Christendom) ở Tây Âu. Nó cũng bắt đầu liên quan tới những kháng cách (protest) về xã hội và chính trị tạo ra những bạo động và chiến tranh tàn khốc.
*
Bối Cảnh (Background)
Phần cuối của thời Trung Cổ đã có nhiều chống đối Giáo hội vì nhiều lý do: Những chống chọi quyền lực trong hàng giáo phẩm, sự giàu sang lộ liễu của giáo hội và đôi khi lối sống đồi trụy thối nát của những giáo sĩ trong hàng giáo phẩm cao cấp làm hư hoại niềm tin của công chúng (public confidence).
Những điều kiện văn hóa, chính trị và kinh tế trong thời Phục Hưng (Renaissance) làm cho khí chất (mood) không bằng lòng thêm căng thẳng.
Tinh thần nghiên cứu tìm tòi từ Phục Hưng dẫn tới nhiều nghi vấn về những người cầm quyền của Giáo hội. Thêm nữa, lý tưởng của chủ nghĩa cá nhân (ideals of individualism) đối chọi với vai trò cố định của Giảo hội trong sự cứu rỗi nhân loại. Quần chúng càng biết đọc và có máy in cho báo chí giúp cho việc làm của những nhà nhân quyền Công Giáo, những tư tưởng mới và cấp tiến (radical) được truyền bá khắp nơi.
Về chính trị, xung đột giữa các quốc vương Âu châu và Tòa Thánh càng căng thẳng khi các quốc vương càng lấy thêm quyền lực. Thêm nhiều người dân vào sống ở thành thị, bỏ những vùng phong kiến ở miền quê và có cùng quan tâm (interests) như các vua hay nữ hoàng. Không những chỉ các quốc vương mà đa số giới trung lưu (middle class) bắt đầu coi Giáo hoàng như là một người lạ, không có quyền ảnh hưởng tới công việc của quốc gia.
Về kinh tế, sự bất bình của công chúng càng tăng thêm vì thuế má nặng nề áp đặt từ Giáo hội.
Từ đó thêm vào quan niệm là cuộc sống của Giáo hội bị theo đuổi sự tham lam (greed) và lạm dụng (abuses).
Giáo hội bị chỉ trích là bán chức vụ tôn giáo (Simony).
Tai tiếng càng xấu hơn vì việc bán đặc quyền (Selling indulgences), tha tội cho người tội phạm sẽ phải chịu trừng phạt sau khi chết.
Tình trạng khiếm diện của giáo sĩ trong giáo khu (parish) của mình (Absenteeism).
Tập quán (practice) cho giáo sĩ quyền lợi hay địa vị vì có liên hệ như trong quyến thuộc (Nepotism).
Tăng lữ và hàng giáo phẩm cũng bị chỉ trích vì đã làm ngơ trước những lạm dụng nầy, sống sang trọng và làm chính trị.
Sự quá độ của Giáo hội thế tục thời Phục Hưng trích yếu từ thời của Giáo hoàng Alexander VI (1492-1503), bùng phát phong trào Cải Cách dưới thời Giáo hoàng Leo X (1513-1521), người đã vận động gây quỹ trong những tiểu quốc của Đế quốc Đức để xây lại Đại Thánh đường St Peter bằng cách ủng hộ việc bán đặc quyền là sự kích thích chính (impetus) của 95 Đề nghị của Luther. Sau khi một tu sĩ (monk) tên là Martin Luther chỉ trích công việc "bán đặc quyền" nầy (sale of indulgence), một cuộc cách mạng theo thời liền được khởi động.
*
Phong trào Cải Cách đã có những tiền phong trong những thế kỷ trước như Wycliffe và Jan Hus.
John Wycliffe or Wyclif (1330-1384) là một học giả "tà giáo" người Anh được biết là đã tố cáo Giáo hội và bảo trợ cho dịch Thánh kinh từ La Tinh sang Anh ngữ. Ông là tiền phong (precursor) của Cải cách Kháng cách (Protestant Reformation) sau nầy. Ông nhấn mạnh tới sự tối cao (supremacy) của Thánh Kinh và kêu gọi sự liên quan trực tiếp giữa con người và Thiên Chúa, không có sự xen vô của linh mục hay giám mục.
Những người theo ông gọi là người Lollards bị Giáo hội Công giáo Anh ngược đãi, họ phải tiếp tục hoạt động bí mật (went underground) trong 2 thế kỷ và đóng một vai trò đáng kể trong phong trào Cải cách ở Anh.
Jan Hus or Huss (1369?-1415) là nhà Thần học người Tiệp (Czech) ở Prague. Chịu ảnh hưởng của J Wycliffe, ông nói lên sự đồi trụy của Giáo hội. Sự thách đố ngoan cố (defiance) của ông khiến ông bị trục xuất và kết tội bởi Hội nghị Constance (Council of Constance), cũng kết tội Wycliffe. Từ quyết định của hội nghị nầy, Hus bị tử hình như người Tà giáo vào năm 1415.
Những người theo ông tổ chức thành "Cuộc chiến của nông dân" (peasant's war) trong nhiều năm (1419-1436) và bị Đế quốc Đức dẹp tan tàn nhẫn. Hus cũng là tiên phong (forerunner) của Kháng cách Cải cách (Protestant reformation) và kỷ niệm về ông là biểu tượng cho văn hóa Tiệp ở Bohemia.
*
Albert of Mainz
Đế quốc Đức (Đế quốc Thánh La Mã) là nơi thể hiện hoàn toàn chủ nghĩa vật chất trong Giáo hội Công giáo La Mã. Một số tiểu quốc (states) trong Đế quốc Thánh La Mã nầy có những Giám mục (prelates) cũng sống (một cách vô liêm sĩ) như các vương tử của thời Phục Hưng. Trong đó nổi bật nhất là Tổng Giám mục của Mainz, Albert, một trong 7 người có quyền bầu Hoàng đế (imperial electors) của Đế quốc Đức (Thánh La Mã).
Khi 24 tuổi, Albert đã làm 2 chức: Tổng Giám mục của Mainz và Giám mục ở một chỗ khác. Điều nầy sai luật của Giáo hội nhưng Giáo hoàng Leo X (một trong những Giáo hoàng thuộc dòng họ Medici) lờ đi và nhượng bộ vì cần Tổng Giám mục Albert gây quỹ cho việc xây dựng Thánh đường St Peter.
Tổng Giám mục Albert áp dụng triệt để và rộng rãi việc "Bán đặc quyền" (sale of indulgence), một phương cách gây quỹ hữu hiệu trong Giáo hội cho từ Giáo hoàng đến các Giám mục. Phân nửa tiền kiếm được của Tổng Giám mục Albert dùng cho Albert trả nợ của mình và phân nửa kia thuộc về Tòa Thánh ở Rome.
Một trong những nhân viên của Albert là Thầy dòng Tetzel dùng nhiều phương cách vô liêm sĩ một cách lộ liễu để "bán đặc quyền" vượt hơn cả giáo lý chính thức của đặc quyền. Ông hứa ngay sau khi mua, người mình thương (the loved ones) sẽ được xả tức khắc sự đau khổ của sự luyện tội nơi địa ngục (Purgatory). Ông thường rêu rao: "As soon as the coin in the coffer rings, The soul from Purgatory springs". Người ta càng tin tưởng vào sức mạnh của đặc quyền có thể tha thứ mọi tội lỗi dù nặng tới cỡ nào.
*
Martin Luther
Martin Luther (1483-1546) là một tu sĩ dòng Augustinians dạy Thần Học ở Đại học Wittenberg mới được thành lập bởi Frederick the Wise, một Lãnh chúa của Saxony có quyền bầu Hoàng đế Đức (the elector of Saxony).
Triết lý Thần học của Luther đưa đến kết kuận rằng số lượng (amount) của đạo đức (virtue) hay làm việc thiện (good behavior) dù có lớn bao nhiêu cũng không làm căn bản được cho sự cứu rỗi (salvation), như đã đưa ra trong giáo lý là "sự hiển thánh" (biện minh bằng việc làm = justification by work).
Theo Luther, để cho đời sống của một người Kitô giáo không mất ý nghĩa, đức tin của một kẻ có tội (a sinner's faith) phải là công trạng duy nhất để có được ơn sủng của Thiên Chúa (God's grace).
Luther trở thành một người tin mạnh mẽ (passionate believer) vào sự "biện minh bằng đức tin" (justification by faith) và chứng minh là Thánh Paul đã viết như vậy trong Thánh Kinh.
Do đó dĩ nhiên Luther chống lại việc Thầy dòng Tetzel buôn bán ơn sủng của Thiên Chúa. Ông tranh luận chống lại việc bán đặc quyền (the sale of indulgence) trong những bài thuyết giáo của mình.
Cuối cùng ông đem ra trước công chúng. Luther viết và đóng một bảng gồm 95 đề nghị (theses=propositions) ngay cửa của nhà thờ Chư Thánh (All Saints) ở Wittenberg (ngày 31-10-1517). Nội dung của đề tài là căn bản của Đức tin và (chống lại) những việc làm đương thời của Giáo hội, nhất là sự việc Bán đặc quyền (sale of indulgence) cho Sự Tha tội (pardon of sin).
Những "đề nghị" nầy chỉ là phát biểu từ lý luận (academic statement), những đề tài đưa ra với mục đích cho bàn cãi và bào chữa. Nhưng trọng điểm căn bản của 95 đề nghị là chân lý cần phải tìm từ Thánh kinh chứ không phải từ sự giảng dạy của Giáo hội.
Thay vì tạo ra sự tranh luận (debate) như tác giả mong muốn, 95 Đề nghị phát khởi chiến tranh binh lửa dữ dội chưa từng thấy khắp Âu châu. Phong trào Cải Cách tàn phá thế giới Kitô giáo trong hơn 100 năm với những cố chấp dữ dội và thù ghét kéo dài trong một vài cộng đồng Kitô giáo cho tới ngày hôm nay. Hình như không có chiến tranh tôn giáo nào tàn hại như vậy, khởi từ Wittenberg vào năm 1517. Luther cũng không dè có hậu quả trầm trọng như vậy (với nhiều yếu tố) và cũng gây tai hại cho ông.
Tòa Thánh quyết định đàn áp việc xấc xược vô lễ nầy. Bản viết của Luther bị đốt ở Rome, (1520), theo đó ông bị trục xuất (1520 hay 1521). Đây là những điều tiên đoán được.
Nhưng điều không dự đoán là sự ủng hộ ở Đức (Đế quốc Thánh La Mã) từ nhiều người đã bất bình sự can thiệp của Giáo hoàng và kết quả của "máy in", mới sáng chế bởi Gutenberg. Bản in của 95 đề nghị của Luther tràn ngập khắp Âu châu trong vòng vài tuần lễ. Báo chí truyền bá những tranh luận cải cách, đa số từ Luther. Trong vòng 6 năm, có 1300 ấn bản của Luther.
Từ năm 1517, Luther được Frederick the Wise bảo vệ, không giao cho Rome và cho ẩn trú trong lâu đài của mình. Luther còn được các hiệp sĩ Đức ủng hộ lôi cuốn luôn Hoàng đế trẻ tuổi của Đế quốc Đức, Charles V (Hoàng đế Thánh La Mã).
Luther dịch Tân Ước ra tiếng Đức và bắt đầu rao giảng theo triết lý Thần học của mình.
Theo ông, mỗi cá nhân đều có thể tự mình tìm ra ý nghĩa từ Kinh Thánh và không cần sự trợ giúp của Tăng lữ (clergy). Và trung tâm điểm của giáo huấn của Luther là ý niệm cho rằng sự cứu rỗi của con người chỉ tùy thuộc vào đức tin (faith) mà thôi.
Ý kiến nầy thách đố lại giáo lý của Giáo hội là sự cứu rổi không phải chỉ dựa trên đức tin mà cũng trên "làm việc thiện" (good works), đôi khi được diễn giải như là đem tiền dâng cúng cho Giáo hội.
Tại đây ông bắt đầu mở ra ý kiến tổ chức Giáo phái Lutheran. Ý kiến của Luther được lan truyền như ngọn lửa cháy nhờ một phần vào kỹ thuật in mới.
Hội đồng Hoàng gia ở Worm (Diet of Worms)
Luther được hoàng gia bảo đảm sự an toàn trên đường đi tới và về từ Hội đồng Hoàng gia (Diet) tổ chức ở Worms (1521). Luther đến Worms với sự hộ tống của các hiệp sĩ Đức. Trong diễn văn dài, Luther giải thích là ông sẽ chối bỏ bất cứ ý kiến nào của ông nếu nó là sai, căn cứ từ kinh thánh hay lý lẽ (reason). Nếu không thì ông vẫn thật tình với ý thức của mình và với sự hiểu biết của mình về Thiên Chúa. Báo chí kết luận bằng câu nói nổi danh của Luther: "Here I stand, I can not do otherwise".
(Diet = Imperial Assembly = Hội đồng Hoàng gia)
Từ lòng cương quyết của Luther, tôn giáo Luther (Lutherism) trở thành tôn giáo chính thức của vùng Saxony (thuộc Đức). Nó nhanh chóng lan tràn tới những tiểu quốc (states) khác trong Đế quốc Đức (Đế quốc Thánh La Mã, theo tên gọi từ Giáo hội Công giáo ở Rome), thúc đẩy cãi lộn và tranh chiến với Hoàng đế.
Tại Hòa ước Augsburg (Peace of Augsburg), Hoàng đế Đức Charles V (Hoàng đế Thánh La Mã) nhượng bộ, cho quyền các nhà lãnh đạo của các tiểu quốc (trong Đế quốc) được tự quyền chọn tôn giáo cho tiểu quốc (state) của mình.
Giáo phái Lutheran được thành lập ở Đức và bán đảo Scandinavia dựa căn bản trên những triết lý Thần học của Luther (Tôn giáo Luther = Lutherism).
Năm 1525, Luther lấy vợ và sau đó có người 6 con. Vợ của ông tên là Katharina von Bora trước là 1 nữ tu (nun) nhờ ông giúp cùng với 11 nữ tu khác trốn ra khỏi một Nữ Tu viện (Convent) ở Đức vào năm 1523.
*
Huldrych Zwingli
Năm 1523, Huldrych Zwingli (1484-1531) , một Linh mục ở giáo đường Zurich, được cảm hứng từ Luther, viết 67 Đề nghị đưa ra nhiều đổi mới lớn hơn về đức tin, việc làm (services) và tổ chức của Giáo hội Công giáo. Những Đề nghị nầy được Hội đồng thành phố Zurich chấp nhận và ảnh hưởng của Zwingli lan rộng khắp Switzerland và Nam Đức.
Nội chiến Tôn giáo ở Thụy Sĩ.
Từ Zurich, 5 quận (canton) trong 13 quận của Liên bang Thụy Sĩ (Swiss cofederation) lập ra Liên minh Kháng Cách gọi là Liên Minh của 5 quận (League of 5 cantons) vào năm 1524. Các quận còn lại theo Công giáo chống lại.
Những Biến cố tiếp theo:
Năm 1529, một Mục sư Kháng Cách bị hỏa thiêu. Chiến tranh vừa bùng nổ thì có hòa ước giữa 2 bên. Phe Công giáo nhượng bộ bằng cách cắt liên minh với triều đại Công giáo Hasburg (của Áo). Đó là Chiến tranh Kappel lần thứ nhất (1st Kappel war).
Năm 1531, chiến tranh lại bùng nổ. Phe Công giáo thắng Liên minh Kháng Cách ở trận Kappel am Ablis. Zwingli tử trận trong trận nầy. Phe Kháng Cách phải ký hòa ước và giải tán Liên minh của mình. Tuy nhiên Kháng Cách được tự do tôn giáo trong 5 quận của mình. Đó là Chiến tranh Kappel lần thứ nhì (2nd Kappel war).
*
John Calvin
John Calvin (1509-1564) là người Pháp ở Geneva (Thụy Sĩ). Năm 1536, ông xuất bản "Institutes" viết ý kiến của ông về Cải cách. Calvin thì nghiêm nhặc và nặng nề hơn Luther nhưng có tổ chức hơn và nhanh chóng được nhiều người theo.
Năm 1541, Calvin bắt đầu tổ chức Giáo hội Geneva ở Thụy Sĩ. Giáo hội theo chế độ tự trị và bầu cử:
Mục sư = pastors (để giảng dạy)
Tiến sĩ = doctors (để quyết định về giáo lý)
Thầy Tư tế = elders (để duy trì kỹ luật)
Thầy Trợ tế = deacons (để chăm nom người nghèo
với một Hội nghị =synod or committee (để tổ chức bầu cử).
Theo ý kiến của Calvin, nhiều cộng đồng tôn giáo Calvinist được thành lập ở Hung, Đức, Hà Lan và Pháp. Tín đồ theo tôn giáo Calvin (Calvinism) ở Pháp có tên là người Huguenots. Giáo phái theo tôn giáo Calvin được thành lập ở Scotland và mang tên là Giáo phái Presbyterian của Scotland. Sở dĩ có dang hiệu "Presbyterian" như vậy là vì Giáo phái xây dựng chung quanh một hội đồng gồm những Thầy Tư tế (elder) dịch từ danh hiệu cũ của Kitô giáo "presbyters".
Từ phong trào Cải Cách, có 4 truyền thống Kháng Cách (Protestant tradition): Lutheran, Anabaptist, Anglican và Reformed/Calvinist/Presbyterian.
*
Đế Quốc Thánh La Mã trong Phong trào Cải Cách
Phong trào Cải Cách trùng hợp với biến đổi sử địa của Đế Quốc Thánh La Mã dưới thời Hoàng đế Charles V (1500-1558).
Trong phân nửa đầu của thế kỷ thứ 16, Hoàng đế Thánh La Mã Charles V của Đế quốc Đức bành trướng Đế quốc đa số nhờ quyền thừa kế (inheritance). Charles V thắng đối thủ độc nhất của mình ở Tây Âu là vua Pháp thuộc triều đại Valois ở Ý và ngăn chận được sự xâm lấn của người Turks của Đế quốc Ottoman từ Đông Âu.
Những biến cố lịch sử bành trướng Đế quốc Đức sau khi Charles V được bầu làm Hoàng đế của Đế quốc Đức:
Năm 1506, Charles V thừa kế vùng Burgundy (Franche-Conté, Luxembourg và Netherlands) từ cha của mình là Philip of Burgundy.
Năm 1516, khi ông ngoại là Ferdinand of Spain qua đời, Charles V trở thành Vua của Aragon, Sicily và Naples. Charles V cũng trở thành Nhiếp Chánh (regent) của Castile đại diện cho Mẹ là Joan, thành người điên.
Năm 1519, khi ông nội là Hoàng đế Maximilian qua đời, Charles V thừa kế Austria (Áo), Tyrol, Styria, Carinthia, Carniola và lãnh địa của dòng họ Habsburg ở vùng sông Rhine, cùng với làm Hoàng đế Đế quốc Áo.
Charles V cũng lấy được những vùng đất trong Netherlands như Tournai (1521), Friesland (1523), Overrijssel và Utrecht (1528), Gronigen (1536) và Guelders (1543).
Năm 1521, Charles V giao Austria cho em là Ferdinand. Năm 1526, Ferdinand được Bohemia và Hungary qua vợ của mình là Anne, sau khi anh của bà là vua Lewis của Hungary qua đời.
Năm 1556, Charles V thoái vị, nhường cho Ferdinand làm Hoàng đế Áo Hung và con là vua Philip II sở hữu Spain và Nam Ý. Những tiểu quốc ở Đức còn lại tùy thuộc vào triều đại Habsburg (của Hoàng đế Ferdinand) trị vì ở Đế quốc Áo Hung.

Giáo hoàng và Tòa thánh trong Thời Cải Cách và Chống Cải Cách
*
Vào đầu thế kỷ thứ 16, Tòa Thánh thay đổi và cắt đứt liên minh đưa tới những trận chiến không có thắng bại, vẽ lại bản đồ miền Bắc và miền Trung của bán đảo Ý (1508-1540), lúc đó muốn độc lập khỏi ảnh hưởng của Đế quốc Thánh La Mã và vương quốc Pháp.
Thời gian giữa Liên Minh Cambrai (League of Cambrai) vào năm 1508 và Hiệp ước Cambrai (Treaty of Cambrai) vào năm 1529, lãnh thổ của Milan, Venice, Lãnh địa Giáo hoàng (papal states) và Naples tăng lên hay giảm xuống hoặc đột ngột bị thay đổi đồng minh, tùy theo hậu quả của những trận chiến như Agnadello (1509), Marignano (1515), Pavia (1525) và sự cướp phá của Rome bởi quân của Đế quốc Đức (1527). Trong những tay chơi (người Ý) của những ván cờ nầy là gia đình Medici, trong số những người thắng lợi. Họ được lấy lại quyền lãnh đạo ở Florence với sự ủng hộ của người Spain (Tây Ban Nha). Venice, thua lúc đầu khi một mình chống lại những nước khác (1508), lấy lại được hầu hết lãnh thổ và giữ được nền độc lập.
Tòa Thánh tạo ra chiến tranh nhưng không được gì sau khi bị cướp phá ở Rome (1527).
Tuy nhiên 20, 30 năm sau; khi có phong trào Cải Cách, Rome và Tây Ban Nha (Spain) thành đồng minh kiểm soát chắc chẽ toàn bán đảo Ý trừ Cộng Hòa Venice.
*
Giáo hoàng và Tòa Thánh bị nhiều người Cải cách Kháng cách (Protestant reformers) tấn công kể cả Luther.
Luther đã có đến thăm Rome. Ông cho là Giáo hoàng Leo đã sai lầm khi bác bỏ nghị định phải giới hạn số thiếu niên (boys) mà các Hồng y giữ cho khoái lạc của mình. Ông nhận định rằng "nếu khác như vậy thì sẽ lan rộng toàn cầu sự không biết hổ thẹn của Giáo hoàng và Hồng y ở Rome trong thói quen (practice) làm kê gian (sodomy) của họ".
Cũng như Luther; John Calvin, Thomas Crammer và John Knox nhìn Tòa Thánh như là "phản lại Đấng Kitô" (Antichrist). Cho đến ngày nay, những Giáo pái Lutherans, Reformed, Anabaptists và Methodists đều có nói Tòa Thánh là "phản lại Đấng Kitô" (Antichrist) trong Kinh Tin Kính (Confession of Faith) của họ.
*
Giáo hoàng Paul III (1534-1549)
Alessandro Farnese được bầu làm Giáo hoàng Paul III vào năm 1534, kéo dài phương diện xấu nhất của Tòa Thánh trong thời kỳ Phục Hưng.
Ông được bổ nhiệm Hồng y lúc 25 tuổi vì chị của ông có ngoại tình với Giáo hoàng thuộc gia đình Birghese, Alexander VI. Khi là Hồng y, ông có người tình (mistress) ở Rome và có với bà nầy 4 người con. Khi là Giáo hoàng ông làm ơn huệ (favors) cho gia đình mình hơn tất cả những Giáo hoàng trước ông. Ông tách Parma và Piacenza khỏi Lãnh địa Giáo hoàng và phong cho người con trưởng làm Lãnh chúa với quyền được thừa kế cho con cháu. Hai người cháu nội khi còn tuổi thiếu niên đã được phong làm Hồng y.
Vậy mà chính Giáo hoàng Paul III là người bắt đầu phong trào Chống Cải Cách của Công Giáo. Giáo hoàng Paul III triệu tập Công đồng Trent (Council of Trent) vào năm 1545 sau nhiều lần dự định và nhiều lần chống lại những người phản đối. Ông tiếp kiến và đồng ý cho một nhóm sinh viên của đại học Paris do Ignatius of Loyola cầm đầu lập ra Dòng Jesuites (1537).
*
Danh sách các Giáo hoàng trong thời Cải Cách và Chống Cải Cách
Leo X (1513-1521)
Adrian VI (1522-1523)
Clement VII (1523-1534)
Paul III (1534-1549)
Julius III (1550-1555)
Marcellus II (1555)
Paul IV (1555-1559)
Pius IV (1559-1565)
Phong Trào Chống Cải Cách (Counter-Reformation)
*
Thành công và thắng lợi của phong trào Cải Cách (Reformation) bắt buộc Giáo hội Công Giáo phải vội vã cải cách và phản công để phục sinh quyền lãnh đạo tâm linh của Giáo hội Công Giáo. Cuộc vận động (movement) nầy gọi là Phong trào Chống Cải Cách (Counter-Reformation).
Đến đầu thế kỷ thứ 17, những người Kháng Cách (Protestants) trước đã thành công ở Poland, France, Bavaria, Austria và nam Netherlands thì nay bị đổi ngược lại và những vùng Kháng Cách ở Âu Châu bị giảm xuống đáng kể.
Phong trào Chống Cải cách gồm có:
Đại học được lập ra để giáo dục Tăng lữ của những nước có người theo Kháng Cách (Protestant).
Dòng tu (Religious orders) mới được lập ra: Capuchins (1525), Paulines (1530), Jesuits (1534) và Ursulines (1535). Quan trọng nhất là Dòng Jesuits, họ làm việc như là thầy giáo và như là nhà truyền giáo (missionaries) ở ngoại quốc. Năm 1534, Ignatius Loyola lập ra Xã hội của Giê-su (Society of Jesus), thường được biết dưới tên Dòng Jesuits. Dòng tu nầy tự hiến thân cho giáo dục (teaching) và truyền đạo Công Giáo đã được cải cách khắp toàn thế giới. Từ thế kỷ 17, Dòng Jesuits là những vị thầy tôn giáo lớn ở Âu châu và giúp nhiều người theo Công Giáo.
Dưới sự lãnh đạo của Giáo hoàng Paul III từ 1534 tới 1549 nhiều học giả và nhà cải cách tài giỏi được bổ nhiệm chức vụ cao trong Giáo hội.
Công đồng Trent (Council of Trent) của Giáo hội họp trong những khoảng thời gian 1545-1547, 1551-1552 và 1562-1563 và ban ra một cuộc vận động để chuyển đạo trở lại Công giáo những người Kháng Cách giáo (Protestants). Nhiều cách hành đạo xấu kể cả Bán đặc quyền (selling of indulgences) bị bãi bỏ. Các lãnh tụ (theo Công Giáo) của các nước Ý, Đức, Tây Ban Nha và Pháp hết lòng ủng hộ.
Tòa án Dị giáo được lập lại và người theo Kháng Cách giáo (Protestants) bị kết tội là Tà giáo (Heresy) và bị hỏa thiêu.
Cuộc vận động Baroque với hội họa về tôn giáo, kiến trúc trau chuốt kỹ lưỡng (elaborate) và âm nhạc thánh đường để giúp thành công trong việc lôi cuốn quần chúng theo đạo Công Giáo.
*
Dòng Jesuits = Xã Hội của Jesus (Society of Jesus)
Theo gương của thánh Francis và thánh Dominic, với nhiệm vụ truyền đạo, sống và thuyết giáo trong những người nghèo ở những nơi xa, trong thời kỳ viễn du và thám hiểm khắp đại dương toàn cầu. Với những thử thách, tu sĩ Ignatius of Loyola đem lại năng lực và tài nghệ tổ chức cho những người lính được huấn luyện. Thỉnh cầu được sức mạnh của những chiến sĩ tâm linh nầy, chỉ chịu dưới quyền trực tiếp của mình trong khi chiến đấu cho Tòa thánh ở Rome, Giáo hoàng Paul III chụp lấy cơ hội. Tháng 9, 1540 Giáo hoàng Paul III cho phép một Dòng tu mới (new order), được biết dưới tên là Xã Hội của Jesus (the Society of Jesus). Tháng 4, 1541 Ignatius được bầu là "Tướng lãnh thứ nhất" (the 1st general); danh hiệu được dùng cho tới ngày phản ánh căn bản của cuộc chiến chinh (của Dòng).
Ignatius viết những luật đơn giản cho Dòng tu: không có y phục riêng biệt và không có phải theo đều đặn những công việc đặc biệt nào. Dòng Jesuites, thường được gọi như vậy cho "Xã hội của Jesus", tự do vận chuyển nhanh chóng ở nơi nào cần thiết. Vâng lệnh của Giáo hoàng là trọng điểm của Dòng Jesuits. Những nhà Thần học Jesuites đã ở cùng phe với Giáo hoàng trong Công đồng Trent (Council of Trent). Ở Việt Nam, Dòng Jesuits thường được biết với tên là "Dòng Tên".
*
Công Đồng Trent (1545-1563)
Giáo hoàng Paul III (đăng quang năm 1534) đã đề cử (vào năm 1536) một hội đồng cứu xét những vấn đề nêu lên bởi những nhà Cải cách Kháng cách (Protestant Reform). Giáo hoàng cũng lập ra một ủy ban gồm các Hồng y để báo cáo những lạm dụng bên trong Giáo hội. Các Hồng y tìm ra chứng cớ những lầm lỗi do Luther điềm chỉ, gồm có: huấn luyện giáo sĩ không đầy đủ, nhiều Giám mục không đủ tài đức, sự dễ dãi trong các tu viện và các dòng khất sĩ (mendicant orders) và tai tiếng của Giám mục giữ nhiều chức vụ.
Cuối cùng tới 9 năm sau Giáo hoàng Paul III tụ họp Công đồng của Giáo hội Công giáo ở Trent (1545). Sở dĩ có sự chậm trễ nầy là vì một phần Hoàng đế Charles V của Đức muốn tổ chức trên lãnh thổ của mình và vua Francis I của Pháp thì không muốn Charles có ơn huệ đó.
Từ lúc đầu không tốt (chỉ có 3 sứ thần của Giáo hoàng và 31 Giám mục trong buổi họp đầu tiên), Hội đồng tăng trưởng dần trong vòng 18 năm. Có những khoảng thời gian hội đồng không được triệu tập. Hội đồng họp trong những năm 1545-47 dưới thời Giáo hoàng Paul III; 1551-52 dưởi thời Giáo hoàng Julius III và 1562-63 dưới thời Giáo hoàng Pius IX.
Nghị quyết của Giáo hội Công giáo ở Công đồng Trent.
Về vấn đề những lạm dụng bên trong Giáo hội, Công đồng công nhận giá trị của những chỉ trích (như Giám mục và linh mục thối nát, bán đặc quyền và những lạm dụng khác về tài chánh) và đặt ra những phương cách sửa đổi:
những Chủng viện (seminars) để giáo dục giáo sĩ tốt hơn,
luật chặc chẽ cho giám mục ở giáo khu của mình,
cải cách trong những dòng tu viện.
Với những bước thực hành trên được áp dụng, Hội nghị từ chối không nhượng bộ trong những vấn đề về giáo lý (doctrine), về Dòng tu và về phép Bí tích:
vẫn giữ 7 phép Bí Tích (Sacraments) và vẫn giữ "Hóa thể" (Transubtantiation): bánh và rượu thánh là thân thể và máu của Đấng Kitô (Christ).
chối bỏ (reject) sự kết hôn của linh mục
chấp nhận (endorse) cả 2 biện minh bằng việc làm và đức tin (justification by works or faith). Tín điều Cứu rổi (dogma of salvation) thích đáng từ Đấng Kitô (Christ) bằng cách sống theo đức tin và việc làm (works)
tái xác định sự hiệu nghiệm (efficacy) của đồ nhà thờ (relics) và đặc quyền (indulgences) có nghĩa là không bãi bỏ việc bán đặc quyền bằng đồ nhà thờ của Giáo hội.
tái xác địng sự sùng bái thờ phượng (cult) trinh nữ Mary và chư thánh, và hành hương.
Hội nghị cũng cải thiện (improve) kỹ luật và quản trị của Giáo hội trong giáo khu và tu viện.
Không khoan dung việc bổ nhiệm Giám mục vì lý do chính trị.
Bãi bỏ sự khiếm diện của Giám mục trong giáo phận (diocese) của mình (Absenteeism). (Lúc trước, có Giám mục thường ở Rome hay ở bất động sản riêng).
Giám mục có quyền lực nhiều hơn giám sát tất cả mọi phương diện thuộc về tôn giáo. Có Giám mục đi tới các giáo khu (parish) xa xôi để nâng cao tiêu chuẩn.
Trong Giáo khu, tăng lữ trong suốt thế kỷ thứ 17 đều hoàn toàn tuân giữ luật độc thân của Giáo hội.
Tuy Công đồng Trent không chính thức bãi bỏ việc "Bán đặc quyền" nhưng sau đó vào năm 1567, Giáo hoàng Clement VIII bãi bỏ tất cả những Trợ cấp (grant) từ đặc quyền gồm tất cả lệ phí và những khoảng tiền chuyển giao bằng những cách khác.
*
Số lượng và bản thể của pháp lễ Bí Tích (Sacraments) của Kitô giáo là 1 trong những vấn đề tranh cãi trong phong trào Cải cách.
Trong 1000 năm đầu của Kitô giáo Bí Tích dần dần được chấp nhận trong cả 2: Chính Thống giáo Hy Lạp (Greek Orthodoxy) và Công giáo La Mã (Roman Catholicism) là có 7 phép Bí Tích (có nghĩa là những Lễ trong đó có hiện diện của sự tha thứ của Thiên Chúa).
7 phép Bí Tích (Sacraments):
Lễ Rửa Tội (Baptism),
Lễ làm Phép Thêm Sức (Confirmation),
Lễ nhận Thánh thể (the Eucharist),
Lễ Giải Tội (Penance),
Lễ xức dầu thánh cho người sắp chết (Extreme Unction of the dying),
Lễ phong Chức Linh mục (Ordination of Priests),
Lễ Hôn phối (Matrimony)
Trong phong trào Cải Cách (Reformation), với các nhà Kháng Cách tự giới hạn chân lý chỉ được tìm thấy trong Kinh Thánh, thì rõ ràng chỉ có 2 trong 7 phép Bí Tích được Jesus nhận là pháp Lễ (rituals):
Lễ Rửa Tội (baptism): Jesus nhận từ John the Baptist, và
Lễ nhận Thánh thể (the Eucharist): Jesus ra lệnh (enjoin) trên các môn đồ trong Bữa tiệc cuối cùng (the Last Supper).
Các Giáo hội Protestant giảm Bí Tích còn 2 lễ nầy mà thôi, rồi không đồng ý về căn bản (nature) của chúng. Trong những năm đầu, Zwingli gây chiến với các người Cấp Tiến ở Zurich về Lễ Rửa Tội cho trẻ con và người lớn và không đồng ý với Luther, ở Marburg, về Lễ nhận Thánh thể (the Eucharist) có phải là ẩn dụ hay thể hiện bề ngoài thân thể và máu của Đấng Kitô (Christ).
*
Tà giáo và Tòa án Dị giáo
Thời gian trị vì của Giáo hoàng Paul IV (1555-1559) cứng rắn trong việc chống lại Tà giáo. Hai chiến lược chính là: Tòa án Dị giáo và kiểm duyệt những sách bị cấm.
Tòa án Dị giáo (Inquisition) của Giáo hoàng được tái lập bắt đầu từ Giáo hoàng Paul III, phát triển dưới thời Giáo hoàng Paul IV thành một khí cụ ghê gớm, kể cả tố cáo các Hồng y như Jacopo Saleto, Reginald Pole và Giovani Morone, bị ở tù vài năm trong tù của Tòa án Dị giáo. Ở Rome, Ignatius of Loyola cũng sợ Giáo hoàng Paul IV.
Tòa án Dị giáo nặng nề nhất ở Tây Ban Nha và thuộc địa (của Tây Ban Nha). Tòa án Dị giáo của Giáo hoàng ở nơi khác thì cố tình làm nhẹ hơn ở Tây Ban Nha. Nó phản ảnh bước tiến nhanh về Chính thể Chuyên chế (Absolutism), đặc tính của thế kỷ thứ 16.
*
Sự Sùng bái (Devotion)
Tuy nhiên mặt khác có sự phát triển của Sự Sùng bái (Devotion). Thí dụ điển hình là "Đọc kinh và lần Tràng hạt" (the reciting of the Rosary).
Sự sùng bái của phong trào Chống Cải cách tổng hợp 2 chiến lược canh tân của Giáo hội Công giáo.
Một là sự nhấn mạnh Thiên Chúa là một lãnh tụ tuyệt đối không thể hiểu biết được (knowable), một Thiên Chúa phải sợ, trùng hợp với thuyết tuyệt đối quá khích của Giáo hoàng Paul IV.
Nhưng nó cũng mở đường dẫn tới sự thành kính bình dân (popular piety) và kinh nghiệm tôn giáo cá thể.
*
Giáo hoàng St Pius IV
Tòa Thánh của Giáo hoàng St Pius (1566-1572) đại diện cho sự cố gắng đập tan Tà giáo và sự lạm dụng toàn cầu bên trong Giáo hội, nhưng cũng cải thiện tốt hơn sự thành kính trong dân gian trong nổ lực nhất định bứng tận rễ sự thu hút của Kháng Cách giáo (Protestanism).
Giáo hoàng St Pius đã được huấn luyện trong sự thành kính vững mạnh từ khó khăn của Dòng Dominicans. Điều đó không ngạc nhiên vừa làm Giáo hoàng, St Pius đã bố thí rộng lớn cho người nghèo, cơ quan bác ái và nhà thương thay vì dùng tiền để bảo trợ các công trình kiến trúc hay văn hóa.
Ngài thi hành đức độ của một tu sĩ khi làm Giáo hoàng. Được biết là người đem an ủi cho người nghèo và người đau yếu, Giáo hoàng St Pius tìm cách cải thiện đạo đức (morality) trước công chúng của Giáo hội, nâng đỡ the Dòng Jesuits và ủng hộ Tòa án Dị giáo. Ông tăng cường sự chú trọng về kỹ luật của Hội nghị Trent và ủng hộ Truyền giáo của Tân Thế giới (New World).
Tòa án Dị giáo Tây Ban Nha dưới sự chỉ đạo của các nhà quân chủ chuyên chế Tây Ban Nha từ Ferdinand và Isabella, diệt tận gốc Kháng Cách giáo (Protestanism) ở Tây Ban Nha trước khi nó có thể bành trướng.
*
Sau Công Đồng Trent, Giáo hội Công Giáo có vị thế tốt đối đầu sự thách thức (challenge) của những người theo Kháng Cách giáo (Protestants).
Năm 1562, Teresa of Avila (spanish) có phong trào cải cách Carmelite, lập Nữ tu viện (convent) đầu tiên của nhiều Nữ tu viện tiếp theo. Nhiệt huyết cải cách giống vậy áp dụng cho nhiều tu viện bởi St John of the Cross.
Với kiểu kiến trúc mới, Baroque, Tòa thánh ở Rome có lý tưởng trung bình trong đó ngụ ý ở sự xuất thần của tôn giáo.
Cải cách của Giáo hội Công giáo La Mã có thể gọi là Chống Cải cách chống lại cải cách ở miền Bắc (Đức, Sacandinavia, Hà lan...); nhưng là Cải cách ở miền Nam (Ý, Tây Ban nha...).
Công Đồng Trent định sắc thái của Công giáo La Mã cho tới giữa thế kỷ 20.
Cải Cách ở nước Anh (Reformation in England)
Song song với phong trào Cải Cách ở nội địa Âu châu, có Cải cách ở nước Anh từ lý do (motive) chính trị hơn là tôn giáo.
Vua Henry VIII (1509-1547) muốn có con trai để củng cố triều đại của mình nhưng tất cả những con trai sinh ra từ vợ của vua, Catherine of Aragon, đều đã qua đời, chỉ còn lại một con gái là Mary. Giáo hoàng không muốn cho phép vua ly dị vì đang dưới quyền lực của cháu của Catherine là Hoàng đế Thánh La Mã Charles V. Như vậy Henry VIII phải cắt đứt liên hệ với Giáo hội Công Giáo ở Rome. Việc nầy đưa đến sự thành lập Giáo hội Anh (Aglican Church) hay Giáo hội Kháng Cách Anh (English Protestant Church).
Những Biến cố tiếp theo:
Năm 1531 Tăng lữ (clergy) của Anh chính thức chấp nhận vua Henry VIII là Lãnh Tụ tối cao của Giáo hội Anh
Năm 1533, hôn phối (marriage) của Henry và Catherine được công bố là không giá trị (void). Vua Henry VIII thành hôn với Anne Boley. Vua nhận trục xuất (excommunication) của Giáo hội Công giáo ở Rome.
Năm 1534, Luật về quyền Tối cao (Act of Supremacy) thông qua ở Quốc Hội Anh (Parliament), cắt đứt tất cả liên hệ với Rome.
Năm 1534-1539, Giải tán tất cả tu viện Công giáo: tu viện đóng cửa và bị bán (phát mãi) lấy cớ là khám phá ra gian lận (fraud), không đạo đức (immorality) và những lạm dụng khác.
Năm 1536-1537, cuộc khởi nghĩa (uprising) của người Công Giáo chống lạ Cải Cách (Reformation) ở miền Bắc nước Anh. (Pilgrimmage of Grace)
Năm 1539, Sáu Điều luật (Six Articles) được xuất bản chỉ định những điều trong giáo lý Công Giáo vẫn phải tuân theo.
Năm 1547-1553: thời gian trị vì của vua Edward VI.
Năm 1549, Công Luật (The Act of Uniformity) và một sách Cầu nguyện mới (Prayer Book) được xuất bản thành lập Đức Tin mới (new Faith).
Năm 1552, Công Luật thứ nhì (the 2nd Act of Uniformity) và sách Cầu nguyện (Prayer Book) đem Giáo hội Anh gần với Kháng cách ở Thụy sĩ (Swiss Protestent), giống tôn giáo của Calvin.
Năm 1553-1558, thời gian trị vì của con gái của Henry VIII, Nữ hoàng Mary of Tudor. Giáo hội Công Giáo được phục hồi.
Năm 1558-1603, thời gian trị vì của con gái của Henry VIII, Nữ hoàng Elizabeth I. Elizabeth phục hồi Giáo hội Anh (Aglican Church).
Năm 1559, Luật mới về quyền Tối cao (New Act of Supremacy) và sách Cầu nguyện (Prayer Book) trở lại ôn hòa hơn (moderate) giống như ấn bản của năm 1549. Các nhà Kháng Cách cấp tiến (Radical Protestant) muốn giống như tôn giáo Calvin (Calvinism) thì không còn được chấp nhận.
Năm 1563, 39 Điều luật (Articles) nêu ra những Đức tin của Giáo hội Anh (Aglican Church).
Năm 1570, Nữ hoàng Elizabeth I bị Giáo hội Công giáo La Mã trục xuất (excommunicated). Người Công Giáo ở Anh bị nghi ngờ là phản bội (traitors).
Năm 1593, Luật chống các Giáo phái (Acts against Sectaries). Lý do là thành viên của những Giáo phái Kháng cách (Protestant Sects) cho rằng Giáo hội Anh (Aglican Church) quá ôn hòa. Họ còn được gọi là những người "không" Công giáo" hay Thanh giáo (Non-Conformist hay Puritans).

Hậu Quả Chính trị của Phong trào Cải Cách
*
Hậu quả của Cải Cách (Effects of Reformation)
Mặc cho sự cố gắng của phong trào Chống Cải Cách của Giáo hội Công giáo (Counter-Reformation), sự thống nhất (unity) của Giáo hội Công Giáo đã bị đổ bể vĩnh viễn. Cho tới ngày nay, Âu châu như là một bàn cờ của những vùng Kháng Cách giáo (Protestant) và Công Giáo. Phần phía Bắc của Âu châu thì chánh là Kháng Cách giáo (Protestant), còn phần phía Nam thì chánh là Công Giáo. Theo thời gian, tinh thần khoan dung đã quen lệ nhưng còn những vùng rất nhỏ còn chống đối dữ dội giữa hai bên nhưng Bắc Ái Nhĩ Lan (North Ireland).
Phong trào Cải Cách (Reformation) có những hậu quả khác quan trọng.
Về chánh trị, nó đánh dấu sự tăng trưởng chuyển giao quyền lực từ Giáo hội sang những quốc gia. Thêm nữa, nó nhấn mạnh tới cá nhân chủ nghĩa (individualism), mở đường cho những tư tưởng như tự do chính trị.
Về kinh tế, nhiều Giáo phái Kháng Cách giáo (Protestants), nhất là Calvinist, chú trọng đến tiết kiệm và gắng sức làm việc trong đời sống hằng ngày. Thái độ nầy, gọi là Đạo đức Kháng cách (Protestant Ethic), được coi như là một sức đẩy to lớn cho sự phát triển của kỹ nghệ và tinh thần tư bản.
Lịch sử Âu châu xảy ra nhiều cuộc Chiến tranh tàn khốc (vừa từ Chính trị vừa từ Tôn giáo) kéo dài cả 100 năm do phong trào Cải Cách chia rẽ dân tộc, lãnh thổ và chính quyền ở Âu châu.
*
Cuộc Nổi Loạn của Hà Lan (The Dutch Revolt)
Đầu thế kỷ 16, Giáo phái Calvin (Calvinism) có nhiều người theo ở các Tỉnh (provinces) của Hà Lan (Netherlands). Vào năm 1555, vua Philip II of Spain thừa kế Hà Lan (Netherlands), cai trị qua những Thống đốc (governors) dưới quyền vua Philip II (không được dân chúng ưa chuộng). Khi vua Philip II cố áp đặt Công Giáo (Catholicism=religious uniformity), nhiều người chống lại như các nhà quí tộc Egmont, Hoorne và William of Orange (1533-1584). Năm 1566, người Kháng cách (Protestants) bắt đầu sùng đạo công khai và tấn công những nhà thờ Công Giáo. Quan Thống đốc, the Duke of Alva, bắt đầu áp dụng chế độ ngược đãi (persecution). Egmont và Hoorne bị xử tử (1568). Những người Kháng cách (Protestants) chống đối trở thành "Sea Beggars", dùng tàu chạy ra biển và bắt đầu tấn công tàu của Tây Ban Nha (Spain). Thế là bắt đầu của cuộc Nổi Loạn của Hà Lan (1568-1648).
Những Biến cố tiếp theo:
Năm 1576, Sự Cuồng nộ của Tây Ban Nha (The Spanish Fury): quân lính Tây Ban Nha (Spain) cướp phá Antwerp. Từ đó có Nền Hòa bình của Ghent (Pacification of Ghent): tất cả 17 tỉnh liên hiệp chống lại Tây Ban Nha (Spain).
Năm 1578, Hòa ước Arras (Peace of Arras): 10 tỉnh phía Nam liên hiệp với Tây Ban Nha.
Năm 1579, Liên hiệp Utrect (Union of Utrecht): 7 tỉnh phía Bắc (theo giáo phái Calvin) liên hiệp chống lại Tây Ban Nha.
Năm 1581, 7 tỉnh miền Bắc tuyên bố độc lập thành ra United Provinces và William of Orange được bầu là Stadholder (governor=Thống đốc).
Năm 1648, Hòa ước Hague (Peace of the Hague): Tây Ban Nha (Spain) nhìn nhận United Provinces (sau nầy là nước Hà Lan=Netherlands). Các tỉnh phía Nam vẫn dưới quyền cai trị của Tây Ban Nha (Spain) gọi là Spanish Netherlands (sau nầy là nước Bỉ=Belgium).
*
Chiến Tranh Tôn Giáo ở Pháp (1562-1598)
Hai phe Công giáo (Catholic) và Kháng Cách (Protestant) trở thành đối thủ ở triều đình nước Pháp khi một số nhà quí tộc theo Giáo phái Calvin (Calvinism).
Năm 1560, Charles IX là một trẻ con, làm vua nước Pháp với mẹ là Catherine de Medici làm Nhiếp Chánh (regent). Sự chống chọi giữa 2 phe dẫn tới nội chiến, Chiến tranh tôn giáo ở Pháp (the French Wars of Religion) từ 1562 cho tới 1598.
Phe Công Giáo được lãnh đạo bởi gia tộc Guise, được Catherine de Medici ủng hộ.
Phe Kháng Cách (gọi là người Huguenots) được lãnh đạo bởi anh em Colgny, the Bourbon Prince of Conde và King of Navarre. Những người theo tôn giáo Calvin (Calvinism) ở Pháp gọi là Huguenots.
Những Biến cố tiếp theo:
Năm 1562, Cuộc Thảm sát những người Huguenots (Massacre of Huguenots) ở Vassy bởi Duke of Guise và tùy tùng (retainers) dẫn tới Nội chiến lần thứ nhất.
Năm 1563, Duke de Guise bị giết.
Năm 1567-1570, Nội chiến lần thứ nhì và chấm dứt với Tổng Ân xá (general amnesty) tại Hòa ước St Germain (the Peace of St Germain).
Năm 1572, Thảm sát những người Huguenots ở Paris trong ngày Thánh Bartholomew (the St Bartholomew's Day Massacre) dẫn tới Nội chiến thứ ba.
Năm 1584, gia tộc Guise và vua Philip II of Spain lập thành the Liên Minh Joinville (League of Joinville) chống lại người Huguenots.
Năm 1586, chiến tranh của 3 Henries: Henry III of France, Henry de Navarre và Henry de Guise.
Năm 1589, Henry III bị giết và Henry de Navarre lên làm vua, là Henry IV, vua đầu tiên của triều đại Bourbon (thay thế triều đại Valois).
Năm 1590, Henry IV đánh bại người Công giáo (Catholics) ở Ivry
Năm 1593, Henry IV trở thành người Công giáo (Catholic)
Năm 1594, Henry IV vào Paris và bắt đầu chính thức cai trị nước Pháp.
Năm 1598, Sắc lệnh Nantes (Edict of Nantes) của vua Henry IV cho phép khoan dung (tolerance) người Huguenots.
*
Chiến Tranh 30 Năm (1618-1648)
Người Kháng Cách (Protestant) ở những tỉnh (provinces) ở vùng Bohemia của Đế quốc Thánh La Mã (Đế quốc Đức) nổi loạn. Bohemia là nướcTiệp bây giờ. Sự xung đột (conflict) lan rộng ra những quyền lực khác của các nước ở Âu Châu. Chiến tranh lại chỉ xảy ra ở lãnh thổ các tiểu quốc ở Đức và Bohemia của Đế quốc Thánh La Mã.
Ban đầu chỉ là chiến tranh vì tôn giáo với người Kháng Cách ở miền Bắc Đức và người Kháng Cách Đan Mạch liên minh chống lại quân của hoàng gia Hasburg (Công Giáo), người vùng Bavaria (tây nam của Đức) và các tiểu quốc khác ở Đức (German states). Quân Công Giáo dưới quyền của Tướng Wallenstein (1583-1634) thắng vài trận lớn nhưng không chiến thắng hoàn toàn. Năm 1629, có ngưng chiến với Hòa ước Lubeck (Peace of Lubeck).
Năm 1630, vua Thụy Điển là Gustavus Adolphus (1594-1632) tham chiến tiếp phe người Kháng Cách nhưng cũng có thâm ý bành trướng lãnh thổ của Thụy Điển. Năm 1631, ở trận Breitenfeld, quân Kháng Cách (lực lượng chánh là quân Thụy Điển) thắng quân Công Giáo (lực lượng chánh là quân của Đế quốc Thánh La Mã thuộc triều đại Hasburg). Năm 1631, quân Thụy Điển thắng trận Lutzen nhưng vua Gustavus Adolphus tử trận.
Năm 1634, quân Thụy Điển thua trận Nordlingen và phải rút ra khỏi Nam Đức. Năm 1635, nước Pháp (dù đa số người dân theo Công giáo) tham chiến giúp Thụy Điển.
Hòa bình với Hiệp ước Wesphalia (Treaty of Wesphalia vào năm 1648. Các tiểu quốc theo Kháng Cách của Đức (Protestant German states) sống sót, không bị tiêu diệt. Thống trị của Hoàng đế Thánh La Mã (Holy Roman Emperor) thuộc triều đại Hasburg suy yếu. Thế lực của Pháp tăng lên, Thụy Điển hùng mạnh ớ Bắc Âu còn Tây Ban Nha suy yếu. Vùng Brandenburg-Prussia của Bắc Đức hùng mạnh. Những vùng Kháng Cách (Protestant) như Hà Lan (Dutch) và Thụy Sĩ (Swiss) được độc lập. Đế quốc Áo (Austrian Empire) sẽ thay thế Đế quốc Thánh La Mã (Holy Roman Empire) dẫn đầu quyền lực của Công Giáo.
*
Nội Chiến ở Anh (1642-1660)
Đường nứt giữa Quốc hội (Parliament) và các vua đầu tiên của triều đại Stuart tạo ra Nội chiến ở Anh vào năm 1642. Một trong những nguyên nhân là lý do tôn giáo. Nhiều thành viên của Quốc hội theo Thanh giáo (Puritans), trong khi đó tình nghi người trong dòng họ Stuart có cảm tình với Công giáo. Vua James I và Charles I càng có khuynh hướng cai trị không qua Quốc hội. Thời gian nầy gọi là 11 Năm Chuyên Chế (11 years Tyrany).
Đến năm 1645, Quốc hội thắng Nội chiến nhờ quân đội kiểu mới của Oliver Cromwell.
Những biến cố của Nội chiến:
Năm 1640, vua Charles I bắt buộc triệu tập Quốc hội để gây quỹ để dẹp loạn của những người Covenanters. Covenanters là những người Scotland nổi loạn theo Thanh giáo (Scottish Puritans = Presbyterians). Quốc hội không đồng ý.
Năm 1641, người Công giáo của Ireland lại nổi loạn. Vua Charles I và Quốc hội đều mộ quân riêng cho mình.
Năm 1642, trận chiến đầu tiên giữa Charles I và Quốc hội ở Edgehill.
Năm 1643, Liên minh của Quốc hội và người Covenanters chống lại vua Charles I.
Năm 1644, Trận Marston Moor: Quốc hội thắng Charles I và chiếm miền Bắc nước Anh.
Năm 1644, Trận Lostwithiel: Quốc hội mất quyền kiểm soát miền tây nam nước Anh về tay vua Charles I.
Năm 1644, quân hoàng gia Scotland thắng người Covenanters.
Năm 1645, Trận Naseby: Quốc hội thắng vua Charles I và kiểm soát toàn nước Anh.
Chiến tranh tái phát trong khoảng 1648-1649, chấm dứt với chiến bại của vua Charles I và vua bị xử tử. Từ đó trong 4 năm (1649-1653) Anh quốc dưới quyền cai trị của Quốc hội Dân biểu (House of Commons) trong chính thể Liên Hiệp Anh (Commonwealth). Trong giai đoạn nầy càng có thêm nhiều chi phái tôn giáo (sects) và nhiều nhóm chính trị cấp tiến (radical), như là những người Levellers.
Năm 1653, Cromwell nắm quyền như là Lord Protector (Lãnh chúa Bảo hộ). Cái chết của ông (1658) để một khoảng trống chính trị. Năm 1660, triều đại Stuart phục hồi dưới quyền của vua Charles II (con của Charles I).

*
Tòa thánh với kiểu Baroque (1585-1689)
Giáo hoàng Sixtus V mở đầu giai đoạn cuối cùng của Cải Cách Công giáo, đặc biệt với thời đại Baroque của đầu thế kỷ thứ 17, chuyển từ thúc đẩy sang thu hút. Thời gian trị vì của Giáo hoàng chú trọng tới xây dựng lại Rome như là thủ đô của Âu châu và thành phố theo kiểu Baroque, một biểu tượng ngoạn mục của Giáo hội Công giáo.
TRUYỀN GIÁO TRONG THỜI CẬN ĐẠI
*
Lan tràn của Công giáo
Nhờ Thời đại Khám phá (Age of Discovery) rồi từ thế kỷ thứ 17, các Đế quốc Công Giáo như Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha mở rộng thuộc địa, Giáo hội Công giáo lập những phái đoàn truyền giáo (missions) đi khắp nơi trên thế giới: Bắc và Nam Mỹ châu; Á châu kể cả vùng Viễn Đông; và Phi châu. Các đoàn truyền giáo thuộc những dòng Jesuits, Franciscans (có Francisco Xavier), Dominicans và Augustinians. Họ thu phục được nhiều người bản xứ theo đạo: người Aztecs (Bắc Mỹ), người Incas (Nam Mỹ), người Phi Luật Tân (Á châu)...
Phong trào truyền giáo của Giáo hội Công giáo La Mã tiếp tục cho tới đầu thế kỷ 20.
*
Truyền giáo ở Phi châu
Vì truyền giáo Công giáo nên Ethiopia ở Phi châu có nội chiến. Năm 1622, vua Susenyos theo đạo. Nội chiến bùng nổ năm 1626, vua phải thoái vị. Người con và kế nghiệp là Facilides đuổi Tổng Giám mục Afonso Mendes và dòng Jesuits ra khỏi nước (năm 1633). Năm 1665, chính quyền Ethiopia đốt tất cả kinh sách Công giáo trong nước.
Cho đến cuối thế kỷ 19, nhờ kỹ thuật và vũ khí tân thời, quyền lực của Âu châu mới kiểm soát được nội địa Phi châu. Các nhà lãnh đạo mới giới thiệu nền kinh tế dủng tiền mặt nên cần người Phi châu phải biết đọc và biết viết, như vậy cần có trường học. Chuyện đó chỉ có thể thực hiện nhờ các nhà truyền giáo của Công giáo. Các nhà truyền giáo theo chánh quyền thuộc địa vào Phi châu và xây trường học, tu viện và nhà thờ.
*
Truyền giáo ở Trung Quốc
Truyền giáo ở Trung Quốc không có trở ngại ngay từ đầu. Nhà thờ Công giáo đầu tiên lập ở Bắc Kinh (1650). Hoàng đế và triều đình Trung Quốc không hề cấm đạo. Lãnh tụ truyền giáo ở Trung Quốc là Matteo Ricci cho phép người Công giáo Trung Quốc được thờ người chết như theo truyền thống (veneration of the dead).
Giáo hội La Mã không đồng ý việc làm thích nghi nầy và ra lệnh cấm 2 lần (1692 và 1742). Đó là "Sự bàn cãi về lễ nghi" (Rites controversy).
Ở Trung Quốc, Giáo hoàng Benedict XIV ra sắc lệnh "Ex Quo Singulari" (1742) lập lại ngôn từ của sắc lệnh cũ của Giáo hoàng Clement XI (1692) và nhấn mạnh sự trong sạch trong giáo điều và truyền thống Kitô giáo, phải được tuân giữ chống lại Tà giáo. Nhà truyền giáo bị cấm không được tham gia vào thờ kính tổ tiên, vào Nho giáo và Hoàng đế Trung Quốc. Sắc lệnh (Bull) nầy tiêu diệt mục tiêu truyền giáo của dòng Jesuits vào tầng lớp thượng lưu ở Trung Quốc. Chính sách của Tòa Thánh là bản tử hình của việc truyền giáo ở Trung Quốc.
Sau đó việc "Sự bàn cãi về Lễ nghi" (Rite Controversy) đưa tới Hoàng đế Khang Hi nên Hoàng đế ra lệnh việc truyền giáo là phạm luật. Hoàng đế cảm thấy bị lừa (duped) và từ chối cho phép những thay đổi trong việc thực hành Kitô giáo vào lúc đó.
Vấn đề nầy kéo dài hàng trăm năm cho mãi tới năm 1939, Giáo hoàng Pius XII ra sắc lệnh cho phép người Công giáo được thờ cúng và sùng bái người chết (như tổ tiên của mình).
*
Truyền giáo ở Mỹ châu
Vào thế kỷ 18, Dòng Jesuits ủng hộ người bản xứ ở Nam Mỹ chống lại quyền lực thuộc địa của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Tuy nhiên Giáo hoàng Clement XIII vẫn cố duy trì dòng Jesuits mặc cho áp lực chính trị ở Âu châu. Năm 1713, các nhà lãnh đạo ở Âu châu hợp lại và chính thức bắt buộc Giáo hoàng đóng Dòng Jesuits. Từ đó Dòng phần lớn ngưng hoạt động ở Âu châu.
Năm 1814, Giáo hoàng Pius VII ra sắc lệnh Sollicituddo Omnium Ecclesiamrum phục hồi dòng Jesuits.
Ở Nam Mỹ và Mexico, các nhà truyền đạo tiếp tục dưới quyền của chính phủ thuộc địa (Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha) cho tới thế kỷ thứ 19. Junipero Serra (1713-1784), giáo sĩ dòng Franciscans người Tây Ban Nha lập ra hàng loạt những hội truyền giáo mà sau nầy trở thành những cơ quan quan trọng về kinh tế, chính trị và tôn giáo. Đó là những hội truyền giáo ở Baja California và Alta California (ngày nay từ San Diego tới San Francisco).
Trong thế kỷ 19, ở các thuộc địa của mình ở Mỹ châu, chính quyền của 2 nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha lạm dụng quyền lực của mình không những đối với dân bản xứ mà còn đối với các hội truyền giáo (thường đứng cùng phe với người bản xứ).
Ở Nam Mỹ, Dòng Jesuits bảo vệ dân bản xứ không bị buôn bán như nô lệ bằng cách lập ra những chỗ định cư bán độc lập gọi là "Reductions". Giáo hoàng Gregory XVI tranh đấu với quyền lãnh đạo của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha bằng cách bổ nhiệm Giám mục của mình, kết tội chế độ nô lệ và buôn bán nô lệ trong năm 1839 (papal bull In supremo apostalatus), và chấp nhận thụ phong người bản xứ vào Tăng lữ mặc cho sự kỳ thị của chính quyền thuộc địa.
Chỉ có sau khi chế độ thuộc địa của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha bị đổ bể (vào giữa thế kỷ 19), Giáo hội Công giáo LaMã mới lãnh đạo hoàn toàn hoạt động truyền giáo qua tổ chức truyền giáo "Propaganda Fide" của Giáo hội.
GIÁO HỘI TRƯỚC THỜI KỲ CÁCH MẠNG ÂU CHÂU
Quyền Lực Tâm Linh
*
Ảnh Hưởng của Thời kỳ Khai Sáng (Age of Enlightenment)
Sau hòa ước Wesphalia (1648), Âu châu bắt đầu bước sang Thời kỳ Khai sáng (khoảng 1650-1750) kéo dài cho tới thời kỳ Kỹ Nghệ hóa (khoảng 1750-1850) với Cách Mạng Âu châu (1789-1849).
Hiện tượng Jansenism
Hiện tượng bắt đầu từ quyển sách "Những Lá Thư Tỉnh" (Lettres Provinciales) của Blaise Pascal chống lại giáo lý Thần Học Đạo Đức của dòng Jesuites và Đại học Sorbonne. Trong quyển sách, Pascal tranh cãi những vấn đề khó giải thích về Lương tâm, nhất là có liên hệ tới Cái Nhiên Thuyết (Probabilism). Pascal là một Luận lý gia của Thời kỳ Khai Sáng (Age of Enlightenment) hay Thời đại Lý tính (Age of Reason).
Giáo hoàng Innocent X ra sắc lệnh lên án 5 giáo lý của Jansenism là Tà giáo.
Lá Thư Cộng Hòa (Republic of Letters = Republica Literaria)
Có Cộng đồng viễn liên trí thức vào cuối thế kỷ 17 và thế kỷ thứ 18. Đó là Cộng đồng của những học giả quốc tế về ngôn ngữ và văn hóa khác nhau dùng những "lá thơ Cộng hòa" để liên lạc với nhau. Đây sự liên lạc của những nhà trí thức của thời kỳ Khai Sáng nầy (Age of Enlightenment) ở Âu châu. Họ thường được gọi chung là "Triết gia" (Philosophe) ở Pháp.
Những Lá Thơ Cộng Hòa nầy viết lên sự đổi mới trên nhiều lãnh vực: Giáo lệnh sai trái (false Decretals) của Giáo hoàng, Huyền thoại của Nữ Giáo hoàng (Giáo hoàng Joan), Pháp thuật và Ma thuật (Phù thủy); Millennialism (khoảng thời gian 1000 năm Chúa Cứu Thế sẽ xuống thống trị trần gian), Cực đoan của Tuyên truyền (từ) Công giáo và Khoan dung cho xã hội người Do Thái.
*
Chống Tà giáo
Người cuối cùng bị hỏa thiêu trên giàn hỏa vì là người Tà giáo là Edward Wightman ở Anh (1612). Từ năm 1677, người Tà giáo (Heretic) chỉ bị trục xuất khỏi Giáo hội mà thôi.
Phiên Tòa xử Galileo Gallilei
Galileo Gallilei (1564-1642) là một nhà Thiên văn học người Ý.
Năm 1610, Galileo viết Siderens Nuncius dựa trên những gì ông thấy từ Viễn Vọng kính của mình (Telescope), ủng hộ lý thuyết của Copernicus. Đó là lý thuyết cho là Trái đất chuyển động quanh Mặt trời bất động.
Học giả Cosimo Boscaglio cho là lý thuyết Tà giáo. Tòa án Dị giáo (Inquisition) của Tòa thánh điều tra (1615). Cuối cùng Galileo phải ra Tòa án Dị giáo (1633). Đây là phiên tòa bắt đầu sự liên hệ giữa Giáo hội và Khoa học, nó liên quan tới Thần học, Thiên Văn học và Triết học. Galileo bị kết tội là "tình nghi mãnh liệt là Tà giáo". Ông bị quản thúc tại gia cho đến khi ông qua đời.
*
Chánh giáo
Sùng bái Mary (Devotion to Mary)
Giáo hoàng Paul V (năm 1617) và Giáo hoàng Gregory XV (năm 1622) công bố: Tình trạng " Mary đã thụ thai không tinh khiết (non-immaculate)" là vô giá trị (invalid). Có nghĩa là Sự thụ thai của Mary (sinh ra Jesus) là tinh khiết (Immaculate Conception).
Giáo hoàng Alexander VII tuyên bố (năm 1661) là Linh hồn của Mary không phạm tội từ nguyên thủy (free of original sin).
Lòng thành kính Mary trong dân chúng tăng lên qua hành hương, sùng bái, kịch nghệ, thánh ca (hym), đám rước (procession) và giáo đoàn (fraternity).
Giáo hoàng Innocent XII (1691-1700)
Được học giả gọi là Thánh Giáo hoàng (St Pope) vì có những cải cách trong Giáo hội về những lạm dụng như mua bán chức vụ (simony), gia đình trị (nepotism) và tiêu xài phung phí của Giáo hoàng. Bằng cách loại trừ những chức vụ "danh dự" và có chính sách mới về ngân sách, Giáo hoàng Innocent XII lấy lại việc kiểm soát tài chánh của Giáo hội.
Quyền Lực Thế Tục
*
Đế quốc Áo
Đế quốc Ottoman của người Turks đánh tới Vienne (1683). Năm 1684, Giáo hoàng Innocent XI với sự giúp đỡ của Thầy dòng Marco D'Aviano kêu gọi và lập ra Liên Minh Thần Thánh (Holy League) để chống lại và giải thoát mối đe dọa cho Thế giới Kitô giáo (Christendom).
Liên Minh gồm có:
Lãnh địa Giáo hoàng
Đế quốc Thánh La Mã dưới quyền của Hoàng đế Áo Leopold I của triều đại Habsburg.
Liên Hiệp Poland-Lithuania (Polish-Lithuanian Commonwealth) dưới quyền lãnh đạo của John III Sobieski
Cộng hòa Venice (Venetian Republic)
Nga hoàng của nước Nga: gia nhập sau, vào năm 1686.
Liên Minh Thần Thánh cuối cùng chiến thắng và đẩy lui quân Turks của Đế quốc Ottoman với Hiệp ước Karlowitz (1699).
Trong thế kỷ thứ 18, chính quyền quân chủ của các quốc gia hùng mạnh. Giáo hội yếu thế. Giới trí thức tấn công và ngạo Giáo hội, giới quí tộc ít người ủng hộ.
Tại Đế quốc Áo mặc dù đa số người dân theo Công giáo, chánh quyền chiếm quyền kiểm soát tất cả đất đai của Giáo hội. Nông dân sùng đạo nhưng không có tiếng nói.
*
Nước Pháp
Vua Louis XIV (1643-1715) của Pháp hủy bỏ Sắc lệnh Nantes (Edict of Nantes), chấm dứt sự khoan dung tôn giáo hàng mấy thế kỷ.
Từ đó Vua Louis XIV:
ép các nhà Thần học Công giáo ủng hộ Hội nghị Tôn giáo (Conciliarism) và chối bỏ "Tánh không lầm lỗi" của Giáo hoàng (Infaibility).
đe dọa Giáo hoàng Innocent là sẽ tự mình tổ chức lấy Hội nghị Công giáo toàn cầu và dùng quân sự chiếm Lãnh địa Giáo hoàng (Papal States).
lấy lại quyền bổ nhiệm những chức vụ quan trọng trong Giáo hội và cũng lấy bất động sản của Giáo hội (properties).
GIÁO HỘI TRONG THỜI KỲ CÁCH MẠNG ÂU CHÂU
(1789-1849)
*
Cách mạng ở Pháp (1789)
Hậu quả nặng nề cho Giáo hội Công giáo Pháp từ Cách mạng Pháp: đóng cửa Giáo hội Pháp, tịch thu và đem bán sĩ tài sản thuộc Giáo hội trên toàn quốc, đóng cửa Tu viện và trường học Công giáo và đày các giáo sĩ cầm đầu. Tất cả tu viện bị phá hủy. 30000 giáo sĩ bị đuổi, hàng trăm bị giết chết.
Chính quyền cố gắng lập Giáo hội do quốc gia điều khiển (State-run Church). Đa số linh mục từ chối không thề trung thành với Hội đồng quốc gia (National Assembly). Giáo hội Công giáo thành ra ngoài vòng pháp luật (outlawed) kể cả có Lịch Cộng Hòa Pháp mới.
*
Napoleon Bonaparte
Giáo hoàng Pius VI theo phía cách mạng Pháp. Năm 1796, quân đội của Cộng Hòa Pháp xâm lăng nước Ý, dưới sự lãnh đạo của Napoleon Bonaparte, đánh bại quân đội của Giáo hoàng và chiếm Acona và Lorato. Giáo hoàng Pius VI thỉnh cầu hòa bình. Quân đội Pháp quay về hướng bắc nhưng đổi lại Tòa Thánh phải chuyển giao cho Pháp nhiều sưu tầm nghệ thuật của Vatican cũng như nhường cho Pháp Bologna, Ferrara và Romagna.
Nhưng vào ngày 28-12-1796, một tướng lãnh Pháp bị giết trong một cuộc náo loạn (riot) trước Tòa Đại sứ Pháp ở Rome. Quân đội Pháp vảo chiếm Rome không bị kháng cự và tuyên bố thành lập Cộng Hòa Ý và đòi Giáo hoàng từ bỏ quyền hành thế tục. Khi Giáo hoàng Pius VI từ chối thì ông bị bắt về cầm tù ở thành Valence của Pháp (tháng 2, 1799) và ông chết ở đó (27-8-1800).
Giáo hoàng mới là Pius VII trước hết là cầu hòa với Napoleon. Ông điều đình Chánh giáo Điều ước năm 1801 (Concordat of 1801) với Pháp, trong đó khẳng định lại Giáo hội Công giáo La Mã là tôn giáo chính của nước Pháp. Tuy nhiên Chánh giáo Điều ước năm 1801 đem lại nhiều lợi ích cho quốc gia Pháp hơn là cho Giáo hội.
Năm 1804, Giáo hoàng Pius VII sang Pháp để chính thức chủ tọa và làm lễ đăng quang cho Napoleon (làm Hoàng đế). Ngày 2-12-1804, Napoleon tự đội vương miện cho chímh mình thành Hoàng đế của Pháp ở Giáo đường Notre Dame tại Paris. Napoleon cho rằng ông giựt vương miện từ Giáo hoàng trong buổi lễ vì sợ sẽ thành bầy tôi của Giáo hoàng. Việc nầy là ngoài chương trình đã dự định trước.
Tuy nhiên mối liên hệ thối bộ. Giáo hoàng làm Hoàng đế Napoleon khó chịu khi ngài từ chội không công nhận sự bãi bỏ hôn phối của Jerome, em của Hoàng đế và không cho những hải cảng của Lãnh địa Giáo hoàng (Papal States) thuộc trong Hệ thống Lục địa (continental system).
Năm 1808, quân đội Pháp chiếm vùng Marches của Lãnh địa Giáo hoàng (Papal states), sát nhập vào vương quốc Napoleon. Năm 1809, Napoleon xâm chiếm phần còn lại của Lãnh địa Giáo hoàng kể cả Rome, và tuyên bố là Giáo hoàng không còn quyền hành thế tục nào hết. Giáo hoàng Pius VII thi hành quyền hành tâm linh của mình, trục xuất Napoleon và tùy tùng. Giáo hoàng Pius VII liền bị bắt và giam cầm ở Pháp.
Những biến cố nầy đem toàn thể bán đảo Ý dưới quyền kiểm soát của Pháp (năm 1809). Tình thế không thay đổi cho đến khi Napoleon thua trận ở Leipzig (1813). Nước Áo lấy lại gần hết bán đảo Ý. Giáo hoàng Pius VII được thả về Rome.
*
Giáo hoàng Pius IX
Trong thời kỳ của Giáo hoàng Leo XII (1823-1829) và Gregory XVI (1831-1846), Rome được nhìn nhận với cảm tình chống cấp tiến của hầu hết các triều đại ở Âu châu. Việc lựa chọn Giáo hoàng Pius IX (1846) hứa hẹn là Tòa Thánh sẽ không phản ứng.

Tuy nhiên, năm 1848, cách mạng quốc gia và cấp tiến bùng nổ khắp Âu châu. Năm 1849, Cộng hòa La Mã được công bố và Giáo hoàng Pius IX chạy ra khỏi thành phố.
Ngay trước đó, Louis Napoleon được bầu làm Tổng thống và tuyên bố thành lập Đệ Nhị Cộng Hòa Pháp. Muốn xoa dịu ý kiến Công giáo bảo thủ ở Pháp, ông liên hiệp với Áo đưa quân vào phục hồi quyền lãnh đạo của Giáo hoàng ở Rome. Sau nhiều trận chiến, Giáo hoàng Pius IX theo quân chiến thắng Pháp trở về Rome và thay đổi bằng cách theo đuổi chính sách bảo thủ đè ép hơn cả các Giáo hoàng trước.
Ngay cả trước chiến tranh Pháp-Phổ, Giáo hoàng Pius IX biết rằng quyền lực thế tục sẽ dần dần mất đi và bắt đầu định lại Giáo hội Công giáo như là một quyền lực tâm linh sẽ phục vụ như là thành lũy (bulwark) chắc chắn chống lại xu hướng cấp tiến trong giai đoạn (sắp tới).
Giáo hoàng triệu tập Cộng đồng Vatican thứ nhất (1862).
Công giáo phục sinh ở Âu châu , giáo dân phấn khởi và kính trọng Tòa Thánh.
GIÁO HỘI SAU THỜI KỲ CÁCH MẠNG ÂU CHÂU
(1850-1914)
Quyền Lực Tâm Linh
*
Công Đồng Vatican thứ nhất (1st Vatican Council)
Ngày 7-2-1862, Giáo hoàng Pius IX ra Hiến pháp của Giáo hoàng (Papal Constitution = Ad Universalis Ecclesiae) liên quan tới điều kiện gia nhập những Dòng Công giáo của giáo dân trong đó có viết ra nghi thức "Khấn Hứa Trang Nghiêm" (Solemn Vows).
Giáo lý về quyền Giáo trưởng của Giáo hoàng (papal primacy) mở mang thêm vào năm 1870 trong Hội Đồng Vatican, tuyên bố rằng "Trong sự xếp đặt của Thiên Chúa, Tòa Thánh La Mã giữ sự hoàn toàn siêu việt (preeminence) của quyền lực thông thường trên tất cả những Giáo hội khác".
Cộng đồng cũng xác nhận giáo lý tín điều (dogma)
của Đặc quyền tối cao của Giáo hoàng (papal infaibility). Tuyên bố rằng Đặc quyền tối cao của cộng đồng Kitô giáo trải rộng tới chính Giáo hoàng, khi Giáo hoàng diễn nghĩa giáo lý về Đức tin hay Đạo đức (faith or Morals) cần phải tuân giữ trong toàn Giáo hội).
của Quyền lực tối cao của Giáo hoàng). Thẩm quyền (jurisdiction) tối cao (supreme), đầy đủ (full), ngay tức khắc (immediate) và phổ thông toàn thế giới (universal) của Giáo hoàng.
Hội Đồng định nghĩa "lưỡng quyền" giáo trưởng của Giáo hoàng: một là đặc quyền tối cao trong giảng dạy về đức tin và đạo đức và hai là thẩm quyền giáo trưởng liên quan tới chính quyền và kỹ luật của Giáo hội. Sự phục tùng (submission) cho cả "lưỡng quyền" là cần thiết cho đức tin và sự cứu rỗi của Công giáo. (faith and salvation). Nó chối bỏ ý tưởng là lệnh của Giáo hoàng không có "giá trị sức mạnh trừ khi được xác nhận bởi lệnh của một quyền lực thế tục" và ý tưởng là quyết định của Giáo hoàng có thể được kháng cáo (appealed) lên một hội đồng toàn tthế giới (ecumenical) "như là quyền cao hơn Giáo hoàng ở La Mã (Roman pnotiff)".
Trước Hội đồng Vatican nầy, Giáo hoàng Pius IX được đại đa số các Giám mục ủng hộ, công bố tín điều của sự Thụ thai Tinh khiết (Immaculate Conception).
*
Tôn sùng Mary (Veneration of Mary)
Các Giáo hoàng từ xưa luôn muốn làm sáng tỏ sợi dây nối liền bên trong giữa Trinh nử Mary như là Mẹ của Thiên Chúa (Mother of God) và sự chấp nhận hoàn toàn của Giê-su Kitô (Jesus Christ) như là Con của Thiên Chúa (Son of God).
Từ thế kỷ thứ 19, có môn học về Maria (Mariology) mở mang ra để giải thích sự tôn sùng Mary không những trong lãnh vực Đức tin vào Mary mà còn việc tôn thờ và sùng bái. Giáo hoàng bắt đầu dùng sắc lệnh của mình (encyclicals) thường hơn.
Giáo hoàng Leo XIII (the Rosary Pope), ra tất cả 11 sắc lệnh về Mary.
Sùng bái "Đức Mẹ đồng trinh đầy ơn phước" (Blessed Virgin Mary) với 2 tín điều: Pius IX với Sự Thụ thai tinh khiết (Immaculate Conception) (1854) và Pius XII với Lễ Thăng thiên của Thánh mẫu đồng trinh Mary (Assumption of Mary).
Các Giáo hoàng Pius IX, Pius XI và Pius XII chấp thuận sự sùng bái Mary hiện ra ở trần gian như ở Lourdes và Fatima.
Hội đồng Vatican lần thứ nhì làm sáng tỏ sự quan trọng của sùng bái Mary trong sắc lệnh Lumen gentium. Trong khi Hội đồng nhóm họp, Giáo hoàng Paul VI công bố Mary là Mẹ của Giáo hội (Mother of the Church).
*
Giáo dục về Xã hội (Social Teachings)
Cách Mạng Kỹ Nghệ (Industrial Revolution) đem lại nhiều lo lắng về giảm điều kiện làm việc và sinh sống của những công nhân ở thành thị. Ảnh hưởng từ Giám mục người Đức, Wilhelm Emmanuel Freiherr von Ketteler, vào năm 1891, Giáo hoàng Leo XIII in sắc lệnh Rerum Novarum lập ra nội dung Giảng dạy về xã hội của Công giáo, chối bỏ chủ nghĩa xã hội (socialism) và binh vực (advocate) việc qui định điều kiện lao động. Nó tranh cãi để có tiền công đủ sống (cho công nhân) và quyền của công nhân được lập Nghiệp đoàn giao dịch (trade union).
*
Trong thế kỷ 19 có những khuynh hướng chống lại tinh thần của Giáo hội:
Chống Tăng lữ (Anti-clericalism): Sau Cách Mạng Pháp và cách mạng Mễ Tây Cơ, có giọng điệu chống tăng lữ (anti-clerical) trong những nước nầy cho tới bây giờ.
Chủ nghĩa Duy vật (Secularism ) và chủ nghĩa Xã hội (Socialism): Cả hai chủ nghĩa (Socialism) trong nhiều trường hợp công khai hiếu chiến đối với tôn giáo. Karl Marx kết tội tất cả mọi tôn giáo như là "thuốc phiện của con người", Ông coi tôn giáo như là một cảm giác hy vọng giả tạo trong đời sau (afterlife) giữ không cho con người đối diện với tình trạng thể giới (đương thời).
Những người "Tiến Bộ' (Liberals) nhắm Giáo hội Công giáo như là kẻ thù to lớn của mình.
Trong nhiều vận động cách mạng của mình, Giáo hội Công giáo tố cáo những khuynh hướng nầy.
Quyền Lực Thế Tục
Vào thế kỷ thứ 19, có 3 vương quốc thành lập: Hy Lạp (1827), Ý (1870) và Đức (1871).
*
Nước Pháp
Giáo hội Công giáo mất hết đất đai và địa ốc trong thời kỳ Cách mạng Pháp, tất cả đều bị bán hết hay dưới quản trị của chính quyền địa phương.
Thành phần cấp tiến của Cách Mạng muốn muốn dẹp luôn Giáo hội nhưng Napoleon hòa giải với Giáo hoàng thông qua Chánh giáo Điều ước năm 1801 (Concordat of 1801) duy trì một phần của Giáo hội.
Các Giám mục vẫn lãnh đạo Giáo phận (theo cách chia biên giới khác) nhưng chỉ có thể liên lạc với Giáo hoàng qua chính phủ trung ương ở Paris. Giám mục, Linh mục, Nữ tu và các hàng giáo phẩm khác được trả tiền lương bởi quốc gia.
Tất cả những kỳ lễ và lễ nghi tôn giáo vẫn giữ và chính quyền giữ các địa ốc tôn giáo. Giáo hội được cho phép hoạt động trong Seminars của mình hay rộng hơn chút nữa những trường học địa phương, mặc dù sẽ trở thành những vấn đề cho tới thế kỷ 20.
Giám mục không có quyền lực như trước và không có tiếng nói về chịnh trị. Tuy nhiên Giáo hội Công giáo tự phát minh và nhấn mạnh trên tín ngưỡng cá nhân trong tâm lý của đức tin.
Nước Pháp căn bản vẫn là một quốc gia theo Công giáo. Năm 1782, thống kê dân số là 36 triệu người trong đó có 35.4 triệu người Công giáo, 600000 người Kháng Cách (Protestants); 50000 người Do thái và 80000 người không tôn giáo (freethinkers).
Cách Mạng không tiêu diệt được Công giáo và Chánh giáo Điều ước năm 1801 (Concordat of 1801) của Napoleon phục hồi Công giáo. Triều đại Bourbon trở lại (1814) mang theo lại nhiều nhà quí tộc và địa chủ giàu có ủng hộ Giáo hội, coi nó như là tường thành cho chế độ bảo thủ và quân chủ. Tuy nhiên Tu viện với nhiều đất đai và quyền lực chính trị thì không còn nữa; đa số đất đai đã bán cho chủ mới là người thành thị, không có kinh nghiệm liên lạc với đất đai và nông dân.
Ít người chịu học làm Linh mục và có Linh mục bỏ Giáo hội (1790-1814). Tăng lữ từ 60000 người (1790) chỉ còn 25000 người (1815), nhiều người đã già. Giáo dân thiếu giáo sĩ nhưng giới quí tộc giúp làm tăng cao Đức tin.
Sự hồi phục rất chậm, nhứt là ở thành phố và vùng kỹ nghệ. Với công sức của các nhà truyền giáo và chú trọng tới tế lễ (liturgy) và sùng bái the Virgin Mary, cộng thêm sự ủng hộ của Napoleon III, có sự hồi phục trở lại. Trong năm 1870, có 56500 linh mục đại diện cho sức mạnh trẻ và hoạt động hơn trong các làng xã và thành thị, với mạng lưới dầy đặc những trường học, hội bác ái và tổ chức tục nhân. Người Công Giáo Bảo Thủ giữ quyền kiểm soát chính quyền quốc gia (1820-1830) nhưng thường hơn là giữ vai trò thứ yếu chính trị hay phải tranh đấu chống lại những tấn công của những người Cộng hòa, tiến bộ (liberals), theo Xã hội chủ nghĩa và người thế tục.
Trong suốt thời kỳ của Đệ Tam Cộng Hòa (3rd Republic) (1870-1940), có nhiều trận chiến về tình trạng của Giáo hội Công giáo.
Tăng lữ và các Giám mục Pháp liên hệ mật thiết với giới hoàng gia quân chủ (Monarchists) và nhiều hàng giáo phẩm từ những gia đình quí tộc. Người Cộng Hòa căn bản từ giới trung lưu chống lại Tăng lữ. Họ coi sự liên hệ quân chủ của Tăng lữ là đe dọa cho chính thể Cộng hòa và tinh thần tiến triển tân thời. Nhửng người Cộng hòa thù ghét Giáo hội vì sự kết thân (affiliation) chính trị với giai cấp quí tộc, và coi Giáo hội như là đại diện cho truyền thống lỗi thời, mê tín và theo chủ nghĩa quân chủ.
Người Cộng hòa được mạnh thêm nhờ người Kháng Cách (Protestants) và người Do thái ủng hộ. Nhiều đạo luật được thông qua để làm suy yếu Giáo hội. Năm 1879, linh mục không được có trong ủy ban quản trị của bệnh viện hay hội từ thiện bác ái. Từ 1880 tới 1890, người thường phái nữ thay thế các nữ tu làm viậc trong nhiều bệnh viện. Chánh giáo Điều ước năm 1801 (Concordat of 1801) của Napoleon Bonaparte còn được tôn trọng nhưng chính quyền cắt bớt lương của bất cứ linh mục nào mà chính quyền không thích.
Năm 1882, người Cộng hòa Jules Ferry tạo dựng một hệ thống giáo dục công cộng chỉ dạy đạo đức "không công giáo" (puritanical) nhưng không dạy Công giáo. Trong một thời gian, các trường tư Công giáo được khoan hồng. Lễ hôn phối dân sự bị bắt buộc, Ly dị được giới thiệu và chức Tuyên úy Công giáo (chaplains) không còn có trong Lục Quân.
Khi Leo XIII thành Giáo hoàng (1878), ông cố gắng êm dịu liên hệ Giáo hội - Quốc gia. Năm 1884, ông khuyên các Giám mục không nên hiếu chiến chống Quốc Gia. Năm 1892 ông ra sắc lịnh của Giáo hoàng (encyclical) cố vấn người Công giáo Pháp họp lại ủng hộ nền Cộng Hòa và bảo vệ Giáo hội bằng cách theo đường lối chính trị Cộng hòa. Cố gắng nầy thất bại.
Sự nghi ngờ trong gốc rễ giữa hai bên bùng cháy khi có vụ án Dreyfus. Những người Công giáo đa phần chống lại Dreyfus. Báo chí của 2 bên chống lại lẫn nhau.
Chính phủ Waldeck-Rousseau (1899-1902) và chính phủ Combes (1902-1905) tranh chiến với Tòa Thánh trong việc bổ nhiệm các Giám mục. Chức Tuyên Úy bị bãi bỏ trong Hải Quân và Quân Y viện (1903-1904), và quân lính bị ra lệnh không nên tới các Câu lạc bộ Công giáo (1904).
Combes khi lên làm Thủ tướng (1904) nhất định đánh bại người Công giáo. Ông đóng cửa tất cả trường đạo của giáo phận (parochial schools). Rồi quốc hội của ông bỏ thẩm quyền của tất cả Dòng Công giáo. Có nghĩa là tất cả 54 Dòng bị giải tán và khoảng 20000 thành viên ngay tức khắc phải rời Pháp, nhiều người sang Tây Ban Nha.
Năm 1905, Chánh giáo Điều ước năm 1801 (Concordat of 1801) bị phế bỏ; tách rời Quốc gia và Giáo hội. Tất cả tài sản của Giáo hội bị tịch thu. Chỗ Tín ngưỡng công cộng bị giao vào tay Hội của những người Tục nhân Công giáo (Catholic Laymen), họ kiểm soát phương tiện giao dịch trong nhà thờ. Trên thực tế, Thánh lễ và các lễ nghi khác vẫn tiếp tục. Giáo hội bị tổn thương nặng và mất đi phân nửa số Linh mục.
Về lâu về dài, tuy nhiên, Giáo hội được tự lập (autonomy) vì Quốc Gia không còn có tiếng nói trong việc lựa chọn Giảm mục.
*
Nước Đức
Có tăng lượng hành hương của giáo dân Công giáo trong thế kỷ 19. Chỉ riêng năm 1844, đã có nửa triệu người tới thành phế Trier để chứng kiến Áo choàng không có đường may (seamless) của Jesus, được tương truyền là Jesus mặc khi trên đường đi tới nơi bị đóng đinh trên cây thập tự.
Các Giám mục Đức trong lịch sử thường độc lập với Tòa Thánh ở Rome nhưng từ đây Rome thi hành việc kiểm soát tăng lên. Có chủ thuyết "Giáo hoàng toàn quyền" (Ultramontanism), một định kiến chính trị của Tăng lữ bên trong Giáo hội Công giáo chấp nhận và nhấn mạnh đến quyền lực và đặc quyền ưu thế (prerogatives) của Giáo hoàng. Với chủ thuyết nầy, có nhiều người theo thành ra họ rất trung thành với Tòa Thánh ở Rome.
Năm 1837-38, ở vùng Rhineland đa số là Công giáo nhưng có nhiều trẻ con sinh trong gia đình có cha mẹ 1 theo Công giáo và 1 theo Kháng Cách (Protestant). Chính quyền thông qua luật bắt buộc những trẻ con trong những gia đình "hổn hợp" như vậy thì trẻ con phải được nuôi theo Kháng Cách (Protestant). Trước sự phản đối của Giáo hội Công giáo, chính quyền quản thúc tại gia Tổng Giám mục Công giáo. Năm 1840, vua mới là Frederick William IV tìm cách hòa giải và chấp dứt sự tranh cãi bằng cách đồng ý với những đòi hỏi của Công giáo. Tuy nhiên vì qua nhiều ký ức nên giáo dân luôn đoàn kết trước một chính quyền không được tín nhiệm.
Sau năm 1870, Chancellor Otto von Bismarck không thể chịu nỗi những căn cứ quyền lực ngoài nước Đức can thiệp vào sự vụ (affairs) của nước Đức, nhất là Tòa Thánh ở Rome. Ông phát khởi Kulturkamp (Culture War = Chiến tranh Văn hóa) chống lại quyền lực của Giáo hoàng và Giáo hội Công giáo vào năm 1873, nhưng chỉ ở vùng Prussia.
Chuyện nầy làm Bismarck được ủng hộ của những ngưởi Đức thuộc phái Tiến bộ (German Liberals), họ coi Giáo hội Công giáo như là tường thành chống lại họ và là kẻ thù lớn nhất của họ. Thành phần Công giáo ngược lại cũng coi những người nầy, thuộc đảng Quốc Gia Cấp Tiến (National-Liberals), là kẻ thù xấu nhất và lập ra đảng Trung Ương (Center Party).
Số người Công giáo chiếm gần 1/3 của dân số nước Đức nhưng người Công giáo hiếm khi được cho phép giữ những chức vụ cao trọng trong chính phủ hoàng gia hay chính phủ Prussia. Hầu hết Chiến Tranh Văn Hóa (Kulturkamp) xảy ra ở Prussia nhưng Hoàng gia Đức thông qua Luật Giảng đàn (Pulpit Law), kết tội theo luật pháp những giáo sĩ nào dám (lên giảng đàn) luận bàn trước công chúng những chính sách theo đường hướng làm mất lòng chính phủ. Gần như tất cả Giám mục, giáo sĩ và tín đồ dân sự của Công giáo chối bỏ tính cách hợp pháp của đạo luật nầy, và cứng đầu đối diện chống lại với nhiều hình phạt nặng nề và tù tội áp đặt từ chính phủ của Bismarck. Sử gia Anthony Steinhoff tường thuật những thiệt hại:
Như trong năm 1878, chỉ còn có 3 trong 8 giáo phận ở Prussia là có Giám mục; khoảng 1125 của 4600 giáo khu (parishes) bị bỏ trống, và gần 1800 linh mục cuối cùng vô tù hay bị đi đày... Cuối cùng, giữa 1872-1878, rất nhiều tờ báo Công giáo bị tịch thu, hiệp hội và hội đoàn Công giáo bị giải tán, và những nhân viên chỉ vì có cảm tình với người theo Chủ thuyết Giáo hoàng toàn quyền (Ultramontane) bị thải hồi.
Bismarck đánh giá thấp sự giải tán Giáo hội Công giáo và không thấy trước những cực đoan là kết quả từ xung đột nầy. Giáo hội Công giáo tố cáo những luật mới nầy là chống Công giáo và cử người ra ứng cử và vận động cử tri đi bầu trong toàn quốc. Trong kỳ bầu cử tiếp theo, Đảng Trung Ương (Center Party) chiếm 1/3 số ghế trong Hội đồng Hoàng gia (Imperial Diet).
Sự xung đột chấm dứt sau năm 1879 bởi vì Giáo hoàng Pius IX chết (1978) và Bismarck đổ bể với Đảng Tiến Bộ (Liberals) khi ông chú trọng tới thuế tariffs, ngoại giao và tấn công những người theo chủ nghĩa Xã hội (socialists). Bismarck điều đình với Giáo hoàng "dễ nhượng bộ" Leo XIII. Hòa bình phục hồi, các Giám mục trở về nhiệm sở và giáo sĩ phóng thích khỏi tù. Một số Luật được xé bỏ hay lấy lại nhưng những luật lệ chính như Luật Giảng đàn (Pulpit Law) hay luật về giáo dục, luật về dân sự như luật kết hôn, hay Luật giải tán những hiệp hội tôn giáo vẫn còn tại chỗ. Đáng Trung Ương của người Công giáo mạnh thêm và trở thành đồng minh với Bismarck, đặc biệt là khi ông tấn công những người theo chủ nghĩa xã hội.

*
Nước Ý
Vấn Đề của Rome (1870-1929)
Năm 1870, một vương quốc mới được thành lập ở toàn bán đảo Ý và đóng đô ở Rome, đó là vương quốc Ý (kingdom of Italy). Giáo hoàng Pius IX từ chối không tùy thuộc dưới quyền của chính phủ quân chủ và ở Vatican City (trong thành phố Rome) như một tù nhân. Người Công giáo bị kỳ thị ở Ý như không được đi bầu chính quyền quốc gia (chỉ được bầu chính quyền địa phương)...
Tiếp theo, Giáo hoàng Leo XIII phải bảo vệ tự do tín ngưỡng của Giáo hội Công giáo chống lại sự ngược đãi và tấn công trong lãnh vực giáo dục, trưng dụng và sung công (expropriation) và xâm phạm những nhà thờ Công giáo, những âm mưu luật pháp chống lại Giáo hội và những tấn công dã man cuối cùng dẫn đến những nhóm chống lại giáo sĩ toan tính liệng thi thể của Giáo hoàng Pius IX xuống sông Tiber (7/13/1881).
Giáo hoàng Leo XIII tính dời Tòa Thánh từ Rome về Trieste hay Salzburg nhưng bị Hoàng đế Áo-Hung từ chối khéo léo.
Sự mất quyền thế tục của Giáo hoàng đem trở lại uy tín (prestige) cho Giáo hoàng. Các nhà quân chủ của các nước Công giáo ở Âu châu phục hồi vào thế kỷ thử 19 xem Giáo hoàng như đồng minh hơn là đối đầu về quản trị. Sau đó nhưng chính phủ lập hiến không có ràng buộc giáo sĩ vào chính sách của hoàng gia, người Công giáo được tự do theo quyền lãnh đạo tâm linh của Giáo hoàng. Giáo hoàng của thế kỷ 19 và 20 xử dụng quyền tâm linh với lòng sốt sắng và trong mọi phương diện của đời sống tôn giáo. Thí dụ như từ thời Giáo hoàng Pius IX (1846-1878) Tòa Thánh lần đầu tiên trong lịch sử kiểm soát hoạt động truyền giáo khắp toàn thế giới.
Thành hình của Vatican (1929)
Điều đình về "Vấn đề Rome" bắt đầu từ 1926. Năm 1929, 3 Hiệp ước Lanteran (Lanteran pacts) ký giữa Thủ tướng Benito Mussolini đại diện cho vua Victor Emanuel III và Hồng y Bộ trưởng Nội vụ Pietro Gaspani đại diện cho Giáo hoàng tại lâu đài Lanteran.
Tạo ra Vatican City là một quốc gia được bảo đảm hoàn toàn quyền độc lập với quyền tối cao của Tòa Thánh.
Công Giáo (Catholicism) là tôn giáo của nước Ý
Giáo hoàng được yêu cầu giữ trung lập trong các liên hệ quốc tế (neutrality in international relations).
Hiệp ước (agreement) về tài chánh được chấp nhận như là giải pháp cho yêu cầu của Tòa Thánh đối với nước Ý khởi từ việc mất quyền thế tục vào năm 1870.
Đệ Nhị thế chiến (1939-1945)
Vatican giữ trung lập trong suốt Đệ nhị Thế chiến. Năm 1944, Hitler đem quân Đức chiếm nước Ý và Rome nhưng chừa Vatican. Vì Tòa Thánh bí mật cứu giúp quân nhày dù Đồng Minh bị bắn rơi nên Hitler gần muốn đánh Vatican. May mắn là Rome được chiếm lại trước khi sự kiện nầy xảy ra.
Giáo hoàng Pius XII giúp 15 triệu người bị mất chỗ ở và tỵ nạn, mở rộng Hội đồng Hồng y (College of Cardinal), không còn đa số là người Ý nữa.
Sau 1945, người Công Giáo bị ngược đãi ở Liên Xô và các nước Cộng sản: 60 triệu người Công giáo ở Liên Xô với 10 ngàn giáo sĩ và tín đồ bị giết, và hàng triệu bị tù đày vào trong những Gulags ở Liên Xô (và Trung Cộng). Chế độ Cộng sản ở Albania, Bulgaria, Romania và Trung Quốc thực hành tiêu diệt Giáo hội Công giáo trong nước.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Tài Liệu Tham Khảo:
Lịch Sử Kitô Giáo Thời Cổ Đại - phanthuonghai.com (Phan Thượng Hải)
Lịch Sử Công Giáo Thời Trung Cổ - phanthuonghai.com (Phan Thượng Hải)
World History Dates (Jane Chisholm)
Europe (Michael Kort)
The Middle East And North Africa (Reeva Simon)
History of The World (Plantagenet Somerset Fry)
Atlas of European History (Times Book)
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
BÀI 2:
LỊCH SỬ CÔNG GIÁO THỜI TRUNG CỔ
Bs Phan Thượng Hải
Từ Jesus (Giê-su / Gia tô) có một tôn giáo là Christianity (tiếng Anh).
Là người Do Thái, Jesus được các Tông đồ, cũng là người Do Thái, gọi là "Đấng cứu thế" (savior) mà tiếng Do thái là Messiah. Messiah dịch ra tiếng Hy Lạp là Christo và tiếng La Tinh là Christus, chuyển thành tiếng Anh là Christ.
Christianity là từ Christ (Christo và Christus), có nghĩa là: Tôn giáo của Christ, Đấng cứu rỗi thế gian. Dịch âm thành tiếng Việt của Christo là Kitô và của Christus là Cơ Đốc.
Do đó Christianity được dịch ra tiếng Việt là Kitô giáo hay Cơ Đốc giáo. Theo hiện đại, tác giả dùng từ ngữ "Kitô giáo".
Đến năm 1054, khi Kitô giáo chia ra 2 Giáo hội (Churches) thì 2 Giáo hội chọn 2 tên khác nhau: Công giáo (Catholicism) và Giáo hội Công giáo (Catholic Church)
Chính Thống giáo (Orthodoxy) và Giáo hội Chính Thống giáo (Orthodox Church).
Lịch sử Công giáo (Catholicism) bắt đầu khi nó còn là Kitô giáo (chung với Chính Thống giáo).
Từ ngữ Đạo Thiên Chúa có được dùng để dịch ra từ Catholicism hay Christianity nhưng đều không chính xác.
Thời Trung Cổ (Middle Ages) bắt đầu từ năm 476 cho tới năm 1453. Trước đó là thời Cổ Đại (Antiquity).
Năm 476, Odoacer lật đổ Hoàng đế Romulus Augustulus của Đế quốc Tây La Mã ở Rome, trở thành vua của Ý (King of Italy) và Đế quốc Tây La Mã chấm dứt.
Năm 1453, Constantinople rơi vào tay của Đế quốc Ottoman và Đế quốc Byzantine chấm dứt.
Thời Trung Cổ có thể chia ra:
Trung Cổ (Middle Ages): từ năm 476 cho tới cuối thế kỷ thứ 13, gồm có Tiền Trung Cổ (Early Middle Ages) cho tới năm 800 khi Charlemagne thành Hoàng đế Thánh La Mã (Holy Roman emperor) và Trung Cổ (High Middle Ages).
Hậu Trung Cổ (Late Middle Ages): từ cuối thế kỷ thứ 13 cho tới cuối thế kỷ thứ 15 với khởi đầu của thời Phục Hưng (Renaissance) và thời kỳ Khám phá (Ages of Discovery).
Bố cục:
Giáo hoàng và Tòa thánh trong thời Trung Cổ (trang 2)
Giáo hội Công giáo trong thời Trung Cổ (trang 12)
Truyền giáo trong thời Trung Cổ (trang18)
Ly Giáo Đông Tây (trang 21)
Viễn chinh Thập tự quân (trang 26)
Tà giáo và Tòa án Dị giáo (trang 33)
Giáo hoàng và Tòa thánh trong thời Hậu Trung Cổ (trang 35)
GIÁO HOÀNG VÀ TÒA THÁNH TRONG THỜI TRUNG CỔ
Tổng Giám mục và Tòa Giám mục ở Rome đã tự xưng là Giáo hoàng (Pope) và Tòa thánh (Holy See/Papacy) từ thế kỷ trước. Bắt đầu thời Trung Cổ, Giáo hoàng và Tòa Thánh ở Rome vẫn lãnh đạo của Giáo hội và Thế giới Kitô giáo ở lãnh thổ của Đế quốc Tây La Mã cũ. Đế quốc Đông La Mã cũ trở thành Đế quốc Byzantine có Tòa Tổng Giám mục và Giáo chủ ở Constantinople lãnh đạo Kitô giáo của Byzantine. Tòa Thánh ở Rome luôn tự cho và giữ quyền giáo trưởng (primacy) của toàn thể Thế giới Kitô giáo cho đến khi có Ly giáo Đông-Tây chính thức xảy ra vào năm 1054.
Giáo hoàng và Tòa thánh Rome luôn có liên quan và ảnh hưởng chính trị với các Quân chủ Âu châu trong suốt thời Trung Cổ.
Rome = La Mã
Đấng Kitô = Cơ Đốc = Christ
Kitô giáo = Cơ Đốc giáo = Christianity
Thế giới Kitô giáo = Thế giới Cơ Đốc giáo = Christendom
Giáo hoàng = Pope
Tòa thánh = Holy See = Papacy
Giáo chủ = Patriarch

Ảnh hưởng của các vua người Ostrogothic (493-537)
Đế quốc Tây La Mã suy yếu và sụp đổ vì các người Rợ (barbarians) từ miền Bắc của sông Danube chiếm Tây và Nam Âu.
Năm 493, người rợ Ostrogothic chiếm Rome. Giáo hoàng đương nhiệm Gelasius I (492-496) là Giáo hoàng đầu tiên dưới quyền các vua người Ostrogothic nhưng cũng là Giáo hoàng đầu tiên xưng danh hiệu "vicar of Christ". Vicar là cha sở, giáo chức đại diện ; "Vicar of Christ" là "Giáo chức đại diện của Đấng Kitô"
Giáo hoàng Gelasius I cho rằng Giáo hoàng có quyền hành tối cao về tâm linh (spiritual authority) song song với Hoàng đế (của Đông La Mã / Byzantine) có quyền hành tối cao trong thế tục (temporal authority).
Thực tế thì sau đó việc chọn Giáo hoàng tùy thuộc các vua người Ostrogothic. Ngày 11-22-498 có 2 người được bầu làm Giáo hoàng. Symmachus đút tiền cho vua Ostrogothic nên được (vua) chọn làm Giáo hoàng và Laurentius không được. Giáo hoàng Symmachus là Giáo hoàng đầu tiên cho phép các Giáo hoàng về sau được dùng lại danh hiệu của Giáo hoàng trong quá khứ. Giáo hoàng chọn trùng danh hiệu đầu tiên là Giáo hoàng John II (năm 530).
Ảnh hưởng của các Hoàng đế Byzantine (537-752)
*
Năm 537, sau khi thắng chiến tranh Gothic và chiếm lại Rome, Hoàng đế Justinian I của Đế quốc Byzantine truất phế Giáo hoàng đương nhiệm Silverius (536-537) của người Ostrogothic và tự mình chọn Giáo hoàng mới là Vigilius (537-555). Sau đó Hoàng đế Byzantine còn ra thêm những điều luật:
Lễ đăng quang của Giáo hoàng (episcopal consecration) phải được Hoàng đế Byzantine chấp nhận.
Giáo hoàng phải có liên hệ với Hoàng đế (Apo crisi arii) và phải là người cư ngụ ở Byzantine, Syria hay Sicily thay vì thuộc dòng quí tộc ở Rome.
Hoàng đế Justinian I sau đó chinh phục toàn bán đảo Ý và chỉ định 3 Giáo hoàng tiếp theo đó.
Nhưng sau đó Giáo hoàng được chọn trực tiếp bởi Lãnh tụ của tỉnh Ravena (Exarchate of Ravena). Rome thuộc tỉnh Ravena. Lúc đó Ravena bao gồm cả bán đảo Ý. Các Hoàng đế Byzantine dần dần không kiểm soát Giáo hoàng và Tòa thánh ở Rome bắt đầu trên thực tế độc lập và tự chủ từ thời Giáo hoàng Gregory the Great.
*
Giáo hoàng Gregory the Great (590-604)
Giáo hoàng Gregory the Great là 1 tu sĩ (monk) của tu viện St Andrew. Được bầu làm Giáo hoàng nhưng ngài viết thơ gởi Hoàng đế Byzantine xin từ chối. Vì lý do nào đó lá thư bị bí mật chặn lại không tới tay của Hoàng đế. Sáu tháng sau, Hoàng đế Byzantine chính thức chấp nhận ngài làm Giáo hoàng. Giáo hoàng Gregory the Great làm lễ đăng quang độc lập ở Đại giáo đường St Peter vào tháng 9 năm 590.
Đây là Giáo hoàng thứ nhì được có danh hiệu "the Great" sau Giáo hoàng Leo the Great, Gregory the Great tiếp nối đường hướng tương lai tốt đẹp như của Giáo hoàng Leo the Great. Ngài chịu ảnh hưởng của thánh Augustine. Giáo hoàng khẳng định quyền Giáo trưởng Giáo hội Kitô giáo của Tòa Thánh (Papal Primacy).
Công nghiệp của Giáo hoàng Gregory the Great gồm có:
Bố thí thực phẩm cho người cần và trông coi việc lập thủy lộ (aqueducts)
Điều đình hòa bình với người Lombards ở Bắc và Trung Ý. Khi quân của người Lombards tới Rome, Giáo hoàng điều đình để họ rút lui (với điều kiện cống phẩm vật hàng năm).
Gởi cảc tu sĩ (monks) cũng như mình đi truyền giáo ở Bắc Âu và Bắc nước Anh.
Giáo hoàng như một nhà cai trị thế tục dùng sự thành lập của tu viện để lan truyền quyền tâm linh khắp Âu châu. Đó là kiểu mẫu của Tòa Thánh trong thời Trung Cổ.
Trong thế kỷ thứ 8 có tài liệu được công bố là Hoàng đế Constantine I của Đế quốc La Mã (vào thế kỷ thứ 4) trước khi chết có tuyên bố: "Ta cho đất và quyền hành cho Giám mục của Rome". Chuyện "Quà tặng của Constantine" (Donation of Constantine) nầy là từ Giáo hoàng Gregory nhưng chuyện nầy không có thật.
*
Chiến tranh về Hình tượng thánh (Iconoclasm)
Từ thế kỷ thứ 8, Giáo hoàng ở Rome còn thực hành quyền tâm linh của mình trên cả Hoàng đế Byzantine. Điển hình là Sự bài trừ và phá hủy Hình tượng thánh trong Đế quốc Byzantine hay còn gọi là Chiến tranh về Hình tượng thánh (Iconoclasm). Có tất cả 2 lần: lần thứ nhất (726-787) và lần thứ nhì (814-842) với rất nhiều Hình tượng thánh bị phá hủy.
Hình tượng thánh (Icon) là công trình nghệ thuật thường là hội họa về chủ đề là Đấng Kitô (Christ), thánh Mary, các Thánh hay Thiên thần (angel) hay cảnh vật trong Thánh kinh. Trên thực tế, Hình tượng thánh là hình ảnh về tôn giáo nên còn gọi là Hình thánh (holy portrait)
Hoàng gia của Đế quốc Byzantine nhất là Hoàng đế Leo còn cấm sản xuất những Hình tượng thánh, cho là (hành vi của) Tà giáo và được Hội nghị Toàn cầu lần thứ 7 (7th ecumenical council) công nhận vào năm 787.
Ảnh hưởng của vương quốc Frank (756-857)
*
Lãnh địa Giáo hoàng (Papal States)
Năm 751, vua Aistulf của vương quốc Lombards lấy Ravena và đe dọa Rome. Giáo hoàng Stephens sang Paris cầu cứu với vua Pepin III của vương quốc Frank. Vua Pepin III chiếm vùng đất Bắc Trung Ý của người Lombards gồm có Rome (754-756), và cho Giáo hoàng vùng đất nầy chứ không trả về cho Hoàng đế của Byzantine. Đó là "Quà tặng của Pepin" (Donation of Pepin) vào năm 756. Vùng đất nầy trở thành Lãnh địa Giáo hoàng (Papal States) và Giáo hoàng có thêm quyền lực thế tục, cai trị cho tới khi Lãnh địa Giáo hoàng nhập vào vương quốc Ý mới vào năm 1870 (tất cả 11 thế kỷ).
Vương quốc Lombards theo Pagan (Đa thần giáo) và Arianism nhưng từ từ người dân chuyển theo Kitô Giáo. Sau khi vua Aistulf chết, người Lombards lại tấn công Lãnh địa Giáo hoàng (Papal States). Giáo hoàng Adrian cầu cứu vua Charlemagne của vương quốc Frank. Vua Charlemagne chiếm hoàn toàn vương quốc Lombards nhập vào vương quốc Frank của mình (năm 776).
*
Hoàng đế Thánh La Mã (Holy Roman Emperor)
Năm 799, Giáo hoàng Leo III bị kẻ thù tấn công ở đường phố của Rome. Họ muốn đâm mù mắt và cắt lưỡi Giáo hoàng thành người tật nguyền. Ngài sợ quá, vượt núi Alpes sang cầu cứu sự hổ trợ của vua Charlemagne của vương quốc Frank.
Năm 800, Charlemagne sang Rome để tỏ tình ủng hộ Giáo hoàng. Trong ngày lễ Giáng sinh năm 800, thay vì đội vương miện cho con của Charlemagne thành người thừa kế (theo như chương trình dự định), Giáo hoàng Leo III lại đội vương miện cho vua Charlemagne. Do đó lịch sử viết là Charlemagne đăng quang từ Giáo hoàng và là Hoàng đế Thánh La Mã (đầu tiên) mặc dù Đế quốc Thánh La Mã chính thức thành danh từ vương quốc Đức sau đó hơn trăm năm.
Hoàng đế Thánh La Mã = Holy Roman Emperor
Đế quốc Thánh La Mã = Holy Roman Empire
Vua Charlemagne và con là vua Louis the Pious của vương quốc Frank phục hồi trí thức và văn hóa về văn học, nghệ thuật và điêu khắc. Đó là thời kỳ Phục Hưng của triều đại Carolingian. Nhờ đó, vấn đề mù chữ (illiteracy) của giáo sĩ được điều chỉnh.
Vua Louis the Pious xen vào việc bầu Giáo hoàng, ủng hộ bầu lên Giáo hoàng Eugene II. Từ đó có lệ là Giáo hoàng đăng quang với sự hiện diện của vua của vương quốc Frank (Frankish kingdom).
Ảnh hưởng của gia đình quí tộc ở Rome và Ý (858-955)
*
Trong khoảng 100 năm, gồm hậu bán thế kỷ thứ 9 và tiền bán thế kỷ thứ 10, Giáo hoàng và Tòa thánh không còn bị ảnh hưởng chặc chẽ từ các vua của vương quốc Frank. Thường các Giáo hoàng được bầu lên từ những gia đình quí tộc hùng mạnh của Rome (và bán đảo Ý).
Tòa thánh trong thời gian nầy có nhiều tai tiếng:
Thời gian trị vì của Giáo hoàng Nicholas (858-867) gọi là "Pornarchy".
Thời gian trị vì rất ngắn: từ 897-955 (58 năm) có tới 17 Giáo hoàng
Sự kiện đàn ông mua chức vị trong giáo hội bằng cách mua đồ của nhà thờ (relic) và đổi lại được giáo hội cho chức vị thay vì lấy tiền, nhưng thường là không xứng với chức vị (Simony).
Sự kiện vi phạm tình trạng độc thân của giáo sĩ. Vài giáo sĩ cưới vợ nhưng thường là có vợ bé (Nicolaitanism).
*
Thời kỳ Tăm Tối (904-964)
Giai đoạn từ bắt đầu thời Giáo hoàng Sergius III (năm 904) cho tới hết thời Giáo hoàng John XII (năm 964) gọi là Thời kỳ Tăm Tối (Saeculum Obscurum = The Dark Ages) của lịch sử Công giáo. Tòa thánh bị ảnh hưởng của một gia đình quí tộc rất thối nát nhưng hùng mạnh. Đó là gia đình Theophylacti của Theophylact I, Công tước của Tusculum (Count of Tusculum) và bà con của ông. Vợ của Theophylact, Theodora, và con gái là Marozia ảnh hưởng trên việc lựa chọn Giáo hoàng và những sự vụ tôn giáo (religious affairs) khác ở Rome qua tình sự (love affair), hôn nhân và âm mưu (conspiracies).
Marozia thành vợ bé (concubine) của Giáo hoàng Sergius III lúc 15 tuổi, và sau đó lấy nhiều chồng và có nhiều người bạn tình. Bà có nhiều con, trong đó có con với Giáo hoàng Sergius III.
Marozia sắp đặt việc sát hại người tình của Theodora là Giáo hoàng John X (vốn được má của bà là Theodora cử lên làm Giáo hoàng) qua chồng của Bà trong lúc đó là Guy of Tuscany, có thể là để nâng người Bà thích lên làm Giáo hoàng, đó là Giáo hoàng Leo VI. Không có hồ sơ nào bảo đảm là Giáo hoàng John X thật sự qua đời trước khi Leo VI được chọn làm Giáo hoàng vì John X đã bị Marozia cầm tù và không ai được thấy mặt ngài trong khi đó. Giáo hoàng John X chắc chắn là người tình (lover) của Theodora, mẹ của Marozia.
Marozia dự định chắc chắn là con của Bà (và Giáo hoàng Sergius III), John, sẽ thành Giáo hoàng. Đó là Giáo hoàng John XI.
Có 12 Giáo hoàng trong thời kỳ Tăm tối nầy (904-964). Giáo hoàng cuối cùng là John XII là cháu nội của Marozia, con của Công tước Alberic II (of Spoleto). Công tước Alberic II nầy là con của Marozia và Công tước Alberic I (of Tusculum).
Những việc làm lung lạc của Theodora và Marozia thành công vì những nhà lãnh đạo chính trị ở Rome kiểm soát hữu hiệu việc bầu Giáo hoàng. Kẻ thù của những nhà quí tộc lãnh đạo nầy là Liutprand, Giám mục của Cremona, đã tiết lộ những hành vi của Marozia và Theodora trong thời Tăm tối nầy (Saeculum obscurum).
Giáo hoàng cuối cùng của thời Tăm tối là John XII (955-964). Năm 962, Giáo hoàng John XII làm lễ đăng quang cho Hoàng đế Đức Otto I thành Hoàng đế Thánh La Mã và Đế quốc Đức thành ra Đế quốc Thánh La Mã. Từ đó Giáo hoàng và Tòa thánh có liên hệ gián tiếp hay trực tiếp với Hoàng đế Thánh La Mã.
Ảnh hưởng của Đế quốc Thánh La Mã (962-1250)
*
Hoàng đế Thánh La Mã và Đế quốc Thánh La Mã
Năm 843, sau khi vua Louis the Pious qua đời, vương quốc Frank (Frankish kingdom) chia ra làm 3 vương quốc (Miền Đông, Miền Tây và Miền Trung). Năm 870, vương quốc Miền Trung chia làm hai và sát nhập vào vương quốc Miền Đông và Miền Tây. Vương quốc Miền Đông thành ra vương quốc Đức (kingdom of Germany) và vương quốc Miền Tây thành ra vương quốc Pháp (kingdom of France).
Otto I thành Hoàng đế của vương quốc Đức (kingdom of Germany) vào năm 936.
Năm 955, vua Otto I đoàn kết các bộ lạc Đức và đánh bại người Hung xâm lăng ở trận Lechfeld.
Vua chinh phục vương quốc Ý gồm Bắc và Trung Ý ngày nay (trừ nước Cộng Hòa Venice và Lãnh địa Giáo hoàng) vào năm 961 và chính thức lập nên Đế quốc Đức gồm có: vương quốc Đức (Germanic kingdom), vương quốc Bohemia, vương quốc Burgundy và vương quốc Ý.
Năm 962, vua Otto I được Giáo hoàng John XII phong là Hoàng đế Thánh La Mã (Holy Roman emperor). Từ đó Đế quốc Đức được lịch sử gọi là Đế quốc Thánh La Mã (Holy Roman empire).
Đăng quang của Otto I thành Hoàng đế Thánh La Mã làm sống lại ý niệm có một Hoàng đế của Thế giới Kitô giáo (Christendom) ở miền Tây (theo truyền thống của Đế quốc Tây La Mã). Nó bắt đầu một chuổi liên tục của Hoàng đế Thánh La Mã kéo dài 8 thế kỷ. Otto I thật ra không tự xưng mình là Hoàng đế Thánh La Mã nhưng con là Otto II bắt đầu dùng danh hiệu nầy. Đó là tình trạng rõ ràng miền Tây và Giáo hoàng độc lập với một Hoàng đế của Thế giới Kitô giáo khác ở Constantinople của Đế quốc Byzantine.
Otto I và con (Otto II) rồi cháu (Otto III) tự coi Hoàng đế là người bảo hộ và kiểm soát Tòa Thánh. Họ bỏ hay lập Giáo hoàng tùy theo ý mình, có khi còn đổi ý giữa chừng. Quyền lực nầy và lãnh thổ của họ chiếm gần hết vùng Trung Âu làm cho đế quốc Đức nầy và Hoàng đế Thánh La Mã có uy tín nhất trong thế kỷ thứ 10.
*
Các Giáo hoàng thuộc Dòng họ Theophylacti
Sau vài Giáo hoàng thuộc dòng họ Crescentii cho tới năm 1012, Dòng họ Theophylacti sau đó vẫn được chọn làm Giáo hoàng:
Giáo hoàng Benedict VIII (1012-1024): con của Công tước Gregory I (of Tusculum). Gregory I là con của Alberic II của Spoleto và là anh của Giáo hoàng John XII. Marozia lấy Công tước Alberic I (of Spoleto) và sinh ra Công tước Alberic II (of Spoleto).
Giáo hoàng John IX (1024-1032): em út của Giáo hoàng Benedict VIII và Công tước Alberic III (of Tusculum). Cả 3 người là con của Công tước Gregory I (of Tusculum).
Giáo hoàng Benedict IX (1032-1044; 1045; 1047-1048): con của Công tước Alberic III (of Tusculum).
Antipope Benedict X (1058-1059): con của Công tước Alberic III (of Tusculum).
Giáo hoàng Benedict IX là cháu (nephew) của Giáo hoàng tiền nhiệm John IX. Tháng 10, 1032; cha của ngài dùng hối lộ cho ngài được chọn làm Giáo hoàng. Một số người dân ở Rome không đồng ý, đuổi Giáo hoàng Benedict IX ra khỏi Rome và Giáo hoàng Sylvester III được bầu lên kế nghiệp. Vài tháng sau Benedict IX có người ủng hộ đuổi Sylvester III và về Rome làm Giáo hoàng. Giáo hoàng Benedict liền thoái vị, nhường cho Cha đỡ đầu (Godfather) của mình làm Giáo hoàng sau khi được ông nầy trả tiền. Đó là Giáo hoàng Gregory VI. Sau đó, Benedict IX suy nghĩ lại nên trở về Rome và toan tính lật đổ Gregory VI.
Hàng giáo phẩm cao cấp kêu nài với Hoàng đế Henry III của Đế quốc Đức (Đế quốc Thánh La Mã). Hoàng đế Henry đem quân Đức qua ải Brenner vào Ý và triệu tập Hội nghị Sutri. Theo Hội nghị Sutri, cả 3 Giáo hoàng Benedict IX, Syvester III và Gregory VI đều bị lật đổ. Hoàng đế Henry chọn Giám mục của Bamberg, Suidger von Morsleben, làm Giáo hoàng. Đó là Giáo hoàng Clement II vào tháng 12 năm 1046. Ngay sau đó, Hoàng đế dùng Giáo hoàng Clement II làm lễ đăng quang cho mình thành Hoàng đế Thánh La Mã.

