Cần xem tiết mục nào xin click vào Trang bài / webpage trong MENU dưới đây:
TRANG CHÍNH / HOME . BÀI MỚI ĐĂNG . SINH HOẠT HOUSTON, TX . ĐH XXIII-MARYLAND 2019 . ĐH XXII-SAN JOSE 2018 . ĐH XXI-HOUSTON 2017 . SINH HOẠT CANADA . SINH HOẠT ÚC CHÂU . CÁC ĐẶC SAN ĐH . SINH HOẠT BẮC - NAM CALI . SINH HOẠT vùng NEW ENGLAND . TIN SINH HOẠT CÁC NƠI . GÓC SÂN TRƯỜNG NHÀ . VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT . VÒNG TAY NGHĨA TÌNH . CHIA BUỒN - CHUNG VUI . TÌM NGƯỜI - NHẮN TIN
LA THANH KHẢI
PTG 68-75
Melbourne, Úc Châu___________________________________________________
TIN BUỒN & PHÂN ƯU
Vô cùng đau buồn khi nhận được hung tin:
Bạn NGUYỄN CÔNG HẠNH
Pháp danh MINH TUỆ
Sanh ngày 3 tháng 10 năm 1957
tại Cần Thơ
Cựu Học Sinh Trung Học Phan Thanh Giản -
Cần Thơ (Niên khóa: 1968 – 1975)
Đã vĩnh viễn ra đi ...
Ngày 17 tháng 8 năm 2022
(nhằm ngày 20 tháng Bảy năm Nhâm Dần)
tại tư gia ở Virginia, Hoa Kỳ
Hưởng thọ 66 tuổi
Chúng tôi, nhóm Cựu Học Sinh PTG
niên khóa 1968-1975
Xin chia buồn cùng
Gia đình bạn Nguyễn Công Hạnh và toàn thể
tang quyến.
Nguyện cầu hương linh của bạn Minh Tuệ
NGUYỄN CÔNG HẠNH
sớm an nghỉ đời đời nơi cõi vĩnh hằng.
Sinh Hoạt Nam, Bắc Cali
Sinh Hoạt New England
Góc sân Trường Nhà - Sinh hoạt
TÁC GIẢ:
Hồ Trung Thành
Lê Trúc Khanh
Nguyễn Trung Nam
Vĩnh-Biệt Đồng-Môn Niên-Trưởng
Kỹ-Sư VÕ SÁNG NGHIỆP
(CHS Phan Thanh Giản Cần-Thơ)
Trong vòng không đầy hai tuần nay, các cựu học sinh Trung Học Phan Thanh Giản-Đoàn Thị Điểm Cần Thơ khắp nơi đã nhận được 3 “Tin Buồn & Phân Ưu”. Hai niên trưởng đồng môn PTG vừa vĩnh viễn ra đi về bên kia thế giới là Kỹ Sư Võ Sáng Nghiệp từ trần ngày 6 tháng 8, 2019 tại Sài Gòn và Cựu Đại Úy QL VNCH Trần Lực Sĩ (tức thi sĩ Hà Hoài Thủy) từ trần ngày 7 tháng 8 ở Cần Thơ. Mới đây là Giáo Sư Đỗ Xuân Hồng vừa qua đời ngày 13 tháng 8 tại Sài Gòn hưởng thọ 82 tuổi.
Bài viết này, xin được đề cập về thời gian đồng môn Võ Sáng Nghiệp theo học ở Trung Học Phan Thanh Giản Cần Thơ và những hoạt động của ông trong Hội Ái Hữu CHS Phan Thanh Giản CT trước năm 1975.
Có thể nói Kỹ Sư Võ Sáng Nghiệp là một cựu học sinh xuất sắc của trường trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ và rất nổi tiếng với nhiều chức vụ quan trọng trước năm 1975 như:
-Giảng viên trường Sư Phạm Kỹ Thuật Thủ Đức (1965),
-Phó Chủ Tịch Hội Khoa Học Kỹ Thuật Sài Gòn (1969)
-Giám Đốc Nha Phát Triển Nông Cơ (thuộc Bộ Canh Nông)...
-Giám Đốc Nha Ngoại Thương (thuộc Bộ Kinh Tế) thời Đệ Nhứt và Đệ Nhị Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa.
Cuộc đời của niên trưởng đồng môn Võ Sáng Nghiệp là một tấm gương sáng về sự chăm chỉ học hành, thành công trên đường đời và say mê tìm tòi, nghiên cứu soạn thảo kế hoạch, đào tạo nhân tài nhằm giúp ích cho sự phát triển của nền kinh tế nước nhà bất chấp ở hoàn cảnh nào hay ở chế độ nào.
Từ một cậu bé sinh ra trong gia đình nông dân nghèo nàn ở vùng quê tỉnh Vĩnh Long, học trường làng rồi qua Cần Thơ ở trọ nhà bà con để thi vào lớp Đệ Thất Trung Học Phan Thanh Giản và đứng đầu danh sách trúng tuyển với hạng Thủ Khoa. Học ở PTG được khoảng 2 năm, ông theo một nhóm bạn cùng trường, bỏ học để đi kháng chiến ở tận vùng U Minh. Nhưng chỉ một thời gian sau đó, chàng thanh niên Võ Sáng Nghiệp đã rời bỏ chiến khu trở về Cần Thơ, thi vào trường Phan Thanh Giản lần thứ nhì để hoàn tất những năm cuối bậc trung học và đậu bằng Tú Tài I. Bạn đồng song của ông Võ Sáng Nghiệp ở PTG gồm có cựu Hiệu Trưởng PTG Trương Quang Minh (đã mất bên Úc) và những bạn khác đã gởi lời phân ưu khi hay tin ông từ trần như các niên trưởng: Lâm Văn Mẫn (Sacramento CA), Trần Bá Xử (Springfield, MA), Nguyễn Hữu Phước (San Jose CA), Dương Quang Ngự (TN), Dương Hoàng Trung (Cái Răng), Nguyễn Lương Sinh (Cái Răng), Hồ Hữu Hậu (Cái Răng), Nguyễn Trung Nghĩa (Cần Thơ), Hồ Công Tâm (Gia Định), Hồ Công Minh (Santa Ana CA), Nguyễn Văn Hai, Nguyễn Thới Lai (Cần Thơ)…
Sau khi đậu Tú Tài I ở Cần Thơ, ông Võ Sáng Nghiệp lên Sài Gòn học lớp Đệ Nhứt và đậu Tú Tài Toàn Phần. Tiếp đó, ông thi đậu vào Trường Quốc Gia Kỹ Sư Công Nghệ (École Nationale D’Ingenieurs D’ Arts Industriels) vừa được thành lập năm 1956 (tức Đại Học Kỹ Thuật Phú Thọ sau này).
Được tin cựu học sinh Phan Thanh Giản Cần Thơ là Võ Sáng Nghiệp đã trúng tuyển ưu hạng vào trường Kỹ Sư Công Nghệ, hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Phan Thanh Giản Cần Thơ đã liên lạc và trợ cấp “sinh hoạt phí” cho sinh viên Võ Sáng Nghiệp trong suốt 4 năm đại học. Hội gọi số tiền cho vay này là “số tiền cho vay danh dự” vì không tính tiền lời. Sau này khi tốt nghiệp ra trường đi làm, học viên sẽ trả góp từ từ để hội Ái Hữu có thể tiếp tục giúp đỡ cho những học sinh nghèo khác. Ngoài ra ông cũng được cấp học bổng quốc gia toàn phần của chánh phủ VNCH. Buổi tối ông tiếp tục dạy kèm tư gia để tiếp gia đình nuôi hai đứa em đang theo học ở các trường tư thục.