*
Sau hơn 10 năm kế tiếp Hoàng đế Henry III tự mình chọn 4 trong số 5 Giáo hoàng. Năm 1054, dưới thời Giáo hoàng Leo IX, người được Hoàng đế Henry III chọn làm Giáo hoàng, có xảy ra Ly Giáo Đông Tây (East-West Schism).
Tuy nhiên khi tạo ra Hoàng đế Thánh La Mã và Đế quốc Thánh La Mã, các Giáo hoàng không dự định là phải chịu khúm núm trước các Hoàng đế Thánh La Mã. Sự xung đột giữa 2 quyền lực không tránh khỏi.
*
Giáo hoàng Nicholas II
Sau khi Henry III chết, Giáo hoàng Nicholas II (bầu lên năm 1058) bắt đầu chương trình cải cách tạo ra sự căng thẳng giữa Đế quốc và Tòa Thánh.
Năm 1059, tại Hội nghị tôn giáo (synod) ở Rome, Giáo hoàng Nicholas II kết tội những lạm dụng đã có trong Giáo hội, gồm có: Mua bán chức vụ Giáo sĩ (Simony = the selling of clerical posts), Giáo sĩ kết hôn (Nicolaitanism) và vấn đề bàn cãi nhiều nhất là sự đồi bại trong việc bầu Giáo hoàng.
Giáo hoàng Nicholas II ra sắc lệnh In NomineDomini (1059): giao quyền đầu phiếu bầu Giáo hoàng cho Hội đồng Hồng y (College of Cardinals), làm căn bản cho công việc bầu Giáo hoàng của Mật nghị Hồng y (Papal Conclave). Đó là do đề nghị của Hồng y Hildebrand, sau nầy là Giáo hoàng Gregory VII. Giáo hoàng Nicholas II giới hạn việc lựa chọn Giáo hoàng cho Mật nghị Hồng y và loại trừ những ảnh hưởng của tục nhân (lay).
Năm 1061, hội đồng Giám Mục của nước Đức, phe của Hoàng đế bác bỏ những lệnh trên của Giáo hoàng. Nhưng trong khi đó, Giáo hoàng có đồng minh mới. Giáo hoàng phong đất cho người Normans ở Nam Ý và Sicily để thành chư hầu (vassal) của Giáo hoàng ở Rome với mục đích có sự ủng hộ của một quyền lực thế tục khác.
*
Giáo hoàng Gregory VII và Tranh cãi về Quyền phong chức (Investiture Controversy)
Tòa thánh tiếp tục cải thiện khi Hồng y Hildebrand được bầu làm Giáo hoàng Gregory VII (1073-1085). Ngài có nhiều quyết định không ai chống lại nỗi:
Đòi hỏi tất cả giáo sĩ (priest) phải độc thân.
Đối chọi về quyền bổ nhiệm Giám mục và giáo sĩ (Investiture) với Hoàng đế Henry IV của Đế quốc Thánh La Mã (1075). Từ đó cuối cùng dẫn tới Concordat of Worm (1122) với thấng lợi hoàn toàn của Tòa thánh.
Tranh cãi về quyền bổ nhiệm Giám mục và giáo sĩ giữa Giáo hoàng Gregory VII và Hoàng đế Thánh La Mã Henry IV là xung đột đáng kể nhất giữa quyền lực thế tục và tôn giáo trong thời Trung Cổ.
Lúc đầu trong thời Trung Cổ đó là quyền của những quốc vương. Nhiệm kỳ của một Giám mục là suốt đời. Với quyền bổ nhiệm nầy, các quốc vương kiểm soát quyền lực và tài chánh trong Giáo phận tức là một vùng trong vương quốc. Có khi họ bổ nhiệm cho một vị quí tộc thân tín của mình làm Giám mục. Giáo hội muốn cải cách giáo khu và giáo phận (Episcopate) và cải thiện việc hành đạo của giáo sĩ.
Do đó vào năm 1075, Giáo hoàng Gregory VII ra sắc lệnh Dictatus Papae: không lãnh tụ thế tục nào được bổ nhiệm người trong Giáo hội và chỉ có Giáo hoàng có quyền bổ nhiệm (appoint) Giám mục. Giám mục và Tu Viện trưởng (Abbot) là người của Giáo hoàng chứ không phải của Hoàng đế. Vấn đề được gọi là Sự tranh cãi về lễ phong chức (Investiture controversy).
Các lãnh đạo thế tục không thể mất được quyền lực nầy vì quyền lực và sự giàu có phong kiến dính liền với những chức vụ nầy. Và giáo sĩ cao cấp thường là có học thức là những thành viên quan trọng của chính quyền thế tục.
Sự tranh cãi nầy (1075) dẫn đến sự tranh đấu quyền lực trong hàng chục năm (1076-1138).
Hoàng đế Henry IV gởi thơ cảnh cáo Giáo hoàng Gregory VII vào năm 1076. Giáo hoàng trả lời bằng cách trục xuất Hoàng đế khỏi Giáo hội. Henry IV phải đi bộ từ Đức sang Ý tới Canossa, đứng chờ ngoài tuyết 3 ngày trước chỗ ở của Giáo hoàng mới được Giáo hoàng tiếp kiến và tha tội. Nhờ lễ giải tội (penance) ở Canossa nầy, sự trục xuất của Hoàng đế Henry IV được dẹp bỏ.
(Trục xuất = Excommunication = Trục xuất khỏi Giáo hội hay khỏi Kitô giáo).
Nhưng cuộc đình chiến nầy ngắn ngủi, những kẻ thù của Hoàng đế Henry IV bắt đầu ra tay sau hành động của Giáo hoàng.
Theo luật, Đế quốc Đức (Đế quốc Thánh La Mã) gồm nhiều tiểu quốc và vương tử của những tiểu quốc và giới quí tộc bầu Hoàng đế. Các vương tử Đức chống lại Henry IV và bầu Rudolf , công tước của Swabia, làm Hoàng đế (vào năm 1077). Rudolf và Henry khởi nội chiến, và Henry thắng vào năm 1080. Khi đó Giáo hoàng công nhận Rudolf là Hoàng đế của nước Đức và lại trục xuất Henry IV.
Henry IV triệu tập hội nghị truất phế Giáo hoàng Gregory VII và bầu Tổng Giám mục của Ravena làm Giáo hoàng (là Giáo hoàng Clement III). Henry IV đem quân sang Ý, vào Rome và làm lễ đăng quang, được Giáo hoàng mới Clement đội vương miện. Trong khi đó Giáo hoàng Gregory VII bị quân Đức vây ở trong tòa thành (fortress) Castel Sant' Angelo.
Giáo hoàng Gregory VII viện quân chư hầu là người Normans ở Nam Ý và Sicily (gần đây họ đã chinh phục vùng nầy và được Giáo hoàng phong cho vùng đất nầy). Quân Normans chiếm Rome (1084) đuổi quân Đức về xứ và giải thoát Giáo hoàng Gregory VII. Nhưng quân Normans cướp phá Rome dữ dội, gây hổn loạn tại đây. Giáo hoàng phải chạy về miền nam và chết ở Sicily vào năm 1085.
Giáo hoàng Clement III trở lại và trị vì ở Rome trong 10 năm kế tiếp với sự ủng hộ của Đế quốc Đức (Thánh La Mã). Giáo hội bầu Giáo hoàng mới là Urban II và vài năm sau Giáo hoàng Urban II mới trở lại Rome.
Giáo hoàng Urban II là Giáo hoàng kêu gọi cuộc Viễn chinh Thập tự quân (Crusade) lần thứ nhất (năm 1095).
*
Chánh giáo Điều ước (Concordat)
Trong khi đó lại có xung đột giữa vua Henry I của Anh và St Ansel (Tổng Giám mục của Canterbury) cũng về vấn đề bổ nhiệm Giám mục ở nước Anh và vua được thu lợi tức của Giáo phận nào mà không có hay chưa có Giám mục. Cuối cùng 2 bên đồng ý với Chánh giáo Điều ước ở London, theo đó vua từ bỏ việc đầu tư từ Giám mục nhưng Giám mục được chọn phải thề trung thành với nhà vua.
Chánh giáo Điểu ước ở London dẫn tới Chánh giáo Điều ước ở Worm là hiệp ước giữa Giáo hoàng Callixtus II và Hoàng đế Henry V của Đế quốc Thánh La Mã (năm 1122) ở thành phố Worm: sự chọn lựa Giám mục tùy thuộc nghị định từ Giáo hội. Giáo hoàng và Giáo hội thành công, dành được quyền bổ nhiệm Giám mục và giáo sĩ.
Chánh giáo Điều ước ở Worm chấm dứt xung đột quyền lực giữa Giáo hoàng và Hoàng đế Thánh La Mã.
(Concordat = Chánh giáo Điều ước = hòa ước giữa một chính phủ và một Giáo hoàng).
*
Hoàng đế Henry V (1106-1125) là hoàng đế cuối cùng của triều đại Salian. Đế quốc Đức chuyển qua dưới triều đại Hohenstaufen. Từ đó Lãnh địa Giáo hoàng (ở Trung Ý) được yên ổn giữa Đế quốc Thánh La Mã (Đức) ở phía Bắc (gồm Bắc Ý) và vương quốc Sicily (gồm Nam Ý và đảo Sicily). Giáo hoàng và Tòa thánh ngoài quyền lực tâm linh còn có quyền tối cao trên các nhà Quân chủ Âu châu, kể cả Hoàng đế Thánh La Mã.
Những Giáo hoàng có quyền lực nhất trong thời kỳ nầy là:
Giáo hoàng Alexander III (1159-1181)
Giáo hoàng Innocent III (1198-1216)
Giáo hoàng Gregory IX (1227-1241)
Giáo hoàng Innocent IV (1243-1254)
*
Giáo hoàng Innocent III
Quyền lực của Giáo hoàng và Tòa thánh đạt tới tuyệt đỉnh (zenith) vào thời Giáo hoàng Innocent III (1198-1216). Những đặc điểm của Giáo hoàng Innocent III:
Tuyên bố khi đăng quang: "Tòa Thánh, ngày hôm nay Ta bổ nhiệm ngươi trên các quốc gia".
Dạy rằng: Giáo hoàng đứng giữa Thiên Chúa và Người, như là người trung gian và Cha Sở của Christ (Vicar of Christ). Với danh hiệu nầy, Giáo hoàng có quyền tối cao trên cả các nhà Quân chủ thế tục.
Mở ra Transubstatiation (sự biến chuyển) ở Hội nghị Lateran lần thứ 4 (4th Lateran council).
Có thêm quyền lực chính trị thế tục rất mạnh, Giáo hoàng Innocent III bắt buộc vua Philip II lấy lại vợ của mình vì lý do để ly dị không đúng; bắt buộc một vua khác ly dị vợ vì vợ là bà con gần; và bắt buộc vua Peter of Aragon nhận vương quốc như là 1 đất phong cho của Giáo hoàng.
*
Hoàng đế Frederick II
Năm 1220, Hoàng đế Frederick II of Hohenstaufen (1194-1250), Hoàng đế của Đức và vua của vương quốc Sicily, được phong làm Hoàng đế Thánh La Mã. Hoàng đế thừa hưởng được Đức và Sicily vì mẹ là Hoàng hậu Constance của vương quốc Sicily và cha là Hoàng đế Henry VI của Đế quốc Đức (Đế quốc Thánh La Mã). Frederick II sống xa hoa ở Sicily, lại là người học giỏi được mệnh danh là "Kỳ quan của Hoàn cầu" (Wonder of the World). Hoàng đế Frederick II còn tổ chức Viễn chinh Thánh địa thứ 6 (1228-1229).
Tham vọng của Hoàng đế ở Ý làm Hoàng đế Frederick II có va chạm với Giáo hoàng và bị trục xuất chính thức 4 lần (1227-1239) và bị truất phế (1245). Có 2 đảng ở bắc Ý: the Ghibellines (ủng hộ Frederick II) và the Guelphs (đồng minh với Giáo hoàng). Hai đảng kình chống nhau cho đến khi Hoàng đế Frederick II qua đời (1250) và triều đại Hohenstaufen chấm dứt.
Rối loạn ở khắp Đức và Ý tạo ra những Thành phố-Quốc gia (City-States) và sau đó Tòa thánh và Giáo hoàng phải dời về ở Avignon (Pháp) vào thời Hậu Trung Cổ (Late Middle Age).
GIÁO HỘI CÔNG GIÁO TRONG THỜI TRUNG CỔ
*
Chế độ Phong Kiến (Feudalism)
Sự tan vỡ của Đế quốc La Mã rồi đến những cuộc tấn công của người Hồi giáo và người Vikings tạo nên sự phân tán của Tây Âu (gồm miền Tây Nam, miền Tây và miềnTrung của Âu châu). Dân chúng tìm những lãnh tụ hùng mạnh để giúp bảo vệ mình. Từ thế kỷ thứ 8, một hệ thống quyền lợi và bổn phận phát triển giữa những Lãnh chúa (Lord) và những Chư hầu hay Bồi thần (Vassals) của mình, những người mà Lãnh chúa phải bảo vệ. Đó gọi là chế độ Phong Kiến. Đổi lại cho sự bảo vệ, và thường cấp cho một Thái ấp (Fief), hay vùng đất (land), Chư hầu hay Bồi thần phải phục vụ trung thành với Lãnh chúa của mình, làm bổn phận quân sự và trả những nợ khác (như thuế má). Lãnh chúa là vua hay hoàng đế (quân chủ = monarch) hay nhà quí tộc.
Hệ thống từ trên xuống dưới là:
Vua (King) hay Hoàng đế (emperor)
Nhà quí tộc (Nobles): những địa chủ lớn
Nhà quí tộc nhỏ hơn (Lesser Nobilities): những địa chủ nhỏ và yếu thế hơn.
Hiệp sĩ (Knights): những kỵ sĩ được ban cho Thái ấp để cho mình và cho người chung quanh sinh sống (quyến thuộc, bạn bè...)
Người Tự do (Free Men) hay Nông dân tự do (Free Peasant): sống trong những Thái ấp, trả cho Lãnh chúa tiền mướn hay những nợ khác.
Người nô lệ hay Nông nô (Villein and Serf): chịu đầu hàng sự tự do của mình và phải bị ràng buộc trong Thái ấp. Họ phải làm việc cho Lãnh chúa rất nhiều ngày trong năm và cũng phải trả tiền mướn cũng như những nợ khác.
Kinh tế chính của thời Trung Cổ là nông nghiệp.
*
Cấu trúc của Giáo hội Kitô giáo
Giáo hội Công giáo lúc đầu là Giáo hội ở Miền Tây của Kitô giáo, phân biệt với Giáo hội Miền Đông của Kitô giáo, Giáo hội Chính Thống giáo. Giáo hội Kitô giáo trong thời Trung Cổ trên thực tế vì nhiều sự khác biệt nên đã chia ra (mặc dù chưa chính thức) làm 2: Giáo hội miền Tây và Giáo hội Miền Đông khi Đế quốc La Mã chia ra làm 2: Đế quốc Đông La Mã và Đế quốc Tây La Mã bởi Hoàng đế Diocletian. Sau năm 476, Đế quốc Tây La Mã sụp đổ, thì Đế quốc Đông La Mã đổi tên thành Đế quốc Byzantine.
Vào thời Trung Cổ, Âu châu từ có một quốc gia là Đế quốc La Mã thành ra có nhiều quốc gia (vương quốc hay đế quốc). Giáo hội Miền Tây truyền giáo và hành giáo khắp Tây Âu còn Giáo hội miền Đông truyền giáo và hành giáo khắp Đông Âu và Đế quốc Byzantine. Tây Âu (gồm miền Tây Nam, miền Tây và miền Trung của Âu châu).
Ly Giáo Đông Tây chính thức xảy ra vào năm 1054.
Giáo hội Kitô giáo miền Đông có danh hiệu là Giáo hội Chính Thổng giáo ở Miền Đông (Eastern Orthodox Church) lãnh đạo bởi Giáo chủ ở Constantinople, trông coi giáo dân ở Đông Âu (Eastern Europe) và Byzantine. Giáo hội Chính Thống giáo dùng tiếng Hy Lạp.
Giáo hội Kitô giáo Miền Tây có danh hiệu là Giáo hội Công giáo La Mã (Roman Catholic Church) lãnh đạo bởi Giáo hoàng ở Rome, trong coi giáo dân ở Tây Âu (Western Europe) và nước Hung của Đông Âu. Giáo hội Công giáo dùng tiếng La Tinh nên Thế giới Công giáo còn gọi là Thế giới Kitô giáo La Tinh (Latin Christendom).
Giáo hội là Cộng đồng toàn thể.
Giáo hội có nhiều Giáo khu (Parish) với những Nhà thờ (church) trông coi và lãnh đạo bởi những Linh mục (Priest) và Thầy Trợ tế (Deacon).
Nhiều Giáo khu hợp lại thành Giáo phận (Diocese) trông coi và lãnh đạo bới một Giám mục. Giám mục làm việc với trụ sở gọi là Tòa Giám mục có những Linh mục và Thầy Trợ tế phụ tá cho Giám mục. Tòa Giám mục thường ở thành phố lớn với nhà thờ của Giám mục gọi là Giáo đường (cathedral).
Những Giáo phận và Giám mục dưới quyền một Tổng Giáo mục trông coi tất cả. Những Giáo phận nầy hợp lại gọi là Tổng Giáo phận (Archdiocese). Tổng Giám mục cũng có Tòa Tổng Giám mục với những Linh mục và Thầy Trợ tế phụ tá, thường ở kinh đô hay đô thị rất lớn và làm lễ ở nhà thờ riêng cho Tổng Giám mục, cũng goị là Giáo đường (Cathedral). Đại Giáo đường hay Thánh đường (Basilica) là nhà thờ được riêng Giáo hoàng đặt tên cho do tầm quan trọng của nó về một phương diện nào đó.
Một Giáo hoàng (Pope) ở Rome có quyền lãnh đạo tối cao toàn Giáo hội, trông coi các Tổng Giám mục. Trụ sở và quyền hành của Giáo hoàng là Tòa thánh (Papacy = Holy See), cũng ở Rome. Giáo hoàng có một triều đình ở Rome, cai trị toàn Thế giới Thiên Chúa Giáo gốc La Tinh (Latin Christendom).
Ngoài những giáo sĩ sống trong Giáo khu, còn có thành viên của những Dòng tu (religious orders): Tu sĩ (monk), Nữ tu (nun), Thầy dòng (canons and friar). Phần nhiều họ sống trong những Tu viện (monasteries) với những thành viên khác trong Dòng tu (của họ). Tu viện (monastery) là nơi cư ngụ của những người đã xuất thế tục vì lý do tôn giáo.
*
Quyền lực Tâm linh
Giáo Hội đem ý nghĩa, mục đích và luật lệ cho đời sống của người dân trong thời Trung Cổ (medieval people). Giáo Hội là một quyền lực tâm linh cho xã hội thời Trung Cổ.
Đại đa số người dân tin là hạnh phúc chỉ có trên Thiên đàng, tuy nhiên không có gì chắc chắn là được lên thiên đàng (heaven). Cũng có thể là khổ kiếp (damnation) trong địa ngục (hell), thể hiện qua hình ảnh với những chi tiết linh động ở mọi công trình nghệ thuật của thời đại (Trung Cổ).
Như vậy thì con đường giải thoát ở thiên đàng là như thế nào? Đó là hiểu biết và theo ý Chúa (God's will) như là được nói rõ trong giáo lý của Giáo hội (church doctrine). Ý Chúa chỉ học được từ giảng dạy của Tăng lữ (clergy), những giáo sĩ thọ giới (ordained priest) của Giáo hội. Đó là bổn phận tâm linh chính của Giáo hội làm trung gian giữa cá nhân và Thiên Chúa (God) và từ bổn phận nầy là căn bản của tất cả những bổn phận khác của Giáo hội.
Nếu sư hứa hẹn giải thoát là to lớn, đe dọa của khổ kiếp trong địa ngục còn lớn hơn nữa. Khổ kiếp nầy là điều chắc chắn cho những ai bị Giáo hội trục xuất (excommunicated) khỏi Giáo hội. Một người đã bị trục xuất bị cấm không được vào nhà thờ và tham gia phép Bí Tích (sacrament), một lễ cần thiết để bảo đảm được giải thoát. Giáo hội dùng vũ khí rất mạnh nầy đối ngược lại những ai dám thách đố quyền lực của Giáo hội và chối bỏ đức tin của Giáo hội.
Với những lý do trên, Giáo hội dưới sự lãnh đạo của Giáo hoàng, Tòa thánh và Tăng lữ có quyền lực rất lớn đối với con người trong mọi tầng lớp của xã hội Phong kiến thời Trung Cổ.
*
Bổn Phận chính trị (Political Function)
Giáo hội đòi quyền lực không những chỉ trong tổ chức của mình mà còn cả các chính phủ thế tục (secular governments), tức là chính phủ của các vị vua (kings) hay lãnh chúa (lords). Khi các vị vua ở Âu châu bắt đầu có sức mạnh, Giáo hội cố gắng giữ quyền lực tối cao bên trên các vị vua. Điều nầy có thể làm được bằng cách Giáo hội hổ trợ các bồi thần phong kiến (feudal vassals) trong việc tranh cãi (của họ), giải phóng bồi thần khỏi lời thề trung thành (oaths of fealty) với nhà vua hay lãnh chúa. Một vũ khí khác là Giáo hoàng đôi khi đe dọa trục xuất nhà vua hay lãnh chúa khỏi Giáo hội (excommunication).
Bắt đầu thế kỷ thứ 13, Giáo hoàng bắt đầu tự nhận mình là tối cao, trên tất cả những lãnh tụ thế tục (temporal rulers). Điều nầy gây ra sự tranh dành (clash) với những Quân chủ (Monarchs) của Âu Châu nhất là Hoàng đế Thánh La Mã (Holy Roman Emperors). Giáo hoàng Innocent III (1198-1216) công bố rằng Tòa thánh là tối cao, trên Hoàng đế Thánh La Mã (Holy Roman Emperor).
Tranh dành thường là về những vấn đề như đánh thuế (taxation), sự lựa chọn trong hoàng gia và quí tộc (imperial election) và sự bổ nhiệm trong giáo hội (church appointments).
*
Hàng ngũ Hiệp sĩ (Knighthood)
Giới quí tộc của thời Trung Cổ là một giai cấp quân sự. Lúc khởi đầu của thời Trung Cổ (early Middle Age), 1 ông vua (rex) thu hút một băng gồm những chiến sĩ trung thành (comes), trả tiền để cho đi chinh phục. Sau đó theo tiến triển của thời Trung Cổ, hệ thống nầy mở mang thành tập đoàn phức tạp của những liên hệ và bắt buộc trong chế độ phong kiến. Rồi thế giới Kitô giáo được giới quí tộc của những người man rợ (barbarians) chấp nhận, Giáo hội tìm cách ngăn ngừa đất đai và tăng lữ của Giáo hội (cả hai đều từ giới quí tộc) bị rối loạn trong vũ lực của những sự đấu tranh. Từ thế kỷ 11, tăng lữ và nông dân được miễn nhiễm khỏi sự hung tàn (violence) theo "Pax dei" (peace of God). Kế đó những chiến sĩ tinh nhuệ (warrior elite) trở thành "thánh" (sanctified), thí dụ như đánh nhau trong ngày lễ thì bị cấm, theo "Truega dei" (truce of God).
Ý niệm Hiệp sĩ đạo được tạo ra nhấn mạnh tới danh dự (honor) và trung thành trong vòng các Hiệp sĩ. Với sự giáng sinh của cuộc viễn chinh của Thập Tự quân (Crusade), những Dòng Thánh của Hiệp sĩ được thành lập, tự coi là được kêu gọi bởi Thiên Chúa để bảo vệ thế giới Kitô giáo chống lại người Hồi giáo (muslim) ở Tây Ban Nha, Ý và Thánh địa (Holy land); và người theo Đa Thần giáo (pagan) ở Đông Âu. Hoạt động nầy đem lại giàu sang và quyền lực.
*
Quyền Lực Kinh Tế (economic power)
Ngoài sức mạnh chính trị, Giáo hội thời Trung Cổ còn giữ quyền lực đáng sợ về kinh tế. Giáo hội là địa chủ giữ nhiều đất nhất ở Âu châu, với Tòa thánh quản trị rộng lớn những địa ốc (real estates), rừng gỗ (timberlands) và hầm mỏ (mines). Thêm nữa, Giáo hội thu thập số lượng tiền rất lớn nên trở thành cơ quan tài chánh lãnh đạo ở Âu châu.
Giáo hội nhận lợi tức đều đặn (regular revenue) từ "Thuế Thập Phân" (a Tithe) của người dân (1/10 của lợi tức của một người). Thường là thuế nầy từ (Giáo hội) bán "việc bổ nhiệm" một chức vị trong hàng giáo phẩm (hierachy) hay từ (Giáo hội) chính thức tha tội (pardons for sins). Trong khi đó cũng có những nhả cải cách trong và ngoài Giáo hội cố sửa đổi những điều quá đáng nầy.
Những lãnh chúa (lords) và nhà quí tộc giàu có sẽ cho tu viện và giáo phận địa ốc để đổi lại những thánh lễ cầu hồn cho những người thân yêu của họ. Dù cho đó không phải là dự định nguyên thủy của Benedict nhưng những luật tu viện của ông làm tu viện thêm vững chắc vì làm những bất động sản nầy (từ giới quí tộc) gia tăng sản xuất. Một tu sĩ thường được nâng lên ngang hàng với quí tộc vì là Nông nô (serf) của địa ốc coi chừng lao động trong khi những tu sĩ khác tự do học hỏi. Tu viện do đó thu hút được nhiều nhân tài trong xã hội, và trong thời gian nầy là trung tâm tàng trữ và sản xuất trí thức (knowledge).
*
Bổn Phận xã hội và văn hóa (Social and Cultural Functions)
Mặc dù Giáo hội bị tố cáo là tham lam nhưng ta phải nhớ là Giáo hội Trung Cổ cần những nguồn lợi lớn (resources). Trong thời Trung Cổ, Giáo hội làm những bổn phận mà trong thế giới hiện đại chúng ta phải nhờ những tổ chức khác.
Những Tu viện mở mang truyền thống về học hỏi và giảng dạy. Các Tu sĩ chép lại bằng tay những công trình của những tác giả cổ điển và những văn thi sĩ Công Giáo lúc sơ khai. Trường học ở Tu viện dạy đọc và viết cho trẻ con muốn thành tu sĩ (monks). Trường học của giáo đường (cathedral) hay giáo khu (parish) giáo dục trẻ con dự định thành giáo sĩ trong giáo khu.
Giáo hội đem thẩm mỹ (beauty) và giá trị (dignity) vào đời sống cho những ai không có. Những giáo đường Gothic được dựng lên cho giáo dân thuộc mọi giới đến thờ phượng như Notre Dame ở Paris.
*
Vấn đề Kỳ thị người Do thái (Anti-Semitism)
Kỳ thị người Do Thái là rất thông thường một phần là vì người Do Thái từ chối theoKitô Giáo và là những người làm nghề cho vay tiền (money lenders), đó là việc cấm cho những người Kitô giáo. Trong suốt và ngay cả sau thời Trung Cổ, người Do Thái ở Âu châu bị cô lập trong những ghettos, bị áp lực phải từ bỏ đạo của mình, bị đày ra khỏi đất mẹ và bị tàn sát.
Mặc dù bị ngược đãi như vậy, hầu hết người Do Thái vẫn giữ đức tin của mình. Họ có những học giả (scholars) dịch Thánh Kinh cũ và phát triển một nền văn học và triết lý của Do Thái truyền thống trong thời Trung Cổ.
*
Chế độ Tu viện (Monasticism)
Chế độ Tu viện bắt đầu ở Ai Cập vào thế kỷ thứ 3 khi người Kitô giáo (Christians) bắt đầu ẩn lánh vào sa mạc để sống như là người Ẩn tu khổ hạnh (Hermits). Đầu tiên là Anthony the Great. Pachomius (318) cũng ở Ai Cập bắt đầu tổ chức cho sống chung với nhau.
Dưới sự cầm đầu của Basil de Caesarea (330-379), người Kitô giáo ẩn tu hợp lại thành những cộng đồng sống chung có tổ chức (organized communities), đó là những Tu viện đầu tiên.
Như vậy ngoài các Giáo sĩ sống trong những Giáo khu (Parish): Giám mục (Bishop), Linh mục (Priest) và Trợ tế (Deacons) với những Nhà thờ và Giáo đường phụng sự giáo dân trong thế tục còn có các Tu sĩ (monks) sống trong các Tu viện và theo các Dòng tu (với luật lệ khác biệt).
Chế độ Tu viện ở miền Tây bắt đầu bởi Benedict of Nursia (480-547). Ông lập một Tu viện (monastery) ở Monte Cassino (khoảng năm 529) và Dòng Tu Benedict (order of Benedict) cho các tu sĩ (monks). Họ sống, làm việc và cầu nguyện chung với nhau theo luật lệ của ông đặt ra (a set of regulations).
Eremetic Monk=Hermit: Tu sĩ sống riêng một mình. Như John the Baptist trong Phúc Âm.
Cenobitic Monks: Tu sĩ sống trong cộng đồng có tổ chức (organized community) tức có theo Dòng tu (order).
Từ thế kỷ thứ 8, Tu viện được thành lập khắp Thế giới Kitô giáo (Christendom). Cho đến khi có Đại học (universities) vào thế kỷ thứ 13, các Tu viện là những trung tâm quan trọng của văn hóa và học thuật. Chúng còn cung cấp nơi săn sóc cho người nghèo và đón mời chỗ tạm trú (hospitality) cho người lữ hành (travelers).
Các Tu viện được các nhà bảo trợ mướn (commissioned) để làm những công trình về điêu khắc và nhất là kiến trúc. Kiểu kiến trúc Romanesque của thời Trung Cổ xuất phát từ các Tu viện.
Lần lần cácTu viện trở thành địa chủ lớn, nhưng khi giàu nhiều thì kỹ luật thành ra lỏng lẻo. Do đó có những cải cách và nhiều Dòng tu mới (new orders) được lập ra ngoài Dòng Benedict.
*
Cải Cách Chế độ Tu viện (Monastic Reforms)
Đầu tiên là the Dòng Cluniacs, được lập ra ở Cluny (Pháp) vảo năm 910 và lan rộng nhanh chóng (950-1100). Vẫn theo luật (rule) của Benedictine nhưng mở rộng hơn, có những ngôi nhà phụ (subsidiary houses) làm phụ tá cho ngôi nhà chánh của Tu viện (Abbey) và Tu Viện trưởng (Abbott).
Dòng Cistercians, được lập ra ở Citeaux (1098), nhắm vào lối sống đơn giản và nghiêm nhặt hơn và gieo ảnh hưởng mạnh mẽ vào thế kỷ thứ 12 dưới sự lãnh đạo của St Bernard of Clairvaux (chết vào năm 1153). Trên căn bản thì Dòng trở lại luật Benedictine cũ nhưng có thêm cải cách là khuyến khích các tu sĩ phải làm thủ công nghệ và làm ruộng, tạo ra kỹ thuật cho thời Trung Cổ. Tới thế kỷ 12 có khoảng 500 Tu viện Cistercacian và có 750 vào thế kỷ 15. Đa số những tu viện nầy lập ở nơi xa xôi hẻo lánh của Âu châu giúp cho nông nghiệp bành trướng ở những vùng nầy.
Thế kỷ thứ 12 là thời thịnh nhất của các Tu viện cổ điển nhưng tổng số đi xuống từ cuối thế kỷ nầy vì có những Dòng tu mới.
*
Dòng tu Franciscans và Dominicans
Những Dòng tu mới là những Dòng tu "Ăn Mày" (Medicant Orders) được lập ra như Dòng Franciscans (năm 1210) và và Dòng Dominicans (năm 1215) đều đặt căn cứ ở thành thị. Họ được gọi là Thầy dòng Ăn mày (mendicant friars) hay đơn giản là Thầy dòng (Friar). Những Thầy dòng nầy sống nhờ bố thí (alms=donation) và đi giảng đạo. Họ sống theo luật của tu viện (monastic rule) với khấn nguyện truyền thống là nghèo khó (poverty), giản dị trong sạch (chastity), và vâng lời (obedience) nhưng chú trọng về giảng dạy (teaching) và hoạt động truyền đạo, giáo dục (education), và sống trong một tu viện nhỏ, đơn sơ, vắng vẻ và hiu quạnh.
Dòng Franciscans lập ra từ Thánh Francis of Assisi. Dòng Dominicans lập ra từ thánh Dominic. Hai Dòng tu nầy thành lập và hoạt động trực tiếp với Giáo hoàng và Tòa thánh, bắt đầu từ Giáo hoàng Innocent III. Thành quả cuối cùng đạt được của Giáo hoàng Innocent III là chấp nhận một vận động mới (new movement) của Giáo hội Công giáo. Tu viện đã cho thấy khuynh hướng không sửa đổi được là tích trử giàu có.
Trong năm 1210 và năm 1215, Giáo hoàng tiếp tại Rome 2 người có tầm mắt với ý niệm mới về cách thức theo gương của Đấng Kitô (Christ).
Người đầu tiên là Francis of Assisi với 11 người theo ông. Họ là những tục nhân đã từ bỏ những sở hữu của mình. Họ muốn sống trong những người nghèo khổ trong thành thị, giảng dạy và làm nhân chứng cho một đời sống Kitô giáo.
Người thứ hai là Dominic de Guzman, có nhiều kinh nghiệm giảng dạy (cho người Cathars) và có ý thích đặc biệt về sửa những điều sai lầm trong giáo lý. Giống như Francis, Dominic và các bạn chịu nhận sự nghèo khó. Họ làm việc ở giữa những náo nhiệt và cãi cọ trong thành thị.
Từ 2 người nầy sinh ra 2 Dòng lớn (great Orders) của các "Thầy Dòng ăn mày" (Mendicant or Begging Friars), Dòng Franciscans và Dòng Dominicans. Họ giống như những Tu sĩ khất thực của Ấn Độ giáo (Hinduism) và Phật Giáo (Buddhism). Nhưng không Dòng "ăn mày" (mendicant) nào dễ dàng tìm thấy lý tưởng của sự nghèo khó khi quyền lực tăng cao.
Tuy Francis và Dominic được sự chấp thuận của Giáo hoàng Innocent III nhưng 2 dòng nầy được chính thức thành lập từ người kế vị là Giáo hoàng Honorius III. Giáo hoàng thành lập dòng Dominicans năm 1216 và dòng Franciscans năm 1223.
Hai dòng nầy dưới quyền trực tiếp và là công cụ của Giáo hoàng và Tòa thánh. Khác với những dòng tu viện khác (lập trong những thế kỷ trước) thường là độc lập hơn và Giáo hoàng không kiểm soát chặc chẽ được. Sau phong trào Cải tổ (Reformation), hai Dòng thuyết pháp nầy được có 1 Dòng tu giống vậy nhưng còn mạnh hơn. Đó là dòng The Jesuites hay Dòng Tên, khác hơn Franciscans và Dominicans là không có lý tưởng dâng hiến nghèo khó.
*
Sự phát khởi của những Đại học (Universities)
Đầu tiên là có những trường học của giáo đường (cathedral) và tất cả học sinh coi như là tăng lữ (clerics). Việc nầy có lợi vì học sinh được đặt dưới thẩm quyền của tòa giám mục và như vậy nhờ thiên vị nên được bảo vệ và miễn nhiễm khỏi luật pháp. Lần lần những trường học nầy tách ra từ giáo đường và thành học viện riêng biệt. Đó là những Đại học đầu tiên như Đại học Paris (khoảng 1150), Đại học Bologna (1088) và Đại học Oxford (1096).
Thật ra các Madrasahs Hồi giáo đã lập Đại học với bằng cấp hàng lâm (academic degree) từ thế kỷ thứ 9. Đại học Al Karaouine ở Fez, Morocco là đại học đầu tiên lập năm 859 bởi Công chúa Fatima-al-Fihri.
TRUYỀN GIÁO TRONG THỜI TRUNG CỔ

Khi thời Trung Cổ bắt đầu, Kitô giáo là tôn giáo chính và truyền bá khắp Đế quốc La Mã (Đông và Tây). Có thể nói Thế giới Kitô giáo (Christendom) là Đế quốc La Mã nhưng cũng truyền xa hơn sang Á châu và nam Ai Cập. Ở lục địa Âu châu, Đế quốc La Mã ở miền Nam của sông Danube.
Trong thời Trung Cổ ở Âu châu, Kitô giáo bắt đầu truyền bá sang lãnh thổ của người "man rợ" ngoài Đế quốc La Mã dần dần lan khắp Âu châu. Những người Goths (thuộc chủng loại Đức) sau khi tràn vào Đế quốc Tây La Mã lập thành những vương quốc trong thời gian ngắn cũng dần dần chuyển theo Kitô giáo.
Truyền giáo từ Tòa thánh ở Rome
*
Truyền giáo ở Anh
Vùng Nam Anh (southern Britain) đã là một tỉnh của Đế quốc La Mã với người ở đây theo Kitô giáo, gọi là người British. Từ năm 407, lính lê dương của đế quốc La Mã rời đảo nầy. Nhiều bộ lạc người rợ từ nội địa Âu châu tới cướp phá rồi định cư ở đây. Họ là người Anglo-Saxons, sau nầy là người Anh (English). Người Anglo-Saxons là người theo Đa Thần giáo (Pagan). Giáo hoàng Gregory the Great gởi Thánh Augustine of Canterbury tới truyền giáo cho những người Anglo-Saxons nầy. Có người British ở đây lại theo Đa Thần giáo. Phải mất một thế kỷ mới làm cho người quí tộc Anglo-Saxons theo Kitô giáo. Từ những người quí tộc nầy, toàn thể người Anglo-Saxons theo Kitô giáo trong vài thế kỷ sau, cũng như người British (là thiểu số của dân số).
Dưới thời Tổng Giám mục Theodore, người Anglo-Saxons có một nền văn hóa vàng son. Những nhà truyền giáo Anh (English) như Wilfrid, Wilibrord, Lullus và Boniface sang truyền đạo cho những người Saxons còn sống trong nội địa Âu châu ở Đức.
Toàn thể đảo Anh công nhận quyền tối cao của Giáo hoàng tại hội nghị Whitby (664).
Kitô giáo được truyền từ vùng đất Nam Anh thuộc Đế quốc La Mã (Roman Britain) sang những miền của người Celtics (Celtic areas) gồm có Wales, Scotland và Ireland. Nhà truyền giáo nổi danh là Thánh Patrick. Thánh Patrick trước đó đã bị bắt làm nô lệ ở Ireland nhưng sau đó ông trốn thoát được. Sau khi được phong Giám mục, ông trở lại Ireland truyền đạo, rao giảng Phúc Âm. Ông lập ra Dòng tu ở đây và phong linh mục cho những người Ireland (Irish) cũng như người Anh. Sau đó những nhà truyền giáo như Columba và Columbanus với đặc tính Irish dễ dàng, truyền đạo tới Scotland và khắp toàn lục địa Anh. Một đặc tính Irish là hệ thống sám hối bí mật riêng từng cá nhân (private penitence) thay thế lễ giải tội công cộng (penance).
*
Truyền giáo ở Pháp
Vùng đất Gaul (và người Gaulois) của Đế quốc La Mã bị người Frank thuộc chủng tộc Đức (germanic) chiếm vào đầu thế kỷ 5. Người Franks ngược đãi cư dân Kitô giáo ở đây cho đến khi vua Clovis I của người Frank chuyển từ Đa Thần giáo theo Kitô giáo thì toàn thể vương quốc Frank theo Kitô Giáo (năm 496).
*
Truyền Giáo ở Frisia và Đức
Sau khi có vương quốc Frank (Frankish kingdom), truyền giáo được triều đại Merovigian của vương quốc ủng hộ để làm yên dân ở vùng láng giềng bên cạnh. Liên minh tiếp tục giữa Tòa thánh ở Rome và các vua của triều đại Carolingian của nước Frank.
Năm 678, tu sĩ Willibrord, 20 tuổi, rời tu viện Yorkshire sang Ireland. Sau khi vua Pepin của vương quốc Frank mới chiếm được Frisia, Willibrord tới truyền đạo ở Frisia (or Friesland) vào năm 690. Vùng Frisia ngày nay là Hà Lan, Bỉ và vùng tây bắc của nước Đức. Được vua Pepin và Giáo hoàng giúp đỡ, Willibrord thành công và được phong là Tổng Giám mục của Tòa Giám mục ở Utrecht năm 695. Willibrord lập tu viện ở Echternact, sống ở đây và chết năm 739.
Boniface cũng từ 1 tu viện Anglo-Saxon như Willibrord, được Giáo hoàng ủy nhiệm truyền đạo vào những nơi không theo đạo ở Đức (Germany). Boniface theo Willibrord ở Frisia (719-722) ổn định được Frisia. Sau đó ông đến Bavaria lập tu viện với nam nữ giáo sĩ tới từ Anh, Boniface tiến triển nhanh chóng với sự ủng hộ của vua Charles Martel (con của Pepin). Từ năm 754, Boniface đã lập được 8 tòa Giám mục (bishoprics) ở Đức. Năm 746, Boniface đặt bản doanh ở Mainz, củng cố thành phố nổi tiếng nầy của Giáo hội.
Năm 754, khi hơn 80 tuổi Boniface từ chức Tổng Giám mục và trở về thành giáo sĩ truyền đạo thường ở Frisia. Ngay sau đó Boniface bị người không theo đạo (heathen) giết chết gần Dokkum.
*
Truyền giáo ở Scandinavia
Năm 820, người Đan Mạch bắt đầu chuyển theo Kitô giáo do công của Ansgar, Tổng giám mục của Bremen, biệt danh là Tông đồ của miền Bắc (Apostle of the North). Ansgar với nhóm tu sĩ tới Jutland, Đan Mạch vào năm 820 và được vua Harald Klak (theo Kitô giáo) của người ở đây ủng hộ. Cuộc truyền giáo khá thành công nhưng Ansgar phải trở về Đức 2 năm sau, khi vua Harald bị đuổi ra khỏi vương quốc.
Năm 829, Ansgar tới Birka ở hồ Malaren (ở Thụy Điển) với phụ tá là Thầy dòng Witmar, và một hội đạo (congregation) được lập ra ở đây vào năm 831 trong đó có người quản gia (stewart) của vua Thụy Điển tên là Hengeir.
Cho tới năm 1000 thì mới Giáo hội mới tiến triển chuyển giáo theo Kitô giáo ở Scandinavia khi các vua St Canute IV của Đan Mạch và Olaf I của Na Uy theo đạo.
*
Truyền giáo trong thế kỷ 11
Ở Ba Lan (Poland), việc truyền giáo vẫn gặp khó khăn vì người theo Đa thần giáo phản ứng bằng cách đốt nhà thờ và tu viện, và giết giáo sĩ.
Scandinavia là phần cuối cùng của người Đức ở Âu châu (Germanic Europe) theo đạo và kháng cự nhiều nhất. Khoảng 1000-1250, những vùng đất ở Bắc Âu dần dần theo Cơ Đốc giáo dưới sự lãnh đạo của người Đức và lập thành những quốc gia dưới sự hướng dẫn của Giáo hội, chấm dứt vào thời Thập Tự chinh ở Bắc Âu (Northern Crusade).
Sau đó, người quí tộc Đức và Scandinavian lan rộng quyền lực tới những vùng Finic, Samic, Baltic và của người Slavs. Sự di cư tiếp tục sau năm 1000, đánh dấu bằng sự xâm lăng của người Vikings, Magyras, Turkics và Mongols cũng có hậu quả đáng kể đặc biệt ở Đông Âu.
Truyền giáo từ Tòa Tổng Giám mục ở Constantinople
*
Truyền giáo trong vùng của người Slavs
Tới năm 800 thì Tây Âu và vương quốc Đức (của Trung Âu) theo Kitô giáo giáo chỉ còn Đông Âu và phần còn lại của Trung Âu là nơi những người Slavs còn sinh sống.
Vào thế kỷ thứ 9 có 2 anh em thánh Cyril và thánh Methodins thành công trong việc truyền đạo cho những người Slavs thừa lệnh của Giáo hội Byzantine. Hai người dịch Thánh kinh và lễ chế (liturgy) ra tiếng và chữ Slavic. Hai người giúp người Serbs và Bulgarians theo đạo Cơ Đốc.
Năm 988, vua Vladimir the Great được rửa tội (baptized) ở Chersonesus gọi là "Lễ Rửa Tội của Kiev" (Baptism of Kiev) vì từ đó người Kievan Rus theo Kitô giáo (gồm có vùng Ukraine, Belarus và Russia).
*
Truyền giáo ở Hung
Người Hung (từ nguồn gốc là người Magyrar) chuyển theo Kitô giáo vào thế kỷ thứ 11.
LY GIÁO ĐÔNG-TÂY (East-West Schism)
*
Sự Phân Chia Địa Lý Chính Trị
Hoàng đế Diocletian (thời gian trị vì: 284-305) tập trung quyền hành của chánh thể quân chủ (monarchy) vào một Lãnh Tụ gọi là Trung ương tập quyền (Centralization). Như vậy để dễ dàng kiểm soát một đế quốc rộng lớn và bảo vệ việc nổi loạn quân sự (military mutiny), Diocletian chia Đế quốc La Mã thành 2 phần: Miền Đông và Miền Tây, gọi là Đế quốc Đông La Mã (Eastern Roman empire) và Đế quốc Tây La Mã (Western Roman empire). Một Hoàng đế cai trị một Miền. Hoàng đế Constantine I (thời gian trị vì: 306-337) tiếp tục chánh sách phân chia nầy và công nhận Licinius I làm Hoàng đế cai trị Đông Đế quốc.
Năm 324, Hoàng đế Constantine I đánh bại Hoàng đế Licinius I (trị vì: 308-324) và làm Hoàng đế cả Đông và Tây Đế quốc La Mã
Năm 330, Hoàng đế Constantine I dời kinh đô từ Rome ở phần Tây La Mã về phần Đông La Mã, còn gọi là Byzantium. Kinh đô mới ở Bosporus, nơi Âu châu và Á châu giáp nhau. Hoàng đế Constantine xây kiến trúc mới ở kinh đô nầy theo kiểu Kitô giáo (Christianity) và đặt tên theo tên của mình là Constantinople. Ngày nay là thành phố Istanbul của nước Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey).
Thế giới Kitô giáo (Christendom) cũng dĩ nhiên bị phân chia theo lãnh thổ chính trị: chi nhánh ở miền Đông của Giáo hội hay Giáo hội Miền Đông (Eastern Church) và chi nhánh ở miền Tây của Giáo hội hay Giáo hội Miền Tây (Western Church).

*
Quyền Tối Cao và Giáo Trưởng của Giáo Hội Kitô Giáo
Giáo hội Miền Đông có 4 Tổng Giám mục của 4 Tòa Tổng Giám mục ở Constantinople, Antioch, Alexandria và Jerusalem. Giáo hội Miền Tây dưới quyền lãnh đạo duy nhất của Tổng Giám mục và Tòa Tổng Giám mục ở Rome.
Sau khi Rome bị người Visigoths chiếm và tàn phá thì Đế quốc Tây La Mã sụp đổ và không còn nữa. Đế quốc Đông La Mã có tên là Đế quốc Byzantine với kinh đô là Constantinople.
Tòa Tổng Giám mục và nhất là Tổng Giám mục của Rome luôn vận động cho mình là có quyền Giáo trưởng (primacy) và quyền tối cao (supremacy) cai trị toàn Giáo hội Kitô giáo trên 4 Tổng Giám mục kia nhất là Tổng Giám mục của Constantinople ở ngay kinh đô.
Sau khi người Hồi giáo chiếm Trung Đông và Bắc Phi (vào thế kỷ thứ 7) thì Giáo hội mất 3 Tòa Tổng Giám Mục ở Jerusalem, Antioch và Alexandria chỉ còn lại 2 Tòa Giám mục chánh ở Rome và Constantinople. Hai chi nhánh Đông và Tây của Giáo hội Kitô giáo chỉ còn 2 Tòa Tổng Giám mục và có 2 lãnh tụ chính thức là 2 Tổng Giám mục của Rome (của Miền Tây) và của Constantinople (của Miền Đông).
Từ thế kỷ thứ 4, Tổng Giám mục của Rome đã xưng là Giáo hoàng (Pope) và Tòa Tổng Giám mục của Rome là Tòa Thánh (Holy See). Dĩ nhiên Tổng Giám mục của Constantinople sau khi 3 Tòa Giám mục Alexandria, Antioch và Jerusalem mất về tay người Hồi giáo (thế kỷ thứ 8) thì tự xưng là Giáo chủ (Patriarch) nhưng trên thực tế vẫn coi mình là đứng thứ nhì sau Rome.
Từ lúc đầu, Thần học về Kitô giáo (ecclesiology) của giáo hội Miền Tây (Rome) thì phổ thông (universal) trên căn bản, với ý kiến là một toàn thể toàn cầu với một trung tâm được chỉ định là thánh thiện (divinely appointed), không là bổn phận thông thường: Tòa Giám mục và Giám mục của Rome. Có lẽ đây là nguồn gốc danh hiệu Công giáo của Giáo hội Miền Tây.
Rome cho là từ thánh Peter là đầu của các Tông đồn và Constantinople là từ thánh Andrew, chỉ là 1 trong 12 Tông đồ của Jesus.
Giáo hội Miền Đông (Constantinople) vẫn giữ ý kiến là mỗi nhà thờ và giáo khu địa phương với giám mục, linh mục (priest) hay thầy tư tế (presbyter), thầy trợ tế (deacon) và giáo dân đón mừng the Thánh thể (Eucharist) bao gồm toàn thể Giáo hội. Ý kiến nầy gọi là Thần học Kitô giáo về Thánh thể (Eucharistic ecclesiology), mỗi giám mục đều là kế nghiệp của Thánh Peter trong nhà thờ của mình và những nhà thờ cấu tạo thành cái mà Eusebius gọi là liên hiệp chung của những nhà thờ. Đó có ngụ ý là tất cả những giám mục đều bình đẳng trên danh nghĩa; mặc dù theo phận sự những giám mục đặc biệt được cho đặc quyền (special privileges) bởi sự đồng ý của những giám mục khác và phục vụ như là Giám mục của đô thị (metropolitan bishop) hay Tổng Giám mục (archbishop).
Trong ý kiến của Giám mục của Constantinople, Giám mục của Rome (là Giáo hoàng) có thể có quyền giáo trưởng (primacy) trong thế giới Kitô giáo đoàn kết (as primus inter pare), nhưng không có quyền lực về thẩm quyền (power of jurisdiction), tức là không có quyền tối cao (supremacy) trên các Giám mục khác.
*
Sự Khác Biệt
Từ lâu trước khi có sự lấn quyền của Rome, đã có sự khác biệt của 2 chi nhánh Đông và Tây của Giáo hội Kitô giáo về: nghi lễ (ceremonies), ngày của thánh lễ (date of the holidays), hành vi của tu sĩ (activities of priests) và quyền lực của Hoàng đế. Vài lễ cúng của miền Tây mà miền Đông tin là đại diện cho canh tân bất hợp pháp: thí dụ như việc dùng bánh mì không có bỏ men (unleavened bread) cho the Thánh thể (Eucharist). Lệ sống Độc thân của những linh mục ở miền Tây (tu viện hay giáo phận=parish) bị những môn đồ ở miền Đông chống đối vì những linh mục ở miền Đông có thể là người đàn ông có kết hôn.
Sự liên lạc giữa 2 miền Đông và Tây càng khó khăn vì giao thông cách trở. Miền Tây dùng tiếng và chữ La Tinh và miền Đông dùng tiếng và chữ Hy Lạp.
" Filioque Clause"
Sự khác biệt quan trọng chia rẽ 2 chi nhánh Rome (ở miền Tây) và Constantinople (ở miền Đông) của Giáo hội là câu (clause) "và bởi Con" (filioque) trong Kinh Tin Kính từ Cộng đồng Nicea (Nicene Creed). Kinh Tin Kính (creed) được Giáo hội Miền Tây (Rome) thêm "và Con" (and the Son} trong câu ngắn "và bởi con" (filioque clause) mà theo luật là không được thêm vô.
Theo Tòa Giám mục của Constantinople: "Chúa Thánh Thần, Chúa ban cho sự sống, Người bởi Đức Chúa Cha mà ra" (The Holy Spirit, the Lord and Giver of Life, who proceeds from the Father).
Theo Tòa Giám mục của Rome: "Chúa Thánh Thần, Chúa ban cho sự sống, Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra" (The Holy Spirit, the Lord and Giver of Life, who proceeds from the Father and the Son).
Tòa Tổng Giám mục Constantinople ở miền Đông cho rằng đổi từ "Người bởi Đức Chúa Cha mà ra" (who proceeds from the Father) thành "Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra" (who proceeds from the Father and the Son) là trái phép (illicit) và không đúng theo giáo lý.
Sự khác biệt của Câu ngắn "và bởi Con" trong Kinh Tin Kính (Filioque clause) là lý do được 2 Giáo hội Đông Tây công khai áp dụng để chính thức Ly Giáo.
Filioque (tiếng La tinh) = "và bởi Con"
Clause = câu ngắn
*
Những biến cố lịch sử dẫn tới Ly Giáo
- Hội nghị Chalcedon
Chia rẽ bắt đầu từ Giáo hội Miền Đông chối bỏ những phán quyết (decrees) của Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 ở Chalcedon (Council of Chalcedon 4th ecunemical council) vào năm 451. Theo hội nghị thì Giáo hội của Rome có được địa vị giáo chủ đặc biệt trong tất cả những giáo hội khác. Giáo hội Miền Đông cỏn cho rằng : Giáo điều (canon) thứ 28 của hội nghị Chalcedon công bố rõ ràng sự bình đẳng của Giám mục của Rome và Giám mục của Constantinople. Và tuyên bố Giáo hội Miền Đông đã có kháng cáo.
- Ly Giáo của Photius I (Photian Schism)
Thế kỷ thứ 9, trong thời Hoàng đế Michael III của Đế quốc Byzantine, có nhiều tranh cãi với Giáo hoàng John XII của Tòa Tổng Giám mục ở Rome.
Hai Tòa Tổng Giám mục tranh chấp làm chủ giáo hội của nước Bulgaria. Constantinople nhượng bộ nhưng giáo hội Bulgaria tuyên bố tự chủ (autocephalous) với sự đồng ý của vua Bulgaria là Boris I.
Hai Tòa Tổng Giám mục cũng tranh chấp về câu ngắn (clause) "và bởi Con" (Filioque) được Rome thêm vô trong Kinh Tin Kính từ Công đồng Niceae (Nicene Creed) nhưng bị Constantinople phản đối
Giáo hoàng John VII chống lại việc Hoàng đế Byzantine Michael III bổ nhiệm Photius I làm Giáo chủ Constantinople. Photius I đã công khai không chấp nhận quyền tối cao của Giáo hoàng trong những vấn đề của miền Đông cũng như không chấp nhận câu "và bởi Con" (của Giáo hoàng ở Rome). Phái đoàn La Tinh tại hội lễ đăng quang áp lực Photius I phải nhận "Filioque clause" mới bảo đảm sự ủng hộ.
- Trục xuất lẫn nhau của năm 1054
Biến cố nầy diễn ra ở Constantinople trong năm 1054, tức khắc và chính thức dẫn tới Ly Giáo Đông Tây. Nó liên quan tới 4 nhân vật chính:
Giáo hoàng là Leo IX
Sứ thần của Giáo hoàng tới Constantinople là Hồng y Humbert
Giáo chủ của Constantinople là Michael I Cerularius.
Hoàng đế Byzantine là Constantine IX
Đầu tiên Giáo chủ Cerularius ra một lá thơ bằng tiếng Hy Lạp viết cho Giám mục của Trani (ở Ý) tấn công việc Tây Giáo hội theo Do thái vì dùng bánh lễ không men. Giám mục của Trani chuyển lá thơ cho tất cả Giám mục của Tây Giáo hội và Tòa Thánh ở Rome. Hồng y Humbert dịch lá thơ ra tiếng La Tinh và trình lên Giáo hoàng Leo IX. Giáo hoàng ra lệnh viết một lá thơ trả lời và bênh vực quyền tối cao của Giáo hoàng. Giáo chủ Ceralius không trả lời và không tranh luận để tránh sự đổ bể.
Tuy nhiên Giáo hoàng và Hồng y Humbert không nhượng bộ và Humbert được cử là Sứ thần sang Constantinople để đàm phán. Sứ đoàn gồm có Hồng y Humbert, Hồng y Frederick of Lorraine (sau nầy là Giáo hoàng Stephens IX) và Giám mục của Amalfi là Peter. Đến Constantinople vào tháng 4, Sứ đoàn được đón tiếp với thái độ hiếu chiến nên bỏ phòng họp để lại lá thơ trả lời của Giáo hoàng Leo IX. Giáo chủ Cerularius nổi giận, từ chối không chấp nhận quyền của Sứ thần. Điều đó cũng không sai vì cùng lúc đó Giáo hoàng Leo (người cử Sứ thần) qua đời (19-4-1054) nên Sứ thần theo đúng luật không còn quyền hành nữa.
Tuy nhiên Sứ đoàn lại làm dữ, đến Đại Giáo đường chính của Đông Giáo hội là Hagia Sophia trong khi đang hành lễ và để trên bàn thờ ở đây Sắc lệnh của Giáo hoàng (bull) trục xuất Giáo chủ Michael I Cerularius khỏi Giáo hội. Trong sắc lệnh trục xuất Giáo chủ Đông Giáo hội, Giáo hoàng nêu lý do là Đông Giáo hội bôi bỏ câu "và bởi Con" (filioque clause) từ nguyên bản của kinh tin kính của Công đồng Nicea (Nicene Creed). Thật ra là ngược lại, Đông Giáo hội không bôi bỏ gì cả; chính Tây Giáo hội thêm câu đó vào nguyên bản lập nên ở Constantinople.
Sứ đoàn của Rome trở về Rome 2 ngày sau đó để lại thành phố Constantinople trong rối loạn. Hoàng đế Constantine IX thì theo phe sứ đoàn của Rome (vì tư lợi) còn Giáo chủ thì được dân chúng ủng hộ. Để làm dịu quần chúng, sắc lệnh trục xuất của Giáo hoàng bị đem đốt và sứ thần chính thức bị Giáo chủ Cerularius trục xuất (ra khỏi Giáo hội).
Ly Giáo giữa Đông Tây chính thức bắt đầu vào năm 1054 sau biến cố nầy.
*
Sự chia rẽ tối hậu là việc Thập Tự chinh lần thứ 4 (4th Crusader) cướp phá Constantinople vào năm 1204. (Năm 2004, Giáo hoàng John Paul II chính thức xin lỗi về việc cướp phá Constantinople nầy (1204) và được Giáo chủ Bartholomew of Constantinople chính thức chấp nhận).
Những cố gắng hòa giải từ Hội nghị Lyon lần thứ 2 (2nd Council of Lyon) vào năm 1274 và Hội nghị Basel (năm 1439) đều thất bại. (Năm 1965, Giáo hoàng của Rome và Giáo chủ của Constatinople lấy lại những "trục xuất" năm 1054).
Từ năm 1054, 2 phần của Giáo hội Kitô giáo tách rời nhau vĩnh viễn.
Chi nhánh Giáo hội ở miền Tây (western branch) với Giáo hoàng như là lãnh đạo tinh thần, trở thành Giáo hội Công Giáo La Mã (Roman Catholic Church).
Chi nhánh Giáo hội ở miền Đông (eastern branch) trở thảnh Giáo Hội Chính Thống Giáo ở miền Đông (Eastern Orthodox Church) hay Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp (Greek Orthodox Church).
Kitô giáo (Christianity) chia làm 2: Công giáo ở miền Tây (Western Catholicism) và Chính Thống giáo ở miền Đông (Eatern Orthodoxy).
Hai Giáo hội thừa nhận lẫn nhau sự kế nghiệp của thánh Tông đồ (Apostolic succession). Giáo hoàng của Giáo hội Công giáo là từ Thánh Peter và Giáo chủ của Giáo hội Chính Thống giáo là từ thánh Andrew. Cả 2 Giáo hội cũng thừa nhận lẫn nhau những Phép Bí Tích.
NHỮNG VIỄN CHINH THẬP TỰ QUÂN
*
Trong thế kỷ thứ 7, tín đồ Hồi giáo (Muslim) theo nhà Tiên tri Muhammad của Hồi giáo (Islam) lập nên một Đế quốc trải dài vùng Trung Đông (Middle East) và Bắc Phi (North Africa), dọc theo Địa Trung Hải và cuối cùng chiếm Tây Ban Nha (Spain). Đế quốc bao gồm vùng Palestine, nơi Jesus sống và rao giảng và thành phố Jerusalem, chỗ Jesus bị đóng đinh trên cây Thập tự.
Qua nhiều thế kỷ, người Hồi giáo đã cho phép người Âu châu viếng thăm những chỗ thánh tích của Thiên Chúa Giáo tại Jerusalem.
Năm 1071, người Seljuk Turks thắng Đế quốc Byzantines ở trận Manzikert sau khi chiếm Jerusalem. Dân quân Hồi giáo người Turks (Thổ Nhĩ Kỳ) nầy cũng không dễ dãi như người Fatamids trước họ, khó khăn hơn, không cho người hành hương đến Thánh địa Jerusalem và ngược đãi người Kitô giáo. Hoàng đế của Byzantine cũng sợ hiểm họa cho Đế quốc nên cầu cứu với thế giới Kitô giáo La Tinh (Latin Christendom).
Năm 1095, Hoàng đế Byzantine là Alexius Comnenus chính thức gởi sứ thần cầu cứu sự giúp đỡ với Giáo hoàng Urban II để chống lại người Turks. Giáo hoàng thuyết giảng và kêu gọi Thánh chiến (Holy War) từ những người tình nguyện, trước là giúp Đế quốc Byzantine sau là giải phóng Jerusalem khỏi tay người Turks. Ý kiến được khêu gợi nhiều người ở Âu châu vì nó hổn hợp nhiệt tình tôn giáo và cơ hội chiếm được tiền tài và đất đai.
Từ đó tạo nên những cuộc Viễn chinh Thánh địa của Thập Tự quân (Crusades), nối tiếp liên tục những viễn chinh quân sự chiến đấu để dành lại Thánh Địa (the Holy Land) là Jerusalem bởi người Công Giáo Âu Châu.
Nguyên nhân của những cuộc Viễn chinh Thánh địa:
Về chính trị, thế giới Thiên Chúa Giáo La Tinh chiếm lại đất đai mất về tay người Hồi giáo. Giáo hội Công Giáo La Mã giữ thế thống trị Giáo hội Chính Thống Giáo ở Đế quốc Byzantine.
Về kinh tế, dân Âu châu đã tăng số lượng nên muốn có thêm nhiều đất đai. Các hiệp sĩ thập tự quân (crusading knights) là những nhà tiền phong giang rộng ra để định cư ở những đất nước mới. Cho những người không tìm được đất đai thì "giải phóng" sự giàu có của những kẻ thù bị chiến bại. Những thương gia hàng hải của những thành phố như Venice và Genoa, the cuộc Viễn chinh Thánh địa nầy mở cửa cho những con đường thương mại đến Á châu.
Về tâm linh, những Thập tự quân nghe theo lời kêu gọi của Giáo hoàng, tự cho mình là những người hành hương tham dự vào một thánh chiến. Đó cũng là một con đường để được tha tội. Nó tổng hợp cuộc viễn chinh để đời với sức quyến rủ của đất đai và cướp bóc, cơ hội của vinh quang, và tối hậu là sự hứa hẹn sẽ được cứu rỗi (salvation).
*
Cuộc viễn chinh Thánh địa lần thứ nhất (1096-1099)
Tháng 3, 1095 tại Council of Piaceza của Công giáo, sứ giả của Hoàng đế Byzantine Alexius I yêu cầu giúp đỡ chống lại người Seljuk Turks. Sau đó trong cùng năm 1095, Giáo hoàng Urban II kêu gọi toàn giáo dân Kitô giáo cùng gây chiến chống lại người Turks, hứa hẹn rằng ai chết trong cố gắng thử thách nầy (endeavor) sẽ được giải mọi tội lỗi ngay tức khắc.
Trước cuộc viễn chinh lần thứ nhất, có những nhóm của những người hành hương với vũ khí thô sơ theo lời kêu gọi trực tiếp của 2 Diễn giả Phúc Âm (evangelical orators) là Peter the Hermit và Walter the Penniless. Đa số những người nầy trên đường đi về phương Đông đã bị người Magyars (của nước Hung) ở Đông Âu giết chết. Những người còn lại bị người Hồi giáo tàn sát ở Asia Minor (nay thuộc Turkey). Họ chưa tới được Thánh địa như mong muốn.
Cuộc viễn chinh Thánh địa lần thứ nhất gồm có những đạo quân khác nhau của các Hiệp sĩ: người Frankish, người Flemish và người Normans ở vương quốc Frank từ Âu châu tụ họp ở Asia Minor.
Các Hiệp sĩ và người tham dự viễn chinh đều có hình cây Thập Tự trên áo "tunic" của mình nên gọi là Thập Tự quân (Crusaders). Hoàng đế Thánh La Mã Henry IV và vua Philip I của nước Pháp từ chối không lãnh đạo và tham gia là vì có hiềm khích với Giáo hoàng Urban II.
Từ danh từ "Crusader" nầy, dịch là Thập Tự quân, có danh từ "Crusade" dùng cho "cuộc Viễn chinh quân sự đến Thánh địa". Với ý nghĩa nầy, "Crusade" hiện nay được dịch theo nghĩa đen là Thập Tự chinh. Có sử gia dùng danh từ "Holy War" (Thánh chiến) như đồng nghĩa với "Crusade". Từ nguồn gốc nầy, các chiến dịch quân sự (military campaign) chống Tà giáo sau đó ở Âu châu cũng được Giáo hội Công giáo đặt tên là "Crusade" như chiến dịch quân sự đánh người Cathars ở miền Nam nước Pháp.
Đầu tiên Thập Tự Quân chiếm Nicaea (1097) rồi tiến tới Thánh địa (Holy land) gồm có Jerusalem và Antioch.
Thập Tự quân vây Antioch một thời gian lâu và vào được trong thành (tháng 5, 1098). Người lãnh đạo dân quân Hồi giáo ở Antioch đã bắt buộc những người Kitô giáo ở đây dời ra sống ngoài thành Antioch trước khi bị bao vây và không hại gia đình của họ, chỉ còn người Hồi giáo và Do thái thủ thành. Thập Tự quân (đại đa số là người Franks) chỉ vào được thành khi có người làm phản mở cửa thành và người lãnh đạo chạy thoát được. Khi đã vào thành, theo tiêu chuẩn hành quân, người Franks giết hết dân sự trong thành và tàn phá thành phố.
Thập Tự quân cuối cùng tiến tới thành Jerusalem với số quân còn lại. Người Hồi giáo và Do thái cùng giữ thành Jerusalem chống lại người Franks. Thành thất thủ ngày 15-7-1099. Thập Tự quân lại giết hết những thường dân Hồi giáo và Do thái còn sống sót và tàn phá thành phố và những đền thờ Hồi giáo (mosque).
Sử gia cho rằng "cô lập, xa lạ và sợ hãi" giải thích sự tàn bạo của Thập Tự quân, thậm chí còn ăn thịt người (canibalism) sau trận bao vây Maarat (1098). (Sau khi chiếm Antioch và trước khi đánh Jerusalem, Thập Tự quân tản mát cướp phá những vùng lân cận như Maarat).
Sau đó Thập Tự quân tính chiếm Tyre. Người dân ở đây cầu cứu Zahir-al-Din-Atabek, lãnh tụ của Damascus, hứa rằng cả thành phố sẽ đầu hàng theo ông. Sau khi Zahir-al-Din đánh đuổi được người Frank, người Tyre không giữ lời hứa nhưng Zahir-al-Din chỉ đơn giản trả lời: "Ta chỉ làm cho Allah và người Hồi giáo, không phải vì lòng tham muốn của cải và vương quốc".
Sau khi chiếm Jerusalem, Thập Tự quân lập 4 quốc gia: vương quốc (kingdom) Jerusalem, quận hạt (county) Edessa, tiểu quốc (principality) Antioch và quận hạt Tripoli. Bốn nước được biết với tên chung là Outremer ở dọc theo bờ biển Địa Trung Hải ở Syria và Palestine.
Lãnh tụ của 4 quốc gia nầy là 5 nhà quí tộc lãnh đạo Thập tự chinh lần thứ nhất:
Godfrey of Bouillon, một Hiệp sĩ người Frank, cai trị vương quốc Jerusalem. Ông từ chối làm vua của Jerusalem vì cho rằng chỉ có một người xứng đáng là Vua của Jerusalem chính là Jesus Christ.
Baldwin, một Hiệp sĩ (và là em của Godfrey of Bouillon) cai trị quận hạt Edessa với tước là Count of Baldwin I. Khi Godfrey of Bouillon qua đời vào năm 1110, Baldwin I thay thế, làm vua đầu tiên của vương quốc Jerusalem.
Raymond IV, count of Toulouse, cai trị quận hạt Tripoli
Bohemond I, prince (vương tử) của Taranto, cai trị tiểu quốc Antioch. Người em là Tancred làm Nhiếp chánh (regent).

Lúc đầu trong vương quốc Jerusalem có 120,000 người Franks (là người Công giáo, nói tiếng Pháp) cai trị 350,000 người Hồi giáo, người Do thái và người bản xứ theo Chính Thống giáo. Người Frank là chủng tộc chính của người dân của vương quốc Pháp (kingdom of France) lúc bấy giờ. Sau nầy người Do thái thường được tăng lữ Công giáo che chỡ trong nhà thờ và địa ốc Công giáo.
Có những Thập Tự Quân ở lại để bảo vệ những đất mới của họ trong khi đó có những Thập Tự Quân khác trở về Âu châu mang theo những thứ xa xỉ (luxuries) như tơ lụa và hương liệu (spices) và những ý tưởng mới từ văn hóa Hồi giáo. Thương mại mở mang giữa người Hồi giáo và vài thành phố ở bắc Ý. Trong khi đó người Hồi giáo dần dần hùng mạnh.
Ngay sau cuộc Viễn chinh Thánh địa lần thứ nhất nầy có cuộc Viễn chinh Bắc Âu của người Na Uy (Norwegian Crusade) từ năm 1107 tới năm 1110.
Vua Sigurd I của Na Uy là vua đầu tiên của Âu châu tham gia Viễn chinh Thập Tự quân và quân Thập Tự của vua đến và đánh bại người Hồi giáo ở Tây Ban Nha (Spain), người Baleares. Rồi sau đó vua Sigurd I đem 60 chiếc thuyền vượt biển Địa Trung hải tới Palestine cùng với vua Thập Tự quân Baldwin I của Jerusalem bao vây và chiếm hải cảng Sidon của người Hồi giáo Fatimids.
*
Cuộc viễn chinh Thánh địa lần thứ nhì (1147-1149)
Sau một thời gian dài người Kitô giáo và người Hồi giáo cùng sống hòa bình ở Thánh Địa, người Hồi giáo chiếm Edessa, 1 trong 4 tiểu quốc của Thập Tự quân thành lập sau Cuộc viễn chinh lần thứ nhất. Cuộc Viễn chinh thứ nhì liền được nhiều người ở Âu châu kêu gọi, mạnh nhất là thánh Bernard de Clairvaux.
Quân đội Pháp (dưới quyền của vua Louis VII) và quân đội Đức (dưới quyền của Hoàng đế Conrad III) đi theo đường bộ đến Jerusalem (1147) nhưng không thắng một trận chiến lớn nào hết kể cả bao vây Damascus (1 thành phố độc lập) nhưng cũng không chiếm được rồi thành phố nầy mất vào của 1 lãnh tụ Hồi giáo là Nur-ad-Din-Zangi, kẻ thù chính của Thập Tự quân.
Vua Louis VII của Pháp và Hoàng đế Conrad III của Đức (Đế quốc Thánh La Mã) trở về nước không mang theo chiến thắng.
Trong khi đó Thập Tự quân từ Bắc Âu tới Bồ Đào Nha liên minh với vua Afonso I của Bồ Đào Nha và cùng nhau lấy lại Lisbon từ người Hồi giáo (1147).
Năm 1147, người Bắc Đức (Saxons) và Đan Mạch tấn công người Wends trong cuộc viễn chinh Thập Tự quân đánh người Wends nhưng cũng không thắng lợi. Người Wends gọi là người Tây Slavs hay Slovenes sống ở nước Đức (còn theo Đa Thần giáo trong thời Trung Cổ). Wends còn gọi là Polabian Slavs.
*
Cuộc viễn chinh Thánh địa lần thứ ba (1189-1192)
Năm 1187, Saladin, Sultan của Ai Cập, lấy lại Jerusalem sau Trận Hattin. Trận Hattin diễn ra vào ngày 4-7-1187, quân Hồi giáo dưới quyền của Saladin (Ayyubid sultan Salah-ad-Din) đánh bại Thập Tự quân của nước Thập Tự quân Levant. Đa số Thập Tự quân ở Thánh địa bị bắt hay bị giết. Quân đội Saladin chiếm lại Jerusalem và hầu hết các thành phố thuộc Thập Tự quân. Saladin nổi tiếng ở Âu châu và trong vùng đất Hồi giáo "là người luôn giữ lời hứa và trung tín". Sau khi chiếm Jerusalem, Saladin chừa tất cả dân chúng và không đụng tới nhà thờ hay đền thờ, để có thể lấy tiền chuộc từ người Franks ở đây.
Cả Âu châu chấn động sau chiến thắng của Saladin chiếm được Jerusalem. Giáo hoàng Gregory VIII kêu gọi cuộc Viễn chinh Thập Tự quân lần thứ ba được quân chủ Âu châu hưởng ứng: vua Philip II của Pháp, vua Richard I (Richard the Lion Heart) của Anh và Hoàng đế Frederick I của Đế quốc Thánh La Mã (Đức).
Trên đường viễn chinh, Hoàng đế Frederick chết chìm ở Cilicia (vùng duyên hải phía nam của Asia Minor, ngày nay thuộc Turkey) vào năm 1190 để lại một liên minh Anh-Pháp không vững chắc. Trước khi tới Thánh địa, vua Richard I chiếm đảo Cyprus của Byzantine (1191). Từ đó Cyprus là căn cứ của Thập Tự quân trong nhiều thế kỷ và thuộc về Tây Âu cho đến khi Đế quốc Ottoman chinh phục đảo nầy từ Venice (1571).
Vua Richard I và vua Philip I đến Thánh địa, chiếm Acre (1191) rồi vua Philip I trở về Âu châu.
Thập Tự quân còn lại theo vua Richard I đi về hướng nam dọc theo bờ biển Địa Trung Hải. Họ thắng người Hồi giáo ở gần Arsuf và chiếm lại hải cảng Jaffa. Jerusalem ngay trước mắt nhưng Richard nghĩ rằng dù có chiếm lại được từ Saladin thì một số Thập Tự quân sẽ trở về Âu châu nên ông không thể nào giữ được (Jerusalem).
Cuộc viễn chinh cuối cùng không chiếm được Jerusalem. Vua Richard I rời Thánh địa vào năm sau (1192) sau khi ký hiệp ước với Saladin. Hiệp ước nầy cho phép người hành hương Kitô giáo không mang vũ khí được hành hương ở Thánh địa (Jerusalem). Jerusalem vẫn thuộc người Hồi giáo nhưng vương quốc Thập Tự quân mới ở chung quanh Acre và các hải cảng được tồn tại (gọi chung là Levant).
Trên đường về Anh, tàu của vua Richard I bị bể, vua đi tới Áo thì bị kẻ thù cũ là Bá tước Leopold bắt được, giải tới Hoàng đế Henry VI của Đức. Vua Richard I bị giữ cho đến khi được chuộc tiền ra. Năm 1197, Hoàng đế Henry VI muốn làm cuộc viễn chinh Thập Tự quân kế tiếp nhưng bị chết cùng năm vì sốt rét. Vua Richard I cuối cùng chết khi đánh trận ở Âu châu và không bao giờ trở lại Thánh địa.
Trong thế kỷ 13, Thập Tự quân của các hiệp sĩ Dòng Teutonic (Teutonic Knights) dẫn đầu người Ba Lan, Đức và Pomeranians đối đầu với cư dân Đa Thần giáo ở vùng Prussian (Phổ) trong thời kỳ Viễn chinh ở Prussia.
*
Cuộc viễn chinh Thánh địa lần thứ tư (1202-1204)
Phát động từ Giáo hoàng Innocent III với dự định xâm lăng Thánh địa từ Ai Cập. Vì Thập Tự quân thiếu tiền trả cho chiến hạm chuyên chở và lương thực đã lấy từ những người dân Venice, các người cầm đầu quyết định tới Constantinople. Ở đây họ toan tính đem một người Byzantine lưu vong lên làm Hoàng đế. Sau hàng loạt những hiểu lầm và bạo lực, Thập Tự quân cướp phá Constantinople (năm 1204) và lập nên Đế quốc La Tinh (Latin Empire) và lập liên tiếp sau đó những tiểu quốc Thập Tự quân khác khắp toàn lãnh thổ của Đế quốc Byzantine. Đó được coi là điểm tan vỡ cuối cùng của the Đại Ly Giáo (Great Schism) giữa Giáo hội Chính Thống giáo (Eastrn Orthodox Church) và Giáo hội Công Giáo La (Westetn Roman Catholic Church).
Sau đó hầu hết Asia Minor dưới quyền kiểm soát của giới lãnh đạo Công giáo La Mã, và Đế quốc La Tinh ở miền Đông (Latin Empire of the East) được thành lập. Sau khi Constantinople bị rơi vào Đế quốc La Thinh ở miền Tây (Latin West), Đế quốc Nicaea (Empire of Nicaea) được thành lập, nó là nguồn gốc sau nầy của lực lượng quân chủ Hy Lạp đánh bại lực lượng La Tinh của Âu châu và lập lại nước quân chủ Chính Thống giáo (Orthodoxy monarchy) ở Constantinople và Asia Minor.

*
Từ cuộc Viễn chinh lần thứ nhất, có những Dòng Hiệp sĩ (Chivalric orders) được thành lập để bảo vệ Thánh địa và những người hành hương. Đa số các Hiệp sĩ là người của thế tục nhưng có liên lạc chặc chẽ với giới Tăng lữ. Lần lần các Hiệp sĩ tham gia những viễn chinh khác vì lý do tôn giáo.
Có 3 Dòng nổi tiếng nhất:
Knights of Hospitaller = Hiệp sĩ Cứu tế
Knights Templar = Hiệp sĩ Đền thánh
Teutonic Knights = "Hiệp sĩ Huynh đệ nhân danh Thánh mẫu".
Sau 4 cuộc Viễn chinh Thánh địa nầy, có 5 cuộc Viễn chinh Thánh địa tiếp theo trong thế kỷ thứ 13 nhưng không có qui mô, không gây tiếng vang rộng lớn và không có hậu quả mới.
*
Cuộc viễn chinh Thánh địa lần thứ năm (1217-1221)
Hội nghị Lateran lần thứ 4 (4th Council of Lateran) vào năm 1215 lập ra thể thức để lấy lại Thánh địa.
Trong giai đoạn đầu của cuộc Viễn chinh, lực lượng Thập Tự quân từ Áo và Hung cùng với lực lượng của vua của Jerusalem và hoàng tử của Antioch lấy lại Jerusalem. Trong giai đoạn thứ nhì lực lượng Thập Tự quân chiếm được Damietta ở Ai Cập (1219) nhưng theo quyết định của Sứ thần của Giáo hoàng, Pelagius, họ lại sai lầm tấn công Cairo (tháng7, 1221). Họ bị đẩy lui và phải rút lui vì thiếu lương thực. Sultan Al-Kamil tấn công ban đêm, đánh bại Thập Tự quân và bắt buộc họ phải đầu hàng. Sau đó Al-Kamil ký hiệp ước hòa bình với Âu châu trong 8 năm.
*
Cuộc viễn chinh Thánh địa lần thứ sáu (1228-1229)
Hoàng đế Frederick II của Đức thề sẽ thực hiện viễn chinh nhưng không giữ lời nên bị Giáo hoàng Gregory IX trục xuất (excommunicate) vào năm 1228. Hoàng đế đi thuyền từ Brindisi tới Palestine, và qua tài ngoại giao, Hoàng đế đạt được thắng lợi không ngờ: Jerusalem, Nazareth và Bethlehem được đưa cho Thập Tự quân trong thời gian 10 năm.
Năm 1229, sau khi không chinh phục được Ai Cập, Hoàng đế Frederick II ký hòa ước với Sultan Al-Kamil. Hòa ước nầy cho phép người Kitô giáo cai trị hầu hết Jerusalem trong khi người Hồi giáo được cho quyền kiểm soát the Dome of the Rock và Al-Aksa mosque. Nhiều người Hồi giáo không bằng lòng với Al-Kamil đã nhượng quyền kiểm soát Jerusalem, và vào năm 1244, sau một thời gian bao vây, người Hồi giáo kiểm soát lại Jerusalem.
*
Cuộc viễn chinh Thánh địa lần thứ bảy (1248-1254)
Năm 1243 có trận La Forbie giữa Thập Tự quân còn lại ở Thánh địa liên minh với quân Hồi giáo địa phương thua quân Ai cập của sultan Salih Ayyub (và quân của bộ lạc người Khwarezmian). Trận thua nầy đánh dấu những ngày tàn của vương quốc Outremer.
Vua Louis IX của Pháp tổ chức viễn chinh đánh Ai Cập (1248-1254) sau trận La Forbie ở Gaza (1243). Xuất phát từ hải cảng mới lập Algues-Mortes ở Nam Pháp, cuộc viễn chinh nầy hoàn toàn thất bại. Vua đa số sống ở Acre trong vương quốc của Thập Tự quân.
*
Cuộc viễn chinh Thánh địa lần thứ tám (1270)
Vua Louis IX của Pháp tổ chức, đi từ Algues-Mortes để đến tiếp viện phần còn lại của vương quốc Thập Tự quân ở Syria. Nhưng cuộc viễn chinh lại đổi hướng tới Tunis, tại đây vua ở 2 tháng trước khi chết. Với nổ lực nầy, vua được phong thánh.
*
Cuộc viễn chinh Thánh địa lần thứ chín (1271-1272)
Vua tương lai Edward I của Anh làm một cuộc viễn chinh chống lại Baibars năm 1271, sau khi có theo vua Louis trong cuộc viễn chinh lần thứ tám. Baibars là Sultan thứ tư của triều đại Mamluk Bahri ở Ai Cập. Cuộc viễn chinh nầy thất bại hoàn toàn và là cuộc viễn chinh cuối cùng.
*
Triều đại Mamluk của Ai Cập là đe dọa cho vương quốc của Thập Tự quân còn lại ở Thánh địa. Thập Tự quân muốn liên minh với người Mông Cổ khi có cuộc viễn chinh Mông Cổ ngang Trung Đông như không trên đường đi của quân Mông Cổ (chỉ có qua Damascus chứ không xa hơn nữa về phương tây). Trong trận Ain Jalut (1260), Baibars đánh bại quân Mông Cổ làm tan hy vọng của Thập Tự quân.
Sau đó Triều đại Mamluk lần lần chiếm Antioch (1268), Tripoli (1289) và Acre (1291). Những người Kitô giáo không kịp trốn thoát đều bị giết hay bán làm nô lệ và dấu vết cuối cùng của cai trị của người Kitô ở nước Levant biến mất.
*
Hậu quả của những cuộc Thập Tự chinh:
Về mặt tinh thần, Giáo hội mất tín nhiệm toàn cầu.
Về chính trị, nó giúp làm suy yếu chế độ phong kiến vì nhiều nhà quí tộc bị giết chết trong chiến dịch.
Về kinh tế, chiến dịch viễn chinh Thập Tự quân có thắng và có thua. Giáo hội và giới quí tộc mất mát về tài chánh vì phải trợ giúp những cuộc viễn chinh. Mặt khác Thập Tự quân mang về Âu châu nhiều sản phẩm được quần chúng ưa thích. Nhờ đó Thương gia, ngân hàng và các chủ thuyền có cơ hội trở nên giàu có trong thương mại. Họ làm kinh tế phát triển mạnh dựa trên tiền tệ chứ không nhờ trên đất đai. Được hưởng lợi ngay tức thì là các "thành phố-quốc gia" (city-state) như Venice, Florence và Genoa. Các thành phố ở Ý nầy lại đóng vai trò như ngân hàng cho các quốc vương Âu châu, cho họ mượn tiền thực hiện những chương trình to lớn.
Hậu quả văn hóa của Thập Tự chinh thì là nghi vấn. Những tiếp xúc của Âu châu với khoa học, triết lý, và y học đã xảy ra hàng thế kỷ trước ở Spain, chứ không ở Asia Minor hay Thánh địa. Tuy nhiên kinh nghiệm viễn du và sống ở những xứ lạ tạo ra tánh hiếu kỳ và mở mang của người Âu châu, như vậy họ chuẩn bị cho giác ngộ văn hóa bắt đầu vào thế kỷ 12 và 13.
TÀ GIÁO VÀ TÒA ÁN DỊ GIÁO
*
Tòa án Dị giáo trong Giáo phận
Những chỉ trích về sự thối nát và giàu sang của Giáo hội trong thời Trung Cổ tạo ra một số vận động cải cách. Than phiền về những lạm dụng đôi khi sinh ra tấn công giáo sĩ. Theo Giáo hội thì một ý kiến hay niềm tin phản lại giáo điều của Giáo hội là Tà giáo (Heresy). Người Tà giáo (Heretics) được coi là hiểm họa cho Giáo hội Công giáo Trung Cổ.
Từ năm 1184, Tòa Thánh lập ra Tòa án Dị giáo (Inquisition) để truy tầm và đàn áp Tà giáo. Một loạt nhiều Tòa án Dị giáo được Giáo hội Công giáo lập ra để kết tội và với mục đích diệt Tà giáo (Heresy). Đó là Tòa án Dị giáo từ Giám mục trong Giáo phận (1184-1230).
Sau đó trong lịch sử tiếp tục có Tòa án Dị giáo của Giáo hoàng rồi Tòa án Dị giáo của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Tòa án Dị giáo trong Giáo phận = Episcopal Inquisiton
Tòa án Dị giáo của Giáo hoàng = Papal Inquisition
Tòa án Dị giáo của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha = Inquisition of Spain and Portugal
*
Tòa án Dị giáo của Giáo hoàng
Tòa án Dị giáo của Giáo hoàng trong toàn thế giới Công giáo từ năm 1221 và kéo dài khoảng 1 thế kỷ. Nó phát động từ Giáo hoàng để đáp lại những vận động Tà giáo của những người bỏ đạo (apostate) chống lại Công giáo nhất là người Cathars ở nam Pháp và bắc Ý. Trước đó Giáo hoàng Inocent III đã tổ chức cuộc Viễn chinh Albigensian (Albigensian Crusade) để dẹp những người Cathars nầy ở Languedoc.
Trước hết có những Quan tòa của Tòa án Dị giáo (Inquisitors) do Giáo hội cử đi hoạt động để tìm ra và trừng phạt những người Tà giáo (Heretic).
Một Quan tòa tới một chỗ nghi ngờ có hiện diện của Tà giáo, ra lệnh cho người cư dân tiết lộ những gì biết về láng giềng của mình. Tên của nhân chứng được giữ kín, nên có sự cám dỗ mạnh mẽ để lấy điểm. Từ năm 1252, theo một sắc lệnh (bull) của Giáo hoàng Innocent IV thì người bị tình nghi Tà giáo có thể bị tra tấn để lấy lời thú tội.
Quan tòa tuyên bố hình phạt ở chỗ họp công cộng với người bị kết tội dẫn đến đó để nghe số phận của mình. Những hình phạt (penalties) là nhịn đói, hành hương, mang cây thập tự màu vàng, tịch thu tài sản, đánh bằng roi (flogging), hay bị tù trong một thời gian hay suốt đời. Nhưng hình phạt không thể có đổ máu nên không bản án tử hình. Như vậy những người bị kết tội phải chết bị chuyển sang cho người có quyền thế tục, họ biết bổn phận Kitô giáo của mình và sẵn sàng đáp ứng. Chết bởi hỏa thiêu tại hiện trường được thực hiện theo hình phạt truyền thống cho người Tà giáo giúp cho đúng ý nghĩa "không đổ máu".
Tòa án Dị giáo của Giáo hoàng kéo dài trong 2 thế kỷ cho tới hỏa thiêu của John Huss và Joan of Arc vào thế kỷ thứ 15, chính thức chấm dứt trong năm 1478. Nó chính thức bắt đầu trong năm 1221 nhằm tiêu diệt người Tà giáo Albigensians (người Cathars theo Thanh giáo)
*
Cuộc viễn chinh Albigensian và Tòa án Dị giáo dẹp người Cathars
Người Tà giáo ở Nam nước Pháp, người Cathar theo giáo phái Thanh giáo (puritanical sect), còn gọi là người Albigensians.
Đầu thế kỷ thứ 13, Tòa thánh sai nhiều Giám mục tới Toulouse giảng đạo chống Tà giáo Cathar nhưng thất bại. Năm 1206, Dominic de Guzman theo 1 giám mục Tây Ban Nha tới Toulouse. Ông cho rằng người giảng đạo Kitô giáo (christian preachers) phải học từ người Cathars. Họ phải sống đơn giản thì người dân mới nghe theo lời dạy của mình. Đây là bắt đầu hệ thống Dominican về cách giảng dạy Phúc Âm (evangelical preaching) sau nầy vì Dominic là người trong tương lai sẽ lập ra Dòng tu Dominicans. Phương cách của Dominc đạt được thành công lúc đầu. Năm 1207, ông thiết lập một Nữ tu viện (convent) ở Prouille, trong đỏ các nữ tu chuyển đạo từ Tà giáo Cathar. Nữ tu viện nầy thành trung tâm truyền giáo của ông.
Tuy nhiên vào tháng 1, 1208, sứ thần của Giáo hoàng đến Toulouse bị ám sát. Năm 1209, Giáo hoàng Innocent III kêu gọi các lãnh chúa phong kiến (feudal lords) của Công giáo Âu Châu tiêu diệt những người Tà giáo, phát ra sự tàn bạo của cuộc viễn chinh Albigensian (Albigensian crusade).
Simon de Monfort và quân Pháp vây và chiếm thành Carcassonne của người Cathars ở Nam Pháp (năm 1209). Vua Peter II của Aragon (Spain), một người theo Chính Thống giáo, liên minh với thủ lãnh Albigiensian là Công tước Raymond VI of Toulouse. Quân Pháp của Monfort đánh bại liên quân nầy ở trận Muret và giết vua Peter II rồi tiến chiếm Toulouse (1213). Raymond chiếm lại Toulouse và chỉ còn thủ trong thành Toulouse (1217).
Năm 1226, Monfort thành vua Louis VIII của Pháp lại đánh Toulouse và con của Raymond xin hòa (1229).
Vì người Cathars vẫn sống sót sau cuộc viễn chinh Albigensian thứ nhất của quân Pháp. Từ đó Giáo hoàng bắt đầu chương trình Tòa án Dị giáo (1221).
Tòa án Dị giáo (Inquisition) dẹp người Cathars nầy có những chi tiết lạ. Giáo hoàng gởi vài Thầy Dòng Dominican tới Toulouse để diệt tận gốc người Tà giáo (1233). Vài Quan tòa từ "săn bắn bất hợp pháp" (poacher) thành người "bảo trì" (gamekeeper). Robert le Bougre lại theo Thanh giáo của người Cathar vì là một chàng trai trẻ, ông lại yêu một cô gái Cathar. St Peter Martyr sinh từ một gia đình người Cathar.
Tuy nhiên người Albigensians bị hoàn toàn tiêu diệt sau khi thành trì chống giữ kiên cố của họ bị sụp đổ ở Montsegur (1244).
*
Tòa án Dị giáo của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha
Giáo hoàng Sixtus IV vào năm 1478 cho phép Ferdinand và Isabelle chỉ định Quan tòa để làm chắc chắn là người Do Thái Tây Ban Nha (Spanish Jews) thật sự chuyển theo Kitô giáo chứ không giả vờ. Sau người Do Thái, mục tiêu của Tòa án Dị giáo là những người Hồi giáo (Muslims) và những loại người Á châu hay Mỹ châu khác nhau. Theo truyền thống thì tu sĩ Dominicans, trong đó có Torquemada, làm công việc nầy. Tòa án Dị giáo của Tây Ban Nha là sự kéo dài của những gì đã làm của Tòa án Dị giáo của Giáo hoàng.
Cũng có chương trình Pháp Đình ở Bồ Đào Nha nhưng nhẹ hơn ở Tây Ban Nha.
GIÁO HOÀNG VÀ TÒA THÁNH TRONG THỜI HẬU TRUNG CỔ
*
Giáo Hoàng và vương quốc Sicily (1254-1282)
Năm 1254, vua Sicily là Conrad IV chết (con của Hoàng đế Frederick II của triều đại Hohenstaufen). Con không chính thức của Conrad IV là Manfred và con chính thức nối ngôi là Conradin (chỉ mới 2 tuổi). Vương quốc Sicily (gồm Sicily và Nam Ý) là chư hầu của Giáo hoàng nên cần có nhà lãnh đạo theo Tòa Thánh.
Đầu tiên Tòa thánh muốn dâng ngai vàng cho con của Henry III, vua của Anh, nhưng người Anh không chú ý tới. Năm 1258, Manfred sắp đặt lễ đăng quang của mình. Chuyện nầy đem đến thương nghị với Tòa thánh ở Rome nhưng cuối cùng đổ bể (1263). Giáo hoàng Urban IV muốn cho Charles of Anjou, em của Louis IX, vua của Pháp làm vua của vương quốc Sicily (và Naples) gồm Sicily và Nam Ý. Charles of Anjou đem quân Pháp đến Ý, và giết Manfred trong trận Benevento năm 1266. Hai năm sau đó Conradin (16 tuổi) bị bắt và giao cho Charles of Anjou. Charles of Anjou đem Conradin xử tử trong một buổi lễ trước công chúng ở Naples. Triều đại Angevin từ Charles of Anjou bắt đầu ở Sicily và Nam Ý.
Sicily và Nam Ý thành ra trong tay của người Pháp với sự vừa ý của Tòa thánh ở Rome và đổi tên là vương quốc Naples. Người Pháp và Tòa Thánh có cùng lòng hiếu chiến đối với Đế quốc Đức (Đế quốc Thánh La Mã). Ở Ý có đảng Guelphs của Giáo hoàng và đảng Ghibellines ủng hộ Đế quốc Đức. Giáo hoàng rất mừng có người Pháp, kẻ thù của người Đức là láng giềng phía nam của mình.
Người bản xứ Sicilians không chịu người Pháp tới vì đất bị thuộc về quí tộc phong kiến và đóng thuế nặng để trả tiền quân phí cho Charles of Anjou. Sự bất bình chính quyền của triều đại Angevin nầy bùng nổ trong vương quốc Naples với những người nổi loạn gọi là Sicilian Vespers (năm 1282). Nam Ý và đảo Sicily lâm vào tình trạng hổn loạn trong 2 thế kỷ. Hai địch thủ: một bên là người Pháp Angevin và Tòa thánh và một bên là người Tây Ban Nha Aragonese thường được Đế quốc Đức ủng hộ.
*
Những Giáo Hoàng lang thang (1257-1309)
Rome trở thành bất ổn vì có 2 phe: theo Tòa thánh (được người Pháp ủng hộ) và theo Đế quốc Thánh La Mã (Đức). Rồi sau đó có rối loạn ở Sicily trong vương quốc Naples ở phía Nam. Giáo hoàng và triều đình riêng của mình (Roman Curia) phải di chuyển tới ở nhiều chỗ: Viterbo, Orvieto, Perugia...
Khi một Giáo hoàng chết, Hội đồng Hồng y (College of Cardinals) gặp ở chỗ Giáo hoảng chết để bầu Giáo hoàng mới.
*
Giáo hoàng Boniface VIII và vua Philip IV của Pháp
Sau vua Louis IX (trong chiến dịch viễn chinh dẹp người Cathars) và Charles of Anjou, em của Lois IX, (trong chiến dịch ở Sicily và Naples); liên quan giữa Tòa Thánh và Pháp vẫn còn nhưng không thuận lợi cho Tòa thánh vào cuối thế kỷ 13. Từ đó Giáo hoàng và Tòa thánh bị lệ thuộc vào quân chủ và quí tộc người Pháp
Thời gian trị vì của Giáo hoàng Boniface VIII (1294-1303) đánh dấu khởi điểm xuống dốc của quyền lực và vinh quang của Giáo hoàng trong thời Trung Cổ.
Giáo hoàng Boniface có nhiều đặc điểm. Sử gia có tả ngài: "hành động rọn rén như con chó sói (fox), trị vì như con sư tử và chết như con chó". Giáo hoàng thường mặc áo vua, đội vương miện có nhiều nữ trang và hay than rằng: "ta là Caesar, ta là Hoàng đế". Và Giáo hoàng hay dạy rằng: Giáo hoàng có cả hai cây kiếm, thế tục và tâm linh.
Giáo hoàng Boniface VIII:
ra công sửa nhà thờ, phục hồi thư viện Vatican và thích nghệ thuật.
đặt ra "Năm Thánh" đầu tiên (1st Holy Year with The Jubilee) vào năm 1300: (Giáo hoàng) tha hoàn toàn tất cả tội lỗi cho những ai thăm Thánh đường St Peter vào năm đó. Do đó Tòa thánh làm tiền nhiều từ người hành hương thăm viếng Rome.
Trong thế giới chính trị, Giáo hoàng không hòa giải được xung đột giữa Naples (Nam Ý), Venice và Genoa.
Từ năm 1296, Giáo hoàng Boniface VIII chống chọi với vua Philip IV của Pháp về vấn đề nhà vua có quyền đánh thuế và kỷ luật giáo sĩ trong lãnh thổ của mình không cần Giáo hoàng cho phép.
Từ đó lại kéo đến tranh đấu về việc phong chức Giám mục (Investiture controversy).
Năm 1296, Papa bull Clericis Laicos đe dọa trục xuất khỏi Giáo hội những ai dám đánh thuế giáo sĩ.
Thật ra vua Philip IV cùa Pháp (và vua Edward I của Anh) chỉ muốn đánh thuế giáo sĩ để làm tiền cho chiến dịch quân sự. Năm 1302, vua Philip IV cấm (embargo) sản xuất nữ trang từ lãnh địa của mình làm giảm lợi tức của Giáo hoàng.
Giáo hoàng Boniface VIII nhượng bộ cho rằng có thể đánh thuế cho sự cần thiết quốc phòng.
Năm 1301, một bộ trưởng của Philip IV cho rằng gươm của Philip làm bằng thép còn Giáo hoàng chỉ làm ra bằng lời nói (word). Vài tháng sau Giáo hoàng Boniface ra sắc lệnh Unam Sanctam (1302) tuyên bố quyền tối cao (sovereignity) của Giáo hội, tất cả con người (human beings) là thần dân (subject) của Giáo hoàng ở Rome.
Từ năm 1297, vua Philip IV sửa soạn lật đổ Giáo hoàng Boniface VIII căn cứ trên bầu cử bất hợp pháp, Tà giáo, Mua bán chức (Simony) và không đạo đức (immorality). Có một số nhà thờ cũng kêu gọi như vậy.
Năm 1303, cho rằng có sự bất thường trong việc bầu Boniface VIII làm Giáo hoàng nên vua Philip IV sai sứ giả sang Rome điều tra nhưng với mục đích khơi lên sự nổi loạn chống lại Giáo hoàng. Giáo hoàng Boniface gần ra sắc lệnh trục xuất vua Philip thì sứ giả của vua Philip là Guillaume de Nogaret lập ra một toán quân và tấn công bất thình lình Giáo hoàng Boniface (86 tuổi) lúc đang nghỉ hè ở 1 ngọn đồi của núi Apennine nơi sinh quán (của Giáo hoàng) là Anagni. Họ xông vào phòng ngủ, bắt giữ và cầm tù Giáo hoàng trong vài ngày. Được người dân Anagni giải cứu và đem về Rome, Giáo hoàng Boniface VIII chết 4 tuần sau đó.
Uy tín của Giáo hoàng bị suy giảm đáng kể còn quyền lực của vua Philip IV của Pháp tăng lên trong thời kỳ nầy. Từ đó các quân chủ của các quốc gia nổi lên chối bỏ quyền hành trong lãnh vực tâm linh của Giáo hoàng.
*
Giáo hoàng và Tòa thánh ở Avignon (1309-1377)
Trong suốt thế kỷ 14, quân chủ Pháp rõ ràng có các Giáo hoàng trong "túi" của mình. Vua Philip IV chọn một Giáo hoàng người Pháp, Clement V (1305-1316) kế vị Giáo hoàng Boniface.
Năm 1309, Giáo hoàng Clement V chuyển tổng hành dinh của mình sang Avignon (ở đông nam nước Pháp) chuẩn bị hội nghị ở Trung Pháp theo tố cáo của vua Philip IV về Dòng Hiệp sĩ Templars. Cuối cùng dòng nầy bị Giáo hoàng dẹp bỏ theo ý của vua nước Pháp.
Tuy nhiên thật ra Avignon thuộc protégé của Giáo hoàng là triểu đại Angevin ở vương quốc Naples (Nam Ý và Sicily). Sau đó các Giáo hoàng bắt đầu ở luôn ở Avignon từ 1309 cho tới 1378, có tất cả một loạt 7 Giáo hoàng ở tại Avignon thay vì ở Rome. Giai đoạn nầy được lịch sử gọi là Sự Giam cầm Babylon ( Babylonian captivity) vì Giáo hoàng và Tòa thánh dưới ảnh hưởng của vua nước Pháp.
Avignon có địa thế ở trung tâm: đường từ Anh sang Ý và từ Đức sang Spain. Avignon yên ổn hơn Rome, lúc đó trong tình trạng hỗn loạn vô chính phủ (anarchy) khống chế bởi những gia đình quí tộc hiếu chiến và những băng đảng của "condotierri". Giáo hoàng dễ làm việc hơn ở Avignon và một lâu đài được cất ử đây cho xứng đáng với Giáo hoàng từ năm 1334.
Tuy nhiên uy tín của Giáo hoàng bị mất từ Rome, tòa giám mục của Thánh Peter. Và lãnh thổ, Lãnh địa Giáo hoàng, là thuộc Ý. Về sử địa, Rome tốt hơn Avignon cho sự phát triển của Tòa Thánh.
*
Đại Ly Giáo = Ly Giáo Của Giáo Hoàng (1378-1417)
Đại Ly Giáo (Great Schism) còn gọi là Ly Giáo ở Miền Tây (Western Schism) hay Ly Giáo của Giáo hoàng (Papal Schism).

(Ảnh hưởng của Đại Ly Giáo, thế kỷ thứ 15)
Sau khi về Rome ngắn hạn trong 3 năm (từ 1367), Giáo hoàng Gregory IX cuối cùng từ giả Avignon về ở luôn ở Rome (1377).
Nhưng sau khi dời về Rome được 1 năm thì Giáo hoàng Gregory IX chết. Người dân ở Rome cảm thấy bị đe dọa, đòi phải có một Giáo hoàng mới là người cư dân của Rome hay ít nhất là người Ý. Năm 1378, Mật nghị Hồng y bầu Giáo hoàng Urban VI là người Ý ở Naples (Nam Ý). Việc nầy trái ý các Hồng y người Pháp. Các Hồng y người Pháp rút ra khỏi Mật nghị (conclave) và bầu một người Pháp, Robert de Geneva làm Giáo hoàng khác. Đó là Giáo hoàng Clement VII. Từ 1379, Giáo hoàng Clement VII trở về ở Avignon trong khi Giáo hoàng Urban VI ở Rome.
Thế là thời kỳ Đại Ly Giáo (great schism) bắt đầu. Từ đó trong gần 40 năm cùng một lúc có 2 Giáo hoàng với 2 triều đình (curias) và 2 Hội đồng Hồng y, mỗi Hội đồng tự bầu Giáo hoàng mới cho Rome hoặc Avignon khi Giáo hoàng cũ qua đời. Mỗi Giáo hoàng vận động khắp Âu châu cho sự ủng hộ. Các quốc vương (và Hoàng đế Thánh La Mã) và vương tử không thật tình với Giáo hoàng nào hết, đổi sự trung thành khi được có lợi ích dâng ra từ Giáo hoàng.
Năm 1409, một hội nghị được triệu tập ở Pisa để giải quyết vấn đề. Hội nghị công bố 2 Giáo hoàng đương nhiệm là chia rẽ (schismatic): Gregory XII ớ Rome và Benedict XIII ở Avignon, và bầu 1 Giáo hoàng thứ 3 (người ở Pisa), Alexander V. Nhưng không ai thuyết phục 2 Giáo hoàng đương nhiệm từ chức. Như vậy Giáo hội có 3 Giáo hoàng cùng một lúc.
Một hội nghí khác được triệu tập ở Constance (1414) để giải quyết vấn đề 3 Giáo hoàng và cứu xét tư tưởng cấp tiến của John Wycliffe và John Huss. Đó là Hội nghị Constance (1414-1417). Tháng 3, 1415, Giáo hoàng đương nhiệm của nhóm Pisa (John XIII) giả dạng trốn khỏi Constance, sau khi đến dự hội nghị. Giáo hoàng John XIII bị bắt lại, cầm tù và truất phế vào tháng 5, 1414.
Giáo hoàng Gregory XII của Rome từ chức vào tháng 7, 1414.
Giáo hoàng Benedict XIII của Avignon từ chối không tới Constance và được Hoàng đế Đức là Sigismund ủng hộ nên không từ chức. Hội nghị cuối cùng truất phế Giáo hoàng Benedict (tháng 7, 1414). Từ chối không chịu bỏ chức và về ở một lâu đài kiên cố ở bờ biển Tây Ban Nha, Giáo hoàng Benedict XIII vẫn làm nhiệm vụ như Giáo hoàng, phong Hồng y và ra sắc lệnh cho tới khi chết vào năm 1423.
Hội nghị Constance cuối cùng dẹp được 3 Giáo hoàng cũ (tháng 7, 1414) và toàn thể bầu một Hồng y làm Giáo hoàng mới (tháng 11, 1417). Vị Hồng y nầy lại là chưa hề thụ phong giáo sĩ (ordained). Do đó trong những ngảy liên tiếp, ông được nhanh chóng qua tất cả các giai đoạn thụ phong của hàng giáo phẩm: thụ phong là Thầy Trợ tế (deacon) rồi Linh mục (priest), được phong chức Giám mục và lên ngôi thành Giáo hoàng. Đó là Giáo hoàng Martin V.
Thời kỳ Ly giáo của Giáo hoàng chấm dứt. Tiếp theo là thời đại Phục Hưng huy hoàng của các Giáo hoàng và Tòa thánh của Rome. Lịch sử Công giáo bước vào thời Cận Đại.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Tài Liệu Tham Khảo
Lịch Sử Kitô Giáo Thời Cổ Đại - phanthuonghai.com (Phan Thượng Hải)
Lịch Sử Công Giáo Thời Cận Đại - phanthuonghai.com (Phan Thượng Hải)
World History Dates (Jane Chisholm)
Europe (Michael Kort)
The Middle East And North Africa (Reeva Simon)
History of The World (Plantagenet Somerset Fry)
Atlas of European History (Times Book)
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
_____________________________________
BÀI 1:
LỊCH SỬ KITÔ GIÁO THỜI CỔ ĐẠI
(Phan Thượng Hải)
Từ Jesus (Giê-su / Gia tô) có một tôn giáo là Christianity (tiếng Anh).
Là người Do Thái, Jesus được các Tông đồ, cũng là người Do Thái, gọi là "Đấng cứu thế" (savior) mà tiếng Do thái là Messiah. Messiah dịch ra tiếng Hy Lạp là Christo và tiếng La Tinh là Christus, chuyển thành tiếng Anh là Christ.
Christianity là từ Christ (Christo và Christus), có nghĩa là: Tôn giáo của Christ, Đấng cứu rỗi thế gian. Dịch âm thành tiếng Việt của Christo là Kitô và của Christus là Cơ Đốc.
Do đó Christianity được dịch ra tiếng Việt là Kitô giáo hay Cơ Đốc giáo. Theo hiện đại, tác giả dùng từ ngữ "Kitô giáo".
Thời Cổ Đại (Antiquity) chấm dứt vào năm 476 khi Odoacer lật đổ Hoàng đế Romulus Augustulus của Đế quốc Tây La Mã ở Rome, trở thành vua của Ý (King of Italy) và Đế quốc Tây La Mã chấm dứt. Thời kỳ sau năm 313 thường gọi là Hậu Cổ Đại (Late Antiquity).
TRONG THỜI KỲ CỔ ĐẠI (ANTIQUITY)
(1-312)
*
Jesus Christ
Kitô giáo bắt đầu bởi Jesus trong thời gian Hòa Bình La Mã (Pax Romana) từ Hoàng đế Augustus.
Jesus sinh ra trong một gia đình người Do Thái ở Nazareth, một làng nhỏ thuộc tỉnh Galilee của Đế quốc La Mã (Roman Empire). Khi vào khoảng 30 tuổi, ngài bắt đầu rao giảng cho mọi người là Nước Trời (Kingdom of God) gần xuất hiện trên Địa cầu. Muốn được cứu rổi (saved), ngài nói, con người cần có thay đổi về đạo đức (moral transformation), về ăn năn (repentance), sống cho phải đạo (right living) và có lòng thương người (loving heart). Ngài rao giảng Đức tin (faith), Hy vọng (hope) và Tình thương (love).
Mặc dù Jesus là người Do Thái truyền thống (Hebrew), có người Do Thái đương thời không bằng lòng vì cho rằng Jesus không nhìn nhận luật Do Thái truyền thống (Hebrew law). Nhà cầm quyền của Đế quốc La Mã coi Jesus là một đe dọa (threat), có thể nghi ngài là một "Người cuồng tín" (Zealot), một trong tông phái của Do Thái giáo thúc đẩy dân chúng dùng vũ khí nổi loạn chống Hoàng đế và Đế quốc. Một tông phái (sect) là một nhóm hay tổ chức bên trong một tôn giáo. Jesus bị bắt xử tại tòa án của Đế quốc La Mã ở Jerusalem và xử tử bằng đóng đinh trên cây Thập tự (Crucifixion), một phương tiện tàn bạo để xử tử thường dùng bởi người La Mã.
Những đệ tử (disciples or followers) của Jesus tin rằng vào ngày thứ ba sau khi chết và để trong mộ đá, Jesus sống lên từ cái chết. Họ giải nghĩa biến cố nầy như là chứng cớ là Jesus là Con của Thiên Chúa (Son of God), người đã xuống Địa cầu để cứu tất cả nhân loại. Họ tin rằng Jesus là Messiah (tiếng Do Thái), hay theo tiếng Hy Lạp là Christos và dịch ra tiếng Anh là Christ. Messiah dịch nghĩa là "Đấng cứu thế" (the Savior) đã được hứa hẹn theo các nhà Tiên tri (prophets) trong kinh thánh của Do Thái giáo (Judaism). Những đệ tử của Jesus cho rằng họ phải có bổn phận là rao giảng khắp nơi Tin Lành (good news), hay là Phúc Âm (Gospel) nầy cho những người khác ở khắp nơi.
*
12 Thánh Tông đồ
Jesus cỏ 12 đệ tử thân cận nhất trước khi ngài chịu nạn gọi là Tông đồ. Tông đồ cuối cùng qua đời là John, hay John the Apostle, ở Anatolia (vào năm 100).
Do đó giai đoạn đầu của Kitô giáo từ 1-100 gọi là Giai đoạn Tông đồ (Apostolic period).
12 Tông đồ gồm có:
1. Simon hay Simon Peter. Thường được biết là Peter, thánh Peter; theo lịch sử là Giáo hoàng đầu tiên.
2. Andrew: em của Simon Peter. Trước là môn đồ của John the Baptist. Tông đồ trước tiên của Jesus.
3. James: anh của John, con của Zebedee.
4. John: em của James, con của Zebedee. Người viết Phúc Âm.
5. Philip
6. Thaddeus: em của Simon
7. Bartholomew
8. Thomas
9. James: thường gọi là James the Less, anh của Matthew
10. Matthew: người Thu thuế; em của James the Less. Người viết Phúc Âm.
11. Simon the Zealot or Simon the Canaanites
12. Judas Iscariot: người bán Jesus. Được thay thế bởi Matthias.
Judas Iscariot sau khi bán Jesus thì hối hận nên tự tử trước khi Jesus sống lại (trong ngày thứ ba).
Tương truyền tất cả 12 Tông đồ đều tuẫn đạo trừ John, chết già vào năm 100 ở Anatolia. Chỉ có sự tuẫn đạo của James of Zebedee được ghi trong Tân Ước. Ngoài ra chỉ có ghi nhận trong lịch sử sự tuẫn đạo của Peter (cùng với Paul) ở Rome dưới thời Hoàng đế Nero (năm 64). Do đó sử gia cận đại nghi ngờ sự tuẫn đạo của các Tông đồ khác là có thiệt.
Có 2 Tông đồ viết Phúc Âm: Matthew và John.
*
Thánh Paul
Đáng kể nhất trong những nhà truyền giáo lúc đầu là Paul, người khác những Tông đồ, là biến Kitô giáo (Christianity) từ một tông phái của Do Thái Giáo (Jewish sect) thành ra một tôn giáo độc lập của toàn thế giới.
Là một người Do Thái nói được tiếng Hy Lạp từ Tarsus của Asia Minor, Paul tin rằng tất cả mọi người (là người Do Thái hay không phải là người là Do Thái) đều có thể có đời sống vĩnh cửu (eternal life) trong Nước Trời (kingdom of God). Người không phải là người Do Thái (Non-Jews) được gọi là Gentile, dịch là người "ngoại đạo". Nước Trời là chữ dịch lúc đầu của "Kingdom of God" nhưng sau nầy có thể dịch là "Thiên Đàng" (Heaven).
Cho những "Người ngoại đạo" (Gentiles) nào chấp nhận khái niệm của người Do Thái về Một Thiên Chúa (single God) nhưng ngại về vài luật lệ của Do Thái về cách cư xử (rules of behavior), Paul tuyên bố rằng Luật Do Thái đã được thay thế bằng Giáo điều của Jesus (Teachings of Jesus).
Paul trước là người ngược đãi người Kitô giáo. Theo Tân Ước, ngài trên đường đi tới Damascus thì gặp Jesus hiện lên nên chuyển theo Kitô giáo.
Trong thời gian truyền đạo của Paul (34-64), Kitô Giáo (Christianity) thu được nhiều tín đồ Hy Lạp và La Mã trong Đế quốc La Mã.

*
Cơ cấu của sự cai quản nhà thờ và tòa Giám mục (Structure of Episcopacy) và Hàng giáo phẩm (Hierachy of clergy) còn sơ lược trong thời Cổ Đại.
Cộng đồng (community) của những tín đồ Kitô giáo tập hợp thành hội đoàn (congregation) ở từng địa phương để hội họp tham dự lễ và nghe giảng dạy đạo. Người hành lễ, giảng dạy giáo lý và truyền đạo là Linh mục (priest) thường được gọi vào thời kỳ nầy là Thầy Tư tế (presbyter) hay Đàn anh (Elder). Có Thầy Trợ tế phụ tá cho Linh mục (= Thầy Tư tế). Chỉ có Linh mục được thi hành những phép Bí Tích trong khi hành lễ.
5 Cộng đồng Kitô giáo lớn (ở những thành phố lớn lúc bấy giờ) thì được quản trị bởi Tòa Giám mục (See) có Giám mục (Bishop) cầm đầu. Giám mục có nhiều giáo sĩ (Linh mục và Thầy Trợ tế) phụ giúp và còn quản trị những cộng đồng địa phương chung quanh do Linh mục trông coi. Giám mục trong thời kỳ nầy gọi là "Giám thị Tòa Giám mục" (Overseer) hay theo tiếng Hy Lạp là Episkopos. Những Tòa Giám mục thành hình trong thời kỳ nầy là: Rome, Antioch, Alexandria và Jerusalem. Về sau Constantinople mới tách ra khỏi Antioch mà thành Tòa Giám mục thứ 5.
Tín ngưỡng (worship) chỉ diễn ra trong những căn nhà của tín đồ được chỉ định, có khi trong vòng bí mật (khi Kitô giáo bị chính quyền của Đế quốc La Mã ngược đãi). Lúc đầu những nơi hội họp tín ngưỡng nầy gọi là Nhà Thờ (church). Đó là nguồn gốc của từ ngữ "Nhà thờ".
*
Thánh Kinh (Bible = Biblical Canon)
Giáo lý của Kitô giáo nằm trong Thánh Kinh. Thánh kinh của Kitô giáo gồm có Cựu Ước (Old Testament) và Tân Ước (New Testament). Tân Ước thêm vào theo thời gian, viết về các Tông đồ trong Cộng đồng sớm nhất của Kitô giáo.
Cựu Ước đã có sẵn, là thánh kinh (scripture) của người Do Thái và Do Thái giáo.
Tân ước gồm có Sách Phúc Âm và những Lá thư, đa số là của Paul (tới hết thế kỷ thứ 1)
Sách Phúc Âm (Gospels) là những Truyền ký (memoirs) của Tông đồ (Matthew, Luke, Mark và John). Sách Phúc Âm có 4 thánh thư (canons) gọi là Tetramorph, thành hình hoàn toàn vào thời của Irenaeus (khoảng 160).
Đến đầu thế kỷ thứ 3, Origen of Alexandria dùng 27 quyển (books) giống như là Tân Ước bây giờ. 27 quyển nầy cũng được ghi trong Lá thư Phục sinh (Easter letter) của Atthanasius vào năm 367. Tân Ước thánh thư được công nhận hoàn toàn bởi St Augustine trong Hội nghị Phi châu (African Synod) vào năm 393 và trong Hội nghị Carthage (Council of Carthage) vào năm 419.
Tân Ước được chính thức công nhận ở Đế quốc Tây La Mã vào thế kỷ thứ 4 và ở Đế quốc Đông La Mã vào thế kỷ thứ 5.
Sau nầy Công đồng Trent (1546) của phong trào Chống Cải Cách lập lại sự công nhận Tân Ước là thánh thư.
*
Ngược Đãi Kitô giáo
Lúc ban đầu nhà cầm quyền La Mã chỉ coi Kitô giáo là một nhức nhối nhỏ và không can thiệp. Nhưng khi số tín đồ Kitô giáo tăng lên, chính quyền bắt đầu coi họ như là những người "làm phản" và từ thái độ khoan dung (tolerance) biến thành ngược đãi (persecution).
Trong Tân Ước có những vị thánh tử đạo (St Stepnen và St James, con của Zebede).
Sự kiện giết hại người theo Kitô giáo rộng lớn đầu tiên được Hoàng đế Nero ra lệnh vào năm 64: tất cả người Thiên Chúa Giáo, già trẻ nam nữ bị bỏ vào Đấu trường (arena) để cho thú dữ ăn thịt. Thánh Peter và Paul tử đạo (martyr). ở Rome trong năm nầy.
Sau đó Hoàng đế của Đế quốc La Mã dùng người Kitô Giáo như là "scapegoat" cho nhiều vấn đề xã hội và kinh tế trong Đế quốc La Mã. "Scapegoat" là một người hay nhóm người bị đổ thừa cho những điều làm từ những người.
Những người tuẫn đạo (martyrs) bị tù đày, đánh đập, bỏ đói, thiêu sống và đóng đinh trên cây thập tự (crucified). Người theo Đa Thần giáo địa phương (local pagan) cũng áp lực chính quyền địa phương ngược đãi người Kitô giáo.
Cuối cùng và nặng nhất là thời kỳ ngược đãi của Hoàng đế Diocletian (303-311).

THỜI KỲ HẬU TRUNG CỔ (LATE ANTIQUITY)
(313-476)
Thành lập Chính Thống giáo La Mã (Roman Orthodoxy)
*
Hoàng đế Constantine I và Sắc lệnh Milan
Trong 300 năm đầu của Kitô Giáo, tín đồ (followers) phải chịu đựng những ngược đãi khủng khiếp. Đa số người Kitô Giáo (Christian) vẫn vững lòng nên thu hút nhiều tín hữu mới theo Đức tin Kitô Giáo.
Khi số tín đồ tăng nhiều, nhà cầm quyền sau đó cố gắng lấy sự ủng hộ của họ. Sắc lệnh khoan dung ở Serdica (Edict of Tolerance in Serdica) vào năm 311 của Hoàng đế Galerius (trị vì: 305-311) chấm dứt lệnh ngược đãi của Hoàng đế Diocletian.
Tiếp theo Galerius, Hoàng đế Constantine I có mẹ, Helena, là người Kitô Giáo. Trong trận chiến Milvian Bridge (312), ông ra lệnh cho quân sĩ dùng khiên (shields) có biểu tượng Kitô Giáo giống như ông nằm chiêm bao trong đêm trước. Sau khi thắng trận, Hoàng đế Constantine I (Hoàng đế của Tây Đế quốc) cùng với Hoàng đế Licinius I (của Đông Đế quốc) ra Sắc lệnh Milan (Edict of Milan) vào năm 313, bảo đảm sự khoan dung cho những người Kitô Giáo. Sự ngược đãi người Kitô Giáo hoàn toàn chấm dứt và theo Kitô Giáo là hợp pháp.
Hoàng đế Constantine I giúp Kitô Giáo: xây nhà thờ, đặc cách (priviledge) cho tu sĩ và hàng giáo phẩm, dùng những người Kitô Giáo trong chính quyền, trả lại tài sản trước đã bị sung công...
Năm 324, Hoàng đế Constantine I đánh bại Hoàng đế Licinius I (trị vì: 308-324) và làm Hoàng đế cả Đông và Tây Đế quốc La Mã.
Mặc dù giúp đỡ Kitô giáo, Hoàng đế Constantine I chỉ chịu lễ Rửa tội (baptized) ngay trước khi qua đời vào năm 337.
*
Công Đồng Nicaea và Arianism
Năm 325 Constantine I triệu tập Công đồng Nicaea (Council of Nicacea), Công đồng Kitô giáo toàn cầu lần thứ nhất (1st ecumenial council): tôn trọng giáo lý, diệt tà giáo (heresy) và duy trì thống nhất thành một Giáo hội (ecclesiastical unity).
Công đồng Nicaea tạo ra Kinh Tin Kính Nicene (Nicene Creed) bắt đầu bằng câu "Tôi tin kính" (I believe) thay vì "Chúng tôi tin kính" (We believe) đã dùng từ trước. Về sau Giáo hội Anh (Aglican Church) và đa số các Giáo phái Kháng Cách (Protestant) cũng bất đầu như vậy.
Công đồng Nicaea chấp nhận Trinitarianism và kết án Arianism là Tà giáo (Heresy).
Có 2 giáo thuyết trong Thần học về Đấng Kitô (Christology) lúc bấy giờ cũng đề cập tới trong Công đồng Nicaea: Trinitarianism (Homoousanism) và Arianism
Christology: lý thuyết về Bản thể của "Godhead" của Kitô Giáo, đó là bản thể của sự liên quan giữa Thiên Chúa (God) và Jesus.
Triniterianism từ Giám mục Athanasius của Alexandria (Ai Cập) cho rằng:
Thiên Chúa, Đức Chúa Cha và Đấng Giê-su Kitô, Đức Chúa Con là một bản thể và cùng hằng sống vĩnh viễn (God, the Father and Jesus Christ, the Son as one of essence or co-substantial and co-eternal). Có nghĩa là Thiên Chúa (Đức Chúa Cha) và Đấng Giê-su Kitô (Đức Chúa Con) có cùng một Thần tính (Divinity).
Arianism từ Arius, một giáo sĩ ở Alexandria (Ai Cập)
từ chối Thần tính của Đấng Giê-su Kitô (Divinity of Jesus Christ). Thần tính của Đức Chúa Cha ngự trên Đức Chúa Con (The Father's divinity over the Son).
Công đồng Nicacea (325) và sau nầy Công đồng Constantinople (381) kết tội Arianism là Tà giáo (heresy) nhưng vẫn có giáo sĩ và tín đồ Kitô Giáo theo Arianism cho đến thế kỷ thứ 5 và thứ 6. Ulfilas, giám mục đầu tiên của người Goths theo Arianism. Hoàng đế Constantine I được rửa tội (baptised) trước khi chết bởi một giám mục theo Arianism.
*
Hoàng đế Theodosius I
Năm 380, Sắc lệnh Thessalonica (Edict of Thessalonica) từ Hoàng đế Theodosius I chính thức dùng Kitô Giáo (Christianity) với giáo lý Trinitarianism là tôn giáo của Đế quốc La Mã. Không tin theo Trinity là Tà giáo (Heresy).
Năm 392, Hoàng đế Theodosius I chấp nhận Kitô Giáo là quốc giáo của Đế quốc La Mã và sự thờ phượng những vị thần Hy Lạp La Mã là bất hợp pháp.
*
Nestorianism
Từ Trường phái Edessa: Hai bản thể (nature) của Christ, thần tính và nhân tính (divine and human), là 2 cá nhân khác nhau (distinct person). Hậu quả là Mary không thể được gọi là Mẹ Thiên Chúa (Mother of God) mà chỉ được gọi là Mẹ của Đấng Kitô (Mother of Christ).
Người ủng hộ giáo thuyết nầy là Nestorius, Giám mục của Constantinople do đó giáo thuyết có tên là Nestorianism. Hoàng đế Theodosius II triệu tập Hội nghị Ephesus (Council of Ephesus) vào năm 431 bác bỏ Nestorianism và ngược đãi (persecuted) những người Kitô Giáo theo Nestorianism.
Họ trốn sang Đế quốc Sasanium (Persia). Lúc đó tôn giáo chánh của Persia là Hỏa giáo (Zoroastrianism) nhưng họ vẫn tồn tại tới ngày nay dưới Giáo hội của họ ở đây là Đông Giáo hội (Church of the East).
*
Miaphysitism
Năm 451, Công đồng Chalcedon kết luận: Hai bản thể của Christ, thần tính và nhân tính (divine and human), chia ra hai phần của một thực thể (were separated both part of a single entity).
Những người Kitô Giáo bác bỏ giáo lý nầy tự gọi là những người Miaphysites. Ly Giáo (Schism) từ những người nầy tạo ra Giáo hội Cộng đồng (Communion of Church) gồm có Armenia, Syria và Ai Cập gọi chung là Chính Thống giáo Miền Đông (Oriental Orthodoxy).
Giáo Hội Kitô giáo
*
Cơ cấu Giáo Hội
Sau Công đồng Nicaea, Giáo hội Kitô giáo chính thức thành lập. Giáo hội gồm có những Giáo phận (Diocese) chia theo hệ thống hành chánh của Đế quốc La Mã (Roman empire). Một Tỉnh (Province) có một Giáo phận quản trị bởi một Tòa Giám mục (Bishoporic/See) của một Giám mục (Bishop). Như vậy một Giám mục có cơ quan quản trị của mình là Tòa Giám mục, trông coi toàn giáo phận. Trong một Giáo phận có những Giáo khu (parish) có Linh mục (Priest) trông coi.
Có 5 Tòa Giám mục tối cao gọi là Tòa Giám mục của Thủ phủ (Metropolis) hay Tổng Giám mục là: Rome, Constantinople, Jerusalem, Antioch và Alexandria. Chỉ có Tòa Giám mục ở Rome là thuộc Đế quốc Tây La Mã. Các Giám mục ở 5 Giáo phận nầy gọi là Giám mục của Thủ phủ (Metropolitan Bishop) hay Tổng Giám mục (Archbishop) có quyền hạn cao hơn những Giám mục khác, thường ở thành thị, gọi là Giám mục Thành thị (Urban Bishop). Ở thôn quê (rural) thì chỉ có Giáo khu và Linh mục.
*
Nhà Thờ (church)
Tình trạng mới của Kitô giáo được hiện thực khi bắt đầu có ngôi nhà công cộng đầu tiên cho Nhà Thờ (1st church building). Sự thay đổi nầy thấy rõ ràng ở Rome, cộng đồng Kitô giáo mạnh nhất. Cho tới lúc đó, mặc dù kích thước to lớn của hội (congregation) người Kitô giáo ở Rome, tín ngưỡng (worship) chỉ được diễn ra bí mật trong những căn nhà tư nhân. Đột nhiên "nhà thờ" trở thành ngôi nhà công cộng (public building) ngay cả là trọng điểm (landmark) của thành phố, cũng nổi bật như những đền thờ của Đa Thần giáo (pagan cult).
Riêng Hoàng đế Constantine tạo nên 3 nhà thờ quan trọng ở Rome.
Một, dự định là nhà thờ chánh hay Giáo đường (cathedral) của thành phố Rome, ở chỗ cạnh bên lâu đài riêng Lateran của Constantine, đã trình diện cho người Kitô giáo như là chỗ của Giáo hoàng. Đó là nhà thờ St John Lateran.
Hai nhà thờ khác từ Hoàng đế Constantine được xây để danh dự 2 thánh tuẫn đạo là Peter và Paul, trên chỗ theo giả thuyết là nơi mộ của 2 ông. Một ở ngoài thành phố cũ gọi là S. Paolo fuori le Mura (St Paul ngoài những bức tường). Cái kia, ở Vatican, là nhà thờ St Peter. Cả hai sau nầy được xây lại.
Trong Anh ngữ thường dễ lẫn lộn:
Church (viết chữ hoa) = Giáo hội
church (viết chữ thường) = Nhà thờ
Giáo Hoàng và Tòa Thánh ở Rome
Từ năm 312, Giám mục (và Tòa Giám mục) của Rome lần lần trở thành Giáo hoàng (và Tòa Thánh), nắm quyền tối cao của Giáo hội Kitô giáo và quyền tâm linh đối với toàn thể giáo dân.
*
Trong 5 Giám mục của Thủ phủ (metropolitan bishops) của 5 Tòa Giám mục (Rome, Constantinople, Antioch, Alexandria và Jerusalem); Tổng Giám mục của Rome (kinh đô cổ truyền của Đế quốc La Mã) luôn rất tận tâm và nhiệt thành mộ đạo và không ngần ngại yêu cầu quyền tối cao (supremacy) trên toàn Giáo hội, trên cả 4 Giám mục kia nhất là Constantinople.
Ngoài Rome, 4 thủ phủ kia có lý do cạnh tranh với Rome về quyền tối cao:
Jerusalem là nơi Jesus chết và sống lại
Antioch là nơi người theo đạo (follower) đầu tiên được gọi là Người Kitô giáo (Christian).
Alexandria là trung tâm tư tưởng của Kitô giáo.
Constantinople là kinh đô mới khi Hoàng đế Constantine dời đô từ Rome về đây.
Hành động của Hoàng đế Constantine I vô tình hay cố ý nâng cao uy tín của Constantinople.
Năm 325, Constantine triệu tập và chủ tịch Council of Nicaea (hội nghị thứ nhất trong 7 hội nghị toàn thế giới, ecunemical). Giám mục của Rome không có dự.
Năm 324-330, sau khi đánh bại Hoàng đế Licinius của Đông La Mã, Hoàng đế Constantine thống nhất Đế quốc La Mã và dời đô về Byzantium ở Bophorus, một thành phố trước thuộc Hy Lạp. Byzantium đổi tên là Constantinople theo tên của Constantine.
Vào thế kỷ thứ 8, có chuyện "Tặng vật của Constantine" (Donation of Constantine) cho rằng Constantine đã muốn nhường ngôi cho Giám mục của Rome là Syvester I (314-335). Nhưng sự thật là ngay trước khi chết, Constantine được rửa tội bởi một Giám mục theo Arianism tên là Eusebius of Nicomedia.
Trong 3 thế kỷ đầu, Giám mục của Rome là những nhân vật trong bóng tối (obscured). Có vài người tuẫn đạo, có vài người còn tranh luận về Thần học với các Giám mục khác. Tuy nhiên chỉ có Rome (khác với các Tòa Giám mục khác) là có danh sách tuần tự của các Giám mục từ thánh Peter.
Từ thế kỷ thứ 4, Giám mục của Rome bắt đầu tự nhận mình tối cao hơn các Giám mục, kể cả 4 Giám mục kia. Có những "Cha của Giáo hội" (Church Father) yêu cầu như vậy.
Theo lý do Thần học (theological), Rome có liên hệ với Thánh Peter, người cầm đầu 12 Tông đồ của Jesus. Truyền thống cho rằng Thánh Peter (và thánh Paul) tuẫn đạo ở Rome.
Theo lý do chính trị, Rome là kinh đô chính trị quan trọng theo lịch sử của Đế quốc La Mã và sau khi kinh đô dời về Constantinople, Giám mục ở Rome là khuôn mặt chính trị quan trọng nhất còn lại ở Rome.
Năm 453, Giám mục Leo I gặp Attila the Hun và thuyết phục Attila không tấn công Rome.
Năm 455, Rome bị chiếm. Leo I thuyết phục người Vandals không đốt phá Rome.
Tòa Giám mục ở Rome thành nơi bảo vệ Công lý cho người dân ở Rome.
Hoàng đế ở Constantinople nên Giám mục ở đây không có vai trò chính trị quan trọng.
Các Giám mục của Rome lại rất tận tâm và nhiệt thành mộ đạo và không ngần ngại thỉnh cầu quyền tối cao (supremacy).
*
Giáo hoàng Damasus (366-384)
Giáo hoàng là người Spain, được bầu Giáo hoàng vào năm 366. Nhóm Arianism tôn Ursinus làm Giáo hoàng. Hoàng đế Valentinian nhận Damascus và đày Ursinus ra khỏi Rome.
Giáo hoàng Damasus chủ tịch 2 Hội nghị tôn giáo (synod) ở Rome (368 và 369) tranh đấu chống lại Tà giáo là Arianism và Apollinarism và gởi sứ thần của Giáo hoàng (legate) tới dự Công đồng Constantinople (381) kết tội Arianism và Apollinarism là Tà giáo.
Khi Công đồng Constantinople thừa nhận Giám mục của Constantinople danh dự Giáo trưởng (primacy of honor) chỉ kế sau Giám mục của Rome, Giáo hoàng Damasus cực lực phản đối.
Giáo hoàng Damasus còn ủy nhiệm Latin Vulgaty dịch Thánh kinh, đây là bản dịch tiêu chuẩn trong suốt thời Trung Cổ và ngài cho xây tượng của Thánh Peter và thánh Paul bằng cẩm thạch (marble).
Lịch sử cho rằng Giám mục của Rome đầu tiên tự xưng là Giáo hoàng chính là Damasus.
*
Giáo hoàng Siricius (384-399)
Kế vị Giáo hoàng Damasus, Giáo hoàng Siricius là:
Người đầu tiên dùng danh hiệu Giáo hoàng trên văn kiện.
Người đầu tiên ra sắc lệnh chính thức (formal decree): lệnh của Giáo hoàng là thẩm quyền tối cao của giáo sĩ và là thánh thư bảo vệ trên tất cả Giáo hội.
*
Giáo hoàng Innocent I (402-416)
Khi Hoàng đế Honorius dời đô về Ravena (Bắc Ý) trong thời của Giáo hoàng Innocent I thì phải tới khi có Lãnh địa Giáo hoàng (Papal States) vào thế kỷ thứ 8 Rome mới trở lại là trung tâm chính trị.
Năm 410, Vua Alaric của người Visigoths cướp phá Rome trong 3 ngày nhưng không làm hư hại Rome nhiều. Trong khi đó Hoàng đế Honorius và Giáo hoàng Innocent I tránh ra ở bờ biển thuộc Ravena. Hai người trở về sau khi người Visigoths rút đi.
Về tôn giáo, Tòa thánh Rome của Giáo hoàng Innocent I tiến tới ý niệm "Quyền tối cao của Giáo hoàng" (Supremacy of Pope) bằng cách giới thiệu ý niệm "Thẩm quyền của Giáo trưởng" (Primacy of Jurisdiction).
*
Giáo hoàng Leo I the Great (440-461)
Giáo hoàng đầu tiên có danh hiệu "the great" tức là Đại Giáo hoàng. Giáo hoàng Leo the Great chính thức thực hành Thẩm quyền tối cao (supremacy of jurisdiction) và dùng danh hiệu Pontifex maximus, có nghĩa là Giáo chủ (Chief Priest).
Giáo hoàng Leo I biện minh quyền của Giáo hoàng trên tất cả Giáo hội bằng cách công bố chuyện "Chìa khóa của thánh Peter"
"Chìa khóa của Thánh Peter"
Giám mục của Rome lả Giáo hoàng và Tòa Giám mục của Rome là Tòa Thánh (Holy See) vì 2 sự kiện. Đó là câu hỏi "Tại sao là Rome?" (Why Rome).
1. Giám mục của Rome là người nối nghiệp (successor) của Thánh Peter.
2. Jesus ban cho Thánh Peter quyền hành (authority) trên toàn Giáo hội.
Phúc âm của Matthew đoạn 16 viết:
Jesus hỏi các môn đồ nghĩ ngài là ai. Peter trả lời: "Ngài là Đấng Kitô (the Christ), con của Thiên Chúa hằng sống (Son of the Living God)".
Jesus nói: "Phước cho ngươi, Simon con của Jonah, vì sự việc nầy không khải thị (phát lộ=reveal) từ ngươi nhưng từ Cha của ta ở trên Trời (heaven). Và ta nói cho ngươi biết rằng ngươi là Đá (peter) và trên Đá nầy (this rock) ta sẽ xây Giáo hội, và cánh cổng của Hades (the gate of Hades) sẽ không hơn được nó. Ta sẽ ban cho ngươi những chìa khóa của Nước Trời (the kinhdom of heaven), cái gì ngươi buộc (bind) hay cấm (forbid) trên trái đất sẽ được buộc trên Trời và những gì ngươi mở ra hay cho phép (allow) trên trái đất (earth) sẽ được mở trên Trời".
Peter là tên của Thánh Peter (cũng có tên là Simon) nhưng nếu là danh từ chung thì có nghĩa là Đá (stone). Do đó Giáo hội Công Giáo giải thích Jesus đã dạy rằng Peter là cơ sở (foundation) và Peter có quyền hành tinh thần (spiritual authority).
Phúc Âm của John viết:
Sau khi sống lại (resurrect), Jesus ra lệnh cho Peter rằng: "nuôi con chiên của ta" (feed my sheep).
Những biến cố trong thời Giáo hoàng Leo the Great:
Năm 445 Hoàng đế Valentinian tuyên bố Giám mục của Rome là Luật của tất cả (Law of all).
Năm 451, Giáo hoàng triệu tập (convene) Công đồng Chalcedon, thường là từ Hoàng đế.
Năm 452, Attila the Hun của người Huns định tấn công Rome. Giáo hoàng Leo I tới gặp Attila. Không ai biết chi tiết về cuộc gặp gỡ nầy nhưng sau đó Attila không đánh Rome mà đi về hướng Bắc và tử trận một thời gian ngắn sau đó.
Năm 455, Gaiseric of Vandals dẫn người Vandals chiếm Rome. Nhờ Giáo hoàng Leo điều đình nên Rome không bị đốt phá.
Những hành động nầy tiên đoán vai trò rộng hơn của Giáo hoàng, liên quan tới quyền hành thế tục (bên cạnh quyền tâm linh).
Để chế ngự Tà giáo, Giáo hoàng Leo I định nghĩa Chính thống của Công giáo (Catholic Orthodoxy) trong những lá thơ gọi là Tome. Có lẽ đây là nguồn gốc của ý niệm "Công", chung cho mọi người, bên cạnh ý niệm "Chính thống", không Tà giáo, của Kitô giáo. Ý niệm "Chính thống" có từ Hoàng đế Constantine và có lẽ theo Hoàng đế sang Constantinople và Giáo hoàng Leo I the Great của Rome tạo thêm ý niệm "Công" làm riêng biệt cho Rome.
Có thể nói Kitô giáo là "Công và Chính thống" nên khi có Ly Giáo giữa Rome và Constantinople thì tạo ra Công giáo và Chính thống giáo từ Kitô giáo vậy.
Năm 476 (15 năm sau khi Giáo hoàng Leo the Great qua đời), Đế quốc Tây La Mã sụp đổ và lịch sử nhân loại chuyển từ thời Cổ Đại sang thời Trung Cổ.
PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Tài Liệu Tham Khảo
Lịch Sử Công Giáo Thời Trung Cổ - phanthuonghai.com (Phan Thượng Hải)
Lịch Sử Công Giáo Thời Cặn Đại - phanthuonghai.com (Phan Thượng Hải)
World History Dates (Jane Chisholm)
Europe (Michael Kort)
The Middle East And North Africa (Reeva Simon)
History of The World (Plantagenet Somerset Fry)
Atlas of European History (Times Book)
(Còn tiếp Bài 2 & 3)

MIẾU BÀ CHÚA XỨ NÚI SAM CHÂU ĐỐC
(Bs Phan Thượng Hải)
Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam là danh lam và thắng cảnh hàng đầu ở Miền Tây của Nam kỳ từ thời nhà Nguyễn.
Từ nhỏ đã nghe danh tiếng nhưng tôi chưa có dịp thăm viếng. Gần đây, trước khi thăm viếng thì có nghiên cứu lịch sử và thi văn.
Lịch sử
Miếu (miễu) Bà Chúa Xứ Núi Sam tọa lạc nơi chân núi Sam (thuộc Tp Châu Đốc). Cách đây khoảng trên 200 năm, tượng Bà (sau được gọi là Bà Chúa Xứ) được phát hiện và khiêng xuống từ đỉnh núi Sam bằng 9 (hay 12) cô gái đồng trinh theo lời dạy của Bà qua miệng “cô đồng” rồi dân chúng lập miếu thờ. Miếu được vợ chồng ông Thoại Ngọc Hầu xây cất (hay trùng tu?).
Theo ông Sơn Nam thì tượng của Bà là một pho tượng Phật đàn ông của người Khmer (Miên=Cambodian) bị bỏ quên lâu đời ở đỉnh núi Sam được người Việt ta đem về tô điểm với nước sơn trở thành đàn bà mặc áo lụa đeo dây chuyền và gọi là Bà Chúa Xứ Núi Sam và Bà rất linh thiêng. Theo các nhà khảo cổ Pháp thì tượng giống tượng nam thần Vishnu của Ấn Độ Giáo.
Thi văn
THƯỞNG BẠCH MAI TẠI ĐIỆN BÀ (Nguyên bản)
Non linh đất phước trổ hoa thần
Riêng chiếm vườn hồng một cảnh xuân
Tiết bủa nhành tiên nồng sắc trắng
Sương in thức nguyệt ánh màu ngân (*)
Mây lành gió tịnh nương hơi chánh
Vóc ngọc lòng băng bặc khói trần
Sắc nước hương trời nên cám mến
Non linh đất phước trổ hoa thần.
(Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh)
BẠCH MAI TẠI ĐIỆN BÀ (Họa)
Đem mình mai một chốn non thần
Cái vóc hoa lành cám bấy xuân
Cội ấm bóng yên lòa nét bạc (*)
Ngành sương lá tuyết ánh màu ngân
Gương thơm đẹp ý người du cảnh
Ngọc sạch vui chơi khách lạc trần
Nỡ chẳng vẽ hình nơi cửa sấm
Đem mình mai một chốn non thần.
(Võ Sâm)
(*) Màu ngân=màu sáng như bạc. Yên = khói
Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh (1864-1921) là con gái của ông Nguyễn Đình Chiểu.
ĐIỆN BÀ CẢM TÁC
Cảnh tịnh non linh ngất mấy tầng
Đường lên một bước một chồn chân
Cheo leo gộp đá xây thần động
Chớn chở tàn cây xũ phất trần
Mát mặt khách du làn gió thoảng
Giục lòng người đạo tiếng chuông ngân
Lên cao mới rõ cao là thế
Ngảnh lại bình nguyên cát bụi vần.
(Thuần Đức)
Thi sĩ Thuần Đức là một chức sắc của đạo Cao Đài. Bài thơ nầy làm trong thời Pháp thuộc và trước năm 1945.
Sau khi viếng Miếu Bà thì tôi thấy hình tượng của Bà không giống tượng Phật nam và nhất là không thấy giống thần Vishnu của Ấn Độ.

Do đó tôi có làm bài thơ tôn vinh Bà:
MIẾU BÀ CHÚA XỨ
Linh thiêng tồn tại với thời gian
Nổi tiếng miếu Bà khắp Hậu Giang
Từ đỉnh núi Sam hình xuất hiện
Ngự nơi Châu Đốc tượng huy hoàng
Dân tình tín ngưỡng về cầu nguyện
Dân chúng tôn thờ thắm điểm trang
Ngày vía tháng tư, người tụ họp
Tắm Bà Chúa Xứ hiển vinh quang.
(Phan Thượng Hải)
1/21/20
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
_______________________________
THƠ XƯỚNG HỌA - NGUYỄN DU VÀ NGÔ NHÂN TỊNH
(Bs Phan Thượng Hải)
Trong Văn Học sử có 2 bài thơ xướng họa giữa Nguyễn Du và Ngô Nhân Tịnh là tuyệt tác.
Nhân dịp Hộ bộ Tham tri Ngô Nhân Tịnh được bổ làm Hiệp trấn Nghệ An, ông Nguyễn Du (đang làm Cai bạ ở Quảng Bình) có làm bài thơ tiễn:
TỐNG NGÔ NHỮ SƠN CÔNG XUẤT NGHỆ AN
Cẩm La giang thượng khấu chinh an Cẩm La dừng lại vó chinh an
Bát hội phi nan tích biệt nan Gặp dễ, xa nhau chẳng dễ dàng
Bát đại kỳ văn hoa lưỡng quốc Hai nước danh thơm tài ngọc chuốt
Nhất xa cao vũ nhận toàn Hoan Đầy xe mưa thấm dặm châu Hoan
Nhân tòng đạm bạc tư vi chính Việc theo tánh đạm mong thường rảnh
Thiên vị kiềm lê bất phóng nhàn Trời vị dân đen khiến chửa nhàn
Bắc vọng Hồng sơn khai đức diệu Ngắm vọi Hồng sơ cao đức mọc
Thiên nhai cử tửu khách hương quan. Rượu xa mừng rót chén hương quan.
(Nguyễn Du) 1811 (Quách Tấn dịch)
Chú thích:
Ngô Nhữ Sơn là Ngô Nhân Tịnh.
Cẩm La: có lẽ ờ Quảng Bình, nơi ông Nguyễn Du gặp và tống tiễn ông Ngô Nhân Tịnh trên đường ra trấn nhậm Nghệ An (bắc của Quảng Bình).
Câu 3 có nghĩa là: Văn chương của tám bậc đại gia Đường Tống làm đẹp 2 nước. Bát đại gia gồm có Hàn Dũ và Liễu Tông Nguyên của nhà Đường và Âu Dương Tu, Tô Tuân (cha Tô Đông Pha), Tô Thức (Tô Đông Pha), Tô Triệt (em Tô Đông Pha), Tăng Củng và Vương An Thạch của nhà Tống.
Hoan là Hoan châu, tên cũ của Nghệ An từ thời Bắc Thuộc. Ý câu nầy nói: ông thi hành chính sách tốt, nhân dân Nghệ An được nhờ như cây cối gặp mưa. Năm ấy dân Nghệ An đói kém nên thuế tô thuế điền thiếu triều đình rất nhiều. Khi Nhân Tịnh đến nơi thì ông tâu về triều đình Huế xin miễn thuế cho dân, giống như chuyện Phùng Hoan (xem câu 4 của bài họa).
Hồng sơn là núi Hồng Lĩnh, quê hương của Nguyễn Du, thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Từ Quảng Bình đi lân hướng bắc qua Đèo Ngang của Hoành Sơn tới Hà Tĩnh rồi tới Nghệ An.
Ông Ngô Nhân Tịnh có bài thơ họa, trả lời rất hay và chính xác. Đúng là một bài họa tiêu biểu.
ĐÁP CHƯ HỮU TẶNG BIỆT NGUYÊN VẬN
Mãn thành xuân sắc tống chinh an. (Đầy thành xuân sắc tiễn chinh an)
Bán cú tâm đầu dục thoại nan (Nửa câu tâm tình muốn nói nhưng khó nói)
Vị tín lâm dân sư Tử Sản (Chưa tin mình làm an dân được như Tử Sản)
Cảm tương thị nghĩa hiệu Phùng Hoan (Có thể làm điều nghĩa như Phùng Hoan)
Giang sơn hữu ý vân tương tịnh (Giang sơn hữu ý, mây cùng trong sạch và yên tịnh)
Thiên địa vô tâm vật tự nhàn (Thiên địa vô tâm, sự vật tự nhàn)
Thử khứ dĩ kỳ mai nguyệt hội (Lần đi nầy xin hẹn sẽ hội gặp nhau thời kỳ mai nở)
Hưu tương bôi tửu xướng Dương Quan. (Thôi khỏi nâng chén rượu hát khúc ở Dương Quan)
(Ngô Nhân Tịnh) 1811
Chú thích:
Tử Sản là tên tự của Công tôn Kiều, một nhà trị nước an dân đại tài của nước Trịnh thời Xuân Thu
Phùng Hoan: môn khách của Mạnh Thường Quân. Mạnh Thường Quân sai ông ra trấn ấp Tiết của mình, Phùng Hoan tha nợ cho dân nên dân mến đức. Mạnh Thường Quân khiển trách thì Phùng Hoan nói rằng: tôi làm việc nghĩa lâu dài cho ngài chứ không làm lợi trước mắt. Sau nầy khi Mạnh Thường Quân gặp nạn ở triều đình theo Phùng Hoan trốn về ấp Tiết thì được dân tiếp đón và che chỡ. Năm ấy dân Nghệ An đói kém nên thuế tô thuế điền thiếu triều đình rất nhiều. Khi Nhân Tịnh đến nơi thì ông tâu về triều đình Huế xin miễn thuế cho dân, giống như chuyện Phùng Hoan.
Chữ tịnh của cuối câu 5 được tác giả dùng có 2 nghĩa: từ chung là trong sạch và yên tĩnh và từ riêng là tên của mình (Ngô Nhân Tịnh)
Bài Vị Thành khúc của Vương Duy làm để tiễn bạn đi xa có câu:
Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu
Tây xuất Dương quan vô cố nhân.
Ngô Nhân Tịnh cùng với Lê Quang Định và Trịnh Hoài Đức là Gia Định tam gia. Ba ông và Ngô Tùng Châu là học trò giỏi của Võ Trường Toản theo phò Nguyễn Phúc Ánh và sau nầy đều làm đến Thượng thơ trong triều đình của vua Gia Long (Nguyễn Phúc Ánh).
Xin nói thêm vài điều:
Ngô Nhân Tịnh là người Nam kỳ. Lúc bắt đầu, chúa Nguyễn cho người Tàu lánh nhà Thanh xuống ở đất Nam kỳ ở Biên Hòa và Mỹ Tho. Sau đó Mạc Cửu mở đất Hà Tiên do đó nhiều người Nam kỳ lúc đầu là gốc người Tàu. Phan Thanh Giản, người Nam kỳ đầu tiên đậu Tiến sĩ thời Minh Mạng cũng có tổ tiên là người Tàu. Nguyễn Du biết vậy nên đã khen tài làm thơ của Ngô Nhân Tịnh sánh ông với Bát Đại Gia của Tàu và Việt (lưỡng quốc). Trong bát đại gia có cả số 1 của Tàu đời Tống là Tô Đông Pha, kể cả Âu Dương Tu và Vương An Thạch. Như vậy thơ Hán ngữ của nước ta đâu thua gì Tàu?
Có bạn trả lời tui là bài thơ của Ngô Nhân Tịnh hay hơn bài thơ của Nguyễn Du. Cũng nên nhớ là làm bài họa khó hơn làm bài xướng (nếu không lấy ý giống hệt bài xướng).
Ngô Nhân Tịnh là người Nam kỳ. Người Nam kỳ thường dùng ngữ âm "Tịnh" cho "Tĩnh" do đó phải viết tên đúng là Tịnh. Cũng như phải viết là Phan Châu Trinh (người Quảng Nam, Nam Hà) chứ không phải là Phan Chu Trinh.
Nguyễn Du lúc đó đang làm Cai Bạ ở Quảng Bình. Chức Cai Bạ sang đời Minh Mạng trở đi là Bố Chánh.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Tài liệu tham khảo
Trang thơ Thi viện net.
THƠ VÀ NƯỚC VIỆT - ĐỊA DANH MIỀN HẬU GIANG
Bs Phan Thượng Hải
Miền Hậu Giang có 3 tỉnh An Giang, Hậu Giang và Sóc Trăng và Thành phố Cần Thơ ở hữu ngạn của sông Hậu Giang cùng với 3 tỉnh ở phía Nam giáp với biển Đông (Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau).
Bố cục:
Thành phố Cần Thơ và Tỉnh Hậu Giang (trang 1)
Tỉnh An Giang (trang 10)
Tỉnh Kiên Giang (trang 19)
Tỉnh Cà Mau (trang 27)
Tỉnh Bạc Liêu (trang 30)
Tỉnh Sóc Trăng (trang 33)
CẦN THƠ - HẬU GIANG
Thành phố Cần Thơ:
Quận Bình Thủy, Quận Cái Răng, Quận Ninh Kiều, Quận Ô Môn và Quận Thốt Nốt.
Huyện Cờ Đỏ: Thị trấn Cờ Đỏ
Huyện Thới Lai: Thị trấn Thới Lai. (Lúc trước là phần đất của huyện Cờ Đỏ)
Huyện Phong Điền: Thị trấn Phong Điền
Huyện Vĩnh Thạnh: Thị trấn Vĩnh Thạnh và Thị trấn Thạnh An
Tỉnh Hậu Giang:
Thành phố Vị Thanh
Huyện Châu Thành: Thị trấn Ngã Sáu và Thị trấn Mái Dầm
Huyện Châu Thành A: Thị trấn Một Ngàn
Huyện Long Mỹ: Thị xã Long Mỹ và Thị trấn Trà Lồng
Huyện Phụng Hiệp: Thị xã Ngã Bảy
Huyện Vị Thủy: lúc trước là phần đất của Huyện Long Mỹ. Thị trấn Nàng Mau.
Thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang là địa phận của tỉnh Phong Dinh và tỉnh Chương Thiện thời VNCH.
Ca Dao:
Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh
Vú sữa nào ngọt bằng vú sữa Cần Thơ
Xứ Cần Thơ nam thanh nữ tú
Xứ Rạch Giá vượn hú chim kêu
Xứ Thủ Đức năm canh thức đủ
Kẻ cơ thần trở lại Cần Thơ
(*) Thủ Đức nói lái là thức đủ. Cơ thần nói lái là Cần Thơ.
Đất Cần Thơ nam thanh nữ tú
Đất Rạch Giá vượn hú chim kêu
Quản chi nắng sớm mưa chiều
Lên doi xuống vịnh cũng chèo theo em
Đất Châu Thành anh ở (*)
Xứ Cần Thơ anh trở lộn về
Bấy lâu sông cạn biển kề
Phân chia mai trúc dầm dề giọt châu
(*) Ý nói ở Sài Gòn
Đèn nào cao bằng đèn chợ Mỹ
Lộ nào kỹ bằng lộ Cần Thơ
Em thương anh lững thững lờ thờ
Giả như Tôn Các ngồi chờ Bạch Viên
Tàu số một chạy lên Vàm Tấn (*)
Tàu số hai chạy xuống Cần Thơ
Tuổi ba mươi em cũng ở vậy mà chờ
Lỡ duyên chịu lỡ cũng chờ được anh.
(*) Vàm Tấn là vàm Đại Ngãi thuộc Sóc Trăng.
Cần Thơ:
là vùng đất Chân Lạp khi xưa có tên là Prek Rusey nghĩa là Sông Tre. Prek=sông, rạch và Rusey=cây tre. Tên nầy không có liên quan gì với tên Cần Thơ.
là dịch âm từ tên tiếng Miên là Srôk Kìn Tho có nghĩa là Xứ Cá Sặc Rằn. Cá nầy lúc trước có nhiều ở vùng nầy. Cần Thơ là đọc trại từ Kìn Tho.
Có thuyết cho rằng có tên Cần Thơ là vì ngày xưa ở đây có trồng và bán nhiều "rau cần và rau thơm" nên có người "lẩn thẩn" gọi là "xứ Cần Thơ".
Cần Thơ có tên cũ là Phong Dinh vào thời VNCH (tỉnh Phong Dinh).
Cần Thơ cũng được gọi là Tây Đô. Từ ngữ Tây Đô có được là từ Học giả Phạm Quỳnh. Trong ký sự "Một Tháng Nam Kỳ" viết trên Nam Phong tạp chí năm 1919, ông Phạm Quỳnh khen tặng Cần Thơ là "Thủ đô miền Tây".
Quận Ninh Kiều là trung tâm của Thành phố Cần Thơ có Bến Ninh Kiều. Tên Ninh Kiều đầu tiên đặt cho bến Ninh Kiều rồi từ đó mới đặt tên cho Quận Ninh Kiều.
Dự án thành lập Bến nầy được Tỉnh trưởng lúc bấy giờ thời VNCH là ông Đỗ Văn Chước đệ trình lên chính quyền Ngô Đình Diệm và xin đặt tên là Ninh Kiều để kỷ niệm trận đánh chiến thắng quân Minh của Lê Lợi ngày 13-9-1426 tại Ninh Kiều. Bến Ninh Kiều được Bộ trưởng Nội Vụ đương thời là Lâm Lễ Trinh cắt băng khánh thành ngày 4-8-1958. Ông Lâm Lễ Trinh là người Cái Răng, Cần Thơ. Lúc đó con đường dọc theo sông Cần Thơ mang tên là (đường) Lê Lợi. Do đó cái tên của bến phải có liên quan tới Lê Lợi. Tên Ninh Kiều vừa hợp với lịch sử của Lê Lợi vừa hợp cho bến sông (bến của sông Cần Thơ).
Quận Ninh Kiều còn có cầu Tham Tướng lấy theo tên của quan Tham Tướng của Nguyễn Vương Phúc Ánh là Mạc Tử Sanh, con trai của quan Trấn Thủ Hà Tiên là Mạc Thiên Tứ. Mạc Vĩnh Sanh tử trận tại đây trong chiến tranh với Tây Sơn. Quận Ninh Kiều cũng có rạch, cầu và chợ Cái Khế. Từ bến bắc Cần Thơ qua cầu Vị Thanh rồi cầu Cái Khế là vào trung tâm Thành phố Cần Thơ.
Bắc (Phà) Cần Thơ: bờ bên tỉnh Vĩnh Long thuộc Thị trấn Cái Vồn (huyện Bình Minh) và bờ bên Tp Cần Thơ thuộc phường Cái Khế, quận Ninh Kiều. Khoảng cách giữa 2 bến tàu là 1840m. Bắc được thay thế bằng cầu Cần Thơ, khánh thành ngày 4/4/2004.

Thơ:
TÂY ĐÔ (*)
Noi theo hoạn lộ, ngẫu nhiên vào
Vào cảnh Phong Dinh, thích biết bao! (*)
Bến Bắc trang hoàng nhiều thục nữ
Thành Tây lịch sự lắm thân hào
Mặt tiền vui vẻ đoàn xe chạy
Sông Hậu mênh mang lượng sóng xao
Tao ngộ rừng hàn, quen mặc khách
Rượu bầu thơ túi mặc tiêu dao.
(Lãng Ba Phan Văn Bộ)
(*) Tây Đô và tỉnh Phong Dinh là tên gọi của Cần Thơ vào thời VNCH.
BẾN NINH KIỀU
Chước hay sáng lập bến Ninh Kiều (*)
Kiều diễm bao nhiêu thú bấy nhiêu
Lộ rộng lầu cao xe ngựa lắm
Sông xinh bờ đẹp cỏ hoa nhiều
Du dương nhạc cổ, người thêm thích
Rực rỡ đèn màu, cảnh dễ yêu
Man mác nước trôi, thuyền đủng đỉnh
Trăng chờ gió đón mặc tiêu diêu.
(Lãng Ba Phan Văn Bộ)
(*) Bến Ninh Kiều ở Cần Thơ lúc mới thành lập dưới thời ô. Tỉnh trưởng tên là Chước. Chữ Chước ở đây có 2 nghĩa (danh từ riêng và danh từ chung).
Bài thơ nầy đọc trong tiệc khánh thành bến Ninh Kiều ở dinh Tỉnh trưởng Cần Thơ.
CẦN THƠ KỶ NIỆM
Cái gì kỷ niệm xứ Cần Thơ?
Cái bến Ninh Kiều đẹp mộng mơ
Cái Tắc xe đi đường tẽ lối
Cái Răng ghe nhóm chợ gần bờ
Cái Vồn qua bắc, tàu xuôi ngược
Cái Khế ngang sông, nước lặng lờ
Cái Sắn theo kinh, người giữ đạo
Cái tình luyến nhớ thuở còn thơ.
(Phan Thượng Hải)
1/21/19
Ca Dao:
Bánh canh cọng vắn cọng dài
Bánh tằm xe cọng dài cọng vắn
Xứ Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai về xứ bạc thong dong cuộc đời
Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó thời không muốn về
Cần Thơ gạo trắng nước trong
Đậm tình non nước gợi lòng khách du
Nước biếc non xanh
Người bạn lành khó kiếm
Đây em cũng hiếm
Chẳng (Chưa) lựa đặng chỗ nào
Mảng lo buôn bán ra vào Cần Thơ
Phong Dinh đẹp lắm ai ơi
Bậu về bên đó cho tôi cùng về
Quận Bình Thủy ở làng Long Tuyền. Hai địa danh nầy hay đi đôi với nhau.
Long Tuyền là rạch chảy vào sông Cần Thơ. Gọi là Long Tuyền vì ở đúng "long mạch" theo phong thủy. Hình cái đầu vàm Long Tuyền giống như miệng con rồng và rạch Long Tuyền giống như thân con rồng. Năm 1852, quan Khâm sai Huỳnh Mẫn Đạt đi tới đây thì gặp sóng gió lớn nên thuyền ẩn vào rạch nầy được thoát nạn. Từ đó Huỳnh Mẫn Đạt đặt tên là Bình Thủy (=nước yên lặng, không sóng gió). Vào đầu thế kỷ 20, thường được gọi là làng Long Tuyền còn chợ và đình Bình Thủy.
Quận Ô Môn có tên Ô Môn là vì nơi đây trước kia là một vũng có cây môn nước. Ô Môn là vũng hay bàu có cây môn nước. Ô là vũng hay bàu. Ngọn=dòng nước nhỏ ở đầu sông rạch. Nổng=Gò.
Quận Ô Môn có Kênh Ô Môn, dài 14 km được đào năm 1894-1895. Nó được gọi là kênh Bà Đầm vì trong khi đào kênh thì Đốc công Pháp có đem theo vợ con sống trên cái nhà bè coi công nhân làm việc. Vợ ông Tây thường được gọi là bà Đầm.
Kênh Ô Môn nối tiếp theo có Kênh Thị Đội chảy về hướng tỉnh Kiên Giang.
Thị xã Ngã Bảy (huyện Phụng Hiệp) cách Thành phố Cần Thơ 30 km. Gọi là Ngã Bảy vì đây là ngã bảy tụ họp của 7 con kênh.
Người Pháp lần lượt đào những kênh nầy vào đầu thế kỷ 19:
Năm 1901, đào kênh Mương Lộ dài 20 km nối liền Sóc Trăng và Phụng Hiệp. Gọi là "mương lộ" vì đất đào mương đưa lên đắp đường (chạy song song).
Năm 1908, đào mở rộng rạch Xẻo Vông chạy thẳng về sông Ba Láng nối với Cần Thơ.
Năm 1908, đào kênh Cái Côn dài 16 km nối liền Phụng Hiệp với sông Hậu Giang. Kênh rộng cả trăm thước nên được gọi là sông Cái Côn.
Khi tới gần mang cá của cầu Phụng Hiệp, kênh Cái Côn xẻ một nhánh nhỏ về huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) gọi là kênh Mang Cá.
Năm 1914, đào kênh Quản Lộ-Phụng Hiệp từ Cà Mau qua Bạc Liêu tới Phụng Hiệp nối với kênh Cái Côn dài 140 km. Từ Cà Mau lên tới đây, theo kênh Cái Côn tới sông Hậu Giang rồi qua Trà Ôn đi về Sài Gòn. Thật ra kênh đào từ Phụng Hiệp qua tỉnh Bạc Liêu (qua 3 huyện Giá Rai, Phước Long và Hồng Dân) và nối với rạch Quản Lợi của tỉnh Cà Mau. Rạch mang tên theo ông Hương quản tên Lợi ở vùng nầy. Hương Quản là một chức quan trong làng. Ngày xưa sách Pháp không bỏ dấu hỏi nên có tên là Kênh Quan Lộ-Phụng Hiệp.
Năm 1914, đào kênh Lái Hiếu dài 25 km từ Phụng Hiệp vào Long Mỹ (thuộc tỉnh Hậu Giang) nối với sông Cái Lớn của tỉnh Kiên Giang, xuyên qua vùng đất hoang vu toàn là lau sậy. Kênh mang tên của một lái buôn tên là Hiếu.
Năm 1914, đào kênh Xẻo Môn sâu vào cánh đồng thuộc xã Hòa Mỹ (huyện Phụng Hiệp). Môn là cây môn nước có ở đây.

Thơ:
ĐI TÀU QUA NGÃ BẢY (PHỤNG HIỆP)
Đèn trơ lửa đóm nháng ngời ngời
Nhen nhúm đòi nơi chẳng thấy người
Leo lét trăng soi muôn nệm cỏ
Mịt mù sương tỏa mấy nhà trôi
Trông sao nghĩ nỗi hồi lưu lạc
Nghe nước riêng buồn lúc lộng khơi
Châu võ đêm nay may có gặp
Bốn dân nghèo khó đặng ăn chơi.
(Bá Du Lê Đình Diễm)
Ca Dao:
Sông Ngã Bảy chảy về bảy ngả
Thuyền tới đây về ngả nào đây
Buồn không theo kịp chim bay
Xa nhau biết hẹn ngày nào gặp nhau.
AN GIANG
Tỉnh An Giang
Thành phố Long Xuyên
Thành phố Châu Đốc
Huyện An Phú: Thị trấn An Phú và Thị trấn Long Bình
Huyện Châu Phú: Thị trấn Cái Dầu
Huyện Châu Thành: Thị trấn An Châu
Huyện Chợ Mới: Thị trấn Chợ Mới và Thị trấn Mỹ Luông
Huyện Phú Tân: Thị trấn Phú Mỹ
Huyện Tân Châu và Thị xã Tân Châu
Huyện Thoại Sơn: Thị trấn Núi Sập, Thị trấn Óc Eo và Thị trấn Phú Hòa
Huyện Tịnh Biên: Thị trấn Tịnh Biên, Thị trấn Chi Lăng và Thị trấn Nhà Bàng
Huyện Tri Tôn: Thị trấn Tri Tôn và Thị trấn Ba Chúc
Tỉnh An Giang là 2 tỉnh An Giang (Long Xuyên) và Châu Đốc thời VNCH.
An Giang là từ câu của vua Minh Mạng: "khoái mã gia biên vĩnh định giang hà" (quất ngựa ra roi giữ an sông núi).
Ca Dao:
An Giang cảnh trí mỹ miều
Ta thương ta nhớ ta liều ta đi
Theo Thái Văn Kiểm thì có 3 giả thuyết cho nguồn gốc địa danh Châu Đốc:
là dịch âm từ tiếng Miên Meath Chruk hay Méat Chruk có nghĩa là Mõm heo. Nó là tên tiếng Miên của một cù lao nằm giữa Tiền Giang và Hậu Giang giữa Vĩnh An và Vàm Nao giống hình mõm heo xây về hướng Đông Nam. Châu Đốc là đọc trại từ Chruk. Thật ra Méat Chruk âm là Mật Luật.
gồm có chữ Châu là họ Thoại Ngọc Hầu phu nhơn (Châu thị Vĩnh Tế) và chữ Đốc là từ chữ Đốc Bộ, một chức vụ ngang hàng với Trấn Thủ, dành riêng cho Trấn Thủ Châu Đốc.
gồm có châu là tỉnh và đốc là dày dặn. Châu Đốc là một tỉnh dày dặn.
Có 1 giả thuyết khác cũng hơi giống: Châu Đốc là dịch âm từ tên tiếng Miên là Srôk Méât Cruk có nghĩa là Xứ Miệng Heo. Srôk=xứ, Méât=miệng, mỏm và Cruk=con heo. Châu Đốc là đọc trại từ Cruk.
Năm 1757 Nguyễn Cư Trinh lập Tân Châu Đạo ở Cù Lao Giêng, Đông Khẩu Đạo ở xứ Sa Đéc và Châu Đốc Đạo ở xứ Châu Đốc. Như vậy địa danh hành chánh là Châu Đốc bắt đầu từ đó?.

Ca Dao:
Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc
Xứ nào dốc bằng xứ Nam Vang
Một tiếng anh than ba bốn đôi vàng em không tiếc
Anh lấy đặng của rồi trốn biệt lánh thân
Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc
Đất nào dốc bằng đất Nam Vang
Một tiếng anh than hai hàng lụy nhỏ
Em có chút mẹ già biết bỏ ai nuôi
Anh đi Châu Đốc Nam Vang
Gởi thơ nhắn lại em khoan có chồng
Tỉnh An Giang có tất cả 37 núi.
Núi Sam (cao 237 m hay 284 m) còn gọi là Vĩnh Tế Sơn, cũng còn gọi là Hậu Lãnh Sơn đọc trại là Học Lãnh Sơn. Hậu là con sam. Có 2 thuyết vầ tên của núi Sam: núi có hình con sam hay hồi xưa bao quanh bởi bờ biển có nhiều loài sam ở đây. Tên đầu tiên của núi Sam là Tượng Sơn tức là núi hình người. Núi Sam ở Tây Nam Thị xã Châu Đốc. Trên núi Sam có: Miếu Bà Chúa Xứ, Chùa Tây An và lăng Thoại Ngọc Hầu.
Miếu (miễu) Bà Chúa Xứ Núi Sam tọa lạc nơi chân núi Sam (thuộc Tp Châu Đốc). Cách đây khoảng 200 năm, tượng Bà (sau được gọi là Bà Chúa Xứ) được phát hiện và khiêng xuống từ đỉnh núi Sam bằng 9 (hay 12) cô gái đồng trinh theo lời dạy của Bà qua miệng “cô đồng” rồi dân chúng lập miếu thờ. Miếu được vợ chồng ông Thoại Ngọc Hầu xây cất (hay trùng tu?). Theo ông Sơn Nam thì tượng của Bà là một pho tượng Phật đàn ông của người Khmer (Miên = Cambodian) bị bỏ quên lâu đời ở đỉnh núi Sam được người Việt ta đem về tô điểm với nước sơn trở thành đàn bà mặc áo lụa đeo dây chuyền và gọi là Bà Chúa Xứ Núi Sam và Bà rất linh thiêng. Theo các nhà khảo cổ Pháp thì tượng giống tượng nam thần Vishnu của Ấn Độ Giáo.
Kênh Vĩnh Tế nối liền sông Cửu Long (ở gần Châu Đốc) với Hà Tiên (với sông Giang Thành) dài 72 km, rộng 20 m, có 2 thủy môn ở Vĩnh Lạc và Vĩnh Gia làm cho ghe thuyền đi lại quanh năm.
Trấn thủ Vĩnh Thanh là Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại và Lãnh binh Phan Văn Tuyên (hay Chưởng Cơ Nguyễn Văn Tuyên?) đốc xuất 5 ngàn dân, 5 ngàn người Thổ và 500 binh đào từ đầu năm 1819 đến tháng 4 năm 1820 mới xong. 5 ngàn người Thổ do Thống chế Nguyễn Văn Tồn đôn đốc.
Nguyễn Văn Tồn tức Tồn La A là người Miên (Thổ) tục danh là Duồng. Ông theo Nguyễn Vương Phúc Ánh sang Vọng Các năm 1784. Từ đó về sau ông lập nhiều chiến công tại Ba Lai (cửa biển Mỹ Tho), tại Trà Ôn với chức Điều Bát, tại Bình Định với Võ Tánh; theo Nguyễn Văn Nhân (Tổng trấn Gia Định) sang đóng binh ở La Bích bảo hộ Cao Miên, rồi phụ đào kênh Vĩnh Tế. Ông chết năm 1820. Ở Trà Ôn có đền thờ Điều Bát Nguyễn Văn Tồn.
Tên của kênh Vĩnh Tế là tên của Thoại Ngọc Hầu phu nhân (Châu thị Vĩnh Tế).
Thơ:
DU SƠN NÚI SAM
Chơi non nay đã phỉ công tìm
Lông một lông hai sắn với bìm (*)
Đá dựng kiến bò in nứt nẻ
Ve ngâm nước chảy giống hơi kìm
Lăng xăng nhện bủa tơ Tô Huệ
Hỉ hả chim cười giọng Giảo Kim (**)
Nhấp nhoáng mây pha màu ngũ sắc
Bốn mùa phưởng phất gió phi liêm. (*)
(Học sanh Thái)
(*) Lông=trồng. Phi=hương thơm; Liêm=trong sạch.
(**) Trình Giảo Kim đời Đường, người dễ tính.
THƯỞNG BẠCH MAI TẠI ĐIÊN BÀ (Nguyên bản)
Non linh đất phước trổ hoa thần
Riêng chiếm vườn hồng một cảnh xuân
Tiết bủa nhành tiên nồng sắc trắng
Sương in thức nguyệt ánh màu ngân (**)
Mây lành gió tịnh nương hơi chánh
Vóc ngọc lòng băng bặc khói trần
Sắc nước hương trời nên cám mến
Non linh đất phước trổ hoa thần.
(Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh)
BẠCH MAI TẠI ĐIỆN BÀ (Họa)
Đem mình mai một chốn non thần
Cái vóc hoa lành cám bấy xuân
Cội ấm bóng yên lòa nét bạc (*)
Ngành sương lá tuyết ánh màu ngân
Gương thơm đẹp ý người du cảnh
Ngọc sạch vui chơi khách lạc trần
Nỡ chẳng vẽ hình nơi cửa sấm
Đem mình mai một chốn non thần.
(Võ Sâm)
(*) Màu ngân=màu sáng như bạc. Yên = khói
ĐIỆN BÀ CẢM TÁC
Cảnh tịnh non linh ngất mấy tầng
Đường lên một bước một chồn chân
Cheo leo gộp đá xây thần động
Chớn chở tàn cây xũ phất trần
Mát mặt khách du làn gió thoảng
Giục lòng người đạo tiếng chuông ngân
Lên cao mới rõ cao là thế
Ngảnh lại bình nguyên cát bụi vần.
(Thuần Đức)
MIẾU BÀ CHÚA XỨ
Linh thiêng tồn tại với thời gian
Nổi tiếng miếu Bà khắp Hậu Giang
Từ đỉnh núi Sam hình xuất hiện
Ngự nơi Châu Đốc tượng huy hoàng
Dân tình tín ngưỡng về cầu nguyện
Dân chúng tôn thờ thắm điểm trang
Ngày vía tháng tư, người tụ họp
Tắm Bà Chúa Xứ hiển vinh quang.
(Phan Thượng Hải) 1/21/20
Ca Dao:
Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc
Gió nào độc bằng gió Gò Công
Thổi ngọn Đông phong lạc vợ xa chồng
Đêm nằm nghĩ lại nước mắt hồng tuôn rơi
Gió nào độc bằng gió Gò Công
Sông nào nông bằng sông Châu Đốc
Thấy anh hay chữ em đây thử hỏi đôi lời
Đường từ Châu Đốc Hà Tiên
Kinh nào chạy thẳng nối liền hai nơi
Đất nào lắm dốc nhiều đồi
Đèn nào cao nhất tiếng đời đều nghe
Sông nào tấp nập thuyền bè
Hồ nào với biển cập kè bên nhau
Trai nào nổi tiếng anh hào
Anh mà đáp đặng má đào em trao
Nghe em nói tức anh đây nói phứt cho rồi
Đường từ Châu Đốc Hà Tiên
Có kênh Vĩnh Tế nối liền hai nơi
Đất Nam Vang lắm dốc nhiều đồi
Đèn cao Châu Đốc mọi người đều nghe
Sông Cửu Long tấp nập thuyền bè
Biển Hồ hai chữ cập kè bên nhau
Trai Việt Nam nổi tiếng anh hào
Anh đà đáp đặng vậy má đào em trao đây
Nước sông Vĩnh Tế lờ đờ
Nhớ ông Bảo hộ dựng cờ chiêu an. (*)
Đi ngang qua cảnh núi Sam
Thấy Lăng ông lớn hai hàng lụy rơi. (*)
(*) Ông Thoại Ngọc Hầu
Hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn nổi tiếng với Thất Sơn (Bảy Núi). Năm 1758, vua Nặc Ông Tôn của Chân Lạp dâng cho chúa Nguyễn vùng Tầm Phong Long (gồm có vùng Long Xuyên-Châu Đốc của tỉnh An Giang dọc theo sông Cửu Long ngày nay và vùng Sa Đéc tức là tỉnh Đồng Tháp bây giờ). Nặc Ông Tôn cũng dâng riêng cho Tổng trấn Hà Tiên là Mạc Thiên Tứ 5 phủ gồm có Kompong Som (Hương Úc), Kampot (Cầm Bột), Banteay Meas (Sài Mạt), Kiri Vong (Linh Quỳnh) và Chân Sum (Châu Sum). Trong 5 phủ nầy thì sau nầy 4 phủ trở về thuộc Cao Miên chỉ có phủ Chân Sum (Châu Sum) là thuộc Việt Nam. Nó là vùng Thất Sơn ngày nay thuộc 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn.
Tịnh Biên hay Tuy Biên:
là dịch âm từ tên tiếng Miên Kra Ban có nghĩa là Cây nhãn lồng. Ở đây có nhiều cây nhãn lồng. Vùng An Phú và Châu Đốc còn gọi cây Nhãn lồng là cây "chớp mau" hay "đớp mau". Tuy Biên hay Tịnh Biên có lẽ là đọc trại từ Kra Ban.
theo Hán tự thì có nghĩa là bình yên ổn định ở biên giới.
Nhà Bàng là Thị trấn của huyện Tịnh Biên: là nơi có nhiều cây bàn hay cỏ bàn để đan giỏ. Người ta viết sai "Bàn" thành "Bàng".
Tri Tôn:
là dịch âm từ tên tiếng Miên của một ngôi chùa ở đây là Xvay Ton đọc là "xà tón" và có nghĩa là "khỉ đeo". Xway=con khỉ và Ton=đeo, níu kéo. Tri Tôn là đọc trại từ Xà Tón.
là dịch âm từ tên tiếng Miên Svay Tông có nghĩa là cây xoài. Svay=cây và Tông=xoài. Tri Tôn là đọc trại từ Svay Tông.
Thất Sơn (Bảy Núi):
1. Núi Két (cao 225 m, dài 1100 m, rộng 1000 m) có 1 mỏm đá lớn giống hình con két. Con Két còn gọi theo Hán ngữ là Anh Vũ nên núi còn có tên là Anh Vũ Sơn. Núi thuộc h. Tịnh Biên và cũng gần chợ Nhà Bàng.
Núi Két có đình Thới Sơn và Thầy Tây An Bửu Sơn Kỳ Hương.
2. Núi Dài Nhỏ hay Núi Dài Năm Giếng (cao 251 m, dài 2400 m, rộng 600 m). Tên Hán ngữ gọi là Ngũ Hồ Sơn. Hình như nó còn có tên là núi Bà Đội Om vì giống hình 1 người đàn bà đội cái om. Núi thuộc h.Tịnh Biên, ở bên trái đường tỉnh lộ.
3. Núi Cấm (cao 716 m, dài 7500 m, rộng 6800 m) ở trong 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn. Gọi là Nủi Cấm vì có 3 lý do:
Khi xưa Nguyễn Vương Phúc Ánh trốn ở đây phao tin có nhiều thú dữ nên "cấm" dân lên núi.
Khi xưa Thầy Tây An tu ở đây nên nhà cầm quyền "cấm" vì sợ trộn cướp trốn lên đây.
"Cấm" là đọc trại của "Gấm". Núi còn có tên Hán ngữ là Thiên Cẩm Sơn hay "núi gấm trời" vì nó có những rặng cây xanh và chỏm đá trắng trên cao trông có màu "gấm". (Cẩm=Gấm).
4. Núi Dài hay Giài (cao 580 m, dài 8000 m, rộng 4500 m) là núi dài nhứt trong 7 núi. Nó thuộc huyện Tri Tôn. Núi Dài còn gọi là Ngọa Long Sơn.
5. Núi Tượng (cao 145 m, dài 600 m, rộng 400 m) giống hình con voi (tượng là con voi). Nó thuộc huyện Tri Tôn, ở gần núi Dài. Núi Tượng còn có tên là Liên Hoa Sơn.
6. Núi Tô hay núi Cô Tô (cao 614 m, dài 5800 m, rộng 3700 m) giống hình cái tô lật úp. Nó thuộc huyện Tri Tôn gần biên giới với Rạch Giá-Hà Tiên. Núi Tô có tên Hán ngữ là Phụng Hoàng San.
7. Núi Nước (cao 50 m, dài 600 m, rộng 300 m) thuộc thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, là núi thấp nhất. Gọi là Núi Nước vì nó hay bị lụt vào mùa nước lũ. Còn gọi là Núi Trà Sư vì có 1 vị tu sĩ tên Trà tu đắc đạo ở đây. Giả thuyết nầy không được nhiều người chấp nhận.
Thường có câu "năm non bảy núi". Năm Non là 5 cái chỏm (Vồ) của núi Cấm:
Vồ Bò Hong: giống con bò hong
Vồ Đầu: vồ đầu tiên trên đường lên núi
Vồ Bà (Phnom Barech): có điện Bà Chúa Xứ ở đây
Vồ Ông Bướm: giống con bướm
Vồ Thiên Tuế (Phnom Prapéal): có cây thiên tuế ở đây?
Núi Phú Cường là núi Tà Biệt không có chung đàn với các núi khác. Nó còn được gọi là Tà Béc hay Tà béo. Chợ Phú Cường ở chân núi Tà Béc.

Ca Dao:
Anh lên Bảy Núi
Anh chạy thẳng Tà Lơn (*)
Căn nợ keo sơn thấu đến ông Trời
Trời cao đất thấp
Anh đến tam cấp lập cửu trùng đài
Thời hư khiến vậy ráng lập hoài cũng nên
(*) Tà Lơn là ngọn núi thuộc địa phận Kampuhia
Thất Sơn ai đắp mà cao
Sông Tiền sông Hậu ai đào mà sâu
Thất Sơn bảy núi nằm kề
Khi đi thì trắng khi về thì đen
Nhất cao núi Cấm xa xanh
Suối tuôn róc rách chảy quanh núi Dài
Kênh Thoại Hà nối liền Long Xuyên-Rạch Giá trước là sông Đông Xuyên, chạy dưới chân Núi Sập (cao 86m). Để thưởng công cho Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại có công đào kênh nầy, Vua Gia Long đổi tên Đông Xuyên là Thoại Hà và Núi Sập là Thoại Sơn nên từ đó có kênh Thọai Hà và Thị trấn (và Huyện) Thoại Sơn. Kênh Thoại Hà nối liền Hậu Giang ở gần Long Xuyên với hệ thống sông ngòi của Rạch Giá.
Huyện Thoại Sơn có núi Ba Thê (cao 210 m). Núi Ba Thê thuộc nhóm núi Ba Thê gồm có 5 núi: núi Ba Thê, núi Nhỏ, núi Trọi, núi Chóc và núi Tượng.
Ba Thê:
(theo Sơn Nam) là từ tiếng Miên Bát Xăm Xe được đọc trại ra là "bắt thang lên coi (thằng) Thổ". (Thổ là ám chỉ người Miên). Lên núi như bắt thang leo lên?
(theo Gia Định Thông Chí) thì Ba=tinh hoa đẹp đẽ và Thê=cái thang. Núi Ba Thê là núi cao và đẹp như 1 cái thang đẹp.
là từ tiếng Miên Ba Thér có nghĩa là vùng đất của cao tăng (theo Phật Giáo Tiểu Thừa), ý chỉ toàn vùng Thoại Sơn. Do đó Ba Thê là đọc trại từ Ba Thér.
là từ tên cũ (là) Hoa Thê Sơn nhưng vì phạm húy với Hoàng hậu của vua Minh Mạng (tên là Hoa) nên đổi thành Ba Thê Sơn
Các nhà khảo cổ học tìm thấy ở đây nhiều cổ vật bằng đá và năm 1912 có đào được 1 tượng đá thần Vishnu dài 3m 35, sau đó đem thờ trong đền làng Vọng Thê. Cũng tại nơi nầy, trường Viễn Đông Bác Cổ hồi tiền chiến đã đào thấy một thành phố xưa bị lấp vùi, thành Óc Eo, một hải cảng của xứ Phù Nam là 1 nước đã xuất hiện ở Đông Nam Á (thế kỷ thứ 1-4). Ngày nay có Thị trấn Óc Eo ở đây (thuộc huyện Thoại Sơn).
Long Xuyên là Sông Rồng vì sông có hình thể như con rồng khi qua đây: uốn khúc quanh co như thân rồng, các chi nhánh tỏa ra khắp nơi như chân rồng, sóng gợn lăn tăn như vảy rồng có những cù lao rãi rác như những đám mây. Ở trên máy bay nhìn xuống ta thấy giống như vậy. (Theo Thái Văn Kiểm).
Thành phố Long Xuyên có Bắc Vàm Cống nằm trên lộ 80. Bắc Vàm Cống: bờ bên tỉnh Đồng Tháp thuộc ấp Bình Lợi, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò và bờ bên tỉnh An Giang thuộc phường Mỹ Thạnh, Thành phố Long Xuyên. Có cầu Vàm Cống đang xây để thay thế bắc Vàm Cống.
Từ Long Xuyên tới Châu Đốc theo lộ 91 có Thị trấn An Châu (của huyện Châu Thành) và Thị trấn Cái Dầu (của huyện Châu Phú). Thị trấn An Châu có tên cũ là Chắc Cà Đao. Chắc Cà Đao gốc là tên một cái chợ làng và con rạch ở đây. Ngày nay cái cầu ở đây vẫn còn giữ tên là Chắc Cà Đao. Nó cách Thành phố Long Xuyên khoảng 10 km.
Chắc Cà Đao là dịch âm từ tên tiếng Miên Kdau có nghĩa "bắt cua" vì nơi nầy có nhiều cua. Chắc Cà Đao là đọc trại từ Kdau.
Châu Phú:
theo Hán tự thì có nghĩa là hoàn toàn giàu có
chỗ nầy có tên Miên là Bêk Thlang có nghĩa là "bể cái nồi lớn". Bêk=bể, vỡ và Thlang=cái nồi lớn.
Huyện Châu Phú có Huyện lỵ là Thị trấn Cái Dầu. Cái Dầu là dịch nghĩa từ tên tiếng Miên là Srok Cho Tal có nghĩa là rạch Cây Dầu.
Bên kia sông Hậu Giang của huyện Châu Thành là huyện Chợ Mới. Huyện Chợ Mới ở giữa sông Vàm Nao, sông Tiền Giang, sông Hậu Giang và giáp giới với vùng Sa Đéc của tỉnh Đồng Tháp. Huyện Chợ Mới có huyện lỵ là Thị trấn Chợ Mới (cùng tên). Ngày xưa có ngôi "chợ cũ" tên là chợ Phó Định Bài nằm ở bên kia bến đò Kiến An. Về sau một ngôi "chợ mới" xây ở tại huyện lỵ bây giờ nên gọi là Chợ Mới và rồi nó thành tên của Huyện và Huyện lỵ.
Huyện Chợ Mới có Cù Lao Giêng là cù lao thuộc h. Chợ Mới nhưng nằm giữa sông Tiền Giang. "Giêng" là đọc trại từ "Doanh", nơi làm Đại bản doanh (Headquarter) của quân đội. Năm 1757, chúa Nguyễn Phúc Khoát lập Tân Châu Đạo gồm các huyện Tân Châu, Phú Tân và Chợ Mới (của tỉnh An Giang) và Hồng Ngự và Tân Hồng (của tỉnh Đồng Tháp). Tướng Trương Phước Du đóng bản doanh ở cù lao nầy nên có tên là Cù lao Giêng. Từ thế kỷ 18, những tín đồ Thiên Chúa giáo trốn việc cấm đạo đến sinh sống ở đây.
Sông (Rạch) Ông Chưởng nối Tiền Giang ở Thị trấn Chợ Mới chảy xuyên qua huyện Chợ Mới vào sông Hậu Giang ở Cù lao Mỹ Hòa Hưng (1 cù lao nhỏ trong sông Hậu Giang ở giữa Long Xuyên và An Châu). Sông cũng có Cù lao Ông Chưởng vì ngày xưa quan Chưởng Cơ là Nguyễn Hữu Cảnh đóng quân và qua đời ở đây.
Sông Vàm Nao nối liền sông Tiền Giang và sông Hậu Giang làm ranh giới giữa huyện Chợ Mới và huyện Phú Tân. Làng Hòa Hảo ở dọc theo bờ sông nầy thuộc huyện Phú Tân. Có tên Vàm Nao là vì sông có nhiều sóng xoáy tròn (=nao), Hán ngữ gọi là "hồi oai". Có câu "Nhất Vàm Nao, nhì Bao Ngược" là 2 nơi có nước chảy xiết rất nguy hiểm cho ghe thuyền. Vàm Bao Ngược ở Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
Làng Hòa Hảo là thánh địa của Phật Giáo Hòa Hảo.
Trở ngược lên thượng nguồn tới biên giới Miên Việt lần lượt có huyện Phú Tân (Thị trấn Chợ Vàm), Huyện và Thị xã Tân Châu và huyện An Phú nằm giữa sông Tiền Giang và Hậu Giang gọi chung là Cù Lao Kết.
Thơ:
ĐI THUYỀN QUA NÚI SẬP
Một thuyền cầm hạc một mình ta (*)
Đường hiểm gian nan khắp trải qua
Núi Sập sấm rền vang tiếng muỗi
Vàm Nao nước chảy đứt đuôi xà
Văn chương mới thử năm hay bảy (**)
Võ lược chưa truyền sáu với ba (**)
Gà gáy học đòi người dậy múa (*)
Luống nghe năm tháng để ta đà. (***)
(Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa)
(*) Cầm hạc: sự tích Triệu Biện làm quan đi phó nhậm chỉ đem theo cây đàn và con hạc.
Gà gáy: sự tích Tổ Địch làm quan thời loạn, khi nghe gà gáy thì thức dậy múa luyện kiếm.
(**) Năm hay bảy = Ngũ kinh Thất truyện (Thất truyện là Thất Tài Tử Thư của Trung Hoa).
Sáu với ba = Lục thao Tam lược
(***) Ta đà = bỏ qua đi một cách vô ích.
CÙ LAO ÔNG CHƯỞNG
Noi dấu tôi công tự thuở giờ
Cù lao Ông Chưởng đó trơ trơ
Xanh om mấy cụm bần theo bãi
Trắng xóa đôi bên sóng phủ bờ
Người chết nhang đèn chong vẫn tỏ
Tên còn treo lụa nét không mờ
Ngàn thu trở xuống nhuần ơn sót
Châu Đốc Nam Vang có miếu thờ.
(Thượng Tân Thị)
Ca Dao:
Không ai mà mượn ba tiền
Bắt cầu chợ Mỹ nối liền Long Xuyên
Ai đi Bình Thới Trà Ôn (*)
Ruộng đồng lai láng gái khôn trai hiền
(*) thuộc xã Bình Đức, huyện Châu Thành, An Giang
Ba phen quạ nói với diều
Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm
Chiếc tàu Nam Vang chạy ngang Cồn Cát (*)
Xuồng câu tôm đậu sát nhành đa
Thấy em có chút mẹ già
Muốn vô hoạn dưỡng biết là đặng không?
(*) Ở Long Xuyên, An Giang
Chiếc tàu Nam Vang đậu ngang Cồn Cát
Xuồng câu tôm đậu sát mé bờ
Biểu anh cưới vợ đừng chờ
Em còn ở vậy, cha mẹ nhờ đôi năm
Chiếc tàu Nam Vang đầu đen mũi đỏ
Ống khói đỏ đề chữ: Châu Thành
Anh về đó ở sao đành
Như chim về cội bạn đành bơ vơ
Anh về xứ Chắc Cà Đao
Bỏ em ở lại như dao cắt lòng
Anh từ Châu Đốc ngó xuống Vàm Nao
Thấy con cá đao bổ nhào vô lưới
Biết chừng nào anh cưới được em
Ngó lên Châu Đốc ngó xuống Vàm Nao
Anh thương em ruột thắt gan bào
Biết em có thương lại chút nào hay không?
Bắp non mà nướng lửa lò
Đố ai ve được con đò Vàm Nao
Giữa huyện Phú Tân và huyện Châu Phú là sông Hậu Giang. Ở đây sông Hậu Giang có Cù lao Năng Gù và phía dưới nguồn có phà Năng Gù nối liền 2 huyện nầy.
Năng Gù viết là Năng Cù (trong Gia Định Thông Chí) là dịch âm từ tên tiếng Miên Xe Neng Cô có nghĩa là Sừng Bò. Xe Neng đọc trại thành ra Năng và Cô đọc trại thành ra Cù. Cù lao Năng Gù có hình cái Sừng bò?
Thị xã Tân Châu có tên như vậy là vì bản doanh của Tân Châu Đạo dời từ Cù Lao Giêng về đây.
Kênh Vĩnh An nối liền Tiền Giang với Hậu Giang từ Châu Đốc đến Tân Châu. Kênh nầy dài 17 km rộng 15-27 m, đào năm 1846-1847 theo chương trình của Tuần phủ Vĩnh Long Nguyễn Tri Phương và Đốc Bộ Châu Đốc Nguyễn Công Nhàn. Sông Tiền Giang nối với sông Hậu Giang bởi Kênh Vĩnh An, sông Vàm Nao và rạch Ông Chưởng (đều ở tỉnh An Giang).
Ca Dao:
Ngó lên Sở Thượng thêm buồn (*)
Muốn giàm (châm) cội rễ sợ đường xa xôi
(*) Sông Sở Thượng là chi nhánh sông Hậu dẫn lên biên giới Cam-pu-chia
Đèn nào cao bằng đèn Sở Thượng
Nghĩa nào trượng bằng nghĩa phu thê
Em với anh vai sánh má kề
Dầu anh lạc Sở qua Tề
Trăm năm anh nguyện kết về duyên em
Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh
Gái nào bảnh bằng gái Tân Châu
Anh thương em chẳng nại sang giàu
Mứt hồng đôi lượng trà Tàu đôi cân
KIÊN GIANG
Tỉnh Kiên Giang
Thành phố Rạch Giá (Tỉnh lỵ)
Thành phố Hà Tiên
Huyện An Biên: Thị trấn Thứ Ba
Huyện An Minh: Thị trấn Thứ Mười Một
Huyện Châu Thành: Thị trấn Minh Lương
Huyện Giang Thành: Thị trấn Giang Thành
Huyện Giồng Riềng: Thị trấn Giồng Riềng
Huyện Gò Quao: Thị trấn Gò Quao
Huyện Hòn Đất: Thị trấn Hòn Đất
Huyện Kiên Hải: Hòn Tre là huyện lỵ
Huyện Kiên Lương; Thị trấn Kiên Lương
Huyện Phú Quốc: Thị trấn Dương Đông
Huyện Tân Hiệp: Thị trấn Tân Hiệp
Huyện Thổ Châu: đảo Thổ Châu là đảo lớn nhất trong quần đảo Thổ Châu. Đảo Thổ Châu có tên Pháp là Poulo Panjang có nghĩa là đảo dài từ tiếng Mã Lai là Pulau Panjang. Nguyễn Ánh đặt tên là đảo Thổ Châu.
Huyện U Minh Thượng: phần tách ra của huyện An Minh và huyện An Biên
Huyện Vĩnh Thuận: Thị trấn Vĩnh Thuận

Thành phố Hà Tiên là 1 hải cảng ở cuối kênh Vĩnh Tế. Kênh Vĩnh Tế nối với sông Giang Thành. Sông Giang Thành chảy ra biển qua Thị xã Hà Tiên (dưới cầu Tô Châu). Nó có 4 phường: Bình San, Đông Hồ, Pháo Đài và Tô Châu.
Hà Tiên:
là dịch âm từ tên tiếng Miên của 1 ấp dân cư đầu tiên ở đây là Tà Teng (sau đổi là Prêk Teng) có nghĩa là Sông (tên) Teng. Tà có nghĩa là sông, Teng là tên của sông. Hà Tiên là đọc trại và dùng nghĩa từ Tà Teng.
có tên là vì có tiên hiện ra ở sông chảy qua Hà Tiên là sông Giang Thành?
Người sáng lập ra Hà Tiên là Mạc Cửu. Đầu tiên Mạc Cửu lập 7 sòng bạc ở 7 chỗ, lấy Mang Khảm làm thủ phủ của mình (còn gọi là Mán Khảm), rồi đổi tên là Can Cao (Cảng Khẩu).
Tên là Mang Khảm (tiếng Xiêm) có nghĩa là "xóm dân vùng nước ngập". Theo Gia Định Thông Chí, người Xiêm gọi chỗ người phương Bắc tụ họp là Mang và Khảm là thấp, ngập nước. Năm 1724, Mạc Cửu dâng đất của mình cho chúa Nguyễn; chúa Nguyễn đặt thành dinh Long Hồ. Mạc Cửu cất Phương Thành ở Mang Khảm (Can Cao). Phương Thành có nghĩa là "Thành thơm, tức là thành trì có nhiều kỳ hoa dị thảo. Nó còn gọi là Trúc Bằng thành vì thành làm bằng tre. Năm 1735, Mạc Cửu chết, con là Mạc Sĩ Lân lên thay, đổi tên là Mạc Thiên Tứ chia dinh Long Hồ thành 4 huyện: Kiên Giang (tỉnh Kiên Giang/Rạch Giá bây giờ); Long Xuyên (tỉnh Cà Mau bây giờ); Trấn Giang (tỉnh Cần Thơ-Hậu Giang bây giờ) và Trấn Di (bắc tỉnh Bạc Liêu bây giờ).
Do đó Mang Khảm và Phương Thành là 2 tên cũ của Hà Tiên. Có vài địa danh ở Hà Tiên xuất phát từ tiếng Xiêm hay tiếng Miên như núi Phù Dung và Mũi Nai.
Núi Phù Dung là dịch âm từ tên tiếng Xiêm Phù Youn có nghĩa là "Núi của người Việt". Tiếng Xiêm Phù có nghĩa là núi. Tiếng Xiêm, tiếng Miên, tiếng Chàm và tiếng Lào đều gọi người Việt là "Youn" hay "Duôn". (Theo tiếng Phạn thì có nghĩa là người man di ở hang động). Phù Dung là đọc trại từ Phù Youn. Núi Phù Dung cao 53m ở TB Hà Tiên.
Mũi Nai là dịch âm từ tên tiếng Miên là Pù Nạy có nghĩa là "Núi lớn". Người Miên nói Pù Nạy thành P'Nay rồi người Việt đọc trại thành Nai và dịch ra Hán ngữ là Lộc. Mũi Nai ở Tp Hà Tiên.
Địa điểm du lịch ngày nay của Hà Tiên: Núi Đá Dựng, Núi Tô Châu, Thạch Động, Lăng Mạc Cửu, chùa Tam Bảo ngày xưa gọi là chùa Tiêu nổi danh với Tiêu Tự thần chung, bãi tắm Mũi Nai và đầm Đông Hồ.
Thạch Động (cách Hà Tiên 3 km) là hang sâu và cao 82 m. Trong động có chùa Hang thờ Phật. Ngày xưa có sư Huỳnh Long vào tham thiền và diệt tịch ở đây; di cốt còn thờ trong 1 bạch tháp có 7 cấp.
Hà Tiên còn có núi Tô Châu, có núi Địa Tạng có đền thờ Địa Tạng Vương bồ tát, có núi Vân Sơn, dưới chân núi có chùa Bạch Vân.
Ngoài khơi Hà Tiên có Hòn Đối (?) là đảo Hải tặc thuộc quần đảo Hải tặc.
Thơ:
HÀ TIÊN THẬP CẢNH TỔNG VỊNH
Mười cảnh Hà Tiên rất hữu tình
Non non nước nước gẫm nên xinh
Đông Hồ, Lộc Trĩ, luôn dòng chảy
Nam Phố, Lư Khê, một mạch xanh
Tiêu Tự, Giang Thành, chuông trống ỏi
Châu Nam, Kim Dự, cá chim quanh
Bình San, Thạch Động là rường cột
Sừng sựng muôn năm cũng để dành.
(Mạc Thiên Tứ)
VIẾNG CẢNH HÀ TIÊN
Non cao bể rộng đảo ngoài khơi
Thập cảnh huy hoàng dưới nắng mơi
Bãi Ớt, bướm bay trên mặt nước
Mũi Nai, én liệng giữa khung trời
Hang tiền thích viếng hồn thơ đổ
Sóng bạc ưa nhìn chén rượu vơi
Trong lúc vui say thường cảm cựu
Cầu hồn cụ Mạc xướng hòa chơi.
(Lãng Ba Phan Văn Bộ)
Ca Dao:
Thằng Hóa Quang trở về Quang Hóa (*)
Bạn hiền ta trở lại Hà Tiên
Làm sao rõ được căn nguyên
Dầu sông dầu biển đi liền tới nơi
(*) Quang Hóa tương ứng với khu vực Hiếu Thuận, Trảng Bàng, Tây Ninh và sông Quang Hóa là thượng lưu của sông Cửu An (Vàm Cỏ Đông)
Trai nào khôn bằng trai Long Mỹ (*)
Gái nào mủ mỉ bằng gái Hà Tiên
(*) Huyện Long Mỹ thuộc Hậu Giang, bìa của rừng U Minh.
Ngó qua bên núi Tô Châu
Thấy cô (em) gánh nước trên đầu cài trâm
Thuyền dời ra khỏi Pháo Đài (*)
Lênh đênh Hòn Chảo dạo ngoài Ba Trơn (*)
(*) Đều thuộc Hà Tiên
Ngó ra Vàm Cậu lù mù
Đông Hồ Thị Vạn Tô Châu Rạch Dừa
Ngó ra Hòn Họ lưa thưa
Hòn Chong Phụ Tử trên bờ Tà Săng (*)
(*) Vàm Cậu ở ĐB Hà Tiên. Đông Hồ ở Đ Hà Tiên. Thị Vạn là con rạch nhỏ ở Hà Tiên. Núi Tô Châu ở Hà Tiên gọi là núi Voi Phục vì có hình con voi đang nằm. Rạch Dừa là một bờ biển ở xã Dương Hòa, Hà Tiên. Hòn Chong và Hòn Phụ Tử ở Hà Tiên. Tà Săng là một ấp có nhiều người Khmer ở, Hà Tiên.
Tháng giêng là tháng ăn chơi
Anh đi nằm bãi Hòn Khơi một mình (*)
(*) Còn gọi là Hòn Phú Dụ ở Hà Tiên
Ngó ra Hòn Chảo sóng bủa lao xao (*)
Thấy buồm anh chạy như dao cắt lòng
(*) Hòn đảo nhỏ thuộc xã Bình An, Hà Tiên
Từ Hà Tiên về hướng Đông chừng 30km dọc theo bờ biển có Hòn Chông, có động Chùa Hang thờ 2 tượng Phật lớn tạc hình từ thế kỷ 14. Sản phẩm đặc biệt nhứt nơi nầy là Trứng nhạn.
Ngoài khơi có Hòn Phụ Tử gồm có 2 khối đá lớn dính liền nhau như Cha Con đứng cạnh nhau. Cách Hòn Chông độ 15 km về hướng Tây Nam có Hòn Nghệ, tiếng Pháp là Pôlô Tekere.
Ca Dao:
Tháng ba cơm gói ra hòn
Muốn ăn trứng nhạn phải lòn hang Mai
Mặc tình ai dễ ép ai
Muốn ăn trứng nhạn hang Mai phải lòn
Hang Mai anh cũng muốn lòn
Sợ rằng trứng nhạn hãy còn vỏ không?
Kênh Rạch Giá-Hà Tiên dài 81 km sâu 3.5-3.8 m rộng 28 m. Kênh chính nầy đi qua Kiên Lương, Hòn Đất, Sóc Sơn và đến Rạch Giá. Từ Kiên Lương tới Rạch Giá kênh song song với Lộ 80.
Ngoài ra có bốn kênh phụ từ kênh chánh đi sâu qua vùng trũng của tỉnh Kiên Giang đi vào tỉnh An Giang: kênh Tri Tôn (31km), kênh Ba Thê (40km), kênh Hà Giang và kênh Tám Ngàn.
Toàn thể kênh Rạch Giá-Hà Tiên đào mất 4 năm (1926-1930).
Kiên Lương theo Hán tự thì có nghĩa là mạnh mẽ, cứng cỏi và lương thiện.
Huyện Kiên Lương có núi Trầu từ tên tiếng Miên là Phnum Mlu có nghĩa là Núi Trầu. Phnum=ngọn núi, ngọn đồi và Mlu=cây trầu. Núi Trầu là núi đá vôi đã khai thác.
Quần Đảo Bà Lụa thuộc huyện Kiên Lương.
Bà Lụa:
lấy tên của 1 nữ tướng của Nguyễn Trung Trực
lấy tên của bà chủ quần đảo nầy là người Hoa vợ của 1 ông Tây được quyền khai thác quần đảo nầy nên để vợ (là Bà tên Lụa) đứng tên và khai thác.
Hòn Đất (Thổ Sơn) là dịch nghĩa và âm từ tên tiếng Miên là Phnum Mdei có nghĩa là "ngọn đồi bảo vệ". Phnum=ngọn đồi và Mdei=bảo vệ. Đồi bị ngập nước thành ra Hòn. Hòn là từ nghĩa của Phnum và Đất là âm trại từ Mdei. Huyện Hòn Đất có nhiều núi đá vôi là Hòn Đất (cao 260 m), Hòn Sóc, Hòn Quéo, Hòn Me...
Huyện Hòn Đất có 2 Thị trấn: Thổ Sơn (Hòn Đất) và Sóc Sơn.
Tuy nhiên cũng có núi Ba Hòn ở huyện Kiên Lương.
Rạch Giá:
là dịch âm từ tên tiếng Miên là Kramoun Sa hay Krâmoun Sâ có nghĩa là Sáp Trắng. Krâmoun=Sáp ong và Sâ=màu trắng. Nơi đây lúc xưa có nhiều tổ ong có sáp màu trắng. Rạch Giá là đọc trại từ Krâmoun Sa.
là vì ở nơi đây lúc đầu là 1 con rạch có nhiều cây giá là một loại cây bụi nhỏ có mủ trắng độc ăn da. Hán tự là Giá Khê.
Kiên Hải là một "Huyện Đảo" ở ngoài khơi Thị xã Rạch Giá, có 4 xã: Hòn Tre, Lại Sơn (Hòn Rái), An Sơn và (quần đảo) Nam Du.
Kiên Hải:
là dịch nghĩa từ tên tiếng Miên là Prâchum Kaôh có nghĩa là Quần Đảo. Prâchum=tụ tập, nhóm họp và Kaôh=hòn đảo, cù lao.
có nghĩa là "kiên cường giữa biển cả".
Gọi là Hòn Rái vì nơi đây có nhiều cây dầu rái.

Rạch Giá có kênh Thoại Hà từ tỉnh An Giang.
Giữa Rạch Giá và Minh Lương có một chỗ cửa biển có kênh Rạch Sỏi, sông Cái Bé và sông Cái Lớn chảy ra gần nhau.
Kênh Rạch Sỏi đến từ vùng Cái Sắn của Cần Thơ qua Thị trấn Tân Hiệp
Sông Cái Bé nối với hợp lưu của kênh Thốt Nốt và kênh Thị Đội đến từ Cần Thơ. Hai kênh nầy hợp lưu ở Thị trấn Giồng Riềng.
Sông Cái Lớn có nhánh sông Cái Tư nối liền với kênh Xà No của tỉnh Hậu Giang. Gần tới biên giới với tỉnh Bạc Liêu, sông Cái Lớn chảy qua Thị trấn Gò Quao.
Tân Hiệp có tên tiếng Miên là Krasang.
Giồng Riềng là dịch nghĩa từ tên tiếng Miên là Prey Rumdéng có nghĩa là Rừng Cây Riềng. Prey=rừng và Rumdéng=cây riềng. Cây Riềng (Alpinia galanga) gọi là Hồng Đậu Khấu hay Sơn Khương Tử. Tên Giồng Riềng là từ Rừng Cây Riềng (Pey Rumdéang).
Gò Quao là gò có trồng (nhiều) cây Quao. Cây Quao là giống cây mà lá có chất nhuộm màu đen.
Lưu vực sông Cái Lớn ra tới vịnh Thái Lan là rừng U Minh Thượng có các huyện An Biên, An Minh và Vĩnh Thuận. Sau nầy chính quyền lấy một phần đất của An Biên và An Minh lập thành huyện U Minh Thượng. U Minh có nghĩa là "mờ tối", đúng như đặc tính của rừng U Minh.
Huyện lỵ của Huyện An Biên là Thị trấn Thứ Ba. Thứ Ba là dịch nghĩa từ tên tiếng Miên là Prêk Bei có nghĩa là Kênh thứ ba. Prêk=con kênh và Bei=ba, thứ ba.
Huyện lỵ của huyện An Minh là Thị trấn Thứ Mười Một.
Sông Trèm Trẹm (còn gọi là sông Trẹm) dài 36 km nối sông Cái Lớn (tỉnh Kiên Giang) và sông Ông Đốc (tỉnh Cà Mau). Sông chia rừng U Minh thành U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) và U Minh Hạ gồm luôn vùng Cái Tàu (tỉnh Cà Mau). Ở tỉnh Kiên Giang, sông chảy qua Thị trấn Thứ Ba và Thứ Mười Một.
Ca Dao:
Xứ Cần Thơ nam thanh nữ tú
Xứ Rạch Giá vượn hú chim kêu
Chợ Sài Gòn cẩn đá
Chợ Rạch Giá cẩn xi mon
Giã em ở lại vuông tròn
Anh về xứ sở không còn ra vô
Tôi ở Trà Vinh tôi nghèo quá
Tôi chèo ghe vô Cà Mau Rạch Giá
Tôi mua ít tạ khoai lang
Tôi đi thẳng Trà Bang
Tôi bán một tạ chỉ lời mấy cắc
Tôi trở về nhà thấy anh ngồi sòng tứ sắc
Tôi kể chắc anh đã thua rồi
Trời đất ơi! Con năm bảy đứa, gạo tôi kiếm từng nồi anh thấy không?
Tĩn ve chai năm nay sụt giá
Tôi bán không khá
Tôi trở về Rạch Giá chở một giạ khoai lang
Tôi xuống chợ Trà Bang
Tìm cô bạn ngọc thở than đôi lời
Phải chi tôi đặng lên trời
Hỏi thăm duyên nợ đổi dời về đâu?
U Minh Rạch Giá thị quá sơn trường
Dưới sông sấu lội trên rừng cọp đua
U Minh Rạch Giá thị quá sơn trường (*)
Gió đưa bông sậy dạ buồn nhớ ai
(*) Sơn trường là những trại đồn điền do triều đình nhà Nguyễn lập ra để qui tụ những lưu dân hay tội nhân đến khai khẩn đất hoang.
Nhà Ngang, Kẻ Một, Cây Bàng (*)
Ngược xuôi in dấu chơn chàng, chàng ơi
(*) Địa danh thuộc huyện Vĩnh Thuận
Đảo Phú Quốc là huyện (đảo) thuộc tỉnh Kiên Giang.
Trong 7 chỗ Mạc Cửu lập sòng bạc có đảo Koh Tral trong vịnh Thái Lan. Ông đổi tên thành ra Phú Quốc, có nghĩa là vùng đất giàu có.
Hòn đảo
=hòn là tiếng Việt
=đảo là tiếng Trung Hoa
="cù lao" là từ tiếng Chàm: kulau, là từ tiếng Mã Lai: poulo
=kok là tiếng Miên
Ca Dao:
Làm sao hóa đặng chim xanh
Bay ra Phú Quốc thăm anh kẻo buồn

CÀ MAU
Tỉnh Cà Mau
Thành phố Cà Mau
Huyện Cái Nước: Thị trấn Cái Nước
Huyện Đầm Dơi: Thị trấn Đầm Dơi
Huyện Năm Căn: Thị trấn Năm Căn
Huyện Ngọc Hiển: Thị trấn Rạch Gốc
Huyện Phú Tân: Thị trấn Cái Đôi Vàm
Huyện Thới Bình: Thị trấn Thới Bình
Huyện Trần Văn Thời: Thị trấn Trần Văn Thời và Thị trấn Sông Ông Đốc
Huyện U Minh: Thị trấn U Minh
Tỉnh Cà Mau có tên cũ là Minh Hải thời VNCH.

Cà Mau:
là dịch âm từ tên tiếng Miên là Tuk Khmau có nghĩa là Nước Đen. Đất của vùng Cà Mau có nước ngập quanh năm có lá (tràm, lát, sậy...) mục làm nước có màu vàng , gần như đen có vị phèn và mùa hôi. Cà Mau là đọc trại từ Khmau.
là dịch âm từ tên tiếng Miên là Toek Khmau có nghĩa là "kho lúa màu đen". Toek=kho lúa và Khmau=màu đen. Nước của vùng Cà Mau gần như màu đen vì gần rừng U Minh (ở phía Tây Bắc). Cà Mau là đọc trại từ Khmau.
Ca Dao:
Cà Mau khỉ khọt trên bưng
Dưới sông sấu lội trên rừng cọp um.
Cà Mau hãy đến mà coi
Muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lội lềnh như bánh canh
Ở đâu bằng xứ long tràm
Chim kêu như hát bội, cá lội vàng tựa mắm nêm
Sông Trèm Trẹm từ sông Cái Lớn chảy qua huyện An Minh (tỉnh Kiên Giang) và huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau).
Thời nhà Nguyễn vùng (Thới Bình) nầy gổm có 4 thôn nhỏ: Tân Thới, Kiến An, Cửu Vạn và Tân Bình. Thời Pháp thuộc, 4 thôn họp lại thành 1 làng lấy tên là Thới Bình. Từ đó thành huyện Thới Bình.
Sông Cái Tàu từ vịnh Thái Lan chảy qua rừng U Minh Hạ (và huyện U Minh) rồi hợp với sông Trèm Trẹm thành ra sông Ông Đốc. Khúc gần vịnh Thái Lan của sông Cái Tàu gọi là rạch Tiểu Dừa.
Sông Ông Đốc dài 58 km chảy ra vịnh Thái Lan. Tương truyền ngày trước, Nguyễn Phúc Ánh bị quân Tây Sơn đuổi tới đây, Đô đốc Nguyễn Văn Vàng xin mặc áo hoàng bào để nghi binh cho Nguyễn Phúc Ánh trốn được. Ông Đốc Vàng bị quân Tây Sơn bắt và bị giết chết. Nhớ gương hy sinh của ông, vua Gia Long (Nguyễn Phúc Ánh) có lập miếu thờ ở vùng nầy vào năm 1802. Từ đó dân gian đặt tên là sông Ông Đốc. Có Thị trấn Sông Ông Đốc ở huyện Trần Văn Thời. Thời VNCH, huyện Trần Văn Thời có tên là huyện Sông Ông Đốc. Cửa sông Ông Đốc là nơi tàu Ba Lan Kilinski đón những người tập kết ra Bắc ngày 2 -11-1954.
Theo Sơn Nam, Rừng U Minh Hạ (thuộc huyện U Minh và Trần Văn Thời) có 2 vùng: Cái Tàu (ở huyện U Minh) và U Minh Hạ (ở huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời). Cái Tàu ở giữa Vịnh Thái Lan, sông Trèm Trẹm và sông Cái Tàu. U Minh Hạ, phía Nam của Cái Tàu, ở giữa vịnh Thái Lan, Sông Cái Tàu và sông Ông Đốc.
Sông Cửa Lớn là con kênh dài 58 km, rộng 600 m và sâu 12 m ở tỉnh Cà Mau nối biển phía Đông ở cửa Bồ Đề và phía Tây ở cửa Ông Trang (gần mũi Cà Mau). Sông Cửa Lớn là dịch từ Hán ngữ "Đại Môn Giang". Khúc sông giữa cửa Bồ Đề và nhánh sông Đầm Dơi gọi là sông Bồ Đề. Sông Cửa Lớn làm ranh giới giữa huyện Năm Căn và huyện Ngọc Hiển, tách huyện Ngọc Hiển (khu vực ở cuối cực nam của bán đảo Cà Mau) thành một đảo, có cầu Năm Căn bắt qua. Nước ở sông nầy thì lợ chớ không là nước ngọt. Mũi Cà Mau ở huyện Ngọc Hiển và cửa Bồ Đề ở phía Bắc của mũi Cả Mau.
Sông Bảy Háp từ Thành phố Cà Mau chảy ra vịnh Thái Lan dài 48 km. Tương truyền rằng hồi xưa vào một mùa cá, một gia đình ngư phủ ở sông nầy đánh lưới được kỷ lục là 7 háp cá tôm. Do đó tên con sông là "bảy háp".
1 hảp=100 nam. 1 nam=1 livre=1/2 kg
1 háp=50 kg như vậy 7 háp=350 kg. (Ngày nay gọi 1 háp là 1/2 tạ).
Bây giờ sông Bảy Háp được gọi là sông Bảy Hạp!
Sông Bảy Hạp hay Bảy Háp là ranh giới: phía Bắc là huyện Cái Nước và huyện Phú Tân và phía Nam là huyện Đầm Dơi và huyện Năm Căn.
Ở vịnh Thái Lan, cửa sông Bảy Háp ở phía Bắc của cửa Bồ Đề của sông Cửa Lớn (và mũi Cà Mau) và ở phía Nam của cửa sông Ông Đốc.
Tên Năm Căn có nguồn gốc: Lúc ban sơ (200 năm về trước) có một người Hoa tên là Chệt Hột đến vùng nầy cất năm căn trại đáy để đánh cá, phía trên bờ thì làm rẫy. Vùng nầy từ đó càng phát đạt và người ta gọi tên là Năm Căn từ 5 căn trại đáy nầy.
Cái Nước:
là vì nơi đây có nhiều cá dưới nước
từ Cái là lớn và nước là vùng sông nước như vậy có nghĩa là vùng sông nước rộng lớn
có tên đầu tiên là Cái Thủy. Thủy=nước
Đầm Dơi có tên từ đặc tính là "xứ đầm lầy có nhiều dơi đậu". Tên nầy xuất hiện trong địa bạ triều Nguyễn Minh Mạng vào năm 1836.
Bắt đầu từ Thành phố Cà Mau bởi dòng nước từ hợp lưu của kênh Quản Lợi-Phụng Hiệp, kênh xáng Cà Mau-Bạc Liêu và sông Giống Kè; sông Gành Hào chảy về hướng Nam đến ngã ba ranh giới giữa Tp Cà Mau, h. Đầm Dơi và h. Cái Nước thì sông đổi sang hướng Đông làm thành ranh giới tự nhiên giữa 2 huyện Đầm Dơi và Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) và ra biển Đông ở cửa Gành Hào. Có thuyết cho rằng Gành Hào là viết từ Gành Hàu có nghĩa là "Gành có nhiều Hàu".
Sông Gành Hào nối với sông Bảy Háp qua kênh Đội Cường (mang tên ông Đội tên Cường). Đội Cường tên là Nguyễn Phú Cường, con của Đốc Phủ sứ Nguyễn Phú Hào làm quận trưởng quận Vĩnh Lợi thời Pháp thuộc. Đội Cường làm "Tào cáo" (tay sai của Pháp) chuyên xét ghe thuyền trên vùng nầy.
Ca Dao:
Tháng tư cơm gói ra hòn
Muốn ăn trứng nhạn phải lòn hang Mai (*)
(*) Thuộc làng Khánh Lâm, huyện U Minh Hạ
Nồi đất mà úp vung đồng
Con gái Rạch Giá lấy chồng Đầm Dơi
Chiều chiều giậm cẳng kêu trời
Thương cha nhớ mẹ biết đời nào ra.
Xứ nào bằng xứ Cạnh Đền (*)
Muỗi kêu như sáo thổi đỉa lội lềnh như bánh canh
(*) Xứ Cạnh Đền được biết qua câu chuyện "Cô Út về rừng" của Sơn Nam trong quyển "Hương Rừng Cà Mau". Gần đó còn có "Đồng Chó Ngáp", "Xứ độn Trâu"... Thật ra theo một cư dân ở đây thì xứ Cạnh Đền nầy ngày nay nằm ở ranh giới xã Ninh Thạnh, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu và xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang.
Ở đây tương truyền có đền của 1 công chúa, em Nguyễn Vương Phúc Ánh, nên người dân ở đây là ở "cạnh đền (công chúa)". Mặc dù không ai thấy dấu tích của cái đền nầy ở đâu.
Ngoài khơi ở biển Đông Hải, tỉnh Cà Mau có nhiều Hòn là địa điểm du lịch:
Nhóm đảo Hòn Khoai: Hòn Khoai, Hòn Sao, Hòn Đồi Mồi, Hòn Đá Lẻ, Hòn Tương
Nhóm đảo Hòn Chuối
Nhóm đảo Hòn Đá Bạc: Hòn Trọi, Hòn Ông Ngộ và Hòn Đá Bạc.
Ca Dao:
Tôi ở Hòn Khoai
Đi về hòn Đá Bạc
Tôi trương buồm chạy lạc
Lại tới Hòn Nhum
Thấy ông tiều đốn củi lum khum
Tôi hỏi ông lão chớ não nùng tại ai?
BẠC LIÊU
Tỉnh Bạc Liêu
Thành phố Bạc Liêu
Huyện Giá Rai và Thị xã Giá Rai
Huyện Đông Hải: Thị trấn Gành Hào
Huyện Hòa Bình: Thị trấn Hòa Bình
Huyện Hồng Dân: Thị trấn Ngan Dừa
Huyện Phước Long: Thị trấn Phước Long
Huyện Vĩnh Lợi: Thị trấn Châu Hưng
Bạc Liêu (Hán ngữ đọc là Bắc Liêu)
- là dịch âm từ tên tiếng Tiều (Triều Châu) là Pò Léo hay Pô Léo có nghĩa là Xóm Trại Đáy (Pêcherie chaume) là xóm chuyên nghề hạ bạc tức là đóng đáy thả lưới quăng chày để bắt cá tôm. Bạc Liêu là đọc trại của Pò Léo hay Pô Léo.
- Pô Léo lại là người Tiều đọc trại từ tiếng Miên là Pooeu có nghĩa là cây Bồ đề.
- Pô Léo của tiếng Tiều, có người lại nghĩ là dịch âm từ tên tiếng Miên là Pôl Léav có nghĩa là "đồn lính Lèo". Pôl=đơn vị quân đội và Léav=người Lào, người Lèo, người Ai Lao. Pô Léo là đọc trại của Pôl Léav.
- là dịch âm từ tiếng Miên là Po Loenh có nghĩa là Cây Đa cao. Lúc trước ở Thành phố Bạc Liêu có 1 cây đa cao lớn tại đây. Bạc Liêu là đọc trại của Po Loenh.
Thành phố Bạc Liêu có Kênh Cà Mau-Bạc Liêu chảy qua, nó còn gọi là Kênh Xáng Cà Mau. Xáng là Xà Lan (chaland) trên đó có máy đào kênh và vét bùn.

Hồng Dân đặt tên theo Trần Hồng Dân (1916-1946) một anh hùng kháng Pháp lả người ở nơi đây. Tên cũ là Đầu Sấu. Đầu Sấu là dịch nghĩa từ tên tiếng Miên là Kabal Krâpeu hay Kbal Kropu có nghĩa là Đầu Sấu. Ở tỉnh Hậu Giang cũng có vàm và cầu Đầu Sấu thuộc huyện Long Mỹ.
Ngan Dừa là đọc trại từ Ngăn Gừa. Từ thời Tự Đức quan địa phương chia rừng ở đây thành từng lô nhỏ lấy kinh rạch thiên nhiên làm ranh giới gọi là "Ngăn" hay nói trại thành "Ngan". Vùng nầy là "Ngăn có nhiều cây Gừa" lẫn với cây Tràm nên gọi là Ngan Gừa, lâu ngày đọc trại thành Ngan Dừa.
Vĩnh Lợi:
theo Hán tự có nghĩa là "mãi mãi thuận lợi"
tên tiếng Miên là Prêk Chrou có nghĩa là Rạch sâu. Prêk=rạch, sông nhỏ, kênh và Chrou=sâu. Nhưng ở đây không có kênh rạch nào đáng kể!
Giá Rai có nghĩa là (có) "lai rai (vài) cây giá".
Ca Dao:
Bạc Liêu nước chảy lờ đờ
Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu (*)
(*) Ý nói người Triều Châu hay người Tiều.
Muốn làm kiểng lấy gái Sài Gòn
Muốn ăn mấm cái lấy gái đen giòn Bạc Liêu
Tiếng đồn con gái Thủ Biên (*)
Bạc Liêu đi cưới một thiên cá mòi
(*) Thủ Biên là Thủ Dầu Một và Biên Hòa.
Ca Dao có Tiếng Tiều (Triều Châu):
Chờ anh em hết sức chờ
Chờ cho ến xại, lên bờ khùi ui (*)
(*) Ến xại=rau muống; khùi ui=trổ bông
Chim kêu ngồ ố, Láng Dài (*)
A hia xủa bố, a mùi ùm chai (**)
(*) Láng Dài ở Giá Rai?
(**) A hia xủa bố=anh cưới vợ; a mùi ùm chai=em không hay
Nào khi ến thạo, hoan tùa
Sùn hoang nghệch lão, xuốt quà thăm em
(Cả câu: Khi nào thấy gió thổi. Gió xuôi nước ngược ra thăm em)
Trời mưa ít dụm hong tùa
A hia phè chuối, xuốt gùa thăm em
(Cả câu: Trời mưa trời tối gió to, anh chèo ghe ra thăm em)
SÓC TRĂNG
Tỉnh Sóc Trăng
Thành phố Sóc Trăng
Huyện Châu Thành: Thị trấn Châu Thành
Huyện Cù Lao Dung: Thị trấn Cù Lao Dung
Huyện Long Phú: Thị trấn Long Phú và Thị trấn Đại Ngãi
Huyện Kế Sách: Thị trấn Kế Sách và Thị trấn An Lạc Thôn
Huyện Mỹ Tú: Thị trấn (Huỳnh) Hữu Nghĩa
Huyện Mỹ Xuyên: Thị trấn Mỹ Xuyên
Huyện Ngã Năm và Thị xã Ngã Năm
Huyện Thạnh Trị: Thị trấn Phú Lộc và Thị trấn Hưng Lợi
Huyện Trần Đề: Thị trấn Trần Đề và Thị trấn Lịch Hội Thượng. Phần tách ra từ huyện Long Phú.
Huyện Vĩnh Châu và Thị xã Vĩnh Châu
Tỉnh Sóc Trăng có tên cũ là Ba Xuyên (kiêm luôn Bạc Liêu) thời VNCH.

Sóc Trăng:
là dịch âm từ tên tiếng Miên Srock Kléang (Srok Khleang). Srok=Xứ và Kheang=kho bạc, kho báu vật. Ngày xưa tướng giặc Xà Ma Téa và Xà Ma Tua dùng nơi đây làm kho chứa vàng bạc, vũ khí và lương thực để chống lại triều đình Chân Lạp. Sóc Trăng là đọc trại từ Srok Khleang.
là dịch âm từ tên tiếng Miên Srok Tréang có nghĩa là bãi lau sậy hoang vu. Sóc Trăng là đọc trại từ Srok Tréang.
(theo Vương Hồng Sển) là tên dân gian dùng (Sóc Trăng) để dịch từ địa danh cùa triều đình nhà Nguyễn là Nguyệt Giang Tỉnh. Nguyệt Giang Tỉnh là từ tiếng Miên là Péam Ptêk Srôk Khiẵn. Péam=vàm, Prêk=sông, Srôk=xứ, đọc là "sóc" và Khiẵn=kho bạc hay kho vũ khí.
Ca Dao:
Chợ Sóc Trăng chà gạo lộn trấu càng
Anh thương em là thương lời ăn tiếng nói dịu dàng
Ba Xuyên đi dễ khó về
Trai đi có vợ gái về có con
Theo Pétrus Ký, Cửa biển Ba Thắc (của sông Hậu Giang ra biển Đông) là dịch âm từ tên tiếng Miên Păm Prek Bàsàk. Bàsàk là tên của một ông thần Khmer gọi là Nặc Tà hay Ông Tà có miếu thờ ở vùng Bảy Xàu. Ba Thắc là đọc trại của Bàsàk. Người Pháp dùng chữ Bassac. Chữ Bassac còn dùng như tên của sông Hậu Giang thời Pháp thuộc.
Có thuyết khác cho rằng vào thế kỷ 18 ông Bàsàk là một hoàng tử người Lào (Ai Lao) cùng vợ sợ tội đi tàu lưu vong tới cửa biển Trần Đề ngày nay bị dạt vào Vàm Tấn rồi bị sóng tạt vào sông Ba Xuyên tới Bãi Xàu. Từ Vàm Tấn (chỗ sông Ba Xuyên chảy vào sông Hậu Giang), sông Ba Xuyên nối liền Bãi Xàu (Mỹ Xuyên) bằng 3 làng Đại Ngãi, Châu Khánh và Tân Thành. Ông Bàsàk nầy có miếu thờ bằng cây rồi năm 1927, ông Lê Văn Quạnh, một cư dân trùng tu miếu theo lối kiến trúc của Trung Hoa gọi là Ba Thắc cổ miếu. Miếu Ba Thắc ở ấp Sóc Lèo xã Lịch Thượng huyện Long Phú.
Cửa Ba Thắc ở cạnh cửa Trần Đề. Ngày nay cửa Ba Thắc bị Cù Lao Dung bít mất.
Vàm Tấn là dịch nghĩa từ tên tiếng Miên Peám Senn có nghĩa là Vàm Tấn. Peám=Vàm và Senn=Tấn. Nó thuộc làng Đại Ngãi nên sau nầy được gọi là Vàm Đại Ngãi (từ năm 1848). Nơi đây đã từng nổi tiếng có loại Cá Cháy có nhiều xương nhưng thịt rất ngon. Cá Cháy được ông Vương Hồng Sển nói tới, nhưng ngày nay đã tuyệt chủng. Vàm Đại Ngãi cũng là nơi thương thuyền khắp Đông Nam Á và Trung Quốc tới buôn bán vào thế kỷ 19.
Sông Ba Xuyên có tên là vì có nhiều sóng (Ba=sóng và Xuyên=sông). Có thuyết khác cho là Ba Xuyên là tên phủ Ba Xuyên được vua Minh Mạng đặt tên là vì ở sông Hậu Giang ra 3 cửa: Trần Đề (Trấn Di), Định An và Ba Thắc (Bassac). Phủ Ba Xuyên lúc đó có 3 quận: Vĩnh Định (Châu thành và Kế sách), Phong Nhiên (Bãi Xàu hay Mỹ Xuyên) và Phong Thạnh.
Mỹ Xuyên là tên gồm lại của 2 làng Hòa Mỹ và Vĩnh Xuyên. Mỹ Xuyên có tên cũ vẫn còn được người địa phương dùng là Bảy Xàu.
Bảy Xàu là dịch âm từ tên tiếng Miên là Srok Bay Chhau có nghĩa là "xứ cơm sống". Srok=xứ; Bay=thức ăn và Chhau=sống. Điển tích là từ chuyện của 1 nàng con gái tên là Chanh. Năm 1757, Nàng Chanh là 1 cung phi chạy trốn vua (Chân Lạp), bị quan quân rượt đuổi, khi chạy tới đây đang nấu cơm để ăn thì quan quân rượt tới nên không chờ được cơm chín mà phải bỏ chạy; khi ra tới cửa biển Mỹ Thạnh thì nàng Chanh nhẩy xuống biển tự tử. Do đó nơi nầy có tên là Bảy Xàu. Bảy Xàu là đọc trại từ Bay Chhau.
Huyện Mỹ Xuyên có sông Cổ Cò từ Kênh Xáng Cà Mau-Bạc Liêu chảy vào Sóc Trăng vào sông Mỹ Thạnh. Sông Mỹ Thạnh làm ranh giới giữa h. Vĩnh Châu và h. Mỹ Xuyên, chảy ra biển Đông ở cửa Mỹ Thạnh.
Long Phú có nghĩa là đầy đủ giàu có, có lẽ từ tên tiếng Miên là Ândong Toek có nghĩa là "cái giếng nước".
Làng Rạch Gòi là âm từ chữ Miên là Preck Koi có nghĩa rạch của sở quan thuế vì hồi xưa vào năm 1800 có quan vào thu thuế ở đây. Làng Rạch Gòi thuộc huyện Long Phú.
Cù Lao Dung:
là dịch âm từ tiếng Miên Kaôh Tung có nghĩa là "Cù lao chim Bồ nông" vì nơi đây có chim Bồ nông. Kaôh=Cù lao và Tung=chim Bồ nông. Tung đọc trại thành Dung nên đọc là Cù Lao Dung. Chim Bồ nông có tên khoa học là Pellcanus philipensis.
là từ tiếng người Khmer gọi người Việt là "Duông". Vì nơi đây có người Việt tới sinh sống nên gọi là Cù lao "Duông", về sau đọc trại thành Cù Lao Dung.
(Theo Vương Hồng Sển) cù lao có tên tiếng Miên là Kăk Tunh (hay Koh-tun). Kăk-tunh là chim Cồng cộc hay chim Chàng bè, hay ăn cá; ngày nay không còn thấy nữa. Do đó đọc trại là Cù Lao Dung?
Khi xưa Sông Hậu Giang chảy ra biển Đông bằng 3 cửa Định An, Ba Thắc và Trần Đề. Ngày nay phù sa bồi đắp Cù lao Dung rộng ra nên nó bít mất cửa Ba Thắc. Trong tương lai sẽ có 1 cầu bắc qua sông Hậu Giang từ cửa Đại Ngãi (Vàm Tấn) sang huyện Tiểu Cần của tỉnh Trà Vinh. Quốc lộ 60 sẽ không bị gián đoạn bởi sông Hậu Giang nữa. Đại Ngãi thuộc huyện Long Phú gần chóp trên của Cù Lao Dung.
Mỹ Tú có Thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa. Huỳnh Hữu Nghĩa theo kháng chiến chống Pháp và tử trận ở đây.
Kế Sách là dịch âm của tên tiếng Miên là Phnor Khsach có nghĩa là Giồng Cát. Phnor=giồng và Khsach=cát sỏi. Ở đây có nhiều cát do phù sa của sông Hậu Giang. Kế Sách là đọc trại từ Khsach.
Huyện Kế Sách có rạch vàm Cái Sách (ở xã Nhơn Mỹ) và có chợ Cái Côn (nay ở xã An Lạc Tây).
Thị xã Vĩnh Châu có chùa Cà Săng dịch âm từ tên tiếng Miên là Srei Krosang. Srei=chùa. Huyện Thạnh Trị ngày xưa có Khu trù mật Cái Trầu (nay thuộc xã Tuân Tuất).
Vĩnh Châu có nghĩa là "hạt ngọc đẹp muôn đời". Những hạt ngọc nầy là những loại trái nhãn nhỏ và những củ hành nhỏ (do người Tiều trồng) là đặc sản chỉ trồng ở đây.
Ca Dao:
Gặp cơm Ba Thắc thơm ngon
Chan nước mắm hòn ăn chẳng muốn thôi
Nước Ba Thắc chảy cắt như dao
Con cá dao bổ nhào vô lưới
Biết chừng nào anh cưới đặng em.
Tàu số một chạy lên Vàm Tấn
Tàu số hai chạy xuống Cần Thơ
Tuổi ba mươi em cũng ở vậy mà chờ
Lỡ duyên chịu lỡ cũng chờ được anh.
Anh qua Vàm Tấn anh đến cù lao
Cho anh xin chút má đào của em.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Bài nầy đăng lần đầu trong phanthuonghai.com mục Thơ và Sử.
Tài Liệu tham khảo:
1) Ca Dao Nam Bộ (Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
2) Thơ Lãng Ba và Miền Nam (Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
3) Thơ Quốc Ngữ Nam Kỳ Lục Tỉnh (Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
4) Đất Việt Trời Nam (Thái Văn Kiểm)
5) Nam Kỳ Lục Tỉnh (Hứa Hoành)
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
_____________________________

CA DAO VÀ CÂY TRÁI MIỀN NAM
Phan Thượng Hải
Miền Nam nước Việt nhứt là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long không những là vựa lúa của nước Việt Nam mà còn là vựa trái cây. Ngoài những cây trái đặc sản như Sầu Riêng, Ổi, Mít, Nhãn, Vải, Xoài, Măng Cụt, Đu Đủ, Khóm (Thơm), Bưởi, Chôm Chôm, Mãng Cầu Xiêm, Vú Sữa, Khế và Me còn có Cóc, Mận, Mãng Cầu Dai và Chùm Ruột, lại còn chưa kể Dừa, Chuối cũng như Cam, Chanh, Quýt và Tắc (Quất).
Với thú vị vật chất được ăn uống, người Việt chúng ta có thú vị tinh thần qua hiểu biết và đặt tên những loại trái cây nầy. Phương ngữ Bắc Trung Nam đôi khi làm lẫn lộn như Mận và Đào.
Người Việt còn dùng những câu Ca dao hay những câu Đố diễn tả tình ý liên quan tới cây trái làm cho chúng thêm phần thi vị. Chúng giúp cho văn học Việt Nam thêm phong phú và thâm thúy.
Ca dao:
Bến Tre nước ngọt lắm dừa
Ruộng vườn màu mở biển thừa cá tôm
Sầu riêng măng cụt Cái Mơn
Nghêu cò Cồn Lợi thuốc ngon Mỏ Cày
Xoài chua cam ngọt Ba Lai
Bắp thì Chợ Giữa giồng khoai Mỹ Hòa
Mắm bần ven bãi phù sa
Bà Hiền Tân Thủy hằng hà cá tôm
Quýt đường vú sữa ngổn ngang
Dừa xanh Sóc Sãi tơ vàng Ba Tri
Xẽo Sâu cam tốt ai bì
Lúa vàng Thạnh Phú khoai mì Thạnh Phong
Muối khô ở Gảnh mặn nồng
Giồng Trôm Phong Nẫm dưa đồng giăng giăng.
Câu đố: Câu trả lời:
Quả gì năm múi sáu khe Quả khế năm múi sáu khe
Quả gì nứt nở như khe thợ hồ Quả đa nứt nở như khe thợ hồ
Quả gì kẻ ước người ao Quả mận kẻ ước người ao
Quả gì lóng lánh như sao trên trời Quả mơ lóng lánh như sao trên trời
Quả gì ăn cho biết mùi đời Quả lê ăn cho biết mùi đời
Quả gì to lớn như mặt trời ở không Quả đông to lớn sáng ngời ở trong
Quả gì thích chữ chạm long Quả chuông thích chữ chạm long
Quả gì cùi trắng nước trong hỡi chàng Quả dừa cùi trắng nước trong đó nàng
Quả gì da nó vàng vàng Quả thị da nó vàng vàng
Quả gì lăn lóc giữa đàng cái đi Bùa yêu lăn lóc giữa đàng cái đi
Quả gì da nó sần sì Quả mít da nó sần sì
Chàng mà nói đặng, thiếp thì theo không. Anh đã nói được, nàng thì theo anh.
Để dễ nhớ cho độc giả và cho riêng mình, tác giả xin chia ra những nhóm loại theo hình dạng.
Nhóm 1: Trái To
Vỏ láng:
Dừa, Dừa Nước,
Dưa Hấu, Dưa Gang
Đu Đủ
Vỏ không láng :
Sầu Riêng
Mít, Sa Kê
Khóm/Thơm/Dứa
Mãng Cầu Xiêm
Nhóm 1: Trái Trung Bình có hình bầu tròn
Vỏ dầy không láng:
Mãng Cầu Dai (Na)
Thanh Long
Vỏ dầy và láng:
Vú Sữa và Măng Cụt
Phân loại Citrus; Bưởi, Chanh, Cam, Quýt, Quất (Tắc)
Vỏ mỏng ruột cứng:
Cóc, Ổi
Bần
Táo (Táo Ta), Lê
Vỏ mỏng ruột mềm:
Bơ, Lê Ki Ma
Hồng, Thị, Sapôchê
Phân loại Prunus; Đào, Mơ (Mơ Ta), Mận Bắc (Mận)
Vỏ mỏng ruột hột:
Mận (Roi), Lý, Điều (Đào Lộn Hột)
Lựu
Nhóm 3: Trái Trung Bình có hình không bầu tròn
Chuối
Xoài
Khế
Me
Nhóm 4: Trái Nhỏ
Vỏ rời:
Nhãn, Vải, Bòn Bon
Chôm Chôm
Vỏ dính (với ruột):
Chùm Ruột
Trứng Cá
Sung, Vả
Nhóm 5: "Linh tinh"
Trám (Cà Na), Bình Bát, Ô Môi
DỪA
= Coconut
= Coco nucifera
Các loại Dừa Việt Nam chia ra 3 nhóm:
- Nhóm giống Dừa lùn:
Dừa Xiêm Xanh
Dừa Xiêm Đỏ
Dừa Xiêm Lục: có nguồn gốc Bến Tre
Dừa Xiêm Lửa
Dừa Xiêm Núm: số lượng rất ít ở Hưng Phong-Giồng Trôm.
Dừa Dứa: có thơm mùi lá dứa. Có ở Việt Nam.
Dừa Ẻo Xanh: số lượng ít ở Bến Tre, Tiền Giang và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
- Nhóm giống Dừa cao:
Dừa Ta: giống dừa cao phổ biến nhứt ở Việt Nam, trái có 3 khía và 3 màu: Dừa Ta xanh, Dừa Ta vàng và Dừa Ta đỏ (còn gọi là Dừa Lửa).
Dừa Dâu: giống dừa cao thứ nhì ở Việt Nam, trái tròn và có 3 màu: dâu xanh, dâu vàng, dâu đỏ.
Dừa Sáp: còn gọi là Dừa đặc ruột hay Dừa keo. Trái Dừa Sáp (đặc ruột) có cơm dừa mềm xốp, có nước sền sệt như keo và có hương thơm đặc biệt. Dùng làm món tráng miệng hay bánh kẹo.
- Nhóm giống Dừa lai
Tại Việt Nam Dừa được trồng từ Bắc chí Nam, nhất là ở các vùng duyên hải. Tỉnh Bến Tre có diện tích trồng dừa lớn nhứt được mệnh danh là "Xứ Dừa".
Ca dao:
Anh về không biết gì đưa
Còn một trái dừa đương ở trên cây.
Bấy lâu trên ngọn sông dừa
Muốn tìm cá nước trông mưa từng giờ
Tiếc công anh đắp xây bờ
Để ai mang đó đem lờ đến giăng.
Con gái chơi với con trai
Về sau hai vú bằng hai trái dừa.
Đi lên đi xuống bờ dừa
Lấy ai có chửa đỗ thừa người ta.
Dừa Bến Tre ba đồng một trái
Chuối Bến Tre một nải đồng ba
Ai biểu anh đến đây rồi lại đi ra
Để em thương em nhớ em chờ em đợi nước mắt em sa vắn dài.
Gió đưa gió đẩy cây dừa
Gặp đâu hay đó kén lừa làm chi.
Gió đưa gió đẩy lá dừa
Muốn ai thì muốn nhưng chừa anh ra.
Kìa vườn dừa cây cao cây thấp
Gió quặt quà cành lá xác xơ
Thương anh em vẫn đợi chờ.
Mài dừa đạp bã cho nhanh
Nấu dầu mà chải tóc anh tóc nàng.
Mài dừa dưới ánh trăng vàng
Ép dầu mà chải tóc nàng tóc anh.
Nhạn còn ẩn bóng cây dừa
Thương anh đi sớm về trưa bùi ngùi.
Muốn trong bậu uống nước dừa
Muốn nên cơ nghiệp bậu chừa cang vân. (thói nguyệt hoa)
Thương thay thân thế trái dừa
Non thời khoét mắt, già cưa lấy đầu.
Trả ơn ai có cây dừa
Cho tôi nghỉ mát đợi chờ người thương.
Trồng dừa ra đọt chặt tàu
Sợ em đổi dạ tham giàu bỏ anh.
Cam sành vú sữa Trung Lương
Dừa xanh dừa nước quýt đường Ba Tri
Thấy dừa thì nhớ Bến Tre
Thấy bông sen nhớ đồng quê Tháp Mười.
Thấy dừa thì nhớ Bến Tre
Thấy bông lúa đẹp thương về Hậu Giang.
Bến Tre ruộng đất phì nhiêu
Ở đây nhiều lúa lại nhiều dừa khô.

Câu đố:
Sông không đến, bến không vào
Lơ lửng giữa trời làm sao có nước.
Thân tôi như vãi ở chùa
Mặt căn cửa khép bốn mùa thọ thai.
Nửa lưng trời có vũng nước trong
Cá lòng tong không mong lội tới.
Giữa lưng trời có đám mây cao
Giữa lòng trời có ao nước lả.
Trên trời có giếng nước trong
Con kiến chẳng lọt con ong chẳng vào.
Mẹ có tóc, con trọc đầu
Mẹ sống lâu, con chết chém.
Một mẹ nuôi chín mười con
Không ăn không uống no tròn vo vo.
Nước sông không đến, nước bến không vào, vậy mà có nước.
DỪA NƯỚC
= Dừa Lá
= Nipa Palm, Mangrove Palm
= Nypa fruticans
Dừa Nước cùng Họ Cau (Arecaceae) với Dừa nhưng là phân Chi Nipa thay vì phân Chi Coco (của Dừa).
Thân cây (Trunk) ở dưới nước sình chỉ có Lá mọc thẳng lên khỏi mặt nước.

Ca dao:
Cam sành vú sữa Trung Lương
Dừa xanh dừa nước quýt đường Ba Tri
DƯA HẤU
= Watermelon
= Citrullus lanatus
Các loại Dưa Hấu:
Dưa Hấu tròn ruột đỏ không hạt (ngọt thanh)
Dưa hấu dài ruột đỏ có hạt (rất ngọt)
Dưa hấu tròn ruột vàng ít hạt (ngọt thanh mát)
Cách lựa Dưa Hấu ngon:
1. Có 2 loại: Dưa Hấu đực và Dưa Hấu cái
Dưa Hấu đực: thon và cao hơn; vòng tròn dưới đáy rất nhỏ (như hình 1 đồng xu nhỏ). Nó có nhiều nước hơn.
Dưa Hấu cái: tròn và lùn hơn; vòng tròn dưới đáy to hơn. Nó ngọt hơn.
2. Lựa cỡ trung bình đồng cỡ với đám Dưa, không nhỏ hay lớn hơn quá mức
Nếu nặng hơn (và hơi nhỏ) thì là Dưa già, ngon và nhiều nước
Nếu nhẹ (và to) thì có thể Dưa bị xốp.
3. Vỏ Dưa
Nhìn vỏ dưa: nếu vỏ càng nhẳn thì Dưa càng chín. Nếu có "vân" thì "vân" phải rõ ràng.
Ấn vào vỏ dưa: nếu cứng thì tốt; nếu mềm thì không nên mua.
Vỗ vào quả Dưa: nếu phát ra tiếng kêu đanh thì là Dưa già và chín; nếu phát ra tiếng nhẹ, "lộp bộp", thì là Dưa non hay bị chín nẫu bên trong.
4. Vỏ Dưa có vết Ong châm cho thấy Ong đã tiếp xúc với bộ phận thu phấn của hoa (trước khi thành quả) rất nhiều. Sự thụ phấn càng nhiều thì Dưa càng ngọt.
5. Cuống Dưa
nếu màu xanh: là Dưa chưa chín, hái quá sớm
nếu héo: là Dưa đã chín rồi.
5. Tìm vết rám ở phần đáy của trái Dưa (phần đối diện với Cuống dưa): Dưa ngon nếu có vết rám màu vàng (ngon) và màu vàng cam (rất ngon)
Cũng như Bánh Chưng, nguồn gốc của Dưa Hấu được ghi trong Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Phát viết vào thời nhà Trần, được Vũ Quỳnh hiệu đính vào thời nhà Hậu Lê và Lê Hữu Mục dịch ra chữ Quốc ngữ.
Dưới đây là nguyên văn "Truyện Dưa Hấu" trích trong Lĩnh Nam Chích Quái:
Ngày xưa, đời Hùng Vương có một người tên là Mai An Tiêm, người ngoại quốc, mới được 7 tuổi, do thuyền buôn chở đến. Vương mua về làm đầy tớ, kịp lúc lớn lên thì diện mạo đoan chính, nhớ biết nhiều việc.
Vương đặt tên là Yển, tên chữ An Tiêm và cho một người thiếp. sinh được một trai. Vương yêu dùng để sai bảo, dần dần Yển thành phú quí, ai cũng úy phục, và chen nhau đến dâng lễ vật không thức gì là không có; Yển sinh ra kiêu mạn, thường tự bảo rằng:
Của cải nầy là vật của tiền nhân ta, ta không từng trông nhờ vào ơn chúa.
Hùng Vương nghe được, cả giận nói rằng:
Làm thần tử mà nó không biết ơn chúa, sinh ra kiêu mạn, nói rằng của cải đều là vật tiền thân của nó. Bây giờ ta đem bỏ nó ra ngoài biển, ra cái chỗ không người ấy coi thử nó có còn cái vật tiền thân của nó nữa hay không?
Bèn đày Mai Yển ra ngoài bãi cát cửa biển Nga Sơn, tứ phía không có chân người đi đến, chỉ để cho lương thực đủ dùng trong bốn năm tháng mà thôi, ăn hết là chết đói. Chị vợ khóc ầm lên, bảo rằng ta chắc chết ở đây không lý gì sống được.
Tiêm nói:
Trời đã sinh thì trời phải dưỡng, có lo gì?
Ở chưa bao lâu, đương lúc tháng tư, bỗng thấy một con bạch hạc từ phương tây bay lại, đậu lên một mỏm núi cao, kêu lên ba bốn tiếng thì sáu bảy hạt dưa rơi trên mặt cát, đâm chồi nẩy lộc, lan trên cát, xanh tốt rườm rà, rồi kết thành trái dưa, nhiều không kể xiết.
An Tiêm mừng rỡ nói:
Đây đâu phải là quái vật, đó là trời cho để nuôi ta đó.
Bổ dưa ra ăn thì mùi vị thơm ngon ngọt ngào, ăn vào thì tinh thần khỏe khoắn; rồi cứ mỗi năm trỉa thêm, ăn không hết thì đem đổi lấy lúa gạo nuôi vợ con. Nhưng không biết dưa ấy tên là gì, mới nhân chim tha từ phương tây đến nên đặt tên là Tây Qua.
Những khách chài lưới, buôn bán, ưa mùi vị của nó đều đem phẩm vật của mình để đổi lấy dưa. Nhân dân xa gần, trên rừng dưới bến tranh nhau mua hạt bắt chước trồng tỉa khắp bốn phương; dân gian suy tôn An Tiêm làm "Tây qua phụ mẫu".
Lâu ngày, Vương nhớ đến An Tiêm, sai người đến chỗ An Tiêm ở hỏi thăm có còn sống hay không.
Người ấy về tâu lại với Vương. Vương than thở hồi lâu mới nói rằng:
Nó bảo là vật tiền thân của nó, thực là không nói dối vậy.
Vương bèn triệu An Tiêm về, trả quan chức lại và cho tỳ thiếp, đặt tên chỗ An Tiêm ở là "An Tiêm Sa Châu"; thôn ấy gọi là Mai An, đến nay còn lấy tây qua tôn phụng tổ khảo mà tế tự, là khởi đầu từ An Tiêm vậy.
Ông Nguyễn Trọng Thuật (1883-1940) dựa vào chuyện nầy viết thành tiểu thuyết "Quả Dưa Đỏ" xuất bản tại Hà Nội năm 1925. Được giải thưởng văn chương của hội Khai Trí Tiến Đức (năm 1925). Trong lịch sử, Mai An Tiêm là con nuôi của vua Hùng Vương thứ 17. Ông bị vua đày ra một đảo hoang vu nay là vùng của huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Tại đây, Mai An Tiêm gây được giống Dưa Hấu và sau nầy được tôn là ông tổ nghề trồng Dưa Hấu. Ngày nay ở tại xã Nga Phú, huyện Nga Sơn có dãy núi mang tên Mai An Tiêm. Dưới chân núi có đền thờ Mai An Tiêm. Hàng năm có lễ hội 12-15 tháng Ba.
TRÁI DƯA HẤU
Khởi đầu sự tích thuở Hùng Vương
Với chuyện An Tiêm khá dị thường
Hạt giống từ chim, nhờ mệnh tốt
Cây hoa kết quả, được Trời thương
Vỏ xanh biểu tượng niềm hy vọng
Ruột đỏ bao hàm nghĩa thiện lương
Tiêu chuẩn món ăn khi Tết đến
Mang theo phước lộc thọ an khương.
(Phan Thượng Hải)

Từ quả Dưa Hấu có những câu đố trong dân gian:
Ngoài xanh trong đỏ hồng hồng
Quan vua cũng chuộng mẹ chồng cũng yêu
Mùa hè lắm kẻ nâng niu
Mùa đông lắm kẻ dập dìu duyên ta
Ngoài xanh trong đỏ như vang
Khen ai khéo đặt cho nàng tên đôi
Từ ngữ "Hấu" trong "Dưa Hấu" không có nghĩa gì hết. Trong các loại hoa, quả, chim. thú... thì có những từ ngữ dùng để gọi nó chỉ để dành riêng cho nó, có thể có nghĩa hoặc không có nghĩa. "Hấu" được dành riêng cho "Dưa Hấu" tuy riêng nó không có nghĩa gì hết.
Đứng riêng một mình, từ ngữ "Hấu" không có trong từ điển Tiếng Nôm. "Hấu" trong từ điển Hán Ngữ đồng nghĩa với "Hậu" (có nghĩa là: sau đó, kế đó).
Ca dao:
Hai tay cầm bốn trái dưa
Trái ăn trái để trái đưa cho chàng.
Hai tay cầm bốn trái dưa
Trái ăn trái để trái đưa cho chàng.
Hai tay cầm cuốn sách bìa vàng
Sách bao nhiêu chữ dạ thương chàng bấy nhiêu.
Tư bề Thừa Đức nội thôn (*)
Đất trồng dưa hấu ngọt ngon quá chừng.
(*) Thừa Đức: ở tỉnh Bến Tre.
Dưa Hường không phải là tên của một loại Dưa (riêng). Dưa Hường là trái Dưa Hấu non (chưa già) được người làm vườn hái bỏ bớt để dưỡng cho các trái còn lại lớn hơn và ngọt hơn. Dưa Hường dùng nấu canh thay cho các loại Bí. Cũng có món gỏi Dưa Hường.
Ca dao:
Má mong gả thiếp về vườn
Ăn bông bí luộc dưa hường nấu canh.
Dưa hường nấu với cá chuồn
Đến đây em phải bán buồn mua vui.
DƯA GANG
= Dưa Hoàng Kim, Dưa Hồng, Dưa Bở
= Melon = Indian cream cobra Melon
= Cucumis sativus (melo) var. conomon
Dưa Gang khác với những Dưa khác (không có trồng ở Việt Nam)
- Dưa Gang Tây:
= Dưa Tây, Dưa Gan Tây (theo Phạm Hoàng Hộ: chữ Gan viết không có g)
= Giant Granadilla, Sweet Granadilla, Granadilla = Grenadia = Giant Passion Fruit
= Passiflora quadrangularis (thuộc họ Lạc Tiên)
- Dưa Vàng:
= Cataloupe = Sweet Melon, Rock Melon
= Cucumis melo sp.
- Dưa Lê:
= Dưa Xanh
= Honey Dew, Honey Dew Melon, Honey Melon
= thuộc họ Passifloraceae (họ Lạc Tiên)
Trái Dưa Gang Tây tuy tên gần giống trái Dưa Gang nhưng hình dạng không giống trái Dưa Gang bằng 2 trái Dưa Vàng và Dưa Xanh.


Ca dao:
Cây vông đồng không trồng mà mọc
Rễ vông đồng, rễ dọc rễ ngang
Trái dưa gang sọc trắng sọc vàng
Ngọn rau đắng trong trắng ngoài xanh
Mười hai cỗ xe đậu tại Bến Thành
Dù ai ngăn đón dỗ dành cũng không.
Trái dưa gang sọc dài sọc vắn
Cọng rau đắng ngọn trắng ngọn xanh
Anh thương em đắp lũy bồi thành
Trồng cây trái ngọt để dành em ăn.
ĐU ĐỦ
= Papaya, Papaw, Pawpaw
= Carica papaya
Ăn nhiều trái đu đủ chín hằng ngày trong một thời gian dài sẽ làm vàng da của lòng bàn tay và bàn chân. Hiện tượng nầy chấm dứt sau một thời gian ngừng ăn.
CÂY ĐU ĐỦ
Há dám tranh đua hạng bá tùng
Miễn là đu đủ cũng ung dung
Ngửa nghiêng cành bộng vì giông tố
Chen chút rễ thưa với cát bùn
Đực cái, lưỡng đoan, tùy kẻ thích (*)
Tây ta, song vị, mặc người dùng (*)
Trái đơm dẫu ít công vun quén
Tấc đất mong đền mối nợ chung.
(Lãng Ba Phan Văn Bộ)
(*) Có Đu Đủ đực và Đu Đủ cái; cũng có Đu Đủ Tây và Đu Đủ Ta.
CÂY ĐU ĐỦ
Đu đủ nào ai chẳng biết danh
Cây thì ruột rỗng trái ngon lành
Cội ngay thẳng rẵng chừng mươi lá
Thân đứng trọi trơ chẳng một cành
Đất rộng há thèm đâm trượt choán
Vườn hoang đâu chịu nảy con giành
Tâm không ấy thật tâm quân tử
Đâu phải hèn như lũ đế tranh. (*)
(Trương Duy Toản)
(*) Cây Đế và cây Tranh hay mọc tràn lan chiếm đất.
Câu đố:
Này chồng này mẹ này cha
Này là em rể này là chị dâu...
Tên em không thiếu chẳng thửa
Tấm lòng vàng ngọt ngon vừa lòng anh.
Trái chi chi không thiếu không thừa
Những người nhạy cảm hãy chừa nó ra.
Thù cha thù mẹ thù chồng
Thù con thù chị thù ông thù bà...
SẦU RIÊNG
= Durian
= Durio sp.
Có tất cả 32 loài Sầu Riêng.
Trái chín chỉ rụng vào một thời điểm nhất định trong ngày: rụng nhiều nhứt vào lúc nửa đêm (0-1 AM) và rụng một số ít vào lúc giữa trưa (12 PM - 1 PM); trong những giờ khác thì không có trái rụng.
TRÁI SẦU RIÊNG
Tưởng mình riêng chạnh, tiếng hằng đon
Vui thú nắng mưa, trái mập tròn
Noi giống Mã Lai, mùi béo sẵn
Bón phân Nam Việt, giá cao còn
Vội vàng chạm lắm gai chơm chởm
Thong thả hưởng nhiều múi ngọt ngon
Mặc kẻ khen thơm người nói thúi
Hỏi lòng chẳng thẹn với sông non.
(Lãng Ba Phan Văn Bộ)
Ca dao:
Đồng Bến Tre nhiều bưng nhiều lác
Đường về Ba Vát nặng trĩu sầu riêng
Anh ra đi đã ba bốn năm liền
Sao không ở lại kết bạn hiền với em.
Ai qua Phú Hội Phước Thiềng
Bâng khuâng nhớ mãi sầu riêng Long Thành.
Câu đố:
Thơ thẩn chỉ có một mình
Chồng con chẳng có chỉ mình quạnh hiu.
Đa mang chi nữa đèo bồng
Vui gì thế sự mà mang nhân tình.


XA KÊ
= Sa Kê
= Breadfruit
= Artocarpus altilis
Trái có mùi vị như bánh mì nên gọi là Trái Bánh Mì (Breadfruit).
Hình dáng bên ngoài từa tựa trái Mít.
Ca dao:
Phụng hoàng đậu nhánh sa kê
Ông thần không vật mấy thằng dê cho rồi.
THƠM - KHÓM -DỨA
= Pineapple
= Anamas comosus
Trong Miền Nam thường phân biệt giữa Thơm và Khóm
Về kích thước: Thơm (có khi tới 3-4 kg) to hơn Khóm (thường nặng 1 kg)
Về hình dạng: Thơm thì hơi dài còn Khóm thì tròn
Vỏ trái Thơm chín có màu Vàng nhạt còn vỏ trái Khóm có màu Vàng sậm. Khi còn sống thì cả hai đều có vỏ màu Xanh. Trái Thơm có mắt lớn, thưa và phẳng (không nhô ra nhiều) còn trái Khóm có mắt nhỏ, dày và nhọn (nhô ra nhiều).
Ruột của trái Thơm có nhiều nước và dù sống hay chín đều ngọt nên thường được ăn sống hay xay sinh tố giải khát. Ruột của trái Khóm thì dòn và ít nước, chỉ ngọt khi chín (chua khi còn sống) do đó chỉ dùng để nấu ăn.
Lá Thơm không có gai nhưng có răng cưa viền dọc theo (lá) còn Lá Khóm thì cứng và có nhiều gai.
Ở Miền Bắc có Dứa thường to nhất, vỏ màu xanh vàng và có mắt to, lá trơn và không có gai còn ruột thì ngọt, thường dùng để đóng hộp hay xay sinh tố giải khát.
Cả 3 tuy khác nhau nhưng có chung 1 tên Mỹ là Pineapple và 1 tên khoa học là Anamas Comosus. Lá của 3 loại hoàn toàn khác nhau.
Ca dao:
Đưa em cho tới Đông Hồ
Em trả trái mít, em bù trái thơm.
Đưa em ra tới bến đò
Để em mua trái mít, để em dò trái thơm.
Câu đố:
Dầu hư tiếng vẫn thơm hoài
Cả trăm con mắt đố ai thấy đường.
Bấy lâu phong kín nhụy đài
Bây giờ nên nỗi bướm vào nếm hương.
Bằng con gà rằn, nằm lăn trong bụi.


MÃNG CẦU XIÊM
= Soursop
= Annona muricata
Hợp chất Annonacin có trong trái Mãng Cầu Xiêm nhứt là trong hột, là chất độc thần kinh (neurotoxin) có thể là nguyên nhân gây ra bệnh Thoái hóa Thần kinh (neurodegenerative disease). Nhiều Annonacin cũng có liên quan tới một hình thức đặc biệt của bệnh Parkinson.
Ca dao:
Xăm xăm bước tới vườn đào
Hỏi thăm lê lựu mãng cầu chín chưa.
Lựu lê bình bát mãng cầu
Bốn cây tứ quí anh sầu một cây.
MÃNG CẦU DAI (NA)
= Mãng Cầu Ta = Na = Phan Lệ Chi
= Sugar apple, Custard apple = Sweetsop
= Annona squamosa
Phương ngữ miền Nam gọi là Mãng Cầu Dai còn phương ngữ miền Bắc gọi là Na.
Câu đố:
Ngoài da cóc, trong bột lọc, giữa đỗ đen.
VÚ SỮA
= Star Apple, Purple Star Apple, Tar Apple = Milk Fruit, Pomme De Lait = Cainito
= Chrysophyllum cainito
Gồm có các loại Vú Sữa màu tím, Vú Sữa màu vàng và đặc biệt là Vú Sữa Lò Rèn. Tính Tiền Giang trồng nhiều vú sữa nhất, nhất là ở huyện Châu Thành.
Ca dao:
Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh
Vú sữa nào ngọt bằng vú sữa Cần Thơ.
Cam sành vú sữa Trung Lương
Dừa xanh dừa nước quýt đường Ba Tri
MĂNG CỤT
= Mangosteen, Purple Mangosteen
= Garcinia mangostana
Mùa thu hoạch Măng Cụt từ giữa tháng 4 tới tháng 6. Mỗi vườn Măng Cụt có thu trái khoảng 4-5 bận cho mỗi vụ; mỗi bận hái cách nhau 3-5 ngày.
Ca dao:
Bánh tráng Mỹ Lồng
Bánh phồng Sơn Đốc
Măng cụt Hàm Luông
Vỏ ngoài nâu, trong trắng như bông gòn
Anh đây nói thiệt sao em còn so đo?
Nghe anh đi đó đi đây em hỏi nhỏ câu nầy
Bánh phồng bánh tráng đất nầy đâu ngon?
Bánh tráng Mỹ Lồng bánh phồng Sơn Đốc măng cụt Hàm Luông
Vỏ ngoài nâu trong trắng tựa bồng gòn
Anh đây nói thiệt sao em còn so đo?
Câu đố:
Bằng trang trái cà, có hoa dưới đít.
THANH LONG
= Dragon Fruit = Pitahaya
= Hylocereus sp.





Thanh Long thuộc họ Xương Rồng (Cactus) nguyên gốc ở Mexico, Trung Mỹ và Nam Mỹ. Ngày nay được trồng nhiều ở Đông Nam Á.
Có 3 loại chính:
Hylocereus undatus: vỏ hồng hay đỏ và ruột trắng
Hylocereus costaricensis: vỏ hồng hay đỏ và ruột đỏ
Hylocereus megalanthus: vỏ vàng và ruột trắng
Việt Nam có trồng giống H. undatus (vỏ đỏ ruột trắng) là chính, đang phát triển giống H. costaricensis (vỏ đỏ ruột đỏ) và đang nghiên cứu giống H. megalanthus (vỏ vàng ruột trắng).
THANH LONG (Nguyên bản)
Thiên hạ đua nhau cứ ráng trồng
Lại còn quí trọng gọi: "Thanh Long" (*)
Tựa như cactus, cành trơ trụi
Tô điểm khuôn viên, quả đỏ hồng
Thân có màu xanh nhưng thiếu lá
Thân nhiều gai nhọn cũng ra bông
Trái không ngon lắm, cây hơi đẹp
Nhìn kỹ thì không thấy giống rồng!
(Phan Thượng Hải)
(*) Thanh long = Rồng xanh.
THANH LONG (Họa)
Người Việt nơi đâu cũng thấy trồng
Loại cây dễ sống, giống Thanh Long
Thân dày bóng lưỡng màu xanh lục
Gai nhọn nhô ra nét trắng hồng
Không lá, từng mùa đều nở trái
Chẳng cành, mỗi lứa cũng ra bông
Quả nhìn hấp dẫn, trong đầy hột
Mùi vị thường thôi, chẳng phải rồng.
(Trương Ngọc Thạch)
THANH LONG (Họa)
Vốn gốc nông dân thích cấy trồng
Yêu quỳnh nên quí nụ Thanh Long
Thân đà xinh đẹp đâu cần lá
Hoa dẫu giản đơn chẳng kém hồng
Mừng giữa tiết đông cây vẫn sống
Vui khi cành nhọn nảy ra bông
Trái không ngon lắm nhìn vui mắt
Cây lược quanh co dáng tựa rồng.
(Vũ Linh Huy)
THANH LONG (Họa)
Chẳng phải màu xanh, chẳng giống rồng
Hỏi là động vật ? Bảo rằng "không"
Hoa, cành, thân, trái; đều công dụng
Phế, lạc, cân, tràng; thảy đả thông
Tô cảnh ngoài vườn, ta đón bạn
Điểm tình trong bếp, vợ mời chồng
Cội nguồn xuất phát từ Trung Mỹ
Nay thấy lan truyền, khắp chốn trồng.
(Hồ Mỹ Đức)
Cây Thanh Long có màu xanh lục (green) chớ không có màu xanh (blue). Dược thiện, bài thuốc là món ăn, chế biến từ hoa lá thân cành của Thanh Long đều được dùng trị bệnh của phế (phổi), lạc (mạch máu hay dây thần kinh), cân (gân hay bắp thịt) và tràng (ruột) nhờ đả thông kinh mạch.
PHÂN LOẠI CITRUS
1) Bưởi:
Bưởi = Pomelo = Citrus maxima / Citrus grandis
Bưởi Chùm = Grapefruit = Citrus paradisi
2) Chanh:
Chanh Tây = Lemon = Citrus limon
Chanh Ta = Lime = Citrus aurantifolia / Citrus latifolia
Thanh Yên = Citron = Citrus medica
Chanh "Kafir" = Kafir Lime = Citrus hystrix
3) Cam:
Cam hay Cam Đường = Orange or Sweet Orange = Citrus sinensis
Cam Đắng = = Citrus aurantium
Cam Bergamot = Citrus bergamita
Cam Tàu Đắng = = Citrus trifoliata / Citrus trifoliata poncius
4) Quýt:
Quýt Ngọt = Mandarin Orange, Mandarin, Mandarine = Citrus reticulata
Quýt Tangerine = Tangerine = Citrus tangerina
Quýt Mật, Quýt Satsuna = Satsuna = Citrus unshiu
Quýt Clementine = Clementine = Citrus clementina
5) Quất / Tắc:
Quất / Tắc = Kumquat = Citrus japonica
= (từ năm 1915 đổi thành ra): Fortunella japonica
6) Những Loại khác:
- Tangelo: lai giống giữa Bưởi Chùm và Quýt.
Tangelo = Citrus tangelo
- Chanh Ngón Tay: trái không tròn như chủng loại nhưng dài như ngón tay (hơi giống trái Chuối):
Chanh Phật Thủ = Fingered Citron = Citrus sarcodatvlis
Chanh Úc = Finger Lime = Citrus australica
Ca dao:
Đầu năm ăn quả thanh yên
Cuối năm ăn bưởi, mãn niên ăn hồng
Vì cam nên quýt nhớ mong
Vì em nhan sắc nên lòng nhớ thương.
Trèo lên cây bưởi hết lòng
Bước sang cây thị, lại đèo bòng thanh yên.
BƯỞI
Bưởi = Pomelo = Citrus maxima / Citrus grandis
Bưởi Chùm = Grapefruit = Citrus paradisi
Bưởi Chùm (Grapefruit) lai giữa Bưởi và Cam: có trái nhỏ hơn (Bưởi), vỏ giống Cam, mùi Bưởi; ruột màu hồng có vị chua và hơi đắng. Do đó Bưởi Chùm còn gọi là Bưởi Đắng.
Hình như Bưởi Chùm không phổ biến ở miền Nam Việt.
Có nhiều loại Bưởi (Pomelo) trồng ở miền Nam.
Bưởi ở miền Nam thường có kích thước lớn như Bưởi Năm Roi, Bưởi Tân Triều và Bưởi Bến Tre có đường kính khoảng 18-20 cm. Trong khi đó Bưởi Đoan Hùng (ở Vĩnh Phú) của miền Bắc có đường kính khoảng 15 cm.
Bưởi Lễ là loại bưởi nhân tạo được ép khuôn từ Bưởi Năm Roi.
Bưởi Năm Roi ở miền Tây Nam Kỳ. Tương truyền ông Trần Văn Bưởi (1918-1990) một hôm lượm được 1 trái bưởi trôi trên sông đem về gây giống trồng ở quê của mình là làng Mái Dầm tạo nên giống Bưởi Năm Roi. Làng Mái Dầm nay là xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Mặc dù sau nầy được lan truyền khắp miền Nam nhưng chỉ có ở nơi huyện Châu Thành nầy và huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long là Bưởi Năm Roi mọc tốt nhứt. Huyện Châu Thành và Bình Minh là tên mới của Cái Răng và Cái Vồn (đều thuộc Cần Thơ).
Bưởi Năm Roi hình giống trái Lê, khi chín thì đổi từ màu xanh ra vàng. Bưởi ngọt, không the đắng, có nhiều nước và không có hột.
Làng Tân Triều nổi tiếng trồng bưởi ở Biên Hòa. Làng cách Thành phố Biên Hòa 3 km thuộc xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Gọi là Tân Triều (có nghĩa là triều đình mới) vì khi Chúa Nguyễn Phúc Ánh lưu vong trốn nhà Tây Sơn có lập một triều đình ở đây. Tương truyền vào năm 1869 có Cha xứ đem giống từ Brazil về trồng 2 cây bưởi ở đây.
Bưởi Biên Hòa có nhiều loại bưởi kể cả Bưởi Ổi, nổi tiếng nhứt là Bưởi Thanh Trà và Bưởi Thanh long. Bưởi Thanh long có màu ngà ngà, hột nhỏ, nhiều nước và ngọt thanh. Bưởi Thanh Trà có ruột trắng và ngọt đậm như đường phèn.
Ở Huế có (trái) Thanh Trà cũng là một loại Bưởi nổi tiếng nhưng người Huế thường chỉ gọi tên là Thanh Trà. Thanh Trà ở Huế và Bưởi Thanh Trà ở Biên Hòa đều là bưởi da xanh.
Cũng có một loại trái cây nhỏ có tên là Thanh Trà. Thanh Trà (Bouea macrophylia) có liên hệ với giống Xoài, cây như cây Xoài nhưng trái giống như Chanh hay Quất. Vỏ khi còn sống có màu xanh và khi chín thì có màu vàng. Bản địa của giống Thanh Trà nầy là Việt Nam và Đông Nam Á.
Đặc biệt còn có Bưởi Lông Cổ Cò ở Cái Bè (Tiền Giang) và Bưởi da xanh Mỏ Cày (Bến Tre).
Ca dao:
Giấy Tây bán mấy
Mua lấy một tờ
Đề thơ quốc ngữ
Dán lên trái bưởi
Thả xuống giang hà
Cả kêu người nghĩa trong nhà
Xuống sông vớt bưởi lên mà xem thơ.
Má em khéo đẻ em ra
Đẻ em gốc bưởi cho ta đèo bòng.
Thân em như bông bưởi trắng ròng
Mùi thơm nức mũi mà lòng sạch trong
Thân anh như chùm gởi đáp nhờ
Gả vô nhành bưởi đặng nhờ hương thơm.
Trèo lên cây bưởi hết lòng
Bước sang cây thị, lại đeo bòng thanh yên.
Ăn bưởi thì hãy đến đây
Đến mùa bưởi chín vàng cây trĩu cành
Ngọt hơn quýt mật cam sành
Biên Hòa có bưởi trứ danh tiếng đồn.
Biên Hòa bưởi chẳng đắng the
Ăn vào ngọt lịm như chè đậu xanh
Biên Hòa xứ bưởi thanh thanh
Có cô bán bưởi xinh xinh hữu tình.
Biên Hòa có bưởi Thanh Trà
Thủ Đức nem nướng Điện Bà Tây Ninh.
Câu đố
Chân chẳng đến đất, cật chẳng đến trời
Lơ lửng giữa trời mà đeo bị tép
CHANH
Chanh Tây = Lemon = Citrus limon
Chanh Ta = Lime = Citrus aurantifolia / Citrus latifolia
Thanh Yên = Citron = Citrus medica
Chanh "Kafir" = Kafir Lime = Citrus hystrix
Trái Chanh Tây có màu vàng. Trái Chanh Ta có màu xanh, loại Chanh chính của miền Nam.
Trái Thanh Yên có da nhăn, giữa Chanh và Bưởi Chùm. Trái Chanh "Kafir" có da sần sùi, bản địa là Đông Dương, lá và trái dùng để nấu ăn.
Chanh Giây = Passion Fruit = Passiflora edulis
Chanh Giây không thuộc loại Chanh. Trái màu vàng hay tím. Dùng giải khát.
Ca dao:
Cây chanh lại nở hoa chanh
Để con bướm trắng bay quanh cả ngày.
Anh thương em thương quấn thương quýt
Bồng ra gốc mít, bồng xích gốc chanh
Bồng quanh đám sậy, bồng bậy vô mui
Bồng lủi sau lại, bồng ngoài trước mũi
Để em nằm xuống đây,
Kể từ hồi em đau ban cua lưỡi trắng
Miệng đắng cơm hôi
Tiếc công anh đỡ đứng bồng ngồi
Bây giờ em vinh hiển, em bắt anh bán nồi làm chi.
Đắng khổ qua chua là chanh giấy
Ngọt thế mấy cũng tiếng cam sành
Đôi ta duyên nợ không thành
Cũng do Nguyệt lão chỉ mành xe lơi.
Giả đò buôn khế bán chanh
Giả đi đòi nợ thăm anh kẻo buồn
Chanh chua thì khế cũng chua
Chanh bán có mùa khế bán tư niên.
Không chua cũng vẫn là chanh
Không ngọt cũng vẫn cam sành chín cây
Không khôn cũng chị của mầy
Có dại cũng để tiếng lại nhà nầy thương nhau.
Em ơi anh bị nhức đầu
Hay đi láu đáu lại đau ngọc hành
Thuốc gì mà uống với chanh
Thời em đi lấy cho anh một hoàn.
Thân em như thể trái chanh
Lắt lẻo trên cành nhiều kẻ ước ao.
Làm một bức thơ đem dán cây chanh
Trai bỏ học hành gái bỏ bán buôn
Gái bỏ bán buôn hãy còn lịch sự
Trai bỏ học hành một chữ năm roi.
Chợ chiều nhiều khế, ế chanh
Nhiều cô gái lạ nên anh chàng ràng.
Câu đố:
Tiếng thanh cảnh để về sau
Thà rằng nước lả ăn rau cũng đànhCAM
Cam hay Cam Đường = Orange or Sweet Orange = Citrus sinensis
Cam Đắng = = Citrus aurantium
Cam Bergamot = Citrus bergamita
Cam Tàu Đắng = = Citrus trifoliata / Citrus trifoliata poncius
Việt Nam thường chỉ thấy Cam Đường.
Cam Ruột Vàng = Valencia Orange
Cam Ruột Đỏ = Blood Orange, Pigmented Orange
Cam Không Hột, Cam Rốn = Navel Orange.
Cam Không Chua = Acidless Orange
Gọi là Cam Đường để phân biệt với Cam Đắng (Bitter Orange = Citrus aurantium). Cam Đường là hợp giống của Bưởi và Quýt Ngọt (Mandarin).
Cam Sành (King Orange) lai tự nhiên giữa Quýt Ngọt Mandarin (Citrus reticulata) và Cam (Citrus maxima). Cam Sành có lớp vỏ dầy sần sùi giống bề mặt của mảnh sành. Vỏ màu xanh, khi chín thì thành màu cam, các múi thịt có màu cam.
Cam Sành xuất phát từ Việt Nam và được trồng khắp nơi từ Bắc vào Nam. Cam Sành được đưa vào Mỹ từ năm 1880 khi Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản, John A Bingham, chuyển 6 trái Cam Sành bằng tàu từ Sài Gòn tới Dr H S Magee, người phụ trách ươm giống tại Riverside, CA. Năm 1882, Magee gởi 2 cây Cam trồng từ hạt và chồi tới J C Stovin ở Waterpark, Florida.
Ngoài Cam Sành còn có Cam Xoàn và Cam Mật Phong Điền.
Ca dao:
Em chê anh lấy người ấy sao đành
Em chê cam sành lấy phải quýt hôi
Quýt hôi có bán người ta cũng hồi
Cam sành ba đồng một trái, quýt ngồi trơ trơ.
Đắng khổ qua chua là chanh giấy
Ngọt thế mấy cũng tiếng cam sành
Đôi ta duyên nợ không thành
Cũng do Nguyệt lão chỉ mành xe lơi.
Ăn cam ngồi gốc cây cam
Lấy anh thời lấy về Nam không về.
Cam sành vú sữa Trung Lương
Dừa xanh dừa nước quýt đường Ba Tri
Ba cô đi cúng chùa ngoài
Cúng cam cúng quýt cúng xoài cà lăm. (xoài nhỏ, trái ăn hôi mủ)
Cam sành anh chê đắng chê hôi
Hồng rim anh chê lạt, chảo cạy nồi anh khen ngon.
Không chua cũng vẫn là chanh
Không ngọt cũng vẫn cam sành chín cây
Không khôn cũng chị của mầy
Có dại cũng để tiếng lại nhà nầy thương nhau.
Mua cam cũng phải lựa cam
Lấy chồng thời lựa trưởng nam cho giàu.
Thiếu chi cam chín hồng rim
Mà biểu em tìm khế rụng bờ ao.
Lầm nghe núi cả non Bồng
Da cam mà chỉ ngọt bòng, ngon sao
Ra tay bẻ khóa vườn đào
Rẽ mây gạt gió lọt vào kết duyên
Câu đố:
Trông chồng mà chẳng thấy chồng
Để dành một chữ má hồng vô duyên.
Ngoài xanh trong trắng như ngà
Đức ông cũng chuộng, đức bà cũng yêu.
Làm chi lại có lạ kỳ
Bàn nhất ngồi dưới, bàn nhì ngồi trên
QUÝT
Quýt Ngọt = Mandarin Orange, Mandarin, Mandarine = Citrus reticulata
Quýt Tangerine = Tangerine = Citrus tangerina
Quýt Mật, Quýt Satsuna = Satsuna = Citrus unshiu
Quýt Clementine = Clementine = Citrus clementina
Quýt Ngọt (Mandarin) và Quýt Tangerine đều có hột. Quýt Satsuna và Clementine đều không có hột. Quýt Tangerine có hybrid của Quýt Mandarine. Quýt Clementine lai giống từ Quýt Ngọt.
Quýt Ngọt (Mandarin Orange) có Quýt Hồng (Citrus reticulata) và Quýt Đường (Citrus reticulata Blanco). Quýt Ngọt trồng rất nhiều ở đồng bằng sông Cửu Long.
Quýt Sasuma còn gọi là Cam Nhật Bản hay Cam Ngọt Ôn Châu vì xuất phát từ Nhật Bản và Trung Quốc (Ôn Châu).
Có trái Minneolas lai giống từ Tangerine.