Sau khi tốt nghiệp Kỹ sư Công Nghệ năm 1960, ông Võ Sáng Nghiệp nhận dạy thêm một số giờ ở trường Kỹ Thuật Cao Thắng và chuẩn bị lập gia đình. Một năm sau với số tiền tiết kiệm, dạy thêm và dành dụm, ông Nghiệp đã hoàn trả tất cả số tiền “vay danh dự” cho Hội Ái Hữu CHS Phan Thanh Giản Cần Thơ kèm tặng thêm 2 suất học bổng cho học sinh nghèo của trường PTG Cần Thơ.
Ngay khi hay tin đồng môn niên trưởng Võ Sáng Nghiệp vừa từ trần ở quê nhà, anh Bùi Hữu Trạng là Trưởng ban Đại diện cho Ái Hữu PTG-ĐTĐ Úc Châu đã nhắc lại giai thoại lý thú như sau: Khi tham dự Đại Hội PTG-ĐTĐ tại Calgary, Canada năm 2008, trong lúc hàn huyên tâm sự anh Bùi Hữu Trạng và các huynh trưởng đồng môn như Trần Ngọc Xướng, cựu Hiệu Trưởng Nguyễn Trung Quân đã đề cập đến các bậc tiền bối có công thành lập và phát triển Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Trung Học Phan Thanh Giản Cần Thơ rất vẻ vang vào những năm 1954-1955 và đây là hội Ái Hữu đầu tiên của các trường trung học (kể cả những trường lâu đời hơn như Petrus Ký, Nguyễn Đình Chiểu, Gia Long và các trường từ Bắc di cư vào Nam). Đó là những tiền bối Nguyễn Thành Nghĩa, Nguyễn Duy Xuân, Phạm Kim Tương ...v.v ... Sau đó thế hệ tiếp nối đã góp công làm cho Hội Ái Hữu PTG thêm lớn mạnh là các đồng môn Võ Sáng Nghiệp, Nguyễn Văn Quang, Lưu Phương Thinh ..v.v... Trong các cuốn đặc san Ái Hữu PTG xuất bản vào những năm 1962, 1964, 1972 hiện đang có trong tủ sách của anh Bùi Hữu Trạng bên Úc, đều thấy có ghi tên đồng môn Võ Sáng Nghiệp giữ chức Phó Thủ Quỹ của Hội và Chủ Tịch Hội là Bác sĩ Đinh Văn Cản. Lúc ấy ông Nghiệp đang làm việc cho Bộ Kinh Tế và Nông Nghiệp VNCH...
Sau ngày 30-4-1975 hoạt động của Hội Ái Hữu CHS PTG trong nước bị gián đoạn hoàn toàn. Tuy nhiên kể từ năm 1997 ở hải ngoại đã có Hội Ái Hữu PTG-ĐTĐ Cần Thơ bắt đầu hoạt động trở lại với nhiều sinh hoạt khắp nơi. Trong những năm từ 1997 đến 2011, nhiều đồng môn có ý tìm kiếm tung tích Kỹ sư Võ Sáng Nghiệp, nhưng vẫn không ai biết tin tức gì về ông. Đặc biệt là trong những kỳ họp mặt với thân hữu đồng môn PTG, cựu Giáo sư Hiệu Trưởng Nguyễn Trung Quân (định cư ở California, Hoa-Kỳ) thường quan tâm, nhắc lại nhiều lần về những hoạt động tiếp nối và rất nhiệt tình của cựu học sinh (CHS) Võ Sáng Nghiệp với Hội Ái Hữu CHS PTG Cần Thơ trước năm 1975.
Mãi cho đến tháng 8 năm 2011, một anh bạn của anh Bùi Hữu Trạng từ VN sang Úc đoàn tụ với gia đình, báo tin cho anh Trạng biết là lúc còn ở Sài Gòn, có một người bạn vong niên láng giềng thường cùng anh đi bộ tập thể dục buổi sáng và hay cùng uống cà phê tên là Võ Sáng Nghiệp, cựu học sinh Phan Thanh Giản Cần Thơ. Anh Trạng liền xin số điện thoại và nói chuyện, tâm sự nhiều lần với đồng môn huynh trưởng Võ Sáng Nghiệp để tìm hiểu thêm những hoạt động của Hội Ái Hữu Phan Thanh Giản Cần Thơ ngày xưa.
Sau đó anh Bùi Hữu Trạng đã nhận được cuốn sách “Ước Mơ và Hiện Thực” xuất bản năm 2010 do kỹ sư Võ Sáng Nghiệp gởi tặng. Trong sách này, tác giả đã kể lại cuộc đời của ông từ niên thiếu cho đến thời gian theo học ở trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ, bốn năm học kỹ sư Phú Thọ, các vị ân sư, hội Ái Hữu CHS PTG giúp đỡ, thời gian ông đảm trách những chức vụ chỉ huy trong các ngành công nghiệp, kinh tế, nông nghiệp thời VNCH và những hoạt động trong lãnh vực khoa học kỹ thuật sau năm 1975 ở VN. Ông đã viết ra những kinh nghiệm quản lý và điều hành doanh nghiệp rất thành công của ông với ước mơ giúp cho những thế hệ đàn em, đàn cháu học được từ đó và vươn lên. Đặc san Phan Thanh Giản & Đoàn Thị Điểm Úc Châu năm 2012 có trích ra vài chương trong cuốn sách này liên quan đến trường Phan thanh Giản và hoạt động của Hội Ái Hữu PTG Cần Thơ trước năm 1975.
Trong những chuyến về thăm quê nhà sau này, anh Bùi Hữu Trạng thường ghé thăm gia đình đồng môn Võ Sáng Nghiệp ở khu Thảo Điền, Quận 2 SG để trao tặng các số Đặc san của Ái Hữu PTG-ĐTĐ Úc Châu và cả hai đã cùng nhau hàn huyên tâm sự “ôn cố tri tân”.
Có thể nói đồng môn niên trưởng Võ Sáng Nghiệp đã kiên nhẫn, tận tụy suốt cả cuộc đời của ông để học hỏi, nghiên cứu và đào tạo hàng ngàn chuyên viên kỹ thuật. Ông có những hoài bão, ước mơ với những kế hoạch do ông soạn thảo nhằm mục đích “giúp cho doanh nghiệp tạo lợi tức tối đa để phục vụ lợi ích cho đại đa số người nghèo, nhứt là người nghèo ở nông thôn và công nhân nghèo ở thành thị. Rất mong những ý kiến sơ khởi đầy tâm huyết này sẽ là một chất xúc tác để giúp cho những ai có quyền lực hãy biến nông thôn thành một nơi mà người nông dân Việt Nam có một cuộc sống xứng đáng, không còn sự cách biệt giàu-nghèo quá đáng” (Trích trang 188 của Ước Mơ và Hiện Thực, Võ Sáng Nghiệp, nxh Trẻ 2010).
Nhưng ước vọng của ông sẽ không bao giờ thành sự thật vì những ý kiến của ông đưa ra đã trở thành những “hột muối bỏ biển” và cho đến khi ông nhắm mắt lìa đời ở tuổi 83 thì Việt Nam vẫn là một nước nằm trong danh sách “đang phát triển” và có nguy cơ lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc.
Xin cầu nguyện cho hương linh của đồng môn niên trưởng Võ Sáng Nghiệp sớm được an nhiên tự tại nơi cõi vĩnh hằng.
La Thanh Khải (CHS PTG nk 1968-1975)
Biên soạn và trình bày (Melbourne 18-8-2019)
Xin mời quý vị bấm vào liên kết (hàng chữ màu xanh bên dưới) để đọc được trọn bài với nhiều hình ảnh minh họa.
https://drive.google.com/file/d/1SZm03qZ3mzCL7TXefee9DQmNfIHQvg13/view?usp=sharing
Dưới đây là 5 trang (từ 29 đến 33) trích ra từ Đặc san Phan Thanh Giản – Đoàn Thị Điểm Úc Châu được phát hành nhân dịp Đại Hội Thường Niên ngày 07 tháng Giêng năm 2012.
TƯỞNG NIỆM MỘT ĐỒNG MÔN
VỪA NẰM XUỐNG:
Thi sĩ Hà Hoài Thủy
(tức TRẦN LỰC SĨ , CHS Phan Thanh Giản
Niên khóa 1955-1962)
Từ nhiều năm nay, độc giả của các đặc san Phan Thanh Giản-Đoàn Thị Điểm Cần Thơ ở Úc Châu và hải ngoại và trên trang nhà website ptgdtdusa vẫn thường đọc được những bài thơ và các đoản văn, tùy bút của thi sĩ Hà Hoài Thủy gởi từ quê nhà Cần Thơ, nhưng ít ai biết tên thật và tiểu sử cũng như sinh hoạt hàng ngày của thi sĩ đồng môn này.
Hầu hết những bài thơ và các đoản văn của Hà Hoài Thủy đều có một “văn phong” riêng, rất đặc biệt, mang nhiều nét trầm buồn chứa đựng những tâm sự u uất, đau thương, ray rứt nhẹ nhàng và những hoài niệm về quê hương Việt Nam trong thời chinh chiến với những mất mát, chia lìa. Thơ văn của Hà Hoài Thủy cũng đưa chúng ta trở về thập niên 1960s hoặc 1970s như những tác giả thường xuất hiện trên các tạp chí Sáng Tạo, Vấn Đề, Văn và Văn Học ở miền Nam VN với giá trị văn chương nghệ thuật rất cao, mang tính lãng mạn và tiềm ẩn tính nhân bản, triết lý của thế hệ thanh niên trưởng thành trong thời chiến phải “xếp bút nghiên theo việc binh đao”.
Đột nhiên tuần vừa qua, trên trang nhà PTGĐTĐUSA đã đăng một bản tin như sau:
TIN BUỒN & PHÂN ƯU
Vô cùng đau xót và thương tiếc kính báo cùng nhóm bạn đồng song (1955 – 1962) và đồng môn PHAN THANH GIẢN, bạn của chúng ta là anh:
.
TRẦN LỰC SĨ
Cựu Đại úy Quân Lực VNCH
Khóa 14 SQ/TB Thủ Đức
Đã từ trần tại quê nhà Cần Thơ sau cơn đột quị lúc 19g00 ngày 7/8/2019
Hưởng thọ 79 tuổi.
CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ
Lễ nhập quan: 9g00 ngày 8/8/2019
(mùng 8 tháng 7 năm Kỷ Hợi)
Lễ động quan: 13g00 ngày 10/8/2019
(mùng 10 tháng 7 năm Kỷ Hợi)
Sau đó di chuyển đến SƠN TRANG TIÊN CẢNH
tỉnh Hậu Giang để hỏa táng.
Nhóm bạn đồng song ở quê nhà:
Đặng Phi Long – Nguyễn văn Nam – Ngô văn Tấn – Trần hữu Lầu – Dương đình Phương – Hồ công Nghiệp – Đặng hữu Còn –Quách Mậu Dần – Nguyễn Kỳ Phương – Lê Hoàng Nhi –
Cùng các bạn:
Âu Ngọc Qui OHIO - Trần Kim Minh GEORGIA – Dương văn Gia CALIFORNIA
Và toàn thể thành viên Đại Gia Đình PTGĐTĐ Hải Ngoại &
Trang Nhà ptgdtdusa.com
Thành thật chia buồn cùng tang quyến và nguyện cầu cho hương hồn anh Trần Lực Sĩ sớm phiêu diêu nơi miền cực lạc.
Ngay khi vừa nhận được tin buồn này, anh Bùi Hữu Trạng là Trưởng ban Đại diện cho nhóm Ái Hữu Phan Thanh Giản & Đoàn Thị Điểm Cần Thơ ở Úc Châu đã liên lạc ngay với Ban Biên Tập Đặc San PTG-ĐTĐ Úc Châu để báo tin và chúng tôi cùng nhau ngồi lại ôn chuyện ngày xưa và tưởng niệm một đồng môn huynh trưởng tài hoa nhưng có quá nhiều lận đận, nhứt là những ngày cơ cực sau năm 1975 cho đến lúc lìa đời.
Ít ai được biết đồng môn Trần Lực Sĩ vừa từ trần cũng chính là thi sĩ Hà Hoài Thủy từng có những sáng tác được đăng tải đều đặn hơn 15 năm nay trên những đặc san PTG-ĐTĐ Úc Châu và hải ngoại.
Sau năm 1975, cũng như hàng trăm ngàn quân nhân cán chính của VNCH, đồng môn huynh trưởng Trần Lực Sĩ đã trải qua những tháng năm tù đày trong các trại cải tạo. Thi sĩ đồng môn của chúng ta đã trở về mái nhà xưa nơi cố quận trong hoàn cảnh cô đơn, trống vắng, ngặt nghèo. Gia đình ly tán, hôn nhân của ông cũng vỡ tan sau cuộc “đổi đời bi thảm”.
Nhưng may mắn thay, nhóm bạn đồng môn Trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ niên khóa 1955-1962, đa số là những Sỹ Quan và Công Chức VNCH sau nhiều năm bị tù cải tạo đã dần dần liên lạc được và tìm lại với nhau để trở thành những tri kỷ bên chén trà, ly rượu cùng ngồi nhớ lại “những người muôn năm cũ” ai còn, ai mất, ai lưu lạc phương xa. Xin đọc lại bài thơ viết từ năm 1995 của niên trưởng đồng môn Thái Lê Trương vừa từ trần vào đầu năm nay ở Cần Thơ như sau để biết thêm về sinh hoạt thường nhựt của các đồng môn niên trưởng này:
Trong bài thơ trên, thi sĩ Hà Hoài Thủy đã được người bạn đồng song của ông diễn tả bằng 4 câu thơ như sau:
- Lực Sĩ bây giờ thành ốm sĩ.
Răng còn vài chiếc thật ai bi.
Nhưng thơ đã chín nghe buồn lắm!
Duyên già còn nặng khối tình si.