Ô. Nguyễn Văn Xuân, Tướng Nguyễn Văn Hinh, Ô. Ngô Đình Diệm và Tướng Lê Văn Viễn
Quân đội hay Lực Lượng Vũ Trang đóng vai trò quan trọng nhứt trong chính trường ở Nam Kỳ.
Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản Việt Minh lợi dụng danh nghĩa Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ rồi Kháng Pháp để mộ quân. Thanh Niên Tiền Phong (1945-46) dưới sự lãnh đạo của Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (một đảng viên CS) gia nhập và trở thành lực lượng của Việt Minh. Khi tập kết (1954), VM của Nam Kỳ có 2 sư đoàn của Thiếu tướng Tô Ký và Thiếu tướng Đồng Văn Cống.
Thủ tướng Trần Văn Hữu của Quốc Gia Việt Nam chính thức lập Vệ Binh Quốc Gia Việt Nam (11-1950) rồi nó thành Quân Đội của Quốc Gia Việt Nam (8-12-50) với Tổng chỉ huy là Quốc Trưởng Bảo Đại. Theo lệnh “động viên” của Thủ tướng Trần Văn Hữu quân số từ 40.000 người (5-1951) lên tới 158.000 (12-1951). Đại tá Nguyễn Văn Hinh, Chánh Võ phòng của QT Bảo Đại được thăng thành Thiếu tướng và giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân Đội (12-4-52). Đến năm 1953, Quân Đội Quốc Gia Việt Nam có 230.000 người (165.000 chính quy và 65.000 địa phương).
Đức Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ của Đạo Hòa Hảo, cùng với ông Trần Văn Ân, lập Dân Xã Đảng (21-9-46) có lực lượng vũ trang. Sau khi Giáo Chủ bị mất tích vào ngày 16-4-47, Hòa Hảo chia ra 4 nhóm.

Các Tướng Nguyễn Giác Ngộ, Lê Quang Vinh, Trần Văn Soái và Trình Minh Thế
Bốn nhóm của Lực lượng Hòa Hảo:
Trần Văn Soái tự là Năm Lửa, thủ lãnh “Quân Đội Hòa Hảo”, hoạt động ở Cần Thơ và Vĩnh Long đóng ở Cái Vồn, Cần Thơ.
Lâm Thành Nguyên tự là Hai Ngoán hoạt động ở Châu Đốc và Long Xuyên đóng ở Cái Dầu (Châu Phú), Châu Đốc
Lê Quang Vinh tự là Ba Cụt, thủ lãnh “Nghĩa Quân Cách Mạng”, hoạt động ở Rạch Giá và Long Xuyên đóng ở Thốt Nốt, Long Xuyên.
Nguyễn Giác Ngộ tự là Ba Gà Mổ, thủ lãnh “Nghĩa Quân Nguyễn Trung Trực”, hoạt động ở Long Xuyên đóng ở Chợ Mới, Long Xuyên.
Trần Văn Soái, Lâm Thành Nguyên và Lê Quang Vinh đều liên minh với Pháp chống Việt Minh. Riêng ông Nguyễn Giác Ngộ thì về hợp tác với chính phủ Quốc Gia Việt Nam thành 1 trung đoàn của Quân Đội Quốc Gia Việt Nam (1950).


Hộ pháp Phạm Công Tắc và Tướng Navarre Tướng Nguyễn Thành Phương
Sau khi được thả về với điều kiện phải liên minh với Pháp chống VM, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc của Đạo Cao Đài lập lực lượng vũ trang Cao Đài (năm 1946), phong cho một chức sắc là Giáo sư Thượng Vinh Thanh Trần Quang Vinh làm Trung tướng và chỉ huy lực lượng. Chức chỉ huy đổi qua Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành (1951) nhưng ông nầy rất hà khắc nên trở lại với Trung tướng Trần Quang Vinh (1953). Mấy tháng sau, Thiếu tướng Nguyễn Thành Phương (và Thiếu tướng Trình Minh Thế) bắt cóc Trung tướng Trần Quang Vinh buộc Đức Hộ Pháp phải giao quyền chỉ huy cho TT Nguyễn Thành Phương và phong cho TT Trình Minh Thế làm Tham mưu trưởng. Tuy nhiên TT Trình Minh Thế cũng có lúc lập chiến khu riêng của mình vừa chống Pháp vừa chống VM. Ông Trần Quang Vinh (1897-1975) từ đó chỉ lo về Đạo (và bị mất tích sau 30-4-75).
Bình Xuyên ở làng Chánh Hưng, quận Nhà Bè, Sài Gòn là tên (? sào huyệt) của nhóm du đãng giang hồ ven Sài Gòn thành lập vào năm 1945 bởi Dương Văn Dương (Ba Dương). Bình Xuyên của Ba Dương chống Pháp khi Pháp trở lại Đông Dương (1945-46) ở vùng Tân Thuận, Tân Qui, Nhà Bè và Thủ Thiêm cho đến khi Ba Dương tử trận (1946). Em là Dương Văn Hà theo VM (?). Nhưng phần lớn thành phần của Bình Xuyên theo Lê Văn Viễn (Bảy Viễn) về gia nhập Quân Đội Quốc Gia Việt Nam. Bảy Viễn được phong Đại tá rồi lên Thiếu tướng (1952) được Pháp cho kiểm soát các sòng bài và nhà thổ ở Sài Gòn Chợ Lớn.
Vào thời đầu VNCH, tất cả Lực lượng vũ trang của Cao Đài, Hòa Hảo và Bình Xuyên được gọi là “Phong” (Phong Kiến) cũng như quân Pháp gọi là “Thực” (Thực Dân). Ngày 4-3-1955, “Lực Lượng Phong” chính thức lập Mặt Trận Thống Nhứt Toàn Lực Quốc Gia dưới sự lãnh đạo của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc và 6 võ tướng là:
Trung tướng Năm Lửa Trần Văn Soái (Hòa Hảo)
Thiếu tướng Lâm Thành Nguyên (Hòa Hảo)
Thiếu tướng Ba Cụt Lê Quang Vinh (Hòa Hảo)
Trung tướng Nguyễn Thành Phương (Cao Đài)
Thiếu tướng Trình Minh Thế (Cao Đài)
Thiếu tướng Bảy Viễn Lê Văn Viễn (Bình Xuyên)
Mặt Trận cũng có các ông Trần Văn Ân, ông Hồ Hữu Tường… Mặt Trận chính thức chống lại Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Bình Xuyên ở Sài Gòn sẵn sàng tấn công Dinh Độc Lập.
Tuy nhiên ngay sau đó các Tướng Lâm Thành Nguyên, Nguyễn Thành Phương và Trình Minh Thế lại theo về với Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Bình Xuyên bị Quân Đội Quốc Gia đánh bại (4-1955) phải chạy về Rừng Sác (thuộc Cần Giờ, Sài Gòn). Tướng Trình Minh Thế tử trận ở cầu Chữ Y khi đánh nhau với Bình Xuyên.
Sau chiến dịch Hoàng Diệu (9-1955) của Đại tá Dương Văn Minh và Đại tá Đỗ Cao Trí, Bình Xuyên bị tiêu diệt, Bảy Viễn trốn qua Cao Miên rồi sang Pháp cho đến khi chết năm 1971.
Ngày 5-10-55, Tướng Nguyễn Thành Phương đem quân của mình về vây Toà thánh Tây Ninh thanh trừng những ai chống đối Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc (1890-1959) phải lén trốn sang Cao Miên (3 giờ sáng ngày 6-2-56) rồi qua đời ở Nam Vang vì bệnh (17-5-59).
Sau chiến dịch Nguyễn Huệ (1-1950), Tướng Năm Lửa Trần Văn Soái (1889-1961) bị thua và đầu hàng vào ngày 8-3-56 cùng với 1056 sĩ quan và 4600 quân rồi chết ở Sài Gòn (1961). Tướng Ba Cụt Lê Quang Vinh (1923-1956) sống sót chiến dịch Nguyễn Huệ nhưng sau đó ông bị dụ hàng rồi bị bắt, bị xử tử bằng máy chém (đầu) ở Cần Thơ (13-7-56).

Ông Ba Cụt Lê Quang Vinh tại Tòa án Cần Thơ
Việt Nam Cộng Hòa
*
Với hậu thuẩn của quân đội, ông Ngô Đình Diệm tổ chức Cuộc Trưng Cầu Dân Ý ngày 6-10-55 để dân chúng chọn giữa Ông và Cựu Hoàng Bảo Đại (lúc đó sống ở bên Pháp!). Lòng dân lúc bấy giờ có nhiều người không thích Bảo Đại:
ÔNG VUA YẾM THẾ
Mấy trang tình sử lật qua rồi
Đô hội phồn hoa, ít thấy tôi
Tửu sắc vừa nghe, đà ứ hự
Khí tài có rủ, cũng ôi thôi (*)
Thấy cơ lập nghiệp, nào vơ lấy
Gặp dịp cầu danh, cứ thả trôi
Chờ nhóm chán đời tôn chúa tể
Ngần nầy bản lĩnh, ắt lên ngôi!
(Lãng Ba) 15-1-55
(*) Chú thích: Khí = thuốc phiện. Tài = cờ bạc
NGAI VÀNG SỤP ĐỖ
Ngôi cũ thối hư, gió mới đùa
Có ngày nước Việt phế nhà vua
Thực nuôi, Phong dưỡng, lời sao thuận
Quan trách, dân phiền, lý phải thua
Nảy mực cầm cân, ưa trốn tránh
Xiêu đình ngả quán, thích tranh đua
Ươn hèn hết xứng vai thiên tử
Thà để cho con sãi ở chùa. (*)
(Lãng Ba) 17-5-55
(*) Chú thích:
Con vua thì đặng làm vua
Con sãi ở chùa thì quét lá đa (Ca dao)
Ông Ngô Đình Diệm thắng cử trong cuộc Trưng Cầu Dân Ý và chính thức thành lập nước Việt Nam Cộng Hòa với ông làm Tổng Thống đầu tiên vào ngày 26-10-55. Ngày Quốc Khánh 26-10 được gọi là ngày Tết Cộng Hòa dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa của ông Ngô Đình Diệm. Chính phủ Ngô Đình Diệm sau đó từ chối Tổng Tuyển Cử và gọi ngày ký Hiệp định Genève 20-7 là ngày Quốc Hận.

Kết quả Trưng Cầu Dân Ý
CHÀO MẦNG NGÔ TỔNG THỐNG
Chào mầng vị Tổng Thống đầu tiên (*)
Bao quản phong ba lái Việt thuyền
Vạch lối tự do, dồi chủng tộc
Xây nền độc lập, vững sơn xuyên
Cộng hòa khai sáng tròn danh nghĩa
Dân chủ tài bồi vẹn phúc duyên
Toàn quốc suy tôn người cứu quốc
Chào mầng vị Tổng Thống đầu tiên.
(Lãng Ba) 29-10-1955
(*) Chú thích : Mầng = mừng (tiếng người Nam Kỳ).
MỘT NĂM CHẤP CHÁNH
Ngô thị, một năm, nắm chính quyền
Lập nhiều thành tích ngoại bang kiêng
Thanh trừng hối lộ, trừng con bạc
Nghiêm cấm mại dâm, cấm bợm ghiền
Đả đảo Thực Phong, dân giải thoát
Tiểu trừ Việt Cộng, nước bình yên
Di cư hàng triệu lo chu đáo
Nội trị chỉnh tu vẹn mối giềng.
(Lãng Ba) 20-10-56
ĂN TẾT CỘNG HÒA
Nhân dịp ta ăn Tết cộng hòa
Thích nhìn thành tích bốn năm qua
Tự do, bình đẳng, danh đồn khắp
Độc lập, hùng cường, tiếng dội xa
Sông núi điểm tô, xinh tựa gấm
Giống nòi cải tiến, đẹp như hoa
Tương lai sáng lạn càng tin tưởng
Ca bản “Suy tôn”, nhắp rượu trà.
(Lãng Ba) 26-10-58
*
CỜ VIỆT NAM
Không trung phất phới vẻ vang kỳ
Việt quốc nêu cao lá quốc kỳ
Chính chính da vàng chung một giống
Đường đường sọc đỏ hợp ba kỳ
Con Hồng nâng đỡ bằng bao cách
Cháu Lạc điểm tô biết mấy kỳ
Bốn bể năm châu đều rõ mặt
Không trung phất phới vẻ vang kỳ.
(Lãng Ba) 21-11-59
Ngày 26-3-46, Nam Kỳ Cộng Hòa Quốc (Nam Kỳ Quốc) hay Cộng Hòa Tự Trị Nam Kỳ trong Liên Bang Đông Dương được thành lập với lá cờ nền vàng 3 sọc xanh chen kẻ 2 sọc trắng ở giữa tượng trưng cho 3 con sông Đồng Nai, Tiền Giang và Hậu Giang.
Ngày 2-6-1948, Quốc Gia Việt Nam thành lập, chính phủ Nguyễn Văn Xuân dùng lá cờ nền vàng với 3 sọc đỏ. Lá cờ vàng ba sọc đỏ nầy đuợc nước Việt Nam Cộng Hòa tiếp tục dùng từ 26-10-55 cho đến 30-4-1975 (qua thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa).

TT Ngô Đình Diệm ngồi trước GM Ngô Đình Thục và ÔB Ngô Đình Nhu
*
Thời Đệ Nhất Cộng Hoà còn có những cải cách xã hội rất hữu ích: Cấm cờ bạc, hút thuốc phiện, đĩ điếm và bất hợp pháp chế độ đa thê:

Sòng bạc Đại Thế Giới ở đ. Trần Hưng Đạo
KIM CHUNG ĐÓNG CỬA (*)
“Chuông Vàng” tốn bạc mới im đây (*)
Ai cũng mừng cho xứ sở nầy
Gái hết “cầu âu” gìn trọn tiết (*)
Trai không “tài xiểu” giữ toàn thây (*)
Đủ ăn đủ mặc nhà thêm ổn
Ít ác ít gian ngục bớt đầy
Tệ ấy trừ rồi trừ tệ khác
Cho dân đỡ khổ được vui vầy.
(Lãng Ba) 8-1-55
(*) Chú thích:
Kim Chung (cùng với Đại Thế Giới) là sòng bạc lớn nhứt ở Sài Gòn do Pháp mở ra. Nó ở chỗ mì “La Cay” đường Nguyễn Tri Phương dưới thời VNCH. Kim chung=Chuông vàng.
Cầu âu là đánh me. Tài xiểu là đánh tài xiểu
KHÓC Ả PHÙ DUNG
Phù Dung tiên nữ, ả phiền ôi (*)
Chánh phủ đã ra lệnh cấm rồi
Nặng nợ ống nồi còn muốn nữa
Dứt tình thuốc nhựa phải đành thôi
Nhớ đèn leo lét, không ăn uống
Thèm khói thơm tho, khó đứng ngồi
Mộng điệp, nhìn nhau rơi lệ thảm
Phù Dung tiên nữ, ả phiền ôi.
(Lãng Ba) 10-12-55
(*) Chú thích:
Ghẹo mấy người ghiền thuốc phiện là mê Phù Dung tiên nữ (Hút vô là thăng lên tiên!).
Opium dịch là (thuốc) á phiện, từ ngữ Nam Kỳ cố tình đọc trại là “ả phiền” ("Ả" là người đàn bà, "phiền" là buồn).
CHẾ ĐỘ ĐA THÊ CHẤM DỨT
Đơn thê dự luật thảo xong rồi
Thiếp phải thôi, hầu cũng phải thôi
Chuồng lợn nằm co, chồng khỏi sợ (*)
Chăn bông đắp trọn, vợ không rời (*)
Chẳng khai mương nữa, hư hao đất (*)
Đâu cắn cỏ chi, náo động trời (*)
Nam nữ bình quyền, gây hạnh phúc
Hết ai là chúa, hết ai tôi.
(Lãng Ba) 16-6-58
(*) Chú thích:
Tục ngữ: Một vợ nằm giường lèo, hai vợ nằm chèo queo, ba vợ nằm chuồng heo.
Thơ Hồ Xuân Hương: Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng. Chém cha cái kiếp lấy chồng chung.
Ca dao: Lập vườn thì phải khai mương
Làm trai hai vợ phải thương cho đồng.
Ca dao: Vợ lớn đánh vợ nhỏ
Bước ra ngoài ngõ, cắn cỏ kêu trời,
Nhứt phu lưỡng phụ ở đời sao an?
Tổng Thống Ngô Đình Diệm với 2 vợ chồng người em là ông bà Cố Vấn Ngô Đình Nhu và Trần Lệ Xuân được đa số dân ủng hộ trong cuối thập niên 1950s.
Thi Sĩ Lãng Ba Phan Văn Bộ
Thi sĩ Lãng Ba Phan Văn Bộ (1908-1966) là người Cao Lãnh, học ở trung học Mỹ Tho và Cần Thơ, đậu bằng Thành Chung (Diplôme) và làm việc ở Tòa án Mỹ Tho và Cần Thơ.
Thi sĩ Lãng Ba là người đầu tiên làm thơ về thơ, về người làm thơ và xử dụng tất cả kỹ thuật của thơ Đường.
Thơ về thơ:
HỒN THƠ
Lãng mạn hồn thơ thích dạo chơi
Hồn bay liệng khắp chốn xa vời
Nương mây, hồn viếng thăm sông núi
Tựa gió, hồn ngang dọc bể trời
Hồn ngắm ác vàng sa nội quạnh
Hồn nhìn thỏ bạc vượt mù khơi
Suối reo chim hát hồn say đắm
Say đắm, hồn quên phức sự đời.
(Lãng Ba) 20-1-54
CÁI THÚ THƠ ĐƯỜNG
Việt tự, Đường văn (thi), mặc khách say
Ngâm hoa vịnh nguyệt suốt canh dài
Chọn đề thích thú, lời vui ngộ
Gieo vận ngọt ngào, tứ đẹp hay
Biền ngẫu khéo khôn xem khoái mắt
Trắc bình hòa hợp đọc bùi tai
Hương thơ tuyệt diệu hồn thơ cảm
Cảm hứng tìm chơi, được mấy ai ?
(Lãng Ba) 12-2-59
Thơ về người làm thơ:
TRÁCH CHỒNG THI SĨ
Thi sĩ ngông ôi, mình hởi mình
Con kêu vợ nói cứ làm thinh
Sớm trưa lẩm bẩm: đề cùng vận
Năm tháng loay hoay: trắc với bình
Câu chữ gọn gàng ngâm dẫu đẹp
Cảnh nhà thiếu thốn nhắm nào xinh
Trên đường danh lợi không chen lấn
Theo mãi văn chương, mãi sập sình.
(Lãng Ba) 16-8-56
Kỹ thuật làm thơ:
TỰ TRÀO
Lẹ làng, lịch lãm, lại lu lờ
Thỏa thích thì thôi thả thất thơ
Mèo mở mỏi mê mà mãi miết
Chén chè châm chước chẳng chần chờ
Tánh tình tồi tệ toan tu tỉnh
Sự sản sơ sài sẽ sởn sơ
Hiền hữu hay ho ham hội họp
Vui vầy vồn vã vịnh vu vơ. (*)
(Lãng Ba) 27-9-47
(*) Chú thích: Những chữ trong mỗi câu đều bắt đầu với 1 phụ âm.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Bài viết nầy đăng lần đầu tiên trong phanthuonghai.com (trong mục "Thơ và Sử": viết sau bài "Phạm Đình Bách và Quách Tấn" và trước bài "Nhân Văn Giai Phẩm").
Tài liệu tham khảo
Miền Nam Nước Việt và Thơ Lãng Ba (Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
Hai Mươi Năm Qua: 1945-1964 (Đoàn Thêm)
Wikipedia
__________________________________________________________________
BÁC SĨ GIÀ
Ông Ký, quí Chị và quí Liệt Lão thân kính
Tui làm bài thơ Bác Sĩ già khi nghĩ tới quí Liệt Lão (và quí Chị) trong lớp.
Còn có thêm 1 bài nữa theo thể Liên Hoàn. Xin gởi quí vị đọc chơi:
(Bác Ca sĩ)
Mạnh giỏi, tâm tình bác chửa vơi
Hát theo dòng nhạc biết yêu đời
Giọng ca lão luyện lời tha thiết
Bài bản u hoài dạ thảnh thơi
Bác sĩ có danh nên có tiếng
Bác già còn sức mới còn hơi
Dư âm lưu luyến lòng thương nhớ
Đẹp mãi hương xưa của một thời.
(Bác Thi sĩ)
Minh tâm, liệt lão biết ưu thời
Tình ý còn đầy cứ lả lơi
Dùng chữ tuy xưa vừa thích thú
Làm thơ dù cũ đủ vui chơi
Bác già trời giúp, mong thêm tuổi
Bác sĩ nghiệp dư, thích lắm lời
Thi bá thành danh nhờ mẫn thế
Theo vần thong thả sống theo đời.
(Bác Tửu gia)
Những bác tửu gia biết sống đời
Rành nghề ẩm thực đúng tay chơi
Món nầy thức nọ ăn ngon miệng
Rượu đó đồ kia uống hợp thời
Rượu mạnh, bác già ngưng lão liệt
Rượu vang, bác sĩ cứ khoe mời
Hòa đồng thú vị say tình bạn
Khẩu nghiệp đa mang vẫn tuyệt vời.
(Bác Nhiếp ảnh gia)
Bác nhiếp ảnh gia khéo vẽ vời
Sống vì nghệ thuật chụp không ngơi
Bác già viễn thị nhòm qua lỗ
Bác sĩ mát tay bấm đã đời
Show cảnh mỹ miều hơn hội họa
Tả người xinh xắn khỏi thêm lời
Giữ bao kỷ niệm trong hình ảnh
Cùng với thâm tình chuyển khắp nơi.
(Bác Văn sĩ)
Truyền bá văn chương khắp mọi nơi
Giờ đây viết lách chẳng hề ngơi
Luận bàn rộng rãi, trần tình lý
Biên khảo xa xôi, kể chuyện đời
Bác sĩ ký toa thành ký giả
Bác già tùy bút đúng tùy thời
Góp công vun đắp nền văn học
Chuyển hướng tài ba, dạ thảnh thơi.
Phan Thượng Hải
1/27/16 & 12/8/19

LỄ THANKSGIVING
Bỏ đi phú quí với phồn vinh
Tìm đất tự do sống thái bình
Nông nghiệp mở mang khi kiếm sống
Kinh doanh phát triển lúc mưu sinh
Quốc gia giàu mạnh nhờ dân chủ
Quốc tế hùng cường trải chiến chinh
Hiệp chủng kết tình toàn lãnh thổ
Cùng vui mừng lễ Thanksgiving.
Mỗi năm đến lễ Thanksgiving
Cảm tạ ơn trên giúp đỡ mình
Tỵ nạn miền Nam qua khốn khó
Công dân nước Mỹ sống thanh bình
Vẹn tình thông cảm toàn thân thuộc
Trọn đạo kiên trì nhất nghệ tinh
Hy vọng từ tâm nhìn thế sự
Thủ thường an phận đủ phồn vinh.
Phan Thượng Hải
11/22/18
NGÔ ĐÌNH DIỆM
(Bs Phan Thượng Hải)
Thơ và Sử ghi nhận quảng đời của ông Ngô Đình Diệm từ lúc làm Thượng thư cho vua Bảo Đại rồi làm cách mạng trong và ngoài nước trước khi về làm Thủ tướng cho Quốc trưởng Bảo Đại. Ông có một người cháu nổi tiếng sau 30-4-1975 là Hồng Y Nguyễn Văn Thuận.
Vua Bảo Đại
Cuối năm 1925 vua Khải Định băng hà. Hoàng tử Vĩnh Thụy (1913-1997) đăng quang ngày 8-1-26 lấy niên hiệu là Bảo Đại. Sau tang lễ, vua mới có 13 tuổi, phải sang Pháp tiếp tục học, việc nước ở Trung Kỳ trong tay người Pháp. Phụ Chính Tôn Thất Hân chỉ giữ việc tế lễ và lo lăng miếu.
Tháng 5-1933, vua Bảo Đại, 20 tuổi, học xong Trung Học (?) nên về nước. Vua cải tổ Nội các, giao những chức Thượng Thư cho các ông Ngô Đình Diệm, Phạm Quỳnh, Hồ Đắc Khải, Bùi Bằng Đoàn, Thái Văn Toản. Các quan Thượng Thư cũ bị mất chức: Nguyễn Hữu Bài (Lại bộ), Tôn Thất Đàn (Hình bộ), Phạm Liệu (Binh bộ), Võ Liêm (Lễ bộ) và Vương Tứ Đại (Công bộ).

(Các T. T. Hồ Đắc Khải, Phạm Quỳnh, Thái Văn Toản, Ngô Đình Diệm và Bùi Bằng Đoàn)
Ông Hoài Nam Nguyễn Trọng Cẩn có làm bài thơ “chơi chữ” để ghẹo. "Chơi chữ" là dùng loại từ chung với ngụ ý thứ nhì là danh tự riêng.
CẢI TỔ NỘI CÁC
Năm cụ khi không rớt cái ình
Đất bằng sấm dậy thảy đều kinh
Bài không đeo nữa xin dâng lại
Đàn nỏ ai nghe khéo dấu hình
Liệu thế không xong binh chẳng đặng
Liêm đành giữ tiếng lễ đừng rinh
Công danh thôi thế là hưu hỉ
Đại sự xin nhường lớp hậu sinh.
(Hoài Nam Nguyễn Trọng Cẩn)
Ngày 20-3-1934, vua Bảo Đại (21 tuổi) chính thức kết hôn với cô Nguyễn Hữu Thị Lan (20 tuổi) và phong tước là Nam Phương Hoàng Hậu. Nam Phương Hoàng hậu là con gái của ông Nguyễn Hữu Hào và là cháu ngoại của ông Lê Phát Đạt, 1 trong 4 người nổi tiếng giàu nhứt Nam Kỳ lúc bấy giờ (thường được biết với danh hiệu Huyện Sỹ). Bà Nguyễn Hữu Thị Lan là 1 trong 3 người được mang tước hiệu Hoàng hậu của nhà Nguyễn khi còn sống.
Ông Ngô Đình Diệm
Ông Ngô Đình Diệm (1901-1963) là con của ông Ngô Đình Khả, triều thần của vua Thành Thái. Ông Ngô Đình Diệm lúc nhỏ vào chủng viện nhưng ra dòng. Ông tốt nghiệp trường Hậu Bổ (1921) ra làm Tri Huyện. Năm 1933, ông Ngô Đình Diệm đang làm Tuần Phủ Phan Thiết thì được vua Bảo Đại triệu về Huế phong làm Lại Bộ Thượng Thư thay thế Nguyễn Hữu Bài (là cha vợ của anh mình là Tổng Đốc Quảng Nam Ngô Đình Khôi).

(Vua Bảo Đại và Thượng thơ Ngô Đình Diệm)
Sau mấy tháng tại chức, ông Ngô Đình Diệm từ chức Lại Bộ thượng thư. Ông Phan Bội Châu có gửi đăng trên báo Tiếng Dân ở Huế của ông Huỳnh Thúc Kháng một bài thơ vô đề tỏ ý khen ngợi ông Ngô Đình Diệm nhưng bị Pháp kiểm duyệt bỏ mất câu thứ 4. (Lại Bộ thượng thư đứng đầu trong Triều Đình như Thủ Tướng trong chính phủ hiện đại).
Đến năm 1957, tạp chí Văn Đàn của ông Phạm Đình Tân ở Sài Gòn trong thời VNCH mới đăng trọn bài thơ:
VÔ ĐỀ
Ai biết trời Nam hãy có người
Sịch nghe tuởng ngỡ sấm bên tai
Lông hồng coi nhẹ vàng muôn lượng
Ngôi quý xem dường dép nửa đôi (*)
Phơi tỏ cùng trời gan đỏ chói
Nhá nhem thây kệ mắt đen thui
Ví chăng kịp lúc làm vai vế
Sau ngựa Châu xin quất ngọn roi. (*)
(Phan Bội Châu)
(*) Chú thích:
Câu thơ thứ 4 đã bị Pháp kiểm duyệt.
Qua 2 câu cuối của bài thơ, ông Phan Bội Châu muốn theo phò ông Ngô Đình Diệm?
Năm 1933, ông Ngô Đình Diệm vào Nam liên lạc với chính giới Nam Kỳ như ông Nguyễn Phan Long rồi trở ra Quảng Bình lập đảng Đại Việt Phục Hưng thu phục các linh mục, cảnh sát và lính khố xanh. Khi Nhật vào Đông Dương, ông ủng hộ Kỳ Ngoại Hầu Cường Để. Sau 1945, Việt Minh thủ tiêu người anh cả là Ngô Đình Khôi và bắt giải ông ra Bắc gặp Hồ Chí Minh rồi giam ở Tuyên Quang. Nhờ Giám mục Lê Hữu Từ can thiệp mới được thả.
Năm 1948, ông Ngô Đình Diệm sang Hương Cảng gặp cựu hoàng Bảo Đại. Sau hiệp ước Hạ Long, ông từ chối làm Thủ Tướng chính phủ Quốc Gia Việt Nam theo lời mời của cựu hoàng Bảo Đại. Về nước ông ở với em là ông Ngô Đình Nhu ở Đà Lạt và Vĩnh Long với anh là Giám Mục Ngô Đình Thục, lập đảng Xã Hội Thiên Chúa Giáo. Năm 1950, biết Việt Minh toan ám sát ông nên Giám mục Ngô Đình Thục đem ông sang Vatican, sang sống ở các tu viện ở New Jersey (1951-52) và Bỉ Pháp (53-54). Năm 1954 ông sang New York gặp Hồng Y Spellman rồi được Mỹ đưa về nước làm Thủ Tướng.
Hồng Y Nguyễn Văn Thuận
*
Từ đạo Thiên Chúa, nước Việt Nam có một Thủ Tướng rồi Tổng Thống là ông Ngô Đình Diệm nhưng gia đình ông cũng có một Hồng Y là Đức Cha Francisco Xavier Nguyễn Văn Thuận (1928-2002). Đức Cha Nguyễn Văn Thuận sinh ở Phú Cam, Huế là anh cả của 1 gia đình 8 anh chị em. Cha là ông Nguyễn Văn Ấm và mẹ là bà Ngô Đình Thị Hiệp (em ruột của Giám Mục Ngô Đình Thục và Tổng thống Ngô Đình Diệm).
Năm 12 tuổi đi tu vào chủng viện đến năm 1953 thì được thụ phong Linh Mục ở Huế (25 tuổi), Cha Nguyễn Văn Thuận trở thành Giám Mục Chánh Tòa Giáo phận Nha Trang vào năm 1967. Ngày 23-4-1975, Đức Cha Nguyễn Văn Thuận được phong là Tổng Giám Mục Phó của Tổng Giáo phận Sài Gòn nhưng vì biến cố ngày 30-4-75 nên đến ngày 7-5, GM Nguyễn Văn Thuận mới vào Sài Gòn nhận nhiệm vụ mới. Hai tháng sau (1-7-75), chính quyền GPMN yêu cầu GM Nguyễn Văn Thuận về lại Nha Trang (làm chức vụ cũ) rồi đến ngày 15-8-75, Đức Cha bị bị bắt đi tù cải tạo 13 năm (gồm 9 năm cuối ở Bắc Kỳ). Ngày 21-11-1988, Bộ trưởng Công An Mai Chí Thọ đến trại cải tạo gặp Đức Cha Nguyễn Văn Thuận và 2 ngày sau (23-11-88) Đức Cha được thả về.
Năm 1989, GM Nguyễn Văn Thuận được xuất ngoại sang Úc gặp gia đình rồi sang Roma gặp Đức Giáo Hoàng. Trở về Việt Nam vào tháng 11-1989, GM bị bệnh Tiền Liệt Tuyến (Prostate) phải giải phẫu ở bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) rồi chuyển sang Roma (tháng 4-1990). Cùng lúc đó, chính quyền CHXHCNVN chính thức cấm GM Nguyễn Văn Thuận trở lại Việt Nam.

(Gm Nguyễn Văn Thuận trước và trong khi học tập cải tạo)
*
Năm 1994, Đức Cha Nguyễn Văn Thuận chính thức từ chức Tổng Giám Mục Phó của Tổng Giáo Phận Sài Gòn và nhận chức Phó Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hoà Bình (Pontifical Council of Justice and Peace) rồi làm Chủ Tịch (1998-2002). Năm 2001, Đức Cha được thụ phong Hồng Y. Năm 2002, LA Times trong bài “The man who would be Pope” tiên đoán 14 Hồng Y sẽ kế vị Đức Giáo Hoàng John Paul II trong đó có Đức Hồng Y Francisco Xavier Nguyễn Văn Thuận. Tuy nhiên Hồng Y qua đời vì ung thư ngày 16-9-2002.

Năm 2007, Hội Thánh bắt đầu chương trình phong Chân Phước (Beatification) cho cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. Chân Phước hay Chân Phúc (Beatus) còn gọi là Á Thánh là danh hiệu của Hội Thánh Công Giáo công nhận cho một vị đáng kính đã được chấp nhận vào Thiên Đàng và có khả năng cầu nguyện thay cho hay giúp cho những người cầu nguyện với họ.
Đây là những ý kiến của Hồng Y Nguyễn Văn Thuận:
“Cho dù các anh giết tôi tôi vẫn yêu thương các anh. Tại vì Chúa Ki Tô đã dạy tôi phải yêu thương tất cả mọi người, cả những kẻ thù. Nếu tôi không làm như vậy, tôi không đáng gọi là Ki Tô hữu (Christian)”.
“Thất bại lớn của đời người là mất niềm hy vọng”. Niềm hy vọng chính là Đức Tin.
ĐỨC TIN
Nhân loài tồn tại với tình thương
Sống mãi Đức Tin chẳng bất thường
Mến Chúa thiện tâm tha tội lỗi
Yêu người bác ái biết khiêm nhường
Bình an dưới thế, năng cầu nguyện
Cám dỗ bên mình, chớ vấn vương
Thể xác một mai thành cát bụi
Linh hồn cứu rỗi đến Thiên Đường.
(Phan Thượng Hải)
8/15/13
HỒNG Y NGUYỄN VĂN THUẬN
Tâm nguyện thuận theo ý Chúa Trời
Hiền lành sống đạo chẳng hề ngơi
Yêu thương, thánh thiện không sờn chí
Hy vọng, đức tin vững trọn đời
Chủ nghĩa vô thần giành địa lợi
Tình người Công Giáo được thiên thời
Sá chi cải tạo đà Chân Phước
Khai lối Hồng Y đến nước Trời.
(Phan Thượng Hải)
12/29/15
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Bài viết nầy đăng lần đầu tiên trong phanthuonghai.com (trong mục "Thơ và Sử": viết sau bài "Khải Định" và trước bài "Trần Trọng Kim").
Tài Liệu Tham Khảo:
Trang Thơ Thi Viện Net
Wikipedia
_________________________________
Trung học Petrus Ký (đường Cộng Hòa, Sài Gòn)
DANH NHÂN VĂN HÓA
*
Tiểu Sử
- Thời Kỳ Niên Thiếu (1837-1858)
Ông Petrus Trương Vĩnh Ký sinh ra và sống thời niên thiếu ở Nam Kỳ.
Ông sanh ngày 6-12-1837 tại ấp Cái Mơn thuộc tỉnh Vĩnh Long đời vua Minh Mạng,
ngày nay thuộc huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre. Ông là con của quan Lãnh binh Trương Chánh Thi.
Năm 1842 (lúc 5 tuổi), ông cùng người anh học chữ Nho với một thầy Đồ trong xóm.
Năm 1845 (lúc 8 tuổi), Lãnh binh Trương Chánh Thi theo phái đoàn sứ thần sang Cao
Miên và bị bệnh chết bên ấy. Theo lời khuyên của Cố Tám, ông được mẹ cho vào đạo Thiên Chúa (Công Giáo) với tên là Jean-Baptiste-Petrus Trương Chánh Ký. Về sau tên Trương Chánh Ký đổi thành Trương Vĩnh Ký. Ông vào tiểu chủng viện Cái Nhum (thuộc tỉnh Vĩnh Long) và học với Linh mục Henri Borelle (tên Việt là Hòa).
Năm 1849 (lúc 11 tuổi), ông theo Linh mục Charles Émile Bouillevaux (tên Việt là Long)
học chữ La tinh ở nhà thờ Cái Nhum. Lúc đó Cha Bouillevaux mới từ Pháp sang ở Cái Nhum.
Ông Petrus Trương Vĩnh Ký đi học ở ngoại quốc từ năm 13 tuổi (1850) cho tới khi ông trưởng thành vào năm 21 tuổi (1858).
Năm 1850, ông theo Linh mục Bouillevaux sang học ở trường đạo Pinha Lu ở Phnom
Penh (thuộc Cao Miên).
Năm 1851, ông được nhận sang học ở trường đạo Dulalma ở đảo Penang trong vùng biển của Nam Dương (nay thuộc nước Mã Lai).
Năm 1858 (lúc 21 tuổi), ông học xong và về nước thì vào lúc mẹ ông qua đời.
- Thời Kỳ Sống Dưới Chính Quyền Của Nhà Nguyễn (1858-1860)
Năm 1858-1860, ông bắt đầu phụ cho Linh mục Borelle dạy tại tiểu chủng viện Cái Nhum. Ông là nạn nhân của phong trào đàn áp đạo Thiên Chúa do lệnh của Chính quyền nhà Nguyễn (thời vua Tự Đức).
- Thời Kỳ Sống Dưới Chính Quyền Thuộc Địa Pháp - Giai Đoạn 1 (1860-1886)
Những biến cố lịch sử văn hóa của ông Petrus Trương Vĩnh Ký:
Năm 1860, vì bị đàn áp đạo Thiên Chúa (Công Giáo), ông trốn lên Sài Gòn sống dưới
chính quyền thuộc địa của Thực Dân Pháp cho đến khi qua đời (1898).
Năm 1863, ông làm thông ngôn cho phái đoàn Pháp đi cùng với phái bộ Phan Thanh
Giản của chính quyền nhà Nguyễn sang Pháp. Mục đích của phái bộ là xin chuộc 3 tỉnh Đông Nam Kỳ. Trong chuyến đi nầy, ông gặp nhiều danh nhân văn hóa ở Pháp, Bồ Đào Nha và Ý; và ông có được yết kiến Giáo hoàng tại Roma.
Năm 1865, ông xin mở tờ Gia Định Báo thì được chấp thuận. Lúc đầu tờ Gia Định Báo phải do một Giám đốc người Pháp điều hành. Đến năm 1869, ông mới được làm Giám đốc điều hành tờ báo nầy và bạn ông, ông Paulus Huỳnh Tịnh Của làm Chủ bút.
Năm 1866, ông xuất bản quyển sách chữ Quốc Ngữ đầu tiên của mình là "Chuyện Đời Xưa Lựa Nhón Lấy Những Chuyện Hay Và Có Ích".
Năm 1874, ông được chọn đứng hàng thứ 17 trong 18 thành viên của hội " Savants du Monde" (Hội "Những nhà Bác học của Thế giới").
Năm 1883 (ngày 17-5-1883) ông được Hàn Lâm Viện Pháp phong làm Viện sĩ (Officier d'Académie).
Trong giai đoạn 1 nầy (1865-1885), ông Petrus Trương Vĩnh Ký viết và làm báo (Gia Định Báo); sáng tác, biên khảo và phiên dịch; xuất bản sách; và dạy học tại trường Thông Ngôn và Hậu Bổ cùng với 2 ông Paulus Huỳnh Tịnh Của và Trương Minh Ký. Chương trình văn hóa của ông được người Pháp giúp đỡ về phương diện tài chánh.
- Thời Kỳ Sống Dưới Chính Quyền Bảo Hộ Pháp - Giai Đoạn 2 (1886)
Năm 1886, ông Petrus Trương Vĩnh Ký ra Huế phụ giúp Khâm sứ Paul Bert trong chương trình khai hóa của ông nầy ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ (từ tháng 6 đến tháng 11-1886). Chương trình Văn hóa chưa kịp thành hình thì Paul Bert đột ngột qua đời (11-11-1886)
- Thời Kỳ Sống Dưới Chính Quyền Thuộc Địa Pháp - Giai Đoạn 3 (1887-1898)
Từ năm 1887, ông Petrus Trương Vĩnh Ký về sống cuộc đời của một thường dân Nam Kỳ không dư dả ở Sài Gòn và tiếp tục công trình Văn hóa của mình cùng với ông Paulus Huỳnh Tịnh Của và ông Trương Minh Ký cho tới khi ông qua đời vì bệnh (1898). Ông tiếp tục dạy học ở trường Thông Ngôn và Hậu Bổ, viết báo và ấn bản sách. Tờ Gia Định Báo vẫn còn, do ông Trương Minh Ký (học trò của ông Petrus Trương Vĩnh Ký) làm Chủ nhiệm. Năm 1888-1889, ông Petrus Trương Vĩnh Ký có xuất bản Tạp chí tư nhân đầu tiên là Nguyệt san Thông Loại Khóa Trình (Miscellanées). Tạp chí ra được 18 số (trong 9 tháng) thì phải đóng cửa vì lý do tài chánh.
Trong giai đoạn 3 nầy (1887-1898), ông Petrus Trương Vĩnh Ký chật vật vì chính quyền thuộc địa Pháp không còn giúp đỡ tài chánh cho ông xuất bản sách báo như trong giai đoạn 1 (1865-1885).
*
Công trình Văn hóa (1865-1898)
Dưới chiêu bài khai hóa hay đồng hóa, Thực dân Pháp muốn Nam Kỳ tách ra khỏi văn hóa Á Đông của Tàu và lệ thuộc vào văn hóa Âu Tây nhất là văn hóa Pháp để chánh quyền thuộc địa Pháp dễ cai trị. Phương tiện tạm thời và đương thời lúc bấy giờ là dùng chữ Quốc Ngữ thay thế chữ Hán và chữ Nôm. Chữ Quốc Ngữ trước đó đã được các giáo sĩ đạo Thiên chúa (Công Giáo) dùng để truyền đạo.
May mắn cho dân Việt ta, chữ Quốc Ngữ ích lợi và tiện lợi cho người dân Việt ngoài mong ước. Nó có những đặc tính:
Đơn giản và dễ học, chỉ cần một thời gian ngắn là một người bình thường có thể biết đọc và biết viết. Nó không khó khăn như chữ Hán và chữ Nôm.
Diễn tả hoàn toàn được Quốc Ngữ, ngôn ngữ của người Việt, vì nó tượng thanh.
Dùng mẫu tự La tinh như văn tự của các nước Âu Tây và viết được Hán ngữ với kỹ thuật bính âm dễ áp dụng.
Lợi dụng thời cơ nầy, ông Petrus Trương Vĩnh Ký tận dụng chữ Quốc Ngữ trong văn chương (sáng tác, biên khảo và dịch thuật) qua sách báo để không những truyền bá và phát huy văn hóa Âu Tây theo danh nghĩa đồng hóa hay khai hóa của thực dân Pháp mà ông còn truyền bá và phát huy văn hóa Á Đông của người Tàu và người Việt. Ông dùng ngôn từ bình dân của người Nam Kỳ trong văn chương của mình để người dân thường ở Nam Kỳ dễ hiểu và dễ tiếp thu. Ông muốn mọi người bình dân đều có thể học được cái hay và cái đẹp của văn hóa Đông Tây để nâng cao dân trí. Như vậy dân Nam Kỳ mới tiến bộ và trong tương lai đủ sức chống lại và đánh bại chánh quyền thuộc địa để tự lập chính quyền độc lập của người dân.
Khi bắt đầu chương trình của mình, ông Petrus Trương Vĩnh Ký cũng thấy Văn hóa nước Đại Nam ảnh hưởng từ văn hóa của Tàu lúc bấy giờ lạc hậu và khiếm khuyết rất nhiều, nhất là về phương diện Khoa học và Kỹ thuật. Nó chỉ gồm có triết lý Nho giáo bảo thủ và văn thơ cổ điển của "Kẻ sĩ". Với văn hóa cũ nầy, người Việt không thể đánh bại được người Pháp về phương diện chính trị và quân sự để dành lại độc lập.
Đó là dự định và chương trình Văn hóa của một nhà Bác học thông thái văn hóa Đông Tây Petrus Trương Vĩnh Ký đã đem ích lợi cho người dân. Qua lời văn, ông còn biểu lộ tâm tánh hiền từ, thật thà và khiêm tốn.
Trong gần 35 năm, ông Petrus Trương Vĩnh Ký có 121 tác phẩm (đại đa số viết bằng chữ Quốc Ngữ và thiểu số viết bằng chữ Pháp) gồm có những Sáng tác, Biên khảo và Dịch thuật về Văn hóa Đông Tây. Ông Petrus Trương Vĩnh Ký còn thu dụng được 2 phụ tá đồng tình ý và chí hướng là bạn của ông, ông Paulus Huỳnh Tịnh Của và học trò của ông là ông Trương Minh Ký. Hai ông nầy cũng có nhiều tác phẩm Sáng tác, Biên khảo và Dịch thuật về Văn hóa Đông Tây như ông Petrus Trương Vĩnh Ký. Riêng ông Trương Minh Ký còn là một Thi sĩ.
Theo Văn Hóa Quốc Ngữ ở Nam Kỳ của Bằng Giang, ông Petrus Trương Vĩnh Ký là nhà Bác ngữ học.
Ông biết đọc và nói 15 sinh ngữ và tử ngữ Tây phương (Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, La Tinh, Ý, Hy Lạp...)
Ông biết viết 11 ngoại ngữ hầu hết thuộc miền Viễn Á và có viết sách giáo khoa dạy 9 ngoại ngữ Á châu (9 trong số 11 ngoại ngữ nầy): Trung Quốc, Indoustan (Ấn Độ), Tamoul (Nam Ấn Độ), Miến Điện, Xiêm (Thái Lan), Mã Lai, Cao Miên (Campuchia), Lào và Chiêm Thành. Để dạy mỗi thứ tiếng, ông soạn một bộ gồm 4 cuốn, tức là có tất cả 36 cuốn đều in thạch bản.
Tài ba về Văn hóa của ông Petrus Trương Vĩnh Ký đều được mọi người công nhận và khen ngợi. Học giả Nguyễn Văn Tố tóm tắt trong 3 tiếng: Bác học, Tâm thuật và Khiêm tốn.
Nhà văn Vũ Ngọc Phan viết:
Trong số những sách dịch thuật, khảo cứu và sáng tác của ông, người ta thấy những sách khảo cứu của ông là có giá trị hơn cả. Người ta thấy ông rõ là một nhà bác học có óc tổ chức và có phương pháp. (Trích từ bài "Trương Vĩnh Ký - wikipedia).
Linh mục Thanh Lãng viết:
Trương Vĩnh Ký không đạo mạo, không đài các, không cao kỳ; ông trai trẻ hơn, ông mới hơn... Và nhờ ông, câu văn Việt được giải phóng khỏi xiềng xích chữ Hán. Chủ trương của ông chính là "cách nói tiếng An Nam ròng" và "viết trơn tuột như lời nói". Nếu đem phân tích theo ngữ pháp thì thấy lôi thôi nhưng so với văn xuôi khác ra đời sau ông 20, 30 năm, văn của ông vẫn còn hay hơn, mạch lạc khúc chiết hơn. (Trích từ bài "Trương Vĩnh Ký - wikipedia).
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi viết:
Những biên soạn của Trương Vĩnh Ký đã có những đóng góp quan trọng cho một số ngành khoa học đương thời, nhất là khoa ngôn ngữ học và khoa học lịch sử. Các sáng tác của Trương cũng nói lên ít nhiều cá tính một con người cần mẫn trong công việc, có cái nhìn tinh tế và óc tò mò trước sự vật, nhiều lúc có khả năng hài hước hóa mọi chuyện ở đời. (Trích từ bài "Trương Vĩnh Ký - wikipedia).
DANH NHÂN VĂN HÓA TRONG MÔI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ VÀ QUÂN SỰ
Ông Petrus Trương Vĩnh Ký với trí thông minh và tánh siêng năng đã đạt được tài ba về văn hóa và trở thành một Danh nhân. Tuy nhiên công trình Văn hóa của ông dù đem ích lợi cho người dân Việt cũng gặp phải nhiều khó khăn và riêng ông cũng bị hiểu lầm vì môi trường Chính trị quân sự trong thời gian và không gian nầy. Ông Petrus Trương Vĩnh Ký phải cố gắng rất nhiều mới giữ được một cuộc đời đúng đắn, trong sạch và sáng suốt trong khi thực hành chương trình Văn hóa của mình, không bị cấm hay gián đoạn trong khoảng gần 35 năm.
Sau khi ông qua đời, con cháu đã tìm được 1 bài thơ trong 1 cuốn sổ chép tay của ông Petrus Trương Vĩnh Ký. Bài thơ nầy được hậu thế cho là của ông làm ra và đặt cho nó tựa đề là "Tuyệt Bút Lúc Lâm Chung" mặc dù trong khi còn sống ông không được biết là có sáng tác thơ!
TUYỆT BÚT LÚC LÂM CHUNG
Quanh quanh quẩn quẩn lối đường quai
Xô đẩy người vô giữa cõi đời (*)
Học thức gởi tên con sách nát
Công danh rút cục cái quan tài (*)
Dạo hòn, lũ kiến men chân bước
Bò xối, con sùng chắc lưỡi hoài (*)
Cuốn sổ bình sinh công với tội
Tìm nơi thẩm phán để thừa khai. (*)
(Sĩ Tải Trương Vĩnh Ký)
1898
(*) Chú thích:
Có bản viết là "cuộc" thay vì là "cõi".
Có bản viết là "rốt cuộc" thay vì là "rút cục".
Có bản viết là "chắt" thay vì là "chắc".
Có bản viết là "thưa khai" thay vì là "thừa khai".
Bài thơ nầy, nhất là từ 2 câu cuối, gợi ý cho hậu thế lợi dụng để kết tội ông Petrus Trương Vĩnh Ký về phương diện Chính trị.
Dù ông sống dưới chính quyền nhà Nguyễn hay chính quyền thuộc địa Pháp, lịch sử đã cho thấy rõ ràng ông Petrus Trương Vĩnh Ký không hề có tội với dân Việt trên phương diện chính trị. Những luận điệu kết tội của những hậu sinh chỉ là chủ quan, không sáng suốt về thời gian và không gian của lịch sử cũng như bị ảnh hưởng bởi lý tưởng chính trị hay tôn giáo khác biệt.
*
Thời Kỳ sống dưới chính quyền nhà Nguyễn (1858-1860)
Là một tín đồ đạo Thiên Chúa (Công Giáo), ông Petrus Trương Vĩnh Ký trở thành nạn nhân của phong trào đàn áp tàn bạo đạo Thiên Chúa của chính quyền nhà Nguyễn. Trong 63 năm (1820-1883), có tất cả 32 sắc chỉ của 3 vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức cấm và đàn áp đạo Thiên Chúa (đạo Gia Tô). Hậu quả là dưới triều vua nhà Nguyễn từ năm 1820 có hàng trăm ngàn tín đồ đạo Thiên Chúa (Công Giáo) bị giết hại, thương tật và tù tội.
Dưới sự bắt bớ và đàn áp đạo Thiên Chúa (Công Giáo) ở Cái Nhum, ông Petrus Trương Vĩnh Ký đã vất vả và liều mạng trốn lên Sài Gòn vào năm 1860. Từ đó ông mới thoát được khỏi phong trào đàn áp đạo Thiên Chúa (Công Giáo) của chính quyền quân chủ nhà Nguyễn vì từ năm 1860 thành phố Sài Gòn thuộc dưới quyền của chính quyền thuộc địa Pháp.
Tuy nhiên lịch sử đàn áp đạo Thiên Chúa (Công Giáo) kéo dài cho tới hết năm 1883.
Năm 1862: theo Hòa ước 1862, Nước Đại Nam phải để cho giáo sĩ Pháp và I Pha Nho được tự do vào giảng đạo và để dân gian được tự do theo đạo.
Năm 1874: có phong trào Bình Tây Sát Tả giết hại tín đồ đạo Thiên chúa của Trần Tấn và Đặng Như Mai ở Nghệ An.
Năm 1884: sau hòa ước 1884 mới có tự do tôn giáo hoàn toàn cho đạo Thiên chúa (Công Giáo) ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ.
Sử gia Nguyên Vũ Vũ Ngự Chiêu trong vòng hơn 20 năm nay (từ năm 1997) đã tuyên truyền rằng ông Petrus Trương Vĩnh Ký trong khi trốn chạy từ Cái Nhum lên Sài Gòn đã viết một lá thơ xin quân đội Pháp giết người Việt ở Nam Kỳ (1860) rồi ông Vũ Ngự Chiêu kết tội ông Petrus Trương Vĩnh Ký là "bán nước" và "đã góp phần trong cuộc xâm lăng Việt Nam của Pháp". Ông Vũ Ngự Chiêu đã chỉ dựa trên bản dịch của một lá thơ ký tên "Petrus Key" mà không công bố toàn bộ nguyên văn bản chính viết bằng chữ Pháp của lá thơ nầy. Gần đây (năm 2018), Luật sư Winston Phan Đào Nguyên đã tìm ra bản chính của lá thơ "Petrus Key" nầy và chứng minh được rằng lá thơ nầy là giả mạo chứ không phải thật sự viết từ ông Petrus Trương Vĩnh Ký.
*
Thời Kỳ sống dưới Chính quyền Thuộc địa Pháp ở Nam Kỳ - Giai Đoạn 1 (1860-1886)
Những biến cố lịch sử của Chính quyền Thuộc địa Pháp và Chính quyền vua Nhà Nguyễn.
Ở Nam Kỳ:
Năm 1859-1867: Pháp đánh Nam Kỳ. Chiến tranh Việt Pháp chấm dứt với Hòa ước 1862 giữa Pháp và nhà Nguyễn, Pháp chính thức chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Phái bộ Phan Thanh Giản của nhà Nguyễn sang Pháp xin chuộc lại 3 tỉnh nầy nhưng thất bại. Pháp chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ (1867). Chính quyền thuộc địa Pháp trực tiếp và hoàn toàn cai trị Nam Kỳ. Chính quyền nhà Nguyễn không còn tồn tại ở Nam Kỳ.
Năm 1859-1875: Phong trào Kháng chiến chống Pháp ở Nam Kỳ.
Ở Bắc Kỳ:
Năm 1873-1874: Pháp chiếm Hà Nội và 4 tỉnh Trung châu. Hòa ước 1874 được ký kết, nhà Nguyễn chính thức nhượng Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp. Pháp trả lại đất chiếm được ở Bắc Kỳ.
Năm 1882-1885: Pháp lại chiếm Hà Nội. Chiến tranh giữa liên quân Việt Tàu và quân Pháp ở Bắc Kỳ chấm dứt hoàn toàn sau Hòa ước Thiên Tân giữa Pháp và nhà Thanh (1885). Nhà Nguyễn ký hòa ước 1884 công nhận Pháp bảo hộ Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Pháp lập Liên bang Đông Dương: Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp; còn Bắc Kỳ và Trung Kỳ là lãnh thổ bảo hộ của Pháp. Chính quyền nhà Nguyễn ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ phải chịu dưới quyền bảo hộ của Chính quyền thuộc địa Pháp.
Những biến cố lịch sử của ông Petrus Trương Vĩnh Ký dưới Chính quyền thuộc địa Pháp ở Nam Kỳ:
Năm 1862, ông được nhận vào dạy ở trường Thông Ngôn. Ông làm thông ngôn cho sứ thần Pháp thương thuyết cho hòa ước 1862.
Năm 1863, ông làm thông ngôn cho phái đoàn Pháp đi cùng với phái bộ Phan Thanh Giản của chính quyền nhà Nguyễn sang Pháp. Trong chuyến đi nầy ông gặp nhiều Danh nhân văn hóa ở Pháp, Bồ Đào Nha và Ý, và ông có yết kiến Giáo hoàng tại Roma.
Năm 1865, ông xin mở tờ Gia Định Báo thì được chấp thuận. Lúc đầu tờ Gia Định Báo phải do một Giám đốc người Pháp điều hành. Đến năm 1869, ông mới được làm Giám đốc điều hành tờ báo nầy và bạn ông, ông Paulus Huỳnh Tịnh Của, làm Chủ bút.
Năm 1866, ông xuất bản quyển sách chữ Quốc Ngữ đầu tiên của mình là "Chuyện Đời Xưa Lựa Nhón Lấy Những Chuyện Hay Và Có Ích".
Năm 1866-1868, ông được bổ làm giáo sư dạy tiếng Pháp tại trường Thông Ngôn Sài Gòn.
Năm 1869, sau khi theo giúp phái đoàn Tây Ban Nha ký thương ước với triều đình Huế, ông có đi thăm Hồng Kông và Lưỡng Quảng.
Năm 1872, ông được Pháp phong hàm Tri huyện và phong chức Thư ký Hội đồng châu thành thành phố Chợ Lớn.
Năm 1874, ông làm giáo sư dạy chữ Pháp và Tây Ban Nha tại trường Hậu Bổ rồi là Đốc học trường nầy. Cùng năm đó, ông lãnh chức Ủy viên trong Hội đồng Giáo dục.
Năm 1874, ông được chọn đứng hàng thứ 17 trong 18 thành viên của hội " Savants du Monde" (Hội "Những nhà Bác học của Thế giới").
Năm 1876, ông đi thăm Bắc Kỳ sau khi Pháp đánh Bắc Kỳ (1873) và Hòa ước năm 1874 ký ở Bắc Kỳ. Sau đó ông viết và xuất bản sách "Chuyến Đi Bắc Kỳ Năm Ất Hợi (1876)".
Năm 1877, ông được cử vào Ủy Viên Hội Đồng thành phố Sài Gòn.
Năm 1881, ông viết thư từ chối không vào quốc tịch Pháp.
Năm 1883 (ngày 17-5-1883) ông được Hàn Lâm Viện Pháp phong làm Viện sĩ (Officier d'Académie).
Trong giai đoạn 1 nầy (1860-1898), được chính quyền thuộc địa Pháp ủng hộ và trên danh nghĩa là công cụ đồng hóa hay khai hóa của Chính quyền thuộc địa Pháp; ông Petrus Trương Vĩnh Ký thực hành tích cực Chương trình Văn hóa của mình. Ông viết và làm báo (Gia Định Báo); sáng tác, phiên dịch và xuất bản sách và dạy học tại trường Thông Ngôn và Hậu Bổ cùng với 2 phụ tá là ông Paulus Huỳnh Tịnh Của và Trương Minh Ký.
Trong giai đoạn nầy, Chính quyền thuộc địa Pháp ở Nam Kỳ đánh bại Chính quyền quân chủ Nhà Nguyễn và hoàn toàn cai trị Dân tộc và Lãnh thổ Nam Kỳ từ 2 Hòa ước ký giữa 2 Chính quyền vào năm 1862 và 1874. Công dân Petrus Trương Vĩnh Ký (cũng như Paulus Huỳnh Tịnh Của và Trương Minh Ký) thuộc về Chính quyền thuộc địa Pháp. Chính quyền quân chủ Nhà Nguyễn đã thua và bỏ rơi họ cũng như tất cả người dân Việt sống ở lãnh thổ Nam Kỳ.
Đối với chính quyền thuộc địa Pháp ở Nam Kỳ, ông Petrus Trương Vĩnh Ký giữ bề ngoài là công cụ đồng hóa hay khai hóa của họ (tức là truyền bá văn hóa Âu Tây), lễ phép đối với họ, không cầu cạnh nhưng nhận những chức tước ở địa phương không có quyền lực được họ tự động ban thưởng để thực hiện dự định và chương trình Văn hóa của mình. Ông không hề dựa thế lực của chính quyền thuộc địa Pháp để hưởng lợi cho riêng mình và gia thuộc của mình hay làm "chó săn" đàn áp người dân Nam Kỳ. Ông từ chối khéo lời mời vào công dân Pháp (1881). Hơn nữa ông còn phải khôn khéo để chính quyền thuộc địa Pháp không nhìn thấy được mục đích khác cho tương lai của chương trình văn hóa của ông và các vị phụ tá. Ông Petrus Trương Vĩnh Ký không dùng phương tiện sách báo của mình để tuyên truyền chính trị cho Chính quyền thuộc địa Pháp lúc bấy giờ.
Đây là những ý kiến hữu lý mặc dù không hoàn toàn đầy đủ về ông Petrus Trương Vĩnh Ký của 2 học giả người Nam Kỳ.
Ông Vương Hồng Sển viết:
Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của là ba ông minh triết bảo thân, gần bùn mà chẳng nhuốm mùi bùn, không ham "đục nước béo cò" như ai, chỉ say đạo lý và học hỏi, sống đất Tào mà lòng giữ Hán, thác không tiếng nhơ, thấy đó mà mừng thầm cho nước nhà những cơn ba đào sóng gió còn hiếm người học trò cửa Khổng. (Trích từ bài "Trương Vĩnh Ký - wikipedia").
Nhà văn Sơn Nam viết:
Ông Trương Vĩnh Ký từ khi đỗ đạt cho đến khi mất vẫn tỏ ra thân Pháp. Tuy nhiên người ở miền Nam không bao giờ khinh rẻ ông. Ông không gia nhập Pháp tịch; trước khi mất ông biết thân phận của học giả sống trong thời kỳ khó khăn. Ông này khi sanh tiền tuy là nhà nước tin cậy mặc dầu chớ chẳng hề ỷ thế mà hại quê hương, chỉ vẽ cho các quan Lang sa biết phong tục lễ nghĩa của con nhà An Nam, cho khỏi chỗ mích lòng nhau, làm cho mẹ gà phải thương con vịt. Đêm ngày lo đặt sách này dịch sách kia cho kẻ hậu sinh dễ học. Thiệt là quan thầy của cả và Nam Kỳ. Ngoài những tác phẩm biên khảo mang tính cách bác học, ông Trương Vĩnh Ký còn chú ý đến độc giả bình dân, lời văn theo lời ăn tiếng nói thông dụng lúc bấy giờ. "Chuyện Đời Xưa" của ông cùng là "Chuyện Giải Buồn" của Huỳnh Tịnh Của hãy còn được nhắc nhở. (Trích từ bài "Trương Vĩnh Ký - wikipedia").
Trong hơn 15 năm (1859-1875) có Phong trào Kháng Pháp của một số người Nam Kỳ dùng vũ lực quân sự với mục đích đánh bại Chính quyền thuộc địa Pháp, chiếm lại lãnh thổ Nam Kỳ cho Chính quyền quân chủ Nhà Nguyễn. Phong trào nầy do những Sĩ phu (Nho giáo) hay cựu sĩ quan của nhà Nguyễn hướng dẫn và lãnh đạo chủ yếu là vì lòng Trung Quân (trung với vua nhà Nguyễn) mặc dù không được Chính quyền của vua Nhà Nguyễn công khai công nhận. Phong trào Kháng Pháp ở Nam Kỳ chỉ là thiểu số, không tổ chức, không kinh nghiệm quân sự, không thống nhất và liên kết, với vũ khí cũ và thô sơ và chỉ dựa trên tinh thần văn hóa Á Đông lỗi thời. Dĩ nhiên là phong trào Kháng Pháp nầy phải thất bại. Nó tạo ra những anh hùng liệt sĩ lãnh đạo hy sinh vì nước lưu danh hậu thế như ông Trương Công Định hay ông Thủ Khoa Huân nhưng nó gây tai hại cho hàng ngàn thường dân Nam Kỳ lúc bấy giờ theo hay không theo phong trào Kháng Pháp phải bị sát hại, thương tật và tù đày vì chiến tranh, thù hận và trừng phạt.
Ông Petrus Trương Vĩnh Ký không phò tá chính quyền thuộc địa Pháp về quân sự hay ngoại giao để đánh dẹp phong trào Kháng Pháp nầy ở Nam Kỳ như Tôn Thọ Tường hay Trần Bá Lộc với mục đích tư lợi hoặc trả thù (của một tín đồ Công Giáo đã bị chính quyền vua nhà Nguyễn đàn áp).
Ông Petrus Trương Vĩnh Ký hoàn toàn không có tham gia Phong trào Kháng Pháp ở Nam Kỳ trong thời kỳ nầy. Ông là một người không có sức mạnh và không là một võ sĩ, không có tài ba và kinh nghiệm quân sự và có lẽ là một người sáng suốt thấy rõ cái tai hại và vô ích của phong trào Kháng Pháp cũng như ông chấp nhận là tham sống sợ chết như con người thông thường thay vì là thành những anh hùng liệt sĩ Kháng Pháp. Ông cũng biết là phải sống sót để thực hiện công trình Văn hóa của mình.
Đây là lời một phê bình không hợp lý của Sử gia Trần Văn Giàu:
Khi mà kẻ xâm lược và kháng chiến đang chọi nhau trên chiến trường Thắng-Bại chưa ngã ngũ hẳn, khi ấy thì ai đứng hẳn về phe kẻ địch (của dân tộc Việt Nam) thì nhà chép sử nào, dù có rộng xét mấy cũng không thể lấy bất kỳ số sách vở sáng tác hay phiên dịch nào để biện bạch và giảm nhẹ trách nhiệm tinh thần của một dân nước, nhất là của một "Kẻ Sĩ" (chỉ Trương Vĩnh Ký). (Trích từ bài "Trương Vĩnh Ký - wikipedia").
Gần đây lại có một ý kiến đã chủ quan thổi phòng và viết thêm để kết tội ông Petrus Trương Vĩnh Ký liên quan tới việc Chính quyền thuộc địa Pháp đánh Bắc Kỳ.
Tác giả bài "Trương Vĩnh Ký của Wikipedia" viết:
Năm 1876, Thống đốc Nam Kỳ Duperré (Dupré ?) cử ông (Petrus Trương Vĩnh Ký) ra Bắc Kỳ tìm hiểu tình hình miền Bắc. Khi về Sài Gòn, ông viết cuốn "Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi (1876)". Trong đó mô tả tài nguyên Bắc Kỳ đồng thời kêu gọi Pháp nên giành lấy xứ nầy như đã làm với Nam Kỳ.
Trong cuốn sách nầy, ông Petrus Trương Vĩnh Ký có mô tả Tài nguyên Bắc Kỳ nhưng không có viết câu nào kêu gọi chính quyền thuộc địa Pháp nên giành Bắc Kỳ. Đây là sách công khai xuất bản chứ không là "mật thám" cho Pháp. Hơn nữa, chính quyền thuộc địa Pháp đã đánh Bắc Kỳ 3 năm trước đó (1873).
Sau khi hoàn toàn chiếm Nam Kỳ (1867), Chính quyền thuộc địa Pháp đã muốn chiếm Bắc Kỳ để tiện cho việc Thương mại (Buôn bán) nhất là với miền Nam nước Tàu. Thống đốc Nam Kỳ là Hải quân Thiếu tướng Dupré đã từ lâu có ý định nầy. Sau khi thám hiểm trong hơn 1 năm và thấy đường sông Cửu Long không thể áp dụng được cho việc thông thương, Thống đốc Dupré nghĩ tới đường sông Hồng Hà từ kinh nghiệm của Thương gia người Pháp tên là Jean Dupuis (tên Việt là Đồ Phổ Nghĩa).
Việt Nam Sử Lược (quyển II, trang 280) viết:
Đến khi Millot (người cộng tác với Đồ Phổ Nghĩa ở Bắc Kỳ) về Sài Gòn kể công chuyện ở Bắc Kỳ, Thiếu tướng lại điện về Paris nói rằng: "Việc Đồ Phổ Nghĩa ở Bắc Kỳ đã thành công rồi. Cần phải lấy xứ Bắc Kỳ và giữ lấy con đường thông sang Tàu. Không cần phải viện binh. Thành công chắc lắm."
Ngay sau đó (năm 1873), Thống đốc Nam Kỳ Tướng Dupré sai Đại úy Francis Garnier đem quân ra Bắc Kỳ. Garnier chiếm Hà Nội và 4 tỉnh ở Trung châu. Chính quyền nhà Nguyễn nghị hòa và được Chính quyền thuộc địa Pháp đồng ý khi Garnier bị phục binh giết chết ở Cầu Giấy. Hòa ước 1874 ký giữa 2 bên có những điều khoản chú trọng với Kinh doanh Thương mại theo ý của chính quyền thuộc địa Pháp. Đây là những điều khoản trích từ Việt Nam Sử Lược (quyển II, trang 287):
Khoản XI: Vua nước Nam phải mở cửa Thị Nại (Qui Nhơn), cửa Ninh Hải (Hải Phòng), thành Hà Nội và sông Hồng Hà cho ngoại quốc vào buôn bán.
Khoản XIII: Nước Pháp được quyền đặt Lĩnh sự ở các cửa bể và các thành thị đã mở cho ngoại quốc vào buôn bán (Sau đó có tòa Lĩnh sự Pháp ở Hà Nội và ở Hải Phòng của Bắc Kỳ).
Khoản XV: Người nước Pháp hay là người ngoại quốc hễ có giấy thông hành của quan Lĩnh sự Pháp và có chữ quan Việt Nam phê nhận thì được phép đi xem các nơi ở trong nước.
Là người Nam Kỳ, ông Petrus Trương Vĩnh Ký muốn đi thăm Bắc Kỳ để viết sách khảo cứu vào năm 1876 thì phải có giấy thông hành của Chính quyền thuộc địa ở Nam Kỳ theo đúng Hòa ước 1874. Cuốn sách nầy của ông Petrus Trương Vĩnh Ký (năm 1876) chỉ chú trọng tới Tài nguyên ở Bắc Kỳ. Nó không phải là nguyên nhân Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất trước đó (1873) và lần thứ nhì (1882) sau đó. Kinh doanh Thương mại (Buôn bán), nhất là với Tàu theo sông Hồng, là nguyên nhân Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất và cũng là nguyên nhân chánh Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ nhì (1882).
Về nguyên nhân Chính quyền thuộc địa Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ nhì (1882), Việt Nam Sử Lược (quyển II, trang 295) viết:
Vả về sau, sự cai trị ở Nam Kỳ đã thành nếp, giặc giã đã yên cả; ở bên Pháp thì thế lực đã mạnh, và đã có nhiều người bàn đến việc bên Viễn Đông nầy và việc bảo hộ ở Bắc Kỳ. Lại nhân có những nước I-ta-ly, I-pha-nho, Anh-cát-lợi và Hoa Kỳ muốn sang thông thương với nước Nam mà có ý không muốn chịu để quan Pháp phân xử những việc can thiệp đến người những nước ấy.
Tháng 6 năm Kỷ Mão (1879), Thống đốc Nam Kỳ mới là Le Myre de Vilers (không thuộc quân đội) sang nhậm chức ở Sài Gòn.
Ở Bắc Kỳ thì người Pháp đã ra vào buôn bán, nhưng vì quan ta không biết lo sự khai hóa, việc thông thương không được tiện lợi nhưng ở mạn Thượng du thì quân Cờ Đen tuy là mượn tiếng theo lệnh quan ta nhưng kỳ chúng làm gì cũng không ai ngăn cấm được. Bởi vậy chính phủ Pháp mới lấy những điều đó mà trách quan ta và sai quan đem quân ra Bắc Kỳ (1882), lấy cớ nói ra mở mang sự buôn bán, kỳ thực là ra kinh doanh việc (buôn bán) ở vùng ấy (Bắc Kỳ).
*
Thời Kỳ sống dưới Chính quyền Bảo hộ Pháp ở Huế (Trung Kỳ) - Giai Đoạn 2 (1886)
Những biến cố lịch sử của Chính quyền Bảo hộ Pháp và Chính quyền vua Nhà Nguyễn.
Ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ:
Sau khi vua Tự Đức chết (1883), 2 quan Phụ chính Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường thao túng triều đình Huế, giết vua Dục Đức và vua Hiệp Hòa và giết quan Phụ chính Trần Tiễn Thành. Sau đó vua Kiến Phúc rồi vua Hàm Nghi chỉ là bù nhìn, được 2 quan Phụ chính nầy lập làm vua. Quân nhà Nguyễn thua ở Bắc Kỳ và chiến tranh ở Bắc Kỳ chấm dứt ở Bắc Kỳ sau hòa ước 1884.
Năm 1885, Phụ chính Tôn Thất Thuyết giận quan Pháp ở Huế, khởi binh đánh đồn Mang Cá của quân Pháp ở Huế nhưng bị thua. Ông đem vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở và truyền hịch Cần Vương rồi tự mình trốn lánh sang Tàu. Phong trào Cần Vương bắt đầu với sĩ dân kháng Pháp rãi rác tạo nên chiến tranh khắp nơi ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ.
Pháp lập vua chủ hòa Đồng Khánh và vào cuối tháng 1-1886 chính quyền Pháp ở Paris cử một văn thần là Paul Bert sang làm Khâm sứ Trung Kỳ và Bắc Kỳ (An Nam et Tonkin). Paul Bert chủ trương nghị hòa với vua cũ là Hàm Nghi và dùng chính sách hòa giải ngoại giao và khai hóa để chấm dứt chiến tranh và ổn định Trung Bắc Kỳ. Quân Pháp ngưng tấn công nghĩa quân Cần Vương. Vua Đồng Khánh và sau đó Đại thần Hoàng Kế Viêm (người đã cầm đầu quân nhà Nguyễn đánh Pháp ở Bắc Kỳ trước năm 1885) cố gắng nghị hòa với vua Hàm Nghi, với các sĩ quan theo phò tá và với các sĩ phu lãnh đạo phong trào Cần Vương (như ông Phan Đình Phùng) để chấm dứt chiến tranh vũ lực của phong trào Cần Vương nhưng việc không thành.
Ngày 11-11-1886, Khâm sứ Paul Bert đột ngột qua đời vì bệnh Kiết lỵ (Dysenterie). Việt Nam Sử Lược (quyển II, trang 330) viết:
Thống đốc Paul Bert ở Huế đến cuối trung tuần tháng 4-1886 lại ra Hà Nội, rồi một mặt thì lo đánh dẹp, một mặt thì mở Pháp Việt học đường, lập Thương Nghiệp cục, đặt lệ đồn điền. Chủ ý của Thống đốc là muốn khai hóa đất Bắc Kỳ cho chóng được thạnh lợi. Nhưng cũng vì Thống đốc phải lo nghĩ nhiều việc, vả lại nay đi kinh lược chỗ nầy mai đi kinh lược chỗ nọ, thành ra khí lực suy nhược đi, cho nên mới cảm bệnh nặng, đến ngày Rằm tháng 10 năm Bính Tuất (11-11-1886) thì mất.
Những biến cố lịch sử của ông Petrus Trương Vĩnh Ký dưới Chính quyền bảo hộ Pháp ở Trung Kỳ:
Năm 1886 (cuối tháng 1), Paul Bert (Nghị sĩ, Hội viên Hàn Lâm, Bác học gia Sinh vật học và cựu Bộ trưởng Giáo dục) được cử sang làm Khâm sứ Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Vốn là bạn từ trước nên Paul Bert mời ông Petrus Trương Vĩnh Ký, một người Nam Kỳ (thuộc địa Pháp) ra Huế giúp việc. Khoảng đầu tháng 6-1886, ông Petrus Trương Vĩnh Ký ra Huế thì được vua Đồng Khánh phong chức Cơ Mật viện Tham tá sung Hàn Lâm viện Thị giảng Học sĩ. Hàn Lâm viện điều hành về Văn hóa và văn học.
Sau khi Paul Bert đột ngột qua đời 5 tháng sau đó (tháng 11-1886), ông Petrus Trương Vĩnh Ký bỏ về Nam Kỳ. Phong trào Cần Vương tiếp tục kéo dài trong hơn 10 năm sau đó cho tới năm 1895.
Ông Petrus Trương Vĩnh Ký đã thực hiện chương trình Văn hóa của mình dưới sự chấp thuận và đúng theo chương trình khai hóa và đồng hóa của Chính quyền thuộc địa Pháp ở Nam Kỳ trong 20 năm (1865-1885). Ông thấy hậu quả thất bại, gây tai hại cho người dân, và không thức thời của chiến dịch quân sự từ phong trào Kháng Pháp Cần Vương do giới sĩ phu lãnh đạo. Khâm sứ Paul Bert chủ trương khai hóa ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ và ông chủ hòa với vua cũ là Hàm Nghi cũng như với các quan lại và sĩ phu trong phong trào Cần Vương. Khâm sứ Paul Bert và vua Đồng Khánh hứa sẽ dùng họ trong chính quyền của nhà Nguyễn chứ không trừng phạt hay sát hại. Chủ trương của Paul Bert là đúng với tâm chí của ông Petrus Trương Vĩnh Ký, một người của thuộc địa Nam Kỳ, không phải là dân của Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Paul Bert còn chủ trương mở rộng quyền hành của chính quyền nhà Nguyễn (dĩ nhiên phải tuân theo chính sách khai hóa và hòa bình của chính quyền bảo hộ Pháp ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ). Ông Petrus Trương Vĩnh Ký được Paul Bert mời ra Huế làm việc chứ không tự nguyện hay tình nguyện.
Khác với tình trạng ở Nam Kỳ trước đó, ông Petrus Trương Vĩnh Ký bắt buộc phải làm việc với chính quyền nhà Nguyễn (Triều đình Huế) vì vua Đồng Khánh, đồng ý với chính sách của ông Paul Bert, đã bổ nhiệm ông Petrus Trương Vĩnh Ký vào Cơ Mật Viện của triều đình. Nhiệm vụ của ông Petrus Trương Vĩnh Ký là làm chắc chắn chính sách chủ hòa và nhất là khai hóa của Paul Bert cũng được chính quyền nhà Nguyễn hưởng ứng và thực hiện. Vua Đồng Khánh rồi Đại thần Hoàng Kế Viêm cố gắng nghị hòa với vua Hàm Nghi và các sĩ quan lãnh đạo phong trào Cần Vương nhưng chưa thành công. Riêng ông Petrus Trương Vĩnh Ký phải tư vấn thay đổi một số quan lại ở triều đình cho đúng với chính sách hòa bình và khai hóa. Trong giai đoạn 6 tháng nầy, ông Petrus Trương Vĩnh Ký đã gặp nhiều khó khăn và hiểu lầm nhiều nhất trong suốt gần 35 năm thực hiện công trình Văn hóa của mình.
Sau khi Khâm sứ Paul Bert qua đời, ông Petrus Trương Vĩnh Ký từ bỏ quan chức bổng lộc mà trở về Nam Kỳ sống chật vật tiếp tục công trình Văn hóa của mình ở Nam Kỳ. Ông không tham quyền cố vị mà nịnh bợ chính quyền bảo hộ Pháp cũng như vua nhà Nguyễn. Ngoài những tư vấn ở triều đình Huế trong giai đoạn 6 tháng nầy, ông Petrus Trương Vĩnh Ký chưa phát động được chương trình Văn hóa cũng như ông không có liên hệ gì tới phong trào Cần Vương (thuộc phương diện chính trị và quân sự). Chính quyền bảo hộ Pháp và các nhà lãnh đạo Chính trị của Chính quyền vua nhà Nguyễn (như vua Đồng Khánh và các Đại thần Hoàng Kế Viêm và Nguyễn Thân) nghị hòa rồi giao chiến với các lãnh tụ của phong trào Cần Vương (như vua Hàm Nghi, ông Phan Đình Phùng...) sau khi ông Petrus Trương Vĩnh Ký đã từ chức.
Tuy nhiên ông Petrus Trương Vĩnh Ký cũng bị nói xấu và kết tội từ những Sử gia hiện đại đã mượn thời cơ từ giai đoạn 6 tháng nầy (từ tháng 6 đến tháng 11-1886) với những luận điệu chỉ trích chủ quan, chỉ thổi phòng hay từ tưởng tượng; dễ gây hiểu lầm của quần chúng hậu sinh không hiểu rõ về ông Petrus Trương Vĩnh Ký và việc đã làm của ông ở Nam Kỳ trong hơn 20 năm trước đó (1865-1885) cũng như không thấy rõ tình hình chính trị trong giai đoạn lịch sử nầy ở Huế, Trung Kỳ (An nam) và Bắc Kỳ.
Đây là những luận điệu chủ quan từ bài "Trương Vĩnh Ký - wikipedia":
Ông Petrus Ký coi phong trào Cần Vương là dân phiến loạn không hiểu thời cuộc.
Ông Petrus Ký cho rằng về phương diện chính trị và kinh tế, nước Pháp là người đi đồng hóa còn người An nam là kẻ chịu đồng hóa.
Ông Petrus Ký tin rằng việc người Pháp tấn công Việt Nam là một "sứ mệnh mà Thiên Chúa giao phó". Và người Pháp với tư cách là "chủ nhân", cần giảng dạy người An nam những tư tưởng và khái niệm cần thiết cho việc cải tạo người An Nam.
Ông Petrus Ký tư vấn Paul Bert ép vua Đồng Khánh nhượng cho Pháp khu đất giữa trấn Bình Đài và Linh Hựu Quán để xây thêm doanh trại, đồn bót, nhà thương và kho hậu cần...
Và đây là nguyên văn luận điệu chủ quan của Sử gia Trần Huy Liệu:
Về phẩm cách cá nhân của một sỹ phu lúc ấy, không phải chỉ nhìn ở sinh hoạt thông thường mà chủ yếu là phải lấy thái độ đối với dân tộc, đối với giặc cướp nước làm tiêu chuẩn. Là người học rộng, Trương không làm tay sai như kiểu Trần Tử Ca, Trần Bá Lộc... mà đóng vai trò mưu sĩ bày cho giặc (Pháp) những thủ đoạn thâm trầm dùng người bản xứ trị người bản xứ, dùng danh nghĩa Nam triều (nhà Nguyễn) để đánh nghĩa quân. Cái học vấn của Trương càng uyên bác bao nhiêu thì tác hại của Trương càng lớn bấy nhiêu... (Trích từ bài "Trương Vĩnh Ký" - wikipedia)
*
Thời Kỳ sống dưới Chính quyền Thuộc địa Pháp - Giai Đoạn 3 (1887-1898)
Những biến cố lịch sử của Chính quyền Thuộc địa Pháp và Chính quyền vua nhà Nguyễn:
Năm 1886-1895: Phong trào Cần Vương ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ.
Những biến cố lịch sử của Cá nhân Petrus Trương Vĩnh Ký dưới Chính quyền thuộc địa Pháp:
Từ năm 1887, ông Petrus Trương Vĩnh Ký về sống cuộc đời của một thường dân Nam Kỳ không dư dả ở Sài Gòn và tiếp tục Chương trình văn hóa của mình với 2 ông Paulus Huỳnh Tịnh Của và Trương Minh Ký. Ông tiếp tục dạy học ở trường Thông Ngôn Hậu Bổ, viết báo (Gia Định báo và Thông Loại Khóa Trình) và xuất bản sách. Việc viết và xuất bản sách của ông gặp khó khăn về tài chánh vì phải tự lập và không còn được Pháp hỗ trợ. Nguyệt san tư nhân Thông Loại Khóa Trình của ông phải đóng cửa sau khi chỉ ra được 18 số (9 tháng) vì thiếu tiền.
Ngày 1-9-1898, ông Petrus Ký qua đời vì bệnh, thọ 62 tuổi. Mộ phần và nơi thờ phượng ở chỗ nhà ở, gần nhà thờ Chợ Quán, ở góc đường Trần Hưng Đạo và Trần Bình Trọng.
Trong giai đoạn 3 nầy (1887-1898), ông Petrus Trương Vĩnh Ký không còn bị hậu sinh chỉ trích vì ông không còn liên hệ chính trị với Chính quyền thuộc địa Pháp ở Nam Kỳ. Phong trào Cần Vương xảy ra ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ xa xôi trong khi Nam Kỳ không có chiến tranh và biến loạn.
DANH NHÂN VĂN HÓA VÀ CÔNG NGHIỆP
*
"Nước Nam ta mai sau này hay dở cũng ở chữ Quốc Ngữ"
Trong gần 35 năm vào hậu bán thế kỷ 19, dù trong một môi trường Chính trị và quân sự rất khó khăn và phức tạp, ông Petrus Trương Vĩnh Ký đã cùng 2 ông Paulus Huỳnh Tịnh Của và Trương Minh Ký để lại một công nghiệp Văn hóa to lớn đem ích lợi cho người dân Việt (nhất là người Nam Kỳ) bằng cách khởi đầu và tận dụng chữ Quốc ngữ qua sách báo. Văn hóa Âu Tây cũng như Á Đông được truyền bá và phát huy. Ông còn dùng ngôn ngữ bình dân của người Nam Kỳ trong văn chương để tất cả người dân thường ở Nam Kỳ dễ hiểu và dễ tiếp thu. Ông muốn mọi người bình dân đều có thể học được cái hay và cái đẹp của văn hóa Đông Tây để nâng cao dân trí. Như vậy người dân mới tiến bộ và trong tương lai đủ sức chống lại và đánh bại chánh quyền thuộc địa để tự lập chính quyền độc lập của người dân.
Khi bắt đầu công trình của mình, ông Petrus Trương Vĩnh Ký cũng thấy Văn hóa nước Đại Nam của Chính quyền quân chủ nhà Nguyễn ảnh hưởng từ văn hóa của Tàu lúc bấy giờ lạc hậu và khiếm khuyết rất nhiều nhất là về mặc Khoa học và Kỹ thuật. Với văn hóa cũ nầy, người Việt không thể đánh bại được người Pháp về phương diện chính trị và quân sự để dành lại độc lập qua phong trào Kháng Pháp Cần Vương. Do đó ông Petrus Trương Vĩnh Ký đã sáng suốt mượn thời cơ khi Chính quyền thuộc địa Pháp muốn khai hóa hay đồng hóa người dân Nam Kỳ theo Âu Tây mà thực hiện được công trình của mình một cách khôn khéo trong gần 35 năm.
Sau ông Petrus Trương Vĩnh Ký và 2 phụ tá của ông, trong tiền bán thế kỷ 20 cũng có những Chương trình Văn hóa cùng ý hướng dựa trên chữ Quốc Ngữ.
Năm 1906-1908, Phong trào Duy Tân của ông Phan Châu Trinh (và Đông Kinh Nghĩa Thục) áp dụng một chương trình văn hóa ở Bắc Kỳ giống như ông Petrus Trương Vĩnh Ký. Tiếc thay phong trào thất bại vì chính quyền bảo hộ của Pháp ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ đã khám phá ra được thâm ý chính trị của nó. Sau nầy khi sang Pháp rồi về nước ở Nam Kỳ (1925), ông Phan Châu Trinh cũng có cùng một chí hướng như ông Petrus Trương Vĩnh Ký nhưng nhấn mạnh nhiều tới mục đích chính trị của việc nâng cao dân trí.
Đông Dương tạp chí (1913-1919) và Nam Phong tạp chí (1917-1934) ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ cũng có cùng công trình văn hóa giống như của ông Petrus Trương Vĩnh Ký đã làm hàng chục năm trước đó ở Nam Kỳ.
Gần 20 năm sau khi ông Petrus Trương Vĩnh Ký qua đời, ông Nguyễn Văn Vĩnh của Đông Dương tạp chí cũng cùng ý chí như ông Petrus Trương Vĩnh Ký khi ông nói:
Nước Nam ta mai sau này hay dở cũng ở chữ Quốc Ngữ.
Công nghiệp văn hóa của ông Petrus Trương Vĩnh Ký là khởi đầu giúp ích cho người dân Nam Kỳ và Việt Nam trưởng thành về Dân trí rồi 50 năm sau (bắt đầu hậu bán thế kỷ 20) dành lại độc lập từ chính quyền thuộc địa Pháp khi thời cơ chín mùi. Đây là một công nghiệp ích nước lợi dân.
Khi chưa có Chính quyền dân chủ (mà chỉ có Chính quyền quân chủ của vua nhà Nguyễn và chính quyền thuộc địa của Thực Dân Pháp trong lúc đó), làm ích lợi cho dân là nâng cao dân trí để người dân trưởng thành dành độc lập lãnh thổ và lập Chính quyền Dân chủ chính là thể hiện lòng ái quốc làm ích lợi cho quốc gia vậy. Một quốc gia gồm có Dân tộc, Lãnh thổ và Chính quyền; giúp ích cho Dân tộc trong lúc đó và nhờ đó Dân tộc trưởng thành và dành lại Chính quyền và Lãnh thổ trong tương lai chính là hành vi Ái quốc. Đó là hành vi của ông Petrus Trương Vĩnh Ký và 2 phụ tá đồng sự là ông Paulus Huỳnh Tịnh Của và ông Trương Minh Ký. Như vậy thì làm sao người dân Việt, sau khi dành lại lãnh thổ và chính quyền, có thể kết tội cho ông Petrus Trương Vĩnh Ký là phản quốc được?
*
"Sic Vos Non Vobis" (Không phải cho Tôi)
Tình ý và chí hướng làm lợi ích cho dân Việt của ông Petrus Trương Vĩnh Ký được thể hiện qua Câu văn của ông viết trong bức thơ bằng chữ La tinh gởi cho bạn mình, Bác sĩ Alexis Chavanne (vào tháng 10, năm 1887).
Nguyên bản tiếng La tinh:
Unum et unicum quaero, esse sulicet posse utilem, quamvis dicendum sit: Sic vos non vobis. Haec est mea sors et consolatio.
Dịch bản tiếng Pháp của Barquissau:
La seule et unique chose que je cherche, c'est de pouvoir être utile, quoiqu'il faille dire: "sic vos non vobis". Tel est mon sors et ma consolation.
Từ nhiều năm nay có 2 Dịch bản sai nghĩa và thêm nghĩa của Khổng Xuân Thu:
Dịch bản 1: Điều duy nhất và đơn độc (về chính trị) mà tôi tìm kiếm, là có ích đúng như câu châm ngôn La tinh: "Sic vos non vobis (Ở với họ mà không theo họ)". Đó là định mệnh của tôi và điều tự nhủ chính bản thân tôi.
Dịch bản 2: Điều độc nhất mà tôi tiến đến là làm sao giúp ích, làm sao để thực hành câu "theo họ nhưng không lệ thuộc họ" (sic vos non vobis). Đó là số phận của tôi, là điều an ủi của tôi.
Gần đây mới có 1 Dịch bản đúng nghĩa của Winston Phan Đào Nguyên:
Điều duy nhứt mà tôi theo đuổi là làm sao thành có ích, tuy phải nói thêm rằng: (ích lợi đó) không phải cho tôi. Đó là số phần và niềm an ủi của tôi.
Khổng Xuân Thu đã dịch 2 lần hoàn toàn sai phần chánh yếu "Sic vos non vobis":
Sic vos non vobis = Ở với họ mà không theo họ
= Theo họ nhưng không lệ thuộc họ
(Họ = ám chỉ Thực dân Pháp)
Từ phần dịch sai lầm nầy của Khổng Xuân Thu, hậu thế chỉ chú trọng tới sự liên hệ giữa ông Petrus Trương Vĩnh Ký và chánh quyền thuộc địa Pháp. Từ đó sinh ra những tranh cãi thiển cận và không thực tế về "Cá nhân Petrus Trương Vĩnh Ký trong môi trường chính trị". Qua những dữ kiện lịch sử đã nêu ra trong bài nầy, chúng ta đã thấy là sự liên hệ của ông Petrus Trương Vĩnh Ký với chính quyền thuộc địa Pháp không có gì sai lầm như những phê phán kết tội một cách thiển cận của nhiều hậu sinh trong khi ông thực hành công trình văn hóa có ích cho dân chúng của mình . Tâm tình và công nghiệp của một nhà Bác học như ông Petrus Trương Vĩnh Ký còn cao cả và sâu rộng hơn nhiều.
Winston Phan Đào Nguyên dịch đúng đắn và chính xác phần chánh yếu "Sic vos non vobis":
Sic vos non vobis = (ích lợi đó) không phải cho tôi.
Với câu đó, Winston Phan Đào Nguyên muốn nhấn mạnh tới công trình văn hóa ích lợi cho dân chúng và cho quốc gia trong lúc đó và trong tương lai của ông Petrus Ký.
"Ích lợi đó không phải cho tôi" chính là tình ý và chí hướng không ích kỷ của ông Petrus Trương Vĩnh Ký. Ông Petrus Trương Vĩnh Ký không tự mình mà còn biết dùng 2 người đồng sự cùng tình ý và chí hướng là ông Paulus Huỳnh Tịnh Của và ông Trương Minh Ký. Cái công nghiệp văn hóa ích lợi cho dân cho nước của 3 ông khởi đầu từ bậc Thầy là ông Petrus Trương Vĩnh Ký.
Tuy không phải là một giáo sĩ truyền đạo và sống đời mình trong một xã hội với phong tục Nho giáo nhưng cũng là một tín đồ chân chính của Công Giáo, ông Petrus Ký đã sống đúng theo câu trong kinh Hòa Bình của Thánh Francis:
Lạy Chúa từ nhân, xin cho Con biết mến thương và phụng sự Chúa trong mọi người
Lạy Chúa, xin hãy dùng Con như khí cụ bình an của Chúa.
Thiện tâm bác ái của Công Giáo không khác gì Đức Nhân (thương người) của Nho Giáo và Trí tuệ Từ bi của Phật Giáo.
KẾT LUẬN
Trong cùng thời với ông Petrus Trương Vĩnh Ký có nhiều Danh nhân chính trị quân sự (xấu hay tốt) như:
Văn quan võ tướng trung với vua nhà Nguyễn (thí dụ: Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương, Trương Công Định...).
Sĩ phu trung quân báo quốc (thí dụ: Thủ Khoa Huân).
Kẻ Sĩ yêu nước từ thơ văn (thí dụ: Nguyễn Đình Chiểu và Thủ Khoa Nghĩa).
Gian thần theo Pháp làm hại dân chúng (thí dụ: Trần Bá Lộc).
Nịnh thần theo Pháp (thí dụ: Tôn Thọ Tường).
Riêng ông Petrus Trương Vĩnh Ký chỉ là một Danh nhân văn hóa trong guồng máy chính trị và quân sự mà thôi. Tuy vậy ông vẫn sống một cuộc đời sáng suốt, đúng đắn, trong sạch và hiền từ. Hậu thế thấy rõ ràng điều nầy và kính mến ông.
Trong suốt cuộc đời của mình, ông Petrus Trương Vĩnh Ký chỉ là một người thường dân đem kiến thức Văn hóa của mình để giúp ích cho Dân tộc của mình trong cơn biến loạn và thất thế của nước nhà. Hậu thế thấy rõ ràng điều nầy và ghi nhận công ơn của ông.
Vào hậu bán thế kỷ 20, những Chí sĩ hay Nhà cách mạng thành công dành lại độc lập cho nước nhà cũng như những Học giả trí thức thành danh nhờ chữ Quốc Ngữ cũng phải cảm tạ cái công ơn ông Petrus Trương Vĩnh Ký đã sơ khai dùng chữ Quốc Ngữ nâng cao dân trí hơn 50 năm về trước.
Dù sao chỉ có hậu sinh sáng suốt mới nhận định được công trình sáng suốt và kính mến đức độ của ông Petrus Trương Vĩnh Ký. Sự sáng suốt nầy có được khi hậu sinh không bị thiên lệch và chủ quan vì lý tưởng cũng như về thời gian và không gian. Những người Nam Kỳ trong thời Pháp thuộc và những người sống ở Miền Nam trong thời VNCH dễ có ý kiến nhận định sáng suốt về ông Petrus Trương Vĩnh Ký. Mong rằng hậu sinh ngày nay trong và ngoài nước có sự sáng suốt vượt qua khỏi lý tưởng chủ quan và suy nghĩ thích hợp với thời gian và không gian.
PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Tài Liệu Tham Khảo:
Trương Vĩnh Ký - Wikipedia
Minh Oan Cho Petrus Trương Vĩnh Ký (Winston Phan Đ Nguyên) - phanthuonghai.com
Petrus Key và Petrus Ký - Chuyện Một Lá Thư Mạo Danh Trương Vĩnh Ký Vào Thế Kỷ 19 (Winston Phan Đào Nguyên) - phanthuonghai.com
Văn Học Quốc Ngữ Ở Nam Kỳ 1865-1930 (Bằng Giang) - Nhà Xuất Bản Trẻ xuất bản (1998).
Việt Nam Sử Lược (Trần Trọng Kim) - Bộ Giáo Dục Trung Tâm Học Liệu xuất bản. In lại từ Đại Nam CO, Glendale CA USA.
Trương Vĩnh Ký và Trương Minh Ký (Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
Chuyện Khôi Hài Cổ Điển từ Petrus Ký (Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
Trương Vĩnh Ký 1837-1898 (Khổng Xuân Thu) - Tân Việt xuất bản (Sài Gòn 1954).
Thư ông Trương Vĩnh Ký - Diễn Đàn Thế Kỷ.
Ca dao:
Ba cô đi cúng chùa ngoài
Cúng cam cúng quýt cúng xoài cà lăm. (xoài nhỏ, trái ăn hôi mủ)
Đàn ông năm bảy đàn ông
Vợ dặn mua hồng lại kiếm quýt non
Đàn bà năm bảy đàn bà
Chồng dặn mua gà lại rước cuốc con.
Em chê anh lấy người ấy sao đành
Em chê cam sành lấy phải quýt hôi
Quýt hôi có bán người ta cũng hồi
Cam sành ba đồng một trái, quýt ngồi trơ trơ.
Gió đưa cành quýt, gió rít cành đào
Vì em anh phải ra vào tối tăm
Tối tăm thời mặc tối tăm
Chờ cho ba mẹ đi nằm sẽ hay
Thấy em anh nắm cổ tay
Em đừng to tiếng việc nầy khổ anh.
Cam sành vú sữa Trung Lương
Dừa xanh dừa nước quýt đường Ba Tri
Câu đố:
Họ trần có quả ăn chơi
Đầu đeo tai bạc lả lơi lang tàng
Lốt xanh đổi lấy lốt vàng
Từ khi lên tám bước sang lên mười
Lốt trong thì lấy ăn chơi
Lốt ngoài để cứu những người bệnh nhân.
QUẤT / TẮC
= Marumi Kumquat
= Citrus japonica
= (từ năm 1915 đổi thành ra): Fortunella japonica
Miền Nam gọi Quất là Tắc. Miền Tây Nam Kỳ còn gọi là Hạnh.
Thật ra Họ Fortunella gọi chung là Kim Quất (Kimquat).
Có 3 giống chính là:
Round Kimquat / Marumi = Fortunella japonica = Quất / Tắc / Hạnh (hình tròn).
Oval Kimquat / Nagami = Fortunella margarita = Quất Nagami (hình bầu dục).
Giangsu Kimquat = Fortunella ovobota = Quất Giang Tô /Quất Fukushu
Có những giống khác:
Fortunella crassifolia = Kim Quýt
Fortunella hindsir = Quất Hongkong (Hongkong Wild)
Fortunella polyandra = Quất lá dài.
Do đó trái Quất (Tắc, Hạnh) trồng ở Việt Nam có hình tròn. Ở Mỹ thường là Quất Nagami nên có hình bầu dục (oval)
Ca dao:
Thân em như trái hạnh
Rành rạnh đang tròn
Dẫu sương dầm gió dãi vẫn không mòn tiết xuân
Thân em như con én
Léo lén trên nhành
Muốn kề trái hạnh chẳng đành đi xa.
CÓC / CỐC
= Ambarella = Otaheite Apple
= Spondias dulcis / Spondias cyntherea
Không biết viết là "Cóc" hay là "Cốc". Wikipedia viết là "Cóc" nhưng trong Internet vẫn có tác giả viết là "Cốc". Đại Từ Điển tiếng Việt không có chữ "Cóc" hay "Cốc" theo nghĩa của cây trái nầy!
Ở miền Nam thường ăn sống trái Cóc gọt vỏ, cắt ra và ngâm trong nước đường.
ỔI
= Guava
= Psidium guajava
Giống Ổi:
Ổi trâu, Ổi Bo, Ổi xá lị: quả to nhưng kém thơm ngọt
Ổi găng, ổi mỡ, ổi nghệ, ổi đào: trái nhỏ nhưng thơm ngọt
Ổi xá lị có ruột đỏ hay trắng và có loại không hột.
Ổi Đào có ruột đỏ.
Ca dao:
Chim quyên ăn trái ổi chua
Vợ chồng còn nhỏ hơn thua làm gì.
Ổi nào ngon bằng ổi xá lị
Áo nào đẹp bằng áo bà ba
Anh về nói với mẹ cha
Đem trầu qua hỏi em đây qua liền.
Câu đối:
Chân chẳng đến đất cật chẳng đến trời
Lơ lửng giữa trời mà đeo bị cát.




BẦN
=Bần Chua, Bần Sẻ
= Mangrove Apple
= Sonneratia caseolaris
Rễ thở của cây bần dùng làm nút chai. Rễ nầy gọi là "Cặc Bần".
Ca dao:
Cây bần ơi hỡi cây bần
Lá xanh bông trắng lại gần không thơm.
Giận cho đứa đốn cây bần
Không cho ghe cá đậu gần ghe tôm.
Mỹ An bần chát mà chua
Chẳng hay người ấy có chua như bần ?
Bần gie đóm đậu sáng ngời
Rạch Gầm soi dấu muôn đời oai linh.
TÁO TA
= Táo Chua
= Chinese Apple, Chinese Date = Jujube, Indian Jujube, Indian Plum
= Ziziphus mauritiana
Táo Ta khác chủng loại với Táo Tây (không có trồng ở Miền Nam).
Táo Tây = Apple = Malus pumila hay Malus domestica
LÊ
= Pear
= gồm tất cả những cây trái thuộc Họ Pyrus.
Có 3 loại chánh:
Lê Châu Âu (Pyrus communis) trồng ở Bắc Mỹ và Âu Châu
Lê Trắng Trung Quốc hay Bạch Lê (Pyrus bretschneiden) trồng ở Trung Quốc
Lê Châu Á hay Lê Táo, Lê Nashi (Pyrus pyrifolia) trồng ở Đông và Đông Nam Á châu (kể cả Việt Nam).
Lê tương tự với Táo Tây trong gieo trồng, nhân giống và thụ phấn.
Táo Tây = Apple = Malus pumila hay Malus domestica
Ca dao:
Xăm xăm bước tới vườn đào
Hỏi thăm lê lựu mãng cầu chín chưa.
Nhứt lê nhì lựu tam đào
Bên tình bên nghĩa bên nào cũng đồng thân.
Trách lòng tham đó bỏ đăng
Thấy lê quên lựu thấy trăng quên đèn.
Lựu lê bình bát mãng cầu
Bốn cây tứ quí anh sầu một cây.
Chơi hoa cho biết mùi hoa
Hoa lê thời trắng hoa cà thời xanh.
BƠ
= Avocado
= Persea americana
Tốt cho dinh dưỡng vì có chứa monounsaturated fat.
Ở Mỹ, người Việt thường ăn trái Bơ với bánh mì có rắc chút đường ngoài ra cũng trộn salad.
Ở Việt Nam, trái Bơ thường dùng trong milkshakes hay thức uống giải khát (Bơ xây ra với nước đường hay sữa).
LÊ KI MA
= Trái Trứng Gà
= Lucuma
= Pouteria lucuma
Trồng khắp nước Việt nhưng người Việt chê không thích ăn. Người Tây phương lại thích: Lê Ki Ma được bán dưới dạng bột: giá 15 USD cho 1 kg bột trái Lê Ki Ma.
HỒNG
= Persimmon, Oriental Persimmon
= Diospyros kaki
Trái Hồng luôn có Đài hoa (Calyx) dính vào trái chín.
Gồm có:
Hồng Nhật Bản = Japanese Persimmon, Kaki, Kaki Persimmon
Hồng Trung Quốc = Chinese Persimmon
Hồng Việt Nam là giống Hồng Nhật Bản
Hồng Mòng (Hachiya): hình dáng con cù, nếu ngâm nước tro để làm mất vị chát thì gọi là Hồng Ngâm
Hồng Giòn (Fuyu): hìng dáng bẹp hơn.
Hồng ăn tươi hay ăn sau khi phơi và xấy khô (gọi là Hồng Xấy).
Từ Hồng có những Hồng khác, cùng tên Hồng nhưng khác chủng loại:
Hồng Quân (Indian Coffee Plum / Flacourtia jangomas) hay Bồ Quân thường trồng ở miền Bắc.
Hồng Bì (Wampee or Wampi / Clausena lansium) hay Hoàng Bì hay Giổi. Trái giống trái Nho (Grape). Thường thấy ở Trung Quốc, Phi Luật Tân, Mã Lai, Nam Dương và Việt Nam.
Hồng Xiêm là trái Sapôchê Việt Nam.



Trái Thị Trái Sapôchê
Ca dao:
Cam sành anh chê đắng chê hôi
Hồng rim anh chê lạt, chảo cạy nồi anh khen ngon.
Đàn ông năm bảy đàn ông
Vợ dặn mua hồng lại kiếm quýt non
Đàn bà năm bảy đàn bà
Chồng dặn mua gà lại rước cuốc con.
Đầu năm ăn quả thanh yên
Cuối năm ăn bưởi, mãn niên ăn hồng
Vì cam nên quýt nhớ mong
Vì em nhan sắc nên lòng nhớ thương.
Thiếu chi cam chín hồng rim
Mà biểu em tìm khế rụng bờ ao.
Hai tay cầm hai quả hồng
Quả chát phần chồng quả ngọt phần trai.
THỊ
= Golden Apple (vì trái có màu vàng)
= Diospyros decandra
Cùng chủng loại với Hồng, Trái Thị có màu vàng. Trái Thị xuất hiện trong chuyện cổ tích "Tấm Cám".
Ca dao:
Trèo lên cây bưởi hết lòng
Bước sang cây thị, lại đèo bòng thanh yên.
Thị ơi rớt bị bà già
Đem về bà hưởi chớ bà không ăn.
Câu đố:
Chân chẳng đến đất cật chẳng đến trời
Lơ lửng giữa trời mà đeo bị đá.
Mình vàng lại mặc áo vàng
Đi ra ngoài đàng ai cũng muốn hôn.
SAPÔCHÊ
= Hồng Xiêm
= Sapote
= Manilkara zapota
Có nhiều loại Sapote trên thế giới. Trái Sapote của Việt Nam gọi tiếng Việt là trái Sapôchê hay Hồng Xiêm và có tên khoa học là Manilkara zapota.
Câu đố:
Trai Đà Lạt cưới vợ Sài Gòn
Môn đăng hộ đối cô còn chê xa.
PHÂN LOẠI PRUNUS
Có khoảng 200 loại trên thế giới.
Áp dụng vào cây trái miền Nam thì có 3 phân chi đáng kể:
- Phân chi Prunus:
Mận Bắc/Mận = Plum = Prunus salicina
Mơ Ta = Chinese Plum = Prunus mume
Mơ Tây = Apricot = Prunus armeniaca
Mận Âu Châu hay Mận tía = Prunus domestica
- Phân chi Cerasus:
Anh Đào ngọt = Sweet Cherry = Prunus avium
Anh Đào chua = Sour Cherry = Prunus cesarus
Anh Đào Nhật Bản = Sakura = Prunus serrula
- Phân chi Amygdalus:
Đào = Peach = Prunus persica
Hạnh Đào hay Đào dẹt = Almond = Prunus dulcis. Nhân của trái Hạnh Đào là Hạnh Nhân.
Thực tế chỉ có Đào và Mơ Ta (Mơ) trồng ở Việt Nam và Mận Bắc phổ biến ở miền Bắc. Ba trái hơi giống nhau.
ĐÀO
= Peach
= Prunus persica
Từ Đào, có những giống (cultivars) khác:
Nectarine = Prunus persica var. nusipersica or var. nectarine =Đào trơn, Du Đào, Xuân Đào: vỏ trơn không có lông tơ như Đào.
Peacherine: giữa Đào và Xuân Đào, có ở Australia and N Zealand
Flat Peach or Pan Tao: hình dẹp (flatterd) thay vì bầu tròn.
Đào khác Đào Lộn Hột (Điều).
Ca dao:
Gió đưa cành quýt, gió rít cành đào
Vì em anh phải ra vào tối tăm
Tối tăm thời mặc tối tăm
Chờ cho ba mẹ đi nằm sẽ hay
Thấy em anh nắm cổ tay
Em đừng to tiếng việc nầy khổ anh.
Gặp đây anh nắm cổ tay
Anh hỏi câu nầy nàng nói làm sao?
Cái gì là mận là đào
Cái gì là nghĩa tương giao ở đời.
Anh trồng cây đào, kể chắc cây đào
Tại sao như họ ham giàu bỏ anh.
Bấy lâu cần mẫn vườn đào
Tình xưa nghĩa cũ nhớ chút nào hay không ?
Gặp em giữa chốn vườn đào
Ướm lời hỏi bạn, nghèo giàu chọn ai ?
Anh đừng vạch vách phá rào
Vườn quê mới lập, lựu với đào còn non.
Quả đào tiên ruột mất vỏ còn
Buông lơi hỏi bậu đường mòn ai đi.
Bậu nói với qua, bậu không bẻ lựu hái đào
Lựu đâu bậu bọc, đào nào cầm tay.
Xăm xăm bước tới vườn đào
Hỏi thăm lê lựu mãng cầu chín chưa.
Thấy đó nói ra em đà hiểu ý
Muốn cho đào lý hợp với trúc mai
Quản chi biển rộng sông dài
Ôm duyên em đợi khách chương đài bấy lâu.
Nhứt lê nhì lựu tam đào
Bên tình bên nghĩa bên nào cũng đồng thân.
Bây giờ mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa ?
Mận hỏi thì đào xin thưa
Vườn hồng mở ngõ nhưng chưa ai vào.
Đêm qua mận mới hỏi đào
Vườn xuân đã có ai vào hái hoa
Hoa đào chênh chếch nở ra
Giơ tay muốn hái sợ nhà có cây
Lạ lùng anh mới tới đây
Thấy hoa liền hái biết cây ai trồng?
Đôi ta là nợ hay tình
Là duyên là kiếp đôi mình kết giao
Em như hoa mận hoa đào
Cái gì là nghĩa tương giao hỡi chàng?
Đôi ta như thể Đào Nguyên
Khi vui nước Nhược khi phiền non băng
Thâu đêm vui vẻ bóng Hằng
Chọn ngày vui tốt sinh hằng xướng ca
Đào hoa lưu thủy khác là
Cõi trần được mấy mươi mà chả chơi
Giai nhân tài tử ở đời
Thanh nhàn lịch sự là người thần tiên.
Mưa xuân lác đác vườn đào
Công anh đắp đất ngăn rào trồng hoa
Ai làm gió táp mưa sa
Cho cây anh đổ cho hoa anh tàn
Hoa đào héo nhụy anh thương
Anh mong bẻ lá che sương cho đào
Lầm nghe núi cả non Bồng
Da cam mà chỉ ngọt bòng, ngon sao
Ra tay bẻ khóa vườn đào
Rẽ mây gạt gió lọt vào kết duyên
Thân thiếp như cánh hoa đào
Đang tươi đang tốt thiếp trao cho chàng
Bây giờ nhụy rữa hoa tàn
Vườn xuân nó kém sao chàng lại chê.
MƠ / MƠ TA
= Mơ, Mơ Ta, Mơ Mai = Mai. Tiếng Hán là Mai hay Mai Tử
= Chinese Plum, Sour Green Plum, Green Plum = Japanese Apricot
= Prunus mume
Mơ (Mơ Ta) là cận chủng với Mơ Tây (Apricot = Prunus armeniaca) nhưng hình dạng khác Mơ Tây.
Dạng Mơ khô gọi là Ô Mai hay Xí Mụi. Xí Mụi là âm từ tiếng Quảng của Toan Mai (Mơ chua).
Bông Mơ hay Bông Mai màu trắng (Plumm Blossom). Cây Mơ ra hoa vào cuối mùa Đông và đầu mùa Xuân vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2 ở Đông Á. Trái chín vào đầu mùa Hè.
Câu đố:
Lấy ai chắp nối xích thằng
Biết mà đứt chỉ thà đừng vương tơ.
Nhân gian còn trích 2 câu thơ trong Đoạn Trường Tân Thanh làm câu đố cho trái Mơ:
Người đâu gặp gỡ mà chi
Trăm năm biết có duyên gì hay chăng
MẬN BẮC / MẬN
= Plum
= Prunus salicina
Phổ biến ở miền Bắc.
Phương ngữ miền Bắc gọi trái Plum là Mận. Để phân biệt với trái Wax Apple (Java Apple) trồng ở miền Nam cũng gọi là Mận (theo phương ngữ miền Nam) nên trái Plum còn được gọi là Mận Bắc. Và phương ngữ miền Bắc lại gọi trái Wax Apple là Roi.
Phương ngữ miền Trung gọi trái Wax Apple là Đào làm dễ lẫn lộn với phương ngữ miền Bắc (và Nam) gọi trái Peach là Đào.
Tóm tắt lại:
Plum = Mận Bắc = Mận (tiếng Bắc)
Wax Apple / Java Apple = Mận (tiếng Nam) = Roi (tiếng Bắc) = Đào (tiếng Trung)
Peach = Đào
Wikipedia dùng Mận cho Plum; Roi cho Java Apple và Đào cho Peach.
Tác giả bài nầy dùng Mận Bắc cho Plum; Mận cho Java Apple và Đào cho Peach.
Ca dao:
Gặp đây anh nắm cổ tay
Anh hỏi câu nầy nàng nói làm sao?
Cái gì là mận là đào
Cái gì là nghĩa tương giao ở đời.
MẬN / ROI
Mận (tiếng miền Nam) = Roi (tiếng miền Bắc) = Đào (tiếng miền Trung)
= Wax Apple = Java Apple = Semarang Rose Apple = Wax Jambu
= Syzygium samaragense
Phổ biến ở miền Nam. Roi còn gọi là Gioi hay Doi.
Ca dao:
Bây giờ mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa ?
Mận hỏi thì đào xin thưa
Vườn hồng mở ngõ nhưng chưa ai vào.
LÝ
= Syzygium jambosi
= Water Apple, Mountain Apple, Plum Rose
Cây và hoa Lý giống như Mận, vị cũng giống nhưng đặc hơn và không rỗng như mận trắng






Nhãn Vãi Bòn bon












Ca dao:
Thấy đó nói ra em đà hiểu ý
Muốn cho đào lý hợp với trúc mai
Quản chi biển rộng sông dài
Ôm duyên em đợi khách chương đài bấy lâu.
ĐIỀU / ĐÀO LỘN HỘT
= Cashew
= Anacardium occidentale
Từa tựa như trái Mận nhưng có hột lộn ra ngoài, vừa chua vừa ngọt và vừa thơm:
Điều (màu đỏ)
Đào Lộn Hột (màu vàng)
Một trái gồm có những phần:
Quả giả: phần chín mộng ăn được
Quả thật: chính là phần hột điều còn nguyên vỏ; hột điều thật chính là phần nhân ăn được ở bên trong.
Nhân điều: ở bên trong quả thật, có hình trái thận, chứa dầu béo.
Việt Nam trồng để sản xuất "Hột Điều" và là nước có sản lượng sản xuất lớn nhứt thế giới hiện nay.
LỰU
= Thạch Lựu
= Pomergranate
= Punica granatum
Lựu là thực vật đặc biệt của mùa Hạ (Hè).
Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông (Đoạn Trường Tân Thanh)
Đua chen thu cúc xuân đào
Lựu phun lửa hạ mai chào gió đông (Bích Câu Kỳ Ngộ)
Ca dao:
Anh đừng vạch vách phá rào
Vườn quê mới lập, lựu với đào còn non.
Bậu nói với qua, bậu không bẻ lựu hái đào
Lựu đâu bậu bọc, đào nào cầm tay.
Xăm xăm bước tới vườn đào
Hỏi thăm lê lựu mãng cầu chín chưa.
Anh ơi, thương thời thương chứ chẳng đặng ăn nằm
Cũng như trái lựu chín còn nằm trên cây
Anh tỉ phận anh thà ở lều tranh như thầy Tăng thầy Lộ
Chứ không ham mộ của Vương Khải Thạch Sùng
Đạo người anh giữ vẹn, bần cùng sá bao.
Răng em lổ đổ hột cườm
Giả như trái lựu chín bườm (hườm) trên cây.
Nhứt lê nhì lựu tam đào
Bên tình bên nghĩa bên nào cũng đồng thân.
Trách lòng tham đó bỏ đăng
Thấy lê quên lựu thấy trăng quên đèn.
Lựu lê bình bát mãng cầu
Bốn cây tứ quí anh sầu một cây.
Câu đố:
Thân chẳng đến đất cật chẳng đến trời
Lơ lửng giữa trời mà đeo bị sỏi.
CHUỐI
= Banana
= Musa acuminata and Musa balbisiana
Các loại Chuối:
Nhóm Chuối Già (Chuối Tiêu)
Chuối Già Hương
Chuối Già Lùn
Chuối Già Cúi
Chuối Tiêu Hồng
Chuối Lùn
Chuối Táo Quạ
Chuối La Ba (từ tiếng Pháp La Banane): đặc sản của Đà Lạt
Chuối Sáp: không ăn chín được
Nhóm Chuối Sứ (Chuối Tây)
Chuối Cau, Chuối Cau Lửa
Chuối Ngự
Chuối Xiêm
Nhóm các loại Chuối khác:
Chuối Hột hay Chuối Chát
Chuối Bom hay Chuối Bơm
Ca dao:
Bao giờ cho chuối có cành
Cho sung có nụ cho hành có hoa
Bao giờ trạch đẻ ngọn đa
Sáo đẻ dưới nước thời ta lấy mình
Bao giờ cây cải làm đình
Gỗ lim làm gối thời mình lấy ta.
Này em ơi, bánh nhiều lắm sao gọi là bánh ít
Chuối non èo sao gọi là chuối già
Đối như anh vậy chắc là xứng đôi.
Đầu giồng có trồng cây chuối
Cuối giồng có trồng cây da
Ngã ba có cây đại hồng
Gái chưa chồng trong lòng hớn hở.
Đầu giồng có trồng cây chuối
Cuối giồng có trồng cây da
Ngã ba có cây đại hồng
Gái chưa chồng trong lòng hớn hở
Trai chưa vợ ruột tợ trái chanh
Ngó lên mây trắng trời xanh
Thương ai cũng vậy thương anh cho rồi.
Đầu làng có bụi chuối khô
Ngó về xóm cũi có hai cô chưa chồng
Gió lay đập gẫy nhành vông
Ai về đường ấy, nhắn đây là chồng hai cô.
Gió đưa bụi chuối sau hè
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ.
Gió đưa bụi chuối sau hè
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ
Con thơ tay ẵm tay bồng
Tay dắt mẹ chồng đầu đội thúng bông.
Gió đưa bụi chuối sau hè
Bụi môn trước cửa ai dè em hư.
Gió đưa bụi chuối te tàu
Chàng nam thiếp bắc làm giàu ai ăn.
Ngó lên cây chuối trổ hoa
Nghỉ thương mẹ già vất vả quanh năm.
Trách ai trồng chuối dưới bàu
Trái ăn lá rọc cho tàu xác xơ.
Trông ra bụi chuối ở cuối bụi tre
Bậu nghe lời ai dụ đánh anh què một chân.
Sá gì một nải chuối xanh
Năm bảy người dành cho mủ dính tay.
Câu đố:
Cong cong như cái lưỡi cày
Cả trăm con sáu đậu ngày đậu đêm.
Bằng trang cườm tay, để ngay bàn Phật
XOÀI
= Mango
= Maugifera indica. Thuộc Họ "Đào Lộn Hột"
Các loại Xoài nội địa chính ở Việt Nam; X. Cát; X. Tượng; X. Thanh Ca; X. Voi; X. Tứ Quý; X. Xiêm và X. Hồng. Đặc biệt có Xoài Hạt Lép là đặc sản của An Giang. Xoài Bưởi là loại xoài ghép ở Tiền Giang.
Xoài Cát có 2 loại nổi tiếng nhứt là Xoài Cát Chu và Xoài Cát Hòa Lộc, được trồng ở đồng bằng sông Cửu Long. Xoài Cát Chu là đặc sản của Cao Lãnh (Đồng Tháp). Xoài Cát Hòa Lộc từ ấp Hòa Lộc thuộc xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Ngoài ra còn có các loại Xoài Cát Trắng, Xoài Cát Đen.
Xoài Tứ Quý còn gọi là Xoài "Ba Mùa Mưa"
Các loại Xoài ngoại nhập: Xoài Úc; Xoài Thái và Xoài Đài Loan. Xoài Thái nhập từ Thái Lan được trồng ở đồng bằng sông Cửu Long. Xoài Úc từ Úc Đại Lợi (Australia) trồng ở Khánh Hòa.
CÂY XOÀI
Cội to tàng cả dám thua ai
Kìa nọ cheo leo một gốc xoài
Nhấp nhoáng đớm soi vài lá cũ
Nhởn nhơ cá lội mấy nhành rài (*)
Chiếc thuyền chú lái chưa nên đậu
Cây cột nhà quan chẳng lẽ xài
Bớn tớn nhằm mùa khoe trái chín
Giúp người đỡ đói chẳng bằng khoai.
(Học sanh Thái)
(*) Rài=nhỏ, không lớn được; thấp, không cao được.
Ca dao:
Chim xanh ăn trái xoài xanh
Ăn no tắm mát lên cành nghỉ ngơi.
Chim xanh ăn trái xoài xanh
Ăn no tắm mát đậu nhành cây đa
Cực lòng em phải nói xa
Chờ trăng trăng xế, chờ hoa hoa tàn.
Trái xoài tượng, ông voi cũng tượng
Trái bí ngô, chú khách cũng ngô
Bộ nút hổ, ông hùm cũng hổ
Củ khoai Tây, ông Sứ cũng Tây
Phải chi anh biết chốn em rày
Đường cao sơn vạn thủy một ngàn ngày anh cũng đi.
Trèo lên trên núi thiên thai
Gặp hai con phượng ăn xoài trên cây
Đôi ta gặp được nhau đây
Khác gì chim phượng gặp cây ngô đồng.
Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh
Vú sữa nào ngọt bằng vú sữa Cần Thơ.
Ba cô đi cúng chùa ngoài
Cúng cam cúng quýt cúng xoài cà lăm. (xoài nhỏ, trái ăn hôi mủ)
Bến Tre giàu mía Mỏ Cày
Giàu nghêu Thạnh Phú giàu xoài Cái Mơn
Bến Tre biển cá sông tôm
Ba Tri muối mặn Giồng Trôm lúa vàng.
Tiếng đồn Đại Nẫm nhiều xoài
Xuân Phong nhiều cốm Phú Tài mạch nha.
KHẾ
= Carambola, Star Fruit
= Averrhoa carambola
Trái Khế có chất Caramboxin và Oxalic acid gây nguy hại cho người bị Suy Thận (Kidney Failure), đang hay chưa Lọc Máu (Kidney Dialysis). Người bị Suy Thận ăn Khế sẽ bị nất cục (hiccup), buồn nôn (nausea), ói mửa (vomiting), rối loạn tâm thần (mental confusion) và có khi thiệt mạng (death).
Ca dao:
Khế rụng bờ ao anh ước ao anh muốn lượm
Ngọt như cam sành rụng cuống anh chê.
Khế rụng bờ ao, thanh thao anh lượm
Ngọt như cam sành, héo cuống anh chê.
Trèo lên cây khế chua lè
Vợ thời muốn cưới sợ e tốn tiền.
Trèo lên cây khế mà rung
Khế rụng đùng đùng chẳng biết khế ai
Trèo lên cây khế khế rung
Khế rụng đùng đùng chẳng biết khế ai
Khế nầy khế của chị Hai
Khế chưa có trái chị Hai có chồng.
Trèo lên cây khế mà rung
Khế rụng đùng đùng không biết khế ai
Khế nầy khế của ông Cai
Khế đà có trái, chắc cô Hai đã có chồng.
Giả đò buôn khế bán chanh
Giả đi đòi nợ thăm anh kẻo buồn
Chanh chua thì khế cũng chua
Chanh bán có mùa khế bán tư niên.
Chợ chiều nhiều khế, ế chanh
Nhiều cô gái lạ nên anh chàng ràng.
Chim xanh đậu cành cây khế
Anh thương một nàng ở Huế mới vô.
ME
= Tamarind
= Tamarindus indica
"Me Dốt" là từ ngữ chỉ trái Me chưa chín hẳn, thịt bêm trong màu xanh bột, vỏ bên ngoài bắt đầu khô dễ lột ra khỏi thịt trái me, ăn rất ngon.
"Me Dốt" có những câu đố:
Nghĩ mình gút mắt nhiều bề
Sử kinh chẳng thuộc thơ đề cũng không
hay
Gẫm mình võ vẽ bút nghiên
Biết đâu chuyện thánh, kinh hiền là đâu.
Ca dao:
Gió đưa mười tám lá me
Mặt rỗ hoa mè ăn nói có duyên.
Gió đưa mười tám lá me
Mặt rỗ hoa mè anh thấy anh thương.
Gió đưa cành tre, gió đánh cành tre
Thuyền anh vẫn đậu vĩa hè chờ ai
Gió đánh cành mai, gió đập cành mai
Thuyền anh vẫn đợi cô hai ra hè
Gió đánh cành me, gió đập cành me
Thuyền anh vẫn đợi lên hè với cô hai.
CÂY ME
Xưa nay giữa chợ khác sau hè
Trồng trặt làm chi cái nố me (*)
Thấy hột thêm phiền mùi chát ngắt
Nhìn cây biết trước giống chua lè
Đua chen gặp lúc không tòng bá
Đứng đợt nhằm khi ít quế hoè
Theo buổi chạ chi đồ chạ láp (*)
Ai rằng danh mộc chứ dua phe.
(Tú Chánh)
(*) Nố=bọn, món. Chạ=lẫn lộn, hỗn tạp, bừa bãi.
CÂY ME
Trước mọc ngoài ranh với xó hè
Nay trồng giữa chợ rạng danh me
Trái chua lắm lúc người không chuộng
Lá nhỏ nhằm hồi nắng phải che
Nói chuyện đốt than thà dụng ổi
So bề đỡ đạn khó bằng tre
Gặp thời cũng hội ra đình đám
Nghĩ phận sao không biết hổ nè.
(Bạn của Tú Chánh)
NHÃN
= Long Nhãn
= Longan
= Dimocarpus longan
Ở miền Nam có Nhãn Xuồng Cơm Vàng có hình chiếc xuồng trồng tại Bà Rịa-Vũng Tàu: cùi dày, vỏ màu hanh vàng
Ở Huế có Nhãn Tiêu Da Bò: vỏ mỏng màu nâu sáng vàng, quả nhỏ.
Ở miền Bắc có Nhãn Lồng Hưng Yên: quả to, vỏ gai và dầy có màu vàng sậm, cùi dầy khô nhiều nước và hột nhỏ.
Khi nhãn chín thì phải dùng lồng bằng tre hay nứa giữ cho chim khỏi ăn nên gọi là Nhãn Lồng.
Ca dao:
Chim quyên ăn trái nhãn lồng
Lia thia quen chậu vợ chồng quen hơi.
Chim khôn ăn nhãn ăn xoài
Em khôn ngồi đợi Tú tài Cử nhơn.
Lập vườn trồng nhãn trồng hoa
Thấy mặt anh đó biết nhà anh đâu
Khi vui điếu thuốc miếng trầu
Khi buồn đi mất biết đâu mà tìm.
Câu đố:
Da cóc mà bọc bột lọc, Bột lọc mà bọc hòn than
VẢI
= Lệ Chi
= Lychee
= Litchi chinensis
Vải thường trồng ở miền Bắc.
Trong lịch sử có "Vụ Án Lệ Chi Viên" liên quan tới ông Nguyễn Trãi và Hắc Đế Mai Thúc Loan là phu khuân Vải đi cống bên Tàu.
Câu đố:
Da cóc mà bọc bột lọc, bột lọc mà bọc hòn son.
BÒN BON
= Tiếng miền Nam là Bòn Bon. Tiếng miền Bắc là Dâu Da Đất
= Langsat, Lanzone
= Lansium domesticum
Trái Bòn Bon được có 2 tên quí phái do vua nhà Nguyễn đặt ra là: Nam Trân và Trung Quân. Tương truyền rằng quân của Nguyễn Vương Phúc Ánh (sau nầy là vua Gia Long của nhà Nguyễn) khi trốn tránh nhà Tây Sơn thì nhờ có trái Bòn Bon ăn cứu đói.
Ca dao:
Lụt nguồn trôi trái bòn bon
Cha thác mẹ còn chịu chữ mồ côi.
CHÔM CHÔM
= Lôm Chôm
= Rambutan
= Nephelium lappaceae
Thường ở Việt Nam có loại Chôm Chôm Dính (vì cùi dính hột). Có 2 loại Chôm Chôm Tróc (vì cùi không dính hột) được ngoại nhập là Chôm Chôm Java (Indonesia) và Chôm Chôm Thái Lan.
Ngoài ra cũng có Chôm Chôm Nhãn có trái nhỏ.
Câu đố:
Mình tròn lông mọc rậm rì
Sao không uống rượu mặt thì đỏ au
Cởi trần da trắng phau phau
Đã chẳng có đầu lại chẳng có đuôi
Tên nghe thú vị nhất đời
Hễ gọi đến thời nhớ đến số ta.
CHÙM RUỘT
= Tầm Ruột
= Gooseberry, Otaheite Gooseberry, Malay Gooseberry, Tahitian Gooseberry, Country Gooseberry, West India Gooseberry = Star Gooseberry, Starberry
= Phyllanthus acidus
Chùm Ruột chỉ phổ biến ở miền Nam.
SƠ RI
= Kim Đồng Nam
= Acerola
= Malpighia glabra
Trồng ở miền Nam nhứt là ở Tiền Giang.
Giống trái Anh Đào (Cherry) trồng ở vùng ôn đới.
Anh Đào có 2 loại:
Anh Đào ngọt = Sweet Cherry = Prunus avium
Anh Đào chua = Sour Cherry - Prunus cerasus
TRỨNG CÁ
= Mật Sâm
= Muntingia
= Muntingia calabura
Ở Hà Nội quanh hồ Trúc Bạch có khá nhiều cây Trứng Cá.
SUNG
= Ưu Đàm
= Fig, Goolar Fig
= Ficus racemosa
Trong Phật Giáo có "Udumbara" (chữ Phạn) dịch là Ưu Đàm chính là Sung. Hoa Ưu Đàm (Hoa Đàm) có nói trong kinh Pháp Hoa.
Hoa Đàm Đuốc Tuệ là từ ngữ dùng trong văn học Phật Giáo:
Lấy gió mát trăng thanh kết nghĩa
Mượn hoa đàm đuốc tuệ làm duyên
Thoát trần một gót thiên nhiên
Cái thân ngoại vật là tiên trên đời.
(Cung Oán Ngâm Khúc)
Ca dao:
Ăn sung ngồi gốc cây sung
Ăn rồi lại ném tứ tung ngũ hoành.
Đói lòng nằm gốc cây sung
Chồng một thì lấy chồng chung thì đừng.
VẢ
= Roxburgh Fig
= Ficus auriculata
Giống như trái Sung nhưng hơi lớn hơn và lá to hơn





TRÁM
Trám Trắng = Cà Na = Chinese White Olive = Canarium album
Trám Đen = Chinese Black Olive = Canarium tramdeum
Giống như trái Olive. Thường có món Ô Mai Trám dùng trái Trám Trắng (Cà Na) khô trộn bột gừng và cơm thảo.
BÌNH BÁT
= Custard Apple
= Annona reticulata
Tại Việt Nam cây Bình Bát thường mọc ở kênh rạch có nước phèn hay nước lợ ở miền Nam hay một số tỉnh ở đồng bằng miền Bắc. Do chịu đựng được phèn nên nó làm gốc ghép cây Mãng Cầu Xiêm. Tiếng Anh cũng dùng "Custard Apple" để gọi trái Mãng Cầu Xiêm.
Bình Bát cũng là tên gọi của 1 loại cây trái khác là Dây Bát (Ivory Gourd / Coccinia grandis), không có trồng ở Việt Nam.
Ca dao:
Lựu lê bình bát mãng cầu
Bốn cây tứ quí anh sầu một cây.
Ô MÔI
= Pink Shower
= Cassia grandis
Cây được trồng làm cảnh vì có hoa đẹp. Trái cũng được người địa phương ăn sống.
Từ thế kỷ 20, cây trái miền Nam là đề tài phong phú cho thi văn nhứt thơ bình dân trong dân gian với những Ca dao trữ tình của người Việt.
Nhìn lại trong lịch sử có một bài thơ về cây trái giúp thay đổi triều đại. Vào cuối thời nhà Lê, Quốc sư Vạn Hạnh ủng hộ Lý Công Uẩn lên làm vua nên có công bố bài thơ:
Tật Lê trầm bắc thủy
Lý tử thụ nam thiên
Tứ phương qua can tĩnh
Bát biểu hạ bình yên.
(Dịch)
Gốc Lê chìm bể bắc
Chồi Lý mọc trời nam
Bốn phương không động tịnh
Tám cõi được bình an.
Sau khi vua Lê Long Đĩnh của nhà Lê qua đời (năm 1009) thì triều đình tôn Lý Công Uẩn nối ngôi và lập nên nhà Lý (1010-1225).
PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Tài Liệu Tham Khảo:
Của cùng một tác giả (Phan Thượng Hải):
1) Địa Danh Miền Tiền Giang (phanthuonghai.com)
2) Địa Danh Miền Hậu Giang (phanthuonghai.com)
3) Địa Danh Miền Đông Nam Kỳ (phanthuonghai.com)
4) Ca Dao Nam Bộ (phanthuonghai.com)
Của những tác giả khác:
5) Việt Nam Ca Dao Tục Ngữ Góp Nhặt (Phan Thị Túy Sen và Nguyễn Thị Ngọc Liên)
6) Ca Dao Dân Ca Nam Bộ ( Bảo Định Giang)
7) Câu Đố Việt Nam (Nguyễn Văn Trung)
PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
_____________________________
CHÍNH TRỊ
Hết màng chính trị tịnh tâm hồn
Thoát khỏi sân si, thoát tự tôn
Từng thấy thắng thua hay kẻ giỏi
Đã rành tốt xấu rõ người khôn
Nếu vương thế sự nhiều cao vọng
Nên vướng nhân tình lắm lộng ngôn
Thức ngộ vô thường ngoài ý muốn
Tìm vui giải trí lúc thần hôn. (*)
(Phan Thượng Hải)
11/8/20
(*) Thần hôn = buổi sáng và buổi chiều. (TĐ Đào Duy Anh).
____________________
THƠ VÀ VIỆT SỬ
VŨ HOÀNG CHƯƠNG VÀ MIỀN NAM (1963-75)
Bs Phan Thượng Hải
Ông Vũ Hoàng Chương (1916-1976), người Hưng Yên, là một thi sĩ tiền chiến nổi danh. Ông di cư vào Nam sau hiệp định Genève 1954. Thơ của ông Vũ Hoàng Chương đã làm nhân chứng cho lịch sử của Miền Nam cho đến khi ông qua đời, sau ngày 30-4-1975.

Thi Sĩ của Người Bắc Di Cư
Là người di cư từ Miền Bắc, thi sĩ Vũ Hoàng Chương nhớ người bạn thơ còn ở lại Miền Bắc là Ngân Giang nữ sĩ:
NỔI TRÔI
Đặt bút cùng ngâm khúc bể dâu
Nổi trôi từ đấy xót cho nhau
Một phen nhật nguyệt tranh ngôi sáng (*)
Hai ngả lòng thu dựng tháp sầu (*)
Tình cũng hoài thôi say chẳng nỡ
Xuân sang đó nhỉ mộng về đâu
Rằng hư rằng thực lời tâm huyết
Non vẫn cao hề nước vẫn sâu.
(Vũ Hoàng Chương)
Chú thích:
Theo chiết tự của chữ Hán: chữ “nhật” và chữ “nguyệt” ghép lại là chữ “minh” (=sáng) còn chữ “tâm” (=lòng) và chữ “thu” ghép lại là chữ “sầu”.
Vì thương bạn là ông Phan Khôi trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm ở ngoài Bắc, ông có làm bài thơ tặng dưới đây bằng tiếng Hán Việt rồi tự mình dịch ra tiếng Việt:
LOẠN TRUNG HỮU BIỆT TRONG THỜI LOẠN XA BẠN
Đối diện tằng xưng thiên cãi văn Từng khen tuyệt tác ấy văn trời
Kim chiêu biệt hỹ, bút ưng phần! Tạm biệt từ đây bẻ bút thôi
Đông tây mộng quải tam canh nguyệt Giấc mộng đông tây vầng nguyệt lửng
Nam bắc tình khiên vạn lý vân Tơ tình nam bắc đám mây trôi
Trọc tửu vô đăng sầu bất ngữ Tỉnh say một cuộc đành không bạn
Hoàng sam thanh nhãn ý hà vân? Hào hiệp ngàn xưa dễ mấy người
Thu phong sạ khởi tiêu hồn cực Chợt nổi gió thu lòng héo hắt
Hổ khiếu viên đề hoảng hốt văn. Đâu đây hổ thét vượn than dài.
(Vũ Hoàng Chương) (Vũ Hoàng Chương tự dịch)
Tâm hồn di cư của ông vẫn còn nhớ ngoài Bắc:
NHỚ BẮC
Phách dựng hồn lên đỉnh nhịp ba
Đàn chìm sâu tận đáy xương da
Chĩu mười năm mộng khoang thuyền khói
Nghiêng trái tim đèn nửa mặt hoa
Bến cát đìu hiu nghe gió lọt
Mành thưa nghẹn lệ vỡ hơi ca
Một cung bùn ngập tràn phương bắc
Lửa quỷ ai thiêu rụng ngón ngà.
(Vũ Hoàng Chương) 1962
Ông Vũ Hoàng Chương là Thi sĩ phong phú nhứt trong lịch sử thi văn nước Việt. Tuy dùng chữ Quốc Ngữ nhưng ông làm thơ cả tiếng Hán lẫn tiếng Việt (Hán Nôm). Ông Vũ Hoàng Chương làm tất cả những thể thơ (mới và cũ) kể cả thể thơ Hát Nói và kể cả những phương cách của Thơ Đường (như Họa Vận, Liên Hoàn…).
NHỊP BẮC PHẢN
Lưu Lang có phải tiền thân?
Mặc cho bãi bể mấy lần nương dâu
Tầng rêu khe đá bụi ngầu
Vung tay gỡ thử mối sầu Thiên Thai
Trùng du Nam Phố-Trùng Dương tiết
Cuộc truy hoan mài miệt trắng bao đêm
Những vì ai khoảnh khắc trái tim mềm
Đã nửa kiếp lăng tằng-ai đấy nhỉ?
Thị dã-bất tài minh chủ khí?
Phi hồ-đa bệnh cố nhân sơ!
Đắm hồn say trong tiếng túc tơ
Nhịp Bắc Phản đêm mưa càng thánh thót
Quanh ngọn lửa vẫn oanh chào yến hót
Mấy tang thương còn thú yêu hoa
Nhìn nhau-ta lại là ta.
(Vũ Hoàng Chương)
Đây mới chính thực là bài thơ thể Hát Nói cuối cùng của nước Việt?
Thi Sĩ của Phật Giáo
Ông Vũ Hoàng Chương là một người theo Phật Giáo.
HOA SEN
Kiều trang phơi phới gót thanh tao
Đưa đón thời duyên mặc lý đào
Nhụy một khuôn vàng gương náu bụi
Cánh ba tầng ngọc tháp vương cao
Lòng kia vẫn thẳng dù vương vít
Hương ấy càng xa lại ngạt ngào
Biết mặt gió xuân từ mấy độ
Mà hoa quân tử ý chưa trao.
(Vũ Hoàng Chương)
Tâm tình ông Vũ Hoàng Chương cũng giao động trong năm 1963 trước cuộc đấu tranh của Phật Giáo chống lại chính phủ Ngô Đình Diệm. Trong tập thơ “Lửa Từ Bi”, ngoài bài thơ mới “Lửa Từ Bi” hiến dâng cho Thượng Tọa Thích Quảng Đức, ông có làm những bài thơ Đường Luật Thất Ngôn Tứ Tuyệt dưới đây vào những tuần lễ của tháng 10-1963:
TRỜI CAO PHẬT HIỆN
Trời lưu ly hiện Phật Kim Cương
Mây bạc thân vàng nét tỏ gương
Quạ lửa càng sôi cơn thịnh nộ
Càng in bóng ngọc xuống mười phương.
(Vũ Hoàng Chương) 10-10-63
DIỀU CHÁY LƯNG TRỜI
Vận nước dầu sôi trải nấu nung
Nhiệt tâm càng đỏ nén hương chung
Lá bên Ngô dẫu còn no gió
Gặp lửa Tử Bi cũng cháy bùng.
(Vũ Hoàng Chương) 17-10-63
LINH SƠN PHẬT KHÓC
Phật ngự tòa sen…khối xót thương
Vỡ ra thành lệ ngấn còn hương
Lung linh giọt ngọc từng giây phút
Tẩy sạch ngai vàng bóng Quỷ Vương.
(Vũ Hoàng Chương) 20-10-63
LỬA GỌI ĐỒNG THƯA
Ngọc lửa Từ Bi gọi cảm thông
Bảy lần sôi máu khắp non sông
Đàn con Đức Mẹ quỳ, rơi lệ
Chuông thánh đường vang dội tiếng đồng.
(Vũ Hoàng Chương) 27-10-63
Bài cuối cùng (Lửa Gọi Đồng Thưa) làm cùng ngày, ngay sau cuộc tự thiêu cuối cùng (lần thứ 7) của tăng ni Phật Giáo xảy ra ở trước nhà thờ Đức Bà: đó là ngày 27-10-63, ngày sư Thiện Mỹ tự thiêu trước nhà thờ Đức Bà (ở Sài Gòn).

Đây là lịch sử của 7 tăng ni đã tự thiêu:
Ngày 11-6-1963, Thượng Tọa Thích Quảng Đức (1897-1963), trụ trì chùa Quán Âm ở Phú Nhuận, tự thiêu ở ngã tư Lê Văn Duyệt và Phan Đình Phùng lúc 10 giờ sáng trong tư thế kiết già.
Ngày 3-8-1963, Sư Thanh Tuệ (18 tuổi) tự thiêu ở chùa Phước Duyên của huyện Hương Trà, Thừa Thiên.
Ngày 4-8-1963, Sư Nguyên Hương (23 tuổi) tự thiêu tại đài chiến sĩ ở Bình Thuận (Phan Thiết).
Ngày 15-8-1963, Ni Cô Diệu Quang (27 tuổi) tự thiêu ở huyện Ninh Hòa, Khánh Hoà (Nha Trang).
Ngày 16-8-1963, Sư Tiêu Diêu (71 tuổi) tự thiêu trước chùa Từ Đàm ở Thừa Thiên (Huế)
Ngày 5-10-1963, Sư Quảng Hương (37 tuổi), thuộc tỉnh hội Phật Giáo Ban Mê Thuột, tự thiêu ở chợ Bến Thành, Sài Gòn.
Ngày 27-10-1963, Sư Thiện Mỹ (23 tuổi) của chùa Vạn Thọ tự thiêu ở trước nhà thờ Đức Bà, Sài Gòn.
Chính phủ Ngô Đình Diệm sụp đổ sau cuộc đảo chánh 5 ngày sau đó (1-11-1963). Tổng Thống Ngô Đình Diệm và em là Cố Vấn Ngô Đình Nhu bị giết chết (2-11-1963).

Ngày 31-12-1963, các tổ chức Phật Giáo VNCH họp tại chùa Xá Lợi thành lập 1 Giáo hội độc nhất của Việt Nam Cộng Hỏa gồm cả Đại Thừa và Tiểu Thừa gọi là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất với Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết làm Tăng Thống, Thượng Tọa Thích Tâm Châu làm Viện Trưởng Viện Hóa Đạo và Thượng Tọa Thích Trí Quang làm Tổng Thư Ký Viện Tăng Thống.
Đây là tên của các tổ chức kể trên:
Ủy Ban Liên Phái Phật Giáo: TT Thích Tâm Châu (1921-2015), người Ninh Bình (di cư vào Nam năm 1954).
Thiền Tịnh Đạo Tràng: TT Thích Minh Trực
Giáo hội Tăng Già Bắc Việt: TT Thích Tâm Giác
Giáo hội Tăng Già Bắc Việt tại miền Nam: TT Thích Thanh Thái
Giáo hội Tăng Già Trung Phần: TT Thích Huyền Quang (1920-2008), người Bình Định
Giáo hội Tăng Già Nam Việt: TT Thích Thiện Hoa
Giáo hội Nguyên Thủy Việt Nam: TT Thích Pháp Tri
Giáo hội Theravada: Lục Cả Lâm Em
Hội Phật Học Nam Việt: Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền
Hội Phật Giáo Nguyên Thủy: Cư Sĩ Nguyễn Văn Hiếu
Hội Phật Giáo Trung Phần: TT Thích Trí Quang (1923-2019), người Quảng Bình
Hội Phật Giáo Việt Nam: Cư Sĩ Vũ Bảo Vinh
Đại diện Phật Tử Theravada: Cư Sĩ Sơn Thái Nguyên.
Lúc đó Sài Gòn có 2 ngôi chùa nổi danh là chùa Xá Lợi (của Cư sĩ Mai Thọ Truyền) và chùa Ấn Quang (của TT Thích Thiện Hòa và TT Thích Thiện Hoa).
Sau đó Giáo hội PGVNTN chia thành 2 khối cho đến 1975: Khối “Việt Nam Quốc Tự/Vĩnh Nghiem” của TT Thích Tâm Châu (gồm 8 đoàn thể) và Khối “Ấn Quang” của TT Thích Trí Quang (gồm 3 đoàn thể). Chùa Việt Nam Quốc Tự (của TT Thích Tâm Châu và TT Thích Thiện Minh) cũng như chùa Vĩnh Nghiêm (của TT Thích Tâm Giác và TT Thích Thanh Kiểm) xây sau 1963.
Năm 1966, Phật Giáo ở miền Trung ủng hộ Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi chống lại Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu và Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ (và Trung tướng Nguyễn Hữu Có).
Ông Vũ Hoàng Chương cũng theo dõi và ủng hộ Phật Giáo ở Huế với 3 bài thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú liên hoàn thủ vỹ ngâm rất đặc biệt:
CHUÔNG CHÙA DIỆU ĐẾ
Huế đô sợi tóc buộc ngàn cân
Thành nội vang rền súng ngoại nhân
Sườn núi mở tung gan Phật tử
Lòng sông nghẹn uất máu lương dân
Nhưng chùa Diệu Đế còn cao vút
Thì bóng Ma Vương đã xóa dần
Mình chẳng giết mình ai giết nỗi
Ngàn thu văng vẳng tiếng chuông ngân.
Ngàn thu văng vẳng tiếng chuông ngân
Vàng gợi dư linh thuở Lý Trần
Ai đó cũng thương nòi xót giống
Mà sao nỡ lấy giả làm chân
Sóng sông ngửa mặt từng rung cảm
Vách núi nghiêng tai cũng thấm nhuần
Mình chẳng cứu mình ai cứu nỗi
Chuông khua mười góc bể trầm luân.
Chuông khua mười góc bể trầm luân
Đinh Lý hai triều cũng Phú Xuân
Rằng tự giết mình hay tự cứu
Tuy là nghiệp đấy cũng là thân
Gió lên đỉnh Ngự mây về gốc
Bụi lắng sông Hương nguyệt tới tuần
Bia đá mai đây lòng nặng chĩu
Huế đô sợi tóc buộc ngàn cân.
(Vũ Hoàng Chương) 26-6-66

Thi Sĩ của Lịch Sử
*
Sau Đệ Nhất Cộng Hoà của chính phủ Ngô Đình Diệm, nền Đệ Nhị Cộng Hòa thành hình cho đến năm 1975. Vào Tết năm Mậu Thân (1968), Miền Bắc tổng tấn công vào thị thành miền Nam và chiến tranh trở thành khốc liệt.
Đây là tâm tình của một thi sĩ ở Miền Nam:
HUẾ CẢM
Giường thấp giường cao ruồi nhặng bâu
Xuân sang đối diện Quỷ không đầu
Mơ rồng ấp trứng sông Hương tủi
Lắng vượn gào con đỉnh Ngự sầu
Lăng miếu gần kề lưng chó sói
Thịt xương phó mặc vuốt diều hâu
Miền Nam câu hỏi trăm năm trước
Ai trả lời cho Huế…bởi đâu.
Bởi đâu non nước ấy tan tành
Lửa đỏ mây đen thắt chặt vành
Nặng dẫu bằng non thân cũng gục
Rửa cho hết nước máu còn tanh
Kim Long quẫy đứt hơi sương gió
Bạnh Hổ gầm vang nhịp sắt đanh
Từng tiếng ngân dài chùa tháp Mụ
Hồi thanh rền rĩ súng liên thanh.
Súng liên hồi nổ…kịch ai dàn
Đã một trăm năm chẳng hạ màn
Lần lượt vai trò rơi ấn kiếm
Dằng dai sân khấu ngập bùn than
Sông theo Phật hẹn giòng vơi lệ
Núi chống Trời tin đã vững gan
Gió lọt bỗng dưng trên mặt giấy
La đà bóng trúc…Huế bình an.
Huế bình an chứ đẹp bao nhiêu
Chẳng thấy không gian đủ bốn chiều
Cành trúc gió đưa về gốc Lạc
Câu hò máy đẩy tới trời Nghiêu
Mong người một nước soi gương cũ
Nguyện đấng ngàn tay độ nhiễu điều
Phủ lấy cho càng cao giá ngọc
Thơ ai từng dệt tấm thương yêu.
Dệt tấm thương yêu nhớ ngược giòng
Chín thương mười nhớ đấy Châu Phong
Cố đô Sử chép nhiều tên gọi
Trực bắc Thơ dành một hướng mong
Nối lại thuở nay liền thuở trước
Nghe ra thành Phượng có thành Long
Cả Hoa Lư với Mê Linh nữa
Xác bướm đè muôn tảng đá ong.
Đá ong xây giữa mộng đêm vàng
Sầu Cố Đô lên vút tượng Nàng
Thành quách trải bao nơi lập quốc
Miếu đường thêm một chuyến cư tang
Ngọ Môn vỡ tiếng rên gò đống
Bảo Đỉnh sôi cơn giận xóm làng
Nửa giấc lạnh tanh rời vạc thuốc
Cửa Sài nghe đạn réo vang vang.
Đạn réo vang vang…lửa bốn bề
Như thiêu giường bệnh cháy cơn mê
Sốt dâng mạch loạn càng u uất
Máu chảy ruồi bâu chợt não nề
Cũng đất Hương Bình đen cánh quạ
Hẳn mây Nùng Nhị trắng phương quê
Xác thân mòn mỏi cùng dâu bể
Còn chút hơi thơ gửi vọng về.
Gửi vọng về ngôi Sầu Cố Đô
Tan tành ngọc đá kể chi mô
Chiều Vân Lâu xuống hoài u bến
Gương Tĩnh Tâm soi vẹn nhớ hồ
Đối bóng vẫn mơ màng bóng hiện
Biết ai mà nhắn nhủ ai vô
Ôi bài Huế Cảm xuân dâng ý
Nghe có hơi thu họa dưới mồ.
(Vũ Hoàng Chương)
Sài Đô Xuân Mậu Thân
Đây là 8 bài thơ Đường Luật Liên Hoàn Liên Vận với 14 chữ tựa đề của Thi sĩ Vũ Hoàng Chương:
Hoa hạ chi thành đăng hạ bút
Loạn trung Huế Cảm bệnh trung nhân
Trong thời VNCH, thi sĩ Vũ Hoàng Chương, cũng như thi sĩ Lãng Ba, đã làm nhiều thơ về lịch sử.
KỶ DẬU HỒI THANH
Kê minh nhật thướng cựu sơn xuyên Đất xưa gà gáy mặt trời lên
Hồi ức Quang Trung vũ hịch truyền Giục nhớ Quang Trung hịch sấm truyền
Sơn vỹ sơn đầu hoa giải ngữ Hoa nở cánh chào ngang dọc núi
Hòa âm xuân thảo nhiễu bình nguyên. Hòa âm cỏ ngát xuống bình nguyên
(Vũ Hoàng Chương) (Vũ Hoàng Chương tự dịch)
*
Vị sử gia viết chính sử của thời kỳ nầy là ông Phạm Văn Sơn, cũng rất thích đem thơ vào lịch sử. Sử gia Phạm Văn Sơn (1915-1978) của thời Việt Nam Cộng Hòa có những tác phẩm:
Việt Sử Toàn Thư ghi từ đời Hồng Bàng cho đến khi mất độc lập về tay Pháp xuất bản năm 1960.
Việt Sử Tân Biên gồm 7 cuốn từ đời Hồng Bàng cho đến hết chế độ Pháp Thuộc (1945?) xuất bản lần lượt từ cuốn trong khoảng 1956-1972.
Quân Sử Việt Nam Cộng Hòa (3 cuốn)
Cuộc Tổng Công Kích-Tổng Khởi Nghĩa của Việt Cộng Mậu Thân 1968 (viết chung với ông Lê Văn Dương)
Sau 30 tháng 4 năm 1975, vì là Đại Tá trong QLVNCH làm về Quân Sử của Bộ Tổng Tham Mưu, ông Phạm Văn Sơn đi học tập cải tạo và qua đời ở trại cải tạo tân lập huyện Sông Thao, tỉnh Vĩnh Phú (Bắc Việt).
*
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Miền Nam bị Miền Bắc chiếm. Đầu Xuân năm 1976, thi sĩ Vũ Hoàng Chương cũng đã có làm bài thơ Xuân nói về thời thế xã hội giao thời lúc bấy giờ và tỏ tình ý của mình.
VỊNH TRANH GÀ LỢN (Nguyên bản)
Sáng chưa sáng hẳn, tối không đành
Gà lợn, om sòm rối bức tranh
Rằng vách có tai, thơ có họa
Biết lòng ai đỏ, mắt ai xanh
Mắt gà huynh đệ bao lần quáng
Lòng lợn âm dương một tấc thành
Cục tác nữa chi, ngừng ủn ỉn
Nghe rồng ngâm váng khúc tân thanh.
(Vũ Hoàng Chương)
Tết Bính Thìn 1976
VỊNH TRANH GÀ LỢN (Họa)
Vẽ cọp không xong chuyện phải đành
Vịnh tranh gà lợn, ngán đua tranh
Thảm hình thời thế, màu đen đỏ
Thảm họa trần ai, mắt trắng xanh (*)
“Gà chết” chôn theo đời đạo đức
“Lợn lòng” thay đổi dạ trung thành
Giữ riêng bút thép tròn chung thủy
Bảo thủ hoàng chương hữu ngọc thanh.
(Phan Thượng Hải) 2014
(*) Chú thích:
Từ câu thơ “Mắt xanh trắng đổi lầm bao khách tục” (Tản Đà)
Sau đó ông Vũ Hoàng Chương có phê bình bài thơ nổi tiếng về Stalin của Tố Hữu trước mặt các bạn thơ cũ của mình từ Bắc vào như là Huy Cận, Xuân Diệu, Vũ Đình Liên… Ngày 13 tháng 4 năm 1976, ông Vũ Hoàng Chương bị bắt vào khám Chí Hòa rồi bệnh nặng nên được thả về nhà và qua đời 5 ngày sau đó (6-9-76).
Thi sĩ có làm bài thơ lúc ở trong tù:
TRONG KHÁM CHÍ HÒA (Nguyên bản)
Thấm thoát vào đây tháng đã tròn
Lông hồng gieo xuống nhẹ như non
Một manh chiếu nát thân tơi tả
Nửa bát cơm hôi xác đã mòn
Ngày đến bữa ăn thường nhớ vợ
Đêm về giấc ngủ lại thương con
Dẫu bao nước chảy qua cầu nữa
Hồ dễ gì phai được tấc son.
(Vũ Hoàng Chương) 1976
HOÀNG CHƯƠNG (Họa)
Hoàng chương công nghiệp há chưa tròn
Thời thế đồng cam phận nước non
Phật đạo tu tâm, tâm vẫn vững
Văn thơ múa bút, bút không mòn
Lao lung tàn xác thân quân tử
Lao thất thâm tình nghĩa vợ con
Quốc biến sơn hà đa hữu trách
Thi hào tự tại tấm lòng son.
(Phan Thượng Hải) 2020
Những người Miền Nam ở lại sau ngày 30-4-1975 cũng bày tỏ cảm tưởng của mình về chế độ mới trong nhiều năm sau đó:
CỰC TẢ (Nguyên Bản)
Cửa đóng màn che đã mấy thu
Đời tàn ngõ hẹp sống như tù
Quẩn quanh họp lại thiền Đông Độ
Vào ra luyện mãi phép Tây Du
Rầu rĩ Giáng Tiên ngồi gãi háng
Nẫu nà Từ Thức đứng xoa khu
Ăn chỉ tương cà, chê thịt cá
Sống chẳng tu hành cũng quá tu.
(Hoàng Hải Thủy) 1982
QUÂN TÁN (Họa)
Quân tán còn chi xuất với thu
Thong dong thì cũng xác thân tù
Hữu tật cam đành câu bất dụng
Vô tài nên chịu tiếng nan du
Những tưởng khoan hồng anh hạ bộ
Nào ngờ mắc bẫy chú Xuân Khu (*)
Chung cuộc vài năm cầm cán cuốc
Tu đọi, tu huyền ấy cũng tu.
(Dương Hùng Cường) 1982
(*) Chú thích:
Trường Chinh Đặng Xuân Khu.
NGƯỜI Ở LẠI 30-4-75 (Họa)
Ngu dại một ngày để tiếp thu
Dưới quyền nhà nước, giống nhà tù
Hận đời cải tạo hành lao động
Buồn cảnh ly tan mộng viễn du
Lạc hậu tuyên truyền toàn lãnh thổ
Nghèo hèn áp đặt tận biên khu
Ta bà thế giới còn sinh sống
Địa ngục đây rồi khỏi phải tu.
(Phan Thượng Hải) 2014
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Bài viết nầy đăng lần đầu tiên trong phanthuonghai.com trong mục Thơ và Sử phần Thời kỳ Độc Lập.
Tài Liệu Tham Khảo:
Thơ và Việt Sử - Thời kỳ Độc Lập (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
Thơ và Việt Sử - Lãng Ba và Miền Nam (1945-1962) - phanthuonghai.com
Trang Thơ Thi Viện Net
Google Wikipedia
Bs PHAN THƯỢNG HẢI BIÊN soạn và giữ bản quyền
______________________________
LÁ THƯ PHẬT GIÁO (tiếp theo)
THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN
và NGHIỆP CẢM DUYÊN KHỞI
(Bs Phan Thượng Hải)
Từ thuyết Nhân Duyên Quả và Nghiệp rất phức tạp, Phật Thích Ca quán Thiền dưới cây bồ đề trong 49 ngày sáng tạo ra thuyết Thập Nhị Nhân Duyên và Nghiệp Cảm Duyên Khởi. Đó chính là căn bản Tập Đế của Phật Thích Ca, dẫn đến Diệt Đế là Đoạn Tư Hoặc và Kiến Hoặc. Chúng ta nên nhớ đây là Giáo lý của Phật Giáo Nguyên Thủy (Tiểu Thừa), chứ không phải của Đại Thừa hoặc của Kim Cang Thừa.
Đại cương về Thập Nhị Nhân Duyên
Phật Thích Ca đưa ra giáo lý Thập Nhị Nhân Duyên và Nghiệp Cảm Duyên Khởi áp dụng cho 1 Kiếp khổ và nhiều Kiếp khổ tiếp theo của Chúng sanh do Luân Hồi Tái sinh.
Thập Nhị (12) Nhân Duyên là 1 dây Nhân Duyên có tất cả 12 Đoạn: Đoạn nọ có cái Duyên (dây nối) mà làm Quả cho Đoạn kia rồi Quả lại do cái Duyên mà làm Nhân cho Đoạn sau, tựa như dây xúc xích chằng chịt lại với nhau cho nên gọi là Nhân Duyên. Mỗi Đoạn làm Quả cho Đoạn trước và Nhân cho Đoạn sau. Nhân trực tiếp sinh ra Quả nhờ năng lực gọi là Nghiệp.
Như vậy, Thập Nhị Nhân Duyên có 12 Đoạn từ Vô Minh cho tới Lão Tử tương ứng với 1 Kiếp (Khổ) của một Chúng sanh (Sanh Mạng). Một Nhân mạng (Human being) cũng là một Sanh mạng.
Vô Minh và Hành: nguồn gốc của thụ thai
Thức, Danh Sắc, Lục Xử, Xúc và Thụ: từ lúc thụ thai cho tới lúc 3-5 tuổi
Tham Dục, Thủ và Hữu: từ lúc 3-5 tuổi
Sinh và Lão Tử: cho tới khi chết.
Chi tiết về Thập Nhị Nhân Duyên và Nghiệp Cảm Duyên Khởi
Trên phương diện tôn giáo (Phật Giáo), Thập Nhị Nhân Duyên mô tả 1 Kiếp sống (sinh) của một Sanh mạng (Sentient Being) thuộc Lục Thú trong Tam Giới, tiêu biểu là Nhân mạng (Human Being) tức là Con Người.
*Giai đoạn 1: Vô Minh và Hành
Sau khi chết, hết một Kiếp sống, một Sanh mạng (thân xác và tâm thần) tiêu diệt, chỉ còn lại Vô Minh là kết tinh của Quả từ những Nghiệp (tạo ra khi còn sống). Như vậy một Sanh mạng tái sinh lúc ban đầu chỉ có Vô Minh. Vô Minh là cái mù mờ không sáng suốt.
Từ Vô Minh sinh ra Hành. Hành là ý tưởng hay ý định (về) tạo tác. Đó là ý định sẽ tạo ra một Sanh mạng mới (gồm có thân xác và tâm thần).
Vô Minh và Hành là 2 Nhân trong Quán Khứ.
*Giai đoạn 2: Thức, Danh Sắc, Lục Xứ, Xúc và Thụ
Từ ý định (volition) sinh ra ý thức gọi là Thức, ý thức về hiện hữu của một Sanh mạng tức là sẽ có một Sanh mạng với thân xác và tâm thần. Thức tương ứng với lúc thụ thai.
Thế là từ ý thức (Thức) nầy một Sanh mạng gồm thân xác và tâm thần xuất hiện (hiện hữu). Đó gọi là Danh Sắc (hay Ngũ Uẩn), tương ứng với bào thai.
Từ đó Sanh mạng trở nên phức tạp hơn, 6 Giác quan sinh ra. 6 Giác quan gọi là Lục Xứ. Từ Danh Sắc sinh ra Lục Xứ.
Nhờ có 6 Giác quan, Sanh mạng có cảm giác vì tiếp xúc (gọi là Xúc) với thế giới bên ngoài, tương ứng với 1-2 tuổi sau khi đẻ ra.
Sau khi tiếp xúc thì tri giác về những Hiện tượng của thế giới Sự vật bên ngoài (gọi là Thụ hay Thọ). Thế là Kiếp sống hiện tại của Sanh Mạng chính thức bắt đầu (lúc 3-5 tuổi).
Thức, Danh Sắc, Lục Xứ, Xúc và Thụ là 5 Quả của hiện tại hay là 5 Quả từ quá khứ xuất hiện trong hiện tại: Sanh mạng có tri giác thành hình nhưng tới đây Sanh mạng không hoàn toàn chịu trách nhiệm cho những Nghiệp trong quá khứ tạo thành Quả cho tới lúc nầy.
*Giai đoạn 3: Tham Dục (Ái, Tham Ái), Thủ và Hữu
Từ đây Sanh Mạng mới bắt đầu nhận trách nhiệm (= Quả) do những Hành vi tự mình gây ra (= Nghiệp). Qua tri giác và nhận thức, Sanh Mạng có kinh nghiệm buồn rầu đau khổ, sung sướng thích thú và kinh nghiệm trung dung (neutral). Nếu là buồn rầu đau khổ hay trung dung thì không có gì xảy ra nhưng nếu là sung sướng thích thú khoái lạc thì Sanh mạng muốn có chúng trong suốt đời sống của mình tức là có lòng tư dục tham ái. Đó gọi là Tham Dục hay Tham Ái (Ái).
Từ Tham Dục sinh ra Thủ là lấy, vớ lấy, quyến luyến lấy hay giữ lấy chúng thì Sanh mạng mới sống được. Dù biết những cái nầy là (gây ra) Phiền não nhưng Sanh mạng vẫn không bỏ mà cứ theo đuổi để lấy cho được (Thủ).
Những cái đó (đối với Sanh mạng) trở thành Hữu, tức là "Có": có ta, có sống trong thế gian bởi ta tham muốn luôn có những cái làm cho ta sống.
Tham Dục, Thủ và Hữu là 3 Nhân của hiện tại. Từ đây Sanh mạng mới bắt đầu trách nhiệm (= Quả) do những Hành vi tự mình gây ra (= Nghiệp). Ba cái Nghiệp Nhân của hiện tại do chính Sanh Mạng tạo ra là Tham Dục, Thủ và Hữu. Như vậy trong khi chịu những cái Quả từ quá khứ, Sanh mạng tự tạo ra những Nhân mới.
* Giai đoạn 4: Sinh và Lão Tử
Tham Dục, Thủ và Hữu trở thành là đời sống (Sinh) của Sanh Mạng cho đến già và chết (Lão Tử)
Sinh và Lão Tử là 2 Quả của hiện tại và của tương lai (cho cả Kiếp sau). Ba cái Nhân của hiện tại là Tham Dục (Ái), Thủ và Hữu tạo ra 2 cái Quả là Sinh và Lão Bệnh.
Như vậy một Kiếp đời của một Sanh mạng (Sinh và Lão Tử) là nhận lãnh Quả trong quá khứ khi chưa có tri giác và nhận lãnh Quả trong hiện tại (khi có tri giác) do tự mình tạo ra.
Một Kiếp của Sanh mạng là Khổ vì những Quả trong 12 Nhân Duyên đều là Quả Khổ.
* Vô Minh trong Kiếp sau
Sau khi chết, hết một Kiếp Sống; một Sanh mạng (thân xác và tâm thần) lại tiêu diệt, chỉ còn lại Vô Minhlà kết tinh của Quả từ những Nghiệp (đã tạo ra khi còn sống). Vô Minh nầy lại sinh khởi một "12 Nhân Duyên" mới hay một Kiếp mới nối tiếp theo. Sanh mạng lại tái sinh trong một Kiếp khác. Đó là Nghiệp Cảm Duyên Khởi.
Những Nghiệp (Action) của Kiếp trước là năng lực tiềm tàng tạo ra Vô Minh của 12 Nhân Duyên của Kiếp sau. Năng lực tiềm tàng của Nghiệp theo định nghĩa là Nghiệp Cảm (Action-influence). Đó là Nghiệp Cảm Duyên Khởi sinh ra Vô Minh và 12 Nhân Duyên mới của Kiếp sau làm cho Sanh mạng Tái Sinh trong 1 Kiếp mới.
(Thập Nhị Nhân Duyên)
12 Nhân Duyên:
1. Vô Minh (mù mờ) = Si = Ignorance = Avidyà
2. Hành = Will to Live, Action = Samskàra
3. Thức = Consciousness = Vijnàna
4. Danh Sắc = Ngũ Uẩn = Name and Form = Five Aggregates = Nàma-Rùpa
5. Lục Xứ = Lục Căn = 6 Giác quan = 6 Sense Organs = Sad-àyatana
6. Xúc = Contact = Sparsa
7. Thụ (Thọ) = Feeling or Perception = Vedanà
8. Tham Dục = Tham Ái, Ái = Desire or Craving (Strong Desire) = Trsnà
9. Thủ = Grasping or Cleaving = Upàdàna
10. Hữu = Becoming or Formation of Being = Bhava
11. Sinh = Life = Jàti
12. Lão Tử = Old Age and Death = Jarà-Marana
Nhân = Cause = Hetu
Duyên = Chain = Pràtyaya
Thập Nhị Nhân Duyên
= The 12 Linked Chain of Causation
= The 12 Divisioned Cycle of Causation
= Pratitya-samutpàda
Nghiệp Cảm Duyên Khởi và Luân Hồi
Sau khi chết (hết 1 Kiếp "A"), một Sanh mạng (gồm thể xác và tâm thần) lại tiêu diệt, chỉ còn lại Vô Minh là kết tinh của những Quả từ những Nghiệp (đã tạo ra khi còn sống trong kiếp "A"). Những Nghiệp nầy tiềm tàng nên gọi là Nghiệp Cảm (Action-influenced). Vô Minh nầy lại sinh khởi ra một "Thập Nhị (12) Nhân Duyên" mới tức là 1 kiếp mới tiếp theo (Kiếp "B", tiếp theo Kiếp "A"). Phật Giáo gọi đó là Nghiệp Cảm Duyên Khởi sinh ra Vô Minh và 12 Nhân Duyên mới của Kiếp tiếp theo sau (Kiếp B) làm cho Sanh mạng Tái sinh trong 1 Kiếp mới (Kiếp B).
Nhờ Nghiệp Cảm Duyên Khởi, Sanh mạng kiếp tái sinh tiếp tục. Sự lập lại từ Kiếp nầy qua Kiếp khác gọi là Luân Hồi (Samsàra). Do đó từ ngữ Phật Giáo thường dùng "Sinh tử Luân hồi" hay "Luân hồi Tái sinh". Nghĩa đen của Samsàra là "lang thang trôi nổi".
Luân Hồi = The Cycle of Birth and Death (= Undulation of Life) = Samsàra
Luân Hồi = Sinh Tử Luân Hồi = Tái Sinh = Luân Hồi Tái Sinh
Tái Sinh = Transmigration = Rebirth
Đầu Thai gần như đồng nghĩa với Tái sinh. Đầu Thai (= Thác sanh) = Reincarnation.
Phiền Não - Ảo Giác - Hoặc
Nguyên nhân của Khổ, khổ trong Kiếp nầy và phải Tái sinh Luân Hồi trong những Kiếp sau để tiếp tục phải Khổ, chính là Nghiệp trong 12 Nhân Duyên.
12 Nhân Duyên trói buộc Sanh Mạng vào bể Khổ không chỉ trong Kiếp nầy mà còn trong mọi Kiếp tiếp tục trong Luân Hồi Tái Sinh.
Nghiệp trong 12 Nhân Duyên của 1 Sanh Mạng không những tạo ra Quả Khổ trong mỗi Kiếp mà còn tiếp tục tạo ra những Kiếp tiếp tục trong Luân Hồi Tái Sinh.
Muốn Diệt Khổ trong Kiếp hiện hữu và chấm dứt Tái Sinh Luân Hồi, Sanh Mạng phải (chấm) dứt Nghiệp trong 12 Nhân Duyên. Mà muốn dứt Nghiệp tức là dứt Nhân trong 12 Nhân Duyên vậy.
Trong 12 Nhân Duyên (có 12 đoạn):
Nhân = Vô Minh và Tham Dục
Nghiệp = Hành, Thủ và Hữu
Quả = Thức, Danh Sắc, 6 Giác Quan, Xúc, Tưởng, Sinh và Lão Tử.
Như vậy Đoạn Diệt "Nhân" trong 12 Nhân Duyên là Đoạn Diệt Vô Minh và Tham Dục (Tham Ái, Ái).
Bắt đầu của một Kiếp đời, một Sanh Mạng do Nghiệp Cảm thì Vô Minh. Sau đó trong Kiếp đời nầy, Sanh Mạng lại Tham Dục. Vô Minh và Tham Dục sinh Nghiệp Lực tạo ra Quả Khổ trong Kiếp nầy và sinh Nghiệp Cảm làm cho Sanh Mạng phải Tái sinh Kiếp sau và tiếp tục có Quả Khổ trong Luân Hồi.
Đoạn Diệt Vô Minh và Tham Dục làm dứt hết cái Nghiệp, chấm dứt Khổ trong Kiếp nầy và chấm dứt Tái sinh Luân Hồi, tiếp tục Khổ mãi mãi. Đó là Giác Ngộ và Niết Bàn.
Phật Giáo gọi Vô Minh và Tham Dục là Ảo Giác (ngược với Giác Ngộ) và là Phiền Não (nguồn gốc của Khổ).
Phạn ngữ dùng từ ngữ Klesa (tiếng Pali là Kilesa) cho cả 2 nghĩa: Hoặc (mê hoặc) và Phiền não (Khổ).
Dịch giả Trung Quốc dùng từ ngữ Mê Hoặc hay Hoặc đồng nghĩa với Ảo giác (Delusion).
Hoặc (hay Ảo Giác) là Nhân là mầm sinh ra Nghiệp mà từ đó sinh ra Quả Khổ.
Hoặc hay mê hoặc (Defilement = Klesa / Kilesa)
Phiền Não (Defilement = Klesa /Kilesa)
Ảo Giác (Delusion)
Như vậy từ Tập Đế, Diệt Khổ là đoạn diệt Ảo Giác gồm có đoạn diệt Vô Minh và Tham Dục. Vô Minh và Tham Dục (Ái) là 2 Tư Hoặc.
Trên phương diện thực hành có thêm 3 Tư Hoặc nữa và Kiến Hoặc:
Từ Vô Minh hay Si phải có thêm Nghi. Si tức là không hiểu biết Phật Pháp gồm Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt và Đạo) cần phải có thêm Nghi tức là nghi ngờ Phật Pháp.
Ngoài ra phải Đoạn diệt Kiến Hoặc là những mê hoặc ảo giác vào những giáo pháp khác ngoài Phật Pháp.
Từ Tham Dục phải có thêm Sân và Mạn. Cũng như muốn trị bệnh Lao thì ngoài thuốc diệt vi trùng lao phải có thêm thuốc trị triệu chứng và dinh dưỡng.
Như vậy chúng ta có 5 Tư Hoặc (Tham dục, Sân, Si, Mạn và Nghi) và 5 Kiến Hoặc như đã nói từ 2 Lá Thư trước.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Tài liệu tham khảo:
1) Essential Buddhism (Kogen Mizuno)
2) The Essentials of Buddhist Philosophy (Jujìro Takakasu)
3) Phật Giáo Nguyên Thủy: Phật Pháp (Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
4) Triết Lý Phật Giáo: Từ Phật Thích Ca đến Thiền Tông (Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
__________________
LÁ THƯ PHẬT GIÁO (tiếp theo)
NHÂN, DUYÊN, NGHIỆP, QUẢ
(Bs Phan Thượng Hải)
Tập Đế của Phật Thích Ca dùng để giải thích tại sao phải Đoạn Hoặc của Diệt Đế, nhất là Tư Hoặc. Nó gồm có theo thứ tự:
Nhân Duyên và Duyên khởi.
Nhân Quả gồm Nhân, Duyên, Nghiệp, Quả
Thập nhị (12) Nhân Duyên
Nghiệp cảm Duyên khởi
Tư Hoặc
Thuyết Nhân Duyên và Duyên khởi
Vì Vô Thường và Vô Ngã nên mọi Sự vật (All beings and all things) phải tương quan với nhau để biến hóa gọi là Nhân Duyên và để sinh khởi gọi là Duyên Khởi. Chúng sanh (All beings) cũng là những Sự vật nên cũng tùy thuộc vào Nhân Duyên và Duyên Khởi.
Thể thức căn bản và tổng quát của Nhân Duyên và Duyên Khởi là:
"Khi cái nầy có, cái kia có; với sự sinh ra của cái nầy, cái kia sinh ra"
"Khi cái nầy không có, cái kia không có; với sự chấm dứt (ngưng) của cái nầy, cái kia chấm dứt (ngưng)"
Thuyết Nhân Quả - Nhân, Duyên, Nghiệp, Quả
Có thể nói Nhân Duyên và Duyên Khởi là thuyết Nhân Quả:
"Mỗi Sự vật là Nhân của cái khác và là Quả của cái khác nữa"
"Có Nhân thì có Quả, không có Nhân thì không có Quả"
Nhân Quả gồm có 4 phần: Nhân, Quả, Duyên, Nghiệp.
Nhân là nguyên nhân sinh ra Quả, là kết quả hay hậu quả.
Duyên là dây nối liền Nhân Quả còn Nghiệp là lực từ Nhân thành Quả. Nghiệp thường là hiển hiện ra Lời nói, Hành vi hay Ý định. Nhưng nếu (năng lực của nó) tiềm tàng (nonmanifest) thì gọi là Nghiệp Cảm.
Trong từ ngữ Phật Giáo có khi gọi: Duyên là Thứ Nhân và Nghiệp là Cận Nhân và Nhân là Viễn Nhân (vì Nhân chỉ là góp phần cho Nghiệp để sinh ra Quả).
Có Lục Nhân, Ngũ Quả và Tứ Duyên nhưng Phật Giáo chú trọng nhiều nhất đến Nghiệp (Karma).
Nghiệp là hành vi hay hành động có năng lực (energy) tạo ra Quả (Nghiệp Quả)
Hành vi từ Thân gọi là Thân Nghiệp
Hành vi từ Miệng (= lời nói) gọi là Khẩu Nghiệp
Hành vi từ Tâm Ý gọi là Ý Nghiệp
Có nguyên Nhân (Nhân) thì có kết Quả (Quả). Duyên và Nghiệp cũng là Nhân. Duyên là Nhân liên kết với Quả (Nhân Duyên). Nghiệp là Nhân có năng lực tạo thành Quả (Nghiệp Nhân). Năng lực của Nghiệp gọi là Nghiệp (Action), Năng lực tiềm tàng gọi là Nghiệp Cảm (Action-influence).
Nhân Duyên (Causation, Causality = Hetu-pratyaya)
Duyên Khởi (Dependent Origination = Pratitya-samutpàda)
Nhân = Nguyên nhân (Cause, Chief Cause = Hetu)
Quả = Hậu quả, Kết quả (Effect, Retribution, Condition = Vipàka)
Duyên (Sub-cause = Pratyaya)
Nghiệp (Effect-causing Action, Action = Karma)
Nghiệp lực hiển hiện (Action-manifest = Vijnapti-Karma)
Nghiệp lực tiềm tàng (Action-nonmanifest = Avijnapti-Karma)
= Nghiệp Cảm (Action-influenced)
Từ Nhân, Duyên, Nghiệp, Quả; Phật Thích Ca đưa ra giáo pháp Thập Nhị (12) Nhân Duyên để làm căn bản cho Đoạn Hoặc. Tuy nhiên các Bộ phái Tiểu Thừa sau khi Phật Thích Ca qua đời đã dùng Luận Tạng để viết thêm chi tiết chia ra Lục Nhân, Ngũ Quả và Tứ Duyên. Thật sự sự phân chia nầy không giúp nhiều cho người tu học Phật Pháp nhưng cũng viết ra để làm tài liệu.
Lục Nhân
1. Năng Tác Nhân (The Active Cause = Karana-hetu)
Nguyên nhân sinh ra kết quả thì phải có sức Năng tác (Efficiency). Năng tác là cái sức lực làm được cho Nhân sinh ra kết Quả. Năng Tác Nhân là Nhân có sức mạnh sinh ra Quả. Năng Tác Nhân có phạm vi rất rộng, là tổng hợp của 5 loại Nhân kia. Hơn nữa, phàm cái chi không thuộc vào 5 loại Nhân kia thì cũng thuộc vào Năng Tác Nhân.
2. Đồng Loại Nhân (The Similar-species Cause = Sabhàga-hetu)
Đồng một Sự vật mà mới cũ thay đổi, sống chết giao thể; mà cái trước làm Nhân cho cái sau.
3. Biến Hành Nhân (The Universal Prevalent Cause = Sarvatraga-hetu)
Giống như Đồng Loại Nhân nhưng Đồng Loại Nhân phổ biến trong mọi Sự Vật (Vạn Hữu) còn Biến Hành Nhân chỉ ở Tâm Sở (hoạt động Tâm lý) mà sinh ra Phiền Não.
4. Câu Hữu Nhân (The Co-existent Cause = Sahabhùtu-hetu)
Sự vật thường chung nhau và nương tựa nhau. Nhân Quả xảy ra theo liên tiếp thời gian hay trong cùng không gian. Những cái Nhân nầy gọi là Câu Hữu Nhân.
Câu Hữu Nhân có Hộ Vi Quả: có 2 Sự vật trở lên, làm Nhân và Quả với nhau.
Câu Hữu Nhân có Đồng Nhất Quả: có 2 Sự vật trở lên, cùng hiệp sức nhau làm thành 1 Quả chung.
5. Tương Ứng Nhân (The Concomittant Cause = Samprayukta-hetu)
Tâm Vương (= Tâm) tạo tác ra Quả thì có Tâm Sở (= Tâm lý) đồng ứng để giúp nó. Do đó gọi là Tương Ứng Nhân. Thường xảy ra từ bất cứ thời gian, nhân dịp hay môi trường nào.
6. Dị Thục Nhân (Vipàka-hetu)
Là nguyên nhân làm con người phải chịu kết Quả lành (hoặc) dữ. Nhân có thể hoặc là Thiện hoặc là Ác mà kết Quả không biết được. Nhân nầy có sinh Quả ở Kiếp sau (sau khi chết và tái sinh). Nhân nầy quyết định Lục Đạo của Tái sinh.
Ngũ Quả
1. Tăng Thượng Quả
Là cái kết quả từ Năng Tác Nhân và Tăng Thượng Duyên.
2. Đẳng Lưu Quả
Là Quả do Đồng Loại Nhân hay Biến Hành Nhân mà có. Ấy là kết quả về Hiện tượng nào đồng đẳng, đồng lưu, đồng loại với nguyên nhân ở trước nó.
3. Sĩ Dụng Quả
Là cái kết Quả do 2 cái Câu Hữu Nhân và Tương Ứng Nhân nương nhau mà thành, cũng như các thứ sự nghiệp dựa vào tác dụng của Sĩ phu mà có. (Sĩ là từ Sĩ phu; Dụng là tác dụng).
4. Dị Thục Quả
Là do Dị Thục Nhân. Do cái Nghiệp lực quá khứ hoặc Thiện hoặc Ác mà làm ra, mà ta không nhận thấy được Quả thể (nên gọi là Dị Thục Quả).
5. Ly Hệ Quả
Không do Lục Nhân hay Tứ Duyên. Là kết Quả của Vô Lậu Trí Tuệ, thoát ly khỏi Phiền Não và Vô Minh mà chứng được Niết Bàn. (Ly là ra khỏi; Hệ là trói buộc).
(Nhân) (Quả)
Năng Tác Nhân và Tăng Thượng Duyên .......... Tăng Thượng Quả
Đồng Loại Nhân và Biến Hành Nhân ................ Đẳng Lưu Quả
Câu Hữu Nhân và Tương Ứng Nhân ................. Sĩ Dụng Quả
Dị Thục Nhân ..................................................... Dị Thục Quả
(Ly Hệ Quả không thuộc Lục Nhân và Tứ Duyên)
Tứ Duyên
Duyên là "thứ nhân" tức là cái Nhân giúp cho "nguyên nhân" (Nhân=Cause) để cho thành ra kết quả (Quả=Effect). Nhưng cũng có cái Nhân và cái Duyên không phân biệt nhau được (Nhân tức là Duyên, Duyên tức là Nhân). Từ Nhân và Duyên có nghĩa rộng là Nhân Duyên như 12 Nhân Duyên.
1. Nhân Duyên (The Cause-Subcause = Hetu-pratyaya)
Chỉ cái nguyên nhân thân mật sinh ra mọi vật (Vạn Hữu). Trừ Năng Tác Nhân, các (5) loại Nhân kia đều là thuộc loại Nhân Duyên nầy cả: ở đây Nhân tức là Duyên, không phân biệt được. Thí dụ như Nước và Gió sinh ra Sóng.
2. Tăng Thượng Duyên (The Upheaving Subcause = Adhipati-pratyaya)
Cũng là từ Năng Tác Nhân, còn gọi là Công Duyên. Nó rất mạnh, đem tất cả nguyên nhân chung nhau thành kết quả (cuối cùng). Thí dụ như làn Sóng cuối cùng làm lật chiếc tàu trong cơn bão.
3. Đẳng Vô Gián Duyên (The Immediate Subcause = Samanantara-pratyaya)
Là riêng nói về sự phát động của Tâm: Tâm trước Tâm sau cả 2 có cái thể đồng đẳng nhau. Tâm trước diệt, làm cái Duyên phát động Tâm (của) Hiện tượng sau ngay tức khắc (không có gián cách ở khoảng nào). Thí dụ như Sóng nầy tiếp theo Sóng khác.
4. Sở Duyên Duyên (The Objective Subcause = Àlambana-pratyaya)
Là nói về Tâm Pháp. Phàm khi Tâm khởi lên là nó dựa vào cảnh khách quan bên ngoài (mà khởi lên). Cho nên cảnh khách quan đó gọi là Sở Duyên, nghĩa là cái bởi đó mà sinh ra Duyên. Thí dụ như Sóng trong Hồ, trong Sông hay trong Biển.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Tài liệu tham khảo:
1) Essential Buddhism (Kogen Mizuno)
2) The Essentials of Buddhist Philosophy (Jujìro Takakasu)
3) Phật Giáo Triết Học (Phan Văn Hùm)
4) Phật Giáo Nguyên Thủy: Phật Pháp (Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
5) Triết Lý Phật Giáo: Từ Phật Thích Ca đến Thiền Tông (Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
_____________________________
LÁ THƯ PHẬT GIÁO (tiếp theo)
KIẾN HOẶC và TƯ HOẶC
(Bs Phan Thượng Hải)
Đây là triết lý của Phật Giáo Nguyên Thủy, trực tiếp từ Phật Thich Ca, vị Phật độc nhất có thật trong lịch sử nhân loại.
*
Hoặc hay Mê Hoặc (Defilements, Delusions) là Nhân là mầm sinh ra Nghiệp mà từ đó sinh ra Quả là Khổ, là Phiền não (Suffering). Do đó muốn Diệt Khổ là Đoạn diệt mê Hoặc, thường được gọi tắt là Đoạn Hoặc.
Có 5 Hoặc chính, gọi là Tư Hoặc, cần phải Đoạn diệt: Tham Dục - Sân - Si - Mạn - Nghi. Có 5 Hoặc phụ, gọi là Kiến Hoặc, cũng cần phải Đoạn diệt.
Tư Hoặc = Mê Sự Hoặc = Tình Hoặc (Defilements of Practices)
Kiến Hoặc = Mê Lý Hoặc = Trí Hoặc (Defilements of View)
*
Kiến Hoặc gồm những Ảo Giác trong lý thuyết (Theorical, Intellectual Delusions), có 5 loại gọi là Ngũ Lợi Sử (5 Sharp Defilements = Panca-tiksna-dùla):
1. Thân Kiến (False View about Self = Satkàya-ditthi): chấp trược Ngũ uẩn là Tự Ngã (là Ta và sở hữu của Ta), chấp trược thân thể là thực hữu thường trụ. "Có cái Ta mãi mãi".
2. Biên Kiến (Extreme View = Antagràba-drsti): chấp trược vảo một bên, hoặc đoạn diệt hay thường trụ, không ngay chính giữa. Thí dụ như có những chấp trược khác nhau:
Thể xác (body) và tâm hồn (spirit) là vĩnh cửu hoặc Chết là hết.
Vạn Hữu (mọi sự vật) là vĩnh cửu hoặc ngược lại là Không có Hiện hữu.
Thể xác và tâm thần giống nhau hoặc Thể xác và tâm thần hoàn toàn khác biệt.
Như Lai vẫn tồn tại sau khi chết hoặc Như Lai không tồn tại sau khi chết.
3. Tà Kiến (Doubt = Vicikicchà or Perverse View = Micchà-ditthi): không tin Nhân Quả, không tin Nghiệp, không tin Tam Bảo (Phật, Phật Pháp và Tăng Già), không tin có Giác ngộ từ tu hành.
4. Kiến Thủ (Stubborn or Perverted View = Drsti-paràmarsa): cố chấp vào ngộ kiến của mình cho là đúng. "Chỉ có Ta là đúng".
5. Giới Cấm Thủ (Attachment for Heretical Practices = Silavrata-paràmarsa): dính chặc vào tu khổ hạnh (ascetic practice), cho rằng nó sẽ giải thoát tái sinh lên trời
Tóm lại Kiến Hoặc là những Lý thuyết ngoài Phật Pháp của Phật Thích Ca trong thời gian của Phật Giáo Nguyên Thủy ở Ấn Độ.
Đoạn diệt Kiến Hoặc thường là dễ dàng ngay tức khắc qua sự trí thức hiểu biết về Lý thuyết nên gọi là Lợi Sử (Sharp Defilements).
Đoạn diệt Kiến Hoặc thuộc về Chánh Kiến của Bát Chánh Đạo.
*
Tư Hoặc gồm những Hành vi sai lầm trực tiếp (Delusions of Volition = Habitual, Emotional Delusions), có 5 loại gọi là Ngũ Độn Sử (5 Dull Defilements = Panca-klesa-dùla):
1. Sân (Anger = Vyàpàda)
2. Tham Dục hay Tham Ái (Desire = Craving/Severe Desire = Tsrnà).
3. Nghi (Doubt or Perplexity = Vicikitsà)
4. Mạn (Pride = Màna)
5. Si / Vô minh (Ignorance = Avidyà / Avijjà)
Tham dục, Sân và Si thì phổ thông nhất, thường được gọi là Tam Độc (3 poisons).
Không thể Đoạn diệt Tư Hoặc ngay tức khắc bằng trí thức hiểu biết mà phải cần mất nhiều thời gian cố gắng khó nhọc mới từ từ đoạn diệt được nên gọi là Độn Sử (Dull Defilements). (Độn = dull)
Đoạn diệt Tư Hoặc thuộc về Chánh Tư Duy (Tham dục, Sân và Mạn), Chánh Kiến (Si) và Chánh Niệm (Nghi) của Bát Chánh Đạo.
Có sách thay thế Nghi bằng Phóng Dật (Frivolity = Auddhatya), tuy nhiên sự áp dụng cho Chánh Niệm (Right Mindfulness) thì không khác nhau.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Tài liệu tham khảo:
1) Phật Giáo Nguyên Thủy: Phật Pháp (Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
2) Lược sử Phật Giáo Ấn Độ (Thượng tọa Thích Thanh Kiểm)
______________________
LÁ THƯ PHẬT GIÁO
TƯ HOẶC = THAM - SÂN - SI- MẠN - NGHI
(Bs Phan Thượng Hải)
Đây là triết lý của Phật Giáo Nguyên Thủy (Tiểu Thừa), trực tiếp từ Phật Thích Ca.
Hoặc hay Mê Hoặc (Defilements) là Nhân là mầm sinh ra Nghiệp mà từ đó sinh ra Quả là Khổ, là Phiền não. Do đó muốn Diệt Khổ là Đoạn diệt mê Hoặc, thường được gọi tắt là Đoạn Hoặc.
Có 5 Hoặc chính, gọi là Tư Hoặc, cần phải đoạn diệt: Tham Dục - Sân - Si - Mạn - Nghi.
1. Si (Ignorance) là "ngu dốt", trong Phật Giáo, là không hiểu biết minh bạch và tường tận Phật Pháp. Si có khi đồng nghĩa với Vô Minh. Si ở đây không có nghĩa là yêu say đắm đến mức mê mẩn ngây dại!
2. Nghi (Doubt or Perplexity), trong Phật Giáo, là nghi ngờ, không hoàn toàn tin tưởng vào Phật Pháp.
Phật Pháp là Tam Pháp Ấn và Tứ Diệu Đế của Phật Thích Ca (Phật Giáo Nguyên Thủy hay Tiểu Thừa).
3. Sân hay Giận (Anger) theo nghĩa đen là không vừa lòng (displeasure) và ghét (revulsion) một đối tượng (mà mình) không thích (dislike).
Từ Sân (hay Giận) còn phải Đoạn diệt những điều nặng hơn:
Phẫn hay Giận dữ (Wrath) , thường có võ lực (violence). Phẫn gần đồng nghĩa với Tức giận (Indignation) hay Nỗi giận (Temper).
Hận tức là Oán giận, Căm hờn (Enmity), thường do thù nghịch.
Hại (Causing injury) làm tổn hại (sinh vật nhác).
"Độc" (Cruelty) là độc ác, hung dữ, tàm bạo, dã man.
4. Mạn hay Kiêu ngạo (Pride), kiêu căng và ngạo mạn.
"Mạn" gần giống "Kiêu" hay Kiêu hãnh (Arrogance), nhưng có sự khác biệt:
Mạn là tự kỷ coi mình hơn người khác; hoặc coi người khác dưới hơn mình. Mạn cần có người (hay sinh vật) khác để so sánh.
Kiêu là tự kỷ coi mình là tối cao hơn hết (superior), không cần so sánh với ai hết.
Dĩ nhiên Đoạn diệt Mạn thì cũng phải Đoạn diệt Kiêu.
5. Tham Dục = Tham Muốn = Tham Ái = Ái (Craving or Strong Desire).
Tham Dục là lòng ham muốn khao khát mãnh liệt không cưỡng lại được; lòng dục vọng vô độ.
Tham Dục là lòng ham muốn trói buộc lâu dài vào một đối tượng (object).
(Phật Giáo Nguyên Thủy trong 12 Nhân Duyên thường viết là "Ái" với cùng một nghĩa).
Theo nghĩa đen Tham Dục (Craving, Strong Desire) đồng nghĩa với Tham (Greed), cùng một nghĩa là ham muốn quá đáng.
Người Đoạn diệt "Tham Dục, Sân và Mạn" là có phần chính của Chánh Tư Duy (Right Thoughts) trong Bát Chánh Đạo.
Người Đoạn diệt "Nghi" tức là có Chánh Niệm (Right Mindfulness) trong Bát Chánh Đạo.
Người Đoạn diệt "Si" tức là có Chánh Kiến (Right View) trong Bát Chánh Đạo.
Chánh Kiến và Chánh Niệm còn được gọi chung là Chánh Tuệ (Right Wisdom), thường được gọi nôm na là "Trí tuệ Bát Nhã".
Bát Chánh Đạo chính là Niết Bàn.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Tài liệu tham khảo:
Phật Giáo Nguyên Thủy: Tam Bảo (Phan Thượng Hải) phanthuonghai.com
____________________
THƠ VÀ VIỆT SỬ - NHÂN VĂN GIAI PHẨM
Bs Phan Thượng Hải
Ngày nay, Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm ở Miền Bắc Việt Nam vào năm 1956 còn có nhiều nhân vật chính khác được biết đến ngoài Phan Khôi và Trần Dần.
Nhân Văn Giai Phẩm
*
Nhân Văn Giai Phẩm là tên một Phong trào của một nhóm văn nghệ sĩ chống lại Chủ nghĩa Cộng sản ở Miền Bắc ngay sau Hiệp định Genève. Nhóm văn nghệ sĩ nầy dùng tòa sạn báo Bán nguyệt san Nhân Văn do ông Phan Khôi làm chủ nhiệm và Họa sĩ Trần Duy làm thư ký tòa soạn. Nhóm nầy lôi kéo một số Học giả (chính trị) và được nhiều văn nghệ sĩ khác tham gia. Từ tháng 2-56 đến tháng 12-56, ngoài 5 số Bán nguyệt san Nhân Văn, tòa soạn chính có thêm 4 số Giai phẩm. Do đó có tên là Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm.
Những người chánh có tên xuất hiện trên bìa báo (ngoài Phan Khôi và Trần Duy):
Văn Thi sĩ: Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần và Phùng Quán
Nhạc sĩ: Văn Cao, Tử Phác và Tô Vũ
Họa sĩ: Sỹ Ngọc và Nguyễn Sáng
Hầu hết đều là những người tham gia kháng chiến (46-54); đảng viên, cựu đảng viên hay không phải là đảng viên.

*
Quá Trình
Tháng 3-55, trong Quân đội có phong trào tranh đấu chủ trương bởi Trần Dần và Tử Phác cùng một số văn nghệ sĩ (trong đó có Lê Đạt và Hoàng Cầm) chủ yếu đòi trả quyền lãnh đạo văn nghệ về tay văn nghệ sĩ. Trần Dần bị giam trong trại lính (13-6 đến 14-9-55) để kiểm thảo. Trong thời gian nầy, Trần Dần viết bài thơ "Nhất Định Thắng" mà Hoàng Cầm và Lê Đạt có bản thảo.
Tháng 2-56, Giai Phẩm Mùa Xuân do Hoàng Cầm và Lê Đạt chủ trương:
Bài thơ "Nhất Định Thắng" của Trần Dần
Bài thơ "Ông Bình Vôi" của Lê Đạt
Bài thơ "Cái Chổi quét rác rưởi" của Phùng Quán
Bài viết của Văn Cao, Sĩ Ngọc, Tử Phác...
Hình vẽ của Nguyễn Sáng.
Giai Phẩm Mùa Xuân bị tịch thu. Lê Đạt bị kiểm thảo. Trần Dần và Tử Phác bị bắt giam. Trần Dần cứa cổ tính tự tử nhưng không chết và sau đó được thả ra.
Tháng 8-56, trong buổi học tập văn nghệ sĩ, Nguyễn Hữu Đang chỉ trích đường lối văn nghệ của Đảng.
Ngày 29-8-56, Giai Phẩm mùa Thu (tập 1):
Bài "Phê bình lãnh đạo văn nghệ" của Phan Khôi
Bài "Bệnh sùng bái cá nhân trong lãnh đạo văn nghệ" của Trương Tửu
Ngày 15-9-56, Bán nguyệt san Nhân Văn số 1 do Hoàng Cầm, Lê Đạt và Nguyễn Hữu Đang chủ trương, Phan Khôi chủ nhiệm và Trần Duy thư ký tòa soạn:
Bài phỏng vấn Ls Nguyễn Mạnh Tường về vấn đề: "Mở rộng tự do dân chủ"
Bài "Con người của Trần Dần" của Hoàng Cầm
Bài "Nhân câu chuyện mấy người tự tử" của Lê Đạt
Bức tranh vẽ Trần Dần với vết sẹo trên cổ của Nguyễn Sáng.
Ngày 30-9-56, Nhân Văn số 2
Ngày 8-10-56, Giai Phẩm mùa Xuân, tái bản
Ngày 15-10-56, Nhân Văn số 3:
Bài "Nổ lực phát triển dân chủ" của Trần Đức Thảo
Cuối tháng 10-56, Giai Phẩm mùa Thu (tập 2):
Bài "Những người khổng lồ" của Trần Duy
Bài thơ "Chống tham ô lãng phí" của Phùng Quán
Bài "Cũng những thằng nịnh hót" của Hữu Loan
Ngày 5-11-56, Nhân Văn số 4:
Bài "Thành thật đấu tranh cho tự do dân chủ" của Trần Duy
Bài "Con ngựa già của Chúa Trịnh" của Phùng Cung
Ngày 10-11-56, Hung Gia Lợi nổi loạn
Ngày 20-11-56, Nhân Văn số 5:
Bài "Bài học về Ba Lan và Hung ga ri" của Lê Đạt, ký tên "Người Quan Sát"
Bài xã luận "Hiến pháp Việt Nam năm 1946 và Hiến pháp Trung Hoa" của Nguyễn Hữu Đang.
Tháng 12-56, Giai Phẩm mùa Đông:
Bài "Nội dung xã hội và hình thức tự do" của Trần Đức Thảo
Bài "Văn nghệ và chính trị" của Trương Tửu
Bài "Muốn phát triển học thuật" của Đào Duy Anh
Ngày 9-12-56, Hồ Chí Minh ký sắc lệnh bãi bỏ quyền Tự Do báo chí.
Ngày 15-12-56, Chính phủ ra lệnh đóng cửa tòa báo Nhân Văn.
*
Hành động phản kháng của Chánh phủ Cộng Sản
Hai hội nghị trong tháng 2 và tháng 3 năm 1957 của "anh chị em công tác văn nghệ" nghiên cứu nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng vạch trần và kết án các nhân vật "bỉ ổi của cái ổ chuột" Nhân Văn Giai Phẩm gồm có:
Thụy An, Nguyễn Hữu Đang, Trần Thiếu Bảo, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Phan Khôi, Trần Duy,
Trần Dần, Lê Đạt, Tử Phác, Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm, Sĩ Ngọc, Chu Ngọc, Phùng Quán, Hoàng Tích Linh, Yến Lan,
Văn Cao, Nguyễn Văn Tý, Hoàng Tích Linh... và nhiều người khác.
Tố Hữu tố cáo các Thành viên chính của Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm:
Phan Khôi, Trương Tửu, Trần Đức Thảo là những "nhà tư tưởng" của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm.
Thụy An và Nguyễn Hữu Đang liên lạc, huy động và khuyến khích các thành viên trong phong trào.
Trần Thiếu Bảo, chủ nhà in Minh Đức, in các Giai phẩm và bán Nguyệt san Nhân Văn, giúp đỡ tiền bạc và phương tiện để phát hành báo.
Trần Dần, Lê Đạt và Hoàng Cầm hoạt động ở Hội Nhà Văn
Tử Phác, Văn Cao, Nguyễn Văn Tý, Đặng Đình Hưng hoạt động ở Hội Âm Nhạc
Trần Duy, Sỹ Ngọc, Nguyễn Sáng ở Hội Mỹ Thuật
Chu Ngọc, Hoàng Tích Linh ở Hội Nghệ sĩ Sân khấu
Nguyễn Đình Thi, Tổng thơ ký Hội Nhà Văn, tố cáo những tội của Nhân Văn Giai Phẩm:
1. Cho Chủ nghĩa Cộng Sản là không nhân văn, là chà đạp con người. Coi những người Cộng Sản là chà đạp con người, là những người khổng lồ không tim (như Trần Duy đã viết). Đòi quyền tự do cá nhân, tự do sống đời sống tình cảm riêng tư của mỗi con người: "Đem bục Công an máy móc đặt giữa tim người. Bắt tình cảm ngược xuôi theo luật đi đường Nhà nước" (Lê Đạt)
2. Phản đối chuyên chính, đòi Dân chủ tự do trên mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa. Đả kích mậu dịch, quản lý hộ khẩu, các bộ máy Nhà nước. Đòi tự do đối lập.
3. Chống lại sùng bái cá nhân. Cho sự lãnh đạo của Đảng là Đảng trị, là độc đoán, mâu thuẩn với quyền lợi căn bản của con người. Bài thơ "Ông Bình Vôi" của Lê Đạt có những câu:
Những kiếp người sống lâu trăm tuổi
Y như một cái bình vôi
Càng sống càng tồi
Càng sống càng bé lại
4. Đề cao Chủ nghĩa Quốc gia Tư sản. Đả kích Liên Xô, cho sự giáo dục con người ở Liên Xô là rập khuôn; văn học nghệ thuật của Liên Xô là công thức.
5. Chống Chính sách cải cách ruộng đất
6. Về Văn nghệ, chủ trương phát triển "Trăm hoa đua nở trăm nhà đua tiếng". Chối bỏ sự lãnh đạo của Đảng, nêu cao khẩu hiệu "Trả lại văn nghệ cho văn nghệ sĩ".
*
Hình Phạt từ chính phủ Cộng Sản
- Hội Nhà Văn
khai trừ các Văn sĩ: Phan Khôi, Trương Tửu, Thụy An
khai trừ các Thi sĩ: Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán
- Hội Nhạc sĩ
khai trừ các Nhạc sĩ: Tử Phác, Đặng Đình Hưng.
chấp nhận cho Văn Cao, Nguyễn Văn Tý rút khỏi ban Chấp hành.
- Hội Mỹ thuật
khai trừ Trần Duy.
cảnh cáo và chấp nhận rút khỏi ban Chấp hành các Họa sĩ Sĩ Ngọc, Nguyễn Sáng.
- Hội Nghệ sĩ Sân khấu
khai trừ Chu Ngọc và Hoàng Tích Linh
- Chính quyền
bắt giữ Thụy An, Nguyễn Hữu Đang, Phùng Cung, Trần Duy, Trần Thiếu Bảo
cách chức và quản thúc các Giáo sư Đại học: Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh
Các người có liên quan tới Nhân Văn Giai Phẩm có những hậu quả nặng nhẹ khác nhau. Tựu trung nếu không bị tù tội hay lao động cải tạo thì bị kiểm thảo, thất nghiệp, bị khai trừ không còn hoạt động trong lãnh vực văn hóa của mình nữa và bị quản thúc trong một thời gian. Tất cả đều có tương lai đi vào ngõ cụt, không sáng tác công khai được nữa.
Bị Tù tội:
Phiên tòa xử ngày 19-1-60: các bị can là Nguyễn Hữu Đang, Thụy Khuê, Trần Thiếu Bảo, Phan Tại và Lê Nguyên Chí. Nguyễn Hữu Đang và Thụy An bị án tù 15 năm.
Phùng Cung (1928-1997) kết án và bị giam 12 năm trong các nhà tù Hỏa Lò, Bất Bát, Yên Bái, Phong Quang. Ông là anh kết nghĩa với Phùng Quán.
Bị Lao động cải tạo:
Lê Đạt Hoàng Công Đạt (1929-2008) bị khai trừ khỏi Đảng. Cũng như Trần Dần và Tử Phác, ông phải đi lao động cải tạo. Ông phải đi Chí Linh nhiều lần lao động cải tạo trong tất cả 10 năm.
Tử Phác đi lao động cải tạo ở Hòa Bình (1959-60).
Trần Dần Trần Văn Dần (1926-1997) đi lao động cải tạo ở Chí Linh trong 3 năm (1959-1961) rồi về sống ở Hà Nội.
Phùng Quán (1932-1995) cũng bị lao động cải tạo trong nhiều năm mặc dù ông là cháu của Tố Hữu. Mẹ của Phùng Quán là em gái của Tố Hữu.
Hoàng Cầm Bùi Tằng Việt (1922-2010) không bị tù cũng như không bị lao động cải tạo mà chỉ bị khai trừ ra khỏi Hội Nhà Văn.
Năm 2007, Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán và Hoàng Cầm được Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
Các Học giả Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường và Đào Duy Anh bị cách chức Giáo sư Đại học.
Ông Trương Tửu (1913-1999) chuyển sang nghề Đông Y.
Ông Trần Đức Thảo (1917-1993) mất chức Phó Giám đốc Đại học Sư phạm Hà Nội, bị cấm dạy học chỉ còn dịch thuật lặt vặt kiếm sống. Năm 1991, ông được sang Pháp chữa bệnh và mất ở Paris năm sau đó (1992).
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường (1909-1997) chuyển sang làm việc cho Bộ Giáo dục. Năm 1986, ông được sang Pháp ở 4 tháng. Trong thời gian nầy, ông Nguyễn Mạnh Tường viết hồi ký cuộc đời của ông sau 1945 tựa đề là "Un Excomunié" (Một người mất phép Thông công).
Ông Đào Duy Anh (1904-1988) chuyển sang làm việc cho Hội Sử Học từ năm 1960.
Có một số văn nghệ sĩ không được nói tới nhưng hoàn toàn không còn hoạt động văn nghệ vì có dính líu tới Nhân Văn Giai Phẩm như là Thi sĩ Hữu Loan và Họa sĩ Bùi Xuân Phái.

Nguyễn Hữu Đang và Thụy An
Theo Tố Hữu; Thụy An, Nguyễn Hữu Đang và Trần Thiếu Bảo là có tội năng nhất trên phương diện chính trị. Thụy An và Nguyễn Hữu Đang liên lạc, huy động và khuyến khích các thành viên trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Trần Thiếu Bảo, chủ nhà in Minh Đức, in các Giai phẩm và bán Nguyệt san, giúp đỡ tiền bạc và phương tiện để phát hành báo.
Phiên tòa xử ngày 19-1-60: các bị can là Nguyễn Hữu Đang, Thụy Khuê, Trần Thiếu Bảo, Phan Tại và Lê Nguyên Chí. Nguyễn Hữu Đang và Thụy An bị án tù 15 năm.
Ông Nguyễn Hữu Đang (1913-2007) tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội. Là 1 trong 15 Ủy viên trong Ủy Ban Dân Tộc Giải Phóng thành lập ở Tân Trào năm 1945, ông là người được Hồ Chí Minh phó thác và chỉ huy dựng buổi lễ ngày 2-9-45 ở quảng trường Ba Đình. Sau đó ông giữ chức Thứ trưởng Thanh Niên trong Chính phủ Hổ Chí Minh (1945). Vào Đảng năm 1947, ông Nguyễn Hữu Đang là đảng viên Đảng Cộng sản "cao cấp" rất thân thiết với Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng và Trần Huy Liệu. Tuy nhiên ông ly khai Đảng vào năm 1951.
Bị kết án 15 năm tù, sau khi ở tù ra vào năm 1973, ông Nguyễn Hữu Đang bị quản thúc ở Thái Bình gần 20 năm.

Bà Thụy An Lưu Thị Yến (1916-1989) bị kết án 15 năm tù về tội gián điệp và phản động. Bà, cũng như ông Nguyễn Hữu Đang, được thả vào năm 1973 theo diện "Đại xá chánh trị phạm trong HĐ Paris". Năm 1987 bà vào sống ở Sài Gòn cho đến khi qua đời. Bà Thụy An là Văn Thi sĩ nhưng không có viết bài nào trong Nhân Văn Giai Phẩm.
Bà Thụy An là em dâu của ông Bùi Kỷ và bà Trần Trọng Kim. Bà lúc đầu là 1 nhà thơ. Năm 1929, cô gái Lưu Thị Yến 13 tuổi đã có thơ đăng trong Nam Phong tạp chí và năm 16 tuổi được giải thưởng văn chương của triều đình Huế. Tương truyền lúc trẻ (khoảng 1930-32), bà có một ông thầy kèm dạy tại nhà là Võ Nguyên Giáp. Sau đó bà Thụy An là người tiền phong viết văn, xuất bản cuốn tiểu thuyết "Một Linh Hồn" (1943). Bà từng làm chủ nhiệm những tờ báo Đàn Bà Mới (Sài Gòn), Phụ Nữ Tân Văn (Sài Gòn) và Đàn Bà (Hà Nội). Là phóng viên chiến tranh, bà còn từng giữ chức giám đốc Việt Tấn Xã. Chồng bà (ly thân năm 1949) là ông Bùi Nhung từng là giám đốc đài phát thanh Hà Nội (48-49 và 51-52) và Hải Phòng (54). Trong thời gian Nhân Văn Giai Phẩm hoạt động, bà được biết là con nuôi của ông Phan Khôi.
Ngày nay nhiều chi tiết về bà Thụy An được biết qua ngưởi con trai thứ nhì là ông Bùi Thụy Băng, chủ nhiệm kiêm chủ bút Atlanta Việt Báo. Hình như bà tự đâm mù một mắt khi bị bắt giam ở Hỏa Lò trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm.
Phan Khôi và Trần Dần
*
Các người trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm còn tiếp tục bị các đồng nghiệp chửi bới hay chỉ trích bằng thơ nhứt là ông Chủ Nhiệm tờ báo Nhân Văn là Phan Khôi (1887-1959), cháu ngoại của Tổng Đốc Hoàng Diệu.


Khi ông Phan Khôi làm bài thơ tự chúc “thất thập” của mình (1956) với 2 câu đầu:
Lên bảy mươi rồi mẹ nó ơi
Thọ ta ta chúc nọ phiền ai
Ông liền được văn sĩ Nguyễn Công Hoan, hứng lên thành thi sĩ, làm thơ họa lại như sau:
Nhắn bảo Phan Khôi khốn kiếp ơi
Thọ mi mi chúc chớ phiền ai
Văn chương đù mẹ thằng cha bạc
Tiết tháo! Tiên sư cái mẽ ngoài
Lô dích (logique), trước cam làm kiếp chó (*)
Nhân Văn nay lại hít gì voi
Sống dai thêm tủi cho thêm nhục
Thêm nhục cơm trời chẳng thấy gai?
(Nguyễn Công Hoan)
(*) Chú thích: Nguyễn Công Hoan muốn nhắc lại cái cách “cãi lý” (lô dích) nổi danh của ông Phan Khôi trong quá khứ mà mọi người đều biết.
(CÃI LÝ CỦA PHAN KHÔI)
Làm sao cũng chẳng làm sao
Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi
Làm chi cũng chẳng làm chi
Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao.
(Phan Khôi)
Thậm chí Thi sĩ Tế Hanh còn đem ra bài thơ “Tư Trào” của ông Phan Khôi dưới đây viết năm 1949 và làm bài thơ “Con Rùa Đá” để chửi lại.
TƯ TRÀO
Hai nhà cọng lại có mười con
Năm gái, năm trai nhắm cũng giòn
Gả cưới tạm yên nguyền một nửa
Sữa măng riêng mủi máu ba hòn
Tư trào thôi hẳn đành chia rẽ
Nhân cách còn mong được vẹn tròn
Bé nhất Lang-Sa mới ba tuổi
Tên mầy ghi cái nhục non sông.
(*) Chú thích: Con út của ông tên là Lang Sa (theo "Pháp Lang Sa", dịch nguyên âm từ France).
CON RÙA ĐÁ
Chống Pháp lại đi ôm đít Pháp
Chửi vua rốt cuộc liếm giày vua
Há mồm lại nói nền dân chủ
Đạo đức ba que quả trái mùa.
(Tế Hanh)
Người ta cũng biết là "ông già" Phan Khôi không thích “Kháng Chiến” lắm. Trong thời chiến tranh Việt Pháp (1946-54), ông phải theo kháng chiến ở Việt Bắc và có làm những bài thơ:
HỚT TÓC
Tuổi già thêm bệnh hoạn
Kháng chiến chẳng thừa ta
Mối sầu như tóc bạc
Cứ cắt lại dài ra.
(Phan Khôi)
(THƠ PHAN KHÔI)
Ngừng tim bặt óc lặng dòng tình
Tai mắt như không phải của mình
Thấy dưới ánh trăng muôn khúc nhạc
Nghe trong tiếng ếch một màu xanh
Suối tiên mát mẻ bao cho chán
Giấc mộng vờn mơn vẫn chẳng thành
Cái thú vui xưa nào thấy nữa
Ngủ say thức tỉnh dậy buồn tênh.
(Phan Khôi)
Và đây là 2 bài thơ từ con gái của ông Phan Khôi là Phan Thị Mỹ Khanh đăng trong Phổ Thông tạp chí số 31. Theo cô Khanh, cùng bài thơ "Tư Trào", 2 bài thơ dưới đây được ông làm trong thời gian trong kháng chiến và gởi cho mẹ của cô Khanh lúc đó đang tản cư ở Tam Kỳ (1950).
(NHẮN VỢ NHÀ)
Vì có trông người nhớ đến ta
Nhà hai, nhà cả, cả hai nhà
Tài không tháo vát nhưng cần kiệm
Họa có ghen tuông vẫn thuận hòa
Tình nặng nhớ nhung thơ vụng tả
Biệt lâu khao khát tuổi quên già
Loạn ly sống chết còn chưa biết
Đã một, hai rồi có lẽ ba?
(Phan Khôi)
NGÀY XUÂN CHÚC ANH VỆ QUỐC QUÂN
Lội suối trèo non tôi đến đây
Gặp anh về nghỉ dưới chân mây
Chúc anh mạnh khoẻ rồi ra trận
Thêm sức càng hăng để đánh Tây.
Đánh đến bao giờ độc lập thành
Tôi dù già rụi ở quê anh
Cũng nguyền nhắm mắt không ân hận
Nằm dưới mồ nghe khúc Thái bình.
(Phan Khôi)
*
Ông Trần Dần (1926-1997), tên thật là Trần Văn Dần, cùng với ông Phan Khôi được nhắc đến nhiều nhất trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Nhất là những câu thơ trong bài thơ “Nhất định thắng” của ông:
"Tôi bước đi
không thấy phố không thấy nhà
chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ”
Ông Trần Dần học giỏi, đậu Thành Chung rồi đậu Tú Tài. Năm 1946, ông bắt đầu làm thơ, lập nhóm thơ Dạ Đài với Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng… Tham gia kháng chiến, ông Trần Dần là đảng viên CS từ năm 1949 và có mặt ở trận Điện Biên phủ. Năm 1955, ông xin giải ngũ, ra khỏi Đảng và kết hôn với người yêu là bà Bùi thị Ngọc Khuê (gia đình bà Khuê có người di cư vào Nam nên Đảng không cho phép đảng viên kết hôn vì lý do lý lịch).
Sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm, ông Trần Dần bị bắt giam rồi đi lao động cài tạo. Từ năm 1961, ông được thả, về sống thầm lặng ở Hà Nội kiếm sống bằng nghề vẽ và dịch sách cho đến khi qua đời 36 năm sau.
Đoạn đầu của bài thơ “Về nẻo Thanh Tuyền” tỏ tâm sự của ông Trần Dần:
VỀ NẺO THANH TUYỀN
Đời bỏ ta nằm dưới thủy cung
Mờ đi! ơi ánh nguyệt vô cùng
Hồn ta qua xứ ma làm loạn
Nên thác trong đường trận hỏa công
Trải mấy thu dài trên Tử trấn
Ta về nghe thế sự tàn vong
Ngoài ta ai đón trăng huyền lặn
Mà dẫn đi qua khỏi Cửu trùng?
(Trần Dần)
Đây là toàn bộ bài thơ "Nhất Định Thắng" đăng trong Giai Phẩm Mùa Thu:
NHẤT ĐỊNH THẮNG
(1)
Tôi ở phố Sinh Từ
Hai người
Một gian nhà chật,
Rất yêu nhau sao cuộc sống không vui?
Tổ quốc hôm nay
tuy gọi sống hoà bình
Nhưng mới chỉ là trang thứ nhất
Chúng ta còn muôn việc rối tinh...
Chúng ta
Ngày làm việc, đêm thì lo đẫy giấc
Vợ con đau thì rối ruột thuốc men
Khi mảng vui - khi chợt nhớ chợt quên
Trăm cái bận hàng ngày nhay nhắt.
Chúng ta vẫn làm ăn chiu chắt.
Ta biết đâu bên Mỹ miếc tít mù
Chúng còn đương bày kế hại đời ta?
Tôi đi giữa trời mưa đất Bắc
Đất hôm nay tầm tã mưa phùn
Bỗng nhói ngang lưng
máu rỏ xuống bùn
Lưng tôi có tên nào chém trộm?
A! Cái lưỡi dao cùn!
Không đứt được mà đau!
Chúng định chém tôi làm hai mảnh
Ôi cả nước! Nếu mà lưng tê lạnh
Hãy nhìn xem: có phi vết dao?
Không đứt được mà đau!
Lưng Tổ Quốc hôm nay rớm máu
Tôi đã sống rã rời cân não
Quãng thời gian nhưng nhức chuyện đi Nam
Những cơn mưa rơi mãi tối xầm
Họ lếch thếch ôm nhau đi từng mảng
Tôi đã trở nên người ôm giận
Tôi đem thân làm ụ cản đường đi
- Dừng lại!
Đi đâu?
Làm gì?
Họ kêu những thiếu tiền, thiếu gạo
Thiếu cha, thiếu Chúa, thiếu vân vân
Có cả anh nam chị nữ kêu buồn
- Ở đây
Khát gió, thèm mây...
Ô hay!
Trời của chúng ta gặp ngày mây rủ?
Nhưng trời ta sao bỏ nó mà đi?
Sau đám mây kia
Là cả miền Nam
Sao nỡ tưởng non bồng của Mỹ!
Tôi muốn khóc giữ từng em bé
- Bỏ tôi ư? - Từng vạt áo - gót chân
Tôi muốn kêu lên - những tiếng cộc cằn...
- Không! Hãy ở lại!
Mảnh đất ta hôm nay dù tối
Cũng còn hơn
Non bồng Mỹ
Triệu lần...
Mảnh đất dễ mà quên?
Hỡi bạn đi Nam
Thiếu gì ư sao chẳng nói thật thà?
Chỉ là:
- Thiếu quả tim bộ óc!
Những lời nói sắp thành nói cục
Nhưng bỗng dưng tôi chỉ khóc mà thôi
Tôi nức nở giữa trời mưa bão.
Họ vẫn ra đi.
- Nhưng sao bước rã rời?
Sao họ khóc?
Họ có gì thất vọng?
Đất níu chân đi,
Gió cản áo quay về
Xa đất Bắc tưởng như rời cõi sống.
Tưởng như đây là phút cuối cùng
Trăng trối lại: - Mỗi lùm cây - Hốc đá
- Mỗi căn vườn - gốc vả - cây sung
Không nói được, chỉ còn nức nở
Trắng con ngươi nhìn lại đất trời
Nhìn cơn nắng lụi, nhìn hạt mưa sa
Nhìn con đường cũ, nhìn ngôi sao mờ
Ôi đất ấy - quên làm sao được?
Quên sao nơi ấm lạnh ngọt bùi
Hôm nay đây mưa gió dập vùi
- Mưa đổ mãi lên người xa đất Bắc...
Ai dẫn họ đi?
Ai?
Dẫn đi đâu? - Mà họ khóc mãi thôi
Trời vẫn quật muôn vàn tảng gió
Bắc Nam ơi, đứt ruột chia đôi
Tôi cúi xuống - Quỳ xin mưa bão
Chớ đổ thêm lên đầu họ
- Khổ nhiều rồi!
Họ xấu số - chớ hành thêm họ nữa
Vườn tược hoang sơ - cửa nhà vắng chủ
Miền Nam muôn dặm, non nước buồn thương
Họ đã đi nhưng trút lại tâm hồn
Ơi đất Bắc! Hãy giữ gìn cho họ!
(2)
Tôi ở phố Sinh Từ
Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ
Gặp em trong mưa
Em đi tìm việc
Mỗi ngày đi lại cúi đầu về
- Anh ạ!
Họ vẫn bảo chờ...
Tôi không gặng hỏi, nói gì ư?
Trời mưa, trời mưa
Ba tháng rồi
Em đợi
Sống bằng tương lai
Ngày và đêm như lũ trẻ mồ côi
Lũ lượt dắt nhau đi buồn bã
Em đi
trong mưa
cúi đầu
nghiêng vai
Người con gái mới mười chín tuổi
Khổ thân em mưa nắng đi về lủi thủi
Bóng chúng
đè lên
số phận
từng người
Em cúi đầu đi mưa rơi
Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ.
Đất nước khó khăn này
sao không thấm được vào thơ?
Những tủ kính tôi dừng chân dán mũi
Các thứ hàng ế ẩm đợi người mua
Nhưng mà sách - hình như khá chạy
À quyển kia của bạn này - bạn ấy
Quyển của tôi tư lự nét đăm đăm
Nó đang mơ: - Nếu thêm cả miền Nam
Số độc giả sẽ tăng dăm bảy triệu
Tôi đã biến thành người định kiến
Tôi ước ao tất cả mọi người ta
Đòi thống nhất phải đòi từ việc nhỏ
- Từ cái ăn
cái ngủ
chuyện riêng tư
- Từ suy nghĩ
nựng con
và tán vợ.
Trời mưa mãi lây rây đường phố
Về Bắc Nam tôi chưa viết chút nào
Tôi vẫn quyết Thơ phải khua bão gió
Nhưng hôm nay
tôi bỗng cúi đầu
Thơ nó đi đâu?
Sao những vần thơ
Chúng không chuyển, không xoay trời đất?
Sao chúng không chắp được cõi bờ?
Non nước sụt sùi mưa
Tôi muốn bỏ thơ
làm việc khác
Nhưng hôm nay tôi mê mải giữa trời mưa
Chút tài mọn
tôi làm thơ chính trị.
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ.
Em ơi! - Ta ở phố Sinh Từ
Em đương có chuyện gì vui hử?
À cái tin trên báo - ừ em ạ
Chúng đang phải dậm chân đấm ngực!
Vượt qua đầu chúng nó,
mọi thứ hàng
Những tấn gạo vẫn vượt đi
Những tấn thư, tài liệu
Vẫn xéo qua đầu chúng, giới danh gì?
Ý muốn dân ta
là lực sĩ khổng lồ
Đè cổ chúng mà xoá nhoà giới tuyến
Dân ta muốn trời kia cũng chuyển
Nhưng
Trời mưa to lụt cả gian nhà:
Em tất tả che mưa cản gió
Con chó mực nghe mưa là rú
Tiếng nó lâu nay như khản em à
Thương nó nhỉ - Nó gầy - Lông xấu quá
Nó thiếu ăn - Hay là giết đi ư?
Nó đỡ khổ - Cả em đỡ khổ.
Em thương nó - Ừ thôi chuyện đó
Nhưng hôm nay em mới nghĩ ra
Anh đã biến thành người định kiến
Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ.
(3)
Tôi đi giữa trời mưa đất Bắc
Tai bỗng nghe những tiếng thì thầm
Tiếng người nói xen tiếng đời ầm ã
- Chúng phá hiệp thương
- Liệu có hiệp thương
- Liệu có tuyển cử
- Liệu tổng hay chẳng tổng?
- Liệu đúng kì hay chậm vài năm?
Những câu hỏi đi giữa đời lỏng chỏng.
Ôi xưa nay Người vẫn thiếu tin Người
Người vẫn thường kinh hoảng trước Tương lai
Người quên mất Mỹ là sư tử giấy.
Người vẫn vội - Người chưa kiên nhẫn mấy
Gan người ta chưa phải đúng công nông
Người chửa có dạ lim trí sắt
Người mở to đôi mắt mà trông!
A tiếng kèn vang
quân đội anh hùng
Biển súng
rừng lê
bạt ngàn con mắt
Quân ta đi tập trận về qua
Bóng cờ bay đỏ phố đỏ nhà...
Lá cờ ấy lá cờ bách thắng
Đoàn quân kia muôn trận chẳng sờn gan
Bao tháng năm đói rét nhọc nhằn
Từ đất dấy lên
là quân vô sản
Mỗi bước đi lại một bước trưởng thành
Thắng được chiến tranh
giữ được hoà bình
Giặc cũ chết - Lại lo giặc mới
Đoàn quân ấy kẻ thù sợ hãi
Chưa bao giờ làm mất bụng dân yêu
Dân ta ơi! chiêm nghiệm đã nhiều
Ai có Lý? Và ai có Lực?
Tôi biết rõ đoàn quân sung sức ấy
Biết nhân dân
Biết Tổ Quốc Việt Nam này
Những con người từ ức triệu năm nay
Không biết nhục
Không biết thua
Không biết sợ!
Hôm nay
Cả nước chỉ có một lời hô
THỐNG NHẤT
Chúng ta tin khẩu hiệu ta đòi
- Giả miền Nam!
Tôi ngửa mặt lên trời
Kêu một tiếng - Bỗng máu trời rơi xuống
Vài ba tia máu đỏ rớt vào tôi
Dân ta ơi!
Những tiếng ta hô
Có sức đâm trời chảy máu.
Không địch nào cưỡng nổi ý ta
Chúng ta đi - Như quả đất khổng lồ
Hiền hậu lắm - Nhưng mà đi quả quyết...
Hôm nay
Những vần thơ tôi viết
Đã giống lưỡi lê: Đâm
Giống viên đạn: Xé
Giống bão mưa: Gào
Giống tình yêu: Thắm
Tôi thường tin ở cuộc đấu tranh đây
Cả nước đã bầu tôi toàn phiếu
Tôi là người vô địch của lòng tin
Sao bỗng hôm nay,
tôi cúi mặt trước đèn?
Gian nhà vắng chuột đêm nó rúc.
Biết bao nhiêu lo lắng hiện hình ra.
Hừ! Chúng đã biến thành tảng đá
chặn đường ta!
Em ơi thế ra
Người tin tưởng nhất như anh
vẫn có phút giây ngờ vực
Ai có lý? Và ai có lực?
Ai người tin? Ai kẻ ngã lòng tin?
Em ơi
Cuộc đấu tranh đây
Cả nước
Cả hoàn cầu
Cả mỗi người đêm ngủ vẫn lo âu
Có lẫn máu, có xót thương lao lực
Anh gạch xoá trang thơ hằn nét mực
Bỗng mặt anh nhìn thấy! lạ lùng thay!
Tảng đá chặn đường này!
Muôn triệu con người
Muôn triệu bàn tay
Bật cả máu ẩy đá lăn xuống vực!
Anh đã nghĩ: Không có đường nào khác
Đem ngã lòng ra
Mà thống nhất Bắc Nam ư?
Không không!
Đem sức gân ra!
Em ơi em!
Cái này đỏ lắm, gọi là TIM
Anh dành cho cuộc đấu tranh giành Thống Nhất.
(Trần Dần)
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Bài viết nầy đăng lần đầu tiên trong phanthuonghai.com (trong mục "Thơ và Sử" phần "Thời Độc Lập".
Bài viết nầy là một Đoạn ở trong bài "Thơ và Sử - Thời Độc Lập" đăng lần đầu trong phanthuonghai.com (trong mục "Thơ và Sử" phần "Thời Độc Lập").
Tài liệu tham khảo:
Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm (Thụy Khuê)
Phổ Thông Tạp chí số 31
Trang Thơ Thi Viện Net
Wikipedia
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
Nhớ Huế.
VIẾNG HUẾ
Ghé thăm viếng Huế, đất Thần Kinh
Thú vị đôi ngày chốn địa linh
Hiểu biết hoàng triều từ Đại nội
Làm quen ẩm thực tự cung đình
Hương giang lướt nhẹ qua Long Thọ
Thiên Mụ nhìn xa thấy Ngự Bình
Thán phục công trình lăng Khải Định
Cố tìm nhân kiệt, gặp O xinh.
(Phan Thượng Hải)
1/18/20
O
O xinh O đẹp muốn theo o
Ca tụng Thần Kinh, dạm ý O
Thiên Mụ êm đềm nghe lốc cốc
Thọ Xương thanh vắng vẳng ò o
Mơ về núi Ngự buồn thiu thỉu
Mộng đến sông Hương ngáy ó o
“Ni nớ, răng chừ, mô rứa hĩ”
Học xong rành mạch thế là o.
(Phan Thượng Hải)
3/6/15
Khi đọc bài nầy, Thi sĩ Chánh Minh là học sinh Quốc Học Huế có làm bài thơ và tui cũng họa lại bày tỏ "sắc đẹp theo thời gian".
O (Nguyên bản)
Đi mô mà vội rứa tề, O?
Xin hãy dừng chân, noái nhỏ to.
Chắc nhớ lời ba, nên hoảng sợ,
Sẽ xin phép mạ, ấy đừng lo.
Không làm chuyện nớ, sao hồi hộp?
Còn ngại điều ni, mãi đắn đo?
Chưa noái mội lời, O đỏ mặt,
Hay là dị quá… nói vòng vo?
(Chánh Minh Nguyễn Văn Minh)
4/15/2015
O (Họa)
Khi O nhỏ tuổi đã thương O
Xinh xắn tóc dài, ốm chửa to
Khác bạn Quảng Đà hay cãi cọ
Là trai Bến Nghé chẳng âu lo
Lỡ thương, nhất tiếu làm nghiêng ngửa
Thấy đẹp, ba vòng khỏi phải đo
Bốn chục năm qua Trời giúp đỡ
Được tròn ước nguyện được tròn vo!
(Phan Thượng Hải)
4/17/15
_______________________________
Chiến Dịch "Bài Phong" của Thủ tướng Ngô Đình Diệm
Bs Phan Thượng Hải
Dưới áp lực của Mỹ và đức Hồng Y Spellman, Cựu Hoàng Bảo Đại nhận ông Ngô Đình Diệm từ NewYork về nước làm Thủ Tướng thay thế ông Nguyễn Phúc Bửu Lộc (16-6-54). Ông Ngô Đình Diệm lập chính phủ mới ngày Song Thất (7-7-54), 2 tuần lễ trước ngày ký Hiệp định Genève. Ông đuổi Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hinh (em của cựu Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm, tư lệnh quân đội của Quốc Gia Việt Nam từ 1953) là người thân Pháp và thân Bảo Đại, dùng Thiếu Tướng Lê Văn Tỵ để nắm lại quân đội.

(Ô. Nguyễn Văn Xuân, Tướng Nguyễn Văn Hinh, Ô. Ngô Đình Diệm và Tướng Lê Văn Viễn)
Quân đội hay Lực Lượng Vũ Trang đóng vai trò quan trọng nhứt trong chính trường ở Nam Kỳ.
Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản Việt Minh lợi dụng danh nghĩa Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ rồi Kháng Pháp để mộ quân. Thanh Niên Tiền Phong (1945-46) dưới sự lãnh đạo của Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (một đảng viên CS) gia nhập và trở thành lực lượng của Việt Minh. Khi tập kết (1954), VM của Nam Kỳ có 2 sư đoàn của Thiếu tướng Tô Ký và Thiếu tướng Đồng Văn Cống.
Thủ tướng Trần Văn Hữu của Quốc Gia Việt Nam chính thức lập Vệ Binh Quốc Gia Việt Nam (11-1950) rồi nó thành Quân Đội của Quốc Gia Việt Nam (8-12-50) với Tổng chỉ huy là Quốc Trưởng Bảo Đại. Theo lệnh “động viên” của Thủ tướng Trần Văn Hữu quân số từ 40.000 người (5-1951) lên tới 158.000 (12-1951). Đại tá Nguyễn Văn Hinh, Chánh Võ phòng của QT Bảo Đại được thăng thành Thiếu tướng và giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân Đội (12-4-52). Đến năm 1953, Quân Đội Quốc Gia Việt Nam có 230.000 người (165.000 chính quy và 65.000 địa phương).
Đức Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ của Đạo Hòa Hảo, cùng với ông Trần Văn Ân, lập Dân Xã Đảng (21-9-46) có lực lượng vũ trang. Sau khi Giáo Chủ bị mất tích vào ngày 16-4-47, Hòa Hảo chia ra 4 nhóm.

(Các Tướng Nguyễn Giác Ngộ, Lê Quang Vinh, Trần Văn Soái và Trình Minh Thế)
Bốn nhóm của Lực lượng Hòa Hảo:
Trần Văn Soái tự là Năm Lửa, thủ lãnh “Quân Đội Hòa Hảo”, hoạt động ở Cần Thơ và Vĩnh Long đóng ở Cái Vồn, Cần Thơ.
Lâm Thành Nguyên tự là Hai Ngoán hoạt động ở Châu Đốc và Long Xuyên đóng ở Cái Dầu (Châu Phú), Châu Đốc
Lê Quang Vinh tự là Ba Cụt, thủ lãnh “Nghĩa Quân Cách Mạng”, hoạt động ở Rạch Giá và Long Xuyên đóng ở Thốt Nốt, Long Xuyên.
Nguyễn Giác Ngộ tự là Ba Gà Mổ, thủ lãnh “Nghĩa Quân Nguyễn Trung Trực”, hoạt động ở Long Xuyên đóng ở Chợ Mới, Long Xuyên.
Trần Văn Soái, Lâm Thành Nguyên và Lê Quang Vinh đều liên minh với Pháp chống Việt Minh. Riêng ông Nguyễn Giác Ngộ thì về hợp tác với chính phủ Quốc Gia Việt Nam thành 1 trung đoàn của Quân Đội Quốc Gia Việt Nam (1950).

(Hộ pháp Phạm Công Tắc và Tướng Navarre). (Tướng Nguyễn Thành Phương)
Sau khi được thả về với điều kiện phải liên minh với Pháp chống VM, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc của Đạo Cao Đài lập lực lượng vũ trang Cao Đài (năm 1946), phong cho một chức sắc là Giáo sư Thượng Vinh Thanh Trần Quang Vinh làm Trung tướng và chỉ huy lực lượng. Chức chỉ huy đổi qua Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành (1951) nhưng ông nầy rất hà khắc nên trở lại với Trung tướng Trần Quang Vinh (1953). Mấy tháng sau, Thiếu tướng Nguyễn Thành Phương (và Thiếu tướng Trình Minh Thế) bắt cóc Trung tướng Trần Quang Vinh buộc Đức Hộ Pháp phải giao quyền chỉ huy cho TT Nguyễn Thành Phương và phong cho TT Trình Minh Thế làm Tham mưu trưởng. Tuy nhiên TT Trình Minh Thế cũng có lúc lập chiến khu riêng của mình vừa chống Pháp vừa chống VM. Ông Trần Quang Vinh (1897-1975) từ đó chỉ lo về Đạo (và bị mất tích sau 30-4-75).
Bình Xuyên ở làng Chánh Hưng, quận Nhà Bè, Sài Gòn là tên (? sào huyệt) của nhóm du đãng giang hồ ven Sài Gòn thành lập vào năm 1945 bởi Dương Văn Dương (Ba Dương). Bình Xuyên của Ba Dương chống Pháp khi Pháp trở lại Đông Dương (1945-46) ở vùng Tân Thuận, Tân Qui, Nhà Bè và Thủ Thiêm cho đến khi Ba Dương tử trận (1946). Em là Dương Văn Hà theo VM (?). Nhưng phần lớn thành phần của Bình Xuyên theo Lê Văn Viễn (Bảy Viễn) về gia nhập Quân Đội Quốc Gia Việt Nam. Bảy Viễn được phong Đại tá rồi lên Thiếu tướng (1952) được Pháp cho kiểm soát các sòng bài và nhà thổ ở Sài Gòn Chợ Lớn.
Vào thời đầu VNCH, tất cả Lực lượng vũ trang của Cao Đài, Hòa Hảo và Bình Xuyên được gọi là “Phong” (Phong Kiến) cũng như quân Pháp gọi là “Thực” (Thực Dân). Ngày 4-3-1955, “Lực Lượng Phong” chính thức lập Mặt Trận Thống Nhứt Toàn Lực Quốc Gia dưới sự lãnh đạo của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc và 6 võ tướng là:
Trung tướng Năm Lửa Trần Văn Soái (Hòa Hảo)
Thiếu tướng Lâm Thành Nguyên (Hòa Hảo)
Thiếu tướng Ba Cụt Lê Quang Vinh (Hòa Hảo)
Trung tướng Nguyễn Thành Phương (Cao Đài)
Thiếu tướng Trình Minh Thế (Cao Đài)
Thiếu tướng Bảy Viễn Lê Văn Viễn (Bình Xuyên)
Mặt Trận cũng có các ông Trần Văn Ân, ông Hồ Hữu Tường… Mặt Trận chính thức chống lại Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Bình Xuyên ở Sài Gòn sẵn sàng tấn công Dinh Độc Lập.
Tuy nhiên ngay sau đó các Tướng Lâm Thành Nguyên, Nguyễn Thành Phương và Trình Minh Thế lại theo về với Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Bình Xuyên bị Quân Đội Quốc Gia đánh bại (4-1955) phải chạy về Rừng Sác (thuộc Cần Giờ, Sài Gòn). Tướng Trình Minh Thế tử trận ở cầu Chữ Y khi đánh nhau với Bình Xuyên.
Sau chiến dịch Hoàng Diệu (9-1955) của Đại tá Dương Văn Minh và Đại tá Đỗ Cao Trí, Bình Xuyên bị tiêu diệt, Bảy Viễn trốn qua Cao Miên rồi sang Pháp cho đến khi chết năm 1971.
Ngày 5-10-55, Tướng Nguyễn Thành Phương đem quân của mình về vây Toà thánh Tây Ninh thanh trừng những ai chống đối Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc (1890-1959) phải lén trốn sang Cao Miên (3 giờ sáng ngày 6-2-56) rồi qua đời ở Nam Vang vì bệnh (17-5-59).
Sau chiến dịch Nguyễn Huệ (1-1950), Tướng Năm Lửa Trần Văn Soái (1889-1961) bị thua và đầu hàng vào ngày 8-3-56 cùng với 1056 sĩ quan và 4600 quân rồi chết ở Sài Gòn (1961). Tướng Ba Cụt Lê Quang Vinh (1923-1956) sống sót chiến dịch Nguyễn Huệ nhưng sau đó ông bị dụ hàng rồi bị bắt, bị xử tử bằng máy chém (đầu) ở Cần Thơ (13-7-56).