Giữa cảnh đời bi đát, khốn cùng như vậy, nhưng thi sĩ Hà Hoài Thủy của chúng ta vẫn tiếp tục sáng tác thơ văn và tìm cách gởi qua bên Úc cho các đồng môn trường Phan Thanh Giản mà ông có dịp liên lạc được. Từ đó những bài thơ, đoản văn, tùy bút của thi sĩ Hà Hoài Thủy đã được đón nhận và thưởng thức khắp nơi.
Nhớ lại quãng thời gian vào năm 2004, nhóm thân hữu yêu thích thơ văn ở Melbourne, Úc Châu như các anh Bùi Hữu Trạng, Bùi Hữu Việt, Trần Đông... đã vận động và thực hiện việc ấn hành một Tuyển tập thơ và truyện ngắn cho thi sĩ Hà Hoài Thủy tựa đề “Tự Tình Trăm Năm”. Đây là một niềm vui cho thi sĩ với ấn phẩm tuyệt đẹp được xuất bản bên Úc và rất giá trị cho một đời sáng tác của thi nhân. Với gần 500 ấn bản đã được gởi đi phát hành khắp các tiểu bang Úc-Châu, Hoa-Kỳ, Canada và Âu Châu cũng như nội địa, đã được đón nhận, ủng hộ rất nhiệt tình. Ngoài ra, đây cũng là dịp để các thân hữu “góp một bàn tay, siết chặt nghĩa tình” cùng nhau yểm trợ cho đồng môn Trần Lực Sĩ (Hà Hoài Thủy) có phương tiện mua một chiếc xe gắn máy cũ để có thể hành nghề “chạy xe ôm” kiếm sống qua ngày.
Xin hãy cùng đọc lại “Lời Bạt” của anh Hồ Trường (tức Bùi Hữu Trạng) trong “Tự Tình Trăm Năm” để hiểu thêm về cuộc đời gian nan, vất vả của thi sĩ Hà Hoài Thủy sau ngày tàn cuộc chiến trên quê hương Bình Thủy (Long Tuyền).
LỜI BẠT
Thời gian vốn không dời đổi, chậm mau: Thiên thu hay khoảnh khắc chẳng qua bởi tại lòng mình. Với thế nhân, trăm năm vẫn là giới hạn vừa đủ ngoài tầm mơ ước của một kiếp người. Nhưng nào có sá gì với mù tăm vĩnh cửu của nhân gian. Với Hà Hoài Thủy thì trăm năm cũng là muôn thuở để tự tình, gửi trao cho mình, cho người, cho đời những trái sầu giọt đắng, những kỷ niệm dấu yêu của tuổi học trò, của người trai trong thời binh lửa và của kẻ thua cuộc lưu đày đã được chắt chiu trong cuộc hành trình hữu hạn, bởi thi nhân sớm cảm nhận hơn ai hết lẽ phù vân dâu biển thì có gì chẳng tàn phai và quên lãng.
Dù chưa một lần tao ngộ theo nghĩa đối diện, người viết được anh gửi gắm nỗi niềm (từ bên kia bờ đại dương) qua những dòng thư viết tay nắn nót: “… Tập thơ này là lời trần tình, hoài niệm về một mẩu đời quá khứ… Tôi nghĩ chỉ cần cô đọng lại bao nhiêu cũng đủ… Anh thử nhớ lại xem mỗi nhà thơ chỉ vỏn vẹn được đôi bài để đời và từ xưa nay, tác giả tự in thơ để biếu bạn bè chơi thôi, chớ có mấy ai bỏ tiền ra mua bao giờ. Dù biết thế, anh đừng cười đây là một cách bán chữ để mua cơm áo. Tôi rất cần vài trăm đồng mua chiếc xe cũ làm phương tiện chạy xe ôm sống cho dễ thở một chút của những tháng năm còn lại. Vì là chỗ sơ giao và lòng tự trọng nên tôi không thể nào nói thêm lời than thở cùng anh được. Nếu có một ngày nào đó chúng mình gặp nhau. Chừng ấy anh sẽ hiểu và thông cảm cho tôi nhiều hơn.”
Đọc Tự Tình Trăm Năm để “hiểu và cảm thông” Hà Hoài Thủy trong thơ với những hoài niệm một đời của anh và để ngậm ngùi chia sẻ với tác giả trong đời thường – những người nặng nợ với văn thơ – đang lất lây theo ngày tháng trên quê mình từ khi vận nước đổi thay mà ước muốn nhỏ nhoi “cho dễ thở hơn” vẫn mù tăm biết đến bao giờ.
(Hồ Trường – Melbourne 2004)
Ngoài những bài thơ, đoản văn viết về quê hương, tình yêu và những dằn vặt suy tư của một chứng nhân trong thời chinh chiến "Trên 4 Vùng Chiến Thuật", tác giả của tuyển tập này còn có một bài thơ khóc bạn rất cảm động như sau (xin trích):
VỀ MỘT NGƯỜI ĐÃ KHUẤT
(Khóc Sáu De Gaule)
Rồi cuối cùng người lặng lẽ bỏ đi thật xa
Tôi chìm trong biển nhớ!
Khi vườn sầu cũng chin đỏ trái thương đau
Và thành phố dấu yêu này
Mãi mãi người không bao giờ trở lại.
Tôi vẫn mỏi mê bước lãng du phù phiếm
Ngõ khuất, người xa mòn héo dáng ngày
Chiều ngậm ngùi bên ly rượu đầy tiếc nuối
Còn được mấy ai tri kỷ để cạn say?
Giọt nước mắt lặng thầm như giấu che từ trái tim khẽ lên tiếng khóc.
Từng nhịp thời gian rơi – ngày cũ đâu rồi?
Nhớ quá tuổi học trò – người cùng tôi – chung trường thuở ấy.
Thương áo trắng hồn nhiên chút lấm tấm bụi đời.
Níu giữ tay nhau cả một thời mênh mông kỷ niệm
Mà nghẹn ngào từng câu thơ – nói được bao lời
Người tìm đến đỉnh bình yên thanh thoát
Mỗi lúc nhớ người tôi vọng áng mây trôi…
Hà Hoài Thủy
Bài thơ trên đây đã được thi sĩ Hà Hoài Thủy viết về một người bạn đồng song là Trần Văn Sáu (có biệt danh là Sáu De Gaule) đã sớm lìa đời. Để tìm hiểu về nhóm bạn đồng song PTG này, xin đọc lại đoạn văn của anh Bùi Hữu Trạng đăng trên Đặc San PTGDTĐ Úc Châu 18 sau bài viết "Nói Với Người Đi Xa" của Nguyễn Hoài Trân như sau: (trang 64-65)
Đôi dòng tiếp nối:
Các anh, người viết và nhân vật trong câu truyện là thế hệ PTG gạch nối giữa thời chiến tranh giành độc lập và chiến tranh quốc cộng. Bước chân vào PTG 1955 với những năm thanh bình nhứt của miền Nam dưới chính thể cộng hoà, rồi lớn lên đi dần vào cuộc chiến khác tương tàn và khốc liệt hơn và điểm đến với kết cuộc như truyện kể.
Có thể nói thế hệ PTG các anh là những người mang hoài bão lớn và ước vọng ngất trời muốn làm một cái gì đó cho quê hương đất nước nhưng để rồi chỉ là chứng nhân và nạn nhân của một thời đại mà có thể nói không quá lời là chỉ mới một lần xảy ra trong bốn ngàn năm lịch sử của dân tộc ta.
Tuy lịch sử có trớ trêu, bi hài nhưng các anh vẫn là thế hệ đông đảo và tiêu biểu nhất của Trường PTG đã đóng góp rất nhiều cho đất nước trên mọi lĩnh vực từ văn hoá, giáo dục đến tự do v. v bằng tài năng, trí tuệ, tuổi trẻ và cả máu xương nữa. Các anh tham gia mọi quân binh chủng của quân lực VNCH và có mặt khắp 4 vùng chiến thuật.
Không kể những người rời ghế nhà trường ra đi để rồi không bao giờ trở lại, qua những lần họp mặt Trường Xưa ở trong hay ngoài nước Thầy trò, đồng môn có dịp gặp lai những Thái Lê Trương, Nguyễn kỳ Phương, Trần hữu Lầu, Lê hoàng Nhi, Lý quang Châu,Trần lực Sĩ .v .v VN, Thái ngọc Ẩn, Âu ngọc Qui, Nguyễn Thành Phú, Đặng phi Long...USA, Trương đăng Sĩ, Tạ văn Thu, Nguyễn văn Quang...Úc châu và còn ... nữa, sít soát cùng thời PTG của tác giả bài viết nầy.
Đôi dòng tiếp nối ở đây nhắc nhiều về các anh còn có chủ đích ghi lại sự hình thành và tiếp nối của nhóm Họp bạn Ái hữu PTG vào ngày 23 Tháng Chạp âl hàng năm ở Cần Thơ. Theo lời anh Nguyễn Kỳ Phương cho biết: chính anh và anh Trần Văn Sáu (tức Sáu De Gaule) khởi xướng ngày họp mặt 23 tháng chạp từ cuối thập niên 60, lúc anh biệt phái từ nhà binh về nhà giáo dạy ở Cái Răng. Thoạt đầu là bạn đồng song (cùng lớp), đang làm việc trong các Ban, Ngành hành chánh, quân sự ở Cần Thơ, về sau mở rộng Họp Đồng môn mỗi kỳ năm ba chục, đông nhất là tháng Chạp 1974 trên 100 và cũng là lần cuối trước khi sập tiệm 30/4 ôm gói đi tù. Để rồi khoảng 10 sau lần lượt kẻ trước người sau ra tù về sống nghề nhàn nhã như chạy xe ôm, bán vé số .v.v các anh bắt đầu họp bạn “23 Tháng Chạp” lại để chờ đi chui, đi HO. Rồi nối tiếp là những người ở lại vĩnh viễn mỗi năm họp mặt Tháng Chạp 23 thưa dần, thưa dần…
Ngày nay nhóm 23 tháng Chạp các anh cũng lần lượt yên nghỉ nơi quê nhà Cần Thơ, số còn lại cũng không còn sức khoẻ để tổ chức nữa.
Nối tiếp truyền thống nầy trong mấy năm qua có anh Phan Quang Nghĩa khởi xướng làm sống lại tình Thầy trò đồng môn cũng ngày 23 Tháng Chạp với sự tham dự đông đảo của đồng môn không riêng Cần Thơ mà các nơi trong ngoài nước cùng về tham dự. Thỉnh thoảng có bạn xa xứ trở về cùng họp mặt hoặc có “chút quà cho quê hương” gửi về để bạn bè nhậu cho vui.
Nhóm 23 Tháng Chạp kỳ cựu của các anh rụi dần, nhưng tinh thần 23 Tháng Chạp vẫn được duy trì bởi thế hệ trẻ hơn do anh Phan Quang Nghĩa (Nghĩa hột vịt) khởi xướng những năm gần đây được đông đảo đồng môn ở Cần Thơ cũng như các nơi trong và ngoài nước trở về tham dự. Hai năm 2017, 2018 do anh BHT cung cấp địa chỉ quý Thầy Cô ở Sài Gòn nên đồng môn Đoàn văn Bé ở SG thuê xe rước Thầy Cô như Nguyễn duy Tại, Lê đức Cữu, Đỗ xuân Hồng, Lê văn Nghiêm, Trịnh Tri Tấn, Võ văn Vạn, Võ văn Phi, Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn thị Liễu Huê v..v. xuống CT dự với quý Thầy còn ngụ ở CT như Võ Văn Minh, Nguyễn hữu Danh. Truyền thống cao đẹp luôn được tiếp nối để Trường Xưa Còn Mãi mặc cho sự hưng phế đời thường hay trớ trêu của lịch sử. (Hồ Trường – 2019)
Sau khi ấn phẩm “Tự Tình Trăm Năm” được Ái Hữu PTG-ĐTĐ Úc Châu phát hành rộng rải khắp nơi (2004), cuộc sống của thi sĩ Hà Hoài Thủy ở quê nhà đã bớt phần cơ cực trong vài năm với chiếc xe gắn máy mua được từ những đóng góp của bằng hữu, đồng môn xa gần và các độc giả ủng hộ mua tập thơ để giúp ông làm phương tiện mưu sinh kiếm sống qua ngày.
Nhưng số phần nghiệt ngã vẫn chưa chịu buông tha cho thi sĩ tài hoa của chúng ta. Trong một lần “chạy xe ôm”, thi sĩ đã gặp tai nạn giao thông và bị thương nặng ở chân, phải nằm bịnh viện để điều trị. Bạn bè đồng môn ở hải ngoại và quê nhà đã đóng góp, giúp đỡ cho ông. Sau đó thi sĩ Hà Hoài Thủy đã viết thơ cám ơn mọi người và tâm sự bằng một bài thơ dài mở đầu bằng “Lời Cảm Tạ” như sau:
Lời cảm tạ
Xin trân trọng cảm tạ quí thầy cô, các đồng môn và bạn bè thân hữu vì lòng nhân ái đã chung sức đóng góp để tài trợ tôi trong lúc gặp tai nạn. Số tiền là 600 Mỹ kim mà bạn Nguyễn Công Danh (Houston, TX) đã đưa danh sách của quý vị lên trang nhà.
Ngoài đó còn có GS Lê Thị Hồng Thu ( Pháp quốc) nhờ thân nhân tại Cần Thơ đến trao 3 triệu đồng giúp đỡ, và bạn đồng môn Lâm Hữu Lộc (Úc Châu) gởi giúp 50 Úc kim nhờ bạn Bùi Hữu Trạng trao lại trong chuyến về Việt Nam vừa rồi.
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc nhất. Nguyện cầu quí vị trong đại gia đình PTG và ĐTĐ được nhiều sức khỏe an lạc và dồi dào hạnh phúc. Trân trọng.
Trần Lực Sĩ (Hà Hoài Thủy)
Thơ Hà Hoài Thủy
TẠ ƠN NGƯỜI
(gửi về những tấm lòng nhân ái)
Ráng chiều đỏ hay màu máu đỏ ?
từng vệt loang trên lối cỏ rừng xanh
Khi lần đầu tôi gục ngã
từ vết thương chiến tranh
Tuổi trẻ một thời khói lửa
bước chân khắp nẻo đường hành quân
chạm địch biết bao nhiêu lần
ba lô nồng mùi thuốc súng
quen dần tiếng gầm rú đạn bom
Những tháng những năm
tóc xanh nhuộm màu nắng gió
một ngày ngoảnh lại
áo chiến sờn vai…
Lần ấy cúi đầu mà tạ ơn đồng đội
đã mất mát hy sinh
để cưu mang tôi trở về từ cõi chết
Những đêm dài nằm quân y viện
tôi thao thức gối đầu lên từng cơn đau nhức nhối
chập chờn giấc ngủ
cuộc đời bóng tối vây quanh
may còn có em đốt lên ngọn đèn
thắp sáng tin yêu
cho tôi thấy được màu hồng trước mặt
lời em trìu mến thiết tha
như vị đậm đà của những quả cam
Làm quà biếu viếng thăm
Ôi nghĩa tình sâu đậm !
tạ ơn người con gái đất Bình Dương
mỗi lần nhắc đến địa danh thêm xác xao nỗi nhớ.