(Ông Ba Cụt Lê Quang Vinh tại Tòa án Cần Thơ)
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Tài Liệu Tham Khảo
Thơ và Việt Sử - Thời Độc Lập (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
THƠ PHAN THƯỢNG HẢI:
GIÀ HAY QUÊN
Tuổi già bớt nhớ lại hay quên
Ráng nhớ điều hay, ráng bớt quên
Cổ tích cố nhân nhiều lúc nhớ
Kịp thời đúng chỗ lắm khi quên
Biết nên hỉ xả tâm hằng nhớ
Biết phải từ bi dạ khó quên
Nhớ chuyện tốt lành quên chuyện xấu
Đến khi hết nhớ, hết còn quên!
(Phan Thượng Hải)
9/13/20
TÓM LƯỢC TRIẾT LÝ THIỀN TÔNG TỪ PHÁP BẢO ĐÀN KINH
(Bs Phan Thượng Hải)
PHÁP BẢO ĐÀN KINH
Pháp Bảo Đàn kinh (trang 9-13) viết:
Một ngày kia, Ngũ tổ (Hoằng Nhẫn) triệu tập môn đồ bảo rằng: “Sinh Tử là việc lớn, các ngươi suốt ngày chỉ cầu phước điền, chẳng cầu lìa khỏi biển khổ sinh tử, tự tánh nếu mê, phước làm sao có thể cứu được? Các ngươi mỗi người hãy tự xem trí tuệ (huệ), dùng bản tâm Bát Nhã của tự tánh, mỗi người làm một bài Kệ trình cho ta xem, nếu ngộ được đại ý, thì ta sẽ truyền y bát cho làm Lục Tổ (Tổ thứ sáu), hãy mau lên chẳng được chậm trễ, hễ lọt vào suy lường thì chẳng dùng được. Người kiến tánh vừa nghe phải liền thấy, nếu được như vậy thì khi ra trận giữa đao kiếm cũng phải thấy được”.
(Đệ tử giỏi nhứt là) Thần Tú làm (bài) Kệ xong, trải qua 4 ngày, 13 lần muốn vào trình mà vẫn chưa dám (vào trình). Thế rồi đợi đến nửa đêm lúc mọi người ngủ thì cầm đèn viết lên vách hành lang phía Nam bài Kệ của mình:
Thân thị bồ đề thụ (Thân như cây bồ đề)
Tâm như minh kính đài (Tâm như đài gương sáng)
Thời thời cần phất thức (Luôn luôn cần lau phủi)
Mạc (Vật) sử (xử) nhạ trần ai. (Đừng để nhuốm bụi trần)
(Thần Tú)
Đêm sau, Ngũ tổ (đã đọc bài Kệ của Thần Tú) kêu Thần Tú vào phòng mà nói: “Ông làm bài Kệ nầy chưa thấy Thực Tánh, chỉ đến ngoài cửa, chưa vào trong, kiến giải như thế (thì) tìm Vô Thượng Bồ Đề chẳng thể được. Vô Thượng Bồ Đề phải khi vừa nói liền nhận tự bản tâm, thấy tự bản tánh, chẳng sanh chẳng diệt, với bất cứ giờ nào, niệm niệm tự thấy, chẳng kẹt vào vạn pháp, nhứt chơn nhứt thiết chơn, vạn cảnh tự như như, cái tâm như như tức là chơn thật. Nếu thấy như thế tức Vô Thượng Bồ Đề của tự tánh”.
Huệ Năng là người làm, chuyên về giã gạo từ 8 tháng nay, xin người đọc cho mình bài Kệ (của Thần Tú) vì ông không biết đọc. Sau đó ông đọc bài Kệ của mình và nhờ người viết kế bên (bài của Thần Tú).
Bồ đề bản phi thụ (Bồ đề vốn không là cây)
Minh kính diệc phi đài (Gương sáng cũng không đài gương)
Bản lai vô nhất vật (Xưa nay không một vật)
Hà xứ nhạ trần ai. (Làm sao nhuốm bụi trần).
(Huệ Năng)
Hôm sau Ngũ tổ (đã đọc bài Kệ của Huệ Năng) đến chỗ giã gạo, thấy Huệ Năng lưng đeo đá giã gạo, nói rằng: “Người cầu đạo cần phải như thế” và hỏi: “Gạo trắng chưa?”. Huệ Năng đáp: “Trắng đã lâu, còn thiếu sàng thôi”. Tổ lấy gậy gõ trên cối 3 cái rồi bỏ đi.
Huệ Năng hiểu ý nên canh ba vào thất (phòng của Tổ). Ngũ tổ dùng cà sa che lại không cho người thấy, rồi thuyết kinh (Bát Nhã) Kim Cang. Khi đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” thì Huệ Năng ngay đó đại ngộ (Đốn Ngộ), vạn pháp chẳng lìa tự tánh.
(Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm = Không nên để cái Tâm bám chặc vào sự vật mà sinh ra cái Tâm kỳ diệu)).
Huệ Năng liền bạch: “Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh, vốn chẳng sanh diệt, vốn tự đầy đủ, vốn chẳng lay động và tự tánh hay sanh vạn pháp”. Tổ biết Huệ Năng đã ngộ nên nói với Huệ Năng rằng: “Chẳng nhận được bản tâm (thì) học pháp vô ích, nếu nhận được bản tâm thấy được bản tánh tức gọi là Trượng Phu, là Thiên Nhơn Sư, là Phật”.
Tổ truyền pháp đốn giáo và y bát và nói rằng: “Ngươi là Lục tổ khéo tự hộ niệm, độ khắp hữu tình, phổ biến lưu truyền cho đời sau đừng để đoạn dứt”.
TRIẾT LÝ THIỀN TÔNG (phần Kết Luận)
Từ bài viết nầy trích yếu ra Giáo lý thực hành của Thiền Tông có thể giúp cho một Cư sĩ theo Hành Kiến của Thiền Tông mà không phải cố gắng nhọc nhằn tu học theo những bậc Thiền sư, theo Công Án và theo Tọa Thiền:
1. Biết rằng mọi Sự vật kể cả Thân của mình là vô ngã (không tự lập và độc lập trong "sinh trụ hoại diệt") và vô thường (không cố định và không vĩnh cửu).
2. Sống (hành vi và ngôn ngữ) theo Tâm Thức của mình (= Tu Tâm).
3. Tâm Thức không bám víu và ràng buộc (= không trụ) vào Sự vật chung quanh mình và vào Thân mình (nhất là không Chấp Ngã và không ích kỷ) bằng cách:
Đoạn diệt Tham Dục:
không có ích kỷ tham lam (self-centered greed)
Đoạn diệt Sân:
không phẫn nộ giận dữ (anger)
không thù ghét (hate)
không lăng nhục (insult) những người khác
Đoạn diệt Mạn:
không khoe khoang tự phụ (boasting)
không ghen ghét (jealousy) hay ganh tỵ (envy)
không nịnh bợ (flatterery)
không sợ hãi vô lý (unreasonable fear) đối với những người khác
4. Tâm Thức (biết mình là Vô Ngã) theo bản tự tánh bẩm sinh và thánh thiện (đối với người và vật khác) của mình là Phật Tánh mà thi hành Từ Bi (Compassion) bằng cách:
không hại người và vật khác (= Từ), tức là nhẫn nhịn và không xung đột cũng như không sát sinh, không trộm cướp và không tà dâm
thương người và vật khác (= Bi) bằng thể hiện lòng tử tế (loving kindness) và lòng thương xót (pity).
5. Tứ Chính Cần trong Tâm Thức đối với điều Thiện và điều Ác. Tâm Thức thực hiện những việc kể trên là làm điều Thiện (good) và ngược lại là làm điều Ác (evil).
Tứ Chính Cần là:
Điều Ác đã sinh cần phải siêng năng đoạn diệt
Điều Ác chưa sinh cần phải siêng năng đừng cho sinh ra
Điều Thiện đã làm cần phải siêng năng làm thêm
Điều Thiện chưa có cần phải siêng năng tạo ra
Bên cạnh Thiền Tông, mặc dù không được Thiền Tông chấp nhận nhưng Tịnh Độ Tông đem lại đức tin hy vọng được cứu giúp những loại Khổ khác trong Kiếp sống hiện tại và đức tin hy vọng được về Tịnh độ trong tương lai sau khi qua đời. Do đó, hai Tông nầy tồn tại với thời gian trong khi những Tông Phái khác của Phật Giáo Đại Thừa đã mai một từ lâu.
PHÁP BẢO ĐÀN KINH VÀ TRIẾT LÝ THIỀN TÔNG
(1)
Đây là sai lầm chung của Hành giả Đại Thừa Thiền Tông, như Thần Tú, vì nói là tu hành mà không có Chánh Kiến để biết đúng đắn mình Hành cái gì.
Pháp Bảo Đàn kinh viết:
Một ngày kia, Ngũ tổ (Hoằng Nhẫn) triệu tập môn đồ bảo rằng: “Sinh Tử là việc lớn, các ngươi suốt ngày chỉ cầu phước điền, chẳng cầu lìa khỏi biển khổ sinh tử, tự tánh nếu mê, phước làm sao có thể cứu được? Các ngươi mỗi người hãy tự xem trí tuệ (huệ), dùng bản tâm Bát Nhã của tự tánh, mỗi người làm một bài Kệ trình cho ta xem, nếu ngộ được đại ý, thì ta sẽ truyền y bát cho làm Lục Tổ (Tổ thứ sáu), hãy mau lên chẳng được chậm trễ, hễ lọt vào suy lường thì chẳng dùng được. Người kiến tánh vừa nghe phải liền thấy, nếu được như vậy thì khi ra trận giữa đao kiếm cũng phải thấy được”.
(Đệ tử giỏi nhứt là) Thần Tú làm (bài) Kệ xong, trải qua 4 ngày, 13 lần muốn vào trình mà vẫn chưa dám (vào trình). Thế rồi đợi đến nửa đêm lúc mọi người ngủ thì cầm đèn viết lên vách hành lang phía Nam bài Kệ của mình:
Thân thị bồ đề thụ (Thân như cây bồ đề)
Tâm như minh kính đài (Tâm như đài gương sáng)
Thời thời cần phất thức (Luôn luôn cần lau phủi)
Mạc (Vật) sử (xử) nhạ trần ai. (Đừng để nhuốm bụi trần)
(Thần Tú)
Đêm sau, Ngũ tổ (đã đọc bài Kệ của Thần Tú) kêu Thần Tú vào phòng mà nói: “Ông làm bài Kệ nầy chưa thấy Thực Tánh, chỉ đến ngoài cửa, chưa vào trong, kiến giải như thế (thì) tìm Vô Thượng Bồ Đề chẳng thể được. Vô Thượng Bồ Đề phải khi vừa nói liền nhận tự bản tâm, thấy tự bản tánh, chẳng sanh chẳng diệt, với bất cứ giờ nào, niệm niệm tự thấy, chẳng kẹt vào vạn pháp, nhứt chơn nhứt thiết chơn, vạn cảnh tự như như, cái tâm như như tức là chơn thật. Nếu thấy như thế tức Vô Thượng Bồ Đề của tự tánh”.
(2)
Đây là Giáo lý thực hành của Thiền Tông có thể giúp cho một Cư sĩ theo Hành Kiến của Thiền Tông mà không phải cố gắng nhọc nhằn tu học theo những bậc Thiền sư, theo Công Án và theo Tọa Thiền:
1. Biết rằng mọi Sự vật kể cả Thân của mình là vô ngã (không tự lập và độc lập trong "sinh trụ hoại diệt") và vô thường (không cố định và không vĩnh cửu).
Pháp Bảo Đàn kinh viết:
Huệ Năng là người làm, chuyên về giã gạo từ 8 tháng nay, xin người đọc cho mình bài Kệ (của Thần Tú) vì ông không biết đọc. Sau đó ông đọc bài Kệ của mình và nhờ người viết kế bên (bài của Thần Tú).
Bồ đề bản phi thụ (Bồ đề vốn không là cây)
Minh kính diệc phi đài (Gương sáng cũng không đài gương)
Bản lai vô nhất vật (Xưa nay không một vật)
Hà xứ nhạ trần ai. (Làm sao nhuốm bụi trần).
(Huệ Năng)
(3)
2. Sống (hành vi và ngôn ngữ) theo Tâm Thức của mình (= Tu Tâm).
3. Tâm Thức không bám víu và ràng buộc (= không trụ) vào Sự vật chung quanh mình và vào Thân mình (nhất là không Chấp Ngã và không ích kỷ) bằng cách:
Đoạn diệt Tham Dục:
không có ích kỷ tham lam (self-centered greed)
Đoạn diệt Sân:
không phẫn nộ giận dữ (anger)
không thù ghét (hate)
không lăng nhục (insult) những người khác
Đoạn diệt Mạn:
không khoe khoang tự phụ (boasting)
không ghen ghét (jealousy) hay ganh tỵ (envy)
không nịnh bợ (flatterery)
không sợ hãi vô lý (unreasonable fear) đối với những người khác
4. Tâm Thức (biết mình là Vô Ngã) theo bản tự tánh bẩm sinh và thánh thiện (đối với người và vật khác) của mình là Phật Tánh mà thi hành Từ Bi (Compassion) bằng cách:
không hại người và vật khác (= Từ), tức là nhẫn nhịn và không xung đột cũng như không sát sinh, không trộm cướp và không tà dâm
thương người và vật khác (= Bi) bằng thể hiện lòng tử tế (loving kindness) và lòng thương xót (pity).
Pháp Bảo Đàn kinh viết:
Hôm sau Ngũ tổ (đã đọc bài Kệ của Huệ Năng) đến chỗ giã gạo, thấy Huệ Năng lưng đeo đá giã gạo, nói rằng: “Người cầu đạo cần phải như thế” và hỏi: “Gạo trắng chưa?”. Huệ Năng đáp: “Trắng đã lâu, còn thiếu sàng thôi”. Tổ lấy gậy gõ trên cối 3 cái rồi bỏ đi.
Huệ Năng hiểu ý nên canh ba vào thất (phòng của Tổ). Ngũ tổ dùng cà sa che lại không cho người thấy, rồi thuyết kinh (Bát Nhã) Kim Cang. Khi đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” thì Huệ Năng ngay đó đại ngộ (Đốn Ngộ), vạn pháp chẳng lìa tự tánh.
(Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm = Không nên để cái Tâm bám chặc vào sự vật mà có sinh ra cái Tâm kỳ diệu)).
Huệ Năng liền bạch: “Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh, vốn chẳng sanh diệt, vốn tự đầy đủ, vốn chẳng lay động và tự tánh hay sanh vạn pháp”. Tổ biết Huệ Năng đã ngộ nên nói với Huệ Năng rằng: “Chẳng nhận được bản tâm (thì) học pháp vô ích, nếu nhận được bản tâm thấy được bản tánh tức gọi là Trượng Phu, là Thiên Nhơn Sư, là Phật”.
Tổ truyền pháp đốn giáo và y bát và nói rằng: “Ngươi là Lục tổ khéo tự hộ niệm, độ khắp hữu tình, phổ biến lưu truyền cho đời sau đừng để đoạn dứt”.
Như vậy tức là nếu Hành giả không "trụ" cái Tâm Thức của mình vào sự vật chung quanh thì Tự Tánh từ bi của mình sẽ không bị che lấp và hiện ra mà hướng dẫn Tâm Thức.
Tâm gồm có Tâm Thức là hoạt động của Tâm và Tự Tánh là cái căn bản của Tâm, điều khiển Tâm Thức. Trong Ngũ uẩn, "Thụ Tưởng Hành Thức" chính là Tâm Thức.
Đại Thừa thường dùng "Vạn Pháp" đồng nghĩa hiện tượng của mọi sự vật. Tự Tánh có nhiều đồng nghĩa như Thực Tánh, Phật Tánh, Bản Tâm.
Hai câu cuối của yếu chỉ Thiền Tông của Thiền sư Triệu Châu diễn tả 1 cách khác:
Trực chỉ nhân Tâm
Kiến Tánh thành Phật.
(4)
Đại Thừa Thiền Tông đã cố tình không nói tới Nhân Duyên Nghiệp Quả vì Hành giả chỉ nhìn về quá khứ mà áy náy. Chính Phật Thích Ca cũng dạy không nhìn lại quá khứ khi tu hành khi đưa ra Tứ Chính Cần trong Chánh Tinh Tiến (của Bát Chánh Đạo). Hành giả chỉ Hành trong hiện tại và cho tương lai.
5. Tứ Chính Cần trong Tâm Thức đối với điều Thiện và điều Ác. Tâm Thức thực hiện những việc kể trên là làm điều Thiện (good) và ngược lại là làm điều Ác (evil).
Tứ Chính Cần là:
Điều Ác đã sinh cần phải siêng năng đoạn diệt
Điều Ác chưa sinh cần phải siêng năng đừng cho sinh ra
Điều Thiện đã làm cần phải siêng năng làm thêm
Điều Thiện chưa có cần phải siêng năng tạo ra
Pháp Bảo Đàn Kinh viết:
Tổ Huệ Năng nói: "Thế nào là Sám? Thế nào là Hối? Sám là sám trừ tội trước, từ trước tất cả các tội Ác nghiệp ngu mê, kiêu căng, dối trá, ganh tỵ thảy đều sám hết, chẳng bao giờ khởi nữa gọi là Sám. Hối là hối cải lỗi sau, tất cả Ác nghiệp ngu mê, kiêu căng, dối trá, ganh tỵ ... nay đã Giác ngộ đều cho đoạn dứt, chẳng bao giờ tạo nữa gọi là Hối".
(5)
Bên cạnh Thiền Tông, mặc dù không được Thiền Tông chấp nhận nhưng Tịnh Độ Tông đem lại đức tin hy vọng được cứu giúp những loại Khổ khác trong Kiếp sống hiện tại và đức tin hy vọng được về Tịnh độ trong tương lai sau khi qua đời. Do đó, hai Tông nầy tồn tại với thời gian trong khi những Tông Phái khác của Phật Giáo Đại Thừa đã mai một từ lâu.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Tài liệu tham khảo
1) Triết Lý Phật Giáo từ Phật Thích Ca tới Thiền Tông (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
2) Triết Lý Thiền Tông (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
______________________
ĂN CHAY TRONG PHẬT GIÁO
(Bs Phan Thượng Hải)
Trong ba ngành của Phật Giáo chỉ có Phật Giáo Đại Thừa bắt buộc Tăng Ni phải ăn chay. Tăng Ni của Phật Giáo Nguyên Thủy (Tiểu Thừa) và Phật Giáo Tây Tạng Kim Cang Thừa không phải là những người ăn chay (vegetarians) và được tự do ăn thịt (meat-eating).
Phật Giáo Nguyên Thủy
Phật Giáo có từ Phật Thích Ca ở Ấn Độ. Ngài lập Tăng Già và truyền Phật Pháp, đó là Phật Giáo Nguyên Thủy (Primordial Buddhism). Phật Thích Ca, còn gọi là Phật Cồ Đàm, sống đến 83 tuổi. Có 2 giả thuyết về năm sinh của Ngài:
Sinh năm 563 tr CN và nhập diệt năm 480 tr CN
Sinh năm 483 tr CN và nhập diệt năm 400 tr CN.
Sau khi Phật Thích Ca nhập diệt, các đệ tử của ngài tổ chức kỳ Kiết tập truyền lại kinh điển gồm có Kinh Tạng (giáo pháp của Phật Thích Ca) và Luật Tạng (luật lệ cho Tăng Già). Tăng Già (Sangha) là Cộng đồng của Tăng Ni, những người xuất gia đi tu.
Tăng Ni của Phật Giáo Nguyên Thủy ăn thịt như người thường chớ không bắt buộc phải ăn chay. Không có bắt buộc phải ăn chay trong Kinh Tạng và Luật Tạng.
Câu chuyện trong Kinh Tạng về Devadatta (Đề Bà Đạt Đa), một Đệ tử chống lại Đức Phật, cho thấy là Đức Phật Thích Ca và Tăng Ni của Phật Giáo Nguyên Thủy ngay từ đầu không bắt buộc phải Ăn Chay.
Sau 3 lần thất bại không giết được Phật Thích Ca, Devadatta âm mưu chia rẽ và nổi loạn trong Tăng Già. Devadatta kết một phe nhóm nhỏ gồm những Tỳ kheo thân cận và đòi hỏi Phật Thích Ca phải chấp nhận một số luật mới cho Tăng Già:
(1) phải sống suốt đời trong rừng
(2) phải sống hoàn toàn từ khất thực (không được chấp nhận những bữa ăn được mời ở nhà của người cúng dường)
(3) phải chỉ bận quần áo làm bằng giẻ cũ (discarded rags) và không nhận quần áo cho từ tục nhân
(4) phải chỉ trú ngụ dưới chân cây và không được dưới mái nhà
(5) phải tuyệt đối tránh không ăn thịt cá.
Phật Thích Ca từ chối và không bắt buộc Tỳ kheo phải thi hành những điều nầy. Devadatta bèn đem 500 Tỳ kheo theo những điều luật trên tách ra khỏi Tăng Già của Phật Thích Ca. Phật Thích Ca cho 2 đệ tử trưởng tràng của mình là Sàriputta (Xá Lợi Phất) và Moggallàna (Mục Kiền Liên) tới thuyết phục được 500 Tỳ kheo nầy trở lại Tăng Già.
Mặc dù Devadatta đã làm những việc trên, Phật Thích Ca vẫn không ghét mà còn luôn sẳn sàng thu nhận Devadatta. Sau đó Devadatta bị bệnh. Trên đường đi tới gặp Phật Thích Ca để xin lỗi, Devadatta bị hút xuống Địa ngục Niraya vì những việc làm của mình.
Theo Phật Giáo Nguyên Thủy, Devadatta đại biểu cho loại người "Xiển đề" tức là không bao giờ tu thành đạo, một "evildoer" (kẻ chỉ làm việc ác). Tuy nhiên trong phẩm thứ 12 (chapter 12) của Pháp Hoa Kinh của Phật Giáo Đại Thừa, Phật dạy rằng trong kiếp trước của Ngài, Devadatta là vị Thầy dạy Ngài theo đúng đạo và bảo rằng ngay cả con người như Devadatta cũng có thể thành Phật.
Phật Thích Ca từ chối, không bắt buộc Tỳ kheo (Sa môn) tuyệt đối tránh không ăn thịt cá theo đề nghị của Devadatta. Như vậy, Tăng Già của Phật Giáo Nguyên Thủy không bắt buộc Tỳ kheo (và Tỳ kheo Ni) phải ăn chay. Và như vậy, Phật Thích Ca cũng có ăn thịt cá.
Vào thế kỷ thứ 3 tr CN, Vua Ashoka (trị vì: 268-232 tr CN) bành trướng Phật Giáo khắp Ấn Độ.
Bắt đầu theo gương ăn chay của vua Ashoka, có nhiều Tăng Ni cảm thấy rằng ăn thịt, bất cứ theo cách thức nào, là không thích hợp với tinh thần Phật giáo và đã tự ý là những người ăn chay (vegetarians).
Con của vua Ashoka đem Phật Giáo Nguyên Thủy của bộ phái Theravada truyền sang Tích Lan (Ceylon) rồi từ đó truyền sang Myanmar (Miến Điện), Thái Lan, Lào, Cao Miên (Kampuchia) và Nam phần Việt Nam. Ngày nay Phật Giáo Nguyên Thủy chỉ thịnh hành ở các quốc gia nầy. Do đó nó được gọi là Theravada Buddhism. Tăng Ni vẫn ăn thịt cá, cung cấp từ những người không tôn giáo hay theo Hồi Giáo hoặc Ki Tô Giáo.
Tại Ấn Độ, Phật Giáo Nguyên Thủy bị cạnh tranh và suy tàn từ Phật Giáo Đại Thừa (từ thế kỷ thứ 1 Tr CN) rồi từ Mật Giáo (từ thế kỷ thứ 8) nên suy yếu và cùng bị tiêu diệt (ở Ấn Độ) bởi người Hồi Giáo vào thế kỷ thứ 13.
Phật Giáo Đại Thừa
Từ thế kỷ thứ 1 tr CN, Phật Giáo Đại Thừa (Mahàyàna Buddhism) xuất hiện ở Ấn Độ cạnh tranh với Phật Giáo Nguyên Thủy và dần dần chiếm đa số ở Ấn Độ. Phật Giáo Đại Thừa với nhiều Kinh mới đưa ra giáo lý Bồ Tát Từ Bi nên còn gọi là Bồ Tát Thừa. Phật Giáo Đại Thừa gọi Phật Giáo Nguyên Thủy là Tiểu Thừa. Danh từ "Tiểu Thừa" nầy tồn tại cho tới thập niên 1950s thì Cộng đồng Phật Giáo Thế Giới cấm không cho dùng nữa. Mật Giáo xuất hiện và cạnh tranh với Phật Giáo Đại Thừa từ thế kỷ thứ 8. Phật Giáo Ấn Độ hoàn toàn bị người Hồi Giáo tiêu diệt vào thế kỷ thứ 13. Trước đó Phật Giáo Đại Thừa đã được truyền sang Trung Quốc (vào thế kỷ thứ 1) rồi từ đó truyền sang Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam và thịnh hành ở các quốc gia nầy cho tới ngày nay.
Phật Giáo Đại Thừa ngay từ đầu cho tới ngày nay bắt buộc Tăng Ni phải ăn chay.
Đây là trích nguyên văn từ kinh Lăng Già của Phật Giáo Đại Thừa chỉ trích Phật Giáo Nguyên Thủy về ăn thịt và bắt buộc (Tăng Ni) phải ăn chay. Lời trong Kinh là từ Đức Phật.
Trong luân hồi sinh tử, một sinh vật có thể trong một thời gian nào đó là cha mẹ anh em hay con cháu của mình. Như thế tại sao bậc Bồ tát đã nguyện coi chúng sanh như chính mình lại có thể ăn thịt của sanh vật. Như vậy, con người dù ở nơi đâu phải cảm nhận chúng sanh quanh mình như bà con thân thuộc và coi mọi chúng sanh như con cháu của mình, phải tự chế không ăn thịt.
Bậc Bồ tát phát nguyện từ bi phải không ăn thịt, sợ rằng sẽ làm kinh khủng chúng sanh. Những con chó khi nhìn thấy những kẻ vô loại thích ăn thịt dù từ xa cũng bị kinh hoàng sợ hãi và nghĩ "chúng là tử thần, chúng sẽ sát hại chúng ta". Ngay cả những vi sinh vật trong thủy hỏa và không khí cũng có khứu giác nhạy cảm sẽ khám phá từ xa cái mùi ma quỉ của những kẻ ăn thịt, và sẽ chạy trốn nhanh chóng từ cái chết đe dọa chúng.
Hơn nữa một tên ăn thịt (a meat-eater) ngủ trong buồn bã và thức trong buồn bã. Tất cả những giấc mộng của nó đều là những ác mộng, và làm cho nó rợn tóc gáy. Thường thì nó bị khủng hoảng trong sự sợ hãi và run sợ không có lý do. Nó không lường được sự ẩm thực, và không có mùi vị, tiêu hóa hay dinh dưỡng trong thực phẩm của nó. Ruột của nó chứa đầy những ký sinh trùng và các giống vật khác, chúng gây ra bệnh cùi hũi (leprosy); và nó không còn đối kháng được với bệnh tật.
Sự thật không chấp nhận rằng thịt là đúng đắn và thích hợp cho một đệ tử của Phật khi động vật không bị giết chết bởi chính đệ tử hay bởi mệnh lệnh của đệ tử đó, và khi động vật không bị giết chết để đặc biệt dành riêng cho chính đệ tử đó. Từ áp lực của lòng tham muốn cái thú vị của thịt, con người có thể cùng nhau ngụy biện để bào chữa cho việc ăn thịt và tuyên bố rằng Đức Thế Tôn (Đức Phật) cho phép thịt là thực phẩm chánh đáng hợp pháp, và được ghi trong danh sách thực phẩm được cho phép, và chính Đức Thế Tôn cũng ăn. Nhưng trong Kinh không có chỗ nào cho phép là thực phẩm chánh đáng hợp pháp (legitimate). Ăn thịt trong bất cứ hình thức hay phương cách nào và trong bất cứ trường hợp nào đều bị cấm, vô điều kiện và dứt khoát.
Phật Giáo Tây Tạng Kim Cang Thừa
Mật Giáo (Tantric Buddhism / Esoteric Buddhism) xuất hiện ở Ấn Độ từ thế kỷ thứ 8 và dần dần chiếm đa số ở Ấn Độ. Nhưng Mật Giáo cũng như Đại Thừa và Tiểu Thừa bị người Hồi Giáo tiêu diệt ở Ấn Độ vào thế kỷ 13. Các sư Mật Giáo lánh sang Tây Tạng và lập Phật Giáo Tây Tạng. Phật Giáo Tây Tạng truyền sang Mông Cổ và Tân Cương và tự xưng là Kim Cang Thừa.
Ngày nay Phật Giáo Tây Tạng Kim Cang Thừa tồn tại ở những nơi nầy. Giáo chủ của Phật Giáo Tây Tạng là Đạt Lai Lạt Ma.
Ở Tây Tạng, thịt là thực phẩm chính; hầu hết Tăng sĩ đều "ăn tất cả mọi thứ" (omnivorous) cả thực vật lẫn động vật, kể cả Đạt Lai Lạt Ma. Trong quá khứ, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 có thử ăn chay nhưng ngài bị "vàng da" (jaundice). Do đó bác sĩ khuyên ngài phải ngưng. Khi ngài viếng thăm Tòa Bạch Ốc (White House) và được dọn món ăn chay thì ngài từ chối và trả lời rằng: "Tôi là một tăng sĩ Tây Tạng (Buddhist monk) chứ không phải là một người ăn chay (vegetarian)".
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Tài liệu tham khảo:
Buddhist Tradition - The Harvard University Press
Phật Giáo Tây Tạng Kim Cang Thừa (Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
Hành Hương và Huyền Thoại Phật Thích Ca (Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
Lễ Vu Lan
BS Phan Thượng Hải
Mục Kiền Liên (Moggallàna) và Lễ Vu Lan
(1)
Kinh Vu Lan Bồn viết:
Một thời, Đức Phật trú tại khu vườn Kỳ Đà Cấp Cô Độc. Trưởng giả Đại Mục Kiền Liên chứng đắc sáu thứ Thần thông dùng đạo nhãn quán sát khắp thế giới, thấy người mẹ đã qua đời của mình bị đọa trong loài Ngạ quỷ, không được ăn uống nên thân hình chỉ còn da bọc xương. Tôn giả Mục Kiền Liên thấy vậy vô cùng xót thương buồn bã, liền lấy bát đựng đầy cơm và vận dụng thần thông đem hiến dâng cho mẹ. Bà mẹ vừa nhận được bát cơm , liền dùng tay trái che đậy, tay phải bốc ăn, cơm chưa vào miệng đã hóa thành than hồng nên không thể ăn được. Tôn giả Mục Kiền Liên lớn tiếng than khóc trở về bạch với đức Phật, thuật lại đầy đủ mọi sự việc như vậy.
Đức Phật bảo:
Thân mẫu của ông tội chướng sâu dày. Tuy lòng hiếu thảo của ông vang động trời đất nhưng cũng không ai có thể làm gì được. Nay ông phải nhờ oai lực của Tăng chúng ở mười phương thì mới có thể thoát được.
Này Mục Kiền Liên! Ngày rằm tháng bảy là ngày Tự tứ của mười phương Tăng chúng, nên vì cha mẹ 7 đời, cha mẹ hiện tại và những người đang ở trong vòng khổ nạn luân hồi mà sắm sửa đầy đủ cơm nước thức ăn và giường nằm đầy đủ để dâng chúng đại đức Tăng chúng khắp mười phương. Vì giới pháp thanh tịnh đầy đủ nên đạo đức của Tăng chúng sâu rộng mênh mông. Nếu có người dâng cúng Tăng chúng Tự tứ như vậy thì tất cả cha mẹ bà con quyến thuộc trong đời hiện tại đã quá vãng sẽ được siêu sinh trong 3 đường khổ liền được đầy đủ áo cơm. Nếu cha mẹ lục thân quyến thuộc còn sống thì được hưởng phước lạc sống lâu trăm tuổi, còn cha mẹ già quá khứ 7 đời thì được sinh lên cõi Trời Tự Tại hóa sinh trong cõi Trời, hoa lệ chói sáng, hưởng vô lượng phước lạc.
Bấy giờ Đức Phật bảo Tăng chúng mười phương hoặc ở nơi Tăng chúng hoặc ở chùa tháp phải chú nguyện như vậy rồi sau mới thọ thực (ăn).
Khi ấy Tôn giả Mục Kiền Liên cùng với chư vị Đại sĩ Bồ tát đều rất hoan hỷ, tiếng than khóc bi thương của ngài Mục Kiền Liên cũng tan biến. Thân mẫu của ngài cũng trong ngày ấy được thoát khổ trong loài Ngạ quỉ.
Khi ấy ngài Mục Kiền Liên lại bạch:
Bạch Thế tôn! Thân mẫu của con đã được siêu thoát, đó là nhờ năng lực công đức Tam Bảo, trong đó có uy lực của Tăng chúng. Nếu đời vị lai, tất cả đệ tử của Đức Phật muốn hiếu thuận phụng dưỡng cha mẹ thì kinh Vu Lan Bồn nầy có thể cứu độ cha mẹ hiện tại cho đến cha mẹ 7 đời chăng?
Đức Phật nói:
Nầy Mục Kiền Liên! Điều mà Như Lai muốn nói, Tôn giả đã hỏi.
Nếu có Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, quốc vương, vương tử, đại thần, tể tướng, tam công, bách quan cùng cả thảy dân chúng muốn thực hành đức từ hiếu, trước nên vì cha mẹ hiện tiền, kế đó cha mẹ 7 đời trong quá khứ là cứ đến Rằm tháng Bảy, ngày chư Phật hoan hỷ, ngày chư Tăng tự tứ, nên sắp đặt đủ các loại trái cây thức ăn nước uống vào bồn Vu Lan để dâng cúng chư Tăng ở mười phương. Ngày chư Tăng Tự tứ câu nguyện cha mẹ hiện còn sống lâu trăm tuổi, không bệnh tật. Cha mẹ trong 7 đời quá khứ thoát khỏi khổ đau trong loài Ngạ quỉ, được sinh trong cõi Trời, người phước lạc an vui.
Thiện nam tín nữ là đệ tử của Đức Như Lai phải nên thực hành chữ hiếu, trong mỗi niệm thường thương tưởng đến cha mẹ hiện tại, cho đến cha mẹ 7 đời trong quá khứ. Hằng năm đến ngày Rằm tháng Bảy, đem lòng từ hiếu thương tưởng song thân cha mẹ hiện tiền, cha mẹ 7 đời quá khứ, sắm sửa bồn Vu Lan, hiến cúng Phật đà, dâng cúng Tăng chúng để đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Nếu là đệ tử của Đức Phật thì phải tuân giữ điều ấy.
Lúc ấy, Tôn giả Mục Kiền Liên cùng với chúng đệ tử nghe Phật giảng dạy đều rất hoan hỷ tín thọ phụng hành.
(2)
Vu Lan Bồn Kinh (Ullambana sùtra) được Trúc Pháp Hộ dịch ra Hán ngữ và từ đó chuyển âm sang Việt ngữ. Vu Lan Bồn Kinh dịch đầy đủ ra Hán ngữ là "Phật Thuyết Vu Lan Bồn Kinh".
Trúc Pháp Hộ là tên Hán ngữ của nhà sư người Thiên Trúc (Ấn Độ) tên là Dharmaraksa (239-316).
"Vu Lan Bồn" là dịch âm từ Phạn ngữ "Ullambana". Ullambana có nghĩa đen là "Cứu đảo huyền". "Đảo huyền" là "treo ngược". "Cứu đảo huyền" (Ullambana) có nghĩa là cứu những ai bị treo ngược (bị khốn khổ). Trúc Pháp Hộ dùng nghĩa đen của "Vu Lan bồn" là "bồn Vu Lan" trong kinh là không đúng. (Bồn = basin).
(3)
Kinh Vu Lan Bồn như trên đã kể lại câu chuyện Moggallàna (Mục Kiền Liên) cứu giúp Mẹ mình đang khốn Khổ trong cõi Ngạ quỉ nhờ lời dạy của Phật Thích Ca. Tuy nhiên ý nghĩa của Kinh Vu Lan Bồn còn rộng hơn.
Theo kinh Vu Lan Bồn, dâng cúng ăn ở cho Tăng chúng trong ngày Tự tứ (ngày Rằm tháng 7, ngày 15 tháng 7) thì nhờ Đạo Đức (morality) "sâu rộng mênh mông" của Tăng chúng (monks and nuns) mà Cha Mẹ và thân quyến của mình được những phước:
Cha mẹ và thân quyến đã chết bị siêu sinh trong 3 đường Khổ (3 Khổ đạo) liền được đầy đủ áo cơm. (3 Khổ Đạo trong Lục Đạo Luân Hồi là: Địa ngục, Ngạ quỉ và Súc sinh).
Cha mẹ và thân quyến đang sống sẽ được hưởng phước lạc mạnh khoẻ sống lâu trăm tuổi.
Cha mẹ và thân quyến trong quá khứ 7 đời sẽ được tái sinh lên cõi Trời.
Tất cả cũng là thể hiện của lòng Hiếu của Phật tử.
Nhưng tại sao lại dâng cúng vào ngày Tự tứ (ngày Rằm tháng 7, 15 tháng 7)? Ngày Tự tứ là ngày gì? Ngày Tự tứ là ngày cuối của 3 tháng Vũ Kỳ An Cư của Tăng Già. Nó có lịch sử từ Luật Tạng của Phật Giáo Nguyên Thủy:
Vũ Kỳ An Cư (Residence during the rainy season Reyreat = Varsavasana): Vì mỗi năm cứ vào mùa mưa (Vũ Kỳ), nước lũ dâng lên tràn ngập cả đường lối làm sự đi lại giáo hóa, truyền đạo và khất thực không thuận tiện, hơn nữa lại là mùa côn trùng sinh ra đầy đường, đi lại sợ tổn hại tới sinh mạng các loài côn trùng nên Phật Thích Ca cùng các Đệ tử phải tụ họp tại một nơi nào thuận tiện để chuyên việc tu hành trong 3 tháng mưa nầy (từ ngày 16-4 cho tới 15-7)
Lễ Tự Tứ (Pavàranà): Trong 3 tháng tu trì của Vũ Kỳ An Cư, nếu đại chúng có ai phạm vào tội lỗi mà đại chúng ngờ vực thì được tự do cử tội trong ngày lễ Tự Tứ (ngày 15-7, ngày cuối cùng của Vũ Kỳ An Cư).
Nhân sự tích nầy nên có hội lễ Vu Lan trong nhân gian vào ngày Rằm (15) tháng 7 hằng năm.
Lễ Vu Lan bắt đầu ở Trung Quốc từ thời Lương Võ Đế (464-549), một vị vua rất sùng Phật Giáo. Ngày Rằm (15) tháng Bảy gọi là ngày (Tết) Trung Nguyên có mở hội Vu Lan (Vu Lan Bồn) ở khắp chùa chiền tu viện và trong toàn dân chúng kỷ niệm sự tích Mục Kiền Liên cứu Mẹ nói riêng và thể hiện lòng hiếu thảo của Chúng sanh nói chung. Dân chúng làm đúng như trong Kinh Vu Lan Bồn đã dạy: cúng dường thực phẩm cho Tăng chúng. Tuy nhiên còn có mở thêm hội Hoa đăng (cúng rước đèn hoa) và bá tánh còn cúng thêm (trên bàn thờ) cho "Cô Hồn" (tức là Quỉ đói = Ngạ quỉ).
Phong tục nầy được truyền sang các nước khác của Bắc Tông như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam...
(4)
Chuyện Mục Kiền Liên (Moggallàna) cứu mẹ được người Tàu viết thành nhiều tuồng hát và tiểu thuyết diễn tả Mục Kiền Liên xuống Địa ngục cứu mẹ, đơn giản tên Mục Kiền Liên thành Mục Liên và đặt tên cho mẹ của ngài là Thanh Đề. Đó là những chuyện mang tựa đề: Mục Liên Cứu Mẫu Biến Văn, Mục Liên Cứu Mẫu Bản Quyển, Mục Liên Tam Thế Bản Quyển... Theo truyện Tàu, tuy được cứu thoát nhưng bà Thanh Đề phải tái sinh làm một con chó đen ở thành Vương Xá (Rajagrha) và Mục Liên phải trổ thần thông một lần nữa cứu bà Thanh Đề tái sinh thành người. Dĩ nhiên cõi Địa ngục trong những truyện nầy khác cõi Ngạ quỉ trong kinh Vu Lan Bồn.
BS PHAN THƯỢNG HẢI
Biên soạn
ĐOÀN THỊ ĐIỂM VÀ CHINH PHỤ NGÂM
Bs Phan Thượng Hải
Bà Đoàn Thị Điểm là nữ thi sĩ nổi tiếng hàng đầu trong lịch sử văn học nước Việt. Danh tiếng của Bà dính liền với thi phẩm Chinh Phụ Ngâm.
Đoàn Thị Điểm
Bà Đoàn Thị Điểm hiệu là Hồng Hà nữ sĩ, sinh vào đầu thế kỷ thứ 18 đời nhà Hậu Lê.
Trong phần đầu của quyển Chinh Phụ Ngâm Khúc, Giáo sư Nguyễn Huy viết về tiểu sử của bà.
Bà Đoàn thị Điểm là người làng Hiếu Phạm huyện Văn Giang tỉnh Bắc Ninh, em gái ông Tiến sĩ Đoàn Luân. Kén chồng mãi tới năm 30 tuổi, bà mới lấy lẻ ông Tiến sĩ Hạo Nhiên Nguyễn Kiều đương tại chức Thượng thư. Ông là người huyện Từ Liêm, nay là phủ Hoài Đức, Hà Đông. Họ ông là Nguyễn nên có sách chép là Nguyễn Thị Điểm và nhầm Bà là em gái ông Nguyễn Trác Luân, người ở Đường Hào, Hải Dương (Mỹ Hào, Hưng Yên bây giờ).
Tư chất rất thông minh, ngay mới 6, 7 tuổi bà đã làu thông kinh sử. Đến năm 15 tuổi, tiếng tăm bà bắt đầu lừng lẫy trên văn đàn nước nhà.
Khi mới 6, 7 tuổi, ông Đoàn Luân lấy chữ ở Sử ký ra câu đối:
Bạch xà đương đạo, Quí bạt kiếm nhi trảm chi. (Con rắn trắng đón đường, Quí rút gươm mà chém đấy). Quí là Lưu Quí, tên tục của Hán Cao Tổ Lưu Bang.
Bà đối ngay:
Hoàng long phụ châu, Vũ ngưỡng thiên nhi thán viết. (Con rồng vàng đội thuyền, Vũ trông trời mà than rằng). Vũ là vua Vũ (Hạ Vũ).
Hai câu đều lấy nguyên văn trong Sử ký (của Tư Mã Thiên).
Lại một hôm, ông Đoàn Luân xuống ao rửa chân thấy em mình đang đứng soi gương bèn đọc:
Đối kính họa mi, nhất điểm phiên thành lưỡng điểm. (Soi gương vẽ mày, một chấm hóa thành hai chấm). Điểm có nghĩa là chấm. Điểm ở đây là danh từ chung mà còn là danh từ riêng, tên Điểm của bà.
Bà đối ngược lại:
Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân. (Đến ao xem trăng, một vành hiện ra hai vành). Luân có nghĩa là vành. Luân ở đây là danh từ chung mà còn là danh từ riêng, tên Luân của ông.
Tương truyền đến đời vua Lê Thuần Tông, sứ Trung Hoa sang nước ta. Bà Đoàn Thị Điểm bèn dựng quán bán rượu bên đường. Ở các cột quán dán chi chít câu đối, trong quán bày la liệt sách vở. Sứ giả vào quán thấy lạ, có ý trêu cô bán hàng bèn đọc câu:
An Nam nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh. (An Nam một tấc đất, chẳng biết có mấy người cày).
Bà đối liền:
Bắc quốc chư đại phu, giai do thử đồ xuất. (Bắc quốc các đại phu, đều do đấy mà ra cả)
Bà mất năm 1746 tại Nghệ An trên đường theo chồng đi nhậm chức, hưởng thọ 45 tuổi.
Cuộc đời dù ngắn ngủi bà cũng để lại những thi phẩm được truyền tụng: Chinh Phụ Ngâm Khúc Diễn Nôm, Tục Truyền Kỳ...
Ngày nay, Wikipedia còn tìm được những tác phẩm khác của bà Đoàn Thị Điểm:
Nữ Trung Tùy Phận (1401 câu thơ)
Bộ bộ thiềm - Thu từ (Bộ bộ thiềm - Bài hát mùa thu)
Hồng Hà phu nhân di văn được chồng bà là ông Nguyễn Kiều chép lại.
Chinh Phụ Ngâm
Chinh Phụ Ngâm Khúc là một thi phẩm Hán ngữ do tác giả là ông Đặng Trần Côn. Thi phẩm được viết bằng Hán tự (chữ Hán, chữ Nho) theo thể thơ Trường Đoản Cú, nhiều câu dài tới 11 chữ và cũng có những câu ngắn có 3 chữ. Bài thơ được bà Đoàn Thị Điểm dịch ra Việt ngữ, viết bằng chữ Hán và chữ Nôm; và theo thể thơ Song Thất Lục Bát (tất cả 412 câu thơ).
Ông Đặng Trần Côn đậu Cử nhân, bổ làm quan Huấn đạo. Đến năm 1740, đời Lê Hiển Tông, ông được thăng làm Tri huyện Thanh Oai (Hà Đông), và sau làm đến chức Ngự Sử đài. Ông có để lại nhiều tác phẩm như:
Chinh Phụ Ngâm
Tiêu Tương bát cảnh
Trương Hàn tư thuần lư
Trương Lương bố y
Khấu môn thanh
Tiểu thuyết Bích Câu kỳ ngộ.
Chinh Phụ Ngâm Khúc bản chữ Quốc ngữ với chú thích vào thời Việt Nam Cộng Hòa từ Giáo sư Nguyễn Huy.
Bản dịch của bà Đoàn Thị Điểm được lưu truyền như là bản dịch chính thức của Chinh Phụ Ngâm, mặc dù thi phẩm cũng có được ông Phan Huy Ích dịch nôm vào cuối thế kỷ 18.
Bản dịch của bà Đoàn Thị Điểm là một tuyệt tác của thơ Hán Nôm. Tuy nhiên bản Hán ngữ của ông Đặng Trần Côn mượn nhiều từ thi hào Lý Bạch.
Đây là những đoạn thơ mượn từ Lý Bạch.
(1)
Bản dịch ra Việt ngữ của Đoàn Thị Điểm:
Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt
Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây
Chín tầng gươm báu trao tay
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh.
Nước thanh bình ba trăm năm cũ
Áo nhung trao quan vũ từ đây
Sứ trời sớm giục đường mây
Phép công là trọng niềm tây sá nào.
Nguyên bản Hán ngữ của Đặng Trần Côn:
Cổ bề thanh động Trường Thành nguyệt
Phong hỏa ảnh chiếu Cam Tuyền vân
Cửu trùng án kiếm khởi đương tịch
Bán dạ phi hịch truyền tướng quân
Thanh bình tam bách niên thiên hạ
Tòng thử nhung y thuộc vũ thần
Sứ tinh thiên môn thôi hiểu phát
Hành nhân trọng pháp khinh ly biệt
Ảnh hưởng từ bài thơ "Tái Hạ Khúc 6" của Lý Bạch:
TÁI HẠ KHÚC 6
Phong hỏa động sa mạc
Liên chiếu Cam Tuyền vân (*)
Hán hoàng án kiếm khởi
Hoàn triệu Lý Tướng quân (*)
Binh khí thiên thượng hợp
Cổ thanh lũng để văn
Hoành hành phụ dũng khí
Nhất chiến tĩnh yêu phân.
(Lý Bạch)
KHÚC HÁT DƯỚI ẢI 6
Lửa báo nguy động rung sa mạc
Núi Cam Tuyền sáng át cả mây
Hán hoàng chống kiếm nơi tay
Truyền vời tướng Lý địng ngày xuất chinh
Khí thế quân trào dâng cao ngất
Trống khua vang tới khắp lũng ngoài
Xông pha ngang dọc hùng oai
Chỉ trong một trận hết loài quái yêu.
(Nguyên Minh dịch)
(*) Chú thích:
Cam Tuyền: núi có cung vua, thường đốt lửa để báo giặc tới.
Lý tướng quân: là Lý Quảng, một đại tướng của nhà Hán.
(2)
Bản dịch ra Việt ngữ của Đoàn Thị Điểm:
Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt
Xếp bút nghiêng theo việc đao cung
Thành liền mong tiến bệ rồng
Thước gươm đã quyết chẳng dung giặc trời
Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao
Giã nhà đeo bức chiến bào
Thét roi cầu Vị ào ào gió thu.
Nguyên bản Hán ngữ của Đặng Trần Côn:
Lương nhân nhị thập Ngô Môn hào
Đầu bút nghiên hề sự cung đao
Dục bả liên thành hiến minh thánh
Nguyện tương xích kiếm trảm thiên kiêu
Trượng phu thiên lý chí mã cách
Thái sơn nhất trích khinh hồng mao.
Tiện từ khuê khổn tòng chinh chiến
Thu phong minh tiên xuất Vị kiều.
Ảnh hưởng từ 2 bài thơ của Lý Bạch là "Kết Miệt Tử" và "Tái Hạ Khúc 3":
KẾT MIỆT TỬ (*)
Yên nam tráng sĩ Ngô Môn hào (*)
Trung trúc trí duyên ngư ẩn đao (*)
Cảm quân ân trọng hứa quân mệnh
Thái sơn nhất trịch khinh hồng mao.
(Lý Bạch)
GẢ ĐAN BÍ TẤT
Ngô Môn có bậc anh hào
Lòng đàn bụng cá dấu dao tung hoành
Đền ơn vua, quyết dâng mình
Một gieo núi Thái, nhẹ tênh lông hồng.
(Trần Trọng San dịch)
(*) Chú thích:
Yên Nam tráng sĩ: là Cao Tiệm Ly, người ở miền nam nước Yên
Ngô Môn hào kiệt: là Chuyên Chư, người nước Ngô
Kết miệt tử: gả đan bí tất (vớ), chỉ người quyết báo ơn. Do câu trong sách Hán thư: "Vương sinh sai Trương Thích Chi đan bí tất rồi tha cho đi".
Trúc: tên một loại nhạc khí ngày xưa. Cao Tiệm Ly dấu dao trong đàn trúc để ám sát Tần Thủy Hoàng.
Duyên đao: dao không sắc bén
Ngư ẩn đao: Chuyên Chư dấu dao trong bụng cá để hành thích Vương Liêu của nước Ngô.
TÁI HẠ KHÚC 3
Tuấn mã như phong kiều
Minh tiên xuất Vị kiều (*)
Loan cung từ Hán nguyệt
Sáp vũ phá thiên kiêu
Trận giải tinh mang tận
Doanh không hải vụ tiêu
Công thành họa Lân các (*)
Độc hữu Hoắc Phiêu Diêu. (*)
(Lý Bạch)
KHÚC HÁT DƯỚI ẢI 3
Ngựa hay như gió phi nhanh
Roi kêu cầu Vị từ thành phóng ra
Giương cung, trăng Hán lìa xa
Lắp tên, phá nát chẳng tha giặc trời
Trận tan, tắt hết sao rồi
Trại không, mù biển đã trôi đi dần
Công thành, hình vẽ gác Lân
Hoắc Phiêu Diêu, chỉ ghi phần tướng quân.
(Anh Nguyên dịch)
(*) Chú thích:
Vị kiều: tên cái cầu, nơi nhà Đường chống giữ rợ Đột Khuyết.
Hoắc Phiêu Diêu: tên tướng nhà Hán lập nhiều chiến công được tạc tượng ghi công ở Kỳ Lân các.
Lân các: là Kỳ Lân Các.
(3)
Bản dịch ra Việt ngữ của Đoàn Thị Điểm:
Lòng thiếp tợ bóng trăng theo dõi
Dạ chàng xa ngoài cõi Thiên san
Múa gươm rượu tiễn chưa tàn
Chỉ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo
Săn Lâu Lan rằng theo Giới Tử
Tới Man Khê bàn sự Phục Ba
Áo chàng đỏ tựa ráng pha
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in.
Nguyên bản Hán ngữ của Đặng Trần Côn:
Thiếp tâm tùy quân tự minh nguyệt
Quân tâm vạn lý Thiên sơn tiền
Trịch ly bôi hề vũ Long tuyền
Hoàn chinh sáo hề chỉ hổ huyệt
Vân tùng Giới Tử liệp Lâu Lan
Tiểu hướng Man Khê đàm Mã Viện
Quân phi trang phục hồng như hà
Quân kỵ kiêu mã bạch như tuyết.
Ảnh hưởng từ bài thơ Hán ngữ "Tái Hạ Khúc 1" của Lý Bạch.
TÁI HẠ KHÚC 1
Ngũ nguyệt Thiên sơn tuyết (*)
Vô hoa chỉ hữu hàn
Địch trung văn "chiết liễu"
Xuân sắc vị tằng khan
Hiểu chiến tùy kim cổ
Tiêu miên bão ngọc an
Nguyện tương yêu hạ kiếm
Trực vị trảm Lâu Lan. (*)
(Lý Bạch)
KHÚC HÁT DƯỚI ẢI 1
Tháng năm tuyết Thiên san
Không hoa, chỉ lạnh tràn
Nghe sáo vang "chiết liễu"
Chưa từng ngắm xuân sang
Sáng đi theo trống trận
Đêm gối yên sa tràng
Nguyện đem kiếm bên lưng
Chém ngay chúa Lâu Lan.
(Trần Trọng San dịch)
KHÚC HÁT DƯỚI ẢI 1
Tháng năm núi Thiên san còn tuyết
Không thấy hoa, chỉ tuyệt lạnh lùng
Sáo đưa "chiết liễu" mông lung
Nét xuân muôn thuở chẳng từng qua đây
Sáng giao chiến động mây chiêng trống
Tối gối đầu yên ngọc ngủ an
Nguyện dùng bảo kiếm lưng ngang
Chém ngay đầu giặc Lâu Lan rửa hờn.
(Nguyễn Phước Hậu dịch)
(*) Chú thích:
Thiên Sơn: tên núi ở Tân Cương
Chiết liễu: tên khúc nhạc biệt ly; Chiết liễu=bẻ cành liểu.
Lâu Lan:đời Hán Chiêu Đế, Tướng Phó Giới Tử chém vua nước Lâu Lan. Nước Lâu Lan ở Tây Vực (Tân Cương bây giờ).
(4)
Bản dịch ra Việt ngữ của Đoàn Thị Điểm:
Lòng thiếp tợ bóng trăng theo dõi
Dạ chàng xa ngoài cõi Thiên san
.........
Nay Hán xuống Bạch thành đóng lại
Mai Hồ về Thanh Hải dòm qua
Hình khe thế núi gần xa
Đứt thôi lại nối, thấp đà lại cao
Nguyên bản Hán ngữ của Đặng Trần Côn:
Thiếp tâm tùy quân tự minh nguyệt
Quân tâm vạn lý Thiên sơn tiền
...........
Kim trêu Hán hạ Bạch Đăng thành
Minh nhật Hồ khuy Thanh Hải khúc
Thanh Hải khúc, thanh sơn cao phục đê
Thanh sơn tiền thanh khê đoạn phục tục
Ảnh hưởng từ bài thơ Hán ngữ "Quan San Nguyệt" của Lý Bạch.
QUAN SAN NGUYỆT
Minh nguyệt xuất Thiên san (*)
Thương mang vân hải gian
Trường phong kỷ vạn lý
Xuy độ Ngọc Môn quan
Hán hạ Bạch Đăng đạo (*)
Hồ khuy Thanh Hải loan (*)
Do lai chinh chiến địa
Kỷ kiến hữu nhân hoàn
Thú khách vọng biên sắc
Tư quy đa khổ nhan
Cao lâu đang thử dạ
Thán tức vị ưng nhàn.
(Lý Bạch)
TRĂNG NƠI QUAN ẢI, NÚI NON
Trăng sáng ló Thiên san
Giữa biển mây mênh mang
Gió lan xa vạn dặm
Thổi đến Ngọc Môn quan
Bạch Đăng quân Hán xuống
Thanh Hải giặc Hồ tràn
Xưa nay nơi chiến địa
Không thấy ai về làng
Lính thú trêng biên sắc
Nhớ quê khổ muôn vàn
Trên lầu cao đêm tối
Chắc không ngơi thở than.
(Trần Trọng San dịch)
(*) Chú thích:
Thiên Sơn: tên núi ở Tân Cương
Bạch Đăng: tên thành nơi Hán Cao Tổ bị rợ Hung Nô bao vây
Thanh Hải: tên đất ở phía Tây tỉnh Cam Túc.
(5)
Bản dịch ra Việt ngữ của Đoàn Thị Điểm:
Tin thường lại người không thấy lại
Hoa dương tàn đã trải rêu xanh
Rêu xanh mấy lớp chung quanh
Dạo sân một bước trăm tình ngẩn ngơ
Thư thường tới người chưa thấy tới
Bức rèm thưa lần dãi bóng dương
Bóng dương mấy buổi xuyên ngang
Lời sao mười hẹn chín thường đơn sai.
Nguyên bản Hán ngữ của Đặng Trần Côn:
Tích niên ký tín khuyển quân hồi
Kim niên ký tín khuyển quân lai
Tín lai nhân vị lai
Dương hoa linh lạc ửy thương đài
Thương đài thương đài hựu thương đài
Nhất bộ nhàn đình bách cảm thôi
Tích niên ký thư đính thiếp kỳ
Kim niên hồi thư đính thiếp qui
Sa song tịch mịch chuyển tà huy
Tà huy tà huy hựu tà huy
Thập ước giai kỳ cửu độ vi.
Ảnh hưởng từ bài thơ Hán ngữ "Cửu Biệt Ly" của Lý Bạch:
CỬU BIỆT LY
Biệt lai kỷ xuân vị hoàn gia
Ngọc song ngũ kiến anh đào hoa
Hướng hữu cẩm tự thư (*)
Khai cam sử nhân ta
Thử trường đoạn, bỉ tâm tuyệt
Vân hoàn lục mấn bãi sơ kết
Sầu như hồi phiêu loạn bạch tuyết
Khứ niên ký thư báo Dương Đài (*)
Kim niên ký thư trùng tương thôi
Đông phong hề Đông phong
Vị ngã xuy hành vân sứ tây lai
Đãi lai cảnh bất lai
Lạc hoa tịch tịch ủy thanh đài.
(Lý Bạch)
LÂU NGÀY XA CÁCH
Chàng đi mấy xuân chưa về nhà
Cửa ngọc năm lần đào nở hoa
Huống còn tờ thư gấm
Mở phong mà xót xa
Đến nỗi lòng nầy đau tựa cắt
Tóc xanh biếng chải làn mây thắt
Buồn như gió lộng tóc tơi bời
Năm ngoái gửi thư đến Dương Đài
Năm nay gửi thư lại giục ai
Gió Đông hề! gió Đông
Vì ta thổi mây tới miền Tây
Chờ đợi mãi sao mà chẳng tới?
Hoa rơi lặng lẽ lớp rêu đầy.
(Trần Trọng San dịch)
(*) Chú thích:
Cẩm tự: đời Tần, Đậu Thao đi trấn thủ Tương Dương, đem theo người thiếp yêu. Vợ là Tô thị làm hơn 200 bài thơ dệt lên bức gấm gửi cho chồng. Đậu Thao xem chữ gấm (cẩm tự), cảm động liền cho xe đón về Tương Dương. "Đề chữ gấm phong thôi lại mở" (Chinh Phụ Ngâm).
Dương Đài: tên núi ở huyện Vu Sơn, tỉnh Tứ Xuyên. "Tìm chàng thủa Dương Đài chốn cũ" (Chinh Phụ Ngâm).
Bài thơ "Cửu Biệt Ly" của Lý Bạch còn ảnh hưởng tới Đặng Trần Côn trong những câu thơ khác:
Cẩm tự đề thi phong cánh triển
Kim tiền vấn bốc tín hoàn nghi
(Chinh Phụ Ngâm Khúc / Đặng Trần Côn)
Đề chữ gấm phong thôi lại mở
Gieo bói tiền tin dở còn ngờ
(Chinh Phụ Ngâm Khúc / Đoàn Thị Điểm)
Tầm quân hề Dương Đài lộ
Hội quân hề Tương Giang tân
(Chinh Phụ Ngâm Khúc / Đặng Trần Côn)
Tìm chàng thuở Dương Đài lối cũ
Gặp chàng nơi Tương Phố bến xưa
(Chinh Phụ ngâm khúc / Đoàn Thị Điểm)
Đoàn Thị Điểm và Cống Quỳnh
Năm 1930, ông Trúc Khê xuất bản ở Hà Nội quyển "Sự Tích Ông Trạng Quỳnh", trong đó có những giai thoại văn chương lý thú giữa bà Đoàn Thị Điểm và ông Cống Quỳnh.
Theo ông Trúc Khê, có ông Nguyễn Quỳnh đậu Cử nhân (Hương cống) khoa Cảnh Hưng, đời vua Lê Hiển Tông. Vì ông có văn chương hay và nhất là giỏi về khẩu tài nên người ta còn gọi ông là Trạng Quỳnh, thay vì là Cống Quỳnh (cho người đổ Hương Cống).
Đây là những giai thoại giữa bả Đoàn Thị Điểm và ông Cống Quỳnh.
Một buổi tối, Thị Điểm rũ màn trải chiếu sắp đi ngủ, Quỳnh liền trước vào nằm giương cột buồm lên. Thị Điểm lên giường vô tình sờ phải, giật mình ngỡ rắn, sau mới biết là Quỳnh, bèn đọc ngay một câu đối để chữa thẹn:
Trướng nội vô phong phàm tự lập. (nghĩa là: Trong trướng không có gió mà buồm dựng)
Quỳnh liền đối ngay rằng:
Hung trung bất vũ thủy trường lưu. (nghĩa là: Trong bụng không mưa mà nước chảy xiết)
Điểm lại đọc câu nữa:
Cây xương giồng (rồng), giồng đất rắn, long vẫn hoàn long. (Long là rồng).
Quỳnh lại đối ngay:
Quả dưa chuột, chuột thẳng gang, thử chơi thì thử. (Thử là chuột).
Sau đó Quỳnh bỏ đi.
Hôm sau Thị Điểm tắm, Quỳng gõ cửa đòi vào xem, Điểm dẫy nẫy không cho vào, Quỳnh cứ đứng kè nhè mãi. Điểm tức mình mới đọc một câu bảo hễ đối được thì mở cửa cho vào xem:
Da trắng vỗ bì bạch
(Bì bạch là da trắng)
Quỳnh nghĩ mãi không sao đối được.
Thời VNCH vào cuối thập niên 1950s, có người đối:
Vợ buồn than thê thảm
(Thê thảm là vợ buồn)
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Bài viết nầy đăng lần đầu tiên trong phanthuonghai.com mục Thơ Văn phần Đọc Thơ.
Tài liệu tham khảo:
1) Điển Cố Từ Thơ (Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
2) Chinh Phụ Ngâm Khúc (Nguyễn Huy chú giải)
3) Sự Tích Ông Trạng Quỳnh (Trúc Khê)
4) Đoàn Thị Điểm (Wikipedia)
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
______________________________
THƠ XUÂN
TRONG CỔ THI TRUNG QUỐC
VÀ CỦA THIỀN SƯ NƯỚC VIỆT
Bs Phan Thượng Hải
Đường Thi và Tống Thi đã có những bài Thơ Xuân bất hủ lưu truyền tới ngày nay. Các thi hào như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Tô Đông Pha... đã có nhiều bài thơ tuyệt tác với nhiều bản dịch. Các Thiền sư nước Việt cũng trước tác những bài Thơ Xuân tương đương về hình thức và nội dung. Thiền đạo của những bài thơ nầy mang thêm đặc tính sâu sắc hơn.
Yếu Chỉ Thiền Tông:
Giáo ngoại biệt truyền
Bất lập văn tự
Trực chỉ nhân tâm
Kiến tánh thành Phật.
(Thiền sư Triệu Châu Tòng Thẩm)
Vì "bất lập văn tự" nên thường là những bài thơ của Thiền sư thường là đoản thiên từ 4 đến 8 câu. Hình thức nầy không khác Đường thi và Tống thi.
Thơ Thiền Xuân của nước Việt cũng có cùng đề tài về Xuân Cảnh, Xuân Tình, Xuân Sinh và Xuân Thì như những bài Thơ Xuân của các Thi hào trong thế tục thời Tống Đường. Tuy nhiên Thiền sư Việt Nam biết "trực chỉ nhân tâm" và "kiến Phật tánh" để giải đáp vấn đề. Các vị đã theo đúng câu "Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm", như Bát Nhã Kim Cương kinh đã dạy.
Xuân Cảnh
*
Cảnh vật thiên nhiên của mùa Xuân là nguồn thi hứng của nhiều thi sĩ. Dù nó thường là tốt đẹp và ít khi xấu, ngòi bút của thi sĩ đều tả lại một cách trung thực.
XUÂN HÀN
Nhị nguyệt Ba Lăng nhật nhật phong Ngày tối Ba lăng gió lạnh lùng
Xuân hàn vị liễu khiếp Viên Công Tiết xuân chưa hết nhát Viên Công
Hải đường bất tích yên chi sắc Hải đường chẳng tiếc màu son phấn
Độc lập mông mông tế vũ trung. Đứng giữa mưa thưa tỏa mịt mùng.
(Trần Dữ Nghĩa) (Trần Trọng San dịch)
XUÂN DẠ HỈ VŨ
(Mưa lành đêm xuân)
Hảo vũ tri thì tiết Mưa lành biết thời tiết
Đương xuân mãi phát sinh Xuân sang mới nảy sinh
Tùy phong tiềm dạ nhập Vào đêm, ngầm lẫn gió
Nhuận vật tế vô thanh Thấm vật, nhẹ vô thanh
Dã kính vân câu hắc Đường ruộng, mây đen tối
Giang thuyền hỏa độc minh Lửa thuyền, sáng một mình
Hiểu khan hồng thấp xứ Sớm xem miền ướt đỏ
Hoa trọng Cẩm Quan thành. Hoa chĩu Cẩm Quan thành
(Đỗ Phủ) (Trần Trọng San dịch)
XUÂN HIỂU
Xuân miên bất giác hiểu Xuân còn say ngủ mơ màng
Xử xử văn đề điểu Tiếng chim buổi sáng rộn ràng khắp nơi
Dạ lai phong vũ thanh Đêm qua gió tạt mưa rơi
Hoa lạc tri đa thiểu. Trong vườn hoa rụng nào hay ít nhiều.
(Mạnh Hạo Nhiên) (Trần Trọng San dịch)
XUÂN NHẬT
Nhất tịch khinh lôi lạc vạn ty Một chiều tơ rủ, sấm rung
Tế quang phù ngõa bích sâm si Ngói xanh cao thấp nắng bừng long lanh
Hữu tình thược dược hàm xuân lệ Lệ xuân thược dược rưng tình
Vô lực tường vi ngọa hiểu chi. Tường vi ẻo lả trên cành sớm nai.
(Tần Quan) (Trần Trọng San dịch)
TUYỆT CÚ
Trì nhật giang san lệ Xuân về non nước đẹp tươi
Xuân phong hoa thảo hương Gió đưa hương ngát muôi loài cỏ hoa
Nê dung phi yến tử Đất mềm én lượn gần xa
Sa noãn thụy uyên ương. Uyên ương cát ấm trên bờ ngủ say.
(Đỗ Phủ) (Trần Trọng San dịch)
*
Đúng theo tông chỉ của Thiền, thơ của Thiền Sư Việt Nam càng nhìn thẳng vào cảnh xuân tự nhiên hơn các thi sĩ của thế tục.
XUÂN HIỂU
Thủy khởi khải song phi Ngủ dậy mở cửa sổ
Bất tri xuân dĩ quy Ngờ đâu xuân đã về
Nhất song bạch hồ điệp Một đôi bươm bướm trắng
Phách phách sấn hoa phi. Nhịp cánh nhắm hoa bay.
(Trần Nhân Tông) (Dịch)
ĐĂNG BẢO ĐÀI SƠN
(Lên Bảo Đài Sơn)
Địa tịch đài du cổ Đất vắng đài thêm cổ
Thời lai xuân vị thâm Ngày qua, xuân chửa nồng
Vân sơn tương viễn cận Gần xa mây núi ngất
Hoa kính bán tình âm Nắng rợp, ngõ hoa lồng
Vạn sự thủy lưu thủy Muôn việc nước trôi nước
Bách niên tâm dữ tâm Trăm năm lòng nhủ lòng
Ỷ lan hoành ngọc địch Tựa hiên nâng sáo ngọc
Minh nguyệt mãn hung khâm. Đầy ngực ánh trăng trong.
(Trần Nhân Tông) (Ngô Tất Tố dịch)
VÔ ĐỀ
Đông phong tân lãng mãn giang tần Sóng rởn hoa tần phất gió đông
Tưởng kiến hồ sơn vũ lộ tân Đỉnh hồ tưởng thấy hạt mưa nhuần
Tự thị dương hòa quy thảo mộc Cỏ cây vui dưới trời êm dịu
Thái bình nhân túy hải thiên xuân. Người ngắm thăng bình tắm bể xuân.
(Thạch Liêm Thiền sư) (HT Thích Mật Thể dịch)
THỨ BẢO KHÁNH TỰ BÍCH GIAN ĐỀ
(Ghé chùa Bảo Khánh)
Hoang thảo tàn yên dã tứ đa Tình quê man mác mầu sương cỏ
Nam lâu Bắc quán tịch dương tà Quán Bắc lầu Nam nhuộm nắng tà
Xuân vô chủ tích thi vô liệu Thơ không tài liệu xuân không chủ
Sầu tuyệt Đông phong kỷ thụ hoa. Buồn nhớ Đông phong lủ cỏ hoa
(Huyền Quang) (Dịch)
Tuy nhiên tâm của Thiền Sư không vướng bận vào Cảnh Xuân:
ĐIỆP HOA
(Hoa bướm)
Xuân lai hoa điệp thiện tri thì Xuân sang hoa bướm khéo quen thì
Hoa điệp ưng tu cộng ứng kỳ Bướm liệng hoa cười vẫn đúng kỳ
Hoa điệp bản lai giai thị huyễn Nên biết bướm hoa đều huyễn ảo
Mạc tu hoa điệp hướng tâm trì. Thây hoa mặc bướm để lòng chi.
(Giác Hải) Tk11-12 (Dịch)
Xuân Tình
*
Mùa Xuân cũng là động lực duyên khởi tình cảm của thi nhân mà đối tượng là quê hương, tình nhân, quý hữu…
XUÂN DẠ LẠC THÀNH VĂN ĐỊCH
(Đêm xuân nghe tiếng địch ở Lạc Thành)
Thùy gia ngọc địch ám phi thanh Vẳng nghe tiếng sáo bổng trầm
Tán nhập xuân phong mãn Lạc Thành Lẫn trong tiếng gió đêm xuân vọng về
Thử dạ khúc trung văn chiết liễu Khúc đâu viễn xứ biệt ly
Hà nhân bất khởi cố viên tình. Chạnh lòng ai chẳng nhớ quê bồi hồi.
(Lý Bạch) (Trần Trọng San dịch)
GIANG MAI
(Mai bên sông)
Mai nhụy lạp tiền phá Tháng chạp mai hé nụ
Mai hoa niên hậu đa Sang năm mai đầy cành
Tuyệt tri xuân ý hảo Vẫn biết ý xuân đẹp
Tối nại khách sầu hà Sao lòng khách buồn tênh
Tuyết thụ nguyên đồng sắc Cây, tuyết nguyên một sắc
Giang phong diệc tự ba Gió thổi gợn sóng lên
Cố viên bất khả kiến Vườn cũ nhìn đâu thấy
Vu tụ uất tha nga. Chỉ thấy đỉnh Vu xanh.
(Đỗ Phủ) (Dịch)
XUÂN TỨ
Yên thảo như bích ty Cỏ Yên biếc tựa tơ xanh
Tần tang đê lục chi Dâu Tần tươi thắm rủ cành lê thê
Đương quân hoài quy nhật Ngày chàng tưởng nghĩ trở về
Thị thiếp đoạn trường thì Là khi lòng thiếp ê chề quặn đau
Xuân phong bất tương thức Gió xuân quen biết chi nhau
Hà sự nhập lai vi ? Cớ sao lại đến thổi vào màn the ?
(Lý Bạch) (Trần Trọng San dịch)
KHUÊ OÁN
(Nỗi oán trong phòng khuê)
Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu Phòng khuê nàng chửa biết buồn
Xuân nhật ngưng trang thướng thúy lâu Ngày xuân điểm phấn tô son lên lầu
Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc Chợt trông dương liễu xanh mầu
Hối giao phu tế mịch phong hầu. Xui ai (chồng) tìm cái phong hầu mà chi.
(Vương Xương Linh) (Trần Trọng San dịch)
SƠN PHÒNG XUÂN SỰ
(Chuyện xuân tại nơi đọc sách)
Lương viên nhật mộ loạn phi nha Vườn chiều bầy họa bay xao xác
Cực mục tiêu điều tam lưỡng gia Trước mắt lơ thơ mấy túp nhà
Đình thụ bất tri nhân khứ tận Cây cỏ biết đâu người đã vắng
Xuân lai hoàn phát cựu thời hoa. Xuân về vẫn nở bấy nhiêu hoa.
(Sầm Tham) (Trần Trọng San dịch)
Đôi khi tình cảm mùa xuân nầy cũng không cần có đối tượng mà chỉ “nhu nhu, bất đoạn” hay “trầm trầm” mà thôi.
GIANG NAM XUÂN
Yểu yểu yên ba cách thiên lý Khói sóng xa vời muôn dặm ngăn
Bạch tần hương tán đông phong khởi Gió đông man mác trắng hương tần
Nhật lạc thinh châu nhất vọng thì Khi trông bờ biếc tà dương lặn
Nhu tình bất đoạn như xuân thủy. Không dứt, tình mềm như (giống) nước xuân.
(Khấu Chuẩn) (Trần Trọng San dịch)
XUÂN TIÊU ĐÊM XUÂN
Xuân tiêu nhất khắc tự thiên câm (kim) Đêm xuân một khắc ngàn vàng
Hoa hữu thanh hương nguyệt hữu âm Trăng luôn in bóng hoa thường ngát hương
Ca quản lâu đài thanh tế tế Sáo lần đàn gác du dương
Thu thiên việc lạc dạ trầm trầm. Tiếng đu trong viện đêm trường nhẹ rơi..
(Tô Đông Pha) (Trần Trọng San dịch)
*
Dĩ nhiên là những tình cảm nầy là “chấp ngã” và “vọng niệm” nên không thấy trong thơ Thiền.
XUÂN VÃN
Niên thiếu hà tằng liễu sắc không Thủa trẻ nào hay lẽ sắc không
Nhật xuân tâm sự bách hoa trung Mỗi xuân tâm rộn vạn hoa lòng
Như kim khám phá Đông Hoàng diện Đông Hoàng bản mặt nay đà ngộ
Thiền bản bồ đoàn khán thụy hồng. Chiếu cọ thiền xem rụng đóa hồng.
(Trần Nhân Tông) (Dịch)
Xuân Sinh
*
Kiếp nhân sinh là “bể khổ”, thi sĩ vẫn thấy nó trong mùa xuân nhưng không có giải đáp. Nếu có thì chỉ là than khóc, say sưa hay lẫn tránh.
XUÂN VỌNG
(Ngắm cảnh xuân)
Quốc phá sơn hà tại Nước vỡ, còn trơ sông núi đây
Thành xuân thảo mộc thâm Thành xuân, cây cỏ mọc um đầy
Cảm thời hoa tiện lệ Thương thời, hoa cũng tuôn rơi lệ
Hận biệt điểu kinh tâm Hận biệt, chim kia sợ hãi hoài
Phong hỏa liên tam nguyệt Ba tháng lửa phong liên tiếp khói
Gia thư để vạn câm (kim) Ngàn vàng thư đến chắt chiu tay
Bạch đầu tao cánh đoản Xoa đầu, tóc bạc càng thêm ngắn
Hồn dục bất thăng trâm. Đến độ trâm xưa chẳng thể cài.
(Đỗ Phủ) (Trần Trọng San dịch)
XUÂN NHẬT TÚY KHỞI NGÔN CHÍ
(Ngày xuân tỉnh rượu, nói ý mình)
Xử thế nhược đại mộng Đời là một giấc mơ thôi
Hồi lao vi kỳ sinh Làm cho nhọc cuộc sống nầy mà chi
Sở dĩ chung nhật túy Cho nên say khước li bì
Đồi nhiên ngọa tiền doanh Suốt ngày uể oải nằm lì trước hiên
Giác lai miện đình tiền Tỉnh rồi sân trước trông nhìn
Nhất điểu hoa gian minh Trong hoa thấy một con chim thì thào
Tá vấn thử hà nhật Hôm nay là cái hôm nào ?
Xuân phong ngữ lưu oanh Tiếng oanh trò chuyện lào xào gió xuân
Cảm chỉ dục thán tức Cảnh nầy khiến muốn thở than
Đối chi hoàn tự khuynh Ngậm ngùi lại cứ rót tràn triền miên
Hạo ca đãi minh nguyệt Hát vang chờ đợi trăng lên
Khúc tận dĩ vong tình. Khi vừa hết khúc đã quên tình rồi.
(Lý Bạch) (Trần Trọng San dịch)
QUY ẨN
Thập niên tung tích tẩu hồng trần Mười năm bụi đỏ vết phiêu lưu
Hồi thủ thanh sơn nhập mộng tần Trông lại non xanh mộng đã nhiều
Tử thụ túng vinh tranh cập thị Giải tía tuy vinh, còn kém ngủ
Chu môn tuy phú bất như bần Cửa son dù có, chẳng bằng nghèo
Sầu văn kiếm kích phù nguy chủ Buồn nghe gươm giáo phò vua khốn
Muộn thính sinh ca quát túy nhân Tai rộn đàn ca não khách nhiều
Huề thủ cựu thư quy cựu ẩn Đem sách xưa về nơi ẩn cũ
Dã hoa đề điểu nhất ban xuân. Xuân đầy hoa nở với chim kêu.
(Trần Đoàn) (Trần Trọng San dịch)
Tương truyền Trần Đoàn là một ông Tiên, ngủ trong núi suốt thời Ngũ Đại chiến tranh loạn lạc. Sau khi nhà Tống an bình đất nước, ông thức dậy và đến thăm vua Tống Thái Tổ.
*
Tâm của Thiền sư không "trụ" vào hiện tượng vô thường nầy.
XUÂN CẢNH
Dương liễu hoa xuân điểu ngữ trì Khoan nhặt chim kêu hoa liễu dầy
Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi Họa đường thềm dãi bóng mây bay
Khách lai bất vấn nhân gian sự Chuyện đời khách đến không hề hỏi
Cộng ỷ lan can khán thúy vi. Cùng tựa lan can ngắm cảnh ngoài.
(Trần Nhân Tông) (Dịch)
THỊ ĐỆ TỬ
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô Thân như ánh chớp có, không
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô Xuân tươi cây cỏ thu qua rụng rời
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy Sá chi suy thạnh việc đời
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô. Thạnh suy như giọt sương phơi thảo đầu.
(Vạn Hạnh) ?-1018 (HT Thích Mật Thể dịch)
Xuân Thì
Từ xuân cảnh, xuân tình, xuân sinh thì phải đến xuân thì. Thời gian sẽ trôi qua, từ “sinh” thì đến “lão, bệnh” và “tử”. Thi nhân nói về sự thật không lối thoát nầy qua nhiều bài thơ xuân nổi danh.
VÃN XUÂN XUÂN MUỘN
Thảo mộc tri xuân bất cửu quy Cây cỏ hay xuân chẳng ở lâu
Bách ban hồng tử đấu phương phi Trăm hương hồng tím ngát đua nhau
Dương hoa du giáp vô tài tứ Trái du, hoa liễu không tài trí
Duy giải mạn thiên tác tuyết phi. Chỉ biết tung trời tuyết trắng phau.
(Hàn Dũ) (Trần Trọng San dịch)
THƯƠNG XUÂN KHÚC
(Bài hát thương tiếc xuân)
Thâm thiển diêm hoa thiên vạn chi Đậm nhạt hoa thềm muôn nhánh nở
Bích sa song ngoại chuyển hoàng ly Ngoài song the biếc hót hoàng ly
Tàn trang hòa lệ há liêm tọa Dưới rèm, son nhạt pha cùng lệ
Tận nhật thương xuân xuân bất tri. Thương mãi xuân mà xuân biết chi
(Bạch Cư Dị) (Trần Trọng San dịch)
PHONG LẠC ĐÌNH DU XUÂN
Hồng thụ thanh sơn nhật dục tà Núi xanh cây đỏ nắng toan tà
Trường giao thảo sắc lục vô nha Cỏ biếc phơi đồng bát ngát xa
Du nhân bất quản xuân tương lão Du khách xá gì xuân sắp cỗi
Lai vãng đình tiền đạp lạc hoa. Trước đình qua lại giẫm lên hoa.
(Âu Dương Tu) (Trần Trọng San dịch)
TỐNG XUÂN TỪ
(Lời tiễn xuân)
Nhật nhật nhân không lão Ngày ngày người cứ già
Niên niên xuân cánh quy Năm năm xuân lại qua
Tương hoan hữu tôn tửu Vui có được chén rượu
Bất dụng tích hoa phi. Chẳng cần tiếc bay hoa.
(Vương Duy) (Trần Trọng San dịch)
*
Thiền Sư Huyền Quang cũng cùng một ý như những thi sĩ thế tục nhưng tâm vẫn an tịnh.
MAI HOA
Dục hướng thương thương vấn sở tòng Ngửa mặt trời xanh hỏi lý do
Lẫm nhiên cô trĩ tuyết sơn trung Hiên ngang trong núi mọc mình hoa
Chiết lai bất vị già thanh nhãn Bẻ về, không để chưn vui mắt
Nguyện tá xuân tư ủy bệnh ông. Chỉ mượn xuân tư đỡ bệnh già.
(Huyền Quang) (Dịch)
Kiến Tánh
Duy chỉ có bài thơ dưới đây mới cho thấy “kiến tánh” giác ngộ của một vị Thiền Sư như là một chân lý. Phật Tánh nầy luôn có trong Tâm thức.
CÁO TẬT THỊ CHÚNG
Xuân khứ bách hoa lạc Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đáo bách hoa khai Xuân đến trăm hoa nở
Sự trục nhãn tiền quá Trước mắt việc đi mãi
Lão tòng đầu thượng lai Trên đầu, già đến rồi
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai. Đêm qua sân trước một cành mai
(Mãn Giác) 1052-1096 (HT Thích Thanh Từ dịch)
Kết Luận
Thơ Xuân của chư vị Thiền Sư đã nói đủ hết bốn đề tài như trên nhưng kỹ thuật đề thi cũng không thua những thi hào trứ danh khi ta so sánh 2 bài thơ dưới đây:
CÁO TẬT THỊ CHÚNG GIANG MAI
Xuân khứ bách hoa lạc Mai nhụy lạp tiền phá
Xuân đáo bách hoa khai Mai hoa niên hậu đa
Sự trục nhãn tiền quá Tuyệt tri xuân ý hảo
Lão tòng đầu thượng lai Tối nại khách sầu hà
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận Tuyết thụ nguyên đồng sắc
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai. Giang phong diệc tự ba
(Mãn Giác) 1052-1096 Cố viên bất khả kiến
Vu tụ uất tha nga.
(Đỗ Phủ)
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Bài nầy đăng lần đầu trong phanthuonghai.com phần "Thơ Văn - Đọc Thơ"
Tài liệu tham khảo
1) Thơ Đường (Trần Trọng San)
2) Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị (Trần Trọng San)
3) Google Wikipedia
_____________________________________________

ĐI THĂM MT RUSHMORE (*)
(Nguyên bản)
Bốn vị anh hùng giúp quốc gia
Biểu dương lịch sử nước non nhà
Washington mở đường dân chủ
Jefferson khai lối cộng hòa
Từ A. Lincoln thành hiệp chủng
Đến Roosevelt đạt vinh hoa
Rushmore tạc tượng truyền nhân thế
Kỷ niệm thành hình nước Mỹ ta.
(Tự họa)
Qua tám tiểu bang của quốc gia (*)
Tốt thay địa lý đất quê nhà
Thiên nhiên rộng lớn miền wild west
Nhân tạo tiện nghi nước thái hòa
Xót dạ nghĩ về nguồn gốc Việt
Túc tâm thích ở xứ cờ hoa
Tương lai ngắn ngủi còn may mắn?
Mỹ quốc nương mình thỏa chí ta.
(Phan Thượng Hải)
7/4/16
(*) Chú thích: Từ California qua 8 tiểu bang: California, 4 Corners States (Arizona, New Mexico, Colorado and Utah), Nevada, Wyoming and S. Dakota.
CANADA ĐẤT LẠNH TÌNH NỒNG
CANADA
Đất lạnh tình nồng Canada
Cảm thông du khách đến từ xa
Đông Tây lãnh thổ cao dài rộng
Anh Pháp văn minh kết thái hòa
Lễ phép giữ lòng người tốt đẹp
Tự do thêm lối sống hào hoa
Riêng mình độc lập như tòng bách
Bình tỉnh trong lành một quốc gia.
(Phan Thượng Hải)
1/21/17
CANADA ROCKY MOUNTAIN
Phong cảnh kết thành vạn bức tranh
Trời cao đất rộng khí trong lành
Núi non trùng điệp mây lơ lửng
Thung lũng chìm sâu nước uốn quanh
Sơn đỉnh phủ che đầy tuyết trắng
Lâm viên san sát trải cây xanh
Suối tuôn hùng vỹ hồ yên tịnh
Ngoạn mục khai quan thú lữ hành.
(Phan Thượng Hải)
6/12/16
MÙA THU CANADA
Lá thu đổi sắc tựa đời ta
Khi hết màu xanh biết tuổi già
Lá đỏ hướng dương thời rạng rỡ
Lá vàng bay bướm thuở hào hoa
Thiên nhiên biến hóa nguồn thi vị
Nhân tạo u buồn tiếng hát ca
Đợi đến lá rơi trong giá lạnh
Bình tâm tận hưởng thú khang hòa.
(Phan Thượng Hải)
10/8/16
Mùa Xuân JAPAN
MÙA HOA ANH ĐÀO NHẬT BẢN
Xuân về nở rộ khắp gần xa
Nhật Bản đón mừng Sakura (*)
Rạng rỡ trên cành, mầm nghệ thuật
Xinh tươi theo gió, hứng thi ca
Điểm trang ngự uyển thiền sơn tự
Tô thắm phố phường bách tính gia
Thưởng ngoạn Anh Đào, cùng thú vị
Đẹp tình đẹp cảnh đẹp mùa hoa.
(Phan Thượng Hải)
(*) Sakura (tiếng Nhật Bản) = hoa Anh Đào.
THĂM XỨ PHÙ TANG (Nguyên bản)
Non cao Phú Sĩ chọc trời mây
Cảnh đẹp Phù Tang hiển hiện bày
Tuyết trắng phô màu che đỉnh thượng
Đào hồng khoe sắc đắm hồn say
Phu Thê đôi thạch tình son sắt
Kim Các ba tầng chùa đẹp thay
Ngắm cảnh văn minh người Nhật Bản
Càng thương dân Việt vẫn thơ ngây.
(Chánh Minh Nguyễn Văn Minh)
Kyoto 4/5/09
THĂM NÚI PHÚ SĨ (Họa)
Sừng sững một mình giữa nước mây
Thần sơn Phú Sĩ cảnh phơi bày
Đứng nhìn hồ núi hồn mê mẩn
Dạo ngắm kiểng hoa dạ đắm say
Tuyết đỉnh chọc trời trang trọng nhỉ
Anh đào theo gió đẹp xinh thay
Khách du khoái lạc vào tiên giới
Xao xuyến lòng người mãi ngất ngây.
(Phan Thượng Hải)
Kyoto 4/10/09
__________________________
CHUYỆN CƯỜI CỔ ĐIỂN TỪ PETRUS KÝ
(Phan Thượng Hải)
Chuyện khôi hài của nước Việt Nam ta xuất hiện và được truyền bá là nhờ chữ Quốc Ngữ. Dĩ nhiên nó bắt đầu từ ông Petrus Trương Vĩnh Ký.
(1)
Ở Nam Kỳ, ông Petrus Trương Vĩnh Ký xuất bản "Chuyện Khôi Hài" vào năm 1882. Chuyện khôi hài là chuyện có tác dụng gây cười, có thể trong dân gian hoặc trong lịch sử chính trị hay văn học. Trước đó trong "Truyện Đời Xưa", xuất bản lần thứ nhất vào năm 1866, ông Petrus Ký cũng có một số chuyện khôi hài như chuyện "Bốn anh học trò đặt thơ trong chùa" và chuyện "Ba anh dốt làm thơ".
Đây là vài câu chuyện tiêu biểu trong "Chuyện Khôi Hài" của ông Petrus Ký:
KHẲNG KHÁI
(Petrus Ký)
Ông quan lão kia, người khẳng khái, ăn ngay ở thật lắm, oai cũng chả sợ mà dữ cũng chả lo, cứ ngay thẳng mà làm hơn. Ổng thấy ông vua hay tây tà mới chuộng cũ vong, thì ổng tâu rằng: "Bệ hạ làm như người chất củi; cây nào sau thì để lên trên, cây nào trước thì cứ để nằm dưới chịu ẹp đó hoài, không cất đầu lên được".
ĐỐI THẦN LẦN VỚI KHÍ GIÓ
(Petrus Ký)
Từ nước Nam giao hòa và lần sau đây với nước Phú lảng sa, các anh văn thân ngạnh với vua, ghét đình thần, sao có hòa với Tây.
Ông Ngụy Khắc Đản làm bồi sứ đi Tây về, ra ngồi bố chánh (*) tỉnh Nghệ An, văn thân cắc cớ làm câu đối dán vách thành chơi rằng:
Bố đại thần, con đại thần! đại thần gì? Thần lần. (**)
Quân thấy lột đem vô, ông bố mới viết một câu mà đối lại như vầy:
Nay sĩ khí, mai sĩ khí! sĩ khí gì? Khí gió. (**)
(*) Bố Chánh= tương đương với Tỉnh trưởng
(**) Thần lần=lần thần=có dáng vẻ đờ đẫn chậm chạp. Giọng người Trung âm giống như Thằn lằn.
(**) Khí gió=khỉ gió=con cu ly; từ ngữ dùng để rủa một cách thân mật khi bực bội.
ÔNG HUYỆN VỚI ÔNG ĐỒ
(Petrus Ký)
Có anh học trò thi đậu ông đồ ở đâu tới xứ chỗ ông huyện nhậm, ở dạy học, mà hay làm cách thể ông đồ lắm, đờn địch chơi bời phong lưu, ông huyện không ưa mới làm một bài thơ biếm chơi rằng:
Tú tài thi đỗ những khoa mô?
Làm tích trong nhà mặt tỉnh khô
Con trẻ ngất ngơ kêu cậu cống
Mụ già nhóc nhách gọi cha đồ
Ngày dài đờn phím nghe inh ỏi
Buổi vắng thơ ngâm tiếng ầm ồ
Ai khiến tới đây làm bậy bạ?
Khen cho phổi lớn quá hơn bồ.
Ông đồ nghe được thì bộ (họa) như vầy:
Biển rộng minh mông dễ cạn mô?
Đố bay một gáo múc cho khô
Tuy chửa vẻ vang quyền cậu cống
Song đà tỏ rõ mặt ông đồ
Nhờ chút ơn Nghiêu nhuần phới phới (*)
Sá chi muông Chích sủa ồ ồ (*)
Căm loài thạc thử lòng tham chạ (**)
Đố khoét cho tao lúa hết bồ.
(*) Chó của đạo Chích sủa vua Nghiêu (vua thánh của Nho gia)
(**) Thạc thử=chuột lớn
CON HỌC TRÒ CỨU THẦY SÁU
(Petrus Ký)
Buổi kia ngoài Bắc, có Thầy già Sáu (*) kia bị kẻ ngoại bắt ngang trước cửa nhà có đạo. Chúng nó thộp ngực thầy ấy đang xắm rắm lo trói. Con có đạo ở trong nhà, đâu cũng mười bảy mười tám tuổi, thấy vậy nóng ruột tính mưu cứu. Vụt đâm đầu chạy đại ra, bớp thầy ấy cho một bạt tai. "Tôi đà có biểu ấy cứ ở nhà ru con thì xong, ai bảo đi đâu mà lờ khờ thế?". Nắm tay kéo lôi đi mất. Rồi ra nói: "Các cậu khéo nhè đứa dại đứa khùng mà bắt làm chi? Nó là chồng tôi, mà nó khờ dại quá". Chúng ngờ là thật, rã ra cả, rút nhau về.
(*) Tu đạo Thiên Chúa bắt đầu từ Thầy Một cho tới Thầy Sáu rồi làm Cha (Linh Mục). Thầy Sáu không được có vợ.
ANH KÌ CÀO
(Petrus Ký)
Lần kia Thầy Tư (đạo Thiên Chúa) về thăm nhà. Đâu lại gặp chị nằm bếp, mà yếu, ít sữa, lại không được sỏi cho mấy. Anh rể mới cậy" "Cậu chịu khó đi mướn giùm cho một vú". Ừ, biểu trẻ đưa quan tiền cột lưng.
Ra đi tối ngày, ăn hết tiền, lơn tơn về. Anh rể mừng chạy ra hỏi: "Sao, mướn được vú hay không?". "Ối thôi! đi khắp cả cùng làng cùng xứ mà coi, mà coi thì người nào người nấy đều có hai vú cả, không ai một vú mà hòng mướn".
CÁ RÔ CÂY
(Petrus Ký)
Nghệ an là tỉnh rộng lớn đàng đất, lại đông dân sự hơn các tỉnh cả và nước An nam. Người xứ ấy hay co ro cỏm rỏm cần kiệm quá.
Người ta thường hay nói người Nghệ an đi ra Bắc hay giắt lưng một con cá rô bằng cây khéo lắm. Hễ tới quán thì chỉ xin mua ít trự cơm mà thôi. Quán hỏi có mua đồ ăn, thịt đông, chả giò, nước mắm chi không? thì nói không, xin một chút xỉu nước mắm dầm cá mà thôi. Bỏ cá cây vô dĩa lật qua lật lại, húp cho mặn miệng mà trơu cơm ba miếng. Làm lận như vậy cho khỏi tốn tiền đồ ăn. Ăn rồi giắt cá vào lưng phủi đít ra đi.
NỬA TRỰ CƠM NỬA TRỰ CANH
(Petrus Ký)
Người kia ở trong nầy (*) ra Hà Nội, tới quán trong lưng rờ đà ráo túi may còn lại một đồng tiền bể hai. Anh ta làm điếm với bà mụ quán:
"mụ bạn cho tôi nựa trự cơm với nựa trự canh".
Mụ quán xúc cho. Anh ta đổ canh vô hết, và mà ăn, nhăn mặt lại:
"cha chà! mặn quạ, mụ làm phược cho thêm một tị cơm."
Trộn rồi ăn cũng chắt lưỡi:
"chừ lại lạt quạ, ăn chạ vô mô, mụ làm phược cho thêm chụt canh."
Ăn lua ba miếng chắc bụng, vạch hầu bao lấy hai miếng tiền sứt, đưa ra: Tịnh cho phân biệt nọ: đây nầy là nựa trự cơm, còn đây là nựa trự canh". Rồi bỏ đi liền.
(*) Đó là người Nghệ an; chuyện nầy tiếp theo chuyện "Cá rô cây".
Từ chuyện nầy, ta thấy hậu sinh nghĩ sai về người Bắc kỳ?
TÚ SUẤT LẬT VÁY BÀ QUAN
(Petrus Ký)
Tú Suất là tay kì cào hay chơi lắt lở. Bữa kia, bà tổng đốc đi ngang qua trước phố; trời thì mưa lâm râm. Chúng bạn cắc cớ đố nhau, ai dám làm thế nào mà lật váy bà quan lớn chơi.
Anh ta chịu phóc lấy, lăng căng trong phố bước ra, lanh chanh trật chơn, bùn văng lên váy bà ấy. Lật đật chạy lại, miệng nói: "trăm lạy bà, con xin lỗi, tay cầm khăn xách quách cái váy lên làm bộ chùi lia, ban đầu còn thấp thấp, sau càng dở lên cao. Bà quan mắc cỡ lấy tay đùa xuống, nói rằng: Chả hề chi.
ÔNG CỐNG QUÌNH (*)
(Petrus Ký)
.........
Tàu sai sứ đem một cây gòn đẽo bào bằng gốc bằng ngọn, lại kéo sơn đôi ba nước, mất da mất thịt cây đi hết, ở giữa có đề hai chữ: Túc Tử. Đem qua đố An nam biết là tên cây gì, lấy chữ đó mà bàn cho ra tên. Lại đố biết đầu nào gốc đầu nào ngọn.
Các quan hiệp nghị, mời Cống Quình tới hỏi: "Sao, ông tính nói cái ấy đặng hay là không?"
Cống Quình chịu, lãnh về nhà tính. Sáng ngày ra, vua ngự, lập ban cho sứ vào chầu, Cống Quình quì xuống tâu: "Chữ Túc là lúa, chữ Tử là con. Hễ là: còn lúa con ăn con no con mập, hết lúa con mòn con gầy: thì là cây gòn. Còn viết nói đầu nào gốc đầu nào ngọn, thì xin xuống mé sông tôi sẽ coi".
Vua quan cùng các sứ thảy đều xuống theo mà nghe nói. Dạy khiêng cây xuống. Ông Quình mới thả day ngang qua sông, thì nó phải day trôi theo giọt nước; đầu nào day trước ấy là đầu gốc.
.........
(*) Chữ "Quình" viết như vậy trong sách của ông Vương Hồng Sển thay vì là "Quỳnh".
Chuyện khôi hài của ông Petrus Ký rất sâu rộng. Thường là câu chuyện làm độc giả cười đối tượng trong chuyện nhưng ông còn cho thấy các đối tượng trong chuyện cười lẫn nhau. Cười không những là vui mà cười, nhưng còn cười vì những tình cảm khác. Đề tài gồm cả quốc gia (dân tộc, lãnh thổ và chánh quyền) và xã hội (kinh tế, tôn giáo, văn hóa, khoa học...). Trong câu chuyện, ngoài văn xuôi, ông còn dùng thơ và câu đối. Ông Petrus Ký còn tạo ra những nhân vật như Cống Quỳnh, Tú Suất...
Những tác giả về chuyện khôi hài (hay tiếu lâm) sau nầy đều không có được cái tài sâu rộng như ông Petrus Ký.
(2)
Từ ông Petrus Ký, ở Nam Kỳ có ông Phụng Hoàng San xuất bản "Chuyện Tiếu Lâm" (1912) và ông lại cùng ông Dương Diếp, cũng ở Mõ Cày, xuất bản "Truyện Tiếu Đàm" (1914). Chuyện tiếu lâm là chuyện cười trong dân gian.
Đây là 4 câu chuyện tiêu biểu của Phụng Hoàng San và Dương Diếp:
LÒ MÒ
(Phụng Hoàng San)
Có người kia vợ nằm bếp mà không có tiền mướn người nuôi, con em vợ mới qua nhà chị mà nuôi giùm.
Ở trong nhà thì chật để được 2 cái chõng mà thôi. Anh ta có ý muốn em vợ, mới lần mò bò vô, rồi nghĩ biết mình làm chuyện quấy, thụt trở ra, bò tới, bò lui đôi ba bận. Con em vợ nó thấy mà không nói.
Con vợ ngó thấy, ngắt thằng nhỏ khóc lên, rồi ru như vầy:
“Ội ội! con ôi nín bú cho no; hỡi người quân tử, chớ bò đi đâu?”
Con em vô thấy chị mình ru như vậy, lại biểu chị mình đưa cháu cho tôi ru cho, rồi ru như vầy:
“Cháu ôi! hãy ngủ cho ngon; của dì dì giữ, ai bò mặc ai!”
Anh ta ở ngoài nghe, nột ý ứng tiếng lên, hát khan như vầy:
“Đêm khuya gà gáy ó o, tao ngủ không đặng, tao bò tao chơi !!!”.
MỚI DỰNG KỆ
(Phụng Hoàng San và Dương Diếp)
Vua Diêm Vương đau. Sai quỉ sứ lên rước thầy thuốc, dặn quỉ rằng: "Nhà thầy nào trước cửa không có ma là thầy hay".
Quỉ sứ lên đi từ sớm mai đến trưa, coi nhà thầy thuốc nào cũng nhiều ma. Thấy nhà thầy kia có một con ma mà thôi. Quỉ mừng vào hỏi thầy làm thuốc được bao lâu. Thầy rằng: "Tôi mới dựng kệ hôm qua!"
Ý là mới dựng kệ (*) hôm qua mà đà giết một mạng, phải vài ba năm, biết là bao nhiêu?
(*) Dựng kệ: ý nói mở phòng mạch (business)
THẦY THUỐC HAY
(Phụng Hoàng San và Dương Diếp)
Một người kia vào tiệm thuốc, mua thuốc hưng dương. Uống rồi về nửa đường, thuốc mạnh nó cứng liền. Anh ta và cầm và nhảy lên nhảy xuống mà rằng: "Thiệt thầy thuốc hay! Thầy thuốc hay thiệt!!"
CŨNG CHẾT
(Phụng Hoàng San và Dương Diếp)
Hai đứa dắt nhau ra bờ tre, trai gái với nhau.
Con gái hỏi thằng trai rằng: "Sao, anh thương tôi không?"
Trai rằng: "Tao thương mầy lắm chớ, như tao mà có bỏ mầy, cho tao chết đi!"
Trai hỏi lại: "Còn mầy có thương tao không?"
Cỏn rằng: "Tôi mới thương anh lắm chớ, như tôi mà có bỏ anh, thì cho tôi chết".
Có ông già ngồi sông (*) bên kia đường, nghe liền nói rằng: "Còn tao mà sông không đặng, tao cũng chết!!"
(*) Sông=ỉa
(3)
Cuối thập niên 1910s, ở Bắc Trung Kỳ có 3 Tập "Tiếu Lâm An Nam" của tác giả là Thọ An. Thọ An chính là Học giả Phạm Duy Tốn (thân phụ của Nhạc sĩ Phạm Duy). Ông Phạm Duy Tốn thuộc Đông Dương tạp chí và Nam Phong tạp chí.
Tiếu Lâm An Nam của Thọ An Phạm Duy Tốn có những chuyện mang nội dung giống với chuyện của Petrus Ký và của Phụng Hoàng San và Dương Diếp ở Nam Kỳ.
Câu chuyện về bài thơ Con Cóc nổi danh được đăng trong sách của Petrus Ký và của Thọ An Phạm Duy Tốn:
BA ANH DỐT LÀM THƠ (*)
(Petrus Ký)
Có ba anh học trò dốt ngồi nói chuyện với nhau. Mới nói: Mình tiếng con nhà học trò mà không có làm thơ làm phú với người ta thì té ra mình dở lắm. Mấy người kia mới nói phải. Hè nhau làm ít câu chơi.
Anh thứ nhất thấy con cóc ở trong hang nhảy ra, mới làm câu mở như vầy: Con cóc trong hang con cóc nhảy ra.
Người thứ hai tiếp lấy: Con cóc nhảy ra con cóc ngồi đó.
Người thứ ba: Con cóc ngồi đó con cóc nhảy đi
Lấy làm hay lắm. Rồi nghĩ lại giựt mình, vì trong sách nói: Hễ học hành giỏi thì sau cũng phải chết. Cho nên tin như vậy mới biểu thằng tiểu đồng ra đi mua ba cái hàng đất để dành cho sẵn đó.
Tiểu đồng lăng căng đi mua, ghé ra quán uống nước ngồi xớ rớ đó. Có anh kia hỏi nó đi đâu? Mua giống gì? Thì nó nói: Ba thầy tôi thông minh trí huệ, làm thơ hay lắm, sợ lời sách quở, có khi không sống, nên sai tôi đi mua ba cái hòm.
- Mầy có nghe họ đọc thơ ấy không?
- Có
- Mà có nhớ nói lại nghe chơi, coi thử sức nó hay làm sao ?
Thằng tiểu đồng mới nói: Tôi nghe đọc một người một câu như vầy:
Con cóc trong hang con cóc nhảy ra
Con cóc nhảy ra con cóc ngồi đó
Con cóc ngồi đó con cóc nhảy đi
Anh kia nghe tức cười nôn ruột, mới nói với tiểu đồng:
- Mầy chịu khó mua giùm cho tao một cái hòm cho luôn trót thể
Tiểu đồng hỏi: Mua làm chi?
Lão nọ mới nói: Tao mua hờ để đó, vì tao sợ tao cười lắm, có khi cũng chết theo ba thầy làm thơ đó nữa.
(*) Chuyện nầy được viết lại đúng nguyên văn trong quyển "Chuyện Xưa Tích Cũ" của Sơn Nam.
THƠ CÓC
(Thọ An Phạm Duy Tốn)
Có ba ông vẫn tự đắc là mình hay thơ nôm. Một hôm, rủ nhau đi chơi chùa, để cùng họa thơ tức cảnh. Nhưng mà đến chùa, không biết làm thơ gì; mới bảo nhau hãy đưa tiền cho ông tự đi mua rượu và đồ nhắm về đánh chén đã: - Hễ rượu vào thì tự khắc thơ ra tuồn tuột! Mua về, ba ông ngồi bắt chân chữ ngũ, gật gù uống rượu, rung đùi nghĩ thơ. Chợt thấy con cóc ở trong xó, nhảy ra. Một ông mới ngâm rằng:
Con cóc trong hang,
Con cóc nhảy ra.
Ông thứ hai họa theo rằng:
Con cóc nhảy ra,
Con cóc ngồi đấy.
Ông thứ ba:
Con cóc ngồi đấy,
Con cóc nhảy đi.
Ba ông cùng vỗ đùi, cười ồ cả lên khen rằng: - Hay! hay! hay thật?
Cười chán rồi, một ông bảo rằng: - Thơ ta tuyệt cú! mà ta xuất khẩu thành chương như thế thì tôi e lắm, hai tiên sinh ạ. E rằng Thánh nhân người đã dạy: Ai mà linh khẩu lắm thì kẻo chết non. Vậy ta phải nên liệu trước.
Hai ông kia lấy làm phải lắm, bèn mời ông tự ra, nói hết đầu đuôi; rồi đưa tiền nhờ mua hộ ngay cho ba cổ ván.
Ông tự cầm tiền đi mua. Một chốc đem về bốn cái áo quan.
Ba ông hay thơ mới hỏi: - Sao mua những bốn cái thế? - Thưa các ngài, tôi mua thêm một cái để cho tôi, bởi vì tôi buồn cười quá, cũng đến chết mất.
Chuyện của Thọ An nói về ba người đi chùa làm thơ như trên cũng giống ý một chuyện về làm thơ khác của ông Petrus Ký:
BỐN ANH HỌC TRÒ ĐẶT THƠ TRONG CHÙA
(Petrus Ký)
Bốn anh học trò đi đường, ghé qua chùa chơi. Ngồi coi bạ bàn thấy tượng đồ treo thờ đó, mới rủ nhau làm ít câu thơ chơi.
Anh thứ nhứt, thấy tượng Quan Đế, thì mở rằng:
Hớn vương ăn ớt mặt đỏ gay
Anh thứ hai thấy tượng Quan Bình, thì đặt:
Bên kia Thái tử đứng khoanh tay
Người thứ ba ngó quanh quất, thấy tượng Châu Thương thì đặt:
Thằng mọi râu rìa cầm cái mác
Còn anh thứ bốn ngó ra, thấy con hạc đạp lưng qui, thì thêm:
Ngoài nầy cò quắm đạp cầy thay. (*)
(*) Cò quắm=cò có mỏ dài. Cầy thay=cần thay: đều là tiếng Miên nói trại, chỉ loại rùa lớn con.
(4)
Chuyện Tiếu Lâm của Thọ An Phạm Duy Tốn và của Phụng Hoàng San (và Dương Diếp) có những đề tài với nội dung giống nhau (nhưng hình thức khác nhau).
Đây là 3 đề tài tiêu biểu:
* (Đề Tài 1)
GIẤU CÀY
(Phụng Hoàng San)
Một lão cày ruộng kia, tới buổi, vợ kêu về ăn cơm, lão nói lớn lên rằng: - Khoan đã! Để tao dấu cái cày đi đã rồi sẽ về. Vợ dặn: Giấu cày thì phải làm thinh, chớ ông la lớn chúng nghe nó ăn cắp đi còn gì? Từ rày sắp lên đừng có nói lớn như vậy nữa.
Về ăn rồi trở ra thì quả thật chúng đã lấy mất cái cày. Lão lật đật chạy về giõ miệng vào lỗ tai vợ mà nói nhỏ rằng: - Họ ăn cắp cái cày rồi mụ ạ!
ÔNG GIÀ THẬT THÀ
(Thọ An Phạm Duy Tốn)
Có một lão già thật thà quá. Một hôm cày ruộng ở ngoài đồng. Đến bữa cơm, bà vợ ra cổng đứng gọi to rằng:
- Ông ơi, cơm chín rồi, đi về mà ăn.
Ông lão cũng nói to rằng:
- Ừ, để tôi giấu cái cày vào trong bụi tre đã, rồi tôi về.
Đến khi về, vợ bảo chồng:
- Giấu cày thì cứ im mà giấu; sao ông lại kêu rống lên thế, người ta biết, người ta có lấy mất không? Từ rày giở đi, ông đừng có nói to thế nữa nhé!
Ông lão gật đầu:
- Ừ, từ rày tôi không nói to nữa.
Ăn cơm xong, ông lão giở ra đồng, vào bụi tre tìm cày thì không thấy cày đâu nữa, người ta ăn cắp mất rồi.
Vội vàng chạy về, ghé mồm vào tai vợ mà nói rằng:
- Người ta ăn cắp mất cái cày rồi, bà mày ạ!
* (Đề Tài 2)
LẤY THUỐC MỌC RÂU
(Thọ An Phạm Duy Tốn)
Có một anh không có râu, bị vợ diếc móc khổ quá, phải đi lấy thuốc mọc râu.
Một hôm, mang tiền đến nhà ông lang. Chẳng may ông lang đi vắng, chỉ có bà lang ở nhà mà thôi. Bà lang thấy anh ta đến, mới hỏi rằng:
- Bác hỏi gì?
- Thưa bà, tôi đến xin thuốc.
- Ông lang tôi đi vắng, bác lấy thuốc gì?
- Thưa, tôi xin thuốc mọc râu.
Bà lang ngồi nghĩ một chốc, rồi nói rằng:
- Tưởng lấy thuốc gì thì tôi không dám hạ thủ, chứ thuốc nầy tôi đã kinh trị. Để tôi giùm cho!
Rồi lấy một ít liên tu, gói vào giấy, đưa cho anh kia mà nói rằng:
- Phương thuốc nầy thì phải nội ẩm, ngoại đồ (*) mới được. Đây tôi bôi thuốc uống; còn thuốc đồ, bác phải kiếm lấy.
Anh kia cầm lấy thang thuốc hỏi rằng:
- Thưa bà, thuốc đồ thế nào, xin bà bảo cho.
- Bác kiếm lấy hai hòn đá cuội, lấy da bong bóng lợn bọc lại. Khi uống thuốc rồi, thì lên giường nằm ngửa, lấy túm đá cuội ấy mà giay trên môi một lúc, rồi lấy ít dầu vừng đổ qua, thì mọc được râu.
Anh ta mừng quá, giả tiền thang thuốc, rồi chạy về nhà.
Một chốc, ông lang về, hỏi bà lang rằng:
- Tôi đi vắng, ở nhà có ai đến lấy thuốc không?
Bà nói: - Có, có người đến xin thuốc. Ông đi vắng, nếu không có tôi ở nhà khai phương cho người ta, thì người ta đi lấy chỗ khác.
Ông lang ngạc nhiên hỏi:
- Ai lấy thuốc gì mà bà dám bốc?
Bà lang mới kể tình đầu lại cho chồng nghe.
Ông lang ngẩn ra, hỏi rằng:
- Chứ bà theo sách nào mà bốc cho người ta như thế?
Bà quắc mắt, cãi rằng:
- Chẳng phải theo sách nào cả! Khi tôi mới lấy ông thì tôi có tí...nào đâu? Sao ông chỉ đồ cho tôi một ít lâu, mà sao bây giờ mọc rậm thế??
(*) Nội ẩm ngoại đồ=trong uống ngoài thoa.
THUỐC TRỒNG RÂU
(Phụng Hoàng San và Dương Diếp)
Người kia không râu, giận mình không phải đứng trượng phu, mới đi tới thầy mua thuốc trồng râu, thầy đi khỏi. Người vợ bày một phương rằng: "Có gì khó, về lấy trứng dái gà mỗi bữa chà chà hai bên mép, thủng thẳng rồi nó ra". Người ấy về làm y như vậy, ít lâu sau quả có râu ra.
Người ấy mừng đem đồ tới đền ơn. Thầy mới hỏi vợ phương thuốc đó ở đâu mầy thấy? Vợ rằng: "Y là ý vậy" (nghĩa là thuốc tại có ý), thiếp ngày mới gả cho phu quân, một sợi lông cũng không, vì bị hai hòn ngoại thận của phu quân chà hoài, chẳng bao lâu bây giờ cho đến đỗi xồm xàm ra thế nầy...
* (Đề Tài 3)
ÔNG RÂU RẬM
(Thọ An Phạm Duy Tốn)
Có một ông râu rậm che kín cả miệng. Một hôm, đương đi ở ngoài đường, chợt có đứa bé trông thấy, nó mới gọi mẹ nó mà bảo rằng:
- Mẹ ơi! ra mau mà xem người không có mồm!
Rồi nó cứ vỗ tay, chạy theo mà reo lên rằng: A! a! a! ông nầy không có mồm
Ông râu rậm tức quá, quay mặt lại, vạch râu chửi nó rằng:
- Chẳng mồm là l... mẹ mầy đây à!
ÔNG GIÀ KHÔNG CÓ MIỆNG
(Phụng Hoàng San và Dương Diếp)
Chú kia râu ria um sùm không thấy miệng mồm đâu hết. Đi đường gặp thằng con nít nói chơi rằng: "Hồ tử nghinh phong tẩu, chỉ kiến hồ tử bất kiến khẩu" (Râu ria đi ngoài gió, chỉnh thấy râu ria miệng đâu có).
Người râu giận quá, tay nắm râu dở lên bày miệng ra, chỉ miệng mà mắng rằng: "Giống gì đây không phải miệng, vậy chớ húm mẹ mầy đây sao?"
Thằng nhỏ bị mắng khóc chạy về mét với mẹ nó. Mẹ nó dỗ nó rằng: "Không phải đâu con. Chú nó mắng người khác đa! Thôi, con chạy theo mắng chú lại, nói mẹ có mà ít kìa, le the năm mười sợi he, chớ không phải xồm xàm như chú vậy đâu!"
GIỐNG ÔNG BỘ RÂU
(Vương Hồng Sển, do một người bạn Bắc thuật lại)
Có một ông huyện đi làm quan ở xa, vợ ở nhà gần ngày sanh. Ông nóng biết tin nên sai thằng trung tín về xem bà đã ở cữ rồi chưa. Vốn thằng nhỏ có tánh ngây ngô, sợ việc đàn bà đẻ, nó không dám vào, đứng ngoài hàng rào xớ rớ để nghe ngóng. Bất ngờ bà ra vườn, vén váy đi tiểu. Thằng kia trông thấy, vội vàng chạy về bẩm với ông: - Bẩm ông, bà đã ở cữ rồi.
Quan nghe mừng lật đật hỏi: - Chớ bà mầy đẻ con giai hay con gái?
- Bẩm, con không tường cô hay cậu, nhưng con nhìn thấy giống ông lắm.
- Mày trông giống tao cái gì?
- Bẩm, giống ông ở bộ râu!
(5)
Cùng những Đề tài nổi tiếng từ Chuyện Tiếu Lâm của Phụng Hoàng San hoặc từ Chuyện Khôi Hài (trong Dân Gian) của Petrus Ký, ngày nay có những câu chuyện tiếu lâm hơi khác.
Có 2 Đề tài:
* (Đề Tài 1)
THƠ NGỰA HAY
(Phụng Hoàng San)
Hai vợ chồng ông kia, nhà giàu có, sanh đặng ba đứa con gái dung nhan đẹp đẽ. Hai đứa lớn gả cho hai người văn chương, còn con gái út, có nhiều nơi coi mà nó không khứng.
Khi ấy có một tên kia nhà phú hậu, lại thêm lịch sự trai đến cầu hôn. Ông chê nó ít học, không chịu gả, còn cỏn thì đành. Bả thương con út, có ý chiều lòng con, mới khuyên ổng rằng: "Hễ học thì phải hay, chớ cái lịch sự khó kiếm lắm. Nó tuy ít học, về mình dạy thêm nó phải trở nên một đứng văn chương."
Ổng nói: "Nó tuy lịch sự trai, song nó bất học, nên ăn nói không thanh nhã, mụ nói lắm tôi cũng nghe theo."
Gả cưới xong rồi, ổng mới mua đặng một con ngựa hay lắm, trong lúc ăn tiệc, ổng biểu ba người rể làm thơ khen con ngựa hay.
Người rể lớn làm như vầy:
"Mặt nước thả cây kim; cha tôi cỡi ngựa chạy như chim; chạy đi chạy lại, cây kim chưa chìm."
Người rể giữa đặt rằng:
"Than lửa để cái lông; cha tôi cỡi ngựa chạy như dông; chạy đi chạy lại, cái lông chưa hồng."
Ông hỏi thằng nhỏ sao không làm.
Nó thưa: "Hai ảnh làm, choán hết ý hết vận, nên tôi họa chưa được, để thủng thẳng tôi nghĩ."
Bả liền nói đỡ cho nó rằng: - Nó đã nhỏ, ông lại hối lắm, nó rối trí làm sao cho được!
Bả lật đật và bước và nói, rủi lỡ trôn.
Thẳng nghe liền mừng mà nói rằng: "Thưa mẹ, tôi nghĩ đặng bài thơ rồi."
Bả biểu: - Thì con viết ra, rồi đọc nghe thử.
Anh ta viết rồi đọc rằng:
"Mẹ tôi xán cái địt; cha tôi cỡi ngựa chạy như hít; chạy đi chạy lại, đít mẹ chưa khít."
Bả nghe nói nửa bài, bỏ đi xuống nhà dưới một nước.
BỐN CHÀNG ĐI HỎI VỢ
(Chuyện tiếu lâm thời nay)
Một ông phú hộ có một cô con gái độc nhứt. Có 4 chàng tới xin cầu hôn. Nhân vì ông có một con ngựa chạy hay, ông mới ra đề biểu 4 chàng tả cái tài chạy mau của con ngựa nầy. Ai làm thơ hay nhứt thì ông gả con gái cho.
Chàng thứ nhứt văn chương giỏi liền ứng khẩu đọc:
Lưng trời chiếc lá rơi
Ngựa Ông phi một hơi
Phi đi rồi phi lại
Chiếc lá vẫn lưng trời
Nhân thấy cô gái bưng nước ra mời khách, chàng thứ nhì liền nghĩ ra bài thơ hay hơn và đọc liền:
Ly nước để cây kim
Ngựa Ông phi như chim
Phi đi rồi phi lại
Cây kim vẫn chửa chìm
Chàng thứ ba đang ngẫm nghĩ chưa ra. Ông phú hộ thì thích chàng nầy nên lấy làm lo bèn đốt thuốc hút. Nhìn thấy ông đốt thuốc, chàng thứ ba làm được bài thơ hay hơn nữa:
Đốt thuốc để cháy lông
Ngựa Ông phi lông bông
Phi đi rồi phi lại
Cái lông vẫn chửa hồng
Bà phú hộ thích và nóng ruột cho chàng thứ tư, lính quýnh như gà mắc đẻ ở phòng trong nên Bà phát "địt". Chàng nầy nghe được mừng quá làm ra bài thơ:
Từ Bà nghe tiếng địt
Ngựa Ông phi mù tít
Phi đi rồi phi lại
Lỗ đít vẫn chưa khít.
Bài nầy hay nhứt nên chàng thứ tư được vợ.
* (Đề Tài 2)
ĐỐI ĐƯỢC VỢ
(Petrus Ký)
Anh học trò khó lịch sự bảnh bao người, đi khuyên giáo, tới nhằm cái nhà kia giàu có. Trong nhà thợ đang còn làm ầm ầm ạc ạc, cũng có thầy lang (thầy thuốc) với thầy pháp tới đó nữa.
Con gái nhà ấy đã đúng tuổi, chưa có chồng, thấy vậy thì thương, ra nói rằng: "Thôi, đừng có đi khuyên giáo làm chi mà xấu hổ đạo học trò, để tôi ra cho một câu đối, ai đối được trúng ý tôi thì tôi sẽ lấy người ấy làm chồng.
Ai nấy nghe ham chợp rợp. Xin cô ra đối đi. Cô ấy ra rằng:
"Đế Nghiêu, đế Thuấn, đế Võ; Võ, Nghiêu, Thuấn, tam đế truyền hiền"
Chú thợ mộc hớp tớp đối lại rằng:
"Bào rà, bào tách, bào xoi; xoi, rà, tách, ba bào phạt mộc"
Thầy pháp cũng nóng đối rằng:
"Lôi thiên, lôi tướng, lôi bồng; bồng, thiên, tướng, tam thiềng trừ quỉ"
Thầy chùa xen vào đối rằng:
"Bồ đề, bồ tát, bồ lương; lương, Đề, Tát, tam Bồ cứu khổ"
Thầy lang lại đối rằng:
"Huỳnh cầm, huỳnh bá, huỳnh liên; liên, cầm, bá, tam huỳnh giải nhiệt"
Anh học trò lịch ịch ở sau, đối rằng:
"Vương Văn, vương Khải, vương Thang; Thang, Văn, Khải, tam vương kế Thánh"
Đối trúng ý, trúng đề, cô ấy chấm được.
May cha chả là may; sẵn nhà, sẵn cửa, sẵn cơm. sẵn gạo; nhảy phóc vô đó một cái, sướng đã nên sướng!
ĐỐI ĐƯỢC VỢ
(Chuyện tiếu lâm thời nay)
Một nhà giàu có cô con gái đẹp, tuổi vừa đôi tám. Ông bố chỉ kén rể hay chữ. Ông ra một vế đối, bảo ai đối được, ông gả con gái cho.
"Đế Nghiêu, đế Thuấn, đế Vũ; Vũ, Nghiêu, Thuấn, tam đế truyền hiền"
(Vua Nghiêu, vua Thuấn, vua Vũ; ba vua Vũ Nghiêu Thuấn truyền ngôi cho người hiền)
Câu đối ra, hôm đầu có một bác thợ mộc đến xin đối:
"Bào ra, bào tách, bào xoi; xoi, ra, tách, ba bào phạt mộc"
Ông nhà giàu cho là không được. Câu nầy cứ kể có ba tiếng bào, ba tiếng xoi, tách, ra nghe được. Nhưng vì chữ Nôm đối với chữ Hán có thể cho là không hay. Trong câu chỉ có hai chữ "phạt mộc" là chữ Hán nhưng "phạt mộc" (cắt cây) lại không ai dùng bào bao giờ.
Hôm sau có thầy phù thủy xin đối:
"Lôi Thiên, lôi Tướng, lôi Bồng; Bồng, Thiên, Tướng, tam lôi trừ quỷ"
Ông nhà giàu cũng cho là không được. Có lẽ ổng nghĩ rằng có ba vị lôi Thiên, lôi Tướng, lôi Bồng thật hay không và ba vị nầy có trừ quỷ thật không?
Hôm sau nữa có ông thầy thuốc đến xin đối:
"Hoàng cầm, hoàng bá, hoàng liên; liên, cầm, bá, tam hoàng giải nhiệt"
Ông nhà giàu vẫn cho là không được. Có lẽ ổng không tin là ba vị thuốc hoàng cầm, hoàng bá và hoàng liên đều giải nhiệt được.
Mãi một hôm có một người học trò đánh liều đến xin đối:
"Vương Văn, vương Khải, vương Thang; Thang, Văn, Khải, tam vương kế thánh"
Ông nhà giàu cho là được và bằng lòng gả con gái cho người học trò. Vua (tên) Khải là vua đầu nhà Hạ, vua (Thành) Thang là vua đầu nhà Thương (Thang) và vua Văn là vua đầu nhà Chu đểu là Thánh Vương.
(6)
Trong Chuyện Khôi Hài của Petrus Ký còn có những chuyện khôi hài trong văn học hay chính trị. Chúng còn tạo ra những "nụ cười" không vui.
Tuy nhiên có những câu chuyện dưới đây khác với Sử sách hiện đại:
* (Câu chuyện 1)
CÂU ĐỐI CÓ CHÍ KHÍ
(Petrus Ký)
Ông huyện kia đi dọc đường, gặp một thằng con nít đi học về. Thấy bộ mặt đứa sáng láng bảnh lảnh, mới kêu mà ra câu hỏi rằng:
Tự là chữ, cất dằn đầu, chữ tử là con, con nhà ai đó?
Đứa học trò chí khí đối lại liền:
Vu là chưng, cất ngang lưng, chữ đinh là đứa, đứa hỏi ta chi?
Ông huyện nghe biết đứa có chí lớn, bèn nói sau nó sẽ làm nên mà chớ. Mà thiệt như làm vậy chẳng sai.
(Sử sách hiện đại)
Hai câu đối trên có trong Lịch sử về Trạng Nguyên Nguyễn Hiền:
Năm Bính Ngọ (1246), Nguyễn Hiền đỗ đầu Thái Học Sinh, năm sau đỗ Trạng Nguyên lúc mới 13 tuổi. Khi ra mắt nhà vua, vua thấy Nguyễn Hiền còn bé loắt choắt, ăn nói không đúng phép nên cho về nhà học lễ, ba năm sau sẽ bổ dụng. Trạng Nguyên về được ít lâu thì có sứ nhà Nguyên sang đưa ra một bài thơ để thử nhân tài nước Đại Việt. Cả triều đình đều chịu thua không ai hiểu ý của bài thơ. Có quan tâu vua thử cho mời Trạng Hiền đến hỏi. Vua đành sai sứ đến tận làng tìm Trạng Nguyên Nguyễn Hiền. Tới làng thì sứ gặp một thằng bé đang đùa nghịch ở đầu làng liền hỏi thăm nhà Trạng Nguyên thì thằng bé cứ làm thinh. Sứ thấy đứa bé ngộ nghĩnh nên đọc thử câu đối:
Tự (字) là chữ, cất giằng đầu, chữ tử (子) là con, con ai con ấy?
Đứa bé đối lại ngay:
Vu (于) là chưng, chặt ngang lưng, chữ đinh (丁) là đứa, đứa nào đứa này?
Đối xong đứa bé bỏ chạy. Sứ biết là quan Trạng nên theo tới nhà thì thấy quan Trạng đứng trong bếp, sứ lại đọc một câu nữa để trêu chọc:
Ngô văn quân tử viễn bào trù, hà tu mị táo
(Ta nghe người quân tử thường lánh xa nơi bếp núc, sao lại đi nịnh ông Táo?)
Quan Trạng liền đối:
Ngã bản hữu quan cư đỉnh nại, khả tạm điều canh
(Ta vốn là chức quan vào hàng Tể tướng, nhưng hãy tạm nếm canh!)
(Điều canh: nếm canh, có nghĩa bóng là làm Tể tướng do câu của vua Cao Tông nhà Thương nói với Phó Duyệt lúc cử Phó Duyệt làm Tể tướng).
Sứ khâm phục mời quan Trạng về Kinh đô nhưng quan Trạng từ chối nói rằng:
- Trước nhà vua bảo ta không biết lễ (phép), nay chính nhà vua cũng không biết lễ.
Sứ về tâu lại, nhà vua phải mang xe ngựa, nghi trướng đến đón long trọng thì quan Trạng mới chịu đi.
Đến Kinh đô, Trạng Nguyên Nguyễn Hiền giảng giải bài thơ của sứ nhà Nguyên rõ ràng. Nguyễn Hiền làm quan đến Công Bộ Thượng thư nhưng ông chết sớm (thọ 21 tuổi).
* (Câu chuyện 2)
NGÔ THÌ SỸ VỚI TÁN LÝ THƯỜNG
(Petrus Ký)
Ông Thường (tán lý Thường), đời loạn Tây sơn ra lấy Bắc, con nhà học trò giỏi văn chương chữ nghĩa, cũng là bạn học với ông Ngô Thì Sỹ; giận ý kẻ nịnh lại hổ vì bị nhục mà vào Gia Định ở, đầu thầm với vua Gia long. Vô một năm rồi ra ngoài Bắc, giả chết, biểu vợ con giả đò chôn cất để tang để chế cho, rồi mới vào lại làm tôi vua Gia Long. Khi trước ở ngoài ấy còn hàn vi đi đường gặp ông Ngô Thì Sỹ là bạn học, mà khi ấy làm quan lớn, đi võng điều lọng lợp binh gia rần rộ (làm quan cho vua Quang trung là Nguyễn Văn Huệ, nhà Tây sơn). Mặc áo rộng, đội nón tu lờ điệu học trò; đi né tránh bên đường, lính nó nói sao có vô phép, nó bắt nó vật xuống đánh cho vài chục. Quan lớn mới hỏi là ai, thì bẩm rằng mình là học trò; thì Ngô Thì Sỹ mới rằng: "Có phải là học trò thì ra câu đối cho mà đối". Ra rằng:
Ai công hầu? Ai khanh tướng?
lúc trần ai, ai dễ biết ai?
Ông Thường đối lại rằng:
Thế chiến cuốc, thế xuân thu,
gặp thì thế, thế nào thì thế.
(Sử sách hiện đại)
Câu chuyện về Tán Lý Đặng Trần Thường trên đây khác với chuyện của ông trong Lịch sử:
Trong các đại công thần của vua Gia Long có một người Bắc Hà là ông Đặng Trần Thường. Sau khi thống nhất đất nước, vua Gia Long phong ông Đặng Trần Thường làm Tán Lý Bắc Hà (1803). Ông Đặng Trần Thường bắt các cựu thần nhà Tây Sơn ở đây phải ra trình diện trong đó có ông Ngô Thì Nhậm (con ông Ngô Thì Sỹ) và ông Phan Huy Ích (rể ông Ngô Thì Sỹ).
Ông Đặng Trần Thường cũng từng là danh sĩ Bắc Hà, đậu Sinh Đồ của nhà Hậu Lê.
Vì khi xưa có hiềm khích với ông Ngô Thì Nhậm nên ông ra câu đối cho ông Ngô Thì Nhậm:
“Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai ai dễ biết ai” (Đặng Trần Thường)
Ông Ngô Thì Nhậm định đối như sau:
“Thế chiến quốc thế xuân thu, gặp thời thế thế thì vẫn thế” (Ngô Thì Nhậm)
Em rể của ông là ông Phan Huy Ích khuyên ông sửa lại:
“Thế chiến quốc thế xuân thu, gặp thời thế thế thì phải thế” (Phan Huy Ích)
Nhưng ông Ngô Thì Nhậm vẫn cứng đầu giữ câu đối của mình:
“Thế chiến quốc thế xuân thu gặp thời thế thế thì vẫn thế” (Ngô Thì Nhậm)
Các cựu thần nhà Tây Sơn đều bị đánh đòn nhưng vì ông Đặng Trần Thường ghét câu đối của ông Ngô Thì Nhậm nên bí mật cho đánh ông Ngô Thì Nhậm bằng gậy tẩm thuốc độc do đó ông Ngô Thì Nhậm khi về nhà thì bệnh mà qua đời.
Trước khi mất ông Ngô Thì Nhậm có làm riêng bài thơ gửi cho ông Đặng Trần Thường nhắc lại chuyện của Hàn Tín sau khi công thành thì bị Hán Cao Tổ Lưu Bang khiến vợ là Lã Hậu giết ở cung Vị Ương:
Ai tai Đặng Trần Thường Thương thay Đặng Trần Thường
Chân như yến xử đường Tổ yến nhà xử đường
Vị Ương cung cố sự Vị Ương cung chuyện cũ
Diệc thị như thu trường. Khó tránh kiếp tai ương.
(Ngô Thì Nhậm) (Phan Thượng Hải dịch)
Ông Đặng Trần Thường (1759-1813) làm đến Binh Bộ Thượng Thư rồi về sau bị vua Gia Long giết (1813) đúng như bài thơ tiên đoán của ông Ngô Thì Nhậm (1746-1803) mười năm về trước. Trước khi chết, ông có làm “Hàn Vương Tôn Phú” tự ví mình với Hàn Tín, có lẽ ông nhớ lại bài thơ khuyên của ông Ngô Thì Nhậm.
Còn ông Phan Huy Ích (1751-1822) sống đến gần 20 năm sau !
* (Câu chuyện 3)
NGƯỜI CAN ĐẢM
(Petrus Ký)
Ông tiền quân Trắm (tổng Trắm), nguyên là người ngoài Bắc, bị đày vô Nam với ông Khôi. Sau giặc Khôi nổi mà bị binh trào hạ thành được, bắt đóng gông bỏ vô cũi điệu về kinh.
Người ta thấy bị mang gông, người ta xúm lại, người ta coi, thì tổng Trắm bèn làm một bài thơ như vầy:
Thiên hạ ai ai có thấy không?
Cang thường một gánh, chả phải gông!
Oằn oại hai vai quân tử trước,
Nghinh ngang một cổ trượng phu tòng;
Sống về đất Bắc danh thơm ngợi,
Thác ở trời Nam tiếng hãy không?
Nên hư cũng bởi trời mà chớ,
Há dễ là ai hại đặng ông?
Sau ngồi cũi điệu về Huế, ra tới Bình Thuận, ông ấy cắn lưỡi mà chết đi.
(Sử sách hiện đại)
Câu chuyện của ông Nguyễn Văn Trắm có viết trong Lịch sử với chi tiết như sau:
Khi vua Gia Long qua đời, Vua phó thác con là vua Minh Mạng cho ông Lê Văn Duyệt và ông Phạm Đăng Hưng. Khi ông Lê Văn Duyệt qua đời ở Gia Định thành (1832) thì xảy ra loạn của Lê Văn Khôi (con nuôi của ông Lê Văn Duyệt) vào năm 1833.
Lê Văn Khôi tên là Nguyễn Hữu Khôi vì bị quan nhà Nguyễn áp bức nên làm phản chiếm thành Phiên An (tại Sài Gòn bây giờ) được toàn thể Nam Kỳ hưởng ứng (tháng 7-1833) và cầu Xiêm La sang tiếp viện. Người anh vợ là Nông Văn Vân, làm Tri châu Bảo Lạc (tỉnh Tuyên Quang), cũng nổi loạn ở thượng du Bắc Kỳ.
Ông Trương Minh Giảng đánh bại quân Xiêm rồi với ông Tống Phúc Lương và ông Nguyễn Xuân cùng quan địa phương chiếm lại Nam Kỳ và vây quân của Lê Văn Khôi trong thành Phiên An (1834-1835). Lê Văn Khôi bị bệnh chết nhưng thủ hạ tôn con là Lê Văn Cừ (7 tuổi) làm thủ lãnh tiếp tục chống giữ 2 năm. Sau cùng trong thành bị dịch tã và hết lương thực và đạn dược nên thất thủ. Những trọng tội là Lê Văn Cừ, 4 thủ hạ (là Nguyễn Văn Trắm, Nguyễn Văn Hoành...) và 1 giáo sĩ Công Giáo bị đóng cũi giải về Huế rồi đều bị xử lăng trì. 1831 quân phản loạn còn lại bị giết ngay tại thành Phiên An và chôn chung 1 chỗ gọi là Mả Ngụy (nay ở Quận 3, Sài Gòn). Vua Minh Mạng cho phá thành Phiên An (còn gọi là thành Bát Giác hay thành Qui).
Cũng theo Lịch sử, ông Thủ Khoa Huân cũng có bài thơ gần giống như vậy:
Ông Nguyễn Hữu Huân (1816-1875), người ở Chợ Gạo, Định Tường đi thi Cử Nhân đậu Thủ Khoa (còn gọi là Giải Nguyên) vào năm 1852. Tuy là văn quan, ông đã khởi nghĩa Cần Vương chống Pháp ở Định Tường (1861-1875). Dù bị bắt nhiều lần và được Tổng Đốc Đỗ Hữu Phương giúp đỡ và dụ hàng nhưng ông không đầu hàng. Lần cuối cùng (1875) sau khi bị bắt ngồi tù trước khi bị đem ra pháp trường hành quyết, ông Thủ Khoa Huân có làm bài thơ dưới đây:
MANG GÔNG
Hai bên thiên hạ thấy hay không
Một gánh cang thường há phải gông
Oằn oại đôi vai quân tử trúc (*)
Long lay một cổ trượng phu tòng (*)
Thác về đất Bắc danh còn rạng
Sống ở thành Nam tiếng bỏ không
Thắng bại dinh hư trời khiến chịu (**)
Phản thần, “đụ hỏa” đứa cười ông
(Thủ Khoa Huân)
(*) Trúc xưng quân tử, Tòng hiệu trượng phu
(**) Dinh hư=đầy vơi
PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Tài Liệu tham khảo:
Chuyện Cười Cổ Nhân (Vương Hồng Sển)
Kể Chuyện Câu Đối Việt Nam (Vũ Xuân Đào)
Thơ và Sử (phanthuonghai.com)
_______________________________
THI SĨ HỒ BIỂU CHÁNH
Bs Phan Thượng Hải

Ông Hồ Văn Trung (1884-1958) tự là Biểu Chánh (thường được biết dưới tên Hồ Biểu Chánh) sinh ở Gò Công, học trường trung học Mỹ Tho, đậu Thành Chung (1905), làm việc với Pháp đến chức Chủ Quận và hàm Đốc Phủ Sứ nhưng ông là một vị quan thanh liêm.
Từ đầu thập niên 1920 cho đến 1945 ông có viết trên 40 tiểu thuyết về xã hội Nho Giáo Nam Kỳ trong sự du nhập của Âu Tây (trước cả Tự Lực Văn Đoàn).
Ông còn phỏng theo những tiểu thuyết Âu Tây trứ danh để viết thành tiểu thuyết:
Cay Đắng Mùi Đời (1923) phỏng theo Sans Famille (Không Gia Đình) của Hector Mailot (Pháp).
Chúa Tàu Kim Quy (1923) phỏng theo Le Comte de Monte Cristo (Bá tước Monte Cristo=Kích Tôm Sơn) của Alexandre Dumas (Pháp).
Ngọn Cỏ Gió Đùa (1926) phỏng theo Les Miserables (Những Người Khốn Nạn) của Victor Hugo (Pháp).
Chút Phận Lênh Đênh (1928) phỏng theo Dans Famille (Trong Gia Đình) của Hector Mailot (Pháp).
Người Thất Chí (1938) phỏng theo Crime et Châtiment (Tội Ác Và Hình Phạt) của M. Dostoevsky (Nga).
Ông Hồ Biểu Chánh nổi danh là văn sĩ của Nam Kỳ Lục Tỉnh nhưng ít ai biết ông cũng là một thi sĩ có tài.
Những bài thơ còn lưu lại được làm trước và sau khoảng thời gian ông viết văn (1920-1945).
Ngày 9-3-1945, quân đội Nhật Bản lật đỗ Thực Dân Pháp ở Đông Dương. Ông Hồ Biểu Chánh đến tế mộ ông Trương Công Định, người khởi nghĩa chống Pháp đầu tiên (1858-1865) khi Thực Dân mới chiếm Nam Kỳ.
TẾ MỘ TRƯƠNG CÔNG ĐỊNH
Việt Nam độc lập ó vang rân
Kéo đến tế mồ Trương tướng quân
Lừng lẫy đằng đằng hương chánh khí
Sụt sùi điểm điểm lụy đồng nhân
Trước sau tá quốc đều mong mỏi
Sống thác bình Tây cũng nợ nần
Ăn trái nhớ người gieo hột quý
Soi gương dĩ vãng đúc tinh thần.
(Hổ Biểu Chánh)
Sau khi Nhật Bản thua Đệ nhị Thế chiến, Pháp trở lại Đông Dương. Nam Kỳ có một chính quyền tự trị gọi là Nam Kỳ Tự Trị với chính phủ của Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh (1888-1946) ra mắt ngày 2-6-1946. Ông Hồ Biểu Chánh làm Cố Vấn (đặc biệt) trong chính phủ nầy. Một thời gian ngắn sau Thủ tướng Nguyễn Văn Thinh thắt cổ tự tử (ngày 10-11-1946) và ông Hồ Biểu Chánh rút lui khỏi chính trường.
Một người bạn cùng học với ông Nguyễn Văn Thinh và ông Hồ Biểu Chánh (ở trung học Mỹ Tho) là thi sĩ kỳ cựu của Nam Kỳ lúc bấy giờ (là) ông Thường Tiên Lê Quang Nhơn có làm bài thơ khóc ông Nguyễn Văn Thinh và trách ông Hồ Biểu Chánh:
KHÓC T. T. NGUYỄN VĂN THINH
Nghe tin dường sấm nổ vang trời
Chia rẽ ai bày thuyết máu rơi
Khóc bạn cố tri trong nghịch cảnh
Trách người biểu chánh chẳng thông thời
Vườn xưa thống nhất gương rành rạnh
Đại Việt phân ly khéo đổi dời
Thăm thẳm đêm đông buồn gạt lệ
Việc nhà việc nước thấy vơi vơi.
(Thường Tiên Lê Quang Nhơn)
Thi sĩ Thường Tiên Lê Quang Nhơn là con của Cai tổng Lê Quang Chiểu.
Sở dĩ có người Nam Kỳ lúc bấy giờ không thích ông Hồ Biểu Chánh vì ông rất thân Pháp (và muốn làm như ông Phạm Quỳnh?). Tương truyền rằng ông Cố Vấn Hồ Biểu Chánh là bạn với Cao ủy Nam Kỳ D’Argenlieu từng lên chiến hạm của vị Hải quân Đô đốc nầy cùng đi chơi và có làm bài thơ:
(Nguyên bản)
Chiến thuyền vượt biển gió hiu hiu
Cùng bạn hoang mang luận đủ điều
Trước mặt nước xanh phơi chí cả
Quanh mình sóng bạc giỡn trời chiều
Thị phi cười trẻ giành khôn dại
Nhân nghĩa riêng ta gởi ít nhiều
Quê cũ trong vời còn lý thú
Tấm lòng thơ thái trí tiêu diêu.
(Hồ Biểu Chánh)
Hai người cùng quê Gò Công với ông Hồ Biểu Chánh (Lương Tri và V. T.) và ông Thường Tiên có 3 bài họa:
(Họa)
Nhà quê tình cảnh luống buồn hiu
Ngồi nghĩ vu vơ nghĩ lắm điều
Đồng cháy đã kinh cơn nắng sớm
Cây khô khôn đợi đám mây chiều
Ấm no vui vẻ điềm còn ít
Rách rưới lầm than thấy đã nhiều
Cùng sống chung nhau trong xứ sở
Riêng mình không nỡ tự tiêu diêu.
(Lương Tri)
(Họa)
Sẵn đã quen mùi cảnh quạnh hiu
Biết chi sự thế khó trăm điều
Đọc thơ giải trí vui trà sớm
Cày ruộng an nhàn thưởng rượu chiều
Vụng dại thị phi mai mỉa ít
Khéo khôn ân oán tiếng tăm nhiều
Xét mình đức kém thêm tài mọn
Nào dám mong gì chuyện viển diêu.
(V.T.)
(Họa)
Đọc bài vượt biển dạ buồn hiu
Trong lúc giang sơn rối lắm điều
Vui vẻ một mình xem cảnh lịch
Thở than muôn trẻ giẫm mưa chiều
Dại khôn ai dám khoe rằng trọn
Nhân nghĩa suy ra thấy có nhiều
Đất cũ quê xưa trời ấm ủ
Lòng nào thơ thái trí tiêu diêu.
(Thường Tiên)
Ông Thường Tiên còn làm thêm một bài thơ gởi cho ông Hồ Biểu Chánh.
Nghe vẳng ai kia vượt chiến thuyền
Vầy đoàn tận hưởng cảnh thần tiên
Mảng gần cửa tượng thân vinh hiển
Quên phứt nhà mình vách ngửa nghiêng
Đã vậy còn khoe người đạo nghĩa
Lại còn châm biếm kẻ khùng điên
Uổng đời đã trọn danh liêm sĩ
Sao nỡ buông câu bãi thấp hèn?
(Thường Tiên)
Sau đó chiến tranh kháng Pháp xảy ra (1946-1954), dân chúng tản cư để tránh bom đạn hoặc để theo hay để tránh “Kháng Chiến”. Ông Hồ Biểu Chánh tản cư về Gò Công và có làm bài thơ:
TỰ THÁN
Tản cư lưu lạc mấy trăng rồi
Đất khách nhà người sót phận tôi
Mở miệng nhác ngâm câu thạnh trị
Phủi tay thêm giảng thuyết luân hồi
Thanh Tuyền mong hưởng nguồn an ủi (*)
Khổng Tước riêng buồn bước nổi trôi (*)
Non nước xa trông mây ảm đạm
Lỡ cười lỡ khóc ruột gan sôi.
(Hồ Biểu Chánh)
(*) Chú thích:
Xã Thanh Tuyền = xã Bến Súc (ở Gò Công). Khổng Tước = con Công, ám chỉ Gò Công
Theo Văn học sử, ông Hồ Biểu Chánh viết văn khoảng 1920-1945. Nhưng trước đó, ông có bài thơ Vô Đề theo thể Cửu Liên Hườn (1912).
"CỬU LIÊN HƯỜN"
Cà Mau dung bước đã ba trăng
Phong cảnh trong ra ít chỗ bằng
Thong thả mục đồng coi lảnh lót
Linh đinh ngư phủ lưới bao giăng
Tiều vui dơ búa nơi lâm tẩu (1)
Canh một phơi chui chốn nội sanh
Thằng chệt chen vai người bổn thổ (2)
Coi quyền dành giựt chạy lăng xăng.
Lăng xăng coi thử số làm sao
Đoái lại vườn xuân rất ngạt ngào
Ngàn đặm trông vơi trồng chẳng ráo
Năm canh thổn thức ruột như bào
Nặng quằn chưa trả ơn người trước
Xo xắn khó tròn đạo kẻ sau
Nam tử lỡ mang lời với thế
Công danh nhiều ít phải xôn xao.
Xôn xao rồi nghĩ lại buồn thêm
Một gốc trời Nam chín khúc mềm
Em dại ham chơi lo nỗi trẻ
Con thơ thất dưỡng tủi thay niềm
Lẻ bầy tìm tỏi xăng văng vượn
Xa ổ kêu sầu bát ngát chim
Nhắm mắt đưa chơn coi máy tạo
Bao chừ mai trước đứng chung thềm.
Chung thềm khi ấy mới vui cho
Nhớ bạn tri âm tiếng hẹn hò
Khoẳng khoát vườn đào cây rải rác (3)
Biệt mù dặm liễu khúc quanh co
Ngoài tường thoảng thoảng nhành hoa động
Đầu chái lui thui bóng nguyệt lò
Dám trách cao xanh gây nỗi thảm
Để người trông đợi kẻ buồn xo.
Buồn xo nông nỗi tại vì ai
Đeo đuổi lòng danh bước lạc loài
Hạc nội thảnh thơi ganh chí trẻ
Gà lồng túng tính tủi phần trai
Mối sầu lần gỡ ngày thêm lụn
Tơ nhợ còn vương giấc khó dài
Gặp cuộc phải xây theo với cuộc
Tứ dân nào phải kế sanh nhai.
Sanh nhai chi thiếu kế trên đời
Nông cổ coi bề rất thảnh thơi
Làm chủ muốn ngơi ngơi tỉnh tỉnh
Khỏi tôi buồn nhận nhận chơi chơi
Côn kình biển cạn khôn khoe sức
Kỳ ký đường co khó trổ tài
Danh lợi bôn chôn thôi trối kẻ
Phân tai ta giữ buổi hôm mai.
Hôm mai ngồi nghĩ đến nhân tình
Ít dữ trên đời rõ nhục vinh
Đường thẳng chưa ai thêm thử bước
Việc hư hiếm kẻ áp chen dành
Ruồi bu đuôi ngựa rồi nghinh mặt
Cáo đội lớp hùm cũng thiếu nanh
Ba vạn sáu ngàn ngày có mấy
Làm chi cực trí lại nhơ danh.
Nhơ danh mặc kẻ giữ lòng ta
Quan sự rảnh rồi thích thú nhà
Buổi tối thi ngâm câu Đỗ Lý
Vui trưa kìm khải khúc Kỳ Nha
Thà cam người trí lều (liều) xiêu xó (4)
Dễ chịu thằng ngu dạn nhổn nha
Dẫu tiếng ngựa trâu chi cũng chịu
Giữa trần ai dễ biết ai mà.
Biết ai mà tỏ chút tình riêng
Bóng thỏ canh chầy dọi trước hiên
Danh lợi mắt lơ trông một cặp
Non sông gánh nặng đạo ba giềng
Nghiêng tai chi sá lời phi thị
Lần bước noi theo dấu thánh hiền
Cái chí tang bồng đâu cũng vậy
Hễ là vô sự ấy là tiên.
(Hồ Văn Trung tự Biểu Chánh) Avril 1912
Chú thích:
(1) Lâm = rừng. Tẩu = động.
(2) Bổn (tiếng Nam Kỳ)= bản
(3) Khoẳng (tiếng Nam Kỳ) = khoảng
(4) Lều (tiếng Nam Kỳ) = liều
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Tài Liệu Tham Khảo:
1) Thơ Quốc Ngữ Nam Kỳ (Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
2) Thơ và Việt Sử - Thời kỳ Độc Lập (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
3) Thơ và Việt Sử - Thời Pháp Thuộc Tk 20 (Bs Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
NGUỒN GỐC SÀI GÒN CHỢ LỚN
Bs Phan Thượng Hải
Nguồn gốc Sài Gòn và Chợ Lớn bắt đầu từ năm 1632. Từ đó có những địa danh Sài Gòn, Sài Côn, Bến Nghé, Ngưu Chử, Đề Ngạn, Chợ Lớn và Tây Cống cho đến khi Thực Dân Pháp chính thức lập ra Thành phố Sài Gòn và Thành phố Chợ Lớn (Ville de Saigon et Ville de Cholon) vào năm 1865. Đây là những diễn tiến thành hình Sài Gòn và Chợ Lớn từ năm 1632 cho tới năm 1865.
SÀI GÒN VÀ BẾN NGHÉ
Năm 1632, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (con của Chúa Nguyễn Hoàng) cử sứ thần sang gặp vua Chân Lạp xin đặt 2 trạm thu thuế ở Prei Nokor và Kras Krabei. Prei Nokor và Kras Krabei là địa danh tiếng Miên (Chân Lạp). Từ đó có người Việt vào sinh sống ở 2 nơi nầy. Từ 2 địa danh tiếng Miên nầy có 2 địa danh tiếng Việt là Sài Gòn và Bến Nghé.
Prei Nokor (mượn từ tiếng Phạn là Brai Nagara) có nghĩa là "Thị trấn trong Rừng".
Prei = Brai = Rừng và Nokor = Nagara= Thị trấn, thành phố.
Lần lần Prei Nokor đọc trại thành tiếng Việt (tiếng Nôm) là Sài Gòn.
Trước khi có chữ Quốc Ngữ, vì không có chữ Nôm viết cho tiếng Nôm "Gòn" nên văn kiện nước Việt lúc bấy giờ viết thế bằng chữ Hán là "Côn". Do đó Sài Gòn viết là Sài Côn nhưng địa danh Sài Gòn được người Việt đến định cư dùng trong tiếng Việt (tiếng Nôm hay tiếng Nam). Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn viết: "Năm 1674, Thống suất Nguyễn Dương Lâm đánh Cao Miên phá lũy Sài Côn". Chữ "Sài Côn" xuất hiện vào năm 1674, tiếng "Sài Gòn" có lẽ có trước đó. Các giáo sĩ Tây Phương đã viết (theo mẫu tự La Tinh) chữ "Saigon" từ thế kỷ 18.
Có giả thuyết khác cho rằng địa danh Sài Gòn không phải là dịch âm từ tiếng Miên "Prei Nokor" mà do người Việt đặt cho theo đúng địa lý của nơi nầy là có nhiều cây (bông) gòn. Sài=củi và Gòn=cây bông gòn (Hán ngữ là Côn). Thuyết nầy không có lý lắm vì 150 năm về trước, Petrus Ký cũng không thấy di tích của cây gòn ở vùng nầy.
Có giả thuyết của Thái Văn Kiểm thì vùng nầy có 2 tên Cao Miên: Prei Nokor (có nghĩa là Rừng của Vua) hoặc Prei Kor (có nghĩa là Rừng cây Gòn). Tên Sài Gòn (có nghĩa là Củi Gòn) là dịch nghĩa một cách nôm na của Prei Kor. Tuy nhiên tên "Prei Kor" chỉ có từ Thái Văn Kiểm và vùng nầy không để lại di tích cây gòn.
Sài Gòn (Prei Nokor) ở Quận 5 bây giờ.
Kras Krabei có nghĩa là "Bến có con trâu". Do đó nó được dịch nghĩa ra là Bến Nghé (Nghé=Trâu, trâu con). Có sách còn viết là Kompong Krabey hay Kâmpóng Krâbei với cùng một nghĩa. Theo Hán ngữ thì Bến Nghé (tiếng Nôm) là Ngưu Chử.
Bến Nghé theo Trịnh Hoài Đức là bến uống nước của trâu con. Nhưng theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì nơi nầy có nhiều cá sấu (tiếng Miên gọi là Krapoe), chúng thường kêu "nghé" nên gọi là Bến Nghé. Trịnh Hoài Đức dịch Bến Nghé là Ngưu Tân.
Bến Nghé (Kras Krabei) ở Quận 1 bây giờ, phần giáp với rạch Bến Nghé (ở phía Nam).
Địa danh Bến Nghé có cùng thời với địa danh Sài Gòn khi có người Việt tới định cư ở 2 nơi nầy vào thế kỷ 17. Dĩ nhiên Bến Nghé là tiếng Nôm nên văn kiện viết thành chữ Hán là Ngưu Chử hay Ngưu Tân.
Năm 1698, Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh đến Cù lao Phố lập Dinh Trấn Biên (sau nầy là tỉnh Biên Hòa) và Dinh Phiên Trấn (sau nầy là tỉnh Gia Định) thì Bến Nghé là thủ phủ của Dinh Phiên Trấn. Năm 1790, Nguyễn Vương Phúc Ánh xây thành Gia Định ở Bắc Bến Nghé gọi là Thành Qui. Sau loạn Lê Văn Khôi (1832), vua Minh Mạng san bằng Thành Qui và xây Thành Phụng nhỏ hơn cũng ở đây. Sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ thì phá Thành Phụng chỉ còn 1 cái đồn nhỏ là chỗ Nhà thương Đồn Đất (của Pháp) sau nầy.
ĐỀ NGẠN, CHỢ LỚN VÀ TÂY CỐNG
Năm 1778, người Hoa từ Biên Hòa (Trấn Biên) tránh quân Tây Sơn di cư về Sài Gòn (Prei Nokor). Nơi đây trước đó đã có làng Minh Hương của người Hoa. Người Tiều (Triều Châu) âm tiếng "Sài Gòn" theo tiếng Tiều thành "Tai Ngon hay Tin Gan", còn người Quảng lại âm theo tiếng Quảng là "Thầy Ngồn hay Thì Ngòn" và viết chữ Hán đọc thành Hán ngữ là "Đề Ngạn". Đề Ngạn có nghĩa theo tiếng Việt là Bờ Đê. Người Hoa không có đắp đê nào ở đây!
Do đó địa danh tiếng Việt "Sài Gòn" là từ tiếng Miên còn những tiếng Tàu kể trên có sau tiếng Việt "Sài Gòn". Từ ngữ "Đề Ngạn" có sau từ ngữ "Sài Gòn" do đó không phải là nguồn gốc của địa danh Sài Gòn.
Người Hoa xây chợ ở Sài Gòn (Prei Nokor) thành 2 Chợ. Để phân biệt nên có tên Chợ Lớn (hơn) và Chợ Nhỏ (hơn).
Chợ Lớn nầy bây giờ ở khu vực Bưu điện Chợ Lớn kéo dài tới Đại Thế Giới. Theo Thái Văn Kiểm, Chợ Lớn nầy lập song song với Chợ Nhỏ, còn tồn tại tới thời VNCH với tên là Chợ Thiếc ở phía trường đua Phú Thọ.
Về sau Chợ Lớn (Cũ) nầy được dời tới Chợ Lớn Mới gọi là Chợ Bình Tây do nhà đại phú Quách Đàm xây tặng. Tượng họ Quách còn ở giữa đình chợ Bình Tây. Do đó về sau có phân biệt Chợ Lớn Cũ (ở Quận 5) và Chợ Lớn Mới (ở Quận 6).
Có người không đồng ý với Thái Văn Kiểm, cho rằng Chợ Nhỏ không phải là Chợ Thiếc mà là Chợ Tân Kiểng (lập năm 1748) vì ở làng Tân Kiểng. Sau đó làng Tân Kiểng hợp với 2 làng Nhơn Ngãi và Bình Yên thành khu vực Chợ Quán thì chợ nầy chính là Chợ Quán (nay là ở phường 22, Quận 5).
Người Hoa ở Chợ Lớn hay dùng tiếng Tàu là "Xây Coón hay Xi Coón" để gọi người Việt ở Chợ Bến Thành (thuộc Bến Nghé) mà Hán ngữ là Tây Cống. Tây Cống không là nguồn gốc của địa danh Sài Gòn. Có giả thuyết hơi mơ hồ cho rằng Tây Cống nghĩa là nơi mà người Chân Lạp miền Tây đem phẩm vật cống hiến cho chính phủ ta.
THÀNH PHỐ SÀI GÒN VÀ THÀNH PHỐ CHỢ LỚN
Năm 1861, sau khi chiếm Nam Kỳ, Phó Đô Đốc Charner thành lập và định giới Ville De Saigon gồm cả 2 khu Sài Gòn (Prei Nokor) và Bến Nghé (Kras Krabei). Năm 1865, Quyền Thống Đốc Nam Kỳ là Đô Đốc Pierre Rose qui định Ville De Saigon là khu Bến Nghé (Kras Krabei) và chính thức lập Ville De Cholon là khu Sài Gòn (Prei Nokor). Người Việt bắt đầu có chữ Quốc Ngữ nên viết đúng tiếng Việt của Saigon là Sài Gòn và của Cholon là Chợ Lớn. Như vậy từ đó tới ngày nay địa danh Sài Gòn dùng cho khu Bến Nghé cũ (Kras Krabei) và địa danh Chợ Lớn dùng cho khu Sài Gòn cũ (Prei Nokor) tại vì lỗi lầm của Thực Dân Pháp!
Khi chánh thức được thành lập (1865):
Thành phố Chợ Lớn (Ville de Cholon) ở giữa: đ. Hồng Bàng, đ. Tổng Đốc Phương, phía dưới đ. Đồng Khánh, đ. Nguyễn Tri Phương và phía trên bến Hàm Tử. Nó là từ khu Sài Gòn cũ (Prei Nokor).
Thành phố Sài Gòn (Ville de Saigon) ở giữa: đ. Hồng Thập Tự, đ. Nguyễn Thái Học, rạch Bến Nghé (bến Chương Dương), sông Sài Gòn (bến Bạch Đằng) và rạch Thị Nghè. Nó là từ khu Bến Nghé cũ (Kras Krabei).
Lần lần 2 thành phố dính liền nhau và lan rộng thành ra Sài Gòn ngày nay.

Thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn lúc ban đầu, năm 1865
ĐI CHƠI SÀI GÒN
Lên chơi Bến Nghé bấy nhiêu ngày
Xe ngựa chen đời, bụi cát bay
Phong cảnh đã dời thành quách cũ
Lâu đài lại đổi sắc trang rày
Sớm vô Chợ Lớn dầu thong thả
Chiều lại nhà hàng mặc tỉnh say
Mới biết Nam Kỳ là chỗ hội
Quan quân rậm rựt tối như ngày.
(Lê Quang Chiểu)
Cuối Thế kỷ 19
SÀI GÒN HOÀI CẢM (*)
Địa danh sống mãi ở tình trường
Bốn chục năm qua trải gió sương
Đã hết êm đềm thời lộng nguyệt
Lại thêm hỗn độn dưới tà dương
Sài Gòn hoa lệ tràn nhung nhớ
Hòn Ngọc Viễn Đông vợi tiếc thương
Cách mặt đau lòng không đổi dạ
Hương xưa hoài cảm tự can trường.
(Phan Thượng Hải)
Năm 2015
(*) Họa bài Thăng Long Hoài Cổ của Bà Huyện Thanh Quan.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Bài viết nầy đăng lần đầu tiên trong phanthuonghai.com
Tài liệu tham khảo:
Địa Danh Sài Gòn Gia Định (Phan Thượng Hải) - phanthuonghai.com
Đất Việt Trời Nam (Thái Văn Kiểm)
CHUYỆN THƠ VỀ "THẤT THẬP"
(Bs Phan Thượng Hải)
Khi đến 70 tuổi, người đời thường nghĩ tới hay nói tới câu "Thất Thập Cổ Lai Hy" (Bảy mươi từ xưa đến nay rất hiếm).
Câu "Thất Thập Cổ Lai Hy" nguyên gốc từ câu thơ "Nhân sinh thất thập cổ lai hy" của thi hào Đỗ Phủ (712-770) trong bài thơ thứ nhì của 2 bài thơ Khúc Giang.
KHÚC GIANG (*)
Triều hồi nhật nhật điển xuân y
Mỗi nhật giang đầu tận túy quy
Tửu trái tầm thường hành xứ hữu
Nhân sinh thất thập cổ lai hy
Xuyên hoa giáp điệp thâm thâm kiến
Điểm thủy tinh đình khoản khoản phi
Truyền ngữ phong quang lưu cộng chuyển
Tạm thời tương thưởng mạc tương vi.
(Đỗ Phủ)
(*) Chú thích:
Khúc Giang là Khúc Giang trì, một thắng cảnh ở Đông Nam Trường An lúc bấy giờ.
Trì = (cái) ao, hồ.
KHÚC GIANG
Áo chầu mỗi buổi đều đem cố (*)
Về đến đầu sông nghiêng ngả say
Nợ rượu khắp nơi thường có cả
Đời người bảy chục hiếm hoi thay
Len hoa, bươm bướm mờ mờ hiện
Chấm nước, chuồn chuồn chậm chậm bay
Cùng bảo phong quang đều chuyển động
Tạm thời hãy hưởng phút giây nay.
(Trần Trọng Sang dịch)
(*) Cố = thuê, mướn.
Năm 757, tháng 9, quân đội của Quách Tử Nghi chiếm lại được kinh đô Trường An, Đường Túc Tông và Thượng Hoàng (Đường Minh Hoàng / Đường Huyền Tông) trở về kinh đô. Đỗ Phủ cũng theo trở về và vẫn làm một chức quan nhỏ trong triều đình. Hai bài thơ "Khúc Giang" nầy được Đỗ Phủ làm vào tháng 5, năm 758. Lúc đó Đỗ Phủ được khoảng 45-46 tuổi.
Đọc câu 5, 6 và 7 thì biết là Đỗ Phủ đang say thiệt sự khi làm bài thơ nầy. Như vậy ý tứ "Thất thập cổ lai hy" phát xuất từ Rượu? Thi hào Đỗ Phủ (712-770) qua đời vì bệnh lúc 58, 59 tuổi, không tới được "thất thập".
Hai thi hào Việt Nam cũng có 2 bài thơ Xướng Họa về "Thất Thập". Khi Nguyễn Công Trứ (tự là Uy Viễn) làm bài thơ tự thọ được 70 tuổi thì ông được Cao Bá Quát họa lại:
THẤT THẬP TỰ THỌ BẢY MƯƠI TUỔI TỰ CHÚC THỌ
(Xướng - Hán ngữ)
Nhật đối nhi tào tự giải di Ngày cùng lũ trẻ cợt đùa chơi
Kim ngô bất tự cố ngô thì Quả thực ta nay khác trước rồi
Tùy cơ khối lỗi cung nhân tiếu Múa rối mấy hồi rằng giúp nước
Trực ký niên hoa giới cổ hy Sống lâu bảy chục cũng ơn trời
Lão thực bất kham trang diện mục Thật thà bao quản khoe mình đẹp
Anh hoa an dụng nhiễm tu tỳ (*) Tóc bạc xin đành kém vẻ tươi
Tự tàm tiên liệt hào vô trạng Những thẹn bất tài không bác bổ
Quái sát Hồng sơn hữu thị phi. (*) Non Hồng thôi mặc tiếng trên đời.
(Nguyễn Công Trứ) (Lê Thước dịch)
(*) Chú thích:
Tỳ = dính liền nhau. Tu = tóc, râu.
Hồng sơn là núi Hồng Lĩnh, quê hương của Nguyễn Du và Nguyễn Công Trứ.
HỌA UY VIỄN THẤT THẬP TỰ THỌ
(Họa - Hán ngữ)
Quần sơn nam vọng độc chi di Non Nam nhìn tới mỉm đôi môi
Dao tưởng tiên sinh vị lão thì Tưởng nhớ tiên sinh lúc thiếu thời
Tự cổ anh hùng vô đại dị Những kẻ anh hùng riêng mỗi cảnh
Như kim xỉ đức kiến ưng hy Mấy ai xỉ đức được như người
Thường gia thế vị chung tu tửu Rượu nhờ tẩy sạch bao mùi tục
Cấm đoạn sương hoa bất thượng tỳ (*) Râu cằm không màng những phấn bôi
Văn đạo Hồng phong dục hồi thủ (*) Nghe nói Hồng phong nay trở gót
Khởi ưng lục thập cửu niên phi. Lẽ nào sáu chục chín năm sai.
(Cao Bá Quát) (Vô Danh thị dịch)
(*) Chú thích:
Thượng tỳ = râu, râu mép.
Hồng phong là gió núi Hồng Lĩnh.
Tiến sĩ Nguyễn Quý Tân (Nghè Tân) cũng có bài họa bằng Việt Ngữ:
THẤT THẬP TỰ THỌ
(Họa - Việt Ngữ)
Bảy mươi tuổi tác vẫn nhường di (ri)
Mới biết xưa kia buổi thiếu thì
Rượu tỉnh thơ say hồn Lý Bạch
Trúc cười hoa cợt thú Vương Hy
Giang sơn nắm lại đôi tay khấu
Văn võ buông ra một ngón tỳ (*)
Cùng kiếp phù sinh nay dở sạch
Dẫu ai tiếng thị với lời phi.
(Nguyễn Quý Tân)
(*) Chú thích:
Tỳ = liền nhau - giúp đỡ.
Tác giả cũng tới "thất thập" nên xin kính họa.
THẤT THẬP CẢM KHÁI
(Họa - Việt ngữ)
Bình tâm chánh định chẳng hề di
Liệt lão hồi hưu đã hết thì
Nhân thọ thất tuần tân tiến túc
Nhân sinh thất thập cổ lai hy
Mừng còn nội trợ vui bè bạn
May vẫn toàn thân chửa có tỳ (*)
Gia thất an nhàn thi tống tửu
Thành tâm dưỡng tánh bất vi phi. (*)
(Phan Thượng Hải)
5/17/20
(*) Chú thích:
Tỳ = bệnh, vết xấu, chỗ sai lầm.
Vi phi = làn điều lầm lỗi.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
MỘT TRẬN DỊCH 200 NĂM TRƯỚC
Phan Thượng Hải
Năm 2020, toàn thế giới mắc phải bệnh Dịch Covid-19. 200 năm trước vào năm 1820, nước Việt Nam cũng có một trận Dịch lớn.
Đại Nam Thực Lục viết:
"Năm nay (1820) bệnh dịch phát từ mùa thu sang mùa đông, bắt đầu từ Hà Tiên sau rốt đến Bắc Thành (Hà Nội). Số hộ khẩu chết tất cả là 206.835 người, không kể số nam phụ lão ấu ở ngoài hộ tịch. Trước sau chẩn cấp hơn 73 vạn quan tiền.
Vua (Minh Mạng) lấy bạch đậu khấu trong kho và phương thuốc chữa dịch sai người ban cấp. Sắc cho các địa phương mỗi nơi đặt một đàn tế lễ. Người ốm thì cấp thuốc, người chết thì cấp tiền (và) vải".
Ông Phạm Đăng Hưng, cha của bà Từ Dũ, là Phó Tổng tài của Quốc Sử quán, tâu rằng: "Gặp tai vạ biết lo sợ, vốn là thịnh đức của đấng nhân quân. Nhưng thần nghe bệnh Dịch từ Tây dương sang, bệ hạ hà tất lấy làm tội của mình".
Sử gia sau nầy cho là bệnh Dịch tả căn cứ trên thuốc trị bằng "bạch đậu khấu" và trận dịch nầy từ Xiêm La sang Chân Lạp rồi cuối cùng tràn qua Việt Nam.
Từ đó có câu chuyện của thành phố Cao Lãnh ngày nay.
Trận dịch năm 1820 nầy tràn lan tới vùng đất của làng Mỹ Trà mà sau nầy là thành phố Cao Lãnh. Tại đây ngày nào cũng có 5, 7 người chết.
Lúc đó có vợ chồng ông bà Đỗ Công Tường là chủ chợ ở đây. Ông có tục danh là Lãnh được cử giữ chức Câu Đương là chức chuyên lo phân xử những tranh chấp trong làng nên ông được dân làng gọi tên là Câu Lãnh. Ông Bà từ miền Trung vào sinh sống ở làng Mỹ Trà khai hoang mở đất trồng trọt (trồng quít) nên gia đình khá giả. Ông Bà cất quán ở vườn quít của mình, lần hồi thu hút bà con ở làng tới buôn bán làm thành chợ.
Trước trận Dịch nầy, Ông Bà lập bàn hương án trước chợ rồi nhất tâm khấn nguyện cầu xin dịch bệnh mau qua đi, Ông Bà nguyện thế tử cho cho tất cả dân làng. Bà bị bệnh chết ngày mùng 9 tháng 6 âm lịch và ông cũng chết vì bệnh ngày hôm sau. Lạ kỳ là sau khi Ông Bà qua đời, dịch bệnh cũng chấm dứt ở đây. Dân làng ở làng Mỹ Trà tin rằng gương hy sinh của Ông Bà đã cảm động lòng Trời nên khiến cho dứt bệnh dịch trong làng. Dân làng lấy tên Câu Lãnh của Ông đặt tên cho Chợ ở đây. Câu Lãnh lần lần đọc trại là Cao Lãnh. Sau đó vùng đất mở rộng với cùng một tên thành ra tỉnh lỵ rồi thành phố Cao Lãnh ngày hôm nay. Dân làng có lập miếu thờ Ông Bà. Miếu được trùng tu và mở rộng cho đến ngày nay.
Thi sĩ Lãng Ba Phan Văn Bộ là người sinh trưởng ở làng Mỹ Trà, Cao Lãnh có làm bài thơ nhắc lại công đức của Ông Bà và gốc tích của địa danh Cao Lãnh. Bài thơ nầy làm vào thời Đệ nhất Cộng hòa khi thi sĩ viếng miễu nầy.
ÔNG CHỦ CHỢ CAO LÃNH
Muôn miệng như nhau đã nói rành
Câu Đương là chức, Lãnh là danh
Lập làng khó nhọc, công vừa dứt
Cất chợ chăm nom, việc mới thành
Dân đụng giặc trời, cam thọ tử
Ông đền nợ nước, quyết hy sanh
Thoát nàn, bá tánh lo thờ phượng
Miễu đó, ngàn thu rạng tiết lành.
(Lãng Ba)
25-9-1957
PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn

Nguồn Gốc Từ ngữ Trung Quốc và Trung Hoa
(Phan Thượng Hải)
(1)
中國(中国)= Trung Quốc (Zhòng guó) = Middle Kingdom/Country
Người Tàu từ đời nhà Hạ (2070-1600 tr CN) cho tới thời Chiến Quốc (473-221 tr CN) gọi mình là người Hoa Hạ để phân biệt với nhiều giống người thiểu số khác (mà người Hoa Hạ gọi là Rợ / Barbarians) sống trong cùng một lãnh thổ.
Theo thuyết Thiên Mệnh của nhà Tây Chu (từ 2 người con của Chu Văn Vương là Chu Công Đán và Thiệu Công Thích), lãnh thổ Trung Quốc lúc đó gọi là Thiên Hạ (Dưới Trời) có một lãnh tụ tối cao và độc nhất là Thiên Tử (Con Trời), có Thiên Mệnh (Mệnh Trời) cai trị tất cả mọi người. Thiên tử là vua nhà Chu xưng là Vương (Tây Chu rồi Đông Chu trong thời Xuân Thu và Chiến Quốc). Lúc đầu từ thời nhà Tây Chu, Thiên Hạ gồm có Trung Quốc là nước của Thiên tử Nhà Chu, các Phương quốc là các nước của các Chư Hầu và đất nước của những người Thiểu số (gọi là Rợ).
Khi nhà Tần thống nhất Thiên hạ (221 tr CN), chấm dứt thời Chiến Quốc, và Tần Thủy Hoàng Đế làm Thiên tử xưng là Hoàng đế thì Thiên Hạ là Trung Quốc vì không còn Chư hầu và Phương Quốc nữa. Lúc đó người Hoa Hạ cũng gần như đồng hóa những người Thiểu số (như những người Địch, Nhung, Di, Man, Ba, Thục...) và đã thôn tính đất nước của họ. Sau đó Nhà Hán thay thế nhà Tần. Từ đó người Hoa Hạ là người Hán (Hán nhân, Hán tộc). Danh từ Trung Quốc và Hán tộc tồn tại cho tới ngày nay.
Lãnh thổ Trung Quốc trong thời gian bắt đầu của nhà Tần ở lưu vực sông Vị, sông Phần Thủy, sông Hoàng Hà và sông Trường Giang (s. Dương Tử); thuộc phía Bắc và Tây Bắc dãy núi Ngũ Lĩnh.
中國(中国)
= Trung Quốc - Zhòng Guó. Trung nghĩa là ở chính giữa. Quốc nghĩa là Nước. Trung Quốc nghĩa là "Nước ở Chính giữa".
= Middle Kingdom/Country
Nước Tàu tự xưng tên mình là "Trung Quốc" trong suốt thời đại Quân chủ cho tới năm 1911.
中國(中国)
Trung Quốc - Zhòng Guó
Middle Kingdom
(2)
China = Trung Quốc = Middle Kingdom/Country
Nước Tàu được người Âu Châu (rồi toàn Thế giới) gọi là China từ thế kỷ thứ 16.
- The origin of the word "China" explained by the the European and American:
The word "China" is derived from Cin (چین), a Persian name for China popularized in Europe by Marco Polo. The first recorded use in English dates from 1555. In early usage, "china" as a term for porcelain was spelled differently from the name of the country, the two words being derived from separate Persian words. Both these words are derived from the Sanskrit word Cīna (चीन), used as a name for China as early as AD 150.
There are various scholarly theories regarding the origin of this word. The traditional theory, proposed in the 17th century by Martino Martini, is that "China" is derived from "Qin"* (秦, pronounced chin), the westernmost of the Chinese kingdoms during the Zhou Dynasty, or from the succeeding Qin Dynasty (221 – 206 BC). In the Hindu scriptures Mahābhārata (5th century BC) and Manusmṛti (Laws of Manu) (2nd century BC), the Sanskrit word Cīna (चीन) is used to refer to a country located in the Tibeto-Burman borderlands east of India.
Another theory is that this word is derived from Yelang, an ancient kingdom in what is now Guizhou whose inhabitants referred to themselves as 'Zina'.
* Qin = (nước) Tần
Conclusion:
The name 'China' comes from the Sanskrit Cina (derived from the name of the Chinese Qin Dynasty, pronounced 'Chin') which was translated as 'Cin' by the Persians and seems to have become popularized through trade along the Silk Road from Chinato the rest of the world.
The name 'China' was popularized in Europe by Marco Polo.
- Từ Marco Polo (thế kỷ 16), người Âu Mỹ gọi Nước Tàu là China. Rồi từ thế kỷ thứ 18, người Âu Mỹ bắt đầu đến và chiếm đất của Nước Tàu.
- Người Âu Mỹ dịch 'China' ra tiếng Tàu là 'Zhong Guó', tên đã được dùng cho nước Tàu từ thời nhà Tây Chu:
In the West, China is of course called China, but in its own language it's known as 'Zhongguó', translating roughly to 'Middle Kingdom. ' Here's everything you need to know. The first known recording of the term 'Zhongguó' comes from a ritual vessel dating around 1000 B.C. called the He Zun
- Và giải thích: China = Zhòng Guó = Middle Kingdom/Country = 中國(中国)
China in mandarin Chinese is called "Zhòng-guó", meaning literally Middle Kingdom/Country. ... But the TODAY the greks don't call their country Hellas, they call it Ellada, and Ellada derives from Hellas.
'Zhòng Guó' của Tiếng Tàu đồng nghĩa với 'Middle Kingdom/Country'. Hán Việt ngữ có âm tương đương và đồng nghĩa là 'Trung Quốc'.
中國(中国)
= (dịch nghĩa là) Middle Kingdom/Country
= (đọc theo tiếng Tàu là) Zhòng Guó
= (đọc theo tiếng Hán Việt là) Trung Quốc.
(3)
中華= Trung Hoa (Zhòng huá) = Middle Kingdom/Country = Trung Quốc
Sau Cách mạng Tân Hợi (1911), nước Tàu theo chính thể Cộng Hòa. Nước Tàu lần lượt có 2 tên:
Trung Hoa Dân Quốc (1912-1949)
Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc (1949-now)
中華民國
Trung Hoa Dân Quốc - Zhòng Huá Mín Guó
Republic of China = Cộng Hòa Trung Hoa (dịch từ tiếng Anh).
中華人民共和國
Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc - Zhòng Huá Rén Mín Gòng Hé Guó
People Republic of China = Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (dịch từ tiếng Anh).
Nước Tàu có một tên khác là Trung Hoa.
中華
Trung Hoa - Zhòng Huá
中華
= (đọc theo tiếng Tàu là) Zhòng huá
= (đọc theo tiếng Hán Việt là) Trung Hoa
Tự điển tiếng Tàu và tiếng Hán Việt đều đồng ý:
Trung Hoa (danh từ riêng) đồng nghĩa với Trung Quốc (danh từ riêng)
Zhòng huá đồng nghĩa với Zhòng guo
中華= (dịch nghĩa là) Middle Kingdom/Country (proper noun).
Khi giải thích từ ngữ "Trung Hoa Dân Quốc", Wikipedia dịch ra là "Republic of China" rồi giải thích "China"đồng nghĩa với "Trung Quốc" (Zhòng Guó):
The official name of the state on the mainland was the "Republic of China*", but it has been known under various names throughout its existence. Shortly after the ROC's establishment in 1912, the government used the short form "China" (Zhōngguó (中國)) to refer to itself, "China" being derived from zhōng ("central" or "middle") and guó ("state, nation-state"),[g] a term that developed under the Zhou dynasty in reference to its royal demesne, and the name was then applied to the area around Luoyi (present-day Luoyang) during the Eastern Zhou and then to China's Central Plain* before being used as an occasional synonym for the state during the Qing* era.
Republic of China = Trung Hoa Dân Quốc
Central Plain = Trung Nguyên
Qing = (nhà) Thanh
Như vậy, từ ngữ Trung Hoa dùng để chỉ Nước Tàu có nguồn gốc từ đâu?
Chúng ta đã biết nguồn gốc các từ ngữ dùng để chỉ Nước Tàu: Trung Quốc và China.
Chỉ có một giả thuyết mà các sử gia Âu Mỹ không nghĩ ra:
China = (dịch âm là) Zhòng huá hay Trung Hoa.
Trung Hoa là dịch âm của China, tiếng mà người Âu Mỹ dùng để gọi Nước Tàu.
Các dịch giả đã dịch thẳng "Trung Hoa" từ "China":
Republic of China = Cộng Hòa Trung Hoa (dịch từ tiếng Anh).
People Republic of China = Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (dịch từ tiếng Anh).
(4)
Tóm lại, trong thời đại ngày nay dùng chữ Quốc Ngữ, "Trung Hoa" và "Trung Quốc" đều có thể dùng đồng nghĩa với Nước Tàu, một nước lớn ở miền bắc nước Việt Nam của chúng ta đã từng có lịch sử liên quan từ vài ngàn năm cho tới bây giờ. Và Anh ngữ tiếp tục dùng từ ngữ "China" với cùng một nghĩa.
PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
LỜI THƠ NGUYỄN BỈNH KHIÊM
(Bs Phan Thượng Hải)
Ông Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có những lời nói và câu thơ làm nên và tiên đoán lịch sử. Ngoài ra ông cũng là một thi sĩ tiền phong về thơ Hán Nôm với nhiều sáng tạo.
TIỂU SỬ
Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) là người học rộng và giỏi tướng số. Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm nguyên tên là Nguyễn Văn Đạt người làng Trung Am huyện Vĩnh Lại trấn Hải Dương lúc bấy giờ (nay là xã Lý Học huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Vào cuối nhà Hậu Lê, Mạc Đăng Dung chuyên quyền và cướp ngôi nhà Lê (1527); ông ở ẩn, không chịu đi thi làm quan.
Về sau khi nước nhà tạm thời yên ổn dưới triều nhà Mạc; ông Nguyễn Bỉnh Khiêm, năm 43 tuổi, ra thi Hương đậu Giải Nguyên, thi Hội thì đậu Hội Nguyên rồi vào thi Đình đậu Trạng Nguyên (1534-1535). Ông Ngưyễn Bỉnh Khiêm làm quan đến Lại Bộ Thị Lang và Đông Các Đại Học Sĩ thì từ quan năm 1542 (53 tuổi) và về trí sĩ tu hành ở Bạch Vân am nơi quê quán ở làng Trung Am.
Các vua nhà Mạc vẫn có hỏi ý kiến ông và còn phong cho ông là Lại Bộ Thượng Thư Trình Tuyền Hầu rồi Thái Phó Trình Quốc Công nên tục gọi ông là Trạng Trình. Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm làm quan “tại gia” cho đến năm ông 73 tuổi mới hoàn toàn về hưu.
Ông Trạng Trình cũng cố vấn cho chúa Trịnh Kiểm và chúa Nguyển Hoàng chứ không là tôi thần của riêng triều đình nào hết. Những lời cố vấn của ông Trạng Trình đều có hiệu quả tốt cho đất nước: Bắc Hà hòa bình và thịnh vượng dưới thời Vua Lê Chúa Trịnh (khoảng 250 năm); nhà Mạc tồn tại thêm 3 đời ở Cao Bằng sau khi mất Thăng Long và nhất là Chúa Nguyễn vào được Nam Hà và diệt Chiêm Thành và chiếm Thủy Chân Lạp, mở rộng lãnh thổ nước Việt ta thành gấp đôi.
Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm mất năm 94 tuổi, có 3 vợ và 12 con (7 trai và 5 gái). Con trai đều đỗ đạt làm quan. Học trò của ông là ông Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan và ông Lương Hữu Khánh (con của thầy ông là ông Lương Đắc Bằng) đều làm đến Thượng Thư trong triều đình Hậu Lê trung hưng. Học trò tôn ông là Tuyết Giang phu tử. Thế kỷ 20, Cao Đài Giáo ở Tây Ninh phong ông là Thanh Sơn Đạo Sĩ hay Thanh Sơn Chân Nhân.
Nho Giáo chỉ có về nhân sinh quan truyền sang Đại Việt với 2 nhà Nho tiêu biểu là ông Chu Văn An và ông Nguyễn Trãi. Nhưng đến thời Tống Nho, anh em Trình Hạo và Trình Di và Chu Hi đưa ra học thuyết Lý Khí (gọi là Lý Học), Nho Giáo có thêm Hình Nhi Thượng và biến thành Tân Nho Giáo. Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà Nho nước ta tiêu biểu cho sự hiểu biết về Lý Học Tân Nho Giáo. “An Nam lý học hữu Trình Tuyền” là câu người Tàu khen ông Nguyễn Bỉnh Khiêm tinh thông Lý Học. Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm có tước Trình Tuyền Hầu trước khi được nhà Mạc thăng lên là Trình Quốc Công.
THƠ TIÊN ĐOÁN LỊCH SỬ
Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) sống vào thế kỷ 16 với tên nước là Đại Việt. Mãi đến năm 1802 (đầu thế kỷ 19), nước ta mới đổi tên là Việt Nam. Tuy nhiên trong 2 bài thơ gửi cho 2 ông Trạng Nguyên khác, Trạng Nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dùng chữ “Việt Nam” rồi:
Thơ gửi Trạng Nguyên Nguyễn Thuyến
Trạng Nguyên Nguyễn Thuyến (1495-1557) hiệu là Cảo Xuyên người làng Canh Hoạch huyện Thanh Oai trấn Sơn Nam đỗ Trạng Nguyên năm 1532 (3 năm và 1 khóa trước ông Nguyễn Bỉnh Khiêm) làm quan đến Lại Bộ Thượng Thư tước Thê Quận Công.
TÂY HỘ KÝ THANH OAI TRẠNG NGUYÊN NGUYỄN CẢO XUYÊN (*)
Tạc dữ ngã tằng ấp tiếu đàm Bữa trước cùng ông mãi tiếu đàm
Bất tài tư xuyễn ngã ưng tàm Kém tài tự thẹn dám đâu ham
Khôi tam niên ngã quân đa hạnh Trạng Nguyên trước tớ ông may nhỉ
Trù nhất thâu quân ngã vị cam Trù tính thua ông tớ chửa cam
Hồ học tích niên tằng cộng giảng Biển học năm nao cùng giảng thuyết
Hán duy kim nhật hữu tường thanh Việc quân ngày tới lại chung làm
Tiền trình viễn đại quân tu ký Đường xa lối rộng ông nên nhớ
Thùy thị thanh danh trọng Việt Nam. Tiếng để sao cho đẹp Việt Nam.
(Nguyễn Bỉnh Khiêm) (? Dịch)
(*) Hộ giá đến miền Tây gửi Thanh Oai Trạng Nguyên Nguyễn Cảo Xuyên.
Thơ gửi Trạng Nguyên Giáp Hải
Trạng Nguyên Giáp Hải (1504-1586) hiệu là Tiết Trai người làng Công Luận huyện Văn Giang (nay thuộc Hải Hưng) sau đến ở làng Dĩnh Kế huyện Thượng Nhân (nay thuộc Hà Bắc) thi đỗ Trạng Nguyên năm 1538 (3 năm và 1 khóa sau ông Nguyễn Bỉnh Khiêm) làm quan đến Lại Bộ Thượng Thư tước Sách Quận Công.
QUY LÃO KÝ LẠI BỘ THƯỢNG THƯ TÔ KHÊ BÁ (*)
Kiểm điểm hành niên thất thập tam Tuổi đã bảy ba ở cõi phàm
Huyền xa sai vãn dã ưng tàm Từ quan muộn, mắc tiếng tham lam
Trì khu tự hứa ta vô lực Ruổi rong vẫn biết đà thua kém
Danh lợi hà cầu khởi thị tham? Danh lợi chăng cầu há bảo tham
Miễn lực vọng công phù đế thất Gắng sức ông chăm phò đế nghiệp
Thâu nhàn tiếu ngã lão Vân Am Hưởng nhàn tớ ở mãi Vân Am
Thọ tinh cộng chiếu quang mang tại Thọ tinh vằng vặc trên nền thẳm
Tiền hậu quang huy chiếu Việt Nam. Sau trước rạng soi đất Việt Nam.
(Nguyễn Bỉnh Khiêm) (? Dịch)
(*) Về hưu gửi Lại Bộ Thượng Thư Tô Khê Bá (Trạng Nguyên Giáp Hải).
Theo ông Phan Kế Bính trong Nam Hải Dị Nhân truyện thì ông Nguyễn Bỉnh Khiêm có bài thơ Sấm như sau như là một “tiên tri” về “Lê Mạc phân tranh”
LỜI SẤM
Non sông nào phải buổi bình thời
Thù đánh nhau chi khéo nực cười
Cá vực chim rừng ai khiến đuổi
Núi xương sông huyết thảm đầy vơi
Ngựa phi chắc có hồi quay cổ
Thú dữ nên phòng lúc cắn người
Ngán ngẫm việc đời chi nói nữa
Bên đầm say hát nhởn nhơ chơi.
(Phan Kế Bính phỏng dịch)
Câu “Ngựa phi chắc có hồi quay cổ” tiên đoán nhà Lê sẽ khôi phục được nước. Câu “Thú dữ nên phòng lúc cắn người” tiên đoán gia đình Chúa Trịnh sẽ giữ quyền nhà Lê. Những điều tiên đoán trong bài Sấm nầy đều đúng.
Tuy nhiên nguyên văn của bài thơ nầy làm bằng chữ Hán tựa đề là Cảm Hứng trong Bạch Vân Am thi tập như sau (chứ không có trong Sấm Trạng):
CẢM HỨNG
Thái hòa vũ trụ bất Ngu Chu (*)
Hổ chiến giao tranh tiếu lưỡng thù
Xuyên huyết sơn hài tùy xứ hữu
Uyên ngư tùng trước vị thùy ngu
Trùng hưng dĩ bốc độ giang mã
Hậu hoạn ưng phòng nhập thất khu
Thế sự đáo đầu hưu thuyết trước
Túy ngâm trạch bạn nhậm nhàn du.
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
(*) Thời Ngu Thuấn và Chu Văn Vương là những thời thịnh trị theo Nho Gia.
Nguyên văn của 2 câu “Ngựa phi chắc có hồi quay cổ/Thú dữ nên phòng lúc cắn người” là “Trùng hưng dĩ bốc độ giang mã/Hậu hoạn ưng phòng nhập thất khu”.
Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm làm bài thơ nầy lúc ông đã từ quan tại triều đình nhà Mạc (sau 1542). Nhà Lê Trung Hưng chiếm Thanh Hóa năm 1543 và chiến tranh Lê Mạc thật sự từ 1545 cho đến khi chấm dứt vào năm 1593 sau khi nhà Lê và chúa Trịnh Tùng chiếm Thăng Long và giết vua Mạc Mậu Hợp (1592) rồi giết Mạc Toàn (con Mạc Mậu Hợp) và Mạc Kính Chỉ (1593).
Dưới đây là lịch sử "Lê Mạc phân tranh":
Ông Nguyễn Kim lập vua Lê Trang Tông ở Ai Lao năm 1533 chính thức sáng lập nhà Hậu Lê Trung Hưng. Vua Lê Trang Tông là Hoàng tử Lê Duy Ninh con của Lê Chiêu Tông.
Tục truyền rằng Vua Lê Trang Tông có biệt danh là Chúa Chổm vì lúc hàn vi ông rất nghèo nên thiếu nợ rất nhiều. Khi ông làm vua, dân chúng kéo tới cung vua ở Thăng Long để đòi nợ. Điều nầy chỉ là truyền thuyết và không đúng sự thật vì nhà Hậu Lê khôi phục Thăng Long sau khi vua Lê Trang Tông đã qua đời ở Thanh Hóa.
Sau nầy sử gia cũng nghi ngờ là vua Lê Trang Tông không phải là con của vua Lê Chiêu Tông vì Trang Tông sinh năm 1514 và Chiêu Tông sinh năm 1506. Nhà Mạc thì tố cáo là ông Nguyễn Kim lập con riêng của mình lên làm vua là Lê Trang Tông.
Năm 1543, Nguyễn Kim về chiếm Thanh Hóa (và Nghệ An). Tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đầu hàng rồi 2 năm sau (1545) đầu độc chết ông Nguyễn Kim và trốn về với nhà Mạc. Rể ông Nguyễn Kim là ông Trịnh Kiểm lên thay làm Thái Sư.
Năm 1546 Mạc Hiến Tông Phúc Hải chết, người con thế ngôi là Mạc Tuyên Tông Phúc Nguyên có chú là Tuyên Vương Mạc Kính Điển làm Phụ Chính. Tướng Phạm Tử Nghi lập con Thái Tổ là Mạc Chính Trung và làm phản nhưng bị Mạc Kính Điển đánh dẹp và giết chết.
Từ 1545 tới 1580, nhà Mạc (dưới quyền Mạc Kính Điển) và nhà Lê (dưới quyền Trịnh Kiểm rồi Trịnh Tùng) giằng co không thắng bại. Năm 1562, Mạc Tuyên Tông chết, con là Mạc Mậu Hợp mới 2 tuổi lên làm vua. Năm 1570, Trịnh Cối thua người em khác mẹ là Trịnh Tùng (cháu ngoại ông Nguyễn Kim) chạy về hàng nhà Mạc.
Năm 1580, Mạc Kính Điển chết (em là Mạc Đôn Nhượng thay), nhà Mạc suy yếu. Năm 1591 Trịnh Tùng tiến sát Thăng Long bắt được Tướng Nguyễn Quyện của nhà Mạc nhưng rút quân. Năm 1592, Trịnh Tùng chiếm Thăng Long. Mạc Mậu Hợp thua ở Hải Dương bị bắt và bị giết. Con Mạc Mậu Hợp là Mạc Toàn cũng bị bắt và bị giết (1593).
Mạc Kính Chỉ (con Mạc Kính Điển) tự lập làm vua (1593) nhưng 3 tháng sau bị thua 2 tướng Hoành Đình Ái và Nguyễn Hữu Liêu của Trịnh Tùng ở Hải Dương và bị giết.
LỜI NÓI LÀM NÊN LỊCH SỬ
Từ những câu thơ trong đời ông tiên đoán đúng lịch sử, ông Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng có những câu nói bất hủ làm nên lịch sử:
(1)
"Cao Bằng tuy thiểu khả diên sổ thế"
Sau khi mất Thăng Long, theo lời khuyên trên đây của ông Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà Mạc rút về vùng Cao Bằng và tồn tại 85 năm sau (1593-1677) với 3 đời vua.
Mạc Kính Cung (1593-1594): em Mạc Kính Chỉ, con thứ 7 của Mạc Kính Điển
Mạc Kính Khoan (1594-1628): cháu kêu Kính Cung bằng chú
Mạc Kính Vũ (1628-1677): con Kính Khoan. Năm 1677, tướng Đinh Văn Tả của chúa Trịnh chiếm Cao Bằng. Mạc Kính Vũ trốn sang Tàu.
Nhà Mạc tuy ở Cao Bằng được nhà Minh ở miền Nam ủng hộ nhưng không bao giờ mượn quân Tàu sang tiếp viện.
Nguyên văn của lời khuyên: “Cao Bằng tuy tiểu, khả diên sổ thế” (Cao Bằng tuy nhỏ nhưng có thể kéo dài nhiều thế hệ).
Câu nói nầy của ông Nguyễn Bỉnh Khiêm làm nên lịch sử.
(2)
"Giữ Chùa thờ Phật thì được ăn oản"
Nhà Lê Trung Hưng bắt đầu khi ông Nguyễn Kim lập con của Lê Chiêu Tông là Lê Trang Tông (1533). Vua Lê Trung Tông (con Trang Tông) chết (1556), không có con.
Tục truyền rằng Thái Sư Trịnh Kiểm đã lưỡng lự muốn xưng làm Vua nhưng còn chưa dám định hẳn bề nào, các quan cũng không ai biết làm thế nào cho phải. Sau Trịnh Kiểm cho người đi lẽn ra Hải Dương hỏi ông Nguyễn Bỉnh Khiêm tức là Trạng Trình xem nên làm thế nào. Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm không nói gì cả chỉ ngảnh lại bảo đầy tớ: “Năm nay mất mùa thóc giống không tốt, chúng mày nên tìm giống cũ mà gieo mạ”. Nói rồi lại sai đầy tớ ra chùa bảo Tiểu quét dọn chùa và đốt hương để ông ra chơi chùa rồi bảo Tiểu rằng: “Giữ chùa thờ Phật thì (được) ăn oản”. Sứ giả về kể chuyện lại cho Trịnh Kiểm nghe. Trịnh Kiểm hiểu ý mới cho người đi tìm con cháu họ Lê.
(Trần Trọng Kim/VNSL).
Nhờ đó vua Lê và chúa Trịnh cùng cai trị Bắc Hà yên tịnh khoảng 250 năm.
Trong lịch sử, Chúa Trịnh có giết 3 vua Lê (Anh Tông, Kính Tông và Phế Đế Duy Phường) và 1 Thái tử (của vua Hiển Tông) nhưng không bao giờ tiêu diệt nhà Lê.
Nhà Lê Trung Hưng bắt đầu khi ông Nguyễn Kim lập con của Lê Chiêu Tông là Lê Trang Tông (1533). Vua Lê Trung Tông (con Trang Tông) chết (1556), không có con. Theo lời khuyên của Trạng Trình, Thái sư Trịnh Kiểm không tự lập làm vua mà lập ông Lê Duy Bang là cháu 5 đời của Lam Quốc Công Lê Trừ (anh thứ hai của Thái Tổ Lê Lợi) làm vua là vua Lê Anh Tông. Theo gia phả, vua Lê Anh Tông là vai ông của vua Lê Trung Tông (ông lên làm vua thế cháu).
Năm 1573, Lê Anh Tông đã muốn tự lập khỏi Chúa Trịnh Tùng (con Trịnh Kiểm) khi ông nầy tranh quyền với anh là Trịnh Cối nhưng không xong nên cùng 4 người con lớn, chạy trốn vào Nghệ An. Sau khi Trịnh Cối thua và hàng nhà Mạc thì vua Anh Tông bị bắt rồi bị Trịnh Tùng giết chết. Con thứ năm của Anh Tông là Duy Đàm vì còn nhỏ tuổi (7 tuổi) không chạy theo vua cha được, ở lại kinh đô (Thanh Hóa) nên được Chúa Trịnh Tùng lập làm vua là Lê Thế Tông. Trong thời vua Lê Thế Tông (vị vua thứ tư của nhà Lê Trung Hưng 1573-1599), nhà Lê và chúa Trịnh Tùng chiếm lại Thăng Long (1592).
Vua Lê Kính Tông Duy Thái (con Thế Tông) mưu với Trịnh Xuân (con thứ của Trịnh Tùng) lật đỗ Chúa Trịnh Tùng nhưng việc không thành nên Trịnh Tùng buộc vua Lê Kính Tông phải thắt cổ chết và lập Thái tử Lê Duy Kỳ làm vua là Lê Thần Tông vào năm 1619 (lúc 13 tuổi).
Vua Lê Thần Tông (1607-1662) làm vua lần thứ nhứt (1619-1643) và lần thứ nhì (1649-1662). Vua tên là Lê Duy Kỳ là con trưởng của vua Lê Kính Tông và Hoàng hậu Trịnh thị Ngọc Trinh (con gái của Chúa Trịnh Tùng). Do đó vua Lê Thần Tông là cháu nội của Vua Lê Thế Tông và cháu ngoại của Chúa Trịnh Tùng.
Năm 1630, Chúa Trịnh Tráng (con Trịnh Tùng) ép Lê Thần Tông (24 tuổi) phải lấy con gái mình là Trịnh thị Ngọc Trúc làm Hoàng hậu. Lúc đó bà Trịnh thị Ngọc Trúc nầy (36 tuổi) đã có 4 con và chồng là Lê Trụ đang bị giam trong ngục. Hoàng hậu Trịnh thị Ngọc Trúc không có sinh hoàng tử và sau đó đi tu ở chùa Bút Tháp (ở Bắc Ninh). Năm 1643, Lê Thần Tông nhường ngôi cho con là Lê Duy Hựu (là vua Lê Chân Tông) lên làm Thái Thượng Hoàng. Năm 1649, Lê Chân Tông (1630-1649) chết không có con nên Chúa Trịnh Tráng đưa Thái Thượng Hoàng Lê Thần Tông lên ngôi làm vua lần thứ nhì. Năm 1662, vua Lê Thần Tông chết vì ung thư.
Vua Lê Thần Tông theo Chúa Trịnh đánh chúa Nguyễn tất cả 3 lần.
Vua Lê Thần Tông có những kỷ lục của một vị vua Việt Nam: làm vua 2 lần, có 4 người con làm vua (bằng với vua Trần Minh Tông) và là vua đầu tiên lấy vợ người Tây phương (người Hòa Lan, con gái của một thuyền trưởng).
Bốn vị vua là con của Lê Thần Tông là:
Lê Chân Tông (1630-1649) lên ngôi năm 1643.
Lê Huyền Tông (1654-1671) lên ngôi năm 1662
Lê Gia Tông (1661-1675) lên ngôi năm 1671
Lê Hy Tông (1663-1716) lên ngôi năm 1676 rồi năm 1705 nhường ngôi cho con trưởng là Lê Dụ Tông và làm Thái Thượng Hoàng cho đến khi mất. Vua Lê Hy Tông sanh ra 5 tháng sau khi cha mình là Lê Thần Tông qua đời. Đời ông làm vua là thời thạnh trị của nhà Hậu Lê Trung Hưng vì Bắc Hà không còn chiến tranh. Chiến tranh Trịnh Nguyễn (1627-1672) xảy ra trong thời Thần Tông, Chân Tông, Huyền Tông và Gia Tông (trong thời chúa Trịnh Tráng và Trịnh Tạc).
Lê Dụ Tông (1679-1731) làm vua từ năm 1705. Năm 1727, Chúa Trịnh Cương phế con trưởng của Lê Dụ Tông là Lê Duy Trường và lập con thứ là Duy Phường (mẹ là dòng họ Trịnh). Biết là Lê Dụ Tông bất bình, Trịnh Cương ép vua nhường ngôi cho Duy Phường và lên làm Thái Thượng Hoàng (1729). Dụ Tông mất năm 1731 thì đến năm sau (1732), Chúa Trịnh Giang phế Lê Đế Duy Phường thành Hôn Đức Công và lập Duy Trường làm vua là Lê Thuần Tông. Năm 1735, Lê Thuần Tông qua đời, Chúa Trịnh Giang lập em là Duy Thận là vua Lê Ý Tông và 2 tháng sau thắt cổ Hôn Đức Công Duy Phường.
Năm 1740, mẹ của Chúa Trịnh Giang truất phế Trịnh Giang (1711-1762), tôn là Thái Thượng Vương, giam lỏng trong cung (cho đến khi mất vào năm 1762) và lập em (Trịnh Giang) là Chúa Trịnh Doanh. Chúa Trịnh Doanh liền bắt vua Lê Ý Tông làm Thái Thượng Hoàng (1740), nhường ngôi cho con trưởng Duy Diêu là Lê Hiển Tông (1717-1786).
Vua Lê Hiển Tông giữ niên hiệu Cảnh Hưng trong 47 năm làm vua cho đến khi mất (1786). Lê Duy Mật là con Lê Dụ Tông nổi lên chống lại Chúa Trịnh ở Thanh Hóa, phải 40 năm mới dẹp được (1740-1770). Chúa Trịnh Sâm (con Trịnh Doanh) giết con trưởng của Hiển Tông là Duy Vỹ, giam con là Duy Khiêm với 2 người em của Duy Khiêm và lập Duy Cận (em Duy Vỹ) làm Thái Tử. Năm 1783, Kiêu Binh truất phế Duy Cận thành Sùng Nhượng Công và lập Duy Khiêm làm Hoàng Thái Tôn. Lê Duy Khiêm (sau đổi tên là Duy Kỳ) lên ngôi sau khi Lê Hiển Tông qua đời là vua Lê Chiêu Thống. Vua Lê Thần Tông và vua Lê Chiêu Thống có trùng tên là Duy Kỳ.
(3)
"Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân"
Cuối đời nhà Mạc, ông Nguyễn Kim (1468-1545) phò vua Lê Trang Tông ở Thanh Hóa mong chiếm lại đất nước từ nhà Mạc. Ông Nguyễn Kim bị hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất thuốc độc chết, binh quyền thuộc về rể là ông Trịnh Kiểm (1503-1570). Thái Sư Trịnh Kiểm kiếm cớ định tội giết con của ông Nguyễn Kim là Lãng Quận Công Nguyễn Uông. Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng (em Nguyễn Uông) hỏi ý kiến ông Trạng Trình (phải làm sao?) thì câu trả lời bất hủ là:
“Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (Hoành Sơn một dãy, muôn đời dung thân).
Ông Nguyễn Hoàng liền nhờ chị là Ngọc Bảo xin với chồng là ông Trịnh Kiểm vào trấn thủ đất Thuận Hóa, nam của Hoành Sơn thì được chấp thuận.
Năm 1558, ông Nguyễn Hoàng (1525-1613) dẫn mấy ngàn dân quân vượt Đèo Ngang của Hoành Sơn vào Thuận Hóa (gồm tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên bây giờ). Năm 1569, ông kiêm nhiệm Trấn Thủ Quảng Nam (gồm tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Qui Nhơn) và sau đó năm 1611 vượt đèo Cù Mông (giữa Bình Định và Phú Yên) chiếm Phú Yên đến biên giới Tuy Hòa (Phú Yên) và Khánh Hòa (Nha Trang) bây giờ. Đèo Cù Mông là đèo hiểm trở nhất nước Việt dài 7 km, cao 245 m và dốc 9%. Nước Chiêm Thành chỉ còn Khánh Hòa (Nha Trang), Phan Rang và Phan Thiết.
Năm 1653, chúa Nguyễn Phúc Tần chiếm Nha Trang (Khánh Hòa)
Năm 1693, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh chiếm Phan Rang và Phan Rí (Phan Thiết). Nước Chiêm Thành bị tiêu diệt.
Dưới thời chúa Nguyễn, nước Đại Việt chiếm trọn vùng Thủy Chân Lạp của nước Chân Lạp lập thành Nam Kỳ. Việc thành hình của đất Nam Kỳ chính thức từ ông Nguyễn Hữu Cảnh lập Dinh Trấn Biên và Dinh Phiên Trấn năm 1698 cho đến năm 1759 dưới thời ông Nguyễn Cư Trinh hoàn tất và ổn định Dinh Long Hồ.
Nam Kỳ Lục Tỉnh hình thành năm 1759 với 3 Dinh: Trấn Biên (tỉnh Biên Hòa), Phiên Trấn (tỉnh Gia Định) và Long Hồ.
Ông Nguyễn Cư Trinh (1716-1767) trấn Dinh Long Hồ đóng ở đất Tầm Phào (tỉnh lỵ Vĩnh Long bây giờ) từ năm 1753 đến năm 1765. Dinh Long Hồ gồm 4 tỉnh Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.
Câu “Vạn đại dung thân” không phải chỉ ám chỉ con cháu của ông Nguyễn Hoàng mà thật sự là dùng cho con cháu của dân Việt. Nhờ ông Nguyễn Hoàng vượt Hoành Sơn mà lãnh thổ nước Việt trải dài đến mũi Cà Mau với vùng đồng bằng trù phú ở Nam Kỳ đã giúp cho toàn dân được “vạn đại dung thân”?
Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm thật là một thiên tài, một câu nói làm nên lịch sử.
CHÚA NGUYỄN HOÀNG
Nghe lời quan Trạng quá Đèo Ngang
Mạo hiểm Tiên phong, Chúa Nguyễn Hoàng
Trọng dụng nhân tài an Thuận Quảng
Nương nhờ địa lợi thủ Linh Giang
Đàng Trong nước Việt dân hùng mạnh
Nghiệp cả trời Nam đất mở mang
Vạn đại thành công truyền hậu duệ
Dung thân khai quốc tự Hoành San.
(Phan Thượng Hải)
1/18/15
SẤM TRẠNG TIÊN ĐOÁN LỊCH SỬ
Sấm Trạng Trình hay Sấm Ký Nguyễn Bỉnh Khiêm là những lời được cho là có tính cách tiên tri về các sự kiện lịch sử của dân Việt trong khoảng 500 năm (1509-2019).
Bản chánh gọi là Sấm Ký bản A có 262 câu (thơ) gồm 14 câu “cảm đề” và 248 câu “sấm ký”. Ngoài ra còn có 20 bản khác gồm 7 bản chữ Hán Nôm và 20 tựa sách chữ Quốc Ngữ về Sấm Trạng Trình từ năm 1948.
Trong Trang Thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm có những bản Sấm Trạng:
Bản Hán Nôm: Nguyễn Văn Bân, Nguyễn Văn Sâm
Bản Quốc Ngữ: Hoàng Xuân, Hương Sơn, Mai Lĩnh, Nguyễn Quân, Sở Cuồng.
Sấm Ký bản A có 8 câu dưới đây (câu 43-50) là tiên đoán đúng lịch sử của cuối thế kỷ 18 (của nhà Nguyễn Tây Sơn).
Chim bằng cất cánh về đâu
Chết tại trên đầu hai chữ quận công
Bao giờ trúc mọc qua sông
Mặt trời sẽ lại đỏ hồng non tây
Đoài cung một sớm đổi thay
Chấn cung sao cũng sa ngay chẳng còn
Đầu cha lộn xuống chân con
Mười bốn năm tròn hết số thì thôi.
(1)
Chim bằng cất cánh về đâu
Chết tại trên đầu hai chữ quận công
Hai câu nầy nói về Bằng Quận Công Nguyễn Hữu Chỉnh vào thời Tây Sơn diệt chúa Nguyễn và chúa Trịnh.
Ông Nguyễn Hữu Chỉnh (? -1787) là danh sĩ Bắc Hà thời vua Lê Hiển Tông, văn võ song toàn (16 tuổi đậu Hương Cống và 18 tuổi đậu Võ Cử Nhân). Tục thế gọi ông là Cống
Chỉnh. Ông bỏ vào Đàng Trong theo phò Tây Sơn (1782).
Nhà Nguyễn Tây Sơn nổi lên ở ấp Tây Sơn (thuộc huyện Phù Ly, nay là làng An Khê, huyện Phù Cát, Qui Nhơn) vào năm 1771 với 3 anh em là Nguyễn Nhạc (?-1793), Nguyễn Huệ (1753-1792) và Nguyễn Lữ (1754-1787). Ba anh em nầy là con của ông Hồ Phi Phúc, đổi thành họ Nguyễn để thu phục nhân tâm.
Hai năm sau, ông Nguyễn Nhạc chiếm Qui Nhơn (1773). Nhân cơ hội đó Chúa Trịnh Sâm sai Hoàng Ngũ Phúc chiếm kinh đô Phú Xuân của Chúa Nguyễn (1774).
Chúa Nguyễn Định Vương Nguyễn Phúc Thuần chạy vào Gia Định (Nam Kỳ) rồi lập cháu mình (con cố Thái tử Nguyễn Phúc Hiệu) là ông Nguyễn Phúc Dương làm Đông Cung (người sẽ nối ngôi).
Chúa Nguyễn Định Vương Nguyễn Phúc Thuần nhờ quân Nguyễn ở Nam Kỳ dưới quyền của Trấn Thủ dinh Long Hồ Tống Phúc (Phước) Hiệp (?-1776) để chống lại Tây Sơn. Ông Nguyễn Nhạc tự xưng là Tây Sơn Vương ở Qui Nhơn (1776), cầu hòa với Chúa Trịnh rồi sai 2 em là Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ vào Nam diệt chúa Nguyễn (1777). Định Vương Nguyễn Phúc Thuần (gọi là Thái Thượng Vương), Đông Cung Tân Định Vương Nguyễn Phúc Dương (gọi là Tân Định Vương) và hoàng tộc của chúa Nguyễn đều bị ông Nguyễn Huệ giết hết. Năm 1778, ông Nguyễn Nhạc không thần phục Chúa Trịnh, tự xưng là Thái Đức Đế.
Con ông Nguyễn Phúc Luân là ông Nguyễn Phúc Ánh (cháu kêu Định Vương bằng chú) tự xưng Vương (1780), dùng những người thường dân là ông Đỗ Thành Nhơn (?-1781) rồi ông Châu Văn Tiếp (1738-1784) để khôi phục Nam Kỳ. Ông Đỗ Thành Nhơn lộng quyền bị Nguyễn Vương giết (1781) còn ông Châu Văn Tiếp bị thương nặng trong trận đánh với Tây Sơn ở sông Măng Thít (nay thuộc Vĩnh Long) rồi qua đời (1784).
Chiến tranh ở Nam Kỳ giữa Tây Sơn và Nguyễn Vương Phúc Ánh chấm dứt khi ông Nguyễn Huệ của Tây Sơn thắng trận Rạch Gằm Xoài Mút (nam Cái Bè, Mỹ Tho) vào năm 1784. Quân Xiêm tiếp viện Nguyễn Vương Phúc Ánh từ Vĩnh Long theo sông Tiền Giang tiến về tấn công quân Tây Sơn Nguyễn Huệ đóng ở Mỹ Tho. Ông Nguyễn Huệ phục binh ở 2 bên bờ và trong những cồn ở giữa sông Tiền Giang giữa 2 cửa sông phụ lưu Rạch Gằm và Xoài Mút, tiêu diệt 2 vạn quân Xiêm La. Hai tướng Xiêm là Chiêu Tăng và Chiêu Sương (đều là cháu của vua Xiêm) cùng vài ngàn quân sống sót lội bộ theo đường Tây Ninh qua Chân Lạp để đi về xứ. Nguyễn Vương từ Trấn Giang (Cần Thơ bây giờ) cùng Thái giám Lê Văn Duyệt và 10 người tùy tùng phải trốn qua Xiêm La (Thái Lan).
Năm 1786, theo kế ly gián của ông Nguyễn Hữu Chỉnh, ông Nguyễn Huệ và ông Vũ Văn Nhậm chiếm Phú Xuân và sau đó chiếm đất Thuận Hóa. Thế là Nam Hà (Đàng Trong) hoàn toàn thuộc nhà Tây Sơn.
Năm 1786, ông Nguyễn Nhạc tự xưng là Trung Ương hoàng đế (vẫn niên hiệu Thái Đức) đóng đô ở Quy Nhơn phong cho ông Nguyễn Lữ là Đông Định Vương ở Nam Kỳ đóng ở Gia Định và ông Nguyễn Huệ là Bắc Bình Vương trấn từ đèo Hải Vân tới sông Gianh (đóng ở Phú Xuân). Ông Nguyễn Huệ là một tướng giỏi vô địch trong Việt Sử “chiến thắng không hề chiến bại”, còn có tên là Nguyễn Văn Huệ hay Nguyễn Quang Bình.
Sau đó ông Nguyễn Huệ sai ông Nguyễn Hữu Chỉnh đi trước theo đường biển vào cửa Đại An của sông Đáy theo sông Nam Định đến sông Hồng rồi chiếm kho lương ở Vị Hoàng (vùng đất có khúc sông nhỏ cùng tên chảy từ sông Hồng vào Nam Định). Biết quân Trịnh chưa kịp phòng thủ, ông Nguyễn Huệ theo đường bộ qua Nghệ Tĩnh và Thanh Hóa đến hội ở Vị Hoàng. Từ Vị Hoàng quân Tây Sơn đánh bại bộ binh của Bùi Thế Dận ở Đông An (gần Hưng Yên?) và đánh bại thủy quân của Đinh Tích Nhưỡng ở góc sông Luộc và sông Hồng. Quân Tây Sơn lại thắng quân của chúa Trịnh Khải và Hoàng Phùng Cơ ở hồ Vạn Xuân (Thanh Trì, Hà Nội). Chúa Trịnh Khải chạy về Sơn Tây nhưng bị tên Nguyễn Trang bắt giải về nộp cho Tây Sơn. Chúa Trịnh Khải dùng gươm cắt cổ tự tận. Bắc Bình Vương cho tống táng chúa Trịnh Khải và vào Thăng Long chầu vua Lê Hiển Tông.
Sau khi cưới Ngọc Hân công chúa (con Lê Hiển Tôn) rồi Hiển Tôn mất và cháu nội là Duy Kỳ lên ngôi là Lê Chiêu Thống, ông Nguyễn Huệ và Vũ Văn Nhậm về Phú Xuân (Huế) và để Nguyễn Hữu Chỉnh giữ Nghệ An.
Trịnh Bồng (con Chúa Trịnh Giang, anh chú bác với chúa Trịnh Sâm) tự lập làm Chúa. Ông Nguyễn Hữu Chỉnh theo về phò Lê Chiêu Thống, đánh bại chúa Trịnh Bồng, được phong Đại Tư Đồ Bằng Quận Công và nắm quyền ở Bắc Hà chống lại Tây Sơn. Chúa Trịnh Bồng bỏ đi tu rồi mất tích.
Từ Bắc Hà ông Nguyễn Hữu Chỉnh có 2 câu gửi vào Đàng Trong:
Đường trời mở rộng thênh thang
Ta đây cũng một trào đàng kém ai
Từ Đàng Trong, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ trả lời:
Ai ra Đông Hải nhắn lời cùng
Lông cánh bao nhiêu dám vẫy vùng
Hồng Lĩnh bên kia bể bên nọ
Bay thì mắc núi đậu thì cung.
Chỉ một thời gian ngắn ông Nguyễn Huệ sai ông Vũ Văn Nhậm cùng 2 tâm phúc của mình là ông Ngô Văn Sở và ông Phan Văn Lân ra Bắc Hà. Tháng 11 năm Đinh Tỵ (1787), ông Vũ Văn Nhậm phá quân ông Nguyễn Hữu Chỉnh ở làng Thanh Quyết (nay thuộc Gia Viễn, Ninh Bình) rồi ở Châu Cầu (nay thuộc Kim Bảng, Hà Nam). Vua Lê Chiêu Thống chạy ra Kinh Bắc (Bắc Ninh) cầu cứu nhà Thanh. Ông Nguyễn Hữu Chỉnh chạy về Yên Thế đóng quân ở Mục Sơn (?) thì bị tướng Tây Sơn là Nguyễn Văn Hòa lên đánh và bắt sống. Ông Nguyễn Hữu Chỉnh bị xé xác ở Thăng Long theo lệnh của ông Vũ Văn Nhậm và thịt để cho chó ăn.
(2)
Bao giờ trúc mọc qua sông
Mặt trời sẽ lại đỏ hồng non Tây
Hai câu nầy nói về chiến tranh giữa nhà Mãn Thanh Trung Quốc và vua Quang Trung của Tây Sơn. Quân Thanh chiếm Thăng Long (có cất một cầu tre bắt qua sông Hồng Hà) và quân Tây Sơn chiến thắng huy hoàng như ánh mặt trời.
Cuối năm 1787, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ rút quân về Phú Xuân để Đại Tư Mã Ngô Văn Sở, Nội Hầu Phan Văn Lân và ông Ngô Thì Nhậm trấn giữ Bắc Hà. Vua Càn Long của nhà Thanh bên Tàu sai Tổng Đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị làm chánh tướng cùng Hứa Thế Hanh, Sầm Nghi Đống và Trương Triều Long đem 20-29 vạn quân sang đánh nước Đại Việt. Vua Lê Chiêu Thống cùng quân “Cần Vương” của mình ủng hộ quân Thanh. Quân nhà Thanh chiếm đóng Thăng Long đặt những đồn lũy chung quanh. Quân Tây Sơn của ông Ngô Văn Sở và ông Phan Văn Lân rút về thủ ở đèo Tam Điệp (còn gọi là đèo Ba Dội) tại Thanh Hóa. Tôn Sĩ Nghị cho cất một cầu tre bắt qua sông Hồng Hà (ứng với câu: bao giờ trúc mọc qua sông)
Ông Nguyễn Huệ lên ngôi là vua Quang Trung Hoàng Đế (đầu năm 1788), Thái Đức Đế Nguyễn Nhạc đã gần mất Nam Kỳ về tay Nguyễn Vương Phúc Ánh, tự xuống làm Tây Sơn Vương ở Quy Nhơn, nhường đất Quảng Nam cho ông Nguyễn Huệ.
Vua Quang Trung đem mấy vạn quân ra bắc hội với 6 vạn quân của 2 ông Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân ở Tam Điệp (tổng cộng là 10 vạn quân). Theo lời khuyên của một ẩn sĩ ở Nghệ An là La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, vua Quang Trung quyết định đánh nhanh (và đánh mạnh), liền chia ra 5 cánh quân tiến ra bắc.
Đêm 30 Tết Kỷ Dậu xuất phát từ núi Tam Điệp, vua Quang Trung cùng với ông Ngô Văn Sở và ông Phan Văn Lân dẫn cánh quân thứ nhứt (cánh quân chủ lực) tiến thẳng về hướng bắc theo đường Hà Nam chiếm 2 đồn của quân Cần Vương Lê Chiêu Thống: đồn Nguyệt Quyết (nay ở Thanh Liêm, Hà Nam) và đồn Nhật Tảo (nay ở Duy Tiên, Hà Nam). Mùng 3 Tết vua Quang Trung vây đồn Hà Hồi, 20 km nam Thăng Long (nay ở Thường Tín, Hà Nội), quân Thanh không kịp phòng bị phải đầu hàng. Mùng 4 Tết, quân của vua Quang Trung đến đóng trước đồn Ngọc Hồi, 15 km nam Thăng Long (nay ở Thanh Trì, Hà Nội) là nơi có lực lượng chính của quân Thanh do Đề Đốc Hứa Thế Hanh và Tổng Binh Trương Triều Long cầm đầu.
Trong khi đó (mùng 4 Tết) Đô Đốc Long (còn gọi là Đô Đốc Mưu), tên là Nguyễn Tăng Long, dẫn một cánh quân Tây Sơn thứ nhì từ Tam Điệp bọc theo đường Hà Tây qua Chương Đức (nay là Chương Mỹ, Hà Tây), qua cầu Nhân Mục của sông Tô Lịch chiếm đồn Khương Thượng, Sầm Nghi Đống bị vây ở 1 gò đất không thoát được phải tự tử. Đêm mùng 4 Tết, Đô Đốc Long chiếm đồn Nam Đồng. Tôn Sĩ Nghị ở cung Tây Long (đông Thăng Long) hoãng sợ bỏ chạy, vua Lê Chiêu Thống cũng chạy theo, quân Thanh dành nhau qua cầu sông Nhị Hà trốn về Tàu. Đồn Khương Thượng (còn gọi là Đống Đa) và đồn Nam Đồng ở tây nam Thăng Long (nay thuộc Đống Đa, Hà Nội). Sử cũ thường gọi những trận đánh nầy của Đô Đốc Nguyễn Tăng Long là trận Đống Đa. (Vua Quang Trung không có đánh trận Đống Đa).
Sáng mùng 5 Tết vua Quang Trung tấn công và chiếm đồn Ngọc Hồi, Hứa Thế Hanh tử trận. Quân Thanh chạy về hướng Thăng Long thì bị cánh quân thứ ba là 1 cánh quân bên trái của cánh quân vua Quang Trung (cũng theo đường Hà Nam), do Đô Đốc Bảo (tên là Đặng Xuân Bảo) cầm đầu chận đánh ở Đầm Mực (tây bắc Ngọc Hồi), Trương Triều Long bị giết chết. Vua Quang Trung vào Thăng Long ngày mùng 5 Tết (30-1-1788) được Đô Đốc Long đón tiếp.
Quân Tôn Sĩ Nghị trên đường chạy về Tàu bị Đô Đốc Tuyết (tên là Nguyễn Văn Tuyết) chận đánh ở Hải Dương phải chạy lên hướng bắc thì bị Đô Đốc Lộc (tên là Nguyễn Văn Lộc) phục kích một trận ở Lạng Giang.
(3)
Đoài cung một sớm đổi thay
Chấn cung sau cũng sa ngay chẳng còn
Đầu cha lộn xuống chân con
Mười bốn năm tròn hết số (kiếp) thì thôi.
Hai câu trên nói về số phận của vua “em” Quang Trung Nguyễn Huệ (cung Đoài, làm em) sẽ chết trước vua “anh” Thái Đức Nguyễn Nhạc (cung Chấn, làm anh).
Theo hai câu dưới, từ vua “cha” Quang Trung lên ngôi (1778) cho đến vua “con” Cảnh Thịnh mất ngôi và bị giết (1802) thì vừa đúng 14 năm. Theo Hán tự, trong chữ Quang có chữ Tiểu ở trên đầu và trong chữ Cảnh có chữ Tiểu ở dưới chân.
Bốn năm sau khi thắng quân Thanh (1792) vua Quang Trung bành trướng quân đội (cứ 3 người đàn ông thì tuyển 1 người làm lính). Chính sử cho rằng nhà vua muốn đánh nước Tàu (hay chiếm Lưỡng Quảng). Vua Quang Trung chuẩn bị sai sứ giả là ông Vũ Văn Dũng sang Tàu cầu hôn và đòi đất Lưỡng Quảng (của Triệu Đà ngày xưa) để thử triều đình nhà Thanh. Nhưng sứ thần là ông Vũ Văn Dũng chưa khởi hành thì chẳng may vua Quang Trung bất ngờ bị bệnh và qua đời. Vua thọ 40 tuổi.
Nguyễn Vương Phúc Ánh (1762-1820) là con của ông Nguyễn Phúc Luân, là cháu kêu chúa Định Vương bằng chú và là cháu nội của Chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát. Ông là hoàng tộc của chúa Nguyễn độc nhất còn sống sót nhà Tây Sơn.
Năm 1787, khi Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ bận rộn ở Bắc Hà, Nguyễn Vương Phúc Ánh trở lại chiếm toàn bộ Nam Kỳ (1789), Nguyễn Lữ thua chạy về Qui Nhơn, đi tu rồi mất một thời gian ngắn sau đó.
Theo đường bộ, Nguyễn Vương chiếm đến Phú Yên. Ông Nguyễn Huỳnh Đức thắng một trận lớn ở đèo Cù Mông. Đèo Cù Mông là đèo hiểm trở nhất nước Việt dài 7 km, cao 245 m và dốc 9%. Nhờ đó đường bộ đuợc khai thông cho quân Nguyễn Vương tiến lên hướng bắc tấn công Qui Nhơn (kinh đô của Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc).
Sau 3 lần tấn công, Nguyễn Vương chiếm được Qui Nhơn và đổi tên là Bình Định (1799). Sau khi giải vây Qui Nhơn lần thứ nhất, quân Tây Sơn của vua Cảnh Thịnh từ Phú Xuân vào Quy Nhơn tịch thu tài sản và kho tàng của Hoàng Đế Nguyễn Nhạc nên ông tức giận thổ huyết mà chết. Con là Nguyễn Bảo chỉ được ăn lộc 1 huyện, tước là Hiến Công (Sử gọi là Tiểu Triều). Tiểu Triều Nguyễn Bảo muốn hàng Nguyễn Vương nhưng bị em chú bác là vua Cảnh Thịnh hay được, bắt dìm xuống sông cho chết (1798).
Trong nội loạn ở Phú Xuân (1795), Tổng trấn Bắc Thành Ngô Văn Sở và cha con Thái sư Bùi Đắc Tuyên và Bùi Đắc Trụ bị Vũ Văn Dũng giết (bằng cách dìm dưới sông Hương). Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng cầm quyền, vào đánh Bình Định (Qui Nhơn). Trần Quang Diệu vây thành Qui Nhơn còn thủy quân của Vũ Văn Dũng giữ cửa Thị Nại. Theo kinh nghiệm của đèo Cù Mông, Nguyễn Vương tránh đường bộ và đèo Hải Vân nên dùng đường thủy và “thủy quân lục chiến”.
Nguyễn Vương cho rao truyền câu đồng dao ở các vùng của Tây Sơn:
“Lạy Trời cho chóng gió Nồm (*)
Cho thuyền Chúa Nguyễn giong buồm thẳng ra”
(*) Gió từ Nam thổi ra Bắc.
Năm 1801, theo đường biển, Nguyễn Vương đem các ông Lê Văn Duyệt và Võ Di Nguy đánh cửa Thị Nại. Võ Di Nguy tử trận nhưng nhờ ông Lê Văn Duyệt tiếp tục tấn công, Nguyễn Vương chiếm được Thị Nại, Vũ Văn Dũng thua về với Trần Quang Diệu tiếp tục vây thành Quy Nhơn. Ông Võ Tánh (và ông Ngô Tòng Châu) liều chết giữ thành Qui Nhơn cầm chưn quân chủ lực của Tây Sơn và gửi mật thư khuyên Nguyễn Vương Phúc Ánh đánh chiếm Phú Xuân. Nguyễn Vương cho ông Nguyễn Văn Thành đóng ở Thị Nại chận đường thủy của quân Tây Sơn ở Qui Nhơn rồi Vương theo đường biển đi về phương bắc vào chiếm Quảng Nam (1801). Ông để ông Nguyễn Huỳnh Đức đóng ở Quảng Nam chận đường bộ tiếp viện Phú Xuân của Trần Quang Diệu từ Qui Nhơn. Trong khi Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng hạ thành Qui Nhơn, Nguyễn Vương Phúc Ánh đem ông Nguyễn Văn Trương và Lê Văn Duyệt cũng theo đường biển vào cửa Thuận An theo sông Hương vào chiếm Phú Xuân (Huế), vua Cảnh Thịnh chạy ra Bắc Hà.
Đầu năm 1802, Vua Cảnh Thịnh sai em là Nguyễn Quang Thùy và bà Bùi Thị Xuân (vợ ông Trần Quang Diệu) đánh lũy Trấn Ninh và cửa Nhật Lệ (thuộc Đồng Hới, Quảng Bình). Nguyễn Vương Phúc Ánh cùng ông Đặng Trần Thường và Phạm Văn Nhân giữ lũy Trấn Ninh và cho ông Nguyễn Văn Trương đánh bại thủy quân Tây Sơn ở cửa Nhật Lệ. Bộ binh Tây Sơn ở trước lũy Trấn Ninh bỏ chạy.
Từ đó quân Tây Sơn tan vỡ, lục quân của ông Lê Văn Duyệt và ông Lê Chất cùng với thủy quân của ông Nguyễn Văn Trương tiến chiếm Bắc Hà dễ dàng, bắt toàn thể hoàng gia nhà Tây Sơn. Ông Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng đã phải từ Quy Nhơn theo đường Ai Lao rút về Bắc Hà nên cũng bị bắt. Vua Cảnh Thịnh và tất cả hoàng gia và tướng của Tây Sơn đều bị vua Gia Long giết chết (1802).
THI PHẨM
Hậu thế luôn nhắc đến 1 bài thơ tiêu biểu của ông Nguyễn Bỉnh Khiêm về “triết lý Nhàn” của ông:
NHÂN TÌNH THẾ THÁI BÀI 38 (CẢNH NHÀN)
Một mai một cuốc một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thế nào
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp
Nhìn xem phú quí tựa chiêm bao.
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Thật ra ông Nguyễn Bỉnh Khiêm có để lại 3 tác phẩm về Thơ:
Quyển Bạch Vân Am Thi Tập gồm một số ít thơ Đường Luật cổ điển dùng chữ Hán.
Quyển Bạch Vân Gia Huấn dùng chữ Hán Nôm theo thể Song Thất Lục Bát.
Nhưng quan trọng nhất là quyển Bạch Vân Quốc Ngữ Thi Tập gồm những bài thơ Đường Luật TNBC cổ điển hoặc theo Hàn Luật dùng chữ Hán Nôm.
THƠ HÀN LUẬT
Tục truyền rằng ông Hàn Thuyên (1229-?) có cải cách thơ Đường bằng những luật mới như dùng câu 6 chữ (1) hay ngắt nhịp 3,4 (thay vì 4,3) hoặc dùng thủ vỹ ngâm (2). Thủ vỹ ngâm là câu đầu và câu cuối của bài thơ giống nhau.
Hậu thế gọi là Hàn Luật. Các ông Nguyễn Sĩ Cố, Chu Văn An và Lê Quý Ly có làm thơ Hán Nôm như ông Hàn Thuyên nhưng đều thất lạc vì Bắc thuộc thời nhà Minh. Thơ Hán Nôm mới thấy lại vào đời nhà Hậu Lê bắt đầu từ ông Nguyễn Trãi.
Đây là một những bài thơ Hán Nôm của ông Nguyễn Trãi dùng Hàn Luật (mà sau nầy cũng thấy trong thơ Hồng Đức và thơ của ông Nguyễn Bỉnh Khiêm).
HOA SEN
Lầm nhơ chẳng bén, tốt hòa thanh
Quân tử không kham được thửa danh
Gió đưa hương, đêm nguyệt lạnh (1)
Riêng làm của, có ai tranh. (1)
(Nguyễn Trãi)
THỦ VỸ NGÂM
Góc thành Nam, lều một gian (1) (2)
No nước uống, thiếu cơm ăn (1)
Ao bởi hẹp hòi khôn thả cá
Nhà quen thú thứa ngại nuôi vằn (*)
Con đòi trốn dường ai quyến (1)
Bà ngựa gầy thiếu kẻ chăn (**) (1)
Chẳng phải triều quan chẳng phải ẩn
Góc thành Nam, lều một gian. (1) (2)
(Nguyễn Trãi)
(*) Thú thứa=xú xứa=xuề xòa=xuềnh xoàng. Vằn=chó vằn, con chó
(**) Bà ngựa=con ngựa, như gọi là ông voi thay vì con voi.
Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng dùng thơ Đường Luật theo thể Hàn Luật dĩ nhiên dùng chữ Hán Nôm (mà lúc đó ông đã gọi là Quốc Ngữ): có câu 6 chữ (1) và Thủ Vỹ Ngâm (2) như những bài dưới đây.
NHÂN TÌNH THẾ THÁI BÀI 2 (AN PHẬN THÌ HƠN)
Giàu ba bữa khó hai niêu (1)
An phận thì hơn hết mọi điều
Khát uống trà mai hơi ngút ngút
Sốt kề hiên nguyệt gió hiu hiu
Giang sơn tám bức là tranh vẽ
Hoa cỏ tư mùa ấy gấm thêu
Thong thả đêm khuya nằm sớm thức
Muôn vàn đã đội đức trời Nghiêu.
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
VÔ ĐỀ
Rất nhân sinh bảy tám mươi (1) (2)
Làm chi lảo đảo nhọc lòng người
Bạch Vân am vắng chim kêu muộn
Kim Tuyết dòng thanh cá mát tươi
Ưu ái một niềm hằng nhớ chúa
Công danh hai chữ đã nhường người
Giàu lẫn khó yên đòi phận (1)
Rất nhân sinh bảy tám mươi (1) (2)
Thanh nhàn hưởng được tính từ nhiên
Non nước cùng ta đã có duyên
Dắng dỏi bên tai cầm suối (1)
Dập dìu trước mặt tán sen (1)
Xuân về, hoa nở mùi hương nức
Khách đến, chim mừng dáng mặt quen
Chốn ấy thanh nhàn được thú (1)
Lọ là Bồng Đảo mới tiên. (1)
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Tuy nhiên thơ Hàn Luật của ông Nguyễn Bỉnh Khiêm còn cải cách xa hơn nữa. Như bài “Vô Đề” ở trên, ông dùng 2 bài thơ Bát Cú cho 1 đề tài. Kế đến ông Nguyễn Bỉnh Khiêm còn có dùng câu 5 chữ (3) và còn làm 1 bài thơ Lục Cú tức là chỉ có 6 câu thay vì 8 hay 4 câu (4)
THÚ DƯỠNG THÂN
Phú quý bởi thời vần (3)
Tu luyện lâu bền thú dưỡng thân
Hứng ý miệng ngâm câu quốc ngữ
Giải phiền tay chuốc chén quỳnh xuân
Đường hoa chào khách mặt nhìn mặt (5)
Ngõ hạnh đưa người chân ngại chân (5)
Dẫu có ai than thì sẽ nhủ:
Thái bình thiên tử thái bình dân. (5)
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
THÚ TIÊU DAO (4)
Xóm tự nhiên lều một căn (1)
Quét không thây thẩy bụi hồng trần
Nhìn hàng cam quít con đòi cũ
Mấy gã ngư tiều lừa bạn thân
Thấy nguyệt tròn thì kể tháng (1)
Nhìn hoa nở mới hay xuân. (1)
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
THƠ ĐƯỜNG LUẬT
Trong bài thơ Đường Luật TNBC chính thống hay Hàn Luật, ông Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng có những kỹ thuật tân tiến như dùng chữ lập lại trong câu 7 chữ (5):
THÚ DƯỠNG THÂN
Phú quý bởi thời vần
Tu luyện lâu bền thú dưỡng thân
Hứng ý miệng ngâm câu quốc ngữ
Giải phiền tay chuốc chén quỳnh xuân
Đường hoa chào khách mặt nhìn mặt (5)
Ngõ hạnh đưa người chân ngại chân (5)
Dẫu có ai than thì sẽ nhủ:
Thái bình thiên tử thái bình dân. (5)
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
THÚ NHÀN
Lẩn thẩn ngày qua lại tháng qua
Một năm xuân tới một phen già
Ái ưu vằng vặc trăng in nước
Danh lợi lâng lâng gió thổi hoa
Án sách vẫn còn án sách cũ (5)
Nước non bạn với nước non nhà (5)
Cuộc cờ đua chí dù cao thấp
Ta muốn thanh nhàn thú vị ta.
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
NHÂN TÌNH THẾ THÁI BÀI 20 (THẾ GIAN BIẾN ĐỔI)
Thế gian biến đổi vũng nên đồi
Mặc lạt chua cay lẫn ngọt bùi
Còn bạc còn tiền còn đệ tử (5)
Hết cơm hết gạo hết ông tôi (5)
Xưa nay vẫn trọng người chân thực
Ai nấy nào ưa kẻ đãi bôi
Ở thế mới hay người thế bạc
Giàu thì tìm đến khó tìm lui.
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm còn dùng thể Độc Vận và Song Ngữ:
DẠI KHÔN
Làm người có dại mới nên khôn
Chớ dại ngây si chớ quá khôn
Khôn được ích mình đừng rẻ dại
Dại thì giữ phận chớ tranh khôn
Khôn mà hiểm độc là khôn dại
Dại vốn hiền lành ấy dại khôn
Chớ cậy rằng khôn khinh kẻ dại
Gặp thời, dại cũng hóa thành khôn.
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Đời sau có thi sĩ “nối nghiệp”:
DẠI KHÔN (Họa)
Ong óng đua nhau nói dại khôn
Biết ai là dại biết ai khôn
Khôn mê tửu sắc là khôn dại
Dại chốn thiền môn ấy dại khôn
Khôn ấy không tiền, khôn ấy dại
Dại mà phiền nhiễu, dại mà khôn
Đố ai rõ đặng trong khôn dại
Mới gọi là người biết dại khôn.
(Cai Tổng Lê Quang Chiểu)
DẠI KHÔN (Họa)
Thiên hạ đua nhau nói dại khôn
Biết ai là dại biết ai khôn
Khôn nghề cờ bạc là khôn dại
Dại chốn văn chương ấy dại khôn
Mấy kẻ nên khôn đều có dại
Làm người có dại mới nên khôn
Chữ khôn ai cũng khôn là thế
Mới biết trần gian kẻ dại khôn.
(Tú Tài Trần Tế Xương)
DẠI KHÔN (Họa)
Vũ trụ càn khôn có dại khôn
Nhân sinh định kiến dại hay khôn
Lương tâm thiện tánh, tình không dại
Nhân nghĩa lợi danh, trí biết khôn
Lắm lúc tày khôn thành quá dại
Đôi khi giả dại thế mà khôn
Người khôn từng trải điều khôn dại
Kẻ dại luận bàn chuyện dại khôn.
(Phan Thượng Hải)
11/13/2019
KẾT LUẬN
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được biết như một nhà tiên tri nhưng ít người biết ông là một người đức độ khiêm nhường, một học giả thông thái, có tài làm thơ rất hay góp phần cho nền văn học nước ta và là một chính trị gia lỗi lạc: với những câu nói đơn giản ông đã làm nên lịch sử hòa bình lâu dài và mở rộng địa lý của nước Việt.
Nho Giáo muốn bình trị Thiên Hạ nhưng trong lịch sử Nho Gia từ Khổng Tử cho đến Vương Dương Minh ở Trung Quốc cũng như các ông Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Nguyễn Công Trứ… ở Việt Nam không có một ai thành công làm an dân lợi nước rộng lớn và lâu dài trong sự khiêm nhường như ông Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Sấm Trạng Trình của ông cũng tiên đoán đúng lịch sử của nhà Nguyễn Tây Sơn.
TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
Công nghiệp Trạng Trình giúp quốc gia
An dân lợi nước bậc tài ba
Khéo khuyên cộng hưởng dòng Lê Trịnh
Hữu ích về cho xứ Bắc Hà
Họ Nguyễn tuân theo lời viễn thị
Phương Nam mở rộng đất bao la
Bỉnh Khiêm tri túc bình thiên hạ
Người Việt nhờ ơn được thái hòa.
Mai danh ẩn tích tánh khiêm hòa
Sấm ký tiên tri biết chuyện xa
Cửa Khổng nhân sinh đà hiểu thấu
Sân Trình vũ trụ đã thông qua
Thi từ cải cách nền văn học
Chính kiến thành công việc nước nhà
Thông thái minh tâm không vị lợi
Đức tài đệ nhất rạng Nho Gia.
(Phan Thượng Hải)
10/22/16
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Bài nầy đăng lần đầu trong phanthuonghai.com phần Văn Thơ mục Đọc Thơ.
Tài Liệu Tham Khảo:
Phần "Thơ và Sử" trong phanthuonghai.com
Nguyễn Bỉnh Khiêm (Phan Thượng Hải)
Nguyễn Hoàng (Phan Thượng Hải)
Nguyễn Hữu Chỉnh (Phan Thượng Hải)
Quang Trung (Phan Thượng Hải)
Gia Long (Phan Thượng Hải)
Trang Thơ Nguyễn Bỉnh Khiên Thi Viện Net
MỪNG LỄ PHỤC SINH
Thế giới đón mừng lễ Phục Sinh
Làm Người từng trải nghĩa hy sinh
Thiện tâm đưa lối về thiên quốc (*)
Khiêm ái dẫn đường hướng tái sinh
Cầu nguyện chân thành qua khốn khổ
Đức tin bền vững giúp tồn sinh
Giê-su tín ngưỡng truyền hy vọng
Ơn phước nhân loài có phục sinh.
Phan Thượng Hải
4/10/20
Good Friday 2020
(*) Thiên quốc = Nước trời = Kingdom of heaven.
THƠ ĐƯỜNG LUẬT THẤT NGÔN BÁT CÚ
(Bs Phan Thượng Hải)
THỂ THƠ ĐƯỜNG LUẬT THẤT NGÔN BÁT CÚ
Thể thơ áp dụng cho một bài hay đoạn thơ 8 câu và 7 chữ (Thất Ngôn Bát Cú).
Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú là căn bản của thơ Đường Luật. Từ đó có thể suy ra cách làm những thơ Đường Luật khác như ĐL Ngũ Ngôn Bát Cú, ĐL Thất Ngôn Tứ Tuyệt và ĐL Ngũ Ngôn Tứ Tuyệt.
1) Số Câu và Số Chữ trong mỗi Câu
Bài thơ ĐLTNBC phải gồm có 8 câu (bát cú) và số chữ trong mỗi câu nhất định là 7 (thất ngôn).
2) Cách Gieo Vần
Vần là những tiếng thanh âm hòa hiệp đặt vào hai hoặc nhiều câu văn để hưởng ứng nhau. (Chữ Hán là Vận).
Suốt bài thơ chỉ hiệp theo một vần (tức là theo lối Độc Vận).
Trong một bài Bát Cú có 5 vần gieo ở cuối câu đầu (câu 1) và cuối các câu chẵn (câu 2,4,6 và 8). Vì Vần ở cuối câu nên chỉ có Cước Vận. Thường dùng vần Bằng, rất hiếm khi dùng vần Trắc.
Ngược lại chữ cuối của những câu lẻ còn lại (câu 3,5 và 7) phải Đối Thanh với những Vần. Nếu dùng Vần Bằng thì những chữ cuối câu 3,5 và 7 phải là Trắc.
Thí Dụ 1=Vần Bằng/Bằng Trắc của chữ cuối câu
Ao thu lạnh lẻo nước trong veo (VB)
Một chiếc thuyền con bé tẻo teo (VB)
Sóng nước theo làn hơn gợn tí (T)
Lá vàng trước gió sẻ đưa vèo (VB)
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt (T)
Ngỏ trúc quanh co khách vắng teo (VB)
Tựa gối ôm cần lâu chẳng đặng (T)
Cá đâu đớp đọng dưới chân bèo (VB)
Thí Dụ 2=Vần Bằng/Bằng Trắc của chữ cuối câu
Bước đến đèo Ngang bóng (t) xế tà (VB)
Cỏ cây chen đá lá chen hoa (VB)
Lom khom dưới núi tiều vài chú (T)
Lác đác bên sông rợ mấy nhà (VB)
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc (T)
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia (VB)
Dừng chân ngoảnh lại trời non nước (T)
Một mảnh tình riêng ta với ta (VB)
3) Âm thanh = Luật Bằng Trắc trong mỗi Câu
* Khởi Luật Bằng và hay Khởi luật Trắc
Khởi Luật Bằng là luật thơ bắt đầu bằng tiếng Bằng ở chữ thứ 2 của câu đầu. Khởi Luật Trắc là luật thơ bắt đầu bằng tiếng Trắc ở chữ thứ 2 của câu đầu.
Thí Dụ 1=Khởi Luật Bằng
Ao thu (B) lạnh lẻo nước trong veo (VB)
Một chiếc thuyền con bé tẻo teo (VB)
Sóng nước theo làn hơn gợn tí (T)
Lá vàng trước gió sẻ đưa vèo (VB)
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt (T)
Ngỏ trúc quanh co khách vắng teo (VB)
Tựa gối ôm cần lâu chẳng đặng (T)
Cá đâu đớp đọng dưới chân bèo (VB)
Thí Dụ 2=Khởi Luật Trắc
Bước đến (T) đèo Ngang bóng xế tà (VB)
Cỏ cây chen đá lá chen hoa (VB)
Lom khom dưới núi tiều vài chú (T)
Lác đác bên sông rợ mấy nhà (VB)
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc (T)
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia (VB)
Dừng chân ngoảnh lại trời non nước (T)
Một mảnh tình riêng ta với ta (VB)
* Niêm
Hai câu thơ Niêm với nhau khi nào chữ thứ 2 của hai câu cùng theo một luật (hoặc cùng là bằng hoặc cùng là trắc, thì thành ra bằng niêm với bằng trắc niêm với trắc). Trong bài ĐLTNBC: câu 1 Niêm với câu8, câu 2 với câu 3, câu 4 với câu 5, câu 6 với câu 7.
Thí Dụ 1=Khởi Luật Bằng/Niêm (Bằng Trắc của chữ thứ 2)
Ao thu (B) lạnh lẻo nước trong veo (VB)
Một chiếc (T) thuyền con bé tẻo teo (VB)
Sóng nước (T) theo làn hơn gợn tí (T)
Lá vàng (B) trước gió sẻ đưa vèo (VB)
Tầng mây (B) lơ lửng trời xanh ngắt (T)
Ngỏ trúc (T) quanh co khách vắng teo (VB)
Tựa gối (T) ôm cần lâu chẳng đặng (T)
Cá đâu (B) đớp đọng dưới chân bèo (VB)
Thí Dụ 2=Khởi Luật Trắc/Niêm (Bằng Trắc của chữ thứ 2)
Bước đến (T) đèo Ngang bóng xế tà (VB)
Cỏ cây (B) chen đá lá chen hoa (VB)
Lom khom (B) dưới núi tiều vài chú (T)
Lác đác (T) bên sông rợ mấy nhà (VB)
Nhớ nước (T) đau lòng con quốc quốc (T)
Thương nhà (B) mỏi miệng cái gia gia (VB)
Dừng chân (B) ngoảnh lại trời non nước (T)
Một mảnh (T) tình riêng ta với ta (VB)
* Bằng Trắc trong mỗi Câu và Lệ Bất Luận
Trong bài thơ Thất Ngôn thì chữ thứ 1, 3 và 5 trong mỗi câu không cần đúng luật (Nhất, Tam, Ngũ bất luận). Tuy nhiên nếu chữ thứ 5 giữ đúng luật thì âm của bài thơ hay hơn rất nhiều.
Thực tế trong một câu Thất Ngôn, nếu chữ thứ 2 là Trắc thì chữ thứ 4 là Bằng và chữ thứ 6 là Trắc. Ngược lại nếu chữ thứ 2 là Bằng thì chữ thứ 4 là Trắc và chữ thứ 6 là Bằng. (Nhị, Tứ, Lục phân minh).
Thí Dụ 1=
Khởi Luật Bằng/Niêm (Bằng Trắc của chữ thứ 2)/Bằng Trắc của chữ thứ 4, 6
Ao thu (B) lạnh lẻo (T) nước trong (B) veo (VB)
Một chiếc (T) thuyền con (B) bé tẻo (T) teo (VB)
Sóng nước (T) theo làn (B) hơn gợn (T) tí (T)
Lá vàng (B) trước gió (T) sẻ đưa (B) vèo (VB)
Tầng mây (B) lơ lửng (T) trời xanh (B) ngắt (T)
Ngỏ trúc (T) quanh co (B) khách vắng (B) teo (VB)
Tựa gối (T) ôm cần (B) lâu chẳng (T) đặng (T)
Cá đâu (B) đớp đọng (T) dưới chân (B) bèo (VB)
Thí Dụ 2=
Khởi Luật Trắc/Niêm (Bằng Trắc của chữ thứ 2)/Bằng Trắc của chữ thứ 4, 6
Bước đến (T) đèo Ngang (B) bóng xế (T) tà (VB)
Cỏ cây (B) chen đá (T) lá chen (B) hoa (VB)
Lom khom (B) dưới núi (T) tiều vài (B) chú (T)
Lác đác (T) bên sông (B) rợ mấy (T) nhà (VB)
Nhớ nước (T) đau lòng (B) con quốc (T) quốc (T)
Thương nhà (B) mỏi miệng (T) cái gia (B) gia (VB)
Dừng chân (B) ngoảnh lại (T) trời non (B) nước (T)
Một mảnh (T) tình riêng (B) ta với (T) ta (VB)
* Luật Bằng Trắc của chữ thứ 5 của mỗi câu thì theo Luật: theo thứ tự từ câu 1 đến câu 8 là T, T, B, T, B, T, B, T.
Thí Dụ 1=Bằng Trắc của chữ thứ 5
Ao thu (B) lạnh lẻo (T) nước (t) trong (B) veo (VB)
Một chiếc (T) thuyền con (B) bé (t) tẻo (T) teo (VB)
Sóng nước (T) theo làn (B) hơn (b) gợn (T) tí (T)
Lá vàng (B) trước gió (T) sẻ (t) đưa (B) vèo (VB)
Tầng mây (B) lơ lửng (T) trời (b) xanh (B) ngắt (T)
Ngỏ trúc (T) quanh co (B) khách (t) vắng (B) teo (VB)
Tựa gối (T) ôm cần (B) lâu (b) chẳng (T) đặng (T)
Cá đâu (B) đớp đọng (T) dưới (t) chân (B) bèo (VB)
Thí Dụ 2=Bằng Trắc của chữ thứ 5
Bước đến (T) đèo Ngang (B) bóng (t) xế (T) tà (VB)
Cỏ cây (B) chen đá (T) lá (t) chen (B) hoa (VB)
Lom khom (B) dưới núi (T) tiều (b) vài (B) chú (T)
Lác đác (T) bên sông (B) rợ (t) mấy (T) nhà (VB)
Nhớ nước (T) đau lòng (B) con (b) quốc (T) quốc (T)
Thương nhà (B) mỏi miệng (T) cái (t) gia (B) gia (VB)
Dừng chân (B) ngoảnh lại (T) trời (b) non (B) nước (T)
Một mảnh (T) tình riêng (B) ta (b) với (T) ta (VB)
4) Tiết Tấu
Tiết tấu nghĩa đen là nhịp nhàng. Tiết tấu là do cách ngắt một câu thơ thành từng đoạn dài ngắn khác nhau.
Có 3 cách ngắt: (1) 4 chữ rồi 3 chữ (2) 2 chữ rồi 5 chữ (3) 2 chữ rồi 2 chữ rồi 3 chữ
Thí Dụ (1): /Bước đến đèo Ngang/ bóng xế tà/
Thí Dụ (2): /Nhớ nước/ đau lòng con quốc quốc/
/ Thương nhà/ mỏi miệng cái gia gia/
Thí Dụ (3): /Tựa gối/ ôm cần/ lâu chẳng đặng/
5) Phép Đối
Đối là đặt hai câu đi sóng đôi cho Ý và Chữ trong hai câu ấy cân xứng với nhau.
Đối Ý là tìm hai ý tưởng cân nhau mà đặt thành hai câu sóng nhau.
Đối Chữ thì vừa phải Đối Thanh vừa phải Đối Loại.
Đối Thanh tức là Bằng đối với Trắc và Trắc đối với Bằng.
Đối Loại là phải đặt một hay hai chữ cùng tự loại để đối nhau (như cùng Danh từ, Động từ, Tỉnh từ, Giới từ…).
Trong bài Bát Cú: Câu 3 đối với câu 4, Câu 5 đối với câu 6.
Thực tế chỉ cần Đối Chữ là bắt buộc. Vì luật bất luận nên chữ thứ 1 và 3 của hai câu không bắt buộc Đối Thanh với nhau (Đối không chỉnh nhưng được chấp nhận/Thí Dù 2)
Thí Dụ 1=Đối Chỉnh
Bước đến (T) đèo Ngang (B) bóng (t) xế (T) tà (VB)
Cỏ cây (B) chen đá (T) lá (t) chen (B) hoa (VB)
Lom khom (B) dưới núi (T) tiều (b) vài (B) chú
Lác đác (T) bên sông (B) rợ (t) mấy (T) nhà (VB)
Nhớ nước (T) đau lòng (B) con (b) quốc (T) quốc
Thương nhà (B) mỏi miệng (T) cái (t) gia (B) gia (VB)
Dừng chân (B) ngoảnh lại (T) trời (b) non (B) nước
Một mảnh (T) tình riêng (B) ta (b) với (T) ta (VB)
Thí Dụ 2=Đối không cần chỉnh vì Luật Bất Luận
Ao thu (B) lạnh lẻo (T) nước (t) trong (B) veo (VB)
Một chiếc (T) thuyền con (B) bé (t) tẻo (T) teo (VB)
Sóng(*) nước (T) theo làn (B) hơn (b) gợn (T) tí
Lá(*) vàng (B) trước gió (T) sẻ (t) đưa (B) vèo (VB)
Tầng mây (B) lơ(*) lửng (T) trời (b) xanh (B) ngắt
Ngỏ trúc (T) quanh(*) co (B) khách (t) vắng (B) teo (VB)
Tựa gối (T) ôm cần (B) lâu (b) chẳng (T) đặng
Cá đâu (B) đớp đọng (T) dưới (t) chân (B) bèo (VB)
(*): Đối Thanh không chỉnh.
6) Bố Cục
Bài thơ Bát Cú có 4 phần: Đề, Thực, Luận, Kết
Đề: gồm có Phá Đề (câu 1) là mở bài và Thừa Đề (câu 2) là nối câu Phá mà vào bài.
Thực hay Trạng (câu 3 và 4): là giải thích đầu bài cho rõ ràng.
Luận (câu 5 và 6): là bàn bạc cho rộng nghĩa đầu bài.
Kết (câu 7 và 8): là tóm ý nghĩa cả bài mà thắt lại.
Tuy nhiên trên thực tế Bố Cục cũng giống như một bài văn gồm có: Nhập Đề (Đề), Thân Bài (Thực hay Luận hay Thực và Luận) và Kết Luận (Kết).
Thí Dụ 1=Đề, Thực, Luận, Kết
(Phá Đề)
Bước đến đèo Ngang bóng xế tà
(Thừa Đề)
Cỏ cây chen đá lá chen hoa
(Thực/Trạng)
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông rợ mấy nhà
(Luận)
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
(Kết)
Dừng chân ngoảnh lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta
Thí Dụ 2=Nhập Đề, Thân Bài, Kết Luận
(Nhập Đề = Đề )
Ao thu lạnh lẻo nước trong veo
Một chiếc thuyền con bé tẻo teo
(Thân Bài = Thực)
Sóng nước theo làn hơn gợn tí
Lá vàng trước gió sẻ đưa vèo
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngỏ trúc quanh co khách vắng teo
(Kết Luận = Kết)
Tựa gối ôm cần lâu chẳng đặng
Cá đâu đớp đọng dưới chân bèo.
7) Vần Trắc
Bài ĐL Thất Ngôn Bát Cú Vần Trắc cũng giống như Vần Bằng chỉ khác là Câu 1, 2, 4, 6 và 8 là Vần Trắc và chữ cuối câu 3, 5 và 7 là Bằng. Muốn cho âm hay hơn, chữ thứ 5 phải theo thứ tự: B, B, T, B, T, B, T, B.
Thí Dụ:
Nhậu sớm nhậu trưa chiều (b) cũng nhậu (VT)
Đường đời phó mặc ai (b) tranh đấu (VT)
Bạc nhiều: cỏ nhác chế (t) sô đa (B)
Tiền ít: la ve hòa (b) dược chẩu (VT)
Xiêu tới ngã lui thấy (t) muốn rầu (B)
Mửa rồi uống nữa cho (b) thêm xấu (VT)
Đánh con chửi vợ mắng (t) chòm giềng (B)
Mang tiếng mang nghèo mang (b) bịnh hậu. (VT)
CÁCH LÀM MỘT BÀI THƠ THEO THỂ ĐL THẤT NGÔN BÁT CÚ
Áp dụng thể Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú, một bài thơ có thể là:
Đoản Thiên: Bát Cú (Chánh Thể hay Biến Thể).
Tràng Thiên gồm nhiều Đoạn Bát Cú (có thể hay không cần nối nhau bằng Thể Liên Hoàn hay Liên Hoàn Biến Thể).
Họa Vận là cái thú đặc sắc của ĐL. Có khi 2 bài thơ cho cùng một Đề Tài.
1) Đoản Thiên Bát Cú/Chính Thể
Thí Dụ 1 = BẢO ĐẠI THOÁI VỊ
Nỏ tiếc không thương cái bệ rồng
Ngựa xe cờ đỏ đến Thăng Long
Trải qua non nước nhìn quanh rạng
Ngảnh lại lâu đài bỏ trống không
Gió tạc cành thu chim ngái tổ
Trăng soi cửa cấm nhện giăng mùng
Có ai vô Nội cho mình hỏi
Thần tử còn lưa lại mấy ông.
(Ưng Bình Thúc Giạ Thị)
Thí Dụ 2 = KHÓC LINH PHƯỢNG
Chăn gối cùng nhau những ấm êm
Bỗng làm ngọc nát, bỗng châu chìm
Đầm đìa giọt thảm khăn hồng thấm
Lạnh lẽo đêm xuân giấc mộng tìm
Hình dáng mơ màng khi thức ngủ
Tiếng hơi quanh quẩn nếp y xiêm
Bảy năm vui khổ, nghìn năm biệt
Sớm gió chiều mưa lắm nỗi niềm !
(Đông Hồ)
Thí Dụ 3 = THƠ THÁCH HỌA CÁC CỤ ĐỒ
Đôi lời nhắn nhủ bạn làng Nho
Thơ thẩn thẩn thơ khéo thẫn thờ
Con cóc Nghè Huỳnh đuôi cọc lóc
Nàng thơ Ấm Hiếu mũi thò lò
Chai to chai nhỏ con cầy béo
Câu thánh câu thần đĩa mực khô
Nắn nót miễn sao nên bốn vế
Chẳng thơ thì cũng cóc cần thơ.
(Lưu Trọng Lư)
Thí Dụ 4 = PHỔ THÔNG MƯỜI NĂM CẢM NGHĨ
Mười năm chỉ một bước đầu thôi
Nghiệp chướng đành mang hết nợ đời
Buồn chán nhân tâm toan bỏ mặc
Ngậm ngùi bút hận khó buông trôi
Trời già muốn giởn, ừ cho giởn
Sức trẻ còn bơi, vẫn cứ bơi
Lánh bọn văn nô, phường xảo trá
Gắng thành nhiệm vụ chín mười mươi.
(Nguyễn Vỹ)
2) Đoản Thiên Bát Cú/Biến Thể
Thí Dụ 1 = CƯ SĨ CHÂN TU - Đồng Vận
Cư Sĩ một lòng cố gắng tu
Sớm mong giác ngộ được chân tu
Tông Thừa nghiên cứu siêng tầm đạo
Công Án luận bàn thích học tu
Nghĩ lại chúng sanh đều Phật Tánh
Cần chi thành đạo với căn tu
Thiền Môn yên tịnh tìm nương tựa
Niệm Phật từ tâm trọn kiếp tu.
(Phan Thượng Hải)
Thí Dụ 2 = EM Ở ĐÂU ? - Thủ Vỹ Ngâm
Thương nhớ em hoài, em ở đâu ?
Vắng em, đời nặng trĩu u sầu
Khi còn gần gũi sao hờ hững ?
Chừ đã xa vời một khổ đau !
Chẳng khác đất khô mong đợi nước
Mà hơn tằm đói, đợi cho dâu
Mang mang trường hận hai hàng lệ
Thương nhớ em hoài, em ở đâu ?
(Bàng Bá Lân)
Thí Dụ 3 = MỘNG THẤY HÀN MẶC TỬ - Câu đầu 6 chữ
Ơi Lệ Thanh! Ơi lệ thanh!
Một giấc trưa nay lại gặp mình
Nhan sắc châu pha màu phú quí
Tài hoa bút trổ nét tinh anh
Rượu tràn thú cũ say sưa chuyện
Hương tạ trời cao bát ngát tình
Tôi khóc tôi cười vang cả mộng
Nhớ thương đưa lạc gió qua mành.
(Quách Tấn)
Thí Dụ 4 = QUAN VÂN TRƯỜNG – 2 câu đầu 6 và 8 chữ
Sinh vi tướng, tử vi thần
Hớn Thọ Đình Hầu, Quan Thánh Đế Quân
Nét mặt hồng hào, tài dũng cảm
Chòm râu đậm đuột, đức khoan nhân
Quá quan, Bắc Ngụy kiên danh thủ
Phó hội, Đông Ngô nể thượng tân
Không nỡ giết Tào, cam thọ tội:
Trung, cang, nghĩa, khí, được lòng dân.
(Lãng Ba)
Thí Dụ 5 = ĐÊM TÌNH – câu đầu không vần và Vần bắt đầu với câu 2 (giống như bài Hoàng Hạc Lâu)
Giấc thắm tình duyên non gối nước
Màn sương để lọt ánh sao băng
Hồn hoa chợp mộng thơm hồn gió
Tóc liễu dùng thơ đón tóc trăng
Muôn điệu tơ lòng run sẽ sẽ
Nửa vời sóng nhạc nhẹ lâng lâng
Phòng hương thương kẻ ngồi nương triệu
Tình gởi mây xa lệ ngập ngừng.
(Quách Tấn)
3) Tràng Thiên gồm nhiều Đoạn Bát Cú
Thí Dụ 1 = KHÓC VỆ LAN – Liên Hoàn
Yêu nhau năm tháng cách xa nhau
Ngấn lệ chưa khô đã bạc đầu
Một sớm em đi, tình lỡ dở
Trọn đời anh chịu kiếp thương đau
Nắng mưa đất khách hoa tàn tạ
Mưa gió mồ em cỏ dãi dầu
Ngọc nát vàng phai đau đớn nhẽ
Tìm em còn có thấy em đâu!
Tìm em còn có thấy em đâu
Biết nói cùng ai chuyện bể dâu
Mở đọc thư xưa, thư ố lệ
Giở xem ảnh cũ, ảnh phai mầu
Gương còn luyến bóng, người đâu mất
Đêm đã tàn canh, mộng cũng sầu
Lấy bút đề thơ, thơ ngấn lệ
Hàng thơ hoen ố mấy hàng châu.
(Tam Lang)
Thí Dụ 2 = KHUÊ PHỤ THÁN – Liên Hoàn Biến Thể
Dùng Liên Hoàn Biến Thể để Hoán Vận.
Chồng hỡi chồng ! con hỡi con !
Cùng nhau chia cách mấy thu tròn
Ven trời góc bể buồn chim cá
Dạn gió dày sương tủi nước non
Mộng điệp khéo vì ai lẽo đẽo
Hồn quyên luống để thiếp thon von
Ngày qua tháng lại trông đăm đẳm
Muôn vạn xa xuôi mắt đã mòn
Đã mòn con mắt ở Phi Châu
Có thấy chồng đâu con ở đâu
Dẫu đặng non xinh cùng bể tốt
Khó khăn gió thảm với mưa sầu
Trách ai dắt nẻo khôn lừa lọc
Khiến thiếp ra thân chịu dãi dầu
Bớ bớ xanh kia sao chẳng đoái
Xui lòng oằn oại trót canh thâu.
Canh thâu chưa nghỉ hãy còn ngồi
Gan ruột như dầu sục sục sôi
Nghĩa gá ấp yêu đành lỡ dở
Công cho bú mớm chắc thôi rồi
Quyết gìn giữ dạ tròn sau trước
Biết cậy nhờ ai tỏ khúc nôi !
Dâu bể xanh xanh trời một góc
Hỡi chồng ơi ! với hỡi con ơi !
Con ôi ! ruột mẹ ngướu như tương
Bảy nổi ba chìm xiết thảm thương
Khô héo lá gan cây đỉnh Ngự
Đầy vơi giọt lệ nước sông Hương
Quê người đành gửi thân trăm tuổi
Đất tổ mong vì nợ bốn phương
Mẹ cũng trông mau rồi một kiếp
Để cho vẹn vẽ mối can thường.
Cang thường gánh nặng cả hai vai
Biết cậy cùng ai, tỏ với ai
Để bụng chỉn e tầm đứt ruột
Hở môi thì sợ vách nghiêng tai
Trăng khuya nương bóng chinh chinh một
Kiếng bể soi hình tẻ tẻ hai
Nhắm thử từ đây qua đến đó
Đường đi non nước độ bao dài ?
Bao dài non nước chẳng hay cùng
Xin gởi hồn ta đến ở chung
Sống thác miễn cho tròn một tiết
Trước sau khỏi thẹn với ba tùng
Quê nhà đã có người săn sóc
Đất khách nương nhau khỏi lạ lùng
Mảng tính chưa xong vừa chợp mắt
Trống lầu đâu đã đổ lung tung.
Đã đổ lung tung tiếng trống thành
Giựt mình tỉnh dậy mới tàn canh
Sương sa lác đác dằn tàu lá
Gió thổi lai rai lạc bức mành
Cảnh ấy tình nầy thôi hết muốn
Trời kia đấy nọ nỡ bao đành
Thương nhau chẳng đặng cùng nhau trọn
Xin hẹn chung cùng kiếp tái sanh.
Kiếp tái sanh may có gặp không
Kiếp nầy đành thẹn với non sông
Chiêm bao lẩn thẩn theo chân bướm
Tin tức bơ vơ lạc cánh hồng
Tính tới tính lui thân cá chậu
Lo quanh lo quẩn phận chim lồng
Đã không chung hưởng thôi thì chớ
Sao nỡ xa nhau chồng hỡi chồng !
Hỡi chồng ! có thấu nỗi nầy chăng ?
Sóng gió khi không dậy bất bằng
Non nước chia hai trời lộng lộng
Cha con riêng một biển giăng giăng
Mối sầu kia gỡ khoanh chưa hết
Giọt thảm nầy tuôn bửng khó ngăn
Ngán bấy cuộc đời khôn gượng gạo
Canh chầy còn ở dưới cung trăng.
Ở dưới cung trăng luống nỉ non
Đắng cay như ngậm trái bồ hòn
Khói mây giọng quốc nghe hơi mỏn
Sương tuyết mình ve nhắm đã mòn
Lằn mõ làn xa canh lốc cốc
Tiếng chuông chùa cũ dộng bon bon
Nỗi riêng ai biết ta thương nhớ
Chồng hỡi chồng ! con hỡi con !
(Thượng Tân Thị) 3/1919
Thí Dụ 3 = XUÂN MONG ĐỢI - không cần Liên Hoàn.
Cỏ biếc xanh rời liễu bóng tơ
Lối mòn rải rác cánh hoa mơ
Cung đàn thôn vắng say trăng nước
Tiếng địch sông khuya nhớ bến bờ
Sương lạnh lùng rơi hồn lạc lõng
Gió hiu hắt thổi mộng bơ vơ
Người đi cát bụi ngoài muôn dặm
Mây núi, hương từng, mộng ý thơ.
Thơ nhạc kinh thành gởi bốn phương
Lá rơi để ngập lối Chiêu Dương
Năm về gió dục bao nhiêu hướng
Chiều xế trăng buông mấy ngã đường
Những rắp bể trời xây sự nghiệp
Đâu ngờ thân thế lụy văn chương
Ngồi đây dong nến chờ mai sớm
Ngựa hí, hoa mừng, gót nắng sương.
Sương rơi rơi, lệ cũng rơi rơi
Bến cũ đò ngang vắng bóng người
Đất lạnh, xóm nghèo, hoa chậm nở
Lều tan, sông quạnh, nước buồn trôi
Ai về có ngắm cầu chênh nhịp
Ta đến xa trông sóng nửa vời
Ngơ ngác xiêm y, năm đã muộn
Cành đào thấp thoáng rụng nơi nơi.
Nơi nao chắc hẳn khác nơi này
Men rượu sông hồ ngát ý say
Chợ sớm ân cần khi hợp mặt
Quán chiều căn dặn lúc chia tay
Trăng sơn cước mượt hơn màu lụa
Sương ải quan mờ án bóng mây
Suối nước, rừng hoa, ôi diễm ảnh
Ta xuôi Kinh bắc chốc bao ngày.
Ngày muộn hương gây cúc nở vàng
Hiên nào nắng chếc gởi buồn sang
Tơ chùng cửa khuyết sao ai oán
Gót lạnh kinh thành đến dở dang
Mây bốn phương bay, sầu mấy hướng
Gió năm canh thổi, lệ đôi hàng
Thu qua, đông hết, ôi tâm sự
Lá rụng âm thầm bóng liễu trang.
Trang lại từng trang giở trước đèn
Ngàn xưa kẻ sĩ há cầu yên
Thành Mê nếu mãi vui tơ tóc
Sử Việt đâu còn đẹp bút nghiên
Sóng nước Châu giang hồn tuấn kiệt
Mây trời Yên Thế bóng thuyền quyên
Ngâm câu kim cổ xây tin tưởng
Phố giữa mưa bây tiếng lục huyền.
Huyền cầm tay gảy để ai nghe
Trong lúc tàn đông nắng mới về
Ánh cỏ xanh rờn mây bát ngát
Mặt hồn trong vắt liễu lê thê
Ngựa xe, tơ lụa, bay trăm lốt
Hài hán, vàng son, ngợp bốn bề
Đây chốn hoàng thành hoa chớm nở
Còn ai nghe đến cảnh đồng quê.
Quê tôi khóm cúc vẫn lên hoa
Cảnh có như người nhớ chốn xa ?
Ngõ trước vườn sau đành trống trải
Nhà xưa miếu cũ hẳn phôi pha
Sương dồn đổi tiết đôi màu lá
Gió dục sang canh mấy tiếng gà
Óc cháy, hồn tan, thân với thế
Những gì để lại một năm qua ?
Qua rồi mộng đẹp của ngày xanh
Tỉnh giấc, trà suông, liễu rũ mành
Còn một cây đàn trên vách cỏ
Có dăm pho sách dưới lều tranh
Vườn hoang bướm trắng bay thơ thẩn
Ngõ vắng hoa đào rụng mỏng manh
Xa lắng đầu thôn chờ nhạc ngựa
Chuông rền tịch mịch nẻo am thanh.
Thanh sơn, thanh thủy vẫn chờ người
Đã mấy mùa hoa vẻ kém tươi
Đất tỏa nguồn hương, thơ rộn rã
Nước lồng gió nhạc, gió chơi vơi
Nhắm lỳ bôi tửu, đau cung kiếm
Đập bản đồ thơ, giận bể trời
…………………………….
- Hãy rắc thêm trầm cho khói lộng
Để Tình Ý gởi chốn xa xôi.
(Ngân Giang Nữ Sĩ)
4) Xướng Họa: Đoản Thiên Bát Cú hay Tràng Thiên gồm nhiều Đoạn Bát Cú.
Bài Xướng và Họa không bắt buộc cùng một đề tài và cũng có thể Tự họa.
Thí Dụ 1 = Xướng Họa/Chính Thể
(Xướng)
Mây trắng lang thang mãi cuối trời
Gió chiều heo hút khắp nơi nơi
Cung đàn đã mấy dây chùng hẳn
Mái tóc bao nhiêu sợi lạnh rồi
Chốn ấy tờ hoa đành lẻ ý
Mùa nầy chim nhạn có chung đôi
Thương thay trên quãng đường chia ngã
Thì ngã nào không có lá rơi?
(Ngân Giang nữ sĩ)
(Họa)
Lửa khóa mây then bốn vách trời
Về đâu mộng cũng chẳng đành nơi
Vẫn chưa ý gởi vào thơ được
Mà đã dâu toan hóa biển rồi
Ngọn gió nghe chừng xoay mãi hướng
Vầng trăng ai nỡ xé làm đôi
Tin xuân lạnh lắm rồng ao cạn
Há chỉ phòng thu lệ nến rơi.
(Vũ Hoàng Chương)
Thí Dụ 2 = Xướng Họa và Tự Họa / Chính thể
(Xướng)
CỰC TẢ
Cửa đóng màn che đã mấy thu
Đời tàn ngõ hẹp sống như tù
Quẩn quanh họp lại thiền Đông Độ
Vào ra luyện mãi phép Tây Du
Rầu rĩ Giáng Tiên ngồi gãi háng
Nẫu nà Từ Thức đứng xoa khu
Ăn chỉ tương cà, chê thịt cá
Sống chẳng tu hành cũng quá tu.
(Lão Húc Dương Hùng Cường)
(Tự Họa)
QUÂN TÁN
Quân tán còn chi xuất với thu
Thong dong thì cũng xác thân tù
Hữu tật cam đành câu bất dụng
Vô tài nên chịu tiếng nan du
Những tưởng khoan hồng anh hạ bộ
Nào ngờ mắc bẫy chú Xuân Khu
Chung cuộc vài năm cầm cán cuốc
Tu đọi, tu huyền ấy cũng tu.
(Lão Húc Dương Hùng Cường)
(Họa)
NGÀY 30-4-75
Ngu dại một ngày để tiếp thu
Dưới quyền nhà nước, giống nhà tù
Hận đời cải tạo đi lao động
Buồn cảnh ly tan mộng viễn du
Lạc hậu tuyên truyền toàn lãnh thổ
Nghèo nàn áp đặt tận biên khu
Ta bà thế giới còn sinh sống
Địa ngục đây rồi khỏi phải tu.
(Phan Thượng Hải)
Thí Dụ 2 = CU CỤ - Xướng Họa/Biến Thể Đồng Vận
(Xướng)
CU CỤ
Thế sự đảo huyền chuyện Cụ Cu
Lộn sòng “Thằng Cụ” với “Ông Cu”
Cu “Quân Tử Kiếm” là Cu Cụ
Cụ “Lão Ngoan Đồng” ấy Cụ Cu
Ra chốn đình trung ưng gọi Cụ
Giữa vòng hương phấn muốn là Cu
Giai nhân có hỏi Cu hay Cụ
“Lục thập niên tiền…” Cụ vốn Cu.
(Vô Danh Thị)
(Họa)
CU CỤ
Tuy khác danh xưng: Cụ hoặc Cu
Tính tình vui vẻ, Cụ như Cu
Thà tiêu xí quách Cu theo Cụ
Biết sướng cuộc đời Cụ chỉ Cu
Nổi tiếng lão làng lên giọng Cụ
Mang danh già dịch tại thằng Cu
Không buồn thế phát làm Sư Cụ
Cu Cụ hồn nhiên cứ “cúc cu”.
(Phan Thượng Hải)
Thí Dụ 3 = LÀM THƠ CON CÓC – Liên Hoàn
(Xướng)
LÀM THƠ CON CÓC
Độc giả nhiều người khó tánh ghê!
Đến thơ Con Cóc cũng còn chê:
Thơ đâu dở ẹt, “mail” mời đọc!
Thơ chả hay gì, bảo phải mê!
Chẳng có hồn thơ, đòi viết lách!
Chỉ tùy thi hứng, ngỡ nhà nghề!
- Làm thơ không dễ, bàn thì dễ
Thi sĩ làm thinh, đỡ mọi bề?
Thi sĩ làm thinh, sướng mọi bề?
Ta thơ Con Cóc mặc khen chê
Khen hay? Càng khoái, hơn mong muốn
Chê dỡ? Hơi buồn, chả thấy quê
Thi hứng đổi trao, cùng xướng họa
Hồn thơ xuất nhập, vẫn đam mê
Cáp mô hàm dưỡng đầy công lực
Tĩnh tọa đề thi tỏ thiện nghề.
(Phan Thượng Hải)
(Họa)
LÀM THƠ CON CÓC
Tánh người suy gẩm, gẩm mà ghê
Cao, thấp, ốm, ù, thảy thảy chê
Thơ dỡ, thơ hay nào muốn đọc
Yếm đào, yếm lụa lại say mê
Người đời, vẫn biết là như thế
Bút nghiệp, mình đây chẳng phải nghề
Thư thả thong dong ta cứ viết
Viết rồi mình đọc sướng trăm bề.
Viết cho bạn đọc thú trăm bề
Ai mắng, ai rầy, ai có chê
Ta sướng, ta vui, lòng thoải mái
Người cười, người nhạo, có gì quê
Vui thơ, vui ý, vui tình bạn
Thoát tục, thoát tình, thoát bến mê
Đời dẫu trôi qua như giấc mộng
Đề thơ thanh thản tựa như nghề.
(Bùi Đắc Hùm)
Thí Dụ 4 = KHUÊ PHỤ THÁN - Liên Hoàn biến thể
(Xướng) (Họa)
Chồng hỡi chồng ! con hỡi con ! Vợ hỡi vợ ! con hỡi con !
Cùng nhau chia cách mấy thu tròn Cách nhau trăng khuyết lại trăng tròn
Ven trời góc bể buồn chim cá Ruột tằm đòi đoạn như tơ bủa
Dạn gió dày sương tủi nước non Nước mắt từng phen luống nỉ non
Mộng điệp khéo vì ai lẽo đẽo Xót nỗi tha hương trời thăm thẳm
Hồn quyên luống để thiếp thon von Chạnh niềm cố quốc nước thon von
Ngày qua tháng lại trông đăm đẳm Trách ai chích mát lòng chim cá
Muôn vạn xa xuôi mắt đã mòn Vàng đá xuôi nên phải mỏi mòn
Đã mòn con mắt ở Phi Châu Mỏi mòn con mắt góc trời Âu
Có thấy chồng đâu con ở đâu Lủi thủi quê người trôi nổi đâu
Dẫu đặng non xinh cùng bể tốt Góc bể mai chiều cam dạ giận
Khó khăn gió thảm với mưa sầu Chân trời khuya sớm héo gan sầu
Trách ai dắt nẻo khôn lừa lọc Ba sinh lở dở đường duyên nợ
Khiến thiếp ra thân chịu dãi dầu Muôn dặm phôi pha đám lửa dầu
Bớ bớ xanh kia sao chẳng đoái Ngắm lại cuộc đời thêm chán ngán
Xui lòng oằn oại trót canh thâu. Một mình trằn trọc suốt canh thâu.
Canh thâu chưa nghỉ hãy còn ngồi Canh thâu trằn trọc đứng lại ngồi
Gan ruột như dầu sục sục sôi Đáo để nhân tình huyết phải sôi
Nghĩa gá ấp yêu đành lỡ dở Chí cả còn chưa xong chuyện ấy
Công cho bú mớm chắc thôi rồi Bợm già đâu đã mắc tay rồi…
Quyết gìn giữ dạ tròn sau trước Má hồng luống để ai cam phận
Biết cậy nhờ ai tỏ khúc nôi ! Con trẻ đành lìa nỡ khúc nôi
Dâu bể xanh xanh trời một góc Trẻ tạo cột người ghê gớm thiệt
Hỡi chồng ơi ! với hỡi con ơi ! Hỡi vợ ơi ! với hỡi con ơi !
Con ôi ! ruột mẹ ngướu như tương Con ôi ! không lấy nổi dòng Tương
Bảy nổi ba chìm xiết thảm thương Nghĩ đến con mà thiết thảm thương
Khô héo lá gan cây đỉnh Ngự Bởi chút xót xa tình cốt nhục
Đầy vơi giọt lệ nước sông Hương Mà ra đau đớn cảnh tha hương
Quê người đành gửi thân trăm tuổi Tuôn lòng cha đã đành không nẻo
Đất tổ mong vì nợ bốn phương Tháo củi con rày cũng hết phương
Mẹ cũng trông mau rồi một kiếp Thôi thế thì thôi đành mặc thế
Để cho vẹn vẽ mối can thường. Sao cho khỏi lỗi đạo cang thường.
Cang thường gánh nặng cả hai vai Cang thường ai kẻ nặng hai vai
Biết cậy cùng ai, tỏ với ai Quanh quất bây giờ biết hỏi ai ?
Để bụng chỉn e tầm đứt ruột Cảnh ấy tình nầy thêm xót dạ
Hở môi thì sợ vách nghiêng tai Trời kia đất nọ nỡ bưng tai
Trăng khuya nương bóng chinh chinh một Đã không non nước gom về một
Kiếng bể soi hình tẻ tẻ hai Lại khiến gương đồng phải bể hai
Nhắm thử từ đây qua đến đó Dâu bể đa đoan thôi hết nói
Đường đi non nước độ bao dài ? Ôm lòng thương xót thở than dài
Bao dài non nước chẳng hay cùng Thở dài than vắng biết ai cùng ?
Xin gởi hồn ta đến ở chung Rượu giải sầu nay cạn mấy chung
Sống thác miễn cho tròn một tiết Cám cảnh thê nhi trời chiếc bách
Trước sau khỏi thẹn với ba tùng Biết ai vây cánh giũ mây tùng ?
Quê nhà đã có người săn sóc Yêu tình mỏi mắt trông thăm thẳm
Đất khách nương nhau khỏi lạ lùng Cảnh vật cùng ta ngó lạnh lùng
Mảng tính chưa xong vừa chợp mắt Non nước chia hai đau đớn nhỉ !
Trống lầu đâu đã đổ lung tung. Thành sầu khôn nỗi mở cho tung.
Đã đổ lung tung tiếng trống thành Ai mở cho tung mấy cửa thành
Giựt mình tỉnh dậy mới tàn canh Tư bề lạ mắt lính ai canh ?
Sương sa lác đác dằn tàu lá Ngùi trông bể Á tàu phun khói
Gió thổi lai rai lạc bức mành Chạnh nhớ trời Phi liễu rũ mành
Cảnh ấy tình nầy thôi hết muốn Trách bớ cao xanh sao chẳng đoái
Trời kia đấy nọ nỡ bao đành Lạc loài đen bạc nỡ cho đành
Thương nhau chẳng đặng cùng nhau trọn Sống thừa thôi có mong gì nữa
Xin hẹn chung cùng kiếp tái sanh. Đành để quê người gửi tử sanh.
Kiếp tái sanh may có gặp không Gửi tử sanh nầy có tủi không ?
Kiếp nầy đành thẹn với non sông Nghĩ ra thêm thẹn với non sông
Chiêm bao lẩn thẩn theo chân bướm Bốn bề chỉ thấy người đen trắng
Tin tức bơ vơ lạc cánh hồng Tấc dạ không khuây giống Lạc Hồng
Tính tới tính lui thân cá chậu Ngày gửi buồn theo hơi gió lọt
Lo quanh lo quẩn phận chim lồng Đêm khuya thẹn với bóng trăng lồng
Đã không chung hưởng thôi thì chớ Nỗi niềm biết mấy ai bày tỏ
Sao nỡ xa nhau chồng hỡi chồng ! Trời rộng mênh mông núi chập chồng.
Hỡi chồng ! có thấu nỗi nầy chăng ? Chập chồng biết có nẻo nào chăng
Sóng gió khi không dậy bất bằng Nhắn nhủ cùng ai kẻ bạn bằng
Non nước chia hai trời lộng lộng Tơ tóc kiếp nầy đành ngắn ngủi
Cha con riêng một biển giăng giăng Bèo mây nỗi ấy nói dài giăng
Mối sầu kia gỡ khoanh chưa hết Chiêm bao họa có đôi khi gặp
Giọt thảm nầy tuôn bửng khó ngăn Tin tức bây giờ lắm nỗi ngăn
Ngán bấy cuộc đời khôn gượng gạo Căn dặn đôi lời ghi để dạ
Canh chầy còn ở dưới cung trăng. Thương thay chênh chếch nửa vầng trăng
Ở dưới cung trăng luống nỉ non Chếch nửa vầng trăng một nước non
Đắng cay như ngậm trái bồ hòn Một cây thôi đã khó nên hòn
Khói mây giọng quốc nghe hơi mỏn Kêu sương tiếng nhạn hơi ròng rã
Sương tuyết mình ve nhắm đã mòn Nhớ nước chim quyên gáy héo mòn
Lằn mõ làn xa canh lốc cốc Lạch tống quanh nhà xô cuộn
Tiếng chuông chùa cũ dộng bon bon Đồng hồ trên vách đánh boong boong
Nỗi riêng ai biết ta thương nhớ Mực mài nước mắt tình không cạn
Chồng hỡi chồng ! con hỡi con ! Vợ hỡi vợ ! con hỡi con !
(Thượng Tân Thị) (Vua Thành Thái)
5) Cùng một Đề Thi
Thí Dụ = ĐÊM KHÔNG NGỦ
(Bài 1)
Đêm khuya vương vấn mối sầu quanh
Thỉnh thoảng ngoài hiên gió thổi mành
Giọng dế nỉ non cùng bốn vách
Giọt mưa rỉ rả suốt năm canh
Nằm không yên giấc nên trằn trọc
Ngồi chỉ lo đời muốn rắp ranh
Khêu ngọn đèn lên nhìn lấy bóng
Thở than mình chịu kiếp hư danh
(Thượng Tân Thị)
(Bài 2)
Non sông bốn mặt ngủ mơ màng
Thức tỉnh mìng ta dạ chẳng an
Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn
Khóc giùm thân thế hoa rơi lệ
Buồn giúp công danh dế dạo đàn
Trỗi dậy nôm na vài điệu cũ
Năm canh tâm sự vẫn chưa tàn.
(Hàn Mặc Tử)
Chú thích:
Đoản thiên = bài thơ có 8 câu hay ít hơn. Tràng thiên = bài thơ trên 8 câu.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Bài viết nầy đăng lần đầu trong phanthuonghai.com mục "Thơ Văn - Làm Thơ"
Tài Liệu Tham Khảo
1) Việt Nam Văn Học Sử Yếu (Dương Quảng Hàm)
2) Thi Pháp Thơ Đường (Quách Tấn)
3) Google Wikipedia
BỆNH COVID-19
(Bs Phan Thượng Hải)

Bệnh Covid-19 bắt đầu từ 3-4 tháng nay từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc và lan truyền khắp địa cầu. Tuy có nhiều điều chưa biết nhưng mong rằng bài viết nầy làm căn bản cho sự hiểu biết của quần chúng thông thường đặc biệt là người Mỹ gốc Việt (Vietnamese American).
Căn Bệnh
Bệnh Covid-19 là bệnh nhiễm trùng từ 1 loại Virus sinh ra bệnh Viêm đường Hô hấp cho tới cuối đường Hô hấp là 2 lá Phổi.
Bệnh nhiễm trùng = Infectious Disease
Viêm đường Hô hấp = Inflammation of the Respiratory tract
Viêm Phổi = Pneumonia
Nhiễm trùng Virus vì bị Lây từ người đã bị bệnh.
Triệu chứng (Symptoms) liên quan với thể Bệnh:
Nhiễm trùng ----> Nóng sốt (Fever)
Viêm đường Hô hấp, kể cả viêm Phổi ------> Ho (Cough), có Đờm hay không có Đờm (Sputum).
Viêm Phổi ------> Khó Thở (Dyspnea, Shortness of Breath)
Ngoài Nóng Sốt, cũng có những triệu chứng khác giống bệnh Flu (do "Flu" viruses):
Mệt mõi (Fatigue)
Nhức mình (Myalgia).
Viêm Phổi có thể xuất hiện ngay từ lúc đầu cho tới 6-7 ngày sau đó. Triệu chứng chính của Viêm Phổi là Khó thở.
Viêm Phổi của Covid-19 thường là tổn thương (lesions) rải rác trong 2 lá Phổi (BronchoPneumonia) chứ không tụ ở vài chỗ (Lobar Pneumonia). Định bệnh Viêm Phổi căn cứ trên Hình quang tuyến của Phổi (Chest X Ray = CxR) hay CT Scan.

(Chest X Ray của 1 bệnh nhân từ nhẹ tới nặng)
Người thường Dễ bị Lây trong 1 của 3 trường hợp:
Đã có tiếp xúc cá nhân với người có Bệnh hay người bị nghi là có Bệnh.
Đã ở những vùng hay quốc gia bị Dịch Bệnh.
Đã có ở những Events được biết có người đã bị Bệnh như concert, ball game... (Tiếp xúc trong Tập thể).
Định bệnh bằng Thử nghiệm chứng nhận có Virus trong đường Hô hấp ---> lấy Mẫu thử nghiệm (specimen) từ lỗ Mũi.
Test thuộc loại RT-PCR (Reverse Transcription - Polymerase Chain Reaction): nhận (identify) sự hiện hữu của Virus (không phải Test cho Antibody của Virus).
Tên của Virus gây bệnh Covid-19 là SAR-Cov-2.
Một lần Test PCR "dương tính" (positive) là đủ Định (Diagnosis) là người được thử có nhiễm Virus.
Phải 2 lần Test PCR "âm tính" (negative), trong khoảng cách 24 giờ hay hơn nữa, mới đủ chứng minh người bệnh (đã bị nhiễm Virus) hết còn nhiễm Virus trong thân mình nữa.
Trị Bệnh và Phòng Bệnh
Test Định Bệnh xảy ra ở Clinic hay chỗ Định bệnh, hay ER và Urgent care (hoặc trong Bệnh viện hay Nursing Home cho bệnh nhân đang nằm). Test phải có Lệnh (order) của Bác sĩ.
Người nghi là bị Bệnh cần nên Test định Bệnh:
Có 1 trong 3 triệu chứng chính: Nóng Sốt, Ho và Khó thở
(+) Có 1 trong 3 trường hợp dễ bị Lây như kể trên.
Người nên gặp Bác sĩ ngay tức khắc (vì cần cả 2: định Bệnh và chữa), ở ER hay Urgent care hay ít nhất ở Clinic:
Có Khó thở (*).
Người Bệnh chỉ cần ở Nhà và Cách ly (Isolation - Quarantine) với những điều kiện (conditions):
Chỉ có Nóng sốt hay Ho hoặc cả 2.
Có thể bị thêm Khó thở nhẹ nhưng phải tùy theo quyết định của Bác sĩ đã khám, tùy nặng nhẹ hay có Viêm Phổi hay không; và tùy nặng nhẹ của Khó thở. (*)
Thí dụ 1 bệnh nhân VIP ở Nhà là Thủ tướng Johnson của nước Anh.
Đây là lời mô tả của Ông:
"I do not feel well, have (high) Temperature and (a) consistent Cough. So I got tested and (have) Positive. Now, I stay (at) Home."
Cách ly chấm dứt (thường từ hơn 1 tới 3 tuần) khi:
Hết Nóng sốt (không do Thuốc giảm Sốt) và hết Ho trong 72 giờ và đã bệnh hơn 7 ngày kể từ lúc bắt đầu có triệu chứng. Có thể kể như là hết Bệnh, theo lâm sàng (clinically).
Có khi lúc đó cần phải có 2 Tests PCR "âm tính" (negative) trong khoảng cách hơn 24 giờ nhưng khó áp dụng trong thực tế cho bệnh nhân ở Nhà. (Áp dụng cho bệnh nhân trong Bệnh viện thì không khó).
(*)
Khó thở (Shortness of Breath - Dyspnea):
là triệu chứng cần phải định bệnh nếu bệnh nhân có Viêm Phổi hay không bằng cách Chụp hình Phổi (CxR) hay dùng CT Scan và thường là sau đó phải nhập bệnh viện (hospitalization) nếu có Viêm Phổi (Pneumonia).
Như đã nói, Khó thở và Viêm Phổi có thể xuất hiện bất cứ lúc nào từ ngày đầu tới 1 tuần sau. Do đó nếu trong khi Cách ly, người bệnh tự nhiên bắt đầu Khó thở hay Khó thở nặng hơn thì phải gặp Bác sĩ ngay (thường là tới Bệnh viện).
Bệnh nhân Khó thở, dù đã hay chưa định bệnh là Covid - 19, luôn cần được coi ở urgent care hay ER hay ít nhất là ở Clinic:
cần định sự hiện hữu (existence) cũng như định sự nặng nhẹ (severity) của Viêm Phổi bằng quang tuyến (CxR hay CT Scan)
cần coi Hypoxemia hay không bằng cách đo O2 Sat hay có khi ABG để đo sự nặng nhẹ (severity) của Khó thở.
Viêm Phổi và Khó thở (Shortness of Breath) là 2 yếu tố quyết định nhập viện.
Người mạnh khoẻ muốn tránh Lây bệnh phải biết Virus lây làm sao rồi áp dụng phương cách tránh Lây bệnh (Transmission).
Bệnh lây bằng truyền Respiratory Drooplets (giọt nước hay dịch của đường Hô hấp) từ đường Hô hấp của người Bệnh sang đường Hô hấp của người không bệnh.
- Truyền trực tiếp qua không gian: người bệnh thở ra hay ho ra Respiratory Dropplets rồi người không bệnh hít vào
-----> phương cách tránh lây bệnh: Social distancing (cách 2 M hay 6 feet) và mang Mask.
- Truyền gián tiếp -----> phương cách tránh lây bệnh: Rửa tay cẩn thận sau khi nghi là có tiếp xúc hay rửa nhiều lần
Truyền gián tiếp: Respiratory Dropplets của người bệnh dính vào đồ vật rồi tay của người không bệnh chạm vào đồ vật nầy rồi tay rờ vào mũi, môi miệng hay mặt của mình rồi hít vào đường Hô hấp (của người không bệnh).
Virus sống ngoài đường Hô hấp, trên đồ vật, khoảng 3 giờ nhưng hiện nay nghĩ là lâu hơn (tới 17 ngày như trên tàu cruise?).
Thời gian Ủ bệnh (Incubation period) = 2-14 ngày (trung bình = 4, 5 ngày).
Bệnh Covid-19 chưa có thuốc chữa chính thức.
Các thuốc đã thử (có khi dùng chung 2 thứ):
Chloroquine đã dùng trị Malaria (Sốt Rét)
HydroxyChloroquine (Plaquenil) đã thường dùng để trị những bệnh Viêm Khớp kinh niên (chronic Arthritis) như của Lupus, của Psoriasis hay Rhematoid Arthritis
Erythromycin và Zithromax đã thường được dùng chữa Viêm Đường Hô hấp cấp tính (acute) do Vi trùng (Bacteria).
Các thuốc đã thử nầy hình như chỉ có PO (uống) chớ không có Injection (chích).
FDA đã công nhận IV Plasma chứa Antibody: đúng với lý thuyết nhưng phải đợi kết quả của thực hành.
Vaccin cần phải thử trong khoảng trung bình 18 tháng trước khi dùng được.
Hiểu Biết Bệnh
Diễn tiến của Bệnh (Evolution)
Bệnh nhẹ ở Nhà: không có Viêm Phổi và không (thêm) Khó thở, chỉ có Nóng sốt và Ho ----> lành bệnh trong khoảng trên 2-3 tuần.
Bệnh nặng: Viêm Phổi trong bệnh viện và không thành critical (hình như lành bệnh trong 3-6 tuần).
Bệnh rất nặng (critical): cần Máy thở (Ventilator) và ICU
Nguyên nhân có thể là ARDS (Acute Respiratory Distress Syndrome).
Ở trên ventilator càng lâu prognosis càng xấu. Cho dù trên Ventilator vẫn chết vì Hypoxemia từ Respiratory failure.
Có khi sinh ra thêm Shock hay MOF (Multi-Organ Failure).
Bệnh nhân High Risk (dễ bị bệnh, bệnh nặng hay critical): là bệnh nhân đã có mang những bệnh Kinh niên, kể cả những bệnh kinh niên thông thường như DM và HTN.
Đa số:
Bệnh Tim Mạch
Diabetes (Đái Đường)
Bệnh đường Hô hấp (kể cả Phổi)
Hypertension (HTN)
Khác: Bệnh nhân bị Ung thư đang chữa trị - Bệnh nhân yếu Miễn nhiễm (Immunocompromised).
Dĩ nhiên cũng High Risk cho Người Già và bệnh nhân ở Nursing Home.
Ở nước Mỹ,
- Không có Test người không có Triệu chứng (Asymptomatic person): có thể có người bị bệnh nhưng không biết hay không cần biết? (Not testing everybody is the US policy now).
- Trong số những Người có Triệu chứng (thường là giống như Flu hay Common Cold) và bị nghi ngờ (1 trong 3 trường hợp dễ bị lây) được Test:
10-15% có bệnh Covid-19 (test positive)
Trong số những Người có bệnh (test positive):
10-20% nhập bệnh viện (hospitalization)
Trong số những Bệnh nhân Covid-19 trong Bệnh viện:
1/4 - 1/3 trong ICU (mostly on Ventilator)
Tử vong của Covid-19 (Mortality) = 1.5% của tổng số người bệnh Covid-19. Như vậy gần 1/3 bệnh nhân cần ICU (hay Máy thở = Ventilator) sẽ Chết?
Sự nguy hiểm của Virus bệnh Covid-19 (khác Flu):
1) Sức lây lan quá mạnh (strong Contagion - strong Contagiousness) ---> Sự lan truyền (transmission) quá rộng và quá nhanh trên toàn Thế giới. Chỗ hẹp mà đông người dễ bị lây lan nhất (như New York, urban area).
2) Dễ gây Bệnh nặng và rất nặng cho những người có High Risk cũng như người Già. Những người bị bệnh kinh niên thông thường cũng trong High Risk như Diabetes hay Hypertensin là điều đáng lo ngại.
Bệnh Covid-19 hiện đang gây Hậu quả tai hại cho Sinh mạng, Kinh tế và Chính trị của toàn Thế giới.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
(3/27/2020)
NHỮNG BÀI THƠ "SỐNG CHẾT" TRONG LỊCH SỬ
(Bs Phan Thượng Hải)
Hậu thế thường truyền tụng một bài thơ ái quốc của ông Phan Bội Châu:
SỐNG
Sống tủi làm chi đứng chật trời
Sống nhìn thế giới hổ chăng ai
Sống làm nô lệ cho người khiến
Sống chịu ngu si để chúng cười
Sống tưởng công danh không tưởng nước
Sống lo phú quí chẳng lo đời
Sống mà như thế đừng nên sống
Sống tủi làm chi đứng chật trời.
(Phan Bội Châu)
Tuy nhiên Tiền nhân ái quốc thường phải "Sống và Chết" trong cuộc đời đấu tranh cho chính nghĩa độc lập và tự do như các ông Đặng Văn Bá, Mai Xuân Thưởng và Nguyễn An Ninh.
Đặng Văn Bá
Gần đây có xuất hiện 2 bài thơ Sống Chết của bạn của ông Phan Bội Châu là ông Đặng Văn Bá (còn gọi là Đặng Văn Bách).
Ông Đặng Văn Bá (1873-1931) đậu Cử Nhân năm 1900 (cùng khóa với ông Phan Bội Châu). Ông gia nhập phong trào Duy Tân với Phan Bội Châu và Ngô Đức Kế (1905) rồi bị đày Côn Đảo (1908-1916 hay 1921). Được thả về ông sống ở Sài Gòn rồi ở Huế với ông Phan Bội Châu và sau cùng về sống ở quê nhà (Hà Tĩnh) đến khi qua đời.
Năm 1926 cái chết của ông Phan Châu Trinh gợi cảm hứng cho ông làm 2 bài thơ Sống Chết:
CHẾT
Chết mà vì nước, chết vì dân
Chết ấy làm trai hết nợ nần
Chết bởi Đông Chu thời thất quốc
Chết vì Tây Hán lúc tam phân
Chết như Hưng Đạo hồn thành thánh
Chết tựa Trưng Vương phách hóa thần
Chết cụ Tây Hồ hồn chẳng chết
Chết mà vì nước, chết vì dân.
(Đặng Văn Bá)
SỐNG
Sống dại mà chi sống chật đời
Sống xem Âu Mỹ hổ chăng ai ?
Sống làm nô lệ cho người khiến
Sống chịu ngu si để bạn cười
Sống tưởng công danh không tưởng nước
Sống lo phú quí chẳng lo đời
Sống mà như thế đừng nên sống
Sống dại sinh chi đứng chật đời.
(Đặng Văn Bá)
Bài thơ “Sống” của ông Phan Bội Châu cũng hơi giống như bài thơ "Sống"của ông Đặng Văn Bá?
SỐNG SỐNG
Sống tủi làm chi đứng chật trời Sống dại mà chi sống chật đời
Sống nhìn thế giới hổ chăng ai Sống xem Âu Mỹ hổ chăng ai ?
Sống làm nô lệ cho người khiến Sống làm nô lệ cho người khiến
Sống chịu ngu si để chúng cười Sống chịu ngu si để bạn cười
Sống tưởng công danh không tưởng nước Sống tưởng công danh không tưởng nước
Sống lo phú quí chẳng lo đời Sống lo phú quí chẳng lo đời
Sống mà như thế đừng nên sống Sống mà như thế đừng nên sống
Sống tủi làm chi đứng chật trời. Sống dại sinh chi đứng chật đời.
(Phan Bội Châu) (Đặng Văn Bá)
Mai Xuân Thưởng
Hai bài thơ "Sống Chết" của Đặng Văn Bá có lẽ chịu ảnh hưởng từ ông Mai Xuân Thưởng của phong trào Cần Vương.
Ông Mai Xuân Thưởng đi thi Cử Nhân ở trường Bình Định thì kinh thành Huế thất thủ (1885). Nhiều sĩ tử bỏ thi nhưng ông vẫn tiếp tục thi và cùng 5 người khác được chấm đậu Cử Nhân. Quan Chủ Khảo (khuyết danh) làm bài thơ khuyên những người thi đậu:
VÔ ĐỀ
Sơn hà phong cảnh dị tiền niên Non sông rày đã khác xưa
Hoành giám du khan thử địa huyền Gương nêu tài tuấn còn nêu chốn nầy
Hận mãn xương môn trần ám ngoại Hận tràn cung khuyết bụi bay
Lệ linh văn viện bút đình biên Tay cam dừng bút lệ đầy viện văn
Lịch truyền giáo dục ân như hải Bao triều tắm gội biển ân
Bát giải thinh danh thẩm thự tiên Phẩm tiên tám giải thêm phần thanh cao
Nhất dự y quan nan tự ủy Cân đai trót đã dự vào
Cương thường khán tử cố anh hiền Cương thường noi dấu anh hào soi chung.
(Chủ khảo) (? Dịch)
Tương truyền rằng đêm trước đó quan Chủ Khảo nằm mộng thấy 1 bà lão cho 1 cành mai trắng trổ bông nhụy vàng (tượng trưng là một quý nhân). Sáng hôm sau ông đọc lại những bài thi thì thấy bài của ông Mai Xuân Thưởng là có chí khí nhứt và tên (Mai Xuân Thưởng) cũng hợp nên nghĩ rằng giấc mộng đó nói về ông nầy. Quan Chủ Khảo nói riêng cho ông Mai Xuân Thưởng biết (về giấc mộng) do đó ông quyết tâm chống Pháp cứu nước.
Ông theo Tổng đốc Bình Định là ông Đào Doãn Định khởi nghĩa Cần Vương ở Bình Định. Sau khi TĐ Đào Doãn Định bị bệnh mất (1885), ông Mai Xuân Thưởng trở thành lãnh tụ của Cần Vương ở Bình Định.
Ông có làm bài thơ dưới đây trong khi đánh nhau với Pháp:
CHẾT NÀO CÓ SỢ
Chết nào có sợ chết như chơi
Chết bởi vì dân chết bởi thời
Chết hiếu chi nài xương thịt nát
Chết trung bao quản cổ đầu rơi
Chết nhân tiếng để vang nghìn thủa
Chết nghĩa danh thơm vọng mấy đời
Thà chịu chết vinh hơn sống nhục
Chết nào có sợ chết như chơi.
(Mai Xuân Thưởng)
Và bài thơ dưới đây trước khi bị hành quyết cùng với ông Bùi Điền:
NỢ TRAI
Không tính làm chi chuyện mất còn
Nợ trai lo trả ấy là khôn
Gió đưa hồn nghĩa gươm ba thước
Đá tạc lòng trung quý mấy hòn
Tái ngắt mặt gian xương tợ giá
Đỏ loè bia sách máu là son
Rồi đây thoi ngọc đưa xuân tới
Một nhánh mai già nảy rậm non.
(Mai Xuân Thưởng)
Nguyễn An Ninh
Hai bài thơ "Sống Chết" của Đặng Văn Bá từ Phan Châu Trinh cũng ảnh hưởng tới hai bài thơ "Sống Chết" sau nầy của 1 người bạn đồng chí hướng với Phan Châu Trinh là Nguyễn An Ninh, làm ngay trước khi qua đời.
Ông Nguyễn An Ninh (1900-1943) là con của ông Nguyễn An Khương sanh ở Cần Giuộc, Long An. Ông Nguyễn An Khương, một dịch giả truyện Tàu nổi danh, có lập khách sạn Chiêu Nam Lầu (1908) ở Chợ Cũ, Sài Gòn là nơi kinh tài và trú ngụ của những người thuộc phong trào Duy Tân chống Pháp của ông Phan Châu Trinh.
Năm 1918 ông Nguyễn An Ninh sang Pháp, học Đại Học có 1 năm (thay vì 4 năm) là đậu Cử Nhân Luật. Năm 1920, ông gia nhập nhóm các ông Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành hoạt động về báo chí chống chế độ thuộc địa đế quốc của Pháp.
Ông Nguyễn An Ninh về nước năm 1922, diễn thuyết chống Pháp nhưng bị cấm nên trở lại Pháp năm 1923. Cùng năm đó ông trở về Sài Gòn nhờ tiền của ông Nguyễn An Khương mở tờ báo bằng tiếng Pháp tên là La cloche fêlée (Chuông Rè/The broken bell) để chống Pháp mà không bị kiểm duyệt nhưng vẫn bị mật thám Pháp làm khó dễ và đe dọa nhân viên và độc giả nên năm sau (1924) tờ báo phải đóng cửa. Ông Nguyễn An Ninh lại sang Pháp dẫn ông Phan Châu Trinh về Sài Gòn. Ông nhờ ông Phan Văn Trường (đã về nước) làm chủ và mở lại tờ La cloche fêlée vì ông Phan Văn Trường (1876-1933) là công dân Pháp. Tuy nhiên sau đó ông Nguyễn An Ninh vẫn bị bỏ tù 10 tháng. Từ năm 1928 đến 1931, ông Nguyễn An Ninh có sang Pháp một lần rồi lại về nước, bị tù và được thả ra. Trong thời gian nầy ông có một chí sĩ mới là ông Phan Văn Hùm.
Từ năm 1933, hoàn toàn ở lại Nam Kỳ, ông Nguyễn An Ninh cộng tác với báo La Lutte (Tranh Đấu) của nhóm Đệ Tứ Quốc Tế là các ông Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm và Trần Văn Thạch cũng như với báo Trung Lập của ông Nguyễn Văn Tạo thuộc Đệ Tam Quốc Tế. Ông Nguyễn An Ninh là linh hồn đấu tranh chống Pháp bằng báo chí nên ông bị tù vài lần nữa từ năm 1936. Năm 1939 ông bị tù lần thứ năm ở Côn Đảo và rồi chết ở đây vì kiệt sức năm 1943. Khi đem xác đi chôn người ta tìm thấy trong túi áo của ông một miếng giấy ghi 2 bài thơ dưới đây:
SỐNG
Sống mà vô dụng sống làm chi
Sống chẳng lương tâm sống ích gì?
Sống trái đạo người, người thêm tủi
Sống quên ơn nước, nước càng khi
Sống tai như điếc, lòng đâm thẹn
Sống mắt dường đui, dạ thấy kỳ
Sống sao nên phải, cho nên sống
Sống để muôn đời sử tạc ghi.
(Nguyễn An Ninh)
CHẾT
Chết sao danh tiếng vẫn còn hoài
Chết đáng là người đủ mắt tai
Chết được dựng hình, tên chẳng mục
Chết đưa vào sử, chữ không phai
Chết đó, rõ ràng danh sống mãi
Chết đây, chỉ chết cái hình hài
Chết vì Tổ Quốc người khen ngợi
Chết cho hậu thế đẹp tương lai.
(Nguyễn An Ninh)
Hậu thế ngày nay không cảm thông được Nghĩa Tử của người xưa nên thường chỉ biết bài thơ "Sống" của ông Phan Bội Châu. Tiền nhân ngày xưa cũng có người chỉ có bài thơ "Chết" như của các ông Trần Cao Vân, Thủ Khoa Huân và Phan Thanh Giản.
Trần Cao Vân
Năm 1916, vua Duy Tân (1900-1945) mưu đảo chánh Pháp ở Huế và vùng phụ cận với hai ông Trần Cao Vân (1868-1916) và Thái Phiên (1882-1916) của Việt Nam Quang Phục Hội nhưng việc bị lộ và thất bại. Ông Thái Phiên và Trần Cao Vân bị xử chém và Vua Duy Tân bị đày ra đảo Réunion với cha là vua Thành Thái. Trước khi ra pháp trường, ông Trần Cao Vân có bài thơ:
CHẾT CHÉM
Đứa nào muốn chết chết như chơi
Chết vị non sông chết vị trời
Chết thảo bao nài xương thịt nát
Chết ngay há ngại cổ đầu rơi
Chết trung tiếng để ngoài muôn dặm
Chết nghĩa danh lưu đến vạn đời
Chết được như vầy là hả lắm
Ta không sợ chết hỡi ai ơi.
(Trần Cao Vân)
Thủ Khoa Huân
Ông Nguyễn Hữu Huân (1816-1875), người ở Chợ Gạo, Định Tường đi thi Cử Nhân đậu Thủ Khoa (còn gọi là Giải Nguyên) năm 1852. Tuy là văn quan, ông đã khởi nghĩa Cần Vương chống Pháp ở Định Tường (1861-1875). Dù bị bắt lưu đày rồi được tha nhiều lần cũng nhưđược Tổng Đốc Đỗ Hữu Phương giúp đỡ và dụ hàng nhưng ông Thủ Khoa Huân không bao giờ đầu hàng.
KHI BỊ LƯU ĐÀY
Muôn việc cho hay ở số trời
Cái thân chìm nổi biết là nơi
Mấy hồi tên đạn ra tay thử
Ngàn dặm non sông dạo bước chơi
Chén rượu Tân đình nào luận tiệc
Câu thơ Cố quốc chẳng ra lời
Cang thường bởi biết mang tên nặng
Hễ đứng làm trai chác nợ đời.
(Thủ Khoa Huân)
KHI ĐƯỢC THA VỀ
Tòng cúc tuy mừng hãy đặng còn
Râu mày thêm thẹn với sông non
Miếu đường cách trở bề tôi chúa
Gia thất riêng mang nỗi vợ con
Áo Hán nhiều phần thay vẻ lạ
Rượu Hồ một mặt đắm mùi ngon
Giang Đông mang tiếng đa tài tuấn (*)
Cuốn đất kìa ai dám hỏi đon.
(Thủ Khoa Huân)
(*) Chú thích:
Hạng Võ khi thua Lưu Bang thì được người Đình trưởng khuyên qua sông Trường giang sang Giang Đông sẽ có nhiều người theo giúp để đánh lại.
Lần cuối cùng (1875) sau khi bị bắt ngồi tù trước khi bị đem ra pháp trường hành quyết, ông Thủ Khoa Huân có làm bài thơ dưới đây:
MANG GÔNG
Hai bên thiên hạ thấy hay không
Một gánh cang thường há phải gông
Oằn oại đôi vai quân tử trúc (*)
Long lay một cổ trượng phu tòng (*)
Thác về đất Bắc danh còn rạng
Sống ở thành Nam tiếng bỏ không
Thắng bại dinh hư trời khiến chịu (*)
Phản thần, “đụ hỏa” đứa cười ông
(Thủ Khoa Huân)
(*) Chú thích:
Từ câu "Trúc xưng quân tử, Tòng hiệu trượng phu". Dinh hư=đầy vơi.
Phan Thanh Giản
Tháng 6, 1867, Thiếu tướng De La Grandière hội 1000 quân Pháp ở Mỹ Tho định tấn công Vĩnh Long. Ngày 20-6-1867, De La Grandière đánh Vĩnh Long. Biết thế chống không nỗi và để cứu sinh linh, ông Phan Thanh Giản đầu hàng ở Vĩnh Long và ra lệnh cho Tuần phủ Hà Tiên và An Giang đầu hàng. Pháp chiếm 3 tỉnh Tây Nam Kỳ trong 4 ngày (từ 20 tới 24-6-1867). Từ đó đất Nam Kỳ Lục Tỉnh thành ra đất thuộc địa của Pháp; thuế má, luật lệ, điều gì cũng do soái phủ ở Sài Gòn quyết định cả.
Ông Phan Thanh Giản gởi trả áo mão cho triều đình. Sau nửa tháng không thấy triều đình trả lời, ông phiền muộn lo lắng, nhịn đói và uống thuốc phiện với giấm thanh hằng ngày để tự tử. Cuối cùng ông chết ngày 4-8-1867, thọ 72 tuổi. Trong thời gian gần nửa tháng nầy, ông Phan Thanh Giản có làm bài thơ:
TUYỆT CỐC (*)
Trời thời đất lợi lại người hòa
Há dễ ngồi coi phải nói ra
Lăm trả ơn vua đền nợ nước
Đành cam gánh nặng ruổi đường xa
Lên ghềnh xuống thác thương con trẻ
Vượt biển trèo non cám phận già
Những tưởng một lời an bốn cõi
Nào hay ba tỉnh lại chầu ba. (*)
(Phan Thanh Giản)
(*) Chú thích:
Tuyệt cốc = Nhịn (ăn)cơm
Đã không lấy lại được 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường mà còn mất thêm 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn

PHAN BỘI CHÂU
Bs Phan Thượng Hải
Thơ và Sử đã mô tả cuộc đời của ông Phan Bội Châu từ khi sáng lập phong trào Đông Du ở Nhật Bản, hoạt động cách mạng ở bên Tàu cho đến khi bị bắt giải về Việt Nam và bị quản thúc ở Huế. Cách mạng bên Tàu cũng có người Nam Kỳ hưởng ứng như các ông Nguyễn Quang Diêu và Nguyễn Thần Hiến.
Phong Trào Đông Du
*
Đông Du ở Nhật Bản
Năm 1905, ông Phan Bội Châu và ông Đặng Tử Kính sang Nhật nhờ giúp đỡ và lập phong trào Đông Du. Nhờ ông Tăng Bạt Hổ, hai ông lén đem Kỳ Ngoại Hầu Cường Để và thanh niên sang Nhật học quân sự và khoa học.
Ông Tăng Bạt Hổ (1858-1906) khi 14 tuổi theo Lưu Vĩnh Phúc đánh Pháp ở Bắc Kỳ. Sau đó ông theo ông Mai Xuân Thưởng hưởng ứng hịch Cần Vương của vua Hàm Nghi, khởi nghĩa ở Bình Định. Sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, ông Tăng Bạt Hổ trốn sang Lào, Xiêm, Trung Hoa rồi cuối cùng ở Nhật Bản. Ông phục vụ trong quân đội Nhật thắng quân Nga ở Lữ Thuận và Đại Liên. Nhờ có công, được Minh Trị Thiên Hoàng biết đến, nên ông liên lạc và xin với các chính khách Nhật như Khuyển Dưỡng Nghị (?) và Đại Ôi Trọng Tín (Shigenobu) chấp nhận du học sinh Việt Nam. Trong một chuyến đưa rước các học sinh ông mất trên 1 chiếc thuyền ở sông Hương (1906). Năm 1956, ông được cải táng cạnh mộ ông Phan Bội Châu ở Huế.
Ông Tú Xương có bài thơ tả đúng như dự định của ông Phan Bội Châu:
GỬI ÔNG PHAN THỦ KHOA
Mấy năm vượt bể lại trèo non
Em hỏi thăm qua bác hãy còn
Mái tóc Giáp Thìn đà nhuộm tuyết (*)
Điểm đầu Canh Tý chửa phai son (*)
Vá trời gặp hội, mây năm vẻ (*)
Lấp bể ra công, đất một hòn
Có phải như ai mà chẳng chết?
Giương tay chống vững cột càn khôn.
(Tú Tài Trần Tế Xương)
(*) Chú thích:
Năm Giáp Thìn (1905), ông Phan Bội Châu xuất dương
Năm Canh Tý (1900), ông Phan Bội Châu đậu Thủ Khoa ở kỳ thi Hương Nghệ An.
Ý muốn lập ông Cường Để làm vua.
Đây là chí khí của ông Phan Bội Châu khi rời cảng Hải Phòng đi Nhật:
XUẤT DƯƠNG LƯU BIỆT 1905
Sinh vi nam tử yếu vi kỳ Làm trai phải lạ ở trên đời
Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di Há để càn khôn tự chuyển dời
Ư bách niên trung tu hữu ngã Trong khoảng trăm năm cần có tớ
Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy Sau này muôn thuở há không ai?
Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế Non sông đã mất, sống thêm nhục
Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài
Nguyện trục triền phong Đông Hải khứ Muốn vượt bể Đông theo cánh gió
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi. Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.
(Phan Bội Châu) (Tô Quang Phiệt dịch)

(Kỳ Ngoại Hầu Cường Để)
Tháng 9 năm 1908, Pháp ký hiệp ước với Nhật. Thế là tất cả nhà cách mạng và học sinh Việt Nam đều bị Nhật trục xuất: hoặc về nước hoặc trốn sang Tàu. Ông Phan Bội Châu, ông Đặng Tử Kính và Kỳ Ngoại Hầu lưu lạc tận Xiêm La (Thái Lan bây giờ).
*
Việt Nam Quang Phục Hội
Năm 1912, sau cách mạng Tân Hợi, các ông về lại Tàu, cùng với ông Nguyễn Thượng Hiền (rể ông Tôn Thất Thuyết) lập Việt Nam Quang Phục Hội và Quang Phục Quân với những hoạt động như quấy nhiễu biên giới (tấn công đồn Tà Lùng) và sai người về nước ám sát những quan Việt Nam theo Pháp.
Năm 1914, Tàu hết ủng hộ, ông Phan Bội Châu vô tù ra khám. Năm 1915, ông Kỳ Ngoại Hầu Cường Để (1882-1951) sang sống bên Nhật, lấy vợ Nhật (là con gái nuôi của Thiên Hoàng) nhưng vẫn hoạt động cách mạng ở Tàu.
Đây là 2 bài thơ tù của 2 ông Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh cùng bị giam trong Đệ Nhất Thế Chiến:
CẢM TÁC VÀO NHÀ NGỤC TRONG NGỤC QUỐC SỰ PHẠM
QUẢNG ĐÔNG LA SANTÉ
Vẫn là hào kiệt vẫn phong lưu Từ ấy giam luôn mấy tháng tròn
Chạy mỏi chân thì hẵng vào tù Nhờ trời ngủ kỹ lại ăn ngon
Đã khách không nhà trong bốn bể Ngày ba lần xực coi còn đói
Lại người có tội giữa năm châu Đến chín giờ chơi ngáy vẫn giòn
Dang tay ôm chặt bồ kinh tế Mỗi bữa nửa giờ ra hóng mát
Mở miệng cười tan cuộc oán thù Mỗi tuần hai bận xuống thăm con
Thân ấy hãy còn còn sự nghiệp Vui buồn mình biết lòng mình vậy
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu. Miễn trả cho rồi nợ nước non.
(Phan Bội Châu) (Phan Châu Trinh)
*
Cách Mạng ở Việt Nam
Tiếng tăm của Việt Nam Quang Phục Hội được biết trong nước qua cuộc chính biến của vua Duy Tân và khởi nghĩa Thái Nguyên.
Các ông Thái Phiên và Trần Cao Vân sau khi đi tù Côn Đảo với ông Phan Châu Trinh (1908-1911) về, có mưu với vua Duy Tân đảo chánh Pháp (1916) dưới danh nghĩa của Việt Nam Quang Phục Hội nhưng thất bại.
Khởi nghĩa Thái Nguyên do Đội Cấn (Trịnh Văn Cấn) cùng 175 lính khố xanh giải thoát ông Lương Ngọc Quyến của Việt Nam Quang Phục Hội và 203 tù nhân chiếm Thái Nguyên xưng là Đại Hùng Đế Quốc ngày 30-8-1917. Năm ngày sau (5-9-1917), Pháp chiếm lại Thái Nguyên. Ông Lương Ngọc Quyến tử thương. Ông Trịnh Văn Cấn (1881-1917) rút về Tam Đảo rồi Vĩnh Yên và cuối cùng tự tử bằng súng ngày 11-1-1918.
Ông Lương Ngọc Quyến (1885-1917) là con thứ của ông Lương Văn Can (Hiệu trưởng trường Đông Kinh Nghĩa Thục). Ông vượt biển theo chương trình Đông Du của ông Phan Bội Châu, học và tốt nghiệp trường võ bị Chấn Vũ của Nhật (1905-1908). Sau khi bị Nhật trục xuất ông sang Trung Hoa làm sĩ quan trong quân đội Trung Hoa Dân Quốc (chức Thiếu tá?). Năm 1912 ông Lương Ngọc Quyến gia nhập Việt Nam Quang Phục Hội và về nước hoạt động ở Nam Kỳ. Ông bị Pháp bắt và giam ở Hà Nội rồi Thái Nguyên. Tại ngục Thái Nguyên theo lời chiêu dụ của ông nên ông Trịnh Văn Cấn mới khởi nghĩa chống Pháp.
Người bạn từng sống với ông ở Nam Kỳ là ông Dương Bá Trạc có bài thơ thương tiếc:
LƯƠNG NGỌC QUYẾN
Đoạn tuyệt gia đình với núi sông
Phất cờ Đông học trẩy tiên phong
Lục quân Nhật Bản tinh thao luyện
Chiến địa Trung Hoa thỏa vẫy vùng
Bắc Hải vẫn ghi lời thoại biệt
Long Xuyên bao xiết chuyến trùng phùng
Thái Nguyên độc lập năm ngày trọn
Cho biết tay đây cọp sổ lồng.
(Dương Bá Trạc)
*
Cách Mạng ở bên Tàu
Cách mạng ở bên Tàu thầm lặng cho đến năm 1924 mới nổi trở lại nhờ “Tiếng bom sa điện” của liệt sĩ Phạm Hồng Thái của Tâm Tâm Xã. Ngày 21-6-1924, ông Phạm Hồng Thái ném bom để ám sát Toàn Quyền Đông Dương là Merlin ở tô giới Sa Diện (Samien, có khi viết sai là Sa Điện) của Pháp ở Quảng Châu nhưng việc không thành. Ông nhảy xuống sông Tây Giang (Châu Giang) tự tử. Nhà cầm quyền Trung Hoa đem xác chôn ở Hoàng Hoa Cương.
Về sau có hậu sinh tới viếng mộ và làm thơ:
VIẾNG MỘ LIỆT SĨ PHẠM HỒNG THÁI (Nguyên Bản)
Một tiếng bom tung tiếng dậy hùng
Vì nòi giống Việt diệt thù chung
Thực Dân vạn kiếp kinh hồn vía
Hào Khí Trường Tồn với núi sông (*)
Liệt sĩ treo cao gương ái quốc
Hậu sinh quyết nối gót cha ông
Khấu đầu trước mộ thành tâm khấn
“Xin Phạm tiền nhân chứng giám lòng”.
(Nguyễn Đạt Tôn)
6/2/99
(*) Chú thích: Trước cổng Hoàng Hoa Cương có đề 4 chữ: “Hào Khí Trường Tồn”.
VIẾNG MỘ LIỆT SĨ PHẠM HỒNG THÁI (Họa)
Việt Nam Hồng Thái đấng anh hùng
Vì nước hy sinh rửa hận chung
Mưu giết Thực Dân liều tính mạng
Chôn vùi Hào Khí mượn giòng sông
Dư âm Lưỡng Quảng bom “sa điện”
Thăm viếng Hoàng Hoa lễ mộ ông
Nghĩa cả nêu cao nơi đất khách
Ngàn sau ghi nhớ khắp muôn lòng.
(Phan Thượng Hải)
6/2/99
Tâm Tâm Xã thành lập năm 1923 từ những người trẻ trong Việt Nam Quang Phục Hội như Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu…
Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc (lúc đó còn có tên là Lý Thụy, vừa từ Liên Xô sang) lập Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội ở Quảng Châu từ Tâm Tâm Xã.
Cùng năm đó (1925), ông Phan Bội Châu bị Pháp bắt cóc ở Thượng Hải và giải về Việt Nam. Ông Đặng Tử Kính (1875-1928) sang sống ở Xiêm và mất ở đây. Ông Nguyễn Thượng Hiền đi tu, Việt Nam Quang Phục Hội gần như ngưng hoạt động. Nguyễn Ái Quốc giữ Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội sau nầy thành Đông Dương Cộng Sản Đảng (1930).
Sự kiện ông Phan Bội Châu bị Pháp bắt vẫn còn là một nghi vấn trong lịch sử.
Phan Bội Châu tại Huế
*
Thực Dân Pháp bí mật giải ông Phan Bội Châu bằng tàu về nước. Trên tàu, ông làm bài “Tuyệt Mệnh Thi” bỏ vào 1 cái chai liệng xuống biển. Người đánh cá lượm được nên toàn quốc mới biết tin và biểu tình phản đối.
TUYỆT MỆNH THI
Nhất lạc nhân hoàn lục thập niên Sáu chục năm nay ở cõi đời
Hảo phùng kim nhật liễu trần duyên Trần duyên giờ hẳn rũ xong rồi
Bình sinh kỳ khí vi hà tử Bình sinh chí lớn là đâu tá
Nguyệt tại ba tâm vân tự thiên Trăng rọi lòng sông mây ngất trời
Sinh bất năng trừ thiên hạ loạn Sống đã kông xong trừ giặc nước
Na kham tử lụy hậu lai nhân Chết đi há lụy đến người sau
Hảo tòng hổ khẩu hoàn dư nguyện Phen nầy miệng cọp âu đành dạ
Khẳng nhượng Di Tề nhất cá nhân So với Di Tề có kém đâu.
Thống khốc gian san dữ quốc dân Thương khóc non sông với quốc dân
Ngu trung vô kế cực trầm luân Tài hèn không vớt được trầm luân
Thử tâm vị liễu thân tiên liễu Lòng nầy chưa hả thân đà chết
Tu hướng tuyền đài diện cố nhân. Chín suối thẹn thùng gặp cố nhân.
(Phan Bội Châu) (Vô Danh dịch)
*
Vì toàn dân trong nước biểu tình phản đối nên Pháp không dám kết án ông. Ông Phan Bội Châu bị quản thúc (tại gia) ở Huế từ năm 1925 cho đến khi qua đời năm 1940 trong thầm lặng. Ông sống lẽ loi một mình kể cả vợ con cũng không được thăm hỏi. Thỉnh thoảng ông làm thơ đăng lén trên báo Tiếng Dân ở Huế của ông Huỳnh Thúc Kháng.
Đây là một bài thơ tiêu biểu:
THƠ TẶNG CÔ GÁNH NƯỚC
Vì nỗi thương người phải nhục mình
Hai vai một gánh nặng đôi bình
Sóng vơi giếng cạn lòng đầy mãi
Nắng dãi mưa dầm gót chạy lanh
Rưới cỏ thêm màu cho đất trắng
Làm mưa chia sức với trời xanh
Nhà nhà có nước là vui vẻ
Chẳng quản công trình, chẳng kể danh.
(Phan Bội Châu) 1929
Thật ra sau đó ông Phan Bội Châu có làm 2 bài thơ “Con Gánh Nước”.
THAN VỚI CON GÁNH NƯỚC CON GÁNH NƯỚC TRẢ LỜI
Đầu mun mặt trú có ra gì? Tớ thấy ông than tớ nực cười
Mà gánh đòi vai trót tháng ngày Trao cho riêng nặng ấy là ai
Khổ nỗi chết mầy thời chết nước Khô khan chúng cũng khô khan cả
Nặng lòng thương nước phải thương mầy Gánh vác mình sao gánh vác hoài?
Nếu không ai khát đành ngồi nể Thăm hết mấy sông cùng mấy giếng
Vì có người trông phải dậy đi May còn hai cẳng với hai vai
Trách lão Trời già sao lắm việc Nếu ông lòng có thương tôi thật
Sinh người sinh nước ấy mà chi. Chắc đã mây mưa rày hoặc mai?
(Phan Bội Châu) (Phan Bội Châu)
Ông Phan Bội Châu và ông Phan Châu Trinh là 2 nhà cách mạng chân chính chỉ vì dân vì nước, không theo những chủ nghĩa được dùng sau nầy: Quốc Dân, Cộng Sản, Xã Hội, Đế Quốc, Quốc Gia…

Phan Bội Châu
*
Hậu thế thường truyền tụng một bài thơ ái quốc của ông Phan Bội Châu:
SỐNG
Sống tủi làm chi đứng chật trời
Sống nhìn thế giới hổ chăng ai
Sống làm nô lệ cho người khiến
Sống chịu ngu si để chúng cười
Sống tưởng công danh không tưởng nước
Sống lo phú quí chẳng lo đời
Sống mà như thế đừng nên sống
Sống tủi làm chi đứng chật trời.
(Phan Bội Châu)
Gần đây lại có xuất hiện 2 bài thơ của bạn của ông Phan Bội Châu là ông Đặng Văn Bá (còn gọi là Đặng Văn Bách).
Ông Đặng Văn Bá (1873-1931) đậu Cử Nhân năm 1900 (cùng khóa với ông Phan Bội Châu). Ông gia nhập phong trào Duy Tân (1905) rồi bị đày Côn Đảo (1908-1916 hay 1921). Được thả về ông sống ở Sài Gòn rồi ở Huế với ông Phan Bội Châu và sau cùng về sống ở quê nhà (Hà Tĩnh) đến khi qua đời.
Năm 1926 cái chết của ông Phan Châu Trinh (Tây Hồ) gợi cảm hứng cho ông Đặng Văn Bá làm 2 bài thơ dưới đây:
CHẾT
Chết mà vì nước, chết vì dân
Chết ấy làm trai hết nợ nần
Chết bởi Đông Chu thời thất quốc
Chết vì Tây Hán lúc tam phân
Chết như Hưng Đạo hồn thành thánh
Chết tựa Trưng Vương phách hóa thần
Chết cụ Tây Hồ hồn chẳng chết
Chết mà vì nước, chết vì dân.
(Đặng Văn Bá)
SỐNG
Sống dại mà chi sống chật đời
Sống xem Âu Mỹ hổ chăng ai?
Sống làm nô lệ cho người khiến
Sống chịu ngu si để bạn cười
Sống tưởng công danh không tưởng nước
Sống lo phú quí chẳng lo đời
Sống mà như thế đừng nên sống
Sống dại sinh chi đứng chật đời.
(Đặng Văn Bá)
Bài thơ “Sống” cũng hơi giống như của ông Phan Bội Châu?
SỐNG SỐNG
Sống tủi làm chi đứng chật trời Sống dại mà chi sống chật đời
Sống nhìn thế giới hổ chăng ai Sống xem Âu Mỹ hổ chăng ai?
Sống làm nô lệ cho người khiến Sống làm nô lệ cho người khiến
Sống chịu ngu si để chúng cười Sống chịu ngu si để bạn cười
Sống tưởng công danh không tưởng nước Sống tưởng công danh không tưởng nước
Sống lo phú quí chẳng lo đời Sống lo phú quí chẳng lo đời
Sống mà như thế đừng nên sống Sống mà như thế đừng nên sống
Sống tủi làm chi đứng chật trời. Sống dại sinh chi đứng chật đời.
(Phan Bội Châu) (Đặng Văn Bá)
Nguyễn Quang Diêu
*
Phong trào Đông Du của ông Phan Bội Châu rất được người Nam Kỳ hưởng ứng vì năm 1904, ông Phan Bội Châu có đến Nam Kỳ vận động trước khi xuất dương sang Nhật.
Ông Nguyễn Thần Hiến (1857-1914) là người Hà Tiên nhưng sống ở Cần Thơ. Ông đem hết tài sản trong nhà ra ủng hộ (20,000 đồng lúc đó vào khoảng mất trăm cây vàng bây giờ) lập “Quỹ Khuyến Du Học Hội". Bị Pháp tìm bắt, ông phải trốn sang Xiêm (1908) rồi đến năm 1910 sang Tàu gia nhập VN Quang Phục Hội làm Trưởng Chi bộ Nam Kỳ. Ông Nguyễn Thần Hiến bị bắt ở Hương Cảng (1913) giải về Hà Nội (1914) sắp phải đày đi French Guiana (Nam Mỹ) nhưng ông tuyệt thực và chết trong tù Hỏa Lò ở Hà Nội (1914).
Bạn tù là ông Nguyễn Quang Diêu có bài thơ tiếc:
NGUYỄN THẦN HIẾN
Bấy lâu bay bổng cánh chim hồng
Lạc lối giờ ra phải máy cung
Chín suối có thiêng hồn tổ quốc
Trăm năm còn tạc gánh tang bồng
Đổi dời nghĩ gớm câu dâu bể
Thổ lộ cùng ai chuyện núi sông
Thôi để làm gương cho sắp bé
Ngàn năm trong nước dấu anh hùng.
(Nguyễn Quang Diêu)
*
Ông Nguyễn Quang Diêu (1880-1936) là người Cao Lãnh. Năm 1913, ông cùng một số người Nam Kỳ sang Hương Cảng để gia nhập cách mạng theo ông Phan Bội Châu và ông Nguyễn Thần Hiến nhưng chẳng may bị Pháp bắt cùng lúc với ông Nguyễn Thần Hiến ở Hương Cảng và giải về Hà Nội.
Sau đó ông Nguyễn Quang Diêu bị đày đi French Guiana (1914). Bị giải lên tàu ở Hà Nội, ông và các bạn tù Việt Nam qua Ấn Độ Dương, kênh Suez và Địa Trung Hải tới Marseille. Sau 1 thời gian ngắn bị tạm giam ở Marseille, ông Nguyễn Quang Diêu và các bạn lại bị giải lên tàu xuyên qua Đại Tây Dương tới French Guiana (1914).
Năm 1917, ông Nguyễn Quang Diêu cùng 2 bạn là ông Đinh Hữu Thuật và ông Lý Liễu vượt ngục trốn sang Trinidad (Trung Mỹ). Papillon Henri Charrière phải mất 11 năm mới trốn khỏi French Guiana (1941) trong khi đó ông Nguyễn Quang Diêu chỉ cần 3 năm.
Sau 3 năm sống ở Trinidad, vào năm 1920, ông Nguyễn Quang Diêu lên Washington DC đi tàu của lái buôn Trung Quốc vượt biển tới Hương Cảng (Hongkong). Chuyến đi nầy qua kênh đào Panama và Thái Bình Dương.
Từ khi bị bắt ở Hương Cảng (1913) cho tới khi trở lại Hương Cảng (1920) ông Nguyễn Quang Diêu đã đi vòng quanh thế giới, và chắc chắn là người Việt đầu tiên hoàn thành công trình nầy. Jules Verne tả chuyện đi vòng quanh thế giới trong 80 ngày nhưng ông Nguyễn Quang Diêu đi mất 8 năm và đi ngược đường với câu chuyện của Jules Verne.
Từ Hương Cảng (1920), ông Nguyễn Quang Diêu tới Quảng Châu tìm ông Phan Bội Châu và Kỳ Ngoại hầu Cường Để nhưng chỉ gặp được ông Nguyễn Hải Thần. Do đó, ông tới sống ở Tứ Xuyên. Năm 1926, ông Nguyễn Quang Diêu trốn về Nam Kỳ, đổi tên là Trần Văn Vẹn, tiếp tục đi khắp nơi bí mật hoạt động chống Pháp cho đến khi mất vì bệnh ở Tân An (1936).

Nguyễn Quang Diêu
*
Cuộc đời hy sinh vì cách mạng của ông Nguyễn Quang Diêu là một thiên hùng ca. Ông lại là một thi sĩ đại tài đã để lại những bài thơ tuyệt tác.
Tinh thần ái quốc trước khi sang Trung Quốc:
TỰ THUẬT
Nghĩ mình mang lấy tiếng nam nhi
Cái nợ cung dâu gánh nặng trì
Tuổi tác đã vừa ba chục chẵn
Công danh chưa có ít nhiều chi!
Rừng cao yến đổ yên nhờ chỗ
Gió thuận hồng mong gặp gỡ khi
Xem khắp thế tình rồi nghĩ nghị
Muốn noi Thánh trước cỡi bè đi. (*)
(Nguyễn Quang Diêu) 1910
(*) Chú thích:
Tương truyền Tổ Thiền Tông là Bồ Đề Đạt Ma cỡi bè đi đường biển từ Ấn Độ tới Trung Quốc. (Chuyện nầy được truyền bá ở Nam Kỳ trong thời Pháp Thuộc).
Khi xuất dương đi Trung Quốc theo cách mạng không kịp giã từ vợ, ông viết bài thơ nhờ bạn chuyển cho vợ:
GIÃ VỢ ĐI LÀM CÁCH MẠNG
Sông cũng khi khô, đá cũng mòn
Cùng ai tạc một tấm lòng son
Trăm năm ngồi đứng trong trời đất
Một kiếp thề ghi với nước non
Hương hỏa trước mong duyên mãi mãi (*)
Tang bồng nay há nợ con con (*)
Ai ơi ! hãy nếm mùi ly biệt
Có nếm rồi ra mới biết ngon!
(Nguyễn Quang Diêu) 1913
(*) Chú thích
Hương hỏa: do câu "Tam sinh hương hỏa", dùng để chỉ việc nhơn duyên có con cháu nối dõi. Sách Quỳnh Ngọc Chú chép: có người con trai tên là Tỉnh Lang chiêm bao thấy đi chơi non Bồng, gặp một nhà sư tụng niệm, trước mặt có hương thắp khói bay (Hương hỏa) nên hỏi; nhà sư trả lời "khi cắm hương khấn nguyện, hương còn cháy mà đã sinh ra 3 kiếp người rồi (Tam sinh).
Tang bồng: (Cái cung bằng) cây dâu, (cái tên bằng) cỏ bồng. Nói đủ câu là "Tang bồng hồ thỉ". Tục lệ người Tàu xưa khi sanh con trai thì dùng cung bằng cây dâu và tên bằng cỏ bồng mà bắn ra 4 phương và trên trời dưới đất để cầu cho đứa bé lớn lên được thỏa chí khí dọc ngang khắp sông hồ.
Những bài thơ lúc bị tù đày:
TẾT TÂY TRONG ĐỀ LAO
Vừa khỏi Du dê đến Tết Tây (*)
Gớm ghê máy tạo lẹ làng xây
Nom ra thành phố cây cờ phất
Ngảnh lại non sông nước mắt đầy
Vui sướng thiếu gì ai nấy đó
Đắng cay chỉ có lũ mình đây!
Rau xanh vài dĩa cơm vài bát
Cũng gọi là vui cái tiệc nầy.
(Nguyễn Quang Diêu) 1914
(*) Chú thích:
Tết Tây đầu năm 1914 ở nhà ngục Hỏa lò, Hà Nội. Du dê = (tháng) Juillet, ý nói ngày lễ Độc lập của Pháp (14 Juillet)
BỊ GIAM Ở MARSEILLE CẢM TÁC
Chẳng biết rằng mình có tội chi
Tội chi nào có, có nao gì!
Phép thần công lý đành không hiệu
Luật nước văn minh gẫm cũng kỳ
Nếm mật nằm gai đành tạm lúc
Sổ lồng tháo cũi hẳn chờ khi
Làm sao cũng chẳng làm sao vậy
Thương nước gan ông nó đã lỳ.
(Nguyễn Quang Diêu) 1914
CẢM TÁC KHI ĐI ĐÀY ĐẾN CAI DANH (*)
Bấy chầy mong mỏi xứ Cai Danh
Phong cảnh xem qua bắt động tình
Bể rộng mênh mông dòng nước biếc
Nội bằng mờ mịt mạn rừng xanh
Dã man thảm hại cho người đó
Tân khổ nài bao cái lũ mình!
Tuyệt chủng rõ ràng gương dưới mắt
Trông người, ta lại ngẫm mà kinh.
(Nguyễn Quang Diêu) 1914
(*) Chú thích:
Guiana có 3 phần: thuộc Pháp, Anh và Hà Lan. Ông Nguyễn Quang Diêu bị đày ở Guiana thuộc Pháp. Thị trấn của Guyenne (French Guiana) là Cayenne, đọc âm tiếng Việt thành ra Cai Danh.
Tương truyền bài dưới đây làm ở Quảng Châu sau khi từ Guiana trở về (1920) và ông Nguyễn Hải Thần có họa lại nhưng bài họa bị thất lạc không tìm được.
SẦU NON NƯỚC
Hỏi tôi buồn những sự gì đây
Mượn rượu làm khuây cũng chẳng khuây?
Mắt mãi chứa chan cơ hội trước
Lòng hằng chua xót nước non nầy
Hồn khôn vấn vít thân còn dở
Phách dại mơ màng kiếp sống say (1)
Bĩ thái then trời đâu dễ chắc (2)
Lẽ nào có rủi lại không may.
Không may sá quản chút thân này
Thượng Đế ngồi cao lẽ cũng hay!
Đường lắm chông gai chơn ngại bước
Trời chưa mưa gió cánh không bay
Tấm lòng hồ thỉ còn mong mãi (3)
Món nợ san hà muốn trả ngay
Vẫn tính vẫy vùng cho phỉ chí
Ngặt vì còn thiếu cả chân tay.
Chân tay thiếu cả liệu sao mà
Biết ngỏ cùng ai tâm sự ta?
Tủi phận vẩn vơ hùm lạc núi
Xót thân dật bạ chó không nhà (4)
Bệnh nghèo vắng thấy tay trừ quỉ
Cơn ngặt ầm nghe tiếng nhát ma!
Mùi có nếm rồi, rồi mới biết
Càng cay đắng lắm chí càng già.
Chí càng già dặn lúc truân chuyên
Có đẩy xô gì chẳng đổ nghiêng
Dầu tớ chạy nam dầu chạy bắc
Mặc ai rằng nghịch mặc rằng điên!
Rừng nhiều beo hạm tay không súng
Đường lắm tàu xe túi chẳng tiền
Mưa nắng chi chi đâu dám nại
Ấy là trách nhiệm giống Rồng Tiên.
Giống Rồng Tiên trước kém gì ai
Mày mặt giờ ra thẹn với đời
Toan cắp Thái Sơn sang bể cả
Rắp đem tinh vệ lấp miền khơi (5)
Vai hằng gánh nặng thù non nước
Lòng mãi vương mang nghĩa đất trời
Thành bại lẽ thường đâu sá quản
Gọi là trả chút nợ làm trai.
Làm trai nay gặp hội tân trào
Ngồi đấy khoanh tay nỡ bụng nào!
Ách thảm nặng quằn vai nghĩa liệt
Lửa thù đốt cháy ruột anh hào
Trông về non nước lòng thêm bận
Đoái lại mày râu tuổi đã cao
Thời đại thế mà dân tộc thế
Không cùng khóc ngất lại cười nhào. (6)
Cười nhào những đứa giả văn minh
Mượn lối thương dân tính lợi mình
Gạt chúng khua rầm mồm nhiệt huyết
Dối đời lơ láo mắt vô tình
Bộ tuồng công đức trông ra dáng
Cái lốt nô nhan lộ cả hình (7)
Huyết tánh con người ai lại chẳng
Dại gì không tưởng đến sanh linh.
Sanh linh rủi gặp lúc phong trần (8)
Nước chẳng ra gì lựa đến thân!
Ngoài cuộc điên ba trông vắng bặt (9)
Trong vòng nô lệ đứng chần ngần
Sóng tràn chán mắt làng phi cựu (10)
Sấm nổ ầm tai tiếng cách tân (11)
Ai cũng anh em Hồng Lạc cả
Ai ơi phải biết phận làm dân!
Phận làm dân tộc nước Nam ta
Hơn bốn nghìn năm nối nghiệp nhà
Mở rộng gian san cho cháu chắt
Hao bao huyết hãn của ông bà (12)
Máu thù nô lệ sôi lòng trẻ
Cuộc biến tang thương chán mắt già (13)
Tình cảnh thế nầy không thể chịu
Bút linh đành mượn đánh đàn ma.
Đàn ma hút cả máu dân gầy
Bảy tám mươi năm trải đến rày
Mưa gió Mỹ Âu mòi đã trổ
Anh em Hồng Lạc giấc còn say!
Biển trần chưa định thân chìm nổi (14)
Cuộc biến còn nhiều lúc rủi may
Nỗi nước nỗi nhà còn lắm nỗi
Hỏi tôi buồn những sự gì đây?
(Nguyễn Quang Diêu) 1920
Chú thích:
(1) Sống say: do câu "Túy sinh mộng tử" (Sống giữa cơn say, chết trong chiêm bao, trong mộng mị)
(2) Bĩ thái = suy và thịnh. Then trời: ý nói "cơ trời", có khi "máy trời"
(3) Hồ thỉ: từ câu "Tang bồng hồ thỉ", sự tích như "Tang bồng".
(4) Dật bạ = trôi nổi lông bông tạm bợ không chắc vào đâu. Tiếng thông dụng ở Nam kỳ vào thời đó. Đó là chữ đôi: Dật = thất lạc; Bạ đi đôi với Dật, không có nghĩa gì hết.
(5) Tân trào = Trào lưu mới
(5) Tinh vệ: tên một loại chim nhỏ ở ngoài biển. Tục truyền con gái vua Viêm Đế vì chết chìm nên căm tức hóa thành chim ngậm đá để lấp biển. Nghĩa bóng: người có một mối thù thâm sâu, quyết trả cho được.
(6) Cười nhào = cười dữ lắm đến lộn nhào người ra
(7) Nô nhan = mặt (người) đày tớ. Do câu "Nô nhan tỳ tất" (Mặt đày tớ, gối con hầu). Ngụ ý khinh khi.
(8) Sanh linh = con người
(9) Điên ba = sóng dữ. Có bản chép "phong ba" (sóng gió)
(10) Cách cựu = trái với "cựu"; không thủ cựu (=không giữ cái cũ)
(11) Cách tân = làm ra cho mới
(12) Huyết hãn = máu và mồ hôi
(13) Tang thương: do câu "Thương hải biến vi tang điền" (Bể xanh hóa thành ruộng dâu); ý nói cuộc thay đổi lớn. Từ ngữ "Bể dâu" cũng cùng một nghĩa.
(14) Biển trần = cõi trần thế rộng như biển cả
Năm 1926, ông Nguyễn Quang Diêu đến viếng mộ của ông Phạm Hồng Thái ở Hoàng Hoa Cương và có làm nhiều bài thơ, nay chí còn truyền lại 1 bài:
HOÀNG HOA CƯƠNG (*)
Mồ bảy mươi hai liệt sĩ đây
Hoàng Hoa Cương hẹn đã bao ngày
Liễn nêu dũng cảm đời roi dấu
Bia tạc anh hùng địch khiếp oai
Ngắm cảnh riêng mừng non nước đấy
Trông gương như đốt ruột gan nầy
Kèn khi khởi nghĩa dường nghe giục
Gánh nợ quê hương nặng lại đầy
(Nguyễn Quang Diêu) 1926
(*) Chú thích:
Hoàng Hoa Cương (ngọn đồi Hoàng Hoa) là nơi dành chôn 72 liệt sĩ Quốc Dân đảng Trung Hoa tử trận trong cuộc khởi nghĩa ở Quảng Châu ngày 29-3-1911 (trước cách mạng Tân Hợi tháng 10, 1911). Sau khi Liệt sĩ Phạm Hồng Thái chết ở sông Tây giang, Quảng Châu; Tổng đốc Hồ Hán Dân cho cải táng từ chân đồi Bạch Vân về Hoàng Hoa Cương (tháng 3, 1925).
Những bài thơ sau khi về nước cho đến khi qua đời (1926-1936). Ông Nguyễn Quang Diêu phải hoạt động bí mật, trốn tránh chính quyền thuộc địa:
KHÔNG NHÀ KHÔNG NƯỚC
Chẳng phải tiên cũng chẳng phải thần
Không nhà không nước khổng ra thân
Trời cao lồng lộng ê da óc
Đất rộng mênh mông sợ sẩy chân
Tím ruột bầm gan nhìn võ trụ
Châu mày sốt mắt ngó đay cân
Thôi liều nhắm mắt đưa chơn vậy
Một kiếp phù sinh dễ mấy lần.
(Nguyễn Quang Diêu)
THƯƠNG ... TRÁCH
Thương ai ai nỡ chẳng thương mình
Tưởng lúc gian truân chán thế tình
Nhớ đến thề lòng non với nước
Trông sao bền dạ sắt cùng đinh
Đợi cơn mây kịt trời dông dữ
Chờ hội trời nghiêng đất hết chinh
Than phận thuyền con mà bể cả
Trách vì chưa phỉ chí bình sinh.
(Nguyễn Quang Diêu)
KHÔNG NHÀ
Thiên hạ bao nhiêu bợm chẳng nhà
Hỏi coi ai có cảnh như ta ?
Phôi pha tình tứ thơ và rượu
Chầu chực hôm mai chó với gà
Thấy khách toan mời e khách lạ
Trông trời muốn hỏi ngại trời xa
Thôi ôm cầm đợi tri âm đã
Sẽ ngỏ cùng nhau chuyện ruột rà.
(Nguyễn Quang Diêu)
NƯƠNG MÌNH CỬA PHẬT
Trải nếm mùi trần chán đắng chua
Tương rau đạm bạc bữa cơm chùa
Răng lòng cửa Phật cơn sa sút
Nóng ruột đường đời nỗi được thua
Tủi kiếp trầm luân làn sóng dập
Tỉnh hồn đọa lạc tiếng chuông khua !
Co tay tính lại mười năm lẻ
Trải lắm mùi trần chán đắng chua ?
(Nguyễn Quang Diêu)
PHẬN BÈO
Liều lĩnh gì hơn cái phận bèo
Mặc dầu sóng gió nổi phêu phêu
Ngảnh tai phiêu bạc chầm theo nước
Gởi dấu đông tây cứ chực dèo (*)
Tầm khách tha hương đoàn tụ mãi
Báo phương ngư phủ thảm sầu đeo
Trông vời bể cả bườn men tớt
Liều lĩnh gì hơn cái phận bèo !
(Nguyễn Quang Diêu)
(*) Chú thích: Chực dèo = chờ mòi = chờ đợi và coi mòi. Từ ngữ miền Nam lúc bấy giờ.
Chí khí của ông Nguyễn Quang Diêu không thay đổi:
NGÀY TẾT THẤY CỜ CẢM TÁC
Dọc ngang cờ Pháp với cờ Tàu
Ủa lá cờ ta hẳn ở đâu?
Trông thế lực người sôi máu sắt
Nghĩ danh giá nước thẹn mày râu
Non sông vì nợ xưng Hồng Lạc
Mặt mũi nào còn ngó Mỹ Âu
Vinh nhục chung nhau ai cũng thế
Thương nhau ta phải liệu sao nhau?
(Nguyễn Quang Diêu)
So với ông Phan Bội Châu cũng vào lúc cuối đời:
CÂY CỜ
Ai ơi xin thử ngó cây cờ
Một lá kia kìa dáng phất phơ
Cao thấp quyền về tay kẻ múa
Trắng vàng màu lựa mặt người ưa
Trên cao mấy cửa chiêu bài hão
Xoay đủ tứ bề ngọn gió đưa
Rồi cũng về tay ai nấy phất
Xôn xao dưới bóng bọn vây hùa.
(Phan Bội Châu)
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Bài viết nầy đăng lần đầu tiên trong phanthuonghai.com (trong mục "Thơ và Sử": viết sau bài "Phan Châu Trinh" và trước bài "Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh").
Tài Liệu Tham Khảo:
Việt Sử Tân Biên (Phạm Văn Sơn)
Chí Sĩ Nguyễn Quang Diêu (Nguyễn Văn Hầu)
Văn Uyển (Lãng Ba Phan Văn Bộ)
Trang Thơ Thi Viện Net
Wikipedia
THƠ KHI VỀ THĂM VIỆT NAM 2020
(Bs Phan Thượng Hải)
Đi Du Lịch từ Bắc vô Nam
*
Bắc Kỳ: Hà Nội, Ninh Bình và Hoa Lư và vịnh Hạ Long
THĂM HÀ NỘI
Thủ đô Hà Nội cạnh sông Hồng
Du khách dừng chân một cuối Đông
Lẩn quẩn Ba Đình quanh Phố cổ
Lang thang Hoàn Kiếm gặp hàng rong
Viếng vài hồ đẹp đà ưng ý
Thăm những chùa xưa được thỏa lòng
Viễn thị Long Biên, cầu lịch sử
Tìm xem Văn miếu nhớ Thăng Long.
(Phan Thượng Hải)
1/8/20
CHÙA TRẤN QUỐC
Trang nghiêm xinh xắn cạnh Tây Hồ
Cổ tự lâu đời trấn quốc đô
Mái thấp, chùa sau bên đại thụ
Tầng cao, tháp trước giữa phù đồ
Tượng thờ chánh điện trầm hương tỏa
Hoa đẹp tổ đình phướn điểm tô
Vãng cảnh Thiền môn quì lạy Phật
Tai nghe văng vẳng tụng nam mô.
(Phan Thượng Hải)
1/12/20
CHÙA MỘT CỘT
Từ thời nhà Lý tự hoàng gia
Chùa nhỏ và xưa nhất nước nhà?
Một cột chống lên, xây chánh điện
Một hồ ở dưới, nổi liên hoa
Thiên thu biểu thị nguồn tôn giáo
Thiên thủ Quan Âm tượng Phật Bà
Kiến trúc dị thường và đặc biệt
Đến xem thấy rõ toại lòng ta.
(Phan Thượng Hải)
2/6/20
CHÙA BÁI ĐÍNH MỚI
Tân lập, tự hào của quốc gia
Ngôi chùa quá rộng giữa Ta Bà
Tượng nhiều, La Hán bên Bồ Tát
Tượng lớn, Quan Âm với Thích Ca
Ngắm nghía điện thờ trông tráng lệ
Ngắm nhìn tầng tháp thấy nguy nga
Làm nơi du lịch dùng tôn giáo
Mê hoặc nhân dân dụng Phật Đà.
(2/4/20)
ANH HÙNG HOA LƯ (*)
Viết sử Hoa Lư, chọn chữ trung
Sử gia chối bỏ một anh hùng
Đinh Tiên Hoàng tựa cành lau động
Lê Đại Hành như cánh hộc tung
Phá Tống liệt oanh tròn nghĩa cả
Bình Chiêm dũng cảm trả thù chung
Công lao hậu thế nên ghi nhớ
Bảo quốc an dân chúng phục tùng.
(Phan Thượng Hải)
2/7/20
(*) Chú thích:
Sử gia hiện đại viết về Hoa Lư chỉ vinh danh Đinh Tiên Hoàng mà thôi và lên án Lê Đại Hành, cho rằng đã âm mưu với Thái hậu Dương Vân Nga soán ngôi (Đinh Tiên Hoàng).
DU NGOẠN VỊNH HẠ LONG
Một phen du ngoạn đã hằng mong
Thế giới kỳ quan, vịnh Hạ Long
Sóng nước êm đềm trên biển rộng
Làn mây lơ lửng giữa trời trong
Ngắm ngàn hòn đảo gồm thiên hạ
Đi một khách thuyền lướt gió đông
Nhàn nhã thân tâm hòa cảnh lịch
Lâng lâng cảm giác nhẹ mênh mông.
(Phan Thượng Hải)
2/5/20
*
Trung Kỳ: Hội An, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị và Quảng Bình (Phong Nha).
ĐÈO HẢI VÂN
Trên biển dưới mây gọi Hải Vân
Chính là Đèo Cả của Trung phần
Biển xanh nước biếc khơi trùng sóng
Mây trắng trời trong thoát lụy trần
Không chống xâm lăng gìn đất nước
Ít làm hứng khởi giúp thi nhân
Đường hầm hiện đại đi bên dưới
Đèo Cả xuyên qua thiếu hải vân.
(Phan Thượng Hải)
1/17/20
VIẾNG HUẾ
Ghé thăm viếng Huế, đất Thần Kinh
Thú vị đôi ngày chốn địa linh
Hiểu biết hoàng triều từ Đại nội
Làm quen ẩm thực tự cung đình
Hương giang lướt nhẹ qua Long Thọ
Thiên Mụ nhìn xa thấy Ngự Bình
Thán phục công trình lăng Khải Định
Cố tìm nhân kiệt, gặp O xinh.
(Phan Thượng Hải)
1/18/20
THÁNH ĐỊA LA VANG HIỆN ĐẠI
Chiều Đông vắng lặng ghé La Vang
Phong cảnh dạo xem thấy ngỡ ngàng
Phế tích thánh đường còn hiện hữu (1)
Tượng hình Đức Mẹ đã tân trang (2)
Cội nguồn danh tánh đà thay đổi (3)
Địa điểm hành hương quá mở mang
Cảm thấy mất đi truyền thống cũ (4)
Tâm tư thắc mắc dạ bàng hoàng.
(Phan Thượng Hải)
2/3/20
Chú thích:
(1) Thánh đường La Vang đã bị phá hủy trong chiến tranh vào năm 1972 chỉ còn lại phế tích là cái lầu chuông mà thôi.
(2) Tượng Đức Mẹ mới trang phục như một phụ nữ Việt Nam thuở xưa.
(3) Chỗ nầy khi Đức Mẹ hiện ra vào năm 1798 có nhiều cây Lá Vằng. Khi người Pháp đến, viết bằng chữ Pháp không bỏ dấu nên thành ra La Vang và thành tên của nơi nầy. Cây Lá Vằng là loại cây có hạt đen ăn được và làm vị thuốc được. Hiện có 1 khu vườn nhỏ trồng cây Lá Vằng ở đây để làm chứng.
(4) Tương truyền vào thời cấm đạo của vua Cảnh Thịnh, giáo dân phải trốn vào một vùng hẻo lánh (ngày nay thuộc huyện Hải Lăng, Quảng Trị) thì có Đức Mẹ Maria hiện ra giúp đỡ như là một phép lạ (1798). Đó là câu chuyện phép lạ của “Đức Mẹ La Vang”. Một giả thuyết về cái tên “La Vang” là vì ở một nơi hẻo lánh nên để liên lạc với nhau thì phải “la” lớn, mà “la” lớn thì phải “vang”. Thánh địa La Vang trở thành Vương Cung Thánh Đường (Basilica) đầu tiên của nước Việt Nam (1961), một năm trước Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn.

(Phế tích Thánh đường cũ) (Hình tượng Đức Mẹ mới)
CẦU HIỀN LƯƠNG
Đi ra Bến Hải, ghé Hiền Lương
Kinh nghiệm ngang qua những chiến trường
Quảng Trị, Đông Hà; bao thảm khốc
Gio Linh, Cam Lộ; lắm tang thương
Miền Nam, Miền Bắc; hờn phân quốc
Cộng Sản, Cộng Hòa; hận đối phương
Lặng ngắm cầu xưa ôn dĩ vãng
Đau buồn uất ức kẻ ly hương.
(Phan Thượng Hải)
1/18/20

(Cầu Hiền Lương xưa ở bên phải; cầu hiện đại ở bên trái)
*
Nam Kỳ: Cần Thơ, Châu Đốc, Mỹ Tho và Sài Gòn
CẦN THƠ KỶ NIỆM
Cái gì kỷ niệm xứ Cần Thơ?
Cái bến Ninh Kiều đẹp mộng mơ
Cái Tắc xe đi đường tẽ lối
Cái Răng ghe nhóm chợ gần bờ
Cái Vồn qua bắc, tàu xuôi ngược
Cái Khế ngang sông, nước lặng lờ
Cái Sắn theo kinh, người giữ đạo
Cái tình luyến nhớ thuở còn thơ.
(Phan Thượng Hải)
1/21/19
MIẾU BÀ CHÚA XỨ
Linh thiêng tồn tại với thời gian
Nổi tiếng miếu Bà khắp Hậu Giang
Từ đỉnh núi Sam hình xuất hiện
Ngự nơi Châu Đốc tượng huy hoàng
Tôn thờ, dân chúng về cầu nguyện
Tín ngưỡng, dân tình thắm điểm trang
Ngày vía tháng tư, người tụ họp
Tắm Bà Chúa Xứ hiển vinh quang.
(Phan Thượng Hải)
1/21/20

(Bắc và Bến bắc Cần Thơ thuở xưa)
BẮC MIỀN TÂY
Nay còn đâu những Bắc Miền Tây
Để lại tình xưa những nhớ đầy
Mỹ Thuận rộn ràng thời trẻ dại
Cần Thơ êm ái tuổi thơ ngây
Thay nhiều bến cũ đà hoang phế
Với lắm cầu treo mới dựng xây
Vàm Cống băng qua, nhìn Rạch Miễu
Thương về quá khứ chạnh niềm tây.
(Phan Thượng Hải)
1/24/20
*
Kết Luận
VIẾNG QUÊ HƯƠNG
Tết nầy du lịch viếng quê hương
Quá bộ nhiều nơi lắm nẻo đường
Từ Bắc hiếu kỳ tìm cảnh đẹp
Vô Nam ký ức rộn lòng thương
Tri tân cảm cựu dù minh mẩn
Cỡi ngựa xem hoa khó tận tường
Bốn chục năm qua vui viễn xứ
Kiếp tằm buông thả cứ tơ vương?
(Phan Thượng Hải)
1/24/20
Ở Sải Gòn thăm Gia đình và Bạn bè
*
SÀI GÒN HOÀI CẢM (*)
Địa danh sống mãi ở tình trường
Bốn chục năm qua trải gió sương
Đã hết êm đềm thời lộng nguyệt
Lại thêm hỗn độn dưới tà dương
Sài Gòn hoa lệ tràn nhung nhớ
Hòn Ngọc Viễn Đông vợi tiếc thương
Cách mặt đau lòng không đổi dạ
Hương xưa hoài cảm tự can trường.
(Phan Thượng Hải)
Năm 2015
(*) Họa bài Thăng Long Hoài Cổ của Bà Huyện Thanh Quan.
*
CHỊU TRẬN (*)
Bốn chục năm nay hết chiến chinh
Thương ai ở lại mộng an bình
Sống đời chật vật qua "hồ hởi"
Gần kẻ ngu đần biết chí minh
Xâm lược ngoại bang gieo thảm họa
Độc tài nội trị hại sanh linh
Thắng thua chiến cuộc ngưng hồi ký (*)
Chịu trận lâu nay đủ thất tình?
(Phan Thượng Hải)
6/28/18
(*) Chú thích:
Người ở lại Miền Nam sau 75 tự gọi mình là "Người Chịu Trận", gọi người từ Miền Bắc vào là "Người Thắng Trận" và gọi người lánh ra ngoại quốc là "Người Thua Trận".
Hồi ký = ghi nhớ lại
NGƯỜI BẮC NGƯỜI NAM
Hơn thua khác biệt tự hai miền
Người Bắc luôn giành đứng trước tiên
Xã hội xã giao cao tước lộc
Kinh doanh kinh tế lắm đồng tiền
Đỉnh cao trí tuệ làm văn hóa
Sức mạnh tham ô nắm chánh quyền
Trong cảnh thanh bình đà tiến bộ
Người Nam vẫn sống vẫn người hiền.
(Phan Thượng Hải)
1/26/20
*
Kết Luận
VIẾNG QUÊ NHÀ DỊP TẾT
Nhân khi dịp Tết viếng quê nhà
Nguồn cội tìm về tổ quốc ta
Quyến thuộc kiếm thăm, lòng xúc động
Thân bằng gặp lại, dạ hài hòa
Đồng bào vô niệm đang vui vẻ
Cảnh vật vô thường đã nở hoa
Thời thế cảm thông tình viễn xứ
Lương tâm an ủi trở về nhà.
(Phan Thượng Hải)
1/30/20
So sánh với những bài thơ cũ
*
CHÙA TRẤN QUỐC
Trang nghiêm xinh xắn cạnh Tây Hồ
Cổ tự lâu đời trấn quốc đô
Mái thấp, chùa sau bên đại thụ
Tầng cao, tháp trước giữa phù đồ
Tượng thờ chánh điện trầm hương tỏa
Hoa đẹp tổ đình phướn điểm tô
Vãng cảnh Thiền môn quì lạy Phật
Tai nghe văng vẳng tụng nam mô.
(Phan Thượng Hải)
1/12/20
CHÙA TRẤN QUỐC
Trung lập càn khôn vững đế đô
Mảnh danh trấn quốc ở Tây Hồ
Xuân thu thêm có mười phần lạ
Hoa cỏ đành hay một thức phô
Hây hẩy hương trời thơm nữa xạ
Làu làu đèn bụt rạng như tô
Kìa ai đủng đỉnh làm chi đấy
Một tiếng kinh khua một chữ mô.
(Lê Thánh Tông)
CHƠI CHÙA TRẤN QUỐC
Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu
Khách đi qua đó chạnh niềm đau
Mấy tòa sen rót mùi hương ngự
Năm thức mây phong nếp áo chầu
Sóng lớp phế hưng coi đã rộn
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau
Người xưa cảnh cũ nào đâu tá?
Khéo ngẩn ngơ thay lũ trọc đầu.
(Bà Huyện Thanh Quan)
*
ĐÈO HẢI VÂN
Trên biển dưới mây gọi Hải Vân
Chính là Đèo Cả của Trung phần
Biển xanh nước biếc khơi trùng sóng
Mây trắng trời trong thoát lụy trần
Không chống xâm lăng gìn đất nước
Ít làm hứng khởi giúp thi nhân
Đường hầm hiện đại đi bên dưới
Đèo Cả xuyên qua thiếu hải vân.
(Phan Thượng Hải)
1/17/20
VỊNH ĐÈO CẢ (HẢI VÂN)
Dặm liễu nghìn mai cảnh quạnh hiu
Chia đôi Thuận Quảng một hòn đèo
Lá dòm mặt nước cây mong lội
Biển bọc chân non sóng muốn trèo
Trái đất nằm ngang đường ngốc ngách
Chưn trời đứng sựng dốc cheo leo
Vén chân thử bước lên trên ngút
Dỏi thấy vầng trăng đỏng đảnh theo.
(Vua Lê Thánh Tôn)
*
SÀI GÒN HOÀI CẢM (Họa)
Địa danh sống mãi ở tình trường
Bốn chục năm qua trải gió sương
Đã hết êm đềm thời lộng nguyệt
Lại thêm hỗn độn dưới tà dương
Sài Gòn hoa lệ tràn nhung nhớ
Hòn Ngọc Viễn Đông vợi tiếc thương
Cách mặt đau lòng không đổi dạ
Hương xưa hoài cảm tự can trường.
(Phan Thượng Hải)
Năm 2015
THĂNG LONG HOÀI CỔ (Nguyên bản)
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Non còn cau mặt với tang thương
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.
(Bà Huyện Thanh Quan)
SÀI GÒN
Sài-gòn có bến Chương-dương
Có dinh Độc-lập có đường Tự-do
Phường Chợ-quán, khóm Cầu-kho
Bến xe Lục-tỉnh, con đò Thủ-thiêm
Ô-tô-buýt chạy khắp miền
Vườn chơi có Thảo-cầm-viên, Tao-đàn...
Bến-thành có tiếng tăm vang
Chợ Cầu-ông-Lãnh lại càng nên đi...
Xe đò xe máy tắc xi
Bình-tây, Khánh-hội, ngại gì xa xôi
Chánh-hưng, Phú-nhuận, đây rồi
Thị-nghè, Tân-định, nhiều nơi còn chờ
Trải bao thay đổi đến giờ
Khắp nơi đã rợp bóng cờ vinh quang
Sài-gòn, thủ phủ Việt-nam
Mai ngày kiến thiết mở mang còn nhiều.
(Bảo Vân)
Thời Đệ nhất Cộng hòa 1950s
*
CẦN THƠ KỶ NIỆM
Cái gì kỷ niệm xứ Cần Thơ?
Cái bến Ninh Kiều đẹp mộng mơ
Cái Tắc xe đi đường tẽ lối
Cái Răng ghe nhóm chợ gần bờ
Cái Vồn qua bắc, tàu xuôi ngược
Cái Khế ngang sông, nước lặng lờ
Cái Sắn theo kinh, người giữ đạo
Cái tình luyến nhớ thuở còn thơ.
(Phan Thượng Hải)
1/21/19
CÁI GÌ ĐÂY
Cái Sắn vinh danh, nhớ Cái Côn
Cái Nhum cầu nguyện rỗi linh hồn
Cái Mơn nặng trĩu đầy hoa trái
Cái Khế theo về tận xóm thôn
Cái Tắc xứ quê người trở lại
Cái Bè cam ngọt tiếng như cồn
Cái Răng giữ nước từ muôn ngả
Cái Cối bên sông, giống Cái Vồn.
(Cóc Mun Trương Sang)
8/18/11
Bs Phan Thượng Hải biên soạn

2 THẾ HỆ (1960-2020), 1 Ý THƠ (CANH TÝ)
XUÂN CANH TÝ CẢM TÁC
Chẳng biết năm nay thứ chuột nào?
Nếu mà chuột lắt, phá làm sao
Hễ là chuột xạ, thì la ó
Bằng phải chuột cơm, để nấu xào
Chuột cống, nước dơ thường giẵm lội
Chuột lang, đất ráo cứ bươi đào
Chuột cà xốc thích làm anh chị
Còn xích đu chơi, ắt chuột Tàu.
Lãng Ba Phan Văn Bộ
16-1-1960
XUÂN CANH TÝ CHUỘT XÔNG NHÀ
Canh Tý đến rồi, Kỷ Hợi qua
Phải nhờ đúng chuột đến xông nhà
Thặng dư, chuột cống khôn tìm tớ
No đủ, chuột cơm dại kiếm ta
Chuột lắt bé con, người vẫn trẻ
Chuột lang thanh bạch, đức thêm già
Giao thừa chuột lợn mừng năm mới
Tiếp tục an khang sống thuận hòa.
Phan Thượng Hải
19-12-2019

THƠ MỘNG HOÀNG HẠC LÂU
Phan Thượng Hải
Hoàng Hạc Lâu ở bên bờ sông Trường Giang (sông Dương Tử), thuộc thành phố Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Hoàng Hạc Lâu được xem là một trong bốn tứ đại danh lâu của Trung Quốc và là ngôi lầu nổi tiếng với bài thơ "Hoàng Hạc Lâu" của Thi sĩ Thôi Hiệu đời nhà Đường.
Ba ngôi lầu nổi tiếng kia là: Nhạc Dương Lâu, Đằng Vương Các và Bồng Lai Các.
Bố Cục
Hoàng Hạc Lâu (trang 1)
Thơ Chữ Hán
Thôi Hiệu (trang 2)
Lý Bạch (trang 6)
Đường Thi (trang 8)
Sứ Thần Nước Việt (trang 9)
Thơ Chữ Quốc Ngữ
Thơ Dịch bài thơ của Thôi Hiệu (trang 16)
Thơ Sáng tác (trang 20)
Kết Luận (trang 21)
HOÀNG HẠC LÂU
Hoàng Hạc Lâu là ngôi lầu được xây dựng ở trên ghềnh đá Hoàng Hạc của núi Xà Sơn thuộc huyện Vũ Xương tỉnh Hồ Bắc.
Có 3 truyền thuyết cho rằng có người thấy:
Tiên ông Vương Tử An (Wang Zi An) cởi hoàng hạc từ ghềnh đá nầy của núi Xà Sơn mà
bay lên trời.
Tiên ông Phí Văn Vi (Fei Wen Yi) cởi hạc hạ cánh xuống nghỉ ở ghềnh đá nầy.
Tiên ông Lữ Đồng Tân (Lu Dong Bin) trong Bát Tiên từ trời giáng hạ xuống Xà Sơn.
Do đó ngôi lầu nầy có tên là Hoàng Hạc Lâu.
Theo như lịch sử thời Tam Quốc, sau khi thắng Quan Vũ (Quan Công) và chiếm đất Kinh Châu của nước Thục (gồm 2 tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam bây giờ) vào năm 219; triều đình nước Ngô dưới thời Tôn Quyền cho xây 1 tòa thành (Citadel) ở Vũ Xương để phòng thủ đường sông Trường Giang thì Hoàng Hạc Lâu đầu tiên được xây cất cùng một lúc ở đây (năm 223).
Hoàng Hạc Lâu ngày xưa là nơi gặp mặt tao đàn của các văn nhân mặc khách đương thời. Trong thời Đường (618-907), các thi nhân đến Hoàng Hạc Lâu để vừa thưởng ngoạn phong cảnh non nước mây ngàn hữu tình, vừa uống rượu làm thơ.
Đến nay đã gần 1800 năm Hoàng Hạc Lâu đã có 12 lần bị thiêu hủy (vì chiến tranh), 12 lần xây cất lại. Năm 1957 khi cây cầu đầu tiên vượt sông Trường Giang được xây cất, vị trí cũ của Hoàng Hạc Lâu bị trưng dụng và các kiến trúc Hoàng Hạc Lâu được dời cách vị trí cũ 1 km.
Tháng 10 năm 1981, Hoàng Hạc Lâu được tái thiết và tháng 6 năm 1985 được khánh thành. Đó là một công trình được xây lại bằng vật liệu hiện đại và có một cầu thang máy. Hoàng Hạc Lâu hiện đại nằm trong Hoàng Hạc Công Viên là nơi thu hút du khách trong và ngoài nước Trung Quốc.
Hoàng Hạc Lâu nằm ở Vũ Xương ngay chỗ sông Hán Thủy chảy vào sông Trường Giang làm thành như hình chữ nhân (của Hán tự). Hai con sông nầy chia Thành phố Vũ Hán (Wuhan) ralàm 3 vùng: Vũ Xương (Wuchang) ở hữu ngạn sông Trường Giang và Hán Khẩu (Hankou) và Hán Dương (Hanyang) ở tả ngạn sông Trường Giang (2 bên bờ sông Hán Thủy). Mặt tiền của Hoàng Hạc Lâu (ở Vũ Xương) nhìn qua Hán Dương bên kia bờ sông Trường Giang. Bãi Anh Vũ ở bờ sông Trường Giang, thuộc Hán Dương.
THƠ CHỮ HÁN (HÁN TỰ)
1) Thôi Hiệu
Hoàng Hạc Lâu nổi tiếng với một bài thơ của Thôi Hiệu (710-754) làm vào thế kỷ thứ 8. Có sách cũ viết là Thôi Hạo.
HOÀNG HẠC LÂU
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tái không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
(Thôi Hiệu)
* Nội Dung bài thơ
(Dịch nghĩa)
HOÀNG HẠC LÂU (= LẦU HOÀNG HẠC)
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
= Người xưa đã cỡi hoàng hạc (=hạc vàng) đi (rồi)
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
= Đất ấy không chở (đi) Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
= Hoàng hạc (=hạc vàng) một đi không trở lại lần nữa
Bạch vân thiên tái không du du
= Ngàn mây trắng lửng lơ đầy bầu trời
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
= Sông quang tạnh (thấy) rất rõ ràng cây (của vùng đất) Hán Dương
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
= Cỏ thơm buồn bã tịch mịch bãi (đất bồi) Anh Vũ
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
= Trời tối quê nhà là nơi đâu?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
= Khói sóng trên sông khiến người (thấy) buồn (=sầu).
(Dịch Thơ)
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
Hạc vàng đi mất từ xưa
Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai
(Tản Đà)
Nội Dung của bài thơ có 3 Đoạn:
Đoạn 1 kể chuyện người xưa cởi hạc đi không trở lại chỉ còn ngôi lầu Hoàng Hạc:
Người xưa đã cỡi hoàng hạc (=hạc vàng) đi (rồi)
Đất ấy không chở (đi) Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc (=hạc vàng) một đi không trở lại lần nữa
Đoạn 2 tả cảnh chung quanh trên dưới lầu Hoàng Hạc:
Ngàn mây trắng lửng lơ đầy bầu trời
Sông quang tạnh (thấy) rất rõ ràng cây (của vùng đất) Hán Dương
Cỏ thơm buồn bã tịch mịch bãi (đất bồi) Anh Vũ
Đoạn 3 tức cảnh sinh tình, nhìn sông (Trường Giang) vào buổi chiều mà buồn nhớ quê nhà:
Trời tối quê nhà là nơi đâu?
Khói sóng trên sông khiến người (thấy) buồn (=sầu).
Bài thơ không tả "Hoàng Hạc lâu" ra sao.
Bố cục không theo đúng thể thức "Đề, Thực Luận, Kết" của Thơ Đường cổ điển.
* Hình Thức của bài thơ
Trên lý thuyết bài thơ được sắp theo thể thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú.
Nếu như vậy thì bài thơ thất luật.
- Thất Luật 1:
Trước hết là trật âm luật
Những chữ in đậm là những chữ trật âm luật:
HOÀNG HẠC LÂU
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tái không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
(Thôi Hiệu)
- Thất Luật 2:
Câu 3 và câu 4 phải đối nhau nhưng chúng đối không chỉnh trong bài thơ:
HOÀNG HẠC LÂU
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tái không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
(Thôi Hiệu)
- Thất Luật 3:
Nói về vần thì nếu Câu 1 không có vần, nó phải đối với Câu 2. Câu 1 của bài thơ không có vần mà lại đối không chỉnh với câu 2:
HOÀNG HẠC LÂU
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tái không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
(Thôi Hiệu)
- Thất Luật 4:
Cuối cùng, bài thơ có điệp ngữ một cách không thứ tự hay không cân đối.
Chữ hoàng hạc có thể được dùng lại ở câu 1 và 2 nhưng không được dùng ở câu 3 vì
như vậy thì không khéo.
Chữ khứ ở câu 1 dùng lại một cách vụng về ở câu 3.
HOÀNG HẠC LÂU
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tái không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
(Thôi Hiệu)
Bài thơ nầy thất luật rất nhiều nhưng mọi người đều cho là tuyệt tác nên Thi sĩ Quách Tấn trong sách Thi Pháp Thơ Đường của mình đành dùng từ ngữ phá luật cho bài nầy chứ không dám dùng từ ngữ thất luật!
* Hình Thức khác của bài thơ
Theo Trần Trọng San thì có một bản khác của bài thơ chỉ khác 2 chữ ở câu 1: Chữ bạch vân thay thế chữ hoàng hạc ở câu 1:
HOÀNG HẠC LÂU
Tích nhân dĩ thừa bạch vân khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tái không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
(Thôi Hiệu)
Nếu theo hình thức của bản nầy, Bài thơ không thất luật 3 và 4.
- Câu 1 và 2 đối chỉnh
- Điệp ngữ bạch vân và hoàng hạ đều là điệp ngữ khéo léo vì có thứ tự và cân đối.
Câu 1 lại không trật âm luật.
Tiếc thay bản nầy không được ai kể đến cho tới bây giờ! Nếu dùng nó và sửa chữ khứ (thành chữ khác có âm Bằng) và sửa chữ kép du du (thành 2 chữ đơn khác nhau) thì bài thơ có hình thức toàn hảo (perfect). Điều nầy nào có khó khăn cho một Thi sĩ như Thôi Hiệu?
HOÀNG HẠC LÂU
Tích nhân dĩ thừa bạch vân khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tái không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
(Thôi Hiệu)
2) Lý Bạch
*
Lý Bạch (701-762) bị tội phải đi đày xuống ở miền nam Trung Quốc (năm 758). Trên đường đi, tới Vu Sơn, Tứ Xuyên thì được triều đình tha tội (năm 759). Ông ghé qua ở vùng Hán Dương của Hoàng Hạc Lâu (năm 759-760). Tương truyền Lý Bạch khi thăm Hoàng Hạc Lâu đọc bài thơ của Thôi Hiệu (chết năm 754) thì có đọc lên hai câu thơ:
Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu.
(Lý Bạch)
Dịch nghĩa:
Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
= Trước mắt có cảnh (mà) đạo lý không thích hợp hay Trước mắt có cảnh (mà) nói không
được (nên lời).
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu
= Thôi Hiệu (đã) đề thơ ở trên đầu (của ta).
Đọc 2 câu thơ nầy ta khó lòng biết được ý của Lý Bạch là khen hay chê bài thơ của Thôi Hiệu, chỉ biết là ông không muốn làm thơ vì bài thơ của Thôi Hiệu đã tại ngay trên đầu (của ông).
*
Tuy không làm bài thơ nói về Hoàng Hạc Lâu nhưng Lý Bạch có làm 3 bài thơ có liên quan tới Hoàng Hạc Lâu trong khi ông ở vùng Hán Dương (759-760).
TỐNG MẠNH HẠO NHIÊN CHI QUẢNG LĂNG
Cố nhân tây từ Hoàng Hạc Lâu
Yên hoa tam nguyệt hạ Dương Châu
Cô phàm viễn ảnh bích không tận
Duy kiến Trường Giang thiên tuế lưu.
(Lý Bạch)
TIỄN MẠNH HẠO NHIÊN ĐI QUẢNG LĂNG (Dịch)
Cố nhân từ giả lầu Hoàng Hạc
Tháng ba hoa khói xuống Dương Châu
Bóng buồn mất hút trong trời biếc
Chỉ thấy Trường Giang trôi chảy mau.
(Trần Trọng San dịch)
ĐỀ BẮC TẠ BI
Nhất vi thiên khách khứ Trường Sa
Tây vọng Trường An bất kiến gia
Hoàng Hạc Lâu trung xuy ngọc địch
Giang thành ngũ nguyệt lạc mai hoa.
(Lý Bạch)
Chú thích:
Bắc Tạ bi: bia đá Bắc Tạ ở Hoàng Hạc lâu
Trường Sa: thủ phủ của tỉnh Hồ Nam
Trường An: kinh đô nhà Đường (lúc bấy giờ), nay thuộc tỉnh Thiểm Tây
ĐỀ BIA BẮC TẠ (Dịch)
Đi đày mình đến đất Trường Sa
Trông lại Trường An chẳng thấy nhà
Tháng năm thổi sáo lầu Hoàng Hạc
Thành sông vang khúc Lạc Mai Hoa.
(Trần Trọng San dịch)
ANH VŨ CHÂU
Anh Vũ lai quá Ngô giang thủy
Giang thượng châu truyền Anh Vũ danh
Anh vũ tây phi Lũng sơn khứ
Phương châu chi thụ hà thanh thanh
Yên khai lan diệp hương phong khởi
Ngạn giáp đào hoa cẩm lãng sinh
Thiên khách thử thời đồ cực mục
Trường châu cô nguyệt hướng thùy minh.
(Lý Bạch)
Chú thích:
Anh vũ: là con chim két.
Anh Vũ Châu: tên bãi sông ở Hán Dương, Hồ Bắc. Bên kia bờ sông Trường Giang là
Hoàng Hạc lâu.
Ngô giang: khoảng sông Trường Giang ở đất Ngô. Hán Dương thuộc đất Ngô.
Lũng Sơn: tên núi ở huyện Lũng Sơn, Thiểm Tây
Bài thơ nầy thất luật!
BÃI ANH VŨ (Dịch)
Ngày xưa anh vũ đến sông Ngô
Nên bãi mang tên tự bấy giờ
Anh vũ sang tây qua núi Lũng
Xanh xanh cây bãi ngát hương đưa
Gió lan thơm tỏa tan làn khói
Sóng gấm đào dâng sát cạnh bờ
Hờ hững kẻ đày buồn ngắm cảnh
Soi trên bãi nguyệt thấy bơ vơ.
(Trần Trọng San dịch)
3) Đường Thi
Tương truyền Hoàng Hạc Lâu ngày xưa là nơi gặp mặt tao đàn của các văn nhân mặc kháchđương thời. Trong thời Đường (618-907), các thi nhân đến Hoàng Hạc Lâu để vừa thưởng ngoạn phong cảnh non nước mây ngàn hữu tình, vừa uống rượu làm thơ.
Tuy nhiên trong tài liệu Đường Thi của thế kỷ 20 ở Việt Nam không thấy có nhiều bài thơ liên quan tới Hoàng Hạc Lâu. Ngoài bài thơ của Thôi Hiệu và những bài thơ trên của Lý Bạch vào thời Thịnh Đường (713-766) chỉ tìm thấy một bài thơ của Thôi Đồ (chết năm 901) vào thời Vãn Đường (836-905).
ANH VŨ CHÂU XUÂN VỌNG
Trướng vọng xuân khâm uất vị khai
Trùng lâm Anh Vũ ích kham ai
Tào Công thượng bất năng dung vật
Hoàng Tổ hà nhân phản ái tài
U đảo noãn văn Yên nhạn khứ
Hiểu giang tình giác Thục ba lai
Thùy nhân chính đắc phong đào tiện
Nhất điểm khinh phàm vạn lý hồi.
(Thôi Đồ)
Chú thích:
Anh Vũ châu: thời Tam Quốc, Nễ Hành làm bài phú Anh Vũ tại bãi nầy nên có tên (là Anh Vũ).
Nễ Hành có văn tài nhưng ngạo mạn nên Tào Tháo ( Tào công) sai đi sứ gặp Hoàng Tổ ở Hán Dương, mượn tay Hoàng Tổ giết Nễ Hành và chôn tại Anh Vũ Châu.
(Đất) Yên: nay là tỉnh Hà Bắc
(Đất) Thục: nay là tỉnh Tứ Xuyên
NGẮM CẢNH XUÂN TRÊN BÃI ANH VŨ (Dịch)
Ngắm cảnh lòng xuân bực bội hoài
Lại qua Anh Vũ càng bi ai
Tào công còn chẳng hay thương khách
Hoàng Tổ làm sao lại tiếc tài
Đảo ấm, nhạn Yên bay đã hết
Trời quang, sóng Thục chảy sang ngay
Sóng xuân gió thuận, ai người được
Một chấm buồm về vạn dặm khơi.
(Trần Trọng San dịch)
Từ những bài thơ nầy, độc giả biết thêm về xuất xứ tên Anh Vũ châu và biết rằng có bia Bắc Tạ ở Hoàng Hạc lâu.
4) Sứ Thần Nước Việt
Sứ thần nước Việt vào thế kỷ 18 và thế kỷ 19 thường viếng Hoàng Hạc Lâu khi đi sứ sang Trung Quốc và để lại nhiều bài thơ bằng Hán tự.
Đây là danh sách các Sứ thần có thơ vịnh Hoàng Hạc Lâu:
Năm 1715: Lê Anh Tuấn (Chánh sứ). Ông là cha nuôi bà Đoàn Thị Điểm
Năm 1761: Lê Quý Đôn (Phó sứ), Chánh sứ là Trần Huy Bật
Năm 1790: Phan Huy Ích (Chánh sứ) và Đoàn Nguyễn Tuấn (Phó sứ). Phan Huy Ích làm
3 bài thơ, Đoàn Nguyễn Tuấn làm 4 bài thơ (nhưng nay chỉ còn lưu lại 1 bài).
Năm 1807: Ngô Thì Vị (Phó sứ), sau nầy làm Chánh Sứ (năm 1821). Ông là em Ngô Thì
Nhậm.
Năm 1813: Nguyễn Du (Chánh sứ)
Năm 1834: Phan Thanh Giản (Chánh sứ)
(Hoàng Hạc Lâu vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19)
*
Những bài thơ của Lê Anh Tuấn, Lê Quý Đôn, Đoàn Nguyễn Tuấn và Phan Thanh Giản đều chịu ảnh hưởng từ bài thơ của Thôi Hiệu với tình ý gần giống vậy nhưng không kể lại chi tiết chuyện Hoàng Hạc bay đi mất.
ĐĂNG HOÀNG HẠC LÂU VỌNG HÁN DƯƠNG THỤ
Dực Chẩn danh phong chí Hán Dương,
Tứ hoàn cảnh sắc nhập bình chương.
Yên ba hạo diểu sầu nhân tứ,
Phong nguyệt chiêu yêu túy khách thương.
Già ngạn mạc liêm hoành cổ thụ,
Mê tân lâm mộc thụ phong tường.
Cư tân thùy thị trượng nhân giả,
Tu thuyết cơ tâm cứu thượng hương.
(Lê Anh Tuấn) 1671-1731
LÊN LẦU HOÀNG HẠC NHÌN CÂY HÁN DƯƠNG (Dịch)
Dực, Chẩn danh lam đất Hán Dương,
Bốn bề cảnh sắc vào văn chương.
Mênh mang khói sóng buồn lòng khách,
Trăng gió gọi mời say chén suông.
Cổ thụ giăng màn che bến nước,
Cột buồm dựng thẳng tựa rừng sương.
Trượng phu trên bến là ai đó?
Có thẹn lòng bao nỗi vấn vương.
(Nhất Uyên dịch)
HOÀNG HẠC LÂU
Tình Xuyên các ngoại hựu phương chu,
Hoàng Hạc lâu đầu ức cựu du.
Phương thảo phi quan tiền cổ hận,
Bạch vân hồn tự khứ niên thu.
Thanh sơn lịch lịch như tương thức,
Ngọc địch mangmang bất khả cầu.
Nam vọng gia hương kim giáo cận,
Yên ba giảm khước nhất phân sầu.
(Lê Quý Đôn) 1726-1784
HOÀNG HẠC LÂU (Dịch)
Ngoài gác Tình Xuyên thuyền lại qua
Trước lầu Hoàng Hạc nhớ chơi xa
Cỏ thơm hệ lụy niềm thương hận,
Mây trắng còn nguyên thu đã qua.
Núi xanh mồn một dường quen biết,
Sáo ngọc miên mang chẳng thiết tha,
Vời ngóng quê Nam gần chút nữa,
Nhìn khói trên sông bớt nhớ nhà.
(Nhất Uyên dịch)
ĐĂNG HOÀNG HẠC LÂU
Bách xích phi lâu ỷ bích không,
Nhất điều tịnh luyện giới tây đông.
Phương châu thảo mật dao song thúy,
Tình các phong sơ cách ngạn hồng.
Hùng bá tranh hành kỳ cục lý,
Thần tiên khiếu vịnh địch thanh trung.
Thừa xà hữu khách đăng cao vọng,
Thanh điếu trường giang khởi mộ trung.
(Đoàn Nguyễn Tuấn) 1750 - ?
LÊN HOÀNG HẠC LÂU (Dịch)
Trăm thước lầu cao dựa khoảng không,
Một làn lụa trắng cách tây đông.
Bãi thơm cỏ mượt xanh ngoài cửa,
Gác nắng rừng phong đỏ cách sông.
Hùng bá cuộc cờ tranh hợp lý
Thần tiên ngâm vịnh sáo bên trong
Cưỡi bè có khách lên cao ngắm,
Tiếng cối chiều hôm nổi giữa dòng.
(Nhất Uyên dịch)
ĐĂNG HOÀNG HẠC LÂU
Tích thời hạc dĩ hà niên khứ,
Thiên tải nhân tòng nam cực lân.
Anh Vũ châu tiền phong thảo lục,
Tình Xuyên các thượng bạch vân thâm.
Bán liêm lạc nhật phù Giang Hán,
Nhất phiến hàn lưu tống cổ câm (kim)
Mãn mục yên ba chuyễn trù trướng,
Du du trần mộng thập thu tâm. (*)
(Phan Thanh Giản) 1796-1867
(*) Nếu viết bằng Hán tự, chữ thu nằm trên chữ tâm thành chữ sầu Thu tâm ám chỉ
sầu buồn như câu kết của Thôi Hiệu.
LÊN CHƠI HOÀNG HẠC LÂU (Dịch)
Hạc vàng xưa khuất đã bao năm,
Từ góc trời Nam người đến thăm.
Anh Vũ trước bờ xanh cỏ mượt,
Tình Xuyên gác lững trắng mây râm,
Nửa màng trời lặn trôi Giang Hán,
Một dãi sông dài xuyên cổ kim.
Khói sóng mênh mông lòng cảm xúc
Nhặt chút lòng thu giấc mộng trần.
(Nhất Uyên dịch)
Qua những bài thơ trên, độc giả nhận ra một danh từ riêng mới là Tình Xuyên các, ngoài
những danh từ riêng đã có trong bài thơ của Thôi Hiệu (Hán Dương và Anh Vũ). (Các là tầng lầu hay tầng gác, đó là tầng của một ngôi nhà hay ngôi lầu mà không phải là tầng dưới đất).
Như vậy có 2 nhận định:
Trong Hoàng Hạc lâu có một tầng tên là Tình Xuyên
Trong bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu, chữ Tình xuyên có thể là danh từ riêng
ám chỉ Tình Xuyên các đã có vào lúc đó? Cũng có thể một tầng trong Hoàng Hạc lâu được đặt tên là Tình Xuyên các lấy từ bài thơ của Thôi Hiệu? Tình xuyên nếu là danh từ chung thì có nghĩa là sông quang tạnh, nó đã được hiểu như vậy trong bài thơ của Thôi Hiệu. Dùng như danh từ chung, chữ tình xuyên trong bài thơ của Thôi Hiệu có ý chính xác hơn.
*
Riêng Phan Huy Ích (1751-1822) có viết bài văn xuôi tả lầu Hoàng Hạc với những câu:
"Truyền thuyết Phí Văn Phi đắc đạo thành Tiên, thường cởi hạc vàng chơi ở đó.
Nay tầng thứ nhất thờ Phí Văn Phi. Tầng thứ nhì thờ Lã Đồng Tân cạnh là tượng thờ Lư Sinh. Cách bờ là bến lớn sông Hán người đông đúc hàng hóa chất đầy.
Núi Quì sơn, gác Tình Xuyên và bãi Anh Vũ thật là những cảnh đẹp trong trời đất.
Không như những Sứ thần khác, chuyến đi sứ của Phan Huy Ích vào năm 1790 rất quan trọng về phương diện chính trị. Sau khi thắng quân Thanh, vua Quan Trung phải kết ngoại giao với Tàu bằng cách cho cháu của mình là Phạm Công Trị (giả làm vua Quan Trung) sang Trung Quốc gặp vua Càn Long nhà Thanh. Chánh sứ là Phan Huy Ích và Ngô Văn Sở và Phó sứ là Đoàn Nguyễn Tuấn. Ngô Thì Nhậm ở Lạng Sơn để tùy cơ ứng biến.
Khi Phan Huy Ích tới thăm Hoàng Hạc Lâu thì ông có làm tất cả 3 bài thơ.
Ngày đầu, Phan Huy Ích làm thơ tả Hoàng Hạc Lâu cũng như những Sứ thần khác:
DU HOÀNG HẠC LÂU
Khê ki duy lãm phỏng tiên du,
Bách xích phi manh nhiếp thượng đầu.
Hoàng Hạc bạch vân nga tuyệt diệu,
Bích ba hồng thụ điếu thanh thu.
Thị thành hoa lệ đồ phi tiếu,
Yên thủy thương man khách diệc sầu.
Chân cảnh mãn tiền ngâm vị cánh,
Tá đề liêu kí thử đăng lâu.
(Phan Huy Ích)
ĐI CHƠI HOÀNG HẠC LÂU (Dịch)
Ghềnh đá buộc neo thăm cảnh tiên,
Mái cao trăm thước đỉnh lầu trên.
Hạc vàng, mây trắng, lời ngâm tuyệt,
Sóng biếc cây hồng thu gió lên.
Thành thị vẽ tranh lầu chẳng giống,
Khói sông man mác khách sầu thêm.
Cảnh đầy trước mặt ngâm chưa đã,
Mượn thơ ghi lại thú lầu tiên.
(Nhất Uyên dịch)
Và Phan Huy Ích cũng làm bài thơ gởi anh vợ của mình (là Ngô Thì Nhậm) đang lo lắng ở Lạng Sơn.
HOÀNG HẠC LÂU (Nguyên bản)
Vạn lý trì khu thủy bán trình,
Phân phân hoa phát đới sầu sinh.
Tình Xuyên các ngoại cô phàm ảnh,
Hoàng Hạc lầu tiền đoản địch thanh.
Hồi ức chi hương đồng chí khí,
Phân giao tảo bút diệc cư hành.
Giang thành nhất phiến đoàn viên nguyệt,
Tưởng diệc Đông kiều nguyệt dạ minh.
(Phan Huy Ích)
Chú thích:
Đông Kiều (Cầu Đông) bắt ngang sông Tô Lịch ở phía đông Thăng Long.
HOÀNG HẠC LÂU (Dịch)
Muôn dặm ruổi dong được nửa đường
Bạc phơ mái tóc nhuốm sầu thương
Tình xuyên ngoại cảnh buồm đơn chiếc
Hoàng Hạc trong lầu sáo đã ngưng
Nhớ lại rượu thơm, cùng chí khí
Phân chia bút viết, thãy lo lường
Sông nầy chung một vầng trăng sáng
Soi tới Cầu Đông sáng lạ thường.
(Phan Thượng Hải dịch)
Ngày hôm sau, Phan Huy Ích trở lại Hoàng Hạc Lâu làm một bài thơ tự họa bài thơ hôm trước cũng gởi cho Ngô Thì Nhậm:
TẠC LAI HOÀNG HẠC LÂU (Tự họa)
Phương thảo tình xuyên cựu khứ trình,
Qui biền hỉ tự vũ hàn sinh.
Thu quang tỉnh chiếu lâu tam điệp,
Hương tứ mang tùy nhạn nhất thanh.
Thoan sự thư hồi bưu kỵ mẫn,
Chu tư lộ viễn khách chu hành.
Nam quan bả ác tưong kỳ cứu,
Thời phán sơn đài nguyệt sắc minh.
(Phan Huy Ích)
TRỞ LẠI HOÀNG HẠC LÂU NGÀY HÔM QUA (Dịch)
Sông tạnh cỏ thơm lại tới đây
Trong xe mưa lạnh thấy vui đầy
Rạng lầu ba gác, mùa thu đó
Mang nỗi nhớ quê, tiếng nhạn nầy
Xong việc, gửi về, thư chóng tới
Hết lo, xa cách, khách về ngay
Nam Quan chắc chắn như thời hạn
Trăng sáng đầu non, định chẳng sai.
(Phan Thượng Hải dịch)
Phan Huy Ích mượn hai bài tự xướng họa trên ở Hoàng Hạc lâu để nói tâm tình của sứ thần và việc nước tại Hoàng Hạc lâu.
*
Những bài thơ của Nguyễn Du và Ngô Thì Vị đối đầu với bài thơ của Thôi Hiệu:
ĐĂNG HOÀNG HẠC LÂU
Hà xứ thần tiên kinh kỷ thì,
Do lưu tiên tích thử giang mi.
Kim lai cổ vãng Lư Sinh mộng,
Hạc khứ lâu không Thôi Hiệu thi.
Hạm ngoại yên ba chung diểu diểu,
Nhãn trung thảo thụ thượng y y.
Trung tình vô hạn bằng thùy tố,
Minh nguyệt thanh phong dã bất tri.
(Nguyễn Du) 1766-1820
Chú thích:
Lư Sinh đời Đường đến 1 quán trọ, nằm đợi chủ quán nấu nồi kê (hoàng-lương), ngủ
quên, nằm mộng thấy lấy vợ, đẻ con, sinh cháu, giầu sang, vinh hoa, phút tỉnh dậy thấy mất cả (Hoàng Lương Mộng / Giấc Mộng Kê Vàng của Lư Sinh). (theo TĐ Đào Duy Anh).
Lư Sinh có tượng thờ trong Hoàng Hạc lâu
LÊN HOÀNG HẠC LÂU (Dịch)
Xa khuất thần tiên trải bấy lâu
Bến sông dấu cũ vẫn bên lầu
Xưa đi nay lại Lư còn mộng
Hạc vắng lầu hoang Hiệu mấy câu
Ngoài gác nước mây vời vợi thẳm
Trong tầm cây cỏ vẫn xanh mầu
Ý tình chan chứa cùng ai ngỏ?
Trăng gió vô tình có biết đâu?!
(Hoàng Hoa Nguyễn Hoài Trung dịch)
LÊN HOÀNG HẠC LÂU (Dịch)
Thần tiên đã đến tự bao giờ?
Còn lại dấu tiên trên bến mơ.
Giấc mộng Lư Sinh kim cổ vọng,
Vần thơ Thôi Hiệu hạc lầu trơ.
Ngoài hiên khói sóng bay mờ mịt,
Trước mắt cỏ cây vẫn thuở xưa.
Nỗi niềm có biết cùng ai tỏ.
Trăng thanh gió mát cũng thờ ơ!
(Nhất Uyên dịch)
ĐỀ HOÀNG HẠC LÂU
Hán thủy thành biên vân thụ thụ,
Tiên nhân bất kiến, chỉ không lâu.
Hà thời tiên tế lai hoàng hạc,
Đề ý giang trung phó bạch âu.
Lý bá vị ưng thâu bút lực,
Thôi quân bất hợp tác tương sầu.
Việt Nam sứ giả Ngô Thời Vị,
Đấu đảm đề thi ký thử du.
(Ngô Thì Vị) 1774-1821
Chú thích:
Lý bá là Lý Bạch, nhắc tới 2 câu thơ của Lý Bạch
Thôi quân là Thôi Hiệu, nhắc tới bài thơ của Thôi Hiệu
ĐỀ THƠ TẠI HOÀNG HẠC LÂU (Dịch)
Sông Hán bên thành rợp lá mây,
Người tiên không thấy, thấy lầu đây.
Hạc vàng đi mãi bao giờ lại?
Âu trắng dành riêng dãi nước đầy.
Lý bá cớ chi chùn bút vội?
Thôi quân sao lại nhớ quê ngay?
Sứ thần nước Việt: Ngô Thời Vị,
Chẳng sợ làm thơ viếng cảnh này.
(Nhất Uyên dịch)
THƠ CHỮ QUỐC NGỮ
1) Dịch bài thơ "Hoàng Hạc Lâu" của Thôi Hiệu
Sau khi có chữ Quốc Ngữ, bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu được dịch ra từ Hán tự và trở nên phổ thông trong văn học Việt Nam nhất là bản dịch bằng thơ Lục bát của Tản Đà.
Bản dịch đầu tiên là của Ngô Tất Tố rồi tới Tản Đà và Trần Trọng Kim. Những bài thơ dịch dùng 1 trong 2 thể thơ: Đường Luật hoặc Lục Bát.
Đến thời VNCH, bài thơ của Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu và bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế nổi tiếng nhất trong tất cả Đường Thi nói riêng và thơ Trung Quốc nói chung. Đa số học sinh Trung học đều biết và nhớ 2 bài nầy.
Học giả Trần Trọng San của bộ Văn hóa Giáo dục lúc bấy giờ và là 1 trong những dịch giả thơ Hán tự nổi tiếng có viết:
Tôi bước vào cảnh giới Đường thi từ bến Phong Kiều cho tới lầu Hoàng Hạc. Phong
Kiều Dạ Bạc và Hoàng Hạc Lâu là hai bài đã in trong tôi ấn tượng sâu đậm nhất trong số những bài thơ Đường mà gia nghiêm dùng dạy tôi học chữ Hán trong lúc ấu thời.
Từ đó cho tới bây giờ có không biết bao nhiêu người dịch bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu.
* Nghệ thuật của Dịch giả
Trước khi đọc những bài thơ dịch, ta phải biết rành và rõ nội dung của bản chính để coi bản dịch có sát và đúng với bản chính hay không.
Bản chính:
HOÀNG HẠC LÂU
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tái không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
(Thôi Hiệu)
Dịch nghĩa:
HOÀNG HẠC LÂU (= LẦU HOÀNG HẠC)
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
= Người xưa đã cỡi hoàng hạc (=hạc vàng) đi (rồi)
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
= Đất ấy không chở (đi) Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
= Hoàng hạc (=hạc vàng) một đi không trở lại lần nữa
Bạch vân thiên tái không du du
= Ngàn mây trắng lửng lơ đầy bầu trời
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
= Sông quang tạnh (thấy) rất rõ ràng cây (của vùng đất) Hán Dương
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
= Cỏ thơm buồn bã tịch mịch bãi (đất bồi) Anh Vũ
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
= Trời tối quê nhà là nơi đâu?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
= Khói sóng trên sông khiến người (thấy) buồn (=sầu).
Sau đó ta phải nhận xét giá trị riêng về thể cách và chữ nghĩa của các bài thơ dịch.
* Thời Pháp Thuộc
LẦU HOÀNG HẠC (Dịch)
Người xưa cưỡi hạc đã lên mây
Lầu Hạc còn suông ở chốn nầy
Một vắng hạc vàng xa lánh hẳn
Nghìn năm mây bạc vẩn vơ bay
Vàng gieo bến Hán, ngàn cây hửng
Xanh ngút châu Anh, lớp cỏ dầy
Trời tối quê nhà đâu tá nhỉ?
Đầy sông khói sóng gợi niềm tây.
(Ngô Tất Tố dịch)
GÁC HOÀNG HẠC (Dịch)
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
Hạc vàng đi mất từ xưa
Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai
(Tản Đà dịch)
LẦU HOÀNG HẠC (Dịch)
Người đi cưỡi hạc từ xưa,
Đất này Hoàng Hạc còn lưu một lầu.
Hạc vàng đi mất đã lâu,
Ngàn năm mây trắng một màu mênh mông.
Hán Dương cây bóng lòng sông,
Bãi kia Anh Vũ cỏ trông xanh rì.
Chiều hôm lai láng lòng quê,
Khói bay sóng vỗ ủ ê nỗi sầu.
(Trần Trọng Kim dịch)
* Thời VNCH ở Miền Nam
HOÀNG HẠC LÂU (Dịch)
Người xưa cưỡi hạc bay đi mất,
Riêng lầu Hoàng Hạc vẫn còn đây.
Hạc đã một đi không trở lại,
Man mác muôn đời mây trắng bay.
Hán Dương sông tạnh, cây in thắm,
Anh Vũ bờ thơm, cỏ biếc dày.
Chiều tối, quê nhà đâu chẳng thấy
Trên sông khói sóng gợi buồn ai.
(Trần Trọng San dịch)
HOÀNG HẠC LÂU (Dịch)
Xưa hạc vàng bay vút bóng người
Đây lầu Hoàng Hạc chút thơm rơi
Vàng tung cánh hạc đi đi mất
Trắng một màu mây vạn vạn đời
Cây bến Hán Dương còn nắng chiếu
Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi
Gần xa chiều xuống đâu quê quán
Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi
(Vũ Hoàng Chương dịch)
* Quốc Nội ngày nay
LẦU HOÀNG HẠC (Dịch)
Ai cưỡi hạc vàng đi mất hút,
Trơ lầu Hoàng Hạc chốn này thôi!
Hạc vàng một đi đã đi biệt,
Mây trắng ngàn năm bay chơi vơi.
Sông tạnh Hán Dương cây sáng ửng,
Cỏ thơm Anh Vũ bãi xanh ngời.
Hoàng hôn về đó, quê đâu tá?
Khói sóng trên sông não dạ người.
(Khương Hữu Dụng dịch)
LẦU HOÀNG HẠC (Dịch)
Người xưa cưỡi hạc biết đi đâu?
Hoàng hạc trơ đây một mái lầu.
Biền biệt hạc vàng không trở lại,
Phiêu diêu mây trắng vẫn trên đầu.
Sông quang rõ nét Dương Hán thụ.
Cỏ mướt xanh màu Anh Vũ châu.
Quê cũ chiều tà đâu chẳng thấy.
Trên sông khói sóng khiến ai sầu.
(Văn Toàn dịch)
LẦU HOÀNG HẠC (Dịch)
Người xưa cưỡi hạc bay đi,
Trơ lầu Hoàng Hạc còn gì nữa đâu!
Một đi hạc chẳng quay đầu,
Ngàn năm mây trắng một màu phiêu diêu.
Hán Dương cây cối mỹ miều,
Bãi xa Anh Vũ, bóng chiều cỏ xanh.
Hoàng hôn đâu bóng quê mình?
Khói lan sóng nước, buồn tênh ai người?
(Văn Toàn dịch)
LẦU HOÀNG HẠC (Dịch)
Người xưa theo cánh hạc vàng
Còn đây dư một bóng Hoàng Hạc lâu
Hạc vàng đi chẳng về đâu!
Nghìn năm vời vợi trắng mầu mây bay....
Hán Dương hun hút dòng cây
Mênh mang Anh Vũ cỏ say hương ngàn
Quê xưa mơ ảnh chiều tàn
Trên sông khói sóng miên man nỗi buồn...
(Tử Đinh Hương dịch)
LẦU HOÀNG HẠC (Dịch)
Người xưa hạc lánh phương trời,
Lầu hoang Hoàng hạc ngậm ngùi còn đây.
Không về nữa! Hạc vàng bay,
Mênh mông mây trắng trôi dài thiên thu.
Bóng cây sông Hán lặng lờ,
Cỏ xanh Anh Vũ đầy bờ chơi vơi.
Quê hương đâu bóng chiều ơi?
Khói sông man mác, đầy vơi lòng sầu.
(Nhất Phiến Vân dịch)
* Nơi Hải Ngoại ngày nay
HOÀNG HẠC LÂU (Dịch)
Người theo cánh hạc vút về đâu
Còn lại quanh đây quạnh mái lầu
Một chuyến hạc vàng biền biệt dạng
Ngàn năm mây trắng quẩn quanh đầu
Hán Dương sông lặng cây nghiêng bóng
Anh Vũ bờ thơm cỏ biếc mầu
Nắng ngã chiều rồi quê chẳng thấy
Trên dòng, khói sóng chợt dâng sầu.
(Thiên Tâm Đặng Phương Trạch dịch)
2/9/2004
2) Thơ Sáng Tác
Tuy không có dịp viếng thăm Hoàng Hạc lâu, nhưng có rất nhiều Thi sĩ làm thơ bằng chữ Quốc ngữ để vịnh Hoàng Hạc Lâu như Thôi Hiệu.
* Thời VNCH
Vũ Hoàng Chương vừa có dịch thơ Hoàng Hạc Lâu vừa có thơ vịnh Hoàng Hạc lâu. Thơ vịnh của Vũ Hoàng Chương mượn tứ thơ của Nguyễn Du.
HOÀNG HẠC LÂU
Đã bao giờ có hạc vàng đâu
Mà có người tiên để có lầu!
Tưởng hạc vàng đi mây trắng ở
Lầm Thôi Hiệu trước, Nguyễn Du sau
Hạc chưa thoát khỏi mê hồn kịch
Tiên vẫn nằm trong vạn cổ sầu
Trăng gió hão huyền như khói sóng
Nồi kê đã chín nghĩ mà đau.
(Vũ Hoàng Chương)
* Nơi Hải Ngoại
Thi sĩ hải ngoại ngày nay vẫn giữ tình tứ của Thôi Hiệu.
Đây là 2 bài tiêu biểu:
HOÀNG HẠC LÂU
Thần tiên ngày ấy biệt chơi vơi
Để dấu bên sông chẳng thấy người
Sự thế xưa nay dường giấc mộng
Thơ Thôi còn đó hạc xa khơi
Gợn buồn khói sóng bên hiên vắng
Cỏ biếc mênh mang tận cuối trời
Cảnh ấy tình nầy ai thấu rõ?
Gió trăng man mác mặc tình đời.
(Bùi Đắc Hùm)
1/28/13
HOÀNG HẠC LÂU
Nào có bao giờ có hạc đâu
Thần tiên nào có có chăng lầu
Tao nhân trông thấy dâng nguồn hứng
Mặc khách nhìn mây vớ vẩn sầu
Cây bến Hán Dương lồng bóng nước
Cỏ bờ Anh Vũ thắm tươi mầu
Khách thơ qua đó bâng khuâng dạ
Thương hải tang điền chạnh xót đau.
(Hoàng Hoa Nguyễn Hoài Trung)
1/20/13
KẾT LUẬN
Tháng 10 năm 1981, Hoàng Hạc Lâu được tái thiết và tháng 6 năm 1985 khánh thành. Đó là một công trình được xây lại bằng vật liệu hiện đại và có một cầu thang máy. Hoàng Hạc Lâu hiện đại nằm trong Hoàng Hạc Công Viên là nơi thu hút du khách trong và ngoài nước Trung Quốc. Vũ Hán thành một thành phố lớn, mệnh danh là Chicago của Trung Qu
Hoàng Hạc Lâu ngày nay Ngày nay từ Hoàng Hạc Lâu nhìn về sông Trường Giang và Tp Vũ Hán: Vũ Xương bên nầy và Hán Dương bên kia sông)
Du khách viếng thăm Hoàng Hạc Lâu vào thế kỷ 21 có bài thơ:
THĂM HOÀNG HẠC LÂU HIỆN ĐẠI
Hoàng hạc nghe danh, có gặp đâu
Thế mà tái dựng lắm ngôi lầu
Thi nhân thử vận đề hoa tự
Du khách khai quan thượng mỹ lâu
Anh Vũ nơi nao, toàn phố xá
Hán Dương chốn đó, cách cây cầu
Khó lòng giả bộ theo Thôi Hiệu
Tức cảnh thành thơ, dạ chẳng sầu.
(Phan Thượng Hải)
5/3/2007
PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Tài Liệu tham khảo:
1) Đường Thi (Trần Trọng Kim)
2) Đường Thi (Trần Trọng San)
3) Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị (Trần Trọng San)
4) Thi Pháp Thơ Đường (Quách Tấn)
5) Làm Thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú (Phan Thượng Hải / phanthuonghai.com)