Rồi bốn mươi năm sau bên đường tôi ngã xuống
giữa phố phường đông đúc ngựa xe
khi hoàng hôn đã ghé lại bên đời
mà đau đớn cứ chồng chất mãi không nguôi…
Vẫn đêm dài bệnh viện
dài thêm hoang trống cô đơn
không còn em đốt lên trong tôi ngọn đèn nhỏ
chỉ có lung linh ánh sáng vàng vọt
soi dãy hành lang mù mịt tối tăm
Trong tĩnh lặng mơ hồ…
nghe chừng đâu đây tiếng quỉ ma khóc than
Vọng vào tai níu kéo
Như đang réo gọi hồn tôi !
(Mình trả xong chưa kiếp người khổ lụy?)
hay phải còn chìm đắm giữa thế sự đảo điên
đầy dẫy những muộn phiền
những điêu ngoa, hận thù, đấu đá
những đói nghèo giành giật áo cơm
May còn các bạn đồng môn
cùng thầy cô quý mến
dù chưa từng quen biết
vẫn sẵn sàng chia sẻ đắng cay
bàn tay kết nối bàn tay
vực tôi dậy trong ngày giông bão
quà từ phương xa về tận quê nhà
phút cảm động mừng vui mà ra nước mắt
Ôi, sáng ngời thay những tâm hồn cao cả
thắm tình nhân ái
đượm lòng vị tha!
Xin trân trọng tạ ơn người
bằng lời chúc phúc đẹp đời mai sau.
Cần Thơ những ngày tháng
giữa mùa thu năm Tân Mão 2011.
Hà Hoài Thủy
Những năm sau này, sức khoẻ đã bình phục lại, đồng môn Trần Lực Sĩ vẫn thường xuyên liên lạc với Ban Biên Tập PTG-ĐTĐ Úc Châu qua email và điện thoại với anh Bùi Hữu Trạng, cũng như tiếp tục đóng góp bài vở hàng năm cho Đặc san Đại Hội. Xin trích dưới đây email và vài bài thơ tiêu biểu của nhà thơ đồng môn Hà Hoài Thủy:
Can Tho 22/10/2012
Anh Trạng thân mến,
Tôi gởi về anh bài thơ nầy, Kính chúc anh cùng quý quyến và các đồng môn Úc châu nhiều sức khỏe hạnh phúc. Khi có bạn nào về VN anh gửi cho quyển ĐS. Gọi số phone DĐ 01228136306 để tôi đến nhận.
Thân ái,
Trần Lực Sĩ
VỀ NGÀN
Hà Hoài Thủy
Khi chúng mình chẳng còn một nửa của nhau
Và khi heo may từ buổi chớm thu bắt đầu
Là lúc tháng ngày thêm trống vắng
Chập chờn giấc ngủ đêm thâu
Cho dù có dỗi hờn hay cay đắng
Cũng một lời giã từ sau cuối để ... rồi thôi
Người bỏ đi về đâu mà thầm lặng ?
Tôi muốn được bình yên giây phút lãng quên
Bất chợt chiều nao mưa xuống phố
Long lanh từng hạt nước vỡ òa
Mà tưởng chừng mảnh tình vỡ vụn
Dấu yêu xưa thôi đã nhạt nhòa !
Mãi về sau biết bao giờ gặp lại ?
Biền biệt tháng năm...xa như tuổi học trò
Rồi ra mình cũng trở thành cát bụi
Ngẫm nhìn cuộc đời là một giấc mơ.
Thì níu giữ được sao ảo ảnh phù vân ?
Bởi cõi thế gian tìm đâu vĩnh hằng
Chỉ toàn những vô thường biến đổi
Người mới hôm nào thoắt đã cố nhân !
Đôi lần nghe tận đỉnh trời hoang vu
Tiếng thì thầm của ngàn xưa mời gọi
Xui bước chân tôi lạc loài bến lạ đìu hiu
Cúi mặt soi gương bằng giòng sông thấy mình trắng tóc
Ôi hay thời gian trôi nhanh bóng ngã sang chiều
Mà mộng tưởng mùa xanh chưa hóa bướm !
Nhưng rồi một sớm mai kia đẹp màu nắng mới
Trong tim tôi bỗng hé nở nụ hồng
Khi đi giữa rừng hoa nhân ái
Không còn vướng bận chuyện buồn vui
Để biết quên mình mà sống bằng tất cả tấm lòng!
Người ở nơi nào, có hiểu không ?
Cần Thơ, những ngày mưa ngâu
năm Nhâm Thìn 2012
Thơ Hà Hoài Thủy
THẦM GỌI CÔ ĐƠN
(nhớ Long Điền 1970 và một khoảng đời lận đận)
Em không còn bên thềm cửa chiều nay
đứng ngó tháng ngày
Cho tôi nhớ xưa áo mình đóng bụi
Một thời đã ghé qua đây.
Rồi lại ra đi trong nỗi buồn chan chứa
Ngày biệt ly nhìn mắt em lệ ứa hao gầy
Tôi về nơi gió cát
Em gởi theo tình cuối chân mây…
Nói sao hết những gian khổ miệt mài
Là bao điều chịu đựng đắng cay
Chưa kể những hiểm nguy chực chờ rình rập
Chỉ khoảnh khắc nào biết được ai còn ai mất !
Em ơi
Sáng sáng tôi hành trang vượt thác băng ngàn
Trưa đói lòng cơm lam nước suối
Nao nao ánh chiều ngã bóng tàn phai
Có lần tỉnh giấc nửa khuya gió lùa vách núi
Mới hay trời đổ heo may.
Vẫn ước mơ một sớm mai hồng nắng ấm
Từ giã phong sương, thôi hết dạn dày
Về bên em an lành hạnh phúc
Ngồi trước hiên nhà ngắm lá thu bay
Cùng lắng nghe sau vườn chiều chim hót
Cám ơn tình yêu cho ấm vòng tay
Nhưng em ơi không thể !
Bởi tôi phải tiếp tục chặng đường mịt mù sương trắng
Đem mồ hôi tắm nắng trưa hè
Rừng thẩm và những cơn mưa chiều se lạnh bờ vai
Ngoảnh nhìn chốn cũ xa vời vợi
Cách ngăn núi rộng với sông dài
Quê nhà biết em còn ngóng đợi
Khi bước chân tôi nghìn trùng mê mãi…
* * *
Nào ngờ phút cuối cam chịu ngậm ngùi
cho những tháng năm héo mòn gót bạt
Em ơi, trong chiếc áo đời nhầu nát
tôi lầm lũi quay về nơi ấy
nhìn những mất mát đau thương sau ngày binh lửa dậy
Chẳng tìm thấy được bóng dáng em đâu
Người con gái có đôi mắt đượm buồn sâu thẩm như đại dương
Xót xa niềm nhớ thương nầy !
Tất cả chìm vào quá khứ
Chỉ còn lại khung trời xanh kỷ niệm
Cùng lảng đãng chút dịu dàng hương tóc em bay
Chúng mình thân phận bèo mây
Lênh đênh giữa bến bờ tan hợp
Rồi theo dòng đời cuốn trôi về mấy ngả
Phải chăng ta đang trải qua giấc mộng dài
Mọi biến động đổi thay không nằm ngoài duyên nghiệp
Nếu em vẫn khắc ghi ân tình buổi trước
Xin ước nguyện cùng tôi chờ một kiếp mai
Chợt nhớ ngày xưa còn đến lớp
Bâng khuâng điển tích Liễu Chương Đài
Tôi giờ nói với thời xa vắng
Là thầm gọi cô đơn chiều nay…
Cần Thơ, mùa thu năm Quý Tỵ 2013
Một Thoáng Tâm Tình
Tôi mong sẽ có một ngày
Đón em quay về con đường chỉ còn trong hoài niệm
Để tìm lại một thời xa lắc tuổi thơ
Ngần ấy bao năm không phai niềm nhớ
Con đường đó có nắng mùa xuân rực rỡ
Có em đến trường bím tóc đuôi gà ngún nguẩy
Dịu dàng gót nhỏ hồn nhiên
Ôi những ước mơ thuở nào chắp cánh
Đẹp sao lứa tuổi thần tiên.
Thương quá con đường có cây xanh che nghiêng bóng mát
Mùa phượng về rộn rã tiếng ve
Ru khúc tình ca ngày mới lớn
Tuổi mười lăm thao thức đêm hè
Chúng mình thân quen mùa lá đổ
Bồi hồi bên nhau sóng bước êm đềm
Lắng nghe sỏi đá dưới chân nói lời tình tự
(Con đường sao chẳng dài thêm?)
Trước mặt ta là cầu vòng bảy sắc
Ngắn ngủi làm sao ...
Chừng ấy thời gian rồi biến thiên
Bởi tôi làm trai thời loạn
Cũng đành tạm biệt bút nghiên
Một sáng mùa đông khăn gói lên đường
Buổi ấy trong mắt em buồn sâu thẳm
Rồi dằng dặc những tháng những năm
Ăn gió nằm sương
Dấu chân phiêu bạt núi rừng
Lặn lội sông sâu ghềnh thác
Gánh nặng đớn đau tôi mang về từ cõi chết
Ngậm ngùi tìm lại con đường ngày nào chẳng có nắng mùa xuân
Cũng không còn em nơi đó
Không còn ngày bên nhau hạnh phúc bình yên
Tất cả đã đổi thay
Chỉ còn tiếng ve ngân dài tiếng thở
Và ngôi trường xưa đứng trầm mặc ngẩn ngơ
Tôi có gì ngoài phần đời còn lại
Là tấm thân với nhiều vết hằn nham nhở
Chứng tích của đạn bom cào xé tơi bời
Em về đâu sau cơn mưa bão
Giờ đang ở cuối đất hay cùng trời
Có lần nào trở lại con đường xưa dù trong trí nhớ
Từ rất lâu rồi chừng đã phai phôi?
Hà Hoài Thủy
Cần Thơ, năm 2014
Đọc lại những bài thơ này khiến chúng ta có dịp hoài niệm về một thời đã mất với những suy tư, mơ ước, đam mê, tình yêu nghiệt ngã trên quê hương khói lửa điêu tàn. Chúng ta cũng có thể liên tưởng đến một nhạc sĩ bất hạnh khác cùng sống đời nghiệt ngã sau cuộc chiến tương tàn và sớm từ trần trong cảnh khốn cùng là nhạc sĩ Trúc Phương. Đó là những lời nhạc đau thương, ray rứt như “đường hành quân nắng cháy da người” (Bông Cỏ May-Trúc Phương) và “bạn quên ta tình cũng quên ta” hoặc “đôi mắt nào từng đêm buốt giá, bên chiếu chăn tình xa nhịp thở, tiền đổi tay khi rũ cơn mê, để chua xót trên bước về ..”(Thói Đời-Trúc Phương)
Đặc biệt nhất là trong khi thực hiện Đặc san PTG-ĐTĐ Úc Châu năm nay (2019) để phát hành nhân dịp Đại Hội Úc Châu lần thứ 18, Ban Biên Tập đã nhận được hai sáng tác của thi sĩ Hà Hoài Thủy đóng góp là bài tùy bút “Có Một Thời Để Nhớ” và bài thơ “Quỳnh Như” với những câu thơ như lời trăn trối sau cùng của thi sĩ “bên bờ sinh tử” như sau:
...
Thêm mùa lá rơi ta đã rời trường
Thêm thời gian trôi thu ngắn kiếp người
Giờ tôi đang đứng bơ vơ giữa đôi bờ sinh tử
Ngậm ngùi nhớ về quá khứ
Ngày đó duy nhất chỉ mình em mới biết thương…
Xin thắp một nén nhang lòng nơi đây để cùng nhau tưởng nhớ một đồng môn, thi sĩ tài hoa Hà Hoài Thủy vừa nằm xuống và đã vĩnh viễn rời xa chúng ta.
Dưới đây là hai tác phẩm cuối cùng của thi sĩ đồng môn Trần Lực Sĩ vừa đăng tải trên Đặc san PTG-ĐTĐ Úc Châu phát hành ngày Đại Hội 19-04-2019 vừa qua (trang 59-61) và ở quê nhà tác giả đã nhận được Đặc san ”kính biếu” nên đã đọc được những bài viết trong cuốn đặc san này vào tháng 5 năm nay.
CÓ
MỘT THỜI
ĐỂ NHỚ
(Thương về Bến Cát 1971)
Tùy bút
HÀ HOÀI THỦY
Đã không còn nơi đó từng buổi chiều như chiều nay bên thềm cửa; em ngẩn ngơ đứng ngó tháng ngày. Cho tôi nhớ xưa dọc đường gió bụi. Bước hành quân ghé lại, một thời áo chiến sờn vai.
Rồi vừa kịp bén duyên đã phải vội vã ra đi trong nỗi buồn chan chứa. Cạnh bếp lửa tàn tro của buổi cơm tiễn đưa chiều ly biệt. Nhìn khóe mắt em hoen lệ ứa hao gầy. Tôi đắng lòng mà quay lưng bước về nơi gió cát. Em đành gởi tình theo ngàn dặm chân mây….
Nói sao hết được những gian khổ đọa đày và biết bao điều phiền muộn đắng cay. Chưa kể nỗi hiểm nguy vẫn chực chờ rình rập. Giữa sự sống và cái chết chỉ mỏng manh trong đường tơ kẻ tóc. Chỉ cái chớp mắt trước sau nào biết được ai còn ai mất em ơi…Sáng sáng tôi ba lô hành trang tay súng vượt thác băng ngàn.Trưa đói lòng chỉ cơm lam nước suối. Chiều chiều dừng chân trên đồi khi bóng ngã mờ phai.
Lại có những sáng tinh mơ thức dậy nhìn về phía dưới lũng xa thấp thoáng nhà ai ẩn hiện trong lớp mây mù gợi nhớ tuổi thơ tôi gắn liền với những buổi sáng mùa đông sương trắng miền quê ngoại. Cũng có những khuya giật mình thức giấc bởi tiếng kêu oang oác não nùng của cánh chim lạc bạn nhớ rừng. Đêm nào mệt nhoài thao thức nghe tiếng gió lùa xạc xào vách núi. Trong bóng tối bấm từng đốt tay tính tháng tính ngày mới hay mùa thu đã trở về trời đổ heo may. Lòng vẫn ước ao một sáng được thấy hoa cười sắc hồng bình minh nắng mới. Từ giã gió sương thôi hết dạn dày; để có một ngày trở về tôi sẽ kể hết cho em nghe chuyện sông hồ buồn vui đời lính. Rồi mường tượng ra những phút giây mình bình yên bên nhau ngồi trước hiên nhà ngắm lá thu bay. Bởi mỗi chiếc lá rơi đều cho ta cảm nghĩ về triết lý cuộc đời và thân phận con người. Rồi những buổi nào ta đứng bên hàng giậu lắng nghe tiếng ríu rít sau vườn chiều chim hót. Đêm mùa thu tiết trời dịu mát hai đứa kề vai nhau bàn bạc và cũng ngước mắt nhìn trời mà đếm muôn sao. Ôi hạnh phúc thật tuyệt vời. Cám ơn cuộc đời. Cám ơn tình yêu cho ấm vòng tay…
Nhưng em ơi không thể…Bởi tôi phải tiếp tục chặng đường hun hút tối tăm mà không có quyền nửa chừng bỏ dở. Từng ấy giọt mồ hôi cũng không tắm mát nỗi cơn nắng lửa trưa hè. Những ngày đợi mưa lạc lõng giữa rừng sâu thêm rét đậm bờ vai. Đôi lúc ngoảnh về chốn cũ xa vời vợi. Chập chùng cách ngăn bao đồi nương núi rộng với sông dài. Quê nhà đó biết em có còn mõi mòn ngóng đợi khi bước chân tôi cứ tiếp tục đi về phía nghìn trùng mê mãi…
Nào ngờ đến phút cuối cùng đành ngậm ngùi tiếc thương cho những tháng năm héo mòn gót chân phiêu bạt trên những nẽo đường hành quân để máu tôi phải từng đổ xuống chiến trường. Em ơi trong manh áo đời nhàu nát đau thương tôi thất thỉu tìm về nơi ấy sau cuộc đổi đời kéo theo hệ lụy tù đày. Trước mắt phải chứng kiến thêm những mất mát đau thương sau ngày binh lửa dậy.
Lối xưa dẫn tôi về căn nhà em ở ngày trước ngang qua thị trấn đìu hiu, xóm làng tiêu điều tan tác. Em không còn ở nơi đó nữa mà đã xiêu lạc về đâu? Người con gái có đôi mắt đượm buồn và sâu thẫm của đại dương cho tôi cũng mênh mông niềm nhớ không bến bờ. Tất cả đã lặng lẽ trôi vào quá khứ. Duy nhất chỉ còn lại một mảng trời xanh kỷ niệm còn lãng đãng chút nồng nàn của ngày nào hương tóc em bay.Chúng mình thân phận bèo mây nổi trôi theo dòng đời tan hợp. Phải chăng kiếp người phải gánh chịu trầm luân tiếp nối triền miên trong bể khổ trần ai? Và mọi biến động của thế gian mang đến cho người nầy những thảm họa đớn đau; còn với kẻ khác thì vẫn an nhiên tự tại. Chung qui những thứ đó đều không nằm ngoài phạm vi duyên nghiệp theo thuyết nhà Phật mà thông thường người đời cho là số mệnh. Nếu em còn sống và vẫn khắc ghi ân tình thuở trước thì xin hãy ước nguyện cùng tôi đón chờ một kiếp mai.
Chợt nhớ hồi còn đi học lòng buồn vương theo bài thơ mang điển tích Liễu Chương Đài. Sau nầy chiến chinh tôi có dịp ghé qua nhiều miền đất nước. Chắc em chưa quên lần đó khi xa em rồi tôi vẫn hoài cảm luyến thương cho người ở lại dệt giấc mơ vàng mà không hóa bướm để chiều nay trong cơn gió cuối đông lạnh lùng một mình tôi vu vơ gọi thầm thời xa vắng. Em ở đâu sao không hát vọng lại khúc tình đầu? Tôi đang chờ nghe nhịp đập của trái tim từ cung thương ngày cũ. Bây giờ thì tôi cũng chẳng còn ai để cùng đi đến cuối cuộc đời. Chợt nghĩ đến ngày mai cũng đã khổ nhiều rồi.
Tôi đang chới với giữa cuộc sống đầy dẫy những ảo ảnh phù vân huyễn hoặc. Phải chăng trần gian nầy chỉ đơn thuần là một giấc mơ cho nên mỗi lần ghi nhớ về chuyện chúng mình ngày đó để thấy rằng như có như không.
Chủ Nhật 26 / 2 / 2019 HÀ HOÀI THỦY
Thơ : HÀ HOÀI THỦY
QUỲNH NHƯ
(Vẫn yêu muôn đời nàng Quỳnh Như thưở đó)
CUNG TIẾN
Đã thấy trời thu bàng bạc
Mà xao xuyến nhớ em một thời tóc mây
Nhớ chiều mưa lâm thâm chờ em cuối phố
Dù đã bao năm tình khép lại.
Những tưởng thời gian bào mòn ký ức
Và con tim cũng ngủ yên rồi
Nào hay lòng còn thổn thức
Mỗi lần nhắc chuyện xa xôi…
Ta lạc mất nhau một đời
Hỡi người em gái Quỳnh Như
Từng mùa thu về có sầu dâng sóng mắt
Có nhuốm bâng khuâng từ một góc trời.?
Có biết nơi nầy tôi vẫn lang thang giữa lòng phố cũ
Vẫn bồi hồi bước chân ngang qua cổng trường
Còn nghe âm hưởng tiếng em cười đâu đó
Ôi tiếng cười sao nồng ấm dễ thương…
Thoáng hiện trong tôi một tà áo trắng
Hình bóng Quỳnh Như của tháng năm xưa
Đẹp lắm áo em bay giữa chiều tan trường nhạt nắng
Lần đầu ta quen nhau khi thu tím giao mùa.
Rồi xuân đến nụ hoa tình hé nở
Em mắt biếc môi hồng cho tôi viết bài thơ
Nhiều đêm chong đèn ôn thi đợi sáng
Mong mai sớm được nhìn em với khao khát mong chờ
Bao kỷ niệm buồn vui thưở còn đi học
Đã rất xa mà cứ ngỡ như thật gần.
Thôi thì chắt chiu một thời để nhớ
Bởi cuộc đời chỉ là hư ảo phù vân.
Quỳnh Như ơi, chiều nay bàng bạc trời thu
Thêm mùa lá rơi ta đã rời trường
Thêm thời gian trôi thu ngắn kiếp người
Giờ tôi đang đứng bơ vơ giữa đôi bờ sinh tử
Ngậm ngùi nhớ về quá khứ
Ngày đó duy nhất chỉ mình em mới biết thương…
HÀ HOÀI THỦY
La Thanh Khải (CHS PTG nk 1968-1975)
Biên Soạn & Trình bày < Melbourne 14.8.2019 >